CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN_A

149

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 26 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: Ed. 18, 25-28; Pl. 2, 1-11; Mt. 21, 28-32

 

Mục lục

1.  Lời nói và việc làm   (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)

2.  Sám hối là khởi điểm  (TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3.  Dám nói dám làm   (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

4,  Vâng ý Cha  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

5. Biết nhận ra sai lỗi và hối hận  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí. Gp. Xuân Lộc)

6. Thuận và nghịch   (Trầm Thiên Thu)

7.  Nói và làm  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

8.  Hành động tốt thắng câu nói hay  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

9. Vâng phục là đón nhận lòng nhân ái  (Lm, Gioan Nguyễn Văn Ty. SDB)

 

 

LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM

Trong cuộc sống cá nhân của mỗi chúng ta, lời nói và việc làm thường có những khoảng cách xa vời, thậm chí có trái ngược nhau. Những bài diễn thuyết hùng hồn với những mỹ tự bóng bảy nhiều khi chỉ là đồ trang trí cho những tư tưởng rỗng tuếch, nhất là với thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay. Với công nghệ quảng cáo tiếp thị, cái gì cũng nhất thế giới, đồ gì cũng là chất lượng hàng đầu …  suy cho cùng, chỉ là sự dối trá.

Chúa Giêsu trong Tin Mừng hôm nay nói đến một người cha và hai người con. Chúng ta dễ nhận ra, nơi hình ảnh người cha này là chính Thiên Chúa. Để giúp cho các thính giả dễ hiểu dung mạo Chúa Cha, Chúa Giêsu thường dùng những hình ảnh rất gần gũi với đời thường, như người chủ vườn, người chăn chiên, người cha nhân hậu… và hôm nay, đơn giản chỉ là một người cha của gia đình. Người cha này có hai người con. Một người, khi được cha trao việc thì chối từ, nhưng sau hối hận; người thứ hai mau mắn nhận lời, rồi lại không làm. Kết luận Chúa Giêsu đưa ra là: việc làm và đời sống của một người là tiêu chuẩn lượng giá về đức tính của người ấy chứ không phải lời nói.

Hai người con tượng trưng cho hai lối sống, hai trào lưu, hai quan niệm và cũng là hai cách thực hành đời sống Đức Tin của chúng ta. Có thể hai nhân vật ấy đồng thời hiện diện trong chính con người của mỗi chúng ta, khi chúng ta bị cám dỗ sống giả hình hoặc bất tuân. Thiên Chúa là Cha vẫn luôn mời gọi chúng ta làm điều thiện. Trước lời mời gọi ấy, có những người “miệng nói hay, mà tay không làm”. Trái lại, có những người khước từ rồi sau đó nhận ra lẽ phải và gắng công thực hiện ý Chúa.

Giật mình nhìn lại cuộc sống xung quanh, chúng ta thấy thời nay người ta nói quá nhiều mà không làm bao nhiêu. Hệ thống luật pháp để điều hành xã hôi, những quy định về giao thông, về an toàn thực phẩm…. ngày càng thêm luật nọ chồng luật kia mà không giải quyết được “đại họa” như tham nhũng, trốn thuế, tai nạn giao thông và thực phẩm nhiễm độc. Đó là chưa nói đến những bản văn pháp luật được soạn thảo một cách “sai luật” và không có tính khả thi.

Trong lãnh vực Đức tin cũng thế, xu hướng chú trọng đến những hình thức đạo đức bên ngoài ngày càng gia tăng. Và, một khi hình thức tăng thì nội dung giảm là lẽ thường tình. Tại nhiều nơi, lời kêu gọi học hỏi giáo lý để giúp sống Đạo bị bỏ ngoài tai, thậm chí giáo dân còn “tìm cách bỏ trốn” mỗi khi đến giờ học giáo lý, khiến một vài linh mục tìm cách “chặn” bằng việc tổ chức học giáo lý vào giữa thánh lễ để “đừng hòng trốn thoát”!!

Lời Chúa hôm nay cũng dạy chúng ta cần thận trọng khi nhận định về phẩm chất một con người. Chắc hẳn những người có mặt lúc Chúa Giêsu tuyên bố những lời này cảm thấy “sốc”: “Tôi bảo thật các ông, nhưng người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Lời tuyên bố của Chúa đảo ngược bậc thang giá trị mà người Do Thái thường dựa vào để nhận định một con người. Thì ra, những người mũ cao áo dài chưa chắc đã là những người thánh thiện. Những người biệt phái và luật sĩ dù khôn ngoan chưa hẳn đã là những người ngay chính. Để nhận định tư cách của họ, còn phải xem đời sống hằng ngày của họ ra sao, họ có thực hành đức công bình mà họ vẫn rao giảng hay không, đó mới là điều quan trọng. Một người có quá khứ tội lỗi, nhưng thành tâm thiện chí ăn năn hối cải, thì họ được Chúa tha thứ. Trong cuộc sống, vì có một quá khứ nghiện ngập, tù đầy khi muốn hoàn lương vẫn gặp phải những thành kiến của những người xung quanh, để rồi những người muốn làm một con người bình thường mà cũng không được. Ngôn sứ E-dê-ki-en đã truyền lại lời của Chúa: “Nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu thoát mạng sống mình!”. Vâng, trong cuộc đời, chúng ta còn khắt khe hơn Thiên Chúa trong việc xét đoán anh chị em mình. Đối với Chúa, không thể vin vào một quá khứ xa xưa – dù tốt lành – để biện minh cho những lỗi lầm mình đang phạm. Thiên Chúa công minh vô cùng trong xét xử.

Hãy bớt những lời nói và hãy gia tăng việc làm. Hãy nói ít và nghe nhiều. Hãy học sống thinh lặng để cảm nhận sự hiện diện của Chúa và những điều tốt lành Chúa làm quanh ta:

“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều

Để nghe dưới đáy nước hồ reo

Để nghe tơ liễu run trong gió

Và để xem trời giải nghĩa yêu”.

                               (Hàn Mặc Tử – Đà Lạt trăng mờ)

Về mục lục

 

SÁM HỐI LÀ KHỞI ĐIỂM

Nói và làm đó là hai thái độ khác nhau. Có người nói mà không làm. Có người không nói nhưng lại làm. Đó chính là hai thái độ mà Chúa đề cập đến trong bài dụ ngôn hôm nay. Hạng người nói mà không làm đó là những người biệt phái và luật sĩ. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi. Hạng người không nói mà làm đó là những người thu thuế và những người tội lỗi. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa. Qua dụ ngôn này Chúa muốn dạy ta những bài học sau.

Bài học thứ nhất: Việc làm trọng hơn lời nói. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Tục ngữ Việt Nam có câu “Mười voi không được bát nước sáo” là thế. Nhưng trái lại có những người không nói giỏi, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng cũng thế. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Có lần Chúa đã vạch rõ những giả dối này: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Như thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.

Bài học thứ hai: Con người có thể thay đổi. Con người còn sống ở trần gian là còn thay đổi. Đó là một điều ta phải cảnh giác. Biết đâu ta đang tốt bỗng trở nên xấu. Cũng như các biệt phái và luật sĩ tự hào mình tốt, nhưng khi Chúa Giêsu đến, họ đã trở nên xấu vì không tin vào Chúa, không hoán cải đời sống. Con người có thể thay đổi. Đó là điều làm cho chúng ta hy vọng. Vì nếu ta tội lỗi yếu hèn, ta vẫn có cơ hội ăn năn trở lại. Ta không bị kết án trong tội lỗi của ta. Chúa còn cho ta có thời giờ trở lại với Chúa. Miễn là ta nhận biết mình và quyết tâm đổi mới cuộc đời.

Bài học thứ ba: Sám hối là việc cần thiết của mọi người. Đã là người ai cũng có sai lầm. Vì con người yếu đuối bất toàn. Chúa không đòi ta phải hoàn hảo không bao giờ sai lỗi. Nhưng Chúa đòi ta mỗi khi sai lỗi phải biết sám hối ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì có sám hối ta mới được Chúa thứ tha. Chúa yêu thương và sẵn sàng tha thứ cho những tâm hồn sám hối như lời Thánh Vịnh: “Một tấm lòng tan nát dày vò, Chúa sẽ chẳng khinh chê” (Tv 50). Ta hãy xem Chúa đã tha thứ cho bà Mađalena. Nhất là Chúa đã tha thứ cho người trộm lành, để thấy Chúa nhân từ thương xót biết bao. Nhưng Chúa lại chê ghét những tâm hồn kiêu căng cứng cỏi không chịu ăn năn sám hối. Trong Phúc Âm ta thấy Chúa chỉ mắng nhiếc những người tự xưng mình đạo đức nên kiêu căng khinh miệt người khác và không nghe lời Chúa. Nhưng Chúa luôn nhân từ, khoan dung, tha thứ cho những tội lỗi thật lòng ăn năn. Sám hối thật cần thiết vì tất cả chúng ta ai cũng có lầm lỗi trước mặt Chúa, cần được Chúa khoan hồng thứ tha. Sám hối thật cần thiết vì đó là khởi điểm để nên tốt, nên thánh thiện. Có sám hối ta mới biết từ bỏ nếp sống cũ. Có sám hối ta mới bắt đầu một nếp sống mới đẹp lòng Chúa.

