Lời Chúa Năm A CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH – Năm A

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH – Năm A

CHÚA NHẬT 4 PHỤC SINH – Năm A

CHÚA NHẬT CHÚA CHIÊN LÀNH

Cầu cho ơn thiên triệu Linh Mục và Tu sĩ

Lời Chúa: Cv 2,14a.36-41; 1Pr 20b-25; Ga 10,1-10

*****

Mục lục

1. Tình mẹ hiền  (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

2. Cửa chuồng chiên  (Lm. Đaminh Xuân Trường, Gp. Bắc Ninh)

3. Sống viên mãn  (Trầm Thiên Thu)

4. Chúa Chiên lành   (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, giáo phận Xuân Lộc)

5. Mục tử và đoàn chiên  (Lm.  Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)

6. Mục tử tốt lành  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

.

TÌNH MẸ HIỀN

             Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

            Người ta nói người mẹ có thể đọc được tâm tư của con. Dù con không nói nhưng mẹ vẫn biết con đang muốn gì? Bởi vì tình yêu của mẹ luôn quan tâm đến con cái một cách rất tỉ mỉ. Từng cử chỉ, từng hành động đều không qua được mắt mẹ.

            Có một anh bạn nhà nghèo, chạy vạy mãi mới được một suất hợp tác lao động, anh coi đó như cách duy nhất để giúp đỡ gia đình. Nhưng ảo mộng chóng tan, xứ người chẳng phải thiên đường, anh chỉ còn biết làm quần quật và dành dụm từng đồng. Để nhà khỏi buồn, trong thư anh tô vẽ về một cuộc sống chỉ có trong mơ.

            Ngày về, mọi người mừng rỡ nhận quà, anh lại tiếp tục nói về cuộc sống trong mơ.

            Đêm. Chỉ còn mẹ. Hết nắn tay nắn chân anh rồi mẹ lại sụt sùi. Anh nghẹn ngào khi nghe mẹ nói:

            – Dối mẹ làm gì. Giơ xương thế kia thì làm sao mà sung sướng được hở con!

            Hóa ra tình mẹ thật sâu lắng. Sâu lắng đến độ có thể hiểu được con tim của con. Mẹ có thể hiểu được con đang nghĩ gì, muốn gì. Mẹ cũng có thể biết được phải làm gì để xoa dịu nỗi đau cho con.

            Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy chân dung của người mục tử tốt lành. Người mục tử luôn gắn liền đời mình với đàn chiên tựa như người mẹ  gắn liền với định mệnh đời con. Người mẹ được Thiên Chúa sắp đặt để bảo vệ đứa con, chăm sóc đứa con, dậy dỗ và gìn giữ đứa con khỏi những nguy hiểm trong suốt hành trình cuộc đời. Không có mẹ đứa con sẽ không lớn nổi thành người. Đàn chiên cũng không thể có đồng cỏ xanh tươi, có suối mát ngọt ngào nếu không được người mục tử miệt mài tìm kiếm cho đàn chiên. Đàn chiên sẽ không thể sống an toàn khỏi cạm bãy, khỏi thú dữ rình chờ, nếu không có chủ chiên canh phòng với đầy đủ trách nhiệm và đầy yêu thương.

Chúa Giêsu sánh ví tình thương của mình như tình thương của người mục tử dành cho đàn chiên. Người mục tử tốt lành đầy yêu thương luôn gắn bó với đàn chiên, luôn sẵn sàng hy sinh cả mạng sống mình vì lợi ích đàn chiên. Ngài chính là vị mục tử mà bài đáp ca đã ca ngợi rằng: Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tuơi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính. Lạy Chúa, dầu qua thung lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có chúa ở cùng con”.

Ngày 27.04 vừa qua, Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II đã được Giáo hội tôn phong lên bậc hiển thánh. Người là một môn sinh đã hoạ lại rõ nét hình ảnh mục tử của Thầy Chí Thánh Giêsu. Người mục tử luôn làm việc không nghỉ ngơi. Cho dù tuổi đã cao lại thêm bệnh tật kéo dài, thế mà ngài vẫn đến với đàn chiên, vẫn cất cao tiếng gọi đàn chiên, vẫn là chỗ dựa thật vững chắc và an toàn cho đàn chiên. Đến nỗi khi ngài qua đời, Đức tổng Giám mục Leônardo Sandri, thứ trưởng Ngoại giao Toà Thánh đã nói với toàn thể thế giới rằng: “Hôm nay, chúng tôi như những đứa con mồ côi”.

Tại sao người ta thương tiếc một cụ già như thế? Có phải người ta ngưỡng mộ Ngài vì ngài nhiều tiền, nhiều quyền lực không? Thưa không phải thế. Người ta thương tiếc một mục tử hết mình vì đàn chiên. Một mục tử canh giữ hoà bình không chỉ cho đàn chiên mà cho hàng tỉ người trên khắp hành tinh này. Người mục tử với 26 năm chăn dắt đàn chiên của Chúa đã không ngừng bảo vệ quyền sống của con người, nhất là của các thai nhi. Người mục tử đã không ngừng đi đến tận cùng thế giới để gieo rắc an bình, công bình, tha thứ và yêu thương. Người mục tử đã đi đến cùng đường để quy tụ đàn chiên, để tìm kiếm các con chiên lạc đưa về một  mối và cuối đời, trong những tiếng nấc hoà trộn với hơi thở bị ngắt quãng, ngài đã nói với đàn chiên đang canh thức cầu nguyện cho ngài trong giờ lâm chung rằng: “Ta đã đi tìm kiếm các con. Và bây giờ các con đã đến với Ta. Ta xin cám ơn các con”.

Hôm nay lễ Chúa chiên lành, chúng ta dâng lời cảm tạ Thiên Chúa đã ban cho Giáo hội luôn có những mục tử như lòng Chúa mong ước. Cám tạ Chúa đã thương chăm sóc, chở che và gìn giữ cuộc đời chúng ta trong tình thương quan phòng của Chúa.

Hôm nay cũng là Chúa nhật II trong tháng năm, được chọn là ngày của mẹ. Mẹ chính là một mục tử gần gũi nhất để chăm sóc chúng ta. Tình thương của mẹ là vô bờ bến. Tình thương của mẹ dám hy sinh đánh đổi cả cuộc đời của mình để cho con niềm vui, tiếng cười. Thế nên, khi nói về mẹ có lẽ chúng ta phải nói về những hy sinh của mẹ. Nói với mẹ chúng ta phải nói lời cám ơn mẹ đã sẵn lòng hy sinh cho chúng ta.

            Người ta kể lại rằng trong nạn đói vào năm Ất Dậu 1945, có một bà mẹ đã cắn đứt ngón tay của mình để con được bú những giọt máu cuối cùng thay cho dòng sữa đã cạn kiệt vì cái đói kéo dài. Bà chỉ hy vọng đứa con sẽ được cứu khỏi chết. Bà không can tâm nhìn con chết đói mà mình không làm điều gì đó để cứu con. Bà đã chấp nhận cái chết để con được sống.

            Tình thương của mẹ là thế. Yêu thương quên cả chính mình. Một tình thương dám hòa trộn mồ hôi trong những giọt nước mắt bể dâu để mang lại hạnh phúc cho con. Một tình thương không bao giờ giả dối nhưng luôn mộc mạc chân tình gần gũi như chuối ba hương hay như xôi nếp mật.

