CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY_A

177

CHÚA NHẬT 3 MÙA CHAY A

Lời Chúa: Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

———-

1

Mục lục

1. Mạch nước sự sống

2. Người thật là Đấng Cứu Thế

3. Quảng cáo hấp dẫn quá

4. Niềm khát khao

5. Xin nước uống là tạo dịp gặp gỡ

 



MẠCH NƯỚC SỰ SỐNG

 Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Ai trong chúng ta cũng biết: Nước cần thiết cho sự sống và nước là nguồn phát sinh sự sống.  Các nhà khoa học đang hy vọng tìm thấy dấu vết của nước trên sao Hỏa, và khi đã tìm ra được nước, thì hy vọng người ta sẽ tìm ra sự sống trên đó. Lịch sử cũng cho thấy các nền văn minh trên thế giới đếu bắt nguồn từ những dòng sông như : Văn minh sông Nil, văn minh Lưỡng Hà, văn minh sông Hằng, ở Việt Nam có nền văn minh sông Hồng, sông Đồng Nai. Gần đây nhiều cuộc tranh chấp giữa các quốc gia cũng có liên quan đến việc tranh chấp nguồn nước như vùng sông Giođan, các nước vùng sông Mêkông. Đối với con người, 90% trong cơ thể là nước, vì thế người ta có thể nhịn ăn nhiều ngày, nhưng không thể nhịn khát lâu ngày được.

Nước quan trọng và cần thiết cho cuộc sống, cho vũ trụ như thế, nên hôm nay Lời Chúa cũng đề cập đến hình ảnh nguồn nước, nhưng không chỉ đơn thuần là nước tự nhiên, mà là nước đem lại sự sống đời đời.

Dân Israel đã trải qua kinh nghiệm thế nào là thiếu nước uống, khi họ hành trình trên sa mạc. Cái nắng và gió của sa mạc làm cho cơ thể mất nước mau chóng, nếu không có nước bổ sung kịp thời thì chắc chắn sẽ chết. Thế nhưng vấn đề trong câu chuyện Xuất Hành cho thấy,  sở dĩ dân Do Thái muốn nổi loạn là vì họ quá khát, mà không phải chỉ một vài người mà cả một đoàn dân đông đúc cùng với súc vật, vì thế họ như nhìn thấy cái chết chắc chắn trước mắt. Cũng chính vì lý do này mà họ nổi loạn phản đối ông Môsê : Tại sao ông dẫn chúng tôi vào trong sa mạc để chúng tôi chết khát thế này ? Những lời kêu trách như thế thể hiện sự mất kiên nhẫn và thiếu lòng tin ở nơi họ, mặc dù từ khi đưa dân ra khỏi Ai cập, Thiên Chúa đã làm biết bao phép lạ để bảo vệ họ, vậy mà họ vẫn nghi ngờ không tin vào quyền năng và tình yêu của Thiên Chúa.

Một lần nữa để chiều lòng họ, và để cho họ thấy rằng Thiên Chúa luôn hiện diện bên họ, nghe tiếng họ kêu cầu và có thể biến những cái không thể thành có thể, Ngài không làm cho mạch nước phát xuất từ lòng đất, nhưng Ngài lại truyền cho Môsê dùng gậy đập lên tảng đá, và nước từ tảng đá chảy ra cho dân và súc vật uống thỏa thuê. Một tảng đá tưởng như khô cằn, mà lại trở thành mạch nước !

Câu chuyện trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu nói đến một mạch nước khác, mạch nước này phát xuất từ trong tâm hồn những người tin và đón nhận Ngài. Câu chuyện xảy ra tại bờ giếng Giacóp khi Chúa Giêsu gặp người phụ nữ xứ Samaria. Ngài khởi đầu câu chuyện bằng lời xin : “Chị cho tôi một miếng nước uống ! ”  Với sự mở đầu này, Chúa Giêsu đã phá vỡ bức tường nghi kỵ ngăn cách mà người Do Thái đã dựng lên giữa họ và người Samaria, khiến cho người phụ nữ kia không khỏi ngạc nhiên : “Ông là người Do Thái mà lại xin tôi, một phụ nữ Samaria nước uống ? ”. Từ việc là một người xin nước uống, qua câu chuyện, Chúa Giêsu đã chỉ cho chị thấy Ngài là Đấng sẽ ban một thứ nước hằng sống. Tuy nhiên người phụ nữ đã không dễ dàng hiểu được ý nghĩa của lời Chúa Giêsu nói, chị ta vẫn chỉ nghĩ đến dòng nước dưới giếng, và chị tự hào vì cái giếng này đã cung cấp nước cho tổ phụ Giacóp, cho con cháu, súc vật và còn cho đến lúc này. Nhưng Chúa Giêsu đã mạc khải rõ hơn : “Ai uống nước giếng này thì vẫn còn khát, còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ còn khát nữa, vì nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên đem lại sự sống đời đời”. Người phụ nữ liền xin : “Xin cho tôi thứ nước ấy để tôi hết khát”. Đến đây, thánh Gioan đã chỉ cho thấy Đức Giêsu, lúc đầu, Ngài là người xin nước uống, và bây giờ thì người phụ nữ lại là người xin nước từ nơi Chúa Giêsu, và Chúa Giêsu lại là người ban nước ấy.

Chúa Giêsu đã đưa người phụ nữ Samari đi một bước xa hơn khi Ngài đụng chạm đến cái khát khao từ trong lòng của chị, khi Ngài nói với chị : “Chị đi gọi chồng chị rồi trở lại đây”. Chị ta đã phải thú nhận : “Tôi không có chồng”. Chúa Giêsu chỉ cho chị biết chị đã có năm đời chồng, nhưng vẫn không thỏa mãn, và hiện nay chị đang chung sống với một người đàn ông khác không phải là chồng chị. Cái khát khao tìm kiếm thỏa mãn xác thịt và dục vọng sẽ chẳng bao giờ được lấp đầy, và nó còn phản ánh một lối sống tự do buông thả của con người nơi người phụ nữ này. Nguyên nhân sâu xa của lối sống buông thả này, đó là vì họ không còn đặt Thiên Chúa làm trọng tâm của cuộc đời, và không đón nhận được sức sống mới từ Thiên Chúa. Cái khao khát thèm muốn của người phụ nữ này thể hiện cái khao khát thèm muốn của cả dân tộc Samari khi họ chối từ việc thờ phượng Thiên Chúa để thờ cúng các thần minh của dân ngoại, họ “ngoại tình’ trong đời sống đức tin phá bỏ giao ước với Thiên Chúa.

