CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ LÁ NĂM A

224

CHÚA NHẬT LỄ LÁ

Lời Chúa: Is 50,4-7; Pl 2,6-11; Mt 26,14–27,66

94201417334376

Mục lục

1. Cô đơn

2. Cái ác lên ngôi và giải pháp của Thiên Chúa

3. Đau khổ – vinh quang

4. Giá trị của đau khổ

 

.

CÔ ĐƠN

 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có bao giờ bạn cảm thấy cô đơn khi lạc vào chốn đông người, nhưng lại xa lạ, tìm một người quen để chào hỏi, để bắt tay cũng chẳng thấy. Lúc đó có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy trống vắng tận cõi lòng. Đây cũng là ca từ của bài hát “Khi người lớn cô đơn”. Lời hát được viết như sau:

  Thành phố bé thế thôi
Mà tìm hoài chẳng được
Tìm hoài sao chẳng thấy nhau giữa chốn đông người

Nỗi cô đơn càng dâng cao khi mà giữa phố xá đông người mà chẳng có ai đó của riêng mình để yêu thương, để chăm sóc, quan tâm . . .

Thành phố bé đến thế thôi

Mà tìm hoài không thấy

Chút ấm áp, chút yêu thương riêng mình.

Nỗi cô đơn thật quạnh hiu khi mà ngồi bên ai đó nhưng cũng xa lạ, không tìm được sự thông cảm, sự chia sẻ giữa tình người với nhau.

Rồi có những đêm mưa

Nằm nghe câu ca rất xưa

Từ radio phát lên, nghe thật buồn (buồn lắm)

Người lớn cô đơn, tự mình trong bao nghĩ suy

Ngồi bên ai sao thấy riêng tôi quạnh hiu !!!

Người ta nói cô đơn là cho đi mà không có người nhận, là muốn nhận mà chẳng có ai cho. Tựa như hai bờ sông liền nhau mà vẫn cách biệt. Thấy nhau mà vẫn ngăn sông cách trở nên chẳng qua lại được với nhau. Cô đơn bị ngăn cách không phải bởi không gian mà ngăn cách của cõi lòng. Khi con tim xa nhau thì ngồi bên nhau vẫn như xa lạ.

Thế nên, càng gần nhau mà vẫn cách biệt thì nỗi cô đơn càng cay nghiệt. Càng gần nhau mà không tìm được sự cảm thông thì nỗi cô đơn càng cay đắng hơn. Có thể nói nỗi cô đơn khi bị chính người mình yêu thờ ơ trước sự thống khổ của ta có khi còn đau đớn hơn tù đầy, có khi u ám hơn sự chết, vì đây là nỗi cô đơn của dửng dưng, của sự bỏ rơi nơi những người ta yêu.

Cô đơn có thể đưa tới sợ hãi và tuyệt vọng. Kinh nghiệm đau thương này có thể xẩy ra cho con người trong mọi thời đại, nhất là thế giới hôm nay, một thế giới văn minh có đầy đủ mọi phương tiện để hưởng thụ, nhưng tình con người lại xa cách nhau. Họ ít quan tâm đến nhau. Họ sợ liên đới với nhau. Họ chủ trương “Makeno” cho yên thân. Con người của thời đại văn minh vẫn có thể chết cô đơn trên đống nhung lụa của mình. Đây là lý do mà con số người tự tử ngày một tăng, tỷ lệ nghịch với sự phát triển của văn minh nhân loại. Nhân loại càng văn minh thì càng có lắm kẻ cô đơn.

Chúa Giê-su cũng từng nếm trải sự cô đơn giữa những người mình thương. Ngài ở cùng các môn đệ nhưng không tìm được sự ủi an. Một mình vẫn cô đơn trong đêm tối đầy sao! Ngài đã từng ngao ngán nói rằng: “Các con không thức với Ta một giờ sao!”. Ngài cần các môn đệ chia sẻ với Ngài trong đêm tối của sự dữ nhưng các ông vẫn tìm cho mình một cõi đi về trong cơn say của ngủ mê. Nỗi cô đơn ấy đã dâng cao trong nhiều giờ phút cuối đời Ngài khi bị treo lơ lửng giữa trời và đất, làm trò cười cho những người xung quanh. Ngài lại còn cảm thấy như bị chính Chúa Cha bỏ rơi. Ngài đã đi đến tận cùng sự cô đơn của con người.

Nhưng chính trong nỗi cô đơn cùng cực ấy mà Ngài đã mạc khải cho chúng ta thấy một lối thoát giữa cô đơn là sự tín thác vào Thiên Chúa. Ngài đã hoàn toàn phó thác nơi Cha: “Lạy Cha, con xin phó thác nơi Cha”. Chính niềm tín thác ấy đã giúp Ngài vượt qua được nỗi cô đơn để bình thản đón nhận cái chết cô đơn.

Cuộc đời thật hạnh phúc biết bao nếu cuộc sống mang đến cho ta những người bạn. Những người bạn để có thể đi bên ta trong những khó khăn, cầm tay ta trong những lúc thất bại, và có lẽ cuộc đời sẽ không cô đơn khi mà cuộc sống thật bận rộn nhưng vẫn có người dành cho ta 3 giây chỉ để nói “xin chào” thật thân thương, hay chỉ gửi một tin nhắn 3 chữ “chúc bình an” là đủ ấm lòng những con tim đang lạnh giá!

