CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN_A
Lời Chúa: Xp 2,3 – 3,12-13; 1Cr 1,26-31; Mt 5,1-12a
——-
1. Tìm kiếm hạnh phúc đích thực (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)
2. Mối phúc thật (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)
3. Phúc – Lộc – Thọ (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
4. Chúa muốn con người hạnh phúc (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
5. Nẻo về hạnh phúc (Lm. Inhaxiô Trần Ngà)
6. Chữ Phúc (Trầm Thiên Thu)
7. Phúc Lộc (Lm. Trần Việt Hùng)
8. Suy niệm Chúa Nhật 4 Thường niên_A (Lm. Anthony Trung Thành)
9. Đạo hiếu (AM. Trần Bình An)
10. Gieo gì gặt nấy ! (P.Trần Đình Phan Tiến)
11. Tám mối phúc – “Căn cước của Kitô hữu” (JM. Lam Thy, ĐVD)
12. Phúc thay ai có tâm hồn khó nghèo (Lm. Đan Vinh)
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Cuộc sống trần gian là một hành trình kiếm tìm. Có người tìm kiếm lợi lộc vật chất như điều ưu tiên tối hậu của cuộc đời. Người tin vào Chúa, giữa biết bao bộn bề của cuộc sống dương thế, vẫn một lòng tìm kiếm Chúa như lý tưởng quan trọng nhất. Người tìm kiếm Chúa là tìm kiếm hạnh phúc đích thật, vì Chúa là nguồn hạnh phúc, là gia nghiệp của những ai tin cậy vào Ngài.
Gặp nhau trong những ngày đầu xuân Đinh Dậu này, mỗi chúng ta thường cầu chúc cho nhau những điều tốt đẹp liên quan đến gia đình, nghề nghiệp, học vấn và những lãnh vực khác. Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay cũng chúc phúc cho chúng ta, nhưng xem ra những lời chúc của Chúa không giống quan niệm đời thường. Những người được chúc phúc là những người nghèo, những người hiền lành, những người sầu khổ, những người khát khao nên công chính, những ai xót thương người, những ai có tâm hồn trong sạch, những người xây dựng hòa bình và những ai sẵn sàng chịu bách hại vì chân lý. Những người này được Chúa chúc phúc và đây là hạnh phúc thật. Hạnh phúc này được đồng hóa với Nước Trời, với Đất hứa và với phần rỗi vĩnh cửu. Tám mối phúc thật là những phương thế giúp chúng ta nên thánh. Tám mối phúc thật cũng là những con đường dẫn chúng ta về Nước Trời. Khi chuyên tâm sống theo tinh thần của Tin Mừng để đón nhận những điều chúc phúc của Chúa, chúng ta tìm được hạnh phúc lâu bền và niềm vui nội tâm. Giữa một xã hội bát nháo điên đảo, những ai trung thành tìm kiếm Chúa sẽ được gọi là những người khôn ngoan. Họ tuy thuộc về số ít nhưng được Chúa chúc lành và được Ngài cứu rỗi. Trước mặt người đời, sự khôn ngoan chọn lựa của những người tìm kiếm Chúa, lại được coi là sự dại dột (Bài đọc I). Họ không thể hiểu hạnh phúc mà Chúa ban cho những ai trung thành tìm kiếm Ngài.
Nội dung của Tám mối phúc thật nhắm tới đời sống cá nhân của mỗi người, giúp họ trưởng thành trong Đức tin, đem lại sự quân bình trong đời sống. Nhờ sự trưởng thành này, họ sẽ vững vàng trong thử thách đau thương và không sờn lòng nản chí khi gặp gian nan, kể cả bách hại. Người có Đức tin trưởng thành giống như thép được tôi luyện để có độ bền chắc có thể trường tồn mãi với thời gian. Một khi được tôi luyện, người tín hữu có thể làm chứng cho Chúa trước mặt mọi người. Họ cũng có thể nâng đỡ những anh chị em yếu đuối đang bị cuốn trôi vào vòng xoay của cơn lốc cuộc đời. Nhờ đạt được những lời chúc phúc của Chúa, người tín hữu nghèo mà không hèn, khóc lóc mà không bi quan, đau khổ mà không thất vọng, chịu bách hại mà không thỏa hiệp hay phản bội.
Đức Giêsu không chỉ chúc phúc bằng những lời nói suông. Chính Người đã đạt được những phúc lành trong những lời Người giảng dạy. Trên cây thập giá, Người đã trở nên người nghèo nhất trong số những người nghèo. Người đã đau khổ với người đau khổ, để giúp họ biết cười vui trong niềm phó thác và tin tưởng vào Thiên Chúa là Cha. Trên cây thập giá, Người trở nên người xây dựng hòa bình, đã hòa giải muôn loài với Chúa Cha, để dẫn đưa con người tới bến bờ của hạnh phúc. Chính Người đã chịu bách hại cách bất công vì chân lý để diễn tả tình thương vô bờ của Thiên Chúa Cha đối với nhân loại. Chúa Giêsu là LỜI CHÚC PHÚC vĩ đại nhất của Thiên Chúa cho nhân loại. Người là mẫu gương cho hết thảy mọi người chúng ta.
Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được hạnh phúc khi là người Công giáo? Có khá nhiều người tín hữu sống Đạo theo thói quen. Việc tham dự thánh lễ và các bí tích không thực sự đem lại cho họ niềm vui, vì họ chỉ làm chiếu lệ, hờ hững và như kiểu xã hội ngoài đời. Nếu chúng ta không cảm thấy hạnh phúc khi thực hành sống Đạo thì làm sao có thể thuyết phục người khác theo Đạo của chúng ta được? Tám mối phúc thật là những gợi ý cụ thể để chúng ta nên thánh, dẫn đến gặp Thiên Chúa Tình Yêu. Ước chi những anh chị em không cùng tôn giáo nói về chúng ta: “Thật hạnh phúc khi được làm người công giáo!”.
Xin cho những lời cầu chúc đầu xuân của chúng ta đều mang niềm khát khao nên thánh, chứ không phải chỉ là những tham vọng trần tục. Nguyện xin Chúa là Cha quyền năng và yêu thương thực hiện nơi chúng ta những lời cầu chúc chân thành, để chúng ta đạt được hạnh phúc đích thực và niềm vui của con cái Chúa.
.
Tgm. Ngô Quang Kiệt.
Khi nghe bài “Phúc Thật Tám Mối” trên đây, nhiều người ngạc nhiên sửng sốt. Những hạnh phúc Chúa hứa ban sao quá khác với những quan niệm về hạnh phúc mà ta thường có. Người ta ai cũng mong có nhiều của cải, làm ăn phát tài. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho người nghèo”. Người ta ai cũng mong được khôn ngoan, được có uy quyền, được người khác nể phục. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho người hiền lành”. Người ta ai cũng mong được an bình, sống thoải mái, vô lo. Thế mà Chúa lại nói: “Phúc cho các con khi các con bị bắt bớ”.
Chúng ta ngạc nhiên, không hiểu Lời Chúa, vì chúng ta có quan niệm sai lầm về hạnh phúc và về đạo.
1) Về hạnh phúc, chúng ta thường tưởng lầm rằng cứ có tiền bạc, có địa vị, có tình yêu là có hạnh phúc. Nhưng không phải như vậy. Không thiếu những người giàu tiền bạc, có địa vị cao, nhưng luôn bất hạnh.
Marilyn Monroe, nữ minh tinh thần thoại của thế giới phim ảnh là người có sắc đẹp mê hồn, được mọi người tôn thờ, và chắc chắn không thiếu tiền bạc. Thế mà nàng phải sống cuộc đời cô đơn buồn thảm. Sau cùng phải tự kết liễu đời mình trong buồn tủi, lo âu. Giờ nhắm mắt không có một người yêu bên cạnh.
Ngày nay xuất hiện nhiều “Tây ba lô”, những người nước ngoài ăn mặc thô sơ, vai đeo ba lô, đi gặp gì cũng ăn, ngủ bờ ngủ bụi. Tại sao họ không chọn ăn mặc chải chuốt, ngủ nghỉ trên chăn êm nệm ấm trong những khách sạn sang trọng? Thưa vì họ thích đơn sơ, thích khổ cực, thích phấn đấu, thích sống với thiên nhiên. Đó là hạnh phúc của họ.
Tiền bạc, tiện nghi, danh vọng, địa vị, tình yêu chắc chắn làm cho đời sống dễ chịu hơn. Nhưng vẫn chưa phải là hạnh phúc đích thực.
2) Về đạo, chúng ta lầm tưởng rằng điều cốt yếu của đạo là giáo lý. Thưa không phải như thế. Đi đạo không phải là đi theo một giáo lý. Đi đạo là đi theo một người. Điều cốt yếu của đạo là gặp được Chúa. Giáo lý chỉ là phương tiện giúp ta gặp được Chúa. Chúa mới là đích của đời ta. Chúa chính là hạnh phúc đích thực. Gặp được Chúa rồi, linh hồn ta sẽ toại nguyện, không còn mơ ước điều gì khác.
Thánh Augustinô khi còn tuổi trẻ đã chạy theo dục vọng, đi tìm lạc thú trong những buổi ăn chơi trác táng, những cuộc tình đắm mê. Ngài đã bỏ đạo, đi theo bè rối, nhưng chẳng thấy mãn nguyện. Một hôm nghe thánh Ambrôsiô giảng, Ngài đã được ơn thống hối ăn năn. Ngài trở về với Chúa, cảm nghiệm được tình yêu của Chúa rồi, ngài đã thốt lên một lời bất hủ: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, nên lòng con mãi khắc khoải băn khoăn, cho đến khi được nghỉ yên trong Chúa”.
Hiểu như thế rồi ta sẽ thấy Tám Mối Phúc Thật không có gì bí ẩn. Đó chính là tám nét vẽ nên chân dung Chúa Giêsu.
Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa vô cùng giàu sang đã tự nguyện sống cuộc sống của một người nghèo. Sinh ra không nhà. Sống không nhà. Chết cũng không nhà.
Chúa Giêsu đầy quyền năng. Người đã chế ngự được sóng gió, xua đuổi ma quỷ, lại sống rất hiền lành khiêm nhường. Bị kết án oan ức, bị hành hạ, bị sỉ nhục, bị giết chết, Người vẫn im lặng chấp nhận.
Chúa Giêsu có một trái tim xót thương, sẵn sàng tha thứ cho kẻ tội lỗi, sẵn sàng giúp đỡ người hoạn nạn, cứu chữa người tật nguyền.
Chúa Giêsu đem đến cho ta niềm bình an, hoà giải ta với Thiên Chúa và với nhau.
Chúa Giêsu đã bị bắt bớ, giết chết vì rao giảng Tin Mừng.
Tám mối phúc chính là con đường Chúa đã đi qua. Là hình ảnh trung thực của Chúa Giêsu. Đi vào con đường ấy, ta chắc chắn gặp được Người. Sống theo con đường ấy, ta trở nên giống như Người. Hoà tan mình vào con đường ấy, ta sẽ trở nên một với Người. Khi ta từ bỏ hoàn toàn ý riêng, để Người hoàn toàn chiếm đoạt, ta sẽ đạt tới hạnh phúc, hạnh phúc đích thực, hạnh phúc viên mãn, hạnh phúc vĩnh cửu.
Lạy Chúa Giêsu, xin hướng dẫn con theo đường lối của Chúa. Amen.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1) Đối với bạn, hạnh phúc là gì?
2) Có bao giờ bạn cảm được niềm vui khi sống trong những mối phúc mà Chúa Giêsu loan báo chưa? Nếu có, xin chia sẻ với anh chị em.
3) Những đau khổ của bạn thường do những nguyên nhân nào?
.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Ngày tết người ta thường cầu chúc cho nhau được ba điều ước mơ lớn nhất đó là: Phúc – Lộc – Thọ. Cái phúc của con người là công thành danh toại. Cái lộc không chỉ là con thảo cháu ngoan mà còn là lộc trời ban xuống cho gia đình, dòng tộc. Thọ là tuổi già, sống lâu trăm tuổi hay còn gọi là “bách niên giai lão”.
Ước mơ được sống hạnh phúc trường sinh bất tử là nỗi khao khát của con người vượt qua mọi thời đại. Dân tộc nào cũng ước mơ trường thọ, thời đại nào cũng mong được trường sinh bất tử. Nỗi khao khát ấy được bộc lộ qua rất nhiều những câu chuyện thần tiên, nhất là trong những dịp lễ tết đầu năm thường chúc nhau mạnh khỏe sống lâu, và trong đám cưới người ta vẫn thường cầu chúc cô dâu chú rể trăm năm hạnh phúc.
Thánh Kinh kể rằng: thuở ban đầu Thiên Chúa đã cho con người hưởng đầy đủ Phúc – Lộc – Thọ. Cái phúc của con người thuở tạo dựng là được làm chủ mọi loài vạn vật mà Chúa đã dựng nên. Cái lộc của con người là lời chúc phúc sẽ có con đàn cháu đống như sao trên trời như cát dưới biển. Và cái Thọ miên trường là sinh ra không phải đau khổ và không phải chết.
