CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH. NĂM C_2022

351

CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH_C

Lời Chúa: Cv 15,1-2.22-29;  Kh 21,10-14.22-23;  Ga 14,23-29

——-

Mục lục

1. Thời đại của Chúa Thánh Thần  (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Bình an trong Chúa (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

3. Chúa trong lòng con (Lm. Thái Nguyên)

4. Thầy để lại bình an cho anh em  (Giuse Trần Văn Ngữ, SJ)

5. Được Chúa ở cùng  (Lm. Inhaxiô Trần Ngà)

6. Nhân loại đang rất cần bình an Giêsu  (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)

7. Vì yêu Chúa  (Bông Hồng Nhỏ, Học viện Mến Thánh Giá Thủ Đức)

8. Đấng bảo trợ  (Thiên San, Học viện Mến Thánh Giá Thủ Đức)

9. Trước những đối kháng trong và ngoài Giáo hội (Jorathe Nắng Tím)

10. Tình Thầy Giêsu  (Lm. Jos DĐH. Gp.Xuân Lộc)

11. Sống bình an là sống hiệp hành (Lm. Phaolo Phạm Trọng Phương)

 

THỜI ĐẠI CỦA CHÚA THÁNH THẦN

Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên

Do Thái giáo được so sánh như một cây cổ thụ, và Kitô giáo là nhánh chồi non mọc lên từ cây cổ thụ đó. Chương trình cứu độ của Thiên Chúa thật kỳ diệu. Ngài đã có ý định thiết lập Giáo Hội từ ngàn xưa, khi Ngài tạo dựng đất trời. Trong lịch sử, Ngài đã chuẩn bị một dân. Từ dân riêng đó, Đấng Cứu độ là Đức Giêsu đã xuất hiện. Vị Ngôn sứ thành Nagiarét đã quy tụ những người tin vào Người và lập nên Giáo Hội. Trước khi về trời, Đức Giêsu hứa sẽ xin Chúa Cha ban Chúa Thánh Thần là Đấng Bảo trợ đến hướng dẫn Giáo Hội. Sau khi Chúa Giêsu về trời, Chúa Thánh Thần đã đến với Giáo Hội vào ngày lễ Ngũ Tuần. Đây là khởi điểm thời đại của Giáo Hội, cũng là thời đại của Chúa Thánh Thần.

Trước cuộc khổ nạn và Phục sinh, Chúa Giêsu chỉ hiện diện nơi vùng đất xứ Galilêa. Khi đã về trời, Người lại hiện diện cách huyền nhiệm và thiêng liêng ở bất cứ nơi nào có cộng đoàn tín hữu, như Người đã hứa: “Này đây Thầy ở với anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20). Như vậy, nếu Chúa Giêsu không hiện diện hữu hình nơi trần thế, thì Giáo Hội là chính sự hiện diện của Người. Nói cách khác, Giáo Hội chính là hiện thân của Chúa, làm cho sự hiện diện của Người lan rộng. Qua Giáo Hội, Chúa Giêsu không còn hiện diện ở một nơi nào cố định, mà Người hiện diện trên toàn thế giới.

Các tông đồ ngay từ thuở Giáo Hội sơ khai đã ý thức được vai trò của Chúa Thánh Thần. Ngài hoạt động giữa các ông. Bài Sách thánh thứ nhất trích sách Công vụ Tông đồ kể lại cuộc gặp mặt quan trọng quy tụ các tông đồ. Cuộc gặp mặt này được gọi là Công đồng Giêrusalem, tức là cuộc họp chính thức đầu tiên của Kitô giáo. Được tổ chức vào khoảng năm 46, với mục đích giải quyết những vấn nạn liên quan đến việc các tín hữu gia nhập Giáo Hội. Thời đó, có những tranh cãi giữa các tín hữu và ngay cả giữa các tông đồ. Có người chủ trương phải cắt bì và tuân giữ Luật Môisen. Kết quả của cuộc tranh luận này được ghi ngắn gọn: Thánh Thần và chúng tôi đã quyết định không đặt lên vai anh em một gánh nặng nào khác, ngoài những điều cần thiết này: là kiêng ăn đồ đã cúng cho ngẫu tượng, kiêng ăn máu, ăn thịt loài vật không cắt tiết và tránh gian dâm”. “Văn kiện” của Công đồng đầu tiên của Giáo Hội ngắn gọn đơn sơ là thế, mà đánh dấu một bước tiến mới quan trọng: Giáo Hội Kitô như một mầm non tách khỏi cây cổ thụ Do Thái giáo để từ nay từng bước độc lập về hệ thống giáo lý cũng như về cơ cấu tổ chức. Đức tin Kitô giáo vẫn dựa nền tảng trên giáo huấn của Cựu ước, nhưng được canh tân đổi mới theo giáo huấn của Chúa Giêsu và dưới sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Ngôi Ba Thiên Chúa hiện diện như linh hồn của Giáo Hội. Nhờ Chúa Thánh Thần mà cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi lớn mạnh nhanh chóng.

Ngày lễ Ngũ Tuần khai mở thời đại của Chúa Thánh Thần, cũng là thời đại của Giáo Hội. Bởi lẽ Chúa Thánh Thần hoạt động thúc đẩy mỗi thành viên của Giáo Hội. Nhờ sức mạnh của Ngài mà người tín hữu can đảm tuyên xưng Đức tin, làm chứng cho Đức tin dù có phải đổ máu. Cùng với Thánh Thần, Đấng Phục sinh đã ban cho các môn đệ bình an của Người. Bài Tin Mừng Thánh Gioan ghi lại tâm tình thương mến của Chúa Giêsu đối với các môn đệ. Những tâm tình thật thắm thiết và thiêng liêng. Người căn dặn các ông đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi, “vì Thầy đi và Thầy sẽ đến cùng anh em”. Đó cũng là những tâm tình Chúa Giêsu dành cho chúng ta, là những môn đệ của Người sau hai mươi thế kỷ. Bởi lẽ chúng ta cũng được mời gọi mạnh dạn làm chứng cho Chúa qua việc thực thi giáo huấn của Người. Chúa Thánh Thần sẽ soi sáng cho chúng ta, để nhớ lại những gì Chúa Giêsu đã dạy. Mỗi tín hữu đều được trao sứ mạng loan truyền Đức Giêsu Phục sinh. Vì vậy, thời của Giáo Hội và cũng là thời của chúng ta, vì chúng ta làm thành Giáo Hội. Mỗi người đều là chi thể của thân thể, là Giáo Hội có Chúa Giêsu là Đầu.

Ai yêu mến Thầy, thì hãy giữ lời Thầy, Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Được Chúa Cha và Chúa Con hiện diện trong tâm hồn, đó là vinh dự lớn lao đối với người tín hữu. Vinh dự này là kết quả đến từ lòng mến Chúa. Lòng mến ấy được chứng minh qua cố gắng nỗ lực thực thi lời Chúa dạy. Hạnh phúc của những ai mến Chúa không chỉ ở đời này, mà còn tồn tại vĩnh viễn trong thế giới mai sau. Thánh Gioan tông đồ trong thị kiến đã thấy thiên đàng. Nơi đây không còn cần đến ánh sáng vật chất của mặt trời và mặt trăng, vì vinh quang Thiên Chúa toả rạng và Chiên Con là ngọn đèn chiếu soi”. Người công chính sẽ được chia sẻ vinh quang Thiên Chúa. Họ sẽ trở nên bất tử, như Thiên Chúa, và được cùng sống mãi mãi với Ngài.

Về mục lục

BÌNH AN TRONG CHÚA

Lm.Jos Tạ duy Tuyền

Bình an luôn là mong cầu của mọi người. Người đi xa mong cầu cho người ở nhà luôn bình an. Người ở nhà luôn cầu chúc cho kẻ đi xa thượng lộ bình an. Nhưng có mấy ai hiểu được làm sao có bình an?

Ở đời người ta thường mải mê kiếm tìm hạnh phúc và bình an trong vật chất, mà quên mất rằng đôi khi hạnh phúc và bình an lại phụ thuộc vào chính tâm hồn và trái tim của mình. Thế nên, có ai đó nói rằng: Bình an không phải là đứng giữa một khoảng trời không giông tố, mà là khi ở giữa giông bão ta vẫn thấy lòng bình an. Bình an không tùy thuộc vào giông bão bên ngoài mà nó là hệ quả từ những lời nói,  việc làm của mình gây nên những giông bão cho anh em. Vì vậy, muốn tìm kiếm bình an thì chẳng cần đâu xa đến ngàn vạn dặm đường, mà quan yếu làphải giữ cho tâm hồn và trái tim mình luôn luôn hướng về sự thiện, luôn sống hài hòa với mọi người và một khi tâm thiện thì tâm hồn sẽ có  bình an.

