CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT LỄ CHÚA BA NGÔI – NĂM A

135

Chúa Nhật Lễ Chúa Ba Ngôi – năm A
Lời Chúa:
 Xh 34,4b-6.8-9; 2Cr 13,11-13; Ga 3,16-18
****************

 

Mục lục

1. Chúa yêu loài người   (Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)

2. Suối nguồn tình yêu  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Yêu thương – Tha thứ – Ban tặng  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

4. Chúc tụng Chúa Ba Ngôi   (Trầm Thiên Thu)

5. Sống yêu thương theo gương mẫu Chúa Ba Ngôi  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

6. Dấu Thánh Nhiệm Mầu  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

 



CHÚA YÊU LOÀI NGƯỜI

Trải qua tuổi học trò, nhiều người đã cảm nhận thế nào về câu nói : khó như lý, bí như hình. Vào những năm sau 1975, lúc ấy rất nhiều người lớn sử dụng cụm từ : “húp cháo rùa” rồi, “ăn nấm rồi”, khiến đám trẻ chỉ biết lặng im đợi chờ điều gì xảy ra. Thời gian trôi đi, ai cũng có thể tự trả lời : “khó hiểu hay không hiểu” đều tùy thuộc nơi mỗi người; có được đĩa nấm xào hay tô cháo rùa đâu phải là xui, là thất bại như ký ức tuổi thơ !

Từ khi chưa sinh ra đời, cha mẹ đã yêu thương ta rồi, thế mà có những trường hợp Đấng bậc sinh thành nhắm mắt xuôi tay, họ mới phát hiện thế nào là công cha nghĩa mẹ. Chúa yêu thương loài người từ đời đời, và qua các thời đại con người vẫn chỉ “lơ mơ” về khái niệm ấy ! Thiên Chúa hằng hiện hữu từ khi chưa có đất trời, rồi Đức Giêsu làm người, mạc khải về “Tình Yêu Thiên Chúa”, con người cũng chỉ có thể tuyên xưng một cách khiêm tốn : “tôi tin Một Thiên Chúa Ba Ngôi”.

Khi nói tới tình yêu, người ta thường nói về tình yêu đôi lứa, tình yêu quê hương đất nước, nghĩa là tình yêu phải có đối tượng. Tuy không ai dám lấy tình yêu của con người để mô phỏng tình yêu của Thiên Chúa; nhưng nhờ Đức Giêsu, chúng ta biết : “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một Người, để tất cả những ai tin Con của Người, thì không phải hư mất….”.

Trong bài sách Xuất Hành hôm nay, thay vì trừng phạt và để mặc dân chết trong sa mạc, ông Môisê đã đi gặp Chúa, đã lên núi Sinai lần thứ hai để được Chúa ban lề luật; Thiên Chúa không oán phạt, nhưng lại chọn con đường yêu thương và tha thứ cho dân.Trong bài đọc II, thánh Phaolô dùng mẫu gương Chúa Ba Ngôi để chúc lành và khuyến khích các tín hữu sau khi cảm nghiệm thế nào là tình yêu của Thiên Chúa, hãy sống mẫu gương của Ba Ngôi để biết yêu thương, tha thứ, và hiệp nhất với nhau trong cuộc đời.

Mầu nhiệm Ba Ngôi không phải là phát minh hay là một khám phá bởi những đầu óc cao siêu của một số người, nhưng là một thực tại vì đã được mặc khải bởi chính Đức Kitô,thánh Gioan diễn tả tình yêu của Thiên Chúa thật ngắn gọn: Thiên Chúa là tình yêu.

Người ta sinh ra ở đời ai ai cũng tựa như một hành khách, dù hoàn cảnh thế nào cũng đối diện với hai con đường giao nhau. Có người biết chọn con đường thẳng để đi thì không lạc đường mà chóng đến nơi. Có người lại đi con đường cong queo thành ra vất vả, vừa khó đi mà không đến nơi được. Con đường thẳng là con đường nhân nghĩa, đường tình yêu, con đường cong queo là con đường gian ác quỉ quyệt, đường dẫn tới sự chết. Đi con đường thẳng là người quân tử, có nhân cách hoàn toàn; đi con đường cong là kẻ tiểu nhân hèn hạ. Chúa Giêsu hé mở cho những ai đi con đường của Chúa, tin vào Chúa thì không phải hư mất, nhưng được sự sống đời đời.

Nho giáo có câu : “đừng lấy bụng tiểu nhân mà đo lòng người quân tử”. Đại ý là đừng hồ đồ suy bụng ta ra bụng người, tình yêu của kẻ tiểu nhân là mưu mô chiếm đoạt, tình yêu của người quân tử là quảng đại chân thành. Làm sao chúng ta có thể lấy tình yêu của con người mà so sánh với tình yêu của Thiên Chúa ? Bởi Thiên Chúa không sai Con của Người đến để luận phạt thế gian, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ.

Ngày hôm nay, muốn là quân tử thì chúng ta phải giữ đủ cả phần chất phác ở trong tâm và phần văn hoa xã giao bên ngoài, đừng để chênh lệch “bên trọng bên khinh”. Chất phác mà cao hơn văn vẻ là thô lỗ, văn vẻ mà lớn hơn chất phác là hào nhoáng hình thức, văn và chất phải đều nhau, đừng để bên nọ hơn bên kia thì mới thật là người quân tử, người quân bình trong tình yêu thương.

Vũ trụ quá rộng lớn so với đầu óc hạn hẹp của con người, dù có sử dụng công nghệ hiện đại nhất, cũng không thể đo, không thể tính được tại sao Thiên Chúa lại yêu loài người tội lỗi ? con người có hiểu hay không, Mầu Nhiệm Ba Ngôi vẫn hiện hữu. Chúa yêu loài người không phải bằng một tình yêu trừu tượng, nhưng bằng hoạt động của Ba Ngôi. Chúa yêu loài người và ban tự do để con người cảm nhận tình yêu của Ba Ngôi : tin yêu – hiệp nhất – đạt tới ơn cứu độ. Amen.

Về mục lục



SUỐI NGUỒN TÌNH YÊU

Có người nói rằng: Nếu có ai nói với tôi  “xin hãy cho biết Thiên Chúa là thế nào ?”, tôi sẽ bảo người đó : “Hãy yêu thương anh em nhiều hơn. Tình yêu sẽ nói cho bạn biết Thiên Chúa là thế nào?”

