CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY_A

152

CHÚA NHẬT 5 MÙA CHAY A

Lời Chúa: Ed 37,12-14; Rm 8,8-11; Ga 11,1-45

*****

NIỀM VUI SỐNG LẠI

Lm. Jos, DĐH, GP. Xuân Lộc

Hàng ngày chúng ta không đếm xuể những người đang vui mừng vì thành công trong làm ăn buôn bán. Hàng năm biết bao sinh viên tốt nghiệp ra trường với bằng cấp giỏi, khá…, vấn đề đặt ra, bằng cấp có mang lại việc làm ổn định và cuộc sống như ý không ? Mỗi giây phút chung quanh ta, nhiều nghĩa cử yêu thương đáng trân trọng, được chia sẻ cả về vật chất lẫn tinh thần cho những hoàn cảnh khó khăn.

Dù điều kiện có thuận lợi hay không, vẫn đầy dẫy những người trẻ đang tự tin ký kết yêu thương nhau, quyết định chung sống trọn đời trọn kiếp với nhau. Không biết là thói quen đạo đức, hay chỉ là phong trào đến nhà thờ cho có mặt vào các tuần Mùa Chay, người tín hữu tham dự những buổi tĩnh tâm nghe Lời Chúa, sám hối, và rồi biết bao người vui mừng như được sống lại sau khi bước ra khỏi tòa giải tội.

Các bài Thánh Kinh hôm nay hướng chúng ta từ bầu khí Mùa Chay tới bầu khí của sự sống lại và sự sống. Thị kiến “ruộng xương khô”, nói tới một xác thực : Thiên Chúa uy quyền tạo dựng, và Ngài cũng có quyền năng tái tạo những gì đã hư hỏng. Thiên Chúa truyền cho ngôn sứ Êzêkien tuyên sấm trên các bộ xương khô để chúng tháp nhập lại với nhau, có gân để giữ, có da để bọc ; nhưng chưa có hơi thở để sống. Thiên Chúa cho những bộ xương khô hơi thở và chúng có sự sống mới. Trong bài đọc II, thánh Phaolô so sánh hai lối sống theo xác thịt và theo thần khí. Lối sống làm nô lệ cho xác thịt chỉ đưa con người tới sự hủy diệt; nhưng lối sống theo thần khí sẽ làm cho con người được sống và sống muôn đời.

Với một chút kinh nghiệm, người ta luôn cho rằng : niềm vui thường ngắn ngủi, chỉ có sự buồn tủi là kéo dài lê thê. Vì tâm lý “đèn nhà ai người ấy rạng”, vì không muốn mang tiếng là xâm nhập đời tư của bất cứ ai nên mới chủ trương : “đời cua cua máy, đời cáy cáy bò”. Trong cuộc vui, khó biết ai là bạn, lúc hoạn nạn lại dễ biết ai là bạn, ai là người dưng ! Chị em Martha và Maria không những hiểu Chúa Giêsu là vị Thầy đáng kính, hai chị còn xác quyết : nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết. Chúa Giêsu không xem ba thành viên của gia đình Bêtania là học trò, không dửng dưng với lời nhắn gởi đầy tin tưởng “người Thầy yêu đang đau nặng” ; dẫu sao khi lưu lại hai ngày để làm việc của Chúa Cha, Chúa Giêsu cũng nói với các môn đệ, Lagiarô bạn chúng ta đang ngủ, dù vậy Ta hãy đi đánh thức anh ấy.

Từ xưa tới nay, xã hội vẫn cho rằng, có khi người ta buồn vì túng thiếu vật chất tiện nghi, đôi khi người ta đói khát vì đời sống tinh thần sa sút, lại có lúc khổ đau vì mất mát người thân không gì bù đắp nổi ! Hai chị em Martha và Maria chỉ dừng lại ở lời trách móc : nếu Thầy có mặt ở đây thì em con không chết ; hay không thể vượt xa hơn lời quả quyết : vâng, con biết vào ngày sau hết em con sẽ sống lại, hẳn hai chị sẽ không thể có dịp chứng kiến niềm vui Lagiarô bước ra khỏi mộ đá.

Nếu các văn sĩ lãng mạn khi xưa nói rằng : “yêu chẳng phải là một chương trình định sẵn ; nhưng lại là phút giây làm sáng tỏ lòng ta”. (De Belloy). Quả thực, niềm vui vì sự có mặt của Thầy Giêsu sau khi Lagiarô chết đang là niềm vui hy vọng của 2 chị em Martha và nhiều người thân có mặt ở đó; tình yêu của Thầy Giêsu thổn thức và xúc động đến rơi lệ ! Tình yêu giữa Con Thiên Chúa và chị em Martha đã được thể hiện trọn vẹn, dù cái xác đã bất động bốn ngày ; Thầy đã chẳng bảo con rằng : “nếu con tin, thì con sẽ xem thấy vinh quang của Thiên Chúa sao ?”

