CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – Năm A

124

CHÚA NHẬT 5 PHỤC SINH – Năm A

Lời Chúa: Cv 6,1-7; 1Pr 2,4-9; Ga 14,1-12

 

Mục lụcjesus-road-sign

1. Đường Giêsu, đường con đi  (ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống)

2. Bạn đang đi trên con đường nào?  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

3. Chung nhip yêu thương  (Lm. DHH, Gp. Xuân Lộc)

4. Con đường Giêsu  (Lm. Đaminh Xuân Trường, Gp. Bắc Ninh)

5. Đường Giêsu  (ĐTGM Giuse Ngô Quang Kiệt

6. Đừng xao xuyến  (Trầm Thiên Thu)

.

ĐƯỜNG GIÊSU, ĐƯỜNG CON ĐI

 ĐGM. Giuse Vũ Duy Thống

Trong những ngày đầu tháng 02 năm 1990, có một con đường ở huyện ngoại thành đã được báo chí làm cho nổi tiếng. Con đường ấy một đầu là giăng ngang biểu ngữ khai trương phòng vật lý trị liệu trá hình, còn đầu kia là sừng sững một khách sạn mini sang trọng làm nhà riêng của người biển thủ, chức danh là giám đốc. Con đường ấy chợt nổi tiếng vì những vụ tai tiếng.

Từ hai mươi thế kỷ nay, trong Giáo Hội, người ta biết có một con đường thật danh tiếng và luôn luôn nổi tiếng. Con đường ấy mở ra bằng một tình thương và kết thúc bằng một hạnh phúc. Con đường ấy trải dài tin yêu để lâng lâng vươn lên sự sống. Con đường ấy thấp sáng hy vọng để dẫn tới Nhà Cha trên trời. Đường mở về miên viễn, Đường dẫn đến vĩnh hằng. Đó là đường mang tên Chúa Giêsu.

1. Đường hy vọng tin yêu.

Nếu có một câu hỏi được các Tông đồ đặt ra nhiều nhất thì đó phải là câu hỏi thuộc về nơi chốn. “Thầy ở đâu?” là câu hỏi của Gioan đặt ra trong lần đầu gặp gỡ, để được gọi đến xem và bước vào ơn gọi; “Thầy muốn chúng con dọn lễ Vượt Qua ở đâu?” là câu hỏi của các Tông đồ đặt ra để có được địa chỉ chính xác cho Bửa Tiệc Ly; và hôm nay lại là Tôma nôn nóng bật ra câu hỏi “Thầy đi đâu?” trước một tương lai vẫn còn ẩn khuất.

Bận tâm về nơi chốn là bởi vì trong đời theo Chúa, các ông luôn được dẫn vào những cuộc hành trình, mà cuộc hành trình cuối cùng là tiến về Giêrusalem để chứng kiến Thầy mình chịu chết. Có khối ông đã coi đây là con đường thất bại của Chúa để trở thành con đường thất vọng của mình. Mấy năm dài miệt mài theo Chúa những mong có ngày tả hữu vinh quang, nào ngờ Người lại bị đóng đinh như tên tử tội. Công dã tràng! Khi mọi vốn luyến hy vọng đặt cả vào canh bạc cuộc đời, rồi bổng dưng lật ngữa trắng tay, người ta như rớt từ trên cao quay cuồng chao đảo. Thế mới hay ước vọng thì rộng lớn nhưng khung đời lại chật hẹp mà thực tế lại phũ phàng!

“Thầy đi đâu?” Ẩn sâu dưới câu hỏi ấy là một tâm trạng hoang mang trước một quá khứ vứa mới khép lại mà tương lai chưa kịp mở ra. Tương lai ấy mới mẻ hay chỉ là quá khứ đươc lặp lại ở thì sẽ đến? Đã một lần vỡ mộng, các Tông đồ băn khoăn là chuyện thường tình. Giống như đứa trẻ lỡ một lần phải bỏng, hễ thấy lửa là tự nhiên rụt tay lại. Vì thế, nghe trong câu hỏi “Thầy đi đâu?” có âm hưởng lo âu tự hỏi “mình đi đâu?”.

Thất vọng về quá khứ và hoang mang trước tương lai, đó là những con đường các Tông đồ đã nếm trải. Nhưng mở đầu Tin Mừng hôm nay lại là lời của Chúa Giêsu: “Các con đừng xao xuyến”. Đó là lời an ủi vỗ về, đồng thời cũng là lời cắt băng khai mở một con đường mới trong hy vọng tin yêu.

2. Đường mang tên Giêsu.

“Ta là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống”. Trả lời cho Tôma, cùng lúc Chúa Giêsu để lộ cho biết từ nay chỉ có một con đường duy nhất được mở ra trong ơn cứu độ, và tên gọi con đường ấy lại chính là Người.

Người là Đường Sự Thật bởi Người là Chân Lý, một chân lý sống động khả tín làm nền tảng và hướng đi cho mọi cuộc đời, một thực tại năng động đầy Thần Khí làm sức mạnh giải thoát cho mọi kẻ tin. Đường Sự Thật không phải là một hệ thống tín điều do Chúa Giêsu thiết định, nhưng là toàn thể cuộc sống lời nói việc làm của Người trong ý nghĩa cứu độ. Nhưng đâu phải ai cũng nhận ra? Giữa phiên tòa dịp lễ Vượt Qua, trước mặt Chúa Giêsu, Philatô đã hỏi một câu ngớ ngẩn: “Sự Thật là chi?- Quid est Veritas?” Chúa Giêsu không trả lời, vì Sự Thật hiện thân chính là Người đứng đó. Có biết đâu hỏi là đã trả lời, chỉ cần sắp xếp lại thứ tự các mẫu tự sẽ thành hàng chữ: “Est Vir qui adest” (x. Tihamet Toth, Chúa Cứu Thế Với Thanh Niên, p. 95).

Người là Đường Sự Sống bởi Người là Sự Sống thượng nguồn phát sinh các sự sống khác trong công trình sáng tạo, và là Sự Sống cội nguồn mà mọi sự sống khác phải tìm về trong công cuộc tái tạo của ơn cứu độ. Người thông ban sự sống cho mọi sinh linh, và luôn đi bước trước để lôi kéo mọi người về với Sự Sống của Thiên Chúa. Người chịu chết để nhân loại được sống, và Người sống lại để mãi mãi mở ra nẻo đường dẫn vào cõi sống. Mọi sự sống trần gian có thể đổi thay tan biến, nhưng Sự Sống Người là vĩnh cữu trường tồn. Người hằng sống hằng trị muôn đời.

Người là Đường dẫn tới Nhà Cha bởi Người và Cha không thể tách lìa: Chúa Con ẩn mình trong Chúa Cha và Chúa Cha tỏ hiện trong Chúa Con. Vẫn là Một từ ngàn xưa và mãi là Một tới ngàn sau. Thế nên Đường mang tên Giêsu tất yếu cũng là địa chỉ Nhà Cha, và ngược lại tìm đến Nhà Cha cũng là hành trình vào Đường Sự Thật và Sự Sống.

3. Đường con đi.

Dẹp bỏ con đường cũ của thất vọng hoang mang để khai mở con đường mới bằng toàn diện con người mình, Chúa Giêsu muốn truyền lại cho các Tông đồ cái kinh nghiệm hiện sinh phong phú liên kết với Cha qua Chân Lý và Sự Sống; đồng thời đó cũng chính là lời mời gọi Giáo Hội cất bước lên đường với những hành trang đi về hạnh phúc.

