Lời Chúa: Cv 2,14.22-33; 1Pr 1,17-21; Lc 24,13-35
1. Chúa hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau (ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm)
2. Biến đổi nhờ gặp Chúa (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
3. Vị khách lạ kỳ (Lm. Jos.DĐH. GP. Xuân Lộc)
4. Chúa Phục sinh luôn đồng hành bên ta (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)
5. Gặp gỡ (Trầm Thiên Thu)
6. Tìm gặp Chúa (Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh)
CHÚA HIỆN RA VỚI HAI MÔN ĐỆ TRÊN ĐƯỜNG EMMAU
ĐGM. Phêrô Nguyễn Khảm
Hôm nay chúng ta sẽ suy niệm về một lời cầu khẩn của hai môn đệ trên đường từ Giêrusalem về Emmau: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Đó là một thực tế về mặt thời gian, bởi vì lúc đó gần tối rồi. Đồng thời câu nói đó có lẽ nó cũng diễn tả một thái độ tâm hồn.
Trời đã về chiều, ngày sắp tàn, đêm tối sắp đến. Tâm hồn của hai ông bị chìm trong đêm tối, cái đêm tối của nghi ngờ, đêm tối của thất vọng. Bởi vì các ông đặt tất cả niềm tin vào Thầy Giêsu mà cuối cùng Thầy Giêsu bị bắt đánh đập, đóng đinh, giết chết trên Thập Giá. Tất cả niềm tin và hy vọng tan biến, chỉ còn lại nghi ngờ và tuyệt vọng. Đêm tối ấy đáng sợ hơn là đêm tôi về mặt không gian và thời gian tự nhiên.
Chính trong tâm trạng ấy các ông thưa với Chúa Giêsu: “Xin Thầy ở lại với chúng con vì trời đã về chiều và ngày sắp tàn”. Lời cầu khẩn ấy không phải là lời cầu khẩn của chính chúng ta hay sao? Những lúc cuộc đời của chúng ta có những thất bại, có những cay đắng, chán nản đến độ chúng ta đâm ra nghi ngờ Thiên Chúa, chúng ta cần bắt chước hai môn đệ thốt lên lời nguyện xin: “Lạy Chúa hãy ở lại với con”.
Hôm nay thánh Luca muốn nói với chúng ta: Ta không thấy Chúa Kitô về mặt thể lý tự nhiên, nhưng ta có thể gặp Chúa Kitô Phục Sinh trong Bí Tích Thánh Thể. Thánh Luca tường thuật lại suốt trên con đường đi về Emmau có một người khách bộ hành đi cùng. Hai môn đệ không thể nhận ra Thầy yêu thương của mình. Mãi đến lúc ngồi vào bàn Chúa Giêsu cầm lấy bánh, tạ ơn, bẻ ra trao cho thì hai ông mới nhận ra. Và khi nhận ra thì Chúa lại biến mất.
Về mặt tín lý chi tiết này rất hay, rất quan trọng để cho ta hiểu rõ về Bí Tích Thánh Thể. Khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể nghĩa là ta cùng với Hội Thánh cầm lấy tấm bánh bẻ ra và trao cho nhau. Lúc ấy anh chị em có thấy Chúa không? Thưa không. Trước mặt chúng ta hoàn toàn là một khoảng không. Ngày xưa hai môn đệ đi bên cạnh Chúa, suốt quãng đường dài mà họ không nhận ra Chúa, khi biết được Chúa biến mất trước mặt họ cũng là một khoảng không. Chúa Giêsu không hiện diện một cách gọi là thể lý theo nghĩa chúng ta thấy Ngài như chúng ta nhìn thấy nhau.
Thực sự, sự hiện diện của Ngài là một hiện diện bao trùm cuộc sống của chúng ta. Ta đón nhận sự hiện diện đó bằng lòng tin của chúng ta. Cho nên ta vẫn có thể gặp được Chúa Phục Sinh khi ta cử hành Bí Tích Thánh Thể: Cầm bánh, tạ ơn Chúa. bẻ ra và trao cho nhau. Điều quan trọng là chúng ta có cử hành Bí Tích Thánh Thể như một cuộc gặp gỡ Chúa Giêsu không hay chỉ còn là một nghi thức?
Vì vậy câu chuyện Tin Mừng hôm nay nhắc cho chúng ta. Chúng ta vẫn gặp được Chúa Giêsu mỗi lần chúng ta cử hành Bí Tích Thánh Thể. Ước gì chúng ta có đủ lòng tin và có một cảm thức nhạy bén trước màu nhiệm của Thiên Chúa để chúng ta có thể đón nhận sự hiện diện sống động của Ngài và đi vào cuộc gặp gỡ thực sự với Ngài.
BIẾN ĐỔI NHỜ GẶP CHÚA
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có một bài hát sinh hoạt mà chúng ta đã từng hát. Bát hát đó như thế này: “Gặp gỡ Đức Ky-tô biến đổi cuộc đời mình. Gặp gỡ Đức Ky-tô đón nhận ơn tái sinh . . .” Quả thực, nếu ai đã thực sự gặp gỡ Đức Ky-tô họ sẽ được đổi mới. Họ sẽ thay đổi đời mình theo như đòi hỏi của chân thiện mỹ. Từ Gia-kêu đến Maria Madalena tội lỗi, tham lam đã dũ bỏ mọi quyến luyến của tiền tài mà dấn thân theo Chúa. Từ Phao-lô, Phê-rô quá khích, yếu đuối đã hoàn toàn biến đổi để dấn thân xây dựng và mở mang Nước Chúa. Chính Đức Ky-tô đã thay đổi cuộc đời họ. Chính Đức Ky-tô đã biến đổi cuộc đời họ thành những trang Tin Mừng của Chúa.
Người ta kể rằng: Có một nhà báo không tin có Chúa, cho đó là trò mê tín dị đoan. Ông ta tìm đến một Giáo Xứ, hỏi thăm mọi người để tìm ra một người mới theo Ðạo, và đã tìm được một người công nhân ít học để phỏng vấn, dự định từ đó sẽ viết một bài báo bôi bác Ðạo. Cuộc phỏng vấn diễn ra như sau:
– Xin hỏi thăm, có phải anh mới theo Ðạo Chúa không?
– Vâng, nói đúng và rõ hơn, tôi đã xin theo Ðức Ki-tô.
