Các bài suy niệm Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (15/8)

3143

Lời Chúa: Kh: 11,19a;12,1-6a.10ab; 1Cr: 15,20-27; Lc: 1,39-56

——-

Mục lục

1. Đức Maria: Địa chỉ trên cao  (Cố Gm. Giuse Vũ Duy Thống)

2. Cảm nghiệm ơn Chúa (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Theo Đức Mẹ Lên trời (Gm. Bùi Tuần)

4. Phúc đức tại mẫu (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

5. Mẹ về Trời, niềm hy vọng của chúng ta  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

6. Maria, Thầy dạy đức tin (Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB)

7. Hướng lòng về trời với Mẹ (Huệ Minh)

8. Theo gót Mẹ (Trầm Thiên Thu)

9. Niềm vui phục vụ  (Lm. Jos. DĐH)

10. Mẹ về Trời, hy vọng và hạnh phúc của chúng ta (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

11. Thiên chức của Đức Trinh Nữ Maria (P.Trần Đình Phan Tiến)

12. Vầng trăng Mẹ (Trầm Thiên Thu)

13. Để được cùng Mẹ đi theo Chúa lên trời  (Lm. Đan Vinh)

14. Vẹn toàn xinh đẹp  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

15. Ăn theo với Mẹ (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

16. Để lên trời cần bắt chước các nhân đức của Mẹ  (Lm. Anthony Trung Thành)

 

 

ĐỨC MARIA: ĐỊA CHỈ TRÊN CAO

Gm. Giuse Vũ Duy Thống

Cách đây ít lâu, khi đọc báo hằng ngày, tình cờ tôi ghi nhận được một mẩu tin là lạ. Đó là mẩu bố cáo đăng ký địa chỉ trên cung trăng. Ai muốn đứng tên chủ quyền một thửa đất trên gương mặt chị hằng bảo đảm có bằng khoán giấy tờ công chứng đường hoàng, hãy mau mau đăng ký, chọn vị trí trên bản đồ và nộp tiền đầy đủ. Bảo đảm, chỉ vài ngày sau là được trao tận tay sổ hồng sổ đỏ, để cứ mỗi đêm trăng sáng là có quyền vác kính viễn vọng ra ngắm nghía chỉ trỏ giới thiệu với bạn bè về dự án tương lai địa chỉ trên cao của mình.

Thấy mẩu tin ngồ ngộ, tôi ghi nhận, và hôm nay lễ Đức Maria Mông Triệu, nghe vẳng bên tai bài hát “Như một vầng trăng tuyệt vời, muôn ngàn tia sáng lung linh chốn thiên cung” ca ngợi Đức Maria, bỗng dưng nhớ lại và liên tưởng: mỗi tín hữu cũng có một địa chỉ trên cao, địa chỉ ấy mang tên Maria.

  1. Đức Maria: một địa chỉ thiết định cho lòng tin.

Đây không phải là điều huyền hoặc do trí tưởng tượng con người bịa ra trong một giờ cao hứng, đây cũng không phải là sản phẩm mang nặng cảm tính do lòng đạo đức của giới lớp bình dân, đây càng không phải là do nhất trí đồng ý giơ tay tán thành theo kiểu vào hùa mà không cần biết đến có tự do hay không.

Không phải thế, mà là kết quả suy tư lâu dài tìm kiếm của đời sống Giáo Hội. Trước năm 1950, người ta có quyền bán tín bán nghi, tin hay không tin cũng chẳng hề hấn gì, như thánh Tôma tiến sĩ; nhưng kể từ ngày lễ Các Thánh năm 1950, khi Đức Giáo Hoàng công bố sự kiện Đức Maria Mông Triệu như một tín điều, người ta không còn có thể dửng dưng được nữa, mà nhất thiết phải reo lên vui mừng, vì đã sáng tỏ: trên cao, Đức Maria chính là địa chỉ của lòng tin Công Giáo.

Thật vậy, Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội, nên không thể chịu hậu quả của Tội nguyên tổ là phải chết. Mẹ trọn đời Đồng Trinh nên cứ lý cũng trọn đời trinh nguyên tồn tại. Mẹ cung cấp chất liệu xác thân cho Ngôi Hai Thiên Chúa bước xuống đồng hành với con người trong kiếp phận loài người, thì khi Phục Sinh về trời vinh quang, Thiên Chúa cũng giữ gìn cho Mẹ mình thoát khỏi cảnh hư nát thân xác. Mẹ là Đấng đầy ơn phúc, nếu đã được Thiên Chúa yêu thương gìn giữ từ thuở đời đời bằng đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, thì cũng được Thiên Chúa giữ gìn cho đến muôn đời bằng đặc ân Mông Triệu tuyệt diệu hơn mọi người trần.

Cách khác, Mẹ Hồn Xác Lên Trời là một ngôn ngữ mang tính dấu chỉ dễ đọc của một địa chỉ trên cao, vốn đã có sẵn trong mầu nhiệm Phục Sinh của Đức Kitô.

  1. Đức Maria: một địa chỉ thiết thân của đời tín hữu.

Ngày nay có thể có người nghĩ rằng: Đức Mari Mông Triệu chỉ là một tín điều, nghĩa là một điều được Giáo Hội xác lập như đối tượng phải tin; lại nữa, cũng chỉ được định tín cách nay chưa lâu, mới từ năm 1950, có chi mà quan trọng?

Giữa cộng đoàn, xin được cùng với Giáo Hội nhắc lại rằng: đây không phải là chuyện thuần tuý quy ước, mà đúng là chuyện thiết thân với mọi con người. Khi gọi một chiếc xe là “xe máy” thì nó là “xe máy” dù chẳng có chút máy móc nào mà chỉ là “xe đạp”. Đó là quy ước. Thế nhưng, khi tín điều thiết định thì khác, vì ở đó cả vận mệnh đời sống của những kẻ tin cũng được định hình theo.

Đức Maria về trời, nhưng không về với đôi tay trắng, mà là nặng trĩu vận mệnh của cả Giáo Hội, Đức Kitô là Đầu, mà vinh quang của Đầu tiến đến đâu thì vinh quang của Thân Mình cũng tỏ hiện đến đó, nhưng qua việc Đức Maria về trời, tín hữu nhận thấy rõ hơn vận mệnh đời mình.

Mẹ là người đi đầu cho ta được tiếp bước. Mẹ được đưa về trời là tiền đề cho lòng tin người tín hữu: nếu sống như Mẹ, họ cũng sẽ được về trời với Mẹ. Mẹ như người đi trước cho ta được theo sau. Mẹ được đưa về trời là tiền đề cho lòng tin người tín hữu: nếu sống như Mẹ, họ cũng sẽ được về trời với Mẹ. Mẹ như người đi trước cho ta được theo sau. Mẹ được đưa về trời là khuôn mẫu cho niềm hy vọng: bên kia địa chỉ trần thế này là một địa chỉ trên cao của cuộc sống phong phú đời đời. Mẹ là người đi mau cho ta được níu kéo dắt dìu. Mẹ về trời xác lập một hướng đi cho lòng yêu mến: yêu trung thành hôm nay sẽ được dẫn tới bến bờ yêu thương tinh ròng vĩnh phúc. Thế đó, Đức Maria địa chỉ trên cao thiết thân cho mệnh đời tín hữu.

  1. Đức Maria: một địa chỉ thiết thực cho mỗi cảnh đời.

Vấn đề được đặt ra ở đây không chỉ là chuyện hiểu biết và tin tưởng, nghĩa là dừng lại trong nhận thức, cho dẫu đó là bước đầu không thể thiếu được, nhưng quan trọng hơn, là hỏi xem địa chỉ trên cao kia có để lại âm hưởng gì trong đời sống hằng ngày? Có một bài hát “Kinh Tin Kính” kết thúc bằng câu quyết tâm “Tin những gì Hội Thánh dạy con”. Tốt lắm, nhưng nghe sao vẫn cứ ngờ ngợ, tin tất cả mà không lo chuyển hoá niềm tin vào cuộc sống thiết thực, thì tự nó đã hàm chứa một nguy cơ của sự cả tin. Giống như một cha sở cử hành Bí tích Xức Dầu cho một nữ bệnh nhân tân tòng trọng tuổi, với những công thức tuyên tín dài dòng, bệnh nhân ấy trong cơn đau đớn đã thốt lên: “Cha nói thánh tướng nào con cũng tin cả”. Thành thử, hôm nay, khi tuyên xưng Đức Maria hồn xác về trời chính là lúc ta phải nỗ lực tổ chức xây dựng đời sống nơi địa chỉ trần thế sao cho phù hợp tương thích với địa chỉ trên cao mà ta tin yêu hy vọng.

Làm sao có thể về trời thanh nhàn khi cuộc đời này chưa thanh sạch tâm hồn, chưa thanh bạch nếp sống, chưa thanh luyện ý chí, chưa thanh thoát tư duy, chưa thanh cao tình cảm, chưa thanh thản nỗi đau đời và chưa thanh thoả nhiệm vụ người người với nhau? Làm sao có thể về trời thênh thang khi cuộc sống hôm nay vẫn còn bận bịu bỏ neo nơi những khuynh hướng đam mê sùng bái, như là dục vọng buông lơi lòng tham không đáy hay quyền bính vô độ? Và làm sao có thể về trời với Mẹ khi ta hằng ngày vẫn còn gặp mình trên những lo toan tính toán làm ăn không chỉ dừng lại ở mức “lương thực hằng ngày” “cầu vừa đủ xài” của Kinh Lạy Cha, mà còn mong có mọi sự nhiều thêm nữa, trừ một sự là có điểm dừng?

Muốn có địa chỉ trên cao, hãy tích cực đăng ký xây dựng ngay từ địa chỉ trần thế này.

Qua một bài báo về kỹ thuật hàng không, được biết rằng người ta đang tính tới chuyện bay cao bay xa và bay nhanh hơn. Điều này đòi hỏi phải giải quyết ba thông số kỹ thuật: giảm nhẹ thân tàu, tăng cường sức đẩy động cơ và trang bị bộ phận định hướng tốt. Bất giác tôi nghĩ đến chuyến bay đời người về địa chỉ trên cao, cũng cần trút nhẹ lo toan, gia tăng ơn thánh, và nỗ lực định hướng theo gương Đức Mẹ. Như vậy, chuyến bay ấy chắc chắn sẽ cao xa nhanh an toàn.

Chúc mọi người luôn biết dâng cao tin yêu hy vọng, để làm quen với địa chỉ trên cao ngay từ cuộc sống xem ra còn nhiều lũng thấp hôm nay.

Đức Maria địa chỉ trên cao, dạy cho con biết qua bao tháng ngày, biết đường sống thánh từ nay, ngày mai sẽ được thẳng bay về trời.

Về mục lục

.

CẢM NGHIỆM ƠN CHÚA

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Nếu có ai hỏi: Làm thế nào để tiến bộ trên đường đạo đức, thay đổi nếp sống cũ, biết dấn thân mến Chúa yêu người hơn? Tôi xin thưa: điều quan trọng nhất khởi đầu cho một nếp sống mới là: cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong đời mình. Khi đã nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là mong muốn đáp lại tình yêu ấy.

Tình yêu kêu gọi tình yêu. Tình yêu đáp trả tình yêu. Chúa Thánh Thần, nguồn tình yêu của Thiên Chúa, sẽ giúp ta nhận biết tình yêu Thiên Chúa và soi sáng thúc giục ta đáp lại tình yêu ấy.

Sau khi Đức Mẹ ngoan ngoãn nói lên lời “xin vâng”, Chúa Thánh Thần xuống tràn đầy tâm hồn Đức Mẹ. Đức Mẹ mở rộng tâm hồn đón nhận và để mặc Người hướng dẫn cuộc đời mình. Tứ đây, cuộc đời Đức Mẹ hoàn toàn biến đổi. Đức Mẹ trở nên một dụng cụ ngoan ngoãn trong tay Chúa Thánh Thần, hiến dâng trọn vẹn tâm hồn và thân xác để đáp lại tình yêu vô biên của Thiên Chúa.

Bài Tin Mừng hôm nay cho thấy những tác động của Chúa Thánh Thần trên Đức Mẹ.

Tác động thứ nhất: sự vội vã.

Vội vã đây không phải là sự vội vàng hấp tấp. Cũng không phải là nôn nóng lo âu. Sự vội vã ở đây có nghĩa là sự nhiệt tình hăng hái. Cảm nghiệm được tình yêu Thiên Chúa trong tâm hồn, Đức Mẹ mau mắn, tha thiết muốn đáp trả. Nếp sống của cô thôn nữ Maria đã thay đổi. Từ một thôn nữ dịu dàng, sống êm đềm trong cuộc đời bình dị, Đức Mẹ giờ đây trở nên linh hoạt, nhanh nhẹn, hăng hái đền đáp lại Tình Chúa Yêu Thương. Từ một thôn nữ vui với công việc nội trợ, khép mình trong làng xóm, Đức Mẹ đã mở cửa ra đi. Sự mở cửa ra đi làm ta nhớ tới tác động của Chúa Thánh Thần trên các Tông đồ.

Tác động thứ hai: tâm tình tạ ơn.

Cảm nghiệm được tình Chúa thương yêu, lòng Đức Mẹ tràn đầy niềm cảm mến biết ơn. Niềm tri ân cảm tạ đầy ứ trong lòng chỉ chờ dịp tuôn ra thành lời. Cảm nghiệm về ơn lành vô biên của Thiên Chúa cũng là cảm nghiệm về sự thấp hèn bất xứng của mình. Hai cảm nghiệm song song đó càng nâng cao, càng đào sâu niềm tri ân cảm tạ. Cảm nghiệm ấy đã biến đổi Đức Mẹ, từ một cô gái kín đáo, âm thầm trở nên một thi sĩ, một ca sĩ lớn tiếng ca tụng Tình Yêu Thiên Chúa đối với kẻ nghèo hèn. Chúa Thánh Thần đã biến Đức Mẹ thành ngòi bút thi sĩ như lời Thánh vịnh: Tim tôi dâng ý thơ tuyệt diệu. Dệt bài ca dâng tiến Đức Vua. Lưỡi tôi tựa bút rung vạn điệu. Trong tay những thi nhân anh tài. Khi nghe bà Isave chào, Đức Mẹ đã ứng khẩu tán tụng Chúa bằng bài kinh ca ngợi tuyệt diệu.

Tác động thứ ba: thái độ chia sẻ.

Tình yêu Thiên Chúa bao la đã đổ vào tâm hồn Đức Mẹ tràn đầy niềm vui. Niềm vui thánh thiện và lớn lao đã thúc đẩy Đức Mẹ mau mắn lên đường đi thăm bà Isave. Đức Mẹ không đến để khoe khoang, nhưng để chia sẻ. Nhờ Đức Mẹ đến mà bà Isave và thánh Gioan Baotixita được chúc phúc. Đức Mẹ cũng đến để chúc mừng bà chị họ đã được Chúa đoái thương. Tâm hồn được Chúa chiếm hữu đã khiến Đức Mẹ trở nên quảng đại và hiệp thông, sẵn sàng chia vui sẻ buồn với những người chung quanh.

Tác động thứ bốn: dấn thân phục vụ.

Niềm tri ân cảm tạ, niềm vui thánh thiện thực sự sẽ không dừng lại ở những bài ca trên môi miệng. Cảm nghiệm về Tình Yêu Thiên Chúa trong trái tim sẽ mau chóng biến thành hành động. Sự đền đáp tình yêu sẽ thúc đẩy người được yêu dấn thân phục vụ trong những việc làm cụ thể. Chính vì thế Đức Mẹ đã không ngần ngại ở lại phục vụ bà chị họ trong ba tháng.

Mừng lễ Đức Mẹ lên Trời một cách có ý nghĩa nhất, đó là ta hãy noi gương Đức Mẹ: xin Chúa Thánh Thần đến tràn ngập tâm hồn ta như Người đã đến trong lòng Đức Mẹ, giúp ta con người được những ơn lành Chúa ban và giúp ta mau mắn đáp lại tình yêu thương đó.

Xin Đức Mẹ giúp chúng con biết ngoan ngoãn vâng theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng: để vội và ra đi, để hân hoan tạ ơn, để quảng đại chia sẻ và để dấn thân phục vụ anh em. Amen.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG

  1. Bạn có cảm nghiệm được tình yêu của Thiên Chúa trong đời bạn không?
  2. Sẵn sàng làm theo ơn Chúa Thánh Thần soi sáng, bạn có mong muốn điều này không?
  3. Lên trời, dứt khỏi trần gian. Đây có phải là một bước nhảy vọt không? Hay chỉ là tiếp nối của quá trình từ bỏ chính mình trên trần gian?

Về mục lục

.

THEO ĐỨC MẸ LÊN TRỜI

Gm. Bùi Tuần

Sắp đến lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời. Lên Trời là lên thiên đàng. Mẹ Maria lên trời là một sự kiện đầy hân hoan. Sự kiện vui mừng này gợi lên trong chúng ta khát vọng chính chúng ta cũng được lên trời.

Nhưng, để theo Đức Mẹ lên trời, ta không thể tự mình lên được. Ta phải tuân theo chỉ dẫn của Mẹ. Chỉ dẫn của Mẹ rất đơn sơ: Hãy sống vâng phục thánh ý Chúa (Lc 1,18).

Thánh ý Chúa về ta là thế nào? Tôi thiết nghĩ: Trong một nơi đặt truyền giáo là ưu tiên như tại đây, thì thánh ý Chúa về ta là lời Chúa Giêsu truyền dạy các môn đệ Người, trước khi Người về trời: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem… cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Lời truyền dạy đó phải được coi là rất cần hiện nay. Nó phải được áp dụng một cách sống động. Nghĩa là đối với mỗi người chúng ta, ai cũng phải làm chứng về Chúa tại nơi mình đang sống, trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống mình. Làm chứng cho Chúa tại nơi mình sống phải được coi như một nhiệm vụ sống còn. Vì thế tôi thường nghĩ: “Làm chứng cho Chúa” tại đây lúc này là con đường tôi phải đi, để được lên trời với Đức Mẹ.

Với ý nghĩ đó, tôi xin phép chia sẻ vài suy tư, để xét mình, nhân dịp mừng lễ Mẹ lên trời.

Làm chứng cho Chúa

Làm chứng cho Chúa là làm chứng cho Chúa Giêsu. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy là chứng nhân của Thầy” (Cv 1,8). Làm chứng cho Chúa Giêsu là làm chứng Người là Đấng Cứu thế. Người cứu độ nhân loại bằng chịu khổ hình và sống lại. Phúc Âm ghi rõ nội dung làm chứng: “Bấy giờ Người mở trí cho các môn đệ hiểu Kinh Thánh, và bảo: “Có lời Kinh Thánh chép rằng: Đấng Kitô phải chịu khổ hình, rồi ngày thứ ba, từ cõi chết sống lại, và phải nhân danh Người mà rao giảng cho muôn dân, bắt đầu từ Giêrusalem, kêu gọi họ sám hối để được ơn tha tội. Chính các con là chứng nhân của những điều này” (Lc 24,45-48).

Chắc chắn chúng ta có làm chứng cho Chúa Giêsu theo chứng từ trên đây. Làm chứng như thế cũng đã là việc tốt. Nhưng điều tốt hơn, mà mục vụ và truyền giáo mong muốn nơi ta, là chúng ta làm chứng Chúa Giêsu đã và đang cứu độ ta, trong chính cuộc sống cụ thể của ta, một cuộc sống có vô vàn phức tạp. Hơn nữa, ta cũng làm chứng rằng: chính ta cũng đã và đang cộng tác với Chúa Giêsu trong việc cứu độ những người xung quanh, cả đồng bào ta.

