CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU

481

LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU

Lời Chúa: Ed  34, 11-16;  Rm 5, 5-11;  Lc 15, 3-7

——-

Mục lục

1. Tình yêu sắt son  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

2. Trái tim Thiên Chúa thương xót tội nhân  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

3. Người Cha miệt mài tìm con (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

4. Nguồn thương xót  (Trầm Thiên Thu)

5. Suy niệm Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su  (Lm. Anthony Trung Thành)

6. Tình yêu lệ thuộc  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

7. “Tìm cho kỳ được con chiên bị mất”  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

8. Trái tim mục tử (Jos. Hoàng Mạnh Hùng)

9. Trái tim thổn thức  (Dã Quỳ)

10. Mừng rỡ vác lên vai  (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

11. Đáp lại tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giê-su  (Lm. Đan Vinh)

 

 

 

TÌNH YÊU SẮT SON

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Tình yêu vẫn luôn là một đề tài muôn thuở của văn học Việt Nam qua mọi thời kỳ. Đặc biệt kho tàng văn học dân gian luôn dẫn chúng ta đến một tình yêu thanh khiết, bất tử vượt mọi thời gian.

Thanh khiết như câu thơ:

“Thuyền ai lơ lửng bên sông

Có lòng đợi khách hay không hỡi thuyền?”

Bất tử chung tình như lời thơ:

“Thuyền ơi có nhớ bến chăng

Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền”.

Lòng chung thuỷ của con người Việt Nam thật sắt son chung tình:

“Chừng nào cho sóng bỏ ghành

Cù lao bỏ biển anh mới đành bỏ em”.

Chắc chắn con sóng không bao giờ bỏ gành. Cù lao thì luôn ở giữa biển hay gắn liền với biển. Tình yêu cao đẹp cũng phải sắt son thủy chung như thế! Tình yêu cao đẹp sẽ luôn ở cùng nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Bất chấp gian khổ vẫn  chia ngọt sẻ bùi với nhau.

“Rủ nhau xuống bể mò cua

Đem về nấu quả mơ chua trên rừng

Em ơi chua ngọt đã từng

Non xanh nước bạc ta đừng quên nhau.

Chúng ta cũng được hưởng một tình yêu cao đẹp như thế! Một tình yêu dám chết cho người mình yêu. Một tình yêu trung tín sắt son cho dẫu phải hy sinh cả tính mạng mình vẫn dâng hiến cho người mình yêu.

Đó là tình yêu của Đức Ky-tô yêu thương nhân loại. Tình yêu Ngài thật thanh khiết, cho đi mà không cần đền trả lại. Tình yêu Ngài thật vị tha đến nỗi vẫn yêu con người ngay khi còn là tội nhân. Tình yêu Ngài trung tín sắt son, cho dẫu con người có phản bội thì Ngài vẫn trung thành với tình yêu của mình. Vì yêu mà Ngài còn hiến trao mạng sống mình đền bù tội lỗi nhân gian.

Hôm nay chúng ta mừng kính Thánh Tâm Chúa, là dịp để chúng ta tạ ơn tình yêu cao vời mà Chúa đã dành cho chúng ta. Vì yêu mà Ngài đã dốc cạn giọt máu đào để cứu chuộc chúng ta. Ngài còn yêu là yêu cho đến cùng qua mỗi thánh lễ lại tái hiện tình yêu bất diệt mà Ngài dành cho chúng ta. Tình yêu của Ngài vượt mọi thời gian để đến với con người qua muôn thế hệ. Và hôm nay Ngài vẫn đong đầy tình Ngài cho chúng ta qua muôn ơn lành hồn xác. Nhất là qua các bí tích nguồn ân sủng của Chúa luôn ban sức mạnh, chữa lành và thánh hóa chúng ta.

Tạ ơn tình Ngài cũng mời gọi  chúng ta họa lại tình yêu ấy nơi chính bản thân chúng ta. Một tình yêu xóa bỏ mọi ngăn cách của văn hóa, của nghi kỵ, của hiểu lầm để sống hòa thuận yêu thương nhau. Một tình yêu dâng hiến điể quên mình phục vụ tha nhân trong khiêm cung âm thầm. Xin Chúa giúp chúng ta trở nên giống như Chúa luôn yêu thương và phục vụ anh em. Amen.

Về mục lục

.

TRÁI TIM THIÊN CHÚA THƯƠNG XÓT TỘI NHÂN

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Thứ Sáu sau lễ Mình Máu Thánh Chúa Kitô, Phụng vụ Giáo hội mời gọi chúng ta cử hành lễ kính Thánh Tâm Chúa Giêsu với lòng biết ơn sâu xa đối với Chúa là Đấng có Trái Tim đầy lòng thương xót đối với tội nhân. Chính Trái Tim Cực Thánh Chúa Giêsu khi còn trên Thánh Giá đã bị đâm thâu vì tội lỗi chúng ta (Ga 19, 31-37). Hôm nay cũng là ngày cầu nguyện cho ơn thánh hóa các linh mục. Chúng ta hãy xin với Chúa Ba Ngôi, cho Giáo hội có thêm nhiều ơn gọi thánh thiện. Đời nọ tới đời kia, Thánh Tâm Chúa vẫn hằng nuôi dưỡng ý định cứu dân Người khỏi tay thần chết và nuôi sống trong cảnh cơ hàn. (Ca nhập lễ)

« Người ấy mừng rỡ, và vác chiên lên vai »

Đây là một hành động tuyệt đẹp phát xuất từ trái tim của người chăn chiên (mừng rỡ) khi tìm thấy chiên lạc và (vác chiên lên vai).  Đoạn văn ngắn ngủi này (Lc 15, 3-7) không ngừng gây xúc động cho con người, và gợi lên nhiều ý nghĩa mới mỗi lần cho người đọc cũng như người nghe. Nó có sức nói về Thiên Chúa, đúng hơn, cho chúng ta biết khuôn mặt của Thiên Chúa là Cha Đấng giầu lòng thương xót, và hơn thế nữa, Trái Tim của Thiên Chúa nhân hiền, vì yêu thương đã tạo dựng nên chúng ta và cho chúng ta có trái tim, Người cũng đau khổ khi chúng ta lầm lạc và ăn mừng khi chúng ta trở về : « Anh em hãy chia vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên lạc! » (Lc 15, 6). Dựa vào lời Chúa Giêsu, ta thấy tình yêu của Thiên Chúa được cụ thể hóa hơn : « Trên Trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải» (Lc 15, 7).

Quả thật, trái tim của Thiên Chúa rung động vì cảm thương! Tình thương ấy thể hiện qua sự sẵn sàng tha thứ, nhẫn nại đợi chờ tội nhân trở về, không khinh rể kẻ có tội, nhưng sẵn sàng hạ mình, cất công đi tìm kiếm, vui mừng khi tìm thấy, tha thứ và đưa chiên về đàn. Thiên Chúa đi tìm kiếm tội nhân không phải vì Thiên Chúa cần gì nơi họ, nhưng chỉ vì Thiên Chúa muốn ban phát một tình yêu vô điều kiện và chia sẻ hạnh phúc cho người Chúa yêu thương. Thiên Chúa muốn ôm ấp tội nhân vào lòng, để ngực áp ngực sao cho họ cảm nhận được nhịp đập yêu thương của Trái Tim Chúa. Một Trái Tim không đầu hàng trước sự vô ơn bạc nghĩa, kể cả từ chối lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa. Trong Trái Tim Chúa Giêsu chứa đựng nòng cốt của Kitô giáo.

Mỗi lần chiêm ngắm tượng, ảnh Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta thấy nổi bật hơn cả ngoài Trái Tim bị đâm thâu, là ngọn lửa bốc cháy, để « Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta. » (Rm 5, 8). Còn có đôi bàn tay với những vết đanh. Chúng ta đặt mình trước Thánh Tâm Chúa và tự hỏi : Bàn tay con, lạy Chúa, đã làm những gì không phải, khiến bàn tay Chúa bị đanh đóng, và bàn chân con, đã bước đi những bước chẳng lành, để Chúa bị đóng đanh cả chân lẫn tay vào Thập giá? Câu trả lời, vì tội lỗi chúng ta, vì Chúa yêu thương loài người ta quá bội.

Biểu tượng tình yêu ấy đi xa hơn cái chết chính là cạnh sườn của Chúa bị một lưỡi đòng đâm thâu qua. Về điểm này, chứng nhân tận mắt là thánh Tông đồ Gioan đã quả quyết: « Một trong những người lính lấy đòng đâm vào cạnh sườn Người, và tức thì máu cùng nước chảy ra » (x. Ga 19,34). Lưỡi giáo của tên lính đã mở cạnh sườn Chúa, để từ vết thương máu cùng nước chảy ra rửa chúng ta sạch muôn vàn tội lỗi. Sau cùng, Chúa đã chết để cho chúng ta được sống, bị chôn vùi để chúng ta được phục sinh.

Còn tình yêu nào ngọt ngào êm dịu hơn, đã được trao cho Hiền Thê ; đó chính là sự mở rộng vòng tay ôm chặt của tình yêu Chúa…Tình yêu tên trộm lành đã nhận được khi xưng thú tội lỗi ; Phêrô đã nhận được khi liếc mắt nhìn Chúa và khóc lóc van xin sau khi chối Chúa, đúng là từ ánh mắt đến trái tim. Có nhiều kẻ đóng đinh Chúa đã trở lại với Chúa sau khi Chúa Phục sinh, họ đã giao ước với Chúa bằng tình yêu. Khi Chúa ôm hôn những người tội lỗi và thu thuế, Chúa đã trở thành bạn hữu của họ và khách họ mời dự tiệc…

Vậy, Chúa đã làm gì để đưa họ về với Chúa, nếu không phải là Trái tim Chúa lôi kéo ? Trái tim Chúa Giêsu là Trái tim dịu hiền do Thần Linh ban tặng! Phúc cho những ai giữ kín trong lòng, họ được ấp ủ bởi Chúa, trong Trái tim Chúa, họ sẽ được Chúa vác trên vai, tránh khỏi những rắc rối ở đời này. Phúc cho những ai hy vọng vào  sự ấm áp và chở che dưới cánh tay Chúa.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, cũng là ngày cầu cho ơn thánh hóa các linh mục. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: “Chức linh mục là tình yêu của Trái Tim Chúa Giêsu” (số 1589).

Giáo Hội đang cần những linh mục thánh thiện; cần những thừa tác viên giúp các tín hữu cảm nghiệm lòng từ bi thương xót của Chúa và những chứng nhân đầy xác tín về tình yêu này. Xin Chúa làm cho con tim của mỗi linh mục được nồng cháy tình bác ái mục tử, có khả năng đồng hóa cái tôi của mình với cái tôi của Chúa Giêsu Linh Mục, để có thể noi gương Chúa trong sự tự hiến hoàn hảo nhất, xứng đáng là thừa tác viên của lòng thương xót Chúa. Amen.

Về mục lục

.

NGƯỜI CHA MIỆT MÀI TÌM CON

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Năm ngoái, trên facebook, nhiều người chia sẻ hình ảnh người cha chạy xe máy, sau xe gắn tấm biển có hình và dòng chữ “Tìm con bị bắt cóc”. Sau nhiều tháng rong ruổi tìm kiếm, thông tin về đứa con vẫn bặt vô âm tín. Người cha gầy và phờ phạc đi rất nhiều so với trước đây. Anh là Lương Thế Huynh (42 tuổi) tìm con trai út 3 tuổi tên là Lương Thế Vương bị mất tích sáng 21/6/2015, tại xã Tà Nùng, Tp. Đà Lạt. Lúc xảy ra vụ việc, anh Huynh đang lúi húi sau vườn, nghe tiếng con trai kêu la nhưng nghĩ con chơi đùa với mấy con chó nên không để ý. Sau khi xong việc, anh lên nhà thì không thấy cháu Vương đâu nữa. Đến nay đã hơn một năm, với chiếc xe gắn máy cũ, anh đi khắp nơi với hy vọng tìm ra dấu vết đứa con nhỏ của mình. Cho đến nay, hy vọng tìm thấy đứa con chỉ còn rất mong manh, nhưng người cha này vẫn cứ rong ruổi khắp nơi, vào các hang cùng ngõ hẻm để tìm lại đứa con mình.

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, Tin Mừng Thánh Luca đã giới thiệu cho chúng ta hình ảnh một Thiên Chúa là Cha, vì yêu thương, Ngài đã lặn lội để tìm kiếm con người, bất chấp những gian nan khổ cực. Câu chuyện Chúa Giêsu kể cho các biệt phái và kinh sư hôm nay nói về tình thương của Thiên Chúa dành cho các tội nhân. Khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc, trò chuyện, đồng bàn với những người thu thuế và những người bị coi là tội lỗi, các luật sĩ và biệt phái tỏ ra khó chịu, họ chỉ trích Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã kể cho họ dụ ngôn để nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa : Ai trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng mà đi tìm cho bằng được con chiên bị mất ?  Chúa Giêsu muốn nói rằng : Ai trong các ông cũng sẽ hành xử như thế, huống nữa là Thiên Chúa. Việc đi tìm con chiên bị lạc là điều tất nhiên. Hiểu ngược lại, ai không hành động như thế, chắc chắn kẻ ấy là người vô cảm với chiên của mình.

