SUY NIỆM Lời Chúa CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG_B

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG_B

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG_B

Lời Chúa: 2 Sm 7,1-5, 8b-12,14a,16; Rm 16,25-27; Lc 1,26-38

 

Mục lục

1. Cuộc gặp gỡ kỳ diệu  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2. Khiêm nhường đón nhận  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt) 

3. Chúa Nhật 4 Mùa Vọng_B  (Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa)

4. Lộc trời  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

5. Sự phản chiếu  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

6. Thiên Chúa đến ở với con người  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

7. Đừng sợ  (Trầm Thiên Thu)

8. Tin mừng muôn thưở  (Lm.  Giuse Nguyễn Hữu An)

.

CUỘC GẶP GỠ KỲ DIỆU

Trong đời sống chúng ta, có biết bao cuộc gặp gỡ xảy đến mỗi ngày.

Có những cuộc gặp gỡ để manh mối làm ăn tính toán; có những cuộc gặp gỡ để xây tình thân hữu bạn bè.

Có những cuộc gặp gỡ làm khắc thêm hận thù do thiếu thiện chí. Có những cuộc gặp gỡ tăng thêm tình nghĩa nhờ quảng đại bao dung.

Có những khi gặp gỡ làm cho mình mất mát danh dự do kiêu căng, bất cẩn; có những lúc gặp nhau giúp ta học hỏi được nhiều điều hữu ích nhờ khiêm tốn chân thành.

Cuộc gặp gỡ giữa Sứ thần Gabrien và Trinh nữ Maria thành Nagiarét là một cuộc gặp gỡ thật kỳ diệu trong lịch sử. Đó không chỉ là cuộc gặp gỡ giữa một thiếu nữ với một thiên sứ, nhưng là cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và con người. Thiên sứ đại diện cho trời cao, Thiếu nữ đại diện cho đất thấp. Trời và đất gặp gỡ nhau trong niềm vui chan hòa. Thiên Chúa có sáng kiến chủ động đến gặp gỡ con người. Thực ra con người theo lẽ thường tình cũng chẳng dám đến gặp gỡ Chúa, vì họ mang thân phận tội nhân thấp hèn. Cuộc gặp gỡ này là khởi đầu cho một chuỗi những gặp gỡ thân tình khác giữa Thiên Chúa và nhân loại. Thực vậy, qua lời thưa xin vâng của Trinh nữ Maria, “Ngôi Lời đã làm người và ở với chúng ta”. Qua tinh thần sẵn sàng cộng tác của Đức Mẹ, Thiên Chúa đã chọn Mẹ là điểm đến đầu tiên của Ngài. Lễ Giáng Sinh nhắc chúng ta nhớ lại cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa với con người. Cuộc gặp gỡ này đã khởi đầu manh nha từ ngày truyền tin.

Đức Trinh nữ thành Nagiarét đã được mời gọi cộng tác với chương trình của Thiên Chúa. Vài ngày trước lễ Giáng Sinh, hình ảnh Đức Mẹ được tô đậm và nổi bật trong phụng vụ. Vẫn biết rằng Thiên Chúa có thể dùng bất kỳ phương thế nào để thực thi màu nhiệm nhập thể, nhưng việc Ngài dùng Đức Maria cho thấy quyền năng cao cả của Chúa thường được thực hiện bởi những phương tiện rất mỏng manh và khiêm hạ. Vẫn tin rằng Thiên Chúa có thể phán một lời để cứu độ nhân thế, nhưng việc Ngài sai Con Một nhập thể lại là bằng chứng hùng hồn của một tình thương bao la. Con Thiên Chúa đã đến trần gian để sống cùng, sống với và sống trong cuộc đời mỗi người. Tình thương nhập thể chẳng bao giờ có thể suy thấu, ơn cứu độ tìm hiểu mãi cũng không cùng. Trinh nữ Maria là một phương tiện Chúa dùng để tỏ bày tình thương cao cả ấy.

Cuộc gặp gỡ giữa ngôn sứ Nathan và vua Đavít nhằm loan báo một viễn tượng huy hoàng mà Thiên Chúa sẽ thực hiện trong tương lai, đó là một dòng tộc vững mạnh xuất thân từ Đavít (Bài đọc I). Cuộc gặp gỡ giữa Sứ thần và Trinh nữ nhắc đến Đấng sẽ “trị vì trên ngai vàng Đavít “, không phải chỉ nhất thời mà cho đến thiên thu vĩnh cửu. Vị Vua này không chỉ thống trị Israel gồm 12 chi tộc, nhưng là Israel mới, mang chiều kích vũ trụ muôn loài. Và thế là, Đấng nắm giữ vương quyền của dòng tộc Đavít mà Na-than loan báo đã đến trần gian. Con Đấng Cao cả do Gabrien loan tin đã đang hiện diện. Vị đã đến không chỉ là một ngôn sứ, nhưng là chính Đấng Emmanuen. Đấng đã đến trần gian không chỉ là một con người, nhưng là Thiên Chúa uy quyền vĩnh cửu. Hôm nay, ở mọi nơi mọi lúc, Đấng ấy đang đến với chúng ta qua Lời của Người, qua các Bí tích và qua những nghĩa cử thân tình bác ái mà chúng ta thực hiện cho nhau trong tình nhân loại.

Thiên Chúa đến gặp gỡ con người để mang cho họ niềm vui. Khởi đi từ cuộc gặp gỡ với Chúa, mỗi khi chúng ta gặp gỡ nhau, chúng ta cùng cộng tác xây dựng tình thân giữa Thiên Chúa với con người và giữa con người đồng loại. Mỗi cuộc gặp gỡ giữa chúng ta phải tăng thêm tình bạn, bớt đi oán thù. Việc Chúa đến mang ý nghĩa sâu xa là thế, mà xem ra thường hay bị lãng quên. Nhiều người chỉ nghĩ lễ Giáng Sinh là ngày nghỉ ngơi ăn chơi hội hè mà quên nhận ra Đấng đã đến để ở với nhân loại. Có người chỉ thấy qua lễ Giáng Sinh một biến cố từ hai ngàn năm xa xăm vời vợi mà không biết rằng Chúa đang hiện diện giữa chúng ta.

Lạy Đấng Emmanuen, xin mở mắt để chúng con nhận ra Người đang hiện diện nơi cuộc đời, xin mở đôi tay để chúng con thực thi lời Người dạy, xin mở tấm lòng để chúng con đón nhận anh chị em. Amen.

Về mục lục

.

KHIÊM NHƯỜNG ĐÓN NHẬN

Đọc Tam Quốc Chí, ai cũng mến mộ Trương Lương, một trong những vị tướng tài ba của Lưu Bang. Thuở nhỏ, Trương Lương đi dạo chơi ngoài bờ sông. Thấy một ông lão ăn mặc rách rưới nằm ngủ trên cầu. Ông lão ngủ say làm rơi một chiếc dép xuống sông. Thấy Trương Lương, ông sai bảo: Thằng bé, nhặt chiếc dép cho ta. Trương Lương vui vẻ xuống sông nhặt chiếc dép kính cẩn đưa lại cho cụ già. Cụ cầm lấy. không một lời cám ơn. Loay hoay xỏ mãi không vào, cụ đánh rơi chiếc dép một lần nữa. Cụ lại quát bảo Trương Lương: Thằng bé, xuống nhặt dép cho ta. Trương Lương vẫn vui vẻ giúp cụ. Lần thứ ba cũng thế. Thấy vậy, ông lão khen: Thằng bé này dạy được đây. Thì ra cụ là một cao nhân lỗi lạc. Và cụ nhận Trương Lương làm học trò, truyền dạy binh pháp cho ông. Nhờ thế, Trương Lương trở nên một danh tướng văn võ song toàn, đã giúp cho Lưu Bang dựng nên nghiệp đế vương.

Trương Lương gặp được thầy giỏi một phần nhờ cơ may. Nhưng phần lớn là nhờ sự khiêm nhường phục vụ của ông. Đọc truyện Trương Lương, tôi lại nhớ đến Đức Mẹ. Thời Đức Mẹ, ai cũng mong chờ Đấng Cứu Thế, nhưng chỉ mình Đức Mẹ được diễm phúc đón nhận. Chúa chọn Đức Mẹ, đó là do ơn lành nhưng không của Chúa, nhưng cũng vì Đức Mẹ có tâm hồn khiêm nhường đón nhận.

Đức Mẹ khiêm nhường trong đời sống bình dị. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo. Sống trong một thôn xóm nghèo hèn vô danh. Ngày ngày chu toàn những công việc tầm thường như nấu nướng, may vá, dọn dẹp nhà cửa.

