CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ CHÚA THÁNH THẦN HIỆN XUỐNG NĂM B

280

LỄ HIỆN XUỐNG – Năm B

Lời Chúa: Cv 2,1-11; 1Cr 12,3b-7.12-13; Ga 20,19-23

Mục lục

1. Đấng qui tụ muôn loài (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)

2. Các con hãy nhận lấy Thánh Thần  (Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm, Gp. Mỹ Tho)

3. Ra đi – Tha thứ  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

4. Xin ơn hiệp nhất  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

5. Lửa thiêng  (Trầm Thiên Thu)

6. Thần Khí sự thật và sự thật toàn vẹn  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

7. Chúa Thánh Thần, sức mạnh thần linh thánh hóa (Lm. Giuse Dương Hữu Tình)

8. Hiệp nhất trong đa dạng (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

9. Thánh Thần tình yêu  (Lm. Phạm Thanh Liêm)

10. Chúa Nhật Lễ Hiện Xuống_B (Lm. Antôn)

11. Quà tặng Thánh Thần (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

12. ChúaThánh Thần là làn gió đưa thuyền ra khơi (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

13. Chúa Phục Sinh trao ban Thần Khí (Lm. Đan Vinh – HHTM)

 

.

ĐẤNG QUI TỤ MUÔN LOÀI

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong Cựu ước, tác giả sách Sáng thể đã kể lại một trang sử buồn của lịch sử nhân loại, đó là câu chuyện tháp Baben. Vì con người kiêu ngạo, muốn xây tháp chọc trời. Chúa đã làm cho ngôn ngữ của họ trở thành hỗn loạn. Kết quả là họ không hiểu nhau. Cây tháp Baben được gọi là cây tháp gây phân tán (x. St 11,1-9).

Thế rồi, kể từ trang sử buồn ấy, con người ngày càng xa Chúa và xa nhau. Nhân loại bị trượt dài trong đường dốc sa đọa. Người Do Thái nhắc tới tháp Baben như một kinh nghiệm đau thương.

Trong Tân ước, tác giả Công vụ kể với chúng ta một biến cố trọng đại, đó là câu chuyện lễ Ngũ Tuần tại Giêrusalem (Bài đọc I). Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, đã ngự xuống liên kết muôn người nên một. Họ đã hiểu nhau mặc dù khác biệt về nguồn gốc. Người Kitô giáo gọi Lễ Ngũ Tuần là lễ Hiện Xuống, ghi nhớ sự kiện Chúa Thánh Thần từ trời đến ở với cộng đoàn tín hữu, đến với Giáo Hội. Nếu tháp Baben trong Cựu ước là biểu tượng của sự phân tán, thì Lễ Ngũ Tuần của Tân ước là điểm quy tụ.

Kể từ ngày lễ Ngũ Tuần năm xưa, Chúa Thánh Thần không ngừng hoạt động để quy tụ muôn dân về một mối. Chúa Thánh Thần chính là ngôn ngữ chung cho toàn thể nhân loại. Ngôn ngữ đó là Tình Yêu, vì Ngài là Tình Yêu của Thiên Chúa. Tình yêu lấp đầy mọi ngăn cách, san bằng mọi núi đồi, phá tung mọi ranh giới. Nhờ Chúa Thánh Thần, Tin Mừng của Đấng Phục Sinh được loan báo cho mọi tạo vật, mọi nền văn hóa. Chúa Thánh Thần đã liên kết mọi người trong một Đức tin và làm thành Giáo Hội của Chúa Kitô.

Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh một thân thể gồm nhiều chi thể để nói về Giáo Hội (Bài đọc II). nhờ sự liên kết của Chúa Thánh Thần, mọi tín hữu được quy tụ nên một thân thể. Mặc dù khác biệt về chức năng, mọi chi thể đều phải liên kết với nhau và làm cho thân thể được khỏe mạnh. Năng lực sống để điều khiển thân thể hoạt động, chính là Chúa Thánh Thần. Ngài nối kết và làm cho những khác biệt trở nên hài hòa với nhau. Lịch sử Giáo Hội hai ngàn năm nay đã chứng minh hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo Hội.

Thánh Gioan kể lại việc Chúa ban Thánh Thần cho các môn đệ qua cử chỉ “thổi hơi” trên các ông, qua biểu tượng này, Chúa Thánh Thần được diễn tả như hơi thở, như làn gió mát và như sự sống. Bài đáp ca trong thánh lễ hôm nay cũng khẳng định vai trò quan trọng của Chúa Thánh Thần đối với mọi loài tạo vật: “Ngài rút hơi thở chúng đi, chúng chết ngay, và chúng trở về chỗ tro bụi của mình. Nếu Ngài gửi hơi thở tới, chúng được tạo thành, và Ngài canh tân bộ mặt trái đất” (Tv 103,29). Bởi vậy, đời sống Đức tin của chúng ta cần có Chúa Thánh Thần nâng đỡ và hướng dẫn. Nhờ Ngài mà chúng ta không sợ lạc đường. Nhờ Ngài mà chúng ta có thể trung tín với Chúa cho đến hơi thở cuối cùng. Cũng nhờ Ngài mà chúng ta mới biết cách cầu nguyện thế nào cho có hiệu quả.

Nếu Chúa Thánh Thần là Đấng quy tụ muôn loài, thì những ý đồ gây chia rẽ thù oán là đi ngược lại với hoạt động của Ngài. Sống ở đời, chúng ta luôn bị giằng co giữa một bên là giáo huấn của Chúa, một bên là cám dỗ của thế gian. Thánh Phaolô khuyên nhủ giáo dân Thêxalônica: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí… Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều gì xấu thì bất cứ hình thức nào cũng phải lánh cho xa” ( 1Tx 5,19).

Lễ Hiện Xuống được cử hành trong tháng Năm, là tháng dâng hoa kính Đức Mẹ. Đức Maria đã hiện diện với Giáo Hội trong ngày lễ Ngũ Tuần. Chúa Thánh Thần ngự đến trong khi các tông đồ quây quần xung quanh Đức Mẹ để cầu nguyện. Trong suốt chặng đường dài của lịch sử Giáo Hội, Đức Mẹ vẫn hiện diện để che chở Giáo Hội và nâng đỡ các tín hữu. Đức Phaolô VI đã tôn vinh Trinh nữ Maria với tước hiệu “Mẹ Giáo Hội”. Chúng ta hãy cầu xin Mẹ chúc lành cho Giáo Hội hoàn vũ, cách riêng Giáo Hội Việt Nam chúng ta. Mỗi người hãy dâng lên Đức Mẹ đóa hoa lòng, thể hiện qua tâm tình yêu mến, siêng năng lần hạt Mân Côi và thực thi bác ái đối với tha nhân. Đó là những đóa hoa không tàn úa với thời gian, nhưng luôn tươi đẹp và tỏa ngàn sắc hương trước dung nhan Mẹ.

“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần”, cùng với việc trao ban bình an, Chúa Giêsu phục sinh còn trao ban cho chúng ta sức mạnh của Người. Nhờ được trang bị bằng sức mạnh là Chúa Thánh Thần, đến lượt mình, chúng ta có thể làm chứng cho Chúa trong cuộc sống hôm nay.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin quy tụ chúng con trong tình hiệp nhất yêu thương. Amen.

Về mục lục

CÁC CON HÃY NHẬN LẤY THÁNH THẦN

Gm. Phêrô Nguyễn Văn Khảm

Trong những năm gần đây phong trào canh tân đoàn sủng phát triển mạnh trong Giáo Hội Tin Lành và trong giáo Hội Công Giáo, có người gọi đó là mùa xuân của Giáo Hội đang là sức sống mới. Nhưng cũng có ngừơi đang nhìn phong trào này với thái độ cảnh giác. Họ sợ rằng nó sẽ đi xa đường lối của Giáo Hội. Tôi không có ý phân tích phê phán, nhưng theo tôi phong trào có một điểm mà chúng ta có thể ghi nhận. Phong trào giúp cho ta ý thức hơn về vai trò của Chúa Thánh Thần trong đời Kitô Hữu. Một vai trò mà nhiều khi chúng ta lãng quên. Có lẽ phần nào nó cũng giống như một nhà khoa học ở trong phòng thí nghiệm. Ông ra sức nghiên cứu về không khí như là một vật thể và mô tả không khí bằng những công thức khoa học có vẻ phức tạp mà ông quên rằng từng giây từng phút mình đang được ngủ lặng trong không khí mà đôi khi mình quên hít thở. Cho nên sự sống thân xác của mình mỗi lúc mỗi tàn tạ.

Tôi xin lấy một hình tượng quen thuộc trong Kinh Thánh để diễn tả về Chúa Thánh Thần. Thánh Luca mô tả: Vào ngày lễ ngũ tuần các môn đệ tề tựu cầu nguyện. Khi ấy có những lưỡi như lưỡi lửa rải rác đậu xuống trên mỗi người. Lửa là hình tượng Kinh Thánh dùng để diễn tả về Chúa Thánh Thần trong chúng ta.

Hôm nay tôi xin nhắc lại và đào sâu hơn hình tượng Thánh Gioan Thánh Giá sử dụng. Ngài là người có kinh nghiệm thần bí sâu sắc đồng thời là một nhà thơ cho nên ngài đã vận dụng ngôn ngữ thi ca để diễn tả kinh nghiệm thần bí đó. Đó là hình ảnh của lửa, của củi.

Chúng ta thử tưởng tượng cảnh mùa đông băng giá ở Châu Âu, ngoài vườn có một khúc củi nằm cô đơn giữa tiết trời băng giá. Cái lạnh làm cho làn da của nó xần xùi, xấu xí. Thế rồi nó được ông chủ nhà đem vào quăng vào lò sưởi. Hơi nóng làm khúc củi cảm thấy ấm áp, hạnh phúc. Nó cảm nhận được đầy sự an ủi không tả được.

Nhưng tiếc rằng sự sung sướng kéo dài chẳng được bao lâu. Trong khỏanh khắc ngọn lửa ôm chặt lấy nó. Sức nóng của lửa nung nấu khiến cho nhựa cây rỉ ra bên ngoài làm thành một lớp da sần sùi như da cóc. Nó tỏa ra một mùi thật khó chịu. Khúc củi quằn quại trong than hồng một thời gian. Cuối cùng nó trở nên một với lửa. Nó không còn là củi mà chỉ là lửa. Lửa đem ánh sáng, lửa đem hơi ấm cho những người trong phòng.

Gioan Thánh Giá dùng hình ảnh tuyệt vời ấy để diễn tả về tác động của Chúa Thánh Thần trong đời sống chúng ta. Hình ảnh ấy giúp chúng ta thấy được đâu là cùng đích của đời sống trong Thánh Thần. Cái cùng đích ấy là Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta được nên một với Thiên Chúa. Như Thánh Têrêsa Hài đồng Giêsu nói: “Ta trở thành một giọt nước hoà trong đại dương”. Sự nên một ấy chỉ trở thành trong đời sống vĩnh cữu cho những người mà Chúa ban cho kinh nghiệm thần bí, những người cảm nghiệm được sự nên một hồng phúc với Thiên Chúa.

Chúng ta chưa có được kinh nghiệm huyền bí đó. Nhưng tôi nghĩ: Nếu chúng ta thực hiện đúng những bí tích mà Giáo Hội cử hành là chúng ta đã đi đúng mục đích của Giáo Hội, dẫn ta đến chỗ nên một với Thiên Chúa. Khi ta rước mình Thánh Chúa và để Máu Thánh Chúa hoà vào máu thịt ta để ta nên một với Ngài.

Sự nên một xét trên một bình diện mà người ta gọi là hữu thể học đó hoàn toàn có thật nhưng không ai thấy được. Sự nên một ấy phải diễn tả qua cuộc sống bên ngoài theo kiểu nói của thánh Phaolô. “Anh em hãy mang trong anh em những tâm tư như đã có trong Chúa Giêu Kitô”. Cho nên khi nào chúng ta nên một với Chúa thật thì ta sẽ suy nghĩ như Chúa Giêsu, phản ứng như Chúa Giêsu, cảm xúc, yêu thương như Chúa Giêsu. Đấy là dấu chỉ cụ thể. Đấy là cùng đích.

Nhưng để đạt được tới cùng đích nên một trong Thiên Chúa ấy thì chúng ta phải trải qua một hành trình thanh tẩy của Thánh Thần. Hành trình này khởi đầu bằng một niềm an ủi ngọt ngào. Có một số kinh nghiệm nói lên điều ấy. Có anh chị em dự tòng nói với tôi: “Thưa Cha, con xin gì Đức Mẹ cũng cho con hết”. Những tu sinh hoặc những nữ tu mới chập chững bước vào đời sống tận hiến: “Thưa Cha, con cảm thấy hạnh phúc vô cùng.”. Những lúc ấy ai cũng ca ngợi Chúa, cảm thấy rất ư là dễ thương. Chúa yêu ta vô cùng.

Thưa anh chị em. Đấy chỉ là giai đoạn đầu. Sớm hay muộn gì chúng ta cũng được Chúa Thánh Thần dẫn vào giai đoạn thanh tẩy, giai đoạn đau đớn, giai đoạn này sẽ giúp chúng ta trưởng thành hơn. Vì nó đau đớn cho nên ta không muốn bước vào, không dễ chấp nhận.

Tôi nghĩ có hai lý do chính và cũng là hai giai đoạn chính.

Lý do thứ nhất: Thánh Thần giúp chúng ta chấp nhận con người thật của mình. Có lẽ nhiều người sẽ ngỡ ngàng khi nghe thế. Chúa Giêsu nói: “Hãy yêu tha nhân như chính mình.” Nếu tôi không yêu chính mình thì tôi không thể yêu người khác được. Yêu chính mình là chấp nhận con người thật của mình. Chấp nhận hình hài mà Chúa đã ban cho mình. Anh chị em thử kiểm nghiệm lại đời sống của mình xem. Đã biết bao lần ta mơ ước những điều mà chúng ta không có. Ví dụ: Phải chi Chúa ban cho mình sóng mũi cao hơn tí nữa thì đẹp biết bao. Hay phải chi da mình được trắng như bạn mình nhỉ… Những mơ ước ấy biều lộ điều chúng ta không chấp nhận chính mình.

Những suy nghĩ ấy làm cho ta tự mình dằn vặt mình. Tự mình hành hạ mình, tự gây đau khổ cho mình bằng những tự ti mặc cảm. Phải đau đớn lắm, phải tự đấu tranh mới chấp nhận chính con người thật của mình. Chúng ta hãy kêu xin Chúa Thánh Thần giúp chúng ta thực hiện để chúng ta tự nhủ rằng: Dù tôi thế nào đi nữa Chúa vẫn yêu tôi. Chúa tạo dựng tôi cho Chúa. Cảm nhận được như thế sẽ làm cho ta thấy bình an hạnh phúc hơn.

