CHÚA NHẬT 3 PHỤC SINH_C
Lời Chúa: Cv 5,27b-32.40b-41; Kh 5,11-14; Ga 21,1-9
——-
1. Chứng nhân phục sinh (Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên)
2. Mơ ước đẹp (Lm. Jos DĐH. Gp. Xuân Lộc)
3. Sức mạnh và niềm vui phục sinh (Jorathe Nắng Tím)
4. Tình yêu mến (Lm. Thái Nguyên)
5. Xin cho con nhận ra Chúa (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
6. Biển hồ Tibêria và ba cuộc gặp gỡ (Gioan Phạm Duy Anh, SJ)
7. Tình thầy trò Phêrô – Giêsu và Gioan (Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ)
8. Bài học từ mẻ cá kỳ diệu(Lm. Phêrô Nguyễn Văn Hương)
9. Yêu nghề (Trầm Thiên Thu)
10. Yêu Thầy hơn (Bông Hồng Nhỏ, Học viện MTG.Thủ Đức)
11. Gởi gắm yêu thương (Thiên San, Học viện MTG.Thủ Đức)
Tgm. Giuse Vũ Văn Thiên
Sách Tông đồ Công vụ thường được gọi là Phúc Âm của Chúa Thánh Thần. Nội dung sách này kể lại đời sống Đức tin của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, nhất là chứng từ của các tông đồ và nỗ lực truyền giáo của các ngài. Vào thời sơ khai ấy, nội dung lời giảng dạy của các tông đồ rất đơn giản, chỉ là sự quả quyết Đức Giêsu đã chết nhưng đã sống lại theo như lời Thánh Kinh và Người đang hiện diện giữa các tín hữu. Bài đọc I cho thấy, vị Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng rất đỗi ngạc nhiên, vì thấy Phêrô và các tông đồ là những người dân chài ít học quê mùa, nhưng lời chứng của các ông rất rõ ràng, xác quyết. Các ông còn sẵn sàng chấp nhận đau khổ để chứng minh sự sống lại của Đức Giêsu. Hơn nữa, Phêrô còn tỏ ra rất uyên bác và khôn ngoan, khi tuyên bố trước các thành viên của Thượng Hội đồng: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm”. Ông còn diễn giải sự phục sinh của Đức Giêsu là do quyền năng của Thiên Chúa. Ông sẵn sàng làm chứng, cùng với Thánh Thần “Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người”. Lời chứng của các ông mạnh mẽ đến nỗi, những thành viên Thượng Hội đồng là những người học thức, phải im lặng. Họ không làm gì được các ông, và chỉ còn gỡ thể diện bằng cách cho đánh đòn rồi thả các ông ra.
Không chỉ Phêrô và các tông đồ, cộng đoàn tín hữu tiên khởi cũng xác tín vào sự hiện diện của Đấng Phục sinh. Chính Đấng Phục sinh đã làm cho lời giảng của các tông đồ mang tính thuyết phục. Chính Đấng Phục sinh đã quy tụ các tín hữu, để làm nên một thân thể và một tâm hồn, liên kết với nhau trong tình hiệp thông. Vì thế mà số người tin theo Chúa Giêsu qua lời giảng của các tông đồ tăng lên nhanh chóng.
Thực ra, ban đầu các môn đệ cũng rất hoang mang trước cái chết của Chúa. Câu chuyện hai môn đệ trên đường Emmaus là một ví dụ. Dường như các ông chưa hiểu được sứ mạng của mình sau sự kiện Phục sinh. Việc ông Phêrô đi đánh cá, và các môn đệ cùng đi với ông trong bài Tin Mừng hôm nay cho thấy các ông đã muốn trở lại với nghề nghiệp cũ, tức là nghề đánh cá, là công việc các ông vẫn làm trước khi theo Chúa Giêsu. Bởi lẽ khi nghe Chúa gọi, các ông đã bỏ thuyền, bỏ chài lưới và bỏ gia đình, cha mẹ mà đi theo Người. Qua việc các ông đi đánh cá, dường như việc theo Chúa đã kết thúc. Hơn ai hết, các ông hiểu thời điểm và vị trí nào thuận tiện để mẻ lưới có kết quả. Tuy vậy, các ông vất vả suốt đêm mà không được con cá nào. Chỉ đến lúc Đức Giêsu hiện ra và bảo các ông thả lưới bên phải mạn thuyền, lúc bấy giờ, các ông mới thu hoạch được mẻ lưới kỳ diệu.
Khi từ cõi chết sống lại, Đức Giêsu hiện diện giữa các môn đệ với một phong thái khác. Chính các ông cũng không nhận ra Người, mặc dù trước đó các ông ở với Người, cùng ăn uống với Người. Chỉ khi trực tiếp chứng kiến mẻ cá lạ, mắt các ông mới mở ra và nhận ra Thày mình. Sự hiện diện của Đấng Phục sinh mang tính huyền nhiệm linh thiêng, không còn như trước, bởi Người đã từ cõi chết sống lại. Nếu Chúa hiện diện vô hình và huyền nhiệm, thì hiệu năng của sự hiện diện ấy lại vô cùng mãnh liệt. Thánh sử Gioan ghi rõ số cá thu được từ mẻ lưới lạ là 153 con. Theo các nhà chú giải Kinh Thánh, con số 153 là số loài cá dưới đại dương mà những nhà nghiên cứu chuyên môn thời bấy giờ thống kê được. Như thế, 153 con cá có nghĩa là tất cả các loài cá dưới đại dương. Ơn cứu độ mà Thiên Chúa thực hiện qua Đức Giêsu Kitô mang tính hoàn vũ. Tất cả mọi người dưới gầm trời này, nếu đến với Đức Giêsu và đón nhận giáo huấn của Người, thì đều được cứu rỗi. Đó cũng là điều tác giả sách Khải Huyền đã thấy trong thị kiến, ở Bài đọc II của Chúa nhật này. Tác giả viết: “Tôi nghe thấy mọi loài thụ tạo trên trời dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả cùng tung hô: “Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời”. Con Chiên chính là hình ảnh của Đức Giêsu, Đấng đã chịu sát tế làm của lễ dâng lên Chúa Cha, giống như con chiên mà người Do Thái giết trong dịp lễ Vượt qua để tưởng niệm việc Chúa cứu Dân Ngài ra khỏi Ai Cập. Như máu chiên bôi trên khung cửa nhà người Do Thái để tránh cho các con đầu lòng bị tàn sát, máu Chúa Giêsu đổ ra trên thập giá tẩy rửa tội lỗi, giải phóng và ban ơn cứu độ cho loài người.
Cuộc gặp gỡ giữa các môn đệ với Đức Kitô Phục sinh, vừa củng cố Đức tin của các ông, đồng thời cũng là dịp Chúa trao trách nhiệm trông coi đàn chiên, mà người đứng đầu là Phêrô. Trách nhiệm này chỉ được trao phó khi Phêrô thành tín tuyên xưng tình yêu mến và lòng trung thành. Lời tuyên xưng ấy, Phêrô đã giữ suốt đời, cho đến lúc chết để làm chứng cho Thày mình. Tác giả cuốn tiểu thuyết nối tiếng “Quo Vadis” của nhà văn người Ba Lan, Henryk Sienkievich, đã diễn tả Phêrô như một ông cụ già nua, khả kính, luôn hiện diện giữa cộng đoàn tín hữu trong lúc cuộc bách hại của hoàng đế Nêrô ở thời điểm khốc liệt nhất. Trong cuộc hành hình các tín hữu ở Hý trường Rôma, Phêrô vẫn hiện diện giữa đám khán giả, để chúc lành cho các tín hữu đang bị làm mồi cho sư tử. Sự hiện diện của vị Tông đồ trưởng đã tiếp thêm sức mạnh để các tín hữu can đảm và trung thành tuyên xưng Đức tin cho đến hơi thở cuối cùng. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Phêrô cảm thấy buồn, vì Thày hỏi đến ba lần về lòng yêu mến. Thực ra, những cử chỉ và lời nói yêu thương cần phải được lặp đi lặp suốt cả cuộc đời, như đôi lứa đang yêu tâm sự cùng nhau, như mẹ cha nói với con cái và như con cái tỏ bày với cha mẹ. Phêrô đã trung thành với lời hứa ấy. Chúa đã quên quá khứ của ông. Người không còn nhớ đến lỗi lầm của Phêrô cũng không còn nhớ đến lỗi lầm của chúng ta.
Cũng như Chúa đã trao cho Phêrô nhiệm vụ chăm sóc đàn chiên, Người cũng đang mời gọi chúng ta làm chứng cho Người giữa thế gian. Làm chứng cho Chúa Phục sinh là sứ mạng nhiều khó khăn gian khổ. Chúa đã nói với tông đồ Phêrô về một tương lai sắp tới: “Anh sẽ phải giang tay cho người khác thắt lưng và dẫn anh đến nơi anh chẳng muốn”. Thánh sử Gioan đã nhận thấy đây là một lời tiên tri, ám chỉ Phêrô sẽ phải trải qua đau khổ và phải chết. Những chứng nhân của Chúa, thời nào cũng trải qua thập giá. Bởi lẽ, chúng ta rao giảng một Đức Giêsu chịu khổ hình và chịu đóng đinh. Muốn là người môn đệ đích thực, Kitô hữu phải đi trên con đường Thày mình đã đi. Đó là con đường thập giá. Nhưng thập giá không phải là đích điểm của hành trình Kitô hữu. Đó chỉ là một chặng đường tiến tới Phục sinh. Chúng ta đang đi trên con đường ấy, với lòng kiên nhẫn và trung thành, có Đấng Phục sinh luôn hiện diện và đỡ nâng chúng ta. Tác giả sách Tông đồ Công vụ đã ghi lại một điều bất ngờ: khi Thượng tế và các thành viên Thượng Hội đồng ra lệnh đánh đòn ông Phêrô và các tông đồ, có ý đe doạ và làm các ông xấu hổ, các ông lại vui mừng hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu. Tuyên xưng Đức tin vào Chúa Giêsu không phải là một điều xấu hổ hay thẹn thùng, nhưng một vinh dự mang lại niềm vui. Tuy vậy, để có thể tuyên xưng Đức Giêsu Phục sinh, chúng ta phải kết nối với Người, tức là gặp gỡ Chúa, qua lời cầu nguyện và niềm tín thác cậy trông.
Người tín hữu mừng lễ Phục sinh không giống như một lễ hội thế tục. Các nghi lễ Phụng vụ giúp cho chúng ta gặp gỡ Đấng Phục sinh, để xác tín vào sự hiện diện của Người, đồng thời có khả năng giới thiệu Chúa cho những người xung quanh mình.
