CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY_A

248

CHÚA NHẬT 4 MÙA CHAY A

Lời Chúa: 1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41

1

Mục lục

1. Ánh sáng đức tin

2. Mở mắt nhìn đời

3. Người mù

4. Niềm vui và hy vọng

5. Mù và sáng

 


ÁNH SÁNG ĐỨC TIN

 Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Cuối thế kỷ 18 là thời kỳ được các triết gia gọi là Thời Kỳ Ánh Sáng, vì vào giai đoạn này nền triết học được hồi sinh và đem đến nhiều tư tưởng mới cho nhân loại, đồng thời đây cũng là thời kỳ khoa học kỹ thuật bắt đầu phát triển mạnh, nhiều người cho rằng với sự phát triển của cả lý trí và khoa học như thế, thế giới và con người được khai sáng khỏi những u mê lạc hậu, và nhất là những người cực đoan còn cho rằng đây là thời kỳ con người thoát ra khỏi sự ràng buộc của các tư tưởng tôn giáo, được giải thoát, được bay bổng trong bầu trời của ánh sáng tự do. Tuy nhiên những ước mơ và dự đoán đó không như con người dự tính, chính khoa học và cả triết học các thời kỳ sau đó đã để lại những khoảng trống tăm tối cho con người, và thay vì con người được khai sáng tự do, thì nó lại trói buộc con người vào những hình thức nô lệ mới của khoa học và công nghệ, nó mãi mãi cho thấy sự giới hạn và bất lực của con người.

Trong khi đó, Lời Chúa của Chúa nhật thứ IV mùa Chay lại giới thiệu cho chúng ta về Đức Giêsu là ánh sáng, Ngài đem ánh sáng đến thế gian để giải thoát con người khỏi sự mù tối của u mê lầm lạc, Ngài đem ánh sáng của Tin Mừng đến để giải thoát con người khỏi sự ràng buộc và bóng tối của thế gian và vật chất, giúp con người sống đúng với địa vị phẩm giá mà Chúa trao ban.

Qua câu chuyện Chúa chữa người mù từ khi mới sinh, thánh Gioan cho thấy Chúa đã khai sáng không chỉ cho người mù, mà còn cho mọi người chung quanh anh nữa. Người Do Thái thời Đức Giêsu bị bao trùm bởi rất nhiều những quan niệm sai lạc, kể cả các tông đồ cũng thế, các ông vẫn nghĩ rằng người thanh niên kia bị mù là do tội của anh ta hoặc tội của cha mẹ anh ta, nên họ mới hỏi Chúa Giêsu : Anh bị mù do tội của anh hay tội của cha mẹ anh ? Nhưng Chúa Giêsu đã thay đổi suy nghĩ cổ hủ của các tông đồ, khi Ngài khẳng định với các ông : Anh bị mù không phải vì tội của anh, cũng không bởi cha mẹ anh, nhưng là để mọi người được thấy công trình của Thiên Chúa được thể hiện nơi anh. Cùng một sự kiện, nhưng Chúa muốn các tông đồ nhìn sự kiện theo chiều hướng tích cực và trong cái nhìn tình yêu của Thiên Chúa, chứ không phải cái nhìn mang tính kết án.

Đối với người mù, Chúa Giêsu đã chạm đến mắt anh, tức là động chạm đến cả con người của anh, không chỉ chạm bằng tay, mà còn là sự đụng chạm gặp gỡ của trái tim, của tình yêu của một vị Thiên Chúa làm người, dành cho một con người bất hạnh, bị xã hội loại bỏ, bị gán cho muôn vàn thứ tội. Ngài không chỉ mở mắt thể xác cho anh, mà Ngài còn mở mắt linh hồn để anh nhìn thấy Đức Giêsu là một vị Ngôn Sứ, trong khi những người Biệt Phái bị bao trùm bởi bóng tối của sự tự cao tự phụ, cho mình cái quyền kết án người khác, họ bị thành kiến che mờ mắt, khiến họ chỉ nhìn thấy Chúa Giêsu là một người vi phạm ngày Sabat. Sau khi được sáng mắt, thì người trước đây bị mù đã được khai sáng đã trở thành người hết sức bênh vực cho Đức Giêsu, anh khẳng định : Ngài là một vị Ngôn Sứ.

Với đám đông người Do Thái cũng thế, họ bị trói buộc trong những tập tục của mình, khiến họ khó lòng đón nhận được ánh sáng mới từ Tin Mừng của Chúa Giêsu, họ đến để gây áp lực với cha mẹ của anh mù : Đây có phải là con ông bà không? Có phải nó bị mù từ khi mới sinh không ? Tại sao bây giờ nó lại thấy ? Vì sợ bị trục xuất ra khỏi cộng đồng, nên cha mẹ anh mù đã để cho bóng đêm của sự sợ hãi giam giữ khiến họ không dám tuyên xưng Đức Giêsu là một Ngôn Sứ, mà họ đã nói tránh rằng : Con tôi nó lớn rồi, các ông cứ hỏi nó.

Còn đối với người mù đã được chữa lành, anh đã hoàn toàn thoát ra khỏi bóng đêm của sự sợ hãi cho dù người Do Thái đã nhiều lần chất vấn anh, lần này họ muốn anh nhân danh Thiên Chúa để vu cáo cho Đức Giêsu là người tội lỗi. Nhưng câu chuyện cho thấy anh đã bước một bước dài trong đời sống đức tin, anh không chỉ tin Đức Giêsu là một Ngôn Sứ, mà giờ đây anh còn can đảm làm chứng và bênh vực Ngài, anh lặp lại việc Chúa Giêsu đã chữa anh và anh tuyên bố : Trước đây tôi bị mù nhưng nay ông ấy đã chữa cho tôi được sáng. Anh còn trở thành người giải thích về quyền năng của Thiên Chúa cho những người chung quanh : Ai kính sợ Thiên Chúa, luôn làm theo ý Người thì Người nhậm lời kẻ ấy… nếu không phải bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ấy sẻ chẳng làm được gì.

