CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN_A

53

CHÚA NHẬT 7 THƯỜNG NIÊN_A

Lời Chúa: Lv 19,1-2.17-18; 1Cr 3,16-23; Mt 5,38-48

Mục lục

1. Hãy hoàn thiện như Chúa (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

2. Yêu thương và tha thứ (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

3. Làm thánh sống (Trầm Thiên Thu)

4. Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu (Lm Giuse Nguyễn Hữu An)

 


HÃY HOÀN THIỆN NHƯ CHÚA

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Có câu chuyện kể rằng: Nhà truyền giáo trên hòn đảo nọ rất ngạc nhiên khi thấy một phụ nữ mang nắm cát ướt bước vào lều của ông, và nói:

–      Ông biết đây là gì không?

–      Nó giống như cát.

–      Ông có biết vì sao tôi mang nó vào đây không?

–      Tôi không hiểu ý bà.

–      Đây là tội lỗi của tôi, tội tôi không thể đếm được như cát biển này. Làm thế nào tôi biết chắc được tha thứ tất cả?

–      Bà hãy đem cát ra biển và chất thành đụn cát, rồi ngồi nhìn xem sóng biển ập tới, chắc chắn sẽ cuốn đi tất cả.

–      Thưa bà, đó là cách Thiên Chúa thực hiện sự tha thứ của Ngài dành cho tội nhân. Lòng nhân từ, thương xót và tha thứ của Chúa bao la như đại dương. Hãy thành thật ăn năn để hưởng hồng ân của Thiên Chúa. Đó chính là lòng nhân từ của Thiên Chúa cho những ai có lòng ăn năn và tin cậy Ngài.

Thiên Chúa là Đấng rất mực yêu thương con người. Tình yêu đã thôi thúc Ngài thể hiện qua muôn ngàn cách dành cho con người. Ngài tạo dựng con người giống hình ành Ngài. Con người phản bội. Ngài vẫn thứ tha và hứa ban Đấng Cứu Thế đến để chuộc lỗi lầm con người. Con người sa đi ngã lại trong lầm lỡ. Ngài vẫn chậm bất bình và rất mực khoan nhân. Con người thì bất trung. Ngài thì trung thành mãi với tình yêu dành cho con người. Ngài có giận thì giận trong giây lát nhưng yêu thương thì vô bờ.

Tình yêu và lòng nhân từ của Thiên Chúa được thể hiện cụ thể qua Đức Giê-su, Đấng hiện tại hóa tình yêu ấy nơi dương gian. Một tình yêu nhân từ nhẫn nại trước sự dữ bủa vây. Chính Ngài không chỉ nói: “Khi người ta vả má này thì đưa má kia cho người ta tát” mà Ngài đã dám sống điều đó trong cuộc tử nạn. Chính Ngài đã để quân dữ lột áo ngoài của Ngài để chia nhau với thái độ bình thản đầy nhân từ. Chính Ngài vẫn một lòng nhân từ cầu nguyện cho kẻ làm hại mình. Ngài còn chúc phúc cho mọi người như chính Chúa Cha đã làm khi cho mưa thuận gió hòa trên kẻ lành người dữ.

Có một em học sinh trong lớp giáo lý đã hãnh diện nói về niềm tin mình rằng: “Khi con đặt Chúa Giê-su làm trọng tâm cuộc sống mình, thì con mới thấy ngày hôm nay vui hơn, con tử tế với mọi người hơn, và dễ tha thứ với mọi người”.

Quả thực, theo lẽ thường con người thường “ăn miếng trả miếng”, nhưng nếu mặc lấy tâm tình của Đức Giê-su, con người sẽ sống tha thứ và nhân từ với nhau. Nếu biết đặt Chúa Giê-su làm trung tâm con người sẽ thôi chiến tranh hận thù nhưng luôn biết vì Chúa mà làm hòa với nhau, vì Chúa mà đón nhận nhau trong yêu thương tha thứ. Đó cũng là lời mời gọi mà Chúa vẫn tha thiết mời gọi chúng ta hãy vì Chúa mà sống cao thượng hơn lẽ thường. Lẽ thường chỉ yêu thương kẻ yêu mình nhưng còn là ky-tô hữu thì phải yêu thương cả kẻ thù mình nữa. Lẽ thường chỉ chào hỏi anh em mình thôi thì chưa đủ mà còn phải thân thiện với tất cả mọi người.

Ước gì chúng ta biết hoàn thiện như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn thiện. Hoàn thiện trong cách yêu mến tha nhân như Chúa đã yêu thương chúng ta. Hoàn thiện trong cách sống phục vụ như Chúa đã quan phòng gìn giữ chúng ta. Amen.

