Các bài suy niệm Lễ Đêm Phục Sinh_A

1190

ĐÊM VỌNG PHỤC SINH

St 1,1.26-31a ; Xh 14,15-15,1a ; Ed 36,16-17a.18-28 ; Rm 6,3-11 ; Mt 28,1-10

—–

Mục lục

1. Người tôi yêu  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

2. Hồi sinh trong Đức Kitô (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Đêm khởi đầu sự sống mới (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

4. Tin mừng Chúa Phục sinh (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

5. Suy niệm thứ Bảy Vọng Phục sinh  (Lm. Anthony Trung Thành)

6. Tìm Chúa  (AM. Trần Bình An)

7. Ngưỡng Sinh – Tử  (Trầm Thiên Thu)

8. Sống và loan báo tin mừng Chúa Phục sinh  (Lm. Đan Vinh)

9. Ánh sáng đã bừng lên trong đêm tối (Lm. Giuse Nguyễn)

 

.

NGƯỜI TÔI YÊU

Lm. Jos. DĐH.

Phạm Ngũ Lão, từ một người ngồi đan sọt bên vệ đường, ông được Hưng Đạo Vương thu phục, rồi sau trở thành một tướng tài của Nhà Trần, lập nên nhiều chiến tích, lịch sử ghi ơn ông. Những ngư phủ miền Galiêa, chỉ quen việc lưới cá, các ông bỏ tất cả mọi sự theo làm môn đệ Đức Giêsu. Từ tình yêu và lòng nhiệt thành, sau biến cố tử nạn và phục sinh, các ông đã minh chứng cho cả thế giới cảm nhận về tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại tội lỗi, trong đó có các ông. Với các phụ nữ hôm nay ra thăm mồ, dù không nổi tiếng về đức hạnh, nhưng họ diễm phúc được Tin mừng ghi lại danh tính, được Chúa yêu thương, cho họ cảm nhận vui buồn lẫn lộn về Ngôi mộ trống.

Nếu đọc được câu ca dao: càng thắm thì càng chóng phai, thoang thoảng hoa lài lại càng thơm lâu. Hẳn nhiều người sẽ có suy nghĩ, đâu phải người thiếu tài ít đức, là không có cơ hội tỏa sáng, là gia đình xã hội không sử dụng, chung quy ai cũng ở trong tầm ngắm những người được yêu thương, được tuyển chọn. Lịch sử ghi nhớ người tài giỏi vì có công với tổ quốc, con cháu biết ơn ông bà cha mẹ là bổn phận, Đấng phục sinh thì “tỏa chiếu” hồng ân cứu độ cho cả người tài đức, người tội lỗi. Đấng phục sinh biết rõ tâm trạng của các môn đệ đang hoảng sợ vì mất Thầy, vì mặc cảm tội chối bỏ Thầy. Đấng phục sinh thấu suốt mọi tâm hồn, qua các phụ nữ, Ngài hé mở cho các học trò cảm nhận về lòng bao dung tha thứ và niềm vui ở phía trước.

Phái yếu, hay phái đẹp, từ xa xưa đến nay họ không thể dùng gươm đao mà đánh giặc, nhưng các nàng có thể thắng được giặc bằng đôi mắt biếc, bằng nụ cười xinh xinh. Sáng sớm hôm nay, cũng các phụ nữ, họ thắng vượt cám dỗ không phải bằng “mỹ nhân kế”, với một tình yêu thành khẩn là ra mồ thăm Chúa, chỉ thế thôi. Tình yêu chân thật của các phụ nữ, được Chúa ghi nhận, đúng như câu tục ngữ: vàng thật không sợ lửa, có lý chẳng sợ cây ngay. Đấng phục sinh không đòi hỏi các phụ nữ phải chiến đấu với các lính canh mồ Chúa, không cần phải dùng sức mạnh để đẩy tảng đá, và họ còn là những người đầu tiên được loan báo TIN MỪNG PHỤC SINH.

Rình Chúa yêu tôi, đó có phải là một cảm nhận riêng tư không ? Chúng tôi không có khả năng để lăn hòn đá khỏi cửa mồ, nhưng chúng tôi đủ tình yêu và niềm tin Chúa thấy rõ ý chí tự do của mỗi người. Cha ông chúng ta rất dồi dào kinh nghiệm khi nói rằng: nhất lý nhì lỳ, xã hội luôn nể phục người tài giỏi, cẩn trọng với kẻ liều mình cố thây: tránh voi chẳng hổ mặt nào. Thiên Chúa không cần chúng ta lý sự về đức ái, Ngài cũng không tán thưởng những ai lỳ lợm trong tội, cho nên dù là nam thanh nữ tú, mỗi người đều phải thể hiện phong cách của người quân tử. Anh hùng không sợ chết, sợ chết không anh hùng.

Vì yêu thương nhân loại Chúa đã chịu chết trên thập giá, vì mang bản tính loài người, Chúa đã chịu chôn vùi trong huyệt đá, vì muốn chu toàn sứ mạng cứu độ, Chúa đã phục sinh ra khỏi mồ đá. Người tôi yêu là ai ? Hôm nay đây, sứ điệp phục sinh sẽ còn tiếp tục được hát vang mãi, loan báo Tin mừng phục sinh không còn bị giới hạn bởi vài người phụ nữ đạo đức ra thăm mồ Chúa từ sáng sớm. Điệp khúc Ha-le-lu-i-a, không chỉ vang vọng trong đêm nay, ánh nến phục sinh sẽ còn cháy mãi nơi tâm hồn tất cả những ai sống hiệp thông mến yêu. Chúa chịu chết vì tội lỗi con người, Chúa sống lại cũng vì tình mến yêu trao ban hồng ân cứu độ.

Hình ảnh các phụ nữ đơn sơ chân tình ra mồ từ sáng sớm, và bản chất nhút nhát sợ chết, sợ bị quở trách, hẳn vẫn còn nơi các môn đệ, nhưng tình yêu Đấng phục sinh sẽ xua tan con người tội lỗi chúng ta khỏi bóng tối sự chết. Loan báo Tin mừng phục sinh, mạnh dạn lên, can đảm hơn nữa, chắc chắn chỉ có ý nghĩa khi người ta biết lắng nghe, biết thực thi như một mệnh lệnh trong yêu mến tự do. Người tôi yêu là ai ? Chúa phục sinh không muốn các phụ nữ dừng lại ở Ngôi mộ trống, hãy vui lên theo gợi ý của Thiên Thần. Chúa phục sinh không muốn các môn đệ “co ro” trong sợ hãi, mất phương hướng, hãy tin tưởng, hãy minh chứng cho mọi người biết tình Chúa yêu tôi. Amen.

Về mục lục

.

HỒI SINH TRONG ĐỨC KITÔ

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Người xưa thường nói rằng: “sau đêm dài là ánh bình minh”. Sau những ngày tháng vất vả gieo trồng là những ngày mùa rộn rã hân hoan. Điều này cũng diễn tả tâm trạng nơi các tông đồ trước và sau khi Chúa Giê-su chết và sống lại. Từ u buồn đã biến thành hân hoan. Từ thất vọng đã trở lên tin tưởng lạc quan. Từ sợ hãi đã trở thành can trường mạnh mẽ.

Sự hồi sinh của các ngài tựa như sau một cơn giông tố đã đánh gục ngã biết bao cây cối, làm tan hoang ruộng vườn. Sự tan hoang tràn về mọi miền nhưng chỉ một thời gian những mầm sống tưởng đã chết ấy, vẫn len lỏi trong bùn đất đã trỗi dậy và đem lại một màu xanh mới, một sức sống mới. Sự sống mới trồi sinh. Cái cũ đã mất nhưng cái mới lại tốt hơn, hoàn thiện hơn.

Biến cố tử nạn của Chúa Giê-su cũng tựa như một cơn giông bão quật ngã các tông đồ. Dường như đứng trước sự dữ các tông đồ đã ngục ngã hoàn toàn. Họ không còn nhớ những gì Thầy đã nói với họ. Họ càng không thể giữ trọn lời cam kết cùng chết với Thầy. Họ bỏ chạy trong đêm tối. Đêm tối của đức tin đến nỗi tuyệt vọng hoàn toàn. Họ tan đàn xẻ nghé. Mạnh ai nấy sống. Họ cũng bỏ Thầy một mình trong cô đơn.

Ngay cả khi Chúa đã sống lại. Họ vẫn hoài nghi. Tô-ma đã từng cứng lòng nói rằng: “nếu tôi không thọc tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin”. Có người còn hoang mang không biết đều gì đã xảy ra như 2 môn đệ Emmau đã nói: “Phần chúng tôi, trước đây vẫn hy vọng rằng chính Người là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en. Hơn nữa, những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Thật ra, cũng có mấy người đàn bà trong nhóm chúng tôi đã làm chúng tôi kinh ngạc. Các bà ấy ra mộ hồi sáng sớm, không thấy xác Người đâu cả, về còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo rằng Người vẫn sống. Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Người thì họ không thấy.” Lc 24, 21-24. Đó là tâm trạng hoài nghi khi họ chưa gặp được Chúa phục sinh. Tâm trạng đó đã hoàn toàn thay đổi khi họ gặp Chúa. Chúa phục sinh đã hiện ra với họ và thực sự thay đổi hoàn toàn con người của các ngài. Từ chỗ sợ hãi, bất an, giờ đây họ trở nên những người đầy nhiệt huyết, xông xáo, không còn hồ nghi về Thầy Giê-su đã sống lại.

Sự xông xáo đầy nhiệt huyết ấy mạnh mẽ đến nỗi không còn lo sợ nguy nan như Phê-rô đã từng tuyên bố: “chúng tôi phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Sự xông xáo ấy đã giúp các ngài vượt ra khỏi phòng tiệc ly để đến tận cùng trái đất mà loan tin mừng Chúa đã phục sinh. Các ngài đã hồi sinh để rồi từ nay không còn là chính mình mà là Đức Ky-tô đang sống và hoạt động trong các ngài như lời thánh Phaolo đã nói: “Tôi sống không còn là tôi sống mà là Đức Ky-tô đang sống trong tôi”.

Biến cố Chúa Giê-su phục sinh đã thay đổi biết bao cuộc đời, đặc biệt là các môn đệ của Ngài. Các ngài đã biến đổi trong Chúa để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa. Các ngài đã biến đổi để trở nên một với Chúa và chỉ còn lo cho công việc của Chúa là mang tin vui Chúa phục sinh đến khắp cùng trái đất.

Chúa đã phục sinh nhưng liệu rằng chúng ta đã để cho Chúa làm chủ tư tưởng và hành động của chúng ta chưa? Chúa đã phục sinh nhưng chúng ta đã được thay đổi đời sống hay chúng ta vẫn bám vào những đam mê lầm lạc, những bất công sa đọa?

Ước gì niềm tin Chúa đã Phục sinh sẽ thay đổi đời sống chúng ta như đã từng thay đổi lối nghĩ, cách sống của các môn đệ. Ước gì niềm vui Phục sinh sẽ giúp chúng ta dám vượt qua những cám dỗ thấp hèn để sống một cuộc đời cao đẹp hơn. Ước gì chúng ta cũng hãy theo chân các tông đồ mạnh dạn ra đi tuyên xưng về niềm tin phục sinh của Đức Ky-tô và của từng người chúng ta.

Nguyện xin Chúa là Đấng đã phục sinh và đổi mới các tông đồ, xin ân sủng Chúa cũng đổi mới tâm hồn chúng con nên tinh tuyền, trong sáng, thánh thiện hầu xứng đáng là con cái của Chúa. Amen

Về mục lục

.

