Các bài suy niệm Chúa Nhật 29 Thường Niên_A và Khánh Nhật Truyền Giáo

95

Chúa Nhật XXIX thường niên và Khánh Nhật Truyền Giáo
Lời Chúa:
Is 45, 1. 4-6; Tv 95, 1 và 3. 4-5. 7-8. 9-10a và c; 1 Tx 1, 1-5b; Mt 22, 15-21

Is 60, 1-6; Tv 18, 2-3. 4-5; 1 Tm 2, 1-8; Mt 28, 16-20
**********

Untitled 1

 

Mục lục

1. Theo đạo nhờ gương sáng   (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

2. Thầy ở cùng các con   (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

3. Sứ mạng loan báo Tin mừng   (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí. Gp. Xuân Lộc)

4. Sở hữu  (Trầm Thiên Thu)

5. Truyền giáo là ra đi  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

 

THEO ĐẠO NHỜ GƯƠNG SÁNG

Trong bộ phim Tiểu Sử Thánh Têrêxa thành Lisieux đạo diễn đã chọn nữ diễn viên Lindsay Younce thủ vai Têrêxa. Điều đáng nói là sau khi hoàn thành bộ phim, nữ diễn viên ngoại đạo này đã xin theo đạo Công Giáo.

 Cô nói: “Quá trình trở lại đạo Công Giáo của tôi đã bắt đầu ngay trước lúc tôi khởi sự cuốn phim, tuy nhiên tôi đã đợi cho xong phim rồi mới hòan thành quá trình đó. Tôi nghĩ rằng việc được biết thánh Têrêxa đã dẫn tôi tới nhiều khía cạnh của đức tin công giáo mà tôi chưa được làm quen, đặc biệt là niềm vui phát sinh từ đau khổ khi bạn dâng nó lên Thiên Chúa như một của lễ. Bạn xin cho được đau khổ, bạn thấy vui trong đau khổ và đó có thể là những điều nhỏ mọn mà bạn tiến dâng lên mỗi ngày”.

Điều mà cô cảm phục chính là thái độ sống nhịn nhục và phục vụ ân cần của thánh Têrêxa với nữ tu già Augustine. Một người nữ tu rất khó thương, thế mà thánh nữ vẫn yêu thương và biến hành vi ấy thành của lễ cứu độ trần gian để rồi thánh nữ đã có thể nói: “Nếu có tình yêu thì dù cúi xuống nhặt một cái kim cũng đủ cứu độ thế giới. Và ngài cũng nói: “ơn gọi của ngài là tình yêu”.

Ở đời người ta rất cần gương sáng. Gương sáng của người vợ có thể biến đổi người chồng nghiện ngập sa đọa thay đổi đời sống. Gương sáng của cha mẹ sẽ dẫn dắt con cái đi trong chân thiện mỹ. Gương sáng của người tín hữu có thể biến đổi người lương dân và giúp họ đón nhận tin mừng.

Nữ diễn viên Younce đã được ơn theo đạo Công Giáo nhờ đọc tiểu sử và nhập vai thánh Têrêxa, và có lẽ đời sống của chúng ta nếu sống đúng tinh thần ky-tô hữu là sống cho tình yêu thì chắc chắn sẽ mang về cho Chúa biết bao linh hồn.

Nhưng đáng tiếc, vì cuộc sống phản chứng của chúng ta đã khiến bao người lương dân ngã lòng, thất vọng khi chúng ta sống thiếu công bình, bác ái, yêu thương. Đôi khi chúng ta còn gây nên những bất đồng, khổ đau cho tha nhân như Đức Thánh Giáo hoàng Gioan Phaolo đã từng đại diện cho toàn thể Giáo hội xin lỗi anh em lương dân vì đời sống phản chứng Tin Mừng.

Hôm nay lễ Khánh nhật truyền giáo là dịp cho chúng ta xác định ơn gọi của chúng ta là truyền giáo. Giáo hội Chúa Ky-tô thiết lập để sai đi truyền giáo. Người ky-tô hữu là chi thể của Giáo hội cũng phải biết cộng tác vào chương trình truyền giáo theo khả năng và hoàn cảnh của mình. Mỗi người có thể là tay chân, là môi miệng, là mắt, là tai . . . đều phải tỏa sáng Tin mừng trong khả năng của mình.

Có thể bạn là người nghèo thì hãy sống khó nghèo, đừng vì nghèo mà sinh đạo tặc hay sống xa lánh Giáo hội. Hãy làm chứng cho thế giới biết rằng cuộc đời chỉ là một hành trình tiến về Thiên Quốc là nơi không còn đau khổ bởi đói, bởi hận thù chiến tranh, thế nên chúng ta hãy tin tưởng và bước đi trong hoàn cảnh của mình.

Có thể bạn là người giầu có, quyền thế hãy biết tạn dụng ơn huệ Chúa ban để tôn vinh Chúa qua đời sống chia sẻ, cảm thông với những mảnh đời bất hạnh.

Có thể bạn là người bệnh tật hay già nua, hãy dâng nỗi đau phần xác của mình để cầu nguyện cho Giáo hội, hãy cầu cho Giáo hội của Chúa có nhiều thợ lành nghề để mở mang Nước Chúa.

Có thể bạn là người khỏe mạnh, hãy cảm tạ Chúa bằng chính đời sống dấn thân cho Tin Mừng tùy theo khả năng của mình.

Người ta nói rằng bạn chỉ có thể làm gương sáng nếu biết đặt tình yêu vào công việc của mình. Không có tình yêu sẽ không có những nghĩa cử đẹp cho đời. Không có tình yêu chúng ta sẽ biến môi trường sống cả mình thành một sa mạc khô cằn. Chỉ có trong tình yêu chúng ta mới hết lòng quan tâm, chia sẻ và làm điều gì đó cho tha nhân.

Ước gì chúng ta luôn biết yêu mến Giáo hội, yêu mến công việc của Giáo hội để tùy theo hoàn cảnh chúng ta trở thành chứng nhân cho Nước Chúa. Amen.

Về mục lục

.

THẦY Ở CÙNG CÁC CON

Sợ đau, sợ khổ, sợ cô đơn, sợ chết…, không phải là những cái sợ vu vơ, khó hiểu. Ham vui, muốn trẻ mãi không già, muốn hạnh phúc đời đời, đó là sự thật, tính chất tự nhiên của con người là thế. Có tài mà không được trọng dụng, có tình mà không được hả hê (Nguyễn Du), ở hoàn cảnh như vậy thì thật là tiếc ! Có sức khỏe, có khả năng hiểu biết mà không thể chia sẻ, thì hổ thẹn với đời, có lỗi với tổ tiên, dòng tộc. Chẳng ai thích ăn “bánh vẽ”, cũng không ai muốn tiêu tiền “âm phủ”; dù thèm được khen, khao khát được yêu, nhưng mọi người đều chán ghét những lời hứa hẹn suông !