Nhưng nếu cuộc đời có những lúc cô đơn thì đừng bao giờ tuyệt vọng. Hãy theo gương Chúa Giê-su để tín thác mọi sự cho Thiên Chúa. Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta ngay cả khi người mẹ có bỏ con thì Chúa vẫn ở bên ta. Ngài có đủ quyền năng để có thể rút ra điều tốt từ điều xấu. Thiên Chúa chính là thành lũy vững chắc nhất cho cuộc đời chúng ta.

Xin cho cuộc đời chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng, nhưng luôn tin tưởng, phó thác cậy trông nơi Chúa trong những gian nguy của cuộc đời. Amen.

Về mục lục


CÁI ÁC LÊN NGÔI VÀ GIẢI PHÁP CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Một trong các vần đề mà các nhà xã hội quan tâm, đó là tình trạng gia tăng của cái ác trong xã hội. Trên mặt báo dường như ngày nào cũng có những bản tin giết chóc, trả thù độc ác, xử lý băng đảng. Cái ác không chỉ xảy ra giữa các băng đảng trả thù lẫn nhau, mà nó còn xảy ra giữa những người thân thiết nhau, và xảy ra cả ở những nơi công quyền nữa. Cái điều đáng lo hơn là vì dường như những bản tin như thế quá thường xuyên đến độ nó trở thành như những sự kiện bình thường trong xã hội, khiến xã hội lúc đầu còn thấy như là một chấn động mỗi khi có giết chóc xảy ra và dần đi đến chỗ chấp nhận nó và không quan tâm đến nó nữa. Vì đã trở nên quen thuộc nên người dân mất đi phản ứng về sự ác và chán nản không muốn và không dám bênh vực cho sư thật, sự thiện nữa.

Trong vụ án của Chúa Giêsu cách đây hơn hai ngàn năm, chúng ta cũng thấy được cái ác dường như được đẩy lên đến đỉnh cao và dường như đã thắng thế. Theo dõi bản án mà chúng ta vừa nghe trong Bài Thương Khó, động lực sâu xa thúc đẩy những người Do Thái âm mưu thực hiện bản án này, đó là sự tự tôn, thù hằn, ghen tỵ. Vì tự tôn cho mình là nhất, cho mình là những người thánh thiện, nên những luật sĩ và biệt phái đã nhân danh sự thánh thiện của bản thân và họ còn nhân danh cả Thiên Chúa để gieo đau khổ và chết chóc xuống cho người vô tội. Vì sự thù hằn ghen tỵ vì thấy ông Giêsu này được nhiều người ủng hộ vì rao giảng một lối sống khác với lối sống của mình, nên những thượng tế và luật sĩ đã không chấp nhận và muốn loại trừ Người. Sự thù hằn khởi đầu từ một nhóm rất nhỏ, và nó được thổi bùng lên vào dịp lễ Vượt Qua năm đó, khi các luật sĩ và biệt phái đã kích động được cả một đám đông mù quáng và cuồng nhiệt để gây áp lực đưa đến sự hành hạ và cái chết cho Đức Giêsu. Không chỉ như thế, cái ác nó còn được bọc bên ngoài bằng một sự thánh thiện khi những người Do Thái này nghĩ rằng họ gieo đau khổ chết chóc cho ông Giêsu là họ đang bảo vệ giới răn lề luật của Thiên Chúa và bảo vệ truyền thống của cha ông. Vì thế họ đã mưu mô mượn tay người Rôma để thực hiện mưu đồ gian ác của mình, mà chúng ta có thể thấy sự tráo trở lật lọng của những người chủ mưu trong chuyện này.

Khởi đầu, họ đã dàn dựng nên một vụ bắt bớ tưởng chừng như là đơn thuần, nhưng sau đó họ đã nhanh chóng bộc lộ ác tâm và mưu đồ của mình khi đưa Đức Giêsu đến dinh thày thượng tế, để ở đây, bằng một phiên tòa bỏ túi mang tính các nội bộ tôn giáo xảy ra ngay trong đêm, họ đã đưa ra bản án rằng : Nó phải chết. Việc tổ chức một phiên tòa chóng vánh trong đêm khuya như thế đã đủ để cho thấy những con người này đang bị chi phối bởi quyền lực của bóng tối là ma quỷ. Từ đây cái ác cứ gia tăng khi họ rắp tâm thực hiện mưu đồ loại trừ Chúa Giêsu, và để chứng minh sự vô tội của mình, thì những người Do Thái mà chủ mưu là các tư tế và luật sĩ, biệt phái đã mượn tay của người Roma để thực hiện mưu đồ này. Họ đã chuyển Chúa Chúa Giêsu đến cho Philatô, biến những tranh luận mang tính tôn giáo thành bản án chính trị. Từ nơi dinh Philatô sự ác được gia tăng đến cực độ bằng những trận mưa roi đòn, hành hạ, nhục mạ.

Cũng ở sân dinh Philatô người Do Thái công khai khẳng định mình đứng về phía thế gian, bắt tay với cái ác, khi tuyên bố: Chúng tôi không có một vua nào khác ngoài Cêsa. Một khi con người đã bắt tay với sự ác, đồng lõa với ma quỷ thì sẽ hoàn toàn bị sự chi phối của nó. Những người Do Thái đã không chấp nhận một giải pháp dung hòa hay sự nhân đạo theo đề nghị của Philatô : Cho đánh đòn rồi tha, nhưng trái lại họ gào thét như điên khùng : Đóng đinh nó vào thập giá. Với đòi hỏi này mục tiêu của ác tâm của những người do Thái đã được thực hiện. Philatô đã trao Đức Giêsu cho họ đem đi đóng đinh theo ý của họ.