Chúa Giêsu đã giúp người Samaria này điều chỉnh lại suy nghĩ và cách thức thờ phượng Thiên Chúa sao cho phù hợp ý Chúa khi Ngài nói với chị : “Đã đến giờ các ngươi sẽ thờ phượng Thiên Chúa Cha trên núi này hay tại Giêrusalem… nhưng những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong Thần Khí và Sự thật”. Như thế, Chúa Giêsu muốn hướng con người đến sự thờ phượng đích thực là một sự thờ phượng phát xuất từ một tâm hồn chân thành nhìn nhận Thiên Chúa là Cha, là Chúa của mình, là Đấng quyền năng, và hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa, đón nhận Đức Giêsu là Thiên Chúa cứu độ. Khi có Thiên Chúa và Thánh Thần của Ngài trong tâm hồn, khi để cho Thánh Thần hướng dẫn, thì Thánh Thần của Thiên Chúa sẽ làm cho sức sống thần linh của Thiên Chúa tuôn chảy trong tâm hồn và nuôi sống cuộc đời chúng ta. Đó chính là mạch nước mà Chúa Giêsu nói đến hôm nay.

Sức sống thần linh của Thiên Chúa sẽ trở thành nguồn mạch sự sống cho những ai để Chúa hiện diện trong tâm hồn mình. Thánh Phaolô đã giải thích điều này trong thư Rôma : “Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa… Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Ngài vào tâm hồn chúng ta nhờ Thánh Thần của Người”. Chính tình yêu này làm phát sinh sự sống mới trong tâm hồn mỗi tín hữu.

Ngày hôm nay người ta cũng cảnh báo nhiều về việc ô nhiễm nguồn nước, thế giới có hàng tỷ người không có nước sạch để uống, mà họ phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm và chứa nhiều chất thải độc hại. Cũng vậy, có thể đời sống của nhiều người, nhiều gia đình, của môi trường xung quanh chúng ta đang bị ô nhiễm trong đời sống thiêng liêng, ô nhiễm tâm hồn. Nhiều cha mẹ đã để cho nhiều nguồn nước độc hại đang chảy vào gia đình mình, đó có thể là phim ảnh, sách báo xấu đang đầu độc và hủy hoại tâm hồn con cái chúng ta, mà cha mẹ là người đã mất kiểm soát. Các máy vi tính, internet được nối kết vào từng phòng của gia đình, mà cha mẹ không biết rằng, hằng ngày, hàng đêm phim ảnh xấu xa đang chảy vào trong từng phòng của gia đình, đang ngấm vào tâm hồn con cái chúng ta.

Đáng lẽ, các thành viên trong gia đình phải được uống những dòng nước yêu thương, sự nhân ái hiền hòa từ nơi cha mẹ, thì ngược lại nguồn nước ô nhiễm còn là chính gương xấu nơi cha mẹ và người lớn trong đời sống cũng như trong làm ăn buôn bán, cách cư xử gian ác, thiếu bác ái, sự tranh chấp kèn cựa, sự giận ghét thù oán, nó đang là những chất độc hại từng ngày gây ô nhiễm bầu khí của gia đình và đang ngấm vào con cái chúng ta.

Lối sống ích kỷ, hưởng thụ, hẹp hòi nhỏ nhen, lối sống ăn chơi buông thả, đang chứng tỏ rằng giới trẻ ngày nay không khác gì người phụ nữ Samaria ngày xưa, họ đang khát khao tìm kiếm để thỏa mãn bản năng, họ đang uống phải dòng nước độc hại ô nhiễm là lối sống chạy theo vật chất, hưởng thụ, thực dụng, vô cảm từ môi trường xã hội, khiến cho nhiều người trẻ mất đi sức sống trẻ, mất đi ý thức phục vụ và cống hiến, đánh mất phẩm giá của một con người và phẩm giá là một người Công giáo.

Với sức riêng của mình, chúng ta không thể ngăn chặn được dòng chảy xấu xa độc hại ấy, nhưng nếu mỗi người biết cùng nhau đồng loạt ý thức và ra tay, chúng ta sẽ làm giảm bớt những chất độc như vừa nêu đang ngấm vào trong từng người từng gia đình. Mỗi người mỗi gia đình hãy sử dụng một hệ thống lọc đặc biệt là Đức Giêsu và Tin Mừng của Ngài,  có sức khử trùng cực mạnh để ngăn chặn dòng nước ô nhiễm đang đe dọa các tâm hồn. Hãy đến với Bí tích Giải Tội tham dự Thánh Lễ, rước lễ thường xuyên, đó là hệ thống lưới lọc có khả năng loại trừ các chất độc hại là tội lỗi là thói xấu trong tâm hồn và còn tưới gội tẩy rửa tâm hồn chúng ta bằng nguồn nước sạch là tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa.

Xin Đức Giêsu ban cho chúng ta nước sự sống của Ngài, để chúng ta không còn khát khao tìm kiếm những điều thấp hèn trong thế giới ngày nay nữa, và xin nguồn nước hằng sống của Đức Giêsu làm phát sinh tình yêu trong tâm hồn mỗi người chúng ta. Amen.

Về mục lục

 

NGƯỜI THẬT LÀ ĐẤNG CỨU THẾ

Xh 17,3-7; Rm 5,1-2.5-8; Ga 4,5-42

Lm. Jos DĐH, GP. Xuân Lộc

Người ta vẫn đến trường lớp để học tập, nhiều người vẫn làm giầu kiến thức bằng cách đọc sách, lại khối kẻ đang sống tinh thần của câu tục ngữ : học thầy không tầy học bạn. Nhìn chung, sự hiểu biết dồi dào, kiến thức phong phú luôn bổ ích cho cuộc sống. Nếu như mỗi người biết sử dụng số “vốn liếng” mà mình thu thập được, hẳn giá trị đời người sẽ tăng lên, bởi vì khi trihành có hợp nhất kết quả đạt được mới viên mãn.

Thời nào cũng vậy, để chắc chắn người anh em của mình thật thà ngay thẳng không hề gian dối đã khó lắm rồi, tin tưởng người hàng xóm đầy tình yêu thương lúc nào cũng nghĩ tốt, nói tốt cho mình càng khó hơn ! Đơn giản là có nghĩ tốt cho nhau, có sống câu ca dao : “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”, người ta sẽ dễ cư xử tốt với nhau hơn. Đức Giêsu ở bờ giếng Giacob khát nước vì trời nóng nực; người thiếu phụ đi múc nước vì nhu cầu, chị ta còn có một bất ổn nơi tâm hồn, mà trước hết chị ta cần biết Đức Giêsu là ai, có đủ tin tưởng để đối thoại, một việc không dễ !

Trong binh pháp của Tôn Tử nói rằng : biết người biết ta, trăm trận trăm thắng. Cuộc gặp tình cờ giữa Đức Giêsu với người thiếu phụ tại bờ giếng Giacob, không ai nói tới chuyện thắng hay thua, không mang mầu sắc chính tri, kinh tế, tuy nhiên cả hai cùng muốn biến cuộc đối thoại ấy trở nên có ý nghĩa. Người thiếu phụ quan sát diện mạo, tư cách, sự cởi mở chân thành của “anh Do Thái” lạ kỳ này. Đức Giêsu chờ đợi người thiếu phụ nói lên những thắc mắc về cuộc sống tự nhiên, về sự khao khát thẳm sâu nơi tâm hồn của chị. Còn gì vui hơn khi “tài được sử dụng, tình được hả hê”(Nguyễn Du); còn gì hạnh phúc hơn : “buồn ngủ gặp chiếu manh” !

