CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA LÊN TRỜI – Năm A

179

LỄ CHÚA LÊN TRỜI – Năm A

Lời Chúa: Cv 1, 1-11; Ep 1,17-23; Mt 28,16-20

 

Mục lục

1. Hiện diện – Vắng mặt  (ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Sự sống mới hiện diện  (ĐTGM.Giuse Ngô Quang Kit)

3. Người “Giời”   (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền) 

4. Chúa về Trời trong vinh quang   ra đi loan báo tin mừng   (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

5. Được sai đi   (Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh)

6. Hành trình về Trời  (Trầm Thiên Thu)

7. Khát vọng ngàn đời  (Lm. Nguyễn Hữu An)

 

 

HIỆN DIỆN – VẮNG MẶT

Sau khi kể lại việc các môn đệ trực tiếp chứng kiến Chúa Giêsu rời khỏi các ông và được đem lên trời Thánh sử Luca đã ghi lại: Bấy giờ các ông bái lạy Người, rồi trở lại Giêrusalem, lòng đầy hoan hỷ. Chúng ta hơi ngạc nhiên vì tâm trạng các môn đệ có vẻ mâu thuẫn trong tình huống này. Có lẽ nào khi chúng ta chia tay với những người mình quý mến mà lòng chúng ta lại được tràn đầy hoan hỷ? Câu trả lời cho tâm trạng của các môn đệ được tìm thấy nơi niềm xác tín của các ông về một Đức Kitô vừa hiện diện vừa vắng mặt trên trần thế.

Đức Giêsu “vắng mặt” nơi trần thế. Khi lên trời, Người về với Chúa Cha như chính Người đã nói. Người lìa xa các ông và từ nay Người không còn hiện diện cách thể lý như trong suốt 33 năm của cuộc đời dương thế, và trong suốt 40 ngày kể từ khi Chúa sống lại. Từ nay, Đức Giêsu vắng mặt nơi trần thế. Người đã nói với các môn đệ: “Thày đi thì tốt cho các con… Thày không bỏ các con mồ côi… Thày sẽ sai Thánh Thần đến với các con và Ngài sẽ dẫn các con đến chân lý toàn vẹn” (x.Ga 16,13).

Mặc dù Chúa Giêsu đã về trời, nhưng Người vẫn hiện diện giữa trần gian. Các nhà thần học gọi đó là một sự “Hiện diện – Vắng mặt”, có nghĩa là Chúa hiện diện mà ta không nhìn thấy, đồng thời Chúa vắng mặt nhưng Đức tin mách bảo rằng Người đang ở với chúng ta. Chính Chúa đã hứa với các môn đệ trước khi rời ra các ông: “Và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Căn cứ vào những suy luận trên đây, chúng ta hiểu được tâm trạng của các môn đệ sau khi đã được chứng kiến Chúa lên trời. Các ông vui mừng với niềm xác tín rằng Chúa đang hiện diện với các ông, mặc dù từ nay, các ông không còn được ăn uống với Người và lắng nghe những lời Người giáo huấn. Từ nay, bổn phận chính yếu của các ông là nhớ lại những lời dạy của Chúa và lên đường loan báo lời dạy ấy cho muôn dân. Mặc dù không còn được thấy Chúa bằng con mắt thể lý, các ông vẫn thấy Người bằng con mắt đức tin. Đối với chúng ta cũng vậy. Chúng ta giống như hai lữ khách trên đường Emmau, từng bước ngỡ ngàng nhận ra Chúa đang hiện diện qua những cử chỉ chia sẻ huynh đệ và nhất là qua lời cầu nguyện.

Lễ Thăng Thiên là lễ của niềm vui và hy vọng. Bởi lẽ việc Chúa lên trời cũng đã là chiến thắng của chúng ta (x. Lời nguyện nhập lễ). Trong Phụng vụ của ngày lễ hôm nay, Giáo Hội cầu nguyện xin Chúa ban cho chúng ta niềm vui, vì “chúng con là chi thể của thân thể Người, Người là Đầu đã đi trước chúng con tiến vào vinh quang nơi Chúa, và chúng con cũng đang hy vọng tiến tới đó” (Lời nguyện dâng lễ).

Tâm trạng của chúng ta khi mừng lễ Chúa lên trời cũng là tâm trạng của các môn đệ năm xưa khi các ông xuống núi. “Xuống núi” là trở về với cuộc sống thường nhật, nhưng với tinh thần được đổi mới và với niềm xác tín mới. Lời nhắc bảo của hai sứ thần mặc áo trắng đưa các môn đệ đi từ tình trạng chiêm niệm đến với thực tế. Các ông đã được thấy Chúa về trời, các ông hãy trở lại với cuộc sống cụ thể để làm chứng về những điều mắt thấy tai nghe. Từ nay, sứ mạng tông đồ của các ông không còn bó hẹp trong một không gian nhất định, nhưng mang tính hoàn vũ: “Anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđêa, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).

Khi mừng lễ Chúa về trời, người Kitô hữu được mời gọi nhận ra Đức Giêsu vừa là Thiên Chúa vừa là người. Người cũng vừa hiện diện vừa vắng mặt nơi cuộc sống của chúng ta. Nói cách khác, Người diện diện một cách huyền nhiệm, vô hình, thiêng liêng để tiếp tục sẻ chia những gian truân của thân phận con người. Lễ Thăng Thiên cũng nhắc người Kitô hữu có một quan niệm quân bình về cuộc sống trần thế. Bởi lẽ là người công dân của Nước Trời, chúng ta sống giữa thế gian mà không thuộc về thế gian, đồng thời chúng ta có bổn phận phải xây dựng trần thế cho tốt đẹp và nhân ái hơn. Đối với các Kitô hữu “miền đất lạ nào cũng là quê hương, nhưng quê hương nào cũng là đất khách” (Thánh Justinô), vì quê thật của họ là Nước Trời, nơi Đức Giêsu đã dọn sẵn cho họ những chỗ ở, để họ chiêm ngưỡng vinh quang Chúa Cha trong hạnh phúc đời đời.

 Về mục lục


SỰ SỐNG MỚI – HIỆN DIỆN MỚI

Có lẽ nhiều người ngạc nhiên tự hỏi: sao trong bài Phúc Âm lễ Thăng Thiên hôm nay, chẳng thấy nói gì đến trời, đến bay lên? Thắc mắc như vậy là hợp lý. Ta vẫn quen gọi hôm nay là lễ Chúa Giêsu lên trời. Và theo quan niệm bình dân, không gian chia làm ba tầng. Tầng dưới đất là âm ty, địa ngục, dành cho người chết. Tầng mặt đất mà ta đang sống là dương gian. Và tầng trên mặt đất là trời. Chúa Giêsu đã sống trên mặt đất, khi chết Người bị chôn trong lòng đất, đi vào cõi âm ty. Sống lại, Người trở lại mặt đất. Và hôm nay Người được đưa lên trời, bay lên đám mây, ngự bên hữu Chúa Cha.

Đó chỉ là một lối diễn tả bình dân. Thực ra, trời đâu phải là một nơi chốn. Con người có thân xác, bị giới hạn trong không gian, cần một nơi chốn để cư ngụ. Thiên Chúa không bị giới hạn trong không gian thì đâu còn bên tả bên hữu gì nữa.

Vậy, tại sao ta nói Chúa Giêsu lên trời? Lên trời ở đây có ý nghĩa gì?