Đức Mẹ khiêm nhường trong thái độ ứng xử. Trước mặt thiên sứ Gabriel, Đức Mẹ xưng mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, dù thiên sứ đã loan báo Mẹ sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Sau đó, Đức Mẹ đến thăm bà chị họ Elidabet. Vừa nghe Đức Mẹ chào, bà Elidabet đã ngợi khen Đức Mẹ là Mẹ Thiên Chúa. Đáp lại, Đức Mẹ chỉ nhận mình là phận hèn bé nhỏ. Nếu có được ơn gì là do Thiên Chúa thương ban.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ hoàn toàn vâng phục thánh ý Thiên Chúa. Đức Mẹ đã có chương trình riêng. Chương trình đó là sống độc thân trinh khiết. Đó là một chương trình tốt đẹp. Nhưng khi Thiên Chúa ngỏ ý muốn Đức Mẹ theo chương trình của Chúa, Đức Mẹ đã mau mắn từ bỏ chương trình riêng tư để đi vào chương trình của Thiên Chúa. Đức Mẹ nhận biết rằng, chương trình của Chúa là vô cùng tốt đẹp, còn chương trình riêng chỉ là bất toàn. Thánh ý Thiên chúa là tuyệt đối, còn ý riêng chỉ là khiếm khuyết.

Vì khiêm nhường nên Đức Mẹ phó thác trọn vẹn vận mạng trong tay Chúa. Khi thưa Xin vâng, Đức Mẹ đã mạnh dạn vượt qua những toan tính dè dặt của người đời để nép mình vào bàn tay quan phòng của Thiên chúa. Nếu ta hiểu luật lệ khắc nghiệt của người Do thái đối với phụ nữ không chồng mà có con, ta sẽ thấy Đức Mẹ liều lĩnh biết bao, và sự phó thác của Mẹ vào Thiên chúa mãnh liệt đến thế nào.

Vì đã thưa Xin vâng, nên Đức Mẹ chấp nhận tất cả, dù chưa hiểu hết Thánh ý Thiên Chúa. Tại sao Con Thiên Chúa phải sinh ra trong cảnh thiếu thốn nghèo nàn? Tại sao Vua trời đất lại phải chạy trốn như một kẻ yếu hèn? Tại sao Đấng Cứu thế làm nhiều phép lạ đến thế để cứu nhân độ thế lại bị người ta chống đối, hành hạ, giết chết nhục nhã như một tội nhân? Hoàn toàn không hiểu, nhưng Đức Mẹ vẫn khiêm nhường chấp nhận và tin tưởng phó thác. Vì thế Đức Mẹ vẫn kiên trì theo Chúa Giê su trên khắp mọi nẻo đường, cho đến dưới chân thánh giá.

Thái độ khiêm tốn chấp nhận của Đức Mẹ đã được Thiên Chúa yêu thương. Nước chảy xuống chỗ trũng. Ân huệ Thiên chúa đổ xuống tâm hồn khiêm nhường. Càng khiêm nhường càng nhận được nhiều ân phúc. Đức Mẹ có một tâm hồn khiêm nhường thẳm sâu, nên Đức Mẹ đã nhận được đầy tràn ân phúc của Thiên chúa, nhận được chính Ngôi Hai Thiên Chúa, là nguồn mạch mọi ân phúc.

Mùa Vọng là mùa chờ đón Chúa đến. Ta mong được đón rước Chúa vào tâm hồn. Ta mong được ân huệ dư đầy của Thiên Chúa. Ta hãy noi gương Đức Mẹ, biết khiêm nhường nhận mình tội lỗi yếu hèn, biết khiêm nhường từ bỏ ý riêng để thi hành ý Chúa, biết khiêm nhường vâng theo ý Chúa trong mọi hoàn cảnh của cuộc đời, biết khiêm nhường phó thác vân mệnh trong tay Chúa dù không hiểu hết những ý định mầu nhiệm của Người. Chỉ khi khiêm nhường tan biến thành hư không, ta mới được Chúa thương đổ đầy tràn ân phúc vào tâm hồn.

Lạy Đức Mẹ Maria, xin dạy con biết sống khiêm nhường để con đi vào chương trình của Thiên Chúa.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Bạn có nhận thấy sự khiêm nhường của Đức Mẹ không?
2) Từ bỏ ý riêng có dễ không?
3) Có khi nào bạn cảm thấy hoàn toàn bất lực để phó thác trọn vẹn trong tay Chúa chưa?
4) Khi đã hiểu rõ gương khiêm nhường của Đức Mẹ, bạn có muốn bắt chước Đức Mẹ không
?

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 4 MÙA VỌNG_B

Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay là tuần cuối cùng trước khi chúng ta mừng đại lễ Giáng sinh. Qua bài Tin mừng hôm nay, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm vai trò đặc biệt và quan trọng của Đức Mẹ Maria trong lịch sử ơn cứu độ, để học và noi gương Đức Mẹ, sống theo thánh ý Chúa, và như Đức Mẹ, chuyển ân sủng tình yêu, bình an và ơn cứu độ của Thiên Chúa đến cho mọi người.

Có một câu chuyện về một nữ tu dòng Mến Thánh Giá làm việc tại Cơ quan Bác ái Từ Thiện của địa phận. Chúng ta biết Cơ quan Bác ái Từ thiện có nhiều văn phòng mục vụ giúp đỡ những người nghèo, bệnh nhân và cung cấp nơi ở cho các người mẹ bị hành hạ và các phụ nữ lầm lỡ mang thai, có những điều kiện thuận lợi để sinh đẻ và nuôi con. Mỗi ngày sơ chỉ làm những công việc đơn sơ như cầu nguyện, chia sẻ lời Chúa, và cùng với một số người tình nguyện khác giúp những phụ nữ học về cách săn sóc trẻ thơ và có thời giờ để học nghề để sinh sống sau này. Chúng ta thắc mắc Cơ quan Bác ái và sơ Mến Thánh Giá hy vọng đạt được điều gì khi làm công việc đơn giản này? Sơ đã trả lời là nhiều phụ nữ chưa biết đến trung tâm này. Và sơ cho biết thêm, qua những công việc khiêm nhường này, sơ hy vọng những phụ nữ biết còn có những người lo lắng và quan tâm đến đời sống và hoàn cảnh của họ.

Sau một thời gian trong công việc này, sơ đã tâm sự “Lúc đầu, tôi rất buồn và không hiểu lý do tại sao Thiên Chúa lại để cho những người mẹ và những phụ nữ này phải sa vào tình trạng đau khổ như vậy. Thế nhưng sau đó, tôi đã hiểu rõ được Thiên Chúa sẽ không xuống trần gian nữa để bày tỏ cho chúng ta biết tình yêu thương bao la và sự quan tâm đặc biệt của Ngài. Ngày nay, Thiên Chúa nhờ qua chúng ta để Chúa tiếp tục hiện diện và ban tình yêu của Ngài đến cho người khác. Chúng ta phải trở thành dụng cụ để chuyển ơn sủng của Ngài đến cho người khác.”

Ông bà anh chị em thân mến. Sau khi đọc câu chuyện và nghe những lời phát biểu chân thành và cảm động của sơ Mến Thánh Giá, tôi tìm ra 2 điều rất chí lý mà tôi muốn chia sẻ với mọi người. Điều thứ nhất là khi sơ nói “Thiên Chúa sẽ không xuống trần nữa để bày tỏ cho chúng ta biết tình yêu thương bao la và sự quan tâm đặc biệt của Ngài”, sơ nói thật đúng. Thiên Chúa đã làm công việc này hơn 2 ngàn 14 năm trước đây, qua việc sai Ngôi Hai Thiên Chúa, là Đức Giêsu Kitô, xuống thế làm người, và đó là lý do tại sao chúng ta đang sửa soạn chuẩn bị tâm hồn mừng mầu nhiệm cao trọng này. Điều thứ hai mà tôi muốn chia sẻ với ông bà anh chị em là khi sơ nói, “Ngày nay, Thiên Chúa nhờ qua chúng ta để Chúa tiếp tục hiện diện và ban tình yêu của Ngài đến cho người khác. Chúng ta phải trở thành dụng cụ để chuyển ơn sủng của Ngài đến cho người khác”, lời phát biểu này thật chí lý.

Thật vậy, ông bà anh chị em thân mến, chúng ta phải trở thành khí cụ để Thiên Chúa hiện diện và tác động qua chúng ta. Khi Chúa Giêsu về trời sau cuộc sống nơi trần gian, Ngài đã truyền cho các môn đệ tiếp tục sứ mệnh của Ngài. Như Thiên Chúa Cha đã hành động qua Chúa Giêsu như thế nào khi còn ở dưới thế, thì chính Chúa Giê-su cũng dạy và kêu mời chúng ta hãy để cho Thiên Chúa Cha thể hiện và hành động qua đời sống của chúng ta như vậy. Mục đích quan trọng trong đời sống Kitô hữu chúng ta là trở thành cái máng, con đường hay con sông để chuyển ơn sủng tình yêu, bình an, tha thứ và hạnh phúc của Thiên Chúa đến cho người khác như Chúa Giêsu đã làm.