Truyền giáo, không phải là điều mới mẻ đối với người Kitô hữu, đâu phải là nhắc lại một mệnh lệnh của Thầy Giêsu, cũng chẳng phải là một việc làm phi thường, để rồi ta rên than không biết truyền giáo hoặc hô lên như một khẩu hiệu. Các môn đệ của Đức Giêsu xưa kia cũng ham hố sự đời, các ông sợ đủ điều, muốn né tránh tất cả và quên đi càng nhanh càng tốt khi phải chứng kiến Thầy Giêsu đã chết trên thập giá.

Nói về truyền giáo, người Kitô hữu đều biết đó là bản chất của Hội Thánh. Chi tiết hơn, lý do tại sao tỉ lệ người tin Chúa, xin theo Chúa lại khiêm tốn ? Nhiều người tín hữu thản nhiên trả lời vì theo Chúa khó quá, hãy hỏi các nhà truyền giáo, hỏi những vị linh mục, ắt sẽ rõ ! Khi nhìn lại các học trò của Đức Giêsu, hẳn đã có lần chúng ta thắc mắc, vì sao Thầy Giêsu lại sử dụng những con người chài lưới ít học làm việc truyền giáo ? Không thể hiểu nổi những con người tật nhiều hơn tài, sao các ông dám nhận mệnh lệnh đi rao giảng cho muôn dân, làm phép rửa cho họ nhân danh Cha và Con và Thánh Thần ?

Để lý giải phần nào về tình yêu của Thiên Chúa, tiên tri Isaia đã loan báo từ xa xưa về ngày giờ của Chúa, ngày mà khắp muôn dân thiên hạ sẽ không còn chiến tranh, mọi người sẽ lên Núi Chúa, nhận ra nguồn ánh sáng ơn cứu độ phát xuất từ Đấng Tối Cao. Để tiếp nối truyền thống của cha ông, Thánh Phaolô nói với người con Timôthê hãy tạ ơn Chúa thay cho mọi người, vì đó là điều đẹp lòng Đấng Cứu Độ chúng ta là Thiên Chúa. Đấng là trung gian giữa Thiên Chúa và loài người, chính là Đức Giêsu, Người đã phó mình làm giá cứu chuộc thay cho chúng ta.

Trong tương quan xã hội, những người khó tính, dễ nổi nóng…., vẫn bị gán cho là người thiếu bình tĩnh nên mới phản ứng tức thời như vậy ! Vì sao ta không thể cùng nhau lên Núi Chúa, không thể nghe hiểu kinh nghiệm của Phaolô : Đức Giêsu chính là Thiên Chúa Cứu Độ ! Vì sao ta thấy khó khăn trong việc thực thi mệnh lệnh truyền giáo? Hy vọng câu trả lời rõ hơn cho chúng ta chính là lời Chúa Giêsu nói hôm nay: “Thầy sẽ ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Đúng, có lý lắm ! Nếu không có tình yêu, không có sự hiện diện của Chúa Giêsu, các tông đồ làm sao mà chu toàn, hay có thể thực hiện lệnh truyền của Thầy mình. Không thầy đố mày làm nên.

Cảm nhận được tình yêu của Đức Giêsu hiện diện, các tông đồ đã theo chủ chương xây dựng đền thờ tâm hồn, các ông hết lòng chia sẻ những gì mà các ông có. Yếu tố đầu tiên giữa tình thầy trò là liên kết chặt chẽ trong nguyện cầu, vì người loan báo Tin Mừng không nhất thiết phải là người thông minh xuất chúng, bằng cấp cao, mà cần có một trái tim biết yêu thương, có tâm hồn rộng mở.

Nếu muốn thực thi lệnh truyền của Thầy mình cách tốt nhất, có thể không cần phải đi khắp tứ phương thiên hạ loan báo Tin Mừng, nhưng nhất định phải là người có sự sống của Chúa trong mình. Chúa Giêsu xưa kia tin tưởng các học trò, yêu thương ban bình an để các ông bớt sợ hãi…, dấu chỉ mà ta có thể thấy trong cuộc sống chứng nhân của mỗi vị tông đồ là “có Thầy Giêsu ở cùng các ông”. Ngày hôm nay Chúa Giêsu vẫn tin tưởng Giáo Hội, Chúa đồng hành và cho ta có dịp để cộng tác, để truyền giáo với những điều kiện, khả năng riêng thật phong phú nhưng vẫn trong một niềm tin : “Thầy ở cùng các con…”.

Nếu người tín hữu thiếu tình yêu, không có sự hiện diện của Chúa nơi tâm hồn, làm sao có thể chu toàn được bổn phận của mình. Phó thác việc truyền giáo cho Giáo Hội cho một vài cá nhân, là thiếu sót, hoặc nghĩ truyền giáo là đóng góp một chút vào giỏ nhà thờ là ổn, hay cứ cầu nguyện là đủ, hẳn sẽ là sai lầm đáng tiếc. Sống tinh thần truyền giáo, sống chứng nhân đức tin đâu phải chỉ hô khẩu hiệu trong Chúa Nhật hôm nay, mà ta còn phải thực hiện từng ngày, từng giờ, bao lâu chúng ta vẫn được gọi là Kitô hữu, thế mới là công bằng tình yêu thương trong Đức Kitô Giêsu.

Dư luận từ xa xưa rất ngại khi phải nghe “có tiếng mà không có miếng” ; còn trong giáo dục thời nay, ai cũng sợ “bệnh thành tích”, làm thì láo nháo, báo cáo thì thật hay. Dù lắm tài hay nhiều đức, dù tốt hay xấu, được tiếng là thùng kêu to hay kêu nhỏ, ai mà không sợ giả dối, ai mà chẳng mưu cầu cho mình đạt đến niềm vui thật. Trong xử thế, kẻ khôn ngoan là người được tham vấn nhiều hơn cả; còn thành phần được xem là hạnh phúc chỉ cần một yếu tố quan trọng : có tình yêu trong cách cư xử. Hy vọng cuộc sống có khó khăn hay vừa đủ, mệnh lệnh truyền giáo vẫn không làm chúng ta nhát sợ, hay chùn bước, vì tình yêu của Chúa luôn nói rõ với chúng ta : “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế”. Amen.

 Về mục lục

.

SỨ MẠNG LOAN BÁO TIN MỪNG

Trong Tông huấn Niềm Vui Tin Mừng, Đức Thánh Cha Phanxicô nhấn mạnh đến một xu hướng đang tác động trên Giáo hội và đời sống của con người, đó là trào lưu tục hóa. Trào lưu này đang ăn xen vào tất cả mọi lãnh vực đời sống của Giáo Hội, đang ảnh hưởng xấu đến hết mọi người từ giáo sĩ, tu sĩ đến giáo dân. Nó là lực cản khiến chúng ta bị trì kéo lại trước lời mời gọi canh tân của Tin Mừng. Trào lưu này biến những điều thánh thiêng thành phàm tục, hay nói đúng hơn, nó đem những cách suy nghĩ, ứng xử phàm tục vào trong lãnh vực thánh thiêng, biến cuộc sống của con người nên pha tạp, dễ dãi ; biến tôn giáo và những điều thánh thiêng trở thành một mớ hỗn tạp, tầm thường. Trào lưu này nó cũng làm cho người ta có cái nhìn lệch lạc, nhìn Giáo hội chỉ còn như một tổ chức dân sự, nhìn giáo xứ như một cơ quan hành chánh, nhìn các việc phụng tự như những lễ nghi cúng bái.