Trời không phải là một nơi chốn, nhưng là một trạng thái, trong đó Ba Ngôi Thiên Chúa sống chan hoà yêu thương. Sự sống của Thiên chúa không giống sự sống của cây cỏ. Cũng không giống như sự sống của động vật hay loài người. Đó là sự sống thần linh. Sự sống vượt không gian, vượt thời gian, không còn bị lệ thuộc vào điều kiện vật chất. Sự sống không còn bị hao hụt, giảm thiểu bởi đau đớn, bệnh tật, đói khát. Đó là sự sống viên mãn tràn đầy. Được tham dự vào sự sống ấy là một hạnh phúc vô song. Đó chính là thiên đường. Lên trời hay lên thiên đàng như vậy không phải là thay đổi nơi chốn nhưng là thay đổi sự sống. Đó là chuyển đổi sự sống hữu hạn của con người sang sự sống vô hạn của Thiên Chúa. Đó là rời bỏ thế giới hữu hạn của loài người để bước vào thế giới vô hạn của Thiên Chúa. Đức Giêsu lên trời có nghĩa là Đức Giêsu về với Thiên Chúa, sống với Thiên Chúa, sống cuộc sống Thiên Chúa. Lên trời không phải lên theo chiều cao trong không gian vật lý. Nhưng là lên theo cấp độ sự sống, là sống cao hơn, mạnh mẽ hơn, tràn đầy hơn.

Chính vì thế, Chúa Giêsu lên trời không phải giã từ thế giới, để đi vào xa vắng mịt mù. Nhưng Người không đi vào một hiện hữu mới để hiện diện mãnh liệt hơn. Không còn bị kềm chế trong không gian, giờ đây Người hiện diện ở khắp mọi nơi. Không còn bị lệ thuộc vào một thân xác, giờ đây Người có thể hiện diện dưới nhiều hình thức khác nhau.

Người ở đó trong những trang Sách Thánh đầy lời lẽ nhiệm mầu để dạy cho ta biết con đường về với Thiên Chúa. Người ở đó trong bí tích Thánh Thể huyền diệu để nuôi linh hồn ta, để kết hợp với ta, để giúp ta đủ sức mạnh đi hết con đường trần gian khổ. Người ở đó trong những người anh em đồng tâm nhất trí cùng nhau dâng lời cầu nguyện lên Chúa Cha. Người ở đó trong những anh em bé nhỏ nghèo hèn đang chờ chúng ta mở rộng trái tim, mở rộng vòng tay nhân ái. Người ở đó trong những người hiến thân phục vụ anh em, trong những người hy sinh bản thân mình cho công bình, cho chân lý, cho một thế giới tươi đẹp hơn. Người có mặt trên khắp mọi nơi nẻo đường, trong tất cả mọi cảnh ngộ của cuộc đời. Người có mặt trong mọi thời gian đúng như Người đã hứa: “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu: Trời không phải là một nơi chốn xác định, là một không gian vật lý có thể cân đo đong đếm. Nhưng trời là Thiên đàng, là chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi, là chính Thiên Chúa Ba Ngôi.

Bây giờ chúng ta đã hiểu lên trời không phải là bay bổng lên không gian. Nhưng là chuyển đổi cấp độ sự sống, hay là bước vào sự sống siêu nhiên của Thiên Chúa.

Bây giờ thì chúng ta đã hiểu, lên trời không phải là vắng mặt, là xa vắng nhưng lại là một hiện diện vô cùng phong phú, vô cùng mãnh liệt, ở bên cạnh tất cả mọi người, ở mọi nơi và ở mọi thời.

Chúa Giêsu là người mở đường cho nhân loại. Người tiến về một thế giới sự sống viên mãn, cao cả để cho ta thêm niềm tin tưởng rằng: vận mệnh của Người cũng sẽ là vận mệnh của ta. Ta cũng sẽ được cùng Người bước vào sự sống thần linh vĩnh cửu, miễn là ta đi vào con đường của Người: con đường khiêm nhường phục vụ. Miễn là ta vâng giữ lời Người truyền dạy: Hãy yêu tha nhân như chính bản thân mình.

Lạy Đức Giêsu, xin hãy nâng lòng con lên khao khát những sự trên trời. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn có cảm nhận được sự hiện diện của Chúa Giêsu trong đời sống hằng ngày?

2) Bạn làm cách nào để mọi người cảm thấy Chúa Giêsu đang hiện diện mãnh liệt trong thế giới?

3) Bạn làm gì để xây dựng Nước Trời?

Về mục lục


NGƯỜI “GIỜI”

Chúng ta vẫn thường nói với nhau : “người Giời”, nghĩa là người chẳng biết những sự gì dưới đất. Một người dường như ở cõi trên chứ không phải phàm nhân. Đó là người vô tư, vô lo thật đáng bị khiển trách.

Trong cuộc thi Hoa hậu Đại Dương vừa diễn ra tối 25/5 tại Bình Thuận, thí sinh Phan Thị Thu Phương (SBD 18) đã phát biểu: “Khi biết về việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương tại vùng biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất là bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, về vùng kinh tế của đất nước Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra, và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn”.

Trước câu trả lời thiếu sự hiểu biết khi muốn người Trung Quốc mở giàn khoan để đất nước Việt Nam xinh đẹp hơn của thí sinh Thu Phương đã khiến khán giả có mặt trực tiếp xem cuộc thi không khỏi bật cười. Và câu ứng xử này của thí sinh Hoa hậu Đại Dương đã nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội.

Nhiều người đã tỏ ra bức xúc trước sự việc đang là tâm điểm của Quốc gia, được đưa tin trên hàng trăm phương tiện truyền thông mỗi ngày mà thí sinh Hoa hậu Đại Dương lại tỏ ra kém hiểu biết. Đúng là người “Giời” !

Cuộc đời người tín hữu luôn ước ao những sự trên trời nhưng không bao giờ quên bổn phận với gia đình, với quê hương đất nước. Người tín hữu càng không thể bàng quan trước những thăng trầm của cuộc đời, trước những vận mệnh của quê hương. Cuộc đời người ky-tô phải biết dấn thân cho dân tộc khi cần tựa như thánh Gióng biết đứng lên khi đất nước lâm nguy.

Truyện xưa kể rằng: vào đời Hùng Vương thứ 6, ở làng Gióng có hai vợ chồng ông lão chăm làm ăn và có tiếng là phúc đức. Hai ông bà ao ước có một đứa con. Một hôm bà ra đồng trông thấy một vết chân to quá, liền đặt bàn chân mình lên ướm thử để xem thua kém bao nhiêu. Không ngờ về nhà bà thụ thai và mười hai tháng sau sinh một thằng bé mặt mũi rất khôi ngô. Hai vợ chồng mừng lắm. Nhưng lạ thay! Ðứa trẻ cho đến khi lên ba vẫn không biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi, cứ đặt đâu thì nằm đấy.

Bấy giờ có giặc Ân đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Thế giặc mạnh, nhà vua lo sợ. Bèn truyền cho sứ giả đi khắp nơi tìm người tài giỏi cứu nước. Ðứa bé nghe tin, bỗng dưng cất tiếng nói: “Mẹ ra mời sứ giả vào đây”. Sứ giả vào, đứa bé bảo: “Ông về tâu vua sắm cho ta một con ngựa sắt, một cái roi sắt và một tấm áo giáp sắt, ta sẽ phá tan lũ giặc này”.

Sứ giả trình với nhà vua và được ưng thuận.

Sau hôm gặp sứ giả, chú bé lớn nhanh như thổi. Cơm ăn mấy cũng không no, áo vừa mặc xong đã căng đứt chỉ. Hai vợ chồng làm ra bao nhiêu cũng không đủ nuôi con, thành thử phải chạy nhờ bà con, hàng xóm. Bà con đều vui lòng gom góp gạo thóc nuôi chú bé, vì ai cũng mong chú giết giặc, cứu nước.

