Các bài suy niệm lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (8/12)

1529

LỄ MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

Lời Chúa: St 3,9-15.20. Ep 1,3-6.11-12. Lc 1,26-38

——-

 

Mục lục

1. Đóa hồng đời Mẹ  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

2. Vô nhiễm vì được Thiên Chúa đoái thương (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

3. Mầu nhiệm thẳm sâu vượt ra ngoài trí khôn con người (JM. Lam Thy, ĐVD)

4. Đệ Nhất Thánh Nữ  (Trầm Thiên Thu)

5. Người phụ nữ thánh thiện  (P.Trần Đình Phan Tiến)

6. Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm (Lm. Giuse Đinh Lập Liễm)

Mục lục

1. Đóa hoa Maria  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

2. Ôi Mẹ đầy ơn phúc! (Lm. Antôn Nguễn Văn Độ)

3. Vô nhiễm cho hết thảy mọi người  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

4. Lễ Mẹ Vô Nhiễm (Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)

5. Nguyện xin vâng  (Trầm Thiên Thu)

6. Giây phút nhập thể (P.Trần Đình Phan Tiến)

7. Đặc ân vô nhiễm nguyên tội (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

Mục lục

1. Cuộc đời có Mẹ  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

2. Mẹ là hoa sen giữa đời  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Nữ Tỳ Vô Nhiễm  (Trầm Thiên Thu)

4. Này tôi là nữ tì Chúa (Văn Hào, SDB)

5. Mẹ Trinh Nguyên   (Huệ Minh)

6. Đấng đầy ân sủng  (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

7. Mẹ của lòng thương xót (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

 

 

ĐÓA HỒNG ĐỜI MẸ

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền 

Đã từ lâu tôi vẫn thích dâng hoa Hồng cho Đức Mẹ. Hoa hồng được tượng trưng cho tình yêu và được nhiều người yêu thích. Nó cũng rất quen thuộc với mỗi con người Việt Nam. Nó là một loài hoa rất giản dị, có rất nhiều màu như màu đỏ, màu hồng, màu cam, màu vàng. Loài hoa này nở quanh năm bốn mùa như thể mùa nào cũng là mùa của tình yêu.

Nguồn gốc của hoa hồng được kể rằng: Nữ thần tình yêu được sinh ra cùng lúc với hoa hồng trắng. Nàng xinh đẹp và trong trắng như đóa hoa thơm ngát tinh khiết đó.

Tuổi ấu thơ trôi qua, cô thiếu nữ như bông hồng ngày một xinh đẹp và trưởng thành hơn, rồi nàng đã yêu một chàng trai và hôn lễ đã cử hành…

Nàng là một người vợ đẹp lại chung thủy hết mức. Yêu chồng còn hơn cả mọi thứ trên đời. Nhưng thật không may chồng nàng lại ra đi trong lúc tuổi còn trẻ, cũng không ai biết chồng nàng chết vì lí do gì…

Trong lễ tang của chàng, nàng do đau khổ quá đã khóc lóc rất nhiều. Cũng do không để ý vô tình nàng đã bị gai của bông hồng đâm vào tay rất sâu, máu ở tay nàng nhỏ xuống thấm vào bông hoa hồng trắng. Vâng, chỉ vài giọt máu thôi mà bông hồng tự nhiên đỏ rực lên rồi càng ngày càng thẫm lại…

Cuộc đời Mẹ Maria cũng tinh khôi vẹn tuyền như đóa hoa hồng trắng. Và trái tim Mẹ cũng nhuộm thắm máu đào để cùng con cứu chuộc nhân gian. Mẹ đã hiệp thông với con yêu trong hiến tế thập giá. Trái tim Mẹ đã đỏ son của tình yêu sắt son thủy chung dành cho con người.

Tình yêu của Mẹ cũng hao mòn theo năm tháng đời con như bao bà mẹ chốn dương gian. Tận tụy hy sinh, mưa nắng không sờn miễn sao con khôn lớn thành tài.

Thế nên, nếu có ngắt bông hồng cho Mẹ ta vẫn thấy một tình yêu bao la luôn dạt dào xuống cho nhân loại chúng ta. Vì mẹ chính là bông hoa đẹp nhất mà tạo hóa đã tạo dựng cho nhân loại chúng con.

                      Hoa hồng tặng mẹ sớm mai

                      Cài lên vạt áo, áo phai bạc màu

                      Nắng mưa mẹ chẳng  sờn lòng

                      Mong con khôn lớn thỏa lòng mẹ mong.

Phúc âm kể rằng tại thôn làng Nagiaret có một trinh nữ tinh khôi vẹn tuyền. Một thôn nữ tài sắc vẹn tuyền được nồng bởi sự trong trắng, đoan trang hiền thục. Một thôn nữ đạo hạnh mà từ trời cao Thiên Chúa luôn hài lòng về người, nên đã được chọn là Mẹ của Thiên Chúa. Đó là Đức Trinh nữ Maria. Thiên Chúa đã tuyển chọn Mẹ làm Mẹ Đấng cứu thế vì tâm hồn Mẹ thanh khiết vẹn toàn lại nồng thêm hương thơm của lòng bác ái bao dung.

Giáo Hội nhìn nhận Mẹ được ơn Vô Nhiễm ngay tứ lúc trinh thai, nhưng điều quan yếu là Mẹ đã giữ được vẻ thanh khiết vẹn toàn giữa thế gian tội lụy. Mẹ đã thắng mọi cám dỗ để có thể toả ngát hương thơm giữa trần đời. Mẹ là người phụ nữ đẹp rạng ngời giữa muôn ngàn người phụ nữ, tựa như bông hồng trinh nguyên luôn tỏa hương thơm dịu dàng. Mẹ hoàn toàn xứng đáng là đóa hoa hồng giữa thảo nguyên nhân gian như câu thơ viết rằng:

Đẹp lắm hoa hồng tận thảo nguyên.

Thanh trong ánh nắng dịu trên miền.

Dẫu cuộc đời Mẹ có lắm truân chuyên, gai góc lại càng làm nên vẻ thanh cao nơi con người Mẹ không vấn vương tội truyền.

Xương rồng mắc cỡ gai ứ mộng.

Cỏ bụi xanh vờn ngọn gió yên.

Nhìn ngắm đóa hồng đời Mẹ mà con cảm thấy nhẹ vơi mọi ưu phiền. Vì từ nơi Mẹ con đã hiểu được hương vị của tình yêu luôn pha chút ngọt đắng

Cát bụi cuồng phong vùi lấp nỗi.

Cơn mưa nhẹ rắc phủi tan phiền.

Hoa hồng bỗng đẹp chiều đâu hỡi.

Lãng tử say nồng mãi chẳng quên.

Chúng con cám ơn Chúa đã ban cho nhân loại chúng con một đóa hồng trinh khiết vẹn tuyền. Cám ơn Mẹ lại nhận chúng con làm con của mẹ. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con biết gìn giữ nét đẹp cao quý nơi phẩm giá làm người và làm con Chúa. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con luôn được hồn an xác mạnh, ơn thánh dư đầy để phụng sự Chúa trong mọi người như Mẹ. Amen

Về mục lục

.

VÔ NHIỄM VÌ ĐƯỢC THIÊN CHÚA ĐOÁI THƯƠNG

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Niềm tin vào sự kiện Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội quả là quan trọng, nhưng nó không hề xa vời mà gần gũi với Ki-tô hữu chúng ta hơn bất kỳ sự kiện nào khác. Trong niềm tin của tôi, ‘vô nhiễm’ không còn phải là một luật trừ dành riêng cho Đức Ma-ri-a, mà là một định luật phổ quát áp dụng cho hết thảy mọi người, trong đó có cả tôi và bạn nữa. Mời bạn cùng tôi khám phá nguyên lý thâm sâu của đặc ân vĩ đại này.

Lu-ca thuật lại giai thoại truyền tin và nhấn mạnh một điều không thể tin được, nếu chỉ căn cứ vào suy luận tự nhiên: Ma-ri-a thụ thai và sinh con mà vẫn đồng trinh. Và để dẫn chứng điều không thể đó là có thể, thiên sứ đã đưa ra sự kiện một phụ nữ khác là Ê-li-sa-bét hiếm muộn và già nua mà cũng đã thụ thai. Cả hai trường hợp này đều là phản tự nhiên, phản lại với định luật bất di bất dịch của trời đất và con người. Nếu nó có xảy ra được thì âu là có một sức mạnh vô song nào đó mà Đức Chúa muốn tỏ bày. Nhưng tôi tự hỏi: đó là sức mạnh nào? Chẳng lẽ chỉ là một ‘show’ về quyền phép là điều Ngài muốn biểu lộ sao cho con người phải nể phục, tương tự như các tai ương Ngài đã dùng Mô-sê mà giáng họa xuống đất nước Ai-cập xưa? “Đối với Thiên Chúa, không có gì mà không thể làm được!” điều đó là đương nhiên rồi, nhưng một khi thực hiện cái không thể đó Ngài phải có một lý do gì rất chính đáng chứ! Về điều này tôi muốn được nghe chính những nhân vật trong cuộc là Ma-ri-a và Ê-li-sa-bét (hay chồng của bà là Gia-ca-ri-a, người thân thiết và hiểu rõ bà hơn hết) nói về những cảm nghiệm thâm sâu nhất họ có. Đàng sau những sự kiện ‘không thể’ đó chính họ đã nghiệm thấy rõ quyền năng mà Thiên Chúa đang muốn thực hiện thực sự là cái gì.

Ma-ri-a thoáng nhận ra một điều gì đó vô cùng vĩ đại đang xảy đến với mình “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả”. Sự vĩ đại này quá đỗi to lớn tới độ con người, hoặc chỉ còn biết câm nín, hoặc bị thôi thúc phải cất tiếng ngợi khen. Đó chính là trường hợp của Ma-ri-a và Da-ca-ri-a khi được loan báo. Nhưng để biết điều vĩ đại họ nghiệm ra cụ thể là gì thì chúng ta hãy lắng nghe các bài ca MagnificatBenedictus mà họ đã cất lên tự đáy lòng mình:

• “Đời nọ tới đời kia Chúa hằng thương xót

• “Vì Người nhớ lại lòng thương xót… đến muôn đời

• “Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn…

• “Người sẽ cứu độ là tha cho họ hết mọi tội khiên

• “Người sẽ nhớ lại lòng thương xót dành cho Ap-ra-ham và con cháu đến muôn đời

Thì ra lòng thương xót mới chính là quyền năng đứng đàng sau tất cả những gì là ‘không thể’ này. Lòng từ bi thương xót là quyền năng vĩ đại nhất mà Thiên Chúa đang muốn biểu lộ cho tất cả những ai tin vào Đức Giê-su Ki-tô, khởi đầu là Ma-ri-a, là Da-ca-ri-a … Lòng từ bi thương xót cứu độ đó đã đạt tới cao điểm nhất khi nó làm cho sự sống phục sinh mãnh liệt bừng lên từ nấm mồ chết chóc lạnh lùng và hủy diệt. Sự kiện Phục Sinh cho thấy từ bi thương xót có sức mạnh làm đảo lộn tất cả: nó làm cho thụ thai mà không mất đồng trinh, sinh con trong tuổi già hiếm muộn, được thưởng phúc vinh khi chỉ đáng hình phạt đọa đầy, được làm nghĩa tử khi phản nghịch chống đối, thánh thiện khi tội lỗi, mạnh mẽ khi yếu đuối, vô nhiễm khi là con cháu E-va vướng mắc tội nguyên tổ… Ai chấp nhận cho nổi những điều này? Nó thật phi lý quá, ngoại trừ những kẻ bé mọn mà “Cha Ta muốn mạc khải cho”!

Và như thế, đón nhận lòng Thương Xót của Thiên Chúa chính là điều quan trọng nhất mà con người ta có thể làm. Sự vĩ đại nhất của Ki-tô hữu chúng ta chính là mở rộng cõi lòng đón lấy lòng Nhân Hậu Chúa. Tôi không cần biết Thiên Chúa sẽ hay đã làm cho tôi những ‘điều trọng đại’ nào (…có lẽ cũng nhiều lắm chứ), nhưng quan trọng và vĩ đại nhất trong đời vẫn phải là: trở thành Ki-tô hữu, tức là tôi trở thành một người có khả năng hiểu biết và tiếp nhận lòng thương xót vô biên của Chúa. Ngay cả Mẹ Ma-ri-a cũng chưa chắc đã ý thức mình được Thiên Chúa ban cho đặc ân vô nhiễm nguyên tội, nhưng có một điều chắc chắn là Mẹ đã biết rất rõ và rộng mở cõi lòng đón nhận hơn bất cứ ai khác; đó là Thiên Chúa là Đấng xót thương.

Mừng kính Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, trong khi cất tiếng ca ngợi đặc ân Chúa ban cho Mẹ, tôi có bị thôi thúc cùng Mẹ cất tiếng hát khen “Chúa hằng thương xót… hết đời nọ tới đời kia” không? Và tôi có xác tín rằng chính quyền năng thương xót đó cũng đang đổ tràn trên tôi, và biến đổi số phận thấp hèn của tôi cách sung mãn nhất hay không?

Lạy Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, xin cho con được bắt chước Mẹ, không cần quan tâm nhiều tới bất kỳ đặc ân nào con nhận được, kể cả ơn gọi tu sĩ và linh mục, sự tốt lành đạo đức thánh thiện… nếu có, nhưng tập trung trí lòng để nhận biết Chúa Từ Ái xót thương con vô bờ bến. Con xin chúc mừng Mẹ về đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, nhưng con còn muốn chúc tụng Mẹ nhiều hơn vì Chúa đã xót thương đến phận hèn của Mẹ. Xin cho con được cùng Mẹ Vô Nhiễm ca ngợi lòng Thương Xót Chúa đến muôn đời. A-men.

Về mục lục

.

MẦU NHIỆM THẲM SÂU VƯỢT RA NGOÀI TRÍ KHÔN CON NGƯỜI

JM. Lam Thy

Trong bài giảng ngày đại lễ kính Đức Mẹ Vô Nhiễm và khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót (8/12/2015), ĐTC Phan-xi-cô thuyết giảng: “Trước hết, Đức Maria đã được thôi thúc để vui mừng về tất cả những gì mà Thiên Chúa đã thực hiện nơi Mẹ. Ân sủng của Thiên Chúa đã bao phủ Mẹ, và làm cho Mẹ trở nên xứng đáng làm Mẹ Chúa Ki-tô. Đối với Mẹ, khi Tổng Lãnh Thiên Thần Gabriel bước vào nhà Mẹ, một mầu nhiệm thẳm sâu mà nó vượt ra ngoài bất cứ dung lượng nào của trí khôn, cũng đã trở nên nguyên cớ dẫn tới niềm vui, dẫn tới Đức Tin và dẫn tới sự trao hiến trọn vẹn cho Lời vừa được mạc khải cho Mẹ. Sự tràn đầy ân sủng có khả năng biến đổi con tim, và làm cho nó có khả năng thực hiện một bước đi, mà bước đi ấy rất vĩ đại vì nó làm thay đổi lịch sử nhân loại.” (nguồn: Vatican.net). Thử tìm hiểu xem “bước đi làm thay đổi lịch sử nhân loại” là thế nào? 

Bài đọc 1 hôm nay (St 3, 9.15-20) trình thuật việc ông bà Nguyên tổ nghe lời con rắn xúi giục đã ăn trái cấm, khiến “Đức Chúa là Thiên Chúa đuổi con người ra khỏi vườn Ê-đen để cầy cấy đất đai, từ đó con người đã được lấy ra. Người trục xuất con người và ở phía đông vườn Ê-đen, Người đặt các thần hộ giá với lưỡi gươm sáng lóe, để canh giữ đường đến cây trường sinh.” Đến bài Tin Mừng (Lc 1, 26-38), Thánh sử Lu-ca trình thuật sự kiện “Truyền tin cho Đức Maria”. Nghe lời chào và chúc mừng của sứ thần, Đức Mẹ rất bối rối và hỏi lại: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng.” Sau khi được sứ thần giải thích thỏa đáng sự băn khoăn thắc mắc trước việc thụ thai Chúa Giê-su, Đức Maria đã trả lời sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Như vậy, hai bài đọc làm nổi bật hai cuộc đối thoại mà đối tượng chính là hai người phụ nữ, đã làm đảo lộn lịch sử loài người, thay đổi hẳn cục diện thế giới. 

Cuộc đối thoại thứ nhất giữa sứ giả của ma quỷ (con rắn) với bà E-và trong vườn địa  đàng: Rắn nói với Eva: “Có thật Thiên Chúa bảo: “Các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” Người đàn bà trả lời: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn. Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết.” Rắn nói: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác.” E-và nghe bùi tai, lại “thấy trái cây đó ăn thì ngon, trông thì đẹp mắt, và đáng quý vì làm cho mình được tinh khôn. Bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình; ông cũng ăn.” Kết quả là: “Bấy giờ mắt hai người mở ra, và họ thấy mình trần truồng; họ mới kết lá vả làm khố che thân.” (St 3, 1-7). 

Và hậu quả tất yếu đến cho ông bà Nguyên tổ: “Với người đàn bà, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.” Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”… Ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra. Đất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.” (St 3, 16-19). 

Cuộc đối thoại thứ hai giữa sứ giả của Thiên Chúa (sứ thần Gáp-ri-en) với E-và Mới là Đức Maria nơi thành Na-da-ret (miền Ga-li-lê): “Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì? Sứ thần liền nói: “Thưa bà Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giê-su. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Bà Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sứ thần đáp: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Ê-li-za-bét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Kết quả là: ”Bấy giờ bà Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” (Lc 1, 28-38) 

So sánh hai cuộc đối thoại, thấy rõ một bên là sứ giả của quỷ dữ (con rắn) đầy ranh ma quỷ quyệt ẩn trong thái độ ngạo mạn coi thường cả Thiên Chúa lẫn đối tượng bị cám dỗ (E-và), còn một bên là sứ giả của Thiên Chúa (sứ thần) chân thành biểu lộ trong thái độ khiêm cung, kính trọng Thiên Chúa và cả người đối diện (Đức Maria). Cả hai đối tác đều gật đầu ưng thuận (Bà E-và thì mau mắn hái trái cây ăn và cón đưa cho chồng cùng ăn; Đức Maria tuy tỏ dấu băn khoăn, nhưng khi được giải thích đã khiêm tốn xưng mình là nữ tì của Thiên Chúa và “xin vâng”). Cái gật đầu mau mắn của E-và đã làm đảo lộn lịch sử loài người: Thay vì được an vui thảnh thơi sống trong vườn địa đàng thì bị đuổi ra ngoài, xa lìa Thiên Chúa, phải tự vật lộn với cuộc mưu sinh và đối mặt với biết bao ác hiểm của kẻ thù muôn kiếp là ma quỷ. Không những chỉ hai ông bà Nguyên tổ mà còn truyền tử lưu tôn tội lỗi tày trời đến thiên thu vạn đại. Còn cái gật đầu ưng thuận của Đức Maria bằng tiếng “xin vâng” thì lại thay đổi hẳn cục diện thế giới, mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử loài người: Kỷ nguyên Cứu Độ. 

Cũng là gật đầu để đón nhận lương bổng hay ân hụê mà sao kết quả lại trái ngược nhau đến lạ lùng? Ấy cũng bởi vì “Lương bổng mà tội lỗi trả cho người ta, là cái chết; còn ân huệ Thiên Chúa ban không, là sự sống đời đời trong Đức Ki-tô Giê-su.” (Rm 6, 23). Có tin thì mới gật đầu ưng thuận. Con người ta sống trên đời cần phải có niềm tin, bởi nếu thiếu nó thì cuộc sống thật vô vị. Có tin thì mới yêu đời, nên hai chữ “tin yêu” luôn đi đôi với nhau thành một từ ghép diễn tả tâm trạng vui sống của con người. Đến ngay cả những kẻ chán đời tìm đến cái chết cũng vẫn có một niềm tin. Họ tin rằng cái chết sẽ giúp họ giải thoát cơn bĩ cực sầu khổ tột cùng. Chính vì thế nên vấn đề đặt ra là lòng tin của người gật đầu đã đặt đúng chỗ chưa? Nên tin vào một vị Thần duy nhất là “Vua trên hết các vua, Chúa trên hết các chúa” hay là nên tin vào thần sông thần núi, thần cây đa cây đề, thần mưa thần gió, thần sấm thần chớp, thần bếp thần đất …? 

Nói đến vấn đề tin vào thần linh là nói đến thái độ cực đoan của những người tin. Họ tôn thờ những đối tượng mà họ tin như một ông chủ và sẵn sàng làm tôi tớ để mua chuộc cảm tình. Ấy cũng bởi vì con người được tự do tuyệt đối chọn cho mình một lối sống, hoặc chạy theo bả vinh hoa vật chất, hoặc sống một cuộc đời công bình chính trực. Nếu chẳng vậy thì vị Vua Công Chính, Vua Tinh Yêu đã chẳng dạy: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được.” (Mt 6, 24). Hoá cho nên chỉ vì một niềm tin đặt không đúng chỗ, vì một cái gật đầu ưng thuận của “một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5, 12). Nhưng Thiên Chúa cũng không vì thế mà bỏ rơi loài người. Người vẫn thương yêu đàn con cái trầm luân trong tội lỗi nhuốc nhơ, nên đã ban cho nhân loại một Người Nữ đặt niềm tin tuyệt đối vào Đấng Toàn Năng hằng hữu, để từ cái gật đầu khiêm nhường ưng thuận bằng hai tiếng “xin vâng”, đã đón nhận vào cung lòng một Trưởng Tử Thiên Cung nhập thể làm người cứu chuộc nhân thế. Thật đúng là: “Nếu chỉ vì một người duy nhất sa ngã, mà sự chết thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.” (Rm 5, 17). 

