Các bài suy niệm Lễ Thánh Thánh PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ Tông đồ (29/6)

1145

Mục lục

1. Phêrô và Phaolô: Hai vị thánh của tinh thần hiệp nhất (Cố Gm. Giuse Vũ Duy Thống)

2. “St” nghĩa là sự thánh thiện  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Phêrô và Phaolô, hai tên gọi một lý tưởng (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

4. Cột trụ Giáo hội (Trầm Thiên Thu)

5. Đá tảng đức tin của Phê-rô  (Lm. Đan Vinh)

6. Gà gáy và ngã ngựa  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Anh là tảng đá  (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)



PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ:

HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân : Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

Có lần đến mừng bổn mạng một vị Linh mục trọng tuổi. Ngài nói đùa rằng : “Tội nghiệp hai Thánh Phêrô và Phaolô quá ! Những ông thánh bà thánh khác nhỏ hơn, thế mà lại được đứng tên một mình độc lập tự do hạnh phúc trong một ngày lễ. Đàng này Phêrô và Phaolô tiếng là hai thánh lớn của cả Giáo hội, thế mà lại phải chen vai đứng chung với nhau chặt chội trong một ngày lễ, dẫu đó là ngày lễ lớn. Ngài cười và phát biểu tiếp : Thà làm lớn trong một ngày lễ nhỏ còn hơn là Phêrô và Phaolô lại chịu làm nhỏ trong một ngày lễ lớn”.

Dĩ nhiên linh mục ấy chỉ nói đùa thôi. Nhưng trong cái tưởng như đùa cợt mua vui giữa các linh mục với nhau biết đâu lại chẳng ẩn chứa một chút nghiêm túc, một thoáng lắng sâu gợi mở cho suy tư về ngày lễ, để rồi khi nhìn vào chân dung của Phêrô và Phaolô bỗng chợt nhận ra dụng ý của Giáo hội; mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô chung trong cùng một lễ là muốn nói lên tinh thần hiệp nhất, một tinh thần đã làm nên sự sống và mãi còn là sức sống của Giáo hội.

  1. Phêrô và Phaolô : hai vị thánh có nhiều khác biệt

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân : Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria. Tác phong ngài bình dân, tính tình ngài bộc trực, có sao nói vậy, thậm chí đến độ thô thiển mộc mạc. Mặc dù có bề dày kinh nghiệm tuổi tác và ngành nghề, nhưng kiến thức về đời sống của ngài có chăng cũng không lớn hơn diện tích biển hồ. Còn Phaolô, ngược lại, là con nhà trí thức được ăn học đàng hoàng, đã từng có dịp đi lại đó đây. Kiến thức rộng, gốc gác Biệt phái nhiệt thành với truyền thống cha ông, đầy năng lực, tuổi trẻ tài cao và cũng không thiếu tham vọng cho tương lai, nên Phaolô mới nổi máu anh hùng “vấy máu ăn phần” trong việc bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu.

Về ơn gọi theo Chúa Giêsu : Phêrô thuộc hệ chính quy, là một trong những tên tuổi mau mắn đáp lời theo Chúa Giêsu từ những ngày đầu sứ vụ công khai của Người. Nhanh nhẩu, mau mắn, hăng hái, ông thường thay mặt cho anh em để lên tiếng phát biểu. Được đặt làm đầu Nhóm Mười Hai đặc tuyển tức là Thủ quân đội tuyển Tông đồ với một bề dầy thành tích đáng gờm. Trong khi đó, Phaolô chỉ là đàn em, đã chẳng được theo trực tiếp Chúa Giêsu lại còn khét tiếng phản động đến nỗi trên đường đi Đamas để bố ráp tín hữu, tiếng từ trời đã phải can ngăn “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ “. Nhưng đó cũng là khởi đầu của ơn gọi để Phaolô nghĩ lại sám hối mà đầu quân phục vụ Giáo hội. Chính Phaolô đã có lần thú nhận chẳng giấu giếm chi “Tôi là dân sinh sau đẻ muộn”. Không mặc cảm.

Về truyền giáo : Nếu Tông đồ là kẻ được sai đi truyền giáo, thì tuỳ theo khả năng cá nhân, mỗi người lại phục vụ theo cung cách của mình. Phêrô chủ trương “đánh bắt tại chỗ’, phục vụ Kitô hữu đa phần gốc Do Thái trở lại, nên thiết lập toà Antiôkia để dễ dàng điều hành quy tụ là chuyện bình thường. Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, các tín hữu nhận lấy danh xưng : ‘Kitô hữu’. Còn Phaolô lại theo chủ trương “ đánh bắt ngoài khơi”, ra khơi để truyền giáo với những chuyến hải trình không mệt mỏi. Trẻ trung, khỏe mạnh, học rộng, biết nhiều đã trở thành lợi thế cho ngài hành trình về phía trước Dân ngoại.

Chủ trương khác nhau nên có lúc không tránh hết được những va chạm. Đã có to tiếng về vấn đề cắt bì hay không cắt bì cho những người ngoại giáo gia nhập Kitô giáo. Đã có hiểu lầm ấm ức khi đối mặt giữa một bên là cầm cương nẩy mực đạo giáo và một bên là quan tâm đến những nhu cầu mục vụ chính đáng của tín hữu gốc lương tâm. Tuy nhiên khi hiểu ra, hai đấng đã tay bắt mặt mừng trong một tinh thần hiệp nhất lạ lùng !

  1. Phêrô và Phaolô : tượng đài hiệp nhất

Khởi đầu sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, nếu hai vị đã hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng thì cũng hiệp nhất trong cùng một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin trung thành minh chứng.

Cùng chết tại Rôma. Cùng chịu tử đạo dù hình thức khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Cùng trở thành nền đắp xây toà nhà Hội thánh. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công giáo, để rồi hằng năm cứ vào ngày 29 tháng 6 lại cùng được mừng chung trong một ngày lễ. Chừng đó chữ “cùng” cũng đủ đề Phêrô gần gũi Phaolô và để Phaolô đứng chung với Phêrô như hình với bóng. Mình mới ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Mãi mãi Phêrô và Phaolô là tượng đài bất khuất và là bài ca không quên của tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội. Tinh thần ấy hôm nay chỉ ra rằng.

Hiệp nhất không phải là đồng nhất theo kiểu đồng bộ nhất loạt ai cũng phải như ai, giống đồng phục của một hội đoàn hay như trong sản xuất hàng hoá đồng loạt. Nếu máy cùng một đời thì cũng cùng kiều dáng và chất lương như nhau. Hiệp nhất là khởi đi từ những cái khác nhau, những cái dị biệt, để hiểu biết tôn trọng và gắn bó hợp tác chung xây. Như thế mới phong phú đa chiều đa diện đa dạng, như những thành phần khác nhau làm nên một tổng hợp duy nhất hài hoà, như những chi thể khác nhau kết nên một thân mình, như những nốt nhạc cung bậc khác nhau làm thành một hoà âm tròn đầy.

Hiệp nhất cũng không phải là cầu toàn mười phân vẹn mười gọt giũa kỹ càng theo một hình mẫu, làm như tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý chí con người mà không cần biết đến những biến số mang tính quyết định khác. Xây dựng một công trình vật thể như nhà cửa phòng ốc không ưng ý, người ta có thể đập bỏ để làm lại một cái mới vừa ý hơn, nhưng xây dựng một công trình phi vật thể nhất là lại liên quan đến yếu tố nhân sự thì không thể một sớm một chiều mà phá huỷ hoặc làm lại được. Nếu “duy ý chí “ đã là một lực cản đáng buồn cho sự tiến bộ, thì ở đây xem ra lại còn đáng buồn và đáng ngại hơn.

Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự dẫn dắt linh động của ơn thánh và chí bền khát khao của mọi thế hệ. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Nhưng đa dạng cũng đi liền với đa đoan. Không thể có hiệp nhất mà không vất vả. Hiệp mà không nhất chỉ là khiên cưỡng ép duyên bất hạnh ngục tù. Nhất mà không hiệp sẽ cứng cỏi lạnh lùng tự đủ thờ ơ. Hiệp để trở nên nhất và nhất mà vẫn luôn cần chất keo tinh thần của hiệp, đó mới là giá trị làm nên nét đẹp Kitô giáo. Nếu trong tình yêu hôn phối, những điều giống nhau là để hiểu nhau, còn những điểm khác nhau mới để yêu nhau, thì trong hiệp nhất Giáo hội cũng vậy, những điều giống nhau là nền tảng gặp gỡ, còn những điểm khác biệt lại là điều kiện tự nhiên để trở thành đa dạng, cho dẫu nhiều khi vì quá chú tâm đến những khác biệt người ta đã phải gạt lệ nhìn nhau xa cách. Hai cực nam châm giống nhau sẽ đẩy nhau, nhưng hai cực khác nhau mới thu hút gắn bó với nhau.

Tóm lại, Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm, nhưng một khi đã được biến đổi bởi niềm tin Phục sinh và nguồn ơn Thánh Thần, hai vị đã trở nên những con người mới, những phần tử hàng đầu xây dựng hiệp thông Giáo hội. Mừng lễ chung hai vị cũng là lúc thể hiện lòng yêu mến và phó thác. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.

Về mục lục

.

“ST” NGHĨA LÀ SỰ THÁNH THIỆN

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Người ta kể rằng: tại một vùng miền quê nước Mỹ, có hai anh em nhà kia vì quá đói khổ, nghèo nàn đã trở thành kẻ  “bần cùng sinh đạo tặc”. Họ rủ nhau đi ăn cắp cừu của nông dân trong vùng. Không may hai anh em bị bắt. Dân trong làng đưa ra một hình phạt là khắc lên trán tội nhân hai mẫu tự “ST”, có nghĩa là quân trộm cắp (viết tắt từ chữ stealer).

Không chịu nổi sự nhục nhã này, người anh đã trốn sang một vùng khác sinh sống để mong chôn chặt dĩ vãng. Thế nhưng, anh chẳng bao giờ quên được nỗi nhục nhã mỗi khi ai đó hỏi anh về ý nghĩa hai chữ “ST” đáng nguyền rủa này.

Còn người em, anh tự nói với bản thân mình: “Tôi cần phải lấy lại lòng tin của những người xung quanh và của chính tôi”. Thế là anh tiếp tục ở lại xứ sở của mình. Chẳng mấy chốc anh đã xây dựng cho mình một sự nghiệp cũng như tiếng thơm là một người nhân hậu. Anh sẵn sàng giúp đỡ người khác với tất cả những gì mình có thể. Anh lao động bằng đôi tay của mình. Anh dành một phần hoa lợi để giúp đỡ người nghèo. Anh sống chan hoà tình yêu thương với mọi cư dân trong vùng. Tuy nhiên, cho dẫu thời gian có qua đi, hai mẫu tự “ST” vẫn còn in dấu trên vầng trán anh. Nhưng chẳng mấy ai để ý đến ý nghĩa hai chữ ST trên vầng trán của anh.

Ngày kia, có một người lạ mặt hỏi một cụ già trong làng về ý nghĩa hai mẫu tự này. Cụ già suy nghĩ một hồi rồi trả lời: “Tôi không biết rõ lai lịch của hai chữ viết tắt ấy, nhưng cứ nhìn vào cuộc sống của anh ta, tôi đoán hai chữ đó có nghĩa là người thánh thiện (Saint)”.

Hôm nay lễ kính thánh Phêrô và Phaolô, các ngài trở thành thánh nhân cao cả là nhờ biết khép lại quá khứ để chỉ lo tìm kiếm ý Chúa và thực thi suốt cuộc đời. Các ngài cũng có một quá khứ lầm lỗi, một quá khứ tưởng chừng như đã làm cho hai ngài suốt đời sống trong ân hận và tủi nhục. Phêrô đã có lần bị Chúa quở là Satan. Lầm lỗi lớn nhất trong cuộc đời ông là ba lần chối Thầy trước mặt người đời. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt những ai mang danh kytô hữu. Chính Phaolô đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Nhưng mẫu số chung của hai ngài chính là biết đứng lên sau những lần vấp ngã và chuộc lại lỗi lầm bằng cuộc sống  làm chứng nhân cho Chúa.

Thực vậy, sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: “Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vấn hay sao?”. Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya đã giúp lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy con đã chối Thầy ba lần”. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, một cái gì đó đã chết trong ông. Vâng, đã chết rồi, niềm tự hào, tự tin quá mức.  Ông chỉ là cát bụi, ông biết mình chỉ là cát bụi, yếu hèn và rất dễ sa ngã. Mới hôm qua ông còn tuyên bố rằng: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ”. Thế mà, miệng gan hùm đã không còn khi đối diện trước nguy nan. Ông đã hèn nhát chối Thầy đến ba lần. Nhưng đêm hôm đó, một biến cố trọng đại đã “đổi mới” tâm hồn Phêrô.  Lòng ăn năn bộc phát và lòng khiêm nhường chân thành đã biến Phêrô thành người thuyền trưởng trên con tàu Giáo hội.

Phaolô, sau lần ngã ngựa đớn đau bởi một luồng sáng chói loà hôm ấy.  Mắt ông không còn thấy gì nữa, ông như kẻ bị mù trong ba ngày. Con mắt thể xác ông bị đóng lại, nhưng con mắt tâm hồn ông lại được mở ra. Ông đã thấy Giêsu, người mà ông tưởng đã chết, thế mà, Người đã Sống lại thật, lên trời ngự bên hữu Chúa Cha. Người đang nói với ông: “Ta là Giêsu mà ngươi đang tìm giết”. Bao lâu nay ông không tin có sự sống lại. Ông đang hăm hở tiêu diệt những ai loan báo về sự sống lại của một tử tội Giêsu. Giờ đây, ông đã tin. Sự sống của Chúa Phục sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Và kể từ nay, ông đã trở thành một tông đồ ra đi đổi mới cả thế giới.

Cuộc đời của mỗi người chúng ta đôi khi cũng có những yếu đuối, có những vấp té bởi cạm bẫy của tham sân si. Vì thế, có ai đó đã từng nói rằng: “lầm lỗi là của con người”, nhưng đứng lên làm lại cuộc đời đó là của “thánh nhân”. Thánh Phêrô và thánh Phaolô đã nhìn quá khứ như một hồng ân của Thiên Chúa dành cho các ngài. Chúa không trách phạt các ngài mà còn tin tưởng trao phó sứ mạng mở mang nước Chúa đến tận cùng trái đất. Với ơn trời cao cả đó, thánh Phaolô đã từng thốt lên : “Khốn cho tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng”. Còn thánh Phêrô thì không còn sợ cường quyền ức hiệp, ngài đã mạnh dạn nói rằng: “phải nghe lời Thiên Chúa hơn là lời của con người”. Và hôm nay, Chúa vẫn không trách phạt chúng ta theo như chúng ta đáng tội, Ngài vẫn khoan dung tha thứ và hằng mời gọi chúng ta hãy làm lại cuộc đời, hãy dùng ơn Chúa để hoàn thiện mình và nhất là hãy nói về tình yêu Chúa cho anh em, cho bạn bè, cho mọi người mà chúng ta gặp gỡ thân quen.

