Lời Chúa Năm A CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ –...

CÁC BÀI SUY NIỆM LỄ THÁNH PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ TÔNG ĐỒ – NĂM A

Chúa Nhật Lễ Thánh Phêrô và Phaolô Tông Đồ – năm A
Lời Chúa:
 
Cv 12,1-11; Tv 33; 2 Tm 4,6-8.16b.17-18; Mt 16,13-19
***************

 mục lục

1. Phêrô và Phaolô:  Hai vị thánh của tinh thần hiệp nhất  (ĐGM Giuse Vũ Duy Thống, GP. Phan Thiết)

2. Phêrô – Phaolô: Nền tảng đức tin của Giáo hội  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

3. Canh tân để tồn tại  (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

4. Cột trụ Giáo hội  (Trầm Thiên Thu)

5. Hai vì sao sáng  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

6. Hai phong cách một tình yêu  (Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)
 

 


PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ:  HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân : Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria

PHÊRÔ VÀ PHAOLÔ HAI VỊ THÁNH CỦA TINH THẦN HIỆP NHẤT

Có lần đến mừng bổn mạng một vị Linh mục trọng tuổi. Ngài nói đùa rằng : “Tội nghiệp hai Thánh Phêrô và Phaolô quá ! Những ông thánh bà thánh khác nhỏ hơn, thế mà lại được đứng tên một mình độc lập tự do hạnh phúc trong một ngày lễ. Đàng này Phêrô và Phaolô tiếng là hai thánh lớn của cả Giáo hội, thế mà lại phải chen vai đứng chung với nhau chặt chội trong một ngày lễ, dẫu đó là ngày lễ lớn. Ngài cười và phát biểu tiếp : Thà làm lớn trong một ngày lễ nhỏ còn hơn là Phêrô và Phaolô lại chịu làm nhỏ trong một ngày lễ lớn”.

Dĩ nhiên linh mục ấy chỉ nói đùa thôi. Nhưng trong cái tưởng như đùa cợt mua vui giữa các linh mục với nhau biết đâu lại chẳng ẩn chứa một chút nghiêm túc, một thoáng lắng sâu gợi mở cho suy tư về ngày lễ, để rồi khi nhìn vào chân dung của Phêrô và Phaolô bỗng chợt nhận ra dụng ý của Giáo hội; mừng hai Thánh Phêrô và Phaolô chung trong cùng một lễ là muốn nói lên tinh thần hiệp nhất, một tinh thần đã làm nên sự sống và mãi còn là sức sống của Giáo hội.

1. Phêrô và Phaolô : hai vị thánh có nhiều khác biệt

Nói đến hiệp nhất là nói đến một tinh thần gặp gỡ khởi đi từ những cái khác biệt. Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm.

Về thành phần bản thân : Phêrô là dân chài lưới chuyên nghiệp, cuộc sống chỉ diễn ra quanh quẩn nơi biển hồ Tibêria. Tác phong ngài bình dân, tính tình ngài bộc trực, có sao nói vậy, thậm chí đến độ thô thiển mộc mạc. Mặc dù có bề dày kinh nghiệm tuổi tác và ngành nghề, nhưng kiến thức về đời sống của ngài có chăng cũng không lớn hơn diện tích biển hồ. Còn Phaolô, ngược lại, là con nhà trí thức được ăn học đàng hoàng, đã từng có dịp đi lại đó đây. Kiến thức rộng, gốc gác Biệt phái nhiệt thành với truyền thống cha ông, đầy năng lực, tuổi trẻ tài cao và cũng không thiếu tham vọng cho tương lai, nên Phaolô mới nổi máu anh hùng “vấy máu ăn phần” trong việc bách hại các Kitô hữu thuở ban đầu.

Về ơn gọi theo Chúa Giêsu : Phêrô thuộc hệ chính quy, là một trong những tên tuổi mau mắn đáp lời theo Chúa Giêsu từ những ngày đầu sứ vụ công khai của Người. Nhanh nhẩu, mau mắn, hăng hái, ông thường thay mặt cho anh em để lên tiếng phát biểu. Được đặt làm đầu Nhóm Mười Hai đặc tuyển tức là Thủ quân đội tuyển Tông đồ với một bề dầy thành tích đáng gờm. Trong khi đó, Phaolô chỉ là đàn em, đã chẳng được theo trực tiếp Chúa Giêsu lại còn khét tiếng phản động đến nỗi trên đường đi Đamas để bố ráp tín hữu, tiếng từ trời đã phải can ngăn “Ta là Giêsu ngươi đang bắt bớ “. Nhưng đó cũng là khởi đầu của ơn gọi để Phaolô nghĩ lại sám hối mà đầu quân phục vụ Giáo hội. Chính Phaolô đã có lần thú nhận chẳng giấu giếm chi “Tôi là dân sinh sau đẻ muộn”. Không mặc cảm.

Về truyền giáo : Nếu Tông đồ là kẻ được sai đi truyền giáo, thì tuỳ theo khả năng cá nhân, mỗi người lại phục vụ theo cung cách của mình. Phêrô chủ trương “đánh bắt tại chỗ’, phục vụ Kitô hữu đa phần gốc Do Thái trở lại, nên thiết lập toà Antiôkia để dễ dàng điều hành quy tụ là chuyện bình thường. Chính tại Antiôkia, lần đầu tiên trong lịch sử Công giáo, các tín hữu nhận lấy danh xưng : ‘Kitô hữu’. Còn Phaolô lại theo chủ trương “ đánh bắt ngoài khơi”, ra khơi để truyền giáo với những chuyến hải trình không mệt mỏi. Trẻ trung, khỏe mạnh, học rộng, biết nhiều đã trở thành lợi thế cho ngài hành trình về phía trước Dân ngoại.

Chủ trương khác nhau nên có lúc không tránh hết được những va chạm. Đã có to tiếng về vấn đề cắt bì hay không cắt bì cho những người ngoại giáo gia nhập Kitô giáo. Đã có hiểu lầm ấm ức khi đối mặt giữa một bên là cầm cương nẩy mực đạo giáo và một bên là quan tâm đến những nhu cầu mục vụ chính đáng của tín hữu gốc lương tâm. Tuy nhiên khi hiểu ra, hai đấng đã tay bắt mặt mừng trong một tinh thần hiệp nhất lạ lùng !

2. Phêrô và Phaolô : tượng đài hiệp nhất

Khởi đầu sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, nếu hai vị đã hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng thì cũng hiệp nhất trong cùng một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin trung thành minh chứng.

Cùng chết tại Rôma. Cùng chịu tử đạo dù hình thức khác nhau trong những thời điểm khác nhau. Cùng trở thành nền đắp xây toà nhà Hội thánh. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công giáo, để rồi hằng năm cứ vào ngày 29 tháng 6 lại cùng được mừng chung trong một ngày lễ. Chừng đó chữ “cùng” cũng đủ đề Phêrô gần gũi Phaolô và để Phaolô đứng chung với Phêrô như hình với bóng. Mình mới ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai. Mãi mãi Phêrô và Phaolô là tượng đài bất khuất và là bài ca không quên của tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội. Tinh thần ấy hôm nay chỉ ra rằng.

Hiệp nhất không phải là đồng nhất theo kiểu đồng bộ nhất loạt ai cũng phải như ai, giống đồng phục của một hội đoàn hay như trong sản xuất hàng hoá đồng loạt. Nếu máy cùng một đời thì cũng cùng kiều dáng và chất lương như nhau. Hiệp nhất là khởi đi từ những cái khác nhau, những cái dị biệt, để hiểu biết tôn trọng và gắn bó hợp tác chung xây. Như thế mới phong phú đa chiều đa diện đa dạng, như những thành phần khác nhau làm nên một tổng hợp duy nhất hài hoà, như những chi thể khác nhau kết nên một thân mình, như những nốt nhạc cung bậc khác nhau làm thành một hoà âm tròn đầy.

