CHÚA NHẬT 6 PHỤC SINH – Năm A
Lời Chúa: Cv. 8, 5-8. 14-17; 1Pr. 3, 15-18; Ga. 14, 15-21
1. Đấng Bảo Trợ – Thần Khí Sự Thật (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)
2. Tín vật tình yêu (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
3. Sự sống mới (ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)
4. Yêu mến để nhận Thần Khí (Trầm Thiên Thu)
5. Lời dặn dò của Chúa (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
6. Người ở giữa anh em (Lm. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)
ĐẤNG BẢO TRỢ – THẦN KHÍ SỰ THẬT
Trong những ngày vừa qua, kể từ khi Trung Quốc ngang nhiên xâm chiếm biển đảo của chúng ta, các phương tiện thông tin từ trong nước đến ngoài nước đều đăng tải về vấn đề này, mỗi nguồn tin lại có những chi tiết và quan điểm khác nhau. Cũng vậy, sau những ngày biểu tình rầm rộ của công nhân cả nước, thì cũng xuất hiện những luồng thông tin, dư luận khác nhau khiến cho nhiều người bị chìm ngập trong thông tin vì không biết đâu là sự thật.
Thế gian, người ta gian dối, quanh co để đạt được mục đích, để đánh lừa người khác. Chúa Giêsu không muốn như thế. Ngài là Đường, là Sự Thật. Ngài muốn các môn đệ của Ngài phải bước đi trong sự thật, sống sự thật, làm chứng cho sự thật. Để bảo đảm cho sự chân thật của các mộn đệ, năm xưa, trước khi chia tay với các tông đồ và trao cho các ông sứ mạng đem Tin Mừng đến cho thế giới, Chúa Giêsu đã hứa ban cho các ông một Đấng Bảo Trợ để bảo đảm cho thế giá và sứ vụ của các ông : Thầy sẽ xin Cha và người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác để ở với anh em luôn mãi. Ngài là Thần Khí sự thật, là Đấng Bảo Trợ mà Chúa sai đến ; Ngài sẽ bảo đảm cho thế giá và tư cách của các tông đồ và bảo đảm cho lời rao giảng của các ông. Vì trong một thế giới đầy dẫy sự xảo trá và gian dối, sự u mê và lầm lạc, các tông đồ sẽ trở thành chứng nhân cho sự thật ; con người của các ông là con người thật và lời rao giảng là lời chân thật. Sự thật đó chính là Thiên Chúa và giới răn lề luật của Ngài. Chỉ những ai thực sự yêu mến Chúa và tuân giữ giới răn Ngài, thì mới được sự thật giải thoát và mới có thể trở thành sứ giả Tin Mừng của Chúa, đem Chúa đến cho thế gian.
Chúa Giêsu cũng cho các tông đồ thấy trước, các ông sẽ gặp những chống đối và thử thách bởi thế gian và những kẻ theo chúng. Vì thế gian nuôi dưỡng trong nó sự gian dối và nó chịu sự chi phối của Satan là cha kẻ gian dối, nên nó luôn tìm cách để từ chối sự thật, từ chối ánh sáng ; đồng thời, nó trở thành kẻ đối đầu với con cái của sự thật. Sống giữa thế gian như một nhóm thiểu số, và không thuộc về thế gian, chắc chắn người môn đệ của Chúa luôn phải chịu sự bách hại, bị thế gian tìm cách loại trừ, nhưng Chúa Giêsu đã hứa rằng : Đấng Bảo Trợ của ngài sẽ luôn đồng hành, bảo vệ và bênh vực những ai thuộc về Ngài. Những ai tin nơi Chúa, chuyên cần thực thi giới răn yêu thương của Chúa, sống đến cùng cho sự thật, thì Chúa Giêsu ở trong người ấy, và Chúa Cha sẽ yêu thương và luôn ở cùng người ấy.
Khi sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí sự thật, người môn đệ của Chúa sẽ không thể bắt tay hay đồng lõa với sự gian dối, cũng không thể làm ngơ trước sự gian dối. Trái lại, họ sẽ phải trở thành những con người dám lên tiếng bảo vệ cho sự thật, dù có vì thế mà phải chịu thiệt thân ; vì họ tin rằng, họ đang sống và đang hành động cùng với Chúa Giêsu. Chúng ta có thể thấy điều đó nơi các tông đồ và các tín hữu thời sơ khai. Trong khi các nhà cầm quyền Do Thái và các quốc gia đang muốn đưa ra những lời lẽ xuyên tạc về Đức Giêsu và về đời sống của các tín hữu, thì các môn đệ của Chúa và các cộng đoàn sơ khai đã mạnh dạn sống và làm chứng về Đức Giêsu cho các dân thành xung quanh, bất chấp những chống đối và phỉ báng. các Ngài rao giảng, làm nhiều phép lạ, xua trừ ma quỷ, khiến cho dân chúng thêm tin vào lời giảng của các Ngài.
Thánh Phêrô trong bài đọc hai đã chỉ cho các tín hữu cách thế để sống và làm chứng cho sự thật, đồng thời cũng là cách thế để giúp người tín hữu không sợ hãi trước những khó khăn thử thách hay những đe dọa của thế gian, đó là : Hãy tôn Đức Giêsu làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hòa với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng khiến những kẻ phỉ báng anh em, vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, chính họ sẽ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống… Hãy tôn Đức Giêsu làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Điều đó có nghĩa là tin nhận và suy tôn Đức Giêsu làm Thiên Chúa của mình, đặt mình dưới sự hướng dẫn của Ngài và chuyên chăm thực hành những điều Ngài truyền dạy. Đó cũng là để cho Ngài chiếm một vị trí ưu tiên tuyệt đối trong cuộc sống, trong mọi chọn lựa và hành động của chúng ta. Khi có Ngài, khi hành động vì Ngaì, và khi nói về Ngài, chúng ta sẽ không còn sợ hãi gì nữa ; vì khi đó, chúng ta không còn nói hay hành động theo ý riêng mà là nói và hành động theo ý Chúa. Đồng thời khi đã có Chúa, có sự thật trong tâm hồn, chúng ta sẽ có thể trả lời cho bất cứ ai chất vấn chúng ta về niềm tin và hy vọng của chúng ta.