Trước một đức tin non nớt lại gặp thử thách bởi những thành kiến, quan niệm và tập tục của những người chung quanh, nên khi gặp lại anh, Chúa Giêsu đã dẫn anh lên một bước cao hơn, củng cố đức tin cho anh, khi Ngài mời gọi anh tuyên xưng đức tin : Anh có tin vào Con Người không? Anh thưa : Đấng ấy là ai để tôi tin? Chúa Giêsu xác nhận với anh : Chính Đấng ấy đang nói với anh đây. Và anh đã tuyên xưng : Thưa Ngài tôi tin, và anh sấp mình xuống trước mặt Ngài. Đó là thái độ thể hiện sự vâng phục của đức tin nơi anh mù, anh sấp mình để thờ lạy Ngài.

Như thế, ánh sáng của đức tin khác với ánh sáng của khoa học, của triết học và khác hẳn với ánh sáng của tự nhiên, để nhìn thấy được ánh sáng này đòi phải có một con mắt của linh hồn thật trong sáng, vì cái nhìn của con mắt loài người bên ngoài có thể lầm lẫn, có thể đánh lừa và dẫn đến sai lạc, còn ánh sáng của Tin Mừng của Đức Giêsu thì chiếu dọi vào trong tâm hồn, những ai mở cửa tâm hồn, thì đón nhận được ánh sáng này, và những ai khiêm nhường thì sẽ được ánh sáng này dẫn lối và đưa đến hạnh phúc. Sách Samuel cũng cho thấy sự khác biệt giữa cái nhìn của Thiên Chúa và cái nhìn của con người trong việc Samuel được sai đi xức dầu chọn Đavít làm vua Israel. Con người chỉ nhìn và đánh giá sự việc theo cái nhìn và tiêu chuẩn bên ngoài, còn Thiên Chúa lại nhìn thấu tâm hồn và Ngài đánh giá tuyển chọn một con người là tùy ở thái độ tâm hồn của người đó sẵn sáng đáp lại lời mời gọi của Chúa.

Thánh Phaolô đã quả quyết rằng : nhờ ơn của Bí tích Thánh Tẩy, chúng ta đã trở nên con cái của ánh sáng, con cái của Tin Mừng, và vì thế, chúng ta phải ăn ở, phải sống cho xứng đáng là con cái của ánh sáng, tức là phải sống công chính, ngay thẳng lương thiện, và không bao giờ được tán đồng, làm ngơ hay cộng tác với sự dữ và bóng tối.

Mặc dù đã là con cái sự sáng, nhưng chúng ta vẫn bị ma quỷ lôi kéo chúng ta vào bóng tối, hoặc vì để mình sống trong tình trạng tội lỗi gian dối, nên chúng ta sợ ánh sáng, sợ những gì là minh bạch. Còn rất nhiều những bóng tối đang bao trùm trong các gia đình, đó là bóng tối của bất hạnh, cãi vã, đổ vỡ, của sự bạo hành, bóng tối của gian dối, của việc làm ăn lươn lẹo, bất công. Giống như những người Do Thái, nhiều người đã sống trong sự cố chấp, bảo thủ trong sự sai lầm của mình, không dám đón nhận ánh sáng sự thật của Đức Kitô và Tin Mừng và vì thế, họ dùng nhiều lý do để gạt bỏ Đức Giêsu ra khỏi tâm hồn và ra khỏi công việc và đời sống của gia đình. Chúa Giêsu là Đấng đem đến cho chúng ta ánh sáng cứu độ, chỉ cho chúng ta con đường giải thoát, và mời gọi chúng ta đón nhận tình yêu và sự săn sóc của Chúa, song nhiều người đã nhất định từ chối Ngài, và muốn tự mình bước đi trong bóng tối của thế gian, của ma quỷ và của dục vọng.

Trong xã hội ngày nay còn nhiều những bóng tối và sự mù lòa khác, sự mù lòa của những những kẻ nhân danh khoa học để từ chối không tin vào sự hiện diện của Thiên Chúa, xã hội ngày nay bị che phủ bới bóng tối của sự gian dối, của bất công, khiến cho nhiều người bị lầm lạc và lẫn lộn không thể phân biệt đúng hay sai; sự tiến bộ của khoa học công nghệ cũng kéo theo nó bóng tối của sự ích kỷ, dửng dưng khiến cho nhiều người quên mất sự hiện diện của người bên cạnh. Bên cạnh đó còn bao nhiêu những triết lý, học thuyết sai lạc đang dẫn con người đi vào ngõ cụt, đang hủy hoại tâm hồn của nhiều thế hệ, biến nhiều tâm hồn trở nên khô cằn sỏi đá không còn nhạy bén trước lời mời gọi của Tin Mừng nữa.

Những loại bóng tối mù lòa này đang ảnh hưởng và bao trùm trên nhiều người trẻ, khiến cho nhiều bạn trẻ lạc đường mất hướng, sống một cuộc sống không có mục đích, không lý tưởng, hoặc biến nhiều người trẻ khác lao vào những hình bóng, ảo ảnh của danh vọng, địa vị, tiền bạc, và đoạn cuối của con đường này là sự bế tắc và trống rỗng. Chỉ có Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài mới là ánh sáng thật soi rọi cho chúng ta, giới răn và lề luật của Ngài sẽ chữa chúng ta khỏi sự mù lòa của thể xác và tâm hồn, và tình yêu của Ngài sẽ dẫn lối chúng ta bước đi trong ánh sáng của tự do, của sự thật của công lý.

Xin Chúa giúp chúng ta noi gương Mẹ Maria mạnh dạn mở tung mọi cánh cửa của tâm hồn để cho ánh sáng của Tin Mừng chiếu dọi vào mọi góc khuất của cuộc đời, biến chúng ta nên con cái của ánh sáng, và giúp chúng ta loại trừ bóng tối của chết chóc, và giúp mỗi người sống và hành động như là con cái của ánh sáng. Amen.