Như thế, ta đừng chỉ nói suông mà không làm, nhưng hãy biết thực hành điều Chúa dạy. Ta đừng tự hào vì mình tốt lành mà phê bình chỉ trích người khác. Hãy tự xét mình để thấy mình tội lỗi. Và khi biết mình tội lỗi, hãy ăn năn sám hối ngay. Có sám hối ta sẽ được Chúa tha thứ. Có sám hối sẽ được anh chị em yêu thương. Nhất là có sám hối ta mới khởi sự tiến lên trên con đường thánh thiện.

Lạy Chúa xin tha thứ tội con đã phạm đến Chúa và đến anh em. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ
1) Nói và làm, việc nào cần hơn và tốt hơn?
2) Có nhiều chương trình tốt đẹp nhưng không thực hiện, có ích gì không?
3) Biết nhận lỗi, xin lỗi và sửa lỗi. Điều này đáng trọng hay đáng chê trách
?

 Về mục lục

.

DÁM NÓI DÁM LÀM

Có một bài thơ viết rằng:

Hãy nhớ nhé!

– Nếu không làm được . . . thì đừng hứa.

– Nếu không chắc . . . thì đừng nói.

– Nếu không thương, không yêu…thì đừng gieo hi vọng.

Bởi vì:

– Tình yêu là cảm xúc, là lí trí của con tim.

Vậy nên:

– Đừng nhẫn tâm giẫm lên con tim người khác …!

Nhưng đáng tiếc con người lại thích hứa mà lại không đủ ý chí để làm. Thích nói mà không đủ quảng đại để thực thi lời nói. Thế nên, giữa lời hứa và việc thực hiện vẫn còn một khoảng cách rất gần và cũng rất xa, vì nó tùy ở tại lòng người.

Trong cuộc đời dường như ai cũng từng hứa hẹn, và rồi cũng từng thất hứa. Vì cuộc sống vốn nhiều bất trắc khó lường. Rất nhiều giấc mơ dang dở. Rất nhiều mộng ước vỡ tan. Cuộc đời không bình phẳng mà lấm gập ghềnh trái ngang. Thế nên, vẫn còn đó những giấc mộng không thành, và vẫn còn đó những lời hứa chìm vào quên lãng theo dòng thời gian.

Đôi khi những lời hứa của chúng ta chỉ là “lời nói gió bay”, vì nói cho vui, vì cũng chẳng ai quan tâm tới lời hứa của chúng ta. Tuy nhiên, cũng có những lời hứa mang đến cho người khác hy vọng, niềm tin ,nghị lực để đứng vững trong cuộc sống. Có những lời hứa là động lực để người ta phấn đấu, hay đơn giản chỉ là niềm vui nho nhỏ khi được quan tâm , yêu thương …

Người ta càng đặt nhiều niềm tin vào những lời hứa thì càng dễ hụt hẫng khi người khác thất hứa. Hy vọng càng nhiều thì nỗi thất vọng sẽ càng lớn …

Tại sao lại phải hứa khi biết rõ mình chẳng bao giờ thực hiện được lời hứa ?

Tạo sao phải gieo vào lòng nhau những hy vọng để rồi chính mình lại lấy đi hy vọng đó ?

Có biết bao cô gái tin vào lời hứa của chàng trai mà nhẹ dạ trao thân để rồi ôm hận mãi mãi.

Có biết bao chàng trai đã từng thất vọng vì bạn gái bội thề.

Có biết bao người quá tin người mà ôm nợ, ôm hận thiên thu.

Có biết bao người đã từng hứa từ bỏ rượu chè, cờ bạc, ngoại tình  . . . nhưng hứa đó rồi lại quên, vẫn chứng nào tật ấy!

Có biết bao lần chúng ta cũng hứa với Chúa rất nhiều nhưng lại chẳng bao giờ thực hiện. Hứa đó rồi quên. Hứa chừa tội mà tội vẫn cứ phạm. Phạm tội không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong cuộc sống.

Chúa Giê-su luôn đề cao người dám thực hiện lời hứa. Có thể là muộn màng nhưng vẫn còn tốt hơn là người nói mà không làm. Nói mà không giữ lấy lời như lâu đài xây trên bờ cát, sóng xô, gió cuốn thì nào ích gì?

Con người luôn có lầm lỡ. Điều quan yếu là biết nhận lỗi và sửa lỗi. Tựa như người con thứ đã từng quay lưng với lời mời gọi của cha mẹ, nhưng anh ta đã hối hận và sửa sai. Nhưng đáng trách là người con cả, chỉ nói mà không làm. Hứa cuội mà không thực hiện. Đó là con người không đáng tin trong cuộc sống.

Năm xưa, Quí Tử đi sứ nước Tấn có mang thanh bảo kiếm, qua thăm vua nước Từ.

Vua nước Từ ngó hoài thanh kiếm ra dáng yêu thích lắm, lòng tuy muốn xin mà miệng chẳng tiện nói ra….

Qúi Tử vì còn phải đi sứ thượng quốc, tuy chưa tặng vua Từ thanh kiếm được, nhưng trong lòng đã thầm hứa cho, khi đi sứ xong !

Sau khi xong việc, về thăm vua nước Từ thì vua Từ đã mất!!! Quí Tử liền tháo thanh kiếm đưa cho sứ quân vua Từ. Các người hầu ngăn lại:

– Bảo kiếm này là Báu Vật của nước nhà, không phải là món quà có thể tặng được!!! Mong tướng quân suy xét kỹ việc này ….

– Lần ghé trước đây, vua Từ xem kiếm của ta, tuy chưa nói ra, nhưng lòng dường như rất yêu thích. Ta vì còn phải đi sứ thượng quốc, chưa dâng được. Tuy vậy trong lòng ta đã hứa cho. Vua Từ nay đã mất, ta vẫn giữ lời hứa mình vì nếu không, ta đã tự dối tâm mình. Tiếc kiếm mà thất hứa, dối tâm … người liêm không bao giờ làm !!!

Nói xong, Quí Tử tháo thanh kiếm đưa cho sứ quân của Từ Vương !

Sứ quân nói: “Vua tôi không có dặn việc này, tôi thiệt không dám nhận kiếm.”

Quí Tử bèn treo kiếm vào cành cây ở mộ vua Từ, rồi đi.

Người nước Từ ai cũng khen Quí Tử đã không quên lời hứa, ngay cả với người đã mất !!

Ước gì chúng ta luôn là người đáng tin với anh em khi dám thực thi lời hứa, cho dù có chịu thiệt thòi vẫn không chối bỏ lời hứa. Xin cho chúng ta cũng biết lắng nghe và thực thi lời Chúa, cho dù vì thực thi lời Chúa mà chúng ta có thể thua thiệt đời này nhưng chúng ta sẽ có một gia tài vô cùng to lớn trên quê trời. Amen

Về mục lục

.

VÂNG Ý CHA

“Gọi dạ bảo vâng” hay “vâng lời trọng hơn của lễ” có phải là câu đối đáp ngọt ngào dễ chịu, các đấng bậc luôn muốn nghe ? Tự do ăn nói, mua sắm, suy nghĩ, làm việc…, có thoải mái không? Chỉ người trẻ mới mơ tưởng điều đó, đúng không ? “Nói gì cũng gật, bảo gì cũng vâng”, có phải là kết quả của hệ luận “muốn gì được đó”?… Quan niệm cha mẹ đặt đâu con ngồi đó là xưa rồi, giới trẻ thường phản ứng khi bị bề trên chỉ định hôn nhân cho mình. Còn câu tục ngữ “cá không ăn muối cá ươn”, theo ta có hợp lý hợp tình, hay cũng chỉ là một kinh nghiệm chủ quan ?

Xét về truyền thống, gia đình hạnh phúc là gia đình có tôn ti trật tự, sống có tình có nghĩa, có trên có dưới, mọi thành viên đều vui vẻ yêu thương nhau. Phận làm con phải hiểu lễ nghĩa gia phong, trách nhiệm cha mẹ là nuôi dạy con nên người hữu ích, góp phần xây dựng một xã hội đầy tình nhân ái. Văn minh của thời đại hôm nay không phải là “tốt số hơn khôn”, nhưng vẫn là “có chí thì nên”. Niềm vui của gia đình hôm nay là thấy con thành danh, thành nhân; tất nhiên khác với vui, là vì số lượng đông con nhiều cháu.

Đã là người ai cũng có sai lầm, xã hội không qui trách nhiệm cho những người dưới tuổi vị thành niên. Từ khi gọi là trưởng thành, Thiên Chúa cũng không đòi buộc người Kitô hữu phải tuyệt đối hoàn hảo, nhưng là mỗi người phải biết suy xét điều chỉnh con người của mình để xứng đáng với hồng ân Chúa. Trong tương quan xã hội, ta thường ấn tượng với những người nói giỏi, nói hay. Ấy vậy, câu tục ngữ “trăm voi không được bát nước sáo” hẳn cũng gợi lên nhiều suy tư giữa có và không, giữa cái gật và cái lắc….

Chung quanh ta có nhiều anh chị em thật vụng về, ăn nói chẳng ra ngô ra khoai gì, mà nhìn vào việc làm của họ ai cũng kính nể. Thoáng qua, chúng ta dễ bị thuyết phục bởi người nói hay, nói hấp dẫn, nhưng với thời gian, ta thường dễ mến người nói ít làm nhiều. Trong đời sống thiêng liêng, Chúa cũng hài lòng những ai chăm chỉ làm việc hơn là người chỉ biết nói suông, nói vu vơ…..