Càng suy gẫm càng thấy rõ ràng 2 cái gật đầu của 2 người nữ đã quyết định vận mệnh con người. Chính vì thế nên xin đừng nghi ngờ, phân vân gì nữa, mà hãy mừng vui lên cùng với cái gật đầu thứ hai trong lịch sử loài người của “nữ tì Thiên Chúa”. Ấy cũng bởi vì “một mầu nhiệm thẳm sâu mà nó vượt ra ngoài bất cứ dung lượng nào của trí khôn con người” (Bài giảng của ĐTC Phan-xi-cô như đã dẫn trên). Từ niềm hoan lạc được mạc khải, hãy cất cao giọng vinh tụng ca: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giê-su Ki-tô. Tin Mừng đó mạc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa, nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa. Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giê-su Ki-tô. A-men.” (Rm 16, 25-27). Người Ki-tô hữu hãy hoan hỉ ngẩng cao đầu cất tiếng ngợi khen, để tiếp liền sau đó khiêm cung cúi đầu “xin vâng” theo Thánh ý Đấng Toàn Năng Hằng Hữu.

Muốn được như vậy, xin hãy chạy đến cùng Đức Mẹ như lời khuyên của ĐTC Phan-xi-cô trong bài giảng ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhễm (–nt–): “Xin hãy chạy đến nép mình trong áo Mẹ, cũng bởi vì ”Dưới áo choàng của Mẹ có chỗ cho tất cả mọi người, vì Mẹ là Mẹ Thương Xót. Trái tim Mẹ đầy dịu dàng đối với mọi con cái của Mẹ: sự dịu dàng của Thiên Chúa, Đấng đã nhận xác thể từ Mẹ, và trở thành người Anh của chúng con, là Chúa Giê-su, Đấng Cứu Độ mọi người nam nữ. Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm, khi nhìn lên Mẹ, chúng con nhận ra chiến thắng của Lòng Chúa Xót Thương trên tội lỗi và mọi hậu quả của nó; trong tâm hồn chúng con bừng lên niềm hy vọng một cuộc sống tốt đẹp hơn, được giải thoát khỏi mọi nô lệ, oán hận và sợ hãi. Lạy Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, chúng con cảm tạ Mẹ vì trong hành trình hòa giải này, Mẹ không để chúng con đi một mình, nhưng tháp tùng chúng con, ở cạnh và nâng đỡ chúng con trong mọi khó khăn. Chúc tụng Mẹ bây giờ và mãi mãi. Amen.” 

Ôi! “Lạy Thiên Chúa chí thánh, Chúa đã làm cho Trái Tim Ðức Trinh Nữ Ma-ri-a nên cung điện xứng đáng của Chúa Thánh Thần, vì lời Ðức Trinh Nữ chuyển cầu, xin thương giúp chúng con cũng trở nên đền thờ Chúa ngự. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen. (lời nguyện lễ Trái rim Vô nhiễm Đức Mẹ – 8/12)

Về mục lục

.

ĐỆ NHẤT THÁNH NỮ

Trầm Thiên Thu

HỒNG ÂN CAO CẢ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

THÁNH MẪU GIỮ MÌNH TRINH KHIẾT TRỌN ĐỜI

Vô nhiễm là một trong tứ ân đặc biệt mà Thiên Chúa dành riêng cho Đức Mẹ (*), thụ tạo đặc biệt của Thiên Chúa – Đệ Nhất Thánh Nữ với nhiều thánh hiệu được Giáo hội tôn vinh (x. Kinh Cầu Đức Bà). Theo ngữ nghĩa “nhiễm” là “nhuộm” – nghĩa bóng là lây lan, thấm sang, vương, vướng, dính – nhưng thường được dùng ở thể thụ động và mang nghĩa xấu. Nói ngắn gọn, “vô nhiễm” nghĩa là không bị nhiễm. Qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ) ban hành ngày 8-12-1854, ĐGH Piô IX đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.

Trong cuộc sống đời thường có nhiều dạng “nhiễm”: Nhiễm khuẩn, nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, nhiễm bệnh,… Về thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm một dạng virus nào đó, với mức độ khác nhau. Vì thế, người ta rất cần bảo vệ hệ miễn nhiễm của cơ thể, đặc biệt là cố gắng làm mạnh sức đề kháng. Thật kỳ diệu là đối với một số người Phi châu, họ miễn nhiễm với HIV (Human Immunodeficiency Virus), người ta gọi là “căn bệnh thế kỷ”, thường nói theo Pháp ngữ là SIDA (Anh ngữ là AIDS –  Acquired Immune Deficiency Syndrome), Việt ngữ gọi là “bệnh liệt kháng”. Đó là một dạng thiếu khả năng miễn nhiễm của cơ thể. Tuy nhiên, có một số người Phi châu không bị nhiễm HIV, đúng là dạng “vô nhiễm” rất kỳ lạ!

Theo giáo sử, Lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm đã có tại Ðông phương từ giữa thế kỷ VII và VIII. Các vị giảng thuyết đã nói về sự Vô Nhiễm, thai sinh thánh thiện, nhưng không nêu lên vấn đề gì khác. Thời Trung cổ, lễ này được đưa vào Tây phương, rồi nhiều dòng tu ở Ðức và Rôma cũng đã mừng lễ này từ thế kỷ IX.

Các tu sĩ đưa lễ này vào Anh quốc năm 1060, rồi lễ này được lan rộng khắp Âu châu trong thời gian 1127-1128, dù Thánh Bênađô vẫn tỏ ra dè dặt trước “sự mới lạ” đó. Lúc đầu, đó là một phong trào sùng kính sốt sắng nhưng thiếu suy tư, nhất là bị ảnh hưởng những ý kiến mù mờ của thời đó.

Sau đó, cùng với Thánh GM TS Augustinô, người ta cho rằng việc giao hợp vợ chồng là hành động trác táng lưu truyền tội tổ tông. Như vậy, Đức Maria sinh bởi sự giao hợp của cha mẹ thì cũng không thoát khỏi “định luật thông thường” đó. Vả lại, thời đó người ta có quan niệm phi khoa học về việc thai sinh, như thể xác được cưu mang trước rồi linh hồn đến trong khoảng thời gian sau: Linh hồn con trai trước 40 ngày, linh hồn con gái phải lâu hơn mới hợp với thể xác vì bản tính con gái yếu kém. Ui da!

Trong cái “vòng lẩn quẩn” đó, các thần học gia cũng không biết làm sao thoát khỏi với điều này: Chúa Kitô là Ðấng cứu chuộc hết mọi người. Như vậy, nếu nói rằng Ðức Mẹ không vướng mắc tội lỗi, dù chỉ nói đến tội tổ tông, thì Chúa Kitô không còn là Ðấng cứu chuộc toàn thể nhân loại. Các nhà thần học thế kỷ XIII, kể cả Thánh TS Thomas Aquinô, đều cho rằng Ðức Mẹ vẫn có phần lệ thuộc tội lỗi, ít nhất là về thể lý trong thời gian mang thai.

Đến cuối thế kỷ XIII, thần học gia tu sĩ Gioan Duns Scott và tu sĩ William Ware (Dòng Phanxicô) đã có công tìm hiểu và đảo ngược lý luận trên. Chân phước tu sĩ Duns Scott lý luận rằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ chẳng những không làm tổn thương đến vinh dự Đức Kitô và Công Cuộc Cứu Chuộc của Ngài, nhưng càng làm tỏ rạng sự sung mãn của công cuộc ấy. Nhân loại thực sự được thoát khỏi Nguyên Tội khi lãnh nhận Bí tích Thánh Tẩy. Nơi Đức Maria, công việc của Chúa Giêsu có sức ngăn ngừa tội lỗi. Vì Ðấng Cứu Chuộc hoàn hảo phải là Ðấng không chỉ có thể CHỮA LÀNH tội lỗi mà còn NGĂN NGỪA tội lỗi. Lý luận thật tuyệt vời, và Thánh Ý Chúa thật là mầu nhiệm! Thật vậy, vào ngày 25-3-1858, chính Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức và xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Điều này cho thấy Chúa Thánh Thần thực sự tác động mạnh trong đời sống Giáo hội Lữ hành và minh chứng ơn bất khả ngộ của Đấng kế vị Thánh Phêrô, vì lúc đó Giáo hội mới công bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm được gần 4 năm.

Qua trình thuật St 3:9-15, chúng ta thấy đó là một cuộc “xưng tội công khai” của Ông Bà Nguyên Tổ trước Tôn Nhan Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế cho biết: Thuở hồng hoang, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa phán với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”.

Lạy Chúa tôi, con người thật chua ngoa và tồi tệ! Đó là một dây-chuyền-tội-lỗi: Ông đổ lỗi cho bà, bà đổ lỗi cho con rắn. Cuộc đời người ta “chết” vì những cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, GIÁ MÀ, GIẢ DỤ,… và không phục thiện. Thật nguy hiểm vô cùng!

Chàng Adam được Thiên Chúa ban cho “mỹ nhân” (chắc là xinh đẹp và dễ thương lắm) nên chàng Adam nhà ta khoái chí lắm, liền đặt tên cho “vợ yêu” là Eva – tên này có nghĩa là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20). Như một chuỗi lô-gích liên quan lẫn nhau, người ta có một câu danh ngôn thú vị thế này: “A-xít làm CHÁY tiền, tiền làm CHÁY tim đàn bà, nước mắt đàn bà làm CHÁY tim đàn ông”. Ôi chao, thú vị mà cay cú, nhưng cũng chí lý đấy chứ!

Người ta gọi phụ nữ là “liễu yếu đào tơ”, nhưng đôi khi quên rằng phụ nữ mềm mà cứng, yếu mà mạnh. Quả thật, chính sự yếu mềm đó lại chính là thế mạnh của họ, nhất là họ vừa trẻ vừa đẹp, ngày nay còn “chân dài” nữa, nó “khoèo” một cái là lũ đàn ông té hàng loạt như bão mạnh thổi tung vậy. Khốn thay! Thật vậy, giọng cô ả chỉ “nhựa” một chút và ẻo lả một chút khi nói “Anh ơi!”, thì hỡi ôi, chàng chợt mềm nhũn như bún thiu ngay thôi. Chẳng thế mà Samson khỏe như voi cũng “chết ngắc” chỉ vì một phụ nữ, đường đường là một quốc vương như Đa-vít mà cũng “tiêu” chỉ vì một phụ nữ, và rồi gã Hê-rô-đê cũng sẵn sàng “làm liều” chỉ vì một phụ nữ, dám “thí” nửa nước như một món đồ chơi vậy. Đúng vậy, chỉ MỘT phụ nữ mà quý ông đã “tiêu diêu miền tình ái” chứ chưa cần nhiều phụ nữ đâu. Thật khủng khiếp quá chừng!

Xưa nay người ta vẫn ví von thế này: “Phụ nữ muốn là trời muốn”. Và người ta cũng so sánh: “Nhất vợ, nhì trời,…”. Trời còn đứng hàng thứ chứ nói gì phàm phu tục tử. Đáng sợ là khoảng giữa “cái có” và “cái không” ở phụ nữ thì dù một sợi tóc cũng không thể lọt vào. Tinh vi quá đỗi! Đàn ông là sóng cồn nhưng đàn bà là sóng ngầm. Sóng ngầm không thấy mà tránh và có sức cuốn mất hút dù trời không hề giông bão.

Tuy nhiên, Thiên Chúa không làm ngơ. Chỉ vì một phụ nữ tội lỗi mà nhân loại chịu kiếp đọa đày, đó là Bà Cố Tổ Eva; nhưng lại nhờ một phụ nữ thánh thiện, nhu mì và tuân phục, mà nhân loại được giải án tuyên công, người đó chính là Đức Maria. Thật diễm phúc cho phàm nhân chúng ta!

Khi đã thực sự nhận ra “cái may” to lớn như thế thì người ta phải biết tạ ơn chân thành và không ngừng. Thật vậy, Thánh Phaolô đã bày tỏ tâm tình đó: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần” (Ep 1:3). Không chỉ vậy, Thánh Phaolô còn xác định chi tiết: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:4-6). Rất rõ ràng, mạch lạc, và dễ hiểu.

Và rồi Thánh Phaolô còn nói thêm: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:11-12). Quả thật, hồng ân Thiên Chúa quá bao la, cao vời và khôn ví. Chúng ta chỉ còn biết suốt đời cúi đầu mà cảm tạ liên lỉ từng phút, từng giây, trong suốt cuộc đời này.

Ơn là ơn, ân sủng là ân sủng, hồng ân là hồng ân, chúng ta không thể xác định ơn nào to hay nhỏ – đại ân hoặc tiểu ân. Chỉ có Thiên Chúa mới là người xác định mức độ, vì chỉ một mình Ngài là người thi ân giáng phúc. Đức Mẹ và các thánh chỉ là những người cầu thay nguyện giúp, đại diện cầu xin thay cho chúng ta (vì họ “uy tín” hơn chúng ta), họ là “ống dẫn” để chuyển ơn thánh từ Thiên Chúa tới chúng ta.

Trình thuật Lc 1:26-38 nói về cuộc Truyền Tin, ngày khởi đầu quan trọng đối với công trình cứu độ. Thánh sử Luca kể: Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria.

Vừa gặp Trinh Nữ Maria, Sứ thần liền nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, Cô Maria rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần biết Cô Maria đang lo lắng nên trấn an ngay: “Cô Maria ơi, xin đừng sợ, vì Cô đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Cô sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Chu choa, răng mà kỳ vậy hè? Người ta đã khấn giữ đồng trinh mà tự dưng nói chuyện mang thai và sinh sản. Kỳ ghê đi, mắc cỡ thí mồ, ngại hết sức! Thế nên Cô Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sứ thần liền giải thích cặn kẽ và minh chứng cụ thể: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được”.

Thì ra là thế! Nói đến Thiên Chúa thì miễn bàn, vì Cô Maria hết lòng tin kính Ngài. Thế là hai năm rõ mười. Tỏ rõ khúc nhôi. Chắc hẳn Cô Maria nhà ta thở phào nhẹ nhõm. Và rồi Cô Maria dịu dàng nói ngay với sứ thần: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa CỨ LÀM cho tôi như lời sứ thần nói”. Nghe vậy, sứ thần cũng “an tâm” mà từ biệt ra đi…

Alleluia! Thế là “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”, và ở cùng chúng ta… Ngài chính là Đấng Thiên Sai, mệnh danh Emmanuel (Is 7:14; Mt 1:23). Đức Maria tự nhận là một Nữ Tỳ hèn mọn nhưng lại thật là vĩ đại, đã trở thành Đấng Theotókos (Θεοτόκος – God-Bearer – Người-Mang-Thiên-Chúa). Xin kính chào Đấng Emmanuel, và xin “kính mừng Maria đầy ơn phước”… Tạ ơn Thiên Chúa – Deo gratias!

Ly M Maria

Đấng Vô nhim Nguyên ti

Luôn tin yêu tuyt đối

Nơi Thiên Chúa tình yêu

M sáng rc ngàn sao

Trng trong như Bch Hu

Nêu gương cho hu du

Trinh nguyên c xác hn

Ly Thánh Mu t nhân

Xin ch che, nâng đỡ

Du đời bao sóng gió

Vn mt lòng tin yêu

Lạy Thiên Chúa quan phòng và tiền định, xin làm mạnh hệ miễn nhiễm tâm linh để con đủ sức đề kháng cái xấu. Lạy Thánh Nữ Vô Nhiễm, xin giúp con can đảm khi noi gương Mẹ sống khiêm nhu và tuân phục vô điều kiện. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

 

(*) 1. Thánh Mẫu Thiên Chúa [01-01], 2. Mông Triệu [15-08, Hồn Xác Lên Trời], 3. Đồng Trinh Trọn Đời [22-08, Maria Trinh Vương], 4. Vô nhiễm Nguyên tội [08-12].

Về mục lục

.

NGƯỜI PHỤ NỮ THÁNH THIỆN

P.Trần Đình Phan Tiến

Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, người Công Giao trên khắp thế giới tôn kính Mẹ Maria là điều hiển nhiên rồi. Nhưng, người Hồi giáo cũng tôn kính Mẹ Maria không thua kém. Như vậy, cùng với hơn một tỷ người Công giáo và Hồi giáo chúng ta hân hoan mừng kính trọng thể Lễ Đức Trinh Nữ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Vâng, “Người Nữ đạp nát đầu satan”.

Thưa quý vị, thưa các bạn, Người Phụ Nữ được Thiên Chúa chúc phúc để “đạp nát đầu satan” , đó chính là Đức Trinh Nữ Maria. Vâng, không ai có thể đạp nát đầu satan được, nếu không được Thiên Chúa ban cho cái “quyền “ấy.

Người phụ nữ đầu tiên đã “bị” satan gài bẫy, sự bất lực nơi con người không thể chống lại stan. Nhưng, với ơn Chúa và sự vâng lời của con người, thì con người mới chống lại satan được.

Satan : kẻ phản nghịch. Vậy muốn chống lại satan, con người phải “vâng lời” Thiên Chúa. Vậy, ai là người đầu tiên thực thi được điều ấy. Thưa, đó là ”DỨC TRINH NỮ MARIA”, Lời Thiên Sứ Truyền Tin đứng sau “Lời tiền định” từ Thiên Chúa, Lời mà Thiên Chúa đồng thời lên “án phạt” satan, tức con rắn xưa.

Như vậy, “Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội” được ban cho Đức Trinh Nữ Maria chính là “ngay từ giây phút”  Lời Tiền Định từ Thiên Chúa. (St 3, 15) trong Cựu Ứơc. “ … người phụ nữ sẽ đạp nát đầu mi..” Còn trong Tân Ứơc chính là câu :” Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Bà …” (Lc 1, 35)

Đồng thời lời thưa “ Xin Vâng” của Mẹ nói lên sự “ưng thuận tuyệt đối”, sự tín thác chân thành của thụ tạo, mà Mẹ là người đại diện.

Tiếng “Fiat” của Mẹ là tiếng thưa của cả nhân loại, dâng lên Thiên Chúa là Cha, để đáp lại “Hồng ân của lòng tin “. Để đồng lòng cùng Đấng Tạo Thành lên án satan. Như vậy, Người Phụ Nữ  duy nhất ấy phải Thánh Thiện, phải trỗi vượt trên tất cả loài thụ tạo, để Mẹ xứng đáng được đón nhận một “dòng dõi mới” , đó là Tân Ứơc, một Giao Ứơc mới. Một Giao Ứơc mà Thiên Chúa đã “lập ra” dành cho một “Người Mẹ”, để làm Mẹ một dòng dõi mới, dòng dõi Tân Ứơc. Vì, “… Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa ” ( c 35)

Vâng, Đấng Thánh được sinh ra bởi một Người Mẹ, mặc nhiên người Mẹ ấy phải thánh thiện trỗi vượt. Vì, Người Mẹ ấy được gọi là “ MẸ THIÊN CHÚA “.

Như vậy, “Đặc ân vô nhiễm nguyên tội” nơi Đức Mẹ thật là có cơ sở vậy. Bởi vì, “ Từ Nguyên thủy đã có Ngôi Lời, Ngôi Lời ở nơi Thiên Chúa  Ngôi Lời vẫn hướng về Thiên Chúa, vì Ngôi Lời là Thiên Chúa” ( Ga 1, 1).

Mặc nhiên, người được Thiên Chúa tiền định để cộng tác vào Mầu Nhiệm Cứu Độ loài người bởi Thiên Chúa, thì Người Phụ Nữ ấy phải là “ Nguyên tuyền thánh thiện” vậy.

Vâng, đó là nguyên lý đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” nơi Đức Trinh Nữ Maria vậy.

Không ai được gọi là “Thánh “ ngoài Thiên Chúa, nhưng chính Đấng Thánh ấy, là Thiên Chúa cực Thánh , Chí Thánh, ngàn trùng Chí Thánh đã muốn “Tiền Định” sự “Thánh Thiện “ ấy cho một thụ tạo, thì ai ngăn cản được.

Xin mượn lời nhạc sĩ để cất lên lời chúc tụng Mẹ : “ Cung chúc Trinh Vương, Mẹ quyền phép khôn lường, vì Mẹ đầy ơn Thiên Chúa, Mẹ khiết trinh trọn đời …”

Lạy Thiên Chúa là Cha, xin chúc tụng ngợi khen Danh Cha, xin cùng Đức Trinh Nữ Maria cảm tạ Cha muôn vàn cao cả, Cha đã ban cho một thụ tạo được trở nên Mẹ của Đấng Cứu Thế, để muôn đời nhân thế tôn vinh Cha, vì những kỳ công tuyệt mỹ. Xin Cha thương ban cho mọi loài thọ sinh biết nhận ra tình Cha cao vời, mà phượng thờ cho xứng hợp. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu- Kitô./. Amen

Về mục lục

.

LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM

Lm Giuse Đinh lập Liễm

I. LÒNG SÙNG KÍNH QUA THỜI GIAN  

Thánh Kinh không minh nhiên nói về việc Đức Maria ngay từ thưở ban đầu đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ, nhưng lòng sùng kính cá nhân hay trong cộng đoàn địa phương đã có từ lâu.  Giáo dân với lòng thành thật đã tin rằng Đức Maria đã được ơn vô nhiễm nguyên tội và lòng sùng kính mỗi ngày một tăng thêm.
 

Về phụng vụ, chúng ta thấy đã có những thánh lễ kính Đức Mẹ vô nhiễm từ thế kỷ thứ 9, bắt đầu từ Constantinople tràn sang miền nam nước Ý. Nhưng rõ nét nhất là thánh Anselmô thành Canterburry đã du nhập Thánh lễ này vào giáo phận của Ngài.

Vào năm 476 Đức Giáo hoàng Sixtô IV xuất thân từ dòng Anh Em Hèn Mọn, đã đem lễ này vào Giáo hội La mã.

