Lời Chúa: Lc 2,1-14
1. Hơi ấm tình người (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)
2. Đức Vua Tình Yêu, Hoàng Tử Thái Bình đã đến (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)
3. Đêm Sao Sáng (Trầm Thiên Thu)
4. Đức Giêsu là quà tặng vô giá (Jos. Vinc. Ngọc Biển)
5. Đêm của Lòng Thương Xót (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
6. Một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta (Lm. Giacobe Tạ Chúc)
7. Loan báo Tin mừng cho toàn dân (Lm. Đan Vinh)
Lm. Jos. DĐH
Đại gia, giả nông dân, đó là câu thành ngữ chỉ người giầu sang phú quý, nhưng vì họ chủ trương sống như người nghèo hèn, nhằm xa tránh kẻ làm phiền. Trong khi đó, tiền nhân chúng ta thường khích lệ con cháu hãy tự tin sống như câu ca dao: nghèo tình nghèo nghĩa thì lo, nghèo tiền nghèo của chẳng lo làm gì. Thực ra, giầu nghèo không phải vì số phận, sống giả nhân giả nghĩa, đâu phải tự hoàn cảnh đưa đẩy, nhưng vì ý chí, tự do chưa được sử dụng đúng, đẹp. Vào một đêm đông giá lạnh năm xưa, có đôi vợ chồng không tìm được nơi trú ngụ, liệu có phải vì ông bà quá nghèo, hay chỉ đơn giản là vì “cháy phòng” ? hoặc tình người bị hiểu sai ?
Mùa đông giá lạnh, ta có quyền mơ ước được sưởi ấm, tình yêu giữa vợ chồng con cái bị “đóng băng”, lẽ nào ta không tìm cách tháo gỡ, vun cao đắp đầy hạnh phúc. Tiết trời mùa lạnh năm xưa, lệnh hoàng đế kiểm tra dân số, người người khắp nơi trở về quê hương xứ sở làm thủ tục. Chấp hành luật lệ lại là điều lo lắng với Giuse và Maria, vì “bụng mang dạ chửa”, vì trời đã về chiều, hai ông bà cần phải có nơi trú ngụ ! Theo lối suy nghĩ của nhân loại, tại sao Thiên Chúa quyền năng không can thiệp cho gia đình Giuse Maria một chỗ trọ đàng hoàng ấm cúng ? Nhưng hiểu theo nghĩa siêu nhiên, Con Thiên Chúa đến trần gian chỉ khao khát “hơi ấm” của tình người.
Ngay từ khi chập chững bước, với bước đi đầu đời, cũng từ khi biết nghe, biết nói, ta đã hiểu, và rất thích những lời ngọt ngào yêu thương, những việc làm trung thực đầy nghĩa tình. Cha mẹ Hài Nhi Giêsu hẳn không thụ động phó mặc ơn Chúa “mở cửa lòng người”, đúng hơn các ngài hiểu Con Thiên Chúa muốn được cảm thông thân phận nghèo khổ cùng cực nhất nơi hang bò lừa. Nếu nghe nhìn và phân định cách tích cực, hoàn cảnh nghèo khó túng thiếu của xã hội đang được “ấm áp tình người” rất nhiều. Chương trình Lục-Lạc-Vàng thu hút nhiều tổ chức doanh nhân đến với những nông dân nghèo, có cơ hội thoát khổ. Chương trình cặp lá yêu thương, hướng nhiều cá nhân tập thể giúp các em học sinh nghèo hiếu học, sớm có điều kiện học tập, đến trường.
Lịch sử Kitô giáo hằng tuyên xưng Thiên Chúa quyền năng, Ngài làm được mọi sự, người Kitô hữu dư biết ai cũng cần đến tình yêu thương, cùng giúp nhau sống đạo làm người và đạo làm con Chúa. Tiếng loa của Thiên Thần đến bên các mục đồng trước, giúp những người nghèo hôm đó được nghe nhìn, cảm nhận niềm vui, nhưng không phải vui vì quà vật chất. Các mục đồng hạnh phúc cùng cha mẹ Hài Nhi bên máng cỏ, giá lạnh của đêm đông tan biến vì Con Thiên Chúa đã có được “hơi ấm tình người”.
Đêm tối đầy rủi ro sợ hãi, đêm tối đức tin cũng đầy thách thức, khó khăn, đêm tối đó không phân biệt giáo sĩ tu sĩ hay giáo dân, vì thế mà chúng ta cần có tâm hồn thao thức, cần có một sự chuẩn bị để Ngôi Lời xua tan bóng tối sự chết. Đêm tối hôm nay, Hài Nhi Giêsu và cha mẹ Ngài sẽ thinh lặng, mời gọi tất cả hãy hành động để hơi ấm tình người tỏa rộng khắp nơi. Đêm đông hôm xưa và hôm nay, Hài Nhi Giêsu vẫn là niềm vui, là bình an, là quà tặng, được ban cho nhân loại, được chia sẻ cho người nghèo, người giầu, người tội lỗi…
Tục ngữ có câu: giầu hai con mắt, khó đôi bàn tay, quả thật, chúng ta sẽ không phải là người nghèo về vật chất ; nếu như các Thiên Thần loan báo tin vui cho các mục đồng, hẳn âm vang “Chúa Giáng Trần” sẽ còn tỏa lan khắp nhân loại. Để biết mình đang cần thứ hơi ấm nào, chúng ta cần có giây phút lắng đọng tâm hồn. Để biết mình đang giầu nghèo về tinh thần ra sao, nhất định ta phải hòa mình vào số các mục đồng mà cùng nghe, cùng nhanh chóng tới hang đá gặp Hài Nhi. Hơi ấm của tình người, hơi ấm của tình Chúa, sẽ còn thiết thực đến từng tâm hồn, khi người tín hữu chúng ta cùng hòa với tiếng hát Thiên Thần: “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người thiện tâm”. Amen.
.
ĐỨC VUA TÌNH YÊU, HOÀNG TỦ THÁI BÌNH ĐÃ ĐẾN
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Chuyến công du của đức Thánh Cha Fancis tại ba nước Châu Phi cuối tháng 11 đến đầu tháng 12 vừa qua là một chuyến đi nhiều khó khăn nguy hiểm. Nguy hiểm vì đây là chuyến đi của Giáo hoàng đến một vùng đang có chiến tranh, khủng bố. Trước đó hơn một tháng đã có hàng loạt vụ khủng bố giết chóc xảy ra tại các quốc gia này, quân IS còn lên tiếng đe doạ khủng bố chuyến viếng thăm của Đức Giáo Hoàng.
Vượt qua mọi de doạ, Đức Thánh Cha vẫn đến với ba quốc gia Kenya, Uganda và Cộng hòa Trung Phi đau khổ nghèo đói này. Ngài đến như vị sứ giả hoà bình, như người đem niềm vui và tình yêu thương để khơi dậy hy vọng và hoà bình cho các quốc gia này. Trong bài diễn văn chào mừng Đức Thánh Cha, bà Tổng Thống lâm thời nước Cộng Hoà Trung Phi đã thưa với Đức Giáo Hoàng : Trọng kính Đức Thánh Cha ! Trong bối cảnh chính trị hiện nay, với những đe dọa an ninh có thật cũng như phóng đại, đã ảnh hưởng đến việc chuẩn bị cho chuyến đi của Ngài. Sự dấy lên các hành động cực đoan và khủng bố trong những ngày vừa qua đã có thể làm cho Ngài nản lòng vì không muốn gặp bất trắc khi đến đây. Nhưng Ngài vẫn đi. Bài học can đảm và quyết tâm là tấm gương mà chúng tôi phải học. Ngài luôn thực hiện tình đoàn kết với các nạn nhân của cuộc xung đột ở Trung Phi. Ngài luôn nâng đỡ tinh thần người dân Trung Phi, thuộc tất cả mọi tôn giáo để họ cùng nhau tái kiến trúc lại sự nhất quán cho quốc gia. Hôm nay, thêm một lần nữa, Ngài khẳng định cho người dân Trung Phi và dưới mắt thế giới, Ngài ở bên cạnh họ trong tình huynh đệ và bằng hữu giữa con người với nhau. Nhất là thêm một lần nữa, Ngài chứng tỏ Ngài là Giáo Hoàng của người nghèo, của những người bị bầm dập và tất cả những ai sống trong cơn tuyệt vọng.