Hiệp nhất cũng không phải là cầu toàn mười phân vẹn mười gọt giũa kỹ càng theo một hình mẫu, làm như tuỳ thuộc hoàn toàn vào ý chí con người mà không cần biết đến những biến số mang tính quyết định khác. Xây dựng một công trình vật thể như nhà cửa phòng ốc không ưng ý, người ta có thể đập bỏ để làm lại một cái mới vừa ý hơn, nhưng xây dựng một công trình phi vật thể nhất là lại liên quan đến yếu tố nhân sự thì không thể một sớm một chiều mà phá huỷ hoặc làm lại được. Nếu “duy ý chí “ đã là một lực cản đáng buồn cho sự tiến bộ, thì ở đây xem ra lại còn đáng buồn và đáng ngại hơn.

Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự dẫn dắt linh động của ơn thánh và chí bền khát khao của mọi thế hệ. “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Nhưng đa dạng cũng đi liền với đa đoan. Không thể có hiệp nhất mà không vất vả. Hiệp mà không nhất chỉ là khiên cưỡng ép duyên bất hạnh ngục tù. Nhất mà không hiệp sẽ cứng cỏi lạnh lùng tự đủ thờ ơ. Hiệp để trở nên nhất và nhất mà vẫn luôn cần chất keo tinh thần của hiệp, đó mới là giá trị làm nên nét đẹp Kitô giáo. Nếu trong tình yêu hôn phối, những điều giống nhau là để hiểu nhau, còn những điểm khác nhau mới để yêu nhau, thì trong hiệp nhất Giáo hội cũng vậy, những điều giống nhau là nền tảng gặp gỡ, còn những điểm khác biệt lại là điều kiện tự nhiên để trở thành đa dạng, cho dẫu nhiều khi vì quá chú tâm đến những khác biệt người ta đã phải gạt lệ nhìn nhau xa cách. Hai cực nam châm giống nhau sẽ đẩy nhau, nhưng hai cực khác nhau mới thu hút gắn bó với nhau.

Tóm lại, Phêrô và Phaolô khác nhau nhiều lắm, nhưng một khi đã được biến đổi bởi niềm tin Phục sinh và nguồn ơn Thánh Thần, hai vị đã trở nên những con người mới, những phần tử hàng đầu xây dựng hiệp thông Giáo hội. Mừng lễ chung hai vị cũng là lúc thể hiện lòng yêu mến và phó thác. Xin hai vị luôn nâng đỡ Giáo hội hiệp thông.

Về mục lục


PHÊRÔ – PHAOLÔ: NỀN TẢNG ĐỨC TIN CỦA GIÁO HỘI

Tác phẩm: “Đức Giáo Hoàng Joan Phaolo II và lịch sử bị che đậy trong thời đại chúng ta” của Carl Bernstein được nhà xuất bản Công An dịch và xuất bản, có đoạn viết về cuộc viếng thăm quê hương Balan lần đầu tiên của Ngài. Tác giả cho thấy, lúc bấy giờ, do chịu sự chi phối của Liên Xô, tổng bí thư của Balan đã chần chử nhiều lần không muốn cho Đức Giáo Hoàng trở về thăm quê hương. Thế nhưng với sự quyết tâm của ĐTC như một người con muốn trở về quê nhà, chuyến viếng thăm đã được chính quyền miễn cưỡng đồng ý và được theo dõi sát sao từ chính quyền Moskva.

Nếu trước đây dưới thời Stalin, ông này đã từng ngạo nghễ thách thức : Hỡi Giáo hoàng, ông có bao nhiều sư đoàn ? Thì giờ đây, dường như họ run sợ trước một con người chỉ mang trên mình chiếc áo dòng trắng và đôi tay mở rộng. Khi chiếc trực thăng chở ĐTC lượn một vòng trên bầu trời thủ đô Vacxava, thì cả khối Nga và Đông Âu như rung chuyển. Người ta thấy chiếc trực thăng lúc ấy như một thiên thạch đang lao xuống Đông Âu. Tất cả lãnh đạo của Liên Xô và Đông Âu tập trung hết sức căng thẳng để theo dõi trực tiếp qua vệ tinh từng động tác của ĐTC và diễn biến cuộc viếng thăm này. Trong khi đó, cả nước Balan tràn ngập niềm vui, sự tự hào. Đám đông tập trung tại quảng trường thủ đô như một biển người dậy sóng. Khi ĐTC bước ra khỏi máy bay, mọi người như nín thở để xem chính quyền cộng sản Balan lúc đó có thái độ nào với người con của đất nước. Người ta thấy ra đón ĐTC có Tổng Bí thư và nhiều thành viên bộ chính trị và chính phủ Balan, khi bước đến gần ĐTC, người ta thấy ông Tổng Bí thư không còn thái độ kênh kiệu như trước đây. Trái lại, ông đã quỳ xuống hôn tay ĐTC. Theo dõi hình ảnh này qua vệ tinh, các lãnh đạo Liên Xô và Đông Âu đã thốt lên : Balan sụp đổ rồi !

Không phải đến thời nay người ta mới tỏ ra thù hận với Giáo Hội, mà ngay từ thời Giáo Hội sơ khai, thời thánh Phêrô và thánh Phaolô đi khắp nơi rao giảng về Đức Kitô và được rất nhiều người tin theo, thì hoàng đế Roma là Nêrô đã ghen tức và tìm cách tiêu diệt các Ngài và các Kitô hữu. Thế nhưng, Nêrô với binh hùng sức mạnh mà vẫn sợ hãi một anh thuyền chài Phêrô đơn sơ không quyền lực, không vũ khí, chỉ có một lòng tin sắt đá vào Đức Giêsu. Cũng thế, một Liên Bang Nga hùng mạnh với đầy đủ bom nguyên tử và vũ khí hạt nhân, nhưng lại sợ hãi một con người bình dị mang trên mình một chiếc áo trắng, không quân đội, không vũ lực, chỉ biết rao giảng chân lý và sự thật, yêu thương và tha thứ.

Những lời rao giảng chân lý đã chạm đến tử huyệt của thế lực thế gian. Vì trong khi những nhà cầm quyền dùng sự hận thù để gieo rắc sự óan hận, dùng sự gian dối để lừa bịp dân chúng, đã tạo ra nhiều thứ hấp dẫn bên ngoài để mê hoặc dân chúng, thì Phêrô và các Đấng kế vị chỉ trung thành với Tin Mừng của Chúa Giêsu, đưa chân lý vào trong tâm hồn, đem sự thật ra nới ánh sáng, đem yêu thương thay thế cho hận thù, lấy tha thứ để chữa lành những vết thương và dập tắt ngòi lửa chiến tranh. Chính những điều này đã bóc trần, đã làm đổ vỡ sự gian dối của xã hội. Cũng vì thế, mà các thế lực xã hội và những nhà cầm quyền dựa trên gian dối, thù ghét đã tìm cách chống phá Giáo Hội.

Phêrô đã xác tín vào sứ mạng mà Thày Giêsu trao phó cho mình. Đó là trở thành tảng đá nền móng cho tòa nhà Giáo Hội, là người củng cố đức tin cho anh em và là người chăn dắt cả chiên con và chiên mẹ của Chúa. Thế nên, Phêrô đã miệt mài với nhiệm vụ này không chùn chân sợ hãi, và ông làm việc với hết lòng yêu mến như ngày nào ông đã cam kết với Thày.

Nhớ ngày nào trên bờ hồ Tiberia, Phêrô cùng với anh em tông đồ đã đồng tâm nhất trí ra khơi đánh cá. Tuy nhiên, với cố gắng cá nhân, các ông đã không đạt được kết quả nào. Thế nhưng, chỉ với một mệnh lệnh của Thày : Hãy thả lưới bên phải mạn thuyền, thì dù Phêrô và các tông đồ đã mệt mỏi suốt đêm, song các ông vẫn thưa lại : Vâng lời Thày, con thả lưới. Và với sự vâng lời ấy, các ông đã được một mẻ lưới đầy ắp cá. Kế đến, khi các ông vào bờ, thì Thày Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho các ông một bữa ăn sáng sau một đêm vất vả. Điều đó càng làm cho Phêrô và các tông đồ xác tín vào lời hứa : Thày sẽ ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế.