– Thế thì chắc anh biết rất nhiều về ông ta, vậy anh hãy nói cho tôi biết ông ta sinh ra trong quốc gia nào?
– Rất tiếc, tôi là người ít học, lại mau quên, tôi đã có được học những chi tiết này trong một khóa Giáo Lý, nhưng bây giờ thì tôi lại không nhớ nổi, nghe đâu như Ðức Ki-tô là người Do-thái thì phải!
– Thế khi chết, ông ta được bao nhiêu tuổi?
– Tôi không nhớ rõ lắm, hình như cũng vào khoảng tuổi tôi bây giờ, gần 40 hoặc trẻ hơn một chút.
– Vậy, anh có biết ông ta đã thuyết giảng bao nhiêu bài, có bao nhiêu tác phẩm ông ta để lại, nói chung, về cuộc đời sự nghiệp của ông ta?
– Câu này thì tôi xin chịu thua!
– Như vậy, anh biết quá ít, quá mơ hồ để có thể quả quyết là anh đã thật sự đi theo cái ông Ki-tô ấy!
– Ông nhà báo nói thế thì chỉ đúng một phần. Tôi rất hổ thẹn vì mình đã biết quá ít về Ðức Ki-tô. Thế nhưng, điều mà tôi biết rất rõ là thế này: 3 năm trước, tôi là một tên nghiện rượu, sáng say chiều xỉn, nợ lút đầu lút cổ. Gia đình tôi xuống dốc một cách kinh khủng. Mỗi tối, khi tôi trở về nhà, vợ và các con tôi đều tức giận và buồn tủi… Thế mà, bây giờ thì tôi đã dứt khoát bỏ rượu và đã cố gắng trả được hết nợ nần, gia đình tôi đã tìm lại được hạnh phúc, các con tôi ngong ngóng đợi chờ tôi về nhà mỗi tối sau giờ làm ca. Tất cả những điều này, không ai khác hơn, chính Ðức Ki-tô đã làm cho tôi. Và đó là tất cả những gì tôi biết về Người…
Nghe đến đây thì ông nhà báo không tin Chúa hậm hực đứng lên bỏ ra về, không được một lời cám ơn. Ông ta không ngờ lại gặp một con người hết lòng xác tín vào Ðức Ki-tô như thế…
Hai môn đệ đi làng Emmau đã từng đi trong tâm trạng thất vọng buông xuôi. Bao nhiêu hy vọng vào Thầy đều tan rã theo cái chết của Thầy. Sự nghiệp, hoài bão cũng tan thành mây khói. Họ trở về quê trong tâm trạng lo âu buồn phiên vì tương lai thật đen tối. Thế nhưng, Chúa đã đến với họ trong hình dáng của người khách lạ. Một người tưởng chừng như tình cờ đến với họ để khai thông cho họ hiểu Kinh Thánh. Một người bạn đồng hành giúp họ hiểu hơn về những gì đang diễn ra theo thánh ý Chúa. Họ đã được an ủi nhờ người bạn chân thành cùng đi với họ. Nhưng điều quan trọng là họ đã bừng tỉnh và thay đổi não trạng khi họ nhận ra người khách lạ chính là Thầy mình đã sống lại. Niềm vui gặp lại Thầy đã thay đổi tâm trạng của họ. Từ thất vọng sang hân hoan. Từ mất định hướng sang việc trở về cùng với đồng bạn loan truyền tin vui Chúa đã Phục sinh.
Quả thực, hai môn để đã hoàn toàn thay đổi nhờ gặp được Chúa Giê-su. Một Giê-su là Chúa của họ đã đánh bại thần chết để sống lại vinh quang. Chính cuộc gặp gỡ này đã mang lại cho họ một niềm vui và hạnh phúc trong cuộc sống. Chính cuộc gặp gỡ này đã thay đổi hoàn toàn não trạng của họ từ thất vọng đến tin tưởng, lạc quan.
Xin cho chúng ta luôn xác tín về sự hiện diện của Chúa để dám sống làm chứng cho Chúa. Ước gì chúng ta đừng bao giờ tuyệt vọng nhưng luôn tin tưởng phó thác nơi Chúa trước những khó khăn trong dòng đời. Xin đừng vì những nghi nan mà chối bỏ Chúa nhưng luôn biết cậy dựa vào Chúa để vượt qua sóng vỗ ba đào. Amen.
VỊ KHÁCH LẠ KỲ
Lm. Jos. DĐH. GP. Xuân Lộc
Câu chuyện thành tựu của mỗi người có thể khác nhau; ước muốn hạnh phúc là sự thật, là điểm giống nhau nơi mỗi người. Ý tưởng hay, việc làm tốt, người ta có thể hiểu, nhờ được giải thích, được chứng minh hợp lý hợp tình. Người xưa ví von thật thâm thúy : “bắt anh có tóc, không ai bắt anh trọc đầu”. Câu hỏi đặt ra : ai là người đang tấn công anh “có tóc” ? nếu tôi trọc đầu, hẳn tôi không phải sống trong ưu tư lo sợ, có đúng không ?
Thắng làm vua thua làm giặc, nếu cuộc sống chỉ có ta và địch, buồn hoặc vui, sống rồi chết,…. quả thực, người ta đã tự đánh đuổi tình yêu ra khỏi đời mình, xung quanh chúng ta sẽ xuất hiện “người lì và người liều” thôi. Cuộc sống đâu phải cứ muốn là được; lý tưởng về “người yêu”, hay chạy trốn “người tình” đâu phải dễ dàng ! Vì ai ai cũng được bao bọc bởi một chút bản lĩnh anh hùng trong con người đầy giới hạn của mình : Chết vinh hơn sống nhục. Cọp chết để da, người chết để tiếng….
“Trước lạ sau quen”, khách lạ rồi trở thành khách quen, có chút lửa anh hùng rồi thì dễ trở thành vĩ nhân hơn. Câu chuyện hai môn đệ làng Emmau nói lên bản tính rất thật của những con người đơn sơ chất phác : còn tiền còn bạc còn đệ tử; Thầy bị bắt, bị giết chết, lý tưởng theo Thầy cũng tắt luôn. Vị khách lạ xuất hiện, là vị khách duy nhất biết cảm thông, biết lắng nghe tâm sự của người khác. Vị khách lạ không phải là Vị khách hay nói hay làm những điều lạ kỳ, đúng hơn vị khách lạ luôn quan tâm đến hạnh phúc của mỗi người, thích trao đổi về chuyện yêu thương.