            Thế nên, trong ngày của mẹ chúng ta hãy cám ơn mẹ đã cho chúng ta vào đời. Cám ơn mẹ đã thức trọn canh khuya để canh giữ giấc ngủ cho chúng ta, để gìn giữ chúng ta khỏi mọi hiểm nguy giữa cuộc đời. Cám ơn cuộc đời đã cho chúng ta có mẹ để được yêu thương. Cầu mong mẹ mãi ở với chúng ta để chúng ta mãi tận hưởng sự ngọt ngào của tình mẹ, và cầu Chúa ban hạnh phúc thiên đường cho mẹ vì cả một đời gian nan mẹ đã làm cho con cái. Amen

Về mục lục

CỬA CHUỒNG CHIÊN

Lm. Đaminh Xuân Trường, Gp. Bắc Ninh

Ngày nọ, có một du khách viếng thánh địa, nhìn thấy một chuồng chiên ngoài đồng, anh ta bèn hỏi người mục tử đang ngồi cạnh đó rằng: Cửa chuồng của anh ở đâu? Người mục tử trả lời: Tôi chính là cửa chuồng. Đoạn người mục tử kể cho du khách nghe anh ta lùa bầy chiên vào chuồng mỗi khi chiều xuống như thế nào. Sau đó anh ta nằm chặn ngang lối vào chật hẹp đó. Không một chú chiên nào có thể bỏ chuồng mà đi ra, cũng chẳng thú rừng nào có thể đi vào mà không bước qua anh ta.
Từ câu chuyện trên, chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng hôm nay, qua đó Chúa Giêsu tự sánh ví mình như cửa chuồng chiên và như người mục tử nhân lành. Cả hai hình ảnh này đều nói lên sự hiểu biết, sự chăm sóc và sự bảo vệ Ngài dành cho chúng ta, là những con chiên được Ngài hướng dẫn.
Thực vậy, người mục tử thường phải hiện diện với bầy chiên của mình 365 ngày trong một năm, và 24 giờ trong một ngày. Người mục tử ấy phải biết rõ chiên mình: con nào đau, con nào mạnh, con nào có móng mềm, con nào bỏ bầy đi lạc.
Thế nhưng, hiểu biết về con chiên mà thôi chưa đủ, người mục tử ấy còn phải dám hiến thân cho bầy chiên của mình, thậm chí dám hy sinh cả mạng sống của mình nữa, trong những trường hợp hiểm nguy. Chính trong bối cảnh này mà chúng ta có thể hiểu rõ hơn lời xác quyết của Chúa, khi Ngài nói: Ta là mục tử nhân lành. Thực vậy, Ngài muốn cho chúng ta hay: mối tương giao và sự hiến thân của Ngài cho chúng ta cũng giống như mối tương giao và sự hiến thân của người mục tử cho bầy chiên của mình.
Giống như người mục tử, Chúa Giêsu luôn hiện diện giữa chúng ta 365 ngày trong một năm và 24 giờ trong một ngày. Ngài đã từng nói với chúng ta: Này, Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế.
Giống như người mục tử, Chúa Giêsu cũng biết rõ mỗi người chúng ta một cách vừa thân mật lại vừa sâu xa. Ngài biết ai trong chúng ta đang yếu kém về đức tin, ai trong chúng ta thường ngã lòng, ai trong chúng ta hay bỏ bầy để đi hoang. Ngài không bao giờ bỏ rơi chúng ta. Trái lại, Ngài luôn ở cạnh chúng ta để nâng đỡ, phù trợ. Và nếu như chúng ta có lầm đường lạc lối, thì chính Ngài sẽ tìm kiếm chúng ta.
Điều Thiên Chúa nói với dân riêng của Ngài qua môi miệng tiên tri Isaia, cũng chính là điều Chúa Giêsu muốn nói riêng với mỗi người chúng ta, đó là: Đừng sợ, Ta đã gọi ngươi bằng tên riêng của ngươi. Đừng sợ, ngươi rất quý báu đối với Ta. Và đừng sợ, vì này đây Ta ở với ngươi luôn mãi.

 Về mục lục

.
SỐNG VIÊN MÃN

Trầm Thiên Thu

GIÊSU Mục Tử Nhân Lành

Tìm chiên xấu cải hóa thành chiên ngoan

GIÊSU chấp nhận chết oan

Để chiên được sống bình an, dồi dào

Chúa Nhật IV Phục Sinh là Chúa Nhật CHÚA CHIÊN LÀNH, là ngày cầu cho ơn thiên triệu dâng hiến – ơn gọi Linh mục và Tu sĩ. Ngày xưa, Đức Giêsu thấy đám đông thì chạnh lòng thương vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Và Ngài nói với môn đệ: “Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về” (Mt 9:37-38).

Vì thương xót, Ngài không muốn ai phải sống èo uột, mà chỉ muốn mọi người được sống dồi dào, sống viên mãn, sống đúng nhân vị và nhân phẩm của con người, đồng thời cũng được hưởng nhân quyền và sự tự do đích thực. Muốn được vậy thì chắc chắn phải “đi qua” Đức Giêsu Kitô.

Thật vậy, Đức Giêsu Kitô là Con Đường duy nhất dẫn đến Chúa Cha (Ga 14:6) và là Nguồn Sống Viên Mãn (Ga 10:10). Đức Giêsu Kitô không chỉ nuôi sống chúng ta bằng ân sủng mà đặc biệt là chính Mình Máu Ngài để chúng ta được sống dồi dào, vì Ngài là Thiên Chúa của người sống chứ không là Thiên Chúa của người chết (Mt 22:32; Mc 12:27; Lc 20:38).

Nhưng nếu muốn được sống viên mãn thì mỗi cành-nho-chúng-ta phải nối kết với Cây Nho Thật để được truyền nhựa-yêu-thương (Ga 15:1-17). Cây có nhiều nhựa thì có nhiều sức sống, con người cũng vậy, đặc biệt là sự sống tâm linh, sự sống từ Thiên Chúa.

Được tái sinh bởi Đức Giêsu Kitô, người ta biến đổi hoàn toàn để trở thành một con người mới. Hồi đó, sau khi Chúa Giêsu đã phục sinh, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một lớn tiếng nói với tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, và lắng nghe những lời ông nói: “Toàn thể nhà Ít-ra-en phải biết chắc điều này: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô” (Cv 2:36). 37 Nghe thế, họ đau đớn trong lòng, và hỏi ông Phêrô cùng các Tông Đồ khác: “Thưa các anh, vậy chúng tôi phải làm gì?”. Biết hỏi như vậy là dấu hiệu tốt lành biết bao, vì chứng tỏ tâm hồn đã thực sự biết sám hối lỗi lầm, biết khao khát điều tốt, và biết ước muốn hướng thiện!

Nghe họ hỏi, ông Phêrô đáp: “Anh em hãy sám hối, và mỗi người hãy chịu phép rửa nhân danh Đức Giêsu Kitô, để được ơn tha tội; và anh em sẽ nhận được ân huệ là Thánh Thần. Thật vậy, đó là điều Thiên Chúa đã hứa cho anh em, cũng như cho con cháu anh em và tất cả những người ở xa, tất cả những người mà Chúa là Thiên Chúa chúng ta sẽ kêu gọi” (Cv 2:38-39). Ông Phêrô còn dùng nhiều lời khác để long trọng làm chứng và khuyên nhủ họ. Rồi ông nói: “Anh em hãy tránh xa thế hệ gian tà này để được cứu độ” (Cv 2:40). Những ai đã đón nhận lời ông thì đều xin được lãnh nhận phép rửa, muốn được tái sinh để hy vọng được vào Nước Trời (Ga 3:5). Ngay hôm ấy đã có thêm khoảng ba ngàn người theo đạo.

