Lời Chúa Năm A CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 23 THƯỜNG NIÊN NĂM A

Chúa Nhật XXIII thường niên – năm A
Lời Chúa: 
Ed 33,7-9; Rm 13,8-10; Mt 18,15-20
***************

Mục lục

1. Sửa lỗi cho nhau  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

2. Giúp nhau nên tốt và giúp phát triển cộng đoàn  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí. Gp. Xuân Lộc)

3. Kiên nhẫn giúp nhau  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

4. Liên đới  (Trầm Thiên Thu)

5. Sửa lỗi người anh em  (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu. SJ)

6. Nghệ thuật sửa lỗi  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

7. Sửa lỗi cho anh em theo tinh thần của Chúa  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

 

 

SỬA LỖI CHO NHAU

Con người luôn có lầm lỗi. Ai nên khôn mà không dại một lần. Và chắc chắn là không chỉ một lần mà rất nhiều lần trong cuộc đời. Phạm lỗi cũng không dừng lại ở lứa tuổi nào mà ở bất cứ lứa tuổi nào cũng có thể phạm lỗi. Có điều là chẳng mấy ai trong chúng ta dám nhận mình có lỗi. Chẳng mấy ai dám thú nhận về những lầm lỗi của bản thân.

Đó là điều mà chúng ta cần phải được người khác sửa lỗi. Nếu không được người khác sửa sai thì mình sẽ không bao giờ đứng lên làm lại cuộc đời. Một đứa bé để có thể nói đúng, nói không sai chính tả cần được cha mẹ sửa giọng nhiều lần mới có thể nói không bị ngọng. Về nhân bản con người cũng phải được người khác dạy bảo, sửa lỗi thì mới hoàn thiện chính mình.

Như vậy, sửa lỗi là bổn phận của cha mẹ, của thầy cô, của bạn bè và nhận được sự chỉ dạy là của từng người chúng ta. Nếu chúng ta không sửa lỗi cho anh em là chúng ta đang có lỗi với chính mình vì chúng ta chưa sống tròn bổn phận của mình với tha nhân. Đôi khi còn bị người mà mình đã không dậy dỗ oán trách lại chúng ta.

Có một đứa trẻ từ nhỏ đã thích ăn trộm. Một hôm, nó đi học về, trong cặp có thêm một chiếc bảng học sinh. Mẹ nó hỏi:

– Sao con lại có tới hai chiếc bảng?
Đứa con đáp:
– Một cái là của bạn cùng lớp với con. Con đã lén lấy cho vào cặp đấy.
Bà mẹ vui mừng nói:
– Con của mẹ thật thông minh. Hai cái bảng chắc chắn là tốt hơn một cái rồi.

Ít lâu sau, đứa con lại mang về một cái áo da, trị giá 50 quan tiền. Đứa con đưa chiếc áo da cho mẹ, mẹ nó khen:
– Con trai của mẹ thật là giỏi, biết hiếu thảo với mẹ. Ra mẹ thơm một cái nào.
Đứa con trai ngày một lớn lên, càng ngày càng lấy trộm những thứ có giá trị hơn. Hôm nay ăn trộm bò, ngày mai ăn trộm ngựa, ngày hôm sau trộm vàng bạc châu báu. Bà mẹ luôn luôn khen ngợi con, trong nhà thiếu thứ gì, liền bảo với con trai để nó đi trộm về.

Có một lần, đứa con ăn trộm đồ bị người ta bắt quả tang, giải lên quan phủ. Vì hắn trộm quá nhiều thứ nên bị phạt tội chết. Tên trộm bị trói hai tay ra sau lưng, giải ra pháp trường. Mẹ hắn đi theo sau, khóc lóc thảm thiết. Tại pháp trường, tên trộm xin quan cho hắn được nói với mẹ vài lời. Khi bà mẹ bước tới gần, hắn liền cắn mạnh vào tai mẹ. Mẹ hắn đau quá kêu toáng lên, lớn tiếng mắng con:
– Mày thật là đồ bất hiếu, tự mình phạm tội chết còn chưa đủ hay sao mà còn muốn làm mẹ thành tật à?
Đứa con giận dữ nói với mẹ hắn:
– Lần đầu tiên tôi ăn trộm cái bảng về, nếu bà đánh tôi một trận và dạy bảo tôi thì tôi không đến nỗi như ngày hôm nay và đã không bị xử tội chết.

Hóa ra không dạy dỗ người khác có khi dẫn đến “gậy ông đập lưng ông”. Dạy người khác sửa sai là giúp mình được sống bình an hạnh phúc. Không dạy người khác sửa sai là mình đang “nuôi ong trong tay áo”, hậu quả sẽ là mình bị ong chích đầu tiên. Thế nên, khi làm điều sai trái, dù là cái sai rất nhỏ, thì cũng phải kịp thời sửa chữa. Nếu không, cứ để nó lớn dần lên thành cái sai nghiêm trọng thì có thể khiến mình phải hối hận cả đời.

 Hôm nay Chúa nhắc chúng ta phải sửa lỗi cho nhau. Sửa lỗi không phải chỉ trích. Chỉ trích là công kích nhau, là rêu rao lỗi lầm của nhau. Chỉ trích thường thiếu bác ái, thiếu tinh thần xây dựng cho nhau. Sửa lỗi đòi tế nhị, kín đáo, thông cảm với yếu đuối lỗi lầm của nhau. Sửa lỗi là một bổn phận, là bác ái mà chúng ta phải thực thi cho tha nhân. Sửa lỗi trái ngược với bỏ mặc, và thiếu trách nhiệm với tha nhân. Trong tinh thần bác ái và yêu thương chúng ta phải có bổn phận sửa lỗi cho nhau. Cha mẹ sửa lỗi cho con cái. Vợ chồng sửa lỗi cho nhau. Thầy cô sửa lỗi cho học trò. Bạn bè sửa lỗi cho nhau. Tất cả phải có bổn phận giúp nhau thăng tiến. Không bỏ mặc nhau nhưng luôn dìu nhau tiến bước.

Sửa lỗi cho nhau không chỉ với tội lớn mà ngay cả tội nhỏ cũng cần được nhắc nhở, được giúp cải thiện. Bởi vì “nhỏ ăn trộm dây cột bò, lớn sẽ ăn trộm cả con bò”. Vì phạm tội sẽ thành thói quen. Phạm tội một lần thì sợ hãi, nhưng nhiều lần thì lương tâm đã chai lì, đánh mất sự sợ hãi lo âu.

Chúa Giê-su dạy ta cách sửa lỗi tiệm tiến với tình yêu thật tế nhị. Sửa lỗi cách kín đáo bằng lời chân tình góp ý thẳng ngay với nhau. Nếu thất bại cần thêm lời của nhân chứng để người được sửa lỗi càng nhận biết lỗi lầm của mình hơn. Nếu vẫn thất bại thì cần đến cộng đoàn để nhờ sức mạnh của cộng đoàn giúp kẻ có lỗi ăn năn sửa đổi.

Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm sửa lại những lỗi lầm. Biết bỏ đi tính tự ái, cố chấp để lắng nghe lời góp ý chân thành của tha nhân. Xin đừng vì cố chấp mà trở thành kẻ ngang bướng làm hại đến cộng đoàn. Amen

Về mục lục

 


GIÚP NHAU NÊN TỐT VÀ GIÚP PHÁT TRIỂN CỘNG ĐOÀN

Gần đây, có một bài viết của một sinh viên Nhật du học tại Việt nam đã gây sốc cho cộng đồng mạng. Trong bài viết đó, sinh viên nhận xét về đời sống cộng đồng của người Việt như sau :

Tôi tự hào vì đất nước tôi được thử thách nhiều hơn bất kỳ ai. Khi thảm họa động đất sóng thần kép diễn ra, cả thế giới gần như “chấn động”. Chấn động vì giữa hoang tàn, đổ nát, đói khổ và biệt lập, người ta chỉ nhìn thấy từng dòng người kiên nhẫn xếp hàng nhận cứu trợ và cúi đầu từ tốn cảm ơn. Không có cảnh hôi của, lên giá, cướp bóc, bạo lực nào diễn ra giữa sự cùng khổ.