Niềm vui Lagiarô sống lại ra khỏi mồ là niềm vui lớn nhất bởi chưa hề có làm được như vậy, niềm vui mà đám đông Do Thái có mặt lúc ấy phải gật đầu thán phục : “tình yêu đẹp nhất khi đẫm lệ”. Thực ra, Thiên Chúa không đợi phải có nước mắt khổ đau mới ra tay giải cứu, Chúa Giêsu không chờ Lagiarô hôi thối rồi mới xin Chúa Cha cải tử hoàn sinh người Chúa quý mến. Đúng hơn, Chúa Giêsu chờ đợi mọi người tin rằng : “Ta là sự sống lại và là sự sống, ai tin Ta dầu có chết cũng sẽ sống. Và kẻ nào sống mà tin Ta, sẽ không chết bao giờ”. Con có tin điều đó không ?

Niềm vui sống lại phải là niềm vui trọn vẹn, niềm vui vì được giải thoát không thể tạm thời tương đối; niềm vui vì tin Chúa Giêsu là Thầy là Chúa phải tuyệt đối, vĩnh cửu, chứ đâu thể tách rời đau khổ và phục sinh. Tin Thầy là Đức Kitô Con Thiên Chúa hằng sống phải chắc chắn là dù Đức Giêsu đang giảng dạy thành công ở hội đường Do Thái, dù Đức Giêsu ở trên cây thập giá, hay Đức Giêsu thinh lặng trong huyệt đá thì Ngài vẫn là Thiên Chúa của sự sống.

Cuộc đời chúng ta nếu chỉ có tiếng cười tựa như một bản hòa tấu tất cả là nốt cao, không có nốt trầm ban đầu nghe hay nhưng bản các nốt nhạc ấy lại sớm trở nên nhàm chán, làm người ta mệt mỏi nhiều hơn nghe một bản có cả nốt trầm nốt cao. Nếu cuộc sống chỉ có niềm vui, tiếng cười..thì có lẽ chúng ta sẽ nghĩ cuộc sống này quả vô vị !

Nếu hai chị em Martha yêu mến Đức Giêsu tài giỏi, chỉ tuyên xưng niềm tin hời hợt để Lagiarô sống lại rồi sẽ chết… như vậy cũng chẳng ý nghĩa gì ! Nếu Đức Giêsu chỉ đến trần gian làm nhiều phép lạ, nhưng Ngài không giúp cho mọi người biết Ngài chính là sự sống lại và là sự sống, thì lời rao giảng của Chúa Giêsu thật vô nghĩa. Nếu Chúa Giêsu nói hay, nói thật thuyết phục, mà Chúa chỉ dừng lại ở đau khổ và sự chết, thì niềm tin vào sự sống đời, hạnh phúc mai sau cũng không còn giá trị gì nữa !

SỐNG VÀ SỐNG LẠI

 Trầm Thiên Thu

Thế gian có nhiều loại “cuộc”, nhưng có lẽ đặc biệt nhất là cuộc đời, với đủ thứ nhiêu khê.

Cuộc đời là cuộc sống, là sự sống, không là Nguồn Sống. Mỗi người có hai sự sống: Sự sống thể lý và sự sống tâm linh. Sự sống tâm linh quan trọng vì đó là sự sống của linh hồn, mà chính linh hồn mới làm cho thân xác sống, nhưng Thiên Chúa mới là Nguồn Sống. Chúa Giêsu đã nói: “Chính Thầy là Con Đường, là Sự Thật và là Sự Sống” (Ga 14:6). Đúng như tác giả Thánh Vịnh đã xác định: “Chúa ẩn mặt đi, chúng rụng rời kinh hãi; lấy Sinh Khí lại, chúng tắt thở ngay mà trở về cát bụi. Sinh Khí của Ngài, Ngài gửi tới, chúng được dựng nên, và Ngài đổi mới mặt đất này” (Tv 104:29-30).

Thật vậy, “chính Ngài ban Sự Sống cho muôn vật, muôn loài” (Nkm 9:6), nguyên tổ A-đam là người đầu tiên được đón nhận sự sống: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi Sinh Khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7). Được sinh ra làm người là hồng ân rồi, dù chúng ta như thế nào – thậm chí có người sống đời thực vật, chứ chúng ta không có quyền đòi hỏi hoặc chọn lựa: “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6).