Các luật sĩ và biệt phái đã để mình trở nên vô cảm trước đời sống của anh em. Họ là những người có trách nhiệm trong việc hướng dẫn người khác sống theo giới răn, lề luật của Thiên Chúa, như người mục tử chăm sóc, dẫn dắt đoàn chiên. Tuy nhiên, các luật sĩ và biệt phái chỉ lo chăm chút cho chiếc áo và những hình thức bên ngoài, họ đã để cho dân Chúa đi lạc đường, họ không cảm thấy áy náy và không cảm thấy bị thúc ép phải đi tìm đưa anh em mình trở về.

Chúa Giêsu cho thấy, việc Ngài tìm đến với những người thu thuế và những người bị coi là tội lỗi không chỉ là trách nhiệm mà là sự thúc đẩy bởi một trái tim xót thương. Dụ ngôn cho thấy, trong mắt Thiên Chúa, mỗi người đều có giá trị và có một vị trí riêng. Vì thế, dù chỉ một con chiên đi lạc thôi, Thiên Chúa cũng không thể làm ngơ, Ngài dám liều mình để lại chín mươi chín con khác trong hoang địa để đi tìm con chiên bị lạc. Như người mục tử, Thiên Chúa cất bước đi tìm con chiên bị lạc. Vì khi bị lạc như thế, nó vô cùng hoảng sợ và gặp nhiều nguy hiểm. Nó sẽ bị sa chân trật bước, có thể bị rơi xuống vực sâu hoặc kẹt trong vách đá, cũng có thể bị thú dữ bao vây cắn xé. Hình dung được nỗi sợ hãi và tâm trạng của con chiên đi lạc, mục tử Giêsu đã không quản ngại nắng gió vất vả, cũng không ngại đường xá cheo leo trắc trở để đi tìm con chiên như tìm chính đứa con bị thất lạc.

Lý do con chiên đi lạc, có thể vì nó la cà mải mê với những thú vui ven đường nên bị rớt lại khỏi đàn. Nhưng nhiều khi nó đi lạc là vì những con chiên khác trong đàn đã hắt hủi nó, loại trừ nó, coi nó như đồ thừa trong đàn. Vì thế, nó cứ lẽo đẽo theo đàn mà không được sự khích lệ của các con chiên khác, khiến nó ngày càng xa đàn rồi bị lạc đàn. Hiểu được tâm trạng con chiên đi lạc, trái tim của người mục tử Giêsu đã hết sức cảm thông với nó. Khi tìm được con chiên, Ngài không trách nó, cũng không hỏi nó tại sao. Ngài chỉ thấy điều nó cần lúc này là cái ôm nồng ấm cảm thông. Vì thế khi tìm được con chiên, người mục tử đã ôm nó vào lòng, vác nó trên vai và đưa nó trở về với đàn. Trái tim và tâm hồn của mục tử Giêsu đối với con người tội lỗi của chúng ta là như thế.

Lòng thương xót từ trái tim Chúa luôn tuôn trào sự cảm thông, tha thứ. Ngài chấp nhận bước trên gai góc, vượt qua dốc đá cheo leo, băng qua vực đèo nguy hiểm để tìm gặp chúng ta là con, là chiên của Chúa. Chúa Giêsu không hề đưa ra bất cứ điều kiện nào, cũng không đặt một tiêu chuẩn nào. Ngài yêu chúng ta hoàn toàn bằng sự thúc đẩy của trái tim, mà trái tim thì luôn có những lý lẽ riêng của nó, không thể hiểu hết được. Ngài chỉ mong đợi nơi chúng ta một điều, là hãy ngoan ngoãn để cho Ngài ôm vào lòng, để cho Ngài vác trên vai đem chúng ta trở về.

Chúa Giêsu còn diễn tả sự vui mừng của Ngài và của cả Triều thần Thiên quốc khi đón nhận một người tội lỗi hối cải. Người mục tử khi tìm được con chiên bị lạc, ông vui mừng về báo tin cho mọi người và mời mọi người đến dự tiệc : Xin hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó. Chúa Giêsu kết luận : Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi hối cải hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần hối cải. Trong trái tim của Thiên Chúa, không ai bị bỏ rơi, không ai bị loại ra ngoài, dù chỉ là một người, thì người ấy vẫn là con Thiên Chúa, vẫn được yêu thương và tôn trọng.

Thư Roma trình bày tình yêu của Thiên Chúa ở mức độ cao hơn, sâu hơn nữa. Thánh Phaolô diễn tả : Ngay khi chúng ta chưa tin Chúa, thì Thiên Chúa đã cho Con của Ngài là Chúa Giêsu chết để cứu chuộc chúng ta. Dù khi chúng ta chưa biết, chưa tin, chưa yêu Ngài, thì Thiên Chúa đã yêu chúng ta trước. Nay, Ngài đã cho Con của Ngài chết thay cho chúng ta. Đến con ruột của mình, Thiên Chúa đã không tiếc, đã trao tặng cho chúng ta, thì không có lẽ gì mà Ngài lại không yêu thương ta, là những kẻ được Ngài cứu chuộc, đem vào lòng và nhận làm con của Ngài.

Mừng lễ Trái tim Chúa Giêsu, chúng ta tôn thờ Thiên Chúa tình yêu, tôn thờ một trái tim vĩ đại của một người cha, một tâm hồn chạnh thương của một mục tử, một trái tim bao dung và đầy tràn lòng thương xót của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi trở nên ngoan ngoãn và sẵn sàng để cho mục tử Giêsu ôm ta vào lòng và vác ta trên vai. Chúng ta tin tưởng vào tình yêu thương bao dung của Thiên Chúa để không bao giờ cố tìm cách trốn tránh ánh mắt yêu thương của Chúa, nhưng sẵn sàng mở tâm hồn và thành tâm để cho Chúa yêu thương, tha thứ và chữa lành vết thương trong tâm hồn ta.

Được Chúa xót thương tìm kiếm và tha thứ, được Chúa thông cảm và yêu thương, chúng cần phải mang trái tim của Chúa, biết chạnh thương với anh chị em chung quanh. Đừng bao giờ cố tình hay quá vô tình hắt hủi, xua đuổi, hoặc vì quá khắt khe, nghi kị, thiếu cảm thông khiến cho anh em mình phải xa đàn đến độ lạc đàn bỏ Chúa, bỏ Giáo hội. Hãy dùng ngôn ngữ và hành động do sự thúc đẩy của trái tim yêu thương để đối xử với nhau trong gia đình, với xóm giềng. Đừng để trái tim của mình trở lên lạnh lùng vô cảm hoặc khô cứng trước những nỗi đau của anh chị em.

Hôm nay cũng là ngày thế giới xin ơn thánh hóa các linh mục. Ảnh hưởng của vật chất, khoa học công nghệ, đã biến một số linh mục trở nên như những người máy, vô hồn, vô cảm. Nếp sống tiêu cực của xã hội cũng đang ảnh hưởng trên các linh mục, khiến cho một số linh mục không còn là hình ảnh rõ nét của Thánh Tâm Chúa Giêsu. Chúng ta cầu nguyện thật nhiều cho các linh mục luôn biết để cho Chúa Giêsu huấn luyện, uốn nắn để các ngài trở nên giống Chúa Giêsu mục tử hơn. Xin cho các linh mục có được trái tim, đôi mắt và tâm hồn chạnh thương của Chúa, để các Ngài không mệt mỏi yêu thương, phục vụ và tìm kiếm dân Chúa. Amen.

Về mục lục

.

NGUỒN THƯƠNG XÓT

Trầm Thiên Thu

Trong thời gian từ 1968-1969 , Chúa Giêsu đã mặc khải cho Mẹ Carmel tại Milan (Ý). Ngày 20-4-1968, Mẹ Carmel hỏi Ngài: “Lạy Chúa Giêsu, Chúa muốn con làm gì?”. Chúa Giêsu nói: “Hỡi con gái của Cha, con hãy viết. Con sẽ làm Tông đồ Tình Yêu Đầy Thương Xót của Cha. Cha sẽ chúc lành cho con. Và Cha sẽ đổ xuống trên con muôn vàn ơn Thánh, và những ân thưởng lớn lao. Cha cám ơn con đã phổ biến Thánh Nhan của Ta. Ta sẽ chúc lành cho các gia đình trưng bày hình ảnh của Ta, và Ta sẽ cải hoán những kẻ tội lỗi sống trong các gia đình đó. Ta sẽ giúp kẻ lành tự cải tiến thêm, và những kẻ nguội lạnh trở nên sốt sắng hơn. Ta sẽ để mắt đến các nhu cầu của họ, và sẽ giúp họ trong mọi sự cần thiết, vật chất cũng như siêu nhiên”. Rồi Ngài đã xác định: “TA LÀ GIÊSU ĐẦY LÒNG THƯƠNG XÓT”.

Khi mặc khải Thánh Tâm cho Thánh nữ Margaritta Maria Alacoque (Marguerite Marie Alacoque, 1647-1690), một nữ tu khiêm nhường của Dòng Thăm Viếng ở Paray-le-Monial (Pháp quốc), Chúa Giêsu đã cho thánh nữ thấy Thánh Tâm Ngài có lửa cháy, bị vòng gai quấn quanh và bị lưỡi gươm đâm thâu. Lần hiện ra quan trọng xảy ra trong tuần bát nhật lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu (Corpus Christi) năm 1675 – có thể là ngày 16 tháng Sáu, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy ngắm nhìn Thánh Tâm Ta yêu thương nhân loại biết bao… Nhưng thay vì được lòng biết ơn, Ta chỉ nhận được sự vô ơn…”. Chúa Giêsu đã yêu cầu Thánh nữ vận động thiết lập lễ kính Thánh Tâm vào Thứ Sáu sau lễ kính Mình Máu Thánh. Và ngày 11-6-1899, theo lệnh của ĐGH Lêô XIII, cả thế giới đã được tận hiến cho Thánh Tâm Chúa Giêsu.

Thánh Tâm Chúa Giêsu là Trung Tâm Thương Xót, nơi tuôn chảy Nguồn Tình với hai dòng Máu và Nước – như đã được mặc khải cho Thánh nữ Maria Faustina Kowalska (còn gọi là Thánh Faustina Thánh Thể, OLM, 1905-1938).

Ai cũng có tim nhưng không ai thấy tim. Mặc dù tim không nhìn thấy nhưng khả dĩ cảm nhận, và tim là một cơ phận rất quan trọng, vì tim là trung tâm phân phối sự sống. Tim còn đập là còn sống. Tim hoạt động âm thầm nhưng nuôi sống cả cơ thể. Mặc dù não là trung tâm điều khiển – ví như bộ tổng tham mưu, nhưng vẫn phải nhờ tim bơm máu. Người ta có thể chết lâm sàng chứ chưa chết thật bởi vì tim còn hoạt động, dù nhịp đập rất yếu. Những người bị chứng bại não, sống đời thực vật, không biết phân biệt điều gì, nhưng họ vẫn sống nhờ tim vẫn hoạt động. Chừng nào tim ngừng đập thì sự sống mới chấm dứt!

Thánh Tâm Chúa Giêsu là nguồn mọi hồng ân, là nguồn cứu độ, là mạch thương xót, là suối yêu thương, vì chính Thánh Tâm đã tuôn trào Nước và Máu để tẩy rửa và cứu độ các tội nhân – trong đó có mỗi người chúng ta. Chính Chúa Giêsu đã nhắn nhủ: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30). Không ai lại không đau khổ, yếu đuối, mệt nhọc, tội lỗi,… thế nên không thể không cần Thánh Tâm Chúa Giêsu và Lòng Chúa Thương Xót.

Đừng bao giờ quên rằng Chúa Giêsu luôn mong muốn chúng ta trú ngụ nơi Thánh Tâm Ngài, không chỉ ghé thăm mà ở lại đó mãi mãi: “Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Ước gì mỗi chúng ta biết tìm về nghỉ ngơi nơi Thánh Tâm Chúa Giêsu – Cao Nguyên Yêu Thương và Đại Dương Thương Xót!

Ơn cha mẹ mà chúng ta đáp đền cả đời còn chưa cân xứng huống chi Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa. Nhưng thật là diễm phúc cho chúng ta vì Chúa Giêsu đã xác nhận: “Tôi không đến để kêu gọi người công chính mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn” (Lc 5:32). Ngài đến thế gian để TÌM và CỨU những gì đã mất (Lc 19:10), chỉ cần chúng ta tin vào tình yêu cao cả của Thiên Chúa, chắc chắn chúng ta sẽ không thất vọng. Chỉ có chúng ta rời bỏ Chúa chứ Chúa không bao giờ rời xa chúng ta!

Thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã dùng miệng lưỡi ngôn sứ Êdêkien để mặc khải Thánh Ước: “Đây, chính Ta sẽ chăm sóc chiên của Ta và thân hành kiểm điểm. Như mục tử kiểm điểm đàn vật của mình vào ngày nó ở giữa đàn chiên bị tản mác thế nào, Ta cũng sẽ kiểm điểm chiên của Ta như vậy. Ta sẽ kéo chúng ra khỏi mọi nơi chúng đã bị tản mác, vào ngày mây đen mù mịt. Ta sẽ đem chúng ra khỏi các dân, tập hợp chúng lại từ các nước và đưa chúng vào đất của chúng. Ta sẽ chăn dắt chúng trên các núi Ít-ra-en, trong các thung lũng và tại mọi nơi trong xứ có thể ở được” (Ed 34:11-13). Đó là lời hứa chắc chắn, vì Thiên Chúa là Đấng luôn trung tín trong mọi lời nói và mọi việc làm. Thật tuyệt vời!

Hồng ân nối tiếp hồng ân, Ngài lại tiếp tục thề hứa: “Ta sẽ chăn dắt chúng trong đồng cỏ tốt tươi và chuồng của chúng sẽ ở trên các núi cao Ít-ra-en. Tại đó chúng sẽ nằm nghỉ trong chuồng êm ái, sẽ đi ăn trong đồng cỏ mầu mỡ trên núi non Ít-ra-en. Chính Ta sẽ chăn dắt chiên của Ta, chính Ta sẽ cho chúng nằm nghỉ. Con nào bị mất, Ta sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Ta sẽ đưa về; con nào bị thương, Ta sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Ta sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Ta sẽ canh chừng. Ta sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng” (Ed 34:14-16). Thật hạnh phúc khi được nương bóng cánh của vị mục tử như vậy! Nhưng lại thật bất hạnh nếu chúng ta cố chấp, như Chúa đã cảnh báo: “Đã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các ngươi không chịu (Mt 23:37; Lc 13:34).

Nếu thực sự có niềm tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa, chúng ta khả dĩ tự nhủ và xác định với mọi người điều này: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi” (Tv 23:1), và có thể tự hào nói: “Chúa là gia nghiệp đời tôi” (Tv 16:5). Đó cũng là một cách tuyên xưng Lòng Chúa Thương Xót.

Nói về đức tin, Thánh Phaolô giải thích rạch ròi: “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa. Nhưng không phải chỉ có thế; chúng ta còn tự hào khi gặp gian truân, vì biết rằng ai gặp gian truân thì quen chịu đựng; ai quen chịu đựng thì được kể là người trung kiên; ai được công nhận là trung kiên thì có quyền trông cậy (Rm 5:2-4). Quả thật, đây là một chuỗi hệ lụy vô cùng kỳ diệu!

Còn nữa, và cũng để cho chúng ta an tâm, thánh nhân tiếp tục giải thích “dài hơi” thêm một chút: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta. Phương chi bây giờ chúng ta đã được nên công chính nhờ Máu Đức Kitô đổ ra, hẳn chúng ta sẽ được Người cứu khỏi cơn thịnh nộ của Thiên Chúa” (Rm 5:5-9).

Chúa Giêsu là Đấng giàu lòng thương xót, hết lòng yêu thương muôn loài, đặc biệt là những kẻ xấu xa nhất, thậm chí Ngài còn chết vì họ – tức là chúng ta. Theo thế gian, cách yêu như vậy bị coi là mù quáng, ngu xuẩn, điên rồ,… Chắc hẳn chỉ có người điên mới hành động như thế. Vậy mà Chúa Giêsu đã yêu như thế. Nếu Ngài không “yêu điên rồ” như vậy thì chúng ta làm sao có được ngày nay?

Quả nhiên là vậy, “nếu ngay khi chúng ta còn thù nghịch với Thiên Chúa, Thiên Chúa đã để cho Con của Người phải chết mà cho chúng ta được hoà giải với Ngài, phương chi bây giờ chúng ta đã được hoà giải rồi, hẳn chúng ta sẽ được cứu nhờ sự sống của Người Con ấy” (Rm 5:10). Mà không phải chỉ có thế, Thánh Phaolô xác định: “Chúng ta còn có Thiên Chúa là niềm tự hào, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, Đấng nay đã hoà giải chúng ta với Thiên Chúa” (Rm 5:11).

Trình thuật Tin Mừng hôm nay (Lc 15:3-7) khá ngắn gọn, chỉ có 128 từ (theo bản dịch Việt ngữ, bản của VietCatholic). Đoạn Tin Mừng này là một trong các dụ ngôn về Lòng Chúa Thương Xót.

Một hôm, nhóm Pharisêu và các kinh sư xầm xì với nhau: “Ông này đón tiếp phường tội lỗi và ăn uống với chúng”. Những người Pharisêu và các kinh sư là ai? Đó là những nhà thông luật, giữ luật nghiêm túc hơn người, giỏi giang hơn người, đạo đức hơn người, nói năng lưu loát hơn người, sang trọng hơn người, địa vị hơn người, quyền lực hơn người,… thậm chí có thể có ngoại hình “dễ nhìn” hơn người và giàu có hơn người, nhưng cũng hợm hĩnh, ỷ lại, hống hách và kiêu ngạo hơn người. Ngày nay người ta gọi dạng đó là “chảnh”. Nói chung, cái gì ở họ cũng hơn người ráo trọi!

Nhóm Pharisêu và các kinh sư kia cũng chẳng ai xa lạ, tức là chính chúng ta ngày nay, chứ chẳng ai trồng khoai đất này đâu!

Thấy vậy, Đức Giêsu mới kể cho dụ ngôn này: Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất? Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại, và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. Vậy, tôi nói cho các ông hay: “Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

Người ta luôn thấy những “cái lạ” ở Chúa Giêsu, và người ta cảm thấy khó chịu. Vâng, Ngài lại gây “sốc” vì nói điều “nghịch nhĩ” quá! Ngài “điên” thật rồi! Có 99 con chiên béo tốt mà dám bỏ để cố gắng đi tìm duy nhất con chiên yếu đuối, bệnh hoạn, xấu xí,… Quả thật, chúng ta không thể nào hiểu nổi! Nhưng cũng chính nhờ cách “yêu điên” ấy của Chúa Giêsu mà chúng ta mới được phục hồi cương vị làm con và đồng hưởng thừa kế gia sản Nước Trời đấy!

Mẹ Teresa Calcutta (1910-1997, MC – Missionaries of Charity, Thừa Sai Bác Ái, sẽ được tuyên hiển thánh ngày 4-9-2016) xác định “chuỗi hệ lụy” rất kỳ diệu: “Kết quả của IM LẶNG là CẦU NGUYỆN, kết quả của CẦU NGUYỆN là ĐỨC TIN, kết quả của ĐỨC TIN là TÌNH YÊU, kết quả của TÌNH YÊU là PHỤC VỤ, kết quả của PHỤC VỤ là BÌNH AN”.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, nguồn êm ái dịu dàng, con thành tâm xin lỗi Ngài vì con đã thường xuyên quên Ngài, thế nhưng Ngài vẫn không ngừng thương xót con, mặc dù con chẳng là gì và hoàn toàn bất xứng. Xin giúp con nhận biết Chúa và nhận biết chính con, nhờ đó con có thể yêu mến Ngài trọn vẹn. Xin ân thương và tha thứ những thiếu sót của con, lạy Đấng giàu lòng thương xót, và xin dạy con biết cách “yêu điên” của Ngài. Xin Nước và Máu Thánh Ngài tẩy rửa cuộc đời con, và xin cho con cũng được vĩnh cư nơi Thánh Tâm Ngài, hôm nay và mãi mãi. Ngài là Đấng hằng sống, hiển trị cùng Chúa Cha và hiệp nhất với Chúa Thánh Thần muôn đời. Amen.

Về mục lục

.

SUY NIỆM LỄ THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU

         Lm. Anthony Trung Thành 

Đầu tháng 6 năm 1250, khi vua Louis IX đi kinh lý các miền trong nước Pháp, dân chúng tỉnh Maseilles bàn bạc với nhau để dâng cho nhà vua một lễ vật cho có ý nghĩa. Và hôm ấy, khi vua đến, dân chúng đều tụ tập đông đủ. Họ đề cử một cô thiếu nữ  dâng lên nhà vua một quả tim bằng vàng. Bên trong quả tim có ngành bông huệ kết bằng kim cương rất quí, là biểu tượng của các vua nước Pháp, và có khắc mấy hằng chữ: “Đây là bằng chứng toàn dân tỉnh Marseilles yêu mến vua Louis, và họ luôn đặt vua trong trái tim họ”. Nhận lễ vật và đọc thấy dòng chữ trên, vua Louis hết sức cảm động. Nhà vua cũng đặt tay lên trái tim và nói: “Đây là bằng chứng vua Louis yêu thương Quốc dân Pháp, và luôn đặt họ trong trái tim vua”.

Câu chuyện trên rất ăn hợp với quan niệm người xưa rằng:

Trái tim biểu hiện tình yêu

Tình yêu phát xuất theo chiều trái tim

Người ta thường lấy trái tim để làm biểu tượng tình yêu. Tôi không biết nguồn gốc có từ bao giờ? Vì sao người ta lại lấy trái tim làm biểu hiện tình yêu? Có lẽ trái tim là trung tâm của cơ thể con người. Trái tim có nhiệm vụ cung cấp máu cho toàn bộ cơ thể. Trái tim không còn bơm máu, cơ thể sẽ khó thở. Trái tim ngừng đập, con người coi như đã chết. Vì vậy, trái tim có một tầm quan trọng đối với cơ thể con người. Từ đó, người ta thường dùng từ ngữ “Trái tim” để diễn tả tình yêu.

Có lẽ cũng vì lý do đó mà khi tỏ mình ta cho Thánh Margarita Maria Alacốc, Chúa Giêsu đã cho Thánh nữ được xem thấy Trái tim của Ngài. Và để diễn tả tình yêu, Chúa Giêsu đã nói với Thánh nữ rằng: “Đây là Trái tim đã thương yêu loài người vô cùng. Không tiếc gì với họ”.

Thật vậy, Trái tim Chúa Giêsu đã thương yêu chúng ta vô cùng. Đó là Trái tim nhân hậu, khiêm nhường, cảm thông, tha thứ và hy sinh tất cả không tiếc gì với chúng ta.

Trái tim nhân hậu. Ngài quan tâm hết mọi người, trong mọi hoàn cảnh. Ngài quan tâm đám đông vì họ bơ vơ không có gì ăn nên đã hoá bánh ra nhiều nuôi họ(x. Mc 8,1-10). Ngài “chạnh lòng thương” trước đám tang người con trai duy nhất của bà goá thành Naim nên đã làm cho chàng sống lại(x. Lc 7,11-17). Ngài đã thổn thức trong lòng và xao xuyến khi thấy Maria khóc thương Lazarô nên Ngài đã cho Lazarô sống lại (x Ga 11,1-45). Ngài đã chữa lành nhiều bệnh tật, xua trừ ma quỷ: “Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế”(x. Cv 10,38).

Trái tim khiêm nhường. Chính Ngài đã tuyên bố : “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng” (Mt 11, 29). Khi các tông đồ tranh luận xem ai là người lớn nhất. Chúa Giê-su biết điều các ông đang tự hỏi trong lòng, liền đem một em nhỏ đặt bên cạnh mình và dạy cho các ông bài học khiêm nhường: “Ai tiếp đón em nhỏ này vì danh Thầy, là tiếp đón chính Thầy; và ai tiếp đón Thầy, là tiếp đón Đấng đã sai Thầy. Thật vậy, ai là người nhỏ nhất trong tất cả anh em, thì kẻ ấy là người lớn nhất.”(x. Lc 9,47-48). Nơi khác, trong một bữa tiệc, Chúa Giêsu thấy khách dự tiệc cứ chọn chỗ nhất mà ngồi, Ngài đã lên tiếng dạy họ rằng “Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống, còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên”(Lc 14,11). Sự khiêm nhường được thể hiện rõ ràng nhất khi Ngài cúi xuống rửa chân cho các môn đệ trong giờ tiệc ly (x. Ga 13,1-20).

Trái tim biết cảm thông và tha thứ. Ngài cảm thông sâu sắc với những người tội lỗi. Ngài đã đến cùng ăn cùng uống với họ để có thể cảm hoá họ trở về nẻo chính đường ngay.

Với Maria Mađalêna. Cuộc sống quá khứ đầy tội lỗi. Con một gia đình phú quý sang trọng. Sau khi Cha mẹ qua đời, cô được hưởng một gia tài kếch xù. Với gia tài lớn lao này, cô đã sống sa đoạ, truỵ lạc đến nỗi trở nên nô lệ cho ma quỷ. Mađalêna đã được Chúa cảm thông. Chúa chữa cô khỏi bảy quỷ. Chúa tha thứ tội lỗi cho cô. Sau khi sống lại, Chúa còn hiện ra với cô để trao sứ mệnh loan báo tin mừng phục sinh.

Với người phụ nữ ngoại tình. Chị bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Luật Môisê qui định tội này là tội chết. May mắn thay, chị gặp được Đức Giêsu. Ngài đã cứu chị một bàn thua trông thấy. Ngài tha thứ cho chị. Ngài không kết án: “Ta không kết án chị đâu” (Ga 8,11). Ngài muốn cho chị có cơ hội làm lại cuộc đời “chị hãy về và từ nay đừng phạm tội nữa”.

