SUY NIỆM LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA KITÔ
Lời Chúa: Dnl. 8, 2-3.14b-16a; 1Cr. 10, 16-17; Ga. 6, 51-58
1. Tin nhắn yêu thương (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
2. Tấm bánh tình yêu (-ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
3. Nguồn trường sinh (Trầm Thiên Thu)
4. Lương thực ban sự sống (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí. GP. Xuân Lộc)
5. Thánh Thể và Thánh lễ (Lm. Đaminh Xuân Trường. GP Bắc Ninh)
6. Hy lễ Cứu độ (Lm. Nguyễn Hữu An)
7. Bánh tình thương (Lm. DĐH. Gp. Xuân Lộc)
Có những hình ảnh, những vật đã trở thành biểu tượng của tình yêu. Nó giúp cho người đang yêu bày tỏ tình yêu một cách lãng mạn mà không cần nói bằng lời. Với một trái tim đỏ thắm hoặc hình trái tim bị mũi tên đâm xuyên qua đều là biểu tượng cho tình yêu. Trái tim đỏ thắm nói: tôi xin dâng tặng cả trái tim này! Một trái tim có mũi tên đâm qua như muốn nói: Tôi đã yêu đơn phương! Hai trái tim có mũi tên xuyên qua diễn tả: Chúng mình đã gắn kết với nhau bởi tình yêu!
Hoa hồng cũng là biểu tượng tình yêu. Theo truyền thuyết kể rằng: có một thiếu nữ tên Rodanthe. Nàng đẹp kiều diễm nên rất nhiều chàng trai theo đuổi. Thấy nàng bị dồn ép quá mức, nữ thần săn bắn Diana biến nàng thành một bông hồng rực rỡ và ngát hương, biến những chàng trai yêu cô thành những gai nhọn tua tủa. Một truyền thuyết khác lại cho rằng những bông hoa hồng này sinh ra từ những giọt rượu tiên mà Thần Tình Yêu Cupid đã vô tình đánh rớt xuống mặt đất. Tình yêu đẹp, tình yêu nồng nàn nhưng cũng đầy đau khổ . . .
Bí tích thánh thể cũng là biểu tượng tình yêu mà chính Chúa Giê-su đã thiết lập. Ngài không dùng những hình tượng bên ngoài nên dấu chỉ tình yêu mà Ngài dùng chính Thân Thể Ngài trở thành tình yêu tự hiến cho con người. Thật cụ thể. Thật gần gũi. Qua tấm bánh Chúa ở lại với con người và hiến dâng thân mình nên thần lương nuôi sống cho con người. Thánh Thể Ngài thực sự trở thành một biểu tượng tình yêu tự hiến đến tan biến cho người mình yêu.
Quả thực, không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người tự hiến vì người mình yêu. Tình yêu của Chúa Giê-su không dừng lại ở việc chết cho người mình yêu mà còn hiến ban chính Thánh Thể Ngài nên nguồn sức sống cho con người. Vì yêu con người nên Ngài đã nhỏ những giọt rượu tiên ân phúc xuống cho dương gian. Từ đây “ai ăn và uống máu Ngài thì sẽ có sự sống đời đời”. Từ đây qua bí tích Thánh Thể Ngài sẽ ở cùng con người mọi ngày cho đến tận thế.
Điều tâm huyết mà Chúa muốn nơi chúng ta thực thi đó chính là “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Khi Chúa cầm bánh và rượu dâng lên và trao ban cho các môn đệ Ngài đều tha thiết mời gọi : “hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”. Đó là việc của hiến tế, việc của yêu thương đến trao ban chính máu thịt mình cho anh em. Chúa muốn người môn sinh của Chúa lập lại hằng ngày trên mọi nẻo đường dương gian hành vi của yêu thương và tự hiến cho người mình yêu.
“Hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy” chính là hãy bẻ đời mình ra như tấm bánh đem lại niềm vui, sức sống, hạnh phúc cho tha nhân. Có lẽ ai cũng đã từng nâng niu chiếc bánh. Ai cũng từng vui sướng khi mẹ trao cho tấm bánh. Tấm bánh nào cũng có những giá trị riêng. Tấm bánh nào cũng mang lại niềm vui cho người được nhận vì tấm bánh tự bản thân là tự hiến cho con người. Do đó, cuộc đời người tín hữu cũng được mời gọi hãy là tấm bánh mang lại niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Cuộc đời người tín hữu cũng trở nên tự hiến để yêu thương và phục vụ con người. Không có yêu thương phục vụ thì đời người tín hữu không có giá trị như tấm bánh đã hết date hay đã không còn sử dụng làm của ăn cho con người.
Có lẽ chúng ta còn nhớ tới vụ động đất tại Nhật Bản vào tháng 3 năm 2011 với một câu chuyện thật cảm động về tình mẹ. Chuyện kể rằng: Sau khi động đất qua đi, lực lượng cứu hộ bắt đầu các hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Và khi họ tiếp cận đống đổ nát từ ngôi nhà của một phụ nữ trẻ, họ thấy thi thể của cô qua các vết nứt. Nhưng tư thế của cô có gì đó rất lạ, tựa như một người đang quỳ gối cầu nguyện; cơ thể nghiêng về phía trước, và hai tay cô đang đỡ lấy một vật gì đó. Ngôi nhà sập lên lưng và đầu cô.
Đội trưởng đội cứu hộ đã gặp rất nhiều khó khăn khi anh luồn tay mình qua một khe hẹp trên tường để với tới thi thể nạn nhân. Anh hy vọng rằng, người phụ nữ này có thể vẫn còn sống. Thế nhưng cơ thể lạnh và cứng đờ cho thấy cô đã chết.
Cả đội rời đi và tiếp tục cuộc tìm kiếm ở tòa nhà đổ sập bên cạnh. Không hiểu sao, viên đội trưởng cảm thấy như bị một lực hút kéo trở lại ngôi nhà của người phụ nữ. Một lần nữa, anh quỳ xuống và luồn tay qua khe hẹp để tìm kiếm ở khoảng không nhỏ bên dưới xác chết. Bỗng nhiên, anh hét lên với vẻ đầy ngạc nhiên: “Một đứa bé! Có một đứa bé!”.
Cả đội đã cùng nhau làm việc; họ cẩn thận dỡ bỏ những cái cọc trong đống đổ nát xung quanh người phụ nữ. Có một cậu bé 3 tháng tuổi được bọc trong một chiếc chăn hoa bên dưới thi thể của người mẹ. Rõ ràng, người phụ nữ đã hy sinh để cứu con mình. Khi ngôi nhà sập, cô đã lấy thân mình làm tấm chắn bảo vệ con trai. Cậu bé vẫn đang ngủ một cách yên bình khi đội cứu hộ nhấc em lên.
Bác sĩ đã nhanh chóng kiểm tra sức khỏe của cậu bé. Sau khi mở tấm chăn, ông nhìn thấy một điện thoại di động bên trong. Có một tin nhắn trên màn hình, viết: “Nếu con có thể sống sót, con phải nhớ rằng mẹ rất yêu con”.
Một tin nhắn thật cảm động. Cảm động vì nó nói lên một tình yêu hy sinh cao đẹp mà người mẹ dành cho con. Qua bí tích Thánh Thể Chúa Giê-su cũng để lại cho chúng ta một tin nhắn: “Hãy làm việc này mà nhớ đến Ta”. Chúa Giê-su không chỉ muốn chúng ta hãy nhớ rằng Ngài rất yêu thương chúng ta mà Ngài còn mời gọi chúng ta hãy tiếp tục thi thố tình yêu ấy đến cho anh em.