Đi trên Đường Giêsu là đi bằng cả niềm tin gắn bó hiệp thông của những con người biết mình có một lí tưởng để theo đuổi, và sẵn sàng hy sinh tất cả để đạt được lí tưởng ấy. Trút bỏ những hành trang cồng kềnh của danh lợi thú, đoạn tuyệt với những ngõ cụt lối mòn sao gợn sỏi đá của cuộc sống khô khan, chấp nhận canh tân để có được bước đi vừa thanh thót vừa thanh thản của đời nhân đức chính là hát lên khúc ca mới trên con đường mới. Vì lí tưởng ấy chính là lẽ sống, cũng chính là vinh dự một đời: “Anh em là dòng giống được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là chủng tộc thánh thiện, Dân riêng của Chúa…” (bài đọc thứ hai).

Đi trên Đường Giêsu cũng là đi bằng niềm hy vọng bền vững. “Thầy đi dọn chổ cho các con”. Vận mệnh tương lai đã mở ra. Không còn xa xôi tít tắp, nhưng đã châm rễ từ cuộc đời này. Sống hôm nay là chuẩn bị sống ngày mai, và ngày mai tại Nhà Cha đã được định hình ngay từ bây giờ trong bước đường lữ thứ của Hội Thánh ở giữa lòng đời. Đi trong hy vọng là nhận ra rằng con người được tạo dựng để hướng về một cứu cánh, được tái sinh trong giới hạn nhưng không ngừng hướng về vô hạn. Thiết tưởng lời kinh của Thánh Auguatinô có thể là tóm kết của bước đi hy vọng đã biến thành khát vọng: “ Lạy Chúa, Chúa dựng nên con để cho Chúa, nên con mãi khắc khoải cho tới khi được nghĩ ngơi trong Ngài”.

Đi trên Đường Giêsu còn là đi bằng cả tình yêu chan hòa phục vụ. Bài đọc thứ nhất là hình ảnh đẹp về một Giáo Hội trẻ đang cựa mình vươn vai tiến tới. Có những phân công khác biệt: kẻ phục vụ bàn thánh, người phục vụ bàn ăn; kẻ chuyên chăm rao giảng Lời Chúa, người chuyên lo hạnh phúc anh em. Nhưng vẫn là nhịp bước đồng hành. Có thể nói được rằng tình yêu và phục vụ là đôi chân của Giáo Hội lữ hành đặt bước chân mình trong dấu chân Chúa. Và cũng có thể hiểu được rằng cách nhìn “con người là con đường của Giáo Hội” (Gioan Phaolô II) chính là tốc độ mới của tình yêu chan hòa phục vụ trên Đường Giêsu hôm nay.

Và lời cuối cùng sẽ là một lời kinh, dệt nên khúc hát hy vọng cho những ai đang băn khoăn tìm kiếm một con đường sống, và biến nên hành khúc tin yêu cho những ai đã một lần cất bước hành trình: “Chúa muốn nhận con đường con đi, nên Ngài đã sinh xuống dương gian. Chúa đã nhận đôi bàn tay con, dìu từng bước, bước đi trên đường. Chúa ôi, khi nhìn đời con, con không hiểu từng giọt lệ sầu. Chúa ôi, khi nhìn đời Ngài, con đã gặp đường hướng con đi”.

Về mục lục

.

BẠN ĐANG ĐI TRÊN CON ĐƯỜNG NÀO?

 Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Khi cuộc Cách Mạng Tháng 10 Nga thành công, nhiều người dân Nga tin rằng, họ đang bắt đầu một hành trình mới, trên một con đường mới ; họ được nói rằng, con đường của nước Nga sẽ đưa mọi người và đưa cả thế giới này đến một thiên đường ngay tại trần gian, nơi mà mọi người đều bình đẳng, làm theo khả năng, hưởng theo nhu cầu… Họ vẽ ra một viễn cảnh hết sức tốt đẹp. Thế nhưng, sự thật lại không phải như thế, sau 70 năm, người dân Nga thấy rằng, họ đang đi vào ngõ cụt ; họ không tìm thấy hạnh phúc, và nhất là, họ cảm thấy mình bị lừa dối. Một bạn trẻ Nga đã phát biểu : Người ta đã lừa dối chúng tôi bao nhiêu năm nay, chúng tôi chỉ được nghe toàn điều dối trá, chúng tôi muốn biết sự thật.

Thưa quý OBACE, mọi sự hứa hẹn thiên đàng ở trần gian, hoặc những lời hứa tạo ra một cuộc sống tốt đẹp, công bằng, tự do, giàu đẹp, văn minh của các ứng cử viên tổng thống hay của bất cứ ai thì cũng chỉ là những lời hứa hẹn dối trá, vì con người khó có thể tìm được một cuộc sống công bằng, tự do, sự thật cách tuyệt đối ở trần gian này ; trái lại, chỉ có Thiên Chúa mới có thể đáp ứng cho con người hạnh phúc và sự sống đích thực mà thôi. Hôm nay, Chúa Giêsu đã chỉ cho chúng ta thấy Ngài chính là đường đi, là sự thật và là sự sống, và chỉ ai bước đi trên con đường của Ngài thì mới gặp được sự thật và được sống hạnh phúc mà thôi.

Câu chuyện Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh cuộc chia tay giữa Chúa Giêsu và các môn đệ. Các ông cảm thấy buồn sầu và lo lắng, vì khi không có Chúa, các ông sợ cô đơn, sợ lạc đường, sợ sự tấn công của thế gian và ma quỷ. Biết được tâm trạng của học trò mình, Chúa Giêsu trấn an các môn đệ bằng việc mời gọi các ông vững lòng tin vào Thiên Chúa và mạc khải cho các ông thấy hạnh phúc đích thật là được sống ở trong Nhà của Thiên Chúa, được gặp gỡ Chúa, chia sẻ hạnh phúc và sự phong phú đầy tràn của Thiên Chúa thông ban. Giống như niềm vui và hạnh phúc của một người con đi xa được trở về với mẹ cha, thì Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh đó để hứa với các tông đồ: Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở, Thầy đi để dọn chỗ cho các con,… và Thầy sẽ trở lại đem các con đi với Thầy. Chúa Giêsu còn hứa với các tông đồ rằng: chính Ngài là Đấng sẽ đưa con người về Nhà Cha chứ không phải ai khác dẫn đường và Ngài còn khẳng định: Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống, không ai có thể đến được với Cha mà không qua Thầy.

Thật vậy, Chúa Giêsu chính là con đường đưa chúng ta đến với Thiên Chúa, vì sứ mạng của Ngài đến trần gian là để mở đường cho chúng ta về trời, và chỉ cho chúng ta những phương thế an toàn trên hành trình trở về. Ngài không chọn lựa một con đường dễ dãi, buông thả, nhưng Ngài lại chọn con đường của Tám Mối Phúc Thật như hành trình an toàn, con đường của các giới răn như những bảng hướng dẫn, để chúng ta có thể đạt tới cùng đích. Không chỉ là người chỉ đường, dẫn đường, Đức Giêsu còn là con đường để chúng ta theo gương Ngài. Ngài đã chọn con đường hoàn toàn vâng phục, yêu mến và thảo hiếu với Thiên Chúa Cha. Ngài đã chọn con đường làm vui lòng Thiên Chúa ; sau cùng, Ngài đã chọn con đường vâng phục hoàn toàn cho đến nỗi bằng lòng chịu chết trên cây thập giá. Ngài chọn con đường qua thập giá để vào vinh quang, chịu chết để rồi phục sinh, chịu mục nát để trổ sinh nhiều bông hạt. Như thế, bước trên con đường Giêsu và noi theo gương Giêsu, chúng ta cũng phải có thái độ và tâm tình giống như thế thì mới có thể về tới quê trời.