Chúa Giêsu không hề nói đùa, hay hù dọa ai, Ngài rất chân thật đủ để chúng ta vừa nghe : “những người thu thuế và gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Nếu hiểu theo nghĩa mặt chữ, nhiều người chúng ta đây sẽ xin đổi nghề để hy vọng được vào Nước Chúa, được cả đời này lẫn đời sau.

Gọi không dạ, bảo không vâng, đều làm tổn thương đến cha mẹ, nếu không biết suy xét về hành vi của mình, coi như đã từ chối việc giáo dục của đấng bậc sinh thành. Dụ ngôn hai người con hôm nay, nói đến người bị tiếng là tội lỗi và người được mệnh danh là đạo đức tốt lành, thái độ bất xứng của cả hai đối tượng, dụ ngôn cho thấy chỉ khi biết nghĩ lại, làm theo ý cha mới đang tuyên dương. Người con thứ hai vâng dạ cha rồi sau đó quên, hoặc cố tình quên là hình ảnh của các kỳ lão đạo đức trong dân, họ vâng dạ trên môi miệng, không suy đi nghĩ lại nên bị Chúa quở trách.

Điều mà Ngôn sứ Êdêkiel muốn nói đến hôm nay là Thiên Chúa không muốn những kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn chúng ăn năn sám hối và được sống. Vì có những người tự cho mình là công chính, họ khó chịu khi thấy Chúa thương xót người tội lỗi, họ than phiền : “đường lối của Chúa không ngay thẳng.” Họ ganh tị và phân bì : Tại sao Chúa lại đối xử với người công chính ngang hàng với những tội nhân ?

Người cha mà Ngôn sứ Êdêkiel giới thiệu và người cha trong Tin mừng hôm nay chính hình ảnh Thiên Chúa yêu thương, dù người tội lỗi, sai lầm, dù chỉ gọi dạ bảo vâng trên môi miệng, Thiên Chúa vẫn nhân từ tha thứ nếu như ta biết sám hối ăn năn. Đối với người học rộng hiểu sâu, văn hay chữ tốt mà không thực hành trong cuộc sống thường ngày, họ cũng không khác gì cây tươi tốt nhưng không sinh hoa trái. Do đó biết thưa vâng ý Chúa, thì còn phải thực hành ý Chúa, mới đáng hưởng gia nghiệp Nước Trời.

Thánh Phaolô hôm nay cũng diễn tả trọn vẹn kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa qua con đường đau khổ : Đức Giêsu Kitô là Thiên Chúa, nhưng Ngài không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, và sống như người trần thế. Không dừng lại ở việc mang thân xác như chúng ta, Đức Giêsu lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, và chết trên cây thập tự để cứu độ nhân loại.

Người xưa nói rằng : ăn vóc học hay, nghĩa là ăn để mà học, học để mà biết, biết để mà làm. Vì không biết thì không làm tốt, không làm đúng được. Và khi đã tỏ đã rõ mà không thực hành thì lấy gì để minh chứng cho sự hiểu biết của ta ? Có vâng dạ đấng bậc sinh thành, có kiểm soát được lời ăn tiếng nói của mình, mới nhận biết được con người thật của ta là thế nào. Trong đời sống Kitô hữu hôm nay, chúng ta rất dễ dàng trả lời câu hỏi của Chúa Giêsu, người con thứ nhất là người con đã biết làm theo ý cha mình. Hy vọng giữa lời nói việc làm của chúng ta sẽ không mâu thuẫn, biết thưa vâng thì cũng biết thực hành ý Chúa. Muốn giúp con cháu nên người hữu ích, chúng ta cũng phải thường xuyên suy xét, cầu nguyện để kịp sửa chữa những khuyết điểm của mình; hầu vừa chu toàn bổn phận ở trần thế, vừa vâng được ý Cha trên trời. Amen.

 Về mục lục

.

BIẾT NHẬN RA SAI LỖI VÀ HỐI HẬN

Có một tâm sự như sau : Lúc tôi còn là một chàng thanh niên nhà nghèo từ miền quê lên thành phố học tập, mẹ tôi đã phải gồng gánh, chắt chiu từng đồng gửi cho tôi ăn học. Mỗi lần có dịp về thăm nhà, tôi thấy ngôi nhà ẩm thấp, nóng nảy ngày xưa vẫn không hề thay đổi. Trời tối nóng bức, mẹ tôi phải phe phẩy chiếc quạt nan cũ kỹ cả đêm. Tôi nói với mẹ : Tháng lương đầu tiên, con sẽ mua tặng mẹ cái quạt điện cho mát. Thời gian trôi qua, tôi cũng đã có việc làm, nhưng dường như tôi đã quên hẳn lời hứa với mẹ về tháng lương đầu tiên. Cuộc sống ở thành phố cứ cuốn tôi vào với dòng chảy của nó, bạn bè ngày càng nhiều hơn, các bữa tiệc ngoại giao ngày càng thường xuyên hơn, có những bữa tiệc tiêu tốn đến vài triệu.

Rồi một ngày, nhận được tin mẹ mất, tôi vội vã trở về với mẹ. Vẫn ngôi nhà đơn sơ năm xưa, mẹ tôi nằm đó, trên gương mặt còn đậm nét khắc khổ. Buổi chiều hôm ấy, khi người ta đặt mẹ vào quan tài, những người phục vụ đã không quên bỏ vào quan tài của mẹ chiếc quạt nan cũ kỹ năm xưa. Nhìn thấy chiếc quạt, tim tôi thắt lại, giật mình nhớ lại lời hứa về tháng lương đầu tiên sẽ mua tặng mẹ chiếc quạt điện. Tôi vô cùng hối hận vì đã không thực hiện được một lời hứa nhỏ bé dành cho mẹ. Kể từ đó, mỗi khi ngồi cạnh chiếc quạt điện tại văn phòng, tôi lại nhớ lời hứa năm xưa với mẹ mà lòng đau đớn.

Hối hận là gì ? Thưa là tiếc nuối, day dứt về một hành động trong quá khứ, về một việc tốt có thể làm mà ta đã không làm và ước mong có cơ hội để chuộc lại sai lầm ấy.

Nếu hối hận chỉ là day dứt và tiếc nuối quá khứ thôi, thì chưa đủ ; trái lại, nó cần phải đi kèm một quyết tâm khắc phục sửa chữa sai lầm của mình trong quá khứ, đó mới là hối hận thực sự. Thiên Chúa cũng luôn chờ đợi con người nhận ra sai lầm của mình, hối hận và làm lại cuộc đời, và khi con người hối hận thực lòng, Thiên Chúa không còn xét đến quá khứ của người ấy nữa, Ngài sẵn sàng tha thứ và đón nhận người ấy như người con đi xa trở về với Cha. Những luật sĩ và biệt phái tỏ ra khó chịu khi thấy Chúa Giêsu tiếp xúc với những người thu thuế và tội lỗi. Họ tự cho mình là những người đạo đức, luôn chu toàn giới răn lề luật của Thiên Chúa, nhưng thực ra họ chỉ nói mà không thực hành, xét đoán khắt khe với người khác, nhưng lại không nhìn lại bản thân mình.

Câu chuyện dụ ngôn về hai người con hôm nay, Chúa Giêsu cho thấy, Thiên Chúa quan tâm đến hành động hối lỗi một cách cụ thể hơn là những lời nói suông trống rỗng. Cả hai đứa con trong câu chuyện đều được cha đến tận nơi và mời gọi : Con ơi ! Hôm nay, con hãy đi làm vườn nho cho cha. Đứa con thứ nhất trả lời : Con không muốn đi. Người con này, lúc đầu nó từ chối lời mời của cha nó, nó làm cho cha hụt hẫng, đau lòng vì bị từ chối thẳng như thế ; nhưng sau đó, nó hối hận và đi làm. Chắc chắn khi thấy nó vào vườn nho làm việc, cha nó sẽ quên hết nỗi đau trước đây, và ông vui mừng vì sự hiện diện thiện chí của nó. Ngược lai, Người con thứ hai đã nhanh chóng trả lời : Vâng con sẽ đi. Nó nói để lấy lòng cha nó, nhưng rốt cuộc anh ta không đi.

Câu hỏi được Chúa Giêsu đặt ra với các thượng tế và kỳ mục rằng :  Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha ? Họ trả lời ngay : Người con thứ nhất. Như thế, ngay câu hỏi của Chúa Giêsu đã cho thấy : Thiên Chúa như người cha trong câu chuyện, Ngài chờ đợi không phải là những lời nói ngọt ngào, dễ nghe, mà Ngài mong muốn những người con làm theo ý Ngài. Khi kể câu chuyện này, Chúa Giêsu muốn so sánh những thượng tế và kỳ mục giống như người con thứ hai. Khi Đức Giêsu đến giảng dạy về giới răn, lề luật của Thiên Chúa, gửi đến họ cơ hội để gia nhập Nước Trời, bên ngoài thì họ tỏ ra như một người con hiếu thảo, nhưng thực ra, họ lại không tuân giữ giới răn và không làm theo ý muốn của Thiên Chúa, mà làm theo ý mình. Còn những người bị coi là tội lỗi như những người thu thuế và gái điếm, trong con mắt mọi người, họ như những kẻ từ chối Thiên Chúa, nhưng khi nghe những lời giảng dạy của Chúa Giêsu, thì họ đã mau mắn hối hận và quyết tâm thay đổi tình trạng của mình. Vì thế, Chúa Giêsu đã quả quyết với họ : Những người thu thuế và các cô gái điếm sẽ vào Nước Thiên Chúa trước các ông. Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy, còn những người thu thuế và các cô gái điếm lại tin.