Đây chính là công việc mà sơ Mến Thánh Giá đang làm. Sơ là một cái máng, con sông đưa ơn sủng và tình yêu của Thiên Chúa đến những phụ nữ đang cần đến tình yêu, lòng thương xót và tha thứ của Thiên Chúa. Và thưa ông bà anh chị em, sơ Mến Thánh Giá đang làm công việc mà chính Đức Maria đã làm trong câu chuyện Truyền tin mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin mừng hôm nay. Để đáp trả lại lời mời gọi của Thiên Chúa, Đức Mẹ Maria, qua hai tiếng “Xin Vâng”, đã trở thành cái máng hay con sông chuyển ơn sủng tình yêu, tha thứ và ơn cứu rỗi của Thiên Chúa đến cho nhân loại. Mẹ đã tiếp nhận và cưu mang Ngôi Hai Thiên Chúa, bởi phép Chúa Thánh Thần, và đã hạ sinh Con Thiên Chúa để Ngài hiện diện và ở cùng chúng ta. Thật vậy sứ vụ của Đức Maria là chuyển đưa Con Thiên Chúa, ân sủng của Thiên Chúa đến cho nhân loại, và Mẹ Maria đã chu toàn một cách tốt đẹp.

Ông bà anh chị em thân mến. Những gì Đức Mẹ Maria và sơ đã làm, chúng ta cũng phải làm, vì đây cũng là sứ vụ của chúng ta. Chúng ta nên chú ý đến điều quan trọng này là nếu Chúa Giêsu tái sinh ra nơi trần gian, thì phải sinh ra qua chúng ta. Và chúng ta đừng quên rằng Thiên Chúa luôn luôn kêu mời và muốn chúng ta thưa lại với Ngài câu Đức Mẹ Maria đã thưa với Thiên Thần Chúa trong bài Tin mừng “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền.” Mừng ngày sinh nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người ở cùng chúng ta, là chúng ta mừng mầu nhiệm Chúa Giêsu đưa Thiên Chúa đến với chúng ta. Nhưng chúng ta không thể nào chỉ dừng ở đây, vì đó chỉ là một nửa mầu nhiệm Giáng sinh mà thôi.Chúng ta phải đi một bước nữa là chúng ta phải trở thành khí cụ, phải trở thành máng hay dòng sông để đem Thiên Chúa đến người khác. Đó là bài học chúng ta học được nơi chính Đức Maria, qua câu “Xin Vâng”, Mẹ đã đưa hồng ân Thiên Chúa đến với chúng ta. Đó cũng là lý do tại sao sơ làm mỗi ngày tại Cơ quan Bác ái Từ thiện. Đó cũng là lý do tại sao Chúa Giêsu xuống trần, và đó cũng là lý do tại sao chúng ta phải đưa Thiên Chúa đến với những người khác. Mỗi người chúng ta có một sứ vụ quan trọng vá bắt buộc phải thực hiện, phải chu toàn là đưa Thiên Chúa đến người khác. Nếu chúng ta chỉ mừng ngày sinh nhật của Chúa Cứu Thế, thì chúng ta chỉ mừng một nửa mầu nhiệm Giáng sinh mà thôi. Chúng ta phải sống mầu nhiệm này, để trở thành cái máng hay dòng sông chuyển đưa ơn sủng của mầu nhiệm này đến cho mọi người.

Xin Thiên Chúa giúp chúng ta biết noi gương Đức Maria, thưa với Chúa “Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Thiên Thần truyền.”  Và ban nhiều ơn lành cho tất chúng ta trong tuần cuối cùng mùa Vọng này, để chúng ta xây dựng một “máng cỏ” xứng đáng cho chính chúng ta và cho những người chung quanh, trước khi chúng ta mừng lễ sinh nhật của Ngôi Hai Thiên Chúa xuống thế làm người, đem tình yêu, bình an và ơn cứu độ của Thiên Chúa cho chúng ta.

Về mục lục

.

LỘC TRỜI

Nhân loại thời nào cũng bị thu hút bởi người tài giỏi đức độ, và tính hiếu kỳ luôn chú tâm vào những hiện tượng lạ đã và đang xảy ra…… “Có tiền mua tiên cũng được, không tiền mua được cũng không” lúc nào mà chẳng được gọi là thực tế hơn cả ; ở lãnh vực tâm linh, người ta thường xem là trừu tượng, chưa chắc đã có, nên ta từ từ bàn luận sau. Dù chấp nhận hay miễn cưỡng, tin hay không tin, cuộc sống này ta luôn bị chi phối bởi “chữ lộc”, có thể lộc là danh lợi thú, có thể lộc là “xác mạnh tâm an”, tùy theo quan niệm là vật chất, là tinh thần.

Đoạn Tin Mừng khá quen đối với chúng ta, đoạn Lời Chúa hôm nay nói về cuộc đối thoại giữa người của Thiên Chúa và một trinh nữ xinh đẹp. Tầm quan trọng của cuộc đối thoại là lời thưa vâng của trinh nữ mang tên Maria, lời thưa “vâng” đã hướng chúng ta đến “chữ lộc”, gọi là “LỘC TRỜI”. Với chúng ta, đối thoại và tranh luận thì không hiếm, nhưng đối thoại với thần linh không phải là dễ, còn “thưa vâng”, rồi lại quên thì không phải là chuyện lạ gì ! Quan niệm của xã hội, người tài đức mà không được xếp vào hàng ngũ lãnh đạo đất nước thì thật đáng tiếc. Trong Kitô giáo, Con Thiên Chúa xuống trần gian làm người, thông chia “lộc trời”, gánh vác đau khổ thập giá và chịu chết thay cho con người mà ta không đón nhận, đúng là tâm linh ta chưa có “lộc trời”.

Nhìn vào thời Chúa Giêsu, ngắm nhìn gia đình của mình, giáo xứ của mình, chúng ta đều có thể gặp nhiều người nghèo khổ, bệnh tật, đói tiền đói tình, rất cần được can thiệp… Đúng là lúc nào, thời nào con người cũng cần “lộc”, cần đến phép mầu, nhằm giải cứu, đáp ứng những nhu cầu của nhân loại. Có người xem “lộc” chính là kiếm được một việc làm ổn định, để nuôi sống gia đình. Có người xem “lộc” chính là có các bác sĩ tận tâm để cứu giúp chồng (vợ) mình thoát căn bệnh hiểm nguy. Lại có những kẻ mạo hiểm với những canh bạc đỏ đen, những việc gả bán con cho người nước ngoài đầy may rủi, thầm ước gia đình được đổi đời….

Cuộc sống chúng ta có khá nhiều cảnh những mong chờ “lộc” thật là khác nhau ! Mong đợi có việc làm tốt, đợi ơn lành, chờ “tài lộc” tới, tất cả các cuộc chờ đều không được thụ động, và chỉ có ý nghĩa khi được kín múc từ “lộc trời”. Vì vật chất, tinh thần rất gần với nhu cầu con người, vì “lộc” không thể thiếu trong cuộc đời, do đó có người phát biểu : “nếu tôi có quyền chọn người mẹ để sinh ra, tất nhiên tôi sẽ chọn người mẹ hết sức xinh đẹp và thánh đức”. Hy vọng chúng ta sẽ có được người mẹ đức độ hướng ta tới cái đích hạnh phúc thật.

Rất nhiều người hôm nay không có tướng mạo, vẫn có tài, không thiếu gì những gia đình nghèo khổ, nhưng con cái của họ lại thành đạt, nên người hữu ích, và hầu hết mọi người thuộc lòng câu tục ngữ : “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Xã hội nào cũng đầy dẫy những thiếu nữ xinh đẹp, thuộc gia đình tử tế; tuy nhiên không phải tất cả các thiếu nữ xinh đẹp đều có thể được các chàng trai tài đức, có danh có phận để tâm ngỏ lời.

“Tốt gỗ phải tốt cả nước sơn”, đẹp người cần đẹp cả nết nữa, có tướng phải có tài như thế mới trọn vẹn toàn diện. Chuẩn bị cho đại lễ Giáng Sinh sắp tới, phụng vụ Lời Chúa luôn cho thấy sự mạnh mẽ, quyết đoán nơi ông Gioan, từ niềm vui bên trong, ta cũng được mời gọi để chú ý đến “lộc”nơi thiếu nữ Maria, nơi lời thưa vâng của Trinh nữ Maria.