Cũng thế, sự tục hóa ảnh hưởng trên các linh mục, tu sĩ, khiến nhiều người đánh mất chiều khích thánh thiêng của ơn gọi để chạy theo lối sống hưởng thụ của người đời, tìm kiếm vật chất nhiều hơn tìm kiếm các linh hồn. Trào lưu tục hóa biến các linh mục, tu sĩ trở thành như công chức hoặc như giai cấp trung lưu. Nó cũng làm cho người giáo dân coi những việc đạo đức, phụng vụ như một thứ bùa chú, hay như một show diễn nhàm chán. Vì thế, người tín hữu đến nhà thờ như chỉ để xem, để cầu lợi, hoặc để chạy chọt, như thể đút lót với thần linh.

Những người biệt phái trong câu chuyện hôm nay muốn giăng ra cho Chúa Giêsu một cái bẫy, mà theo họ nghĩ, Chúa Giêsu sẽ bị sập một trong hai đầu của cái bẫy đó. Họ sai người đến với Chúa Giêsu và đặt vấn đề : Chúng tôi biết Thầy là người chân thật, không vị nể ai… Vậy xin Thầy cho biết : Có được phép nộp thuế cho Cesare hay không ? Chúng ta còn nhớ, vào thời Chúa Giêsu, người Rôma đang đô hộ đất Do Thái. Người Do Thái coi hoàng đế Cesare như kẻ xâm lược. Với câu hỏi của những người Biệt Phái, nếu Đức Giêsu trả lời “không”, thì những người này sẽ ghép Chúa Giêsu vào tội chống lại hoàng đế Lamã, có thể tố cáo Ngài như một kẻ phản loạn, như thế, Chúa sẽ không tránh khỏi sự trừng trị của người Lamã. Nếu Đức Giêsu trả lời “có”, thì những người Do Thái sẽ kết án Ngài là kẻ thân với ngoại bang, cộng tác với ngoại bang để thu thuế dân mình. Như thế, những người Do Thái sẽ phản đối và tẩy chay Ngài.

Trước một cái bẫy nguy hiểm như vậy, Chúa Giêsu đã không trả lời “có”, cũng không trả lời là “không”. Ngài yêu cầu họ : Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế. Ngài hỏi họ : hình và huy hiệu trên đồng tiền là của ai ? Họ đáp : Của Cesare. Từ đó, Chúa Giêsu đưa ra ý kiến của Ngài : Của Ceare, hãy trả cho Cesare ; của Thiên Chúa, hãy trả về cho Thiên Chúa. Khi nói như thế, Chúa không nhắm vào đồng tiền cho bằng nhắm vào thái độ của những người sử dụng những đồng tiên đó ; hơn nữa, Ngài nhắm vào thái độ sống của những người Biệt Phái. Những người này, mặc dù tự cho mình là quý tộc, là những người đạo đức, có thế giá trong dân, nhưng họ đã để đời sống mình lẫn lộn những giá trị trần thế và những giá trị thiêng liêng.

Điều Chúa mong muốn là một đời sống đức tin tinh ròng, một lòng yêu mến chân thật đối với Thiên Chúa, chứ Thiên Chúa không muốn một lối sống giả hình, che đậy con mắt người đời, còn bên trong thì trống rỗng, vô hồn. Trong khi đó, những người Do Thái là dân thuộc về Thiên Chúa, được chọn làm dân riêng, nhưng họ lại luôn chạy theo lối sống của dân ngoại. Họ sống đạo theo kiểu nước đôi, vừa thờ Thiên Chúa, nhưng cũng lại cúng bái các thần minh khác. Là dân của Thiên Chúa, là những người đứng đầu trong dân, đáng lẽ Luật sĩ và Biệt phái phải là những người có đời sống đạo đức chuẩn mực, trung thành với giới răn, lề luật của Thiên Chúa ; nhưng trái lại, họ lại chạy theo, tìm kiếm của cải vật chất, và để có nhiều của cải vật chất, họ thỏa hiệp với sự gian tham, dối trá, bất công.

Trong khi đó, vào thời lưu đày, Thiên Chúa đã dùng một ông vua dân ngoại để thể hiện sự công minh, chính trực của Ngài. Vua Kyrô được nhắc đến trong sách Isaia là một minh họa cho thấy Thiên Chúa đón nhận sự thành tâm thiện chí của con người, và còn ban ơn phù trợ để cho con người biết sống theo lẽ phải, dù người ấy là những người chưa biết Chúa. Kyrô vua Ba Tư lên làm vua, mặc dù ông chưa biết Thiên Chúa của Israel là ai, nhưng ông biết rằng Israel là của Thiên Chúa được tôn thờ tại Giêrusalem, mà vua cha của ông đã bắt họ đi lưu đày. Ông tỏ lòng tôn kính Vị Thiên Chúa của Israel bằng cách trả lại tự do cho Israel, cho họ được trở về Giêrusalem tái thiết lại đất nước. Ông còn hỗ trợ cho cuộc trở về của họ bằng nhiều tiền bạc, gỗ quý để dựng lại đền thờ Giêrusalem.

Chính vì vua Kyrô có một tâm hồn biết nhận ra lẽ phải, và thực hiện điều được Thiên Chúa thúc đẩy như thế, nên ông cũng được coi như những con người thuộc về Thiên Chúa, được Thiên Chúa tuyển chọn và dùng để phục vụ cho kế hoạch của Ngài. Tiên tri Isai đã dùng những lời lẽ hết sức tốt đẹp để nói về vị vua này, và coi ông như một tôi tớ của Thiên Chúa, như kẻ được xức dầu, như là tiền thân của Đấng Mêshia, Đấng sẽ giải phóng nhân loại khỏi cảnh nô lệ.

Của Cesare hãy trả cho Cesare, của Thiên Chúa, hãy trả cho Thiên Chúa. Nói như thế, không có nghĩa là Thiên Chúa đòi lại những gì Ngài đã ban tặng cho con người. Nhưng ở đây, Chúa Giêsu muốn chúng ta phân biệt rạch ròi những gì thuộc về Thiên Chúa và những gì là của thế gian, và những gì Thiên Chúa mong muốn ở nơi mỗi người chúng ta. Theo Thánh Phaolô, mỗi chúng ta nhờ ơn của Bí tích Rửa tội, chúng ta thuộc trọn về Thiên Chúa, là những người được Chúa yêu thương. Chúng ta cần ý thức được phẩm giá và ơn gọi cao quý này, để mỗi người sống cho đúng với phẩm giá ấy. Vì thuộc về Thiên Chúa, chúng ta được mời gọi sống và làm việc cho Thiên Chúa và vì Thiên Chúa.