Ước gì là người ky-tô hữu chúng ta hãy làm cho tình yêu của Chúa được hiện tại hóa qua đời sống yêu thương phục vụ của mình. Ước gì từng lời nói, từng việc làm của chúng ta cũng để lại một tin nhắn cho anh em chính là tin nhắn của tình yêu tự hiến cho anh em. Amen
Mỗi khi chiêm ngắm Thánh Thể Chúa, tôi không ngừng ngỡ ngàng trước tình yêu của Người. Tình yêu ấy vô cùng cao cả nhưng lại rất đỗi đơn sơ. Đơn sơ như hình ảnh tấm bánh.
Tấm bánh, tình yêu gần gũi.
Sao Chúa không hoá thân làm viên kim cương quý giá mà lại làm một tấm bánh? Tấm bánh bình thường, quen thuộc quá. Từ khi kinh tế phát triển, bánh càng ngày càng xuống giá, bớt được quý trọng.
Tuy bình thường, nhưng bánh vẫn là lương thực cần thiết cho con người. Cũng như khí trời, như nước, bánh đi vào sinh hoạt hằng ngày của con người. Bình thường lắm nhưng không có không được.
Chúa trở thành tấm bánh để gần gũi với loài người, để đi vào sinh hoạt đời thường của con người. Con người có thể đến với Chúa dễ dàng, không e ngại, sợ sệt. Chỉ là một tấm bánh vừa tầm tay mọi người. Chỉ là một tấm bánh sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của con người. Thật khiêm nhường mà đầy ý nhị.
Thật đơn sơ nhưng cũng thật sâu xa vì tấm bánh nói lên tình yêu tự hiến.
Tấm bánh, tình yêu tự hiến.
Bánh sẽ chẳng còn ý nghĩa nếu chỉ để trưng bày cho người ta chiêm ngắm. Bánh chỉ có ý nghĩa khi được sử dụng. Được sử dụng là bị bẻ ra, bị nghiền nát, bị tan biến, bị tiêu hoá. Vì thế, trở thành tấm bánh là chấp nhận chịu đau đớn, chịu huỷ hoại. Đây không phải là một chấp nhận bất đắc dĩ, vì tấm bánh bao giờ cũng mời mọc tiêu thụ.
Khi xưng mình là bánh bởi trời, Chúa Giêsu bày tỏ một tình yêu tha thiết, sẵn sàng chịu nghiền nát, tan biến, chịu chết cho nhân loại. Chúa chịu chết cho ta được sống. Chúa chịu huỷ hoại cho ta được lành lặn các thương tích. Chúa bé nhỏ đi cho ta được lớn mạnh.
Tấm bánh bị tiêu hoá để thực hiện một tình yêu hiệp thông.
Tấm bánh, tình yêu hiệp thông.
Chúa Giêsu tha thiết với sự hiệp thông. Người không ngừng mời gọi con người đến sống thân mật với Người. Người tự nhận mình là cây nho và mời gọi mọi người hãy trở thành cành nho gắn kết với cây nho.
Hôm nay, Người còn chủ động trở thành tấm bánh để hoà vào từng giòng máu, từng thớ thịt của con người trong một kết hiệp sâu xa. Người tự tiêu huỷ mình để trở thành thịt máu của con người. Không còn sự kết hợp nào sâu xa khăng khít hơn nữa.
Tấm bánh gợi lên một bàn tiệc tại đó anh em quây quần trong tình thương, chia sẻ lương thực và chia sẻ tâm tình. Không còn gì đẹp hơn. Chính Chúa Kitô tự hiến mình để quy tụ chúng ta. Chính Chúa Kitô bị bẻ ra để cho tình huynh đệ nhân loại được mặn mà thắm thiết.
Với những gợi ý như thế, Chúa hướng dẫn tôi trong tình yêu mến, trong cử hành và trong cách sống Bí tích Thánh Thể.
Yêu mến Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là trở nên hiền lành khiêm nhường, sống gần gũi với những người nhỏ bé nghèo hèn?
Cử hành Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là chấp nhận hao mòn, quên mình, thiệt thòi vì Chúa và vì anh em?
Sống Bí tích Thánh Thể là gì nếu không phải là xây dựng tình đoàn kết, tình huynh đệ với những người sống quanh ta, trong mọi môi trường cuộc sống?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, con cảm tạ tình yêu vô biên của Chúa. Con chúc tụng ngợi khen Chúa muôn đời. Amen.
GỢI Ý CHIA SẺ
1) Khi dâng lễ, tấm bánh có gợi lên cho bạn điều gì về tình yêu của Đức Giêsu không?
2) Khi bạn rước lễ, bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Chúa không?
3) Phép Thánh Thể thôi thúc bạn làm gì?
Lương thực là một phần thiết yếu để duy trì sự sống. Tuy nhiên, ngày nay người ta phải cảnh giác cao độ vì các loại thực phẩm nhiễm độc vì các hóa chất, đặc biệt là thực phẩm của Trung cộng. Do đó, người ta càng văn minh càng quan ngại về thực phẩm, nghĩa là càng cần sự an toàn về thực phẩm.
Lương thực và thực phẩm rất cần, người ta cũng chỉ vì “miếng ăn” mà không ngừng gây chiến tranh. Để hỗ trợ dân nghèo vì nhân đạo, Liên Hiệp Quốc đã thành lập FAO (Food and Agriculture Organization – Tổ chức Lương Nông) vào ngày 16-10-1945 tại Canada. Tổ chức này nhằm mục đích chính: (1) Nâng cao mức sống và mức dinh dưỡng của nhân dân các nước thành viên; (2) Nâng cao hiệu quả sản xuất lương thực và nông sản; (3) Góp phần vào việc phát triển kinh tế thế giới và giải phóng nhân dân khỏi nạn đói. Trên logo của FAO có chữ La ngữ “Fiat Panis” – “Để Có Lương Thực” (let there be bread).
Chính Chúa Giêsu đã vì chạnh lòng thương, sợ người ta đói nên Ngài đã hai lần làm phép lạ hóa bánh ra nhiều cho đám người mê Ngài nói mà quên cả bụng đói. Các thánh sử đã ghi lại phép lạ lần một (Mt 14:13-21; Mc 6:30-44; Lc 9:10-17; Ga 6:1-14), với 5 cái bánh và 2 con cá, Ngài đã cho mọi người no nê, số thực khách lên tới 5.000 người, chưa kể phụ nữ và trẻ em, phần dư còn thu được 12 thúng đầy; và lần hai (Mt 15:32-39; Mc 8:1-10), với 7 cái bánh và vài con cá, Ngài cũng đã cho mọi người no nê, phần dư còn thu được 7 thúng đầy. Đó là ngụ ý đề cập Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu đã thiết lập trong buổi Dạ Tiệc Vượt Qua, trước khi Ngài chịu tử hình vì tội lỗi của chúng ta. Máu và thịt không thể tách rời. Chính máu và thịt là dấu chứng tỏ của sự sống.
Ăn là một trong tứ khoái của con người, ăn đứng đầu, và có thể gọi là “đệ nhất khoái”. Miếng ăn cũng có thể làm cho người ta vinh hoặc nhục. Có lẽ vì vậy, nhất là với người có lòng tự trọng, tục ngữ Việt Nam so sánh: “Tiếng chào cao hơn mâm cỗ”. Ăn cũng có nghệ thuật ăn, không phải cứ cho vô miệng là xong. Không chỉ vậy, ăn không chỉ để no bụng mà còn cần ngon miệng: Đồ ăn ngon, chỗ ăn ngon, và người ăn (với mình) cũng ngon. Thế mới đủ “độ” ngon!