Nhìn lại cuộc đời của hai thánh Phê-rô và Phao-lô giúp chúng ta biết can đảm đứng dậy sau những lần vấp ngã, và nhất là biết noi gương các ngài trở thành chứng nhân cho tình yêu Chúa giữa thế gian. Amen.

Về mục lục

 

.

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ, HAI TÊN GỌI MỘT LÝ TƯỞNG

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Mừng lễ trọng hai Thánh Tông đồ Phêrô và Phaolô là dịp chúng ta suy ngắm hai khuôn mặt trỗi vượt và quan trọng này trong đạo chúng ta.

Mỗi vị đều có hai danh xưng khác nhau, đó là Simon – Phêrô; Saolô – Phaolô. Nếu tên gọi Simon và Saolô nói lên con người cũ, con người chưa được biến đổi, thì Phêrô và Phaolô là con người mới, con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô.

Từ Simon đến Phêrô

Trước khi gặp Chúa Giêsu, chưa theo Chúa, Phêrô được gọi là Simon, con Ông Giona, là một ngư phủ lành nghề nhưng quê mùa, chất phác và bộc trực. Ông đã có gia đình, có vợ con đề huề.

Trong Tin Mừng, Phêrô thể hiện rất rõ cá tính của mình: một Simon yếu đuối, nhẹ dạ, nhất thời, bồng bột và dễ thay đổi, phản bội trong những lúc gặp khó khăn thử thách. Nhưng trong ông, cũng có một Phêrô khiêm tốn, chất phác và rất hăng hái, biết sám hối và nhận lỗi của mình; một Phêrô mạnh mẽ và vững vàng trong đức tin, lòng mến, cũng như trong sứ vụ: “Lạy Thầy, bỏ Thầy con biết theo ai”; “Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa Hằng Sống” (Mt 16,16).

Sau khi gặp Chúa Giêsu, được Chúa mời gọi, ông đã từ bỏ tất cả để theo Chúa. Chúa đặt cho ông một danh xưng mới: đó là “Phêrô, nghĩa là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây hội thánh của Thầy” (Mt 16,18). Với danh xưng này, Phêrô trở thành Tông Đồ của Chúa, và được chọn làm thủ lãnh của nhóm 12. Phêrô đã sống và gắn bó với Chúa Giêsu trong suốt 3 năm trên mọi nẻo đường rao giảng. Sau khi Chúa về trời, Phêrô cùng với các Tông Đồ đi khắp nơi rao giảng Tin Mừng. Phêrô đã đến giảng đạo tại Rôma, rồi bị bắt và bị đóng đinh trên đồi Gianicolo. Theo truyền thống kể lại, khi nghe tin sẽ bị bắt, Phêrô hoảng sợ tìm đường trốn khỏi Rôma để về quê. Trên đường đi, ngài đã gặp Chúa Giêsu đang vác thánh giá vào thành Rôma, Phêrô hỏi Chúa: “Quo vadis – Thầy đi đâu?” Chúa Giêsu trả lời: “Thầy vào Thành Rôma để chịu tử nạn lần thứ hai”. Hiểu ra ý Chúa nên Phêrô đã trở lại với đoàn chiên của ngài và chấp nhận án tử hình trên thập giá. Đang khi chịu đóng đinh, Phêrô xin lính Lamã đóng đinh đầu ngược, vì nghĩ rằng mình không xứng đáng được đóng đinh giống như Chúa Giêsu.

Một điều rất rõ mà chúng ta thấy trong cuộc đời của thánh Phêrô là khi nào ông càng cậy dựa vào sức mình, vào khả năng mình thì Phêrô càng thất bại và tỏ ra yếu đuối. Nhưng khi nào Phêrô càng bám lấy Chúa, tin vào Chúa, Phêrô càng thành công, càng trở nên vững vàng và rất cao cả!

Từ Saolô đến Phaolô

Cũng thế, nơi Thánh Phaolô, có một Saolô trước khi gặp Đấng Phục Sinh, Saolô ấy không phải là một chàng trai ăn chơi lêu lổng, nhưng là một người nhiệt thành với truyền thống đạo Do Thái. Là con của một gia đình khá giả, Saolô được học hành chu đáo. Vì lòng trung thành với truyền thống cha ông, Saolô hăng hái đi bắt bớ các kitô hữu đầu tiên vốn thuộc về một tôn giáo mới đang đe dọa sự tồn tại của đạo Dothái.

Cú té ngựa trên đường Đamát đã làm cho Saolô thay đổi hoàn toàn. Saolô gặp Đấng Phục Sinh, và được Ngài đặt cho một tên mới đó là Phaolô, vị Tông Đồ của dân ngoại. Sau cuộc trở lại này, Phaolô hăng say rao giảng Đức Kitô. Ông đã sang Hy lạp và La mã nhiều lần để rao giảng Tin Mừng, rồi chịu tử đạo khi bị chặt đầu vì Tin Mừng ở ngoài thành Rôma.

Hai tên gọi, một lý tưởng

Hai danh xưng ấy nói lên hai khuôn mặt, hai con người đã được biến đổi bởi Đức Kitô. Hai con người ấy trở thành hai ngôi sao sáng, hai cột trụ chính của Giáo Hội. Cả hai đều có cùng một lý tưởng là Tông Đồ của Đức Kitô. Cả hai đã mang hạt giống Tin mừng sang Châu Âu và đã biến Châu Âu thành một lục địa và là trung tâm của Kitô giáo. Cả hai đã đổ máu đào để làm chứng cho đức tin và tình yêu vào Đức Kitô.

Cũng như Phêrô và Phaolô, những ai gặp Chúa, tìm kiếm Chúa, thì sẽ được Chúa biến đổi. Và những ai được Chúa biến đổi thì một cách tự nhiên, người đó cũng muốn giới thiệu Chúa cho những người khác, muốn là tông đồ của Chúa cho thế giới hôm nay.

Trước những khó khăn và những lối rẽ khác mời mọc, cùng với Phêrô, chúng ta hãy xác tín thêm một lần nữa: “Bỏ Thầy, con biết theo ai”. Cùng với Phaolô, chúng ta tuyên xưng rằng: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Ki-tô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo? Nhưng trong mọi thử thách ấy, chúng ta toàn thắng nhờ Đấng đã yêu mến chúng ta” (Rm 8,35).

Nguyện xin hai thánh Tông Đồ Phêrô và Phaolô cầu bầu cho mỗi người chúng ta trong hành trình bước theo Chúa Kitô và làm chứng cho Ngài!

Về mục lục

 

.

CỘT TRỤ GIÁO HỘI

Trầm Thiên Thu

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai vị được Thiên Chúa đặc cách, và là hai cột trụ vững bền chống đỡ Giáo hội. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao “chìa khóa Nước Trời” với cương vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội, còn Thánh Phaolô được chọn làm Tông đồ của Dân ngoại.

Ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể lý luận để hiểu thấu theo lý lẽ của phàm nhân. Một ngư phủ Simon cương trực, thẳng thắn thật thà, nhưng cũng dứt khoát chối bỏ Thầy mình ngay trong lúc cấp bách nhất, thậm chí có lần còn bị Chúa Giêsu nguyền rủa là Satan (Mt 16:23), nhưng một Phêrô hèn nhát đó đã biến thành một Phêrô can đảm và chịu đóng đinh ngược vì Thầy Giêsu. Một Saolê hung tàn và bạo ngược, quyết tâm giết sạch những ai dám tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thậm chí còn chủ trì trong cuộc sát hại Phó tế Stêphanô (Cv 7:58), nhưng một Saolê độc ác đó đã trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng về Đức Kitô chịu chết và phục sinh.

Ai theo Chúa Giêsu cũng phải chịu nhiều đau khổ, cách này hoặc cách khác, chứ chẳng ai được thảnh thơi an nhàn. Sách Công Vụ cho biết thực tế đó: “Thi kỳ y, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi mt s người trong Hi Thánh. Nhà vua đã cho chém đu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thy vic đó làm va lòng người Do-thái, nhà vua li cho bt c ông Phêrô na. By gi đang là tun l Bánh Không Men. Bt được ri, nhà vua truyn tng ngc và giao cho bn tp lính canh gác, mi tp gm bn người, đnh sau l Vượt Qua s điu ông ra cho dân chúng. Đang khi ông Phêrô b giam gi như thế, Hi Thánh không ngng dâng lên Thiên Chúa li cu nguyn khn thiết cho ông” (Cv 12:1-5).

Sách Công Vụ tường thuật một phép lạ nhãn tiền cứu thoát ông Phêrô: “Trong đêm trước ngày b vua Hêrôđê đem ra x, ông Phêrô ng gia hai người lính và b khoá vào hai cái xing. Trước ca ngc li có lính canh. Bng thiên s ca Chúa đng bên cnh ông, ánh sáng chói rc c phòng giam. Thiên s đp vào cnh sườn ông Phêrô, đánh thc ông và bo ông đi. Xing xích lin tut khi tay ông. Thiên s bo ông tht lưng và x dép. Ông làm như vy. Ri thiên s li bo ông khoác áo choàng vào và đi theo thiên s. Ông lin theo ra mà không biết vic thiên s làm đó có tht hay không, c tưởng là mình thy mt th kiến” (Cv 12:6-9). Chuyện xảy ra ngoạn mục tưởng như chỉ có trong phim ảnh, viễn tưởng, thế nhưng lại là chuyện có thật. Chính ông Phêrô cũng không hề biết mình tỉnh hay mơ kia mà!

Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông Phêrô tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi. Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn: “Bây gi tôi biết thc s là Chúa đã sai thiên s ca Người đến, và Người đã cu tôi thoát khi tay vua Hêrôđê và khi mi điu dân Do-thái mong mun tôi phi chu” (Cv 12:11). Thực tế thật 100% chứ không hề là chiêm bao hoặc mộng ảo. Kỳ diệu quá! Quả thật, “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37).

“Ăn cây nào rào cây nấy”, đó là quy luật tất yếu ở đời. Về phương diện tâm linh cũng vậy thôi. Chúng ta lãnh nhận Ơn Chúa quá nhiều mà có lẽ ít khi biết tạ ơn. Hãy noi gương của tác giả Thánh Vịnh: “Tôi s không ngng chúc tng Chúa, câu hát mng Người chng ngt trên môi. Linh hn tôi hãnh din vì Chúa, xin các bn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.4 Hãy cùng tôi ngi khen Đc Chúa, ta đng thanh tán tng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp li, gii thoát cho khi mi ni kinh hoàng” (Tv 34:2-5).

Thiên Chúa là Đấng đại lượng, giàu lòng thương xót, không làm ngơ những người tin yêu Ngài: “Ai nhìn lên Chúa s vui tươi hn h, không bao gi b mt h ngươi. K nghèo này kêu lên và Chúa đã nhn li, cu cho khi mi cơn nguy khn. S thn ca Chúa đóng tri chung quanh đ gii thoát nhng ai kính s Người” (Tv 34:6-8). Với kinh nghiệm sống tâm linh, tác giả Thánh Vịnh chia sẻ và mời gọi: “Hãy nghim xem Chúa tt lành biết my: hnh phúc thay k n náu bên Người!” (Tv 34:9).

Nhờ kinh nghiệm cú ngã ngựa, kinh nghiệm độc nhất vô nhị, và đó cũng là phép lạ nhãn tiền, Thánh Phaolô trở nên trưởng thành tâm linh nên chân thành chia sẻ tâm sự: “Tôi sp phi đ máu ra làm l tế, đã đến gi tôi phi ra đi. Tôi đã đu trong cuc thi đu cao đp, đã chy hết chng đường, đã gi vng nim tin. Gi đây tôi ch còn đi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là v Thm Phán chí công s trao phn thưởng đó cho tôi trong Ngày y, và không phi ch cho tôi, nhưng còn cho tt c nhng ai hết tình mong đi Người xut hin” (2 Tm 4:6-8). Ước gì chúng ta cũng có thể xác định được như Thánh Phaolô, nhất là khi sắp rời cõi đời này!

Thánh nhân nói được như vậy vì luôn hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa: “Nhưng có Chúa đng bên cnh, Người đã ban sc mnh cho tôi, đ nh tôi mà vic rao ging được hoàn thành, và tt c các dân ngoi được nghe biết Tin Mng. Và tôi đã thoát khi nanh vut sư t. Chúa s còn cho tôi thoát khi mi hành vi him đc, s cu và đưa tôi vào vương quc ca Người trên tri. Chúc tng Người vinh hin đến muôn thu muôn đi. Amen” (2 Tm 4:17-18). Các thư của Thánh Phaolô là kho tàng về đời sống tâm linh, chúng ta có thể thấy mọi trường hợp mà hằng ngày chúng ta vẫn gặp. Thánh Phaolô giỏi về kiến thức đời thường và giỏi cả kiến thức tâm linh nữa, đồng thời cũng như một tâm lý gia vậy.

Cuộc đời là một cuộc chiến không ngừng. Chính Thánh Phaolô cũng đã than phiền về tính vô định của mình: “Điu tôi mun thì tôi li không làm, điu tôi không mun thì tôi li làm” (Rm 7:19). Chán thật! Nhưng con người là thế, do đó mà phải nỗ lực từ bỏ chính mình để có thể vác thập giá bước theo Đức Giêsu Kitô. Vấn đề là có muốn hay không, chứ vác thập giá “oải” lắm, hiếm khi ngon trớn, thường thì kéo lê, lúc thì ngã quỵ,… Mệt lắm! Chúa biết lắm, vì Ngài thấu suốt mọi sự (1 Ga 3:20). Thiên Chúa toàn năng luôn quan phòng và tiền định mọi thứ, ngay cả từng sợi tóc trên đầu mỗi người chúng ta cũng đã được Ngài đếm cả rồi (Mt 10:30).

Hai lão tướng Phêrô và Phaolô đã biến đổi nhờ đau khổ. Thật vậy, chính đau khổ mới làm cho người ta thành nhân, cả đời thường và tâm linh. Đau khổ có giá trị kỳ diệu, thế nên chính Đức Kitô đã chịu đau khổ tới tột cùng để làm gương cho chúng ta. Ngài đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, ngài chết để chúng ta được sống. Để có thể chịu đau khổ, người ta phải có niềm tin lớn mạnh. CHính đức tin là “siêu vũ khí” để chúng ta ngoan cường chiến đấu: “Điu làm cho chúng ta thng được thế gian là lòng tin ca chúng ta” (1 Ga 5:4).