Thế nhưng, hạnh phúc ấy đã tan vỡ và trở thành một niềm mơ ước triền miên của cả kiếp người. Bi kịch là khi tội đã vào thế gian nên con người sinh ra phải đau khổ và phải chết. Từ đó, ước mơ Phúc – Lộc – Thọ đã là ước mơ muôn thuở của con người. Con người luôn khao khát hạnh phúc và đi tìm hạnh phúc. Hạnh phúc chính là động lực khiến con người dám vượt mọi gian khổ để có được hạnh phúc trong cuộc đời.
Ngày đầu xuân chúng ta dâng cuộc đời cho Thiên Chúa. Nguyện xin Chúa chúc lành và ban cho chúng ta vạn sự như ý. Chúng ta tin rằng: Chúa Giêsu đã đến để mang lại cho con người hạnh phúc và hạnh phúc ngay từ trên cõi đời này. Vì Ngài là hoàng tử bình an, là vua thái bình. Ngài đã đến để mang lại bình an cho những ai thành tâm thiện chí, cho những ai ăn ở ngay lành, và cho những ai sống một cuộc đời cao thượng vượt qua khỏi những tham sân si để sống một đời thanh thoát bình an.
Hôm nay Chúa Giê-su đưa ra phương thế để có được hạnh phúc qua tám mối phúc thật. Sống theo tinh thần tám mối chúng ta sẽ có hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ trong ngày xuân mà là mỗi ngày trong cuộc sống. Phương thế đó không phải là con đường trải thảm rộng thênh thang mà là con đường hẹp của sự hy sinh, của quảng đại dấn thân vì lợi ích của tha nhân. Cái phúc nằm ở trong tâm hồn nghèo khó, có lòng hiền hậu, dám chấp nhận khổ đau, yêu thích sự chính trực, thương xót đồng loại, giữ lòng trong sạch, và biết xây dựng hoà bình. . .
Như vậy, hạnh phúc của người môn đệ hệ tại ở việc dấn thân vì tha nhân. Vì Chúa mà ta từ bỏ mọi thứ tham lam, ích kỷ và bất chính để sống công bình bác ái với nhau. Vì Chúa mà ta bỏ đi cái tôi ghen tương, nóng giận, để gìn giữ sự hoà thuận với những người bên cạnh chúng ta. Vì Chúa mà chúng ta dấn thân cho công lý được triển nở, cho hoa bác ái được toả hương, cho an bình được ngự trị. Vì Chúa mà chúng ta xả thân giúp đời mà không cần so đo tính toán thiệt hơn. Vì Chúa mà chúng ta từ bỏ những quyền lợi, những nhu cầu của bản thân để cống hiến cho tha nhân.
Phương thế ấy đã được ông bà cha mẹ làm gương cho chúng ta. Các ngài đã hy sinh hết thảy vì ta. Cuộc đời các ngài cho dù có dầm mưa dãi nắng mà tâm hồn vẫn hạnh phúc vì hy sinh cho con cái. Như vậy, trong hạnh phúc của ta có mồ hôi của cha, và nước mắt của mẹ. Trong hạnh phúc của ta có công cha nghĩa mẹ cao hơn núi, sâu hơn biển khơi để che chở và làm ấm áp đời ta.
Do đó, uống nước phải nhớ nguồn, ăn quả phải nhớ kẻ trồng cây. Có được niềm vui đón xuân hôm nay, chúng ta cũng cần tỏ lòng hiếu kính, biết ơn đối với các bậc tổ tiên đã khuất và đối với ông bà cha mẹ những người còn sống và còn đang hao mòn vì chúng ta.
Năm nay, năm Đinh Dậu, một hình ảnh thật quen thuộc với chúng ta đó là hình ành gà mẹ dẫn đàn gà con đi kiếm ăn. Con gà mẹ lăn xả bới đất tìm mồi và khi tìm được nó lại hối hả thúc gọi đàn con đến ăn phần mới kiếm được. Ban đêm, gà mẹ lại ấp ủ con trong đôi cánh của mình để đàn con khỏi bị lạnh cóng, khỏi gió rét của đêm sương.
Hình ảnh này gợi nhớ đến câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều:
Đoạn trường ai có qua cầu mới hay
Hai chữ đoạn trường có nghĩa là đứt ruột, ám chỉ một sự thảm thương đến tột độ, đến đứt cả ruột gan , của một tình yêu dâng hiến đến quên mình.
Người ta kể lại rằng trong nạn đói vào năm Ất Dậu 1945, có một bà mẹ đã cắn đứt ngón tay của mình để con được bú những giọt máu cuối cùng thay cho dòng sữa đã cạn kiệt vì cái đói kéo dài. Bà chỉ hy vọng đứa con sẽ được cứu khỏi chết. Bà không nhẫn tâm nhìn con chết đói mà mình không làm điều gì đó để cứu con. Bà đã chấp nhận cái chết để con được sống.
Vì thế, trong bầu khí Mồng Hai Tết cầu cho Ông Bà Cha Mẹ, chúng ta cùng hiệp dâng thánh lễ hôm nay để cầu nguyện cho ông bà cha mẹ những người còn sống hay đã qua đời luôn được bình an. Và riêng với những đấng sinh thành còn sống chúng ta hãy thầm nguyện rằng:
“Mỗi đêm con thắp đèn trời
Cầu cho cha mẹ sống đời với con.”
Cầu chúc cho mọi nhà cùng rộn ràng tiếng cười vui hạnh phúc bên những người thân thương. Xin Chúa là mùa Xuân chúc phúc cho gia đình luôn hạnh phúc an vui. Amen.
.
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Chúa nhật thứ IV thường niên A năm nay trùng vào ngày Mùng Hai Tết Nguyên Đán năm 2017, thật là ý nghĩa khi chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng (Mt 5, 1-12a) đọc trong Thánh lễ Giao thừa, chúng ta có thể khẳng định rằng : Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc. Suy diễn này không có quá ảo tưởng, vì vào khởi đầu của Kitô giáo, các thành phần của Giáo hội cũng được gọi là “những người diễm phúc”. Thiên Chúa là Hạnh Phúc, Ngài luôn muốn chúng ta hạnh phúc, nên Ngài thi ân giáng phúc cho chúng ta. Ngài muốn chúng ta không chỉ hạnh phúc tạm thời, mà còn hạnh phúc luôn mãi cả đời này và đời sau. Quả thực, người kitô nhờ Bí tích Rửa tội, được kết hiệp với Chúa Giêsu là Quả Phúc nơi cung lòng Đức Maria là Đấng đầy ơn phúc, nên chúng ta hạnh phúc là lẽ đương nhiên.
Ngày đâu năm, chúng ta đã đi chúc tết nhau, ngoài bánh chưng, bánh tét, hoa đào, hoa mai… có lẽ không gì nhiều bằng “lời chúc”. Ai cũng muốn dành những lời chúc tốt đẹp nhất cho gia đình, người thân, bạn bè trong những ngày này và ngược lại, ai cũng muốn mình được nhận nhiều những lời chúc. Về phương diện con người, điều đầu tiên trong năm mới chúng ta cầu chúc cho nhau là bình an, hạnh phúc, vui vẻ, may mắn… người có đạo còn chúc nhau được đầy niềm vui và phúc lành của Thiên Chúa.
Về phía Thiên Chúa, vì Ngài là nguồn mạch mọi ân phúc, Ngài yêu thương con người và hằng mong muốn con người được hạnh phúc, Ngài sẵn sàng chúc phúc cho chúng ta. Ngài vui khi nhìn thấy chúng ta mạnh khoẻ, cả về thể xác lẫn tâm hồn. Cha mẹ nào mà không vui khi thấy con cái mình lớn lên, khôn ngoan, khoẻ mạnh, huống chi là Thiên Chúa, Đấng đã dựng nên chúng ta, không để chúng ta hư không đời, mà lại sinh ra ta cho ta được làm người…lại cho Ngôi Hai Xuống thế làm người để cứu độ, giải thoát ta khỏi mọi tội lỗi và sự dữ, cứu chúng ta khỏi án phạt đời đời. Đoạn Tin Mừng đọc trong Thánh lễ hôm nay minh chứng rõ ràng rằng, Thiên Chúa muốn, chúng ta là những người hạnh phúc (x. Mt 5, 1-10).
Hạnh phúc thật theo Chúa Giêsu phán trong Tin Mừng (Mt 5:1-12) nghe xong nhiều người không khỏi ngạc nhiên và sửng sốt, bởi vì những người mà người đời coi là khờ dại, bất hạnh và đáng thương hại theo Chúa Giêsu lại là những người có phúc. Lý do là vì họ sống tinh thần nghèo khó, mặc dù họ giàu sang, có tiền của. Sống tinh thần nghèo khó, không cậy dựa vào tiền của, nhưng phó thác vào quyền năng của Chúa. Họ còn là những người hiền lành, những người đau khổ, những người đói khát sự công chính, những người có lòng trong sạch, những người ăn ở thuận hoà và những người bị bách hại vì lẽ công chính. Đó là những người được Thiên Chúa chúc phúc.
Chúa Giêsu là hiện thận của Chúa Cha là Hạnh Phúc, Người cũng muốn chúng ta có được hạnh phúc, nên đã vạch ra cho chúng ta con đường Tám Mối Phúc Thật để tất cả chúng ta đi theo mà trở thành phúc nhân. Con đường Chúa đã đi khi còn sống thân phận lữ thứ trần gian như chúng ta : Phúc cho những ai nghèo khó trong tinh thần, phúc cho những ai đau khổ, phúc cho những kẻ hiền lành, phúc cho những ai đói khát sự công chính, phúc cho những kẻ có lòng nhân từ, phúc cho những ai có lòng trong sạch, phúc cho những ai hoạt động cho hoà bình, phúc cho những ai bị bách hại vì lẽ công chính (x. Mt 5, 3-10).
Trước thềm năm mới, chúng ta hãy khẩn cầu các thánh là những người đã được xem là phúc nhân, đặc biệt xin Mẹ Maria, là ‘Đấng đầy ơn phúc’, giúp con cái Mẹ trở thành những phúc nhân trong năm mới, nhất là trước tòa Chúa Giêsu Kitô, Con Mẹ đến muôn thủa muôn đời ! Amen.
.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
Thi đàn Trung Quốc từ cổ chí kim nổi lên một tên tuổi lớn, đó là nhà thơ Lý Bạch, thời Thịnh Đường (701 – 762). Ông tự xem mình như tiên ông bị lưu đày xuống thế. Ông ưa sống kiếp lãng du, say mê vẻ đẹp đất trời, vẻ đẹp sông núi, trăng sao…
Theo truyền tụng nhân gian, vào một đêm trăng tỏ, Lý Bạch buông thuyền xuôi theo giòng sông Thái Trạch lấp lánh ánh trăng đêm. Ông đàn hát ngâm vịnh và uống rượu thưởng thức trăng.
Càng về khuya, men rượu nồng bốc lên càng làm ngây ngất lòng thi sĩ. Sông nước, cảnh vật lúc ấy càng huyền ảo nên thơ. Ông cảm thấy mình như đang lạc vào chốn bồng lai. Mảnh trăng diệu huyền in hình dưới làn nước lung linh như đang gọi mời ông tao ngộ.
Thế là ông nhoài mình qua mạn thuyền, cúi thật sâu xuống nước để ôm lấy vầng trăng mà ông say đắm lâu nay.
Than ôi! Ông đã bỏ hình bắt bóng và giòng sông oan nghiệt đã kết liễu đời ông.
Trên cao, vầng trăng thật như đang mỉm cười chế giễu ông.
***
Truyền thuyết về nhà thơ họ Lý cũng là một bức tranh sống động diễn tả thực trạng của người thời đại. Nhân loại hôm nay đang khao khát kiếm tìm hạnh phúc, nhưng họ đâu biết rằng Thiên Chúa là cội nguồn của hạnh phúc.
Như thể chỉ có một vầng trăng thật in thành hàng tỷ chiếc bóng trăng trên các ao hồ khe suối, thì cũng chỉ có một Cội Nguồn hạnh phúc (là Thiên Chúa) toả xuống vô vàn mảnh vụn hạnh phúc nơi các sự vật phù du ở đời.
Thế là thay vì tìm về Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa, người ta dại dột đâm đầu vào những chiếc bóng của hạnh phúc nơi những tạo vật phù du.
Quả thế, người ta tưởng hạnh phúc nằm nơi bạc tiền, của cải, nơi lạc thú vật chất… nên người ta đâm đầu vào đó như những những con thiêu thân lao vào lửa, như Lý Bạch nhào xuống nước tìm trăng.