Thực vậy, Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu của Ngài được tỏ bày qua Ba Ngôi Vị: Ngôi Cha – Ngôi Con – Và Thánh Thần. Ba Ngôi trong một Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy được tuôn chảy đến con người qua tạo dựng – cứu chuộc và thánh hóa con người. Tình yêu ấy mãi chung thủy với con người dù cho con người có yếu đuối, phản bội hay quay lưng lại với tình yêu của Ngài. Vì bản chất của Ngài là tình yêu. Bởi thế ai yêu thương thì có thể biết Thiên Chúa, có thể sống trong Nước Thiên Chúa và hưởng được hạnh phúc của Thiên Chúa. Càng yêu thương thì càng giống Thiên Chúa ; ngược lại càng ít yêu thương thì càng khác với Thiên Chúa.

Câu chuyện về thánh Maximilien Kolbe như là chứng tích cho tình yêu Thiên Chúa vẫn đang được hiện tại hóa qua các nhân chứng của Ngài.

Cha thánh Maximilien Kolbe thụ phong linh mục năm 1918 Cha bị Đức Quốc Xã bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Auschwitz.

Đây là một nhà tù hãi hùng nhất bao gồm mọi hình phạt và kỷ luật sắt ghê gớm, độc ác dành cho các tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên mình, thay vào đó là những con số. Cha Maximilien Kolbe mang số tù binh là 16.670. Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức oan nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân là nạn nhân của thứ luật lệ hãi hùng này. Cha Maximilien Kolbe cũng trở thành một trong những nạn nhân ấy.

Đó là một buổi chiều tháng 8.1941, một người tù đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định chết thay cho anh. Trong số mười người này có anh lính Gajowniczek. Anh kêu khóc thảm thiết vì anh còn mẹ già, còn vợ, còn con thơ không ai nuôi dưỡng.

Trước thảm cảnh đó, vì lòng yêu mến Chúa, yêu thương con người, Cha Maximilien Kolbe đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14.

Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác ra ngoài, nhưng Cha Maximilien Kolbe còn thoi thóp, người ta chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Trong buổi đạk lễ, Đức Thánh Cha Phao-lô VI tôn phong chân phước Maximilien Kolbe lên bậc hiển thánh, có một cụ già đáng kính trong đoàn người dâng lễ vật, được Đấng đại diện Chúa ôm hôn. Đó chính là người tù được cha thánh chết thay. Trong giây phút trang trọng ấy, toàn thể cộng đoàn sốt sắng hát vang khúc tình ca: “không có tình yêu nào trọng đại cho bằng chết vì yêu”. Đây là một chứng tích tình yêu cao vời khiến mọi người hiện diện đều xúc động và rơi lệ.

Tình yêu sẽ làm nên muôn điều kỳ diệu. Tình yêu sẽ thúc bách con người thi thố cho nhau những nghĩa cử cao thượng. Nhất là tình yêu trong Thiên Chúa sẽ giúp con người đi đến cùng của yêu thương. Vì yêu Thiên Chúa mà con người đón nhận nhau trong tôn trọng và yêu thương. Vì yêu Thiên Chúa mà con người chẳng quản ngại hy sinh để chia sẻ buồn vui với nhau, để nâng đỡ và cảm thông với nhau. Vì yêu Thiên Chúa mà con người chấp nhận chung sống hòa bình với nhau.

Chấp nhận sống trong tình yêu là con người đang họa lại chân dung tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa cho anh em. Chấp nhận để cho tình yêu Thiên Chúa dẫn dắt là con người đang sống liên kết với tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa như cành liền cây để có thể đơm hoa kết trái.

Xin Chúa giúp chúng ta sau khi đã nhận ra tình yêu cả Ba Ngôi Thiên Chúa thì cũng biết sống tình yêu ấy cho anh em trong thế giới hôm nay. Amen

Về mục lục


YÊU THƯƠNG – THA THỨ – BAN TẶNG

Hôm nay, chúng ta cùng với Giáo Hội mừng lễ Chúa Ba Ngôi. Chúa Ba Ngôi là mầu nhiệm chính yếu trong đức tin của người Kitô hữu, song cũng là mầu nhiệm khó suy niệm nhất. Trí óc của chúng ta thường bị đóng khung bởi quan niệm số học và bởi cái khung của thời gian và không gian, nên khi suy gẫm về mầu nhiệm Thiên Chúa, chúng ta hay đặt Thiên Chúa vào trong sự giới hạn của trí óc con người. Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm vượt quá khả năng suy luận, hiểu biết của trí tuệ, nhưng không phải là điều vô lý. Chúng ta khó có thể thể tiếp cận mầu nhiệm cao siêu này bằng suy luận, nhưng chúng ta lại có thể tiếp cận và hiểu mầu nhiệm này bằng trái tim, bằng sự cảm nhận và bằng việc mở rộng đôi mắt tâm hồn để nhìn thấy sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi đang hoạt động trong lịch sử nhân loại và trong cuộc đời mỗi người.

Dân Chúa ngày xưa, họ không bận tâm về điều gì khác ngoài Thiên Chúa. Điều họ dễ dàng cảm nhận nhất về Thiên Chúa của họ đó là một vị Thiên Chúa vô hình nhưng thật gần gũi, nghiêm nghị nhưng lại dễ động lòng trắc ẩn, một Thiên Chúa để mình bị “liên lụy” với con người chỉ vì yêu con người. Ngài không muốn để Israel như là một đám dân ô tạp, Ngài đã cam kết với họ để quy tụ họ thành dân riêng của Ngài. Thiên Chúa muốn dân ấy phải sống hơn hẳn các dân tộc khác, nên Ngài đã ban cho họ Mười Điều Răn như là khuôn vàng thước ngọc, làm tiêu chuẩn mời gọi họ bước theo. Đã bao nhiêu lần dân Israel phản bội lại những gì họ đã cam kết với Thiên Chúa, Thiên Chúa nổi giận, nhưng rồi lại xót thương. Chính vì thế, trong mắt của Israel, Thiên Chúa của họ quả là vị Thiên Chúa nhân hậu, từ bi, chậm giận và giàu lòng thành tín.

Môsê, một người bạn của Thiên Chúa, là người đã được gặp gỡ, trò chuyện với Thiên Chúa như với người bạn, ông đã cảm nhận rằng : Thiên Chúa quảng đại như một người cha sẵn sàng tha thứ cho sự ngỗ nghịch của những đứa con. Bài đọc một hôm nay cho thấy một Thiên Chúa thật gần giũi, thật thân tình. Ngài ngự xuống với Môsê và khẳng định cho Môse thấy Ngài là Thiên Chúa từ bi, nhân hậu và giàu lòng xót thương. Vì thế, Môsê đã nài nỉ xin Chúa luôn ở bên ông, đồng hành với Israel và chỉ cho ông biết phải điều khiển dân chúng như thế nào.