Tuy Thánh lễ kính Đức Mẹ Vô nhiễm đã được mừng trọng thể trong toàn Giáo hội, nhưng lòng tin vào đặc sủng này còn bỏ ngỏ để các nhà thần học tự do nghiên cứu và thảo luận.

Riêng Giáo phận Bùi chu, năm 1845 là thời kỳ cấm đạo gay gắt nhất, Đức cha Valentinô Vinh coi sóc Giáo phận đã thay mặt cho giáo phận khấn với Đức Mẹ Vô Nhiễm :”Nếu cơn bách hại tan đi thì Giáo phận sẽ xây dâng kính Đức Mẹ một ngôi thánh đường xứng đáng.”.

Nhờ ơn Đức Mẹ, cơn bắt đạo qua đi, và thánh đường khấn hứa đã bắt đầu được xây cất vào năm 1917 tại làng Phú nhai (Bùi chu) và hoàn thành vào năm 1923. Nhưng mùa hè năm 1929 một cơn bão lớn đánh sập và năm 1938 việc tái thiết được hoàn thành.

Đây là ngôi thánh đường nguy nga đồ sộ, theo kiểu gothique, với chiều dài 83 mét, rộng 28 mét và tháp chuông cao 30 mét. Mới đây thánh đường Phú nhai mới được nâng lên thành “tiểu vương cung thánh đường” dâng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm.

 

II. TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

  1. Sự kiện

Suốt một thời gian dài lòng sùng kính Đức Mẹ Vô Nhiễm vẫn triển nở. Mãi đến ngày 08/12/1854, cũng trong ngày lễ hôm nay, Đức Giáo hoàng Piô IX, sau khi tham khảo ý kiến các Giám mục trên khắp thế giới, đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm nguyên Tội bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus”, trong đó Ngài tuyên bố :”Rất thánh Trinh nữ Maria nhờ Thiên Chúa toàn năng và nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu chuộc nhân loại ban cho ân phúc đặc biệt là ngay từ khi thụ thai đã được gìn giữ khỏi hết mọi bợn nhơ của tội nguyên tổ. Đó là tín điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế buộc mọi người phải tin vững vàng mãi mãi”.

Có lẽ Đức Mẹ muốn củng cố cho tín điều  mà Đức Giáo hoàng Piô IX mới tuyên bố, thì ngày 11/02/1858 Đức Mẹ đã hiện ra tại hang đá Massabielle ở Lộ đức với một thiếu nữ 14 tuổi quê mùa dốt nát hay đau yếu nhưng đơn sơ trong trắng tên là Bernadette.

Hôm đó, Bernadette đang đi chặt củi với mấy đứa bạn thì một bà lạ mặc áo trắng như tuyết đã hiện ra với em. Bà lạ đó đã hiện ra  tất cả 18 lần.  Có lần em đã kể với cha sở là bà lạ  muốn xây một thánh đường ở đây. Nhưng cha sở đã bảo em rằng hãy hỏi xem bà là ai ?  Tên là gì ?  Nhiều lần em đã hỏi nhưng bà im lặng. Cuối cùng vào ngày lễ Truyền Tin (25/03), sau khi Bernadette hỏi bà là ai  thì bà chắp tay trước ngực, ngước mắt lên trời mỉm cười đáp :”Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.  Đây là tín điều mà Đức Giáo hoàng Piô IX đã long trọng công bố trước đó gần 4 năm.

  1. Lý do

Tin mừng hôm nay kể lại : Sứ thần Gabriel đến báo tin cho Trinh nữ Maria biết Thiên Chúa đã chọn  Trinh nữ làm Mẹ Đấng Cứu Thế.  Sứ thần bắt đầu báo tin trọng đại ấy bằng một lời chào có vẻ rất tầm thường,  nhưng lại chứa đựng đầu mối  của mọi đặc ân nơi Đức Maria.

Kính chào Trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ, trinh nữ có phúc ơn mọi phụ nữ”.  Lời chào này đã gián tiếp đề cập đến mầu nhiệm và đặc ân vô nhiễm nguyên tội của Đức Maria. Bởi vì “đầy ơn phúc” (gratia plena) thì tất nhiên là không có tội. Cũng như một gian phòng, nếu đầy ánh sáng, dĩ nhiên bóng tối không còn có thể xâm nhập vào được nữa.

Chúng ta có thể tóm tắt trình bầy Đức Maria được khỏi tội tổ tông theo Thánh Kinh và thần học để hiểu rõ thêm, dĩ nhiên đây chỉ là suy nghĩ cá nhân, còn các nhà thân học có những suy nghĩ khác.

  • Theo Thánh Kinh  

Sách Sáng thế cho biết : sau vụ rắn quỉ cám dỗ hai tổ tông phạm tội và Thiên Chúa đã ra hình phạt cho cả hai bên, Ngài còn phán tiếp với con rắn quỉ :”Ta sẽ đặt mối thù giữ mi và người đàn bà, giữa miêu duệ mi và miêu diệu người đàn bà, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”(St 3,15).

Người đàn bà này là ai ? Chắc chắn không phải Evà, vì lẽ Evà đã phạm tội. Và theo Thánh Kinh, kẻ phạm tội thì làm tôi cho sự tội (Ga 8,34). Và kẻ làm tôi sự tội dĩ nhiên làm tôi ma quỉ. Đã làm tôi ma quỉ lại đạp nát đầu ma quỉ thì cả là một sự vô lý, khác nào con ở đánh phạt chủ nhà vậy.

Cho nên, người nữ đây phải hiểu là Đức Maria – người có quyền đạp đầu con rắn quỉ.  Nhưng việc  Đức Maria đạp đầu rắn quỉ không thể cắt nghĩa được nếu không nhận Ngài có quyền trên rắn quỉ, cũng không cắt nghĩa được nếu không công nhận Đức Maria không mắc tội tổ tông, vì lẽ tội tổ tông mới làm cho rắn quỉ có quyền như thế.

  • Theo Thần học

Thiên Chúa ở cùng Trinh nữ”.  Thiên Chúa là Đấng thánh vô cùng. Tội lỗi không thể ở chung với Thiên Chúa. Tội lỗi chống lại sự thánh thiện của Thiên Chúa như bóng tối và ánh sáng. Vậy, nếu Thiên Chúa ở cùng Đức Maria, Thiên Chúa đã chọn Đức Maria làm đền thờ cho Ngài ngự, thì tội lỗi còn ở trong Đức Maria thế nào được ?

Như đã nói Thiên Chúa và tội lỗi xung đột nhau như lửa với nước, như ánh sáng và bóng tối. Nếu Đức Maria mang tội tổ tông trong lòng một trật lại cưu mang Thiên Chúa, hóa ra Người là vật hy sinh chứa đựng hai sự xung đột như trên sao ?

Thứ nữa, Thiên Chúa là Đấng vô tội – và gớm ghét sự tội, nay lại xuống thai trong lòng một người mang tội, thì chẳng ra con người có tiếng là thanh sạch mà lại gieo mình vào đống bùn nhơ sao ?

Đàng khác, Chúa xuống thế gian để kêu mời kẻ có tội (Mc 2,17; Lc 5,32) nghĩa là làm cho kẻ có tội sạch tội và nên thánh thì tại sao  lại không làm cho Mẹ mình sạch tội và nên thánh, nếu thật sự Mẹ mình ít nhất là có tội tổ tông ? Do đó phải kết luận rằng Đức Maria được khỏi tội nguyên tổ là một đặc ân Thiên Chúa ban cho để Người cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu chuộc loài người.

Tuy nhiên, đặc ân vô nhiễm nguyên tội này không có lý do nào khác  ngoài tình thương Thiên Chúa ban cho Đức Maria vì Thiên Chúa đã chọn Ngài làm Mẹ mình. Ngài làm cho Mẹ mình “có phúc hơn các người nữ”, nghĩa là từ người nữ đầu tiên  cho đến người nữ cuối cùng đều thua kém Đức Maria.

Sách Giáo lý Công giáo cũng dạy :”Suốt dòng lịch sử, Hội thánh ý thức rằng Đức Maria vì được Thiên Chúa ban cho “đầy ơn phúc” (Lc 1,28), nên được cứu chuộc ngay từ lúc tượng thai. Đó là nội dung tín điều VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI do Đức Piô IX công bố năm 1854.

Sách Denzinger cũng còn trưng lại :”Đức Trinh nữ diễm phúc Maria đã được gìn giữ khỏi mọi tỳ ố nguyên tội ngay từ lúc tượng thai, do ân sủng và tình thương đặc biệt của Thiên Chúa toàn năng, nhờ công nghiệp của Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ loài người”(DS 2803)

 

III. SỐNG TRONG SẠCH THEO GƯƠNG MẸ MARIA
 

Đặc ân vô nhiễm nguyên tội đã chuẩn bị cho Đức Maria một sứ mạng cao quí là được làm mẹ Đấng Cứu thế, làm Mẹ Thiên Chúa xuống thế làm người và làm mẹ của tất cả chúng ta.

Ngày nay, qua Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm Nguyên tội, Chúa Cứu thế đã đến với chúng ta và đã thực hiện ơn cứu độ trong thế giới. Ngài đã trả lại cho con người tình trạng ơn nghĩa đã bị đánh mất vì tội nguyên tổ. Như thế, chúng ta tuy không được  đặc ân vô nhiễm nguyên tội như Đức Mẹ nhưng chúng ta đã được khỏi tội nguyên tổ trong bí tích Thánh tẩy. Và khi được rửa sạch tội lỗi trong bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã được sự sống mới, sự sống của Chúa và được có “Chúa ở cùng chúng ta” như đã ở cùng Đức trinh nữ Maria. Chúng ta không được làm mẹ Thiên Chúa, nhưng qua bí tích Thánh Tẩy, chúng ta được làm con cái Thiên Chúa, làm em của Đức Giêsu Kitô và con của Mẹ Maria.

Trong bí tích Thánh tẩy, chúng ta đã được tha tội tổ tông, nhưng hệ lụy của tội nguyên tổ vẫn còn ảnh hướng xấu đến chúng ta. Con người chúng ta trở nên yếu đuối dễ hướng chiều về tội lỗi. Chúng ta vẫn bị ma quỉ các dỗ nhất là lỗi đức trong sạch. Chúng ta hãy bắt chước Mẹ Maria mà giữ hồn xác trong sạch, xứng đáng là đền thờ của Thiên Chúa.

Truyện : Bị chém đầu vì bàn tay nhơ nhớp

Người ta kể rằng : một ngư phủ nghèo nàn ở Huế ngày xưa đã rất sung sướng khi anh ta lượm được chiếc sọ của vua Gia Long (1800-1820) nổi lềnh bềnh trên dòng sông Hương (vì lăng tẩm nhà vua bị lấy trộm).

Bác ngư phủ lập tức đi tới Hoàng cung để trình bầy xương sọ của vua Gia Long cho các vị Thượng thư, dĩ nhiên, bác nghĩ rằng mình sẽ được trọng thưởng.

Và bác đã được trọng thưởng thật.

Trọng thưởng thế nào ?

Đầu tiên bác ngư phủ được nâng lên hàng Đại thần. Con cái của bác ta được hoàng gia che chở, tiền nong tha hồ tiêu. Rồi triều đình lập tức cho xây cất một đền thờ ngư phủ, hiện nay vẫn còn ngôi đền này tại Huế.

Tại sao lại phải xây cất đền thờ cho ngư phủ ?

Đó là vì : bác ngư phủ sau các tưởng thưởng kể trên đã bị điệu ra Ngọ môn để chém đầu. Bác ta bị hành quyết vì can tội dùng hai bàn tay  nhơ nhớp hèn hạ của mình mà sờ vào hài cốt của một vị vua !

Ôi ! Vua Gia Long là gì mà một người nhà quê đụng tới hài cốt lại phải bị chém đầu !  Người ta đã quá kính trọng hài cốt của một con người đã chết  mà khinh thường mạng sống của một con người. Nhưng dù sao câu chuyện đó cũng để lại cho chúng ta một bài học : đó là chúng ta phải dọn linh hồn chúng ta cho trong sạch để hằng ngày chúng ta xứng đáng rước Chúa ngự vào long.

Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta hãy hạ quyết tâm : Hãy tôn sùng Đức Maria với tước hiệu “Vô nhiễm Nguyên Tội”. Hãy lấy Mẹ làm gương, sống trong sạch.

Họa sĩ Fra Angelico, một lần vẽ mặt Đức Mẹ thì suy gẫm và cầu nguyện trước, mặc dầu không bao giờ hài lòng và phải đề thêm vào bức họa : Virgo Maria, non est similis tui ( Trinh nữ Maria, không ai giống được như Mẹ).  Ta cố gắng theo gương Mẹ. Mặc dầu sẽ không bao giờ giống Mẹ hoàn toàn, nhưng cũng như Mẹ đã mỉm cười với Fra Angelico, thì cũng sẽ in vào lòng ta một hai nét của các nhân đức Người, nhất là đức trong sạch.

Về mục lục

.

ĐÓA HOA MARIA

Jos. Tạ Duy Tuyền

Khi nói đến hoa là người ta nói đến sắc, đến hương. Hương sắc mỗi loài hoa lại khác nhau. Sự khác nhau tạo nên sự phong phú , đa dạng của muôn loài hoa và tạo nên cái riêng của từng loài hoa. Hương sắc càng rạng rỡ càng làm nên vẻ cao sang quyền quý cho loài hoa.

Con người yêu hoa thích hoa vì nó dễ nhìn, dễ gần. Có người thích gần, thích nhìn hoa để tìm sự thanh  thản cho tâm hồn. Ngắm nhìn hoa và thưởng thức mùi hoa đề tìm cảm giác dễ chịu đến nỗi quên hết mệt nhọc hay ưu phiền.

Hôm nay chúng ta tôn vinh Mẹ Maria. Chúng ta tôn vinh Mẹ như là một đóa hoa thanh cao nhất được dâng lên Thiên Chúa. Mẹ như loài hoa Sen cũng mang những đặc tính vô nhiễm, thanh lọc, thuần khiết, kiên nhẫn và hương thơm thùy mị vì “gần bùn mà chẳng hôi tành mùi bùn”. Là thu tạo được Thiên Chúa dựng nên, nhưng Mẹ đã trở nên thụ tạo hoàn hảo nhất của Thiên Chúa. Nơi Mẹ không hề vướng mắc tội lỗi. Cuộc đời của Mẹ đã họa lại hình ảnh của Thiên Chúa hoàn toàn trong sạch, hằng yêu thương nâng đỡ mọi người. Mẹ đẹp cách hoàn hảo cả về thân xác và tâm hồn. Mẹ còn toả hương thơm ngào ngạt qua những nhân đức ma Mẹ luôn sống: trong sạch, mến Chúa và yêu người.

Tin mừng hôm nay cho ta thấy sự thanh khiết và nét đẹp trinh trong của Mẹ được bảo toàn bằng ân sủng và tình thương của Thiên Chúa. Tin mừng khởi đầu với lời chào thật kính cẩn của sứ thần: “Kính chào Bà đầy ơn sủng”. Đầy ơn sủng nghĩa là cuộc đời Mẹ đã được bao trùm bằng ân sủng của Chúa ngay từ lúc thụ thai. Thiên Chúa đã gìn giữ Mẹ bằng ân sủng của Ngài để Mẹ không vấn vương tội đời, không tỳ ố trong xác phàm để cung lòng Mẹ xứng đáng là đền thờ cho Con Chúa Trời ngự trị.

Nói như thế, không phải là Mẹ không có công trạng gì, vì cuộc đời Mẹ đã được định đoạt từ ý định của Thiên Chúa. Thiên Chúa chọn Mẹ nhưng Ngài vẫn tôn trọng ý chí và tự do của Mẹ. Mẹ vẫn sống một kiếp người bình thường như bao người khác, có khác chăng là tấm lòng Mẹ luôn thanh khiết, luôn toả sáng bằng việc chọn Chúa hơn là chọn những tạo vật trần gian. Chính vì vậy, mà từ Thiên cung Thiên Chúa đã nhìn thấy Mẹ như đóa hoa đẹp nhất trần gian. Sứ thần đã nói cùng Mẹ vì “Mẹ hằng đẹp lòng Chúa”. Mẹ đẹp rực rỡ không phải là vẻ đẹp kiêu xa bên ngoài mà là vẻ đẹp của một tâm hồn thanh khiết dành trọn vẹn cho Thiên Chúa.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm nguyên tội, chúng ta tạ ơn Chúa đã tạo dựng cho nhân loại một đóa hoa rạng ngời luôn tỏa hương thơm ngát là Mẹ Maria. Tạ ơn Chúa đã tặng ban cho đời một đóa hoa luôn thanh thoát, cao quý bởi tình yêu hiến dâng cho Chúa để phục vụ cho đời. Tạ ơn Chúa và nguyện cầu cùng Mẹ giúp chúng ta biết trở thành một đóa hoa thơm ngát dâng tặng cho đời và ca tụng Thiên Chúa.

Cuộc đời hôm nay rất cần những bông hoa tô thắm cho trần gian. Hoa bác ái để bớt đi những gai góc cũng tham sân si mù quáng. Hoa yêu thương rải ngập trán lối đi của danh lợi thú đang làm mất tình người. Hoa thủy chung để xây dựng lại những giá trị của gia đình đang mất dần bởi lối sống thực dụng đầy phóng túng.

Đây là những loài hoa mà Chúa đang cần trên trần gian. Ước gì đời sống ky-tô không chỉ nở hoa thơm ngát tô thắm cho trần gian mà còn là những người vun trồng, chăm sóc để dâng hiến cho đời những bông hoa tươi thắm là con cái, là bạn bè, là đồng nghiệp đang sống tốt nhờ gương sáng của chúng ta. Ước gì đời sống của chúng ta cũng luôn nở hoa bác ái yêu thương để từ trời cao Chúa luôn hài lòng về chúng ta.

Lạy Mẹ Maria Vô nhiễm nguyên tội, Mẹ là đóa hoa đẹp nhất trần gian. Bông hoa đời Mẹ thanh khiết, không tì ô luôn đẹp lòng Chúa. Chúng con xin nương nhờ công đức của Mẹ để ơn Chúa xuống trên gia đình chúng con. Xin Mẹ cũng luôn ban phước lành cho nhân gian chúng con được bình an. Amen.

Về mục lục

.

ÔI MẸ ĐẦY ƠN PHÚC!

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Hôm nay toàn thể Hội Thánh tôn vinh Mẹ Maria, Ðấng Tuyệt Ðẹp “ Tota Pulchra”, Ðấng đã được Thiên Chúa chọn làm Mẹ của Con Một Ngài, Đấng được gìn giữ khỏi mắc tội nguyên tổ, là Ðấng đầu tiên đã được Con Mẹ cứu chuộc. Nét đẹp cao cả của Mẹ phản chiếu nét đẹp của Chúa Kitô, là bằng chứng cho tất cả mọi tín hữu về chiến thắng của Ân sủng Thiên Chúa trên tội lỗi và sự chết.

Tín điều Mẹ Maria Đầu Thai Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức Chân phước Piô IX Giáo hoàng long trọng tuyên bố bằng sắc lệnh “Ineffabilis Deus” vào ngày Lễ Mẹ Vô Nhiễm, 8/12/1854, rằng: “Để vinh danh Ba Ngôi thánh thiện duy nhất, để tôn kính và hiển danh Trinh Nữ Mẹ Thiên Chúa, để phấn khởi đức tin Công Giáo và phát triển Kitô Giáo; bằng quyền bính của Chúa Giêsu Kitô, của các thánh tông đồ Phêrô và Phaolô, và bằng thẩm quyền của mình, Tôi tuyên xưng, công bố và xác nhận rằng: tín lý cho rằng rất Thánh Nữ Trinh Maria, ngay từ giây phút đầu thai của mình, nhờ ơn sủng cùng với đặc ân chuyên nhất của Thiên Chúa toàn năng, và dựa vào công nghiệp của Chúa Giêsu Kitô, Đấng Cứu Chuộc loài người, đã được gìn giữ vô nhiễm khỏi mọi tì vết của nguyên tội, là điều được Thiên Chúa mạc khải, vì thế, tất cả mọi tín hữu đều phải mạnh mẽ và liên lỉ tin tưởng”. (DS 2803)

Như thế, Mầu nhiệm Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nhắc nhớ chúng ta hai chân lý căn bản của đức tin, đó là tội nguyên tổ và nhất là sự chiến thắng của ơn thánh Chúa trên tội này, chiến thắng ấy được phản chiếu tuyệt vời nơi Đức Maria chí thánh.

Chúng ta cảm thấy sự hiện diện của tội nguyên tổ quanh chúng ta và nhất là trong chúng ta. Kinh nghiệm về sự ác thật tỏ tường đến độ khơi lên trong ta câu hỏi: sự ác ấy từ đâu mà tới? Các trang đầu tiên của sách Sáng Thế (x. St 1-3) cho ta câu trả lời. Thiên Chúa không tạo nên sự chết, nhưng sự chết đã đi vào thế giới vì sự ghen tương của ma quỉ (x. Kn 1,13-14; 2,23-24). Khi nổi loạn chống lại Thiên Chúa, ma quỉ đã lường gạt và lôi kéo cả con người theo chúng. Thiên Chúa hỏi Ađam : “Ai đã chỉ cho ngươi biết rằng ngươi trần truồng, há chẳng phải tại ngươi đã ăn trái cây mà Ta cấm ngươi không được ăn ư? ”  Thiên Chúa hỏi Evà : “Tại sao ngươi đã làm điều đó? ”  Và Thiên Chúa phán bảo con rắn: “Bởi mi đã làm điều đó, mi sẽ vô phúc ở giữa mọi sinh vật và mọi muông thú địa cầu; mi sẽ bò đi bằng bụng, và mi sẽ ăn bùn đất mọi ngày trong đời mi”. (St 3, 9-15. 20). Đó là thảm kịch tự do mà Thiên Chúa chấp nhận đến cùng vì yêu thương, nhưng Ngài hứa sẽ có người con của một phụ nữ đập dập đầu con rắn xưa (St 3,5); “ Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó, người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi, còn mi thì sẽ rình cắn gót chân người” (St 3,5).

