CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN NĂM B

622

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN B

Lời Chúa:  Dnl 18,15-20; 1Cr 7,32-35; Mc 1,21-28

 

 

Mục lục

1. Đấng Thánh của Thiên Chúa  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)

2. Ma quỉ thời đại mới  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Chúa Nhật 4 Thường Niên_B  (Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)

4. Uy quyền  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

5. Lời giảng dạy uy quyền  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

6. Ma quỉ ngày nay  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

7. Chuyện lạ  (Trầm Thiên Thu)

8. Chúa Giêsu ban lề luật mới  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

9. Giảng dạy có thẩm quyền  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

10. Đấng Thánh của Thiên Chúa  (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)

 

ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Gm. Giuse Vũ Văn Thiên

Độc giả hôm nay cũng như những người chứng kiến sự kiện mà thánh Mác-cô thuật lại đều ngỡ ngàng và thú vị ở chi tiết: chính thần ô uế công khai tuyên xưng thân thế và sứ mạng của Đức Giêsu. Theo khái niệm của Kinh Thánh, thần ô uế vừa tượng trưng cho ma quỷ Satan, vừa là lực lượng đối lập với những gì là thiện hảo, ngay lành và thậm chí còn đối lập với chính sự thánh thiện của Thiên Chúa. Thần ô uế đã tuyên xưng: “Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Bằng một mệnh lệnh, Chúa Giêsu đã bắt nó phải buông tha người bị nó ám. Thánh Mác-cô hay diễn tả uy quyền của Chúa bằng cách ra lệnh cho các thế lực thiên nhiên hay ma quỷ, như trong Mc 4,9, Chúa đe gió và biển: “Im đi, câm đi”;  Chúa ra lệnh cho người bại tay (x. 3,5). Chắc hẳn lời tuyên xưng của thần ô uế đã giúp nhiều người tin vào Chúa Giêsu, nhận ra Người là Đấng đến trần gian để xua đuổi thế lực của tối tăm, xây dựng một vương quốc thánh thiện nhằm thánh hóa con người.

Thánh Mác-cô cho chúng ta một chi tiết đặc biệt nữa: Hội đường là nơi thánh thiêng của người Do Thái cũng giống như nhà thờ của các Kitô hữu ngày nay. Vào mỗi ngày Sa-bát, mọi người đều tập trung ở đó để đọc và nghe Lời Chúa. Chính Chúa Giêsu, khi trở về thăm quê hương Nagiarét, đã vào hội đường và đọc Kinh Thánh trước mặt cộng đoàn (x Lc,4,16-28). Vậy mà, dưới ngòi bút tường thuật của thánh Mác-cô, nơi ấy cũng có thần ô uế ám ảnh. Chính nơi thờ phượng thiêng liêng của người Do Thái cũng có sự hiện diện của Satan. Với những chi tiết này, Thánh Mác-cô có ngầm ý khẳng định với chúng ta rằng, Chúa Giêsu đến để canh tân phụng vụ Do Thái đã trở nên lỗi thời và còn nhiều khiếm khuyết. Sau này, chính Chúa Giêsu tuyên bố Người là Đền thờ đích thực. Nền phụng vụ mới mà Chúa Giêsu đề nghị, đó chính là thờ phượng Thiên Chúa trong tinh thần và chân lý. Sự hiện diện của Thiên Chúa không bị giới hạn bởi đền thờ hay hội đường, tình yêu thương của Chúa không phân biệt sắc tộc hay ngôn ngữ, nhưng ở đâu có tình yêu thương thì ở đó có Đức Chúa Trời. Theo giáo huấn của Chúa Giêsu, lời ca tụng tôn vinh Chúa phải xuất phát từ tấm lòng chân thành và phải đi đôi với thiện chí để nên trọn lành.

Uy quyền của Chúa Giêsu được mọi người công nhận, kể cả thần ô uế. Người Do Thái chuyên tâm đọc Sách Thánh sẽ dễ dàng nhận ra Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ mà Cựu ước đã loan báo. Sách Đệ Nhị Luật ghi lại những lời giáo huấn của ông Môisen, vị thủ lãnh đã dẫn đưa dân Do Thái ra khỏi Aicập. Trong những lời trăng trối cuối đời, ông Môisen đã nói đến một vị ngôn sứ Chúa sẽ gửi đến. Vị này cũng đầy quyền uy để lãnh đạo dân như ông Môisen, và còn hơn cả Môisen nữa. Sứ mạng của vị Ngôn sứ này là đem Lời Chúa làm lương thực nuôi dân chúng (Bài đọc I). Chúa Giêsu chính là vị Ngôn sứ muôn dân mong đợi. Ngài đến để thanh tẩy con người khỏi mọi tội lỗi, để thiết lập một nền phụng vụ đích thực, không còn những uế tạp trần tục, nhưng có khả năng thánh hóa con người. Những người có mặt hôm đó tại hội đường, từ tâm trạng sững sờ đến trầm trồ thán phục: “Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh”.

Hơn hai ngàn năm đã qua, Giáo Hội không ngừng loan báo Đức Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa. Giáo Hội nỗ lực cố gắng để đem cây thánh giá trồng trên mọi miền đất, mọi nền văn hóa, làm cho giáo huấn của Chúa Giêsu thấm nhập vào lòng người. Loan báo Đức Giêsu là sứ mạng của mỗi Kitô hữu, vì chúng ta đã được gia nhập Giáo Hội qua Bí tích Thanh tẩy. Tuy vậy, trước khi nói đến loan truyền Tin Mừng cho người khác, mỗi chúng ta phải cố gắng thanh tẩy chính mình. Trong con người của chúng ta, đang hiện hữu vừa ánh sáng vừa bóng tối, vừa hình ảnh của Thiên Chúa nhưng cũng vừa hình ảnh của Satan. Chính vì thế mà chúng ta phải thanh tẩy bản thân mỗi ngày. Ơn gọi nên thánh không phải là những điều quá sức con người, mà đó là những điều rất bình dị trong cuộc sống. Thánh Phaolô đã cụ thể hóa đời sống Kitô hữu bằng cách khuyên mỗi người trong gia đình và trong cộng đoàn hãy chuyên tâm thực thi bổn phận của mình đối với Chúa và đối với tha nhân. Người lập gia đình thì chăm lo việc gia đình. Người tu hành thì chăm lo việc Chúa. Những công việc đời thường, nếu được chu toàn với thiện ý và với tâm tình Đức tin, thì cũng góp phần làm cho chúng ta nên hoàn thiện (Bài đọc II).

Là Kitô hữu, chúng ta chọn Chúa Giêsu Kitô là lý tưởng của đời mình. Hãy để cho giáo huấn của Ngài điều khiển và chi phối mọi tư tưởng, lời nói, việc làm của chúng ta. Như thế, xuyên qua đời sống và hành động của chúng ta, mọi người sẽ nhận ra Chúa Giêsu, Đấng Thánh của Thiên Chúa và là Đấng Cứu độ trần gian.

Về mục lục

.

MA QUỈ THỜI ĐẠI MỚI

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Từ ngàn xưa, ma quỷ luôn luôn là một mối bất hạnh cho con người. Ma quỷ luôn tìm cách làm hại con người không những bằng xúi giục con người làm điều tội lỗi mà còn hành hạ, khống chế, trói buộc, bắt con người làm nô lệ cho chúng. Trong cuộc chiến với ma quỷ, con người không phải là địch thủ ngang tài đồng sức, nên thường thua cuộc. Ngay trong trận chiến đầu tiên, hai ông bà nguyên tổ đã thua mưu chước ma quỷ. Từ đó, con người chẳng thể nào tự mình thoát được nanh vuốt ma quỷ giam hãm.

Đức Giêsu đến mở đầu một kỷ nguyên mới: Nước Thiên Chúa đến chiến thắng nước ma quỷ. Ngay khi Đức Giêsu xuất hiện, ma quỷ mở lại bài cũ cám dỗ Đức Giêsu đi vào con đường kiêu ngạo, phô trương, cậy sức mình, ham hố danh, lợi, thú. Nhưng ngay trong lần đầu tiên giáp chiến, ma quỷ thất bại nặng nề. Đức Giêsu đã toàn thắng vì Người cương quyết đi theo con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha, sống khiêm tốn, đơn sơ, khiêm nhường, phó thác. Từ đó, Đức Giêsu đi đến đâu là khuất phục ma quỷ, giải thoát con người đến đấy.

Đọc trong Tin Mừng, ta thấy Đức Giêsu giải thoát con người ở các khía cạnh sau đây.

Người trực tiếp giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của satan. Hôm nay, Người xua đuổi thần ô uế công khai trước mặt mọi người trong hội đường. Lần khác, Người xua đuổi cả một đạo quân quỷ dữ. Chúng đã xin nhập vào đàn heo đang ăn bên bờ biển, và cả đàn heo lăn xuống biển chết hết.

Người gián tiếp giải thoát con người khỏi ách thống trị của satan qua việc chữa bệnh. Theo quan niệm của người Do Thái, bệnh tật là dấu chỉ của tội lỗi. Vì thế, người bệnh là người sống dưới ách satan. Đức Giêsu đã chữa lành rất nhiều người bệnh. Nhiều lần Người nói với người bệnh: “Tội con đã được tha”.