Trọng kính Đức Thánh Cha ! Nhân danh tầng lớp lãnh đạo của đất nước này và cũng nhân danh tất cả những người đã góp phần cách này cách khác đã đưa đất nước xuống hỏa ngục, tôi xin xưng tất cả sự dữ đã phạm của đất nước này trong quá trình lịch sử, và tự đáy lòng tôi, tôi xin được tha thứ.
Chúng tôi tuyệt đối cần sự tha thứ này nhân chuyến đi của Ngài vì chúng tôi đã phạm những điều ghê tởm nhân danh tôn giáo bởi những người tự cho mình là tín hữu. Vậy, làm sao tự cho mình là tín hữu mà đi phá hủy nơi thờ phượng, giết người anh em, hãm hiếp người khác, phá hoại tài sản người khác, gây bạo lực dưới mọi hình thức ? Chúng tôi tuyệt đối cần sự tha thứ vì lòng chúng tôi đã chai cứng bởi sức mạnh của sự dữ. Tình yêu chân thành đối với tha nhân đã không còn ở trong tâm hồn chúng tôi, tâm hồn chúng tôi từ nay cắm sâu trong sự bất khoan dung, đánh mất các giá trị và sống trong tình trạng hỗn độn do bối cảnh gây ra.
Chúng tôi cần sự tha thứ để đi trở lại trên con đường thiêng liêng mới, sống động hơn, tiếp đón hơn, cụ thể hơn vì con đường này được xây dựng trên tình yêu đích thực, một tình yêu góp phần vào việc thực hiện và khẳng định lòng nhân ái của chúng tôi.
Đêm nay, chúng ta mừng kỷ niệm việc Thiên Chúa băng qua các tầng trời để bước đến với con người. Ngài vượt qua mọi nguy hiểm, bất trắc để gặp gỡ con người là những kẻ Ngài yêu thương. Ngài còn ở lại với con người để cùng chia sẻ, cảm thông và để giải thoát con người. Tiên tri Isaia đã cho thấy một tương lai tươi sáng, một cuộc sống hy vọng được mở ra cho con người : Đoàn dân đang lầm lũi trong tăm tối sẽ nhìn thấy ánh sáng, Chúa sẽ ban cho họ chứa chan niềm hoan hỷ vui mừng, cái ách đã bị bẻ gẫy, những chiếc giày lính đã bị ném vào lửa. Thiên Chúa đến là để xây dựng chứ không phá huỷ, Ngài đem cho nhân loại hạnh phúc và lòng xót thương thay cho thù hận. Ngài là Vị Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Người Cha muôn thưở, Ông Vua thái bình.
Vị Thiên Chúa mà Isaia nói tới chính là Hài Nhi Giêsu. Ngài được hạ sinh trong một khung cảnh hết sức đơn sơ, thanh bình, nghèo nàn nhưng ấm áp. Thánh Luca cho thấy Giuse và Maria là những con người đầu tiên đón nhận Đấng Giàu Lòng Thương Xót. Hai ông bà nghèo nàn đơn sơ, không tìm được chỗ trọ cho tươm tất, mà phải sống cảnh vô gia cư ngay trên quê hương xứ sở của mình. Giuse và Maria không chút hồ nghi, đã đón nhận Hài Nhi Con Thiên Chúa được sinh ra trong hoàn cảnh ấy, được đặt nằm trong máng ăn của súc vật.
Tương phản với sự nghèo khó, tối tăm của chuồng bò, thì ngay trong đêm ấy, ánh sáng hy vọng đã bừng lên, các mục đồng là nhưng thành phần thấp kém nhất trong xã hội lại là những người đón nhận được tin vui giáng sinh của Thiên Chúa. Sứ thần đã nói với các mục đồng : Đừng sợ ! Đây tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại: Hôm nay, Đấng Cứu Độ đã được sinh ra cho anh em trong thành của Đavit. Người là Đấng Kitô, là Đức Chúa. Với lời loan báo này, sứ thần muốn nói đến thời kỳ Thiên Chúa đã đến ở với con người, lòng thương xót của Thiên Chúa đã tuôn trào trên những con người thấp hèn. Một dấu hiệu để nhận biết Ngài, đó là một trẻ thơ bọc trong khăn và đặt nằm nơi máng cỏ.
Các đạo binh thiên quốc và các thiên thần cất tiếng hát : Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương. Thiên Chúa đã đem bình an cho nhân loại, thế nhưng thế giới vẫn con nhiều chiến tranh bạo loạn. Hơn lúc nào hết, con người ngày nay vẫn đang mong đợi bình an, nhưng dường như nhiều người vẫn chưa thực lòng bắt tay xây dựng sự bình an cho thế giới. Thay vì góp phần xây dựng hoà bình, nhiều người, nhiều quốc gia đã cố tình gây ra chiến tranh giết chóc, tài trợ, nuôi dưỡng cho khủng bố để tìm kiếm lợi nhuận và quyền lực chính trị cho mình.
Để có thể đón nhận tình thương và bình an của Thiên Chúa, mỗi người phải thành tâm và thành thật nhìn lại quá khứ, nhận ra tình trạng tồi tệ mình đã gây ra cho bản thân và cho anh em, thành tâm xin ơn tha thứ để thay tẩy tâm hồn. Bà Tổng Thống của Công Hoà Trung Phi đã dám sám hối một cách công khai trước mặt mọi người và thế giới về quá khứ, về chiến tranh giết chóc mà giới lãnh đạo Trung Phi đã gây ra. Bà dám nhìn nhận tình trạng tâm hồn bị chai cứng, bị khép kín trước tình yêu của nhiều người đã dẫn đến những hành động tội ác cho người khác. Bà đã nhân danh hàng ngũ lãnh đạo nhìn nhận trách nhiệm về sự suy thoái đạo đức họ đã gây ra trong xã hội.
Một khi tâm hồn đánh mất tình yêu, trở nên hẹp hòi, chai cứng, trái tim trở nên vô cảm, dửng dưng, thì cuộc sống của con người không khác gì cuộc sống của một con thú và lúc đó, người ta sẽ cư xử với nhau theo bản năng. Vì thế, mừng lễ Chúa Giáng Sinh là dịp để mỗi người làm mới và làm mềm lại trái tim của mình. Chúng ta được mời gọi biến tâm hồn mình trở thành một hang đá đơn sơ, không cầu kỳ, để đón Chúa Giêsu Hài nhi sinh vào trong tâm hồn. Ngài là Hoàng Tử tình yêu, là Thiên Chúa giàu lòng thương xót, Ngài sẽ biến đổi để chúng ta cũng trở thành sứ giả tình yêu và lòng thương xót đến với anh chị em chung quanh.
Trong tông thư Lòng Thương Xót Chúa, Đức Thánh Cha kêu gọi chúng ta hãy sống và thực thi lòng thương xót của Chúa cho anh em. Để đem đến hoà bình cho thế giới, cần xây dựng sự công bằng dựa trên lòng thương xót, tức là tìm kiếm sự công bằng trong tình yêu thương chứ không phải bằng sự trả đũa, trả thù. Chỉ khi mỗi người biết cư xử với nhau dựa trên lòng thương xót, chúng ta mới có thể đem đến cho thế giới sự bình an và hạnh phúc. Cần bắt đầu ngay từ trong xóm, trong môi trường làm việc của mình, giải quyết những bất đồng bằng đối thoại trong tình yêu thương thay vì chửi bới thô tục, bạo lực. Hãy giữ cho mình có một lương tâm trong sáng, ngay thẳng trong mọi công việc, đừng để cho bất cứ một thứ quyền lợi nào bẻ cong lương tâm của chúng ta.
Thiên Chúa đã làm người để nâng con người lên địa vị làm con Thiên Chúa. Tuy nhiên trong thực tế, sự xúc phạm phẩm giá con người đang diễn ra ngay trong các gia đình, khi vợ chồng không biết tôn trọng nhau, không nhìn nhận nhau là xương thịt của mình. Họ đối xử với nhau bằng bạo lực thể xác lẫn tinh thần. Sự coi thường phẩm giá con người đang diễn ra qua các hình thức bạo lực, bạo lực nơi nhà trường, buôn người, nô lệ tình dục, khai thác lao động. Trầm trọng hơn hết là tình trạng nạo phá thai gia tăng. Tại Việt Nam, có hàng triệu ca nạo phá thai mỗi năm. Trong đó, có khoảng 20% ở độ tuổi vị thành niên. Chúng ta đang là nước đứng thứ 5 trên thế giới và đứng đầu khu vực Đông Nam Á về tình trạng nạo phá thai. Cũng theo thống kê của Ủy ban Quốc gia Dân số và Kế hoạch hóa Gia đình, ở nước ta, mỗi năm có 1,2 – 1,6 triệu trẻ em được sinh ra, thì cũng tương ứng với đó là con số bào thai bị phá bỏ.