Dường như Thiên Chúa muốn tỏ bày trái tim của một người cha dành cho con người đến tột cùng, không còn cách nào hơn. Ngài đã liều mình để cho Con của Ngài là Ngôi Lời đến ở với nhân loại. Đức Giêsu chính là Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa đến ở với con người, để chia sẻ thân phận con người với con người, đồng lao cộng khổ với con người. Qua câu chuyện với ông Nicôdêmô, Chúa Giêsu đã diễn tả tình yêu tuyệt vời của Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của con người khi khẳng định : Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết nhưng được sống đời đời. Qua lời mặc khải này, chúng ta như được Đức Giêsu đưa vào đến tận cung lòng của Thiên Chúa Cha, như đụng chạm được “trái tim” của một người cha : không kết án, nhưng chỉ tha thứ. Đồng thời, Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng : Chỉ những ai tin vào Con của Ngài thì không bị kết án, còn ai không tin thì đã tự bị kết án rồi, tức là tự loại mình ra khỏi lòng thương xót của Chúa Cha.

Đến thế gian trong sứ mệnh làm con người và đưa loài người về với Cha, Chúa Giêsu đã chỉ cho mọi người thấy rằng Ngài chính là Thiên Chúa, Ngài hằng ở bên Chúa Cha, làm theo ý Cha và nên một với Cha ; những ai tin Ngài là tin vào Chúa Cha, những ai thấy Ngài là thấy Chúa Cha, những ai làm việc ngài chỉ dạy là làm những việc của Chúa Cha. Qua cuộc sống trần thế, Chúa Giêsu đã thể hiện tình yêu của một vị Thiên Chúa đối với tất cả mọi người : những người nghèo khổ về tinh thần lẫn thể xác, những người bị loại trừ vì nghèo đói bệnh tật,…tất cả đều được Ngài đón nhận và yêu thương. Chúa Giêsu là một vị Thiên Chúa, nhưng Ngài đã muốn làm người để có thể yêu thương con người bằng trái tim của con người, theo cách thức của con người, để con người có thể cảm nhận, đụng chạm, gặp gỡ Thiên Chúa ở nơi Ngài và qua con người của Ngài.

Kết thúc sứ mạng của Ngôi Hai ở trần gian, Thiên Chúa không muốn để con người bơ vơ lạc lõng, Ngài đã ban Thánh Thần của Ngài cho nhân loại. Thánh Thần là Ngôi Ba, là Tình yêu, là Thần của Sức Mạnh, là Đấng canh tân, biến đổi thế giới. Chính Thánh Thần của Thiên Chúa vẫn đang ở với con người, tuy vô hình nhưng đang hoạt động không mệt mỏi nơi tâm hồn, nơi các nhóm tông đồ, nơi Giáo Hội. Chính Thánh Thần đang chuẩn bị tâm hồn mọi người để họ có thể đón nhận Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài, đón nhận Thiên Chúa là Cha, và đón nhận mọi người như anh em. Cũng chính Thánh Thần là tình yêu, Ngài làm cho trái tim và tâm hồn chúng ta cháy lửa yêu thương, để chúng ta có thể yêu Chúa trên hết mọi sự và yêu anh em không giới hạn. Thánh Thần còn là sức mạnh để giúp mọi tín hữu không sợ hãi, không ngại ngần để sống thực thi và loan truyền Tin Mừng của Chúa Giêsu cho thế giới.

Mừng lễ Thiên Chúa Ba Ngôi, không phải để chúng ta suy luận, cũng không phải để chấp nhận một mầu nhiệm cao siêu cách thụ động ; mà quan trọng hơn, đó là mỗi người tín hữu cần phải nhận ra sự hiện diện và hoạt động của cả Ba Ngôi Thiên Chúa trong cuộc đời mỗi người, thấy được tác động của Thiên Chúa Ba Ngôi trong từng ngày sống, từng công việc, từng lời ăn tiếng nói của chúng ta.

Linh hồn mỗi người chính là đền thờ của Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính vì thế, trước hết, mỗi người cần phải làm cho đền thờ tâm hồn của mình nên thánh thiện, xứng đáng làm nơi cự ngụ cho Ba Ngôi Thiên Chúa. Hoặc nói như thánh Phaolô trong bài đọc hai đó là : Anh em hãy cố gắng để nên hoàn thiện, sống đồng tâm nhất trí, thuận hòa, như thế Thiên Chúa, nguồn bình an và yêu thương, sẽ ở cùng anh em. Vì Thiên Chúa không thể ở trong một tâm hồn ngổn ngang giả dối, với những gian tham quanh co ; hoặc là một tâm hồn khô khan nguội lạnh, không tình yêu, không sức sống. Thiên Chúa Ba Ngôi cũng không thể ở trong tâm hồn của những người bắt tay với ma quỷ và sự ác. Vì thế, mỗi ngày, chúng ta hãy cố gắng làm cho tâm hồn mình nên xứng đáng bằng việc loại bỏ những gì không phù hợp với Thiên Chúa ; bên cạnh đó, còn phải trang hoàng tâm hồn mình bằng những việc làm cụ thể, đó là yêu thương, nhân hậu, quảng đại, bao dung và những việc bác ái cụ thể.

Hãy sống và thể hiện đức tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi nơi gia đình của mình, vì Ba Ngôi Thiên Chúa là một cộng đoàn, một gia đình yêu thương, hiệp thông mà mỗi gia đình nhân loại chúng ta được dựng nên theo hình ảnh và theo khuôn mẫu Ba Ngôi. Do đó, khi vợ chồng, cha mẹ, con cái sống trong tình hiệp thông và yêu thương là chúng ta ta đang thể hiện mầu nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa và khi càng yêu thương, ta càng nên giống Thiên Chúa hơn.

Những người chồng, người cha, hãy thể hiện tình yêu của một Thiên Chúa là Cha yêu thương, quảng đại, sẵn sàng tha thứ cho vợ con mỗi khi họ sai lỗi. Hãy sống với với vai trò của một người chồng, người cha có trách nhiệm, không chỉ lo cho gia đình cơm ăn áo mặc, nhưng còn phải làm cho chất lượng cuộc sống gia đình nâng cao và nhất là làm cho đời sống đạo đức của gia đình trở thành nhịp thở, thành nếp sống thường xuyên của gia đình. Đừng bao giờ để cho rượu chè, say sưa, cờ bạc, sự nóng giận, sự lười biếng làm mất đi hình ảnh đẹp về một người chồng, người cha trong mắt vợ con, và làm giảm đi sự kính trọng của vợ con.

Những người vợ, người mẹ hãy thể hiện tình yêu của một Thiên Chúa ân cần chăm sóc cho chồng, cho con dù có phải vất vả hy sinh. Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi ban Con Một mình cho nhân loại, chẳng lẽ là những người mẹ, chúng ta không dám yêu chồng, thương con đến nỗi hy sinh cả sức lực, thời giờ và cả cuộc đời cho chồng con ? Cùng vì chồng con, hãy cố gắng làm cho gia đình mình trở thành một gia đình đạo đức qua những giờ kinh, giờ cầu nguyện mỗi ngày, qua việc tham dự thánh lễ và đón nhận Thánh Thể làm làm lương thực nuôi sống, bổ sức cho mình và cho gia đình.