Suy niệm một vài nét trong cuộc thương khó của Chúa Giêsu như thế, đôi khi trong chúng ta cũng cảm thấy bức xức trước cách hành xử của người Do Thái và của cả quan Philatô là cơ quan công quyền có trách nhiệm bênh vực công lý vì họ đã không làm gì trước những bất công. Theo thói đời, người ta thường dùng sự ác để đối lại với cái ác, dùng bạo lực để đương đầu với bạo lực, thế nhưng đó lại không phải là cách phản ửng của Thiên Chúa. Nhiều khi chúng ta cứ cảm thấy băn khoăn khó hiểu và đặt câu hỏi tại sao Thiên Chúa lại cứ im lặng trước cái ác, cụ thể là tại sao Thiên Chúa không có phản ứng gì mạnh mẽ trước cái bất công mà Con của Ngài đang phải chịu? Thiên Chúa dường như tỏ ra lép vế trước cái ác chăng ?

 Đó là suy nghĩ theo kiểu của con người, còn Thiên Chúa lại có cách hành xử và phản ứng hoàn toàn khác. Thiên Chúa không dùng bạo lực để đối lại bạo lực, vì như thế chỉ làm cho bạo lực càng gia tăng. Nhưng Thiên Chúa đã dùng tình yêu để đương đầu với bạo lực, dùng sự tha thứ để đối lại với bất công, dùng sư kiên nhẫn để đối lại với mưu mô của ma quỷ và sự ác, và dùng đau khổ để biến thành vinh quang, dùng cái chết của Đức Giêsu để biến thành sự sống mới, dùng sự thất bại của thập giá để biến nó trở nên cờ hiệu chiến thắng. Đó chính là câu trả lời của Thiên Chúa cho những băn khoăn thắc mắc của con người về vấn đề đau khổ và sự ác.

Đức Giêsu, một vị Thiên Chúa quyền năng sáng tạo mọi loài mọi vật đã thực hiện theo con đường đó. Ngay từ đầu, khi mà sự ác, hận thù đang tràn ngập trên cuộc sống của con người, thì chính Đức Giêsu đã chấp nhận mang lấy thân xác con người để có thể “cảm nghiệm” đến tột cùng thân phận con người. Tiên tri Isai đã mô tả điều này qua hình ảnh của một người Tôi Tớ của Thiên Chúa, một con người và cũng là một người con, hoàn toàn yêu mến Thiên Chúa và vâng phục Thiên Chúa như đầy tớ vâng lời ông chủ, và sẵn sàng làm tất cả những gì mà ông chủ muốn, đồng thời chấp nhận tất cả những roi đòn, sự nhục mạ tủi hổ mà người khác gây ra cho mình, vì có Thiên Chúa là sức mạnh và là nguồn trợ lực.

Cũng trong cái nhìn đó, thánh Phaolô còn đi xa hơn khi nhìn thấy sự khôn ngoan kỳ diệu và quyền năng của Thiên Chúa đã thực hiện qua Chúa Giêsu và cuộc khổ hình của Người : Ngài vốn dĩ là Thiên Chúa, nhưng không nghĩ phải đòi cho được địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ….Ngài còn vâng lời cho đến nỗi chấp nhận chịu chết, chết trên cây thập giá. Chính vì thế Thiên Chúa đã siêu tôn Người, ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu. Đó là cách Thiên Chúa vốn thực hiện không chỉ cho Đức Giêsu mà còn cho tất cả những ai dám nên giống như Đức Giêsu, và những ai bước theo con đường của Đức Giêsu.

Thưa quý OBACE, đối diện với đau khổ, sự ác ngày nay, chúng ta cũng rất dễ bị cám dỗ để sử dụng các biện pháp của con người, chúng ta muốn có một giải pháp ngay tức khắc, mà khi theo đuổi giải pháp này chúng ta lại gây thêm oán thù và làm gia tăng sự ác. Dĩ nhiên chúng ta không thể làm ngơ trước sự xấu và sự ác, càng không bao giờ được tán đồng, cũng không bắt tay, và kể cả không thể im lặng trước sự tội và sự ác. Vì khi chúng ta im lặng hoặc làm ngơ trước sự xấu và sự ác là chúng ta đồng lõa với nó. Như vậy vấn đề ở chỗ là chúng ta phải có phản ứng và cách hành xử như thế nào trước sự xấu và sự ác ?

Sự xấu và sự ác ngày hôm nay đang diễn ra dưới rất nhiều hình thức, nhiều cấp độ, từ trong tâm hồn và hành động của mỗi người, đến những hành động và cách sống trong gia đình. Các bậc làm cha mẹ hãy mạnh dạn để từ chối sự dữ và sự ác trong gia đình, đừng bao giờ dùng bạo lực hay nhục mạ nhau để giải quyết những căng thẳng trong gia đình và xóm ngõ, đừng bao giờ tán đồng với sự sai trái của con cái, và đừng bao giờ làm ngơ trước sự làm ăn gian dối hay cư xử bất công của những người thân trong gia đình. Hãy lấy tình yêu thương của Chúa, sự nhẫn nại để khuyên bảo, điều chỉnh cho nhau, và hãy dùng tình yêu thương để biến đổi, hãy cư xử quảng đại và tha thứ cho nhau, vì chỉ có tha thứ mới có thể chữa lành những vết thương do hận thù, chỉ có sự quảng đại mới thắng vượt được sự nhỏ nhen ích kỷ. Hãy gieo thật nhiều những hạt mầm yêu thương, công bằng và sự thật trong gia đình, trong công ty xí nghiệp, chúng ta sẽ gặt được yêu thương.