Trở về mục lục


YÊU THƯƠNG VÀ THA THỨ

 Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Đáng lẽ cuộc sống kinh tế xã hội càng phát triển, thì nếp sống văn hóa văn minh cũng phải được nâng cao, thế nhưng nhìn vào thực tế xã hội Việt nam chúng ta, thì dường như không phải như vậy, nếp sống đạo đức xã hội của con người dường như càng ngày càng giảm sút, con người cư xử với nhau như thời bán khai, họ dễ dàng cấu xé tranh giành nhau như con thú giành miếng mồi, và cư xử với nhau theo kiểu bộ lạc, mạnh được yếu thua, nuôi hận trả thù, đâm chém giết chóc. Gần đây báo chí thường đề cập đến những cuộc trả thù đẫm máu xảy ra giữa các gia đình, băng nhóm đưa đến những án mạng nghiêm trọng nhiều hơn là những tấm gương yêu thương nhân ái và tha thứ, khiến cho nhiều người có cảm giác xung quanh mình đầy dẫy những kẻ ác.

Trong khi nhiều người, nhiều quốc gia chủ trương trả đũa, trả thù, thì Tin Mừng và giáo lý của Chúa Giêsu đòi chúng ta phải yêu thương tha thứ. Bạo lực sẽ không bao giờ đem đến hòa bình, mà nó chỉ làm gia tăng bạo lực. Trái lại chỉ có yêu thương và tha thứ mới có thể đưa đến bình an mà thôi.

Tha thứ không phải là một sự nhu nhược hèn kém, nhưng là một sự cố gắng để vượt lên trên những tự ái kiêu căng, để làm chủ bản thân khỏi những phản ứng của bản năng, để sống cao thượng, độ lượng. Tha thứ cũng không có nghĩa là làm ngơ trước những sai lầm của người khác, nhưng là tìm cách giúp họ nhận ra sai lầm và giúp họ chỉnh sửa lại cuộc sống, cho họ có cơ hội để làm lại từ đầu. Tha thứ cũng không chỉ là tạm quên những gì người khác xúc phạm đến mình, mà là phải xóa hẳn khỏi tâm trí của ta những bực bội những nghĩ ngợi về những tổn thương người khác gây cho mình, và còn phải đi một bước xa hơn đó là chủ động đi bước trước để làm hòa và nối lại tình nghĩa đã sứt mẻ, chữa lành dấu vết của tổn thương.

Hơn thế nữa Lời Chúa trong bài đọc một hôm nay muốn chúng ta sống yêu thương tha thứ vì một lý do sâu xa hơn cao quý hơn đó là vì mỗi chúng ta là con cái Thiên Chúa, vì Thiên Chúa chúng ta là Đấng Thánh. Vì là con cái của Đấng Thánh, chúng ta sẽ không thể để cho những cách cư xử của thế gian làm vấy bẩn phẩm giá thánh thiêng của mình, và vì tất cả chúng ta đều là anh chị em với nhau, nên chúng ta cần tôn trọng phẩm giá và địa vị thánh thiêng của nhau và cùng giúp nhau nên thánh: Các ngươi phải thánh thiện vì Ta, Đức Chúa Thiên Chúa của các ngươi là Đấng Thánh. Các ngươi không được để lòng giận ghét anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách nó…Các ngươi không được oán hận, trả thù, nhưng phải yêu thương như anh em như chính mình. Vì Ta là Đức Chúa.

Tuy nhiên, với thời gian, lời dạy của Chúa đã bị người Do Thái uốn nắn và bóp méo, họ đã tìm cách thỏa mãn cho sự nóng giận, báo thù của mình khi đưa ra luật: Mắt đền mắt, răng đền răng mạng đền mạng, có nghĩa là luật cho phép được trả thù thương xứng 1-1. Nhưng Chúa Giêsu đã không chấp nhận sự trả thù như thế, Ngài đòi chúng ta phải tha thứ, không báo oán nhưng : Nếu ai bị vả má bên phải thì hãy đưa cả má bên trái ra nữa. Lời này khiến cho nhiều người băn khoăn : Như thế có phải là sự thách thức hay nhu nhược không? Chúa Giêsu không muốn thách thức người khác, nhưng đối với người Do Thái, khi vả má bên phải là cố ý làm nhục, còn khi yêu thương người ta “nựng nhau, chúc lành cho nhau” bằng tát nhẹ lên má bên trái. Như thế Chúa Giêsu muốn chúng ta phải biến đổi chính mình và biến đổi kẻ thù của mình biến người khác từ sự thù oán trở thành yêu thương, biến chính mình trở nên dễ thương trong mắt người khác. Còn hơn thế nữa, Chúa muốn chúng ta càng phải quảng đại hơn dù khi bị người khác ghét bỏ: Ai xin thì hãy cho, ai muốn vay mượn thì đừng từ chối.