Vị khách lạ là vị khách đặc biệt khiến hai môn đệ nhận ra sự thân thiện, các ông không ngần ngại chia sẻ những ưu tư thất vọng vì Thầy các ông đã chết. Vị khách lạ là người duy nhất ở Giêrusalem không hay biết gì về việc Ông Giêsu bị đóng đinh, bị giết chết bởi giới lãnh đạo Do Thái. Nhưng rồi hai môn đệ lại nghiệm ra vị khách lạ này là bậc “sư phụ” giúp các ông hiểu kinh thánh, khám phá ra tình yêu của Đấng Phục Sinh luôn đồng hành cùng những ai có lòng yêu mến.
Cuộc sống nào cũng có kẻ tiểu nhân đáng sợ, tuy nhiên người quân tử thì vẫn có mặt ở khắp nơi : có tình có nghĩa, có tất cả. Nỗi buồn hai môn đệ làng Emmau được vơi đi, vì nhờ người khách lạ sẵn sàng nghe các ông. Tình yêu của hai ông được mạnh mẽ và chắc chắn hơn, nhờ vị khách lạ mở trí cho các ông hiểu kinh thánh nói về Thầy Giêsu phải chịu đau khổ, bị giết chết và ngày thứ ba sống lại. Và tình yêu của Đấng Phục Sinh mỗi lúc một thôi thúc các ông nhận biết : vị khách lạ chính là Người Thầy Giêsu đã sống lại.
Thân phận mỗi chúng ta hôm nay cũng không khác gì hai môn đệ làng Emmau : không nhận ra tình yêu thương của Chúa đang đồng hành với mình, dễ mặc cảm vì nghèo hèn, tội lỗi, dễ hối tiếc vì ly sữa bị đổ…… Đúng hơn là đức tin của ta còn non nớt, chưa đủ tin Đức Giêsu có thể giúp ta giải quyết những khó khăn trong cuộc đời mình. Rất có thể chúng ta cũng có ý tưởng mời vị khách lạ ở lại tâm hồn và cuộc sống mình, nhưng vì còn nhiều so đo tính toán, do đó Mùa Phục Sinh đã tới, ta cũng chưa được biến đổi, những trăn trở nơi tâm hồn còn trĩu nặng vì thiếu ơn bình an của Đấng Phục Sinh.
Thánh Phêrô nơi 2 bài đọc hôm nay, mạnh dạn làm chứng cho người Do Thái biết Đức Giêsu thành Nagiaret chính là Đấng Thiên Chúa sai đến, thực thi kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa và mang lại cuộc sống trường sinh cho con người, như đã được loan báo trong Kinh Thánh. Ngài xuất hiện trong thời cuối cùng để làm trọn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, giải thoát con người khỏi tội lỗi và sự chết. Hai môn đệ làng Emmau hôm nay chân thành nói lên sự buồn bã thất vọng với vị khách lạ, rồi chính tình yêu của Đấng Phục Sinh đã cảm hóa các ông, thật là vui và hạnh phúc.
Cuộc đời mỗi người đều có bạn, bạn mới bạn cũ, bạn thân, nhưng đâu là bạn tốt để chúng ta chia sẻ ? Mỗi ngày chúng ta vẫn gặp gỡ nhiều vị khách, nhưng liệu chúng ta có chờ đợi, có quan niệm khách quí phải là khách mang lại lợi nhuận, kinh tế ? Với mắt xác thịt, tư duy thuần vật chất, mãi mãi chúng ta không thể thấy, không thể hiểu đâu là chi thể của Chúa, đâu là Chúa đang đồng hành, có khi chỉ thấy sự im lặng thật khủng khiếp. Có thể không phải tất cả chúng ta là những người “thấy sóng thì ngã tay chèo” đâu ! Như hai môn đệ làng Emmau, chúng ta cũng không muốn trắng tay, vì ít nhiều các ông cũng đã bỏ công sức theo Thầy Giêsu, chúng ta cũng từng đến trước bàn thờ cầu nguyện, từng đến nhà thờ hiệp thông, gặp gỡ Đức Giêsu.
Cuộc đời chúng ta không phải chỉ là một câu chuyện vui hoặc buồn, mà cuộc đời mỗi người còn được bao bọc bời tình yêu của Đấng đã chết và sống lại vì tội lỗi chúng ta.“Sau đêm dài là ánh bình minh”. “Sau cơn mưa trời lại sáng”. Sự biến đổi ấy vẫn là qui luật, Chúa Phục Sinh thay đổi tâm tính, đã kéo hai môn đệ thoát khỏi những mê muội địa vị bổng lộc bên Thầy Giêsu vinh quang. Đức Giêsu hôm nay có thể đang đến với chúng ta như một vị khách lạ, như một người bạn tầm thường….có điều chắc chắn Ngài vẫn đang dùng tình yêu thương để biến đổi chúng ta mạnh dạn sống Tin mừng Phục Sinh. Amen.
CHÚA PHỤC SINH LUÔN ĐỒNG HÀNH BÊN TA
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc
Ðêm nọ, có một người thấy một giấc mơ lạ. Anh ta thấy mình đang đi trên bãi biển với Chúa. Nhìn lên bầu trời, anh thấy những cảnh sống trong đời mình được chiếu lên. Trong mỗi cảnh sống trong đó, anh ta thấy có hai đôi dấu chân in trên cát, một đôi của anh, còn đôi kia của Chúa.
Khi cảnh cuối cùng trên đời anh chấm dứt, anh nhìn lại những dấu chân đã in trên cát và anh nhận thấy rằng, rất nhiều lần trong cuộc đời anh, anh thấy chỉ có một đôi dấu chân mà thôi. Anh cũng để ý và thấy rằng đó chính là những lúc cuộc đời anh xuống thấp nhất, với thời gian buồn chán đau khổ nhất. Anh hoang mang hỏi Chúa : – Thưa Chúa, Chúa đã nói rằng một khi con quyết định theo Chúa thì Chúa sẽ cùng bước đi với con suốt mọi chặng đường của đời con. Nhưng con nhận thấy rằng, trong những giai đoạn rối ren nhất của đời con, chỉ vẻn vẹn có đôi chân của con mà thôi. Con không hiểu tại sao những lúc con cần đến Chúa hơn cả, lại chính là lúc Chúa từ bỏ con.