Bạn cũng có một nước Việt để tự hào : Thật đáng tự hào nếu bạn được lớn lên ở một đất nước được thiên nhiên ưu đãi với rừng vàng biển bạc. Đáng xấu hổ nếu xem đó là khoản thừa kế kếch xù, không bao giờ cạn. Thật tiếc đó lại là những gì tôi thấy. Tại các thành phố, chỉ cần nhà mình sạch sẽ là được, ngoài phạm vi ngôi nhà, bẩn đến đâu, không ai quan tâm. Ở các xóm, các nhà máy, nếu không biết dồn rác thải ở đâu, họ sẽ cho chúng ra ngoài đường, sông suối, biển cả vì đó là “tài sản quốc gia” – đã có quốc gia lo, không phải việc của mỗi người dân. Tại một đất nước mà 80% dân số sống bằng nghề nông, đất đai, nước ngầm hầu như đã bị nhiễm độc, đến nỗi, người ta nói vui trong năm nữa thôi sẽ là thời đại của ung thư vì ăn gì cũng độc, không ít thì nhiều, không thể khác. Vì sao nên nỗi ?

Hãy chỉ cho tôi thấy rằng tôi đã sai nếu nói : Người Việt không biết xếp hàng, xếp hàng chỉ dành cho học sinh tiểu học ; người Việt không biết tự hào về người Việt, người Việt chửi hay còn hơn hát, cứ xách ba lô ra tới thủ đô một chuyến thì sẽ được mục sở thị ; người Việt vẫn còn luyến tiếc văn hóa làng xã, giai cấp, nếu không phải thế, thì họ đã không đứng thẳng người chửi đổng và cúi rạp mình trước quyền lực bất công mà chẳng dám lên tiếng ; người Việt có đôi mắt siêu hạng nhất vì nhìn đâu cũng thấy cơ hội để mánh mung, lọc lừa.

Thưa quý OBACE, thật đáng tiếc là lối sống cá nhân, bữa bãi, thiếu tinh thần chung được nhắc đến ở trên cũng vẫn đang ảnh hưởng trong đời sống của  cộng đoàn, của giáo xứ. Bên cạnh đó, nhiều người nhân danh dân chủ cách sai lạc để gây biết bao rắc rối, chia rẽ trong cộng đoàn, trong giáo xứ.

Các bài đọc Lời Chúa hôm nay dạy chúng ta biết giúp nhau nên hoàn thiện và cùng nhau xây dựng cộng đoàn nên tốt đẹp hơn. Bài đọc một, Lời Thiên Chúa nhắc cho Ezekiel nhớ về trách nhiệm của ông là phải giúp anh em mình sửa chữa lỗi lầm. Vì là một trách nhiệm nên ông không thể không thi hành, dù người anh em đó có nghe hay không nghe, có đón nhận sự sửa dạy hay từ chối, thì ông vẫn phải lên tiếng. Ta đã đặt người làm người canh gác cho Israel, ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta và thay Ta báo cho chúng biết. Chi tiết này cho thấy rằng, vị tiên tri có nói, là nói những lời ông đã đón nhận từ nơi Chúa, thông truyền là thông truyền ý của Thiên Chúa, chứ ông không được phép nói theo ý kiến cá nhân hay nói lời của ông mà không phải ý Chúa.

Không những thế, Thiên Chúa còn đòi chúng ta phải chịu trách nhiệm về số phận đời đời của anh em mình khi thấy họ rơi vào con đường sai lầm, mà mình không lên tiếng cảnh báo : Kẻ gian ác sẽ phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng nếu ngươi không lên tiếng cảnh báo nó để nó từ bỏ con đường xấu xa, Ta sẽ đòi ngươi nợ máu của nó. Ngược lại, ngươi đã cảnh báo nó, nhưng nó không nghe, nó sẽ phải chết, và ngươi sẽ được vô tội.

Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu chỉ cho chúng ta những bước đi cần thiết trong việc giúp anh chị em mình nhận ra sai lỗi của bản thân. Bước thứ nhất là gặp gỡ cá nhân trong tinh thần xây dựng: Nếu người anh em ngươi trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó nghe anh, thì anh đã chinh phục được một người anh em. Bước thứ hai là khuyên nhủ anh em trong một nhóm nhỏ có tính cách kín đáo nội bộ. Nếu cả hai bước trên đều thất bại và người kia vẫn cứng lòng, thì đến bước thứ ba : Hãy đem đến trước cộng đoàn Hội Thánh, để ở nơi đây, với uy tín và tính cách của cộng đoàn, và vì trách nhiệm cũng như bổn phận của đương sự với cộng đoàn, hy vọng là kẻ làm điều sai trái sẽ nhận ra sự sai lỗi của mình mà hoán cải. Nếu đến mức này, mà kẻ ấy còn cứng lòng, thì hãy kể nó như một người dân ngoại.

Chúa Giêsu đã hướng dẫn những bước đi hết sức thận trọng, khôn ngoan như thế để vừa tôn trọng danh dự người anh em, vừa mang lại lợi ích cho họ. Nếu họ thiện chí và khiêm tốn nhận ra sự sai lầm của mình, họ sẽ được cứu rỗi. Mục đích của việc sửa sai cho anh em là để giúp họ từ bỏ con đường sai trái và nên hoàn thiện hơn, đồng thời góp phần làm cho cuộc sống của cộng đoàn thêm gắn bó với nhau hơn. Vì cộng đoàn Giáo hội là một cộng đoàn thuộc về Chúa Kitô, cộng đoàn của tình yêu thương bác ái, mà trong đó, mỗi thành viên không chỉ có quyền lợi mà còn có trách nhiệm xây dựng và trách nhiệm về phần rỗi linh hồn của nhau ; đồng thời, mỗi người còn phải đem tình yêu thương làm nền tảng trong mọi cách, mọi trường hợp cư xử với nhau.

Thánh Phaolô đã giải thích điều đó trong thư Roma : Anh em đừng mắc nợ ai điều gì, ngoài món nợ tình yêu thương, vì ai yêu thương là chu toàn lề luật. Thánh Phaolô còn nói thêm, tất cả các giới răn, lề luật của Thiên Chúa đều quy về tình yêu thương ; và khi đã thực sự có tình yêu thương thì người ta sẽ cư xử với nhau bằng tình yêu thương, nhìn nhau bằng ánh mắt yêu thương và nói với nhau những lời lẽ yêu thương. Ngược lại, khi trong tâm hồn thiếu vắng tình yêu thương, thì lời nói, hành động của người ấy, dù bên ngoài có được bao bọc bằng lớp vỏ ngọt ngào, nhưng đàng sau đó vẫn là sự đố kỵ, ghen ghét, ích kỷ ; và một khi tâm hồn không có tình yêu thương thì lời nói và hành động của người đó bị chi phối bởi sự gian dối.