Trong cuộc sống thường ngày : yêu người mình yêu, thích người mình thích, hoặc yêu người yêu mình, thích người thích mình, đó là chuyện bình thường ai cũng có thể làm được, kẻ xấu cũng có thể làm được, kể cả một số loài vật cũng có thể làm được, thế nhưng hãy yêu kẻ thù, làm ơn và cầu nguyện cho kẻ bách hại ngược đãi mình là một đòi hỏi không đơn giản, không dễ dàng, mà chỉ những ai ý thức về địa vị phẩm giá thánh thiêng của mình mới có thể làm được. Thế nhưng đó lại là một đòi hỏi quyết liệt của Đức Giêsu, và đòi buộc này đã trở thành điểm sáng trong Giáo lý của Chúa và khiến cho lời dạy và đòi buộc của Chúa khác với các tôn giáo khác. Phải yêu thương tha thứ cho người khác vì họ cũng được Thiên Chúa yêu thương, và vì họ cũng là con Thiên Chúa, như thế tức là yêu thương tha thứ vì Chúa và vì Thiên Chúa vẫn không ngừng ban ơn và che chở họ, Ngài cho mưa xuống trên người tốt và kẻ xấu, cho mặt trời soi sáng kẻ lành và kẻ gian.

Đòi hỏi như thế quả là một điều khó, nhưng không phài là không thể. Chính Đức Giêsu khi bị treo trên thập giá Ngài đã tha thứ cho những kẻ hành hình Người và còn cầu xin Chúa Cha tha thứ cho họ, Ngài còn lên tiếng bênh vực bào chữa cho những kẻ ác hành hạ Ngài với lý do “vì chúng lầm không biết”. Cũng thế, trong lịch sử đã có nhiều tấm gương tha thứ như Chúa Giêsu, như Stêphanô khi bị hành hình, ông cũng ngước mắt lên trời để cầu xin Thiên Chúa Cha tha thứ cho những kẻ giết mình, hoặc như Vị Tôi tớ Chúa Hồng Y Fx Nguyễn văn Thuận sau hàng chục năm bị cầm tù không lý do, không xét xử, bị hành hạ như một con vật, bị biệt giam như một con chó, thế nhưng Ngài không hề có một lời oán trách cay cú hoặc thù oán những kẻ gây ra những điều đó cho ngài. Đọc lại tất cả các tác phẩm ngài để lại, nghe những bài giảng của ngài, những lần kể lại câu chuyện trong tù, chúng ta có thể thấy tất cả là những lời lẽ yêu thương tha thứ và cảm thông cho những kẻ làm khổ mình.

Yêu thương và tha thứ sẽ đem đến một tâm hồn bình an thư thái, còn trái lại hận thù sẽ đem đến dày vò, bất an. Thánh Phaolô cho thấy chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa, vì thế chúng ta không thể trang hoàng đền thờ ấy bằng sự oán hờn, càng không được phép phá hủy tâm hồn là đền thờ của Thiên Chúa bằng sự thù oán, mà phải tô điểm cho tâm hồn bẳng tình yêu thương, bằng hoa nhân ái, bằng sự tha thứ, đừng biến tâm hồn của mình thành những lò thuốc súng, hoặc là ổ vi trùng gieo rắng chết chóc hoặc mầm bệnh cho những người khác.

Yêu thương tha thứ là giới răn, là đòi buộc cho tất cả các Kitô hữu, chúng ta đã thực hiện giới răn này như thế nào?

Hãy bắt đầu từ việc yêu thương và tha thứ cho chính bản thân mình, vì một khi ta không thể tha thứ cho mình, thì ta cũng không thể tha thứ cho người khác được. Tha thứ cho mình không phải là dung túng sai lầm của mình, nhưng là khiêm tốn để nhìn thấy sự giới hạn của mình, biết phục thiện để sửa chữa. Kế đến là hãy tập để biết yêu thương tha thứ cho vợ chồng cho con cái, gỡ bỏ hàng rào nghi kị giận dỗi.

Hãy tha thứ cho con cái, cho con dâu, con rể khi có những bất hòa bất đồng để tạo nên một bầu khí gia đình đầm ấm yên vui. Đừng để lòng để dạ chấp nhất con cái, hãy kiên nhẫn để dạy bảo, hãy quảng đại để yêu thương và cho con cái có cơ hội để sửa chữa và thay đổi. Hãy quảng đại yêu thương, tha thứ và làm những điều tốt lành cho hàng xóm láng giềng dù có những lúc bất bình, bất hòa, hãy chủ động đi bước trước để yêu thương tha thứ làm hòa và cầu nguyện cho họ.

