Lời Chúa Năm A CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN_A

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN_A

Chúa Nhật VIII thường niên – Năm A
Lời Chúa:
 
Is 49,14-15; Tv 61; 1 Cr 4,1-5; Mt 6,24-34
***************

Mục lục

1. Bắt cá hai tay  (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

2. Thái độ nước đôi  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

3. Con thuộc về Chúa  (Lm. Jos. DĐH, GP.Xuân Lộc)

4. Giằng co  (Trầm Thiên Thu)

5. Thiên Chúa quan phòng  (Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh)

6. Không ai có thể làm tôi hai chủ  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)


BẮT CÁ HAI TAY

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có lẽ chúng ta đã từng nghe câu nói: “Bắt cá hai tay”. Đây là một thành ngữ mà dân gian vẫn hiểu là dùng tay bắt . Không biết ở đây muốn nói là dùng hai tay bắt một con cá hay là dùng hai tay bắt hai con cá? Dầu bắt kiểu nào cũng chẳng có vấn đề gì? Hành vi bắt cá chắc chẳng có gì là đáng trách, không có gì kết thành tội bởi có cá để bắt thì tôi bắt kiểu nào chẳng được? Đâu ảnh hưởng đến ai?

Thực ra, “bắt cá hai tay” ở đây nghĩa là cá cược, bắt cá hai tay là cá cược cùng lúc hai bên, nhằm nói đến những người có tư tưởng nước đôi, hoặc tham lam, ôm đồm muốn có nhiều thứ, muốn làm nhiều việc cùng một lúc, không được việc này thì được việc khác, kết quả hoặc là không được gì, “xôi hỏng, bỏng không”. Đây mới là hành vi đáng trách. Họ sống theo kiểu “Gió thổi chiều nào thì ngả theo chiều đó”. Họ là người xu thời, thiếu trung thành. Đôi khi với lối thực dụng ấy còn “mất cả chì lẫn chài”.

Chính vì thế mà ca dao Việt Nam đã từng khuyên nhủ mọi người:

“Xin đừng bắt cá hai tay
Cá lội dưới nước, chim bay lên trời”

Ngày xưa Văn Công người nước Tấn đem quân sang đánh nước Vệ. Giữa đường gặp một ông lão đang bừa ruộng, cứ ngẩng mặt lên trời cười khanh khách mãi. Văn Công liền hỏi: “Ngươi cười cái gì thế?”

Ông lão thưa rằng: “Tôi cười người láng giềng nhà tôi. Anh ta đưa vợ đi chơi nhà bà con. Giữa đường gặp người con gái hái dâu, anh ta thích quá, lén vợ rẽ xuống ruộng dâu nói chuyện với người con gái. Một chốc ngoảnh lên xem vợ đi đến đâu thì thấy một chàng đang vẫy vợ anh ta đi. Ấy câu chuyện chỉ có thế, tôi nghĩ mà tôi không sao nhịn cười được”.

Văn Công nghe nói, tỉnh ngộ kéo quân về. Về chưa đến nơi, thì đã thấy báo có giặc ngoài vào xâm phạm trên mạn Bắc trong nước.

Ở đời thường cái gì mình thích, thì người ta cũng thích. Đừng “đứng núi này trông núi kia”, rồi bỏ đi cái mình đang có để tìm cái chẳng phải của mình. Có khi cái mình có cũng về tay người khác, thật uổng công!

Lời Chúa hôm nay nhắc nhở chúng ta phải có thái độ chọn lựa dứt khoát giữa những thực tại Nước Trời và trần thế. Không thể bắt cá hai tay như nhiều người vẫn đang sống: họ hay làm việc thiện nhưng họ vẫn tham lam lỗi công bằng của người khác, hay có người bên ngoài rất sốt sắng hành hương, tham gia các hội đoàn nhưng vẫn gian dâm, tội lỗi . . . Họ bắt cá hai tay thì việc làm tốt của họ cũng chẳng có công trạng gì, đôi khi còn bị kết án bởi hành vi gian dối hai mặt của mình.

Chúa mời gọi chúng ta hãy tín thác vào Chúa, đừng “bắt cá hai tay” kẻo “mất cả chì lẫn chài”. Theo Chúa, đi theo đường lối của Chúa sẽ không bao giờ thiệt thòi vì hãy xem chim trời, hoa cỏ chúng không gieo không gặt thế mà chúng vẫn no đủ, sang trọng rực rỡ muôn màu. Chính Thiên Chúa đã làm nên mọi sự. Chính Ngài sẽ quan phòng mọi sự nếu chúng ta biết bước đi theo đường lối của Ngài.

Nói như thế không phải là chúng ta không làm vẫn có cái ăn. Điều quan yếu là phải làm mới có ăn, nhưng làm trong sự quang minh chính đại, làm trong đường lối huấn thị của Chúa thì sẽ được Chúa chúc phúc cho cả đời này và đời sau. Thế nên, điều quan yếu trong cuộc sống là ra công tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài. Nếu phải chọn lựa thì cần phải dứt khoát thoát khỏi những tham lam vô độ của: của cải, danh vọng, thú vui trần thế mau qua mà chọn lựa giá trị Nước Trời vĩnh cửu.

Ước gì chúng ta biết “ăn cây nào rào cây ấy”. Ước gì mỗi người chúng ta một khi đã nhận ra biết bao hồng ân Chúa ban thì hãy chung lời tạ ơn Chúa và sống tri ân tình Ngài. Xin đừng vì tham lam hai lòng mà sống gian dối trước mặt Thiên Chúa và người đời. Xin đừng “nửa thầy nửa thợ” mà đánh mất hạnh phúc hôm nay và Nước trời mai sau. Amen

Trở về mục lục


THÁI ĐỘ NƯỚC ĐÔI

 Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Có lẽ không có ai sống trên trần gian này mà lại không một chút lo lắng, mỗi người có những mối lo riêng, người thì lo cho gia đình, lo cơm áo gạo tiền, lo cho vợ chồng con cái, lo cho công việc, lo cho tương lai.