Người tha thiết với việc cứu con người khỏi ách nô lệ tội lỗi, nên Người thường lui tới với những người thu thuế. Người không chỉ nói lời tha thứ bên ngoài, nhưng thực sự hoán cải họ từ bên trong. Nhất là Người giải thoát họ khỏi những mặc cảm và giúp họ tái hội nhập vào đời sống cộng đoàn.

Qua những việc làm của Đức Giêsu, ta thấy Người không chỉ giải thoát con người khỏi bàn tay hung ác của ma quỷ mà còn quan tâm cứu chữa con người khỏi những thế lực đen tối của chúng.

Cuộc chiến giữa con cái Thiên Chúa và ma quỷ vẫn tiếp tục, nên Đức Giêsu khi sai các Tông đồ đi rao giảng, vẫn luôn kèm theo mệnh lệnh xua đuổi ma quỷ. Hôm nay, Người sai chúng ta tiếp bước các Tông đồ, đi chiến đấu chống lại ma quỷ. Ma quỷ không hiện hình cho ta thấy, nhưng chúng ẩn nấp trong các sự dữ, sự ác còn tồn tại trên thế giới.

Có thứ quỷ nghèo đang trói buộc con người, không cho họ sống một cuộc sống xứng đáng với nhân phẩm con người. Có thứ quỷ đói đang giết chết nhân loại dần mòn. Có thứ quỷ dốt giam cầm những người thất học trong tù ngục tối tăm. Có thứ quỷ bệnh không ngừng hành hạ và đẩy con người vào hố sâu tuyệt vọng.

Ngày nay, ma quỷ rất tinh khôn nên thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Chúng xuất hiện dưới những đồng tiền bất chính và hứa hẹn cho ta một cuộc sống thoải mái. Chúng xuất hiện dưới chiêu bài tự do hưởng thụ để xúi giục ta lao mình vào những nơi ăn chơi độc hại. Chúng kích thích sự tò mò của thanh niên muốn thử sức với ma túy.

Với bàn tay nham hiểm, ma quỷ âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Chúng kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộm cắp, kiện cáo và tranh giành. Chúng khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh danh và quyền lực. Chúng vuốt ve thói ích kỷ để xui giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Chúng lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, mất ý thức về tội.

Hôm nay, Chúa muốn ta tiếp tục công việc của Chúa, xua trừ ma quỷ ra khỏi đời sống chúng ta. Hãy cùng nhau xua đuổi quỷ đói, quỷ nghèo ra khỏi thế giới. Hãy góp phần tích cực diệt trừ quỷ dốt, quỷ bệnh ra khỏi xã hội con người.

Hãy tỉnh táo nhận ra ma quỷ dưới những khuôn mặt đẹp đẽ của vật chất, tiền bạc, hưởng thụ, cám dỗ.

Nhất là, hãy trục xuất khỏi tâm hồn ta những con quỷ gây chia rẽ, bất hòa, tham lam, kiêu căng, tự mãn, gian trá, giả hình, hám danh, ích kỷ, dửng dưng.

Tự sức riêng, ta khó mà chiến thắng được ma quỷ. Muốn chiến thắng ma quỷ, ta phải nhờ ơn Chúa giúp. Ta múc lấy sức mạnh nơi Chúa bằng ăn chay và cầu nguyện. Ta rèn luyện tinh thần bằng khiêm nhường từ bỏ ý riêng để hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa.

Lạy Chúa, xin thương xót con, xin cứu con khỏi mọi sự dữ. Amen.

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN_B

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa

Ông bà anh chị em thân mến. Bài đọc 1 hôm nay cho chúng ta biết, Môi-sen biết dân Chúa cuối cùng sẽ vào đất hứa, sau những thế hệ bị nô lệ ở Ai cập và sau một cuộc hành trình dài gian khổ trong sa mạc. Môi sen biết đã đến thời điểm Chúa gọi ông về và phải vĩnh biệt mọi người. Nhưng ông cam đoan, quả quyết với dân chúng Chúa sẽ không bỏ rơi họ. Chúa sẽ gởi đến cho họ một ngôn sứ như ông để chỉ dẫn và lãnh đạo họ. Chúng ta thường nghĩ ngôn sứ là người đoán trước hay nói trước những sự kiện sẽ xảy ra trong tương lại, và đôi khi như vậy, nhưng định nghĩa chính xác nhất của ngôn sứ nằm trong bài đọc này là: người nói lời Chúa, là người sẽ nói cho họ biết tất cả những điều Chúa sẽ truyền cho họ. Chúng ta thấy bài đọc một chuẩn bị, hướng chúng ta đến bài Tin Mừng về Chúa Giê-su, Người nói Lời Chúa với uy quyền và quyền năng.

Từ những dòng đầu của Tin mừng, thánh Mác-cô muốn cho chúng ta biết Chúa Giê-su là ai. Ngài giới thiệu sách Tin mừng của ngài với dòng chữ như sau: “Khởi đầu Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa.” (Mc. 1, 1) Vài dòng sau đó thánh Mác-cô cho chúng ta biết khi Chúa Giê-su chịu phép rửa bởi Gioan Tiền hô có tiếng từ trời phán rằng “Con là Con yêu dấu của Cha, Con đẹp lòng Cha.” (Mc. 1, 11) Bây giờ chưa đến nửa chương đầu sách Tin mừng, thánh Mác-cô lại tiếp tục cho chúng ta biết thêm về thân thế của Chúa Giê-su, nhưng từ một nguồn thật ngạc nhiên, đó là từ ma quỉ. Thật vậy, bài Tin Mừng hôm nay cho chúng ta biết hôm ấy là ngày Sa bát, Chúa Giêsu vào hội đường đọc sách Thánh và giảng dạy dân chúng. Thánh Mác-cô không cho chúng ta biết Chúa đọc đoạn sách nào, và cũng không đề cập đến nội dung sự giảng dạy hôm ấy. Thánh Mác-cô chỉ cho biết: “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư.” Dân chúng sửng sốt kinh ngạc, bởi vì Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa và có quyền năng của Thiên Chúa Cha. Bài Tin mừng còn cho chúng ta biết trong hội đường hôm ấy có một người bị quỉ thần ô uế ám. Thấy Chúa Giêsu quỉ ma run sợ vì nhận ra Đấng đang đứng trước mặt và kêu lên: “Hỡi ông Giêsu Nadarét, có chuyện gì giữa chúng tôi và ông? Ông đến để tiêu diệt chúng tôi sao? Tôi biết ông là ai, là Ðấng Thánh của Thiên Chúa.” Và như chúng ta vừa nghe, Chúa bắt quỉ ô uế phải im ngay và dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân.

Ông bà anh chị em thân mến. Ma quỉ không những có thể nhận biết và rất khôn khéo mà còn nhớ mọi sự. Chắc chắn ma quỉ nhớ lời thiên thần tuyên bố khi Chúa Giê-su sinh ra “Hôm nay Chúa Ki-tô, Đấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Đa-vít” (Lc. 2, 11) Và ma quỉ nhớ khi các nhà đạo sĩ từ Phương Đông đến thời lạy Hài Nhi Giê-su mới sinh ra trong máng cỏ. Đây là mầu nhiệm đầu tiên mà thánh Mác-cô muốn cho chúng ta biết. Thánh Mác-cô không những muốn cho chúng ta biết Chúa Giê-su là ai, mà ngài còn muốn cho chúng ta biết quyền năng của Chúa Giê-su trên cả quyền năng của ma quỉ. Chúa muốn đối diện và tiêu diệt sự hiện diện của ma quỉ trên mặt đất này.

Có một câu chuyện như sau. Ông chủ tịch của một cộng đoàn kia rất buồn bực về bổn phận trách nhiệm đóng góp rất thấp của giáo dân trong giáo xứ. Với một quyết tâm khuyến khích mọi người về trách nhiệm bổn phận đóng góp cũng như sứ mệnh xây dựng Nước Chúa của một Ki-tô hữu, ông mua một bộ quần áo Halloween ma quỉ có sừng và đuôi, và thêm một cái nỉa. Trong một Thánh lễ, khi mọi người đang sợ sệt chăm chú nghe cha xứ giảng về câu chuyện người bị quỉ ám, thì trong bộ quần áo giả dạng quỉ xứ, ông mở tung cửa và chạy vào giữa nhà thờ la hét. Mọi người thất kinh, hoảng hồn ù té trốn chạy ra ngoài, ngoại trừ một người đàn bà bị té dưới chân quỉ xứ. Nhìn lên cái nỉa trong tay của quỉ xứ đang đâm xuống, bà thét lên nói “Khoan đã quỉ dữ! Tôi làm những việc mà ngươi không thích như hát trong ca đoàn, dạy giáo lý và tham gia những công tác trong giáo xứ, nhưng thưa ông ma quỉ, thật sự, tôi luôn luôn ở cùng phe với ông.”