Thưa quý OBACE, người Việt Nam vẫn đựợc coi là những người mang văn hóa nông nghiệp, văn hóa cộng đồng. Thế nhưng thực tế tính cộng đồng ấy hầu như không đi theo hướng tích cực là mỗi thành viên ý thức để xây dựng sự trưởng thành của mỗi cá nhân trong cộng đồng, mà hình như tính làng xã của người Việt lại nặng về sự a dua theo cộng đồng, dựa dẫm vào cộng đồng một cách thụ động. Người ta cũng thấy dường như chỉ những khi đánh nhau, thì người Việt mới đoàn kết với nhau, còn lúc hòa bình họ lại dễ dàng tranh chấp, đố kỵ lẫn nhau. Phải chăng thói xấu này đang diễn ra rất nhiều tại Việt Nam, tại các cộng đồng người Việt trên các quốc gia khác, khiến các quốc gia này có những chính sách hoặc lối ứng xử kỳ thị với người Việt Nam ?

Lối sống nghị kỵ cá nhân, ghen ăn tức ở của nhiều người cũng đang dần dần lan vào đời sống sinh hoạt của các giáo xứ. Tại một vài nơi, bên cạnh lối sống cộng đồng làng xã, lại được gia tăng bởi trào lưu dân chủ lệch lạc, khiến nhiều giáo xứ thay vì là một gia đình, một cộng đoàn của tình yêu thương và bác ái, thì người ta lại biến thành một cộng đoàn bè phái đố kỵ, nói xấu lẫn nhau. Thay vì góp ý xây dựng tích cực, họ đem những chuyện trong nhà ra ngoài ngõ để rêu rao, bôi xấu lẫn nhau. Hành động như thế vừa lỗi đức bác ái, vừa không đem lại hiệu quả tích cực. Đưa chuyện của cộng đoàn, của giáo xứ ra ngoài quán, ngoài đường để bôi xấu nhau như thế sẽ không ai là kẻ chiến thắng, ngược lại, những người bên ngoài sẽ là người chiến thắng, họ sẽ vui khi thấy trong Giáo hội, giáo xứ chia rẽ, cắn cấu lẫn nhau.

Bên cạnh đó, nhiều người, nhiều nơi, thay vì gặp gỡ để trao đổi, lắng nghe nhau trong tình yêu thương, để xây dựng, giúp nhau tiến bộ trong tình gia đình Hội thánh, thì họ lại chỉ muốn áp đặt ý kiến của mình trên ý kiến của người khác, nhân danh dân chủ để muốn người khác theo ý mình, mà không đi theo những bước Đức Giêsu đã dạy hôm nay. Họ cũng không có tình yêu và thiện chí để xây dựng cộng đoàn nên khi không được như ý thì họ quay lại chống đối, nói xấu nhau, kể cả chống lại Giáo hội, giáo xứ và cộng đoàn.

Gia đình phải là một cộng đoàn yêu thương mà trước hết, cha mẹ là những người có quyền và có bổn phận phải lấy tình yêu thương làm nền tảng cho gia đình ; có bổn phận nhắc nhở, dạy dỗ con cái, sửa sai khi chúng đi trật đường. Hãy biết “đóng cửa bảo nhau” mỗi khi thấy thành viên của gia đình đi lạc đường, đừng vội nóng nảy, quát tháo, chửi bới, cũng đừng bắt hàng xóm phải nghe mình “dạy vợ dạy con”, đừng bắt họ phải nghe chuyện của nhà mình. Kế đến, hãy dùng tình yêu thương, sự kiên nhẫn và đời sống gương sáng để giúp người thân của mình từ bỏ con đường xấu xa, tội lỗi, trở về đường ngay nẻo chính. Có nhiều bậc cha mẹ đã không quan tâm đền bổn phận này, hoặc do mải mê với công việc khiến quên trách nhiệm dạy dỗ con cái, hoặc do đồng lõa mà làm ngơ trước những sai lầm của con cái, và còn có những người vì lý do kinh tế, nên không dám lên tiếng cảnh cáo con cái khi chúng làm điều sai.

Xin Chúa cho mỗi người chúng ta luôn ý thức trách nhiệm của mình là xây dựng sự hiệp thông và hiệp nhất trong cộng đoàn, lấy tình yêu thương để cư xử với nhau, lấy đức bác ái để giúp nhau nên hoàn thiện, và cảm nhận được Lời Chúa trong thư Phaolô hôm nay: Anh em đừng mắc nợ nhau điều gì ngoài tình thương mến. Amen.

Về mục lục

KIÊN NHẪN GIÚP NHAU

Cuộc sống mỗi người là một bài học cho thế hệ kế tiếp, có những điều cần phải kiên nhẫn đợi chờ : đủ nắng, hoa sẽ nở, đủ gió, chong chóng sẽ quay, và nếu đủ yêu thương, hạnh phúc sẽ đến. Kiên nhẫn là mẹ thành công, kiên nhẫn là điều ai cũng muốn học, kiên nhẫn luôn đi cùng suy nghĩ, giúp tư tưởng ta luôn phong phú, hoàn thiện. Dù khôn ngoan, kinh nghiệm, hoàn cảnh có ủng hộ…. chúng ta không thể sống mà thiếu tình người, làm sao có bạn tri kỷ khi đức kiên nhẫn còn lỏng lẻo, chưa đủ hiểu nhau ? Cuộc đời thật ý nghĩa khi mỗi người biết nhẫn nại làm giầu đẹp nghĩa tình, kiên nhẫn giúp nhau vượt thắng gian khổ mà đạt tới bình an hạnh phúc.

Các bậc làm cha mẹ đều có kinh nghiệm : cha mẹ sinh con trời sinh tính; tương quan bạn bè người ta vẫn cân nhắc câu thành ngữ : hiểu mình, hiểu bạn, rồi sau đó mới mở cái kho tàng quí báu của mình ra. Mối quan hệ xã hội, người ta thường dựa trên lợi nhuận, thỏa hiệp làm ăn để đôi bên cùng có lợi. Kiến thức hay nghệ thuật sống của mỗi người không phong phú dồi dào nhờ mua bán, gian lận; gia đình ấm êm đâu phải vì giầu hay nghèo, mà là do mỗi thành viên đầy đủ tình yêu thương.

Khả năng của người kiến trúc là vẽ, là thiết kế được nhiều mẫu nhà, công trình thiết thực cho xã hội; nhưng chúng ta hiểu và thấy được giá trị cao đẹp, không thể thiếu các kỹ sư xây dựng. Sự hài hòa của bức tranh là do bàn tay và khối óc của người họa sĩ, nhưng không thể lấy đâu ra tác phẩm đẹp, ý nghĩa, nếu thiếu nước sơn hay chất liệu của vải nền tốt. Dù là bác sĩ, kỹ sư, linh mục, tu sĩ, giáo dân tốt, người ta vẫn không thể chối bỏ công ơn cha mẹ, nhà giáo dục đào tạo của cộng đồng xã hội. Tình liên đới trách nhiệm xây dựng con người, gia đình, không đơn giản ở số lượng, nhưng còn là chất lượng, công trình bền vững.

Không ai tự hào cho mình là đủ tài đức, chẳng người nào dám nghĩ mình là hoàn hảo, xứng đáng…, dù giầu có địa vị hay khó nghèo, người ta vẫn muốn được thật nhiều tình yêu thương của gia đình, xã hội. Ai trong chúng ta cũng đã nghe : tình cha cao như núi thái, nghĩa mẹ lớn rộng tựa biển đông, sự chăm sóc không dè dặt giữa cha mẹ với con cái; sự thận trọng ít khi phải sử dụng trong tình bạn bè. Bác ái mà Chúa Giêsu nói đến trong Tin mừng hôm nay không dựa trên lợi nhuận; tình yêu thương giữa cha mẹ, bạn bè, không chỉ là trách nhiệm, mà là mục đích phải nên hoàn thiện để cùng đạt tới hạnh phúc Nước Trời.