Trong những ngày đầu năm vừa qua Miền Bắc có rất nhiều lễ hội, những người đến lễ hội rất đông và những người đi hội cũng mang đến với thần thánh nhiều tâm trạng lo lắng : các quan chức, cán bộ thì lo cho cái ghế của mình nên họ đem cái lo đó đến để hối lộ thần thánh, mong ổn định chỗ ngồi, thăng quan tiến chức, giới làm ăn thì đến với thần thánh đế mong cầu tài cầu lộc làm ăn thuận lợi phát đạt, nhiều người khác đến để vay mượn của thần thánh và cầu mong sự giàu sang cho bản thân và gia đình. Tức là họ đến các đền đài thần thánh để cầu lợi mà thôi và biến thần thánh trở thành như một vị thủ kho nhận hối lộ của con người.

Nhiều người Công giáo cũng có cùng nếp nghĩ và cách sống không khác gì những người dân ngoại nêu trên, họ đến với Chúa, đến với Đức Mẹ và các thánh không phải vì lòng thành kính tôn thờ, yêu mến, mà vì vụ lợi, nhiều người cũng coi ngày coi tháng, tìm thầy chọn bà để xin bùa xin ngải, cúng bái cầu lộc cầu tài đầu năm như người dân ngoại.

Lời Chúa hôm nay cảnh cáo thái độ nước đôi của nhiều tín hữu : Không ai có thể làm tôi hai chủ…Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được. Thiên Chúa là Đấng quyền năng tuyệt đối và là Cha yêu thương con cái, Ngài muốn mỗi người chúng ta hết lòng hết dạ trung thành với Ngài, dám đặt trọn tương lai vào trong tay Ngài, để cho Thiên Chúa lo liệu và dẫn chúng ta đi. Tuy nhiên từ xưa thời Eva đã muốn ăn trái cây để trở nên như thần linh, cho đến nay con người vẫn luôn bị cám dỗ muốn biết trước về tương lai của mình, nên thay vì tin tưởng phó thác nơi Thiên Chúa, họ lại tìm kiếm tương lai của mình nơi ma quỷ bói toán, và quyền lực của vật chất, mà quay lưng lại với Thiên Chúa.

Nhiều người thay vì lo liệu cho hạnh phúc đời đời của mình và của gia đình, thì họ lại chỉ lo lắng để tìm kiếm của cải vật chất cho thật nhiều và tìm những thứ như cái ăn cái mặc. Tức là chỉ lo tìm kiếm và thỏa mãn nhu cầu bản năng, mà không lo tìm kiếm những điều giúp con người vươn cao, tiến xa trong phẩm giá con người và con Chúa. Tìm kiếm của ăn cái mặc cho mình và gia đình là cần thiết, nhưng chưa đủ, mà còn phải làm sao để gia đình và bản thân sống hạnh phúc và nhất là sống trong tình yêu mến vâng phục Thiên Chúa, tuân theo giới răn và lề luật của Chúa để chính mình và mọi người trong gia đình được hạnh phúc đời đời.

Khi dạy chúng ta đừng lo về cái ăn cái mặc, Chúa còn cho thấy chim trời và bông hoa ngoài đồng nó không gieo không trồng mà Thiên Chúa vẫn tô điểm cho nó đẹp đẽ như thế, huống chi chúng ta là con Chúa, chắc chắn Chúa không bỏ rơi chúng ta. Khi dạy như thế, Chúa không có ý dạy chúng ta sống thụ động lười biếng, không suy nghĩ tính toán, Chúa cũng không dạy chúng ta ngồi đợi sung rụng, chờ đợi phép lạ, nhưng Ngài muốn chúng ta vẫn phải sử dụng hết khả năng, sức lực, trí tuệ để làm việc, và dám phó dâng kết quả công việc của mình cho Chúa, vì Thiên Chúa biết điều gì là cần và tốt cho chúng ta lúc này, thì Ngài sẽ ban cho chúng ta. Hơn thế nữa, Chúa Giêsu muốn chúng ta biết đặt thứ tự ưu tiên trong cuộc sống và trong công việc của mình, biết chọn Thiên Chúa hơn vật chất, chọn hạnh phúc đời đời hơn là cuộc sống trần gian, chọn hạnh phúc gia đình hơn là của cải,… Như thế có nghĩa là Chúa khuyên chúng ta không lo âu, không lo lắng, nhưng phải biết lo liệu cho mình và gia đình những gì là chính yếu để đem đến hạnh phúc đời đời.

Nhiều tín hữu rơi vào tình trạng thất vọng không còn tin tưởng vào Thiên Chúa, hoặc kiêu căng nghĩ mình có thể làm được mọi việc mà không cần đến Thiên Chúa. Người thất vọng là người mất đức tin, không còn tin vào quyền năng và sự hiện diện của Thiên Chúa, và người kiêu căng là người loại trừ Thiên Chúa ra khỏi cuộc đời của mình. Đó cũng là thái độ của người Do Thái, khi họ rơi vào cảnh cùng cực, họ kêu lên rằng: Thiên Chúa đã bỏ rơi tôi rồi! Nhưng tiên tri Isai cho thấy: Không có người mẹ nào có thể quên đứa con mà mình đã mang nặng đẻ đau, và dù có người mẹ nào có thể quên con mình, thì Thiên Chúa cũng không thể quên các ngươi được, không thể làm ngơ trước những nhu cầu và những lời cầu xin của chúng ta là con của Ngài.

Mỗi người trong chúng ta đang có những mối lo lắng ưu tư riêng cho tương lai của mình và gia đình, song Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta biết phải đặt thứ tự ưu tiên cho những lo toan nào trong cuộc sống.