Sự sống rất cần, vì thế mà mọi người đều có trách nhiệm bảo vệ sự sống. Sự sống liên quan không khí. Không khí là dưỡng khí, là ô-xy để chúng ta hít thở. Thiếu không khí vài phút là mọi vật chết hết. Chính không khí là đại hồng ân Thiên Chúa trao ban cho mọi loài, chúng ta sử dụng liên tục mà vẫn coi thường, vô ơn bạc nghĩa. Làm ô nhiễm môi trường là hủy hoại môi sinh, tiêu diệt sự sống, tự giết chính mình!

Thuở xưa, Thiên Chúa nói với ngôn sứ Ê-dê-ki-en: “Ngươi hãy tuyên sấm, hãy nói với chúng rằng Đức Chúa là Chúa Thượng phán như sau: Hỡi dân Ta, này chính Ta mở huyệt cho các ngươi, Ta sẽ đưa các ngươi lên khỏi huyệt và đem các ngươi về đất Ít-ra-en. Các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, khi Ta mở huyệt cho các ngươi và đưa các ngươi lên khỏi huyệt, hỡi dân Ta!” (Ed 37:12-13). Được ra khỏi huyệt mộ là hết phải chết, là được sống. Phúc lớn lắm!

Thiên Chúa nói như một lời giải thích: “Ta sẽ đặt thần khí của Ta vào trong các ngươi và các ngươi sẽ đượchồi sinh. Ta sẽ cho các ngươi định cư trên đất của các ngươi. Bấy giờ, các ngươi sẽ nhận biết chính Ta là Đức Chúa, Ta đã phán là Ta làm” (Ed 37:14). Chúng ta được Thiên Chúa “thổi hơi” để ban Thần Khí, nhờ đó mà chúng ta sống. Và còn hơn là sống, vì chúng ta được sống dồi dào (Ga 10:10), đúng như Chúa Giêsu đã hứa. Lời Chúa xác quyết “Ta đã phán là Ta làm” khiến chúng ta an tâm. Quả thật, Ngài không hề sai lời và rất thẳng thắn. Tuyệt vời là thế đấy!

Ở trong bóng tối là CHẾT, ở trong ánh sáng là SỐNG. Chúng ta chết vì chúng ta ở trong bóng tối – bóng tối tội lỗi. Vì thế, chúng ta luôn phải khẩn cầu: “Từ vực thẳm, con kêu lên Ngài, lạy Chúa, muôn lạy Chúa, xin Ngài nghe tiếng con. Dám xin Ngài lắng tai để ý nghe lời con tha thiết nguyện cầu” (Tv 130:1-2). Đó là lời cầu cấp tốc, lời cầu khẩn cấp, như tiếng còi vang lên từ xe cứu thương.

Và đó lại chính là hồng ân nữa: Chúng ta biết đánh moóc SOS nên được sống, nhờ Thiên Chúa đến kịp. Vâng, ước gì mỗi khi gặp hoạn nạn, chúng ta luôn biết van xin: “Ôi lạy Chúa, nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng? Nhưng Chúa vẫn rộng lòng tha thứ để chúng con biết kính sợ Ngài” (Tv 130:3-5). Nhưng muốn vậy cũng không dễ, nếu chúng ta không “hết lòng mong đợi và cậy trông ở lời Chúa” (Tv 130:5). Muốn sống, chúng ta phải tâm niệm rạch ròi: “Hồn tôi trông chờ Chúa, hơn lính canh mong đợi hừng đông. Hơn lính canh mong đợi hừng đông, bởi Chúa luôn từ ái một niềm, ơn cứu chuộc nơi Ngài chan chứa. Chính Ngài sẽ cứu khỏi tội khiên muôn vàn” (Tv 130:6-8).

Chuyện sống – chết liên quan vấn đề xác – hồn. Cụ thể là thân xác. Nhưng cũng nên phân biệt chính “xác thịt” (nhục thể, cụ thể) và “tính xác thịt” (trừu tượng). Đôi khi “tính xác thịt” còn nguy hiểm hơn “xác thịt”. Có lẽ vì thế mà Giáo hội “đề nghị” lời cầu nguyện trong mầu nhiệm thứ 5 Mùa Thương: “Xin cho con biết đóng đinh tính xác thịt vào Thánh Giá Chúa”. Chính Chúa Giêsu cũng đã cảnh báo: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38).

Nói như vậy, chắc hẳn có thể có người muốn “nổi loạn” và muốn “kiện” Chúa, vì Ngài đã tạo nên một dạng thân-xác-yếu-hèn. Ý nói là Chúa đã “cài đặt” mặc định (default) như vậy rồi, y như máy vi tính đã “đóng băng” (Deep Freeze), chúng ta có thay đổi mọi thứ thì nó cũng trở về “mặc định” sau khi nó được khởi động lại (restart). Nhưng không phải như vậy. Tại sao? Thứ nhất, đó là mầu nhiệm, chúng ta không đủ trình độ để hiểu. Thứ nhì, đó là Thiên Chúa không bao giờ tạo dựng điều xấu, vì Ngài là Đấng chí thánh, nơi Ngài CHỈ CÓ ĐIỀU TỐT chứ KHÔNG CÓ ĐIỀU XẤU.