Cũng thế, đối với các bạn trẻ và những người làm con, hãy học nơi Chúa Giêsu sự hiền hòa và khiêm nhường, hãy dùng tình bác ái Kitô giáo để cư xử với nhau. Đừng bao giờ cộng tác với sự xấu, sự dữ dưới bất cứ hình thức nào ; hãy cùng nhau để xua trừ sự dữ sự ác trong xã hội, đừng bao giờ ấp ủ trong mình sự nóng nảy, tự ái, giận hờn, vì cả giận thì mất khôn, trái lại chúng ta hãy nuôi dưỡng và làm cho trái tim của mình được lớn lên, cho đôi vòng tay được mở rộng để có thể yêu thương mà không giới hạn, đón nhận sự khác biệt và tha thứ cho sự xúc phạm. Thực hiện như thế không biến chúng ta thành nhu nhược, nhưng làm cho chúng ta lớn lên và mạnh mẽ hơn.

Mỗi người Công Giáo cùng sống và thực hiện như thế, là chúng ta đang cùng với Đức Kitô để đẩy lui sự dữ và sự ác và cả sự chết ra khỏi thế giới và làm cho Tin Mừng của Đức Kitô được nảy mầm khắp nơi. Amen.

Về mục lục



ĐAU KHỔ – VINH QUANG

                                                        Lm. Jos.DĐH, GP. Xuân Lộc

Với đôi mắt bình thường, người ta có thể nhìn thấy “dấu thập”, nhìn thấy “dấu cộng” ở xung quanh chúng ta cách dễ dàng. Bằng cảm nhận “tình yêu”, người ta không còn thấy điều xấu, và “tâm” đã yêu ở đâu chúng ta cũng thấy người tốt, người đáng yêu. Theo quan niệm của xã hội, nếu thất bại, không gặp may, bị tai nạn gọi là khổ đau…. Phật giáo cho rằng : đời là bể khổ, nghĩa là bao lâu còn ở trần gian là còn đau khổ, dù bạn thành công, nhiều tiền của, địa vị, sức khỏe….

Bước vào Tuần Thánh, phụng vụ mời gọi người tín hữu theo Chúa Giêsu tiến vào Giêrusalem ăn mừng lễ Vượt Qua, cũng là hứa hẹn cùng chúng ta ăn lễ Vượt Qua trên Thiên Quốc. Chúa Giêsu đi trước, đông đảo môn đệ, người già người trẻ đang từ từ bước theo….., mỗi người đều hiểu thập giá không đơn thuần là “dấu cộng” hay “dấu thập” nữa; chính xác Chúa Giêsu đã biến đổi “thập giá” khổ đau ấy thành “Thánh Giá”. Chúa Giêsu không hứa hẹn đi theo Chúa sẽ không còn đối diện với khổ đau, mà Chúa nói : “ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình vác thập giá mình hàng ngày mà theo Ta”.

Vấn nạn được đặt ra, tại sao cuộc đời này đầy “mầu xám” khổ đau như vậy ? đau khổ từ đâu mà có ? Chúa Giêsu đến trần gian, sao Ngài không tiêu diệt đau khổ chết chóc ? câu trả lời là có chứ ! Chúa Giêsu không chiến đấu bằng “binh lực”, Chúa diệt trừ đau khổ sự chết bằng tình yêu vâng phục. Đức Phật lúc sinh thời cũng dạy các học trò : “lấy oán đền oán, oán còn mãi; lấy oán đền ơn, oán tiêu tan”. Chúa Giêsu không chủ trương một Vương Quốc đau khổ, không đề cao sự ác độc vô tâm, mà với lòng nhân từ bao dung, Chúa đã “yêu đến cùng” để cứu nhân loại khỏi phải hư mất.

Cuộc thương khó của Chúa Giêsu lần lượt lý giải “Thiên Chúa là tình yêu”. Ngài không ra tay tiêu diệt người học trò Giuđa phản bội; không xóa sổ nhóm 12 nhút nhát yếu đuối bỏ Thầy để thoát thân. Chúa không dùng quyền phép quật ngã đám lý hình tàn bạo, không lật tẩy những kẻ âm mưu “ném đá dấu tay”. Chúa qui tụ nhóm 12 để dâng “Mình” làm của lễ Vượt Qua nuôi người dương thế; cùng với những lời giáo huấn về bác ái trước và trong bữa ăn, các môn đệ hiểu rõ hơn quyền bính là để phục vụ, lấy tâm lấy đức xây dựng niềm tin cho muôn nước muôn dân.

Đau khổ về vật chất hay đau khổ về tinh thần đều đau cả, mà thông thường người ta vẫn cho rằng đau đớn về tinh thần vẫn khủng khiếp hơn. Giới lãnh đạo, đám đông dân chúng từ chối tình yêu của Chúa Giêsu, các môn đệ tản mác mỗi người một phương, chúng ta tưởng chừng Chúa quá cô đơn….nhưng Chúa đã cho nhân loại thấy như thế nào là “tình yêu mạnh hơn sự chết” ! Đau đớn tột cùng, chính là yêu đến cùng của Con Thiên Chúa làm người mà không ai có thể cân đo đong đếm, nếu người ấy không có đủ tình yêu để cảm nhận.