Hôm nay, nếu tôi và nhiều người khác biết sám hối, bỏ được tội lỗi, trở về đàng lành, giải quyết được nhiều vấn đề, thì chính là nhờ ơn cứu độ của Chúa, Đấng đã chịu nạn và phục sinh cho tôi và cho mọi người. Tin Mừng qui chiếu vào hiện tại, vào hôm nay, vào cuộc sống và vấn đề của chúng ta. Tôi có kinh nghiệm như vậy. Những bước đường làm chứng một cách cụ thể như thế sẽ không dễ dàng. Nhưng chúng ta sẽ thực hiện được nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Với sức mạnh của Chúa Thánh Thần

Khi sai các tông đồ đi làm chứng, Chúa Giêsu đã hứa: “Các con sẽ nhận được sức mạnh của Chúa Thánh Thần” (Cv 1,8).

Kinh nghiệm cho tôi hiểu lời đó thế này: Chúa Giêsu cứu độ thường đến với ta qua sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Sức mạnh ấy được thể hiện nhiều cách, nhất là ơn đổi mới tâm hồn.

Chẳng hạn, trước đây có những người dễ chạy theo những thú vui hưởng thụ thế gian, thì nay họ trở thành dửng dưng với những thứ đó, để hăng say chìm đắm trong sự bình an của ơn Chúa hiện diện. Trước đây, có những tính tình rất tự phụ tự mãn, coi như đã ximăng-hoá rất vững trong chất kiêu căng, nhưng nay họ trở thành khiêm tốn nhã nhặn, từ các suy nghĩ, đến các cử chỉ thái độ và lời nói.

Các đổi mới như thế thường rất sâu xa, nhưng lại rất âm thầm. Nơi từng cá nhân, nơi cả một tập thể.

Tôi coi những đổi mới như thế là sức mạnh của Chúa Thánh Thần.

Nhiều khi, nhìn thấy những sự lạ lùng mà Chúa Thánh Thần đã và đang thực hiện tại đây trong các tâm hồn giữa những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn, tôi có cảm tưởng công việc Ngôi Lời nhập thể vẫn đang tiếp tục. Rất lặng lẽ, rất ẩn dật, nhưng Chúa Thánh Thần đang đưa ơn cứu độ vào lịch sử từng người và từng địa phương.

Chính tôi đã cảm nghiệm được sự kiện đó. Chúa hiện diện trong đời tôi, nhất là trong những giai đoạn tăm tối nhất. Người hiện diện để ủi an, để nâng đỡ, để soi sáng, để thứ tha, để chia sẻ, để cải hoá, để thanh luyện.

Từ kinh nghiệm bản thân, tôi có thể tiên đoán được sự chuyển biến tốt của lịch sử đang diễn ra âm thầm, qua những đổi mới các tâm hồn, do sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Tôi càng có lý để tin điều đó, khi nghĩ đến sự Đức Mẹ đang đồng hành với chúng ta trên đường truyền giáo.

Nhờ Mẹ Maria cầu bầu

Trên thánh giá, Chúa Giêsu đã trối Đức Mẹ cho thánh Gioan: “Này là mẹ con” (Ga 19,26). Tôi coi lời trối quí giá đó cũng dành cho mọi người sẽ được sai đi làm chứng cho Chúa.

Xin tạm bỏ qua lý thuyết cắt nghĩa lời đó. tôi chỉ xin dựa vào kinh nghiệm. Kinh nghiệm làm chứng điều này: Đức Mẹ giữ một địa vị rất quan trọng trong việc chúng tôi làm chứng cho Chúa.

Nhiều người biết Đức Mẹ, trước khi biết Chúa. Nhiều nơi cầu nguyện với Đức Mẹ, trước khi cầu nguyện với Chúa. Đức Mẹ là nơi ẩn náu của những ai tội lỗi, là nguồn an ủi cho những ai lo buồn. Đặc biệt, Đức Mẹ là hy vọng của những ai bé nhỏ, mọn hèn.

Riêng với những người làm chứng cho Chúa, Đức Mẹ dạy cho họ cách riêng tinh thần khiêm tốn, khó nghèo. Bởi vì, để làm chứng cho Đấng cứu thế là Đấng rất khiêm tốn, khó nghèo, người ta không thể phản chứng bằng đời sống của mình trái ngược với khó nghèo khiêm tốn.

Hơn nữa, Chúa chỉ ban ơn biết làm chứng về Chúa cho những ai có tinh thần khiêm tốn. Như lời Chúa Giêsu đã nói với Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn. Vâng lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Lc 10,21). Người sống bé mọn với Chúa, luôn là người sống bé mọn với Đức Mẹ và với Hội Thánh của Chúa.

***

Trên đây là một thoáng nhìn về con đường tôi theo Mẹ lên trời. Tôi thấy rõ tôi không đi một mình. Chúng tôi đi với nhau, trong tình hiệp thông và phấn đấu, luôn tìm vâng phục thánh ý Chúa, để làm chứng cho Đấng Cứu độ. Người là Tin Mừng cho mọi người. Loan báo Tin Mừng, sống Tin Mừng là con đường Mẹ đã đi để lên trời. Con cái Mẹ cũng theo Mẹ mà đi trên con đường đó, để về trời.

Về mục lục

.

PHÚC ĐỨC TẠI MẪU

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Văn hóa Việt Nam rất coi trọng tình mẹ. Tình mẹ luôn cao quý. Tình mẹ luôn là động lực cho con cái lớn khôn làm người. Thế nên, người mẹ luôn được tôn vinh ở mọi nơi mọi chốn. Người ta thường dùng chữ mẹ để tôn vinh những nơi chốn, những gì là thiêng liêng cao cả. Thí dụ : đất mẹ, quê mẹ hay tiếng nói mẹ đẻ . . 

Người mẹ còn là một gia sản quý báu cho con cái. Gia sản ấy không phải là tiền bạc, tài sản mà là phúc đức cho con. Đó là lý do người ta nói: “Phúc đức tại mẫu”. Vì người xưa cho rằng người mẹ nếu ăn ở tốt sẽ để lại những điều tốt lành cho con. Suy rộng ra là việc một người mẹ, người bà có thể để lại phúc đức cho con cháu hay không đều phụ thuộc vào cách sống, cách đối nhân xử thế của người đó. 

Có một người mẹ tuy không được học chữ, vậy mà khi con học xa nhà, bà đã cố gắng viết cho con mấy dòng ngắn ngủi, nét chữ run rẩy và to như trẻ con học mẫu giáo tập viết. Bà viết: “Mẹ ít học hơn con nên mẹ tin con hiểu đời nhiều hơn mẹ. Mẹ chỉ muốn dặn con một điều rằng con đi xa hãy nhớ: Ăn một miếng của người con tạc ân vào dạ; Học một chữ ở đời con xem nặng nhẹ bao nhiêu”. Lời dặn thật mộc mạc nhưng ẩn chứa biết bao triết lý cho cuộc sống. Chính những lời dạy đơn sơ ấy đã uốn nắn con thành người. Thật phúc đức cho những ai có người mẹ thấu tình đạt lý như thế!

“Phúc Đức tại mẫu”, như còn muốn nói người mẹ, người vợ không chỉ mang phúc đức cho con, mà còn là mối giây liên kết cho nhiều thành viên trong một đại gia đình. Trong gia đình họ tộc có những mối quan hệ không trói buộc bằng tiền bạc. Con ghi ơn cha mẹ. Anh chị em gắn bó với nhau. Họ hàng qua lại với nhau đều không phải vì tiền bạc mà tất cả các mối quan hệ ấy chỉ có thể tồn tại được nếu có tình cảm với nhau.  Và trên hết, người phụ nữ chính là sợi dây tình cảm nối liền cha với con, nối anh chị em lại với nhau, nối các bậc thông gia cho gần gũi. Người mẹ, người vợ được xem là người có khả năng và thiên chức điều hòa mọi thành viên một cách hữu hiệu nhất. Câu “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” không chỉ đúng cho thời xưa mà cả mọi thời đại.

Đó là lý do Con Một Thiên Chúa Nhập Thể Làm Người cũng đã nhận lấy con đường bình thường mà trân quý ấy. Maria, người nữ Sion đã vâng phục ngay từ ngày đầu khi thiên sứ truyền tin, nhận lấy những nhọc nhằn vất vả của vai trò làm Mẹ. Mẹ đã đảm nhận trọn vẹn thiên chức cao quý nhưng không thiếu khổ đau như bất cứ người mẹ nào trong nhân loại. Trong lòng tin, người mẹ ấy đã âm thầm vâng phục, đón nhận, lắng nghe và bước theo Con của mình trong hành trình cứu độ. Mẹ đã xin vâng không chỉ một lần trong ngày sứ thần truyền tin, mà Mẹ đã xin vâng trong suốt dọc dài cuộc sống khi để cho thánh ý Chúa thực thi nơi Mẹ. Lời xin vâng của mẹ đạt tới đỉnh cao trong hành trình thương khó mà Mẹ đã cất bước cùng con của Mẹ lên đồi Calve. Cuối cùng, Mẹ đã được Thiên Chúa đoái thương cất nhắc về Trời cả hồn lẫn xác, một trong bốn đặc ân cao cả Thiên Chúa đã ban cho Mẹ. Đây là một phần thưởng mà Thiên Chúa đã dành cho một người mẹ vĩ đại của Con Thiên Chúa.

Ngày hôm nay, Mẹ Maria vẫn tiếp tục lãnh lấy vai trò làm mẹ chúng sinh. Mẹ vẫn ân cần chăm sóc nhân loại. Có lẽ chúng ta cũng sống nhờ “phúc đức tại mẫu” nơi Mẹ Maria. Thiên Chúa vẫn yêu thương chúng ta. Thiên Chúa vẫn tha thứ và bao dung với chúng ta nhờ lời cầu khẩn rất đẹp lòng Thiên Chúa của Mẹ Maria. Và chắc chắn, Mẹ Maria cũng là mối dây liên kết chúng ta trong một đại gia đình của Mẹ. Nơi Mẹ Maria còn là máng thông ơn Chúa đến cho con cái của Mẹ. Biết bao nhiêu người con đã chạy đến kêu cầu Mẹ để nhờ Mẹ và qua Mẹ ơn Chúa đến với họ. Biết bao người đã tìm được bình yên khi nép mình bên tà áo từ bi của Mẹ.
Quả là rất đúng khi người xưa nói rằng”:

Lạ gì con có giống ai, 
Phúc đức tại mẫu là lời thế gian.

Xin cho chúng ta luôn biết trân quý mối dây thân tình với Mẹ. Xin cho chúng ta cũng biết học đòi noi gương bắt chước Mẹ khi biết sống xin vâng theo thánh ý Chúa. Xin đừng để những đam mê dục vọng, những thói đời lôi cuốn vào đường xấu mà biết bám vào tà áo Mẹ để Mẹ chở che chúng ta trước những dòng chảy đầy tội lỗi lôi cuốn. Ước gì chúng ta luôn biết sống nhờ phúc đức của Mẹ mà tiến bước trên con đường nhân đức, con đường về trời trong ân phúc của Chúa. Amen.

Về mục lục

.

MẸ VỀ TRỜI, NIỀM HY VỌNG CỦA CHÚNG TA

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Con rồng trong sách Khải Huyền được mô tả như là mầm mống của sự chết chóc vì nó đứng « rình người nữ sắp sinh con để nuốt lấy đứa trẻ » (Kh 12, 4). Với từ ngữ và hình ảnh tượng trưng, sách Khải Huyền còn gợi lên cuộc chiến lâu dài giữa sự sống và sự chết, giữa Satan với Đức Kitô và Giáo hội của Người. Người sẽ toàn thắng.

Chúng ta biết, cuộc chiến giữa sự sống và sự chết, giữa sự thiện và sự ác là không cùng. Con người dù tiến bộ đến đâu đi chăng nữa, vẫn luôn mang trong mình sự mỏng giòn.

  1. Sự mỏng giòn của con người

Vốn mỏng giòn yếu đuối, cộng thêm lo âu, phiền muộn về sức khỏe, việc làm, về công việc gia đình phải gánh vác, những mập mờ vô định ngày mai của cuộc đời, lo con còn trẻ, cha mẹ khi đã về già, ốm đau bệnh tật, khủng hoảng về luân lý…tất cả đè nằng lên lòng trí con người. Làm sao không khỏi ngạc nhiên khi thấy thời đại chúng ta đang tụt hậu trước những biến cố của cuộc đời?

Trước những bất hạnh của thế giới, có người buông xuôi không làm gì hết, để mặc cho số phận. Có người cấp tiến hơn, quyết định từ bỏ một phần và tự sát. Có người từ chối truyền lại sự sống mà họ đã lãnh nhận và không chịu nhận cái khả năng có thể cho tương lai của chính họ và xã hội. Dần dần những nhà trẻ sẽ thay thế nhà hưu dưỡng !

Giữa cảnh đời lữ thứ, người kitô hữu sống ra sao ? Đức tin của chúng ta thế nào khi đối diện với các thực tại như thế? Lễ Đức Maria hồn xác về Trời mang lại cho họ hy vọng gì trong cuộc sống?

  1. Cuộc chiến thắng !

Chúng ta long trọng cử hành lễ Đức Maria hồn xác về trời với lòng sùng kính, giúp chúng ta trả lời những vấn nạn trên. Trước hết niềm tin của Giáo hội đối với tín điều Đức Piô XII đã xác quyết năm 1950. Chúng ta tin Đức Maria, đã được đặc ân cả hồn lần xác về Trời. Điều đó muốn nói rằng sự chiến thắng con rồng trong sách Khải Huyền hoàn tất nơi Mẹ, Mẹ về ngự bên hữu Chúa để chuẩn bị chỗ cho chúng ta như Thiên Chúa đã dành cho Mẹ.

Chúng ta tự hỏi, Đức Maria đã được rước lên Trời cả hồn lẫn xác có làm chúng ta thay đổi không ?

Thánh Phaolô cho chúng ta câu trả lời : « Đức Kitô đã từ cõi chết sống lại, là hoa quả đầu mùa của những kẻ yên giấc » (1 Cr 15, 20 ). Đức Giêsu sống lại, có người tin, người không tin. Nhưng, Đức Kitô, Con Thiên Chúa đã sống lại thật, đó là niềm hy vọng của chúng ta.

Việc Đức Maria hồn xác lên Trời là một thực tại khác : Đức Maria không phải là Thiên Chúa ; Mẹ là nữ tử Israel, là một trong những thụ tạo như chúng ta, là người nữ giữa muôn vàn người nữ trên trần gian. Mẹ đã được tôn vinh, vinh quang của Mẹ liên quan đến chúng ta. Những đặc ân của Mẹ là kết quả cụ thể của ơn cứu độ mà Đức Kitô mang đến cho Mẹ và nhân loại (x. 1 Cr 15, 20-26).  Mẹ được vinh hiển là nhờ công nghiệp của Chúa Kitô, Con của Mẹ. Việc Đức trinh Nữ được lên trời hồn xác là sự thông phần cá biệt vào cuộc phục sinh của Con Mẹ, và tiên báo cuộc phục sinh của các tín hữu (GLCG số 966). 

Đức tin không nói cho chúng ta biết điều gì về cái chết của Đức Maria. Có người cho rằng Đức Maria không chết, nhưng Đức tin nói với chúng ta rằng sau khi hoàn tất cuộc đời dương thế, Đức Maria được Thiên Chúa tôn vinh. Nơi Mẹ, cũng như Đức Giêsu Con Mẹ, cái chết không phải là hết, sự chết đã bị đập tan. Trái đất không còn là nơi giam hãm con người trong số phận đau thương, các tầng trời mở ra để loan báo một tương lai sáng ngời cho nhân loại. Sự chết đã bị tiêu diệt bởi sức mạnh của tình yêu Thiên Chúa. Đó là niềm hy vọng lớn lao cho chúng ta !

  1. Sống trong hy vọng

Kinh Tạ Ơn của Đức Maria nêu rõ : « Chúa đã ra oai cánh tay thần lực, dẹp tan những ai lòng trí kiêu căng, Chúa lật đổ những người quyền thế, và nâng dậy những kẻ khiêm nhường. Phận đói nghèo Chúa ban của đầy dư… Vì Người nhớ lại lòng thương xót » (x. Lc 1, 39-56). Chắc chắn Thiên Chúa không thể để chúng ta bị nghèo đói đè bẹp, khi chúng ta tin vào lời Chúa hứa.

Mừng kính Đức Trinh Nữ Maria hồn xác về trời, chúng ta không chỉ mừng vì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, mà còn mừng vì sự hiện hữu của nhân loại. Thánh Phaolô nói: « Anh em khỏi phải phiền sầu như những người khác, những kẻ không có hy vọng» (1 Tx 4, 13). Chúng ta cố gắng hiểu để sống sao cho xứng danh là người hy vọng.

Người trẻ sống hy vọng, khi họ hướng đến một tương lai khác và muốn sống quảng đại như Chúa muốn.

Những người ở bậc gia đình sống niềm hy vọng, bằng cách hiệp nhất cùng nhau, thủy chung trong đời sống vợ chồng để yêu thương, trao ban hạnh phúc và sự sống cho con cái.

Những người nam sống niềm hy vọng khi mau mắn đáp lại tiếng gọi Chúa để trở nên những linh mục, phó tế trong Giáo hội, và lấy làm hạnh phúc vì được cộng tác vào sứ mạng cao cả của Đức Kitô Mục Tử ! Chúng ta thật bất hạnh nếu chúng ta không có niềm hy vọng !

Người sống hy vọng còn là người dấn thân cải thiện đời sống xã hội và làm việc công ích, lương thiện với mọi người, chăm sóc những người ốm đau, bệnh tật, già nua để trao ban cho họ niềm tin và giá trị về sự hiện hữu của chính mình. Những người sống hy vọng cũng còn là người tránh xa bom đạn, bạo lực chiến tranh, không ham báo thù.

Vậy mỗi người chúng ta hãy sống hy vọng, hãy làm ngày lại ngày, không buông tay, mặc cho những ngang trái của cuộc đời. Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta can đảm chiến đấu mỗi sáng khi thức dậy cho cuộc sống đáng sống của mọi người trên trái đất, thì thật phúc cho chúng ta, như Mẹ Maria khiêm nhường phục vụ Chúa : « Này từ nay muôn thế hệ sẽ khen tôi có phước! » (Lc 1, 48)

Nếu như khi xưa Mẹ Thiên Chúa đã đến với bà Êlisabet, thì ngày hôm nay Mẹ vẫn đến với chúng ta. Mẹ mở rộng vòng tay nói với chúng ta rằng : hỡi con, hãy tin tưởng và hy vọng, Chúa đã dọn chỗ cho con. Amen !

Về mục lục

.

MARIA, THẦY DẠY ĐỨC TIN

Lm. G.B. Trần Văn Hào

Trong một đan viện nọ, có hai tu sỹ ngồi đàm đạo để cùng giúp nhau thăng tiến về đời sống thiêng liêng. Họ mở Kinh Thánh ra và cùng nhau chia sẻ. Đoạn Kinh Thánh được đọc lên, trích trong Tin mừng Luca chương 15, nói về dụ ngôn đứa con hoang đàng. Câu chuyên khá dài với nhiều tình tiết. Gấp sách lại, cả hai thinh lặng cầu nguyện và trao đổi. Một đan sĩ lên tiếng “Tôi không hiểu tại sao thằng bé này lại bỏ nhà đi hoang. Nó có một gia đình khá đầy đủ về vật chất. Hơn nữa, nó còn có một ông bố yêu thương nó hết lòng. Vậy tại sao nó lại thoát ly gia đình ?”. Suy nghĩ một lát, vị đan sĩ kia lên tiếng “Đứa bé này bỏ nhà đi bụi, vì trong ngôi nhà ấy vẫn vắng bóng một người mẹ”.

May mắn, chúng ta có một người Mẹ tuyệt vời là chính Đức Maria. Người vừa là hiền mẫu, vửa là Thầy dạy đức tin và cũng là đấng phù trợ chúng ta trong cuộc lữ hành đức tin trần thế. Mừng lễ Mẹ lên trời hôm nay, Giáo hội cũng nhắc nhớ chúng ta hướng về người mẹ thiêng liêng và tuyệt diệu này. Đồng thời, chúng ta cũng nhìn về Đức Maria như là khuôn mẫu đức tin để noi theo.