Trong tương quan xã hội với bạn bè, nơi làm việc, hãy noi gương Chúa Giêsu và thực hiện lời dạy của Chúa hôm nay để tẩy rửa khỏi mình những ý muốn trà thù trả oán, nhưng trái lại hãy quảng đại để tha thứ đón nhận nhau giúp cho nhau nên tốt, và hãy làm cho mình trở nên dễ thương dễ mến trước mặt mọi người. Vì tất cả chúng ta đều là con cùng một Cha trên trời.

Khi thực hiện lời dạy này, chúng ta tỏ cho mọi người thấy chúng ta là con cái Thiên chúa, là môn đệ Đức Kitô. Amen.

Trở về mục lục



LÀM THÁNH SỐNG

Trầm Thiên Thu

Người ta chết rồi mới được làm thánh, chưa chết mà sao làm thánh? Làm gì có chuyện “ngược đời” như thế chứ? Đúng vậy, nhưng NGHỊCH mà lại hoàn toàn THUẬN đấy. Tại sao? Chết rồi mà làm thánh là “chuyện nhỏ”, sống mà làm thánh mới là “chuyện lớn”. Thật chứ không đùa. Vì Chúa Giêsu đã truyền lệnh: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48).

Nhân vô thập toàn, ngay cả những thánh nhân cũng tìm về Nhà Cha qua con đường tội lỗi và thứ tha. Vả lại, làm thánh hay không là dựa vào cuộc sống đời thường, sống sao chết vậy. Như người ta vẫn nói: “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”. Cái “tiếng” ở đây là “tiếng tốt”. Phàm nhân đầy “vết chàm”, phàm nhân mà hoàn thiện thì không phải là LÀM THÁNH SỐNG sao? Thật vậy, Chúa Giêsu không chỉ bảo chúng ta phải làm thánh sau khi chết mà phải làm thánh ngay ở đời này vậy.

Thời đại của chúng ta cũng đã có những vị thánh sống như Mẹ Teresa Calcutta (1910-1997), ĐGH Gioan Phaolô II (1920-2005). Và hiện nay, thế giới đang chú ý tới ĐGH Phanxicô với phong cách “ngược đời” của một thánh nhân giữa đời thường, dám nói thẳng nói thật vì công lý và chân lý. Tất nhiên, chúng ta cũng phải sống như thế – nếu thực sự muốn làm thánh!

Muốn nên thánh thì phải yêu Chúa, mức độ yêu Chúa được chứng minh qua việc yêu tha nhân – yêu người tức là yêu Chúa. Ai yêu Chúa thì phải từ bỏ mình, ngược lại, ai yêu mình thì mặc nhiên từ bỏ Chúa. Rất lô-gích. Phàm nhân chẳng là gì, có là gì thì chỉ là tội nhân khốn nạn, vì con tim của chúng ta là “tro bụi”, hy vọng của chúng ta “hèn hơn đất”, và cuộc đời của chúng ta “tệ hơn bùn” (Kn 15:10). Thế nên phải cố gắng “làm thánh sống”, cố gắng không ngừng, cố gắng liên lỉ.

Tuy nhiên, nếu chỉ nên thánh một mình thì là ích kỷ – mà ích kỷ thì không thể làm thánh, nghĩa là chúng ta phải không ngừng nỗ lực nên thánh mà còn phải giúp người khác cùng nên thánh. Kinh Koran (Kinh thánh của Hồi giáo) xác định: “Người hoàn thiện nhất là người đã giúp ích cho nhân loại nhiều nhất”. Tất nhiên ai cũng có thể nên thánh và phải làm thánh, dù chúng ta chỉ là tội nhân khốn nạn, trừ phi chúng ta không muốn. Đã có những tội nhân “lớn” nhưng đã làm thánh: Vua Đa-vít, Tướng cướp Dismas (tên gian phi tốt bụng, Lc 23:39-43), binh sĩ Longinô (người cầm giáo đâm vào ngực Chúa Giêsu trên Đồi Sọ), Giáo hoàng tiên khởi Phêrô, Tông đồ Phaolô, Người Phụ nữ Tội lỗi (Lc 7:36-50),… và một người ít “bị” để ý là vua Salômôn, dù là người khôn ngoan nhất nhưng cũng đã cãi lệnh Chúa và đã từng sống trong tội lỗi (1 V 11:1-13). Vì yếu đuối và tội lỗi ngập đầu nên mới phải cố gắng hoàn lương để làm thánh, và đừng bao giờ mất niềm tin vào Lòng Chúa Thương Xót. Hoàn toàn hợp lý!