Nhìn vào Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội, chúng ta chiêm ngưỡng vẻ đẹp cứu độ trần thế: vẻ đẹp của Thiên Chúa chiếu tỏ rạng ngời nơi tôn nhan Chúa Kitô. Nơi Mẹ Maria vẻ đẹp này hoàn toàn tinh tuyền, khiêm tốn, được giải thoát khỏi mọi kiêu căng và tự phụ.

Kính chào trinh nữ đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng trinh nữ! ”  (Lc 1, 28). Lời của sứ thần Gabriel, chúng ta không ngớt dâng lên Đức Mẹ nhiều lần trong ngày. Hôm nay chúng ta lặp lại với niềm vui không tả, trong ngày lễ Đức Maria Vô nhiễm Nguyên Tội, một mầu nhiệm cao cả, chúng ta trình bày trong Phụng vụ hôm nay ! Một mầu nhiệm không ngừng thu hút sự chiêm niệm của các tín hữu và truyền cảm hứng cho sự suy tư của các nhà thần học. “Ðấng đầy ơn phúc”, đây là tên mà Thiên Chúa, qua sứ thần, muốn gọi Đức Trinh Nữ . Đó là cách Thiên Chúa đã nghĩ và nhìn đến từ trước muôn thủa.

Trong bài thánh thi của Thư gửi tín hữu Êphêsô, Thánh Phaolô ca ngợi Thiên Chúa Cha vì Ngài “ đã chúc phúc cho chúng ta bằng mọi phúc lộc thiêng liêng ở trên trời trong Đức Kitô” ( 1, 3 ) . Thiên Chúa đã gửi cho Đức Maria phúc lành thiêng liêng ấy! Mẹ là thực sự được chúc phúc hơn các người phụ nữ (x. Lc 1 : 42) ! Chúa Cha đã chọn Mẹ trong Đức Giêsu Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, ngõ hầu Mẹ trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước mặt Người. Trong tình thương, Người đã tiền định cho chúng ta được làm dưỡng tử đối với Người, qua Đức Giêsu Kitô (x. Ep 1 4-5).

Tiền định của Đức Maria, như tất cả chúng ta, trong tương quan với tiền đình của Chúa Con. Chúa Kitô là chổi non mọc lên để đạp dập đầu con rắn xưa, theo sách Sáng Thế (x. St 3 , 15) là Con Chiên không tì vết (x. Xh 12, 5 , 1 P 1 , 19) tự hiến tế để cứu chuộc con người khỏi tội lỗi.

Với tiên đoán về cái chết cứu cứu chuộc của Ngài, Đức Maria đã được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ và mọi tội lỗi khác. Trong chiến thắng của Adam mới, đó cũng là của Eva mới, mẹ của những người đã được cứu chuộc. Do đó Đức Maria Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả chúng sinh, những người đã chiến thắng Sa-tan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).

Hôm nay chúng ta chiêm ngưỡng người thôn nữ khiêm hạ Nazareth thánh thiện và vô nhiễm trước nhan Thiên Chúa trong tình yêu (x. Ep 1 : 4), tình yêu mà trong đó suối nguồn là chính Thiên Chúa Ba Ngôi, nhờ đó Đức Maria được Vô Nhiễm Nguyên Tội và làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc !

Lạy Mẹ Maria, Mẹ là người đầu tiên được cứu chuộc bởi Con Mẹ, được tham gia vào sự viên mãn rất thánh thiện của Con Mẹ, là niềm ước mơ và hy vọng của Hội Thánh, là  hình ảnh cánh chung của Giáo Hội. Mẹ là Trạng Sư của chúng con, Mẹ của Vua Hòa Bình, Ðấng đạp đầu con rắn, xin phù giúp chúng con biết chống lại những cám dỗ của sự dữ; Xin Mẹ làm sống lại trong chúng con, đức tin, đức cậy và đức mến, ngõ hầu, trung thành với ơn gọi của mình, chúng con biết sống làm chứng cho Chúa Giêsu Kitô, bất chấp mọi hy sinh. Và như ngôi sao sáng, xin Mẹ hướng dẫn bước đường chúng con đến gặp Chúa đang ngự đến. Amen.

Về mục lục

.

VÔ NHIỄM CHO HẾT THẢY MỌI NGƯỜI

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Ki-tô hữu chúng ta mừng gì trong ngày lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội? Mừng một đặc ân dành riêng cho Mẹ? hay để chúc mừng một trường hợp biệt lệ có một không hai mà quyền phép Thiên Chúa đã thực hiện cho một mình Đức Mẹ mà thôi? với mục đích làm vui lòng Mẹ, và nhờ đó sẽ được Mẹ thương ban cho nhiều ân huệ ta cầu xin? Vậy thì lễ Mẹ Vô Nhiễm có liên quan gì tới mỗi chúng ta, hoặc giả ta long trọng mừng lễ để khích lệ mình sống trong sạch và thánh thiện như Mẹ?… Những câu hỏi tương tự như thể đã lởn vởn trong đầu tôi từ lâu lắm rồi, nhưng chỉ ngại công khai nói ra. Thú thực, tôi vẫn né tránh đi tìm một giải đáp thỏa đáng vì sợ đụng chạm tới một tín điều đã từng gây quá nhiều tranh cãi trong lịch sử.

Thế nhưng âm thầm tôi vẫn tin rằng tín điều Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội phải là một gì đó liên quan rất chặt chẽ tới niềm tin của mình. Trong câu chào của Sứ thần: “Mừng vui lên, hỡi đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà!” tôi vẫn thấy có một thực tế nào đó đụng chạm tới chính bản thân mình, và tới từng con người sống trên trần gian này. Phải, Đức Ma-ri-a đâu phải là người duy nhất đầy ân sủng, vì đơn giản Thiên Chúa đã cống hiến ân huệ tình yêu tha thứ của Ngài cách sung mãn cho hết thảy mọi người. Đức Chúa đâu chỉ duy nhất ở cùng Đức Maria, vì Ngài “ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Trong thư gửi giáo đoàn Rô-ma, Thánh Phao-lô đã khảng định nhiều lần một tư tưởng rất căn bản: “Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là đức Giê-su Ki-tô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng đồi dào và cho trở nên công chính, thì được sống và được thống trị” (Rm 5, 17, và toàn chương 5). Như vậy, giữa một bên là A-đam phạm tội để mọi người bị nhiễm tội tổ tông, và bên kia là Đức Giê-su Ki-tô cứu chuộc để mọi người được trở nên công chính, ta phải làm nổi bật (highlight) bên nào? Theo Phao-lô thì vế thứ hai phải được nhấn mạnh hơn, vì nó “lớn lao hơn biết mấy”. Không những cần làm nổi bật Giê-su Cứu Chúa hơn là tổ tông A-đam lỗi phạm, mà còn cần phải đề cao “ân sủng … còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người” hơn là trên “muôn người phải chết”. Quả thật, theo Phao-lô, “sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa” (Rm 5, 15).

Dưới nhãn quan đó, ta sẽ chiêm ngắm Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội như thế nào? Nếu ta chủ yếu nhìn lên Mẹ như một trường hợp được đặc ân miễn trừ khỏi vế thứ nhất ‘mọi người mắc tội nguyên tổ’, thì dù có cao đẹp tới mấy đi chăng nữa thì ơn cứu độ Đức Ki-tô thực hiện vẫn còn là rất đơn độc và nghèo nàn. Còn nếu ta dùng con mắt Tin Mừng để nhận ra đây là một trường hợp điển hình (prototype chứ không phải unique) của ‘muôn người được trở nên công chính nhờ ân sủng’, thì ta mới thật sự khám phá ra được ‘cái lớn lao’ mà Phao-lô muốn nhắc nhở. Nếu tâm trí chỉ tập trung vào Ma-ri-a như một người nữ con cháu E-va, độc đáo vì không bị vướng mắc tội nguyên tổ, để rồi nhạt nhòa hình ảnh một Giê-su – A-dam mới hoàn lại sự sống, sự công chính cho muôn người cách rất căn cơ và mạnh mẽ, thì đúng là ta đã chọn lấy cái yếu hơn cái mạnh, cái nhỏ mọn hơn cái lớn lao, cái biệt lệ hơn cái phổ quát. Trong Ma-ri-a Vô Nhiễm Nguyên Tội, ta tìm thấy có cả hình ảnh một Ma-ri-a Mác-đa-la sám hối, một tên cướp bị án phạt đóng đinh kêu cầu được Chúa xót thương; có cả hình ảnh của tôi khi quì gối ăn năn sám hối, của hết thảy mọi người trong cuộc sống ngụp lặn nơi dương thế… và nói chung của toàn thể nhân loại tội lỗi. Vô Nhiễm Nguyên Tôi không mang một nội dung biệt loại (exclusive: chỉ Ma-ri-a thôi chứ không một ai khác), mà phải mang tính bao hàm (inclusive: Ma-ri-a và mọi tín hữu, trong đó có cả mỗi chúng ta). Vô Nhiễm Nguyên Tôi phải nói được cho tôi rằng: ‘Mừng vui lên, hỡi người được đầy ân sủng, Đức Chúa xót thương và cứu độ luôn ở với bạn!’.

Ma-ri-a Vô Nhiễm phải là đại lễ của tất cả mọi người, vì Mẹ không phải là người duy nhất trên trần gian đã gắn kết cuộc đời mình cách bền chặt với Giê-su Ki-tô, mà cả tôi và mọi Ki-tô hữu cũng đã được gắn kết bền chặt qua bí tích Thánh Tẩy đã lãnh nhận. Vô Nhiễm không chỉ mang nội dung thụ động ‘không vướng mắc tội nguyên tổ’ mà chứa đựng một nội dung tích cực và động hơn nhiều, đó là ‘mở rộng tâm hồn đón nhận ơn cứu độ’ và ‘nỗ lực gắn kết bền chặt hơn nữa với lòng lân tuất Chúa’, điều mà Đức Ki-tô Giê-su đã giáng thế để mạc khải và thực hiện (xem kinh tiền tụng lễ Mẹ Vô Nhiễm).

Lạy Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin cho con được cùng Mẹ không ngừng cất lời ca tụng Đức Chúa xót thương và cứu độ như Mẹ đã từng cất lên trong bài ca Magnificat. Nếu trinh trong  / vô nhiễm đối với Mẹ trước hết là không ngừng rộng mở cõi lòng đón lấy ân sủng hải hà của Thiên Chúa, thì xin cho con cũng được bắt chước Mẹ không ngừng đón nhận và gắn kết bền chặt với lòng thương xót cứu độ đó trong suốt cuộc sống Ki-tô hữu, cho dầu rất yếu hèn và tội lỗi của con. A-men.

Về mục lục

.

LỄ MẸ VÔ NHIỄM

Lm. Antôn

Ông bà anh chị em thân mến.  Hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta mừng lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội.  Vô nhiễm nguyên tội có nghĩa là từ lúc thụ thai trong lòng mẹ là bà thánh An-na Trinh nữ Maria được gìn giữ khỏi tội tổ tông, do một ơn sủng đặc biệt của Thiên Chúa tặng ban. Và cũng từ lúc đó, Đức Maria được tràn đầy ơn phúc của Thiên Chúa, như lời tuyên xưng của Thiên thần khi báo tin được chọn làm Mẹ Ngôi Hai Thiên Chúa “Kính mừng Maria đầy ơn phúc.”

Chúng ta nhận biết Kinh thánh không ghi rõ việc Đức Maria được thụ thai trong lòng mẹ vô tội, nhưng có ám chỉ trong sách Sáng thế qua việc Thiên Chúa tuyên án phạt con rắn đã cám dỗ ông A dong và bà E-và phạm tội không vâng lời Chúa ăn trái cấm: “Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người nữ… dòng giống người nữ sẽ đạp vào đầu mi.”   Con rắn đó được ám chỉ là ma quỉ, còn người nữ được ám chỉ về Đức Maria.

Lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được mừng vào đúng chín tháng trước ngày sinh nhật của Mẹ Maria.  Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội được Đức giáo hoàng Pi-ô thứ 9 công bố năm 1854 như sau: “Từ lúc thụ thai, trinh nữ Maria được gìn giữ khỏi mọi vết nhơ nguyên tội do ân sủng và đặc ân siêu việt mà Thiên Chúa ban tặng xét theo công nghiệp Chúa Giê-su Ki-tô, Đấng cứu chuộc nhân loại.”

Chúng ta biết trước khi Đức giáo hoàng Pi-ô công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội thì Giáo hội đã mừng lễ này vào những thế kỷ trước đó, như vậy, Đức giáo hoàng chỉ tái khẳng định tín điều giáo dân đã tin và mừng kính từ lâu đời, chứ không đơn phương tuyên bố tín điều này mà không tham khảo ý kiến của Giáo hội. Vào năm 1846, Hội dồng Giám mục Hòa kỳ đã xin Tòa thánh nhận Đức Trinh Nữ Maria dưới tước hiệu Vô Nhiễm Nguyên Tội làm bổn mạng của quốc gia, và vào năm 1847 đã được Đức giáo hoàng Pi-ô thứ 9 phê chuẩn.  Khi Đức Maria hiện ra với Bơ-na-đét tại Lộ Đức, nước Pháp, vào ngày 25 tháng 3 năm 1854, nghĩa là vào lần hiện ra thứ 16 trong tổng cộng 19 lần, Đức Maria đã công khai tuyên bố xác nhận: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội.”  Điều này càng làm cho chúng ta xác tín vào việc Đức Maria không hề mắc tội tổ tông truyền.

Chúng ta có thể tự hỏi: “Tại sao Thiên Chúa phải gìn giữ trinh nữ Maria khỏi mắc tội tổ tông?”  Lý do là vì: nếu Thiên Chúa muốn cho Con Thiên Chúa sinh ra làm người trong cung lòng của người đàn bà mắc tội thì đó là điều ô nhục cho Ngôi Hai Thiên Chúa. Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội đã mang thai Đấng Cứu Thế một cách kỳ diệu do quyền phép của Chúa Thánh Thần, vì vậy Mẹ Maria đã đóng một vai trò quan trọng trong công trình cứu chuộc loài người.

Ông bà anh chị em thân mến.  Đức Maria là Mẹ của Giáo hội và là Mẹ của tất cả chúng ta.  Mẹ đã để lại cho chúng ta những tấm gương sáng cho chúng ta noi theo để chúng ta cũng nhận được ân sủng của Chúa ban như Mẹ.  Mẹ đã sống một cuộc sống mật thiết với Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện.  Mẹ mở rộng tâm hồn để đón nhận Lời Chúa, và trung thành sống theo ý Chúa như lời Mẹ thưa cùng Thiên thần Chúa trong bài Tin mừng hôm nay:  “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên thần truyền.”

Một nhân đức khác mà chúng ta có thể noi gương và học từ Mẹ là đức khiêm tốn.  Trinh nữ Maria không nuôi tham vọng làm mẹ Đấng cứu thế như những bà, cô Do thái bấy giờ.  Nhưng nhìn thấy thấy rõ lòng khiếm tốn và đơn sơ nơi trinh nữ Maria, Thiên Chúa đã cất nhắc trinh nữ lên địa vị làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ Maria cũng muốn chúng ta noi gương yêu thương, hy sinh phục vụ giúp đỡ tha nhân và nhất là quảng đại.  Sau khi được truyền tin, Mẹ đã mau mắn lên đường để hy sinh giúp đỡ bà Elizabeth, lúc đó cũng đang cứu mang Gioan trong lòng.  Và sau khi sinh Con Thiên Chúa, Mẹ đã không giữ cho mình, nhưng đã quảng đại dâng hiến Chúa để chịu chết cứu chuộc nhân loại.  Vì thế Mẹ Maria muốn chúng ta là con cái của Mẹ, biết noi gương và sống những nhân đức của Mẹ.

Trong ngày kính Đức Maria Vô Nhiễn Nguyên Tội, chúng ta nhớ lại ơn tái sinh khỏi tội tổ tông trong Bí tích Rửa tội hay Thanh tẩy của chúng ta.  Chúng ta nhận biết trong cuộc sống Ki-tô hữu, vì phải đối diện với những thử thách và cám dỗ, chúng ta không gìn giữ được ơn vô nhiễm khỏi tội khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội.  Chúng ta cầu xin Đức Maria là Ngôi Sao Sáng dẫn lối và giúp để chúng ta cố gắng phục hồi ơn Chúa bằng cách sống theo thánh ý lời Chúa dạy.

Cũng như Mẹ Maria mong đợi Chúa Cứu Thế đến lần thứ nhất trong lịch sử nhân loại, chúng ta đang sống trong mùa Vọng và cũng mong chờ ngày Chúa đến lần thứ hai, ngày cuối cùng của lịch sử nhân loại.  Giữa hai cuộc thăm viếng này, Chúa thường đến trong tâm hồn của mỗi người chúng ta bằng ơn thánh.  Cùng với Mẹ Maria, chúng ta cầu xin Chúa thánh hóa tâm hồn chúng ta thành nơi xứng đáng cho Chúa đến và ngự trị để chúng ta luôn trung thành và can đảm vâng theo và sống lời Chúa dạy bảo, và trở thành sứ giả đem tin vui mừng của Chúa đến cho những người chung quanh.

Về mục lục

.

NGUYỆN XIN VÂNG

Trầm Thiên Thu

Ngôn sứ Samuel đã đặt vấn đề: “Đức Chúa có ưa thích các lễ toàn thiêu và hy lễ như ưa thích người ta vâng lời Đức Chúa không? Này, VÂNG PHỤC thì TỐT HƠN là DÂNG HY LỄ, lắng nghe thì tốt hơn là dâng mỡ cừu” (1 Sm 15:22). Để dễ nhớ, người ta thường nói ngắn gọn: “Vâng lời trọng hơn của lễ”.

Đức vâng lời đã được tuân thủ tuyệt đối bởi một Nữ Tỳ đặc biệt của Thiên Chúa: Đức Maria, Đấng Vô Nhiễm Nguyên tội.

Động từ “nhiễm” có nghĩa là “nhuộm”. Theo nghĩa bóng, “nhiễm” là lây lan, lan truyền, thấm sang, thường ở thể thụ động và mang nghĩa xấu, Việt ngữ gọi là “lây nhiễm” – nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm cái xấu,… Vô nhiễm nghĩa là không bị nhiễm.

Có những sinh vật truyền nhiễm – như vi khuẩn, virus, ký sinh, nấm,… Sức đề kháng yếu kém thì cơ thể sẽ dễ bị nhiễm trùng, bị bệnh. Sức đề kháng là khả năng phòng vệ và chống lại các tác nhân xâm nhập vào cơ thể con người. Hệ miễn dịch là một hệ thống gồm các tế bào phức tạp, các tế bào này sẽ giúp bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây bệnh. Muốn sống khỏe thì phải bảo vệ hệ miễn nhiễm bằng các hoạt động tốt (vệ sinh, thể dục, ngủ nghỉ,…).

Cuộc sống có nhiều thứ “nhiễm”, nhất là trong cuộc sống ngày nay: Nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, nhiễm bệnh,… Về thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm một dạng virus nào đó. Vì thế, người ta rất cần bảo vệ hệ miễn nhiễm của cơ thể, làm mạnh sức đề kháng. Thật kỳ diệu đối với một số người Phi châu, họ miễn nhiễm với HIV (Human Immunodeficiency Virus), căn bệnh thế kỷ này quen gọi theo Pháp ngữ là SIDA (Anh ngữ là AIDS). Đó là một dạng thiếu khả năng miễn nhiễm của cơ thể. Quả thật, người Phi châu có dạng “vô nhiễm” kỳ lạ biết bao!

Ngày 8-12-1854 là ngày quan trọng, mang tính lịch sử, vì đó là ngày ĐGH Piô IX đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ). Thánh Ý Chúa thật là mầu nhiệm, vì ngày 25-3-1858, chưa đầy 4 năm sau khi Giáo Hội công bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm, chính Đức Mẹ đã hiện ra xác nhận với Thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội” (Je suis la conception immaculée, I am the immaculate conception, Ego sum immaculata conceptio, Soy la inmaculada concepción). Dĩ nhiên khi đó Bernadette chưa thể hiểu ngay, về sau mới có thể hiểu thế nào là Vô Nhiễm Nguyên Tội. Điều này chứng tỏ Chúa Thánh Thần luôn tác động trong đời sống Giáo hội Lữ hành.

Trong cuộc sống đời thường, khi người ta “có tật” thì cũng dễ bị “giật mình”, và người ta còn thường đổ lỗi cho nhau theo “dây chuyền” bằng nhiều dạng tinh vi: Vì A, tại B, bởi C, nếu D, giá mà E,… Lỗi tại X, lỗi tại Y,… có lẽ hiếm khi dám nhận: “Lỗi tại tôi”. Cái kiểu “đổ rô, đổ trê” thế này thì nguy hại lắm, bởi vì tội lỗi cũng có tính liên đới, xảy ra theo “dây chuyền”.

Kinh Thánh hôm nay (St 3:9-15) cho chúng ta biết lý do “giật mình” của Ông Bà Nguyên Tổ. Lúc đó, Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi ở đâu?”. Con người thưa: “Con nghe thấy tiếng Ngài trong vườn, con sợ hãi vì con trần truồng, nên con lẩn trốn”. Trước đó thì Ông Bà thường xuyên chuyện vãn với Thiên Chúa, bây giờ thì lủi đi như chim cút, mắt liên láo và không thích gặp mặt Ngài nữa. Và rồi Ngài hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trần truồng? Có phải ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cấm ngươi ăn không?”. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho ở với con, đã cho con trái cây ấy, nên con ăn”. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rắn đã lừa dối con, nên con ăn”. Ngài hỏi không phải là Ngài không biết, mà Ngài muốn tự con người xác nhận, nhưng chẳng ai dám nhận lỗi, Ông đổ lỗi cho Bà, Bà đổ lỗi cho con rắn.