Lời Chúa hôm nay mở ra cho chúng ta thấy sự kiên nhẫn, tình thương tha thứ của Thiên Chúa trong việc hoán cải tâm hồn con người. Sách Xuất Hành kể lại việc dân chúng oán trách Chúa và Môisê vì ở sa mạc không có nước để uống, thay vì đánh phạt họ, Thiên Chúa truyền cho Môisê lấy gậy đập vào tảng đá ở núi Horeb khiến nước trào ra cho dân chúng uống. Phải nhờ tình yêu thương chúng ta mới hiểu, vì sao Thiên Chúa không xóa sổ dân Do Thái cứng đầu cứng cổ ấy mà tuyển lựa dân tộc tộc khác. Thánh Phaolô trong thư gởi giáo đoàn Roma, ngài xác tín Thiên Chúa luôn yêu thương con người ngay khi chúng ta còn là tội nhân, Ngài đã ban cho chúng ta Đức Kitô đến trần gian chịu chết và đền tội cho chúng ta, để mở lối cho con người vào hưởng mọi ân sủng, và để chỉ đường cho con người vào hưởng phúc trường sinh của Thiên Chúa.

Còn gì đau khổ hơn khi cha mẹ bị con cái chối bỏ ! Không gì buồn hơn, khi con cái phủ nhận tình yêu thương của Đấng bậc sinh thành đòi quay lại kiếp nô lệ “Ai Cập” ! Hôm nay, mỗi khi gặp cảnh túng thiếu vật chất tiện nghi, chúng ta có than trách Chúa như dân Do Thái ở sa mạc không ? Mỗi khi gặp khủng hoảng về tinh thần, chúng ta có đủ bình tĩnh cầu nguyện, thưa chuyện, để cậy nhờ Đức Kitô chỉ lối đưa đường đi trong ân sủng của Ngài không ?

Thời đại chúng ta đang sống, ai ai cũng gật đầu khâm phục tài đức của “Bao Thanh Thiên”, vị quan thanh liêm; mỗi khi xử án, “Ông” luôn nói với bị cáo “ngươi có tâm phục khẩu phục không” ? Đức Giêsu hôm nay không hề hỏi người phụ nữ giống như Bao Công, hay như quan tòa, Ngài đã tế nhị biến cuộc xét xử thành cuộc trao đổi. Ngài đã dẫn dắt từ câu chuyện nước giếng Giacob đến mạch nước trường sinh. Từ người xin nước được hoán chuyển thành người sẽ ban thứ nước hằng sống. Chúa Giêsu còn giúp cho thiếu phụ ấy nhận ra lý do tại sao chị nói là chị không có chồng ! Sách có câu : hiểu mình hiểu bạn, rồi hãy mở kho tàng lòng mình ra. Bài học mà Chúa Giêsu “mở ra” cho người thiếu phụ ấy không còn là mơ hồ, lý thuyết….; sau khi nghe Đức Giêsu nói thật hợp tình và hợp lý, người thiếu phụ ấy phải thưa rằng : tôi thấy rõ Ngài là một “tiên tri”. Không dừng lại ở việc hiểu, biết, mà thiếu phụ đó còn sống những gì mà chị ta đã thấy đã hiểu. Quả thực, tiếp theo người phụ nữ Samiria, một số đông dân làng đã tới gặp Đức Giêsu, rồi họ cùng xác tín : Người thật là Đấng Cứu Thế”.

Câu chuyện về Đức Giêsu và người thiếu phụ tưởng tới một hồi kết tuyệt đẹp, khi dân làng tìm gặp vị Ngôn Sứ vĩ đại xuất hiện nơi bờ giếng Giacob. Thầy Giêsu còn cho các môn đệ hiểu “lương thực” nuôi sống Thầy là chu toàn thánh ý Chúa Cha. Nếu cuộc sống không thể tách đạo và đức ra, không thể làm việc mà không ăn uống; thì trong cư xử giao tiếp, người ta không thể thiếu tình Chúa và tình người. Là môn đệ của Đức Kitô, siêng năng trau dồi để kiến thức phong phú và có đủ kinh nghiệm sống tốt thì đúng rồi; người môn đệ cần phải có đời sống cầu nguyện, hiểu biết thánh ý Chúa, mới bảo đảm không sợ lạc đường sai lối. Người tín hữu biết tuyên xưng Đức Kitô là Con Thiên Chúa, thì cũng phải sống như thế nào để anh chị em mình nhận ra Đức Kitô chính là Đấng Cứu Thế.

Về mục lục


QUẢNG CÁO HẤP DẪN QUÁ

 Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Người Việt mình có câu “thấy vậy mà không phải vậy”. Đây là câu nói nhằm cảnh giác chúng ta trước một sự kiện đừng đánh giá, nhận xét vội vàng. Hãy kiểm chứng kẻo thiệt thân. Nhất là trên phương diện quảng cáo. Người ta quảng cáo một cách tùy tiện và vô tội vạ. Bạ đâu cũng quảng cáo. Hoàn cảnh nào cũng quảng cáo. Kể cả lợi dụng bia mộ để quảng cáo.

Chuyện kể rằng : Ông bố của một người thợ đục đá ốm nặng. Trước khi qua đời, ông dặn người con khắc một tấm bia cắm trên mộ. Người con sau đó mang hết tâm huyết khắc một tấm bia thật đẹp với dòng chữ: “Mộ cụ Phạm X. cha của thợ đá Phạm Y. Chuyên khắc bia mộ, đục cối đá, cối xay bột. Bảo đảm. Giá rẻ”.

Có rất nhiều người “há miệng mắc quai”, hay ngậm bồ hòn bởi tin vào quảng cáo. Vì quảng cáo thường nói thêm mắm thêm muối, quảng cáo thường tìm cách thuyết phục người tiêu dùng bằng mọi cách. Thế nên, nhiều khi tin vào quảng cáo mà “tiền mất tật mang” hay ân hận suốt đời.

Một nhà kinh doanh kia chẳng may chết trong một tai nạn ôtô. Ông ta đến cửa thiên đàng và gặp Thánh Phê-rô ở đó:

– Thánh Phê-rô nói: Để ta cho ngươi xem cái này. Ngươi sẽ chọn được nơi ở thích hợp với mình.

– Thánh Phê-rô dẫn ông ta đến một bãi cỏ lớn. Ở đó, hàng trăm thiên thần thổi sáo véo von và hàng nghìn người tha thẩn đi qua đi lại, chốc chốc họ lại ngáp ngắn ngáp dài.

– Thánh Phê-rô giải thích: Đó là thiên đường. Còn bây giờ ta sẽ cho ngươi xem địa ngục.

– Họ đến một cuộc hội hè lớn, náo nhiệt, điên loạn. Tất cả đều nhảy nhót và sự hoan hỉ hiện rõ trên khuôn mặt từng người.

– Đó là địa ngục! Ngươi chọn nơi nào?

– Ngài hỏi gì mà ngốc nghếch thế! Tất nhiên là tôi chọn địa ngục rồi.