Ngày nay có phương tiện định vị toàn cầu giúp người ta không lạc lối, nhưng chỉ có Chúa Giêsu mới chính là “định vị kế” chuẩn mực nhất. Người nào nhận biết được như vậy thì sẽ an vui tín thác vào Ngài, để Ngài quan phòng và tiền định, người đó xác định: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-3).

Người đó cũng luôn an tâm vững chí, và hạnh phúc thân thưa: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:4-6). Thật vậy, ai tuân giữ lời dạy của Đức Kitô thì không bao giờ phải chết (Ga 8:51).

“Lòng nhân hậu và tình thương Chúa” đó không hề xa lạ, vì đó chính là Lòng Thương Xót của Thiên Chúa mà ngày nay đang rất phổ biến khắp nơi trên thế giới, từ thành thị tới thôn quê, từ người già tới người trẻ, vì không ai không là tội nhân, và vì thế mà không ai lại không cần đến Lòng Chúa Thương Xót. Hằng ngày, khi cầu nguyện bằng Kinh Mai Côi, chúng ta nhiều lần kêu xin: “Lạy Chúa Giêsu, xin tha tội chúng con, xin cứu chúng con cho khỏi hỏa ngục, xin đem các linh hồn lên Thiên Đàng, nhất là những linh hồn cần đến Lòng Chúa Thương Xót hơn”. Nhưng cũng rất có thể vì quen quá hóa nhàm nên chúng ta không thực sự chú ý hoặc không cảm nhận lời cầu tha thiết như vậy.

Đời sống tâm linh được lồng trong đời thường, vẫn có đủ thất tình (hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố,dục) theo bản tính phàm nhân. Do đó mà chúng ta luôn phải cố gắng không ngừng, sơ sảy một chút là té nhào ngay thôi. Đôi khi còn có những điều trái tai, gai mắt, và chúng ta phải “vượt qua chính mình”. Thánh Phêrô nói: “Nếu có tội mà anh em bị đánh đập và đành chịu thì nào có vẻ vang gì? Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, đó là ơn Thiên Chúa ban” (1 Pr 2:20). Thật vậy ư? Chúng ta hãy nghe Thánh Phêrô giải thích: “Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại một gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người. Người không hề phạm tội; chẳng ai thấy miệng Người nói một lời gian dối. Bị nguyền rủa, Người không nguyền rủa lại, chịu đau khổ mà chẳng ngăm đe; nhưng một bề phó thác cho Đấng xét xử công bình” (1 Pr 2:21-23). Cái khó là “im lặng” và “phó thác” cho Chúa.

Chúa Giêsu là Nguồn Sống nhưng đã chịu bị giết chết, không phải Ngài đáng bị như vậy, mà Ngài chịu thay chúng ta, Ngài chịu chết để chúng ta có cơ hội sửa sai và có thể phục sinh vinh quang như Ngài: “Tội lỗi của chúng ta, chính Người đã mang vào thân thể mà đưa lên cây thập giá, để một khi đã chết đối với tội, chúng ta sống cuộc đời công chính. Vì Người phải mang những vết thương mà anh em đã được chữa lành. Quả thật, trước kia anh em chẳng khác nào những con chiên lạc, nhưng nay đã quay về với Vị Mục Tử, Đấng chăm sóc linh hồn anh em” (1 Pr 2:24-25). Chúa Giêsu chết vì tội lỗi của chúng ta, nghĩa là chúng ta cũng phải dám chết cho tội lỗi của chính mình – và tội lỗi của người khác, nhờ đó mà được sống lại và được sống viên mãn trong Đức Giêsu Kitô Phục Sinh.

Chúa Giêsu là Con Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống, đồng thời Ngài còn là Cửa (Ga 10:9), chính Cửa này dẫn vào Nguồn Sống Viên Mãn của Thiên Chúa: “Thật, tôi bảo thật các ông: Ai không đi qua cửa mà vào ràn chiên, nhưng trèo qua lối khác mà vào, người ấy là kẻ trộm, kẻ cướp. Còn ai đi qua cửa mà vào, người ấy là mục tử. Người giữ cửa mở cho anh ta vào, và chiên nghe tiếng của anh; anh gọi tên từng con, rồi dẫn chúng ra. Khi đã cho chiên ra hết, anh ta đi trước và chiên đi theo sau, vì chúng nhận biết tiếng của anh. Chúng sẽ không theo người lạ, nhưng sẽ chạy trốn, vì chúng không nhận biết tiếng người lạ” (Ga 10:1-5). Nghe Đức Giêsu nói vậy, người ta không hiểu Ngài nói gì.

Tất nhiên không chỉ khó hiểu đối với những người thuộc nhóm Pha-ri-sêu hồi đó, mà còn khó hiểu đối với cả chúng ta ngày nay, thậm chí có khi chúng ta còn không muốn hiểu. Thật vậy, những lời Chúa Giêsu nói nghe không thấy có gì “gay gắt”, nhưng thực ra hiểu rồi thì mới cảm thấy “đụng chạm” và “nhức óc” lắm, vì Ngài muốn nhấn mạnh đến tính chất cần thiết của Mục Tử Nhân Lành. Mục tử đó phải thể hiện lòng thương xót và dám liều mạng vì đoàn chiên. Nói đến lòng trắc ẩn, và đặc biệt trong Tháng Hoa, chắc hẳn nhiều người còn nhớ gương yêu thương sáng chói của Thánh tử đạo Lm Maximilian Maria Kolbe (*).

Chúa Giêsu là Mục Tử Nhân Lành đích thực, Ngài yêu thương mọi người, và Ngài chỉ muốn mọi người “đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm” (1 Ga 3:18), nhất là những người được lãnh nhận tác vụ linh mục, họ cũng PHẢI là những mục tử nhân hậu, PHẢI biết phục vụ chứ không hưởng thụ (Mt 20:28), thế nhưng vẫn thấy có những người thích dùng quyền và ra lệnh hơn là khiêm nhường phục vụ vì yêu thương. ĐGH Phanxicô đã từng cảnh báo các giám mục: “Mục tử có nguy cơ bị mê hoặc bởi viễn tượng nghề nghiệp, bởi cám dỗ về tiền bạc, và những thoả hiệp theo tinh thần thế gian”. Có lần ngài nhấn mạnh rằng giám mục là người được chọn để phục vụ một Giáo hội duy nhất, vì thế không được tìm kiếm một việc gì khác ngoài việc phục vụ Giáo hội, và ngài đã nói thẳng: “Nếu tìm kiếm một việc gì khác thì chính giám mục đó đang ngoại tình”. Gương “giám mục xa hoa” Franz Peter Tebartz van Elst (người Đức) còn đó, và rồi ông đã bị đình chỉ nhiệm vụ hồi tháng 10-2013. Chắc hẳn Mục Tử Giêsu buồn lắm!