Như đã gợi lên ở trên, trào lưu tục hóa đang ảnh hưởng trên chúng ta, khiến cho con người cào bằng những giá trị trần thế với những giá trị nước trời, coi đời sống thánh thiện cũng không khác gì lối sống phàm tục. Cũng vì thế khiến cho nhiều người đánh mất khả năng chọn lựa ưu tiên cho Thiên Chúa và giá trị nước trời để chỉ lo tìm kiếm những giá trị trần thế. Đây cũng là một trong những lý do khiến cho người tín hữu mất đi sự nhiệt tình loan báo Tin Mừng, đồng thời cũng cản trở khiến cho người dân ngoại không thể khám phá ra những vẻ đẹp và niềm vui Tin Mừng của Thiên Chúa.

Hãy trả lại cho Thiên Chúa vẻ đẹp, quyền năng và sự thánh thiện, mà chúng ta đã làm lu mờ hoặc bôi bẩn bởi chính lối sống lười biếng, tội lỗi, gương xấu của chúng ta. Hãy trả lại cho Ngài sự phụng thờ xứng đáng mà mỗi tạo vật phải dâng về Ngài. Hãy gỡ bỏ mọi rào cản là tội lỗi, những trở ngại là lối sống bất công, để giúp cho mọi người chung quanh khám phá ra Thiên Chúa qua chính con cái của Ngài. Mỗi chúng ta còn được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, vì thế hãy làm cho gương mặt của Thiên Chúa nơi chúng ta được tỏa sáng qua đời sống hiền lành, khiêm nhường, nhân ái, bao dung.

Chúng ta thuộc về Thiên Chúa, từ thân xác, hơi thở đến khả năng, trí tuệ, sức khỏe cùng mọi điều kiện cũng như cơ hội, hoàn cảnh hiện tại.Vì thế, hãy trả lại cho Thiên Chúa tâm tình yêu mến, biết ơn, thảo hiếu của chúng ta. Hơn thế nữa, khi chúng ta rơi vào vòng vây và sự trói buộc của ma quỷ và tội lỗi, thì Thiên Chúa đã trao tặng Con của Ngài là Chúa Giêsu cho chúng ta. Ngài đến để dạy chúng ta biết cách sống cho xứng hợp và chỉ cho ta con đường về trời. Vì thế, hãy đáp trả Thiên Chúa bằng việc đón nhận Chúa Giêsu và Tin Mừng của Ngài, quyết tâm lắng nghe và sống những điều Chúa Giêsu chỉ dạy chúng ta.

Gia đình chúng ta được dựng nên theo hình ảnh của gia đình Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, hãy đặt gia đình mình vào đúng vị trí và ơn gọi mà Thiên Chúa trao, làm cho gia đình mình trở thành một cộng đoàn hiệp thông, yêu thương và chia sẻ, bằng cách loại bỏ sự giận hờn, nóng nảy, chửi bới, để thay vào đó bằng sự quan tâm, thông cảm và bao dung. Các bậc vợ chồng, cha mẹ hãy trả lại cho đời sống hôn nhân gia đình sự trong sáng, thánh thiện thuở ban đầu mà Thiên Chúa đã muốn trao ban cho hôn nhân. Con cái là quà tặng của Thiên Chúa, vì thế hãy biết tôn trọng, bảo vệ và làm cho quà tặng này được lớn lên và ngày càng phát triển tốt đẹp hơn.

Thân xác chúng ta là đền thờ của Chúa Thánh Thần, vì thế các bạn trẻ hãy trả lại vẻ đẹp và sự thánh thiện của đền thờ Thiên Chúa nơi tâm hồn và thân xác mỗi chúng ta. Đừng để tâm hồn và thân xác chúng ta trở thành phương tiện cho ma quỷ, dục vọng sử dụng. Trái lại, hãy hãy làm cho linh hồn và thân xác chúng ta ngày càng trở nên đẹp hơn nhờ ánh sáng Lời Chúa, và nhất là nhờ sự hiện diện thường xuyên của Chúa Giêsu Thánh Thể.

Khi mỗi Kitô hữu biết đặt thế gian vào đúng vị trí của nó, và đặt Thiên Chúa vào vị trí ưu tiên tuyệt đối của Ngài trong cuộc đời, chúng ta sẽ làm cho vinh quang của Thiên Chúa được tỏa chiếu đến với những người chung quanh. Như thế là chúng ta thực hiện công cuộc loan báo niềm vui của Tin Mừng cứu độ cho thế giới. Amen.

Về mục lục

.

SỞ HỮU

Không ai lại không có gì sở hữu, hiểu đơn giản là quyền làm chủ. Đó là quyền cơ bản nhất của mỗi con người. Về tài chính, người ta còn có “quyền sở hữu chéo” (ngân hàng này sở hữu ngân hàng khác, doanh nghiệp này sở hữu một doanh nghiệp khác,… mối quan hệ vừa trực tiếp vừa gián tiếp – khái niệm này xuất hiện từ thập niên 1980).

Thiên Chúa ban cho chúng ta thời gian và quyền tự do, chúng ta được quyền sở hữu đó, nhưng chúng ta không làm chủchỉ quản lý. Chúa Giêsu đã nói rõ: “Chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3:27). Thật vậy, khi nói về một tài năng nào đó, người ta dùng chữ “thiên phú” – tức là “trời cho” đó thôi. Tác giả sách Giảng Viên cảm nhận: “Tôi nhận ra rằng mọi sự Thiên Chúa làm sẽ tồn tại mãi mãi. Không có gì để thêm, chẳng có gì để bớt. Thiên Chúa đã hành động như thế để phàm nhân biết kính sợ Người” (Gv 3:12-14). Vấn đề quan trọng là người nào đó có tài năng mà còn “biết kính sợ Chúa” hay không, có biết khiêm nhường hay không. Ảo tưởng là “chết chắc”!

Đức Chúa phán với kẻ Ngài đã xức dầu là vua Kyrô: “Ta đã cầm lấy tay phải nó, để bắt các dân tộc suy phục nó, Ta tước khí giới của các vua, mở toang các cửa thành trước mặt nó, khiến các cổng không còn đóng kín nữa” (Is 45:1). Ngài giải thoát ai, người đó thuộc quyền sở hữu của Ngài. Chúng ta cũng được Thiên Chúa cứu độ bằng Giá Máu của Đức Giêsu Kitô, Con Một Yêu Dấu của Ngài, vậy chúng ta cũng thuộc về Thiên Chúa, thuộc về Đức Kitô, thuộc dòng dõi Áp-ra-ham và được thừa kế (Gl 3:29). Mà những ai thuộc về Thiên Chúa thì phải vâng lời Ngài (Ga 8:47). Đó mới là vấn đề!