Mọi nơi, và rất nhiều nhà thờ, nhiều gia đình đã chuẩn bị hang đá đón “Lộc Trời”, qua đó Hài Nhi Giêsu lại hướng người Kitô hữu chúng ta dọn hang đá tâm hồn để “lộc trần và lộc trời” giao hòa. Sứ Thần Gabriel đến gặp Đức Maria để ngỏ lời, để Trinh nữ tự do nói lên sự đồng ý cộng tác với chương trình của Thiên Chúa ? Thiếu nữ Maria đã trả lời thưa vâng….. Trong lúc cầu nguyện, có thể ta hỏi Chúa, đặt vấn đề với Chúa, vì Chúa muốn ta cân nhắc để có thể tự do ưng thuận. Nếu Thiên Chúa chọn ta thì là để ta chia sẻ “lộc” của Ngài chứ không phải “lộc” của ta, để ta làm theo thánh ý Ngài chứ không phải ý của ta.

Sách có câu : “bạn có thể mang con ngựa tới dòng sông để ngựa uống nước, nhưng bạn không thể bắt ngựa uống nước” ! Con Thiên Chúa đến trần gian làm người, nhưng không thể bắt một thiếu nữ hay một thanh niên nào làm cha làm mẹ, tức là Ngài luôn tôn trọng tự do của mỗi người. Con Thiên Chúa đến trần gian mang thân phận người phàm để cảm thông chia sẻ đau khổ, sự giới hạn bất toàn của con người…., nhưng Ngài chỉ “ban lộc”, cứu giúp, đỡ nâng được những ai biết nói lời thưa vâng.

Vinh hoa phú quí, hạnh phúc tạm ở trần gian, vẫn là nỗi nguy hiểm, khiến người ta không còn có thời gian chuẩn bị cho “LỘC TRỜI” đến với tâm hồn mình, gia đình mình. Không có gì quí hơn độc lập tự do, nhưng chính tự do đã biến hoá con người có nhiều nguy cơ vấp phạm đến tình yêu của Thiên Chúa. Dù giàu hay nghèo, dù tài giỏi hay không thông minh, tất cả đều hướng tới cái đích hạnh phúc, mà hạnh phúc thật là : sống lời thưa vâng, biết tín thác vào “Lộc Trời” là Chúa Giêsu Kitô. Amen.

Về mục lục

.

SỰ PHẢN CHIẾU

Một cậu bé đang đi bộ cùng người cha trên ngọn núi. Bỗng nhiên, cậu bé bị té, rất đau. Cậu bé thét lên: “Á… á… á!!!”

Nhưng ngay sau đó, cậu bé lại ngạc nhiên khi nghe chính giọng nói của mình lặp lại ở đâu đó trên ngọn núi: “Á… á…á!!!”.

Tò mò, cậu bé hét: “Ai đó?”, nhưng rồi cậu cũng chỉ nhận được câu trả lời: “Ai đó?”. Tức giận với câu trả lời vừa phát ra, cậu bé lại hét lên:”Kẻ nhát gan!” và cậu lại tiếp tục nhận được câu trả lời: “Kẻ nhát gan!”…

Cậu bé nhìn cha mình và hỏi:”Chuyện gì vậy hở cha?”.

Người cha mỉm cười và nói:”Con trai, chú ý đây nhé!”. Sau đó, người cha hét vang vào ngọn núi: “Ta rất ngưỡng mộ ngươi!”.

Giọng nói ấy lại trả lời: “Ta rất ngưỡng mộ ngươi!”. Người cha lại hét vang một lần nữa: “Ngươi là người chiến thắng!”, giọng nói ấy vẫn tiếp tục trả lời: “Ngươi là người chiến thắng!”.

Cậu bé ngạc nhiên, không hiểu gì cả. Người cha ôn tồn giải thích:”Người ta gọi đó là tiếng vang, nhưng thực sự đó là cuộc sống. Nó sẽ trả lại mọi thứ mà chúng ta đã làm hay đã nói. Cuộc sống là một sự phản chiếu hành động của chúng ta. Nếu con muốn có nhiều hơn tình yêu trong thế giới này, hãy tạo ra nhiều tình yêu hơn trong trái tim con. Cuộc sống sẽ đón nhận lại tất cả những gì mà chúng ta đã làm”.

Cuộc đời không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Nó là sự phản chiếu của bạn! Cuộc đời ta hạnh phúc hay buồn đau. Sung sướng hay đắng cay phần nhiều là phản chiếu từ những điều chúng ta đã nói, đã làm. Nói những điều tốt lành sẽ nhận những lời yêu thương. Làm những việc thiện sẽ gặt hái rất nhiều niềm vui. Cuộc sống chúng ta sẽ vô vị nếu chúng ta vô cảm với cuộc đời và cũng sẽ bất hạnh nếu chúng ta gieo vào cuộc đời những điều nghịch với chân thiện mỹ.

Hôm nay Chúa nhật thứ 4 mùa vọng, Giáo hội cho chúng ta thấy chân dung của Mẹ Maria. Một chân dung toát lên vẻ thánh thiện. Một chân dung của con người khiêm nhu không cầu danh vọng, không mê tưởng những chuyện cao siêu. Một con người bình dị sống đơn sơ, khó nghèo, bác ái, vị tha. Một người Mẹ của Thiên Chúa và cũng là mẹ của nhân loại chúng ta. Cuộc đời Mẹ luôn phản chiếu vẻ đẹp của tâm hồn thanh khiết, yêu thương đến độ từ trời cao Thiên Chúa đã nhìn thấy Mẹ luôn làm đẹp lòng Chúa. Cuộc đời Mẹ nhận được rất nhiều phúc lành của Thiên Chúa vì Mẹ luôn gieo vào đời khúc hát yêu thương. Mẹ được gọi là người có phúc vì Mẹ đã luôn sống theo lề luật của Chúa. Cuộc đời Mẹ cũng tràn ngập niềm vui vì tâm hồn Mẹ luôn quảng đại dấn thân vì tha nhân. Mẹ đã hưởng trọn niềm vui khi đến với gia đình Gia-ca-ri-a. Nơi đây khúc hát ngợi khen đã vang lên trên môi miệng Mẹ: “linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa”.

Mỗi người chúng ta đều ao ước được phúc lành của Chúa. Xin hãy sống theo lề luật của Chúa. Mỗi người chúng ta đều ao ước được hạnh phúc. Xin hãy gieo những hạt giống của yêu thương cho trần thế. Nhưng đáng tiếc thay, chúng ta lại không đủ can đảm để gieo niềm vui và hạnh phúc cho tha nhân. Chúng ta vẫn nói xấu người khác nên chúng ta cũng chỉ nhận lại những lời chỉ trích của tha nhân. Chúng ta vẫn chơi xấu anh em nên chúng ta cũng chỉ nhận lại những tiếng chê trách của tha nhân. Chúng ta vẫn lỗi công bình bác ái nên chúng ta cũng chỉ nhận lại những sự khinh khi coi thường . . .

Xin cho chúng ta luôn hưởng trọn vẹn niềm vui như Mẹ Maria khi biết sống hết mình vì tha nhân.  Xin Chúa giúp chúng ta luôn làm những điều đẹp lòng Chúa như Mẹ để chúng ta nhận lại niềm vui ngập tràn, và nhất là luôn được Chúa chúc phúc như Mẹ. Xin cho cuộc đời chúng ta luôn được an bình, hạnh phúc vì đã hết mình gieo niềm vui và hạnh phúc vào trong thế gian. Amen

Về mục lục

.

THIÊN CHÚA ĐẾN Ở VỚI CON NGƯỜI

Trong những ngày này, nhiều người khi gặp nhau thường hỏi han : Noel có chương trình gì không ? Câu trả lời thường khác nhau, người thì chuẩn bị cho bữa liên hoan với bạn bè, người khác lại lên kế hoạch cho một đêm overnight ở đâu đó. Dịp Giáng sinh đối với các bạn trẻ đã trở thành một dịp vui chơi. Ở các siêu thị, các đường phố Sài Gòn, người ta thấy nhiều hình thức trang trí Noel hết sức sặc sỡ, đẹp mắt. Vào đêm Giáng sinh, mọi người đổ ra đường để đến các tụ điểm vui chơi. Ở những nơi ấy cũng có hang đá, cũng có tượng Chúa Giáng sinh, mà thực ra, những hang đá ấy không hề có Chúa, mà chỉ là hình thức để dụ khách hàng đến vui chơi, mua sắm. Nhiều người có đạo, khi hỏi Lễ Giáng sinh là ngày gì, có người chỉ biết đó là ngày lễ Noel. Nhiều thanh thiếu niên cho rằng, Giáng sinh là ngày lễ của Ông già Noel, vì đâu đâu cũng thấy hình ảnh ông già Noel hơn là thấy hình ảnh Giáng sinh của Con Thiên Chúa. Cứ như thế, đến một lúc nào đó, mùa Giáng sinh sẽ mất đi ý nghĩa tôn giáo mà chỉ còn là mùa mua sắm, mùa lễ hội và mùa du lịch mà thôi.