Chuyện ăn uống phức tạp! Ngày xưa, khi dân đi qua sa mạc ròng rã 40 năm để tới Miền Đất Hứa, lương thực duy nhất là man-na, một món cứ ăn mãi rồi ai cũng ngán. Chán lắm! Vì nhớ lại đồ ăn ngon ngày xưa thường ăn, đám dân ô hợp sống giữa dân Ít-ra-en bắt đầu thèm ăn, và cả con cái Ít-ra-en cũng khóc lóc mà nói: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây? Nhớ thuở nào ta ăn cá bên Ai-cập mà không phải trả tiền, rồi nào dưa gang, dưa bở, nào hẹ, nào hành, nào tỏi. Còn bây giờ đời ta tàn rồi; mọi thứ đó hết sạch, chỉ còn thấy man-na thôi” (Ds 11:4-6). Mô-sê cũng “nhức đầu” lắm, vì họ đòi thịt thì lấy đâu giữa sa mạc khô cằn và hoang vu như vậy chứ?
Kinh Thánh cho biết rằng man-na là loại “bánh từ trời”, nhìn như hạt ngò và trông như nhựa hương. Lạ lắm. Dân cứ việc chia nhau đi lượm, cho vào cối xay hoặc cối giã mà nghiền tán ra, rồi bỏ vào nồi nấu bánh, và mùi vị của nó như mùi vị bánh chiên dầu. Đêm về, sương rơi trên doanh trại, và man-na cũng rơi xuống (Ds 11:7-9). Cái món man-na lạ nhưng ăn hết ngày này sang tháng nọ thì chịu hết nổi rồi! Mô-sê “cầu cứu” Chúa. Và rồi Ngài cho gió lùa chim cút tới, lớp chim cút dày tới cả mét, dân cứ việc lượm mà xơi cho đã cơn thèm. Nhưng ai cũng tham nên lượm nhiều để dành, thế nên Chúa nổi trận lôi đình (Ds 11:31-33). Đúng là “tham thì thâm”. Đúng là “thần khẩu hại xác phàm”, cái miệng hại cái thân rõ ràng. Có ăn mà không khéo cũng khổ!
Thiên Chúa thịnh nộ vì chúng ta sai trái, cứng đầu cứng cổ, ngang bướng. Được ăn chưa biết cảm ơn lại dám nổi loạn. Loài người vô ơn bạc nghĩa hết sức! Thế nhưng Ngài vẫn luôn nhân từ, vẫn tha thiết mời gọi tất cả chúng ta: “Đến cả đi, hỡi những người đang khát, nước đã sẵn đây! Dầu không có tiền bạc, cứ đến mua mà dùng; đến mua rượu mua sữa, không phải trả đồng nào” (Is 55:1). Và đó là “lời mời gọi cuối cùng”.
Kinh Thánh nhắc nhở: “Anh (em) phải nhớ lại tất cả con đường mà Đức Chúa, Thiên Chúa của anh (em), đã dẫn anh (em) đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc, để bắt anh (em) phải cùng cực; như vậy Người thử thách anh (em) cho biết lòng dạ anh (em), xem anh (em) có giữ các mệnh lệnh của Người hay không. Người đã bắt anh (em) phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh (em) ăn man-na là của ăn anh (em) chưa từng biết và cha ông anh (em) cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh (em) nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng Đức Chúa phán ra” (Ðnl 8:2-3). Chính Đức Kitô cũng đã nhắc nhở y như vậy (Mt 4:4; Lc 4:4). Xác cần ăn thì hồn cũng cần ăn, có vậy mới sống và phát triển được.
Kinh Thánh tiếp tục giải thích và động viên: “Thiên Chúa của anh (em), Đấng đã đưa anh (em) ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ. Người đã dẫn anh (em) đi trong sa mạc mênh mông khủng khiếp, đầy rắn lửa và bọ cạp, trong miền đất khô cằn không giọt nước. Người đã khiến nước từ tảng đá hoa cương chảy ra cho anh (em) uống. Trong sa mạc, Người đã cho anh (em) ăn man-na, thức ăn mà cha ông anh (em) chưa từng biết, để bắt anh (em) phải cùng cực và thử thách anh (em), hầu làm cho anh (em) được hạnh phúc trong tương lai” (Ðnl 8:14-16). Thế nhưng trái tim phàm nhân bằng đá hoặc đã xơ cứng, nghe xong rồi quên, hứa xong rồi thôi, cứ tưởng mình là “cái rốn của vũ trụ”, tự nhận mình là “số dzách”, cho nên lúc nào cũng chỉ chực nổi loạn. Lô-gích thôi. Đó là chúng ta có “gen kiêu ngạo” của Ông Bà Nguyên Tổ!
Chúng ta dễ quên ơn lắm, dù là đại ân. Ngược lại, chúng ta lại luôn nghĩ mình “ngon”, là ân nhân, dù chúng ta chỉ cho người khác những thứ thừa thãi – còn tệ hơn bố thí (thay vì vứt bỏ í mà)! Do đó, tác giả Thánh Vịnh nhắc khéo chúng ta bằng cách mời gọi: “Giêrusalem hỡi, nào tôn vinh Chúa! Này Sion, hãy ca ngợi Thiên Chúa của ngươi! Then cửa nhà ngươi, Chúa làm cho thêm chắc, con cái trong thành, Người giáng phúc thi ân. Cõi biên cương, Người thiết lập hoà bình, và cho ngươi no đầy lúa mì tinh hảo” (Tv 147:12-14).
Ít-ra-en là Dân Riêng của Chúa. Ít-ra-en là hiện thân của chúng ta, vì chúng ta cũng là Dân Thánh của Ngài. Chúng ta cũng được “đặc cách” mà vẫn vô ơn. Thật vậy, tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Chúa bày tỏ lời Người cho nhà Gia-cóp, chiếu chỉ luật điều cho Ít-ra-en. Chúa không đối xử với dân nào như vậy, không cho họ biết những điều luật của Người” (Tv 147:19-20).
Thiên Chúa ban tặng chúng ta mọi thứ, đặc biệt là Con Một Ngài. Đó là hệ quả của “khối tình si” của Thiên Chúa: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Vâng, Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (Rm 5:8). Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Khi ta nâng chén chúc tụng mà cảm tạ Thiên Chúa, há chẳng phải là dự phần vào Máu Đức Kitô ư? Và khi ta cùng bẻ Bánh Thánh, đó chẳng phải là dự phần vào Thân Thể Người sao? Bởi vì chỉ có một tấm Bánh, và tất cả chúng ta chia sẻ cùng một Bánh ấy, nên tuy nhiều người, chúng ta cũng chỉ là một thân thể” (1 Cr 10:16-17). Và đó cũng là lời nhắc nhở chúng ta yêu thương nhau, bằng mọi động thái, bằng cả con người của chúng ta. Chữ MỘT rất quan trọng!
Trong thời gian Chúa Giêsu đi rao giảng, có lần Ngài nói với người Do Thái: “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống” (Ga 6:51). Có vẻ họ “chói tai” nên họ liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ đặt vấn đề: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” (Ga 6:52).
Tất nhiên làm sao họ hiểu được. Nếu có chúng ta trực tiếp nghe Chúa Giêsu nói lúc đó, chắc chắn chúng ta cũng phản đối tới cùng chứ chẳng vừa đâu. Tất nhiên Chúa Giêsu biết tỏng, và Ngài nghiêm túc nói với họ, có vẻ “dài dòng” nhưng cần thiết, đồng thời vừa xác định vừa giải thích: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. Ai ăn thịt và uống máu tôi thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào thì kẻ ăn tôi cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời” (Ga 6:53-58). Quả thật, Chúa Giêsu không chỉ làm cho chúng ta sống, vì chính Ngài là Sự Sống (Ga 14:6), mà Ngài còn cho chúng ta được sống dồi dào (Ga 10:10).