Về mục lục



MỞ MẮT NHÌN ĐỜI

 Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

       Có một mẩu đối thoại như sau:

       Ông A: Có một tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự suy giảm đạo đức đã chững lại, cái tốt đang được thổi bùng lên.

       Ông B: Khi cuộc sống no đủ, người ta sẽ không tham tiền của người khác nữa.

       Ông A: – Giàu có thì nói làm gì. Có một người phụ nữ tên là Nguyễn Thị Hoài ở tỉnh Nghệ An nhặt được 10 triệu đồng ở ven đường. Cô ấy đã tìm đến khổ chủ trả lại dù bản thân rất nghèo, lại bị khuyết tật nặng.

        Ông B:- Chắc khi nhặt được có người trông thấy nên mới đem trả chứ gì?

        Ông A- Không hề, trên đường đi nhận tiền mai táng cho bố, cô này nhìn thấy bọc tiền trong đám cỏ, trên đường vắng tanh không một bóng người.

        Ông B- Cô này bị tàn tật chắc cũng chẳng ăn uống được mấy nên số tiền đó không cần thiết lắm cho cuộc sống, giữ lại trong nhà, trộm cướp biết được đến ‘hỏi thăm’ thì khốn, trả cho yên chuyện.

        Ông A:- Ai chẳng cần tiền, cô ấy có thể không ăn uống được nhiều nhưng tiền thuốc men là hết sức cần thiết. Một người luôn bị ốm đau, bệnh tật mà vượt qua được sức cám dỗ của đồng tiền như cô Hoài là rất đáng quý, thật đáng trân trọng. Bác không nên nghi ngờ người có lòng tốt như vậy.

        Ông A:- Sở dĩ dạo này tôi mất niềm tin vào con người bởi đến đâu cũng gặp nhan nhản những kẻ giàu nứt đố đổ vách rồi mà vẫn tìm cách cấu véo, bòn rút của người nghèo. Những người như cô Hoài là hiếm hoi lắm, tôi tỏ ra nghi ngờ là để thử lòng bác thôi.

        Đôi khi vì những gì diễn ra hằng ngày khiến chúng ta có cái nhìn sai lệch về thế giới chung quanh. Chúng ta thường đổ đồng mọi sự theo nhãn quan của mình. Nhất là vì lòng ích kỷ mà chúng ta nhìn người bằng ánh mắt xét nét, đa nghi. Cho dù họ làm việc tốt, họ làm việc thiện cũng bị chúng ta nhìn với ánh mắt nghi ngờ và kết án.

        Nhất là giữa một thế giới gian ác, lắm thị phi khiến chúng ta luôn nhìn đời bắng ánh mắt bi quan. Chúng ta thường nhìn vấn đề trong cái nhìn tiêu cực hơn là tích cực. Giả dụ bây giờ được hỏi máy bay Malaysia mất tích ngày 08.03 vừa qua do nguyên do gì? Có lẽ đa phần sẽ trả lời là do khủng bố. Bởi thế giới ngày nay người ta quá quen với những hình ảnh khủng bố, máu đổ, chém giết, bom đạn.

        Có một lần, một người nói với tôi họ mất một con gà và họ nghi ngờ người hàng xóm lấy trộm. Tôi hỏi rằng: Có bằng chứng không? Tại sao chị không nghi ngờ là con gà của mình nó bị con chồn bắt mất hay mèo hoang ăn mất. Vì nơi nhà chị là giữa đồng hoang . . .? Đừng kết án vội kẻo sai lầm tội nghiệp cho họ.

       Đây cũng là cái nhìn cố hữu của những người biệt phái. Họ nhìn để bắt bẻ, để xem có đúng luật hay không? Thế nên, thường là họ tìm cách quy kết tội vào một con người. Những người biệt phái có lẽ cũng đã quá quen nhìn mọi sự trong cái nhìn bi quan nên họ không thể nhận ra cái tốt nơi tha nhân. Họ chỉ muốn phân tích theo chiều hướng tiêu cực hơn là tích cực.

        Chúa Giê-su là Đấng có thể mang lại ánh sáng cho người mù. Ánh sáng của tâm hồn và thể xác. Mù kiểu nào cũng đáng thương, cũng tội nghiệp. Mù kiểu nào nhìn sự việc cũng khiếm khuyết, cũng không trọn vẹn, cũng sai lầm. Nhất là những người mù về tình người sẽ làm cho họ nhìn đời, nhìn người bằng ánh mắt ghen tương, giận hờn . . .

       Thế nên, hãy để cho Chúa chữa trị con mắt của chúng ta. Hãy để cho Chúa mang lại ánh sáng cho cặp mắt chúng ta nhìn đời, nhìn người trong cái nhìn của yêu thương, của hy vọng. Một cái nhìn cuộc đời thật đơn giản, thật đáng yêu.

        Đây cũng là cái nhìn mà Xuân Diệu đã từng nói:

        Hãy nhìn đời bằng đôi mắt xanh non
Hãy để trẻ con nói cái ngon của kẹo
Hãy để cho bà nói má thơm của cháu
Hãy nghe tuổi trẻ ca ngợi tình yêu

        Khi nhìn đời bắng ánh mắt lạc quan sẽ giúp ta nhìn người trong cái nhìn thân thiện, nhìn cuộc đời mới đáng yêu làm sao! Nhìn người đi trước trong cái nhìn kính trọng, nhìn người đi sau trong cái nhìn trân trọng. Và hơn nữa, muốn nhìn đời cho đúng phải biết chỗ đứng của mình mới có cái nhìn chính xác về cuộc đời.

Đôi mắt xanh non cha xin của con

Người đi trước xin của người sắp tới

Biết chỗ đứng để nhìn cho thật mới

Cuộc sống xanh non mãi mãi tươi giòn….