Sau đó, hệ lụy tất yếu đã xảy ra, đó là lúc Thiên Chúa nói thẳng thắn với con rắn: “Mi đã làm điều đó, nên mi đáng bị nguyền rủa nhất trong mọi loài súc vật và mọi loài dã thú. Mi phải bò bằng bụng, phải ăn bụi đất mọi ngày trong đời mi. Ta sẽ gây mối thù giữa mi và người đàn bà, giữa dòng giống mi và dòng giống người ấy; dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Đó là cách Thiên Chúa đề cập một phụ nữ vĩ đại nhất trong nữ giới và cả nhân loại này: Trinh Nữ Maria.

Kinh Thánh cho chúng ta biết rằng, sau khi được Thiên Chúa trao cho một mỹ nhân, Chàng Ađam thích lắm, cứ ngỡ mình nằm mơ. Và trong khi phấn khởi khôn tả, Chàng gọi Nàng là Êva, Kinh Thánh giải thích rằng Chàng “đặt tên” cho Nàng như vậy vì Nàng là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20).

Người phụ nữ đầu tiên và là người mẹ đầu tiên của nhân loại đã hư hỏng vì thiếu đức vâng lời – bất tuân lệnh của Thiên Chúa. Thế là nhân loại mất Người Mẹ thứ nhất: Bà Êva, nhưng nhân loại lại được Thiên Chúa ban cho Người Mẹ thứ nhì: Đức Maria. Thật là mầu nhiệm đối với sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa. Vì thế, chúng ta cảm thấy hạnh phúc lắm, không thể không cảm tạ Thiên Chúa theo lời mời gọi của tác giả Thánh Vịnh: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, vì Người đã thực hiện bao kỳ công. Người chiến thắng nhờ bàn tay hùng mạnh, nhờ cánh tay chí thánh của Người” (Tv 98:1).

Và còn rất nhiều lý do khác để chúng ta phải tạ ơn Thiên Chúa. Đây là một trong các lý do đó: “Chúa đã biểu dương ơn Người cứu độ, mặc khải đức công chính của Người trước mặt chư dân; Người đã nhớ lại ân tình và tín nghĩa dành cho nhà Ítraen. Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta” (Tv 98:2-3). Niềm vui của chúng ta cứ tăng dần, trách nhiệm của chúng ta cũng phải tăng dần, và không thể không chia sẻ với người khác: “Tung hô Chúa, hỡi toàn thể địa cầu, mừng vui lên, reo hò đàn hát” (Tv 98:4).

Từ Cựu Ước tới Tân Ước có vô vàn các kỳ công của Thiên Chúa khiến chúng ta phải tâm phục khẩu phục và không ngừng tạ ơn Ngài. Thánh Phaolô đã lên tiếng: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đức Kitô, từ cõi trời, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc của Thánh Thần. Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người” (Ep 1:3-4).

Dâng lời tạ ơn cũng là một cách cầu nguyện, chứ không phải chỉ là cầu xin, van nài. Để cầu nguyện có hiệu quả và đẹp lòng Thiên Chúa, Thánh Faustina cho biết: “Khi cầu nguyện, chúng ta ĐỪNG NÀI ÉP Chúa ban cho điều chúng ta muốn, mà chúng ta NÊN TUÂN PHỤC Thánh Ý Ngài” (Nhật Ký, số 1525). Nghĩa là có những điều chúng ta xin nhưng không được vì không đúng Thánh ý Chúa. Thánh Phaolô giải thích: “Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu” (Ep 1:5-6). Rõ ràng việc tạ ơn vô cùng quan trọng trong đời sống hằng ngày của chúng ta – những người mệnh danh là Kitô hữu.

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, toàn trí, nhân từ, yêu thương vô hạn, giàu lòng thương xót, Ngài chỉ muốn những gì tốt lành nhất cho chúng ta, dù đôi khi chúng ta cảm thấy trái ý, không vừa lòng. Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa là Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã TIỀN ĐỊNH cho chúng tôi đây làm cơ nghiệp riêng THEO KẾ HOẠCH của Người, để chúng tôi là những người đầu tiên đặt hy vọng vào Đức Kitô, chúng tôi ngợi khen vinh quang Người” (Ep 1:11-12).

Không gì ngoài Thánh Ý Chúa, dù chỉ là một sợi tóc nhỏ nhoi cũng được Ngài quan phòng và tiền định rạch ròi (x. Mt 5:36; Mt 10:30; Lc 21:18; Cv 27:34). Trình thuật Lc 1:26-38 nói về việc Sứ thần Gáprien loan báo Hỉ Tín cho Trinh nữ Maria, một Thôn nữ đoan trang, duyên dáng, nết na và thùy mị.

Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai sứ thần Gáprien đến một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, gặp một trinh nữ đã đính hôn với một chính nhân là Giuse, thuộc dòng dõi Hoàng tộc Đavít. Đó là trinh nữ Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà”. Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Vâng, Thôn nữ Maria rất khiêm nhường, thế nên rất ngại khi được người khác đề cao mình, nói mình là người nhân đức.

Lúc đó Sứ thần liền nói: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”. Cái “vụ” kia đã thấy ngại rồi, cái “vụ” này còn ngại hơn. Ui da, kỳ thí mồ đi! Bụng muốn đánh lô-tô rồi đó.

Thế nên Cô Maria ngạc nhiên lắm, Cô phân trần: “Mèn ơi! Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Nhưng Sứ thần xác định ngay: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Chị, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Chị. Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa, Cô Êlisabét, người họ hàng với Chị, tuy già rồi mà cũng đang cưu mang một người con trai: Cô ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.

Nghe xong nhẹ cả mình. Vâng Thôn nữ Maria hiền thục và luôn một niềm tín thác nơi Thiên Chúa. Bấy giờ, Trinh nữ Maria không cần đắn đo, nói ngay: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”. Thế là hoàn thành sứ vụ, rồi sứ thần từ biệt ra đi…

Chắc hẳn trình thuật Tin Mừng hôm nay như một thước phim hay, chúng ta đã biết rõ và quá quen thuộc, hầu như thuộc lòng, thế mà chúng ta vẫn không cảm thấy nhàm chán. Thật là kỳ diệu quá chừng! Ước gì mỗi chúng ta cũng biết luôn tín thác vào sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa để có thể mau mắn “xin vâng” như Đức Mẹ, vâng lời ngay trong những đoạn đường tối tăm gian khổ nhất của cuộc đời.

Cùng với Đức Mẹ, đặc biệt trong niềm hân hoan kính mừng Đức Mẹ Vô Nhiễm, mỗi chúng ta hãy chân thành thân thưa với Thiên Chúa: “Xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ” (Tv 119:34).

Lạy Thiên Chúa toàn năng và chí ái, chúng con cảm tạ Ngài đã thương ban cho chúng con một Người Mẹ nhân đức tuyệt vời, xin giúp chúng con luôn biết tuân phục Thánh Ý Ngài mọi nơi và mọi lúc, trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Lạy Thánh Mẫu Vô Nhiễm Nguyên Tội, xin nguyện giúp cầu thay chúng con còn đang lưu lạc nơi thung lũng nước mắt trần gian này, xin bảo vệ chúng con cũng được “miễn nhiễm” với tội lỗi và mọi mưu ma chước quỷ, xin thương cầu bầu cùng Chúa cho chúng con bây giờ và trong giờ lâm tử.

Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

GIÂY PHÚT NHẬP THỂ

P.Trần Đình Phan Tiến

Kính thưa quý vị, thưa các bạn có lẽ không ai xa lạ với Đoạn Lời Chúa ( Lc 1, 26 -38) hôm nay, được Giáo Hội chọn đọc cho ngày LỄ ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI . Điều nầy, một lần nữa Giáo Hội xác tín “Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội”,  mà Thiên Chúa ban cho Đức Trinh Nữ Maria qua định tín bởi Đức Thánh cha Piô IX ngày 08/12/1854.

Như chúng ta biết, Tín Điều “VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI” là một trong bốn tín điều cao trọng nhất, mà Thiên Chúa ân ban cho Đức Trinh Nữ Maria.

  • Một là : Vô Nhiễm Nguyên Tội
  • Hai là : Trọn Đời Đồng Trinh
  • Ba là : Hồn Xác về Trời
  • Bốn là : Mẹ Thiên Chúa

Vâng , hôm nay hiệp cùng muôn vàn thần thánh trên trời, Giáo Hội toàn cầu long trọng một lần nữa tuyên tín và cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho người “ Tỳ Nữ ” của Chúa một đặc ân trọng đại, đó là Đức Trinh Nữ Maria, ĐẤNG VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI.

Vâng , mỗi lần nhắc lại “Định Tín “ trên, là mỗi lần mừng kính trọng thể một đặc ân thật cao trọng mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ.

Vâng, “Bà gồm mọi phước lạ, và GIÊSU, Con lòng Bà gồm phước lạ…”

“Tỳ Nữ” có nghĩa là : “ người tớ gái”, vâng, Đức Mẹ xác tín cách tỏ tường như vậy, mặc nhiên, ngoài Ngôi Hai Nhập Thể ra, thì không một thụ tạo nào có được diễm phúc như Đức Mẹ. Vì sao ? Thưa quý vị. Thưa, vì Đức khiêm nhường thẳm sâu, từ một thụ tạo “thấp hèn “, vâng, Mẹ , thưa như vậy, và quả thật như vậy. Từ đó, “giây phút ” Mẹ nhận Truyền Tin , đồng thời, là “ giấy phút ” Mẹ thưa Tiếng “ XIN VÂNG”, (Fiat) chính là “GIÂY PHÚT NHẬP THỂ” của Ngôi Hai Thiên Chúa làm Người.

Mặc nhiên, “giây phút “ ấy chính là “Giây Phút “ Mẹ nhận được “ Ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội”. Vì sao vậy ? Thưa, bởi vì : “Mẹ đã đáp Lời Thiên Chúa” một cách chân thành tuyệt đối, một thụ tạo thấp hèn mặc nhiên, chưa “khỏi tội nguyên tổ ”. Nhưng, Mẹ hoàn toàn tín thác cách trọn vẹn vào Lời “Hứa” ban Đấng Cứu Độ. Tiếng thưa “XIN VÂNG” của Mẹ không phải chỉ lấy lệ, cho qua, mà là một “ kỳ công”, bởi vì, một sự “ lạ lùng” được trao cho một người “thấp hèn” như Mẹ. vì, đây là ”quyền năng ” bởi Thiên Chúa tối cao, chứ không do phàm nhân.

Chúng ta thấy, tâm tình của Mẹ thật xứng hợp, Mẹ không tự hào là : “ Mẹ xứng đáng” lãnh nhận sự trọng đại ấy. Bởi vì, Mẹ cảm nghiệm được ơn Chúa thật bao la, quá đỗi cao cả, Mẹ không hề biết được những gì là “trọng đại”, mà Thiên Chúa sẽ thực hiện, nhưng tâm hồn “thấp hèn” của Mẹ, Mẹ đã “ ưng thuận “. Vâng, sự đồng ý ở đây là , Mẹ muốn cho “công trình” của Thiên Chúa được thực hiện. Điều  ấy , có nghĩa là : “Tâm hồn “ thánh kiết vẹn tuyền của Mẹ tuy chưa nhận được đặc ân “ Vô Nhiễm Nguyên Tội” trước lúc thưa tiếng : “ XIN VÂNG ”. Và , ngay khi thưa tiếng “xin vâng”, thì như chúng ta biết, “ mọi sự “ đã trở nên kỳ diệu”, bởi vì ngay “GIÂY PHÚT “ ấy , Ngôi Hai đã “từ trời xuống thế”, Bởi Phép Chúa Thánh Thần. và , mặc nhiên là ” THÁNH THAI “ đã ngự vào cung lòng của Mẹ. Như vậy, Đặc Ân khỏi tội Nguyên Tổ của Mẹ đã nghiễm nhiên trở thành hiện thực. Như vậy, đặc ân “ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI” ngay từ giây phút đó đã dẫn đưa Mẹ đến với  ơn “Cứu Độ ”. bởi vì, Mẹ cũng phải được cứu độ bởi Đấng Cứu Thế. Chúng ta đừng “lầm” tưởng rằng : Đức Mẹ được ơn “Vô Nhiễm Nguyên Tội” trước lúc thưa “Tiếng xin vâng”, không phải vậy, bởi vì, Mẹ được lãnh nhận “Đặc Ân” “Vô Nhiễm Trinh Thai” là như vậy, chứ không phải là Mẹ nhận lãnh “ ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội” trước khi thưa “ tiếng Xin Vâng”.

Vì, Đặc Ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” được ban cho Đức Mẹ, là một ơn hoàn toàn nhưng không, hoàn toàn tự do, và như thế, Thiên Chúa không ban cho Đức Mẹ đặc ân “ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI” trước khi Đức Mẹ” tự nguyện “ ưng thuận cộng tác vào ơn Cứu Độ bởi Thiên Chúa.

Vì như vậy, mầu nhiệm Truyền Tin , đồng thời là mầu nhiệm tràn đầy ân sủng dành cho bất cứ “ người nào” có “tâm hồn “ như Mẹ. vì, giả sử Đức Mẹ không thưa “ tiếng xin vâng”, thì Đức Mẹ vẫn có quyền như thế, nhưng, mặc nhiên, ân sủng không đến với Mẹ. Từ đó, suy ra “ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội” nơi Đức Mẹ không có trước “Tiếng Xin Vâng”.

Như vậy, Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận nhận Chúa Cứu Thế, thì mặc nhiên, Mẹ được nhận lãnh :  ” Bốn đặc ân “  trên, nhưng, một trong bốn đặc ân đó là : Đặc Ân “ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI “ là đặc ân “dẫn đầu” cao trọng nhất .

Giáo Hội sắp xếp thật phù hợp, lễ kính trọng thể Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội trong Mùa Vọng, là mùa “sám hối” sự sám hối của Mùa Vọng khác với sự sám hối của Mùa Chay. Sự “dọn đường” cho Đấng Cứu Thế đến trong Lễ Giáng Sinh, mặc nhiên phải là một tâm hồn “ vô nhiễm”. Đức Mẹ được nhận lãnh Ơn Vô Nhiễm hoàn toàn là Mẹ đã chuẩn bị “tâm hồn “ để đón Chúa. Một tâm hồn trong trắng, thuần khiết tự nhiên của Mẹ cùng với sự đón nhận “Thánh Thai “là Đấng Cứu Thế là ơn VÔ NHIỄM siêu nhiên, mặc nhiên Mẹ được nhận lãnh đặc ân “ VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI” là điều hợp lẽ.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi Cực Thánh, chúng con xin cảm tạ Thiên Chúa vì Hồng Ân diễm phúc là Đặc Ân Vô Nhiễm Nguyên Tội đã ban cho Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ của Ngôi Hai Nhập Thể, đồng thời là Mẹ loài người chúng con, xin thương ban cho chúng con, nhờ lời cầu bàu cùa Mẹ, biết noi gương bắt chước tâm tinh của Đức Mẹ mà vâng theo Thánh Ý Chúa trong mọi sự, hầu đáng được hưởng nhở ơn Cứu Độ. Chúng con cầu xin nhờ Đức Giêsu – Kitô./. Amen.

Về mục lục

.

ĐẶC ÂN VÔ NHIỄM NGUYÊN TỘI

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Hôm nay toàn thể Giáo Hội tôn vinh Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ.

Đặc Ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là bằng chứng về sức mạnh của Ân Sủng trên tội lỗi và sự chết. Phụng vụ đang ở giữa chặng đường Mùa Vọng. Thời gian chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian. Giữa “màu tím đợi chờ và hy vọng” chợt bừng lên “màu trắng tinh tuyền” của ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ý nghĩa phụng vụ gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử cứu rỗi. Cánh cửa thiêng liêng mở ra cho Dân Chúa bước tới cử hành mầu nhiệm Nhập Thể.

Trong hai thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai, liên tiếp có hai chân lý về Đức Maria đã được Giáo Hội định tín. Đó là: tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” (8.12.1854) và tín điều “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời” (1.11.1950). Qua hai tín điều này, Giáo Hội tuyên tín và khái quát về toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở hai tận cùng của lịch sử. Một khởi đầu sáng tạo với vẽ đẹp “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và cuối cùng, với công trình Nhập Thể – Cứu Chuộc của Chúa Con, toàn thể nhân loại lại được nâng lên trong ánh quang phục sinh như “Đức Maria hồn xác lên trời”.

Lòng sùng kính Đức Maria là cả một cảm nghiệm sâu xa của niềm tin Dân Chúa qua dọc dài lịch sử với nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Sách Sáng thế kể rằng: con người được tạo dựng trong yêu thương và được ân ban cuộc sống hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu. Tuy nhiên, địa đàng hạnh phúc ấy không may đã khép lại với nguyên tổ. Đánh mất địa đàng, con người cũng mất luôn hạnh phúc được chia sẻ sự sống thân mật và vĩnh hằng với Thiên Chúa. Cái chết đã trở thành một bản án chí tử. Thiên Chúa tình yêu đã hé mở chân trời hy vọng : “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó. Người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”. Đó chính là “Tin Mừng đầu tiên”, Tin Mừng nguyên thủy. Niềm hy vọng trải dài xuyên suốt lịch sử con người từ buổi hồng hoang cho đến ngày Lời hứa được thực hiện.

Từ cuộc “đỗ vỡ ban đầu” của Nguyên tổ, Thiên Chúa đã quyết định thực hiện một chương trình cứu rỗi diệu kỳ. Đức Maria đã được chọn từ muôn thưở: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ”. Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4,4). Chính người Con đó, Đức Giêsu Kitô, sẽ thực hiện lời hứa “đạp dập đầu con rắn” mà Thiên Chúa đã công bố thuở xưa. Người nữ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Đức Trinh Nữ ấy đã được Đức Piô IX long trọng công bố trong tín điều Vô Nhiễm : “Ta tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội tổ tông… ngay từ buổi đầu tượng thai”.

Như thế, rõ ràng mầu nhiệm “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một lộ trình đức tin của Dân Chúa. Đặc Ân này, huyền nhiệm này nắm giữ một vai trò, một ý nghĩa, một điều kiện có tính quyết định trong con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng của nhân loại. Nói cách khác, Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Trinh Nữ Maria chính là “Tin mừng về cuộc chiến thắng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa”.

Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong đức tin đơn thành và bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai. Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII. Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin. Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ai năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854. Bốn năm sau đó, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” tô thắm vẽ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ. Mẹ đầy ơn Chúa. Sứ Thần cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28). “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, “tình thương nhập thể của Thiên Chúa” (x.Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).

Tước hiệu “Bà đầy ơn phước” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chổ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa.

Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt. Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.

Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ” vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông. Mẹ đẹp thánh thiện. Mẹ đẹp cao quý. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một biểu hiện cụ thể và tròn đầy kết quả viên mãn của ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại cho phần tử ưu tú nhất của nhân loại. Đức Maria gắn bó mật thiết với mầu nhiệm “Con Chúa xuống thế làm người” như sách Giáo Lý đã viết : “Để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria “đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”. Những đặc ân của Đức Maria có được là kết quả đi trước nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, như sách Giáo Lý xác tín : “Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt vời, có một không hai “ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Đức Kitô : Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ” (GLCG # 56). Ngoài ra, Đặc ân Vô Nhiễm cũng còn tiên báo hình ảnh đích thực của Hội Thánh vào ngày cánh chung, ngày mà Dân Chúa sẽ được tác thành như “một trinh nữ vẹn toàn”. Tất cả những nội dung đó đã được tóm kết trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ hôm nay :“Chúa đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria rất thánh khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, để chọn Người đầy ơn phúc xứng đáng làm Mẹ Con Chúa, và chỉ cho chúng ta thấy nơi Người là khởi điểm Hội Thánh xinh đẹp, không vết nhăn, là bạn Con Chúa”.

Mẹ Maria chính là thụ tạo đầu tiên hưởng được lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa công bố ngay buổi đầu với Nguyên tổ.

Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria trở thành một chứng nhân cụ thể cho tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã mượn lời Thánh Vịnh 97 để cùng hát lên trong hân hoan cảm tạ : “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới.Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng…Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân…mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta…”

Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn.Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng Mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Giáo Hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Mẹ Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả nhân loại, những người đã chiến thắng Satan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).

Năm 1492, hơn 500 năm trước đây Colombô đã khám phá ra Châu Mỹ. Ông đã dùng con tàu mang tên: Maria Vô Nhiễm. Colombô đặt tên cho hòn đảo đầu tiên ông đặt bước chân là San Salvador để tôn kính Đấng Cứu Thế. Hòn đảo thứ nhì mang tên Conception, Mẹ Vô Nhiễm để tôn kính Mẹ Chúa Kitô.

Vào năm 1673, hơn 300 năm trước, cha Monquette, một linh mục thám hiểm gan dạ, người đầu tiên tới sông Mississipi, một thác nước khổng lồ chạy dài 3.000 km xuyên qua 10 tiểu bang Hoa Kỳ. Ngài đặt tên cho con sông miền Tây này là “Maria Vô Nhiễm”.

Balboa và Cortez, hai nhà thám hiểm nổi tiếng cũng có lòng tôn sùng Maria Vô Nhiễm.