Đó là tội ác, tội giết người, là hình thức xúc phạm phẩm giá con người trầm trọng nhất. Cùng với mọi người thành tâm thiện chí, chúng ta có trách nhiệm phải đẩy lùi sự xúc phạm phẩm giá này và loại trừ khỏi xã hội chúng ta các hình thức của sự ác. Hãy bắt đầu bằng việc tôn trọng bản thân, tôn trọng mình là hình ảnh của Thiên Chúa và cũng biết tôn trọng mạng sống, sức khỏe và thân xác người khác như thế, vì thân xác con người đã được con Thiên Chúa mang lấy và mạng sống con người đã đượcThiên Chúa cứu chuộc.
Xin cho niềm vui Giáng sinh thúc đẩy chúng ta thành những con người đem bình an và lòng thương xót của Thiên Chúa đến cho thế giới hôm nay để Thiên Chúa được vinh danh và con người được ơn cứu độ. Amen.
.
Trầm Thiên Thu
Lạy Chúa Hài Đồng, con tín thác vào Ngài – Divine Child Jesus, I trust in You – Divin Enfant Jésus, j’ai confiance en Toi – Divino Niño Jesús, en ti confío. Phàm ngữ không đủ để diễn đạt niềm tin kính Thiên Chúa toàn năng, nhất là vào Mùa Giáng Sinh này.
Đêm Giáng Sinh là Đêm Thánh, đêm lịch sử, đêm ánh sáng, đêm muôn ánh sao, đêm giao hòa tình người, đêm nối kết đất trời, đêm khởi đầu niềm hy vọng mới, nhân loại vui mừng được thoát khỏi vùng-bóng-tối để bước vào Miền-Ánh-Sáng, vì chính Con Thiên Chúa là Ngôi Lời đã trở nên người phàm và cư ngụ giữa chúng ta (Ga 1:14), Ngài là Đấng Emmanuel – Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Is 7:14 và Mt 1:23).
Đó là niềm hạnh phúc quá lớn đối với nhân loại. Và từ từ giây phút Ngôi Hai giáng trần, chúng ta không còn bị réo là “Đồ Bị Ruồng Bỏ”, là “Phận Bạc Duyên Đơn”, mà được gọi trìu mến là “Ái Khanh” và được ca tụng là “Duyên Thắm Chỉ Hồng” (Is 62:4). Ôi, thật là trên cả tuyệt vời!
Belem (hoặc Bêlem, Việt ngữ) là nơi Hài Nhi Giêsu sinh ra, một nơi có thật, thế giới phải công nhận chứ không là nơi bịa đặt. Bethlehem (tiếng Ả Rập: بيت لحم, Bayt Laḥm, nghĩa đen là “Nhà Thịt Cừu Non”; tiếng Hy Lạp là Βηθλεέμ (Bethleém); tiếng Hebrew là בית לחם (Beit Lehem), có nghĩa là “Nhà Bánh Mì”; tiếng Bồ Đào Nha là Belém.
Belem là một thành phố của Palestine, thuộc miền trung Bờ Tây, cách TP Giêrusalem khoảng 10 km (6,2 dặm) về phía Nam. Belem có khoảng 30.000 cư dân và là thủ phủ của Nha Thủ Hiến Belem (Bethlehem Governorate), thuộc chính quyền quốc gia Palestine (Palestinian National Authority), đồng thời là Trung tâm Văn hóa và Du lịch của đất nước Palestine. Theo địa lý, Belem ở độ cao 775 m (2.542,7 bộ/ft) so với mực nước biển, và Belem ở độ cao 30 m (98,4 bộ/ft) so với TP Giêrusalem (và các thành phố lân cận).
Câu chuyện Chúa Giáng Sinh là câu chuyện muôn thuở, vẫn luôn mới lạ dù sự kiện này đã xảy ra hơn hai ngàn năm qua. Sự kiện này được mọi người chú ý, kể cả người vô thần. Mọi điều đã được ứng nghiệm theo Kinh Thánh tới từng chi tiết, các điều tiên báo đã có hàng ngàn năm trước. Không một nhân vật nào được người ta chú ý đặc biệt như Thiên Chúa của chúng ta. Đó là dấu chỉ cho thấy Thiên Chúa mà chúng ta tôn thờ là Thiên Chúa duy nhất và đích thực. Thật vậy, cả thế giới đều mừng sinh nhật của Hài Nhi Giêsu, dù có thể có những người không chủ ý hoặc chỉ “ăn theo” thì cũng là cách vui mừng. Không có ai trên thế gian này được chú ý như Đấng Emmanuel của chúng ta. Chứng cớ hùng hồn, không thể chối cãi!
Ngôn sứ Isaia xác định: “Chúa đã ban chứa chan niềm hoan hỷ, đã tăng thêm nỗi vui mừng. Họ mừng vui trước nhan Ngài như thiên hạ mừng vui trong mùa gặt, như người ta hỷ hoan khi chia nhau chiến lợi phẩm. Vì cái ách đè lên cổ dân, cây gậy đập xuống vai họ, và ngọn roi của kẻ hà hiếp, Ngài đều bẻ gãy như trong ngày chiến thắng quân Ma-đi-an. Vì mọi giầy lính nện xuống rần rần và mọi áo choàng đẫm máu sẽ bị đem thiêu, làm mồi cho lửa” (Is 9:2-4). Sự thiện đã chiến thắng sự dữ. Công lý đã lên ngôi, hòa bình được tái lập, mọi gông xiềng đều bị gãy nát dưới quyền lực của sự thật. Chân lý đó chính là Thiên Chúa, Đấng Tam Vị Nhất Thể.
Con Thiên Chúa nhập thể và nhập thế, giáng sinh tại hang đá ở Belem năm xưa, như một em bé bình thường, nhưng Trẻ Thơ đó lại chính là “Người gánh vác quyền bính trên vai, danh hiệu của Người là Cố Vấn kỳ diệu, Thần Linh dũng mãnh, Người Cha muôn thuở, và Thủ Lãnh hoà bình” (Is 9:5). Và không chỉ như vậy, ngôn sứ Isaia cho biết thêm: “Người sẽ mở rộng quyền bính, và lập nền hoà bình vô tận cho ngai vàng và vương quốc của vua Đa-vít. Người sẽ làm cho vương quốc được kiên cố vững bền trên nền tảng chính trực công minh, từ nay cho đến mãi muôn đời. Vì yêu thương nồng nhiệt, Đức Chúa các đạo binh sẽ thực hiện điều đó” (Is 9:6). Bất cứ điều gì Thiên Chúa nói ra đều được Ngài thực hiện đúng đến từng chi tiết – từng dấu chấm, từng dấu phẩy (x. Mt 5:18).
Người ta thường nói: “Không thể trì hoãn sự sung sướng”. Đúng vậy, đêm Chúa giáng sinh là đêm ân tình, thế giới tràn ngập niềm vui, cả nội tại và ngoại tại, người không có niềm tin vào Thiên Chúa cũng không thể không vui mừng. Với tâm tình phấn khởi đó, tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người” (Tv 96:1-3).
Khi niềm vui đầy ắp, người ta muốn thể hiện ra bên ngoài, muốn mọi người cùng chia sẻ niềm vui đó. Nhưng có lẽ chưa trọn vẹn, người ta còn muốn cả muôn loài cùng hòa vui, và người ta không thể trì hoãn niềm hạnh phúc quá lớn, thế nên người ta phải lên tiếng mời gọi: “Trời vui lên, đất hãy nhảy mừng, biển gầm vang cùng muôn hải vật, ruộng đồng cùng hoa trái, nào hoan hỷ. Hỡi cây cối rừng xanh, hãy reo mừng trước tôn nhan Chúa, vì Người ngự đến, Người ngự đến xét xử trần gian. Người xét xử địa cầu theo đường công chính, xét xử muôn dân theo chân lý của Người” (Tv 96:11-13). Thiên Chúa là ĐẤNG CÔNG MINH CHÍNH TRỰC (Tv 7:18; Tv 9:9; Tv 11:7; Tv 25:8; Tv 67:5), là ĐẤNG KHÔNG THIÊN VỊ (Lc 20:21; Cv 10:34; Rm 2:11; Gl 2:6; Ep 6:9), luôn THẬT THÀ nhưng cũng rất THẲNG THẮN. Những ai mưu mô thâm độc thì sẽ lo sợ, những ai thấp cổ bé miệng và bị áp bức thì sẽ vỡ òa với niềm vui sướng tột cùng.