Và rồi điều đó đã được Đức Giêsu thực hiện ngay trong Bữa Tiệc Ly, và đó cũng là cách Ngài thực hiện lời hứa trước đó: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20). Một cách tương tự là Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Và Chúa Thánh Thần đang ở với chúng ta hằng ngày cùng với Thánh Thể.
Cũng là “bánh từ trời”, nhưng man-na chỉ là lương thực bình thường, ăn để sống phần xác rồi… chết, còn Mình Máu Đức Kitô là lương thực thiêng liêng, vừa là Thần Lương vừa là Thần Dược, ăn để sống và điều trị phần hồn (kể cả phần xác), đặc biệt là Thánh Thể làm cho chúng ta bất tử và được hưởng vĩnh phúc. Thánh Thể chính là Thần Lương cho chúng ta đủ sức kiên nhẫn đi hết chặng đường lữ hành trần gian, là Của Ăn Đàng, là Nguồn Trường Sinh của chúng ta.
Đối với Bí tích Thánh Thể, chúng ta phải có đức tin trưởng thành, không thể dựa trên thính thị hoặc cảm giác. Chỉ có đức tin mới thực sự cảm nghiệm được Mình Máu Thánh Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa.
Hằng ngày, mỗi khi rước lễ là chúng ta đón rước Thiên Vương Giêsu vào lòng, lúc đó Vua Trời Đất đang hòa tan vào chúng ta, nên một với chúng ta, đại phúc đối với phàm nhân chúng ta. Ước gì sau khi rước lễ, chúng ta có được vài phút để cùng nhau cảm nghiệm Chúa Giêsu Thánh Thể, Vua Thương Xót. Ngài muốn lắng ngeh chúng ta về mọi điều buồn vui, đặc biệt là Ngài muốn chúng ta tôn thờ và cảm tạ Ngài. Vài phút ngắn ngủi đó rất cần thiết cho đời sống của mỗi chúng ta.
Bí tích Thánh Thể “gắn liền” với đức tin. Mà đức tin (nói chung) là điều rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu, nhưng cũng phải thận trọng lắm, vì có thể dễ trở thành cuồng tín hoặc tin lệch lạc. Vấn đề tín lý quan trọng lắm. Tương tự, khi nói về Kinh Thánh cũng phải thận trọng, nếu không rất nguy hiểm. Chẳng hạn, mới đây có người nói trong một bài viết nói về “con tim” mà sai tín lý. Xin trích nguyên văn: “Lạy Chúa Giêsu mến yêu! như trái tim của Áp-ra-ham đau khổ khi vâng lời Chúa, sát tế con mình, như trái tim Mô-sê vâng lệnh Chúa đưa dân Israel vào sa mạc suốt 40 năm mà vẫn không vào được Đất Hứa, hoặc như trái tim vua Đavit đã hối hận ăn năn vì biết bao tội lỗi mình đã phạm, và trái tim đau khổ vô ngần khi Mẹ Maria vâng theo Thánh ý Chúa Cha để công cuộc cứu độ loài người được hoàn tất”. Nguy hiểm hết sức nếu tác giả “trực tiếp chia sẻ” với người khác như vậy, nếu người nghe là tân tòng thì càng nguy hiểm hơn! May thay bài viết này đã kịp được sửa lại.
Ngày xưa, các tà thuyết hoặc dị giáo (*) cũng chỉ vì có niềm tin lệch lạc và suy diễn lệch lạc, đối nghịch với đức tin Công giáo. Có lẽ họ muốn lập một đạo mới chăng?
Lạy Chúa Giêsu Thánh Thể, xin thêm đức tin cho chúng con, xin đốt Lửa Yêu Mến trong lòng chúng con và biến trái tim chúng con thành trái tim si tình để chúng con chỉ yêu Ngài mà thôi, yêu bằng cả con người của chúng con, yêu qua từng động thái, và xin luôn canh giữ chúng con như con ngơi mắt Ngài để chúng con xứng đáng đón rước Ngài vào lòng hằng ngày. Ngài là Đấng hằng sinh và hiển trị cùng với Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.
TRẦM THIÊN THU
(*) Ví dụ các tà thuyết: Albigensianism (thế kỷ XII–XIII), Arianism (thế kỷ IV), Donatism (năm 311), Jansenism (thế kỷ XVII), Macedonianism (khoảng năm 362), Manichaeism (khoảng 216–276), Nestorianism (giữa thế kỷ IV và V), Pelagianism (thế kỷ V), Priscillianism (thế kỷ IV–V), Calvinism (1570),…
MÌNH MÁU THÁNH CHÚA – LƯƠNG THỰC BAN SỰ SỐNG
Ngày nay, người ta quan tâm nhiều đến chất lượng cuộc sống, chất lượng thực phẩm ; và một trong những quan tâm hàng là vấn đề sức khỏe, an toàn thực phẩm và ăn sạch uống sạch. Vì thế, khi nghe quảng cáo thực phẩm này tốt, thức ăn kia bổ dưỡng cho sức khỏe, tốt cho tim mạch, phòng chống ung thư, thế là người ta ào ạt mua về cho mình và cho gia đình, mà không cần kiểm chứng.
Kính thưa quý OBACE, mọi người đều lo cho sức khỏe thể xác, cho cuộc sống được tốt đẹp, tìm những của ăn bổ dưỡng giúp sống khỏe, sống thọ. Là những người tín hữu, song có ít người lo lắng cho sức khỏe của tâm hồn. Nhiều người tìm kiếm của ăn bổ dưỡng cho cơ thể mà không tìm của ăn để bồi dưỡng cho đời sống tâm hồn. Nhiều người đã để cho mình béo phì về thể xác, nhưng tâm hồn thì bị suy dinh dưỡng ; nhiều người lo lắng tìm kiếm thực phẩm sạch cho gia đình, nhưng lại đầu độc gia đình bằng những chất độc hại, âm thầm giết chết linh hồn và hủy hoại gia đình.
Hôm nay, lễ mình Máu Thánh Chúa Giêsu, Lời Chúa giới thiệu cho chúng ta một thứ lương thực bổ dưỡng, một loại thực phẩm không chỉ bồi bổ thể xác mà còn bồi bổ linh hồn và bảo đảm cho một cuộc sống hạnh phúc đời đời. Lương thực ấy chính là Mình và Máu Chúa Giêsu được trao tặng cho nhân loại trong bữa Tiệc Ly và vẫn còn tiếp tục được trao ban cho chúng ta qua Thánh lễ mỗi ngày.
Tìm kiếm lương thực thể xác là điều cần thiết, nhưng chỉ lo tìm kiếm lương thực thể xác thôi thì chưa đủ, mà còn phải tìm kiếm lương thực nuôi sống linh hồn, là điều cần thiết và quan trọng hơn. Ngày xưa, dân Israel trong hành trình sa mạc suốt bốn mươi năm được Thiên Chúa nuôi bằng manna từ trời ban xuống mỗi ngày. Khi họ khát, Thiên Chúa đã cho mạch nước vọt ra từ tảng đá tại Meriba để cho dân và đàn vật khỏi chết khát. Trước nguy cơ cả một đám đông sẽ chết đói trong sa mạc, Thiên Chúa đã cho mana từ trời rơi xuống nuôi dân Người. Tuy nhiên, khi được ăn no và qua cơn đói, thì dân Do Thái đã mau quên quyền năng của Thiên Chúa và những Lời Ngài đã hứa. Họ đã bỏ Thiên Chúa để tìm kiếm lối sống của dân ngoại. Trong khi đó, với phép lạ cho mana nuôi dân Người, Thiên Chúa muốn dẫn họ đến với một phép lạ lớn lao sau này. Đó là phép lạ Thiên Chúa không chỉ nuôi sống một dân tộc, mà Ngài sẽ nuôi sống cả thế giới bằng lương thực từ trời xuống được ban tặng cho nhân loại, đó chính là Thịt và Máu Chúa Giêsu.