Thánh Thần là Thần Tình Yêu, những người làm con và các bạn trẻ hãy là tình yêu trong gia đình và trong cuộc sống. Các bạn trẻ hãy đem về cho gia đình mình nhiều tình yêu thương hơn, hãy trở thành sợi dây yêu thương để nối kết cha mẹ và các thành viên trong gia đình ; đồng thời, cũng hãy là những người làm giảm nhiệt những khi gia đình căng thẳng, nóng nảy. Hãy đem về cho cha mẹ sự hãnh diện vì những kết quả và những thành công trong cuộc sống, nhất là hãy đem về cho cha mẹ niềm tự hào khi thấy con cái ngoan ngoãn, đạo đức và thành công. Các bạn cũng hãy là tình yêu thương trong xã hội nóng nảy, hận thù hôm nay. Hãy đem đến cho mọi người luồng gió mát của sự quảng đại, lòng nhân ái và những cử chỉ đẹp trong cuộc sống.

Sau cùng, khi làm dấu thánh giá : trước khi đi ngủ, mỗi khi thức dậy, hoặc trước và sau những bữa ăn, hay bất cứ lúc nào… cũng là dấu chỉ chúng ta tuyên xưng Mầu Nhiêm Thiên Chúa Ba Ngôi. Hãy làm dấu một cách trang trọng và ý thức, đó là chúng ta sống mầu nhiệm Ba Ngôi và tuyên xưng mầu nhiệm này trước mắt mọi người. Amen.

Về mục lục

CHÚC TỤNG CHÚA BA NGÔI

“Nhân danh Chúa Cha, Chúa Con, và Chúa Thánh Thần”. Mỗi ngày chúng ta tuyên xưng Chúa Ba Ngôi nhiều lần, vì mỗi khi “làm dấu Thánh Giá” là chúng ta chúc tụng và tuyên xưng Chúa Ba Ngôi. Chúng ta quen gọi tắt là “làm dấu”, nhưng hãy lưu ý: Làm DẤU chứ không làm GIẤU. Thế mà có người lại thích “làm giấu” (không làm hoặc làm chiếu lệ) vì họ “ngại” khi có mặt người lạ, người ngoại hoặc ở nơi công cộng (ăn tiệc, ăn quán,…).

Hằng ngày, ngoài việc làm dấu Thánh Giá, chúng ta còn nhiều lần chúc tụng Thiên Chúa Ba Ngôi khi chúng ta cầu nguyện – chung hoặc riêng: “Sáng danh Ðức Chúa Cha, và Ðức Chúa Con, và Ðức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và hằng có, và đời đời chẳng cùng” (Kh 1:8). Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ, làm phép rửa cho họ nhân danh Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần” (Mt 28:19).

Lễ trọng này công bố Mầu nhiệm Trung tâm của Đức Tin: Thiên Chúa Ba Ngôi.

Một hôm, từ sáng sớm, ông Môsê lên núi Sinai như Chúa đã truyền dạy, ông mang theo hai bia đá. Chính hai bia đá này sẽ được ghi Thánh Luật (Thập Giới, Mười Điều Răn). Khi Thiên Chúa ngự trên đám mây, Môsê đứng trước mặt Chúa và kêu cầu danh Chúa. Ngài đi qua trước mặt ông và hô: “Đức Chúa! Đức Chúa! Thiên Chúa nhân hậutừ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩathành tín, giữ lòng nhân nghĩa với muôn ngàn thế hệ, chịu đựng lỗi lầm, tội ác và tội lỗi, nhưng không bỏ qua điều gì, và trừng phạt con cháu đến ba bốn đời vì lỗi lầm của cha ông” (Xh 34:6-7). Thiên Chúa giàu lòng thương xót nhưng rất công bình, Ngài “không bỏ qua điều gì” và “trừng phạt tam tộc”. Người Việt chúng ta cũng nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Điều đó cho thấy tội lỗi có tính liên đới chứ không đơn giản như chúng ta tưởng.

Khi nghe tiếng Chúa, ông Môsê vội vàng phục xuống đất thờ lạy và thân thưa: “Lạy Chúa, nếu quả thật con được nghĩa với Chúa thì xin Chúa cùng đi với chúng con. Dân này là một dân cứng đầu cứng cổ, nhưng xin Ngài tha thứ những lỗi lầm và tội lỗi của chúng con, và nhận chúng con làm cơ nghiệp của Ngài” (Xh 34:9).

Thiên Chúa đã tạo dựng nên chúng ta, nhưng vì thích ăn “trái cấm” và kiêu căng, vì thế mà mất ơn nghĩa với Ngài và bị “con rắn” quấn chặt. Tuy nhiên, Ngài vẫn yêu thương chúng ta nên Ngài lại “tháo gỡ” cho chúng ta bằng Bí tích Thánh tẩy và Bí tích Hòa giải, đặc biệt là cho Ngôi Hai nhập thể làm người và chịu chết để cứu độ chúng ta, khôi phục nguyên trạng cho chúng ta là lại được quyền làm con như xưa. Ngài đã sinh chúng ta hai lần – và nhiều lần khác, mỗi khi chúng ta xưng tội. Đó là đại đặc ân của lòng thương xót mà chúng ta không thể hiểu hết. Vả lại, chính Chúa Giêsu đã xác định: “Lòng thương xót của Ta lớn hơn tội lỗi của cả nhân loại” (Nhật Ký Thánh Faustina, số 1485). Do đó, chúng ta phải biết chúc tụng Chúa trong mọi hoàn cảnh. Việc chúng ta chúc tụng Chúa cũng chẳng thêm gì cho Ngài nhưng sinh ích lợi cho phần rỗi của chúng ta (Kinh Nguyện Thánh Thể).

Ngay lúc ở trong lò lửa, A-da-ri-a vẫn hát vang bài thánh ca: “Lạy Chúa, chúc tụng Ngài là Thiên Chúa tổ tiên chúng con, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng danh thánh Ngài vinh hiển, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa trong thánh điện vinh quang, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời. Chúc tụng Chúa trên ngôi báu cửu trùng, xin dâng lời ca tụng suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa, Đấng ngự trên các thần hộ giá mà thấu nhìn vực thẳm, xin dâng lời khen ngợi suy tôn muôn đời. Chúc tụng Chúa trên vòm trời tận chốn cao xanh, xin dâng lời ca tụng tôn vinh muôn đời” (Ðn 3:52-56).