 Ý nghĩa mầu nhiệm Mẹ lên trời hồn xác.

 Năm 1950, Đức Thánh Cha Piô XII đã công bố tín điều này. Đây là tín lý thuộc đức tin mang tính thần khải và Công giáo. Giáo hội xác tín chân lý ấy dựa vào nhiều lý chứng.

Trước hết, bởi vì Mẹ là thụ tạo vượt trổi, đã được Chúa giữ gìn khỏi lây nhiễm tội lỗi. Tội tổ tông không để lại âm hưởng gì nơi Mẹ, đồng thời Thiên Chúa cũng gìn giữ mẹ luôn mãi vẹn tuyền. Ngay từ ban đầu, Thiên Chúa đã chọn Mẹ làm Mẹ Đấng Cứu Thế, nên Ngài phó trao cho Mẹ những đặc sủng tương thích với sứ vụ cao cả này. Thân xác Mẹ cho dù có phải nếm trải sự chết giống như Đức Giêsu, nhưng thân xác vẹn tuyền đó không thể  bị hủy hoại. Vì vậy Giáo hội xác tín rằng sau khi chết, Mẹ đã được đưa về trời cả hồn lẫn xác.

Thứ đến, cuộc đời của Mẹ đã gắn kết chặt chẽ với Đức Giêsu. Đức Giêsu đã phục sinh và lên trời. Mẹ cũng vậy. Phần thưởng nước trời dành cho Mẹ như một hệ quả tất yếu của sự hiệp thông vẹn tròn với Đức Giêsu.

Đọc lại Kinh Thánh, chúng ta sẽ thấy ngay từ những trang đầu tiên, Kinh Thánh đã nói đến sự chiến thắng của người nữ trên con rắn. Người nữ đạp dập đầu con rắn và con rắn rình cắn gót chân bà. Người phụ nữ này là hình tượng chỉ về Hội thánh, về Đức Maria, về những con người sống hiệp thông chặt chẽ với Đức Giêsu trong nhiệm cục cứu độ. Cũng tương tự, người nữ trong sách Khải Huyền đã chiến thắng con rồng đỏ, cũng ám thị về Đức Maria và về toàn thể Giáo hội.

Giáo hội công bố tín điều này để mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như khuôn mẫu đức tin. Mẹ chính là Thầy dạy Đức tin cho chúng ta.

 Thầy dạy đức tin.

Sau khi Chúa về trời, Kinh Thánh nói rất ít về Mẹ. Tin mừng Gioan chỉ tóm gọn trong một câu ngắn: “Từ lúc ấy, môn đệ đem Mẹ về nhà mình (Ga 19,27). Sách Tông đồ Công vụ chỉ duy nhất một lần nói về sự hiện diện của Đức Maria giữa các tông đồ khi cầu nguyện tại Giêrusalem trong dịp lễ Ngũ Tuần. Sau đó, Chúa Thánh Thần đậu xuống trên các tông đồ và trên Đức Mẹ. (Cv. 1,12).  Như vậy, sau biến cố Phục sinh, Mẹ đã hoàn toàn rút vào trong thinh lặng để suy niệm và cầu nguyện. Thái độ đức tin này cũng được Thánh Luca tóm kết bằng một câu đơn giản : “ Còn bà Maria thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng (Lc. 2,19). Vì vậy, qua phụng vụ hôm nay, Giáo hội cũng mời gọi chúng ta hướng về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của mọi tín hữu.

“Phúc cho bà là kẻ đã tin” (Lc. 1,45). Đây là lời được mặc khải qua miệng bà Elizabeth. Trước khi chúng ta chiêm ngắm các nhân đức và những đặc phúc nơi Mẹ, chúng ta hãy nhìn về Mẹ như là Thầy dạy đức tin của chúng ta.

Cuộc hành trình đức tin của Mẹ được dàn trải trong suốt cả cuộc sống, từ biến cố truyền tin đến cao điểm là phút giây hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu dưới chân Thập giá. Thái độ đức tin đó được thể hiện bằng cách Mẹ luôn tìm kiếm và quy thuận thánh ý Thiên Chúa. Có lần, khi Chúa Giêsu đang giảng giữa đám đông, Đức Maria chợt đến. Người ta báo cho Chúa biết là ‘bà cố’ đang đến. Người trả lời :“Ai là mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành (Mc. 3,31-35). Đức Giêsu gián tiếp đề cao thái độ đức tin nơi Mẹ. Tính cách làm Mẹ của Ngài hệ tại ở việc biết nghe lời Thiên Chúa và đem ra thi hành.

Mẹ được đem về trời cả hồn lẫn xác là dấu chứng của một cuộc vinh thắng, và đó chính là cuộc chiến thắng trong đức tin. Trong thư Rôma, thánh Phaolô so sánh Ađam với Đức Kitô (xem chương 5). Ađam gieo sự tội vào trần gian vì bất tuân, còn Đức Kitô đưa sự giải án tuyên công đến cho con người qua vâng phục. Cũng như Evà đã liên đới với Ađam trong tội nguyên tổ, thì Đức Maria được sánh ví như Evà mới, đã hiệp thông trọn vẹn với Đức Giêsu để đem ơn cứu độ đến cho con người. Nhiều thần học gia còn gọi Mẹ là Đấng ‘Đồng công Cứu chuộc’ (Corredemptorist). Sách Giáo lý Công giáo cũng mời gọi chúng ta hướng nhìn về Mẹ như là Biểu tượng Cánh chung (Eschatological Icon) cho toàn Giáo hội trong cuộc lữ hành trần thế ( Giáo lý Công giáo số 972). Những điều này nói về Mẹ như là khuôn mẫu và Thầy dạy đức tin cho chúng ta.

Kết luận

Ở Đức, trong một vở kịch diễn lại Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu, diễn viên trình diễn cảnh Giuđa sau khi phản bội đã ra đi tự vẫn. Trước khi chết, anh ta thét lên: “Khốn thân tôi, tôi biết chạy đến với ai bây giờ?”. Nghe như vậy, một đứa trẻ ở gần đó nói với mẹ: “Mẹ ơi, sao anh ta không chạy đến với Mẹ Maria”.

“Trên đời này, không có một kỳ quan nào cao cả và vĩ đại cho bằng trái tim của người mẹ”. Cũng vậy, chúng ta có Đức Maria là Hiền Mẫu, là Thầy dạy đức tin và cũng là nơi nương náu an toàn nhất trong cuộc lữ hành trần thế hôm nay. 

Về mục lục

.

HƯỚNG LÒNG VỀ TRỜI VỚI MẸ

Huệ Minh

Vào thế kỷ 19, có một luồng thần học chủ trương rằng Đức Maria không phải chết và luồng thần học đó xin Đức Thánh Cha hãy định tín như vậy. Với lý luận cũng như lập trường của họ, họ cho rằng Đức Maria không mắc tội nguyên tổ, nên không phải chết bởi vì sự chết là hình phạt của tội nguyên tổ.

Tuy nhiên đa số các nhà thần học cho rằng Đức Maria đã chết và sau đó được sống lại. Đức Piô XII không bàn tới vấn đề này, không nói rằng Mẹ không phải chết, cũng chẳng nói Mẹ đã chết và đã sống lại; nhưng chỉ nói rằng: sau khi chấm dứt cuộc đời dương thế, Mẹ được cất về trời cả xác và hồn. Nhìn Đức Mẹ ngủ, tôi thấy sáng lên vẻ đẹp thánh thiện cao quý. Mẹ tuyệt đẹp vì Mẹ đầy ơn Chúa. Mẹ đẹp thánh thiện vì ơn Vô Nhiễm Nguyên Tội. Mẹ đẹp cao quý vì làm Mẹ Đấng Cứu Thế. Mẹ tuyệt mỹ vì niềm tin đơn sơ và cuộc sống khiêm nhường. Nét đẹp ấy thoang thoảng như như một hương thơm hảo hạng toả ra lôi cuốn. Nét đẹp ấy mặn mà như thứ muối thiêng liêng. Nét đẹp ấy lung linh như ánh sáng dịu mát. Nét đẹp ấy huyền diệu như âm nhạc dịu êm mời gọi con người nâng tâm hồn lên tới Chúa.

Ngày 1-11-1950, đúng vào dịp lễ Các Thánh Nam Nữ, Đức Thánh Cha Piô XII long trọng tuyên bố tín điều Đức Maria Hồn Xác Lên Trời : “Thánh Mẫu Thiên Chúa là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, Đức Maria Trọn Đời Đồng Trinh, sau khi sống trọn cuộc đời trần thế, đã được triệu hồi cả hồn và xác vào trong vinh quang thiên quốc”.

Và khởi đi từ lời tuyên bố trong Thánh Lễ tuyên tín long trọng hôm ấy, mầu nhiệm Đức Maria được Thiên Chúa đưa về trời cả hồn và xác, trở thành chân lý đức tin cho toàn thể Giáo hội.

Mở ra những trang Giáo Lý Giáo Hội Công Giáo từ số 963- 975, ta thấy 5 lý chứng rất mạnh mẽ và xác thực minh chứng việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời:

Vì Đức Maria là Mẹ Chúa Kitô: Thánh Kinh diễn tả rõ ràng Đức Maria hiệp thông chặt chẽ với Chúa Giêsu trong nhiệm cuộc cứu chuộc, và luôn chia sẻ số phận với Con. Vậy xét theo thiên chức làm Mẹ, đương nhiên đòi hỏi phải có việc Mẹ và Con hòa hợp sum vầy với nhau, vì cả hai đã yêu mến nhau tha thiết, cho nên chắc chắn Chúa Kitô vì lòng hiếu thảo, đã ban cho Mẹ mình được hồn xác về Trời sau khi ly trần, là điều hợp tình hợp lý.

Vì Đức Maria Trọn Đời Trinh Khiết: Thiên Chúa đã làm cho Đức Maria chịu thai, sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì sau khi Mẹ qua đời, Ngài đã gìn giữ thân xác Đức Mẹ khỏi hư nát, và sau khi đem Mẹ về Trời, Ngài đã làm cho xác Mẹ nên vinh hiển. Nên thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.

Vì Đức Mẹ luôn hợp tác với Chúa Kitô: ngay từ thế kỷ II, các Giáo Phụ đã trình bày Đức Mẹ như là một Evà Mới hợp tác chặt chẽ với Adam Mới là Chúa Kitô để chiến thắng satan. Vì thế, cũng như Chúa Kitô sống lại vinh hiển là việc thiết yếu và là dấu chiến thắng cuối cùng, thì Đức Mẹ đã cùng Con chiến đấu cũng phải được cùng Con chiến thắng, nghĩa là Thân Xác Đồng Trinh của Đức Mẹ cũng phải được Lên Trời Vinh Hiển.

Vì Đức Mẹ Đầy Ơn Phúc: các thánh tiến sĩ đã coi việc Đức Mẹ Hồn Xác về Trời như là bổ túc cho việc Đức Mẹ được Đầy Ơn Phúc. Như lời cha Ađômêô quả quyết: Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.

Vì Đức Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội: theo lời xác quyết của Đức Thánh Cha Piô XII: Thân xác con người bị chết và bị tan rã ra tro đất là do hậu quả tội Nguyên Tổ. Đức Maria không hề mắc tội Nguyên Tổ, cũng không hề có tội riêng, cho nên đương nhiên và rất hợp lý là Đức Maria được Hồn Xác Về Trời”.

Mẹ về trời có nghĩa là mẹ đang sống. Sự sống của Mẹ không phải chỉ giới hạn trong cuộc đời, nhưng bao trùm cả lịch sử: Lịch sử của cả loài người lẫn lịch sử của mỗi người chúng ta.

Đức Mẹ là một thụ tạo nhưng được Thiên Chúa cho về trời cả hồn và xác mà không phải đi qua ngưỡng cái chết, gọi là “mông triệu”. Đó là một đặc ân vì Mẹ vô nhiễm nguyên tội, hoàn hảo các nhân đức, và mau mắn xin vâng Thánh ý Chúa Cha. Đức Mẹ về trời là ấn tín bảo đảm cho những người tin vào Đức Kitô cũng sẽ được sống lại và lên trời sau khi hoàn tất chuyến lữ hành trần gian. Lên trời là về Quê Hương Vĩnh Hằng, mục đích của mỗi Kitô hữu là như vậy.

Thị kiến kỳ lạ mà Gioan đã thấy và đã ám chỉ Đức Mẹ. Thánh Gioan cho biết thêm: “Tôi nghe có tiếng hô to trên trời: Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12, 10). Thị kiến này cũng khiến chúng ta phải cẩn trọng hơn về đức ái, nhất là trong cách đối xử với tha nhân hằng ngày.

Ngay cả Hồi giáo cũng tôn trọng Đức Mẹ, coi Đức Mẹ là phụ nữ cao cả nhất trong Kinh Koran (Kinh thánh của Hồi giáo). Công giáo có nhiều danh xưng dành cho Đức Mẹ: Nữ vương Hòa bình, Đức Maria Trinh Vương, Đức Mẹ Phù hộ các Giáo hữu, Đức Mẹ Ban Ơn Lành, Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp, Đức Mẹ Mân Côi, Đức Mẹ Thương Xót, Đức Mẹ Vô Nhiễm, Đức Mẹ Hoa Hồng,… và Đức Mẹ còn gắn liền với các địa danh trên khắp thế giới, riêng Việt nam cũng có Đức Mẹ La Vang, Đức Mẹ Giang Sơn, Đức Mẹ Mằng Lăng, Đức Mẹ Sao Biển, Đức Mẹ Trà Kiệu,…

Tác giả Thánh vịnh đã từng ca tụng: “Hàng cung nữ, có những vì công chúa, bên hữu ngài, hoàng hậu sánh vai, trang điểm vàng Ô-phia lộng lẫy. Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ. Sắc nước hương trời, Quân Vương sủng ái, hãy vào phục lạy: Người là Chúa của bà” (Tv 45, 10-12)

Quyền năng và tình yêu Chúa tràn đầy trên Mẹ làm cho Mẹ được khỏi tội tổ tông và được đầy ơn ơn sủng ngay từ trong lòng mẹ. Quyền năng và tình yêu Chúa bao phủ suốt cả đời Mẹ trên từng ý nghĩ, từng tình cảm, từng mỗi hành động, từng mỗi bước đi… khiến cho tâm hồn Mẹ luôn hướng về Chúa mà tạ ơn và ngợi khen liên lỉ. Quyền năng và tình yêu Chúa đong đầy trọn vẹn nhất trong khoảnh khắc lịch sử, Mẹ lên trời cả hồn cả xác. Đặc ân cao trọng này, chính là triều thiên sáng chói bao phủ lên Mẹ, vốn đã được “Thánh Thần ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao rợp bóng trên bà” (Lc 1,35).

Với lời Xin Vâng và bằng lời Xin Vâng trót cả tâm tình phó thác, Mẹ để cho Thiên Chúa hoàn toàn làm chủ cuộc đời của mình để làm những việc Thiên Chúa muốn làm trong chương trình cứu rỗi loài người chúng ta.

Ngày Chúa Giêsu Đấng Cứu thế ra đời, khởi đầu công việc cứu thế, Mẹ có mặt ở đó để chứng kiến giây phút trọng đại này.

Lúc Chúa khởi sự cuộc đời công khai, tại tiệc cưới Cana, Mẹ có mặt ở đó như một người mẹ luôn lo lắng cho con cái của mình.

Lúc Chúa rao giảng: Mẹ có mặt xa xa; nhưng khi Chúa bị treo trên Thánh Giá: Mẹ đứng thật gần. “Mẹ đứng sát cạnh Chúa Giêsu… như một trợ lực cho người con để Ngài làm xong những công việc cần phải làm cho mọi sự được hoàn tất.”

Và vào ngày đầu tiên đánh dấu sự ra đời của Giáo hội, Mẹ có mặt ở đó với tất cả lòng yêu thương để khích lệ các tông đồ can đảm dấn thân vào cuộc sống mới: Cuộc sống làm chứng cho Chúa Giêsu Phục sinh.

Và rồi Mẹ cũng tiếp tục có mặt, có mặt như một nhắc nhở để những người con của mẹ nơi trần thế chớ có vì cuộc sống tạm bợ mà quên mất trời cao.

Trong Mầu nhiệm Mân Côi mùa Mừng, mầu nhiệm thứ tư: Đức Chúa Trời cho Đức Mẹ lên trời. Xin cho con được chết lành trong tay Đức Mẹ. Mầu nhiệm thứ năm: Đức Chúa Trời thưởng Đức Mẹ trên trời. Xin cho con được thưởng cùng Đức Mẹ trên Nước Thiên Đàng. Hai mầu nhiệm này không chỉ nhắc nhở chúng ta cầu nguyện với Đức Mẹ, mà còn hy vọng được trường sinh để cùng Đức Mẹ mãi mãi chúc tụng Thiên Chúa. Đường về dù xa hay gần, đường đi có thể gập ghềnh nhiều nỗi, nhưng có Đức Mẹ đồng hành thì chúng ta cứ an tâm tiến bước.

Mẹ Maria đã được Chúa đưa cả hồn và xác về trời. Mẹ Maria không chết. Tình Mẹ vẫn mãi mãi thiên thu ở bên đoàn con suốt cuộc đời. Thế nhưng, niềm vui và hạnh phúc chỉ ngập tràn trong cuộc đời chúng ta nếu chúng ta ý thức Mẹ vẫn đang sống bên cạnh chúng ta. Chúng ta đang từng phút giây tận hưởng tình thương và sự chăm sóc vỗ về của Mẹ, nhưng thật bất hạnh nếu chúng ta chỉ sống như người mồ côi, thì  có lẽ chúng ta cũng chỉ ngậm ngùi như người Phật Tử nhận lấy bông hồng trắng trong ngày của mẹ với lời ai oán: “Mất mẹ là mất cả bầu trời” thương yêu.

Mừng lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là chúng ta xác tín lại niềm tin của chúng ta vào Chúa Giê-su: Tôi tin xác loài người ngày sau sống lại.

Xin Đức Mẹ Maria luôn cầu bàu cho mỗi người chúng ta  khi còn ở đời này, biết yêu mến những sự trên trời và để sống như đang sống với Mẹ ở trên trời.

Về mục lục

.

THEO GÓT MẸ

Trầm Thiên Thu

Người ta thường nói: “Con nhà tông không ging lông cũng ging cánh. Một cách ví von đơn giản mà thâm thúy.

Trong cuộc sống đời thường, người mẹ có mức ảnh hưởng sâu đậm tới con cái – hầu như về mọi lĩnh vực. Mẹ đi đâu, con thường khóc đòi theo. Ở bên mẹ vừa an toàn vừa vui sướng. Đặc biệt hơn, chúng ta có một Người Mẹ của các người mẹ là Đức Maria, Thánh Mẫu Thiên Chúa. Chắc chắn chúng ta không thể không ảnh hưởng – nhất là về tâm linh.

Thật vậy, Thánh Ðamianô xác định: “Ðược sng dưới s che ch ca Đc M là mt hnh phúc ln lao. Còn Thánh François de Sales khuyên: “Hãy chy đến vi Đc Maria, ngã vào vòng tay M vi lòng tin tưởng hoàn toàn.

Theo nghĩa bình thường, lên trời là niềm mơ ước của nhiều người, nhưng chỉ ít người đạt được, số ít đó là các phi hành gia. Họ đã lên đó và “gặp” Hằng Nga, điều ma xưa kia là điều không tưởng. Theo nghĩa bình thường như vậy, và mang tính khôi hài một chút, phải nói rằng Chú Cuội là người lên Cung Trăng đầu tiên.