Lý do thứ hai: Chấp nhận được chính mình rồi thì đến giai đoạn hai của sự thanh tẩy. Đi từ chỗ “tôi đang là” đến chỗ “tôi được mời gọi để trở thành…” Ở đây đòi hỏi sự bỏ mình. Cuộc sống Thánh Augustinô là một điển hình. Lúc trẻ ông xa vào con đường ăn chơi, mê đắm trên con đường tình dục, biết là sai nhưng ông vẫn biện minh cho mình, không nhìn nhận sự thật của chính mình, ông bảo: “Sở dĩ tôi bê bối thế vì ông thần ác ở trong hoành hành”. Nhờ tác động của Chúa Thánh Thần Thánh Augutinô mới đủ can đảm nhìn nhận mình là kẻ tội lỗi. Từ đấy ông đã bước vào giai đoạn hai. Ông trở thành một người sống như Chúa Giêsu, yêu thương, phục vụ, suy nghĩ như Giêsu. Một con người trong Chúa Thánh Thần.

Chúng ta phải trở thành cái mà Chúa mời gọi chúng ta. Đó là gì? Thưa là mỗi ngày tôi trở thành người hơn. Cho dù tôi sống bậc gia đình hay tu sĩ, cho dù tôi hành động gì nhưng vẫn hàm ẩn tất cả bên trong là cái tính người, là tính Kitô Hữu. Và hành trình đó đòi chúng ta phải tự bỏ mình mỗi ngày. Công việc ấy rất khó, một mình ta không thể làm được mà phải có tác động của Chúa Thánh Thần. Hãy cầu nguyện với Chúa Thánh Thần.

Chúa Thánh Thần sống như không khí tràn ngập vũ trụ, vấn đề là tôi có hít thở không? Chúa Thánh Thần như dòng suối tràn lan mọi nơi. Vấn đề là tôi có múc mà uống không? Chúa Thánh Thần là ngọn lửa hừng hực, vấn đề là tôi có nhóm lên hay không? Cho nên cầu nguyện là tự tạo cho mình một nội tâm thích hợp. Mở lòng ra cho gió ùa vào, làm rỗng chính mình cho dòng nước chảy vào, và nhóm ngọn lửa lên cho đời mình.

Nếu chúng ta chấp nhận trở về với chính mình trong thinh lặng, nhìn lại đời mình, ta có thể khám phá ra những gì mà Lời Chúa hướng dẫn chúng ta hôm nay.

Tôi xin kết thúc suy niệm này bằng tâm tình của Thánh Augustinô. “Lạy Chúa là vẻ đẹp ngàn đời, vẻ đẹp cổ xưa nhưng vẫn luôn luôn mới mẻ. Con đã chạy tìm những cái đẹp bên ngoài vốn chỉ là phản ánh èo uột của vẻ đẹp vĩnh hằng. Chúa là vẻ đẹp vĩnh hằng ở trong con thì con lại không kiếm tìm. Vì thế, xin Chúa cho con biết trở về với chính lòng mình mỗi ngày, để ở đó con gặp được Chúa, hít thở Chúa. Con đón nhận dòng nước ân sủng và lòng con được đốt cháy ngọn lửa Thánh Thần. Amen.”

Về mục lục

 

RA ĐI – THA THỨ

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

 Khi nói về Chúa Thánh Thần, ta thường nghĩ đến bảy ơn Người ban qua bí tích Thêm Sức. Ta như người lãnh nhận một cách thụ động. Và những ơn Người ban chẳng ảnh hưởng gì đến đời sống ta. Đó thực là một quan niệm sai lầm tai hại. Thực ra, Đức Chúa Thánh Thần là nguồn sự sống mãnh liệt, là sự trẻ trung của Giáo Hội, là năng lực đổi mới thế giới. Hãy đọc lại bài đọc I, ta sẽ thấy sức mạnh đổi mới của Người mãnh liệt như thế nào. Người như luồng gió cường tráng. Người như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Đức Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động. Hôm nay, Chúa Giêsu tóm tắt sứ mạng hành động đó qua 2 nhiệm vụ: Ra đi và Tha thứ.

Nhiệm vụ thứ nhất mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là RA ĐI: “Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con”. Nhận lãnh Chúa Thánh Thần là được sai đi. Chúa Thánh Thần là sức mạnh hành động. Người không thể bị giam hãm trong những căn phòng đóng kín cửa. Người không ưa thích những tâm hồn khép kín trong ủ rũ điêu tàn. Người đến đâu là mở tung cửa nhà ra đến đấy. Mở ra để đón lấy những luồn gió mới tươi mát. Mở ra để đón nhận mọi người đến với mình. Và nhất là mở ra để mình đến với mọi người. Một cuộc sống không giao tiếp sẽ trở nên nghèo nàn, tàn lụi. Một tâm hồn chỉ quy hướng về bản thân sẽ chẳng khác một vũng ao tù, ô nhiễm. Ra đi sẽ giúp ta nên phong phú, mạnh mẽ. Ra đi không phải là lang thang không mục đích, nhưng là đi đến những địa chỉ Thánh Thần muốn gửi ta đến. Những địa chỉ Thánh Thần muốn ta đến đó là “loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn, công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Thiên Chúa” (Lc 4,18-19). Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Người sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Người sẽ củng cố những tâm hồn nhút nhát. Người sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Người sẽ đổ tràn vào hồn ta nguồn nhựa sống mới giúp ta hăng hái lên đường.

Nhiệm vụ thứ hai mà Đức Giêsu trao cho các môn đệ khi ban Thánh Thần cho các ông, đó là THA THỨ: “Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha”. Tha thứ, hoà giải luôn là một vấn đề lớn của thế giới. Trên thế giới, những cuộc chiến tranh, chia rẽ, xung khắc xảy ra hầu như hằng ngày. Con người là bất toàn, nên sống chung là có bất đồng, xung khắc. Nếu cứ mỗi lần có xung khắc, ta loại trừ đi một người bạn, thì có lẽ cuối cùng ta sẽ chẳng còn người bạn nào. Người ta không thể sống một mình. Mỗi người đều cần đến người khác. Sống chung với nhau là một nhu cầu. Vì thế, việc tha thứ, hoà giải là vô cùng cần thiết. Hoà giải hệ tại ở hai động tác: xin lỗi và tha lỗi. Hai việc đều khó làm. Vì con người đầy tự ái. Dù biết mình lỡ lầm, nhưng ít có ai đủ can đảm nhận lỗi và xin lỗi. Xin lỗi đã khó, tha lỗi còn khó hơn. Chính vì thế, việc hoà giải cần rất nhiều ơn Chúa Thánh Thần, ở đây, ta phải nhìn vào Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô như tấm gương sáng chói. Người là tấm gương sáng về sự ra đi. Cuộc đời Người là một cuộc ra đi không biết mệt mỏi. Dù tuổi cao sức yếu, nhưng Người vẫn lên đường đi đến với mọi dân tộc, mọi đất nước. Người tiếp xúc với tất cả mọi người không phân biệt tôn giáo, chính kiến, mầu da, chủng tộc, ngôn ngữ. Người đi đến với cả những kẻ chống đối, bất hoà và thù nghịch với Người. Để chuẩn bị đón mừng Năm Thánh, Người đã làm một cử chỉ ngoạn mục chưa từng có trong lịch sử Giáo Hội. Đó là Người công khai nhìn nhận những lỗi lầm của Giáo Hội để xin mọi người tha thứ. Đây quả là một hoạt động của Chúa Thánh Thần để thanh tẩy Giáo Hội. Đức Thánh Cha đã được ơn Chúa Thánh Thần nên đã ra đi làm hoà với mọi người. Chính cử chỉ khiêm nhường ấy đã giúp đổi mới Giáo Hội, đem đến cho Giáo Hội một khuôn mặt mới trẻ trung hơn, một sức sống mới dồi dào hơn, một phong cách hiện diện mới dễ thương dễ mến hơn.

Ta hãy biết noi gương Đức Thánh Cha. Hãy biết ra đi, không chỉ là đi hành hương viếng nhà thờ để lãnh ơn toàn xá, nhưng còn là ra đi đến với những người bé nhỏ, nghèo hèn, những người bị bỏ rơi, những người kém may mắn ở đời, những người ta không ưa thích, những người chống đối ta, cả những người làm hại ta nữa. Nhất là hãy gieo rắc sự tha thứ. Tha thứ cho anh em để anh em cũng tha thứ cho ta, để chúng ta xứng đáng trở thành con Thiên Chúa. Đức Chúa Thánh Thần muốn đổi mới Giáo Hội. Nhưng việc đổi mới phải bắt đầu từ mỗi tâm hồn. Đức Chúa Thánh Thần sẽ canh tân bộ mặt thế giới, nhưng việc canh tân phải khởi đi từ mỗi con người. Ta hãy mở rộng tâm hồn đón nhân ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Người.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin hãy đổi mới tâm hồn con.

KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Đức Chúa Thánh Thần mời gọi bạn ra đi đến với người khác. Bạn có thường đi thăm viếng những người nghèo hèn, nhất là những người bạn không có cảm tình không?
2- Bạn có muốn tha thứ, làm hoà với người khác không? Bạn đã có cố gắng nào để làm hoà trong Năm Thánh?
3- Bạn nghĩ gì về việc Đức Thánh Cha xin lỗi?
4- Bạn có sẵn sàng để Đức Chúa Thánh Thần biến đổi bạn không?

Về mục lục

 

 

XIN ƠN HIỆP NHẤT

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Con người luôn mơ ước bình an hạnh phúc. Hạnh phúc không đơn thuần là không có hận thù, không có chiến tranh mà hạnh phúc còn là biết đem yêu thương vào trong những hận thù, chia rẽ. Đây cũng là lời cầu nguyện của thánh Phanxico thành Assisi trong lời kinh Hòa Bình mà có lẽ nhiều người đã từng hát. Lời kinh ấy gọi mời cầu nguyện với Chúa cho con người biết xóa bỏ hận thù, kỳ thị, tranh chấp, nghi kị, kết án lẫn nhau… để  trở nên những  ‘Khí cụ bình an của Chúa…Biết mến yêu và phụng sự Chúa  trong mọi ngừơi…biết đem yêu thương vào nơi oán thù…Đem an hòa vào nơi tranh chấp…’

Chung quy của lời cầu nguyện là cầu mong cho có sự hiệp nhất yêu thương. Hiệp nhất trong yêu thương. Khi có hiệp nhất người ta mới có thể xây dựng thế giới an hòa, thịnh vượng theo như mong ước của con người. Lịch sử cứu độ đã từng chứng minh về những cái chết thương tâm khi con người chia rẽ nhau. Cain đã giết chết em của mình là Abel. Tháp Babel đã không thể hoàn thành vì loài người chia rẽ đến mức độ ngôn ngữ bất đồng mà Thánh Kinh bảo rằng họ chia rẽ nhau : “Không còn nói cùng một thứ tiếng” nữa… và cũng từ đó chiến tranh luôn xảy ra trên thế giới khiến nhân loại không còn là một gia đình yên vui, êm ấm, thuận hòa.

Nguyên nhân của sự bất đồng thường là do thiếu hiểu biết và kiêu căng mà ra. Người Việt Nam dường như ai cũng biết câu chuyện về 5 Người mù xem voi. Họ bất đồng với nhau vì bản thân họ khuyết tật. Họ chia rẽ nhau vì ai cũng cố chấp và bảo thủ không nhìn nhận sự bất toàn của mình. Thật buồn cười khi ông thứ nhất quả quyết rằng con voi là cây cột nhà vì ông đang sờ vào chân của nó. Ông khác lại khẳng định rằng con voi là cái quạt vì ông đang sờ vào tai của nó. Ông kia lại tuyên bố rằng con voi như cái chổi vì ông đang sờ vào cái đuôi của nó. Và cứ như thế, không ai chịu nghe ai và cuộc tranh cãi, ẩu đả diễn ra.

Xem ra con người luôn có cái nhìn phiến diện. Con người bị giới hạn rất nhiều về khả năng. Và dường như không ai hoàn hảo đến độ có thể hiểu biết mọi sự. Nhưng đáng tiếc, là con người lại kiêu căng đến độ cho mình thông hiểu mọi sự. Đó là lý do gây nên những mâu thuẫn, những đố kỵ, ghen ghét cho cuộc sống chung của loài người.

Các tông đồ năm xưa đã tìm được sự hiệp nhất dưới mái nhà tràn đầy Chúa Thánh Thần. Các ngài nói, các ngài hành động không phải do ý mình mà là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần đã làm mới con người các ngài  qua hình ảnh lưỡi lửa đậu trên đầu các tông đồ. Sự hiện diện của Chúa Thánh Thần đã làm nên một cộng đoàn các tông đồ hiệp nhất yêu thương.

Nhờ Chúa Thánh Thần mà các tông đồ đã tìm được tiếng nói chung với nhau. Khi phải quyết định một điều gì các ngài thường nói: “Thánh Thần và chúng tôi quyết định”. Như thế, các ngài làm điều gì cũng dước tái động của Chúa Thánh Thần. Chính Chúa Thánh Thần mang lại sự hiệp nhất nơi tông đồ đoàn.

Dưới mái nhà hay nơi hội đoàn có lẽ cũng cần phải làm việc dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Không ai theo ý riêng mình. Không ai áp đặt ý mình lên tập thể mà là để Chúa Thánh Thần dẫn dắt thì gia đình, cộng đoàn chắc chắn sẽ có bình an. Vì Chúa Thánh Thần là thần chân lý sẽ dẫn con người tới sự thật. Chính Ngài sẽ giúp mỗi người sống theo sự thật, theo chân lý. Và như vậy niềm vui của sự bình an hiệp nhất sẽ đến với gia đình và cộng đoàn.

Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến đổi mới tâm hồn chúng con. Xin cho chúng con biết lắng nghe tiếng nói của sự thật để nhờ đó chúng con được sống trong bình an. Xin Chúa Thánh Thần hướng dẫn chúng con đi trong chân lý vẹn tuyền để chúng con làm chứng cho tình yêu của Chúa giữa thế gian. Amen

Về mục lục

 

 

LỬA THIÊNG

Trầm Thiên Thu

Theo tự điển Glossary of Wildland Fire Terminology, lửa là quá trình ôxy hóa nhanh chóng của một vật liệu trong phản ứng hóa học tỏa nhiệt, giải phóng ra nhiệt, ánh sáng, và các sản phẩm phản ứng khác. Để tạo ra lửa, phải cần và đủ 3 yếu tố: chất cháy, ôxy và nguồn nhiệt. Người ta gọi phản ứng dây chuyền này là “tam giác lửa”. Thiếu một trong các yếu tố trên hoặc các yếu tố trên không đủ thì sự cháy sẽ không xảy ra. Mỗi chất khác nhau có nhiệt độ bốc cháy khác nhau.

Lửa không chỉ chiếu sáng mà còn sức nóng. Theo nghĩa bóng, độ nóng là sự nhiệt thành, nhiệt tâm, nhiệt huyết. Sử gia Thomas Fuller (1608-1661, người Anh) nói: “Nhiệt huyết thiếu tri thức chỉ là lửa thiếu ánh sáng”. Còn Ralph Waldo Emerson (1803-1882), thi sĩ và triết gia người Mỹ, so sánh: “Nhiệt huyết là mẹ của nỗ lực, nếu không có nó, chúng ta không thể đạt được điều gì to lớn”. Và tác giả Thánh Vịnh nói: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà con phải thiệt thân” (Tv 69:10).