Hôm nay, khi nói với những người Do Thái, Chúa Giêsu đã khẳng định với họ: Tôi là bánh từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ sống muôn đời, và bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi để cho thế gian được sống. Khi nói như thế, Chúa Giêsu đã muốn so sánh sự khác biệt của bánh mà Chúa ban tặng với Manna xưa. Manna ngày xưa cũng được Thiên Chúa ban tặng, nhưng nó chỉ có thể nuôi sống con người mỗi ngày, còn bánh mà Chúa Giêsu ban tặng là bánh đem đến sự sống đời đời cho con người. Nghe bấy nhiêu, có lẽ người Do Thái phấn khởi ; tuy nhiên, khi Chúa nói thêm: Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi, thì những người Do Thái cảm thấy sốc, khó chấp nhận. Đối với người Do Thái, ngay đến một số con vật họ đã không được phép ăn, huống hồ là giờ đây, Chúa Giêsu lại nói đến việc ăn thịt của Ngài. Cũng vậy, máu là sự sống thuộc chủ quyền của Thiên Chúa, không ai được phép động chạm đến máu, vậy mà Chúa Giêsu lại mời gọi họ uống máu của Ngài. Càng khó hiểu hơn nữa đối với người Do Thái, khi Chúa nói ban thịt mình cho họ ăn, họ sẽ không hiểu Chúa sẽ ban cho họ bằng cách nào khi Chúa vẫn đang sống, đang nói với họ.
Điều mà người Do Thái bàn tán với nhau thì Đức Giêsu đã thực hiện vào buổi chiều ngày thứ Năm trong bữa tiệc ly. Đức Giêsu đã dâng tặng mạng sống và cả con người của Ngài cho nhân loại. Ngài đã biến bánh trở nên thịt của Ngài, và làm cho rượu hóa nên máu của Ngài khi trao bánh và rượu cho các môn đệ và nói: Các con hãy cầm lấy mà ăn/ mà uống vì này là thịt máu của Thày sẽ hiến tế vì anh em.
Với hành động đặc biệt này, cùng với tình yêu của một vị Thiên Chúa, Đức Giêsu đã hoàn toàn hiến thân mình trở nên lương thực nuôi sống nhân loại. Lương thực này là lương thực bảo đảm cho tất cả những ai lãnh nhận. Họ sẽ đón nhận được chính con người, thể xác và linh hồn cùng với cả sự sống của Thiên Chúa. Vì khi ăn bánh và uống chén của Chúa Giêsu, Ngài sẽ ở lại trong chúng ta và trở thành nguồn sức sống cho chúng ta. Hơn thế nữa, khi đón nhận Thịt và máu Chúa Giêsu, chúng ta đón nhận cả con người của Ngài và sức sống thần linh của Ngài. Chính sức sống thần linh này sẽ lan tỏa trong chúng ta và làm cho chúng ta nên một với Ngài và biến đổi chúng ta nên giống Chúa hơn.
Thánh Phaolô cho thấy, khi mỗi tín hữu đón nhận chén và bánh của Chúa, chúng ta được dự phần vào Máu của Đức Kitô và Thân thể của Người. Từ đó, mọi người sẽ gắn bó và nên một với nhau trong tình yêu thương hiệp nhất, và tất cả mỗi người làm nên một thân thể của Đức Kitô. Điều đó có nghĩa rằng, khi cùng ăn, cùng uống chung một chén, chúng ta không thể sống thù nghịch với nhau, nhưng phải sống trong tình yêu thương tha thứ và nhất là trở nên giống Chúa Giêsu, là biến cuộc đời mình trở nên bánh và rượu, được bẻ ra và chia sẻ cho mọi người.
Thưa quý OBACE, thân xác cần được nuôi sống bồi bổ thế nào thì linh hồn và cuộc sống thiêng liêng cũng cần được bồi bổ như vậy; và con người tìm kiếm của ăn nuôi thân xác thế nào thì cũng cần tìm kiếm lương thực nuôi linh hồn như vậy. Ngày nay, người ta chăm sóc cho sức khỏe thể xác nhiều hơn, nhưng nhiều người không hề quan tâm đến sức khỏe của linh hồn. Có nhiều người đi kiểm tra tổng quát sức khỏe hàng năm để kịp thời ngăn chặn những bệnh nguy hiểm, nhưng họ không hề biết kiểm tra sức khỏe của linh hồn, họ đã để linh hồn bị suy nhược vì thiếu của ăn bồi bổ.
Thực tế chúng ta có thể thấy nhiều người mang danh là Công Giáo nhưng lại không thực hành đạo ; hoặc là vẫn đi lễ, nhưng lại ngại ngùng và từ chối việc đón nhận Thánh Thể của Chúa. Không ai đến tham dự đám tiệc mà lại ngồi nhìn, thế mà lại có rất nhiều người đến với Tiệc Thánh Thể cũng chỉ để nhìn chứ không tham dự, không đón nhận Mình Máu thánh Chúa, vì không nhận ra sự cao quý và cần thiết của lương thực này cho đời sống thiêng liêng của mình, của gia đình. Người ta cảm thấy ngại ngùng, xấu hổ khi mời khách đến nhà dự tiệc mà khách chỉ đứng ở cổng không vào và cũng không ăn. Vậy mà có rất nhiều người được Chúa mời đến đự Tiệc Thánh Thể, họ cũng đối xử với Chúa như thế. Họ đứng dựa dẫm cho qua lần, cho hết giờ mà không hề quan tâm đến Đấng đã mời gọi mình.
Mừng lễ Mình và Máu Thánh Chúa, chúng ta được mời gọi không chỉ yêu mến, tôn thờ, siêng năng đến với Chúa Giêsu Thánh Thể mà điều cần thiết là phải thường xuyên lãnh nhận. Lãnh nhận Mình Máu Thánh Chúa, chúng ta sẽ không hề mất mát gì, nhưng lại được bổ dưỡng cho đời sống linh hồn, gia tăng đức tin, tăng cường lòng mến và thêm sức mạnh giúp ta vượt qua những khó khăn của cuộc sống. Bí tích Thánh Thể còn là bí tích của tình yêu, một tình yêu trao ban đến cùng, dám chấp nhận cho đi cả sự sống vì người mình yêu. Đến với Chúa Giêsu Thánh Thể, chúng ta sẽ học được nơi đây bài học yêu thương, để mỗi người cũng biết yêu thương và dám hy sinh quyền lợi và cả mạng sống mình cho hạnh phúc của anh chị em.
Hơn ai hết, các bậc cha mẹ phải là những người biết ưu tiên đón nhận Bí Tích Thánh Thể để học ở nơi Chúa tình yêu hy sinh, quảng đại, trao ban và cũng biết đón nhận con cái để phục vụ như Đức Kitô. Đồng thời, cũng chính cha mẹ phải tìm kiếm và nuôi dưỡng con mình bằng Bí tích Tình yêu này qua chính gương sáng, sự hy sinh tận tụy và nhất là đem con mình đến với Thánh lễ và đưa thánh lễ về gia đình ; đồng thời biến ngày sống của cả gia đình thành của lễ dâng Chúa mỗi ngày.