Chúa ôn tồn trả lời : – Hỡi con yêu dấu, Ta yêu thương con và không bao giờ lìa bỏ con đâu. Trong những thời gian thử thách nhất, khi con thấy chỉ có một đôi dấu chân, đó chính là lúc Ta bồng ẵm con trên tay Ta. Dấu chân trên cát lúc ấy là của chính Ta chứ không phải của con đâu.
Thưa quý OBACE, Chúa vẫn luôn hiện diện và đồng hành bên chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sự an ủi nâng đỡ và hướng dẫn của Người hay không mà thôi, đó cũng là điều qua câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay Chúa muốn nói với chúng ta.
Hai ông này sau một thời gian theo Chúa, có lẽ các ông cũng nuôi biết bao hy vọng nơi Thầy Giêsu, các ông nghĩ rằng theo Chúa các ông sẽ được chia sẻ một ít vinh quang quyền lực, địa vị hay bổng lộc nào đó, thế nhưng cái chết của Chúa Giêsu đã làm tiêu tan tất cả hy vọng. Hai ông rơi vào chán nản thất vọng, họ buồn bã trở về quê. Không chỉ như thế, đức tin của các ông nơi Thầy Giêsu, lúc này, lại khiến các ông nghi ngờ và đặt lại vấn đề, các ông bàn tán với nhau về những chuyện vừa xảy ra. Trong lúc đi đường như thế, Chúa Giêsu Phục Sinh đã hiện ra đồng hành với họ, nhưng vì chản nản thất vọng, vì đức tin bị thử thách nặng nề, khiến mắt các ông che mờ, không nhận ra vị khách đồng hành là Chúa Giêsu.
Các ông đã kể cho vị khách về Ông Giêsu là một vị ngôn sứ đầy uy thế,…Trước đây chúng tôi vẫn hy vọng Người sẽ cứu chuộc Israel, nhưng nay, việc xảy ra đã đến ngày thứ ba rồi. Qua lời tâm sự đã cho thấy niềm tin của các ông vào Đức Giêsu chỉ còn là chuyện của quá khứ, một đức tin không còn chiều sâu, không còn sức sống, chính vì thế họ đã dễ dàng ngã gục buông xuôi khi gió bão của thử thách xảy đến. Vị Khách đã lắng nghe, an ủi, và dùng Kinh Thánh để minh chứng cho các ông thấy Đấng Kitô sẽ phải trỗi dậy từ cõi chết, đã làm nóng lại đức tin cho các ông và đem lại cho các ông sự phấn chấn. Các ông đã chia sẻ điều đó khi nói với nhau : dọc đường khi nghe Người nói lòng chúng ta đã bừng cháy lên đó sao?
Nhờ tâm hồn đã được hồi sinh, các ông đã nài ép Người khách lạ ghé vào nhà và dùng bữa với mình. Trong bữa tối đó, một cử chỉ hết sức quen thuộc đựơc Vị khách thực hiện, đó là Người cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho hai ông, mắt họ sáng ra và đã nhận ra Người, nhưng Người đã biến mất. Đây chính là cử chỉ Đức Giêsu đã thực hiện khi Người làm phép lạ hóa bánh ra nhiều, và đặc biệt trong bữa Tiệc ly, chính Người đã cầm lấm bánh, tạ ơn, và trao cho các các môn đệ như thế. Dấu hiệu này chỉ có ở nơi một mình Chúa Giêsu mà thôi, không thể nhầm lẫn vơi ai được, nên hai môn đệ này đã nhận ra Vị khách đồng hành với họ trên suốt hành trình là chính Đức Giêsu, Người đã phục sinh.
Từ việc nhận ra Chúa khi ăn bánh của Người, tâm hồn và con người của các môn đệ này đã được biến đổi, các ông không còn chán nản buồn sầu nữa, không còn than thân trách phận hay tiếc nuối gì nữa, nhưng ngay tức khắc với một biềm vui hân hoan, các ông đã trỗi dậy để trở về Giêrusalem, để gặp lại các tông đồ và các bạn hữu đang tụ họp. Khi về đến nơi, thì chính anh em đã làm chứng cho hai ông về việc Chúa đã sống lại thật rồi và đã hiện ra với ông Simon. Còn hai ông thì kể cho mọi người về việc mình đã nhận ra Chúa.
Câu chuyện của hai môn đệ Emaus không phải là câu chuyện của quá khứ, mà là câu chuyện đức tin của mỗi người, mỗi gia đình hôm nay. Tin Chúa, theo Chúa không phải lúc nào chúng ta cũng gặp thành công, vì thực tế trong cuộc sống cho thấy không thiếu những lần chúng ta gặp thử thách trầm trọng trong cuộc sống. Đã có nhiều lần toan tính dự định của chúng ta không thành, hy vọng của chúng ta sụp đổ, nhiều người cũng đã chán nản buông xuôi, và nhiều người còn quay lại trách Chúa, và nghi ngờ cả sự hiện diện của Chúa : Tôi cầu nguyện mà chẳng thấy Chúa nhận lời, tôi vẫn đi nhà thờ đi lễ mà sao Chúa lại để gia đình tôi như thế này ? Chẳng biết Chúa có hiện diện hay không, Chúa có giúp mình hay không ? Đó chính là những thử thách và những cám dỗ trong đức tin của nhiều người.
Thế nhưng Lời Chúa hôm nay muốn nói với chúng ta rằng : Thiên Chúa không bao giờ bỏ rơi chúng ta, Người cũng không nỡ đứng nhìn khi chúng ta gặp thử thách hoặc gặp đau khổ, trái lại, Người vẫn đang hiện diện lắng nghe, và đang đồng hành với chúng ta, đang nâng đỡ an ủi chúng ta để giúp chúng ta vượt qua những khó khăn thử thách, Người dùng lời Kinh Thánh để an ủi và củng cố đức tin cho chúng ta, có điều là chúng ta có nhận ra sư hiện diện và đồng hành của Người hay không mà thôi.