Ở các nhà thờ, những ngày này đang tất bật chuẩn bị làm hang đá, trang trí những ngôi sao, những ánh đèn cho đẹp mắt. Thế nhưng thử hỏi, chúng ta đã chuẩn bị tâm hồn thế nào để đón Chúa Giáng sinh ? Có lẽ sẽ có nhiều câu trả lời rất khác nhau, tùy thuộc tâm tình mỗi người.

Sách Samuel kể lại thiện chí của vua Đavít, khi ông được bốn bề yên hàn. Ông chuẩn bị xây dựng cho Hòm Bia Thiên Chúa một cung điện khang trang xứng đáng. Tuy nhiên qua tiên tri Nathan, Thiên Chúa đã báo trước, Ngài không cần cung điện mà Đavít định xây, nhưng Ngài sẽ chuẩn bị cho Đavít một việc lớn lao hơn, đó là Ngài sẽ xây dựng cho ông một dòng dõi trường tồn vạn kỷ, sẽ cho triều đại của Đavít bền vững thiên thu. Vị vua được sinh ra bởi dòng dõi Đavít sẽ được Thiên Chúa yêu thương, bảo vệ và vương quyền, ngai báu của Ngài sẽ bền vững mãi mãi.

Lời hứa này của Thiên Chúa đã nuôi dưỡng niềm hy vọng và đức tin của dân Chúa. Họ tin rằng, vị vua mà Thiên Chúa hứa với Đavít chính là đấng cứu thế, đấng sẽ đem lại hòa bình, thịnh vượng cho dân Ngài. Lời hứa này còn là sức mạnh giúp dân Israel vượt qua biết bao thử thách và những lúc đen tối nhất trong lịch sử.

Thiên Chúa không để cho dân Ngài thất vọng. Đến thời đã định, Thiên Chúa sai sứ thần đến với trinh nữ Maria tại Nazaret để mời gọi Mẹ cộng tác trong việc thực hiện chương trình cứu độ mà Thiên Chúa đã hứa, là cho Con của Ngài xuống thế làm người.

Mặc dù đã nằm trong kế hoạch từ ngàn xưa, nhưng khi thực hiện kế hoạch này, Thiên Chúa vẫn muốn hỏi ý kiến và chờ đợi sự tự do đáp trả của Đức Maria. Mẹ đại diện cho cả nhân loại được cộng tác vào chương trình của Thiên Chúa. Đức Maria đã sẵn sàng thưa tiếng xin vâng : Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời sứ thần truyền. Khi thưa tiếng xin vâng, Đức Maria đã không thể hiểu và cũng không thể hình dung hết những gì đang và sẽ xảy ra cho mình.

Sứ thần vào nhà trinh nữ và chào : Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng. Thiên Chúa ở cùng Bà. Lời chào hết sức long trọng, khiến Maria bối rối, khó hiểu. Trong khi bối rối, thắc mắc như thế, Sứ thần đã giải thích thêm : Vì Bà đẹp lòng Chúa. Này Bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả và được gọi là Con Đấng Tối Cao. Những lời này quả là vượt quá sức tưởng tượng của Maria, vì Mẹ ý thức mình chỉ là một thiếu nữ nhỏ bé, bình dị như bao phụ nữ khác trong làng, vậy mà lại sinh hạ : Con Đấng Tối Cao. Với cụm từ Con Đấng Tối Cao, thì người Do Thái nào khi nghe đến cũng phải sấp mình thờ lạy, huống nữa là giờ đây Sứ thần lại nói Mẹ : sinh hạ Con Đấng Tối Cao.

Sứ thần giải thích thêm : Đức Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacop đến muôn đời, và triều đại Người sẽ vô cùng vô tận. Có lẽ khi nghe những điều này, bất cứ người Do Thái nào cũng nhớ ngay đến lời Chúa hứa với vua Đavít trong bài đọc một hôm nay. Đồng thời, người Do Thái cũng hiểu ngay lời hứa này nói về Đấng Mesia và chắc chắn Đức Maria cũng hiểu như thế.

Tuy nhiên, dù đã đính hôn với Giuse, thuộc dòng dõi Đavit, Đức Maria vẫn không hiểu Thiên Chúa sẽ thực hiện cách nào vì Mẹ chưa hề chung sống với Giuse. Sứ Thần đã giải thích : Chúa Thánh Thần sẽ đến với Bà, và quyền năng của Đấng Tối Cao sẽ bao trùm bà. Vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Lời giải thích của Sứ thần cho thấy : Nếu như xưa, Thần Khí của Thiên Chúa bay là là trên mặt nước và làm cho vũ trụ từ hư vô, trống rỗng trở nên có sự sống, thì trong biến cố này, Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ hoạt động để thực hiện cuộc sáng tạo ngay trong cung lòng Đức Maria để tạo nên thân xác Ngôi Lời Con Thiên Chúa.

Trinh nữ Maria đã hoàn toàn buông mình vào vòng tay quyền năng của Thiên Chúa qua lời thưa : Này tôi là tôi tớ Chúa, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền. Với lời thưa này, Mẹ mở rộng tâm hồn để cho Thiên Chúa đưa Con Ngài vào trần gian. Mẹ đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa sử dụng con người và cuộc đời của mình. Mẹ còn dâng tặng cho Thiên Chúa cả máu thịt, khí huyết của mình để từ đây làm nên máu thịt của Con Thiên Chúa.

Nếu như ngày xưa, Thiên Chúa dường như ở xa con người, thì với lời xin vâng của trinh nữ Maria, Thiên Chúa đã đến, đã ở với con người. Để từ đây, Ngài hoàn toàn chia sẻ thân phận con người với chúng ta, cùng chung chia niềm vui, nỗi buồn của con người.

Đại lễ Giáng sinh đã gần đến. Thiên Chúa đang đứng gõ cửa tâm hồn và chờ đợi chúng ta mở cửa cho Ngài. Hãy nhìn vào tấm gương Mẹ Maria để biết khiêm nhường đón nhận lời mời gọi của Thiên Chúa, sẵn sàng quảng đại đón Chúa vào tâm hồn, vào trong gia đình của mình. Thiên Chúa có thể làm người bằng cách khác, nhưng Ngài lại muốn đến để sống trong một gia đình. Và giờ đây, Ngài đang muốn bước vào gia đình mỗi chúng ta. Ngài chỉ chờ chúng ta mời Ngài bước vào. Có Chúa, gia đình chúng ta bừng sáng niềm vui. Ngài sẽ xua trừ ma quỷ cùng những tối tăm, gian dối, tội lỗi do ma quỷ gây ra trong gia đình chúng ta. Hãy đưa Chúa vào gia đình qua các giờ kinh, hãy để Ngài hiện diện trong bữa ăn với gia đình, để Ngài chia sẻ những khó khăn, vất vả của gia đình.

Nhưng trước hết, hãy để Chúa bước vào cuộc đời mỗi người qua việc siêng năng xưng tội, rước lễ ; qua việc đọc và lắng nghe Lời Chúa ; qua việc dâng tặng Chúa cả cuộc đời để Chúa sử dụng theo ý Người. Thiên Chúa đang nói với mỗi người qua Lời Chúa, qua giới răn lề luật của Ngài và mời gọi chúng ta sẵn sàng thưa vâng với giáo huấn của Chúa. Một khi chúng ta dám thưa tiếng xin vâng với Chúa, Chúa sẽ không bao giờ chịu thua lòng quảng đại của chúng ta. Chúa sẽ tuôn đổ trên chúng ta ân sủng và tình yêu của Ngài, như xưa Chúa đã đổ xuống trên cuộc đời Đức Maria.

Các bạn trẻ đã chuẩn bị những gì để đón Chúa ? Đừng đánh mất ý nghĩa ngày Con Thiên Chúa xuống thế làm người bởi những cuộc vui, cuộc ăn nhậu thâu đêm, để rồi đi đến thác loạn và những hậu quả nghiêm trọng khác nữa. Đừng vô tình biến ngày đại lễ của chúng ta thành ngày lễ hội hình thức bên ngoài ; đừng biến nó thành ngày của ông già Noel. Để tránh những thái độ như thế, các bạn cần quay về với tâm tình tôn giáo và bầu khí đạo đức của giáo xứ, của gia đình, bằng việc chuẩn bị riêng cho tâm hồn mình sự thanh sạch nhờ Bí tích Giải tội, đón nhận niềm vui thâm sâu nhờ Bí Tích Thánh Thể và bằng việc xum họp gia đình. Khi có Chúa ở trong tâm hồn, các bạn sẽ không cần đến niềm vui nào khác nữa. Có một bầu khí gia đình ấm cúng, các bạn sẽ cảm nhận được niềm vui Giáng sinh, và nếu tham dự các lễ hội trần gian, các bạn sẽ là người đem Chúa vào các lễ hội ấy. Sống và thực hành như thế là cách chuẩn bị tốt nhất để đón Chúa.