ĐÊM KHỞI ĐẦU SỰ SỐNG MỚI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Chúng ta đang sống trong bầu khí linh thiêng của đêm Vọng Phục Sinh. Đêm nay, bóng tối của sự chết đã bị đẩy lui, ma quỷ đã đầu hàng, đây là đêm của sự chiến thắng, đêm khởi đầu cho sự sống mới. Hằng năm, Giáo Hội cử hành đêm Vọng Phục Sinh như đêm canh thức đợi chờ trong hy vọng và hân hoan. Khởi đầu cho đêm canh thức này là bản trường ca Exultes ca tụng quyền năng và sự khôn ngoan của Thiên Chúa đã cho Đức Giêsu trỗi dậy, vượt thắng sức mạnh của ma quỷ và thần chết, đem lại cho nhân loại niềm hy vọng và sức sống mới. Như hạt lúa mì được gieo vào lòng đất, chịu mục nát để cho cây lúa mới nẩy mầm làm nên mùa gặt mới nặng trĩu hạt vàng, Chúa Giêsu đã được chôn vùi trong lòng đất, đến ngày thứ ba, Ngài đã đạp mồ bước ra, mở ra cho nhân loại một thời đại mới.

Các bài đọc trong đêm nay giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quát về chương trình tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa. Khởi đầu từ việc Thiên Chúa yêu thương dựng nên con người giống hình ảnh Ngài và trao cho con người quyền trông coi vũ trụ. Tuy nhiên, con người đã lạm dụng tự do Thiên Chúa ban, quay lưng chống lại Thiên Chúa, phản bội tình yêu của Ngài. Thiên Chúa không đành bỏ con người, trong lời tuyên phạt con rắn, Thiên Chúa đã hé mở cho con người một con đường sống, con đường hy vọng: Ta sẽ đặt mối thù nghịch giữa mi và người phụ nữ, …

Thiên Chúa đã thực hiện chương trình cứu độ của Ngài qua việc tuyển chọn Apbram và mời gọi ông từ bỏ quê hương để bước theo tiếng gọi của Chúa. Thiên Chúa đã thử thách đức tin của ông, đã đề nghị ông hiến tế người con trai duy nhất là Isaac cho Chúa. Dù vô cùng đau đớn, Apbraham đã thực hiện như lời Chúa truyền, đem con là Isaac đi sát tế. Thiên Chúa chỉ thử thách ông, Ngài đã trả lại cho Apbraham đứa con mà ông yêu quý. Câu chuyện cho thấy, nếu như Thiên Chúa đã thấu hiểu nỗi đau của Apbraham, đã trả lại cho ông Isaac, thì đến lượt mình, Ngài lại chấp nhận nỗi đau đứt ruột nát gan để trao Người Con Một cho nhân loại. Đức Giêsu đã chịu hiến tế, cái chết của Ngài đã trở thành của lễ đem ơn cứu độ cho nhân loại.

Bài sách Xuất Hành làm nổi bật sự chiến thắng vinh quang của quyền năng Thiên Chúa. Khi ấy, dân Do Thái phải chịu cảnh nô lệ khổ cực bên đất Aicập, sống trong tăm tối nhục nhã. Thiên Chúa đã dùng các phép lạ để trừng phạt người Aicập và ra tay hùng mạnh đè bẹp chiến xa và kỵ binh của người Aicập. Thiên Chúa đã dùng Mose để đưa dân vượt qua Biển Đỏ, giải thoát họ khỏi cảnh nô lệ. Biến cố Vượt Qua này trở thành niềm tự hào, là biến cố ăn sâu vào tâm trí, đời sống đức tin và tôn giáo của dân Israel. Biến cố này còn là hình ảnh báo trước việc Thiên Chúa dùng Đức Giêsu, con của Ngài để dẫn nhân loại vượt qua bóng tối của đau khổ, tội lỗi và sự chết để bước vào ánh sáng vinh quang phục sinh.

Các bài đọc tiếp theo trong đêm canh thức chỉ cho chúng ta những cách sống để có thể cùng tham dự vào cuộc tử nạn và phục sinh của Chúa Giêsu. Mỗi người, nhờ Bí tích Rửa Tội, được dìm vào sự chết của Chúa Giêsu và cùng trỗi dậy trong sự phục sinh của Ngài. Vì thế, chúng ta được mời gọi thay đổi cuộc đời, sống con người mới, với tinh thần mới và hành động như con cái sự sáng. Mỗi người được mời gọi để sống theo sự thúc đẩy của Chúa Thánh Thần, để Chúa Thánh Thần canh tân biến đổi nên con người mới. Thánh Thần sẽ giúp chúng ta giũ bỏ lại đàng sau quá khứ tội lỗi và sự chết để mang trong mình mầm sống phục sinh của Chúa Kitô.

Chỉ khi mỗi người dám trút bỏ nếp sống cũ, mặc lấy con người mới, mang cái nhìn và cách cư xử mới, chúng ta mới có thể gặp Chúa Phục Sinh và trở thành người loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Câu chuyện thánh Matthew thuật lại hôm nay cho thấy sự thay đổi của các phụ nữ khi đón nhận Tin Mừng Phục Sinh. Các phụ nữ này là những người đã theo Chúa, yêu mến Chúa, nhưng dường như các bà vẫn nhìn Chúa theo cái nhìn cũ, sống theo tình cảm, thói quen cũ. Sau khi đã an táng Chúa cách đây mấy ngày, chiều ngày Sabát khởi đầu cho ngày thứ nhất, các bà rủ nhau ra thăm mộ Chúa. Trong tâm hồn các bà, Chúa Giêsu đã chết, tâm hồn các bà cũng đã chết vì sợ hãi và hy vọng của các bà cũng đã chết cùng với nấm mồ của Chúa. Vì thế, khi ra thăm mộ, thấy đất trời rung chuyển, có thiên thần của Thiên Chúa từ trời xuống lăn tảng đá và ngồi trên đó, diện mạo người như ánh chớp, y phục trắng như tuyết, các bà đã hết sức khiếp sợ.

Với hình ảnh Thiên Thần của Thiên Chúa uy phong như thế, tác giả Tin Mừng muốn nói rằng, chính Thiên Chúa đã lăn tảng đá lấp cửa mồ, đã phá dấu ấn niêm phong và đã ngồi trên tảng đá ấy như một vị anh hùng thắng trận. Sứ Thần của Thiên Chúa đã trấn an các bà: Này các bà, đừng sợ! Đấng bị đóng đinh đã không còn ở đây, Ngài đã trỗi dậy như lời Ngài đã nói. Sứ Thần mời gọi các bà đến kiểm chứng chỗ Ngài đã nằm và mời gọi các bà trở thành những người loan báo tin vui Phục sinh: Hãy nói cho các môn đệ rằng, Người đã trỗi dậy từ cõi chết, Người sẽ đến Galilê trước các ông và sẽ gặp các ông ở đó.

Tin Mừng kể tiếp: Các bà vội vã ra khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng rất đỗi vui mừng chạy về báo tin cho các môn đệ Chúa Giêsu. Các phụ nữ đã được biến đổi. Nếu như trước đây các bà sống trong sự sợ hãi, u buồn của cái chết, thì giờ đây, sau khi được Sứ Thần báo tin, các bà đã trở nên mạnh dạn và hân hoan. Các bà đã bước ra khỏi ngôi mộ là sự sợ hãi, buồn thảm đang đè nặng tâm hồn, để sống niềm vui mới, niềm vui phục sinh. Với tinh thần mới, con người mới, các phụ nữ đã đem tin vui phục sinh về cho các môn đệ. Kế đó, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra để củng cố niềm tin cho các bà, Ngài cho các bà thấy Ngài, được ôm lấy chân Ngài và bái lậy Ngài. Thái độ bái lậy là thái độ của những người tin Chúa Phục Sinh là chính Thiên Chúa.

Thưa quý ÔBACE, Thiên Chúa vẫn đang thực hiện chương trình sáng tạo, tái tạo và cứu chuộc mỗi chúng ta. Chúa Giêsu Phục Sinh vẫn đang hiện diện và đồng hành với mỗi chúng ta. Để nhận ra Ngài, chúng ta cũng phải làm như các phụ nữ trong Tin Mừng, mạnh dạn bước ra khỏi mồ để đón nhận niềm vui Phục Sinh.

Nhiều người trong chúng ta vẫn đang chôn vùi cuộc đời của mình trong nấm mồ tội lỗi, vẫn muốn níu kéo con người cũ cùng với quá khứ và những thói quen xấu, khiến chúng ta chưa đón nhận được niềm vui Phục Sinh. Cuộc sống của nhiều người còn bị đè nặng bởi gian dối, tiền bạc, của cải vật chất, khiến chúng ta không thể trở thành người loan báo tin vui phục sinh cho anh em. Cuộc sống của nhiều gia đình đang bị đè nặng bởi nóng nảy cãi vã, bị trói buộc bởi giận hờn tranh chấp, ích kỷ, khiến cho cuộc sống gia đình căng thẳng, u ám buồn bã. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi những nấm mồ chết chóc tối tăm ấy, để đón nhận ánh sáng phục sinh của Chúa. Hãy để cho Thánh Thần biến đổi và hướng dẫn cuộc sống chúng ta, Ngài sẽ làm cho cuộc đời ta tràn ngập niềm vui của Chúa Phục Sinh và biến chúng ta trở thành những người loan báo Tin Mừng Phục Sinh cho anh chị em. Amen.

Về mục lục

.

TIN MỪNG CHÚA PHỤC SINH

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Mừng vui lên… vui lên, hỡi Mẹ Hội Thánh vui lên…hãy vang lên tiếng ca hát của toàn dân. Vâng đêm nay là “đêm của Đức Chúa” (Xh 12, 42), đêm Thánh “mẹ của mọi đêm thánh” (thánh Augustinô). Đêm đêm tôn vinh và cảm tạ, vì Thiên Chúa đã, đang và mãi mãi yêu thương con người, đêm nối kết trời với đất, con người với Thiên Chúa, và con người trần thế với nhau.

Lễ nghi Canh Thức long trọng đêm nay làm cho chúng ta sống lại biến cố Chúa Phục Sinh, một biến cố có tính cách quyết định và luôn thời sự, Mầu Nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo. Đêm nay, vô số những cây nến phục sinh được đốt lên trong các nhà thờ tượng trưng ánh sáng Chúa Kitô đã và còn đang sáng soi nhân loại, ánh sáng không bao giờ lụi đi, ánh sang chiến thắng bóng tối của tội lỗi và sự dữ(x. Exsultet). Còn hạnh phúc và hy vọng nào lớn lao hơn, khi Con Thiên Chúa sống lại, để tất cả những ai tin vào Người cũng sẽ được sống lại vinh quang. Vì thế, Giáo hội trần thế đêm nay với niềm vui khôn tả đều đồng thanh công bố Tin Mừng Phục Sinh cho toàn thế giới : “Mừng vui lên”, mừng vui lên hỡi muôn lớp cơ binh thiền thần…Cùng vui lên hỡi các nhiệm mầu thánh này…Và vui lên, toàn trái đất…Cùng vui lên, ôi Mẹ Hội Thánh…(x. Exsultet) vì Chúa đã sống lại.  

Chúa Giêsu thành Nagiarét, Ðấng chịu đóng đinh, đã sống lại từ trong cõi chết sau ba ngày bị mai táng trong mồ, đúng như lời Kinh Thánh. Lời loan báo của “hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói” (Lc 24,4) làm “các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất” (Lc 24,5). Thấy vậy, hai người lên tiếng : “Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết ? Người không còn ở đây. Người đã sống lại”(Lc 24, 5-6). Vâng Người đã sống lại rồi.  