Qua bài đọc I, Chúa dùng miệng Êgiêkiel chỉ dạy chúng ta : “nếu ngươi không cảnh cáo kẻ gian ác, giúp nó từ bỏ con đường gian ác, thì chính nó phải chết vì sự gian ác của nó, nhưng còn máu nó, Ta sẽ đòi ngươi”. Về kinh nghiệm này, chúng ta có câu : con hư tại mẹ, cháu hư tại bà; tội qui về trưởng. Thiên Chúa trao ban nén bạc cho linh mục tu sĩ, cho bậc làm cha mẹ, Chúa đòi hỏi mỗi người phải có trách nhiệm hướng dẫn, giúp nhau đi đường lối toàn thiện của Chúa. Thánh Phaolô khuyên các tín hữu thực hành tình tương thân tương ái. Trọng trách phải lưu tâm, món nợ cần hơn cả mà ta phải thực hiện đối với anh em mình là tình yêu thương. Ngươi hãy yêu mến kẻ khác như chính mình, lòng yêu thương không làm hại kẻ khác, vậy ai yêu thương là chu toàn lề luật.

Cách đối nhân xử thế mà người đời vẫn quan niệm : đèn nhà ai người ấy rạng, nhất là chuyện đời tư, không nên xen vào. Quan tâm, can thiệp, ý kiến về chuyện riêng tư, “đầu không phải, lại phải tai”…! Bác ái Kitô giáo không đồng ý để chúng ta thủ thân thủ thế, dửng dưng với anh chị em sống xung quanh mình, Chúa Giêsu còn chi tiết hơn trong yêu thương là giúp đỡ nhau, sửa lỗi cho nhau. Đức ái không chỉ dừng trên môi miệng, có thực hành yêu thương, mới thấy khó, có khó mới ló cái khôn; khó khăn để ta luyện đức kiên nhẫn, để ta rõ hơn “có công mài sắt có ngày nên kim”.

Hiểu, sống yêu thương không hề dễ, do đó, người Kitô hữu chúng ta sẽ không cậy dựa vào sức mình, mà cần đến sức mạnh của tập thể, cần đến sự trợ giúp của Chúa nhằm giúp chúng ta thực hiện đức yêu thương. “Ở đâu có hai hoặc ba người tụ họp nhân danh Thầy, thì Thầy ở giữa những người ấy”. Vấn đề sửa lỗi vừa quan trọng vừa tế nhị, vì vậy, từ môi trường gia đình cha mẹ, anh chị em phải nhắc bảo nhau, rồi tiếp đến là gia đình giáo xứ, gia đình Hội Thánh, mỗi người phải có nghĩa vụ riêng. Tính hư tật xấu không được sửa chữa kịp thời, chúng sẽ lan ra toàn thân, không khác gì bị ung thư, đưa tới sự chết. Đồng ý rằng “nhân vô thập toàn”, nhưng không vì thế mà ta im lặng, không phấn đấu, chấp nhận sự gian tham, hận thù, thiếu công bằng…xảy ra; không vì thế mà chúng ta muốn cả Chúa cũng hãy chấp nhận con người tương đối của mình, của xã hội.

Sống trong hoàn cảnh xã hội hôm nay, mọi người vẫn hiểu yêu thương là biết chia sẻ vật chất của cải cho nhau, nhưng yêu thương theo Thánh Phaolô là chu toàn lề luật, nghĩa là đã thực lòng giúp nhau hoàn thiện như ý Chúa. Hạnh phúc không có nghĩa là mọi thứ phải hoàn hảo, hạnh phúc là bạn quyết định sẽ nhìn xa hơn những điều chưa hoàn hảo, cùng nhau kiên nhẫn sửa chữa con người mình mỗi ngày một tốt đẹp xứng đáng hơn. Amen.

Về mục lục

LIÊN ĐỚI

Liên đới là sự ràng buộc lẫn nhau về trách nhiệm và nghĩa vụ. Bất cứ cái gì cũng có tính liên đới, ngay cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Thật vậy, khi một chi thể trong Nhiệm thể Chúa Kitô phạm tội, tất cả chúng ta đều chịu đau khổ, một số người ảnh hưởng trực tiếp. Tội của mình có ảnh hưởng tới người khác, tội của người khác có thể “dính líu” tới mình.

Là phàm nhân, tất cả chúng ta đều yếu đuối. Do đó, khi chúng ta muốn hòa giải với Thiên Chúa, chúng ta cũng phải giải hòa với Giáo hội, không chỉ với người này hay người nọ mà có thể chúng ta đã làm tổn thương. Vì thế, “cấu trúc tội lỗi” cũng có “chiều kích xã hội”. Tại sao? Vì nó nằm trong cách mà chúng ta có thể phạm tội – không chỉ là hành động trực tiếp của mình, mà còn là động thái gián tiếp liên can các tội lỗi do người khác phạm trực tiếp.

Nói chung, dù là điều tốt hay xấu cũng đều có tính liên đới với nhau. Về tính liên đới, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo hội Công giáo (gọi tắt là Giáo huấn Xã hội Công giáo – GHXHCG, Compendio della Dottrina Sociale della Chiesa, Compendium of the Social Doctrine of the Church) gọi liên đới là một nguyên tắc cốt lõi của GHXHCG [1]: “Liên đới nhấn mạnh đặc biệt đến bản tính xã hội nội tại của con người, sự bình đẳng của mọi người về phẩm giá, các quyềncon đường chung của các cá nhân và các dân tộc hướng đến một sự hợp nhất ngày càng gắn bó hơn… Việc gia tăng tương thuộc giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được kèm theo những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đưa bất công lên tầm mức toàn cầu. Việc tăng tốc tình trạng tương tác giữa các cá nhân và các dân tộc cần phải được đi kèm với những nỗ lực mãnh liệt không kém trên bình diện đạo đức xã hội, để tránh những hậu quả nguy hiểm của việc đem bất công lên phạm vi toàn cầu”. [2]

Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nói: “Tình liên đới phải góp phần vào việc thực hiện ý định của Thiên Chúa trên bình diện cá nhân lẫn bình diện của xã hội quốc gia và quốc tế” (Sollicitudo Rei Socialis, 1987, số 40).

Ngày xưa, Thiên Chúa đã nhắn nhủ với con người: “Phần ngươi, hỡi con người, Ta đã đặt ngươi làm người canh gác cho nhà Ít-ra-en. Ngươi sẽ nghe lời từ miệng Ta phán ra, rồi thay Ta báo cho chúng biết” (Ed 33:7). Đó là trách nhiệm của chúng ta, không của giới nào hoặc giai cấp nào.

Không chỉ vậy, Ngài còn cảnh báo: “Nếu Ta phán với kẻ gian ác rằng: ‘Hỡi tên gian ác, chắc chắn ngươi phải chết’, mà ngươi không chịu nói để cảnh cáo nó từ bỏ con đường xấu xa thì chính kẻ gian ác ấy sẽ phải chết vì tội của nó, nhưng Ta sẽ đòi ngươi đền nợ máu nó. Ngược lại, nếu ngươi đã báo cho kẻ gian ác phải từ bỏ con đường của nó mà trở lại, nhưng nó không trở lại thì nó sẽ phải chết vì tội của nó; còn ngươi, ngươi sẽ cứu được mạng sống mình” (Ed 33:8-9). Rõ ràng chúng ta có trách nhiệm và bổn phận đối với nhau. Điều đó vừa là TÍNH liên đới vừa là TÌNH liên đới. Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng (bằng cách này hay cách nọ, trực tiếp hoặc gián tiếp). Ai thấy điều sai trái mà im lặng, đó là đồng lõa hoặc hèn nhát. Thật vậy, chỉ muốn lên thiên đàng một mình là ích kỷ!