Cũng tại bờ hồ vào buổi sáng hôm ấy, Phêrô đã được Chúa Giêsu hỏi đến ba lần : Simon, con ông Gioan, con có yêu mến Thày hơn những người này không ? Đối với Phêrô, ba lần được hỏi làm cho ông hơi buồn. Ông buồn vì ông nghĩ rằng Thày không tin tưởng vào ông, nhưng đúng hơn vì ông cảm thấy vô cùng áy náy, bất xứng trước sự tình yêu quảng đại của Thày. Còn về phía Chúa Giêsu, Ngài thấu suốt tâm hồn của ông. Ngài biết rằng trong số những học trò thì Phêrô là người bộc trực, nhưng chân thành. Vì thế, Ngài muốn nghe và còn muốn nghe không chán lời xác tín yêu thương của Phêrô. Khi ông trả lời : Thưa Thày, Thày biết mọi sự, Thày biệt con yêu mến Thày. Chính lúc Phêrô bày tỏ lòng trung thành, tin yêu như thế, cũng là lúc Chúa trao cho ông một nhiệm vụ hết sức lớn lao : Con hãy chăn dắt các chiên con và chiên mẹ của Thày. Rồi sau đó, Chúa lại mời gọi ông : Hãy theo Thầy. Với lời mời gọi này, Phêrô hiểu mình được gọi để bước vào một giai đoạn mới với nhiều cam go và hy sinh, kể cả việc phải chấp nhận giang tay ra cho người ta thắt lưng và dẫn đi đến nơi mà mình không muốn. Thế nhưng, chỉ với hành trang duy nhất là lòng yêu mến ấy, mà Phêrô đã làm cho Nêrô phải khiếp sợ ; và cũng chỉ với nhiệm vụ chăn dắt, bảo vệ và củng cố đức tin cho đàn chiên Chúa, mà các thế lực trần gian đã phải khiếp sợ Phêrô và các đấng kế vị Ngài.

Phaolô là một thanh niên giỏi giang xuất chúng, một con người nhiệt thành với Do Thái giáo và truyền thống của cha ông. Vậy mà chỉ một lần trên đường Đamas, khi ông đang đi lùng bắt những người tin vào Chúa Giêsu, thì ông đã bị Đức Giêsu bắt lấy. Khi ông còn đang sôi tràn sự kiêu hãnh trên lưng ngựa, thì đã bị Đức Giêsu quật ngã, để rồi từ lần ngã ngựa ấy, ông khiêm tốn hơn để thưa lên với chúa : Lạy Ngài, Ngài muốn tôi làm gì ? Với câu hỏi ấy, Phao lô đã hoàn toàn đầu hàng Đức Kitô và được chọn trở thành người đem Đức Kitô đến cho mọi người. Nếu như trước đây, ông chỉ biết bảo vệ tập tục tôn giáo Do Thái, thì giờ đây, ông lại trở thành người đến với dân ngoại và bảo vệ luật lệ của Tin Mừng.

Cũng giống như Phêrô, qua biến cố bị quật ngã và được sai đi, Phaolô đã nhận ra tình yêu đặc biệt mà Chúa Giêsu dành cho ông. Ông vẫn cảm thấy mình không xứng đáng như các tông đồ khác. Ông chỉ dám nhận mình như đứa con sinh sau đẻ muộn mà được Chúa thương tuyển chọm. Chính vì biết mình được yêu thương, nên Phaolô đã dành trọn cuộc đời không biết mệt mỏi để rao truyền và bênh vực cho Chúa Giêsu. Phaolô đã trải qua nhiều cuộc hành trình truyền giáo với nhiều vất vả : bị tù đày, đòn vọt, bắt bớ, hiểu lầm… Cuối cùng, mang thân của một tù nhân, ông bị giải đến Roma. Dù bị tù tội như thế, ông vẫn làm cho Hoàng đế Roma lo sợ và thèm khát, vì người ta kéo đến với ông không phải vì ông có quyền lực, mà người ta đến với ông để được nghe về Chúa Giêsu, về Tin Mừng, về chân lý và sự thật, và nhất là để được nhìn thấy một chứng nhân của Tin Mừng, của công lý.

Mừng lễ hai thánh tổ của Giáo Hội : Phêrô và Phaolô, chúng ta tạ ơn Chúa vì Chúa đã xây dựng Giáo Hội trên nền tảng đức tin của Phêrô và Phaolô. Đồng thời, chúng ta noi gương các ngài, sống nhiệt thành với Đức Kitô và Giáo Hội, không ngừng rao giảng và giới thiệu Đức Giêsu cho mọi người chung quanh và hết lòng yêu mến, gắn bó với Giáo hội, xây dựng Giáo Hội.

Ngày nay, thế gian và những kẻ thù nghịch vẫn đang tìm mọi cách để bôi xấu và làm tổn thương Giáo Hội. Họ làm nhiều cách để bách hại Giáo Hội và các tín hữu. Họ tìm mọi cách để tách các tín hữu ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội. Chúng ta hãy cẩn thận với những cám dỗ ấy, đừng để mình trở thành kẻ bất mãn hoặc thù nghịch với Giáo Hội, dù có những lúc, chúng ta không được thỏa mãn với cách hành xử của một số các thừa tác viên của Giáo Hội. Đừng chỉ vì một vài sự bất đồng mà quay lưng lại với Giáo Hội là mẹ đã sinh ra chúng ta trong đức tin, đã nuôi dưỡng chúng ta bằng các bí tích và vỗ về, yêu thương, nâng đỡ chúng ta bằng ân sủng của Chúa. Trái lại, hãy yêu mến và gắn bó với Giáo Hội, và hãy cùng với mọi thành viên trong Giáo Hội không ngừng canh tân, đổi mới đời sống đức tin, đời sống đạo, lắng nghe và thực hành theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, cụ thể qua các chủ chăn mà Chúa sai đến với chúng ta.

Xin Chúa giúp chúng ta trở thành những thành viên tích cực trong Hội Thánh, nhiệt thành cùng với các vị chủ chăn và mọi người xây dựng Giáo Hội, làm cho Giáo Hội phát triển hơn. Hãy đón nhận và vâng theo sự hướng dẫn của các Ngài, vì các Ngài được chọn và sai đến do bởi Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

CANH TÂN ĐỂ TỒN TẠI

Trong những loài chim, đại bàng là loài có tuổi thọ cao nhất. Tuổi thọ cao nhất của nó có thể đạt tới 70 tuổi. Để sống được lâu như vậy, lúc 40 tuổi, nó bắt buộc phải đưa ra một quyết định rất khó khăn nhưng vô cùng quan trọng.

Khi đại bàng sống đến 40 tuổi, móng vuốt của nó đã bắt đầu bị lão hóa, sẽ không còn khả năng bắt được mồi như xưa nữa. Đôi cánh của nó cũng trở nên vô cùng nặng nề, bởi lông vũ của nó mọc vừa dài, vừa dày, vừa nhiều, mỗi khi cất cánh bay lên là cảm thấy rất tốn sức. Lúc này chỉ có hai sự lựa chọn: hoặc chết, hoặc trải qua một quá trình đổi mới cực kỳ đau khổ.

Quá trình đổi mới này kéo dài tới 150 ngày, đại bàng buộc phải cam chịu gian khổ để bay lên đỉnh  núi, xây tổ trên vách cheo leo, tại đó nó hoàn thành sự đổi mới.

