Lời Chúa Năm C CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN. NĂM C

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN. NĂM C

CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN C

Lời Chúa: Hc 27,4-7;  1Cr 15,54-58;  Lc 6,39-45

———

Mục lục

1. Khôn ngoan và bác ái (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Đào tạo người môn đệ (Jorathe Nắng Tím)

3. Đạo đức thật hay giả (Lm. Thái Nguyên)

4. Mù có thể dắt mù?  (Giuse Trần Văn Ngữ, SJ)

5. Xem quả biết cây.  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

6. Xem quả thì biết cây (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Được tự do (Lm. Jos DĐH. Gp. Xuân Lộc)

8. Để lòng đầy yêu thương (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)

9. Mù mà lại dắt mù được sao? (Thiên San, Học viện MTG.Thủ Đức)

10. Tự biết mình để cải thiện đời sóng  (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

 

Mục lục

1. Quả và cây  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Nhớ uốn lưỡi trước khi nói nhé  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

3. Cái đà và cái rác  (Lm. Giuse Hoàng Kim Toan)

4. Nhân quả  (Lm. Giuse Trần Việt Hùng)

5. Xét đoán và kết án theo Chúa Giêsu  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

6. Lấy cái rác, cái xà (Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi, DCCT)

7. Suy niệm Chúa Nhật 8 Thường niên_C  (Lm. Giuse Đinh Tất Quý)

8. Nghe mà không thực hành (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

9. Lòng an vui thì dường như không xét đoán (Lm. Antôn Nguyễn văn Dũng, DCCT)

10. Cái rác – cái xà  (Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng)

11. Mù không thể dắt mù (Jos.Vinc. Ngọc Biển, SSP)

12. Biết rõ tốt xấu  (Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm)

13. Xét mình  (Trầm Thiên Thu)

14. Đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét (Lm. Đan Vinh)

15. Tư cách xấu tốt  (Lm. Vũ Đình Tường)

16. Cái xà cái rác  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

17. Hãy sinh hoa trái tốt  (Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng, SDB)

18. Thực hành đức ái (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

19. Cái tâm trong sáng  (Bông Hồng Nhỏ, Tập sinh MTG.Thủ Đức)

20. Mù bên trong  (Anna Cỏ May, Tập sinh MTG.Thủ Đức)

21. Chúa Nhật 8 Thường niên – Năm C  (Lm. Phêrô Phạm Tiến Phi)

22. Các điều kiện của lòng nhiệt thành  (Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt)

23. Suy niệm chú giải Lời Chúa – Chúa Nhật 8 TN_C (Lm. Inhaxio Hồ Thông)

24. Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng (Lm. Giuse Vũ Mộng Thơ)

25. Người mù dẫn dắt người mù  (Lm. Trầm Phúc)

26. Xem quả biết cây  (Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)

27. Nhìn lại mình và thay đổi bản thân (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí)

28. Đừng xét đoán  (Lm. GB. Trần Văn Hào, SDB)

29. Cái đà và cái rác.  (Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa)

30. Ánh nhìn của Chúa  (Lm. Giuse Nguyễn)

31. Để tập nhân đức, hãy xét mình trước khi xét người (Lm. Đaminh Trần Đình Nhi)

32. Làm sao để chấp nhận người khác  (Lm. Giuse Lê Danh Tường)

33. Tự biết để sửa mình  (Lm. Inhaxio Trần Ngà)

34. Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó, và con người cũng vậy (Lm. Bosco Dương Trung Tín)

35. Mù dắt mù lăn cù xuống hố  (JM. Lam Thy, ĐVD)

36. Chân lý khiêm nhường  (P.Trần Đình Phan Tiến)

37. Chúa Nhật 8 Thường niên_C  (Lm. Antôn)

 

KHÔN NGOAN VÀ BÁC ÁI

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Trong kho tàng ca dao tục ngữ của Việt Nam, có rất nhiều lời căn dặn phải khôn ngoan trong lời nói. Sở dĩ phải cẩn trọng, vì “nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” – một lời nói ra, con ngựa Tứ khó đuổi kịp (lưu ý: tứ mã ở đây không phải là 4 con ngựa mà là con ngựa giống Tứ, chạy rất nhanh ở Trung Quốc). “Rượu ngon uống mãi cũng say, người khôn nói mãi dẫu hay cũng nhàm”. Lời nói tạo phong cách và tăng thêm giá trị của người, “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”. Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay đã vận dụng những câu ca dao tục ngữ đương thời để giáo huấn dân chúng. Người muốn khẳng định: hãy cẩn trọng trong lời nói, hãy suy nghĩ trước khi nhận định và nhất là đừng lên án ai. Chúng ta có thể dễ dàng thấy, những điều Chúa nói trong Tin Mừng rất quen thuộc và phù hợp với mọi người, mọi trình độ văn hoá. Những lời dạy của Chúa Giêsu cũng mang nội dung giáo huấn của các bậc khôn ngoan thời Cựu ước, ví như bài đọc I, trích sách Huấn Ca. Những lời này cũng có thể là những lời mẹ ru con trong nôi, để rồi những giá trị sống ấy thấm nhập nơi mỗi con người từ thuở sơ sinh, góp phần tạo nhân cách khi những em bé ấy đến tuổi trưởng thành.

Thánh sử Luca, trong Tin Mừng Chúa nhật này, đã ghi lại một chuỗi ba câu chuyện dụ ngôn. Một lần nữa, Chúa Giêsu lại dùng những hình ảnh đi cặp đôi với nhau: người mù và người sáng; cái xà và cái rác; cây tốt và cây xấu. Những hình ảnh này đều mang ý nghĩa giáo huấn rất sâu sắc, giúp người tín hữu suy tư và chọn lựa hướng đi cho đời mình. Có thể nói ba cặp từ này mang ba giáo huấn riêng biệt.

– Người mù mà dắt người mù được sao? Mỗi người sống ở đời cần chọn cho mình một hướng đi hay một lý tưởng. Người sống không có lý tưởng, giống như cây sậy phất phơ hoang dại, gió chiều nào thì theo chiều ấy. Khi chọn lựa lý tưởng và mẫu mực cho đời mình, mỗi người đều phải khôn ngoan cân nhắc. Không ai chọn một người mù làm người dẫn đường. Khái niệm “người mù” ở đây không có nghĩa là người khiếm thị, nhưng là người thiếu hiểu biết, thiếu khôn ngoan hoặc là người không đủ tư cách. Là tín hữu, chúng ta chọn Chúa Giêsu là lý tưởng. Người đã tuyên bố: “Tôi là Đường, là Sự thật và là Sự sống” (Ga 14,6).

– Cái xà và cái rác: con người sinh ra, đơn sơ mỏng manh như chiếc lá. Phải cần có thời gian để trưởng thành. Với sự dạy dỗ của cha mẹ và những người có trách nhiệm, chúng ta mới cứng cáp từng ngày. Hiện diện trong cuộc sống, mỗi chúng ta có một cá tính, giống như mỗi người có tên gọi, có diện mạo và sở thích riêng. Sự khác biệt làm nên tính phong phú đa dạng trong cuộc sống. Vì vậy, không ai được lấy mình làm tiêu chuẩn để xét đoán phê phán người khác. Sự chênh lệch giữa hai hình ảnh Chúa Giêsu dùng để so sánh, cho thấy khuynh hướng tự tôn: một bên là cái xà, rất to và rất nặng; bên kia là cái rác, đơn giản và nhẹ nhàng. Vậy mà thông thường, người ta chỉ thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà nghiêm trọng hơn trong con mắt của mình. Để thấy được cái xà trong mắt mình, cần có sự khiêm tốn và vị tha.

– Cây tốt và cây xấu: mỗi người là một cây Chúa trồng trong vườn đời. Lòng bao dung, quảng đại và nhân ái chính là hoa thơm trái ngọt chúng ta cần đem lại cho đời. Lòng ích kỷ, gian tham và mưu mô mánh lới chính là những trái đắng, làm phương hại đến bản thân, trước khi gây hậu quả tai hại cho người khác. Chất lượng của một cây không thể hiện ở dáng vẻ bên ngoài, nhưng hoa thơm trái ngọt mới đem lại giá trị của cây ấy. Vì thế, lời nói tốt, việc làm thiện hảo và trái tim nhân hậu chính là bằng chứng nhân cách của một người tín hữu đích thực và là một cây tốt trong vườn đời.

Tội lỗi sinh ra nơi chúng ta những khuynh hướng xấu. Đó là sự ích kỷ, tham lam và hận thù. Đức Giêsu đã giải phóng chúng ta khỏi ách nô lệ của tội lỗi và tử thần. Thánh Phaolô mời gọi chúng ta hãy cậy dựa vào Chúa Giêsu để được chiến thắng. Thay vì dùng thời gian và tâm huyết vào những chuyện vô bổ để đoán xét người khác, thì hãy “tích cực tham gia vào những công việc của Chúa, với xác tín rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (Bài đọc II).

Nền tảng giáo huấn của Chúa Giêsu dựa trên đức ái. Đức ái là lòng yêu mến dành cho từng người và hết mọi người. Chúa nhật trước, chúng ta đã nghe Chúa mời gọi: hãy yêu thương cả kẻ thù và cầu nguyện cho họ. Nhờ có đức ái mà chúng ta sống hài hoà nhân ái với người khác, không xét đoán và không lên án họ, bởi lẽ mỗi chúng ta cũng mang nhiều bất toàn và yếu đuối. Thay vì dò xét bới móc người khác, chúng ta hãy cố gắng đào luyện bản thân. Khi quan sát những điều bất toàn nơi người khác, ta tự nhắc mình phải cẩn trọng; khi thấy nơi người khác có những điểm tốt lành, ta coi đó như những mẫu gương, để học hỏi, phấn đấu và thăng tiến trong đời.

Về mục lục

ĐÀO TẠO NGƯỜI MÔN ĐỆ

Jorathe Nắng Tím

Bí tích rửa tội cho chúng ta trở nên môn đệ Đức Giêsu, nhưng cũng là khởi điểm của hành trình được đào tạo để trở nên người môn đệ như lòng Chúa mong ước, không khác các tông đồ đã được Đức Giêsu kêu gọi, và các ông đã lên đường đi theo, ở với Ngài để  được Ngài đích thân đào tạo.

Tin Mừng chúa nhật hôm nay đặt ra vấn đề đào tạo môn đệ, khi Đức Giêsu nói đến tương quan giữa thầy và trò. Theo Ngài:

1/ Thầy đui mà dắt trò mù, thì chắc chắn cả hai sẽ  cùng rơi xuống hố:

Tình trạng tuy ít xảy ra, nhưng không phải không có, và nếu có thì nguy cơ thực vô cùng kinh khủng, vì cả thầy và trò đều chết, mà không chỉ chết hai thầy trò, nhưng  còn làm chết oan nhiều thế hệ, bởi ảnh hưởng của thầy dạy không bao giờ nhỏ bé cho một nhóm ít người, nhưng rộng lớn, bao trùm quần chúng, đám đông, và trải xa đến nhiều đời. Chẳng thế mà lịch sử đã chứng minh: một lý thuyết sai lạc, một thầy dậy đui mù đã lôi kéo hàng triệu triệu người đương thời, lại ảnh hưởng xấu trên nhiều thế hệ con cháu ới cơ man ngàn trùng bất hạnh cho nhân loại.

2/ Bao giờ thầy cũng hơn trò:

Đức Giêsu khẳng định: “Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi” (Lc 6, 40), sau khi đã để ra ngoài trường hợp cả hai thầy trò đều mù và cùng đưa nhau xuống hố.

Khẳng định điều này, Đức Giêsu muốn nhắc nhở:  nếu muốn được đào tạo  nên người môn đệ tốt lành, có khả năng, chúng ta phải có tinh thần khiêm tốn, vì  với con tim kiêu căng cho rằng  mình đã giỏi sẵn, với khối óc ngạo mạn  tự thấy mình đã qúa đủ, người môn đệ sẽ như người học trò kia tưởng mình biết hơn thầy, nghĩ mình giỏi hơn thầy, nên lúc nào cũng thấy cái rác trong mắt thầy và muốn lấy cái rác đó đi, mà quên nhìn vào cái xà “ngu muội, dốt nát” trong con mắt của chính mình (x. Lc 6, 41-42).

Nhắc nhở “hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (Lc 6,42), Đức Giêsu còn dạy người môn đệ sống tinh thần hiền lành, cởi mở, cầu tiến để học với mọi người, vì ai cũng có thể là thầy mình, ai cũng có thể chỉ cho mình điều hay lẽ phải, và góp phần xây dựng, phát huy kho tàng kiến thức cũng như đạo đức của mình.

3/ Đào tạo con người toàn diện:

Khi dùng hình ảnh “cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu”, “xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả; trong bụi rậm, làm gì hái được nho!” (Lc 6,44), Đức Giêsu quả quyết: việc đào tạo rất cần thiết, nhưng không chỉ đào tạo một phần, một góc nhỏ con người, như chỉ nhồi nhét, làm đầy  kiến thức, nhưng  phải đào tạo toàn diện, toàn phần mới mong đem lai kết qủa, như cây kia phải phát triển toàn diện, toàn phần mới cho nhiều hoa  thơm trái ngọt.

Ở đây, Đức Giêsu chỉ cho chúng ta phương cách đào đạo toàn diện con người, đó là đào tạo trái tim, đào tạo tấm lòng, vì tất cả tập trung ở trái tim, tất cả đến từ tấm lòng, khi ân cần căn dặn: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu” (Lc 6,45).

Đào tạo tâm hồn, theo Đức Giêsu là “có lòng nhân từ như Cha anh em là Đấng nhân từ” (Lc 6,36), Đấng “cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5,45); đào tạo con tim như Đức Giêsu muốn chính là “đừng xét đoán để khỏi bị xét đoán, đừng lên án để khỏi bị lên án, nhưng tha thứ để được Thiên Chúa thứ tha” (Lc 6,37); đào tạo tấm lòng như Đức Giêsu dạy là quảng đại chia sẻ, thi ân, “vì anh em đong bằng đấu nào, thì Thiên Chúa sẽ đong lại cho anh em bằng đấu ấy” (Lc 6,38).

Xin Chúa ban cho chúng ta trái tim “hiền lành, khiêm nhường, nhân từ, quảng đại” của người môn đệ, để suốt  đời, dù ở đâu và hoàn cảnh nào cũng luôn là học trò bé nhỏ, ngoan ngoãn, và chăm chỉ của Chúa Thánh Thần là Thầy Dạy và Thần Khí sự thật đến từ Chúa Cha để làm chứng Đức Giêsu là Ngôi Lời của Thiên Chúa (x. Ga 15,26). Có như thế, chúng ta mới mong trở nên những chứng nhân, thầy dạy, người dẫn đường “đáng tin cậy” của Tin Mừng Nước Trời.

Về mục lục

ĐẠO DỨC THẬT HAY GIẢ

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Tác giả sách Huấn Ca cho biết lời nói của một người có giá trị bộc lộ sự thật, cho người ta biết được điều hay điều dở nơi người ấy: “nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27, 4-7). Điều này rất đúng khi lời lẽ thốt ra cách hồn nhiên, chân thành, chưa bị ngụy trang hay uốn nắn bởi những toan tính quanh co. Thực tế thì khó xét lòng người, nhưng nếu để xét lòng mình thì giáo huấn trên thật chính xác.

Hãy xét xem tôi thường nói những chuyện gì? Nói nhiều về điều gì thì chứng tỏ tôi quan tâm nhiều về điều ấy, hay nói cách khác tôi đã bị ám ảnh bởi điều ấy. Tôi thường phê bình chỉ trích hay nâng đỡ khích lệ? Điều này giúp tôi biết mình là người hẹp hòi hay rộng lượng; là người gây xáo trộn hay kiến tạo bình an. Khi nói về bản thân, giọng điệu của tôi ra sao? Điều này cho thấy tôi kiêu căng hay khiêm tốn.

Qua bài Phúc Âm, Chúa Giêsu cũng cho chúng ta thấy vấn đề phức tạp không phải là người khác mà là bản thân ta: “Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới”. Ai cũng dễ chủ quan, thấy cái rác trong mắt người mà không thấy cái xà trong mắt mình. Ai cũng thích sửa dạy người khác, nhưng lại không thích người khác sửa dạy mình; muốn thay đổi người khác nhưng không muốn thay đổi chính mình. Chúng ta hay nóng lòng về tình trạng sai sót của người khác, nhưng bản thân mình có khi còn tệ hơn. Giáo huấn của Chúa Giêsu cho thấy: lo sửa người là kẻ đạo đức giả, lo sửa mình mới là người đạo đức thật.

Người xưa có câu: “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”. Cũng từ đó mà ta thường rất hà tiện trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong tiếng chê. Một trong những tội con người dễ phạm nhất là hay xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ sai cho người khác. Đang khi đó thì lại chạy trốn chính mình, không đủ can đảm để nhận sự thật về mình. Càng có địa vị, càng thành công, càng có uy tín, ta càng khó thấy những nhược điểm của mình, và càng khó chấp nhận sự góp ý của người khác. Sống trong cảnh mù tối về bản thân, nhưng lại mong dẫn dắt thiên hạ, điều đó quả là một mối họa!

Ai trong chúng ta cũng có thể trở thành những chuyên gia tìm ra tội người khác và phê phán họ. Nhưng những kẻ phê phán không phải là những người cải tạo thế giới, mà thường làm hư hại thêm. Khi muốn sửa lỗi người khác là ta muốn chiến thắng sự xấu trong thế gian, nhưng nếu ta không chiến thắng sự xấu trong mình thì ta vẫn thất bại. Điều này đòi ta phải sám hối và hoán cải, nghĩa là nhận ra mình là tội nhân. Tâm tình đó mới đưa ta lại gần anh em mà không còn thái độ kẻ cả. Chúng ta có bổn phận sửa lỗi cho nhau, nhưng vì biết mình luôn có thể lầm lỗi nên ta làm với tâm tình yêu thương và khiêm tốn.

Để cuộc sống được quân bình và triển nở tươi tốt ta hãy thường xuyên đặt mình trước mặt Chúa, xin Chúa soi sáng cho ta thấu rõ về bản thân của mình. Biết đón nhận sự sửa dạy, ta mới biết sửa dạy; biết thay đổi bản thân ta mới biết thay đổi người khác. Hãy phê bình mình trước khi phê bình anh em. Nhiều sự tranh chấp và ngổn ngang trong gia đình cũng như trong cộng đoàn là vì ta không biết nhận lỗi mà cứ đổ lỗi. Chỉ có thể sửa lỗi cho người khác khi ta không tự hào về mình, không còn bị thúc đẩy bởi tham vọng muốn thống trị.

Không có gì làm ta mù quáng cho bằng để ý đến lỗi lầm của người khác. Chúa Giêsu bảo chúng ta đừng mất công tìm trái vả nơi bụi gai, hay tìm trái nho nơi bụi rậm. Nơi cây nào thì tìm trái của cây ấy. Bài học này có thể áp dụng cho việc đánh giá về người khác và về chính bản thân mình. Chúng ta chỉ thực sự là người tốt khi biết sống từ tâm, biết cảm thông và đón nhận mọi người trong mọi tình trạng của họ. Ai cũng cần có thời gian và ơn thánh để đổi mới dần dần.

Tình yêu thương là điều cốt yếu để cải hóa mình và cảm hóa tha nhân. Vì thế, từ gia đình đến bên ngoài, lúc nào chúng ta cũng cần sống tốt với nhau, nhìn tốt về nhau, để đem lại an bình và hạnh phúc cho nhau. Chỉ như vậy ta mới góp phần đắc lực để xây dựng một thế giới mới, thế giới của hòa bình, yêu thương và huynh đệ, là chính Nước Thiên Chúa.

Lời nguyện

Lạy Chúa Giêsu!
Bản thân con dễ chủ quan và thiển cận,
vì nhìn theo lăng kín và góc độ của mình,
nên không tránh được sai lầm và lệch lạc,
nhất là khi vội vàng mà xét đoán tha nhân.

Cái xà trong mắt mình thì không thấy,
lại thấy cái rác trong mắt của anh em,
cái sai của mình thì cho là nhỏ,
còn cái sót của người lại biến nó thành to,
để rồi từ đấy con chỉ lo sửa dạy,
lúc nào cũng muốn được làm thầy,
ra vẻ ta đây là hoàn hảo,
ra giọng chỉ bảo và chê bai khinh thị.

Chúa cho như vậy là người đạo đức giả,
vì bản thân vẫn chưa được cải hóa,
chưa ra sao mà đã tự nâng cao,
lo sửa người mà chẳng biết sửa mình,
có khi cũng chẳng biết chính mình,
vẫn vô tình trong lối sống vô minh,
nếu có quyền hành mà dẫn dắt người ta,
thì chắc hẳn gây ra nhiều tai họa.

Lạy Chúa, xin cho con biết con,
biết con yếu đuối lỗi lầm,
nên đừng khe khắt hiểu lầm anh em,
biết con che đậy giả hình,
nên cần chân thật sống tình yêu thương,
biết con cũng thích phô trương,
nên cần ăn ở khiêm nhường đơn sơ,
biết con hay sống bâng quơ,
nên cần sốt sắng phụng thờ Chúa luôn,
để nhờ ơn Chúa tràn tuôn,
đời con đổi mới khơi nguồn tin yêu. Amen.

Về mục lục

MÙ CÓ THỂ DẮT MÙ?

Giuse Trần Văn Ngữ

 “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” (Lc 6,39). Đây là những câu hỏi tu từ. Nếu câu hỏi đầu tiên có thể trả lời , thì câu hỏi thứ hai, câu trả lời được mong đợi là không.

Trong Tin Mừng của thánh Mat-thêu,[1] Đức Giê-su gọi những người pha-ri-sêu là những người mù dẫn đường. Còn ở trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 8 Thường Niên Năm C,[2] thánh sử Lu-ca không nói đích danh ai là người mù, nên có thể hiểu, người mù là bất kì ai. Vì thế, khi chọn người hướng dẫn, chúng ta hãy cẩn trọng, kẻo sẽ đến ngày, ta cũng rơi xuống hố cùng với người dẫn đường mù quáng.

Ngày hôm nay, không ít người tự nhận mình là người dẫn đường, nhưng nhiều người trong số họ là những kẻ bị mù mà không biết. Họ tìm cách gia tăng sự ảnh hưởng của mình trên những người khác về các vấn đề tâm linh, tài chính, y tế, và các vấn nạn về gia đình… Nếu để ý ta có thể nhận ra, đằng sau những hào nhoáng bên ngoài, ẩn dấu những mục đích xấu xa. Họ sẽ dẫn cuộc sống của chúng ta vào nơi hỗn loạn, chứ không đến bến bờ bình an đích thực. Cho nên, khi chọn một người hướng dẫn về các vấn đề liên quan đến cuộc sống, đặc biệt là về vấn đề tinh thần, bạn phải rất cẩn thận. Vậy làm sao để chọn được một người hướng dẫn tốt?

Đức Giê-su chỉ cho ta một nguyên tắc căn bản: “cứ xem họ sinh hoa quả nào, thì biết họ là ai” (Mt 7,20). Đây là một nguyên tắc khá đơn giản để có thể nhận ra đâu là tốt thực sự. Trong đời sống thường ngày, chúng ta bị bao quanh bởi cả điều tốt và điều xấu, nên cần phải có khả năng phân định để nhận ra điều tốt.

Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho![3] Hoa trái đến một cách tự nhiên theo đúng chất lượng tự nhiên của cây. Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái sâu, hoặc không sinh trái. Có thể nói, đây là nguyên tắc cơ bản và hiển nhiên. Đức Giê-su dùng nguyên tắc này để giúp chúng ta nhận ra một nguyên tắc tương tự trong đời sống thiêng liêng của mình.

Người tốt thì lấy ra cái tốt từ trong kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu.” Giống như cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái sâu; thì người tốt làm những việc tốt lành, còn người xấu thích làm điều gian ác. Có thể nói, các hành động bên ngoài phần nào tỏ lộ con người thật bên trong của chúng ta.

Cần lưu ý thêm, quả tốt không chỉ là nói những lời tốt đẹp, nhưng còn hệ tại ở hành động tốt nữa. Đức Giê-su cảnh báo các môn đệ: „Anh em hãy coi chừng các ngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi.”[4] Nói theo ngôn ngữ của thánh I-nhã, khi nhận định thần loại, cần thận trọng để đừng bị lừa! Vì thần dữ có thể đội lốt thần lành để dụ dỗ. Chúng bày ra những tư tưởng tốt đẹp và có vẻ đạo đức thánh thiện, nhưng sau đó lại dẫn ta đến những chọn lựa và làm việc xấu xa: ghen ghét, đố kị, phán xét và lăng mạ người khác…

Bên cạnh đó, cần cẩn thận với sự tự kiêu, tự cho mình là đúng. Các kinh sư và người pha-ri-sêu đã phạm sai lầm khi đề cao cá nhân quá mức. Họ tự nhận mình là người công chính. Họ cho rằng, chỉ có ai sống giống như lối sống của họ (nghiêm túc giữ trọn lề luật), thì mới được gọi là người sống công chính. Có thể nói, họ đã đúng, khi xác tín rằng các lề luật trong Kinh Thành là món quà đến từ Thiên Chúa; và cần phải trung thành với lề luật đã được ban. Tuy nhiên, việc tuân giữ lề luật một cách thái quá, sẽ dẫn đến nguy cơ trở nên người tự mãn thiêng liêng. Những người tự mãn thường cho rằng chỉ có mình tốt, phần còn lại của thế giới là xấu. Đó là trường hợp của các kinh sư và người pha-ri-sêu. Đức Giê-su cảnh báo các môn đệ và mỗi người chúng ta rằng, nếu không cẩn trọng, ai cũng có thể bị rơi vào vết xe đổ của những người luật sĩ và pha-ri-sêu. Chúng ta có thể sống rất đạo đức thánh thiện, hằng ngày đọc kinh xem lễ… nhưng lại thích xét đoán, lên án và khinh dể người khác – một kiểu kiêu ngạo thiêng liêng.

Chúng ta cần cẩn trọng và khôn ngoan trong những điều này:

Thứ nhất, thánh sử Lu-ca không có ý nói rằng: chỉ cần nhìn kết quả, nhìn hành động của ai đó một lần thôi, là ta có thể đưa ra kết luận cho mãi mãi. Nghĩa là, chúng ta không nên dựa vào một hay hai hành vi lầm lỡ của người khác, rồi sau đó „dán mác” cho rằng người ấy là người xấu.

Thứ đến, hãy để ý lưu tâm đến con tim của mình. Sự thiện và sự ác đều có thể chiếm hữu con tim của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng có đủ tự do để chọn lựa và cho phép sự thiện hay sự dữ ở lại trong trái tim mình. Nếu chỉ giữ lại những sự thiện hảo và các điều tốt lành trong trái tim, thì ta sẽ vững tâm, cho dù cuộc sống bên ngoài có gặp phải nhiều khó khăn và thử thách; Ngược lại, nếu ưng thuận và chứa chấp những sự xấu xa và gian ác trong tim, thì chẳng sớm hay muôn, ta sẽ bị những nọc độc này giết chết chính mình.

Mỗi ngày qua đi, chúng ta được mời gọi: cẩn thận nhìn vào tấm gương của trái tim mình, để xem xét các hành động của ta đang được thần lành dẫn dắt, hay đang bị thần dữ xúi giục. Chúng ta có đủ can đảm và dứt khoát không thương lượng với những điều xấu xa gian tà  trong lòng mình không? Chúng ta đã chọn được một người hướng dẫn tốt, để trò chuyện và bàn hỏi về đời sống thiêng liêng của mình chưa?

Ước chi mỗi ngày, con biết chọn lựa và thực hiện những điều làm đẹp lòng Chúa hơn.

…………………………………………………………….

[1] Xem Mt 15,12-14.

[2] Tin Mừng Chúa Nhật 8 Thường Niên C (Lc 6,39-45): Mù mà lại dắt mù; Cái rác và cái xà; Cây nào trái ấy.

[3] Xem Lc 6, 43-44; Mt 7,16-19

[4] Xem Mt 7,15-16: Cây nào trái ấy.

Về mục lục

XEM QUẢ BIẾT CÂY.

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Người ta có nhiều cách ví von để kết luận về một hệ lụy tất yếu nào đó, chẳng hạn như: cha nào con ấy, thầy nào trò ấy, rau nào sâu ấy. Còn Chúa Giêsu xác địn: “Cứ xem trái thì biết cây” (x. Lc 6:44). Nhận định của Chúa Giêsu có thể áp dụng vào mọi trường hợp trong cuộc sống.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay, Bài đọc I trích sách Đức Huấn Ca và Tin Mừng Thánh Luca ghi lại những danh ngôn hay những “lời” đầy khôn ngoan về thái độ của người môn đệ đích thực như: “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy” (x. Hc 27, 5-8 (Hl 4-7).  “Mù dắt mù sao, trò hơn thầy chăng, lấy cái rác nơi người mà không lấy cái đà trong mắt anh, xem quả biết cây, lòng đầy miệng mới nói ra” (x. Lc 6,39-45).

Từ những lời Kinh Thánh trên, chúng ta có được chân dung của người môn đệ chân chính, hay cụ thể hơn là người kitô hữu đích thật của Chúa Giêsu. Cái rác, cái đà hay chuyện ngụ ngôn về một cây tốt sinh trái tốt Chúa Giêsu kể dạy rõ chân lý này (Lc 6, 39-42). Ai nghe và vâng giữ Lời Chúa, đồng thời đem ra thực. Người ấy sẽ trung thành với niềm tin, cho dù khó khăn xảy đến, thậm trí đối diện với bắt bớ nữa. Bởi “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính” (Hc 27,6). Lửa chính là thứ dùng để luyện sành. Cái hay của câu trên là ở vế sau “gian nan người công chính”. Gian nan ở đây chính là những khó khăn, gian truân vất vả mà ta bắt gặp trong cuộc sống.

Tại sao “gian nan thử người công chính?” Cuộc sống là một hành trình dài với nhiều khó khăn, không phải lúc nào cũng thuận lợi như ta mong đợi. Chính khó khăn ấy là môi trường tốt nhất để rèn người nên công chính. Trái lại, người nào nghe mà không tuân giữ và hành động theo Lời Chúa thì khi bách hại xảy đến, họ khó đứng vững, thậm chí có nguy cơ mất đức (x. Lc 6, 43-49).

Khi nói “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi” (Lc 6, 39-40). Chúa Giêsu muốn nói, người môn đệ Chúa phải học và theo Chúa trước khi tự xưng mình là thầy hoặc lãnh đạo người khác. Vì chưa thuộc bài hoặc thực hành lời Thầy Giêsu dậy đã đi dẫn dắt người khác thì nguy hiểm cho bản thân và cả những người thụ giáo.

Chúa Giêsu nói tiếp: “Lòng đầy miệng mới nói ra. Hãy xem quả biết cây” (Lc 6,45). Đúng là thiện căn ở tại lòng ta. Sự xấu xa cũng hệ tại lòng ta. Lòng trí con người là trung tâm điểm phát sinh những điều thiện hảo cũng như xấu xa, tội lỗi.

Theo ý nghĩa đó, Bài đọc I đề cập đến “lời nói phát ra từ miệng lưỡi” được coi như một tiêu chuẩn đo lường khôn ngoan để đánh giá con người: Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan như Sách Huấn Ca dạy: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (x. Hc 27,5-6).

Chúa Giêsu cũng nói lời tương tự: “Cứ xem trái thì biết cây” (Lc 6,44). Chúng ta biết loại cây nhờ xem quả hay ăn quả của nó. Nhiều người biết được chúng ta là ai, bản chất, tính cách của chúng ta như thế nào nhờ nhìn vào đời sống và nghe lời chúng ta nói. Giống như cây khế không thể sinh quả cau được, cách cư xử bên ngoài của chúng ta là màn hình qua đó những động cơ và những giá trị bên trong của chúng ta lộ ra.

Khi nói: “Người hiền, bởi tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện, kẻ dữ, bởi tích đầy lòng sự ác nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra” (Lc 6, 45). Chúa Giêsu muốn nói về những gì bên trong của con người được phản chiếu qua lời nói và biểu lộ ra bên ngoài. Quả thật, những gì chúng ta nói ra là những điều chúng ta đã suy nghĩ và ước muốn trong lòng. Chúa Giêsu nói tiếp: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng vậy, không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Nhân quả là như thế.

Vậy chúng ta tự hỏi, đâu là trái tốt để người ta nhận ra nơi người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Thưa, từ một con tim cằn cỗi không thể nào có thể phát ra những lời hay ý đẹp cũng như có những hành động cao thượng được. Để có quả tốt, chúng ta cần có cái tâm tốt. Vì thế phải thực hành các mối phúc mà Chúa đã dạy chúng ta trong Chúa Nhật VII vừa rồi: như yêu thương kẻ thù, cho mà không đòi lại, không xét đoán, không kết án người khác, trước khi sửa lỗi người khác phải sửa lỗi chính mình, hay ít ra, chúng ta cố gắng làm một điều tốt lành để hoàn thiện mình. Amen.

Về mục lục

XEM QUẢ THÌ BIẾT CÂY

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Trong các chuyện về Cọp, câu chuyện cổ tích “Trí khôn của ta đây” thật đặc sắc.

Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Ðến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:– Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy?Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp:– Người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ!Cọp không hiểu, tò mò hỏi:– Trí khôn là cái gì? Nó như thế nào?Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt:– Trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy!Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi:– Trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói:– Trí khôn tôi để ở nhà. Ðể tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.Cọp nghe nói, mừng lắm.Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói:– Nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao?Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp:– Hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát:– Trí khôn của ta đây! Trí khôn của ta đây!Trâu thấy vậy thích quá, bò lăn ra mà cười, không may hàm trên va vào đá, răng gãy không còn chiếc nào.Mãi sau dây thừng cháy đứt, Cọp mới vùng dậy ba chân bốn cẳng chạy thẳng vào rừng không dám ngoái nhìn lại.Từ đó, cọp sinh ra con nào trên mình cũng có những vằn đen dài, vốn là dấu tích những vết cháy, còn trâu thì chẳng con nào có răng ở hàm trên cả.

Với trí khôn, con người là thụ tạo cao cả nhất trong muôn loài tạo vật. Hiểu biết thật quan trọng, nhất là biết nhận rõ tốt xấu, phải trái, đúng sai, hay dở, thật giả, thiện ác.

Giáo huấn trong phần 3 của bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra nguyên tắc vàng giúp việc phân định hành vi tốt xấu của con người: “Xem quả thì biết cây”. Một hành động là tốt khi nó hợp với một tâm hồn tốt, một tâm hồn tốt sẽ sinh ra những hành động tốt.

Theo kinh nghiệm thông thường về trồng trọt, cây giống tốt sẽ sinh trái tốt. Chúa Giêsu dạy, muốn phân định một ngôn sứ giả hay thật đừng chỉ dựa vào một số hành vi bên ngoài và nhất thời. Hoa trái đạo đức đích thực phải là kết quả của cả cuộc sống lâu dài và sâu thẳm từ trong tâm hồn.Chúa Giêsu khẳng định rõ hơn: “Ở bụi gai, không có nho mà hái? Trên cây găng không có vả mà bẻ?”. Và Ngài kết luận: “Cây tốt sinh trái tốt và ngược lại cây xấu sinh trái xấu”; “Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh trái tốt”. Đó là khuôn thước phân định để nhận biết tốt xấu. Cây xấu là những việc làm dù có vẻ tốt nhưng xuất phát từ động cơ xấu. Chúa dùng những lời khiển trách nặng nề gọi đó là “giả hình, mồ mả tô vôi, sói đội lốt chiên”. Để phát hiện những loại “cây xấu” ấy, Chúa dạy hãy nhìn vào những hoa quả của chúng. Việc làm trở thành xấu vì xuất phát từ tâm địa gian manh, tham lam, vị kỷ. Hoa quả tốt phát sinh từ “cây tốt” là tình yêu: nếu chúng ta có làm được mọi sự mà thiếu đức ái thì cũng chẳng ích lợi gì (x. 1Cr 13,1tt).

Ngày nay, người ta chán ngán nhiều người trong xã hội nói quá hay mà làm chẳng ra làm sao. Nhiều từ ngữ, nhiều tuyên bố kiểu đao to búa lớn, nghe rất kêu nhưng nội dung rỗng tuếch được lập đi lập lại hằng ngày trên các phương tiện truyền thông, đài phát thanh, tivi, các chương trình quảng cáo, các bài giảng, bài báo, trong các mẩu đối thoại, những cuộc nói chuyện… Nhiều người lầm tưởng những người nói hay như vậy là những người tốt. Nhưng Chúa Giêsu đã cho một nguyên tắc phân định rất thực tiễn để biết được ai tốt ai xấu: Cứ xem quả thì biết cây. Để biết một người là tốt hay xấu, phải nhìn vào hành động của họ, chứ không chỉ nghe lời họ nói. Lời nói hay chỉ có thể chứng minh được sự thông minh và lanh lợi, khả năng suy nghĩ sâu xa hay nông cạn của người đó, chứ không nói lên được tính đạo đức, tình yêu thương, lòng quảng đại, cao thượng, ngay thẳng, trong sáng, can đảm của họ.

Bài đọc 1 trích sách Huấn ca cũng đề cập đến một tiêu chuẩn như là thước đo của sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi họ. Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay”.Thánh Giacôbê có kinh nghiệm về những hậu quả của lời nói trong đời sống của cộng đoàn ngài phụ trách, kinh nghiệm về sự khó khăn trong việc làm chủ miệng lưỡi, nên ngài viết: “Cái lưỡi thì không ai chế ngự được” (Gc 3,8), “Ai không vấp ngã về lời nói, ấy là người hoàn hảo, có khả năng kiềm chế toàn thân” (3,2), và đừng có huênh hoang vì “tất cả chúng ta thường hay vấp ngã” (3,2). Đồng thời ngài cũng cho thấy sự cần thiết phải làm chủ miệng lưỡi mình, vì “từ cùng một cái miệng, phát xuất lời chúc tụng và lời nguyền rủa. Thưa anh em, như vậy thì không được” (3,10).

Lời nói thể hiện con người: “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27, 6). Nguyên nhân sâu thẳm của lời nói phát xuất từ bên trong, do tâm ý mà có. Vì thế, để có thể nói những gì tốt lành và hữu ích đòi hỏi ta phải chỉnh sửa và thanh lọc từ bên trong của lòng mình. Điều quan trọng nhất là có được tấm lòng yêu thương. Khi có một tấm lòng thực sự biết thương yêu mọi người, tự nhiên người ta biết cách phải nói như thế nào cho thích hợp và sinh ích lợi cho người nghe.

Chúa Giêsu so sánh cõi lòng con người như một kho tàng. Nó là nơi xuất phát những lời nói và việc làm hoặc tốt hoặc xấu. Từ kho tàng tốt thì sẽ phát ra những lời nói việc làm tốt. Bởi thế người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng lòng mình chứa đầy những điều tốt. Ngài nói: “lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Miệng thường nói ra những tư tưởng chất chứa trong lòng. Nếu bên trong là những tư tưởng tốt đẹp, sẽ hướng đến những việc thiện hảo. Còn tư tưởng xấu sẽ dẫn đến những hành vi xấu xa, có khi độc ác. Như thế, làm chủ miệng lưỡi không dừng lại ở việc kiểm soát lời nói “uốn lưỡi bảy lần” nhưng còn phải lưu tâm đến việc thay đổi từ trong suy nghĩ, trong tình cảm dành cho người khác, cho cộng đoàn. Thực hành điều này sẽ làm cho lời nói “thật” hơn, vì nó xuất phát từ trong lòng: bụng nghĩ sao nói vậy, nhưng lời đó đầy yêu thương! Để cho “lòng đầy”, chúng ta “Hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,7). Muốn nói ra những điều tốt đẹp, xây dựng, yêu thương, thì phải biết nghe trước đã. Nghe Lời Chúa, để cho tư tưởng của Chúa, cách suy nghĩ của Chúa, lòng yêu thương của Chúa ngấm vào nơi sâu xa của mình, rồi chúng ta sẽ phân định, sẽ chọn lựa, sẽ nói những điều cao đẹp. “Lắng nghe bằng trái tim” là chủ đề của “Sứ điệp Ngày Thế giới Truyền thông xã hội năm 2022”. Lòng người có Chúa, đầy Chúa thì chúng ta hay nói về Chúa và trổ sinh hoa trái tốt lành từ Chúa.