Lửa rất lạ. Một đốm lửa nhỏ có thể thổi tắt dễ dàng, nhưng đốm lửa đó có thể lây lan thành đám cháy lớn, khó dập tắt, gió thổi càng mạnh càng cháy lớn. Lửa chia sẻ không mất, không hết, càng chia sẻ càng có nhiều lửa. Đêm vọng phục sinh, các Kitô hữu cùng nhau chia sẻ lửa từ ngọn nến phục sinh – tượng trưng Đức Kitô phục sinh chiếu sáng chúng ta.

Chúa Thánh Thần, Ngôi Ba Thiên Chúa, Đấng thường xuất hiện qua ba dạng: Lửa (Cv 2:3), Gió (Ga 3:8; Cv 2:2), và Chim Bồ Câu (Mt 3:16).

Sách Tông Đồ Công Vụ cho biết: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần, họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác, tuỳ theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2:1-4).

Khi các Tông Đồ giảng đạo, người nghe đều hiểu theo ngôn ngữ bản xứ của họ (Cv 2:11). Hoạt động của Chúa Thánh Thần vô cùng kỳ diệu. Cùng một việc, một hoàn cảnh, nhưng Chúa Thánh Thần tác động khác nhau nơi từng người. Đơn giản như âm nhạc, chỉ có bảy nốt và năm hình nốt phổ biến nhất (tròn, trắng, đen, móc đơn, móc đôi), nhưng có cả hàng tỷ bài nhạc đủ thể loại được tạo nên với thiên hình vạn trạng. Con người không thể làm được nếu không có Chúa Thánh Thần tác động. Các lĩnh vực khác cũng tương tự. Quá đỗi kỳ diệu!

Vì thế, tác giả Thánh Vịnh tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi!” (Tv 104:1a). Và rồi tác giả chân thành thân thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả!” (Tv 104:1b). Vì không thể trì hoãn, tác giả Thánh Vịnh lại tiếp tục hân hoan xưng tụng: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104:24).

Không khí là thứ vô hình, không ai thấy, nhưng lại là “vật chất”. Lạ quá! Không khí đơn giản nhưng lại vô cùng cần thiết, không thể thiếu, dù chỉ trong chốc lát. Chúa Thánh Thần là Thần Khí, Ngài cũng vô cùng cần thiết cho sự sống, cả đời thường và tâm linh, cả thể lý và linh hồn: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi. Sinh khí của Ngài, Ngài gửi tới, là chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30).

Uóc gì chúng ta khả dĩ nhận thức đầy đủ, và luôn tâm niệm thành kính: “Nguyện tiếng lòng tôi làm cho Người vui thoả, đối với tôi, niềm vui là chính Chúa” (Tv 104:34).

Con người rất dễ ảo tưởng, do đó mà kiêu ngạo. Làm được gì gọi là “hơn người” một chút thì vội vênh vang, tự cho mình giỏi hơn người, thậm chí có thể muốn “loại bỏ” Thiên Chúa, chống lại Thiên Chúa, muốn thay thế Thiên Chúa bằng sự cai trị độc tài chuyên chế – khởi đầu là cuộc cách mạng Bôn-sê-vích (Bolshevik Revolution) của nước Nga, lan truyền chủ nghĩa cộng sản ở Đông Âu từ năm 1917.

Có thể chúng ta chưa bị cộng sản hóa, nhưng chúng ta lại dễ quên rằng tất cả đều nhờ hồng ân, chứ chính bản thân chúng ta chẳng có thể làm nên trò trống gì cả! Thánh Phaolô phân tích: “Chẳng có ai ở trong Thần Khí Thiên Chúa mà lại nói: Giêsu là đồ khốn kiếp! Cũng không ai có thể nói rằng Đức Giêsu là Chúa, nếu người ấy không ở trong Thần Khí” (1 Cr 12:3). Chúa Thánh Thần tác động tích cực trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, không thể thiếu vắng Ngài, dù chỉ trong giây lát.

Quả thật, Chúa Thánh Thần đã làm những kỳ công mà không ai có thể phủ nhận. Chẳng hạn việc phổ biến Kinh Thánh. Tính đến tháng 5-2015, Kinh Thánh trọn bộ đã được dịch ra 542 ngôn ngữ, riêng Tân Ước đã được dịch ra 1.324 ngôn ngữ. Không một cuốn sách nào được dịch ra nhiều ngôn ngữ như vậy, và càng ngày người ta càng chú trọng Kinh Thánh – với những ngôn từ được Chúa Thánh Thần linh hứng mà chúng ta gọi chung là Lời Chúa.

Thiên Chúa quan phòng và tiền định cho mỗi người một việc, mỗi người một cách. Anh giỏi cái này, chị chuyên cái kia, tôi biết cái khác. Thật vậy, Thánh Phaolô giải thích về đặc sủng, và xác định là có nhiều nhưng vẫn chung một nguồn gốc: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏ mình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung” (1 Cr 12:4-7).

Thánh Phaolô nói về Nhiệm Thể Đức Kitô: “Ví như thân thể người ta chỉ là một, nhưng lại có nhiều bộ phận, mà các bộ phận của thân thể tuy nhiều, nhưng vẫn là một thân thể, thì Đức Kitô cũng vậy. Thật thế, tất cả chúng ta, dầu là Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, chúng ta đều đã chịu phép rửa trong cùng một Thần Khí để trở nên một thân thể. Tất cả chúng ta đã được đầy tràn một Thần Khí duy nhất” (1 Cr 12:12-13). Rõ ràng không ai có thể viện vào bất cứ lý do gì để mà tự cao tự đại. Thánh Phaolô nói: “Ai tưởng mình hiểu biết điều gì thì chưa hẳn là đã hiểu biết như phải hiểu biết” (1 Cr 8:2).

Và hãy lưu ý Kinh Thánh nói về thói kiêu căng, tự tôn, tự mãn:

– Kiêu hãnh đi liền với ô nhục, khôn ngoan ở với kẻ khiêm nhường (Cn 11:2).

– Kiêu căng đưa đến sụp đổ, ngạo mạn dẫn đến té nhào (Cn 16:18).

– Tính tự cao hạ đứa tự cao xuống, người tự hạ sẽ được tôn vinh (Cn 29:23).

Chính Đức Maria, khi đến thăm Bà Chị Ê-li-da-bét, đã ca vang bài Magnificat: “Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:51-52).

Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các cửa đều đóng kín nơi các môn đệ ở. Bất ngờ Đức Giêsu xuất hiện giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19). Hú hồn! Sao thế nhỉ? Vì các ông đang sợ người Do Thái làm khó dễ. Nhưng rồi họ cảm thấy an tâm khi Sư Phụ cho họ xem tay và cạnh sườn. Ôi, Thầy mình thật rồi! Các môn đệ vui mừng lắm, vui vì được gặp lại Thầy.

Rồi Ngài nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:22-23).

Đúng như lời Ngài đã hứa lúc trước: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi” (Ga 14:16). Đấng đó như thế nào? Chúa Giêsu cho biết: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga 14:26).

Chúa Thánh Thần có nhiều ơn, nhưng chúng ta thường “quen” nhắc tới 7 ơn mà Is 11:1-3 liệt kê: Khôn ngoan (cao minh), hiểu biết (thâm hiểu), thông minh (minh luận), lo liệu (chỉ giáo), đạo đức (sùng hiếu, hiếu thảo), sức mạnh (dũng cảm), kính sợ Chúa. Ai có Chúa Thánh Thần sẽ sinh nhiều hoa trái, Thánh Phaolô liệt kê 12 hoa trái: Bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nại, nhân từ, lương thiện, hiền hòa, khoan dung, trung tín, khiêm nhu, tiết độ, thanh khiết (x. Gl 5:22-23). Quả thật, Chúa Thánh Thần vô cùng cần thiết. Có Ngài là có tất cả. Hàng ngày, mỗi khi làm bất cứ việc gì, ước gì mỗi chúng ta không ngừng tha thiết cầu xin: “Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến! – Veni Sancte Spiritus!” (*).

Ai có Chúa Thánh Thần sẽ làm được nhiều việc, nhưng vẫn cảm thấy làm chưa đủ mức, càng làm nhiều càng cảm thấy mình hèn mọn, vô dụng. Đó là nhờ Lửa Thiêng do Chúa Thánh Thần thắp lên trong lòng họ: Lòng nhiệt thành và sự khiêm nhường. Hãy tiếp tục cầu xin Chúa Thánh Thần ngự đến, và cứ để cho Ngài tác động không ngừng…! Quả thật, Chúa Giêsu đã có lần nhắc nhở: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết biết đón nhận Chúa Thánh Thần, sống theo Thần Khí, thực hiện đúng hướng dẫn của Ngôi Ba Thiên Chúa. Nguyện xin Thiên Chúa thổi bùng Ngọn Lửa Thiêng trong tâm hồn chúng con. Nguyện xin Chúa Thánh Thần mau đến biến đổi thế giới, biến đổi nhân tâm cho hợp Ý Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

(*) Veni Sancte Spiritus, K. 47, của thiên tài âm nhạc Mozart: https://www.youtube.com/watch?v=aE2nouXANaQ

Về mục lục

 

 

THẦN KHÍ SỰ THẬT VÀ SỰ THẬT TOÀN VẸN

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty

Tôi vẫn thường thắc mắc về ý nghĩa hay nội dung đích thực của ‘sự thật toàn vẹn’. Nhiều bản văn Thánh Kinh Anh ngữ dùng các từ ‘all truth, whole truth, all the truth’ để dịch từ ‘aletheia pase’ tiếng Hy Lạp. Đối với tôi, vấn đề chính ở đây là xác định được nội dung của ‘sự thật’ hay ‘chân lý’ mà Đức Giê-su nhiều lần đề cập tới, thậm chí có lúc còn tự đồng hóa mình với aletheia (xem Ga 14:6). Nói như thế vì tôn giáo nào cũng thường cho mình là dạy dỗ sự thật, hoặc mình thủ đắc chân lý duy nhất đúng, và đề ra cả một hệ thống thuyết giáo phức tạp để quảng diễn chân lý hay sự thật đó. Trong lãnh vực này, thiết tưởng đạo Công giáo chúng ta cũng không là ngoại lệ.

Thế nhưng nếu có thứ chân lý của hiểu biết, thì cũng có chân lý hay sự thật của cứu rỗi. Khi tuyên bố với các kỳ mục trong Hội Thánh Ê-phê-xô rằng: ông đã rao giảng cho họ ‘tất cả ý định của Thiên Chúa’, Phao-lô chỉ đơn thuần khảng định rằng, ông rao truyền cho họ tất cả những hiểu biết cần thiết để tiến tới ơn cứu độ (Cv 20:17-35). Ông cũng nói với các tín hữu Cô-rin-tô rằng: “Giả như tôi được ơn nói tiên tri, và được biết hết mọi điều bí nhiệm, mọi lẽ cao siêu… mà không có đức mến, thì tôi cũng chẳng là gì!” (1 Cr 13:2). Chính Đức Giê-su đã từng khảng định rằng: có sự thật giải thoát, có chân lý thánh hóa’ (Ga 4:22; 17:17-19). Trong cuộc đối đáp giữa Người với Phi-la-tô, thuật ngữ ‘sự thật’ đã được hai người hiểu rất khác nhau là thế. Rõ ràng ‘chân lý toàn vẹn’ không thể chỉ là hiểu biết, mà phải là ‘sự thật cứu rỗi’.

“Thầy còn nhiều điều phải nói với anh em, nhưng bây giờ anh em không có sức chịu nổi”. Có điều gì các môn đệ không chịu nổi hay chậm hiểu? Các lý luận thần học hay các tín lý trong đạo chăng? Đương nhiên là mấy ông môn đệ đó khó có thể hiểu nổi…, nhưng Đức Giê-su đâu có đòi điều này nơi những người bình dân chất phác như các ông. Không, tất cả các ông đều đang đi tìm sự cứu rỗi cho mình và cho toàn dân Ít-ra-en; tuy nhiên cũng như phần đa các người Do Thái khác, các ông cho rằng sự cứu rỗi rõ ràng hệ tại ở việc tuân giữ lề luật. Thực hiện Giao Ước với Gia-vê như thể con đường duy nhất dẫn tới giải thoát, cả về mặt chính trị lẫn thiêng liêng. Vấn đề ở đây là, làm sao các ông chịu hiểu ra rằng, sự cứu rỗi và giải thoát duy nhất phải tới từ Đức Ki-tô, từ cuộc tử nạn của Người, vì qua đó Thiên Chúa mới biểu lộ được trọn vẹn tình yêu và lòng nhân ái của Người?

Rõ ràng, khi giáo huấn các môn đệ bằng các dụ ngôn và lời giảng dạy, Đức Giê-su cố giải thích cho các ông hiểu nội dung cứu rỗi này. Người coi việc thực hiện trước mắt các ông nội dung này, qua việc chính các ông phải là những chứng nhân của cuộc tử nạn và thập giá Người chịu, là điều tối quan trọng. Tiếp theo, trong suốt thời gian sau khi sống lại, Người vẫn không ngừng giải thích cho các ông hiểu sự thật giải thoát này. Tuy nhiên xem ra các ông vẫn chưa thấm; đúng là các ông không có sức chịu nổi, và sẽ chẳng bao giờ chịu nổi, bao lâu còn bị truyền thống xã hội và tôn giáo ngàn năm bao vây. Do đó Đức Giê-su thấy cần phải “sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha… một Đấng Bảo Trợ”. Công việc chính của Đấng này là ‘làm chứng về Thầy’, là làm cho Đức Giê-su được nhận biết, nhất là qua cuộc tử nạn thập giá và phục sinh Người, như dấu chỉ chân thực nhất của mạc khải vĩ đại ‘Thiên Chúa đã yêu thế gian tới nỗi đã ban Con Một Người…’ (Ga 3:16). Phải chăng ‘sự thật toàn vẹn – all truth – aletheia pase’ hệ tại chính ở điều này, đó là sự thật của cứu rỗi giải thoát, chứ không chỉ là sự thật của hiểu biết suy tư? Và sự thật này thì chỉ Thần Khí Chúa mới ‘dẫn’ tới được! Phao-lô từng khảng định với các Ki-tô hữu gốc Do Thái đang sinh sống tại Rô-ma rằng: không có Thần Khí này, họ vẫn chỉ là ‘nô lệ và phải sợ sệt như xưa’, nhưng một khi lãnh nhận Thần Khí “Anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên Áp-ba! Cha ơi!” (Rm 8:14-17). Chính vì thế mà Đức Giê-su gọi Chúa Thánh Thần là ‘Thần Khí sự thật phát xuất từ Chúa Cha’ (Ga 15:26). Và công việc của Thánh Thần không chỉ là dạy dỗ các tín hữu biết mọi lẽ đạo, mà phải là ‘làm chứng về Thầy…’, và ‘cả anh em nữa, anh em cũng làm chứng, vì anh em ở với Thầy ngay từ đầu’.