Thánh Phêrô cũng không quên căn dặn : Nhưng phải trả lời cách hiền hòa và kính trọng, vì sự hiền hòa và kính trọng đối với mọi người sẽ là dấu chỉ sống động cho thấy rằng chúng ta có Đức Giêsu trong lòng, chúng ta thuộc về Ngài và hành động như Ngài. Khác với thế gian, người ta dùng sự gian dối và ngụy biện, dùng bạo lực và sức mạnh của vũ khí để đạt được mục đích của họ. Còn chúng ta, chúng ta chỉ có một thứ vũ khí duy nất là sự thật, và chỉ có một sức mạnh duy nhất là Đức Kitô mà thôi. Thánh Phêrô còn chỉ thêm cho chúng ta : Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em, chính họ sẽ phải xấu hổ. Như thế có nghĩa là khi mỗi tín hữu sống theo lương tâm ngay thẳng, thì những kẻ sống gian dối sẽ phải tự xấu hổ vì sự gian dối, xảo trá của nó.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà thật giả lẫn lộn, các giá trị của cuộc sống bị đảo lộn, nhiều người dường như chấp nhận thỏa hiệp với sự giả dối khi cho rằng : Thật thà, thẳng thắn thường thua thiệt / Luồn lách lươn lẹo lẽ lên lương hoặc là lương tâm không bằng lương tháng, thì người Công Giáo chúng ta lại được mời gọi : Hãy sống theo sự thật và giữ cho mình có được một lương tâm ngay thẳng. Lương tâm ngay thẳng là lương tâm đã được huấn luyện và nuôi dưỡng bằng những tiêu chuẩn của Tin Mừng, chứ không phải là thứ lương tâm theo đám đông, theo xu thế của xã hội, càng không phải là lương tâm bị áp đặt bởi ý chí, quyền lực của con người.
Thực tế trong xã hội ngày nay, chúng ta có thể thấy đang lan tràn sự giả dối. Sự giả dối được thấy ở mọi cấp độ và mọi lãnh vực, từ cấp cao lãnh đạo cho đến người dân, từ nhà trường đến học trò, từ kinh doanh buôn bán cho đến sản xuất hàng hóa. Nó khiến con người sống và cư xử với nhau đặt trên nền tảng của sự giả dối. Sự giả dối cũng ăn sâu vào trong đời sống của các gia đình : vợ chồng gian dối với nhau, con cái gian dối với cha mẹ… Là người Công Giáo, chúng ta đã được ghi dấu Thánh Thần, đã lãnh nhận Đấng Bảo trợ là Thần Khí Sự Thật, thì chúng ta phải sống theo sự thật và làm chứng cho sự thật trong xã hội hôm nay. Chúng ta phải là những Kitô hữu thật chứ không thể là hàng giả hay hàng nhái, càng không thể là những Kitô hữu kém chất lượng. Hãy cố gắng sống làm sao để khi biết chúng ta là người Công Giáo thì mọi người có thể tin chúng ta, kết thân với chúng ta vì chúng ta là những con người của sự thật.
Hãy để cho Thánh Thần của Thiên Chúa hướng dẫn và bảo đảm cho thế giá và cuộc sống của chúng ta. Hãy nhờ sức mạnh của Thần Khí sự thật để chúng ta sống sự thật trong thế giới gian dối này. Trước hết hãy sống thành thật với chính mình, không giả dối hai mặt, không ảo tưởng về mình, nhưng khiêm tốn để nhìn nhận những ưu điểm Chúa ban và những khiếm khuyết cần khắc phục, để từ đó sống với mọi người một cách chân thành hơn. Kế đến, hãy sống sự thật và gieo trồng sự thật nơi những người chung quanh, từ trong làm ăn buôn bán, trong lời nói việc làm, sao cho ngôn hành như nhất, không để cho tiền bạc, lợi lộc hoặc danh vọng biến chúng ta trở thành kẻ nói dối, làm dối hoặc đồng lõa với sự gian dối.
Giống như bóng tối sợ ánh sáng, ma quỷ là thầy sự gian dối và những kẻ theo nó rất sợ hãi sự thật. Vì thế, khi mỗi người tín hữu chúng ta dám sống, dám nói và dám làm chứng cho sự thật, là chúng ta góp phần đẩy lùi sự gian dối và ảnh hưởng của ma quỷ trong xã hội hôm nay. Hãy sống ngay thẳng và chân thật từ trong gia đình, trong nhà trường qua việc học hành thi cử, hãy sống sự thật trong công ty xí nghiệp, gạt bỏ khỏi mình sự gian tham, dối trá, quanh co dưới mọi hình thức, là chúng ta đang góp phần làm cho Đức Kitô và Tin Mừng sự thật của Ngài được hiện diện và lan tỏa đến mọi người.
Xin Đức Maria, mẹ của sự khiêm nhường và mẹ của sự thật, là bạn của Thánh Thần, luôn giúp chúng ta sống theo sự hướng dẫn của Thần Khí Sự Thật. Amen.
Người ta nói tình yêu thì muôn vẻ. Cách biểu lộ tình yêu thì muôn màu. Ngôn ngữ của tình yêu không chỉ là lời nói, chữ viết mà còn được thể hiện thông qua những biểu tượng mà hai người yêu trao tặng cho nhau như là tín vật tình yêu. Tín vật mà người ta thường trao tặng nhau có thể là hoa hồng đỏ, socola, hình trái tim, hoa bất tử, mặt trăng, chiếc nhẫn . . .
Cách đây ít lâu với bộ phim hàn Quốc “Gió mùa đông năm ấy” đã tạo thành một làn sóng cho giới trẻ tìm tặng nhau “chiếc vòng lục lạc” như tín vật tình yêu.
“Gió mùa đông năm ấy” là một câu chuyện tình buồn thấm đẫm nước mắt xảy ra trong thời hiện đại giữa cô gái mù Oh Young (Song Hye Kyo) và người anh trai “hờ” Oh Soo (Jo In Sung) đã khiến cho biết bao người hâm mộ phải thổn thức. Bộ phim được ví như là “bản tình ca mùa đông” thứ hai của điện ảnh Hàn Quốc. Một chuyện tình với nước mắt, đau khổ và chia ly.