Lên trời như vậy chỉ là “tham quan” mặt trăng, hoặc “khám phá” một hành tinh nào đó, hoặc tìm hiểu các “lỗ đen” trong vũ trụ. Với các Kitô hữu, “lên trời” như vậy chỉ là… “chuyện nhỏ”, “về trời” mới đáng nói, vì đó là Quê Hương Đích Thực, về trời để vĩnh cư chứ không ở chơi ít lâu rồi thôi. Đặc biệt là nơi có Đức Kitô và Đức Maria đang chờ chúng ta. Vâng, về trời là niềm hy vọng lớn nhất và là hoài bão cuối cùng của những người tin vào Đức Giêsu Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.

Nhưng muốn theo Đức Mẹ về trời thì phải noi gương sống của Đức Mẹ, nghe lời dạy của Đức Mẹ là “tuân phục Ý Chúa” – tức là “xin vâng” (Lc 1:38), và nhiệt thành làm “chứng nhân của Chúa cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:8), và quan trọng là can đảm cùng Đức Mẹ đứng dưới chân Thánh Giá để nhận lời trăn trối của Chúa Giêsu (Ga 19:25-27).

Đức Mẹ đã về trời cả hồn và xác – cũng gọi là Đức Mẹ mông triệu (*). Đó là một minh chứng hùng hồn và cụ thể bảo đảm cho niềm tin của chúng ta. Tín điều này được ĐGH Piô XII công bố ngày 1-11-1950, qua Thông điệp “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng Đại).

Nói tới chuyện “lên trời” có liên quan chuyện “hồn ra khỏi xác”, tức là chết. Có chết rồi mới sống lại và lên trời. Chết là “cửa ngõ” vào sự sống vĩnh hằng. Ai muốn làm công dân Thiên Quốc, chắc chắn người đó phải sống Luật Chúa một cách ngoan cường và anh dũng.

T TH KIN

Thánh Gioan kể lại thị kiến về Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, với điềm lớn xuất hiện: “Mt người Ph N, mình khoác mt tri, chân đp mt trăng, và đu đi triu thiên mười hai ngôi sao (Kh 12:1). Thật là vinh quang, nhưng không thiếu gian khó là sự công bằng tất yếu: “Bà có thai, đang kêu la đau đn và qun qui vì sp sinh con (Kh 12:2). Quả thật, không có vinh quang nào lại không có đau khổ. Chính Đức Kitô đã phải qua “cửa tử” rồi mới tới “cửa sống” và chiến thắng khải hoàn. Đau khổ có giá trị cao lắm!

Thánh Gioan cho biết thêm: “Mt Con Mãng Xà đ như la, có by đu và mười sng, trên by đu đu có vương min. Đuôi nó quét hết mt phn ba các ngôi sao trên tri mà quăng xung đt. Ri Con Mãng Xà đng chc sn trước mt người Ph N sp sinh con, đ khi bà sinh xong là nó nut ngay con bà” (Kh 12:3-4). Đây là người-con-đặc-biệt, chính “người con trai này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân”, rồi sau đó, “Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người” (Kh 12:5), còn “người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc, nơi Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (Kh 12:6).

Khi thấy thị kiến này, Thánh Gioan nghe có tiếng hô vang trên trời cao: “Thiên Chúa chúng ta th gi đây ban ơn cu đ, gi đây biu dương uy lc vi vương quyn, và Đc Kitô ca Người gi đây cũng biu dương quyn bính, vì k t cáo anh em ca ta, ngày đêm t cáo h trước toà Thiên Chúa, nay b tng ra ngoài (Kh 12:10). Lúc đó là thời điểm gì? Đó là Giờ Cứu Độ, là thời điểm cuối cùng, là buổi cánh chung, là ngày tận thế, là lúc Chúa Giêsu giáng lâm để xét xử nhân loại, là Giờ Công Lý, không còn Giờ Thương Xót nữa.

Thánh Vịnh diễn tả về Đức Mẹ là “Hoàng Hậu đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy” [Tv 44 (45):10]. Cả triều thần hát vang lời chúc tụng: “Tôn nương hi, xin hãy nghe nào, đưa mt nhìn và hãy lng tai, quên dân tc, quên đi nhà thân ph [Tv 44 (45):11]. Một khi được trực diện Thánh Nhan, gặp chính Thiên Chúa, người ta không còn cần bất kỳ thứ gì khác, vì niềm hạnh phúc quá lớn lao.

Và chính Hoàng Hậu cũng vậy, vì “Người là Chúa của bà” [Tv 44 (45):12]. Người-được-gặp-Chúa không thể trì hoãn bày tỏ niềm hạnh phúc tuyệt vời, dù chỉ trong khoảnh khắc: “Lòng hoan h, đoàn người tiến bước, v tưng bng, vào tn hoàng cung [Tv 44 (45):16]. Trên Núi Tabor, ba Tông đồ (Phêrô, Giacôbê và Gioan) cũng đã từng được tận hưởng niềm hạnh phúc lâng lâng khôn tả, và các ông chẳng còn cần gì nữa (Mt 17:1-9; Mc 9:2-8; Lc 9:28-36).

…TI HIN THC

Đức Kitô là Thiên Chúa Ngôi Hai, đã bị giết chết nhưng cũng đã thực sự sống lại. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của người chết. Thánh Phaolô xác định: “Đc Kitô đã tri dy t cõi chết, m đường cho nhng ai đã an gic ngàn thu (1 Cr 15:20). Tại sao vậy chứ? Thánh Phaolô giải thích: “Nếu ti mt người mà nhân loi phi chết, thì cũng nh mt người mà k chết được sng li. Như mi người vì liên đi vi Ađam mà phi chết thì mi người nh liên đi vi Đc Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sng. Nhưng mi người theo th t ca mình: m đường là Đc Kitô, ri khi Đc Kitô quang lâm thì đến lượt nhng k thuc v Người. Sau đó mi s đu hoàn tt, khi Người đã tiêu dit hết mi qun thn, mi quyn thn và mi dũng thn, ri trao vương quyn li cho Thiên Chúa là Cha (1 Cr 15:21-24). Rất rạch ròi, rõ ràng!

Quả thật là thế, Đc Kitô phi nm vương quyn cho đến khi Thiên Chúa đt mi thù đch dưới chân Người: Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết (1 Cr 15:25), đó là “kẻ độc ác nhất”, và Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Theo Thánh Phaolô, khi nói muôn loài thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Bởi vì, theo Thánh Phaolô, “lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyn trên muôn loài” (1 Cr 15:28). Lý luận cao kiến của Nhà Tư Tưởng vĩ đại Phaolô rất mạch lạc, tuyệt vời, và dễ hiểu!

Thánh sử Luca kể ngắn gọn nhưng đầy đủ: Hồi ấy, cô Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Em Maria chào, đứa con trong bụng nhảy lên, Chị Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần và nói: “Em được chúc phúc hơn mi người ph n, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc (Lc 1:42). Không thể chờ đợi lâu hơn, Chị Êlisabét liền reo vui: “Bi đâu tôi được Thân Mu Chúa tôi đến vi tôi thế này? Vì này đây, tai tôi va nghe tiếng em chào thì đa con trong bng đã nhy lên vui sướng. Em tht có phúc, vì đã tin rng Chúa s thc hin nhng gì Người đã nói vi em (Lc 1:43-45).

Đức Mẹ trở thành người diễm phúc nhờ đức tin kiên vững. Vấn đề là chỗ đó, nhưng đức tin phải vững vàng chứ không thể tin cho có, tin cho vui, tin cho… giống người ta, tin để khỏi “lạc bầy”. Điều này nhắc chúng ta phải tự chấn chỉnh và chăm sóc đức tin của chính mình!

Niềm vui có sức lan tỏa, có khả năng nối kết. Vừa nghe Bà Chị Êlisabét “khen nức” như vậy, Đức Maria không thể kiềm chế niềm vui thánh đức, liền cất tiến ca ngợi Thiên Chúa bằng Bài Thánh Ca Magnificat (Lc 1:46-55):

Linh hn tôi ngi khen Đc Chúa,

Thn trí tôi hn h vui mng vì Thiên Chúa, Đng cu đ tôi.

Phn n t hèn mn, Người đoái thương nhìn ti;

T nay, hết mi đi s khen tôi dim phúc.

Đng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điu cao c,

Danh Người tht chí thánh chí tôn!

Đi n ti đi kia, Chúa hng thương xót nhng ai kính s Người.

Chúa giơ tay biu dương sc mnh, dp tan phường lòng trí kiêu căng.

Chúa h b nhng ai quyn thế, Người nâng cao mi k khiêm nhường.

K đói nghèo, Chúa ban ca đy dư, người giàu có, li đui v tay trng.

Chúa đ trì Ítraen, tôi t ca Người, như đã ha cùng cha ông chúng ta,

Vì Người nh li lòng thương xót dành cho t ph Ápraham và cho con cháu đến muôn đi.

Những lời vàng ngọc của Đức Mẹ chứa đầy sự khiêm nhường, niềm tín thác và lòng yêu thương. Đó cũng là lời kinh mà Giáo hội vẫn dùng để cầu nguyện hằng ngày trong giờ kinh Nhật Tụng.

Sau đó, “Đức Maria ở lại với Chị Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1:56). Đức Mẹ đi thăm người chị họ theo phép xã giao, thể hiện yêu thương, nhưng vấn đề chính là để “báo tin mừng”, muốn phục vụ bà chị đang thai nghén bé Gioan Tẩy Giả. Đức Mẹ không đi tu ngày nào, chẳng hề tiên khấn, đơn khấn hoặc vĩnh khấn, nhưng Đức Mẹ đã anh dũng và kiên cường sống trọn vẹn ba lời khấn: Thanh tuân, thanh bần, và thanh khiết. Một tấm gương chói ngời mà ai ai cũng phải “soi” vào – nhất là các giáo sĩ và tu sĩ.

Đức Maria tự nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn”, nhưng Thiên Chúa đã biến Đức Mẹ thành một Phụ nữ cao trọng bậc nhất trong các loài thụ tạo. Khiêm nhường là nền món vững chắc của Tòa Nhà Đức Tin.

Ly Thiên Chúa, chúng con t ơn Ngài đã ban cho chúng con mt Thánh Mu hơn c s tuyt vi. Xin thương giúp chúng con biết phc v trong s khiêm nhường và tình yêu thương. Ly Hin Mu ca chúng con, xin dn chúng con theo M v tri bng cách biết xin vâng như M trong bt k hoàn cnh nào. Chúng con cu xin nhân Danh Thánh T Giêsu Kitô, Con Yêu Du ca M, Sư Ph và Đi Huynh Trưởng ca chúng con. Amen.

——-

(*) “Mông triu có gc t ch Hán, được rút gn t 4 ch mông ch (chúa) sng triu, nhng t ng thường được nghe trong các phim lch s ca Trung Hoa. Mông là chu hoc “được, triu là gi (triu tp, hiu triu). Mông triu có nghĩa là “được sng ái (yêu mến) nên được Ch (Chúa) gi (v tri), Anh ng dùng thut ng dormition nghĩa là ng, tc là chết mà như ng.

Về mục lục

.

NIỀM VUI PHỤC VỤ

Lm. Jos. DĐH

Khi vui thì cười, lúc buồn lại khóc, gặp đau khổ phải thở than, gặp may mắn thành công, thì hạnh phúc, hệ quả ấy là điều tự nhiên đối với chúng ta, những con người mang trái tim bằng thịt. Thiên hạ bá nhân bá tính, có người vui vì được ăn ngon mặc đẹp, có người vui vì vừa “trúng mánh” trong làm ăn, có người vui vì được nổi tiếng… Nhiều câu hỏi và thắc mắc rất cần được lý giải, chia sẻ, nhất là những ai đang khao khát hoàn thiện mình, vì ý thức cùng đích hạnh phúc của con người không hoàn toàn ở trần gian này.

Hôm nay mừng Mẹ lên trời, Giáo Hội không diễn tả trên trời thế nào, thay vào những ưu tư đó, chúng ta được dẫn đến “niềm vui phục vụ”, nơi một hiền mẫu mang tên Maria. Đức Maria vui vì có dịp lên đường thăm người chị họ, vui vì được phục vụ trong tình nghĩa chị em. Đức Maria vui vì biết rằng Thiên Chúa đoái thương nhân loại, thực hiện lời hứa cứu độ nơi những tâm hồn bé nhỏ, và tiếp tục làm sống động nơi hai con trẻ Gioan và Giêsu. Niềm vui và hy vọng không dừng lại nơi hai tâm hồn thánh đức, khiêm tốn, nhưng vui vì Thánh Thần tác động làm vang lên lời “kinh Magnificat”.

Tụ ngữ có câu : cha mẹ ngoảnh đi, con dại ; cha mẹ ngoảnh lại, con khôn. Bầu khí thân thương gia đình, không hệ tại cá nhân nào, gia đình hạnh phúc là do các thành viên cùng nỗ lực vun đắp. Kinh nghiệm ở đời cho chúng ta thấy : con cái khôn ngoan, vẻ vang cha mẹ. Đức Maria và người chị họ, hẳn chưa dám nghĩ gì đến chuyện khác ngoài niềm vui vì Thiên Chúa đoái thương tới “phận nữ tỳ hèn mọn”, cần phải chu toàn bổn phận đối với tình Chúa yêu thương. Đức Maria hôm nay ở Thiên quốc, tuy không hiện diện để trực tiếp nói với chúng ta, nhưng Mẹ cũng rất vui vì được phục vụ các linh hồn, được hiệp thông cầu nguyện cho chúng ta là con cái của Mẹ.

Cổ nhân nói rằng : người tình nguyện giúp đỡ người khác, không phải vì nợ người đó cái gì, mà vì người ta xem người đó là bạn. Tinh thần phục vụ của Đức Maria là tự nguyện, là vui mừng nhìn nhận người chị họ, là công khai tự nhận mình trong thân phận mọn hèn được Chúa yêu thương. Vui để làm việc, vui để phục vụ, vui để biết sống yêu thương, đặc biệt vui để biết cảm tạ tri ân, đem tình Chúa vào sâu trong tình người. Thiên Chúa không mắc nợ con người, nhưng Ngài luôn mơ ước ban phát và thông chia hạnh phúc cho từng tâm hồn chúng ta.

Hôm nay đây mừng Mẹ Lên Trời, thánh sử Luca cho thấy nét đẹp của Đức Maria không phải là giàu sang phú quý, không phải vì thông thái hơn người, nhưng chính là nét đẹp của tâm hồn đơn sơ thánh thiện, luôn khiêm tốn để ý Chúa được thực hiện. Hôm nay đây, Chúa đang mỉm cười vì chúng ta bất kể giàu hay nghèo, Chúa vui vì chúng ta biết sống tinh thần khiêm tốn như Mẹ Maria, tinh thần của người môn đệ theo Chúa Kitô. Hôm nay đây, niềm vui phục vụ vẫn được xã hội, được mọi đối tượng kính nể, vì trong phục vụ anh chị em mà thiếu đi niềm vui chỉ là một sự đánh đổi mà thôi.

Trong Thúy Kiều của Nguyễn Du có câu : đoạn trường ai có qua cầu mới hay. Như lời nhắc nhớ, chỉ những ai đã từng đau khổ, đã từng sống trong vui buồn sướng khổ, họ sẽ đủ kinh nghiệm để chia sẻ, để trợ giúp chúng ta đến thành công. Đức Maria đã sống ơn gọi làm con Thiên Chúa, đã sống niềm vui phục vụ trong ba tháng bên người chị họ, đã theo Đức Giêsu 33 năm tại trần thế…. Hôm nay đây, chính niềm tin đã cho chúng ta biết Đức Maria vẫn đang vui vì được phục vụ Giáo Hội, vui vì được hiệp thông trọn vẹn với Chúa Giêsu nơi tâm hồn thế nhân. Vui vì sẽ có chúng ta đạt được hạnh phúc Nước Trời. Amen.

Về mục lục

.

MẸ VỀ TRỜI, HY VỌNG VÀ HẠNH PHÚC CỦA CHÚNG TA

Lm. Antôn Nguyn Văn Đ

Kính chào trinh n đy ơn phúc, Thiên Chúa cùng trinh n”  (Lc 1, 28). Lời chào trên đây của Sứ Thần Gabriel được chúng ta không ngớt dâng lên Đức Mẹ nhiều lần trong ngày. Hôm nay, chúng ta lặp lại với niềm vui khôn tả và chứa chan niềm hy vọng trong ngày lễ Đức Maria hồn xác về Trời, một tương lai tuyệt vời không ngừng thu hút người tín hữu nói riêng và nhân loại nói chung. “Ðng đy ơn phúc” là tên mà Thiên Chúa qua miệng Sứ Thần muốn gọi Đức Trinh Nữ Maria.

Ðy ơn phúc” là phúc lành thiêng liêng Thiên Chúa gửi cho Mẹ ! Mẹ được chúc phúc hơn các người phụ nữ (x. Lc 1 : 42) ! Chúa Cha đã chọn Mẹ trong Đức Giêsu Kitô từ trước khi tạo thành vũ trụ, ngõ hầu Mẹ trở nên thánh thiện và tinh tuyền trước nhan thánh Chúa.

Chúa Giêsu Kitô là chồi non mọc lên để đạp dập đầu con rắn xưa, theo sách Sáng Thế (x. St 3 , 15); là Con Chiên không tì vết (x. Xh 12, 5 , 1P 1, 19) tự hiến tế để cứu chuộc con người. Sau khi hạ mình xuống trong cuộc thương khó, Người đã sống lại vinh quang lên Tri ng bên hu Thiên Chúa đến muốn đời.

Theo lời thánh Lêo Cả, khi Vị Thủ Lãnh của chúng ta bước vào thiên đàng và ở trên đó, “vinh quang ca Đu” đã trở thành “nim hy vng cho thân xác” (x. Sermo Ascensione Domini). Chúa Giêsu đã vĩnh viễn bước vào thiên đàng, “Người là Đu và là Trưởng T gia đàn em đông đúc” (Rm 8, 29). Vì bản tính của chúng ta là ở trong Thiên Chúa và ở trong Đức Giêsu Kitô, nên vì loài người chúng ta (thân xác), Chúa Giêsu là (Đầu) hằng sống đến muôn thủa muôn đời hằng cầu thay nguyện giúp cho chúng ta trước mặt Chúa Cha ( x. Dt 7 , 25).

Đức Giêsu, Vị Thủ Lãnh của chúng ta đã chiến thắng tội lỗi và sự chết, hiển vinh về Trời, Người cũng rước Đức Maria Mẹ yêu dấu của Người về Trời cả hồn lẫn xác. Từ trên cao vinh hiển, Người gửi cho Giáo hội một sứ điệp hy vọng và mời gọi hướng đến sự thánh thiện trên Trời nơi Người đang ngự bên hữu Thiên Chúa cùng với Mẹ Người được ân thưởng. Trong chiến thắng của Adam mới, đó cũng là của Evà mới, mẹ của những người đã được cứu chuộc. Do đó Đức Maria được ân thưởng về Trời là một dấu chỉ niềm hy vọng cho tất cả chúng sinh, những người đã chiến thắng Sa-tan nhờ máu của Con Chiên (x. Kh 12 , 11).

Hôm nay cùng với toàn thể Giáo hội, chúng ta long trọng mừng Lễ Đức Maria về Trời trong niềm tin và hy vọng chứa chan như thánh Bernarđô nói : “Đc Maria N Trinh vinh hin v Tri đã gia tăng hnh phúc và nim hy vng nơi chúng ta”. Ngài thêm : “Đức Maria, Phần Tử ưu tú trên địa cầu chúng ta đang sống được đưa từ đất về trời, là một món quà vô cùng cao quí, sự vinh thăng ấy là cuộc trao đổi kỳ diệu giữa đất với trời, giữa con người trần thế với thế giới thần linh. Mẹ là hoa quả tuyệt vời của trái đất đã được đưa lên cao, để từ trên nơi cao xanh ấy ơn sủng lại tuôn đổ chan hòa xuống trên mặt đất, nghĩa là chính từ nơi Đức Maria diễm phúc được rước lên đó, đến lượt mình, Mẹ lôi kéo muôn vàn ân sủng xuống cho nhân loại”.