Giáo dân Việt Nam rất sùng kính Đức Maria Vô Nhiễm. Năm 1960 khi thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, các Giám mục đã dâng đất nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Cử hành lễ Mẹ Vô Nhiễm giữa Mùa Vọng, cộng đoàn chúng ta được nhắc nhở thêm nữa về thái độ sửa dọn tâm hồn xứng đáng để đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, nhất là để từng ngày cộng tác với Ân Sủng hầu biến cuộc sống trở thành một mãnh đất tốt để Lời Chúa kết trái đơm hoa, như mãnh đất tâm hồn trong trắng của Đức Maria, tinh hoa của bao ngàn năm mong đợi. Đức Mẹ đã chuẩn bị một lễ Giáng sinh đẹp nhất, công phu nhất, dài nhất bằng chín tháng cưu mang trong tình yêu.

Xin Mẹ cũng giúp chúng con chuẩn bị mừng lễ Giáng sinh với tâm tình yêu mến như Mẹ. Amen.

Về mục lục

.

 

.

CUỘC ĐỜI CÓ MẸ

Lm. Jos. DĐH

Ca dao tục ngữ có câu : canh suông khéo nấu thì ngon, mẹ già khéo nói thì con đắt chồng. Lại cũng có câu : con hư tại mẹ, cháu hư tại bà. Đúng là vị trí của người mẹ trong cuộc sống thật quan trọng, mẹ là nải chuối buồng cau, mẹ là ngọn gió đưa êm, mẹ là dòng suối mơ huyền bao la. Cuộc đời đầy người tốt, nhưng tốt hơn cả vẫn là “mẹ”, gian khổ cuộc đời ai cũng có, mà khổ nhất là “mất mẹ”, chẳng thế mà dân gian có câu : mồ côi mẹ liếm lá gặm xương !

Sinh ra làm người, ai cũng có mẹ; sinh ra làm con Chúa, chúng ta còn biết đến người Mẹ thiêng liêng nữa : Mẹ Maria. Mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm, chúng ta lại được nhắc nhớ đến ví trí quan trọng của người mẹ trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa. Người phụ nữ duyên dáng xinh đẹp, thời nào cũng có; nhưng phụ nữ hoàn hảo, đức độ, Thiên Chúa đã gặp nơi Trinh Nữ Maria. Xem ra tiêu chí đẹp toàn diện chưa đủ, Sứ thần của Chúa còn cần thiếu nữ Maria thể hiện được niềm tin, phải tự do nói và sống lời thưa vâng trong suốt cuộc đời trần thế.

Trinh Nữ Maria chính thức làm Mẹ Đấng Cứu Thế, sau lời khiêm tốn thưa vâng. Đức Maria chính thức là Mẹ Hội Thánh, là Mẹ của chúng ta trước khi Chúa Giêsu hoàn tất sứ mạng trên cây thập giá. Người đời ví von rằng : có cha có mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đờn đứt dây. Đức Giêsu thật là hạnh phúc, vì cả cuộc đời của Ngài là có Mẹ có cha, dù các ngài rất âm thầm nơi mái nhà Nagiarét, hoặc đầy lo lắng trong khi thất lạc và tìm thấy trẻ Giêsu ở Giêrusalem.

Để diễn tả tình mẹ con, người xưa nói rằng : dù con lớn vẫn là con của mẹ, đi hết cuộc đời lòng mẹ vẫn theo con. Khi hay Đức Giêsu có dấu hiệu bất thường, mất trí, Mẹ Maria vội vã tìm gặp Con, rồi trên đường thập giá, đứng dưới chân thập giá, người Mẹ dù tan nát cõi lòng, nhưng không bỏ cuộc. Ở đời vẫn quan niệm : càng cao danh vọng, càng nhiều gian nan; tương lai càng sáng, cạm bẫy càng nhiều. Với Đức Maria, Sứ thần truyền tin đã chào chúc, đã trấn an : “Maria đừng sợ, vì đã được ơn nghĩa cùng Chúa”. Như vậy, phải chăng càng dồi dào ơn Chúa, càng bớt gian khổ ? Hay càng ngập tràn tình Chúa, càng bớt ưu tư sợ hãi ? Mỗi người hãy suy tư và cầu nguyện đi ? Câu trả lời sẽ thuộc về mỗi chúng ta.

Thế giới này, vốn dĩ chứa đựng rất nhiều đau khổ, mỗi người đều phải đối mặt và kinh qua đau khổ, nhất định không ai là ngoại lệ. Về cuộc đời có Mẹ, hẳn Chúa Giêsu là rõ nhất, còn kinh nghiệm có Mẹ Maria, hẳn mỗi tùy mỗi người mỗi khác. Chỉ biết rằng, chân lý đau khổ ở đời này là có thật, dù là người thông thái, hoặc là kẻ khờ dại nhất, không thể có sự khác biệt. Đức Maria dù đã thưa vâng, đã xác tín vào tình yêu Chúa, nhưng không phải không có đau khổ và nước mắt trong ơn gọi làm Mẹ Đấng Cứu Thế.

Hành trình đời người Kitô hữu chúng ta hôm nay thì sao ? đau khổ và hạnh phúc sẽ không phân tách để ta chọn lựa ! Thiên Chúa ở cùng Đức Maria và theo Đức Maria suốt hành trình đức tin, dù Maria đã sống lời thưa vâng trọn vẹn nhất, dù tâm trí Đức Maria lúc đó chưa thể hiểu hết thập giá vinh quang là gì. Thiên Chúa có thể làm những điều kỳ diệu nơi mỗi người chúng ta, như đã thực hiện nơi thiếu nữ mang tên Maria, nhưng Ngài luôn tôn trọng tự do của con người. Cuộc đời của chúng ta luôn có Mẹ, nhưng ngoài việc thể hiện niềm tin qua đau khổ thập giá đến vinh quang phục sinh, mỗi người hãy cùng Mẹ Maria nói và sống lời thưa vâng. Amen.

Về mục lục

.

MẸ LÀ HOA SEN GIỮA ĐỜI

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có lẽ không có loài hoa nào vừa bình dị, vừa cao sang, vừa gần gũi lại rất thanh khiết cao quý cho bằng hoa sen Việt Nam. Cây sen tươi đẹp, hoa sen xinh tươi, nhụy sen thơm ngát, thanh tao và rất gần gũi với đời sống người dân Việt Nam. Gần gũi đến nỗi người Việt Nam nào cũng biết nó, cũng yêu quý nó. Gần gũi đến nỗi người ta thi vị nó, nhân cách hoá nó như là tâm hồn của một con người. Một tâm hồn trong sáng, thanh khiết giữa bùn nhơ tội đời.

 “Trong đầm gì đẹp bàng sen

Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng

Nhị vàng, bông trắng, lá  xanh

Gần bùn mà chằng hôi tanh mùi bùn”.

Lời ca dao thật nhẹ nhàng dẫn dắt người nghe về vẻ thanh tao của một loài hoa dân dã, bình dị để gợi mở về hình ảnh người nông dân lam lũ quanh năm nơi đầm lầy nước đọng nhưng tấm lòng lại thanh tao cao nhã.

Tác giả khởi đi từ lời khẳng định:

“Trong đầm gì đẹp bằng sen

Lá xanh, bông trắng lại chen nhị vàng”.

Quả thực, ở giữa đầm lầy thì bông sen đẹp nhất. Cây sen vượt trội với những cánh lá xanh nhô lên mặt nước như những cái dù xinh xắn. Bông sen mở cánh trắng muốt sáng lên dưới nắng mặt trời, toả hương ngào ngạt từ nhị hoa vàng. Tất cả tạo lên một bức tranh thôn quê bình dị, yên hàn. Thế nhưng, tác giả dường như không dừng lại ở việc ngắm đoá hoa sen một cách chung chung hay ở đàng xa, mà dường như tác giả nâng niu từng lá sen xanh, chỉ từng bông sen trắng, đếm từng nhụy sen vàng. Có như vậy, tác giả mới có thể nói lên rằng:

“Nhụy vàng, bông trắng, lá xanh

Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Lời kết như muốn lội ngược dòng khi tác giả thi vị hoá cây sen thành nét đẹp của tâm hồn con người. “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Từ đây, cây sen đã trở thành biểu tượng của tâm hồn trong sáng, hiền lành của người nông dân chân lấm tay bùn Việt Nam. “Gần bùn” ở đây chính là môi trường tiếp xúc của sen hay nói đúng hơn chính là xã hội phong kiến bất công bấy giờ có quá nhiều những tham nhũng, dơ bẩn, ô uế. Tuy vậy mà bông sen vẫn rực rỡ, sáng ngời, toả ánh hào quang, không hề dơ bẩn. Ngược lại nhờ những môi trường xung quanh ấy mà sen càng thêm đẹp, làm tăng thêm sự thanh cao.

Bài ca dao trên là một bài thơ hay. Với những câu từ mộc mạc, giản dị nhưng làm nổi bật hình ảnh nên thơ của người nông dân Việt Nam chân lấm tay bùn mà tâm tao nhã rạng ngời. Họ sống giữa bùn nhơ nhưng không để lòng mình vướng bận những tham sân si dòng đời. Họ sống giữa đầm lầy tội lội nhưng không để lòng mình ngụp lặn trong đam mê tội đời.

Hôm nay chúng ta mừng lễ Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ Maria chính là một đoá hoa đẹp nhất trần gian. Nhìn vào cuộc đời Mẹ, chúng ta thấy một Maria trong trắng dịu dàng. Một Maria đoan trang mực thước. Một Maria bác ái bao dung. Một nữ tỳ Maria được Chúa yêu thương và chúc phúc. Mẹ luôn giữ lòng thanh khiết giữa bùn nhơ tội đời. Giáo Hội nhìn nhận Mẹ được ơn Vô Nhiễm ngay tứ lúc trinh thai, nhưng điều quan yếu là Mẹ đã giữ được vẻ thanh khiết vẹn toàn đó giữa môi trường đầy những cám dỗ tội lỗi, đầy những thói đời xấu xa. Mẹ đã thắng mọi cám dỗ để có thể toả ngát hương thơm giữa trần đời. Mẹ là người phụ nữ đẹp rạng ngời giữa muôn ngàn người phụ nữ, tựa như bông sen đẹp lộng lẫy giữa đầm lầy. Tâm hồn Mẹ lại càng thanh cao, thanh cao đến nỗi hoàn toàn xứng đáng cho Con Chúa Trời ngự trị. Mẹ hoàn toàn xứng đáng với lời giới thiệu: “Trong đầm gì đẹp bằng sen”. Mẹ xứng đáng là đoá sen không phải là vì nét đẹp kiêu sa mà là vì nét đẹp tâm hồn “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”.

Lạy Mẹ Maria mến yêu, xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho mỗi người chúng con biết gìn giữ nét đẹp cao quý nơi phẩm giá làm người và làm con Chúa. Xin Mẹ cầu bầu cùng Chúa cho chúng con luôn được hồn an xác mạnh, ơn thánh dư đầy để phụng sự Chúa trong mọi người như Mẹ. Amen.

Về mục lục

 

NỮ TỲ VÔ NHIỄM

Trầm Thiên Thu

Ngày 8-12-1854, ĐGH Piô IX đã công bố Tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội qua Tông sắc “Ineffabilis Deus” (Thiên Chúa Bất Khả Ngộ).

Hệ miễn nhiễm rất quan trọng đối với cơ thể, càng quan trọng hơn đối với hệ miễn nhiễm tâm linh. Nhiễm là “nhuộm”, nghĩa bóng là lây lan, thấm sang, thường ở thể thụ động và mang nghĩa xấu. Vô nhiễm là một dạng miễn nhiễm, là không bị nhiễm những thứ xấu xa, nhất là “miễn nhiễm” tội lỗi.

Có nhiều thứ “nhiễm” trong cuộc sống: Nhiễm trùng, nhiễm độc, nhiễm xạ, nhiễm bệnh,… Về thể lý, chắc chắn không ai miễn nhiễm, nghĩa là ai cũng đã từng bị bệnh, bị nhiễm một dạng virus nào đó. Vì thế, người ta rất cần bảo vệ hệ miễn nhiễm của cơ thể, làm mạnh sức đề kháng. Thật kỳ diệu đối với một số người Phi châu, họ miễn nhiễm với HIV – Human Immunodeficiency Virus, căn bệnh thế kỷ này quen gọi theo Pháp ngữ là SIDA. Đó là một dạng thiếu khả năng miễn nhiễm của cơ thể. Quả thật, người Phi châu có dạng “vô nhiễm” kỳ lạ biết bao!

Lễ Mẹ Vô Nhiễm đã có tại Ðông phương từ giữa thế kỷ VII và VIII. Các vị giảng thuyết đã nói về sự Vô Nhiễm, thai sinh thánh thiện, nhưng không nêu lên vấn đề gì khác. Thời Trung cổ, lễ này được đưa vào Tây phương, rồi nhiều dòng tu ở Ðức và Rôma cũng đã mừng lễ này từ thế kỷ IX.

Năm 1060, các tu sĩ đưa lễ này vào Anh quốc, tới năm 1127-1128, lễ này được lan rộng khắp Âu châu, dù Thánh Bênađô vẫn tỏ ra dè dặt trước “sự mới lạ” ấy. Đầu tiên, đó là một phong trào sùng kính sốt sắng nhưng thiếu suy tư, nhất là bị ảnh hưởng những ý kiến mù mờ của thời đại.

Cùng với Thánh Augustinô, người ta cho rằng việc giao hợp vợ chồng là hành động trác táng lưu truyền tội tổ tông. Như vậy, Đức Maria sinh bởi sự giao hợp của cha mẹ thì cũng không thoát khỏi định luật ấy. Vả lại, người ta có một quan niệm phi khoa học về việc thai sinh, như thể xác được cưu mang trước rồi linh hồn đến trong khoảng cách sau: Linh hồn con trai trước 40 ngày, linh hồn con gái phải lâu hơn mới hợp với thể xác vì bản tính con gái yếu kém (sic!).

Các thần học gia lại không biết làm sao thoát khỏi cái “vòng lẩn quẩn” này: Chúa Kitô là Ðấng cứu chuộc hết mọi người. Nếu nói rằng Ðức Mẹ không vướng mắc tội lỗi, dù chỉ nói đến tội tổ tông, thì Chúa Kitô không còn là Ðấng cứu chuộc toàn thể nhân loại. Các nhà thần học thế kỷ XIII, kể cả Thánh tiến sĩ Thomas Aquinô (1225-1274), đều cho rằng Ðức Mẹ vẫn có phần lệ thuộc tội lỗi, ít là trong thể xác khi thai sinh.

Cuối thế kỷ XIII, thần học gia tu sĩ Gioan Duns Scott cùng với tu sĩ Phanxicô là William Ware đã có công học hỏi và đảo ngược lý luận trên. Chân phước Duns Scott lý luận rằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội của Ðức Mẹ chẳng những không làm tổn thương đến vinh dự Chúa Kitô và Công Cuộc Cứu Chuộc của Ngài, nhưng càng làm tỏ rạng sự sung mãn của công cuộc ấy. Nhân loại được khỏi Nguyên tội khi lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Ở Đức Maria, công việc của Chúa Giêsu có sức ngăn ngừa tội lỗi. Vì Ðấng Cứu Chuộc hoàn hảo phải là Ðấng không chỉ có thể cha lành ti li mà còn ngăn nga ti li. Lý luận thật tuyệt vời! Thánh Ý Chúa thật là mầu nhiệm! Và rồi, vào ngày 25-3-1858, chính Đức Mẹ đã hiện ra với Thánh nữ Bernadette tại Lộ Đức và xác nhận: “Ta là Đng Vô Nhim Nguyên Ti. Điều này cho thấy Chúa Thánh Thần thực sự tác động mạnh trong đời sống Giáo hội Lữ hành, vì lúc đó, Giáo hội mới công bố tín điều Mẹ Vô Nhiễm được gần 4 năm.

Trình thuật St 3:9-15 là một cuộc “xưng tội công khai” của Ông Bà Nguyên Tổ trước Tôn Nhan Thiên Chúa.

Thuở hồng hoang, Đức Chúa là Thiên Chúa gọi con người và hỏi: “Ngươi đâu?. Con người thưa: “Con nghe thy tiếng Ngài trong vườn, con s hãi vì con trn trung, nên con ln trn. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi: “Ai đã cho ngươi biết là ngươi trn trung? Có phi ngươi đã ăn trái cây mà Ta đã cm ngươi ăn không?. Con người thưa: “Người đàn bà Ngài cho vi con, đã cho con trái cây y, nên con ăn. Đức Chúa là Thiên Chúa hỏi người đàn bà: “Ngươi đã làm gì thế?”. Người đàn bà thưa: “Con rn đã la di con, nên con ăn. Thiên Chúa nói với con rắn: “Mi đã làm điu đó, nên mi đáng b nguyn ra nht trong mi loài súc vt và mi loài dã thú. Mi phi bò bng bng, phi ăn bi đt mi ngày trong đi mi. Ta s gây mi thù gia mi và người đàn bà, gia dòng ging mi và dòng ging người y; dòng ging đó s đánh vào đu mi, và mi s cn vào gót nó”.

Đó là hệ lụy tội lỗi, một dạng dây-chuyền-tội-lỗi: Ông đổ lỗi cho bà, bà đổ lỗi cho con rắn. Cuộc đời người ta “chết” vì những cái VÌ, BỞI, TẠI, NẾU, GIÁ MÀ, GIẢ DỤ,… Thật là nguy hiểm!

Được Thiên Chúa ban cho “người đẹp” (chắc là dễ thương lắm) nên ông Adam nhà ta đặt tên cho vợ là Eva, vì nàng là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20). Người ta thường ví von: “V mô thì th đô đó”. Đúng là “dữ dằn” à nghen – tính từ “dữ dằn” có thể tùy hoàn cảnh mà hiểu hai nghĩa, tích cực hoặc tiêu cực! Và cũng có một câu danh ngôn hay như thế này: “A-xít làm CHÁY tin, tin làm CHÁY tim đàn bà, nước mt đàn bà làm CHÁY tim đàn ông. Vừa lô-gích, vừa thú vị, và cũng chí lý thật!

Phụ nữ mềm mà cứng, yếu mà mạnh. Chính sự “liễu yếu đào tơ” lại chính là thế mạnh của họ, nhất là họ vừa trẻ vừa đẹp, ngày nay còn “chân dài” nữa, nó “khoèo” một cái là lũ đàn ông té hàng loạt. Khốn thay! Thật vậy, cô nàng chỉ “nhão” một chút khi ẻo lả nói: “Anh ơi!”, thì ôi thôi, chàng chợt mềm nhũn như bún thiu. Chẳng thế mà Samson khỏe như voi cũng “chết ngắc” chỉ  vì một phụ nữ, Đa-vít cũng “tiêu” vì một phụ nữ, và Hê-rô-đê cũng sẵn sàng “làm liều” chỉ vì một phụ nữ. Vâng chỉ MỘT phụ nữ mà quý ông đã “tiêu diêu miền tình ái” chứ chưa cần nhiều phụ nữ đâu. Khiếp thật!

Người ta còn ví von thế này: “Ph n mun là tri mun. Và người ta cũng so sánh: “Nht v, nhì tri,…”. Trời còn đứng hàng thứ chứ nói gì phàm phu tục tử. Đáng sợ là khoảng giữa “cái có” và “cái không” ở phụ nữ thì dù một sợi tóc cũng không đặt vào. Tinh vi quá đỗi! Đàn ông là sóng cồn nhưng đàn bà là sóng ngầm. Sóng ngầm không thấy mà tránh và có sức cuốn trôi mạnh hơn.

Vì một phụ nữ phạm tội mà nhân loại chịu kiếp đọa đày, đó là Bà Cố Tổ Eva; nhưng lại nhờ một phụ nữ thánh thiện, nhu mì và tuân phục, đó là Đức Maria, mà nhân loại được giải án tuyên công. May cho chúng ta lắm!

Nhận ra “cái may” đó thì phải biết không ngừng tạ ơn. Như Thánh Phaolô nói: “Chúc tng Thiên Chúa là Thân Ph Đc Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Trong Đc Kitô, t cõi tri, Người đã thi ân giáng phúc cho ta hưởng muôn vàn ơn phúc ca Thánh Thn (Ep 1:3). Và thánh nhân còn xác định chi tiết: “Trong Đc Kitô, Người đã chn ta trước c khi to thành vũ tr, đ trước thánh nhan Người, ta tr nên tinh tuyn thánh thin, nh tình thương ca Người. Theo ý mun và lòng nhân ái ca Người, Người đã tin đnh cho ta làm nghĩa t nh Đc Giêsu Kitô, đ ta hng ngi khen ân sng rng ngi, ân sng Người ban tng cho ta trong Thánh T yêu du (Ep 1:4-6). Rất rõ ràng, rất mạch lạc, và hoàn toàn dễ hiểu.

Thánh Phaolô nói thêm: “Thiên Chúa là Đng làm nên mi s theo quyết đnh và ý mun ca Người, đã tin đnh cho chúng tôi đây làm cơ nghip riêng theo kế hoch ca Người, đ chúng tôi là nhng người đu tiên đt hy vng vào Đc Kitô, chúng tôi ngi khen vinh quang Người (Ep 1:11-12). Quả thật, hồng ân Thiên Chúa quá bao la, cao vời và khôn ví. Chúng ta chỉ còn biết suốt đời cúi đầu mà cảm tạ, từng phút, từng giây.

Ân sủng là ân sủng, hồng ân là hồng ân, chúng ta không thể xác định đại ân hoặc tiểu ân, đại xá hoặc tiểu xá. Chỉ có Thiên Chúa mới là người xác định mức độ, vì chỉ một mình Ngài là người thi ân giáng phúc. Đức Mẹ và các thánh chỉ là người cầu thay nguyện giúp, là “ống dẫn” chuyển ơn phước từ Thiên Chúa tới chúng ta.

Trình thuật Lc 1:26-38 nói về Cuộc Truyền Tin. Thánh sử Luca tường thuật: Bà Êlisabét có thai được sáu tháng, thì Thiên Chúa sai s thn Gáp-ri-en đến mt thành min Galilê, gi là Nadarét, gp mt trinh n đã thành hôn vi mt người tên là Giuse, thuc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh n y tên là Maria.