Sách Châm ngôn thường bàn về việc sử dụng lời nói của người khôn ngoan. Tác giả ca tụng những người dùng lời nói để khuyên nhủ kẻ khác: “Miệng kẻ khôn ngoan gieo rắc sự hiểu biết” (Cn 15,7). “Nếu muốn Hội Thánh là nơi chúng ta tái khám phá ý nghĩa sâu xa của bản chất con người, của những con người mà căn tính thâm sâu là hiệp nhất với nhau, thì trước hết, chúng ta phải là một cộng đoàn, trong đó chúng ta sử dụng ngôn từ với lòng kính trọng và tinh thần trách nhiệm” (Timothy Radcliffe).

Lời nói có ảnh hưởng lớn đối với gia đình và xã hội, đối với phần rỗi của chúng ta và phần rỗi của kẻ khác (Lm Emmanuen Nguyễn Vinh Gioang).

Lời nói đối với gia đình: Gia đình nào được bằng an hạnh phúc, trong ấm ngoài êm, là nhờ chồng vợ, cha mẹ, con cái, anh chị em có những lời nói hiền lành, nhịn nhục, lễ độ, cao thượng, trong sạch; có những lời nói thúc giục và khuyên bảo nhau làm lành, lánh dữ; có những lời đọc kinh cầu nguyện chung với nhau trong gia đình để thờ phượng Chúa.

Lời nói đối với xã hội: Sống trong xã hội, hằng ngày chúng ta phải liên lạc với đủ mọi hạng người: kẻ quen, người lạ; kẻ thương, người ghét; kẻ thông cảm, người ác cảm. Trong khi giao tiếp với họ, chúng ta làm sao tránh hết được mọi va chạm vì bá nhân bá tánh, trăm người trăm tính. Nhưng nếu trong khi sống chung giữa xã hội, chúng ta biết dùng lời nói nhã nhặn, lễ độ, ôn hoà, khiêm tốn, thì làm sao mà sinh ra cãi cọ hoặc đổ vỡ được: một sự nhịn, mua được chín sự lành; lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Lời nói đối với phần rỗi của chúng ta: Lời nói làm chúng ta dễ phạm tội mất lòng Chúa : tội phạm đến đức yêu người (nói lời vô lễ, to tiếng với nhau, cãi cọ nhau, chưởi bới nhau, nói xấu nhau, xúi nhau làm bậy, …); tội phạm đến đức công bình (đổ hô, bỏ vạ, cáo gian, nói lời chứng dối, …); tội phạm đến đức trong sạch (nói tục, nói nhớp, nói lời hai ba ý, nói chuyện hoa tình, nói lời dụ dỗ người khác phạm tội về giới răn thứ sáu, …); tội phạm đến đức vâng lời (cằn nhằn bề trên, cãi lại bề trên, nói xấu bề trên, nói láo với bề trên,…); tội phạm đến Giáo Hội (công kích Giáo Hội, nói xấu Giáo Hội, chỉ trích Giáo Hội, …); tội phạm đến Chúa (nói phạm thượng, nói lời chối Chúa vì hổ thẹn, nói lời bỏ Chúa vì sợ hãi, …).

Lời nói đối với phần rỗi của kẻ khác: Có kẻ không chịu tha thứ vì bị người khác xúi giục cứ trả thù; có kẻ sa vào tội dâm ô vì bị người khác dùng lời nói quyến rũ; có kẻ cắp trộm, tham nhũng vì bị kẻ khác xúi giục, bày vẻ cho cách làm; có kẻ bỏ Chúa vì bị kẻ khác xúi giục chạy theo vật chất tiền tài danh vọng chóng qua ở đời này .

Khi tâm hồn thực sự yêu mến, biết ơn Chúa, chúng ta sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng việc làm đạo đức và cử chỉ biết ơn Thiên Chúa. Khi lòng đầy tràn tình yêu thương, trắc ẩn, chúng ta thể hiện ra bên ngoài bằng những việc làm yêu thương cách cụ thể. Khi lòng chứa đầy những điều tốt đẹp thì từ ánh mắt, cử chỉ, việc làm chúng ta sẽ thể hiện sự tốt đẹp, thiện chí và yêu thương với anh chị em chung quanh.

Lạy Chúa, Chúa dạy nguyên tắc vàng để phân định “Xem quả thì biết cây”. Lời nói là hoa quả của lòng dạ con người.

Chỉ khi nào con biết dùng những lời nói chân thật, khiêm tốn và khoan dung để đem lại an vui thuận hòa, để yêu thương và tha thứ, để bênh vực và che chở, để quan tâm nâng đỡ và khích lệ thì tâm hồn con mới thực sự trong sáng và cao đẹp.

Khi biết dùng những lời lẽ tốt lành, con mới biết mình là người sống trong Chúa và Chúa sống trong con.

Xin cho con biết tha thiết sống hiệp nhất với Chúa và khao khát lắng nghe tiếng Chúa nói trong thâm tâm con, để tiếng Chúa nói trở thành lời con nói ra ngoài môi miệng.

Xin cho con xác tín luôn luôn, lời nói việc làm của con chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt tươi khi con biết siêng năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Đời sống của con chỉ có thể “phát xuất ra sự lành” khi con được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa vì Lời Chúa là lời yêu thương và Mình Chúa là Bí tích tình yêu.

Lạy Chúa, xin gìn giữ con trong tình yêu để hoa trái con đem lại lợi ích cho mọi người. Amen.

Về mục lục

ĐƯỢC TỰ DO

Lm. Jos DĐH.

Thích những gì gọi là đẹp, là tốt, yêu ai yêu mình, kính trọng người hiền tài, nể phục đấng bậc anh hùng dám xả thân vì yêu quê hương đất nước, không còn là chuyện bàn cãi nữa. Hạnh phúc của con người là “được tự do”, nhưng ở gia đình, xã hội, mỗi người đều phải chịu trách nhiệm về hành vi của mình. Niềm vui lớn của bậc làm cha mẹ, đâu chỉ là việc con cháu mang nhiều tiền của về nhà. Nhu cầu được no thoả đời sống tự nhiên cũng như siêu nhiên là chính đáng, bổn phận và trách nhiệm của các thành viên gia đình đối với xã hội rất thiêng liêng và cao quý, dù nhìn ở góc độ nào cũng là quan trọng. Hầu hết chúng ta biết mình cần phải làm gì, đầu tư thế nào, để mang lại hạnh phúc, vấn đề rắc rối ở chỗ ta không làm điều đó, hoặc sử dụng tự do của mình chưa ổn !

Tục ngữ ca dao có câu: bé thì nhờ mẹ nhờ cha, lớn lên nhờ bạn, lúc già nhờ con. Một tiến trình hết sức đặc biệt, khi là trẻ thơ đến trưởng thành hay lúc về già, tất cả đều thấy sự kỳ diệu bởi tình hiệp thông, không cô đơn cũng chẳng lẻ loi. Đức Giêsu mở ra một chân lý hết sức thuyết phục: “cây tốt sinh trái tốt”. Bậc làm cha mẹ có tâm có tầm, nhất định sẽ phản ánh được gương sáng cho con cháu nên người hữu ích. Đâu phải vô tình mà các đấng bậc nói: cha mẹ hiền để đức cho con, khi mà ai cũng có sự tự do để chọn lựa hạnh phúc cho riêng mình. Khi sống có trách nhiệm, nghĩa là chúng ta đang chia sẻ tình thân ái và niềm vui của mình, làm cho xã hội trở nên có ý nghĩa hơn. Đau ốm bệnh tật, mù loà câm điếc, là gánh nặng cho gia đình, nhưng cũng là dịp nhằm giúp ta biết suy xét, biết mình là ai, là thụ tạo rất cần được yêu thương.

Tự do vẫn là lời nhắc nhớ: có thể bạn phàn nàn vì hoa hồng có gai, hoặc có thể bạn sống hoan hỉ vì trên cành gai lại có đoá hồng đẹp (Ziggy). Ai chẳng được tự do để yêu, được tự do sống những giá trị cao đẹp rất riêng tư mà ta đang sở hữu. Đức Giêsu không chủ trương nghiêm khắc, hay dễ dãi, bởi những ai muốn theo Ngài, đều phải biết đến một sự thật: “mù không thể dẫn mù”, mắt phàm trần nhìn được thứ thuộc về thế gian, nhưng không thể thấy và đạt đến hạnh phúc thật. Tâm trí và đôi mắt thể lý, chúng ta phân biệt được xinh đẹp, tốt xấu, nhận biết được cả những dấu hiệu bất thường trong tình yêu: nghi ngờ, vui buồn, yêu ghét. Trong khi đó, Đức Giêsu mời gọi những ai theo Ngài, hãy sử dụng đôi mắt tâm hồn để nhìn, để hiểu, tất cả mọi người đều bất xứng, đáng thương, có nghĩa là: hạnh phúc nào bằng, nếu trên đời có được người đồng hành hợp lý.

Được tự do để chọn lựa, để sống hạnh phúc, được tự do để theo Đức Giêsu và sống niềm tín thác vào Đấng cứu độ Thiên Chúa ban tặng nhân loại. Được tự do để sống thánh ý Chúa: yêu thương, nghĩ tốt, nói tốt, về anh chị em của mình, khi mà ta đang có điều kiện nhận biết bản thân mình còn nhiều giới hạn. Tại sao Đức Giêsu lại nói đến tật xấu ở trong chúng ta đáng sợ như thế: “sao ngươi nhìn thấy các rác trong mắt người anh em, còn cái đà chính mắt ngươi thì lại không trông thấy ?” Vâng, chúng ta đã từng nghe: hữu tâm tất thành tựu, hữu đức phúc tự lai, nhưng chúng ta thật dễ tìm kiếm và đánh giá lỗi lầm của người khác, lại không có ý nhìn nhận những thiếu xót, sai lầm của bản thân. Tại sao có sự vui mừng khi thành công, và than thở, buồn chán khi đối diện với thất bại, trong khi chúng ta vẫn nói: trời nào phụ kẻ có nhân, người mà có đức muôn phần vinh hoa, xin thưa, vì ta mới chỉ “yêu mình” mà chưa “yêu người”.

Được tự do làm người, được tự do theo Đức Giêsu làm môn đệ, cũng là được tự do để nói lời tin yêu và sống bằng việc làm yêu thương. Đức Giêsu cho biết: “người hiền, người khôn ngoan, bởi lòng họ tích chứa điều lành, nên sẽ phát xuất sự thiện”. Được tự do để sống, để minh chứng: ta là “hiền nhân quân tử”, là kẻ khôn ngoan, chỉ biết cậy dựa vào tình yêu của Chúa, và ta có quyền tự nhủ: hãy sống thật lòng, dù ta đã từng bị lừa dối ! Trong tình yêu không có chuyện đúng sai, có chăng là chưa hiểu, chưa đủ cảm thông, cũng vì thế mà cuộc đời cho ta kinh nghiệm: thất tình mới biết yêu là khổ, say tình mới biết khổ vì yêu. Tiền nhân chúng ta đã từng nói: ngu mà tỏ ra nguy hiểm thì không có gì phải sợ, đáng sợ là người nguy hiểm mà tỏ ra ngu. Cũng có thể nói: đui mù mà tỏ ra sáng láng thông thái, hẳn không ai quan tâm, kẻ tầm thường mà biết cậy dựa vào Chúa, ai mà chẳng nể phục.

Lời người xưa còn đó: tết có đến, xuân có về, ta mới thấy rõ quy luật của thời gian: xuân – hạ – thu – đông. Con người có sai lầm, có hồ đồ, có giận hờn ghen ghét, mới thấy cần “huấn luyện viên” giúp sửa chữa, tập luyện, để được trở nên hoàn thiện, trở nên thánh nhân. Được tự do là gì ? tất nhiên không phải là muốn nói gì thì nói, làm gì thì làm, trước hết là phải biết mình là ai, là kẻ được Thiên Chúa yêu thương, là kẻ được kêu mời sống ơn gọi yêu thương, ơn gọi làm môn đệ Đức Kitô. Tất cả mọi người đều được tự do, tất cả mọi người đều là đối tượng lòng Chúa thương xót, nhưng tất cả muốn theo Chúa Kitô, đều cần phải khiêm tốn, lắng nghe, học hỏi, và thực hành việc sống đức tin. Amen.

Về mục lục

ĐỂ LÒNG ĐẦY YÊU THƯƠNG

Bông hồng nhỏ

Theo bản tính tự nhiên, ta thường thích nghe những lời động viên, khen thưởng hơn là nghe những lời sửa dạy hay góp ý từ người khác. Đồng thời, ta cũng thường có khuynh hướng thích nói những điều tốt điều hay của bản thân hơn là nói về những điều tốt đẹp của người khác. Với những người ta có ác cảm, ta lại thường nói không tốt và lên án họ. Điều ấy có làm đẹp lòng Chúa không? Chúa Giêsu dạy ta điều gì?

Lặng nghe lời Chúa Giêsu, ta thấy xấu hổ trong lòng. Nhìn về những tháng ngày đã qua, ta nhận ra đã bao lần ta làm Chúa Giêsu buồn phiền nhiều. Lòng ta đã cưu mang những gì? Đó có phải là yêu thương, tha thứ, quảng đại, … hay chỉ là ghen tị, đố kỵ, ích kỷ, kiêu ngạo, giận hờn? Chúa nói: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây” (Luca 6, 43-44). Cây đời của ta có đang trổ sinh hoa thơm trái tốt không? “Xem quả thì biết cây”, ta nhìn về những hành động của mình và nhận ra những ích kỷ, ghen tị, giận hờn. Đó là những quả chua, quả đắng, là quả sâu quả xấu được sinh ra từ một tâm hồn chất đầy sự kiêu ngạo, tự mãn. Một tâm hồn sống xa rời Thiên Chúa sẽ chẳng thể lớn lên và trổ sinh quả ngọt cho người khác hưởng dùng. Chẳng ai muốn sống với một người ích kỷ và hẹp hòi, hay hờn giận và hà tiện cả.

Thánh Giacôbê đã hết lòng khuyên nhủ: “Anh em thân mến của tôi, anh em nên biết rằng: mỗi người phải mau nghe, đừng vội nói, và khoan giận, vì khi nóng giận, con người không thực thi đường lối công chính của Thiên Chúa. Vì vậy, anh em hãy giũ sạch mọi điều ô uế và mọi thứ độc ác còn lan tràn; hãy khiêm tốn đón nhận lời đã được gieo vào lòng anh em; lời ấy có sức cứu độ linh hồn anh em (Gc 1, 19-21). Ta mang đến cho người khác thứ mà lòng ta đang dâng đầy. Vậy, ta hãy nuôi dưỡng trong tâm hồn mình tình yêu và lòng trắc ẩn đối với người khác. Đó là vị mặn của muối trong lòng ta. Mỗi ngày, ta hãy năng nghĩ đến Lời Chúa, nhớ đến lời dạy của Người, để cho Người hướng dẫn ta trong mọi hành động. Những giờ phút hồi tâm sẽ giúp ta nhìn lại chính mình, nhìn lại những suy nghĩ, lời nói và hành động trong ngày sống để ta có thể kịp thời điều chỉnh cho nên tốt hơn. Nhìn lại mình không có nghĩa là chối bỏ mình nhưng là chấp nhận con người đầy giới hạn của mình và mở lòng đón nhận ân sủng của Chúa Thánh Thần. Sống trong ân sủng của Chúa, bước đi trong ánh sáng của Người, ta sẽ như cây trồng bên dòng nước không sợ hạn hán, nhưng có thể trổ sinh hoa trái thơm ngon. Hãy luôn không ngừng tạ ơn Thiên Chúa vì biết bao ân huệ Người dành cho ta. Khi sống trong tâm tình tri ân Thiên Chúa, ta cũng sẽ dễ sống tâm tình biết ơn đối với tất cả mọi người, vì những điều tốt họ làm cho ta, vì những bài học họ dạy ta cách này hay cách khác. Cả khi nhìn thấy những lỗi lầm của người khác, ta hãy lấy đó làm bài học cho chính mình, chứ đừng vội lên án hay xét đoán ai. Hãy có lòng trắc ẩn với anh chị em mình, vì chính ta cũng đã được Thiên Chúa xót thương, được Người lấy tình thương mà khỏa lấp muôn vàn tội lỗi của ta.

Lạy Chúa Giêsu! Cảm tạ Chúa đã cho con cảm nhận được lòng thương xót Chúa dành cho con. Khi nhìn về những lỗi lầm của mình, con nhận ra bàn tay Chúa vẫn không ngừng mở rộng để đón nhận con, giúp con được sống một cuộc đời mới. Chính tình thương của Chúa đã giúp con an tâm tìm về bên Chúa để lòng con cũng được Chúa đổ đầy yêu thương. Amen.

Về mục lục

MÙ MÀ LẠI DẮT MÙ ĐƯỢC SAO?

Thiên San

Dụ ngôn là một trong những cách thức thường được Đức Giêsu dùng trong các bài giảng của mình. Hôm nay, khi nói về lòng người, Đức Giêsu cũng đã dùng dụ ngôn. Chúng ta thường có xu hướng dựa vào vẻ bề ngoài của sự vật, sự việc, con người để nhận định, xét đoán. Không những thế, nhiều người trong chúng ta thích làm “thầy thiên hạ”. Chúng ta dễ nhìn thấy lỗi lầm, khuyết điểm nơi người khác thay vì nhìn thấy nơi bản thân. Qua các dụ ngôn Đức Giêsu kể hôm nay, chúng ta có thể học được nhiều điều bổ ích và tuyệt vời;  nhờ đó, chúng ta sẽ không bị rơi vào tình trạng “mù dắt mù” nhưng là cây nào sinh quả ấy.

“Mù mà lại dắt mù được sao?” (Lc 6,39). Đó là câu hỏi Đức Giêsu đặt ra và cũng là vấn đề của mọi thời đại. Đức Giêsu mượn cái cái mù thể lý để hướng cái nhìn của chúng ta về cái mù của linh hồn. Giả như bị mù về thể lý thì chúng ta sẽ biết được mình cần đến sự giúp đỡ của người khác. Nhưng khi mù về linh hồn, chúng ta rất khó nhận biết. Bởi lẽ, trong khi mù, chúng ta lại thích hướng dẫn kẻ khác. Trong khi nhìn thấy nơi người khác những điểm yếu kém, những điểm cần phê bình – là cái rác nơi tha nhân – thì chúng ta lại không hề để ý đến cái xà trong con mắt của mình. Đó là tình trạng mù nguy hiểm nhất.  Nguy hiểm vì ta bị mù nhưng vẫn nghĩ là mình sáng. Vì nghĩ mình sáng nên chúng ta tự tin để nói rằng: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra” (Lc 6,42) và rốt cục là cả hai có nguy cơ rơi xuống hố.

Đức Giêsu khẳng định: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái rác ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” (Lc 6,42). Chỉ khi nhận ra tình trạng mù lòa của mình, nhận ra “cái xà to đùng” nơi bản thân và can đảm lấy nó ra khỏi mắt, chúng ta mới có thể biết cách giúp người khác lấy rác ra khỏi mắt họ. Vì đã lấy cái xà ra khỏi mắt, chúng ta sẽ có thể có khả năng nhìn mọi thứ cách khách quan hơn, cảm thông hơn, yêu thương hơn. Cái xà nơi mắt mình có thể là những thiếu sót của bản thân, những giới hạn, yếu đuối, hay đó cũng có thể là những định kiến ta đặt để nơi người khác. Chúng cản trở ta có cái nhìn khách quan và nhân ái. Lời Chúa soi dẫn cho chúng ta con đường để giúp nhau tránh khỏi tình rạng “mù dắt mù”.

Có thể nói, ước muốn là một trong những động cơ thôi thúc và định hướng hành động của ta. Chúng là những thôi thúc trong ta, xuất phát từ “lòng người”. Đức Giêsu đã từng nói: “Không có cái gì từ bên ngoài vào trong con người lại có thể làm cho con người ra ô uế được; nhưng chính cái từ con người xuất ra, là cái làm cho con người ô uế” (Mc 7,15). Tâm hồn ta chất chứa, cưu mang điều gì thì sẽ được thốt ra như vậy. Nghĩa là lòng cưu mang điều tốt thì sẽ thốt ra điều tốt, cưu mang điều xấu thì sẽ thốt ra điều xấu. Cũng tựa như cây tốt sinh trái tốt, cây sâu sinh trái xấu. Vậy tại sao ta lại không cưu mang những điều tốt đẹp để rồi sinh ra những điều tốt đẹp. Nếu chúng ta thực sự muốn giúp người khác lấy cái rác ra khỏi mắt họ thì trước tiên chúng ta cũng phải có khả năng thấy và can đảm lấy cái xà ra khỏi mắt mình. Đó là một thiện chí được sinh ra từ ước muốn tốt đẹp của một trái tim yêu thương, không xét đoán.

Chúng ta là những cái cây được trồng trong vườn nho của Chúa là Hội Thánh. Những cái cây ấy được hút nguồn nhựa sống từ nguồn mạch của Đức Kitô. Vậy, phải chăng cây đời ta ắt phải sinh trái tốt? Lòng người là cái túi không dò thấu nhưng Thiên Chúa là Đấng dò thấu mọi tâm can (x. Tv 139). Chúng ta hãy để cho Lời Chúa hướng dẫn cuộc đời chúng ta và hãy để cho Đức Kitô chiến thắng trong ta. Có như vậy, cây đời ta sẽ trổ sinh hoa trái của Thánh Thần, lòng ta sẽ phát xuất những điều thiện hảo nhờ ấp ủ Lời Chúa trong lòng và nhờ kiên nhẫn mà sinh hoa kết quả mỗi ngày.

Về mục lục

TỰ BIẾT MÌNH ĐỂ CẢI THIỆN ĐỜI SỐNG

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Bạn bè gọi Tuấn là thằng Chôm Chôm vì đầu tóc nó dựng đứng tua tủa như quả chôm chôm và gọi Hùng là Hột Mít vì có thân hình tròn trịa y như hột mít.

Hôm đó, đoàn thiếu nhi giáo xứ đi cắm trại. Chôm Chôm và Hột Mít cùng ngủ chung lều vào ban trưa. Cả hai ngủ say như chết.

Trong lúc đó, Vũ láu cá mới đi chơi về, thấy hai bạn mình ngủ say nên nảy ra một ý tưởng tinh nghịch. Nó lấy lọ nồi vẽ lên mép thằng Chôm Chôm một bộ râu cá chốt và vẽ lên cằm Hột Mít một bộ râu dê, rồi dông đi mất dạng.

Mười lăm phút sau, hiệu còi tập họp vang lên. Vũ chạy lẹ vào lều đánh thức Chôm Chôm, Hột Mít ra sân tập họp.

Khi hai bạn nầy tới nơi, cả bọn trẻ bỗng ôm bụng cười ngặt nghẽo nhưng hai bạn nầy chẳng hiểu mô tê gì. Bấy giờ Hột Mít chợt nhìn lên và trông thấy bộ râu cá chốt của Chôm Chôm nên ré lên cười sằng sặc… Chôm Chôm cùng lúc cũng nhận thấy bộ râu dê quái đản của Hột Mít, cũng òa lên cười nắc nẻ. Hột Mít và Chôm Chôm, ai cũng tưởng mặt mình sạch nên tha hồ cười nhạo nhau cách khoái trá… Mãi đến khi anh trưởng tìm được tấm gương soi, cho hai cậu nhìn ngắm bộ râu quái gở của mình, hai cậu mới sáng mắt ra!

Chôm Chôm chỉ nhìn thấy bộ râu dê trên khuôn mặt Hột Mít và hả hê cười nhạo bạn mà không thấy được bộ râu quái đản của chính mình. Cũng vậy, chúng ta dễ dàng nhận thấy tội lỗi người khác rồi cười nhạo, lên án, trách móc… Còn tội lỗi và những thói xấu của ta, cũng đang bị nhiều người âm thầm đàm tiếu, chê cười, lên án… thì lại không nhận ra.

Bởi vì con người có mắt nhìn ra mà không có mắt nhìn vào. Một nốt ruồi chỉ bằng hạt gạo trên khuôn mặt người khác, người ta thấy rõ ràng; còn vết nhơ lớn như đồng tiền trên mặt mình thì chẳng nhận ra. Tiếc thay, khuôn mặt duy nhất trên cõi đời chúng ta không thể nhìn thấy trực diện lại là khuôn mặt của chính ta!

Vì thế, qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta phải nhìn lại mình, nhận ra lầm lỗi để cải thiện bản thân trước khi phê phán lỗi lầm người khác. Ngài nói: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”

Có biết mình mới có thể cải thiện đời sống

Nếu biết được bản thân chớm bị ung thư, người bệnh sẽ tìm cách chữa trị tức khắc với bất cứ giá nào; nhờ đó sẽ có cơ may thoát nạn. Nhưng nếu không nhận ra mầm bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, người ta sẽ không lo chạy chữa sớm và hậu quả sẽ rất đau thương.

Nếu tôi thấy được vết dơ trên khuôn mặt mình, tôi sẽ lau rửa tức khắc. Nếu không biết mặt mình dơ, tôi cứ để vậy khiến người chung quanh đàm tiếu.

Nếu tôi thấy được sự xấu xa của nội tâm mình, sự bê bối của đời sống mình, tôi sẽ cải thiện ngay không trì hoãn.

“Sự chuyển hóa bản thân, cải thiện cuộc sống chỉ thực sự bắt đầu lúc ta tự biết mình.” (Krishnamurti).

Làm sao để biết mình?

Muốn biết mặt mình dơ hay sạch, chúng ta cần một tấm gương soi. Muốn biết những thói hư tật xấu của mình, chúng ta cần nhờ đến những người chung quanh chỉ bảo và điều quan trọng là biết khiêm tốn lắng nghe mà không nổi khùng nổi nóng. Lời chỉ bảo của người khác là tấm gương soi tối cần giúp ta biết mình và cải thiện đời sống.

Ngoài ra chúng ta cần dành ra thời gian tĩnh lặng để quan sát mình, để nhìn lại cách ta cư xử với người khác, thái độ của ta đối với bao người chung quanh cũng như những thiếu sót của ta. Có thường xuyên nhìn ngắm mình như thế, chúng ta mới có thể nhận ra sai sót của mình để cải thiện cuộc đời.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con thường xuyên nhìn vào nội tâm để nhận ra những sai phạm lỗi lầm và quyết chí sửa đổi ăn năn. Nhờ đó, chúng con mới có thể cải thiện cuộc đời, để trở thành người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức, xứng tầm người con Thiên Chúa.

Về mục lục

 

QUẢ VÀ CÂY

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Mỗi người sống ở đời đều được Thiên Chúa trao ban một sứ mạng. Trường thọ hay đoản thọ, giàu có hay nghèo nàn, sống ở thành phố hay thôn quê, mỗi chúng ta đều phải chu toàn sứ mạng đó. Nếu cuộc đời này được sánh ví như một thửa vườn, thì mỗi chúng ta là một cây Thiên Chúa trồng trong đó. Dù mọc ở miền đất nào, cây phải sinh hoa kết trái và đem hương sắc cho đời. Trong cuộc sống có những người lười biếng không chu toàn sứ mạng được trao. Trong vườn đời, cũng có những cây cằn cỗi, không sinh hoa trái. Cũng như người chủ vườn luôn mong muốn mọi cây đều kết trái sinh hoa, Chúa cũng muốn cho đời sống của chúng ta đem lại phúc đức dồi dào. Sinh hoa trái và kiên tâm bền vững là điều Chúa Giêsu kỳ vọng nơi người môn đệ: “Chính Thày đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được nhiều hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…” (Ga 15,16).

Trong bài Tin Mừng hôm nay, Thánh Luca tổng hợp những lời giảng dạy của Chúa Giêsu ở nhiều dịp khác nhau. Tất cả đều nhấn mạnh đến những đức tính cần thiết để giúp chúng ta nên hoàn thiện giữa cuộc sống bon chen tính toán hằng ngày.

Trước hết, Chúa mời gọi mỗi người phải cố gắng hoàn thiện bản thân, trước khi giúp đỡ người khác hoàn thiện. Người mù không thể dắt được người mù. Bản thân mình còn yếu kém không thể dạy dỗ người khác. Cái rác và cái xà là hai vật chênh lệch rất lớn. Cái rác thì rất nhỏ bé và nhẹ nhàng, trong khi cái xà thì to lớn và nặng nề. Từ sự chênh lệch này, Chúa muốn ám chỉ những người thường lên tiếng chỉ trích người khác dựa vào những lỗi lầm nhỏ mọn, trong khi bản thân mình đang mắc những lỗi lầm nghiêm trọng. Sửa lỗi cho anh em là một trong những hành vi của đức bác ái. Tuy vậy, nó cũng phải thể hiện trong đức bác, để không làm tổn thương người khác.

Một khi chăm lo hoàn thiện bản thân, mỗi chúng ta sẽ rèn luyện và trau dồi các nhân đức. Đó chính là hoa trái thiêng liêng, nhờ ơn Chúa ban và với sự cộng tác của cá nhân. Hoa trái thiêng liêng mà Chúa nói ở đây, không phải là hình thức bóng bẩy giả tạo chóng phai tàn, nhưng là một cuộc sống thấm đượm Tin Mừng, thể hiện qua việc làm cụ thể. “Xem quả biết cây”, người ta dựa vào những việc tốt lành ấy để đánh giá chúng ta. Người ta cũng dựa vào những việc tốt lành mà nhận ra chúng ta là con của Cha trên trời.

“Xem quả biết cây”. Đó cũng là giáo huấn của Cựu ước. “Quả” ở đây là ngôn từ và nhân cách của một con người. Tác giả sách Huấn Ca dạy chúng ta thận trọng trước khi đánh giá người khác: “Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng; muốn biết người phải nghe miệng nói năng” (Bài đọc I). Chúa Giêsu tiếp nối giáo huấn của Cựu ước, khi Người khẳng định: Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”. Trong những tội lỗi mà chúng ta phạm hằng ngày, phần lớn nhà những tội lỗi do lời nói. Có thể đó là lời xúc phạm, lời nói dối, lời vu khống, lời ca tụng mình quá đáng hoặc những ngôn từ lèo lái mưu mô nhằm trục lợi cá nhân. “Lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”, cổ nhân đã nhận định như vậy. Cái lưỡi tuy nhỏ, nhưng gây bao tổn hại cho người khác, khi nó thiếu trung thực.

Để lượng giá về tư cách của một cá nhân, người ta thường quan sát khi người đó gặp thử thách. Sách Huấn Ca dạy: “Lò lửa thì nung luyện bình sành, còn gian nan thì thử những người công chính”. Chính trong thử thách, người ta hiểu rõ hơn về nhân cách cùa một con người, nhất là về lòng trung thành của họ. Thánh Phaolô khuyên chúng ta: “Anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa. Hãy biết rằng công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa” (Bài đọc II).

“Chính Thày đã chọn anh em, và cắt cử anh em để anh em ra đi, sinh được nhiều hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại…”. Kitô hữu là người được Chúa sai vào lòng cuộc đời, để tỏa hương thánh thiện và đơm hoa bác ái. Mỗi phút giây trong cuộc sống đều đáng quý. Nếu biết trân trọng và nếu có thiện chí, thì mỗi phút giây ấy chúng ta đều có thể sinh hoa trái cho đời, nhằm xây dựng cuộc sống tốt đẹp, nhân ái và yêu thương.

Một lời bất cẩn có thể nhóm lên xung đột
Một lời tàn nhẫn có thể phá hỏng một cuộc đời
Một lời đúng lúc có thể xua đi căng thẳng
Nhưng một lời yêu thương có thể chữa lành và chúc phúc (Khuyết danh).

Về mục lục

.

 

NHỚ UỐN LƯỠI TRƯỚC KHI NÓI NHÉ

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Ở đời người ta vẫn khuyên nhauđừng bao giờ tự hào mình “Là số một, là nhất, là tất cả”… Hãy biết sống khiêm tốn, biết nhìn nhận sự bất toàn của mình mới mong sống hạnh phúc, vui vẻ với những người chung quanh. Nhưng thực tế, mỗi ngày chúng tađi làm, đi học, đi chơi đâu đâu cũng thấy “Ma cũ thì bắt nạt ma mới”, “chó chê mèo lắm lông”, “công lại khoe đuôi dài hơn gà“… Ôi thôi, tóm lại ai ai trong chúng ta cũng đang mắc và gặp phải tìnhcảnh quá đề cao mình mà sinh muôn điều thị phi.

Có câu chuyện kể rằng, một đôi vợ chồng trẻ vừa dọn đến ở trong một khu phố mới. Sáng hôm sau, vào lúc hai vợ chồng ăn điểm tâm, người vợ thấy bà hàng xóm giăng tấm vải trên giàn phơi.

“Tấm vải bẩn thật” – Cô vợ thốt lên. “Bà ấy không biết giặt, có lẽ bà ấy cần một loại xà phòng mới thì giặt sẽ sạch hơn”. Người chồng nhìn cảnh ấy nhưng vẫn lặng im. Thế là, vẫn cứ lời bình phẩm ấy thốt ra từ miệng cô vợ mỗi ngày, sau khi nhìn thấy bà hàng xóm phơi đồ trong sân.

Một tháng sau, vào một buổi sáng, người vợ ngạc nhiên vì thấy tấm vải của bà hàng xóm rất sạch, nên cô nói với chồng: “Anh nhìn kìa! Bây giờ bà ấy đã biết cách giặt tấm vải rồi. Ai đã dạy bà ấy thế nhỉ?”

Người chồng đáp: “Không đâu em! Sáng nay anh dậy sớm và đã lau kính cửa sổ nhà mình đấy”.

Thực ra mỗi người trong chúng ta, cóthể cũng đã từnggiống như cô vợ trong câu truyện trên. Chúng ta đang nhìn đời, nhìn người qua lăng kính loang lổ từchính tâm địa xấu của mình cộng vớithành kiến và những kinh nghiệm thương đaubản thân. Chúng ta dễ phán xét, bực dọc và bất an trước những gì mà tự mình cho là “lỗi lầm của người khác”.

Cha ông ta có lời khuyên rất thấm thía rằng ‘Uốn lưỡi bảy lần trước khi nói”. Quả vậy, trước khi chỉ trích hay phán xét một ai đó, hãy học cách dừng lại và cho mình một ‘khoảng lặng’, một sự bình hòa.

Trước khi một ý nghĩ phán xét bắt đầu nổi lên, hãy học cách dừng lại và đặt câu hỏi ngược lại rằng: “Phải chăng họ có lý do nào đó khi phải làm như vậy?”, “Mình đã có khi nào cũng sai lầm như vậy chưa?”

Hôm nay Chúa Giê-su nhắc nhở chúng ta hãy tự xét lỗi chính bản thân mình trướckhi nghĩ đến cái sai của người khác. Thường thì ta dễ thấy những lầm lỗi của người khác, cho dù lầm lỗi ấy rất nhỏ. Còn những lầm lỗi của chính mình thì dườngnhưlại không thấy, cho dù rất lớn. Nếu một tập thể hay một gia đình mà trong đó ai cũng đều có tính nhìn thấy lỗi của người khác mà không thấy lỗi của chính mình thì đời sống chung sẽ rất khó chịu. Khi chỉ thấy lỗi của người khác, thì mình sẽ dễ dàng trách móc, bực bội, hờn giận người khác, và sẽ thấy thật đau khổ khi phải sống chung với những người ấy.

Rất nhiều lần chúng ta cũng có khuynh hướng kế ttội người khác mà quên mình cũng đầy yếu đuối. Nếu chúng ta không ý thức và phản tỉnh, hay nói theo từ của Tin Mừng là không «tỉnh thức», thì chúng ta khó lòng thoát khỏi tật xấu đó. Rất có thể ta đang có tật đó mà không biết, chúngta cần tự xét lại lương tâm mình để phản tình và ý thức hơn trong lời nói.  Ước gì chúng ta biết nhận ra những lầm lỗi của mình, chứ không phải thấy lỗi của người khác. Thấycái xấu của mình mà sửa mà canh tân. Xin đừng để ý chuyện người và đừng kết án khi mình chưa biết rõ về họ cũng như những nguyên nhân đang xảy ra. Amen

Về mục lục

.

CÁI ĐÀ VÀ CÁI RÁC

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Có lẽ Chúa Giê su khi xuống thế làm người như mọi người ngoại trừ tội lỗi, cũng có kinh nghiệm về việc biết mình và biết người. Chúa cho những chỉ dẫn quan trọng tự huấn luyện bản thân, biết tôn trọng mình và tôn trọng người khác, qua các đề tài: Mù dẫn mù, cái đà và cái rác và quy luật “gieo gì gặt nấy”.

Mù dẫn mù.

Biết mình là điều quan trọng vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống cá nhân. Không biết mình, lúc nào cũng gặp những điều bất cập và thái quá. Bất cập là xem thường chính mình, lúc nào cũng nghĩ mình vô tích sự, làm cái gì cũng thua kém người khác, cái gì cũng sợ thất bại, tự thu mình vào trong vỏ ốc, rồi cũng có lúc ngồi đáy giếng và phê phán. Thái quá khi xem mình quá quan trọng, đánh mất đồng nghiệp, tự cao vô lối, nói nhiều chẳng làm được gì, lúc nào cũng xét đoán, chê bai người khác, cuối cùng chẳng đi cùng với ai.

Không biết mình, nên thiếu lòng tự trọng, không làm được gì, chẳng dẫn dắt được ai, Chúa nói mù dẫn mù cả hai sa vào hố. Vậy, lòng tự trọng là biết mình trong những đặc sủng, ơn riêng Chúa ban. Và biết mình không là một ốc đảo, cùng chung sống với người khác, nhờ người khác, với người khác để hoàn thành sứ mạng của mình, đó là ơn đoàn sủng.

Dù sao, con người biết mình, biết người cũng có nhiều giới hạn, cần nhiều thời gian, tự huấn luyện và thực tế dần dà nhận ra mình, biết người nhiều hơn.

Cái đà và cái rác.

Phán đoán và phán xét là hai phạm trù khác nhau. Phán đoán để nhận định vấn đề và đi đến quyết định cho cá nhân mình thêm đúng đắn. Phán xét là quy chụp kết luận của mình trên người khác, đi đến những điều xấu: nói lén, nói xấu, gièm pha, chê bai, ghen ghét…

Có nhiều sự việc thấy nơi người khác như vậy mà không phải như điều mình kết luận. Phải, trái, đúng, sai, là một điều khó, chỉ khi nào hiểu hết tại sao mới nhận ra điều gì là đúng, sai. Chúa dạy: “Đừng xét đoán để khỏi bị đoán xét” (Lc 6, 37).

Lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã. Có nhiều những hành động phục vụ cho cái tôi của mình hơn là lợi ích vì người khác. Xem xét lại chính mình, để thắng cái tôi luôn là bài học khó. Sống theo Thần Khí của Thiên Chúa, dẫn chúng ta đến “việc tốt lành, đến bác ái, đến tình huynh đệ”. Sống theo thần trí của thế gian, thúc đẩy chúng ta đến “sự hư vinh, kiêu ngạo, tự mãn, nói xấu”. (Đức Giáo Hoàng Phanxicô trong bài giảng Lễ sáng Thứ Ba (04/09) tại Nguyện Đường Santa Marta.)

Gieo và gặt.

Gieo và gặt như là mệnh đề của thuyết nhân quả, thế nhưng tại sao vẫn còn nhiều người vẫn gieo những sự ác? Thông thường người ta hiểu theo nghĩa đời, vay trả – trả vay. Trên thực tế, không là đơn giản trả vay, mà gặt về hậu quả lên gấp nhiều lần tai ương, khốn quẫn và cả cái chết đời đời, nếu gieo điều ác, điều xấu. Nếu gieo điều lành, sự thiện, yêu thương thì gặt về cũng gấp nhiều lần điều tốt, điều hay, sự lành.

Mỗi người đều là quà tặng của Thiên Chúa cho nhau, vì mỗi người đều có hạt giống của sự tốt lành Thiên Chúa ban. Sống sự tốt lành của Thiên Chúa thì được sống dồi dào và phong phú. Điều xấu là điều ma quỷ đã gieo vào như câu truyện “lúa mỳ và cỏ lùng” (Mt 13, 24 – 30). Cố gắng nhặt cỏ và thay vào đó lúa tốt, để có mùa lúa dồi dào.

Mỗi người được nhận lãnh một hay nhiều đặc ân của Thiên Chúa, người lãnh nhiều bị đòi hỏi nhiều, người lãnh ít bị đòi ít. Mỗi người bằng nỗ lực của mình làm thêm phong phú những gì đã được nhận lãnh, khi đã biết mình; khi đã sống nghiêm khắc với mình, khoan dung với anh chị em; và cố gắng gieo nhiều điều tốt lành trong đời sống, để sự dữ không còn chỗ chen chân.