Thiên Chúa giải thích: “Vì lợi ích của tôi tớ Ta là Giacóp, và của người Ta đã chọn là Ít-ra-en, Ta đã gọi ngươi đích danh, đã ban cho ngươi một tước hiệu, dù ngươi không biết Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác; chẳng có ai là Thiên Chúa, ngoại trừ Ta. Dù ngươi không biết Ta, Ta đã trang bị cho ngươi đầy đủ, để từ Đông sang Tây, thiên hạ biết rằng chẳng có thần nào khác, ngoại trừ Ta. Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác” (Is 45:4-6). Thiên Chúa nhấn mạnh tính cao cả duy nhất của Ngài bằng cách lặp đi lặp lại: “Ta là Đức Chúa, không còn chúa nào khác”. Điều đó chứng tỏ rằng chúng ta chỉ được phép tôn thờ một mình Ngài. Và thật diễm phúc, chúng ta đã nhận ra điều này, để rồi chúng ta đang tôn thờ Ngài và không ngừng nỗ lực học bài học yêu của Ngài. Cũng như dân Ít-ra-en, chúng ta được trở nên dân riêng của Ngài.

Trước đó, Thiên Chúa cũng đã động viên và xác nhận với dân Ít-ra-en: “Đừng sợ, vì Ta đã chuộc ngươi về, đã gọi ngươi bằng chính tên ngươi: ngươi là của riêng Ta!” (Is 43:1). Ngài cũng đang nói với chúng ta như vậy. Dân Ít-ra-en là “vật sở hữu” của Thiên Chúa, chúng ta cũng thế. Ngày nay cũng có những thứ thuộc về Thiên Chúa, tương tự như Dân Riêng vậy, thuộc quyền sở hữu của Ngài. Ai dám liều mạng mà “đụng chạm” đến những gì của Chúa thì “kẹt lắm” đấy!

Ở dưới bầu trời này, mọi sự đều có lúc, mọi việc đều có thời. Ngay cả chuyện ăn uống và hưởng những thành quả do công lao khó nhọc mình làm ra, tức là tận hưởng những gì mình sở hữu, đó đã là một món quà Thiên Chúa ban tặng rồi (x. Gv 3:1-12). Vâng, tất cả chỉ là phù vân, chúng ta “chẳng khác chi con vật một ngày kia phải chết” (Tv 49:13), chẳng có gì bền vững, chỉ có Thiên Chúa là Đấng vạn đại trường tồn (Tv 102:25). Biết mình hữu hạn, biết Chúa vô hạn, để mà hết lòng tôn thờ và tán tụng Thiên Chúa. Tác giả Thánh Vịnh mời gọi chúng ta: “Hát lên mừng Chúa một bài ca mới, hát lên mừng Chúa, hỡi toàn thể địa cầu!” (Tv 96:1).

Việc chúng ta ca tụng Chúa chẳng thêm gì cho Ngài, nhưng đem lại ơn cứu độ cho chúng ta (Kinh Nguyện Thánh Thể). Ca tụng Chúa không chỉ là trách nhiệm và bổn phận của chúng ta mà còn là niềm hạnh phúc cho chúng ta: “Hát lên mừng Chúa, chúc tụng Thánh Danh! Ngày qua ngày, hãy loan báo ơn Người cứu độ, kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển, cho mọi nước hay những kỳ công của Người. Chúa thật cao cả, xứng muôn lời ca tụng, khả tôn khả uý hơn chư thần, vì chư thần các nước thảy đều hư ảo, còn Đức Chúa, Người sáng tạo trời cao” (Tv 96:3-5). Ca tụng Chúa khi chúng ta may mắn, đó là điều dễ dàng, nhưng ca tụng Chúa ngay cả khi cuộc đời chúng ta không “xuôi chèo mát mái”, đó mới là điều khó thực hiện nhưng lại có giá trị cao.

Thiên Chúa ban cho chúng ta mọi thứ (vật chất và tinh thần) mà chúng ta cứ tưởng là “điều dĩ nhiên”, chúng ta không biết tạ ơn thì thôi, lại còn “so đo” vì cứ thưởng mình không được may mắn như người khác. Thật ra đó là ý mình, không phải Ý Chúa. Quả thật, Thiên Chúa luôn xứng đáng để chúng ta xưng tụng mọi nơi và mọi lúc: “Hỡi các dân các nước, hãy dâng Chúa quyền lực và vinh quang, hãy dâng Chúa vinh quang xứng danh Người. Hãy bưng lễ vật, bước vào tiền đình Chúa, và thờ lạy Chúa uy nghiêm thánh thiện, toàn thể địa cầu, hãy run sợ trước Thánh Nhan. Hãy nói với chư dân: Chúa là Vua hiển trị, Chúa thiết lập địa cầu, địa cầu chẳng chuyển lay, Người xét xử muôn nước theo đường ngay thẳng” (Tv 96:7-10).

Thiên Chúa sở hữu tất cả, chúng ta chẳng có gì. Vả lại, Chúa Giêsu đã xác định: “Không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15:5). Vậy vì cớ gì mà chúng ta lại không tôn vinh và không tạ ơn Thiên Chúa? Có ai đau khổ bằng ông Gióp? Thế mà trong lúc đau khổ đến tột cùng, mất hết mọi vật sở hữu, từ của cải tới con cái, nhưng ông Gióp vẫn “không hề phạm tội cũng không buông lời trách móc phạm đến Thiên Chúa” (G 1:22). Thiên Chúa đã nói với Satan về ông Gióp: Chẳng có ai trên cõi đất này giống như nó: một con người vẹn toànngay thẳng, kính sợ Thiên Chúalánh xa điều ác” (G 1:8). Một tấm gương to lớn và sáng chói để chúng ta soi vào. Cũng chưa đến nỗi nào mà chúng ta đã than trách đủ thứ. Còn lâu thật là lâu chúng ta mới có thể “xách dép” chạy theo Thánh Gióp. Thật vậy, vác thập giá đâu có sướng, đâu có nhàn, không thể cứ tà tà mà vác!

Bổn phận chúng ta không chỉ phải biết tạ ơn và cầu nguyện cho mình mà còn phải tạ ơn và cầu nguyện cho người khác, đồng thời còn phải biết cảm ơn nhau. Thánh Phaolô nói: “Chúng tôi hằng tạ ơn Thiên Chúa về tất cả anh em. Chúng tôi nhắc đến anh em trong lời cầu nguyện, và trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, chúng tôi không ngừng nhớ đến những việc anh em làm vì lòng tin, những nỗi khó nhọc anh em gánh vác vì lòng mến, và những gì anh em kiên nhẫn chịu đựng vì trông đợi Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô” (1 Tx 1:2-3). Tình liên đới Kitô giáo thật tuyệt vời!