Là sự thật, Đức Giêsu không hề lừa dối con người. Ngài chỉ cho con người biết sự thật về một Thiên Chúa là Cha hết mực yêu thương con người ; sự thật về một Thiên Chúa luôn quảng đại tha thứ mỗi khi con người hối hận ăn năn ; sự thật về hạnh phúc mà Thiên Chúa Cha ban tặng cho những ai hết lòng tin tưởng tìm kiếm. Chúa Giêsu còn chỉ cho con người biết sự thật về chính bản thân con người, về sự yếu đuối thấp hèn, về tình trạng tội lỗi của con người đã gây tổn thương cho Thiên Chúa. Ngài cũng chỉ cho thấy sự gian ác của con người, sự mưu mô của ma quỷ đang xui khiến con người gây khổ nhau. Đặc biệt hơn nữa, Đức Giêsu còn chỉ cho chúng ta về sự giải thoát đích thực, Thiên Đàng đích thực mà Ngài chính là Đấng đem đến cho nhân loại ; tất cả những thần linh khác của dân ngoại hoặc các nhà lãnh đạo thế gian không có khả năng giải thoát con người, không có khả năng đem đến hạnh phúc, mà chỉ có mình Ngài là Thiên Chúa mới có thể giải thoát và đưa nhân loại đến hạnh phúc đời đời mà thôi.

Là sự sống, Đức Giêsu mang đến sự sống mới cho con người. Qua cái chết và sự phục sinh, Ngài trao ban cho con người một sự sống mới, sự sống thần linh. Sự sống này không phải là những hứa hẹn ấm no theo kiểu của con người, mà là sự sống bắt nguồn từ nơi Thiên Chúa. Những ai gắn bó, kết hợp với Ngài như cành liên kết với cây thì đón nhận được sự sống Ngài thông ban cho. Sự sống của Thiên Chúa còn là sức mạnh giúp con người có thể vươn lên khỏi những lôi kéo của ma quỷ, dục vọng và thế gian để đạt được sự thánh thiện. Là sự sống, Chúa Giêsu trao cho chúng ta hơi thở thần linh của Ngài, tức là chính sự sống của ngài ; để từ đây, chúng ta thuộc về Thiên Chúa và không còn thuộc về thế gian nữa. Sự sống ấy, Ngài đã trao ban cho chúng ta trên thập giá và trong lần đầu tiên hiện ra sau khi sống lại, Ngài đã thổi trên các tông đồ và cũng là thổi trên mỗi người để ban cho chúng ta niềm vui và sự bình an của Ngài. Không những thế, Đức Giêsu còn để lại thịt máu mình làm lương thực nuôi dưỡng và ban sức sống cho những ai tin và đón rước Ngài thì có sự sống đời đời và được bảo đảm cho sự sống lại vĩnh cửu.

Chính vì tin và đi theo con đường của Đức Giêsu, sống theo sự thật và sự sống của Đức Giêsu mà các tông đồ và các tín hữu sơ khai đã có được một cuộc sống đầy tràn sức mạnh và lòng hăng say nhiệt thành. Họ không hề sợ hãi trước những đe dọa và những khó khăn do người đời bày ra. Trái lại, họ vẫn tin tưởng để sống vui, sống yêu thương, chia sẻ và phục vụ lẫn nhau. Các tông đồ và các tín hữu sơ khai đã xây dựng nên những cộng đoàn chăm chỉ cầu nguyện, gắn bó với Chúa qua việc đọc Kinh Thánh, tham dự Thánh Thể, nhiệt tâm phục vụ, làm việc bác ái và rao giảng về Đức Giêsu, đến độ mọi người như nhìn thấy Đức Giêsu đang sống và đang hiện diện, hoạt động trong các cộng đoàn.

Thánh Phêrô cho chúng ta thấy, mỗi người chúng ta ngày nay cũng đã được Thiên Chúa tuyển chọn và yêu thương, được gia nhập vào dân thánh của Thiên Chúa, được trở nên hàng tư thế thánh, dân riêng của Chúa, nên chúng ta cũng phải sống và bước theo con đường của Đức Kitô, mang lấy sự sống của Ngài và loan truyền sự thật của Ngài. Bước theo con đường của Đức Kitô vẫn luôn là một thách thức cho mỗi người, đặc biệt trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, vì con đường của Đức Giêsu không phải là con đường của thế gian. Thế gian thích những con đường dễ dãi, thoải mái, buông thả ; còn Đức Giêsu muốn chúng ta đi theo con đường hẹp, đường của từ bỏ, của hy sinh, con đườg Tám Mối Phúc Thật và con đường thập giá. Sống trong một thế giới đầy dẫy những sự dối trá, chúng ta không thể để mình bị u mê trong những ảo tưởng, lừa bịp của nó ; càng không bao giờ được phép cộng tác với những sư giả dối dưới bất cứ hình thức nào, vì mọi sự gian dối đều do ma quỉ. Trái lại, chúng ta hãy trở thành những chứng nhân của sự thật, sống và làm chứng cho sự thật, cho Thiên Chúa. Chúng ta hãy sống theo sự thật và những đòi hỏi của Tin Mừng, dù có vì thế mà chúng ta bị thiệt thòi, bị trù dập dưới con mắt thế gian. Đồng thời, hãy để cho sự sống của Chúa Giêsu thấm đẫm vào trong chúng ta và trở thành sức mạnh giúp chúng ta sống những đòi hỏi của Tin Mừng trong thế giới hôm nay.

Là Kitô hữu, các bậc cha mẹ hãy trở thành con đường đưa con cái tới Thiên Chúa, đừng bao giờ biến mình trở thành con đường đưa gia đình tới chỗ bất hạnh, đổ vỡ vì những gương xấu của cha mẹ hoặc vì sự lười biểng, trễ nải hoặc vì sự nóng nảy, cãi vã, bất khoan dung của cha mẹ. Hãy sống, hãy nói sự thật và hành động theo sự thật trong cuộc sống hàng ngày, đừng để sự gian dối hoặc lợi nhuận vật chất biến mình trở thành những kẻ dối trá, lươn lẹo. Hãy nói cho con cái về Thiên Chúa, về hạnh phục đích thật và mọi thành viên trong gia đình, hãy nỗ lực để xây dựng gia đình mình trên nền tảng sự thật, vì chỉ có sự thật mới có thể giải thoát chúng ta.

Sau cùng, mỗi thành viên trong gia đình hãy siêng năng đón nhận sức sống từ Chúa Giêsu qua Lời của Ngài, đặc biệt qua Bí Tich Giải tội và Thánh Thể. Chúa Giêsu sẽ thông ban cho chúng ta tình yêu và sức sống của Ngài để mỗi thành viên sống với con người mới và một tinh thần mới, cùng nhau làm cho gia đình ngập tràn hạnh phúc, yêu thương và sức sống của Chúa. Các bạn trẻ hãy can đảm bước vào con đường của Giêsu, vì chỉ có Đức Giêsu mới đưa các bạn đến hạnh phúc đích thực và mới có thể thỏa mãi mọi khát vọng của tuổi trẻ mà thôi. Hãy đem sức sống của Chúa Giêsu đến cho những người mà chúng ta gặp gỡ ; và trong mọi tình huống, hãy để cho sự thật của Đức Giêsu dẫn lối cho các bạn, các bạn sẽ không bao giờ sợ lạc đường. Amen.

Về mục lục

.

CHUNG NHỊP YÊU THƯƠNG

Lm. DĐH, GP. Xuân Lộc

Nhân loại hằng khao khát hòa bình, con người luôn ước muốn hạnh phúc, tình yêu đôi lứa đều hướng tới sự ngọt ngào bền chắc bên “nửa yêu thương” của mình. Khát vọng hòa bình, chủ trương hạnh phúc, hay mục đích đạt được niềm vui thật bền vững trong hôn nhân quả là chính đáng. “Đấu tranh, tìm kiếm hay chinh phục”, vẫn là ý tưởng mà mọi người muốn biến ước mơ của mình thành sự thật, dù đó là chính đáng hay viển vông.

