CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 22 THƯỜNG NIÊN NĂM A

98

Chúa Nhật XXII thường niên – năm A
Lời Chúa: 
Gr 20,7-9; Rm 12,1-2; Mt 16,21-27
***********

Mục lục

1. Trong họa có phúc  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

2. Sống kỷ luật  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

3. Theo Chúa, chúng ta tìm và mong đợi điều gì?  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí. Gp. Xuân Lộc)

4. Tính cách  (Trầm Thiên Thu)

5. Mất để được  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

6. Từ bỏ mình để được tự do thi hành sứ vụ  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

 

 

TRONG HỌA CÓ PHÚC

Được và mất là hai điều luôn song hành với nhau. Đây là chân lý của cuộc sống con người. Trong cái được luôn tiềm tàng cái mất; và trong cái mất luôn mở ra cơ hội để được. Hiểu được điều này, chúng ta sẽ học cách chấp nhận để bình an hơn khi mất và học cách trân trọng những cái mình đang được.

Trong đời sống đức tin giữa đón nhận và từ bỏ luôn song hành. Đón nhận theo ý Chúa thì phải từ bỏ danh lợi thú trần gian. Giữa đón nhận và từ bỏ không phải lúc nào cũng dễ dàng chọn lựa. Vì nhận cái này phải bỏ cái kia luôn làm cho con người tiếc nuối. Thế nên, cần phải biết học cách khi nào đón nhận, khi nào từ bỏ để được bình an. Đón nhận hay từ bỏ chỉ bình an khi làm theo thánh ý Chúa mà thôi.

Có lẽ chúng ta đều từng đọc câu chuyện “tái ông thất mã”. Câu chuyện như sau:

 Xưa có một ông già sống ở vùng biên giới phía bắc. Ông rất giỏi việc nuôi ngựa. Một hôm ông phát hiện ra rằng con ngựa của ông đã chạy mất sang nước Hồ láng giềng. Hàng xóm cảm thấy tiếc cho ông nhưng ông già nói, “biết đâu nó lại là mang đến một điều phúc?”

 Vài tháng sau, con ngựa đã mất tích của ông đột nhiên quay trở về cùng với một con ngựa quý nữa. Hàng xóm đến chúc mừng ông vì điều may đó. Nhưng ông nói “biết đâu nó lại mang đến tai họa?”

Con trai ông thích cưỡi con ngựa quý, và rồi một hôm anh ta bị ngã ngựa gãy chân và bị què.  Hàng xóm đến an ủi ông nhưng ông lại trả lời “biết đâu nó lại mang đến điều phúc?”

 Một năm sau, nước Hồ láng giềng đưa quân sang xâm lược, và tất cả thanh niên trai tráng đều phải tòng quân ra trận – kết quả là cứ 10 người đi thì 9 người tử trận. Con trai ông bị què nên được ở nhà và thoát chết.

 Nhận có thể trở thành họa, và rồi mất đó lại có thể chuyển thành phúc. Sự chuyển hóa này là vô tận và sự bí ẩn của nó mãi mãi là điều huyền bí đối với nhân loại. Tuy nhiên trong đức tin thì mọi sự cần phải phó thác nơi Chúa. Thiên Chúa có thể rút ra một điều tốt từ cái xấu. Anh em nhà Gia-cóp đã bán em sang Ai-cập là điều xấu. Thế mà, Thiên Chúa lại dùng điều ấy để cứu dòng tộc israel khi cho Giuse làm quan lớn trong triều đình Ai cập.

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy bước đi theo Chúa. Theo Chúa là bước đi trên con đường hẹp buộc phải từ bỏ con đường rộng thênh thanh. Theo Chúa là đón nhận thánh giá bổn phận mà không chọn việc nhẹ nhàng. Theo Chúa là để lại sau lưng những danh lợi thú trần gian. Vì “được lời lãi cả thế gian, chết mất linh hồn nào ích gì?”

Chúa giê-su đã đi con đường như thế. Khi Ngài từ bỏ cõi trời mà mặc lấy kiếp phàm nhân. Ngài từ bỏ thân phận mình để trở nên mọi sự cho con người. Ngài tiếp tục đi vào con đường hẹp để tuân theo thánh ý Chúa Cha. Vì lương thực của Ngài chính là thánh ý Thiên Chúa. Ngài đã chọn vâng phục Chúa Cha và bằng lòng chết trên thập giá để cứu độ trần gian. Ngài đã không chọn vinh hoa phú quý trần gian mà chọn cho thánh ý Chúa Cha hiển trị. Thế nên, Chúa Cha đã tôn vinh Người và ban cho Người mọi danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.

Đôi khi chúng ta vẫn tự hỏi: tôi từ bỏ ý riêng để theo thánh ý Chúa thì tôi được gì? Tôi bước đi theo con đường của Chúa tôi sẽ được gì?