Người Kitô hữu chúng ta gọi đau khổ là mầu nhiệm, Chúa Giêsu rực rỡ ánh quang sau khi đã trút hơi thở, kết thúc phận người như “tử tội” treo trên cây thập giá. Viên sĩ quan cùng với một số lính canh làm nhiệm vụ đứng gần thập giá, họ không thể nói khác được : “đúng người này là Con Thiên Chúa”. Các phụ nữ, một số các môn đệ từ từ khám phá thế nào là “mầu nhiệm tình yêu”. Đau khổ và vinh quang không xa nhau, nhưng thật đáng sợ nếu người Kitô hữu chúng ta thiếu ơn Chúa, thiếu tình yêu của Đấng Phục Sinh, không một ai có thể đạt đến hạnh phúc đời đời mà Chúa hứa ban.

Đau khổ hôm nay và hạnh phúc mai sau là một, mến Chúa yêu người không là hai nữa mà là một, bởi mỗi chúng ta đều mang hình ảnh Chúa. Vinh quang trần thế, hạnh phúc trần thế thật xa lạ với đau khổ thập giá và vinh quang thiên quốc. Người Tín hữu sẽ nghĩ gì và hiểu như thế nào, nếu không thể hiện niềm tin vào Đức Kitô, Đấng vừa mang hình ảnh con người, hình ảnh Thiên Chúa. Con đường theo Chúa là con đường lên Giêrusalem Thiên Quốc, con đường chật hẹp, khổ đau mới là con đường được dẫn đến hạnh phúc thật. Xin Chúa Giêsu tiếp tục ban ơn để mỗi người kitô hữu chúng ta biết hiệp thông với tuần thương khó của Chúa cách xứng đáng và trọn vẹn.

Về mục lục


GIÁ TRỊ CỦA ĐAU KHỔ

Trầm Thiên Thu

Cũng như tình yêu, có lẽ chẳng ai định nghĩa được “đau khổ là gì” một cách chính xác và thỏa mãn nhất, vì đau khổ đa dạng lắm. Thiết tưởng có thể hiểu đơn giản theo phương trình: Đau khổ = Ưu sầu + Nước mắt. Tất nhiên phải “trừ” loại nước mắt vui mừng, dù hai loại nước mắt đều có vị mặn. Người ta dễ dàng lấy vạt áo lau khô những “giọt mặn” rỉ ra từ đôi mắt, nhưng rất khó xóa “vết mặn” khỏi trái tim mình. Thật vậy, sướng hay khổ còn do mỗi người có khái niệm riêng. Có những triết lý dễ hiểu, có những triết lý khó hiểu, thậm chí là không thể hiểu: Triết lý Thập Giá. Đó cũng là loại triết lý của sự đau khổ.

Chẳng ai thích đau khổ, nhưng đau khổ vẫn luôn có giá trị tích cực mà chúng ta phải cố gắng hiểu suốt cả đời. Đại văn hào Victor Hugo nhận xét: “Đau khổ cũng như hoa quả. Chúa không khiến nó mọc lên trên những cành quá yếu ớt để chịu nổi nó”. Còn Elbert Hubbard nói: “Nếu bạn đau khổ, hãy cảm ơn trời! Vì đó là dấu hiệu chắc chắn cho thấy bạn đang sống”. Chính đau khổ lại khiến người ta nên khôn, lạ thật!

Những con người đẹp nhất là những người từng bị đánh bại, từng đau khổ, từng tranh đấu, từng mất mát, và họ đã tìm được con đường ra khỏi vực sâu. Những con người này có lòng cảm kích, sự nhạy cảm và thấu hiểu đối với cuộc đời, chính cuộc đời đã làm họ tràn đầy sự cảm thông, sự dịu dàng và quan tâm yêu thương sâu sắc. Như vậy, “người đẹp” không thể tự nhiên mà có.

Triết lý đau khổ thật kỳ diệu. Hung tin dồn dập, nhưng ông Gióp vẫn bình tĩnh. Ông trỗi dậy, xé áo mình ra, cạo đầu, sấp mình xuống đất, sụp lạy và cầu nguyện: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, con sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Dù đau khổ cùng cực, nhưng “ông Gióp không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1:22). Hiểu được như vậy thì cuộc đời sẽ thanh thản.

Người đời có câu: “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt, còn hơn le lói suốt trăm năm”. Đó là cách “tự an ủi” của người đời. Nhưng chúng ta cũng có thể hiểu theo góc độ nào đó về Chúa-Giêsu-làm-người. Cuộc đời Ngài đầy đau khổ ê chề, thế nhưng Ngài vẫn có được khoảnh khắc huy hoàng là được thiên hạ tung hô lúc Ngài cưỡi trên lưng lừa khi vào Thành Giêrusalem.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay được Giáo hội sử dụng là bài ca thứ ba trong các “Bài Ca Của Người Tôi Trung”, ngắn gọn mà ý nghĩa: “Đức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ. Đức Chúa là Chúa Thượng đã mở tai tôi, còn tôi, tôi không cưỡng lại, cũng chẳng tháo lui” (Is 50:4-5). Thật là không dễ mà vẫn giữ lòng trung tín ngay trong lúc đau khổ như vậy!

Đau khổ không làm người ta yếu đuối mà lại như loại “nước tăng lực” làm tăng sức chịu đựng: “Tôi đã đưa lưng cho người ta đánh đòn, giơ má cho người ta giật râu. Tôi đã không che mặt khi bị mắng nhiếc phỉ nhổ. Có Đức Chúa là Chúa Thượng phù trợ tôi, vì thế, tôi đã không hổ thẹn, vì thế, tôi trơ mặt ra như đá. Tôi biết mình sẽ không phải thẹn thùng” (Is 50:6-7). Thật là kỳ diệu, những người không có niềm tin Kitô giáo chắc chắn không thể hiểu được, và sẽ cho những người chịu đau khổ là những người điên khùng.