Thần học hay giáo lý, chủ yếu vẫn là công việc của trí tuệ và hiểu biết của con người. Điều mà cá nhân tôi và mọi ki-tô hữu thực sự cần là ‘sự thật toàn vẹn’, có sức cứu rỗi và giải thoát. Vì thế sống Thánh Thần liên tục là điều kiện thiết yếu để tôi vun trồng niềm tin yêu vào Thiên Chúa cứu độ trong Đức Ki-tô Giê-su… và biến đời tôi thành nhân chứng sống động của tình yêu nhân hậu đó. Vì từng là một linh mục của thần học và trí tuệ, tôi càng có khuynh hướng coi sự thật chỉ là hiểu biết và lý luận; chính vì thế mà tôi càng cần xác tín về ‘sự thật cứu rỗi’ này và nhận ra sự cần thiết tuyệt đối của nó, nhất là cho chính mình.

Lạy Đấng Bảo trợ là Thánh Thần Thiên Chúa đang hiện diện nơi thẳm sâu cõi lòng con, xin không ngừng dẫn con tới ‘sự thật toàn vẹn’ mà rất nhiều khi con bị trí tuệ làm cho quên lãng. Trong mọi hoàn cảnh, nhất là giữa những thử thách yếu đuối và sa ngã, xin hãy cứ tiếp tục ‘rên siết khôn tả’ trong con (Rm 8:26), cho tới khi con dám chân thành mở miệng thốt lên từ đáy lòng mình: ‘Áp-ba! Cha ơi!’ A-men.

Về mục lục

 

 
CHÚA THÁNH THẦN, SỨC MẠNH THẦN LINH THÁNH HÓA

VÀ LOAN TRUYỀN TIN MỪNG

Lm. Giuse Dương Hữu Tình

Đúng mười ngày sau khi mừng lễ Chúa Giêsu lên trời, Giáo hội cho chúng ta mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Hai sự kiện cách nhau đúng mười ngày, nhưng lại liên hệ với nhau một cách chặt chẽ không thể tách rời như chính lời Chúa Giêsu đã nói với các môn đệ: “Thầy nói thật với anh em: Thầy ra đi thì có lợi cho anh em. Thật vậy, nếu Thầy không ra đi, Đấng Bảo Trợ sẽ không đến với anh em; nhưng nếu Thầy đi, Thầy sẽ sai Đấng ấy đến với anh em” (Ga 16,7).

Có lẽ khi nghe Chúa nói những lời đó, các tông đồ không thể nào hiểu được tại sao Chúa lại nói như thế. Tại sao Chúa phải ra đi thì Đấng Bảo Trợ mới đến? Tại sao Chúa không ở lại để cùng với các tông đồ đón Đấng Bảo Trợ, để rồi cả hai Đấng đều ở lại với các ông có tốt hơn không? Không. Chúa Giêsu nói rõ là không có lợi. Tại sao nhỉ?

Nếu chúng ta để ý phụng vụ Lời Chúa hôm nay, bài thứ nhất trích trong sách Công vụ Tông Đồ, trong đó có đoạn ghi lại sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống trên các môn đệ (Cv 2,1-4). Bài Tin Mừng theo thánh Gioan cũng ghi lại sự kiện Chúa Phục sinh ban Chúa Thánh Thần cho các môn đệ (Ga 20,22-23). Thế há chẳng phải có hai lần Chúa Thánh Thần hiện xuống đó sao? Đúng là đã có hai lần Chúa Thánh Thần hiện xuống và đã được các thánh sử ghi lại. Tuy nhiên, khi cho chúng ta suy ngắm cả hai sự kiện này trong ngày mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, Giáo hội như muốn nói với chúng ta rằng: Chúa Thánh Thần không phải chỉ có hiện xuống hai lần, mà rất rất nhiều lần. Chả lẽ trước khi Chúa Giêsu “thổi hơi vào các ông và bảo: ‘Anh em hãu nhận lấy Thánh Thần’”, thì Chúa Thánh Thần chưa hiện xuống sao! Chả lẽ trần gian này chưa có Chúa Thánh Thần? Rồi vào “ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi, .. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần”. Chả lẽ lúc đó Chúa Thánh Thần mới xuất hiện? Có lẽ không phải thế. Thánh sử Gioan đã rất tinh tế khi sử dụng hai chữ “thổi hơi”. Chữ này làm cho chúng ta nhớ tới sự kiện được ghi lại trong sách Sáng Thế nói về việc Thiên Chúa “thổi hơi” như sau: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Việc Chúa Phục sinh “thổi hơi” vào các tông đồ và nói: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần” cho thấy đó như là một cuộc tạo dựng mới, một sự sống mới, một sự sống trong Thần Khí. Chính Chúa Thánh Thần là Sức mạnh thần linh tái tạo tâm hồn con người, thanh tẩy lòng người nên trong sạch và làm cho con người xứng đáng nên con Thiên Chúa. Bởi thế, ta lại càng thấy sự tinh túy của thánh sử Gioan khi ngài viết những lời trước đó như sau: “Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần”. Ngày thứ nhất cũng là một chi tiết nhắc nhớ tới công trình sáng tạo của Thiên Chúa, đó là ngày “Thần Khí Thiên Chúa bay lượn trên mặt nước” (St 1,1). Với cái nhìn thần học của thánh Gioan, Chúa Thánh Thần chính là nguyên lý sự sống, nguyên lý của sự thánh thiện. Chính vì thế, sau khi nói lời ban Chúa Thánh Thần, Chúa Giêsu nói tiếp: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”. Như vậy, nếu Chúa Thánh Thần đã hiện diện trong vũ trụ ngay từ “ngày thứ nhất” của công trình sáng tạo, thì “ngày lễ Ngũ Tuần” là thời gian đánh dấu một gian đoạn mới của Ngài, đó là giai đoạn lịch sử mang tính quyết định của Chúa Thánh Thần, là giai đoạn Ngài sẽ “ra tay” hoạt động như “vũ bão- gió mạnh” hay như “lưỡi lửa” mà sách Công vụ Tông đồ nhắc đến.

Dưới cái nhìn thần học của tác giả sách Công vụ Tông Đồ, sự ra đi của Chúa Phục sinh là cần thiết vì đó là dấu hiệu thời của Chúa Thánh Thần đã đến. Nếu sự hiện diện hữu hình của Chúa Phục sinh làm cho các tông đồ không thoát ra được những ràng buộc thể lý, thì sự hiện diện vô hình của Người lại có thể làm cho các ông “hoan hỉ” vì thấy “có Chúa cùng hoạt động” với mình. Đấng có đủ quyền năng và sức mạnh để giúp các tông đồ cảm nghiệm được điều đó, không ai khác là chính Chúa Thánh Thần. Ngài làm cho Đấng Phục sinh có thể luôn hiện diện với Giáo hội một cách vô hình. Ngài cũng làm cho Giáo hội không ngừng nghiệm thấy Thầy Chí Thánh đang hoạt động với họ. Ngài còn là Đấng làm cho Giáo hội bước vào một thời đại mới, đó là thời đại xây dựng và mở mang Nước Chúa. Giáo hội vẫn được hiểu là đã khai sinh vào ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đó là ngày thành lập Giáo hội, là ngày Giáo hội nhận được sứ mạng phải ra đi rao giảng Tin Mừng. Bởi thế, ngay sau khi tường thuật lại sự kiện Chúa Thánh Thần hiện xuống, tác giả sách Công vụ Tông Đồ ghi lại sự kiện thánh Phêrô cất lời rao giảng đầu tiên, và kết quả thật mỹ mãn: “hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo”. Một chuyện ngoạn mục đã xảy ra, chắc chắn không phải vì tài khéo của thánh Phêrô, nhưng rõ ràng có một sức mạnh thần linh nào đấy đã tác động rất mạnh, đó là sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Ba ngàn người theo đạo là hoa quả đầu tiên mà Chúa Thánh Thần ban xuống cho Giáo hội. Điều đó cho thấy thật rõ thời đại của Chúa Thánh Thần đã đến. Ngài đến như một trận cuồng phong: “Bỗng từ trời phát ra một tiếng động, như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà”. Ngài đến như một sự sắc bén bằng lửa: “Họ thấy những hình lưỡi giống như lưỡi lửa tản ra đậu xuống từng người một”. Phải chăng đã đến thời lời ước nguyện của tiên tri Gioen trở thành hiện thực, đó là thời mà: “Thiên Chúa phán: ‘Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thần Khí Ta trên hết thảy người phàm” (Ge 3,1.5).

Hai tác giả đã trình bày cho chúng ta hai khía cạnh khác nhau của cùng một sự kiện, sự kiện “thời của Chúa Thánh Thần”. Thánh sử Gioan thì nhấn mạnh đến vai trò thánh hóa, thánh hóa bản thân, thánh hóa Giáo hội. Tác giả sách Công vụ Tông Đồ lại nhấn mạnh đến khía cạnh truyền giáo, rao giảng Tin Mừng.

Giáo hội luôn ý thức vai trò hoạt động của Chúa Thánh Thần trong Giáo hội, đó là vai trò thánh hóa và loan báo Tin Mừng. Nếu chỉ lo giữ một khía cạnh, Giáo hội đã liều đánh mất một phần quan trọng không thể thiếu của mình. Thánh hóa là cần và tốt, nhưng nếu một Giáo hội chỉ thánh thiện mà không sống tinh thần truyền giáo, Giáo hội ấy sớm muộn sẽ già cỗi và tàn lụi. Nếu một Giáo hội chỉ lo truyền giáo mà quên rằng, chính bản thân mình là một “Giáo hội thánh thiện”, Giáo hội ấy sớm muộn sẽ trở thành một tổ chức xã hội thuần túy thế gian.

Ơn thánh hóa và ơn loan báo Tin Mừng là hai ơn đặc biệt mà Chúa Thánh Thần đã rộng rãi ban cho hết thảy mọi tín hữu, nhất là qua bí tích Thêm Sức. Nhưng nhìn vào thực tế đời sống, chúng ta dường như để ý quá nhiều, quan tâm quá nhiều đến ơn thánh hóa. Lãnh bí tích Rửa tội để nên con Chúa, thành người có đạo. Lãnh bí tích Thánh Thể để kết hiệp nên một với Chúa. Lãnh bí thích Thêm Sức để thêm sức mạnh sống đạo. Lãnh bí tích Giải tội để được tha tội và giao hòa với Chúa. Lãnh bí tích Hôn phối để “được ơn thánh cho được thương yêu nhau”. Lãnh bí tích Xức dầu để được thanh tẩy, thêm ơn thánh chống trả chước ma quỷ cám dỗ… Chúng ta toàn lo lắng sao cho mình được đạo đức, sốt sắng, thánh thiện (Chúa Thánh Thần trong Tin Mừng của thánh Gioan), mà chưa thấy lưu tâm nhiều đến ơn của Chúa Thánh Thần trong sách Công vụ Tông Đồ, đó là ơn Chúa Thánh Thần để hăng say loan báo Tin Mừng. Mình đã lãnh nhận bí tích Rửa tội rồi, sao không tìm cách để anh chị em khác cũng được làm con Chúa như mình. Mình đã được kết hiệp với Chúa qua bí tích Thánh Thể, sao không nghĩ tới biết bao anh chị em khác chưa bao giờ được kết hiệp với Chúa! 

Mừng lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta xin Chúa Thánh Thần thánh hóa chúng ta, đổi mới chúng ta nên một người mới. Chúng ta đồng thời xin Chúa Thánh Thần thêm sức để chúng ta đủ can đảm và sẵn sàng loan báo Tin Mừng cho tất cả những anh chị em chưa biết Chúa.

“ Lạy Chúa Thánh Thần, xin Ngài ngự đến,

   và tự trời tỏa ánh quang minh của Ngài ra!

   Lạy Cha kẻ cơ bần, xin Ngài ngự đến,

   Đấng ban ân huệ, Đấng soi sáng tâm hồn, xin ngự đến…”.

Amen.

Về mục lục

 

 

HIỆP NHẤT TRONG ĐA DẠNG

 Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Hiện nay trên thế giới có 1.243 Dòng Nữ và 250 Dòng Nam. Tất cả các Hội Dòng này đều tuyên xưng cùng một lý tưởng Tin Mừng. Tuy vậy, mỗi Dòng được khai sinh ra với một tinh thần và một cách sống riêng do đấng sáng lập đề ra để đáp ứng cách tốt nhất những nhu cầu tâm linh của thời đại (Vat. II, Sắc lệnh về việc canh tân thích nghi đời sống tu trì, số 1). Mỗi đặc sủng của Hội Dòng đều là một hồng ân của Chúa Thánh Thần, mỗi ơn gọi của từng cá nhân các tu sĩ đều là ân ban nhưng không của Thiên Chúa. Mỗi Hội Dòng, mỗi ơn gọi đều có nét độc đáo của nó, để diễn tả Tin Mừng trong một hình thức đặc biệt của đời sống, để với con mắt đức tin, họ đọc các dấu chỉ của thời đại, để đáp trả, với sự sáng tạo, cho các nhu cầu của Giáo Hội (x. ĐTC Phanxicô, Tông thư gửi tất cả các người sống đời thánh hiến nhân dịp năm đời sống thánh hiến, mục I, số 1). Tất cả đã và đang góp phần mình tạo nên một vườn hoa muôn sắc của Giáo Hội (x. Nội san chia sẻ, số 77)

Giáo Hội thật đa dạng: nhiều giáo phận – giáo xứ, nhiều dòng tu, nhiều linh đạo, nhiều phương thức làm tông đồ, nhiều hội đoàn…sự đa dạng này thể hiện một sức sống thật phong phú. Đa dạng mà vẫn hiệp nhất. Đó là ân ban của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô trong bài đọc II hôm nay có những giáo huấn rất sâu sắc: mỗi người, mỗi nhóm hãy ý thức rằng “đặc sủng” của mình là ơn ban của Chúa Thánh Thần; đừng khó chịu, trái lại hãy vui mừng khi thấy những người khác, nhóm khác cũng được ban cho những đặc sủng khác, đó là dấu Chúa Thánh Thần yêu thương Giáo Hội; tận dụng “đặc sủng” Chúa Thánh Thần ban để góp phần mình vào việc xây dựng Giáo Hội, đồng thời ý thức rằng đó chỉ là một phần nhỏ mình góp cho Giáo Hội nên vẫn tôn trọng phần góp của người khác và hy vọng Giáo Hội được nhiều người khác góp phần xây dựng hơn nữa.

Trong ngày Lễ  Hiện Xuống, Chúa Thánh Thần đã khai thông mọi tương giao, phá vỡ bức tường đã bị đóng kín từ sự kiện tháp Babel. Chúa Thánh Thần trở nên nguyên lý hiệp nhất trong đa dạng và tạo nên mùa xuân mới cho Giáo hội.

 

  1. Câu chuyện Tháp Babel

Sách Sáng Thế 11,1-9 kể câu chuyện về Tháp Babel.

Bấy giờ thiên hạ chỉ nói một thứ tiếng, sau khi định cư tại đồng bằng Senna, họ bàn luận với nhau: Ta hãy nung gạch và xây một ngọn tháp chọc trời, trước khi phân tán tới mọi miền trên mặt đất.

Trước ý định đầy kiêu căng và ngông cuồng đó, Thiên Chúa đã khiến tiếng nói của họ trở nên lộn xộn, người này không còn hiểu được người kia. Thế là họ đành phải ngưng việc xây tháp và ra đi mỗi người một ngả.