Trình thuật Mt 16:13-19 nói về việc tuyên tín của Thánh Phêrô. Chúa Giêsu muốn xác định đức tin của ông để giao đại sự. Không chỉ vậy, Ngài còn đòi hỏi tình yêu chân thành của ông nên đã ba lần hỏi ông có yêu mến Ngài hay không (x. Ga 21:15-19). TIN và YÊU là hai “luật buộc” để làm “cột trụ” trong đời sống tâm linh của mỗi Kitô hữu.

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?”. Ngài hỏi cho vui thôi, chứ Ngài thừa biết tất cả. Vả lại, Ngài hỏi là để chúng ta tự xác định niềm tin của chính mình. Nghe Sư Phụ hỏi, các ông thưa: “K thì nói là ông Gioan Ty Gi, k thì bo là ông Ê-li-a, có người li cho là ông Giêrêmia hay mt trong các v ngôn s.

Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bo Thy là ai?”. Vốn tính cương trực, ông Simon Phêrô thưa ngày: “Thy là Đng Kitô, Con Thiên Chúa hng sng”. Ngài nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh tht là người có phúc, vì không phi phàm nhân mc khi cho anh điu y, nhưng là Cha ca Thy, Đng ng trên tri”. Rồi Ngài nói với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tng Đá, trên tng đá này, Thy s xây Hi Thánh ca Thy, và quyn lc t thn s không thng ni. Thy s trao cho anh chìa khoá Nước Tri: dưới đt, anh cm buc điu gì, trên tri cũng s cm buc như vy; dưới đt, anh tháo ci điu gì, trên tri cũng s tháo ci như vy”. Ngay lúc đó, lúc ông Phêrô “cầm” chìa khóa Nước Trời, là lúc ông trở thành Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội. Đúng là ngư phủ Phêrô diễm phúc thật!

Ly Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết ngoan cường chiến đu bng c đc tin và đc mến, đng b mc chúng con ngã lòng, dù chúng con gp phi ni đau điu kh hng ngày. Ly nh v thánh nhân Phêrô và Phaolô, xin nguyn giúp cu thay và đng hành vi chúng con trong cuc chiến trn gian này. Chúng con cu xin nhân danh Thánh T Giêsu, Đng cu đ chúng con. Amen.

Về mục lục

 


ĐÁ TẢNG ĐỨC TIN CỦA PHÊ-RÔ

Lm. Đan Vinh – HHTM

I/ HỌC LỜI CHÚA

1- TIN MỪNG

(13) Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, Người hỏi các môn đệ rằng: “Người ta nói Con Người là ai?” (14) Các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gio-an Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giê-rê-mi-a hay một trong các vị ngôn sứ”. (15) Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai ?” (16) Ông Si-mon Phê-rô thưa: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”. (17) Đức Giêsu nói với ông: “Này anh Si-mon con ông Giô-na, Anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều đó, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. (18) Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá. Trên Tảng Đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy. Và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. (19) Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”.

2- Ý CHÍNH

Sau khi Si-mon đại diện cho Nhóm Mười Hai khẳng định Đức Giêsu là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống, ông đã được Người khen là có phúc, được đổi tên thành Phê-rô và được hứa xây Hội Thánh trên nền tảng đức tin mà ông vừa tuyên xưng, tiên báo Hội Thánh ấy sẽ trường tồn, bất chấp ma quỷ chống phá. Sau cùng Người cũng trao cho ông chìa khóa Nước Trời với quyền cầm buộc và tháo cởi.

3- HỎI ĐÁP VÀ CHÚ THÍCH

HỎI 1: Khi thay mặt anh em tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, phải chăng ông Si-mon có ý nói về bản tính Thiên Chúa của Người ?

ĐÁP:

Có lẽ khi tuyên xưng Đức Giêsu là “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô vẫn chưa hiểu rõ ý nghĩa của tước hiệu ông nói. Ông chỉ muốn giải thích ý nghĩa của tước hiệu Đấng Ki-tô, theo lời ngôn sứ Na-than tuyên sấm về người con sẽ nối nghiệp vua Đa-vít như sau: “Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên, kế vị ngươi một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền nó được vững bền. Chính nó sẽ xây một nhà để tôn kính Danh Ta, và Ta sẽ làm cho ngai vàng của nó vững bền mãi mãi. Đối với nó, Ta sẽ là Cha. Đối với Ta, nó sẽ là con” (2 Sm 7,12-14). Lời ấy đã không ứng nghiệm nơi vua Sa-lô-mon. Từ đó, dân Do thái hằng trông mong Đấng Thiên Sai thuộc dòng dõi vua Đa-vít sẽ đến. Về sau, trong cuộc khải hoàn vào thành Giê-ru-sa-lem, Đức Giêsu cũng được dân chúng ca tụng bằng tước hiệu “Con Vua Đa-vít” này (x. Mt 21,9). Khi tuyên xưng Đức Giêsu với tước hiệu “Con Thiên Chúa hằng sống”, Phê-rô chưa hiểu ý nghĩa lời ông nói. Sau đó, Đức Giêsu đã cho biết ý nghĩa của tước hiệu này chỉ về bản tính Thiên Chúa của Người, khi khen ông có phúc vì đã được Chúa Cha thương mặc khải sự thật ấy (x Mt 16,17).

HỎI 2: Tại sao Đức Giêsu đổi tên Si-mon thành Phê-rô ? Việc đổi tên chính xác xảy ra vào lúc nào: Khi vừa gặp mặt (x Ga 1,42), khi thành lập Nhóm Mười Hai (x Mc 3,16; Lc 6,14) hay sau khi Phê-rô tuyên xưng đức tin (x Mt 16,18) ?

ĐÁP:

Có thể Đức Giêsu đã đặt tên Phê-rô cho Si-mon khi vừa gặp mặt (x. Ga 1,42), hay khi thành lập Nhóm Mười Hai (x. Mc 3,16; Lc 6,14). Tuy nhiên có lẽ việc đổi tên xảy ra sau lời tuyên xưng đức tin của Si-mon là hợp lý nhất (x. Mt 16,18), vì sau khi đổi tên, Đức Giêsu đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của ông trong Hội Thánh: Đức tin của Phê-rô vào Đức Giêsu chính là tảng đá vững chắc mà trên đó Chúa xây dựng Hội Thánh. Ngoài ra Đức Giêsu còn trao tối thượng quyền để cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Ngưới cũng cho Phê-rô đứng đầu Nhóm Mười Hai (x Mt 10,2), và hứa sẽ cầu nguyện để ông kiên vững đức tin, hầu củng cố đức tin cho các anh em (x. Lc 22,32). Cuối cùng, Chúa còn trao quyền chăn dắt đoàn chiên Hội Thánh cho ông (x.Ga 21,15-17).

HỎI 3: Một số người cho rằng: Si-mon Phê-rô là một người đầy khuyết điểm và đã từng phạm tội chối Thầy ba lần, thì làm sao xứng đáng lãnh đạo Hội Thánh và thi hành quyền cầm buộc và tháo cởi được?

ĐÁP:

Từ ngày được Đức Giêsu gọi đi theo làm môn đệ, Si-mon đã phạm nhiều sai lầm. Chẳng hạn: Ông bị Thầy quở trách vì đã suy nghĩ theo kiểu khôn ngoan của loài người (x. Mt 16,23); Bị trách là kẻ hèn tin khi đang đi trên mặt nước (x. Mt 14,31); Bị Thầy đe không cho dự phần với Thầy, vì đã từ chối khi được Thầy rửa chân (x. Ga 13,8-10); Nhất la quá tự tin vào sức riêng nên đã hèn nhát chối Thầy ba lần, dù đã được Thầy cảnh báo trước (x. Mc 14,30.66-72).