Sứ thần vào và nói: “Mng vui lên, hi Đng đy ân sng, Đc Chúa cùng bà”. Nghe lời ấy, Cô Maria rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có nghĩa gì. Sứ thần trấn an ngay: “Cô Maria ơi, xin đng s, vì Cô đp lòng Thiên Chúa. Và này đây Cô s th thai, sinh h mt con trai, và đt tên là Giêsu. Người s nên cao c, và s được gi là Con Đng Ti Cao. Đc Chúa là Thiên Chúa s ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, t tiên Người. Người s tr vì nhà Gia-cóp đến muôn đi, và triu đi ca Người s vô cùng vô tn.

Chu choa, gì mà kỳ vậy? Người ta đã khấn giữ đồng trinh mà tự dưng nói chuyện mang thai và sinh sản. Kỳ ghê đi, mắc cỡ thí mồ, mặt đỏ bừng và nóng ran luôn! Thế nên Cô Maria thưa với sứ thần: “Vic y s xy ra cách nào, vì tôi không biết đến vic v chng!. Sứ thần liền giải thích cặn kẽ và minh chứng cụ thể: “Thánh Thn s ng xung trên bà, và quyn năng Đng Ti Cao s rp bóng trên bà, vì thế, Đng Thánh sp sinh ra s được gi là Con Thiên Chúa. Kìa bà Êlisabét, người h hàng vi bà, tuy già ri, mà cũng đang cưu mang mt người con trai: bà y vn b mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đi vi Thiên Chúa, không có gì là không th làm được.

Nói đến Thiên Chúa thì miễn bàn, không so đo chi cả, vì Cô Maria hết lòng tin kính Ngài. Thế là hai năm rõ mười rồi. Thế là tỏ rõ nguồn cơn. Chắc hẳn Cô Maria lúc đó đã thở phào nhẹ nhõm, không còn phân vân chi nữa. Thế nên Cô Maria dịu dàng nói với sứ thần: “Vâng, tôi đây là n t ca Chúa, xin Chúa c làm cho tôi như li s thn nói. Nghe vậy, sứ thần cũng “an tâm” mà từ biệt ra đi… Thật là tuyệt vời vì lời “xin vâng” của Nữ Tỳ Maria hoàn toàn tuyệt đối.

Và rồi “chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”, và Ngài ở cùng chúng ta. Ngài là Đấng Emmanuel, Đấng Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-ta. Đức Maria là một Nữ Tỳ nhưng Vĩ Đại, đã trở thành Đấng Theotokos – “Người Mang Thiên Chúa”. Xin kính chào Đấng Emmanuel. Và xin “kính mừng Maria đầy ơn phước”.

Xin cùng hợp với lời cầu của thi sĩ Paul Claudel (Tác Phẩm Thơ, Gallimard, 1967) để tôn sùng Đức Mẹ:

Tri đúng ng,

Tôi trông thy giáo đường rng m,

Phi bước vào mi được.

Ly M Chúa Giêsu Kitô!

Con không vào đ cu nguyn,

Vì con không có gì đ dâng cho M và cũng chng xin M điu gì.

Con ch đến đ ngm nhìn M thôi, ôi ly M!

Ngm nhìn M và khóc lên vì hnh phúc,

Con không nói gì c, nhưng con ch hát thôi,

Bi vì trái tim con tràn ngp tâm tình!

Ly Thiên Chúa, xin giúp con đ sc chng li mi cái xu và cương quyết thà chết ch không phm ti như Thánh nhí” Saviô, xin cho con được min nhim vi bt c th gì nguy him, đc bit là mnh m h min nhim tâm linh.

Ly N T Vô Nhim, xin giúp con luôn biết nói ít và làm nhiu như M đã th hin, biết sng khiêm nhu và vâng phc tuyt đi như M, mi nơi và mi lúc, đ Ý Chúa nên trn.

Con cu xin nhân Danh Thánh T Giêsu Kitô, Đng cu đ nhân loi. Amen.

Về mục lục

.

NÀY TÔI LÀ NỮ TÌ CHÚA

Văn Hào, SDB

Ngày 08 tháng 12 năm 1854 Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng công bố tín điều Đức Maria vô nhiễm nguyên tội qua thông điệp “Ineffabilis Deus”. Bốn năm sau, khi hiện ra với thánh nữ Bernadetta tại hang đá Lộ đức, chính Đức Mẹ đã tái khẳng định: “Ta là Đấng Vô nhiễm nguyên tội”. Ngày hôm nay, Giáo hội cũng khai mở năm thánh tôn kính Lòng Thương Xót Chúa. Không phải tình cờ mà Giáo hội cử hành phụng vụ tôn kính Mẹ Vô nhiễm thai trong mùa vọng. Và cũng không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên mà Đức Thánh Cha Phanxicô chọn ngày lễ hôm nay để mở cửa năm thánh tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa. Mẹ Maria Vô nhiễm chính là Evà mới đã chiến thắng con rắn xưa, mở ra cho chúng ta kỷ nguyên cứu độ, để cùng với Giáo hội chúng ta sống tâm tình mùa vọng mong chờ Đấng Cứu thế, Đấng sẽ đến trong ngày cánh chung để hoàn tất ơn cứu độ theo hoạch định của Chúa Cha. Đồng thời Mẹ cũng được gìn giữ khỏi vết nhơ nguyên tội để cưu mang Đức Giêsu, Đấng đã đến trần gian nhằm diễn bày lòng thương xót Chúa cho nhân loại tội lỗi. Mẹ Đấng Cứu thế cũng chính là Mẹ của Lòng Thương Xót (Mater Misericordiae).

Sống trong Thần Khí

Thiết nghĩ, chúng ta không cần trưng ra những lý chứng thần học dẫn đến việc Giáo hội công bố tín điều Mẹ Vô nhiễm thai mà chúng ta mừng kính hôm nay. Giáo hội chọn các bài đọc trong phụng vụ của ngày lễ để mời gọi chúng ta chiêm ngắm dung mạo Đức Maria như một nữ tỳ khiêm hạ, sống dưới tác động Thần khí và luôn để Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. Mẹ là khuôn mẫu tuyệt hảo giúp chúng ta đi sâu vào tâm thức mùa vọng chờ mong Chúa đến. Bài Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố truyền tin, một sự kiện quan trọng mở ra cho nhân loại một trang sử mới, đó là kỷ nguyên ơn cứu độ. Đức Maria chỉ là một cô thôn nữ quê mùa chất phác, không học thức, không quyền quý cao sang. Vì vậy Mẹ hoàn toàn ngỡ ngàng trước lời cầu ngỏ của thần sứ Gabriel: “ Việc ấy xảy ra thế nào được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng” (Lc 1,34). Có vẻ như Đức Maria bối rối và thoáng chút sợ hãi. Nhưng thần sứ nói với Mẹ: “ Hỡi Maria đừng sợ, vì cô đẹp lòng Thiên Chúa” (Lc 1,30). Trong Tin mừng khá nhiều lần Chúa Giêsu cũng nói với các học trò để trấn an các ông: “Đừng sợ, vì Ta đã thắng thế gian” (Ga 16,33); “Đừng sợ những kẻ giết được thân xác mà không giết được linh hồn anh em” (Mt 10, 28); “Hãy trỗi dậy, đừng sợ” (Mt 17, 8)… Đây không phải là những liệu pháp mang tính tâm lý, nhưng đó là lời Chúa Giêsu mời gọi các học trò đi sâu vào cảm thức đức tin, tín thác vào Thiên Chúa và quyền năng của Ngài. “Thầy đây, có phải ma đâu, đừng sợ” (Mt 14, 27). Chỉ những tâm hồn thực sự sống trong ân sủng và tin tưởng nơi Chúa mới có được bình an và thoát khỏi sợ hãi. Ngược lại, nếu chúng ta bị cuốn hút bởi những bóng ma của tiền bạc, của lạc thú hay danh vọng phù vân, chúng ta sẽ luôn ngập chìm trong khiếp sợ. Trong thư gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô đã viết: “Hướng đi của Thần khí là sự sống và bình an”(Rm 8,6). Đức Maria đã được Thánh thần phủ ngập và Mẹ hoàn toàn để Thiên Chúa hướng dẫn đời mình. “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên cô và quyền năng Đấng Tối cao sẽ phủ bóng trên cô” (Lc 1,35). Vì thế, khi mở lòng ra đón nhận Thần khí và ngoan thuần để Thánh Thần hướng dẫn, Mẹ đã hoàn toàn quy thuận thánh ý Thiên Chúa và luôn sống trong bình an: “ Xin hãy thực hiện nơi tôi những gì Chúa muốn” (Lc 1,38).

Đây chính là khuôn mẫu đức tin tuyệt hảo để chúng ta sống tinh thần mùa vọng mà Giáo hội mời gọi. Sách Tông đồ công vụ cũng thuật lại bầu khí cầu nguyện của Đức Maria cùng các tông đồ sau khi Chúa về trời. Kết quả, Thánh Thần đã xuống trên các Ngài, để từ đó, các tông đồ ra đi mọi nơi quảng bá Tin mừng Phục sinh, và Giáo hội bắt đầu triển nở từ đây.

Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II, khi bắt đầu triều đại Giáo hoàng của Ngài, cũng gửi đi bức thông điệp đầu tay với tựa đề “Đừng sợ”. Ngài cũng muốn lập lại tâm tình tín thác của Đức Maria, luôn để Thánh Thần hướng dẫn, và Ngài không bao giờ sợ hãi giữa bao sóng gió dồn dập xảy đến. Ngài cũng mời gọi chúng ta khi đang sống trong mùa vọng lớn, chúng ta cũng hãy sống khiêm tốn như Đức Maria để chờ mong Chúa đến với tâm hồn ngập tràn niềm vui và an bình (xem Tông huấn Tertio Milennio Adveniente).

Đức Maria, Evà mới

Trong thư Rôma, thánh Phaolô đã nhắc đến tội nguyên tổ: “ Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập thế gian, và tội lỗi gây nên sự chết” (Rm 5, 12). Tội đầu tiên do Ađam gây ra, với sự đồng thuận của Evà. Nhưng khi Đức Giêsu đến trần gian, Ngài đã đóng vai trò của Ađam mới để khai mào kỷ nguyên ơn cứu độ với sự đồng thuận của Evà mới là chính Đức Maria. Trong bài đọc thứ nhất, tác giả sách khởi nguyên thuật lại cho chúng ta câu chuyện về tội nguyên tổ mà Giáo hội trong đêm Thứ Bảy tuần thánh vẫn gọi là “tội hồng phúc” (bài Exultet). Tại sao ? Những trang đầu tiên của bộ Kinh thánh đã công bố cho chúng ta một tin mừng : ‘Dòng dõi người nữ sẽ đạp dập đầu con rắn’. Những trang cuối cùng trong bộ Sách thánh cũng nhắc lại cho chúng ta Tin mừng này: ‘Người nữ khải huyền sẽ chiến thắng con rồng lửa và ném nó xuống biển sâu’. Hình ảnh sự chiến thắng của ‘Người Phụ Nữ’ là biểu tượng nói về cuộc vinh thắng cuối cùng của Con chiên Khải hoàn. Trong đó, vai trò của Đức Maria rất cần thiết và quan trọng, giống như vai trò của Đấng Đồng Công Cứu chuộc. Mẹ đã tự nguyện quy thuận thánh ý Chúa với lời thưa xin vâng để kế hoạch cứu thế được thực hiện, và cuộc chiến thắng con rồng lửa khởi đầu từ đây. Vì thế, trình thuật truyền tin Giáo hội đọc lại trong phụng vụ hôm nay mang chở ý nghĩa sâu xa của tin mừng này. Hình ảnh người nữ trong sách Khải Huyền ám thị Giáo hội là hiền thê của Đức Giêsu, nhưng cũng không sai khi chúng ta áp dụng vào vai trò của Đức Maria. Ơn cứu độ mà Đức Giêsu khai mở chính là cách diễn bày lòng thương xót của Thiên Chúa đối với nhân loại. Đoạn thánh thi thánh Phaolô viết trong thư gửi giáo đoàn Ephêsô mà Giáo hội đọc lên hôm nay diễn tả mầu nhiệm cao cả này : “ Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Ngài ta trở nên tinh tuyền thánh thiện nhờ tình thương của Ngài”. Vì thế đặc ân Vô nhiễm nguyên tội gắn liền với chức phận làm Mẹ Đấng Cứu chuộc, và Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã không ngần ngại gọi Mẹ là ‘Mater Misericordiae’, Mẹ của Lòng Thương xót. Có lẽ đây cũng chính là lý do Đức Thánh Cha Phanxicô chọn ngày hôm nay để mở cửa năm thánh tôn vinh Lòng Thương Xót Chúa.

Kết luận

Vào năm 1989, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II tiếp ông Gorbachop và bà Raissa, phu nhân của ông ta, tại điện Vatican. Lúc bấy giờ Gorbachop là Tổng bí thư Đảng cộng sản Liên xô, lãnh tụ của một cường quốc vào thời điểm ấy. Sau buổi tiếp kiến, Đức Thánh Cha trao tặng ông Tổng bí thư một cuốn Kinh thánh với hàng chữ bên ngoài “ Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Chúng ta biết dụng ý của Đức Thánh Cha muốn ám thị điều gì. Quay sang bà Raissa, vị Thánh Giáo hoàng tặng bà một cỗ tràng hạt với hàng chữ đi kèm “ Nữ Vương ban sự bình an”. Đức Thánh Cha muốn nói cho cả thế giới biết rằng, hòa bình thật sự nhân loại có thể kiến tạo được không phải do tiền bạc, do vũ khí hay sức mạnh quân sự. Nhưng chúng ta phải học hỏi nơi Đức Maria và sống khiêm tốn như Ngài để có được hòa bình trên thế giới cũng như sự bình an nơi tâm hồn mỗi người. Thánh Phaolô rất có lý khi diễn tả :“Hướng đi của Thần Khí là sự sống và bình an” (Rm 8,6). Mẹ đã hoàn toàn để Thần Khí hướng dẫn, vượt qua mọi sợ hãi, luôn sống ‘đẹp lòng Thiên Chúa’ và ngập tràn bình an trong tâm hồn. Đó là khuôn mẫu nội tâm cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.

Lạy Đức Maria Vô nhiễm nguyên tội là Mẹ Đấng Cứu thế, cũng là Mẹ của Lòng Thương xót, xin cầu cho chúng con.

Về mục lục

.

MẸ TRINH NGUYÊN

Huệ Minh

Mở lại những trang sách Sáng thế, với vài câu ở trước bài đọc hôm nay, ta đọc thấy: “Thiên Chúa ban phúc lành cho họ, và Thiên Chúa phán với họ: “Hãy sinh sôi nảy nở thật nhiều, cho đầy mặt đất, và thống trị mặt đất. Hãy làm bá chủ cá biển, chim trời, và mọi giống vật bò trên mặt đất.”.. Liền có như vậy.” Thiên Chúa thấy mọi sự Người đã làm ra quả là rất tốt đẹp …” (St 1, 28-31).

Có hai điểm rất quan trọng mà ta đọc thấy ở đây.

Trước hết, Thiên Chúa Cha ban cho tổ tiên chúng ta quyền thống trị mọi tạo thành. Điều quan trọng là cần nhớ rằng với sự “sa ngã của Ađam”, “kế hoạch của Tạo Hoá, ý nghĩa của các thụ tạo – trong đó có con người, được kêu gọi canh tác và chăm sóc tạo vật – vẫn không thay đổi”.

Kế đến, tác giả sách Sáng thế cho thấy rằng vì bây giờ con người đã được thêm vào tạo thành, không chỉ là tốt… như ánh sáng và bóng tối, biển cả và đất khô, cá, chim và thú vật đã được mô tả… nhưng bây giờ thì tạo thành rất tốt. “Ađam và Evà đã phạm tội.

Ông bà nguyên tổ đã làm tan vỡ mối quan hệ tin tưởng và hòa hợp, cách riêng tình thương với Thiên Chúa mà chính Thiên Chúa đã trao ban cho con người. Cũng chính vì sự ích kỷ của ông bà nguyên tổ đã đã làm cho ông bà quên rằng ông bà đã “nhận mọi sự như quà tặng nhưng không và ông bà vẫn chỉ là thụ tạo chứ không phải là Tạo Hoá.

Nguyên nhân duy nhất và chính nhất là do cám dỗ này: “Ngươi sẽ trở thành Chúa” để rồi Ađam và Eva phạm tội (St 3,5).

Nghe lời ngọt ngào có tình và có lý ấy, ông bà nguyên tổ muốn thống trị tuyệt đối trên mọi sự mà không phải phục tùng ý muốn của Tạo Hoá.

Và, từ lúc đó, đất đai trở nên nghèo nàn, cằn cỗi, thù nghịch một cách tệ hại (x. St 4,12); chỉ khi nào đổ mồ hôi trán, con người mới gặt hái được kết quả (x. St 3,17.19)”.

Thế nhưng, không phải mọi sự đã bị mất hết. Thiên Chúa hứa: “Dòng giống đó sẽ đánh vào đầu mi, và mi sẽ cắn vào gót nó”. Đây là niềm hy vọng của chúng ta.

Tuy nhiên, mối quan hệ tin tưởng và hòa hợp và đặc biệt tình thương của Thiên Chúa với con người được tái lập.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa trao ban cho con người được lập đi lập lại. Thiên Chúa muốn nói khẽ vào bên tai của con người rằng Thiên Chúa mãi mãi yêu thương con người.

Những gì đã loan báo đã đến lúc mạc khải kế hoạch Thiên Chúa cứu độ chúng ta.

Trong thư gửi tín hữu Êphêxô, Thánh Phaolô vui mừng vì “Trong Đức Kitô, Thiên Chúa đã chọn ta… Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu”.

Ta thấy Thánh Phaolô hiểu rằng mối quan hệ giữa Thiên Chúa và nhân loại đã được chữa lành bởi và nhờ tình yêu của Thiên Chúa và đặc biệt là ơn làm nghĩa tử mà Thiên Chúa trao ban cho con người được chất chứa nơi Đức Giêsu.

Nhìn vào cuộc khổ nạn và phục sinh của Đức Giêsu, ta ý thức rằng ta đã được đổi mới như những người được Thiên Chúa yêu bởi vì Người đã nhận ta làm nghĩa tử qua Đức Kitô.

Trang Tin Mừng của Thánh Luca, ta nghe những lời quan trọng nhất từng được nói ra. Quan trọng hơn cả những lời của Đức Giêsu trong Phúc âm: “Tội của chị đã được tha rồi… Lòng tin của chị đã cứu chị. Hãy đi bình an” (Lc 7,48-50); hoặc “Anh em hãy cầm lấy, đây là mình Thầy” (Mc 14, 22); hoặc “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26,39); hoặc ngay cả: “Lạy Cha, con xin phó thác linh hồn con trong tay Cha!” (Lc 23,46) hay sao?

Và, ta thấy lịch sử cứu độ sang trang với đáp “xin vâng” của Đức Trinh Nữ Maria khi nghe sứ thần loan báo Lời của Thiên Chúa. Thiên Chúa muốn nói với nhân loại qua người đại diện là Đức Trinh Nữ Maria.

Lúc nghe lời tuyệt đỉnh của ơn cứu độ, ta thấy Đức Maria nói: “Vâng, tôi đây là nữ tì của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói” (Lc 1,38), “Ngôi Lời đã trở nên người phàm và ở giữa chúng tôi” (Ga 1,14).

Lời đáp của Đức Trinh Nữ Maria là lời đáp của lòng tin và sự tín thác. Lòng tin và tín thác của Mẹ đã trở thành hiện thực tại “một thành miền Galilê, gọi là Nadarét, một trinh nữ đã thành hôn với một người tên là Giuse” (Lc 1,26).

Lời hứa của Thiên Chúa Cha đã được ứng nghiệm.

Chuyện tình cứu độ đi vào khúc quanh đầy kịch tính trong khi mối quan hệ mà trước kia nhân loại đã có đối với Thiên Chúa, bị đánh mất vì tội của Ađam và Evà, đã được làm mới và ta sẽ được cứu.

“Qua lời “xin vâng” đối với kế hoạch yêu thương của Thiên Chúa (x. Lc 1,38), nhân danh toàn thể nhân loại, Đức Maria trong lịch sử đã chấp nhận Đấng do Chúa Cha gửi tới, Đấng Cứu Chuộc loài người. Trong kinh “Magnificat”, ngài công bố Mầu nhiệm Cứu Độ đến, sự xuất hiện của “Đấng Mêsia của người nghèo” (x. Is 11,4; 61,1).

Thiên Chúa của Giao Ước, mà Đức Trinh Nữ người Nazareth cất tiếng ca trong tinh thần hân hoan, là Đấng lật đổ người quyền thế khỏi ngai vàng và nâng cao kẻ hèn mọn, cho kẻ nghèo đói được no đủ, đuổi người giàu có trở về tay không, đánh tan tác kẻ kiêu ngạo và tỏ lòng thương xót với những ai kính sợ Ngài (x. Lc 1,50-53).

Khi ngước nhìn tâm hồn Đức Maria, ngước nhìn đức tin sâu thẳm của ngài biểu lộ qua kinh “Magnificat”, các môn đệ Đức Kitô được mời gọi hãy làm mới lại một cách đầy đủ hơn “ý thức rằng sự thật về Thiên Chúa cứu độ, sự thật về Thiên Chúa là nguồn mạch mọi ơn huệ không thể tách rời sự tỏ bày tình thương ưu ái của Người dành người nghèo khó và khiêm tốn, tình thương này, được ca tụng trong kinh Magnificat, về sau được bày tỏ trong lời nói và việc làm của Đức Giêsu”.