Chúa Giêsu đã để lại bình an cho các tông đồ ngay trong bữa tiệc ly khi ngoài kia đang bao trùm bóng tối sự dữ. Trong bữa tiệc ấy Ngài đã nói: “Thầy để lại bình an cho các con. Thầy ban bình an cho các con không theo kiểu thế gian. Lòng các con đừng xao xuyến, các con đừng sợhãi.” Có người cho rằng: đây là một thời điểm không thích hợp để nói về bình an, vì khi ấy hoàn cảnh bên ngoài rất là xáo trộn. Không, trái lại rất thích hợp. Bởi vì bình an là thông hiệp với Thiên Chúa. Chúa Giêsu đang hiệp thông mật thiết với Chúa Cha nên Ngài vẫn có thể nói về bình an ngay cả khi kẻ thù của Ngài đã đến gần và sắp giết chết Ngài. Bình an là sống theo thánh ý Thiên Chúa. Chúa Giê-su đã có bình an khi đón nhận thánh ý Chúa Cha trong vâng phục. Ngài đón nhận thập giá trong vâng phục chứ không nổi loạn, trong tha thứ để xóa bỏ hận thù.

Như vậy, bình an không phải giống như yên ổn, vì yên ổn là ở bên ngoài còn bình an thì ở bên trong. Bình an là tình trạng của một tâm hồn đang có tương quan tốt với Thiên Chúa và với tha nhân. Thành tố quan trọng của bình an là sự công chính. Bởi thế, không có bình an cho kẻ dữ. Kẻ dữ tức là người luôn gây nên những sự dữ cho anh em bởi đời sống đam mê tội lỗi, sống thiếu trách nhiệm với bản thân, gia đình và xã hội. Và điều quan yếu nhất của bình an chính là nhờ vào lòng trông cậy nơi Chúa. Đây là điều giúp ta có bình an ngay giữa những xáo trộn, xung đột và đầy sóng gió chung quanh. Đây cũng chính là thứ bình an mà thế gian không thể ban tặng được. Chỉ trong Thiên Chúa con người mới được nghỉ ngơi yên lành mà thôi.

Các tông đồ năm xưa chỉ có được sự bình an khi nhận ra Đấng phục sinh vẫn hằng ở bên họ, nên họ chẳng còn sợ hãi trước những đe dọa và bách hại. Họ lướt thắng mọi khó khăn, và nhất là có thể làm được những việc phi thường khi nhân danh Đấng Phục Sinh đang đồng hành cùng các ngài.

Hôm nay Chúa Giêsu đề nghị một phương án xây dựng thế giới an lành thịnh vượng. Phương án này khởi đi từ việc “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy” để được nên một trong Chúa. Đây là điều Chúa Giê-su cũng mạc khải cho thánh nữ Faustina rằng: “Nhân loại sẽ không được bình an cho đến khi chúng quay về Suối Nguồn Tình Thương của Cha” (NK 699). Và mọi thụ tạo đều phát sinh từ những vực sâu thẳm của lòng thương xót rất mực dịu dàng của Cha. Những linh hồn mật thiết với Cha sẽ suy niệm tình yêu và lòng thương xót Cha đến muôn đời. Xin cho chúng ta biết đắm mình trong đại dương LTX Chúa để được phục hồi, chữa lành , gìn giữ và ban bình an qua lòng thương Xót Chúa. Amen

Về mục lục

CHÚA TRONG LÒNG CON

Lm. Thái Nguyên

Suy niệm

Người xưa có câu:“Xa mặt cách lòng”, nói lên một sự thật chua chát về tình nghĩa con người. Bao nhiêu đôi vợ chồng đỗ vỡ vì sống xa nhau. Bao nhiêu con cái xa cha mẹ đã thành hư thân, bất hiếu, bụi đời. Bao nhiêu người giúp việc khi chủ vắng nhà đã lộng hành như gà mọc đuôi tôm, điển hình là dụ ngôn đầy tớ bất trung (Mt 24, 48-51).

Trước khi về trời, Chúa Giêsu không để các môn đệ cảm thấy sống trong tình trạng xa cách, đơn côi. Ngài cho họ biết tuy Ngài vắng mặt nhưng vẫn hiện diện, vẫn ở với các ông, nhưng các ông phải có lòng yêu mến qua việc vâng giữ lời Ngài: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy”. Lời đó còn chính là lời của Chúa Cha, nên“Cha của Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha của Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy”. Không những thế mà Chúa còn sai Chúa Thánh Thần đến ở trong họ và dạy dỗ họ nhiều điều…. Cả Ba ngôi Thiên Chúa đều đến ở trong họ, quả là một điều nhiệm lạ và ân ban cao cả. Chúa Giêsu còn hứa để lại bình an của Ngài cho họ, để lòng họ không phải xao xuyến hay sợ hãi. Ngài nói về sự bình an này ngay trong bữa tiệc ly, lúc mà cuộc thương khó đã gần kề, nhưng tâm hồn Ngài vẫn an nhiên và thanh thoát.

Những lời Chúa Giêsu nói với các môn đệ xưa kia cũng là nói với chính chúng ta là những môn đệ hôm nay. Đã là môn đệ thì chỉ có một điều quan trọng duy nhất là nghe lời Thầy, giữ lời Thầy và tìm cách loan báo lời Thầy trong mọi môi trường sống của mình, để Lời đó được lan rộng khắp nơi. Phúc âm hóa là như thế, để lời Chúa cải đổi bản thân và và canh tân đời sống nhân loại. Đó cũng chính là sứ mạng đời Kitô hữu.

Ai tuân giữ lời Chúa chính là xây dựng ngôi nhà cuộc đời mình trên nền đá vững chắc, chẳng còn phải lo sợ bão táp hay nước lũ dâng tràn (x. Mt 7, 24). Đó mới là sự bình an đích thực: bình an giữa những xáo trộn và rắc rối hằng ngày; bình an trước cả tai ương và sự chết. Bao vị tử đạo đã minh chứng điều đó. Đó là sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Thế gian có thể ban cho ta sự yên ổn và an toàn một lúc nào đó, nhưng ta vẫn bị chao đảo không ngừng trước mọi biến động. Đó là thứ bình an do sự dựa dẫm vào người khác hay sự vật bên ngoài, là những thứ nay còn mai mất, chứ không phải là sự bình an bên trong của một tâm thế vững vàng nhờ sự hiệp thông mật thiết với Thiên Chúa.

Chúng ta thường nghĩ Chúa chỉ hiện diện trong nhà thờ, nhà Tạm, ít khi nghĩ đến Chúa đang hiện diện ngay trong lòng ta, ngay trong con người yếu đuối của ta. Thánh Augustinô cũng đã cho ta biết: Chúa ở trong sâu thẳm của cõi lòng ta, Ngài gần ta hơn chính bản thân ta. Trước khi rước Chúa, Chúa Giêsu đã ở trong ta rồi. Sau khi rước Chúa, Ngài lại càng thấm nhập vào toàn thể tâm hồn và thân xác ta, để làm cho ta nên một với Ngài trong tình yêu. Cũng từ đó mà thiên đàng đã chớm nở ngay trong lòng ta. Vì Chúa ở đâu thì thiên đàng ở đó. Thiên đàng ấm áp ở nơi nghèo hèn, bé nhỏ, nơi tâm hồn biết yêu mến Ðức Kitô và tuân giữ lời Ngài. Ta có thật sự cảm nhận được sự hiện diện và bình an của Chúa trong tâm hồn mình không, hay đang sống bâng quơ, mơ hồ, và đang giữ đạo một cách sơ xài theo thói quen và hình thức bên ngoài?

Chúa đang sống trong mỗi người chúng ta, nhưng nếu chúng ta không sống trong Chúa, thì cuộc đời ta vẫn trống vắng, trơ trọi, bất an và sẽ chới với giữa cuộc đời đầy sóng gió. Và như vậy thuyền đời ta có nguy cơ bị đắm chìm giữa biển khơi, không thể về tới bến bờ vinh quang. Chúa làm hết mọi cách để giữ gìn ta trong tình yêu Ngài, qua Lời Chúa, qua các các bí, nhất là bí tích Thánh Thể, để qua đó chính Chúa cư ngụ trong ta và biến đổi cuộc đời ta theo dự định tình yêu của Ngài.