Tác giả Thánh Vịnh than thở: “Thân sâu bọ chứ người đâu phải, con bị đời mắng chửi dể duôi, thấy con ai cũng chê cười, lắc đầu bĩu mỏ buông lời mỉa mai: “Nó cậy Chúa, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào!” (Tv 22:7-9). Thách thứ quá lớn, khoảng cô đơn quá rộng, nỗi nhục nhã ê chề!

Đúng là “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Không khác quy luật muôn thuở, giống như định mệnh vậy. Đau khổ này chồng lên đau khổ khác: “Quanh con bầy chó đã bao chặt rồi. Bọn ác đó trong ngoài vây bủa, chúng đâm con thủng cả chân tay, xương con đếm được vắn dài; chúng đưa cặp mắt cứ hoài ngó xem. Áo mặc ngoài chúng đem chia chác, còn áo trong cũng bắt thăm luôn. Chúa là sức mạnh con nương, cứu mau, lạy Chúa, xin đừng đứng xa (Tv 22:17-20). Không còn gì để mất nữa, khốn khổ tột cùng, lo sợ run cả người, nguyện cầu không ngừng, thế nhưng vẫn chẳng nghe động tĩnh gì!

Dù có thế nào thì vẫn một lòng tín thác, vẫn xưng tụng Thiên Chúa, vì đó là mục đích sống: “Con nguyện sẽ loan truyền danh Chúa cho anh em tất cả được hay, và trong đại hội dân Ngài, con xin dâng tiến một bài tán dương. Hỡi những ai kính sợ Đức Chúa, hãy ca tụng Người đi! Hỡi toàn thể giống nòi Gia-cóp, nào hãy tôn vinh Người! Dòng dõi Ít-ra-en tất cả, nào một dạ khiếp oai!” (Tv 22:23-24).

Cầu nguyện là lương thực nuôi dưỡng đời sống tâm linh. Cầu nguyện mà không nghe động tĩnh gì, đó là dấu chỉ chắc chắn rằng Chúa đang xót thương. Lại thêm một điều kỳ diệu. Muốn hiểu được triết lý này, đòi hỏi phải có niềm tin Kitô giáo. Với người ngoài Kitô giáo hoặc vô thần, họ cho đó là “bùa mê, thuốc lú”, ai tin như vậy đều bị họ coi là dại dột, là dốt nát, là ngu xuẩn hoặc điên rồ.

Thánh Phaolô phân tích: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế” (Pl 2:6-7). Chúa Giêsu không chỉ tự nguyện như vậy, mà còn hơn thế nữa: “Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:8). Đúng là mầu nhiệm, do đó mà khó hiểu thật. Nhưng chỉ là “khó hiểu” chứ không phải là “không thể hiểu”.

Tình yêu nào cũng cần “chất” đau khổ, có đau khổ mới chứng tỏ tình yêu chân chính. Đại văn hào Victor Hugo nói: “Ai khổ vì yêu, hãy yêu hơn nữa; chết vì yêu là sống trong tình yêu”. Chết mà là sống. Lạ thật, người đời mà còn nhận định được như vậy đấy!

Đau khổ có giá trị nhất định và rất độc đáo. Gian nan là nhịp cầu dẫn tới thành công, đau khổ là nhịp cầu dẫn tới vinh quang. Cũng vậy, sự chết là con đường dẫn tới sự sống, là cửa ngõ bước vào cõi trường sinh. Thánh Phaolô kết luận: “Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:9-11).

Chúa Giêsu hiển hách vào Thành Giêrusalem là đi vào cõi đau khổ, nhưng từ “biên giới” đầy gian khổ là Vườn Dầu, từ đó lại tiếp tục dẫn tới “cửa ải” sự chết là Can-vê. Nhưng từ nơi Can-vê “chết chóc” ấy lại dẫn tới cửa sự sống là Nước Trời. Một bản đồ lòng vòng như mê cung nhưng lại thú vị và hấp dẫn, có bao người khao khát sử dụng loại bản đồ này, có nhiều người đã đạt được mục đích sống đó: Các thánh nhân, đặc biệt là các vị tử đạo.

Chuyện gì đến sẽ đến, dù vui hay buồn, dù tốt hay xấu. Đó là điều tất yếu của cuộc sống. Bài thương khó hôm nay là một bộ phim buồn khiến lòng người trĩu nặng…

Giu-đa Ít-ca-ri-ốt, một người trong Nhóm Mười Hai, đành lòng bán Thầy mình để lấy một số tiền. Từ lúc đó, gã cố tìm dịp thuận tiện để nộp Thầy mình. Vật chất và tiền bạc có ma lực cực mạnh khiến người ta mù quáng, không còn đủ lý trí sáng suốt để phân biệt đâu là phải hay trái. Ma lực đó rất khó cưỡng lại!

Ngày thứ nhất trong tuần bánh không men, các môn đệ đến thưa với Đức Giêsu xem Ngài muốn họ dọn Tiệc Vượt Qua ở đâu. Ngài dặn dò họ kỹ lưỡng từng chi tiết.