Thực ra, từ bỏ ý riêng để theo thánh ý Chúa không đương nhiên là nghèo khó mà chắc chắn là được Chúa chúc phúc đời này và cả đời sau. Vì ý Chúa luôn mời gọi con người hoàn thiện mình và sống có ích cho tha nhân. Vì ý của Chúa luôn mang lại niềm vui của tâm hồn an bình, thanh thản. Ý Chúa sẽ giúp chúng ta sống hạnh phúc hơn trong cuộc đời của mình. Chính sự bình an, hạnh phúc mới là giá trị đích thực mà con người phải tìm kiếm. Nó có giá trị cao hơn hẳn những danh lợi thú mà lại không có bình an.

Xin Chúa giúp chúng ta biết can đảm từ bỏ con đường dễ dãi của bản thân để đi theo tiếng nói của Chúa dạy bảo qua lời Chúa và qua tiếng lương tâm. Xin đừng vì những danh lợi thú mà đánh mất hạnh phúc đời này và đời sau. Amen

Về mục lục

 .

SỐNG KỶ LUẬT

Đất có thổ công, sông có hà bá; hay đất có lề, quê có thói. Đại ý là ở đâu, làm gì cũng phải biết đến qui tắc chung, nếu không người ta sẽ nhận thất bại, thua cuộc mà thôi ! Cái thước là biểu tượng của người thợ mộc, thợ may ; hình ảnh anh nông dân luôn gắn liền với cái cuốc; người học trò không thể thiếu giấy bút. Tinh thần của người thợ, tình yêu của anh nông dân, sự chăm chỉ chuyên cần của người học trò; nếu mất đi tính kỷ luật, tư thế sẵn sàng, ai nào phân biệt được đâu là thợ, đâu là nông dân, đâu là học trò ?

Kỷ luật không phải là một hình thức trừng phạt, kỷ luật có thể bao gồm hình phạt và nhiều cách khác nữa để uốn nắn hành vi con người trong một thời gian dài, đâu phải là một sớm một chiều. Theo bản tính tự nhiên, ngôn sứ Giêrêmia rất sợ phải sống gò ép mình theo ý Chúa, chỉ vì những lời ông hướng dẫn dân đi theo đường lối Chúa, sống công bình ngay thẳng, thì dân lại không muốn nghe. Do đó mà Giêrêmia cũng bị cám dỗ không muốn nói điều Thiên Chúa truyền dạy nữa, nhưng sau ông lại dễ dàng bị Chúa thuyết phục.

Cây có cội, nước có nguồn ; người có tâm có đức, không thể sống vô trách nhiệm đối với gia đình, xã hội. Người Kitô hữu nếu tin nhận Chúa Giêsu, đi đằng sau Chúa Giêsu, như Phêrô và các tông đồ, chúng ta mới hiểu đường lối của Thiên Chúa khác với đường lối của loài người. Nơi bài đọc II, thánh Phaolô cho rằng : đã là môn đệ của Đức Kitô, chúng ta vinh dự được mời gọi để hiến dâng toàn bộ cuộc đời mình làm của lễ thánh thiện dâng lên Thiên Chúa. Dâng cuộc đời làm của lễ không dễ tí nào, vì cám dỗ, vì thế gian vẫn đeo đuổi khiến người môn đệ phải lựa chọn.

Có bốn nguyên tắc trong cuộc sống mà người đời luôn cho là lý tưởng : bạn hãy trung thực khi nghèo khó, giản dị khi giầu có, nhớ lịch sự khi có uy quyền, và hãy thinh lặng khi bạn giận dữ. Chúa Giêsu qui tụ tất cả trong giới luật yêu thương, tự do chọn lựa : nếu ai muốn theo Thầy, thì hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mình mà theo Thầy.” Nhập gia tùy tục “, theo Chúa thì đi đằng sau Chúa; làm môn đệ của Đức Giêsu, không những từ bỏ thế gian mà còn phải từ bỏ cái tôi ích kỷ của mình, như thế việc sống thánh ý Chúa mới nên trọn vẹn.

Kinh nghiệm : giầu có địa vị, mà ốm đau liệt giường liệt chiếu, liệu tiền của danh vọng ấy còn ý nghĩa gì nữa ? Vợ chồng đầu tư công sức tiền của làm ăn rồi gặt hái kết quả tốt đẹp, nhưng con cái hư hỏng cũng vô nghĩa thôi ! Có khi nào chúng ta ngẫm nghĩ về câu Lời Chúa: “nếu được lời lãi cả thế gian mà mất đi phẫn rỗi nào có ích gì ? Chúa Giêsu không có ý nói các môn đệ rút kinh nghiệm để từ chối đi con đường khổ đau, chật hẹp. Chúa không lưu ý các học trò vận dụng tâm trí của mình để tìm kiếm một đường tắt hầu mau tới đích; nhưng là một quả quyết : Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, còn ai đành mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ được sống.

Nếu như con chim đậu trên cành không bao giờ chúng sợ cái cành bất chợt gẫy, là vì bởi niềm tin của nó không phải là cái cành cây mà đặt vào đôi cánh của nó. Nếu như người môn đệ của Đức Giêsu biết từ bỏ mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo Thầy Giêsu một cách xuất sắc; hẳn không phải vì người môn đệ tài giỏi khỏe mạnh, nhưng là do các ông biết sống tinh thần kỷ luật, là khiêm tốn đi sau Thầy, cậy nhờ vào sức mạnh của Thầy.