Chúc tụng Thiên Chúa khi chúng ta êm ả như dòng sông hiền hòa thì không là điều khó, nhưng thật là khó nếu cuộc đời chúng ta gặp điều bất trắc mà vẫn ca tụng Chúa. Vì thế, chúng ta phải cố gắng không ngừng. Dù bị trắng tay và khốn khổ cùng cực, nhưng Thánh Gióp vẫn chấp nhận và dâng lời chúc tụng Thiên Chúa: “Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa” (G 1:21). Gương Thánh Gióp thật sáng ngời, chúng ta phải cố gắng noi theo.

Chúc tụng Chúa Ba Ngôi là thể hiện niềm tín thác vào Ngài, niềm tin đó còn phải được thể hiện với nhau trong cuộc sống đời thường. Đó không chỉ là điều cần thiết mà còn là bổn phận với nhau, vì mọi người đều có mối liên đới với nhau. Thánh Phaolô nói: “Thưa anh em, anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an sẽ ở cùng anh em. Anh em hãy hôn chào nhau cách thánh thiện” (2 Cr 13:11-12). Đó là ước muốn thánh thiện, phù hợp với mệnh lệnh của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Và Thánh Phaolô cầu chúc mọi người: “Cầu chúc toàn thể anh em được đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa và ơn hiệp thông của Thánh Thần. Amen” (2 Cr 13:11-13). Thật hạnh phúc khi chúng ta đang được sống trong lời cầu chúc đó, vì cuộc sống chúng ta luôn đầy ơn Chúa, tình Chúa và ơn hiệp thông của Chúa Thánh Thần.

Bằng chứng minh nhiên của Tình Chúa là chính “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16). Quả thật như vậy, và còn hơn thế nữa: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ. Ai tin vào Con của Người thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa” (Ga 3:17-18).

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, hằng hữu và hằng sinh, chúng ta luôn phải tạ ơn Ngài mọi nơi và mọi lúc. Chúng ta vui mừng tuyên xưng Đức Tin về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thiên Chúa mặc khải vinh quang của Ngài như vinh quang của Chúa Con và Chúa Thánh Thần: Ba Ngôi bằng nhau về uy quyền, không phân chia sự huy hoàng, nhưng chỉ là Một Thiên Chúa, được phụng thờ trong vinh quang muôn đời. Sống yêu thương nhau là giữ Thánh Luật và thực hành mệnh lệnh của Chúa Giêsu đã truyền (Ga 13:34-35), đồng thời cũng là sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Giáo lý Giáo hội Công giáo dạy: “Chính bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Bằng cách sai Con Một và Chúa Thánh Thần Yêu thương một cách trọn vẹn, Thiên Chúa đã mạc khải bí mật tận cùng của Ngài: Chính Thiên Chúa – Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần – trao đổi tình yêu hằng hữu, và Ngài tiền định chúng ta cùng chia sẻ sự trao đổi đó” (số 221). Ba Ngôi trong Tam Vị Nhất Thể đã khai mở tính hợp lý mà Giáo lý Công giáo gọi là “bí mật tận cùng” về Thiên Chúa Ba Ngôi.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn biết chúc tụng và tôn vinh, vì đó là bổn phận và trách nhiệm của thụ tạo chúng con. Xin luôn ban Thần Khí Chúa để chúng con can đảm sống Đức Tin trong mọi hoàn cảnh trên suốt chặng đường lữ hành trần gian. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

SỐNG YÊU THƯƠNG THEO GƯƠNG MẪU CHÚA BA NGÔI

Mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi là một mầu nhiệm quan trọng nhất trong các mầu nhiệm của Đạo Công Giáo. Bởi vì mầu nhiệm này là mẹ sinh ra các mầu nhiệm khác, nói cách khác, mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm nguồn của mọi mầu nhiệm.

Khi nói đến mầu nhiệm, người ta cảm thấy không thể lý giải được theo sự hiểu biết tự nhiên, vì thế, nó đã trở nên rào cản và cớ vấp ngã cho những ai mong thỏa mãn sự hiếu tri và đang cố gắng đi tìm cho được lời giả đáp “Ba Ngôi Một Chúa”; hay “Một Chúa Ba Ngôi”. Nhưng với những người có niềm tin, qua ánh sáng mặc khải soi chiếu, và luôn khao khát đi tìm ý nghĩa của nó, thì mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi không xa lạ, nhưng lại rất gần gũi, mặc dù cao siêu và vượt quá sức tưởng của con người. Qua mầu nhiệm này, chúng ta khám phá được sự hiệp nhất, yêu thương nơi Thiên Chúa, và mỗi lần Giáo Hội cử hành mầu nhiệm này, Giáo Hội luôn mời gọi con cái mình yêu thương nhau theo khuôn mẫu của Ba Ngôi Thiên Chúa để được cứu độ.

  1. Bản chất Thiên Chúa là “Tình Yêu”

Khi nhắc đến Thiên Chúa, hẳn mỗi chúng ta đều có một định nghĩa riêng về Người, tuy nhiên, thánh Gioan đã cho chúng ta biết một mặc khải rất quan trọng khi nói về Thiên Chúa, đó là: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8).

Khi nói đến tình yêu, chúng ta ai cũng hiểu rằng tình yêu thì không “đơn phương độc mã”, không ích kỷ cũng chẳng bon chen; không quy chiếu về mình mà luôn hướng tha.

Muốn có được tình yêu, ắt phải đón nhận. Khi có cả hai chiều cho và nhận, thì tình yêu mới thực sự triển nở và ý nghĩa. Như vậy, tình yêu phải có điểm xuất phát, điểm hội tụ và mức độ lan tỏa.

Khi diễn tả ý tưởng trên, thánh Âutinh đã ví: “Nguồn mạch chính là Chúa Cha, Người chính là điểm xuất phát tình yêu; Chúa Con chính là điểm hội tụ, là điểm quy chiếu của tình yêu; và Chúa Thánh Thần là sự liên lạc hai chiều, là mối dây liên kết của tình yêu và làm cho tình yêu được tỏa sáng”.

Trong lối diễn tả của thánh Âutinh cho thấy tình yêu được khởi đi từ Thiên Chúa Cha, đến với Chúa Con và qua Chúa Thánh Thần. Thiên Chúa Cha vì yêu nên đã trao ban tất cả, ngay cả Người Con duy nhất của mình cho nhân loại. Chúa Con đã hoàn toàn vâng phục Chúa Cha trọn vẹn đến nỗi bằng lòng chết trên thập giá để thực hiện ý định yêu thương của Chúa Cha cho nhân loại. Chúa Thánh Thần là mối dây liên lạc, thông hiệp giữa Chúa Cha và Chúa Con nhờ tình yêu.

Như vậy, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu hướng ra để làm cho lan tỏa.

Thiên Chúa không để dành tình yêu cho chính mình, cho riêng Cha, Con và Thánh Thần, nhưng chính là cho chúng ta, những tạo vật được dựng nên theo hình ảnh của Người, bởi vì “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8);  “… nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín” (Xh 34,6). Như vậy, Thiên Chúa là tình yêu.