Xin Chúa Giê-su là ánh sáng trần gian soi sáng tâm trí để chúng ta biết nhìn đời thật đáng yêu, nhìn người bên cạnh thật đáng trân trọng. Xin đừng vì ích kỷ, mù quáng mà sống thiếu tình thân với tha nhân. Amen 

Về mục lục


NG
ƯỜI MÙ

Lm. Đaminh Xuân Trường, GP.Bắc Ninh

Qua đoạn Tin Mừng vừa nghe, chúng ta nhận thấy: Anh mù là một người can đảm và đầy thiện chí. Mặc dù ít học, nhưng lời lẽ của anh thật là khôn ngoan. Tâm hồn anh luôn rộng mở để đón nhận chân lý và luôn cố gắng thực hiện những điều tốt lành, cho dù có gặp phải những phức tạp và phiền toái. Ngoài ra anh còn có một chút châm biến đối với những kẻ rình rập bắt lỗi anh.

Trong khi đó cha mẹ anh lại không muốn dây dưa vào câu chuyện xảy ra. Hai ông bà đã trả lời một cách khôn khéo cho bọn biệt phái: Xin hãy hỏi cháu vì cháu nó đã có tuổi. Chủ đích của hai ông bà không phải là tìm kiếm sự thật, nhưng là tránh đi những khó dễ gặp phải.

Còn đám đông dân chúng thì sao? Một số người đã chứng kiến sự việc xảy ra. Nhưng một số kẻ khác, có phần đông hơn, đã không muốn đón nhận sự thật. Họ bàn tán, họ tranh luận và sau cùng họ chối bỏ sự thật. Để biện minh cho lập trường của mình, họ đã nại tới luật kiêng việc xác ngày Sabat, tức là ngày thứ bảy nơi người Do Thái. Họ đã suy diễn một cách hàm hồ: Người ta không được phép chữa bệnh trong ngày nghỉ lễ. Đó là một điều cấm. Vậy thì Đấng đã chữa lành trong ngày nghỉ lễ là ai, nếu không phải chỉ là một kẻ tội lỗi. Bọn biệt phái bực bội và tức tối. Thế nhưng, lời nguyền rủa và bạo lực không bao giờ là những chứng cứ có giá trị, trái lại nó là một dấu chỉ biểu lộ một niềm tin sai lạc mà thôi.

Chúa Giêsu hay biết anh mù đã bị trục xuất khỏi hội đường, bởi đó khi gặp anh, Ngài đã hỏi anh ta: Con có tin vào Con Người hay không? Anh ta liền thưa: Lạy Thầy, Thầy là ai để tôi tin vào Ngài? Chúa Giêsu nói: Con đã thấy, chính Ngài đang nói với con đây. Cõi lòng anh lúc này được rộng mở để đón nhận chân lý. Anh nói: Lạy Chúa, con xin tin. Anh quỳ gối trước mặt Ngài. Kể từ đó, anh bước theo Ngài và thuộc hẳn về Ngài.

Trong một bài báo bàn về đức tin, cha Jacques Loew đã xác quyết: Đức tin không phải là chấp nhận các công thức có sẵn, một lần thay cho tất cả, cũng không phải là như một chiếc bánh, chúng ta có thể chia ra làm nhiều phần. Trái lại đức tin chính là niềm cậy trông và phó thác, không phải vào tư tưởng và sức riêng của mình, nhưng là vào tình thương và quyền năng của Chúa.

Đời sống của Chúa chính là cái khuôn mẫu cho cuộc đời chúng ta noi theo. Nếu chúng ta tin vào Đức Kitô và lời Ngài giảng dạy, thì cách sống của chúng ta sẽ đổi khác, cách nhìn của chúng ta cũng đổi khác và cách đối xử của chúng ta cũng đổi khác. Thế nhưng chúng ta đã có một niềm tin như thế hay chưa, và hơn thế nữa, chúng ta đã thực sự sống niềm tin của chúng ta hay chưa?

 Về mục lục



NIỀM VUI VÀ HY VỌNG

1Sm 16,1b.6-7.10-13a; Ep 5,8-14; Ga 9,1-41

Lm. Jos. DĐH,GP. Xuân Lộc

Dù người ta không cố tình tìm kiếm niềm vui, không thực sự né tránh niềm vui hay không ngồi yên chờ đợi niềm vui…; thì cuộc sống hiện tại, mỗi người vẫn đang hoàn tất câu trả lời thế nào là hạnh phúc. Sách “Cổ Học Tinh Hoa” nói đến triết lý ở đời gồm ba điều vui, thứ nhất : cha mẹ còn sống, anh chị em bình yên. Thứ hai : ngửa lên không hổ thẹn với trời, cúi xuống không xấu hổ với đời. Thứ ba : được những bậc anh tài trong thiên hạ dạy dỗ, giúp đỡ chia sẻ kinh nghiệm để ta nên người hữu ích. Trong tương quan gia đình, bản thân, xã hội, hoàn cảnh mỗi người tuy không giống nhau, nhưng không có gì ngăn cản chúng ta tận hưởng niềm vui, hy vọng ở cuộc đời này và cả đời sau.

Cha ông chúng ta nói : thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng; hay : có thức đêm mới biết đêm dài. Thực ra, chi thể nào đau cũng khổ, mệt mỏi về thể xác hay tinh thần, đều cần được cảm thông, chia sẻ. Không ai gọi là niềm vui, khi quanh năm suốt tháng chỉ một mình ăn một mâm ; chẳng mấy ai lại nghĩ người hạnh phúc phải là người sống lâu trăm tuổi ! Liệu có ai dám “vỗ ngực” tuyên bố : tôi nhiều tiền của nên tôi sung sướng nhất trên đời ? Cũng không ai cho rằng gia đình tôi nghèo nên con tôi ngoan, lễ phép, học giỏi !

Lời Chúa hôm nay soi tỏ cho chúng ta biết, Thiên Chúa nhìn thấu tâm hồn bên trong và coi nhẹ những vóc dáng bên ngoài, Thiên Chúa đong đếm được tình yêu và tấm lòng của Đavit. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu Ephêsô hãy sống đời sống mới trong Đức Kitô, vì “xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Đức Kitô, anh em lại là ánh sáng, anh em hãy để cho Lời của Đức Kitô hướng dẫn cuộc đời mình theo đúng tinh thần của Ngài.