Thời thanh xuân, Augustino là con người khao khát hạnh phúc cách mãnh liệt. Anh bôn ba kiếm tìm hạnh phúc trong văn chương và triết lý, trong dục vọng và lạc thú trần gian… nhưng Anh đã thất vọng ê chề và cảm thấy tâm hồn chất ngất sầu đau. Mãi đến năm ba mươi ba tuổi, Augustino mới cảm thấy tất cả những lạc thú trần gian chỉ là ảo ảnh của hạnh phúc, chẳng khác chi bóng trăng in hình đáy nước và Anh ngộ ra rằng chỉ có Thiên Chúa mới là ‘Vầng Trăng’ thật, là Hạnh Phúc thật mà thôi. Bấy giờ, với tâm hồn tràn đầy hoan lạc, Augustino kêu lên: “Lạy Chúa, Chúa đã dựng nên con cho Ngài nên hồn con thổn thức khôn nguôi cho đến khi được an nghỉ trong Ngài”.
***
Qua trích đoạn Tin Mừng hôm nay, Chúa Giê-su chỉ cho chúng ta tám nẻo đường đưa nhân loại về cội nguồn hạnh phúc, đó là tám mối phúc thật. Ai bước theo tám nẻo đường nầy chắc chắn sẽ đi đến Cội Nguồn hạnh phúc là Thiên Chúa. Tám nẻo đường đó được liệt kê như sau:
* Tinh thần nghèo khó: biết nhận ra sự nghèo nàn của nội tâm mình, nhận biết rằng mình không là gì cả, tất cả những gì ta có là của Chúa ban…
* Cư xử hiền lành, biết nhường biết nhịn và mềm mỏng với mọi người…
* Chấp nhận sầu khổ hơn là gây khổ đau cho người khác …
* Khao khát trở nên người công chính,
* Đầy lòng xót thương, đối xử nhân ái với mọi người…
* Tâm hồn trong sạch, không chất chứa điều tà, điều gian ác, điều bất công…
* Chung tay xây dựng hoà bình, sống hoà thuận với mọi người cũng như làm cho mọi người hoà thuận với nhau…
* Sẵn lòng chịu bách hại vì sống công chính thanh liêm …
Nẻo về Hạnh Phúc đã rộng mở.
Bí quyết vào Nước Trời đã được giải bày.
Vấn đề còn lại là chúng ta có chấp nhận bước theo con đường mà Chúa đã đề nghị với chúng ta hay không.
.
Trầm Thiên Thu
Chữ PHÚC (Phước) đứng đầu trong bộ ba Phúc-Lộc-Thọ, chứng tỏ Phúc là điều rất quan trọng. Bộ ba này được tượng trưng bằng ba ông già, gọi là Tam Đa. Ông Phúc tượng trưng cho sự may mắn, tốt lành, thường được đặt ở giữa ông Lộc và ông Thọ.
Trong Cựu Ước, PHÚC được nhắc tới nhiều: “Phúc thay người chẳng nghe theo lời bọn ác nhân, chẳng bước vào đường quân tội lỗi, không nhập bọn với phường ngạo mạn kiêu căng, nhưng vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1:1-2), hoặc: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người” (Tv 128:1). Và còn nhiều câu khác nữa (ví dụ một số câu: Lc 7:22-23, Lc 11:28, Lc 14:15, Ga 20:29, Rm 4:7-8, Rm 14:22, Gc 1:12, Gc 5:11, Kh 1:3, Kh 19:9, Kh 20:6, Tv 1:1-2, Tv 33:12, Tv 106:3, Tv 112:5, Tv 119:1-2, Tv 144:15, Tv 146:5, Hc 28:19, Cn 3:13, Cn 8:32, Cn 8:34, G 5:17, Is 56:2, Gr 17:7,…).
Trong Tân Ước, Đức Giêsu cũng thường nhắc đến PHÚC, đặc biệt là Bát Phúc (Tám Mối Phúc) trong Bài Giảng Trên Núi (Mt 5:3-12; Lc 6:20-23), cũng được gọi là “Hiến Chương Nước Trời”. Riêng với Tông đồ Phêrô, Chúa Giêsu đã nói: “Này anh Simôn con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời” (Mt 16:17).
Tuy nhiên, những người lười biếng, ưa nhàn rỗi hoặc ngồi chờ sung rụng thì không thể hưởng phúc, chẳng ai có thể ngồi mát mà thanh thản ăn bát vàng. Về tâm linh cũng vậy, muốn hưởng phúc thì phải chịu khổ, phải miệt mài “vác thập giá”.
Về điều kiện để hưởng phúc, sách Xô-phô-ni-a có lời hiệu triệu: “Hỡi tất cả những ai nghèo hèn trong xứ sở, những kẻ thi hành mệnh lệnh của Đức Chúa, anh em hãy tìm kiếm Người; hãy tìm sự công chính, hãy tìm đức khiêm nhường thì may ra anh em sẽ được che chở trong ngày thịnh nộ của Đức Chúa” (Xp 2:3). Cuộc tìm kiếm nào cũng vất vả, không thể nhàn hạ hoặc thoải mái. Lời hiệu triệu này cũng chính là lời cảnh báo mạnh mẽ dành cho chính mỗi người chúng ta ngày nay vậy!
Thiên Chúa là Đấng công chính và yêu người sống khiêm nhường, vì thế Ngài sẽ xua đuổi những kẻ kiêu căng đắc thắng, triệt hạ kẻ ngông nghênh tự phụ, như Ngài đã nói thẳng với dân Ít-ra-en: “Ta sẽ cho sót lại giữa ngươi một dân nghèo hèn và bé nhỏ; chúng sẽ tìm nương ẩn nơi danh Đức Chúa. Số dân Ít-ra-en còn sót lại sẽ KHÔNG làm chuyện tàn ác bất công, cũng KHÔNG ăn gian nói dối và miệng lưỡi chúng sẽ KHÔNG còn phỉnh gạt. Nhưng chúng sẽ được chăn dắt và nghỉ ngơi mà không còn bị ai làm cho khiếp sợ” (Xp 3:12-13). Ba cái “không” đó thực sự cần thiết, nhưng chúng ta lại thấy thường xảy ra trong cuộc sống hằng ngày – tức là người ta hành động trái ngược với “ba không” đó. Thà có ít người mà tốt lành còn hơn nhiều người mà toàn “cá mè một lứa”, bụng dạ xấu xa, tâm địa độc ác, sống giả hình,…
Những người sống lưỡng diện hoặc đa diện đều không phù hợp với Thiên Chúa. Tại sao? Tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Người là Đấng tạo thành trời đất với biển khơi cùng muôn loài trong đó. Người là Đấng giữ lòng trung tín mãi muôn đời” (Tv 146:6). Thiên Chúa chí minh và chí thiện, Ngài “xử công minh cho người bị áp bức, ban lương thực cho kẻ đói ăn, giải phóng những ai tù tội, mở mắt cho kẻ mù loà, cho kẻ bị dìm xuống đứng thẳng lên, yêu chuộng những người công chính, phù trợ những khách ngoại kiều, nâng đỡ cô nhi quả phụ, nhưng phá vỡ mưu đồ bọn ác nhân” (Tv 146:7-9).
Thiên Chúa toàn năng, tất cả đều bởi Ngài và nhờ Ngài. Tác giả Thánh Vịnh xác định: “Chúa nắm giữ vương quyền muôn muôn thuở, Sion hỡi, Chúa Trời ngươi hiển trị ngàn đời” (Tv 146:10). Lời nhắc nhở và xác định này không chỉ dành cho dân Sion ngày xưa, mà dành cho cả mọi người và mọi thời, trong đó có chúng ta ngày nay.
Phàm nhân chúng ta yếu đuối, mọn hèn, đó là điều chắc chắn. Biết thế mà chúng ta vẫn “chảnh”, ảo tưởng và mạo nhận. Không làm được gì thì lấm la lấm lét, có vẻ “nhu mì” lắm, nhưng làm được chút gì thì vội vênh vang tự đắc, coi không ai ra gì, thả ga quá trớn, hứng chí sảng nên phát ngôn bừa bãi, thậm chí sai cả tín lý. Đã từng có những người như vậy, đáng quan ngại vì đó lại là linh mục. Lạy Chúa, nguy hiểm quá!
Con người rất dễ ảo tưởng, mq biết điều đó nên chúng luôn khôn khéo thúc giục chúng ta đề cao “cái tôi” của mình. Luxiphe là “tấm gương to lớn” phản chiếu sự kiêu ngạo mà chúng ta phải can đảm nhìn vào để nhận thấy sự mê muội của mình. Chúa Giêsu đã cảnh báo rất nhiều lần, rồi Thánh Phaolô cũng phải lên tiếng nhắc nhở và phân tích tỉ mỉ: “Thưa anh em, anh em thử nghĩ lại xem: khi anh em được Chúa kêu gọi thì trong anh em đâu có mấy kẻ khôn ngoan trước mặt người đời, đâu có mấy người quyền thế, mấy người quý phái. Song những gì thế gian cho là điên dại thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ khôn ngoan, và những gì thế gian cho là yếu kém thì Thiên Chúa đã chọn để hạ nhục những kẻ hùng mạnh; những gì thế gian cho là hèn mạt không đáng kể, là không có thì Thiên Chúa đã chọn để huỷ diệt những gì hiện có, hầu không một phàm nhân nào dám tự phụ trước mặt Người” (1 Cr 1:26-29). Cách thức của Thiên Chúa hoàn toàn khác với cách thức của chúng ta. Liệu chúng ta có nhận ra?
Càng nhận biết Thiên Chúa thì chúng ta càng có thể nhận diện chính mình, nhờ đó mà “cái tôi” sẽ mờ nhạt dần dần. Thánh Phaolô nói thêm: “Phần anh em, chính nhờ Thiên Chúa mà anh em được hiện hữu trong Đức Kitô Giêsu, Đấng đã trở nên sự khôn ngoan của chúng ta, sự khôn ngoan phát xuất từ Thiên Chúa, Đấng đã làm cho anh em trở nên công chính, đã thánh hoá và cứu chuộc anh em, hợp như lời đã chép rằng: Ai tự hào thì hãy tự hào trong Chúa” (1 Cr 1:30-31). Sự tự hào như vậy mới thực sự có giá trị, nhưng cũng nên lưu ý rằng sự tự hào và sự kiêu ngạo rất dễ hoán chuyển lẫn nhau, vì chúng khá giống nhau.
Hãnh diện vì Chúa là một dạng Phúc. Có nhiều dạng Phúc, nhưng đặc biệt hơn cả là Bát Phúc mà chính Chúa Giêsu cho chúng ta biết, được Thánh sử Mát-thêu ghi lại chi tiết trong trình thuật Mt 5:1-12 (mạch lạc hơn Lc 6:20-23).
Một hôm, Đức Giêsu lên núi và thấy có đám đông theo mình. Họ là những người từ miền Ga-li-lê, vùng Thập Tỉnh, thành Giêrusalem, miền Giu-đê và vùng bên kia sông Gio-đan. Họ theo Chúa Giêsu vì lúc này danh tiếng Ngài bắt đầu nổi như cồn về cách giảng dạy thu hút và chữa lành nhiều bệnh nhân. Khi đó, Ngài ngồi xuống, các môn đệ cũng ngồi gần bên. Ngài điềm tĩnh nói với họ 8 điều (Mt 5:3-10), vừa ngắn gọn vừa dễ nhớ:
- Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
- Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
- Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
- Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
- Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
- Phúc thay ai có tâm hồn TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
- Phúc thay ai xây dựng HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
- Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.
Cuối cùng, Ngài nói thêm: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta SỈ VẢ, BÁCH HẠI và VU KHỐNG đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao. Quả vậy, các ngôn sứ là những người đi trước anh em cũng bị người ta bách hại như thế” (Mt 5:11-12).
Đó là bản Đệ Nhất Tuyên Ngôn về Nước Trời, chắc chắn không bản tuyên ngôn nào ngắn gọn và súc tích hơn vậy – từ cổ chí kim. Thiết tưởng cũng nên biết thêm rằng, sau khi đọc Bản Tuyên Ngôn Nước Trời, vĩ nhân Gandhi (vị Cha già Đáng kính của dân tộc Ấn Độ, được dân Ấn coi là thánh nhân) đã tuyên bố rằng Bài Giảng Trên Núi là bản tuyên ngôn HAY NHẤT, và nhờ đó mà ông cảm thấy yêu mến Chúa Giêsu.
Tuy nhiên, chúng ta lại phải suy tư nhiều và tự xét mình về nhận xét của ông Gandhi: “Nếu những người Công giáo sống đúng theo Tin Mừng Đức Kitô thì dân tộc của tôi bớt khổ. Tôi sẵn sàng làm Kitô hữu nếu tôi tìm được những Kitô hữu thực thi Bài Giảng Trên Núi”. Có lẽ chúng ta phải tự cảm thấy vô cùng xấu hổ!