Trước hết hãy dành ưu tiên để lo cho phần rỗi linh hồn của mình, lo tìm kiếm hạnh phúc Nước Trời, vì dù chúng ta có được lời lãi cả thế gian mà thiệt mất linh hồn thì cũng chẳng ích gì. Vì vậy đừng để công việc hay các mối quan hệ bạn bè lấn át hoặc chiếm chỗ, khiến chúng ta xao lãng việc tìm kiếm hạnh phúc đời đời. Kế đến hãy lo liệu vun đắp để cho đời sống đức tin của mình và gia đình, con cái, được lớn mạnh và sinh hoa kết trái trong đời sống, bằng việc chuyên chăm lắng nghe, đọc và suy gẫm Lời Chúa và để cho Lời Chúa sửa dạy và uốn nắn đời sống và việc làm của chúng ta. Hãy khao khát và lo lắng cho việc loan báo Tin Mừng của Chúa cho vợ chồng con cái và cho anh em đồng nghiệp, bạn bè, để họ cũng được Lời Chúa biến đổi và cũng được hạnh phúc đời đời. Đừng chỉ lo cho riêng bản thân hoặc gia đình, mà hãy lo cho việc chung, lo cho tương lai của Giáo xứ, của Giáo Hội để thấy mình có trách nhiệm chung tay góp sức làm phát triển Giáo xứ, Giáo Hội.

Kế đến hãy biết trao phó công việc và những lo toan thường ngày của chúng ta cho Chúa, để xin Chúa soi sáng hướng dẫn giúp chúng ta biết phải làm gì và làm việc theo thánh ý Chúa, theo giới răn lề luật của Chúa, tức là làm việc theo tinh thần công bằng và bác ái của luật Chúa, đừng chỉ đặt lợi nhuận vật chất lên hàng đầu, mà hãy đặt phẩm giá con người làm ưu tiên, vì dù chúng ta  làm việc cao cấp hay bình thường thì cũng là để phục vụ cho con người mà thôi.

Sự bất an của xã hội hôm nay cũng đang tạo ra cho giới trẻ nhiều lo lắng, người thì lo việc học hành thi cử, lo cho có việc làm ổn định như ý, lo cho công danh sự nghiệp, lo cưới vợ lấy chồng, mà quên lo lắng cho đời sống đạo đức, đời sống thiêng liêng của mình, và coi đời sống đạo, việc đọc kinh cầu nguyện tham dự Thánh Lễ là tùy phụ. Hãy mạnh dạn đặt Chúa và đời sống đạo đức của mình là ưu tiên số một, còn những lo toan khác, Chúa sẽ giúp chúng ta.

Đức Maria đã dám phó thác hoàn toàn tương lai và cuộc đời cho Chúa, xin Mẹ giúp chúng ta noi gương Mẹ, để cho Chúa xếp đặt và dẫn đưa cuộc đời của mỗi chúng ta theo ý Chúa. Amen.

Trở về mục lục

CON THUỘC VỀ CHÚA

 Lm. Jos. DĐH, GP.Xuân Lộc

Không có gì quí hơn độc lập tự do, đó là một thành ngữ quen thuộc với mọi tầng lớp xã hội, ví như người đã từng phải đối diện với khổ đau cả thể xác lẫn tinh thần, nay được giải thoát khỏi cái khổ ải ấy, sao lại không hạnh phúc. Vì thế tự do vẫn là khao khát chung của con người nhằm đạt tới phúc vinh, lẽ nào người ta lại không khám phá, tìm hiểu ? Phát xuất từ việc có thành công, thất bại,… người ta mới cân nhắc tính kế, lập mưu miễn sao đạt tới cái đích ở trần gian này : “thắng làm vua, thua làm giặc, được ăn cả ngã về không”.

Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay khuyên chúng ta đừng quá lo lắng về cơm ăn áo mặc, nhưng hãy tin tưởng phó thác cho Chúa, vì chúng ta thuộc về Chúa. Tin tưởng phó thác vào Chúa quan phòng không có nghĩa là ỷ lại theo cách nói :“trời sinh voi trời sinh cỏ”; nhưng cần có sự nỗ lực, cộng tác của chúng ta. Đặt niềm tin vào Thiên Chúa là đừng lo lắng theo quan niệm thế gian : “Trâu chậm uống nước đục”, mà hãy nhớ dân gian cũng có câu : “đội cũng vào chợ, gánh cũng vào chợ”. Dù giầu, dù nghèo, lo lắng hay vô tư, chí cao tài rộng hay hời hợt nông cạn, thì chúng ta đều được Thiên Chúa yêu thương. Do đó khi xác định tôi là ai ? tôi có thuộc về Chúa không ? nếu có thì điều trước tiên tôi phải thực hiện cam kết là tin tuyệt đối, đặt thứ tự ưu tiên, tìm kiếm : Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.

Có thể hiểu hay không muốn hiểu cũng được, nhưng câu nói của người xưa vẫn để lại nhiều suy nghĩ cho chúng ta : đừng “đứng núi này trông núi kia”. Núi nào cũng hiểm trở, chứ không hề có ngọn núi bằng phẳng dễ dàng, để ta thụ hưởng. Vì thế nếu ai chinh phục được một ngọn núi, tức là vượt qua được gian khổ, đáng được gọi là người hùng rồi.

Sách “Cổ học tinh hoa” có kể một câu truyện thế này : Ngu Thúc có viên ngọc đẹp. Ngu Công nghe biết, nên muốn có được viên ngọc quí ấy, ông sai người tới thuyết phục Ngu Thúc.

Ngu Thúc ban đầu không chịu nhường viên ngọc, sau nghĩ lại và nói rằng, tục ngữ có câu : kẻ thường dân vốn không có tội, chỉ vì viên ngọc bích mà thành có tội ! Vậy ta giữ làm gì viên ngọc này, thật là mua tai vạ cho mình chăng ? Rồi ông liền sai người dâng cho Ngu Công. Ngu Công có được ngọc rồi, ông nghe nói Ngu Thúc còn có thanh gươm báu, và Ngu Công sai người tới cầu cạnh thanh gươm ấy. Ngu Thúc thật khó chịu vì sự tham lam ấy, ông nói rằng : Ngu Công trưng cầu hết cái này đến cái khác, đúng là lòng tham vô đáy.

Thế rồi, Ngu Thúc quyết định đem quân tiến đánh Ngu Công, và tất nhiên quân của Ngu Công đã không trở tay kịp. Tham thì thâm là như vậy.