Với ông Giakêu, Mathêu là những người thu thuế. Người Do Thái thời Chúa Giêsu coi người thu thuế là người phản đạo và phản quốc. Họ thuộc hạng tội lỗi ngang hàng với gái điếm, người ngoại và người Samari. Bốn hạng người này bị  loại trừ bằng vạ tuyệt thông và cách ly, không ai được phép quan hệ với họ. Thế mà, Chúa Giêsu đã kêu gọi Mathêu, chọn ông làm tông đồ. Mặc cho nhiều người chỉ trích “nhà người tội lỗi mà ông ấy cũng vào”, Chúa Giêsu vẫn chủ động mời ông Giakêu xuống khỏi cây sung và đến viếng thăm nhà ông. Qua cuộc viếng thăm của Chúa Giêsu đã tạo ra một sự biến chuyển lớn lao trong cuộc đời của Giakêu. Ông hoán cải và thay đồi toàn diện đời sống. Bằng chứng là ông đã đứng lên thưa với Chúa Giêsu rằng: “Thưa Ngài, đây phân nửa tài sản của tôi, tôi cho người nghèo; và nếu tôi đã chiếm đoạt của ai cái gì, tôi xin đền gấp bốn” (Lc 19,.8).

Với Phêrô, vị tông đồ trưởng. Chúa gọi ông. Chúa ưu ái ông. Thế mà, Phêrô chối Chúa ba lần. Phêrô khóc vì hối hận. Chúa tha cho Phêrô. Chúa còn tín nhiệm trao phó cho Phêrô sứ mệnh “chăn dắt chiên con và chiên mẹ của Thầy” ( Ga 21, 15-16), tức là làm đầu Hội Thánh, vị giáo hoàng tiên khởi.

Với người trộm lành. Ông đã từng đi đàng tội lỗi lâu năm. Vì những trọng tội mà xã hội Do thái phải trừng phạt ông bằng cực hình đóng đinh. Nhưng ông đã nhận biết tội lỗi mình nên xin cùng Chúa Giêsu rằng: “Ông Giêsu ơi, khi ông vào Nước của Ông xin nhớ đên tôi. Và Người nói với ông: “Tôi bảo thật anh, hôm nay, anh sẽ được ở với tôi trên Thiên Đàng” (Lc 42,43). Chúa đã tha thứ tội lỗi cho ông và cho ông vào thiên đàng ngay hôm đó.

Trái tim hy sinh. Chúng ta thấy rõ điều này nơi dụ ngôn người đàn bà bị mất đồng bạc và dụ ngôn con chiên đi lạc. Hình ảnh người đàn bà thắp đèn, quét nhà để tìm đồng tiền bị đánh mất, hình ảnh người chăn chiên trèo đồi lội suối đi tìm con chiên lạc nói lên sự hy sinh của Thiên Chúa đi tìm tội nhân. Dù chỉ một đồng bạc bị mất, dù chỉ một con chiên đi lạc thì Thiên Chúa vẫn cố tìm cho bằng được, Ngài không muốn một ai bị hư mất. Đó là bằng chứng nói lên lòng thương xót của Thiên Chúa được diễn tả cách cụ thể nơi Trái tim Chúa Giêsu. Ngài đã đi đến tận cùng của tình yêu bằng việc hy sinh tính mạng của mình làm của lễ đền thay tội lỗi chúng ta:  “Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Tình yêu của Thánh Tâm Chúa Giêsu vẫn tiếp tục được lan toả mỗi ngày trong Giáo hội nơi các Bí tích, đặc biệt là nơi Bí tích Giải tội và Thánh Thể. Vì yêu thương Chúa đã ẩn mình trong hình bánh rượu làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta. Vì yêu thương Chúa đã lập nên bí tích Giao hoà để tha tội cho chúng ta. Mỗi lần tội nhân đến với bí tích giao hoà với lòng thống hối ăn năn tội sẽ được tha thứ.

Tình yêu của Thánh Tâm Chúa vẫn được tiếp tục nơi các thành phần của Hội Thánh. Gương của Thánh Maximilianô Kolbe, chết thay cho người tử tù. Gương của Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II tha thứ cho anh Agca. Gương hy sinh của Giám Mục Oscar Romero, vừa được Giáo hội phong chân phước ngày 23 tháng 05 vừa qua. Ngài đã lên tiếng tố cáo tội ác, bất công do giới cầm quyền gây nên. Ngài can đảm tìm mọi cách để đứng về những người vô gia cư, đói rách và bị hành hung. Thế rồi, Ngài luôn bị đe dọa, luôn phải đối diện với nguy hiểm. Biết vậy, ngài vẫn không im lặng, hay tìm một nơi khác an toàn. Chiều ngày 24/03/1980, Đức Cha Romero cử hành Thánh lễ cầu hồn cho thân mẫu của một người bạn tại nguyện đường của một bệnh viện ở thủ đô San Salvador. Ngài bị bắn chết ngay sau bài giảng nẩy lửa của mình. Cái chết của Ngài là cái chết vì tình yêu. Đó là một tình yêu hy sinh.

Trong chuyến viếng thăm Sarajevo, ở Bosnia, Đức Phanxicô nghiêng mình trước các chứng nhân bị bách hại vì đức tin. Đức Phanxicô đã  không giấu được sự xúc động sâu xa của mình khi nghe các chứng nhân trình bày. Cha Zvonimir Matijević nói với Đức Giáo Hoàng rằng ngài bị bắt, bị tra tấn đến gần chết. Những trận đòn chí tử năm xưa giờ đây đã tiến triển sang nhiều hình thức bại liệt, như một thánh giá ngài sẽ mang hết cuộc đời. Tuy nhiên, ngài nói ngài cảm thấy hạnh phúc được là một linh mục của Giáo Hội Công Giáo và hết lòng tha thứ cho những ai làm hại ngài – với hy vọng họ sẽ hoán cải sang một con đường của lòng nhân hậu. Đây đúng là một tình yêu tha thứ.

Ngày lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta biến quả tim mình thành quả tim yêu thương, nhân hậu, khiêm nhường, cảm thông, hy sinh và tha thứ. Nhờ đó, tình yêu Thánh Tâm Chúa không chỉ được tiếp tục nơi một số người mà lan toả ra nơi mọi người. Để thế giới này không còn chỗ của ghen ghét oán thù nữa mà tràn ngập tình yêu thương như lời của Mẹ Têrêxa Calcutta: “Hãy phổ biến tình yêu khắp nơi bạn sinh sống, trước hết là trong gia đình: cha mẹ hãy yêu thương con cái, vợ chồng yêu thương nhau, mọi người yêu thương người thân cận, đừng để bất cứ ai đến với bạn mà lúc ra về lại không cảm thấy mình được trở thành tốt hơn, hạnh phúc hơn. Hãy biểu lộ hình ảnh sự tốt lành của Thiên Chúa trong ánh mắt, nụ cười, trong lời nói việc làm”.

 “Lạy Chúa, xin ban cho con trái tim của Chúa!

Xin đừng để con khép kín tâm lòng mình bao giờ!

Xin cho con trái tim quảng đại như Chúa,

vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường,

để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.

Xin cho con lướt thắng mọi oán hờn nhỏ nhen,

và mọi thù hằn ti tiện!

Xin cho con luôn luôn bình an tươi sáng,

không một biến cố nào làm con bất ổn,

không một đam mê nào khuấy động hồn con!

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,

cũng đừng bối rối khi bị chỉ trích chê bai.

Xin cho con trái tim đủ lớn để có thể yêu cả người thù địch.

Xin cho vòng tay con luôn rộng mở

để có thể ôm hết tất cả mọi người trong tình yêu Chúa.  Amen!

 ( Rabbouni, Lời Kinh đẹp nhất Thiên Niên Kỷ, trang 94)

Về mục lục

.

TÌNH YÊU LỆ THUỘC

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Để diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa, thánh sử Lu-ca ghi nhận ba câu chuyện dụ ngôn Đức Giê-su đã kể: đi tìm chiên lạc, tìm kiếm đồng bạc bị mất, và chờ đón người con đi hoang trở về. Tôi trộm gọi ba dụ ngôn trên như thế (không theo lối gọi truyền thống) vì bị ấn tượng sâu sắc bởi lòng thương xót rất con người của Thiên Chúa, theo cách diễn tả của chính Đức Giê-su.

Thường thì khi nói tới lòng thương xót, ta vẫn ít nhiều có cảm nghĩ: đó là một thái độ nhân nhượng quan tâm của một kẻ bề trên, một hành vi thi ân ban phát ân huệ cho người bất hạnh, xấu số. Thế nhưng đọc kỹ ba câu chuyện dụ ngôn trên ta mới nhận ra cả ba đều có chung một nét: lòng thương xót có vẻ như đặt Thiên Chúa dưới cả con người tội lỗi: Thiên Chúa xót thương không những cần tới, mà còn gần như lệ thuộc vào các người tội lỗi nữa là đàng khác.

Từ trong đời thường ta cũng có thể suy ra: cuộc sống người chăn cừu ít nhiều lệ thuộc vào đàn vật của mình. Do đó hành động lên đường lặn lội đi tìm con chiên lạc của ông cũng dễ hiểu thôi: vì nhu cầu cuộc sống của chính ông. Ông cần tới con chiên đó, nói cách khác, đời sống của ông phần nào lệ thuộc vào con chiên đi lạc kia. Nếu đã dám nói như thế, ta cũng dám đi tới kết luận là: người chăn chiên đi tìm chiên lạc, không phải chỉ vì ‘thương’ nó, mà còn là vì nhu cầu sống của chính ông. Dụ ngôn về người đàn bà tìm kiếm đồng bạc bị mất càng cho thấy rõ hơn điều này: bà cần tiền chứ không thương đồng tiền… Tôi vẫn cảm thấy e dè khi dám có trong đầu tư tưởng rằng: chính Thiên Chúa cần tới con người tội lỗi trước cả khi người tội lỗi cần đến Người. Suy nghĩ thông thường vẫn là: nếu Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót thì con người tội lỗi phải chạy tới lòng thương xót đó. Rất ít ai dám nghĩ rằng: Chúa xót thương lại chủ động đi tìm kẻ tội lỗi trước để đưa họ về; thế nhưng đó lại chính là điều Tân Ước nhiều lần minh xác: ‘Thiên Chúa đã yêu thương chúng ta trước’ (1 Ga 4:19). Tôi thấy sợ phải xác quyết điều này vì hình như nó quá xúc phạm tới sự cao cả, sung mãn của Thiên Chúa! Thần học kinh điển đã từng dạy tôi rằng: tình yêu của Thiên Chúa là hoàn toàn vô vị lợi (gratuitous) hiểu theo nghĩa Người ban phát mà không đòi hỏi bất cứ một điều kiện tiên quyết nào. Thế nhưng rõ ràng còn hơn cả thế nữa! Đức Giê-su cho thấy: tình yêu đó không đòi hỏi gì nơi con người nhưng lại đòi hỏi chính Thiên Chúa: người bệnh cần thầy thuốc là lẽ đương nhiên, nhưng chính thầy thuốc cũng cần tới bệnh nhân, vì nếu không có con bệnh, ông không thể là thầy thuốc. Trong tình yêu kể cả tình yêu nhân ái, lệ thuộc vào nhau là một yếu tính thực sự!

Hiểu như thế tôi mới thấy: các chi tiết dầu nhỏ nhất trong dụ ngôn đi tìm chiên lạc lại mang một ý nghĩa vô cùng to lớn: người mục tử tạm ‘bỏ 99 con chiên ngoài đồng hoang, để đi tìm cho bằng được con chiên bị mất. Tìm được rồi người ấy mừng rỡ…’ Tìm cho bằng được và mừng rỡ khi tìm thấy, đó là thái độ tiêu biểu đối với những gì thiết thân hay thiết nghĩa! Đức Giê-su long trọng khảng định một điều không ai hiểu nổi: “tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì 99 người công chính không cần phải sám hối ăn năn.” Phải, nếu thiên đàng, theo lối suy nghĩ tự nhiên, là phần thưởng dành riêng cho những người công chính và thánh thiện, nơi mà Thiên Chúa cao sang vinh hiển ân thưởng những người dầy công nghiệp, thì thiên quốc chắc hẳn phải hoan hỷ đón mừng chủ yếu các bậc thánh hiền, đạo sĩ. Hạng tội nhân sám hối may mắn lắm, thì cũng chỉ được dành cho một xó xỉnh nào đó là cùng. Nhưng huyền nhiệm thay! Nước Trời của Đức Giê-su lại là chốn Thiên Chúa nhân ái và thương xót ngự trị. Vì thế vinh quang Nước Trời sẽ gia tăng mỗi khi lòng thương xót được dịp tỏa sáng trên các tội nhân là hợp lý. Nói cách khác: nếu Thiên Chúa là Đấng giầu lòng thương xót thì vương quốc của Người lại cần tới, lại lệ thuộc vào số các tội nhân sám hối gia nhập để nhờ đó lòng thương xót càng được tỏ lộ. Và còn triệt để hơn nữa khi ta dám kết luận: sự thánh thiện trọn lành của Ki-tô hữu (hiểu theo nghĩa tu thân tích đức) sẽ không đóng góp gì nhiều cho vinh quang Thiên Chúa nếu như nó không phát xuất từ lòng khiêm nhường chân thành ăn năn sám hối để đón nhận lòng thương xót của Người. Nói cách khác, sẽ không có sự thánh thiện Ki-tô hữu đích thực nếu thiếu khiêm cung đón nhận ơn cứu độ mà Thiên Chúa nhân ái trao ban trong Đức Ki-tô Giê-su.