Mang thân phận con người, Chúa Giêsu thấu hiểu nỗi lòng của các học trò, Ngài trấn an các ông : “các con đừng xao xuyến, hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy”. Trái tim hay tâm hồn vô cùng linh thiêng, căn bản mà Chúa Giêsu thao thức là tình hiệp thông giữa thầy trò lúc nào cũng khăng khít bền chặt. Chúa Giêsu thấu biết các học trò hoang mang vì tai các ông vừa được nghe : trong số họ có kẻ phản Thầy, có người chối Chúa. Các ông dĩ nhiên phải thắc mắc rồi, sao Thầy mình không loại bỏ trừ khử những học trò bội bạc ấy đi ! Các ông chỉ có thể hiểu “chơi là chơi đến cùng”, chứ làm sao các ông có thể hiểu “yêu là yêu đến cùng” ! Tại sao Thầy của mình lại sẵn lòng chết vì yêu ?

Tục ngữ có câu : “cha anh hùng, con hảo hán”. Thầy Giêsu lấy tình yêu bù lấp sự bội phản của các học trò; lấy ơn trả oán cho những người vu khống kết án Chúa; từ bỏ mạng sống mình để cứu độ con người. Thầy Giêsu lấy giá trị tinh thần lấp đầy toan tính vật chất nơi các học trò. Đỉnh cao của tình yêu không phải là vinh hoa phú quí, thật là khó đối với những ai tâm trí đang nặng trĩu về tư duy trần tục. Chúa Giêsu thấy rõ sự giới hạn của các học trò, theo Thánh sử Gioan, thế nào là tình yêu thương đã được Chúa Giêsu lý giải từ chương 13 cho tới chương 16.

Người môn đệ theo Chúa không thể anh hùng hảo hán theo nghĩa vật chất : “lì và liều”, nhưng là đơn sơ tin tưởng để được Thánh Thần tình yêu dẫn đi con đường tự do vâng phục như Thầy Giêsu. J.Paul Sarte cho rằng : mối tình đầu là mối tình đẹp nhất nhưng mối tình cuối cùng mới thực sự là mối tình bất diệt. Có thể hiểu : 12 tông đồ và 72 môn đệ, cả chúng ta hôm nay tin Chúa, theo Chúa mới gọi là có mối tình đẹp; còn có trung thành sống đức tin đến cùng mới xứng đáng với lời Chúa nói : “Thầy đi để dọn chỗ cho các con…….. để Thầy ở đâu các con cũng ở đó với Thầy”.

Nhịp yêu thương mà Thầy Giêsu truyền dạy là tin tưởng, là tâm trí bình an không do dự; “các con đừng xao xuyến”, vừa là lời an ủi khích lệ, cũng là lời khai mở một con đường mới tràn trề hy vọng với sức mạnh thiêng liêng hòa nhịp với Thầy Giêsu. Nhịp yêu thương hé mở cho Toma, cho các tông đồ cho những ai khao khát nên một với Đức Kitô : “Thầy là đường, là sự thật và là sự sống, không ai đến được với Cha mà không qua Thầy”. Trả lời cho Tôma, cùng lúc Chúa minh nhiên cho biết từ nay chỉ có một con đường duy nhất mở ra cho nhân loại được ơn cứu độ, và tên gọi con đường ấy lại chính là con đường Giêsu, đường tình yêu.

Dẹp bỏ đi nhịp thất vọng hoang mang nơi các tông đồ, Chúa khai mở nhịp yêu thương nên một giữa “Thầy và Cha” : nếu các con biết Thầy thì cũng biết Cha Thầy. Tin yêu Thầy nghĩa là tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa để được biến đổi con người toàn diện của mình.Chúa Giêsu có ý truyền cho các tông đồ một kinh nghiệm, một ngọn lửa mến yêu : các con hãy tin rằng, Thầy ở trong Cha và Cha ở trong Thầy. Không phải chỉ có các tông đồ được ở trong tình yêu của Thiên Chúa, mà tất cả những ai thuộc về Hội Thánh Chúa Kitô đều hiểu tình yêu thật là sự rung cảm của tâm hồn, là sự hòa nhịp yêu thương nên một trong Đại gia đình của Chúa Kitô.

Sống trên đời, có 3 điều làm cho người ta đi đến gần với cái chết, đó là chờ đợi mà không ai đến, khóc mà không có người dỗ, yêu mà không được ai yêu, thật mơ hồ, đáng tiếc. Khi nói tới hạnh phúc trong hôn nhân, người ta thường diễn tả, họ mong được ở bên nhau để che chở nhau, chăm sóc nhau. Khi đã yêu thì mơ mộng nhiều, không cần phải phân biệt ngày hay tối, nhưng vẫn vang lên một cung điệu. Không ai thích người nói dối, không ai thích hàng giả, dù sự thật vẫn thu hút và con người mọi thời vẫn đang kiếm tìm. Chỉ nơi Đức Giêsu, Ngài mới quả quyết Ta là sự thật, là sự sống thật và tất nhiên là tình yêu thật. Tình yêu thật là một diễn tiến liên tục, chẳng biết khi nào dừng, nhưng khoảnh khắc vô hình ấy thật đẹp và lâng lâng, nhịp đập của trái tim cứ vang mãi trong hạnh phúc thật, yêu thương thật cũng là con đường dẫn đến vĩnh cửu. Niềm tin đích thực giúp chúng ta xác tín rằng Thiên Chúa luôn ở với chúng ta dù chúng ta còn bất xứng.

Tục ngữ có câu : người có lúc vinh lúc nhục, sông có lúc đục lúc trong. Sự sống trần gian có thể đổi thay tan biến, nhưng sự sống trong Đức Kitô là trường tồn, những ai đi con đường Giêsu, kết hiệp với Đức Kitô là sự thật, người ấy cũng có sự sống đời đời.

Về mục lục

.

CON ĐƯỜNG GIÊSU

Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh

Đầu tháng hai năm 1990, báo chí đã làm cho nổi tiếng một con đường ở ngoại ô thành phố Saigon. Con đường ấy, một đầu là biểu ngữ giăng ngang khai trương phòng vật lý trị liệu, một kiểu mãi dâm trá hình. Còn đầu kia là sừng sững một khách sạn mini sang trọng, làm nhà riêng của ông giám đốc Xacogiva, người đã từng biển thủ công quỹ. Con đường ấy chợt nổi tiếng vì những vụ tai tiếng.

Thế nhưng, đã 20 thế kỷ trôi qua, trong Giáo Hội chúng ta biết có một con đường luôn nổi tiếng. Con đường ấy mở ra bằng một tình thương và kết thúc bằng một hạnh phúc. Con đường ấy trải dài bằng tin yêu để vươn lên tới sự sống bất diệt. Con đường ấy thắp sáng niềm hy vọng và dẫn tới quê hương Nước Trời. Con đường dẫn tới vĩnh cửu. Đó là con đường mang tên Giêsu.

Thực vậy, qua đoạn Tin Mừng sáng hôm nay, Ngài đã trả lời cho Tôma: Thầy là đường là sự thật và là sự sống. Qua đó, chúng ta thấy: chỉ có một con đường duy nhất được mở ra cho ơn cứu độ. Và con đường ấy chính là Ngài.

Trước hết, Ngài là đường chân lý, một chân lý sống động, làm tiêu chuẩn hướng dẫn cho mọi cuộc đời. Đường chân lý ấy, không phải là một mớ những tín điều, những sự phải tin, nhưng là toàn thể cuộc sống của Ngài, từ tư tưởng cho đến lời nói và việc làm. Tất cả đều hướng tới chân trời cứu độ. Nhưng không phải ai cũng nhận ra con đường này, bởi vì trong phiên toà xet xử, Philatô cũng đã hỏi: Sự thật là gì? và Chúa Giêsu đã không trả lời bởi vì sự thật chính là Ngài đang đứng đó.