Rõ ràng ở hoàn cảnh nào, thì xác xuất thành công vẫn thuộc về người có lập trường vững chắc. Chúa Giêsu hôm nay, Ngài nói với chúng ta một câu tương tự : đừng làm tôi hai chủ. Dĩ nhiên, địa vị của ông chủ và đầy tớ thì chênh lệch khá nhiều, chẳng ai so sánh làm gì ! Và khi hiểu Thiên Chúa là chủ nhân tốt nhất của đời mình, thì chúng ta đừng “lăn tăn” nghi ngờ, kẻo chúng ta lại ngã lòng trông cậy, bám víu vào thế gian, rồi nguy cơ sai lạc, thay vì chọn Chúa lại chọn ông chủ tiền của là rất có thể. Do đó, Chúa Giêsu đưa ra lời kêu gọi mọi người phải dứt khoát : không ai có thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi tiền của được !

Nói về tiền của, người Việt Nam chúng ta có nhiều câu thành ngữ thật quen thuộc : đồng tiền dính liền khúc ruột, đồng tiền đâm toạc tờ giấy, đồng tiền thiêu rụi lương tâm, đồng tiền làm mờ con mắt, đồng tiền làm người ta mê muội đến độ họ gọi tiền là tiên là phật….

Xét về phương diện tâm lý, con người tự nhiên thường không dễ hài lòng với những gì mình đang có: được voi đòi tiên; được đằng chân, lân đằng đầu… Được no đủ rồi, người ta lại ước muốn thành đại gia…, có bằng thạc sĩ, rồi lại muốn người khác sẽ biết đến mình là tiến sĩ. Còn về phương diện tinh thần, chúng ta thật khó tiếp thu và thực hành một điều tốt, thế mà sự xấu như : lười biếng, gian tham, nói lời thô tục thì không cần phải luyện tập, người ta lại thật dễ thực hành.

Có thể nhiều người vẫn biện minh cho rằng, Thiên Chúa không quá khắt khe đến độ bắt con cái mình phải tuyệt đối tin thờ Người, trong khi nhu cầu vật chất là điều kiện nhỏ bé để giúp con người thờ phượng Thiên Chúa hữu hiệu hơn, lẽ nào Ngài lại cấm đoán ! Vâng, Thiên Chúa là tình yêu, Ngài không ganh tị, không muốn chúng ta đánh mất sự tự do, vì vậy mà Chúa Giêsu muốn chúng ta thật khôn ngoan để chọn lựa; còn vấn đề khác, tức là phương tiện, vật chất, Thiên Chúa Ngài sẽ ban cho.

Nếu lắng lo sự đời, hay chọn lựa ưu tiên sai, thì làm sao con người có thể chu toàn trách nhiệm Thiên Chúa trao được ! Ai trong chúng ta cũng hiểu : cha mẹ phải có nghĩa vụ chăm sóc giáo dục con cái về tinh thần cũng thể xác, thế mà cha mẹ lại chỉ quan tâm đến cơm áo gạo tiền, thì việc giáo dục con cái lẽ nào mà không xao lãng ?

Chớ gì chúng ta hiểu Thiên Chúa vì yêu thương mà tôn trọng tự do của con người, nhu cầu của con người thật bao la, nhưng về ơn Chúa, mỗi người tín hữu không thể thiếu, hơn nữa con người còn phải đặt ưu tiên hàng đầu. Vì thế, Đức Giêsu thật có lý khi muốn chúng ta đừng ham hố tiền của đến độ sai lạc thay vì chọn Thiên Chúa lại chọn tiền của. Nếu Thiên Chúa quan tâm đến chim trời, đến hoa đồng cỏ nội, thì hạnh phúc của con người phải hơn gấp bội phần chim trời cá biển hoa đồng nội, vì chúng ta thuộc về Chúa, chúng ta được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa.

Trở về mục lục

GIẰNG CO

 Trầm Thiên Thu

Đời người là cuộc chiến đấu không ngừng giữa Thiện và Ác, hai phe luôn GIẰNG CO không ngừng và rất dữ dội: “Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm” (Rm 7:19).

Cuộc chiến đời người không chỉ giới hạn giữa Thiện và Ác, mà rất đa dạng và nhiều mức độ. Khi nói về việc ở độc thân để lo việc Chúa, Thánh Phaolô nói: “Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1 Cr 7:35). Đặc biệt là giằng co còn có dạng xem chừng “thanh thản” lắm, như Thánh Phaolô tâm sự: “Tôi bị giằng co giữa hai đàng: ao ước của tôi là ra đi để được ở với Đức Kitô, điều này tốt hơn bội phần: nhưng ở lại đời này thì cần thiết hơn, vì anh em” (Pl 1:23-24).

Giằng co rất gay cấn, nhất là khi hai bên ngang ngửa, khó chọn lựa. Về sự chọn lựa, có triết lý này: Khi phải chọn lựa mà chúng ta không chọn lựa, đó cũng là chọn lựa – tức là chúng ta chọn cách “không chọn lựa”. Vì thế, chúng ta rất cần có sự sáng suốt và thái độ dứt khoát, không thể lờ lững nước đôi, càng mạnh mẽ càng dễ dứt khoát. Và Thiên Chúa cũng muốn chúng ta phải dứt khoát: “Vì ngươi hâm hẩm chẳng nóng chẳng lạnh, nên Ta sắp mửa ngươi ra khỏi miệng Ta” (Kh 3:16).

Sion từng nói: “Đức Chúa đã bỏ tôi, Chúa Thượng tôi đã quên tôi rồi!” (Is 49:14). Chúng ta cũng thường xuyên có động thái như vậy. Cũng có thể vì chúng ta yếu đuối, cũng có thể vì chúng ta cứng lòng và cố chấp. Thế nhưng chúng ta đã ngộ nhận, hoàn toàn lầm tưởng, vì Thiên Chúa hứa chắc chắn: “Có phụ nữ nào quên được đứa con thơ của mình, hay chẳng thương đứa con mình đã mang nặng đẻ đau? Cho dù nó có quên đi nữa, thì Ta, Ta cũng chẳng quên ngươi bao giờ” (Is 49:15). Ngài đã hứa thì Ngài luôn giữ đúng lời, trước sau như một.