Chúng ta cứ thử tưởng tượng xem tâm tình của mấy phụ nữ “vừa tảng sáng, đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn” (Lc 24,1), hết sức bàng hoàng khi thấy : Hòn đá đã lăn ra khỏi mồ ?” (Lc 24,2). Nhờ lời của hai người lạ kia, các bà nhớ lại lời Người đã nói : “Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại” (Lc 24,7). 

Vâng, Chúa Kitô đã sống lại sáng láng bước ra khỏi mồ, sau khi tiêu diệt sự chết, bẻ gãy mọi ràng buộc của ngôi mộ. Chính vì thế mà các Thiên Thần từ trời cao đã tuyên bố : “Người không còn ở đây. Người đã sống lại” (Lc 24, 6). Con Thiên Chúa không còn ở trong mộ, bởi vì Người không thể nào là người tù của sự chết (x. Cv 2, 24) và ngôi mộ không thể nào giữ lại “Ðấng hằng sống” (Kh 1,8), Ðấng là chính nguồn mạch của sự sống đã kết thúc cuộc hành trình nơi ngôi mộ như mọi người, nhưng Người đã chiến thắng sự chết, sống lại ra khỏi mồ. Người đã mở lòng đất và mở ra thật rộng để hướng về Trời, đưa chúng ta ra khỏi mồ tăm tối, dẫn chúng ta từ đất về trời với Chúa Cha. 

Mừng vui lên, sao không thể không vui, bởi vì đêm nay Chúa Kitô ra khỏi ngục vinh thắng, đêm mà xiềng xích sự chết do Tội tổ tông gây ra bị bẻ gãy. Sự chết đó đã khiến cho bao người thất vọng, làm tiêu tán hết mọi nỗ lực của con người. Nay Con Thiên Chúa, vì yêu thương đã vâng phục, với cái giá phải trả là chết trên thập giá, để hòa giải tội nhân với Chúa, mang lại sự sống cho con người. Từ nay con người phải chết sẽ được sống, ơn làm con cái Chúa được phục hồi, sự chết sẽ không còn cơ hội để khống chế và tiêu tan những cố gắng của con người nữa. Nhờ bí tích Rửa Tội, chúng ta được kết hiệp với Chúa Kitô, sự Phục Sinh của Người trở thành sự phục sinh của chúng ta, như lời tiên tri Ezechiel đã loan báo: “Ðây, Ta mở ra các mồ mả của các người; Ta phục sinh các người từ các mồ mả, hỡi dân ta ơi, và ta sẽ dẫn các người trở lại xứ sở của Israel” (Ed 37,12). Những lời tiên tri trên có một giá trị đặc biệt trong ngày Chúa phục sinh, bởi vì hôm nay được nên trọn lời hứa của Ðấng Tạo Hóa.

Ngày hôm nay, trong thời đại chúng ta đây, thời đại bị ghi dấu bởi sự lo âu và không chắc chắn, thời đại khủng hoảng, mất niềm tin vào nhau, chúng ta được sống biến cố Phục Sinh, một biến cố đã thay đổi dung mạo cuộc đời chúng ta, đổi thay cả lịch sử nhân lọai. Tất cả những ai đang bị áp bức bởi những mối dây ràng buộc của đau khổ, của sự chết, đang chờ đợi niềm hy vọng từ Chúa Kitô Phục Sinh, cả đôi khi họ chờ đợi một cách vô ý thức.

Cùng với Giáo Hội, những lời của bài ca Exsultet, “Hãy vui lên, hỡi ca đoàn các thiên thần, hãy hát lên… hỡi trái đất, hãy nhảy mừng”. Biến cố Phục Sinh của Chúa bao trùm toàn thể vũ trụ, và liên kết đất trời chung lại với nhau. Một lần nữa, với những lời của bài ca “Hãy vui lên”, chúng ta có thể cao rao : “Chúa Kitô… Ðấng từ cõi chết sống lại và chiếu toả ánh sáng bình an của Người trên toàn thể nhân loại, Ðấng là Con Thiên Chúa, là Ðấng hằng sống và hằng trị mãi mãi muôn đời”. Amen.

Về mục lục

.

SUY NIỆM THỨ BẢY VỌNG PHỤC SINH

 Lm. Anthony Trung Thành

Tối thứ Bảy Vọng Phục Sinh hôm nay được gọi là “Mẹ các đêm Vọng.” Phụng vụ gồm có bốn phần: Phần thứ nhất là nghi thức thắp nến Phục Sinh; Phần thứ hai là phụng vụ Lời Chúa; Phần thứ ba là phụng vụ Thánh Tẩy; Phần thứ tư là phụng vụ Thánh Thể. 

Phần thứ nhất, nghi thức thắp nến Phục Sinh: Còn gọi là phụng vụ Ánh Sáng, là ghi dấu sự vượt qua từ bóng tối sang ánh sáng. Từ sau lễ chiều thứ Năm, đặc biệt sau nghi thức tưởng niệm cái chết của Đức Giêsu vào lúc 3 giờ chiều ngày thứ Sáu cho đến trước lễ vọng tối thứ Bảy hôm nay, phụng vụ gọi là thời gian thầm lặng. Giáo hội tưởng nhớ Đức Giêsu bị bắt, chịu khổ nạn, chịu chết trên thánh giá và nhất là thân xác Ngài đang an nghỉ trong mồ. Thời gian này năm xưa, tâm trạng các môn đệ của Đức Giêsu hoàn toàn thất vọng, coi như mọi sự đã chấm dứt: người Thầy mà mình theo đuổi bấy lâu nay đã thất bại hoàn toàn. Nhưng, trong thực tế Đức Giêsu không thất bại, Ngài đã chiến thắng, vì thập giá là con đường Ngài tự nguyện đi qua để bước vào Phục Sinh Vinh Quang. Thánh Phaolô đã nói: “Đức Giêsu đã hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết và chết trên cây thập giá” (Pl 2,8). Đó là con đường mà Chúa Cha đã định cho Ngài để cứu độ nhân loại. Thư Do Thái cho biết: “Người đã học vâng phục do những đau khổ Người chịu, và khi hoàn tất, Người đã trở nên căn nguyên ơn cứu độ đời đời” (Dt 5,8-9). Chính Ngài cũng đã báo trước về sự phục sinh của Ngài rằng “Ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại”(Mc 9,31).

Ngài chính là Ánh Sáng. Ngài tuyên bố rằng: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Ánh sáng đó đã bừng lên trong đêm nay. Vì thế, sau phần làm phép lửa và chuẩn bị nến. Linh mục lấy lửa và thắp vào cây nến Phục Sinh, và công bố ba lần rằng: “Ánh Sáng Chúa Kitô.” Ánh sáng Đức Giêsu Kitô được thắp lên xua tan bóng tối.  

Đó là niềm vui của toàn thể nhân loại. Niềm vui đó được thể hiện một cách đầy đủ trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh. Đức ông Phanxicô Borgia Trần Văn Khả cho biết: “Bài công bố Tin mừng Phục sinh đã diễn tả nội dung huyền nhiệm và cao cả của Đêm Vọng Phục sinh, khi nhắc lại cuộc thương khó và sống lại của Chúa Kitô ; khi ca tụng Chúa Kitô là Chúa cứu độ và diễn tả mầu nhiệm con người được cứu rỗi.”  

Phần thứ hai, phụng vụ Lời Chúa: Khởi đầu phần phụng vụ Lời Chúa, linh mục mời gọi cộng đoàn: “Anh chị em thân mến, chúng ta đã long trọng khai mạc đêm canh thức Vượt Qua, giờ đây chúng ta hãy đem lòng sốt sắng lắng nghe Lời Chúa. Chúng ta sẽ ngẫm xem trong thời Cựu Ước, Chúa đã cứu chuộc dân Người làm sao và trong thời đại cuối cùng này, Người lại sai Con Một để cứu chuộc chúng ta thế nào. Vậy chúng ta hãy xin Chúa hoàn tất công trình cứu chuộc Người đã khởi sự trong mầu nhiệm Vượt Qua.”

Nội dung lời mời gọi trên nói lên tất cả. Thật vậy, các bài đọc hôm nay khơi lên những thời điểm chính yếu của lịch sử cứu độ, quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước: Quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua việc tạo dựng; qua việc Abraham hiến tế Isaac và sau đó được Chúa chúc phúc cho dòng dõi của ông; quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua việc Thiên Chúa giải thoát dân Do Thái khỏi cảnh nô lệ bên Ai cập và đưa về đất hứa; đặc biệt quyền năng của Thiên Chúa được thể hiện qua việc Ngài tự mình sống lại. Bài Tin Mừng Thánh Mathêu cho biết Đức Giêsu đã sống lại qua hình ảnh ngôi mộ trống, đặc biệt qua lời chứng của Thiên Thần: “Các bà đừng sợ. Ta biết các bà tìm Chúa Giêsu, Người đã chịu đóng đinh. Người không có ở đây vì Người đã sống lại như lời Người đã nói. Các bà hãy đến mà coi nơi đã đặt Người và đi ngay bảo các môn đệ Người rằng: Người đã sống lại, và kìa Người đến xứ Galilêa trước các ông: Ở đó các ông sẽ gặp Người. Ðây Ta đã báo trước cho các bà hay”(Mt 28,5-7). Cũng qua bài Tin Mừng hôm nay Thánh Mathêu cho chúng ta biết, chính Chúa Phục Sinh đã đích thân hiện ra nói với các bà rằng: “Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta” (Mt 28,10).

Tóm lại, phụng vụ Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta thấy được tình thương và quyền năng của Thiên Chúa từ thời Cựu Ước sang thời Tân Ước, nhất là thêm lòng tin tưởng vào biến cố Chúa đã Phục Sinh. 

Phần thứ ba, phụng vụ Thánh Tẩy: Tuyên thệ lời hứa khi lãnh nhận Bí tích Rửa Tội. Với nghi thức tuyên thệ này, Giáo Hội nhắc nhở chúng ta sống lời dạy của Thánh Phaolô về Phép Rửa Tội, hãy hiên ngang dấn thân theo Chúa và trung thành phụng sự Người: Hãy chết đi cho tội để được sống lại với Người (x. Rm 6, 3-11). Với tâm tình đó, toàn thể cộng đoàn lặp lại lời từ bỏ ma quỷ và tuyên xưng đức tin khi chịu phép Rửa Tội. Đó cũng là lời mời gọi sống tâm tình của Bí tích Rửa Tội trong suốt hành trình dương thế của mỗi Kitô hữu chúng ta. 

Phần thứ tư, phụng vụ Thánh Thể: Đây là phần quan trọng không thể thiếu của mỗi thánh lễ. Đặc biệt trong Đêm Vọng Phục Sinh hôm nay, phần phụng vụ Thánh Thể chính là “ăn Chiên Vượt Qua đã chịu hiến tế để cứu thoát loài người khỏi tội. Trong cử hành này, Giáo Hội cũng muốn xác nhận và tuyên xưng rằng mình đang thuộc về một giao ước mới, để từ nay, chúng ta không còn lạc lõng trong thế gian nữa, nhưng đã được kết hiệp mật thiết với triều đình thiên quốc nhờ bửu huyết Đức Kitô Tử Nạn và Phục Sinh.” Xin cho mỗi người chúng ta luôn biết siêng năng cử hành nghi lễ Thánh Thể mỗi ngày, đồng thời dọn mình sốt sắng lãnh nhận chính Mình Máu Thánh Đức Giêsu để làm linh dược nuôi sống linh hồn.

Lạy Chúa Kitô Phục Sinh, Chúa đã chiến thắng tử thần và sống lại vinh quang. Xin cho mỗi người chúng con cũng được chiến thắng mọi thử thách gian nan trong cuộc sống, hầu được cùng Phục Sinh với Ngài trên nước Thiên đàng . Amen.