Thánh Phaolô vừa giải thích vừa xác định: “Anh em là những người được Thiên Chúa thương mến, chúng tôi biết rằng Thiên Chúa đã chọn anh em, vì khi chúng tôi loan báo Tin Mừng cho anh em, không phải chỉ có lời chúng tôi nói, mà còn có quyền năng, có Thánh Thần, và một niềm xác tín sâu xa. Anh em biết, khi ở với anh em, chúng tôi đã sống thế nào để mưu ích cho anh em” (1 Tx 1:4-5). Thánh Phaolô nói với giáo đoàn Thêxalônica nhưng cũng là nói với chính chúng ta – mỗi người, mỗi gia đình, mỗi hội đoàn, mỗi giáo xứ, mỗi giáo phận, mỗi tu viện, mỗi chủng viện,…

Nhà có gia phong, nước có quốc pháp. Quốc gia nào cũng có hiến pháp – nhưng hiến pháp phải hợp lòng dân, không thể tự ý ra luật “tùy hứng” rồi bắt người khác thực hiện. Luật có sau con người. Luật vị nhân sinh, luật vì con người. Luật giúp con người sống tốt hơn và giúp duy trì trật tự. Nên giữ luật nhưng đừng câu nệ luật, cứng ngắc theo “chữ đỏ”. Tương tự, tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên. Trong ba người cùng đi cũng có một người là thầy, có khả năng hướng dẫn hai người kia, tức là có thể “làm luật”.

Trình thuật Mt 22:15-21 nói về việc sở hữu. Một hôm, những người Pharisêu đi bàn bạc với nhau, tìm cách làm cho Đức Giêsu phải lỡ lời mà mắc bẫy. Không chỉ vậy, họ còn cấu kết với phe Hêrôđê, ông vua nham hiểm và hèn nhát. Quả thật, họ sai các môn đệ của họ cùng đi với những người phe Hêrôđê đến nói với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và cứ sự thật mà dạy đường lối của Thiên Chúa. Thầy cũng chẳng vị nể ai, vì Thầy không cứ bề ngoài mà đánh giá người ta. Vậy xin Thầy cho biết ý kiến: có được phép nộp thuế cho Xêda hay không?” (Mt 22:16-17). Đó là những người “miệng nam-mô mà bụng một bồ dao găm”. Kinh khủng thật!

Tuy nhiên, vải thưa không thể che mắt thánh! Chúa Giêsu biết tỏng họ có ác ý, nên Ngài nói thẳng: “Tại sao các người lại thử tôi, hỡi những kẻ giả hình? Cho tôi xem đồng tiền nộp thuế!”. Họ thường xuyên bị Chúa Giêsu trách mắng thẳng mặt và nguyền rủa, thế mà họ vẫn cứ trơ trơ. Họ thản nhiên đưa cho Ngài một quan tiền. Ngài vừa chỉ đồng tiền vừa hỏi họ: “Hình và danh hiệu này là của ai đây?”. Họ đáp tỉnh queo: “Của Xêda”. Trơ trẽn thật đấy! Bấy giờ, Ngài bảo họ: “Thế thì của Xêda, trả về Xêda; của Thiên Chúa, trả về Thiên Chúa” (Mt 22:21). Cái gì của ai thì trả cho người đó. Câu trả lời của Chúa độc đáo quá! Nghe vậy, họ ngạc nhiên lắm, nhưng đành lẳng lặng bỏ đi!

Cái gì của người khác, tức là không thuộc quyền sở hữu của mình, chớ có “mong muốn” hoặc rờ tới. Điều mà Thiên Chúa đã nghiêm cấm trong Thập Giới: “Chớ lấy của người” và “chớ tham của người” (Giới Răn thứ bảy và thứ mười). Thế nhưng có một số người có khái niệm lệch lạc thế này: “Cho không lấy, thấy không xin, kín thì rình, hở thì rinh”. Nguy hiểm quá! Cuộc sống có nhiều dạng sở hữu, nhưng cần phải biết phân biệt rạch ròi: Cái gì thuộc về trần tục, và cái gì thuộc về tâm linh. Đừng lầm lẫn để rồi râu ông nọ lại đem cắm cằm bà kia. Vâng lời quyền bính thế gian cũng là vâng lời Thiên Chúa, nếu khoản luật đó hợp với công bình và bác ái.

Thánh Phaolô nói về nhà chức trách: “Làm điều thiện thì không phải sợ nhà chức trách, có làm điều ác mới phải sợ. Bạn muốn khỏi phải sợ chính quyền ư? Hãy làm điều thiện, và bạn sẽ được họ khen ngợi, vì chính quyền là người thừa hành của Thiên Chúa để giúp bạn làm điều thiện. Nhưng nếu bạn làm điều ác thì hãy sợ, vì họ mang gươm không phải không có lý do. Thật vậy, họ là người thừa hành của Thiên Chúa để giáng cơn thịnh nộ của Người xuống kẻ làm điều ác. Vì lẽ đó, cần thiết phải phục tùng, không những vì sợ bị phạt, mà còn vì lương tâm (Rm 13:3-5). Ở đây là “lương tâm ngay lành”. Cũng nên lưu ý loại “lương tâm chai cứng”, lệch lạc, không đủ mức phân biệt phải hoặc trái. Loại lương tâm này rất nguy hiểm, vì mất cảm thức tội lỗi. Những người thuộc tổ chức IS (Islamic State – Nhà nước Hồi giáo) giết người dã man vì họ cho đó là “điều chính nghĩa” (sic!). Thậm chí họ còn hành hạ cả các trẻ em vô tội. Mới đây, có khoảng 70.000 trẻ em bị hành hạ dã man. Niềm tin tôn giáo của họ lệch lạc nên họ bất nhân quá!

Thánh Phaolô đã dặn dò đệ tử Titô: “Anh hãy nhắc nhở cho ai nấy phải phục tùngtuân lệnh các nhà chức trách, các người cầm quyền, phải sẵn sàng làm mọi việc tốt, và đừng chửi bới ai, đừng hiếu chiến, nhưng phải hiền hoà, luôn luôn tỏ lòng nhân từ với mọi người” (Tt 3:1-2). Những mệnh lệnh cách rất mạnh mẽ, dù theo thể phủ định hoặc xác định!

Tất cả là phù vân. Mọi thứ sẽ qua đi. Ngay cả những gì sở hữu cũng không thuộc về chúng ta mãi mãi, kể cả sự sống: “Chúa lấy sinh khí lại, là chúng tắt thở ngay, mà trở về cát bụi” (Tv 104:29). Những gì chúng ta sở hữu và thuộc về chúng ta là nhân đức. Loại “vật sở hữu” này rất quan trọng, gọi là “công trạng”, vì đó sẽ là chứng cớ hùng hồn bênh vực cho chính chúng ta, chỉ nhờ đó mà chúng ta được trở thành Công Dân Nước Trời – dĩ nhiên trước tiên phải nhờ công cuộc cứu độ của Đức Giêsu Kitô. Có Chúa là có tất cả, Thánh Tiến sĩ Thomas Aquinas rất khôn ngoan khi cầu xin: “Con chỉ muốn Chúa thôi!”. Đó là điều duy nhất mà mỗi chúng ta phải nỗ lực để khả dĩ “sở hữu” mãi mãi!