Người đẹp Oh Young khi trao chiếc vòng lục lạc cho chàng trai Oh Soo, đã nói: “Sau này anh đi rồi, nếu anh nhớ em, thì hãy nghe âm thanh của chiếc lục lạc. Tuy món quà nhỏ bé, nhưng với một người mù như em, anh cũng biết em phải mạo hiểm mua nó về đúng không?”. Món phụ kiện giản dị này nhanh chóng được các fan tìm mua để dành tặng cho một nữa của mình.
Thực vậy, khi yêu nhau người ta mong để lại một kỷ vật nào đó cho người mình yêu. Họ mong cho hình ảnh của mình được mãi tồn tại nơi người mình yêu. Đó cũng là điều mà Chúa Giê-su đã làm trước khi chia tay các môn đệ. Ngài đã để lại tín vật tình yêu chính là Thánh Thần như là quà tặng vô giá dành cho con người. Chúa Giê-su chỉ tha thiết kêu mời các môn đệ: “Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy”. Lưu lại trong tình yêu của Thầy để con người được tình yêu tắm gội, được sống trong bầu khi yêu thương. Kẻ đang sống trong bầu khi yêu thương không thể có hận thù. Có tình yêu, con người sẽ phản ứng bằng tình yêu. Kẻ đang yêu bao giờ cũng nhìn đời qua lăng kính màu hồng, cũng dễ dàng rộng lượng, tha thứ cho các xúc phạm lầm lỗi. Khi yêu người ta không bắt lỗi nhau vì những điều vụn vặt, người ta sẽ sống cao đẹp với nhau hơn. Thế nhưng, muốn ở trong tình yêu của Chúa Giêsu, con người phải tuân giữ lệnh truyền của Ngài: “Nếu anh em yêu mến Thầy, thì hãy giữ lệnh truyền của Thầy là hãy yêu thương nhau”.
Trong tình yêu có muôn vàn sắc thái, muôn vàn cách biểu tỏ tình yêu khác nhau. Tuy nhiên, không phải tình yêu nào cũng tốt. Không phải tình yêu nào cũng cao đẹp, cũng cho đi để người mình yêu được hạnh phúc. Vì vẫn còn đó những người nhân danh tình yêu để lợi dụng người khác. Có người nhân danh tình yêu để kiếm tiền. Có người nhân danh tình yêu để tìm địa vị. Có người nhân danh tình yêu để thoả mãn nhu cầu thể xác của mình. Họ yêu người nhưng không hề nghĩ đến việc phải giúp đỡ, quan tâm, lo cho người mình yêu được hạnh phúc. Đó là thứ tình yêu giả hiệu. Tình yêu của họ luôn quy hướng về mình. Có lợi cho mình mới lấy. Có hại thì “đường em em đi, đường anh anh đi. Tình nghĩa đôi ta chỉ có thế thôi”. Họ yêu để nâng cao cái tôi đang bị quên lãng. Yêu để thỏa mãn cái tôi đang nhiều thèm khát. Ðây chỉ là một tình yêu lợi dụng, đáng bị lên án.
Tình yêu đích thực đòi hỏi hoàn toàn hướng về người mình yêu. Yêu là trao ban điều tốt lành cho người khác. Vì yêu, Thiên Chúa đã thông ban sự tốt lành cho các thụ tạo. Ngài tạo dựng con người giống hình ảnh Ngài. Ngài còn cho con người vui hưởng tình yêu của Ngài. Con người chỉ là sản phẩm từ bàn tay Ngài, thế mà Ngài vẫn tôn trọng họ, Ngài để họ tự do quyết định hoặc đáp trả hay từ chối tình yêu. Chúa Giêsu cũng muốn cho con người được một tình yêu hoàn toàn yêu vì người mình yêu. Ngài đã yêu Thiên Chúa Cha, Ngài đã giữ lệnh truyền của Thiên Chúa Cha, đến lượt các môn đệ, nếu họ yêu mến Ngài thì phải giữ lệnh truyền của Ngài. Quên đi bản thân để sẵn sàng thi hành ý muốn của người mình yêu mới thực sự ở trong tình yêu. Hãy lưu lại trong tình yêu của Thầy bằng cách giữ các lệnh truyền của Thầy. Hãy lưu lại trong tình yêu vì tình yêu sẽ làm cho cuộc đời có ý nghĩa, sẽ cho tâm hồn bình an và tràn đày hoan lạc.
Ước gì mỗi người chúng ta biết tuần giữ giới răn yêu thương của Chúa để Chúa tỏ hiện ra cho chúng ta. Xin cho chúng ta biết đón nhận tín vật yêu thương là Chúa Thánh Thần để nhờ Thánh Thần sẽ giúp chúng ta tuân giữ lời Chúa. Xin Chúa Thánh Thần mãi ở trong chúng ta để Ngài phục sinh chúng ta trở thành con cái Chúa và là chứng nhân cho tình yêu của Chúa giữa thế gian. Amen.
Nếu các Tin mừng Matthêu, Marcô và Luca mời gọi ta vào Vương quốc Thiên Chúa, thì Tin Mừng Gioan mời gọi ta vào tình yêu Chúa Giêsu Kitô. Thánh Gioan là người sống sau cùng. Sau khi đã nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thánh nhân nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô, là sống sự sống của Thiên Chúa.
Tình yêu đó không phải là thứ tình yêu mơ mộng lãng mạn nhưng là một tình yêu sàng suốt của lý trí.Tình yêu đó không phải là chuyện đuổi bướm, hái hoa, rung động, xúc cảm, nhưng là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy.
Đó chính là bí quyết Chúa Giêsu truyền lại cho các môn đệ, trước khi người giã từ các ông để đi vào thế giới đức tin. Từ nay để gặp gỡ Người, để yêu mến Người, để sống với Người, cần phải có đức tin và tình yêu.