Xin cho mỗi Kitô hữu chúng ta can đảm làm chứng cho Chúa giữa đời, để rồi nếu người thời nay không nhìn thấy Đấng Phục sinh, thì họ nhận ra Người đang sống và đang hiện diện qua những môn đệ của Người là chính chúng ta. Amen.
Lm. Jos DĐH.
Lên đường, khởi hành, ra khơi, chỉ thực sự có ý nghĩa khi người ta nghiêm túc với điểm đến ở phía trước. Cuộc đời chúng ta luôn có gian truân vất vả, đồng thời cũng sẽ thu được kết quả nhiều hoặc ít. Dù muốn hay không, đều phải tuân quy luật: cuộc hành trình ngàn dặm, cũng bắt đầu từ bước chân. Nhân vô thập toàn, nhưng ai cũng có thời gian, có cơ hội để tập luyện, hoàn thiện mình, hầu đạt tới mức độ trưởng thành thật sự. Cha ông chúng ta cho rằng: cần phải có cái đầu tỉnh táo, người ta mới biết sử dụng thời giờ cách hợp lý, hợp tình. Mơ ước nhiều tiền lắm của, khao khát được dồi dào sức khoẻ, được phong phú về kiến thức, đúng là đẹp và chuẩn hết ý. Bằng những cảm nghiệm riêng tư, một số lại cho rằng, đời còn gì vui hơn trong phút giây được yêu, dù mai này tình phụ hay phụ tình, đều là khổ là đau.
Được ra khơi là niềm vui của các ngư phủ, tuy là dân chuyên, thế mà suốt cả đêm các ông không bắt được con cá nào, thất bại là mẹ thành công, thiết tưởng các ông chỉ mơ ước nhỏ bé thế thôi ! Tiếp đến là tình yêu thương, đã cho thấy hành trình của các ông khởi sắc ngay khi Vị khách lạ xuất hiện, việc ra khơi thả lưới là điều khó chấp nhận, nếu các ông không được thôi thúc từ bên trong. Rõ ràng các ngư phủ không muốn thất bại, các ông phải vượt lên chính mình, phải vượt qua tự ái để nghe theo Vị khách lạ: “các bạn có gì ăn không ? Hãy thả lưới bên phải thuyền thì sẽ được”. Sự khôn ngoan ở đời: gió chiều nào theo chiều ấy, hoặc có bệnh vái tứ phương. Sự khôn ngoan của người môn đệ theo Chúa là: “ai không chống đối ta là ủng hộ ta”. (Mc 9, 40). “Bất cứ ai sống mà tin vào Thầy sẽ không phải thất vọng bao giờ”. (Ga 11, 26)
Tât cả mọi người đều có quyền mơ ước, dù lên đường đi du học, khăn gói đi làm kinh tế ở nơi xa, ai chẳng muốn thành công, được kết quả tốt đẹp. Có Đấng phục sinh, có niềm tin và vâng nghe Đấng là Thầy là Chúa, các môn đệ đã thấy mẻ cá lạ cùng. Trước mẻ cả đặc biệt, hẳn Vị khách lạ muốn nói về tình yêu và quyền năng của Đấng phục sinh, giống các ngư phủ hôm xưa, ai cũng có quyền mơ ước thành công. Bài học các môn đệ thể hiện, không phải là bề dày kiến thức hay kinh nghiệm đánh bắt cá, mà ở đâu có tình yêu, có niềm tin, có sự hiện diện của Đấng phục sinh, ở đó có phép lạ, có hạnh phúc. Sứ điệp mà Đấng phục sinh tác động nơi tâm hồn các học trò hết sức chân tình: cố gắng quên người mình yêu, cũng giống như cố gắng nhớ người mình yêu chưa bao giờ gặp.
Mơ ước đẹp đối với các môn đệ, chắc chắn không phải là “công lý báo thù”, không phải là ra khơi bắt cá, mơ ước đẹp cũng không phải là lẩn tránh Đấng đã chết vì yêu, Đấng đã sống lại vì yêu. Mơ ước đẹp đối với chúng ta hôm nay, chắc không phải là ngồi đó chờ phép lạ, điều đẹp ý Chúa thật đơn giản, là hãy tin Chúa luôn đồng hành với tất cả những ai thuộc về Đấng phục sinh. Mơ ước đẹp sẽ còn thôi thúc chúng ta đừng nghĩ rằng: tài giỏi là thông minh, giầu sang là do chăm chỉ, do chí thú làm ăn. Không phải cầu được ước thấy là do đạo đức hơn người, hãy tin, có Chúa trong cuộc sống là có tất cả. Đấng phục sinh sẽ còn ra khơi với các học trò, hiện diện, chúc lành, nhưng không phải là “lưới cá” mà là “lưới người”, đem các linh hồn trở về với Thiên Chúa cứu độ. Đừng xem thường lời động viên khích lệ của đấng bậc sinh thành, hãy khiêm tốn để thấy Chúa yêu ta, để hiểu và sống nén bạc Chúa trao.
Đấng phục sinh chính là mơ ước đẹp của từng người trong chúng ta, Ngài theo và ở cùng các môn đệ, Ngài cũng sẽ ở cùng mỗi chúng ta, dù ý thức của chúng ta còn non kém, giới hạn. Đấng phục sinh sẽ không hiện diện cách hữu hình, nhưng tình yêu và mơ ước đẹp của Ngài vẫn ở trong những ai tin Đức Kitô là Vị lãnh đạo tối cao. Đấng phục sinh mở ra cho các học trò: sứ mạng theo Thầy là qua đau khổ thập giá đến vinh quang, là cầu nguyện và hoạt động, là được yêu thương vì biết yêu. Sống ở đời, người ta vẫn cư xử với nhau rất sòng phẳng: có tiền bạn tựa như quan lớn, không tiền bạn chỉ là thứ dân. Đấng phục sinh đã đồng hành với các môn đệ, Ngài cho thấy hành trình cuộc đời, tin theo Chúa là một chuỗi ngày những hồng ân với mơ ước đẹp, có sức mạnh và phép lạ tình yêu thương hiện diện.
Con đường đưa đến sự khốn cùng, bao giờ cũng bằng phẳng. (Hésiode). Con đường đi đến hạnh phúc thật, không thể thiếu vắng khổ đau thập giá. Mơ ước đẹp mãi mãi là mơ ước được mở ngỏ, được chúc phúc, khi mỗi người biết chọn lựa và sống niềm tin có Chúa nơi các tương quan. Nếu ở đời quan niệm: vẻ đẹp bên ngoài, bắt nguồn từ sức khoẻ bên trong, thành công, tài giỏi thông minh, hoặc có danh có phận, nhưng thiếu bình an, thì cũng chỉ là hạnh phúc giả tạo, có khác gì người giầu thiếu sự khôn ngoan, nên bị xem như bù nhìn mặc áo gấm. Tất cả đều đáng thương, dù trẻ hay già cũng cần được quan tâm, Chúa phục sinh không đòi hỏi thành quả nơi chúng ta, nhưng Ngài rất cần mỗi người hãy bày tỏ niềm tin bằng ước mơ đẹp có Chúa. Amen.
SỨC MẠNH VÀ NIỀM VUI PHỤC SINH
Jorathe Nắng Tím
Phụng vụ Lời Chúa hôm nay cho chúng ta đi vào bầu khí hân hoan của những người tin vào Đức Giêsu sống lại. Họ là những môn đệ đã đi theo Đức Giêsu, được ở với Ngài, chia sẻ gian truân, đau khổ với Ngài và được thấy Ngài trong thân xác phục sinh. Họ là “một đoàn người thật đông không tài nào đếm nổi, thuộc mọi dân, mọi chi tộc, mọi nước và mọi ngôn ngữ. Họ đứng trước ngai và trước Con Chiên, mình mặc áo trắng, tay cầm nhành lá thiên tuế” (Kh 7,9) đang cùng “ức ức triệu triệu các thiên thần” lớn tiếng hô: “Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời chúc tụng” (Kh 5,11-12).
Bài đọc thứ nhất làm chứng sức mạnh của Đức Giêsu phục sinh đã biến đổi những con người yếu đuối, nhát đảm mới hôm nào còn lấm lét sợ người Do Thái, còn kinh hãi bỏ Thầy trốn chạy để bảo toàn mạng sống, còn nao núng, chao đảo, thất vọng qua hành động thề thốt “không biết người ấy là ai” trước đầy tớ gái của thượng tế Caipha đang khi Thầy bị tra khảo (x. Mc 14,66-71), nay trở thành những chứng nhân anh dũng, mạnh mẽ trước uy lực của “thần quyền” là “Thượng Hội Đồng gồm” vị thượng tế và những người kề cận, cùng toàn thể viện bô lão Ítraen” (Cv 5,21) khi cương quyết tuyên bố: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn vâng lời người phàm” (Cv 5,29), trước lệnh “nghiêm cấm các ông không được giảng dạy” về danh Đức Giêsu, Đấng đã chịu đóng đinh, “nhưng Thiên Chúa đã cho Người trỗi dậy” (x.Cv 5, 28.30).
Bên cạnh sức mạnh phục sinh là niềm vui phục sinh của các môn đệ được Tin Mừng Gioan kể lại.
Trước hết, các môn đệ hớn hở vui mừng vì bất ngờ “có người” đến chỉ cho các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá” sau đêm dài thức trắng mà không bắt được con nào, và các ông đã “trúng” mẻ cá khủng, “vì lưới đầy những cá” (Ga 21,6).
Và niềm vui ấy bất chợt vút cao, khi bước lên bờ, các ông thấy “người ấy” đã chuẩn bị sẵn “than hồng với cá đặt trên, và có cả bánh nữa”, lại còn thân thiện mời các ông: “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21,12).
Điều quan trọng chúng ta cần ghi nhận đây là cho đến lúc này không ai trong các ông đã nhận ra “người ấy” chính là Đức Giêsu, và có “nhận ra đó là Chúa” cũng “không ai trong các môn đệ dám hỏi Ngài: “Ông là ai?” (x. Ga 21,4.12).
Sau cùng, niềm vui đã vỡ òa khi chính “Ngài cầm lấy bánh trao cho các ông; rồi cá, Người cũng làm như vậy” (Ga 21,13), là cử chỉ Đức Giêsu đã làm trong bữa ăn cuối cùng với các ông trước khi chịu khổ nạn và tử hình đóng đinh. Cử chỉ này làm các ông nhớ lại những lời trăn trối dạt dào yêu thương của Ngài, và hôm nay, sau khi sống lai, tình yêu ấy lại được công khai thể hiện khi Đức Giêsu âu yếm hỏi Phêrô đến ba lần: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có yêu mến Thầy không?” và nói với ông: “Hãy chăn dắt chiên của Thầy” (Ga 21.15.16.17).
Quả thực, Đức Giêsu sống lại là sức mạnh và niềm vui của những ai tin vào Ngài và đi theo Ngài.