Về mục lục

.

TÌM CHÚA

AM. Trần Bình An

Trong một con hẻm gần ngã ba Ông Tạ (Quận Tân Bình, SG), căn nhà khá khang trang đã ít nhiều thay đổi công năng, để làm phòng chăm sóc dã chiến cho người nhiễm HIV, Chị Maria Nguyễn Thị Vinh, thuộc giáo xứ Nam Thái, địa phận Saigon, vừa bước vào tuổi 60, mà nhiều người hay gọi là “Vinh Sida,” vẫn chưa thôi trăn trở về những người đang đối mặt với căn bệnh bị xã hội xa lánh. 

Chị tâm sự rằng, khi người ta gọi mình như vậy nghĩa là mình đã thành công, vì có thể hòa nhập với người nhiễm HIV và giữa chúng tôi không có khoảng cách, dù tôi không hề nhiễm HIV. Tại các bệnh viện khi chúng tôi thăm, tắm rửa và gội đầu cho người đó, nhiều người xầm xì: “Cùng bọn với nhau, nên chăm sóc nhau thôi.” Điều đó không làm chúng tôi buồn, vì niềm vui của người bệnh là hạnh phúc của chúng tôi. 

Năm 1998, khi dự tĩnh tâm tại dòng Chúa Cứu Thế, linh mục hướng dẫn mời gọi chúng tôi giúp đỡ bệnh nhân AIDS. Tôi biết về AIDS rất mù mờ, nhưng vì tò mò đã đăng ký tham dự một khóa học chăm sóc người có HIV cùng hơn 300 người khác. Nhưng khi nhập cuộc chỉ còn khoảng chục người và chúng tôi lập nhóm Tiếng Vọng để đi tìm người nhiễm HIV, chăm sóc, tắm rửa, ủi an, giúp thuê nhà, liên hệ với một số bác sĩ khám chữa bệnh và trung tâm cai nghiện, giúp chữa trị để sớm hòa nhập với cộng đồng. Cho đến nay, những người của Tiếng Vọng ngày ấy, giờ chỉ còn mình tôi. Tôi may mắn được một số linh mục và bác sĩ hỗ trợ, nên có một cơ sở chăm sóc người có HIV, chủ yếu là giai đoạn cuối. Tôi cũng quy tụ được hơn 10 thành viên mới vào Nhóm Tiếng Vọng ngày nay, gồm một số anh chị em HIV. Sau khi được chữa trị, thuyên giảm bệnh tật, tình nguyện ở lại giúp những người nặng hơn. Buổi sáng, chúng tôi chăm sóc các bệnh nhân ở cơ sở. Chiều và tối chúng tôi đến với các bệnh nhân không di chuyển được, để chăm sóc, tắm rửa và vệ sinh vết thương cho họ. Mọi thành viên trong nhóm đều làm việc thiện nguyện vì chúng tôi không có nguồn thu…(theo Bích Thuỷ, Người phụ nữ tắm rửa, gội đầu cho bệnh nhân AIDS, Tuoitre) 

Gần 20 năm, chị Vinh vẫn đang còn mải miết đi tìm Đức Kitô bị bỏ rơi, qua hình hài những người nhiễm HIV. Chính nhờ Tình Yêu Chúa thôi thúc chị luôn mãi tìm kiếm, đem về chăm sóc, phục vụ. Hôm nay, hai bà Maria Mađalêna và bà Maria khác cùng ra huyệt mộ tìm Chúa. Họ đã không phải thất vọng, mà hân hoan, hạnh phúc, vinh dự tìm thấy Chúa Phục Sinh. 

Kính mến tìm Chúa 

“Khi ngày thứ nhất trong tuần vừa tảng sáng, Maria Mađalêna và bà Maria khác đến thăm mồ.” Một tình yêu nồng nàn, thắm thiết đã thôi thúc hai bà ra đi tìm Chúa ngay từ sáng sớm tinh mơ. Trong lòng khắc khoải, nóng ruột, khôn nguôi kính nhớ Đức Giêsu, khiến họ không thể nào chờ đến sáng hẳn mới đi ra mộ. 

Caritas Christi urget nos. “Tình yêu Đức Kitô thôi thúc chúng tôi.” (2Cr 5, 14). Hai bà đạo đức chẳng còn quan tâm đến điều gì khác, ngoài Đức Giêsu Kitô đã an táng trong mồ. Họ tha thiết mong được gặp Người và chiêm ngưỡng Người. Không điều gì có thể ngăn cản, cấm đoán hay chia cách Người được.

Nhiệt thành tìm Chúa 

Trong khi các môn đệ Đức Giêsu cửa đóng then cài, náu mình trốn kỹ, kẻo quân dữ bắt bớ liên luỵ, thì hai bà đạo đức chẳng ngại, chẳng sợ Biệt phái, quân quan Philatô, lẫn những tay quá khích, quý bà vẫn can đảm đi tìm Chúa. 

Dẫu vẫn biết bao gian nguy chờ đợi những ai theo Thầy, nhưng đừng sợ, vì Đức Giêsu Kitô, Vua Tình Yêu, đã chiến thắng vẻ vang. “Trong thế gian, anh em sẽ gian nan khốn khó. Nhưng can đảm lên! Thầy đã thắng thế gian.” (Ga 16, 33) 

Với tình yêu mãnh liệt, đức mến nồng nhiệt, đức tin bền vững, đức cậy phó thác, thì chẳng có gì lấn lướt, chèn ép, áp bức, đe doạ được con chiên trung thành của Chúa. Bởi chưng “Ðức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13, 7)  

Loan báo tìm Chúa 

Hai bà không chỉ được diễm phúc gặp Chúa Giêsu sống lại phục sinh, mà còn được an ủi, khích lệ, vinh hạnh làm nhân chứng cho Đấng Phục Sinh.“Các bà đừng sợ. Hãy đi báo tin cho các anh em Ta phải trở về Galilêa, rồi ở đó, họ sẽ gặp Ta.”

Cùng sinh hoạt, cầu nguyện, hiệp ý với các Tông Đồ, các bà đã chính thức trở nên những chứng nhân nhiệt thành, sẵn sàng chịu gian khổ, chịu tù đầy, chịu nhục hình và chịu chết, làm chứng cho niềm tin: “Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng.” (Cv 2, 32) 

Thánh Phaolô sau này cũng chia sẻ, hiệp thông cùng quý bà, ý thức bổn phận loan báo Tin Mừng, dẫu đầy nguy nan, khó khăn và thách đố. “Xin Thiên Chúa mở cửa cho chúng tôi rao giảng lời Người, để chúng tôi loan báo mầu nhiệm Ðức Kitô; chính vì mầu nhiệm này mà tôi bị giam giữ.  Xin cho tôi biết công bố rõ ràng mầu nhiệm ấy, như bổn phận tôi phải loan báo.” (Cl 4, 3-4) 

“Lãnh nhận một trách nhiệm tông đồ là sẵn sàng chấp nhận chịu “tử đạo” bởi mọi người, ở mọi nơi, bằng mọi cách, với tất cả yêu thương và bền chí như Phêrô và Gioan:“Họ từ hội đường ra về vui vẻ vì đã được xứng đáng chịu sỉ nhục vì danh Chúa.” (Đường Hy Vọng, số 313)  

Lạy Chúa Giêsu, Người đã chịu khổ nạn, chịu chết và đã phục sinh sống lại, để cứu chuộc chúng con khỏi phải chết. Xin Người thương xót cứu giúp chúng con được sống lại, tái sinh cuộc đời mới, sống theo Tin Mừng.

Khấn xin Mẹ giúp đỡ chúng con chết đi thân phận tội lỗi, để được tái sinh cuộc đời mới, nhờ ơn cứu chuộc của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con. Amen.

Về mục lục

.

NGƯỠNG SINH – TỬ

Trầm Thiên Thu

Ngày Thứ Bảy – khoảng chơi vơi

Thầy không còn nữa, khốn đời con đây!

Con cô đơn, thấy nhớ Thầy

Giờ con mới thấm phút giây một mình

Bên Thầy, con quá vô tình

Mất Thầy, con mới biết mình lầm sai

Thứ Bảy Thánh vẫn còn bao trùm sự tĩnh lặng của Thứ Sáu Thánh. Theo tiếng Tây Ban Nha, Thứ Bảy Thánh gọi là Sabado Santo – viết tắt là SS, còn tiếng Anh gọi là Holy Saturday. Ngày này là “biên độ” đặc biệt, rất lạ vì có điều bất ngờ kỳ diệu: Cuộc Vượt Qua Mầu Nhiệm của Đức Kitô.

Trong cuộc sống, cái gì cũng có ranh giới, biên độ, biên giới hoặc giới hạn. Nhưng có một loại ranh giới “độc đáo” nhất, vừa đáng quan ngại vừa đáng quan tâm, đó là Ranh Giới SINH – TỬ, cái “ngưỡng” giữa Sự Sống và Sự Chết. Ranh giới này rất mong manh, chỉ là một làn hơi thở. Người ta cũng thường so sánh: “Ngủ và chết chỉ khác nhau hơi thở”. Thật đúng như vậy!

Chắc hẳn chẳng ai muốn nhắc tới sự chết – dù chết là điều minh nhiên và tất yếu, bởi vì người ta cho đó là “chuyện xui xẻo”. Các môn đệ đã cảm thấy buồn khi nghe Ngài nói về việc đi chịu chết, và chính Phêrô đã lên tiếng ngăn cản Thầy Giêsu. Không chỉ một lần mà đã vài lần Đức Giêsu Kitô tỏ cho các môn đệ biết rằng Ngài PHẢI đi Giêrusalem, PHẢI chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, họ còn nộp Ngài cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá rồi bị giết chết, thế nhưng “ngày thứ ba Ngài sẽ sống lại” (Mt 16:21; Mt 17:23; Mt 20:19).

Rất hả hê khi các thượng tế và những người Pharisêu kéo nhau đến gặp ông Philatô, họ gọi Đức Giêsu là “tên bịp bợm”, họ xin ông Philatô cho lính canh mộ kỹ càng cho đến ngày thứ ba vì họ sợ có người đến lấy trộm xác rồi phao tin Ngài sống lại. Thật là mưu mô xảo trá của những kẻ lòng lang dạ thú, chính họ bịp bợm mà lại nói người khác, họ gian dối nên mới hành động lén lút. Và rồi họ đã niêm phong tảng đá và cắt lính canh mồ (Mt 24:62-66). Thế nhưng cũng chỉ là dã tràng xe cát, hoàn toàn vô ích mà thôi!

Đích thân mấy tên lính canh đã bật ngửa khi Đức Giêsu sống lại, ấy thế mà họ vẫn cứng lòng. Họ sợ sự việc này đến tai quan tổng trấn nên đã chạy chọt và dàn xếp với quan để mấy tên lính canh được vô sự. Chính mấy tên lính canh đã nhận tiền hối lộ và làm theo lời họ là phao tin đồng nhảm, cho rằng thi hài Đức Kitô bị đánh cắp, và câu chuyện này vẫn được phổ biến giữa người Do-thái cho đến ngày nay (Mt 28:14-15). Cả lũ lọc lừa, thâm độc, tham nhũng và hối lộ, từ trên xuống dưới, thật là kinh khủng quá!