Hình ảnh tháp Babel mượn từ các tháp Ziggurat miền Lưỡng Hà: tháp vuông, nhiều tầng, càng cao tầng nhỏ lại. Những tháp này xây trong khu vực đền thờ với mục đích tôn giáo là để bắt liên lạc với thần trên cao bằng dâng lễ vật và làm bệ để thần lên xuống với con người. Ngày nay còn có nhiều di tích về các tháp này. Tác giả Thánh kinh mượn hình ảnh các tháp Ziggurat để cắt nghĩa tại sao loài người  lại chia rẽ và phân tán, từ đó dạy bài học tôn giáo. Babel bởi động từ balal (làm cho lộn xộn). Tác giả dùng hình ảnh xây tháp Babel để chỉ tội cộng đồng của con người, muốn dựa vào sức lực và tài năng của mình để chống lại Chúa, gạt bỏ Chúa mà tự quyết định cho mình. Trong Cựu ước, Babel là kinh đô của một đế quốc hùng mạnh tượng trưng cho sự kiêu căng.

 

  1. Chúa Thánh Thần là nguyên lý hiệp nhất.

Một khi con người đã loại bỏ Chúa, tự nhiên chia rẽ và phân tán với đồng loại. Kiêu căng gây chia rẽ. Thiên Chúa là duy nhất và là giềng mối hiệp nhất. Sự hiệp nhất chỉ có thể được tái lập bởi và quanh Thiên Chúa. Ngày Hiên Xuống, Thánh Thần sẽ hiệp nhất nhân loại quanh Đức Kitô Phục Sinh (Cv 2,1-11). Thánh Thần làm vết thương của tháp Babel được lành. Thánh Thần là nguyên lý đoàn kết và hiệp nhất. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, gần nhau, và giúp Giáo Hội trở thành Giáo Hội của mọi dân tộc.

Dưới tác động của Chúa Thánh Thần, một tình trạng mới đã được nảy sinh. Bài đọc 1, sách Công vụ kể: Bấy giờ các môn đệ đang tụ họp ở một nơi, bỗng dưng có tiếng từ trời đến, ào ào như gió thổi, ùa vào nhà nơi các ông đang hội họp. Lại thấy có hình lưỡi lửa tản ra và đậu xuống trên từng người. Tất cả đều được đầy tràn Chúa Thánh Thần và bắt đầu nói được nhiều thứ tiếng khác nhau.

Trong thời gian lễ Ngũ Tuần, có nhiều người Do thái từ khắp các nơi trở về Giêrusalem. Nghe tiếng ồn, họ liền tuốn đến. Và ai nấy đều bỡ ngỡ vì mỗi người đều nghe các Tông đồ nói tiếng của mình. Họ ngạc nhiên, sửng sốt, thán phục và bàn tán cùng nhau: Phải chăng chúng ta đều nghe họ dùng tiếng thổ âm của mình mà nói đến những sự cao trọng của Thiên Chúa?

Đây chính là một cuộc tụ họp đông đảo mà mọi người đều hiểu được nhau và cảm thông với nhau. Có được như vậy là do tác động của Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần là nguồn sức sống mãnh liệt. Chúa Thánh Thần là sự trẻ trung của Giáo hội. Chúa Thánh Thần là năng lực đổi mới thế giới. Ngài như luồng gió cường tráng. Ngài như ngọn lửa bừng bừng. Luồng gió và ngọn lửa ấy đã khơi dậy nguồn năng lực tiềm ẩn nơi những bác thuyền chài thất học, biến họ thành những con người thay đổi thế giới. Nhận lãnh ơn Chúa Thánh Thần là nhận lãnh sứ mạng hành động.

Qua hình ảnh lưỡi lửaơn nói nhiều thứ tiếng nơi các Tông đồ, chúng ta nhận thấy ngôn ngữ Chúa Thánh Thần dùng đã liên kết và tạo nên sự cảm thông. Đó chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu. Thiếu vắng Ngài, thiếu vắng tác động của Ngài là thiếu vắng tình yêu, con người không thể hiểu biết nhau, không thể xích lại gần nhau và không thể cảm thông với nhau, khi đó hận thù sẽ bùng nổ.

Chương 17, Tin mừng Gioan là lời cầu nguyện đẹp nhất trong toàn bộ Kinh thánh mà Phụng vụ Lời Chúa đọc trong tuần lễ này, trong đó Chúa Giêsu với tư cách là Thượng tế, là Đấng trung gian giữa Thiên Chúa và loài người đã dâng Chúa Cha lời khấn nguyện. Chúa Giêsu cầu xin Chúa Cha tôn vinh Ngài qua cái chết và sự sống lại của Ngài. Chúa Giêsu cầu nguyện cho các môn đệ và cầu nguyện cho những ai tin vào Ngài được hiệp nhất trong yêu thương. Chúa Giêsu không cầu xin cho họ có sức mạnh, vì sức mạnh thường đưa con người vào nguy cơ ỷ lại chính mình, kiêu căng tự mãn. Chúa Giêsu cũng không cầu xin cho họ có quyền lực vì quyền lực dễ đưa con người vào hố sâu tham vọng, tham vọng thống trị, tham vọng giàu sang và nhiều tham vọng khác. Khi cầu nguyện cho Giáo hội, Chúa Giêsu không xin cho Giáo hội được phát triển bằng sức mạnh và quyền lực, nhưng Ngài chỉ xin cho tất cả được hiệp nhất trong Ngài và hiệp nhất với nhau, để Ngài ở đâu thì họ cũng được ở đó và để họ được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần là thần Chân Lý và Sự Thật, gìn giữ Giáo hội trong tình thương, hiệp nhất Giáo hội trong Chân Lý và thánh hiến Giáo hội trong Sự Thật.

 

3. Mùa xuân mới của Giáo hội.

Vào ngày Lễ Ngũ Tuần, các Tông Đồ đang họp nhau cầu nguyện trong nhà Tiêc Ly cùng với Đức Maria. Chúa Thánh Thần đã Hiện Xuống dưới hình lưỡi lửa đậu trên đầu mỗi người, ban tràn đầy sức sống mới. Quyền năng Chúa Thánh Thần đến trên Giáo hội với sức lay động và chuyển thông.

Sức lay động vì Chúa Thánh Thần đã đến như thể cuồng phong thổi vang dậy đầy nhà. Ghế bàn không bay bổng, tường và mái nhà vẫn nằm yên, nhưng lòng người đã được lay động. Quyền năng Chúa Thánh Thần như gió mạnh đã làm bật tung các ổ khoá, các cửa to cửa nhỏ của ngôi nhà các Tông Đồ đang ẩn náu. Quyền năng Thánh Thần tung họ ra khỏi pháo đài để với hai bàn tay không và một trái tim đầy nhiệt huyết họ đi vào thế giới rao giảng Tin Mừng Đức Giêsu Phục Sinh.

Được sức lay động và đầy lửa Thánh Thần, các Tông Đồ cùng lên tiếng cao rao những kỳ công của Thiên Chúa. Thánh Phêrô, lòng đầy Thánh Thần, đã hùng hồn thuyết giảng về Chúa Giêsu Thương Khó và Phục Sinh. Có 3.000 người xin được Rửa Tội. Giáo Hội được khai sinh từ đó vào ngày Lễ Ngũ Tuần. Thánh Thần đến, Giáo Hội khai sinh.

Tác động của Chúa Thánh Thần trên Giáo Hội thật mãnh liệt. Chỉ một nhóm Tông Đồ nhỏ bé, sợ hãi, co cụm, hoang mang, lúc nào cũng cửa đóng then cài. Thế mà giờ đây, khi được tràn đầy Thánh Thần họ đã trở nên mạnh mẽ phi thường, hiên ngang, can trường làm chứng và loan báo Tin Mừng Phục Sinh. Các ngài được trang bị bằng quyền năng Thánh Thần để bẻ gãy sức mạnh của sự dữ, tội lỗi.

Dù bị đe dọa đòn vọt, dù gông cùm tù tội, các ngài vẫn trung kiên một niềm tin vào Chúa. Các ngài đã lấy máu đào minh chứng cho lời rao giảng. Dù bị đàn áp bách hại, Giáo Hội vẫn lớn mạnh không ngừng. Hơm hai mươi thế kỷ qua, con thuyền Giáo Hội do người dân chài Galilê cầm lái vẫn lướt qua mọi thăng trầm của lịch sử với muôn vàn thử thách giông tố để luôn đi tới.

Mùa xuân mới trong công trình cứu độ khởi đi từ Chúa Thánh Thần, cả một sức sống mới được khai mở và bừng lên trong Giáo hội. Các môn đệ không còn co cụm lại trong căn phòng then cài khóa ổ, căn phòng được mở toang và môn đệ can đảm bước tới vùng ngoại biên, những vùng địa lý xa xôi, đem Tin Mừng cứu rỗi cho mọi người. Đó chính là mùa Hiện Xuống đầu tiên làm nên sức sống mới lạ trong Giáo hội. Vì vậy, trong đáp ca cũng như trong ca tiếp liên của Thánh Lễ, chúng ta cầu xin Chúa Thánh Thần đến để Ngài đổi mới mặt địa cầu, để Ngài canh tân lòng trí tín hữu.

Ngày nay, Giáo Hội vẫn chỉ có một sức mạnh đặc biệt, đó là quyền năng Chúa Thánh Thần. Với quyền năng này, Giáo Hội không bao giờ chịu đóng chặt cửa để an hưởng hay cố thủ. Giáo Hội luôn ra khỏi tháp ngà để rao truyền Tin Mừng, dấn thân vào cuộc sống muôn mặt của thời đại, đồng hành và thích ứng với nhân loại trong thế giới ngày nay.

Công Đồng Vatican II là một Lễ Hiện Xuống Mới của Giáo Hội. Chúa Thánh Thần vẫn luôn thổi sinh khí mới và ban cho Giáo Hội những ân huệ lớn lao. Mẹ Têrêxa Calcutta, Cha Thánh Piô, Thánh Gioan Phaolô II, ĐTC Phanxicô là những gương mặt vĩ đại đã và đang làm bừng lên sức sống tình thương, hoà bình của Chúa Thánh Thần trong thế giới sục sôi vì chiến tranh và hận thù này.

Mỗi tín hữu cảm nhận được tình yêu và hồng ân của Chúa Thánh Thần ban tặng như một đặc sủng Thánh Linh, từ đó hiệp nhất trong đa dạng, phong phú trong sứ vụ, trung thành với sứ mạng và ơn gọi của mình, để niềm vui Tin Mừng được lan tỏa tới mọi người, hầu trở nên những chứng tá sống động trong lòng Giáo Hội và giữa lòng trần thế hôm nay.

Về mục lục

 

 

THÁNH THẦN TÌNH YÊU

Lm. Phạm Thanh Liêm

Mùa phục sinh kết thúc với Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Chúa Nhật sau lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là lễ Chúa Ba Ngôi, và Chúa Nhật sau lễ Chúa Ba Ngôi là lễ Mình Máu Thánh Chúa Giêsu.

Các con hãy nhận lấy Thánh Thần

Buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, Đức Giêsu Phục Sinh đã hiện ra cho các tông đồ. Ngài thổi hơi trên các ông và bảo: “các con hãy nhận lãnh Thánh Thần, các con tha tội cho ai thì người ấy được tha”.

Trong ca tiếp liên: “Nếu không có Chúa trợ phù, trong con người chẳng còn chi thanh khiết, không còn chi vô tội. Xin Chúa rửa sạch điều nhơ bẩn, tưới gội chỗ khô khan, và chữa lành nơi thương tích”. Trong lời tha tội của bí tích xá giải, linh mục đọc: “Thiên Chúa là Cha nhân từ hay thương xót, Chúa đã dùng cái chết và sống lại của Con Chúa để giao hoà thế gian với Chúa, và đã ban Thánh Thần để tha tội…”

Chúa Thánh Thần là Đấng thánh hoá, Đấng làm cho con người được giao hoà với Thiên Chúa, Đấng tha tội cho con người, Đấng làm cho con người trở thành con Thiên Chúa.

Thánh Thần- Đấng trợ phù

“Không ai có thể nói ‘Đức Giêsu là Chúa’ mà không nhờ bởi Thánh Thần”. Thánh Thần giúp con người tin vào Đức Giêsu. Không có ơn của Chúa Thánh Thần, không ai có thể tin vào Đức Giêsu được.

Có nhiều ân sủng, có nhiều đặc sủng, nhưng chỉ do một Thánh Thần. Thánh Thần ban cho người này ơn tiên tri, ban cho người kia ơn thông hiểu, ban cho người khác ơn lãnh đạo,… Có nhiều chức vụ, nhiều đặc sủng, nhưng tất cả đều do bởi một Thánh Thần. Cũng chính Thánh Thần liên kết chúng ta nên một, dù chúng ta thuộc thành phần nào, dân tộc nào, chúng ta vẫn làm nên một thân thể trong Đức Giêsu, cũng nhờ chỉ một Thánh Thần. Thánh Thần làm cho con người hiểu nhau, thông cảm lẫn nhau, thương yêu nhau, giúp đỡ lẫn nhau.

Thánh Thần giúp chúng ta cầu nguyện, giúp chúng ta sống đẹp lòng Chúa, làm chúng ta trở nên con người mới. Thánh Thần là Đấng làm mới tất cả.

Thánh Thần là Thiên Chúa

Nhờ Đức Giêsu phục sinh, và các tông đồ nhớ lại những gì Đức Giêsu đã nói với các ngài khi Đức Giêsu còn sống đời dương thế, các tông đồ “với ơn của Thánh Thần” đã nhận ra Đức Giêsu là Thiên Chúa, và sau đó Thánh Thần là Thiên Chúa.

Thánh Thần có cùng nguồn gốc nơi Thiên Chúa, Ngài ở nơi Thiên Chúa “Khi Đấng bảo trợ đến, Đấng mà Thầy sẽ sai đến với anh em từ nơi Chúa Cha” (Ga 15, 26), được Cha và Đức Giêsu sai gởi “Nhưng Đấng bảo trợ là Thánh Thần Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em” (Ga.14, 26).

Sứ mạng của Thánh Thần là ở với con người: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em Đấng bảo trợ khác, đến ở với anh em luôn mãi” (Ga.14, 16), dạy con người mọi sự (Ga.14, 26), làm chứng cho Đức Giêsu (Ga.15, 26), dẫn con người tới sự thật trọn vẹn (Ga.16, 13).

Câu hỏi gợi ý chia sẻ:

  1. Bạn có cảm nghiệm Thánh Thần luôn ở với bạn, và gần gũi với bạn không?
  2. Thánh Thần có thể làm bạn trở thành “con người mới”. Bạn hiểu “con người mới”, là người như thế nào? 
  3. Lời kinh nào về Chúa Thánh Thần mà bạn thích nhất?