Hôm nay là ngày Khánh nhật Truyền giáo, ngày cổ vũ ơn thiên triệu linh mục và dâng hiến, nói đơn giản là “ơn gọi đi tu”. Ngày Thế giới Truyền Giáo được Đức Piô XI khai sinh từ năm 1926, và theo truyền thống thường rơi vào Chúa Nhật áp chót của tháng 10, năm nay là ngày 19-10-2014. Hôm nay cũng là ngày tuyên Chân phước cho ĐGH Phaolô VI (triều đại giáo hoàng từ 21-6-1963 tới 6-8-1978), người được mệnh danh là “Giáo hoàng Trầm tư”.

Trong sứ điệp Khánh nhật Truyền giáo năm nay, ĐGH Phanxicô chia sẻ: “Nhân Ngày Thế Giới Truyền Giáo này, tôi nghĩ đến các Giáo hội địa phương. Đừng bao giờ để mình mất đi niềm vui của việc loan báo Tin mừng! Tôi mời gọi anh chị em hãy chìm mình trong niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng lên niềm ơn gọi và sứ mạng của anh chị em. Tôi thúc bách mỗi người trong anh chị em nhớ lại, như thể anh chị em đang thực hiện một cuộc hành hương nội tâm, ‘mối tình đầu’, mối tình mà Đức Chúa Giêsu Kitô đã sưởi ấm con tim anh chị em, không phải để nhớ nhung, nhưng là để luôn ở lại trong niềm vui. Các môn đệ của Chúa đã luôn ở lại trong niềm vui khi họ ở với Ngài, thực thi ý Ngài và chia sẻ với người khác đức tin, niềm hy vọng và đức ái tin mừng”. Và ngài nhắc nhở thêm: “Hãy hướng về Mẹ Maria, mẫu gương loan báo tin mừng khiêm nhường và với trọn niềm vui, chúng ta hãy dâng lên lời cầu nguyện của chúng ta để Giáo hội có thể trở nên mái nhà cho tất cả mọi người, một người mẹ cho tất cả mọi dân tộc và có thể sinh ra một thế giới mới.

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết nhận thức đúng đắn về niềm tin và quyền sở hữu của chúng con. “Ngày là của Chúa, đêm cũng là của Chúa” (Tv 74:16), “trời là của Chúa, đất cũng là của Chúa” (Tv 89:12), chúng con chẳng có gì, xin triệt tiêu tính kiêu ngạo trong chúng con và đổ vào trái tim chúng con đầy “máu yêu thương” để chúng con NÊN MỘT (Ga 17:20-23) theo Tôn Ý Con yêu Dấu của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

TRUYỀN GIÁO LÀ RA ĐI

Lời mở đầu của “Sứ điệp ngày Thế giới Truyền Giáo 2014”, Đức Thánh Cha Phanxicô viết:Ngày nay còn rất nhiều người không biết Đức Giêsu Kitô. Vì thế, việc rao giảng cho người ngoài Kitô Giáo là công việc rất khẩn cấp, mà tất cả mọi thành viên của Giáo hội được kêu gọi để tham dự vào sứ vụ truyền giáo này, bởi vì tự bản tính Giáo hội là truyền giáo: Giáo hội được sinh ra là để “đi ra”.

Thiên Chúa hỏi ngôn sứ Isaia : “Ta sẽ sai ai đi ? Và ai sẽ đi cho chúng ta ?”. Isaia đã đáp: “Này con đây, xin hãy sai con” (Is 6,8). Isaia ca tụng : “Đẹp thay bước chân người đi khắp vùng đồi núi loan báo tin mừng, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ…” (Is 52,7).

Truyền giáo là ra đi, đi để mang sứ điệp Tin mừng đến với muôn dân.

Sứ vụ sai đi khởi phát từ Chúa Cha “Như Cha đã sai Thầy,Thầy cũng sai anh em”. Chúa Giêsu thực hiện sứ vụ bằng việc ra đi.

Suốt mấy năm ra mặt với đời để hành đạo, Chúa Giêsu không ngừng đi, rày đây mai đó. Ngài luôn ngang dọc trên mọi nẻo đường đất nước của Ngài để truyền đạo.Từ hội đường này đến hội đường khác (Mt 4,23), hay ở ngoài trời, ở ngoài đường.Trên một sườn núi cũng có (Mt 5,1), bên một bờ hồ hiu quạnh cũng có (Mc 6,30-34). Có khi “mệt mỏi vì đường sá”, một mình ngồi trên thành giếng nói chuyện với người phụ nữ đến kín nước (Ga 4,6). Có lúc vì dân chúng chen lấn xung quanh đông đảo quá thì “Ngài mới lên một chiếc thuyền,thuyền của Simon và xin ông ấy chèo ra xa bờ một tí.Ngài ngồi xuống rồi từ ngoài thuyền nói vào mà giảng dạy dân chúng” (Lc 5,3).

Chúa Giêsu thực hiện những cuộc hành trình liên miên.Theo ngôn ngữ của Phúc âm Maccô chương 1: Ngài bỏ Nazareth để đến gặp Gioan bên sông Giođan,rồi đến Galilê,dọc theo bờ biển Galilê,và Ngài đi rao giảng trong các hội đường khắp xứ Galilê. Trong chương 2 : Ít lâu sau, Ngài lại về Capharnaum… Ngài ngang qua đồng lúa… Cứ đi và đi như vậy mãi.

Chính giữa khung cảnh đường dài trời rộng thênh thang ấy mà lời giảng dạy của Ngài bao giờ cũng khởi hứng từ một hoàn cảnh của cuộc sống.Các hình ảnh đời thường gần gũi tràn ngập trong lời rao giảng: Cánh huệ mọc ngoài đồng; Đàn chim sẻ đang bay; Một đám ruộng lúa chín vàng mở rộng đến chân trời; Một mẻ cá lớn bên biển hồ; Những hạt giống người nông phu gieo vương vãi trên đường mòn,giữa bụi gai, trên sỏi đá; Một đàn cừu, dê, người chăn lùa về buổi chiều tối; Từng tảng đá,từng hạt sạn người ta nhặt từ một đống muối rồi vất đi; Từng con còng người đánh cá nhặt ra bỏ lại bên bờ sau một mẻ cá…

Việc thu thập môn đệ, Ngài cũng vừa đi, vừa gọi, vừa nhận…Như các môn đệ đầu tiên (Mc 1,16-20).Chúa Giêsu không dừng lại, yên nghĩ, hưởng thụ hay cũng cố vị trí người ta dành sẵn cho.Sau một ngày thành công rực rỡ ở Capharnaum chẳng hạn “Sáng đến,Ngài ra đi vào nơi hoang vắng. Dân chúng đi tìm Ngài và đến nơi Ngài, họ cố giữ Ngài lại, không để Ngài đi khỏi chỗ họ. Nhưng Ngài bảo họ: Ta còn phải đem Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa” (Lc 4,42-43).

Như thế, quả là suốt đời Chúa Giêsu đã không hề có trụ sở, không hề có chỗ trụ trì, không hề có nhà thờ. Ngài đi khắp mọi nẻo đường trên thế giới Ngài sống.