Thiên Chúa là Tình Yêu và Chân Lý: “Sự thật sẽ giải phóng anh em” (Ga 8:32). Thật hạnh phúc khi chúng ta biết tôn thờ chính vị Thiên Chúa duy nhất này. Hạnh phúc đó không thể giữ trong lòng mà phải thể hiện ra cho mọi người khác cùng biết: “Hãy đến đây ta reo hò mừng Chúa, tung hô Người là Núi Đá độ trì ta, vào trước Thánh Nhan dâng lời cảm tạ, cùng tung hô theo điệu hát cung đàn” (Tv 95:1-2).

Bổn phận của chúng ta không chỉ là chúc tụng Ngài, mà chúng ta còn phải tôn thờ Ngài và vâng theo Thánh Ý Ngài: “Hãy vào đây ta cúi mình phủ phục, quỳ trước tôn nhan Chúa là Đấng dựng nên ta. Bởi chính Người là Thiên Chúa ta thờ, còn ta là dân Người lãnh đạo, là đoàn chiên tay Người dẫn dắt” (Tv 95:6-7a).

Phàm nhân yếu đuối nhưng rất “chảnh” và bướng bỉnh. Xơ gan là chứng bệnh quái ác. Xơ cứng bất cứ cơ phận nào cũng nguy hiểm. Xơ cứng lòng tin còn nguy hiểm hơn nhiều. Cứng lòng là cố chấp. Cố chấp là phạm tới Chúa Thánh Thần. Mà tội phạm tới Chúa Thánh Thần thì không được tha cả đời này lẫn đời sau (x. Mc 3:28-29; Mt 12:31-32). Thật đáng sợ vì cực kỳ nguy hiểm! Vâng lời Chúa thì phải canh tân đời sống, không thể trì hoãn, thay đổi cách sống càng sớm càng tốt. Rất cấp bách!

Vì yêu thương, vì thương xót, Thiên Chúa lại tiếp tục nhắn nhủ mỗi chúng ta, Ngài thực sự không muốn ai cố chấp mà phải hư mất đời đời: “Ngày hôm nay, ước gì anh em nghe tiếng Chúa! Các ngươi chớ cứng lòng như tại Mơ-ri-va, như ngày ở Ma-xa trong sa mạc, nơi tổ phụ các ngươi đã từng thách thức và dám thử thách Ta, dù đã thấy những việc Ta làm” (Tv 95:7b-9). Hoán cải ngay hôm nay, ngay bây giờ, thì hiện tại, chứ không là “sẽ” của thì tương lai – dù là tương lai gần nhất.

Trong tương quan của tình liên đới, Thánh Phaolô khuyên: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái; vì ai yêu người thì đã chu toàn Lề Luật” (Rm 13:8). Yêu thương là chu toàn luật Chúa. Rất đơn giản và ngắn gọn, xem chừng dễ nhưng lại khó lắm, vì khi “xòe” chiếc-quạt-yêu-thương ra, chúng ta thấy cả một bầu trời bao la lắm, chỉ trong “hình quạt” đó thôi cũng chứa biết bao vấn đề liên quan chữ YÊU. Đó là sự liên quan, cũng là tính liên đới vậy.

Thật vậy, Thánh Phaolô đã giải thích: “Các điều răn như: Ngươi không được ngoại tình, không được giết người, không được trộm cắp, không được ham muốn, cũng như các điều răn khác, đều tóm lại trong lời này: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình. Đã yêu thương thì không làm hại người đồng loại; yêu thương là chu toàn Lề Luật vậy” (Rm 13:9-10). Cụm từ “không làm hại” cũng ẩn chứa biết bao điều liên quan thể lý và tinh thần, liên quan đức ái. Khó lắm, nhưng ai thực sự có lòng yêu thương của Đức Kitô thì có thể làm được.

Chúa Giêsu nói về tính liên đới tâm linh giữa những con người đối với nhau: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh thì anh đã chinh phục được người anh em. Còn nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa, để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba chứng nhân. Nếu nó không nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh. Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại hay một người thu thuế” (Mt 18:15-17).

Thấy điều sai trái thì phải lên tiếng. Có bốn giai đoạn: Nói riêng (nói nhỏ), nói bán công khai, nói công khai, loại bỏ. Dạng “cấp bốn” là “hết thuốc chữa” vì cố chấp, nói theo ngôn ngữ thời @ là BoTay.com, không còn hy vọng gì nơi họ nữa!

Vì muốn cứu tội nhân, Chúa Giêsu đã trao quyền tha tội cho các môn đệ qua thiên chức linh mục: “Thầy bảo thật anh em: dưới đất, anh em cầm buộc những điều gì, trên trời cũng cầm buộc như vậy; dưới đất, anh em tháo cởi những điều gì, trên trời cũng tháo cởi như vậy” (Mt 18:18). Chúa Giêsu nói “cầm buộc” hoặc “tháo cởi” ở đây không có nghĩa là ưa thì “cởi”, ghét thì “buộc”, mà là phải luôn cố gắng tìm cách “tháo cởi” cho người khác. Ngài thiết lập chức linh mục là để thay Ngài yêu thương và tha thứ, để phục vụ chứ không để hưởng thụ hoặc “chảnh” (Mt 20:28), thật buồn khi vẫn có một số linh mục lại “thích” làm ngược lại điều Chúa dạy: Phục vụ ít, hưởng thụ nhiều! Linh mục chỉ là các phàm nhân bình thường, nhưng được Thiên Chúa tuyển chọn và được hành động nhân danh Đức Giêsu Kitô, là bình sành nhưng chứa đựng kho tàng của Thiên Chúa (2 Cr 4:7). Kỳ diệu quá! Ước mong sao các linh mục phải thực sự nghiêm túc với ý thức đó, đừng tự tôn mà làm đau lòng Đức Kitô!

Về việc hiệp lời cầu nguyện, Chúa Giêsu nói: “Thầy còn bảo thật anh em: nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho. Vì ở đâu có hai ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở đấy, giữa họ” (Mt 18:19-20). Cầu nguyện là điều cần thiết và tốt lành, nhưng việc cầu nguyện chung được Chúa Giêsu đề cao. Việc cầu nguyện chung luôn cần thiết là “giờ kinh gia đình”, nhất là buổi tối, nhưng việc làm tốt lành này lại đang bị “xói mòn” vì người ta đưa ra nhiều lý do để biện hộ cho cái sự “quên lãng” của mình!

Dĩ nhiên chúng ta vẫn có thể và cần phải cầu nguyện riêng. Tuy nhiên, có điều cần lưu ý: Có lẽ chúng ta thường chỉ cầu xin nhiều hơn cầu nguyện, và chúng ta cũng thường “quên” nhân danh Đức Giêsu Kitô, đúng như Ngài đã trách các môn đệ: “Cho đến nay, anh em đã chẳng xin gì nhân danh Thầy” (Ga 16:24). Một lời trách nhẹ nhàng mà đau điếng. Và đó cũng là lời trách mà Đức Giêsu Kitô đang nói với mỗi chúng ta hôm nay vậy!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết thật lòng yêu thương và thứ bằng cả tấm lòng như chính Ngài đã nhân hậu với chúng con, hành động bằng cả con người của chúng con, không chút gì vì danh lợi của riêng mỗi chúng con, tất cả chỉ vì sáng danh Ngài mà thôi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

[1] Bảy nguyên tắc trong GHXHCG: (1) Tôn trọng con người, (2) Cổ vũ gia đình, (3) Bảo vệ quyền tư hữu, (4) Lao động vì công ích, (5) Tuân giữ nguyên tắc bổ trợ, (6) Tôn trọng lao động và người lao động, (7) Theo đuổi hòa bình và chăm nom người nghèo. Rút gọn là bốn nguyên tắc chính: (1) Nhân phẩm, (2) Công ích, (3) Bổ trợ, (4) Liên đới.

[2] Hội đồng Giáo hoàng Công lý và Hòa bình, Tóm lược Học thuyết Xã hội của Giáo Hội Công giáo (2005), số 192.