Tiếp đến, Ngài là đường sự sống bởi vì Ngài là nguồn phát sinh mọi sự sống tự nhiên cũng như siêu nhiên. Sự sống phần xác trong công trình tạo dựng, cũng như sự sống phần hồn trong công trình cứu chuộc. Ngài đã chết để mọi người được sống và Ngài đã sống lại để mãi mãi mở ra một con đường dẫn vào cõi sống vĩnh cửu. Sự sống vật chất một ngày nào đó sẽ tan biến, nhưng sự sống mà Ngài trao ban sẽ là một sự sống trường tồn bất diệt. Chính vì thế mà chúng ta thường kết thúc lời cầu nguyện bằng câu: Người hằng sống và hiển trị cùng Chúa Cha, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời.

Sau cùng, Ngài là con đường dẫn tới nhà Cha, dẫn tới quê hương Nước Trời, bởi vì Chúa Cha và Ngài không thể tách lìa nhau. Chúa Cha ẩn mình trong Chúa Con và Chúa Con ẩn mình trong Chúa Cha. Vẫn là một tự ngàn xưa và mãi mãi là một đến muôn thuở muôn đời. Vì thế con đường mang tên Giêsu, tất nhiên sẽ dẫn tới địa chỉ Nhà Cha và ngược lại, muốn đến nhà Cha thì phải đi trên con đường Giêsu. Có nghĩa là muốn được bước vào quê hương Nước Trời, chúng ta phải thực thi những điều Đức Kitô truyền dạy.

Về mục lục

.

ĐƯỜNG GIÊSU

– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt

Băn khoăn về nguồn cội con người, thắc mắc về ý nghĩa cuộc đời, thao thức truy tìm cứu cánh của đời người đã tiếp nối bằng bao thế kỷ mà không có được câu trả lời thoả đáng. Con người bơ vơ giữa ngã ba không biết phải đi về đâu. Khi xuống trần, Chúa Giêsu đã cho ta biết nguồn cội của Người là Đức Chúa Cha, ý nghĩa đời Người là thi hành thánh ý Chúa Cha, và cùng đích đời Người là trở về với Chúa Cha. Muốn về với Đức Chúa Cha, ta phải theo một con đường. Đường ấy có tên là GIÊSU. Đường này chắc chắn an toàn đi đến nơi về đến chốn vì Chúa Giêsu là người mở đường. Người chính là con đường và Người là tâm điểm của đích tới.

Chúa Giêsu là người mở đường.

Đi đâu cũng cần có đường. Không con đường nào tự nhiên có. Phải có người mở đường.

Có người mở ra những con đường vật chất, nhờ có óc phiêu lưu mạo hiểm, có tầm nhìn bao quát, có óc tính toán thực tế.

Có người mở ra những con đường suy tư triết học, sáng tác nghệ thuật, nhờ trí tuệ thông minh xuất chúng, có tư duy sáng tạo, có trực giác bén nhạy, có trí tưởng tượng phong phú.

Nhưng không ai có thể mở con đường lên trời. Đường lên trời hoàn toàn vượt khả năng con người. Phải có Đấng, ấy là Chúa Giêsu, Người đã đến từ Đức Chúa Cha, nay Người trở về cùng Đức Chúa Cha. Người lại hứa dọn chỗ cho ta trong Nhà Cha. Với những thông tin như thế, Người đã cho ta biết Trời chính là Nhà Cha. Quê Trời trở thành Quê Cha. Nước Trời trở thành một cõi đi về thân thương của con người. Con đường đi về ấy, chính Chúa Giêsu đã mở.

Chúa Giêsu là đường.

Không chỉ là người mở đường. Chúa Giêsu chính là con đường. Để về Nhà Cha, ta không chỉ đi theo, đi với mà còn phải đi trong Người. Không chỉ đi trong đường lối, trong tinh thần, nhưng trong chính bản thân Người. Như cành nho gắn liền với thân nho và sống bằng sự sống của thân nho. Như bánh rượu tan hoà vào trong máu thịt trở nên thành phần của bản thân ta. Như bản tính Thiên Chúa kết hợp với bản tính loài người trong bản thân Người. Đi trong Người để ta ở trong Người như Người ở trong Chúa Cha. Đi trong Người để ta mang hình ảnh của Người, để ai thấy ta cũng như thấy Người, như “Ai thấy Thầy là thấy Cha Thầy”.

Chúa Giêsu là đích tới của con đường.

Đi trong Chúa Giêsu là một hành trình dài. Đi suốt cả đời chưa chắc đã tới.

Để đi trong Chúa Giêsu ta phải từ bỏ hết những gì của bản thân mình, kết hiệp trọn vẹn với Người, cũng như Người đã từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Chúa Cha, để trở nên một với Chúa Cha.

Khi đã hoàn toàn từ bỏ hết ý riêng và trở nên một với Người cũng là lúc ta đạt tới đích điểm, là lúc ta gặp được Chúa Cha, là lúc ta ở trong Nhà Cha, là lúc ta đạt tới Quê Hương yêu dấu trên trời.

Lạy Chúa Giêsu là Đường, là Sự Thật và là Sự Sống, xin cho con biết đi trong con đường của Người.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn hãy thử tìm ra những đặc điểm của con đường Giêsu (Vd: hiền lành, khiêm nhường…)

2) Bạn còn xa hay đã gần con đường Giêsu?

3) Bạn có mong đi trọn vẹn trong con đường Giêsu không? Nếu muốn, bạn cần những điều kiện nào nữa?

Về mục lục

.
ĐỪNG XAO XUYẾN !

 Trầm Thiên Thu

Chúa Giêsu đã từng động viên: “Đừng xao xuyến!” (Ga 14:1; Ga 14:27), và Thánh Phêrô cũng khuyến khích như vậy (1 Pr 3:14). “Đừng xao xuyến” cũng chính là “đừng nhút nhát” hoặc “đừng sợ hãi”. Muốn vậy thì phải can đảm, muốn can đảm thì phải mạnh mẽ, muốn mạnh mẽ thì phải cầu xin Thiên Chúa Ngôi Ba: Veni Sancte Spiritus! Lạy Chúa Thánh Thần, xin ngự đến!

Ngôi Ba Thiên Chúa là Chúa Thánh Thần, là Thánh Linh, là Thần Khí. Nhưng đôi khi người ta có thể ảo tưởng mà lầm lẫn, cái gì cũng bảo là “Ý Chúa”. Vì thế, Thánh Gioan Tông Đồ đã khuyên chúng ta PHẢI cảnh giác và đưa ra cách nhận biết: “Anh em đừng cứ thần khí nào cũng tin, nhưng hãy cân nhắc các thần khí xem có phải bởi Thiên Chúa hay không, vì đã có nhiều ngôn sứ giả lan tràn khắp thế gian. Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra thần khí của Thiên Chúa: thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm thì thần khí ấy bởi Thiên Chúa; còn thần khí nào không tuyên xưng Đức Giêsu thì không bởi Thiên Chúa, đó là thần khí của tên phản Kitô. Anh em đã nghe nói là nó đang tới, và hiện nay nó ở trong thế gian rồi(1 Ga 4:1-3).

Lời cảnh báo của Thánh Gioan thật đáng sợ! Và chúng ta cũng đã và đang thấy nhiều thứ giả, trong đó có “người giả” đủ loại. Những điều tương tự cũng đã được Đức Mẹ nhiều lần tiên báo. Do đó, sự cảnh giác càng cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết, đặc biệt trong thế kỷ XXI đầy những khó khăn này, càng văn minh càng nhiêu khê. Đúng là cái chữ @ nó “vòng vo” rắc rối thật!