Hãy xác tín một cách thâm sâu về Lời Chúa và biết nương theo tác động của Thánh Thần, để Ngài làm mới lại cuộc sống của chúng ta từng ngày. Hãy đưa Lời Chúa vào giờ kinh tối của gia đình để Lời Chúa hướng dẫn, thánh hóa và hợp nhất mọi người trong tình yêu Ngài, làm nên an vui và hạnh phúc cho nhau. Dù có yếu đuối, vấp phạm, hay sa cơ lỡ bước, chúng ta cứ bắt đầu lại với tất cả niềm tin yêu và hy vọng. Chúa vẫn ở trong ta và chờ đợi ta cho tới ngày cuối cùng, để ta đạt tới niềm tin tất thắng, tiến đến sự hiệp thông trọn vẹn với Chúa trong cuộc sống hạnh phúc muôn đời.

Cầu nguyện

Lạy Chúa là Thiên Chúa của con!
Chúa vẫn bên con mà con nào có biết,
vì con chưa tha thiết ở bên Ngài,
Chúa ở trong con mà con đâu có hay,
vì con thường loay hoay đầy toan tính.
Chúa vẫn ngỏ lời mà con đâu có nghe,
vì con thích nghe theo lời thiên hạ.
Chúa vẫn gìn giữ con đêm như ngày,
nhưng con nghĩ việc này là tự nhiên.
Chúa hiện diện trong hết mọi hiện hữu,
và luôn làm chủ trong mọi hiện diện,
xin cho con đừng hiện diện một mình,
đừng vô tình dại dột sống đơn côi,
nhưng luôn sống với Chúa ở trong lòng,
trong suy nghĩ ước muốn và hành động.
Xin cho con tập trung mọi năng lực,
để hiện diện với toàn tâm toàn ý,
bằng con tim và thần trí anh minh,
để tâm con luôn thanh thoát an bình,
trong tương quan với mọi người mọi việc,
luôn bên Chúa trong mọi lúc mọi nơi.
Xin cho sự hiện diện của đời con,
luôn phản ánh sự hiện diện của Chúa,
sống dấn thân và phục vụ mọi người,
để làm cho cuộc sống mãi đẹp tươi.
Xin cho con luôn hiện diện với Chúa,
để làm mới sự hiện diện của con,
sự hiện diện linh thiêng rất diệu huyền,
là chính Chúa Đấng vô cùng thánh thiện. Amen.

Về mục lục

THẦY ĐỂ LẠI BÌNH AN CHO ANH EM

Giuse Trần Văn Ngữ

Bệnh dịch đến, để lại cho con người nhiều đau thương. Chiến tranh qua đi sẽ để lại sự hận thù và sự đổ vỡ. Những hậu quả để lại bệnh dịch và chiến tranh vẫn ảnh hưởng lâu dài trên đời sống của những người trong cuộc. Cho nên, ai trong chúng ta cũng mong muốn để lại những điều tốt đẹp, hơn là để lại sự đau thương và mất mát cho người ở lại. Có thể nói, thông thường những người sắp „ra đi,” luôn thao thức để lại một điều gì đó có ích cho đời.

Trong bài Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh,[1] Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Thầy để lại bình an cho anh em.” Ở chương tiếp theo, Đức Giê-su tiếp tục tỏ lộ cho các môn đệ biết Ngài còn để lại yêu thương và niềm vui nữa.[2]

Họ được nhắc nhớ rằng: “Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian” (câu 27b). Vào lúc đó, người Do-thái đang tận hưởng một loại „hòa bình La-mã”. Loại hòa bình ấy được thành lập dựa trên sức mạnh quân sự của người La-mã, được tài trợ bởi thuế và được duy trì bởi những người lính La-mã. Thực ra, đây là sự thống trị hơn là hòa bình thực sự. Cho nên dễ hiểu, có nhiều người muốn nổi dậy để đánh đuổi những kẻ chiếm đóng La-mã ra khỏi đất nước của họ. Tuy nhiên, người La-mã có đủ sức mạnh quân đội để dẹp tan các cuộc nổi loạn. Đôi khi, họ sử dụng sức mạnh quân sự một cách tàn nhẫn.

Ngược lại, Đức Giê-su hứa ban sự bình an thực sự, nhưng chỉ những ai sống gắn bó và phó thác cuộc đời cho Đức Giê-su, mới hưởng nếm được niềm bình an này. Ở thời kỳ đầu của Giáo hội, những kẻ bắt bớ các ki-tô hữu đã ghen tị với sức mạnh nội tâm của họ. Các ki-tô hữu đầu tiên trong thời bách hại, họ xác tín rằng: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?[3] và họ được bình an nội tâm, cho dù cuộc sống của họ bị khó khăn trăm bề.

Cho nên, bình an mà Đức Giê-su hứa ban, không có nghĩa là cuộc sống của họ được trải thảm nhung và hoa hồng. Chính khi đưa ra lời hứa này, Đức Giê-su đang trên đường hướng đến cuộc khổ nạn. Và trên đường thương khó, sự bình an nội tâm của Đức Giê-su đã biến ngày thứ sáu tội lỗi, thành ngày thứ sáu thánh thiện. Ngài lấy tình yêu và tha thứ để đáp lại hận thù và gian ác. Sau này, khi phải đối diện với những cuộc vu khống và bách hại, các môn đệ và những người ki-tô hữu đầu tiên luôn có được sự bình tĩnh và an nhiên. Đó là sự bình an của Đức Giê-su đã để lại. Bình an ấy được thực hiện một cách cụ thể nhờ Đấng Bảo Trợ. Ngài có nhiệm vụ đưa anh em đến sự thật toàn vẹn và niềm vui trọn vẹn.

Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần, Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em.” (câu 26). Đức Giê-su bảo đảm với các môn đệ rằng Ngài sẽ không bỏ rơi họ. Theo nguyên ngữ Hy-lạp, Đấng Bảo Trợ[4] có thể hiểu theo nhiều nghĩa khác nhau là Người bênh vực, Người an ủi, Người cố vấn hoặc Người trợ giúp… Ngài là Thần Khí của Thiên Chúa và luôn ở bên cạnh chúng ta mãi mãi (câu 16). Đấng Bảo Trợ là người đại diện, bảo vệ, tranh luận cho chúng ta, và dẫn đưa chúng ta đến bình an đích thực. Có thể hiểu, Ngài sẽ đưa ra những lời khuyên như cần thiết cho chúng ta trong những hoàn cảnh sống cụ thể. Tuy nhiên, không giống như các luật sư bào chữa ngày nay, những người không có trách nhiệm tiết lộ sự thật mà thay vào đó, họ phải cố gắng đảm bảo một phán quyết có lợi cho thân chủ của họ. Còn Đấng Bảo Trợ mà Đức Giê-su giới thiệu ở đây là “Thần Khí sự thật” (câu 17). Như vậy, Đấng Bảo Trợ đóng vai trò là người cố vấn, người bênh vực, người trợ giúp… để nâng đỡ những ai đang gặp khó khăn.

Nhiệm vụ quan trọng, Chúa Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều và sẽ làm cho anh em nhớ lại mọi điều Thầy đã nói với anh em (câu 26). Trong Tin Mừng Gio-an, các môn đệ là những người thường thường hoặc hiểu sai, hoặc không hiểu điều Đức Giê-su nói.[5] Cho nên, nhiệm vụ của Đấng Bảo Trợ là giúp họ ghi nhớ và giải thích những lời dạy của Đức Giê-su trong từng hoàn cảnh cụ thể.

Lời hứa này vẫn là một lời khích lệ cho chúng ta ngày nay. Đấng Bảo Trợ là Chúa Thánh Thần luôn đứng bên cạnh để hướng dẫn chúng ta. Nếu chúng ta làm theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần, Ngài sẽ dẫn chúng ta đến sự thật. Và nếu chúng ta vâng lời, Thần Khí sẽ dẫn chúng ta đến niềm vui trọn vẹn. Nhưng các ơn lành này cần sự cộng tác của con người. Chúng ta phải làm theo, phải tuân theo những lời dạy dỗ của Đức Giê-su.

Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Và lời anh em nghe đây, không phải là của Thầy, nhưng là của Chúa Cha, Đấng đã sai Thầy.”(câu 24). Chắc chắn, ai yêu mến Đức Giê-su thật lòng, sẽ giữ lời Ngài. Những ai không yêu mến Đức Giê-su sẽ không giữ lời Ngài – sẽ không tuân theo điều răn mới của Ngài – sẽ không yêu thương nhau.

Như vậy, bình an của Đức Giê-su để lại có hiện diện trong đời sống của chúng ta hay không, tùy thuộc vào sự đáp trả của chúng ta về lời mời gọi „anh em hãy tuân giữ những điều Thầy dạy.”

————

[1] Tin Mừng Chúa Nhật 6 Phục Sinh Năm C (Ga 14,23-29).