Nhắc tới những điều “nhạy cảm” như vậy, có những người “nhột” (chính họ nhột hoặc nhột dùm), nhưng phải nhột như vậy mới có thể “thức giấc”. Chúng ta chỉ tâng bốc nhau bằng những lời khen sáo rỗng để lấy lòng nhau thì có ai lợi gì không, hay lại chỉ dìu nhau vào con đường mê lầm? Dám nhìn thẳng vào sự thật mới là người yêu sự thật, và nhờ đó mới có thể thành nhân. Sợ sự thật hoặc tránh sự thật là đồng lõa với sự giả dối, đừng biện hộ vì thế này hoặc thế nọ, và cũng đừng ảo tưởng “chiếc bánh vẽ” nào đó!

Cũng vậy, khi đọc Lời Chúa thì người ta chỉ thích đọc những câu “vừa ý mình”, tránh những câu “chói tai” càng nhiều càng tốt. Người ta nói rất mạnh khi gặp đoạn Kinh Thánh không “chạm” tới mình, nhưng lại “bẻ lái” khi gặp đoạn Kinh Thánh “hóc búa”, vì có những câu “chạm” mạnh quá, nên họ cảm thấy… “nhột” lắm!

Lời Chúa là thế, có lúc khiến chúng ta vui mừng phấn khởi, nhưng có lúc làm chúng ta đau điếng. Nhưng có dám chịu “nỗi đau” đó thì mới khả dĩ “bừng cơn mê” mà sớm thành nhân. Chỉ có thuốc đắng mới “đã” tật!

Là Mục Tử Nhân Lành, là Chúa Chiên Lành, Đức Giêsu xác định: “Tôi là cửa cho chiên ra vào. Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp, nhưng chiên đã không nghe họ. Tôi là cửa. Ai qua tôi mà vào thì sẽ được cứu. Người ấy sẽ ra vào và gặp được đồng cỏ. Kẻ trộm chỉ đến để ăn trộm, giết hại và phá huỷ. Phần tôi, tôi đến để cho chiên được sống và sống dồi dào” (Ga 10:7-10). Mục Tử Nhân Lành là vậy, luôn sống và hành động vì người khác, vì đoàn chiên. Ai không là chủ chiên nhân hậu như Đức Giêsu Kitô thì chỉ là “thợ chiên” (chăn thuê) mà thôi. Đi qua Cửa đó sẽ phải chịu “đau nhức” lắm đấy!

Liên quan sự viên mãn, Thánh Phaolô có mơ ước và cũng là lời kêu gọi: “Xin cho anh em, nhờ lòng tin, được Đức Kitô ngự trong tâm hồn; xin cho anh em được bén rễ sâu và xây dựng vững chắc trên đức ái, để cùng toàn thể dân thánh, anh em đủ sức thấu hiểu mọi kích thước dài rộng cao sâu, và nhận biết tình thương của Đức Kitô, là tình thương vượt quá sự hiểu biết. Như vậy anh em sẽ được đầy tràn tất cả sự viên mãn của Thiên Chúa” (Ep 3:17-19). Trong lời kinh hòa bình, Thánh nghèo khó Phanxicô Assisi đã nguyện ước thực tế mà sâu sắc: “Xin cho con biết mến yêu và phụng sự Chúa trong mọi người”. Và ngài tin chắc: “Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”. Đó chính là sự-sống-viên-mãn của những người tin thật Đức Giêsu Kitô là Thiên-Chúa-nhập-thể-làm-người, là Con-Thiên-Chúa-chịu-chết-và-phục-sinh.

Máu có màu đỏ tươi, rất đẹp, nhưng cũng rất đắt giá. Chúa Giêsu đã cứu độ chúng ta bằng Giá Máu đó! Chính nhờ Giá Máu đó mà chúng ta được phục hồi cương vị làm con và được hưởng sự sống viên mãn.

Lạy Thiên Chúa hằng hữu và hằng sinh, xin cho chúng con biết quên mình mà dấn thân vì chân lý, vì công lý, và vì tha nhân – nhất là vì những người hèn mọn. Xin cho chúng con được sự sống viên mãn của Ngài, biết thể hiện sự sống đó bằng hành động cụ thể chứ không bằng lời nói suông, thực sự trở nên “Kitô khác” chứ không “khác Kitô”. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

(*) Thánh Maximilian Maria Kolbe, linh mục Dòng Phanxicô (O.F.M.), sinh ngày 8-1-1894, tử đạo ngày 14-8-1941 tại trại tập trung Auschwitz của Đức Quốc Xã hồi thế chiến II. Ngài được tuyên xưng là vị tử đạo bác ái, vì ngài đã động lòng trắc ẩn mà chịu chết thay cho một tử tù còn vợ con. Ngài được Thánh GH Gioan Phaolô II tuyên thánh ngày 10-10-1982, ngài được chọn làm thánh bổn mạng của những người nghiện ma túy, các tù nhân chính trị, các gia đình, các ký giả, và phong trào bảo vệ sự sống. Thánh GH Gioan Phaolô II đã tôn ngài làm “Thánh Bổn Mạng của Thế Kỷ Khó Khăn Chúng Ta”. Thánh Maximilian đã nỗ lực thúc đẩy phong trào tận hiến và phó thác cho Đức Mẹ, do đó ngài được mệnh danh là Tông Đồ Tận Hiến cho Đức Mẹ. Cái chết của ngài là đỉnh điểm của sự sống hoàn toàn tận hiến cho Đức Mẹ, ngài được gọi là “Gã Khờ của Đức Mẹ”, vì ngài đã làm mọi thứ vì Đức Mẹ.

Về mục lục

.
CHÚA CHIÊN LÀNH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, giáo phận Xuân Lộc

Kính thưa quý OBACE

Trước đây, khi đất nước ta phần lớn còn làm nông nghiệp, thì sức kéo chủ yếu là dùng trâu bò. Vì thế, con trâu đối với nhà nông Việt Nam không chỉ là tài sản, là công cụ lao động, mà nó còn được yêu mến, chăm sóc không khác gì như người thân, người bạn. Người nông dân ăn với trâu, ngủ với trâu, và đưa trâu vào cả những bài thơ ca : Trâu ơi, ta bảo trâu này…/ Ai bảo chăn trâu là khổ…? Nếu như ở Việt nam, con trâu thân thiết như thế, thì đối với người Do Thái là một dân tộc du mục, họ sống gắn bó với con chiên như là với con cái trong nhà, người mục tử sẽ chăm sóc, bảo vệ và yêu thương đàn chiên, ăn ngủ với chiên, và vui buồn với con chiên của mình.

Đặt mình trong văn hóa du mục như thế, chúng ta dễ dàng hiểu những dụ ngôn của Chúa Giêsu nói về mục tử và đàn chiên hôm nay. Đọc trong các Tin Mừng, có những lần Chúa Giêsu khẳng định: Ta là mục tử tốt lành, ta biết các chiên ta và chiên ta biết ta, nhưng trong Tin Mừng Gioan hôm nay, Chúa Giêu lại dùng hình ảnh khác: Ta là cửa chuồng chiên.

Là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu muốn ví mình như một người bảo vệ an toàn cho chiên. Vì như cánh cửa của căn nhà là để che chắn cho những người bên trong đựơc an toàn khỏi sự xâm hại của kẻ xấu, khỏi những luồng gió độc, thì cũng vậy, người chủ chiên là người nằm ngủ ngay tại cửa chuồng chiên, là phòng tuyến bảo vệ đàn chiên khỏi bị trộm cắp cũng như khỏi sự tấn công của sói dữ, để canh giữ cho chiên được nghỉ ngơi an toàn. Là cửa chuồng chiên, Chúa Giêsu đã dùng lời dạy bảo và giới luật của Ngài để bảo vệ nhân loại khỏi lối sống buông thả, dễ dãi, giúp nhân loại thoát khỏi cuộc sống nhỏ nhen, thấp hèn để vươn lên sống đúng tư cách là con người và con Thiên Chúa. Ngài khai lòng mở trí và bảo vệ con người khỏi những tư tưởng và lối sống sai lạc, khỏi sự tấn công của sói sữ là ma quỷ, và những kẻ gian xảo là thế gian này.