Chiều đến, Đức Giêsu vào bàn tiệc với mười hai môn đệ. Đang tiệc vui, bỗng dưng Ngài bảo có người sẽ nộp Ngài. Các môn đệ tá hỏa tam tinh và rầu thúi ruột, Họ hỏi nhỏ nhau xem ai là thủ phạm. Chẳng ai biết. Ngài nói: “Kẻ giơ tay chấm chung một đĩa với Thầy, đó là kẻ nộp Thầy. Đã hẳn Con Người ra đi theo như lời đã chép về Người, nhưng khốn cho kẻ nào nộp Con Người: thà nó đừng sinh ra thì hơn!” (Mt 26:23-24). Giu-đa nhột gáy, nhưng vẫn giả nai: “Thầy ơi, chẳng lẽ con sao?”. Ngài xác nhận là đúng!

Cũng trong bữa ăn đó, Đức Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho môn đệ và nói: “Anh em cầm lấy mà ăn, đây là mình Thầy” (Mt 26:26). Rồi Người cầm lấy chén, dâng lời tạ ơn, trao cho môn đệ và nói: “Tất cả anh em hãy uống chén này, vì đây là máu Thầy, máu Giao Ước, đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt 26:27-28). Đây là lúc thật linh thiêng và xúc động, nhưng lại có nỗi buồn khi Ngài bảo: “Từ nay, Thầy không còn uống thứ sản phẩm này của cây nho, cho đến ngày Thầy cùng anh em uống thứ rượu mới trong Nước của Cha Thầy” (Mt 26:29).

Sau khi hát thánh vịnh xong, Thầy trò cùng ra núi Ô-liu. Bấy giờ Đức Giêsu nói với các ông về nhiều điều cần thiết, vừa cảnh báo vừa trăn trối. Nghe Thầy nói đích danh mình là sẽ chối Thầy ba lần. Ông Phêrô nói chắc: “Dầu có phải chết với Thầy, con cũng không chối Thầy” (Mt 26:35). Tất cả các môn đệ cũng đều nói như vậy. Nhưng rồi… điều gì đến vẫn cứ đến!

Vào vùng đất Ghết-sê-ma-ni, Ngài bảo mọi người ở lại, chỉ dẫn theo Phêrô và hai người con ông Dê-bê-đê đi theo. Ngài bắt đầu cảm thấy buồn rầu xao xuyến cực độ nên phải thốt lên: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức với Thầy” (Mt 26:38). Ngài đi xa hơn một chút, sấp mặt xuống, cầu nguyện: “Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mt 26:39). Nhân tính thật yếu đuối, nhưng Ngài vẫn quyết tuân phục Ý Cha cho đến cùng.

Ngài trở lại chỗ ba đệ tử ruột, ôi thôi, họ lăn ra ngủ khò. Ngài nói với Phêrô: “Thế ra anh em không thể canh thức nổi với Thầy một giờ sao? Anh em hãy canh thức và cầu nguyện, để khỏi lâm vào cơn cám dỗ. Vì tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:40-41). Phêrô còn ngái ngủ, chỉ biết gãi đầu thôi. Ngại ghê đi!

Rồi Ngài lại đi cầu nguyện lần thứ hai: “Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha” (Mt 26:42). Ngài quay lại, thấy các môn đệ vẫn đang ngon giấc, mắt họ nặng trĩu. Có lẽ họ thấm mệt vì có chút men và trời đã quá khuya. Ngài để mặc các ông ngủ mà đi cầu nguyện lần thứ ba, cũng với lời như trước. Rồi Ngài đến chỗ các môn đệ, đúng lúc kẻ nộp Ngài vừa tới!

Giu-đa tỏ ra lịch sự đến chào và hôn Thầy, nhưng là để “chỉ điểm” cho những kẻ thủ ác bắt Thầy. Phêrô nóng gáy lấy gươm chém đứt tai Man-khô, đầy tớ của thầy thượng tế. Nhưng Chúa Giêsu chữa lành cho gã và bảo Phêrô cất gươm đi. Họ ập tới bắt trói Ngài. Thấy vậy, các môn đệ tá hỏa và bỏ của chạy lấy người, có kẻ mất dép, có kẻ tuột cả áo xống mà chạy tồng ngồng đi trốn. Nói thì mạnh lắm, cuối cùng cũng chỉ “lẻo mép”. Phàm nhân yếu đuối và nhát đảm quá!

Họ bắt Đức Giêsu và điệu đến thượng tế Cai-pha. Phêrô đi theo xa xa, đến tận dinh thượng tế, rồi vào bên trong ngồi với bọn thuộc hạ, xem kết cuộc ra sao.

Họ chất vấn Đức Giêsu đủ điều, nhưng Ngài vẫn im lặng. Vì có nói với họ thì cũng như nước đổ lá môn, nói với đầu gối còn hơn. Cuối cùng, vị thượng tế nói: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26:63). Nghe chừng đạo đức lắm vì ông ta dám “nhân danh Chúa” mà tra xét. Lúc này Đức Giêsu mới lên tiếng: “Chính ngài vừa nói. Hơn nữa, tôi nói cho các ông hay: từ nay, các ông sẽ thấy Con Người ngự bên hữu Đấng Toàn Năng và ngự giá mây trời mà đến” Mt 26:64). Như giọt nước làm tràn ly, vị thượng tế liền xé áo mình ra và bảo Đức Giêsu nói phạm thượng, rồi ông ta hỏi mọi người nghĩ sao, họ liền đồng thanh: “Hắn đáng chết!”.

Sau đó, kẻ thì khạc nhổ vào mặt và đấm đánh Ngài, kẻ lại tát Ngài, rồi họ nguyền rủa và lăng mạ Ngài đủ thứ.