Khi giặc Ân đến. Chú bé vùng dậy, vươn vai một cái bỗng biến thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Tráng sĩ bước lên vỗ vào mông ngựa. Ngựa hí dài mấy tiếng vang dội. Tráng sĩ mặc áo giáp, cầm roi nhảy lên mình ngựa. Ngựa phun lửa, tráng sĩ thúc ngựa phi thẳng đến nơi có giặc, đón đầu chúng đánh giết hết lớp này đến lớp khác, giặc chết như rạ. Bỗng roi sắt gẫy. Tráng sĩ bèn nhổ những cụm tre cạnh đường quật vào giặc. Giặc tan vỡ. Ðám tàn quân giẫm đạp nhau chạy trốn, tráng sĩ đuổi đến chân núi Sóc. Thánh Gióng về nhà dập đầu lạy mẹ, tạ ơn công nuôi dưỡng sinh thành rồi lên đỉnh núi cởi giáp sắt bỏ lại, cả người lẫn ngựa từ từ bay về trời…

Có một người đã về Trời thực sự. Ngài từ Trời mà đến và sau khi hoàn tất sứ mạng Ngài đã trở về Trời trong vinh quang. Sự kiện Chúa Giê-su về Trời hôm nay không phải là một truyền thuyết mà là một sự kiện lịch sử. Vì Chúa Giê-su là người thật. Chính Ngài đã trải qua những thăng trầm bể dâu đời người. Ngài đã đi qua kiếp người với gió mưa, nắng bụi . . . Ngài thực sự là Thiên Chúa xuống trần gian để cứu chúng sinh. Qua cái chết Ngài đã đánh bại tử thần để mở cửa trời đưa con người về với Thiên Chúa. Và sau khi kết thúc cuộc đời trần thế trong việc chu toàn sứ mạng của mình, Ngài đã được đưa về Trời trước sự chứng kiến của các môn đệ, và trong sự nuối tiếc vì kẻ ở người đi nơi các môn đệ.

Hôm nay chúng ta mừng Chúa về Trời. Mừng cuộc chiến thắng khải hoàn của Chúa. Mừng Chúa đã hoàn tất cuộc đời trần thế của mình trong vâng phục thánh ý Chúa Cha và thi hành thánh ý trọn vẹn. Sứ vụ của Chúa đến trần gian giúp con người đánh bại tử thần, và mang lại quyền làm con cái Thiên Chúa cho con người. Sự kiện Chúa về Trời cũng mở ra cho chúng ta một niềm hy vọng sau những bể dâu cuộc đời chúng ta cũng có một bến bờ yên bình hạnh phúc là quê Cha trên Trời. Chúa về Trời cho chúng ta quyền hy vọng sẽ được lên trời với Chúa nếu biết đi trên con đường của Chúa. Con đường của hy sinh phục vụ. Con đường dấn thân cứu đời. Con đường sống vì lợi ích của tha nhân.

Cuộc đời của mỗi con người đều gắn với một sứ mạng phải hoàn thành, một công việc để thi hành. Đó chính là bổn phận mà Chúa đã trao cho mỗi người chúng ta khi bước vào trần thế. Xin cho chúng ta luôn biết kiên nhẫn chu toàn bổn phận Chúa trao. Xin cho chúng ta luôn theo gương Chúa Giê-su tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa Cha. Xin đừng vì những đam mê trần thế mà bỏ bê bổn phận của người con với Cha trên trời. Amen

Về mục lục


CHÚA VỀ TRỜI TRONG VINH QUANG   RA ĐI LOAN BÁO TIN MỪNG

Khác với cuộc chia tay lần trước, khi Chúa Giêsu cùng với các tông đồ ngồi bên nhau trong căn phòng tiệc ly, bầu khí của buổi chia tay hôm ấy thật nặng nề. Còn hôm nay, Chúa Giêsu cùng với các học trò cũng chia tay nhau, nhưng ai cũng phấn khởi ; để từ hôm nay, tất cả đều bước vào một giai đoạn mới, với một sứ mạng mới. Chúa Giêsu thì bước vào vinh quang sau khi hoàn thành nhiệm vụ, còn các tông đồ thì hân hoan để lên đường cho sứ vụ mới : Giảng dạy cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và con và Thánh Thần.

Về trời không có nghĩa là Chúa bỏ rơi các tông đồ và nhân loại chúng ta, nhưng về trời là Đức Giêsu trở về với vinh quang của một vị Thiên Chúa, mà do mầu nhiệm Nhập Thể làm người, vinh quang ấy dường như bị lu mờ, bị che khuất ; thì nay, ở bên Thiên Chúa Cha, Chúa Giêsu như vị anh hùng thắng trận trở về trong vinh quang cùng những lời ca mừng chiến thắng của cả triều thần thiên quốc. Về trời, không phải là Chúa về một hành tinh xa xôi nào đó, nhưng là Chúa thay dổi cách thức hiện diện. Kể từ đây, Chúa không hiện diện bằng xương bằng thịt như trước nữa, nhưng vẫn hiện diện bằng tình yêu thương, bằng sự quan phòng và hiện diện qua các thừa tác viên của Ngài. Hình ảnh Thánh Luca thuật lại trong bài đọc một đã cho thấy điều đó : Người được cất lên cao trước mặt các ông, và có đám mây bao phủ lấy Người, khiến các ông không còn thấy Người nữa. Tác giả muốn cho thấy rằng, vì được vinh quang Thiên Chúa bao bọc, nên mắt phàm của con người bị che phủ không nhận ra Ngài. Vì thế, muốn nhận ra Ngài cần có cái nhìn đức tin để nhìn xuyên bức màn ấy để thấy Đức Giêsu.

Thế nhưng, điều mà Thánh Kinh muốn nhắm đến không phải là việc đứng đó nhìn lên trời, mà là phải trở về với cuộc sống thường ngày để loan truyền Tin Mừng và giáo huấn của Đức Giêsu cho đến khi Ngài trở lại. Có hai thiên thần hiện ra và nói : Hỡi người Galilê, sao các ông còn đứng nhìn trời ? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa xa các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông thấy Ngài lên trời. Đó là sứ điệp cho mọi người. Chúng ta không thể cứ nhìn trời mà bỏ qua những thực tại trần thế. Chúng ta không thể hướng về trời mà quên mất nhịp sống ở trần gian, và càng không thể quên anh chị em chung quanh, cùng với những lo âu của cuộc sống, của xã hội. Nhưng trái lại, chúng ta phải chu toàn một cách tốt đẹp bổn phận là một người tín hữu, một người công dân, là vợ chồng, là cha mẹ, con cái trong niềm hân hoan, hy vọng, đợi chờ ngày Chúa sẽ trở lại.

Tin Mừng hôm nay cũng cung cấp cho ta những chi tiết hết sức quan trọng. Chúa Giêsu Phục Sinh đã hẹn các tông đồ trên một ngọn núi cao. Núi cao theo truyền thống Thánh Kinh là nơi con người được gặp gỡ Thiên Chúa và là nơi Thiên Chúa bày tỏ vinh quang. Chúa Giêsu đã hẹn gặp các tông đồ trên núi, cho các ông được thấy vinh quang, được cảm nhận, được gặp gỡ thần linh, được tiếp xúc với Thiên Chúa. Chính vì thế, khi thấy Chúa Giêsu xuất hiện, các ông đã bái lạy Người. Điều này chứng tỏ rằng các ông đã tin nhận Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, Đấng đầy tràn vinh quang của một vị Thiên Chúa, nay đang hiện diện trước mặt các ông, và cho các ông được tiếp xúc, gặp gỡ với Ngài.

Chính trong bầu khí thánh thiêng này, Chúa Giêsu đã trao cho các tông đồ một sứ mạng hết sức quan trọng, đó là : Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Tức là, các ông sẽ không được phép biến người khác thành môn đệ của mình, nhưng làm cho họ thành môn đệ của Chúa. Các ông thực hiện sứ mạng này không phải theo ý thích cá nhân hoặc nhân danh cá nhân, nhưng là thực hiện sứ mạng này nhân danh Thiên Chúa Ba Ngôi. Các ông phải giúp cho mọi người nhận biết Đức Giêsu, đón nhận và thi hành giới răn, lề luật của Người. Đồng thời, Chúa còn hứa với các ông : Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Lời hứa này giúp các tông đồ tăng thêm sức mạnh và lòng nhiệt thành với sứ mạng, vì các ông biết rằng, các ông sẽ không làm việc riêng lẻ một mình, nhưng các ông làm việc trong sự hiện diện và bảo vệ của Chúa.