Lễ Thánh Tâm Chúa Giê-su mời gọi tôi đi vào tương quan tình yêu quá thần linh mà cũng quá nhân loại này; thần linh: vì nét độc đáo (vượt quá mọi trí hiểu) mà chỉ có Đức Giê-su mới phác họa lên được, nhân loại: vì nó quá gần gũi với thân phận thấp hèn của con người. Thiên Chúa tình yêu mà lại lệ thuộc vào sự thấp hèn của kiếp sống con người sao? Phải! chính vì thế và điều duy nhất mà cuộc trao đổi tình yêu này đòi hỏi không gì khác hơn là lòng khiêm nhường sâu thẳm, khiêm tốn nhìn nhận thân phận thấp hèn của mình. Phải chăng chính Đức Giê-su đã mời gọi ta khai trác triệt để điều này, khi muốn ta hãy học cùng Người một bài học duy nhất: “Hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11:29)! Do đó, Thánh Tâm Chúa Giê-su mời gọi tôi khai thác triệt để các lỗi tội mình phạm, để biến nó thành vinh quang của lòng Chúa thương xót vô bờ bến.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giê-su, xin cho con được cảm nghiệm thứ tình yêu lệ thuộc mà Chúa đã mô tả. Xin cho con được cùng toàn thể thiên quốc vui mừng vì một tội nhân sám hối. Trước mắt, xin cho con biết vui mừng mỗi khi ban phát tình yêu tha thứ của Chúa, nhất là trong bí tích Giải Tội. Về phần mình, trước những lỗi phạm và yếu đuối riêng tư, xin cho con xác tín rằng: hơn bất cứ ai khác, Chúa đang khát khao được dịp thi thố lòng xót thương và thứ tha. Xin cho con được cảm nghiệm như Phao-lô, niềm tự hào chân chính về những yếu đuối, sa ngã của mình. A-men.

Về mục lục

.

“TÌM CHO KỲ ĐƯỢC CON CHIÊN BỊ MẤT”

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc

Trong Thánh Lễ kính trọng thể Thánh Tâm Chúa Giê-su, Giáo Hội cho chúng ta nghe lại một dụ ngôn thật nhỏ bé do chính Người kể lại, dụ ngôn «Con chiên bị mất». Dụ ngôn thật «nhỏ bé» nhưng có năng lực diễn tả và đánh động lòng chúng ta, điều thật «lớn lao», đó là Thánh Tâm Chúa, là LÒNG THƯƠNG XÓT của Chúa, là tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ nơi Đức Giê-su Ki-tô, là tình yêu đến cùng mang lấy hình hài Đức Ki-tô chịu đóng đinh.

  1. Đức Giê-su và những người tội lỗi

Vào thời của Đức Giê-su, có những người bị coi là tội nhân một cách công khai : vì họ có một thứ nghề nghiệp bị mọi người coi là xấu, chẳng hạn nghề thu thuế như ông Gia-kêu, hoặc vì họ có đời sống luân lí không tốt, chẳng hạn người phụ nữ bị mọi người coi là «người tội lỗi trong thành» (Lc 7, 37) hay vì họ không giữ những nghi thức hay qui định đạo đức, chẳng hạn các nghi thức thanh tẩy, ăn chay, ngày sa-bát…. Họ bị mọi người khinh chê, nhất là các người Pha-ri-sêu và luật sĩ.

Ngày nay, người ta không còn tùy tiện dán nhãn tội nhân vào người này người kia nữa, nhưng sự khinh chê vẫn còn nguyên, trong cung cách ứng xử giữa người với người. Thật vậy, chúng ta vẫn còn khinh chê nhau, vì sự yếu kém, nhỏ bé, giới hạn, thiếu khả năng, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình xã hội, ngoại hình… Thân phận làm người tự nó đã nặng nề, nhưng thay vì gánh vác cho nhau hay làm cho nhẹ đi, chúng ta lại luôn tìm cách chồng chất thêm cho nhau hay tự làm cho thân phận của mình nặng thêm. Thánh Phao-lô trong thư Roma chấn vấn chúng ta: «Chúng ta có sống là sống cho Chúa, mà có chết cũng là chết cho Chúa… Thế mà bạn, sao bạn lại xét đoán người anh em? Và bạn nữa, sao bạn khinh dể người anh em?» (Rm 14, 8.10).

Chúng ta hãy trở lại với bối cảnh của của dụ ngôn «Con chiên bị mất» (c. 1-2), nhìn ngắm cách Đức Giê-su đón tiếp những người tội lỗi, những người yếu kém, những người nhỏ bé: họ đến để lắng nghe Ngài; và Ngài không chỉ đón tiếp họ, nhưng còn dùng bữa với họ. Đón tiếp và dùng bữa với ai, đó chính là làm bạn, thậm chí trở nên một với người đó. Chúng ta hãy hình dung ra khung cảnh Đức Giê-su ở giữa những người tội lỗi, bởi vì hình ảnh này rất đánh động và an ủi đối với chúng ta.

Trong Thánh Lễ, Đức Giê-su tiếp tục ban lời của Ngài cho chúng ta, vốn là những người tội lỗi, yếu kém và nhỏ bé, và còn hơn cả việc dùng bữa với chúng ta, Ngài tự biến thành lương thực nuôi dưỡng chúng ta cho sự sống hôm nay và sự sống muôn đời.

Kinh nghiệm được đón tiếp bởi Đức Giê-su, khi mà chúng ta vẫn còn là tội nhân, yếu kém và nhỏ bé, chính là động lực để chúng ta cũng có thể đón tiếp người khác, như họ là. Kinh nghiệm này cũng làm cho có thể ra khỏi chính mình để đi vào niềm vui lớn lao của Thiên Chúa và các Thiên Thần của Ngài trên trời.

  1. «Con chiên bị mất»

Để thay đổi hình ảnh lệch lạc của chúng ta về thái độ của Thiên Chúa đối với các tội nhân, và để giải thích tại sao Ngài không chỉ tiếp đón những người tội lỗi, mà con ăn uống với họ nữa, nghĩa là còn ngài kết bạn với họ, Đức Giê-su kể «một hơi» ba dụ ngôn: dụ ngôn con chiên, dụ ngôn đồng bạc và dụ ngôn người cha có hai người con (Lc 15, 4-32). Và trên Thập Giá, Ngài còn đi xa hơn, khi để cho mình bị bắt và bị lên án như là tội nhân và chịu chết giữa các tội nhân.

Bài Tin Mừng của Thánh Lễ kính trọng thể Thánh Tâm Chúa hôm nay kể lại hai dụ ngôn đầu tiên, nhưng chúng ta nên hiểu cả ba dụ ngôn cùng nhau, vì các dụ ngôn soi sáng cho nhau và nêu bật khía cạnh đặc biệt của mỗi dụ ngôn. Thật vậy, ba dụ ngôn có một thứ tự đặc biệt khiến chúng ta phải chú ý : 100 con chiên trong đó có một con bị mất ; 10 đồng quan, có một đồng bị mất, và 2 người con, một người bị hư mất. Như thế, xét về con số, sự mất mát càng lúc càng lớn : một trên một trăm, một trên mười và một trên hai ; hơn nữa, xét về điều bị mất, ban đầu là con vật, sau đó là đồng tiền, và trường hợp thứ ba là một người con, mà người con thì vô giá.

Và ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này, giá trị mất mát càng lớn, thì niềm vui sẽ càng lớn, khi tìm lại được. Chính vì thế, người cha, khi mở rộng vòng tay đón nhận người con hư mất trở về, đã mở tiệc ăn mừng ; trong khi với trường hợp con chiên và đồng tiền tìm lại được, người ta chỉ chia sẻ tin vui thôi, với bạn bè và hàng xóm.

Chính vì thế, logo của Năm Thánh Lòng Thương xót vừa đến từ dụ ngôn «Con chiên bị mất» qua hình ảnh vác trên vai, vừa đến từ dụ ngôn «Người con hoang đàng», qua hình ảnh con người được mang vác, thay vì con chiên, vừa diễn tả Đức Ki-tô, qua bàn tay in dấu đinh, vừa diễn tả căn tính thần linh của Đức Ki-tô «Ai thấy Chúa là thấy Chúa Cha” (Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót), qua lời mời gọi “THƯƠNG XÓT NHƯ CHÚA CHA”

Tuy nhiên, cả ba dụ ngôn có một sứ điệp khác đánh động chúng ta không kém : đó là sự quan tâm của Thiên Chúa đối với từng người trong chúng ta, như thể, chúng ta là duy nhất, là quí nhất là yêu nhất, trong con mắt của Chúa. Và dụ ngôn đầu tiên làm bật lên sự điệp này một cách rạng ngời nhất:

Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất. (c. 4)

Dụ ngôn đến từ đời thường, nhưng một khi thốt ra từ miệng Đức Giê-su, lại chứa đựng nhiều điều bất thường (tương tự như các dụ ngôn khác):

(1) Bỏ chín mươi chín con lại nơi đồng hoang; (2) Vác con chiên lạc trên vai, khi tìm thấy ; (3) và niềm vui quá lớn và lan tỏa, so với con chiên nhỏ bé được tìm lại, như thể đó là con chiên duy nhất, và như thể chín mươi chín con kia không hiện hữu ! Ba điểm bất thường diễn tả cho chúng ta một cách tuyệt vời về tình yêu Thiên Chúa mà Thánh Tâm Chúa Giê-su muốn diễn tả:

– Thiên Chúa quan tâm đến từng người chúng ta, như thể mỗi người chúng ta là duy nhất. Đó chính là đặc điểm của tình yêu, nghĩa là tương quan giữa một ngôi vị với một ngôi vị. Và chỉ khi, có một con chiên đi lạc, đặc điểm này mới được tỏ lộ ra. Vì thế, kinh nghiệm «đi lạc» sẽ là cơ hội giúp chúng ta nhận ra đặc điểm này của tình yêu Thiên Chúa!

– Người mục tử không trách móc, la mắng xử phạt, giống như người cha chạy ra ôm người con trở về «hôn lấy hôn để» (x. Lc 15, 20). Bởi vì sự hiện diện của người con «đã chết mà nay sống lại, đã mất mà nay lại tìm thấy (c. 24), là tất cả và là dư đủ để lất át tất cả, bù đắp tất cả và làm cho hi vọng1. Đó là bởi vì, tình yêu luôn đi đôi với bao dung tha thứ. Đặt vào trong bối cảnh của dụ ngôn, người tội lỗi được tượng trưng bởi hình ảnh con chiên đi lạc. Điều này thật an ủi cho chúng ta, vì dưới mắt Chúa, chúng ta là những con chiên đi lạc, phải đi tìm về cho kì được, và Thiên chúa đi tìm mỗi người chúng ta nơi Đức Giê-su. Chúng ta hãy nhìn mình như là Chúa nhìn; và chúng ta hãy là con chiên đi lạc mong được tìm thấy và được mang về. Thay vì tự biến mình thành con dê nổi loạn, con sói phá hoại.

– Tình yêu bao dung tha thứ mang lại niềm vui, và niềm vui lan tỏa sang nhiều người, sang tất cả mọi người, trên trời cũng như dưới đất.

* * *

Xin cho chúng ta nhận ra tình yêu Thiên Chúa dành đích thân cho từng người chúng ta như là « Đối Tượng Duy Nhất » trong Đức Ki-tô, để chúng ta có thể yêu mến Người như là « Đối Tượng Duy Nhất » của lòng trí chúng ta. Và thực vậy, dù chúng ta là ai, ở trong tình trạng nào, mỗi người chúng ta đều là:         «Người môn đệ Đức Giê-su thương mến», vì chúng ta xác tín cùng với thánh Phao-lô rằng: Cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta. (Rm 8, 38-39)

  1. Thánh Tâm Chúa Giê-su

Lòng sùng kính Thánh Tâm Chúa Giê-su có nguồn gốc nơi biến cố cạnh sườn của Đức Giê-su bị đâm thâu và từ đó, tuôn trao ra nước và máu (x. Ga 19, 34). Nhìn ngắm biến cố sau cùng này của cuộc Thương Khó, các Giáo Phụ nhận ra nơi đó sự khai sinh ra các bí tích của Hội thánh, nhất là bí tích rửa tội và Thánh Thể:

Lạy Chúa Ki-tô, … xin Máu thánh Chúa làm cho con say mến… Xin nước bởi cạnh sườn Chúa rửa con cho sạch… Xin cất dấu con trong các vết thương của Chúa. (Kinh Anima Christi)

Không có lòng sùng kính nào có tính cách bắt buộc, ngay cả khi được Giáo Hội khuyến khích. Chúng được đề nghị thực hành trong mức độ chúng giúp chúng ta hiểu biết, yêu mến và phục vụ Đức Ki-tô, Chúa chúng ta. Tuy nhiên, phải nói rằng, những hình vẽ “Trái Tim rất thánh”, có từ thế kỷ XVII, xem ra không còn phù hợp với cảm thức của chúng ta ngày này. Nhưng, chúng ta được mời gọi vượt qua hình vẽ nghệ thuật, để nhận ra rằng hình ảnh trái tim ngày nay vẫn còn mang nhiều ý nghĩa. Trong thân thể của chúng ta, trái tim đưa máu đi, ngang qua các động mạch, tưới gội khắp chi thể, để làm cho thân thể sống động. Trong đời sống tinh thần, trái tim được coi là trung tâm của nhân cách, nghĩa là nơi của những cảm xúc và những năng động hướng chúng ta đến với người khác; trái tim làm trào vọt ra trên môi miệng chúng ta những lời nồng thắm và yêu thương, bởi vì “tim có đầy, miệng mới nói ra” (Mt 12, 34). Chính vì thế mà, hình ảnh trái tim có mặt khắp nơi trong Kinh Thánh, mặc khải những gì trào vọt ra từ trái tim của Thiên Chúa và những gì trào vọt ra từ trái tim con người. Đó là hình ảnh trái tim rung cảm, hơn là trái tim lưu chuyển máu huyết.