Đầu tiên, nó dùng mỏ của mình mổ vào đá nham thạch cho đến khi chiếc mỏ hoàn toàn rơi xuống, sau đó yên lặng chờ đợi cho mỏ mới mọc dài ra. Thế nhưng, nó phải dùng cái mỏ mới dài ra đó nhổ từng cái móng chân của mình. Sau khi móng chân dài ra, nó lại nhổ từng sợi lông vũ đi. Sau 5 thàng, lông vũ mới mọc dài ra.

Lúc này con đại bàng đã dành được sự sống mới và đã có thể bắt đầu bay lượn , tìm mồi và sống sung mãn như ngày nào.

Thật đáng khen cho Đại Bàng đã biết tồn tại bằng việc đổi mới. Có bỏ cũ nó mới có cơ hội sở hữu cái mới. Có lột bỏ những thứ đang chết dần mới chiếm hữu được những sự sống mới trổ sinh. Nhìn vào cách đổi mới của Đại Bàng chúng ta càng cảm phục tính gan dạ của nó. Dám chấp nhận lột xác thật đau để nuôi dưỡng mầm sống mới. Nó phải can đảm bẻ gãy cái mỏ già nua, những móng vuốt bị lão hóa, những chiếc lông vũ dầy cộm để thay hình đổi dạng thêm trẻ trung và khỏe mạnh hơn, nhờ vậy mà nó có thể tiếp tục bay cao trên bàu trời.

Hóa ra để được tồn tại không phải là bám vào cái cũ mà là phải loại bỏ cái cũ để đổi mới, để thích nghi với môi trường, nhất là cái cũ ấy là vật cản cho ta tiến thân, là nguyên do làm cho chúng ta trì trệ tinh thần lẫn thể xác.

Cuộc sống con người tưởng chừng như chỉ biết vun quén, xây đắp để tồn tại, thực ra muốn tồn tại phải biết bỏ đi. Bỏ đi những cái cồng kềnh vô ích. Bỏ đi những cái cũ để có khả năng sở hữu cái mới. Bỏ đi những cái đeo bám vào ta nhưng chỉ làm ta trì trệ, yếu đuối. Bỏ đi để ta khỏe mạnh hơn, lạc quan hơn và đầy sức sống hơn.

Cuộc đời của hai thánh tông đồ Phê-rô và Phao-lô là một điển hình. Các ngài có những khuyết tật, có những yếu đuối, nhưng các ngài đã dám lột bỏ con người cũ để làm lại, để dấn thân hoàn thiện con người của mình. Phê-rô đã từng sa ngã, bồng bột. Ông đã từng can ngăn Chúa bước vào tuần thương khó. Ông đã từng vấp phạm chối Chúa đến ba lần. Còn Phao-lô thì lại hăng say nhưng bồng bột. Ông nhân danh chân lý để tàn sát người theo đạo. Ông từng góp mặt trong vụ án giết Ste-pha-nô. Ông đã từng cầm tráp truy đuổi người theo Đức Ky-tô. Thế nhưng, các ngài đã cùng đứng dậy làm lại cuộc đời. Các ngài đã anh dũng đổi đời dù biết rằng cuộc đổi đời ấy sẽ dẫn đến các ngài phải đối diện với bao khó khăn thử thách cùng sự bách hại.

Phê-rô đã đổi đời từ con người nhút nhát hay bàn rùn nay trở nên mạnh mẽ can trường, dám đối diện với sự bách hại mà không hề sợ hãi. Phê-rô đã từng tuyên bố với giới cầm quyền: “phải vâng lời Thiên Chúa hơn là vâng lời người ta”. Phê-rô đã làm chứng cho Chúa trong sự can trường đến hơi thở cuối cùng qua cái chết cùng phận số với Thầy là đóng đinh trên thập giá, nhưng ông đã xin ngược đầu xuống đất!

Phao-lô đã lội ngược dòng khi ông được Chúa đưa vào sa mạc để thực hiện cuộc đổi đời. Từ con người bách hại đạo lại trở thành người rao truyền đạo. Từ lòng nhiệt thành đi bắt bớ người theo đạo lại trở thành người ra đi đem lời Chúa đến khắp năm châu. Lòng nhiệt thành nhà Chúa đã thiêu đốt ngài đến mức độ thánh nhân đã từng nói: “khốn cho tôi nếu tôi không rao giảng tin mừng”.

Con người luôn mang thân phận yếu đuối. Càng sống lâu càng chồng chất những yếu đuối lỗi lầm. Nhưng nhìn vào hai tấm gương tông đồ Phê-rô và Phao-lô cho chúng ta một niềm hy vọng về sự trở về của chúng ta là không bao giờ chậm trễ. Sự trở về là cơ hội giúp chúng ta đổi mới con người, lột bỏ con người cũ để thay đổi đời sống. Nhất là biết cậy dựa vào ơn Chúa để thay đổi đời sống theo thánh ý Thiên Chúa. Thiên Chúa luôn tạo những cơ hội thuận tiện để chúng ta thực hiện cuộc đổi đời. Thiên Chúa luôn ban những ơn cần thiết để chúng ta có khả năng thay đổi cuộc sống.

Ước gì chúng ta luôn biết nhìn nhận sự yếu hèn của mình để chấp nhận cộng tác với ơn Chúa để thực hiện cuộc đổi mới. Xin cho chúng ta đừng bao giờ thất vọng về bản thân nhưng luôn can trường gột rửa con người mình nên hoàn hảo hơn. Và xin cho chúng ta cũng trở nên chứng nhân cho lòng thương xót của Chúa giữa thế giới hôm nay. Amen.

Về mục lục

CỘT TRỤ GIÁO HỘI

Thánh Phêrô và Thánh Phaolô là hai vị được Thiên Chúa đặc cách, và là cột trụ vững bền chống đỡ Giáo hội. Thánh Phêrô được Chúa Giêsu trao “chìa khóa Nước Trời” với cương vị giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội, còn Thánh Phaolô được chọn làm Tông đồ của Dân ngoại.

Ý Chúa nhiệm mầu, chúng ta không thể lý luận để hiểu thấu theo lý lẽ của phàm nhân. Một ngư phủ Simon cương trực, thẳng thắn thật thà, nhưng cũng dứt khoát chối bỏ Thầy mình ngay trong lúc cấp bách nhất, thậm chí có lần còn bị Chúa Giêsu nguyền rủa là Satan (Mt 16:23), nhưng một Phêrô hèn nhát đó đã biến thành một Phêrô can đảm và chịu đóng đinh ngược vì Thầy Giêsu. Một Saolê hung tàn và bạo ngược, quyết tâm giết sạch những ai dám tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thậm chí còn chủ trì trong cuộc sát hại Phó tế Stêphanô (Cv 7:58), nhưng một Saolê độc ác đó đã trở thành một Phaolô nhiệt thành rao giảng về Đức Kitô chịu chết và phục sinh.

Ai theo Chúa Giêsu cũng phải chịu nhiều đau khổ, cách này hoặc cách khác, chứ chẳng ai được thảnh thơi an nhàn. Sách Công Vụ cho biết thực tế đó: “Thời kỳ ấy, vua Hêrôđê ra tay ngược đãi một số người trong Hội Thánh. Nhà vua đã cho chém đầu ông Giacôbê là anh ông Gioan. Thấy việc đó làm vừa lòng người Do-thái, nhà vua lại cho bắt cả ông Phêrô nữa. Bấy giờ đang là tuần lễ Bánh Không Men. Bắt được rồi, nhà vua truyền tống ngục và giao cho bốn tốp lính canh gác, mỗi tốp gồm bốn người, định sau lễ Vượt Qua sẽ điệu ông ra cho dân chúng. Đang khi ông Phêrô bị giam giữ như thế, Hội Thánh không ngừng dâng lên Thiên Chúa lời cầu nguyện khẩn thiết cho ông” (Cv 12:1-5).