[2] „Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy. Nếu anh em giữ các điều răn của Thầy, anh em sẽ ở lại trong tình thương của Thầy, như Thầy đã giữ các điều răn của Cha Thầy và ở lại trong tình thương của Người. Các điều ấy, Thầy đã nói với anh em để anh em được hưởng niềm vui của Thầy, và niềm vui của anh em được nên trọn vẹn.” (Ga 15,9-11)

[3] Xem Rm 8,31.

[4] Chỉ có Tin Mừng Gioan dùng danh từ παράκλητος (Paráklētos) = Chúa Thánh Thần. Danh từ này cho thấy Chúa Thánh Thần là một ngôi vị, chứ không phải là một đặc tính hoặc một tính cách của Thiên Chúa. Nói một cách khác, Chúa Thánh Thần là một ngôi vị Thiên Chúa. Các tác giả Tin Mừng khác có nhắc đến Thánh Thần (Holy Spirit), và dùng cụm từ πνεῦμα ἅγιον  (πνεῦμα = spirit = tinh thần; ἅγιον = holy = thánh). Trong Tin Mừng Gioan và các thư của thánh Gioan, cũng dùng danh từ pneuma, nhưng chỉ để đề cập đến những đặc tính, những tính cách thôi. Ví dụ như gió (Ga 3,8); sinh lực sống của con người (Ga 3, 6); tinh thần/ tâm thần của Đức Giê-su (Ga 11,33; 13,21; 19,30); thứ mà Đức Giê-su ban cho các môn đồ (Ga 20,22), hoặc thứ gì đó đến từ Thiên Chúa (Ga 1,32-33; 3,5-8; 15,26)…. Thánh Gio-an dùng danh từ παράκλητος (Paráklētos) để chỉ đích danh Chúa Thánh Thần. Danh từ παράκλητος (Paráklētos) = Chúa Thánh Thần chỉ xuất hiện 4 lần trong Tin Mừng Gioan (Ga 14,16; 14,26; 15,26; 16,7) và 1 lần trong thư thứ nhất của thánh Gioan (1 Ga 2,1).

Về mục lục

ĐƯỢC CHÚA Ở CÙNG

Lm. Inhaxiô Trần Ngà

Thiên Chúa dựng nên muôn loài muôn vật trong vũ trụ bao la vô biên vô tận nầy. Ngài là Chúa tể thống trị muôn loài trên trời dưới đất. Vì thế, không có đền đài hay cung điện nào trên đời, cũng chẳng có ngai tòa nào trên khắp thế giới xứng đáng cho Ngài ngự trị… Thế thì thân xác và tâm hồn mỗi người chúng ta chẳng đáng là gì để Chúa ngự đến viếng thăm và ở lại với chúng ta.

Vậy mà Thiên Chúa quý mến con người cách đặc biệt và ưa thích ngự trị trong tâm hồn các tín hữu như trong đền thờ của Ngài.

Chúa Giê-su khẳng định rằng không chỉ riêng Chúa Cha mà còn cả chính Ngài cũng như Chúa Thánh Thần, là Đấng luôn kết hợp với Chúa Cha và Chúa Con, sẽ ngự đến và ở lại với những người xứng hợp.

Nhưng những ai được xem là xứng hợp?

Đó là những người yêu mến và vâng giữ lời Chúa Giê-su dạy, như lời Ngài phán: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy thì Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23).

Có lẽ chúng ta chưa bao giờ ước mơ có ngày được tiếp đón Đức thánh Cha hay những vị hồng y cao cả trong Hội thánh đến ngụ tại nhà mình, vì cảm thấy mình bất xứng; thế mà chúng ta lại được vinh dự vạn lần hơn khi được cả ba Ngôi Thiên Chúa đến ở lại với mình. Hạnh phúc biết bao!

Diễm phúc tuyệt vời nhất

Hôm xưa, khi đến truyền tin cho Đức trinh nữ Maria, sứ thần Gáp-ri-en cất tiếng chào: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng!”

Vì sao trinh nữ Maria được gọi là người đầy ân sủng thì sứ thần cho biết lý do: “Vì được Thiên Chúa ở cùng.”

Được Thiên Chúa ở cùng là diễm phúc tuyệt vời nhất trên thế gian. Muốn đạt được diễm phúc đó thì phải thực hiện hai điều Chúa Giê-su dạy: một là yêu mến Chúa, hai là tuân giữ lời Ngài. Việc nầy nằm trong khả năng, trong tầm tay mỗi người.

Tiếc thay, nhiều người ước mơ những phúc lộc phù du đời nầy và dồn hết công sức để chiếm hữu chúng, mà lãng quên hồng phúc lớn lao là được Chúa ở cùng.

Những phúc lộc đời nầy sẽ tiêu tan như khói như mây nên chẳng đáng cho ta đầu tư công sức để chiếm hữu, chỉ có những ai được Chúa ở cùng mới đạt được hạnh phúc đích thực và trường cửu mà thôi.

Lạy Chúa Giê-su,

Mặc dù chúng con bất xứng nhưng Chúa vẫn ưa thích ngự đến và ở lại với chúng con.

Xin cho chúng con đừng để tâm hồn bị ô nhiễm vì tội lỗi và những thói hư tật xấu, nhưng luôn gìn giữ tâm hồn trong sạch và tô điểm tâm hồn bằng các nhân đức, để xứng đáng làm nơi Chúa ngự. Amen.

Về mục lục

NHÂN LOẠI ĐANG RẤT CẦN BÌNH AN GIÊSU

Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ

Lời chào chúc Bình an

Người Do thái mỗi khi gặp thường chào chúc nhau “shalom” có nghĩa là bình an hay hòa bình. Văn hóa Việt Nam “bình an” cũng có nghĩa là “hòa bình”. Tuy nhiên, “bình an” thường được sử dụng để diễn tả tình trạng nội tâm cá nhân, còn “hòa bình” diễn tả tương quan giữa người với người, quốc gia với quốc gia và quốc tế với nhau.

Đã làm người, ai cũng muốn được bình an. Sống cần bình an, chết cũng cần bình an. Vì thế mà trên bia mộ của người Kitô hữu, chúng ta thường bắt gặp ba ký tự (R.I.P) viết tắt của (Requiescat in Pace) trong tiếng La tinh có nghĩa là “hãy nghỉ ngơi bình an”. Dưới cái nhìn mặc khải Kitô Giáo, bình an là trạng thái của người dồi dào ân sủng Chúa và bình an đáng mong đợi nhất là ơn cứu độ vĩnh cửu Chúa ban.

Đức Kitô là Hoàng Tử Bình An

Khoảng 700 năm trước Chúa Giêsu ra đời, tiên tri Isaia đã loan báo Người là Hoàng Tử Bình An, Người đến để thiết lập hòa bình giữa con người với Thiên Chúa, với vũ trụ vạn vật và giữa con người với nhau (Is 9,5). Lúc đó, người ta sẽ “đúc gươm đao thành cuốc thành cày, rèn giáo mác nên liềm nên hái. Dân này nước nọ sẽ không còn vung kiếm đánh nhau, và thiên hạ thôi học nghề chinh chiến” (Is 2,4). Giữa cảnh tha hương, lưu đày, Thiên Chúa nói với Dân Người: “Ta sẽ lập với chúng một giao ước bình an” (Ed 37,26).

Khi Chúa Giêsu giáng sinh tại Bêlem, các thiên thần ca hát rằng “vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Như thế, “Bình an” đã xuất hiện tỏ tường trong ngày Chúa giáng sinh.

Khi đến “giờ Chúa Giêsu qua khỏi thế gian này để về cùng Đức Chúa Cha”  (Ga 13,1), với trọn tình Thầy trò, Người đã dành cho các môn đệ những lời tâm huyết, cụ thể như truyền cho các môn đệ một Điều Răn Mới (x. Ga 15,12). Tiếp theo, Người mạc khải cho các ông về Chúa Thánh Thần  (x.Ga 14,26). Đồng thời hứa ban bình an cho các ông. “Bình an” là quà tặng cao quý của Thầy để lại cho các học trò trước lúc ra đi. Đó cũng là “Bình an” sau khi sống lại Chúa Giêsu sẽ tặng cho các môn đệ đang cửa đóng then cài vì sợ hãi. “Bình an” là điều các ông đang cần đến hơn bao giờ hết.

Chúa Giêsu chính là Bình An đích thực. Có bình an của Chúa Giêsu đồng nghĩa với có chính Chúa, “Bình An Giêsu”. Có được Bình An Giêsu người ta sẽ cảm nhận được tâm hồn thanh thản, thể xác lành mạnh, nghĩa là bình an cả xác hồn. Bình an này hướng các môn đệ về mầu nhiệm cách chung, nhiệm cục cứu độ.