Tin và Yêu là đôi mắt giúp ta nhìn thấy những sự thực siêu nhiên. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn thấy như lời Chúa Giêsu nói trong Tin Mừng hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Cũng như kiến thức ý khoa là khả năng chuyên môn giúp người bác sĩ nhận dạng được các loại vi trùng, định đúng được bệnh trạng của bệnh nhân; hoặc như kiến thức về thảo mộc củanhà thực vật học giúp họ nhận dạng phân loại và biết rõ đặc tính của những loải cây cỏ, tin và yêu cũng phải là khả năng chuyên môn giúp người môn đệ Chúa nhận ra những sự thực siêu nhiên, nhìn thấy, nhận biết và đón nhận Thiên Chúa.
Tin và Yêu, như vậy, là con đường dẫn đưa ta tới gặp gỡ Thiên Chúa.
Với đức tin và tình yêu, người môn đệ Chúa không còn thấy Thiên Chúa là một Đấng xa vời, mơ hồ, nhưng là một Đấng gần gũi, rất thật. Với đức tin và tình yêu ta sẽ gặp được Đức Chúa Cha, Đấng thương yêu, luôn chăm sóc cho ta, luôn mời gọi ta, luôn muốn ấp ủ ta, luôn muốn tha thứ cho ta.
Với đức tin và tình yêu, ta sẽ gặp được Chúa Giêsu trong bí tích Thánh Thể, trong Sách Thánh, trong những lời giáo huấn của Giáo hội và trong những anh em sống quanh ta.
Với đức tin và tình yêu, ta sẽ cảm nghiệm được sự hiện diện của Chúa Thánh Thần khi Người đốt lên trong tim ta ngọn lửa yêu mến, khi Người thúc đẩy ta dẫn thân phục vụ, khi Người soi sáng cho ta những sáng kiến trong những hoạt động mới.
Nhưng quan trọng nhất là: Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như lời Chúa Giêsu nói: “Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến”.
Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta. Ở trong người nào tức là được người ấy yêu thương. Hiệp thông trong yêu thương là một thái độ cởi mở: mở tâm hồn ra để cho đi và nhận lãnh sự sống. Nhờ Tin và Yêu, ta mở lòng ra đón nhận Thiên Chúa, sự sống mới, sự sống sung mãn, sự sống vĩnh cửu.
Đúng như lời Chúa Giêsu nói: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi”. Ai nhắm mắt đức tin, sẽ không nhìn thấy Chúa, sẽ trở thành mồ côi. Ai đóng cửa tình yêu, sẽ không gặp được Chúa, sẽ sống trong cô độc. Nhưng người môn đệ Chúa, nhờ có đức tin và tình yêu sẽ gặp được Thiên Chúa Ba Ngôi. Và như thế việc ta đi của Chúa Giêsu không những không thiệt hại mà còn ích lợi cho ta. Sự ra đi của Người dẫn ta đi đến kết hiệp với Thiên Chúa Ba Ngôi trong sự sung mãn, sự sống dồi dào.
Nhưng để đạt tới điều Chúa Giêsu đã hứa, ta hãy nhớ lại một lần nữa lời Người căn dặn: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em hãy giữ các giới răn của Thầy”. Đức tin được thể hiện bằng tình yêu. Tình yêu được chứng minh qua hành động. Đó là chìa khoá của đời sống Kitô hữu.
GỢI Ý CHIA SẺ
1- Theo bạn, tình yêu mến Chúa là những tình cảm bồng bột hay những việc làm cụ thể theo lý trí?
2- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được sự hiện diện của Thiên Chúa trong đời sống không?
3- Bạn có cố gắng làm chứng cho người khác về sự hiện diện của Thiên Chúa qua đời sống cầu nguyện và bác ái của bạn không?
Đức mến là đức ái, nói đơn giản là tình yêu thương hoặc lòng thương xót. Đức mến luôn lớn lao và cần thiết, thậm chí quan trọng nhất, vì trên Nước Trời cũng chỉ còn đức mến – dù không còn đức tin và đức cậy (x. 1 Cr 13:13).
Thật vậy, cuộc đời này không có tình yêu thương thì cũng như cuộc sống không có ánh mặt trời. Vô tri bất mộ. Không biết thì không yêu mến, thậm chí còn có thể ghét, nhưng khi đã biết thì người ta cảm thấy yêu mến. Âu đó cũng là lẽ thường ở đời vậy. Tuy nhiên, trước khi BIẾT thì phải MUỐN BIẾT và TÌM HIỂU cho thấu đáo chứ đừng hời hợt hoặc “nửa vời”. Một khi đã biết rõ rồi thì sẽ nảy sinh lòng yêu mến, và có thể say đắm – si tình. Mà đã yêu mến tức là đã thực sự tin tưởng.
Thánh Phaolô bảo: “Ai không yêu mến Chúa thì là đồ khốn kiếp!” (1 Cr 16:22). Nhưng mến Chúa thì phải yêu người. Đó là hệ lụy tất yếu. Thánh Gioan phân tích: “Nếu ai nói ‘tôi yêu mến Thiên Chúa’ mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (1 Ga 4:20). Về vấn đề này, Thánh Sibyllina Pavia “mở rộng” thêm: “Ai không yêu mến anh em thì không thể trở thành người anh dũng tử đạo”. Có tình yêu thì người ta có thể làm được mọi sự, bất kể nhỏ hay to, đúng như Thánh Augustinô nhận định: “Cứ yêu thật đi rồi muốn làm gì thì làm”. Thánh Augustinô đã nuối tiếc: “Con yêu Chúa quá muộn màng, ôi vẻ đẹp rất xưa mà rất mới!” (Tự thuật, số 10 & 27). Còn Chân phước Mẹ Teresa Calcutta xác định: “Bạn không thể thấy Chúa Giêsu trong người nghèo nếu bạn không thấy Ngài trong Thánh Thể”. Chuỗi yêu thương thật kỳ diệu!