Cuộc sống (đời và đạo) có nhiều thứ khiến chúng ta xao xuyến, chia trí. Ma quỷ có thiên hình vạn trạng, nó len lỏi vào bất cứ nơi nào, thậm chí ma quỷ có thể cám dỗ chúng ta cảm thấy mình đạo đức và thánh thiện. Đó là dạng cám dỗ rất nguy hiểm, vì là dạng GIẢ DANH GIẢ NGHĨA. Thà rằng nó cám dỗ chúng ta khô khan, phạm tội, hoặc “quay lưng” lại với Chúa thì chúng ta dễ nhận biết mà tránh, đằng này nó lại làm cho chúng ta cảm thấy rất gần Chúa, thế mới đáng sợ, và chúng ta phải rất tỉnh thức!

Tại Hoa Kỳ, một người quen cho biết rằng em gái của họ lấy chồng là Phật tử, người chồng này làm cho cô ta bỏ đạo Công giáo và nói xấu Công giáo đủ thứ. Tại Saigon, một thanh niên bỏ đạo Công giáo, rồi cạo đầu và quy y, anh ta bảo rằng theo Công giáo phải giữ nghiêm luật nên “căng” quá, theo Phật giáo “khỏe” hơn nhiều. Tại Đồng Nai, một nữ tu bỏ đạo Công giáo rồi đi lập chùa riêng và làm ni cô trụ trì.

Thấy những trường hợp như vậy, chúng ta đừng vội hoang mang và “đừng xao xuyến”, vì đó là những trường hợp hiếm hoi, chỉ đủ đếm trên đầu ngón tay mà thôi. Thật ra họ chỉ bất mãn một vấn đề nào đó vì họ không được “như ý”, đồng thời họ là những người “yếu bóng vía” và chẳng hiểu rõ Công giáo, đó chỉ là dạng “lý sự cùn”, đầu óc thiển cận hoặc như “ếch ngồi đáy giếng” mà thôi.

Những người giỏi không như vậy, người ta càng giỏi thì càng tin có Thiên Chúa. Đa số các bác học đều là những người tin vào Thiên Chúa. Khoảng 40 năm trước, Đức cố TGM Phaolô Nguyễn Văn Bình (1910-1995) đã rửa tội cho một Thượng tọa Phật giáo cao niên vào chính đêm No-en. (Nay chợt hồi tưởng liên quan chuyện “theo đạo”, nhưng tiếc rằng lâu quá rồi, tôi không còn nhớ tên ông cựu họ Thích này!). Cách nay khoảng 20 năm, một ni cô chán “ăn chay trường” rồi gia nhập Công giáo, sau đó cô này lấy chồng là người Công giáo. Vợ chồng họ đang sống hạnh phúc tại Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Cũng nên nhớ rằng không một người nào lập đạo mà dám nói “tôi là Thiên Chúa”, chỉ có Chúa Giêsu. Chẳng có ai làm được những phép lạ như Đức Giêsu đã làm. Và cũng chỉ có Đức Giêsu dám nói: “Tôi là con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14:6). Chỉ như vậy thôi thì cũng đủ để chúng ta biết đâu là “chân lý thật” và đâu là “chân lý giả”. Chính khoa học và khoa khảo cổ càng ngày càng phát hiện những điều chính xác như Kinh Thánh đã nói tới.

Sách Công Vụ đưa ra bằng chứng cụ thể: Khi nghe ông Phêrô rao giảng việc ăn năn sám hối, chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô để được ơn tha tội, và nhận được ân huệ là Thánh Thần, ngay lúc đó đã có khoảng ba ngàn người theo đạo (Cv 2:38-41). Đâu có thể đơn giản mà có số người đông như vậy cùng gia nhập đạo một lúc, cũng đâu phải họ theo đạo cho vui hoặc có lợi về vật chất! Hàng tháng, tại nhiều nhà thờ Công giáo vẫn có những người trưởng thành (chứ không nói chi trẻ em) vui mừng lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Đó là những bằng chứng hùng hồn, là phép lạ thực sự mà Chúa Thánh Thần đang tác động không ngừng trong Giáo hội, Nhiệm Thể Đức Giêsu Kitô.

Cũng thấy có những người gia nhập Công giáo khi họ đã thực sự trưởng thành (tâm sinh lý), thậm chí là lớn tuổi, họ sống đạo rất tốt với một đức tin trưởng thành và vững mạnh. Đặc biệt là có những người theo đạo Công giáo rồi đi tu trở thành tu sĩ hoặc linh mục – trong đó có Lm Thiên Phong Bửu Dưỡng (1). Họ là những người đã trưởng thành, chắc chắn không ai có thể “dụ dỗ” được họ nếu họ không thực sự tin vào Đức-Giêsu-nhập-thể-làm-người-chịu-chết-và-phục-sinh. Ai cảm thấy còn “đắn đo”, hãy cố gắng giữ vững lòng tin, hãy hãnh diện về Đức Tin Công giáo, và đừng bao giờ xao xuyến! (2)

Giáo hội Công giáo đặt tiêu chuẩn cao về luân lý, rất cảm thông với người bất đồng ý kiến, nhưng không nhượng bộ bất kỳ áp lực nào. Tất cả chúng ta đều là tội nhân, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Hòa giải để tha thứ tội lỗi, để thương xót và ban ân sủng cho chúng ta, giúp chúng ta sống đời sống luân lý tốt hơn.

Thời đó, khi Chúa Giêsu đã phục sinh và số môn đệ thêm đông, các tín hữu Do-thái theo văn hoá Hy-lạp kêu trách những tín hữu Do-thái bản xứ, vì trong việc phân phát lương thực hằng ngày, các bà goá trong nhóm họ bị bỏ quên. Bởi thế, Nhóm Mười Hai triệu tập toàn thể các môn đệ và nói: “Chúng tôi mà bỏ việc rao giảng Lời Thiên Chúa để lo việc ăn uống là điều không phải. Vậy, thưa anh em, anh em hãy tìm trong cộng đoàn bảy người được tiếng tốt, đầy Thần Khí và khôn ngoan, rồi chúng tôi sẽ cắt đặt họ làm công việc đó. Còn chúng tôi, chúng tôi sẽ chuyên lo cầu nguyện và phục vụ Lời Thiên Chúa” (Cv 6:2-4).

Trình thuật Cv 6:5-7 cho biết: “Đề nghị đó được mọi người tán thành. Họ chọn ông Tê-pha-nô, một người đầy lòng tin và đầy Thánh Thần, cùng với các ông Phi-líp-phê, Pơ-rô-khô-rô, Ni-ca-no, Ti-môn, Pác-mê-na và ông Ni-cô-la, một người ngoại quê An-ti-ô-khi-a đã theo đạo Do-thái. Họ đưa các ông ra trước mặt các Tông Đồ. Sau khi cầu nguyện, các Tông Đồ đặt tay trên các ông. Lời Thiên Chúa vẫn lan tràn, và tại Giê-ru-sa-lem, số các môn đệ tăng thêm rất nhiều, lại cũng có một đám rất đông các tư tế đón nhận đức tin. Đó chính là Nhóm Bảy Người, tức là các Phó tế đầu tiên của Giáo hội, trong đó có Phó tế Tê-pha-nô về sau chịu tử đạo. Không chỉ có Phó tế tê-phan-nô mà còn biết bao vị tử đạo khác đã xả thần vì danh Đức Giêsu Kitô, ở mọi nơi và mọi thời.