– Liền đó, hai con quỷ dữ tợn lôi kẻ mới đến về phía vạc dầu sôi sùng sục.

– Ấy ấy! nhà kinh doanh kêu thất thanh – Thánh lừa tôi! Địa ngục không phải như tôi vừa trông thấy lúc nãy!

– Thánh Phê-rô vừa nói vừa bỏ đi: Ồ! Cảnh ta cho ngươi xem lúc nãy là quảng cáo ấy mà!

Có thể nói ngày nay ra đường là gặp quảng cáo, mở mắt ra là gặp tiếp thị. Dường như quảng cáo, tiếp thị được tận dụng trong mọi môi trường, trong mọi thời cơ. Quảng cáo và tiếp thị luôn tạo ra niềm tin rằng cứ mua mấy thứ sản phẩm đó là thế nào cũng ngon lành hạnh phúc. Trong quảng cáo, ai cầm lon nước Coca uống cũng vui vẻ yêu đời quá sức; ai dùng loại xà bông gội đầu đó thì tóc cũng óng mượt bay bay như mây trời.

Đây là lý do khiến chúng ta thường mua những thứ dư thừa. Thấy quảng cáo hay là hoa mắt, là mua liền mà chẳng cần suy tính có cần thiết để mua hay không?

 Trên phương diện luân lý, ma quỷ hằng ngày vẫn tiếp thị cho chúng ta biết bao danh lợi thú. Nó khiến ta mê mệt. Tâm hồn chao đảo vì những thứ ấy thật quyến rũ. Nhưng có ở “trong chăn mới biết chăn có rận”. Có đi vào thực tế mới thấy sự thật phũ phàng. Có mấy ai công thành danh toại bởi cờ bạc hay chỉ là “bác thành bần” đến thân tàn ma dại, thế nhưng nhiều người đã hoa mắt vì tiền để rồi lao vào cuộc đỏ đen . . . Có mấy ai thỏa mãn trong những thú vui trần tục hay chỉ cảm thấy mệt mỏi, chán chường sau những lần vụng trộm và trụy lạc, thế nhưng nhiều người vẫn bị mê hoặc bởi ái tình lăng nhăng.

Người phụ nữ trong bài Tin mừng hôm nay, bà đã lao vào vòng xoáy của đam mê nhục dục. Bà tìm thỏa mãn xác thịt với 5 người đàn ông không phải chồng mình. Nhưng xem ra bà đã bị ma quỷ phỉnh lừa. Thú vui xác thịt không làm cho bà thỏa mãn. Cơn khát của đam mê không bao giờ cho bà hạnh phúc. Lòng bà vẫn còn một điều gì đó băn khoăn. Tâm hồn bà vẫn xao động ngổn ngang trăm bề. Bà ngụp lặn trong đam mê xác thịt nhưng tâm hồn bà bị dày vò bởi một cơn khát vượt lên trên tính xác thịt ấy. Cơn khát của hạnh phúc vô biên. Cơn khát của chân thiện mỹ.

Chúa Giê-su đã cho bà thấy thực trạng đời bà là một bất hạnh. Điều con người cần là hạnh phúc. Nhưng hạnh phúc không có trong những đam mê trụy lạc. Hạnh phúc chỉ có khi ta làm chủ được những ham muốn xác thịt. Hạnh phúc thực sự là khi ta được tự do sống mà không phải làm nô lệ cho tính xác thịt lôi kéo đi nghịch lại với luân thường đạo lý.

Con người luôn có những khát khao lôi kéo. Khát khao về tình, về tiền, về quyền. Cơn khát về danh lợi thú chẳng bao giờ mang lại thỏa mãn cho con người. Chỉ trong Thiên Chúa mới làm ta thỏa mãn những khát khao. Chỉ nơi Thiên Chúa mới lấp đầy chỗ trống trong tâm hồn chúng ta. Xin cho chúng ta biết khao khát tìm kiếm Nước Trường Sinh để chúng ta không còn khát mà luôn hạnh phúc an vui trong phận mình. Amen

Về mục lục

 

NIỀM KHÁT KHAO

Trầm Thiên Thu

Khát là trạng thái thiếu nước. Muốn hết khát thì phải có nước để làm cho hết khát, gọi là giải khát. Đồ uống cần gấp hơn đồ ăn, vì người ta có thể nhịn đói dài ngày hơn nhịn khát. Ngày nay, trên đường đi thường thấy có những nhà để bình “nước đá miễn phí” cho khách vãng lai sử dụng. Một nghĩa cử đẹp lắm! Tất nhiên nước đó chỉ có lợi cho những người lao động nghèo thôi, người giàu chẳng ai “để ý” làm chi.

Điều đó là động thái rất đơn giản và chỉ là “chuyện nhỏ”, nhưng lại thực sự cần thiết, nhất là vào những ngày hè nắng nóng tới gần 40 độ C như lúc này, đúng là “nắng tháng Ba, chó già le lưỡi” (tục ngữ Việt Nam). Việc nhỏ mà công to, chính Chúa Giêsu cũng chúc lành cho những việc làm “nhỏ bé” như vậy: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10:42). Thật là tuyệt vời!

Cái khát về thể lý đã là cấp bách rồi, cái khát về ước mong (khát vọng) cũng cấp bách lắm, nhưng cái khát về tâm linh còn cấp bách và mãnh liệt hơn nhiều. Hạn hán là “thiên tai”, không mưa nên thiếu nước, đất đai khô cằn, nguy hiểm lắm, nhưng hạn hán tâm linh càng nguy hiểm hơn, vì đó là “nhân tai”. Chỉ có Mưa Giêsu mới khả dĩ cứu nguy con người khỏi hạn hán. Chúng ta phải thực sự khát Ngài.

Ngày xưa, những ngày ở sa mạc, dân khát nước nên đã kêu trách ông Mô-sê: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai-cập để làm gì? Có phải là để cho chúng tôi, con cái chúng tôi, và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?” (Xh 17:4). Nắng đồng bằng đã khó chịu rồi, nắng cao nguyên cũng ghê gớm lắm, nắng sa mạc thì hẳn là như lửa. Chịu không nổi cái nắng nóng nên dân muốn nổi loạn, ông Mô-sê cũng “ngán” lắm nên kêu lên cùng Đức Chúa: “Con phải làm gì cho dân này bây giờ? Chỉ một chút nữa là họ ném đá con!” (Xh 17:4).