Nhờ ơn Chúa ban, xin giúp chúng con hoàn thành.

Về mục lục

.

NHÂN QUẢ

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Người mù dẫn dắt kẻ đui,
Cả hai lăn hố, tối thui thấy gì.
Môn đồ mở mắt thấy chi,
Hãy nên hoàn hảo, thực thi tín thành.
Tìm tòi cái rác, cái mành,
Cái đà to lớn, rõ rành mắt ngươi.
Sao nhìn không thấy trong đời,
Giả hình giả nghĩa, nói lời dối gian.
Xét mình nhận lỗi làm càn,
Chiếc đà trong mắt, tiên vàn lấy ra.
Đừng tìm bắt lỗi người ta,
Trước tiên nhận lỗi, thứ tha giải hòa.
Xem kìa cây tốt trổ hoa,
Trái vàng mọng chín, tựa tòa đài sen.
Biết rằng cây xấu bon chen,
Trổ hoa èo ọt, trái đen héo tàn.
Người lành nhân đức trời ban,
Phát sinh sự thiện, chứa chan ân tình.
Tâm hồn tĩnh lặng an bình,
Trổ sinh nhân đức, tâm linh rạng ngời.

Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: Cứ xem trái, thì biết cây. Cây tốt sinh trái tốt và cây xấu sinh trái xấu, đó là lẽ thường. Con người tốt sẽ thực hành điều tốt tự trong lòng của họ phát ra. Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy nhìn vào tận đáy tâm hồn mình nơi ẩn dấu những sự tốt lành. Chúng ta thường có khuynh hướng nhìn ra ngoài để tìm sự tốt lành và thánh thiện. Chúng ta hay đánh giá người khác qua dáng vẻ bên ngoài hơn là nhìn sâu vào nội tâm. Nhiều khi chúng ta bị lầm lẫn.

Cây tốt sinh trái tốt. Đó chính là hoa qủa từ bên trong. Đời sống tốt lành thánh thiện được tỏ lộ qua sự thực hành sống đạo như giúp đỡ tha nhân, thăm viếng người già cả, kẻ tù đầy, người túng thiếu và những người không có nơi nương tựa. Những hành động tốt bày tỏ tấm lòng tốt. Người tốt trở nên gương mẫu và là đèn sáng soi cho những người chung quanh.

Làm sao chúng ta có thể dẫn đường cho người khác, nếu chúng ta bị mù lòa. Cách tốt nhất để giúp anh chị em, không phải chỉ là lời nói mà bằng chính những gương sáng trong đời sống. Triết gia Socrate nói rằng: Trời ban cho chúng ta có hai lỗ tai, hai con mắt, nhưng có một cái miệng và một cái lưỡi. Bởii thế chúng ta nên nghe nhiều hơn nói. Nếu chúng ta không có gì nói tốt về người khác, tốt hơn chúng ta hãy thinh lặng. Chúng ta có miệng lưỡi, những lời chúng ta nói ra, sẽ đánh giá chúng ta là người thế nào.

Làm sao chúng ta có thể nói với người anh em rằng để tôi lấy cái rác trong mắt anh, trong khi chúng ta không chú ý cái đà trong mắt mình. Đây là một trong những điểm yếu nơi mỗi người. Chúng ta thường dành qúa nhiều thời giờ nói về người khác như phê bình, chỉ trích, bới móc, xét đoán và chê bai đủ điều. Trong khi chúng ta không dám nhìn vào lỗi mình hoặc chúng ta nghĩ mình đã hoàn hảo.

Truyện xưa kể rằng khi các tu sĩ sống ẩn dật nơi vùng sa mạc bên Ai Cập, có một thầy đã phạm lỗi nặng. Các bậc phụ lão đòi mang thầy ra xét xử. Các vị mời cha bề trên đến. Ngài ra đi đeo một cái rổ có nhiều lỗ. Cha đổ cát vào và đeo sau lưng. Khi ngài đi dọc đường, cát rơi xuống để lại vết. Các phụ lão hỏi tại sao cha làm thế? Ngài trả lời: Tội của tôi rời sau tôi, mọi nơi tôi đi qua, có dấu vết của lỗi lầm. Hầu như những thời gian qua, tôi đã không nhận thấy tội lỗi của tôi. Nghe thế, các bậc phụ lão đã bỏ cuộc xét xử.

Chúng ta được mời gọi nhìn lại chính tâm hồn và sửa lỗi mình trước khi sửa lỗi anh em. Hãy sống như đèn luôn cháy sáng để soi đường chúng ta đi.

Về mục lục

.

XÉT ĐOÁN VÀ KẾT ÁN THEO CHÚA GIÊSU

Lm Antôn Nguyễn Văn Độ

Con người chúng ta thường quá độ lượng với chính mình, nhưng lại khắt khe với người khác, thấy lỗi người khác mà không thấy lỗi của mình; phê phán người khác mà không tự phê phán mình; đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh báo.

Nhìn thấy cái rác trong mắt anh em dễ hơn là thấy cây đà trong mắt mình. Không phải ta không thấy vướng mắt, nhưng là vì ta quá quảng đại với bản thân, thậm trí viện dẫn muôn ngàn lý do để cho rằng cái đà trong mắt ta chẳng có là gì trước mặt mọi người. Tình trạng đó đưa ta đến một khả năng rất dễ thấy cái rác trong mắt anh em mình.

Việc Chúa dạy chúng ta phải làm là “trước hết phải lấy cây đà khỏi mắt mình đi” (Lc 6, 42). Chúa muốn thay đổi cái nhìn, nhận ra mình cần được sửa đổi trước đã, để nhờ thay đổi bản thân, ta không còn thấy và muốn nhặt rác trong mắt anh em mình nữa, rộng lượng hơn đối với anh em. Chúa nói : “Môn đệ không trọng hơn Thầy; nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi” (Lc 6, 40). Chúa là Thiên Chúa, Người đã không khắt khe với ta, sao ta lại vượt quá cách Chúa đối xử đại lượng với chúng ta.

Thật lỗi phạm biết bao khi ta xét nét anh em! Ta quên rằng chính ta lắm khi còn tệ hơn thế nữa. Chính bản thân ta vẫn còn đầy những thói hư tật xấu. Khi lên án, chỉ trích anh em, tôi làm như thể ta vô tội. Thực ra đó chỉ là cái đà lớn che đi con người của tôi mà thôi. Tất cả chúng ta được Thiên Chúa đối xử khoan hồng với giá máu châu báu của Chúa Kitô. Nhưng thư hỏi : Chúng ta đã được tha thứ điều gì? Hãy nhớ lại những điều tệ hại và xấu xa chính bản thân ta đã làm trong cuộc đời ta. Thế mà Thiên Chúa đã tha thứ tất cả.

Chuyện kể rằng : Có một vị vị ân sĩ kia, khi đến thăm một đan viện, thấy một tu sĩ làm điều lỗi, ngài có ý lên án. Khi trơ về chòi tong sa mạc, gặp một thiên thần đứn chặn trước cửa và nói : “Ta không cho ngươi vào”. ngài ngạc nhiên hoi : “Tại sao thế thưa ngài ?” Thiên thần đáp : “Thiên Chúa sai ta đến hỏi ngươi, xem ngươi đẩy vị tu sĩ ấy đi đâu ?” Lập tức, vị ấy hối hận thưa : “Tôi đã phạm tội, xin tha cho tôi”. Thiên sứ bao : “Thiên Chúa tha cho ngươi, ngươi hãy giữ mình chớ bao giờ xét đoán ai, trước khi Thiên Chúa xét xử người ấy”.

Chắc chắn không ai muốn sống mà lúc nào cũng bị người khác để ý từng hành vi, cư chi. Vậy đừng làm cho người ta cái gì mình không ưa thích. Chúa nhắc nhớ chúng ta : “Hãy lấy cái đà trong mắt chúng ta trước, rồi lấy rác nơi anh em sau” (Lc 6, 42). Chúa sinh chúng ta ra mỗi người một vẻ để chúng ta đùm bọc nhau, sưa chữa nhau chứ không để hại nhau đâu. Hãy tha thứ và nhiệt tình phục vụ anh em, đừng xét đoánn, đừng lên án. Đó là điều Chúa nhắn nhủ chúng ta hôm nay.

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nghe lời Chúa dạy và đem ra thực hành trong đời sống. Amen.

Về mục lục

.

LẤY CÁI RÁC, CÁI XÀ

Lm. Giuse Nguyễn Hưng Lợi

Ở một đền thờ bên Hy Lạp có ghi dòng chữ :” Hãy biết mình “. Người ta lấy làm kỳ lạ sao lại viết “ Hãy biết mình “.Biết mình thì khó mà biết người ta hay thấy người ta thì dễ.Bởi ví không ai gần gũi ta hơn chính ta, không ai biết ta hơn chính ta.Tuy nhiên, biết mình vẫn luôn là một bí ẩn, là một điều thiêng liêng, kỳ diệu.Chắc gì cả cuộc đời ta có thể biết ta rõ ràng, nhưng ta lại thấy kẻ khác, hiểu những điều nhỏ nhặt, những sự li ti trong đời của họ. Cái xà tức những lỗi lầm to lớn trong ta,chúng ta không thể thấy được, hiểu được cái tật xấu, sự lỗi phạm của chúng ta, có lẽ vì chúng ta sống gần chúng ta quá hoặc chúng ta tự cho mình là hoàn hảo,là tuyệt vời,nên không nhận ra tội lỗi nặng nề của ta.

Để làm người lãnh đạo, chỉ đạo người khác, không phải chỉ ăn nói qua loa, suy nghĩ hời hợt là có thể dẫn dắt người khác bởi vì “ Mù mà lại dẫn mù được sao ? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ?

( Lc 6, 39 ).  Vâng, người lãnh đạo phải là người có tài có đức.Lời nói phải đi đôi với hành động. Nếu chỉ đánh võ miệng mà việc làm không ra gì thì có thể làm cho bản thân người đó và nhiều người bị họa lây.Chính vì thế, người hướng đạo, người dẫn đường phải là người có tâm trong sáng, việc làm công tâm vv…Con người có nhiều tội, có nhiều sai lầm, nhưng cái tội dễ phạm nhất là tội nghĩ xấu, nghĩ sai, nghĩ bậy về người khác.Đó là tội xet đoán.

Và để có đôi mắt trong sáng, chúng ta không được nhìn vào mắt người khác để bới lông tìm vết, để chỉ thấy cái rác của họ, nhưng hãy nhìn vào cõi lòng, vào tâm hồn, vào con tim của ta để nhận ra sự ích kỷ, tự mãn, kiêu căng của cái xà, đồng thời tránh sự phô trương giả hình, khoe khoang của ta. Tục ngữ có câu:” Việc người thì sáng, việc mình thì quáng “. Việc người ta mình dễ xía vào, dễ nhận ra, còn việc của mình thì mình không thể nào nhận ra được, chứ đừng nói đến việc giải quyết vv…Các nhà tu đức thường khuyên chúng ta hồi tâm, hoán cải, đổi mới . Có hồi tâm suy nghĩ nhìn lên Chúa để thấy ta còn khiếm khuyết quá nhiều, nên cố gắng thay đổi để bắt chước Chúa là Đấng  hoàn thiện, chí thánh, chí tôn…Thánh Augustinô thường cầu nguyện :” Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con “. Biết Chúa để chúng ta học đòi bắt chước và trở nên hoàn thiện như Cha trên trời là Đấng hoàn thiện. Biết mình để thấy mình yếu hèn, bất toàn, nên mình phải cố gắng từng giây,từng giờ để đổi mới…Biết mình là yếu hèn, tội lỗi để mình không khe khắt, lên án, gắt gỏng với anh em, với người khác, với tha nhân. Biết mình sống che đậy, giả hình để mình quảng đại với anh em. Biết mình thích khuếch đại, phô trương, tự mãn để mình đừng phê phán, đoán xét, gây tổn thương cho anh em. Chúng ta không coi cái xà trong mắt mình nhỏ hơn cái xà trong mắt anh em. Đừng thổi phồng tội của người khác và thu hẹp tội của mình. Khiêm nhượng sửa mình trước khi góp ý, sửa lỗi anh em, sửa lỗi người khác.

Để lấy cái xà ra khỏi mắt, Chúa Giêsu khuyên mọi người hãy đến với Người, hãy học cùng Người vì Người khiêm nhượng và hiền hậu trong lòng. Chúa nói :” Cây tốt sinh trái tốt.Cây xấu sinh trái xấu “ ( Lc 6, 43 ). Chúa là Đấng : “ Chân, Thiện,Mỹ “. Ngài là nguồn mạch tình yêu, Ngài là Đấng hiền lành, khiêm nhượng. Lắng nghe Lời của Ngài, thực thi Lời của Ngài, chúng ta sẽ trở nên dòng suối tình yêu, trở nên men, muối cho đời.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con biết lắng nghe và thực thi Lời của Chúa trong đời sống.Xin cho chúng con biết nhận ra những yếu đuối của mình để chúng con luôn biết cảm thông, quảng đại, tha thứ đối với những lỗi lầm của anh chị em.Amen.

GÓP Ý ĐỂ CHIA SẺ :

1.Cái rác, cái xà có nghĩa gì trong đoạn Tin mừng hôm nay ?

2.Tại sao chúng ta lại thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt củata?

3.Để lấy cái xà ra khỏi mắt mình, chúng ta phải làm gì ?

4.Anh chị em có kinh nghiệm gì về “ Lòng có đầy mới nói ra “?

5.” Cây tốt sinh trái tốt, cây xấu sinh trái xấu “ có nghĩa gì ?

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN_C

Giuse Đinh Tất Quý

Kính thưa anh chị em.

Chúng ta đang học hỏi về lối sống yêu thương của Chúa. Tuần trước chúng ta đã nói với nhau về một trong những khía cạnh của lối sống đó. Chúng ta đã nói về sự tha thứ. Hôm nay qua lời dạy bằng dụ ngôn rất dễ hiểu, Chúa cũng muốn nói với chúng ta về lối sống này qua hai lời khuyên.

1. Lời khuyên thứ nhất: Yêu thương là phải làm cho người khác trở nên tốt lành hơn. Muốn thế chúng ta phải tự học để làm cho mình trở nên tốt lành trước.

Lý do: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!(Lc 6,40-42)

Có lẽ ít có lời hướng dẫn nào cụ thể và thực tế hơn thế. Quy luật muôn đời vẫn còn đó. Không ai có thể cho cái mình không có. Vậy muốn làm cho những anh em của chúng ta trở nên tốt thì chính mỗi người chúng ta phải tự huấn luyện mình nên tốt. Có như thế chúng ta mới tránh được điều mà Chúa Giêsu gọi là giả hình, một thói xấu rất phổ biến của mọi thời đại xưa cũng như nay.

Nam tướng J. Eotvos, một nhà tư tưởng có tiếng của Hungari đã nói:

“Giá trị chân chính của con người không phải bởi năng trí, mà chỉ là bởi sức mạnh của chí khí. Những tài năng đối với người thiếu nghị lực chỉ làm cho họ hèn yếu: cái tư chất siêu việt của một người kém chí khí lại là người khốn nạn đáng khinh nhất”.

Một mùa xuân, anh nông dân đứng bên cạnh thửa ruộng, đưa mắt nhìn những luống cày thân yêu đang phơi mình dưới ánh sáng và tự hỏi:

– Năm nay, hỡi mảnh ruộng của ta, mi có đem lại cho ta cái gì chăng?

Những mảnh ruộng kia sẽ trả lời bằng một câu hỏi khác:

– Nhưng thưa ông, trước hết ông hãy cho tôi biết ông định cho tôi cái gì đã?

Đó, người bạn trẻ cũng dừng bước trước cánh cửa nhiệm mầu của đời sống:

– Hỡi đời sống, mi có dành cho ta cái gì không? Cái gì sẽ chờ đợi ta từ năm này sang năm khác?

Nhưng đời sống sẽ hỏi lại chàng trẻ tuổi:

“Hỡi anh, điều đó còn tùy ở những gì anh cho tôi, phần của anh sẽ được xứng với công việc của anh. Anh sẽ hái quả của hạt giống anh gieo.

Kinh nghiệm sẽ chỉ cho chúng ta biết rằng con đường đưa đến chí khí không phải dễ. Cần phải có một ý chí mạnh mẽ mới chống nổi được với những tật xấu nhỏ mọn, và không bao giờ sa ngã. Một ý chí không ngừng, và cần phải được chú trọng luôn.

Bạn có tự hỏi với mình rằng: tôi muốn! Tôi muốn!

– Và có phải bạn muốn đúng như thế chăng?

– Tôi muốn kiềm chế ngũ quan và tình cảm của tôi.

-Tôi muốn đặt cái lộn xộn của tư tưởng tôi vào thứ tự.

-Tôi muốn suy nghĩ trước khi nói.

-Tôi muốn cân nhắc mọi điều trước khi hành động.

-Tôi muốn lợi dụng ngay những kinh nghiệm của việc đã làm, tôi muốn nghĩ đến tương lại, vậy tôi muốn dùng ngay những quãng thời giờ hiện tại một cách đúng mực.

-Tôi muốn làm việc tận tâm, chịu đau khổ mà không phàn nàn, sống trong đạo hạnh, và sau hết chết bình yên, trong hy vọng được hưởng hạnh phúc đời đời.

Còn đời sống nào cao thượng hơn nữa không?

Đúng thế, muốn làm cho những người được mình yêu thương trở nên tốt lành thì chính mình phải học để trở nên tốt lành trước. Con đường làm cho mình được như thế không phải dễ. Cần phải có một ý chí mạnh mẽ. Làm được như thế là chúng ta trở thành một con người cao thượng và sẽ thành tấm gương sáng chói trước mặt mọi người

2. Lời khuyên thứ hai của Chúa: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.

Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.” (Lc 6,43-45)

Nội dung lời khuyên này cũng không quá khó hiểu. Xem ra nó cũng chẳng khác với lời khuyên thư nhất là bao.

Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!

Một em gái nhỏ vâng lời bà nội bảo đi quét nhà. Quét xong, bé đến thưa bà là mình đã quét sạch rồi. Bà nội hỏi lại : “Có thật quét xong chưa? Để bà xem lại.” Nói rồi bà cụ đứng dậy xem khắp nhà. Xem một lượt, bà nói với đứa cháu gái : “Nhà chưa sạch gì cả, chỗ nào cũng đầy bụi. Con quét lại đi !” Cô gái nhỏ vâng lời quét thêm một lần nữa, lần này bé quét thật kỹ. Quét xong liền đến trình cho bà nội. Cũng như lần trước, bà cụ xem qua một lượt rồi nói : “Nhà cũng chưa được sạch gì cả, chỗ nào cũng đầy bụi. Sao quét dối vậy? Quét lại đi! Cô gái nghĩ rằng mình còn nhỏ quét chưa sạch được, nên cố vâng lời nội đi quét lần nữa. quét xong, nó cũng đến trình cho nội. Lần này cũng như hai lần trước, bà cụ xem xong lại nói là nhà chưa sạch. Cô gái lấy làm lạ kỳ. Cuối cùng nó phát hiện ra là bà cụ mang cặp kính dính đầy bụi. Thì ra, vì vậy mà bà cụ nhìn đâu cũng thấy toàn là bụi cả.

Chỉ có cặp mắt trong sáng, tấm lòng trong sạch mới có thể nhìn thấy sự thực.

Câu 43-44: Nhắc nhở rằng chúng ta chỉ có thể nhận xét người khác qua việc làm của họ:

Để phân biệt cây tốt xấu phải căn cứ vào quả – công việc – chứ không phải lá – lời nói ” vì có nhiều người chỉ tìm thấy lá khi đến gần. Nào là lá to, lá rậm, lá bóng … lá, chỉ có lá, ngoài ra không có gì khác ! Nhiều người chạy đến chúng ta nói hy vọng tìm được giải khát, họ đang khát mong Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta đang có trong tay tất cả những điều ấy. Chúng ta có đầy đủ giáo lý, với ơn Chúa, mặc dầu chúng ta không xứng đáng” (Escriva, Amis de Dieu, 51)

Có người đã nói với một giáo sư rằng : “Tôi không thể nghe lời ông nói vì đã được thấy con người của ông rồi. “Giảng và dạy, cả hai đều là sự thật qua nhân cách. Lời hay không bao giờ thay thế được việc tốt”.

Một nhà chế tạo làm được một con ong, cũng vỗ cánh bay được, cũng kêu vo vo, người đứng xem không tài nào biết được nó là ong giả cho tới khi có người hỏi rằng: “Nó có làm ra mật không?” Chỉ một sự thí nghiệm đơn sơ ấy cũng đủ phân biệt ong thật với ong giả. Cứ xem quả thì biết cây. Khi có ai khoe khoang về đời sống đạo của họ, chỉ cần hỏi như thánh Phao-lô: “Thế thì anh em được kết quả gì ?” (Rm 6,21) Con đường duy nhất để chứng tỏ Ki-tô giáo là đạo thật là chúng ta phải sống thế nào cho mọi người thấy Ki-tô giáo sản sinh ra những người tốt thật.

Chúa Giê-su nhắc nhở rằng xét cho cùng lời nói ở môi miệng chúng ta chỉ là sản phẩm của lòng chúng ta. Không ai có thể mở miệng nói về Thiên Chúa nếu Thánh Thần không ở trong lòng người ấy. Không có điều gì bộc lộ rõ tâm trạng của một người cho bằng chính lời nói của họ, khi họ không cầm giữ ý tứ khi nói năng, khi họ tự do phát ngôn, nghĩ sao nói vậy.

Trả lời cho một thanh niên mong ước được biết rõ về mình, một cụ già đã trả lời như sau: Ngày nọ ở một chân trời xa tắp, người ta thấy có hai bóng đen đang ôm nhau.

Một em bé ngây thơ buột miệng nói: hai bóng đen đó là ba má đang hôn nhau.

Một chàng thanh niên mơ mộng nói: đó là đôi tình nhân đang quấn quýt bên nhau.

Một người cô đơn nhận xét: hẳn họ phải là hai người bạn thân gặp nhau sau nhiều năm tháng xa cách.

Một kẻ tham tiền lại nghĩ khác: đó phải là hai thương gia vừa mới ký giao kèo làm ăn.

Một người đàn bà có trái tim trìu mến thì thào: đây là người cha mới từ trận chiến trở về ôm hôn đứa con gái mình.

Một tên sát nhân đứng gần đó góp ý: đây là hai người đàn ông đang vật lộn đáu đá nhau trong cuộc giao chiến sống còn.

Người đàn ông khác không màng chi tới việc chung quanh gắt: ai mà biết được họ đang ôm hôn hay cắn xé.

Cuối cùng, có một vị thánh đầy lòng yêu thương của Thiên Chúa giảng hòa: không gì đẹp bằng cảnh hai con người ôm nhau.

Kể xong câu chuyện, cụ già kết luận: mỗi một tư tưởng của bạn sẽ bộc lộ bạn là ai. Bạn nên tự vấn lương tâm xem bạn từng nghĩ về gì? Chính câu trả lời cho một câu hỏi bất ngờ có thể cho thấy tư tưởng của người đó thích tập chú vào đâu và những sở ước của họ đặt ở đâu. Lời nói của chúng ta phản ánh tâm địa của chúng ta.Amen.

Về mục lục

.

NGHE MÀ KHÔNG THỰC HÀNH

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu

Suy Niệm

Có nhiều cách để nhận biết sự thật về một người.

Chúng ta có thể bị hấp dẫn bởi những lời giảng hùng hồn.

Chúng ta cũng có thể bị đánh lừa bởi thái độ khôn khéo giả tạo.

Đức Giêsu cho chúng ta một tiêu chuẩn để nhận ra con người thật:

“Xem quả thì biết cây” (c. 44).

Quả ở đây là đời sống thực sự của người đó, là những việc họ làm.

Nếu nhìn kỹ công việc của một người, chúng ta có cơ may biết họ là ai.

Đức Giêsu nói lên một luật tự nhiên của cây cỏ.

Cây tốt sẽ sinh trái tốt, cây bị sâu sẽ sinh ra trái không ngon.

Người công chính được nhận biết qua đời sống tốt lành của họ,

qua những thử thách họ đã vượt qua, qua những hy sinh họ dâng hiến.

Người bất chính sẽ lộ ra qua đời sống xấu xa.

Đời sống và hành động của một người phản ánh con người thật của họ.

Bụi gai không sinh được trái vả, bụi rậm không cho được trái nho.

Bụi gai và bụi rậm chẳng thể nào sinh hoa trái tốt đẹp.

Đời sống là tiêu chuẩn để nhận ra người môn đệ thật của Đức Giêsu.

Không phải chỉ là tuyên xưng đức tin vào Thầy

bằng cách kêu lên: “Lạy Chúa! lạy Chúa!”

Vấn đề là làm điều Thầy dạy (c. 46).

Đức Giêsu đặt câu hỏi tại sao đầy ngạc nhiên với các môn đệ:

Tại sao tin vào Thầy mà lại không sống điều Thầy truyền dạy?

Kitô hữu chân chính là người đến với Chúa Giêsu,

lắng nghe những lời của Ngài và thi hành những lời ấy (c. 47).

Nghe thôi thì chưa đủ.

Lời của Chúa Giêsu phải thấm nhuần vào đời sống của ta,

chi phối mọi hành động, quyết định và lựa chọn.

Đức Giêsu kết thúc Bài Giảng của mình bằng dụ ngôn về hai người xây nhà.

Nhiều người đã nghe Bài Giảng này, đã cảm thấy hay,

nhưng có bao nhiêu người sẽ thực hành những giáo huấn trong đó?

Người thực hành Lời Chúa được ví như người xây nhà có nền vững chắc.

Còn người không thực hành thì giống như người làm nhà không nền.

Bề ngoài có vẻ hai căn nhà không khác nhau.

Chỉ khi nước lụt dâng lên, và dòng nước ùa vào nhà, mới thấy sự khác biệt.

Một căn đứng vững vì có nền tử tế, căn kia bị sụp đổ tan tành.

Chúng ta thích xây nhà cao, nhưng lại ít để ý tới nền móng.

Chúng ta đã được nghe quá nhiều đoạn Lời Chúa,

nhưng vẫn chỉ dừng lại ở việc suy niệm, cầu nguyện.

Lời Chúa chưa thực sự bám rễ trong hành động và cuộc sống,

vì điều đó đòi một sự trả giá mà chúng ta muốn quay lưng.

Chính vì thế căn nhà tâm linh của chúng ta vẫn không vững.

Xin Chúa cho chúng ta can đảm để làm lại nền cho căn nhà đời ta.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay.

Chúng con thường xây nhà trên cát,

vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy,

nhưng lại không dám đem ra thực hành.

Chính vì thế

Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con

đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa,

đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình,

để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng truởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con

được xây trên nền tảng vững chắc,

đó là Lời Chúa,

Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con.

Về mục lục

.

LÒNG AN VUI THÌ DƯỜNG NHƯ KHÔNG XÉT ĐOÁN

Lm. Antôn Nguyễn Văn Dũng

Trong cuộc sống thường ngày, con người chúng ta dễ có khuynh hướng khen, chê và phán xét người khác. Ta phán xét người khác có thể bằng lời nói, bằng cử chỉ, hoặc đôi khi chỉ là nghĩ thầm trong bụng về chuyện này chuyện khác của người ta.

Nhất là khi ngồi lại với nhau để chuyện trò, chúng ta thường có khuynh hướng khoe những điều tốt về bản thân mình bằng cách so sánh cái tốt của mình với cái dở của người khác, còn những cái dở, cái xấu của mình thì cố giấu cho bằng được. Gắn với xét đoán tiêu cực người khác thường là một thái độ ganh tị, đả phá, trả thù cho bõ tức. Còn khi nhận xét để góp ý cho người khác sửa sai, tránh lỗi lầm, thì bao giờ ta cũng dễ dàng có sự bao dung, nhẹ nhàng trong cử chỉ và lời nói.

Hơn nữa, có một sự thật khá hiển nhiên: Một khi lòng ta nhẹ nhàng, thanh thản, an vui, thì ta thường nghĩ đến người khác với một thái độ tích cực và đầy bao dung, chứ chẳng muốn phán xét hay nặng lời với họ. Còn khi ta thích phán xét, thích nói xấu người khác thì lại là lúc chính ta thiếu sự bình an, hạnh phúc trong lòng.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô bảo rằng “những ai phán xét anh chị em mình, nói xấu anh chị em mình thì họ chính là kẻ giả hình vì họ không đủ can đảm nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình.” Chúa Giêsu trong bài Tin mừng hôm nay thì nói trực tiếp vào vấn đề hơn: “Sao người nhìn thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”

Đặt mình trước Lời Chúa hôm nay, tôi với bạn thử ngẫm lại xem, mỗi khi ta chỉ trích, phán xét người khác, thì thật sự trong lòng ta đang an vui, hạnh phúc hay lòng ta đang ấm ức, bức xúc, tị hiềm? Nếu thấy lòng ta còn ấm ức, hậm hực, thì Chúa bảo ta rằng: Con hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ con sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh chị em con!

Về mục lục

.

CÁI RÁC – CÁI XÀ

Lm. Vinc. Đỗ Minh Thăng

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng một hôm, con tê giác đang đi uống nước thì nghe tiếng một con chích choè đang hót trên cành cây. Nó bực mình thét to: “Im đi, cái con chim xấu xa. Mầy không thấy tao đang uống nước sao?”

Con chích choè không chịu thua, cãi lại: “Bộ ông đẹp đẽ lắm sao? Ông thử soi mặt ông trên mặt nước rồi sẽ biết”.

Con tê giác nghĩ trong bụng: “Soi thì soi. Ai mà không biết ta là người hoàn hảo”. Nhưng vừa nhìn xuống mặt nước, tê giác nhà ta bỗng giật mình vì khám phá một chiếc sừng quái dị nằm ngay trên mũi mình. Biết mình còn xấu xí hơn tất cả các con vật có sừng khác, nó xấu hổ quá.

Anh chị em thân mến,

Trong đời sống hằng ngày, chúng ta thường thấy cái rác trong mắt người khác mà không thấy cái xà trong mắt mình; thấy lỗi nho nhỏ của người khác mà không thấy lỗi lầm to lớn nơi bản thân mình; phê phán người khác mà không tự phê phán mình; đó là thứ mù quáng và giả hình mà Chúa Giêsu nhiều lần cảnh cáo bởi vì ai cũng dễ mắc phải.

Chúa Giêsu không cấm ta góp ý, sửa lỗi cho người khác, nhưng Ngài dặn ta trước hết hãy lấy xà khỏi mắt mình, để thấy rõ mà lấy rác nơi mắt anh em. Khi chúng ta lấy cái xà ra khỏi mắt mình rồi thì chúng ta sẽ có cái nhìn bao dung hơn với tha nhân.

Cái nhìn của đôi mắt không có cái xà sẽ không còn là cái nhìn của phê phán, chỉ trích, nhưng là cái nhìn của Chúa Giêsu, một cái nhìn đầy yêu thương, tha thứ, mang lại cho kẻ được nhìn niềm tin yêu, hy vọng.

Lạy Chúa, “Xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Biết Chúa để thấy lòng quảng đại yêu thương vô bờ của Chúa; biết con để ý thức về sự yếu đuối, bất toàn của con, nhờ đó con sẽ dễ dàng rộng lượng với người khác như Chúa đã đối xử cách đại lượng với con. Amen.

Về mục lục

.

MÙ KHÔNG THỂ DẮT MÙ

Giuse Vinhsơn Ngọc Biển

Trong cuộc sống, vẫn còn đó rất nhiều người dốt, nhưng lại được mua chuộc bằng tiền, bằng quyền để lãnh đạo và dạy dỗ người khác. Tệ hơn nữa là những kẻ đạo đức giả tạo lại oang oang nói về lòng nhân từ hay tha thứ một cách “ngọt như đường mía lau”!

Không những thế, những kẻ trá hình này lại còn lôi kéo nhiều người khác đi vào con đường mù quáng, sai trái của mình…

Qua bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu răn dạy các môn đệ và những ai bước theo Ngài trong vai trò chứng nhân, phải khôn ngoan, sáng suốt, thông hiểu về Giáo Lý và có đời sống gương mẫu, có đủ tư cách phù hợp với vai trò của mình và nhất là phải giữ vững bản chất của một người thuộc về Chúa để nên giống Chúa.

Nếu người môn đệ mà mù mờ về Giáo Lý, hiểu sai ý Thiên Chúa và sống một cuộc đời phản chứng, gương mù và biến chất, thì sẽ gây nên những hậu quả khôn lường. Bóng tối thêm vào bóng tối vẫn là bóng tối chứ không tạo ra được tia sáng nào. Mù mà dắt mù ắt sẽ rơi xuống hố.

Như vậy, muốn thành công, người môn đệ phải có sự hài hòa giữa đời sống nội tâm và hành động. Nói khác đi, cần phải làm gương trước khi khuyên bảo người khác… để lời nói và hành động của mình trở nên “nhất ngôn, nhất hành”.

Lạy Chúa Giêsu, xin chiếu giãi Ánh Sáng là Chân Lý của Chúa vào trong tâm hồn chúng con. Xin cũng cho chúng con luôn thuộc về Ánh Sáng và phải có trách nhiệm chiếu giãi Ánh Sáng đó cho mọi người. Amen.

Về mục lục

.

BIẾT RÕ TỐT XẤU

Lm. Giuse Vũ Khắc Nghiêm

Câu truyện cổ tích kể: Một hôm con cọp thấy con trâu bị con người bắt kéo cầy. Cọp bảo trâu: Mày to lớn khỏe mạnh thế, sao để thằng người nhỏ bé bắt mày kéo cầy cực khổ vậy? Trâu đáp: nó nhỏ nhưng trí khôn nó lớn. Cọp hỏi người: Trí khôn mày đâu cho tao xem? Người nói: Trí khôn tao để ở nhà, mày muốn xem, tao sẽ về nhà lấy cho xem, nhưng phải để tao trói mày lại, kẻo mày ăn thịt trâu tao. Cọp vui vẻ để người trói. Trói xong, bác nông phu vác cầy đập cọp, vừa đập vừa nói: trí khôn tao đây, trí khôn tao đây. Câu truyện nói lên người hơn vật ở trí khôn, ở hiểu biết. Hiểu biết rất quan trọng, quan trọng nhất là biết nhận rõ tốt xấu, phải trái, đúng sai, hay dở, thật giả, thiện ác.

Tin Mừng nói: “mù dắt mù xuống hố”. Linh mục Thomas Carroll đã viết một cuốn sách được bác sĩ Chi Lan phiên dịch, nói lên những cực khổ của người mù rất tội nghiệp. Con mắt đã chết, làm chết luôn nhân cách, chết năng khiếu, chết nhận thức, chết hoạt động, chết giao tiếp với mọi người, mọi cảnh vật, cuộc đời thật tăm tối và như mất tất cả.

Mù mà Đức Giêsu nói ở đây, không phải là mù mắt, nhưng mù về trí khôn. Trí khôn mù về đạo đức, đạo lý, tâm linh, thiêng liêng. Những thứ mù này tai hại gấp bội mù thể xác. Mù mắt chỉ làm khổ người mắc bệnh và mấy người thân thuộc. Mù về trí thức khoa học cũng chỉ gây chậm tiến, lạc hậu. Còn mù đạo đức, đạo lý đã gây ra bao nhiêu tai họa khủng khiếp cho gia đình, quốc gia và cả thế giới. Một ông bố xì ke, nhiễm Sida lây lan cho vợ con và di truyền cho cả dòng giống, có khi cả làng nước. Một Hít-le đã chôn vùi cả thế giới trong chiến tranh tàn khốc.

Một giáo phái, một lý thuyết vô luân mù quáng lôi cuốn bao nhiêu thế hệ cuồng nhiệt xuống hố tiêu diệt lẫn nhau. Đó là những cây xấu, sinh trái xấu. Trái lại, một ông bố lành mạnh, sáng suốt, đạo đức để phúc cho con cháu đến bao nhiêu đời. Một Đức Khổng, một Đức Phật đã giáo hóa hàng ngàn thế hệ tốt lành. Đó là những cây tốt sinh trái tốt.

Điều cốt yếu của lời Chúa hôm nay là đưa ra những bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần, làm thế nào để biết nhận rõ tốt xấu để nên tốt và sửa xấu.

Theo Tin Mừng, bài thuốc chữa bệnh mù tinh thần là:

Thứ nhất: Phải khiêm tốn để chữa bệnh kiêu ngạo. Trò tự phụ hơn thầy là thứ trò hỗn láo kiêu ngạo. Muốn học giỏi trò phải biết khiêm tốn. Người xưa khiêm tốn đến độ học được một chữ hay nửa chữ cũng đáng là thầy mình: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Cả khi gặp nhau đi đường cũng nhận ra người tốt là thầy mình, người xấu là bạn mình: “Ba người đồng hành, người tốt là thầy tôi, người xấu là bạn tôi”. Kinh Dịch là sách triết lý lớn nhất của Đông phương đã đặc biệt đề cao đức khiêm nhu của người quân tử: Khiêm là đạo trời, đạo đất và đạo người. Người quân tử khiêm nhu sẽ vượt mọi sông lớn, mọi đại họa: “Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên”. Việc làm khiêm tốn của quân tử sẽ nuôi được vạn dân: “Lao khiêm quân tử, vạn dân phục chi” (Quẻ khiêm). Quân tử là bậc thầy, bậc con trời đã phải khiêm tốn, thì trò là môn đệ cần phải hạ mình xuống hết mức.

Thứ hai là bài thuốc chữa bệnh chủ quan, ta thường thấy cái xấu của người khác nhưng lại mù quáng không thấy mình xấu: Không thấy cái xà trong mắt mình, nhưng lại thấy cái rác, cái bụi trong mắt người. Mù quáng là do tính tự ái: Yêu mình quá nên dù “trăm chỗ lệch cũng kê cho vừa”, do ích kỷ lo kiếm lợi cho mình, nhận lỗi sẽ làm hại danh dự mình. Mù quáng còn do tính kiêu căng, tự cao tự đại che đậy trí khôn, không nhận ra tội mình. Có kẻ bao nhiêu năm không xưng tội, vợ giục đi xưng tội, chồng nói: Có tội đâu mà xưng. Trong khi Đức Piô X, một vị thánh Giáo Hoàng đầu tiên thế kỷ XX, ngày nào cũng xưng tội vì Ngài thấy rõ tí bụi bay vào mắt mình.

Thứ ba là bài thuốc xét mình: phải luôn luôn kiểm tra kết quả lời nói, việc làm của mình tốt hay xấu: “Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh ra trái xấu”. Nhà buôn phải tính sổ hằng ngày để biết mình lỗ hay lời. Lỗ phải tìm cách sửa lại, lời phải duy trì lâu dài. Mạng sống đời đời của chúng ta còn quý giá gấp triệu triệu lần lời lãi thế gian, như Đức Giêsu đã dậy: “Được lời lãi cả thế gian mất mạng sống mình nào được ích gì”. Chỉ lời lãi nhỏ thế gian, nhà buôn còn phải lo tính sổ hằng ngày, huống chi mạng sống đời đời của chúng ta lớn lao quan trọng vô cùng, sao chúng ta không lo xét mình, kiểm tra đời sống của mình: còn hay mất, lời hay lỗ.

Bài đọc I nhắc nhở chúng ta phải cố gắng kiên trì sàng lọc mình cho sạch thói xấu; phải nhiệt tâm đốt mình khỏi mọi bợn nhơ dỉ ghét như lò lửa nung luyện bình sứ, dầu phải gian nan cực khổ đến đâu cũng phải chiến thắng tử thần để nên người công chính bất tử. Lúc đó con người “xác thịt hay chết của ta mới mặc lấy sự trường sinh nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (Bài II).

Về mục lục

.

XÉT MÌNH

Trầm Thiên Thu

Cây Xà Ở Mắt Mình Không Ngó Thấy

Cái Rác Nơi Người Khác Vẫn Nhìn Ra

Tác giả Thánh Vịnh đã chân thành thân thưa với Chúa: “Ngài thấy cho: Lúc chào đời con đã vương lầm lỗi, đã mang tội khi mẹ mới hoài thai” (Tv 51:7). Sinh ra rồi phải rửa tội liền. Thế đấy, đời cha ăn mặn nên đời con khát nước. Kiếp phàm nhân yếu đuối vô cùng, hết sai này đến lầm nọ, hết lỗi này đến tội kia, ngày nào cũng thú nhận “lỗi tại tôi mọi đàng” mà vẫn chảnh, chẳng vừa chút nào: “Chân mình còn lấm bê bê – Lại cầm bó đuốc mà rê chân người” (ca dao).