Còn đối với các bạn trẻ, nếu chiếc vi tính các bạn sử dụng nhiều, online nhiều, thì nguy cơ bị virus càng cao, cần phải có những phần mềm đặc biệt hỗ trợ để diệt virus và làm cho máy chạy tốt. Cũng thế, chiếc vi tính cuộc đời của mỗi chúng ta do ảnh hưởng của xã hội, cũng rất dễ bị nhiễm các virus là các thói xấu và những trào lưu xấu của xã hội. Đừng ngại ngùng, hãy dùng phần mềm BT Giải tội, là phần mềm cực mạnh, có thể diệt mọi virus là tội lỗi trong tâm hồn ; và hãy dùng phần mềm hỗ trợ là BT Thánh Thể để giúp tâm hồn và cuộc đời chúng ta trở nên nhẹ nhàng và nhạy bén, giúp chúng ta sống tốt hơn mỗi ngày.
Chúa Giêsu vẫn luôn là người bạn, người cha và là người Thày cho tất cả mọi người. Ngài vẫn hằng mời gọi chúng ta: Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến, ta sẽ bổ sức cho. Xin cho chúng ta biết tìm đến với Mình Máu Thánh Chúa dù lúc vui hay buồn, dù thành công hay thất bại, để chúng ta đón nhận được sự nâng đỡ, an ủi của Chúa. Amen.
Một trận động đất kinh hoàng đã xảy ra tại Arménie hổi tháng 12 năm 1987. Trong số hàng ngàn người bị chôn vùi dưới đống gạch vụn, co hai mẹ con bà Suzana. Cả hai may mắn lọt vào một khoảng trống nhỏ, nên còn sống sót. Tất cả lương thực của họ chỉ là một hũ mứt, nhưng chẳng mấy chốc, hũ mứt cũng hết. Lúc đó cô con gái mới bốn tuổi đã kêu lên: Mẹ ơi, con khát quá, mẹ cho con uống nước nhé. Người mẹ lúng túng, biết tìm đâu cho ra nước bây giờ. Một ý nghĩ táo bạo bỗng nảy sinh trong đầu óc bà, đó là phải lấy những giọt máu cuối cùng của mình cho con uống, để cầm cự với tử thần. Bà tìm được một mảnh kính vỡ, cắt đầu ngón tay và bảo con mút. Đứa bé mút những giọt máu từ đầu ngón tay của người mẹ. Sau khi hai mẹ con được cứu sống, người mẹ kể lại rằng: Lúc bấy giờ tôi chỉ có một ý nghĩ, đó là phải làm thế nào cho con tôi được sống.
Với chúng ta cũng vậy. Trong suốt cuộc đời trần gian, Chúa Giêsu cũng chỉ có một ý nghĩ, cũng chỉ có một mục đích, đó là phải làm thế nào cho chúng ta được sống, không phải chỉ sự sống phần xác, mà còn là sự sống phần hồn. Chính vì sự sống phần hồn của chúng ta, mà Ngài đã chấp nhận cái chết tủi nhục trên thập giá, để cứu chuộc chúng ta. Và hơn thế nữa, Ngài còn thiết lập bí tích Thánh Thể, để làm của ăn nuôi sống linh hồn chúng ta và để ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế, bởi vì hiện nay với bí tích Thánh Thể và với Thánh Lễ được cử hành, hy lễ tiến dâng lên Chúa Cha và của ăn trao ban cho chúng ta không ngừng được tiếp diễn.
Thế nhưng, chúng ta đã có thái độ nào đối với bí tích Thánh Thể cũng như đối với Thánh Lễ? Tại nhiều nước Tây Phương, số giáo dân tham dự Thánh Lễ ngày Chúa nhật giảm sút một cách đáng kể. Điển hình tại Pháp, chỉ có 10% giáo dân tham dự mà thôi. Còn tại Việt Nam, mặc sù số người tham dự còn nhiều, nhưng có một số lại đứng ngoài nhà thờ, nói chuyện và hút thuốc trong khi Thánh Lễ đang được cử hành. Họ đi lễ chỉ vì sợ lỗi luật, sợ phạm tội, chứ chẳng có lấy một chút tâm tình và một chút yêu mến.
Trong Thánh Lễ, không phải chỉ có vai trò của vị chủ tế, mà hơn thế nữa, vai trò của người tín hữu cũng không kém phần quan trọng. Họ không phải chỉ xem lễ, như một khán giả xem đá bóng, xem cải lương, nhưng họ tham dự và cùng cử hành Thánh Lễ. Nói cho cùng, chẳng có hai Thánh Lễ giống hệt nhau, vì chính cuộc sống của người tham dự đã thay đổi.
Mỗi Thánh Lễ, tôi cảm thấy có một điều gì đó cần thống hối cách đặc biệt. Mỗi Thánh Lễ, tôi cảm thấy mình muốn đặt trên đĩa thánh một chút cố gắng, một chút đau khồ, một chút ước mơ riêng tư của tôi. Tôi không dự lễ với đôi bàn tay trắng, nhưng tôi dự lễ với lễ vật của riêng tôi. Lễ vật ấy là chính cuộc đời tôi.
Đồng thời trong Thánh Lễ, lời Chúa tác động trên tôi, rồi mỗi khi lên rước lễ, tôi nhớ rằng Ngài đã trở nên tấm bánh được bẻ ra cho tôi, thì tôi cũng phải trở nên tấm bánh được bẻ ra cho anh em tôi.
Thánh Lễ sẽ không nhàm chán, khi chúng ta biết nối dài Thánh Lễ trong cuộc sống. Và mỗi khi tham dự Thánh Lễ, chúng ta mang đến nơi bàn thờ của lễ xuất phát từ lòng cuộc đời mỗi người chúng ta.
- Đất, nước, đá
Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa đã dùng đất nắn nên hình hài(St 2,7).Từ đó Tổ Tông loài người mang tên Đất (St 4,25;5,1-3). Ađam, tiếng Do thái nghĩa là đất.
Để cứu Dân Ngài thoát khỏi nô lệ Ai cập, vượt qua Biển Đỏ khô chân, lập giao ước Sinai với dân, Thiên Chúa đã dùng Môsê. Môsê, tiếng Do Thái nghĩa là nước (Xh 2,10)
Khi xây dựng Giáo Hội, Thiên Chúa lại dùng một con người đánh cá tầm thường, khi thì hùng hổ tuốt gươm bảo vệ Thầy Giêsu (Lc 22,50), khi thì sợ hãi chối quanh trước một đầy tớ gái (Lc 22,56-57). Người ấy Chúa Giêsu đặt tên là Đá (Mt 16,18). Kêpha, tiếng Do Thái nghĩa là đá.
Như vậy, lịch sử sáng tạo,lịch sử cứu độ quyện đan với những cái tên gọi tầm thường: Đất, Nước, Đá.
- Bánh và rượu
Chúa Giêsu đã dùng bánh rượu làm nên Mình và Máu Thánh của Người. Bông lúa và trái nho là những sản phẩm thông thường và cần thiết nhất mà ruộng đất cống hiến cho con người. Bánh và rượu có thể tầm thường nhưng lại là những gì gần gũi và cần thiết nhất cho cuộc sống hàng ngày của con người. Chính Chúa Kitô đã muốn trở nên gần gũi và cần thiết đó. Người muốn bánh và rượu trở nên Thịt Máu Người để nuôi sống chúng ta hàng ngày.