Đối với Thiên Chúa, quá khứ không quan trọng bằng hiện tại, việc làm cụ thể thì quan trọng hơn lời nói trên môi. Nếu chỉ dừng lại ở quá khứ để tự dằn vặt, trách mình thì sẽ chẳng ích lợi gì. Nhưng điều quan trọng là khi biết thực lòng hối hận ăn năn, thì đối với Thiên Chúa, không bao giờ là quá muộn, Ngài sẽ vui lòng và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm và quên hết quá khứ của tội nhân. Bài đọc một, Thiên Chúa đã nói qua miệng tiên tri Ezekiel như thế : Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính mà làm điều gian ác, nó sẽ phải chết vì những điều bất chính của nó. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ sự gian ác nó đã làm, mà thi hành điều chính trực, nó sẽ cứu được mạng sống mình, nó sẽ được sống.

Thiên Chúa không muốn chúng ta nhìn Ngài như một nhà độc tài hoặc một vị thần khó tính, mà Ngài muốn chúng ta nhìn Ngài như một Thiên Chúa tốt lành, một người Cha nhân hậu. Ngài luôn đối xử với chúng ta theo lòng khoan dung của Ngài. Ngài chờ đợi tâm tình thảo hiếu của người con đối với cha, như Đức Giêsu là mẫu gương thảo hiếu, hết lòng yêu mến, vâng phục Cha. Thánh Phaolô đã nhận ra và mời gọi chúng ta noi gương Ngài : Anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Giêsu-Kitô.

Tâm tình của Đức Giêsu Kitô là tâm tình nào ? Đó là tâm tình yêu mến và vâng phục Thiên Chúa, vâng phục một cách tuyệt đối. Thánh Phaolô đã diễn tả tâm tình ấy qua bài ca : Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế…vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Vì thế là môn đệ của Đức Giêsu, là con thảo của Thiên Chúa, chúng ta cũng phải học nơi Đức Giêsu và phải có cùng một tâm tình vâng phục, yêu mến Thiên Chúa như Ngài.

Một trong những vấn đề của con người ngày nay, đó là họ làm điều tội, nhưng lại không cho là tội, làm tổn thương đến người khác mà vẫn coi như chuyện bình thường. Sự vô tâm đến vô tình ấy đã gây ra nhiều nỗi khổ cho người bên cạnh. Tình trạng ấy cũng đang xảy ra giữa nhiều người với Thiên Chúa. Họ gây tổn thương cho Thiên Chúa, từ chối lời mời gọi yêu thương của Ngài mà không hề áy náy hay hối hận. Ngoài ra, nhiều lần chúng ta không chỉ vô tình, mà còn cố ý  xúc phạm đến Thiên Chúa, khi mang trên mình cái vỏ là Kitô hữu, nhưng thực ra, chúng ta từ chối giới răn lề luật của Chúa và để ngoài tai lời mời gọi của Ngài. Lời Chúa hôm nay là một lời nhắc nhở và mời gọi chúng ta, hãy can đảm nhìn vào tình trạng tâm hồn và đời sống của mình để biết hối hận ăn năn về những hành động, lời nói đã xúc phạm đến Chúa, đồng thời tin tưởng vào Thiên Chúa để quyết tâm sửa chữa sai lầm. Hãy đến với Chúa nơi Bí Tích Giải tội để nhận ra sự bao dung, tha thứ của Thiên Chúa. Hãy để cho Lời Chúa soi sáng, chỉ dạy chúng ta và quyết tâm thực hành những điều Chúa muốn. Chúa đang nói với mỗi người qua Lời Chúa chúng ta nghe mỗi ngày và qua tiếng nói của lương tâm, là lời mời gọi từ trong tâm hồn mà Chúa nhắn gửi chúng ta.

Không chỉ hối hận với Thiên Chúa, chúng ta cũng cần khiêm tốn để nhìn ra những tổn thương mà chúng ta đã gây ra cho nhau : trong gia đình, với ông bà cha mẹ, với vợ chồng con cái, với bạn bè. Một lời nói, một cử chỉ nào đó có thể gây ra vết thương trong tâm hồn nhau. Hãy mạnh dạn bước đến với nhau để bày tỏ sự hối hận của mình. Trước hết, mỗi người hãy bày tỏ sự hối hận với các bậc làm cha mẹ. Các Ngài là những Đấng sinh thành, dưỡng dục chúng ta, dạy dỗ chúng ta nên người, nhưng ngược lại, khi khôn lớn, chúng ta đã không kính trọng và biết ơn các ngài cho đủ, mà có những lời nói, cử khỉ hỗn láo, khinh thường. Điều đó làm tổn thương các ngài biết bao. Hãy làm những việc cần thiết, để bày tỏ sự hốn hận của mình với các Ngài trước khi quá muộn.

Không chỉ con cái gây tổn thương cho cha mẹ, nhưng nhiều khi chính cha mẹ cũng gây tổn thương cho con cái, vợ chồng gây tổn thương cho nhau, bạn bè làm tổn thương nhau… Đối với người Châu Á, việc một người lớn nói lời xin lỗi với người bề dưới quả là không dễ, nhưng là những bậc cha mẹ hoặc những người lớn, chúng ta cũng cần xét mình lại và can đảm bước đến với con cái, với những người bề dưới để nói với họ rằng mình đã sai và cố gắng sửa chữa sai lầm. Việc làm đó không làm giảm uy tín của người bề trên, mà trái lại càng làm tăng lòng cảm phục nơi người bề dưới. Trong tương quan với bạn bè cũng thế, khi biết hối hận và khắc phục sai lầm, sẽ làm cho tình bạn ngày càng chặt chẽ hơn.

Xin Chúa giúp mỗi chúng ta không ngừng nhìn lại tương quan của mình đối với Chúa để biết sống trọn tình con thảo, và nhìn lại tương quan của mình với anh em để sống với nhau trong sự cảm thông và yêu thương. Amen.

Về mục lục

.

THUẬN VÀ NGHỊCH

Thuận và nghịch là hai trạng thái đối lập, trái ngược nhau. Trạng thái đối lập này có thể là tốt hoặc xấu, tùy trường hợp. Có những trường hợp thuận mà lại nghịch, gọi là thuận-lý-nghịch; có những trường hợp nghịch mà lại thuận, gọi là nghịch-lý-thuận.

Trong toán học có tỷ lệ thuận và nghịch. Nếu biết cặp giá trị tương ứng của hai đại lượng tỷ lệ thuận và một giá trị khác của đại lượng này, ta có thể tìm được giá trị tương ứng của đại lượng kia. Toán học cũng có quy tắc tam xuất đơn thuận và nghịch. Quy tắc tam xuất đơn thuận: Nếu A tăng N lần, B cũng tăng N lần (nhân với N). Quy tắc tam xuất đơn nghịch: Nếu A tăng N lần, B sẽ giảm N lần (chia cho N).

Khi nói về “tội phạm tới Chúa Thánh Thần”, loại tội không được tha cả đời này và đời sau, Chúa Giêsu có nói điều liên quan tình trạng thuận và nghịch: “Ai không đi với tôi là chống lại tôi, và ai không cùng tôi thu góp là phân tán” (Mt 12:30; Lc 11:23).

Giữa con người với nhau cũng có sự thuận và nghịch. Ở đây không có ý nói “theo phe” hoặc “chống lại” nhau, mà chỉ có ý đơn giản và bình thường. Đó là gì? Tuy không là thù địch, nhưng vẫn có người này “hợp” với người kia hoặc “không hợp” với người nọ. Hai người “hợp” nhau thì dễ nói chuyện, dễ thông cảm, dù không cần nói gì; ngược lại, hai người “không hợp” nhau thì rất khó nói chuyện và khó thông cảm, khoảng im lặng rất ngột ngạt. Nếu đối nghịch nhau thì “chiến tranh” rất dễ bùng nổ.

Người phàm với nhau mà đối nghịch đã là nguy hiểm rồi, huống chi là đối nghịch với Thiên Chúa. Ấy thế mà ngày xưa, dân chúng đã dám nói phạm thượng: “Đường lối của Chúa Thượng không ngay thẳng” (Ed 18:25). To gan và lớn mật hết sức, liều lĩnh thật, đâu kém gì Ông Bà Nguyên Tổ ngày xưa!

Thiên Chúa đặt vấn đề thẳng thắn: “Vậy hỡi nhà Ít-ra-en, hãy nghe đây: Phải chăng đường lối của Ta không ngay thẳng hay đường lối của các ngươi mới không ngay thẳng? Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình. Nó đã thấy và từ bỏ mọi tội phản nghịch nó phạm, thì chắc chắn nó sẽ sống, nó không phải chết” (Ed 18:26-28). Ngài cũng đang chất vấn chúng ta như vậy, chắc hẳn chúng ta chẳng thể nói được nửa lời. Cái chết là thất bại lớn nhất của nhân loại, chính tội lỗi khiến chúng ta phải chết (Rm 5:12; Rm 5:21), chứ Thiên Chúa tốt lành không bắt chúng ta chết.