Lời sứ thần loan báo Tin Mừng cho các mục đồng ngày xưa cũng là lời nói với mỗi chúng ta trong đêm nay: “Anh em ĐỪNG SỢ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít, Người là Đấng Kitô Đức Chúa” (Lc 2:10-11). Hãy vùng lên và cùng nhau chống lại bất công, đó là đứng về phe sự thật, phe công lý, phe của Thiên Chúa. Có những người viện cớ cho rằng “không muốn đụng chạm”, nhưng thật ra chỉ là nhát đảm – mình không muốn “đụng” đến ai và cũng chẳng muốn ai “chạm” đến mình. Việt ngữ có từ “đụng chạm” thật thú vị. Bảo vệ sự thật của Thiên Chúa mà sợ ư?
Tất cả là hồng ân. Thật vậy, đêm nay vô cùng linh thiêng, vì “ân sủng của Thiên Chúa đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người” (Tt 2:11). Thánh Phaolô giải thích: “Ân sủng đó dạy chúng ta phải từ bỏ lối sống vô luân và những đam mê trần tục, mà sống chừng mực, công chính và đạo đức ở thế gian này. Sở dĩ như vậy là vì chúng ta trông chờ ngày hồng phúc vẫn hằng mong đợi, ngày Đức Kitô Giêsu, là Thiên Chúa vĩ đại và là Đấng cứu độ chúng ta, xuất hiện vinh quang” (Tt 2:12-13).
Ngày đó đã đến, đêm nay chúng ta hân hoan kỷ niệm Ngày Hồng Phúc đó. Thánh Phaolô cho biết thêm: “Vì chúng ta, Người đã tự hiến để cứu chuộc chúng ta cho thoát khỏi mọi điều bất chính, và để thanh luyện chúng ta, khiến chúng ta thành Dân riêng của Người, một dân hăng say làm việc thiện” (Tt 2:14). Niềm vui này nối tiếp nỗi mừng khác. Vui mừng tích tụ. Nhưng không phải để chúng ta cười vui cho khoái chí, mãn nguyện, mà là để “hăng say làm việc thiện”. Đó mới là vấn đề quan trọng!
Trình thuật Lc 2:1-14 cho biết về hoàn cảnh giáng sinh của Chúa Giêsu vào thời hoàng đế Au-gút-tô. Lúc đó, ai nấy đều phải về nguyên quán để khai nhân khẩu. Vì thế, Chú Giuse cũng phải đưa Cô Maria về quê theo luật pháp hiện hành. Đường sá xa xôi, hiểm trở, phương tiện di chuyển thời đó là con lừa. Chu choa, mèn ơi, cực thật! Khi hai người tới Belem thì Cô Maria tới kỳ mãn nguyệt khai hoa. Đêm khuya, hai ông bà không tìm được chỗ trọ nên phải trú tại hang đá ngoài cánh đồng vắng vẻ.
Có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật, họ được sứ thần báo tin về “một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”, không chút nghi ngờ và họ đã tới kính viếng Hài Nhi Giêsu. Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”. Ôi, mầu nhiệm biết bao! Đặc biệt là có một ngôi sao sáng rực chiếu vào nơi Hài Nhi Giêsu vừa hạ sinh: “Đêm thánh vô cùng, Giây phút tưng bừng, Đất với trời, Xe chữ đồng. Đêm nay Chúa Con thần thánh tôn thờ, Canh khuya giáng sinh trong chốn hang lừa, Ơn châu báu không bờ bến, Biết tìm kiếm của chi đền!” (Still Nacht của Franz Gruber – Đêm Thánh Vô Cùng, lời Việt của Hùng Lân). [*]
Đêm nay, có thể trên bầu trời Việt Nam bên ngoài kia không có (nhiều) ánh sao lấp lánh, nhưng trong bầu trời tâm hồn của chúng ta vẫn có rất nhiều ánh sao lung linh, chiếu tỏa ân sủng của Chúa Hài Đồng – nhất là ở những tâm hồn ngay lành. Mỗi chúng ta có trách nhiệm phải chiếu tỏa ánh sáng Tin Mừng Giáng Sinh tới tha nhân – nhất là đối với những người nghèo khổ, những người hèn mọn, những người bị gọng kìm bất công kẹp chặt,… Hang đá vật chất chỉ cho vui mắt, hang-đá-tâm-hồn mới là nơi Chúa Hài Đồng muốn nằm ngủ đêm nay và mãi mãi…
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con tỏa lan Ánh Sáng Sự Thật của Chúa Hài Đồng. Xin giúp con biết sống tinh thần Giáng Sinh mọi ngày: nghèo khó, đơn sơ, giản dị, chấp nhận, can đảm, yêu thương,… Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Emmanuel và Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
.
Jos. Vinc. Ngọc Biển
Cứ mỗi dịp Giáng Sinh về, người ta thường tặng cho nhau những cánh thiệp, trao cho nhau những món quà và viết những lời cầu chúc thật ý nghĩa kèm theo những cánh thiệp và những món quà đó, tất cả chỉ mong sao người nhận quà gặp được nhiều niềm vui, bình an, hạnh phúc và thành đạt.
Đêm nay, chúng ta tụ họp nơi đây để mừng Đêm Thánh, Đêm kỷ niệm Con Thiên Chúa Giáng Sinh và cư ngụ giữa chúng ta trong thân phận của một con người bình thường (x. Ga 1, 14; Dt 4, 15). Đây là món quà cao quý mà Thiên Chúa Cha đã trao tặng cho nhân loại. Thật vậy, Chúa Giêsu Giáng Sinh đã trở thành niềm vui cho toàn thể thế giới, là nguồn bình an mà muôn dân mong ngóng đợi trông, là Đấng đem lại cho con người hạnh phúc thật.
Lời Chúa trong bài đọc I gợi lại cho chúng ta thấy bối cảnh lịch sử của dân tộc Israel thời bấy giờ. Lúc ấy, họ bị lưu đầy vì quân đội Assyria xâm chiếm và bắt họ phải đi biệt xứ. Khi sống trong cảnh lưu vong như thế, họ nghĩ đến thân phận của mình như là “dân tộc bước đi trong u tối”, chốn lưu đày đối với họ chính là “miền thâm u của sự chết”, những khổ nhục họ phải chịu là “cái ách nặng nề đè trên người, cái gông nằm trên vai …” Tuy nhiên, cái đêm âm u cũng như miền thâm u sự chết, những cái ách và cái gông nặng nề đang đè lên trên họ đã được tiên tri Isaia gỡ bỏ khi loan báo về một trời mới, đất mới và họ sẽ được giải thoát: “Dân tộc bước đi trong u tối sẽ nhìn thấy sự sáng chứa chan”, miền thâm u sự chết đó sẽ khơi nguồn sự sống, những gông, ách và roi vọt bị bẻ gãy… và được thay vào đó là cái ách của tình thương, lòng bao dung… Bởi vì “một Hài Nhi đã sinh ra cho chúng ta, một Người Con đã được ban cho chúng ta, Hài Nhi sẽ tiếp nhận quyền bính trên vai và thiên hạ sẽ gọi tên Người là Cố Vấn kỳ diệu” (Is 9,6). Tiên tri Isaia nhấn mạnh hơn khi nói: “Đây là lời Đức Chúa loan truyền cho khắp cùng cõi đất: Hãy nói với thiếu nữ Sion: Kìa ơn cứu độ ngươi đang tới” (Is 62,11). Cũng vậy, tiên tri Mikêa, sống đồng thời với Isaia, đã thốt lên những lời đầy an ủi: “Hỡi Belem, nhỏ bé trong đất Giuđa, song từ nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng cai trị Israel, nguồn gốc Ngài có từ xa xưa, từ trước muôn đời, Ngài sẽ cai trị với sức mạnh của Chúa Giavê… Chính Ngài sẽ đem lại cảnh thái bình” (Mk 5,1-4).