Bình an của Đức Kitô khác với bình an thế gian ban tặng

Câu hỏi được đặt ra: Tại sao là ‘bình an’ mà không phải là giàu sang, tài giỏi, sức khỏe hay điều gì khác? Thưa, vì nếu con người có tất cả những thứ đó mà không có bình an thì coi như chẳng có gì.

Với nghĩa nặng tình sâu trong tình thầy trò đầy thương mến, Chúa Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Người cũng nói với họ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27). Người ban cho họ bình an, sự bình an mà thế gian không thể ban tặng. Tại sao bình an của Chúa Giêsu thế gian không thể ban tặng? Thưa, vì Chúa Giêsu chính là Bình An; là nguồn bình an, Người ban cho các các môn đệ chính bình an của Người, bình an nội tâm, bình an tuyệt đối, bình an vượt xa sự hiểu của con người.

Lời Chúa Giêsu nói với người đàn bà bị mắc bệnh: “Này con, lòng tin của con đã cứu chữa con. Con hãy về bình an và khỏi hẳn bệnh” (Mc 5,34). Bà được khỏi bệnh cả thể xác lẫn tâm hồn, bình an tuyệt đối. Bình an cũng là điều Chúa truyền cho các môn đệ khi đi rao giảng Tin Mừng, Người căn dặn: “Vào nhà nào, anh em hãy chào chúc bình an cho nhà ấy” (Mt 10,12). Trên đường đi Giêrusalem, tới gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, những người theo Đức Giêsu tung hô: “Chúc tụng Đức Vua, Đấng ngự đến nhân danh Chúa! Bình an trên cõi trời cao, vinh quang trên các tầng trời” (Lc 19,38). Chúa Giêsu là Bình an trên trời và dưới đất.

“Bình an cho anh em!” (Lc 24,36) là lời đầu tiên của Chúa Giêsu sau khi sống lại và hiện ra với các môn ngày thứ nhất trong tuần. Có Bình an Giêsu, con người các ông hoàn toàn đổi mới, ngờ vực trở nên vững tin, nhút nhát nên người can đảm, sống cửu đóng then cài, nay đi rao giảng Thiên Chúa Chúa Giêsu chết bị chôn trong mồ đã sống lại hiển vinh, mà chính các ông làm chứng, không sợ chết.

Thánh Phaolô khẳng định: “Chính Người là bình an của chúng ta” (Ep 2,14). Về căn bản, bình an của Chúa Giêsu là bình an bên trong, bình an nội tâm, bình an mà không mãnh lực nào có thể cướp mất được, kể cả cái chết. Sở dĩ Chúa Giêsu có thể ‘cam lòng chịu chết’ để cứu độ nhân loại vì chính Người là Bình An.

Lời Chúa Giêsu an ủi các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Tại sao tin vào Thiên Chúa và tin vào Chúa Giêsu Kitô lại giúp các môn đệ khỏi xao xuyến, khỏi bất an? Thưa, bởi vì Chúa Giêsu là Hoàng Tử Bình An của Thiên Chúa giữa lòng nhân loại. Người đem bình an cho nhân thế. Ai thiết lập tương quan mật thiết, liên vị với Người, sẽ vượt qua muôn hình thức sợ hãi gieo rắc bởi thế lực bóng đêm, ma quỷ, thế gian, xác thịt.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã nói với các tông đồ rằng: “Thầy để lại bình an cho các con, thầy ban bình an của thầy cho các con…”. Thế giới hiện nay đang khao khát bình an của Chúa. Xin đoái thương ban cho chúng con ơn hiệp nhất và bình an theo ý Chúa muốn, để ngay ở đời này chúng con đã được nếm hưởng hạnh phúc bất diệt Chúa giành cho chúng con nhờ sự chết và phục sinh của Chúa. Amen.

Về mục lục

VÌ YÊU CHÚA

Bông Hồng Nhỏ

Yêu ai, ta sẽ muốn ở gần người ấy, muốn được sống với họ cả đời. Có bài hát với những lời ca rất ý nghĩa: “Khi hai ta về một nhà, khép đôi mi chung một giường, đôi khi mơ cùng một giấc, thức giấc chung một giờ. Khi hai ta chung một đường, ta vui chung một nỗi vui, nước mắt rơi một dòng, sống chung nhau một đời”.

Vì yêu thương con người, Thiên Chúa đã chủ động đi bước trước để đến với, ở cùng và làm cho họ nhận biết mình được Thiên Chúa yêu thương. Người cũng không ngừng cuốn hút, thúc bách họ đáp trả lại tình yêu bao la của Người, để họ được sống hạnh phúc, triển nở và sung mãn trong tình yêu của Người. Thầy Giêsu đã gửi gắm những tâm tư tình của mình với các môn đệ thân tín. Lời của Người vừa dứt khoát vừa tâm tình: “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Người khẳng định rằng tình yêu được diễn tả qua hành động cụ thể: “yêu Thầy thì sẽ giữ lời Thầy”.

Quả thế, người ta sẽ không thể làm cho người khác tin vào tình yêu của mình chỉ với những lời đầu môi chóp lưỡi ngọt ngào. Những lời nói “có cánh” ấy chỉ làm rung động con tim trong phút chốc, chính hành động mới có tính bền vững. Yêu Chúa, ta cũng được mời gọi mở rộng con tim cho Thần Khí của Đức Kitô hướng dẫn. Những giờ cầu nguyện sốt sắng đầy cảm xúc, đầy tâm tình luôn luôn cần được đẩy đến bước quyết định: thực thi đức ái. Hay nói cách khác, nếu ta muốn biết mình có yêu Chúa thật không thì ta hãy xét mình về lòng yêu thương tha nhân, như lời các thánh đã chỉ dạy. Những tâm tình sốt sắng, những quyết tâm ta nhận được khi cầu nguyện phải được trổ sinh hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ. Thầy Giêsu đã khẳng định rằng: “Ai không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy”. Con người yếu đuối và giới hạn, do đó ta có thể vấp ngã. Nhưng điều đó không có nghĩa là ta không thể sống điều Chúa mời gọi. Bởi nếu ta thật sự khao khát yêu Chúa thì chính Chúa Cha là Đấng thấu suốt mọi bí ẩn sẽ ban ơn sức mạnh cho ta, để khi càng yêu mến Chúa ta lại càng yêu mến Người hơn nữa. Thầy Giêsu đã khẳng định với những ai yêu mến Người và giữa lời của Người rằng: “Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14, 23). Thiên Chúa luôn đi bước trước trong tình yêu. Người đã yêu con người trước khi con người nhận biết và yêu mến Người.

Điều mà Thầy Giêsu để lại cho các môn đệ chính là “bình an”. Con đường của những ai muốn trở thành môn đệ đích thực của Thầy Giêsu sẽ không phải là một con đường dễ dàng, nhưng đó là con đường đi đến đồi Canvê- con đường của “từ bỏ mình, vác thập giá mình để theo Chúa”, con đường của việc hiến tế chính mình theo gương Thầy Giêsu. Bởi Người biết rõ những gì sẽ xảy ra cho người môn đệ ở phía trước: đó là những khó khăn, thử thách, hiểm nguy, bắt bớ, … Người trấn an các ông: “Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi. Anh em đã nghe Thầy bảo: “Thầy ra đi và đến cùng anh em”. Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Chúa Cha, bởi vì Chúa Cha cao trọng hơn Thầy. Bây giờ, Thầy nói với anh em trước khi sự việc xảy ra, để khi xảy ra, anh em tin.” (Ga 14, 27- 29). Đó cũng là lời mà Người đang nhắn nhủ ta.

Lạy Chúa Giêsu! Những giây phút ở lại bên Chúa, lắng nghe Lời của Người, con được kín múc nguồn sức mạnh, sự bình an; nhưng cũng có nhiều lúc con bị Lời chất vấn, con phải trải qua những cuộc chiến đấu nội tâm đầy cam go. Chúa hứa với con rằng, nếu con biết cưu mang Lời của Chúa như hạt giống được gieo trên đất tốt, Lời sẽ đâm rễ và trổ sinh hoa trái trong cuộc sống của con. Chú tâm lắng nghe Chúa nói trong đời sống của mình, con sẽ thấy Lời Chúa luôn ứng nghiệm mọi nơi và mọi thời, ngay trong giây phút hiện tại con đang sống. Con cảm tạ, ngợi khen và chúc tụng tình yêu Chúa. Amen.