Trong cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, Vị Mục Tử Giêsu đã phải trải qua một cuộc chiến đấu ác liệt với ma quỷ, tội lỗi và cái ác. Ma quỷ đã tìm mọi cách để kéo vị mục Tử Giêsu đi trệch khỏi con đường của Thiên Chúa, nó muốn Chúa Giêsu dẫn nhân loại đi theo ý riêng mình và thực hiện công cuộc cứu chuộc nhân loại bằng một con đường dễ dãi hơn là thập giá ; cũng vậy, để bảo vệ và cứu chuộc con người, Mục tử Giêsu đã trải qua trận chiến với tội lỗi và cái ác của con người, Ngài đã tử thương trên thập giá, nhưng lạ lùng thay, do bởi quyền năng Thiên Chúa, Ngài đã sống lại để vĩnh viễn tiêu diệt nọc độc của thần chết và thổi vào nhân loại một sức sống mới.

Là mục tử, Chúa Giêsu đã dẫn đàn chiên của ngài đến dòng nước hạnh phúc và đến đồng cỏ nước trời, Ngài dẫn dắt chiên bằng lời của Chúa, nuôi đưỡng đàn chiên bằng cỏ của tình yêu thương, bằng nước của ân sủng và hơn thế nữa Ngài đã trao hiến chính thịt máu mình trở nên lương thực nuôi sống đàn chiên mình, để những ai ăn thức ăn và uống thức uống Chúa trao thì sẽ được sống hạnh phúc muôn đời. Chỉ những ai đi ngang qua Đức Giêsu là cửa thì mới có thể vào được nhà của Thiên Chúa, mới có thể đạt được hạnh phúc đời đời.

Chúa Giêsu còn cho những người được Ngài tuyển chọn cộng tác với Ngài và thay Ngài để dẫn dắt đoàn chiên của Chúa. Tuy nhiên, Chúa Giêsu cũng cho thấy trong quá khứ đã có những mục tử thật và những kẻ chăn thuê, trộm cắp. Kẻ chăn thuê là người chăn chiên để kiếm tiền, là người lợi dụng đàn chiên ; kẻ trộm cắp là kẻ gian trèo tường để vào chuồng chiên, để bắt bớ và tàn sát chiên, hắn không phải là người chăn mà là kẻ hủy diệt, còn người mục tử đích thật là người đi ngang qua cửa mà vào với chiên. Mục tử thật là người đi qua cánh cửa Giêsu và được Chúa trao phó cho việc săn sóc đàn chiên của Chúa. Người ấy sẽ biết từng con chiên, sẽ gọi tên chúng, và hết mình săn sóc chăm lo cho đàn chiên. Mục tử thật chính là hình ảnh của Giáo Hội, Chúa Giêsu đã trao phó đàn chiên của Ngài cho Phêrô và những cộng tác viên của Người.

Với vai trò tiếp tục sứ mạng chăn dắt đàn chiên của Chúa, nhân danh Đức Giêsu, Phêrô và các đấng kế vị đã miệt mài chăm sóc và bảo vệ Giáo Hội mỗi ngày. Chính ở nơi Giáo Hội mà chúng ta tiếp tục được Thiên Chúa yêu thương và chăm sóc, được dạy dỗ bảo ban, và đặc biệt Giáo Hội còn không ngừng đem ân thánh và lương thực thiêng liêng để bồi bổ cho đàn chiên của mình qua việc Giáo Hội chuyên cần loan báo Lời Chúa và cử hành các Bí tích để đem Ơn Chúa cho thế giới và thánh hóa đoàn chiên. Những ai nghe theo sự dẫn dắt của Giáo Hội là nghe theo sự dẫn dắt của Chúa Giêsu, những ai yêu mến Giáo Hội là yêu mên Chúa Giêsu và họ sẽ được dẫn đến đồng cỏ hạnh phúc Nước trời.

Chúng ta thấy vai trò nổi bật cùa Phêrô, vị thủ lãnh Giáo Hội, được trình bày rõ nét trong sách Công Vụ Tông Đồ. Ngay sau khi đón nhận Chúa Thánh Thần, Phêrô đã thi hành chức năng của mình là thủ lãnh, là mục tử. Ông đứng lên giảng cho mọi người đang tụ tập ở Giêrusalem biết về Đức Giêsu và cuộc tử nạn phục sinh của Người. Thánh Phêrô đã xác tín và tuyên bố rằng: Đức Giêsu mà anh em đã treo trên thập giá, Thiên Chúa đã đặt Người làm Đức Chúa và làm Đấng Kitô. Điều đó có nghĩa là giờ đây, Thiên Chúa đã tôn vinh Đức Giêsu chính là Thiên Chúa và là Đấng được Chúa Cha xức dầu và làm Đấng Cứu thế, cứu chuộc cả nhân loại.

Tôn vinh Chúa Giêsu là cửa chuồng chiên và là mục tử tốt lành, chúng ta vui mừng và tin tưởng. Vui mừng vì chúng ta không phải là những con số trong một đám đông, nhưng chúng ta là từng cá nhân được Thiên Chúa yêu thương, chăm sóc. Ngài biết rõ tâm hồn ta và cả những yếu đuối, tội lỗi. Ngài không hắt hủi hay chê bỏ chúng ta mỗi khi chúng ta sai lỗi, nhưng Ngài đã kiên nhẫn, yêu thương tìm kiếm và băng bó vết thương trong tâm hồn chúng ta. Ngài không muốn để chúng ta bơ vơ, lạc lõng, nhưng Ngài đã cho các chủ chăn đến để hướng dẫn và phục vụ chúng ta. Chúng ta tin tưởng, bởi vì đi theo sự dẫn dắt của Chúa Giêsu và của Giáo Hội của Ngài, chúng ta không bao giờ sợ lạc đường, và vì được Chúa bảo vệ, chúng ta không còn sợ sự tấn công của ma quỷ và thần chết.

Sống trong cùng một đàn chiên, chúng ta còn phải liên kết với nhau và yêu thương nhau, tức là phải tiếp tục thể hiện tình thương của Đức Giêsu đối với anh em mình, gạt bỏ khỏi mình sự nghi kỵ, ích kỷ, nhỏ nhen để biết sống quảng đại, tha thứ và thông cảm. Hãy yêu mến và gắn bó với Giáo Hội là mẹ và là thày của chúng ta và vâng nghe theo sự hướng dẫn của Giáo Hội, vì Giáo Hội được Chúa Giêsu trao phó việc chăm lo cho chúng ta và hướng dẫn chúng ta đi theo con đường của Chúa.