Họ được trở nên mạnh mẽ vì qua biến cố phục sinh, họ nhận ra Đức Giêsu chính là “vị Thủ Lãnh, Đấng Cứu Độ”, Đấng mà “Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, hầu đem cho dân Người ơn sám hối và ơn tha tội” (Cv 5,31), đồng thời là “Chúa” như thánh tông đồ dân ngoại đã quả quyết: “Thiên Chúa đã siêu tôn Người… và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: “Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2,9.11).
Họ được hưởng trọn vẹn niềm vui phục sinh của Đức Giêsu đã sống lại từ cõi chết, vì qua Thánh Giá, Ngài đã chiến thắng tội lỗi, thần chết, hỏa ngục. Bằng chứng là khi được thả ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng các Tông Đồ phấn khởi, “hân hoan bởi được coi là xứng đáng chịu khổ nhục vì danh Đức Giêsu” (Cv 5,41).
Niềm vui ấy sẽ không bao giờ vơi cạn, vì ơn phục sinh đã cho đoàn thể những người đi theo Đức Giêsu nhận ra Ngài là “người cha nhân hậu, quan phòng” quan tâm đến từng đứa con, như Đức Giêsu phục sinh đã chu đáo chuẩn bị sẵn than hồng, bánh, cá trên bờ, vì biết các môn đệ của Ngài rất đói sau đêm dài mất ngủ và vất vả chài lưới.
Niềm vui ấy ngày càng phong phú, sâu sa vì họ nhận ra Đức Giêsu chính là Mục Tử nhân lành chăn dắt đàn chiên bằng tình yêu; chăm sóc chiên con yếu đuối, thơ dại bằng tình mẹ bao la, ân cần, tận tụy; và chăm nom đám chiên đau bệnh, xa đàn, lạc đàn bằng tình yêu nhẫn nại chịu đựng, kiên trì đợi chờ và bao dung, thương xót.
Tóm lại, người môn đệ trên đường làm chứng, loan báo Nước Trời luôn được sức mạnh và niềm vui của Đức Giêsu phục sinh, Đấng mà Thiên Chúa đã nâng lên làm “Chúa, Thủ Lãnh, Đấng Cứu Độ và Mục Tử nhân lành” bao phủ, gìn giữ, bảo đảm. Và chính Ngài là Đấng chúng ta tuyệt đối tin tưởng và hy vọng, vì chỉ một mình Ngài là “Đường, Sự Thật, Sự Sống” và “Sự Sống Lại” (Ga 14,6 ; 11,25).
Lm. Thái Nguyên
Suy niệm
Sau khi Chúa Giêsu phục sinh, các môn đệ đã hai lần gặp được Chúa bằng xương bằng thịt (x. Ga 20. 19.26), nhưng xem ra quá ngắn ngủi. Lòng các ông cũng còn bối rối và lo sợ, nên chưa đủ mạnh để thay đổi cuộc đời mình. Thầy không còn bên cạnh như trước nữa, nên họ thấy trống vắng, buồn tẻ và cuộc sống hằng ngày dường như vô vị, không còn ý nghĩa. Trong tâm trạng đó, họ muốn trở về với đời sống của dân thuyền chài, trở về với những gì quen thuộc ngày xưa để lấp đầy khoảng trống mênh mông. Trong tâm trạng như thế, nên khi Phêrô gợi ý đi đánh cá là họ đồng thanh hưởng ứng ngay.
Các ông đã vất vả suốt đêm nhưng không bắt được con cá nào. Vào buổi bình minh của ngày mới, giữa lúc các ông mệt mỏi, buồn chán thì Chúa Giêsu xuất hiện trên bờ hồ, nhưng họ không nhận ra. Ngài bảo cho các ông cứ thả lưới bên phải mạn thuyền. Họ đã làm như thế và kết quả là mẻ lưới đầy cá. Thấy việc lạ vừa xảy ra, người môn đệ thân yêu đã tinh ý nhận ra là chính Chúa Giêsu, và nói với Phêrô: “Chúa đó”. Ông liền nhảy xuống biển, bơi ngay vào bờ để gặp Chúa.
Khi đưa thuyền vào bờ, các ông thấy Chúa Giêsu đã chuẩn bị sẵn bánh và cá nướng. Chúa Phục Sinh dọn bữa sáng cho các ông. Bầu khí thật ấm cúng và chan hòa tình nghĩa Thầy trò. Khung cảnh bữa ăn gợi lên bầu khí của thánh lễ, cũng Chính Chúa dọn bữa ăn cho chúng ta, không phải của ăn vật chất mà là chính Lời Ngài và Mình Ngài. Hội Thánh vừa lan rộng vừa tập trung nơi thánh lễ, để kín múc và trao ban ơn phúc. Ðó là nhịp thở đều đặn làm nên sức sống cho Hội Thánh.
Hội Thánh ấy giờ đây được giao cho Simon Phêrô, nhưng trước hết ông phải trải qua một cuộc sát hạch: “Này anh Simon… anh có mến Thầy hơn các anh em nầy không ?”. Câu hỏi thật khác thường khi giao sứ mạng, Chúa Giêsu không đặt vấn đề khả năng lãnh đạo hay tầm nhìn sâu rộng, nhưng là tình yêu mến. Có lẽ ông rất ngượng ngùng vì mới chối Thầy ba lần, mà Ngài lại hỏi ông có yêu mến Thầy không? Mới phản bội mà giờ lại nói yêu thương, quả thật khó khăn. Chắc chắn là ông yêu mến Thầy rồi, nhưng Ngài lại thích cái “hơn”.
Tình yêu là như thế, chỉ khi yêu “hơn”, người ta mới dám sống “hơn” cho người mình yêu. Nhiệm vụ càng cao thì phải yêu mến càng nhiều. Bởi ai cũng rất sợ những người làm to mà trái tim lại quá nhỏ. Ngài hỏi Phêrô đến ba lần về tình yêu mến, như muốn xóa sạch mọi ký ức của ông về việc chối Ngài ba lần, để ông đừng tự phụ dựa vào sức riêng của mình nữa, mà từ đây hãy dựa vào chính Ngài. Ba lần tuyên xưng tình yêu đi với ba lần giao sứ mạng:“Hãy chăn dắt chiên của Thầy”.
Thánh Phaolô cho thấy, không có tình yêu mến thì mọi hy sinh và công lao sẽ trở thành tro bụi (x. Cr 13,1-7). Nó khiến ta lệch lạc ngay trong cách sống hằng ngày: không có tình yêu mến thì bổn phận khiến ta dễ nóng giận; trách nhiệm đẩy ta tới chỗ bất nhã; công bằng làm cho ta đâm ra tàn nhẫn; sự thật biến ta thành kẻ ưa soi mói; khôn ngoan dẫn ta tới chỗ láu cá; sự đon đả biến ta thành kẻ giả dối; hiểu biết đẩy ta trở thành kẻ cố chấp; quyền bính khiến ta trở thành kẻ áp bức; danh thơm tiếng tốt làm ta trở thành kẻ kiêu ngạo; của cải làm ta trở nên tham lam; lòng tin biến ta thành kẻ cuồng tín.
Không có tình yêu mến, trên đời này ta không là gì cả! Nhưng với tình yêu mến, ta sẽ trở nên tất cả. Chỉ có tình yêu mới làm nên những điều nhiệm lạ chứ không phải tài năng hay tri thức. Thế giới này cũng chỉ được thu phục bởi tình yêu. Cha thánh Vianey cũng đã khẳng định: “Thế giới sẽ thuộc về tay ai biết yêu mến!”.
Hôm nay Đức Kitô Phục Sinh cũng hỏi mỗi người chúng ta về tình yêu mến, được biểu lộ bằng việc sống hết mình cho Chúa và tha nhân. Cuộc sống này chẳng ai tin vào lời chúng ta nói, người ta chỉ tin vào việc chúng ta làm. Người ta cũng chẳng tin vào việc chúng ta đi lễ, mà chỉ tin khi cuộc đời ta biến thành của lễ, nghĩa là thấy được sự dấn thân phục vụ của chúng ta để đem lại những gì tốt đẹp cho con người và xã hội hôm nay. Thánh lễ nối dài là như thế, là Chúa tiếp tục tỏ mình và hiến mình cho nhân loại qua chính đời sống của chúng ta.
Cầu nguyện
Lạy Cha là Thiên Chúa của Tình Yêu!
Với tình yêu thì không gì là thiếu,
tình yêu sẽ làm nên điều huyền diệu,
cho con thấy những chứng tích cao siêu.
Chính tình yêu là nguồn mạch sự sống,
khơi sáng mọi hoạt động của nhân trần.
làm nên ý nghĩa và giá trị nhân sinh,
là biểu hiện cao vời của nhân tính,
đỉnh cao nhân cách và lòng nhân đạo,
chiều sâu của tâm linh và tôn giáo.
Thành công không phải làm điều lớn lao,
mà làm sao thể hiện được tình yêu,
tội lỗi là vì đã từ chối tình yêu,
để chạy theo những dự định của mình,
và không theo chương trình của Thiên Chúa.
Khi Chúa đặt Phê-rô đứng làm đầu,
Chúa không đòi tài cao hay đức trọng,
mà chỉ cần một lòng mến thâm sâu,
còn mọi sự chính Chúa sẽ làm sau.
Cuộc đời con cũng chỉ cần như vậy,
là một trái tim yêu thật thắm nồng,
dám biểu tỏ hằng ngày trong cuộc sống
để đem đến niềm an vui hy vọng.
Xin cho con luôn yêu Chúa hết lòng,
để phục vụ với tính cách khiêm nhường,
để ứng xử với tâm hồn cao thượng,
để bức phá giới hạn của đời thường,
và tiến đến vô hạn của tình thương,
là niềm vui hạnh phúc cõi thiên đường. Amen.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Là con người, dù mạnh mẽ đến đâu rồi cũng có lúc yếu đuối, thất vọng, muốn buông xuôi mọi sự. Dù đam mê tự do đến đâu, cũng có lúc cảm thấy cô đơn, lạc lõng chơi vơi giữa dòng đời… Và sau những dọc dài cuộc sống vì miếng cơm manh áo sẽ có ngày một mình đối diện với đủ thứ khó khăn của thế giới này, ta cũng cần lắm một bờ vai rộng, một bàn tay ấm, một sự cảm thông và khích lệ để cho ta niềm tin, nghị lực vươn lên, như ai đó đã viết rằng:
“Mình chỉ cần một ai đó gọi tên giữa cuộc đời
Trong giấc mơ dù chỉ là thoáng qua cũng có hình ảnh mình trong đó
Dù biết sẽ trải qua những tháng ngày khó khăn chưa rõ
Người vẫn tin sẽ có mình ở đó
đứng đợi người.