Tuy nhiên, sự thật vẫn mãi là sự thật, không ai có thể bóp méo hoặc xoay hướng. Chúa Giêsu sống lại hay chết vĩnh viễn thì thế giới đã biết rõ. Không cần mất thời gian tranh cãi với những kẻ vô thần cứng lòng tin, lòng chai dạ đá như thế: “Đối với người tin thì không cần giải thích, đối với người không tin thì giải thích cũng vô ích” (Thánh nữ Bernadette). Thánh Phaolô đã lý giải: “Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta chỉ vô ích, vì đó là niềm tin hoang đường, hão huyền, vô căn cứ, và chúng ta vẫn sống trong tội lỗi” (1 Cr 15:17). Thật vô cùng hạnh phúc khi đức tin của chúng ta có căn cứ rõ ràng chứ không mơ hồ, không hão huyền, không mê tín, và chắc chắn không hề uổng phí, bởi vì Đức Chúa “không phải là Thiên Chúa của kẻ chết, nhưng là Thiên Chúa của kẻ sống” (Lc 20:38). Đó là sự thật, càng ngày sự thật đó càng được minh chứng cụ thể.

Bài đọc thứ nhất là trình thuật St 22:1-18, có đề cập “vấn đề sinh – tử”, đó là việc ông Áp-ra-ham vâng lời Chúa mà hiến tế con mình làm lễ toàn thiêu trên một ngọn núi theo lệnh Ngài truyền. Không chần chừ, không so đo, không tính toán, ông Áp-ra-ham dậy sớm, thắng lừa, đem theo hai đầy tớ và con trai I-xa-ác, ông bổ củi dùng để đốt lễ toàn thiêu, rồi lên đường đi tới nơi Thiên Chúa bảo. Sang ngày thứ ba, ông Áp-ra-ham ngước mắt lên, thấy nơi đó ở đàng xa, ông bảo đầy tớ ở lại với con lừa, rồi đưa con trai đi, ông bảo rồi sẽ trở lại với họ.

Mà sao lạ thế nhỉ? I-xa-ác không thấy chiên để làm lễ toàn thiêu nên hỏi cha, ông Áp-ra-ham ôn tồn bảo rằng chiên làm lễ toàn thiêu sẽ được chính Thiên Chúa lo liệu, và hai cha con tiếp tục cùng đi tới nơi Thiên Chúa đã chỉ. Ông Áp-ra-ham dựng bàn thờ xong, xếp củi lên, rồi trói con trai I-xa-ác lại và đặt lên đống củi trên bàn thờ. Có điều lạ lùng là cậu I-xa-ác vẫn ngoan ngoãn theo lệnh cha mà không hề thắc mắc hoặc phản đối, rõ ràng niềm tin của người con cũng lớn không kém niềm tin của người cha.

Đức tin của ông Áp-ra-ham lớn quá. Ông không hề thắc mắc khi Thiên Chúa bảo hiến tế chính đứa con độc nhất, con cầu con khẩn của mình, và hoàn toàn tín thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Một người công chính như vậy thì thật tuyệt vời biết bao! Và cậu I-xa-ác là hình bóng của Đức Giêsu, Con Một Yêu Dấu của Chúa Cha, vâng lời cho đến chết trên Thập Giá.

Tuy nhiên, ngay khi ông Áp-ra-ham vừa đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình thì sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông: “Áp-ra-ham! Áp-ra-ham!”. Ông thưa: “Dạ, con đây!”. Sứ thần nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!”. Ông Áp-ra-ham ngước mắt lên nhìn thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây. Ông bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình. Đúng là Thiên Chúa sẽ lo liệu như ông đã nói, và ông đặt tên cho nơi đó là “Đức Chúa sẽ liệu”. Từ đó có câu: “Trên núi Đức Chúa sẽ liệu”.

Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Áp-ra-ham một lần nữa và nói: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta”.

Ôi, đức tin của ông Áp-ra-ham lớn lao và sâu xa quá: Sẵn sàng ra đi đến miền đất Chúa chỉ cho và không ngại hiến tế chính con yêu dấu của mình. Và niềm tin tuyệt đối của ông đã được Thiên Chúa bù đắp xứng đáng!

Ông vững tin vì ông biết địa cầu này đầy ân sủng của Thiên Chúa, chắc chắn ở đâu có Chúa là có bình an và hạnh phúc. Đúng như Thánh Vịnh gia đã tin tưởng khi xác nhận: “Lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất. Một lời Chúa phán làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú. Chúa dồn đại dương về một chỗ, Người đem biển cả trữ vào kho” (Tv 33:4-7).

Thật đúng là “hạnh phúc thay quốc gia được Chúa làm Chúa Tể, hạnh phúc thay dân nào Người chọn làm gia nghiệp, và từ trời cao nhìn xuống, Chúa thấy hết mọi người” (Tv 33:12-13). Thiên-Chúa-của-người-sống là kho báu mà mọi người mơ ước và cầu mong: “Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì. Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh. Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:20-22).

Biên độ sinh – tử mong manh lắm, nhưng cái “ngưỡng” đó lại là một hành trình dài, là cuộc xuất hành đầy gian nan, và là cuộc vượt qua đầy thử thách cam go.

Thuở xưa, khi dân chúng kêu xin, chính Đức Chúa đã tuyên phán với ông Mô-sê: “Có gì mà phải kêu cứu Ta? Hãy bảo con cái Ít-ra-en cứ nhổ trại. Phần ngươi, cầm gậy lên, giơ tay trên mặt biển, rẽ nước ra cho có lối đi khô ráo ngay giữa lòng biển, để con cái Ít-ra-en đi vào. Còn Ta, Ta sẽ làm cho lòng người Ai-cập ra chai đá. Chúng sẽ tiến vào theo sau các ngươi. Bấy giờ Ta sẽ được vẻ vang hiển hách khi đánh bại Pha-ra-ô cùng toàn thể quân lực, chiến xa và kỵ binh của vua ấy. Người Ai-cập sẽ biết rằng chính Ta là Đức Chúa, khi Ta được vẻ vang hiển hách vì đã đánh bại Pha-ra-ô cùng chiến xa và kỵ binh của vua ấy” (Xh 14:15-18).

Thiên sứ của Thiên Chúa đang đi trước hàng ngũ Ít-ra-en, cột mây bỏ phía trước mà đứng về phía sau, chen vào giữa hàng ngũ Ai-cập và hàng ngũ Ít-ra-en. Bên kia, mây toả mịt mù, bên này, mây lại sáng soi đêm tối, khiến cho hai bên suốt đêm không xáp lại gần nhau được. Ông Mô-sê giơ tay trên mặt biển, Đức Chúa cho một cơn gió đông thổi mạnh suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hoá thành đất khô cạn. Nước biển rẽ ra, và con cái Ít-ra-en đi vào giữa lòng biển khô cạn, nước sừng sững như tường thành hai bên. Dân Ít-ra-en đi qua, còn quân Ai-cập chịu thất bại ê chề. Đó là cuộc giải phóng thần kỳ với thế cờ lật ngược. Chỉ có Thiên Chúa mới khả dĩ làm được như vậy. Dân Ít-ra-en thấy Đức Chúa đã ra tay hùng mạnh đánh quân Ai-cập nên đồng tâm nhất trí kính sợ Đức Chúa, tín thác vào Đức Chúa và tin tưởng vào ông Mô-sê.

Và bấy giờ, ông Mô-sê cùng với con cái Ít-ra-en vang lời hát mừng Đức Chúa: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi. Người là Chúa tôi thờ, xin dâng lời vinh chúc, Người là Chúa tổ tiên, xin mừng câu tán tụng. Lạy Chúa, tay hữu Ngài đã biểu dương sức mạnh, đã nghiền nát địch quân. Người cho dân tiến vào định cư họ trên núi gia nghiệp của Người. Lạy Chúa, chính nơi đây Người chọn làm chỗ ở, đây cũng là đền thánh tự tay Người lập nên. Chúa là vua hiển trị đến muôn thuở muôn đời” (Xh 15:1-6, 17-18).

Trong cuộc sống, nước là chất thiết yếu. Nước rất mềm yếu nhưng cũng rất mạnh mẽ. Nước rửa sạch ô uế, nước gội mát muôn vật, làm cho mọi vật hồi sinh. Nước rất cần thiết trong sinh hoạt thường nhật. Thiếu nước thì người ta mau chết hơn là thiếu đồ ăn. Nước là biểu hiện của sự sống. Nước rất kỳ diệu!

Nước tự nhiên mà còn kỳ diệu đến thế huống chi nước tâm linh. Thánh Phaolô nói: “Anh em không biết rằng khi chúng ta được dìm vào nước thanh tẩy, để thuộc về Đức Kitô Giêsu, là chúng ta được dìm vào trong cái chết của Người sao? Vì được dìm vào trong cái chết của Người, chúng ta đã cùng được mai táng với Người. Bởi thế, cũng như Người đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6:3-4).

Nói về ngưỡng sinh – tử, Thánh Phaolô nói: “Vì chúng ta đã nên một với Đức Kitô nhờ được chết như Người đã chết, chúng ta cũng sẽ nên một với Người, nhờ được sống lại như Người đã sống lại. Chúng ta biết rằng: con người cũ nơi chúng ta đã bị đóng đinh vào thập giá với Đức Kitô, như vậy, con người do tội lỗi thống trị đã bị huỷ diệt, để chúng ta không còn làm nô lệ cho tội lỗi nữa. Quả thế, ai đã chết thì thoát khỏi quyền của tội lỗi” (Rm 6:5-7). Thật kỳ diệu với cái vòng sinh – tử như vậy!

Kinh Thánh cho biết rạch ròi: “Nếu chúng ta đã cùng chết với Đức Kitô, chúng ta cũng sẽ cùng sống với Người: đó là niềm tin của chúng ta” (Rm 6:8). Niềm tin đó hoàn toàn chính xác, không hề luống công vô ích. Thật vậy, Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Một khi Đức Kitô đã sống lại từ cõi chết thì không bao giờ Người chết nữa, cái chết chẳng còn quyền chi đối với Người. Người đã chết, là chết đối với tội lỗi, và một lần là đủ. Nay Người sống, là sống cho Thiên Chúa. Anh em cũng vậy, hãy coi mình như đã chết đối với tội lỗi, nhưng nay lại sống cho Thiên Chúa, trong Đức Kitô Giêsu” (Rm 6:9-11).

Được thừa kế niềm tin đó, Thánh Vịnh gia tha thiết mời gọi mọi người: “Hãy tạ ơn Chúa vì Chúa nhân từ, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:1-2). Tại sao như vậy? Lý do rất minh nhiên: “Tay hữu Chúa đã ra oai thần lực, tay hữu Chúa giơ cao, tay hữu Chúa đã ra oai thần lực. Tôi không phải chết, nhưng tôi sẽ sống, để loan báo những công việc Chúa làm” (Tv 118:16-17).

Chính Đức Kitô là “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ lại trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118:22). Ngài đã bị người ta nhẫn tâm giết chết nhục nhã, oan sai, và người ta tưởng làm như vậy là chấm dứt lịch sử, thế nhưng Ngài đã lật ngược thế trận, Ngài đã chiến thắng tử thần và đã phục sinh vinh quang. Đó chính là công trình của Chúa, công trình vô cùng kỳ diệu trước con mắt phàm nhân chúng ta. Và chắc chắn rằng, từ thuở hồng hoang cho tới tận thế, không một thần linh nào khác có thể sống lại như Chúa Giêsu của chúng ta.

Trình thuật Tin Mừng Mt 28:1-10 nói về khoảnh khắc lịch sử độc nhất vô nhị trên thế gian này, với lời kể ngắn gọn nhưng vẫn đầy đủ, súc tích.

Sau ngày sa-bát, vừa tảng sáng ngày thứ nhất trong tuần, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a cùng đi viếng mộ. Thình lình đất rung chuyển dữ dội: Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên, diện mạo người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết. Thấy vậy, tụi lính canh khiếp sợ và run rẩy đến nỗi chết ngất đi. Ấy thế mà họ vẫn cứng lòng tin còn hơn sáp nguội!