Đồng thời với vai trò là cha mẹ trong gia đình, chúng ta cũng sẽ phải trở nên những mục tử thật của đàn chiên là gia đình mình, lắng nghe, hiểu biết từng đứa con, chăm lo cho con cái không chỉ lương thực và những nhu cầu thể xác, nhưng cha mẹ còn phải là mục tử đưa con cái mình đến với mục tử Giêsu, và đi theo đường lối của Chúa Giêsu. Đừng bao giờ đem cỏ dại, nước độc là những cãi vã, chửi bới, là sự lười biếng, trễ nải, gian dối về nhà đó là những thứ cỏ dại, nước độc sẽ đầu độc tâm hồn và hủy diệt con cái và gia đình. Hãy dẫn con cái đến dòng suối mát là tình yêu thương và sự êm ấm trong gia đình và đến đồng cỏ non chính là nếp sống đạo đức của cha mẹ, để con cái được bồi bổ và được tăng trưởng trong đời sống đức tin.

Là mục tử không phải là một cái nghề kiếm sống, mà là một ơn gọi và là sứ mạng được trao phó. Các bạn trẻ được mời gọi để quảng đại cộng tác với mục tử Giêsu, dám dành trọn cuộc đời mình để phục Chúa và Giáo Hội trong đời sống tu trì. Chúa sẽ không lấy đi điều gì của bạn nhưng Ngài sẽ đổ tràn vào tâm hồn và cuộc đời của các bạn sự phong phú và tình yêu thương, giúp tâm hồn và trái tim các bạn mở rộng để có thể cùng với Ngài và nhân danh Ngài yêu thương những người xung quanh và những người kém may mắn.

Dù các bạn không là linh mục hay tu sĩ, các bạn trẻ vẫn phải là những mục tử đích thật của Đức Giêsu, vẫn phải đi ngang qua Đức Giêsu, và vẫn phải là những thành viên tích cực và tốt lành trong đoàn chiên của Đức Giêsu là Giáo Hội. Hãy dám sống quảng đại trong một thế giới hẹp hòi, hãy sống vị tha trong một xã hội ích kỷ, hãy dám phục vụ trong một xã hội mà người ta chỉ lo cho bản thân. Hãy dám sống cao thượng trong một xã hội bon chen, nhỏ nhen, hãy dám sống tiết độ trong một xã hội hưởng thụ và hãy sống cho đáng tin trong một xã hội mà hầu như con người không còn tin tưởng lẫn nhau. Dám sống như thế, chúng ta đang thể hiệm mình là những con chiên của Chúa, đi theo Chúa và nghe tiếng Chúa, đồng thời cũng thể hiện mình là mục tử cho trong thế giới hôm nay. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ VÀ ĐOÀN CHIÊN

Lm.  Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc

Nhằm xây dựng những con người chân thật văn minh, phù hợp với tình người, trưởng thành hơn trong niềm tin vào cuộc sống, hẳn rất cần đến nhiều thứ vật liệu để làm nên, nhưng : “sự thật và tình yêu thương” không thể không có trong công trình xây dựng đời người. Truyện cổ tích Việt Nam có chia sẻ một kinh nghiệm như sau : có một chú bé mồ côi cha mẹ từ sớm, mọi người xung quanh đều thương yêu và sẵn sàng giúp chú mọi việc. Tuy nhiên, chú bé tinh nghịch, phá làng phá xóm khiến nhiều người phải nản lòng. Một hôm, chú bé la hét ầm ĩ : cháy, cháy, bà con làm ơn cứu, cứu…..nghe chú la hét, bà con lối xóm tất cả đều hối hả : người thì mang thùng, người thì mang thau, mang xô nước…..hy vọng giúp chú dẹp đám cháy. Đến nơi mọi người hỏi cháy ở đâu, chú thích thú cười và chỉ vào phía bếp, cháy nồi cơm. Mọi người lắc đầu, rồi ai nấy ra về với vẻ bực mình vì bị chú bé lừa dối.

Vào một buổi trưa nóng nực khác, chú bé la to : cháy, cháy, bà con ơi giúp cháu, cứu cháu…..cháy rồi…..cứu, cứu…. Đám cháy mỗi lúc một to, sau có một vài người tới, nhưng không thể cứu được nữa, thế là chú bé không còn nhà để trú ngụ. Nhiều người trẻ khi đọc câu truyện này đều hiểu rằng : nếu như đừng nói dối nói sạo, chú bé sẽ mãi nhận được tình yêu thương của bà con lối xóm, mọi người sẽ kịp thời giúp chữa cháy và nhà của chú không bị lửa thiêu.

“Một sự bất tín là vạn lần không tin”. Thật thà như đếm hay bác ái làm việc thiện để giúp người, cứu người, không còn là chuyện xa lạ mà chúng ta chưa nghe. Đức Giêsu là nhân vật lịch sử, cả thế giới đều biết đến. Đức Giêsu là Mục tử nhân lành hết tất cả người Kitô hữu đều nghe, nhưng để hiểu thế nào là Mục tử nhân lành, mọi người đều phải gặp Ngài, nhận được tình yêu thương của Ngài.

Việc làm tốt, lời nói dễ nghe, dễ hiểu là gương sáng để lại cho hậu thế, là mơ ước của mọi người đang tìm kiếm hạnh phúc. Chúa Giêsu hôm nay nói đến hình ảnh “cửa chuồng chiên”, và Chúa nhắc mọi người phải đi qua “cửa” mới vào chuồng chiên, còn leo trèo lối khác chính là kẻ cướp. Có thể người Việt Nam chúng ta thì xa lạ, khó hiểu vì chưa hiểu phong tục tập quán của “chiên và người chăn chiên”. Người Do Thái rất quen với hình ảnh cửa chuồng chiên, con chiên và người chăn chiên. Họ biết người chăn chiên phải liên kết với “chủ chiên” và đoàn chiên, chiên thì không được tách đoàn chiên, mới đảm bảo được sự an toàn.

Khi đưa ra hình ảnh “cửa chuồng chiên” “người chăn chiên”, và “đoàn chiên”, Chúa Giêsu muốn nói đến sự thật, và cũng làsứ mạng của người Mục tử coi sóc đoàn chiên màThiên Chúa đã gởi đến cho nhân loại. Chúa Giêsu là “cửa chuồng chiên”, tất cả giới lãnh đạo Do Thái là “người chăn chiên”, mà nếu như người chăn chiên không sống tinh thần của “Mục tử Giêsu”, đều là “mục tử giả” hay như Chúa nói mạnh mẽ hơn, đều là “kẻ trộm cướp”.

Bài sách Công vụ hôm nay, Phêrô và các tông đồ chỉ ra cho dân chúng tại Giêrusalem biết họ đã nhầm, khi nghe theo những người lãnh đạo gian dối của Thượng Hội Đồng đóng đinh Đức Giêsu, nay Thiên Chúa đã tôn Ngài lên làm Chúa và làm Đấng Kitô. Để sửa sai, mọi người hãy ăn năn sám hối để được ơn tha tội. Tác giả thư Phêrô trong bài đọc 2 chỉ cho thấy : người tín hữu thật là người được ơn Thiên Chúa ban để theo gương Đức Kitô mà làm việc lành, không sợ phải chịu đau khổ, kiên tâm chịu đựng, đó mới là công phúc trước mặt Thiên Chúa. Xưa kia anh chị em như chiên lạc, nhưng giờ đây, anh chị em đã trở về cùng vị “Mục tử” và Đấng canh giữ linh hồn anh em.Vì nhờ công phúc của Đấng chịu đóng đinh và sống lại, giải thoát chúng ta khỏi mọi tội lỗi, chúng ta đã được hưởng hiệu quả những hy sinh của Đức Kitô.