Mình chỉ cần một ai đó lắng nghe mình kể hết những câu chuyện cười
Rồi vục đầu vào vai ngủ một giấc ngon lành đến sáng
Nghe mình lải nhải đâu đâu từ bình minh đến hoàng hôn chạng vạng
Người vẫn thấy ở bên mình là đáng
chẳng hối hận điều gì.
Mình chỉ cần một người làm cho những vết xước trong tim mình quên đi…
Đức Thánh Cha Phanxico với trái tim của người cha cũng rất muốn đến với đất nước Ucraina đang chìm trong bể khổ của chiến tranh để an ủi, chia sẻ và cầu nguyện cho họ sớm bình an. Trước đó, vào ngày 26/03/2022, Đức Hồng y Konrad Krajewski, Chánh Sở Từ thiện của Tòa Thánh đến Ucraina thay mặt Đức Thánh Cha: “Để gần những người đang đau khổ và mang lại cho họ sự gần gũi của Đức Giáo hoàng, để nói với họ rằng ngài yêu thương họ, và cầu nguyện với họ vì lời cầu nguyện cũng có thể ngăn chặn chiến tranh.”
Chúa Giê-su sau khi phục sinh dường như vẫn luôn hiện diện đồng hành thật gần gũi với các môn đệ và với những người thân quen để nâng đỡ, cảm thông và khích lệ họ sống và làm chứng cho Chúa Phục sinh. Có khi Ngài đến với họ như một người làm vườn để thăm hỏi anủi: “Này bà, sao bà khóc?” (Ga 20, 13) Bà tìm ai? Có khi ngài hiện diện như người đồng hành với hai môn đệ đi làng Emmau. “Các ông vừa đi vừa nói những chuyện gì vậy ?” (Lc 24, 17). Và rồi qua sự gàn gũi ấy, Chúa Giê-su từng bước dùng Kinh Thánh để soi dẫn cho họ hiểu về những gì đang xảy ra trong mầu nhiệm ơn cứu độ: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật là chậm tin vào lời các ngôn sứ!26 Nào Đấng Ki-tô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?.
Tin mừng Chúa Nhật thứ 3 mùa phục sinh hôm nay, Chúa Giê-su đã đến bên các tông đồ như một người đồng nghiệp, sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ và cảm thông. Khi nhận ra bạn hữu mình: “suốt đêm ấy họ không bắt được gì cả” (Ga 21, 3b), thì Ngài đưa ra kế sách cho họ: “Anhem hãy thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá”( Ga 21, 6a)
Đức Giêsu phục sinh vẫn hiện diện và có đó. Ngài hiện diện một cách rất gần gũi trong cuộc đời của ta, khi ta lao động vất vả và nhất là chịu đựng những thất bại. Chúa hiện diện để thông cảm với những khó nhọc của chúng ta và đôi khi, Ngài tìm cách để giúp ta tháo gỡ những khúc mắc mà chính ta không tài nào thoát ra được.
Xin Chúa cho chúng ta luôn nhận ra Chúa luôn yêu thương để không bao giờ thất vọng về bản thân mình, nhưng luôn đứng dạy làm lại cuộc đời sau những lần vấp ngã. Xin cho chúng ta cũng biết học nơi Chúa để luôn nâng đỡ nhau, và cùng dìu nhau đi qua những thăng trầm của dòng đời. Amen
BIỂN HỒ TIBÊRIA VÀ BA CUỘC GẶP GỠ
Gioan Phạm Duy Anh
Các bạn thân mến!
Cuộc sống của chúng ta được dệt nên bởi vô vàn mối tương quan và bởi vô số cuộc gặp. Có những cuộc gặp chỉ thoáng qua đời ta mà không để lại ấn tượng sâu sắc. Nhưng cũng có những cuộc gặp vĩnh viễn thay đổi số phận và dự định hiện hữu của đời ta. Cuộc gặp gỡ ấy được xem là cuộc gặp gỡ định mệnh. Cuộc gặp gỡ của các môn đệ với Chúa Giê-su trên bờ biển hồ Tibêria là cuộc gặp gỡ định mệnh bởi vì nó vĩnh viễn thay đổi số phận và cuộc đời của các ông. Thực chất cuộc gặp của các ông đổi với Chúa Giê-su bao hàm ba cuộc gặp gỡ khác: cuộc gặp gỡ mang tính bản lể, cuộc gặp gỡ của đức tin và của gặp gỡ của tình yêu.
- Cuộc gặp gỡ bản lề
Bờ biển hồ lúc ấy diễn ra cuộc gặp gỡ với của những con người mà số phận còn dang dở. Sau khi Chúa Giê-su chịu chết, người thì bỏ Chúa, kẻ thì chối Chúa, nhóm môn đệ nòng cốt xem ra có vẻ mất kiên nhẫn, mất lý tưởng và năng lượng sống, đàn chiên có nguy cơ tan rã. Các tông đồ trở về với nhịp sống xưa, vẫn bờ biển ấy nhưng con người ấy đang lao động trên bờ biển quen thuộc. Giờ đây các ông trải qua kinh nghiệm về sự mất mát vị thủ lãnh, người Thầy lãnh đạo tinh thần. Sự mất mát này trở thành lỗ hổng không thể nào bù đắp lại được nơi các ông. Các ông vất vả suốt đêm nhưng không bắt được gì. “Ví như CHÚA chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng là uổng công. Thành kia mà CHÚA không phòng giữ, uổng công người trấn thủ canh đêm.”[1] Cái sự khác biệt căn bản giữa việc “vất vả suốt đêm mà chẳng bắt được gì” và lưới đầy thuyền là có Chúa Giê-su hiện diện, can thiệp và các ông làm theo lời Chúa.
Chính cuộc gặp gỡ với vị thầy Giê-su biến đổi hoàn toàn cuộc đời các ông. Cuộc gặp ấy ngang qua mẻ cá lạ lùng. Hai khung cảnh đối nghịch giữa trước khi gặp Đức Ki-tô Phục Sinh và sau khi gặp Đức Ki-tô Phục Sinh là “trời tối” và ” vất vả suốt đêm mà không bắt được gì” và “bình minh,” “than hồng” và thuyền đấy cá. “ 6 Người bảo các ông: “Cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền đi, thì sẽ bắt được cá.” Các ông thả lưới xuống, nhưng không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy những cá.”[2] Rõ ràng bạn thấy rằng, việc thả lưới bắt cá là việc của các ông. Các ông phải nỗ lực, bằng sự khôn khéo của mình để thả lưới nhưng việc thu lượm và bắt được cá lại tùy thuộc vào yếu tố bên ngoài ông. Sự thành công trong mẻ lưới tùy thuộc vào Chúa. Nếu Chúa không hiện diện và các ông không thả lưới bên phải mạn thuyền thì có lẽ, mẻ cá lạ sẽ không xảy ra. Việc xây dựng đời sống gia đình và giáo hội cũng như nỗ lực truyền giáo sẽ trở nên vô ích và sẽ là “vất vả suốt đêm mà chẳng được gì” nếu thiếu sự hiện diện của Đức Ki-tô trong những nỗ lực ấy. Sự hiện diện của Ngài biến đổi nỗ lực của con người từ tình trạng không được gì đến tình trạng “thuyền đầy ắp.”
Cũng nên nhớ rằng sự khác biệt giữa việc bắt được cá và không bắt được gì là có sự hiện diện của Đức Ki-tô. Trong bất cứu hoàn cảnh nào, bạn và tôi phải là người luôn ý thức được rằng Chúa luôn đồng hành với mỗi người chúng ta dù có trải qua nhưng khúc quanh tăm tối như thế nào. Chắc chắn một điều, ngoại trừ cái đêm gặp Chúa Ki-tô, các môn đệ thường xuyên đối diện với việc trắng tay. Đêm tối của thế gian và của tâm hồn luôn tìm cách vùi dập và bóp nghẹt giá trị Tin Mừng. Trải qua hơn hai ngàn năm giá trị Tin Mừng và chân lý về Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn còn bị nhiều người bóp méo. Người ta vẫn tìm cách hủy hoại Tin Mừng Phục Sinh, giá trị Ki-tô giáo, chân lý cứu độ, và muốn chôn vùi Đức Ki-tô Phục Sinh trong ngôi mộ trống. Với niềm tin và ân sủng của Đấng Phục Sinh, bạn và tôi tin rằng một ngày nào đó, Tin Mừng đó sẽ phục sinh trở lại, sự sống sẽ chiến thắng cái chết, Thầy sẽ chiến thắng thế gian. Sự phục sinh trước hết là sự phục sinh giá trị Tin Mừng, hình ảnh của Đức Ki-tô trong trái tim con người, sự phục sinh lại sự thiện đã bị sự dữ đè bẹp. Sự phục sinh đó biến đối toàn thể hệ thống giá trị và sự hiện hữu của bạn và tôi.
- Cuộc gặp của đức tin
Trong nhiều trường hợp, người môn đệ được Chúa yêu và cũng đồng thời là người môn đệ yêu Chúa trở thành trung gian giữa Chúa và các tông đồ mà trong trường hợp này là Phê-rô. Trong khi những người khác không nhận ra Đức Ki-tô Phục Sinh thì chỉ người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nhận ra điều đó.“ 7Người môn đệ được Đức Giê-su thương mến nói với ông Phê-rô:“Chúa đó!” Vừa nghe nói “Chúa đó!”, ông Si-môn Phê-rô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển.8 Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì các ông không xa bờ lắm, chỉ cách vào khoảng gần một trăm thước.”[3]
Điều gì làm nên sự khác biệt này. Đó là do cặp mắt đức tin, cặp mắt siêu nhiên, là sự thân mật trong tình yêu Thiên Chúa. Việc Gioan nhận ra Chúa có sự nối kết gì giữa việc nhận ra Đức Ki-tô hôm nay và Đức Ki-tô phục sinh, khi ông chứng kiến các băng vải được xếp lại hay không. Điều này có thể cho bạn thấy tính tiệm tiến trong tiến trình khám phá ra dấu chỉ về Đức Ki-tô Phục Sinh. Trước kia từ băng vài được cuốn mà nhận ra Đức Ki-tô phục Sinh, còn bây giờ phải vén băng vài “vô minh” của sự tối tăm và kém tin để nhận ra người. Việc nhận ra Đức Ki-tô bây giờ không chỉ còn qua dấu chỉ băng vải được xếp lại nhưng là tiếp xúc trực tiếp với Đức Ki-tô phục sinh. Nói cách khác, muốn nhận ra Đức Ki-tô phục Sinh không chỉ là khởi từ bằng vải như trước kia nhưng phải vén bức màn che phủ trong trái tim của mình để có thể nhận ra Chúa.