Dù chỉ là bụi đất (St 3:19), chẳng đáng chi cả, vậy mà phàm nhân chúng ta dám “chọc giận” Thiên Chúa, thậm chí còn dám phản nghịch Ngài (vì cứ phạm tội còn hơn cơm bữa). Tuy nhiên, Ngài không chấp “lũ trẻ con”, thế nên Ngài vẫn luôn nhớ đến và quan tâm (Tv 8:5), đồng thời còn kiên trì chờ đợi chúng ta hối lỗi: “Đối với các dân tộc khác, Chúa Tể nhẫn nại chờ đợi cho đến khi tội lỗi chúng ngập đầu mới trừng phạt; còn đối với chúng ta, Người không xử như thế” (2 Mcb 6:14). Quả là Lòng Chúa Thương Xót quá lớn lao, ngoài sức tưởng tượng của chúng ta. Tuy nhiên, nếu chúng ta vẫn cứng đầu thì hết đường thoát: “Nếu các ngươi không chịu nghe Ta, thì Ta sẽ còn sửa phạt các ngươi gấp bảy lần vì tội lỗi của các ngươi” (Lv 26:18). Đáng sợ quá, lạy Thiên Chúa của chúng con!

Khôn sống, mống chết. Ước gì chúng ta biết khôn ngoan như tác giả Thánh Vịnh: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5). Cầu xin và muốn được Thiên Chúa nhậm lời thì phải biết chân thành sám hối. Đó là điều kiện có lợi cho chính chúng ta mà thôi, chứ đối với Chúa chẳng “xi-nhê” gì. Vâng, Thiên Chúa lúc nào cũng chờ đợi và luôn sẵn sàng nghe chúng ta nhận lỗi mà thân thưa: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:9).

Hứa thì phải chấn chỉnh cách sống với nỗ lực hết sức, chứ không chỉ hứa suông. Chúa biết chúng ta có họ hàng với Cuội nên “lẻo mép” mà “hứa lèo” lắm. Thực sự Ngài không chấp, nhưng Ngài lưu ý là chúng ta có nỗ lực hết sức hay không. Quả thật, “nếu Chúa chấp tội nào ai rỗi được” (Tv 130:3). Tuy nhiên, đừng “được đằng chân lân đằng đầu”, cũng đừng thấy Ngài nhân từ mà làm tới. Không khéo chúng ta lại lợi dụng lòng thương xót của Ngài đấy!

Biết sám hối chân thành là biết liên kết với Thiên Chúa. Biết mình “nghịch” thì cần chỉnh sao cho “thuận” với Ngài, càng sớm càng tốt. Thánh Phaolô khuyên: “Nếu quả thật sự liên kết với Đức Kitô đem lại cho chúng ta một niềm an ủi, nếu tình bác ái khích lệ chúng ta, nếu chúng ta được hiệp thông trong Thần Khí, nếu chúng ta sống thân tình và biết cảm thương nhau, xin anh em hãy làm cho niềm vui của tôi được trọn vẹn, là hãy có cùng MỘT cảm nghĩ, cùng MỘT lòng mến, cùng MỘT tâm hồn, cùng MỘT ý hướng như nhau” (Pl 2:1-2). Sống được như vậy là “nên một” theo ý muốn của Đức Kitô (Ga 17:21-23).

Thực tế chưa được như vậy, vì thế mà chúng ta phải nỗ lực hơn. Một lần nọ, ban chấp hành của một hội đoàn Công giáo (TGP Saigon) rủ tôi ăn uống chung, chỉ là để “cho vui” thôi. Tuy nhiên, chỉ sau khoảng 10 phút, tôi thấy người thì “vạch lá tìm sâu”, người thì “bới bèo ra bọ”, họ “căng thẳng” với nhau, tôi thấy bất lợi nên xin ra về. Thật đáng buồn! Bản chất con người luôn đề cao “cái tôi”, vì thế mà rất nguy hiểm, cần phải luôn cố gắng “đè nén” nó. Ngay cả khi chúng ta làm việc gì gọi là “vì Chúa”, thực ra chúng ta vẫn “vì mình” nhiều lắm, Chúa chẳng “xơ múi” gì đâu! Thánh Phaolô cũng đã từng cảnh báo: “Đừng làm chi vì ganh tị hay vì hư danh, nhưng hãy lấy lòng khiêm nhường mà coi người khác hơn mình. Mỗi người đừng tìm lợi ích cho riêng mình, nhưng hãy tìm lợi ích cho người khác. Giữa anh em với nhau, anh em hãy có những tâm tình như chính Đức Kitô Giêsu” (Pl 2:3-5). Khó lắm, vì thế mà luôn phải cố gắng “chết” triền miên!

Thánh Phaolô dẫn chứng cụ thể: “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Pl 2:6-9). Chúng ta đã nghe đi nghe lại điều này nhiều lần rồi, thế nhưng đã mấy lần chúng ta “giật mình”, hay là cứ nghe tai này rồi qua tai kia? Chúng ta tội lỗi lắm, tội với Chúa và tội với tha nhân!

Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, Ngôi Hai Thiên Chúa, Ngài có tất cả mọi sự, nhưng Ngài đã tự hạ đến tột cùng, vì thế mà Ngài xứng đáng được Thiên Chúa Cha siêu tôn: “Khi vừa nghe danh thánh Giêsu, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: Đức Giêsu Kitô là Chúa” (Pl 2:10-11).

Nói tới tình trạng thuận và nghịch thì phải có hai đối tượng. Ví dụ: Đất trời có âm và dương, nam châm có âm và dương, nhân loại cũng có âm và dương (nữ và nam). Âm và dương là hai thái cực. Nhưng âm và dương là để hài hòa chứ không để đối lập nhau. Hôm nay, Chúa Giêsu cũng đưa ra hai con người trái ngược nhau: Dụ ngôn hai người con. Một thuận, một nghịch. Đây cũng chính là “hai con người” hoặc “hai bộ mặt” trong mỗi chúng ta.

Một hôm, các thượng tế và kỳ mục hỏi vặn Chúa Giêsu về “quyền hành”. Chúa Giêsu thản nhiên kể chuyện rằng một người cha nọ có hai con trai. Ông bảo người con thứ nhất đi làm vườn nho, nhưng nó nói thẳng là “không đi”. Nó cãi ngay lập tức. Nhưng sau đó, nó hối hận nên lặng lẽ đi làm. Ông cũng đi bảo người con thứ hai đi làm. Nó ngoan ngoãn vâng lời ngay, nhưng rồi nó lại không đi.

Chúa Giêsu hỏi họ: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?” (Mt 21:31a). Họ trả lời ngay: “Người thứ nhất” (Mt 21:31b). Giả sử Ngài trực tiếp hỏi chúng ta, chắc hẳn mỗi chúng ta cũng dễ dàng trả lời được như vậy. Không gì hóc búa! Và Chúa Giêsu nói với họ: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21:31c). Mèn ơi! Nghe chi mà “sốc” quá chừng! Nhưng đó là sự thật, rất thật. Ngài biết họ đang ngẩn ngơ như chú Tàu nghe kèn, nên Ngài giải thích luôn: “Vì ông Gioan đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông KHÔNG TIN ông ấy; còn những người thu thuế và những cô gái điếm lại TIN. Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy” (Mt 21:32).

Đức Giêsu đã xác định: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ GIỮ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Ai không yêu mến Thầy thì KHÔNG GIỮ lời Thầy” (Ga 14:23-24). Rất rõ ràng và mạch lạc, không khó hiểu, tất nhiên không ai có thể biện minh vì bất cứ lý do nào. Chữ YÊU ngắn gọn mà bao la quá đỗi! Có khi chúng ta là người con thứ nhất, có khi chúng ta lại là người con thứ hai. Lúc thuận, lúc nghịch. Biến hóa thất thường. “Cái tôi” to lớn và hung dữ lắm, do đó phải luôn cảnh giác với nó. Thánh Phaolô cũng đã cảm thấy lo sợ: “Tôi bắt thân thể phải chịu cực và phục tùng, kẻo sau khi rao giảng cho người khác, chính tôi lại bị loại” (1 Cr 9:27).

Như Thánh Gioan Tẩy Giả, ước gì mỗi chúng ta cũng luôn biết dẹp bỏ “cái tôi” và luôn tâm niệm: “Chúa phải LỚN lên, còn tôi phải NHỎ đi” (Ga 3:30), để Danh Chúa được tỏa sáng mọi nơi, để Nước Chúa hiển trị, và để Ý Chúa được thể hiện dưới đất cũng như trên trời.

Lạy Thiên Chúa, xin “giữ gìn chúng con như thể con ngươi, xin thương che chở chúng con dưới bóng Ngài” (Tv 17:8), và xin giúp chúng con biết “thuận” với mọi người và “nghịch” với tội lỗi, để chúng con xứng đáng là con cái của Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 Về mục lục

.

NÓI VÀ LÀM

Trang Tin Mừng hôm nay trình bày dụ ngôn hai người con nhận cùng một lời mời gọi của cha với hai thái độ khác nhau.