Tại ngôi mộ trống, thiên thần động viên các phụ nữ “đừng sợ!”, và cho họ biết rằng Đức Kitô đã sống lại như Ngài đã nói trước. Các bà đến mà xem chỗ Ngài đã nằm, rồi mau mắn về báo tin mừng và bảo các tông đồ đến Ga-li-lê để được diện kiến Thầy Giêsu. Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo Tin Mừng Phục Sinh.

Chúng ta cần phải học tập từ các phụ nữ về hai điều này: Mau mắn loan báo Tin Mừng và làm chứng về Chúa Giêsu Phục Sinh.

Trong khi các phụ nữ này đang trên đường đi, Đức Giêsu đã đón gặp họ và nói: “Chào chị em!”. Các bà khoái chí hết sức nên đua nhau tiến lại gần Ngài, bái lạy Ngài và muốn ôm lấy chân Ngài. Bấy giờ, Đức Giêsu nói với họ: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (Mt 28:10). Các phụ nữ đó là những người đầu tiên được diện kiến Đấng Phục Sinh và trở thành các nhân chứng sống đầu tiên về Chúa Giêsu Phục Sinh.

Có hai chữ quan trọng chúng ta phải ghi nhớ và thực hành trong cuộc sống: ĐỪNG SỢ! Đó là một mệnh lệnh đòi hỏi phải có lòng can đảm thực sự, bởi vì điều đó không dễ thực hiện. Vì thế mà ai cũng phải cố gắng không ngừng, từng giây phút theo từng nhịp thở. Tương tự biên độ sinh – tử, biên độ giữa sự can đảm và sự hèn nhát cũng rất mong manh. Bởi vậy, lúc nào chúng ta cũng phải tự nhủ như niệm thần chú: ĐỪNG SỢ!

Và đó cũng là lời động viên rất quan trọng được Kinh Thánh đề cập nhiều lần: St 15:1; St 21:17-18; St 26:23-24; St 35:16-17; St 43:23; St 46:1-4; St 50:18-21; Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 41:10; Is 41:13; Is 43:1; Is 43:13; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13;Lc 1:30; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18.

SINH để TỬ, CHẾT để SỐNG, đó là triết-lý-sống của Kitô giáo, chắc chắn người vô thần – và một số tôn giáo khác – không thể nào hiểu nổi cái “ngưỡng” độc đáo như vậy. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ và là sự sống, cái chết của Ngài chỉ là cái chết về nhân tính, chứ thần tính của Ngài KHÔNG THỂ CHẾT. Và giờ đây, lời Chúa Giêsu tiên báo đã ứng nghiệm, và tất cả chúng ta cùng hân hoan ca vang: ALLELUIA, CHÚA ĐÃ SỐNG LẠI THẬT RỒI!

Lạy Thiên Chúa hằng hữu và hằng sinh, xin củng cố ba nhân đức đối thần và thêm lòng can đảm cho con, xin giúp con sẵn sàng và mau mắn làm chứng về sự thật, về Tin Mừng Phục Sinh trong suốt cuộc sống của con, theo hoàn cảnh sống hữu hạn của con, mọi nơi và mọi lúc. Con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

SỐNG VÀ LOAN BÁO TIN MỪNG CHÚA PHỤC SINH

Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Mt 28,1-10

(1) Sau ngày sa-bát, khi ngày Thứ Nhất trong tuần vừa ló dạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ. (2) Và kìa, đất rung chuyển dữ dội, Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên. (3) Diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết. (4) Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy và hóa ra như chết. (5) Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Phần các bà, các bà đừng sợ ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. (6) Người không có ở đây, vì Người đã chỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, (7) rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: “Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay”. (8) Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay. (9) Và kìa Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em !” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người. (10) Bấy giờ Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó”.

  1. Ý CHÍNH:

Vào lúc bình minh ngày thứ nhất trong tuần, do lòng mến thôi thúc, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà Ma-ri-a khác đã cùng đi thăm mồ Đức Giê-su. Nơi đây, các bà đã chứng kiến một trận động đất và cảm thấy sợ hãi khi nhìn thấy thiên thần hiện ra. Thiên thần đã trấn an các bà và loan báo Tin Mừng Chúa Giê-su đã phục sinh. Thiên thần còn trao cho các bà sứ mệnh: hãy loan báo Tin Mừng ấy cho các tông đồ. Các bà vui vẻ thi hành và sau đó các bà còn được chính Chúa Phục Sinh hiện ra. Một lần nữa, Người lại trao sứ mệnh cho các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó” (10).

  1. CHÚ THÍCH:

– C 1-3: + Sau ngày Sa-bát: Về thời gian các bà ra thăm mộ Chúa thì có người cho rằng vào lúc chập tối thứ bảy, tức là bắt đầu ngày thứ nhất trong tuần. Nhưng hầu hết các ý kiến đều dựa theo Tin Mừng Lu-ca và Mác-cô để quả quyết rằng: các bà đến thăm mộ vào lúc tảng sáng ngày đầu tuần, tức là lúc mặt trời sắp mọc (x Lc 24,1). + Bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a: Đây là những phụ nữ đã chứng kiến việc an táng Đức Giê-su (x Mt 27,61). Khi ghi lại việc đến mộ này, Mát-thêu nhằm nhấn mạnh các bà như là nhân chứng của mầu nhiệm Phục Sinh, đang khi Mác-cô và Lu-ca lại trình này khía cạnh nhân bản: ra thăm mộ và mang theo dầu thơm để tiếp tục công việc ướp xác Đức Giê-su (x Mc 16,1; Lc 24,1). + Đất rung chuyển dữ dội: Chỉ Tin Mừng Mát-thêu ghi lại chi tiết “đất chuyển mạnh” như câu này và ”màn Đền Thờ bị xé, đất rung đá vỡ, mồ mả bật tung” xảy ra sau khi Đức Giê-su trút linh hồn trên cây thập giá (x. Mt 27,51-52). Những sự kiện này đều tiên báo cho “Ngày của Đức Chúa” do các Ngôn sứ đã tuyên sấm (x Is 26,19; Ed 37,12; Đn 12,2). + Thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên: Tảng đá được lăn ra ở đây có thể là do đất động, nhưng đã được gán cho thiên thần. Việc thiên thần xuất hiện lăn tảng đá và ngồi lên trên, cho thấy sức mạnh của Thiên Chúa đã chiến thắng mọi dự tính của con người, khi họ muốn chôn Đức Giê-su và công trình cứu độ của Người trong mồ đá (x Mt 27,66). + Diện mạo Người như ánh chớp và y phục trắng như tuyết: Vẻ sáng láng của diện mạo và y phục trắng như tuyết là đặc điểm của cuộc thần hiện trong Thánh Kinh. Chẳng hạn: Trong sách Đa-ni-en, dung mạo Con Người giống như ánh chớp (x Đn 10,6), áo của Đấng Lão Thành trắng tinh như tuyết (x Đn 7,9), và khi biến hình, dung mạo Đức Giê-su cũng chói lọi như mặt trời, y phục Người trắng tinh như ánh sáng (x Mt 17,2).

– C 4-7: + Thấy người, lính canh khiếp sợ: Sự xuất hiện của thiên thần làm cho lính canh hoảng sợ, vì được tiếp xúc với thế giới thần thiêng, giống như các Tông đồ đã từng khiếp sợ khi thấy Đức Giê-su đi trên mặt biển đến với các ông giữa đêm khuya (x. Mt 14,26). + Các bà đừng sợ: Thiên thần trấn an các bà. Lính canh phải sợ hãi chứ các bà việc chi phải sợ ! + Các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh: Có sự song đối giữa “Đấng bị đóng đinh” với Tin Mừng “Người đã chỗi dậy”, hầu ứng nghiệm lời Người đã tiên báo là sẽ “Qua đau khổ để vào vinh quang” (x. Mt 16,21). + Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm: Các phụ nữ này được mời đến kiểm chứng nơi Đức Giê-su đã nằm để thấy lời thiên thần nói là xác thực. + Rồi mau về nói với môn đệ Người: Các bà được vinh dự nhận trách nhiệm mang sứ điệp Chúa Phục Sinh cho các môn đệ (x Mc 16,7). Ở đây Mát-thêu nhấn mạnh vì là sứ điệp quan trọng, nên các bà phải lập tức thi hành. + Và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông: Thiên thần nhắc lại lời tiên báo của Đức Giê-su về việc Người sẽ từ cõi chết sống lại và sau đó thiên thần còn cho biết Người hẹn sẽ gặp lại các ông tại xứ Ga-li-lê (x Mt 26,32).

– C 8-10: + Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi, nhưng cũng rất đỗi vui mừng: Các phụ nữ tuy sợ nhưng lại rất phấn khởi, và lập tức thi hành sứ mệnh được trao phó. + Chào chị em: Lời chào nói lên niềm vui ơn cứu độ do Chúa Phục Sinh mang lại, giống như lời sứ thần Gáp-ri-en chào khi truyền tin cho Đức Ma-ri-a (x Lc 1,28). + Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân và bái lạy Người: Cử chỉ bái lạy để biểu lộ đức tin trước đó đã được nhiều người thể hiện với Đức Giê-su (x Mt 8,2; 9,18; 14,33). Nhưng ở đây được các bà làm cách trang trọng, kèm theo cử chỉ hôn chân biểu lộ lòng yêu mến kính phục của môn đệ được gặp lại Thầy sau những ngày buồn sầu thất vọng. + Chị em đừng sợ: Đây là lời trấn an của Chúa dành cho các môn đệ đang bị khiếp sợ khi phải đối diện với thần thiêng.

  1. HỎI ĐÁP: Chúa PS đã hiện ra bao nhiêu lần với các môn đệ trước khi lên trời ?

ĐÁP:

Về các cuộc hiện ra của Chúa Giê-su Phục Sinh thì các Tin Mừng không nhất trí với nhau. Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý là các tác giả Tin Mừng đều không muốn kể lại toàn bộ các lần Chúa đã hiện ra sau khi từ cõi chết chỗi dậy. Ta chỉ có thể so sánh giữa nhiều đoạn văn của Tân Ước với nhau, để phỏng đoán: trong thời gian bốn mươi ngày trước khi lên trời, Chúa Phục Sinh đã hiện ra nhiều lần chứ không phải chỉ vài ba lần như đã được kể lại (x Cv 1,8; 13,31; 1 Cr 15,3-8). Riêng Mát-thêu, vì viết theo lối giản lược, nên đã bỏ qua nhiều hoàn cảnh và nhiều chi tiết cụ thể các lần Chúa hiện ra trước đó, mà chỉ muốn nhấn mạnh đến sự kiện Chúa Phục sinh hiện ra tại Ga-li-lê để chính thức sai các Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng mà thôi (x. Mt 28,16-20).