Về mục lục

 

CHÚA NHẬT LỄ HIỆN XUỐNG_B

Lm. Antôn

Ông bà anh chị em thân mến. Ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống hôm nay có 2 điểm rất quan trọng liên quan đến đời sống đức tin của chúng ta. Thứ nhất, ngày lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống là khởi điểm, đánh dấu một giai đoạn mà Thiên chúa hiện diện giữa nhân loại chúng ta trong một hình thức hoàn toàn mới qua Chúa Thánh Thần. Điểm quan trọng thứ hai ngày Chúa Thánh Thần hiện xuống không những là ngày khai sinh của Giáo hội, mà còn đánh dấu sự hiện diện của Thiên Chúa trong Giáo hội mà thánh Phaolô gọi là Thân thể Chúa Kitô. Sự kết hợp mật thiết này nhắc nhở chúng ta, là những chi thể về bổn phận hiệp nhất để xây dựng Thân Thể Chúa Ki-tô, và sẵn sàng hy sinh trở thành khí cụ và chứng nhân cho Chúa Kitô, cũng chu toàn sứ vụ rao truyền Tin mừng.

Ông bà anh chị em thân mến. Đối với người Việt hải ngoại chúng ta muốn có một đời sống cao, muốn có việc tốt và chức vụ cao, hay muốn sinh hoạt với những người Mỹ một cách thuận tiện, thì chúng ta phải có ngôn ngữ, phải hiểu, nói được tiếng Mỹ. Càng biết, nghe và nói được nhiều, thì càng làm cho đời sống chúng ta dễ dàng hơn. Cho nên, một số người Việt chúng ta đối diện với một sự khó khăn to lớn đó là ngôn ngữ. Thế nhưng nếu chúng ta không hiểu hay nói được nhiều thì cũng chẳng sao. Chúng ta vẫn có cuộc sống bình thường, vẫn có những nhu cầu cần thiết, vẫn có tiền, vẫn có xe hay có nơi ở như mọi người.

Nhưng đối với những người Ki-tô Công giáo chúng ta, chúng ta phải biết một thứ ngôn ngữ cần thiết. Chúng ta phải biết và phải có một thứ ngôn ngữ sinh tử, đó là ngôn ngữ đức tin, đó là ngôn ngữ lời của Thiên Chúa. Ngôn ngữ này mang đến cho chúng ta ân sủng và sự bình an, mang đến vui mừng và sự hy vọng, và là ngôn ngữ mang đến sự sống hạnh phúc đời đời.

Trong bài Tin mừng Chúa lên trời tuần vừa qua, Chúa Giê-su trao cho các môn đệ và chúng ta một mệnh lệnh “Các con hãy đi rao giảng Tin mừng cho muôn dân.” Hay nói một cách khác, Chúa nói với chúng ta “Các con hãy đi rao truyền ngôn ngữ đức tin.”   Thế nhưng nếu chúng ta không biết, không có hay không sống thì làm sao chúng ta có thể nói hay rao truyền thứ ngôn ngữ đó cho người khác được.

Các bài Kinh thánh hôm nay rất phong phú, nhưng tôi chỉ xin chia sẻ với ông bà anh chị em một điểm trong bài đọc 1 trích sách Tông đồ Công vụ thôi. Bài đọc một cho chúng ta biết “Đến ngày lễ Ngũ Tuần, tất cả các môn đệ đều tề tựu một nơi, bỗng từ trời phát ra tiếng động như tiếng gió mạnh thổi đến, lùa vào đầy nhà nơi họ đang sum họp. Lại có những lưỡi như thể bằng lửa xuất hiện và rải rác đậu trên từng người. Hết thảy mọi người đều được tràn đầy Chúa Thánh Thần, và bắt đầu nói tiếng khác nhau tuỳ theo Thánh Thần ban cho họ nói. Khi ấy, cư ngụ tại Giêrusalem, có những người Do-thái đạo đức từ khắp các nước dưới gầm trời tụ về. Nghe tiếng ấy phát ra thì đoàn lũ tuôn đến, tâm trí bỡ ngỡ, vì mỗi người đều nghe các môn đệ nói tiếng thổ âm của mình.”

Chúng ta phải hiểu đoạn Kinh thánh này làm sao? Cách hiểu thứ nhất, các tông đồ nói được nhiều thứ ngôn ngữ, nói được thổ ngữ của những người sống khắp nơi tuôn đổ về, và cách thứ hai, những người nói thổ ngữ khác nhau, hiểu được ngôn ngữ của các tông đồ, tiếng Do thái, tiếng “Aram.” Hai cách trả lời, giải nghĩa trên đây đều không thỏa mãn, vì thứ nhất, các tông đồ đâu có sống ở những nơi đó đâu, mà nói được thứ thổ ngữ đó một cách trôi chảy, cho họ hiểu được, và thứ hai, những người sống ở những nơi khác, có biết, hay thường thường xuyên nói ngôn ngữ của các tông đồ đâu mà hiểu một cách tường tận.

Tôi nghĩ rằng tất cả người Việt chúng ta đây đều có kinh nghiệm về việc nói, nghe và hiểu tiếng Mỹ. Nói, nghe và hiểu một cách tường tận tiếng Mỹ như người bản xứ thật là khó! Vậy thì làm sao lời giảng dạy của các tông đồ, nói ngôn ngữ của mình, có thể thu hút mọi người nói những thổ âm khác nhau, để họ tin vào Chúa Giê-su Ki-tô Phục sinh?   Hay làm sao chúng ta có thể nói và rao giảng ngôn ngữ đức tin, Tin Mừng Lời Chúa cho người khác không hiểu ngôn ngữ của chúng ta được? Có giải nghĩa cách nào chăng nữa thì vào trường hợp của các tông đồ và của những người Việt chúng ta, chúng ta cũng thấy nổi bật lên vai trò và sự tác động của Chúa Thánh Thần. Chúng ta thấy tự khả năng của các tông đồ không thể làm được việc đó, và tự khả năng của chúng ta cũng không thể chu toàn sứ vụ rao truyền Tin mừng Lời Chúa được. Dân chúng bị thu hút bởi sức mạnh Chúa Thánh Thần tác động qua sự nhiệt thành, sốt sắng và can đảm của các tông đồ. Và các tông đồ không để sự sợ hãi và giới hạn của mình cản trở việc rao giảng Tin mừng Chúa Ki-tô. Và dân chúng cũng không để cho sự trở ngại ngôn ngữ vào tiếp nhận ơn sủng đức tin vào Chúa Ki-tô.

Tôi còn nhớ một sự kiện khi còn làm linh mục chính xứ tại giáo xứ thánh Anne ở Broken Arrow. Tôi có quen một đôi vợ chồng tham dự Thánh lễ Chúa nhật hàng tuần. Sau đó tôi biết ông bà là chủ nhân của nhà băng People State Bank. Người vợ có đạo, nhưng người chồng thì không. Một hôm sau Thánh lễ, ông muốn gặp tôi và cho biết muốn được rửa tội, theo đạo. Ông cho cũng cho biết là ông bà quen biết rất nhiều linh mục trong giáo xứ tứ trước tới nay, và nhiều linh mục trong giáo phận, và đã được một số linh mục tốt lành, thánh thiện và rất giỏi người Mỹ hướng dẫn theo đạo nhiều năm trước đây, nhưng ông chưa sẵn sàng.   Ông nói bây giờ ông cảm thấy sẵn sàng xin được rửa tội và theo đạo. Điều này làm cho tôi cảm thấy rất khiêm nhường vì tôi biết tôi không thánh thiện, tốt lành như những linh mục ông kể, và tôi không nói tiếng Mỹ giỏi và sâu sắc như các linh mục đó. Nhưng điều này làm cho tôi hiểu sâu sa hơn về Chúa Thánh Thần, là Chúa Thánh Thần luôn tác động trên người nói và cũng như người nghe, và chỉ có Chúa Thánh Thần mới hoán cải được tâm hồn con người. Dù nói hay, nói giỏi hay sâu sắc tới đâu, mà không có sự tác động của Chúa Thánh Thần vào người nói và người nghe thì cũng không thể thay đổi được đời sống con người. Cho nên, cũng như vậy dù tham dự Thánh lễ Mỹ, Mễ hay Việt mà không có sự tác động của Chúa Thánh Thần và không có sự sẵn sàng thì cũng không tiếp nhận được gì. Hiểu hay không hiểu ngôn ngữ mà có Chúa Thánh Thần tác động thì sẽ cảm nhận được, sẽ tiếp nhận được ơn sủng của Chúa. Chúa Thánh Thần tác động và làm việc không tùy thuộc vào con người chúng ta, nhưng cần sự hợp tác, vào thái độ của chúng ta.

Một vị thánh tổ phụ đã dùng hình ảnh một cây sáo để nói lên sự tác động của Chúa Thánh Thần và sự hợp tác, thái độ của chúng ta. Cây sáo là chúng ta, nếu cây sáo đặc, không thông rỗng, thì hơi thổi, là Chúa Thánh Thần, không thể truyền qua và tạo ra âm thanh được. Do đó, chúng ta phải biết mở rộng tâm hồn, có nghĩa là phải biết từ bỏ sự tự cao, tự đại, phải trút bỏ những lo nghĩ về công việc, giờ giấc, và phải vượt qua những trở ngại của ngôn ngữ thì Chúa Thánh Thần mới tác động vào và qua chúng ta được. Chúng ta cũng được ví như cây đàn và nếu dây của cây đàn chùng, không căng, thì có gảy vào thì cây đàn cũng không tạo ra âm thanh. Cho nên, chúng ta cũng phải có tâm hồn, thái độ sẵn sàng để tiếp nhận sự tác động của Chúa Thánh Thần.

Trong ngày kính Chúa Thánh Thần hôm nay, chúng ta tự hỏi chúng ta có là chi thể sống động trong Thân Thể Chúa Ki-tô không? Chúng ta là cây sáo rỗng hay đặc? Chúng ta là cây đàn chùng hay căng? Chúng ta cảm tạ Chúa đã ban cho chúng ta Chúa Thánh Thần, và cầu xin Thánh Thần Chúa ngự đến, biến đổi, thánh hóa, củng cố niềm tin và luôn kết hợp chúng ta trong Thân Thể Chúa Ki-tô, để chúng ta can đảm sống chứng nhân, rao truyền Tin mừng Lời Chúa, và quảng đại xây dựng Nước Chúa.

Về mục lục

 

 

QUÀ TẶNG THÁNH THẦN

Lm. Jos. DĐH

Cô đơn, buồn chán là nỗi ám ảnh chung, ai cũng ngại khi phải nghĩ tới; phấn khởi, hân hoan, là dấu chỉ người khỏe mạnh, thành đạt; thư thái bình an là phong cách của người có đầy tràn sự tự tin. Khi nói đến tình yêu, người ta thường nghĩ đến vẻ đẹp, nét đẹp đáng yêu ấy vẫn chất chứa đầy bí ẩn, do đó ta khó mà diễn tả được hết ý, nhưng ai cũng trân trọng, dù là tình yêu đôi lứa hay tình yêu quê hương. Sức mạnh, ý chí luôn cần cho người đau yếu, người đang đối diện với những nghịch cảnh; bác sĩ thì luôn thiết thực cho mọi người mọi lúc, còn tình yêu lại hấp dẫn đối với mọi thành phần già, trẻ lớn bé.

Được tặng quà, được niềm vui, ít nhiều gì chúng ta cũng thấy hạnh phúc, dù chúng ta chưa hiểu hết ý nghĩa và giá trị của quà tặng. Sở dĩ chúng ta nói với nhau về quà tặng, về niềm vui, là do Chúa Thánh Thần chính là quà tặng, là trung tâm của mọi sinh hoạt nơi Giáo hội. Chúa Thánh Thần là ơn ban của Chúa Giêsu như Ngài đã hứa, nay đã được thông ban cho các tông đồ, các đấng đang tiếp tục sứ mạng Chúa trao.

Sách Công vụ hôm nay diễn tả “quà tặng Thánh Thần” được ban xuống và hiện diện trên mỗi tông đồ qua hình ảnh của cơn gió mạnh, hình lưỡi lửa, và sự kiện nói tiếng lạ. Trong bài đọc 2, Thánh Phaolô ghi nhận những công việc của Thánh Thần đang hoạt động nơi mỗi cá nhân và toàn thể Giáo hội. Quà tặng Thánh Thần chính là sự hiệp nhất trong cùng một đức tin, một phép rửa, và một tình yêu; tất cả đều cho thấy sự sinh động : không ai có thể nói Đức Giêsu là Chúa nếu không ở trong Thần Khí. Có nhiều thứ ân sủng nhưng chỉ có một Thánh Thần, có nhiều thứ chức vụ nhưng chỉ có một Chúa.

Để nói lên một sự thật, minh chứng về tình yêu của mình không thể không trả giá cho hành động của mình. Chúa Giêsu chia sẻ cho nhân loại : Ngài chính là “Quà Tặng” của Thiên Chúa, Ngài chính là “Sự Thật” được ban cho con người, “Quà Tặng ấy, Sự thật ấy” Đức Giêsu đã diễn tả bằng “cuộc tử nạn và phục sinh”. Ngày hôm nay, các môn đệ, những ai theo Chúa, và tất cả chúng ta đây, nếu ý thức mình được “Quà tặng Giêsu”, tất nhiên tình yêu và quà tặng ấy, cũng được ơn ban thúc đẩy để chúng ta sống và minh chứng Đức Giêsu là ai.

Tục ngữ có câu : cho tiền cho bạc không bằng chỉ đàng đi buôn. Ai cũng cần tình yêu, cần hạnh phúc, nhưng chúng ta cần phương tiện để bằng khối óc, con tim, để bằng đôi chân của mình chúng ta bước tới niềm vui hạnh phúc thật. Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay, Ngài đến giữa các Tông đồ khi mà các ông đang lo sợ đủ điều, và Chúa Phục Sinh không ban thứ “vũ khí” nào khác hơn đó là “ơn bình an” là “quà tặng Thánh Thần”, và chỉ cho các ông biết sứ mạng tông đồ là gì, là tình yêu và ơn ban cần được chia sẻ.

Bóng dáng những tâm hồn yêu nhau không thể thiếu cụm từ xinh đẹp và hạnh phúc, xây dựng phát triển không thể thiếu những cố gắng, hy sinh và đặc biệt là tình yêu hiệp thông. Trăng tròn rồi trăng khuyết, tình đến rồi tình đi; chỉ có tình yêu và lòng trung thành là bền vững, là đẹp mãi trong sứ mạng theo Chúa làm tông đồ. Các Tông đồ nhờ “ơn ban Thánh Thần”, các ông mới hiểu “Quà tặng Giêsu” luôn ở trong tâm hồn và hành trình đức tin của các ông phải được chia sẻ.

Tâm tình mà Đấng Phục Sinh muốn đặt nơi các tông đồ, nơi chúng ta hôm nay, là hãy tin tưởng vào sự hiện diện và quyền năng của Chúa Thánh Thần ở trong Giáo hội cũng như trong tâm hồn mỗi người Kitô hữu. Sống ở đời này, ai ai cũng cần tình yêu, cần đến sự trợ giúp bổ túc cho nhau. Chúng ta tin Chúa Giêsu là “Quà tặng” Thiên Chúa ban, chúng ta cũng được mời gọi để đón nhận và sử dụng “món quà Giêsu” đúng với tinh thần người môn đệ : tin tưởng, cậy trông yêu thương và dấn thân chia sẻ.