Ông bà anh chị em thân mến. Câu chuyện vui cười này trích trong cuốn sách “Chỉ Cha Xứ Mới Có Quyền Kể.” Ngày nay, chúng ta không nghe nhiều đến ma quỉ ngoại trừ trong những câu chuyện chọc cười vui. Nhưng ma quỉ không phải là chuyện làm cho chúng ta cười. Nghe trên TV, đọc trên báo chí hay trên mạng internet, chúng ta thấy ma quỉ thật sự còn đang hoành hành trên thế giới, trên mặt đất này. Tội lỗi và những sự dữ do ma quỉ gây ra hiện diện mọi nơi và trong nhiều người. Ma quỉ hoạt động khắp nơi trên trần gian, không phải chỉ ở thời xưa mà cả thời nay, cũng không chỉ ngoài xã hội, mà còn hiện diện trong hội đường hay nhà thờ. Ma quỉ là loài rất khôn ngoan, quỉ quyệt và mạnh hơn con người, ẩn nấp dưới mọi hình thức, trà trộn vào mọi nơi, mọi chỗ. Ma quỉ xuất hiện khi thì rất xấu xa, nhiều lúc lại có vẻ rất tốt lành, đạo đức, sốt sắng và hy sinh. Ma quỉ lợi dụng hết mọi dịp thuận tiện, dùng mọi phương cách để cố che dấu, đánh lừa con người chúng ta mắc mưu chúng. Mục đích của ma quỉ là con người. Ma quỉ ẩn nấp ngay chính trong con người, làm cho người ta sống trong sự lầm lạc, kiêu căng, ích kỷ và đầy tự ái, hay có cuộc sống gian dối và mù quáng. Ma quỉ len lỏi vào gia đình, làm cho gia đình bất hòa và tan nát, hay trong cộng đoàn giáo xứ gây ra những sự chia rẽ, tranh chấp, hận thù và ghen ghét ghen ghét lẫn nhau.

Ông bà anh chị em thân mến. Chúng ta phải luôn ý thức cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến trường kỳ chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Vì yêu thương và muốn giải thoái chúng ta khỏi vòng nô lệ, xiềng xích của tội lỗi và những mưu chước của ma quỉ, Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa và là Đấng Thánh, đã xuống thế làm người. Một trong những sứ mệnh của Chúa Giêsu nơi trần gian là giải thoát con người, để con người chúng ta luôn sống trong ân sủng và sự che chở của Chúa. Chúa còn ban cho chúng ta những khí giới để chống trả và chiến thắng ma quỉ và sự dữ, nếu chúng ta can đảm và thành tâm xử dụng trong đời sống. Khí giới thứ nhất là các Bí Tích, nhất là 2 Bí tích Thánh Thể và Hòa Giải, cho nên là những Ki-tô hửu, chúng ta phải siêng năng lãnh nhận với tấm lòng chân thành và khiêm nhường. Khí giới thứ hai là Lời Chúa và giáo huấn của Giáo hội, vì vậy chúng ta phải thành tâm lắng nghe và cương quyết sống lời Chúa, cũng như tuân theo giáo huấn của giáo hội. Chúng ta hãy can đảm đến với Chúa. Chúng ta hãy vững tin vào Chúa Giê-su, Con Thiên Chúa, tin vào quyền năng Lời Người, để được Người an ủi và cứu giúp.

Về mục lục

.

UY QUYỀN

Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc

Làm em ăn thèm vác nặng, câu thành ngữ nói đến sự thấp cổ bé miệng, đầy thiệt thòi ngay ở gia đình, xã hội, như miễn cưỡng phải chấp nhận. Thực ra thì ai cũng thích được dồi dào kiến thức, có sức khỏe năng lực để giúp mình, giúp đời đạt đến niềm an vui hạnh phúc. Theo “lý”, quyền làm người được ban, cho, như qui luật tự nhiên : cha mẹ phải thi hành “cái quyền” chăm sóc giáo dục con cháu. Làm người dù ở giới tri thức, bình dân đều được quyền đóng góp công sức xây dựng đất nước, xã hội trong ấm no tình người.

Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe cho thấy Chúa Giêsu là một Vị Thầy hết sức phi thường : “người ta kinh ngạc về giáo lý của Người”. Giáo lý của Đức Giêsu có gì mới ? Có thể mới lạ ở phương pháp, mới về cách diễn tả, mới về lòng nhiệt thành, khiến mọi người cảm thấy gần gũi, dễ nghe. Phản ứng của đám đông lúc ấy được ghi lại là “Đức Giêsu giảng dạy người ta như Đấng có uy quyền, chớ không như các luật sĩ”. Một lát sau, khi Chúa Giêsu đuổi thần ô-uế ra khỏi người đàn ông, thì dân chúng liền bày tỏ niềm hy vọng vào một vị ngôn sứ của dân hằng mong đợi. Biến cố trừ quỉ làm ngạc nhiên cộng đồng và khiến buổi phụng vụ xôn xao vui hẳn lên, cũng từ đó danh tiếng về Đức Giêsu tiếp tục lan rộng ra khắp các vùng lân cận.

Trong tương quan xã hội hôm nay, người ta xem mặt đặt tên, câu thành ngữ nói lên tính chất cụ thể, sòng phẳng mà người đời thường “mặc cả, trả giá, thỏa thuận” với một quyết định tự do. Người ta đi học, đi chữa bệnh thì tìm kiếm xem vị thầy nào có “bằng cấp”, có năng lực thật, họ mới dễ bề bái sư nhập môn, tin tưởng để họ được chữa bệnh. Có người “hét ra lửa”, vì nhờ địa vị xã hội, đôi khi vì họ đã đầu tư công sức quá nhiều nên tới lúc họ thể hiện uy quyền để “bù trừ”. Nếu thấy người rách rưới, một số nào sẽ thầm nghĩ đây là người nghèo, cần cảnh giác kẻo bị quấy rầy; gặp người sang trọng, họ dễ nghĩ ông này là bậc vị vọng, là đại gia gì đó, có thể ông sẽ là dịp may cho mình chăng ?

Nhiều người quan niệm rằng, xã hội chẳng ai cho ta không cái gì bao giờ, quyền bính mà họ có là do công sức, khả năng chuyên chăm bấy lâu họ đầu tư. Có quyền, có tiền là có tất cả, tiền đã làm nên quyền mà họ đáng được phục vụ như ông chủ ! Ông Môisê trong bài đọc I cho thấy vị trí đặc biệt trong ngôn sứ ở giữa dân : quyền uy, lời chỉ dạy, cả sống chết, đều đến từ Thiên Chúa. Đức Giêsu hôm nay cho ta thấy Ngài chính là Vị Ngôn Sứ Tối Cao, đến từ Thiên Chúa, Ngài đã sử dụng quyền trong ý thức : bày tỏ tình yêu thương của Chúa đến với muôn dân : gần gũi, giảng dạy, trừ quỉ…, khác xa với các ngôn sứ hiện tại và xưa kia.

Vịêc Đức Giêsu xua trừ tà thần ra khỏi người đàn ông, nhằm chứng minh thẩm quyền Ngôn Sứ mà dân hằng mong đợi. Đó là mục tiêu của phép lạ diễn tả Chúa yêu thương dân Người, không có ý loại bỏ quyền lực thế gian, khoe khoang về năng lực….. Ngày hôm nay chúng ta bị các thần ô uế ám, bao vây, khiến cha mẹ, người làm công việc giáo nhân bản, đức tin.., sử dụng quyền bính không thể đúng ý Chúa. Nếu không theo Chúa đích thực, hay thiếu ơn Chúa, khó mà ta đứng vững trước cám dỗ cậy thế, cậy quyền.

Bài đọc II hôm nay, Phaolô hướng chúng ta đến việc nhận biết ý Chúa, dù sống ơn gọi gia đình, ơn gọi độc thân, dâng hiến, mỗi người cần ý thức ơn ban hầu có thể sử dụng xứng hợp với thánh ý Chúa. Hôm nay, người ta vẫn “tán gẫu” với nhau rằng ; hãy cho người phụ nữ tiền của trong tay họ, tức khắc mọi người sẽ thấy con người thật của họ. Cho người phụ nữ xinh đẹp làm trợ tá giám đốc, mọi người sớm nhận ra vị giám đốc ấy có phải là người đàn ông trung thực với gia đình không ? Và cho mỗi người tín hữu chúng ta điều kiện, khả năng thuận lợi, xóm làng sẽ thấy thực lòng ta có còn tin vào Thiên Chúa nữa không, cũng chẳng khó.

Tục ngữ có câu : cá lớn nuốt cá bé, người có địa vị thường uy hiếp người yếu thế, cha mẹ, các nhà giáo dục hay lấy quyền “phủ đầu” con cháu, học trò, như để ra oai, để phô diễn “cái thành công” giả tạo mà họ đang có. Chúa Giêsu đã ý thức đám đông năm xưa và chúng ta hôm nay về việc sử dụng uy quyền để phục vụ, để minh chứng tình yêu thương và sứ mạng của những ai thuộc về Đức Kitô. Khả năng tư duy, kiến thức uyên bác, hay sự mạnh mẽ về tiền của đều là ơn ban; dù giầu nghèo, bình dân hay trí thức, mỗi người đều được Đức Kitô yêu thương, cứu độ, khi chúng ta sử dụng nén bạc Chúa trao cách hợp ý Chúa nhất.

Ca dao có câu : làm người phải đắn phải đo, phải cân nặng nhẹ, phải dò nông sâu. Cha ông ta muốn mong những người con cháu biết đón nhận kinh nghiệm của người xưa trong giao tiếp cư xử, cũng là hy vọng mỗi người đạt được niềm vui trong cuộc sống hiện tại và tương lai. Chúa Giêsu, Giáo Hội, lúc nào cũng cần chúng ta biết khôn ngoan, sử dụng ơn Chúa thật đúng, thật đủ, hầu được Chúa biến đổi, được là công cụ Chúa chuyển tải tình yêu thương của Chua đến cuộc sống hôm nay. Amen.