Xưa Đức Maria đã mở rộng tâm hồn để cho Chúa bước vào, xin Mẹ cũng giúp chúng ta biết noi gương Mẹ, sẵn sàng để nghe được tiếng Chúa và để Chúa sử dụng cuộc đời chúng ta. Amen.

Về mục lục

.

ĐỪNG SỢ

Khi Chúa Giêsu đi trên mặt biển hồ, tất cả các ông đều nhìn thấy Ngài và đều hoảng hốt. Lập tức, Ngài bảo các ông: “Cứ yên tâm, chính Thầy đây, đừng sợ!” (Mt 14:27; Mc 6:50; Ga 6:20).

Nhiều lần khác, Kinh Thánh cũng có những lời động viên chúng ta về sự can đảm: “Đừng sợ!” (Xh 14:13; Đnl 31:6; Is 43:1; Gr 46:27-28; Gr 51:46; Is 41:13; Mt 10:26; Mt 10:28; Mt 10:31; Mt 14:27; Mt 17:7; Mt 28:5; Mt 28:10; Mc 5:36; Mc 6:50; Ga 14:27; Lc 1:13; Lc 2:10; Lc 5:10; Lc 12:4; Lc 12:7; Lc 12:32; Lc 21:9; Ga 6:20; Ga 14:27; Kh 1:17-18). Thánh GH Gioan Phaolô II đã sống đúng theo “châm ngôn” này dù ngài đã bị những kẻ xấu ám sát vài lần.

Nỗi sợ hãi là một trong những điều có thể chi phối cuộc sống của chúng ta, vì thế rất cần có người động viên. Có nhiều dạng và nhiều mức độ sợ hãi, lời động viên cũng đa dạng. Bà Amelia Mary Earhart (*) nhận định: “Điều khó khăn nhất là quyết định hành động, phần còn lại là sự kiên trì. Nỗi sợ hãi là những con hổ giấy. Bạn có thể làm bất cứ điều gì mình quyết định làm, có thể hành động để thay đổi và chi phối cuộc đời mình, và quá trình của đó chính là phần thưởng”. Người không sợ hãi, không lùi bước trước bất công, đó là người can đảm. Khi đối diện thực tế, người ta phải thực sự can đảm mới không sợ hãi. Trong cuộc sống, có nhiều người nói mạnh miệng nhưng thực ra chỉ là những kẻ nhát đảm!

Giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2014 được trao cho cô nữ sinh Malala Yousafzai (sinh 1997, Pakistan) và ông Kailash Satyarthi (sinh 1954, Ấn Độ). Cả hai đều là những nhân vật nổi tiếng thế giới chống lại sự áp bức bóc lột trẻ em lao động và quyền được hưởng sự giáo dục từ học đường. Cô Yousafzai bị phe Taliban bắn trọng thương ở đầu vào tháng 10-2012 trên một chiếc xe bus vì tranh đấu đòi quyền cho các em gái được hưởng sự công bằng về giáo dục học đường. Ông Satyarthi đã rất can đảm khi dẫn đầu các đoàn biểu tình chống sự khai thác lao động trẻ em ở Ấn Độ. Ông cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cho những nỗ lực tranh đấu của mình. Điển hình vào năm 1994 với giải thưởng Hòa Bình ở Aachen, năm 1999 với giải thưởng Nhân Quyền của Friedrich-Ebert-Stiftung. Một trẻ và một già, một nữ và một nam, nhưng họ có “điểm chung” là lòng can đảm: Bảo vệ chân lý, đấu tranh vì công lý và đòi nhân quyền.

NS Anh Bằng cũng đã viết ca khúc “Đừng Sợ Hãi” để động viên người Việt Nam, đặc biệt là giới trẻ:“Đừng sợ hãi! Hãy vươn lên, tranh đấu cho quê hương Việt Nam, niềm tin bác ái! Đừng sợ hãi! Xiết tay nhau, mang trái tim yêu thương Việt Nam vào đời!”. Sự giằng co giữa can đảm và sợ hãi là cuộc chiến nội tâm. Tương tự, trong mỗi chúng ta cũng luôn có cuộc chiến tâm linh, có can đảm mới đủ sức chiến thắng. Chưa chết thật, nhưng một số người đã “chết yểu” – chết giấc hoặc chết khiếp, họ đã “chết” ngay khi đang sống! Những người hung hãn, dữ tợn với người khác là những người yếu bóng vía, sợ mình thua người khác nên muốn chứng tỏ “sức mạnh ảo” để chứng tỏ mình, nhưng đó chỉ là tự tố cáo rằng “tôi sợ lắm!”. Tục ngữ cũng nói “cáo mượn oai hổ” để chỉ loại người nhát đảm này.

Cuộc chiến nào cũng cần sự can đảm. Người can đảm là người dám nói thẳng nói thật vì công ích, không xu nịnh, không bè phái, không luồn cúi,… Muốn can đảm thì không gì hơn là bám vào Thiên Chúa, vì Ngài là Sự Thật (Ga 14:6), tức là luôn biết tín thác vào Ngài, mà tín thác thì phải tuân phục – xin vâng Thánh Ý. Sách Samuel, chương 7, cho biết: Khi vua được yên cửa yên nhà và Đức Chúa đã cho vua được thảnh thơi mọi bề, không còn thù địch nào nữa, vua nói với ngôn sứ Na-than: “Ông xem, tôi được ở nhà bằng gỗ bá hương, còn Hòm Bia Thiên Chúa thì ở trong lều vải” (2 Sm 7:2). Ông Na-than thưa với vua: “Tất cả những gì ngài ấp ủ trong lòng, xin ngài cứ đi mà thực hiện, vì Đức Chúa ở với ngài” (2 Sm 7:3). Nhưng ngay đêm ấy, có lời Đức Chúa phán với ông Na-than rằng: “Hãy đi nói với tôi tớ của Ta là Đa-vít: Đức Chúa phán thế này: Ngươi mà xây nhà cho Ta ở sao?” (2 Sm 7:5).

Thiên Chúa giao ước: “Bây giờ ngươi hãy nói với tôi tớ Ta là Đa-vít như sau: Đức Chúa các đạo binh phán thế này: Chính Ta đã cất nhắc ngươi, từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng cỏ, lên làm người lãnh đạo dân Ta là Ít-ra-en. Ngươi đi đâu, Ta cũng đã ở với ngươi; mọi thù địch ngươi, Ta đã diệt trừ cho khuất mắt ngươi. Ta sẽ làm cho tên tuổi ngươi lẫy lừng, như tên tuổi những bậc vĩ nhân trên mặt đất. Ta sẽ cho dân Ta là Ít-ra-en một chỗ ở, Ta sẽ định cư chúng, và chúng sẽ ở luôn tại đó, chúng sẽ không còn run sợ, và quân gian ác cũng không còn tiếp tục áp bức chúng như thuở ban đầu, kể từ thời Ta đặt các thủ lãnh cai quản dân Ta là Ít-ra-en. Ta sẽ cho ngươi được thảnh thơi, không còn thù địch nào nữa, Đức Chúa báo cho ngươi biết là Đức Chúa lập cho ngươi một nhà. Khi ngày đời của ngươi đã mãn và ngươi đã nằm xuống với cha ông, Ta sẽ cho dòng dõi ngươi đứng lên kế vị ngươi – một người do chính ngươi sinh ra, và Ta sẽ làm cho vương quyền của nó được vững bền” (2 Sm 7:8-12).

Mỗi chúng ta cũng được Thiên Chúa giao ước tương tự, giao ước của Thiên Chúa là bất biến. Vấn đề là chúng ta có can đảm tuân giữ huấn lệnh của Ngài hay không. Chúa Giêsu khuyến cáo chúng ta về việc hoàn thiện (Mt 5:48), tức là bảo chúng ta cố gắng nên thánh. Thời Cựu Ước, Thiên Chúa nói rõ ràng và dứt khoát hơn: “Các ngươi phải nên thánh phải thánh thiện, vì Ta là Đấng Thánh” (Lv 11:44; Lv 20:7). Nên thánh cần có lòng can đảm, những người nhát gan không thể nên thánh được, vì Nước Trời không có loại công dân nhát đảm hoặc yếu bóng vía, không đủ sức chiến đấu!