Ân sủng Mẹ chuyển xuống chính là Lời, Lời mà Mẹ đã đón nhận và cẩn thận ghi nhớ cũng như cưu mang trong lòng. Khi cưu mang Lời trong lòng, Mẹ cũng cưu mang Sự Sống của chúng ta : “Đc Maria vi vã lên đường, đến mt thành x Giuđêa. Bà vào nhà ông Dacaria và chào bà Êlisabét” (Lc 1,39-40). Sự hiện diện của Mẹ Maria  làm cho thế giới vui mừng như bà Êlisabét nói : “Vì khi va nghư tiếng em chào, thì hài nhi nhy mng trong lòng tôi” (Lc 1,44).

Mẹ vui mừng, Mẹ cũng làm cho thế giới mừng vui, niềm vui của Mẹ trở thành bài thánh ca muôn thủa : “Linh hn tôi ngi khen Đc Chúa, thn trí tôi hn h vui mng vì Thiên Chúa Đng Cu Đ tôi!” (Lc 1,46-47). Thật là một quả phúc tuyệt vời trên cõi trời cao ban xuống cho nhân loại. Bài Ca Tạ Ơn của Đức Maria đã trở thành Lời Thiên Chúa. Trong bài ca ấy, chúng ta tìm ra con đường để hiểu biết con người và Thiên Chúa như thế nào, và trần thế cũng như thiên đàng ra làm sao. Tất cả hợp nhất cùng nhau để có thể hành động như Mẹ, trở nên món quà Thiên Chúa tặng ban cho người khác.

Mừng kính Đức Trinh Nữ Maria hồn xác về trời, chúng ta không chỉ mừng vì Thiên Chúa đã làm cho Mẹ những điều trọng đại, mà còn mừng vì tương lai của mỗi chúng ta. Thánh Phaolô nói: “Anh em khi phi phin su như nhng người khác, nhng k không có hy vng” (1 Tx 4, 13). Chúng ta cố gắng hiểu để sống sao cho xứng danh là người hy vọng.

Vậy mỗi người chúng ta hãy sống hy vọng, hãy làm ngày lại ngày, không buông tay, mặc cho những ngang trái của cuộc đời. Phúc cho chúng ta, nếu chúng ta can đảm chiến đấu mỗi sáng khi thức dậy cho cuộc sống đáng sống của mọi người trên trái đất. Nếu như khi xưa Mẹ đã đến với bà Êlisabet, làm cho cả gia đình bà vui mừng, thì ngày hôm nay Mẹ vẫn đến với chúng ta. Mẹ mở rộng vòng tay nói với chúng ta rằng : hỡi con, hãy tin tưởng và hy vọng, Chúa đã dọn chỗ cho con.

Nữ Vương linh hồn và xác lên Trời, cầu cho chúng con. Amen.

Về mục lục

.

THIÊN CHỨC CỦA ĐỨC TRINH NỮ MARIA

P.Trần Đình Phan Tiến

Vâng, kính thưa quý vị, thưa các bạn  Đoạn Tin Mừng ( Lc 1, 39 -56) hôm nay được Giáo Hội chọn đọc trong Lễ trọng thể mừng kính Đức Maria Hồn Xác về Trời, là một Đoạn tin Mừng không xa lạ với người Kitô hữu. Bởi vì, Đọan Tin Mừng hôm nay là Đoạn Tin Mừng gắn liền với sự kiện “Trọng Đại” của Đức Mẹ.

Như chúng ta biết, đây là Đoạn Tin Mừng gắn liền sau biến cố “Truyền Tin “, từ biến cố Truyên Tin, Đức Mẹ đã trở nên “Gương Mẫu” cho mọi dân tộc, đầu tiên là dân tộc Israel của Mẹ, sau đó là toàn thể nhân loại.

Vâng, Đoạn Tin Mừng ( Lc 1, 39 -56) hôm nay sẽ xác quyết điều ấy. Theo đó, Đoạn Tin Mừng hôm nay có hai phần rõ ràng:

  • Thứ nhất : Đức Maria đi thăm viếng người chị họ Ê-li-sa-bét ( c 39 – 45)
  • Thứ Hai : Đức Maria ngợi khen chúc tụng Thiên Chúa.

Như chúng ta biết, sau khi sứ  thần Truyền Tin, Mẹ “đáp lời” xin vâng, đồng thời, Mẹ nhận được tin “mừng” của người chị họ Ê-li-sa-bét. Thần trí Mẹ vui mừng hoan hỷ, cùng với Thánh Sùng trong cung lòng của Mẹ là Đấng Cứu Thế, Tức ơn Cứu Độ đã tỏ hiện , đã có “hiệu nghiệm’ nơi một Nữ Tỳ hèn mọn của Thiên Chúa. Vâng, sự hèn mọn nơi Mẹ là sự khiêm cung, sự vâng lời Thiên Chúa tuyệt đối nơi Mẹ, sự khiêm nhường thẳm sâu của một thụ tạo trước Đấng Tạo Thành, để cộng tác vào Mầu Nhiệm Cứu Độ của Thiên Chúa .Hèn mọn của một thụ tạo trước Đấng vô biên, Mẹ luôn xác tín điều ấy.

Một tâm trạng hoan hỷ của một vị vửa được nhận lời “Truyền Tin” , Lời mà sứ thần loan báo, và một sự kiện lạ lùng, mà chính Mẹ cảm thấy “ bối rối” lúng túng “lo âu”. Một đặc ân, mà muôn vật nín thở đợi chờ, đó là “giây phút “  Truyền Tin. Giây phút, mà mọi thụ tạo muôn đời ngóng trông, nhưng , chỉ một “người phụ nữ” diễm phúc “nhận lãnh”. Đó là Đức Trinh Nữ Maria đời đời diễm phúc. Và , quả thật là như vậy.

Từ đó, ân sủng diệu kỳ không dành cho một mình Mẹ, nhưng, từ ân sủng “trọng đại” ấy, Mẹ đã được diễm phúc đứng đầu cả một thế hệ của “lòng tin”, vâng, và như vậy, Mẹ được chúc phúc để đứng đầu nhân loại mới, tức một thế hệ được tái sinh trong mầu nhiệm cứu độ…

Vì vậy, khi Mẹ gặp gỡ người chị họ, sau khi tất tả vượt một đoạn đường dài để đến nơi, sự gặp gỡ chân tình , và lời chào của Mẹ, thì thai nhi trong lòng bà Ê-li-sa-bét cũng nhảy mừng.Một tín hiệu kỳ diệu, mà chính bà Ê-li-sa-bét phải cất lên lời: “Bởi đâu, tôi được Mẹ ( Thân Mẫu ) Chúa tôi, viếng thăm tôi thế nầy, vì tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì hài nhi trong dạ nhảy mừng. Em thật có phúc vì enm đã tìn rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em : ( c 43 – 45) Chúng ta thấy, lời chúc tụng, đồng thới xác tín mầu nhiệm cứu độ mà Mẹ đang mang đến cho gia đình bà Ê-li-sa-bét. Như vậy, ơn Cứu Độ đầu tiên được đến với gia đình bà Ê-li-sa-bét, là thân mẫu thánh Gioan Tiền Hô.

Một sự khen ngợi không phải đầu môi , chót lưỡi, mà là từ trong tâm trí, trong cung lòng của một con người cũng được Thiên Cjhúa đoái thương. Vâng, khi nhận được, hay là được sống trong tâm trạng như thánh Ê-li-sa-bét, chúng ta có cảm nhận và trân quý tình Thiên Chúa như gia đình thánh nữ Ê-li-sa-bét khi được Đức Maria đem đến không ?

  • Phần thứ hai : Bài ca Magnificat

Qua lời chúc ngợi chân thành, tức nói lên sự thật của bà Ê-li-sa-bét, Đức Maria đã cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa.

Phần ngợi khen của Đức Maria là lời cảm tạ chân thành, tri ân sâu thẳm của một thụ tạo đang đón nhận một công trình Cứu Độ vĩ đại của Thiên Chúa. Vì từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc.

  • “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa , Đấng Cứu Độ tôi. (c 47)

Vâng, Mẹ đã xác tín ơn Cứu Độ là do bởi Thiên Chúa, sự xác tín ấy trước tiên là cho chính bản thân Mẹ. Toàn thân cả hồn và xác Mẹ xác quyết điều ấy.

  • Phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thương nhìn tới ; tứ nay hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (c 48)

Mẹ tuyên tín vào tình thương của Thiên Chúa, một người tín hữu trung kiên xác quyết niềm tin tuyệt đối vào Đấng toàn năng. Một đặc ân, mà chính Mẹ cảm nhận được qua ơn cứu độ, mà ơn cứu độ ấy không phải dành cho một ai , mà hết thảy mọi đời sẽ khen Mẹ diễm phúc. Như vậy, điều nầy, và từ đây” Mẹ sẽ là Mẹ của một dân tộc được đón nhận ơn cứu độ”, và dân tộc ấy trường cửu, trường tồn. Như vậy, mẹ được gọi là ”Eva mới”, hay là “Mẹ chúng sinh”, “Mẹ nhân loại mới”.

  • Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, Danh Người thật chí thánh, chí tôn ! ( c 49).

Lời chúc tụng chân thành của một thụ tạo trước Đấng Tạo Thành thật là phải lẽ. Song, nơi Mẹ, còn là một sự xác quyết tuyệt đối, không đấu môi, chót lưỡi.

Vì Mẹ xác quyết rằng : Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người ( c 50).

  • Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. ( c 51).
  • Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường.( c 52)

Vâng, chính là Thiên Chúa, và chỉ có Thiên Chúa mới làm được như vậy. lời ca tụng bởi sự xác quyết và  lời xác quyết bởi chân lý. Nói lên, đặc tính duy hất nơi Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng. Sự Toàn Năng, tức sự vô biên, đứng trên sự hữu hạn của thụ tạo. Đức Maria đã  được soi sáng cảm nhận, xác tín, đặc tính duy nhất tuyệt đối, nhưng do bởi “Lòng Xót Thương” , có nghĩa là vô vị lợi nơi Thiên Chúa dành cho nhân loại và người đứng đầu là Mẹ.  Một đặc sủng vô tiền khoáng hậu , mà Thiên Chúa ban cho Mẹ.

  • Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư, người giàu có, lại đuổi về tay trắng. ( c 53)

Sự công bằng tuyệt đối, sự an ủi cao vời Chúa dành cho người nghèo khó. Nghèo khó ở đây không hẳn nhiên là vật chất, mà là tâm linh, vì người nghèo vật chất, đôi khi chưa hẳn là người tốt, do lười biếng, hay ích kỷ. Nếu do bệnh tật, do thiếu thốn điều kiện, hay do thiếu tài năng. Ý nói ở đây là, giữa những người Israel có học thức, giới kinh sĩ, biệt phái. Sự giàu có theo nghĩa Tin Mừng có nghĩa là chấp nhận đánh đổi cuộc sống vất chất trần thế để đổi lấy Nước Trời.

Nghèo khó của cải vất chất là không gian tham, không mưu mô hãm hại tha nhân để chiếm đoạt bất công, vì mọi thứ đều có sở hữu. Sở hữu chủ của vật chất là công sức tạo ra trong đó có ân ban bởi Thiên Chúa.

  • Chúa độ trì Israel, tôi tớ của Người, như đã hứa cùng cha ông chúng ta, vì Người nhớ lại lòng thương xót dành cho tổ phụ Ap-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời.” ( c 54 -55)

Như vậy, Đức Mẹ thật am tường Thánh Kinh, cuộc đời của Đức Mẹ đến tuổi thiếu nữ nầy, nhưng Mẹ hiểu lịch sử Lời hứa ban ơn Cứu Độ của Thiên chúa, đồng thời, Thánh Thai Chúa Cứu Thế đang ngự trong cung lòng Mẹ, mặc nhiên ân sủng Thần Linh đang tác động đến thần trí Mẹ.

Như vậy, khởi đi từ bài đọc I , sách Khải Huyền (Kh 11, 19a; 12, 1-6a; 10ab) hôm nay mặc khải mầu nhiệm Hồn Xác về Trời của Đức Maria. Một chân lý hiển nhiên, vì nơi Mẹ không vướng tỳ vết nguyên tổ và tội riêng, một đặc ân hữu lý, mà Thiên Chúa dành cho Mẹ.

Cũng như Chúa Giêsu là Đầu Hội Thánh, là Trưởng Tử, thì Đức Maria là Mẹ nhân loại mới, Mẹ cưu mang, sinh hạ một Tân Kỷ Nguyên Cứu Độ, mà Ngôi Lời là Giêsu, mặc nhiên, thân xác hữu hình của Mẹ không vường mắc điều gì, và để minh định tín điều xác loài người sẽ sống lại, mặc nhiên, thân xác hữu hình của Mẹ cũng được sống lại cùng với Linh hồn vẹn sạch của Mẹ. Và , điều nầy đối với Mẹ chỉ là thời gian mà thôi. Sự bắt đầu từ môt thụ tạo tinh tuyền được sống lại cả hồn và xác ở trên thiên đình, chính là đích điểm, đồng thời là dẫn đầu trong mầu nhiệm xác thân của loài người là một niềm tin bất tử, bất diệt như linh hồn. Chỉ chết thật khi ở ngoài Thiên Chúa. Vì vậy, Thiên Chức của Đức Mẹ chính là Mẹ nhân loại.

Lạy Thiên Chúa là Cha toàn năng, Cha đã ban cho loài người một Hiền Mẫu là Đức Trinh Nữ Maria, một thụ tạo kiều diễm trong ân sủng, MỘT NỮ TỲ KHIÊM ÁI, để cộng tác vào ơn Cứu Độ loài người bởi Cha. Người đã sinh hạ Đấng Cứu Thế mà hoàn toàn trinh khiết vẹn tuyền, nhờ quyền năng Thánh Thần, Người đã được diễm phúc làm Mẹ Đấng Cứu Chuộc. Vì vậy, đến hồi viên mãn, Người được Cha ban cho đặc ân về Trời cả hồn và xác., hầu minh định xác loài người cũng bất tử như linh hồn. Vì vậy, Người  đã dẫn đầu một đoàn con cái đông số và được gọi là Mẹ Nhân Loại./. Amen

  • LẠY NỮ VƯƠNG HỒN XÁC VỀ TRỜI , CẦU CHO CHÚNG CON.

Về mục lục

.

VẦNG TRĂNG MẸ

Trầm Thiên Thu

THÁNH MẪU VINH QUANG LÊN CAO ĐỈNH PHÚC

PHÀM NHÂN ƯỚC VỌNG ĐƯỢC ĐẾN MIỀN SINH

Vầng trăng rằm tháng Tám là trăng tròn nhất và sáng nhất trong năm, thời gian đã vào giữa mùa Thu, cũng đồng nghĩa là giữa năm – âm lịch gọi là Rằm Trung Thu. Vầng trăng rằm thiên nhiên gợi nhớ Đức Maria, Vầng Trăng Thánh của Thiên Chúa, và có điều thật thú vị là lễ Đức Mẹ Lên Trời cũng vào ngày rằm – rằm tháng Tám dương lịch. Trăng luôn có gì đó kỳ lạ, và Mẹ luôn có điều kỳ diệu – dù chỉ là người mẹ trần gian cũng vậy.

Có điều khác lạ nữa là Giáo Hội dành Tháng Tám để biệt kính Mẫu Tâm Đức Maria. Tôn sùng Mẫu Tâm cũng là một trong ba mệnh lệnh Đức Mẹ đã ban truyền khi hiện ra với ba em nhỏ tại làng Fátima tại Bồ Đào Nha năm 1917.

Là một thụ tạo nhưng Đức Mẹ vô nhiễm Nguyên Tội và không chịu hệ lụy của tội, đã được Thiên Chúa cho về trời cả hồn và xác mà không phải đi qua ngưỡng cái chết – gọi là “mông triệu”. Theo Hán ngữ, “mông triệu” được rút gọn từ câu “mông chủ sủng triệu” (mông chủ nghĩa là “chúa”), những từ ngữ thường được nghe trong các phim lịch sử của Trung Hoa. “Mông” là “chịu” hoặc “được”, “triệu” là “gọi” (triệu tập, hiệu triệu). “Mông triệu” có nghĩa là “được sủng ái” (yêu mến) nên được Chủ (Chúa) gọi về trời, Anh ngữ dùng thuật ngữ “dormition” nghĩa là “ngủ” – tức là “chết mà như ngủ”.

Lên trời là niềm hy vọng lớn nhất và là hoài bão cuối cùng của những người tin vào Đức Giêsu Kitô, nói cho sát nghĩa phải nói là “về trời”. Thế gian chỉ là nơi tạm trú, Trời (Thiên Đàng) mới là nơi vĩnh cư. Động từ “về” chỉ hành động “tới nơi mình ở”, người ta nói “về nhà” chứ không nói về nơi không là chỗ của mình. “Lên trời” ở đây mang nghĩa “về trời” chứ không là chuyện viễn vông như chú Cuội lên cung trăng, cũng không chỉ là “tham quan” mặt trăng, là “khám phá” sao Hỏa, một hành tinh nào đó, hoặc “lỗ đen” trong vũ trụ. Về trời là để sống đời trường sinh và đồng hưởng thiên phúc với Thiên Chúa, sau khi chúng ta chết trong ơn nghĩa của Chúa và được Ngài cho sống lại.

Việc kính mừng đại lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời là lời nhắc nhớ chúng ta về niềm xác tín được đề cập trong Kinh Tin Kính: “Tôi tin xác loài người ta sẽ sống lại”. Niềm tin này được củng cố bằng tín điều Đức Mẹ mông triệu, được ĐGH Piô XII ban hành Tông hiến “Munificentissimus Deus” (Thiên Chúa Quảng Đại) ngày 1-11-1950. Với Quyền Tông Tòa, ngài đã long trọng công bố tín điều Đức Maria lên trời cả hồn và xác. Tín điều nghĩa là điều buộc mọi Kitô hữu phải tin.

Đại lược Tông hiến quan trọng này: “Sau khi chúc tụng lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa đã yêu thương quan phòng làm êm dịu những khổ đau, đem lại niềm an vui cho các dân tộc, Đức Thánh Cha nêu cao sự kiện ơn Chúa thương, dù giữa thời buổi nhiều người sai lạc chân lý và nhân đức, vẫn có nhiều cách biểu lộ đức tin, lòng sùng mến Mẹ Maria và những con cái Mẹ vẫn được khuyến khích chiêm niệm những đặc ân của Mẹ. Thật vậy, từ muôn đời, Thiên Chúa đã đặc biệt yêu thương Mẹ và rồi ban cho Mẹ dạt dào những đặc ân mà Giáo hội nhận biết và khám phá ra. Nhưng thời đại của chúng ta đã được dành riêng để chiêm ngưỡng đặc ân Đức Mẹ hồn xác lên trời”.

Khi đề cập tình trạng “lên trời” cũng ngụ ý sự chết, liên quan Ngày Cánh Chung. Bởi vì có chết rồi mới sống lại và lên trời, chứ phàm hèn chúng ta không thể “lên trời” như ngôn sứ Êlia (2 V 2:11). Tuy nhiên, muốn trở thành công dân Nước Trời thì phải sống trọn vẹn các Giới Răn của Thiên Chúa một cách ngoan cường và anh dũng. Như vậy mới khả dĩ cầm được “tấm visa” chắc chắn trong tay!

ĐƯỢC MẶC KHẢI

Thánh Gioan cho biết rằng Đền Thờ Thiên Chúa ở trên trời mở ra, và rồi có điềm lớn xuất hiện trên trời: “Một người Phụ Nữ, mình khoác mặt trời, chân đạp mặt trăng, và đầu đội triều thiên mười hai ngôi sao” (Kh 12:1). Thật là uy nghi và vinh hiển, nhưng cũng đầy gian nan khổ cực: “Bà có thai, đang kêu la đau đớn và quằn quại vì sắp sinh con” (Kh 12:2). Đó là điều chắc chắn, bởi vì không có vinh quang nào lại vắng bóng đau khổ – dù nhiều hay ít. Thật vậy, chính Đức Kitô cũng đã chịu đau khổ tột cùng rồi mới phục sinh vinh thắng.