  1. Thiên Chúa “yêu” đến cùng

Tình yêu của Thiên Chúa được thể hiện qua hành vi tự hiến của Thiên Chúa Cha: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một…” (Ga 3,16a). Từ “đến nỗi” ở đây cho thấy Thiên Chúa yêu đến tột cùng, yêu “đến nỗi” không còn gì để diễn tả, để trao ban hơn được nữa, vì thế chỉ còn cách duy nhất là trao ban chính Con của mình đến để diễn tả tình yêu cho nhân loại bằng chính cái chết mà thôi.

Tại sao Thiên Chúa lại trao ban Con Một? Thưa! “…để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga 3:16b). Như vậy, Tình yêu chân chính là mong sao người mình yêu được hạnh phúc hơn cả bản thân mình. Thật vậy, Thiên Chúa yêu thế gian cách tuyệt đối và mong sao cho chúng ta được hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối là được vào ở trong tình yêu của Thiên Chúa. Bởi vì: “Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ” Ga 3,17).

  1. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi mời gọi ta sống yêu thương

Qua mầu nhiệm yêu thương của Thiên Chúa Ba Ngôi, mỗi người chúng ta được mời gọi sống yêu thương, hiệp nhất như Thiên Chúa là tình yêu.  Không yêu thương nhau, chúng ta vẫn mãi là người xa lạ với mầu nhiệm này, bởi vì mầu nhiệm này là mầu nhiệm tình yêu, muốn hiểu được thì phải yêu. Nói như thánh Gioan: “Thiên Chúa là tình yêu” (1Ga 4,8), nên  “Ai không yêu thương, thì không biết Thiên Chúa” (1Ga 4,8).

Vì thế, trong đời sống gia đình, mỗi người hãy yêu thương nhau. Chồng phải yêu thương vợ như Đức Kitô yêu thương Hội Thánh, và như Hội Thánh phục tùng Đức Kitô thế nào, thì người vợ cũng phục tùng chồng mình trong mọi sự như vậy. Sự xuất hiện của người con trong đời sống hôn nhân chính là kết quả của tình yêu giữa vợ và chồng, vì thế, như một điều kiện cần để được hạnh phúc, con cái hãy yêu mến cha mẹ mình và tỏ lòng thảo hiếu với cha mẹ để đáng được hưởng sự chúc lành của Thiên Chúa.

Tình yêu ấy lại không chỉ dừng lại với chính người thân của mình, mà còn phải hướng ra xa, rộng lớn hơn tới hết mọi người, kể cả yêu kẻ thù của mình nữa.

Như vậy, để tình yêu có giá trị, cần phải có sự hy sinh, quên mình và phục vụ lẫn nhau. Yêu nhau mà không chấp nhận hy sinh, gian khổ vì nhau và với nhau, thì chưa phải là tình yêu thật sự.

Khi yêu như thế, tình yêu của vợ chồng và con cái cũng như với tha nhân đang phỏng chiếu tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi trong cuộc sống thực tại của mình.

Muốn giữ được tình yêu của Ba Ngôi Thiên Chúa nơi mình, người kitô hữu phải luôn ý thức mình thuộc về Thiên Chúa, khi thuộc về Người, thì ta cũng sẽ trở nên những người có: “… lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hòa và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau” Cl 3,12-13).

Mong sao, mỗi khi chúng ta đặt tay lên trán, trên ngực và ngang vai, để tuyên xưng mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi, thì cũng là lúc chúng ta nhớ đến bản chất của mầu nhiệm này là tình yêu; đồng thời, chúng ta cũng xin Chúa ban cho chúng ta được sống trong tình yêu đó của Thiên Chúa để “… đầy tràn ân sủng của Chúa Giêsu Kitô, đầy tình thương của Thiên Chúa, và ơn hiệp thông của Thánh Thần” (2 Cr 13,13), hầu chúng ta cùng mạnh dạn tuyên xưng: “Sáng danh Đức Chúa Cha, và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”.

Về mục lục

DẤU THÁNH NHIỆM MẦU

Ca khúc “Làm Dấu” với giai điệu nhẹ nhàng mang tâm tình cầu nguyện, lời ca tuyên xưng niềm tin Ba Ngôi Thiên Chúa mỗi khi làm dấu thánh giá. Có lẽ nhiều người thuộc lòng và ngân nga bài ca này hàng ngày.

Con đặt tay lên trán tôn vinh Chúa Cha toàn năng.

Con đưa tay xuống ngực chúc tụng Chúa Con tình yêu.

Đưa tay sang trái phải, vinh danh Chúa Thánh Thần nguồn ơn thánh thiên hồng phúc đời con.

Mỗi lần làm dấu thánh xin ngự đến trong tâm hồn con, mỗi khi con cầu nguyện xin hãy biến đổi tâm hồn con, xin cho con giống Ngài trong lời nói việc làm, ước mong đời con nên dấu chỉ yêu thương của Ngài giữa đời.

ĐK: Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu nhắc nhở con luôn hướng lòng lên Chúa.

Con làm dấu hằng ngày. Con làm dấu một đời, khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu Chúa mãi ở trong con con ở trong Chúa.

2.

Bao lần con quên Chúa khi vô ý hay khi thờ ơ.

Bao phen con ngại ngần lúc làm dấu tuyên xưng niềm tin.

Đã có lúc yếu hèn, không làm dấu giữa đời, Ngài ơi giúp con bừng cháy niềm tin.

Giữa hiểm nguy khốn khó con làm dấu xin ơn bình an, trong an vui ngập tràn con làm dấu hân hoan tạ ơn. Khi cô đơn thất vọng, khi mệt mỏi chán chường, Chúa ơi ở bên con nhé vì con đây luôn cần tới Ngài.

Làm dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin, tôn vinh Chúa Ba Ngôi của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác.

Mùa Phục Sinh kết thúc với đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống. Giáo hội nhìn lại chương trình cứu độ được Thiên Chúa thực hiện trong lịch sử nhân loại và nhận ra rằng: nguồn ơn cứu độ chính là Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần. Vì thế, chúng ta hiểu tại sao ngày Chúa nhật mùa Thường niên tiếp ngay sau lễ Hiện Xuống, luôn luôn được Giáo hội mừng kính và suy niệm về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi.

Giáo Hội là công trình của tình yêu Thiên Chúa Ba Ngôi. Từ Ngài, Giáo Hội sinh ra; nhờ Ngài, Giáo Hội hoạt động; và hướng tới Ngài, Giáo Hội dấn bước. Chỉ một mình Thiên Chúa mới nắn đúc nên Giáo Hội theo lòng Ngài mong ước. (Thư Chung 2011, Số 19).