Vâng, Thiên Chúa không chấp nhận những người thiếu can đảm. Và Ngài tiếp tục giao ước: “Đối với nó, Ta sẽ là cha; đối với Ta, nó sẽ là con. Khi nó phạm lỗi, Ta sẽ sửa phạt nó bằng roi của người phàm, bằng đòn của con người. Tình thương của Ta sẽ không rời khỏi nó, như Ta đã cho rời khỏi Sa-un, kẻ Ta đã bắt rời khỏi mặt ngươi. Nhà của ngươi và vương quyền của ngươi sẽ tồn tại mãi mãitrước mặt Ta; ngai vàng của ngươi sẽ vững bền mãi mãi” (2 Sm 7:14-16). Đó là giao ước của tình yêu, của lòng thương xót. Tình yêu thương bao la đó vĩnh hằng: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (1 Sbn 16:34; Tv 106:1; Tv 107:1; Tv 118:1-4; Tv 118:29; Tv 136:1-3; Tv 136:26).

Nhận biết lòng thương xót của Thiên Chúa, tác giả Thánh Vịnh đã tuyên xưng: “Tình thương Chúa, đời đời con ca tụng, qua muôn ngàn thế hệ miệng con rao giảng lòng thành tín của Ngài. Vâng con nói: Tình thương ấy được xây dựng tới thiên thu, lòng thành tín Chúa được thiết lập trên trời” (Tv 89:2-3). Xưa Chúa phán: “Ta đã giao ước với người Ta tuyển chọn, đã thề cùng Đa-vít, nghĩa bộc Ta, rằng: dòng dõi ngươi, Ta thiết lập cho đến ngàn đời, ngai vàng ngươi, Ta xây dựng qua muôn thế hệ. là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!” (Tv 89:4-5).

Như Thánh vương Đa-vít, những ai tín thác vào Thiên Chúa thì sẽ có cách sống chứng tỏ đức tin mãnh liệt: “Ngài chính là Thân Phụ, là Thiên Chúa con thờ, là núi đá cho con được cứu độ!” (Tv 89:27). Sống chứ không nói suông, không giả hình, không “mặc” chiếc áo “sặc sỡ” như người Pha-ri-sêu. Đó mới là người thực sự can đảm, và người này chắc chắn sẽ được Thiên Chúa hứa: “Ta sẽ yêu thương Người đến muôn thuở và thành tín giữ giao ước với Người” (Tv 89:29).

Tuần thứ tư Mùa Vọng là lúc chúng ta thắp sáng ngọn nến thứ tư: Ngọn nến Hy Vọng – Đức Cậy. Nhờ ngọn nến này mà chúng ta khả dĩ thắp sáng lại ba ngọn nến khác: Hòa Bình, Niềm Tin và Tình Yêu. Nỗi mong chờ của nhân loại sẽ được khỏa lấp. Vâng, Đấng Emmanuel đang đến rất gần. Thánh Phaolô nói:“Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Đức Giêsu Kitô. Tin Mừng đó mặc khải mầu nhiệm vốn được giữ kín tự ngàn xưa nhưng nay lại được biểu lộ như lời các ngôn sứ trong Sách Thánh. Theo lệnh của Thiên Chúa, Đấng hằng có đời đời, mầu nhiệm này được thông báo cho muôn dân biết, để họ tin mà vâng phục Thiên Chúa” (Rm 16:25-26). Vô tri bất mộ. Biết mới tin, không biết thì không có gì để tin. Thánh Phaolô xác định: Chỉ mình Thiên Chúa là Đấng khôn ngoan thượng trí. Kính dâng Người mọi vinh quang đến muôn thuở muôn đời, nhờ Đức Giêsu Kitô. Amen” (Rm 16:27).

Trình thuật Lc 1:26-38 nói về cuộc truyền tin cho Đức Trinh Nữ Maria, người được tiền định làm Mẹ Thiên Chúa. Chưa đầy 20 tuổi, và chỉ là một thôn nữ bình thường nơi miền quê nhỏ bé, nhưng Đức Maria đã biết sống thẳng thắn và can đảm, luôn tín thác vào Thiên Chúa, hiền thục nhưng rất cương nghị, ít nói nhưng hành động cụ thể.

Sau khi Chị Êlisabét mang thai ngôn sứ Gioan Tẩy Giả được sáu tháng, Thiên Chúa sai sứ thần Gáp-ri-en đến một làng Nadarét, thuộc miền Galilê, gặp một trinh nữ đã đính hôn (hoặc thành hôn) với một người tên là Giuse, thuộc dòng dõi vua Đa-vít. Trinh nữ ấy tên là Maria. Sứ thần vào nhà trinh nữ và chúc:“Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Chị”. Nghe vậy, Trinh Nữ Maria rất bối rối, không hiểu ý nghĩa. Sự khiêm nhường không cho phép Đức Mẹ nhận mình là thánh nhân, mà chỉ dám coi mình là Nữ Tỳ của Thiên Chúa mà thôi. Nhưng sứ thần liền nói: “Thưa Chị Maria, xin đừng sợ, vì Chị đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây Chị sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đa-vít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Gia-cóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận”.

Một người khấn đức khiết tịnh càng thấy lạ hơn khi nghe lời giải thích như vậy. Vì thế, Đức Maria thưa với sứ thần: “Việc ấy sẽ xảy ra cách nào, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!”. Sự thường là thế, nhưng với Trinh Nữ Maria lại là điều khác thường, là mầu nhiệm, là đặc ân. Nhưng Trinh Nữ Maria khiêm nhu, đâu dám nghĩ tới “4 V” (vội vàng vơ vào). Sứ thần giải thích cặn kẽ và minh chứng cụ thể: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên Chị, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Chị, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Kìa Cô Êlisabét, người họ hàng với Chị, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: Cô ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được. Trinh Nữ Maria luôn tin vào quyền năng của Thiên Chúa, giờ lại nghe giải thích vậy thì chẳng có gì phải lo. OK ngay! Bấy giờ Đức Maria liền vui mừng nói: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói”.

Một lời xin vâng tuyệt vời: “Chốc ấy Ngôi Thứ Hai xuống thế làm người”. Đó là “nhịp cầu” của Ơn Cứu Độ, và Trinh Nữ Maria trở nên Đấng Đồng Công Cứu Độ. Thật kỳ diệu, lồng trong lời xin vâng đó là nhiều nhân đức khác: Khiêm nhường, tín thác, trông cậy, yêu mến, can đảm, mau mắn,… Nói chung là chứa cả ba nhân đức đối thần và các nhân đức đối nhân. Ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết sẵn sàng và mau mắn xin vâng như Đức Mẹ!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết sẵn sàng và vững lòng trông chờ Chúa đến bất cứ lúc nào. Xin giúp chúng con can đảm sống theo sự thật mà Ngài đã định hướng. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

(*) Bà sinh 24-7-1897, mất tích 2-7-1937, được chính thức thông báo tử nạn 5-1-1939. Bà là nữ phi công và nhà văn người Mỹ, người phụ nữ đầu tiên bay một mình xuyên Đại Tây Dương và được nhận giải thưởng Distinguished Flying Cross của Hoa Kỳ.

Về mục lục

.

TIN MỪNG MUÔN THƯỞ

Trong những ngày cuối cùng của Mùa Vọng, Hội Thánh cho chúng ta nghe lại đoạn Tin Mừng quen thuộc: “Sứ Thần Gabriel đến truyền tin cho Đức Maria”.

Thiên Chúa muốn Con của Ngài xuống thế làm người, để cứu độ nhân loại. Ngài đã muốn người Con ấy là con người giữa nhân loại. Thiên Chúa đã chuần bị cho Con của Ngài một người mẹ trần thế. Người mẹ ấy là Đức Maria, người làng Nadarét, vùng Galilê, nước Paléttin.

Cô Maria là người được Thiên Chúa tuyển chọn giữa muôn vàn phụ nữ trên địa cầu. Ngài chọn Cô chẳng phải vì Cô thánh thiện hơn người khác. Ngài chọn Cô từ khi Cô còn trong lòng mẹ. Ngài tuôn đổ trên Cô tràn trề ân sủng: “Hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng Cô” (Lc 1,28). Được tràn trề ân sủng là được Thiên Chúa mến thương, được đẹp lòng Thiên Chúa.

Thiên Chúa đã chuẩn bị rất kỹ cho Cô Maria. Ngài đã tạo dựng Cô như một thụ tạo tuyệt vời, độc nhất vô nhị, chỉ vì Ngài muốn Cô xứng đáng trở nên người mẹ cưu mang chính Con Một của Ngài. Maria là một kiệt tác của Thiên Chúa, dù bề ngoài Cô chỉ là một thôn nữ của một ngôi làng nhỏ bé vô danh.Thiên Chúa không ép buộc Cô Maria làm mẹ của Con Một Ngài, dù Ngài đã chuẩn bị cho Cô một cách đặc biệt để đón nhận trọng trách cao cả đó. Ngài tôn trọng tự do của Cô, tự do mà chính Ngài đã ban cho Cô trong tư cách là người. Ngài không đặt Cô trước một sự đã rồi. Ngài muốn hỏi ý Cô, và chờ Cô ngỏ lời ưng thuận.