Tuy nhiên, để hiểu sâu xa lời tiên báo của tiên tri Isaia và Mikêa cho dân Israel, chúng ta hãy đặt mình vào trong bối cảnh lịch sử của dân Israel đang bị cảnh lưu đầy tha phương, nỗi khổ tột cùng của thân phận nô lệ…, thì mới hiểu được thế nào là sự chờ mong da diết, khôn nguôi Đấng sẽ đến giải thoát mình! Trong khi chờ đợi như thế, những thử thách, tủi nhục, đắng cay đã làm cho họ chịu không nổi, nên đã thốt lên: “Bên bờ sông Babylon, ta ra ngồi nức nở mà tưởng nhớ Xion; trên những cành dương liễu, ta tạm gác cây đàn”.
Bởi vì: “Bọn lính canh đòi ta hát xướng, lũ cướp này mời gượng vui lên: Hát đi, hát thử đi xem, Xion nhạc thánh điệu quen một bài!” (x. Tv 137 (136), 1-3a. 4).
Nỗi đau khổ của dân Israel đã thấu tới Trời Cao, đã đụng chạm đến lòng trắc ẩn của Thiên Chúa, vì thế Người đã trao ban Con Một của mình xuống để cứu độ nhân loại: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3,16). Qua mầu nhiệm Nhập Thể và Giáng Sinh, Thiên Chúa đã xuống thế và trở nên con người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Từ nay, Ngài là Đấng Emmanuel mà bao đời và muôn dân mong đợi.
Vì thế, Đên nay là: Đêm Hồng Ân; Đêm tình thương cứu thế; Đêm chan hòa Ánh Sáng; Đêm giao hòa giữa Trời và đất; Đêm khơi nguồn Bình An; Đêm mà Thiên Chúa và con người gặp nhau; Đêm Thiên Chúa trở thành người, để con người được phục hồi nhân vị trong tư cách là con và được gọi Người bằng Áp Ba- Cha ơi, vì thế, “… anh em không còn phải là nô lệ nữa, nhưng là con, mà đã là con thì cũng là người thừa kế” (Gl 4, 4-7).
Đứng trước hồng ân cao trọng này, chúng ta không thể không cất cao bài ca: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu! Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người” (Tv 96, 1-3).
Khi mừng lễ Giáng Sinh với tâm tình như vậy, mỗi người chúng ta hãy khám phá ra “Đức Giêsu là quà tặng quí giá nhất Thiên Chúa trao gởi cho con người” (x.Ga 3,16; Is 9,5). Lời của Thiên Sứ báo tin cho các mục đồng chứng tỏ điều đó: “Này, tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em” (Lc 2, 10-11).
Mặt khác, chúng ta không chỉ trầm trồ khen ngợi, hay tạ ơn, mà còn là mở rộng tâm hồn để đón Chúa Giáng Sinh nơi tâm hồn và trong trái tim của chúng ta. Bởi vì giá trị đích thực của niềm vui giáng sinh là gì, nếu không phải là để cho Hài Nhi Giêsu lớn lên trong cung lòng của mỗi người!
Đức Giêsu, trong đêm Giáng Sinh, Ngài đã hoàn tất một chặng đường dài qua việc nhập thể và đi vào thế giới nhằm tìm gặp con người. Vì thế, Ngài đã trở thành người cha, người thầy, người bạn và người anh để cùng sống, cùng ăn, cùng đi với con người trong hành trình lữ thứ trần gian qua việc giảng dạy và nơi những nghĩa cử yêu thương. Ngài vẫn còn tiếp tục như thế cho đến ngày tận cùng của nhân loại qua Bí tích Thánh Thể. Nơi Bí Tích cực thánh này, Ngài đã trở thành “Bánh bởi trời”; “Bánh hằng sống”;“Lương thực thần linh” để nuôi dưỡng nhân loại và để cho những ai đón nhận được sống và sống dồi dào (x. Ga 10,10).
Noi gương Đức Giêsu, và để cho Ngài sống cũng như lớn lên trong tâm hồn chúng ta, mỗi người hãy trở nên quà tặng cho tha nhân qua một cử chỉ chân thành, một hành động ý nghĩa, một nụ cười thân thiện, một nghĩa cử cảm thông phát xuất từ niềm tin và lòng thương xót…
Đây có lẽ là món quà quý giá nhất mà Hài Nhi Giêsu vui mừng đón nhận, bởi lẽ: “Xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm” vì “Mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những người bé nhỏ nhất đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (x. Mt 25, 35- 45). Và, như bánh Thánh Thể, được bẻ ra, trao ban cho nhân loại thế nào, thì chúng ta cũng hãy mở rộng bàn tay và tấm lòng sẵn sàng chia sẻ cho những ai cần chúng ta giúp đỡ như vậy.
Ước gì, khi chúng ta đón nhận được món quà vô giá từ nơi Thiên Chúa qua hiện thân của Đức Giêsu, thì đến lượt chúng ta, mỗi người cũng hãy chia sẻ ân huệ đó cho người khác, nhờ đó, tất cả chúng ta sẽ được hưởng niềm vui trọn vẹn của Đại lễ Giáng Sinh đêm nay. Amen.
.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Đêm nay là đêm vui nhất trong Giáo Hội Công giáo chúng ta, cũng là đêm linh thiêng nhất, vì đêm nay Giáo hội loan báo tin vui cho toàn thể nhân loại, cho mọi người và từng người: “Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta” (đáp ca).
Nghe lại những lời trên của Thiên Thần báo cho các mục đồng tuy xa xưa những vẫn luôn mới mẻ trong đêm nay, làm chúng ta sống lại bầu khí linh thiêng của Ðêm Thánh, Ðêm mà cách đây 2015 năm tại Bêlem, Con Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại đã thân hành xuống thế, giáng sinh làm người giống chúng ta mọi đàng ngoại trừ tội lỗi, và cư ngụ giữa chúng ta. Đây là cuộc hòa mình của Thiên Chúa vào trong lịch sử nhân loại.
“Hôm nay, Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta”. Đây là lời loan báo vang vọng trong đêm đen cho những ai đang tỉnh thức, như các mục đồng tại Bêlem; Lời ấy vang lên cho những ai đã sống theo đòi hỏi của Mùa Vọng và một khi đã tỉnh thức trong đợi chờ, sẵn sàng tiếp nhận sứ điệp của niềm vui, được hát lên trong Thánh lễ đêm nay.
Khi nghe những lời trên Giáo hội hết sức vui mừng, niềm hy vọng dâng trào và đức tin được củng cố. Noel là lễ Nhập Thể của Con Thiên Chúa. Nơi Đức Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người, gần gũi với con người, đã từ bỏ tất cả vì chúng ta. Đức Thánh Cha Phanxicô viết : “Lòng Thương Xót nhập thể , khiến cho con mắt của chúng ta trông thấy mầu nhiệm vĩ đại của Tình Yêu Ba Ngôi của Thiên Chúa” ( Huấn đức thứ Tư ngày 09/12/2015). Con Trẻ nằm trong máng cỏ là Thiên Chúa thật. Thiên Chúa không hiện hữu đơn độc, nhưng là một cộng đoàn Ba Ngôi, với tình yêu hỗ tương trong sự cho đi và nhận lại. Ngài là Cha, Con và Thánh Thần. Lòng Thương Xót ấy không chỉ biểu lộ tình yêu của Thiên Chúa cho nhân loại, nhưng còn hiến mạng vì chúng ta, mà không đòi hỏi một đặc quyền nào hết. Nếu như thánh Iréné khi suy niệm về Mầu Nhiệm Nhập Thể của Chúa Con đã viết : “Thiên Chúa làm người để con người được trở nên thiên chúa”. Thì chúng ta cũng có thể nói rằng : “Lòng Thương Xót đã nhâp thể làm người để con người trở nên khí cụ của Lòng Thương Xót ấy”.