Cha ông chúng ta dạy dỗ con cháu rất cụ thể : “ăn đi trước, lội nước theo sau”, “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”. Dù các cụ không có ý nói chúng ta phải khôn hơn người, phải sống chắc chắn hơn người. Thực ra, sống thế nào để vừa lòng nhau ? sống sao để không thẹn với trời đất, trong cư xử không lỗi đạo làm người ?  Sống kỷ luật đâu phải là cột chân cột tay, bó buộc miệng lưỡi để có thể nói thật, làm đúng. Sống kỷ luật là sống điều độ, sống có chừng mực với tâm hồn thể xác mình; vác thập giá theo Chúa đâu phải là đi tìm một cây gỗ to để vác, để được là môn đệ Chúa. Từ bỏ mình đâu phải là bỏ đi cái gì dư thừa mà mình đang sở hữu, bỏ đi một ít tiền của cho người nghèo…. nhưng là bỏ đi con người bằng xương bằng thịt của mình để được Chúa biến đổi nên môn đệ của Chúa, sống và chu toàn bổn phận theo ý Chúa.

Qua phép rửa tội, muốn hay không chúng ta vẫn thuộc về Chúa, là môn đệ của Chúa; dù có sống đạo hay không, chúng ta cũng không xóa được ơn gọi làm con Chúa. Đúng là Chúa đã vác thập giá, đã gánh tội lỗi trần gian…. tuy nhiên, thập giá vẫn tồn tại nơi cuộc sống chúng ta dưới những cách gọi khác nhau : đau khổ, bệnh tật, tai nạn, cô đơn… Vác thập giá hàng ngày chính là bài trắc nghiệm, mỗi chúng ta sẽ sống kỷ luật với bản thân thế nào, vì sống kỷ luật không chỉ là chịu đựng đau khổ, chấp nhận thập giá một cách thụ động, mà là trong tự do yêu thương. Amen.

 Về mục lục


THEO CHÚA, CHÚNG TA TÌM VÀ MONG ĐỢI ĐIỀU GÌ?

Người ta tìm thấy lá thư của một người tù Do Thái tại trại giam Auschwitz. Lá thư viết bằng máu, được nhét trong một lọ thủy tinh. Lá thư có nội dung như sau : Tôi là một người Do Thái, tôi tin vào Thiên Chúa của tôi, tôi yêu chuộng lề luật của Ngài. Làm người Do Thái thì khổ lắm vì đã nhiều lần bị Thiên Chúa của mình hành hạ gần như đến chết mới thôi. Thế nhưng, tôi vẫn tin và vẫn yêu mến Thiên Chúa của tôi. Tôi thượng tôn lề luật của Ngài, dù có những lúc Ngài đánh tôi, hất hủi tôi, nhưng tôi vẫn tin vào lề luật của Ngài, dù như có những lúc Ngài làm mọi cách để tôi từ bỏ Ngài, từ bỏ lề luật đáng kính của Ngài, nhưng tôi vẫn yêu Ngài, vẫn theo Ngài cho dù Ngài có bỏ tôi đi nữa….

Thưa quý OBACE, đọc tâm sự trong lá thư trên của một người tù Do Thái đang cận kề với cái chết trong trại tập trung kinh khủng nhất của nhân loại, mà ông vẫn thể hiện lòng tin và sự trung thành với Thiên Chúa và lề luật của Ngài như thế, quả là điều xúc động và đáng để chúng ta suy nghĩ. Ngày nay, nhiều người trong chúng ta bị giằng co khi tin Chúa, theo Chúa. Nhiều người nghĩ rằng tin Chúa, theo Chúa là tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần, một cuộc sống thoải mái, dễ dãi, hoặc nhìn Thiên Chúa không khác gì một người thủ kho hoặc người bảo vệ để canh gác và là người giải quyết những khó khăn khi cần, mà quên mất đòi hỏi của Chúa khi tin và theo Ngài. Theo Chúa, chúng ta tìm và mong đợi điều gì ? Chúa đòi chúng ta điều gì ?

Tâm sự của Giêrêmia trong bài đọc một cho thấy ông đã bị cuốn hút, bị khuất phục bởi Thiên Chúa và bước đi theo sự dẫn dắt của Ngài. Tuy nhiên, ông cho thấy, theo Chúa không phải là điều dễ dàng. Có thể nói rằng, trong tất cả các ngôn sứ, Giêremia là một trong những người khổ sở nhất : Suốt ngày con đã nên trò cười cho thiên hạ nhạo báng. Vì Lời của Chúa mà con đây bị xỉ nhục và chế giễu suốt ngày. Có những lúc, vị tiên tri cảm thấy chán nản vì sứ vụ của mình và muốn bỏ cuộc : Tôi tự nhủ là tôi sẽ không nghĩ đến Người nữa, cũng chẳng nhân danh Người mà nói nữa. Thế nhưng, Lời Ngài cứ như ngọn lửa cháy bừng trong tim, âm ỉ trong xương cốt khiến con phải hao mòn. Tâm sự của Giêremia có lẽ cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta khi thấy mình tin Chúa, theo Chúa, giữ lề luật của chúa mà dường như chỉ thấy gặp toàn điều xui xẻo ; có khi còn rơi vào cảnh tù đày, bị hắt hủi, bị đề phòng hoặc rơi vào chán nản, thất vọng.