Như thế, dấu chỉ tấm bánh và hình ảnh trái tim diễn tả cùng một thực tại, đó là Tình Yêu đi xuống đến cùng tận, nghĩa là LÒNG THƯƠNG XÓT, để làm cho thế giới đứng vững trong Đức Ki-tô, Ngôi Lời Thiên Chúa và để mang lại cho thế giới năng động trở về với Đấng Tạo Dựng.

Về mục lục

.

 

TRÁI TIM MỤC TỬ

Jos. Hoàng Mạnh Hùng

Mừng lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu, chúng ta đặc biệt suy tôn Tình Yêu của Chúa Giêsu đã thể hiện qua trái tim của Người. Phụng vụ Lời Chúa năm C không có một từ nào nói về trái tim Chúa Giêsu, nhưng lại nói đến Tình Yêu của một Thiên Chúa là Cha qua hình ảnh của một người mục tử hết mình yêu thương đàn chiên.

Cùng với khẩu hiệu ”Thương Xót như Chúa Cha” (Lc 6,36), huy hiệu Năm Thánh Lòng Thương Xót (do Cha Marko I. Rupknik SJ sáng tác) trình bày người Cha đang vác người con lầm lạc trên vai. Một hình ảnh rất được Giáo Hội cổ kính quí chuộng, vì diễn tả tình thương của Chúa Kitô hoàn tất mầu nhiệm nhập thể của Người bằng công trình cứu chuộc. Hình của huy hiệu làm nổi bật sự kiện Vị Mục Tử nhân lành đi sâu vào thân thể con người, với tình thương yêu đến độ thay đổi cuộc sống của con người.

Ngoài ra, một sự kiện này không thể bỏ qua, đó là Vị Mục Tử nhân lành, với lòng thương xót tột độ, vác nhân loại trên vai, nhưng đôi mắt của Vị Mục Tử hoàn toàn giống như đôi mắt của con người. Chúa Kitô nhìn với con mắt của Ađam và Ađam nhìn với con mắt của Chúa Kitô. Như thế mỗi người nhận ra nơi Chúa Kitô là Ađam mới, chính nhân tính của mình và tương lai đang chờ đợi mình, khi chiêm ngắm, trong cái nhìn của Chúa Kitô, tình thương của Chúa Cha. (theo vi.radiovaticana.va)

Trong thời Cựu Ước, Thiên Chúa đã mạc khải cho dân Do Thái qua ngôn sứ Êdêkien về một thời đại mới mà chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân của Người. Vị mục tử sẽ tìm kiếm những con chiên bị tản mác khắp nơi, tập hợp và đưa chúng vào đất của chúng. Chăn dắt trong những đồng cỏ tươi tốt, màu mỡ trên các núi cao, các thung lũng Ít-ra-en và tại mọi nơi trong xứ có thể được. Con nào bị mất, Người sẽ đi tìm; con nào đi lạc, Người sẽ đưa về; con nào bị thương, Người sẽ băng bó; con nào bệnh tật, Người sẽ làm cho mạnh; con nào béo mập, con nào khoẻ mạnh, Người sẽ canh chừng. Người sẽ theo lẽ chính trực mà chăn dắt chúng. (x. Ed 34,11-16)

Trong những ngày nắng hạn khô cằn, vị mục tử là Thiên Chúa sẽ dẫn đưa đàn chiên chúng ta đến nơi đồng cỏ xanh tươi, chỗ suối nước mát lành để chúng ta được no nê bổ sức và yên tâm nghỉ ngơi. Không còn những lo lắng, buồn phiền, mệt mỏi …. vì “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người.” Và rồi bình an trong vòng tay yêu thương chăm sóc, chúng ta tin tưởng khẳng định: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Người  bảo vệ, con vững dạ an tâm.” 

Đối với Thiên Chúa, chúng ta là những người con yêu dấu. Trong đôi mắt Người, từng người chúng ta thật quý giá không trừ một ai. Tình Yêu xuất phát từ trái tim Người đã che chở chúng ta, đem lại cho chúng ta sự bình an. Thương lắm, quý lắm nên Thiên Chúa mới xức dầu thơm lên đầu chúng ta, châm rượu vào ly cuộc đời chúng ta với bao ân tình thương quý. “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa”. (TV 23,1-6)

Đức Giêsu chính là Vị Mục Tử Nhân Lành mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân và chính Người  cũng xác nhận “Tôi chính là Mục Tử Nhân Lành. Mục Tử Nhân Lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,11). Không chỉ chăm sóc, bảo vệ, tình yêu của Đức Giêsu  đối với chúng ta còn lên đến tột đỉnh khi Người  hiến mạng sống mình cho chúng ta, như lời Thánh Phaolô: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta.” (Rm 5,5-11)

Tình yêu của Vị Mục Tử Nhân Lành không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn chúng ta. Dụ ngôn con chiên lạc là một trong ba dụ ngôn Đức Giêsu  nói đến lòng thương xót của Thiên Chúa không bỏ rơi con người tội lỗi. Sự lo lắng của vị mục tử này xuất phát từ việc trống vắng con chiên lạc trong trái tim ông. Ông dám liều lĩnh bỏ 99 con trong hoang địa và chấp nhận tất cả những rủi ro sẽ xảy đến cho bản thân để cất bước lên đường tìm 1 con. Khi tìm được con chiên lạc, ông mừng rỡ ôm nó vào lòng, vác trên vai đưa nó trở và mời bạn hữu đến chia vui “vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên đã bị mất”. Vui mừng không phải vì con số 100 tròn đầy mà là vì con chiên lạc đã được tìm thấy!

Đức Giêsu còn nhấn mạnh: “Vậy, tôi nói cho các ông hay: trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”. Cần phải hiểu bối cảnh của dụ ngôn là sự bàn tán, xầm xì của những người Pha-ri-sêu và các kinh sư khi thấy những người thu thuế và tội lỗi lui tới với Đức Giêsu để nghe Người giảng dậy (x. Lc 15,1-7). Điều đó cho ta thấy sự khác nhau giữa lý luận của trí óc và cái lý lẽ của con tim. Chúa Giêsu muốn chúng ta phải nghe Lời Người bằng trái tim, để có thể hiểu được những hành động Người đã dành cho những người tội lỗi. Hơn thế, Người còn cho thấy, nếu một khi để cho trái tim thúc đẩy, thì ai cũng sẽ làm như Người đã làm.

Muốn cảm nghiệm được tình yêu, chúng ta cần phải biết nghe bằng trái tim, và để cho trái tim rung đập theo nhịp riêng của nó. Hãy suy ngẫm và cảm nghiệm tình yêu Thiên Chúa dành cho mỗi người chúng ta, để rồi nghe theo sự mách bảo của trái tim, chúng ta hãy sống sao cho xứng đáng với tình yêu hy sinh quảng đại Thiên Chúa đã dành cho mỗi người. Hãy mang lấy trái tim và cách cư xứ của Chúa đến cho anh chị em chung quanh để bất cứ ai khi tìm đến với những Kitô hữu như chúng ta, đều tìm được một ốc đảo từ bi thương xót. (ĐTC Phanxicô)

Nguyện xin Thánh Tâm Chúa Giêsu tuôn đổ Tình Yêu của Người vào trong trái tim của để chúng con luôn biết lấy Tình Yêu đáp trả Tình Yêu, luôn nhìn đời với ánh mắt yêu thương, biết cảm thông trước những nỗi khổ của tha nhân. Luôn biết tìm đến với những người đang cần chúng con cho đi dù chỉ là một lời cầu nguyện, một chút yêu thương, một chút chia sẻ.

Xin cho chúng con biết lắng nghe và thực hành Lời Chúa bằng con tim rộng mở, để qua lời rao giảng của các vị mục tử chúng con kín múc được những nguồn mạch thâm sâu của Tin Mừng. Cho chúng con có một trái tim khiêm nhường để biết mở lòng mình ra đón nhận những phê bình, sai sót của anh em. Biết từ bỏ cái tôi để tiếp thu những điều chưa hay, chưa biết thay vì tranh cãi, lí luận đủ điều để bảo vệ những thiếu sót, khiếm khuyết của mình.

Xin Trái tim nhân từ của Chúa Giêsu giúp con biết cảm thông, chia sẻ, nâng đỡ và cư xử với những người trong gia đình, những người cùng làm việc trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày bằng sự hiền từ và tha thứ để cuộc sống ngày càng thêm thăng hoa và trổ sinh trái ngọt. Và khi trái tim con đã được đong đầy Tình Yêu Thiên Chúa, xin cho con vững bước đi làm chứng nhân cho cội nguồn Tình Yêu là Thánh Tâm Chúa Giêsu giữa lòng xã hội và thế giới hôm nay. Amen.

Về mục lục

.

TRÁI TIM THỔN THỨC

Dã Quỳ

Trái tim là phần quan trọng nhất và quí giá nhất của con người, là cơ quan sống động và chuyển động không ngừng trong con người. Đó là trái tim tự nhiên. Thế nhưng trong con người, còn có một trái tim thứ hai, mà chúng ta gọi là Tấm Lòng. Với ngôn ngữ Anh hay Pháp, người ta gọi chung một tên là Heart hay Coeur. Những ai có tấm lòng thì trái tim cũng sẽ thao thức, đau khổ và cũng sẽ yêu mãnh liệt. Vì Tình yêu và Trái tim đồng nghĩa.

Giáo Hội mừng kính lễ Thánh Tâm Chúa Giêsu Kitô như là một sự kính nhớ Tình Yêu của Chúa và Tình yêu cụ thể đó là Cuộc Thương Khó của Người. Vì Thiên Chúa là Tình Yêu, nên khi yêu nhân loại, trái tim Chúa cũng đau khổ suốt cả cuộc đời nơi trần thế và mãi đau khổ vì sự vô ơn bội nghĩa của con người. Không có đau khổ nào sánh bằng đau khổ vì bị phản bội tình yêu. Chúa Giêsu đã yêu chúng ta tha thiết và  muốn yêu chúng ta đến cùng nên Người cũng phải đau khổ nhiều. Nhưng đau khổ vì yêu thương của Chúa thật cao đẹp và tuyệt vời vì chính Chúa chọn chết vì yêu chúng ta “Chính tôi tự ý hy sinh mạng sống mình.”(Ga 10,18)

Trái Tim Chúa Giêsu yêu tất cả nhân loại nhưng Chúa yêu và quan tâm, chăm sóc từng người chúng ta cách cá nhân. Chính vì thế, Chúa đã không vì chín mươi chín chiên trong đàn mà bỏ một chiên lầm lạc nhưng trái lại, Người để chín mươi chín con kia ngoài đồng mà đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất.(x. Lc 15,4) Đối với Chúa, một bằng chín mươi chín, vì mỗi người có một giá trị cao quí. Trái tim của Mục Tử Giêsu không thể yên khi ở với đàn chiên trên cánh đồng an bình, trong khi đó còn có những chiên lạc, chiên xa đàn. Người dõi theo và thao thức khi những chiên đau bệnh, ngây ngô lầm lạc ấy bỏ đi. Lòng Thương Xót của Chúa đã muốn đếm hết mọi người chúng ta và lo lắng, đau khổ cho mỗi người “Chính Người đã mang lấy các bệnh tật của chúng ta, đã gánh chịu những đau khổ của chúng ta.“( Is 53,4)

Trái tim không đau khổ, không thổn thức đó là trái tim không yêu. Còn Trái Tim của Chúa chúng ta thì luôn luôn gắn liền với Thánh giá. Thế nên khi Chúa Giêsu hiện ra với Thánh nữ Margarita Alacoque, trên tay Người cầm trái tim quấn vòng gai với hai vết thương chiếu sáng hai tia lửa yêu và Chúa nói “Đây là Trái Tim đã yêu thương loài người quá đỗi.” Trái tim Chúa đã yêu nhiều nhưng chỉ nhận được sự xua đuổi, lạnh nhạt và vô ơn. Chính chúng ta, những Kitô hữu lẽ ra là những chiên tốt lành, ở bên cạnh và an ủi, đền tạ, yêu mến và làm vinh danh Người; nhưng ngược lại, đời sống của ta, tội lỗi của ta đã xúc phạm đến Chúa, nhất là những tội từ trái tim, từ tình yêu của ta đã như thêm gai nhọn, thêm giấm chua vào Thánh Tâm Chúa.