Phàm nhân y như “siêu nhân” vậy, bởi vì có thể nhìn rõ lỗi-lầm-nhỏ của người khác mà lại không hề thấy tội-to-đùng của mình. Lỗi của người bỏ giỏ đeo phía trước ngực, tội của mình bỏ giỏ đeo phía sau lưng. Quái gở như thế đấy!

CÁI TỘI MỜI GỌI CÁI PHÚC

Thật chí lý khi Việt ngữ dùng chữ “ghét” để chỉ chất bẩn bám vào người mình và các tế bào chết. Đúng là “ghét” thật. Vừa tắm xong vẫn bẩn, xà-bông thơm hoặc sữa tắm cao cấp cũng chỉ là “vải thưa che mắt thánh”. Và tội lỗi cũng vậy, “rửa” hoài chưa sạch, thú tội hoài vẫn còn. Biết vậy không phải để buông xuôi mà là để nhận diện chính mình: “Biết người là khôn, biết mình là sáng. Người tri túc không bao giờ nhục. Lo thắng người thì loạn, lo thắng mình thì yên” (Lão Tử). Môi trường xã hội cũng có ảnh hưởng mạnh mẽ: “Gần son thì đỏ, gần mực thì đen, gần người hiền thì sáng, gần người tài thì thông, gần người lành thì có đức, gần người ngu thì dại, gần kẻ nịnh hót thì a dua, gần đứa tham lam thì trộm cắp” (Mạnh Tử). Ai yếu thì không nên ra gió, như người Việt đã có lời nhắn nhủ: “Chọn bạn mà chơi”.

Nhân vô thập toàn, đó là “bản chất” nơi con người chúng ta, và mỗi ngày chúng ta đều tự thú: Tôi đã phạm tội nhiều trong tư tưởng, lời nói, việc làm, và những điều thiếu sót. Quá nhiều, không đếm xuể, “ớn” nhất là “tội trong tư tưởng”. Thật là khủng khiếp! Ai cũng bất toàn, nếu được cái này thì lại mất cái khác. Con-người-thật thì không hoàn hảo, con-người-hoàn-hảo thì không có thật – chỉ có trong truyện thần thoại, tiểu thuyết, phim ảnh hoặc là dạng “nhân vật ảo” (vtuber của Nhật). Không thể cầu toàn nơi người khác, bởi vì chính mình cũng bất toàn. Chân nhận như vậy để có thể cảm thông và tha thứ cho người khác, cố gắng tha thứ là tự hoàn thiện theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Thế nhưng… “cái tôi” rất cồng kềnh và nặng nề lắm, mặc dù nó nhỏ xíu mà thôi. Chữ TÔI “đơn sơ bổn thiện” mà lại khá rắc rối: Xét theo Việt ngữ, thêm dấu huyền thì Tôi hóa Tồi, thêm dấu sắc thì Tôi hóa Tối, thêm dấu nặng thì Tôi hóa Tội. Cỡ nào cũng… chết chắc!

Cái lưỡi có nhiều lợi ích, nhưng cũng gây lắm tai họa: “Sống hay chết đều do cái lưỡi, ai yêu chuộng nó, sẽ lãnh nhận hậu quả” (Cn 18:21). Cái lưỡi nhỏ mà lắm chuyện, khiến người ta thất điên bát đảo: “Vinh hay nhục đều ở lời nói cả, và cái lưỡi chính là mối họa cho con người” (Hc 5:13). Liên quan lời nói, tác giả sách Huấn Ca cho biết: “Sàng rồi, trấu ở lại sàng, nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay. Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người. Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng” (Hc 27:4-7). Không ít người đã “chết” vì nghe lời nói ngon ngọt, lời hứa béo bở, đầu tiên là Ông Bà Nguyên Tổ. Cái vần “ối” thật hay: Có TỘI thì đừng CHỐI, mà phải VỘI vã sám HỐI – người cũ thành người mới.

Mật ngọt chết ruồi, quảng cáo là một dạng lừa bịp công khai mà người ta chấp nhận. Lời hay mà dùng không đúng nơi, không đúng lúc, không đúng người thì cũng vô ích, nhảm nhí, thậm chí còn có thể rước họa vào thân. Tội lỗi bởi lời nói, phúc đức cũng nhờ lời nói: “Thú vị thay được tạ ơn Chúa, được mừng hát danh Ngài, lạy Đấng Tối Cao, được tuyên xưng tình thương của Ngài từ buổi sớm, và lòng thành tín của Ngài suốt canh khuya” (Tv 92:2-3). Người khôn ngoan là người “nói với Chúa và nói về Chúa”. An toàn tuyệt đối!

Những người đó ít nói với người khác nên có thể nhiều người không thích họ, vì người ta vốn dĩ “thích nói”, lắm điều, lắm chuyện,… thế nên người ta cho những-người-ít-nói là lầm lì, khinh người, kiêu kỳ. Trước mặt người đời thì họ “bất lợi”, thế nhưng đối với Thiên Chúa thì họ rất sung sức: “Người công chính vươn lên tựa cây dừa tươi tốt, lớn mạnh như hương bá Li-băng được trồng nơi nhà Chúa, mơn mởn giữa khuôn viên đền thánh Chúa ta; già cỗi rồi, vẫn sinh hoa kết quả, tràn đầy nhựa sống, cành lá xanh rờn, để loan truyền rằng: Chúa thực là ngay thẳng, là núi đá cho tôi ẩn náu, nơi Người chẳng có chút bất công” (Tv 92:13-16).

CÁI PHÚC TỈNH THỨC CÁI TỘI

Trong 1 Cr 15:54-58, Thánh Phaolô lý luận về các “mối” đối lập – được gọi là khúc Khải Hoàn Ca. Thánh nhân phân tích: “Khi cái thân phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy giờ sẽ ứng nghiệm lời Kinh Thánh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tội lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật”. Chắc chắn không có độc tố nào bằng tội lỗi, bởi vì các loại độc tố dù mạnh nhất cũng chỉ có thể làm chết thân xác, còn độc tố tội lỗi còn mạnh tới độ là chết linh hồn.

Trong cái xui có cái hên, trong cái rủi có cái may. Ông Bà Nguyên Tổ “ăn mặn” nên cả đời con cháu phải “khát nước”, nhưng Giáo Hội gọi đó là Tội Hồng Phúc (Exultet), vì nhờ đó mà chúng ta được đón nhận Con Thiên Chúa – Đấng Emmanuel. Mọi thứ đều trở nên hữu ích, là mối lợi thực sự. Thánh Phaolô nói: “Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích”.

Trình thuật Lc 6:39-45 có hai vấn đề được đề cập: Khôn Lỏi (Lc 6:39-42 ≈ Mt 7:3-5) và Hệ Lụy (Lc 6:43-45 ≈ Mt 7:15-20; 12:33-35).

1. KHÔN LỎI – Ở đây là dạng ranh ma, ngu mà chảnh, người Việt có cách nói là “trứng khôn hơn vịt” hoặc “cầm đèn chạy trước ô-tô”. Là người mù, lo cho mình chưa xong mà lại muốn dạy khôn người khác, làm “thầy đời” người khác, thích bới lông tìm vết, khoái soi mói người khác, thế nên thấy cái rác nơi người mà không thấy cái xà nơi mình. Giống như người luôn dùng kính hiển vi, thấy ai cũng đầy vi trùng, trong khi chính mình đầy bọ chét mà cứ bảo là mình sạch. Kinh tởm thật!

Hôm đó, khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu kể dụ ngôn thực tế này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi. Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!”.

2. HỆ LỤY. Đây là vấn đề “nhân – quả” tất yếu: Cây nào trái ấy, xấu – tốt rạch ròi. Tương tự, sống sao thì chết vậy. Hệ lụy tất yếu được Chúa Giêsu minh định: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra”. Bụng làm, dạ chịu. Có khi ma quỷ chưa cám dỗ mà mình đã sa ngã rồi. Đừng vội đổ lỗi cho nó, khôn hồn thì cứ “lỗi tại tôi mọi đàng” mà thôi!

Về tác hại của lời nói, Thánh Mátthêu cho biết rõ ràng hơn về lời nói của Chúa Giêsu: “Đến Ngày phán xét, người ta sẽ PHẢI trả lời về mọi điều vô ích mình đã nói. Vì NHỜ LỜI NÓI của anh mà anh sẽ ĐƯỢC TRẮNG ÁN; và cũng TẠI LỜI NÓI của anh mà anh sẽ BỊ KẾT ÁN” (Mt 12:36-37). Xem xét là xét xem thế nào. Tự xét mình mà chấn chỉnh để mai ngày không bị Thiên Chúa phán xét. Đó là một mối phúc lớn!

Lạy Thiên Chúa nhân từ, con là kẻ vô duyên lắm, hầu như chẳng gặp may mắn, luôn gặp nhiều trắc trở, đôi khi con cũng buồn theo nhân tính, nhưng con tin rằng Ngài muốn con như vậy để vinh danh Ngài và đền tội con. Xin tha thứ cho con về những ước mơ không đúng ý Ngài, xin giúp con nhận diện chính chính con để có thể hoán cải và hành động theo đúng ý Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên-Chúa-Làm-Người và Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

ĐỪNG XÉT ĐOÁN ĐỂ KHỎI BỊ THIÊN CHÚA ĐOÁN XÉT

Lm. Đan Vinh

I. HỌC LỜI CHÚA

  1. TIN MỪNG: Lc 6, 39-45

39 Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? 40 Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi.41 Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?42 Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em! 43 “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.44 Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻ được vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho!45 Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra.

  1. Ý CHÍNH:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy môn đệ 3 điều :

– Phải biết tự sửa lỗi của mình trước khi sửa lỗi cho tha nhân.

– Xem quả biết cây: hành động của một người sẽ chứng tỏ họ là người tốt hay kẻ xấu.

– Lòng người giống như một cái kho. Các môn đệ Đức Giê-su cần đón nhận Lời Chúa trong lòng để từ đó phát sinh những lời nói và việc làm tốt.

  1. CHÚ THÍCH:

– C 39-40: + Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố ? : Trong Tin Mừng Mát-thêu (Mt 15,14), câu “Mù sắt mù: này nhắm đến các đầu mục dân Do thái là các Kinh sư và người Pha-ri-sêu, là những người lãnh đạo tinh thần của dân nhưng đã bị thói kiêu căng, tự mãn làm cho ra mù lòa, không còn phân biệt được trong Luật Mô-sê điều nào là chính yếu điều nào là tùy phụ khi dạy dỗ dân chúng. Còn trong Tin Mừng Lu-ca, câu này nhằm dạy các môn đệ Đức Giê-su phải biết phân biệt trong tư tưởng lời nói và việc làm, đâu là điều chính yếu đâu chỉ là tùy phụ để khỏi bị lầm lạc khi dẫn dắt tha nhân. Những kẻ ăn nói khoác lác, giả đạo đức chỉ nhất thời lừa được một số người nhẹ dạ dễ tin, nhưng sớm muộn rồi sẽ phải chuốc lấy hậu quả tai hại khôn lường khi con người thật của họ  bị lộ ra.

– C 41-42: + Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? : Người ta thường keo kiệt trong lời khen, nhưng lại rộng rãi trong lời chê. Một trong những tội con người thường vấp phạm là thích xét đoán ý trái và kết án tha nhân. Môn đệ cần tránh “bới lông tìm vết” để phê phán các khuyết điểm nhỏ bé như cái rác nơi mắt anh em. Nhưng cần ý thức về “cái đà” kiêu căng tự mãn, thói đạo đức giả nơi bản thân để tu sửa, hầu mắt mình nên trong sáng trước khi sửa lỗi anh em.

– C 43-45: + “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt: Các môn đệ chỉ sinh ra hoa trái tốt đẹp, nếu năng suy niệm và thực hành Lời Chúa. Những ai có tính ích kỷ kiêu ngạo thường hay xét đoán ý trái, kết án tha nhân. Sớm muộn họ cũng sẽ bị chết trong bóng tối gian ác của lòng mình. + Thật vậy, xem quả thì biết cây: Người tốt sẽ chứng tỏ sự tốt lành của mình qua hành động bên ngoài. + Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra: Tư tưởng chứa đầy trong lòng sẽ phát lộ ra qua lời nói và hành động, nên người ta chỉ cần dựa vào lời nói việc làm của một người mà nhận biết họ có phải là môn đệ đích thực của Đức Giê-su hay không.

  1. CÂU HỎI: 1) Hai câu “Mù dắt mù” của Đức Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu và Lu-ca nhắm tới những đối tượng nào ? 2) Khi nói “Cái rác trong mắt anh em” và “Cái xà trong mắt của mình”, Đức Giê-su muốn dạy môn đệ điều gì trong giao tiếp xã hội ? 3) Để lời nói việc làm có thể phát sinh hoa trái tốt đẹp thì người ta cần phải làm gì ?

II. SỐNG LỜI CHÚA

  1. LỜI CHÚA: Chúa phán: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới ? Sao anh lại có thể nói với người anh em: “Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra”, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình ? Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em !” (Lc 6,41-42).
  2. CÂU CHUYỆN:

1) HẬU QUẢ TAI HẠI CỦA KẺ NÓI HAY NHƯNG LÀM KHÔNG HAY:

Triệu Quát là con trai của Triệu Xa – một danh tướng thời Chiến Quốc. Thời trai trẻ anh để tâm nghiên cứu học hỏi rất nhiều binh thư. Là một người thông minh, lại có năng khiếu về các đề tài quân sự, nên Quát thường chiến thắng trong các cuộc tranh luận, kể cả với cha anh là Triệu Xa. Từ đó Triệu Quát sinh ra kiêu ngạo, cho mình là người giỏi nhất thiên hạ. Tuy nhiên ông bố Triệu Xa của anh lại rất lo cho tương lai của con trai mình. Ông đánh giá Triệu Quát chỉ là hạng người ăn nói giảo hoạt thích nói thánh nói tướng, Ông còn nói: “Sau này nước Triệu không nên cho nó cầm quân, kẻo nó sẽ làm cho quân đội bị đại bại”.

Quả thật, về sau khi quân Tần kéo sang xâm lược nước Triệu, vua nước Triệu cử Triệu Quát thay Liêm Pha làm đại tướng chỉ huy chống lại quân địch. Lạn Tương Như dù đang ốm cũng lên tiếng phản đối như sau : “Triệu Quát chẳng qua chỉ là thứ mọt sách và không có kinh nghiệm vận dụng binh pháp vào thực tế, nên không thể chỉ huy ngoài mặt trận được”. Mẹ của Triệu Quát cũng đến xin vua Triệu đừng cho Quát làm đại tướng. Nhưng vua Triệu không nghe, vẫn cử Triệu Quát ra tiền tuyến nghênh địch. Hậu quả là 40 vạn quân Triệu chỉ trong thời gian ngắn đã bị quân Tần đánh bại và bị tiêu diệt hoàn toàn, bản thân Triệu Quát cũng bị chết thảm.

Cha mẹ của Triệu Quát đã hiểu rõ con trai mình không thể đảm nhận được việc lớn điều binh khiển tướng. Nhưng vua Triệu lại cố chấp khi chỉ dựa vào lời nói của Triệu Quát để đánh giá anh là bậc kỳ tài trong thiên hạ và trao cho anh trách nhiệm lớn thống lĩnh quân đội. Kết quả không chỉ Triệu Quát bị hại mà còn liên quan đến tính mạng của 40 vạn quân. “Mù dắt mù” thì việc bị “lăn cù xuống hố” chỉ là chuyện sớm hay muộn mà thôi.

2) HÃY SỬA LỖI MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI ANH EM:

Trong một tu viện kia có một tu sĩ trẻ đã phạm một tội nặng, lập tức các tu sĩ trong cộng đoàn liền họp nhau lại để kết tội anh ta. Họ cử người đi trình báo sự việc với Bề Trên và mời ngài đứng ra làm quan tòa xét xử. Bề Trên liền đeo một túi cát sau lưng, trên túi có nhiều lỗ thủng đi đến nhà hội. Trên đường đi đến đâu đều có nhiều cát từ túi cát đeo sau lưng bị rơi vãi. Khi có người thắc mắc tại sao lại để cát rơi như vậy thì được bề trên trả lời : “Tôi cũng là người có nhiều tội lỗi mà không tự nhận biết, đang khi mọi người chung quanh đều thấy. Thế mà anh em lại bảo tôi làm quan tòa kết tội một người anh em sao !” Nghe vậy, các tu sĩ trong cộng đoàn đều thấy xấu hổ và bỏ ý định muốn kết án anh tu sĩ trẻ mà chỉ yêu cầu anh ta sửa lỗi.

Ai trong chúng ta cũng có thói hay xét đoán và kết án tha nhân. Nhưng Đức Giêsu lại dạy chúng ta “đừng xét đoán để khỏi bị Thiên Chúa đoán xét. Đừng kết án để khỏi bị Thiên Chúa kết án”. Để có thể sửa lỗi anh em thì trước hết phải khiêm tốn nhận biết tình trạng tội lỗi của mình để tu sửa, giống như lấy đi cái xà ra khỏi mắt mình, rồi mới thấy rõ để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em.

3) CẦN NĂNG XÉT MÌNH VÀ QUYẾT TÂM SÁM HỐI ĐỂ NGÀY MỘT HOÀN THIỆN HƠN:

Một người kia có thói quen hút thuốc và trong nhà có nuôi một con vẹt làm thú cưng. Một ngày kia anh thấy con vẹt của anh cứ ho khù khụ. Anh liền mang con vẹt đến bác sĩ thú y xin chữa bệnh ho cho con vẹt. Sau khi khám kỹ, bác sĩ tuyên bố con vẹt không bị bệnh gì cả. Sở dĩ nó ho khù khụ là do bắt chước những cơn ho khù khụ của ông chủ. Bấy giờ người ấy mới biết mình đang bị bệnh ho chứ không phải con vẹt. Từ khi anh quyết tâm cai thuốc và uống thuốc chữa trị hết bệnh ho, thì con vẹt của anh cũng không còn ho khù khụ như trước nữa !

Những kẻ đạo đức giả thường hay lên mặt phê bình sửa lỗi người khác, còn người đạo đức thực sự sẽ khiêm tốn tự kiểm để tìm ra các thói hư của mình mà tu sửa nên hoàn thiện hơn.

4) NGUYÊN NHÂN ĐỔI ĐỜI CỦA CON TÊ GIÁC:

Ngày xưa có một chú tê giác luôn nghĩ mình có khuôn mặt đẹp nên thường chê khuyết điểm của các con vật khác, nhất là các con có sừng trên đầu. Thế nhưng tê giác lại không biết rằng chính nó cũng đang có một cái sừng mọc trên mũi khiến mặt nó trông thật xấu xí. Các con vật khác tuy biết điều này, nhưng không con nào dám nói sự thật cho tê giác biết.

Một hôm, tê giác đang uống nước ở một dòng suối thì nghe thấy lũ chim chích choè đang thi nhau hót líu lo trên cành cây gần đó. Tê giác rất bực bội nên ra oai thét to : “Lũ chim xấu xa kia có câm miệng đi không ? Chúng bay không thấy ông đang uống nước đây sao ?”. Lũ chim chích choè không chịu thua, con chim đầu đàn liền cãi lại : “Bộ ông nghĩ ông đẹp lắm sao ? Ông thử soi mặt mình trên mặt nước thì sẽ biết”. Tê giác nghĩ bụng : “Soi thì soi. Ai mà không biết ta có khuôn mặt đẹp nhất”. Nhưng khi nhìn xuống mặt nước, tê giác nhà ta giật mình khi thấy một chiếc sừng quái dị đang nằm chình ình ngay trên mũi mình. Khi biết mình còn xấu hơn nhiều con vật có sừng khác, tê giác mang mặc cảm xấu hổ. Từ đó, mỗi khi di chuyển, nó luôn cúi gằm mặt xuống đất và ẩn nấp trong các lùm cây, không muốn chường mặt ra cho các con vật khác xem thấy. Nhưng do không thể trốn mãi được vì ngày nào cũng phải ra dòng suối uống nước và phải đi kiếm thức ăn. Cuối cùng nó đành chấp nhận sự thật về khuôn mặt xấu xí có sừng của mình để sẵn sàng đối diện với các con vật khác. Cũng từ ngày đó, tê giác kiêu hãnh ưa chỉ trích trước đây đã biến thành anh tê giác rất hiền hòa dễ thương.

Tê giác trong câu chuyện trên đã thay đổi nên tốt nhờ biết chấp nhận sự thật của mình để không lên mặt phê phán các loài vật khác theo suy nghĩ chủ quan của mình. Nhờ đó nó cũng bỏ đi mặc cảm tự ti, để sẵn sàng gặp gỡ tiếp xũc với các loài vật khác.

  1. SUY NIỆM:

1) PHẢI TRÁNH BỆNH MÙ TÂM LINH:

“Mù dắt mù, cả hai sẽ lăn cù xuống hố” là một thực tế thường xảy ra trong cuộc sông. Vì thế người mù luôn cần được người sáng mắt trợ giúp để đi đúng hướng và không bị vấp ngã hay đi lạc. Về mặt tâm linh người mù tâm hồn sẽ dễ quyết định sai lạc không những gây hại cho bản thân mà còn tác hại khôn lường cho xã hội. Tuy nhiên, thực tế vẫn có nhiều người mù tâm linh lại không nhận ra mình đang bị mù. Chính do thói xấu tự mãn kiêu ngạo khiến người ta luôn coi mình là trung tâm, suy nghĩ của mình là chân lý, và đánh giá người khác theo tầm nhìn hạn hẹp của mình. Đây chính là nguyên nhân gây ra bao nỗi đau khổ cho nhân loại. Về mặt xã hội, những kẻ mù tâm linh “hữu tài vô hạnh” thường trở thành những quan tham, những kẻ độc tài gây bao đau thương cho tha nhân.

2) PHẢI TRÁNH XÉT ĐOÁN Ý TRÁI CHO NGƯỜI KHÁC:

“Sao anh thấy cái rác trong mắt anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới” (Lc 6,41). Người ta thường hà tiện trong lời khen, nhưng lại quảng đại trong lời chê. Có thể nói một trong những tội con người thường sai phạm là thói hay xét đoán, nghĩ xấu, nghĩ quấy cho người khác, nhất là cho những kẻ mình không ưa.

Người xưa có câu : “Việc người thì sáng, việc mình thì quáng”, nên việc nhìn lại bản thân để tự kiểm cần phải làm hằng ngày đối với các người tín hữu, nhất là những ai đang giữ vị trí lãnh đạo, có sứ mệnh hướng dẫn các tâm hồn. Chúng ta hãy bắt chước thánh Au-gút-ti-nô dâng lời cầu nguyện như sau:

“Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”.

Xin Chúa cho con:

Biết mình cũng yếu hèn và hay sai lỗi, để con không lên mặt xét đoán và kết án anh em.

Biết mình hay che đậy và giả hình, để sẵn sàng cảm thông và bỏ qua lỗi lầm của kẻ khác.

Biết mình thích được khen khi làm được việc tốt, để con năng khen ngợi động viên người khác.

3) HÃY TỰ SỬA LỖI MÌNH TRƯỚC KHI SỬA LỖI ANH EM:

Người ta thường dễ phát hiện các khuyết điểm lỗi lầm dù nhỏ bé của người khác mà khó nhận ra sai lỗi lớn lao của mình. Nguyên nhân là do chúng ta có thói ích kỷ tự mãn nên bị mù quáng và hay xét đoán kết án anh em.

Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta: Đừng vội kết án tha nhân vì chính mình cũng có đầy khuyết điểm, như người xưa dạy: “Chân mình những lấm bê bê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Tuy nhiên nếu là người giữ địa vị lãnh đạo trong gia đình, học đường hoặc xã hội, có trách nhiệm giữ gìn kỷ cương, thì chúng ta cũng cần sửa dạy những người sai lỗi. Khi đó để lời sửa dạy có sức thuyết phục và đạt kết quả, đòi chúng ta phải sửa mình trước khi răn dạy kẻ khác.

Một nhà thần bí Ấn độ đã phát biểu kinh nghiệm của mình như sau: “Tôi là một nhà cách mạng khi còn trẻ, và tất cả những gì tôi cầu với Chúa là : “Lạy Chúa, xin cho con quyền lực để con cải tạo thế giới ngày một nên tốt hơn”. Rôì khi tới tuổi trung niên, tôi nhận ra rằng nửa cuộc đời đã qua đi rồi mà tôi vẫn chưa cải tạo được thế giới, nên tôi đã đổi lại lời cầu : “Lạy Chúa, xin cho con hoán cải những người con có dịp tiếp xúc”. Bây giờ tôi đã về già và sắp kết thúc cuộc đời, tôi thấy mình cũng vẫn chưa biến đổi được một ai, nên cảm thấy mình thật khờ dại. Vì thế tôi lại thay đổi lời cầu như sau: “Lạy Chúa, xin cho con được ơn hoán cải chính mình con”. Giả như ngay từ khi còn trẻ tôi đã ý thức về sự bất lực của mình như thế, thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời cách vô ích mà sẽ tập trung để cải tạo bắt đầu từ chính bản thân trước”.

4) CHÚNG TÔI PHẢI LÀM GÌ ?:

Trong cuộc sống, chúng ta thường hay phán xét người khác bằng lời nói, cử chỉ thái độ và luôn đánh giá không tốt về họ. Nhất là những khi chuyện trò với bè bạn, chúng ta thường khoe thành tích của bản thân hay người thân để tự đề cao mình hay đề cao gia đình mình và thường chê trách những người tự nhiên ta có ác cảm. Về vấn đề này, Đức Thánh Cha Phan-xi-cô đã dạy: “Những ai phán xét anh chị em mình, nói xấu anh chị em mình thì họ chính là kẻ giả hình. Vì họ không đủ can đảm nhìn lại những thiếu sót, lỗi lầm của bản thân mình”. Đức Giê-su trong cũng dạy các tín hữu: “Sao ngươi nhìn thấy cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy?… Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi”.

Khi phê phán chỉ trích, kết án một người nào đó là chúng ta đã biểu lộ sự ác cảm thù ghét họ. Những người có tình yêu thương sẽ không xét đoán ý trái hoặc kết tội người mình yêu thương, nhưng sẽ biểu lộ sự khoan dung tha thứ, sẽ luôn xét đoán ý tốt, trở thành luật sư bào chữa lỗi lầm thay vì làm công tố viên buộc tội cho họ, Để luôn xét đoán ý tốt cho tha nhân, chúng ta hãy xin Chúa gia tăng tình thương trong lòng chúng ta. Nhờ đó, chúng ta sẽ đối xử khoan dung nhân hậu với những kẻ thù ghét mình để xóa bỏ thù hận, biến thù thành bạn của mình.

  1. THẢO LUẬN:

Để chu toàn sứ mạng loan báo Tin Mừng, Đức Phao-lô Đệ Lục đã nói: “Con người ngày nay thích nghe nhân chứng hơn thầy dạy. Nếu họ có nghe thầy dạy là vì thầy dạy cũng là chứng nhân”. Trong những ngày này chúng ta sẽ làm gì để đem Chúa đến với anh em lương dân ?

  1. LỜI CẦU:

Lạy Chúa Giê-su. Xin giúp con thực hành Lời Chúa trong thư thánh Phao-lô: “Lời có ích lợi cho việc dạy dỗ, biện bác, sửa trị và rèn luyện trong công chính: để người của Thiên Chúa trở nên trọn hảo và sẵn sàng thực hiện mọi việc lành.” (2 Tm 1,16–17); Xin cho con có đôi mắt của Chúa, để con nhìn anh em như là hồng ân và là quà tặng Chúa ban; Xin cho con có trái tim của Chúa, để sống yêu thương với lòng bao dung tha thứ và biết xót thương tha nhân. Và cuối cùng xin cho con học nơi Chúa sự hiền lành và khiêm nhường trong lòng để con nên chứng nhân cho tình thương của Chúa trước mặt người đời. Amen.

Về mục lục

.

TƯ CÁCH XẤU TỐT

Lm Vũđình Tường

Cách hành xử của cá nhân ảnh hưởng rất nhiều đến cá nhân đó. Người ta nhìn vào cách hành xử để đánh giá cá nhân đó có tư cách hay thiếu tư cách. Cách hành xử của ta ảnh hưởng đến việc người khác chấp nhận mình đến mức độ nên đến gần hay nên tránh xa, hay nên cẩn trọng khi bắt buộc phải tiếp xúc.

Là Kitô hữu, chúng ta tin tưởng mọi điều tốt lành, tuyệt hảo đều đến từ Thiên Chúa. Thiên Chúa ban cho để chúng ta hưởng dùng và chia sẻ điều tốt hảo đó đến tha nhân, và cùng với tha nhân kiến tạo một đời sống tốt lành, an bình, thịnh vượng và một thế giới tốt đẹp, cho mọi người chung hưởng. Sự xấu xuất hiện khi tự nhận có quyền, và tự ban cho mình quyền ban phát cho người nào họ ưa thích. Điều này hoàn toàn trái với í Thiên Chúa từ lúc sáng tạo. Sau khi sáng tạo vũ trụ Chúa ban vũ trụ đó cho con người làm chủ cả chim trời lẫn cá biển và mọi sinh vật trong đó. Con người có trách nhiệm chung coi sóc, bảo vệ và hưởng thành quả tốt lành do Chúa tạo dựng- Xem Sáng Thế Kí 1,28. Kinh Thánh ghi nhận Satan là kẻ đầu tiên nhận hão chúng là chủ nhân trái đất. Gọi là nhận hão bởi chúng nhận điều chúng không có. Chúng không tạo dựng trái đất. Thiên Chúa tạo dựng trái đất, Satan lại hứa ban trái đất và mọi vinh quang của trái đất cho Đức Kitô khi chúng cám dỗ Ngài (Xem Mat 4,9).

Điều này cho thấy công chính và tốt lành không đi chung với xấu xa. Điều gì, hành động nào, thiếu công chính, thiếu tốt lành đều là trá hình của giả tạo và sự dữ. Sự dữ chung vai, sát cánh với dối trá, gian giảo và lừa gạt. Ma quỷ dối trái, lừa gạt bằng hứa hẹn, khích động lòng tham để con người sa vào cạm bẫy. Nơi nào có công chính, nơi đó đầy bình an, đời sống thanh nhàn, thảnh thơi, có hạnh phúc thật, niềm vui thật. Nơi nào có sự dữ, nơi đó nhiều đau khổ, lắm tang thương, nhiều hối lộ, bất công lan tràn. Mù dẫn mù xuống hố c.39 cho biết dùng sự dữ để cai trị dẫn đến chấp nhận giả tạo. Dùng yêu thương đáp trả sự dữ dẫn đến hoán cải. Hoán cải thành tâm phát xuất tự tâm. Con tim xúc động trước hành động yêu thương dẫn đến hoán cải, thay đổi cuộc sống, thái độ sống, cách hành xử. Như thế lành thánh con đường dẫn đến sự thiện.

Sự dữ tồn tại vì Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do lựa chọn lối sống ta thích. Cuối đời ta chịu trách nhiệm cho lựa chọn sống trong đời. Chọn sống tốt lành là chọn cuộc sống mang ơn tha nhân và luôn tạ ơn Thiên Chúa. Sống khiêm nhường nhận ra và tôn trọng tài năng Chúa ban cho tha nhân. Chọn lối sống, khinh người này, chê người kia, bài bác kẻ nọ chính là không nhận ra tài năng của mình. Vì không biết rõ mình nên ghen tị với tha nhân, sống hưởng lạc, kiêu căng, phê bình, chỉ trích, muốn thiên hạ phục dịch mình là chọn cuộc sống tội lỗi, xấu xa.
Chúng ta xin ơn khiêm nhường biết sống đời sống tạ ơn và tâm tình cảm tạ Chúa ban trong cuộc sống.

Về mục lục

.

CÁI XÀ CÁI RÁC

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Giả hình là việc phô trương bên ngoài nhằm che dấu thực tại bên trong. Thánh Kinh kết án sự giả hình, nhất là trong những việc liên quan tới niềm tin. Khi nhắc đến cách sống của những người đạo đức giả với lối sống chuộng hình thức bề ngoài, giả hình kiểu Pharisiêu, Chúa Giêsu thốt lên: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã, rồi anh sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người anh em”.

Sống giả hình có nhiều dạng thức biểu hiện, Tin Mừng đã nhiều lần đề cập. Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đặc biệt chú trọng đến hai biểu hiện của người đạo đức giả và Ngài hướng dẫn cách để sửa lối sống giả hình ấy.

1. Xét đoán người khác

Chúa Giêsu nhắc nhở về biểu hiện của người đạo đức giả, đó là thái độ che đậy mình bằng cách xét đoán người khác. Với những người này, Chúa đã mở đầu bằng lời khuyên nhủ: “Đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”. Xét đoán khi đặt mình ở phía trên cao hơn người đối diện. Xét đoán khi đặt mình vào vị trí quan tòa.

Xét đoán được ghép bởi hai động từ là xét và đoán. Xét là tìm hiểu, đoán là phỏng chừng. Xét thì khó vì phải tìm hiểu hoàn cảnh, nguyên nhân, phân tích để có sự kiện rõ ràng. Đoán thì dễ hơn, chỉ cần ước lượng là thế, phỏng chừng như vậy, đoán thì dựa trên những điều không đủ chắc, không rõ sự thật. Khi nói xét đoán một người thì có phần xét và có phần đoán. Nhiều khi phần đoán lại nhiều hơn phần xét. Sai lầm nảy sinh từ đó.

Thánh Giacôbê viết: “Xét đoán anh em là xét đoán Lề Luật. Nếu ngươi xét đoán Lề Luật thì ngươi không còn là kẻ giữ luật mà là Thẩm phán. Chỉ có một Đấng lập Luật và là Thẩm phán, Đấng có quyền cứu rỗi và tiêu diệt. Ngươi là ai mà dám xét đoán đồng loại?”(Gc 4,11-12).

Để giúp cho những người đạo đức giả sống lời dạy “đừng xét đoán”, Chúa Giêsu nói: “Anh em xét đoán thế nào thì anh em cũng sẽ bị Thiên Chúa xét đoán như vậy”, và mời gọi: “Anh em đừng xét đoán, để khỏi bị Thiên Chúa xét đoán”, như thế, Chúa Giêsu đã mở một con đường của yêu thương, không xét đoán thì sẽ nhận lại được sự tình thương của Thiên Chúa. Không ai muốn bị xét xử, và khi bị xét xử, ai cũng muốn được xét xử khoan dung thông cảm. Mà muốn được khoan dung thương xót, thì trước hết, chính mình cũng phải biết thương xót khoan dung.

Một trong những cách giúp con người đừng đoán xét tha nhân là năng kiểm điểm bản thân mình. Khi con người thành thật với chính mình, họ tìm ra trong người họ cũng đầy dẫy những tính hư, nết xấu, nhiều khi còn to lớn hơn của tha nhân gấp bội. Nhận ra bản thân như thế, họ sẽ dễ dàng thông cảm và không đoán xét tha nhân.

2. Săm soi những lỗi lầm của người khác

Thái độ săm soi những lỗi lầm của người khác, thấy khuyết điểm của người khác thì muốn phóng đại; nhưng bản thân không muốn nhìn về những lầm lỗi và không muốn sửa sai những khuyết điểm của chính mình. Đây là một thái độ đạo đức giả tinh vi hơn. Nếu ở mức thứ nhất chỉ “xét đoán” thì ở mức thứ hai này mang nặng màu đạo đức kiểu như: “Dám góp ý, sửa sai và có ý tưởng giúp đỡ anh chị em nên tốt”. Với thái độ này, người ta che cho mình một lớp áo đẹp, một vẻ bên ngoài đạo mạo, là muốn làm điều tốt cho người khác, muốn chỉ bảo, sửa dạy, thay vì xét đoán. Họ hướng về người khác với ý hướng cao hơn, nhưng không dám đối diện với Chúa và cũng chẳng đủ khiêm tốn để đối thoại với anh chị em về yếu đuối hay lầm lỗi của mình. Với những người này thì họ bị cái xà ngăn chặn không cho họ thấy những điều tốt đẹp nơi người khác, họ nghĩ rằng ai cũng tội lỗi xấu xa và có cái xà lớn trong mắt giống như họ tưởng. Vì thế, những lỗi lầm của anh chị em dù nhỏ như cái rác, họ cũng biến nó trở thành to lớn như cái xà.

Chúa Giêsu dạy “đừng xét đoán” người khác nhưng trước tiên hãy xét mình, bởi vì khi mình chưa loại bỏ được cái xà trong mắt mình, là những nết xấu và thành kiến của mình, thì mình không thể thấy và lấy được cái rác trong mắt anh em. Với cái nhìn tầm xa hơn, việc xét mình còn giúp mình nhận thức rõ hơn thân phận mình trước mặt Thiên Chúa: thân phận tội lỗi. Như thế, nếu chúng ta mong được Thiên Chúa phán xét với lòng thương xót, thì chúng ta cũng phải biết sống với anh chị em bằng lòng nhân ái bao dung.

3. Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã

Để giúp cho những người đạo đức giả, Chúa Giêsu mời gọi họ nỗ lực khiêm tốn nhìn nhận lầm lỗi, hãy sửa đổi tâm hồn, hãy “lấy cái xà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác ra khỏi mắt người khác”. Hãy sửa sai chính mình trước khi đứng ở nơi cao làm thầy dạy sửa bảo người khác. Hãy đứng về phía anh em để cầu xin lòng thương xót Chúa chứ đừng dành chỗ của Chúa mà “xét đoán” anh em.

Chúa Giêsu còn dạy: xem quả thì biết cây. Thời gian sẽ cho biết cây nào xấu, cây nào tốt, khi chúng ra hoa kết trái. Thời gian sẽ cho biết ai thật ai giả. Công trình xây dựng có giá trị hay không, mưa nắng sẽ chứng nghiệm chất lượng. Chúa cũng căn cứ vào kết quả để biết rõ ai là môn đệ thật. Ngươi môn đệ thật là cây tốt sinh trái tốt.

Tục ngữ có câu:“Chân mình thì lấm bê bê, mà sao đốt đuốc đi rê chân người”. Con người khi đánh giá một sự việc, hay nhận xét về một người khác thường chỉ chú ý đến lỗi nhỏ nhặt và phóng đại lên. Họ soi mói “vạch lá tìm sâu” những khuyết điểm của người. Họ nhìn rõ những cái xấu của người trong mắt họ. Còn chính họ thì sao? Họ có khuyết điểm không, có những tính xấu không?

Chúa Giêsu nói: “Sao anh thấy cái rác trong mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt chính mình lại không để ý tới”. Hình ảnh “cái rác” và “cái xà” cho thấy, cái xấu của người rất nhỏ như cọng rác, còn cái xấu của mình thì rất lớn như “cái xà”. Do đó, trước khi phê bình người khác, hãy nhìn lại chính bản thân mình: “Lấy cái xà trong mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em”. Thánh Augustinô thường cầu nguyện: “Lạy Chúa Giêsu, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con”. Biết mình thường hèn yếu lỗi lầm để đừng bao giờ khắt khe lên án anh em. Biết mình hay che đậy giả hình để cảm thông dung thứ cho kẻ khác. Biết mình thích phô trương háo thắng để đừng phê phán nhạo báng một ai.

Lời Chúa Giêsu dạy hôm nay về “đôi mắt linh hồn”. Cần sửa mình trước mới có thể giúp sửa người khác, không xét đoán trái lẽ, không săm soi xét nét, cần lấy cái xà trong mắt mình đã. Hãy thanh tẩy đôi mắt của mình trước. Mắt là cửa sổ linh hồn. Đôi mắt ấm áp của tâm hồn bao dung. Mắt chiếu tỏa đức ái của trái tim yêu thương. Thánh Giuse thấy Đức Mẹ có thai nhưng ngài không xét đoán mà chỉ âm thầm ôm lấy nổi đau lặng lẽ ra đi. Thánh Giuse trở nên người công chính. Người có lòng mến Chúa, có tâm hồn đơn sơ thì không bao giờ nghĩ xấu cho ai, trái lại họ luôn nghĩ tốt, nói tốt về người khác. Thánh Têrêxa Hài Đồng khi thấy chị nào có lỗi thì thường tự bảo mình rằng: chị đó chẳng may lỗi một điều, nhưng biết đâu lại chẳng đã làm được một trăm điều lành mà tôi không thấy. Biết đâu lỗi lầm của chị chỉ là cái màn Chúa dùng để che nhân đức sâu xa của chị.