Nhưng Si-mon Phê-rô cũng có những ưu điểm xứng đáng được Đức Giêsu tín nhiệm trao quyền lãnh đạo Hội Thánh. Chẳng hạn: tại thành Xê-da-rê Phi-líp-phê, ông đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa hằng sống”, nên đã được đổi tên thành Phê-rô, và được trao quyền tối thượng cầm buộc và tháo cởi (x. Mt 16,18-19). Có lần ông được Đức Giêsu hứa sẽ cầu nguyện cho để luôn kiên vững đức tin, và trao sứ mệnh củng cố đức tin cho anh em (x. Lc 22,32). Phê-rô cũng rất nhiệt tình, thường đại diện anh em trả lời những vấn nạn của Thầy (x. Lc 5,3-10), đại diện Nhóm 12 tuyên xưng đức tin vào lời Chúa dạy về Bánh Thánh Thể, đang khi nhiều môn đệ khác chán nản rút lui (x. Ga 6,68). Nhờ kiên vững đức tin, nên ông đã được Đức Giêsu đặt đứng đầu Nhóm Mười Hai (x. Mt 10,2), được đi trên mặt nước (x Mt 14,28-32), trở thành một trong ba môn đệ thân tín nhất được chứng kiến cuộc hiển dung của Người (x. Mt 17,1), chứng kiến phép lạ bé gái đã chết được sống lại (x. Mt 5,37), và nhất là chứng kiến giây phút Thầy hấp hối trong vườn Cây Dầu (x. Mt 26,37).

Tuy có lần sa ngã phạm tội, nhưng Phê-rô đã lập tức sám hối (x. Mt 26,69-75). Nhờ yêu Chúa nhiều hơn anh em, nên ông đã được Người tha thứ và còn trao nhiệm vụ lãnh đạo đoàn chiên (x. Ga 21,15-17). Chính lòng yêu mến Đức Giêsu đã thúc bách Phê-rô chạy thi với Gio-an ra mồ và đã sớm tin Thầy sống lại (x. Ga 20,1-9). Phê-rô cũng được Chúa Phục Sinh hiện ra (x. Lc 24,34), được cùng anh em lãnh nhận ơn Thánh Thần và đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi (x. Cv 2,14-36), chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 9,33-35.40-41), chủ tọa công nghị Giê-ru-sa-lem năm 49 (x. Cv 15,5-29). Cuối cùng ông đã can đảm trở lại thành Rô-ma để sẵn sàng bị bắt và chịu khổ hình thập giá dưới thời hoàng đế Nê-rô (năm 64-67). Cái chết của Phê-rô chứng tỏ lòng mến Chúa, và nêu gương đức tin vững chắc như đá tảng, để các tín hữu chúng ta noi theo.

II/ SỐNG LỜI CHÚA

1- LỜI CHÚA: “Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: Anh là Phê-rô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời. Dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy. Dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16,18-19).

2- CÂU CHUYỆN: PHẢI LÀM GÌ ĐỂ NÊN GIỐNG CHÚA GIÊSU ?

Ngày xưa, một vị vua nước Hy Lạp tổ chức một cuộc thi làm tượng ảnh nghệ thuật: các nghệ nhân sẽ tạc tượng hoặc làm tranh tượng chân dung của nhà vua. Vua hứa sẽ ban thưởng lớn cho những tác phẩm nào giống ngài nhất. Nghe thông báo, các nghệ nhân từ khắp các nước đã ùn ùn đến Hy Lạp để xin ứng thí. Nghệ nhân Ấn-độ thì mang theo dụng cụ để chạm trổ đồ kim hoàn vàng bạc và các loại ngọc trai quý giá. Nghệ nhân Ai Cập thì mang theo đồ nghề đục đẽo đá quý và một khối đá cẩm thạch rất đẹp. Ai cũng quyết tâm giành giải thưởng. Riêng nghệ nhân nước chủ nhà Hy Lạp chỉ đến ứng thí với bộ đồ gọt dũa đánh bóng đơn giản.

Mỗi đoàn dự thi được ban tổ chức bố trí ăn ở và làm việc tại một phòng trong khu vực hoàng cung. Tới ngày thi, nhà vua ra lệnh mỗi đoàn phải hoàn thành tác phẩm trong thời hạn một tuần lễ. Thế là các nghệ nhân vội vàng bắt tay vào việc. Họ đục đẽo, chà sát, đánh bóng để khắc họa chân dung của nhà vua Hy Lạp cho giống như người thật. Khi một tuần trôi qua, nhà vua truyền đem các tác phẩm đến trưng bày tại đại sảnh trong hoàng cung để nhà vua và bá quan trong triều đến chấm điểm. Khi thấy những tác phẩm dự thi họa lại chân dung của mình do các nghệ nhân Ấn Độ, Ai Cập và nhiều nước khác sáng tác. Nhà vua hết sức hài lòng. Theo ngài thì mỗi bức tượng, tranh tượng phù điêu đều có những đường nét tinh vi sắc sảo, nhìn giống hệt khuôn mặt của ngài. Các tác phẩm ấy được tạc vẽ từ đất nung, từ đá cẩm thạch hay các loại vàng bạc quý kim khác. Cuối cùng khi đến chỗ trưng bày tác phẩm của các nghệ nhân Hy Lạp thì ngài lấy làm ngạc nhiên vì không thấy bất cứ bức tượng hay tranh tượng nào, mà chỉ thấy một phiến đá cẩm thạch trắng, được các nghệ nhân đánh bóng. Nhà vua liền hỏi xem tác phẩm đâu, thì một người đưa ngài đến đứng trước phiến đá và chỉ vào chân dung của ngài hiện ra trong đó. Nhìn thấy hình ảnh trung thực của mình, nhà vua đã hiểu ra và hết sức cảm động. Ngài nhận xét các bức tranh hay tượng khác, dù có giống ngài nhưng chúng không sống động và rõ ràng như hình ảnh được phản chiếu từ chính con người thật của ngài. Nhà vua đã chấm cho tác phẩm của đoàn nghệ thuật Hy Lạp hạng nhất. Còn các tác phẩm khác cũng được xếp hạng và đều có phần thưởng tương xứng với giá trị của chúng. Sau đó, tất cả các tác phẩm đều được trưng bày tại viện bảo tàng quốc gia cho dân chúng tự do chiêm ngưỡng.

3- THẢO LUẬN: Đối với bạn, Đức Giêsu là ai: Là một vị ngôn sứ, nên ta có thể xin Người cầu bầu cùng Chúa cho ta; hay là một thần tượng để ta thán phục; hay chính là Đấng Thiên Sai Con Thiên Chúa, để ta tin và sẵn sàng bỏ mọi sự mà đi theo làm môn đệ Người, sẵn sàng vác thập giá là những đau khổ phải chịu để kết hiệp với Người cứu rỗi tha nhân?