Ngày 08/12 vừa qua Giáo hội đã khai mạc Năm Thánh Lòng Thương Xót. Trong mỗi ngày của Năm Thánh, Giáo hội không ngừng lặp lại như thể nhắc nhở con cái mình: “Hãy thương xót như Chúa Chúa” (Khẩu hiệu Năm Thánh Lòng Thường Xót). Chúa Cha đã yêu thương nhân loại đến nỗi trao tặng Người Con Một, Người Con ấy là Ân Sủng của Thiên Chúa, là Lòng Thương Xót đã được biểu lộ, đem ơn cứu độ đến cho mọi người (x. Tt 2, 11 ), là Ðấng Cứu Thế đã giáng sinh cho chúng ta. Cuộc giáng sinh diệu kỳ của Con Một Chúa đã đánh dấu bước điểm khởi đầu mới của lịch sử. Chúng ta có thể nói mà không sợ sai lầm rằng, “Lòng Thương Xót nhập thể vì chúng ta và sống giữa chúng ta”. Lòng Thương Xót ấy vượt qua thời gian, vì trong mỗi phút giây sống, tất cả các lễ đều là lễ Giáng sinh! Ngoài những khuôn mặt của thế giới này, Người còn ở lại với chúng ta. Và bàn tiệc Thánh Thể mỗi ngày có sự hiện diện của Thiên Chúa. Thiên Chúa ở giữa chúng ta.
Và nếu xưa kia tại Bêlem, các thiên thần ca hát, hôm nay đây chúng ta vẫn cùng với các Thiên Thần và Tổng Lãnh Thiên Thần hát ca mỗi lần dẫn vào mầu nhiệm Thánh Thể : “Thánh! Thánh! Thánh! Chúa Thiên Chúa các đạo binh !”
Trong đêm cực thánh này, Chúa Kitô đã từ trời cao sinh xuống giữa chúng ta. Ngôi Lời nằm khóc trong máng cỏ, được gọi là Giêsu, nghĩa là Thiên Chúa cứu độ “bởi vì Ngài sẽ cứu dân ngài khỏi mọi tội lỗi” (Mt 1,21). Không phải trong một lâu đài mà Ðấng cứu chuộc sinh ra, nhưng trong một chuồng loài vật; và sống giữa chúng ta. Người sinh xuống trần gian, từ cung lòng của một Người Nữ được chúc phúc hơn mọi nguời nữ; Người là Con Ðấng Tối Cao, thể hiện dung mạo của Đấng giầu lòng thương xót (x.Misericordiae Vultus). Sự giáng sinh của Người đã làm cho chúng ta được ơn cứu rỗi.
“Việc tái chiêm ngưỡng mầu nhiệm Lòng Thương Xót này vẫn luôn là điều có giá trị. Mầu nhiệm này chính là nguồn cội của niềm vui, của sự thanh thản và bình an” (Misericordiae Vultus số 2). Quả thật, khi chiêm ngắm liên lỉ dung mạo của Chúa Giêsu, chúng ta khám phá được rằng, lòng thương xót của Thiên Chúa là chung kết và tối thượng, nghĩa là ở ngay từ một Hài Nhi bé bỏng đã mang đến cho chúng ta một lòng thương xót không bao giờ vơi cạn, lòng thương xót đó chấp nhận bước vào cuộc đời này trong một thân phận không thể thấp hèn hơn được nữa, để những ai trong Đêm Giang Sinh dù không có một mái nhà, dù đang đau khổ vì tình yêu bị phản bội, khổ đau vì bị con cái hắt hủi thì nhìn vào mái ấm gia đình ở nơi hang đá vẫn cảm thấy trong cuộc đời này có ai đó đồng cảm và thông cảm được với mình.
Lạy Chúa Giêsu, chúng con chiêm ngắm Chúa, xin hãy làm cho chúng con trở nên những chứng nhân của lòng thương xót Chúa, lòng thương xót đã thôi thúc Chúa cởi bỏ vinh quang Thiên Chúa, để sinh ra sống giữa con nguời và chịu chết vì chúng con.
Trong giai đoạn đầu của Năm Thánh chúng con vừa bước vào, xin Chúa hãy đổ vào chúng con Thánh Thần của Chúa, ngõ hầu ân sủng của Mầu Nhiệm Nhập Thể khơi dậy nơi mỗi tín hữu tích cực dấn thân sống quảng đại hơn, phù hợp với sự sống mới do bí tích Rửa Tội trao ban.
Xin hãy làm cho ánh sáng của đêm hôm nay, sáng hơn ban ngày, chiếu sáng trên tương lai và hướng dẫn những bước tiến của nhân loại trên con đường Hòa Bình.
Lạy Chúa, Lòng Thương Xót của Chúa Cha, Hoàng tử của Hòa Bình, Ðấng Cứu Chuộc, đã giáng sinh vì chúng con, xin hãy đồng hành với Giáo hội Chúa trên con đường đang mở ra dẫn đưa Giáo hội bước đi trong Năm Thánh! Amen.
.
MỘT HÀI NHI ĐÃ SINH RA CHO CHÚNG TA
Lm. Tạ Chúc
Tiếng khóc chào đời của một em bé, là tiếng cười rộn vui của biết bao người xung quanh. Cha mẹ thật hạnh phúc, khi một đứa con sinh ra. Dòng họ vui mừng vì có một thành viên mới, trong gia đình. Một đêm sương gió lạnh, trong nơi góc khuất của thành đô Bê-lem, một đôi vợ chồng trẻ, mắt rưng rưng những giọt lệ, đón chào đứa con bé bỏng của họ, cất tiếng khóc chào đời. Quả thật một niềm vui khôn kể xiết, một sinh linh bé bỏng đã phá tan giấc ngủ của màn đêm, khi bật lên tiếng khóc của một con người.
Những ngày tháng bụng mang dạ chửa, những đêm mất ngủ bởi những cơn chuyển mình của bào thai. Người mẹ nào không khỏi ngậm ngùi khi được ngắm nhìn, ẵm bồng đứa con thơ bé nhỏ của mình, trong vòng tay. Cơn đau đã qua đi, niềm sung sướng dấy lên tận đáy lòng. Con thơ khóc để hít thở, mẹ khóc vì hạnh phúc khi thiên chức của người mẹ được rõ nét qua từng đứa con. Cái thời ấy thiếu thốn đủ điều, nào có đâu trạm xá, hay bệnh viện, cũng chẳng có những Y, Bác sĩ gì. Thuốc men đương nhiên cũng chỉ là những loài thảo mộc, được truyền tụng trong nhân gian. Một hành trình của một gia đình trên đường trở về quê quán, để đăng kiểm hộ khẩu theo lệnh vua ban hành. Phương tiện di chuyển, cũng chỉ là lưng con lạc đà, mà người thời đó thường hay dùng. Bạn mình chuyển bụng, Giuse chỉ biết tìm một nơi cho mẹ tròn con vuông, chớ tính làm sao được khi trong lưng không một đồng xu giắt túi. Cảnh ra đời của một em bé như một giọt nước trong sa mạc, giữa đêm đông chỉ có bò, lừa, và lũ mục đồng canh gác đàn gia súc. Không có gì, mà chỉ có ánh sáng từ bi của Đấng là Thiên Chúa, trong phận người bé thơ. Và môt Hài Nhi đã sinh ra như lời tiên tri Isai-a, đã loan báo trước đó hơn 700 năm. Bé thơ Giê-su xuống thế trong thân phận của một con người, giống như những em bé sinh ra mỗi ngày, trong cõi đời này. May mắn cho một trẻ thơ khi được sinh ra, và lớn lên. Bất hạnh thay khi có rất nhiều những trẻ thơ vô tội, không có những phút giây chào đời, trong sự ân cần và thương yêu của cha mẹ, và những người xung quanh. Con người đã không tiếp nhận Con Thiên Chúa, Ngài đến trong nhà mình mà những người nhà lại chối từ. Thảm họa của những bậc làm cha mẹ là khi từ chối những đứa con, mà đúng ra chúng phải được sinh ra. Đó đây, những hang đá đã lên đèn, những cây thông đủ mọi hình dáng, với ngàn vạn đèn điện muôn màu tỏa lan. Không khí Giáng sinh nô nức và hối hả, rộn vang những cung bậc cảm xúc của đêm giáng sinh đã nhuốm màu khắp không gian. Thời tiết đã ấm dần lên khi những đám mây cũng dần lùi về phía cuối chân trời, để nhường lại cho một khoảng khắc rất gần của No-el.
Đêm nay ta say men nồng tình Giáng sinh. Đêm nay lung linh ngàn muôn tinh tú, hợp với lời ca của chín phẩm Thiên Thần. Và đêm nay, những chú mục đồng đi tìm những khúc củi khô, đốt lên sưởi ấm Chúa Hài Đồng. Cứ thế câu chuyện cổ tích hôm nay, có một bé thơ cất tiếng chào đời, lại râm ran bên những chiếc nôi ru con của những bà mẹ, mỗi ngày được vang lên, và tỏa lan trong thế giới của nhân loại, qua muôn ngàn thế hệ, khi mỗi độ Giáng sinh về.