Mặc dù Tình yêu của Thiên Chúa không được đền đáp, nhưng Trái Tim Chúa vẫn tiếp tục yêu và nghĩ đến những ai rời bỏ Người. Chúa yêu những người không yêu Chúa và Chúa lên đường tìm kiếm con cái của Người đang tản mác khắp nơi, để chỉ mong chúng cảm nghiệm được tình trìu mến của Người mà hoán cải và trở về. Bởi vì đi tìm là đã yêu, đã tha thứ và thương xót vô hạn. Thế nên, khi tìm được rồi, bất chấp tất cả, Mục Tử rất đỗi vui mừng “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.”( Lc 15, 5) Không chỉ công kênh trên vai đưa về, mà còn mở tiệc mời hàng xóm ăn mừng chia vui. Ôi, một hình ảnh kỳ diệu mà chúng ta cần mãi chiêm ngắm. Chính Thiên Chúa, Cha của chúng ta, luôn đối xử với mỗi người chúng ta như vậy. Niềm vui của Chúa là tìm thấy chúng ta, những người con lạc lối.

Thiên Chúa và cả Nước Trời có chung một niềm vui. Niềm vui ấy bừng tỏa chỉ “Vì một người tội lỗi ăn năn sám hối.” (Lc 15,7) Chỉ một người mà quan trọng hết sức đối với Thiên Chúa. Chính vì vậy, Người không an lòng ngồi đó chờ đợi chúng ta trở về nhưng là nóng lòng đi tìm. Đó là Trái Tim của Thiên Chúa- Trái tim thổn thức khôn nguôi.

+ Còn đối với chúng ta, chúng ta có quan tâm đến việc cứu độ con người, đến sứ mạng cứu rỗi mà Chúa cũng trao cho mỗi Kitô hữu tiếp nối cánh tay và chương trình Cứu độ của Người hay không? Trái tim của chúng ta có phần nào giống Trái Tim Chúa Giêsu, cùng nhịp đập yêu thương, thao thức khôn vơi khi còn biết bao anh chị em ta chưa biết Chúa hay còn đang lầm lạc bỏ Chúa? Chúng ta được trao sứ mệnh và được sai đi để tìm kiếm những ai bị mất. Vậy ta có nhiệt tâm tìm kiếm, tạo cơ hội và giúp đỡ anh chị em ta nhận ra tình yêu của Chúa và trở về với Người không?

Thánh Tâm Chúa Giêsu là biểu tượng của Tình Yêu cứu độ và xót thương bao la của Thiên Chúa “Trái Tim Ta thổn thức, ruột gan Ta bồi hồi.”(Hs 11, 8)  Người luôn tìm kiếm và cứu chữa bởi bản tính của Người là “Nhẫn Nại và Xót Thương.” Khi đến trần gian, mối bận tâm của Chúa Giêsu “Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi sám hối ăn năn.”( Lc 5,32). Chính vì thế, Chúa Giêsu – Mục Tử nhân lành đã hy sinh tính mạng cho đoàn chiên, chỉ mong cho chiên được sống và sống dồi dào bằng chính sự sống của Người.

Là chiên của Chúa, chúng ta được mời gọi ở lại trong tình yêu của Chúa và tin tưởng vào lòng xót thương chăm sóc của Chúa. Hãy tín thác cuộc đời ta trong cánh tay yêu thương của Mục Tử Giêsu và “Mọi lo âu, hãy trút cả cho Người, vì Người chăm sóc anh em“(1Pr 5,7) Đồng thời ta hãy học nơi Thánh Tâm yêu thương nhân từ của Chúa, để chính ta cũng biết trao tặng tình yêu thương cho tha nhân cách cụ thể trong cuộc sống hằng ngày của ta bằng việc cầu nguyện cho người tội lỗi; bằng bác ái, chia sẻ, cảm thông, tha thứ… Vì tất cả những gì phát xuất từ con tim đong đầy tình yêu Chúa thì nhất định sẽ là men, muối và hấp dẫn, lôi kéo đem nhiều anh em trở về với đoàn chiên và với Thánh Tâm trìu mến dịu dàng của Chúa chúng ta.

Hôm nay, ngày thánh hóa các Linh Mục. Chúng ta  đặc biệt cầu nguyện cho các ngài được Thánh Tâm Chúa Giêsu yêu mến, che chở và biến đổi để các ngài thực sự là những Mục tử mang trọn vẹn hình ảnh, khuôn mặt, trái tim của Chúa Giêsu. Cầu mong cho từng lời rao giảng, mỗi lời nói và trong mọi hoạt động của các ngài luôn thấm đẫm tình yêu và lòng nhân hậu. Cầu xin cho các Linh Mục có trong mình trái tim thổn thức của Chúa với những chiên lạc, chiên xa đàn và lo lắng nhiệt thành đi tìm kiếm. Cầu khẩn cho các ngài luôn hết lòng chú ý đến những chiên đau bệnh, chiên nhỏ bé và những nỗi khốn cùng của họ.

Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin thương xót tất cả chúng con và xin đổ đầy tình yêu của Chúa vào mỗi con tim chúng con. Amen.

Về mục lục

.

MỪNG RỠ VÁC LÊN VAI

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Suy niệm:

Dụ ngôn về con chiên bị lạc mất được đọc trong lễ Thánh Tâm.
Đức Giêsu nói dụ ngôn đơn sơ này
vì thấy những người Pharisêu và các kinh sư khó chịu
khi Ngài đón tiếp các tội nhân và hồn nhiên ăn uống với họ.
Ngài không xa lánh họ vì họ dám đến gần Người để nghe (Lc 15, 1-2).
Từ nơi Đức Giêsu toát ra một sự hấp dẫn những ai bị xã hội loại trừ.
Họ biết mình được Ngài yêu thương đón nhận.
Họ biết mình có chỗ trong trái tim nhân hậu của Ngài.

Dụ ngôn con chiên bị mất là dụ ngôn về một trái tim.
Trái tim nhói đau của người có đàn chiên một trăm con, và mất một.
Anh không coi nhẹ sự mất mát này, vì anh quý từng con chiên.
Con chiên bị lạc mất làm anh nặng lòng, không yên,
dù một con trong đàn chiên trăm con có thể chẳng là gì cả.
Trái tim nhói đau cũng là trái tim tìm kiếm.
Để tìm kiếm, anh phải để lại chín mươi chín con kia trong hoang địa.
Có thể anh phải gửi đàn chiên mình cho người bạn chăn nuôi.
Lòng của anh bây giờ tập trung hoàn toàn vào con chiên lạc mất,
đến độ có vẻ như anh bỏ rơi những con còn  lại.
Ta chẳng rõ anh đi tìm ở những nơi nào và bao lâu.
Hẳn anh đã đến mọi nơi mà con chiên này có thể ẩn nấp.
Điều chắc chắn là anh đã muốn tìm nó cho kỳ được (c. 4).
Anh không muốn bỏ dở nửa chừng cuộc tìm kiếm vất vả này.

Trái tim âu lo tìm kiếm cũng là trái tim nhảy mừng khi tìm thấy.
Thấy bóng dáng con chiên lạc từ một hố sâu,
hay nghe tiếng kêu quen thuộc của nó từ bụi rậm,
điều đó làm anh quên hết mọi nhọc nhằn.
Niềm vui rộn lên trong lòng anh.
Cách anh biểu hiện niềm vui là vác con chiên tìm thấy trên vai,
và để nó ngang đầu mình, mặt mình.
Có thể anh không muốn dắt nó đi vì anh sợ nó mệt,
thay vì anh không muốn mất nó một lần nữa.

Trái tim nhảy mừng cũng là trái tim muốn chia sẻ niềm vui.
Khi về nhà, anh đã mời bạn bè, hàng xóm lại và nói với họ:
“Hãy chung vui với tôi, vì tôi đã tìm thấy con chiên bị mất” (c. 6).
Niềm vui lớn quá nên không thể giữ riêng trong lòng mình được.
Niềm vui đòi nói ra, đòi chia sẻ để được nhân lên.

Trái tim của Đức Giêsu là trái tim của người chăn chiên,
buồn khi mất chiên, vất vả đi tìm và nhảy mừng khi tìm thấy.
Khi ngồi ăn với những tội nhân trên đường hoán cải,
Đức Giêsu nếm trải niềm vui tột độ của người tìm được chiên.
Tiếc thay những người Pharisêu không muốn chung vui với Ngài.
Họ không hiểu được niềm vui của cả thiên đàng khi một tội nhân hoán cải.
Đơn giản vì Thiên Chúa quý từng người và không muốn mất một ai.
Chỉ mong mỗi linh mục có trái tim của Giêsu, người mục tử nhân hậu.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
xin cho con quả tim của Chúa.

Xin cho con đừng khép lại trên chính mình,
nhưng xin cho quả tim con quảng đại như Chúa
vươn lên cao, vượt mọi tình cảm tầm thường
để mặc lấy tâm tình bao dung tha thứ.
Xin cho con vượt qua mọi hờn oán nhỏ nhen,
mọi trả thù ti tiện.

Xin cho con cứ luôn bình an, trong sáng,
không một biến cố nào làm xáo trộn,
không một đam mê nào khuấy động hồn con.

Xin cho con đừng quá vui khi thành công,
cũng đừng quá bối rối khi gặp lời chỉ trích.
Xin cho quả tim con đủ lớn
để yêu người con không ưa.
Xin cho vòng tay con luôn rộng mở
để có thể ôm cả những người thù ghét con.

Về mục lục

.

ĐÁP LẠI TÌNH YÊU CỦA THÁNH TÂM CHÚA GIÊ-SU

Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Lc 15,3-7

(3) Đức Giêsu mới kể cho họ dụ ngôn này: (4) “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị lạc mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?”. (5) Tim được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai. (6) Về đến nhà, người ấy mời bạn bè, hàng xóm lại và nói: “Xin chung vui với tôi, vì tôi đã tìm được con chiên của tôi, con chiên bị mất đó”. (7) Vậy tôi nói cho các ông hay: Trên trời cũng thế, ai nấy sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn năn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính không cần phải sám hối ăn năn”.

  1. Ý CHÍNH:

Để trả lời cho lời phiền trách của nhóm Pharisêu và kinh sư về lý do tại sao gần gũi với các người thu thuế và gái điếm tội lỗi…, Đức Giêsu đã dùng 3 dụ ngôn: Con chiên bị lạc, đồng bạc đánh rơi và người cha nhân hậu. Tin mừng hôm nay chỉ đề cập đến dụ ngôn con chiên bị lạc. Dụ ngôn đề cao hình ảnh một Thiên Chúa giàu lòng từ bi thương xót. Người xót thương kẻ lầm đường lạc lối, mau mắn đi tìm kiếm và sẽ vui mừng nếu họ thực tâm sám hối trở về với Người.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 3-4: + Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà nếu mất một con: Ở đây, khi dùng hai con số 100 và 1, Đức Giêsu muốn làm nổi bật tầm quan trọng của sự mất mát. Dù chỉ bị mất một phần trăm nhưng đối với người chủ chiên cũng là mất mát to lớn. + Để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm kỳ được con chiên bị mất: Để lại ngoài đồng hoang không phải là bỏ rơi, bỏ mất vì chúng kém giá trị hơn, nhưng là giữ chúng lại trong một nơi an toàn. Chi tiết này chỉ muốn nói lên rằng: con chiên bị lạc dù chỉ là số ít, nhưng vẫn là điều quan trọng khiến chủ chiên phải nhất quyết đi tìm cho bằng được. Việc đi tìm xuất phát từ tình thương của chủ chiên, ám chỉ tình thương yêu và khoan dung của Thiên Chúa đối với các tội nhân. Người không thụ động ngồi yên chờ họ tự quay về, nhưng chủ động lên đường tìm kiếm họ.

– C 5-7: +Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai: Người chủ vui mừng khi tìm thấy con chiên lạc. Niềm vui này thể hiện qua hai cử chỉ: Một là là vác chiên lên vai và hai là mở tiệc ăn mừng. Vác chiên lên vai nói lên sự thân mật gần gũi đối với con chiên lạc. + “Xin chung vui với tôi”: Mời bạn bè đến chung vui cho thấy ông chủ muốn chia sẻ niềm vui cho nhiều người khác nữa. + “Trên trời cũng thế”: Niềm vui tột đỉnh của Thiên Chúa là muốn cho mọi người trần gian đều được ơn cứu độ. Chỉ những ai xúc phạm đến Chúa Thánh Thần, thể hiện qua thái độ cứng lòng không tin Chúa Giêsu, cố tình không muốn tái sinh trong phép rửa tội, chọn theo ma quỷ làm sự gian ác chống lại Thiên Chúa và tha nhân… mới không được cứu độ.