Về mục lục

.

LỜI GIẢNG DẠY UY QUYỀN

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Trong những năm qua, nhiều người đã tin vào những lời tiên báo của một phụ nữ được coi là tiên tri của thế giới tên là Vanga, người Bulgary. Người ta cho rằng, nhiều lần bà đã tiên báo rất chính xác về những biến cố xảy ra trên thế giới, chẳng hạn những cuộc chiến tranh lớn hoặc những tai họa xảy ra cho thế giới. Tuy nhiên cũng rất nhiều lần, lời tiên đoán của bà đã không xảy ra. Vậy mà, có rất nhiều người vẫn tin theo.

Người ta cũng thấy rằng, ngày nay, những lời tuyên bố của một số các vị lãnh tụ các quốc gia có ảnh hưởng rất lớn đến thế giới. Nếu như có những lời tuyên bố làm thay đổi tình hình của một đất nước, đem đến giải pháp hòa bình (Mỹ và Cuba) thì ngược lại cũng có những lời tuyên bố đem đến chiến tranh và giết chóc. Nếu đã có những lời tuyên bố đem lại cuộc sống kinh tế dễ chịu, thì cũng đã có lời tuyên bố đem lại sự suy xụp về kinh tế cho một quốc gia khác.

Tuy nhiên, dù là lời tiên báo của bà Vanga hay là lời tuyên bố của lãnh tụ các quốc gia gây ảnh hưởng đến thế giới, thì không ai cho rằng những tuyên bố đó có uy quyền. Thế nhưng hôm nay, những người Do Thái khi nghe những lời giảng dạy và thấy những việc Chúa Giêsu làm thì họ đã nói với nhau : Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền.

Khác với các lãnh tụ của thế gian, khác với các luật sĩ và các nhà giảng thuyết khác, Chúa Giêsu giảng dạy với uy quyền của một vị Thiên Chúa. Chúa Giêsu là Thiên Chúa làm người, mang thân phận con người như chúng ta, song đồng thời nơi Ngài, mọi hành động, mọi lời nói vẫn là lời nói và hành động của một vị Thiên Chúa, Đấng tạo dựng và điều khiển vũ trụ, Đấng có quyền phán xét và thưởng phạt mọi người. Tuy nhiên, uy quyền nơi lời giảng của Chúa Giêsu không phải là lời uy quyền của một vị quan tòa khiến người ta khiếp sợ, cũng không phải là lời của kẻ giàu sang quyền lực, nhưng lời của Chúa là lời mang sức mạnh của tình yêu.

Chúa Giêsu đến thế gian để công bố thời đại của Thiên Chúa, mở ra một mùa hồng ân cứu độ. Sứ mạng của Chúa Giêsu là chữa lành, là cứu vớt chứ không phải để trừng phạt. Ngài loan báo tin mừng cho người nghèo khó, băng bó những tâm hồn đau thương giập nát. Như thế, những người Do Thái đã nhận ra uy quyền của Chúa Giêsu vì lời nói và hành động của Ngài phát xuất thực sự từ trái tim yêu thương, từ tấm lòng trắc ẩn của Ngài đối với mọi người, chứ không phải là những lời nói, việc làm hời hợt bên ngoài, vì hành động phát xuất từ trái tim yêu thương sẽ dễ dàng đụng chạm đến những trái tim bị tổn thương.

Khi thấy những người bệnh tật, nghèo khổ thì các luật sĩ và biệt phải tỏ ra dửng dưng, coi như chuyện bình thường. Họ để cho trái tim khô cứng đến độ trở thành vô cảm trước nỗi đau của anh em. Họ còn nại vào luật ngày Sabát để từ chối việc giúp đỡ người nghèo khổ, và còn ngăn cản Chúa Giêsu khi thấy Ngài chữa bệnh cho những người này. Chúa Giêsu thì không như thế, Ngài nhìn thấy nỗi đau từ trong ánh mắt, từ trong tâm hồn của những người nghèo khổ bệnh tật. Họ đang cần tình yêu thương, cần sự cảm thông, an ủi và Chúa đã làm việc đó bất kể đó là ngày nào.

Hơn thế nữa, theo quan niệm của người Do Thái, tất cả bệnh tật, đau khổ là do tội lỗi và ma quỷ gây nên. Chúa Giêsu không chỉ an ủi những người đau khổ, chữa lành những bệnh tật thể xác, nhưng Ngài còn dùng quyền năng của Thiên Chúa để xua trừ và tiêu diệt nguyên nhân gây ra đau khổ cho con người, đó là ma quỷ và tội lỗi. Vì thế hôm nay, khi bước vào hội đường Caphácnaum, một người bị quỷ ô uế ám đã la lên rằng : Ông Giêsu Nazareth, chuyện chúng tôi có can gì đến ông mà ông đến để tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai, là Đấng thánh của Thiên Chúa !

Chúa Giêsu không chấp nhận lời tuyên xưng của ma quỷ, không làm ngơ bắt tay hợp tác với nó, nhưng Ngài đã dứt khoát buộc nó : Câm miệng và ra khỏi người này ! Thần ô uế buộc phải xuất ra khỏi anh ta. Việc làm này của Chúa Giêsu tỏ cho thấy một khía cạnh khác về uy quyền của Ngài. Đối với con người, Ngài dùng uy quyền của trái tim ; còn đối với ma quỷ, Ngài dùng uy quyền của một vị Thiên Chúa quyền năng, Đấng làm chủ mọi vật mọi loài. Ma quỷ có thể gây hại cho con người, thế nhưng khi đối diện với Thiên Chúa, nó chỉ như một con thú hèn nhát bỏ chạy bởi một lời ra lệnh của Ngài.

Những gì Chúa Giêsu đã giảng và đã làm khiến cho những người Do Thái nhận thấy Ngài khác hẳn với các luật sĩ và thượng tế của họ, vì những người này không có được uy quyền trong lời nói và việc làm của một vị Thiên Chúa và cũng không có uy quyền, sức mạnh từ trái tim. Họ cũng nhận thấy nơi Đức Giêsu lời tiên báo của Môsê đã được ứng nghiệm. Đối với dân Israel, Môsê thực sự là một “người của Thiên Chúa”. Ông đã từng được gặp Thiên Chúa mặt đối mặt và ông đã nhân danh Thiên Chúa để thực hiện một cuộc giải thoát vĩ đại cho dân Chúa ra khỏi Ai- cập. Trước khi qua đời, Môsê cũng đã trối lại cho Israel rằng : Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện ở trong anh em một ngôn sứ như tôi để giúp anh em. Ta sẽ đặt lời Ta trong miệng người ấy và người ấy sẽ nói với dân tất cả những gì Ta truyền cho người ấy.

Sứ mạnh và uy quyền của Thiên Chúa có thể đụng chạm đến trái tim, có thể chữa lành mọi vết thương của thể xác và tâm hồn, chỉ có điều là chúng ta có dám để cho tình yêu và quyền năng của Ngài chạm đến chúng ta hay không mà thôi. Thiên Chúa chỉ có thể chạm đến tâm hồn chúng ta khi chúng ta đồng ý mở rộng cánh cửa trái tim để cho Ngài bước vào, khiêm tốn cúi xuống để cho quyền năng Thiên Chúa thể hiện trên cuộc đời và tâm hồn mình. Hãy để cho trái tim của Chúa gặp gỡ trái tim của chúng ta, hãy để cho bàn tay của Ngài đụng chạm đến vết thương trong tâm hồn và để cho lời Ngài xoa dịu, chữa lành, an ủi chúng ta.

Chúa vẫn đang thể hiện uy quyền qua lời của Ngài, lời ấy có sức chữa lành, an ủi và soi dẫn cuộc đời chúng ta. Nơi Bí tích giải tội, chúng ta sẽ được đụng chạm đến lòng thương xót của Thiên Chúa và qua Bí Tích Thánh Thể, chúng ta sẽ đón nhận được quyền năng biến đổi của Ngài.

Được làm con của Thiên Chúa và đồng thời cũng là cộng tác viên của Chúa, mỗi người chúng ta được mời gọi tiếp tục thực thi uy quyền của Thiên Chúa với những người chung quanh. Hãy dùng uy quyền của những lời nói chân thật, ngay thẳng để nói với nhau. Hãy dùng những lời yêu thương, thông cảm để chia sẻ với nhau thay vì những lời cộc cằn khó nghe. Hãy dùng sức mạnh và uy quyền của tình yêu từ trái tim chân thành để có thể cùng cảm thông và an ủi anh em đồng loại.

Chuyến tông du của Đức Thánh Cha Fancis đến Scrilan và Philippines vừa qua đã để lại ấn tượng rất sâu đậm cho hai quốc gia này, là nơi những người nghèo và những bất công xã hội đang lan tràn. Giải thích cho sự kiện hàng 6-7 triệu người thức đêm để chờ đợi chỉ một giây được nhìn thấy Đức Giáo Hoàng, hoặc là phải đứng dưới trời mưa nhiều giờ để được nghe tiếng nói của Ngài, những người được hỏi cho rằng : Vì Giáo Hoàng Fancis là vị Giáo Hoàng của người nghèo. Ngài đến với chúng tôi với cả trái tim và lòng thương cảm. Ngài đến để an ủi và để lắng nghe chúng tôi. Chúng tôi cảm thấy Ngài ôm chúng tôi vào lòng.