Về mục lục

SỬA LỖI NGƯỜI ANH EM

Trong Giáo hội ngay từ thuở ban đầu, đã có những người sai lỗi.

Nếu đó chỉ là những sai lỗi nhỏ giữa các cá nhân trong cộng đoàn

thì cần tha thứ cho nhau (Lc 17, 3-4).

Nhưng nếu đó là những sai lỗi nghiêm trọng đụng chạm đến cộng đoàn,

vô tình hay cố ý sống ngược với giáo huấn căn bản của Đức Giêsu,

thì cộng đoàn không thể nhắm mắt làm ngơ

mà không sửa sai cho người anh em phạm lỗi.

Bài Tin Mừng hôm nay phản ánh cách sửa lỗi trong cộng đoàn thánh Mátthêu.

Người phạm lỗi nặng ở đây vẫn được gọi là người anh em (c. 15).

Tiến trình sửa sai huynh đệ này diễn ra từ từ, từng bước một.

Bước này thất bại mới chuyển qua bước kế tiếp.

Bước một là cuộc gặp gỡ kín đáo giữa người sửa lỗi và người phạm lỗi.

Mục đích là để giúp người phạm lỗi biết lắng nghe lời góp ý chân tình,

nhận ra lỗi của mình và thay đổi cuộc sống cho phù hợp.

Bước hai diễn ra khi bước một thất bại, khi người phạm lỗi không chịu nghe.

Người sửa lỗi sẽ đem theo hai, ba người nữa để tăng sức thuyết phục.

Nếu người phạm lỗi vẫn khăng khăng không nghe,

thì bước kế tiếp là phải đưa chuyện này ra trước Giáo hội địa phương (c. 17).

Bước cuối cùng chỉ xảy ra khi người anh em ấy vẫn ngoan cố,

không muốn nghe tiếng nói của cộng đoàn Giáo hội,

nghĩa là tự đặt mình ra ngoài sự hiệp thông với cộng đoàn tín hữu,

thì Giáo hội đành lòng không nhận anh ấy như phần tử của Giáo hội nữa.

Có thể ngày nay Giáo hội có những cách sửa lỗi khác,

nhưng những nét dưới đây vẫn giữ nguyên giá trị:

coi người phạm lỗi như anh em và không muốn mất người ấy,

kiên trì đối thoại, cố gắng để người anh em ấy nghe ra và nhận lỗi,

kín đáo giữ thanh danh cho người ấy, đi từng bước trước khi quyết định.

Ngay cả khi Giáo hội đã đưa ra quyết định cuối cùng,

thì việc trở lại với cộng đoàn vẫn luôn mở ngỏ, nếu người ấy muốn làm hòa.

Đức Giêsu phục sinh đã cho Giáo hội dưới quyền thánh Phêrô

được quyền tháo cởi và ràng buộc (Mt 16, 19b; Ga 20, 23)

khi phải đưa ra các quyết định về những phần tử của mình (c. 18).

Sự hiện diện của những nhóm nhỏ trong cộng đoàn là điều có từ xưa.

Tuy nhóm chỉ có hai người, nhưng nếu họ đồng lòng xin một ơn nào đó,

thì Cha trên trời sẽ ban cho (c. 19).

Có nhóm hai hay ba người hội họp với nhau nhân danh Đức Giêsu,

thì Ngài có mặt ở trong cuộc gặp gỡ đó, và Ngài ở giữa họ (c. 20).

Đức Giêsu là Đấng Emmanuen, là Thiên Chúa ở cùng chúng ta (Mt 1, 23).

Đức Giêsu phục sinh cũng hứa ở với các môn đệ cho đến tận thế (Mt 28, 20).

Chính vì thế Ngài hiện diện một cách kín đáo, thầm lặng

Thiên Chúa đã đi với dân Ngài trong hoang địa.

Hôm nay Chúa Giêsu vẫn đồng hành với chúng ta khi ta để cho Ngài quy tụ.

Ngài vẫn hiện diện ở nơi nhóm bạn có chung một niềm tin và tình yêu.

Lời nguyện:

Lạy Chúa Giêsu,

Cuộc đời chúng con

Diễn ra quanh những chiếc bàn,

Làm bằng những chất liệu khác nhau,

Kiểu dáng khác nhau, đặt ở những chỗ khác nhau.

Nơi bàn học,

Ngài mở trí tuệ chúng con

Trước những chân trời mới,

Và dạy chúng con học đạo làm người.

Nơi bàn ăn,

Ngài nuôi dưỡng thân xác chúng con

Để chúng con có sức phục vụ tha nhân

Nơi bàn làm việc,

Ngài cho chúng con được cộng tác với Ngài

Trong việc xây dựng thế giới đại đồng huynh đệ.

Nơi bàn thờ,

Ngài cho chúng con được hiệp thông với Ngài,

Và hiệp nhất với nhau qua một tấm bánh thánh.

Lạy Chúa

Giờ đây chúng con ngồi quanh chiếc bàn này,

Để gặp gỡ, chia sẽ, để bàn bạc, thảo luận,

Để cùng nhau tìm ý Chúa và đem ra thực hành.

Xin thánh hóa những chiếc bàn chúng con sử dụng

Để tất cả trở nên con đường

Đưa chúng con đến hưởng bàn tiệc thiên quốc. Amen.

Về mục lục

NGHỆ THUẬT SỬA LỖI

Tuân Tử, một hiền triết Trung hoa đã nói rằng: Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta, kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta, còn kẻ nịnh hót tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại ta mà thôi.

Chê mà chê thật là sửa lỗi cho nhau trong tình huynh đệ. Là con người ai mà chẳng lầm lỗi. Không ai trên trần thế có thể tự hào mình vô tội. Chính Thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Thú nhận mình tội lỗi không có nghĩa là chấp nhận thất vọng. Ngược lại ý thức được sự yếu đuối của mình sẽ giúp con người mạnh tin hơn. Thánh Gioan cũng viết: “Nếu ai phạm tội, thì chúng ta có một Đấng Bảo Trợ trước mặt Chúa Cha: đó là Đức Giêsu Kitô, Đấng Công Chính” (1Ga 2,1b). Sửa lỗi huynh đệ là cần thiết để giúp nhau thăng tiến và trưởng thành. Vì thế sửa lỗi cho nhau là một nghệ thuật đòi hỏi người ta phải tuân theo một số kỹ thuật.

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy nghệ thuật từng bước sửa lỗi cho anh em và mời gọi hãy cùng nhau cầu nguyện.

1. Sửa lỗi cho nhau:

– Bước 1: “Nếu anh em ngươi phạm tội hãy đi sửa lỗi một mình ngươi với nó”. Một mình với anh em là rất kín đáo. Sửa lỗi cá nhân, tôn trọng và giữ thể diện, biểu lộ sự tin tưởng giữa hai người không để người thứ ba đựoc biết. Đây là cuộc nói chuyện riêng tư, không phải hạ nhục người có lỗi nhưng là giúp người ấy nhận ra lỗi lầm của mình. Phải nói sự thật, nhưng có những sự thật không nên nói hết.

Sự góp ý huynh đệ này đòi hỏi phải tế nhị, xây dựng:

+ Người góp ý: Nhẹ nhàng, nói đúng lúc, đúng chỗ, khôn khéo, thiện chí, nếu không sẽ phản tác dụng, khi đó góp ý chỉ là chỉ trích, phê phán.

+ Người được góp ý: Khiêm nhường nhận lời khuyên, không nóng nảy tự ái, sẵn sàng đón nhận, nhận ra sai lầm, không cố chấp cứng đầu, can đảm sửa đổi. Có như thế việc sửa đổi cho nhau mới có kết quả.