Tin Mừng cho thấy, Chúa Giêsu đến là để đem lại niềm vui, hân hoan và hy vọng cho cuộc sống này như khi Ngài hóa bánh ra nhiều, hoặc hóa nước thành rượu ngon, chữa lành người què khiến cho dân chúng vui mừng. Tuy nhiên, Chúa Giêsu không hề hứa hẹn, bảo đảm cho ai một cuộc sống dễ dãi, thoải mái ở đời này ; trái lại, Chúa luôn đòi hỏi mọi người tin theo Chúa phải chấp nhận một sự từ bỏ dứt khoát để đạt được hạnh phúc và niềm vui Nước Trời. Điều này không hề dễ dàng để chấp nhận, ngay đến Phêrô cũng đã không muốn chấp nhận điều đó.

Câu chuyên trong Tin Mừng cho thấy, sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin vào Chúa Giêsu : Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống và ông đã được Đức Giêsu khen trước mặt mọi người. Phêrô nghĩ rằng, ông đang đi trên con đường thênh thang, chỉ cần tuyên xưng như thế là đủ mà không cần phải làm thêm việc gì nữa. Thế nhưng, Chúa Giêsu cho thấy việc tuyên xưng của Phêrô chỉ là khởi đầu của một cuộc hành trình theo Chúa cách quyết liệt, đó là phải cùng Ngài đi lên Giêrusalem, chịu đau khổ do các kỳ mục gây ra, bị giết chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Chính vì thấy không được như mong đợi, Phêrô đã muốn can ngăn Chúa, hay đúng hơn, ông muốn dắt Chúa đi theo suy nghĩ, con đường của ông và ước mộng của ông. Cho đến lúc này, Phêrô và các tông đồ vẫn nuôi một hy vọng hết sức trần thế, đó là nếu Thầy của các ông thành công thì chắc chắn các ông sẽ được chia sẻ quyền lực, danh vọng. Đi theo Thầy, các tông đồ muốn tìm vinh quang trần thế hơn là tìm chính Chúa. Vì thế, Phêrô đã đứng ra can ngăn Chúa, ông còn nhân danh Thiên Chúa để ngăn cản Thầy của mình : Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy.

Lần này, Chúa hết sức nặng lời với Phêrô khi mắng ông : Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy, anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa. Vì muốn một cuộc sống vinh hoa của thế gian, nên Phêrô không muốn nghe nói về đau khổ ; vì muốn cuộc sống dễ dãi, Phêrô không muốn thập giá. Hơn nữa, vì không muốn theo ý Chúa nên Phêrô muốn Chúa theo ý mình, đáp ứng cho mình. Thấy được tư tưởng của Phêrô như thế, Chúa đã không ngần ngại gọi ông là satan, là kẻ cản đường. Lời trách mắng này muốn Phêrô tỉnh ngộ và trở về đúng với vị trí của mình là môn đệ của Chúa : Hãy lui ra đàng sau Thầy. Vì ông không thể cho mình là người dẫn đường cho Chúa, mà trái lại, Chúa mới là người dẫn đường, là người đi trước và bất cứ ai muốn làm môn đệ của Chúa, thì phải đi sau Ngài và đi theo con đường ấy.

Con đường mà Chúa Giêsu muốn là con đường : từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo Chúa. Đấy chính là điều kiện bắt buộc cho tất cả những ai muốn theo Chúa. Chúa luôn để mở cho sự tự do của con người : Ai muốn theo tôi thì hãy từ bỏ mình và vác thập giá mình mà theo. Khi đã muốn, đã quyết định, thì phải chấp nhận hai bước quan trọng, đó là từ bỏ chính mình và kế đó là vác thập giá của mình và bước theo. Chúa không ép buộc bất cứ ai, Ngài hoàn toàn tôn trọng tự do và chọn lựa của con người, ai muốn thì chọn và khi đã chọn thì chấp nhận tất cả những điều kiện kèm theo. Chúa cũng cho thấy những thử thách mà người theo Chúa gặp phải, đó là chịu thiệt thòi, mất mát ở đời này thì sẽ được hạnh phúc đầy tràn đời sau. Trái lại, nếu chỉ lo tìm kiếm vật chất đời này, tìm kiếm lợi lộc trần gian, thì sẽ đánh mất hạnh phúc Nước Trời.