Trong “Truyện hay Phương Tây”, người ta có chia sẻ : trên một chuyến xe buýt, có một ông già đăm chiêu với bó hoa hồng tươi thắm trên tay. Phía đối diện ông già là một cô gái trẻ, đang say sưa ngắm nhìn bó hồng ấy vẻ thích thú. Đã đến lúc ông già xuống xe. Như một sự việc bất ngờ, ông già trao tặng cho cô gái trẻ bó hoa và nói : Bác nghĩ cháu sẽ thích bó hoa này, và Bác nghĩ rằng vợ Bác cũng rất vui lòng khi biết Bác trao tặng bó hoa cho cháu.

Ngỡ ngàng vì món quà đến quá nhanh, cô gái trẻ chỉ biết nói lí nhí : cháu cảm ơn Bác, dõi theo ông già xuống xe, đúng là Bác đang bước vào nghĩa trang, và mọi người có thể đoán được là ông đi thăm ngôi mộ của vợ ông, chỉ đơn giản thế thôi, người bạn trăm năm của ông, tấm lòng của ông, quà tặng của ông sẽ nói lên thế nào là tình yêu.

Quà tặng Thánh Thần được Chúa Giêsu ban cho các tông đồ, và các ông đã biết trân trọng chia sẻ trong sứ mạng Chúa trao, nói cách khác là các ông được biến đổi để trở nên ngư phủ của Chúa Giêsu. Quà tặng Thánh Thần đã chỉ dẫn ông già tới thăm viếng ngôi mộ của vợ mình, “bó hoa hồng”, quà tặng ấy, nhất định sẽ thúc đẩy cô gái sống tình yêu thương mà cô đã hạnh phúc khi lãnh nhận. Quà tặng Thánh Thần sẽ còn được nói tới nhiều trong đời sống của từng người tin theo Chúa là chúng ta hôm nay. Hy vọng, mỗi chúng ta sẽ là chứng nhân, là Tin Mừng Phục Sinh, là hoa trái thánh thiện mà Chúa Thánh Thần đang hành động nơi cuộc sống này. Amen.

Về mục lục

 


CHÚA THÁNH THẦN LÀ LÀN GIÓ ĐƯA THUYỀN RA KHƠI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

Hàng năm, tại đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, có lễ hội Khao Lề Thế Lính để tưởng nhớ đến Hải Đội Hoàng Sa. Lễ hội này nhắc lại hình ảnh rất quen thuộc của người dân vùng biển, đó là những con thuyền căng buồm no gió vượt sóng ra khơi của những người lính. Họ đi đến những vùng đảo xa xôi nhất của tổ quốc để cắm mốc xác định chủ quyền và thực thi nhiệm vụ bảo vệ biển đảo. Những người lính này ra đi hầu như không ai trở lại, vì vậy, ngày lễ hội này như ngày tiễn chân và cũng là lễ tang dành cho họ.

Căng buồm ra khơi cũng là sứ mạng của Giáo Hội, mà Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ : Các con hãy đưa tuyền ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá. Được gợi hứng từ lệnh truyền này, Giáo Hội vẫn ví mình như con thuyền được làn gió của Chúa Thánh Thần làm cho căng cánh buồm, dẫn thuyền ra khơi để thực thi nhiệm vụ rao giảng Tin Mừng, mở mang Nước Chúa. Lễ Chúa Thánh Thần Hiện xuống như là ngày khởi đầu cho sứ vụ này.

Sách Công vụ cho thấy, dù Tin Mừng Phục Sinh đã khơi lên trong các Tông đồ niềm hân hoan vui mừng, nhưng các ông vẫn để mình bị co cụm trong căn phòng cửa đóng then cài. Lúc ấy, một biến cố đặc biệt đã xảy ra : một âm thanh lớn từ trời làm cho mọi sự rung chuyển, các cánh cửa của căn phòng bị mở tung bởi luồng gió mạnh và Thánh Thần ngự đến như những hình lưỡi lửa đậu xuống trên đầu các Tông đồ và họ được đầy tràn Thánh Thần. Nếu như trước đây, các Tông đồ sống trong khép kín và câm nín, thì hôm nay, Thánh Thần đã thay đổi hoàn toàn các ông. Thánh Thần không chỉ mở toang cửa nhà, mà còn mở tâm hồn và mở miệng các Tông đồ. Mở tâm hồn để các ông thêm can đảm mạnh dạn, mở miệng để các ông nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Với sự biến đổi của Chúa Thánh Thần, các Tông đồ đã ra khỏi căn phòng tiệc ly để bắt đầu bước ra với mọi người và với thế giới. Hình ảnh các Tông đồ nói các thứ tiếng khác nhau, các dân tộc cùng tề tựu lại nghe các Tông đồ rao giảng và họ hiểu được các ông, chứng tỏ rằng Thánh Thần là Đấng quy tụ muôn dân nên một. Nếu như ngày xưa do tội lỗi và sự cao ngạo của con người đã khiến loài người chia rẽ, không hiểu nhau, thì hôm nay, Thánh Thần đã quy tụ muôn dân muôn nước nên một. Họ trở thành một cộng đoàn duy nhất, dù khác nhau về ngôn ngữ, chủng tộc, nhưng tất cả họ đều hiểu một ngôn ngữ, đó là ngôn ngữ của Tin Mừng, ngôn ngữ của tình yêu.

Từ đây, ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống đánh dấu ngày Giáo Hội xuất hiện công khai trước thế giới, là ngày căng buồm ra khơi để thực thi mệnh lệnh Chúa Giêsu Phục Sinh trao cho Giáo Hội. Các Tông đồ lên đường trong hân hoan tin tưởng vì Thánh như vị hoa tiêu dẫn đường cho con thuyền Giáo Hội vượt biển khơi. Các ông hân hoan vì được thực thi sứ mệnh cao cả là đem tình yêu thương và tha thứ của Chúa đến cho mọi người, tin tưởng vì Chúa Giêsu luôn hiện diện và đồng hành với các ông.

Thánh Gioan và các Tông đồ xác tín vào sứ mạng Chúa Phục Sinh trao phó trong lần Chúa hiện ra với các ông. Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, Chúa hiện đến đứng giữa các ông, Ngài đã trao cho các Tông đồ món quà cao quý, đó là sự bình an. Ngài nói với các ông : Bình an cho các con ! Kế theo là mệnh lệnh : Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai anh em. Cùng với mệnh lệnh sai đi, Chúa còn ban cho các ông sức mạnh của Thánh Thần. Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và nói : Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần.

Như thế, sứ mạng được sai đi của các Tông đồ luôn gắn liền với Chúa Thánh Thần. Kể từ đây, mọi hoạt động của các Tông đồ đều được đặt dưới sự hướng dẫn dạy bảo của Chúa Thánh Thần. Thánh Thần là sức mạnh, là động lực thúc đẩy người tông đồ lên đường rao giảng và là sức mạnh biến đổi những người nghe lời rao giảng của các Tông đồ. Một trong những ơn của Thánh Thần được trao ban qua các Tông đồ là ơn tha thứ : Anh em tha tội cho ai thì tội người ấy được tha, anh em cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại.

Giáo Hội đã không ngừng thi hành sứ mệnh ra khơi loan báo Tin Mừng suốt hơn hai ngàn năm qua, dưới sự hiện diện và hoạt động sống động của Chúa Thánh Thần. Ngày nay, với những thay đổi nhanh chóng của con người và xã hội, con thuyền Giáo Hội dường như phải đối diện với nhiều sóng gió hơn, khiến cho nhiều người bị rơi vào cám dỗ muốn dừng chân cập bến, hoặc ngại ngần khi nói về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài.

Nhiều người Công Giáo bị mặc cảm vì mình chỉ là số ít trong đại dương mêng mông những người vô thần và các tôn giáo, khiến họ không mạnh dạn nói về Chúa Kitô. Nhiều người khác để mình ngủ quên trong công việc, trong nếp sống khiến họ không còn nhiệt thành nói về Chúa cho mọi người. Nhưng lý do quan trọng hơn, khiến cho nhiều người Công Giáo ngại nói về Chúa Giêsu là vì họ đã để cho ngọn lửa của Chúa Thánh Thần, mà mỗi người đã lãnh nhận, chỉ còn leo lét yếu ớt bởi thiếu sự cộng tác, thiếu lòng nhiệt thành. Nhiều người đã để cho sự ồn ào của cuộc sống và sự cao ngạo làm cản trở hoạt động của Chúa Thành Thần trong cuộc đời. Nhiều người khác không mạnh dạn nói về Chúa Giêsu bởi vì họ biết rất ít về Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, họ chưa một lần được gặp gỡ, tiếp xúc với Chúa cách riêng tư qua cầu nguyện hay qua việc đọc và suy niệm Kinh Thánh, khiến họ ngại ngần khi phải nói về Chúa Giêsu.

Chúa Thánh Thần đang dùng Đức Thánh Cha Fancis để hướng Giáo Hội vào một lãnh vực truyền giáo mới, đó là cuộc đương đầu với làn sóng đói nghèo và vấn đề ô nhiễm môi trường. Làn sóng này đang tấn công trực tiếp vào con người, làm lu mờ hình ảnh Thiên Chúa và hủy hoại môi trường sống là ngôi nhà chung Thiên Chúa trao tặng cho con người. Ngài mời gọi mọi người cùng với Chúa Thánh Thần, hãy mạnh dạn “đi ra” thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng Tình thương của Chúa Giêsu cho những người ở bên cạnh, những người ở “vùng ven”. Đó là những người nghèo khổ đang bị bỏ rơi, đang cần sự quan tâm, chia sẻ, an ủi của mỗi chúng ta. Khi mạnh dạn ra khỏi sự an toàn của mình, ra khỏi sự êm ấm tiện nghi của mình để bước đến với họ, để an ủi và giúp đỡ họ là chúng ta đang mang tình yêu thương của Chúa đến với họ. Những người chung quanh đang muốn tiếp cận, học biết Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, không chỉ bằng tai, mà bằng sự cảm nhận, tiếp xúc cụ thể qua đời sống của mỗi chúng ta. Khi khiêm tốn đón nhận sự chỉ dạy của Thánh Thần qua các vị chủ chăn và hăng hái thi hành, là chúng ta đang cùng với Giáo Hội đi ra để bắt đầu cho một hành trình truyền giáo mới.

Việc làm của Đức Thánh Cha đã và đang có tác động trên nhiều người : Tổng thống Cuba, ông Raul Castro, đã viếng thăm Tòa Thánh để cảm ơn Đức Thánh Cha về nỗ lực hòa giải giữa Cuba và Hoa Kỳ. Trong lần gặp tuần qua, trước khi ra về, ông đã thưa với Đức Thánh Cha : Nếu Đức Thánh Cha vẫn tiếp tục con đường hòa giải và hòa bình này cũng như quan tâm đến những người nghèo, tôi sẽ trở lại với việc cầu nguyện và trở lại với Giáo Hội.

Trong bài phát biểu nói về cuộc viếng thăm của Đức Thánh Cha đến hoa Kỳ sắp tới, Tổng thống Obama đã nói : Các Kitô hữu tại Mỹ hãy hành động sao cho giống với Đức Giáo Hoàng Fancis. Ngài là con người “có sức biến đổi” và “quyết tâm” của Giáo Hoàng muốn đương đầu với nạn nghèo đói là trọng tâm đời sống Kitô hữu của ngài và đã làm cho ngài trở nên một biểu tượng toàn cầu.

Cùng với Mẹ Maria, xin cho mỗi chúng ta dám căng cánh buồm cuộc đời, đón nhận làn gió của Thánh Thần để ra khơi đem nhiều linh hồn về cho Chúa. Amen.

Về mục lục


CHÚA PHỤC SINH TRAO BAN THẦN KHÍ

Lm. Đan Vinh

I/ HỌC LỜI CHÚA

1/ TIN MỪNG: Ga 20,19-23

(19) Vào chiều ngày ấy, ngày thứ nhất trong tuần, nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em !”. (20) Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được thấy Chúa. (21) Người lại nói với các ông: “Bình an cho anh em ! Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em”.(22) Nói xong, Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. (23) Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ”.

2/ Ý CHÍNH

Chúa Giê-su Phục Sinh hiện đến mang lại cho các môn đệ sự bình an (c 19) và niềm vui (c 20). Sau đó Người sai các ông đi (c 21a), giống như Chúa Cha đã sai Người (c 21b). Cuối cùng, để giúp các ông chu toàn sứ mạng, Người đã thổi hơi ban Thánh Thần cho các ông (c 22), nhờ quyền năng Thánh Thần, các ông sẽ tha hay cầm giữ tội của người ta tùy theo họ tin hay không tin lời rao giảng của các ông (c 23).

3/ CHÚ THÍCH

– C 19-20: + Vào chiều ngày ấy, ngày thứ Nhất trong tuần: Theo sách Sáng Thế, ngày thứ Nhất là ngày sau ngày Sa-bát. Từ nay, ngày thứ Nhất được gọi là Chúa Nhật nghĩa là Ngày của Chúa để kỷ niệm mầu nhiệm Chúa Phục Sinh và các Ki-tô hữu có bổn phận hội họp nhau lại cử hành nghi thức Bẻ Bánh. + Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do thái: Lý do cửa đóng then cài, là vì các ông bị hoang mang giao động. Các ông sợ người Do thái sẽ đến bắt bớ các ông như họ đã bắt Thầy các ông.+ Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông: Điều này cho thấy thân xác Chúa Phục Sinh không còn bị giới hạn trong không gian và thời gian như khi Người còn đang sống. +“Bình an cho anh em !”: Trong bữa Tiệc ly trước khi nộp mình chịu chết, Đức Giê-su đã hứa ban bình an cho môn đệ (x. Ga 14,27), và động viên các ông can đảm đương đầu với những thử thách sắp đến (x. Ga 16,33). Giờ đây sau khi sống lại, Người đã thực hiện lời hứa ấy bằng việc hai lần chúc bình an cho các ông (x. Ga 20,19.21). + Người cho các ông xem tay và cạnh sườn: Chúa Giê-su cho môn đệ xem các dấu đinh đã bị đinh đóng xuyên thủng nơi hai bàn tay (x. Ga 19,23) và vết thương bị lưỡi đòng đâm thâu ở cạnh sườn (x. Ga 19,34). Điều này chứng tỏ thân xác Chúa Phục Sinh cũng chính là thân xác Người đã từng chịu khổ nạn trước đó.