Thánh Phaolô nói: “Những ai bị tính xác thịt chi phối thì không thể vừa lòng Thiên Chúa” (Rm 8:8). Thật may cho chúng ta vì chúng ta được làm “con cái Thiên Chúa”, như Thánh Phaolô giải thích: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9). Hơn cả tuyệt vời!

Về chuyện sống – chết, Thánh Phaolô giải thích và xác định: “Nhưng nếu Đức Kitô ở trong anh em thì dầu thân xác anh em có phải chết vì tội đã phạm, Thần Khí cũng ban cho anh em được sống, vì anh em đã được trở nên công chính. Lại nữa, nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsusống lại từ cõi chết, Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới” (Rm 8:10-11).

Kinh Thánh đã nói: “Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6). Và đúng là như vậy, vì “Thiên Chúa nắm chủ quyền trên mọi xác phàm” (Đn 14:5), chính “Chúa Cha đã ban cho Người [Đức Kitô] quyền trên mọi phàm nhân” (Ga 17:12) và “trên mọi chi tộc” (Kh 13:7).

Trình thuật Ga 11:1-45 là một chuyện-cổ-tích-có-thật kể rằng: Một người bị đau nặng tên là La-da-rô, quê ở Bê-ta-ni-a, em trai của hai chị em cô Mác-ta và Ma-ri-a (người sau này sẽ xức dầu thơm và lấy tóc lau chân Chúa Giêsu). Anh La-da-rô bị đau nặng và… tắt thở.

Khi biết em trai bệnh nặng, hai chị em gái cho người đến báo tin buồn cho Đức Giêsu: “Thưa Thầy, người Thầy thương mến đang bị đau nặng”. Chúng ta thấy rõ ràng La-da-rô là “người mà Chúa Giêsu thương mến”, thế nhưng Ngài vẫn thản nhiên bảo: “Bệnh này không đến nỗi chết đâu, nhưng là dịp để bày tỏ vinh quang của Thiên Chúa: qua cơn bệnh này, Con Thiên Chúa được tôn vinh”. Chúa Giêsu không dùng từ nào thừa hoặc thiếu, nhưng rất chính xác và đầy đủ.

Chúa Giêsu quý cả ba chị em Mác-ta, Ma-ri-a và La-da-rô, nên Ngài đã lưu lại thêm hai ngày tại nơi đó. Sau đó, Ngài cùng các môn đệ trở lại Giu-đê. Các môn đệ thấy người Do-thái mới tìm cách ném đá Thầy, nên muốn can ngăn. Nhưng Ngài bảo: “Ai đi ban ngày thì không vấp ngã, vì thấy ánh sáng mặt trời. Còn ai đi ban đêm thì vấp ngã, vì không có ánh sáng nơi mình!”.

[Có lẽ vì “người Do-thái tìm cách ném đá Chúa Giêsu” nên ngày xưa, Chúa Nhật V Mùa Chay được các Kitô hữu “thân thương” gọi là “lễ ném đá”. Vì thế, các ảnh tượng trong nhà thờ đều được “che kín” bằng vải tím.]

Ngài bảo họ: “La-da-rô, bạn của chúng ta, đang yên giấc. Tuy vậy, Thầy đi đánh thức anh ấy đây”. Các môn đệ nói: “Thưa Thầy, nếu anh ấy yên giấc được, anh ấy sẽ khoẻ lại”. Các môn đệ không hiểu ý của hai từ “yên giấc” mà Ngài dùng, họ tưởng Ngài nói về giấc ngủ bình thường. Thật ra Ngài muốn đề cập SỰ CHẾT. Và rồi Ngài nói: “La-da-rô đã chết. Thầy mừng cho anh em, vì Thầy đã không có mặt ở đó, để anh em tin. Thôi, nào chúng ta đến với anh ấy”. Ôi chao! Thấy người ta chết mà lại bảo là “mừng”. Coi bộ “căng” dữ nghen! NHưng đúng vậy, Ngài mừng vì Ngài không có mặt ở đó để người ta thêm tin khi thấy việc Ngài làm: Cải tử hoàn sinh cho La-da-rô.

Hôm đó, các đệ tử đã đồng tâm nhất trí muốn “cùng chết với Sư Phụ”. Tốt lắm, ít ra cũng là thế! Dù CHƯA làm được điều mình muốn thì ít ra cũng biết MUỐN điều mình MUỐN THỰC HIỆN.