Sách Công Vụ kể: “Ông Phi-líp-phê xuống một thành miền Sa-ma-ri và rao giảng Đức Kitô cho dân cư ở đó. Đám đông một lòng chú ý đến những điều ông Phi-líp-phê giảng, bởi được nghe đồn và được chứng kiến những dấu lạ ông làm” (Cv 8:5-6). Họ không chỉ “nghe đồn” mà còn “chứng kiến” các dấu lạ do Tông đồ Phi-líp-phê đã làm. Vì họ đã biết nên họ không thể làm ngơ, không thể không chú ý. Thật vậy, “các thần ô uế vừa kêu lớn tiếng vừa xuất khỏi nhiều người trong số những kẻ bị chúng ám, nhiều người tê bại và tàn tật được chữa lành. Trong thành, người ta rất vui mừng” (Cv 8:7-8).
Các Tông đồ ở Giêrusalem nghe biết dân miền Samari đã đón nhận lời Thiên Chúa, các ông đã cử ông Phêrô và ông Gioan đến với họ. Khi đến nơi, hai ông cầu nguyện cho họ để họ nhận được Thánh Thần. Sách Công Vụ cho biết: “Vì Thánh Thần chưa ngự xuống một ai trong nhóm họ: họ mới chỉ chịu phép rửa nhân danh Chúa Giêsu. Bấy giờ hai ông đặt tay trên họ, và họ nhận được Thánh Thần” (Cv 8:16-17). Đó là Bí tích Thêm sức, loại bí tích cho chúng ta lãnh nhận Chúa Thánh Thần viên mãn.
Chúng ta quen nói “bảy ơn Chúa Thánh Thần” là ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn lo liệu, ơn sức mạnh, ơn thông minh, ơn đạo đức, và ơn kính sợ Chúa. Đó là cách nói của Kinh Thánh, vì số 7 là con số kỳ diệu của Kinh Thánh, thực ra Chúa Thánh Thần không chỉ “đóng khung” trong 7 ơn đó, mà là các ơn. Thật hạnh phúc được biết Thiên Chúa, được yêu mến Ngài, và được lãnh nhận Chúa Thánh Thần: “Bình an cho anh em” (Lc 24:36; Ga 20:19; Ga 20:20; Ga 20:26).
Người ta không thể trì hoãn cái sự sung sướng đó, dù chỉ một giây, chắc chắn là vậy. Thế nên tác giả Thánh Vịnh đã phải thốt lên: “Cả trái đất, hãy tung hô Thiên Chúa, đàn hát lên mừng Danh Thánh rạng ngời, nào dâng lời ca tụng tôn vinh!” (Tv 66:1-2). Hòa chung niềm vui đó, chúng ta cũng hãy thưa cùng Thiên Chúa: “Vĩ đại thay, sự nghiệp của Ngài! Trước thần lực uy hùng, địch thù khúm núm. Toàn trái đất phải quỳ lạy tôn thờ, và đàn ca mừng Chúa, đàn ca mừng Thánh Danh. Đến mà xem công trình của Thiên Chúa: hành động của Người đối với phàm nhân thật đáng kinh đáng sợ! (Tv 66:3-5).
Quả thật, chính Chúa “làm cho biển khơi hoá đất liền và dân Người đi bộ qua sông, việc Người làm đó khiến ta hoan hỷ. Chúa uy dũng hiển trị muôn đời; đôi mắt Người theo dõi chư dân, quân làm phản chớ có hòng nổi dậy!” (Tv 66:6-7). Lịch sử đã và đang chứng tỏ như vậy, không một thần linh nào có thể làm được các vĩ công như Thiên Chúa của chúng ta.
Thật là một hồng ân đối với chúng ta khi được biết Ngài, yêu mến Ngài và tôn thờ Ngài, vì Ngài đã yêu thương chúng ta trước (1 Ga 4:19) và yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1) – dù chúng ta chỉ là lũ tội nhân, là bọn bất lương. Và rồi vì thương xót kiếp khốn cùng của chúng ta, Chúa Cha đã bắt Con Một Yêu Dấu phải chết thay chúng ta, dù Người Con van xin nhưng Ngài vẫn “làm ngơ” chỉ vì muốn cứu độ chúng ta. Ơn cứu tử này quá lớn! Thật vậy, chính Ngài chọn chúng ta từ trước khi vũ trụ được tạo thành chứ không phải chúng ta chọn Ngài (Ep 1:4).
Thiên Chúa của chúng ta thật là còn hơn cả mức tuyệt vời: “Chúa ấp ủ, Chúa lo dưỡng dục, luôn giữ gìn, chẳng khác nào con ngươi mắt Chúa” (Đnl 32:10). Tình thương đó được đóng ấn tín bằng lời “thề độc” này: “Kẻ nào động đến các ngươi là động đến con ngươi mắt Ta” (Dcr 2:12). Lạy Chúa tôi! Thực sự chúng ta không thể nào tưởng tượng nổi, và cũng chẳng bao giờ hiểu được! Vì thế, chúng ta phải mau mắn và hãnh diện chia sẻ niềm vui đó với người khác: “Xin chúc tụng Thiên Chúa đã chẳng bác lời thỉnh nguyện tôi dâng, lại cũng không dứt nghĩa đoạn tình” (Tv 66:20).
Thánh Phêrô nhắn nhủ: “Đức Kitô là Đấng Thánh, hãy tôn Người làm Chúa ngự trị trong lòng anh em. Hãy luôn luôn sẵn sàng trả lời cho bất cứ ai chất vấn về niềm hy vọng của anh em. Nhưng phải trả lời cách hiền hoà và với sự kính trọng. Hãy giữ lương tâm ngay thẳng, khiến những kẻ phỉ báng anh em vì anh em ăn ở ngay thẳng trong Đức Kitô, chính họ phải xấu hổ vì những điều họ vu khống” (1 Pr 3:15-16). Tại sao phải giữ “thẳng” mà không thể du di “cong” một chút? Thánh Phêrô giải thích: “Bởi lẽ thà chịu khổ vì làm việc lành, nếu đó là ý của Thiên Chúa, còn hơn là vì làm điều ác. Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh” (1 Pr 3:17-18). Rất rõ ràng. Và chính tình yêu mến đó được tác động bởi Chúa Thánh Thần.