Chúa Giêsu bị bắt lúc đang cầu nguyện giữa vườn Giệtsêmani hoang vắng.Bị điệu đến Hanna rồi Caipha.Từ toà đạo qua toà đời. Hết bị điệu đến dinh Philatô lại bị gửi qua dinh Hêrôđê, rồi bị đưa trả về cho Philatô. Không đầy một ngày một đêm mà kẻ tử tù đã phải đi không biết bao nhiêu dặm trên con đường “công lý” của loài người.

Bị kết án thập hình. Hai tay dang rộng, bị đóng đinh thập giá.Tảng đá lấp cửa mồ (Mc 14,32 -15,47). “Lính canh phòng cẩn mật,niêm phong tảng đá lại” (Mt 27,62-66). Thế nhưng, Đức Giêsu đã không dừng chân cả trong cái chết. Ngày thứ ba, Ngài sống lại, vượt cái chết qua sự sống bất diệt.

Sau khi Phục sinh, Ngài cũng đi nhiều nơi, đến với với các môn đệ, cũng cố lòng tin và sai họ ra đi loan báo Tin mừng. Hoàn thành sứ mạng “Ngài lên trời ngự bên hữu Chúa Cha” (Mc 16,19) và luôn đồng hành cùng Giáo hội “Thầy ở cùng các con mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).

Chúa Giêsu lập nên Nhóm Mười Hai. Họ được Ngài sai đi rao giảng (Mc 6,7). Giáo hội tiếp nối sứ vụ được sai đi, ra đi đến với muôn dân.

Hai động từ Gọi – Sai Đi diễn tả rõ rệt ơn gọi của Nhóm Mười Hai.Các Tông Đồ là những người được sai đi.

Chúa căn dặn rằng: người được sai đi phải có tinh thần nghèo khó và từ bỏ.

– Nghèo khó về hành trang đi đường : 1 cây gậy, 1 đôi dép,không mang 2 áo. Ý nghĩa ở đây là những kẻ được sai đi phải là những con người thanh thoát, không cồng kềnh nặng nề với của cải vật chất để có thể luôn sẵn sàng lên đường ra đi cho sứ vụ.

– Nghèo khó về phương diện sinh sống: không được mang lương thực, bao bị, tiền bạc. Hành trình như vậy đặt các người được sai đi trong tư thế tuỳ thuộc. Không vướng víu, không “mọc rễ” bất cứ nơi đâu để nhẹ nhàng ra đi nơi nào Chúa muốn.

Chúa Giêsu cũng không dấu giếm họ điều gì cả.Con đường truyền giáo là con đường đầy chông gai, lắm gian khó. Cũng như Ngài, họ đón nhận sự rủi ro bị từ chối, bị xua đuổi. Cần phải hy sinh bản thân. Đó là thân phận kẻ được gọi, được sai đi. Ra đi mà không gì bảo đảm, ra đi mà không mảy may dính bén. Sẵn sàng đến mà cũng sẵn sàng đi.Thành công cũng không thụ hưởng mà thất bại cũng chẳng đắng cay. Bởi lẽ người được sai đi luôn xác tín rằng: “Tôi trồng, Apollô tưới, còn Chúa cho mọc lên”.

Người truyền giáo luôn bị cám dỗ định cư, tìm an toàn bảo đảm bản thân, an nghĩ trong những thành công tạm bợ…và không muốn ra đi. Càng gắn bó, lúc cách xa càng luyến nhớ. Sâu đậm bao nhiêu, lúc giã biệt sẽ nuối tiếc bấy nhiêu.Vì vậy, Chúa muốn các môn đệ luôn sẵn sàng ra đi, lên đường bao giờ cũng đẹp, hạnh phúc chỉ dành cho ai dám lên đường tìm kiếm.

Cuộc đời người Kitô hữu cứ phải ra đi không ngơi nghĩ.Ra khỏi cái cũ và đi tới cái mới. Ra khỏi cái đang có để đi tới cái chưa có. Ra khỏi cái mình đang là để đi tới cái mình phải là. Như thế, hành trình xa xăm nhất lại chính là hành trình của con tim “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi. Nhưng khó vì lòng người ngại núi e sông”.

Sứ vụ truyền giáo là sứ vụ của người ra đi mang tin vui, tin cứu độ, tin được Thiên Chúa đoái thương. Đức Maria mang trọn niềm vui Đấng Cứu Độ mà nhân loại đón đợi. Đức Maria trở nên người loan báo Tin Mừng vì Mẹ mang trọn niềm vui Chúa Thánh Thần. Ai để cho Chúa Thánh Thần hoạt động trong cuộc đời của mình cũng là người mang trọn niềm vui loan báo. Đức Maria còn là người công bố Tin Mừng: “Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những điều cao cả, danh Người thật chí thánh chí tôn” (Lc 1, 49). Thấy được tình thương Thiên Chúa thể hiện trong cuộc đời mình nên lời công bố mang một niềm tin xác tín, đã gặp và đã thấy nên chan chưa niềm vui.

Xuyên suốt Sứ điệp Truyền giáo năm nay, Đức Thánh Cha Phanxicô luôn nói đến niềm vui Tin Mừng: “Tôi mời gọi anh chị em đắm mình vào niềm vui của Tin Mừng và nuôi dưỡng một tình yêu có thể thắp sáng ơn gọi và sứ mạng của anh chị em…Các môn đệ của Đức Kitô luôn luôn vui mừng khi cảm nhận sự hiện diện của Ngài, khi thi hành ý Ngài và chia sẻ đức tin, đức cậy và đức ái Phúc Âm của mình cho người khác” (Sứ điệp Truyền giáo 2014).

Để trở thành người loan Tin Mừng, Đức Maria đã “hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng” (Lc 3,51). Cầu nguyện là chiêm ngắm những điều Thiên Chúa đã thực hiện nơi mình. Đối với Đức Maria, truyền giáo là đem chính Chúa Giêsu cho nhân loại. Chúa Giêsu là lẽ sống, là hạnh phúc, là niềm vui của cuộc đời mỗi kitô hữu. Chúng ta phải xác tín như Đức Maria: “Linh hồn tôi ngợi khen Đức Chúa” (Lc 1, 46). Tràn ngập niềm hân hoan bởi Mẹ đã gặp thấy và cưu mang chính niềm vui có Chúa Giêsu trong lòng Mẹ. Đức Maria reo ca: “Thần trí tôi hớn hở vui mừng trong Thiên Chúa, Đấng cứu độ tôi” (Lc 1, 47). Đức Maria đã cưu mang chính Chúa Giêsu, quà tặng tuyệt hảo nhất của Thiên Chúa, nguồn ơn cứu rỗi duy nhất, công bố, trao tặng cho nhân loại.

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã ra đi từ trời cao xuống đất thấp, mang Tin mừng chiếu soi nhân trần. Xin sai chúng con ra đi nhẹ nhàng và thanh thoát, không chút cậy dựa vào khả năng bản thân hay vào những phương tiện trần thế. Xin giúp chúng con chỉ biết cậy dựa vào Chúa.Chỉ mình Chúa là đủ cho chúng con. Amen.

 Về mục lục

.