Về mục lục

ĐẤNG BẢO TRỢ

Thiên San

Sau khi ban điều răn mới “yêu như Thầy đã yêu”, Đức Giêsu đã hứa ban Thánh Thần – Đấng Bào Chữa cho các môn đệ của Người. Người thật chu đáo và chẳng nỡ để các môn đệ “mồ côi”, không nơi nương tựa. Đấng Bào Chữa là Thánh Thần sẽ dạy cho các ông mọi điều và giúp các ông nhớ lại mọi điều Đức Giêsu đã nói với các ông. Quả thực, nếu Đức Giêsu không đi thì Đấng Bảo Trợ sẽ chẳng đến. Người cũng trao ban bình an của Người cho các môn đệ và tiếp tục kêu mời các ông tuân giữ mọi điều Thầy truyền dạy (x. Ga 14, 23-29).

“Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.” (Ga 14, 23). Đối với những ai đã từng có kinh nghiệm “yêu đương” đều thấy rằng, dường như khi yêu, chúng ta có khả năng nhớ mọi điều người ấy nói với ta, đặc biệt là những lời yêu thương. Ta luôn muốn làm đẹp lòng người ta yêu. Trong kinh nghiệm này, Đức Giêsu tin tưởng vào các môn đệ – những kẻ yêu mến Ngài sẽ giữ lời Ngài dạy. Tình yêu thúc đẩy hành động, hành động là giữ lời Thầy dạy. Chính khi người môn đệ tuân giữ mọi điều của Thầy Giêsu, họ sẽ được Chúa Cha yêu mến. Chúa Cha và Chúa Con sẽ đến và ở lại với người ấy. Được Chúa Cha yêu thương là một ân huệ lớn lao.

Đấng Bào Chữa, Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần sẽ dạy cho chúng ta mọi điều và giúp chúng ta nhớ lại mọi điều Thầy đã truyền dạy. Trải qua dòng lịch sử, chúng ta có thể thấy được phần nào hoạt động của Chúa Thánh Thần trên Hội thánh. Có biết bao dòng tu, biết bao đổi mới trong cách thức sống đạo, biết bao sự kiện lớn nhỏ đã xảy ra. Từ xưa tới nay, dù ít dù nhiều, các môn đệ Đức Giêsu vẫn đang tiếp tục thực thi lệnh truyền của Ngài, tiếp tục sống giới răn yêu thương. “Yêu như Thầy” thật khó nhưng chính Thánh Thần sẽ dạy chúng ta biết cách yêu ấy. Chính Thánh Thần sẽ hướng dẫn chúng ta, gợi nhắc khi chúng ta quên, mải mê chạy theo thế sự. Chúng ta chẳng thấy Ngài nhưng Ngài vẫn có đó, vẫn hoạt động qua mọi thời và mọi lúc.

Bình an là ân phúc mà Đức Giêsu đã để lại cho các môn đệ, cho Hội Thánh của Người. Bình an ấy Người không ban theo kiểu thế gian. Đối với những ai yêu mến thật sự, những đau khổ, khó khăn thử thách trong cuộc sống sẽ là cơ hội để họ nên giống Đấng họ yêu mến – Đức Giêsu Kitô Chịu Đóng Đinh. Khi họ xem đó là cơ hội để được thông phần với Chúa, họ sẽ tìm thấy được bình an đích thực. Chúa ban bình an không theo kiểu thế gian. Bình an của Người vượt qua mọi đau khổ, gian nan, giúp ta có cái nhìn thiêng liêng, tức là Thấy Chúa trong mọi sự, yêu mến Chúa trong các sự ấy. Cũng khi yêu thực sự, chúng ta sẽ biết đón nhận những trái ý trong cuộc sống. “Nếu anh em yêu mến Thầy thì hẳn anh em đã vui mừng vì Thầy đi về cùng Cha, bởi vì Cha cao trọn hơn Thầy” (Ga 14, 28). Quả thưc, nếu yêu mến Thầy thật sự, chúng ta sẽ nhìn ra được điều cao trọng, quý giá hơn, để có thể đón nhận những mất mát lúc này.

Xin cho tình yêu của chúng ta đủ lớn để can đảm, kiên trì bước đi trên con đường yêu thương của Thầy Giêsu. Xin cho chúng ta biết mở lòng đón nhận sự soi dẫn của Chúa Thánh Thần để chính Ngài giúp chúng ta yêu đúng cách của Chúa, nhớ và thực thi mọi điều Thầy truyền dạy. Chính khi say mê yêu theo cách của Chúa, yêu như Chúa, chúng ta sẽ nhận được bình an đích thực, bình an của Đấng Phục Sinh; và Thánh Thần luôn là Đấng Bảo Trợ, là món quà Chúa Cha và Chúa Con trao gửi cho mỗi chúng ta trên hành trình tiến về nhà Cha.

Về mục lục

TRƯỚC NHỮNG ĐỐI KHÁNG TRONG VÀ NGOÀI GIÁO HỘI

Jorathe Nắng Tím

Giáo Hội là một thực thể vừa thánh thiện vì Đầu của Thân Thể Giáo Hội là Đức Giêsu, Đấng tuyệt đối thánh thiện; vừa thiếu sót, đầy khuyết điểm, vì Thân Thể ấy mang những chi thể yếu đuối là “tập thể những con người tội lỗi”. Vì thế, Giáo Hội thánh thiện ấy luôn ý thức mình phải liên tục thống hối, trở về, và liên lỷ thanh luyện, đổi mới. Đó cũng là lý do tại sao trong Giáo Hội  có những đối kháng, khủng hoảng, những bất đồng, tranh chấp, cả những tội ác tầy trời và gương mù gương xấu khó có thể tưởng tượng… mà chúng ta là tác nhân hoặc đồng phạm.

Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta trở về sống bầu khí đối kháng rất căng thẳng trong Giáo Hội buổi ban đầu trước vấn đề cắt bì được kể lại trong sách Công Vụ Tông Đồ: vì đạo Do Thái đòi buộc các con trai phải chịu cắt bì. Nay phát sinh từ đạo Do Thái một Đạo Mới là Đạo của Đức Giêsu Kitô, nên việc cắt bì như điều kiện nhập đạo được nhiều người đặt ra, điển hình là “có những người thuộc phái Pharisêu đã trở thành tín hữu, bấy giờ đứng ra nói rằng: “Phải làm phép cắt bì cho người ngoại và truyền cho họ giữ luật Môsê” (Cv 15,5); lại có những người  mạnh miệng qủa quyết: “Nếu anh em không chịu phép cắt bì theo tục lệ Môsê, thì anh em không thể được cứu độ” (Cv 15,1). Hai vị tiên phong hướng về dân ngoại và ủng hộ việc không bắt dân ngoại phải chịu cắt bì khi gia nhập Giáo Hội của Đức Giêsu là ông Phaolô và Banaba (x. Cv 13,44-51; 15, 2-4).

Nếu Giáo Hội ở những ngày đầu mới thành lập, khi đứng trước những  đối kháng căng thẳng, những tranh luận nẩy lửa, những bất đồng sâu sắc, các Tông đồ và các kỳ mục đều họp nhau để xem xét, bàn bạc, quyết định (x. Cv 15,6), thì Giáo Hội hôm nay, khi đứng trước những vấn đề sôi bỏng, những khủng hoảng, và  khó khăn đủ loại trong  Giáo Hội và những tấn công, chống phá từ bên ngoài cũng không đi ra ngoài con đường các thánh Tông Đồ đã đi, con đường mà chính Đức Giêsu đã đi và mời gọi  Giáo Hội cùng đi với Ngài.

Đó là con đường yêu mến Chúa và yêu thương nhau như Chúa đã yêu thương (x. Ga 13,34 ; 14.23), vì có đi trên đường yêu thương này, mọi thành phần trong Giáo Hội mới có thể hiệp nhất với nhau, nhờ tất cả đều tuân giữ lời Chúa, và được Thánh Thần hướng dẫn, chỉ bảo (x. Ga 14,23.26); có đi trên hành trình yêu thương này, mọi chi thể của Thân Thể mầu nhiệm là Hội Thánh mới không xao xuyến, cũng không sợ hãi, nhưng bình an trong gian truân, thử thách, và vui mừng khi bị vu khống, xỉ vả, hãm hại, vì biết có Chúa là thành lũy che chở, là gia nghiệp, phần thuởng đời đời (x. Mt 5, 11-12); có đi trên những dấu chân của lòng thương xót mà Đức Giêsu đã đi,  đoàn thể môn đệ Ngài mới có thể “đồng tâm nhất trí”, “luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng”; dân Ngài mới có thể chia sẻ  “với lòng đơn sơ vui vẻ”, sốt sắng “ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến” (x. Cv 2,42.46.47); nhất là có đi với nhau trên đường Thánh Giá của vâng phục Thánh Ý, đoàn chiên của Ngài mới có thể “nên một” khi  tất cả đều ý thức một điều rất quan trọng, đó là Giáo Hội được thành lập trên Tảng Đá Tông Đồ (x. Mt 16),  Giáo Hội mà sách Khải Huyền đã mô tả như Thành Thánh Giêrusalem mới “từ nơi Thiên Chúa mà xuống, chói lọi vinh quang Thiên Chúa… Thành có tường rộng và cao, với mười hai cửa do mười hai thiên thần canh giữ … Tường thành xây trên mười hai nền móng, trên đó có tên mười hai Tông Đồ của Con Chiên” (Kh 21,10-12.14).