– Bước 2: “Nếu nó không chịu nghe thì hãy đem theo một hay hai người nữa để mọi công việc được giải quyết, căn cứ vào lời hai hoặc ba nhân chứng”. Như thế, nếu bước một không đem lại kết quả mong đợi, sẽ đến bước hai là gặp gỡ có hai hoặc ba nhân chứng. Đây không phải là gây áp lực. Sự hiện diện của các chứng nhân bảo đảm cho tính khách quan và cộng đoàn. Luật Môsê dạy: “Một nhân chứng duy nhất không thể đứng lên buộc tội một người về bất cứ tội lỗi nào, phải căn cứ vào lời của hai hay ba nhân chứng, sự việc mới được cứu xét” (Đnl 19,15). Tuy nhiên chỉ thị của Chúa Giêsu nói đây không phải là nhân chứng buộc tội nhưng là những người trợ lực có uy tín để giúp tội nhân dễ dàng sữa lỗi. Cần kiên nhẫn đối vơi người cố chấp.

+ Người sửa lỗi chú ý hình thức xây dựng và bác ái. Có nhiều khuyết điểm có thể tự nhiên được sửa chữa qua tính trung gian, nhất là những khuyết điểm nhỏ.

+ Người được sửa lỗi chú ý nội dung được góp ý.

– Bước 3: “Nếu nó không chịu nghe họ thì hãy đi thưa Hội Thánh”. Hai bước không đạt kết quả, đưa ra trước cộng đoàn Hội Thánh địa phương vì Hội Thánh được Chúa ban cho quyền cầm buộc tháo cởi (x. Mt 18,18). Đưa ra Hội Thánh không phải để bị xét xử nhưng để tỏ lòng sám hối và sẽ được ân xá. Nhưng nếu kẻ đó vẫn cố chấp không chịu sữa lỗi thì tự loại mình ra khỏi Hội Thánh không còn thuộc về cộng đoàn.

– Bước 4: “Nếu Hội Thánh mà nó cũng chẳng nghe thì hãy kể nó như một người ngoại”. Cộng đoàn mà không chịu nghe thì phải chấp nhận thái độ tự cô lập của họ. Họ cố chấp không muốn ở trong Hội Thánh thì họ sống trong lầm lạc về đức tin và luân lý. Hội Thánh không còn trách nhiệm trực tiếp phải lo cho họ nữa, chỉ còn phó thác họ cho lòng nhân từ của Chúa mà thôi.

2. Hiệp lời cầu nguyện:

Nếu nhìn cách sửa lỗi anh em của Chúa Giêsu là một cách diễn tả tình yêu thì hiệp thông trong lời cầu nguyện lại là một diễn tả khác của tình yêu “Khi hai hoặc ba người họp lại nhân danh Thầy thì có Thầy ở giữa họ”.

Khi yêu ai, chúng ta không dửng dưng để mặc người ấy lún sâu vào sự dữ. Ta sẽ tìm dịp cảnh tỉnh, nhắc nhở, khuyên bảo, không “makeno”, không “đèn nhà ai nấy sáng”. Tương quan bác ái huynh đệ này rất cần trong cộng đoàn, trong Giáo xứ. Chúa Giêsu nhấn mạnh đến mục đích của việc sửa lỗi. Đó là chinh phục, cứu lấy anh em để nó đừng hư mất, liên đới trách nhiệm sữa lỗi cho nhau để nhờ đó cộng đoàn “lợi thêm một người anh em”. Thánh Giacôbê nhấn mạnh tới tình bác ái đáng khen của việc sửa sai huynh đệ “Ai đưa một người tội lỗi ra khỏi sai lầm của họ là đã cứu được linh hồn người ấy khỏi chết và đã bù đắp được vô số tội lỗi”.

Chúa Giêsu còn xác định rằng: “Thầy bảo thật các con: nếu ở dưới đất hai người trong anh em hiệp ý cầu xin bất cứ sự gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời sẽ ban cho họ”. Đây không đơn thuần là một giải quyết giữa anh em loài người, nhưng là cùng nhau đến trước tình yêu Thiên Chúa. Sự hiện diện của Chúa sẽ xóa giải mọi bất hòa giữa anh em. Chúng ta tin và can đảm sống điều đó “Vì ở đâu có có hai ba người họp lại nhân danh Thầy, thì có Thầy ở đấy, giữa họ”.

Trong Đạo Phật người ta thường nói “Phật tại tâm”. Trong Đạo Thiền, người ta sống cuộc sống con người cách đơn sơ thanh thản, không chấp mê, sống tự nhiên như bông hoa nở, như dòng suối chảy, như áng mây bay, như làn gió thổi. Sống an bình với chính mình an hoà với tha nhân, là “phá chấp ngã” nghĩa là không chấp, không chấp cả cái không chấp.

Đạo lý Chúa Kitô tự bản chất sâu xa là Đạo nhân, Đạo của lòng nhân ái, Đạo của tình thương. Tình thương không phải là một tư tưởng, cũng chẳng phải là một học thuyết. Tình thương là con đường ta phải đi, một tình yêu để ta sống, để chia sẻ với người khác.

Đức Kitô đã làm người để chia sẻ tình yêu của Chúa Cha cho chúng ta. Người mời gọi chúng ta chia sẻ lại tình yêu ấy cho anh em. Tất cả đạo lý Chúa Kitô nằm gọn trong chân lý đó. Trong điều mà Người gọi là điều răn mới: “Anh em hãy yêu thương như Thầy đã yêu thương anh em”.

Lạy Chúa Giêsu, xin ban ơn can đảm để con nhận sự sửa lỗi của anh em, và ban cho con ơn khôn ngoan để con biết chân thành sửa lỗi cho nhau, nhờ đó con xứng đáng nhận được lòng nhân từ Chúa xót thương.

Lạy Chúa Giêsu, trước khi sửa lỗi ai, xin Chúa nhắc con nhớ rằng con cũng là tội nhân, cũng yếu đuối và hay lầm lỗi, có khi còn nặng nề hơn họ. Nếu vì bổn phận, con phải sưả lỗi cho người khác, xin cho con biết lấy tinh thần bác ái và tôn trọng nhân vị mà cư xử, nâng đỡ hơn là chỉ trích thoá mạ anh em. Xin cho cúng con luôn biết rộng lượng, bao dung với người khác vì con biết chắc rằng Chúa vẫn tha thứ cho con từng ngày. Amen.

Về mục lục

SỬA LỖI CHO ANH EM THEO TINH THẦN CỦA CHÚA

Khi đảm nhận vài trò sửa lỗi cho anh chị em, hẳn chúng ta đều cảm thấy quá khó! Khó là vì không ai muốn nhận lỗi về mình, và nếu có nhận ra lỗi của mình thì cũng khó lòng chấp nhận sửa sai vì cái “tôi” quá lớn.

Tại sao vậy? Thưa! Đơn giản là vì tâm lý chung của mọi người đa phần là bảo thủ nên dễ nhận thấy lỗi của người khác hơn là lỗi của mình, còn người khác thì dễ nhận ra lỗi của ta hơn là lỗi của họ.

Hôm nay, Đức Giêsu đã dạy cho các môn đệ của mình hãy sửa lỗi cho anh em. Tuy nhiên, theo lẽ thường, muốn thành công, người môn đệ phải có được tâm tình như: yêu thương chân thành, tôn trọng, tế nhị, kiên trì và cầu nguyện. Bỏ một trong các bước trên, thành công là điều khó có thể xảy ra!