Danh từ “chuỗi” thật hay, nói lên sự liên kết nối tiếp không ngừng. Chính “chuỗi” tình yêu thương là “chuỗi” yêu mến, là “chuỗi” lòng thương xót, như Chúa Giêsu đã nói:“Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” (Ga 14:15). Từ hệ lụy đó lại có mối liên kết khác: “Thầy sẽ xin Chúa Cha và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi. Đó là Thần Khí sự thật, Đấng mà thế gian không thể đón nhận, vì thế gian không thấy và cũng chẳng biết Người. Còn anh em biết Người, vì Người luôn ở giữa anh em và ở trong anh em” (Ga 14:16-17).
Chúa Giêsu đã hứa: “Thầy sẽ không để anh em mồ côi. Thầy đến cùng anh em” (Ga 14:18). Nhưng rồi Ngài bảo: “Chẳng bao lâu nữa, thế gian sẽ không còn thấy Thầy. Phần anh em, anh em sẽ được thấy Thầy, vì Thầy sống và anh em cũng sẽ được sống. Ngày đó, anh em sẽ biết rằng Thầy ở trong Cha Thầy, anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em” (Ga 14:18-20). Ôi chao, “răng mà khó hiểu rứa hỉ”. Nhưng không phải vậy, đó là Ngài muốn đưa chúng ta tới đức ái trọn vẹn, nhờ biết yêu mến mà chúng ta khả dĩ lãnh nhận Chúa Thánh Thần một cách viên mãn để đủ can đảm làm chứng về Thiên Chúa, Đấng Sự Thật.
Chúa Giêsu dẫn chứng về “chuỗi” yêu mến: “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14:21). Ngài tỏ mình cho mỗi người mỗi cách, mỗi người được nhận biết theo cách riêng, không ai giống ai, nhưng vẫn là MỘT Thiên-Chúa-Ba-Ngôi duy nhất.
Thiên Chúa là tình yêu (1 Ga 4:8), ai yêu mến Ngài thì tuân giữ Luật Ngài, luật đó là Luật Yêu, yêu Chúa thì phải yêu người. Yêu Chúa không khó bằng yêu người, chỉ cần thực hành “chuỗi yêu” trong 1 Cr 13 thì cũng cảm thấy “toát mồ hôi” rồi, vì yêu không thể nói suông mà phải thể hiện bằng hành động, thể hiện qua từng động thái nhỏ. Vả lại, tha nhân là huynh đệ của chúng ta và là những người có Thiên Chúa trong lòng – ngay cả những người tự xưng là vô thần. Ai sống yêu mến thì mới được lãnh nhận Thần Khí Sự Thật của Thiên Chúa – đó là Thánh Linh, là Chúa Thánh Thần, là Đấng Kiến Tạo Hòa Bình.
Khi chọn Bơ-xan-ên, con của U-ri, con của Khua, thuộc chi tộc Giuđa, Thiên Chúa đã hứa với ông Môsê: “Ta sẽ ban cho nó dồi dào Thần Khí của Thiên Chúa để nó thành người khéo tay, giỏi giang và lành nghề mà làm mọi công việc, để nó nghĩ ra những tác phẩm nghệ thuật làm bằng vàng, bạc hay đồng, mài ngọc đính áo, chạm gỗ và thực hiện mọi công việc” (Xh 31:3-5). Điều gì Thiên Chúa đã hứa thì chắc chắn không bao giờ sai. Ước gì mỗi chúng ta cũng được lãnh nhận Thần Khí Chúa để làm vinh danh Chúa bằng chính khả năng riêng mà chúng ta lãnh nhận từ nơi Ngài. Đừng quên rằng chúng ta luôn phải “hết dạ tri ân” (Cl 3:15).
Lạy Thiên Chúa, xin đốt lửa yêu mến trong lòng chúng con để chúng con có thể yêu mến Ngài và chỉ yêu mến Ngài như Ngài hằng mong muốn. Xin ban cho chúng con Thần Khí Sự Thật để chúng con thực hiện mọi lệnh truyền của Ngài. Xin giúp chúng con biết đại lượng với tha nhân, nhất là những người hèn mọn, vì họ là những người được tạo dựng theo hình ảnh Ngài và cũng được hưởng Giá Máu cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
Khi xa nhau, người ta thường quyến luyến, bịn rịn. Con cái phải xa nhà đi học đi làm, vợ chồng xa nhau vì công việc. Lời nhắn nhủ của cha mẹ thường là: con hãy ngoan ngoãn, giữ lời cha mẹ chỉ bảo, cố gắng học hành, nổ lực làm việc để có một tương lai tốt đẹp, đừng làm mất mặt, chớ phụ lòng hy vọng của cha mẹ nghe con. Vợ chồng sẽ có những lời dặn dò tâm huyết: hãy trung thành và nhớ tới nhau luôn…
Chúa Giêsu cũng vậy, trước khi đi thật xa về cùng Chúa Cha, Ngài đã chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ. Ngài đã dặn dò, khuyên nhủ các môn đệ nhiều lần. Ngài đã nói với các môn đệ với hết tâm tình, hết con tim của mình: “Anh em hãy yêu thương nhau, như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 15, 12); “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy“ (Ga 14, 15); “Ai có và giữ các điều răn của Thầy, người ấy mới là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy, và sẽ tỏ mình ra cho người ấy” (Ga 14, 21).
1. “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy“
Người Kitô hữu là người có Đức Kitô nhờ theo Ngài và yêu mến Ngài. Ai không yêu mến Ngài, không theo Ngài, thì không có Ngài, nên họ không phải là Kitô hữu đích thực. Khi yêu mến Ngài, ta sống trong Ngài: “Anh em ở trong Thầy, và Thầy ở trong anh em“. Người ta chỉ sống trong nhau vì nhau cho nhau khi người ta yêu thương nhau thật sự. Vì thế, chúng ta chỉ sống trong Đức Kitô và được Đức Kitô sống trong ta khi ta yêu mến Ngài. Yêu mến là giữ lời Ngài ” Nếu các con giữ lệnh truyền của Ta thì các con sẽ lưu lại trong lòng mến của Ta” (Ga 15,10).