Câu chuyện người mù từ khi mới sinh nơi bài Tin mừng, Đức Giêsu lần lượt lý giải đâu là niềm vui, hy vọng, hầu dẫn đưa người ta đến hạnh phúc thật. Trước hết, Đức Giêsu quả quyết Bartimê bị mù lòa không phải là do tội của cha mẹ anh, không phải do tội của anh mà là để Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Như gián tiếp Chúa muốn chúng ta hiểu : những người đang nhìn thấy chưa hẳn là sáng, còn anh Bartimê tuy không nhìn thấy, nhưng anh ta lại nhận biết Đức Giêsu là ai. Vẫn biết, mắt sáng sẽ nhìn rõ được vấn đề, có cơ hội nhiều hơn để hiểu biết Đức Giêsu là Đấng phải đến.

Các học trò của Đức Giêsu lúc nào cũng vui và tự hào về tài đức của Thầy mình, các ông có vui trong lòng mới hỏi Thầy điều hết sức tế nhị : “Thưa Thầy, ai phạm tội, y hay cha mẹ y, khiến anh ta mù từ khi mới sinh ?” Những người Biệt phái vui vì cho rằng họ là môn đệ của Môisê, vui với quan niệm : tôi không sinh ra trong tội nên mắt tôi sáng. Số đông dân chúng vui vì có một người mù, nay được Ông Giêsu nào đó đã mở mắt cho anh ta nhìn thấy ; niềm vui của đám đông chỉ thoáng qua như anh mù gặp điều may mắn.

Nếu người đời có câu : bóng tối là đồng minh của kẻ cướp, là hạnh phúc của 2 kẻ yêu nhau. Quả thực, không nhìn thấy là đau khổ của người mù mắt, nhìn được sự vật là niềm kiêu hãnh của những ai tự cho mình là mắt sáng tai thông. Vì quan niệm sai lạc của người biệt phái, hay sự thật về Đấng Kitô phải minh bạch rõ ràng ; không những người mù mà cha mẹ của anh ta đều phải nói lên cho mọi người biết như thế nào là sáng mắt đức tin nữa.

Khi xã hội thiếu công bằng, thì quyền lực ở trong tay kẻ mạnh. Khi việc sống đạo chỉ hời hợt, không chú trọng đến tình yêu, niềm tin tôn giáo chỉ là giáo điều lý thuyết. Khi tình cảm cha mẹ con cái không còn yêu thương nhau, gia đình làng xóm mạnh ai nấy sống, câu ca dao “bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” chỉ còn là câu khẩu hiệu, câu châm biếm….. Người mù được sáng mắt, là ơn ban, là phép lạ, là hy vọng của anh vào tình yêu thương của Đức Giêsu, thế mà anh không được ai chia sẻ niềm vui, họ còn trục xuất anh ra khỏi hội đường. Đáng tiếc !

Người Việt Nam chúng ta có những câu trách mắng nghe khá nặng nề : có mắt như mù, đáng đời thứ mù lòa, quân đui mù đáng chết…. Người Do Thái xưa kia cũng nguyền rủa anh mù không kém phần ghê sợ : “Mày sinh ra trong tội mà dám dạy chúng ta ư” ? Và nếu như những người tự mãn kiêu căng mà được nghe câu tục ngữ : “đừng ăn thỏa đói, đừng nói thỏa giận”, không biết họ có đủ bình tĩnh để làm cho mắt sáng tâm hồn mình phát đi được tín hiệu yêu thương gì chăng ?

Dù may mắn hay tình cờ, dù mắt tỏ tưởng, lòng không tối tăm, tất cả chúng ta đều có quyền hy vọng được nếm hưởng hạnh phúc mãi trong Nước Chúa. Hôm xưa Chúa mở mắt người mù vì tình yêu thương, Chúa hy vọng nhờ anh mù được sáng mắt, nhiều người sẽ nhận ra Chúa Giêsu đầy tình yêu thương và quyền năng, qua đó Chúa sẽ mở mắt tâm hồn để những ai thuộc về đều nhận được niềm vui và ơn cứu  độ của Chúa. Amen.

 Về mục lục

MÙ VÀ SÁNG

 Trầm Thiên Thu

Tiền nhân xác định: “Giàu hai con mắt, khó đôi bàn tay”. Điều đó cho thấy đôi mắt sáng rất cần cho cuộc sống. Người mù bẩm sinh còn đỡ khổ hơn người lớn lên mới bị mù. Người mù bẩm sinh cảm thấy “bình thường” vì họ không có khái niệm về sáng – tối, cao – thấp, lớn – nhỏ, mập – gầy, vuông – tròn,… hoặc về màu sắc. Người lớn lên mới bị mù cảm thấy khổ hơn vì đã trải nghiệm nhiều khái niệm.

Có hai con mắt, mờ một mắt, hư một mắt, hoặc thị lực yếu thì đã thấy khổ lắm rồi, huống chi bị mù hẳn. Hai con mắt “khác” một chút như bị đau cũng thấy khổ rồi, tình trạng “bốn mắt” là khổ suốt – dù có thêm “hai con mắt” nữa.

Mắt cũng biết khóc, biết cười. Khó nhận biết khi mắt cười, nhưng ai cũng nhận biết khi mắt khóc. Khóc cũng đa dạng: vì vui, vì buồn, vì khổ, vì thương, vì nhớ, vì tức, vì sợ, vì nhõng nhẻo, vì giả bộ,… Tuy nhiên, đôi khi người ta cũng cần phải biết khóc, vì nước mắt có thể “cuốn trôi” nổi buồn và làm sạch mắt nhờ chất mặn. Đặc biệt là phải khóc vì tội lỗi mình đã phạm – tội với Thiên Chúa và lỗi với tha nhân!