-Người con thứ nhất: Lúc đầu từ chối, không vâng lời cha. Nhưng sau đó nghĩ lại, nó đi làm vườn nho cho cha. Đứa con này tượng trưng cho các người thu thuế và tội lỗi.Tuy đã phạm tội, nhưng sau đó đã hồi tâm tin theo Chúa Giêsu mà quay về với Thiên Chúa.

-Người con thứ hai: Lúc đầu ngoan ngoãn vâng lời cha. Nhưng thực tế nó lại không đi làm vườn nho theo ý cha. Đứa con này có vẻ công chính, tượng trưng cho các Thượng tế Kinh sư Pharisiêu. Tuy giữ luật Môsê trong từng chi tiết, nhưng họ lại từ chối Gioan Tẩy Giả, người đã đến chỉ đường công chính. “Thưa cha, con đây”: câu trả lời lễ phép của một đứa con ngoan ngoãn hiếu thảo, sẵn sàng vâng nghe lời cha dạy bảo; “Nhưng rồi lại không đi”: đứa con này mới chỉ vâng lời cha bằng môi miệng bề ngoài. Sau đó nó không đi làm vườn nho theo lời cha dạy. Anh ta có thái độ “ngôn hành bất nhất“, “nói mà không làm“, “nói một đàng mà làm một nẻo”. Một đời sống vụ hình thức bề ngoài. Một thái độ đạo đức giả. Người con thứ hai ám chỉ những Thượng tế, Kinh sư và Pharisiêu. Thời ấy, họ là những bậc vị vọng, họ tự xưng mình là đạo đức, công chính, trong sạch. Thực tế họ rất giả hình. Nói rất hay nhưng không thực thi điều mình nói. Họ nói mà không làm.

Giữa lời nói và việc làm thường có một khoảng cách rất lớn. Nói thì dễ nhưng làm thì khó. Con người dễ rơi vào thói nói nhiều làm ít, hoặc chỉ nói suông mà không làm, hoặc còn tệ hơn nữa khi việc làm mâu thuẫn với lời nói.

1. Nói và làm, một tiêu chuẩn để xét định đời sống

Kể xong dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi: “Trong hai người con đó, ai đã thi hành ý muốn của người cha?”. Họ trả lời: “Người thứ nhất”.Đó là người nói không, nhưng đã hối hận và đi làm việc. Ở đây rõ ràng có hai loại người: nói ít làm nhiều và nói nhiều làm ít.

– Nói ít làm nhiều

Nói ít không phải là “ít nói” vốn thường hiểu theo nghĩa tiêu cực bộc lộ một lòng trí tối tăm hay lòng dạ mưu mô. Nói ít cũng chẳng phải là không có gì để nói hay không biết nói gì. Trái lại người nói ít là người biết mình nói gì và cũng là người có khả năng nói nhiều với chính mình bằng ngôn ngữ tư tưởng, với người bằng ngôn ngữ hành động. Chính vì thế họ dễ trở thành những người “làm nhiều”. Những người nói ít làm nhiều thường là những người tốt bụng, nhiệt thành với công việc, chu toàn nhiệm vụ và biết trách nhiệm. Họ không làm phiền người bên cạnh. Họ thích làm tốt cho người khác. Họ không bận tâm đến tiếng chê, chẳng nặng nợ với lời khen. Họ chăm chỉ làm việc và quan tâm tới từng việc làm. Với họ, làm là cách nói tốt nhất.

– Nói nhiều làm ít

Có những người nói nhiều mà làm chẳng được bao nhiêu. Họ là những người hay nói. Hay nói chưa chắc nói hay nhưng chắc chắn một điều: hay nói là một cánh cửa luôn rộng mở cho những người thích nói hay nói tốt về mình, để làm điều kiện thuận lợi cho việc dèm pha phê bình người khác. Đây là một nguy cơ của việc nói nhiều. Có biết đâu phê bình người khác lại là một cách bộc lộ lòng dạ mình ra. Mang kính đen thì phê bình sao người khác đen quá, giống như lưỡi đắng có bao giờ thấy canh ngọt. (x. Làm nụ hoa trắng, trang 90-91, ĐGM Vũ Duy Thống).

2. Nói và làm, hai thái độ sống

Sau câu hỏi, Chúa Giêsu xác định một câu nghe thật nhức nhối: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm sẽ vào nước trời trước các ông”. Những Thượng tế, Kinh sư và Pharisiêu không chịu nghe lời Chúa, không ăn năn sám hối. Những người thu thuế và gái điếm, khi được mời gọi đã thành tâm sám hối. Có hạng người nói không làm và hạng người làm không nói.

– Người nói mà không làm. Họ tự cho là mình đạo đức, nhưng khi Chúa Giêsu rao giảng, họ không những không tin mà còn phê phán chỉ trích những người tin Chúa, chỉ trích chính Chúa đã đón tiếp người tội lỗi.

– Người không nói nhưng lại làm. Đó là những người thu thuế và những cô gái điếm. Tuy sống tội lỗi, nhưng khi nghe Chúa rao giảng, họ đã ăn năn sám hối và tin vào Chúa.

3. Những bài học

Qua dụ ngôn, Chúa Giêsu muốn dạy chúng ta hai bài học quan trọng.

– Việc làm quan trọng hơn lời nói

Chính việc làm minh chứng lời nói. Chính việc làm mới có sức thuyết phục. Lý thuyết dù có hay có đẹp đến đâu nếu không thực hiện được thì cũng vô ích. Trong đời sống, chúng ta gặp không ít những người nói hay, nói nhiều, nhưng làm chẳng bao nhiêu. Nhưng trái lại, có những người nói không hay, có khi không nói gì cả, nhưng lại làm rất nhiều. Nhất thời chúng ta có thể thích những người nói hay. Nhưng sống càng lâu, chúng ta càng mến những người nói ít làm nhiều. Con đường đi từ trái tim đến đôi tay là một con đường dài và gian khổ. Rung động trước nổi khổ của người khác là điều tốt, giúp cho họ bớt khổ là điều tốt hơn. Thánh Gioan khuyên rằng: “Hỡi anh em, đừng yêu mến bằng lời nói suông, nhưng bằng việc làm thực sự” (1Ga 3,18).

Trong đời sống thiêng liêng cũng vậy. Chúa yêu chuộng những người làm việc hơn là những người chỉ biết nói suông. Những Luật sĩ Biệt phái Kinh sư bị lên án dữ dội vì họ giả hình. Họ nói mà không làm. Họ đặt gánh nặng lên vai người khác nhưng bản thân lại tránh né. Ngày nay cũng vậy, có những bậc cha mẹ dạy con cái phải giữ đạo, phải cầu nguyện, dự lễ, nhưng chính mình lại biếng nhác, không làm gương sáng cho con cái. Chúa đòi hỏi phải thực hành: “Không phải những ai nói rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa mà được vào Nước Trời, nhưng là những kẻ làm theo ý Cha Ta trên trời” (Mt 7,21). Đức tin phải biểu lộ bằng việc làm mới là đức tin sống động. Thánh Giacôbê dạy: “Đức tin không có việc làm là đức tin chết” (Gc 2,17). Tình yêu cũng phải có việc làm. Việc làm minh chứng tình yêu đích thực. Tin yêu Chúa phải được biểu lộ bằng việc làm.

– Hãy làm một cách khiêm tốn

Những người Pharisiêu làm gì cũng muốn phô trương. Muốn tỏ ra mình đạo đức, họ đeo lề luật trên trán, trên tay. Ðeo rồi, sợ người khác không nhìn thấy, họ phải “đeo những hộp kinh thật lớn, may những tua áo thật dài” để cho mọi người biết họ yêu mến lề luật, giữ đạo cặn kẽ. Thói phô trương dễ biến thành tự phụ tự mãn, hợm hỉnh. Nên những người Pharisiêu “ưa ngồi cỗ nhất trong đám tiệc, chiếm hàng ghế đầu trong hội đường, ưa được người ta chào hỏi ở những nơi công cộng và được thiên hạ gọi là thầy“.

Khi phê phán người Pharisiêu, Chúa Giêsu muốn cho môn đệ hãy sống đạo trong kín đáo: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy… Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo… Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy… Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Ðấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Ðấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh” (Mt 6,1-6). Kín đáo làm việc đạo đức là dấu chỉ lòng mến Chúa chân thực. Lòng mến Chúa chân thực sẽ dẫn đến thái độ khiêm tốn, luôn biết kính trọng người khác và luôn biết phục vụ anh em.

Xin Chúa giúp chúng con biết sống “ngôn hành như nhất” để lời nói và việc làm của chúng con luôn đẹp lòng Chúa và mưu ích cho tha nhân. Amen.

 Về mục lục

.

HÀNH ĐỘNG TỐT THẮNG CÂU NÓI HAY

Ngày nay người ta đề cao vai trò của “thế giới kỹ thuật số”. Vì thế, họ vận dụng nghành kỹ thuật này như một phương tiện tối ưu cho vấn đề quảng bá trong lĩnh vực kinh doanh. Tuy nhiên, khi nghành này phát triển, họ đã không ngừng “kỹ xảo hóa” để làm bắt mắt người tiêu dùng và khai thác sự tò mò của người dân. Từ đó, sự gian trá trong lãnh vực này cũng leo thang. Nhiều người đã bị những viên: “Thuốc đắng bọc đường” đánh lừa.