Từ bỏ chính mình là từ bỏ những gì ? Thưa, đó là từ bỏ bản thân, là cái tôi ích kỷ nhỏ nhen, là những dục vọng ham muốn, là những tham lam lợi lộc, là những bon chen thiệt hơn, là sự tự ái, tự cao…. Kinh nghiệm cho thấy, có những người có thể làm được nhiều việc to lớn, nổi danh nổi tiếng, nhưng lại không thể vượt qua được bản thân mình, không thể làm chủ được con người của mình, hay đúng hơn không từ bỏ được chính bản thân. Cái tôi hay còn gọi là bản thân mình là thứ virus ở sâu trong mỗi con người. Nó như một thứ nội thù nằm bên trong mỗi người. Một khi chúng ta không thắng nó, không từ bỏ được nó thì sẽ bị nó làm chủ và biến chúng ta thành nô lệ, và chúng ta không thể nhẹ nhàng để bước theo Chúa Giêsu được.

Vác thập giá mình hằng ngày là vác những gì ? Chúa không đòi chúng ta phải vác thập giá của Chúa. Chúa cũng không buộc chúng ta phải vác thập giá cho anh em, nhưng Chúa muốn chúng ta vác thập giá của chính mình. Thập giá của ai, vừa vai người ấy. Thập giá của chính mình chính là những bổn phận thường ngày của mỗi người, là sự khiếm khuyết cùng với sự bất toàn, bất túc của con người. Thập giá của mình là những hoàn cảnh hiện tại của bản thân, của gia đình. Đó có thể là cái khổ của sự sung túc, bệnh tật, nghèo khó, hoặc là những trách nhiệm làm ông bà, cha mẹ, vợ chồng, con cháu cùng với khó khăn vất vả, mồ hôi nước mắt. Khi chúng ta đón nhận thập giá ấy với lòng yêu mến và vui vẻ bước theo Đức Kitô thì chúng ta mới có thể trở thành môn đệ của Ngài.

Thưa quý OBACE, theo Đức Kitô luôn là một đòi hỏi và là một thách thức. Là đòi hỏi vì con đường này chắc chắn sẽ là con đường hẹp, đòi hỏi phải hy sinh, phải từ bỏ, chứ không phải là con đường dễ dãi, thoải mái. Theo Chúa là phải dám chấp nhận bước vào con đường của Chúa, không thể đi đường ngang hay đi tắt đón đầu, mà là một hành trình cố gắng bước đi từng ngày, theo sát Đức Kitô từng bước, nên giống Đức Kitô, sau cùng là chịu đóng đinh cùng với Đức Kitô. Theo Chúa luôn là một  thách thức, vì không phải bất cứ ai cũng có thể bước theo, mà phải là những người được Chúa tuyển chọn, những người đặt niềm tin vào Chúa, cùng với sự cố gắng, quyết tâm vượt lên chính mình, làm chủ bản thân cùng những dục vọng trong con người của mình. Là một thách thức, vì khi theo Chúa, có nghĩa là bước vào một cuộc chiến đấu liên tục, đương đầu với ma quỷ dục vọng, thế gian là những kẻ thù khi ẩn khi hiện, là kẻ thù giấu mặt nguy hiểm.

Là những người được chọn để trở nên môn đệ Chúa Kitô, chúng ta không tìm kiếm lợi lộc của thế gian này làm gia nghiệp, mà là tìm Đức Kitô làm gia nghiệp, là hạnh phúc đời đời. Vì thế, chúng ta không thể tránh né thập giá, cũng không thể từ chối con đường của Đức Kitô. Chúa đang muốn các linh mục tu sĩ vác thập giá của bản thân và đi qua con đường tu trì tận hiến, tuân giữ những lời khuyên Phúc âm để bước theo Chúa. Chúa đang muốn các tín hữu khác đi qua con đường gia đình, tuân giữ giới răn lề luật của Chúa, bước theo Chúa. Vì thế, mỗi chúng ta đừng chần chừ, cũng đừng đứng đắn đo, mà hãy vui vẻ đón nhận hoàn cảnh và cuộc sống hiện tại của mình, chu toàn thật tốt đẹp nhiệm vụ là linh mục tu sĩ, là cha mẹ vợ chồng, con cháu, cùng nhau bước theo lời mời gọi của Đức Kitô. Chúng ta sẽ tìm được niềm vui, và hạnh phúc cùng với sự sống đời đời Chúa ban tặng cho những ai đi trọn con đường Chúa muốn. Amen.

Về mục lục

.

TÍNH CÁCH

Tính cách là tính chất, là đặc điểm nội tâm của mỗi con người, có ảnh hưởng trực tiếp đến cách suy nghĩ, lời nói và hành động của người đó. Trong văn nói, tính cách gọi là “tính tình” hoặc nói gọn là “tính” – tính hiền, tính thẳng thắn, tính giản dị,… Một người có thể có nhiều tính cách và nhiều người có thể có cùng một tính cách.

Tính cách là yếu tố quan trọng của một con người. Người ta thường đánh giá các động thái – đôi khi kể cả cách suy nghĩ – của một người, từ đó suy ra tính cách của người đó, cuối cùng là kết luận về bản chất của người đó.

Thường thì tính cách được chia làm hai loại: tính tốt và tính xấu. Tốt và xấu là theo quan niệm của đa số. Tuy nhiên, đối với những tính cách mà số người cho là xấu bằng số người cho là tốt, hoặc không ai cho là tốt hay xấu gì cả, chúng ta nên xem xét lại trong từng trường hợp cụ thể hoặc “gắn” cho nó cái quan niệm trung lập.