Vùng sỏi đá có khác, muốn gì cứ việc lấy đá chọi thẳng tay. Chả biết phải trái thế nào, lạng quạng là chết chắc. Kể cũng “ngại” thật! Thấy tội nghiệp, Đức Chúa phán với ông Mô-sê: “Ngươi hãy đi lên phía trước dân, đem theo một số kỳ mục Ít-ra-en; cầm lấy cây gậy ngươi đã dùng để đập xuống sông Nin, và đi đi. Còn Ta, Ta sẽ đứng ở đằng kia trước mặt ngươi, trên tảng đá ở núi Khô-rếp. Ngươi sẽ đập vào tảng đá. Từ tảng đá, nước sẽ chảy ra cho dân uống” (Xh 17:5-6). Thế thì còn gì bằng! Ông Mô-sê nghe vậy và làm y chang trước mắt các kỳ mục Ít-ra-en. Và điều kỳ diệu đã xảy ra. Ông đặt tên cho nơi ấy là Ma-xa và Mơ-ri-va, nghĩa là thử thách và gây sự, vì con cái Ít-ra-en đã gây sự và thử thách Đức Chúa mà rằng: “Có Đức Chúa ở giữa chúng ta hay không?” (Xh 17:7). Đặt vấn đề như vậy là nghi ngờ sự hiện hữu của Thiên Chúa.

Có lẽ chúng ta cho rằng dân Ít-ra-en “uống thuốc liều” quá chỉ định, dám gây sự và thử thách Chúa. Đúng là “bán trời không cần văn tự”. Tuy nhiên, chúng ta cũng chẳng hơn gì, có khi còn hơn họ nữa đấy. Thật vậy, khi gặp gian nan thử thách theo kiểu “mắc nối tiếp” như nối các bóng điện, dạng “họa vô đơn chí”, chắc hẳn cũng đã có những lần chúng ta bị “lung lay” về đức tin. Dù không nói ra nhưng các động thái của chúng ta cũng bộc lộ nghi vấn: “Có Chúa thật hay người ta chỉ ảo tưởng?”. Có những người còn liều hơn – kể cả người Công giáo, đã từng dám thốt thành lời: “Trời không có mắt, trời mù!”. Với các Kitô hữu, Trời là ai chứ? Như vậy không phải là chúng ta “ngon” hơn dân Ít-ra-en sao?

Ăn năn sám hối không chỉ là động thái chỉ được thực hiện trong Mùa Chay, Mùa Vọng, kỳ tĩnh tâm,… mà phải được thực hiện không ngừng trong suốt cuộc đời: Mùa nào cũng là mùa sám hối, ngày nào cũng là Mùa Chay, khi nào cũng là lúc tĩnh tâm (cấm phòng). Đó là sẵn sàng dầu đèn như 10 cô trinh nữ khôn ngoan đi đón chàng rể (x. Mt 25:1-13). Giáo hội ấn định Mùa Chay như tiếng chuông cảnh báo để “đánh động” mạnh hơn, nhất là đối với những người còn “ngủ mê”, do đó mà có nghiêm luật: Xưng tội mỗi năm ít là một lần, đồng thời xưng tội và rước lễ trong Mùa Phục Sinh.

Nhìn vào vạn vật sẽ thấy Thiên Chúa. Đơn giản nhất là không khí. Không có không khí thì không gì có thể sống được một lúc. Cái rất nhỏ nhưng lại là đại hồng ân. Vì thế, hãy nghe lời tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2). Thánh Vịnh này phổ biến, quen thuộc, vì được Giáo hội sử dụng hằng ngày trong giờ kinh phụng vụ.

Tác giả Thánh Vịnh nói thêm: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95:6-7a). Trong Mùa Chay, chúng ta cũng được nghe nhắc nhở câu này: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa phán: Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:7b-9).

Nhắc tới Mơ-ri-va và Ma-xa tức là nhắc nhở chúng ta “đừng gây sự và thử thách Thiên Chúa”. Không dám làm vậy là chúng ta bắt đầu tin Chúa hiện hữu. Niềm tin là khởi đầu của mọi thứ: Tin Chúa (tín thác) à Thương người à Tha thứ (thương xót tha nhân) à Thánh ân (được hưởng) à Trắng án (sạch tội) à Trường sinh (nên thánh, làm công dân Nước Trời). Một chuỗi những chữ T kỳ diệu!

Đức tin thật kỳ diệu, vì đó là một trong hai mối phúc “ngoại lệ” (*), và vì đức tin có khả năng làm người ta nên công chính. Thánh Phaolô cho biết: “Một khi đã được nên công chính nhờ đức tin, chúng ta được bình an với Thiên Chúa, nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Vì chúng ta tin, nên Đức Giêsu đã mở lối cho chúng ta vào hưởng ân sủng của Thiên Chúa, như chúng ta đang được hiện nay; chúng ta lại còn tự hào về niềm hy vọng được hưởng vinh quang của Thiên Chúa” (Rm 5:1-2).

Thánh Phaolô giải thích: “Trông cậy như thế, chúng ta sẽ không phải thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta. Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Đức Kitô đã chết vì chúng ta. Hầu như không ai chết vì người công chính, hoạ may có ai dám chết vì một người lương thiện chăng. Thế mà Đức Kitô đã chết vì chúng ta ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5:8).

Đọc các thư của Thánh Phaolô, chúng ta thấy điều gì cũng được diễn tả rất chi tiết, dễ hiểu. Vâng, tình yêu của Chúa quá vĩ đại, quá cao thượng, chúng ta gọi là Lòng Chúa Thương Xót. Như có lần Chúa Giêsu đã xác định: “Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15:13). Thế nhưng đâu mấy ai! Tha thứ đã khó rồi chứ nói chi chết thay ai đó. Đó là dạng khát “không giống ai”, rất khác lạ.

Trình thuật Ga 4:5-42 là một đoạn phim thú vị về tính nhân bản và niềm khát khao.

Một hôm, Chúa Giêsu đến thành Xy-kha thuộc xứ Sa-ma-ri, gần thửa đất ông Gia-cóp đã cho con là ông Giuse. Ở đấy, có giếng của ông Gia-cóp. Ngài đi đường mỏi mệt trong khi các môn đệ vào thành mua thức ăn, vả lại lúc đó khoảng mười hai giờ trưa, nắng nóng như lửa, nên ngồi ngay xuống bờ giếng.

Cũng lúc đó có một người phụ nữ Sa-ma-ri đến lấy nước. Đức Giêsu xin chị chút nước uống. Chị ngạc nhiên: “Ông là người Do-thái, mà lại xin tôi, một phụ nữ Sa-ma-ri, cho ông nước uống sao?”. (Vì kính trọng Chúa Giêsu khi dịch Kinh thánh thôi, chứ Chúa Giêsu lúc đó còn trẻ măng, nếu là người Việt thì chắc là phụ nữ ngoại giáo kia sẽ dùng hai đại từ là Anh và Em). Tại sao chị ấy ngạc nhiên? Vì thời đó, người Do-thái không được giao thiệp với người Sa-ma-ri. Đức Giêsu xởi lởi: “Nếu chị nhận ra ân huệ Thiên Chúa ban, và ai là người nói với chị: ‘Cho tôi chút nước uống’, thì hẳn chị ĐÃ xin, và người ấy ĐÃ ban cho chị nước hằng sống”. Chúa Giêsu dùng thì quá khứ trong khi Ngài nói là thì hiện tại. Điều đó cho thấy rằng những gì Ngài nói đều là sự thật, như Ngài khẳng định với Tổng trấn Phi-la-tô: “Tôi đã sinh ra và đã đến thế gian nhằm mục đích này: LÀM CHỨNG CHO SỰ THẬT” (Ga 18:38).