Còn trong lãnh vực cuộc sống nhân sinh, con người ngày nay cũng đang phải đối diện với thực trạng tốt – xấu lẫn lộn. Khó có thể biện phân được đâu là người chân tình; đâu là người dối trá; đâu là người xây dựng, đâu là người phá hủy! Lý do là vì họ được bao bọc bởi cái mã bên ngoài rất tinh vi, quỷ quyệt!

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã đưa ra hai hạng người tốt – xấu; thật – giả thông qua hình ảnh trong dụ ngôn: “Hai người con”, để nhằm giúp cho mọi người hiểu rằng: giá trị đích thực không phải ở chỗ nói nhiều, nhưng là thi hành đúng. Không phải ở chỗ nịnh hót, mà là toàn bộ đời sống của người đó có “ngôn hành đồng nhất” hay không.

1. Ý Nghĩa dụ ngôn

Khởi đi từ sách tiên tri Isaia giới thiệu về cách hành xử của Thiên Chúa như sau: “Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy” (Is 55, 9), bởi vì: “… tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta” (Is 55,8).

Thật vậy, đường lối của Thiên Chúa thì khác xa với đường lối và tư tưởng của con người. Với chúng ta thì dễ nhìn về quá khứ và đóng khung trong đó như một định luật bất di bất dịch, hầu kết án hay khoan hồng. Nhưng với Thiên Chúa thì Người nhìn và hướng về tương lai để mong sao cuộc đời của mỗi người được tốt đẹp hơn và có cơ hội trở lại. Tuy nhiên, tiêu chuẩn để đạt được điều hoàn thiện lại không phải phụ thuộc vào lời nói, mà là nơi hành động.

Để làm sáng tỏ vấn đề trên, Đức Giêsu đã đưa ra hai hình ảnh của hai người con được cha sai đi làm vườn nho. Người thứ nhất không đi, nhưng sau lại đi. Người con thứ nhận đi, sau lại không đi.

Hình ảnh đứa thứ nhất được Đức Giêsu ám chỉ là những người tội lỗi, thấp cổ bé họng, bị xã hội ruồng bỏ. Họ cũng là những người dân ngoại, thu thuế và gái điếm, bị người Dothái khinh miệt. Vì thế, họ không dám tham gia vào công việc làm vườn của người cha, nhưng sau khi hiểu được lòng tốt của cha, họ đã sám hối, an tâm, can đảm và vui vẻ thi hành cách trung thực.

Còn đứa thứ hai là hình ảnh đại diện cho những Thượng tế, Kỳ lão, Luật sĩ và Biệt phái Dothái. Những người này luôn luôn tự hào mình là con cái Tổ Phụ Abraham, dòng dõi các Tiên tri và là những người trung thành với luật Maisen. Vì thế, cái vé vào Nước Trời là chắc chắn. Họ coi các dân tộc khác là những hạng người bị ruồng bỏ, là đứa con hoang, những hạng người như thu thuế, gái điếm thì khái niệm Nước Trời cũng không thể hiện hữu trong tâm tưởng phương chi nói gì đến ơn cứu độ!

Vì sẵn có tính tự kiêu, tự coi mình là con cưng, được ưu tuyển. Nên ban đầu, họ cũng nhận cho hài lòng người cha, nhưng vì kiêu ngạo, tự mãn, họ lại không làm. Điều này cho thấy, họ thuộc hạng người nịnh hót, nói một đàng, làm một nẻo.

Kết cục, Đức Giêsu phán: “Kẻ sau hết sẽ nên trước hết, và kẻ trước hết sẽ nên sau hết” (Mt 20, 16a); bởi vì: “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông” (Mt 21, 31).

Đó là câu chuyện Tin Mừng thời Đức Giêsu, nhưng ngày nay, điều đó có còn không?

2. Thật giả vẫn luôn tồn tại

Chỉ cần ngồi lại để suy nghĩ một chút, chúng ta thấy hiện lên trong đầu rất nhiều tình huống thật giả, tốt xấu lẫn lộn đan xen quá nhiều. Nhất là trong lãnh vực quảng cáo. Họ tuyên truyền, thổi phồng tin tức, sự kiện để làm hấp dẫn điều muốn nói. Hay trong lãnh vực Marketing, người ta quảng bá những sản phẩm chất lượng tối ưu, bán chạy như tôm tươi, nhưng thực chất chỉ là thứ hàng giỏm, hàng giả.

Đôi khi điều đó là hành vi của những người xung quanh. Nhưng cũng không chừng, đó lại là của chính chúng ta!

“Căn bệnh giả dối” là đầu mối sinh ra những xói mòn về đạo đức, niềm tin của con người, từ đó phát sinh ra những suy thoái về giá trị tinh thần, nhất là làm lu mờ lương tâm.

Điều đáng nói là sự giả dối nó lan tràn và gần như là chuyện bình thường trong xã hội, nếu không muốn nói là nó đã trở nên ông chủ tồi chỉ đạo cuộc sống! Vì thế, nhiều khi muốn sống lương thiện cũng khó, làm người tử tế trong bối cảnh hiện nay không dễ!

Tại sao vậy? Thưa! Bởi vì bậc thang giá trị không còn phụ thuộc vào sự thật nữa, cán cân công lý được điều chỉnh bằng tiền, quyền. Gian dối là bình thường, thật thà lại là bất thường, là ngu dốt, là kém cỏi… Vì thế, người ta thường có câu nói mỉa mai như sau:“Chân lý, chân giò cùng một giá”; “Lương thực, lương tháng và Lương Tâm bằng nhau”.

Thật vậy, nếu ai đóng kịch giỏi và giống thì sẽ được tôn vinh, kính trọng. Trong khi đó, người sống liêm chính thì phải chịu thân phận của 8 chữ “t”: “Thật thà thẳng thắn thì thường thua thiệt”. Còn kẻ vô tài, thất đức, lẻo mồm, tâng bốc, nịnh hót thì lên như diều, để rồi “làm láo, báo cáo hay”.

Vì vậy, không thiếu gì cảnh: “Bề ngoài thơn thớt nói cười, mà trong nham hiểm giết người không dao” (Truyện Kiều). Những người này thường dùng chiêu thức: “Tốt đẹp khoe ra, xấu xa che lại”, vì thế, họ ưa sống hào nhoáng bên ngoài nhưng thực chất bên trong trống rỗng. Họ thuộc hạng người: “Khác nào quạ mượn lông công. Ngoài hình xinh đẹp trong lòng xấu xa” (Ca dao), nên không sớm thì muộn, họ bị đặt nghi vấn: “Trông anh như thể sao mai, biết rằng trong có như ngoài hay không” (Ca dao).

Đứng trước thực trạng như thế, chúng ta nhiều khi thông cảm với cảm thức của người Việt là thích ứng và tùy nghi. Tuy nhiên, là người Kitô hữu, chúng ta không thể sống kiểu: “Gió chiều nào che chiều đó”. Sống như thế là trái với đạo lý của Tin Mừng, nghịch với Lương Tâm ngay thẳng. Khi sống như thế, ta chẳng khác gì một cây tầm gửi, hay ký sinh trùng ăn nhờ ở đợ người khác, nên khi họ bị thất thế, ngã gục thì cũng chết theo.

Thật vậy, chúng ta có thể “lừa dối vài người mãi mãi, có thể lừa dối mọi người một lúc nào đó, nhưng ta không thể lừa dối mọi người mãi mãi được”. Là người Kitô hữu, chúng ta phải nằm lòng câu nói sau: “Mất tiền là mất ít, mất người là mất nhiều, nhưng mất niềm tin là mất tất cả!”.

3. Hiểu và sống sứ điệp Lời Chúa

Sứ điệp Lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta hãy trở về đường ngay nẻo chính để được hạnh phúc, bằng không sẽ phải chết trong sự thất vọng: “Khi người công chính từ bỏ lẽ công chính của mình và làm điều bất chính mà chết, thì chính vì điều bất chính nó đã làm mà nó phải chết. Còn nếu kẻ gian ác từ bỏ điều dữ nó đã làm, mà thi hành điều chính trực công minh, thì nó sẽ cứu được mạng sống mình”(Ed 18, 26-27).

Lời Chúa hôm nay còn mời gọi chúng ta cần loại bỏ tư tưởng đạo đức giả và cho mình thuộc hàng công chính, rồi sống trong sự tự mãn, kiêu căng. Đừng mang danh là Kitô hữu nhưng thực tế không có “chất Kitô”. Luôn có tinh thần sám hối, quay trở về với Chúa. Không được có thái độ tự ti để rồi tự nhận mình thuộc hàng “thu thuế và đĩ điếm” để buông xuôi trong sự thất vọng.

Mong sao tất cả chúng ta, mỗi người luôn ý thức rằng mình đều là những người đang lữ hành, nên chưa phải là hoàn hảo. Vì thế: “Không hề có tình trạng đã thành một Kitô hữu mà chỉ có trong tình trạng đang trở thành một Kitô hữu” (Soren Kierkegaard).