  1. CÂU HỎI: 1- Trong dụ ngôn này phải chăng người chủ chiên đành hy sinh 99 con chiên ở ngòai đồng hoang, mặc chúng cho sói rừng cắn xé, dể đi tìm một con chiên lạc kia sao? 2- Người chủ chiên đã làm gì để thể hiện tình thương và niềm vui khi tìm lại được con chiên bị lạc mất? 3- Những người bị lọai ra khỏi ơn cứu độ hoặc phai sa hỏa ngục là những ai? 

II. SỐNG LỜI CHÚA:

 1. LỜI CHÚA: “Trên trời sẽ vui mừng vì một người tội lỗi ăn ăn sám hối, hơn là vì chín mươi chín người công chính” (Lc 15,7).

2. CÂU CHUYỆN: ÔNG CHỦ CHIÊN TỐT LÀNH

Trong cuộc họp của những nhà giáo dục, một vị giáo sư đã kể lại câu chuyện về một con chiên bị lạc mất như sau: Một người kia có nuôi một đàn chiên nhốt trong chuồng ở ngay sau nhà ông. Một hôm có một con chiên non trông thấy một lỗ hổng ở hàng rào và tò mò chui qua. Khi đã ra ngoài chuồng, con chiên vội chạy thật xa để tận hưởng thú vui được tự do giữa đất trời bao la. Nó chạy đến một cánh rừng rộng lớn và không nghĩ đến nguy hiểm đang chờ. Trời tối dần và đột nhiên con chiên nhìn thấy bóng dáng của một con sói đang rình núp ở một lùm cây gần đó. Vô cùng sợ hãi, nó ba chân bốn cẳng chạy thục mạng về chuồng. Nhưng con sói vẫn không ngừng bám sát phía sau. Khi con sói tiến đến gần và sắp vồ được chiên, thì may mắn thay ông chủ chiên cũng vừa xuất hiện. Ông dùng gậy đánh đuổi con sói hung dữ kia để cứu con chiên khỏi chết trong gang tấc. Sau đó ông vác con chiên non đang run sợ trên vai và đưa về chuồng băng bó những vết trầy xước. Rồi nhiều người nhắc ông phải rào kín lỗ hổng ngay để tránh cho chiên khỏi tiếp tục chui ra khỏi chuồng. Nhưng ông không nghe và cứ để lại lỗ hổng ở hàng rào như trước.

  1. THẢO LUẬN:

1)Bạn nghĩ thế nào về lời thánh Augúttinô sau: “Chúa dựng nên bạn không cần đến bạn, nhưng Chúa không thể cứu bạn, nếu bạn không cộng tác với Người”?

2)Noi gương vị Mục Tử Giêsu trong Tin mừng hôm nay, mỗi người chúng ta sẽ làm gì để đưa các người thân hay bạn bè đang lạc xa Chúa trở về với Người?

  1. SUY NIỆM:

Tình yêu luôn tồn tại trong cuộc sống nhân loại con người. Có nhiều thứ tình yêu như: tình mẫu tử phụ tử, phu phụ, huynh đệ, tình đồng nghiệp, tình bằng hữu hay tình yêu nam nữ… Dù mang tên gọi là gì đi nữa, thì tình yêu vẫn mang đặc điểm là có sức lôi cuốn mãnh liệt khiến người ta phải luôn gắn bó với nó và có thể hy sinh mọi sự khác vì nó.

 1)TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA THẬT BAO LA:

Con người đã được Thiên Chúa dựng nên giống hình ảnh của Ngài như thánh Gioan đã định nghĩa: “Thiên Chúa là Tình yêu” (1 Ga 4, 8). Tình Yêu của Thiên Chúa thật vô cùng, vượt trên tình thương của cha mẹ dành cho con cái, như Ngôn Sứ Isaia đã tuyên sấm: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng, đẻ đau? Cho dù nó có quên đi chăng nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ… Ta đã khắc ghi ngươi trong lòng bàn tay Ta” (Is 49,15–16a). Thánh Phaolô cũng viết: “Đức Kitô đã chết vì chúng ta, ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi”, và ngài kết luận: “Đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5,8).

Nói đến tình yêu, chúng ta không thể không nhắc đến trái tim, một biểu tượng rõ nét của tình yêu. Hội Thánh đã dành riêng tháng sáu và đặc biệt ngày Thứ Sáu sau Chúa Nhật Mình Thánh Chúa để mừng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, là Trái Tim đã bị lưỡi đòng đâm thâu trên thập giá, đổ ra đến giọt máu và nước cuối cùng để biểu lộ tình yêu thương chúng ta (x. Ga 19, 34). Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta thật bao la sâu thẳm khôn lường. Tuy nhiên, chúng ta cũng phần nào hiểu được tình yêu ấy qua hình ảnh người Mục Tử tốt lành trong Tin Mừng hôm nay, đã bỏ 99 con chiên khác nơi hoang địa để đi tìm bằng được con chiên thất lạc.

2)TÌNH THƯƠNG CỤ THỂ CỦA ĐỨC CHÚA LÀ MỤC TỬ DÂN ÍTRAEN:

Bài Đọc Một cho thấy thời ngôn sứ Êdêkien, dân Do Thái đứng trước nguy cơ nước mất nhà tan. Các vua chúa và đầu mục đã bị sa đoạ, chạy theo các tà thần. Họ không quan tâm đến việc chăm dắt đoàn chiên được Đức Chúa trao quyền chăn dắt. Họ chỉ nghĩ đến việc vơ vét, bóc lột sao cho đầy túi tham mà không nghĩ đến dân chúng lầm than cơ cực. Mặt khác, viễn cảnh bị ngoại xâm đã gần kề và việc dân chúng sắp bị phân tán đi khắp nơi là điều không thể tránh khỏi. Toàn dân sống trong tuyệt vọng, chẳng còn biết trông cậy vào ai. Chính lúc đó, Ngôn Sứ Êdêkien đã được Thiên Chúa sai đến loan báo tin vui về một thời đại mới: Chính Thiên Chúa sẽ là mục tử chăn dắt dân Người. Người sẽ dẫn đưa những con chiên bị phân tán được trở về. Người sẽ bảo vệ và giải thoát họ khỏi bàn tay áp bức của kẻ thù đang đè nặng trên họ. Chúa phán: “Này chính Ta săn sóc đoàn chiên của Ta và Ta sẽ kiểm soát chúng… Ta sẽ giải thoát chúng khỏi mọi nơi mà chúng đã bị phân tán. Ta sẽ dẫn chúng ra khỏi các dân tộc, Ta sẽ tụ họp chúng từ khắp măt đất, và đưa chúng vào đất của chúng”. Hơn nữa, Đức Chúa còn lo cho đoàn chiên được ăn uống no nê, như lời Người phán: “Ta sẽ thả chúng ăn trên những đồng cỏ màu mỡ,… chúng sẽ nghỉ ngơi trong những đồng cỏ xanh tươi, và chúng ăn trong đồng cỏ màu mỡ trên miền núi Ítraen”. Vua Đavít cũng ngợi ca tình thương của Đức Chúa như sau: “Chúa chăn nuôi tôi, tôi chẳng thiếu thốn chi, trên đồng cỏ xanh rì, Người thả tôi nằm nghỉ. Tới nguồn nước chỗ nghỉ ngơi, Người hướng dẫn tôi, tâm hồn tôi Người lo bồi dưỡng…” (Tv 22,1-3)

  1. ĐỨC GIÊSU VỊ MỤC TỬ NHÂN LÀNH ĐƯỢC THIÊN CHÚA SAI ĐẾN:

– Vị Mục Tử mà Ngôn Sứ Êdêkien và vua Đavít tiên báo sẽ đến không ai khác hơn là Đức Giêsu. Ngài chính là vị Mục Tử nhân lành mà Thiên Chúa đã hứa ban cho dân Ítraen. Ngài không chỉ chăm sóc bảo vệ đàn chiên, mà còn tự hiến mạng sống mình vì chúng ta, như Thánh Phaolô đã viết trong Bài Đọc Hai hôm nay: “Thiên Chúa chứng tỏ tình yêu của Người đối với chúng ta, nghĩa là trong lúc chúng ta còn là tội nhân, thì theo kỳ hẹn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta” (Rm 5,8). Nghĩa là khi chúng ta đang thù ghét chống lại với Chúa, nhưng Đức Giêsu vẫn tình nguyện chịu chết để đền tội thay để loài người được ơn tha tội và được giao hoà với Thiên Chúa. Nhờ cái chết thập giá của Người, mà chúng ta được lãnh ơn cứu độ của Thiên Chúa.

– Ngoài ra, Mục Tử Giêsu không dừng lại ở việc chăm sóc, giữ gìn, mà tình yêu còn thúc bách Người đi tìm chiên lạc như lời Chúa trong Tin Mừng: “Ai trong các ông có 100 con chiên và nếu mất một con, lại không để 99 con khác trong hoang địa mà đi tìm con chiên lạc cho đến khi tìm thấy sao?” (Lc 15,4). Cho dù bấy giờ chúng ta đang là những con chiên đầy ghẻ lở tội lỗi, thì Mục Tử Giêsu vẫn giang rộng vòng tay yêu thương để băng bó vết thương, vác lên vai đưa về đàn.

  1. ĐÁP LẠI LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA VÀ CỦA ĐỨC GIÊSU:

Chúng ta cần làm gì để đáp lại tình yêu của Thiên Chúa và Thánh Tâm Chúa Giêsu?

-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc “Năng ở lại trong tình yêu của Người”  (x. Ga 15,9b).:  Đức Giêsu chỉ vui khi chúng ta năng nhớ đến Người. Chúng ta nên năng dâng lên Người những lời nguyện tắt. Chẳng hạn: “Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu, xin dạy con yêu mến Chúa. Xin gia tăng lòng mến cho con để con năng đến gặp Chúa trước Nhà Tạm, dự lễ rước lễ mỗi ngày hầu được kết hiệp mật thiết với Chúa và được yêu thương hiệp nhất với nhau”. Hoặc: “Lạy Chúa Giêsu. Con xin làm việc … này để biểu lộ lòng con yêu mến Chúa. Xin thương cho một người lương sớm tin yêu Chúa – Xin thương cho một người đang lạc xa Chúa được sớm trỏ về với Chúa”.

-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc yêu thương phục vụ nhau: Hãy tập nhìn thấy Chúa Giêsu đang hiện thân nơi người bên cạnh, nhất là nơi những người nghèo khó bệnh tật hoặc bị bỏ rơi, để đến thăm viếng và khiêm nhường phục vụ họ như phục vụ chính Chúa, như Người dạy: “Người ta cứ dấu này mà nhận biết anh em là môn đệ Thầy, là anh em yêu thương nhau”.

-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc cầu nguyện cho các tội nhân: Quan tâm thăm viếng những gia đình rối vợ rối chồng, để đưa họ sớm trở về đàn chiên Hội thánh, noi gương Đức Giêsu xưa đã ngồi đồng bàn ăn với những người thu thuế tội lỗi… để gây thiện cảm với họ và giúp họ trở thành nhưng người lương thiện, như tông đồ Mátthêu, bà Maria Mađalena, ông Giakêu, kẻ trộm lành trên thập giá…

-Đáp lại tình yêu của Chúa bằng việc truyền giáo, đưa nhiều anh em lương dân về với Chúa:  Thượng Hội Đồng Giám mục Á châu họp tại Rôma gần đây đã cho biết: Dân số Á châu hiện đã trên ba tỷ năm trăm triệu người. Thế mà mới chỉ có một trăm mười triệu là người tín hữu Kitô. Còn tới ba tỷ bốn trăm triệu người châu Á đang ở ngoài đoàn chiên Hội thánh. Đó là chưa kể đến biết bao tín hữu tuy đã chịu phép rửa tội, nhưng không hành đạo, lười biếng làm việc lành như không đọc kinh dự lễ hoặc phạm phải những tội ác lớn lao khác… Những người này chính là những con chiên lạc cần phải được mọi người chúng ta quan tâm tìm kiếm, cầu nguyện và giúp họ sớm nhận biết tin yêu Chúa để được hưởng ơn cứu độ sau này với chúng ta.

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY THÁNH TÂM CHÚA GIÊSU. Chúng con xin cảm tạ Chúa đã sẵn sàng hy sinh chịu chết để cứu chuộc chúng con, và đã mở trái tim ra để ban cho chúng con được muôn vàn ơn phúc, nhất là ơn được làm con cái Chúa.

– LẠY CHÚA GIÊSU MỤC TỬ NHÂN LÀNH. Chúa luôn dẫn dắt chúng con từng ngày, luôn tha thứ những lỗi lầm của chúng con. Chúa cũng sẵn sàng đến ở với chúng con qua bí tích Thánh Thể. Xin cho chúng con nhận biết tình thương của Chúa, để luôn sống tin yêu phó thác và cậy trông vào Chúa. Xin cho chúng con biết thể hiện lòng yêu mến Chúa bằng những việc bác ái cụ thể phục vụ tha nhân, nhất là quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người nghèo đói bệnh tật và khiêm nhương phục vụ họ là hiện thân của Chúa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A. -Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Về mục lục

.