Chính trong niềm tin và sức mạnh của Chúa Giêsu trao ban mà mười hai con người nhỏ bé, tầm thường ngày xưa đã trở thành những con người vĩ đại ; từ một nhóm nhỏ những anh thuyền chài, nay họ đã trở thành mười hai gương mặt, mười hai con người thay đổi cả thế giới bằng Tin Mừng của Chúa Giêsu. Xưa các ông là những con người nhút nhát, nhưng từ khi được gặp gỡ Đấng Phục Sinh và được đón nhận sứ mạng Chúa trao, các ông đã đi đến tận cùng thế giới để làm cho mọi người trở nên môn đệ của Đức Giêsu, trong đó có mỗi chúng ta hôm nay.

Sứ mạng của Chúa Giêsu truyền cho các tông đồ cũng là sứ mạng Chúa truyền cho mỗi người chúng ta. Đó là phải trở thành những người thợ, những người đem Tin Mừng, giới răn và lề luật của Đức Giêsu đến mọi hang cùng ngõ hẻm, đến với hết mọi người mọi thành phần, để mọi người cũng trở nên môn đệ của Đức Giêsu. Tuy nhiên, chúng ta cũng có thể thấy rằng, nhiều tín hữu đã quên mất sứ mạng đó. Chúng ta đã không cảm thấy bị thôi thúc phải đem Chúa đến cho mọi người, chúng ta an phận, bằng lòng với tình trạng hiện tại mà không nhận ra còn hàng tỷ người trên thế giới, hàng triệu người bên cạnh đang chờ chúng ta đem Chúa đến cho họ.

Chúng ta sẽ phải thi hành sứ mạng này như thế nào ? Lời của sứ thần nói với những người Galilê hôm nay cũng là lời nói với chúng ta : Hỡi người Galilê, sao còn đứng nhìn trời mãi như thế ? Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể sống như người mộng du, hoặc như những người cực đoan chỉ nhìn trời, hướng về thiên đàng mà quên bổn phận trần thế. Hãy trở về với cuộc sống thường ngày, với cơm áo gạo tiền, với bổn phận riêng, với công việc làm ăn và hãy thánh hóa, hãy biến đổi tất cả công việc ấy theo ý hướng của Tin Mừng và làm tất cả những công việc đó trong hy vọng đợi chờ Chúa sẽ trở lại. Khi chúng ta làm việc với tinh thấn ấy, công việc và cuộc sống chúng ta sẽ vui tươi và đầy tràn hy vọng, vì chúng ta không đơn độc nhưng có Chúa luôn ở cùng chúng ta, đồng hành và chia sẻ công việc với chúng ta.

Hôm nay được chọn là ngày Quốc Tế Truyền Thông, Giáo Hội mời gọi chúng ta dùng tất cả phương tiện truyền thông hiện đại của ngày nay, để truyền tải sứ điệp Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu cho mọi người. Chúng ta đang sống trong thời đại của công nghệ thông tin, ti vi, báo đài, điện thoại, Internet và các mạng xã hội toàn cầu đang giúp cho con người xích lại gần nhau hơn, hiểu biết nhau hơn và thông tin nhanh chóng hơn. Truyền thông hiện đang đang có sức hút mạnh mẽ và cũng đang có tác động đến rất nhiều người. Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, nó cũng ngầm chứa nhiều điều tiêu cực, và có nhiều người đã lợi dụng nó để tuyên truyền và gây ảnh hưởng xấu đến người khác. Vì thế ngày hôm nay, chúng ta cầu nguyện cho những người làm công tác truyền thông, những người sử dụng các phương tiện truyền thông, biết sử dụng một cách chân chính, đạo đức và với một lương tâm ngay thẳng.

Còn về phía chúng ta là những người đang bị tác động rất nhiều bởi thông tin, nhiều lúc người ta bị rối loạn thông tin, không còn biết tin vào ai nữa. Có nhiều người đã quá dễ tin, họ tin tất cả những gì báo chí viết mà không hề suy nghĩ, cân nhắc, chọn lọc, và không dùng khả năng để đánh giá. Vì thế, họ bị rơi vào cái bẫy của kẻ xấu. Có những người tin vào một vài bài báo, nhưng lại không tin vào Lời Chúa và không tin những điều Giáo hội giải thích và dạy dỗ.

Bên cạch đó là những trang mạng xấu, những phim ảnh khiêu dâm đang lan tràn trên internet, đang đầu độc không chỉ nhiều bạn trẻ mà còn đầu độc cả người lớn. Nó có thể đi vào từng phòng của gia đình, vào từng chiếc điện thoại trong túi. Hãy cảnh giác và dứt khoát với các phim ảnh xấu ấy. Các bậc cha mẹ hãy quản lý cái vi tính và giúp con cái tránh xa những phim ảnh xấu. Còn các bạn trẻ, hãy sữ dụng FB, email, 3G một cách trưởng thành hơn. Tại sao chúng ta không dùng các phương tiện này để nghiên cứu, học tập, và đem Chúa vào các trang FB của mình ? Đừng vì a dua mà ném đá nhau một cách thiếu hiểu biết, nhưng hãy biết tôn trọng nhau và tôn trọng môi trường FB chung. Hãy chia sẻ cho nhau sự cảm thông và lòng nhân ái, giúp mọi người xích lại gần nhau và cảm thông với nhau nhiều hơn.

Xin Chúa cho chúng ta có một lòng nhiệt thành biết dùng mọi phương tiện, khả năng, mọi cơ hội và cả cuộc sống để giới thiệu Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài cho anh em ; và xin cho chúng ta có lòng khao khát đem Chúa đến cho mọi người như mệnh lệnh Chúa truyền cho chúng ta hôm nay. Amen.

Về mục lục

ĐƯỢC SAI ĐI

Sứ điệp được sai đi là một điểm nổi bật trong phần phụng vụ Lời Chúa sáng hôm nay, ngày lễ Chúa lên trời.

Trước hết là bài đọc trong sách Công Vụ Tông Đồ, kể lại những biến cố xảy ra trước, trong và sau khi Chúa Giêsu về trời. Điều đáng ghi nhận đó là lời Ngài căn dặn các môn đệ: Các con sẽ làm chứng về Thầy tại Giêrusalem, tại Giuđêa, tại Samaria và cho đến tận cùng trái đất.

Lời căn dặn này cũng là lời tuyên bố của Ngài trong bài Phúc Âm: Các con hãy đi giảng dạy muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy đã truyền cho các con. Và đây Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.

Giáo Hội ngay từ buổi đầu đã ý thức được tầm mức quan trọng của việc lên đường rao giảng Tin Mừng. Ngay sau ngày lễ Hiện Xuống, các môn đệ đã lên đường chinh hục thế giới, đem ánh sáng Phúc Âm chiếu tỏa cho muôn dân. Và từ đó cho tới nay, trải dài hơn hai mươi thế kỷ, Giáo Hội không ngừng thực hiện lệnh truyền của Đức Kitô.

Thế nhưng, không phải lúc nào Giáo Hội cũng nhiệt thành với sứ mạng của mình. Theo các nhà nghiên cứu, thì trong mấy thập niên gần đây, đà hoạt động truyền giáo đã giảm sút một cách đột ngột. Và ngay cả sứ điệp cứu độ của Giáo Hội cũng xem ra mất đi nhiều sức thu hút và tính bén nhạy, trước những thách đố và khủng hoảng do hiện tượng tục hóa gây ra bên Tây Phương và các giáo phái lớn bên Đông Phương.