Để nhận ra Người, chúng ta cần có thái độ như hai môn đệ Emaus, đó là mời và nài ép Người vào trong nhà mình. Khi có Chúa ở trong gia đình, Người sẽ giúp chúng ta giải gỡ những khó khăn, sẽ ban sức mạnh để chúng ta vượt thắng, và có Người trong gia đình, Người sẽ đem lại niềm vui và hạnh phúc cho gia đình. Đồng thời hãy tham dự bữa ăn tối với Chúa và đón nhận tấm bánh mà Người trao ban, mắt chúng ta cũng sẽ mở ra và chúng ta sẽ trở nên những con người can đảm mạnh dạn không còn sợ hãi nữa, giống như hai môn đệ Emaus đứng lên để trở về Giêrusalem gặp lại các tông đồ và các bạn trong tình hiệp thông.
Khi trở về gặp lại các tông đồ và các bạn, chúng ta sẽ gặp được lời chứng của các tông đồ: Chúa đã hiện ra với Simon. Một khẳng định ngắn như thế thôi, nhưng cho thấy, đức tin cá nhân của mỗi người cần phải được liên kết với Giáo Hội và cậy dựa vào sự bảo đảm của Giáo Hội, mà Simon Phêrô là thủ lãnh. Vai trò thủ lãnh của Phêrô không chỉ là điều khiển Giáo Hội mà còn là người dẫn dắt đức tin của Giáo hội. Sách Công Vụ cho thấy vai trò nổi bật của Simon Phêrô trong việc rao truyền tin Mừng Phục sinh, ông còn là người củng cố đức tin cho anh em mình.
Thưa quý OBACE, cấu trúc của câu chuyện hai môn đệ trên đường Emaus hôm nay chính là cấu trúc của Thánh Lễ mỗi ngày mà Giáo Hội đang cử hành để tuyên xưng Chúa đã chết và đã sống lại với hai phần Phụng vụ Lời Chúa và Phụng vụ Thánh Thể, trong đó vai trò không thể thiếu đó là thừa tác viên của Giáo Hội. Như thế Tin Mừng muốn cho chúng ta thấy rằng: Ngày hôm nay Chúa Phục sinh vẫn đang hiện diện và đồng hành với chúng ta mỗi ngày nơi Thánh Lễ được Giáo Hội cử hành. Chính nhờ việc tham dự Thánh Lễ thường xuyên, chúng ta sẽ được Lời Chúa an ủi và hướng dẫn, giúp chúng ta biết phải sống như thế nào, và nhờ lãnh nhận Thánh Thể Chúa chúng ta nhận ra sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời, được bồi bổ và tăng cường thêm sức mạnh giúp chúng ta không còn sợ hãi, không chán nản hay thất vọng trước những cám dỗ và những khó khăn của cuộc sống.
Các bậc làm cha mẹ, hãy noi gương hai môn đệ Emaus, mời Chúa vào gia đình mình mỗi ngày qua các giờ kinh sớm tối, hãy mời Chúa hiện diện trong mỗi bữa ăn và trong cả ngày sống của gia đình, Chúa sẽ đem đến cho gia đình niềm vui và bình an, nhất là hãy siêng năng tham dự “bữa tối của Chúa” tức là Thánh Lễ mỗi ngày để đón rước Chúa vào tâm hồn và đem chúa về cho gia đình. Có Chúa trong tâm hồn và trong gia đình, thì không có thử thách nào có thể làm chúng ta chùn bước, và có Chúa trong tâm hồn, trong gia đình, thì ma quỷ và sự xấu sẽ không thể làm gì được chúng ta.
Nhiều bạn trẻ ngày hôm nay đang sống một cuộc sống buồn tẻ nhàm chán, nhiều người đang bị thử thách trầm trọng về đức tin, nhiều người đang bị nhồi nhét bởi quá nhiều tư tương sai lạc, cùng với sự tự mãn của óc khoa học khiến họ không nhận ra sự hiện diện của Chúa và có nguy cơ đi lạc đường và đánh mất đức tin. Lời Chúa hôm nay mời gọi các bạn hãy nhận ra sự đồng hành của Chúa trong cuộc đời, hãy khiêm nhường để lắng nghe lời chứng của Giáo Hội, và nhất là hãy siêng năng đến với bàn tiệc Thánh Thể, các bạn sẽ nhận ra gương mặt của Chúa, Chúa sẽ ban lại cho các bạn ơn đức tin và lòng hăng say nhiệt thành của tuổi trẻ, giúp các bạn sống một cuộc sống có ý nghĩa và có ích hơn cho chính mình và cho mọi người, đồng thời trở thành những người nói về Chúa cho anh em cho bạn bè của các bạn mà không còn gì phải ngại ngần sợ hãi nữa. Amen.
GẶP GỠ
Trầm Thiên Thu
Sống trên đời, chúng ta đi được khoảng cách xa bao nhiêu cũng không quan trọng bằng những người chúng ta gặp dọc đường. Quả thật, sự gặp gỡ rất quan trọng. Sống ở đời không thể không gặp gỡ nhau. Gặp nhau là nhìn thấy nhau, và thường liên quan cuộc đối thoại – có thể đối thoại bằng ngôn ngữ, bằng ánh mắt, bằng động thái, bằng cử chỉ, thậm chí người ta vẫn có thể đối thoại ngay trong sự im lặng.
Gặp gỡ nhau để làm gì? Gặp nhau để yêu thương, để chia sẻ, để giúp đỡ, để biến đổi nhau,… Gặp người đời mà còn cần thiết như vậy huống chi được gặp gỡ Thiên Chúa, gặp gỡ chính Đức Kitô Phục Sinh.
Cuộc gặp gỡ ấy đã được Lm Ns Yuse Tiến Lộc (DCCT) mô tả: “Gặp gỡ Đức Kitô biến đổi cuộc đời mình, gặp gỡ Đức Kitô đón nhận ơn tái sinh, gặp gỡ Đức Kitô chân thành mình gặp mình, gặp gỡ Đức Kitô nảy sinh tình đệ huynh” (Gặp Gỡ Đức Kitô).
Gặp gỡ Đức Kitô là một dạng được sống lại – tâm linh hoặc thể lý. Trường hợp sống lại của La-da-rô (Ga 11:1-44), em trai của Mác-ta và Ma-ri-a, và con trai bà góa thành Na-in (Lc 7:11-17) chỉ là sống lại về thể lý bình thường, không đổi khác và sẽ lại chết, nhưng trường hợp sống lại của Đức Kitô là sống lại đặc biệt và không thể chết nữa. Thân xác nhục thể và thân xác phục sinh vẫn là một, nhưng chắc chắn khác thường, rất kỳ diệu, vì thế mà chính Chị Ma-ri-a Mác-đa-la và hai môn đệ trên đường Em-mau đều không nhận ra Thầy Giêsu của mình. Chị Ma-ri-a Mác-đa-la chỉ nhận ra Ngài khi Ngài gọi bằng giọng thân thương quen thuộc, hai môn đệ kia chỉ nhận ra Ngài khi Ngài làm động tác quen thuộc: Bẻ bánh.