Con người luôn bị giằng co, nghĩa là luôn bất an, dù đôi khi nhìn có vẻ… rất thanh thản. Tác giả Thánh Vịnh chia sẻ kinh nghiệm: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn. Ơn cứu độ tôi bởi Người mà đến, duy Người là núi đá, là ơn cứu độ của tôi, là thành luỹ chở che: tôi chẳng hề nao núng” (Tv 62:2-3). Bí quyết đơn giản là “bám vào Chúa”. Tuy nhiên, nói thì dễ mà làm thì khó lắm. Vì thế, chúng ta phải không ngừng nỗ lực và quyết tâm giằng co với chính mình để có thể giảm bớt mức độ giằng co. Muốn vậy, chúng ta chỉ có cách duy nhất là cậy nhờ Chúa.

Tác giả Thánh Vịnh đã dày kinh nghiệm: “Nhờ Thiên Chúa, tôi được cứu độ và vinh quang, Người là núi đá vững vàng, ở bên Thiên Chúa tôi hằng ẩn thân. Hỡi dân ta, hãy tin tưởng vào Người luôn mãi, trước mặt Người, hãy thổ lộ tâm can: Thiên Chúa là nơi ta ẩn náu” (Tv 62:6-9). Chắc hẳn là vậy, vì có lẽ mỗi chúng ta cũng đã và đang có chút kinh nghiệm nào đó về phương diện này.

Là người đã từng bị giằng co dữ dội và vượt qua chính mình, Thánh Phaolô bộc bạch: “Chớ gì thiên hạ coi chúng tôi như những đầy tớ của Đức Kitô, những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa. Mà người ta chỉ đòi hỏi ở người quản lý một điều, là phải chứng tỏ lòng trung thành. Đối với tôi, dù có bị anh em hay toà đời xét xử, tôi cũng chẳng coi là gì. Mà tôi, tôi cũng chẳng tự xét xử lấy mình. Quả thật, tôi không thấy lương tâm áy náy điều gì, nhưng đâu phải vì thế mà tôi đã được kể là người công chính. Đấng xét xử tôi chính là Chúa” (1 Cr 4:1-4). Như vậy là Thánh Phaolô đã thực sự thanh thản, chẳng còn sợ hãi gì nữa. Được như vậy thì hẳn phải chiến đấu nhiều lắm!

Chắc chắn không ai lại không muốn được Thiên Chúa cứu độ, được hưởng phúc trường sinh, được làm công dân nơi Thiên Quốc, thế nhưng người ta lại thường “ngại” sống “khác người”, cứ so đo thế này hay thế nọ. Đó chính là sự giằng co trong mỗi chúng ta hằng ngày, thậm chí là từng phút, từng giây. Thánh Phaolô khuyên nhủ: “Xin anh em đừng vội xét xử điều gì trước kỳ hạn, trước ngày Chúa đến. Chính Người sẽ đưa ra ánh sáng những gì ẩn khuất trong bóng tối, và phơi bày những ý định trong thâm tâm con người. Bấy giờ, mỗi người sẽ được Thiên Chúa khen thưởng đích đáng” (1 Cr 4:5).

Cuộc đời nhiêu khê, đủ dạng giằng co – nhất là về lĩnh vực vật chất, tiền bạc, danh vọng, địa vị, chức tước,… Người ta thường nói: “Ở hiền gặp lành”. Thế nhưng có người luôn sống tốt lành, ngoan hiền, đại lượng, nhân hậu,… mà vẫn gặp nghịch cảnh. Người ta cũng thường nhắc tới “luật nhân – quả”. Thế nhưng vẫn có những người sống ngang ngược, ích kỷ, ác độc, không coi ai ra gì, vậy mà họ vẫn phây phây, sống ung dung tự tại, sung sướng, không hề biết khổ là gì. Lạy Chúa tôi!

Quả thật, trí óc con người như bã đậu, không thể nào hiểu nổi. Cuộc đời là bí số như một hằng số, một số vô tỷ hoặc phương trình vô nghiệm!

Vì nghèo mà bị khinh, chịu thua thiệt, thế nên người ta phải nỗ lực làm giàu, nhưng đâu phải ai cũng “xuôi chèo mát mái”, có người trở thành hèn hạ và độc ác chỉ vì tiền bạc. Thật là rắc rối và tội lỗi quá!

Chuyện kể rằng…

Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp, chẳng dám tiêu xài. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được một gia tài kếch xù. Một ngày nọ, Tử Thần đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới chợt nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia.

Anh ta năn nỉ: “Tôi chia 1/3 tài sản của tôi cho ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi”. Tử Thần lắc đầu: “Không được”. Anh ta van nài: “Vậy tôi đưa ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không?”. Tử Thần vẫn không đồng ý: “Không được”. Anh ta vội nói: “Vậy… tôi xin giao hết của cải cho ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?”. Tử Thần vừa nói vừa giơ cao lưỡi hái trên tay: “Không được”. Anh ta tuyệt vọng cầu xin lần cuối: “Thế thì ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy”. Lần này Tử Thần đồng ý. Anh run rẩy viết: “Xin hãy nhớ: Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.

Chắc hẳn người này đã từng bị giằng co rất nhiều trong suốt cuộc sống, thế mà đến lúc sắp chết vẫn chưa hết bị giằng co. Cuộc đời là thế! Tuy nhiên, thứ giá trị nhất trong cuộc sống là thời gian. Khi chúng ta chưa làm được gì có ích cho đời thì cũng đừng làm điều gì vô vị. Có một danh nhân đã nói: “Dù chưa làm được điều mình muốn thì ít ra cũng phải biết muốn điều mình làm”. Quả là một triết-lý-sống độc đáo lắm! Dù không có ý xấu, nhưng ông Alfred Nobel (1) và Mikhail Kalashnikov (2) vẫn bị giằng co. Ông Alfred Nobel cảm thấy hối hận vì đã “lỡ” phát minh chất nổ, còn ông Mikhail Kalashnikov cũng bị dằn vặt vì đã “lỡ” phát minh súng AK-47.

Chúa Giêsu biết nhân loại luôn bị giằng co, thế nên Ngài muốn chúng ta phải dứt khoát: “Không ai có thể làm tôi hai chủ, vì hoặc sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc sẽ gắn bó với chủ này mà khinh dể chủ nọ. Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Mt 6:24).