Thế nhưng đôi khi chúng ta vẫn nặng hình thức mà chưa “lột xác” được. Giảng hay, nói giỏi, viết tốt,… khiến say mê lòng người, nhưng chính mình lại vẫn giậm chân tại chỗ, chẳng thay đổi được gì. Vậy thì chỉ là “lẻo mép” hoặc “lẻo bút”, hoàn toàn vô ích! Loài rắn và loài cua phải lột xác để phát triển, nếu chúng ta không “lột xác” thì không thể phát triển về tâm linh được, mà “lột xác” thì phải đau đớn, phải dứt khoát. Càng “lột xác” nhiều thì càng hoàn thiện, càng nên thánh.

Từ ngàn xưa, Đức Chúa đã phán với ông Mô-sê: “Hãy nói với toàn thể cộng đồng con cái Ít-ra-en và bảo chúng: Các ngươi phải thánh thiện, vì Ta là Đức Chúa, Thiên Chúa của các ngươi, Ta là Đấng Thánh” (Lv 19:1-2). Đó là lẽ tất nhiên. Thiên Chúa là Đấng thánh thì con cái Ngài cũng phải thánh, không thể khác được.

Ngài nói rất dứt khoát: “Ngươi không được để lòng ghét người anh em, nhưng phải mạnh dạn quở trách người đồng bào, như thế, ngươi sẽ khỏi mang tội vì nó. Ngươi không được trả thù, không được oán hận những người thuộc về dân ngươi. Ngươi phải yêu đồng loại như chính mình. Ta là Đức Chúa” (Lv 19:17-18). Thấy điều trái tai gai mắt mà làm ngơ thì có thể là bao che hoặc nhát đảm, nhưng dám lên tiếng cảnh báo thì mới là can đảm bảo vệ công lý và yêu mến chân lý. Thật vậy, người bạn thân thiết là người dám phê phán chúng ta cả trăm lần chỉ vì muốn tốt cho chúng ta, ngoài ra không là “bạn” mà chỉ là “bè” mà thôi.

Thiên Chúa chí thánh, thật hạnh phúc khi chúng ta đang biết tôn thờ một Đấng Thánh toàn năng và hết mực yêu thương. Vì thế, chúng ta phải đêm ngày thầm nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, toàn thân tôi, hãy chúc tụng Thánh Danh! Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi, chớ khá quên mọi ân huệ của Người” (Tv 103:1-2). Phải hành động như vậy với lý do rất minh nhiên: “Chúa tha cho ngươi muôn ngàn tội lỗi, thương chữa lành các bệnh tật ngươi. Cứu ngươi khỏi chôn vùi đáy huyệt, bao bọc ngươi bằng ân nghĩa với lượng hải hà” (Tv 103:3-4).

Ngài không chỉ là Đấng chí tôn cao cả mà còn giàu lòng thương xót: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương, chẳng trách cứ luôn luôn, không oán hờn mãi mãi. Người không cứ tội ta mà xét xử, không trả báo ta xứng với lỗi lầm. Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta. Như người cha chạnh lòng thương con cái, Chúa cũng chạnh lòng thương kẻ kính tôn” (Tv 103:8-10, 12-13). Thật vậy, Người không đành bẻ gãy cây lau bị giập, và cũng chẳng nỡ tắt đi tim đèn leo lét (x. Mt 12:20).

Chúng ta phải làm thánh sống vì một lý do khác nữa, như Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Vậy ai phá huỷ Đền Thờ Thiên Chúa, thì Thiên Chúa sẽ huỷ diệt kẻ ấy. Vì Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1 Cr 3:16-17). Thiên Chúa là Đấng Thánh thì không thể ở nơi ô uế tội lỗi. Chúng ta xấu xa, hèn hạ, khốn nạn và bất xứng như thế, vậy mà Thiên Chúa lại cho chúng ta trở thành Đền Thờ của Ngài. Thật không thể nào tưởng tượng nổi, thế nên chúng ta phải tạ ơn Ngài bằng cách cố gắng làm thánh sống. Hoàn toàn hợp lý!

Thánh Phaolô cũng “ngược đời” khi nhắc nhở chúng ta: “Đừng ai tự lừa dối mình. Nếu trong anh em có ai tự cho mình là khôn ngoan theo thói đời, thì hãy trở nên như điên rồ, để được khôn ngoan thật. Vì sự khôn ngoan đời này là sự điên rồ trước mặt Thiên Chúa, như có lời chép rằng: Chúa bắt được kẻ khôn ngoan bằng chính mưu gian của chúng. Lại có lời rằng: Tư tưởng kẻ khôn ngoan, Chúa đều biết cả: thật chỉ như cơn gió thoảng ngoài” (1 Cr 3:18-20). Ít có ai dám “khác người”, vì như vậy sẽ bị người ta cho là “chạm điện”, bị ghen ghét, bị xa lánh, bị trù dập,… thế nhưng như vậy mới là “khôn ngoan thật” theo phong cách của Thiên Chúa. Đúng là “căng” thật đấy!