Cha mẹ sinh con, Trời sinh tính. Người ta không thể hiểu hết một con người, có gọi là “đi guốc trong bụng” thì cũng chỉ là một phần mà thôi. Ngay cả vợ chồng sống nên “một xương, một thịt” với nhau vài chục năm rồi mà cũng chẳng hiểu hết tính tình của nhau. Và rồi vì không hiểu hết nhau, người ta đâm ra dị đoan bằng cách đoán tính cách qua giờ sinh, ngày sinh, năm sinh, chòm sao,… Hoàn toàn vô ích!

Trong cuộc sống đời thường, ai cũng thích may mắn và sợ xui xẻo, thế nên người ta thường nói: “May hơn khôn”. Điều gì xảy ra hợp ý mình thì người ta cho đó là may mắn, là hên; điều gì xảy ra không hợp ý mình thì người ta cho đó là xui xẻo. Thật ra chẳng có gì là hên hoặc xui, chỉ là cách so sánh của con người mà thôi. Tuy nhiên, sách Huấn Ca cho biết: “Người khôn ngoan biết thinh lặng chờ dịp tốt, còn kẻ bép xép, dại khờ lại bỏ lỡ cơ may. Kẻ nhiều lời sẽ bị chán ghét, người hiếu thắng thì bị khinh chê” (Hc 20:7-8). Người ta cũng thường nói: “Mình tính không bằng trời tính”. Một khái niệm đầy chất tâm linh. Rõ ràng tất cả đều là Ý Chúa. Thật vậy, có những mơ ước cháy bỏng nhưng rồi tan thành mây khói, có những điều mình không dám nghĩ tới thì lại xảy ra bất ngờ.

Thật vậy, có những điều “trời cho” mà chỉ là “trò chơi”, nhưng có những điều tưởng chỉ là “trò chơi” thì lại là điều “trời cho”. Thực tế cho chúng ta thấy có những điều nghịch lý mà lại “thuận” – gọi là nghịch-lý-thuận, và có những điều thuận lý mà lại “nghịch” – gọi là thuận-lý-nghịch. Một điều hiển nhiên: Thập Giá là đau khổ, là xui xẻo, nhưng chính Thập Giá lại trở nên hạnh phúc, là cái hên. Con người không thể hiểu hết hoặc biết chính xác. Hên hoặc xui, may mắn hoặc không may mắn, đó chỉ là quan niệm của con người mà thôi. Ngay cả khoa tâm lý học cũng chỉ suy luận từ những gì đã xảy ra nhiều lần ngẫu nhiên trùng hợp.

Kinh Thánh cũng đề cập những điều nghịch lý: “Có khi lâm nạn lại thành công, gặp may mà hoá thiệt thòi” (Hc 20:9). Vì không biết vấn đề ra sao nên chúng ta gọi là “hên – xui”. Có một câu chuyện mà chắc hẳn nhiều người đã biết: Tái Ông mất ngựa. Chẳng biết đâu là hên hoặc xui. Cái mà chúng ta gọi là xui thì lại là hên, cái mà chúng ta cho là tốt thì có thể lại là xấu. Chỉ có Thiên Chúa biết, vì Ngài quản lý và sắp xếp mọi sự. Ngay cả những gì chúng ta cho là tự nhiên thì cũng chẳng tự nhiên, mà là cách sắp đặt của Thiên Chúa – tức là Ngài quan phòng và tiền định. Chúa biết tức là Ý Chúa muốn điều đó xảy ra cho chúng ta – dù chúng ta cho đó là hên hoặc xui: “Ngay đến tóc trên đầu anh em cũng được đếm cả rồi” (Lc 12:7).

Thiên Chúa toàn năng, quan phòng và tiền định. Chúng ta không thể nào hiểu hết Ý Chúa nhiệm mầu, vì thế chúng ta chỉ có thể cúi đầu và thân thưa: “Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ, ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa. Linh hồn con đã khát khao Ngài, tấm thân này mòn mỏi đợi trông, như mảnh đất hoang khô cằn, không giọt nước. Nên con đến ngắm nhìn Ngài trong nơi thánh điện, để thấy uy lực và vinh quang của Ngài” (Tv 63:2-3). Chúng ta làm như vậy không phải vì miễn cưỡng hoặc “bị triệt buộc”, mà vì khiêm nhường chân nhận Thiên Chúa duy nhất. Tác giả Thánh Vịnh vừa lý giải vừa xác tín đại diện cho mỗi chúng ta: “Bởi ân tình Ngài quý hơn mạng sống, miệng lưỡi này xin ca ngợi tán dương. Suốt cả đời con, nguyện dâng lời chúc tụng, và giơ tay cầu khẩn danh Ngài. Lòng thoả thuê như khách vừa dự tiệc, môi miệng con rộn rã khúc hoan ca” (Tv 63:4-6).