Chính vì thế mà các Đức Thánh Cha, tiếp nối công cuộc danh tân của Công Đồng Vaticanô II, đã không ngừng lên tiếng và nhấn mạnh đến sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho muôn dân, làm chứng cho Đức Kitô, giúp cho con người khám phá ra Giáo Hội là dấu chỉ và là dụng cụ Thiên Chúa dùng để cứu chuộc nhân loại.

Đức Thánh Cha Gioan-Phaolô II trong tông huấn “Người tín hữu giáo dân”, đã nêu lên vấn để phải đổi mới việc truyền bá Phúc Âm. Đổi mới ở đây có nghĩa là phải có phương pháp mới, nhiệt huyết mới và tổ chức mới. Muốn có được sự đổi mới ấy, thì cần phải thực hiện một cuộc kiểm điểm đời sống một cách nghiêm túc và khiêm tốn, từ đời sống cá nhân của mỗi thành phần dân Chúa, đến đời sống tập thể của cộng đoàn Giáo Hội, trong đó điểm nổi bật cần lưu ý, đó là đời sống bác ái yêu thương, và bênh vực công lý hòa bình của Giáo Hội. Đây cũng chính là những khía cạnh nhạy cảm đối với con người thời nay.

Còn chúng ta, chúng ta đã thực sự lên đường, đã thực sự góp phần vào công cuộc truyền bá Phúc Âm, rao giảng Tin Mừng của Giáo Hội hay chưa?

Về mục lục


HÀNH TRÌNH VỀ TRỜI

Lễ Thăng Thiên không chỉ là lễ kính mừng Chúa Giêsu lên trời mà còn là dịp tái khẳng định tín điều mà chúng ta vẫn tuyên xưng: “Ngày thứ ba bởi trong kẻ chết mà sống lại, LÊN TRỜI ngự bên hữu Đức Chúa Cha phép tắc vô cùng”. Nếu Đức Kitô không sống lại, niềm tin của chúng ta vô ích, và chúng ta chỉ là những người hoang tưởng, nhưng Ngài đã thực sự sống lại và lên trời.

Chúa Giêsu lên trời là để minh chứng và xác định lời hứa Ngài đã nói trước: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:3). Đối với phàm nhân chúng ta, chắc chắn không còn niềm hạnh phúc nào lớn lao hơn nữa!

Thật là kỳ diệu, Thiên Chúa mà hóa thành Con Người, Con Người mà là Thiên Chúa, vừa hữu hình vừa vô hình. Chắc chắn chẳng một thần linh nào như vậy. Chỉ có Thiên Chúa của chúng ta như vậy mà thôi, độc nhất vô nhị. Thánh Phaolô đã nói: “Phải công nhận rằng: mầu nhiệm của đạo thánh thật là cao cả, đó là: Đức Kitô xuất hiện trong thân phận người phàm, được Chúa Thánh Thần chứng thực là công chính; Người được các thiên thần chiêm ngưỡng, và được loan truyền giữa muôn dân; Người được cả hoàn cầu tin kính, được siêu thăng cõi trời vinh hiển” (1 Tm 3:16).

Người ta chỉ nói LÊN trời, TỚI trời, hoặc VÀO trời, vì người ta không xuất phát từ trời. Nhưng Chúa Giêsu nói VỀ trời, vì Ngài xuất phát từ Trời, từ Chúa Cha: “Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy” (Ga 14:28). Người ta chỉ có thể VỀ nơi mà mình đã từng ở, còn nơi mình chưa ở thì không thể dùng động từ VỀ. Thế mà chúng ta cũng được Ngài cho phép VỀ trời với Ngài, dù chúng ta không xuất phát từ trời, chỉ là bụi tro xuất phát từ đất. Thật kỳ diệu quá đỗi!

Thánh Luca viết trong sách Công Vụ: “Thưa ngài Thê-ô-phi-lô, trong quyển thứ nhất, tôi đã tường thuật tất cả những việc Đức Giêsu làm và những điều Người dạy, kể từ đầu cho tới ngày Người được rước lên trời. Trước ngày ấy, Người đã dạy bảo các Tông Đồ mà Người đã tuyển chọn nhờ Thánh Thần. Người lại còn dùng nhiều cách để chứng tỏ cho các ông thấy là Người vẫn sống sau khi đã chịu khổ hình: trong bốn mươi ngày, Người đã hiện ra nói chuyện với các ông về Nước Thiên Chúa. Một hôm, đang khi dùng bữa với các Tông Đồ, Đức Giêsu truyền cho các ông không được rời khỏi Giêrusalem, nhưng phải ở lại mà chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, điều mà anh em đã nghe Thầy nói tới, đó là: ông Gioan thì làm phép rửa bằng nước, còn anh em thì trong ít ngày nữa sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần” (Cv 1:1-5). Chúa Giêsu về trời, nhưng rồi Ngài lại gởi Chúa Thánh Thần đến với chúng ta, đồng hành và hoạt động với chúng ta mọi nơi, mọi lúc.

Tư tưởng loài người không cao hơn mặt đất, tầm nhìn không vượt qua cái bóng của mình, thế nên khi nghe Đức Giêsu nói vậy, những người đang tụ họp ở đó tưởng rằng Ngài sắp sửa khôi phục vương quốc Ít-ra-en. Nhưng Ngài đáp: “Anh em không cần biết thời giờ và kỳ hạn Chúa Cha đã toàn quyền sắp đặt, nhưng anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giêrusalem, trong khắp các miền Giuđê, Samari và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1:7-8). Nói xong, Ngài được cất lên ngay trước mắt các ông, và có đám mây quyện lấy Ngài, khiến các ông không còn thấy Ngài nữa. Họ ngơ ngẩn nhìn nhau rồi nhìn theo hút Ngài, chẳng hiểu thế là thế nào.

Đang lúc các ông còn đăm đăm nhìn lên trời phía Ngài đi, bỗng có hai người đàn ông mặc áo trắng đứng bên cạnh và nói: “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn lên trời? Đức Giêsu, Đấng vừa lìa bỏ các ông và được rước lên trời, cũng sẽ ngự đến y như các ông đã thấy Người lên trời” (Cv 1:11). Lời giải thích này cho chúng ta biết chắc rằng Chúa Giêsu sẽ đến thế gian lần thứ hai vào một lúc nào đó, bất kỳ thời điểm nào mà chúng ta không thể biết được, thậm chí có thể là ngày mai hoặc hôm nay. Vì thế mà ai cũng phải sẵn sàng và tỉnh thức. Không chỉ vậy, với mỗi người còn là cái chết, vì tử thần có thể đến bất cứ lúc nào, không ai có thể ngờ được!

Cuộc đời Kitô hữu là cuộc lữ hành trần gian, là hành trình đức tin, là hành trình về trời. Đức Kitô đã về trời trước, đó là bảo chứng cho chúng ta. Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Vỗ tay đi nào, muôn dân hỡi! Mừng Thiên Chúa, hãy cất tiếng hò reo! Vì Đức Chúa là Đấng Tối Cao, Đấng khả uý, là Vua Cả thống trị khắp địa cầu” (Tv 47:2-3).

Niềm vui quá lớn, nỗi mừng khôn tả. Nhưng chúng ta hữu hạn, chỉ biết thể hiện bằng tất cả khả năng phàm nhân: “Thiên Chúa ngự lên, rộn rã tiếng hò reo, Chúa ngự lên, vang dội tiếng tù và. Hãy đàn ca, đàn ca lên mừng Thiên Chúa, đàn ca lên nào, đàn ca nữa kính Vua ta! Thiên Chúa là Vua toàn cõi địa cầu, hãy dâng Người khúc đàn ca tuyệt mỹ. Thiên Chúa là Vua thống trị chư dân, Thiên Chúa ngự trên toà uy linh cao cả” (Tv 47:6-9). Thiên Chúa không đòi hỏi quá sức chúng ta, Ngài chỉ muốn chúng ta chân thành với khả năng riêng của mỗi người.