Ngài khuyên răn và đưa ra ví dụ cụ thể: “Đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? Hãy xem chim trời: chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao? Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay? Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học: chúng không làm lụng, không kéo sợi; thế mà, Thầy bảo cho anh em biết: ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy” (Mt 6:25-29).

Vâng, rất rạch ròi, rất chi tiết. Thế nhưng con người lại không dễ đạt được mức tín thác tuyệt đối vào Thiên Chúa quan phòng, dù thâm tâm vẫn tự nhủ phải ghi nhớ lời Đại Sư Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Kiếp người chán thật! Thế nhưng đừng vì thế mà tuyệt vọng, dù có những lúc chúng ta hoang mang và thất vọng (x. 2 Cr 4:8). Chúa Giêsu biết rõ chúng ta hơn chính chúng ta tự biết mình, chắc chắn Ngài cảm thông lắm. Đừng lo, đừng sợ! Ngài sẽ ra tay tế độ nếu chúng ta thật lòng muốn “sờ vào tua áo” của Ngài (x. Mt 9:20; Mt 14:36; Lc 8:44).

Chúa Giêsu vừa lý luận vừa quở trách chúng ta: “Nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó” (Mt 6:30-32). Ôi chao, thật là xấu hổ quá đi thôi!

Chúa Giêsu rất nghiêm túc và thẳng thắn: “Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy (Mt 6:33-34). Hiểu và chấp nhận như vậy thì chúng ta sẽ bớt bị giằng co!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết vui vẻ chấp nhận những đau khổ hằng ngày, chấp nhận chính sự giằng co để chúng con khả dĩ “xé lòng” mà biến đổi không ngừng theo đúng Tôn Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

(1) Alfred Nobel sinh ngày 21-10-1833 tại Stockholm, Thụy Điển, mất ngày 10-12-1896. Ông phát minh chất nổ rất có lợi cho nhân loại, nhưng người ta lại dùng nó để giết hại con người. Tài sản của ông để lại được dùng làm Giải Nobel để tặng thưởng những người có công lớn đối với nhân loại về nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực hòa bình.

(2) Mikhail Timofeyevich Kalashnikov (Nga) đã thực sự hối tiếc vì phát minh súng AK-47, loại súng trường nổi tiếng nhất thế giới, ông lo lắng cuộc sống bị huỷ diệt vì vũ khí của mình, và điều đó đã luôn ám ảnh ông. Ông sinh ngày 10-11-1919 trong một gia đình nông dân ở Nga. Gia đình ông không được chính quyền Soviet chấp thuận nên đã bị trục xuất về Siberia, nơi ông phải đi săn với cây súng trường để nuôi sống gia đình. Ngày 23-12-2013, ông chết trong sự cô đơn, không một người thân, nhưng vũ khí AK-47 vẫn đang gây ra biết bao cái chết!

Trở về mục lục


THIÊN CHÚA QUAN PHÒNG

 Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng cho mạng sống mình: sẽ ăn gì? mặc gì? ngày mai sẽ ra sao?, mà phải tin cậy vào sự quan phòng chăm sóc của Thiên Chúa. Ngài đưa ra hai hình ảnh chứng minh sự quan phòng liên lỉ của Thiên Chúa: chim trên trời, bông huệ ngoài đồng, chúng có đáng gì đâu, thế mà Thiên Chúa vẫn hằng nuôi nấng, để ý đến, huống chi con người, vì con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa và được Chúa Giêsu Kitô cứu chuộc bằng chính giá máu Ngài.

Đọc kỹ bản văn của Matthêu, chúng ta thấy có bốn lần Chúa Giêsu dạy chúng ta đừng quá lo lắng đến nỗi mất tin cậy vào Thiên Chúa. Khi nói như thế, Ngài muốn chúng ta đừng tìm bảo đảm nơi của cải nay còn mai mất, mà phải tìm cái cốt yếu cho cuộc đời trước đã, rồi mọi sự khác sẽ được thêm cho. Lo lắng quá cũng chẳng giải quyết được gì: “Dù có lo lắng đi nữa, hỏi có ai trong các con kéo dài đời mình thêm được một vài gang tấc không?”. Tín nhiệm hoàn toàn vào Thiên Chúa không có nghĩa là sống trong thụ động, mà là cộng tác với công việc của Thiên Chúa tùy ơn gọi của mỗi người: tự giúp mình thì trời sẽ giúp cho.

Thiên Chúa biết rõ chúng ta không phải là những con chim hay bông hoa ngoài đồng, mà là những con người phải làm việc để nuôi thân và góp phần xây dựng gia đình và xã hội. Chúa dạy chúng ta “trước hết hãy tìm” nghĩa là hẫy đặt đúng chỗ công việc: việc nào trước, việc nào sau. “Trước hết hãy lo tìm Nước Chúa và sự công chính của Ngài”, lời này đặt nền tảng cho người Kitô hữu trong việc chọn lựa: Thiên Chúa phải chiếm chỗ ưu tiên trong con người và công việc của chúng ta, rồi đến việc cứu rỗi bản thân và đưa người khác về với Chúa; đảo lộn trật tự này tức là đi ngược thánh ý và chương trình của Thiên Chúa.

Ước gì Lời Chúa hôm nay giúp chúng ta tự kiểm thảo xem từ trước đến giờ, chúng ta đã chọn Chúa hay chọn tiền bạc? Đã quá lo lắng đến vật chât hay đã luôn tín nhiệm vào Thiên Chúa quan phòng? Xin Chúa cho chúng ta biết tìm kiếm trước hết Nước Chúa và sự thánh thiện, và tin chắc rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta mọi sự khác mỗi khi chúng ta cần đến, vì Chúa là Cha chúng ta và hằng yêu thương săn sóc chúng ta.

Trở về mục lục


KHÔNG AI CÓ THỂ LÀM TÔI HAI CHỦ

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Những ngày vừa qua, bức “Thư Ngỏ” viết ngày 17.2.2014 của ĐGM Giáo Phận Phan Thiết được công bố trên Vietcatholic (x. vietcatholic.net/media/140216PhanThiet.pdf), đã làm xôn xao công luận. “Một linh mục thuộc giáo phận Phan Thiết tự nhận là được Đức Giám Mục gửi qua Mỹ để xin tiền xây dựng Trung Tâm Thánh Mẫu Tàpao”. Nhưng “TGM không Phan Thiết không cử linh mục nào sang Mỹ với nhiệm vụ trên”, nên “xin quý vị vui lòng cảnh giác trước sự việc có dấu hiệu lừa đảo nêu trên”.