Thực vậy, để có thể hoà giải khi có chia rẽ, bất bình; để có thể hiệp nhất khi có  đương đầu, đối kháng; cũng như để có hiệp thông, bình an giữa cuồng phong bão tố, ngoài những việc khác phải làm, chúng ta không thể bỏ qua việc quan trọng cần phải làm trước hết, đó là bám chặt vào Tảng Đá Phêrô, trên đó Đức Giêsu đã xây Giáo Hội mà chúng ta là thành viên; cần gắn bó với Núi Đá “các Tông Đồ” là thành lũy vững chắc chở che, là hải đăng soi đường chỉ lối mà  Đức Giêsu đã chuẩn bị sẵn cho chúng ta; cần tin tưởng vào “Chìa Khóa” Chúa trao cho Simôn Phêrô (x. Mt 16,19),  vì đây là chìa khóa cởi trói, giải thoát, cứu chữa nhân loại mà Đức Giêsu đã trao tận tay các Tông Đồ và những đấng kế vị cho sự sống và  hạnh phúc đời đời của chúng ta.

Vâng, giữa thời buổi người ta đang cố tách Đức Giêsu ra khỏi Giáo Hội của Ngài, và nghi ngờ sứ vụ cũng như vai trò thiết yếu của Giám Mục trong Giáo Hội, thiết tưởng, người Kitô hữu hơn lúc nào hết cần lui về bên trong tâm hồn để chiêm ngắm với niềm xác tín sâu sa mầu nhiệm Giáo Hội, để nhận ra ý định và công trình thánh thiện của Thiên Chúa khi xây dựng Giáo Hội của Đức Giêsu trên Tảng Đá Phêrô, và đặt nền móng Thành Thánh Giêrusalem mới là Giáo Hội trên  các Tông Đồ, bởi ý muốn và kế hoạch không bao giờ thay đổi của ma quỷ chính là đánh phá Tảng Đá Phêrô, và quyền lực của tử thần đã liên tục ngày đêm, từ đời này đến đời kia, hết thế hệ này đến thế hệ nọ tấn công không ngơi nghỉ, đánh phá không mệt mỏi hàng ngũ cai quản Giáo Hội là các Tông Đồ và các đấng kế vị, như lịch sử Giáo Hội đã minh chứng.

Chúng ta hiệp ý cầu nguyện cho Đức Thánh Cha Phanxicô và toàn thể các Giám Mục hiệp thông với Ngài. Xin Chúa Kitô sống lại, Đấng đã hứa với các Tông Đồ: “quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16,18) khi xây dựng Giáo Hội ban cho các vị ơn bình an phục sinh của Chúa, để các vị chăn dắt đoàn chiên Chúa trao phó bằng trái tim thương xót của Mục Tử nhân lành “biết” chiên, “thương” chiên và sẵn sàng “hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10,15).

Về mục lục

TÌNH THẦY GIÊSU

Lm. Jos DĐH.

Quan niệm xã hội vẫn cho rằng: “tài giỏi” là người có được công thành danh toại; “đức độ” là người luôn có sự bình an tâm hồn. Xưa, người ta khâm phục những ai văn võ song toàn; nay người trẻ còn tham vọng hơn: được voi đòi hai “bà trưng”. Cùng đích đời người là gì ? Bằng ý chí quyết tâm, hoặc những nỗ lực cụ thể, có phải mọi người đều muốn mong được hạnh phúc ? Có đúng không, cuộc đời chúng ta đẹp nhất ở tuổi thanh xuân, nhưng chắc chắn sẽ đẹp hơn khi tuổi xuân ấy xuất hiện bóng hình để ta nhung nhớ và thương yêu ! Tình là gì, tình là chi, mà từ xa xưa, người ta hạnh phúc và đau khổ cũng vì tình ? Vâng, tại sao cứ nhớ là thương, cứ chờ đợi là có cảm giác lâu thế, tại sao đêm không ngủ ngày quên ăn, gọi là tương tư ? Phải chăng đó là tình yêu !

Chữ tình quả là phong phú, Thầy Giêsu làm cho ý nghĩa hơn, khi nối kết với yêu mến, và tuân giữ: “ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy”. Kitô giáo không chủ trương thành công trên lý thuyết, không kêu gọi người tín hữu phải có văn võ song toàn, nhưng cần phải tuân giữ lời Thầy truyền dạy, luôn sống mến yêu. Tình Thầy Giêsu phải là tình liên đới hiệp thông, tình Giêsu mời gọi phải đem việc làm mà dạy, mà sống, mới là yêu là thương, mới có tính thuyết phục. Cha ông chúng ta nói rằng: những người thầy giỏi, luôn dạy các học trò bằng trái tim chứ không từ sách vở. Thầy Giêsu không đặt vấn đề tài giỏi hay đức độ, nhưng nói đến sức mạnh của chữ tình, phát xuất từ trái tim yêu thương: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an cho các con không như thế gian ban tặng”.

Theo lý lẽ tự nhiên: có lửa thì có khói, có đầu tư công sức sẽ gặt hái thành quả. Về phương diện siêu nhiên: có mến Chúa thì sẽ biết yêu người, có tuân giữ lời Thầy Giêsu, người ta mới cảm nhận được tình yêu của Ba Ngôi đang sống động trong cuộc đời mình. Thực ra, con người tự nhiên có thể che giấu được mọi thứ, nhưng có hai thứ không thể đó là say rượu và đang yêu. Người ta có thể khoe mọi thứ, người ta có thể nổ, hoặc cưa bom ở mọi nơi mọi lúc, nhưng có hai thứ không thể là cố tỉnh rượu và cố tình không yêu. (Khuyết danh). Trong tình yêu, chúng ta dễ dàng nói đẹp, nói tốt, nói hay, tình yêu là ngọt, là thơm, nhưng đâu phải ai cũng hiểu tình yêu thế gian và tình yêu Chúa có một khoảng cách xa, dù chúng ta được gọi là đạo đức.

Tình Thầy Giêsu lúc nào cũng cao đẹp đối với những ai có lòng khiêm tốn, và sẽ mơ hồ trước những ai sống xa lạ với hành động yêu thương. Kinh nghiệm tiền nhân cho biết: cả giầu sang phú quý lẫn sự vĩ đại đều không thể mang tới hạnh phúc. Thực tế thì mọi người vẫn cho rằng: tiền của, tài năng, sức khoẻ, cũng chỉ là nhất thời, chỉ khi có hồn an xác mạnh, người ta mới hạnh phúc. Tình Thầy Giêsu mở ra cho các học trò một xác tín: “Đấng Phù Trợ là Thánh Thần mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con biết tất cả những gì Thầy đã nói với các con”. Thứ quý nhất ở đời này không phải là tiền quyền, mà là niềm vui, sức khoẻ, là hạnh phúc bé nhỏ nơi những ai ta gặp gỡ. Thứ quý báu mà Thầy Giêsu chỉ dạy đó là bình an thật, là tình yêu thật: “Thầy đi, rồi Thầy sẽ quay trở lại với các con”.

Công cha nghĩa mẹ ơn thầy chớ quên. Tình Thầy Giêsu sẽ thật vĩ đại, khi các học trò tín thác cậy trông: “các con đừng xao xuyến, và đừng sợ hãi”. Dù thời tiết nắng mưa bất thường, hoa hướng dương vẫn một mực quay về phía mặt trời. Dù các môn đệ, hoặc chúng ta hôm nay phải đối diện với nhiều nghi ngờ, cám dỗ, tình Thầy Giêsu vẫn duy nhất, chuẩn nhất, bao bọc chở che, cứu giúp ta là thật nhất. Cần phải có một chút kiến thức, ta mới có thể phân biệt đâu là người bạn tốt. Cần một chút kiên nhẫn, ta mới có thể nghe và hiểu người thầy luôn dành hết tâm huyết để đưa dẫn ta tới hạnh phúc. Để có thể phân biệt đâu là tình cảm, đâu là tình yêu, để phân biệt đâu là tình đời thay trắng đổi đen, đâu là tình Thầy Giêsu, mọi người phải liên đới hiệp thông, sống mến yêu.