Thánh Phaolô cho biết: “Tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu” (Ep 1:17-19a). Nhận biết Thiên Chúa là niềm hạnh phúc lớn lao, nhận biết Ý Ngài và vui mừng làm theo là niềm hạnh phúc lớn lao hơn. Quả thật, chấp nhận và làm theo Ý Chúa là điều không dễ chút nào, vì chúng ta thường chỉ muốn “được như ý” mà thôi!

Thánh Phaolô giải thích: “Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, mà Người đã biểu dương nơi Đức Kitô, khi làm cho Đức Kitô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. Như vậy, Người đã tôn Đức Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Kitô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh; mà Hội Thánh là thân thể Đức Kitô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn” (Ep 1:19b-23). Đức Kitô được Chúa Cha trao ban mọi thứ, nhưng Ngài không giữ riêng cho Ngài, mà Ngài lại muốn chia sẻ với chúng ta, làm cho chúng ta được viên mãn với Ngài, dù chúng ta không chỉ là phàm nhân mà còn là những tội nhân hoàn toàn bất xứng.

Niềm hạnh phúc như điệp khúc cứ lặp đi lặp lại trong cuộc đời chúng ta, trên suốt hành trình về trời. Không hạnh phúc sao được, vì chúng ta được Thiên Chúa ưu đãi quá nhiều, minh nhiên nhất là chúng ta được xóa án tử và được khôi phục cương vị làm con, đặc biệt là cũng sẽ được về trời.

Một hôm, mười một môn đệ đi tới miền Galilê, đến ngọn núi Đức Giêsu đã truyền cho các ông đến. Khi thấy Ngài, các ông bái lạy, nhưng có mấy ông lại hoài nghi. Bản tính nhân loại là thế, tận mắt thấy bao phép lạ mà vẫn chưa đủ tin. Vả lại, họ cứ tưởng Đức Giêsu là chính khách, Ngài sẽ giành quyền cai trị Ít-ra-en từ bọn thực dân Rôma. Khi đó, Đức Giêsu đến gần họ và nói: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28:18). Có lẽ nghe Ngài nói vậy thì họ càng cho rằng Chúa Giêsu đang làm chính trị thật, điều họ nghĩ không sai. Thế nhưng lại không phải vậy, Chúa Giêsu không bao giờ làm chính trị, và Phúc Âm cũng không là bản cương lĩnh chính trị.

Chúa Giêsu nói với họ: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28:19-20a). Ngài biết Ngài sắp đến giờ về cùng Chúa Cha, nên Ngài căn dặn kỹ lưỡng. Ngài về trời nên Ngài bảo chúng ta vào đời làm chứng nhân về Ngài. Đó vừa là một tặng phẩm vừa là một mệnh lệnh, vừa là một đặc ân vừa là một trọng trách.

Trước khi về trời, lời cuối của Chúa Giêsu trên thế gian là một lời hứa: “Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28:20b). Lời hứa đó đã được chứng tỏ rõ ràng nhất là Bí tích Thánh Thể, một phép lạ vĩ đại vẫn xảy ra hằng ngày ở khắp nơi trên thế giới. Biết rõ chúng ta yếu đuối nên Chúa Giêsu rất “tội nghiệp” chúng ta, Ngài cũng đã hứa: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi” (Ga 14:8). Và lời hứa đó lại được thực hiện ngay lập tức: Ngài về trời rồi gởi Đấng Bảo Trợ đến ở với chúng ta (Ga 14:16). Thánh Thể và Thánh Thần luôn đồng hành với chúng ta trên suốt Hành Trình Về Trời.

Cái gì cũng có “mở” và “kết”. Cũng vậy, Hành Trình Về Trời được khởi đầu từ điểm SINH và kết thúc ở điểm TỬ. Hành trình đó có thể là “con đường” dài hoặc ngắn, không ai biết; “con đường” đó cũng có thể rộng hoặc hẹp, nhưng ai chọn đường hẹp thì tốt hơn đường rộng, càng thênh thang càng “dễ chết”, có thể “chết yểu”, “chết” trước kỳ hạn, “chết” ngay khi mình đang sống. Chết như vậy thì thật là nguy hiểm! Vì thế, chính Chúa Giêsu đã khuyên những ai thực sự muốn được trường sinh vĩnh phúc: “Hãy qua cửa hẹp mà vào, vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong, mà nhiều người lại đi qua đó. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến sự sống, nhưng ít người tìm được lối ấy” (Mt 7:13-14). Không chỉ đơn giản như vậy, người ta còn phải “chiến đấu để qua được cửa hẹp” (Lc 13:24). Rất “ngược đời”, nhưng phải dám “ngược” như vậy thì mới mong “xuôi” về vĩnh cửu.

Thánh nữ Faustina so sánh: “Như bệnh tật được đo bằng nhiệt kế, sốt cao cho chúng ta biết là bệnh nặng, đời sống tâm linh cũng vậy, đau khổ là nhiệt kế đo tình yêu Chúa trong linh hồn” (Nhật Ký, số 774). Đây là điều rất khó đối với bản chất phàm nhân, nhưng người ta có thể chấp nhận nếu cố gắng hiểu theo cách hiểu của Chúa và nhìn theo cách nhìn của Chúa.

Lạy Thiên Chúa, Con Chúa về trời là dấu bảo đảm về sự sống vĩnh hằng mà chúng con đang cố gắng chiến đấu để đạt được. Xin mau ban Chúa Thánh Thần để đổi mới chúng con, làm cho chúng con can đảm làm chứng về Chúa Ba Ngôi. Xin giúp chúng con đủ sức vượt qua chính mình để xứng đáng lãnh nhận những gì Ngài đã hứa ban. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

Về mục lục

KHÁT VỌNG NGÀN ĐỜI

Những ngày này, đọc trên các trang mạng hay xem truyền hình Việt Nam, kênh nào cũng nói về Biển Đông, dàn khoan HD 981, Trung quốc xâm lược.

“Tính đến 8g30 sáng 25/5, đã có 37.181 người ký tên vào bản kiến nghị trên website chính thức của Nhà Trắng. Như vậy, từ đây đến ngày 12/6/2014, cần thêm 62,819 chữ ký nữa để chính quyền ông Obama có hành động cụ thể với việc Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou-981 (Hải Dương-981) trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam.  Bản kiến nghị có tiêu đề: Hãy áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Trung Quốc vì đã xâm phạm chủ quyền Việt Nam thông qua việc hạ đặt giàn khoan Haiyang Shiyou – 981. Theo nội dung kiến nghị, mối quan hệ giữa hai nước Hoa Kỳ và Việt Nam đang ngày càng tốt đẹp hơn trong sự hợp tác và hoà bình. Người Việt Nam khắp nơi trên thế giới kêu gọi Nhà Trắng có các biện pháp trừng phạt cứng rắn đối với Trung Quốc vì đã ngang nhiên vi phạm luật pháp quốc tế và chủ quyền của Việt Nam bằng việc hạ đặt giàn khoan dầu khổng lồ Haiyang Shiyou – 981 trong vùng biển Việt Nam.Theo các quy định hiện hành của Chính phủ Mỹ, kiến nghị sẽ trở thành chính thức và được Nhà Trắng xem xét nếu có đủ 100.000 chữ ký ủng hộ trước ngày 12/6/2014. Đến 22g30 ngày 25/5, đã có 43.658 chữ ký, còn cần thêm 56.342 chữ ký nữa. Như vậy, trong 15 giờ đồng hồ qua, đã có thêm 6.477 người ký tên vào bản kiến nghị”.(Ngọc Hồ).