Chị ấy còn thắc mắc rằng Chúa Giêsu không có gầu, giếng lại sâu, làm gì có được nước hằng sống mà cho. Chị còn chứng minh rằng tổ phụ Gia-cóp với cả con cháu và đàn gia súc cũng xài nước ở giếng này. Đức Giêsu lại cười rất hiền, và trầm giọng: “Chị Hai à, ai uống nước này sẽ lại khát. Còn ai uống nước tôi cho sẽ không bao giờ khát nữa. Nước tôi cho sẽ trở thành nơi người ấy một mạch nước vọt lên, đem lại sự sống đời đời đấy”. Chị gãi đầu và nghĩ thầm: “Chu choa! Lạ dữ nghen!”. Không lạ sao được, thế mới đáng nói chứ!

Từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác, hết mắt tròn rồi mắt dẹt, cứ miệng chữ A rồi mắt chữ O, thế nhưng chắc hẳn chị cảm thấy tin tưởng “Anh Chàng” này nói thật, vì có gì đó rất lạ. Và chị nói với Đức Giêsu: “Thưa ông, xin ông cho tôi thứ nước ấy, để tôi hết khát và khỏi phải đến đây lấy nước”. Chả bảo cho hay không cho, mà Ngài lại bảo chị ấy gọi chồng ra đó. Chị bảo rằng chị chỉ “mình ên” thôi, không chồng con chi cả. Đức Giêsu cười và bảo chị nói đúng. Ngài nói “toạc móng heo” là chị đã có tới năm đời chồng rồi, ngay cả người hiện đang sống với chị cũng không phải là chồng. Chắc đó là dạng “sống thử” hoặc “nửa nhân ngãi, nửa vợ chồng” đây. Chị hết hồn hết vía vì thấy Chúa Giêsu không phải thầy bói mà nói trúng phoóc. Ngại thì có ngại, nhưng chị cũng phải công nhận ngay trước mặt Chúa Giêsu: “Ông ơi, tôi thấy ông thật là một ngôn sứ”.

Không chỉ vậy, Chúa Giêsu còn nói điều “ngược đời” lắm. Ngài bảo không được thờ phượng Thiên Chúa trên núi nữa, mà Giêrusalem mới chính là nơi phải thờ phượng Thiên Chúa. Kể ra chị Hai ngoại giáo này cũng dễ tiếp thu “cái mới” đấy. Tốt lắm!

Đức Giêsu nghiêm sắc mặt và nói “dài hơi” chút xíu: “Này chị, hãy tin tôi: đã đến giờ các người sẽ thờ phượng Chúa Cha, không phải trên núi này hay tại Giêrusalem. Các người thờ Đấng các người không biết; còn chúng tôi thờ Đấng chúng tôi biết, vì ơn cứu độ phát xuất từ dân Do-thái. Nhưng giờ đã đến, và chính là lúc này đây, giờ những người thờ phượng đích thực sẽ thờ phượng Chúa Cha trong thần khí và sự thật, vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Chị Hai này hay thiệt, xem chừng giỏi Kinh thánh nữa nghen, vì chị nghe Ngài nói vậy mà không “théc méc” chi ráo trọi, rồi chị nghiêm túc thưa: “Tôi biết Đấng Mê-si-a, gọi là Đức Kitô, sẽ đến. Khi Người đến, Người sẽ loan báo cho chúng tôi mọi sự”. Trúng phoóc. Giỏi dữ nghen! Và Đức Giêsu nói ngay: “Đấng ấy chính là tôi, người đang nói với chị đây”. Chị này diễm phúc quá xá luôn. Chị được gặp và nói chuyện với Đức Kitô. Sướng rơn!

Chuyện vừa tới đó thì đúng lúc các môn đệ trở về. Các ông ngạc nhiên vì thấy Sư Phụ nói chuyện với một phụ nữ. Kỳ à nghen! Thế nhưng chẳng đệ tử nào dám hỏi nửa lời.

Sau đó, người phụ nữ phấn khởi đến nỗi bỏ vò nước lại, chạy vào thành và bảo người ta đến xem một “Người Lạ”, rất giống Đấng Kitô. Chị này tự nguyện làm nhân chứng sống. Thế là dân thành tuôn ra như trẩy hội. Được tận mắt thấy một “Dị Nhân” độc nhất vô nhị là cơ hội ngàn vàng chứ ít gì. Lạ mà vui! Chắc là ai cũng rất phấn khởi vì thỏa mãn niềm khát khao lâu nay, nhất là chị Hai ngoại giáo.

Quá trưa rồi, ai cũng đói meo, thế nên các môn đệ thưa: “Bạch Thầy, xin mời Thầy dùng bữa”. Ngài “bóng gió” với các ông: “Thầy phải dùng một thứ lương thực mà anh em không biết”. Các môn đệ lại gãi đầu và ngơ ngác nhìn nhau: “Đã có ai mang thức ăn đến cho Thầy rồi chăng?”. Họ tưởng Sư Phụ no xôi chán chè rồi, chả cần gì nữa. Các ông đâu ngờ Sư Phụ nói về loại “siêu lương thực” là THI HÀNH Ý CHÚA CHA và HOÀN TẤT CÔNG TRÌNH CỨU ĐỘ. Thì phải vậy thôi, trò sao hơn thầy được, bằng thầy cũng khá lắm rồi (x. Mt 10:24-25). Dĩ nhiên Ngài rất thông cảm cho các đệ tử của mình thôi. Thuận ngôn nào cũng gây nghịch nhĩ!

Thánh sử Gioan cho biết rằng, hôm đó có nhiều người Sa-ma-ri trong thành đã tin vào Đức Giêsu, vì lời người phụ nữ làm chứng: ông ấy nói với tôi mọi việc tôi đã làm. Hiệu quả nhãn tiền của việc làm chứng thật. Vâng, chỉ có Thiên Chúa mới biết mọi sự, từ thuở hồng hoang tới tận thế, nói chi tới quá khứ và tương lai của một con người.

Hôm đó, dân Sa-ma-ri xin Người ở lại với họ, chắc hẳn Ngài rất vui nên đã ở lại đó hai ngày. Và rồi số người tin lời Đức Giêsu còn tăng thêm nhiều. Họ bảo chị Hai nọ: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”. Chả có vấn đề gì, chị Hai không hề buồn, chị chỉ muốn người ta cũng tin như chị thôi. Chúng ta là những người được Chúa tuyển chọn, cách này hay cách khác – giáo sĩ, tu sĩ, cán bộ hoặc hội viên các hội đoàn,… Liệu chúng ta có cảm thấy mắc cở, xấu hổ? Thiên Chúa có tuyển chọn chị Hai ngoại giáo? (Chỉ có mỗi người TỰ TRẢ LỜI được thôi).