Đức Hồng Y Nguyễn văn Thuận đã viết đại ý rằng: Có một sáng suốt đáng buồn, khi chỉ nhìn thấy những điều xấu nơi người khác. Cũng có một xét đoán đầy yêu thương, khi đã nhìn thấy những điểm sáng tốt đẹp, ngay từ nơi bóng tối những điều không tốt đẹp của anh em mình.

Thánh Phaolô viết: “Điều khiến chúng tôi tự hào là lương tâm chúng tôi làm chứng rằng: chúng tôi lấy sự thánh thiện và chân thành Thiên Chúa ban mà cư xử với người ta ở đời, đặc biệt là với anh em. Chúng tôi không cư xử theo lẽ khôn ngoan người đời, nhưng theo ân sủng của Thiên Chúa” (2Cr 1,12; x. 2Cr 2,17; 1Tx 2,3-10).

Lạy Chúa, xin cho con biết nhìn những người chung quanh con với con mắt trong sáng để thấy những ưu diểm, nhiếu mặt tốt của họ. Xin cho chúng con biết nhận ra những thiếu sót, bất toàn của mình mà sửa trước khi sửa lỗi anh em. Amen.

Về mục lục

.

HÃY SINH HOA TRÁI TỐT

Lm. Anthony Nguyễn Ngọc Dũng

Ai trong chúng ta cũng mong muốn mình và những người thân được hạnh phúc. Nhưng đâu là chìa khoá của hạnh phúc? Có tiền của nhiều, chưa chắc hạnh phúc vì người giàu cũng phải khóc; có nhà cao cửa lớn đất nhiều cũng chưa chắc hạnh phúc vì ba tấc đất mới thật là nhà; có vợđẹp chồng bảnh bao cũng chưa chắc đã hạnh phúc vì con người như hoa cỏđồng nội, chỉ một cơn gió thoảng cũnglàm nó biến đi. Thánh Vịnh đáp ca của Chúa Nhật hôm nay chỉ chochúng tađâu làchìa khoá của hạnh phúc đó là được tạơn Thiên Chúa: Tạơn Thiên Chúa trong mọi hoàn cảnh như ông Gióp, “Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!”(Gióp 1:21). Và việc tạơn Chúa cách tuyệt hảo nhất là thánh lễ [Thánh Thể], vì theo nguyên từ tiếng Hy Lạp, Thánh Thể là Eucharistia, nghĩa là, tạơn. Như vậy, thánh lễ [Thánh Thể] chính làchìa khoá của hạnh phúc của mỗi người và của gia đình. Nếu thánh lễ có vai trò quan trọng như thế, chúng ta đến với thánh lễ với thái độ như thế nào? Câu chuyện đơn sơ sau có thể giúp chúng ta duyệt xét lại thái độ của chúng ta khi đi tham dự thánh lễ.

Vào một ngày Chúa Nhật, một anh giáo lý viên dạy lớp rước lễ vào lớp, và như thường lệ, anh ta bảo các em lấy giấy làm bài kiểm tra 15 phút. Câu hỏi của bài kiểm tra như sau: “Đâu là sự khác biệt trong thái độ của một người khi đi xem một trận đấu bóng có những cầu thủ nổi tiếng hoặc một buổi văn nghệ có những ca sĩnổitiếng với việc tham dự thánh lễ ngày Chúa Nhật?” Trong khi đọc câu trả lời của các em, anh giáo lý viên xúc động với câutrảlờicủa Tèo và đã cho Tèo điểm cao nhất. Tèo viết như sau: “Đây là năm khác biệt trong thái độ của một người đi xem trận bóng hoặc buổi văn nghệ so với khi đi tham dự thánh lễ Chúa Nhật:

1.Xem trận bóng hoặc văn nghệmất nhiềutiền muavé, còn đi lễ không mất tiền [chỉ mất nếu muốn bỏ tiền giỏ].

2.Người đi xem trận bóng hoặc văn nghệ luôn đi sớm, còn khi đi lễ thì luôn đi trễ.

3.Người đi xem trận bóng hoặc văn nghệ luôn muốn ngồi ghế gần sân bóng hoặc sàn diễn, còn người đi lễ luôn ngồi thật xa khỏi cung thánh.

4.Người đi xem trận bóng hoặc văn nghệ luôn có thái độ vui vẻ, còn người đi lễđôi khi có thái độ bực tức và khó chịu.

5.Người đi xem trận bóng hoặc văn nghệ không cảm thấy mất hoặc tiếc thờigian, còn người đi lễ thì cảm thấy mất thời gian.

Lời Chúa của Chúa Nhật hôm nay nhấn mạnh đến tương quan giữa tư tưởng, lời nói và hành động. Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta đôi khi nghe người ta nói đùa hoặc châm biếm rằng: Nhìn cô này [hay anh kia] đẹp thật, nhưng khi mở miệng ra thì toàn là nói những điều vô duyên. Lời nói là cách thức căn bản nhất để biết một con người. Trong bài đọc 1, tác giả sách Huấn Ca dạy chúng ta cách thức để biết một con người, đó chính là qua lời nói của họ. Bên cạnh đó, tác giả sách Huấn Ca khuyến cáo chúng ta phải “học ngồi học nói, học gói học mở,”vì người ta sẽ dựa vào lời từ miệng chúng tanóirađể biết lòng chúnng ta. Đây chính là điểm nối kết với bài Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu nói về nguyên lý “nhân-quả” trong cuộc sống: xem quả thì biết cây.

Bài đọc 1 mang tính tượng hình và so sánh rất cao. Chúng ta phân tích chi tiết bài đọc 1[gồm có 4 câu] để rút ra những bài học hữu ích chocuộc sống. Trong câu 4, tác giả sử dụng việc sàng lúa để so sánh với việc sàng lọc cái dở từ lời nói của con người: “Sàng rồi, trấu ở lại sàng, nói ra, cái dở rõ ràng thấy ngay” (Hc 27:4). Câu này ngụý nhắc nhở chúng ta về việc cẩn trọng trong lời ăn tiếng nói của mình vì qua lời nói của chúng ta, những khuyết điểm và yếu kém chôn vùi trong thâm sâu tâm hồn sẽ được tỏ lộ.Trong câu 5, tác giả sử dụng hình ảnh lửa thửbình gốm để so sánh với việc qua trò chuyện để biết người rởm người hay: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay” (Hc 27:5). Câu này ngụ ý nối tiếp tưtưởng của câu 4, tức là, chúng ta phải sàng nhiều lần, thử nhiều lần thì mới khám phá ra được người rởm kẻ hay. Nói cách khác, tác giả sách Huấn Ca nhắc nhở chúng ta đừng vội nhận định một con người chỉ qua một câu nói, nhưng phải thử và phải nghe cẩn thận.Câu 6 dùng tương quan quả và cây để so sánh mối tương quan giữa lời nói và lòng người: “Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (Hc 27:6). Chúa Giêsu sử dụng hình ảnh này để dạy các môn đệ mối tương quan giữa tư tưởng và hành động trong bài Tin Mừng hôm nay. Câu 7 đóng vai trò như bảntóm tắtcủa những gì liên quan đến mối tương quan giữa việc ăn nói với tính cách của một người: “Chớvội khen, khi người chưa lên tiếng: muốn biết người, phải nghe miệng nói năng” (Hc 27:7).Chúng ta phải chậm nói nhưng nhanh nhẹn trong việc lắng nghe nếu chúng ta muốn biết người khác như thế nào. Thật vậy, người kiên nhẫn lắng nghe là chìa khoá để biết và cảm thông với người khác. Đây là thái độ căn bản mà Chúa Giêsu muốn các môn đệ của Ngài phải có.

Trong bài Tin Mừng tuần trước, Thánh Luca trình bày cho chúng taviệc Chúa Giêsu dạy các môn đệ những điều làm cho họ khác biệt với những người khác vì họ là môn đệ của Ngài. Đồng thời, Ngài cũng dạy họ những thái độ cần thiết mà họ cần có khi đối xử với người khác. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsudạy các môn đệ vềba tương quan cần thiết trong cuộc sống: Thầy – trò, sửa mình – sửa người, tư tưởng –hành động. Nói cách khác, bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu trình bày ba sứ điệp khác nhau của Chúa Giêsu cho các môn đệ.

Sứ điệp thứ nhất nói đến tương quan giữa thầy – trò (Lc 6:39-40): “Khi ấy, Đức Giê-su kể cho môn đệ dụ ngôn này: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố? Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy mà thôi” (Lc 6:39-40).Câu này không có ý nói đến những thầy giảtrong cộng đoàn của Luca, nhưng nói đếncác môn đệ là những người mù cho đến khi mắt của họ được mở ra qua việc giảng dạy của Chúa Giêsu (x. Lc 6:20-38). Chỉ khi các môn đệ được huấn luyện kỹ lưỡng về việc chia sẻ tất cả những gì mình có và mình là như Chúa Giêsu [sẵn sàng chịu đau khổ và chết cho người khác], thì mới có khả năng để hướng dẫn và dạy dỗ người khác.

Sứ điệp thứ hai nói về việc sửa lỗi huynh đệ. Điều này chỉ xảy ra sau khi đã được mở mắt và nên như Thầy. Điều đầu tiên khi được mở mắt là nhận ra điều làm cho mình bị mù, điều cản trở mình khỏi việc biết chính mình, để sống thật với mình. Chỉ khi mình sống thật với chính mình chúng ta mới có khả năng hiểu và cảm thông để giúp người anh chị em của mình sửa chính họ: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không đểý tới? Sao anh lại có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh ra’, trong khi chính mình lại không thấy cái xà trong con mắt của mình? Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em!” (Lc 6:41-42). Chúa Giêsu khuyến cáo những ai chỉ nhìn thấy sai sót của họ trong lãnh vực chia sẻ của cải như không có gì so với những thiếu xót của người khác. Hãy nhận ra thiếu sót của mình và sửa mình trước khi chỉ ra thiếu xót và giúp anh chị em của chúng ta.

Sứ điệp thứ ba nói về tương quan giữa tư tưởng và hành động. Chúa Giêsu dùng mối tương quan giữa quả và cây trong bài đọc 1 để nói lên mối tương quan giữa tư tưởng và hành động: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả sâu, cũng chẳng có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt.Thật vậy, xem quả thì biết cây. Ở bụi gai, làm sao bẻđược vả, trong bụi rậm, làm gì hái được nho! Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6:43-45). Chúng ta lưu ý ở đây chi tiết “cây tốt.” Điều này ngụ ý nói đến việc làm theo đúng điều Chúa Giêsu dạy trong Lc 6:20-38 chỉ đến từ con tim của những ai đã trở về với Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Đấng Chúa Giêsu công bố trong sứ vụ rao giảng về Nước Thiên Chúa. Hãy sám hối!

Tóm lại, tư tưởng cây tốt sinh trái tốt và cây xấu sinh trái xấu được Thánh Phaolô khai triển trong bài đọc 2 qua hình ảnh của người người tốt và người xấu. Người xấu là người sống theo thân xác hay hư nát và để cho tội lỗi chiến thắng, còn người tốt là bỏ đi lối sống theo thân xác hư nát đê mặc lấy sự bất tử (x. 1 Cr 15:54), và họ là người chiến thắng tội lỗi nhờ Đức Giêsu Kitô: “Bởi vậy, anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1 Cr 15:58).Chúng ta thuộc loại nào: Tốt hay xấu?

Về mục lục

.

THỰC HÀNH ĐỨC ÁI

Lm. Jos. DĐH.

Thấy, không thấy, có và không có, do lập trường lỏng lẻo hay sự hiểu biết lơ mơ, thiếu nền tảng vững chắc ? Biết nói nhân vô thập toàn, bằng những trải nghiệm dân gian: có tật có tài ; dám nhận xét người anh chị em mình: cái tật to hơn cái tài, liệu có phải là xét đoán vu vơ thiếu cơ sở ! Dĩ hoà vi quý hay biết người biết ta, chính là phương thế hữu hiệu cho cách ứng xử tốt nhất với tha nhân, hoặc giúp nhau xây dựng được tình người bền chặt. Phải chăng giữa biết và không, là một khoảng cách quá nhỏ, so với yêu thương và hận thù ? Lẽ nào thấy và không thấy, cũng chỉ là cự ly rất mơ hồ ? Tất cả đúng sai, tốt xấu, nhìn vấn đề tích cực hoặc tiêu cực, đều để lại câu trả lời tôi đang tự do thực hành đức ái thế nào khi tôi biết, hiểu và sống.

Ở trên “net” có lưu truyền câu chuyện ngụ ngôn như sau: một chú khỉ con lang thang chỗ này chốn kia, chú mệt mỏi nên năm nghỉ, anh bò tót đi ngang qua thấy vậy bèn hỏi: chú bé dự định đi đâu mà nằm đó ? Chú khỉ con trả lời, cháu cũng không biết nữa, chỉ biết cháu tung tăng chạy nhảy từ sớm đến giờ mỏi mệt rồi ạ. Anh bò tót nói, vậy chú bé có đi nữa không, lên lưng anh cõng rồi chúng ta cùng đi. Khỉ con vui mừng trước sự gợi ý của anh bò tót, đi được một quãng, chim đại bàng xà xuống hỏi hành trình của hai anh em đi còn xa không ? Chú khỉ bé nhỏ có muốn đi nhanh không, ta sẽ giúp chú, khỉ con thích thú trả lời nếu được vậy thì quá tốt ạ. Thế rồi không bao lâu chú khỉ bé nhỏ đã nằm trong ổ chim đại bàng và chú trở thành bữa ăn cho mẹ con đại bàng. Người xưa có câu: khôn thì sống, dại thì chết. Đi mà không biết mình đi đâu, là bất ổn ; ở đời tốt xấu thật giả khó lường, thiếu tình người, không đủ sự bao bọc của anh chị em đồng loại, mấy ai tồn tại được ?

Sống ở đời, người nghèo, họ không thể chia sẻ vật chất, tiền của, cái mà họ không có, nhưng họ có thể cùng đồng hành, cảm thông, động viên và giúp bạn bè túng thiếu của họ cùng kiên nhẫn chăm chỉ làm việc. Những người mù loà, những kẻ khốn cùng, không thể dẫn nhau đi trên đoạn đường lồi lõm, ổ gà hố voi, nhưng họ có thể là động lực để giúp nhau vươn lên khỏi mặc cảm tự ti, đang khi họ phải đối diện. Đúng, không ai có thể cho đi cái họ không có, tuy nhiên, dù ở hoàn cảnh đói khổ nhất, người ta vẫn có thể thực hành đức ái bằng lời cầu nguyện, hiện diện, khích lệ cảm thông. Tai mắt người ta dù không thấy, không nghe, không hiểu anh chị em mình thiếu thứ gì, cần trợ giúp những gì, thì tâm tư người ta vẫn được mách bảo tất cả đều được mời gọi sống hiệp thông yêu thương.

Người xưa ví von: đố ai gánh đá vá trời, đan gầu tát biển, ghẹo người cung trăng ? Hẳn câu thành ngữ chỉ có ý khuyên người ta đừng làm chuyện viển vông, muốn thành công trên đường đời, cần phải có óc thực tế. Chúa Giêsu đã gợi lên một chân lý hiển nhiên: mù dắt mù lăn cù xuống hố. Người nổ, kẻ cưa bom, người tự mãn, vẫn được hiểu là kẻ chỉ biết nói mà không biết làm ; người khôn ngoan phải là người biết mình là ai, biết Đức Giêsu là ánh sáng trần gian, biết Đức Giêsu là Thầy, là Chúa, là Đấng cứu độ. Có yêu thầy mới có cơ hội làm thầy, có sáng, có thông, người ta mới đủ tự tin bước, mà không sợ thụt hố, vấp té ; có yêu cha mến mẹ, người ta mới tiếp nối được truyền thống hào hùng của gia đình dòng tộc. Khi tình yêu và ước muốn có đủ mạnh, người ta mới dám hy vọng tiến bước mà không sợ vấp ngã, khi người học trò có thầy bên cạnh, hẳn sẽ không lo lạc bước sai đường.

Chúng ta thường rất vui khi được tán thưởng: con nhà tông không giống lông cũng giống cánh. Chúng ta là học trò, là môn đệ của Đức Kitô, tất nhiên chúng ta cũng thao thức được sáng, được thông, hầu lời nhắn gởi: xem quả biết cây là sự thật ; cha anh hùng, con hảo hán, là chính xác, không mơ hồ. Trò ngoan thầy giỏi, sứ mạng của thầy là yêu thương, ơn gọi của trò chính là làm sống động đức yêu thương, dù hiểu biết của trò còn nông cạn chưa đậm sâu nồng nàn. Sức mạnh của trò tuỳ thuộc vào sự gắn kết với thầy, thành công của trò cũng không phải là khả năng nói hay, né tránh được khổ đau, mà là hiểu, biết, và sống tinh thần bác ái như thầy, hầu mỗi ngày được biến đổi đổi nên giống thầy. “Cây tốt không thể sinh trái sâu”, học trò của Đức Giêsu không thể “hồ đồ”, ích kỷ, vì ơn gọi, vì sứ mạng người môn đệ là sinh hoa trái bằng việc làm của tình yêu Đức Kitô. Theo Thầy Giêsu thực hành đức ái không phải là vạch lá tìm sâu, bới lông tìm vết do một vài thiếu sót của anh chị em, mà là hành động “đấm ngực” của mình từng ngày. Amen.

Về mục lục

.

CÁI TÂM TRONG SÁNG

Bông hồng nhỏ

Thánh Âu Tinh nói rằng: “Một người thiếu chú ý đến các tật xấu của mình thì có nguy cơ xét nét người khác. Và một người không chịu sửa lỗi mình thì dễ đổ lỗi cho người khác”. Hôm nay, Thầy Giêsu dậy các môn đệ tránh xa lối sống của những kẻ đạo đức giả, chỉ thấy cái rác trong con mắt của người khác mà cái xà trong mắt mình lại không thấy. Thầy cũng khẳng định cái tốt chỉ được lấy ra từ kho tàng tốt của lòng người, kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng có đầy thì miệng mới nói ra (x.Lc 6,39-45).

Nhìn lại những chặng đường đã đi qua, có rất nhiều người đã dậy dỗ để ta được như ngày hôm nay, và hơn một lần ta ở trong vai trò chỉ dậy người khác. Người dẫn đường thực sự rất quan trọng. Nếu mắt họ mù thì làm sao dẫn đường cho kẻ khác? Một người khiếm thị có thể trở nên người dẫn đường cho người khác khi họ biết rõ vị trí của điểm cần đến. Sự mù lòa mà Thầy Giêsu nói đến không phải mù lòa thể lý nhưng là sự mù quáng trong nhận thức. Dường như ta thường có khuynh hướng và thói quen là ta dễ thấy và dễ soi vào lầm lỗi người khác, từ những thiếu sót nhỏ nhưng lại quên soi vào chính mình để thấy rõ những thiếu sót lầm lỗi của mình. Tại sao vậy? Tại vì ta chưa chịu mở lòng để cho ánh sáng Chúa dọi vào tâm trí, chưa để cho ánh sáng Lời Chúa phá tan bóng tối đang bao phủ trong tâm hồn. Hãy soi vào chính mình để thấy mình và soi vào Chúa để được Chúa gọt dũa cho cái tâm của ta sáng hơn. Việc ta chỉ chú tâm sửa lỗi của người khác sẽ dẫn ta đến việc chủ quan, dễ xem mình là tiêu chuẩn mà bàn kể đến những lỗi lầm của người khác. Ai cũng có lúc sẽ phạm sai lầm vì thế cần có những người chỉ cho ta thấy rõ cái sai lầm của mình. Người được trao cho trách nhiệm sửa sai cho người khác là người luôn tìm mọi cách để cứu lấy người anh em đó và không đẩy họ vào bước đường cùng. Điều này đòi buộc người hướng đạo phải có cái tâm trong sáng, cái tâm ấy luôn ở trước sự hiện diện của Chúa và yêu thương theo sự thúc đẩy của Thánh Thần, đồng thời người ấy cũng thực sự là người biết mình và luôn khiêm tốn sửa mình mỗi ngày.

 “Lấy cái xà ra khỏi mắt anh trước đã rồi anh sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong con mắt người anh em” (Lc 6,42b).

“Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu” (Lc 6,45).

Đã bao giờ ta ý thức bản thân mình và người khác đều là kho tàng thánh thiêng Thiên Chúa ban tặng? Mỗi người đều là một kho tàng quý giá nhưng để tâm hồn trở nên một kho tàng tốt thì mỗi người chúng ta phải để ý đến tội và nết xấu của chính mình. Từ việc biết sửa mình để sống là một người kitô hữu tốt, khi đến với người khác ta sẽ có những điều tốt đẹp để cho họ. Đó có thể là cho đi một nụ cười, cho đi một lời động viên, an ủi, cho đi một ánh mắt cảm thông,… khi nào ta thấy mình dễ giận hờn, đố kỵ, ghen tức với người khác là khi ta để cho những cái xà của tội lỗi đè nặng, che khuất tâm hồn làm cho tâm hồn ra tối tăm, hãy chạy đến với Thầy Giêsu để xin trợ lực, Thầy cũng sẽ gửi đến cho ta những người khôn ngoan thánh thiện để giúp ta lớn lên.

Lạy Chúa Giêsu! Xin cho con từng ngày biết soi vào chính mình để thấy mình và hiểu mình, xin cho con được soi mình vào trong Chúa để được Chúa cho thấy rõ những lầm lỗi thiếu xót của chính con, để mỗi ngày cái tâm của con được sáng hơn, để con nên hình ảnh của Chúa hơn. Amen.

Về mục lục

.

MÙ BÊN TRONG

Anna Cỏ May

Trong chúng ta, chẳng ai lạ gì khi thấy người bị mù. Họ mù mắt nhưng tai họ còn nghe được, tay còn sử dụng được, chân còn bước đi được. Sự cảm nhận và cảm giác nơi họ rất mạnh, vì thế có rất nhiều người bị mù mà lại rất tài giỏi. Có người đánh đàn rất hay, bấm huyệt rất khéo… Mọi người cho đó là quy luật bù trừ. Họ bị mù mắt nên khi đi đường, mọi người luôn ưu tiên nhường đường cho họ đi.

Vậy tại sao Chúa Giêsu lại kể dụ ngôn và hỏi các môn đệ: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố” (Lc 6,39). Chúa Giêsu luôn hỏi những câu hỏi mở để cho các môn đệ suy nghĩ và trả lời. Đồng thời, Ngài vén mở sự đui mù bên trong về chính mình, mù bác ái với người khác và mù đức tin: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt người anh em, mà cái xà trong con mắt của mình lại không để ý tới” (Lc 6,41) .

Cái rác trong con mắt của người anh em là gì? Cái rác mà Chúa Giêsu nói tới đó là cái rác mà chúng ta luôn nhìn và để ý đến những yếu đuối, tội lỗi và các khuyết điểm của người khác. Chúng ta thường để những cái rác của người khác trước mắt mình và bắt đầu soi mói, còn cái rác của mình có thể không nhìn thấy hay dấu nó ở sau lưng. Khi chúng ta cứ quan tâm đến cái rác của người khác, chúng ta không còn thấy sự cố gắng, sự thánh thiện của người khác mà chỉ luôn hướng về những mặt xấu của họ. Chúng ta dần mất đi hình ảnh Thiên Chúa qua họ, không có niềm tin vào điều gì nữa, và dẫn đến những lời nói, hành động lỗi bác ái. Như thế, chẳng phải chúng ta sẽ trở thành kẻ đạo đức giả sao, khi chính mình cũng là người mang đầy khuyết điểm, tất cả những cái nhìn xấu đều xuất phát từ trong lòng mà ra. Khi lòng dạ xấu sẽ xuất ra bên ngoài bằng những ánh mắt đến miệng lưỡi và dẫn đến hành động xấu. Như thế, hoa quả chúng ta kết trái thu được là sự hận thù ghen ghét, đố kỵ… khác với hoa quả của Thần Khí là hoan lạc, bình an… (Gl 5,22-23).

Ai trong chúng ta cũng mong mình trở thành người tốt. Nhưng chúng ta dễ lầm tưởng tốt với người khác là cứ lấy cái rác ở nơi họ mà không có một chút bác ái. Người tốt thật sự khi mọi hành động, mọi cử chỉ, lời nói luôn có sự yêu thương xuất phát từ trong lòng, một tấm lòng nhân từ như Thiên Chúa là Đấng nhân từ (x.Lc 6,36). Nhìn lại chính mình, mỗi người chúng ta có đang là người chuyên viên tra cứu lỗi của người khác không? Chúng ta đang sống với một con người thế nào? Điều Chúa muốn nơi mỗi người là gì? Chúng ta đang sống với điều ấy mỗi ngày ra sao? Nhưng có một điều chắc chắn là chúng ta không ai là người hoàn hảo. Chỉ hoàn hảo khi chúng ta đón nhận nhau như Chúa đã đón nhận mình (x.Rm 15,7).

Lạy Chúa, sao chúng con hay để ý đến những nết xấu của người khác mà không biết nhìn lại mình. Phải chăng chúng con thiếu tình yêu nơi Chúa và tha nhân. Chúng con xin Chúa là nguồn hy vọng, ban cho mỗi người chúng con tràn đầy tình yêu Chúa, thêm vững đức tin và biết cách yêu thương nhờ quyền năng của Chúa để chúng con trở nên đồng tâm nhất trí với nhau trong Đức Kitô. Amen.

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN – NĂM C

Lm. Phêrô Phạm Tiến Phi

  Chuyện kể rằng Khổng Tử có học trò tên Mỗ, người nước Đằng. Mỗ học vào loại trung bình, song luôn luôn tự cho mình là giỏi nhất. Học được vài năm, Mỗ xin về nước vì tưởng rằng đã học hết đạo của thầy.
Tử Cống thấy vậy hỏi thầy:
– Người ấy về nước rồi làm quan có sao không?
Khổng Tử rung đùi đáp:
– Không sao.
Tử Cống hỏi tiếp:
– Làm tướng có được không?
Khổng Tử vuốt râu đáp:
– Được.
Tử Cống lại hỏi:
– Thế nhỡ về làm giặc?
Khổng Tử vừa ngáp vừa trả lời:
– Cũng không hại gì!
Bấy giờ Tử Cống mới yên tâm mà thủng thẳng bộc bạch với thầy:
– Nghe nói Mỗ ấy xin về nước chỉ để làm thầy!
Khổng Tử vừa nghe câu đó, bỗng giật nẩy mình. Thế là chân không kịp xỏ giày, áo không kịp buộc giải, vội vàng chạy bắn ra khỏi cổng!
Học trò đuổi theo hỏi:
– Thầy chạy đi đâu?
Khổng Tử vừa thở vừa đáp:
– Sang ngay nước Đằng.
Học trò lại hỏi:
– Thầy sang nước Đằng làm gì?
Khổng Tử vẫn vừa chạy vừa trả lời:
– Sang ngăn không cho tên Mỗ này làm thầy. Hắn có làm quan thì cùng lắm chỉ hại đến một ấp. Làm tướng cũng chỉ hại đến một thành. Thậm chí có làm giặc cũng chưa chắc đã hại nổi ai. Nhưng nếu hắn làm thầy thì sẽ hại đến muôn đời. Ngay cả ta cũng khó mà tránh khỏi liên luỵ!

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Câu chuyện trên cho chúng ta thấy tầm quan trọng của người làm thầy người hướng dẫn người khác là người phải sáng suốt và khiêm tốn. Điều đó chúng ta cũng được nghe trong Tin Mừng hôm nay khi Chúa Giêsu đưa ra dụ ngôn người mù dẫn người mù để khiển trách những người luật sĩ và biệt phái. Tại sao Chúa Giêsu lại mượn hình ảnh người mù dắt người mù để lên án những người luật sĩ và biệt phái? Xin thưa, vì họ là những người hướng dẫn và lãnh đạo cộng đoàn nhưng lại có một lối sống giả hình, họ nói nhưng không làm, không dám đụng dù chỉ một ngón tay: “những gì họ nói, anh em hãy làm, hãy giữ, nhưng đừng theo hành động của họ mà làm vì họ nói mà không làm. Họ bó những gánh nặng mà chất lên vai người ta, nhưng chính họ lại không buồn động ngón tay vào….” (Mt 23,3-4). Và Chúa Giêsu còn lên án họ vì họ là những người kiêu căng, tự phụ, tự cho mình có quyền giải thích lề luật và bắt người khác phải tuân giữ. Chính vì thế, mà họ sẵn sàng bỏ qua giới luật yêu thương, để bảo vệ các truyền thống và tập tục của tiền nhân. Họ là những người mù quáng mà lại dẫn đường chỉ lối cho người khác. Nên họ đã bị Chúa Giêsu quở trách là đồ giả hình. Nguy hiểm của sự giả hình đó là chúng ta chỉ thấy được các hành vi bên ngoài và lời nói mà không thấy được nội tâm bên trong. Với Chúa Giêsu thì các hành vi chỉ tốt khi phát sinh từ nội tâm tốt, còn nội tâm xấu thì xuất phát ra các hành vi xấu: “Chính từ bên trong, từ đáy lòng mà các tư tưởng xấu phát xuất: ngoại tình, trộm cắp, giết người…”

Kính thưa cộng đoàn phụng vụ!
Từ khi chúng ta lãnh nhận bí tích rửa tội, là chúng ta được tham dự vào các chức vụ của Chúa Giêsu. Chúng ta cũng được mời gọi để trở nên là người hướng dẫn người khác trong đời sống đức tin cũng như trong đời sống hằng ngày. Do đó, để có thể là người dẫn đường, là người hướng dẫn người khác, chúng ta phải là người thấy đường. Nghĩa là thấy được thân phận yếu đuối tội lỗi của mình, nhờ đó có được thái độ khiêm tốn hơn trong việc hướng dẫn người khác.

Thế nhưng trong cuộc sống hàng ngày, chúng ta thường nhận thấy những sai lầm, khuyết điểm và tội lỗi của người khác, mà ít khi nhận ra những yếu kém, những tội lỗi và những sai trái của mình. Do đó, chúng ta dễ dàng lên án, chỉ trích người khác. Vì vậy, Chúa Giêsu hôm nay dạy chúng ta hãy lấy cái xà trong con mắt mình trước đã rồi mới thấy rõ mà lấy cái rác trong con mắt anh chị em. Là người môn đệ của Chúa nếu thực sự muốn hướng dẫn người khác trên con đường đi tìm chân lý, thì trước hết người hướng dẫn cần phải học hỏi, cần phải có một đời sống đạo đức gương mẫu thì mới có thể chia sẻ cho người khác, giống như cây tốt thì sẽ sinh trái tốt. Chúng ta phải sống tốt trước rồi mới bảo người khác sống tốt được. Nếu không chúng ta cũng sẽ bị Chúa lên án là đồ đạo đức giả, là kẻ đui mù.
Trong bài đọc hai thánh Phaolô cũng gợi nhắc cho chúng ta điều đó: “Anh em hãy ăn ở bền đỗ và không nao núng, hãy luôn luôn thăng tiến trong tình thân của Chúa và anh em biết rằng, công lao khó nhọc của anh em không phải là uổng phí trong Chúa”. Chính Chúa là Đấng làm cho chúng ta trở thành một thân cây tốt, miễn là chúng ta biết duy trì đời sống trong đức tin và đặt niềm tin tưởng nơi tình yêu của Ngài. Chính lối sống gương mẫu của chúng ta sẽ có sức lôi cuốn người khác: Lời nói hay chỉ có tác động thoảng qua, còn gương sống mới có tác dụng lôi cuốn đích thực. Người hướng dẫn sáng suốt là người giúp người khác sống được, thực hành được, chứ không phải chỉ giúp họ hiểu rõ hay hiểu đúng mà thôi.
Xin Chúa cho chúng ta biết khiêm tốn nhìn nhận con người yếu đuối tội lỗi của mình, để chúng ta biết cảm thông với người khác và biết dẫn đưa người khác đến với Chúa bằng chính đời sống làm chứng cho Tin Mừng của chúng ta.

Về mục lục

.

CÁC ĐIỀU KIỆN CỦA LÒNG NHIỆT THÀNH

Học viện Giáo Hoàng Pi-ô X Đà Lạt

1. “Ngài còn nói với họ một dụ ngôn” (c.39). Chi tiết “kể chuyện” này bắt đầu bài diễn từ tại đồng bằng. “Dụ ngôn” là một tiêu đề chính xác, và những câu tiếp sẽ là 5 dụ ngôn, nhằm mục đích làm thính giả suy nghĩ. Bài diễn từ bằng dụ ngôn tiếp nối các bài diễn từ trước, diễn từ sấm ngôn (6,20-26) và diễn từ khuyến thiện (6,27-38). Trong các đoản văn trước, ta đã thấy rằng các môn đệ phải yêu mến, phải sống cho tha nhân. Trong bài diễn từ trên núi của Mt, sứ mạng các môn đệ được mô tả bằng hình ảnh muối đất, ánh sáng soi chiếu mọi người, thành phố trên núi (Mt 5,13-16). Không chiếu sáng trước mặt mọi người để họ xem thấy các việc lành mà ngợi khen Chúa Cha, người môn đệ đã sống ngược với bản tính và đáng lên án. Trong bài diễn từ tại đồng bằng của Lc, đời sống của người môn đệ cũng được giả thiết là phải có một sức mạnh chiếu sáng tương tự. Nhưng các môn đệ phải được trang bị thế nào để có thể hoàn thành công cuộc tông đồ này? Họ phải là những thày dạy chân lý (6,39-42), ngôn hành của họ phải là một (6,43-45).

2. Có lẽ câu nói về người hướng đạo đui mù (c.39b-40) đã được Chúa Giêsu trước tiên ám chỉ các người biệt phái, nếu xét theo văn mạch chung của các phúc âm trong đó ta thấy Chúa Giêsu nhiều lần chỉ trích sự mù quáng của các lĩnh tụ tôn giáo Israel này (Mt 15,14; 23,16.19.14; Gio 9,41). Họ tự hào là những người hướng đạo dân tộc trong lãnh vực đạo đức. Họ đã học hỏi tỉ mỉ lề luật và đã tìm cách tuân giữ giới răn bên ngoài. Nhưng những người chân thành nhất trong họ vẫn là những người hướng đạo đui mù, bởi vì họ đã khép kín trước mạc khải lớn nhất của Thiên Chúa, họ tự làm cho mình không thể đạt tới lời của Thiên Chúa do Chúa Giêsu loan báo.

Bây giờ câu nói này lại nhằm đến các môn đệ của Chúa Giêsu. Bởi vì mặc dù trước hết các người Biệt phái và tiến sĩ luật, lời kết án này cũng có giá trị đối với người môn đệ, nếu anh ta không sáng suốt. Người môn đệ Chúa Giêsu phải ý thức trách nhiệm mình. Anh không được mù quáng, nhưng khi nào có thể nói anh không mù? Là khi anh đã tiếp nhận cùng một giáo huấn như thày mình. Thày, chính là Chúa Giêsu. Ngài là Thày mà không bao giờ có môn đệ nào hơn được. Ngài là thày tuyệt đối độc đáo. Người môn đệ không hơn thày. Trong trường phái các tiến sĩ luật là như thế; bởi vì thày chuyển thông điều chỉnh ông đã tiếp thu và môn sinh không làm gì khác ngoài việc tiếp thu truyền thống đó. Người môn đệ Chúa Giêsu, đến lượt mình, lại chuyển thông điều đã tiếp thu từ nơi Chúa Giêsu. Làm sao anh có thể lãnh trách nhiệm với người khác nếu anh đã không thực sự được giáo huấn trong lãnh vực lời Chúa Giêsu, nếu chính anh đã không nghiền ngẫm sâu xa điều ấy?

3. Nhưng người môn đệ không chỉ có trách nhiệm huấn giáo cho phù hợp giáo huấn của Chúa Giêsu, như là một môn đệ sáng suốt. Để trung thành với sứ mạng, người môn đệ cũng phải tùy hoàn cảnh mà đưa những kẻ sai lạc hay phạm lỗi về lại chính lộ, phải giúp đỡ họ loại bỏ những lầm lỗi khỏi họ (c.41-42). Những lời nói này của Chúa Giêsu giả thiết rằng, trong đức tin, sự ưu tư về người anh em, người bạn đường là một điều có thật. Mt đã giữ lại một trong các giới luật về đời sống hội thánh tiên liệu một cách sửa bảo huynh đệ như sau: “Nếu anh em con đã phạm tội, hãy đi sửa bảo họ lúc chỉ có con với họ thôi…” (Mt 18,15tt). Như vậy lời giáo huấn của Chúa Giêsu về cọng rác và cái xà không thể nào là một lời kết án việc sửa bảo huynh đệ: đây là một lời cảnh báo về cách thực hành sai lạc về giới luật này. Bởi vì việc sửa bảo huynh đệ có một mối nguy hiểm là ta dễ áp dụng cách bất công. Tính tự ái, sự chua chát và lòng nóng giận làm méo mó chân lý. Hình ảnh cọng rác và cái xà diễn tả rất đúng của một nhiệt tình bất công. Những lỗi nhỏ nhất của tha nhân trở thành to lớn, còn những lỗi to lớn mà ta phạm lại có vẻ nhỏ mọn. Thế nhưng ta chỉ có thể sửa bảo huynh đệ cách hữu ích và đích thật, nếu ta không tự hào về sự công chính của mình và không bị thúc bách bởi tham vọng muốn thống trị.

Nguy hiểm khác, chính là sự giả hình trong việc sửa bảo huynh đệ. Kẻ sửa bảo người khác, tức là muốn chứng tỏ chiến thắng sự xấu trong thế gian. Nhưng nếu anh không chiến thắng sự xấu này được chính mình, thì lúc đó nơi anh có một sự tương phản bi đát giữa bên ngoài và bên trong. Anh chiến đấu chống sự xấu nơi người khác, còn đối với chính bản thân, anh làm gì ? “Trước hết hãy lấy cái xà khỏi mắt anh”. Hãy bắt đầu bằng việc sửa bảo chính anh, chừng đó anh mới có cơ sở để sửa bảo người khác.

Nước Thiên Chúa đã bắt đầu được biểu lộ trong người môn đệ Chúa Giêsu. Điều này giả thiết sự hoán cải và thống hối. Thống hối, nghĩa là nhìn nhận ta là tội nhân, là người có lỗi, là trước hết lên án điều tội lỗi trong chính tim ta. Và từ đó, lòng kiên nhẫn, tha thứ và trao ban, lòng thống hối đưa ta lại gần anh em.

4. Nguy hiểm giả hình chỉ có thể tránh được nếu những hành vi bên ngoài hoàn toàn phù hợp với não trạng bên trong. Cái ta có thể thấy được bên ngoài, tức là hành vi và lời nói, là tốt nếu phát sinh từ một cơ sở bên trong thật sự tốt. Đối với các người Biệt phái và các tiến sĩ luật, một hành vi tốt là khi phù hợp với lề luật: Chúa Giêsu nói các hành vi chỉ tốt khi phát sinh từ một nội tâm tốt. Trái tim, trung tâm tư tưởng, ước muốn, tình cảm là nguồn phát sinh các tư tưởng xấu tốt, lời nói cũng như hành vi, là trung tâm của quyết định trong lãnh vực luân lý. “Chính từ bên trong, từ đáy lòng mà các tư tưởng xấu phát xuất: ngoại tình, trộm cắp, giết người…”. Nhưng khi nào mới gọi là có một con tim tốt?

Những lời nói và hành vi phát xuất từ một người cho ta biết thực chất người ấy thế nào. Chúng biểu lộ tâm hồn người ấy, như trái giúp nhận ra loại và phẩm chất của cây. Một bụi gai không thể sinh trái giống như nho được… Có một liên hệ hữu cơ giữa trái và cây. Cũng thế, có một tương quan chặt chẽ giữa hành vi của một người và thâm tâm người đó. Giả vờ hay đeo mặt nạ là vô ích: người ấy vẫn là một, từ nội tâm mà bộc lộ ra bên ngoài: mọi hành vi của người đó đều phát xuất từ trung tâm hữu vị của nhân tính mình. Người ấy tốt xấu tùy con tim tốt xấu. Dĩ nhiên Chúa Giêsu biết rõ cây tốt đôi mùa có thể sinh trái xấu. Nhưng những vấn nạn như thế không phù hợp với tính chất các lời nói của Chúa Giêsu là không bao giờ đề cập đến sự khả hữu các cấp độ trung gian, mà chỉ nhìn nhận và lưu tâm đến sự đối chọi giữa làm và không làm, giữa tốt và xấu, giữa thiện và ác thôi. Ta biết được thế là nhờ văn loại và và mục đích giáo huấn của các lời nói này. Khi trình bày sự việc trong khía cạnh cực đoan của chúng, Chúa Giêsu không có ý phủ nhận sự hiện hữu các cấp độ trung gian, nhưng chỉ muốn làm nổi bật tư tưởng của Ngài để ai không quen phân biệt, dễ dàng tiếp thụ hơn.