“Tàu Trung Quốc đâm tàu cá của ngư dân Việt Nam trên biển của Việt Nam. Họ đã húc vỡ, chìm tàu cá Đna 90152 của bà Huỳnh Thị Kim Hoa (quận Thanh Khê, Đà Nẵng) vào chiều 26.5. Tàu vỡ toang và chìm, 10 thuyền viên nhảy xuống biển, rất may là được các tàu cá khác đến cứu kịp thời. Ông Trần Văn Lĩnh, Phó Chủ tịch Hội Nghề cá TP Đà Nẵng chỉ thẳng rằng hành động cố tình đâm vào tàu cá ngư dân Việt Nam của Trung Quốc là vô nhân đạo và cố ý giết người.Ngư dân của các địa phương khu vực miền Trung cho biết hiện nay cứ ra khơi là bị tàu sắt giả dạng tàu cá Trung Quốc truy đuổi, tấn công. Ngư dân phải xoay xở đủ cách để tránh bị húc chìm, kiếm miếng ăn phải đổi cả tính mạng. Chị Đặng Thị Sương, vợ của một thuyền viên trên chiếc tàu Đna 90152 nói: ‘Nghề đi biển là nghề làm ăn từ bao đời nay của người dân nơi đây. Cha mẹ sinh ảnh ra là để ảnh đi biển. Giờ không đi biển thì biết làm gì. Tàu Trung Quốc có đâm thì vẫn tiếp tục đi biển’.

Cái giá của đi biển bây giờ là giá máu, không phải chỉ vì thiên tai bão tố, mà vì mưu đồ độc chiếm biển Đông của Trung Quốc. Âm mưu của họ là muốn cho ngư dân Việt Nam sợ hãi, kiệt quệ, không có tài sản để đóng tàu mà phải bỏ vùng biển truyền thống Hoàng Sa. Một khi ngư dân Việt Nam bỏ biển, thì Trung Quốc mặc nhiên sở hữu một vùng ngư trường rộng lớn, chiếc lưỡi bò không còn trong trí tượng tượng của Bắc Kinh nữa.Âm mưu đưa tàu sắt ra húc tàu cá của ngư dân Việt Nam cũng giống như đưa tàu to húc tàu chấp pháp Việt Nam tại khu vực giàn khoan Hải Dương 981. Nhưng Trung Quốc sẽ không bao giờ thực hiện được âm mưu của mình, bởi vì một lẽ rất đơn giản: Việt Nam!Hãy nghe người phụ nữ chủ tàu bị húc chìm nói: ‘Tuy nhiên còn một tàu đó, có bị Trung Quốc đâm thì mình vẫn tiếp tục vươn khơi. Dân biển mà không bám biển lấy gì mà ăn, còn để bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước mình nữa chứ’. Một người dân bình thường, chỉ có ước mơ đơn giản là làm nghề biển để kiếm cái ăn. Nhưng cũng biết ‘bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước’.

Trung Quốc có thể dùng vũ lực để hiếp đáp, gây hấn, xâm lấn nhất thời, nhưng chắc chắn một điều, sẽ không bao giờ thực hiện được dã tâm thôn tính biển Đông của Việt Nam. 90 triệu dân Việt Nam không khoanh tay ngồi nhìn cái lưỡi bò tham lam tự tung tự tác”. (Lê Chân Nhân).

  1. Khát vọng ngàn đời

Đọc lại câu chuyện Phù Đổng Thiên Vương để tiếp thêm sức mạnh cho mỗi người dân Việt.

Vào đời Vua Hùng Vương Thứ Sáu có nạn giặc Ân bên Tàu. Chúng cậy thế mạnh nên hay sang quấy nhiễu nước ta. Vua truyền hịch đi khắp nơi để tìm người tài giỏi giúp nước diệt giặc. Bấy giờ ở làng Phù Đổng có một cậu bé đã 3 tuổi mà chỉ nằm ngửa không nói được một lời nào. Nghe sứ giả nhà vua rao hịch tìm người tài diệt giặc, cậu liền nhờ sứ giả xin với Vua, đúc cho cậu một cây roi sắt và cấp cho cậu một con ngựa bằng sắt, để cậu đi đánh đuổi ngoại xâm. Nghe lời người hiền tài nhắn gởi, Vua thuận ý. Cậu bé liền vươn vai thành người to lớn, khỏe mạnh. Cậu đứng dậy, cầm roi sắt, nhảy lên yên ngựa, oai phong đi đánh giặc Ân. Dẹp xong giặc, cậu phóng ngựa lên núi Sóc Sơn rồi về trời. Vua nghĩ là thiên thần của trời cao xuống trần cứu giúp nên liền xây một đền thờ gọi là đền Phù Đổng Thiên Vương để tạ ơn và tưởng nhớ.

Câu chuyện huyền sử nói lên khát vọng của một dân tộc nhỏ bé luôn bị ngoại bang quấy nhiễu. Một tiểu quốc hiền hòa trước một đại hán bá quyền bành trướng. Vì thế mà ước mơ có được sứ thần từ trời cao đến cứu giúp. Một khát vọng ngàn đời, được tự do và độc lập, được công lý và dân chủ.

Con người mọi thời đại luôn khát khao bay lên trời. Đi dưới đất, ngược xuôi trên biển trên sông, con người luôn ước vọng, phải làm sao lên được trời cao.Vì thế, ngày 04 tháng 06 năm 1783, lần đầu tiên, hai anh em Mongolfiers, bay lên trời bằng khí cầu được 500 mét trước hàng ngàn người chứng kiến. Ngày 12 tháng 04 năm 1961, Gagarine, phi hành gia đầu tiên bay ra khỏi tầng khí quyển của trái đất trong phi thuyền Vostok I của Liên Xô. Đến ngày 16 tháng 07 năm 1969 hai phi hành gia người Mỹ là Armstrong và Aldrin bay lên tới mặt trăng. Cả thế giới đã hồi hộp theo dõi những phi hành gia bay vào vũ trụ. Và chuyến bay nào rồi cũng phải trở về trái đất.

  1. Chúa Giêsu Lên Trời

Hôm nay, Giáo hội mừng lễ Chúa Giêsu lên trời. Người trở về nhà Cha, sau khi đã hoàn tất sứ vụ Chúa Cha trao phó. Sau thời gian 33 năm xa nhà, Người hồi hương trong vinh quang phục sinh và “được đưa về trời ngự bên hữu Thiên Chúa” (Mc 16,19).

Chúa Giêsu lên trời, một cảnh tượng thật huyền diệu. Thân xác Người nhẹ bay lên cao. Tay Người ban phúc lành cho các tín hữu. Dáng Người nhỏ dần và hòa biến vào không gian vô tận.

Trên trời cao, các thiên thần và triều thần thiên quốc đang tụ họp tổ chức nghi lễ đón tiếp Đấng Cứu Thế khải hoàn. Tác giả Thánh vịnh 23 đã chiêm ngưỡng và mô tả cuộc nghinh đón đó bằng ca khúc bất hủ : “Hỡi các khải hoàn môn và các vệ binh thiên quốc, hãy cất cao đầu lên. Hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu, hãy mở rộng ra, để Vua vinh hiển và đoàn tùy tùng tiến vào. Vua vinh hiển là ai ? Thưa là Đức Giêsu uy hùng lẫm liệt, là Chúa oai phong chiến thắng. Hỡi các khải hoàn môn, hỡi các cửa triều đình vĩnh cửu hãy cất cao đầu lên, để Vua vinh hiển tiến vào, Vua vinh hiển là ai ? Chính là Thiên Chúa hùng dũng uy linh”.

Đoàn tùy tùng theo Chúa về trời đông vô kể, các thánh thời Cựu Ước, các tổ phụ, các tiên tri, các người công chính…đang hoan hỉ vui mừng đi theo Chúa. Đặc biệt có thánh cả Giuse, thánh Gioan Tiền hô, Tổ phụ Abraha

m, Giacop, Môisê, thánh Giop, vua Đavid, các tiên tri, hân hoan cung nghinh Đấng Phục Sinh khải hoàn về thiên quốc.