Theo sách Khải Huyền, lại có thêm một điềm khác xuất hiện trên bầu trời: “Một Con Mãng Xà đỏ như lửa, có bảy đầu và mười sừng, trên bảy đầu đều có vương miện. Đuôi nó quét hết một phần ba các ngôi sao trên trời mà quăng xuống đất. Rồi Con Mãng Xà đứng chực sẵn trước mặt người Phụ Nữ sắp sinh con, để khi bà sinh xong là nó nuốt ngay con bà” (Kh 12:3-4). Nhưng “người con trai này sẽ dùng trượng sắt mà chăn dắt muôn dân” (Kh 12:5a). Sau đó, “Con bà được đưa ngay lên Thiên Chúa, lên tận ngai của Người” (Kh 12:5b), còn “người Phụ Nữ thì trốn vào sa mạc”, nơi mà “Thiên Chúa đã dọn sẵn cho bà một chỗ ở, để bà được nuôi dưỡng ở đó, trong vòng một ngàn hai trăm sáu mươi ngày” (Kh 12:6).

Và ngay lúc đó, Thánh Gioan nghe có tiếng hô to trên trời: “Thiên Chúa chúng ta thờ giờ đây ban ơn cứu độ, giờ đây biểu dương uy lực với vương quyền, và Đức Kitô của Người giờ đây cũng biểu dương quyền bính, vì kẻ tố cáo anh em của ta, ngày đêm tố cáo họ trước toà Thiên Chúa, nay bị tống ra ngoài” (Kh 12:10). Đó chính là Giờ Cứu Độ, là khoảnh khắc cuối cùng, là buổi cánh chung, là ngày tận thế, là lúc Chúa Giêsu giáng lâm.

Trong Cựu Ước cũng đã có lời tiên tri về Đức Mẹ: “Hoàng hậu đứng bên hữu Đức Vua, mặc đồ trang điểm vàng ròng lộng lẫy” [Tv 44 (45):10]. Và có lời hiệu triệu: “Tôn nương hỡi, xin hãy nghe nào, đưa mắt nhìn và hãy lắng tai, quên dân tộc, quên đi nhà thân phụ” [Tv 44 (45):11]. Một khi đã có Thiên Chúa rồi, được diện kiến Thánh Nhan rồi, chắc chắn người ta vô cùng hạnh phúc, vì thế mà người ta chẳng còn cần gì nữa và xác định: “Người là Chúa của bà” [Tv 44 (45):12]. Và người đó thể hiện niềm hạnh phúc tuyệt vời cùng những người khác: “Lòng hoan hỷ, đoàn người tiến bước, vẻ tưng bừng, vào tận hoàng cung” [Tv 44 (45):16]. Ôi, hạnh phúc biết bao!

ĐƯỢC ỨNG NGHIỆM

Ứng nghiệm là trở nên hiện thực một cách kỳ lạ. Chúng ta khả dĩ biết rằng Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa của người sống chứ không phải của người chết. Thánh Phaolô xác định: “Đức Kitô đã trỗi dậy từ cõi chết, mở đường cho những ai đã an giấc ngàn thu” (1 Cr 15:20). Tại sao? Vì “nếu tại một người mà nhân loại phải chết, thì cũng nhờ một người mà kẻ chết được sống lại” (1 Cr 15:21). Thánh Phaolô giải thích: “Như mọi người vì liên đới với Ađam mà phải chết thì mọi người nhờ liên đới với Đức Kitô, cũng được Thiên Chúa cho sống. Nhưng mỗi người theo thứ tự của mình: mở đường là Đức Kitô, rồi khi Đức Kitô quang lâm thì đến lượt những kẻ thuộc về Người. Sau đó mọi sự đều hoàn tất, khi Người đã tiêu diệt hết mọi quản thần, mọi quyền thần và mọi dũng thần, rồi trao vương quyền lại cho Thiên Chúa là Cha” (1 Cr 15:22-24).

Đúng như vậy, chính Đức Kitô phải nắm vương quyền cho đến khi Thiên Chúa đặt mọi thù địch dưới chân Người: Thù địch cuối cùng bị tiêu diệt là sự chết (1 Cr 15:25), nghĩa là Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô – Vua của muôn vua và Chúa của các chúa. Theo Thánh Phaolô, khi nói muôn loài thì dĩ nhiên không kể Đấng đặt muôn loài dưới chân Đức Kitô. Vì “lúc muôn loài đã quy phục Đức Kitô, thì chính Người, vì là Con, cũng sẽ quy phục Đấng bắt muôn loài phải quy phục Người; và như vậy, Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15:28). Lý luận của Hiền triết Phaolô thật là mạch lạc, thú vị và tuyệt vời!

Thánh sử Luca tường thuật rạch ròi và chi tiết: Hồi ấy, cô Maria vội vã lên đường, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa, vào nhà Anh Dacaria và chào hỏi Chị Êlisabét. Chị Êlisabét vừa nghe tiếng Em Maria chào thì đứa con trong bụng nhảy lên, và Chị Êlisabét được đầy tràn Thánh Thần, liền nói: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1:42). Rồi Chị Êlisabét thể hiện niềm vui sướng của mình: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này? Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1:43-45).

Vấn đề quan trọng là tin hay không tin, mà tin rồi thì phải tin vững vàng chứ không thể mơ hồ, “chắc chắn” chứ không “có lẽ” – gọi là xác tín và thâm tín. Đức Mẹ là người diễm phúc vì Đức Mẹ có đức tin kiên vững. Điều này “nhắc khéo” chúng ta rằng mỗi tín nhân phải tự xem lại đức tin của chính mình. Thật vậy, đôi khi chúng ta tưởng mình có niềm tin kiên vững, nhưng rồi chúng ta lại chao đảo khi “không như ý”. Thật tồi tệ!

Khi Chị Em hàn huyên tâm sự, và rồi nghe Chị Êlidabét lên tiếng “khen” như vậy, Cô Em Maria liền hân hoan dâng lời chúc tụng Thiên Chúa qua bài MAGNIFICAT – Bài Ca Ngợi Khen (Lc 1:46-55):

Hồn tôi ca ngợi Chúa Trời

Trí tôi hớn hở mừng vui vô cùng

Vì Thiên Chúa, Đấng muôn trùng

Đã thương nhìn tới phận thường nữ nhi

Mọi đời mãi mãi ngợi ca

Rằng tôi diễm phúc, người ta chẳng bằng

Bao điều cao cả vô song

Đều do chính Đấng Toàn Năng đã làm

Danh Người chí thánh chí tôn

Lòng thương xót Chúa trải muôn muôn đời

Tay Người sức mạnh tuyệt vời

Dẹp hết những người lòng trí kiêu căng

Người quyền thế hết đường ngông

Còn kẻ khiêm nhường được Chúa nâng cao

Những người nghèo Chúa thưởng nhiều

Còn những người giàu chịu trắng tay luôn

Chúa phù hộ Ít-ra-en

Những người tôi tớ vẫn luôn tín thành

Như lời Chúa hứa rành rành

Lòng thương xót Chúa vẫn dành tôi trung

Áp-ra-ham Tổ phụ chung

Muôn đời con cháu được đồng hưởng ơn

Ngôn từ của Đức Mẹ chất chứa đầy sự khiêm nhường, lòng tín thác và tình yêu thương. Đó cũng là lời kinh mà Giáo Hội sử dụng hằng ngày khi cầu nguyện, đặc biệt trong giờ kinh Nhật tụng (Thần vụ).

Thánh sử Luca cho biết: “Đức Maria ở lại với bà Êlisabét độ ba tháng, rồi trở về nhà” (Lc 1:56). Đức Mẹ không chỉ đi thăm chị họ theo phép xã giao mà còn là để “báo tin mừng”, đặc biệt là để phục vụ Bà Chị đang mang thai bé Gioan Tẩy giả.

Thật lạ lùng, Đức Mẹ không đi tu ngày nào, cũng chưa một lần tiên khấn, đơn khấn hoặc vĩnh khấn, nhưng Đức Mẹ đã anh dũng và kiên cường sống trọn vẹn ba lời khấn: Thanh tuân, thanh bần, và thanh khiết. Đúng là trên cả tuyệt vời. Đức Mẹ là một tu sĩ đặc biệt: Nữ-Tu-Không-Tu-Phục. Một tấm gương chói ngời mà mọi người đều phải “soi” vào, không riêng gì giáo sĩ và tu sĩ.

Kính mừng Thánh Mẫu mông triệu là dịp tốt để mỗi chúng ta tái xác nhận điều chúng ta vẫn cầu nguyện: Xin được ơn chết lành trong vòng tay của Đức Mẹ, và xin được thưởng cùng Đức Mẹ trên Thiên Đàng. Thánh GM Fulgentius (462-527) nói: “Mẹ là chiếc thang bắc lên Trời. Nhờ Mẹ mà Thiên Chúa đã từ Trời xuống thế gian, và cũng nhờ Mẹ mà loài người từ đất lên tới Trời”. Còn Thánh TS Bonaventura (1221-1274) xác định: “Đức Mẹ là phần rỗi của mọi người kêu cầu Người. Ai bền lòng phụng sự Mẹ thì không thể hư mất. Những ai tin tưởng xin Mẹ cầu bầu đều được cứu rỗi”. Được cứu rỗi nghĩa là được về trời. Ôi, Mẹ thật kỳ diệu, và cũng rất hạnh phúc cho phàm nhân chúng ta!

Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Ngài đã thương ban một Người Mẹ Thánh tuyệt vời cho Giáo Hội. Xin thương giúp con biết khiêm nhường phục vụ, luôn biết “xin vâng” trong mọi hoàn cảnh – dù vui hay buồn, để con chắc chắn sẽ được cùng Thánh Mẫu vui hưởng phúc trường sinh. Xin Vầng Trăng Mẹ luôn chiếu sáng trong “đêm đời” của mọi người. Con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Mẹ, Sư Phụ và Đại Huynh Trưởng của mọi người, và là Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

ĐỂ ĐƯỢC CÙNG MẸ ĐI THEO CHÚA LÊN TRỜI

Lm. Đan Vinh

I.  HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Lc 1,39-56

(39) Hồi ấy, bà Ma-ri-a lên đường vội vã, đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giuđa. (40) Bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét. (41) Bà Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng bà Ma-ri-a chào, thì đứa con trong bụng nhảy lên, và bà được tràn đầy Thánh Thần, (42) liền kêu lớn tiếng và nói rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc. (43) Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ? (44) Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng. (45) Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”.(46) Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa, (47) thần trí tôi hớn hở vui mừng vì Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi (48) Phận tỳ nữ hèn mọn Người đoái thương nhìn tới. Từ nay, hết mọi đời sẽ khen tôi diễm phúc. (49) Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn ! (50). Đời nọ tới đời kia, Chúa hằng thương xót những ai kính sợ Người. (51) Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. (52) Chúa hạ bệ những ai quyền thế. Ngươi nâng cao mọi kẻ khiêm nhường. (53) Kẻ đói nghèo, Chúa ban của đầy dư. Người giàu có, lại đuổi về tay trắng. (54) Chúa độ trì Ít-ra-en, tôi tớ của Người, (55) như đã hứa cùng cha ông chúng ta. Vì Người nhớ lại lòng thương xót, dành cho tổ phụ Áp-ra-ham và cho con cháu đến muôn đời”. (56) Bà Ma-ri-a ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng, rồi trở về nhà.

  1. Ý CHÍNH:

Bài Tin Mừng có thể được chia thành ba phần như sau:

– Phần I (39-40): Sau khi trở thành Mẹ Đấng Cứu Thế do lời thưa “xin vâng”, Đức Ma-ri-a vội vã lên đường thăm viếng bà chị họ Ê-li-sa-bét, đã có thai được 6 tháng, như lời sứ thần cho biết. Hai bà mẹ đều được chúc phúc vì đã quảng đại đáp lời mời gọi, cộng tác vào chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

– Phần II (41-46a): Thần Khí tác sinh và hoan lạc đã bao trùm Đức Trinh Nữ, cũng làm cho con trẻ Gio-an đang ở trong dạ mẹ nhảy mừng, chào đón Đấng Thiên sai trong lòng Đức Ma-ri-a. Thần Khí ấy cũng tác động làm cho bà Ê-li-sa-bét nhận biết cô em họ Ma-ri-a đây, chính là Mẹ của Đấng Thiên Sai, đã đến viếng thăm mình. Cũng chính Thần Khí ấy làm cho niềm vui của Đức Ma-ri-a bộc phát thành bài ca “Ngợi khen” (Magnificat).

– Phần III (46b-56): Bài ca tóm lại lịch sử của dân Chúa trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Cách riêng Chúa đã làm cho Ma-ri-a những điều trọng đại, cũng như đã từng làm trong lịch sử dân It-ra-en: Người hạ những kẻ quyền thế kiêu căng xuống và nâng những người hèn mọn khiêm nhường lên; ban cho kẻ nghèo khó được no đầy ơn phúc và để người giàu có bị đuổi về tay không. Người luôn phù trì cho dân tộc Ít-ra-en, đúng như lời Người đã hứa với tổ phụ Áp-ra-ham, rằng sẽ thương xót ông và con cháu đến muôn đời.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 39: + Lên đường vội vã: Chỉ một thời gian ngắn sau biến cố Truyền tin, Đức Ma-ri-a đã vội vã lên đường đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét (hay cũng gọi là I-sa-ve), mà sứ thần đã cho biết bà mới có thai được 6 tháng. Bà này đã chịu tủi hổ trước mặt người đời, vì bị son sẻ không con. + Đến miền núi, vào một thành thuộc chi tộc Giu-đa: Có lẽ thành mà Đức Ma-ri-a định tới là một trong mười một địa hạt miền Giu-đê. Nhiếu người nghĩ đó là A-in Ka-rim, cách thủ đô Giê-ru-sa-lem 6 cây số về phía Tây. Con đừong từ Na-da-rét đến A-in Ka-rim dài 150 cây số.

– C 40-41: + bà vào nhà ông Da-ca-ri-a và chào hỏi bà Ê-li-sa-bét: Cuộc gặp gỡ giữa hai bà mẹ thật ra là cơ hội để thai nhi Giê-su gặp gỡ thai nhi Gio-an là vị tiền hô của Người. + Đứa con trong bụng nhảy lên: Gio-an Tẩy Giả bắt đầu sứ mệnh ngôn sứ bằng động tác nhảy lên trước Đấng Thiên Sai (Mêsia) đang ẩn mình trong dạ mẹ, giống như vua Đa-vít xưa đã nhảy mừng khi ra đón rước Hòm Bia Giao Ước. Truyền thống coi sự kiện này là dấu hiệu Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền. + Bà được đầy ơn Chúa Thánh Thần: Thánh Thần đã tác động khiến bà Ê-li-sa-bét cảm nhận được Mẹ Đấng Mê-si-a mang Người đến viếng thăm nhà mình.

C 42-44: + Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc: Bà Ê-li-sa-bét ca tụng cô em họ Ma-ri-a thực là diễm phúc hơn mọi phụ nữ, vì thai nhi trong lòng Ma-ri-a là Đấng được chúc phúc. + Bởi đâu tôi được thân mẫu Chúa tôi đến với tôi thế này ?: “Chúa tôi” ở đây là danh xưng của Đấng Mê-si-a. Nhờ được Thần Khí tác động mà bà Ê-li-sa-bét đã nhận ra Chúa của mình là Thai nhi mà cô em Ma-ri-a đang cưu mang. Danh xưng Đức Giê-su là “Chúa” được Tin Mừng Lu-ca sử dụng đến 40 lần. + Vì này đây, tai tôi vừa nghe tiếng em chào, thì đứa con trong bụng đã nhảy lên vui sướng: Ê-li-sa-bét chia sẻ cho Ma-ri-a sự lạ mà bà cảm nghiệm vừa xảy ra nơi bản thân. Đó cũng chính là lý do khiến bà nhận biết Đức Ma-ri-a đang cưu mang Thai Nhi Cứu Thế.

– C 45: + Em thật có phúc, vì đã tin: Ma-ri-a đã tin vào những lời Chúa phán với mình khi sứ thần truyền tin sẽ được thực hiện, và trở thành người tín hữu đầu tiên của thời Tân Ước. Ngược lại với ông Da-ca-ri-a chồng bà vì không tin và đòi thấy dấu lạ, nên đã bị câm cho đến ngày các điều đó xảy ra (x. Lc 1,20).

C 46-50: +“Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa: Sau khi nghe bà Ê-li-sa-bét khen là có phúc, Ma-ri-a đã quy hướng lời ca khen đó về cho Thiên Chúa trong bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat). Bài này mô phỏng theo bài ca mà bà An-na là mẹ của ngôn sứ Sa-mu-en, sau khi được Đức Chúa cho sinh con trai và mang đứa trẻ lên Đền Thờ tại Si-lô thời Tư tế Ê-li, để thánh hiến dâng cho Đức Chúa (x. 1 Sm 2,1-10). Kinh này nhấn mạnh hai đìều: Một là người nghèo hèn bé mọn được Chúa bênh vực (x. Xp 2,3 ; Mt 5,3); Hai là dân Ít-ra-en được Chúa tuyển chọn và yêu thương (x. Đnl 7,6). Đức Ma-ri-a đã hát lên để bày tỏ lòng tri ân của mình (cc 46-49) và của toàn dân It-ra-en (cc 50-55), vì nay đến lúc lời hứa cứu độ của Đức Chúa đã được thực hiện.

– C 51-55: + Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh: Chúa dùng quyền năng để can thiệp và bênh vực người hèn yếu (x. Tv 118,15-16). + Vì Người nhớ lại lòng thương xót: Cựu Ước thường ghi là “Thiên Chúa nhớ lại” để diễn tả việc Người luôn trung thành với lời hứa và thi hành những lời Ngừơi đã phán qua các ngôn sứ (x. St 8,1; 9,15; Xh 2,24). Lu-ca cũng không quên ghi lại lời chúc tụng tương tự trong bài ca của Da-ca-ri-a: “Người nhớ lại lời xưa giao ước” (Lc 1,72).

– C 56: + Ở lại với bà Ê-li-sa-bét độ ba tháng: Ở lại để phục vụ và giúp đỡ cho bà chị Ê-li-sa-bét, làm các việc nhà giúp đỡ bà, trong thời kỳ cuối trước khi sinh con, khi bà không thể lao động bình thường được. Nhưng Đức Ma-ri-a chỉ phục vụ đúng mức mà thôi. + rồi trở về nhà: Một tuần sau ngày bà Ê-li-sa-bét sinh nở, sau khi con trẻ được đặt tên và được chịu phép Cắt Bì để được gia nhập vào dân Ít-ra-en, thì Đức Ma-ri-a đã trở về nhà tại thành Na-da-rét.

  1. CÂU HỎI: 1) Lý do nào khiến Đức Ma-ri-a phải vội vã lên đường viếng thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét ? 2) Truyền thống Công Giáo khẳng định Gio-an Tẩy Giả được khỏi tội tổ tông truyền từ lúc nào ? 3) Bà Ê-li-sa-bét được đầy Thánh Thần đã gọi Đức Ma-ri-a bằng tước hiệu nào ? 4) Tại sao bà Ê-li-sa-bét khen Đức Ma-ri-a diễm phúc, trái với ông Gia-ca-ri-a là chồng bà ? 5) Bài kinh “Ngợi khen Thiên Chúa” (Magnificat) có nguồn gốc thế nào trong Cựu Ước và nội dung nhấn mạnh những tư tưởng nào ? 6) Đức Ma-ri-a ở lại nhà bà Ê-li-sa-bét trong bao lâu và nhằm mục đích gì ?

II.  SỐNG LỜI CHÚA:

  1. LỜI CHÚA:  Bà Ê-li-sa-bét được tràn đầy Thánh Thần đã ca tụng Đức Ma-ri-a rằng: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ” (41-42a), và: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (45). Bấy giờ bà Ma-ri-a nói: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (46).