5. Trong câu cuối của đoản văn (c.45), hình ảnh thay đổi trái tim, trung tâm các quyết định có tính cách luân lý và tôn giáo nơi con người, lại như một kho tàng. Chính cái tâm của nhân cách, chính trung tâm các quyết định luân lý và tôn giáo làm cho lời nói và hành vi thành tốt hay xấu, tức là cả con người thành tốt hay xấu. Là ánh sáng cho kẻ khác. Người môn đệ Chúa Giêsu phải có một con tim tràn đầy thiện hảo. Sự tràn đầy này, chính là những lời nói và hành vi. Một lương tâm được giáo dục đích thật là điều kiện tiên quyết không thể thiếu của một Kitô giáo mang tính chất tông đồ.

Khi nào ta có thể nói con tim này là một kho tàng chứa toàn là thiện hảo, và chỉ phát sinh toàn là thiện hảo? Khi nào ta có thể nói nội tâm của một người là tốt? Khi nào thì người ấy có một lương tâm có giáo dục? Chiếu theo bản văn phúc âm, hữu thể con người như hiện có thì không đủ. Chỉ khi nào con người hoàn toàn được Chúa Giêsu, Thày mình trang bị, chuẩn bị thì con tim mới thật sự là tốt. Nếu con tim đó đã tiếp thụ Lời Chúa Giêsu, nếu nó đã được Nước Thiên Chúa và sự công chính của Ngài thực sự chiếm hữu, lúc ấy nó mới trở thành một kho tàng, tràn đầy thiện hảo. Đòi hỏi cơ bản luôn luôn vẫn là một: lòng thống hối, sự hoán cải trở về với Chúa. Người tốt, là người nhờ việc hoán cải đã được lại trong tương quan đích thực và chân chính với Thiên Chúa. Tuy nhiên chẳng phải nguyên lòng thống hối tự nó làm con người nên tốt từ bên trong, nhưng là Thiên Chúa và Nước của Ngài. Nhưng Nước Thiên Chúa giả thiết sự trở về với Thiên Chúa, quay lưng lại với tội lỗi và trở nên hoàn toàn bé nhỏ trước mặt Ngài.

KẾT LUẬN

Người môn đệ Chúa Giêsu không chỉ là người chấp nhận yêu thương cả kẻ thù mình. Anh cũng là người cảm thấy nhiệt tình sâu xa với sự thăng tiến thiêng liêng của anh em. Người môn đệ là người nhận thấy có trách nhiệm về người khác, để thực hành bổn phận sửa bảo huynh đệ khi cần. Nhưng để có hiệu quả thực sự, trước hết anh phải tỉnh thức canh giữ mình. Chỉ người nào sau khi đã thành tâm tìm cách sửa đổi các lầm lỗi của mình, mới có thể sửa bảo anh em mà không giả hình như Biệt phái, điều này đòi hỏi người ấy phải luôn luôn tự xem mình chỉ là một môn sinh đối với thày duy nhất dù đang ở địa vị nào trong hội thánh.

Ý HƯỚNG BÀI GIẢNG

  1. Trong phúc âm này mời gọi ta hãy thận trọng:
  2. a) Thận trọng trong việc chọn lựa một người hướng đạo tư tưởng và đời sống. Nhiều lệch lạc trong đức tin và hạnh kiểm đã là hậu quả của một sự tin tưởng mù quáng vào một thày mù.
  3. b) Thận trọng trong khi tự đặt làm người hướng đạo kẻ khác, bằng cách tìm những phương thế thích đáng để tự đào luyện, để có kinh nghiệm cần thiết và biết chờ đợi quyền bính chính đáng trao phó trách nhiệm. Như vậy, ta tránh được lời Chúa Giêsu quở trách các người biệt phái: “Họ là những người mù dắt người mù” (Mt 15,12-14)
  4. c) Thận trọng vì biết cân nhắc những gì ta dấn thân, cam kết. Người môn đệ Chúa Giêsu phải bằng lòng được đối xử không hơn thày mình.
  5. Người môn đệ không được tự cho mình khôn ngoan hơn Chúa Kitô, vì chỉ có mình Ngài có những lời ban sự sống. Cũng không được nghĩ tới việc tìm một thày khác dạy cho mình những sự về Thiên Chúa. Bắt chước Chúa Kitô, tức là đi theo Ngài như một người hướng đạo, trong mọi sự đều cảm hứng bằng những tâm tình đã nung nấu Ngài. Cùng đi con đường thập giá và vinh quang với Ngài, cho dù khung cảnh sống và tính chất các hành động của ta khác với Ngài.
  6. Nhận định đầu tiên phải có là nhận định về các lầm lỗi của ta. Ta thấy rất nhanh lầm lỗi kẻ khác. Dĩ nhiên đôi khi vì bổn phận (cha mẹ, nhà giáo dục) ta phải sửa bảo họ. Những lúc đó, ta phải làm với một đức ái to lớn, vì ý thức rằng mình cũng có những lầm lỗi tương tự, còn nặng nề hơn nữa.
  7. Người tốt là người có trái tim tốt. Lòng tốt được biểu lộ qua muôn vàn chi tiết của cuộc sống hàng ngày: một cử chỉ tiếp đón hay tha thứ, một giúp đỡ hữu hiệu khi cần, một lời khích lệ, một câu nói nhẹ nhàng trước sự khiêu khích… Xin hy lễ tạ ơn này, xin Chúa Kitô hiện diện giữa chúng ta đây biến đổi thực sự tim ta và làm cho nó trở nên một kho tàng đích thật, để mọi người quanh ta có thể đến múc lấy dịu ngọt và ánh sáng mà họ đang cần.

Về mục lục

.

SUY NIỆM CHÚ GIẢI LỜI CHÚA – CHÚA NHẬT 8 TN_C

Lm. Inhaxiô Hồ Thông

Phụng Vụ Lời Chúa Chúa Nhật VIII Thường Niên năm C mời gọi chúng ta phải thận trọng trong việc xét đoán người khác.

Hc 27: 4-7:

Trong đoạn trích sách Huấn Ca, hiền nhân Ben Xi-ra khuyên phải cẩn thận trong lời ăn tiếng nói.

1Cr 15: 54-58:

Trong đoạn thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh Phao-lô chia sẻ với độc giả của mình một sự hiểu biết mới liên quan đến cuộc phục sinh của người tín hữu.

Lc 6: 39-45:

Trong Tin Mừng hôm nay, Đức Giê-su dạy rằng đừng vội xét đoán người khác nhưng hãy xét đoán chính mình.

BÀI ĐỌC I (Hc 27: 4-7)

Tác giả sách Huấn Ca là ông Ben Xi-ra, một hiền nhân Do thái. Ông là người học rộng biết nhiều, trung thành tuân giữ các giới luật, ca ngợi vinh quang của các bậc tổ tiên và hãnh diện về những đặc ân của dân Ít-ra-en, dân của Giao Ước và Minh Triết; nhưng đồng thời có tinh thần cởi mở với thế giới và không ngần ngại xét lại vài vấn đề trong những vấn đề lớn của niềm tin. Với tâm trí sâu sắc, khôn khéo, quân bình, hướng đến những giải pháp mực thước và cẩn trọng, ông là nhà luân lý lão luyện nhất trong tất cả các nhà luân lý Ít-ra-en. Đây là nhà cố vấn khôn ngoan cho mọi cảnh sống trong những thời kỳ yên hàn. Ông không giảng dạy tinh thần anh hùng, đó không là nhân đức thường ngày. Vui vì được phụng sự Thiên Chúa, ông hài lòng truyền đạt cho các môn sinh của ông những nguồn hạnh phúc của mình. Nhưng xin đừng ai coi thường giáo huấn như thế.

Trong đoạn trích dẫn ngắn của sách Huấn Ca hôm nay (Hc 27: 4-7), hiền nhân Ben Xi-ra khuyên phải cẩn thận trong lời nói: Lời nói bộc lộ bản chất của một người, vì thế qua lời nói, chúng ta có thể biết được người ấy như thế nào. Do đó, chớ vội xét đoán khi chưa nghe người ta nói. Câu tục ngữ Việt Nam dạy cách đối nhân xử thế đáng cho chúng ta ghi nhớ:

“Lời nói chẳng mất tiền mua,

lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

BÀI ĐỌC II (1Cr 15: 54-58)

Trước đây trong thư thứ nhất gởi tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca, thánh nhân đã giải đáp một vấn nạn mà người tín hữu Thê-xa-lô-ni-ca nêu ra về số phận của những người đã qua đời trước khi Chúa đến như thế nào: “Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giê-su đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giê-su, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giê-su” (1Tx 4: 13-14). Giờ đây trong thư thứ nhất gởi tín hữu Cô-rin-tô, thánh nhân khai sáng một khía cạnh mới của sự phục sinh: “Tất cả chúng ta sẽ được biến đổi” (1Cr 15: 51). Không chỉ chúng ta được ở “với” Chúa, chúng ta cũng sẽ nên giống “như” Ngài. Chính nhờ quyền năng của Thiên Chúa mà chỉ trong nháy mắt hình thể của người sống và kẻ chết được biến đổi thành tình trạng vinh quang (15: 52-53).

  1. Vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ được biến đổi như Đức Ki-tô (15: 54-57)

Để chứng minh rằng kẻ chết sống lại luôn luôn thuộc vào kế hoạch của Thiên Chúa, thánh nhân quy chiếu đến Kinh Thánh (15: 54-55): Thiên Chúa có quyền năng trên sự chết. Thánh Phao-lô sánh ví Tử Thần như con bò cọp khổng lồ chích nọc độc tội lỗi vào chúng ta khiến chúng ta chịu thống trị dưới quyền lực của nó. Sức mạnh của nọc độc này được minh họa bởi sự bất lực của Lề Luật trước tội lỗi (15: 56). Từ kinh nghiệm về sức mạnh khủng khiếp của Tử Thần, thánh Phao-lô vỡ tràn thành lời cầu nguyện tạ ơn (15: 57), vì chúng ta trải qua rồi cuộc chiến thắng của Đức Ki-tô Phục Sinh mà Thần Khí của Ngài đang thay hình đổi dạng cuộc sống của chúng ta bằng cách chinh phục tội lỗi trong chúng ta và cướp chúng ta ra khỏi nanh vuốt của Tử Thần.

  1. Hiện nay, chúng ta phải sống như những người chiến thắng sự chết (15: 58)

Vì thế, thánh Phao-lô khuyên độc giả của ngài phải sống như thế nào để cuộc chiến thắng thành hiện thực. Lời dạy cốt yếu của thánh nhân chính là toàn bộ con người chúng ta, chứ không chỉ một yếu tố nào, được kêu mời hướng đến sự sống. Con người chúng ta phải được thay hình đổi dạng để càng ngày càng trở nên giống như Đức Ki-tô, do đó hiện nay chúng ta đang phải sống trong cái thân hư nát phải chết này, đừng phạm tội, và “càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa” (15: 58).

TIN MỪNG (Lc 6: 39-45)

Ngay từ đầu Tin Mừng hôm nay, thánh Lu-ca lưu ý với chúng ta rằng chúng ta đang đứng trước dụ ngôn: “Đức Giê-su còn kể cho môn đệ dụ ngôn này”.  Với thể loại dụ ngôn, Đức Giê-su mời gọi mỗi người chúng ta tìm ý nghĩa của các câu chứ không dừng lại ở hình ảnh. Điều cốt yếu mà Ngài muốn truyền đạt chính là các môn đệ phải đối nhân xử thế như thế nào trong cuộc sống thường ngày. Chúng ta gặp lại đề tài xét đoán ở đây, trước đó từ chối xét đoán kẻ thù, giờ đây từ chối đoán xét “anh em”, tức là các thành viên trong cộng đoàn Giáo Hội.

  1. Hãy tự xét đoán chính mình (6: 39-42)

Với dụ ngôn: “Người mù dắt người mù” (6: 39-40), Đức Giê-su mời gọi đừng xét đoán. Tuy nhiên, không xét đoán không có nghĩa là đặt tất cả trên cùng một bình diện như nhau. Có nhiều Ki-tô hữu còn lâu mới trưởng thành trong đời sống Ki-tô giáo (x. 1Cr 3: 1-3), vì thế, khôn ngoan nhất chính là trước khi xét đoán người khác, hãy tự xét đoán chính mình, vì người mù tối không thể tự phụ hướng dẫn người khác đến ánh sáng trọn vẹn của niềm tin.

Cuộc sống của người tín hữu là một chuẩn bị lâu dài để trở nên hoàn thiện (được dày công huấn luyện đầy đủ) để rồi người ấy sẽ nên giống như Thầy của mình là Đức Giê-su, Đấng hằng tâm niệm rằng mọi người đều có thể hoán cải, thay đổi đời sống. Ước gì mỗi người học sống theo mẫu gương tha thứ và yêu thương của Đức Giê-su đối với tội nhân, nhờ đó họ có khả năng hướng dẫn người khác, như Đức Giê-su đã nói với thánh Phê-rô: “Thầy sẽ cầu nguyện cho anh để anh khỏi mất lòng tin. Phần anh, một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh” (Lc 22: 32). Đó cũng là thái độ của Đức Giê-su Phục Sinh khi Ngài gặp lại thánh Phê-rô bên bờ hồ Ti-bê-ri-a, lúc đó Ngài không một mảy may đá động gì đến ba lần thánh nhân đã chối Thầy, nhưng mời gọi thánh nhân hãy sống kinh nghiệm tha thứ và yêu thương của Thầy mà biết cư xử với đoàn chiên mà Ngài giao phó thánh nhân coi sóc (Ga 21: 15-17).

Với dụ ngôn: “Cái rác trong mắt người cái xà trong mắt ngươi” (6: 41-42), Đức Giê-su dạy rằng con người thường dễ thấy khuyết điểm của người khác mà không thấy khuyết điểm của mình, phê phán người khác mà không tự phê phán chính mình: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (6: 41). Đó là thứ mù quáng và giả hình mà Đức Giê-su nhiều lần cảnh báo. Chỉ có một cuộc sống hoán cải liên tục, tự kiểm điểm và tự hoàn thiện bản thân mình, mới giải thoát chúng ta khỏi chứng mù lòa tâm linh và cho phép chúng ta sửa đổi được cách sống của người khác. Dụ ngôn “cái rác” và “cái xà” nhắc nhở chúng ta phải sống tốt trước đã rồi mới bảo người khác sống tốt được.

  1. Hãy đổ tràn trong tâm trí giáo huấn của Đức Giê-su (6: 43-45)

Với dụ ngôn: “Cây nào trái nấy” (6: 43-44), Đức Giê-su đưa ra cho chúng ta tiêu chuẩn để phân biệt người tốt kẻ xấu trong cuộc sống. Để phân biệt cây nào tốt cây nào xấu, chúng ta cần chăm chú nhìn vào trái mà cây trổ sinh, chứ không “hoa lá cành” của nó. Cũng vậy, để phân biệt người tốt kẻ xấu chúng ta nhìn vào những việc làm, chứ không những lời nói của người ấy. “Vì không thiếu những người ở đây trên cõi thế, khi tiếp cận với họ, hóa ra họ không là gì cả chỉ là hoa lá cành hào nhoáng bên ngoài. Chỉ là cành lá rậm rạp chứ không có gì thêm. Trong khi đó, nhiều tâm hồn đang chăm chú nhìn vào chúng ta hy vọng được no thỏa cơn đói của họ, cơn đói Thiên Chúa. Chúng ta đừng quên rằng chúng ta có tất cả mọi nguồn chúng ta cần. Chúng ta có đủ đạo lý và thiên ân, bất chấp cảnh đời bất hạnh của chúng ta” (Bl. J. Escriva, Friends of God, 51).

Với dụ ngôn: “Lòng đầy miệng mới nói ra” (6: 45), Đức Giê-su sánh ví cái tâm của con người với một kho tàng: cái tâm tốt thì xuất phát những lời nói và việc làm tốt, cái tâm xấu thì xuất phát những lời nói và việc làm xấu: “Thiện căn bởi tại lòng ta”. Bởi thế, người môn đệ phải liệu làm sao cho kho tàng của lòng mình chứa đầy những điều tốt, tức là những giáo huấn của Đức Giê-su. Thánh Bê-na-đô giải thích: “Kho tàng của lòng mình cũng tương tự như cội rể của cái cây. Người nào có một kho tàng của đức nhẫn nại và đức ái hoàn hảo trong lòng mình, người ấy sinh ra hoa trái tuyệt vời; người nào yêu mến người thân cận của mình và có mọi phẩm chất khác mà Đức Giê-su dạy, người ấy yêu thương kẻ thù của mình, đối xử tốt kẻ ghét mình, chúc phúc cho người nguyền rủa mình, cầu nguyện cho kẻ vu khống mình, không phản ứng chống lại kẻ tấn công mình hay trấn lột mình; người ấy cho những ai xin mà không đòi hỏi những gì họ đã lấy cắp của mình, ước mong không xét đoán và kết án, sửa lỗi một cách kiên nhẫn và đầy lòng nhân ái những người lầm lạc. Nhưng người nào có kho tàng của sự gian ác trong lòng mình, người ấy đúng là hành xử ngược lại: hắn ghét bạn bè của mình, nói xấu người yêu thương mình và làm những điều khác nữa mà Chúa kết án” (In Lucae Evangelium expositio, II, 6).

Về mục lục

.

MIỆNG NÓI NHỮNG ĐIỀU ĐẦY Ứ TRONG LÒNG

Lm. Giuse Vũ Mộng Thơ

Bài đọc thứ nhất trích trong sách Đức Huấn Ca hôm nay đáng cho chúng ta đọc lại một lần nữa: “Khi người ta sàng, thì những rác rến còn lại thế nào, thì nết xấu của một người cũng xuất hiện trong lời nói kẻ ấy như vậy. Lò lửa thì nung luyện bình sành còn gian nan thử những người công chính. Xem trái liền biết cây thế nào, thì nghe lời nói cũng biết tư tưởng lòng người như thể ấy. Đừng ca tụng người nào trước khi nghe người ấy nói, vì lời nói là sự thử thách của con người…”

Có nghĩa là người đời sẽ đánh giá chúng ta qua lời nói và người ta cũng có thể đoán biết tính tình, địa vị xã hội cũng như tâm trạng của một người qua cách ăn nói của họ dù người ấy có cân nhắc, che đậy, đóng kịch trong lời nói đến đâu đi nữa thì cũng có một lúc nào đó sơ hở, vì thường thì: Miệng nói những điều đầy ứ trong lòng… đó cũng là tư tưởng của Phúc âm hôm nay.

Kinh nghiệm dân gian Việt Nam bảo ta là Ở đời người ta chỉ có hơn nhau ba tấc lưỡi…nghĩa là người ta cũng có thể nhờ lời ăn tiếng nói khôn ngoan, lịch thiệp và khéo léo để thành công trong cuộc đời, trong xã hội và tạo nên giá trị cá nhân cho chính mình. Ngược lại nếu không thận trọng trong lời nói, thí dụ những lời chỉ trích thiếu tế nhị, châm biếm, những lời lẽ độc địa, vu oan… có thể làm tổn thương hay giết chết cả đời của một người.

Vui vẻ, khôi hài. Tốt. Nhưng không nên quá trớn có thể làm tổn thương người khác. Tục ngữ ca dao Việt Nam nhắc chúng ta là: Trước khi nói phải đánh lưỡi bảy lần.

Sống Tin Mừng cũng là sống bác ái tại sao chúng ta không áp dụng câu tục ngữ Việt Nam này: Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

Chúng ta còn đọc thấy trong bài Phúc âm hôm nay: Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? tôi ngẫm nghĩ sao Chúa rành tục ngữ Việt Nam quá (Mù dẫn mù đâm cù xuống hố). Thật thế, chúng ta hay thích dạy khôn người khác, chúng ta dễ thấy khuyết điểm của anh em hơn là chính khuyết điểm của chính mình. Chúng ta cũng có thể đóng kịch, chúng ta cũng có thể giả hình… hôm nay Chúa bảo: Hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình đã, rồi bấy giờ con sẽ trông thấy rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em con… Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu…

Điều này làm chúng ta nghĩ tới những chế độ độc tài quân phiệt và XHCN: miệng luôn rêu rao vì quyền lợi của nhân dân, của giới lao động, của người nghèo… nhưng lại là những chế độ bóc lột và vi phạm nhân quyền hơn ai hết. Tất cả tài sản của quốc gia một phần lớn nằm trọn trong những túi tham không đáy của giới cầm quyền và khi nào sự chia chác không đồng đều gây ra sự tranh chấp bên ngoài thì lúc đó nhân dân mới vỡ lở nhưng đã muộn.

Cứ xem quả thì biết cây… Hỡi những người giả hình ơi, chúng tôi biết tỏng những mánh lới giả dối của các anh rồi không những dư luận thế giới mà cả những người dân thấp cổ bé họng không được quyền có ý kiến ở trong nước đều biết rõ… vì ngày nay người ta không thể bưng ít lâu hơn được nữa như Chúa Giêsu nói: cái rìu đã kề bên gốc… cây nào không sinh trái sẽ bị chặt bỏ và quăng vào lửa… Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện, và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: Vì lòng đầy thì miệng mới nói ra.”

Bước vào thiên niên kỷ thứ ba, bước vào năm Tân Tỵ… (con rắn trong Kinh Thánh biểu hiện sự khôn ngoan, tinh khôn…) xin được kính chúc mỗi gia đình cũng như Dân tộc và Giáo hội Việt Nam cả năm mới này sẽ là một năm khôn ngoan, can đảm và đầy ơn Chúa Thánh Linh để tiến tới thành công và hoà bình thực sự trên quê hương gấm vóc Việt Nam chúng ta.

Về mục lục

.

NGƯỜI MÙ DẪN DẮT NGƯỜI MÙ

Lm Trầm Phúc

Trong đoạn Tin Mừng nầy, thánh Luca ghi lại ba dụ ngôn khác nhau : dụ ngôn người mù dẫn dắt người mù, dụ ngôn miếng rác và cái xà trong mắt, dụ ngôn cây tốt sinh trái tốt. Ba dụ ngôn  nêu lên những vấn đề khác nhau, liên quan đến cuộc sống cộng đoàn của các kitô hữu đầu tiên.

Người mù dẫn dắt người mù. Chúa muốn nói đến những người có trách nhiệm trong cộng đoàn. Những người có nhiệm vụ hướng dẫn cộng đoàn cần phải sáng suốt để có thể hướng dẫn người khác khỏi sai lầm. Sáng suốt chính là đầy tràn ánh sáng Chúa Kitô. Thánh Luca muốn nói đến cuộc sống của cộng đoàn kitô hữu thời của Ngài, những người có trách nhiệm cần sáng suốt và tràn đầy khôn ngoan để hướng dẫn cộng đoàn sống theo ý Chúa trong những hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta cần cầu nguyện nhiều cho Giáo Hội hôm nay đang sống giữa một thế giới đa dạng và rất nhiều thách thức, cần những người lãnh đạo sáng suốt và can đảm. Xin Chúa Thánh Thần soi sáng các ngài để các ngài đủ can đảm vượt qua những trở ngại để đoàn chiên Chúa không bị thiệt thòi và giữ vững đức tin. Trong những mục tử của Giáo Hội vẫn có những mục tử mặc áo lông chiên, anh thịt chiên mà không tha thiết gì đến đoàn chiên.  Những gương mù gương xấu của những mục tử vẫn phơi bày ra khắp nơi, làm xấu mặt Giáo Hội. Giáo Hội cần lời cầu nguyện của chúng ta, cần những con người tràn đầy Thánh Thần.

Nhiều người trong chúng ta cũng là những người hướng dẫn kẻ khác. Cha mẹ cũng cần sáng suốt để dạy dỗ con cái trong con đường đức tin đang gặp rất nhiều nguy hiểm. Những người cộng tác vào công việc giáo xứ, những người trưởng các hội đoàn cũng cần ánh sáng Chúa. Xin cho mọi người được bền vững trong đức tin để vượt qua những chướng ngại hằng ngày. Giáo Hội là một gia đình lớn và chúng ta là thành phần, xin cho mọi người đừng bao giờ quên rằng mình có trách nhiệm yêu thương, cầu nguyện luôn cho Giáo Hội đang gặp nhiều thử thách bên trong cũng như bên ngoài.

Chúng ta cũng có thể xây dựng Giáo Hội bằng cách nhắc nhở nhau trung thành với ý Chúa. Nhưng chúng ta dễ rơi vào cám dỗ  thấy cái rác trong mắt anh em mà không thấy cái xà trong mắt mình. Đó là khuynh hướng kiêu căng luôn tồn tại trong mỗi người chúng ta. Chúng ta dễ lừa dối chính mình, xem mình luôn tốt hơn anh em, nhiệt thành hơn anh em. Đang lúc chúng ta còn nhiều tính xấu làm cho những người chung quanh khó chịu. Chúng ta không thấy tính ích kỷ và nhiều tính xấu khác của chúng ta mà chỉ thấy mình vị tha. Chúng ta dễ đánh bóng bản thân mình và tìm mọi cách để trỗi vượt anh em mà không dám nhìn nhận sự yếu kém của mình. Chúng ta cần học với Chúa Giêsu bài học khiêm nhường và hiền hậu.  Chỉ một mình Chúa Giêsu là hoàn hảo, chỉ có Chúa Giêsu là Đấng trọn lành, đẹp lòng Chúa Cha. Ngài mới là thầy dạy duy nhất của chúng ta. Chúng ta cần kiểm soát lại bản thân và nhìn nhận sự thật của chính mình, chấp nhận  những thiếu sót của mình để tự sửa sai, nhờ đó, chúng ta có thể trở nên tốt hơn, và lúc đó, chúng ta mới có thể giúp xây dựng người anh em chúng ta.

Chúng ta tốt hay xấu là do cái tâm của chúng ta. Ông bà chúng ta cũng nói như thế. “Xem quả thì biết cây”. Cây tốt sẽ sinh quả tốt. Nếu tâm hồn chúng ta trong sạch, nếu chúng ta biết yêu thương anh em, thì lời nói, việc làm của chúng ta sẽ tốt. Hãy đến trường dạy của Thầy Giêsu, chỉ có một Thầy duy nhất đó có thể giúp chúng ta nên hoàn thiện như Cha trên trời. Vị thầy nầy không chỉ dạy chúng ta những bài học nhân đức mà chính Ngài đến tận trong xương thịt chúng ta, sống trong chúng ta, chia xẻ kiếp người của chúng ta, hoàn toàn là một với chúng ta. Chúng ta chỉ cần ăn lấy Ngài vì Ngài đã muốn trở nên một của ăn cho chúng ta. Ngài sẽ biến chúng ta thành những con người mới, khiêm nhượng, hiền lành và đầy yêu thương. Chúng ta sẽ hạnh phúc hơn, và những anh em chung quanh chúng ta cũng hưởng nhờ hạnh phúc đó.

Về mục lục

.

XEM QUẢ BIẾT CÂY

Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương

Chúa Nhật vừa rồi, chúng ta đã suy niệm về giới răn yêu thương kẻ thù, hôm nay chúng ta tìm hiểu về những thái độ đối xử với nhau trong cộng đoàn. Trong bài Tin Mừng, thánh Luca giới thiệu với chúng ta một loạt những giáo huấn của Chúa Giêsu như là những danh ngôn hay những “lời” khôn ngoan về thái độ của người môn đệ đích thực như: “Mù dắt mù sao, trò hơn thầy chăng, lấy cái rác nơi người mà không lấy cái xà trong mắt anh, xem quả biết cây, lòng đầy miệng mới nói ra.”

1- Hành xử theo Thiên Chúa

Trước hết, chúng ta suy niệm về bổn phận sửa lỗi cho nhau. Nhưng đây là việc làm hết sức tế nhị, khó khăn và đòi hỏi nhiều cố gắng. Việc chỉ bảo huynh đệ là cần thiết và tốt đẹp khi nó là cách thức để thể hiện lòng bác ái và giúp nhau hoàn thiện chính mình. Chúng ta phải cảnh giác trước cám dỗ tự cho mình là thẩm phán hay quan tòa của người khác trong việc xét đoán hay sửa lỗi cho người anh em.

Quả thế, một trong những cám dỗ mà chúng ta thường gặp khi sống trong cộng đoàn, đó là thường nghiêm khắc với người khác nhưng lại dễ dãi với chính mình; muốn sửa lỗi cho người khác nhưng lại không sửa lỗi chính mình. Chúa Giêsu nhắc nhở: “Hỡi kẻ đạo đức giả! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.”

Để việc sửa lỗi huynh đệ có kết quả tốt đẹp, chúng ta phải luôn tự xét mình bằng một sự tự phê chân thành nhằm loại trừ mọi thái độ giả hình, kiêu ngạo, coi mình hoàn hảo và hơn người như người Pharisêu.

Bởi lẽ, tính kiêu ngạo và giả hình là hai thứ bệnh nguy hiểm nhất làm cho chúng ta mù lòa về chính mình, không biết mình cũng là những tội nhân cần đến lòng thương xót Chúa, và dễ dàng kết án người khác. Vì thế, trước khi sửa lỗi cho người khác, chúng ta cần phải khiêm tốn sửa lỗi mình. Trước khi lấy cái rác trong mắt người khác, chúng ta cần phải lấy cái xà trong mắt mình. Đó là điều Chúa muốn dạy chúng ta.

Chúa Giêsu muốn chúng ta học hỏi cách thế của Thiên Chúa đã không đối xử với chúng ta như những quan tòa nghiêm khắc, nhưng như người cha yêu thương. Thiên Chúa không luận phạt nhưng rộng lòng tha thứ. Người không bẽ gãy cây lau bị giập, cũng tim đèn còn khói chẳng nỡ tắt đi (x. Is 42,3). Người luôn cho chúng ta những cơ hội để hoán cải và làm lại cuộc đời cho tốt hơn. Đó là thái độ mà chúng ta cần học nơi Người khi sửa lỗi cho tha nhân.

2- Lòng đầy miệng mới nói ra

Thứ đến, Chúa Giêsu hôm nay đưa ra một quy luật nhân quả: “Lòng đầy miệng mới nói ra. Hay xem quả biết cây.” Thật vậy, thiện căn hệ tại lòng ta. Sự xấu xa cũng hệ tại lòng ta. Lòng trí con người là trung tâm điểm phát sinh những điều thiện hảo hay xấu xa, tội lỗi.

Theo ý nghĩa đó, bài đọc I đề cập đến một tiêu chuẩn như là thước đo của sự khôn ngoan để đánh giá con người: đó là lời nói phát ra từ miệng lưỡi họ. Lời nói ra là bằng chứng của người khôn ngoan hay không khôn ngoan như sách Huấn Ca dạy: “Có thử lửa mới biết bình thợ gốm, nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay. Xem quả thì biết vườn cây, nghe lời miệng nói biết ngay lòng người” (x. Hc 27,5-6).

Thật vậy, những gì chúng ta nói ra là những gì chúng ta suy nghĩ và ước muốn trong lòng. Mỗi ngày, chúng ta thường đề cập đến điều gì nhiều nhất? Có lẽ, chúng ta nói nhiều về tiền bạc, nhà cửa, xe cộ, điện thoại, ăn uống, thể thao, dụ lịch… nhưng chúng ta lại ít nói về những giá trị tinh thần như bác ái, huynh đệ, tôn trọng người khác, hiệp nhất, yêu thương và trách nhiệm… Chúng ta càng ít nói về Thiên Chúa, về những điều cao cả khác. Chúng ta thử trắc nghiệm xem mình đang quan tâm đến điều gì nhiều nhất? Chúa Giêsu nói về những gì bên trong của con người được phản chiếu qua lời nói và biểu lộ ra bên ngoài: “Người tốt thì lấy ra cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình; kẻ xấu thì lấy ra cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng đầy miệng mới nói ra.”

Chúa Giêsu nói đến quy luật nhân quả: “Không có cây nào tốt mà lại sinh quả xấu, cũng vậy, không có cây nào xấu mà lại sinh quả tốt. Thật vậy, xem quả thì biết cây.” Vì thế, để tránh chủ quan sai lầm khi đánh giá một người, chúng ta cần phải tìm hiểu lời nói, thái độ và hành động, cũng như ý hướng và động lực thúc đẩy của họ.

3- Nội tâm hóa giá trị Tin Mừng

Vậy đâu là trái tốt để người ta nhận ra nơi người môn đệ đích thực của Chúa Giêsu? Đó chính là thực hành các mối phúc mà Chúa đã dạy chúng ta trong Chúa Nhật VII vừa rồi: như yêu thương kẻ thù, cho mà không đòi lại, không xét đoán, không kết án người khác, trước khi sửa lỗi người khác phải sửa lỗi chính mình, hay ít ra, chúng ta cố gắng làm một điều tốt lành để hoàn thiện mình… Điều này áp dụng cho tất cả mọi thành phần dân Chúa, đặc biệt cho những ai có bổn phận hướng dẫn người khác, như các bậc cha mẹ, các nhà giáo dục, các bề trên trong các cộng đoàn, giáo xứ.

Từ một con tim cằn cỗi không thể nào có thể phát ra những lời hay ý đẹp cũng như có những hành động cao thượng. Để có quả tốt, chúng ta cần có cái tâm tốt. Vì thế, chúng ta cần có một tiến trình nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng mỗi ngày. Nghĩa là chúng ta suy niệm Lời Chúa, đưa các giá trị đó vào trong mình, biến các giá trị Tin Mừng thành tiêu chuẩn sống để chúng ta suy nghĩ, chọn lựa, và hành xử theo các giá trị đó. Đây là tiến trình nội tâm hóa các giá trị Tin Mừng. Nhờ đó chúng ta có những phẩm chất tốt và tin mừng hóa bản thân.

Chúng ta chỉ có thể thực hiện tiến trình nội tâm hóa này bằng đời sống cầu nguyện, gặp gỡ Thiên Chúa, lắng nghe và suy niệm Lời Chúa hằng ngày trong thinh lặng. Cuộc sống hôm nay đang trở nên quá ồn ào với nhiều âm thanh, nhiều thông tin khác nhau. Con người chìm ngập trong những thứ âm thanh đó, nên đánh mất khả năng thinh lặng và lắng nghe tiếng Chúa.

Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho chúng ta biết thinh lặng để nhận ra sự hiện diện và lắng nghe Lời Chúa như Ápbraham ngồi dưới cây sồi Mamrê đàm đạo với Thiên Chúa, hay như chị Maria ở Bêtania luôn biết ưu tiên ngồi bên chân Chúa với một thái độ lắng nghe và một trái tim tràn trề lòng mến. Amen.

Về mục lục

.

NHÌN LẠI MÌNH VÀ THAY ĐỔI BẢN THÂN

 Lm.Giuse Đỗ Đức Trí

Xét đoán, nói xấu, dèm pha là một thói xấu ta dễ mắc phải. Người ta nói xấu, xét đoán người khác vì ghen tị, vì muốn che đậy thói xấu của mình hoặc muốn đề cao bản thân mình. Kẻ chỉ quan tâm đến việc xét đoán, nói xấu người khác, sẽ không dễ dàng nhìn lại cuộc sống của mình, vì cho mình luôn luôn đúng, do đó cuộc sống sẽ không thay đổi được. Có nhiều người khi kể chuyện về gia đình thường than phiền về vợ, về chồng hoặc con cái, họ muốn người kia phải thế này, phải thế khác, phải như họ nghĩ, còn chính họ lại không muốn thay đổi.

Lời Chúa hôm nay chỉ cho chúng ta cách sống sao cho đời sống chung mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn, đó là mỗi người trước hết hãy nhìn lại bản thân và tự khắc phục những sai lầm thiếu sót của mình, trước khi phê bình anh em. Bài Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu đưa ra cho ta ba dụ ngôn:

“Người mù lại dắt người mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố”.Chúng ta thấy trong cuộc sống có những người không hiểu biết gì nhưng lại thích nói nhiều và còn thích làm thầy đời chỉ dạy cho thiên hạ. Nói theo ngôn ngữ của các bạn trẻ đó là những người đã dốt mà lại tỏ ra nguy hiểm. Để hướng dẫn người khác trong một lãnh vực nào đó, ta phải có kiến thức nhiều hơn, chuyên sâu hơn người khác trong lãnh vực ấy. Kiến thức của nhân loại là vô hạn, các lãnh vực của xã hội, tôn giáo rộng lớn như đại dương, vì thế mỗi người chỉ có thể hiểu biết trong một phạm vi giới hạn nào đó, không ai có thể là cuốn tự điển bách khoa. Ý thức như vậy để mỗi người biết khiêm tốn nhìn nhận giới hạn của mình và chuyên tâm học hỏi tìm hiểu để làm gia tăng sự hiểu biết của mình: Học trò không hơn thầy, có học hết chữ cũng chỉ bằng thầy. Đó là điều mà Chúa Giêsu muốn nhắc chúng ta qua dụ ngôn này: Khiêm tốn để đừng rơi vào sự kiêu căng cao ngạo hay tự mãn. Sự kiêu căng và tự mãn sẽ cản trở chúng ta thâu nhận thêm kiến thức và cũng cản trở chúng ta trong việc đón nhận anh chị em.

“Sao anh thấy cái rác nơi mắt anh em, còn cái xà trong mắt mình thì lại không để ý tới?”Trong các bài giảng gần đây tại nhà nguyện Matta, Đức Thánh Cha Phanxicô thường nhắc về các tất xấu của người tín hữu, đó là xét đoán và nói hành nói xấu. Đức giáo Hoàng so sánh kẻ hay xét đoán và nói xấu giống như những tên khủng bố. Những tên khủng bố là những tên ném quả bom vào đám đông rồi lẩn đi mất. Kẻ xét đoán và nói xấu cũng giống như thế, họ ném ra những lời vô trách nhiệm, vô căn cứ giống như quả bom, khiến cho người khác bị tổn thương và khiến cho gia đình họ rạn nứt, rồi biến đi mất. Có nhiều người vẫn hành xử như thế, trong khi họ vẫn đến nhà thờ, vẫn đọc kinh mà không hề có một chút áy náy. Những người chuyên xét đoán và nói xấu anh chị em, hàng xóm, không thể là những người nói sự thật và càng không thể nói về Chúa cho người khác được.

Chúa Giêsu gọi những người xét đoán nói xấu người khác là những kẻ đạo đức giả: “Hỡi kẻ đạo đức giả ! Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi ngươi sẽ thấy rõ để lấy cái rác trong mắt anh em ngươi”.Chúa Giêsu muốn mỗi người trước hết phải nhìn lại và hoàn thiện bản thân của mình, trước khi lên tiếng nhắc nhở phê bình anh em. Nhiều người cố ý tỏ ra đạo đức qua việc dễ dàng lên án phê bình người khác, muốn dìm người khác khi thấy họ thành công hơn hoặc sống tốt hơn mình. Nhiều người khác lại muốn mượn danh người này người khác, hoặc mượn danh đám đông để chỉ trích phê bình anh em theo kiểu: Ở ngoài chợ người ta đồn…; Cả xứ này nói thế này nói thế khác…

Ai trong chúng ta cũng có những khiếm khuyết sai lỗi. Việc góp ý chỉ bảo cho nhau là việc làm tốt để giúp nhau cải thiện và tiến bộ. Tuy nhiên, việc thực hiện như thế nào là quan trọng. Mỗi người có trách nhiệm nhắc bảo nhau làm việc tốt, việc thiện, nhưng trước khi nhắc nhau, cần phải điều chỉnh bản thân của mình trước. Nói cách khác chúng ta cần nhắc nhau bằng chính việc làm tốt và gương sáng của mình. Ví dụ: Bà vợ chê chồng lười không chịu đi lễ đọc kinh nhưng chính bà cũng không chăm chỉ hơn, không tổ chức giờ kinh tối. Cũng vậy, cha mẹ không thể giục con đi lễ mỗi ngày nếu cha mẹ lười biếng, rảnh rỗi mà không đến nhà thờ.