Mắt còn có khả năng “bật mí” nhiều thứ khác, như người ta ví von: “Đôi mắt là của sổ của tâm hồn”. Qua hai “cửa sổ” này, người ta có thể biết người đối diện như thế nào. Cửa sổ nhỏ hơn cửa ra vào, thế nhưng đôi khi cửa sổ vẫn quan trọng lắm đấy! Người yếu vía sẽ “tự quay đi” khi nhìn vào mắt của người “mạnh vía”. Dòng nước mạnh sẽ “lướt” dòng nước yếu thôi!

Mù đồng nghĩa với tối tăm, trái ngược với sáng sủa. Khiếm thị hoặc mù lòa về thể lý là tình trạng tồi tệ đối với một con người, nhưng “mù lòa tâm linh” còn nguy hiểm hơn nhiều. Thế nên Chúa Giêsu đã nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39). Thật đáng sợ nếu chúng ta bị Ngài quở trách như vậy. Lúc đó, chúng ta hóa thành người “có mắt như mù”. Khủng khiếp quá!

Ngày xưa, Đức Chúa đã phán với ông Sa-mu-en: “Ngươi còn khóc thương Sa-un cho đến bao giờ, khi ta đã gạt bỏ nó, không cho làm vua cai trị Ít-ra-en nữa? Ngươi hãy lấy dầu đổ đầy sừng và lên đường. Ta sai ngươi đến gặp Gie-sê người Bê-lem, vì Ta đã thấy trong các con trai nó một người Ta muốn đặt làm vua” (1 Sm 16:1). Chúa không nói đến mắt, nhưng chúng ta biết Ngài nói đến mắt nhờ động từ “khóc”.

Trình thuật 1 Sm 16:6-7, 10-13 cho biết rằng khi họ đến, ông thấy Ê-li-áp, ông nghĩ: “Đúng rồi! Người Đức Chúa xức dầu tấn phong đang ở trước mặt Đức Chúa đây!”. Nhưng Đức Chúa phán với ông Sa-mu-en: Đừng xét theo hình dáng và vóc người cao lớn của nó, vì Ta đã gạt bỏ nó. Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm: người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng”. Cách nghĩ của Thiên Chúa đã khác hẳn với loài người rồi, mà cả tầm nhìn của Ngài cũng hoàn toàn khác.

Chúng ta thường “trông mặt mà bắt hình dong”, cứ tưởng “con lợn béo” thì “lòng nó ngon”. Nhưng Thiên Chúa không như vậy, Ngài không nhìn theo bề ngoài mà Ngài nhìn “thấu suốt” nội tâm. Tục ngữ Việt Nam cũng xác nhận: “Chiếc áo không làm nên thầy tu”. Những người coi trọng bề ngoài là những người có nội tâm hời hợt, nông cạn – gọi là dạng “yếu bóng vía” hoặc “mắt kém”.

Sau đó, ông Gie-sê cho bảy người con trai đi qua trước mặt ông Sa-mu-en, nhưng ông Sa-mu-en nói với ông Gie-sê: “Đức Chúa không chọn những người này”. Quả là “mắt thần” có khác! Rồi ông lại hỏi ông Gie-sê rằng các con ông có mặt đầy đủ chưa. Ông Gie-sê nói còn cháu út nữa, nó đang chăn chiên. Ông Sa-mu-en liền bảo ông Gie-sê cho người đi tìm nó về rồi mới nhập tiệc. Ông Gie-sê cho người đi đón cậu về. Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn. Đức Chúa nói với ông Sa-mu-en: “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi! Chính nó đó!”. Ông Sa-mu-en cầm lấy sừng dầu và xức cho cậu, ở giữa các anh của cậu. Thần khí Chúa nhập vào Đa-vít từ ngày đó trở đi.

Phụng vụ Chúa Nhật Hồng (*) hôm nay sử dụng trọn Thánh Vịnh 23 (gồm 6 câu). Đây là Thánh Vịnh phổ biến nên rất quen thuộc, nói về niềm hạnh phúc được Chúa quan phòng và gìn giữ, đồng thời cũng có ý đề cập niềm tín thác vào Ngài: “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì. Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ. Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi. Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính vì danh dự của Người” (Tv 23:1-4).

Thật vậy, khi có Chúa đồng hành thì “dầu qua lũng âm u” chúng ta cũng “chẳng sợ gì nguy khốn”, chúng ta có “côn trượng Ngài bảo vệ” thì hoàn toàn “vững dạ an tâm”. Tác giả Thánh Vịnh cho biết: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa. Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Người những ngày tháng, những năm dài triền miên” (Tv 23:5-6). Có Chúa là có tất cả, hoàn toàn an tâm vững dạ, vì chúng ta được đi trên “con đường sáng” chứ không tăm tối.

Thánh Phaolô nói: “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng. Vậy anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng; mà ánh sáng đem lại tất cả những gì là lương thiện, công chính và chân thật” (Ep 5:8-9). Tức là phải cẩn trọng xem “điều gì đẹp lòng Chúa”, chứ “đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng” (Ep 5:10-11). Thánh Phaolô giải thích: “Vì những việc chúng làm lén lút, thì nói đến đã là nhục rồi. Nhưng tất cả những gì bị vạch trần, đều do ánh sáng làm lộ ra; mà bất cứ điều gì lộ ra, thì trở nên ánh sáng. Bởi vậy, có lời chép rằng: “Tỉnh giấc đi, hỡi người còn đang ngủ! Từ chốn tử vong, trỗi dậy đi nào! Đức Kitô sẽ chiếu sáng ngươi!” (Ep 5:12-14).

Bóng tối rất mạnh, chỗ nào không có ánh sáng thì nó phủ đầy ngay. Nó mạnh mà lại yếu, vì chỗ nào có ánh sáng, dù chỉ le lói, nó cũng sẽ lui ngay. Quẹt một que diêm sẽ thấy “tác động” giữa ánh sáng và bóng tối. Ánh sáng rất cần, nhưng chúng ta phải cố gắng “tạo” ra nó. Có một câu danh ngôn liên quan ánh sáng và bóng tối, ý nói chúng ta phải không ngừng nỗ lực trong cuộc sống: “Hãy thắp lên một ngọn nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối”.