Tình yêu Chúa Kitô làm nên sáng kiến tuyệt vời. Vì yêu thương hết mọi người, Chúa đã muốn trở nên bé nhỏ tầm thường trong thân phận một người thợ mộc ở Nazareth để có thể ở giữa mọi người, từ kẻ hèn cho đến người sang trọng, từ người thánh thiện cho đến kẻ tội lỗi, từ người Do thái cũng như dân ngoại. Để trở thành của ăn nuôi mọi người,Chúa đã muốn trở thành tấm bánh ly rượu. Chỉ khiêm tốn và giản dị thế thôi để mọi người có thể ăn, chứ không phải là một bữa ăn đắt giá dành cho bậc quyền quý sang giàu.
Khi sinh ra đời, Chúa đã chọn cái chuồng bò. Khi sống ở Nazareth Chúa đã muốn làm một người thợ giữa những người lao động khác. Khi bắt đầu rao giảng tin mừng, Chúa đã chọn những người tầm thường trong xã hội làm bạn đồng hành, làm bạn tâm phúc thừa kế sự nghiệp. Trong giờ sau hết, Chúa đã chọn tấm bánh ly rượu, chọn khung cảnh một bàn ăn giữa bạn bè, chọn một tư gia để Tạ Ơn, trong đó người vừa là chủ tế vừa là của lễ. Và Chúa muốn Giáo Hội tiếp tục lễ Tạ Ơn theo cách thức của Người bằng những phương tiện đơn sơ là tấm bánh ly rượu.
Chỉ cần một bông lúa, một chùm nho đủ làm nên tấm bánh ly rượu. Không cần cái gì cao sang đắt giá, to lớn như con bò, con bê, con cừu mà đạo Do thái vẫn tế lễ trong đền thờ. Với tấm bánh ly rượu, Chúa Giêsu còn muốn cho của lễ Tạ Ơn phải chính là sản phẩm hoa màu ruộng đất, lao công con người, của ăn thức uống căn bản và phổ biến nhất của con người.
Chúa Giêsu là bông lúa, là chùm nho mọc lên từ ruộng đất thế gian, nơi Người nhập thể làm người. Người đã biến đổi trong thân thể Người là Con Thiên Chúa và cũng là con loài người tất cả tinh hoa của ruộng đất, trở thành bông lúa chùm nho. Từ bông lúa bị nghiền nát, từ chùm nho bị ép, nghĩa là từ cuộc khổ nạn và cái chết trên thập giá, Chúa Giêsu đã trở thành tấm bánh, thành ly rượu đem lại sự sống đời đời cho nhân loại. Chối từ cám dỗ của Satan hoá đá thành bánh, nhưng Chúa Giêsu đã tự ý biến đổi đời mình thánh Tấm Bánh để nuôi dưỡng con người.
“Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống”. Chắc hẳn không ai hiểu câu nói này theo kiểu các yêu tinh muốn ăn thịt Đường Tăng, trong truyện Tôn Ngộ Không. Yêu tinh quyết tâm bắt cho được Đường Tam Tạng để ăn thịt. Nó tin rằng ăn thịt vị cao tăng này thì sẽ được trường sinh bất tử.Tôi nghĩ rằng giả như có ai giết Chúa Giêsu để ăn thịt Người (theo kiểu các yêu tinh ăn thịt Đường Tăng) thì người ấy vẫn chết như thường, và về mặt tâm linh thì cũng chẳng được ích lợi gì. Vì câu nói“Thịt Tôi thật là của ăn, và máu Tôi thật là của uống” của Chúa Giêsu không thể hiểu theo nghĩa vật chất. “Thịt và Máu” ở đây không phải là thịt và máu huyết vật chất. “Của ăn và của uống” ở đây cũng không phải là của ăn và của uống vật chất. Những từ đó phải hiểu theo nghĩa tâm linh. Chúa Giêsu chính là lương thực đem lại sự sống và sự phát triển tâm linh thật sự.
- Hy lễ cứu độ
Cuộc tử nạn của Chúa Giêsu chính là một hy lễ dâng lên Chúa Cha. Trong hy lễ này, Người vừa là tư tế vừa là lễ vật. Trên Thập giá, Chúa Giêsu đã đổ máu ra. Bằng cái chết cứu độ, Người đã thiết lập giao ước mới. Tự nguyện làm “Con Chiên Vượt Qua” bị sát tế, Chúa Giêsu đã lập phép Thánh thể để lễ vật bị sát tế ấy trở nên của ăn tâm linh nuôi dưỡng con người.
Chúa Giêsu ở giữa nhân loại trong Bí tích Thánh thể. Để trở nên nguồn sống tâm linh trong Thánh Thể, Chúa Giêsu đã đi qua Tử nạn và Thập giá.
Thánh thể là Mình Chúa hy sinh bị nộp, bị giết vì chúng ta: “Đây là Mình Thầy hy sinh vì anh em”. Chén Máu của Chúa là Máu giao ước, Máu của Đấng Cứu Thế đổ ra trên thập giá. Bởi đó Thánh thể và Thánh giá là hai mầu nhiệm của một tình yêu tự hiến của Chúa Kitô. Không có Thánh giá, Thánh thể không có ý nghĩa. Không có Thánh thể, Thánh giá chỉ là thất bại.
Thánh thể và Thánh giá Chúa Kitô là hai cớ vấp phạm cho trí tuệ con người hơn 20 thế kỷ qua. Thánh giá Đức Kitô là sự điên rồ đối với người Hy lạp đi tìm sự khôn ngoan, là dại dột đối với người Do thái tìm dấu lạ và mãi mãi là mầu nhiệm thẳm sâu với lý trí.
Thánh thể, bánh rượu nên Mình và Máu Chúa Kitô. Sự hiện đích thực của Con Thiên Chúa, làm lương thực vĩnh cửu là mầu nhiệm khó hiểu đối với đầu óc con người không có niềm tin. Khi nghe lời tuyên bố của Chúa Giêsu: “Thịt Ta là của ăn, Máu Ta là của uống cho sự sống muôn đời”, người Do thái phản ứng rất mạnh: “Làm sao ông có thể lấy thịt máu của ông cho chúng tôi ăn được?” (Ga 6,52); ”Ông này chẳng phải là ông Giêsu, con ông Giuse đó sao? Cha mẹ ông ta,chúng ta đều biết cả,sao bây giờ ông ta lại nói: Tôi từ trời xuống?” (Ga 6,42). Trước phản ứng dữ dội của họ, Chúa Giêsu không rút lời, không cải chính, nhưng còn giải thích và khẳng định thêm “Ai ăn thịt và uống máu Tôi,thì được sống muôn đời, và Tôi sẽ cho người ấy sống lại ngày sau hết”(Ga 6,54); sâu xa hơn là con người được đi vào sự kết hiệp mật thiết với Người: “Ai ăn thịt Tôi và uống máu Tôi thì ở lại trong Tôi và Tôi ở lại trong người ấy”(Ga 6,56). Trước mạc khải này, nhiều môn đệ liền nói: “Lời này chướng tai qua, ai mà nghe nổi?”( Ga 6,60). Từ lúc đó, “Nhiều môn đệ rút lui, không còn đi với Người nữa” (Ga 6,66).
Như thế, người ta chỉ nhìn nhận Chúa Giêsu về phương diện con người, phủ nhận bản tính Thiên Chúa của Người. Chúa Giêsu cho dân chúng và các môn đệ thấy rõ mầu nhiệm Phục sinh trong Bánh Hằng Sống “Lời Thầy nói với anh em là Thần khí và là sự sống.Thần khí mới làm cho sống,chứ xác thịt có ích gì” (Ga 6,63). Quả thật, chúng ta chỉ có thể hiểu được Bí tích Thánh thể qua mầu nhiệm Nhập Thể, Tử Nạn, Phục Sinh mà thôi.