Trong cuộc nói chuyện với các thanh thiếu niên, Đức Thánh Cha đã nhắn nhủ các bạn trẻ : Đau khổ là dịp để Thiên Chúa mời gọi mỗi người biết sống cảm thông và học cho biết sống quan tâm đến người khác. Đau khổ, bệnh tật của nhân loại còn là để mỗi người có cơ hội phục vụ lẫn nhau. Phục vụ không chỉ bằng một vài lần thăm viếng, tặng quà, nhưng bằng việc đón nhận nhau trong yêu thương và xoa dịu nỗi đau của anh chị em bằng cảm thông, đó là điều họ cần hơn những thứ khác. Ngài nói : “Chỉ khi nào một con tim không thể tìm được câu trả lời và bắt đầu khóc, lúc đó, chúng ta mới có thể hiểu được đau khổ”.

Đức Thánh Cha cũng kêu gọi người trẻ cần phải học cách để khóc : “Cha mời gọi từng người trong chúng con ở đây, hãy tự hỏi mình rằng, tôi đã học được cách khóc chưa, khóc như thế nào ? Tôi đã học để mà khóc cho một ai đó bị bỏ rơi bên lề đường chưa ? Tôi đã khóc cho một ai đó đang nghiện ngập chưa ? Tôi đã khóc cho một ai đó bị bạo hành chưa ? Đây là điều trên hết mà Cha muốn nói với chúng con : Hãy học để khóc… hãy học, học thực sự để mà khóc, vì ngay cả Chúa Giêsu cũng đã khóc”.

Xin Chúa cho chúng ta có một đôi mắt thật sáng để có thể nhìn thấy những đau khổ của anh chị em, một trái tim nhạy bén và bao dung, một đôi tai thật tốt để lắng nghe và thông cảm, một đôi tay thật dài, thật rộng để có thể xoa dịu nỗi đau của anh em và một tâm hồn nhạy cảm để dễ dàng khóc với anh em. Amen.

Về mục lục

.

MA QUỈ NGÀY NAY

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Thế giới có ma quỷ hay không vẫn là câu hỏi của mọi người và mọi thời. Ở thời nào cũng có người tin, kẻ không tin. Kẻ tin thì bảo có. Người không tin thì chê cười.

Vậy ma quỷ là gì?

Thưa, theo Từ điển tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, ma là người đã chết còn quỷ là con vật tưởng tượng dưới âm phủ, hình thù kỳ dị và dữ tợn hiện lên quấy nhiễu và làm hại người.

Theo niềm tin Kitô giáo, “ma” có thể hiểu là linh hồn người đã khuất, còn “quỷ” là những thiên thần sa ngã cắt đứt hoàn toàn sự hiệp thông với Thiên Chúa (x. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, số 391,392,414 và 2851). Tuy nhiên, khi nói tới ma quỷ là ta nghĩ đến chúng là những  “kẻ phá ngang” kế hoạch của Thiên Chúa và công trình cứu độ của Ngài được thực hiện trong Đức Giêsu Kitô.

Lần giở lại Kinh Thánh chúng ta thấy trong muôn loài muôn vật Thiên Chúa dựng nên có hai loài cao trọng là thiên thần và con người. Tiếc thay, có một số thiên thần, mà đứng đầu là Luciphe do kiêu ngạo đứng lên chống lại Thiên Chúa. Vì bất tuân phục Thiên Chúa nên Luciphe và bè lũ của chúng trở thành đối kháng với Thiên Chúa. Từ đó chúng luôn tìm cách dụ dỗ con người chống lại Thiên Chúa và đường lối của Ngài.

Nạn nhân đầu tiên bị dụ dỗ là Adam-Eva. Ông bà đã toa rập với chúng để chống lại Thiên Chúa và hậu quả đã di căn qua kiếp người là phải đau khổ và chết. Tứ đây tội lỗi đã đi vào trần gian. Sự ác mỗi ngày một gia tăng. Cain giết Aben, vụ án tháp Baben..và cho đến hôm nay, Nó vẫn tiếp tục làm như thế để lôi kéo người ta ra khỏi tình yêu Chúa. Nó vẫn đang tiếp tục trói cột và ru ngủ con người bằng những lời đường mật, gian dối, làm cho nhân loại quay lưng lại với Thiên Chúa.

Thật thế, nhìn vào xã hội hôm nay dường như ma quỷ xem ra đang lộng hành trên khắp địa cầu. Chưa bao giờ tội lỗi lan tràn khắp chốn như ngày hôm nay: ly dị nhiều hơn, phá thai nhiều hơn, ngoại tình nhiều hơn, thanh thiếu niên phạm pháp nhiều hơn. . .

Đời sống đạo đức đang suy đồi khủng khiếp. Ma quỷ xem ra rất tinh khôn. Nó không xuất hiện với hình dáng vừa có sừng lại vừa có đuôi, vừa đen đủi lại vừa xấu xí, đáng sợ. Nếu thế thì ta sẽ nhận ra nó, và nó chẳng bao giờ cám dỗ được ta. Ma quỷ thường xuất hiện dưới những hình dáng bên ngoài xinh đẹp, hấp dẫn. Nó âm thầm len lỏi vào tận đáy tâm hồn, khơi lên những làn sóng chia rẽ, ganh ghét, thù hận, bất hòa. Nó kích thích lòng tham lam vô đáy, đưa ta đến chỗ trộn cắp, kiện cáo và tranh giành. Nó khơi dậy thói kiêu căng, lòng tự ái để ta ham hố vinh quang và quyền lực. Nó vuốt ve thói ích kỷ để xúi giục ta chỉ nghĩ đến bản thân mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác. Nhất là nó lừa gạt ta để ta coi thường tội lỗi, và mất ý thức về tội.

Vậy, làm sao để xua đuổi, để diệt trừ quyền lực của nó ra khỏi cuộc sống này? Ta không thể tưới xăng đốt nó, vì không có thứ lửa nào có thể đốt cháy nó được. Ta cũng không thể dùng bom đạn, vũ khí hoá học, để tiêu diệt nó vì nó là loài vô hình. Chỉ có phương thế duy nhất để tẩy trừ nó ra khỏi cuộc sống và tâm hồn con người là cậy nhờ vào lời quyền năng của Thiên Chúa.

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, Chúa Giê-su chỉ cần nói một lời vắn gọn: “Hãy im đi và ra khỏi người này”, lập tức thần ô uế tuân lệnh và xuất ra khỏi người bệnh. Như vậy, chỉ có lời quyền năng của Chúa Giêsu mới có thể đẩy lùi quyền lực ma quỷ và xua trừ chúng ra khỏi cuộc sống và lòng người.

Xin cho chúng ta hiểu rằng theo ma quỷ là đi vào sự chết. Không thể có hạnh phúc nếu quay lưng lại với Thiên Chúa. Ước gì chúng ta luôn tỉnh táo để từ khước những ảo ảnh phù vân mà ma quỷ bày ra lôi cuốn. Ước gì chúng ta đừng bao giờ thất vọng trước những cám dỗ liên tục của ma quỷ nhưng luôn biết trông cậy vào ơn Chúa để xua đuổi những ước muốn tầm thường và tội lỗi ra khổ tâm trí và cuộc đời chúng ta. Amen.

Về mục lục

.

CHUYỆN LẠ

Trầm Thiên Thu

Cuộc sống hàng ngày trôi đi có vẻ rất bình thường, thế nhưng vẫn có nhiều chuyện lạ với nhiều mức độ khác nhau. Cái gì lạ cũng khiến người ta tò mò vì trong con người luôn có tính hiếu kỳ. Cũng vì lợi dụng tính hiếu kỳ của con người mà có những kẻ xấu đồn thổi những chuyện không đâu nhằm lừa bịp. Nhẹ dạ cả tin thì “chết” thôi!

Tuy nhiên, có những thứ thực sự kỳ lạ thì người ta lại không để ý, vì cứ cho rằng đó là “tự nhiên”. Thật ra đó là một phép lạ lớn lao, lớn lắm. Đó là gì? Không khí. Thật vậy, thiếu không khí chỉ trong một khoảng thời gian rất ngắn thì người ta sẽ ngộp và… chết chắc, mọi sinh vật khác cũng chung số phận như thế!

Chuyện lạ “phổ biến” trong Kinh Thánh, đặc biệt là thời Cựu Ước, là sự xuất hiện của các ngôn sứ (tiên tri). Thiên Chúa đã cấm hành nghề bói toán, chiêm tinh, tướng số, phù thuỷ, bỏ bùa, ngồi đồng ngồi cốt, chiêu hồn (Ðnl 18:10-11), thế mà con người vẫn nhiễm “máu” mê tín, dị đoan, ngay cả những người Công giáo ngày nay vẫn chưa “dứt” nổi kiểu mê tín này! Đó là máu hiếu kỳ, tính tò mò, chạy đua đi tìm… “sự lạ”. Thấy gì khác thường một chút đã cho là “phép lạ”. Đức Tin ấu trĩ quá!