Người chăn chiên sẽ là “mục tự thật”, khi sẵn sàng bảo vệ, xả thân chăm sóc đoàn chiên dù có phải chịu đau khổ, mất mạng; khó lắm, nên người chăn chiên không thể gọi là Mục tử thật nếu không liên kết với “Mục tử Giêsu”. “Mục tử giả” có đến với đoàn chiên là đến để trục lợi, không phải đến chăm sóc hướng dẫn, do đó mà sói dữ tấn công thì chiên không thể tồn tại được !Nói đơn gian hơn, ai nhân Danh Đức Kitô mà chăn chiên, là mục tử thật; nhân danh mình là kẻ gian, là mục tử giả. Những ai dạy đạo lý của Đấng Kitô là mục tử thật; ai làm sự tội để lại gương xấu xa gian tham của mình cho người khác là mục tử giả hiệu.

Ngày hôm nay, mỗi chúng ta đều hiểu dù là mục tử hay chiên, tất cả đều phải qua Đức Kitô, Ngài là Cửa, cũng là Mục tử thật, chăm sóc, bảo vệ, bênh vực, hướng dẫn chúng ta đến sự sống đời đời. Nếu xác định mình là chiên trong đoàn chiên của “Mục tử Giêsu”, điều ấy sẽ thật ý nghĩa khi chúng ta không chọn tiền của, thế gian, xác thịt làm mục tử; mà sẽ chọn việc lành phúc đức, chia sẻ Đức Kitô “Mục tử” duy nhất của đời mình với người xuang quanh.

Con người thời nào cũng chán ghét phải sống thụ động như những người “vô danh tiểu tốt” ở giữa xã hội, sống như “con số không” âm thầm giữa một xã hội sôi động. Thực ra, mỗi chúng ta là chiên của Đức Kitô, chúng ta cũng là mục tử của những người mà ta có trách nhiệm, vì thế, không ai trong chúng ta là kẻ “vô danh tiểu tốt” trong nước Đức Kitô. Chúa Giêsu nói đến tầm quan trọng của “Cửa”, Ngài cũng nói đến “giá trị thiết thực” để chúng ta chọn lựa và qua “Cửa” mà vào để được cứu độ.

Hôm nay là chúa nhật cầu nguyện cho ơn gọi Linh mục Tu sĩ, lý do Giáo hội lúc nào cũng cần đến một số bạn trẻ quảng đại dấn thân tu luyện, để trở nên người lãnh đạo, người dám xả thân vì tình yêu thương, vì sứ mạng tông đồ mà Chúa Giêsu Mục tử kêu mời. Hôm nay là chúa nhật thứ hai của tháng năm, kính nhớ “ngày của mẹ”; qua đó, Giáo hội cũng kêu mời chúng ta hướng về công đức sinh thành, Các Vị là những Mục tử hết lòng vì con cháu, hết tình vì gương sáng cho đoàn chiên. Xin Chúa Giêsu Mục tử nhân lành ban ơn hiệp nhất, yêu thương, giúp mỗi chúng ta luôn ý thức được tinh thần và trách nhiệm của chiên và đoàn chiên trong Đại gia đình Hội Thánh Chúa đã thiết lập. Amen.

Về mục lục

.

MỤC TỬ TỐT LÀNH

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Chúa Giêsu nói: ‘Ta là cửa chuồng chiên” (Ga10,9); “Ta là mục tử tốt lành” (Ga10,11.14).

Sách GLCG số 754 giải thích hình ảnh này như sau: “Giáo Hội là chuồng chiên với Chúa Kitô, là cửa vào độc nhất và cần thiết. Giáo Hội cũng là đàn chiên mà chính Thiên Chúa đã công bố rằng Ngài sẽ là mục tử, và những con chiên, dầu có những mục tử loài người dẫn dắt, nhưng chúng luôn luôn có chính Chúa Kitô hướng dẫn va nuôi dưỡng, vì Ngài là chủ chăn tốt lành và là Ông Hoàng của các chủ chăn. Ngài đã thí mạng sống mình vì các chiên của Ngài”.

Chúa Giêsu là vị Mục Tử Tốt Lành với những nét đặc trưng sau đây:

  • Vị Mục Tử Tốt Lành hết lòng yêu thương những người thuộc về mình. Vì yêu thương nên Người quan tâm đến mọi người và đến từng người. Càng quan tâm thì càng biết tường tận: biết họ muốn gì, họ cần gì, họ có thể gặp phải những nguy cơ cạm bẫy hay thử thách nào.
  • Vị Mục Tử Tốt Lành luôn đi đầu, đi trước, hướng dẫn, lãnh đạo đoàn chiên, đứng mũi chịu sào, gánh chịu mọi khổ cực cho người thuộc về mình. Mục Tử Tốt Lành đem chiên đến những miền an toàn, có suối mát có cỏ xanh, cho chiên được ăn uống no nê, được nghỉ ngơi thoải mái. Chiên sẽ tăng trưởng cả về chất lượng lẫn số lượng. Mục Tử Tốt Lành dám hy sinh mạng sống vì chiên.
  • Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến để yêu thương, chăm sóc, quy tụ mọi con chiên. Ngài biết tên từng con chiên như Cha Ngài biết Ngài ( Ga 10,14-15). Ngài gọi tên từng con chiên và dẫn đi (Ga 10,3). Mục Tử sẵn sàng hy sinh mạng sống vì chiên: “Không có tình yêu nào cao vời cho bằng tình yêu của người hiến mạng sống vì người mình yêu” ( Ga 15, 13). Chúa Giêsu đã chứng tỏ Ngài là vị Mục Tử Tốt Lành, vị chủ chăn không bao giờ hèn nhát thấy sói tấn công chiên mà bỏ trốn, nhưng Ngài luôn cứu vớt, tập họp, chăn dắt ( Ga 10,9.16 ).

Chúa Giêsu là Mục Tử Tốt Lành đã luôn luôn hiện diện, yêu thương săn sóc và hy sinh mạng sống để cứu chuộc chúng ta. Chúa Giêsu đã chọn các tông đồ các môn đệ tiếp nối sứ mạng mục tử của Ngài. Chúa nhật IV Phục sinh, ngày cầu nguyện cho ơn thiên triệu linh mục và ơn gọi tu sĩ nam nữ. Giáo Hội luôn cần đến những mục tử tốt lành. Hãy cầu nguyện cho Giáo Hội có nhiều mục tử đạo đức, thánh thiện như lòng Chúa mong ước.

Các mục tử của Giáo Hội đều được mời gọi sống theo mẫu gương Mục Tử Giêsu Tốt Lành là “Ông Hoàng của các chủ chăn” (GLCG # 754).

ĐGM Bùi Tuần đưa ra những đặc tính của người mục tử tốt lành.

  1. Mục tử tốt lành là người nuôi dưỡng đoàn chiên bằng những lương thực có chất lượng cao.

Lương thực thứ nhất là Lời Chúa. Chúa Giêsu phán: “Người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng còn bằng mọi lời do miệng Chúa phán ra” (Mt 4,4). Lời Chúa là hạt giống mang sự sống thiêng liêng (Lc 8,11).

Lương thực thứ hai là Phép Thánh Thể. Chúa Giêsu phán: “Ta là bánh trường sinh… là bánh bởi trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời” (Ga 5,48-51).

Lương thực thứ ba là thánh ý Chúa Cha. Chúa Giêsu phán: “Lương thực của ta là thi hành thánh ý Chúa Cha, Đấng đã sai Ta” (Ga 4,34).