Niềm vui trào dâng, chúng ta thật hạnh phúc trong Chúa: “Quả thật Ngài đã thương trợ giúp, nương bóng Ngài, con hớn hở reo vui. Trót cả tâm tình, con cùng Ngài gắn bó, giơ tay quyền lực, Ngài che chở phù trì” (Tv 63:8-9).

Tính cách của mỗi Kitô hữu phải là sống khiêm nhường. Không khiêm nhường sao được, vì chúng ta chỉ là tội nhân khốn nạn, đáng án tử, nhưng lại được Thiên Chúa thương xót nâng lên khỏi chốn bùn nhơ hôi tanh để được làm con cái của Ngài. Phép lạ lớn quá! Chúng ta đang “bị xui” mà “gặp hên” vì Thiên Chúa nhân hậu. Đó là chúng ta thực sự “gặp may”. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Thưa anh em, vì Thiên Chúa thương xót chúng ta, tôi khuyên nhủ anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa. Đó là cách thức xứng hợp để anh em thờ phượng Người. Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (Rm 12:1-2).

Để đáp lại lòng thương xót vô biên và vô điều kiện của Chúa, chúng ta phải tự chấn chỉnh đời sống, tu tâm sửa tính, thay đổi tính nết để có thể hoàn thiện mỗi ngày một hơn như lòng Chúa mong muốn: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Ai biết thay đổi tính cách không chỉ có lợi về phương diện xã hội đời thường – được người khác quý mến, mà còn có lợi cả về phương diện tâm linh – được Thiên Chúa thương xót.

Người ta ghét cay ghét đắng đến nỗi giết chết Đức Giêsu Kitô vì Ngài có tính cách “khác người”, nhưng rất độc đáo: Thẳng thắn, cương trực, nhưng khiêm nhường và nhân hậu. Ngài nói ít mà làm nhiều. Ngài rất ghét những người ba hoa, nói hay mà làm dở, ưa chỉ tay năm ngón, thích ăn trên ngồi trước, phe cánh, ưa hình thức, tự tôn, ra vẻ ta đây,… Nói chung là những dạng giả hình, những người có “máu” Pharisêu (Mt 23:2-7; Mc 12:38-40; Lc 11:39-46; Lc 11:52; Lc 20:45-47). Với những người khoái làm “ông này, bà nọ”, khoái “có tiếng” hơn “có miếng”, Ngài nói thẳng khuyến cáo: “Hãy phục vụ, đừng hưởng thụ” (Mt 20:28; Mc 10:45). Tuy nhiên, thực tế người ta chỉ thích vế thứ hai, chứ không muốn đề cập vế thứ nhất!

Một hôm, Đức Giêsu Kitô bắt đầu tỏ cho các môn đệ biết: Người phải đi Giêrusalem, phải chịu nhiều đau khổ do các kỳ mục, các thượng tế và kinh sư gây ra, rồi bị giết chết, và ngày thứ ba sẽ sống lại. Vốn dĩ ngư dân chân chất, tính nóng như Trương Phi và thẳng như ruột ngựa, ông Phêrô liền kéo riêng Ngài ra và bắt đầu trách: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!” (Mt 16:22).

Có lẽ ông Phêrô tưởng sẽ được cảm ơn, ai dè Đức Giêsu quay lại “phang” liền: “Satan, lui lại đàng sau Thầy! Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23). Thầy kỳ ghê đi! Phêrô là “tổ trưởng” mà Thầy cũng chẳng nể nang chi ráo trọi. Không thể được! Tính cách của Chúa Giêsu là “thẳng thắn thật thà”, không phải cứ làm lớn thì có thể làm láo, càng lớn càng phải làm gương.

Có thể nói rằng Chúa Giêsu không nguyền rủa ai nặng như lời trách dành cho Phêrô, giáo hoàng tiên khởi. Phải bị vậy thì Phêrô mới không dám lên mặt, phải xem lại mình mà khiêm nhường. Chúng ta cũng có những lúc đã từng “ảo tưởng” như ông Phêrô, cứ nghĩ mình “ngon” hơn người khác về lĩnh vực này hoặc phương diện nọ, nhưng thực ra chỉ là “thùng rỗng kêu to”, đôi khi còn quá lố nên bị hố.

Ở đây, chúng ta cũng thấy tính cách của ông Phêrô rất bộc trực, chân thật, nghĩ sao nói vậy, không rào trước đón sau. Ông là dân thuyền chài chính hiệu, ít học, không giỏi giang hơn người khác, không nổi trội, nhưng Chúa Giêsu vẫn chọn ông làm người hướng dẫn Giáo hội, làm “đá tảng” để xây dựng Giáo hội, vì Ngài biết rõ tâm địa ông thẳng thắn và khiêm nhường. Vâng, Thiên Chúa cần người khiêm nhường, dù không giỏi, Ngài không cần người giỏi mà kiêu ngạo. Chính Thần Khí Thiên Chúa sẽ tác động: “Đức Khôn Ngoan mở miệng người câm, và cho lưỡi trẻ thơ nói năng dễ dàng” (Kn 21:25). Ai khiêm nhường thì có Chúa, và có Chúa là có tất cả.