Trong Bản Tuyên Ngôn Nước Trời, Chúa Giêsu không hề nói bóng gió, Ngài nói rất rõ ràng và mạch lạc, để ai cũng có thể dễ dàng hiểu, dù đó là ai. Thế nhưng đôi khi có lẽ chúng ta vẫn “ngại” hiểu, hoặc cố tình không hiểu, chứ không phải không hiểu. Và Thánh Phaolô cũng khuyên rất rạch ròi: “Đừng để cho sự ác thắng được mình, nhưng hãy lấy thiện mà thắng ác” (Rm 12:21).
Hôm nay không chỉ là Chúa Nhật – ngày của Thiên Chúa, mà còn là ngày đặc biệt của dân Việt Nam: Tết Nguyên Đán. Một điều đặc biệt nữa là Mồng Hai Tết: ngày kính nhớ tổ tiên, ông bà và cha mẹ – những thân nhân của chúng ta. Tin Mừng hôm nay đề cập Bát Phúc là một sự trùng hợp kỳ lạ.
Chúng ta đang tận hưởng một dạng Phúc do Thiên Chúa tặng ban: mừng Xuân và ăn Tết Đinh Dậu. Tiếng Gà gáy sáng gợi lên nhiều điều chúng ta cần suy tư để cố gắng sống trong năm Con Gà này, đặc biệt là lời nhắc nhở của Con Gà về việc sám hối – như Thánh Phêrô đã phải “giật mình” vì tiếng Gà gáy sáng, và ông đã khóc lóc thảm thiết (x. Mt 26:75; Mc Mc 14:72; Lc 22:61; Ga 18:15-18, 25-27), mặc dù Chúa Giêsu đã cảnh báo trước đó (x. Mt 26:34; Mc 14:30; Lc 22:34).
Ước gì mỗi chúng ta trở thành những “con gà tốt lành” của Thiên Chúa để đánh thức chính mình và tha nhân!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp con khả dĩ cảm nghiệm sự thâm thúy của chữ Phúc mà Ngài muốn con hiểu ý nghĩa đích thực theo Thánh Ý Ngài qua việc chịu đau khổ hằng ngày. Xin giúp con biết trang sức cuộc đời con bằng Thập Giá của Đức Giêsu Kitô, Con Yêu Dấu của Ngài. Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ nhân loại. Amen.
.
Lm. Trần Việt Hùng
Bên đồi Chúa giảng công khai,
Đoàn dân tụ họp, nghe bài phúc ân.
Phúc ai nghèo khó thiện chân,
Nước Trời rộng mở, tinh thần lạc an.
Hiền lành, đất nước trao ban,
Đau buồn khổ não, ủi an tâm hồn.
Khát mong công chính hiền ngôn,
Tâm hồn no thỏa, kính tôn Vua Trời.
Phúc ai thương xót người đời,
Xót thương đáp trả, tuyệt vời thế nhân.
Tấm lòng trong sạch thanh bần,
Nhìn xem Thiên Chúa, thiên thần hát ca.
Phúc ai ăn ở thuận hòa,
Là con Thiên Chúa, thật là quí thay.
Những ai bách hại lẽ ngay,
Quê Trời gia sản, cơ may trong đời.
Người đời ghen ghét tách rời,
Vu oan cáo vạ, những lời thị phi.
Tin rằng Chúa rất từ bi,
Trao ban phần thưởng, thực thi công bình.
Từ tạo thiên lập địa, con người đã mong ước và đi tìm hạnh phúc. Từ những hạnh phúc nho nhỏ trên trần gian đến hạnh phúc bất diệt. Như ông Adong xưa ở một mình không vui, Chúa đã tạo dựng cho ông người bạn đồng hành. Ông vui mừng và cảm thấy hạnh phúc quá lẽ. Hai người sống hạnh phúc bên nhau. Nhưng rồi hạnh phúc chẳng được bao lâu vì ông bà muốn có hạnh phúc hơn. Muốn có mọi sự, ông bà đã đánh mất hạnh phúc thật trong khi đi tìm hạnh phúc giả tạo.
Con người đã không ngừng tìm kiếm hạnh phúc, nhất là hạnh phúc vĩnh cửu. Nhưng con người vẫn cứ luẩn quẩn trong khổ lụy. Phật Thích Ca mở đầu bài thuyết pháp nói rằng: “Đời là bể khổ”. Từ khi sinh ra đã mang tiếng khóc chào đời, qua tháng ngày sống bon chen, rồi bệnh tật và già nua rồi chết. Con người chỉ ngụp lặn trong bề khổ mà thôi.
Chúa Giêsu khai mở một con đường tích cực đi tìm hạnh phúc qua Tám Mối Phúc Thật. Con đường Phúc Thật đi ngược dòng với những kiếm tìm hạnh phúc tạm bợ. Không phải chúng ta có nhiều của cải, có thế giá, có danh vọng là chúng ta có hạnh phúc. Phúc Thật mà Chúa Giêsu giới thiệu là hạnh phúc của tâm hồn. Là tinh thần nghèo khó, tha thứ, thướng xót, trong sạch và chịu thiệt thòi, bắt bớ vì đạo.
Câu truyện sống khó nghèo của cha thánh Vianney. Một ông cụ kể, một hôm thấy cha Vianney đi tuần đại phúc trở về lúc trời xẩm tối. Giữa đường vắng, tôi gặp ngài. Ngài vồn vã thăm hỏi. Tôi chào ngài và nói sơ qua tình trạng khó khăn trong gia đình của tôi đang gặp phải. Cha Vianney nói: Thật tội nghiệp gia đình ông. Rồi ngài xỏ tay vào túi kiếm chút tiền giúp đỡ nhưng trong túi chẳng có xu nào. Nhìn trước nhìn sau, ngài bảo tôi đợi chút. Ngài rón rén ra sau lùm cây một chốc. Mấy phút sau ngài trở lại đưa tôi một món qùa nhỏ. Ngài nói: Cha không có gì, ông vui lòng cầm lấy chiếc quần này đem bán kiếm tiền mua bánh cho các cháu.
Thật hạnh phúc biết bao khi biết cho đi. Các mối Phúc Thật là con đường dẫn chúng ta tới sự thánh thiện. Chúa Giêsu đã hoàn thành cả tám mối Phúc trong đời sống của Ngài. Ước chi mỗi người chúng ta sống được một Phúc Thật, cũng đủ cho chúng ta được hạnh phúc bên Chúa đời đời.
.
SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 THƯỜNG NIÊN_A
Lm. Anthony Trung Thành
Là con người, ai trong chúng ta cũng mong muốn được hạnh phúc, nhưng quan niệm về hạnh phúc thì khác nhau: Có người cho rằng hạnh phúc là có nhiều tiền bạc của cải; có người cho rằng hạnh phúc là có vợ đẹp con khôn; có người cho rằng hạnh phúc là có quyền cao chức trọng; có người cho rằng hạnh phúc là được sống lâu…
Chính vì quan niệm như thế, cho nên có những người đang dùng những mánh khóe lừa gạt để kiếm cho được nhiều tiền, bất chấp luân thường đạo lý, lẽ công bằng. Họ đang tích trữ kho tàng vật chất để sống hưởng thụ mà quên đi tình bác ái với anh chị em đồng loại; có những người đang tự hào về sắc đẹp của mình, thậm chí dùng sắc đẹp để thỏa mãn dục vọng, phỉnh gạt người khác nên đã gieo biết bao đau khổ cho tha nhân; có những người đang cố gắng dùng quyền lực để cai trị, để kiếm chác nên đã làm khổ dân nước…
Tôi có một người bạn, thi trường Đại Chủng viện 3 lần đều rớt, nên anh tìm đến dòng tu. Ở được một năm thấy không hợp, anh ta trở về cưới vợ. Sau một thời gian gặp lại, anh ta kể cho tôi nghe về vợ con, nhà cửa, nghề nghiệp và mọi thứ. Anh ta rất bằng lòng với cuộc sống của mình. Tôi nhận thấy anh ta rất hạnh phúc. Nhưng sau đó, tôi lại nghe tin vợ anh ta dính líu vào vụ làm ăn gian lận sao đó, nợ nần chồng chất. Người ta thay nhau đến đòi nợ. Nhà cửa, tài sản, đất đai của gia đình anh ta không cánh mà bay. Cuối cùng, vợ anh ta bỏ trốn. Anh ta trở thành cái bia để cho người ta xỉ vả, chửi bới.
Hóa ra, những thứ hạnh phúc ở đời này quá mong manh: vợ đẹp con khôn, chức quyền danh vọng, của cải… có thể nay còn mai mất. Vì thế, Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói rằng: “Đặt niềm tin nơi ta, hay nơi của cải, tiền bạc, quyền lực, rất có thể chúng sẽ mang đến cho ta “một cảm giác sung sướng nhất thời, một ảo tưởng hạnh phúc” và cuối cùng, “chúng sẽ chiếm hữu ta, khiến ta luôn muốn có nhiều hơn, không bao giờ được thoả mãn.” Pic de la Mirandole cũng đã nói: “Tìm hạnh phúc nơi tạo vật là một điên khùng. Hạnh phúc thật chỉ có thể gặp thấy trong Thiên Chúa.”
Thật vậy, chỉ có Chúa và những gì thuộc về Chúa mới là hạnh phúc vĩnh cửu. Thánh nữ Têrêxa Avilla đã nói: “Tất cả sẽ qua đi, chỉ mình Chúa mới tồn tại muôn đời.” Thánh Augustinô sau một thời gian đi tìm khoái lạc, hạnh phúc ở đời này, cuối cùng cũng đã thú nhận rằng: “Lạy Chúa, Chúa dựng nên con cho Chúa, linh hồn còn vẫn còn khắc khoải lo âu cho đến khi được yên nghỉ trong Chúa.”
Nhưng để có hạnh phúc vĩnh cửu nơi Chúa, chúng ta phải thực hành những gì Chúa dạy, phải đi con đường Chúa đã đi. Con đường đó, các Thánh cũng đã từng đi qua. Đó không phải là con đường rộng rãi thênh thang, con đường của êm ái mà là con đường của hy sinh, từ bỏ, con đường của thập giá. Con đường đó là con đường của Tám Mối Phúc Thật mà chúng ta vừa nghe qua đoạn Tin mừng hôm nay (x. Mt 5,1-12a): Đó là biết sống tinh thần nghèo khó, biết sử dụng tốt những của cải Chúa ban, biết sẻ chia cho những người đói khát, nghèo nàn; đó là biết sống hiền lành, cư xử nhẹ nhàng, mềm dẻo với những người xung quanh; đó là biết khóc lóc, sầu buồn, hối hận vì những lỗi lầm mình đã gây nên, giống như thánh Phêrô đã ăn năn khóc lóc mỗi khi gà gáy vì nhớ đến tội chối Chúa của mình; đó là biết khao khát điều công chính, mong muốn mình trở nên tốt hơn, hoàn thiện hơn; đó là biết thương xót người, nhất là những người cô thế cô thân, những người sống bên lề của xã hội, giống như gương của Mẹ Thánh Têrêxa Calcutta: “Hạnh phúc có nghĩa là yêu như Chúa đã yêu, giúp đỡ như Người đã giúp đỡ, hy sinh như Người đã hy sinh, phục vụ như Người đã phục vụ…”; đó là biết sống trong sạch trong tư tưởng, lời nói, việc làm; đó là biết xây dựng sự hòa bình, hòa thuận, không gây gỗ, chia rẽ, bất hòa với ai. Nếu lỡ bất hòa với ai thì biết làm hòa trước khi mặt trời lặn hoặc trước khi lên dâng của lễ trên bàn thờ; đó là biết bênh vực cho công lý và sự thật dầu có phải chịu đựng sự bách hại vì lẽ công chính: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh, chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân; vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ, chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.” (Lời kinh hòa bình của Thánh Phanxicô Assisi).
Vậy, chúng ta đang đi tìm thứ hạnh phúc nào? Hạnh phúc nơi Chúa hay hạnh phúc nơi của cải, tiền bạc, quyền lực? Xin cho chúng ta không đặt tin tưởng nơi của cải, tiền bạc, quyền lực và những thứ ở đời này nhưng hãy tìm kiếm hạnh phúc nơi Chúa, hạnh phúc của Tám mối phúc thật, đó là hạnh phúc của Nước Thiên Đàng.
Lạy Chúa, xin cho chúng con luôn biết tìm kiếm hạnh phúc thật đó là hạnh phúc nơi Chúa, hạnh phúc trên Thiên Đàng. Amen.
.
AM Trần Bình An
Báo chí địa phương đưa tin vụ việc trên xảy ra ở tỉnh Quảng Tây. Theo đó, bà cụ họ Yang bị nhốt trong một căn phòng rộng vỏn vẹn 10 m vuông và phải ngủ trên một băng ghế gỗ, trích bài viết của tờ Southern Morning Post (SMP) hôm 12/1/2017. Tình cảnh của bà Yang được một phụ nữ địa phương công bố trên mạng xã hội với những hình ảnh quay cảnh bà ngồi đằng sau song sắt của cánh cửa. “Sao các người có thể để bà ấy sống ở đây và không cho bà ấy ăn?” người phụ nữ hỏi những người nhốt bà Yang.