Mục tử không tự mình làm ra những lương thực thiêng liêng này, và không được phân phát ra một cách máy móc, nhưng phải cộng tác chặt chẽ với Chúa Giêsu, kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu, là mục tử tốt lành đứng đầu các mục tử.

  1. Mục tử tốt lành là người kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu.

Chúa Giêsu phán: “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở trong Thầy và Thầy ở trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái. Vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15,5). Kết hợp mật thiết với Chúa Giêsu là có một sự hiểu biết sâu xa về Chúa Giêsu do đã gặp gỡ Ngài và sống với Ngài thực sự.

Khi thánh Phêrô tìm người thay thế Giuđa Iscariốt, ngài đã nói với cộng đoàn: “Trong số những anh em đã cùng chúng tôi theo Chúa Giêsu suốt thời gian Người sống giữa chúng ta, kể từ khi Người được Ông Gioan làm phép rửa cho đến ngày Người lìa bỏ chúng ta và được rước lên trời, phải có người trở thành chứng nhân cùng với chúng ta làm chứng Người đã phục sinh” (Cv 1,21-22). Với những lời trên đây, thánh Phêrô, khi chọn người mục tử thay thế Giuđa, đã chỉ đưa ra một tiêu chuẩn là: người đó đã phải cùng sống với Chúa Giêsu và đã tham dự cuộc đời cứu thế của Ngài, một đời mặc lấy thân phận đoàn chiên, yêu thương đoàn chiên, cứu độ đoàn chiên và còn hơn nữa, như lời Ngài nói: “Ta còn có những chiên không thuộc đoàn này. Ta cũng phải đưa chúng về” (Ga 10,16). Ngài cũng khẳng định: “Mục tử nhânh lành hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (10,11).

Muốn được như vậy, người mục tử phải có những tâm tình của Chúa Giêsu. Nhất là sự khiêm nhường. Chúa Giêsu đã mời gọi các môn đệ hãy học với Ngài, đặc biệt là về đức tính“hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29). Chính Ngài đã cứu chuộc loài người bằng sự hiền từ khiêm tốn, vâng phục thánh ý Chúa Cha.

  1. Mục tử tốt lành là người luôn khát khao và cầu xin ơn Chúa Thánh Thần

Để biết phân định sự thực và sự không thực về thánh ý Chúa Cha, người mục tử tốt lành rất cần ơn Chúa Thánh Thần.

Chúa Giêsu phán: “Khi nào Thần Khí chân lý đến, Người sẽ dẫn anh em đến sự thật vẹn toàn” (Ga 16,13).Thần Khí chân lý là Chúa Thánh Linh. Khi Ngài đến, Ngài sẽ giúp cho mục tử làm mục vụ một cách rất mới, có hồn, đầy uy tín. Bởi vì Thánh Thần sẽ cho mục tử nếm được phần nào mùi vị ngọt ngào của sự sống Thiên Chúa trong Lời Chúa. Ngài sẽ cho mục tử nhìn thấy phần nào dung mạo đẹp đẽ của Thiên Chúa trong Phép Thánh Thể. Ngài sẽ cho mục tử cảm được phần nào lửa nồng nàn của tình xót thương Chúa ẩn tàng trong thánh ý Chúa. Những lúc đó, người mục tử sẽ phục vụ đoàn chiên với tất cả tâm hồn hòa tan trong quyền lực Thánh Linh, như thánh Phaolô xưa: “Khi đến với anh em, tôi thấy mình yếu kém, sợ sệt và run tẩy. Tôi nói, tôi giảng mà chẳng dùng lời lẽ khôn khéo hấp dẫn. Nhưng chỉ dựa vào bằng chứng xác thực của Thánh Linh và quyền năng Thiên Chúa”.(1Cor 2,3-5).

Thời nay người mục tử rất cần ơn Thánh Thần. Như ơn sáng suốt khôn ngoan trong phân định việc nên làm với cách nên làm, và việc không nên làm với cách không nên làm, ơn tiên liệu, ơn đối thoại, ơn đào tạo, ơn biết an ủi nâng đỡ đoàn chiên.

Tôi cho là rất quan trọng, đó là ơn biết quên mình, biết cởi gỡ mình khỏi mọi nô lệ tội lỗi, biết sống tự do thực sự nội tâm, để đón nhận Nước Trời, ơn biết xây dựng sự hiệp nhất yêu thương trong sự trọng kính những khác biệtĐặc biệt, tôi khát khao ơn cầu nguyện, ơn biết xót thương đoàn chiên và đồng bào mình, và biết giới thiệu Tin Mừng qua những diễn tả mới mẻ, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Làm sao để khi gặp linh mục và thấy linh mục làm mục vụ và việc xã hội, ngay cả khi thấy ngài thinh lặng cầu nguyện, hoặc thinh lặng hiện diện với tuổi tác và bệnh tật, mọi người thiện chí đều có cảm tưởng là một Đấng thiêng liêng đang hiện diện một cách tích cực trong cuộc sống ngài, và qua ngài mà Đấng ấy đang đến với lịch sử hôm nay.Với Đấng thiêng liêng ấy, linh mục hiện diện và đến như một tình thương, một hy vọng, một sức mạnh đổi mới trong dáng vẻ tu thân hiền từ và khiêm tốn.

Nghĩ tới đây, tôi cảm thấy vui, khi thoáng nhìn các mục tử trong Hội Thánh. Bản thân các ngài có rất nhiều giới hạn, kể cả tội lỗi. Nhưng các ngài đáng được chúng ta kính trọng yêu thương, nhất là rất đáng mọi người chúng ta chân thành giúp đỡ bằng lời cầu nguyện. Nhận thức đó do đức tin, vượt qua những sự bề ngoài, sẽ đưa chúng ta đến vô vàn lợi ích, Thiên Chúa giàu tình yêu thương xót sẽ ban thưởng cho chúng ta. (x. Thao Thức 3, trang 147-153, ĐGM Bùi Tuần).

  1. Mục tử tốt lành luôn cử hành Thánh Thể sốt sắng và nhiệt thành trong bí tích Hòa Giải.

Thư Chung Hậu Đại Hội Dân Chúa 2010 của HĐGMVN mời gọi các mục tử: “…Thánh Thể là trung tâm, nguồn mạch và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Giáo Hội. Do đó, các mục tử phải chú tâm đến việc cử hành Thánh Thể thật sốt sắng và xứng đáng, nhất là ngày Chúa Nhật, và hướng dẫn cộng đoàn tham dự Thánh Lễ cách ý thức, tích cực và sống động hơn. Các ngài cũng cần thúc đẩy và canh tân việc sùng kính Thánh Thể, vốn đã từng nổi bật trong truyền thống Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam.

Ý thức về thân phận tội lỗi của mình, các tín hữu cần khiêm nhường thống hối và đón nhận ơn tha thứ qua bí tích Giao Hòa, để xứng đáng là chi thể trong Nhiệm Thể Đức Kitô. Bí tích Giao Hòa  vừa là bí tích của hiện tại qua việc tha tội vừa là bí tích của tương lai nhằm xây dựngtình hiệp thông giữa gia đình con cái Thiên Chúa.

Ước mong các mục tử luôn quảng đại và sẵn sàng hơn nữa trong việc giúp các hối nhân lãnh nhận bí tích Giao Hòa. (Số 12).

Lạy Chúa Giêsu Mục Tử Nhân Lành.

Xin cho đoàn chiên của Chúa có thêm nhiều mục tử giống như Chúa. Amen.

Về mục lục

Exit mobile version