Sách Công Vụ tường thuật một phép lạ nhãn tiền cứu thoát ông Phêrô: “Trong đêm trước ngày bị vua Hêrôđê đem ra xử, ông Phêrô ngủ giữa hai người lính và bị khoá vào hai cái xiềng. Trước cửa ngục lại có lính canh. Bỗng thiên sứ của Chúa đứng bên cạnh ông, ánh sáng chói rực cả phòng giam. Thiên sứ đập vào cạnh sườn ông Phêrô, đánh thức ông và bảo ông đi. Xiềng xích liền tuột khỏi tay ông. Thiên sứ bảo ông thắt lưng và xỏ dép. Ông làm như vậy. Rồi thiên sứ lại bảo ông khoác áo choàng vào và đi theo thiên sứ. Ông liền theo ra mà không biết việc thiên sứ làm đó có thật hay không, cứ tưởng là mình thấy một thị kiến” (Cv 12:6-9). Chuyện xảy ra ngoạn mục tưởng như chỉ có trong phim ảnh, viễn tưởng, thế nhưng lại là chuyện có thật. Chính ông Phêrô cũng không hề biết mình tỉnh hay mơ kia mà!

Qua vọng canh thứ nhất, rồi vọng canh thứ hai, thiên sứ và ông Phêrô tới trước cửa sắt thông ra phố. Cửa tự động mở ra trước mặt hai người. Ra đến ngoài, đi hết một đường phố, bỗng nhiên thiên sứ bỏ ông mà đi. Lúc ấy ông Phêrô mới hoàn hồn: “Bây giờ tôi biết thực sự là Chúa đã sai thiên sứ của Người đến, và Người đã cứu tôi thoát khỏi tay vua Hêrôđê và khỏi mọi điều dân Do-thái mong muốn tôi phải chịu” (Cv 12:11). Thực tế thật 100% chứ không hề là chiêm bao hoặc mộng ảo. Kỳ diệu quá! Quả thật, “đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được” (Lc 1:37).

“Ăn cây nào rào cây nấy”, đó là quy luật tất yếu ở đời. Về phương diện tâm linh cũng vậy thôi. Chúng ta lãnh nhận Ơn Chúa quá nhiều mà có lẽ ít khi biết tạ ơn. Hãy noi gương của tác giả Thánh Vịnh: “Tôi sẽ không ngừng chúc tụng Chúa, câu hát mừng Người chẳng ngớt trên môi. Linh hồn tôi hãnh diện vì Chúa, xin các bạn nghèo nghe tôi nói mà vui lên.4 Hãy cùng tôi ngợi khen Đức Chúa, ta đồng thanh tán tụng danh Người. Tôi đã tìm kiếm Chúa, và Người đáp lại, giải thoát cho khỏi mọi nỗi kinh hoàng” (Tv 34:2-5).

Thiên Chúa là Đấng đại lượng, giàu lòng thương xót, không làm ngơ những người tin yêu Ngài: “Ai nhìn lên Chúa sẽ vui tươi hớn hở, không bao giờ bẽ mặt hổ ngươi. Kẻ nghèo này kêu lên và Chúa đã nhận lời, cứu cho khỏi mọi cơn nguy khốn. Sứ thần của Chúa đóng trại chung quanh để giải thoát những ai kính sợ Người” (Tv 34:6-8). Với kinh nghiệm sống tâm linh, tác giả Thánh Vịnh chia sẻ và mời gọi: “Hãy nghiệm xem Chúa tốt lành biết mấy: hạnh phúc thay kẻ ẩn náu bên Người!” (Tv 34:9).

Nhờ kinh nghiệm cú ngã ngựa, kinh nghiệm độc nhất vô nhị, và đó cũng là phép lạ nhãn tiền, Thánh Phaolô trở nên trưởng thành tâm linh nên chân thành chia sẻ tâm sự: “Tôi sắp phải đổ máu ra làm lễ tế, đã đến giờ tôi phải ra đi. Tôi đã đấu trong cuộc thi đấu cao đẹp, đã chạy hết chặng đường, đã giữ vững niềm tin. Giờ đây tôi chỉ còn đợi vòng hoa dành cho người công chính; Chúa là vị Thẩm Phán chí công sẽ trao phần thưởng đó cho tôi trong Ngày Ấy, và không phải chỉ cho tôi, nhưng còn cho tất cả những ai hết tình mong đợi Người xuất hiện” (2 Tm 4:6-8). Ước gì chúng ta cũng có thể xác định được như Thánh Phaolô, nhất là khi sắp rời cõi đời này!

Thánh nhân nói được như vậy vì luôn hoàn toàn tín thác vào Thiên Chúa: “Nhưng có Chúa đứng bên cạnh, Người đã ban sức mạnh cho tôi, để nhờ tôi mà việc rao giảng được hoàn thành, và tất cả các dân ngoại được nghe biết Tin Mừng. Và tôi đã thoát khỏi nanh vuốt sư tử. Chúa sẽ còn cho tôi thoát khỏi mọi hành vi hiểm độc, sẽ cứu và đưa tôi vào vương quốc của Người ở trên trời. Chúc tụng Người vinh hiển đến muôn thuở muôn đời. Amen” (2 Tm 4:17-18). Các thư của Thánh Phaolô là kho tàng về đời sống tâm linh, chúng ta có thể thấy mọi trường hợp mà hằng ngày chúng ta vẫn gặp. Thánh Phaolô giỏi về kiến thức đời thường và giỏi cả kiến thức tâm linh nữa, đồng thời cũng như một tâm lý gia vậy.

Cuộc đời là một cuộc chiến không ngừng. Chính Thánh Phaolô cũng đã than phiền về tính vô định của mình: “Điều tôi muốn thì tôi lại không làm, điều tôi không muốn thì tôi lại làm” (Rm 7:19). Chán thật! Nhưng con người là thế, do đó mà phải nỗ lực từ bỏ chính mình để có thể vác thập giá bước theo Đức Giêsu Kitô. Vấn đề là có muốn hay không, chứ vác thập giá “oải” lắm, hiếm khi ngon trớn, thường thì kéo lê, lúc thì ngã quỵ,… Mệt lắm! Chúa biết lắm, vì Ngài thấu suốt mọi sự (1 Ga 3:20). Thiên Chúa toàn năng luôn quan phòng và tiền định mọi thứ, ngay cả từng sợi tóc trên đầu mỗi người chúng ta cũng đã được Ngài đếm cả rồi (Mt 10:30).

Hai lão tướng Phêrô và Phaolô đã biến đổi nhờ đau khổ. Thật vậy, chính đau khổ mới làm cho người ta thành nhân, cả đời thường và tâm linh. Đau khổ có giá trị kỳ diệu, thế nên chính Đức Kitô đã chịu đau khổ tới tột cùng để làm gương cho chúng ta. Ngài đau khổ để chúng ta được hạnh phúc, ngài chết để chúng ta được sống. Để có thể chịu đau khổ, người ta phải có niềm tin lớn mạnh. CHính đức tin là “siêu vũ khí” để chúng ta ngoan cường chiến đấu: “Điều làm cho chúng ta thắng được thế gian là lòng tincủa chúng ta” (1 Ga 5:4).

Trình thuật Mt 16:13-19 nói về việc tuyên tín của Thánh Phêrô. Chúa Giêsu muốn xác định đức tin của ông để giao đại sự. Không chỉ vậy, Ngài còn đòi hỏi tình yêu chân thành của ông nên đã ba lần hỏi ông có yêu mến Ngài hay không (x. Ga 21:15-19). TIN và YÊU là hai “luật buộc” để làm “cột trụ” trong đời sống tâm linh của mỗi Kitô hữu.

Khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Người hỏi các môn đệ:“Người ta nói Con Người là ai?”. Ngài hỏi cho vui thôi, chứ Ngài thừa biết tất cả. Vả lại, Ngài hỏi là để chúng ta tự xác định niềm tin của chính mình. Nghe Sư Phụ hỏi, các ông thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Ê-li-a, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ”.