Chắc hẳn La-da-rô bệnh nặng lắm nên mới mau chết. Vì dù đường không xa, nhưng khi Chúa Giêsu đến nơi, người ta đã an táng La-da-rô được bốn ngày rồi. Bê-ta-ni-a cách Giê-ru-sa-lem không đầy ba cây số, nhưng thời đó cuốc bộ suốt nên mất nhiều thời gian. Có nhiều người Do-thái đến chia buồn với chị em Mác-ta và Ma-ri-a.

Nghe tin Đức Giêsu đến, cô Mác-ta liền ra đón Ngài, còn cô Ma-ri-a thì cứ ngồi ở nhà, cứ bình thường, chả có gì quan trọng hóa. Hay thật đấy! Nhà hiếu chưa yên chuyện buồn thì lại có chuyện khác. Cuộc đời thật là rắc rối!

Mác-ta phải nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết. Nhưng bây giờ con biết: Bất cứ điều gì Thầy xin cùng Thiên Chúa, Người cũng sẽ ban cho Thầy”. Ngài bảo: “Em chị sẽ sống lại!”. Mác-ta thưa rằng cô vẫn tin kẻ chết sống lại trong ngày sau hết. Ngài nói: “Chính Thầy là sự sống lại và là sự sống. Ai tin vào Thầy thì dù đã chết cũng sẽ được sống. Ai sống và tin vào Thầy sẽ không bao giờ phải chết. Ngài hỏi Mác-ta có tin thế không, Mác-ta xác tín: “Con vẫn tin Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian”. Một lời tuyên xưng tuyệt vời quá đỗi!

Mác-ta vội đi nói nhỏ với Ma-ri-a: “Thầy đến rồi, Thầy gọi em đấy!”. Nghe vậy, Ma-ri-a vội đứng lên và đến với Đức Giêsu. Lúc đó, Ngài chưa vào làng, vẫn ở chỗ Mác-ta đã ra đón. Những người Do-thái thấy Ma-ri-a vội vã đứng dậy đi ra thì cũng đi theo, vì họ tưởng cô ra mộ khóc em.

Khi đến gần Đức Giêsu, Ma-ri-a liền phủ phục dưới chân và nói: “Thưa Thầy, nếu có Thầy ở đây, em con đã không chết”. Thật là tội nghiệp hết sức! Thấy cô khóc, những người Do-thái đi với cô cũng khóc, và chính Đức Giêsu thổn thức trong lòng và xao xuyến. Có lẽ Ma-ri-a khóc em trai dữ lắm. Rồi Ngài hỏi xác anh ấy ở đâu. Họ mời Ngài đến xem, và Ngài liền khóc. Thấy thế, người Do-thái bảo nhau: “Kìa xem! Ông ta thương anh La-da-rô biết mấy!”. Có vài người trong thắc mắc là Chúa Giêsu đã từng mở mắt cho người mù mà sao lại không làm cho anh ấy khỏi chết. Nghe họ nói vậy nên Chúa Giêsu lại thổn thức trong lòng. Thương lắm chứ, thế nên Ngài đã “chạnh lòng thương” tới ba lần! Rồi Ngài đi tới mộ La-da-rô, phiến đá vẫn đậy kín cửa hang. Ngài bảo lấy phiến đá ra. Mác-ta bảo nặng mùi rồi, vì La-da-rô đã an táng được bốn ngày. Chúa Giêsu nhắc lại chuyện đức tin. Không ai có thể nói gì thêm.

Sau khi bảo người ta đem phiến đá đi, Chúa Giêsu ngước mắt lên trời: “Lạy Cha, con cảm tạ Cha, vì Cha đã nhậm lời con. Phần con, con biết Cha hằng nhậm lời con, nhưng vì dân chúng đứng quanh đây, nên con đã nói để họ tin là Cha đã sai con”. Nói xong, Ngài kêu lớn tiếng: “Anh La-da-rô, hãy ra khỏi mồ!”. Thật lạ lùng, người chết lù lù đi ra trong khi vẫn còn quấn vải liệm. Chắc hẳn ai cũng phải kinh ngạc. Đức Giêsu bảo: “Cởi khăn và vải cho anh ấy, rồi để anh ấy đi”. Hai bà chị cũng ngạc nhiên không kém, nhưng họ vui mừng không chỉ vì em trai sống lại, mà chính là họ biết niềm tin của họ hoàn toàn đúng.

Thánh sử Gioan cho biết rằng trong số những người Do-thái đến đám tang La-da-rô hôm đó đều được chứng kiến việc Đức Giêsu làm, và có nhiều kẻ đã tin vào Ngài. Họ thật diễm phúc vì đã tin!