Hơn ai hết, Chúa Giê-su đã là người vén bức màn trong Trái Tim Ngài cho con người qua lưỡi đòng bị đâm thâu. Xuyên qua vết thương diễn tả tình yêu dâng hiến đến cùng này mà bạn nhận Đấng Ban Sự Sống. Việc thả lưới bên phải mạn thuyền[4] cũng ít nhiều giúp bạn liên tưởng đến điều này. Hai điều tiên quyết khi thả lưới đó là vâng lời Thầy và thả bên phải, bên cạnh sườn bị đâm thâu, nơi trái tim đã chảy Máu và Nước, bằng tình yêu của chính Đấng đã yêu thương và hiến mình vì tôi.
- Cuộc gặp gỡ trong tình yêu
Anh có thương mến thầy không? Có thể nói rằng, tự bản chất con người đi tìm sự thông hiệp và sự trao tặng sự sống. Điều mà bạn và tôi vẫn xác quyết đó là con người xuất phát từ Thiên Chúa và phản ảnh “chính mẫu thức” của Thiên Chúa về việc sống tình yêu và việc trao tặng sự sống. “Đức tin không chỉ tìm kiếm sự hiểu biết” nhưng, “đức tin còn tìm kiếm sự thông hiệp.” Sự đồng nhất là điều mà mọi người đều tìm kiếm, bất chấp bạn là người có tôn giáo hay không. Sau khi đã trải qua những kinh nghiệm với Thầy, có lẽ đây là thời điểm quyết định về số phận và sự chọn lựa dứt khoát. Chúa Giê-su hỏi Phê-rô ba lần: “Anh có thương mến Thầy không.”[5]
Đến thời điểm này, Chúa Giê-su không hỏi Phê-rô về tài năng, bằng cấp và địa vị xã hội nhưng hỏi về việc “Anh có thương mến Thầy không.” Với sự chân thành, yêu thương và sự khiêm tốn, Phê-rô chỉ trả lời: “Thưa Thầy có, Thầy biết con thương mến Thầy.” Câu hỏi này giả định “một cuộc trao đổi của tình yêu, một sự chân thành, tự do và trách nhiệm.” Tình yêu của Thầy đã đi bước trước: “Người vẫn yêu thương những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian, và Người yêu thương họ đến cùng.”[6] Để đến bây giờ khi đã cảm nghiệm được tình yêu của Đấng đã chết vì mình, ông mới khiêm tốn trả lời về tình yêu của mình dành cho Thầy. Chỉ khi cảm nghiệm được một cách thật sự tình yêu của Thầy đã chết và thông ban sự sống cho mình khi đó ông mới có thể trả lời với Chúa được câu này. Giả như câu trả lời không phản ánh tâm hồn và con người của ông, chắc chắn ông không thể theo Chúa đến cùng.
Ngang qua mẻ cá lạ, Đức Ki-tô Phục Sinh vẫn đồng hành với các môn đệ. Ngài không để các ông mồ coi. Ngài là điểm tới cho các ông chèo thuyền. Ngài hiện diện và mời gọi các ông thả lưới bên phải mạn thuyền. Thả lưới bằng chính tình yêu và sức mạnh của Đấng đã chết và cứu cho muôn người. Câu hỏi của Chúa Giê-su hỏi Phê-rô là một lời mời gọi sự đáp trả của tình yêu sau khi ông đã cảm nghiệm được tình yêu của Đấng đã sống và chết cho ông. Câu trả lời của bạn và tôi trước câu hỏi của Chúa, “Anh có thương mến Thầy không,” vẫn là một lời mời gọi bước vào tương quan thông hiệp, trao ban sự sống và “hãy chăm sóc chiên của thầy.”
Như thế, chính kinh nghiệm gặp gỡ với một con người đã thay đổi số phận và hướng đi của bạn và tôi. Cuộc gặp gỡ này không phải là cuộc gặp gỡ thông thường nhưng nó chính là cuộc gặp gỡ định mệnh. Cuộc gặp gỡ đó mở ra một chân trời mới và một hướng đi mới. “Ở nguồn gốc của việc làm một Kitô hữu không phải là một lựa chọn luân lý hay một ý tưởng cao cả, nhưng là một cuộc gặp gỡ với một biến cố, một người, là điều mang đến cho cuộc sống một chân trời mới và một hướng đi quyết định“[7]
[1] TV 127, 1
[2] Ga 21, 6
[3] Ga 21, 7-8
[4] Ám chỉ đến thị kiến của tiên tri Ezekiel về nước từ bên phải đền thờ chảy ra. Chúa Giê-su bị lưỡi đòng đâm thâu tức thì Máu và Nước chảy ra làm phát sinh sự sống và ơn cứu độ.
[5] Ga 21, 17
[6] Ga 13, 1
[7] Encyclical Letter Deus Caritas Est (25 December 2005), 1: AAS 98 (2006), 217
TÌNH THẦY TRÒ PHÊRÔ – GIÊSU VÀ GIOAN
Lm. Antôn Nguyễn Văn Độ
Vào lúc bình minh ló rạng. Chúa Giêsu hiện ra với các môn đệ và hỏi: “Này các con, có gì ăn không?” Họ đồng thanh đáp: “Thưa không”. Chúa Giêsu bảo: “Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được”. Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: “Chính Chúa đó”. Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển (Ga 21, 5- 7). Hỏi : Đâu là cái để Gioan với biệt hiệu là “người môn đệ Chúa yêu” nhận ra Thầy mình, và điều gì đã khiến Phêrô khoác áo vào và nhảy ngay xuống biển? Thưa: Tình yêu.
Tình thầy trò
Tình thầy trò Phêrô – Giêsu và Gioan thật đậm đà thắm thiết. Tình yêu giúp người môn đệ được yêu mến là người đầu tiên nhận ra chính Chúa (x. Ga 21,7). Vì yêu mà Gioan được ngồi cạnh Thầy trong bữa Tiệc Ly và tựa đầu vào ngực Chúa và hỏi thay cho Phêrô (x. Ga 13, 23). Nhờ yêu mà Gioan cùng với Thầy đi vào nhà Caipha bằng cổng chính như những mục tử, chứ không như Phêrô phải ở ngoài chờ Gioan ra dẫn vào.
Từ yêu đi đến hành động. Phêrô chỉ được chọn làm thủ lãnh và chăm sóc đàn chiên Chúa sau khi công bố yêu mến Thầy đến ba lần (Ga 21,15-17). Chúa chọn Phêrô với trọn tình yêu. Phêrô đáp lại cách trung thành, dù phải mất mạng (Ga 21,18). Dẫu biết rằng, đàn chiên thuộc về Thầy Giêsu chứ không thuộc về trò Phêrô.
Nhìn vào lịch sử, chúng ta thấy rõ được tình Thầy trò Giêsu. Gioan là người duy nhất trong các tông đồ ra đi trong tuổi già. Ngài cũng là môn đệ được Chúa Giêsu trao phó nghĩa vụ làm con thay thế Thầy đón Mẹ Thầy về nhà chăm sóc.
Phêrô đã tiếp nối công việc Thầy trao, chèo lái con thuyền Giáo Hội từ buổi sơ khai, rao truyền giáo huấn của Thầy cho những người chưa biết, bảo vệ chân lý về Ơn Cứu Độ mà Thầy đã trao ban. Ông hạnh phúc được lãnh nhận phúc tử đạo giống như cái chết của Thầy. Con thuyền Giáo Hội do Phêrô cầm lái vượt qua biết bao sống cả ba đào, và cho đến hôm nay vẫn vững chắc lướt qua sóng gió trần gian.
Mẻ cá tình yêu
“Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bời biển” (Ga 21,4). Biển là gì nếu không phải là biểu tượng của thế gian đang bị xô đẩy bởi những con sóng dữ dội và vòng xoáy của ba thù, và bờ tượng trưng cho sự sống đời đời đó sao? Các môn đệ đã vất vả, cực nhọc suốt đêm trên biển để đánh bắt cá, đương đầu với những con sóng của cuộc sống hay chết, nhưng Đấng Cứu Chuộc chúng ta, sau khi sống lại, Người đứng trên bờ. Theo thánh Grêgôriô Cả (540-604), Giáo hoàng, Tiến sĩ Hội Thánh giải thích thì: Chúa Giêsu đứng trên bờ, vì sau khi sống lại, Người đã vượt qua các điều kiện của một xác thịt mong manh hay hư nát, Người đứng trên bờ để nói cho các môn đệ về mầu nhiệm phục sinh, rằng: “Thầy không hiện ra với anh em trên mặt biển nữa” (x. Mt 14,25), bởi vì Thầy không còn ở với anh em trong lúc biển gầm bão tố nữa. Chúa ở trên bờ để kéo các ông lên bờ và biến các ông từ nay trở thành những kẻ lưới người ở trên bờ, chứ không lưới cá ở dưới nước nữa. (Trích Homélies sur l’Évangile, n°24).
Trở lại với mẻ cá lạ của các môn đệ làm theo lệnh truyền của Chúa Phục Sinh, vào buổi bình minh của ngày mới, Chúa hiện ra với các môn đệ lần thứ ba. Nếu như Tin Mừng không nói rõ, chúng ta không thể tưởng tượng được rằng chính Chúa sẽ chuẩn bị một cái gì đó cho chính mình cũng như các môn đệ, những ngư dân mệt mỏi suốt đêm nay cần đồ ăn sáng.
Chúa Giêsu Phục Sinh đã cách mạng hóa cuộc sống của họ và biến đổi lịch sử nhân loại ở mọi nơi mọi thời. Các Tông Đồ thấy rằng họ đã thất bại, họ đã không đạt được tầm mức mà Đấng Mê-sia mong đợi. Trong lưới của Phêrô và các môn đệ, người ta nhận ra sự kiệt sức, gần như đầu hàng, chẳng những không hướng về Thiên Chúa, mà còn đối diện với sự nghèo nàn của chính họ. Phêrô nói: “Tôi đi đánh cá đây“(Ga 21,3), ngay lập tức những người khác cũng đi theo, dường như muốn nói: “Bây giờ họ không có gì khác để làm“.
Quả thật, con người của các Tông Đồ lúc này: Sau “khổ đau” của Thập Giá, họ đã trở về gia đình, với cộng việc thường nhật, có người đi đánh cá, nghĩa là họ trở về lại con người và làm những công việc trước lúc chưa gặp Chúa Giêsu. Điều này chứng tỏ bầu khí phân tán và rối loạn trong nhóm (x. Mc 14, 27, và Mt 26, 31). Đó là khó khăn cho các môn đệ để hiểu những gì đã xảy ra, khi mà tất cả dường như đến hồi kết, thì trên đường Emmaus, Chúa Giêsu đã đến với các môn đệ dưới dạng khách đồng hành. Giờ đây, Chúa gặp gỡ họ lúc họ đang ở biển, là nơi mà tâm trí họ nặng trĩu vì những thử thách gian truân của cuộc đời; Người gặp họ vào rạng sáng ngày hôm sau khi họ vất vả cực nhọc vô dụng suốt đêm. Lưới họ không có gì, cách nào đó, điều này cho thấy cảm nghiệm của họ với Chúa Giêsu, họ biết Chúa đang ở bên họ, và Chúa hứa với họ nhiều điều. Tuy nhiên, họ thấy mình bây giờ với mẻ lưới trống rỗng.