Sách Đệ Nhị Luật (Thứ Luật) cho biết: “Từ giữa anh em, trong số các anh em của anh em, Đức Chúa, Thiên Chúa của anh em, sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như tôi để giúp anh em; anh em hãy nghe vị ấy” (Ðnl 18:15). Điều đó xảy ra vì dân chúng đã xin với Đức Chúa tại núi Khô-rếp, trong ngày đại hội. Họ đã nói: “Chúng tôi không dám nghe tiếng Đức Chúa, Thiên Chúa của chúng tôi nữa, chúng tôi không dám nhìn ngọn lửa lớn này nữa, kẻo phải chết” (Ðnl 18:16).

Đức Chúa chứng thực: “Chúng nói phải” (Ðnl 18:17). Và Ngài cam kết: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy. Kẻ nào không nghe những lời của Ta, những lời người ấy nói nhân danh Ta thì chính Ta sẽ hạch tội nó. Nhưng ngôn sứ nào cả gan nhân danh Ta mà nói lời Ta đã không truyền cho nói, hoặc nhân danh những thần khác mà nói, thì ngôn sứ đó phải chết” (Ðnl 18:18-20). Bịa đặt hoặc cố chấp thì ai cũng sẽ bị trừng phạt, dù là người nói hoặc kẻ nghe.

Từng ngày trôi qua, biết bao điều lạ mà người ta không cho là lạ, lại chỉ mơ tưởng “sự lạ” ở đâu đâu, chẳng khác là ảo tưởng, thích chuyện hão huyền. Cứng đầu cứng cổ thật, đâu khác gì dân Ít-ra-en xưa. Vậy mà vẫn tự cho mình là “ngoan đạo”. Kể cũng “lạ” thật đấy!

Tác giả Thánh Vịnh nhận biết các điều lạ xảy ra xung quanh chúng ta hằng ngày nên không thể im lặng, mà phải lên tiếng mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2).

Không chỉ chúc tụng Chúa mà còn phải thờ lạy Ngài, đó là bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, những người luôn được Ngài trao ban biết bao Hồng Ân mỗi ngày, đơn giản và cơ bản nhất là sự sống. Ăn cây nào, rào cây nấy. Nhận lãnh thì phải biết ơn. Đồng thời hãy mời gọi người khác cùng hành động: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt. Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa!” (Tv 95:6-7). Vâng, ước gì điều ước này được chúng ta thực hiện luôn luôn!

Ngày xưa, Thiên Chúa đã nhắc nhở dân Chúa: “Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thứcdám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:8-9). Và ngày nay, đó cũng chính là lời khuyến cáo dành riêng cho mỗi chúng ta.

Xơ cứng cũng có nhiều dạng với mức độ khác nhau. Xơ gan là một dạng ung thư bất trị, nhưng xơ cứng tâm linh còn nguy hiểm hơn, vì đó là dạng “ung thư tâm linh”, có thể bất trị cả đời này lẫn đời sau, nhưng nếu chịu điều trị thì lại khả dĩ chữa lành. Đúng là “chuyện lạ” thật!

Thánh Phaolô nói về một dạng lạ về tâm linh: “Tôi muốn anh chị em không phải bận tâm lo lắng điều gì. Đàn ông không có vợ thì chuyên lo việc Chúa: họ tìm cách làm đẹp lòng Người. Còn người có vợ thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng vợ, thế là họ bị chia đôi. Cũng vậy, đàn bà không có chồng và người trinh nữ thì chuyên lo việc Chúa, để thuộc trọn về Người cả hồn lẫn xác. Còn người có chồng thì lo lắng việc đời: họ tìm cách làm đẹp lòng chồng” (1 Cr 7:32-34). Gọi là lạ nhưng lại không lạ. Những người này cũng vẫn là những người bình thường như chúng ta, không có gì khác thường. Tuy nhiên, không lạ mà lại lạ, họ sống giữa đời thường mà lại không thuộc về đời thường, vì họ không thấy có sức hút nào bằng sức hút của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khuyên thật chứ không đùa, không có ơn Chúa thì không thể hiểu được. Dĩ nhiên, tất cả đều là tự nguyện, không bắt buộc, và cũng không thể ép buộc. Thánh Phaolô giải thích: “Tôi nói thế là để mong tìm ích lợi cho anh chị em, tôi không có ý gài bẫy anh chị em đâu, nhưng chỉ muốn đề nghị với anh chị em một điều tốt, để anh chị em được gắn bó cùng Chúa mà không bị giằng co” (1 Cr 7:35). Rất chi tiết. Rất rạch ròi. Rất minh bạch. Và cũng rất chân thành.

Như chúng ta đã biết, cuộc sống có rất nhiều điều lạ, từ điều nhỏ tới điều lớn, từ đơn giản tới phức tạp. Thời nào cũng thế, đất nước nào cũng thế, dân tộc nào cũng vậy. Cũng là con người cả thôi, tính hiếu kỳ luôn chực chờ “nổi dậy”. Nhưng cần lưu ý rằng có điều lạ tốt và cũng có điều lạ xấu. Chúa Giêsu giáng sinh làm người, chịu chết trên Thập Giá, rồi phục sinh vinh quang. Vô cùng lạ, lạ hơn mọi thứ lạ khác. Các bí tích cũng toàn là những chuyện lạ. Cả đời chúng ta chứng kiến biết bao chuyện lạ, nói đúng ra là phép lạ!

Một hôm, Đức Giêsu và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Hôm đó là ngày sa-bát, Ngài vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài. Họ sửng sốt vì thấy quá đỗi lạ lùng. Tại sao? Vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư.

Từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Ngay lúc đó, trong hội đường có một người bị thần ô uế nhập, nó la lên: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1:24). Còn hơn cả sự lạ lùng. Chắc hẳn dân chúng càng sửng sốt hơn. Nó không phải quỷ thường, mà là quỷ ô uế.

Nghe nó nói vậy, Đức Giêsu quát mắng nó, bắt nó câm miệng và buộc nó phải xuất ra khỏi nạn nhân. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta. Nạn nhân được tự do, thoát khỏi nanh vuốt kìm cặp của ma quỷ, đó là nhờ quyền phép của Đức Giêsu, Con-Thiên-Chúa-làm-người, Thiên-Chúa-ở-giữa-chúng-ta, Đấng Emmanuel. Thấy vậy, mọi người đều kinh ngạc đến nỗi họ bàn tán với nhau: “Thế nghĩa là gì? Giáo lý thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1:27).

Không lạ sao được khi mà người ta mục kích sở thị chứ chẳng phải nghe đồn hoặc truyền khẩu. Tiếng lành đồn xa. Lập tức danh tiếng Ngài đồn ra mọi nơi, khắp cả vùng lân cận miền Galilê.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết phân biệt cái gì là điều lạ và cái gì là bình thường, cái gì là tốt và cái gì là xấu, để chúng con tin và hành động theo đúng Thánh Ý Ngài. Xin giúp chúng con vạch rõ làn ranh giữa cái thiện và cái ác để chúng con không mơ hồ giữa cõi thế gian này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

CHÚA GIÊSU BAN LỀ LUẬT MỚI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

  1. Những bộ luật của Torah

Bài đọc I trích trong sách Đệ nhị luật. Đnl là cuốn cuối trong bộ Ngũ Thư. Năm cuốn sách đầu của bộ Kinh Thánh gọi là Ngũ Thư.

Do Thái coi Ngũ Thư là Torah (Luật) vì trong đó gồm tất cả mọi lề luật và định chế chi phối toàn bộ sinh hoạt tôn giáo, phụng tự, đạo đức, xã hội của dân tộc Israel. Nét nổi bật là Luật do chính Chúa truyền qua trung gian Môisen và mọi điều khoản của Luật xuất phát từ những nhận thức tôn giáo của dân. Có thể nói đây là sưu tập và tổng hợp những luật dân sự, hình sự, tôn giáo, tế tự và xã hội được trình bày như hiến chương của Giao ước. Do đó, việc công bố Luật gắn liền với trình thuật các biến cố trong hoang địa, nơi ký kết Giao ước. Luật là cho con người, vì thế cần phải được thích nghi với những điều kiện thay đổi của môi trường và thời đại. Do đó, ta gặp thấy trong bộ luật những yếu tố cổ xưa đan kết với những điều khoản mới phát sinh về sau. Đàng khác, ta còn gặp thấy trong bộ luật những điểm tương tự với luật Lưỡng Hà. Điều ấy là tất nhiên, vì Do Thái sống chung đụng với chư dân; lại nữa một số pháp quy, tục lệ của miền ấy dần biến thành sản nghiệp chung của cả Cận Đông cổ thời. Torah gồm những bộ luật sau đây:

 a) Thập điều: Mười Lời được ghi khắc trên bảng đá, làm thành Lề luật căn bản về luân lý và tôn giáo, được coi như điều khoản của Giao ước Sinai. Thập điều được trình bày hai lần (Xh 20,2-17 và Đnl 5,6-18). Chắc chắn hai bản văn đều xuất phát từ một nguồn nguyên thủy mà truyền thống gán cho Môisen.

 b) Bộ luật giao ước (truyền thống E): Xh 20,24–23,9. Bộ luật này nằm xen kẻ giữa Thập điều và phần kết của trình thuật giao ước tại Sinai. Luật giao ước đáp ứng hoàn cảnh một xã hội sau thời Môisen, chuyên về canh nông trồng trọt; cho nên quan tâm đến súc vật cày bừa, công việc đồng áng, nghề trồng nho, nhà cửa (giả thiết dân đã định cư). Bộ luật thấm nhuần tinh thần tin vào Giavê, phản ứng lại nền văn minh Canaan.

 c) Bộ Luật Đệ Nhị Luật (Đnl 12,1–26,15) làm thành phần chính yếu của sách Đệ Nhị Luật. Bộ luật này lấy lại một phần bộ luật giao ước, nhưng thích nghi với cuộc sống kinh tế và xã hội đã đổi thay. Nét nổi bật trong Luật Đnl là quan tâm bảo vệ người yếu, tuyên xưng uy quyền Thiên Chúa trên đất và trên dân của Người, cổ vũ việc tuân giữ các điều khoản của lề luật.

 d) Luật Lêvi. Sách Lêvi được hình thành dứt khoát sau lưu đày, gồm những luật về phụng tự, như của dâng tiến và việc tế lễ (1-7), cấp bậc Tư tế (8), các đại lễ (23), nơi thánh và các vật dụng thánh (25); luật về thức ăn (11), sự trong sạch (13-15), lễ xá tội (Yôm-Kippour) (16); luật về sự Thánh thiện (17-16).