1. Sửa lỗi nhau trong yêu thương chân tình:

Trước tiên, khi muốn sửa lỗi cho người khác, chúng ta phải luôn tâm niệm rằng: “Nhân vô thập toàn” và lỗi của người anh em đôi khi cũng là lỗi của mình. Chính thánh Gioan đã quả quyết: “Nếu chúng ta nói là chúng ta không có tội, chúng ta tự lừa dối mình, và sự thật không ở trong chúng ta” (1Ga 1,8). Khiêm tốn nhận ra mình tội lỗi, yếu đuối và bất toàn sẽ mang lại cho ta bài học về sự thông cảm, nhẹ nhàng và bao dung. Ngược lại, nếu không khiêm tốn, ta dễ rơi vào tình trạng vô cảm, dửng dưng với người tội lỗi. Và như một lẽ tất yếu, hẳn chúng ta không những không được Thiên Chúa tha thứ cho chính mình, nhưng Người sẽ đòi nợ ta theo lẽ công bằng. Lúc ấy, chúng ta cũng là những người sẽ bị kết án vì sự bất nhân của mình với anh chị em đồng loại.

Điều này được quảng diễn qua dụ ngôn người mắc nợ không biết thương xót, ông chủ đã lên án con người “cạn tình ráo máng” này khi nói: “Tên đầy tớ độc ác kia, ta đã tha hết số nợ ấy cho ngươi, vì ngươi đã van xin ta, thì đến lượt ngươi, ngươi không phải thương xót đồng bạn, như chính ta đã thương xót ngươi sao? Rồi tôn chủ nổi cơn thịnh nộ, trao y cho lính hành hạ, cho đến ngày y trả hết nợ cho ông” (Mt 18,32-34).

Như vậy, khi sửa lỗi cho nhau dựa trên tình yêu nhờ động lực của đức ái, chúng ta mới có thể đi vào tình yêu của Thiên Chúa để đón nhận sự tha thứ cho chính mình và diễn tả tình yêu đó cho người khác trong khi sửa lỗi cho họ.

2. Sửa lỗi trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị và tôn trọng:

Thứ đến, là sửa lỗi cho anh chị em mình trong tâm sự nhẹ nhàng, kín đáo, tế nhị và tôn trọng: Đức Giêsu đã nói rất rõ: “Nếu người anh em của anh trót phạm tội, thì anh hãy đi sửa lỗi nó, một mình anh với nó mà thôi. Nếu nó chịu nghe anh, thì anh đã được món lợi là người anh em mình” (Mt 18, 15).

Thường thì con người dễ nghe những lời tâm sự, kín đáo, tế nhị, chân tình hơn là những sự nạt nộ, kết tội… hơn nữa, một mình ta với người được sửa lỗi nói lên tính riêng tư và mang lại cảm giác an toàn, kính trọng vì họ đang được yêu thương.

Thật vậy, nếu không có sự tôn trọng, nhẹ nhàng, tế nhị và kín đáo, chúng ta không thể hiểu được tâm trạng của người tội lỗi!!! Bởi vì, thường những người phạm tội luôn mang hai trạng thái, một là tự ái, hai là mặc cảm, xấu hổ. Mặt khác, người sai lỗi thường rơi vào tình trạng bất ổn về lương tâm, nên tinh thần, thái độ của họ rất mỏng dòn, yếu đuối và dễ buông xuôi. Chỉ cần một lời nói thiếu tế nhị là có thể đổ bể mọi vấn đề… và vô tình, chúng ta lại đào thêm hố ngăn cách cho anh chị em, làm cho sự việc trở nên trầm trọng hơn. Thiếu đi sự tôn trọng thì chỉ còn những lời chỉ trích, nguyền rủa. Có được sự tôn trọng, chúng ta sẽ nhẹ nhàng, khiêm tốn khi sửa lỗi.

Như vậy, cần phải có thái độ trân trọng với người mà tôi đang muốn giúp đỡ họ. Trân trọng vì người lầm lỗi đó là người anh em, là bạn, và trên hết là hình ảnh Thiên Chúa. Trân trọng nữa là vì nơi họ vẫn còn đó những suy tưởng tích cực và lương tâm chân chính thủa ban đầu mà Thiên Chúa đã phú bẩm nơi tâm hồn họ, vì thế, tận sâu thẳm của tâm hồn, họ vẫn được tiếng nói lương tâm thúc đẩy để “làm lành lánh dữ” và cách nào đó họ vẫn khao khát tìm về Chân, Thiện, Mỹ.

Mặt khác, khi chúng ta nhẹ nhàng để chỉ cho người anh chị em của mình thấy được lỗi của họ mà sửa, ấy là lúc biểu hiện của tâm hồn một người thánh thiện, chân thành chứ không phải nhân cơ hội này, mình hạ thấp nhân phẩm và nhấn chìm họ xuống để mình được vươn lên trong sự huênh hoang, tự mãn… hãy mặc lấy tâm tình của một người bạn hơn là người chỉ giáo; có tâm tình của một người cha hơn là một quan tòa…

Làm được điều đó, chúng ta sẽ loại bỏ điều oán ghét, giận hờn… để chỉ vì một động lực duy nhất là tình yêu, một mục đích nguyên tuyền là muốn cho người anh chị em chúng ta được trở nên tốt hơn mà thôi.

3. Sửa lỗi trong kiên trì và cầu nguyện:

Cuối cùng, khi thi hành việc sửa lỗi là cả một quá trình. Chuyện liên quan đến toàn thể con người, nó đụng đến tận gốc rễ của cái “tôi”, vì thế, không phải là chuyện làm một lần là xong. Cần phải có nhiều phương án. Đức Giêsu đã vạch ra cho chúng ta những phương án như sau: gặp riêng, gặp có người làm chứng và sau cùng mới đưa ra cộng đoàn (x. Mt 18,15-17). Hãy nhớ lại sự kiên trì của thánh nữ Mônica với thánh Âu tinh!

Tuy nhiên, kiên trì là điều cần, nhưng không thể đóng vai trò quyết định. Thật vậy, mọi chuyện sẽ không thể thành công và sẽ trở thành “công dã tràng” nếu phủ nhận ơn Chúa và cậy dựa vào khả năng thuần túy của ta.

Như thế, đời sống cầu nguyện, kết hợp với hy sinh là điều quan trọng để quyết định thành công hay thất bại. Chúng ta nên nhớ rằng sửa lỗi là việc của chúng ta, nhưng kết quả là việc của Chúa. Chúng ta không có khả năng để thay đổi người khác. Bởi vì: “Mưu sự tại nhân, thành sự tại Thiên”.

Bên cạnh đó, người sửa lỗi phải có sự can đảm chấp nhận sự thiệt thòi về mình khi dám nói lên sự thật, bởi vì đôi khi bị hiểu lầm, ghen ghét, ganh tỵ và bị trả thù ngang qua những sự thật mà ta đã nâng đỡ…

Mong sao, khi đứng trước lỗi lầm của người khác, chúng ta đừng rơi vào tình trạng: khắt khe hoặc vô cảm. Bởi vì khắt khe, chúng ta sẽ hướng chiều về sự loại trừ khi can thiệp cách thô bạo nhằm đẩy lui người anh chị em vào bóng tối. Còn thờ ơ, chúng ta lại rơi vào tình trạng lãnh cảm, tức là không cần quan tâm, bỏ rơi. Tất cả những điều đó hoàn toàn là một“tấm vải đen”, “một bầu trời u ám” cho cả người sửa lỗi và người được sửa lỗi.

Lạy Chúa, xin cho chúng con biết ý thức mình cũng là con người bất toàn nên cần đến ơn Chúa trợ giúp. Đồng thời, xin cho chúng con biết sửa lỗi anh chị em trong tinh thần khiêm tốn và thánh thiện. Xin Chúa cũng ban cho chúng con ơn can đảm, trung thành trong sự thật khi thi hành công việc khó khăn này. Amen.

Về mục lục

 

 

Exit mobile version