Thậm chí còn hơn vậy, khi các tông đồ thấy Chúa hiện ra đứng ở giữa và chúc bình an cho họ mà họ lại kinh hồn bạt vía, tưởng là thấy ma và ngờ vực. Chúa cho họ rờ vào Ngài, họ thấy Ngài vẫn có xương thịt và Ngài còn ăn khúc cá nướng họ đưa cho, lúc đó họ mới thấy mình không hề mộng du và tin là Thầy mình đã sống lại thật (Lc 24:36-43). Thân xác phục sinh khác thật và lạ thật đấy, giống như xưa mà lại không như xưa. Thảo nào chẳng ai nhận ra Ngài là Đức Kitô Phục Sinh!
Và rồi bất kỳ ai gặp gỡ Đức Kitô thì đều biến đổi từ trong ra ngoài, biến đổi hoàn toàn, biến đổi thực sự chứ không “có vẻ”. Thấy ai biến đổi thì biết chắc người đó gặp được Đức Kitô. Biến đổi ở đây phải hiểu theo nghĩa tích cực, khiêm nhường và can đảm làm chứng về Chúa, chứ không “tỏ vẻ biến đổi” để được người khác khen ngợi. Cuộc đời các thánh đã cho thấy điều đó, họ biến đổi mau chóng và lạ lùng đến nỗi bị người khác nghi ngờ. Thế nhưng sự thật vẫn là sự thật, chân lý mãi là chân lý. Không thật thì không bao giờ có thể giả vờ hoặc ra vẻ như thật được!
Tông đồ Phêrô, người được Thầy Giêsu tín cẩn trao trọng trách làm Giáo hoàng tiên khởi, và đã từng nói mạnh là dám liều chết với Thầy, nhưng rồi chính con người ấy đã chạy trốn vì khiếp nhược khi Thầy bị bắt, đã chối bỏ Thầy vì nhát đảm, thế nhưng sau khi ông đã gặp được Đức Kitô Phục Sinh thì ông khác hẳn, không còn nhát đảm như trước. Và rồi một hôm, ông Phêrô đứng chung với Nhóm Mười Một (không còn Giu-đa Ít-ca-ri-ốt), và lớn tiếng nói với họ: “Thưa anh em, miền Giu-đê và tất cả những người đang cư ngụ tại Giê-ru-sa-lem, xin biết cho điều này, và lắng nghe những lời tôi nói đây” (Cv 2:14).
Ông Phêrô dõng dạc và thao thao bất tuyệt: “Thưa đồng bào Ít-ra-en, xin nghe những lời sau đây. Đức Giêsu Na-da-rét, là người đã được Thiên Chúa phái đến với anh em. Và để chứng thực sứ mệnh của Người, Thiên Chúa đã cho Người làm những phép mầu, điềm thiêng và dấu lạ giữa anh em. Chính anh em biết điều đó. Theo kế hoạch Thiên Chúa đã định và biết trước, Đức Giêsu ấy đã bị nộp, và anh em đã dùng bàn tay kẻ dữ đóng đinh Người vào thập giá mà giết đi. Nhưng Thiên Chúa đã làm cho Người sống lại, giải thoát Người khỏi những đau khổ của cái chết. Vì lẽ cái chết không tài nào khống chế được Người mãi. Quả vậy, vua Đa-vít đã nói về Người rằng: Tôi luôn nhìn thấy Đức Chúa trước mặt tôi, vì Người ở bên hữu, để tôi chẳng nao lòng. Bởi thế tâm hồn con mừng rỡ, và miệng lưỡi hân hoan, cả thân xác con cũng nghỉ ngơi trong niềm hy vọng. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc linh hồn con trong cõi âm ty, cũng không để Vị Thánh của Ngài phải hư nát. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống, và cho con được vui sướng tràn trề khi ở trước Thánh Nhan” (Cv 2:22-28).
Một Phêrô hôm nay hoàn toàn biến đổi chứ không còn là một Phêrô hôm qua. Một nhân chứng sống động, một nhân chứng thật. Khi đã biết đúng cái gì là thật thì người ta không còn sợ bất cứ thứ gì khác, kể cả cái chết. Ông Phêrô nói tiếp với giọng quả quyết: “Thưa anh em, xin được phép mạnh dạn nói với anh em về tổ phụ Đa-vít rằng: người đã chết và được mai táng, và mộ của người còn ở giữa chúng ta cho đến ngày nay. Nhưng vì là ngôn sứ và biết rằng Thiên Chúa đã thề với người là sẽ đặt một người trong dòng dõi trên ngai vàng của người, nên người đã thấy trước và loan báo sự phục sinh của Đức Kitô khi nói: Người đã không bị bỏ mặc trong cõi âm ty và thân xác Người không phải hư nát. Chính Đức Giêsu đó, Thiên Chúa đã làm cho sống lại; về điều này, tất cả chúng tôi xin làm chứng. Thiên Chúa Cha đã ra tay uy quyền nâng Người lên, trao cho Người Thánh Thần đã hứa, để Người đổ xuống: đó là điều anh em đang thấy, đang nghe” (Cv 2:29-33).
Thiên Chúa rất vui khi chúng ta hoàn toàn tâm phục khẩu phục Ngài, nói theo ngôn ngữ thời nay là “triệt buộc”. Nghe chừng miễn cưỡng nhưng không phải vậy, vì đó là cách “triệt buộc” của tình yêu, của Lòng Chúa Thương Xót. Ngài làm vậy để chúng ta hoàn toàn tín thác nơi Ngài và chúng ta được lợi ích là hưởng nhờ Lòng Thương Xót khôn lường của Ngài. Lúc đó, chúng ta sẽ vui mừng thân thưa: “Lạy Chúa Trời, xin giữ gìn con, vì bên Ngài, con đang ẩn náu. Con thưa cùng Chúa: Ngài là Chúa con thờ, ngoài Chúa ra, đâu là hạnh phúc?” (Tv 15:1-2).