Tuy nhiên, chúng ta hãy nhớ lại một mối phúc đặc biệt, ngoài Tám Mối Phúc, mà Chúa Giêsu đã nói với tông đồ Tô-ma sau khi Ngài phục sinh: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin” (Ga 20:29).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin thêm đức tin cho chúng con, vì chúng con yếu đuối lắm, không có Ngài thì chúng con không thể làm gì được (Ga 15:5). Abba! Lạy Cha! Xin giúp chúng con biết biến đổi chính sự yếu đuối của chúng con trở thành sức mạnh nhờ Đức Kitô, để dù SỐNG hay CHẾT thì chúng con vẫn thuộc về Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

 

MỞ CỬA MỘ

– ĐTGM. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Tai họa ngày 11 tháng 09 năm 2001 trên đất Mỹ đã trở thành một nỗi ám ảnh đối với mọi người. Trong phút chốc, hai tòa tháp chọc trời đổ sập xuống, trở thành ngôi mộ khổng lồ chôn vùi mấy ngàn sinh mạng. Ngôi mộ gieo tang thương. Ngôi mộ gieo kinh hoàng. Ngôi mộ làm rung chuyển thế giới.

Ngôi mộ không chỉ hiện hữu từ khi toà tháp đôi đổ xuống. Trước đó ngôi mộ đã hiện diện trong trái tim của những người khủng bố. Sau đó ngôi mộ vẫn phủ màn u ám trên cuộc sống thân nhân bạn bè.

Như thế, ngôi mộ không chỉ xây bằng gạch đá. Nó được xây bằng những lực lượng chết chóc như sự hận thù, sự áp bức, sự độc ác… Ngôi mộ không chỉ chôn vùi sự sống. Nó chôn vùi cả niềm tin, cả niềm hy vọng.

Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã dõng dạc mở cửa mộ và truyền cho người chết chỗi dậy bước ra. Việc Chúa Giêsu mở cửa mộ cho Lagiarô mở ra những chân trời mới cho đời sống con người.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa sự sống. Thông thường, ngôi mộ là vương quốc của tử thần. Cửa mộ là cửa mở vào thế giới chết chóc. Ai đã vào đó chẳng còn hy vọng thoát ra. Nhưng hôm nay, Chúa Giêsu đã mở cửa mộ để Lagiarô không phải bước vào sự chết nhưng bước vào sự sống. Khi mở cửa mộ, Người phá tan sào huyệt Thần Chết. Khi tháo những dải băng liệm cuốn quanh thân thể Lagiarô, Người giải phóng ông khỏi dây trói ràng buộc của tử thần.

Khi mở cửa mộ, Người đã mở cánh cửa niềm tin. Trước đó, niềm tin của Mácta chỉ là một niềm tin mơ hồ, chung chung của đa số người Do thái thời ấy. Nhưng sau khi thấy Lagiarô sống lại, niềm tin của bà trở nên cụ thể, sống động và vững vàng. Trước đó, nhiều người Do thái chưa tin vào Chúa Giêsu. Nhưng sau khi được chứng kiến Lagiarô từ cõi chết sống lại, họ không thể nào không tin. Tảng đá lấp cửa mồ tung ra cũng làm bật tung tảng đá nghi ngờ che lấp trái tim, đưa họ tới tin nhận Chúa là Thiên Chúa.

Khi mở cửa mộ, Người mở ra cánh cửa niềm vui. Chết chóc gieo tang tóc u buồn. Ngôi mộ bao giờ cũng gợi lên nỗi buồn. Buồn ly biệt. Buồn mất mát. Buồn thất bại. Cái buồn vốn hay lây. Nước mắt người thân dễ làm cay mắt ta. Nên Chúa Giêsu không ngăn được dòng lệ. Nhưng khi Lagiarô bước ra, cả một trời vui. Đám tang bỗng biến thành đám hội. Lời chia buồn đổi thành lời chúc mừng. Thiên Chúa đã biến tang tóc thành niềm vui. Niềm vui ấy trọn vẹn.

Khi mở cửa mộ, Chúa Giêsu mở cánh cửa hy vọng. Thiên Chúa đến biến đổi số phận con người. Con người không còn bị giam hãm trong thân phận hay chết, nhưng được thênh thang tự do trong cõi sống. Con người không sinh ra để chết đi nhưng để sống, sống mãi, vì Chúa là “sự sống”, “ai tin sẽ sống đời đời”. Con người không sinh ra để tàn lụi, nhưng để triển nở đến vô biên.

Trong mỗi người chúng ta có nhiều nấm mộ. Chúng ta bị giam hãm trong những nấm mộ tội lỗi, gian tham, ích kỷ, bất công, đam mê, ghen ghét hận thù, nghèo đói, thất học… Có những nấm mộ kiên cố, tự sức mình không thể phá nổi. Ta hãy xin Chúa đến mở những cửa mộ, lăn những tảng đá đè nặng đời ta, để ta được sự sống dồi dào của Chúa nuôi dưỡng. Đồng thời, ta cũng phải tiếp tay với Chúa, phá đi những nấm mộ vây bọc anh chị em chúng ta, để mọi người được sống và sống dồi dào như lòng Chúa mong ước, như định mệnh Chúa dành cho ta, những người con cái Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Tôi còn bị giam cầm trong những ngôi mộ nào?