Đoạn clip trên nhanh chóng đạt hơn 1,8 triệu lượt xem sau khi được đăng tải lên mạng vào ngày 6/1/2017. Nhiều người dùng mạng đã bày tỏ sự phẫn nộ trên các trang mạng xã hội Trung Quốc, gọi con trai và con dâu của bà Yang là “cầm thú”, “cặn bã” và kêu gọi “trừng phạt” hai người này. Sự giận dữ càng tăng thêm sau khi tờ SMP tiếp tục đăng tải các bức ảnh về thân hình suy dinh dưỡng nặng của bà Yang trong quá trình kiểm tra sức khỏe. Theo thông tin của tờ báo này, hiện tại bệnh viện địa phương đang chăm sóc bà cụ trong khi người dân địa phương ra tay giúp đỡ bằng cách cung cấp chăn ga gối đệm và quần áo.
Tuy nhiên, tờ SMP dẫn lời con trai của bà Yang, anh Wu, cho biết bà tình nguyện dọn vào sống trong lồng vì sợ tình trạng tiểu tiện không tự chủ của mình “đem lại gánh nặng cho con cái và khiến căn nhà có mùi hôi”. Cảnh sát cho biết Wu và vợ anh này bị tình nghi ngược đãi mẹ, nhưng nếu bà Yang là người tự nguyện, họ có thể sẽ không phải đối mặt với các cáo buộc.
Trường hợp của bà Yang không phải câu chuyện đầu tiên khiến nhiều người giận dữ. Vào năm 2014, một bà cụ 90 tuổi khác ở tỉnh Hà Nam đã qua đời vì phải chịu đựng tình cảnh tương tự.
Những tháng gần đây, các câu chuyện như trên đã báo động tình trạng bỏ bê cha mẹ lớn tuổi của một bộ phận người Trung Quốc và tạo ra các cuộc tranh luận trên mạng xã hội. Vào tháng 11-2016, hàng ngàn cư dân mạng bày tỏ sự phẫn nộ trước một đoạn clip quay ở tỉnh Hà Nam, cho thấy một người đàn ông 62 tuổi, nhặt rác và ăn thức ăn thừa ở nhà hàng để không phải làm gánh nặng cho con gái.
Cũng trong tháng này, câu chuyện về một cụ bà 70 tuổi ở tỉnh Tế Nam phải đi bán rau củ xuyên đêm trên lề đường để giúp con trai mua nhà khiến nhiều người băn khoăn. Một người dùng mạng cho biết sự việc này cho thấy “xã hội đã trở nên quái đản như thế nào.” (Bảo Hạnh, Con nhốt mẹ già 92 tuổi trong chuồng heo gây phẫn nộ, theo BBC)
Chủ nghĩa duy vật và xu hướng hưởng thụ, thực dụng, tục hoá đã xói mòn, quên lãng và từ chối đạo hiếu, vốn từ lâu rất thịnh hành trong những quốc gia Đông Á. Không riêng ở Trung quốc, mà ngay tại đất Việt cũng nhan nhản con cái bất hiếu, bất kính các đấng sinh thành. Trong Tin Mừng Chúa Nhật hôm nay, Đức Giêsu nhấn mạnh bổn phận báo hiếu, tôn kính ông bà, cha mẹ.
Phúc thay người hiếu đễ
Trong sách Xuất Hành, Lời Chúa ân cần răn dạy: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất, mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi ban cho người.” (Xh 20, 12) Còn trong sách Đệ Nhị Luật, Lời Chúa nhắn nhủ còn tha thiết hơn nữa:“Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu và để được hạnh phúc trên đất, mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi.” (Đnl 5, 16)
Thánh Phaolô cũng không quên khuyên nhủ phận làm con: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo. Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Eph 6, 1-3).
Với dân Việt, đạo hiếu đã thấm đậm vào tâm hồn dân tộc, phản ảnh qua ca dao, tục ngữ, nay vẫn còn truyền tụng dân gian. Hiếu thảo với cha mẹ, ông bà, tổ tiên trước hết là biết ơn, cảm tạ, ghi lòng tạc dạ công lao vất vả sinh thành, dưỡng dục nên người.
Công cha như núi ngất trời,
Nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông.
Núi cao biển rộng mênh-mông,
Cù-lao chín chữ, ghi lòng con ơi!
Sách Huấn Ca dạy con cái phải chu đáo hiếu thảo với cha mẹ già: “Con ơi, hãy săn sóc cha mẹ con khi người đến tuổi già; bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn con cũng phải cảm thông, đừng cậy mình sung sức mà khinh dể người” (Hc 3, 12-14).
Mẹ già đầu bạc như tơ,
Lưng đau con đỡ, mắt mờ con nuôi.
Dẫu khó khăn, nghèo túng, vì chữ hiếu, con cái vẫn phải tận tuỵ hy sinh, chẳng để cha mẹ phải chịu cùng cực thiếu ăn, thiếu mặc.
Đói lòng ăn hột chà-là,
Để cơm nuôi mẹ, mẹ già yếu răng.
Đói lòng ăn trái ổi non,
Nhịn cơm nuôi mẹ, cho tròn nghĩa xưa.
Hiếu thảo còn là kính thờ ông bà, cha mẹ đã khuất núi, không chỉ nhang hoa đèn nến, mà bằng chính những lời cầu nguyện tha thiết, xin Chúa cho các ngài hưởng phúc viên mãn. Cũng như nguyện các ngài phù giúp con cái đang còn bấp bênh trong đời.
Đêm đêm thắp ngọn đèn trời,
Cầu cho cha mẹ sống đời với con
Khốn thay kẻ bất hiếu
Dựa trên Lề Luật, Đức Giêsu phán: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử.” (Mt 15, 4) Từ xa xưa, sách Xuất Hành đã quy định rõ ràng án phạt tử hình nghiêm nhặt, dành cho kẻ bất hiếu, xúc phạm thô bạo danh dự, phẩm giá, hay thân thể cha mẹ: “Ai đánh cha mẹ thì phải bị giết chết… Kẻ nào nguyền rủa cha hoặc mẹ, thì phải bị giết chết.” (Xh 21, 15-17; Lv 20, 9)
Với đạo hiếu, dân Việt thường vẫn tin vào luật nhân quả nhãn tiền, rất sòng phẳng, hợp tình, hợp lý, khi hành xử, phụng dưỡng, báo đáp cha mẹ như thế nào.“Sóng trước đổ đâu, sóng sau đổ đấy!”
“Nếu mình hiếu với mẹ cha,
Chắc con mình cũng hiếu với ta khác gì?
Nếu mình ăn ở vô nghì,
Đừng mong con hiếu làm gì, uổng công?”
Tóm lại, hiếu thảo là luật Chúa dạy con người phải yêu mến, vâng phục và có trách nhiệm với cha mẹ về vật chất lẫn tinh thần. (GLHTCG) Vì tình hiền phụ của Thiên Chúa là nguồn mạch của tình hiền phụ nơi con người (Ep 3, 14), nên lòng hiếu thảo của Kitô hữu bắt nguồn từ lòng tôn thờ Thiên Chúa, Đấng là Cha của mọi người. (Từ Điển Công Giáo)
Tột cùng Thiện, không gì hơn hiếu,
Tột cùng Ác, không gì hơn bất hiếu.
“Khi con còn trẻ, con đi nơi con muốn, nhưng khi trưởng thành, người khác sẽ cầm tay con, nhiều người khác, nhiều bàn tay nhỏ sẽ níu lấy và lôi kéo con đến nơi con không muốn, nơi mà không bao giờ con dám đến, nơi mà không bao giờ con tin rằng con có sức đến… nhưng tình yêu có thể bắt buộc con làm tất cả!”(Đường Hy Vọng, số 465)
Lạy Chúa Giêsu, xin dạy chúng con luôn biết hiếu đễ, phụng dưỡng và kính nhớ với các đấng sinh thành, vì các ngài đã hiệp lực cùng Chúa sinh dưỡng, để chúng con được hạnh phúc và hưởng thọ ngay trên mặt đất này.
Khấn xin Mẹ cầu bầu cho chúng con biết báo đáp công ơn cha mẹ, ông bà, cho xứng đáng, để chúng con cũng được Chúa thương chúc phúc lành. Amen.
.
P. Trần Đình Phan Tiến
Người Việt Nam có câu tục ngữ “ Gieo gió , gặt bão”. Vâng, thưa quý vị, thưa các bạn, “gió” thì nhẹ hơn bão. Vì gió là là một luồng không khí “nhẹ “ hơn , bão là một luồng khí quyển nặng hơn. Vì vậy, “ bão “ có thể nói là : “kết quả thu được từ gió”. Vâng, nói đến bão thì thật khủng khiếp, vì những khu vực có bão đi qua đều để lại hậu quả của nó, tùy theo mức độ nhiều ít, nhưng một cơn bão, bao giờ cũng to lớn hơn một cơn gió.
Vâng, người xưa đã đúc kết được câu tục ngữ khá thâm thúy, mang ý nghĩa triết lý cao siêu. Vâng, “ gieo gì, gặt nấy” , thì nhẹ hơn là “ gieo gió, gặt bão”, vâng, cùng một chân lý, cùng một ý nghĩa, nhưng, “gieo gì gặt nấy ”, mang ý nghĩa” đơn giản “ hơn, vi : “ gieo lúa, thì gặt lúa” không ai gieo lúa mà gặt “cỏ” bao giờ. Nhưng, việc gặt tức “ thu hoặch ” bao giờ cũng nhiều hơn gấp bội, vì vậy, “ bão “ là “sự thu hoặch của gió ”.
Người gieo “ hạt giống “ Lời Chúa cũng vậy, một hạt gieo xuống, nhưng , khi thu hoặc một bông lúa thì cả mấy trăm hạt. Theo đó, việc làm dù thiện hay ác đều gặt lấy nhân quả của việc ấy.
Hôm nay đây, một lần nữa, Chúa Giêsu nhắc nhớ cho chúng ta một chân lý ấy. Vâng, người ta gọi : “Tám mối phúc thật “ hay “ Hiến Chương Nước Trời “ , đều không nằm ngoài ý nghĩa nêu trên.
Vâng, kính thưa quý vị. chẳng ai muốn “ Nghèo”, chẳng ai muốn “ khóc “ , chẳng ai muốn “ đói , khát”, chẳng ai muốn bị “ bách hại”. Thiên Chúa càng không muốn điều ấy, tức sự dữ, sự xấu xảy ra cho nhân thế. Nhưng, vốn sự dữ đã xâm nhập thế gian, sự dữ đã tàn phá thế gian, sự dữ muốn hủy diệt thế gian, vì vậy, sự dữ vẫn “ được phép” xảy ra. Khi sự dữ xảy ra như vậy, thì Chúa Giêsu không giáo huấn chúng ta “ chống lại “ sự dữ một cách tiêu cực, mà là Người dạy chúng ta” chấp nhận “ sự dữ như một “ phương thuốc “ tất yếu của nó. Vì sao thưa quý vị ? Thưa, vì , trước hết, chúng ta không đủ sức chống lại cái ác. Vì, theo giáo huấn của Chúa Giêsu cũng phù hợp với chân lý tự nhiên nêu trên. Từ đó, nảy sinh hai hướng tích cực như sau :
- Một là : Thiên Chúa là Ông Chủ công bằng và nhân ái.
- Hai là : sự thu hoạch bao giờ cũng nhiều hơn lúc gieo trồng.
Theo đó, chúng ta thấy Tám Mối Phúc Thật là một dẫn chứng của Chúa Giêsu về chân lý nêu trên , vì,
“ Phúc cho ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” ( c 3)
Vâng, ngay mối phúc thứ nhất, chúng ta thấy được một sự “ lời lãi” của Nước Trời. Nhưng, cần nhớ rằng “ tâm hồn “ chứ không phải “thể xác“. Vì, một người “ nghèo khó “ về tâm hồn, có nghĩa là người ấy biết “ bao dung “ , biết “thi ân “, biết “ cho đi ” và cho đi chính mình. Tâm hồn nghèo khó là một tâm hồn quảng đại. Tâm hồn “ nghèo khó “ là tâm hồn khiêm nhường, một tâm hồn “ tự cao “ mặc nhiên không phải là tâm hồn nghèo khó.