Vậy có thể nói, cả mầu nhiệm Đức Kitô đều hội tụ trong Bí tích Thánh thể. Từ công cuộc nhập thể làm người, rao giảng tin mừng, đến khổ hình thập giá, sống lại vinh quang; Đức Kitô đang ngự bên hữu Chúa Cha và ban lương thực thần thiêng đều hàm chứa trong Bí tích Thánh Thể. Bí tích Thánh thể gói trọn cuộc đời Chúa Kitô và không có gì thuộc về Người mà không hội tụ trong Bí Tích Thánh thể.
Từ Thánh giá đến Thánh thể là hành trình của con đường tình yêu tự hiến. Thánh lễ là cử hành hy tế cứu độ của Chúa Giêsu từ mầu nhiệm Thánh giá đến tình yêu Thánh thể. Bí tích Thánh thể là một sáng kiến của tình thương Thiên Chúa.Của ăn vật chất chỉ dừng lại ở việc nuôi dưỡng, bảo tồn sự sống hữu hạn của con người.Để sống đời đời, con người được mời gọi ăn và uống Thịt Máu Chúa, nguồn ơn cứu độ nhân loại.
Đất nước đá cũng như bánh và rượu là những thực tại tầm thường trong cuộc sống, nhưng một khi đã gắn với lịch sử cứu độ là nó trở nên những điều kỳ diệu.
Cuộc sống chúng ta với Thiên Chúa cũng thế. Sống đời sống thiêng liêng, siêu nhiên một cách tự nhiên. Sống đời sống tự nhiên một cách thiêng liêng, siêu nhiên.
Lạy Chúa Giêsu, con cám ơn Chúa đã cho con hàng ngày được ăn một miếng Bánh đơn sơ, nhỏ bé để con được kết hợp mật thiết với Thiên Chúa Vô Cùng. Xin cho cho tâm hồn con luôn kết hợp với Chúa, để được Chúa dẫn vào cuộc sống muôn đời. Amen.
Có tiện nghi vật chất đầy đủ là người may mắn được tiếp tận với nền văn minh hiện đại của cuộc sống. Được yêu thương là món quà tinh thần hết sức quí, nhằm giúp con người khai thông mọi rắc rối mà tiến dần đến hạnh phúc. Ăn uống để no lòng thỏa dạ, khác hẳn với ăn uống để sống, để làm tròn bổn phận một kiếp người. Dù công khai hay thầm lặng, suy nghĩ tự nhiên vẫn hướng người ta đến một khao khát chung : giầu sang phú quí, không những ở hiện tại mà cả ở tương lai.
Cơm bánh là thứ lương thực không đơn chỉ để ăn, mà còn để sống; tình yêu không chỉ cần thiết cho tình nghĩa vợ chồng, mà tình yêu còn quan trọng hơn để đưa dẫn người ta đến một đất nước không còn khổ đau không còn chết chóc. Những người làm nông nghiệp họ có một châm ngôn rất hay : “lấy ngắn nuôi dài”; trong kinh doanh người ta có câu : “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Trong suy tư của người Do-thái xưa kia, họ không đơn thuần tìm kiếm của ăn nuôi thân xác, vì thế khi nghe nói tới “sự sống đời đời”, người Do-thái đã biết đặt vấn đề : “làm sao ông này có thể lấy thịt mình cho chúng ta ăn được ?”.
Sách Đệ Nhị Luật hôm nay cho chúng ta hiểu lợi ích của manna là để con người có sức mạnh vượt qua những gian truân suốt 40 năm lòng vòng ở nơi sa mạc trước khi vào Đất Hứa. Thánh Phaolô nơi bài đọc 2 lại hướng người ta đến sự hiệp nhất với Đức Kitô, vì mỗi khi người tín hữu lãnh nhận Mình và Máu Thánh của Đức Kitô, là chúng ta trở nên một “Tấm Bánh Đức Kitô”. “Bánh tình thương” mà Đức Giêsu quảng diễn “cao cấp” hơn thứ bánh tự nhiên mà người ta ăn uống hàng ngày, “Bánh tình thương” là Bánh Giêsu có đủ “dinh dưỡng” để những ai đón nhận đều được sự sống đời đời.
Đừng hiểu “Bánh Giêsu như bánh vật chất”, ăn rồi lại đói, người ta sẽ không thấy bạo lực vì sao nhất định phải ăn và uống Máu người mình yêu. Nếu tin “Bánh Giêsu là bánh tình thương”, người ta sẽ không phải “lăn tăn” tại sao Đức Giêsu lại muốn nuôi cả nhân loại bằng Thịt và Máu Ngài. Và thực sự Ngài đã hiện diện nơi “hình bánh hình rượu” để nuôi dưỡng bổ sức cho những ai tin, những ai biết nên một trong tình yêu của Ngài.
Người Do-thái thật khôn ngoan biết dò tìm sự sống trường sinh, Chúa Giêsu không chỉ giới hạn “sự sống đời đời” nơi người Do-thái, mà Chúa còn “ban sự sống đời đời”, nghĩa là “Tấm Bánh Giêsu được bẻ ra, Máu Giêsu có giá trị rửa sạch mọi tội lỗi cho những ai tin nhận Ngài là “Bánh ban sự sống”. Ngày hôm nay, ăn thịt ăn cá, uống bia uống rượu chỉ là một khía cạnh nhỏ của cuộc sống, vì mọi người đủ dư sự khôn ngoan để làm gì mà đạt được hạnh phúc. Nếu người Do-thái năm xưa đã biết tìm kiếm sự sống đời đời, thì người kitô hữu hiện tại còn biết đầu tư để trước hết : TIN Đức Giêsu là Tấm bánh tình thương, sau là để Bánh Giêsu lớn mãi trong tâm hồn đưa dẫn mọi người tới sự sống đời đời.
Tâm tư nhiều người hôm nay vẫn không khỏi thắc mắc, thay vì Chúa Giêsu tuyên bố : Ta là bánh hằng sống từ trời xuống, Chúa nói Ta là “vàng bạc đá quí” từ trời xuống thế có phải thực tế hơn không ? Nếu như mỗi người đến nhà thờ cầu nguyện đều được chảy vào túi một số tiền nhỏ bé có thiết thực hơn không ? Đúng là bánh vật chất chỉ nuôi thân xác, bánh vật chất chỉ nhằm giúp con người thỏa mãn nhu cầu tại trần thế mà thôi !Thực ra thì ăn uống là một trong tứ khoái của con người, ăn rồi lại ăn, thực tế thì lắm tiền nhiều của cũng không thể có mãi được sự sống ở đời này !
Trong một xã hội nặng mùi vật chất, đồng tiền là chìa khóa vạn năng, giá trị tinh thần sẽ thuộc về thứ yếu, đời sống tâm linh nghèo nàn, tình người đắt đỏ hiếm hoi…thì địa vị tinh thần của người có đức có tài cần được đề cao, coi trọng hơn bao giờ hết. Quốc gia, dân tộc hưng thịnh hay suy vong thì người không được học nhiều cũng phải có trách nhiệm huống chi là người có hiểu có biết. Bánh tình thương là Bánh nuôi linh hồn, Bánh ban sự sống là sự hiện diện của Đức Giêsu tại trần thế, được no thỏa đời sống tâm linh, là được hưởng ơn cứu độ, là được đóng góp phần nhỏ bé hiểu biết của mình cho tình yêu của Chúa Giêsu được lan tỏa.