Tình Thầy Giêsu vừa là mời gọi vừa là nhắc nhớ đến tình yêu Chúa và tha nhân, một tình yêu chân thật và chuẩn mực “yêu như Thầy yêu”. “Nếu các con yêu mến Thầy, thì hay vui mừng vì Thầy về cùng Cha, bởi Cha trọng hơn Thầy”. Ở đời người ta biết nói với nhau: thật thà thường thua thiệt, ở trong Thầy Giêsu, ai cũng được biết đến tình yêu thật, bình an thật, dù tâm tính của ta còn nhiều giới hạn. Cha ông chúng ta cũng nói: cây lớn kên nhờ được chăm sóc, người lớn lên, trưởng thành hơn nhờ giáo dục, nhờ được yêu và biết yêu. Tình yêu và bình an của thế gian đôi khi chỉ là “xáo ngữ”: yêu ai yêu cả đường đi; an toàn là bạn, tai nạn là thù, nhất là khi đời sống cầu nguyện, kết hiệp mật thiết với Chúa hời hợt, muốn ý Chúa phải theo ý mình. Mỗi người kitô hữu dù ở bậc sống nào, hoàn cảnh nào, chúng ta cũng được mời gọi yêu thật, sống thật, ở trong tình yêu Giêsu thật trọn vẹn. Amen.

Về mục lục

SỐNG BÌNH AN LÀ SỐNG HIỆP HÀNH

Lm. Phaolo Phạm Trọng Phương

Xưa có một ông vua tổ chức một cuộc thi tìm ra người nào vẽ được bức tranh yên bình nhất. Nhiều họa sĩ đã tham gia và nộp bài. Nhà vua xem xét tất cả các bức tranh và ông chọn ra hai bức ông thích nhất. Nhưng ông vẫn phải chọn ra một bức tranh đạt giải.

Bức tranh thứ nhất vẽ một hồ nước tĩnh lặng đến mức có thể thấy những ngọn núi cao vút xung quanh soi bóng dưới hồ. Bên trên là bầu trời trong xanh, mây trắng. Đó là một bức tranh mà ai nhìn vào cũng phải mê mẩn.

Bức tranh thứ hai cũng vẽ cảnh núi, nhưng nó mấp mô và trần trụi. Bên trên là bầu trời u ám, vần vũ như sắp có mưa bão, sấm chớp. Phía dưới một ngọn núi là thác nước đổ xuống ào ào. Nhưng khi nhà vua nhìn kỹ, ông thấy bên cạnh thác nước là một bụi cây nhỏ nằm trong một kẽ đá. Trong bụi cây, một con chim mẹ đang làm tổ. Giữa thác nước đang gào thét, chim mẹ ngồi yên bình trong tổ.

Bạn sẽ chọn bức tranh nào?

Nhà vua đã chọn bức tranh thứ hai và giải thích: “Bởi vì yên bình không có nghĩa là bạn ở một nơi không có tiếng ồn, không gặp rắc rối, không phải làm việc vất vả. Yên bình là khi sống giữa tất cả những thứ đó, bạn vẫn cảm thấy bình an trong tim. Đó mới là yên bình thực sự”.

Kính thưa,

Hôm nay ngang qua các bài đọc, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm sự bình an của Đức Giê-su Phục Sinh, một sự bình an đích thực chứ không phải sự bình an theo kiểu thế gian, là tạm bợ, là mau qua. Giữa những xao động của xã hội, của công việc, của âu lo, của chán chường, của thất vọng, của những hiểu lầm, của những vất vả, của những bệnh tật, của những thiếu thốn, của những thao thức, của những ê chề thất vọng, thì sự bình an từ tiền bạc, từ các thú vui trần thế sẽ không bao giờ giải toả được những xao xuyến trên đối với mỗi chúng ta, tuy nhiên, chỉ có Đức Giê-su, nơi Đức Giê-su và ngang qua Đức Giê-su, chúng ta mới đón nhận được sự bình an đích thực và êm ái. Hôm nay, chính Đức Giê-su cũng khẳng quyết: Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi”. Quả thật, kính thưa, nhờ sự hiệp hành bắt nguồn từ Thiên Chúa Ba Ngôi: Cha, Con và Thánh Thần, nhờ sự nối kết một là ba, ba là một, chúng ta, nhân loại được đón nhận được sự thánh thiện, sự hiệp nhất và yêu thương từ Ba Ngôi. Sự hiệp hành không dừng lại ở tại Ba Ngôi Thiên Chúa, chúng ta cũng nhận được sự hiệp hành của Ngôi Lời Thiên Chúa, là Đức Giê-su, khi Ngài chấp nhận mang lấy bản tính nhân loại để trở nên giống con người chúng ta mọi đàng, ngoại trừ tội lỗi để hiệp hành và cứu độ con người chúng ta. Trong 3 năm công khai loan báo Tin mừng cho nhân loại, tính hiệp hành nơi Đức Giê-su được hiện thực hoá ngang qua cung cách sống, thái độ yêu thương, tha thứ, lối sống thân thiện, gần gũi, bao dung và phục vụ hi sinh hết tất cả mọi người, nhất là những hoàn cảnh bị loại trừ. Quả thật, để đón nhận được sự bình an, nguồn sống từ nơi Đức Giê-su, Thiên Chúa làm người, con người chúng ta được mời gọi hãy tin vào Ngài, hãy yêu mến Ngài và tuân giữ các điều răn của Ngài, hãy ở lại với Ngài để Ngài ở lại với chúng ta,…

Tuy nhiên, kính thưa, làm sao chúng ta sống hiệp hành vói nhau: hiệp thông, tham gia và thực thi sứ vụ được nếu trước hết và trên hết chúng ta không hiệp hành với Chúa, cụ thể với Đức Giê-su Ki-tô ngang qua đời sống cầu nguyện, kinh hạt lễ lạy. Vì thế, để có lối sống hiệp hành trong đời thường đối với anh chị em đồng loại, mỗi chúng ta cần có sự nối kết và gắn bó chặt chẽ với Đức Giê-su, với Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi sự thánh thiện và bình an. Chính nơi Chúa, nơi Đức Giê-su, chúng ta mới đón nhận được sự bình an chân thật và bền vững. Nhờ có sự bình an đó và ngang qua sự bình an đó, chúng ta dễ dàng ra đi lan toả bình an và nối kết với tha nhân ngõ hầu Tin Mừng Bình an được toả sáng. Quả thật, làm sao chúng ta sống bình an, và lan toả sự bình an cho anh chị em chúng ta, nếu trước đó, chúng ta không đón nhận sự bình an từ Thiên Chúa ngang qua Đức Giê-su, cụ thể nơi Lời Ngài và Mình Máu Ngài. Lối sống hiệp hành là bản chất của giáo hội. Làm sao hiệp hành với anh chị em được nếu không có sự hiệp hành từ Thiên Chúa. Hay nói cách khác, làm sao ở lại được với anh chị em đồng loại, nếu không ở lại với Thiên Chúa. Nói rõ hơn là, một khi đã ở lại, hiệp thông với Chúa, thì không thể không ở lại, hiệp thông với anh chị em. Hơn nữa, lối sống hiệp hành còn đòi buộc chúng ta phải biết lắng nghe: lắng nghe Chúa để lắng nghe nhau. Không lắng nghe Chúa ngang qua đời sống chuyên chăm cầu nguyện, đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh Lễ, thì làm sao chúng ta lắng nghe anh chị em nơi gia đình, nơi trường học, nơi chợ búa, nơi đồng ruộng, nơi mọi công việc hằng ngày,…Quả thật, sống bình an là sống hiệp hành.

Tóm lại, ai trong chúng ta cũng rất cần sự bình an. Tuy nhiên, để có sự bình an đích thực, chúng ta buộc phải từ bỏ con người cũ, con người của tội lỗi, con người của sự lười biếng, để can đảm bước theo Đức Giê-su, nguồn bình an đích thật. Thật vậy, chỉ nơi Đức Giê-su và trong Đức Giê-su, chúng ta mới có được bình an, bình an vĩnh cửu, thứ bình an mà không ai có thể cướp đi mất được. Và một khi đã tràn trề bình an đó, chúng ta cũng không ngần ngại bước lên đường để sống hiệp hành với tha nhân, nhất là đối với những ai đang sống trong hoàn cảnh thất vọng, chán chường, âu lo, đói khổ, bệnh tật,…Đây là việc chúng ta đang thực thi sứ vụ Loan báo Tin Vui, tin bình an cho tha nhân. Đó là cách thức thiết thực chúng ta đang thi hành lệnh truyền của Thầy Giê-su: Như Cha đã sai Thầy và Thầy cũng sai anh em. Cầu Chúa chúc lành và ban bình an cho anh chị em. Amen.

Về mục lục