Các tông đồ thấy mỏi mệt, nhưng xúc động trước tình yêu của Thầy, họ thả lưới ở “phía bên kia” thuyền. Câu hỏi được đặt ra: Tại sao lại bên kia? Bên kia là bên của tình yêu Thiên Chúa. Tấm lưới của Phêrô đã được thả xuống từ một phần của tình yêu Chúa. Tình yêu ấy rất cần thiết trong thế giới hôm nay.
Hiệp nhất trong tình yêu
Phúc âm thánh Gioan có hai cảnh bên lửa than hồng. Một lần bên lò sưởi, Phêrô chối Thầy ba lần (Ga 18). Lần hai cũng bên lửa than, ông bày tỏ tình yêu với Thầy mình ba lần. Tình yêu đã tẩy xóa tội của ông và nối kết ông trở lại với Đức Giêsu.
Bữa ăn mà Chúa Giêsu dọn cho các môn đệ là bữa ăn hiệp nhất trong tình yêu (x. Ga 21,9-13) tiên trưng cho phép Thánh Thể. Lưới không rách là dấu chỉ sự hiệp nhất mà 153 con cá do các môn đệ mang bắt được tượng trưng cho cả thế giới lúc bầy giờ là 153 nước đến với Chúa Giêsu.
Lm Phêrô Nguyễn Văn Hương
Cha Antony de Mello có kể câu chuyện như sau: ngày nọ, một người băng ngàn lội suối để kiểm chứng cho rõ thực hư về danh tiếng đồn đãi của vị Minh Sư. Ông ta hỏi một đệ tử: “Minh Sư của anh đã làm được những phép lạ nào?” Người môn đệ đó trả lời: “Này ông bạn, có những phép lạ khác nhau. Trong xứ bạn, người ta bảo phép lạ là khi Thượng Đế làm theo ý muốn của một người. Còn trong xứ chúng tôi, người ta bảo phép lạ là khi một người thực thi thánh ý Thượng Đế!”
Nếu nói phép lạ là khi một người thực thi thánh ý Thượng Đế, thì trình thuật “mẻ cá kì diệu” của thánh Gioan trong bài Tin Mừng hôm nay có thể được coi là “phép lạ của việc thực thi thánh ý Chúa.” Trình thuật này gợi cho chúng ta những bài học quý giá đáng suy gẫm. Xin được gợi ý hai điểm:
1- “Đêm hôm đó, họ chẳng bắt được gì cả”
Trước hết, đó là sự kiện các môn đệ đánh cá suốt đêm nhưng họ chẳng bắt được gì cả.
Thánh Gioan cho chúng ta biết: sau khi chứng kiến biến cố Thầy mình bị giết và treo trên thập giá cách đau đớn, các môn đệ thất vọng, bỏ cuộc, họ trở về Galiêa và tiếp tục nghề đánh cá. Lúc đó, có bảy môn đệ của Chúa Giêsu ở biển hồ Tibêria. Các ông rủ nhau đi đánh cá.
Theo kinh nghiệm của người ngư phủ thời đó, người ta thường đánh cá vào ban đêm thì sẽ bắt được nhiều cá. Nhưng lần này, họ đã vất vả suốt đêm và không bắt được gì (x. Ga 21,3). Bởi vì, đêm hôm đó, Chúa Giêsu không hiện diện với các ông. Các ông tự mình làm việc mà không có sự giúp đỡ của Chúa Giêsu.
Đây là một ghi nhận đáng lưu ý đối với mỗi người chúng ta. Cũng vậy, trong cuộc sống hằng ngày, đã nhiều lần chúng ta trải nghiệm nhiều thất bại giống như các Tông Đồ. Có nhiều lúc chúng ta dốc hết sức, dồn hết lực làm việc, phải mất ăn, mất ngủ vì công việc, nhưng kết cục, mọi sự “dã tràng xe cát biển đông.” Cuối cùng không mang lại kết quả gì. Tại sao? Xin thưa: vì chúng ta làm việc mà không cần đến ơn Chúa đồng hành. Chúng ta chỉ cậy dựa vào sức mình mà không cần đến Chúa. Chúng ta làm việc mà không có ơn Chúa trợ giúp. Kết quả là không được gì cả!
2- “Vâng Lời Thầy, con thả lưới”
Sau một đêm vất vả mà không thu được kết quả gì, Đức Kitô Phục Sinh hiện ra và bảo các ông: “Cứ thả lưới bên phải thuyền, thì sẽ bắt được nhiều cá.”
Nếu xét về kinh nghiệm nghề nghiệp, các Tông Đồ chắc chắn hơn hẳn Chúa Giêsu. Các ông là những tay ngư phủ lành nghề, biết phải đi giờ nào, đánh chỗ nào và đánh như thế nào thì bắt được cá. Còn Chúa Giêsu chỉ là con bác thợ mộc, đâu có kinh nghiệm gì về đánh cá và biển cả. Thế nhưng, vâng lời Thầy, Phêrô và các môn đệ thả lưới. Quả thật, phép lạ đã xảy ra: họ “không sao kéo lên nổi, vì lưới đầy cá.”
Sự kiện này nói lên một bài học quan trọng: Phêrô và các môn đệ không còn dựa trên kinh nghiệm cá nhân, ý riêng và tài cán của mình nữa, nhưng là dựa vào “Lời Thầy,” tin vào quyền năng của Thầy. Đây là thái độ đức tin, một thái độ giúp các ông vượt lên giới hạn của mình, đi xa hơn những kinh nghiệm và hiểu biết cá nhân, để tiến tới một sự vâng phục, tín thác hoàn toàn và làm theo ý Chúa muốn.
Như thế, phép lạ mẻ cá kỳ lạ là kết quả của ơn Chúa và là phần thưởng cho những ai biết tín thác vào quyền năng Thiên Chúa. Phép lạ này cho thấy: Ai tin vào Chúa, sẽ thành công. Ai tín thác vào Chúa, sẽ gặt hái những hoa quả tốt đẹp. Ai cậy dựa vào Chúa, sẽ không bao giờ làm việc mà không có kết quả.
Đây là bài học quý báu cho mỗi người chúng ta: Tất cả chúng ta được mời gọi từ bỏ ý riêng, không cậy dựa vào khả năng mình, nhưng tín thác hoàn toàn vào quyền năng của Chúa, và nhất là thực thi theo thánh ý Người. Lúc đó phép lạ sẽ xảy ra cho chúng ta.
Lạy Chúa, xin Chúa cho mỗi người chúng con biết chọn lựa như các Tông Đồ: “Phải vâng lời Thiên Chúa hơn là người phàm” (Cv 5,29), biết chọn ý Chúa hơn ý riêng, biết lắng nghe Lời Chúa và hành động theo sự hướng dẫn của Chúa trong mọi hoàn cảnh sống của mình. Amen!
Trầm Thiên Thu
Người ta nói: “Sinh nghề, tử nghiệp.” Ở đây “sinh tử” không phải là “sống chết” theo nghĩa đen, mà là “sống chết” theo nghĩa bóng, tức là phải có niềm đam mê và yêu công việc mình làm. Người Việt thường nói “gộp chung” là Nghề Nghiệp.
Nghề của dân Biển Hồ là đánh cá. Dân vùng biển là ngư dân. Đa số các tông đồ cũng là ngư phủ. Ngư nghiệp liên quan cá, và cá liên quan con người. Chúa Giêsu dùng hình ảnh chài lưới để nói về việc “chài lưới linh hồn người ta.” Con cá và con người có điểm giống nhau là động vật, nhưng lại có điểm khác nhau là con cá chỉ có giác hồn, còn con người có linh hồn – cao cấp hơn.
Trong đời thường, con cá cũng thường được dùng để ví von. Chẳng hạn, khi nói về tình quân và dân: “Quân và dân như cá với nước.” Hoặc khi nói về giáo dục: “Cá không ăn muối cá ươn.” Khi kêu gọi Phêrô và Anrê đi truyền giáo, Chúa Giêsu cũng dùng hình ảnh con cá: “Các anh hãy theo tôi, tôi sẽ làm cho các anh thành những kẻ lưới người như lưới cá.” (Mt 4:19; Mc 1:18; x. Lc 5:10) Cá là cá là loài có gì đó rất đặc biệt: chứa nhiều dưỡng chất tốt cho cơ thể, đặc biệt là khi ăn chay theo Kitô giáo, người ta không phải kiêng cá.
Khi biết chắc Chúa Giêsu đã sống lại thật, các Tông Đồ không còn lo sợ, nhát đảm, vì họ đã xác tín và được Thầy Giêsu ban Chúa Thánh Thần qua việc thổi hơi vào họ. (Ga 20:22) Trình thuật Cv 5:27b-32, 40b-41 cho biết rằng khi người ta điệu các Tông Đồ đến giữa Thượng Hội Đồng, vị thượng tế hỏi: “Chúng tôi đã nghiêm cấm các ông không được giảng dạy về danh ấy nữa, thế mà các ông đã làm cho Giêrusalem ngập đầy giáo lý của các ông, lại còn muốn cho máu người ấy đổ trên đầu chúng tôi!”
Mặc kệ. Các Tông Đồ vẫn hiên ngang và thẳng thắn nói: “Phải VÂNG LỜI THIÊN CHÚA hơn vâng lời người phàm. Đức Giêsu đã bị các ông treo lên cây gỗ mà giết đi; nhưng Thiên Chúa của cha ông chúng ta đã làm cho Người trỗi dậy, và Thiên Chúa đã ra tay uy quyền nâng Người lên, đặt làm thủ lãnh và Đấng Cứu Độ, hầu đem lại cho Israel ƠN SÁM HỐI và ƠN THA TỘI. Về những sự kiện đó, CHÚNG TÔI XIN LÀM CHỨNG, cùng với Thánh Thần, Đấng mà Thiên Chúa đã ban cho những ai vâng lời Người.”
Họ cho gọi các Tông Đồ lại mà ĐÁNH ĐÒN và CẤM các ông KHÔNG ĐƯỢC NÓI ĐẾN DANH ĐỨC GIÊSU, rồi thả các ông ra. Các Tông Đồ ra khỏi Thượng Hội Đồng, lòng hân hoan bởi được coi là xứng đáng CHỊU KHỔ NHỤC VÌ DANH ĐỨC GIÊSU. Và tất nhiên các Tông Đồ không thể im lặng theo lệnh thế quyền. Họ vẫn rao giảng về Đức Kitô dù biết khó yên thân. Hằng ngày, cả trong Đền Thờ và tại tư gia, các ông không ngừng giảng dạy và loan báo Tin Mừng về Đức Kitô Giêsu – Đấng chịu đóng đinh, chịu chết nhưng đã phục sinh.