Nếu: “Có thì nói có, không thì nói không, thêm thắt là do ma quỷ mà ra”. Thực hành lập trường “ngôn hành đồng nhất”, nếu không sẽ dễ dẫn đến tình trạng “mâu thuẫn nội tại”. Và chúng ta bị rơi vào tình trạng nói thì rất hăng nhưng khi làm thì chẳng thấy đâu, họ giống như người: “Nói thì đâm năm chém mười, đến khi tối trời chẳng dám ra sân” (Tục ngữ).

Lạy Chúa, xin cho chúng con được thuộc về sự thật và trở nên chứng nhân cho sự thật, bởi vì chỉ có sự thật mới giải thoát được chúng con mà thôi. Amen.

 Về mục lục

.

VÂNG PHỤC LÀ ĐÓN NHẬN LÒNG NHÂN ÁI

 “Này con, hôm nay con hãy đi làm vườn nho!”

Nghe câu chuyện dụ ngôn này, tôi vẫn hay thắc mắc về ý nghĩa của việc ‘đi làm vườn nho’ vì đôi khi nó không rõ ràng lắm. Từ lâu tôi đã nghĩ thật đơn giản: sống lành thánh, làm các việc lành phước đức, thi hành các việc tồng đồ, truyền giáo… tức là ‘làm trong vườn nho’ của Chúa rồi còn gì! Sau này tôi mới phát hiện ra khái niệm này xem ra không ổn khi áp dụng vào trường hợp cụ thể của hai người con trong dụ ngôn: đứa vâng ngoan trước lời kêu mời của người cha nhưng đã không đi, còn đứa ngang bướng rốt cuộc rồi lại ‘đi làm vườn nho’. Qua câu chuyện này tôi thấy hình như Đức Giê-su đã suy nghĩ rất khác: Người không phân thính giả thành hai loại ‘người vâng’ hay ‘người không vâng’, nhưng ngay trong mỗi thính giả vốn đã sẵn biện chứng ‘vâng và không vâng’, rốt cuộc họ vẫn được đánh giá qua việc ‘đi làm vườn nho’ mà thôi. Nhưng làm vườn nho hệ tại ở điều gì, theo tâm tưởng của Đức Giê-su?

Thói thường thì ai cũng hiểu là lời nói không trọng hơn việc làm. Khi sử dụng cùng một khái niệm này Đức Giê-su đã cho thấy: đối với Nước Thiên Chúa, sống tội lỗi như ‘những người thu thuế và những cô gái điếm…’, hoặc sống lương thiện công chính như các thượng tế và kỳ mục trong dân (đối tượng chính của dụ ngôn) vẫn chỉ là những lời nói ngang bướng hay vâng ngoan. Người còn cho thấy rõ, điều quan trọng hơn chính là ‘thi hành ý muốn của người cha‘, đó là ‘đi làm vườn nho’, tức là tin và tiếp nhận sứ điệp kêu gọi sám hối mà Gio-an Tiền Hô đã khởi sự và Đức Giê-su tiếp tục kêu mời. Như thế Người chỉ cho thấy một điều làm đảo lộn tất cả: ‘đường công chính’ hệ tại ở việc thi hành sám hối hơn là ở việc có sống ngay lành hay không; “Gio-an đã đến chỉ đường công chính cho các ông, mà các ông không tin ông ấy”. Sám hối đây chưa hẳn là đã sửa đổi được mình, cho dầu nỗ lực vươn tới là dấu chỉ cần thiết của chân thành sám hối, nhưng chính yếu hệ tại ở việc đón nhận ơn cứu độ Thiên Chúa ban cho. Sứ điệp của Gio-an “Hãy sám hối!”, tức là hãy cải tà qui chính trong nội dung luân lý, đã được chính Đức Giê-su cập nhật: “Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ!” tức là tin vào Đức Ki-tô Giê-su mạc khải tình yêu cứu độ của Thiên Chúa. Sứ điệp này quả chất chứa một nội dung rất Tin Mừng! Trong số những người thu thuế và gái điếm tin vào Gio-an không phải tất cả đều đã đổi đời hoàn lương, nhưng tất cả họ đều đã khám phá ra và đón nhận lòng thương xót cứu độ của Thiên Chúa và tin vào Tin Mừng. Chính ở điểm này mà họ trở nên hơn hẳn các thượng tế và kỳ mục, tức các đấng bậc được coi là vị vọng trong dân, vì họ đã trở nên ‘công chính’ theo Tin Mừng; “Tôi bảo thật các ông: những người thu thuế và những cô gái điếm vào Nước Thiên Chúa trước các ông”. Như thế rõ ràng là để vào được Nước Trời, điều kiện quan trọng hơn cả là, thông qua sám hối những lỗi lầm đã phạm, mỗi người nhận ra tình yêu cứu độ Thiên Chúa đang tuôn đổ trên mình, và khiêm tốn mở lòng đón nhận. Các Pha-ri-sêu đã không thể đạt tới được sự công chính ấy; “Phần các ông, khi đã thấy vậy rồi, các ông vẫn không chịu hối hận mà tin ông ấy.”

Nếu quả là như thế thì cuộc sống mỗi Ki-tô hữu chúng ta đều chất chứa cả hai phần: nói và làm. Riêng phần ‘nói’ nhiều lúc có thể là vâng ngoan, vì đã giữ đạo tử tế, đã làm các việc lành phước đức, đã có không ít các nỗ lực tu thân tích đức, sống bác ái, tông đồ phục vụ v.v…, nhưng đồng thời cũng có những hồi ngang ngược vì các yếu đuối lỗi lầm đã phạm. Nhưng cho dầu đã ‘nói’ thế nào đi nữa, thì lúc này đây, điều quan trọng hơn hết đối với mọi người vẫn phải là ‘đi làm vườn nho’, tức là khiêm tốn nghe lời kêu gọi sám hối của Gio-an để thật lòng tin vào Tin Mừng cứu độ mà Đức Ki-tô Giê-su đã mang lại. Có thể tôi ‘đi làm vườn nho’ vì tôi vốn ngoan hiền, và như thế là tuyệt vời vì tôi nói và tôi đi làm, nhưng cũng có lúc (và có lẽ trường hợp này còn nhiều hơn!) tôi đã từng nói ‘không đi’ nhưng rồi trong tác động của ân sủng tôi đã ‘… hối hận, nên lại đi’.

Đối với Tin Mừng trường hợp sau này có vẻ lại càng ý nghĩa hơn, vì sự ngang bướng rõ ràng dẫn tới hối hận, và trở thành động lực thúc đẩy ‘đi làm vườn nho’. Chính các yếu đuối lầm lỡ đã phạm có thể giúp ta dễ dàng hơn khám phá ra lòng thương xót vô biên của Thiên Chúa, để rồi… ‘sám hối và tin vào Tin Mừng’. Và như thế vô hình chung đã biến ‘Con không đi!’ ngang bướng trở thành cho ta ‘tội hồng phúc’, như thánh Âu-tinh đã từng diễn đạt cảm nghiệm của riêng ngài. Đáng lý ra toàn bộ cuộc sống Ki-tô hữu ngay từ đầu đã phải trọn vẹn là ‘vâng con đi’ và ‘đi làm vườn nho’, bởi vì qua Bí Tích Thánh Tẩy lãnh nhận họ đã công khai nói lên điều đó. Tuy nhiên thực tế cuộc sống cho thấy ngay cả nơi các Ki-tô hữu vẫn luôn tồn tại một ‘biện chứng’ giữa ‘vâng và không’, đúng như nội dung của dụ ngôn ‘hai người con’. Và vì không một ai nằm ngoài qui luật biện chứng này nên sám hối và lãnh nhận Bí Tích Cáo Giải vẫn luôn phải chiếm một vị trí quan trọng trong đời sống của tất cả mọi Ki-tô hữu trải qua các thời đại. Phải chăng thái độ ‘sám hối và tin vào Tin Mừng cứu độ’ mà cao điểm được diễn đạt nơi tòa giải tội, mới chính là việc ‘đi làm vườn nho’ của mỗi người chúng ta, và qua đó chúng ta được trở nên công chính?

Hơn ai hết, vì là Linh Mục nên tôi đã phải luôn nói ‘vâng’ với lời kêu mời sám hối và đón nhận lòng Chúa xót thương, thế nhưng hơn bất cứ ai khác, tôi phải biến lời ‘vâng’ này thành hành động: mau mắn lên đường ‘đi làm vườn nho’ Tin Mừng của Chúa. Chính tôi cũng cần sám hối không ngừng!

Lạy Cha từ nhân, cha không ngừng mời gọi con, cũng như mời gọi hết thảy mọi người, ‘đi làm vườn nho’ của Cha, vườn nho của đón nhận lòng từ ái và xót thương bao la. Rất có thể con đã tự cho mình là đứa con vâng ngoan vì ơn gọi tu sĩ và linh mục mà Cha đã ban cho con suốt trong những năm tháng dài đời con, nên đôi lúc con thấy không cần phải đi thêm nữa. Con đã từng đáp lại tiếng Cha mời gọi bằng câu thưa: “lạy Chúa, con đây”, thế nhưng vẫn luôn có nguy cơ ‘nhưng rồi lại không đi’. Xin cho con ít quan tâm hơn tới ‘nói’ và tập trung hơn vào ‘đi làm’ trong vườn nho của sám hối và đón nhận trọn vẹn lòng thương xót cứu độ của Cha. A-men.

 Về mục lục

.