     2. LỊCH SỬ NGÀY ĐẠI LỄ VÀ CÂU CHUYỆN :

1) LỊCH SỬ TÍN ĐIỀU ĐỨC MẸ HỒN XÁC LÊN TRỜI:

+ Từ thuở ban đầu, các giáo đoàn tiên khởi đều tôn kính Đức Trinh Nữ Ma-ri-a. Từ những đoạn Thánh Kinh Tân Ước, đến các giáo phụ, rồi Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431 đã tuyên bố “Đức Ma-ri-a là Mẹ Thiên Chúa”. Đã có những lễ nói đến lúc chấm dứt cuộc đời của Đức Ma-ri-a như: Lễ Đức Mẹ An Giấc (dormitio), Lễ Đức Mẹ Chuyển Biến (Transitus), Lễ Đức Mẹ Sinh Ra Trên Trời (Natalis), Lễ Đức Mẹ được Nâng Lên Trời (Assumptio).

+ Riêng Lễ Đức Mẹ An Giấc (Dormitio) đã được long trọng cử hành đó đây trong Giáo Hội Đông Phương. Nhất là từ sau Công đồng chung Ê-phê-sô năm 431, nhưng mãi đến thế kỷ thứ 7, lễ này mới được du nhập vào Giáo Hội Tây Phương.         

Từ đó về sau nhiều thư thỉnh nguyện của các giám mục, các dòng tu, các nhà thần học được gửi đến Đức Giáo Hoàng để xin Ngài định tín về việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Trong Công đồng Vaticăng I, nhiều nghị phụ cũng yêu cầu Đức Thánh Cha quyết định điều đó, vì theo các ngài thì việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời có liên quan mật thiết với đức đồng trinh và chức vụ làm mẹ Đấng Cứu Thế của Ngài. Hơn nữa, vì Mẹ đã được cứu chuộc hoàn toàn, nên cũng phải được tôn vinh toàn diện như lời thánh Phao-lô: “Chúng ta biết rằng: Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến người, tức là cho những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8,28-29). Dựa theo các thỉnh nguyện thư đó, năm 1946, Đức Pi-ô 12 đã gửi đến mỗi giám mục một lá thư và yêu cầu trả lời như sau: “Đức cha và hàng giáo sĩ, giáo dân trong giáo phận của Đức cha, có xác tín và có muốn công bố việc Đức Ma-ri-a hồn xác lên trời như một tín điều hay không ?” Hầu hết các thư trả lời đều đồng ý và thỉnh nguyện như vậy. Thế là vào ngày 1.11.1950, Đức Pi-ô 12 đã long trọng tuyên bố tín điều Đức Ma-ri-a Hồn Xác Lên Trời cho toàn thể Giáo Hội tin kính và mừng chung vào ngày 15 tháng 8 hằng năm.

+ Đức Thánh Cha đã xác quyết: “Thế nên Đức Thánh Mẫu cao cả, ngay từ đời đời và do cùng một quyết định tiền định, đã được kết hợp với Đức Giê-su Ki-tô một cách huyền nhiệm, vô nhiễm khi đầu thai, đồng trinh vẹn sạch khi làm Mẹ, cộng tác quảng đại với Đấng Cứu Thế, Đấng đã chiến thắng hoàn toàn sự tội và các hiệu quả của nó, thì cuối cùng để kết thúc mọi đặc ân ngài đã được, Đức Trinh Nữ cũng đã gìn giữ khỏi bị hư nát ở trong mồ, để nên giống Con Mình. Sau khi chiến thắng sự chết, ngài cũng được tôn vinh trên trời cả hồn lẫn xác, nơi Ngài được sáng láng làm Nữ Vương ngự bên hữu Con mình là Vua bất tử của mọi thời” (trích CGKPV trang 334).

2) MẸ MA-RI-A HẰNG CỨU GIÚP NHỮNG AI CHẠY ĐẾN KÊU CẦU NGƯỜI:

ĐU-LỚT HAI-ĐƠ (Douglas Hyde) vốn là một người vô tín và thù ghét đạo Công giáo. Ông là chủ bút một tờ báo lớn ở nước Anh. Với tư cách là chủ bút, ông nghiên cứu về Giáo hội để viết những bài phê bình chống đối gay gắt. Tuy nhiên một điều lạ lùng đã xảy ra, là ông càng nghiên cứu về giáo lý của Giáo Hội, thì tâm trí ông lại càng thêm tin tưởng vào các chân lý ấy. Tuy vậy ông vẫn chưa quyết định dứt khóat theo đạo ngay.

Một hôm, trên đường từ nhà đến tòa soạn ở trung tâm thủ đô Luân Đôn, lúc xe lửa đến trạm dừng, Đu-Lớt thấy tấm biển ghi “Nhà thờ Công giáo” ở bên đường, ông liền thử vào bên trong nhà thờ xem sao. Ông ngồi vào hàng ghế ở cuối nhà thờ và rồi thắc mắc tại sao mình lại có mặt ở đây? Bấy giờ ông thấy một cô gái bước vào nhà thờ, nét mặt âu lo buồn khổ. Cô ta đi thẳng đến trước tòa Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp bên trái của cung thánh nhà thờ và quỳ dưới hình Đức Mẹ một hồi lâu. Sau đó, cô đứng dậy đi xuống cuối và ra khỏi nhà thờ. Khi cô đi ngang, Đu-lớt nhận thấy nét mặt của cô ta đã bình thản trở lại chứ không còn lo âu sầu não như khi mới bước vào nhà thờ.

Ngay lúc đó Đu-lớt quyết định thử làm theo cô ta là cũng đến quỳ trước ảnh Đức Mẹ. Sau này ông đã viết trong cuốn “tôi tin” (I believed) như sau: “Tôi không biết người ta đã cầu nguyện với Đức Mẹ thế nào ? Cuối cùng tôi nghe thấy chính mình sắp nói ra một điều gì đó thích hợp. Tuy nhiên

khi bắt đầu thốt ra thì tôi lại thấy lời đó có vẻ kỳ cục làm sao ! Nhưng điều này không quan trọng gì. Tôi biết rõ là sự tìm kiếm bấy lâu nay của tôi đã đạt tới mục đích… Lúc ra khỏi nhà thờ, tôi cố gắng hồi tưởng lại những gì tôi nói và hầu như tôi bật cười lên khi nhớ lại những lời ấy. Chúng giống hệt những lời ngân lên trong một điệu khiêu vũ !” Cuối cùng Đu-lớt đã đạt tới đức tin vào Chúa Giê-su qua lời cầu bầu của Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp.

3) ĐƯỢC CHÚA BAN ƠN CỨU ĐỘ NHỜ CÓ LÒNG YÊU MẾN ĐỨC MẸ:

Một hôm trong đám những người hành hương đến Arc có một người đàn bà mang đại tang. Bà vào giữa nhà thờ đứng như trời trồng ở giữa mọi người. Bà có vẻ rất đau khổ. Lý do là chồng bà, một người đã bỏ đạo từ lâu cách đây mấy bữa đã nhảy xuống sông tự tử… đã chết mà không được lãnh nhận những bí tích cuối cùng. Cha Gioan Maria Vianey đi qua… Bà chưa kịp nói gì thì Cha ghé vào tai bảo bà:

– Ông nhà đã được cứu rỗi rồi.

Thấy người đàn bà có vẻ quá ngạc nhiên, cha nói lại một lần nữa:

– Tôi đã bảo ông nhà đã được cứu rỗi rồi mà.

Bà thắc mắc hỏi lại với một giọng đầy hoài nghi, cha nhấn mạnh từng tiếng:

– Tôi bảo bà là ông nhà đã được cứu rỗi rồi. Ông hiện đang ở trong Luyện ngục. Phải cầu nguyện nhiều cho ông ta. Giữa nhịp cầu và dòng nước ông đã có được một thời gian để ăn năn thống hối. Bà còn nhớ là trong tháng Đức Mẹ, bà đã cho làm một bàn thờ trong phòng của bà không? Thỉnh thoảng, chồng của bà, mặc dầu đã bỏ đạo cũng đến hợp lời cầu nguyện với bà. Thái độ đó đã đem lại cho ông ta ơn thống hối và tha tội vào phút cuối cùng của cuộc đời.

  1. SUY NIỆM:

1) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ ĐỨC GIÊ-SU: Mẹ đã thụ thai và hạ sinh Đức Giê-su: Tin Mừng Lu-ca thuật lại việc Đức Trinh Nữ Ma-ri-a đã được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Đấng Cứu Thế nhờ có Chúa ở cùng, và luôn kết hiệp mật thiết với Người. Sau lời thưa “xin vâng”, Ma-ri-a đã đuợc thụ thai mà vẫn bảo toàn đức trinh khiết nhờ quyền năng Thánh Thần (x. Lc 1,28-38). Sau đó Ma-ri-a theo “Ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê lên thành Bê-lem, miền Giu-đê là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. Khi hai người đang ở đó, thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ” (Lc 2,4-7).

2) KÍNH MỪNG MA-RI-A ĐẦY ƠN PHÚC: Ma-ri-a đã được dư đầy ơn phúc và luôn được Thiên Chúa ở cùng như lời chào của sứ thần truyền tin (x. Lc 1,28).

+ Mẹ đầy ơn phúc vì tâm hồn Mẹ trong sạch và luôn kết hiệp với Chúa.

+ Mẹ có phúc vì đã tin Lời Chúa: Bà Ê-li-sa-bét đã ca tụng Đức Ma-ri-a: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng: Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45).

+ Mẹ có phúc vì cưu mang Chúa Giê-su là Lời Thiên Chúa làm người: Nên Mẹ đã được ví giống như Hòm Bia Giao Ước Mới của Thiên Chúa (x. Ga 1,14; Mt 1,23).

+ Nhưng nhất là Mẹ có phúc vì đã nghe và thực hành Lời Chúa: Đức Giê-su đã bổ túc lời khen của một phụ nữ ca khen công cưu mang nuôi dưỡng Chúa của Mẹ như sau: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11,27-28). Do đó, Đức Giáo Hòang Phao-lô VI đã gọi Đức Ma-ri-a là “người môn đệ tiên khởi và tuyệt hảo nhất của Đức Ki-tô”.

3) ĐỨC MA-RI-A LÀ MẸ HỘI THÁNH:

+ Chính Chúa Giê-su đã đặt Đức Ma-ri-a làm Mẹ Hội Thánh khi trao Mẹ cho môn đệ Gio-an đại diện Hội Thánh, để ông thay Người phụng dưỡng Mẹ sau khi Người lên trời, như Tin Mừng Gio-an thuật lại: “Đứng gần thập giá Đức Giê-su có Thân Mẫu Người, chị của thân mẫu là bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với mẹ rằng: “Thưa bà, đây là con của Bà”. Rồi Người nói với môn đệ: “Đây là mẹ anh”. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước Bà về nhà mình” (Ga 19,25-27).

+ Đức Ma-ri-a là Mẹ của Hội Thánh vì là mẹ của Đức Giê-su là Đầu, nên cũng là Mẹ của Hội Thánh là thân thể Người, trong đó có các tín hữu chúng ta, như thánh Phao-lô dạy: “Thiên Chúa đặt Người làm Đầu toàn thể Hội Thánh. Mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (x. Ep 1,22b-23); “Người cũng là đầu của thân thể, nghĩa là đầu của Hội Thánh” (Cl 1,18).

+ Đức Ma-ri-a nêu gương các nhân đức cho các tín hữu học tập như sau:

Nêu gương tin cậy mến qua việc lắng nghe Lời Chúa, tìm hiểu ý Chúa và mau mắn xin vâng (x. Lc 1,30-36);

Nêu gương bác ái chủ động đến thăm bà chị họ Ê-li-sa-bét để chia sẻ niềm vui ơn cứu độ, và cho thai nhi Gio-an “nhảy mừng” trong dạ mẹ vì được khỏi tội tổ tông truyền. Đức bác ái nơi Mẹ còn thể hiện qua việc Mẹ sẵn sàng ở lại ba tháng để phục vụ bà Ê-li-sa-bét cho tới khi bà sinh con, rồi mới trở về nhà (x. Lc 1,39-56).

Mẹ cũng nêu gương cầu nguyện tín thác khi chỉ cầu xin Đức Giê-su giúp đỡ đôi tân hôn và để Người toàn quyền quyết định phải làm gì, làm khi nào và làm như thế nào. Dù chưa tới “Giờ” hành động, nhưng Đức Giê-su đã làm phép lạ đầu tiên, là biến nước lã thành rượu ngon để giúp đôi tân hôn như lời Mẹ cầu bầu (x. Ga 2,1-11).

4) ĐỨC MA-RI-A ĐƯỢC CHÚA BAN THƯỞNG HỒN XÁC LÊN TRỜI:

Ngoài truyền thống hay Thánh Truyền là ký ức tông truyền, Giáo Hội còn dựa trên một số đoạn Thánh Kinh cho thấy Mẹ Thiên Chúa liên kết mật thiết với Đức Giê-su Đấng Cứu Độ như sau:

+ “Dòng giống người nữ sẽ đánh vào đầu mi” (St 3,14-15): Câu này có ba cách hiểu: Một là “Sự chiến thắng của dòng giống người đàn bà trên dòng giống con rắn” (Bản văn tiếng Do Thái). Hai là “Người đàn bà sẽ đạp lên đầu mi” (Bản văn tiếng La Tinh), khẳng định vai trò của Mẹ Đấng Mê-si-a trên con rắn hỏa ngục là ma quỷ (x. Kh 12,13.17). Ba là “Người đó sẽ đánh vào đầu mi” (Bản văn Bảy mươi tiếng Hy Lạp), hiểu về Đức Giê-su là Đấng sẽ chiến thắng con rắn ma quỷ.

+ “Đấng đầy ân sủng, luôn được Thiên Chúa ở cùng” (x. Lc 1,28): Đầy ơn phúc và luôn có Chúa là hoàn toàn trong sạch thánh thiện, nên Mẹ không phải chết như loài người chúng ta. “Bà sẽ thụ thai, sinh một con trai và đặt tên là Giê-su” (Lc 1,31): Đức Ma-ri-a được chọn làm Mẹ Đấng Thiên Sai, Đấng sẽ thay vua Đa-vít để cai trị Ít-ra-en, và triều đại Người sẽ luôn vững bền.

+ Đức Ma-ri-a là E-và Mới: Đã cộng tác với Đức Giê-su là A-Đam mới, để vâng phục Chúa Cha (x. Rm 5,12-19 ; PI 2,6-11). Mẹ đã tích cực cộng tác với Đức Giê-su trong cuộc khổ nạn (x. Ga 19,25), thì cũng được dự phần vào sự phục sinh vinh quang với Người. Đức Giê-su A-đam Mới đã qua đau khổ thập giá để phục sinh và lên trời, thì tiếp theo Chúa là Đức Ma-ri-a E-và Mới cũng được Thiên Chúa triệu hồi về trời hồn xác.

5) ĐỂ CÓ THỂ CÙNG MẸ THEO CHÚA LÊN TRỜI:

+ Việc Hội Thánh tuyên bố tín điều “Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời” dạy các tín hữu chúng ta ý thức rằng: “Quê hương chúng ta ở trên trời. Nơi đó chúng ta sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta” (Pl 3,20). Tuy nhiên chúng ta chỉ được lên trời nếu biết tin yêu Chúa, phải bỏ ý riêng và tội lỗi của mình, vác thập giá mình hằng ngày mà đi theo Chúa noi gương Mẹ xưa.

+ Ngày nay tuy Mẹ Ma-ri-a đã lên Trời, nhưng Mẹ vẫn luôn cầu bầu cùng Chúa Giê-su cho chúng ta là con cái Mẹ đang còn ở trần gian. Chúng ta hãy xin Mẹ giúp chúng ta được chết lành trong tay Đức Mẹ.

+ “Đến với Chúa Giê-su nhờ Mẹ Ma-ri-a” (Ad Jesum per Mariam): Hãy năng cầu nguyện kết hiệp với Mẹ Ma-ri-a, noi gương Hội Thánh thời sơ khai (x. Cv 1,14). Hãy hiệp cùng Mẹ cầu xin Chúa Giê-su giúp vượt qua mọi khó khăn như đôi tân hôn tại tiệc cưới Ca-na xưa (x. Ga 2,3).

+ Sống đức Tin, Cậy, Mến noi gương Đức Mẹ: Hãy năng nghe Lời Chúa phán, suy đi nghĩ lại để tìm hiểu ý Chúa muốn và sẵn sàng xin vâng ý Chúa, chấp nhận mọi may rủi xảy đến với lòng tín thác vào Chúa như Mẹ đã làm và được Tin Mừng thuật lại: “Còn bà Ma-ri-a thì hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19.51).

  1. THẢO LUẬN:

1) Trời hay Thiên Đàng ở đâu ? Phải chăng ở trên không trung hay trên một hành tinh nào đó trong vũ trụ ? 2) So sánh giữa việc lên trời của Đức Mẹ hôm nay giống và khác với việc thăng thiên của Chúa Giê-su thế nào ? 3) Thân xác Chúa Giê-su và thân xác Đức Mẹ hiện nay ở đâu ? 4) Theo giáo lý Công giáo thì đến ngày tận thế, xác loài người ta sẽ sống lại và chịu phán xét. Vậy những thân xác đã bị hóa thành tro bụi hay bị thú dữ ăn thịt thì làm sao sống lại được ? 5) Những kẻ khi còn sống mà bị mù què câm điếc, mặt mũi xấu xí, thì khi sống lại có bị như vậy nữa không ? 6) Ngay từ bây giờ chúng ta phải làm gì để sau này cũng được Chúa ban hạnh phúc Thiên Đàng cùng Mẹ ?

  1. NGUYỆN CẦU:

1) LẠY CHÚA BA NGÔI CỰC THÁNH. Hôm nay con cảm tạ Chúa vì Chúa đã thực hiện việc lớn lao nơi Đức trinh Nữ Ma-ri-a, là người con thân yêu và là nữ tỳ hèn mọn của Chúa. Chúa đã thương cho Mẹ trở nên giống Con mình là Chúa Giê-su: Nhờ giữ đức trinh khiết vẹn toàn, tâm hồn không vương chút bùn nhơ tội lỗi; Nhờ biết đặt trọn niềm tin vào lời Chúa phán sẽ được thực hiện;  Nhờ luôn xin vâng ý Chúa làm Mẹ Đấng Thiên Sai; Nhờ biết lắng nghe và thực thi Lời Chúa; Nhờ tham phần vào sự đau khổ của Chúa Giê-su trên đường thánh giá… mà Mẹ Ma-ri-a đã được Chúa ban thưởng bội hậu là được lên trời cả hồn lẫn xác. Xin cho chúng con luôn yêu mến và kết hiệp cùng Mẹ trên bước đường theo Chúa, để sẽ cùng được lên trời với Chúa và với Mẹ sau này.

2) LẠY MẸ MA-RI-A LÀ MẸ RẤT NHÂN TỪ. “Xin hãy nhớ xưa nay chưa từng nghe có người nào chạy đến cùng Đức Mẹ, xin bầu chữa cứu giúp, mà Đức Mẹ từ bỏ chẳng nhậm lời”.

LẠY MẸ. Hôm nay cùng với Hội thánh hoàn cầu, chúng con long trọng mừng lễ Mẹ Hồn Xác Lên Trời. Xin cho chúng con biết chạy đến với Mẹ mỗi khi gặp gian nan thử thách như bị thất bại trong việc làm ăn; Những lúc con không biết phải làm gì để vượt qua hoàn cảnh khó khăn nan giải… Trong những giờ phút đau thương ấy, xin cho chúng con biết chạy đến nép mình dưới tà áo Mẹ, để được Mẹ ủi an che chở, để được Mẹ cầu cùng Chúa Giê-su ban cho chúng con các ơn lành hồn xác. Nhất là xin Mẹ đừng để khi nào chúng con sa vào con đường lầm lạc. Xin dạy chúng con luôn lắng nghe Lời Chúa Giê-su con yêu của Mẹ, như Mẹ đã dạy các người giúp việc tại Ca-na xưa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Về mục lục

.