Tâm hồn nghèo khó là một tâm hồn ẩn chứa bên trong một tình yêu của Thiên Chúa. Chúa Giêsu nói đến “ tâm hồn “ là Người muốn nói “thế giới nội tâm “. Vì, một con người diện mạo bảnh bao, nhưng có “lòng bác ái “, tức sự “ cho đi ”, thì tâm hồn ấy biết chia sẻ, là “ làm nghèo “ bớt sự tư hữu của họ, mặc nhiên, hơn một người ăn mặc “ rách rưới “, nhưng không có “ tâm hồn “ biết cho đi, như vậy, tâm hồn ấy trở nên “ làm giàu “ cho chính bản thân họ. mặc nhiên, người ấy không thể có được Nước Trời.
Vậy, từ đó suy ra” Nước Trời “ không phải là “địa lý “, mà là nới có Thiên Chúa ngự trị. Vì , Thiên Chúa không thích ngự trị trên những đám mây, tầng mây, mà là Thiên Chúa thich ngự trị trong tâm hồn nhân thế. Tại sao vậy ? Thưa , quý vị, thưa, nếu Thiên Chúa thích ngự trị trong, trên những đám mây, thì Thiên Chúa không tạo dựng loài người làm chi cho “ mệt “, vì, khi con người sa ngã, thì Thiên Chúa phải cứu độ.( Ai đọc kinh Phụng Vụ sẽ biết )
Như vậy, Nước Trời không phải là một lãnh địa để cho “ nhân thế “ định cư. Vậy, Nước Trời là nơi có Thiên Chúa. Một tâm hồn nghèo khó là tâm hồn biết đ1o nhận Thiên Chúa, tâm hồn nghèo khó là tâm hồn biết “ tiết chế “ dục vọng, biết dẹp bỏ, bớt “ tham , sân, si”, nói tóm lại, “tâm hồn nghèo khó “ là “ tâm hồn biết tu “.
Vậy, “tu “ là một phương pháp tập cho có được “tâm hồn nghèo khó”, chúng ta thấy tất cả các thánh là những người có “ tâm hồn nghèo khó”, mặc nhiên, đúng như Lời Chúa Giêsu nói : “Nước Trời là của họ “.
Thánh nữ Teresa Hài Đồng chẳng hạn, người trở nên nhỏ bé, có nghĩa là “ tâm hồn nghèo khó ”, vậy “ tâm hồn nghèo khó là “ tâm hồn “ biết cho đi. Mặc nhiên , đối nghịch với “ tâm hồn ích kỷ ”.
Chắc chắn rằng, không ai có thể cho những gì mình không có, nhưng, Thiên Chúa không bao giờ “ vô lý “ vì Ngài là CHÂN LÝ mà, không nhưng là Chân Lý, mà còn là TÌNH YÊU nữa. Vì thế, không ai “nghèo” đến nỗi không có gì, thì trong khi ấy , họ vẫn có một “ TÂM HỒN “, Tâm Hồn của Thiên Chúa, Tâm Hồn cho Thiên Chúa và Tâm Hồn thuộc về Thiên Chúa. Vâng, lúc bấy giờ, mặc nhiên, “Nước Trời “ là của họ .
Vâng, “ gieo gì, gặt nấy “ tuy là chân lý, nhưng, thật gần gũi với nhân thế. Nếu, chúng ta biết đón nhân Thiên Chúa, mặc nhiên , Người không thể bỏ rơi chúng ta. Như vậy, tâm hồn nào biết đón nhận Thiên Chúa, thì tâm hồn ấy nhận được sự khôn ngoan.
Ngày 20/01/2017, Đất Nước Hoa Kỳ đó nhận một Tân Thổng Thống thứ 45, trong bài Diễn Văn nhậm chức, câu đầu tiên ông Donal Trump nói không phải thưa “ đảng” của ông ấy, mà thưa ông Chánh Án Roberts, theo đó, nói lên được rằng, Nước Mỹ tôn trọng “ công lý “. Đồng thời , ông Trump xin ơn “ khôn ngoan “ từ Thiên Chúa, để dẫn dắt Đất Nước Hoa Kỳ phồn vinh, thịnh vượng. Ông ta nói : “ Nước Mỹ trên hết “, nhưng, được đặt dưới sự “ bảo trợ” của Thiên Chúa.
Chúng ta sẽ thấy, Thiên Chúa không bao giờ ghét bỏ những ai “ Tôn Vinh “ Người.
Lạy Thiên Chúa là Cha nhân từ, Cha đã ban Ngôi Lời của Cha cho nhân loại là Đức Giêsu – Kitô, Đấng xuống thế làm Người để truyền rao chân lý của Cha. Xin cho nhân loại biết đón nhận chân lý duy nhất ấy mà noi theo, hầu đến đước bến bề ơn cứu độ của Cha.Chúng con cầu xin nhờ Đức Kitô , Chúa chúng con ./. Amen.
.
TÁM MỐI PHÚC – “CĂN CƯỚC CỦA KITÔ HỮU”
JM. Lam Thy
Suy niệm Tin Mừng CN IV/TN-A (Mt 5, 1-12a), chợt nhớ đến bài giảng có cùng chủ đề về “Tám Mối Phúc” của ĐTC Phan-xi-cô (trong Thánh lễ sáng ngày 6/6/2016 tại Nhà nguyện Thánh Marta). ĐTC đã nhấn mạnh: “Các mối phúc như những “hoa tiêu” chiếu sáng trên con đường của đời sống Ki-tô hữu, như một “chương trình hành động”, như một “giấy căn cước của Ki-tô hữu”. Nếu anh chị em tự hỏi mình làm thế nào tôi có thể trở thành một Ki-tô hữu tốt, thì đây là câu trả lời của Chúa Giê-su, một câu trả lời dẫn đến một thái độ đi ngược lại não trạng con người ngày nay rất nhiều.” Cuối bài giảng, ĐTC kết luận: “Tám Mối Phúc Thật đại diện cho “một chương trình sống” chính Chúa Giê-su đã ban cho chúng ta. Tuy đơn giản nhưng rất cam go. Nếu chúng ta muốn tìm kiếm thêm, Chúa Giê-su còn chỉ cho chúng ta một điều khác đã được viết trong Tin Mừng: “Vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han.” (Mt 25, 35-36). Với Tám Mối Phúc Thật – và nói chung, toàn bộ chương 25 sách Tin Mừng theo Thánh Mat-thêu – người ta có thể sống một đời sống Ki-tô hữu thánh thiện.” (nguồn: Vatican.net)
Sống một đời sống thánh thiện để có được “giấy căn cước Ki-tô hữu” đích thực, chính là một ước mơ hạnh phúc mà con người luôn mong ước đạt được cách viên mãn. Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó mang tính trừu tượng. Hạnh phúc là một cảm xúc bậc cao, được cho rằng chỉ có ở loài người, nó mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí. Hạnh phúc là luôn biết cảm nhận, khám phá những điều mới mẻ từ cuộc sống; là hoài bão sáng tạo nên những giá trị mới; là thực hiện được những điều mình ấp ủ, ước mơ. Hạnh phúc là khi con người tìm ra và trân trọng những niềm vui, những giá trị giản dị từ cuộc sống. Nếu chỉ tìm hiểu về ý nghĩa hạnh phúc thì chỉ cần một động tác nhỏ (mở tự điển) là xong, nhưng để có được hạnh phúc đích thực thì chuyện không còn là đơn giản nữa.
Nói về hạnh phúc thì mỗi người một cách, mỗi người một quan niệm. Có người thì nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi có được vợ đẹp con khôn, gia đình êm ấm”; người thì nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi có được đầy đủ cả tiền bạc và danh vọng”; cũng có người nói: “Tôi hạnh phúc vì tôi chẳng vướng vòng danh lợi, chẳng lụy chuyện phu thê, ngày ba bữa vỗ bụng rau bình bịch.” (“Ngày 3 bữa vỗ bụng rau bình bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no, Đêm 5 canh an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ.” – Nguyễn Công Trứ), Có người thì cho rằng hạnh phúc là sống thụ hưởng, sống hôm nay không cần biết đến ngày mai (Jean Paul Sartre với phong trào hiện sinh “Existentialisme”), lại cũng có người cho hạnh phúc là sống thanh tịnh vô vi, không màng đến thế sự (Lão Tử với thuyết “Vô vi” 無 為 ). Quan niệm về hạnh phúc cũng đa dạng, phong phú lắm, không dễ gì tìm được một điểm chung. Đa số những quan niệm đó đều nhắm vào hiện thực cuộc sống trần thế, và chính những hiện thực cuộc sống ấy đem lại cho chủ thể “trạng thái sung sướng” trong lãnh vực tinh thần. Nói cách cụ thể hơn, cái hạnh phúc hệ tại cuộc sống trần thế có thế đụng chạm, cầm nắm được (vật chất), nhưng khi có được nó rồi thì cảm thấy mãn nguyện, sung sướng (tinh thần).
Bài Tin Mừng hôm nay (CN IV/TB-A) trình thuật về bài giảng của Đức Giê-su giảng về “Tám mối Phúc” (Mt 5, 1-12a). Cứ theo tâm lý thông thường của người đời, trong 8 mối phúc thì có tới 3 mối phúc chẳng ai ham. Chẳng ai ham nghèo khó (dù cho đó có là “tâm hồn nghèo khó” chăng nữa), ham sầu khổ, ham bị bách hại. 5 mối phúc còn lại (hiền lành, khao khát đức công chính, thương người, trong sạch, xây dựng hoà bình) thì tuy không bị thiệt hại nặng cho bản thân, nhưng còn hạnh phúc thì cũng thấy mơ hồ, xa vời quá, nên cũng chẳng ham. Có lẽ vì thế, nên ĐTC Phan-xi-cô (trong bài giảng nêu trên) đã cho rằng Lời dạy của Đức Ki-tô về hạnh phúc “đi ngược lại não trạng con người ngày nay rất nhiều”. Cũng không hẳn là ngày nay, mà ngay cả ngày xưa thì “não trạng con người’ cũng không chấp nhận: Điển hình là khi nghe Đức Ki-tô giảng dạy thì cả đến những môn đệ, người thân cận, đồng hương với Người cũng phát biểu “lời này chướng tai quá, ai mà nghe nổi” (Ga 6, 60); “Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực.” (Lc 4, 28-29)
Vấn đề cần xét tới ở đây là những quy định, những điều kiện được đua ra trong cả 8 mối phúc đều là những điều kiện về tinh thần, về phương cách sống (tinh thần nghèo khó, hiền lành, sầu khổ, khao khát nhân đức, thương người, trong sạch, bị bách hại), và nếu sống được như vậy thì chắc chắn sẽ được phần thưởng. Phần thưởng đó không là giấy khen, bằng khen, hay những món tiền, món quà…; mà là những phần thuởng về tinh thần, về cuộc sống mai hậu. Cho nên có thể nói rằng, để có được “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”, thì tiên vàn người môn đệ phải có niềm tin vào Người Thầy của mình chính là Con Thiên Chúa, là Thiên Chúa thật, là Đấng Cứu Độ trần gian. Nói cách khác, tám mối phúc là những cách thế biểu lộ niềm tin, là những con đường sống đức tin, bởi chỉ có đức tin mới là cứu cánh tuyệt đối cho mọi phương cách chiếm hữu Nước Trời.
Sống đức tin ư? Đúng vậy! Chỉ có tin, mới thực hành được Lời Chúa dạy, nhất là những điều thiệt hại nặng nề đến bản thân (“bị sầu khổ, bị bách hại…”). Thánh Phao-lô Tông đồ đã từng nhấn mạnh: “Vậy thì hãnh diện ở chỗ nào? Chẳng còn gì để hãnh diện! Dựa vào luật nào mà hãnh diện? Vào việc làm chăng? Không, nhưng dựa vào lòng tin. Thật vậy, chúng tôi nghĩ rằng: người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy.” (Rm 3, 27-28); ”Tuy nhiên, vì biết rằng con người được nên công chính không phải nhờ làm những gì Luật dạy, nhưng nhờ tin vào Đức Giê-su Ki-tô, nên chúng ta cũng tin vào Đức Ki-tô Giê-su, để được nên công chính, nhờ tin vào Đức Ki-tô, chứ không phải nhờ làm những gì Luật dạy.” (Gl 2, 17).
Một điều hiển nhiên đối với Thánh Phao-lô là khi ngài chưa tin vào Đức Ki-tô thì ngài là người rất năng nổ trong việc lùng bắt những người theo Ki-tô; nhưng sau biến cố Damas, được sáng mắt (nhờ được chính Đức Giê-su Ki-tô chữa lành bệnh mù nội tâm), ngài đã tin vào Đức Ki-tô như lời ngài khẳng định: “Hiện nay tôi sống kiếp phàm nhân trong niềm tin vào Con Thiên Chúa, Đấng đã yêu mến tôi và hiến mạng vì tôi.” (Gl 2, 20). Tin và thể hiện bằng hành động, bằng chính cuộc sống, đến độ “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gl 2, 20). Thánh nhân đã rất nhiệt thành trong sứ vụ rao giảng Lời Chúa, làm nhân chứng sống cho Tin Mừng cứu độ, để trở nên một tông đồ kiệt xuất như một vì sao Bê-lem đem Ánh Sáng đến cho dân ngoại. Phải chăng chính Thánh Tông đồ dân ngoại đã là một mẫu gương sáng chói cho việc “sống đức tin”? Ấy cũng bởi vì “Đức tin không có hành động là đức tin chết” (Gc 2, 26).