Ngũ Thư vừa là một lịch sử và là luật pháp. Nếu các Thánh Vịnh ca tụng Thiên Chúa và kêu xin Người cứu giúp; các sách Khôn Ngoan nhằm giáo dục cá nhân về tôn giáo và luân lý; các Ngôn Sứ mạnh mẽ tuyên rao lòng thành tín của Chúa và hăng hái vạch trần tội lỗi của Israel … thì Ngũ Thư giới thiệu cho ta một dân tộc, cách thế Thiên Chúa thiết lập dân ấy, bảo vệ và dẫn đưa dân về một định mệnh kỳ diệu. Ý nghĩa của bộ sách này hệ tại mối liên lạc Thiên Chúa nối kết với dân của Người và qua đó với toàn thể nhân loại. Lịch sử mối tương quan ấy được tóm kết trong bốn điểm chính là Lời hứa – Tuyển chọn làm dân riêng – Giao ước – Lề luật. Đây là bốn chủ đề quan trọng được triển khai trong Ngũ Thư và suốt dọc dài Cựu ước. Chính Đức Kitô mới ban cho lịch sử cứu độ ý nghĩa trọn vẹn của nó, như Phaolô trình bày trong Gl 3,15-29. Ngài đến thực hiện các lời hứa của Thiên Chúa, ký kết Giao ước mới với đoàn dân mới là miêu duệ của Abraham trong đức tin. Ngài ban lề luật mới là Tin Mừng và Thần Khí để dẫn đưa mọi kẻ tin về với Thiên Chúa.

Sách Đệ Nhị Luật là một lược tóm lịch sử tôn giáo của Israel khởi từ Sinai, trong đó điều then chốt là phải trung thành phụng sự Giavê, Thiên Chúa duy nhất và chân thật. Nội dung của sách sưu tập lại luật Môisen, đồng thời kể lại một số biến cố xảy ra tại Môáp. Trình thuật mang hình thức ba bài diễn từ của Môisen phát biểu vào cuối đời, với dụng ý quả quyết: tư tưởng chủ yếu trong sách là của Môisen. Đệ Nhị Luật được coi như sách kỷ yếu: nhắc lại để nhớ, nhớ để rút bài học. Bài học chủ yếu của tác giả là: nhắc cho Israel quá khứ lịch sử của nó là một chuỗi hồng ân liên tục Chúa ban cho họ cách nhưng không. Nay ở ranh giới Hứa Địa, họ đừng quên mọi thành công xưa đều nhờ Giavê. Từ nhận thức đó, họ chuẩn bị vào Đất Hứa trước hết bằng lòng tin tuyệt đối vào Giavê.

Dân Do Thái sắp đi vào Đất Hứa, miền đất này nơi nào cũng có tà giáo. Các tôn giáo sơ khai của các dân tộc xung quanh luôn hấp dẫn. Đặc biệt là các thầy bói, bà đồng. Dân chúng mê tín luôn tìm đến với họ để được giao cảm với thần minh, để biết ý trời và hậu vận. Người có óc khoa học ngày nay coi đó là bịp bợm, người có đức tin chân chính nghĩ đó là những việc do ma quỉ bày đặt ra. Bởi đó, tác giả sách Đnl cảnh giác dân chúng, không được tin vào bói quẻ phù chú, lên đồng lên bóng, chiêm tinh chiêu hồn, phải hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa. Bù lại, Thiên Chúa sẽ cho xuất hiện giữa dân Người một tiên tri như Môisen. Bài sách Đnl còn nói về Đấng Thiên Sai Cứu Thế sẽ đến, Người sẽ là vị tiên tri trổi vượt trên hết mọi tiên tri. Đó chính là Chúa Giêsu sẽ khiến người ta kinh ngạc về cách giảng dạy và đầy quyền năng như câu chuyện kể của Phúc âm Chúa nhật hôm nay.

  1. Chúa Giêsu, Đấng ban lề luật mới

Chúa Giêsu vào hội đường Do Thái ngày Sabat. Vì là thành phần của dân giao ước nên mọi người trong hội đường đều có quyền đọc và bình giảng một đoạn sách Thánh nào đó. Chúa Giêsu đọc sách và giảng dạy dân chúng. Thánh Maccô không cho biết Chúa đọc đoạn sách nào, cũng không nhắc đến nội dung giảng dạy hôm ấy. Maccô chỉ kể “Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư”. Thiên hạ ngạc nhiên trước một kinh sư trẻ tuổi, phong thái giảng dạy như một Đấng có uy quyền khác với các kinh sư luật sĩ. Thiên hạ còn kinh ngạc về giáo lý của Người. Giáo lý vừa đi vào nội tâm, vừa có một nội dung ưu việt hơn những bài học luân lý Cựu ước. Họ sửng sốt kinh ngạc là phải, bởi lẽ Chúa Giêsu không giải thích truyền thống của cha ông nhưng là giáo huấn của Chúa Cha. Người không công bố lề luật nhưng công bố Nước Thiên Chúa đã đến gần. Người xuất hiện như Đấng mang lấy thẩm quyền của chính Thiên Chúa tối cao và là Đấng ban lề luật mới là Tin Mừng và Thần Khí.

Chúa Giêsu không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy, Người còn thiết lập Nước Thiên Chúa bằng hành động thực hiện nội dung lời rao giảng. Trong hội đường hôm ấy có một người bị thần ô uế ám. Thấy Chúa Giêsu, Satan run sợ. Đối diện với Đấng quyền năng, Satan sợ hải: “Ông đến để tiêu diệt chúng tôi chăng?”. Nó tuyên xưng “Tôi biết ông là ai. Ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Chúa bắt nó phải im ngay và Người dùng quyền năng trục xuất nó ra khỏi nạn nhân. Satan bị án phạt đời đời vì tội kiêu căng, tội gieo nọc độc cho Nguyên Tổ trong vườn địa đàng. Thiên Chúa không cho Satan có quyền hành gì trên con người, trừ khi con người tự nguyện trở thành nô lệ.

Chúa Giêsu là Đấng đầy uy quyền trong lời nói và nhiều hiệu năng trong hành động. Người đã giải thoát nhân loại khỏi ách thống trị của sự dữ. Con người được giải thoát khỏi ách nô lệ của bản năng và của sự ác để sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng trong sạch vẹn tuyền đã đẩy lui và tiêu diệt sức mạnh Satan.

Ma quỉ là một quyền lực cụ thể đang hoành hành trên thế giới. Người ta có thể gọi tên quyền lực này là Belzebuth, Lucifer, Belial, là con rắn xưa, là tên dối trá, tên cám dỗ… Tất cả đều chỉ thực tại duy nhất muốn phá vỡ kế hoạch Thiên Chúa và đưa con người vào nô lệ.

Nhìn vào thế giới hôm nay, chúng ta thấy biết bao hình thái nô lệ, biết bao xiềng xích của ác thần đang trói buộc con người. Điều kinh khủng là người ta không nhận ra mình đang bị nô lệ. Nô lệ cho quyền lực như Hitler, Pônpôt… Nô lệ cho tình dục, nô lệ cho ma túy, nô lệ cho cờ bạc rượu chè. Nô lệ cho mọi thứ chủ nghĩa cực đoan, mọi thứ cuồng tín tôn giáo. Nô lệ là thứ tự do giả hiệu mà ma quỷ luôn quảng cáo và muốn mời mọc con người. Ma quỷ thường được vẽ như con vật xấu xí đáng sợ, nếu thế thì con người dễ nhận ra nó và nó khó cám dỗ được. Nhưng thực tế, ma quỉ mang dáng dấp xinh đẹp hấp dẫn. Nó tấn công bằng những thủ đoạn tinh tế ngọt ngào. Nó nắm rõ yếu điểm từng cá nhân từng tập thể để tấn công và mong hạ gục. Người ta tin vào những ngôi sao số mệnh, cầu cơ, bói toán, lá số tử vi. Tin vào những cái vô tri dẫn đến mê tín dị đoan sẽ làm nô lệ cho ma quỷ. Ngày nay nhiều người không còn tin vào sự hiện hữu của ma quỉ, đó là thành công lớn của ma quỉ.