Chuyện đời thường mà chúng ta còn phải cố gắng thì chuyện tâm linh càng phải nỗ lực hơn nhiều lắm!

Một hôm, Thầy Trò cùng nhìn thấy một người mù bẩm sinh. Các môn đệ hỏi Sư Phụ Giêsu: “Thưa Thầy, ai đã phạm tội khiến người này sinh ra đã bị mù, anh ta hay cha mẹ anh ta?”. Đức Giêsu trả lời: Không phải anh ta, cũng chẳng phải cha mẹ anh ta đã phạm tội. Nhưng sở dĩ như thế là để thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện nơi anh. Chúng ta phải thực hiện công trình của Đấng đã sai Thầy, khi trời còn sáng; đêm đến, không ai có thể làm việc được. Bao lâu Thầy còn ở thế gian, Thầy là ánh sáng thế gian” (Ga 9:3-5). Khi “thiên hạ nhìn thấy công trình của Thiên Chúa được tỏ hiện” là lúc Thiên Chúa được vinh danh.

Đáng lẽ chúng ta phải “ngộ” ra nhờ câu trả lời của Chúa Giêsu mới phải, thế nhưng có lẽ chúng ta vẫn không mấy quan tâm. Do đó, trong cuộc sống, chúng ta vẫn “chắc nịch” cho rằng những người kém may mắn hơn mình (làm ăn thua lỗ, mùa màng thất bát, bị tai nạn, bị bệnh hoạn, gặp điều xui xẻo,…) là những người tội lỗi. Có người chỉ “để bụng”, nhưng có người lại dám “phán câu xanh rờn” rằng: “Chúa phạt!”. Lạy Chúa tôi! Nói theo phim bộ Hong Kong thì phải nói: “Thiện tai!”.

Không chỉ vậy, chúng ta còn có thiên kiến. Cũng một sự việc như nhau (ví dụ: bệnh hoạn), với người không “hợp ý mình” thì chúng ta nói: “Chúa phạt cho đáng đời!”. Nhưng với người “hợp ý mình” thì chúng ta lại nói: “Thánh giá Chúa trao”. Đúng là “cái lưỡi không xương nhiều đường lắt léo”. Chính định kiến đó là chúng ta “giết” người không cần gươm giáo!

Trả lời các đệ tử xong, Chúa Giêsu nhổ nước miếng xuống đất, trộn thành bùn và xức vào mắt người mù, rồi bảo anh ta: “Anh hãy đến hồ Si-lô-ác mà rửa” (Si-lô-ác có nghĩa là “người được sai phái”). Anh ta liền đến rửa ở hồ, và khi về thì nhìn thấy được. Chúa Giêsu có biệt dược độc đáo ghê đi. Mà phải nói là “thần dược” hoặc “linh dược” mới đúng ngữ nghĩa. Đó là “nước miếng trộn với bùn”. Hay dữ nghen! Mấy lang băm chớ mà học đòi theo, các pháp sư phải sợ mà chạy có cờ, còn các lương y và bác sĩ danh tiếng cũng phải tâm phục khẩu phục!

Dân chúng trước kia thường thấy anh ta ăn xin mới xì xầm bàn tán, kẻ thì bảo là chính hắn, kẻ thì bảo không phải, kẻ lại bảo ai đó giống hắn thôi. Chín người, mười ý. Chẳng ai chịu ai. Thế là họ dẫn anh ta đến với những người Pha-ri-sêu. Rắc rối là ngày Chúa Giêsu trộn bùn với nước miếng và làm cho anh ta sáng mắt lại là ngày sa-bát. Ấy thế, người Pha-ri-sêu hỏi thêm một lần nữa làm sao anh nhìn thấy được. Chính anh xác nhận: “Ông ấy lấy bùn thoa vào mắt tôi, tôi rửa và tôi nhìn thấy” (Ga 9:15). Trong nhóm Pha-ri-sêu, người thì bảo Chúa Giêsu không thể là người của Thiên Chúa được, vì không giữ ngày sa-bát, kẻ thì bảo rằng người tội lỗi không thể làm được những dấu lạ như vậy. Cũng chẳng ai chịu ai, thế là họ đâm ra chia rẽ. Ngộ dữ nghen, chuyện của người ta mà xía vô làm chi vậy ha? Rồi họ lại hỏi “cựu người mù” nghĩ gì về người đã mở mắt cho mình. Anh ta đáp ngày: “Người là một vị ngôn sứ!” (Ga 9:17).

Người Do-thái không tin là trước đây anh bị mù mà nay nhìn thấy được, nên đã gọi cha mẹ anh ta đến. Họ hỏi anh ta có phải là con không. Cha mẹ anh xác nhận anh bị mù từ khi mới sinh, còn bây giờ anh sáng mắt thì họ không biết tại sao, cha mẹ canh bảo họ cứ hỏi anh ta là chính xác nhất. Cha mẹ anh nói thế vì sợ người Do-thái, những người sẵn sàng trục xuất khỏi hội đường bất cứ kẻ nào dám tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô.

Một lần nữa, họ gọi người trước đây bị mù đến và bảo: “Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa. Chúng ta đây, chúng ta biết ông ấy là người tội lỗi” (Ga 9:24). Anh ta bảo rằng ông ấy có phải là người tội lỗi hay không thì anh không biết, mà anh chỉ biết một điều là trước đây anh bị mù nhưng nay anh nhìn thấy được. Họ hỏi anh xem Chúa Giêsu đã làm thế nào mà anh sáng mắt. Anh bảo rằng anh đã nói rồi mà họ không chịu nghe. Anh nói thẳng rằng có phải họ cũng muốn làm môn đệ Chúa Giêsu hay không. Tự ái bốc tới chỏm đầu nên họ không tiếc lời mắng nhiếc: “Có mày mới là môn đệ của ông ấy; còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của ông Mô-sê. Chúng ta biết rằng Thiên Chúa đã nói với ông Mô-sê; nhưng chúng ta không biết ông Giêsu ấy bởi đâu mà đến”.