Xem quả thì biết cây. Cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái sâu. Không ai hái được trái nho nơi bụi gai, cây nào sinh trái nấy. Đó là những hình ảnh thực tế Chúa Giêsu dùng để cho thấy mối liên hệ tất yếu giữa cây và quả, giữa cha mẹ và con cái, giữa những người có trách nhiệm và học trò của mình. Thầy giỏi thì trò sẽ khá; cha mẹ tốt lành, con cái sẽ ngoan ngoãn. Chúng ta không thể có được một gia đình êm ấm hạnh phúc nếu cả vợ chồng và con cái không cố công vun đắp. Cũng vậy, con cái không thể chăm chỉ học hành và làm việc nếu cha mẹ không tạo nên một trường học tập và làm việc ngay trong gia đình. Một gia đình luộm thuộm bẩn thỉu, thì con cái cũng lôi thôi luộm thuộm. Cha mẹ rượu chè cờ bạc, hút hít, thì con cái cũng sẽ nghiện ngập sa đà sau này. Cha mẹ lười biếng trong việc đạo đức, coi thường việc dâng lễ cầu nguyện và đời sống thiêng liêng, thì con cái cũng sẽ giống như thế. Chắc chắn con cái chúng ta sẽ không thể hư hỏng trong ngày một ngày hai, nhưng nó đã bắt đầu mỗi ngày ngay từ trong gia đình khi cha mẹ lơ là trong việc giáo dục uốn nắn, hoặc quá nuông chiều. Trong tầm mức cộng đoàn giáo xứ cũng vậy: cha xứ thánh thiện, thì giáo dân đạo đức; cha xứ đạo đức thì giáo dân sốt sắng; cha xứ không cố gắng thì giáo dân bê trễ; cha xứ bê trễ thì giáo dân lười biếng…

Lời Chúa hôm nay là lời nhắc nhở cho tất cả mọi người và đụng chạm đến tất cả mọi người tùy theo nhiệm vụ địa vị của mình. Mỗi người đều phải góp phần mình làm cho đời sống cộng đoàn, từ gia đình đến xóm ngõ và giáo xứ mỗi ngày thêm tốt đẹp ấm cúng, đạo đức hơn. Mỗi người phải liên tục rà soát lại nếp sống của mình, để cho Lời Chúa biến đổi bản thân và từ đó mình mới có thể giúp biến đổi gia đình và cộng đoàn nên tốt được.

Lời Chúa hôm nay cũng là một đòi hỏi cho tất các Kiô hữu: Xem quả thì biết cây. Anh chị em lương dân có thể chưa biết Chúa của chúng ta là ai, nhưng họ có thể nhìn xem các Kitô hữu sống như thế nào. Chúng ta không thể nói chúng ta tin một Thiên Chúa quyền năng mà chúng ta cũng tin kiêng cúng bái như dân ngoại. Chúng ta không thể nói về Thiên Chúa quan phòng, mà chúng ta cũng đi cầu may giải hạn như những người dân ngoại đang làm trong những tháng đầu năm này. Chúng ta không thể nói về Chúa công bằng khi người công giáo vẫn sống và làm ăn cách bất công và chúng ta không thể nói về Thiên Chúa chân thật khi chúng ta gian dối lừa đảo người khác. Chúng ta không thể nói về Thiên Chúa là Cha yêu thương khi chúng ta sống hẹp hòi ích kỷ, thiếu bác ái thiếu yêu thương với những người chung quanh. Chúng ta không thể nói về Thiên Chúa bao dung tha thứ khi chúng ta vẫn còn nuôi thù oán, giận hờn trong tâm hồn.

Lòng có đầy sẽ tràn ra bên ngoài. Khi tâm hồn chúng ta thực sự yêu mến, biết ơn Chúa, nó sẽ thể hiện ra bên ngoài bằng việc làm đạo đức và cử chỉ biết ơn Thiên Chúa. Khi lòng chúng ta đầy tràn tình yêu thương, trắc ẩn, nó thể hiện ra bên ngoài bằng những việc làm yêu thương cách cụ thể. Khi lòng chúng ta chứa đầy những điều tốt đẹp thì từ ánh mắt, cử chỉ, việc làm của ta sẽ thể hiện sự tốt đẹp, thiện chí và yêu thương với anh chị em chung quanh.

Con người xác thịt tự nhiên của chúng ta luôn nghiêng chiều về điều xấu và hành động xấu, nhưng chúng ta đã được Chúa Giêsu cứu chuộc và biến đổi ta nên con người mới nhờ cái chết và sự sống lại của Người. Vì thế, thánh Phaolô mời gọi chúng ta phải dám chôn vùi, hủy bỏ con người cũ cùng với các tính hư tật xấu của nó để sống một con người mới quyết tâm mới. Đồng thời, tích cực tham dự vào công việc của Chúa vì biết rằng: Trong Chúa sự cố gắng và hy sinh khó nhọc của chúng ta sẽ trổ sinh hoa trái tốt lành.

Xin Chúa, qua sự bầu cử của Đức Maria, giúp chúng ta biết nhìn lại bản thân, gia đình để chúng ta điểu chỉnh cuộc sống cá nhân và gia đình mỗi ngày nên giống Chúa và Đức Mẹ hơn. Amen.

Về mục lục

.

ĐỪNG XÉT ĐOÁN

Lm G.B Trần Văn Hào

Ngạn ngữ Ba tư có câu : “Mỗi người chúng ta vẫn thường mang nơi mình 2 cái bị, một cái phía trước để đựng những khuyết điểm của kẻ khác và một cái phía sau để giấu đi những lỗi phạm của chính mình. Chúng ta thường hay bới móc những lầm lỗi của cận nhân bằng cách lục lọi cái bị ở phía trước, nhưng rất ít khi chúng ta chịu ngoái cổ lại nhìn vào cái bị phía sau để lục soát những tội lỗi của chính chúng ta”.

Đây là khuynh hướng tự nhiên nơi tất cả mọi người, không loại trừ ai. Vào thời Chúa Giêsu, những người Pharisiêu và các đầu mục tôn giáo ngày xưa cũng hay hành xử giống như vậy. Chúa Giêsu đã thẳng thừng gọi họ là những kẻ đạo đức giả. Đồng thời, Chúa cũng mời gọi chúng ta phải khiêm tốn và can đảm để ‘bẩy ra’ những cái đà to đùng nơi con mắt của chính mình, trước khi muốn ‘gắp bỏ’ những cái rác nhỏ xíu nơi con mắt của người khác.

Mù không thể dắt người mù

Để minh họa cho giáo huấn trên, Chúa dùng tới 3 dụ ngôn như chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay : Dụ ngôn về cái đà và cọng rác; dụ ngôn về cây tốt sẽ sản sinh trái tốt và nhất là dụ ngôn về 2 người mù dắt nhau để cả hai cùng rơi xuống hố. Những dụ ngôn trên rất dung dị và dễ hiểu, phù hợp với mọi tầng lớp khán thính giả. Tuy nhiên, đích nhắm mà Chúa Giêsu muốn nói đến, chính là những huấn dụ căn bản ngỏ cho các môn sinh về con đường nên thánh, song song với bản ‘Hiến chương Nước Trời’ mà Chúa công bố trong bài giảng đầu tiên ở trên núi, khi bắt đầu đi rao giảng công khai. Đây là quy chuẩn của đức ái Kitô giáo, giúp chúng ta vươn đến sự trọn lành. Thánh Phanxicô Salê, vị ‘Tiến sỹ Đức ái’, đã viết : “ Con người là sự hoàn thiện của vũ trụ. Tình yêu là sự hoàn thiện của con người. Đức ái chính là sự hoàn thiện của tình yêu.” Trong thư thứ nhất gửi giáo đoàn Côrinthô, Thánh Phaolô cũng cắt nghĩa thêm : “ Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù.. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.. (1C 13,4 -7). Cũng vậy, Chúa Giêsu hôm nay nêu dẫn những tiêu chí rất cụ thể về đức ái và mời gọi chúng ta thực hành cách triệt để, hầu có thể vươn tới cuộc sống trọn lành.

Khiêm nhường là khởi đầu con đường nên thánh

Một vị tu đức đã nói : “Khiêm nhường là mẹ đẻ của mọi nhân đức và đó cũng là khởi đầu của con đường nên thánh”. Trong xã hội hôm nay, người ta vẫn hay đề cao sự khiêm tốn với những khẩu hiệu nghe rất kêu, ví dụ như ‘Cán bộ là đầy tớ của nhân dân’, ‘Vì nhân dân quên mình phục vụ’…nhưng nhiều khi những khẩu hiệu đao to búa lớn như thế cũng chỉ là những sáo ngữ rỗng tuếch và rất giả tạo. Tuy nhiên, khi bình thản nhìn vào nội bộ Giáo hội, chúng ta cũng sẽ thấy không ít những gương mù nơi các vị mục tử với lối sống trịch thượng theo kiểu cha chú (paternalism) mà Đức Thánh Cha Phanxicô đã cảnh báo và nhắc đi nhắc lại khá nhiều lần. Ngài kết án não trạng ‘cléricalism’ (đề cao giáo sỹ), cùng những cách sống mang tính khủng bố (terrorist) đang tàn phá Giáo hội rất kinh hoàng. Chúa Giêsu đã dạy các môn sinh : “Anh em hãy học nơi tôi, vì tôi có trái tim hiền lành và khiêm hạ”. Đức Thánh Giáo hoàng Gioan 23 và Đức Thánh Giáo hoàng Phaolô 6 vẫn ký tên của mình sau các văn kiện của công đồng chung Vatican 2 để chuẩn nhận, luôn luôn đi kèm theo hàng chữ ‘Servus servorum’ (Đầy tớ giữa các người đầy tớ). Vì thế, chúng ta có thể quả quyết rằng, khiêm nhường chính là nhân đức ‘bản lề’ (Key virtue), giúp đạt đến sự trọn lành trong đức ái theo gương Chúa Giêsu. Đó không phải chỉ là một đức tính nhân bản, thuần mang tính xã hội, nhưng đây là linh đạo Thập giá mà Chúa Giêsu đã khai mở như lời Thánh Phaolô đã viết : “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã từ bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến chết và chết trên Thập giá.. (Phil 2, 6 – 8). Để khỏi rơi vào tình trạng ‘người mù dắt người mù, hay chỉ nhìn thấy những cái rác nhỏ nhoi nơi mắt của người khác, chúng ta cần phải tập sống khiêm tốn. Có khiêm tốn, chúng ta mới có thể nhận ra sự mù quáng nơi chính bản thân mình với biết bao gương mù hay gương xấu. Chỉ khi sống khiêm tốn, chúng ta mới có thể nhìn thấy cái đà to đùng nơi cái bị chúng ta đeo phía sau lưng, và không dám lục lọi những cái rác nhỏ nhặt của người khác nơi cái bị treo ở phía trước. Mỗi ngày trước khi đi ngủ, chúng ta nên dành ra những giây phút tĩnh lặng đặt mình trước mặt Chúa để xét mình và cầu nguyện. Có thế, chúng ta mới có thể thăng tiến trong đời sống thiêng liêng và vươn tới sự trọn lành.

Cẩn trọng khi xét đoán

Thánh Giacôbê đã viết : “Chỉ có một Đấng ra Lề luật và xét xử, đó là đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt, còn bạn là ai mà dám xét đoán người thân cận” (Gia 4,12). Vì vậy, khi chúng ta xét đoán người khác và kết án họ, chúng ta đang tiếm quyền hay ‘ăn cắp’ quyền năng của chính Thiên Chúa. Trong Tin mừng Luca, Thánh ký có thuật lại câu chuyện, Chúa Giêsu được mời đến tham dự 1 phiên tòa, xét xử người phụ nữ bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Rất nhiều ‘các đấng các bậc’ hoặc những nhân vật ‘tai to mặt lớn’ cũng có mặt trong phiên tòa ngày hôm đó. Mỗi người cầm trong tay một hòn đá, rất hỷ hả chờ giây phút tuyên án để ném vào phạm nhân. Nhưng, tình thế cuối cùng đã thay đổi hoàn toàn. “Ai trong các ông vô tội, cứ việc cầm đá mà ném trước đi.” Dường như câu nói của Chúa Giêsu đã làm lay động lương tâm chai lỳ của đám đông khiến tất cả mọi người lần lượt bỏ ra về hết sạch, từ người lớn tuổi nhất đến người nhỏ tuổi hơn…Cuối cùng khi không còn ai, Chúa mới ôn tồn nói với người phụ nữ : “Tôi không kết án chị đâu. Chị hãy về đi và đừng phạm tội nữa.”. Mỗi lần chúng ta đến tòa cáo giải, Chúa cũng nói với chúng ta giống hệt như vậy. Mọi người chúng ta đều là tội nhân nhưng đã không bị Chúa kết án bao giờ. Vậy tại sao chúng ta lại dám to gan và lạnh lùng kết án lẫn nhau, nhất là nhiều khi chúng ta lại kết án một cách rất hồ đồ với nhiều ác ý. Đây là những sự vu khống rất thường hay xảy ra. Sự kết án với ác ý nhằm bôi nhọ người khác là 1 trọng tội, giống hệt như tội giết người. Ngạn ngữ tây phương có câu “Có một thanh gươm không bao giờ rỉ sét, đó là cái lưỡi của con người”. Thanh gươm không rỉ sét dùng để chém giết hay tàn phá danh dự lẫn nhau luôn là những công cụ rất nguy hiểm mà chúng ta  phải hết sức cẩn trọng và đề phòng.

Kết luận

Trong triều đại của mình, Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolô 2 đã hơn 100 lần lên tiếng xin lỗi công khai vì những lỗi lầm mà Giáo hội đã gây ra trong quá khứ. Nhiều Hội đồng Giám mục địa phương cũng bắt chước Ngài, thể hiện sự khiếm tốn nhìn nhận những thiếu xót do chính con cái của mình gây nên. Những lỗi lầm ấy là những ‘cái đà’ trong dòng lịch sử của Hội Thánh, nằm chắn ngang con mắt khiến chúng ta rất dễ trở nên mù lòa và không thấy rõ đường đi nước bước. Người mù không thể nào dắt người mù được. Sự mù lòa tâm linh thường đi kèm theo những thành kiến mà chúng ta vẫn hay có khi nghĩ về người khác và dễ dàng kết án họ. Người ta vẫn thường nói rằng, phá đổ một thành kiến còn khó hơn phá vỡ 1 nguyên tử (nguyên tử hay ‘atom’, được định nghĩa là đơn vị vật chất nhỏ nhất không thể phá vỡ được).

Xin Chúa thanh tẩy cõi lòng, giúp chúng ta mỗi ngày mỗi trở nên giống Chúa hơn, để chúng ta luôn sống với một con tim hiền lành và khiêm nhường, đồng thời biết yêu thương mọi người như Chúa đã yêu thương chúng ta.

Về mục lục

.

CÁI ĐÀ VÀ CÁI RÁC.

Lm Giuse Nguyễn Văn Nghiã

“Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư? (Lc 6,39). Một lời khẳng định dưới dạng nghi vấn thì như bắt buộc người nghe phải nhìn nhận. Quả thật chân lý Chúa Giêsu nói là hiển nhiên. Một sự thật tự nó rõ ràng thì không cần phải nhấn mạnh. Điều Chúa Giêsu muốn thực sự nói đó là có nhiều người đang mù mà cứ tưởng mình sáng và đáng quan ngại hơn đó là nhiều người bị “quáng gà” qua hình ảnh “cái đà ở trong mắt” mà cứ tưởng mình trông thấy rõ ràng và rồi bình thản, vô tư đi hướng dẫn kẻ khác. Việc hướng dẫn tha nhân xét về mặt tiêu cực đó là sửa sai, cảnh báo tha nhân về những mê lầm, sai lạc hay tội ác của họ và về mặt tích cực thì đó là khích lệ, động viên, hướng dẫn tha nhân sống quảng đại với chí cống hiến qua các bậc sống hay qua những sứ vụ cao cả để phụng sự Thiên Chúa, phục vụ đồng loại…

Sửa dạy kẻ mê muội, răn bảo kẻ có tội là điều tất yếu phải thực thi nếu chúng ta muốn sống đức yêu thương mà Giáo Hội đã minh định rõ chúng trong các mối thương người (thương linh hồn bảy mối). Có thể luận lý rằng điều quan trọng là nội dung lời sửa dạy, răn bảo chứ không nhất thiết cần phải hoàn hảo rồi mới được quyền sửa bảo tha nhân. Điều này quả là không sai nhưng nếu bản thân chúng ta không tự sửa mình trước thì rất có thể việc sửa bảo của chúng ta sẽ dễ bị lệch chuẩn. Cái đà đang còn ở trong mắt mình thì làm sao chúng ta có thể thấy rõ cái rác trong mắt anh em. Hơn nữa khi bản thân không tích cực sửa sai mình thì việc mình sửa bảo tha nhân có thể nghiêng chiều mục đích phê phán, xét đoán hơn là xây dựng, và cũng có thể nhằm mục đích che đậy tội của mình khi cố tình moi móc lầm lỗi của tha nhân. Đây là trường hợp của một số biệt phái và luật sĩ thời Chúa Giêsu đã bị Người thẳng thừng gọi là “đồ giả hình”. Một vấn đề đặt ra là ai dám tự hào mình hoàn hảo để có thể sửa bảo tha nhân? Chắc chắn trong phận thụ tạo, ngoài Mẹ Maria ra thì chẳng một ai là hoàn hảo, chính vì thế điều kiện thực tiễn xem ra có thể chấp nhận đó là bản thân chúng ta biết nỗ lực sửa đổi, canh tân. Và khi một người đã quyết chí canh tân, thay đổi một cách nào đó thì họ được quyền sửa dạy tha nhân.

Giúp tha nhân hướng thượng trong sự quảng đại và chí cống hiến là một điều tốt đáng làm và đáng trân trọng. Tuy nhiên ở lãnh vực này thì đòi hỏi người hướng dẫn cần sáng suốt và ngay chính hơn nhiều. Sai lầm của những người trong vai trò lãnh đạo thì gây họa và di hại cho tha nhân cho xã hội nhiều điều xấu xa và tệ hại cách lâu dài và hậu quả thật khó khắc phục cũng như khó sửa chữa ngày một ngày hai. Vì lý do này mà chúng ta thấy Chúa Giêsu dường như kịch liệt lên án nhiều nhà lãnh đạo Do Thái thời bấy giờ với những lời lẽ gay gắt “khốn cho các ngươi, khốn cho các ngươi, hỡi những luật sĩ và biệt phái…”. Có thể nhận ra nguyên nhân những sai lầm của nhiều nhà lãnh đạo xã hội và tôn giáo xưa lẫn nay đó là sự cao ngạo, tự tôn và sự tham lam ích kỷ vô độ.

Một hệ quả khó lường của sự tự tôn, tự kiêu đó là dễ phạm sai lầm gây hậu quả nghiêm trọng cho chính bản thân và cho tha nhân. Và nếu người tự kiêu, tự tôn đang giữ vị trí cao, đang nắm vai trò lớn trong xã hội hoặc trong tập thể tôn giáo thì còn đáng quan ngại hơn nhiều. Sai lầm là thân phận con người, một chuyện thường tình dễ thứ tha. Nhưng việc khắc phục hậu quả là một vấn đề nan giải, nhất là khi hậu quả ấy lại di hại cho đám đông dân chúng, đặc biệt những người yếu hèn, thấp cổ, bé phận.

Chuyện mù dẫn mù, cả hai lăn cù xuống hố thì có thể xảy ra, nhưng chỉ là biến cố nhất thời và không kéo dài lâu. Cái tai hại hơn cả đó là cái sự “quáng gà” của những người đang trong vai vế hướng dẫn kẻ khác. Biết một cách phiếm diện, biết một chiều, biết chưa rõ mà những tưởng rằng mình đã biết đủ đầy, biết rõ toàn diện thì bản thân không dễ nhận ra sai lầm của mình và tha nhân nhiều khi cũng khó phát hiện.

Sự tham lam, ích kỷ vô độ cũng là một nguyên nhân gây ra không biết bao nhiêu sự sai lầm của rất nhiều người, nhất là khi họ có quyền lực trong tay để phục vụ cho sự tham lam của họ. Các chế độ độc quyền, độc tài đều sinh ra vô số sự độc ác cho nhân loại mà lịch sử đã minh chứng. Một trong những tiến bộ của xã hội loài người đó là quy định hạn kỳ của những chức vị lãnh đạo. Và một điểm tích cực của nó là giới hạn những sai lầm của các vị lãnh đạo, nếu có. Chúng ta cũng có thể nhận ra xu hướng tiến bộ này đã và đang hình thành ngay trong cả sinh hoạt của Giáo Hội Công Giáo mà rõ nét nhất là trong các Hội Dòng.

Chuyện cái đà trong mắt mình và cái rác trong mắt tha nhân là chuyện thường tình của kiếp người xưa lẫn nay. Tuy nhiên không được xem nhẹ, xí xóa hay bỏ qua nó, khi lợi ích và hạnh phúc của tha nhân vì thế mà bị tổn hại.

Về mục lục

.

ÁNH NHÌN CỦA CHÚA

Lm. Giuse Nguyễn

Người đời thường ví đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn. Tại sao vậy? Vì những khi hạnh phúc dâng trào hoặc lúc phiền muộn khổ đau, người đối diện sẽ dễ dàng phát hiện ra những thầm kín trong đôi mắt ấy. Và nếu ta nhìn đời bằng đôi mắt với toàn màu hồng thì sẽ tràn đầy hạnh phúc, bằng ngược lại thì trước mắt ta là cả một bầu trời đen tối. Mọi thứ đều do cái nhìn của đôi mắt, mà đối mắt thể hiện tâm hồn. Vì vậy tâm hồn làm sao sẽ nhìn và thấy như thế.

Vì lẽ đó mà sách Huấn Ca dạy ta bằng những vầng thơ tuyệt mỹ để không vội vàng thấy ánh hào quang, cũng không nhanh nhảu thấy những thương đau của cuộc đời, nhưng cái gì cũng phải từ từ để nghiệm, để xem, để xét:

“Sàng rồi trấu ở lại sàng,

nói ra cái dở rõ ràng thấy ngay.

Có thử lửa mới biết mình thợ gốm,

Nghe chuyện trò, biết ai rởm ai hay.

Xem quả thì biết vườn cây,

Nghe lời miệng nói biết ngay lòng người.

Chớ vội khen, khi người chưa lên tiếng:

Muốn biết người, phải nghe miệng nói năng” (Hc 27, 4-7)

Tác giả sách Huấn ca dạy ta về cái nhìn và cách ứng xử của Chúa. Ngài không vội vàng, và dường như  chưa bao giờ kết luận, vì kết luận sẽ là kết thúc; mà Ngài luôn luôn mở ngõ để mọi sự kiện, mọi hoàn cảnh, mọi người còn có cơ hội viết tiếp bài thơ đời mình. Vì vậy đối với Thiên Chúa cuộc đời ta vẫn là một bài thơ bỏ ngõ cho đến khi chấm dứt cuộc hành trình nơi dương thế.

Đó chính là ý tưởng chủ đạo Đức Giêsu dạy các môn đệ của Ngài trong bài Tin Mừng hôm nay: “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?” (Lc 6, 41). Ngài không có ý dạy ta bao che hoặc làm ngơ với tội lỗi, nhưng Ngài muốn ta trước hết phải ý thức thân phận tội lỗi của mình để sửa lỗi người khác cách khoan dung hơn. Đó cũng chính là sự thật về Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã dùng cả cuộc đời của Ngài mà loan báo và mời gọi ta đặt niềm tin tưởng vào một Thiên Chúa từ bi và nhân hậu.

Ngay trong vườn địa đàng, Thiên Chúa đã đối xử nhân từ với ông bà nguyên tổ khi mặc dù họ không xứng đáng ở trong vườn địa đàng vì phản nghịch cùng Thiên Chúa, nhưng Ngài đã hứa ban Đấng Cứu Độ để chuộc lấy những gì đã hư mất do con người phạm tội vì bất phục tùng. Rõ ràng “Chúa là Đấng từ bi và nhân hậu, Ngài đại lượng và chan chứa tình thương, Ngài không xử với ta như ta đáng tội và không trả cho ta theo lỗi của ta”.

Đấng Cứu Độ đó là Đức Giêsu Kitô, dung mạo của Thiên Chúa Cha, Đấng giàu lòng thương xót. Ngài yêu thương đặc biệt những con người yếu đuối tội lỗi như Mathêu, Madalena, người đàn bà bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình, hay ngay cả Phêrô, tông đồ trưởng nữa.

Đức Giêsu vẫn ngồi đó, lấy tay viết trên cát khi dân chúng đòi Ngài ra quyết định cho số phận của người đàn bà đã biết trước số phận của mình vì bị bắt quả tang đang phạm tội ngoại tình. Ngài cứ viết, cứ viết, viết gì chẳng ai biết. Ngài viết như vậy để kéo dài dài thời gian và không gian, để mọi người trở lại lòng mình. Cuối cùng Ngài lên tiếng:“Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8:7). Chúa Giêsu muốn hướng con người nhìn về tâm hồn mình, để họ nhận biết tội lỗi bản thân và ăn năn trước khi kết tội anh em đồng loại. Hơn nữa việc kết tội không thuộc quyền của con người mà là đặc quyền của Thiên Chúa. Chỉ có Thiên Chúa mới có thẩm quyền kết án con người. Khi con người kết án anh em mình là lúc họ đặt mình ngang quyền với Thiên Chúa là Đấng Tạo dựng muôn vật.…

Tại dinh thượng tế, Phêrô đã bắt gặp ánh mắt của Thầy Giêsu sau tiếng gà gáy lần thứ 3: “Chúa Giêsu quay lại chăm chú nhìn Phêrô. Phêrô nhớ lại điều Chúa đã nói trước với ông…và Phêrô ra ngoài khóc lóc ăn năn thảm thiết (Lc 22, 61-62). Cái nhìn của Chúa đã cứu Phêrô khỏi đi vào con đường tuyệt vọng, buông xuôi, nhưng tin tưởng vào tình thương Chúa, khiêm tốn nhìn nhận lỗi phạm, vừa đồng thời can đảm quay lại, nhất quyết trở nên tốt hơn. Cái nhìn của Đức Giêsu là cái nhìn của một vì Thiên Chúa, cái nhìn có sức tái tạo con người, cái nhìn giải phóng con người ra khỏi cái tôi, ra khỏi tự ái.

Biết được sự thật về Thiên Chúa qua phụng vụ lời Chúa hôm nay, chúng ta hạnh phúc sống dưới ánh nhìn của Thiên Chúa, không phải để chúng ta vô tư với tội lỗi cua mình và của anh chị em, nhưng để chúng ta biết không ai đối xử nhân từ với chúng ta ngoài một mình Thiên Chúa. Đó là động lực để ta trỗi dậy, bước đi trong ơn nghĩa Chúa. Bấy lâu nay ta vẫn còn thờ ơ với Chúa vì có những thú vui, những nguồn hạnh phúc khác bên ngoài: hãy quay trở lại vì không ai thương ta bằng Chúa. Bấy lâu nay ta vẫn còn sợ Chúa vì mặc cảm rằng mình quá tội lỗi: hãy quay trở lại vì không ai thương ta bằng Chúa…

Đồng thời hãy có ánh nhìn của Chúa trong ánh mắt của ta với người anh em để thông cảm, yêu thương và tha thứ. Đó cũng là động lực để họ quay trở về với gia đình, với Giáo hội. Đức Thánh Cha Phanxicô đã từng nói: “Tôi là ai mà tôi có quyết kết án người án”. Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ta để ta giúp anh em mình lấy cái rác ra khỏi mắt họ.

Lạy Mẹ Maria, chỉ có Mẹ biết Thiên Chúa yêu Mẹ đến mức nào, và cũng chỉ có Mẹ mới yêu con nhiều nhất ở trần gian này. Xin Mẹ giúp con biết sống tin tưởng, phó thác nhiều hơn dưới cái nhìn yêu thương của Chúa, đồng thời cho con cũng được ánh mắt của Ngài để con nhìn mọi sự bằng một tình yêu bao la rộng lớn hơn.

Về mục lục

.

ĐỂ TẬP NHÂN, ĐỨC HÃY XÉT MÌNH TRƯỚC KHI XÉT NGƯỜI

Lm. Đa-minh Trần đình Nhi

Lắng nghe sứ điệp Lời Chúa  (Hc 27:4-7;  1 Cr 15:54-58;  Lc 6:39-45)

Tuần trước chúng ta đã nghe thánh sử Lu-ca nói về một trong những cách trở nên trọn lành là hãy có lòng nhân từ như Cha trên trời.  Nhưng con đường trọn lành đòi phải tiếp tục tiến tới, nhờ thường xuyên xét lại lối sống của ta có phù hợp với lối sống của Chúa Giê-su hay không.  Để giúp ta thực hiện việc xét lại này, linh đạo Ki-tô khuyên chúng ta làm một công việc cần thiết và đều đặn, đó là việc xét mình vào cuối ngày sống của chúng ta, hoặc nói theo linh đạo của thánh Inhaxiô Loyola là làm Phút Hồi Tâm.  Khi hướng dẫn đường trọn lành cho chúng ta bước theo, Chúa Giê-su đã nhấn mạnh đến việc tự xét để nhận biết con người thực của mình mà sửa đổi sao cho mỗi ngày một trở nên hoàn hảo hơn.  Việc tự xét này cũng đã được trình bày trong các sách khôn ngoan của Cựu Ước, đặc biệt qua bài đọc trích sách Huấn ca của Phụng vụ Lời Chúa hôm nay.

Trước hết chúng ta hãy xem đoạn sách Huấn ca diễn tả thế nào về việc xét mình.  Hình ảnh đầu tiên sách Huấn ca dùng để so sánh với việc xét mình là hành vi sàng gạo.  Chúng ta biết sau khi xay thóc, người ta đổ cả gạo có lẫn trấu vào một cái sàng và sàng cho gạo rơi xuống thúng đựng, còn trấu thì ở lại trên sàng.  Đời sống thiêng liêng của chúng ta có những cái xấu lẫn những cái tốt.  Do đó, khi chúng ta “sàng” những việc tốt lẫn việc xấu lúc xét mình vào buổi tối, thì việc đầu tiên giống như sàng gạo, là chúng ta sẽ thấy ngay những thứ “trấu” nằm trên mặt sàng.  Trấu ấy là những khuyết điểm, tật xấu và tội lỗi cần loại bỏ.  Ngược lại, những hạt gạo là các việc lành và các nhân đức làm cho lối sống chúng ta trở nên mỗi ngày một giống với Chúa Ki-tô hơn.  Hình ảnh thứ hai là lấy lửa để thử bình gốm xem nó có tốt hay không.  Chúng ta cố gắng tập nhân đức.  Nhưng muốn biết nhân đức ấy có vững vàng không, chúng ta phải nhìn vào thử thách đã gặp để xem mình đã lấy nhân đức để đối phó với thử thách như thế nào.  Hình ảnh thứ ba sách Huấn ca áp dụng vào việc xét mình là xem quả biết cây.  Đúng thế, nhìn vào lối sống của một người biểu lộ các nhân đức qua hành động, ta thấy ngay được mức độ người ấy đã trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Ki-tô.  Rồi hình ảnh cuối cùng là “muốn biết người, phải nghe miệng nói năng”.  Lời nói thường phản ánh con người, vì “lòng có đầy, miệng mới nói ra”.  Nói khác đi, lời nói cũng là cách thức biểu lộ rõ ràng nhân đức hay nết xấu của chúng ta.

Giờ đây chúng ta hãy nghe Chúa Giê-su nói về việc xét mình.  Trước tiên Chúa đặt một câu hỏi đầy ý nghĩa:  “Sao anh thấy cái rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”  Quả thực, việc xét lại lối sống của mình giúp chúng ta nhận ra được những cái xà và những cái rác trong mắt.  Mặc dù Chúa sử dụng lối nói phóng đại về lỗi lầm giống như cái rác cái xà, nhưng Người đã nói lên đúng tâm trạng của tất cả chúng ta.  Vì kiêu căng, ích kỷ hay lý do nào đó, chúng ta thường có khuynh hướng thích vạch ra lầm lỗi của người khác hơn nhận ra lầm lỗi của chính mình.  Chúng ta cũng thích làm kẻ “hướng dẫn” người khác bằng cách cho họ thấy lầm lỗi của họ.  Cho nên Chúa Giê-su không ngại thách thức:  “Mù mà lại dắt mù được sao?  Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?”  Cái xà đang che mắt chúng ta thì làm sao chúng ta có khả năng hướng dẫn một người chỉ có cái rác trong mắt họ!  Cho nên chúng ta khác nào “kẻ đạo đức giả” khi cố lấy cái rác khỏi mắt anh chị em trong khi cứ khư khư giữ cái xà trong mắt mình.  Xét mình đàng hoàng sẽ giúp chúng ta thành thực nhận ra được mức độ nặng nề lầm lỗi của chính mình hơn là lầm lỗi của người khác.  Xét mình với lòng khiêm nhường sẽ cho chúng ta thấy mình là người tội lỗi hơn người khác và cần đến lòng thương xót tha thứ của Chúa hơn người khác.  Cuối cùng, nếu chúng ta có muốn làm người “hướng dẫn” người khác bằng cách giúp họ sửa lỗi, thì chắc chắn chúng ta cũng sẽ thực hiện việc sửa lỗi trong tinh thần xây dựng, bác ái, khiêm tốn và không làm tổn thương anh chị em.  Điều cuối cùng Chúa Giê-su nói về việc xét mình, đó là kết quả hiển nhiên nó đem lại:  xem quả thì biết cây.  Xét mình là việc giúp chúng ta thẩm định được mình tiến hay lùi trên đường thiêng liêng.  Hoa quả là những nhân đức được thể hiện trong hành động và lối sống của chúng ta.  Như vậy, khi xét lương tâm vào cuối ngày, nhìn lại những hành động, suy nghĩ và lời nói của chúng ta trong ngày, chúng ta có thể thẩm định được ảnh hưởng của nhân đức trên hành động, suy nghĩ và lời nói.  Chúng ta có thể thấy mình đã trở nên “giống như Chúa Ki-tô” như thế nào.  Việc xét mình cuối ngày là để giúp chúng ta nhìn lại đoạn đường thiêng liêng mình đã đi qua và mối tương quan với Chúa.

Sống sứ điệp Lời Chúa

Trong đoạn thư 1 Cô-rin-tô hôm nay, thánh Phao-lô chia sẻ với chúng ta một cảm nghiệm quý giá về chiến thắng của Chúa Ki-tô trên tội lỗi và sự chết.  Chiến thắng của Chúa Ki-tô là bảo đảm và hỗ trợ cho chúng ta khi chúng ta chiến đấu với tội lỗi và cám dỗ.  Nhiều khi chúng ta cảm thấy bất lực, nhưng đừng nản lòng, vì như thánh Phao-lô dạy:  “Tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta”.  Vì thế, mỗi khi xét mình, chúng ta cứ can đảm và khiêm nhường lấy “cái xà” khỏi mắt ta, rồi sẽ lấy “cái rác” khỏi mắt anh chị em, để mọi người đều trở nên giống như Chúa Ki-tô!

Về mục lục

.

LÀM SAO ĐỂ CHẤP NHẬN NGƯỜI KHÁC

Lm. Giuse Lê Danh Tường

Hãy tự biết chính mình và đón nhận tha nhân là mệnh lệnh của Lời Chúa trong Chúa nhật thứ VIII thường niên C. Biết người đã là khó, biết chính mình còn khó hơn; đón nhận tha nhân không phải dễ, đón nhận chính mình đôi khi còn là chuyện không thể. Nhưng cho dù thế nào, với ơn Chúa mọi sự đều có thể.

Tự biết mình

Cuộc sống xã hội luôn đẩy con người đi tìm hiểu những gì đang diễn ra xung quanh mình. Tìm hiểu người khác như là thứ bản năng sinh tồn của con người trong cuộc sống dương gian. Nhưng dường như người ta càng cố công tìm hiểu người thì họ càng bị thúc đẩy phải tìm hiểu mình. Và quả thực, ở cuối những con đường suy tư nhân tình thế thái lại là cuộc trở về với chính con người của mình.

Với bộ óc sáng suốt do Trời ban tặng, Triết gia Socrates vĩ đại của Hy Lạp đã phải thốt lên “Hãy tự biết mình”; Tại Đông Phương, Đức Lão tử đã viết trong Đạo Đức Kinh: “Tri nhân giả nghĩa, tự tri giả minh – biết người là khôn, tự biết mình là sáng suốt”; hay như Đức Khổng Tử với con đường xây dựng kỷ cương trật tự xã hội cũng đặt việc biết chính mình là điều quan trọng trước nhất “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”; Con đường giác ngộ của Đức Phật Thích Ca hoàn toàn nằm trong tâm trí của thức giả. Chỉ có sự nhận biết chính mình để tầm soát mọi cung bậc của tình cảm người ta mới có thể tiến đến cảnh giới giác ngộ, ung dung tự tại.

Trong bài Phúc Âm, Đức Giê-su đã dùng hình ảnh mạnh mẽ để nói về thái độ tự biết mình trong cuộc sống: “hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã”. Trước mọi hoàn cảnh, dù là thất bại hay thành công, người ta dễ dàng nhận ra hình ảnh Đức Giê-su lui vào nơi thanh vắng ở lặng một mình. Giây phút Ngài trở về với chính mình nơi vườn cây dầu trước giờ tử nạn, lột tả con người thực và là Chúa thực trong Giê-su. Dĩ nhiên khi Đức Giê-su trở về với chính mình, Ngài không bắt gặp con người bất toàn tội lỗi, nhưng là trở về với trái tim trọn vẹn yêu thương, tinh tuyền và toàn thánh.

Bao dung đón nhận tha nhân

Nhân vô thập toàn. Khi trở về với chính mình chẳng ai không nhận ra cái dở đang hiện hữu trong ta. Biết cái dở để mà hoàn thiện, biết cái xấu để mà cải hóa con người mình là khởi đầu con đường nên thánh. Nhưng đó cũng là những cánh cửa mở ra với tha nhân, khiến mình bao dung hơn, rộng lượng hơn giống như những người đã bị Chúa Giê-su chất vấn: “Ai trong các ông sạch tội, thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi” (Ga 8,7). Họ đã bỏ đi và không kết án người phụ nữ ngoại tình.

Một cách tiêu cực, khi người ta nhận ra mình cũng một phường tội lỗi với tha nhân thì sự hòa đồng, cái bắt tay với đồng loại trở nên dễ dàng hơn. Tích cực hơn, khi trái tim ta trở nên thánh thiện, lòng bao dung của ta rộng mở, ta dễ dàng đón nhận tha nhân hơn. Cuộc sống sẽ trở nên tươi đẹp khi lòng ta đủ rộng để ôm trọn nhân gian.

Đi cho đến cùng của sự toàn thiện chỉ có nơi Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã cho thấy lòng bao dung ấy trong những năm tháng ở trần gian. Dù là người tội lỗi đến mức nào, bê tha đến mấy Giê-su cũng không kết án, không ruồng bỏ. Ngài luôn đón nhận, vỗ về, và chữa lành cho họ. Dân chúng nhận xét về Giê-su: “Đây là tay ăn nhậu, bạn bè với quân thu thuế và phường tội lỗi” (Lc 7,35). Lời nhận xét ấy cho thấy cái khác biệt giữa người thường và thánh nhân.

Ơn Chúa giúp ta bao dung

Lời cảnh tỉnh của Chúa Giê-su trong bài Tin Mừng: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?”. Đi theo đường lối của con người thì tất cả kéo nhau xuống vực mà thôi. Trở về với chính mình mà thiếu ánh sáng của Lời Chúa thì chẳng khác gì ta dẫn dắt ta, một thằng mù dẫn một thằng mù mà thôi.

Các Hiền triết trong truyền thống Thánh Kinh đã viết lên những lời nhắn nhủ cho nhân loại: “lời nói là sự thử thách của con người”. Người ta không thể nói những lời tốt đẹp với tha nhân khi trong lòng đang chất đầy lòng thù hận. Lời nói sẽ “vừa lòng nhau” khi tâm hồn chan chứa tình thương. Lời của Chúa trong Tin Mừng đã vang lên rõ nét: “Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; và kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, nên phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Sự trở về với chính mình giúp ta hiểu được mình, nhưng để được biến đổi ta cần đến Chúa Giê-su: “Cảm tạ ơn Thiên Chúa, Ðấng đã ban cho chúng ta chiến thắng nhờ Ðức Giêsu Kitô”. Thánh Phaolô đã cảm nghiệm thật rõ về con người tội lỗi của mình và ngài cũng thấy rõ sự cần thiết của ơn Chúa. Với Ơn Chúa, ngài đã khuyên chúng ta: “anh em hãy ăn ở bền đỗ và đừng nao núng; hãy luôn luôn thăng tiến trong công trình của Chúa”.