4- SUY NIỆM

Muốn trở nên tông đồ của Chúa Giêsu, các tín hữu trước hết phải sống tình yêu thương noi gương Chúa Giêsu. Tiếp đến hàng ngày phải thanh luyện bản thân, đục đẽo đi những gồ ghề, chà xát các chỗ bị thô nhám, nghĩa là bỏ đi sự gian ác khó tính, tẩy sạch các vết nhơ tội lỗi. Phải làm cho linh hồn mình ngày càng trong sạch và thánh thiện giống như chiếc gương soi. Chính nhờ siêng năng nghe Lời Chúa và rước lễ hàng ngày, nhờ biết xét mình mỗi tối trước khi đi ngủ, nhờ cố gắng noi gương Chúa Giêsu với cái nhìn bao dung nhân từ, ăn nói điềm đạm, thái độ vui vẻ chân thành, giao tiếp thân tình, ứng xử hiền hòa, khiêm tốn phục vụ tha nhân… mà chúng ta hy vọng sẽ dần dần trở thành tấm gương phản chiếu hình ảnh từ bi nhân hậu của Người. Để khi có dịp tiếp xúc với chúng ta, người lương sẽ cảm mến và tin theo Chúa Giêsu, vì họ đã gặp được Người nơi mỗi chúng ta. Đó chính là phương cách làm việc tông đồ hữu hiệu nhất trong thế giới hôm nay.

5- CẦU NGUYỆN

LẠY CHÚA GIÊSU. Chúng con cũng muốn được góp phần xây dựng Hội Thánh. Nhưng để làm được như vậy, chúng con phải có đức tin mạnh mẽ như thánh Phê-rô. Xin Chúa cho chúng con trở thành những viên đá đức tin sống động vững chắc, làm thành nền móng xây nên tòa nhà Hội Thánh. Xin Chúa hãy giúp chúng con tránh những lời nói khó ưa, những hành động vụ lợi ích kỷ, để sống hòa hợp với tha nhân. Xin giúp chúng con loại bỏ những đam mê bất chính và các thói hư tật xấu, loại bỏ tính háo danh, thói ưa châm chọc chỉ trích kẻ khác, những tư tưởng tự mãn và hẹp hòi… Nhờ đó, chúng con có thể trở thành chứng nhân của Chúa. Ngôi nhà Hội Thánh sau hai ngàn năm vẫn còn đang xây dựng dang dở. Xin Chúa giúp mỗi người tín hữu chúng con tích cực góp phần xây dựng để ngôi nhà Hội Thánh sớm được hoàn thành. Xin cho chùng con luôn sống yêu thương hòa thuận để gia đình và Giáo Xứ chúng con trở thành một cộng đoàn yêu thương hiệp nhất và bình an. Nhờ đó nhiều người sẽ nhận biết tin thờ Chúa và sau này cùng được chia sẻ niềm vui ơn cứu độ với chúng con.

X/ HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
Đ/ XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Về mục lục

 

GÀ GÁY VÀ NGÃ NGỰA

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Gà gáy và ngã ngựa là hai sự kiện nổi bật trong cuộc đời hai thánh tông đồ Phêrô và Phaolô.

Tiếng gà gáy để phản tỉnh. Cú ngã ngựa để hết tự mãn. Phêrô và Phaolô, trước khi là thánh, hai vị cũng là người tội lỗi, yếu đuối, chập choạng trên con đường đức tin. Các ngài có một quá khứ lầm lỗi. Phêrô có lần bị Chúa quở là satan; ông đã ba lần chối Thầy. Phaolô đã năm lần bảy lượt đi lùng bắt và giết chết những ai mang danh kitô hữu; ông đã can dự vào việc ném đá Stêphanô, vị tử đạo đầu tiên của Giáo hội. Cả hai đều hăng say năng nổ, muốn dùng sức lực của mình và phương tiện thế gian để bảo vệ Chúa mình tôn thờ, và muốn tiêu diệt những kẻ không theo đạo giống mình. Chúa Giêsu đã cứu cả hai, mỗi người được cứu một cách. Tiếng gà gáy và cú ngã ngựa là hai dấu ấn không phai trên hành trình nên thánh.

  1. Tiếng gà gáy phản tỉnh

Sau khi chối Thầy lần thứ ba, từ trên pháp đình Chúa nhìn xuống Phêrô. Ánh mắt Thầy vẫn trìu mến thân thương như gởi đến ông sứ điệp: Phêrô, sao con lại chối Ta. Ơn nghĩa Thầy trò ba năm gắn bó chẳng lẽ không còn một chút vương vấn hay sao? Lại thêm tiếng gà gáy đêm khuya, nhắc nhở lương tâm ông tỉnh ngộ và nhớ lại lời Thầy đã tiên báo: “trước khi gà gáy, con đã chối Ta ba lần“. Phêrô lầm lũi ra khỏi pháp đình, nước mắt tuôn trào, tâm hồn trĩu nặng, cõi lòng xốn xang, mình chỉ là cát bụi, phận yếu hèn và quá dễ sa ngã! Phêrô thổn thức. Mới hôm nào ông còn tuyên bố: “dù mọi người bỏ Thầy, riêng con thì không bao giờ“. Thế mà, giờ đây ông lại nhát gan khi đối diện nguy nan nên đã chối Thầy đến ba lần. Và đêm hôm ấy, tiếng gà gáy đã thức tỉnh tâm hồn Phêrô. Xuất thân là ngư phủ với bản tính chất phác, chân thật, có sao nói vậy, nên khi lầm lỗi ngài chân thành sám hối và òa khóc như một đứa trẻ. Đó là hành trình của phàm nhân, những con người luôn mỏng dòn và yếu đuối, nhưng luôn được Thiên Chúa hải hà thương xót, thứ tha và thánh hóa. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Tuy nhiên, thánh Phêrô có nhiều đức tính đáng nể phục. Chính những đức tính sáng chói này sẽ làm lu mờ đi những cái tầm thường nơi con người của ngài. Nhờ đó, ngài đã xứng đáng với sự tín nhiệm của Chúa. Thánh Phêrô có lòng quảng đại. Khi được Chúa gọi, ông nhanh nhẹn bỏ tất cả mọi sự rồi theo Chúa. Thánh Phêrô có một đức tin chân thành và lòng gắn bó keo sơn với Chúa: “Lạy thầy, bỏ Thầy chúng con biết theo ai vì Thầy có lời ban sự sống đời đời”. Đức tính đáng cảm phục nhất chính là lòng khiêm nhường. Đó là nhân đức nền tảng của mọi nhân đức. Khiêm nhường là mẹ các nhân đức. Rõ ràng, trong trái tim Phêrô lúc nào cũng yêu Chúa. Ngay cả khi Chúa bảo Phêrô là satan thì ngài cũng không giận Chúa. Chỉ vì sự sợ hãi yếu đuối mà chối Thầy, chứ trong tâm hồn lúc nào Phêrô cũng yêu mến Chúa. Không phải Phêrô yếu đuối vấp ngã mà Chúa bỏ rơi, chính tình yêu chân thành trong tâm hồn Phêrô mà Chúa đã yêu thương chọn làm Tảng Đá.