Anh vừa gãi đầu vừa nói: “Kể cũng lạ thật! Các ông không biết ông ấy bởi đâu mà đến, thế mà ông ấy lại là người đã mở mắt tôi! Chúng ta biết: Thiên Chúa không nhậm lời những kẻ tội lỗi; còn ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý của Người, thì Người nhậm lời kẻ ấy. Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh. Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9:30-33). Họ đối lại: “Trứng khôn hơn vịt. Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” (Ga 9:34). Và rồi họ liền trục xuất anh. Người có tâm địa xấu là vậy, chỉ chờ có thế thôi!

Đức Giêsu cũng biết họ đã trục xuất anh. Khi gặp lại anh, Ngài hỏi anh có tin vào Con Người không, anh ta hỏi Đấng ấy là ai để anh ta tin. Đức Giêsu trả lời: “Anh đã thấy Người. Chính Người đang nói với anh đây” (Ga 9:37). Thật bất ngờ, nhưng anh thấy rất vui nên nói ngay: “Thưa Ngài, tôi tin” (Ga 9:38). Nói xong, anh sấp mình xuống trước mặt Ngài. Đức tin của “cựu người mù” này lớn quá! Tại sao? Thường thì đa số hơn thiểu số, nhiều người ghét Chúa Giêsu, nhưng anh vẫn có lập trường rõ ràng của riêng mình, không chịu “gió chiều nào ngả theo chiều nấy”.

Biết anh thật lòng, Chúa Giêsu nói: “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử: cho người không xem thấy được thấy, và kẻ xem thấy lại nên đui mù!” (Ga 9:39). Những người Pha-ri-sêu đang ở đó và nghe vậy thì liền lên tiếng: “Thế ra cả chúng tôi cũng đui mù hay sao?”. Lại tự ái. Đầu óc “bã đậu” và “nhỏ mọn” như thế thì chả bao giờ khá lên được. Đầu óc gì mà nhỏ như hạt đậu, hẹp như ống hút nước vậy! Có lẽ lúc ấy Chúa Giêsu lắc đầu, rồi thản nhiên bảo họ: “Nếu các ông đui mù thì các ông đã chẳng có tội. Nhưng giờ đây các ông nói rằng ‘chúng tôi thấy’, nên tội các ông vẫn còn!” (Ga 9:41). Họ thường ngu đột xuất, giờ lại tiếp tục ngu kinh niên, ngu tầm cỡ quốc tế luôn!

Còn chúng ta? Chắc hẳn đã có những lần chúng ta y như người Pha-ri-sêu vậy, chẳng hơn họ đâu. Và rồi chúng ta cũng vẫn cứng lòng, không chịu “cho vào tai” những lời “thuận ngôn”, không chịu “cân nhác” lời hơn lẽ thiệt, không chịu “mở mắt” to để nhìn rõ vấn đề, thế nên chúng ta “có mắt như mù”. Thật đáng sợ!

Mù thì chắc chắn khổ, nhưng chỉ mờ mắt hoặc thông manh cũng khổ, và cũng khổ nếu cận thị, viễn thị hoặc loạn thị. Nói chung là khổ hết ráo, nếu đôi mắt không bình thường. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Mở mắt coi, bạn liền thấy rõ thế nào là số phận bọn ác nhân” (Tv 91:8). Do đó, chúng ta phải luôn biết cầu nguyện: “Xin mở mắt cho con nhìn thấy luật pháp Ngài kỳ diệu biết bao” (Tv 119:18).

Chúa Nhật IV Mùa Chay là “cột mốc” cho biết rằng chúng ta đã đi được nửa Hành Trình Mùa Chay. Chúng ta đã “nhìn” thấy gì, “sáng” thêm mấy độ, còn cận thị, viễn thị hoặc loạn thị nhiều hay ít? Chúng ta cận thị vì tưởng mình đạo đức tốt lành, viễn thị vì không nhận biết tội mình, và loạn thị vì “lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại bạn một phần”. Đã qua nửa Mùa Chay, chúng ta cùng tạ ơn Chúa và tiếp tục xin Ngài dìu dắt chúng ta đi hết chặng đường Mùa Chay theo đúng Thánh Ý Ngài.

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin mở mắt đức tin cho chúng con, xin tăng thị lực đức tin cho chúng con, xin giúp chúng con nhìn thấy chính Chúa trong mọi người – nhất là nơi những người nghèo khổ, nơi những người hèn mọn, và xin cho bất kỳ ai gặp chúng con cũng có thể nhận thấy nơi chúng con thực sự có Chúa sống động. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

 

(*) Chúa Nhật IV Mùa Chay mệnh danh là Chúa Nhật Hồng hoặc Chúa Nhật Vui (Laetare Sundae), do chữ đầu tiên của Ca Nhập Lễ là “Laetare” (Hãy vui lên, hỡi Giêrusalem). Chúa Nhật này dùng lễ phục hồng, được phép chưng hoa trên bàn thờ, và đệm đàn khi hát. Hoa Hồng Vàng được làm phép hôm nay, và còn được gọi là Mediana, Ngày Giữa Mùa Chay, Ngày Lễ Các Mẹ, Ngày Hoa Hồng, hoặc Chúa Nhật Tĩnh Dưỡng.

Có một Chúa Nhật Hồng khác, cũng gọi là Chúa Nhật Vui (Gaudete Sundae), đó là Chúa Nhật III Mùa Vọng, do câu mở đầu của Ca Nhập Lễ có câu “Gaudete in Domino semper” (Anh em hãy vui trong Chúa luôn mãi). Chúa Nhật này cũng dùng lễ phục hồng.

 Về mục lục