Nhưng làm sao yêu mến Ngài được khi mà ta không hề thấy Ngài cách hữu hình, không nghe Ngài nói trực tiếp, không động chạm đến Ngài? Chúa cho chúng ta một tiêu chuẩn để dựa vào đó mà biết mình có yêu Ngài hay không: “Nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy”. Điều răn của Chúa là gì? Chúa xác định rõ ràng điều răn cốt yếu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau” (Ga 12,34). Chúa cũng xác định luôn cả mức độ yêu: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em“. Như vậy, câu nói “nếu anh em yêu mến Thầy, anh em sẽ giữ các điều răn của Thầy” có nghĩa là “nếu anh em yêu mến Thầy, thì anh em phải yêu thương nhau“. Ai yêu thương những người lân cận hay những người chung quanh mình mới là người thật sự yêu mến Thiên Chúa. Nói cách khác, ai không yêu những người gần gũi mình, những người mình gặp gỡ hằng ngày, người ấy không thật sự yêu mến Thiên Chúa. Thánh Gioan đã diễn giải điều này: “Nếu ai nói : “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy” (Ga 4,20).
2. “Anh em có lòng yêu thương nhau”
Chúa Giêsu còn đưa ra một tiêu chuẩn để nhận ra ai là môn đệ đích thật của Ngài: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 12,35). Tiêu chuẩn này dựa trên tình yêu của người ấy đối với đồng loại, cụ thể là những người gần gũi sống chung quanh họ. Tình yêu cụ thể đối với đồng loại là tính chất đặc trưng nhất của những người theo Chúa Giêsu. Hễ thấy ai có đặc trưng ấy, ta biết người ấy là môn đệ Chúa Giêsu. Ai không có đặc trưng ấy, thì dù có mang danh là môn đệ Ngài, họ cũng chỉ là thứ môn đệ “hữu danh vô thực“, giả hiệu mà thôi.
Thánh Gioan sau khi nghiền ngẫm tất cả cuộc đời và những lời giảng dạy của Thầy Chí Thánh đã nghiệm ra cái cốt lõi của cuộc sống người môn đệ là tình yêu Chúa Giêsu Kitô, là kết hiệp với Ngài, là sống sự sống của Ngài.Tình yêu đó là một tình yêu sáng suốt của lý trí. Tình yêu đó là một tình yêu với những việc làm cụ thể. Việc làm cụ thể đó là tuân giữ những điều Chúa Giêsu truyền dạy, là yêu thương nhau.
Từ nay để gặp gỡ Chúa, để yêu mến Chúa, để sống với Chúa, cần phải có đức tin và tình yêu. Tin và Yêu là hai cánh cửa mở vào sự sống thần linh. Tin và Yêu không chỉ cho ta nhìn thấy Chúa, gặp gỡ Chúa mà còn cho ta được tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống đó là hiệp thông, như Chúa Cha ở trong Chúa Con và như Chúa Con ở trong Chúa Cha, ta sẽ được ở trong sự sống mầu nhiệm của Thiên Chúa Ba Ngôi và thật kỳ diệu, Ba Ngôi đến ở trong ta như lời Chúa Giêsu nói : “Ngày đó, anh em sẽ biết Thầy ở trong Cha Thầy, Thầy ở trong anh em và anh em ở trong Thầy. Ai có và giữ các giới răn của Thầy, người ấy là kẻ yêu mến Thầy. Mà ai yêu mến Thầy, thì sẽ được Cha của Thầy yêu mến. Thầy sẽ yêu mến người ấy và sẽ tỏ cho người ấy biết Thầy“.
Những người yêu mến Chúa là những người biết lắng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành. Trong truyện thánh Tử đạo Martinô Thọ có chép: “Ông Thọ là người rất đạo đức. Vì được tín nhiệm, ông làm việc thu thuế trong một thời gian rồi xin nghỉ vì thấy có nhiều cheo leo khó công minh luôn mãi được. Ông khuyên các con cứ đúng luật Chúa mà làm chứ đừng phạm tội vì muốn đẹp lòng người khác… Ông làm việc rất siêng năng và cũng rất rộng rãi với người nghèo khó: không bao giờ ông để họ ra về mà không cho của gì ăn. Nếu con cái đi vắng, ông mời người ăn xin cùng ngồi ăn cơm chung, nếu con cái ở nhà, ông bắt chúng xẻ cơm cho họ“. Thánh Martinô Thọ đã tuân giữ giới răn Chúa dạy là mến Chúa yêu người, sống công bằng bác ái. Thánh nhân là người yêu mến Chúa thật và xứng đáng được Chúa trọng thưởng hạnh phúc đời đời. Chỉ tình yêu biết trao đi mới đem lại niềm vui chân thật và lâu bền. Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy! Hãy tuân giữ các lệnh truyền của Thầy! Lệnh truyền lớn nhất là yêu thương như Thầy đã yêu. Chúng ta sẽ nếm được thứ niềm vui khôn tả của thiên quốc ngay trong cuộc sống ở đời này.
Lạy Chúa, con nhận ra một cách rất hữu hiệu để được Chúa yêu mến là con tuân giữ giới răn yêu thương của Chúa. Xin cho con xác tín rằng tình yêu của con đối với Chúa phải được thể hiện ra bằng việc yêu thương tha nhân, cụ thể là yêu những người trong gia đình con, những người cùng làm việc với con trong xí nghiệp công ty, những người hàng xóm, những bạn bè con gặp gỡ hằng ngày. Xin giúp con yêu họ cụ thể bằng sự quan tâm đến những niềm vui hay nỗi đau khổ của họ, đồng thời sẵn sàng hy sinh để giúp họ hạnh phúc hơn. Amen.
Hai từ “mồ côi”, tự nhiên làm cho chúng ta nghĩ đến sự hụt hẫng nơi những người con, vì không thể có tình nghĩa nào bù đắp được, dù mất cha hay thiếu mẹ. Có rất nhiều ca dao tục ngữ hay danh ngôn nói về tình mẹ nghĩa cha thật cảm động : mồ côi khổ lắm ai ơi, đói cơm không ai giúp, lỡ lời không ai phân…. Còn cha gót đỏ như son, một mai cha chết gót con đen xì. Mồ côi mẹ liếm lá gặm sương. Con không cha nhà không nóc. Còn cha còn mẹ thì hơn, không cha không mẹ như đàn đứt dây, đàn đứt dây, còn xoay còn nối, cha mẹ mất rồi, con chịu mồ côi.