Tại sao? Vì chúng ta biết chắc chỉ có Thiên Chúa mới thực sự là cứu cánh và là cùng đích:“Lạy Chúa, Ngài là phần sản nghiệp con được hưởng, là chén phúc lộc dành cho con; số mạng con, chính Ngài nắm giữ” (Tv 16:5). Do đó, chúng ta có thể can đảm thề hứa: “Con chúc tụng Chúa hằng thương chỉ dạy, ngay cả đêm trường, lòng dạ nhắn nhủ con. Con luôn nhớ có Ngài trước mặt, được Ngài ở bên, chẳng nao núng bao giờ. Vì thế, tâm hồn con mừng rỡ, và lòng dạ hân hoan, thân xác con cũng nghỉ ngơi an toàn. Vì Chúa chẳng đành bỏ mặc con trong cõi âm ty, không để kẻ hiếu trung này hư nát trong phần mộ. Chúa sẽ dạy con biết đường về cõi sống: trước Thánh Nhan, ôi vui sướng tràn trề, ở bên Ngài, hoan lạc chẳng hề vơi!” (Tv 16:7-11). Niềm tin tưởng tuyệt vời quá, niềm tín thác đẹp biết bao!
Khi tin tưởng nhau, người ta có thể gặp gỡ nhau. Tuy nhiên, phàm nhân thường có mức độ ưu tiên khác nhau, và thường thì ai “ngon” hơn sẽ được “ưu tiên” hơn – “ngon” hơn nhờ “dễ nhìn” hơn người, giàu có hơn người, “vai vế” hơn người,… Thế nhưng Thiên Chúa không hề như vậy, đừng lấy cớ là “quen biết” Ngài nhiều (đi lễ nhiều, đọc kinh nhiều, cầu nguyện nhiều, làm từ thiện nhiều, làm việc tông đồ nhiều,…) mà tưởng mình “ngon” hơn người khác.
Thánh Phêrô nói thẳng: “Thiên Chúa là Đấng không vị nể ai, nhưng cứ theo công việc mỗi người mà xét xử. Vậy nếu anh em gọi Người là Cha, anh em hãy đem lòng kính sợ mà sống cuộc đời lữ khách này” (1 Pr 1:17). Rất rõ ràng, rất rạch ròi, rất thẳng thắn, rất công bình.
Thánh Phêrô giải thích thêm: “Anh em hãy biết rằng không phải nhờ những của chóng hư nát như vàng hay bạc mà anh em đã được cứu thoát khỏi lối sống phù phiếm do cha ông anh em truyền lại. Nhưng anh em đã được cứu chuộc nhờ bửu huyết của Con Chiên vẹn toàn, vô tỳ tích, là Đức Kitô. Người là Đấng Thiên Chúa đã biết từ trước, khi vũ trụ chưa được dựng nên, và Người đã xuất hiện vì anh em trong thời cuối cùng này. Nhờ Người, anh em tin vào Thiên Chúa, Đấng đã cho Người trỗi dậy từ cõi chết, và ban cho Người được vinh hiển, để anh em đặt niềm tin và hy vọng vào Thiên Chúa” (1 Pr 1:18-21). Nghe có vẻ “dài dòng” một chút, nhưng lại không thấy thừa chút nào.
Tin Đức Giêsu chịu chết làm rúng động dân chúng, tin đó chưa đủ lắng xuống thì tin Ngài phục sinh lại tiếp tục khuấy động lòng người. Chuyện lạ này nối tiếp chuyện lạ khác. Nhưng cũng ngày hôm ấy, có hai người trong nhóm môn đệ đi đến làng Em-mau, cách Giê-ru-sa-lem chừng mười một cây số. Họ trò chuyện với nhau về tất cả những sự việc mới xảy ra. Họ cũng thấy thất vọng vì không biết tương lai ra sao, thôi thì về quê cắm câu cho chắc ăn, chứ giờ thì chưa biết chuyện ngã ngũ thế nào.
Trình thuật Lc 24:13-35 cho biết rằng đang lúc họ vừa đi đường vừa trò chuyện và bàn tán, chính Đức Giêsu tiến đến gần và cùng đi với họ, nhưng họ không hề nhận ra Ngài. Ngài “giả nai” mà hỏi họ: “Các anh vừa đi vừa trao đổi với nhau về chuyện gì vậy?”. Họ dừng lại, vẻ mặt buồn rầu vì thấy ông khách lạ này là người vô tình nhất thế gian rồi, vì chuyện xảy ra rùm beng khắp nơi mà ông ta chẳng hay biết gì sao?
Một trong hai người tên là Cơ-lê-ô-pát trả lời: “Chắc ông là người duy nhất trú ngụ tại Giê-ru-sa-lem mà không hay biết những chuyện đã xảy ra trong thành mấy bữa nay”. Đức Giêsu vẫn tỏ vẻ “vô tư” nên hỏi họ: “Chuyện gì vậy?”. Họ kể lại vụ ông Giêsu Na-da-rét là một ngôn sứ đầy uy thế trong việc làm cũng như lời nói trước mặt Thiên Chúa và toàn dân, thế mà các thượng tế và thủ lãnh đã kết án tử hình cho Ngài, rồi đóng đinh Ngài vào thập giá. Họ bảo trước đây họ vẫn hy vọng rằng chính Ngài là Đấng sẽ cứu chuộc Ít-ra-en, thế nhưng những việc ấy xảy ra đến nay là ngày thứ ba rồi. Họ còn bảo họ cũng thấy kinh ngạc khi mấy người đàn bà ra mộ hồi sáng sớm, nhưng không thấy xác Ngài đâu cả, mấy bà còn nói là đã thấy thiên thần hiện ra bảo Ngài vẫn sống. Họ kết luận: “Vài người trong nhóm chúng tôi đã ra mộ, và thấy sự việc y như các bà ấy nói; còn chính Ngài thì họ không thấy”.
Bấy giờ Đức Giêsu nói với hai ông: “Các anh chẳng hiểu gì cả! Lòng trí các anh thật làchậm tin vào lời các ngôn sứ! Nào Đấng Kitô lại chẳng phải chịu khổ hình như thế, rồi mới vào trong vinh quang của Người sao?”. Rồi bắt đầu từ ông Mô-sê và tất cả các ngôn sứ, Ngài giải thích cho hai ông những gì liên quan Ngài trong tất cả Sách Thánh. Thế mà hai ông vẫn chưa hết “ngu đột xuất” đấy!