Giáo hội được Chúa Cha tập hợp chung quanh Chúa Giêsu dưới tác động của Chúa Thánh Thần. Là dân tộc lữ hành, Giáo hội phát xuất từ Chúa Cha, sẽ trở về với Chúa Cha, nhờ trung gian của Chúa Kitô, dưới hơi thở của Chúa Thánh Thần. Chính từ mầu nhiệm Ba Ngôi mà Giáo hội được sinh ra và cũng từ Thiên Chúa mà Giáo hội lãnh nhận sứ mạng để tất cả nhân loại làm thành một Dân Thiên Chúa, tập họp thành Thân Thể Chúa Kitôđược xây dựng thành Đền Thờ Chúa Thánh Thần. Giáo hội như là hình ảnh của mầu nhiệm hiệp thông giữa Ba Ngôi Thần Linh và Giáo hội là dấu chỉ của sự hiệp thông giữa Thiên Chúa và nhân loại (x.GH1; GLCG số 772). Ba Ngôi là cội nguồn và là cùng đích của Giáo hội. Giáo hội là công trình của Ba Ngôi. Giáo hội nuôi sống con cái mình bằng thần lương Ba Ngôi ban tặng qua các bí tích.

1. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo

Đây là một mầu nhiệm thâm sâu nhất, cao cả nhất mà lý trí con người, ngay cả óc tưởng tượng của con người, cũng không thể nào thấu hiểu hay hình dung được. Bởi vì Thiên Chúa Ba Ngôi không phải là một vấn đề, càng không phải là một vấn đề toán học. Mầu nhiệm không phải là vấn đề hay bài toán : 3 là 3; 1 là 1. Không tính với bài toán nào mà 1 là 3 hay 3 thành 1 được. Thiên Chúa không phải là những con số. Không thể làm trò ảo thuật hay lý luận đưa ngón tay ba đốt hay hình tam giác mà ví von được.

Vậy ai đã cho chúng ta biết mầu nhiệm này? Chính Chúa Giêsu Kitô. Nếu Chúa không dạy bảo thì loài người không thể nào biết được. Cho tới trước khi Chúa Kitô đến, loài người không có một ý niệm nào. Dân Do thái, dân riêng của Chúa, cũng không biết gì về mầu nhiệm Ba Ngôi. Cựu Ước chỉ nói tới một Thiên Chúa duy nhất, tạo dựng và làm chủ vũ trụ. Chính Chúa Giêsu, trong đời sống công khai giảng dạy đã mạc khải dần dần. Ngài đã từng bước vén lên bức màn của mầu nhiệm Ba Ngôi.

Ngài cho biết : Chúa Cha là Thiên Chúa, còn Ngài là Con Một của Chúa Cha. Ngài và Chúa Cha là một. Ngài ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Ngài, cùng bản tính với Chúa Cha. Ngài cũng là Thiên Chúa. Ngài với Chúa Cha là một Thiên Chúa.

Ngài cũng cho biết : Chúa Thánh Thần là Đấng mà Chúa Cha sai đến, cũng là Thiên Chúa. Như vậy, chỉ là một Thiên Chúa duy nhất nhưng có Ba Ngôi riêng biệt nhau chứ không phải là ba Chúa.

2. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm Tình Yêu

Tại sao Chúa Giêsu lại mạc khải cho chúng ta một mầu nhiệm quá cao siêu như thế? Chắc chắn không phải là để thử thách thiện chí của con người, hoặc để xây lên bức tường chặn đứng suy luận và óc tưởng tượng của con người. Nhưng vì Chúa muốn chúng ta hiểu biết đời sống nội tại của Thiên Chúa, đó là tình yêu. Thiên Chúa là Tình yêu. Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi nói lên điều đó.

Thiên Chúa là Tình yêu. Thiên Chúa yêu thương con người. Đó là một công thức khác để nói về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Vì tình yêu thương, Thiên Chúa đã tạo dựng con người giống hình ảnh Chúa, ban cho con người được hạnh phúc như Chúa. Nhưng con người đã phạm tội phản nghịch đánh mất hạnh phúc. Thiên Chúa không từ bỏ con người. Ngài đã quyết định ban Con Một yêu dấu để cứu chuộc. Và vì yêu thương con người, Đức Kitô đã vâng lời Chúa Cha đến trần gian thực hiện sứ mệnh yêu thương đó. Và khi hoàn tất, Ngài về trời. Chúa Thánh Thần đến để tiếp tục công việc của Ngài, công việc yêu thương. Nhờ Chúa Thánh Thần, tình yêu của Thiên Chúa tiếp tục được bày tỏ mãi cho tới chúng ta hôm nay và mãi về sau nữa.

Vì thế, khi mừng kính mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi, Giáo Hội không chỉ nhắc nhở chúng ta xác tín lại tín điều quan trọng này, nhưng còn mời gọi chúng ta hãy sống mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi, là sống yêu thương và hiệp nhất. Như tình yêu thương giữa Ba Ngôi Thiên Chúa đã trào tràn trên mọi thụ tạo, thì tình yêu thương của người Kitô hữu cũng vậy, phải mở ra cho hết mọi người. Sống yêu thương là cách diễn tả đúng và đầy đủ ý nghĩa cuộc sống làm người và làm con Chúa; đồng thời cũng diễn tả cuộc sống của Chúa Ba Ngôi : yêu thương và hiệp nhất.

3. Mầu nhiệm Ba Ngôi là mầu nhiệm gần gũi nhất trong đời sống đạo

Mầu nhiệm Ba Ngôi thật cao cả và cũng thật gần gũi. Thánh Augustinô đã nói: “Nếu bạn thấy tình yêu, bạn sẽ thấy Chúa Ba Ngôi”. Tình yêu gắn liền với đời sống con người.

Chúng ta có thấy tình yêu không, và thấy như thế nào? Tình yêu được nhìn thấy qua những hành vi yêu thương.

– Yêu thương là ban tặng: khi yêu người ta trái tim của mình cho người yêu. Yêu thương sâu đậm là cho đi điều quý báu nhất cho người mình yêu, như trường hợp của Chúa Cha mà Chúa Giêsu nói tới trong Tin mừng Gioan: “Thiên Chúa đã yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con Một mình cho thế gian” (Ga 3, 16). Hay chính trường hợp của Chúa Giêsu: “Không có tình thương nào lớn hơn tình thương của người dám thí mạng sống vì bạn hữu” (Ga 15, 13). Yêu thương là cho đi chính mình, là tự hiến chính mình. Vợ chồng yêu thương nhau, dâng hiến bản thân cho nhau, kể cả thân xác mà không chút e dè, trái lại còn hạnh phúc nữa. Cha mẹ và con cái yêu thương nhau có thể hy sinh mạng sống mình cho nhau.