Nói tóm lại, sống trên đời ai ai cũng mong muốn có hạnh phúc. Ai mà chẳng muốn luôn được sống trong “trạng thái sung sướng vì cảm thấy hoàn toàn đạt được ý nguyện”. Mà ý nguyện là gì, nếu không phải đó là những mong mỏi, những ao ước, những hy vọng đề ra trong cuộc sống, để con người nỗ lực vươn tới. Sẽ có một phản biện: “Thế những người chủ trương sống thanh tịnh vô vi (không làm, không hành động), hoặc chủ trương sống hôm nay không cần biết đến ngày mai (hiện sinh), họ có nỗ lực chăng?” Câu trả lời luôn luôn là có, bởi “có thực mới vực được đạo”. Sống thanh tịnh vô vi, nhưng không thể vô thực vô ẩm (không ăn không uống) được, Mà muốn có đồ ăn thức uống, vẫn phải nỗ lực kiếm tìm, chớ không thể “há miệng chờ sung”. Còn những người theo thuyết hiện sinh, sống hôm nay không biết đến ngày mai, nhưng nếu giả thử không có một chút cơm áo gạo tiền, thì liệu có sống thụ hưởng được không? Vì thế, vẫn cần phải có một nỗ lực để sống và nhất là để bảo vệ chủ thuyết mình đã theo.
Người Ki-tô hữu với cuộc sống trần thế, cũng không ngoại lệ, cũng phải lo cơm áo gạo tiền để mà sống trước đã, nhiên hậu mới nói đến những ý nguyện, những ước vọng tương lai được xây dựng, được hoài bão bằng một nỗ lực không ngừng. Có thể khẳng định: Sự nỗ lực ấy luôn được thúc đẩy bằng một niềm tin, bởi càng tin tưởng thì lại càng gắng sức, càng hy vọng vào hạnh phúc đích thực lại càng nỗ lực cầu nguyện và hành động, để đạt được ý nguyện. Vâng, muốn chiếm hữu được Nước Trời thì phải nỗ lực, phải không ngừng gắng sức kiến tạo cho mình một chứng minh thư “Tám Mối Phúc Thật” – một THẺ CĂN CƯỚC KI-TÔ HỮU – phản ánh trung thực cuộc sống theo Hiến chương Nước Trời với một đức tin vững vàng và một nỗ lực kiên trì vươn tới. Ước được như vậy. Amen.
.
PHÚC THAY AI CÓ TÂM HỒN KHÓ NGHỀO
Lm. Đan Vinh
I. HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Mt 5,1-12a
(1) Thấy đám đông, Đức Giê-su lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. (2) Người mở miệng dạy họ rằng: (3) “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. (4) “Phúc thay ai hiền lành, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp”. (5) “Phúc thay ai sầu khổ, vì họ được Thiên Chúa ủi an”. (6) “Phúc thay ai khát khao nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thỏa lòng”. (7) “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương”. (8) “Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa”. (9) “Phúc thay ai xây dựng hòa bình, vì họ sẽ được gọi là Con Thiên Chúa”. (10) “Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ”. (11) “Phúc cho anh em, khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại, và vu khống đủ điều xấu xa. (12) Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao”.
- Ý CHÍNH: TÁM MỐI PHÚC THẬT.
Mát-thêu gom nhiều điều Chúa Giê-su nói trong nhiều hoàn cảnh khác nhau làm thành “Bài Giảng Trên Núi” hay là “Hiến Chương Nước Trời”. Tin Mừng hôm nay là phần đầu của Bài Giảng Trên Núi, trong đó nêu ra 8 điều kiện mà ai muốn gia nhập vào Nước Trời của Chúa Giê-su phải có, được gọi là Tám Mối Phúc. Chẳng hạn: Tinh thần nghèo khó, nhân đức hiền lành, tâm hồn sám hối, luôn khao khát sống công chính, có lòng thương xót, có tâm hồn trong sạch, biết ăn ở hòa thuận, bị bách hại vì đức Tin. Ai sống theo 8 tinh thần này thì thật diễm phúc, vì sẽ được làm thành viên của Nước Trời là Hội Thánh hôm nay và Thiên Đàng mai sau.
- CHÚ THÍCH:
– C 1-3: + Đoàn lũ đông đảo: Gồm các tông đồ, các môn đệ và dân chúng đến từ Ga-li-lê-a, miền Thập Tỉnh, miền Giu-đê và thủ đô Giê-ru-sa-lem. Lại có cả dân ngoại từ các thành Ty-rô và Si-đon (x. Lc 6,17; Mt 4,25). Như vậy đoàn lũ đông đảo nói lên tính phổ quát của sứ điệp Chúa Giê-su. + Người đi lên núi: Núi ở đây thực ra chỉ là một ngọn đồi ở gần Ca-phác-na-um. Nhưng Tin Mừng Mát-thêu dùng tiếng núi để gợi lại việc Thiên Chúa ký kết Giao Ước cũ và ban Lề Luật cho Ít-ra-en trên núi Si-nai. + Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên: Ngồi là tư thế của vị Thầy khi giáo huấn các môn đồ (x. Mt 13,1). + Phúc thay: Đây là kiểu nói thường được sử dụng trong Cựu Ước (x. Tv 1,1-2; Cn 3,3). Ở đây Đức Giê-su dùng lối nói này để khai mạc Nước Trời, trong đó những người nghèo đói, hèn mọn, sầu khổ… sẽ được hạnh phúc thật, miễn là họ tiếp nhận sứ điệp của Người. Mát-thêu dùng kiểu nói: Phúc thay ai…, đang khi Lu-ca thì viết: Phúc cho anh em… (6,20-26).+ Tinh thần nghèo khó, vì Nước trời là của họ: Nghèo khó là thái độ khiêm tốn, vô tư như trẻ em và là điều kiện để được gia nhập vào Nước Trời (x. Mt 18,1-11). Nghèo khó cũng đồng nghĩa với tinh thần siêu thoát, sẵn sàng từ bỏ của cải để đi theo làm môn đệ Chúa và sẽ được Nước Trời làm phần gia nghiệp (x. Mt 6,19-21).
– C 4-5: + Hiền lành: Trong Kinh Thánh, sự hiền lành luôn đi đôi với nghèo khó, khiêm nhường, nhỏ bé, yếu đuối, bị oan ức và bị thiếu thốn. + Đất Hứa làm gia nghiệp: Đất Hứa là một kiểu nói ám chỉ Nước Trời (x. Tv 37,11). + sầu khổ: là than khóc, buồn sầu vì đã phạm tội mất lòng Chúa và phải xa lìa Thiên Chúa. Buồn sầu thường do tội lỗi gây ra (x. 1 Cr 5,2). Đây cũng là tâm tình của người đang mong chờ ơn cứu độ của dân Ít-ra-en như lời Si-mê-on ca tụng Chúa (x. Lc 2,25). + Được Thiên Chúa ủi an: Sự đau buồn này sẽ được Thiên Chúa bù đắp an ủi và còn được xét xử khoan dung trong giờ phán xét sau này.
– C 6-8: + Khát khao nên người công chính: Công chính là cách ăn ở hợp với thánh ý Thiên Chúa (x. Mt 3,15). Khát khao nên người công chính nghĩa là ước mong sống công bình ngay chính, tuân giữ Luật Chúa truyền dạy (1,19; 5,20). + Nước Trời là của họ: Hạnh phúc Nước trời sẽ là phần thưởng dành cho những ai muốn sống cuộc đời hoàn thiện. + Xót thương người: nghĩa là tỏ lòng nhân hậu đối với các tội nhân noi gương Thiên Chúa: “Ta muốn lòng nhân từ chứ đâu cần lễ tế” (Hs 6,6) và như người Sa-ma-ri-a nhân hậu đã sẵn lòng giúp đỡ cho kẻ gặp nạn (x. Lc 10,33-37). + Sẽ được Thiên Chúa xót thương: Thương xót và tha thứ cho kẻ khác thì sẽ được Thiên Chúa xót thương tha tội nợ cho mình (x. Mt 6,14-15). Ông chủ trong dụ ngôn “hai con nợ” đã mắng kẻ không biết thương xót: “Ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi vì ngươi đã van xin Ta. Thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính Ta đã thương xót ngươi sao ?” (Mt 18,32-33). + Lòng trong sạch: Trong sạch là ngay thẳng trong lương tâm. Người có lòng trong sạch là người hết lòng phục vụ Chúa và tha nhân, không màng tư lợi, không đạo đức giả. Sự trong sạch ở đây không những hiểu về đức trinh khiết, mà còn về nhiều phương diện khác nữa. + Được nhìn thấy Thiên Chúa: Là được gặp mặt Người ở đời sau (x. Dt 12,14).
– C 9-10: + Xây dựng hòa bình: Sứ mệnh của các môn đệ là phải làm cho mọi dân nước trên thế giới trở thành một gia đình có Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh em với nhau. Người tín hữu cần sẵn sàng làm hòa với kẻ đang có điều chi bất bình với mình, để lễ dâng lên xứng đáng được Chúa chấp nhận (x. Mt 5,23-24). + Được gọi là con Thiên Chúa: Vì Thiên Chúa là Tình Yêu. Ai sống yêu thương thì mới được ở trong Thiên Chúa và nên con cái Thiên Chúa. Họ sẽ được Chúa yêu thương và tâm hồn họ sẽ được bình an (x. 2 Cr 13,11). + Bị bách hại: Bị bách hại là một đặc điểm của Chúa Giê-su, Đấng đã trải qua cuộc khổ nạn để vào trong vinh quang phục sinh. Đây là một điều khó hiểu, điên rồ đối với người Do thái và khó chấp nhận ngay cả với các môn đệ (x. Mt 16,22). + Vì sống công chính: Nghĩa là sống phù hợp với giới răn của Chúa Giê-su (x. Mt 10,24-25). Thánh Phê-rô cũng nói: “Nếu anh em chịu khổ vì sống công chính, thì anh em thật có phúc !” (1 Pr 3,14).
– C 11-12a: + Vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa: Lời Chúa giải thích mối phúc thứ tám để động viên các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai đang bị bách hại. + Anh em hãy vui mừng hớn hở: Thánh Phê-rô cũng dạy: “Được chia sẻ những đau khổ của Đức Ki-tô bao nhiêu, anh em hãy vui mừng bấy nhiêu, để khi vinh quang Người tỏ hiện, anh em cùng được vui mừng hoan hỉ. Nếu bị xỉ nhục vì danh Đức Ki-tô, anh em thật có phúc, bởi lẽ Thần Khí vinh hiển và uy quyền, là Thần Khí của Thiên Chúa, ngự trên anh em” (1 Pr 4,13-14). + Vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao: Chính khi chịu đau khổ bách hại và liên kết với cuộc tử nạn của Chúa, các tín hữu sẽ được nên giống Chúa và sau này còn được vào Thiên Đàng hưởng hạnh phúc với Người.
- CÂU HỎI:
1) Tám Mối Phúc Thật là bản tóm lược những điều kiện phải có để được vào Nước Trời do Chúa Giê-su thiết lập. Trong Tám Mối Phúc này, mối phúc nào quan trọng nhất và là nền tảng của các mối phúc khác ? 2) So sánh ý nghĩa câu: “Phúc thay ai có tinh thần nghèo khó” trong Tin Mừng Mát-thêu với câu “Phúc cho anh em là những kẻ nghèo khó” trong Tin Mừng Lu-ca giống và khác nhau thế nào ? 3) Tại sao Chúa Giê-su lại chúc phúc và đề cao người nghèo, đang khi lẽ ra Người phải giúp đỡ người nghèo vượt qua sự nghèo đói bất hạnh ấy để cuộc sống của họ được ấm no hạnh phúc hơn ? 4) Ý nghĩa của các mối phúc khác như thế nào: hiền lành, sầu khổ, khát khao nên người công chính, biết xót thương người, có tâm hồn trong sạch, xây dựng hòa bình, bị bách hại vì danh Thầy ?
II. SỐNG LỜI CHÚA:
- LỜI CHÚA: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ” (Mt 5,2).
- CÂU CHUYỆN:
1) AI LÀ NGƯỜI THẬT SỰ HẠNH PHÚC ?
Có một phú ông có rất nhiều tài sản. Một hôm, ông đột nhiên lâm trọng bệnh và gia đình đã mời nhiều bác sĩ tài danh từ khắp nơi trong nước nhưng tất cả bọn họ đều bó tay. Khi ông nhà giàu nằm thoi thóp chờ chết, một vị chân tu từ phương xa đi ngang qua đến thăm và nói với gia đình: “Hãy đi tìm xem có ai thật sự hạnh phúc thì xin cái quần lót của người đó về cho ông cụ mặc thì sẽ khỏi bệnh”.