 

II.  SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã chỗi dậy từ cõi chết, và kìa Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người” (6b-7).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) BÉ SƠ SINH ĐÃ CHẾT ĐƯỢC SỐNG LẠI NHỜ LỜI CẦU NGUYỆN:

Vào tháng 10 năm 1995, tại vùng Hồ Lớn ở miền Đông Bắc nước Mỹ, giáp ranh với Ca-na-đa, một câu chuyện xảy ra làm sửng sốt nhiều người: Một bé sơ sinh đã chết và sau đó nhờ lời cầu nguyện của cha mẹ và người thân, đã được Chúa cho sống lại như sau:

Bà TAN-MƠ (Tanmer) mẹ của bé RƠ-GHEO (Reugel) xúc động, kể lại như sau: “Đây là một món quà của Thiên Chúa đã ban cho gia đình tôi. Khi mới mang thai Rơ-gheo, mọi chuyện đều diễn ra bình thường. Các bác sĩ đã theo dõi tôi chặt chẽ, vì cháu lớn của tôi đã từng bị chết khi vừa ra đời. Qua kết quả kiểm tra thai nhi ngay trước khi lọt lòng mẹ thì tim cháu vẫn đập bình thường. Thế nhưng chỉ ít phút sau, cháu đã ra đời trong tình trạng tim bị ngừng đập. Lập tức các bác sĩ đã tìm cách cấp cứu, nhưng sau khi làm hết cách mà vẫn không kết quả, họ đành chịu bó tay, và ra lệnh cho hộ lý vào lau rửa và bọc cháu trong một chiếc khăn lông, rồi đặt nằm trong nôi để cha mẹ và các người thân vào chào từ biệt, trước khi nhà đòn đến liệm xác cháu rồi đem đi chôn. Bấy giờ cả gia đình tôi đều rất đau khổ. Bà ngoại là người cuối cùng bế cháu trong lúc mọi người sốt sắng cầu nguyện xin Chúa cho cháu được sống lại. Ít phút sau, bà ngoại phát hiện ra cháu vừa nấc lên một cái và thở mạnh. Bà nói to trong niềm vui: “Ồ, cháu tôi đang thở rồi này !”. Tiếng cầu kinh im bặt. Mọi người hồi hộp chạy lại gần. Bấy giờ bác sĩ trực đang ở gần đó vội chạy đến dùng ống nghe kiểm tra cháu và xác nhận cháu đã thực sự sống lại rồi. Ít phút sau phòng của bé đầy ắp người. Ai nấy đều ngạc nhiên chứng kiến sự kiện lạ lùng này trong niềm vui hân hoan khôn xiết.

2) ĐÁNH TAN BÓNG TỐI TỘI LỖI BẰNG ÁNH SÁNG TIN YÊU:

Một hôm JOHN KELLER, một diễn giả nổi tiếng được mời thuyết trình trước khoảng 100 ngàn người tại sân vận động Thành Phố Los Angeles Hoa Kỳ. Đang diễn thuyết, diễn giả bỗng dừng lại và nói: “Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả đèn trong sân vận động này”. Sau đó đèn tắt và sân vận động chìm trong bóng tối dày đặc, ông John Keller nói tiếp: “Bây giờ tôi sẽ đốt lên một que diêm. Những ai nhìn thấy ánh lửa của que diêm tôi vừa đốt lên thì hãy kêu lớn: “Đã thấy!”. Sau đó một que diêm được bật lên và cả sân vận động đều vang lên tiếng hô: “Đã thấy!”. Sau khi đèn được bật sáng trở lại, ông John Keller giải thích: “Ánh sáng của một hành động nhân ái dù bé nhỏ như một que diêm, cũng sẽ chiếu sáng trong bóng tối của nhân loại như vậy”.

Một lần nữa, tất cả đèn trong sân vận động lại vụt tắt. Một giọng nói vang lên ra lệnh: “Tất cả những ai có mang diêm quẹt hay bật lửa, xin hãy đốt cháy lên!”. Bỗng chốc cả sân vận động rực sáng. Ông John Keller kết luận: “Nếu mọi người chúng ta đều hợp lực cùng nhau, sẽ có thể chiến thắng bóng tối sự dữ và sự oán thù bằng những đốm sáng nhỏ của tình thương và lòng nhân ái của chúng ta”. Làm như thế, John Keller muốn gửi đến mọi người một sứ điệp: “Mỗi người là một cây đèn, cần phải được thắp sáng lên”. Nếu một ngọn đèn cháy sáng, rồi hai, rồi ba, rồi hàng trăm, hàng ngàn ngọn đèn cháy sáng, thì thế giới đang bị tối tăm bao trùm này sẽ bớt đi phần tăm tối. Nếu mọi tín hữu Ki-tô đều thắp sáng lên ngọn lửa tin yêu bằng các việc bác ái yêu thương phục vụ tha nhân, thì thế giới này sẽ nhận biết và tin yêu Thiên Chúa như lời Chúa Giê-su: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16).

  1. SUY NIỆM:

1) ÁNH SÁNG PHỤC SINH XUA TAN BÓNG TỐI SỰ CHẾT:

Phụng Vụ Lễ Vọng Phuc Sinh khởi đầu bằng nghi thức làm phép lửa mới và thắp nến Phục Sinh, nói lên cuộc vượt qua của Đức Giê-su từ bóng tối tử thần đến ánh sáng Phục Sinh. Đức Giê-su chính là Ánh Sáng như Người đã tuyên bố: “Tôi là ánh sáng thế gian, ai theo Tôi sẽ không phải đi trong bóng tối, nhưng sẽ nhận được ánh sáng đem lại sự sống” (Ga 8,12). Ánh sáng đó đã được diễn tả trong nghi thức trước thánh lễ Vọng Phục Sinh hôm nay.

Lúc đầu, bóng tối bao trùm không gian nhà thờ khi các ngọn đèn đều tắt hết. Sau khi Chủ Sự làm phép lửa mới ở cuối nhà thờ, Linh mục đã dùng lửa này để thắp sáng cây nến Phục Sinh, và sau đó là nghi lễ rước nến Phục Sinh. Trong cuộc rước, Chủ sự cầm nến Phục Sinh lần lượt công bố ba lần: “Ánh Sáng Chúa Kitô”. Lần thứ nhất công bố ngay sau nghi thức làm phép lửa mới và mọi người đáp: “Tạ ơn Chúa”. Lần thứ hai công bố khi Chủ sự bước vào cửa chính cuối nhà thờ, và nến Phục Sinh được rước từ cuối nhà thờ đi lên cung thánh. Chủ Sự cầm cây nến cháy sáng đi đến đâu thì sẽ mồi lửa cho người đứng ở đầu các hàng ghế, người này sẽ mồi lửa sang người bên cạnh. Ánh sáng Phục Sinh dần dần lan tỏa ra cả nhà thờ. Khi rước nến Phục Sinh tới Cung Thánh, Chủ Sự sẽ quay xuống cộng đoàn long trọng công bố lần thứ ba. Bấy giờ toàn bộ ánh sáng trong nhà thờ được bật lên. Niềm vui Phục Sinh tiếp tục được thể hiện cách đầy đủ trong bài công bố Tin Mừng Phục Sinh “Mừng Vui Lên” hay “Exultet”.

2) SỐNG ĐỨC TIN VÀO MẦU NHIỆM PHỤC SINH:

Nhiều người chúng ta vẫn đang ở trong nấm mồ tội lỗi, vẫn muốn ở lì trong con người cũ cùng với các thói hư, khiến chúng ta chưa đón nhận được niềm vui của Chúa Phục Sinh. Cuộc sống của nhiều người chúng ta còn bị đè nặng bởi sự gian dối, ham mê tiền bạc của cải vật chất, khiến chúng ta không thể trở thành người loan báo tin vui phục sinh cho tha nhân chung quanh. Cuộc sống của nhiều gia đình tín hữu đang bị đè nặng bởi sự cãi vã, bị trói buộc bởi những giận hờn ganh ghét ích kỷ, khiến cuộc sống gia đình luôn bị căng thẳng. Hãy mạnh dạn bước ra khỏi những nấm mồ tối tăm ấy, để đón nhận ánh sáng phục sinh của Chúa. Hãy cầu xin Chúa Thánh Thần đến biến đổi và hướng dẫn cuộc sống của chúng ta. Thánh Thần sẽ làm cho cuộc đời chúng ta tràn ngập niềm vui Phục Sinh.

Mỗi tín hữu chúng ta không thể tuyên xưng Chúa đã Phục sinh với khuôn mặt buồn rầu thất vọng. Chúng ta không thể nói về Chúa phục sinh khi lời nói và hành động của chúng ta thiếu sự  bao dung và cảm thông với nỗi đau của anh chị em chung quanh mình.

Cũng vậy, niềm tin Chúa Phục Sinh phải trở thành động lực thúc đẩy chúng ta canh tân đổi mới nếp sống của bản thân và gia đình mình, đem lại cho môi trường mình đang sống một sức sống mới. Hãy phá bỏ đi tảng đá của sự giận hờn thù oán đang đè nặng cuộc sống chúng ta, để chúng ta bước đi trong ánh sáng tin yêu của Chúa.

3) HĂNG SAY LOAN BÁO TIN MỪNG PHỤC SINH CHO THA NHÂN:

Phiến đá trấn ngoài cửa mộ đã không thể cầm hãm được Đức Giê-su phục sinh. Những băng vải và khăn liệm đã không thể trói buộc được Người tiếp tục ở trong mồ đá. Sự sống đã chiến thắng thần chết. Ánh sáng đã bừng lên từ bóng tối âm u. Tình yêu đã toàn thắng dù trước đó đã bị hận thù nuốt trửng ! Niềm vui Phục sinh sẽ là quà tặng bất ngờ cho chúng ta giống như Ma-ri-a Mác-đa-la đã nhận được niềm vui khi gặp Chúa Phục Sinh ở bên cạnh mồ Chúa; Như các môn đệ đã vui mừng khi gặp lại Chúa tại xứ Ga-li-lê. Điều quan trọng là chúng ta hãy noi gương Ma-ri-a Mác-đa-la, sau khi gặp Chúa Phục Sinh đã hăng hái đi báo Tin Mừng cho các Tông đồ. Còn chúng ta hôm nay sẽ làm gì để loan báo Tin Mừng Chúa Phục Sinh cho những anh em bệnh tật, nghèo đói, những người đang bị đau khổ thất vọng và mất niềm tin ?

  1. THẢO LUẬN:

Cụ thể trong mùa Phục Sinh này, mỗi người chúng ta sẽ phải làm gì để làm chứng Chúa đã Phục Sinh cho những người bên cạnh mình?

  1. NGUYỆN CẦU:

– LẠY CHÚA GIÊ-SU PHỤC SINH. Con chẳng có thể chứng minh được Chúa đã sống lại bằng khoa học thực nghiệm hay bằng khoa khảo cổ học… Nhưng con chỉ chứng minh được mầu nhiệm Chúa Phục Sinh nhờ Lời Chúa dạy trong Thánh Kinh, nhờ lời của các nhân chứng đã theo dõi cuộc khổ nạn của Chúa, và đã gặp được Chúa nhiều lần sau khi Chúa từ cõi chết sống lại.

– LẠY CHÚA. Xin gia tăng lòng mến trong chúng con. Chính nhờ lòng mến Chúa thôi thúc, chúng con sẽ mau mắn đi tìm Chúa nơi Sách Thánh, trong Thánh lễ và sẽ nhận biết Chúa đang hiện diện trong những người bệnh tật đau khổ, qua các biến cố may rủi xảy ra trong cuộc sống đời thường của con. Nhờ đó, chúng con sẽ được vui tươi phấn khởi và sẽ nhiệt thành loan báo Tin Mừng Phục Sinh đến cho những người chung quanh chúng con, noi gương bà Ma-ri-a Mác-đa-la và các Tông đô khi xưa.

X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Về mục lục

.

ÁNH SÁNG ĐÃ BỪNG LÊN TRONG ĐÊM TỐI

Lm. Giuse Nguyễn

Chúng ta đã nổ lực trong suốt 40 ngày Chay Thánh, đã tích cực trong Tuần Thánh được khởi sự bằng Chúa Nhật Lễ Lá, nhất là đã bước đi theo Đức Kitô trong Tam Nhật Thánh. Nếu xét về thời gian thì đêm nay là hành trình cuối cùng trong Tam Nhật Thánh. Chúng ta hãy cùng nhau tìm hiểu để sống trọn vẹn đêm cực thánh này.