Để sự tự tin ở mãi với các học trò, Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay đã nói các ông hãy “yêu mến Thầy, tuân giữ các giới răn của Thầy”. “Yêu mến” trong Chúa Giêsu, vừa là tình hiệp thông, vừa là tình liên đới trong sứ mạng tông đồ; người theo Chúa, tin Chúa, sẽ không bao giờ cảm thấy mình bị mồ côi. Biết tuân giữ giới luật của Chúa là người khôn ngoan, vì những ai đi theo đường lối của Chúa Giêsu chỉ dẫn, kẻ ấy sẽ cảm nhận “Thần Chân Lý” là sự thật được ban tặng, không phải tự nhiên hay có thể sở hữu bằng sức mạnh thế gian. “Thần Chân Lý” là ơn ban từ Thiên Chúa Cha, giúp người ấy không “cô đơn lẻ loi” trong đời sống tinh thần.
Bài sách Công vụ hôm nay nói đến Lời của Đức Kitô mà Philipphê rao giảng tại Samaria, Lời Đức Kitô phát sinh hiệu quả, Lời Đức Kitô làm cho nhiều người tin nhận Phép rửa để được tha tội. Lời Đức Kitô dẫn dắt Phêrô và Gioan đặt tay cầu nguyện, và Thánh Thần đã đến với dân Samaria để giúp họ thánh hóa niềm tin của người theo Đức Kitô. Nơi bài đọc 2, Phêrô diễn tả Thánh Thần chính là nguyên lý của “Sự Thật và Sự Sống” ở trong Đức Kitô và trong những ai thuộc về Đức Kitô.
Muốn hiểu biết về thế giới vật chất, người ta cần đến sự thông minh và chăm chỉ là có thể khám phá ra nhiều điều kỳ diệu xung quanh. Nhưng để cảm nhận Thiên Chúa yêu thương ở giữa nhân loại, người ta phải qua Đức Kitô và để Thánh Thần hoạt động. Giáo huấn của Chúa Giêsu khởi đi từ : yêu và sống, hay tin và sống niềm tin. Khi có Tin và Yêu người ta mới có cảm nhận về một thế giới siêu nhiên đang ở ngay tâm hồn mình. Người không tin và không yêu sẽ không nhìn, không thấy, không hiểu như lời Chúa Giêsu nói trong hôm nay: “Thầy ban cho anh em Thần chân lý, Đấng mà thế gian không thể đón nhận được vì thế gian không thấy và không biết Người”. Tuân giữ những điều răn của Chúa là phương thế giúp chúng ta biểu lộ tình yêu mến và gắn bó cuộc đời mình với Chúa, vì tình yêu mà không có việc làm thì chỉ là một tình yêu chết mà thôi.
Trong tình yêu đôi lứa, 2 bạn trẻ không cần phải nói nhiều, chẳng cần đến điểm hẹn thật mơ mộng, mà họ chỉ cần được ở bên nhau là đầy tràn hạnh phúc rồi. Nơi tình thầy trò Giêsu, “lý tưởng yêu mến” chính là điểm tựa để người môn đệ cảm nhận lời giáo huấn của Chúa Giêsu không còn là lý thuyết, mơ hồ, xa thực tế; nhưng là một Thiên Chúa rất gần, rất thật, không ngừng biến đổi cuộc sống của người môn đệ nên giống thầy mình.
Trong truyện ngụ ngơn : Trí khôn của ta đây ! Ngụ ngôn này vẫn phản ánh rất nhiều đến cuộc sống của chúng ta.
Một con cọp từ trong rừng đi ra, thấy một anh nông dân cùng một con trâu đang cày dưới ruộng. Trâu cặm cụi đi từng bước, lâu lâu lại bị quất một roi vào mông. Cọp lấy làm ngạc nhiên lắm. Đến trưa, mở cày, Cọp liền đi lại gần Trâu hỏi:
Này, trông anh khỏe thế, sao anh lại để cho người đánh đập khổ sở như vậy ?
Trâu trả lời khẽ vào tai Cọp : người tuy nhỏ, nhưng người có trí khôn, anh ạ !
Cọp không hiểu, tò mò hỏi : trí khôn là cái gì ? Nó như thế nào ?
Trâu không biết giải thích ra sao, đành trả lời qua quýt: trí khôn là trí khôn, chứ còn là cái gì nữa ? Muốn biết rõ thì hỏi người ấy !
Cọp thong thả bước lại chỗ anh nông dân và hỏi : trí khôn của anh đâu, cho tôi xem một tí có được không?
Anh nông dân suy nghĩ một lát rồi nói : trí khôn tôi để ở nhà. Để tôi về lấy cho anh xem. Anh có cần, tôi sẽ cho anh một ít.
Cọp nghe nói, mừng lắm. Anh nông dân toan đi, lại làm như sực nhớ ra điều gì bèn nói : nhưng mà tôi đi khỏi, lỡ anh ăn mất trâu của tôi thì sao ?
Cọp đang băn khoăn chưa biết trả lời thế nào thì anh nông dân đã nói tiếp : hay là anh chịu khó để tôi buộc tạm vào gốc cây này cho tôi được yên tâm.
Cọp ưng thuận, anh nông dân bèn lấy dây thừng trói cọp thật chặt vào một gốc cây. Xong anh lấy rơm chất chung quanh Cọp, châm lửa đốt và quát : trí khôn của ta đây ! Trí khôn của ta đây !
Trí khôn thật “cao quí” và cần thiết cho anh Cọp, dù Cọp đã có sức mạnh và khả năng bắt mồi. Tình “yêu mến” thật cần thiết cho người môn đệ theo Đức Kitô. Ơn bình an không bao giờ dư thừa nơi con người qua mọi thời, Thánh Thần Chúa không thể thiếu nơi người môn đệ theo Chúa Kitô. Cha mẹ lúc nào cũng sẵn lòng hy sinh cho con cháu hạnh phúc, Chúa Giêsu có mặt ở mọi hoàn cảnh, để hiệp thông và nên một trong tình yêu giúp những ai thuộc về Chúa sẽ không phải sống mồ côi bao giờ. Amen.