Cuối cùng, Thánh Phaolô kết luận rất cụ thể: “Vậy đừng ai dựa vào phàm nhân mà tự hào. Vì tất cả đều thuộc về anh em; dù là Phaolô, hay Apôlô, hay Kê-pha, dù cả thế gian này, sự sống, sự chết, hiện tại hay tương lai, tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1 Cr 3:21-23).

Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Nhưng cuộc sống cần có luật như dây cương và hàm thiếc để điều khiển ngựa kẻo nó sinh chứng. Luật cũng đa dạng, có luật hợp lòng dân hoặc không hợp lòng dân. Luật hợp lòng dân là luật chứa sự nhân đạo, nhằm hoàn thiện con người – như Luật Tân Ước, nổi bật là chữ NÊN; còn luật không hợp lòng dân là luật chỉ nhắm tới những khung hình phạt – như Luật Cựu Ước, chú trọng chữ CẤM. Luật Cựu Ước xem chừng thoải mái, dễ thực hiện hơn, và ai cũng thích: “Mắt đền mắt, răng đền răng”. Có lý lắm, vì người ta đánh mình thì mình phải “chơi tới bến” chứ không thì người ta chê mình “dở ẹc” hoặc “lép vế”. Thế thì máu tự ái bốc tới chỏm đầu thôi, chịu gì nổi!

Thế nhưng Đại sư Giêsu dạy: “Đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa. Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài. Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm. Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi” (Mt 5:39-41). Chu choa, “căng” quá đi! Chúa Giêsu kỳ thí mồ, dạy những điều chi mà khó mần quá chừng. Thế nhưng đó lại là chuyện thật chứ không là chuyện đùa!

Luật Cựu Ước dạy: “Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù”. Chỉ là “chuyện nhỏ”, các loài động vật khác cũng vẫn thực hiện như vậy. Vì thế, Chúa Giêsu dạy những điều mà chúng ta thấy rất khó nghe: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44). Mèn ơi! Gay go quá đi!

Thế nhưng phải vậy thôi, vì Chúa Giêsu giải thích: “Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính. Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?” (Mt 5:45-48). Những bí quyết Chúa Giêsu đưa ra thật thú vị, rất “khác người”, rất “ngược đời”, nhưng mà lại rất thú vị và chí lý. Quả thật, có dám “khác người” thì mới khả dĩ nên thánh, có thể làm thánh sống ngay trên thế gian này!

Nhận biết mình chỉ là tội nhân, chúng ta sẽ thấy thích lời truyền dạy của Chúa Giêsu: “Anh em hãy nên hoàn thiện, như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Khi định hướng rạch ròi như vậy, chúng ta sẽ thanh thản làm mọi thứ chỉ vì Chúa chứ không vì bất cứ lý do nào khác, như vậy chúng ta mới có thể thẳng thắn như Thánh Phaolô đã xác định: Tình yêu Đức Kitô thúc bách tôi” (2 Cr 5:14).

Lạy Thiên Chúa, chúng con xin lỗi Chúa vì chúng con nói nhiều mà chẳng làm bao nhiêu. Xin Chúa giúp chúng con biết “khó” với chính mình để biến đổi tích cực từng ngày theo định hướng của Ngài, để nên thánh trong từng nhịp thở, để nên thánh ngay trên thế gian này. Chính Ngài là Đấng Thánh thì chúng con không thể không làm thánh. Xin thương biến đổi chúng con, lạy Thiên Chúa chí thiện. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Trở về mục lục


TÌNH YÊU BIẾN KẺ THÙ THÀNH BẠN HỮU

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Tin Mừng các Chúa Nhật liên tiếp trình bày những giáo huấn mới mẻ của Chúa Giêsu so với luật cũ của Cựu ước.

Chúa Nhật IV, Chúa Giêsu là Môisen mới, đứng trên núi Sinai mới (núi Bát Phúc) công bố luật mới của Nước Trời (Tám mối Phúc thật).

Chúa Nhật V, sau khi công bố Hiến Chương Nước Trời, Chúa Giêsu khuyến khích các môn đệ, những công dân mới của Nước Trời, hãy đem những giáo huấn của Người ra thi hành. Sứ mạng cao cả của người công dân Nước Trời là muối cho đời, ánh sáng thế gian.