2) Tôi còn muốn xây những ngôi mộ nào để chôn vùi anh em?

3) Hôm nay tôi phải làm gì để mở cửa mộ cho tôi và cho anh em?

4) Việc Chúa cho Lagiarô chết bốn ngày sống lại có ảnh hưởng gì trên tôi?

SỰ SỐNG

Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh

Đối với nhiều người Việt Nam, sự chết không nhất thiết là điều đáng sợ. Người xưa coi chết là mãn kiếp, tức là hết đời sống, nên thường ung dung thư thái đón chờ cái chết và chuẩn bị cho cái chết của mình ngay những tháng năm còn khoẻ mạnh. Chẳng hạn như mua sắm quan tài và những đồ khâm liệm đề phòng khi cái chết đến. Cho nên ông Nguyễn Khuyến, vì không muốn phí phạm xa hoa, nên đã căn dặn con cái:

– Đồ khâm liệm chớ nề xấu tốt,

Kín chân tay đầu gót thì thôi.

Trong khi đó, người Tây phương thì không làm như vậy. Họ không sắm sẵn quan tài và những đồ khâm liệm. Thậm chí, họ còn sắp xếp để người thân yêu của mình không chết trong gia đình. Tốt hơn nên để người đó chết ở bệnh viện, rồi từ đó đưa thi hài người quá cố, tới quàn tại nhà xác trước khi đưa tới nhà thờ, và từ nhà thờ đưa thẳng ra nghĩa địa.

Còn Chúa Giêsu, Ngài nghĩ gì về cái chết? Theo Cựu Ước, người Do Thái không quan niệm chết là hồn lìa khỏi xác, vì đó là quan niệm của người Hy Lạp. Còn người Do Thái thì cho rằng chết là mất hết sự sống. Với phép lạ cho Lagiarô sống lại, Chúa Giêsu không quan tâm đến việc tìm hiểu xem sự sống và sự chết là gì, nhưng điều chính yếu Ngài muốn gởi gấm, muốn xác quyết: Ngài chính là sự sống lại và là sự sống.

Đây cũng là một chủ đề được đề cập đến nhiều lần qua Tin Mừng theo thánh Gioan. Với người phụ nữ Samaria bên bờ giếng Giacob, Ngài xác quyết: Nước Ta ban sẽ vọt lên đem lại sự sống đời đời. Sau phép lạ bánh hoá nhiều, Ngài nói với người Do Thái: Ta là bánh ban sự sống. Nơi khác Ngài bảo: Ta là ánh sáng mang lại sự sống. Có lần Ngài đã mạnh mẽ công bố: Ta là đường, là sự thật và là sự sống. Mục đích của Ngài đến trong thế gian là gì, nếu không phải là để cho chúng ta được sống và được sống một cách dồi dào.

Và để thực hiện mục đích này Ngài đã phải trả một cái giá thật đắt bằng chính mạng sống của Ngài với cái chết trên thập giá. Ngài đã sánh ví mình như hạt lúa được gieo trên ruộng đồng, có mục nát đi, thì mới sinh nhiều bông hạt. Ngài đã sánh ví mình như người mục tử nhân lành, hiến mạng sống vì đàn chiên. Và chính Ngài đã thực hiện lời giảng dạy: Ta đến không phải để được phục vụ, nhưng đến để phục vụ và hiến mạng sống mình là giá cứu chuộc cho nhiều người.

Qua cái chết của mình, Ngài đã đem lại cho chúng ta ơn cứu độ, cũng như biểu lộ được tình yêu tuyệt vời Ngài đã dành cho chúng ta, bởi vì không ai yêu hơn người liều mạng sống mình vì bạn hữu.

Để chuẩn bị bước vào tuần thánh, chúng ta hãy suy gẫm lời thánh Phaolô: Chúa đã yêu thương tôi và đã nộp mình chịu chết vì tôi.

 

THỜI GIAN LÀ CỦA CHÚA

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Nếu được hỏi cái gì cần nhất? Có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ trả lời là tiền. Vì tiền là Tiên, là Phật. Thế nhưng, có một thứ mà tiền cũng không thể mua được, đó là thời gian. Thời gian khép lại cũng đồng nghĩa mọi sự sẽ qua đi chẳng còn ích lợi gì cho chúng ta. Dù rằng chúng ta có khối tài sản lớn. Dù rằng chúng ta có một địa vị cao. Thời gian chấm hết thì mọi sự cũng sẽ chia tay chúng ta. Hơn nữa, thời gian của con người thật mong manh tựa như bóng câu qua cửa sổ, tựa như cơn gió thoảng qua . .  .