Điều này quá kỳ cục: Mắc mớ chi mà cấm nói về Ông Giêsu? Ngày nay người ta cũng vẫn viện đủ lý do để bách hại những người tin vào Đức Kitô. Tại sao người ta tìm bắt Chúa Giêsu và những người tuyên xưng Ngài? Nếu không là ghen tức thì là gì? Những người tin vào Đức Kitô luôn làm điều tốt mà sao cứ bị ghét? Vô cùng vô lý!
Vô tri bất mộ. Có biết mới yêu. Khi đã biết rõ thì người ta càng thêm lòng yêu mến, và phải thổ lộ: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con.” (Tv 30:2) Ai cũng có kinh nghiệm sống, đặc biệt là sống thật về phần linh hồn. Chỉ kẻ cố chấp và vô ơn mới không chịu nhận ra hồng ân Thiên Chúa trao ban hằng ngày, mọi lúc và mọi nơi.
Sự thật minh nhiên là Chúa Giêsu phục sinh, nhưng người ta không muốn tin, thậm chí còn phao tin giả; chính người ta cũng được cứu thoát nhưng vẫn không muốn công nhận. Nhưng sự thật vẫn là sự thật, như Thánh Vịnh gia xác định: “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống. Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo.” (Tv 30:4-6)
Chuỗi vui-buồn-sướng-khổ hoặc chuỗi sinh-lão-bệnh-tử được gọi là “bể khổ.” Đó là chuỗi đời nhân thế. Sầu khổ luôn nhiều hơn vui sướng, nhưng người có đức tin vẫn thấy thanh thản, ngay cả khi đối diện với cái chết. Họ tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót nên cầu nguyện liên lỉ: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng.” (Tv 30:11-13) Đối với tín nhân, không có gì tách họ ra khỏi tình yêu của Đức Kitô. (x. Rm 8:35) Thực sự đúng như vậy!
Thánh Gioan cho biết thị kiến về sự tôn vinh Con Chiên: “Tôi thấy, và tôi nghe tiếng muôn vàn thiên thần ở chung quanh ngai, các Con Vật và các Kỳ Mục. Số các thiên thần có tới ức ức triệu triệu. Các vị lớn tiếng hô: Con Chiên đã bị giết nay xứng đáng lãnh nhận phú quý và uy quyền, khôn ngoan cùng sức mạnh, danh dự với vinh quang, và muôn lời cung chúc.” (Kh 5:11-12) Vô số các sinh vật tôn vinh và xưng tụng Con Chiên, không thể đếm nổi. Dù ngày nay con số đó chưa nhiều, chỉ là số ít so với dân số thế giới, nhưng ngày cuối cùng sẽ là đa số, có hằng hà sa số những người tin vào Đức Kitô. Con số đó đang gia tăng hàng năm, hàng tháng, và hàng ngày. Một sự thật minh nhiên!
Thánh Gioan cho biết thêm: “Tôi lại nghe mọi loài thụ tạo trên trời, dưới đất, trong lòng đất, ngoài biển khơi và vạn vật ở các nơi đó, tất cả đều tung hô: ‘Xin kính dâng Đấng ngự trên ngai và Con Chiên lời chúc tụng cùng danh dự, vinh quang và quyền năng đến muôn thuở muôn đời!’ Bốn Con Vật thưa: ‘Amen.’ Và các Kỳ Mục phủ phục xuống thờ lạy.” (Kh 5:13-14) Con số những người tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót đã và đang gia tăng – từ cấp số cộng rồi cấp số nhân. Thực sự chúng ta đang chứng kiến sự lạ lùng như vậy. Loài người không thể làm gì nhưng Thiên Chúa có thể biến đổi tất cả.
Sau khi sống lại, Chúa Giêsu hiện ra lần thứ ba tại Biển Hồ Tibêria. Qua trình thuật Ga 21:1-19, Thánh Gioan cho biết: Hôm đó, ông Simôn Phêrô, ông Tôma, ông Nathanaen, các con ông Dêbêđê và hai môn đệ khác, đang ở bên nhau. Vậy là có 7 người. Có lẽ ngồi không cũng buồn, vả lại làm việc quen rồi, thế nên ông Phêrô nói đi đánh cá. Nghe nói vậy, các ông kia cũng đi. Thế nhưng suốt đêm đó họ không bắt được con cá nào.
Tảng sáng, Chúa Giêsu đứng trên bãi biển, nhưng các ông không nhận ra. Ngài hỏi: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông uể oải lắc đầu và nói “không.” Rồi Ngài bảo các ông cứ thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Các ông làm theo. Thật lạ lùng, họ không sao kéo lưới lên được vì quá nhiều cá. Ông Gioan tinh ý nhận ra Ngài nên nói với ông Phêrô: “Chúa đó!” Vừa nghe nói vậy, ông Phêrô vội khoác áo vào vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào bờ kéo theo lưới đầy cá, vì bờ chỉ cách khoảng gần trăm thước, không xa lắm.
Lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và cả bánh nữa. Chúa Giêsu bảo các ông đem ít cá mới bắt được tới nướng. Ông Phêrô lên thuyền và kéo lưới vào bờ. Lưới đầy cá lớn, đếm được 153 con, vậy mà lưới không bị rách. Chúa Giêsu bảo mọi người đến ăn. Không ai dám hỏi “Ông là ai?” vì họ đã biết chắc đó là Thầy rồi. Chúa Giêsu đến, cầm lấy bánh trao cho các ông, với cá Ngài cũng làm như vậy. Một Thánh Lễ ngay tại bờ biển Hồ. Thật tuyệt vời!
Khi các môn đệ ăn xong, Đức Giêsu hỏi ông Phêrô có mến Ngài hơn các anh em không. Ông thưa “có,” và xác định: “Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chắc hẳn lỡ miệng chối Thầy mấy hôm trước nên lúc này hối hận lắm. Tội to mà được Thầy tha thì còn gì bằng, thế nên ông càng yêu Thầy nhiều hơn. Chúa Giêsu bảo ông chăm sóc chiên của Ngài. Rồi Ngài lại hỏi lại như trước, ông cũng thưa “có.” Ngài lại hỏi ông lần thứ ba, thế nên ông hơi buồn. Lần này ông thưa rạch ròi: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy.” Chúa Giêsu cũng bảo ông chăm sóc chiên của Ngài.
Ôi, thật kỳ diệu, vì buổi đăng quang giáo hoàng của Phêrô rất giản dị trong khung cảnh thân mật tình Thầy trò, cũng ngay tại bờ biển. Hay quá chừng! Rõ ràng Chúa Giêsu không câu nệ nghi thức. Từ đó, ngư phủ Phêrô không còn lưới cá mú chi nữa, mà chỉ chuyên lưới người ta mà thôi.
Sự công bằng hiển nhiên: ĐƯỢC nhiều thì bị ĐÒI nhiều. Chúa Giêsu cũng minh định với GH Phêrô: “Thầy bảo thật cho anh biết: lúc còn trẻ, anh TỰ MÌNH thắt lưng lấy, và đi đâu TUỲ Ý. Nhưng khi đã về già, anh sẽ PHẢI dang tay ra cho người khác thắt lưng và DẪN ANH ĐẾN NƠI ANH CHẲNG MUỐN.” Ngài nói vậy có ý ám chỉ ông sẽ phải chết cách nào để tôn vinh Thiên Chúa. Rồi Ngài bảo ông: “Hãy theo Thầy.” Phêrô đã theo Thầy Giêsu đến cùng, chứng minh bằng cái chết là bị đóng đinh ngược trên thập giá!
Cá sống nhờ nước, người sống nhờ khí. Có nước và không khí là nhờ lòng thương xót của Thiên Chúa. Thiếu nước thì cá chết, thiếu khí thì người chết. Nhưng có nước và có khí mà cá và người cũng vẫn chết, vì sinh – tử là quy luật muôn thuở. Sinh ra để chờ chết. Chết rồi chờ sống lại. Chính cái chết là ngưỡng chuyển tiếp từ cõi tử qua miền sinh. Đó là cuộc vượt qua rất ngoạn mục và kỳ diệu.
Chúa Giêsu đã chết và đã sống lại. Sự phục sinh của Ngài bảo đảm cho cuộc vượt qua kiếp người của chúng ta. Thật là mầu nhiệm về sự chết và sự sống của những người tin vào Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa!
Chúng ta biết chắc rằng Muhammad không sống lại, Khổng Tử không sống lại, Lão Tử không sống lại, Phật Thích Ca không sống lại. Nhưng CHỈ CÓ ĐỨC GIÊSU KITÔ ĐÃ SỐNG LẠI, dù bị người ta giết chết, đặc biệt là đúng như Ngài đã BÁO TRƯỚC. Dù là ai cũng chẳng có ai sống lại. Ướp xác, quan tài đồ sộ, lăng tẩm to lớn,… để làm gì? Khoe khoang cũng chỉ “đẹp mặt” người sống. Thực sự quá vô ích!
Và rồi cũng CHỈ CÓ ĐỨC GIÊSU KITÔ đi trên nước, tuyên bố là Thiên Chúa, và làm cho người khác sống lại. Chính Chúa Giêsu đã chiến thắng sự chết, chiến thắng Tử Thần, chiến thắng vĩnh viễn. Chỉ có trong Kitô giáo mới có Đức Kitô là Thiên Chúa, làm nhiều phép lạ minh chứng Ngài là Thiên Chúa thật, chỉ có một mình Chúa Giêsu tuyên bố Ngài là “Con Đường, Sự Thật và Sự Sống,” và chúng ta chỉ có thể qua Ngài đến với Chúa Cha mà thôi. (Ga 14:6) Tín nhân thực sự hãnh diện và hạnh phúc, vì niềm tin của chúng ta không mơ hồ.
Sau mỗi màn diễn, dù phim hay kịch, chúng ta thường nhận xét về cách diễn của diễn viên chứ không cần biết vai diễn của người đó là chính diện hay phản diện, là hoàng đế hay tướng cướp, là chủ nhân hay đầy tớ,…
Cuộc đời giống như một sân khấu lớn, và ai cũng là diễn viên trên “sàn diễn cuộc đời.” Thiên Chúa không xét “vai diễn” của chúng ta – giáo sĩ, tu sĩ, giáo dân, giàu hay nghèo, giỏi hay dốt, đẹp hay xấu,… Ngài chỉ xét “cách diễn” của chúng ta – tức là có sống đúng cương vị của mình và thể hiện đức ái theo Thánh Ý Chúa hay không.