Sức mạnh của Tiền Bạc thật là khủng khiếp. Chúa Giêsu đã so sánh nó với một ông chủ có khả năng cạnh tranh với chính Thiên Chúa. “Không ai có thể làm tôi hai chủ… Anh em không thể vừa làm tôi Thiên Chúa vừa làm tôi Tiền Của được” (Lc 16, 13). Việc tôn thờ tiền bạc không xứng hợp với việc phụng sự Thiên Chúa. Chúa đã nói trước đó: “Kho tàng của anh ở đâu thì lòng trí anh ở đó”.

Tiền Của luôn luôn là ông chủ xấu nhưng có thể là một người tôi tớ tốt. Nhưng bằng cách nào ta có thể bắt nó làm tôi tớ mình được?

Những lời dạy trên được Chúa Giêsu đưa ra sau dụ ngôn về người quản gia bất lương. Anh này đã biển thủ tiền bạc hoa lợi của chủ. Ông chủ biết được liền bắt anh ta làm phúc trình trước khi sa thải. Anh ta kêu các con nợ đến, đồng loã với họ làm ra những biên lai giả: kẻ mắc nợ chủ 100 thùng dầu ô liu, anh ta bảo viết 50 thùng; người mắc nợ 100 dạ lúa thì anh ta bảo viết lại thành 80. Như thế, các con nợ kia trở thành bạn hữu của tên quản gia vì đã chịu ơn anh ta, bởi thế sau khi bị sa thải anh ta được họ đón về nhà.Tại Palettin vào thời ấy, quản gia có thể cho người khác vay tài sản của chủ. Thường họ không có thù lao, nên khi lập hợp đồng thì hay ghi số lượng trội hơn số lượng cho vay, để lúc hoàn trả, họ giữ lại số dư làm của riêng. Trong dụ ngôn, người quản gia bất chính có thể đã tính toán lại để ông chủ thu đúng số tài sản của ông, và như vậy anh ta hy sinh số dư đáng lẽ thuộc về mình. Người chủ sẽ không bị thiệt hại mà các con nợ lại rất biết ơn anh ta. Chính vì đó mà “ông chủ khen tên quản gia bất lương đó đã hành động khôn khéo” (Lc 16,8).

Từ cách xoay xở mau lẹ của tên quản gia trong một tình huống ngặt nghèo như thế, Chúa Giêsu rút ra bài học: “Hãy dùng tiền của bất chính mà tạo lấy bạn bè, phòng khi hết tiền hết bạc, họ sẽ đón rước anh em vào nơi ở vĩnh cữu” (Lc 16, 9). Bạn bè đây là ai? Họ là ai mà lại có thể đón người ta vào nơi ở không phải tạm thời nhưng vĩnh cữu?

Muốn trả lời, cần liên kết dụ ngôn “người quản gia” với dụ ngôn “ông nhà giàu và anh Lazarô nghèo khó” (Lc 16). Ông nhà giàu sống ích kỷ trong sự giàu sang của mình, ngày ngày yến tiệc linh đình, mặc cho anh Lazarô nằm chờ chết trước cửa nhà ông ta. Sau khi cả hai chết, ông phú hộ sa hoả ngục, còn anh Lazarô thì được vào thiên đàng. Trong cơn cực hình, ông ta kêu van tổ phụ Abraham can thiệp để Lazarô cứu giúp mình cách nào, nhưng Abraham trả lời rằng số phận hai người như thế là công bằng và dứt khoát rồi, không thể thay đổi được nữa.

Như thế, của cải thường chia cách con người với nhau, nó đã chia cách ông nhà giàu với anh Lazarô khi còn sống, thì khi họ chết rồi, dẫu muốn cũng không còn cách nào nối lại dây liên lạc nữa. Ông ta giàu có như thế mà không biết dùng của cải để làm cho Lazarô nên bạn hữu của mình, để anh đón ông vào nơi hạnh phúc vĩnh cữu.

Tên quản gia bất chính (nhưng khôn khéo) hơn ông ta ở chỗ đã biết dùng “tiền bạc gian dối mà mua lấy bạn bè“, bảo đảm cho tương lai của mình. Phần rỗi đời đời lại không đáng cho ta bỏ công bỏ của ra mà chăm lo hơn bội phần sao? Muốn được cứu rỗi đời đời, hãy có nhiều bạn bè. Bạn bè đó chính là những người nghèo khó mà chúng ta biết phục vụ, biết chia sẽ của cải với họ.

Câu hỏi: “Làm thế nào cho của cải thành tên tôi tớ phục vụ ta?”.

Tin Mừng hôm nay cho câu trả lời.

1. Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình

Chúng ta phải để cho Thiên Chúa làm chủ cuộc đời mình chứ không phải là Tiền Của. Không được để cho của cải đời này trở thành như mục đích của cuộc đời. Nó là một ông chủ xấu, một ông chủ khắc nghiệt, một ông chủ giả dối. Nó làm hư hỏng gia đình, hư hỏng xã hội, hư hỏng con người khi nó được coi như thần tượng, như giá trị cao nhất phải đạt tới bằng mọi cách.

Là ông chủ xấu nhưng tiền của có thể là người đầy tớ tốt và cần thiết.

Chúa Giêsu không lên án tiền bạc. Người không khinh chê của cải đời này. Chính Người đã phải lao động vất vả để sinh sống và nuôi sống cha mẹ mình. Khi ra rao giảng công khai, Người đã phải sống nhờ vào lòng tốt của kẻ khác, của bạn bè. Tiền của cần cho cuộc sống. Nó cần cho ta làm điều thiện và cho xã hội xây dựng các công trình công ích như nhà thương, nhà trường, nhà tình thương, nhà nuôi người già, người tàn tật, trẻ mồ côi, xây dựng đường sá, cầu cống, nhà máy điện, Nhà thờ, nhà giáo lý, nhà mục vụ… Chúng ta cần tới tiền bạc nhưng phải giữ sự thanh thoát đối với nó. Ta sẽ không để cho của cải chóng qua làm chủ ta nếu ta thường xuyên nghiền ngẫm lời cảnh cáo sau đây của Chúa Giêsu: “Được cả thế gian mà thiệt mất mạng sống mình thì nào có lợi chi!” (Mt 16, 26).