Đức Maria hoàn toàn lệ thuộc Thiên Chúa và hướng trọn vẹn về Người nhờ sức thúc đẩy của đức tin của ngài. Ngài là “hình ảnh trọn vẹn nhất về sự tự do và giải thoát của nhân loại và vũ trụ”

Đời của Mẹ là như thế còn đời của ta thì sao ? Ta cũng “xin vâng” đấy chứ ! Bây giờ bảo cộng đoàn cùng cất lên bài hát “xin vâng” thêm sự đệm đàn du dương nữa Chúa và Mẹ nghe thấy bùi tai lắm. Đơn giản là vì chúng ta hát hay. Nhưng, thực tại cuộc sống là như thế nào ?

Ta có can đảm sống lời xin vâng mà ta thưa với Chúa như Mẹ hay không ?

Ai ai trong chúng ta cũng sẽ nói là thưa có ạ ! Thế nhưng, cái gọi là thưa có đó nó ở mức nào ?

Trong gia đình, trong cộng đoàn, cách riêng người Việt Nam cũng chúng ta rất hay. Khi họp chung thì ai cũng gật đầu đồng ý và không bao giờ cho ý kiến. Thế nhưng, khi bước ra khỏi cuộc họp của gia đình, cuộc họp của cộng đoàn thì chính là lúc mà ý kiến của ta được đưa ra. Không chỉ là đưa ra nhưng khư khư bắt nó thành toại và thành toàn bởi lẽ ta lúc nào cũng cho ta là nhất và người khác là số 2, số 3, số 4 và thậm chí là con zero trống rỗng.

Giáo xứ ta cũng thế, hội đoàn ta cũng thế, ta có phần trách nhiệm làm chia rẽ, làm cho cộng đoàn thêm tội. Trong gia đình, trong cộng đoàn, trong giáo xứ, ta không thể nào né được tội của ta. Chính sự kiêu ngạo của ta đã làm cho cộng đoàn, cho giáo xứ, cho gia đình chia rẽ.

Xin cho mỗi người chúng ta nhìn lại đời mình và soi vào đời Mẹ để ta thân thưa với Chúa bằng lời xin vâng thật sự. Chính nhờ lời xin vâng thật sự của Mẹ đã cứu con người khỏi tội khiên.

Khởi đi từ sự bất tuân, sự kiêu ngạo của ông bà nguyên tổ đã mang lại cho con người tục lụy và tội lụy. Và khởi đi từ lời xin vâng của Mẹ đã cứu con người khỏi án phạt đời đời.

Nhờ Mẹ và với Mẹ ta được cứu độ, ta cùng tôn kính Mẹ :

Kính Chào Mẹ là Sao Bắc Đẩu

Đấng mệnh danh Hiền Mẫu Chúa Trời

Chói lòa trinh khiết gương soi,

Cửa vào cõi phúc tuyệt vời thiên cung.

Khi nhận tiếng “Kính Mừng” vinh dự

Gáp-ri-en thần sứ tặng ban,

Chữ “E-và” Mẹ đảo vần

Thành “A-ve” giữ bình an cho đời.

Xin cởi dây trói người tội lỗi,

Mở mắt ai tăm tối đui mù,

Đuổi xa hoạn nạn rủi ro,

Đổ tuôn hồng phúc tựa hồ mưa sa.

Xin khứng tỏ Mẹ là Từ Mẫu

Chuyển lời cầu đạt tới Hoàng Thiên,

Tòa cao Thánh Tử uy quyền,

Vua Trời Cứu Thế đã nên người trần.

Ôi Trinh Nữ siêu phàm khôn ví,

Ôi hiền hòa tuyệt thế Nữ Trinh,

Cứu đoàn con khỏi tội tình.

Trở nên thanh khiết hiền lành từ đây!

Xin giúp sống chuỗi ngày trong trắng,

Mẹ dẫn đường là chẳng phải lo,

Mai ngày gặp Chúa Giê-su,

Vui mừng hưởng phúc thiên thu chan hòa.

Lạy Thiên Chúa Ngôi Cha từ ái,

Lạy Ngôi Con quảng đại vô lường,

Thánh Thần trải rộng tình thương

Ba Ngôi hiển trị thiên đường quang vinh.

Về mục lục

.

ĐẤNG ĐẦY ÂN SỦNG

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Suy niệm:

Ngày 25-3-1858 tại Lộ Đức, Đức Mẹ lại hiện ra cho Bernadette,
một cô bé mười bốn tuổi, nhà nghèo, quê mùa.
Vào lần hiện ra thứ mười sáu, khi cô gặng hỏi tên của Bà đẹp,
Bà đã trả lời: Que soy era Immaculada Conception,
Ta là sự Thụ thai vô nhiễm.
Một câu trả lời khó hiểu và khó nhớ đối với một cô bé ít học.
Dĩ nhiên cô không hề biết rằng bốn năm trước đó,
Đức Piô IX đã công bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm nguyên tội.

Mừng lễ Đức Maria Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ.
Thiên Chúa muốn Con Một của mình làm người trăm phần trăm,
nên cần tuyển một phụ nữ để sinh ra người Con ấy.
Maria chính là người được chọn, hoàn toàn như một ân huệ.
Khi chọn Maria, Thiên Chúa đã ban cho Mẹ mọi sự tốt đẹp nhất có thể,
vì ơn gọi quá vĩ đại là làm Mẹ Con Thiên Chúa.
Maria được Thiên Chúa bao bọc và bảo vệ bằng ân sủng tuyệt vời.
Ngài cho Mẹ được hưởng trước công nghiệp của Người Con,
nên gìn giữ Mẹ khỏi vết nhơ của nguyên tội.
Mừng lễ Vô nhiễm là mừng lễ một con người, một phụ nữ,
ngay từ giây phút đầu tiên được thụ thai,
đã trọn vẹn và tuyệt đối nằm trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.

Khi nói Mẹ không nhiễm vết nhơ của nguyên tội
là chỉ mới nêu lên một khía cạnh có phần tiêu cực.
Theo Công Đồng Vaticanô II, từ giây phút hiện đầu tiên của cuộc sống,
Mẹ đã được rạng ngời một sự thánh thiện hoàn toàn độc nhất vô nhị.
Giáo Hội Đông Phương gọi Mẹ là Đấng toàn thánh (panagia).
Sự thánh thiện của Mẹ đã được sứ thần Gabrien diễn tả qua lời chào :
Mừng vui lên, hỡi Đấng được đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Bà.”
Maria được Thiên Chúa ban đầy tràn ân sủng,
nghĩa là được Thiên Chúa yêu thương, và được đẹp lòng Thiên Chúa,
từ trước khi Mẹ nói tiếng Xin Vâng.
Nhưng ân sủng không bóp chết tự do và trách nhiệm.
Mẹ đã đáp lại tình yêu đó với sự mở ra không ai sánh bằng.
Tiếng Xin Vâng trên môi của cô thiếu nữ Maria
là cử chỉ đón lấy Đấng Cứu Độ vào đời mình, vào lòng dạ mình.
Maria đã suốt đời trung tín với tiếng Xin Vâng đầu tiên
bằng việc nói muôn tiếng Xin Vâng khác cho đến tận thập giá.

Những gì Mẹ Maria được hưởng, chúng ta cũng được chung phần.
Chúng ta cũng được chọn, được tẩy xóa tội nguyên tổ, được ban ơn.
Chúng ta cũng được mời gọi đáp lại bằng những tiếng Xin Vâng nho nhỏ.
Sống Mùa Vọng là để cho Con Thiên Chúa đi vào đời mình.
Như Đức Maria, chúng ta được mời gọi cưu mang Con Thiên Chúa,
làm cho Ngài lớn lên mỗi ngày và sinh Ngài ra cho thế giới.
Chúng ta cũng muốn cưu mang Giêsu với trái tim và cuộc đời vô nhiễm.
Xin Chúa cho chúng ta được chia sẻ ơn Vô Nhiễm giữa cuộc đời ô nhơ.

Cầu nguyện:

Lạy Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Thiên Chúa,
xin gìn giữ nơi con quả tim của trẻ thơ
tinh tuyền và trong ngần như dòng suối.

Xin ban cho con quả tim đơn sơ,
mau quên những nỗi buồn phiền.
Một quả tim hào hiệp dám hiến thân,
dịu dàng để cảm thông.
Một quả tim trung thành và quảng đại,
không quên ơn, không báo oán.

Xin tạo cho con quả tim hiền từ và khiêm tốn,
yêu mà không mong được yêu lại,
hân hoan xóa mình đi
để Con của Mẹ có chỗ trong lòng người khác.

Một quả tim vĩ đại và bất khuất,
không khép lại trước những kẻ vô ơn,
không chán nản trước người lạnh nhạt.
Một quả tim khắc khoải
lo tìm vinh danh Chúa Giêsu Kitô,
quả tim mang vết thương vì yêu Ngài,
vết thương chỉ lành
khi được sống với Ngài trên trời. Amen.

Về mục lục

.

MẸ CỦA LÒNG THƯƠNG XÓT

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Năm Thánh Lòng Thương Xót của Giáo hội Công giáo được khai mạc vào ngày 8-12-2015, lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Hôm nay toàn thể Giáo hội tôn vinh Mẹ Maria được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế, được gìn giữ khỏi tội nguyên tổ. Đặc Ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là bằng chứng về sức mạnh của Ân Sủng trên tội lỗi và sự chết. Phụng vụ đang ở giữa chặng đường Mùa Vọng. Thời gian chuẩn bị đón mừng mầu nhiệm Con Thiên Chúa đến trần gian. Giữa “màu tím đợi chờ và hy vọng” chợt bừng lên “màu trắng tinh tuyền” của ngày lễ Đức Mẹ Vô Nhiễm. Ý nghĩa phụng vụ gắn liền với thời điểm quan trọng của lịch sử cứu rỗi. Cánh cửa thiêng liêng mở ra cho Dân Chúa bước tới cử hành mầu nhiệm Nhập Thể.

Trong hai thế kỷ sau cùng của thiên niên kỷ thứ hai, liên tiếp có hai chân lý về Đức Maria đã được Giáo Hội định tín. Đó là: tín điều “Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội” (8.12.1854) và tín điều “Đức Maria Hồn Xác Lên Trời” (1.11.1950). Qua hai tín điều này, Giáo Hội tuyên tín và khái quát về toàn bộ chương trình cứu độ của Thiên Chúa ở hai tận cùng của lịch sử. Một khởi đầu sáng tạo với vẽ đẹp “Vô Nhiễm Nguyên Tội”, và cuối cùng, với công trình Nhập Thể – Cứu Chuộc của Chúa Con, toàn thể nhân loại lại được nâng lên trong ánh quang phục sinh như “Đức Maria hồn xác lên trời”.

Lòng sùng kính Đức Maria là cả một cảm nghiệm sâu xa của niềm tin Dân Chúa qua dọc dài lịch sử với nền tảng Thánh Kinh và Thánh Truyền.

Sách Sáng thế kể rằng: con người được tạo dựng trong yêu thương và được ân ban cuộc sống hạnh phúc ngay từ thuở ban đầu. Tuy nhiên, địa đàng hạnh phúc ấy không may đã khép lại với nguyên tổ. Đánh mất địa đàng, con người cũng mất luôn hạnh phúc được chia sẻ sự sống thân mật và vĩnh hằng với Thiên Chúa. Cái chết đã trở thành một bản án chí tử. Thiên Chúa tình yêu đã hé mở chân trời hy vọng: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, giữa miêu duệ mi và miêu duệ người đó. Người miêu duệ đó sẽ đạp nát đầu mi”. Đó chính là “Tin Mừng đầu tiên”, Tin Mừng nguyên thủy. Niềm hy vọng trải dài xuyên suốt lịch sử con người từ buổi hồng hoang cho đến ngày Lời hứa được thực hiện.

Từ cuộc “đỗ vỡ ban đầu” của Nguyên tổ, Thiên Chúa đã quyết định thực hiện một chương trình cứu rỗi diệu kỳ. Đức Maria đã được chọn từ muôn thưở: “Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ”. Thánh Phaolô đã khẳng quyết: “Khi đến thời viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con của Người, sinh bởi người nữ, sinh dưới quyền lề luật, để cứu chuộc những kẻ dưới quyền lề luật, ngõ hầu ta được chịu lấy quyền nghĩa tử” (Gl 4,4). Chính người Con đó, Đức Giêsu Kitô, sẽ thực hiện lời hứa “đạp dập đầu con rắn” mà Thiên Chúa đã công bố thuở xưa. Người nữ đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Đức Trinh Nữ ấy đã được Đức Piô IX long trọng công bố trong tín điều Vô Nhiễm: “Ta tuyên bố rằng Đức Trinh Nữ rất thánh đã được gìn giữ khỏi mọi tì ố tội tổ tông… ngay từ buổi đầu tượng thai”.

Như thế, rõ ràng mầu nhiệm “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một lộ trình đức tin của Dân Chúa. Đặc Ân này, huyền nhiệm này nắm giữ một vai trò, một ý nghĩa, một điều kiện có tính quyết định trong con đường dẫn tới hạnh phúc vĩnh hằng của nhân loại. Nói cách khác, Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” của Đức Trinh Nữ Maria chính là “Tin mừng về cuộc chiến thắng của tình yêu cứu độ của Thiên Chúa”.

Tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội bắt nguồn từ trong Thánh Kinh và lớn lên trong đức tin đơn thành và bình dân của tín hữu thời Giáo Hội Sơ Khai. Ngay từ thế kỷ thứ II, các Thánh Giáo Phụ Justinô và Irénée de Lyon đã ngợi khen sự thánh thiện của Đức Maria. Giáo Hội Đông Phương đã mừng Lễ Mẹ Vô Nhiễm từ thế kỷ thứ VII. Vào năm 1432, công đồng Bâle đã coi mầu nhiệm này như một tâm điểm của lòng tin. Vào thế kỷ XIX, sau khi Đức Mẹ hiện ra với Thánh Catherine Labouré tại nguyện đường nhà Dòng Nữ Tử Bác Ai năm 1830, sau đó Đức Thánh Cha Piô IX đã long trọng ban bố tín điều Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội vào ngày 8.12.1854. Bốn năm sau đó, vào ngày 25.3.1858, Đức Mẹ hiện ra tại hang đá Massabielle Lộ Đức, với thánh nữ Bernadette Soubirous. Đức Mẹ đã xác nhận tín điều trên đây khi tự xưng mình là “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” tô thắm vẽ đẹp tuyệt mỹ của Đức Mẹ. Mẹ đầy ơn Chúa. Sứ Thần cung kính thưa với Mẹ rằng: “Mừng vui lên, hỡi Ðấng đầy ơn phước, Thiên Chúa ở cùng bà!” (Lc 1,28). “Ðấng đầy ơn phước” là tên gọi đẹp nhất của Mẹ Maria, tên gọi mà Thiên Chúa đã ban cho Đức Mẹ, để chỉ cho biết rằng từ muôn thuở và cho đến muôn đời, Đức Mẹ là Ðấng được yêu thương, được Thiên Chúa tuyển chọn, được tiền định để đón nhận hồng ân quý giá nhất, là Chúa Giêsu, “tình thương nhập thể của Thiên Chúa” (x.Thông điệp Thiên Chúa là tình yêu, số 12).

Tước hiệu “Bà đầy ơn phước” xác nhận lòng Đức Mẹ không có chổ dành cho tội lỗi vì luôn được đầy tràn ơn phước của Thiên Chúa.

Thiên Chúa ở cùng Bà”: Ở đâu có Thiên Chúa, ở đó bóng tối của tội lỗi không thể có mặt. Mẹ luôn sống trong ân sủng và tình yêu của Thiên Chúa.

Bà có phúc hơn mọi người phụ nữ” vì Mẹ là người duy nhất không vướng mắc tội tổ tông. Mẹ đẹp thánh thiện. Mẹ đẹp cao quý. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Đặc ân “Vô Nhiễm Nguyên Tội” là một biểu hiện cụ thể và tròn đầy kết quả viên mãn của ơn cứu độ do Đức Kitô mang lại cho phần tử ưu tú nhất của nhân loại. Đức Maria gắn bó mật thiết với mầu nhiệm “Con Chúa xuống thế làm người” như sách Giáo Lý đã viết: “Để làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Đức Maria “đã được Chúa ban cho nhiều ơn xứng với nhiệm vụ cao cả ấy”. Những đặc ân của Đức Maria có được là kết quả đi trước nhờ cuộc Vượt Qua của Đức Kitô, như sách Giáo Lý xác tín: “Mẹ có được sự thánh thiện tuyệt vời, có một không hai “ngay từ lúc tượng thai” hoàn toàn là do Đức Kitô: Mẹ được cứu chuộc cách kỳ diệu nhờ công nghiệp Con của Mẹ” (GLCG # 56). Ngoài ra, Đặc ân Vô Nhiễm cũng còn tiên báo hình ảnh đích thực của Hội Thánh vào ngày cánh chung, ngày mà Dân Chúa sẽ được tác thành như “một trinh nữ vẹn toàn”. Tất cả những nội dung đó đã được tóm kết trong Kinh Tiền Tụng ngày lễ hôm nay: “Chúa đã gìn giữ Đức Trinh Nữ Maria rất thánh khỏi mọi vết nhơ nguyên tội, để chọn Người đầy ơn phúc xứng đáng làm Mẹ Con Chúa, và chỉ cho chúng ta thấy nơi Người là khởi điểm Hội Thánh xinh đẹp, không vết nhăn, là bạn Con Chúa”.

Mẹ Maria chính là thụ tạo đầu tiên hưởng được lời hứa cứu độ mà Thiên Chúa công bố ngay buổi đầu với Nguyên tổ. Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria trở thành một chứng nhân cụ thể cho tình yêu bao la của Thiên Chúa dành cho toàn thể nhân loại. Chính vì thế, trong ngày lễ hôm nay, Giáo Hội đã mượn lời Thánh Vịnh 97 để cùng hát lên trong hân hoan cảm tạ : “Hãy ca tụng Chúa một bài ca mới. Vì Người đã thực hiện những việc lạ lùng…Chúa đã công bố ơn cứu độ, đã tỏ sự công chính Người trước mặt chư dân…mọi dân trên khắp cùng bờ cõi trái đất đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta…”

Với Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, Mẹ Maria được quyền năng và tình yêu Thiên Chúa đổ tràn.Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng Mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Đặc ân cao trọng này chính là sự thánh thiện tinh tuyền của Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Giáo Hội cùng hiệp ý chung lời với Mẹ ngợi khen tạ ơn Thiên Chúa: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi. Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới, từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc”. Những lời ngợi ca đó nói lên tất cả tâm hồn của Mẹ. Đó là toát lược cả cuộc đời Mẹ, cả chương trình sống của Mẹ, là con đường tu đức của Mẹ: mãi mãi là người nữ tỳ khiêm tốn, luôn phó thác hoàn toàn trong tay Chúa toàn năng và nhân hậu, hằng dâng lời ngợi khen tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh cuộc sống. Mẹ Vô Nhiễm là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả nhân loại, những người đã chiến thắng Satan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12, 11).

Năm 1492, hơn 500 năm trước đây Colombô đã khám phá ra Châu Mỹ. Ông đã dùng con tàu mang tên: Maria Vô Nhiễm. Colombô đặt tên cho hòn đảo đầu tiên ông đặt bước chân là San Salvador để tôn kính Đấng Cứu Thế. Hòn đảo thứ nhì mang tên Conception, Mẹ Vô Nhiễm để tôn kính Mẹ Chúa Kitô.

Vào năm 1673, hơn 300 năm trước, cha Monquette, một linh mục thám hiểm gan dạ, người đầu tiên tới sông Mississipi, một thác nước khổng lồ chạy dài 3.000 km xuyên qua 10 tiểu bang Hoa Kỳ. Ngài đặt tên cho con sông miền Tây này là “Maria Vô Nhiễm”.

Balboa và Cortez, hai nhà thám hiểm nổi tiếng cũng có lòng tôn sùng Maria Vô Nhiễm.

Giáo dân Việt Nam rất sùng kính Đức Maria Vô Nhiễm. Năm 1960 khi thành lập hàng Giáo phẩm Việt Nam, các Giám mục đã dâng đất nước Việt Nam cho Đức Mẹ Vô Nhiễm.

Cử hành lễ Mẹ Vô Nhiễm giữa Mùa Vọng, cộng đoàn chúng ta được nhắc nhở thêm nữa về thái độ sửa dọn tâm hồn xứng đáng để đón mừng mầu nhiệm Giáng Sinh, nhất là để từng ngày cộng tác với Ân Sủng hầu biến cuộc sống trở thành một mãnh đất tốt để Lời Chúa kết trái đơm hoa, như mãnh đất tâm hồn trong trắng của Đức Maria, tinh hoa của bao ngàn năm mong đợi. Đức Mẹ đã chuẩn bị một lễ Giáng sinh đẹp nhất, công phu nhất, dài nhất bằng chín tháng cưu mang trong tình yêu.

Đặc biệt “Năm Thánh Lòng Chúa Thương Xót” được khai mạc vào ngày lễ Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội. Thật là ý nghĩa, Mẹ được Thiên Chúa yêu thương và tuyển chọn làm Mẹ Chúa Giêsu – hiện thân của Lòng Chúa Thương Xót trong công trình cứu chuộc loài người. Như thế, Mẹ Maria là Mẹ của Lòng Thương Xót. Mẹ là hy vọng của những ai sống bé mọn và tín thác nơi trái tim vô nhiễm đầy tình mẫu tử dịu dàng xót thương của Mẹ.

Lạy Chúa Giêsu, nhờ lời chuyển cầu của Đức Maria, Mẹ của lòng thương xót, xin ban cho chúng con những ơn chúng con đang cầu xin Chúa là Đấng hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha và Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen. (Kinh Năm Thánh Lòng Thương Xót).

Về mục lục

.