  1. Cú ngã ngựa để hết tự mãn

Saolô ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái-Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Là biệt phái nhiệt thành nên Saolô đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Stêphanô và trên đường Đamat truy lùng các Kitô hữu. Oai phong trên yên ngựa đang phi nước đại, thình lình, một luồng ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông, Saolô té nhào từ yên ngựa. Nằm sóng soài dưới chân ngựa, Saolô nghe được tiếng gọi trong luồng ánh sáng phát ra từ trời: “Saolô, Saolô, sao ngươi bắt bớ Ta?”  Saolô hỏi lại: “Thưa Ngài, Ngài là ai?” Tiếng từ trời đáp: “Ta là Giêsu Nadarét mà ngươi đang bắt bớ”. Không thể tin vào chính mình nữa, không ngờ ông Giêsu Nadarét, người đã bị đóng đinh vào thập giá như một tên tội phạm, lại chính là Thiên Chúa quyền năng đã quật ngã mình và đã tự đồng hóa với những Kitô hữu mà mình đang lùng bắt. Dưới ánh sáng của Đấng Phục Sinh, đôi mắt của Saolô bị mù loà, nhờ đó ngài biết rằng trước đây mình thật là mù quáng. Nhưng sau đó, qua trung gian của Khanania, đại diện của Giáo Hội, ngài đã được sáng mắt về phần xác và cả phần hồn để nhìn thấy con đường mình được mời gọi bước vào.

Hoàn toàn phó thác, ngài đã thưa với tất cả tâm tình phục thiện : “Lạy Chúa, Chúa muốn con làm gì?”. Con đường đức tin của Saolô đã hoàn toàn thay đổi kể từ lần gặp gỡ hi hữu ngoài sức tưởng tượng ấy. Sự sống của Chúa Phục Sinh đã làm thay đổi cuộc đời của ông. Được ơn trở lại từ cú ngã ngựa nhớ đời, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Khi đã biết Chúa Kitô thì “những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức Kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu” (Pl 3,7-9). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô. Ngài trở thành một Tông đồ dân ngoại kiệt xuất, thành lập nhiều Giáo đoàn, mở mang phát triển Hội Thánh cách quang minh chính đại, khiến bản thân phải ra toà, tù tội, vất vả trăm đường. Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2Cor 12,9).Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy “Chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt” (2Cor 4,8-9).Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”(1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “Tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”(Gal 2,20).Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ vụ. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ,đói khát,trần truồng,nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta “ (Rm 8,35-39).

  1. Là người tội lỗi được Chúa nhìn đến.

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đưa hai ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha.Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Chúa đã dùng hai sự kiện gà gáy và ngã ngựa để thanh tẩy các ngài.Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nổ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ trở nên nền tảng hiệp nhất. Hai ngài trở thành chói sáng như hai vì sao trong vòm trời Giáo Hội, đáng được các tín hữu chiêm ngắm noi theo. Hai ngài đã biết khiêm tốn, nhận mình là thấp hèn tội lỗi rồi mở tâm hồn ra đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Khi trả lời câu phỏng vấn: “Jorge Bergoglio là ai?”, Đức Thánh cha Phanxicô đáp: “Tôi là người tội lỗi được Chúa nhìn đến”. Và ngài tuyên bố: “Chính tôi là người tội lỗi đây, có gì lạ đâu! Cái lạ là ở chỗ được Chúa nhìn đến, được Chúa xót thương. Và từ đó người ta tìm xem Chúa xót thương ở chỗ nào”.

Xin hai Thánh Tông Đồ giúp chúng con luôn biết tín thác vào tình thương của Chúa. luôn biết tiến bước theo các ngài trên con đường theo Chúa. Amen.

Về mục lục

 

ANH LÀ TẢNG ĐÁ

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.

Suy niệm:

Trong ngày lễ kính thánh Phêrô và thánh Phaolô,
chúng ta được mời gọi chiêm ngắm hai khuôn mặt,
rất khác nhau mà cũng rất giống nhau.
Phêrô, một người đánh cá ít học, đã lập gia đình.
Ông theo Thầy Giêsu ngay từ buổi đầu sứ vụ.
Còn Phaolô là người có nhiều điều để tự hào,
về gia thế, về học thức, về đời sống đạo hạnh.
Ông chưa hề gặp mặt Ðức Giêsu khi Ngài còn sống.

Nhưng hai ông có nhiều nét tương đồng.
Cả hai đều được Ðức Giêsu gọi.
Phêrô được gọi khi ông đang thả lưới bắt cá nuôi vợ con.
Phaolô được gọi khi ông hung hăng tiến vào Ðamát.
Cả hai đã từ bỏ tất cả để theo Ngài.
Tất cả của Phêrô là gia đình và nghề nghiệp.
Tất cả của Phaolô là những gì ông cậy dựa vênh vang.
Bỏ tất cả là chấp nhận bấp bênh, tay trắng.

Cả hai đều đã từng có lần vấp ngã.
Vấp ngã bất ngờ sau khi theo Thầy như Phêrô,
trong một phút giây quá tự tin vào sức mình.
Ngã ngựa bất ngờ và trở nên mù lòa như Phaolô,
trong lúc tưởng mình sáng mắt và đi đúng hướng.
Vấp ngã nào cũng đau và in một dấu không phai.
Vấp ngã bẻ lái đưa con người đi vào hướng mới.

Phêrô và Phaolô đều yêu Ðức Giêsu cách nồng nhiệt,
vì họ cảm nhận sâu xa mình được Ngài yêu.
“Này anh Simon, anh có mến Thầy không?
Thưa Thầy có, Thầy biết con yêu mến Thầy.” (Ga 21,16)
Cả Phaolô cũng yêu Ðấng ông chưa hề chung sống,
vì Ngài là “Con Thiên Chúa,
Ðấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20)
Phaolô đã không ngần ngại khẳng định:
Không gì có thể tách được chúng ta
ra khỏi Tình Yêu của Ðức Kitô (x. Rm 8, 35.39)

Tình yêu Ðức Kitô là linh hồn của đời truyền giáo,
vì nói cho cùng truyền giáo chính là
giúp người khác nhận ra và yêu mến
Ðấng đã yêu tôi và yêu cả nhân loại.
Cả hai vị tông đồ đều hăng say rao giảng,
bất chấp muôn vàn nguy hiểm khổ đau.
Phêrô đã từng chịu đòn vọt ngục tù (x. Cv 5,40)
Còn nỗi đau của Phaolô thì không sao kể xiết (x. 2C 11, 23-28).
“Tôi mang trên mình tôi những thương tích của Ðức Giêsu” (Gl 6, 1-7)

Cả hai vị đã chết như Thầy.
Phêrô bị dẫn đến nơi ông chẳng muốn (x. Ga 21, 18).
Phaolô đã chiến đấu anh dũng cho đến cùng,
và đã đổ máu ra làm lễ tế (x. 2Tm 4, 6).
Hội Thánh hôm nay vẫn cần những Phêrô và Phaolô mới,
dám bỏ, dám theo và dám yêu
dám sống và dám chết cho Ðức Kitô và Tin Mừng.
Hội Thánh vẫn cần những chiếc cột và những tảng đá.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa,
chúng con không hiểu tại sao Chúa chọn Simon,
một người đánh cá ít học và đã lập gia đình,
để làm vị Giáo Hoàng đầu tiên của Giáo Hội.

Chúa xây dựng Giáo Hội
trên một tảng đá mong manh,
để ai nấy ngất ngây trước quyền năng của Chúa.

Hôm nay Chúa cũng gọi chúng con
theo Chúa, sống cho Chúa,
đặt Chúa lên trên mọi sự:
gia đình, sự nghiệp, người yêu.

Chúng con chẳng thể nào từ chối
viện cớ mình kém đức kém tài.

Chúa đưa chúng con đi xa hơn,
đến những nơi bất ngờ,
vì Chúa cần chúng con ở đó.

Xin cho chúng con một chút liều lĩnh của Simon,
bỏ mái nhà êm ấm để lên đường,
hạnh phúc vì biết mình đang đi sau Chúa. Amen.

Về mục lục