Lạy Chúa, xin giúp con biết con, xin uốn nắn trái tim con, để con có trái tim bao dung trước anh chị em của mình. Và nhờ ơn Chúa, thì con sẽ trở nên hiền từ và đủ sức đón nhận hết thảy mọi người trong yêu thương.

Về mục lục

.

TỰ BIẾT ĐỂ SỬA MÌNH

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Ông Dale Carnegie, một nhà văn, nhà diễn thuyết và là nhà giáo dục đại tài, nổi tiếng khắp thế giới cho biết rằng: “Tôi đã phải mất 33 năm cuộc đời để khám phá được điều quan trọng này là trong 100 lần phạm lỗi, có đến 99 lần người ta tự xem mình như người vô tội, bất kể tội nặng đến đâu.”

Tự biết chính mình, thấy được những lầm lỗi của mình là điều rất khó, khó đến nỗi, “trong 100 lần phạm lỗi, có đến 99 lần người ta tự xem mình như người vô tội.”

Mà nếu không thấy được lầm lỗi thì làm sao sửa lỗi được, làm sao cải thiện cuộc sống được! Vậy là cứ chứng nào tật nấy!

Vì thế, cách đây hơn 2.500 năm, nhà hiền triết Socrate có để lại cho đời một lời dạy khôn ngoan được mọi người cho là lời khuyên vàng ngọc, tuyệt đối cần thiết cho đời sống con người. Đó là câu nói thời danh: “Hỡi người, hãy tự biết mình.”

Qua bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su cũng dạy ta phải tự biết mình. Ngài nói: “Sao anh thấy cọng rác trong con mắt của người anh em, mà cái xà (còn gọi là cái đà, tức cái xà ngang nằm vắt qua 2 đầu cột nhà) trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới?”

Vì không biết mình nên dù có cả “cái xà to lớn trong mắt mình”, nghĩa là tội ác tày đình của mình, người ta cũng không tự biết và cũng chẳng quan tâm.

Ngay cả vua Đa-vít, một vị vua tài ba lỗi lạc của người Do-thái, cũng không nhận ra lầm lỗi tày trời của mình.

Một buổi chiều nọ, vua Đavít dạo chơi trên sân thượng và thấy bà Bat-sê-ba, là vợ của U-ri-a đang tắm. Vua sai quân hầu đưa bà đến với vua. Ít lâu sau đó, bà Bat-sê-ba báo tin cho vua hay là bà đã có thai với nhà vua.

Vua Đa-vít tìm cách chạy tội bằng cách truyền lệnh cho chồng của Bát-sê-ba là U-ri-a từ mặt trận về và xúi U-ri-a về nhà ăn ở với vợ, để U-ri-a tưởng rằng chính anh ta là tác giả của bào thai trong dạ Bát-sê-ba. Nhưng việc không thành vì U-ri-a cứ nằm ngủ ở đền vua mà không chịu về nhà.

Thế là vua Đa-vít lập mưu giết chết U-ri-a ở ngoài mặt trận, rồi đón bà Bat-sê-va về cung, làm vợ mình ( II Sam 11 và 12).

Vua Đavít đã phạm một tội tày trời: giết U-ri-a để cướp của anh ta… mà vẫn ung dung như không có gì xảy ra.

Vì thế, Thiên Chúa sai tiên tri Na-tan đến cảnh tỉnh vua.

Nhà tiên tri trình với vua: “Trong thành kia, có một người giàu sang phú quý có cả đến hàng ngàn chiên dê và bò, trong khi đó, một người nghèo bên cạnh chỉ có một con chiên nhỏ mà ông ta rất yêu quý, coi như đứa con gái của ông. Thế rồi khi người giàu có khách, ông không bắt chiên mình đãi khách mà lại cho tôi tớ đi bắt con chiên độc nhất của người nghèo làm thịt.”

Nghe đến đây, vua Đavít bừng bừng nổi giận. Vua quát: “Đồ khốn kiếp! Nó đáng chết! Nó phải bị trừng phạt và phải bồi thường gấp bốn vì việc nó đã làm…” Tên khốn nạn đó ở đâu?

Tiên tri Na-tan thưa: “Tâu bệ hạ. Người ấy chính là vua. Nhà vua đã có nhiều thê thiếp lại còn nhẫn tâm giết chết Uria và cướp người vợ độc nhất của anh ta.”

Bấy giờ vua Đavít mới nhận ra tội mình và ăn năn khóc lóc thảm thiết.

Chua chát thay, vua Đa-vít thấy rõ tội nhỏ của người ta mà không thấy thứ tội tày trời của mình. Tội mình to như núi, mình không thấy; Tội người ta chỉ bằng viên sỏi, ta thấy rõ ràng.

Đúng như lời Chúa nói: Người ta thấy rõ “cọng rác trong con mắt của người khác, mà cái xà ngang trong con mắt của chính mình thì lại không để ý tới.”

Vì thế, Chúa Giê-su dạy: “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã.” Nghĩa là hãy xét mình cho kỹ để thấy cho rõ lầm lỗi của mình mà chừa bỏ trước đi.

Muốn lấy “cái xà ra khỏi mắt mình”, tức là muốn sửa mình, muốn chừa tội thì trước hết phải biết nhận ra lầm lỗi của mình, đừng mù quáng như vua Đa-vít xưa.

Nếu chúng ta biết cơ thể mình bốc mùi khó chịu, chúng ta sẽ tắm rửa ngay. Nếu không nhận ra mùi hôi của mình, chúng ta cứ để cho mình hôi hám. Nếu chúng ta thấy mặt mình dơ bẩn, chúng ta sẽ lo rửa sạch ngay. Nếu không nhận ra vết nhơ trên khuôn mặt, chúng ta không cần lau mặt. Nếu chúng ta không nhận ra những thói hư tật xấu của mình, những điều xằng bậy của mình, những điều đê tiện của mình… thì làm sao chúng ta có thể sửa mình nên tốt được?

Tuy nhiên, nhận biết được tội của mình là điều rất khó.

Muốn biết mặt mình dơ hay sạch, chúng ta cần tấm gương soi. Muốn biết được lầm lỗi và những thói hư tật xấu của mình, chúng ta cần nhờ đến cha mẹ, thầy cô, cũng như những người chung quanh chỉ lỗi cho.

Ngoài ra, chúng ta cần xem xét mình hằng ngày để nhận ra lầm lỗi của mình mà sám hối.

Lạy Chúa Giê-su,

Xin cho chúng con thường xuyên nhìn vào nội tâm của mình, vào cách xử sự, vào cách ăn nết ở của mình để nhận ra những sai phạm lỗi lầm trong đó và quyết chí sửa đổi ăn năn. Nhờ đó, chúng con mới có thể cải thiện cuộc sống, để trở thành người có phẩm chất cao đẹp, có đạo đức, xứng tầm người con Thiên Chúa.

Về mục lục

.

CÂY LOẠI NÀO THÌ SẼ RA TRÁI LOẠI ĐÓ,

VÀ CON NGƯỜI CŨNG VẬY

Lm. Bosco Dương Trung Tín

 

Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Kẻ xấu thì lấy cái xấu từ kho tàng xấu. Vì lòng đầy thì mới nói ra”(Lc 6,45).

Người ta thường nói: “cây nào thì trái đó”. Câu này có thể hiểu theo hai nghĩa. Một là “cây loại nào thì sinh trái loại đó”; hai là “cây tốt thì sinh trái tốt, cây xấu thì sinh trái xấu”.

Theo nghĩa thứ nhất: “Cây loại nào thì sinh trái loại đó”, có vẻ chính xác hơn. Như cây nho thì sinh trái nho; cây táo thì sinh trái táo. Điều này không ai mà không chấp nhận, vì “rõ như ban ngày”. Ngay cả khi người ta ghép “mắt cây mãng cầu” hay “mầm cây mãng cầu” vào cây bình bát, thì khi ra trái vẫn là trái mãng cầu, chứ không ra trái bình bát. Vì bình bát và mãng cầu cùng loài. Khi ghép như vậy, cái chính là mắt ghép, còn cây chủ chỉ có nhiệm vụ đưa nước và chất bổ dưỡng nuôi mắt ghép đó thôi, nên không thể sinh trái bình bát được. Bản chất là mãng cầu thì sinh ra trái mãng cầu chứ không ra trái bình bát được.

Còn theo nghĩa thứ hai thì chưa chắc. Chưa chắc cây tốt thì sinh trái tốt và cây xấu thì sinh trái xấu. Có khi cây xấu lại sinh trái tốt và cây tốt lại sinh trái xấu. “Cây tốt”, theo quan niệm của con người thì tốt vẻ bề ngoài, lá xanh tươi, phát triển tốt. “Cây xấu” là cây èo uột, cằn cỗi. Thế nhưng, cây cằn cỗi, èo uột hay xanh tươi thì do đất chứ không do cây.

  “Xấu” và “Sâu” còn khác xa hơn nữa. Cây sâu và trái sâu là do côn trùng đục khoéc hay châm chích; nó chỉ ở khách quan bên ngoài chứ không do chính bản chất của cây là sâu hay tự trái đó là xâu. Nên dịch: “Không cócây nào tốt mà sinh quả sâu; cũng không có cây nào sâu mà lại sinh quả tốt” là không ổn(x. Lc 6,43).

  Vì cây tốt sinh trái mà không xịt thuốc trừ sâu, thì vẫn có thể bị côn trùng châm chích và trở nên trái sâu vàcây sâu, tức là cây bị sâu đục vẫn có thể ra trái ngon lành như thường, nếu xịt thuốc trừ xâu hay che chắn. Ta phân tích như thế để có thể hiểu được ý nghĩa mà Đức Giê-su muốn dạy.

  Như vậy, ta phải hiểu theo nghĩa thứ nhất, tức là “Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó”.  con người cũng vậy. Người loại nào thì sinh trái loại đó. “Người tốt thì lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình. Kẻ xấu thì lấy cái xấu từ kho tàng xấu” của lòng mình. Nên khi “nhìn trái sẽ biết cây”(x. Lc 6,44). TRÁI ở đây phải hiểu là lời nói, thái độ và cuộc sống.

Quả thực qua lời nói, thái độ và cuộc sống, ta có thể biết người đó tốt hay xấu. “Vì lòng đầy thì mới nói ra”(x. Lc 6, 45). Trong lòng mà thiện, mà tốt thì sẽ nói ra những điều thiện, điều tốt; cuộc sống sẽ tốt lành và thánh thiện và cách cư xử cũng sẽ thánh thiện và tốt lành. Có khi lời nói có thể lừa được người khác; cách cư xử hay thái độ có thể dối được người ta, nhưng cuộc sống thì không lừa ai được. Có ngày đuôi chuột cũng lòi ra và người ta sẽ biết bộ mặt thật thôi.

Bởi đó, khi lòng thiện và tốt thì lời nói, thái độ, cách cư xử và cuộc sống đều tốt hết. Còn lòng mà xấu xa, thì có thể có lời nói tốt nhưng không lành, vì đó chỉ là những lời nói ngon, nói ngọt; nói xạo, nói dối. Thái độ thiện nhưng không thánh, vì đó chỉ là vẻ bên ngoài, không có từ trong lòng; đó là giả hình, giả bộ thôi. Và cuộc sống thì chắc là xấu xa rồi.

Một ví dụ cụ thể mà Chúa dùng trong bài Phúc Âm. Người tốt là người biết nhìn cái xà trong mắt mình, chứ không chú ý vào cái rác trong mắt người khác. Nghĩa là sẽ nhìn thấy tội to của mình chứ không lên án tội nhỏ xíu của người khác. Còn người xấu là người sẽ thấy cái rác trong mắt người khác dù nhỏ xíu mà không thấy cái xà to tướng trong mắt mình. Nghĩa là chỉ thấy tội người khác, dù nhỏ xíu đến đâu cũng moi, cũng móc cho bằng được; còn tội mình to “tổ bố”, thì không thèm để ý tới. Chúa nói, đó là “kẻ đạo đức giả” (x. Lc 6, 42).

Chúa nói không phải để ta xét đoán hay lên án ai, vì Chúa đã dạy: “Anh em đừng xét đoán, để anh em khỏi bị Thiên Chúa xét đoán. Anh em đừng lên án ai thì sẽ không bị Thiên Chúa lên án” mà (x. Lc 6, 37). Ta biết để ta sống và cư xử với người đó thôi. Tốt hơn ta hãy lo cho chính mình, hãy làm cho mình nên tốt lành và thánh thiện.

Là người ai cũng muốn cho mình nên tốt lành và thánh thiện hết; chẳng ai muốn mình nên xấu xa và độc ác bao giờ. Có điều người ta lầm, tưởng mình là tốt lành, thánh thiện, nhưng thực ra là xấu xa, độc ác.Bởi đó ta phải coi lại “kho tàng” của lòng mình; trong đó chứa điều tốt lành hay xấu xa.

Như ta biết, “kho tàng” là nơi cất giấu. Kho tàng trong lòng ta thì không thể cất giấu tiền của được, nhưng nơi đó cất giấu những điều tốt, điều hay; những điều thánh, điều thiện được. Do đó, ta phải tích trữ nơi tâm hồn của mình những điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện, càng nhiều càng tốt. Bằng cách, thấy cái gì hay, cái gì tốt ở đời thường, ở bất cứ ai, ở bất cứ nơi đâu; nhất là trong Giáo Hội, trong Lời Chúa, những gì là tốt lành, những gì là thánh thiện mà Chúa dạy, ta hãy học, hãy tìm hiểu và hãy thực hành.

Thấy những gì “xấu” thì ta phải tránh cho “xa”, như ăn cắp, nhận hối lộ, chạy theo mốt; lạm dụng tính dục trẻ em; lợi dụng người khác; hại người; giết người cướp của; nghiện ngập ma túy, rượu chè, cờ bạc; nói hành, nói xấu; giả hình, giả bộ; đạo đức giả; vv……..Vì những điều xấu dễ làm, dễ nhiễm, tránh càng xa càng tốt; còn điều tốt, điều lành thì phải học, phải luyện mới có, tích lũy càng nhiều càng tốt.

Như thế kho tàng của lòng ta càng ngày càng nhiều của tốt, của hay; của thánh, của thiện, để rồi từ đó ta nói, ta nghĩ, ta làm, ta giúp đỡ, ta phục vụ và ta sẽ sinh nhiều hoa trái tốt lành và thánh thiện. Thế mới đúng như lời thánh Phao-lô nói: “Khi cái thân hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử” (x. 1Cor 15, 54).

Khi ta sống tốt lành và thánh thiện, thì cái thân hư nát của ta sẽ mặc lấy sự bất diệt và cái thân phải chết này của ta sẽ mặc lấy sự bất tử, nghĩa là ta được sống đời đời trên thiên đàng. Nếu ta kiên tâm bền chí và càng ngày càng tích cực tích trữ cho mình nhiều điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của ta sẽ không trở nên vô ích đâu (x. 1Cor 15,58).

“Của” ta tích trữ là của ta và ta sẽ được hưởng chứ không ai cướp giật được của ta. Vàng bạc, của cải ta cất giấu sẽ bị người ta cướp, chứ những điều hay, lẽ phải; những điều tốt lành và thánh thiện thì không ai có thể cướp được của ta.

Vậy bao lâu còn được sống trên trần gian này, ta hãy tích lũy cho kho tàng của lòng mình nhiều những điều hay, lẽ phải; nhiều những điều tốt lành và thánh thiện; càng nhiều càng tốt, để ta lấy cái tốt từ kho tàng tốt của lòng mình mà nói, mà làm, mà nghĩ, mà giúp đỡ, mà phục vụ, mà cư xử, mà sống. Ta sẽ nên tốt lành và thánh thiện ở đời này và chắc chắn sẽ được vào Nước Trời ở đời sau. Thật đúng là “Cây loại nào thì sẽ ra trái loại đó”.  con người cũng vậy

Về mục lục

.

MÙ DẮT MÙ LĂN CÙ XUỐNG HỐ

JM. Lam Thy

Sống trong cảnh mù loà là điều đáng sợ nhất. Thật là bất hạnh đối với một đứa trẻ ngay từ khi mở mắt chào đời đã phải sống trong tăm tối, phải chấp nhận một cuộc đời không thấy ánh sáng, không nhìn thấy vẻ đẹp của thiên nhiên, con người cũng như cỏ cây! Lúc lớn lên có thể nghe mọi chuyện, có thể sờ mó tất cả, nhưng không thể nào hình dung ra được hình dáng, màu sắc! Ở đời, khi nói về nỗi khổ thể lý của người bị mù lòa, người ta vẫn thường nói: “giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”.

Đó là nói về mặt thể xác, ngoài ra, về tinh thần, con mắt còn được gọi là “cửa sổ của linh hồn” (con mắt không những biểu lộ tâm trạng mà còn nói lên khí chất, tài năng của mỗi người), là “ngọn đèn của thân thể” (“Đèn của thân thể là con mắt của anh. Khi mắt anh sáng, thì toàn thân anh cũng sáng. Nhưng khi mắt anh xấu, thì thân anh cũng tối. Vậy hãy coi chừng kẻo ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối. Nếu toàn thân anh sáng, không có phần nào tối tăm, thì nó sẽ sáng hoàn toàn, như khi đèn toả sáng chiếu soi anh.” – Lc 11, 34-36). Quan niệm của người Do Thái đối với những kẻ tật nguyền bẩm sinh (đui mù, què quặt, nói chung là những khuyết tật từ trong lòng mẹ, khi sinh ra đã phải gánh chịu) đều là những kẻ có tội phải chịu những hình phạt khủng khiếp đó.

Bài Tin Mừng hôm nay (CN VII/TN-C – Lc 6, 39-45) trình thuật về dụ ngôn: “Mù mà lại dắt mù được sao? Lẽ nào cả hai lại không sa xuống hố?” Suy niệm Lời Chúa bất chợt nhớ đến một câu chuyện có thật xày ra: “MỘT TU SĨ KHIẾM THỊ VIỆT NAM ĐƯỢC PHONG CHỨC LINH MỤC” (Wikipedia):

Ngày Chúa nhật 14/10/2012 tại nhà thờ Thánh Hippolyte, quận 13, Paris (Pháp), thầy phó tế khiếm thị Dương thuộc Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời (AA – Les Augustins de l’Assomption), đã được truyền chức linh mục. Không có vấn đề chiếu cố hay thương cảm đối với thầy. Câu hỏi cần phải trả lời là: “Thầy có đủ khả năng để trở thành một linh mục không?” Cũng như tất cả các vị bề trên Dòng Anh Em Đức Mẹ Lên Trời, cha Jean-François Petit, người dạy học cho thầy Dương trong sáu năm, đã trả lời: có! Sự kiện này nói lên những huyền nhiệm diệu kỳ không ai hiểu thấu trong mầu nhiệm ơn gọi. Nhìn lại hành trình của tân chức đã đi là cả một câu chuyện dài thấm đẫm nỗi đau nhưng vượt lên trên là hy vọng, tin yêu và cậy trông.

Linh mục Dương, tên đầy đủ là Phê-rô Phạm Văn Dương, sinh ngày 6/6/1973, tại Rú Đất, hạt Bảo Nham, giáo phận Vinh, thuộc địa bàn xã Long Thành, Yên Thành, Nghệ An. Ngài là con thứ 3 trong gia đình làm nông nghiệp và có tới 10 anh chị em. Cuộc đời dâng hiến của ngài bắt đầu từ mốc gia nhập dòng Anh em Đức Mẹ Lên Trời (AA) kể từ năm 1998. Sau một thời gian học tập tại Việt Nam, năm 2002, thầy Dương qua Pháp. Thật không may mắn, đến năm 2004, khi đường tu còn dang dở, đau thương ập đến với người tu sĩ trẻ tuổi khi thầy bị một loại virus đặc biệt tấn công khiến đôi mắt trở nên mù hẳn.

Con đường ơn gọi tưởng chừng chấm dứt. Giữa lúc cuộc sống trở nên đau khổ tột cùng, thầy Phê-rô Dương vẫn một lòng tin tưởng vào thánh ý Chúa. Con người lạc quan, có cách nói chuyện vui vẻ, hay đùa, hay tếu ấy không bao giờ đầu hàng số phận. Thầy Phê-rô Dương đã có thể theo đuổi việc học nhờ một máy tính nhận dạng giọng nói và những bản văn Kinh Thánh hay Phụng vụ bằng chữ nổi. Và cuộc đời không phụ sự nỗ lực vươn lên và dấn thân miệt mài của vị tu sĩ mù. Ngài được bề trên truyền chức và chuẩn bị sứ mệnh phục vụ cộng đoàn tại Việt Nam. Đúng vậy, vị tu sĩ 33 tuổi này đã có đủ điều kiện để được thụ phong linh mục.

Ngày 5/2/2012, thầy Dương chịu chức phó tế và ngày 14/10/2012 lãnh tác vụ linh mục tại nhà thờ Thánh Hyppolyte (giáo xứ Thánh Hyppolyte cũng là nơi cha giúp việc trong thời gian còn tu học), do Đức cha Eric de Moulins-Beau-fort – Giám mục phụ tá giáo phận Paris – truyền chức. Sau khi chịu chức, tân linh mục Phê-rô Dương làm việc mục vụ tại giáo xứ Thánh Hippolyte và tháng 11/2012, cha trở về Việt Nam để làm phụ tá Giám Tập. Cha đã tìm đến Mái ấm Thiên Ân và mày mò học chữ nổi bằng tiếng Việt. Thánh lễ mở tay của cha Dương được cử hành tại nhà thờ Đa Minh Ba Chuông (TGP Saigon) vào chiều ngày 19/11/2012. Đó là một buổi lễ vô cùng đặc biệt, dành riêng cho các em khiếm thị trong một số mái ấm tại thành phố và tất cả các phần trong phụng vụ đều sử dụng chữ nổi.

Việc phong chức cho người khiếm thị vốn dĩ “xưa nay hiếm”. Tại Pensylvania có linh mục Bernad J. Ezaki bị khiếm thị. Canada cũng có một linh mục khiếm thị. Giáo luật dự trù như thế nào về những trường hợp khiếm thị hay khuyết tật? Giáo luật điều 930, triệt 1, quy định: “Linh mục đau yếu và già cả, nếu không thể đứng được, có thể ngồi khi cử hành Thánh Lễ, nhưng luôn phải giữ các luật phụng vụ; tuy nhiên không được ngồi làm lễ trước mặt dân chúng nếu không có phép của Bản Quyền sở tại (tức Đức Giám mục).” Còn triệt 2 quy định về các linh mục khiếm thị: “Linh Mục mù lòa hay bị tật bệnh nào khác, vẫn có thể cử hành hy tế Thánh Thể hợp pháp, khi dùng bất cứ bản văn Thánh Lễ nào đã được phê chuẩn, hoặc trong trường hợp cần thiết, được sự trợ giúp của một linh mục hay một phó tế hoặc một giáo dân đã được huấn luyện thích đáng.”

Dẫn chứng trên cho thấy Lời dạy của Đức Ki-tô trong bài Tin Mừng hôm nay hoàn toàn không phải chỉ vào trường hợp những người bị mù thể chất, mà thật sự ám chỉ vào những kẻ bị “mù tâm linh”. Đó chính là cách dùng dụ ngôn mà Đức Ki-tô rất hay dùng để giảng dạy. (Dụ ngôn: Nói ví, dùng cách so sánh, ví von để nói cho dễ hiểu). Có nhiều cách dùng dụ ngôn như “Ví dụ” (nói ví); “Ẩn dụ” (ví ngầm); “Tỉ dụ” (so sánh); “Ám tỉ” (so sánh ngầm). Quả thật với biện pháp ẩn dụ trong những dụ ngôn, Đức Giê-su đã làm cho những bài giảng của Người trở nên sinh động, gần gũi, thân tình, giúp cụ thể hoá những ý niệm trừu tượng, khiến người nghe dễ tiếp thu.

Tại sao Chúa không nói thẳng vào vấn đề, mà lại dùng dụ ngôn? Xin nghe chính Người hay kể dụ ngôn giải thích: “Các môn đệ đến gần hỏi Đức Giê-su rằng: “Sao Thầy lại dùng dụ ngôn mà nói với họ?” Người đáp: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành.” (Mt 13, 10-15).

Đức Giê-su hay dùng dụ ngôn để giảng dạy, bởi có những sự kiện, những công việc nếu chỉ dùng trí khôn của con người thì không thể hiểu được. Cũng giống như đám người Do Thái “họ nhìn mà không nhìn, nghe mà không nghe không hiểu” (Mt 13, 13). Vì thế, Chúa mới dùng dụ ngôn để giúp họ sáng mắt, hiểu ra vấn đề mà Chúa muốn truyền dạy. Vâng, không chỉ những người sống cách đây 20 thế kỷ, mà ngay ở thế kỷ XXI này, cũng vẫn còn không ít những người không hiểu, thậm chí cố tình không hiểu Lời Chúa. Đó chính là những kẻ không thấy cái xà trong mắt của mình, mà chỉ hung hăng đòi lấy cọng rác trong con mắt của người anh em (Lc 6, 41-42).

Tóm lại, người tín hữu hãy nhận ra thân phận tội lỗi yếu hèn của mình, trước khi góp ý tu sửa lỗi lầm của người anh em. “Hãy lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã” nghĩa là hãy nhận ra thân phận bất toàn của mình trước khi phê phán người khác. Có nhận ra mối tương quan đích thực với Thiên Chúa, con người mới thấy được tương quan của mình với tha nhân. Tắt một lời: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”. Trước tiên “Hãy sám hối” là nhận ra thân phận bất toàn của mình, ăn năn hối cải về những sai phạm mình đã mắc phải; để từ đó sống cảm thông, kiên nhẫn, bao dung và tha thứ đối với người khác. Sống như thế, cộng với một đức tin kiên định, con người mới đạt được cùng đích của mình là trở nên giống Thiên Chúa, được làm bạn (Ki-tô hữu) với chính Người Thầy đã dạy: “Lấy cái xà ra khỏi mắt ngươi trước đã, rồi sẽ thấy rõ, để lấy cái rác trong con mắt người anh em.” (Lc 6, 42). Ước được như vậy. Amen.

Về mục lục

.

CHÂN LÝ KHIÊM NHƯỜNG

P.Trần Đình Phan Tiến

Khiêm nhường là nhìn nhận “sự thật”, sự thật duy nhất đó là “Thiên Chúa”, Đấng đã mạc khải cho nhân loại chính Ngài là Thiên Chúa. Từ nơi Thiên Chúa mới có sự sống đích thực, bởi vì Ngài là Đấng Vĩnh Hằng, sự sống nơi trần thế được phát ra bởi Thiên Chúa, nơi Ngài phát ra tình thương tự nhiên, hằng hữu, vũ trụ nhân sinh chứng minh điều ấy. Nhưng, khi nhân thế bất tuân, xúc phạm đến Thiên Chúa, Ngài vẫn giáng phạt, rồi lại thứ tha, đó là quyền nơi Thiên Chúa, Đấng Tạo Thành, mặc nhiên hủy diệt , nếu Ngài muốn, Thiên Chúa hủy diệt điều Ngài không muốn, đó không phải là “ tội ác”, bởi vì , nơi Thiên Chúa cao minh tuyệt đối, không thọ tạo nào sánh được. Điều Ngài muốn “ hủy diệt”, Ngài không “ tham khảo” ý ai, vì nơi Thiên Chúa là chân lý.Giống như, người thợ gốm, khi muốn đập vỡ bình sứ, mà ông ta làm ra, là chuyện tất yếu, để tái tạo lại cho hoàn chỉnh hơn, thì ông ta không thể hỏi ý bình sứ mà ông ta muốn đập vỡ.

Nhưng, nơi Thiên Chúa là còn chân lý khác , đó là ”TÌNH YÊU” , khi muốn đập vỡ bình sành, nhưng ông ta “ thương xót” nó, cầm lên, nâng niu, xoa đi, nắn lại, từ chân lý yêu thương, ông ta không đập vỡ, nhưng dùng sự nhẫn nại, và tình thương, cùng với “đôi tay “ kỳ diệu, đôi tay tạo thành, với quyền năng của mình, “ Người Thợ gốm” đã biến một món đồ tưởng chừng đã bỏ đi, để tái tạo một “tác phẩm” ưng ý. Vâng, đó là Thời Tân Ứơc, Đức Giêsu- Kitô, Ngôi Vị Thiên Chúa làm Người, cùng Bản Tính “Thương Xót” như Ngôi Cha, Chúa Giêsu –Kitô đã từ Trời xuống thế, đem đến cho nhân loại một “sự bao dung” lớn lao, được minh chứng bằng tình thương “ Cứu Độ”.

Vâng, không thể có loài thụ tạo, cứu độ loài thụ tạo, chân lý là như thế, mặc nhiên phải do Đấng Tạo Thành, sự Nhập Thể làm Người của Ngôi Hai Thiên Chúa, đến từ Thiên Ý của Trời cao. Theo đó, là một Mầu Nhiệm, Mầu Nhiệm thì thiêng liêng, kể cả bậc hiền triết, thánh nhân cũng “ bó tay”, phương chi là “ phàm nhân tục tử”, nếu nghiệm ra thì không còn là mầu nhiệm nữa. Nếu ai đó , chỉ đọc được một đoạn đầu của Thánh Kinh Cựu Ứơc, mà vội “ kết án “ Thiên Chúa ”độc ác”, thì họ không hiểu gì về Thánh Kinh, rõ ràng là như thế.

Thiên Chúa là một “ hành trình” sáng tạo, đồng hành, yêu thương dẫn dắt con người một cách tiệm tiến qua dòng thời gian, lịch sử con người ghi lại cuộc hành trình đó, gọi là “ Kinh Thánh”. Vì vậy, lịch sử Thiên Chúa giáo không phải “ dừng lại” ở Thánh Kinh Cựu Ước, mà là xuyên suốt hành trình “ yêu thương”, tạo dựng , hồi phục, vỗ về, nâng niu, bồng ẵm, nựng nịu nhân thế là “tác phẩm “ của Ngài.

Thiên Chúa không hành phạt con người từ “ Lời Hứa” trong Cựu Ứơc, như Thánh Kinh truyền lại: “ Ta đã yêu thương ngươi bằng tình yêu muôn thuở, như người mẹ thương con mình, thì Ta , Ta cũng yêu thương ngươi như vậy, và dù người mẹ có quên con mình đi nữa, thì Ta, Ta cũng không quên ngươi bao giờ.”

Vâng , đây là mấu chốt để “Hứa “ ban Đấng Cứu Thế, và đây cũng chính là ”Giao Ứơc mới”, Giao Ứớc mới chính là “ kết tinh” của “ Lòng Thương Xót” bởi Đấng Tạo Thành với loài thụ tạo.

Theo đó, Đấng Cứu Thế không phải tự Người phát ra,hay là Người muốn đến thì đến, mà là do bởi một “hành trình yêu thương” bởi Đấng Tạo Thành, từ bởi một Thiên Chúa duy nhất.

Thiên Chúa yêu thương con người, thì Ngài dựng nên con người, Ngài không thể hỏi ý kiến loài thụ tạo, Thiên Chúa cứu độ con người, thì Ngài cũng không thể hỏi “ý kiến “ họ, cũng như người thợ gốm , không thể hỏi ý kiến tác phẩm của mình, khi người đó muốn tạo nên một bình sành, hoặc một vật dụng nào đó . Nhưng, Ngài mặc khải tình thương, mầu nhiệm cho nhân thế.

Vì vậy, “ xem quả thì biết cây”, một Ngôi Vị Thiên Chúa Cứu Độ bằng một mầu nhiệm làm Người, một hành trình Cứu Độ, biểu lộ một Lòng Xót Thương cao cả, thì rõ ràng Ngôi Vị Thiên Chúa Tạo Thành loài người thật nhân từ xiết bao.

“Tôi tớ không hơn chủ, trò không hơn thầy” , mặc nhiên , Chúa Giêsu muốn mặc khải cho con người biết rằng: “ Loài người không thể hơn Thiên Chúa được”, phàm nhân có đi vào vũ trụ, lên cả cung trăng, bắn phi thuyền, hay nguyên tử vào vũ trụ, họ cũng không thể “ tìm ra “ Thiên Chúa, vì một lý lẽ đơn giãn, họ là “ thụ tạo” của Đấng Tạo Thành. Vâng , đó là “ Chân lý khiêm nhường” vậy.

Ai học được chân lý khiêm nhường, người đó “gặp” được Thiên Chúa, Đấng là “Tình Yêu muôn thưở”. Qua luân lý nhân sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta biết được “ Chân lý Nước Trời”. Một giá trị tuyệt vời của Luân Lý Nước Trời, mà chúng ta gọi là ” nhân quả”, thuyết nhân gian gọi là ” quả báo” nhãn tiền.

Từ đó, chúng ta biết được, đối với Thiên Chúa chỉ có “ TÌNH YÊU” mà thôi.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã mạc khải cho chúng con nhiều ý nghĩa của chân lý khiêm nhường, xin cho chúng con thành tâm, lắng nghe, thực thi, hầu đem lại cho chúng con nhiều hoa trái như lòng Chúa ước mong ./. Amen

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 8 THƯỜNG NIÊN_C

Lm. Antôn

Trong bài Tin mừng hôm nay, Chúa Giê-su dạy chúng ta ba bài học rất quan trọng.  Bài học thứ nhất Chúa dạy chúng ta không nên mù quáng sống theo những giá trị của xã hội ngày nay.  Chúa dạy và muốn chúng ta trở nên những ngọn đèn và là ánh sáng cho thế gian. Chúng ta là những ngọn đèn sáng phải được đặt trên chân đèn để soi sáng cả nhà. Chúng ta là những ngọn đèn phải được đặt trên đỉnh núi để chiếu sáng cho thế giới. Chúng ta biết trong xã hội hiện đại ngày nay có nhiều sự sai lầm, mơ hồ, và giả mạo; có nhiều sự dữ, gian dối và tội lỗi.  Xã hội ngày này lôi cuốn và dạy chúng ta sống ích kỷ, chú trọng vào tiền bạc, vật chất và tự do buông thả, cho nên Chúa dạy chúng ta, là những Ki-tô hữu, không đi theo đám đông, không sống theo những gì họ nói và làm. Chúng ta phải biết rõ về chính mình là những người tin theo Chúa. Chúng ta phải vững tin và can đảm sống những điều chúng ta tin, sống lời Chúa dạy. Chúng ta không thể mù quáng đi theo đám đông. Nếu chúng ta chấp nhận và sống những giá trị của xã hội này, và đi theo đám đông, chúng ta đang để cho người mù dẫn dắt chúng ta. Chúng ta là người có mắt nhưng lại để dẫn dắt bởi những người mù thì sẽ bị rơi xuống hố. Chúa nói: “Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?”  Chúng ta là những người được ánh sáng chân lý của Chúa Ki-tô chiếu sáng vì vậy chúng ta phải là ánh sáng cho thế gian và là muối cho đời.

Bài học thứ hai Chúa dạy chúng ta qua bài Tin mừng hôm nay là việc xét đoán người khác.  Qua dụ ngôn người mù và cái xà trong mắt, Chúa dạy chúng ta phải tự xét mình trước hết.  Có ánh sáng Chúa Ki-tô soi sáng và có sáng mắt thì mới thấy đường, mới thấy sự thật và chân lý, để dẫn dắt hay sửa sai người khác.  Chúa cảnh báo chúng ta về tật xấu hay xét đoán người khác mà quên những tội lỗi và tật xấu của mình cần sửa đổi trước.  Kinh nghiệm cho chúng ta thấy chúng ta dễ phê bình, dễ xét đoán thậm chí dễ kết án người khác hơn là thấy được những lỗi lầm và tật xấu của mình mà sửa đổi.  Cho nên điều kiện

cần thiết để hướng dẫn, để chỉ bảo và để sửa sai người khác, trước hết là phải tự xét đoán mình, phải biết mình trước đã.  Nhưng biết mình không phải là chuyện dễ, và biết được lầm lỗi của chính mình thì lại càng khó hơn vì sự tự cao, tự ái và tham lam ngăn chận, che dấu.   Vì thế muốn biết rõ mình, chúng ta phải có sự khiêm nhường chân thật.  Biết rõ mình để sửa sai, để thay đổi.  Biết người khác để tránh cái xấu, cái dở, cái sai của họ, hay học điều hay, điều tốt của họ.  Biết chính mình phải biết đúng, và biết người khác cũng vậy.  Nhưng một điều đáng buồn là nhiều khi chúng ta chỉ biết cái xấu, cái dở của người khác, còn cái hay, điều tốt của người khác thì chúng ta không chú ý, hay cố tình không muốn biết.  Cũng thế, chúng ta biết người khác thì thường là để phê bình, chỉ trích hơn là khích lệ, xây dựng.  Chúng ta hãy tự hỏi: như vậy có bất công, có ích kỷ, có sai lầm, có tội không?  Vì thế, Chúa dạy chúng ta: phải đẩy cái xà ra khỏi mắt mình trước, thì mới có mắt sáng, mới thấy đường để lấy cái rác ở nơi người khác.

Bài học thứ ba mà Chúa muốn dạy chúng ta là về lòng dạ con người. Hãy coi chừng lòng dạ của mình.  Chúng ta biết lòng dạ và lời nói của chúng ta liên hệ mật thiết với nhau như cây với quả. Lòng dạ tốt thì cách xử sự bên ngoài sẽ tốt.  Lòng dạ xấu thì cái nhìn về bên ngoài chắc chắn không thể nào tốt được.  Miệng chúng ta nói ra những tự tưởng chất chứa trong lòng.  Nếu đó là những tư tưởng tốt đẹp sẽ hướng dẫn chúng ta có những hành động tốt đẹp, ngược lại, tư tưởng xấu sẽ dẫn chúng ta đến những thái độ, hành động xấu.  Trong Tin mừng, Chúa Giê-su đã nhiều lần cảnh cáo những người Pha-ri-sêu sống giả hình, bề ngoài.  Lúc nào họ cũng tự cao, nghĩ mình là những người đạo đức, danh vọng, vì thế họ chỉ quan tâm đến hình thức bề ngoài để tạo thêm uy tín. Mỗi người chúng ta cũng cần ý thức để tâm hồn luôn có những tư tưởng tốt đẹp, luôn có lời Chúa trong tư tưởng, và không để bị quyến rũ, lôi cuốn vào những ý nghĩ xấu.  Sống trong xã hội này, chúng ta thường bị những tư tưởng xấu lôi cuốn, những tư tưởng này sẽ hướng dẫn hành động và cuộc sống của chúng ta, ảnh hưởng đến đời sống đức tin, và ảnh hưởng đến hạnh phúc, hòa thuận vợ chồng và con cái trong gia đình.

Chúng ta biết những người có những tư tưởng xấu trong lòng thì thường có những lời nói xấu, có những thái độ tiêu cực, thù hằn, thích và chú ý vào những tật xấu nơi người khác, rất ham thích chỉ trích, phê bình và ưa “vạch lá tìm sâu.” Những ai sống trong xét đoán, phê bình, chỉ trích và ghen ghét, người ấy sẽ chết trong chính sự xấu và bóng tối tội lỗi của chính mình.  Còn những người có những tư tưởng tốt trong lòng thì thường có cuộc sống hy sinh tham gia phục vụ, có cuộc sống bác ái và quảng đại, tạo niềm hy vọng, vui mừng và sự hiệp nhất, đúng như lời Chúa Giêsu đã nói trong đoạn Tin Mừng hôm nay: “Cây tốt thì sinh trái rốt, cây xấu thì sinh trái xấu.” Lời nói việc làm của người người hữu Kitô chỉ có thể sinh hoa kết trái tốt, nếu siêng năng suy niệm và thực hành lời Chúa.  Đời sống của chúng ta chỉ có thể “phát xuất ra sự lành” nếu chúng ta có những tư tưởng tốt, sự nhiệt thành, sốt sắng và lòng yêu mến với việc tham dự Thánh lễ, Bí tích Tình yêu của Chúa, nếu được nuôi dưỡng bằng Mình Thánh Chúa và lời Chúa là ánh sáng và là lời ban sự sống.

Vì vậy, Chúa dạy chúng ta hãy để trong tâm trí, lòng dạ chúng ta những điều tốt đẹp, cao quí và lời Chúa dạy.  Chúng ta cầu xin Chúa đừng để chúng sống khô héo trong thái độ chỉ trích và xét đoán.  Xin giải thoát chúng ta khỏi những ý nghĩ và tư tưởng đen tối, để chúng ta sống trong ơn lành, an bình, hạnh phúc và yêu thương, và cuộc sống Ki-tô hữu của chúng ta luôn xanh tươi, sinh hoa trái tốt lành và đẹp lòng Chúa.  

Về mục lục

.

 

Exit mobile version