Có một người rất keo kiệt, lúc nào cũng chắt bóp chẳng dám ăn tiêu gì. Tích cóp cả đời, anh ta để dành được cả một gia tài lớn.

Không ngờ một ngày, Thần Chết đột nhiên xuất hiện đòi đưa anh ta đi. Lúc này anh ta mới nhận ra mình chưa kịp hưởng thụ chút gì từ số tiền kia. Anh ta bèn nài nỉ:

– Tôi chia một phần ba tài sản của tôi cho Ngài, chỉ cần cho tôi sống thêm một năm thôi.

– Không được. – Thần Chết lắc đầu.

– Vậy tôi đưa Ngài một nửa. Ngài cho tôi nửa năm nữa, được không? – Anh ta tiếp tục van xin.

– Không được. – Thần Chết vẫn không đồng ý.

Anh ta vội nói:

– Vậy… tôi xin giao hết của cải cho Ngài. Ngài cho tôi một ngày thôi, được không?

– Không được. – Thần Chết vừa nói, vừa giơ cao chiếc lưỡi hái trên tay.

Người đàn ông tuyệt vọng cầu xin Thần Chết lần cuối cùng:

– Thế thì Ngài cho tôi một phút để viết chúc thư vậy.

Lần này, Thần Chết gật đầu. Anh run rẩy viết một dòng:

– Xin hãy ghi nhớ: “Bao nhiều tiền bạc cũng không mua nổi một ngày”.

Hóa ra ở đời điều quan trọng không phải là tiền. Điều quan trọng là mình biết sử dụng thời gian có ý nghĩa hay không? Có tiền mà sống vô nghĩa cũng uống phí. Có tiền mà không biết tận hưởng hạnh phúc cuộc sống cũng bằng thừa. Thế nên, hãy biết trân trọng thời gian. Hãy làm việc tích đức cho cuộc đời. Đừng để uổng phí cuộc đời trong những đam mê của danh lợi thú. Thời gian sẽ trôi qua không chờ không đợi. Thời gian sẽ qua đi như hoa sớm nở chiều tàn. Hãy sống cho có ý nghĩa là sống có ích cho tha nhân, cho cuộc đời. Đừng chỉ sống cho mình kẻo uổng phí thời gian.

Người ta cho rằng tuổi thọ trung bình của người Việt là 70 năm. Nhưng trong 70 năm ấy, có người sống trọn nhưng không để lại thứ gì cho đời. Có người sống 30 năm nhưng lại để lại biết bao điều tốt đẹp cho đời.

Thiên Chúa là chủ thời gian. Chính Ngài làm chủ sự sống của chúng ta. Sống chết đều nằm trong sự quan phòng của Ngài. Thế nên, hãy sống trong ân nghĩa với Ngài. Hãy sống trong sự hiệp nhất với Đấng làm chủ cuộc đời chúng ta, để chính Ngài sẽ cho chúng ta được sống và sống đời đời.

La-gia-rô dầu được Chúa trả lại sự sống một lần nhưng rồi với quy luật thời gian, ông cũng chết như bao người khác. Điều quan trọng và quý giá của cuộc sống là biết sống trong ân nghĩa với Thiên Chúa, biết sống kết hợp trọn vẹn với  Thiên Chúa cả ở đời này lẫn đời sau. Nhờ vậy mà chúng ta được sống hạnh phúc đời này và cả đời sau.

Giả dụ như chúng ta cũng được như La-gia-rô Chúa cho chết rồi sống lại. Chúng ta sẽ sống cuộc sống còn lại như thế nào? Liệu có còn muốn bon chen, tích góp, giành giật hay sống dành thời gian cho có ý nghĩa với gia đình, với cuộc đời. Nếu ai đã từng trải qua bệnh tật thập tử nhất sinh có lẽ sẽ cảm nghiệm điều này: tiền tài, danh vọng chẳng là gì một khi đã nhắm mắt xuôi tay. Một khi mình không có nắm giữ được chúng nữa thì những gì mình tích góp cũng uổng công.

Đồng tiền không mua được thời gian, ước gì chúng ta biết sử dụng thời gian cho hợp lý. Xin đừng vì danh lợi thú mà sống xa rời Thiên Chúa, lỗi luật với Ngài để rồi chúng ta sẽ mãi lạc vào cõi hư vong. Ước gì chúng ta biết noi gương Chúa Giê-su sống trọn vẹn thời gian trong sự kết hợp với Chúa Cha và phục vụ tha nhân với hết khả năng của mình. Có như vậy chúng ta mới sống tròn ý nghĩa cuộc đời là tôn vinh Thiên Chúa và phục vụ tha nhân. Amen