Đức Giêsu lại hỏi: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Vốn tính cương trực, ông Simon Phêrô thưa ngày: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Ngài nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời”. Rồi Ngài nói với ông: “Anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy”. Ngay lúc đó, lúc ông Phêrô “cầm” chìa khóa Nước Trời, là lúc ông trở thành Giáo hoàng tiên khởi của Giáo hội. Đúng là ngư phủ Phêrô diễm phúc thật!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết ngoan cường chiến đấu bằng cả đức tin và đức mến, đừng bỏ mặc chúng con ngã lòng, dù chúng con gặp phải nỗi đau điều khổ hằng ngày. Lạy nhị vị thánh nhân Phêrô và Phaolô, xin nguyện giúp cầu thay và đồng hành với chúng con trong cuộc chiến trần gian này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

HAI VÌ SAO SÁNG

Bài ca nhập lễ vang lên hùng tráng trong ngày Lễ kính hai Thánh Tông đồ Phêrô, Phaolô : Hai vì sao sáng chói, lấp lánh trên bầu trời, ngời sáng đêm trường, rực rỡ soi đường sưởi ấm yêu thương.Hai tình yêu chiến thắng,ngất ngây trong cuộc đời,từ trái tim nồng dòng máu anh hùng ngời sáng muôn trùng.

Phêrô-Phaolô, hai vì sao sáng ngời chiếu toả ánh sáng Chúa Kitô cho nhân loại.Hai con người xuất thân khác nhau, tính cách khác nhau nhưng cùng một niềm tin, cùng một sứ mạng và cùng một vinh quang được đội triều thiên vinh hiển để trở thành hai vì sao sáng cho Giáo hội.

Còn nhớ hôm nào, người ba lần chối Giêsu. Còn nhớ ngày nào, người bắt Chúa trong căm thù”. Lời ca ngắn đúc kết phần một trong cuộc đời hai Ngài : chối Thầy, bắt Thầy. Nhưng cuộc đời phần hai đã viết nên những trang hào hùng oanh liệt. Nhờ tình yêu Chúa dẫn lối, hai Ngài cầm đuốc Tông đồ rao truyền Tin mừng cho thế giới.

Phêrô-Phaolô, hai cột trụ Giáo hội. Một vị được Đức Giêsu đặt làm đá tảng. Một vị được Đức Giêsu sai đi làm tông đồ dân ngoại. Cả hai vị đã làm được những việc lạ lùng giống như Thầy: chữa lành mọi bệnh tật, xua trừ ma quỷ, cho người chết sống lại và cuối cùng cả hai được phúc tử đạo.

Phêrô-Phaolô, trước khi là thánh, hai vị cũng là người tội lỗi, yếu đuối, chập choạng trên con đường đức tin.Cả hai đều hăng say năng nổ, muốn dùng sức lực của mình và phương tiện thế gian để bảo vệ Chúa mình tôn thờ, và muốn tiêu diệt những kẻ không theo đạo giống mình. Chúa Giêsu đã cứu cả hai, mỗi người được cứu một cách. Chúa Giêsu không dùng một chút vốn liếng tài ba nào của Phaolô để xây dựng Giáo Hội, cũng như không thấy sự dốt nát hèn kém nào của Phêrô gây trở ngại cho việc thiết lập Giáo Hội.

Đọc lại cuộc đời của hai Thánh Tông đồ để nhận thấy sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa. Ơn Gọi Tông Đồ quả là một mầu nhiệm lạ lùng.

1. Thánh Phêrô

Cuộc đời Phêrô có nhiều sôi nổi. Gồm lại những sôi nổi, ta có thể chia đời ông ra làm hai : cuộc đời phần một, từ khi theo Thầy ở biển hồ Galilê đến lúc chối Thầy; phần hai, từ khi theo Thầy ở biển hồ Tibêria cho đến cuối đời chết ở Roma.

Trong cuộc đời phần một của Phêrô, ông đi từ lỗi lầm này sang lỗi lầm khác.Cuối đời của Chúa,Chúa đã bị ông từ chối thê thảm (Mc 14,66-72).Gom nhặt những đoạn phúc âm nói về Phêrô, ta thấy mãnh đời của ông có nét chân dung thế này: là tông đồ bị Chúa mắng nhiều nhất.

          – Mắng lần đầu tiên : Quân yếu tin (Mt 14,31)

          – Lần thứ hai : Ngu tối (Mt 15,16)

          – Lần thứ ba : Satan (Mc 8,33)

Khi Chúa bị bắt, bị kết án, Phêrô đã chối Thầy 3 lần. Phêrô chối Chúa vì quá yếu đuối chứ không phải vì không yêu Thầy.Trước cái chết, Phêrô rùng mình chối bỏ, tìm đường chạy trốn.Thế nhưng trước yếu đuối ấy, Phêrô đã khóc lóc nhớ lại lời Chúa nói về thân phận mình, ông oà khóc nức nở như một đứa bé với dòng lệ sám hối. Chúa đã nhìn ông bằng ánh mắt thứ tha trìu mến. Đời ông là giằng co giữa yếu đuối và dũng mảnh, giữa trọn vẹn và dang dỡ, giữa xa và gần, giữa trời và đất. Trái tim ông có u tối đi tìm ánh sáng, có nuối tiếc đi tìm lý tưởng. Đời ông có tự tin gặp vấp ngã, có phấn đấu gặp thất bại. Trong sự vấp ngã yếu đuối cuộc đời phần một của người môn đệ này vẫn có một tâm hồn chân thành.

Phần hai cuộc đời ông là một thiên anh hùng ca.Thiên anh hùng ca được mở đầu bằng những lời chứng của Gioan (Ga 21,2-3). Lời chứng nói về một đêm đen mờ mịt của biển hồ Tibêria, rồi đưa đời ông từ đêm đen mờ mịt ấy về một cõi trời phiêu bạt mịt mù sương gió cho Nước Trời.

Sứ mạng theo Đức Kitô khởi đầu từ đây khi bảy anh em ra đi đánh cá, vất vả cả đêm mà không được gì. Đức Giêsu Phục sinh đến và ban cho họ mẻ cá lạ lùng.Chính Đấng Phục sinh đã hỏi: Phêrô, con có yêu mến Thầy không ? Phêrô đáp : Thưa Thầy,Thầy biềt rõ mọi sự, Thầy biết con yêu mến Thầy. Sau khi Phêrô trả lời câu hỏi ấy với tất cả chọn lựa cân nhắc, Chúa nói với ông : Thầy bảo cho anh biết lúc còn trẻ anh tự thắt lưng lấy và đi đâu tuỳ ý.Nhưng khi đã về già,anh đã phải giang tay ra cho người khác thắt lưng và dẫn tới nơi anh chẳng muốn. Phúc âm Gioan cắt nghĩa rõ con đường này là : Người nói như vậy có ý ám chỉ ông phải chết cách nào.Thế rồi Chúa bảo ông : hãy theo Thầy. Chỉ chờ đợi lời mời gọi này, Phêrô lập tức lên đường thực thi sứ mạng Thầy trao.Từ đây “trên tảng đá này Thầy xây Giáo hội của Thầy, cửa hoả ngục sẽ không thắng được”.Từ đây, những trang sử vẻ vang của Giáo hội sơ khai được viết nên bởi vị Tông đồ có lòng yêu mến Chúa thiết tha.

2. Thánh Phaolô

Đọc Công vụ Tông tồ từ chương 8 trở đi, chúng ta bắt gặp một Saolô, ở Tacxô, là người Do thái, trí thức, thông thạo nhiều thứ tiếng miền Do thái-Hy lạp, rất sùng đạo theo môn phái Gamaliên ở Giêrusalem. Cuộc đời phần một của Phaolô là biệt phái nhiệt thành đi lùng sục bắt bớ Đạo Chúa, tham gia vào vụ giết Stêphanô và trên đường Đamat truy lùng các Kitô hữu.