Chúa Giêsu trách các ông “chậm tin” mà khiến chúng ta phải giật mình. Thật vậy, cuộc sống đời và đạo cứ hằng ngày trôi qua, chúng ta cứ sống theo hoàn cảnh mình riết thành quen, đến nỗi mọi thứ trở thành như một phản xạ, và rồi hầu như cũng mất luôn cảm xúc. Cứ thế và cứ thế, thậm chí việc làm dấu Thánh Giá cũng như một hành động của con robot được lập trình sẵn. Và chúng ta vẫn cho rằng mình đang sống đức tin, nhưng rồi gặp chuyện gì không xuôi xắn “như ý” mình thì chúng ta lại… ngại ngần, hóa ra chúng ta vẫn “chậm tin” lắm!
Khi gần tới làng họ muốn đến, Đức Giêsu làm như còn phải đi xa hơn nữa, nhưng họ nài ép Ngài ở lại với họ vì trời đã xế chiều và ngày sắp tàn. Chúa Giêsu đồng ý. Khi ăn tối, Ngài cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng và bẻ ra trao cho họ. Mắt họ liền mở ra vì thấy hành động này quen lắm, mới vài ngày thôi mà. Thế là họ nhận ra Thầy Giêsu, nhưng rồi Ngài lại biến mất. Họ gãi đầu gãi tai và bảo nhau: “Dọc đường, khi Người nói chuyện và giải thích Kinh Thánh cho chúng ta, lòng chúng ta đã chẳng bừng cháy lên sao?”.
Ngay lúc ấy, họ đứng dậy, quay trở lại Giê-ru-sa-lem, gặp Nhóm Mười Một và các bạn hữu đang tụ họp tại đó. Những người này bảo hai ông: “Chúa trỗi dậy thật rồi, và đã hiện ra với ông Si-môn”. Còn hai ông thì thuật lại những gì đã xảy ra dọc đường và việc mình đã nhận ra Chúa thế nào khi Ngài bẻ bánh. Thế là mọi vấn đề được giải tỏa, không thèm về quê nữa!
Chữ “gặp gỡ” của Việt ngữ hay lắm: GẶP để GỠ chuyện gì hoặc việc gì đó. GẶP thì mới GỠ được, KHÔNG GẶP thì KHÔNG GỠ được. Những người được gặp gỡ Đức Kitô Phục Sinh, dù là nam hay nữ, họ đều biến đổi hoàn toàn, thay đổi cả con người từ trong ra ngoài. Họ được “gặp” Đức Kitô Phục Sinh và được Ngài “gỡ” mọi khúc mắc của con người cũ để trở nên con người mới hoàn toàn. Ai cũng khác hẳn!
Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin cho chúng con nhận thấy Chúa trong bất kỳ ai mà chúng con gặp, nhất là nơi những người hèn mọn, và xin cho mọi người gặp chúng con cũng nhận thấy Chúa nơi chúng con. Xin cho chúng con biết cầm lấy tấm-bánh-cuộc-đời-mình rồi tạ ơn Chúa, bẻ ra, trao cho mọi người, và can đảm làm nhân chứng về Đức Kitô Phục Sinh. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TÌM GẶP CHÚA
Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh
Có hai chàng thanh niên là anh em ruột với nhau, nhưng sống rất khô khan nguội lạnh. Vào một buổi sáng, hai cậu lái xe xuống một dốc núi giữa lúc trời mưa tầm tã. Bỗng hai cậu gặp một cụ già, người ướt sũng đang khập khiễng bước đi. Hai cậu bèn dừng xe mời cụ lên. Thì ra ông cụ đang trên đường đi dự lễ tại một nhà thờ cách đó chừng 5 cây số. Vì trời còn mưa, nên hai cậu quyết định chờ để chở cụ về nhà. Một phần vì tò mò, hai cậu đã bước vào trong nhà thờ, thay vì ngồi ở ngoài xe. Và rồi một sự biến đổi đã xảy ra. Hai cậu quyết định làm lại cuộc đời và trở nên những con người đạo đức sốt sắng. Cụ già đã nói với hai cậu không phải bằng lời nhưng bằng một hành vi gương mẫu. Nhìn thấy cụ đi lễ trong buổi sáng mưa bão, tâm hồn các cậu đã bừng cháy lên. Và rồi trong lúc bẻ bánh nơi nhà thờ, hai cậu đã khám phá ra Chúa Giêsu mà hai cậu đã đánh mất.
Từ câu chuyện này chúng ta đi vào đoạn Tin Mừng vừa nghe. Hai môn đệ trên đường Emmaus, đã từng có một thời bước theo Chúa. Các ông tin rằng Ngài là Đấng được Thiên Chúa sai đến để thiết lập vương quốc. Thế nhưng, những giờ phút bão táp đã xảy đến. Mọi hy vọng, mọi mơ ước đã tan theo mây khói. Sau cái chết trên thập giá vào chiều ngày thứ Sáu tuần thánh, các ông đã bỏ mặc Ngài nơi nấm mồ cô quạnh và trở về với nếp sống trước kia. Chính trong bối cảnh này, các ông đã gặp người khách lạ trên đường đi Emmau. Các ông lắng nghe vị khách ấy, chăm chú nhìn vị khách ấy bẻ bánh và rồi một điều gì đó đã xảy ra khiến các ông xúc động: Vị khách ấy chính là Chúa Giêsu đang sống động trước mặt các ông.
Câu chuyện hai môn đệ đi Emmaus và câu chuyện hai chàng thanh niên trong buổi sáng đầy mưa bão phải chăng cũng là câu chuyện của mỗi người chúng ta, bởi vì trong cuộc sống, chúng ta cũng đã từng gặp phải những giờ phút bão táp, khủng hoảng về đức tin. Thế rồi một ngày nào đó, chúng ta đã gặp được một người, có thể là một vĩ khách lạ, nhưng qua người này, chúng ta tìm lại được Chúa giữa lòng Giáo Hội trong nghi thức bẻ bánh.
Để kết luận, chúng ta hãy cầu nguyện: Lạy Chúa, xin Chúa hãy cùng đi với chúng con trên vạn nẻo đường đời, như xưa Chúa đã cùng đi với hai môn đệ trên đường Emmaus, nhờ đó đức tin của chúng con sẽ được nâng đỡ và bản thân chúng con sẽ trở thành chứng nhân cho Tin Mừng của Chúa.