VẸN TOÀN XINH ĐẸP

Lm. Jos. DĐH.

Tại nhà ga Tân Sơn Nhất, một cô gái, thi thoảng lại mở khẩu trang lấy tăm bông lau lau những giọt máu chảy từ sống mũi rơi xuống, thật đáng thương. Một phụ nữ cất tiếng thì thào, sau đó là vài chị em khác nói to hơn như có ý để mọi người cùng nghe: làm đẹp làm chi cho khổ, thẩm mỹ viện làm chi để phải đau đớn nguy hiểm như thế, không chừng tiền mất, tật mang nữa ! Cô gái “đi thẩm mỹ viện” kia thì im lặng, chẳng biết người thân, gia đình bạn bè cô gái có ai đi cùng không, nhưng rồi từ từ mọi người như “hối hận” vì lời nói cử chỉ thiếu thiện cảm đó.

Muốn được “mũi cao”, muốn có khuôn mặt khả ái hơn, cô gái trẻ đã mất nhiều tốn phí, phải đến thẩm mỹ viện, qua phẫu thuật đã đau đớn, rồi phải chịu phán xét của dư luận… Để có tâm hồn xinh đẹp, để trở nên người toàn diện, ngoài việc kiên nhẫn đầu tư, người ta phải có một sức mạnh rất thiêng liêng hỗ trợ, dù đó là quan niệm ông bà hay ông trời phù hộ. Ở đời, sắc diện, nết na, làm thay đổi lòng người ; danh lợi thú, có thể làm đảo lộn tình cảm gia đình. Nhưng tình yêu và lòng quảng đại sẽ hoà giải tất cả, như câu ca dao tiền nhân chúng ta sánh ví: ở hiền rồi lại gặp lành, áo rách tan tành trời vá lại cho.

Sau khi Sứ thần truyền tin cho Đức Maria, Trinh nữ không đi “thẩm mỹ viện” để được xinh đẹp xứng tầm với vị trí làm Mẹ Đấng Cứu Thế, Thiếu nữ ấy đã đến thăm người chị họ Elisabeth. Đến cùng người chị, cũng không hẳn chỉ vì tình bác ái gia đình xã hội thông thường, đúng hơn, Trinh nữ luôn biết lắng nghe và thực thi ý Chúa. Quan niệm bình dân cho thấy, vầng trăng chỉ sáng đẹp vào những đêm rằm, trời không mưa bão ; tiền nhân chúng ta thì nói: người đẹp vì lụa, lúa tốt vì phân. Đức Giêsu trong “bài giảng trên núi” Ngài nhắc tới nét đẹp rất rõ ràng: “phúc cho những ai có tâm hồn thanh sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. Tâm tình mà Giáo Hội chúng ta tuyên xưng đặc ân “Hồn Xác Lên Trời”, nhất định không phải do Đức Maria chỉ xinh đẹp với hình thức bên ngoài.

Người xưa nói rằng: học khôn học đến chết, học nết học đến già. Khôn ngoan và nết na, người thời nào cũng ưa thích, hiền lành đức độ đi đâu cũng được mộ mến, nhưng để có được những đức tính cao đẹp đó, ai cũng phải tập luyện, và cùng với ơn Chúa trợ giúp. Đẹp người đẹp nết, sẽ hấp dẫn được thế gian, đẹp tâm hồn mới là trọng tâm để đạt tới ơn cứu độ, đến với Đức Maria, Mẹ có đủ kinh nghiệm để giúp chúng ta hiểu đâu là vẻ đẹp mà Chúa ưa thích. Hôm nay đây, mừng Mẹ Lên Trời, không phải chỉ là dịp để ta chiêm ngắm nét đẹp nơi Đức Maria vinh hiển, nhưng mỗi người sẽ được mời gọi theo Mẹ Maria cùng thực thi ý Chúa, cùng sống cùng chia sẻ ơn ban ta đang có cho anh chị em mình.

Người xưa nói rằng: nhân vô thập toàn, đại ý là không toàn thiện thì đừng tự mãn với ai, nhưng đừng tự ti mà buông xuôi không tập luyện, đầu tư. Nho giáo cũng quan niệm: không có cái hại nào lớn cho bằng không chịu sửa mình, tức là vì bất toàn nên cần hướng tới việc tu thân tích đức. Kitô giáo chúng ta tuyên xưng chỉ một mình Thiên Chúa mới hoàn toàn, ngoài Thiên Chúa nhân lành vẹn toàn, hôm nay Giáo Hội công bố Đức Maria Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội đã Lên Trời cả hồn lẫn xác. Niềm tin Đức Maria xinh đẹp vẹn toàn sẽ không mâu thuẫn với đạo làm người, nhưng mở ra một hy vọng, tất cả những ai biết lắng nghe và thực thi ý Chúa đều đang trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô nhờ công ơn cứu chuộc của Con Chúa. Xin Mẹ Maria Hồn xác lên trời, sẽ mãi là niềm vui toả chiếu nhân đức trên con cái nhân loại chúng con cũng sớm được như Mẹ vẹn toàn xinh đẹp. Amen.

Về mục lục

.

ĂN THEO VỚI MẸ

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Đầu tháng 08 năm nay tôi có dịp hành hương đến với Mẹ La Vang cùng với Giáo lý viên. Khi xe vừa tới La Vang đã nghe có tiếng xì xầm: Oh, La Vang sao vắng thế! La Vang sao ít hàng quán? Và có em còn nói: sao người dân ở đây vẫn nghèo so với Tà pao?
Quả thực, nếu quan sát các điểm hành hương về với Mẹ từ Lộ Đức ở Pháp, Fatima ở Bồ Đào Nha, Tà – Pao tại Phan Thiết dường như người dân ở những điểm hành hương này họ đều ăn theo với Mẹ. Dọc đường của Fatima hay Lộ Đức cả mấy cây số đều là nhà nghỉ, khách sạn, buôn bán tranh ảnh kỷ niệm. Nhờ vậy mà kinh tế người dân cũng phất lên. Ngày tại Tà-Pao chỉ từ năm 1999 khi mới bắt đầu được biết đến Mẹ trên sườn núi Tà Pao thì ai cũng công nhận người dân ở đây đều rất nghèo khó. Nhà cửa chỉ là tranh vách lá sơ xài, mộc mạc, nhưng từ ngày có Mẹ nơi đây đã nhiều đổi thay mà mọi người đều nói là ăn theo với Mẹ nên “thay da đổi thịt”.
Oh, ăn theo với Mẹ đâu có gì là tội mà là phúc. Bởi nhờ Mẹ mà con cái được khấm khá hơn, được hạnh phúc hơn. Và có lẽ Mẹ cũng rất vui khi con cái bám lấy Mẹ mà làm ăn thịnh vượng hơn.
Ngày xưa khi còn nhỏ mỗi lần mẹ đi ăn đám cưới hay đám giỗ, mẹ của tôi thường mang về một ít xôi với giò. Hình ảnh thân thương ấy mãi theo tôi trong suốt cuộc đời. Và dường như các bà mẹ của chúng ta đều vậy. Đều nghĩ đến con. Đều để dành phần cho con. Và như vậy, con cái luôn được ăn theo với mẹ. Với một điều kiện là phải làm tốt công việc ở nhà mà mẹ đã trao.
Hôm nay, chúng ta mừng Mẹ Maria được Chúa đưa hồn xác về trời. Chúng ta cũng mong muốn được lên trời cùng Mẹ. Hay có thể nói là được “ăn theo với Mẹ” để bay lên trời cùng Mẹ. Mẹ Maria đã nhận chúng ta là con của Mẹ qua lời trăn trối của Chúa Giê-su. Chắc Mẹ sẽ không bao giờ bỏ quên chúng ta. Mẹ sẽ canh cánh bên lòng luôn lo lắng cho chúng ta được hồn an xác mạnh, và nhất là được cùng Mẹ hưởng vinh phúc quê trời.
Lẽ dĩ nhiên, muốn được “ăn theo với Mẹ’” thì phải vâng nghe lời Mẹ. Khi vâng theo lời Mẹ thì điều gì Mẹ cũng cho, khó khăn nào Mẹ cũng giúp, trở ngại nào Mẹ cũng chở che. Tại tiệc cưới Ca-na, Mẹ đã căn dặn các gia nhân : “Chúa bảo gì thì cứ làm như vậy”, còn những việc khác Mẹ sẽ lo. Phép lạ hóa nước thành rượu là bằng chứng cho những điều Mẹ đã hứa với con của Mẹ. Chỉ cần vâng theo lời Mẹ thì con cái sẽ được Mẹ phù hộ chở che.
Có người hỏi tôi: “sao con xin cùng Mẹ mãi mà chẳng được?”. Tôi hỏi rằng: Vậy đã làm theo lời Mẹ dặn chưa? Lời Mẹ dặn là sống theo lời Chúa, là sống đẹp lòng Chúa? Xem ra người ấy chỉ nghĩ đến xin ơn mà không nghĩ đến việc dọn dẹp tâm hồn cho xứng đáng để nhận ơn. Ơn Chúa khó mà đến với ai đang còn bị trói buộc bởi đam mê tội lỗi, bởi đua chen danh vọng. 
Ước gì chúng ta luôn biết lắng nghe và thực thi lời Chúa để được theo gót chân Mẹ mà về trời. Ước gì chúng ta luôn làm theo lời Mẹ dặn để Mẹ luôn chúc phúc cho cuộc đời chúng ta. Amen

Về mục lục

.

ĐỂ LÊN TRỜI CẦN BẮT CHƯỚC CÁC NHÂN ĐỨC CỦA MẸ

 Lm. Anthony Trung Thành

Sống trên đời ai cũng có một người mẹ. Người mẹ đó không chỉ sinh ra chúng ta mà còn yêu thương và nuôi dạy chúng ta lớn lên thành người. Vì vậy, qua mọi thời, con người không ngớt lời ca ngợi công ơn sinh thành dưỡng dục của người mẹ. Con dân Nước Việt cũng có nhiều câu ca dao tục ngữ, để nói lên tình yêu vô bờ bến của người mẹ:

Đôi vai mẹ một gánh đầy huyền thoại,

tình yêu thương hào phóng đến khôn cùng;

Mênh mông bát ngát đại dương,

Cũng không sánh được tình thương mẹ hiền.

Nhưng cho dầu có dùng hết ngôn ngữ trần gian để ca tụng tình mẹ, thì cũng không thể nào diễn tả hết:

Ngôn ngữ trần gian khờ dại quá,

Đựng sao đầy hai tiếng: Mẹ ơi !

Trong đức tin Công giáo, mỗi người kitô hữu chúng ta có chung một người Mẹ, đó là Đức Maria. Công ơn của Mẹ Maria đối với mọi người không những không thua kém người mẹ trần thế mà còn gấp ngàn lần. Mẹ là Mẹ Đức Giêsu, Mẹ Thiên Chúa, Mẹ Hội Thánh và là Mẹ của mỗi người chúng ta. Nhờ Mẹ, chúng ta có Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc loài người. Nhờ Mẹ chúng ta có tất cả trong đức tin: Được làm người Công giáo, được lãnh nhận các Bí tích, được có nhiều cơ hội để lo phần rỗi hầu ngày sau được về Thiên đàng.

Mẹ được Thiên Chúa ban cho 4 đặc ân cao cả: Đặc ân Vô Nhiễm Nguyên Tội, đặc ân Đồng trinh trọn đời, đặc ân làm Mẹ Thiên Chúa và đặc ân Hồn Lẫn Xác Lên Trời. Đối với đặc ân Hồn Xác Lên Trời đã được truyền thống Giáo hội và các kitô hữu tôn kính từ xa xưa, nhưng mãi tới ngày 01 tháng 11 năm 1950, Đức Giáo hoàng Piô XII mới tuyên bố thành tín điều. Mặc dầu trong Kinh Thánh không có chỗ nào nói rõ về đặc ân này, nhưng nếu chúng ta để ý thì chúng ta vẫn thấy đặc ân Mẹ Lên Trời cả hồn lẫn xác ẩn chứa trong nhiều đoạn Kinh Thánh. Chẳng hạn, lời thiên thần chào Mẹ “Kính chào Bà đầy ơn phúc, Thiên Chúa ở cùng bà, bà có phúc lạ hơn mọi người phụ nữ.” Hay lời ca tụng của bà Êlizabét: “Em được chúc phúc hơn mọi người phụ nữ, và người con em đang cưu mang cũng được chúc phúc” (Lc 1, 42). Rồi, lời  ca tụng Thiên Chúa của Đức Mẹ trong bài Magnificat: “Từ nay muôn đời sẽ khen rằng tôi có phúc, bởi Đấng toàn năng đã làm cho tôi những điều cao cả.” (x. Lc 1,48-49).

Mặt khác, bình thường chúng ta cũng có thể dễ chấp nhận đặc ân này. Bởi vì, thân xác chết là do tội lỗi. Nhưng Đức Maria không hề mắc tội Tổ tông truyền và tội riêng. Do đó, thân xác Mẹ không bị hủy hoại tiêu tan.

Hơn nữa, các thánh và nhiều bậc thông thái trong Giáo hội cũng đã từng quả quyết về việc Đức Mẹ được đặc ân lên trời cả hồn lẫn xác. Thánh Đamascênô tiến sĩ quả quyết: “Vì Đức Mẹ đã được sinh con mà vẫn trinh nguyên, thì cần thiết là sau khi qua đời, xác Đức Mẹ cũng phải được bảo tồn nguyên vẹn.” Cha Ađômêô thì nói rằng: “Thân xác Đức Mẹ không hề bị hư nát vì đã kết hợp với linh hồn và đã được đầy ơn.”

Ngày lễ hôm nay, cùng với Giáo hội, chúng ta tuyên xưng niềm tin hồn xác lên trời của Mẹ. Đồng thời, chúng ta cùng cảm tạ Thiên Chúa vì đã thưởng công Mẹ hồn xác lên trời. Mặt khác, đây là dịp nhắc nhở chúng ta rằng, quê hương chúng ta ở trên trời. Mẹ đã lên trời, đó là niềm hy vọng để mỗi người chúng ta tiếp bước theo sau. Nhưng để được lên trời với Mẹ chúng ta phải cố gắng sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi. Sống như Mẹ, đi con đường Mẹ đã đi đó chính là noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ:

Thứ nhất, chúng ta bắt chước nhân đức khiêm nhường của Mẹ: Sau lời sứ thần truyền tin, Đức Mẹ đã khiêm tốn thưa với Thiên thần rằng: “Này tôi là tớ tớ Chúa, tôi xin vâng như lời thiên thần truyền.” (Lc 1,38). Từ đó, Mẹ sống tinh thần khiêm nhường thẳm sâu trước mặt Chúa và mọi người: Khi Bà Êlizabét ca ngợi Mẹ, Mẹ đã qui hướng tất cả những gì mình có là do tình thương và sự quan phòng của Thiên Chúa: “Đấng toàn năng đã làm cho tôi biết bao điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn;”(Lc 1,49). Mẹ sống âm thầm trong vai trò làm vợ và làm mẹ tại mái ấm gia đình Nagiarét đến nỗi không ai biết Mẹ là Mẹ của Thiên Chúa; Khi Đức Giêsu được nổi danh do lời giảng dạy và các phép lạ Ngài làm, Đức Mẹ vẫn sống âm thầm và ẩn danh…Tất cả điều đó cho chúng ta thấy nhân đức khiêm nhường của Mẹ. Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ hai, chúng ta bắt chước Mẹ sống tin tưởng và phó thác vào Chúa: Sau khi thưa xin vâng, Mẹ trở thành Mẹ của Chúa Giêsu. Bào thai trong cung lòng của Mẹ ngày càng lớn lên. Nhưng không ai hiểu về nguyên nhân, kể cả Thánh Giuse. Bằng chứng là Thánh Giuse định tâm bỏ Mẹ mà trốn đi. Rồi, người thân và làng xóm láng giềng, chắc chắn không thiếu những lời đàm tiếu, thị phi. Vậy mà Mẹ vẫn tin tưởng phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Đúng như lời bà Thánh Êlizabét ca tụng Mẹ: “Em thật có phúc, vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em”(Lc 1,45).  Sự tin tưởng và phó thác vào Chúa của Mẹ là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ ba, chúng ta bắt chước Mẹ để sống hiền lành và nhịn nhục: Từ khi cưu mang Đức Giêsu cho đến khi Con Mẹ chịu chết treo trên thập giá, Đức Mẹ phải đối diện với biết bao đau khổ: Đau khổ khi nghe ông Simêon nói tiên tri về Mẹ và Hài Nhi; Đau khổ khi đưa Hài Nhi trốn sang Ai Cập khỏi tay Hêrôđê lùng bắt; Đau khổ khi lạc mất Con ở Jêsusalem trong ba ngày; Đau khổ khi gặp Đức Giêsu vác Thập giá trên đường đến Núi Sọ; Đau khổ khi thấy Đức Giêsu bị đóng đinh; Đau khổ khi chứng kiến việc tháo xác Đức Giêsu xuống khỏi thập giá; Đau khổ khi phải chứng kiến việc chôn xác Đức Giêsu trong mồ. Nhưng trong khi chịu đựng những đau khổ đó, Đức Mẹ không hề trách móc kêu la một lời nào. Sự hiền lành và nhịn nhục cảu Mẹ là mẫu gương cho tất cả mọi người chúng ta noi theo.

Thứ tư, chúng ta bắt chước Mẹ để hết lòng yêu mến Chúa: Lòng yêu mến Chúa của Mẹ được thể hiện qua như việc tiêu biểu như:  Ba tuổi Mẹ đã dâng mình trong đền thờ; Khi Thiên thần đến truyền tin cũng là lúc Mẹ đang đắm chìm trong lời kinh nguyện; Mẹ thưa “Xin Vâng” để cộng tác với chương trình cứu độ của Thiên Chúa; Hơn ba mươi năm Mẹ nuôi nấng chăm sóc Đức Giêsu; Mẹ chạy đôn đáo tìm cho bằng được khi Đức Giêsu đi lạc trong đền thờ… Tất cả những thái độ trên đều thể hiện một lòng yêu mến Chúa hết lòng hết sức trên hết mọi sự của Mẹ. Đó là mẫu gương cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Thứ năm, chúng ta bắt chước Mẹ để sống yêu thương hết mọi người: Vì yêu thương nhân loại nên Mẹ đã chấp nhận làm Mẹ Thiên Chúa, nhờ đó nhân loại được cứu chuộc. Vì yêu thương nên Mẹ đã vội vã lên đường thăm bà Êlizabét để chia sẻ niềm vui có Chúa và để giúp đỡ bà chị họ trong những ngày thai nghén sinh nở. Vì yêu thương nên Mẹ đã cầu bầu cùng Đức Giêsu làm phép lạ biến nước thành rượu ngon để cứu gia chủ khi họ hết rượu. Vì yêu thương nên khi đã về trời Mẹ vẫn hiện ra đây đó trên thế giới để ủi an nâng đỡ con cái loài người…Đó là mẫu gương yêu người cho tất cả mỗi người chúng ta noi theo.

Như vậy, Đức Mẹ được lên trời cả hồn lẫn xác không chỉ nhờ những đặc ân Thiên Chúa ban mà còn nhờ những nhân đức mà Mẹ ra sức rèn luyện. Chúng ta muốn được lên Thiên đàng phải đi con đường Mẹ đã đi, phải sống như Mẹ đã sống, đó là biết noi gương bắt chước các nhân đức của Mẹ.

Lạy Thiên Chúa là nguồn Tình Yêu, Chúa đã cho Mẹ hồn xác lên trời. Nhờ lời chuyển cầu của Mẹ, xin giúp chúng con biết sống làm sao để một ngày kia cũng được hưởng hạnh phúc trên Trời với Mẹ. Amen.

Về mục lục

.