Trên núi Cây Dầu cả cộng đoàn môn đệ đang ngây ngất chiêm ngưỡng, tâm trí như mất hút vào không gian vô tận, lòng rộn rã hân hoan: “Hãy vỗ tay, hãy reo mừng Thiên Chúa. Hãy trổi cao kèn sáo, đàn ca lên dâng Người khúc ca tuyệt mỹ, Chúa là Vua khắp muôn dân, ngự trên tòa uy linh cao cả” (Tv 47, 2-3, 6-9).

Chúa về trời vì chính Người đã từ trời xuống thế: “Không ai đã lên trời, ngoại trừ Con Người, Đấng đã từ trời xuống” (Ga 3,13). Người đến nhân gian để nói với nhân loại về Nước Trời, mặc khải cho con người biết Thiên Chúa. Người giúp họ thay đổi quan niệm về Thiên Chúa cũng như quan niệm về con người.

  1. Hiện diện mới

Chúa về trời, một cuộc tạm biệt chứ không ly biệt. Chia tay để rồi sẽ gặp lại nhau trong một tương quan mới.Chúa về trời gợi lên trong tâm hồn chúng ta một khát vọng quy hướng về Người để rồi đối với chúng ta không còn hạnh phúc nào lớn hơn là được ở trong Người, đón nhận sự sống sung mãn Người ban tặng. Nhận thức được niềm hạnh phúc ấy, đời sống cầu nguyện của chúng ta sẽ có một sự thú vị ngọt ngào. Nơi thiên cung, mọi đau khổ, bệnh tật, chiến tranh, khủng bố không còn nữa. Ở đó chỉ có thanh bình, công bằng, và hạnh phúc viên mãn, nhân phẩm và nhân vị con người hoàn toàn được phục hồi trong ánh sáng phục sinh của Chúa Kitô.

Từ nay trở đi, Chúa Kitô Phục Sinh sẽ hiện diện trong lòng con người, trong tâm hồn tất cả những ai tin vào Người.

Khi hai người yêu nhau thì luôn muốn sống bên nhau, nhưng tới một giây phút nào đó họ cảm thấy sống bên nhau vẫn chưa đủ. Những người yêu nhau muốn sống trong nhau, nhưng điều đó không thể xảy ra giữa loài người được vì dẫu sao thân xác của mỗi người vẫn tạo ra một ngăn cách. Điều con người không thể làm được thì Thiên Chúa đã làm. Chúa Giêsu một khi ngự bên hữu Chúa Cha đã hoàn toàn mặc lấy quyền năng Chúa Thánh Thần, Người đến ngự trong tâm hồn của mỗi chúng ta. Chính Người đã nói “ Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ lời Thầy và Cha Thầy sẽ yêu mến nó và chúng ta sẽ đến và ở lại với người ấy” ( Ga 14,23).  Để chúng ta hiểu hơn về sự hiện diện này Chúa đã dùng dụ ngôn cây nho và cành nho “ Thầy là cây nho các con là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy thì người ấy sinh nhiều hoa trái vì không có Thầy anh em chẳng làm gì được”(Ga 15,5). Thiền sư Suzuki rất tâm đắc với huyền nhiệm này khi viết: Thiên Chúa ở trong con người và con người ở trong Thiên Chúa. Chúa là người và người là Chúa mà Chúa vẫn là Chúa và người vẫn là người.  Quả thật,đó là điều kỳ bí nhất của Tôn Giáo, một nghịch lý thâm u nhất của triết học.

  1. Trao Sứ Vụ

Chúa về trời mở ra sứ vụ mới cho các Tông đồ. Đó là khai trương công cuộc truyền giáo toàn cầu với lệnh truyền của Chúa: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ.  Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Bảo chứng cho sứ vụ truyền giáo là: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ rồi đến các môn đệ, Chúa Giêsu trở thành người sống đương thời với chúng ta “và đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế”.

Chúa đã dùng Giáo Hội như đôi tay để tiếp tục công cuộc cứu rỗi của Người. Sứ mệnh của Chúa là sứ mệnh thiêng liêng. Nhưng sứ mệnh đó phải được thể hiện bằng lời nói, bằng hành động bên ngoài. Giáo Hội thực thi sứ mệnh đó trong khung cảnh hữu hình, nhờ những phương tiện cụ thể. Nhờ những sinh hoạt hữu hình và đôi tay cụ thể của Giáo Hội mà Chúa Giêsu tiếp tục loan truyền chân lý, trao ban sự sống,dẫn đưa nhân loại về hạnh phúc vĩnh cửu.

Giáo Hội Thánh chọn lễ Thăng Thiên làm Ngày Thế giới Truyền thông. Ngày lễ Thăng Thiên gắn liền với mệnh lệnh: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần, dạy bảo họ tuân giữ mọi điều Thầy đã truyền cho anh em” (Mt 28,19). Các Tông Đồ lên đường truyền giáo, cộng đoàn Giáo Hội được thiết lập và những bước chân không mệt mỏi của người loan báo Tin Mừng đã làm nên lịch sử Giáo Hội. Có truyền giáo là có truyền thông, và bởi vì có truyền rao sứ điệp cứu rỗi của Tin Mừng nên mới có những người lắng nghe, đón nhận đức tin và được sống trong ơn cứu rỗi. Truyền giáo là nghĩa vụ “thông truyền điều đã thấy và đã nghe” (1 Ga 1,3) để mọi người được hiệp thông với Thiên Chúa. Đây là điểm khác biệt giữa truyền thông xã hội và truyền thông công giáo. Trong khi truyền thông xã hội khai thác thông tin theo quy luật cung cầu của thị trường, thì truyền thông công giáo lại xác định hướng đi của mình là mùa màng trong đời sống đức tin.

Trong thế giới kỹ thuật số, Giáo Hội khuyến khích con cái mình vận dụng những phương tiện truyền thông hiện đại nhất để thi hành sứ vụ loan báo Tin mừng. Đức cha Giuse Vũ Duy Thống gọi những người làm truyền thông là những thừa tác viên mới trong công cuộc truyền giáo mới vì họ luôn gắn bó với một phương tiện mới.

Sứ điệp của Đức Thánh Cha Phanxicô nhân Ngày Thế Giới Truyền Thông Xã Hội lần thứ 48, có chủ đề: Truyền thông, phục vụ một nền văn hóa gặp gỡ đích thực.Truyền thông là cơ hội gặp gỡ giữa con người với nhau và đồng thời là dịp xây dựng tình cận thân trong ý nghĩa của Tin mừng. Đó là hình ảnh của người Samaritanô nhân hậu.

Nếu Chúa Giêsu sinh ra trong thời đại này, Người sẽ dùng internet để rao giảng Tin Mừng. Chúa Giêsu Kitô là nhà truyền thông đầu tiên, vĩ đại, đại tài vì sứ điệp của Người là Tin Mừng, là tin vui cho mọi người. Chúa Giêsu có mạng lưới gồm các Tông đồ thông truyền Tin Mừng cho nhân loại. Qua các môn đệ,Tin Mừng được loan truyền từ thế hệ này đến thế hệ khác.Chúa Giêsu không có các phương tiện hiện đại, Người có các Tông đồ, các môn đệ, các thế hệ nối tiếp nhau như mạng lưới phổ biến Tin Mừng khắp nơi trên thế giới.

Truyền thông chính là chia sẻ niềm vui Tin mừng cứu độ. Truyền thông có đặc điểm là khiêm tốn, nhẹ nhàng, nên mọi sự cho mọi người và xây dựng một nền văn hóa gặp gỡ yêu thương. Từ đó giúp con người nhận ra tình yêu của Chúa. Đây là sứ vụ Chúa trao phó cho mỗi người tín hữu trong thời đại hôm nay.

Cảm tạ Thiên Chúa đã ban những phương tiện truyền thông hiện đại. Ước mong mỗi người tín hữu biết sử dụng các phương tiện truyền thông với đức tin, trong sự tuân phục sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, góp phần loan báo Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô.

Về mục lục