Chúa Nhật VI, Chúa Giêsu so sánh luật mới của Người với luật cũ của Môisen. Luật mới kiện toàn luật cũ. Chúa Giêsu đưa ra 4 trường hợp cụ thể:

  • Luật cũ cấm giết người. Luật mới dạy, phải coi người khác là anh em. Thương yêu nhau, nếu có gì bất hòa thì hòa giải với nhau.
  • Luật cũ cấm hành vi ngoại tình. Luật mới ngăn chặn ngoại tình từ ước muốn. Cần chặn đứng những gì gây nên ước muốn xấu xa như con mắt, cái tay, cái chân…
  • Luật cũ quy định thủ tục li dị. Luật mới triệt để cấm li dị.
  • Luật cũ cấm thề gian. Luật mới dạy sống chân thực. Khi đã sống chân thực rồi thì không cần thề nữa.

Chúa Nhật VII, Chúa Giêsu tiếp tục giáo huấn hoàn thiện luật cũ.

  • Luật cũ dạy yêu thương, nhưng lòng yêu thương ấy chỉ giới hạn trong những người Israel với nhau. Luật mới dạy phải mở rộng yêu thương đến kẻ thù nữa.
  • Tinh thần luật cũ “mắt đền mắt, răng đền răng”. Pháp lý của Chúa Giêsu hoàn toàn mới mẻ. Chúa mở ra con đường mới: thiện thắng ác, tình yêu thắng hận thù.
  • Tinh thần luật cũ là chỉ yêu thương người đồng bào. Giáo huấn mới là hãy yêu thương thù địch và làm ơn để báo oán
    1. “Hãy yêu kẻ thù” 

“Hãy yêu kẻ thù” là giáo huấn độc đáo nhất của Chúa Giêsu. Người đã cắt nghĩa rất cụ thể. Yêu thương kẻ thù là :

    • Làm ơn cho kẻ ghét mình.
    • Chúc phúc cho người nguyền rủa mình.
    • Cầu nguyện cho kẻ vu khống mình.
    • Ai vả má nầy thì đưa cả má kia.
    • Ai lột áo ngoài thì cho cả áo trong.
    • Ai lấy gì thì đừng đòi lại…

Lý do của thái độ nhân ái, lòng yêu thương bao la ấy là con cái phải noi gương Thiên Chúa là Cha ngự trên trời “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”.

“Yêu thương kẻ thù” là một nghĩa cử anh hùng, một nổ lực vượt thắng tình cảm tự nhiên, vượt trên phản ứng thường tình của con người. “Yêu thương kẻ thù” là bước vào thế giới siêu nhiên của con cái Chúa, sống nhân hậu và hoàn thiện như Cha trên trời.

Khi dạy “Hãy yêu kẻ thù”, Chúa Giêsu không có ý cổ võ sự nhu nhược, nhát đảm nhưng là để nêu cao tinh thần khoan dung hiền từ quãng đại tha thứ.

“Hãy yêu kẻ thù”, đó là lệnh truyền khó thi hành nhất trong các lệnh truyền của Chúa Giêsu. Khó nhưng không phải là không có thể. Chính Chúa đã làm gương khi xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ hành hạ, đóng đinh mình trên thập giá. Chính hành vi cao cả này đã thể hiện trọn vẹn tình yêu của Thiên Chúa. Đó cũng là nét cao quý nhất trong dung mạo Đấng Cứu Thế. Người đến để yêu thương và cứu chuộc con người. Người đến để tha thứ và đem lại cho con người cơ may để sám hối và canh tân.

Như vậy Chúa Giêsu mở ra con đường mới cho nhân loại. Con đường lấy thiện thắng ác, lấy tình yêu vượt thắng hận thù. Chỉ có yêu thương mới làm cho thù hận tiêu tan.

  1. Tại sao phải yêu kẻ thù?

Yêu người yêu mình thì dễ. Yêu kẻ làm hại mình thật khó biết bao! Trong Kinh Pháp Cú, Ðức Phật có dạy: “Lấy oán báo oán, oán chập chùng. Lấy đức báo oán, oán tiêu tan”. Lấy oán báo oán chỉ thêm hận thù mà thôi. Bạo lực sẽ kéo theo bạo lực. Câu chuyện tình bất hủ Roméo và Juliette đã đi vào lịch sử nhân loại. Nhiều thi sĩ, nhạc sĩ đã viết thi ca âm nhạc ca tụng tình yêu. Những vỡ kịch những cuốn phim diễn tả hấp dẫn mối tình lãng mạn của đôi tình nhân trẻ. Nếu câu chuyện tình của họ được kết thúc một cách tốt đẹp và bình thường, chắc sẽ không có ai nhắc đến. Nhưng Roméo Juliette là nạn nhân của sự thù hận giữa hai gia tộc. Không ai có thể tìm cách để giải hòa được sự thù hận ấy. Sự thù hận dẫn đến mất mát cho cả hai bên. Sự thù hận đã cướp đi mạng sống của đôi bạn trẻ yêu nhau tha thiết. Sự thù hận giết chết một mối tình đẹp, nhân loại ngàn đời xót xa nuối tiếc. Sự thù hận khởi đi từ tâm hồn ích kỷ. Bảo vệ mình bằng sự trả thù, thì càng mất mát hơn và hận thù hận ngày càng dâng cao.