Được ơn trở lại trên đường Đamat, Saolô được biến đổi để trở nên chứng nhân vĩ đại là Phaolô,Tông Đồ dân ngoại. Cuộc đời phần hai của Phaolô đã viết nên thiên anh hùng ca.

Sách Công vụ tông đồ kể : trên đường Đamat, Phaolô rong ruổi trên yên ngựa hăng say truy bắt các Kitô hữu, thình lình, ánh sáng từ trời loé rạng bao lấy ông. Không bao giờ Phaolô còn thoát được ra ngoài ánh sáng đó.Từ đó trở đi, Chúa Kitô đã trở thành tất cả đối với Phaolô.Từ đó trở đi, chỉ có Chúa Kitô là đáng kể.

Khi đã biết Chúa Kitô “những gì xưa kia tôi cho là có lợi,thì nay,vì Đức Kitô,tôi cho là thiệt thòi.Hơn nữa, tôi còn coi tất cả mọi sự là thiệt thòi,so với mối lợi tuyệt vời là được biết Đức Giêsu Kitô,Chúa của tôi.Vì Ngài, tôi đành mất hết,và tôi coi tất cả như đồ bỏ,để được Đức kitô và được kết hợp với Người.Được như vậy,không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại,nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Đức Giêsu ( Pl 3,7-9). Từ đó trở đi, Phaolô hiên ngang vì tư cách làm môn đệ Chúa Kitô và với tư cách ấy ngài tuyên xưng sự duy nhất, sự bình đẳng, tình huynh đệ thực sự giữa tất cả mọi người : “Vì anh em,phàm ai đã được thanh tẩy trong Đức Kitô,thì đã được mặc lấy Đức Kitô: không còn Do thái hay Hy lạp, không còn nô lệ hay tự do, không còn nam hay nữ, vì anh em hết thảy là một trong Đức Kitô Giêsu” (Gal 3,27-28).Vì Đức Kitô là “tất cả mọi sự và trong mọi người” (Col 3,11). Phaolô hiên ngang được sống và được chết cho Chúa Kitô.Các mối phúc thật được kết tinh nơi cuộc đời thánh nhân. Biết mình đã tin vào ai, Phaolô đã sung sướng sống nghèo, lấy việc lao động mà đổi miếng ăn, không để giáo hữu phải cung phụng mình (1Cor 9,3-18 ; 2Cor 11,8-10), hạnh phúc vì đã mất tất cả và chịu đủ thứ khốn khổ vì Chúa Kitô. Phaolô không ngại trở nên hùng hồn kể về những “… lao tù đòn vọt,bao lần suýt chết,năm lần bị người Do thái đánh bốn mươi roi bớt một,ba lần bị đánh đòn,một lần bị ném đá,ba lần bị đắm tàu,một đêm một ngày lênh đênh giữa biển khơi.Phải chịu đủ thứ nguy hiểm bởi ‘phải thực hiện nhiều cuộc hành trình,gặp bao nguy hiểm trên sông,nguy hiểm do trộm cướp,nguy hiểm do đồng bào,nguy hiểm vì dân ngoại,nguy hiểm ở thành phố,trong sa mạc,ngoài biển khơi,nguy hiểm do những kẻ giả danh là anh em;phải vất vả mệt nhọc,thường phải thức đêm,bị đói khát,nhịn ăn nhịn uống và chịu rét mướt trần truồng” (2 Cor 11, 23-27). Phaolô ra vào tù thường xuyên, có lần Ngài viết từ ngục thất cho Timôthê, người môn đệ, có khi không khỏi nao núng: “anh đừng hổ thẹn làm chứng cho Chúa chúng ta,cũng đừng hổ thẹn vì tôi,là kẻ bị tù vì Ngài”. Phaolô không hổ thẹn “vì tôi biết tôi đã tin vào ai …”(2 Tim 1,8-12).Vì Đức Kitô “tôi phải lao đao khốn khó đến cả xiềng xích như kẻ gian phi,nhưng Lời Thiên Chúa không bị xiềng xích” (2Tim 2,9). Phaolô đã sung sướng tự hào cả khi ý thức những yếu đuối của mình “ Ơn Ta đủ cho con vì chưng quyền năng trong yếu đuối mới viên thành” (2 Cor 12,9). Không gì có thể làm nao núng lòng tin mãnh liệt ấy  “chúng tôi bị dồn ép tư bề nhưng không bị đè bẹp;hoang mang nhưng không tuyêt vọng;bị ngược đãi nhưng không bị bỏ rơi;bị quật ngã nhưng không bị tiêu diệt”(2 Cor 4,8-9).

Vị Tông đồ dân ngoại đã nhiệt thành loan truyền Chúa Kitô với tất cả thao thức “Khốn thân tôi,nếu tôi không rao giảng Tin mừng”(1Cor 5,14). Ngài luôn sống trong niềm tin tưởng yêu mến vào Đấng đã kêu gọi Ngài “tôi sống trong niềm tin vào Con Thiên Chúa,là Đấng yêu mến tôi và thí mạng vì tôi”(Gal 2,20).

Vì Đức Kitô và vì Tin mừng, thánh nhân đã sống và chết cho sứ mạng. Cuộc sống buôn ba vì Nước trời được điểm tô muôn ngàn vạn nét đẹp của Phaolô mãi mãi được hát lên như một bài ca khải hoàn “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Đức Kitô ? Phải chăng là gian truân,bắt bớ ,đói khát,trần truồng,nguy hiểm,gươm giáo? … Vì tôi thâm tín rằng sự chết hay sự sống,dù thiên thần hay thiên phủ,dù hiện tại hay tương lai,hay bất cứ sức mạnh nào,trời cao hay vực thẳm hay bất cứ tạo vật nào khác,không có gì có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa thể hiện cho chúng ta trong Đức Giêsu Kitô,Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

3. Hai Vì Sao Sáng

Giáo hội mừng kính hai thánh Tông đồ cùng chung một ngày. Hai con ngưòi khác nhau từ cá tính đến thân thế nhưng cùng chung một ơn gọi từ Chúa Kitô, cùng chung một niềm tin vào Chúa Kitô, chung một sứ mạng Chúa Kitô trao phó và cuối đời cùng chịu tử đạo vì Chúa Kitô tại Roma. Cùng chia sẽ một niềm tin, cùng thi hành một sứ mạng, Chúa Kitô đã đưa hai ngài đến một cùng đích, một vinh quang đội triều thiên khải hoàn. Hai con người khác biệt ấy lại có những điểm tương đồng lạ lùng.Chúa Kitô đã nối những điểm tương đồng ấy để tất cả được nên một ở trong Người. Thánh Phêrô, trước đây hèn nhát, sợ hãi, chối Chúa, về sau yêu Chúa nồng nàn thiết tha.Thánh Phaolô, trước kia ghét Chúa thậm tệ, sau này yêu Chúa trên hết mọi sự. Trước kia hai vị rất khác biệt, bây giờ cả hai nên một trong tình yêu Chúa.

Sự nghiệp Tông đồ tiếp bước Chúa Kitô, hai vị hiệp nhất trong cùng một lòng chân thành tuyên xưng, hiệp nhất trong một tâm huyết nhiệt thành rao giảng để rồi mãi mãi hiệp nhất trong cùng một đức tin minh chứng. Mặc dù có nhiều khác biệt về thành phần bản thân, về ơn gọi theo Chúa về hướng truyền giáo, nhưng cả hai vị đã tạo nên sự hiệp nhất trong đa dạng. Cùng chịu tử đạo. Cùng trở thành nền móng xây toà nhà Giáo hội. Cùng trở nên biểu tượng hiên ngang của niềm tin Công Giáo. Hai Vì Sao Sáng được Giáo hội mừng chung vào một ngày lễ 29 tháng 6. Hai Tông Đồ cột trụ đã trở nên tượng đài của sự hiệp nhất trong Giáo hội. Hiệp nhất là một công trình được xây dựng với nhiều nỗ lực của con người dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Linh.  “Khác nhau trong điều phụ, hiệp nhất trong điều chính, yêu thương trong tất cả”, đó là khuôn vàng thước ngọc cho tinh thần hiệp nhất trong Giáo hội.