Khoảng năm 1602, họa sĩ Annibale Carracci (1560–1609, Ý) vẽ bức hình “Domine, Quo Vadis?” mô tả một cảnh trong ngụy thư Công Vụ Phêrô (Acts of Peter). Ông là người sáng lập trường phái hội họa Baroque của Ý – Trường Phái Bologna. Bức hình “Quo Vadis” là một trong các tác phẩm của ông được biết đến nhiều nhất, mô tả Thánh Phêrô đang trên đường trốn khỏi Rôma thì gặp Chúa Giêsu vác Thập Giá. Khi đó, Phêrô hỏi: “Domine, quo vadis? – Lạy Chúa, Ngài đi đâu vậy?” Chúa trả lời: “Romam vado iterum crossifigi! – Thầy đến Rôma chịu đóng đinh!” Nghe Thầy Giêsu nói vậy, GH Phêrô trở lại Rôma ngay lập tức.
Ước gì chúng ta có thể xác định như Thánh Phaolô: “Tại vì Lề Luật mà tôi đã chết đối với Lề Luật, để sống cho Thiên Chúa. Tôi cùng chịu đóng đinh với Đức Kitô vào thập giá. Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi.” (Ga 2:19-20a)
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con luôn duy trì sự sống trong ơn nghĩa với Ngài, được ngụp lặn trong Dòng Tình Thương Xót của Ngài. Vâng, lạy Ngài, xin giữ gìn con như thể con ngươi, và dưới bóng Ngài, xin thương che chở. (Tv 17:8) Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng Cứu Độ duy nhất của nhân loại. Amen.
Bông hồng nhỏ
Dù đã được gặp gỡ, nói chuyện, cùng ăn uống với Chúa phục sinh vài lần nhưng mỗi lần Người hiện đến cách bất ngờ thì các môn đệ vẫn chưa thể nhận ra Chúa ngay được. Lần này cũng vậy. Sau khi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được con cá nào, các ông đành phải chèo thuyền vào bờ trong tâm trạng mệt mỏi, chán chường. Khi trời đã sáng, Đức Giêsu đứng trên bãi biển nhưng các môn đệ không nhận ra đó chính là Thầy Giêsu. Chỉ khi làm theo lời Thầy “thả lưới bên phải mạn thuyền” và bắt được rất nhiều cá, được ăn bánh và cá từ tay Thầy, các ông mới nhận ra Chúa. Cũng trong lần Chúa hiện ra này, ông Phêrô được Người hỏi tới ba lần về tình yêu ông dành cho Người. Người mời gọi ông: “Hãy theo Thầy” (Ga 21,19).
Biết rõ các môn đệ đang mỏi mệt và đói, Thầy Giêsu hỏi các ông như một lời mời gọi: “Này các chú, không có gì ăn ư?” Các ông trả lời: “Thưa không” (Ga 21, 5). Dù Người biết rõ những thất bại và thiếu thốn mà người môn đệ đang phải đối diện, nhưng Người vẫn muốn các ông chia sẻ cho Người biết về những điều ấy. Người không ngần ngại lắng nghe những than phiền của người môn đệ, Người chỉ đơn giản lắng nghe tất cả với sự quan tâm. Người hướng dẫn các ông cách thức thả lưới. Các ông vâng lời dù chưa nhận ra người lạ ấy chính là Chúa. Sau khi mẻ cá được kéo lên, Người môn đệ được Đức Giêsu thương mến nói với ông Phêrô: “Chúa đó!”. Ông là người đầu tiên nhận ra Chúa. Có lẽ, chính nhờ việc ông luôn lắng nghe và cảm nhận tình yêu của Chúa, nên ông mới mau mắn nhận ra Chúa. Ông đã nhận ra Chúa và ngay lập tức nói cho người anh cả biết. Trong đời sống của người Kitô hữu, sẽ có những lúc họ gặp phải những gian nan, thử thách, những thất bại. Giữa những lúc ấy, họ sẽ gặp bế tắc và sẽ dễ đánh mất đức tin. Ai sẽ nâng đỡ họ? Điều cần thiết là luôn luôn cần có một ai đó nói cho họ biết về sự hiện diện của Chúa. Cần một ai đó dám nói cho những người khác biết về sự hiện diện của Chúa, dù đó chỉ là kinh nghiệm của cá nhân mình. Cần phải có ai đó cảm nhận được sự hiện diện của Chúa, có lòng yêu mến và gắn bó với Chúa. Người ấy có thể là một người rất bình thường, nhỏ bé và khiêm tốn, nhưng họ sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm về Chúa cho người khác. Một Kitô hữu thực sự sẽ luôn muốn chia sẻ tình yêu mà họ nhận được từ Chúa cho người khác, luôn muốn cho người khác được nhận biết Chúa. Ta có phải là người ấy không?
Khi đã ăn bánh và cá từ tay Thầy Giêsu, các ông đều biết rằng đó là Chúa, dù chẳng ai nói ra. Khi bữa sáng đã kết thúc, Thầy Giêsu hỏi ông Phêrô: “Này anh Simôn, con ông Gioan, anh có mến Thầy hơn các anh em này không?” Người hỏi ông tới ba lần về điều ấy. Sau khi ông công khai bày tỏ tình yêu ông dành cho Thầy, Người trao cho ông nhiệm vụ chăn dắt chiên của Người. Ông Phêrô buồn vì Người hỏi tới ba lần. Ông thưa với Thầy: Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự; Thầy biết con yêu mến Thầy”. Người biết rõ tâm tư tình cảm của ông và hiểu rõ ông hơn ai hết, Người hiểu ông hơn cả ông nữa. Và chắc chắn, Người cũng yêu ông hơn ông yêu Người. Theo Chúa, người môn đệ được mời gọi dành trọn vẹn tình yêu của mình cho Chúa. Ta cần yêu Chúa bằng một tình yêu luôn muốn nhiều hơn nữa. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu Người dành cho ta thì vô cùng, ta không thể yêu Chúa ít hơn yêu người khác hay ít hơn yêu bản thân ta. Vì yêu Chúa, ta sẵn sàng từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Chúa; sẵn sàng chết đi với con người tự nhiên để trở nên người môn đệ của Thầy Giêsu.
Lạy Chúa Giêsu phục sinh! Người đã sống lại và Người cũng kêu lớn tiếng để gọi con trỗi dậy. Người không muốn con sống mà như đã chết, sống èo ọt và tàn lụi dần. Người ban sức mạnh cho con để con có thể từng ngày từ bỏ mình, vác lấy thập giá mình mà theo Chúa; và từng ngày sống để yêu Chúa với một tình yêu hơn nữa. Xin Chúa đốt lên trong con ngọn lửa yêu mến Chúa. Amen.
Thiên San
Đức Giêsu Phục sinh nhiều lần hiện ra với các môn đệ để củng cố đức tin cho các ông, sai các ông ra đi loan báo về Tin mừng phục sinh. Tại biển hồ Tibêria ngày hôm ấy, Đức Giêsu Phục sinh đã hiện ra với các môn đệ cách gần gũi thân thuộc. Sau một đêm vất vả mà không bắt được gì, các môn đệ vẫn đủ kiên nhẫn để nghe theo lời hướng dẫn của ai đó đang đi dạo trên bờ biển. Quả thực, các ông đã bắt được một mẻ cá lạ lùng. “Chúa đó!” (Ga 21, 7), môn đệ Gioan nói với ông Phêrô rằng người đang ở trên bờ kia là Chúa. Sau khi kéo lưới vào bờ, các ông được dùng bữa sáng do chính Thầy Giêsu chuẩn bị, có than hồng sưởi ấm, có cá và bánh lót dạ. Sau đó, môn đệ Phêrô được Đức Giê su Phục sinh gửi gắm và trao sứ vụ chăn dắt đoàn chiên của Người.
Khung cảnh của buổi sáng ngày hôm ấy thật đẹp. Đó là một bức tranh có đủ màu sắc sáng tối, buồn vui, thương nhớ, bịn rịn và cả tin yêu. Khi không có Chúa bên cạnh, các ông chẳng bắt được gì cả, mặc dù các ông vẫn sát cánh bên nhau. Đêm hôm đó là một đêm thật tối. Tối từ cảnh vật đến cả trong tâm hồn các ông. Hai lần được gặp Chúa phục sinh vẫn chưa đủ vơi đi nỗi nhớ thương trong lòng, những cảm xúc sau bao biến cố lớn nhỏ cứ liên tục xảy đến. Đức Giêsu phục sinh vẫn thật sự rất dễ thương, gần gũi, ân cần như ngày nào. Người biết rằng, sau một đêm vất vả, các môn đệ cần có cái gì đó lót dạ. Than hồng và sự hiện diện của Chúa đã sưởi ấm cõi lòng các ông, xua tan bao mệt nhọc, nhớ thương. Không ai trong các ông dám hỏi “ông là ai?” vì tất cả các ông đều biết rằng đó là Chúa (x. Ga 21, 12).
Sau bữa ăn, Đức Giêsu chính thức gửi gắm đoàn chiên thân yêu của mình cho tông đồ trưởng Phêrô. Ba lần xác tín về tình yêu của mình dành cho Thầy là ba lần Phêrô chuộc lại lỗi lầm xưa khi buông lời chối Chúa. Ông biết rõ Chúa hiểu lòng ông. Chúa hiểu ông yếu đuối dường nào và cũng yêu Chúa dường nào. Ông không ngần ngại để nắm lấy cơ hội bày tỏ tình yêu của mình dành cho Thầy. Ông buồn vì Thầy hỏi đến ba lần “anh có yêu mến Thầy không?”. Buồn nhưng Phêrô vẫn đón nhận sứ mạng Chúa trao phó cho ông. Ông cũng được báo cho biết sẽ phải chết cách nào để làm chứng cho Chúa.
Chúa Giêsu Phục sinh đã gửi gắm bao yêu thương, sự ân cần, quan tâm, chăm sóc đến các môn đệ. Đặc biệt, Người đã không ngần ngại trao phó trách nhiệm coi sóc, chăm sóc và dẫn dắt đoàn chiên cho Phêrô – người đã từng chối Thầy. Chúng ta sẽ chẳng thể hiểu được cách chọn gọi của Chúa, bởi Người không chọn gọi theo cách chúng ta thường làm. Hôm nay, Đức Giêsu vẫn đang gửi gắm bao yêu thương, sự ân cần chăm sóc đến từng người chúng ta qua các trung gian là những cánh tay hữu hình của Người. Như tông đồ Phêrô, trong một cách thức nào đó, chúng ta cũng được mời gọi can đảm lãnh sứ mạng coi sóc đoàn chiên Chúa trao. Đoàn chiên ấy có thể là gia đình nhỏ của ta, nhóm bạn, lớp học, hội đoàn… là những con người đang sống với chúng ta, thậm chí là cả những người chúng ta chưa từng có cơ hội gặp mặt. Can đảm lên: “Hãy theo Thầy” (Ga 21, 19).