Nhạc sĩ Phạm Duy viết trong một ca khúc: Kẻ thù tôi đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai ?  Đã là người thì ai cũng có những sai lỗi. Nhân vô thập toàn. Hơn nữa, mỗi người lại có những tính tình và sở thích riêng biệt, bá nhân bá tánh. Vì vậy, đã sống chung cùng nhau chúng ta không thể nào tránh đi cho hết những va chạm, những bực bội và những buồn phiền. Vậy nếu hễ tức giận là báo thù, thì tôi sẽ phải báo thù kẻ lạ cũng như người quen, kẻ ngoài xã hội cũng như người trong gia đình, kẻ bên trái cũng như những người bên phải, kẻ đàng trước cũng như người đàng sau, nghĩa là phải tẩy chay, phải thanh toán hết mọi thứ người trên mặt đất này. Phạm Duy khuyên đừng giết người vì tuy là kẻ thù, nhưng họ vẫn là người, vẫn giống chúng ta.

  1. Tình yêu biến kẻ thù thành bạn hữu.

Trong cuộc sống, chúng ta va chạm nhau rất nhiều qua lời nói vô tình, cử chỉ vô ý, một câu truyện bịa đặt thêm nếm cũng có thể là nguyên nhân của chuyện thù ghét oán hờn. Chúng ta cố gắng xây dựng hòa bình bằng sự chân thật và tình yêu thương tha thứ.Thánh Phaolô khuyên dạy chúng ta: Anh em nổi nóng ư? Đừng phạm tội: chớ để mặt trời lặn mà cơn giận vẫn còn (Ep 4,26).

Thiên Chúa tạo dựng nên con người giống hình ảnh Chúa, lẽ nào Người lại tiêu diệt nó chứ ? Chúa Giêsu đến để đẩy lui sự ác, xóa bỏ tội lỗi. Chúa không đến để tiêu diệt người tội lỗi mà để cứu vớt. Tình yêu là vũ khí mạnh nhất để đẩy lui tội lỗi nơi con người, làm thay đổi một con người. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan được bóng tối. Chỉ có tình thương mới xóa bỏ hận thù ghen ghét. Tình yêu có phép mầu biến kẻ thù thành bạn hữu. Tình yêu có sức mạnh sáng tạo và cứu độ. Đối với người Kitô hữu, lý do căn bản để yêu thương kẻ thù chính là Lời Chúa: ”Anh em hãy yêu kẻ thù…Như vậy phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao” (Lc 6,35).

Câu chuyện ngụ ngôn kể rằng:Sư tử ốm đã một tuần nay và nằm trong hang không dậy được. Nó buồn lắm vì là chúa tể sơn lâm mà chẳng con vật nào đến thăm hỏi hay mang cho nó chút quà gì cả. Nhìn cây hoa hồng bên cạnh, lúc nào cũng có bướm, có ong, có chim chóc ríu rít, đến bay lượn vui vẻ. Sư tử bèn hỏi cây hoa hồng:Hoa hồng ơi, vì sao ngươi mảnh dẻ yếu ớt như thế, mà lúc nào cũng có bạn bè đến thăm vui vẻ, còn ta là chúa tể sơn lâm mà chẳng có con vật nào đến thăm ta cả ?

Hoa hồng trả lời:Vì tôi luôn tặng cho mọi loài màu sắc tươi đẹp và hương thơm ngào ngạt khi mọi loài đến với tôi. Còn ngài là chúa tể sơn lâm uy quyền, nhưng ngài có tặng cho những con vật bé nhỏ thuộc hạ của ngài cái gì đâu ?

Hoa hồng là hình ảnh của con người biết yêu thương.

Lạy Chúa, trên thập giá, Chúa đã nêu gương tha thứ cho những kẻ giết Chúa. Xin thương củng cố tình thương của Chúa trong trái tim con, để mỗi ngày con được tiến thêm và kiên trì đi trên con đường yêu thương của Chúa cho đến cùng. Xin thánh hóa tình yêu trong con, cho con biết yêu mến mọi người. Amen.

 Trở về mục lục