Đón nhận ánh sáng từ nơi Chúa Kitô, hoạt động truyền giáo theo sự dẫn dắt của Chúa Thánh Linh, hai Thánh Tông đồ trở nên nền tảng hiệp nhất. Hai ngài trở thành chói sáng như hai vì sao trong vòm trời Giáo Hội, đáng được các tín hữu chiêm ngắm noi theo. Hai ngài đã biết khiêm tốn, nhận mình là thấp hèn tội lỗi rồi mở tâm hồn ra đón nhận tình thương của Thiên Chúa. Khi trả lời câu phỏng vấn: “Jorge Bergoglio là ai?”, Đức Thánh cha Phanxicô đáp: “Tôi là người tội lỗi được Chúa nhìn đến”. Và ngài tuyên bố: “Chính tôi là người tội lỗi đây, có gì lạ đâu! Cái lạ là ở chỗ được Chúa nhìn đến, được Chúa xót thương. Và từ đó người ta tìm xem Chúa xót thương ở chỗ nào”.

Xin hai Thánh Tông Đồ giúp chúng con luôn biết tín thác vào tình thương của Chúa. luôn biết tiến bước theo các ngài trên con đường theo Chúa. Amen.

 Về mục lục

HAI PHONG CÁCH MỘT TÌNH YÊU

Cha ông chúng ta thật khéo cư xử khi nói rằng : “điếu thuốc miếng trầu là đầu câu chuyện”; thực tế ngày nay bước vào lãnh vực nào cũng không thể thiếu : “thủ tục đầu tiên, thủ tục tiền đâu” mới mong được thuận buồm xuôi gió. Thông thường người ta tìm kiếm hạnh phúc dựa trên tiền tài địa vị, cơ cấu xã hội dựa trên sự bền vững nơi người có tài có đức. Một chủ trương “biết điều” vẫn âm thầm áp đặt trên tương quan xã hội.

Mỗi người có thể nói lên đức tính tốt của mình các dễ dàng, phơi bày tật xấu của mình lại không đơn giản ; biết người anh chị em của mình  cần được yêu thương giúp đờ, nhưng đâu phải mọi người hiểu được lý do tại sao chúng ta luôn thiếu sự dấn thân ! Các môn đệ nhận ra người Thầy đầy tràn quyền năng và dạt dào tình yêu thương, Chúa Giêsu thấy rõ nơi các ông sự quê mùa nhưng các ông đầy dư tinh thần và nhiệt huyết để theo Thầy. Chúa Giêsu không cần phải rào trước đón sau hay thủ tục nào, dù bản tính rất nặng nề của các học trò còn đang mơ tưởng đến việc theo Thầy để hy vọng có chức vị bổng lộc !

Chúa Giêsu xây dựng Hội Thánh trên hai cột trụ; Phêrô rao giảng cho dân Do-thái, Phaolô rao giảng cho Dân Ngoại. Phêrô là thủ lãnh trong việc tuyên xưng Đức Kitô. Phaolô là người bảo vệ lừng danh trong việc tìm hiểu Đức Kitô. Để cho thấy sự lựa chọn, bảo vệ, và ban ơn của Thiên Chúa dành cho hai ông. Bài đọc I, Sách Công vụ tường thuật việc thiên sứ giải thoát Phêrô khỏi ngục tù. Bài đọc II, Phaolô xác quyết nhờ sức mạnh của Thiên Chúa, ông đã chiến đấu một trận chiến cao đẹp, đã chạy đến cùng đường, và đã trung thành giữ vững đức tin.

Được xác tín là 2 Cột Trụ của Toà Nhà Hội Thánh, ít gì chúng ta cũng đọc ra được phong cách của hai vị trong việc theo Chúa. Tính cách của Phêrô là nhiệt thành, đơn sơ và trung tín với truyền thống đức tin. Phaolô là dân trí thức, lối sống phóng khoáng, nhưng trong tương quan yêu thương, Chúa sử dụng chung 2 mẫu người làm cột trụ toà nhà….. Giáo Hội không những đề cao sự hợp nhất giữa hai đường lối khác nhau mà còn ngợi khen sự hợp nhất giữa hai con người có nhiều khác biệt.

Lời tuyên tín của Phêrô mở ra một ơn gọi và một sứ mạng. Chúa đặt tên mới cho Phêrô, “con là Đá, trên đá này Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. Để có thể làm chứng như thánh Phaolô: “Tôi biết tôi đã tin vào ai”, tôi có thể làm được gì nếu không có ơn Chúa, không bị bầm dập, không có biến cố té ngựa ở Đamát.

Dù là số môn đệ chài lưới ít học, nhưng Phêrô thể hiển bản lĩnh của người học trò có lý trí chứ ông không dựa trên dư luận của đám đông Thầy là Gioan Tẩy Giả, là Êlia hay Giêrêmia…. Phaolô, ông xuất thân là con một biệt phái, ông đượcc học rộng hiểu sâu, khả năng dư thừa…, nhưng trước khi hoạt động rao giảng Nước Thiên Chúa, Phaolô đã bỏ ra 3 năm tĩnh tâm để học hỏi rồi mới đi nói về Chúa cho mọi người.

Các tông đồ khi thấm nhuần giáo huấn của Thầy Giêsu, các ông không còn nhút nhát sợ sệt, cũng không còn ham hố bổng lộc chức vị….. Không dừng lại ở đó, cuộc sống hàng ngày các ông từng ghi nhớ và sống nhiệt tình trước câu hỏi của Chúa : anh em bảo Thầy là ai ? Mỗi chúng ta hôm nay cũng được mời gọi để trả lời dứt khoát Thầy Giêsu là ai….. Dĩ nhiên Chúa rất mong muốn những ai theo Chúa không thể trả lời cách chung chung, và cũng đừng sống vu vơ, vớ vẩn trước ơn ban đức tin của mình…..

Đối diện với đám đông, Chúa Giêsu không hỏi các tông đồ, không hỏi các ông đã tiếp thu được những lời chỉ dạy nào, các ông nghĩ tôi là ai, có dễ thương không, tôi nói dễ nghe dễ hiểu chứ…. ? Gặp riêng đồ, Đức Giêsu không xin các môn đệ cho ý kiến về bài giảng trên núi hoặc về cách thức rao giảng, thu hút dân chúng là như thế nào ? Nếu Chúa Giêsu hôm nay có gặp gỡ chúng ta, chắc chắn Ngài cũng hỏi chúng ta đang sống niềm tin vào Đấng Kitô như thế nào. Cùng vui với hai Vị Phêrô và Phaolô, cùng trải qua kinh nghiệm thực tế nơi hai Vị Phêrô và Phaolô, chúng ta có thể quả quyết : người hạnh phúc nhất, không hẳn là người có được những thứ tốt nhất; mà đúng hơn là người biết tận dụng tất cả những gì đang đến với họ.

Phêrô và Phaolô đã hoàn tất việc cảm nhận Thầy Giêsu là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống, thì Chúa cũng muốn mỗi tín hữu phải sử dụng triệt để chiếc chìa khóa ơn thánh để loan báo Tin Mừng cho nhân loại. Đoàn kết yêu thương, đồng tâm hiệp lực để góp phần xây dựng toà nhà giáo xứ, giáo hội, nghĩa là chúng ta đang chia sẻ quyền lợi và tình yêu thương với anh chị em của mình. Chúng ta mỗi người tuy khác nhau, nhưng có cùng một niềm tin, một tình yêu vào Đức Giêsu Kitô. Chúng ta hãy sống liên đới hiệp nhất với nhau, kiên vững phục vụ trong đức tin và đức mến. Amen.

Về mục lục

Exit mobile version