Sứ mạng của Chúa Giêsu là giải thoát con người khỏi mọi hình thức vong thân và tha hóa. Cuộc đời Kitô hữu là một cuộc chiến chống lại cám dỗ và loại trừ sự dữ. Sống theo Chúa Giêsu, con người sẽ không bao giờ nô lệ cho bản năng và ma quỉ.

Mỗi ngày, chúng ta vẫn thành tâm nguyện xin: Xin chớ để chúng con sa chước cám dỗ, nhưng xin cứu chúng con khỏi sự dữ. Amen.

Về mục lục

.

GIẢNG DẠY CÓ THẨM QUYỀN

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB

        Tác giả Mác-cô giới thiệu sứ vụ của đức Giê-su tại Ga-li-lê gồm hai phần: giảng dạy và chữa lành. Tuy nhiên đặc biệt là ở chỗ ông không tách hai điều này riêng ra mà đã liên kết chúng lại một cách rất tài tình. Chữa lành chính là để lời rao giảng trở thành thuyết phục.

        Mác-cô trước hết giới thiệu đức Giê-su như một nhân vật xuất hiện để công bố một sứ điệp trọng đại: “Thời đại đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (c.15). Ông không những xác địch công việc chính của đức Giê-su là công bố sứ điệp, nhưng còn nói thêm Ngài đã gây ấn tượng mạnh mẽ trên dân chúng. ‘Đức Giê-su và các môn đệ đi vào thành Ca-phác-na-um. Ngay ngày Sa-bát, Người vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’. Tác giả hình như quan tâm tới thái độ dân chúng tiếp nhận sứ điệp nhiều hơn là tới nội dung thuyết phục hay sự phong phú của chính sứ điệp Tin Mừng.

        Rõ ràng là như thế khi Mác-cô lập tức tường thuật các công việc đầy từ tâm đức Giê-su thực hiện: chữa người bị quỉ nhập, chữa nhạc mẫu ông Si-mon, chiều đến chữa mọi kẻ ốm đau bệnh tật mà cả thành  đem đến cho Người…như để cho thấy tại sao dân chúng có phản ứng tích cực như vậy đối với sứ điệp, hay đúng hơn với chính người công bố. So với tác giả các cuốn Tin Mừng khác, tác giả cuốn thứ hai này hầu như không chú trọng tới nội dung sứ điệp cho lắm. Ông dành nhiều giấy mực hơn để tường thuật các hành động chữa lành và yêu thương đức Giê-su thực hiện. Và tất cả chỉ để minh chứng cho điều mà ông muốn khảng định ngay từ đầu: ‘Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư’.

        Dân chúng, thời nào và ở đâu cũng vậy, khi nghe một sứ điệp thì trình độ hiểu biết cũng hạn chế thôi. Đúng hơn, họ là các thính giả có tầm hiểu biết bằng con tim nhiều hơn là bắng trí óc, nhất là trên con đường đi tìm chân lý. Trong khi đó các thày dạy lại thường có khuynh hướng sử dụng trí óc nhiều hơn là con tim; các kinh sư thời đức Giê-su cũng không phải luật trừ. Các hành động chữa lành đầy từ tâm của đức Giê-su đánh thẳng vào con tim của thính giả bình dân và chinh phục họ. Trong khi đó các thính giả tri thức như các luật sĩ, biệt phái và kinh sư lại chỉ tìm đến nghe các thuyết pháp của Ngài để phân tích và tìm cách bắt bẻ; chẳng vậy mà các tranh luận giữa họ với đức Giê-su không ngừng nổ ra. Đối với dân chúng, sứ điệp của đức Giê-su quả thật là Tin Mừng, vì nó làm cho con tim của họ được an bình no thỏa trước khi làm cho trí óc họ say mê. Họ hằng khao khát một Đấng Mét-si-a từ nhân, đầy từ tâm và xót thương, gần gũi với nỗi thống khổ yếu hèn của con người. Đó là lý do tại sao họ chân nhận ‘Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền’ hơn hẳn các kinh sư, Biệt Phái.

        Suy niệm trên đây, tuy đơn sơ thật nhưng đối với tôi lại có tầm quan trọng lớn.

Cho đời sống thiêng liêng? Là một tu sĩ linh mục, tôi có nguy cơ quá xa rời sự nhạy cảm thiêng liêng của người bình thường. Không biết từ khi nào suy luận tri thức đã hoàn toàn chiếm lĩnh ý thức tôi. Tôi quan tâm tới hiểu biết suy luận nhiều tới độ không còn giờ để lắng nghe khát vọng của con tim mình. Tin Mừng đối với tôi phải là chân lý hơn là lòng nhân ái. Và quả thực rất ít khi trong đời sống thiêng liêng tôi dành thời giờ và nỗ lực để nhận ra cái ‘thẩm quyền’ này của Tin Mừng trên tôi.

Cho công việc mục vụ? Suy niệm trên đưa tôi tới nhận thức sau đây: đối với cộng đoàn phụng vụ, các bải giảng của tôi chỉ có được ‘thẩm quyền’ Tin Mừng khi nào quảng diễn được Chúa cứu độ và xót thương. Trong thực tế nó đã bị chi phối quá nhiều bởi các kiến thức thần học hay các dẫn chứng kiểu lý luận. Ngay khuôn mặt Hội Thánh hoặc nội dung Tin Mừng mà tôi thường trình bày cũng còn quá mô phạm và luân lý. Biết bao giờ dung mạo từ nhân tha thứ của đức Ki-tô mới có dịp hiện rõ?

        Lạy Chúa, đúng là những kẻ bé mọn nhận biết Chúa rõ ràng hơn các bậc không ngoan thông thái. Xin đừng để học vấn và hiểu biết làm cho con, linh mục của Chúa, không nhận ra nổi ‘thẩm quyền’ đích thực của Tin Mừng Chúa. Cũng xin làm cho lời rao giảng của Hội Thánh được nhiều người lắng nghe bằng con tim và nhận ra Chúa thật gần gũi và xót thương hết thảy mọi người. Amen

Về mục lục

.

ĐẤNG THÁNH CỦA THIÊN CHÚA

Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ.

Trong Tin Mừng theo thánh Máccô, ta không thấy có những bài giảng dài như Tin Mừng Mátthêu hay Gioan. Nhưng bù lại Máccô đã kể khá nhiều phép lạ của Đức Giêsu.

Khung cảnh của bài Tin Mừng hôm nay là hội đường vùng Caphácnaum vào một ngày sabát.

Theo Máccô, Đức Giêsu đã bắt đầu sứ vụ từ đây.

Chúng ta cần xem Ngài đã sống ngày sabát như thế nào.

Trước hết Ngài đã vào hội đường và giảng dạy.

Thánh Máccô không kể lại nội dung của bài giảng, chỉ cho biết là người ta sửng sốt khi nghe Ngài vì cách giảng đầy uy quyền (c. 22) và lời giảng thì mới mẻ (c.27).

Phép lạ đầu tiên Đức Giêsu làm ở hội đường này là trừ quỷ. Ở đây có một người đàn ông bị thần ô uế ám.

Trước sự hiện diện của Đức Giêsu, anh ta sợ hãi nên kêu lên: “Ông Giêsu Nadarét, ông đến tiêu diệt chúng tôi ư? Tôi biết ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa” (x. câu 24).

Sự hiện diện của Đấng Thánh cũng đủ làm cho thần ô uế phải khiếp sợ, vì ô uế và thánh thiện không đội trời chung. và Đấng thánh thiện có khả năng triệt phá thần ô uế.

Lời của Đức Giêsu bây giờ là lời trừ quỷ, lời quát mắng, lời ra lệnh đầy uy quyền, lời khiến thần ô uế phải tuân theo.

“Câm đi, hãy xuất khỏi người này !”

Thần ô uế đã nhập vào và làm người ấy bị tha hóa, bị mất tự do, bị chi phối và sai khiến như một nô lệ.

Lời Đức Giêsu là lời giải phóng để anh ấy được thật sự là mình, được giải thoát khỏi tình trạng ô uế.

Thế giới chúng ta đang sống là một thế giới bị ô nhiễm, từ không khí, nước uống đến những sản phẩm nhiễm độc của con người.

Nhưng điều đáng sợ hơn cả là bầu khí ô nhiễm về tinh thần, bầu khí ô uế của sex thấm vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Xin Đức Giêsu trả lại cho ta sự trong sạch nơi cái nhìn, sự trong trắng nơi trái tim và sự trong suốt nơi mọi cuộc gặp gỡ.

Cầu nguyện:

Lạy Chúa Giêsu, giàu sang, danh vọng, khoái lạc là những điều hấp dẫn chúng con. Chúng trói buộc chúng con và không cho chúng con tự do ngước lên cao để sống cho những giá trị tốt đẹp hơn.

Xin giải phóng chúng con khỏi sự mê hoặc của kho tàng dưới đất, nhờ cảm nghiệm được phần nào sự phong phú của kho tàng trên trời.

Ước gì chúng con mau mắn và vui tươi bán tất cả những gì chúng con có, để mua được viên ngọc quý là Nước Trời. Và ước gì chúng con không bao giờ quay lưng trước những lời mời gọi của Chúa, không bao giờ ngoảnh mặt để tránh cái nhìn yêu thương Chúa dành cho từng người trong chúng con. Amen.

Về mục lục

.