Nói đến niềm khát khao, chúng ta còn nghe văng vẳng tiếng kêu thảm thiết của Chúa Giêsu từ trên Thập Giá năm xưa: “Tôi khát!” (Ga 19:28). Đó là nỗi “khát tình”. Ngài khát yêu thương, muốn thương xót mọi người. Ngài còn có cái khát khác thường khát đau khổ, Ngài bằng lòng uống “chén đắng”, không chỉ vui vẻ uống mà còn say sưa uống. Thế mà chúng ta lại nhẫn tâm đối xử tệ bạc với Ngài, chẳng khác bọn thủ ác cho Ngài nếm giấm chua (Ga 19:29), và ứng nghiệm lời tác giả Thánh Vịnh than thở ngày xưa: “Thay vì đồ ăn, chúng trao mật đắng, con khát nước, lại cho uống giấm chua (Tv 69:22).

Ước gì mỗi người đều biết thực sự khát khao điều công chính, luôn tin kính Đức Kitô y như chị Hai và dân thành Xy-kha, đồng thời luôn xác tín: “Linh hồn con khao khát Chúa Trời hằng sống” (Tv 42:3). Chị Hai và dân thành Xy-kha tin vào “Người-Lạ” là rất hợp lý, là “đúng ý Chúa”. Chúng ta đều là tội nhân bất xứng, không đáng tiếp cận Ngài, nhưng Ngài vẫn rộng lòng “hỉ xả” với chúng ta: Nếu như Ngài chấp tội, nào có ai đứng vững được chăng?” (Tv 130:3).

Lạy Thiên Chúa, chúng con không biết xin gì, chỉ xin Ngài là “tất cả của chúng con”. Lạy Chúa các Chúa, xin giúp chúng con luôn biết khát mong ơn Ngài cứu độ (Tv 119:174), xin Thần Khí Chúa tác động để chúng con biết mau mắn đáp lại lời kêu khát của Chúa Giêsu và của những con người bé nhỏ trên đường đời mà chúng con gặp. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

 

(*) Ngoài Tám Mối Phúc (Mt 5:3-11; Lc 6:20-23) còn có hai “mối phúc” khác: “Phúc thay ai lắng nghe và giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28) và “Phúc thay những người không thấy mà tin” (20:29).

Về mục lục

XIN NƯỚC UỐNG LÀ TẠO DỊP GẶP GỠ

 Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Sứ điệp Mùa Chay năm 2011 có đoạn tóm tắt ba ý tưởng của bài Tin Mừng Chúa Nhật III Mùa Chay như sau: “Chị cho tôi xin nước uống” (Ga 4,7). Lời thỉnh cầu này của Chúa Giêsu với người phụ nữ Samaria, được tường thuật lại cho chúng ta trong phụng vụ của Chúa Nhật thứ ba, diễn tả tình yêu tha thiết của Thiên Chúa đối với mọi người và muốn khơi lên trong tâm hồn chúng ta ước muốn trao ban “nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (câu 14). Đó là ân huệ Chúa Thánh Thần, Đấng biến các kitô hữu thành “những người thờ phượng đích thực”, có khả năng cầu xin Chúa Cha “trong tinh thần và chân lý” (câu 23). Chỉ duy nước này mới có thể làm đỡ cơn khát sự thiện, sự thật và vẻ đẹp của chúng ta ! Chỉ nước này, được ban cho chúng ta qua Chúa Con, mới có thể tưới mát những sa mạc của tâm hồn lo lắng và không được thỏa mãn “bao lâu nó không nghỉ yên bên Chúa”, theo kiểu nói danh tiếng của thánh Augustinô. (số 2).

  1. Cho tôi xin nước uống.” (Ga 4,7).

Bài Tin Mừng kể lại một cuộc gặp gỡ nhìn qua rất bình thường giữa một khách bộ hành khát nước và một phụ nữ đi múc nước. Người phụ nữ Samaria mỗi ngày ra giếng kín nước. Giếng Giacóp sâu 39m nên việc múc nước cho người và gia súc uống rất khó nhọc. Tại Palestina, một đất nước khô khan, cằn cỗi thì nước cũng quý hóa như lúa, như gạo, nước là nguồn sống cơ bản của con người. Dân Israel ngày xưa đi trong sa mạc, không có nước uống, đã cảm thấy cái nguy sắp phải chết, nên đã kêu trách ông Môsê, bài đọc 1 kể lời trách móc đó: “Ông đưa chúng tôi ra khỏi Ai cập để làm gì? Có phải là để chúng tôi, con cái chúng tôi và súc vật của chúng tôi bị chết khát hay không?”.

Thế nhưng, cuộc gặp gỡ bên bờ giếng Giacóp thật lạ lùng. Sau một cuộc hành trình xa dưới nắng nóng, mệt mỏi, Chúa Giêsu khát nước, đến giếng nước và gặp người kín nước. Giếng nước có liên hệ tới vài câu chuyện trong Cựu ước. Ở miền Cận Đông thời xưa, giếng nước là nơi tốt nhất để gặp gỡ. Sách Sáng Thế cho hai ví dụ xảy ra ở giếng nước đều đánh dấu một biến cố quan trọng trong lịch sử dân Israel: người lão bộc của ông Abraham gặp cô Rêbêca vào trao nhẫn cưới, hỏi vợ cho Isaac (St 24,10-27); Ông Giacóp và cô Rakhen gặp nhau tại giếng nước và nên duyên vợ chồng (St 29,1-14).

Chúa Giêsu mở đầu cuộc đối thoại bằng một lời nài xin. Xin nước uống là tạo dịp gặp gỡ, là bắc một nhịp cầu qua vực sâu ngăn cách hai dân tộc Samaria và Do thái vốn dĩ đã thù ghét và xa lánh nhau từ ngàn xưa. Chẳng ai hiểu nổi một bậc thầy như Chúa Giêsu lại nói chuyện và xin nước một phụ nữ Samaria. Chúa Giêsu đã phá bỏ những hàng rào ngăn cách để xây dựng một cuộc đối thoại đích thực và bình đẳng.

Khát nước và xin nước uống là một điều tự nhiên bình thường. Nhưng ở đây không phải Chúa khát nên xin nước uống mà chỉ là dịp để Ngài đề cập đến một vấn đề quan trọng hơn. Chúa muốn nói cho phụ nữ biết: chính chị là người đang khát, và Chúa cũng muốn nói cho chị biết: Ngài là ai, là người sẽ làm cho chị hết khát: “Ai uống nước tôi cho, sẽ không bao giờ khát nữa”.

Từ việc xin nước uống, Chúa Giêsu đã cho người phụ nữ Samaria biết Ngài là Đấng Cứu Thế khao khát nhân loại “Ngài là người đến tìm chúng ta trước. Ngài xin ta cho Ngài nước uống, vì Thiên Chúa khao khát chúng ta” (GLCG # 2560).

  1. Nước vọt lên đem lại sự sống đời đời” (Ga 4,14).

Những cuộc gặp gỡ đối thoại với Nicôđêmô,Matta và Maria, Lêvi, Giakêu… Chúa Giêsu đều giúp họ thay đổi cuộc đời.