.
LOAN BÁO TIN MỪNG CHO TOÀN DÂN
Lm. Đan Vinh
I. HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Lc 2,1-14.
(1) Thời ấy, hoàng đế Au-gút-tô ra chiếu chỉ, truyền kiểm tra dân số trong khắp cả thiên hạ. (2) Đây là cuộc kiểm tra đầu tiên, được thực hiện thời ông Qui-ri-ni-ô làm tổng trấn xứ Xy-ri-a. (3) Ai nấy phải về nguyên quán mà khai tên tuổi. (4) Bởi thế, ông Giu-se từ thành Na-da-rét miền Ga-li-lê, lên thành Bê-lem miền Giu-đê, là thành vua Đa-vít, vì ông thuộc về nhà và gia tộc vua Đa-vít. (5) Ông lên đó khai tên cùng với người đã đính hôn với ông là bà Ma-ri-a, lúc ấy đang có thai. (6) Khi hai người đang ở đó thì bà Ma-ri-a đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa. (7) Bà sinh con trai đầu lòng, lấy tã bọc con, rồi đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong nhà trọ. (8) Trong vùng ấy, có những người chăn chiên sống ngoài đồng và thức đêm canh giữ đàn vật. (9) Và kìa sứ thần Chúa đứng bên họ, và vinh quang của Chúa chiếu tỏa chung quanh, khiến họ kinh khiếp hãi hùng. (10) Nhưng sứ thần bảo họ: “Anh em đừng sợ. Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: (11) “Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa. (12) Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người: Anh em sẽ gặp thấy một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ. (13) Bỗng có muôn vàn thiên binh hợp với sứ thần cất tiếng ngợi khen Thiên Chúa rằng: (14) “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương”.
- Ý CHÍNH:
Bài tin mừng hôm nay nhằm trình bày việc Chúa Giê-su giáng sinh là một tin vui cho nhân loại. Ta có thể chia làm 2 phần chính như sau:
– Phần thứ nhất (1-7): Cuộc kê khai nhân khẩu là nguyên nhân khiến hai ông bà Giu-se Ma-ri-a phải lên đường trở về Giê-ru-sa-lem là quê hương của vua Đa-vít. Tại đây bà Ma-ri-a tới ngày sinh. Bà đã phải sinh con trong cảnh nghèo khó tột cùng vì hai ông bà quá nghèo không tìm được chỗ nơi nhà trọ.
– Phần thứ hai (c. 8-14): Một sứ thần của Chúa đã hiện đến báo tin vui cho các mục đồng ở ngoại ô Bê-lem. Sứ thần cũng cho biết dấu chỉ để họ nhận ra Đấng Thiên Sai là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Rồi có rất nhiều thiên thần đến hợp lời ngợi khen Thiên Chúa.
II. SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại, cũng là tin mừng cho toàn dân: Hôm nay, một Đấng Cứu Độ đã sinh ra cho anh em trong thành Vua Đa-vít. Người là Đấng Ki-tô Đức Chúa” (Lc 2,10-11).
- CÂU CHUYỆN:
1) CHÚA CỨU THẾ ĐÃ GIÁNG SINH CHO CHÚNG TA:
Ở nước Nga thời trung cổ, có một hoàng tử tên là A-lếch-xích (Alexis) rất yêu quí những người nghèo khổ bệnh tật. Mỗi ngày chàng ta bỏ nhiều thời giờ đến nhà thăm họ và sẵn sàng giúp đỡ những ai cần được trợ giúp. Có điều là hoàng tử thấy dân chúng vẫn dửng dưng thờ ơ khi chàng đến với họ. Rồi hoàng tử để tâm tìm hiểu lý do thì được biết sở dĩ dân chúng không mấy phấn khởi khi gặp gỡ chàng vì chàng không đáp ứng được các nhu cầu thực tế của họ. Từ đó hoàng tử A-lếch-xích âm thầm học hỏi chuẩn bị giúp dân một cách thiết thực hơn.
Sau một thời gian, một hôm dân chúng lại thấy một người ăn mặc đơn sơ đến thăm họ. Anh ta thuê một túp lều trong hẻm sâu làm nơi trú ngụ. Hàng ngày anh đến từng nhà và khám bệnh bốc thuốc miễn phí chữa bệnh cho các người nghèo. Chẳng bao lâu sau, anh ta gây được thiện cảm của mọi người chung quanh. Uy tín anh ngày một gia tăng khiến nhiều người nghe tiếng tìm đến nhờ anh giúp đỡ giải quyết những khó khăn họ đang gặp phải. Hôm nay anh dàn xếp được một cuộc tranh chấp đất đai giữa hai gia đình. Hôm sau, anh lại làm cho một đôi vợ chồng sắp ly hôn làm hòa với nhau và yêu thương nhau như trước. Anh động viên mọi người tương trợ lẫn nhau và nhờ đó ai cũng mến anh vì anh đã hy sinh giúp đỡ cho họ.
Thật ra ông thầy lang ấy chính là hoàng tử A-lếch-xít. Hoàng tử đã rời bỏ cung điện phú quí, đến sống giữa đám dân nghèo đói dốt nát, và sống hòa mình với họ. Về nhau khi biết thầy lang chính là hòang tử A-lếch-xít thì dân chúng càng quý trọng hòang tử hơn rất nhiều.
Hoàng tử A-lếch-xít trong câu chuyện trên là hình ảnh của Đức Giê-su Đấng Cứu Thế. Người đã giáng sinh trong cảnh nghèo hèn để chia sẻ cảnh nghèo khó với lòai người chúng ta. Người đã yêu thương chúng ta và tình nguyện xuống trần gian để ban cho chúng ta sự sống đời đời.
2) NGƯỜI VỐN DĨ VÔ TỘI NHƯNG ĐÃ TRỞ THÀNH TỘI NHÂN VÌ CHÚNG TA:
Một vị quan lớn gửi thiệp mời các người thân quen đến dự tiệc mừng sinh nhật thất tuần của ông. Tất cả quan khách đến dự buổi liên hoan đều ăn mặc sang trọng và có xe hơi đưa đón. Một vị quan cao tuổi là bạn chí thân của chủ tiệc cũng đến dự. Do già yếu nên khi bước xuống xe, ông bị trượt chân té xuống một vũng nước dơ khiến các gia nhân gần đó cười ồ lên. Trước tình trạng quần áo bị hoen ố nước dơ, vị quan cảm thấy xấu hổ trước trăm con mắt nhạo cười và quyết định lên xe ra về. Các gia nhân hiện diện đã năn hỉ hết cách mà vị quan kia nhất định không vào nhà dự tiệc. Bấy giờ chủ nhà được gia nhân cấp báo liền vội vàng chạy tới. Khi ngang qua vũng nước, ông lại cố tình té ngã vào vũng nước và quần áo ông cũng vấy bẩn không khác vị quan khách kia bao nhiêu. Lần này bọn gia nhân không ai dám cười nữa. Sau đó chủ nhà đã nắm tay vị khách quý kia mời vào phòng dự tiệc, và ông này không còn viện lý do gì để từ chối nữa.
Việc làm của chủ nhà trong câu chuyện trên là một hành động tế nhị và đầy tình người, khiến chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao Đức Giê-su vốn là Con Thiên Chúa mà lại hạ mình xuống làm một người phàm. Người muốn trở nên giống như chúng ta để ban ơn cứu độ cho chúng ta.
3) CHÚA ĐẾN BAN HÒA BÌNH CHO NHÂN LOẠI:
Vào ngày lễ vọng Giáng sinh năm 1914, những quân lính Đức và Anh đối đầu với nhau, tại các hào chứa đầy bùn lầy và chuột cống. Tại các hào của quân Anh, những lá thư và tấm thiệp được gửi đến từ gia đình, và anh em binh lính khá vui vẻ. Đến nửa đêm, một số người trong bọn họ bắt đầu ca hát. Thế rồi đột nhiên, một người lính gác la lên một cách đầy phấn khích : “Anh em hãy lắng nghe đi !”. Họ lắng nghe, và nhận thấy những quân lính Đức cũng đang ca hát. Một lúc sau, hai người lính can đảm, do mỗi phe cử một người, đến gặp nhau tại bãi đất trống. Thêm nhiều quân lính khác đi theo họ. Theo quan điểm quân đội, điều này không có ý nghĩa gì cả. Với tư cách là những người lính, người ta cho rằng họ đến đánh nhau. Đột nhiên ngừng lại và trở nên bạn bè không tạo nên ý nghĩa. Nhưng trong đêm hôm đó, có sức mạnh còn lớn lao hơn cả quân đội tại nơi chiến trường.