Kitô hữu hãnh diện: “Vinh quang của tôi là Thập Giá của Đức Giêsu Kitô” – MEA GLORIA EST CRUX CHRISTI (Gl 6:14). Chắc chắn không ai và không tôn giáo nào có dạng vinh quang “ngược đời” như Kitô giáo. Người ta sợ đau khổ, nhưng khi đã cảm nhận được đau khổ, người ta lại bị đau khổ thu hút. Vô tri bất mộ. Người không có niềm tin Kitô giáo sẽ chẳng bao giờ hiểu được điều đó, thế nên người vô thần bảo tôn giáo là thuốc phiện đã “ru ngủ” chúng ta – các Kitô hữu có vinh quang là Thập Giá của Đức Kitô.

Tác giả Thánh Vịnh đã hân hoan mời gọi: “Người công chính, hãy reo hò mừng Chúa, kẻ ngay lành, nào cất tiếng ngợi khen. Tạ ơn Chúa, gieo vạn tiếng đàn cầm, kính mừng Người, gảy muôn cung đàn sắt” (Tv 33:1-2). Và rồi không thể lặng im, tác giả Thánh Vịnh liền giải thích: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33:4-5).

Vâng, Thiên Chúa là tình yêu, Ngài yêu thương chúng ta ngay khi chúng ta còn là tội nhân (Rm 5:8), còn thù nghịch với Ngài (Rm 5:10), thậm chí còn chết để cứu độ chúng ta. Tình yêu đó quá lớn lao. Ngài luôn quan tâm chúng ta: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn” (Tv 33:18-19).

Tuy nhiên, chúng ta cũng nên xem lại chính mình, như Thánh Gia-cô-bê phân tích: “Ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi là tự dối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1:26).

Còn Thánh Phêrô vừa khuyên nhủ vừa động viên: “Anh em hãy tiến lại gần Đức Kitô, viên đá sống động bị người ta loại bỏ, nhưng đã được Thiên Chúa chọn lựa và coi là quý giá. Hãy để Thiên Chúa dùng anh em như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Đền Thờ thiêng liêng, và hãy để Thiên Chúa đặt anh em làm hàng tư tế thánh, dâng những lễ tế thiêng liêng đẹp lòng Người, nhờ Đức Giêsu Kitô. Quả thật, có lời Kinh Thánh chép: Này đây Ta đặt tại Sion một viên đá quý được lựa chọn, làm đá tảng góc tường: kẻ tin vào đó sẽ không phải thất vọng” (1 Pr 2:4-6). Lòng thương xót của Thiên Chúa quá đỗi kỳ diệu, chúng ta không thể nào hiểu nổi!

Thánh Phêrô cho biết thêm về hạnh phúc của các Kitô hữu, những người được tái sinh bởi Nước và Thánh Thần: “Vậy vinh dự cho anh em là những người tin, còn đối với những kẻ không tin thì viên đá thợ xây loại bỏ đã trở nên đá tảng góc tường, và cũng là viên đá làm cho vấp, tảng đá làm cho ngã. Họ đã vấp ngã vì không tin vào Lời Chúa. Số phận của họ là như vậy. Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của Người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng diệu huyền” (1 Pr 2:7-9). Có nhiều dạng ơn thiên triệu, nói theo bình dân là “ơn gọi”, và ơn thiên triệu nào cũng cao cả: Ơn gọi tu trì, ơn gọi kết hôn, ơn gọi độc thân,… Ơn gọi nào cũng là để hoàn tất sứ mạng theo kế hoạch của Thiên Chúa.

Chúa Giêsu động viên: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14:1). Cuộc sống đã và đang chứng tỏ cho chúng ta thấy như vậy, đúng là chỉ có Thiên Chúa là cứu cách và cùng đích, thiếu Đức Kitô thì chúng ta không thể làm được gì, dù là điều nhỏ nhoi (x. Ga 15:5). Chúng ta có hoang mang hoặc lo sợ thì cũng chẳng “chuyển hóa” được gì, đúng như có lần Chúa Giêsu đã cảnh báo: “Đừng chỉ lên đầu mà thề, vì anh không thể làm cho một sợi tóc hoá trắng hay đen được” (Mt 5:36). Vì thế mà chúng ta phải sống theo lời khuyên của Ngài: “Đừng xao xuyến!”. Nói theo kiểu nói ngày nay: “Cứ vô tư mà sống!”. Lo bạc râu, sầu bạc tóc. Mà có lo cũng chẳng được, cái gì đến sẽ đến, thế thì lo chi cho khổ? Nghe lời Chúa Giêsu bảo “đừng xao xuyến” cũng chính là tin vào sự tiền địnhquan phòng của Thiên Chúa vậy! Và có một điều thiết tưởng cũng nên lưu ý: “Không xao xuyến” nghĩa là đừng chạy theo những cái mà người ta cho đó là “sự lạ”, dạng này thường xuyên được người ta “chú ý”, mà như vậy là chúng ta chưa thực sự tin vào Thiên Chúa, chưa thực sự tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót. Hãy cẩn thận!

Tại sao không nên xao xuyến? Chúa Giêsu căn dặn: “Trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:2-3). Người đời cũng biết nhận định: “Sinh ký, tử quy” (sống gởi, thác về). Thật vậy, thế gian chỉ là chuyến lữ hành về Thiên Đàng, “cuộc đời như chiếc cầu, hãy đi qua chứ đừng dừng lại trên đó” (Thánh nữ Catarina), chết không là hết, chết là biến đổi, chết là “ngưỡng cửa” bước vào sự sống đời đời. Thật hạnh phúc cho chúng ta vì được Chúa Giêsu hứa: “Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó”. Đúng là niềm hạnh phúc của mọi niềm hạnh phúc!

Khi Chúa Giêsu bảo: “Thầy đi đâu thì anh em biết đường rồi”. Ông Tô-ma “gãi đầu” và hỏi ngay: “Thưa Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu, làm sao chúng con biết được đường?”. Đức Giêsu cười và đáp: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6). Đây là câu “nổi tiếng” trong Kitô giáo, được trích dẫn rất nhiều, và cũng là niềm hy vọng chắc chắn của những người tin vào Con Thiên Chúa, Đấng-nhập-thể-làm-người. Đức Giêsu nói thêm: “Nếu anh em biết Thầy, anh em cũng biết Cha Thầy. Ngay từ bây giờ, anh em biết Người và đã thấy Người” (Ga 14:7).

Ông Phi-líp-phê xin Ngài tỏ cho thấy Chúa Cha để được mãn nguyện. Nhưng Ngài trách ông Phi-líp-phê ở với Ngài bào lâu rồi mà lại “hỏi ngớ ngẩn” như vậy. Rồi Ngài xác định: “Ai thấy Thầy là thấy Chúa Cha” (Ga 14:9). Chắc chắn đó là cách hiểu vượt quá tầm hiểu của phàm nhân, nếu chúng ta ở bên Chúa Giêsu hồi đó thí chúng ta cũng vẫn “ngớ ngẩn” như Tông đồ Phi-líp-phê mà thôi, e rằng chúng ta còn “tệ” hơn thế đấy!

Chúa Giêsu nói thêm để giải thích cho ông Phi-líp-phê và các Tông đồ khác – đồng thời cũng là nói với mỗi chúng ta: “Anh không tin rằng Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy sao? Các lời Thầy nói với anh em, Thầy không tự mình nói ra. Nhưng Chúa Cha, Đấng luôn ở trong Thầy, chính Người làm những việc của mình1 Anh em hãy tin Thầy: Thầy ở trong Chúa Cha và Chúa Cha ở trong Thầy; bằng không thì hãy tin vì công việc Thầy làm. Thật, Thầy bảo thật anh em, ai tin vào Thầy thì người đó cũng sẽ làm được những việc Thầy làm. Người đó còn làm những việc lớn hơn nữa, bởi vì Thầy đến cùng Chúa Cha” (Ga 14:10-12).