– Yêu thương là chia sẻ: yêu nhiều, người ta chia sẻ cho nhau nhiều, yêu nhau hết mức thì người ta chia sẻ cho nhau tất cả. Vợ chồng yêu nhau chia sẻ cho nhau tất cả, từ của cải vật chất đến gia sản tinh thần, đến cả tình gia đình. Ông bà cha mẹ của chồng trở thành ông bà cha mẹ của vợ và ngược lại. Trong Thiên Chúa cũng thế, Ba Ngôi Thiên Chúa chia sẻ cùng một sự sống thần linh. Và chính sự sống thần linh duy nhất làm cho Ba Ngôi là một. Chúa Cha đã sai Chúa Con mang sự sống thần linh ấy xuống trần gian chia sẻ cho nhân loại. Sự sống ấy là Bánh bởi trời mà chúng ta nhận lãnh trong bí tích Thánh Thể.

– Yêu nhau là đón nhận nhau. Đón nhận tình yêu và ý muốn của người mình yêu, đón nhận tất cả, đón nhận chính bản thân của người yêu. Người được yêu có vị trí quan trọng trong trái tim của người yêu. Suy nghĩ về tình yêu giữa Chúa Con và Chúa Cha, chúng ta sẽ thấy ở trần gian này, không có sự đón nhận nào trọn vẹn như thế. Chúa Con đón nhận tất cả từ Chúa Cha: giáo lý, ý muốn, lời nói, hành động. Chúa Con đón nhận chính bản thân Chúa Cha làm bản thân của mình, vì vậy mà đồng bản thể với Chúa Cha.

– Yêu nhau còn là gắn bó với nhau. Càng yêu nhau càng gắn bó mật thiết đến nỗi là một với nhau. Hai vợ chồng yêu nhau ở mức độ cao nhất thì trở nên một: một xương thịt, một thân mình. Bấy giờ tình yêu vợ chồng không những là dấu chỉ hữu hình của tình yêu Chúa Giêsu đối với Giáo Hội, mà còn là dấu chỉ của tình yêu Ba Ngôi. Ba Ngôi gắn bó với nhau đến nỗi là Một với nhau. Và chỉ có một Thiên Chúa mà thôi, Thiên Chúa là Tình Yêu nguồn suối, mẫu mực cho mọi tình yêu của con người (ĐTGM Phaolô Bùi Văn Đọc).

Hôm nay chúng ta mừng mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi. Gọi là mầu nhiệm vì đó là điều vượt quá trí hiểu của loài người. Tuy không thể hiểu thấu mầu nhiệm đó, nhưng may thay qua Chúa Giêsu, chúng ta thấy được biểu hiện của mầu nhiệm Một Chúa Ba Ngôi chính là mầu nhiệm của tình yêu.

Chúng ta được tạo dựng nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Thiên Chúa là tình yêu. Đời sống của chúng ta chỉ có ý nghĩa khi biết yêu thương. Chúng ta chỉ được hạnh phúc khi tham dự vào tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nhưng tội lỗi làm cho chúng ta xa lìa tình yêu của Chúa. Sự ghen ghét hận thù làm cho khuôn mặt chúng ta lem luốc méo mó, không còn giống khuôn mặt Thiên Chúa.

Hôm nay ta hãy biết sống theo khuôn mẫu của Chúa Ba Ngôi. Biết sống hiệp nhất với nhau. Biết dâng hiến bản thân mình, biết cho đi, biết chia sẻ, biết sống chan hoà tình bác ái. Để thực hiện những điều ấy, ta phải biết bỏ mình, bỏ sở thích riêng, bỏ của cải và nhất là phải biết bỏ ý riêng, hoàn toàn sống theo thánh ý Thiên Chúa. Khi biết bỏ mình như thế, ta sẽ nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Khi hoàn toàn quên mình để sống cho tình yêu ta sẽ được kết hiệp với tình yêu của Thiên Chúa. Đó chính là hạnh phúc thiên đàng. Đó chính là đích điểm của đời chúng ta.

Trước khi dùng cơm, phần lớn trong chúng ta đều làm dấu thánh giá và đọc nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Khi đọc kinh trong nhà thờ hay tại nhà, chúng ta đều bắt đầu bằng nhân danh Cha và Con và Thánh Thần. Có những người có thói quen tốt là trước khi làm bất cứ việc gì, họ đều làm dấu thánh giá. Qua đài truyền hình, thỉnh thoảng chúng ta thấy, có những cầu thủ bóng đá quốc tế làm dấu thánh giá sau khi đá lọt lưới đối phương, hoặc trước khi đá phạt đền.

Làm dấu trên trán, chúng ta tuyên xưng Chúa Cha là Đấng tạo dựng trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Làm dấu trên ngực, chúng ta tuyên Chúa Con là Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa đã từ trời xuống thế nhập thể trong lòng trinh nữ Maria và đã làm người. Làm dấu trên hai vai chúng ta tuyên xưng Chúa Thánh Thần là Chúa và Đấng ban sự sống, Người bởi Chúa Cha và Chúa Con mà ra, Người được phụng thờ và tôn vinh cùng với Chúa Cha và Chúa Con. Dấu chữ thập mà chúng ta làm chỉ thánh giá của Chúa Giêsu, nơi mạc khải trọn vẹn tình yêu của Chúa Cha, Chúa Con và Chúa Thánh Thần đối với nhân loại.

Dấu Thánh Giá là lời tuyên xưng đức tin vắn tắt nhất của người Kitô hữu, là dấu chỉ phân biệt những người môn đệ của Chúa Giêsu và những người theo đạo khác. Lời kinh nhân danh Cha và Con và Thánh Thần tóm tắt đức tin mà chúng ta đã nhận lãnh khi chịu phép rửa tội, mà nội dung là ba điều khoản lớn của đức tin công giáo, điều khoản thứ nhất tuyên xưng Chúa Cha, điều khoản thứ hai tuyên xưng Chúa Con, điều khoản thứ ba tuyên xưng Chúa Thánh Thần và Hội thánh.

Dấu Thánh Gía là một công thức ngắn gọn nhất, nhưng lại đầy đủ nhất về đức tin vào Một Thiên Chúa Ba Ngôi.

Như vậy cách thực tế và đơn giản nhất để tôn vinh Chúa Ba Ngôi là chúng ta hãy làm dấu Thánh Giá cách sốt sắng và ý thức, với tất cả lòng yêu mến và kính trọng.

Lạy Chúa, khi làm dấu Thánh Giá, xin cho con biết khắc ghi tình yêu Ba Ngôi Thiên Chúa trong trái tim con. Ôi dấu thánh nhiệm mầu, dấu ấn tình yêu, Chúa mãi ở trong con, con ở trong Chúa. Amen.

Về mục lục