Tiền của đời này được giao cho ta quản lý, và ta sẽ phải phúc trình trước mặt Chúa về cách quản lý của mình. Không thể nói: của tôi, tôi muốn làm gì thì làm! Cách thức tốt nhất để quản lý tiền của mà không sợ làm trái ý Chúa, đó là dùng nó để phục vụ, nhất là phục vụï người nghèo. Như thế là chuẩn bị cho mình một chỗ chắc chắn trong Nước Trời.

Người nghèo được Thiên Chúa ưu đãi. Họ là công dân ưu tuyển của Nước Trời. Ta phải làm cho họ trở nên bạn hữu của ta. Giám mục Bossuet nói: “Người giàu là người ngoại kiều đối với Nước Trời, chính người nghèo làm cho họ nhập tịch thành công dân của Nước Trời”. Còn thánh Âu Tinh viết đại ý như sau: Bạn có của cải ư? Tốt lắm. Cha bạn để lại cho bạn một gia tài kếch xù ư? Điều đó là hợp pháp. Nhà bạn chất đầy hoa lợi do công lao khó nhọc bạn làm ra: Tôi chẳng có gì trách bạn cả. Nhưng xin đừng gọi những thứ đó là sự “giàu có”. Gọi chúng như thế là đã bắt đầu yêu thích chúng rồi, và nếu bạn yêu thích chúng, bạn sẽ cùng bị tiêu diệt với chúng. Bạn nên tiêu dùng chúng đi thì hơn, bạn sẽ không bị chết mất; hãy chia sẽ đi, rồi bạn sẽ nên giàu có, hãy gieo rồi bạn sẽ được gặt. Vâng, những của cải kia chỉ là giả dối. Hễ sở hữu chúng là bạn sinh ra lo âu. Nếu là sự giàu có đích thực, ắt chúng phải mang lại cho bạn sự bình an mới phải. Chỉ một mình Thiên Chúa là sự giàu có đích thực của chúng ta! (x. Hai Ông Chủ, Lm Nguyễn Hồng Giáo, Ofm).

2. Tin tưởng vào ơn Quan Phòng của Thiên Chúa

Đấng Tạo Hóa ân cần chăm lo cho các loài thụ tạo đã được khẳng định trong nhiều bản văn Thánh kinh. Chúa Giêsu dùng ba ví dụ rất nên thơ gợi cảm nói về sự quan phòng. Chim trời không gieo, không gặt nhưng chúng vẫn được Cha trên trời nuôi sống; Cuộc đời của mỗi người có một quảng thời gian nhất định sống ở trần gian này, điều đó ta không thay đổi được, dù có lo lắng cũng chẳng kéo dài đời mình thêm một vài gang tấc; hoa huệ ngoài đồng không làm lụng, không kéo sợi, thế mà dù vua Salomon vinh hoa tột bậc cũng không mặc đẹp bằng nó. Kết luận của ba ví dụ là: nếu như Thiên Chúa quan tâm nuôi sống chim trời và ban áo mặc cho hoa đồng cỏ nội, thì lẽ nào Chúa lại không lo lắng cho con người hơn gấp bội sao? Kết thúc bài giảng, Chúa Giêsu tuyên bố: “Vậy đừng quá lo lắng về ngày mai. Ngày mai cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày đó“. Tin cậy vào Thiên Chúa, chúng ta sẽ được hưởng những quan tâm của Cha trên trời.

3. Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa.

Của cải vật chất là cần thiết. Nhưng của cải tự nó không mang lại hạnh phúc cho con người. Nó phải là một phương tiện, một người tôi tớ. Nhưng khốn thay, tên đầy tớ này rất có uy quyền, rất dễ trở thành ông chủ của con người, để con người phục dịch nó với bất cứ giá nào. Phải dành ưu tiên cho Nước Thiên Chúa, rồi mới đến các thứ khác. Đó là trật tự phải tôn trọng. Nhưng đây không phải là vấn đề thời gian sau trước nhưng là vấn đề giá trị mà khi cần phải chọn lựa, ta phải biết đâu là thiết yếu đâu là thứ yếu.

Tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đời sống công chính như Người đòi hỏi“. Sống theo ưu tiên đó, chúng ta vẫn phải làm việc, phải vất vả, phải lo lắng và biết tiên liệu, nhưng chúng ta sẽ không nô lệ vật chất, sẽ không bán rẻ lương tâm vì đồng tiền bát gạo, sẽ coi trọng con người hơn của cải và đặt các giá trị luân lý đạo đức lên trên các giá trị vật chất. Tìm kiếm sự công chính, tức là nổ lực nên thánh bằng cách thực thi thánh ý Thiên Chúa. “Còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho”, tức là những nhu cầu vật chất mà Chúa Giêsu đề cập đến như: thức ăn, áo mặc, đây là những nguyên do lo lắng của dân ngoại, nhưng không của con cái Thiên Chúa. Chúa Giêsu không hứa với “những người công chính” là Thiên Chúa sẽ ban cho họ dư đầy của cải trần thế, nhưng đơn giản là đảm bảo cho họ nhu cầu cần thiết hằng ngày. (x. Thiên Chúa hay thần tài, Lm Nguyễn Hồng Giáo, Ofm).

Sống theo ưu tiên của Nước Thiên Chúa, người Kitô hữu sẽ giữ được sự tự do thanh thoát và bình an ngay giữa những nhiệm vụ nặng nề nhất, vì họ biết có Chúa là Cha yêu thương cùng lo cho họ và với họ, và chỉ có Người mới đem lại cho họ niềm hạnh phúc đích thực mà họ hằng mong ước.

Trở về mục lục

 

 

Exit mobile version