Bài tường thuật cho thấy một quá trình thay đổi nhận thức của người phụ nữ về Chúa Giêsu. Trước hết chị ta nhận thấy Chúa Giêsu là một khách bộ hành lạ mặt, một người Do Thái (câu 9). Nhưng khi Chúa Giêsu tỏ ra thấu hiểu cuộc đời riêng tư của chị, thì chị nhận ra đó là một vị Ngôn Sứ (câu 19). Cuối câu chuyện, chị được biết thêm Ngài là Đấng Kitô (c.25–26). Sau đó dân làng Samaria tuyên xưng “Người thật là Đấng cứu độ trần gian” (c.42). Người phụ nữ Samaria cũng thay đổi trong ngôn ngữ khi nói chuyện với Chúa. Lúc đầu chị gọi Chúa Giêsu là Ông, kế đó là Thưa Ngài, rồi từ việc nhận thức Ngài là một tiên tri đến Đấng Thiên Sai.

Khi đã khám phá được con người của Chúa Giêsu, người phụ nữ Samaria cũng khám phá ra được thứ nước mà Ngài muốn ban tặng. Lúc đầu, khi nghe nói đến nước, người phụ nữ nghĩ tới thứ nước trong giếng Giacóp. Nhưng rồi, từ thứ nước bên ngoài ấy, Chúa Giêsu đã dẫn người phụ nữ đi tìm thứ nước nằm ngay trong lòng con người, thứ nước đem lại sự sống đời đời. Thứ nước ấy chính làThần khí và Sự thật.

Giống như Philipphê khi đã gặp được Chúa Giêsu liền đi tìm Nathanaen để loan báo Tin Mừng; Bà Maria Mađalêna đã vội vã đi tìm các môn đệ và loan báo là đã gặp thấy Chúa; Người phụ nữ Samaria không còn quan tâm đến giếng nước và vò nước nữa, chị chạy một mạch về làng, thông báo về nước hằng sống vừa khám phá: “Đến mà xem: có một người đã nói với tôi tất cả những gì tôi đã làm. Ông ấy không phải là Đấng Kitô sao?”. Mọi người tin lời chị, họ đến gặp Chúa Giêsu và họ cũng tin Chúa. Sau khi gặp Chúa, người phụ nữ đã tin và làm chứng cho Chúa giữa những người Samaria trong làng. Chị đã dẫn đưa bà con trong làng đến gặp Đức Kitô, nguồn nước hằng sống. Dân làng sau khi gặp Chúa, đã xin Chúa ở lại với họ, và hân hoan tuyên xưng rằng: “Không còn phải vì lời chị kể mà chúng tôi tin. Quả thật, chính chúng tôi đã nghe và biết rằng Người thật là Đấng cứu độ trần gian”.

  1. “Thờ phượng trong thần khí và sự thật” (Ga 4,23).

Trong bài đọc II, thánh Phaolô so sánh ơn Chúa Thánh Thần với một thứ nước kỳ diệu mà Thiên Chúa đổ vào lòng các tín hữu. Đó là Thánh Thần tình yêu. Thánh nhân viết: “trông đợi như thế (nghĩa là trông đợi hưởng vinh quang với Chúa), ta sẽ không thất vọng, vì Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần Người ban cho ta”.

Nước Hằng Sống mà Chúa Giêsu ban tặng chính là Thánh Thần tình yêu. Từ nay nhân loại thờ phượng Thiên Chúa trong thần khí và sự thật. Để giải thích điều này, Chúa Giêsu nói: “Thiên Chúa là thần khí, và những kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong thần khí và sự thật”. Nếu Thiên Chúa là thần khí, thì để gặp Ngài, con người cũng phải dùng thần khí của mình tức tâm hồn mình để gặp Ngài. Vì chỉ có thần khí mới gặp được và hòa nhập được với thần khí. Như vậy nghĩa là phải gặp Ngài trong chính tâm hồn mình. Thật vậy, nơi dễ gặp gỡ Thiên Chúa nhất, chính là cung lòng của mỗi người chúng ta. Không gì linh thánh bằng con người, hay tâm hồn con người, vì “con người là hình ảnh của Thiên Chúa” (St 1,26-27; 9,6; Kn 2,23). Và cũng không nơi nào linh thiêng bằng cung lòng con người: “Nào anh em chẳng biết rằng anh em là Đền Thờ của Thiên Chúa, và Thánh Thần Thiên Chúa ngự trong anh em sao? Đền Thờ Thiên Chúa là nơi thánh, và Đền Thờ ấy chính là anh em” (1Cr 3,17; 6,19). Có gặp được Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình, thì mới có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong Thánh Thể, trong nhà thờ, trong tha nhân, trong thiên nhiên. Thiên Chúa ở ngay cung lòng mình mà mình không gặp được, thì mong gì gặp được Thiên Chúa ở bên ngoài. Thánh Augustinô đã từng than thở: “Con đã tìm Chúa ở ngoài con, nên con đã không gặp được Chúa của lòng con”. Muốn thật sự gặp gỡ Thiên Chúa, còn phải gặp Ngài trong sự thật. Thiên Chúa của chúng ta là Thiên Chúa của sự thật, vì thế, người gian dối, không thành thật thì không thể gặp được Ngài.

Lời mạc khải của Chúa Giêsu bên giếng Giacóp mời gọi chúng ta hãy tôn thờ Thiên Chúa Ba Ngôi. Thờ phượng “trong thần khí” là thờ phượng theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần; thờ phượng “trong sự thật” là thờ phượng với tâm tình kết hợp với Chúa Giêsu, Đấng là Đường là Sự Thật và là Sự Sống. Thờ phượng Chúa Cha, dưới tác động của Chúa Thánh Thần và được nuôi dưỡng bằng mọi chân lý đến từ Chúa Giêsu. Khi tụ họp với nhau hay khi làm việc thờ phượng cách riêng rẽ, chúng ta đều được Thánh Thần trợ giúp để có thể cầu nguyện, ngợi khen, thờ phượng, cảm tạ, tuyên xưng Chúa Kitô và Thiên Chúa.(x. Ep 5,18-20; 6,18; Rm 8,26-27; Cl 3,16-17).

Hãy tin vào Chúa Giêsu để lãnh nhận nước hằng sống, hầu mang lại sự sống đời đời là chính là Thánh Thần tình yêu của Thiên Chúa. Tin là gặp gỡ Chúa Giêsu như người phụ nữ Samaria và những người đồng hương của chị đã gặp và đã khám phá ra nguồn nước trường sinh. Niềm tin vào Chúa Giêsu là điều kiện cần thiết để được ơn cứu độ, và niềm tin ấy là hoa quả của Thánh Thần (x. Ga 5,22; 1Cor 1,9). Con người có niềm tin viên mãn cũng là con người đầy Thánh Thần (Cv 6,5; 11,24). Sứ vụ của Thánh Thần là củng cố, làm cho niềm tin phát triển và trở nên viên mãn. Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô là Con Thiên Chúa.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con luôn biết khao khát, tìm kiếm và sống các mầu nhiệm đức tin trong cuộc sống hằng ngày. Amen.

 Về mục lục