-C 21-23: + Như Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em: Việc hiện ra và sai các môn đệ ngay sau khi sống lại, cho thấy mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng của ơn gọi và sứ mạng loan báo Tin mừng của Hội thánh. Như Chúa Giê-su đã được Chúa Cha sai xuống trần gian, thì giờ đây, sau khi phục sinh và được Chúa Cha siêu tôn làm “Chúa” (x. Pl 2,11) và được trao toàn quyền trên trời dưới đất (x. Mt 28,18), Người lại sai các môn đệ ra đi làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Người (x. Mt 28,19), và làm chứng nhân cho Người (x. Cv 1,8). + Người thở hơi vào các ông và nói: Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần: Xưa khi sáng tạo lòai người, Thiên Chúa đã thổi sinh khí vào hình nhân bằng đất sét, để hắn trở thành một người sống động là ông A-dam (x St 2,7). Thì nay, Chúa Phục Sinh cũng thổi Thần Khí để biến đổi các môn đệ nên người mới, đầy ân sủng sự sống của Thánh Thần. Tuy nhiên ngay lúc này các ông chưa đón nhận được ơn Thánh Thần, vì còn thiếu đức tin. Vì thế Chúa Phục Sinh đã phải hiện ra nhiều lần và dùng nhiều cách để tăng cường đức tin cho các ông. Chờ đến lễ Ngũ Tuần, Thánh Thần được ban trước đó mới phát huy tác dụng trên các ông (x. Cv 2,1-4). + Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ: Đức Giê-su đã được Gio-an Tẩy giả giới thiệu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1,29). Sứ mạng của Người là tẩy xóa tội lỗi loài người bằng việc ban ơn tha thứ cho những tội nhân thực lòng sám hối và biết đặt trọn niềm tin nơi Người (x Lc 23,40-43). Giờ đây các môn đệ cũng được Người trao quyền tha tội trong quyền năng Thánh Thần.

4/ CÂU HỎI

1) Tại sao Chúa Giê-su cho các môn đệ xem tay và cạnh sườn Người sau khi sống lại ?
2) Người dã sai các ông đi rao giảng Tin mừng khi nào ?
3) Đức Giê-su đã làm gì để ban Thánh Thần cho các môn đệ ?
4) Các ông đã nhận được ơn Thánh Thần vào lúc nào? Nhưng các ông chỉ được Thánh Thần tác động thực sự khi nào ? Tại sao ?
5) Chúa Phục Sinh đã ban quyền tha tội và cầm buộc cho các môn đệ qua câu nói nào ?

II/ SỐNG LỜI CHÚA

1/ LỜI CHÚA: “Người thổi hơi vào các ông và bảo: “Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ tội ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20,22-23).

2/ CÂU CHUYỆN: THÁNH THẦN TÁC ĐỘNG TRONG CÁC TÍN HỮU

Trên một toa tàu chợ phát xuất từ thành phố Can-quýt-ta Ấn Độ, giữa đám hành khách nghèo khổ đang ngồi la liệt trên sàn tàu, có một phụ nữ tay cầm tràng hạt, mắt nhắm lại và miệng lẩm bẩm đọc kinh. Người phụ nữ đó không ai khác hơn là bà Tê-rê-sa. Về sau người đời đã gọi bà bằng một cái tên thân thương: “Mẹ Tê-rê-sa thành Can-quýt-ta”. Bà là người đã sáng lập dòng Thừa sai Bác ái, với nhiệm vụ chuyên lo tìm kiếm những bệnh nhân nghèo khổ đang hấp hối gần chết và bị bỏ rơi trên các hè phố thành Can-quýt-ta. Họ thuộc giai cấp cùng đinh trong xã hội nước Ấn. Sứ mệnh của chị em nữ tu này là mang những người đó về tu viện chăm sóc và giúp họ được chết trong bình an. Về sau mẹ Tê-rê-sa đã kể lại ơn gọi ấy như sau: “Khi nhìn thấy đám người nghèo khổ kia đang nằm ngồi ngổn ngang trên sàn tàu, đột nhiên có một sức mạnh đã đổ ập xuống trên tôi, làm cho tôi tự nhiên cảm thấy họ chính là những Chúa Giê-su đang bị bỏ rơi. Tôi sẽ phải làm gì để giúp đỡ họ đây ?”. Sau đó bà đã quyết định lập một dòng nữ với sứ mệnh chuyên lo phục vụ cho những người nghèo khổ này. Rồi bà bắt tay vào việc đầu tiên là tìm mướn một căn nhà để làm nơi phục vụ cho họ, đang khi trong túi bà chỉ còn đúng ba đồng bạc Ấn ! Nhưng nhờ ơn Chúa giúp mà ngày nay dòng Thừa sai Bác ái của Mẹ Tê-rê-sa Can-quýt-ta đã lan truyền đi khắp các nước trên thế giới. Quả thực, điều này cho thấy Chúa Thánh Thần luôn hiện diện và họat động nơi mọi thành phần dân Chúa trong Hội Thánh.

3/ THẢO LUẬN: 1) Phân biệt Thánh Thần và thiên thần giống và khác nhau thế nào ? 2) Ngày nay các tín hữu nhận được ơn Thánh Thần khi nào ? 3) Mỗi tín hữu hôm nay phải làm gì để được Thánh Thần tác động giống như các Tông đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần khi xưa ?

4/ SUY NIỆM

1) THÁNH THẦN LÀ ĐẤNG NÀO ?

– Về việc đầu thai của Đức Giê-su: Hội Thánh tuyên xưng đức tin như sau: “Bởi phép Đức Chúa Thánh Thần mà Người xuống thai, sinh bởi bà Ma-ri-a đồng trinh” (x. Lc 1,35). Chính nhờ quyền năng Thánh Thần, Trinh Nữ Ma-ri-a đã thụ thai Hài Nhi Giê-su mà vẫn còn trinh khiết vẹn toàn.

– Khi Đức Giê-su bắt đầu sứ mạng rao giảng Tin mừng: Người đã đến xin chịu phép Rửa của Gio-an tại sông Gio-đan. Vừa chịu phép Rửa xong, Thánh Thần lấy hình chim bồ câu từ trời ngự xuống và lưu lại trên Người (x. Mt 3,16b). Sau đó, Thánh Thần đã hướng dẫn Người vào sa mạc ăn chay cầu nguyện và chịu thử thách cám dỗ. Chính nhờ sức mạnh của Thánh Thần mà Đức Giê-su đã chiến thắng ba cơn cám dỗ của ma quỷ (x. Mt 4,1-10).

– Trong quyền năng của Thánh Thần, Người đi rao giảng Tin mừng Nước Trời: Người bắt đầu rao giảng từ Ga-li-lê (x. Lc 4,14-15). Nhờ Thánh Thần mà Người đã xua trừ ma quỷ (x. Mt 12,28) và chữa lành các bệnh họan tật nguyền trong dân (x. Mt 4,23). Khi được Thánh Thần tác động, Ngừơi đã vui mừng thốt lên lời ngợi khen Chúa Cha (x. Lc 10,21).

– Sau khi phục sinh và được đầy Thánh Thần: Đức Giê-su đã hiện ra với các môn đệ để chúc bình an (x. Ga 20,19), rồi sai các ông đi rao giảng Tin mừng (x. Ga 20,21), và tiếp tục sứ mạng của Ngừơi (x. Mt 28,19-20). Người cũng thổi hơi ban Thánh Thần để giúp các ông chu toàn sứ mạng rao giảng ấy (x. Ga 20,22). Cuối cùng, Người còn ban cho các ông quyền tha tội hay cầm giữ tội của người ta nhờ quyền năng của Thánh Thần (x. Ga 20,23).

2) VAI TRÒ CỦA CHÚA THÁNH THẦN TRONG HỘI THÁNH SƠ KHAI:

– Thánh Thần tác động trong Cộng Đoàn Hội Thánh: Sách Công Vụ Tông Đồ thuật lại như sau: “Khi đến ngày lễ Ngũ Tuần, mọi người đang tề tựu ở một nơi. Bỗng từ trời phát ra một tiếng động như tiếng gió mạnh ùa vào đầy cả căn nhà, nơi họ đang tụ họp. Rồi họ thấy xuất hiện những hình lưỡi giống như lưỡi lửa, tản ra đậu xuống từng người một. Và ai nấy đều được tràn đầy ơn Thánh Thần , họ bắt đầu nói các thứ tiếng khác nhau tùy theo khả năng Thánh Thần ban cho” (Cv 2,1-4).

– Thánh Thần biến đổi các Mục Tử của Hội Thánh: Thời sơ khai, Thánh Thần đã tác động để biến đổi các Tông đồ (x. 1 Cr 12,4-11): Từ tình trạng nhút nhát sợ hãi trở nên can đảm và công khai làm chứng cho Chúa Giê-su trước mặt đám đông (x. Cv 2,14-36); Từ tình trạng kém hiểu biết Lời Chúa, trở nên khôn ngoan, hiểu rõ mọi điều Chúa đã truyền dạy trước đó (x. Ga 16,12-13); Từ tình trạng buồn chán thất vọng và muốn thoái lui, trở nên nhiệt thành yêu mến Chúa, tràn đầy niềm vui hy vọng (x. Lc 24,32-35). Nhờ Thánh Thần mà các Tông đồ đã đón nhận nhiều tín hữu bày tỏ lòng sám hối và xin chịu phép Rửa gia nhập Hội Thánh (x. Cv 2,41).

– Thánh Thần liên kết muôn người nên một: Lúc đó tại Giê-ru-sa-lem, có những người Do Thái sùng đạo, từ các dân thiên hạ trở về. Nghe tiếng ấy, có nhiều người kéo đến. Họ kinh ngạc vì ai nấy đều nghe các Tông đồ nói tiếng bản xứ của mình. Họ sửng sốt, thán phục và nói: “Những người đang nói đó không phải là người Ga-li-lê cả ư? Thế sao mỗi người chúng ta lại nghe họ nói tiếng mẹ đẻ của chúng ta?” (Cv 2,5-8). Đã có 15 dân tộc nghe các Tông đồ rao giảng. Trái với nhân loại thời Tổ phụ Nô-e, do kiêu ngạo muốn thách thức Thiên Chúa đã hè nhau xây tháp Ba-ben, và đã chia rẽ thành nhiều dân tộc nói các thứ tiếng khác nhau (x St 11,1-9), thì hôm nay chính Thánh Thần đã hiệp nhất các dân tộc để cùng tuyên xưng một đức tin.

– Thánh Thần soi lòng mở trí giúp lương dân đón nhận chân lý: Sau bài giảng đầu tiên của Tông đồ Phê-rô, nhờ ơn Thánh Thần tác động nên đã có tới ba ngàn người đang ở tại Giê-ru-sa-lem tin theo Chúa Giê-su và đã chịu phép rửa gia nhập vào Hội Thánh (Cv 2,41). Những tín hữu này đã họp thành cộng đoàn Hội Thánh Sơ Khai.

– Thánh Thần thúc đẩy sự hiệp nhất trong Hội Thánh Sơ Khai: Cũng nhờ ơn Thánh Thần mà Cộng đoàn tín hữu đầu tiên ở Giê-ru-sa-lem đã luôn sống hiệp nhất với nhau, siêng năng tham dự lễ Bẻ Bánh và cầu nguyện không ngừng. Nhờ sự hiệp thông này mà số người xin gia nhập Hội thánh ngày một gia tăng (x. Cv 2,42-47).

3) CỘNG TÁC VỚI CHÚA THÁNH THẦN:

Mỗi người chúng ta cần cộng tác với Chúa Thánh Thần để nên thánh và góp phần cứu rỗi anh em như sau:

– Nên “Muối mặn ướp thiên hạ, Ánh sáng chiếu soi và Men trong bột”: Trong lịch sử phát triển của Hội Thánh từ xưa đến nay, xem ra Hội thánh mới chỉ phát triển được về chiều rộng hơn là chiều sâu. Biết bao Kitô hữu hiện nay mới chỉ giữ đạo theo thói quen đạo đức hình thức là siêng năng đọc kinh xưng tội rước lễ, và nghĩ làm được như thế là đủ để được ơn cứu độ, mà không quyết tâm gặp gỡ Chúa Giê-su để được ơn biến đổi nên tốt về cả về nhân bản và đức tin như Chúa Giê-su đã dạy là «Phải thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật» (Ga 4,24). Chính vì thế mà Hội Thánh hiện nay đã không còn tăng triển mạnh mẽ như thời sơ khai sau khi nhận được đầy Thánh Thần. Ngày nay Hội thánh không ngừng kêu gọi mọi tín hữu hãy ăn năn sám hối, canh tân nếp sống đạo nhờ ơn phù trợ của Thánh Thần, để trở thành “Muối cho đời; Ánh sáng cho trần gian” (x. Mt 5,13-16) và “Nắm men vùi vào ba đấu bột” (x Mt 13,33).

– Để trở thành «men trong bột»: Muốn biến đổi xã hội hiện nay, Hội Thánh cần có nhiều tín hữu tốt lành, nhiệt thành yêu mến Lời Chúa và biết đem lời Chúa vào cuộc sống để trở thành “chứng nhân hơn là thầy dạy”. Vì chính những chứng nhân thực sự tốt lành mới có sức tác động đến những người chung quanh bằng lời nói và gương sáng bác ái… Nhờ đó, mỗi tín hữu chúng ta mới chu toàn được sứ mạng của mình là “làm cho Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến, Ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời” (K Lạy Cha).

– Cầu xin ơn Thánh Thần và sẵn sàng cộng tác với Ngài: Chúa Thánh Thần luôn động viên khích lệ mỗi người chúng ta phải trở nên «Muối mặn ướp thiên hạ, ánh sáng chiếu soi và men tốt cho tha nhân” như lời Chúa Giê-su đã dạy: “Ánh sáng của anh em phải chiếu giãi trước mặt thiên hạ, để họ thấy những công việc tốt đẹp anh em làm, mà tôn vinh Cha của anh em, Đấng ngự trên trời” (Mt 5,16). Tuy nhiên chúng ta chỉ làm chứng cho Chúa cách hữu hiệu nhờ ơn Thánh Thần. Mỗi người hãy năng cầu xin Thánh Thần giúp mình năng đọc Lời Chúa và quyết tâm thực hành mến Chúa yêu người như nội dung kinh Hòa Bình của thánh Phan-xi-cô.

5/ NGUYỆN CẦU

– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Nhiều khi chúng con cảm thấy Thánh Thần xa lạ, đang khi Ngài thật là một người Bạn, người Thầy của chúng con. Ngài luôn ở bên và ở trong chúng con. Ngài cần cho đức tin của chúng con, giống như hơi thở cần cho sự sống. Chúng con chỉ có thể gọi Thiên Chúa “Áp-ba! Ba ơi !” nhờ Thánh Thần, Đấng làm cho chúng con trở nên nghĩa tử (x. Rm 8,15). Chúng con chỉ có thể gọi Đức Giê-su là “Chúa” khi chúng con ở trong Thánh Thần (x. 1 Cr 12,3). Chính nhờ có Chúa Thánh Thần hướng dẫn, chúng con mới dám cầu nguyện và mới cảm nghiệm được sự ngọt ngào của Lời Chúa Giê-su. Cũng chính nhờ Chúa Thánh Thần tác động mà Hội thánh không ngừng canh tân đổi mới.

– LẠY CHÚA PHỤC SINH, xin ban Thánh Thần như cơn gió mạnh, thổi đi mọi nỗi âu lo sợ hãi cùng những rụt rè khép kín trong tâm hồn chúng con. Xin thắp sáng ngọn lửa tin yêu trong lòng chúng con, để chúng con có thể chu toàn sứ mạng được sai đi, với một trái tim bừng cháy lửa mến yêu. Xin ban cho chúng con sự sống của Thánh Thần để chúng con luôn mến Chúa và yêu tha nhân. Nhờ đó, chúng con hy vọng sẽ trở thành khí cụ bình an của Chúa và tích cực góp phần vào sứ vụ loan báo Tin mừng cứu độ trần gian.

X/ HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.
Đ/ XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.

Về mục lục