Nghe vậy, mọi người trong gia đình liền chia nhau đi khắp bốn phương để tìm một người hạnh phúc. Tuy nhiên, sau nhiều ngày tìm kiếm khắp nơi, họ vẫn không thể tìm ra người thật sự hạnh phúc. Cuối cùng mọi người đành phải bỏ cuộc trở về nhà. Tuy nhiên, một người con trai của phú ông rất có hiếu. quyết tâm tìm mọi cách để cho cha mình bình phục, nên anh ta đến những nơi xa, quyết tâm tìm cho ra người thật sự hạnh phúc.
Một hôm, anh con trai của phú ông đi ngang qua một cánh đồng cỏ có nhiều chiên đang ăn cỏ và anh nghe thấy có tiếng hát của ai đó. Anh tìm đến nơi phát ra tiếng hát thì thấy một gã mục đồng đang nằm dưới gốc cây đa nghêu ngao hát xướng rất vui vẻ. Anh con trai của phú ông rất mừng khi nhìn thấy anh mục đồng này và lại gần hỏi thăm thì được anh ta cho biết anh luôn cảm thấy rất hạnh phúc trong công việc chăn chiên của mình. Con trai của phú ông liền xin anh ta chiếc quần lót anh đang mặc. Nhưng bị tù chối. Cuối cùng anh con trai phú ông phải dùng sức mạnh cưỡng đoạt. Nhưng anh rất ngạc nhiên khi thấy gã chăn chiên lại quá nghèo đến nỗi: Ngoài chiếc quần rách đang mặc, anh ta không mặc thêm một chiếc quần đùi nào khác!!!
2) GƯƠNG KHÓ NGHÈO CỦA THÁNH PHAN-XI-CÔ
Phan-xi-cô thành At-si (Phanxicô Assise) là con một quý tộc giàu có danh giá ở thành Át-si. Một hôm đi nhà thờ dự lễ và tình cờ nghe một vị linh mục giảng về Tám mối Phúc Thật, Phan-xi-cô rất tâm đắc với câu nói của Chúa Giê-su: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Từ hôm ấy, Phan-xi-cô thường suy nghĩ phải sống thế nào để thực thi ý Chúa, và trở thành một người nghèo thực sự ? Rồi một ngày nọ, anh quyết định sống siêu thoát từ bỏ và hoàn toàn tin cậy vào Chúa quan phòng. Anh bán tất cả gia sản của cha, rồi đem phân phát cho những người nghèo khổ bệnh tật. Hành động của Phan-xi-cô đến tai người cha khiến ông nổi cơn lôi đình. Ông đã đến thu lại tất cả những gì còn sót lại của Phan-xi-cô và không nhận Phan-xi-cô làm con nữa. Hôm ấy anh đã cởi bỏ các thứ quần áo giầy dép quí giá đang mang trên người và ra đi với hai bàn tay không. Anh viết trong nhật ký: “Bây giờ tuy không còn có cha ở trần gian, nhưng tôi vẫn luôn có người Cha Trên Trời hằng thương yêu tôi”. Từ hôm đó anh được hoàn toàn tự do đi theo lý tưởng đã lựa chọn, là từ bỏ mọi sự, trở nên nghèo khó vì Nước Trời”. Ban ngày anh mặc quần áo vải thô, chân không giày dép đi qua các con đường phố xá và làng mạc để khất thực. Tối đến, anh lại thức khuya để đọc Thánh Kinh, cầu nguyện và dùng dây da tự đánh vào người để hãm mình phạt xác. Anh đã được Chúa Giê-su cho in năm dấu thánh trên hai bàn tay bàn chân và cạnh sườn để nên giống Chúa chịu đóng đinh. Anh đã thực hành theo Lời Chúa dạy: “Phúc thay ai có tâm hồn nghèo khó, vì Nước Trời là của họ”. Lối tu luyện khổ hạnh của anh đã được Giáo Hội công nhận và dòng “Anh em hèn mọn” do anh sáng lập đã được nhiều người xin gia nhập, trở thành một dòng tu lớn trong Giáo Hội. Sau khi qua đời, anh đã được Giáo Hội phong hiển thánh. Đó là thánh Phan-xi-cô Át-si, hoặc Phan-xi-cô khó khăn hay Phan-xi-cô Năm Dấu.
- SUY NIỆM:
1) HẠNH PHÚC LÀ GÌ ?
Hầu như không ai trong chúng ta đạt được hạnh phúc trọn vẹn. Ngay giữa lúc xem ra hạnh phúc nhất như mới thi đậu, vừa được thăng chức, gặp được người thân, được du lịch ra nước ngoài, được trúng số… vẫn có những điều làm chúng ta chưa hòan tòan thỏa mãn. Trong Bài Giảng Trên Núi, Đức Giê-su đã chỉ cho chúng ta bí quyết để có hạnh phúc toàn vẹn đích thực: Thiên Chúa ban hạnh phúc, nhưng chúng ta chỉ nhận được khi sẵn sàng đón nhận. Hạnh phúc thật chỉ có được khi có Chúa, được sống trong ơn nghĩa Chúa và được hạnh phúc viên mãn trong Nước Trời đời sau. Tóm lại, người được chúc phúc là người biết mở ra trước Thiên Chúa và tha nhân: mở trí khôn để hiểu rõ ý Chúa và thi hành, mở mắt mở tai để nhìn xem và nghe biết những nhu cầu của tha nhân, mở trái tim để yêu thương, mở nụ cười để thông cảm và mở đôi tay để an ủi chia sẻ và phục vụ…
2) GIÀU CÓ CÓ MANG LẠI HẠNH PHÚC KHÔNG?
Gần đây một cuộc khảo sát ở Hong Kong do một viện Đại Học thực hiện đối với 2 000 người giúp việc Philippines và khoảng 300 người chủ của các osin này, và đã kết luận như sau:
- a) 99% người được hỏi thì hơn 92% người giúp việc Philippines cảm thấy “hạnh phúc” hơn là các ông bà chủ mà họ đang phục vụ làm công cho. Tuy nhiên, khi điều tra viên hỏi nếu được hoán đổi vị trí để người giúp việc trở thành ông bà chủ và ngược lại, thì 100% các chị giúp việc đều đồng ý đổi ngôi ngay. Dù họ ý thức rất rõ là các ông bà chủ của họ cũng không hạnh phúc, khi hàng ngày phải đối phó với bao nhiêu vấn đề khó khăn do áp lực công việc, nhu cầu tiền bạc, thời gian dành riêng cho mình. Nhất là lúc nào cũng phải cảnh giác đấu tranh để có thể sinh tồn….
- b) Ngược lại, khi hỏi các ông bà chủ giàu có đang bất hạnh trong cuộc sống có sẵn sàng hoán đổi vị trí với các người osin không, thì 100% những người này cũng nói không, dù họ vừa công nhận người giúp việc được “hạnh phúc” hơn họ nhiều.
- c) Tuy nhiên, thứ hạnh phúc do đồng tiền mang lại cũng chỉ có giới hạn mà thôi, như có người đã nói: “Tiền bạc có thể mua được chiếc giường, nhưng không mua được giấc ngủ; có thể mua sách vở nhưng không mua được trí tuệ; có thế mua thức ăn nhưng không mua được sự ngon miệng; có thể mua được nữ trang nhưng không mua được sắc đẹp; có thể mua căn nhà nhưng không mua được mái ấm gia đình; có thể mua được thuốc men nhưng không mua được sức khỏe; có thể mua sự lộng lẫy sang trọng nhưng không mua được hạnh phúc và bình an; có thể mua cây thập giá nhưng không mua được Ðấng Cứu Chuộc; có thể mua của lễ nhưng không mua được thiên đàng.” Vậy làm thế nào để có được hạnh phúc thực sự đời này và đời sau?
3) PHƯƠNG THẾ ĐỂ ĐẠT HẠNH PHÚC: TÁM MỐI PHÚC THẬT:
Đây là các điều kiện mà ai muốn được hạnh phúc thực sự đời này và đời sau phải có:
+ Phúc thay người có tâm hồn nghèo khó: Đó là những người nghèo của cải vật chất, nghèo địa vị chức quyền, ý thức thân phận tội lỗi bất lực của mình… Nhờ đó họ sẽ khiêm tốn xin Chúa ban ơn trợ giúp, sẽ phó thác cậy trông vào Chúa quan phòng, sẽ cư xử khiêm hạ và trở thành người phục vụ rửa chân cho tha nhân noi gương Đức Giê-su.
+ Phúc thay ai hiền lành: Người hiền lành là người có lòng nhân từ đối với tha nhân, không lấy oán báo oán, biết nhẫn nhịn chịu đựng và sẵn sàng tha thứ lỗi lầm của kẻ khác.
+ Phúc thay ai sầu khổ: Khi bị đau khổ, người này biết nhìn lên Chúa Giê-su chịu treo trên thập giá để thấy được giá trị thanh luyện của đau khổ, sẵn sàng chịu đựng mọi đau khổ về tinh thần và thể xác để đền tội mình và đền tội tha nhân.
+ Phúc thay ai khao khát nên người công chính: là con người hướng thượng, muốn nên hoàn thiện giống như Chúa Cha trên Trời như Đức Giê-su dạy: “Hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”.
+ Phúc thay ai xót thương người: Đây là người biết mở rộng lòng để chia sẻ, cảm thông nỗi đau của người khác: “Vui với người vui, khóc với người khóc”. Sẵn sàng quảng đại cho đi những gì mình có cho người khác cùng hưởng. Họ sẽ được Chúa đền đáp như lời Chúa Giê-su: “Vì anh em đong bằng đấu nào, thì sẽ được Thiên Chúa đong trả lại bằng chính cái đấu ấy”.
+ Phúc thay ai có tâm hồn trong sạch: Người có tâm hồn trong sạch là người ngay thẳng, thật thà, không giả dối, nhưng luôn làm mọi việc cách trong sáng. Chính nhờ giữ đức trong sạch nơi thân xác và sự trong sáng nơi tâm hồn, mà người ấy sẽ được nhìn xem Thiên Chúa trong Nước Trời đời sau.
+ Phúc thay ai xây dựng hòa bình: Xây dựng hòa bình là người đi đến đâu cũng gieo sự an vui hòa thuận đến đó. Nhờ họ mà gia đình, xã hội và thế giới luôn được an bình. Họ giải tỏa những điều hiểu lầm, tháo gỡ những bất hòa tranh chấp, luôn nhìn mọi người bằng cặp mắt yêu thương và chan chứa tình người. Nhờ đó, họ xứng đáng mang danh là con Thiên Chúa.
+ Phúc thay ai bị bách hại vì sống công chính: Khi chấp nhận sự sỉ nhục và đau khổ vì đức tin, chúng ta sẽ được nên giống Chúa Giê-su. Vì những ai cùng chịu khổ nạn với Chúa Giê-su, thì sẽ được tham phần vào sự phục sinh vinh quang với Người.
- THẢO LUẬN:
1) Hiện nay điều gì đang làm bạn vui vẻ hạnh phúc hay bị đau khổ bất hạnh? 2) Khi gặp một sự rủi ro trái ý, một thất bại ê chề, một điều không vui do người khác gây ra, bạn thường phản ứng thế nào? 3) Để có được hạnh phúc thật của Chúa, bạn nên làm gì để biến sự rủi ro thành may lành, biến đau khổ thành niềm vui trong Chúa
- NGUYỆN CẦU:
– LẠY CHÚA GIÊ-SU. Trong tám mối phúc thật Chúa dạy hôm nay, con thấy mối phúc quan trọng nhất và bao gồm mọi mối phúc khác là “Phúc thay những ai có tâm hồn nghèo khó”. Người có tâm hồn nghèo khó là người luôn tin cậy phó thác cuộc đời cho Chúa, nên sẽ cầu nguyện không ngừng; Là người ý thức về sự bất lực của mình, nên không bao giờ khinh dể tha nhân nhưng luôn phó thác cậy trông vào tình thương quan phòng của Chúa; Là người luôn ăn ở hiền lành và khiêm nhường trong lòng noi gương Chúa khi xưa.
– LẠY CHÚA. Người Mã Lai đã có câu châm ngôn so sánh các bậc vĩ nhân với những kẻ tiểu nhân như sau: “Cây lúa nào càng nặng trĩu hạt thì càng rạp sâu xuống sát mặt đất. Ngược lại: cây lúa nào càng nghểnh đầu lên cao thì lại càng có ít hạt”. Xin Chúa giúp chúng con luôn sống khiêm hạ và nghèo khó. Cho chúng con biết “Nói ít làm nhiều”, luôn từ tốn, khiêm nhu và hòa nhã với mọi người. Nhờ đó, chúng con sẽ nên giống Chúa hơn, sẽ có Nước Trời làm phần gia nghiệp đời này và đời sau.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
.