Một lần nữa, Chúa Giêsu lại nhấn mạnh tầm quan trọng của Đức Tin. Thật vậy, khi có đủ niềm tín thác vào Thiên Chúa giàu lòng thương xót luôn quan phòng và tiền định cho mỗi người theo ơn gọi riêng (ơn thiên triệu), người ta sẽ thanh thản và sống theo lời khuyên của Đức Kitô Giêsu: “ĐỪNG XAO XUYẾN!”. Ước gì mỗi Kitô hữu chúng ta đều có thể xác định như tác giả Thánh Vịnh: “Chúa là gia nghiệp đời con” (Tv 16:5-6).

Lạy Thiên Chúa, chúng con chỉ là bụi tro mà đã làm bận mắt Ngài, xin thương ban thêm Đức Tin và lòng can đảm cho chúng con để chúng con không bị dao động trước mọi nghịch cảnh, ngay cả khi đối diện với kẻ thù. Xin làm cho chúng con nên thánh theo ước muốn và kế hoạch mầu nhiệm của Ngài. Xin ban Thánh Thần để chúng con sống can đảm và được bình an. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

 —————————

(1) Lm Bửu Dưỡng (OP, Dòng Đa-minh, 1907-1987)

Cậu ấm Bửu Dưỡng thuộc dòng dõi hoàng gia triều Nguyễn, là cháu trực hệ đời thứ năm của vua Minh Mạng. Thân phụ là cụ Ưng Trình, đại thần Cơ Mật viện và đại thần Tôn Nhơn Phủ (1936) và Thượng Thư. Thân mẫu là cụ bà Trần Thị Như Uyển, cũng dòng dõi quan lại cấp Thượng Thư.

Cậu Bửu Dưỡng là con trai thứ năm. Thiếu thời, cậu học trường Quốc Học Huế, rồi trường Cao Đẳng Hà Nội. Sau khi tốt nghiệp, cậu trở về Huế làm thông phán sở Bưu Chính. Sinh trưởng trong gia đình hoàng tộc và tôn sùng đạo Phật, Bửu Dưỡng cũng rất ác cảm với Công giáo, nhưng “duyên Trời” ấn định khác.

Thượng tuần tháng 5-1928, cậu Bửu Dưỡng lên đường ra Quảng Trị, tìm lên vùng núi Phước Sơn, xin học giáo lý để nhận bí tích Rửa tội và gia nhập dòng Xitô (Cistercians). Lm Bề Trên Henri Denis (Cố Thuận, người Pháp) trực tiếp dạy giáo lý. Lễ rửa tội được cử hành ngày lễ Đức Mẹ lên trời, 15-8-1928. Tân tòng Bửu Dưỡng nhận thánh danh Bô-ni-pha-xi-ô (Bonifacius), nghĩa là “bộ mặt đẹp”. Bề Trên Dòng chủ lễ, bên cạnh là Phó tế Ta-đê-ô Lê Hữu Từ (sau đó làm giám mục).

Sau một năm ở tập viện Xitô Phước Sơn, tu sinh Bửu Dưỡng vì sức khỏe yếu, đau bao tử, bị chứng tê thấp, lại bị mụt nhọt ở chân, được Bề Trên cho về nhà nghỉ dưỡng bệnh tại gia đình ở Huế. Trong thời gian nầy, thầy Bửu Dưỡng có nhiều quan hệ với Dòng Chúa Cứu Thế, với ý muốn nhập dòng nầy nhưng không thành…

Trong khi dịch giùm cho các linh mục Dòng Chúa Cứu Thế một số bài giảng, thầy được đọc sách của Thánh Tôma Aquinô, thầy say mê triết lý và thần học của vị tiến sĩ nổi tiếng thuộc Dòng Đa Minh và có ý muốn theo chân ngài trong một dòng tu chuyên nghiên cứu và thuyết giảng đạo lý Kitô giáo.

Linh mục Bề Trên Dòng Chúa Cứu Thế giới thiệu thầy với Dòng Đa Minh mới đến Hà Nội lập dòng và thầy được chấp nhận để thử một thời gian. Mọi sự đều êm xuôi. Thầy Bửu Dưỡng cảm thấy mình đi đúng hướng và được gởi đi du học tại Pháp ở Dòng Đa Minh chi nhánh Lyon.

Sau một năm tập viện, ngày 26-11-1936, tu sinh Bửu Dưỡng là người Việt Nam đầu tiên của tỉnh Dòng Đa Minh Lyon được tuyên khấn dòng. Mặc dù mụt nhọt ở chân trở nên trầm trọng, thầy Bửu Dưỡng phải chịu giải phẩu cưa một chân, gắn chân giả. Bề Trên Dòng vẫn nhận phong chức linh mục cho thầy vì khả năng trí tuệ đặc biệt của thầy.

Lễ phong chức được cử hành ngày 2-2-1940. Từ đó, linh mục con dòng cháu giống của vua chúa triều Nguyễn không còn gì trăn trở băn khoăn mà thẳng đường trực chỉ dấn thân rao giảng Tin Mừng Cứu Độ của Chúa Giêsu cho đến trọn đời. Trong “Cuộc Hành Trình Của Đời Tôi”, Lm Bửu Dưỡng viết:

“Trước kia tôi rất ghét Kitô giáokhông muốn có một liên hệ nào dù xa dù gần với các linh mục hay người có đạo. Tôi không bao giờ đọc một cuốn sách báo nào dính dáng đến đạo Công giáo. Cái ấn tượng ghét đạo đã khiến tôi trở thành cực đoan một cách vô lý, đến độ mỗi khi nhìn thấy chữ ‘Thiên Chúa’, tôi cảm thấy khó chịu và nếu có thể, tôi sửa thành chữ ‘Trời’. Khi dạy học cho các trẻ em, tôi chống lại việc dùng chữ Thiên Chúa. Lòng ác cảm đã khiến tôi trở thành điên rồ.

Có những thời gian tôi cảm thấy bất an trong đời sống, dường như tôi đang trải qua những cơn khủng hoảng của đời sống, cái tâm trạng nầy kéo dài trong suốt ba năm liền… Những lần tôi không giải trí với các bạn trong giờ giải trí, những đêm dài mất ngủ, những buổi chiều trống rỗng, sau khi nghe vài bản nhạc buồn… Tất cả những tâm trạng ấy đưa tôi đến việc tự hỏi: ‘Có phải Kitô giáo là một tôn giáo thật và tôi phải theo hay không?’. Tôi phải theo? Thật là một điều ngoài trí tưởng tượng. Không bao giờ! Dù nó đúng, nó trật, nó hay… nhưng ta về ta tắm ao ta, dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”.

Thế nhưng Ý Chúa nhiệm mầu, một Bửu Dưỡng thù ghét Công giáo đã trở thành một Bửu Dưỡng yêu mến Công giáo, và trở thành Linh mục Công giáo. Tôi được gặp ngài một lần, đã được đọc cuốn “Ý Nghĩa Sự Đau Khổ” của ngài và “Công Đồng III” do ngài viễn tưởng. Trí óc của ngài đúng là một học giả hiếm có. Lm Bửu Dưỡng còn là người mở Học viện Minh Đức (Thủ Đức) nổi tiếng một thời trước năm 1975.

(2) Xin xem thêm để củng cố Đức Tin Công Giáo:

a. http://www.thanhlinh.net/node/55782

b. http://www.tinmung.net/DocGia/ThienChua/2012/Tai-sao-toi-tin-Chua.htm

c. http://www.ubmvgiadinh.org/article/vì-sao-tôi-theo-đạo-công-giáo

Về mục lục

.