Khi ngày lễ Giáng sinh bắt đầu ló rạng, với gương mặt tươi cười, các binh lính đi dạo chung quanh vùng Đất Không Người. Người ta không nhìn thấy một dấu vết nào của sự hận thù. Họ trao đổi với nhau lương thực, đồ kỷ niệm và thuốc lá. Khoảng giữa trưa, khi tình thân thiện đang gia tăng, thì lại có một trận đấu bóng đá giữa hai phe. Nhưng trận đấu này không kéo dài lâu. Tin này đã lan tới tai các vị tướng đôi bên, và họ đã ban bố những mệnh lệnh gay gắt phải chấm dứt ngay mọi chuyện. Các sĩ quan dồn binh lính trở lại vào chiến hào. Tất cả mọi chuyện đều kết thúc. Sau lễ Giáng Sinh, cuộc giao chiến lại bắt đầu trở lại.
Khi Đức Giêsu sinh ra, các thiên sứ hát rằng “Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương”. Đây là một câu, trong số những lời nói đầy yêu thương nhất ở Tin Mừng. Bạn sẽ làm gì để đem sự bình an cho gia đình và nơi bạn đang sống?
- SUY NIỆM:
– ĐÊM THÁNH VÔ CÙNG:
Vào dịp lễ Giáng Sinh, chúng ta lại được nghe những bài hát du dương thánh thót có khả năng đánh động lòng người, nhất là bài SAI-LÂN NAI, HÔ-LI NAI (Silent Night, Holy Night), lời Việt là “Đêm Thánh vô cùng, giây phút tưng bừng”. Quả thực, đêm Giáng Sinh thật là một Đêm thiêng liêng, vì là giờ phút thiêng liêng, đất trời hòa hợp nhờ việc Con Thiên Chúa giáng sinh làm người. Mùa Vọng là thời gian trông mong Đấng Cứu Thế mau đến. Hôm nay, Thiên Chúa đã đáp lại sự mong mỏi của lòai người bằng việc sai Con Một Ngài xuống thế làm người, đầu thai trong lòng Trinh Nữ Ma-ri-a, trở thành một người giống như chúng ta mọi đàng, chỉ trừ không có tội.
Làm sao hiểu được chuyện đó ? Làm sao Thiên Chúa lại trở thành một phàm nhân yếu đuối nghèo nàn ? Làm sao Đấng Vô Cùng lại có thể trở thành một con người hữu hạn ? Làm sao Đấng siêu thời gian lại đi vào trong thời gian và chịu sự chi phối của thời gian ? Làm sao Đấng Tạo Hóa hằng sống lại phải trở thành một loài thụ tạo hay chết ? Tóm lại: Tại sao Thiên Chúa lại giáng sinh làm người ? Chúng ta chỉ có thể trả lời rằng: Tất cả là do TÌNH THƯƠNG.
Vì yêu thương loài người chúng ta và vì muốn cứu độ chúng ta, Con Thiên Chúa đã xuống thế để ở cùng chúng ta, để dạy loài người chúng ta nhận biết Đấng tạo dựng nên mình và mở ra cho loài người một con đường sống, để về trời hưởng hạnh phúc với Chúa Cha. Chúa Giê-su đã thể hiện tình thương của Thiên Chúa bằng việc thiết lập một Nước Trời là Hội Thánh, và đã chịu chết trên cây thập giá để đền tội thay cho loài người, rồi sống lại để trả lại sự sống cho loài người. Tóm lại đêm nay kỷ niệm “Con Thiên Chúa giáng trần làm con loài người, để con loài người được nên Con Thiên Chúa”.
Như thế, lễ Giáng Sinh là lễ của tình thương. Tin mừng trong ngày lễ Giáng Sinh hôm nay công bố sứ điệp: Thiên Chúa yêu thương loài người nên đã sai Con Một xuống thế để công bố cho loài người biết tình thương bao la của Thiên Chúa. Người muốn chúng ta đáp lại tình thương của Ngài bằng việc yêu mến Ngài và yêu thương nhau.
– NGHÈO KHÓ LÀ DẤU CHỈ CỦA ĐẤNG CỨU THẾ:
Chúa Giáng Sinh là một Tin mừng cho mọi người thiện tâm trên trần gian. Các mục đồng sau khi được thiên thần báo tin đã lập tức lên đường tìm kiếm Hài Nhi và cuối cùng đã gặp được Người. Rồi họ lại đi loan Tin mừng cho kẻ khác. Đấng Cứu Thế đã chọn mang thân phận nghèo hèn đến với nhân loại, để chia sớt nỗi khổ đau với những người nghèo. Dấu chỉ để các mục đồng nhận ra Người là “Một trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Trước dấu chỉ nghèo khó này, các chủ quán ở Bê-lem đã xua đuổi hai ông bà Giu-se Ma-ri-a khỏi nhà trọ của họ đang khi các mục đồng nghèo khó lại vui mừng đón nhận Tin mừng về sự giáng sinh của Người.
Ngày nay Chúa Giê-su vẫn tiếp tục đến với chúng ta qua những dấu chỉ khiêm tốn và nghèo hèn. Người trở thành một tấm bánh với vẻ bề ngoài tầm thường, Người hiện thân trong những kẻ tàn tật què quặt đui mù, Người đến trong những người nghèo khó bị người đời hắt hủi bỏ rơi. Đây là lúc chúng ta phải xác định lập trường, để biết mình thuộc hàng người nào: Là chủ quán giàu có khi thiếu lòng từ tâm xua đuổi người nghèo ? Hay là các mục đồng tuy nghèo khó, nhưng sẵn sàng đón nhận Tin mừng Chúa Giáng Sinh và quyết tâm đi tìm kiếm Chúa ?
- THẢO LUẬN:
1) Giáng Sinh là lễ của tình thương. Vậy bạn đã làm gì để đáp lại tình thương của Thiên Chúa trong những ngày qua ? 2) Tặng quà là một hình thức biểu lộ tình thương cụ thể, vậy trong mùa Giáng Sinh này bạn sẽ tặng gì cho những người thân trong gia đình, những bè bạn, những người làm ơn cho bạn suốt trong năm qua, và hết những ai nghèo khổ cô đơn, những bệnh nhân liệt giường không tiền thuốc thang chữa trị… là hiện thân của Chúa Giê-su ?
- LỜI CẦU:
LẠY CHÚA GIÊ-SU, Cách đây hơn 20 thế kỷ, Chúa đã giáng sinh làm người trong âm thầm lặng lẽ giữa đêm khuya, khi người đời đang chìm trong giấc điệp. Chúa đã đến với chúng con để ban ơn cứu độ cho chúng con. Chúa đến để dạy loài người con đường lên trời là đường chật hẹp, gai chông và ít người chịu đi, nhưng lại là đường duy nhất dẫn đến sự sống đời đời. Chúa đến để nối kết mọi người trên trần gian lại với nhau, trở thành anh chị em của nhau vì cùng có chung một Thiên Chúa là Cha. Hôm nay lại bắt đầu một mùa Giáng Sinh nữa. Trần gian rực sáng, cờ xí giăng đầy, người người nô nức mừng Chúa giáng sinh trong những bữa tiệc vui vẻ sang trọng, rượu thịt ê hề. Nhưng những người lữ hành năm xưa vẫn còn đang lỡ bước và đang tiếp tục bị xua đuổi ra đầu đường xó chợ trong đêm nay, vì các chủ quán năm xưa vẫn còn đó: Những ai đi xe hơi và ăn mặc bảnh bao sẽ được chủ nhà ân cần đón tiếp vào trong khách sạn sang trọng, còn người nghèo khó thì lại bị đuổi ra lề đường ngủ qua đêm ! Xin cho chúng con biết luôn nhìn thấy Chúa đang hiện thân trong những người nghèo khó, những cụ già neo đơn không ai chăm sóc, những trẻ em mồ côi bụi đời… để chúng con ân cần thăm hỏi và sẵn sàng khiêm nhường phục vụ giúp đỡ họ như phục vụ chính Chúa. Nhờ đó chúng con sẽ trở nên môn đệ đích thực của Chúa.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
.