Phúc Âm Chúa nhật hôm nay kể câu chuyện Truyền tin.

Truyền tin là một Tin mừng muôn thuở. Tin mừng này đã được thực hiện qua một cuộc hòa đàm chưa từng có trong lịch sử nhân loại.

Cuộc hòa đàm diễn ra giữa hai nhân vật, đại diện Thiên Chúa và loài người. Đại diện Thiên Chúa là Sứ Thần Gabriel, đại diện loài người là trinh nữ Maria.

Khung cảnh cuộc hòa đàm, không phải trong cung điện vua chúa, lầu các sang trọng. Nơi đó, trong căn nhà thanh bạch nghèo nàn thuộc vùng sâu thôn dã vô danh Nadarét. Khung cảnh thật giản dị, quê mùa, thô sơ, nhưng Thiên Chúa đã chọn làm khởi điểm lịch sử cứu độ vĩ đại.

Maria dù là nữ tỳ nhưng Sứ Thần đến mở đầu cuộc hòa đàm, không phải với thái độ ông chủ truyền lệnh. Ở đây, Sứ Thần hết sức khiêm cung, kính cẩn, lễ phép với lời chào : “Kính mừng Đấng đầy ân phúc, Thiên Chúa ở cùng Bà”. Thật khác xa lời cậu thanh niên chào cô thanh nữ. Tử tế lắm, cậu chỉ nói : Chào cô, chào em.

Sứ thần rất trân trọng thôn nữ Maria : vừa chúc tụng kính phục con người thánh thiện khả ái, vừa tôn vinh chức vụ cao sang của Bà được Thiên Chúa ở cùng.

Thôn nữ Maria sợ sự tôn vinh bất thường ấy, và tự nhủ lời chào ấy có ý nghĩa gì ? Quả là sự tỉnh thức thận trọng của một thục nữ trinh trong, sáng ngời, đầy khiêm nhu và thùy mị.

Sứ thần đã nhận ra ý từ đó và giải thích thật rõ ràng cặn kẽ, trong suốt : “Thưa Bà Maria, xin đừng sợ, Bà rất đẹp lòng Thiên Chúa, Thiên Chúa ban cho Bà sinh con, đặt tên là Giêsu, Người là Con Đấng tối cao, Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít …”.

Nhưng, đối với Maria, “chữ trinh đáng giá ngàn vàng” hơn cả ngai vàng vua Đavít, vì Maria đã tận hiến suốt đời đồng trinh cho Thiên Chúa, nên Maria từ tốn đáp lễ : Làm sao có chuyện ấy được, thưa Ngài, vì tôi đã khấn trọn đời đồng trinh.

Sứ thần liền minh giải : “Việc đó rất chí thánh, do Chúa Thánh Thần với quyền phép Đấng Tối Cao, sẽ soi bóng trên Bà, nên Hài nhi khi Bà sinh ra là Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa ..”

Nhận ra đó là thánh ý Thiên Chúa, Maria đã sấp mình tôn thờ Thiên Chúa : “Này tôi là nữ tỳ của Chúa, xin hết lòng vâng theo thánh ý Chúa như lời sứ thần truyền dạy”.

Sứ thần đã thành công trong sứ mạng vô cùng trọng đại. Maria đã hoàn toàn làm đẹp lòng Thiên Chúa, trọn vẹn hiến dâng đồng trinh với chức vụ thiên mẫu lạ lùng.

Đây thật là một cuộc hòa đàm gương mẫu cho muôn đời. Gương mẫu vì cuộc hòa đàm đã diễn ra đúng tinh thần đối thoại và hòa giải.

Đối thoại cần thiết phải có ba tính chất đặc biệt :

– Thứ nhất, hai bên rất khiêm tốn, tôn trọng lẫn nhau.

– Thứ hai, hai bên thưa đáp trình bày ý tứ của mình rất trong sáng, rất đơn sơ và chân thành, mình nghĩ thế nào, lập trường làm sao, cần những điều gì mới đưa đến thành công.

– Thứ ba, hai bên đã nhận ra những ân huệ rất ích chung, rất thánh thiện mà Thiên Chúa muốn thực hiện.

Đây cũng là một cuộc hòa giải hoàn hảo :

– Vì đã giải quyết được những nỗi khó khăn vô cùng phức tạp, loài người không thể gỡ mối tơ vò, chỉ có quyền năng Thiên Chúa mới giải quyết được vấn đề : vừa đồng trinh, vừa sinh con, con Bà vừa là người, vừa là Thiên Chúa.

– Vì đã giải quyết được chương trình cứu độ nhân loại mà Thiên Chúa đã bao lần hòa giải thất bại với bao nhiêu nhân vật từ Ađam Evà cho đến nay. Nay Thiên Chúa mới thực hiện được chương trình thương yêu của Người nơi Đức Trinh nữ Maria.

Thiên Chúa đã giao ước với Ađam Evà, nhưng Nguyễn tổ đã trở mặt theo con rắn satan. Thiên Chúa đã giao ước với Noe, nhưng con cháu đã xây tháp Babel kiêu căng. Thiên Chúa đã giao ước chọn lựa Abraham làm tổ phụ dân Người, nhưng con cái Giacob hằn thù chia rẽ, bán Giuse làm nô lệ cho con buôn Ai cập. Thiên Chúa đã giao ước với Môisen đưa dân về quê cha đất tổ để thờ phượng Thiên Chúa, nhưng dân Israel đã chiều theo lối sống thờ thần Babylon. Giờ đây, Thiên Chúa chỉ còn cách duy nhất là ký kết với Đức Maria, một đầy tớ trung tín và khôn ngoan, luôn luôn làm theo ý chủ mình là Thiên Chúa, một tôi tớ dâng hiến trọn vẹn toàn diện đời mình từ trong bào thai cho Thiên Chúa. Thiên Chúa đã toàn quyền sử dụng Maria theo thánh ý Người. Và Con Thiên Chúa đã xuống cung lòng Maria để ở cùng loài người cho đến tận thế.

Bài Tin Mừng hôm nay thường gọi dưới tựa đề là ” Sứ Thần truyền tin cho Đức Mẹ”. Nhưng Sứ Thần và Đức Mẹ đều không phải là nhân vật chính. Nhân vật chính là Đức Giêsu. Trang Tin Mừng này giới thiệu căn tính của Đức Giêsu. Đó là nội dung chính của Truyền Tin. Qua lời của Sứ Thần mà chúng ta biết Giêsu là “Con Đấng Tối Cao”, là “Đấng Thánh, là Con Thiên Chúa”.

Đức Maria sẽ nhận được một sự can thiệp diệu kỳ của Thiên Chúa. Mẹ sẽ đón lấy quyền năng sáng tạo của Thánh Thần “Thánh Thần sẽ ngự trên Bà và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên Bà.”. Vì thế Đấng Mẹ sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa. Nếu việc thụ thai Gioan Tẩy Giả đòi hỏi một phép lạ, thì việc thụ thai Đức Giêsu đòi hỏi một phép lạ lớn hơn nhiều, đó là Ngài được thụ thai bởi một Trinh Nữ. Đức Giêsu không chỉ là Đấng Mêsia mà dân Do thái hằng mong đợi, Ngài còn là Đấng cao cả, thánh thiện hơn nhiều; Ngài là “Con Thiên Chúa” theo nghĩa viên mãn chưa từng có.

Sau tiếng Xin Vâng đầu tiên, Ngôi Hai Thiên Chúa đã làm người trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. Mầu nhiệm nhập thể đã bắt đầu ngay từ giây phút này. Lời thưa “Xin vâng” của Mẹ đã thay đổi cả lịch sử nhân loại. Từ đó Mẹ hoàn toàn kết hiệp với công trình của Con Mẹ. Từ đó vai trò Trung Gian của Mẹ đã khởi đầu. Từ đó, Mẹ trở nên Mẹ của tất cả những ai hiệp nhất trong Đức Kitô (Gal 3,28).

Chúng ta cảm tạ Chúa vì Chúa đã ban cho chúng ta một người Mẹ cao cả, thánh thiện, đáng yêu, đáng mến. Mẹ cầu bàu cho chúng ta trước tôn nhan Chúa. Mẹ dẫn chúng ta đến với Chúa.

Xin Chúa cho chúng con được trở nên con ngoan thảo của Mẹ, để Mẹ dễ dàng tỏ cho chúng con thánh ý Chúa và hướng dẫn chúng con biết sống đẹp lòng Chúa hàng ngày.Amen.

Về mục lục

.

Exit mobile version