Và cũng vậy, chuyện gì sẽ đến cũng lại đến. Phêrô được Thầy báo trước, nhưng cũng không thể vượt qua chính mình. Thiên hạ thấy ông nên bàn tán xì xầm, ông sợ nên không dám nhận mình là người quen với Đức Giêsu, và còn thề độc là không hề quen với người đang bị hành hạ bên trong kia. Và rồi có tiếng gà gáy, ông sực nhớ lời Đức Giêsu đã nói: “Gà chưa kịp gáy thì anh đã chối Thầy ba lần”. Ông ra ngoài, khóc lóc thảm thiết. Chắc hẳn từ đó, ông rất sợ tiếng gà gáy sáng, nhưng ông cũng phải cảm ơn tiếng gà gáy đó.

Vào mỗi dịp lễ lớn, tổng trấn có lệ phóng thích cho dân chúng một người tù, tuỳ ý dân. Khi ấy có một người tù khét tiếng tên là Ba-ra-ba. Người ta đồng ý thả Ba-ra-ba và cương quyết giết Đức Giêsu. Phi-la-tô thừa biết chỉ vì ghen tị mà họ nộp Ngài, thế nhưng vì địa vị chức tước mà ông làm ngơ với công lý, vợ ông bảo đừng nhúng tay vào vụ xử vụ này, ông đi rửa tay để chứng tỏ mình vô can. Nhưng đó chỉ là giả hình, hèn nhát!

Thật vậy, chính Phi-la-tô đem Đức Giêsu vào trong dinh và tập trung cả cơ đội quanh Ngài. Chúng lột áo Ngài ra, khoác cho Ngài tấm áo choàng đỏ, rồi kết một vòng gai làm vương miện đặt lên đầu Người, và trao vào tay mặt Ngài một cây sậy. Chúng quỳ gối trước mặt Người mà nhạo báng, chúng khạc nhổ vào Ngài và lấy cây sậy mà đập vào đầu Ngài. Chế giễu chán, chúng lột áo choàng ra, cho Ngài mặc áo lại như trước, rồi điệu Người đi đóng đinh vào thập giá.

Trên đường, chúng gặp một người Ky-rê-nê tên là Si-môn, chúng bắt ông vác thập giá của Ngài, vì thấy Ngài yếu sức, sợ không đến nơi hành hình. Những người nói mạnh hứa chắc đâu cả rồi? Những người tín cẩn của Đức Giêsu đâu cả rồi? Những người được Đức Giêsu chữa lành đâu cả rồi? Những người được Đức Giêsu cho ăn no nê đâu cả rồi? Sao chỉ có mình ông Si-môn ngoại giáo vác đỡ Thập Giá cho Ngài? Đời là thế ư?

Khi đến Gôn-gô-tha, nghĩa là Đồi Sọ, chúng cho Ngài uống rượu pha mật đắng, nhưng Ngài chỉ nếm một chút mà không chịu uống. Đóng đinh Ngài vào thập giá xong, chúng đem áo Ngài ra bắt thăm mà chia nhau, rồi ngồi đó mà canh giữ Ngài. Cùng bị đóng đinh với Ngài là hai tên cướp, một tên bên phải, một tên bên trái.

Kẻ qua người lại đều nhục mạ và thách thức Ngài. Các thượng tế, kinh sư và kỳ mục cũng chế giễu Ngài vì họ tưởng mình đã hành động đúng và hả hê chiến thắng! Thậm chí một tên cướp cùng bị đóng đinh với Ngài cũng không tiếc lời sỉ vả và thách thức Ngài.

Bỗng dưng bóng tối bao phủ cả mặt đất từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín (12 giờ trưa tới 3 giờ chiều). Vào giờ thứ chín, trong nỗi cô đơn quá lớn, Đức Giêsu kêu lớn tiếng: “Ê-li, Ê-li, lê-ma xa-bác-tha-ni – lạy Thiên Chúa, lạy Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mt 27:46). Người ta cứ tưởng Ngài gọi ông Ê-li-a, rồi một người trong bọn chạy đi lấy miếng bọt biển, thấm đầy giấm, buộc vào đầu cây sậy và đưa lên cho Ngài uống. Rồi Đức Giêsu lại kêu một tiếng lớn, rồi trút linh hồn!

Ngay lúc đó, bức màn trướng trong Đền Thờ xé ra làm hai từ trên xuống dưới, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung, xác của nhiều vị thánh đã an nghỉ được trỗi dậy. Thấy động đất và các sự lạ, viên đại đội trưởng và những người cùng ông canh giữ Đức Giêsu đều rất đỗi sợ hãi và phải thú nhận: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa” (Mt 27:54). Ít ra cũng là thế, muộn cũng còn hơn không.

Sự thật mãi là sự thật, dù người ta cố ý bóp méo thế nào thì cũng không thể. Thắng và Thua đều cùng vần T. Sự đời lạ lắm, có những khi cứ tưởng Thắng mà hóa Thua, nhưng có khi thấy Thua mà lại là Thắng. Và chuyện gì sẽ đến cũng lại đến!

Ước gì mỗi chúng ta đều như những chiếc lá luôn xanh biếc đức tin, luôn khiêm nhường đón Đức Kitô trong mọi hoàn cảnh, trong lúc vui đã đành, trong lúc buồn mới thực sự có giá trị.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin ban Thánh Linh để chúng con có thể hiểu được giá trị của đau khổ, hiểu được triết lý của Thập Giá, nhờ đó chúng con đủ sức bước theo Ngài đi xuyên qua đau khổ. Xin  giúp chúng con can đảm cùng chết với Đức Kitô để xứng đáng được phục sinh vinh quang với Ngài. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

 Về mục lục