I.  CỬ HÀNH PHỤNG VỤ

Phụng vụ đêm nay có 4 nghi lễ chính:

  1. Phụng vụ Ánh Sáng

Ngọn nến Phục Sinh được thắp lên là biểu tượng của Đức Giêsu Kitô. Ngài là Ánh Sáng thật đã đến thế gian để xóa tan đêm tối. Ánh sáng Đức Kitô chiếu tỏa vào đời sống Kitô hữu, nhăc nhở chúng ta: “Chúng con là ánh sáng thế gian”. Thánh Gioan cũng cho chúng ta biết việc Đức Giêsu đến thế gian chính là Ánh Sáng đến để phá tan đêm tối. Từ đó một cuộc chiến khốc liệt giữa Ánh Sáng và bóng tối đã diễn ra, mà đỉnh điểm của nó là vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, tưởng chừng như bóng tối đã chiến thắng. Tuy nhiên, Ánh Sáng đã chiến thắng qua sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô. Khi Linh mục hát bài Exultet, nghĩa là công bố Tin mừng phục sinh là muốn cho toàn thể nhân loại được biết Đức Giêsu sống lại như ánh sáng bùng lên trong đêm tối, cuộc hành trình vượt qua đã đi đến đích.

  1. Phụng vụ Lời Chúa

Hội thánh muốn cùng với chúng ta ôn lại Giáo lý, đặc biệt cho các Dự tòng để chuẩn bị lãnh Bí tích Rửa tội. Các bài đọc cho chúng ta thấy Cựu ước đã loan báo và chuẩn bị cho ơn cứu độ, Đức Giêsu đã thực hiện ơn cứu độ đó, và Giáo hội đã hoàn thành ơn cứu độ qua phép rửa, qua đời sống của những Kitô hữu.

  1. Phụng vụ phép rửa

Trong phần phụng vụ phép rửa có nghi thức làm phép nước, rửa tội cho các Dự tòng, lặp lại lời tuyên xưng đức tin ngày lãnh Bí tích Rửa tội, và cuối cùng là rảy nước thánh. Những nghi thức này nhắc cho chúng ta biết Đức Giêsu Phục Sinh là nguồn sống mới, nguồn sống đó được ban qua các Bí tích, mà khởi đầu là Bí tích Rửa tội. Phụng vụ phép rửa cũng nhắc nhở chúng ta nhận chìm những tội lỗi của mình trong sự thanh tẩy của Đức Giêsu để được đón nhận sự sống mới của Ngài.

  1. Phụng vụ Tạ ơn

Sau khi được Ánh Sáng Phục Sinh soi chiếu, nhắc nhở chúng ta về ơn cứu độ của Đức Giêsu và sự sống mới của Ngài, thì chúng ta sẽ được đón nhận sự sống đó trong phần phụng vụ Tạ ơn, nghĩa là rước lấy Thịt và Máu của Đức Giêsu Kitô vừa mới sống lại. Chính vì vậy mà hy tế Tạ ơn trong đêm hôm nay có phần đặc biệt hơn những Thánh lễ khác.

II.  CUỘC VƯỢT QUA CỦA ĐỨC GIÊSU

Hiểu được ý nghĩa của phụng vụ trong đêm nay, chúng ta biết rằng Đức Giêsu Kitô đã vượt qua cái chết, nó trở thành căn nguyên ơn cứu độ cho toàn thể nhân loại, giờ đây cuộc vượt qua của mỗi người chúng ta vẫn đang tiếp diễn; với các anh chị em tân tòng, thì cuộc vượt qua vừa mới bắt đầu. Khi thực hiện cuộc vượt qua của chính mình, mỗi người chúng ta hãy xác tín những điều sau đây:

  1. Sự thiện sẽ chiến thắng

Như Đức Giêsu đã chiến thắng thế gian, ánh sáng đã xóa tan màn đêm để chúng ta có quyền xác tín rằng sự thiện sẽ thắng sự ác, ơn Chúa sẽ chiến thắng tội lỗi, người tốt sẽ thắng kẻ xấu, con cái Thiên Chúa sẽ chiến thắng con cái thế gian.

  1. Đấng Phục Sinh luôn ở bên ta

Đức Giêsu Kitô Phục Sinh là căn nguyên ơn cứu độ của chúng ta. Vì vậy những ai tin vào Ngài, thì Ngài sẽ luôn ở bên cạnh họ, cho dù có nhiều lúc họ không nhìn thấy, như Mađalêna vì nước mắt, vì đau buồn đã che mờ đi khuôn mặt của Đấng Phục Sinh, nhưng Ngài vẫn thực sự hiện diện trước mặt bà.

III.  CUỘC VƯỢT QUA CỦA MỖI CHÚNG TA

Chính là hành trình đức tin mà chúng ta đã đang và sẽ bước đi trong cuộc sống hằng ngày.

  1. Bóng tối

Trong hành trình này, cũng giống như Đức Giêsu Kitô chúng ta cũng sẽ gặp bóng tối, gặp sự xấu, gặp con cái của thế gian, hay nói một cách ngắn gọn lại là gặp ma quỷ và những thế lực của chúng.

Bóng tối trong cuộc sống ngày hôm nay đơn giản nhất chính là những bệnh tật, những đau khổ, những lo toan trong cuộc đời mà dường như ai trong chúng ta cũng gặp phải, thậm chí còn đang gặp rất nhiều. Có những người mang trong mình những thứ bệnh gây cho họ đau đớn rất nhiều. Có những người vì tuổi già nên sức yếu, bước lên những bậc cầu thang của nhà thờ một cách khổ sở. Có những người đau khổ vì con cái không chịu nghe lời, đi vào con đường xấu, và nhất là đau khổ vì nó khô khan, nguội lạnh, không còn sống đạo nữa…

Là những mục tử, chúng tôi cũng có những bóng tối như anh chị em, cũng có những bệnh tật, những đau khổ cho riêng mình, và còn hơn thế nữa, là những thao thức về phần hồn phần rỗi của anh chị em.

Thế nhưng những bóng tối đó không đáng sợ bằng bóng tối của thiếu vắng đạo đức trong xã hội hôm nay. Dường như trong mọi lãnh vực đều có những thể hiện của thiếu vắng đạo đức đến mức phải báo động. Đó là điều đã được Hội đồng Giám mục Việt Nam lên tiếng cảnh báo trong Thư Chung gởi cộng đồng dân Chúa năm 2017: “Làm sao không lo âu trước tình trạng đạo đức xuống cấp nghiêm trọng, tội ác gia tăng không những về số lượng, mà cả về mức độ dã man, phá thai và nghiện ngập tràn lan, nhất là nơi giới trẻ”. Biểu hiện rõ ràng của đạo đức xuống cấp nghiêm trọng là chúng ta luôn cảm thấy bất an vì cái gì cũng sợ: sợ trộm cướp, sợ bị chửi mắng, đánh đập vì những lý do không đâu, thậm chí giết người chỉ vì thấy ghét,  kể cả đồ ăn thức uống cũng sợ.

Bóng tối đáng sợ nữa là thiếu vắng tình người trong xã hội hôm nay. Nhiều báo đài tuần rồi đồng loạt đưa tin về vụ 2 nữ sinh trung học ở Hà Tĩnh sau khi gây tan nạn giao thông cho một người già đã bỏ chạy, bị người dân phản đối, 2 cô nói rằng sẽ chở ông đến bệnh viện, nhưng khi đến nghĩa trang gần đó, 2 cô đã bỏ ông nằm bất tỉnh ở đấy. Hành động nhẫn tâm như thế ngày hôm nay không phải là ít khi xã hội đã thiếu vắng tình người.

  1. Ánh sáng

Sống trong một xã hội như thế, cuộc “vượt qua” của mỗi người chúng ta quả là cam go. Tuy nhiên Ánh sáng của Đức Kitô đã bừng lên. Ánh sáng đó không chỉ xóa tan đêm tối vật chất như làm cho chúng ta hết bệnh, hết đau khổ, hết lo toan về nhiều thứ, nhưng Ánh sáng đó đưa chúng ta đến với sự sống mới.

Nhiều người mang trong mình những chứng bệnh nan y, nhưng họ vẫn vui sống cho đến giây phút cuối cùng. Nhiều người gặp những ngang trái, những éo le, những đau khổ mà chúng ta không tưởng tượng được, nhưng họ vẫn có niềm tin vào cuộc sống nhờ sức mạnh của thập giá Đức Kitô.

Nhiều người đã chiến đấu chống lại bất công, đòi những quyền lợi chính đáng nhưng họ vẫn bị đàn áp thậm chí giết chết bởi sức mạnh của bạo lực, của gian tà, nhưng chắc chắn họ sẽ sống mãi vì tấm gương anh hùng của họ.

Đạo đức và tình yêu thương trong xã hội hôm nay đang xuống cấp, nhưng vẫn còn nhiều những tấm gương đạo đức, thánh thiện và yêu thương đến tuyệt vời.

Trong khi một số người mãi mê với thế sự trần gian, đắm chìm trong tội lỗi, thì đối với nhiều người: Chúa là nguồn hạnh phúc của họ. Trong khi vài người nghĩ đến chuyện theo đạo được lợi lộc vật chất gì, thì nhiều người thấy rằng: cái lợi lớn nhất là được biết Đức Kitô.

Trong khí có nhiều cô gái ngang nhiên phá thai thì vẫn còn những người mẹ anh dũng hy sinh mạng sống của mình để cứu lấy đứa con.

Trong khi một số bạn trẻ ngày hôm nay sa đà vào lối sống lệch lạc: xì ke ma túy, thỏa mãn đam mê dục vọng của thể xác, tụ tập thành băng nhóm gây náo loạn xóm làng, thể hiện mình bằng phong cách của “dân chơi”: hung hăng, chửi thề, chạy xe lạng lách, nẹt pô, đua xe… thì vẫn còn rất nhiều bạn trẻ ngoan ngoãn lo học hành, làm việc phụ giúp gia đình, siêng năng đi lễ, tham gia những sinh hoạt của họ đạo, và nhất là một số bạn muốn dấn thân phục vụ Chúa và Giáo hội trong đời sống tu trì…

  1. Xua tan bóng tối

Ánh Sáng Phục Sinh của Đức Kitô đã xóa tan đêm tối của ma quỷ. Họp nhau để ngợi mừng Ánh Sáng, nghĩa là thêm một lần nữa chúng ta xác tín niềm tin của mình vào Đức Giêsu Kitô Phục Sinh. Trong bối cảnh phức tạp của xã hội hôm nay, trong nhận thức thấy được sự xuống cấp về nhiều mặt nhất là về đạo đức, về tình yêu thương, đặc biệt trong năm gia đình này, mỗi người chúng ta phải có Ánh sáng của Đức Kitô bằng một đời sống đạo vững vàng, bằng một tình yêu thương cụ thể thì mới đủ sức để đẩy lùi bóng đêm của tội lỗi.

Cụ thể, đây là dịp tốt nhất để các gia đình tái lập lại việc đọc kinh hôm chung với nhau, vì chúng ta vừa mới đi xưng tội, vừa sốt sắng tham dự Tam Nhật Thánh, nhất là sẽ được sức mạnh của Đấng Phục Sinh ở trong mình. Hãy cùng nhau cầu nguyện cho những người còn bị thế lực của bóng đêm thống trị để họ không còn nghĩ gì đến chuyện đạo hạnh, đến sự sống đời sau, đến phần hồn phần rỗi của họ, thậm chí còn tìm cách để chống đối Giáo hội, chống đối con cái Ánh Sáng. Mỗi người hãy góp một chút Ánh Sáng bằng lời cầu nguyện, đời sống đạo đức, bằng những gương lành, thì chắc chắn bóng tối sẽ bị đẩy lùi.

Alleluia! Chúa đã sống lại thật!

Về mục lục

.