Về điều kiện phải có để làm môn đệ, Đức Giêsu nói: “Ai muốn theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo. Quả vậy, ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy. Vì nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống thì nào có lợi gì? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình?” (Mt 16:24-26). Chắc chắn chẳng có ai ra điều kiện “ngược đời” và “chói tai” như Chúa Giêsu. Thường thì khi muốn người khác về phe với mình, người ta đưa ra những điều kiện “béo bở”, được lợi này ích nọ, chứ chẳng ai dám hứa hẹn về sự đau khổ. Các công ty muốn có nhân viên giỏi thì hứa hẹn lương bổng cao, các tổ chức muốn có nhiều thành viên thì hứa hẹn nhiều lợi lộc (cả lợi và lộc). Chúa Giêsu hoàn toàn trái ngược. Ấy vậy mà càng ngày người ta càng nghiệm ra “ẩn số” trong tính cách độc đáo của Ngài và muốn theo Ngài tới cùng. Lạ thật!

Khi sinh thời, ông Mohandas Karamchand Gandhi (1869–1948), một nhà ái quốc chủ trương bất bạo động, được dân Ấn Độ coi là người cha (Bapu) và thánh sống (Mahatma), cũng đã từng thần tượng Chúa Giêsu sau khi đọc Kinh Thánh, đặc biệt là Bài Giảng Trên Núi (Bát Phúc, tám Mối Phúc). Quả thật, chỉ có người giỏi mới nhận ra tài năng độc đáo và cái giỏi của người khác. Người ta càng giỏi càng tin nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.

Ngôn ngữ thật kỳ diệu: Santa là Thánh, đọc lái sẽ thành Satan là Quỷ. Khoảng cách để làm Thành hoặc làm Quỷ thật là mong manh, vì thế mà phải cẩn trọng và cảnh giác.

Với các môn đệ và những người muốn theo Ngài, Chúa Giêsu không hứa hẹn mà chỉ giải thích: “Vì Con Người sẽ ngự đến trong vinh quang của Cha Người, cùng với các thiên thần của Người, và bấy giờ, Người sẽ thưởng phạt ai nấy xứng việc họ làm” (Mt 16:27). Thời cánh chung đang dần thu ngắn lại, hãy hoán cải để được cứu độ!

Lạy Chúa, xin mở mắt đức tin của chúng con để chúng con biết hoán cải như lòng Ngài mong muốn. Con đường dài nhất là con đường từ miệng tới tay, xin giúp chúng con biết làm đúng với lời nói chứ không giả hình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 Về mục lục

.

MẤT ĐỂ ĐƯỢC

Có câu chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì? Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

1. Lời Chúa dạy

Chúa Giêsu dạy các môn đệ : “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì nào có ích lợi gì?”. Xuất thân từ bụi đất, con người rồi cũng trở về với đất bụi. Chỉ có sự sống vĩnh cửu mới tồn tại muôn đời.

Chúa còn dạy rằng: “Ai muốn cứu mạng sống mình thì sẽ mất, ai liều mất mạng sống mình vì Thầy thì sẽ tìm được mạng sống ấy”. Ở đời ai cũng muốn được và sợ mất. Không phải cứ thu vào là được, buông ra là mất. Trái lại nhiều khi phải chịu mất trước rồi mới được sau. Mất nhỏ để được lớn. Mất ít để được nhiều. Sống ở đời ai cũng tranh phần được và không muốn mất. Vấn đề là phải xác định xem đâu là cái được thực sự, lâu bền, trọn vẹn, đâu là cái được quan trọng nhất, cần thiết nhất. Kitô hữu là người say mê cái được vĩnh cửu, vì thế họ chấp nhận những mất mát tạm thời. Họ tin rằng cuối cùng chẳng có gì mất cả. Mọi sự nếu họ mất vì Thầy Giêsu thì họ sẽ được lại. Mất tạm thời để giữ được mãi mãi. Từ bỏ chính mình là để tìm lại cái tôi trong suốt hơn, ngời sáng hơn.

Chúa cũng quả quyết: “Ai muốn theo Thầy, hãy từ bỏ mình đi, vác thập giá mà theo”. Muốn làm môn đệ Chúa Giêsu, phải “đi theo Thầy, phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mà theo“. Theo Thầy không phải để vinh thân phì gia. Theo Thầy để tìm một lẽ sống cho cuộc đời, vì Thầy là con đường dẫn về nguồn sống là Chúa Cha. Thầy là sự thật giải thoát muôn dân. Muốn theo Thầy, không những phải “từ bỏ chính mình“, tức là “tư tưởng của loài người“, mà còn phải mang thân phận như Thầy với thập giá riêng trên vai. Thực tế, theo hay không theo Thầy, con người vẫn không thoát khỏi khổ giá. Nhưng nếu theo Thầy, môn đệ sẽ tìm được hướng giải thoát. Muốn theo Thầy “anh em hãy hiến dâng thân mình làm của lễ sống động, thánh thiện và đẹp lòng Thiên Chúa” (Rm 12,1).

2. Theo Chúa là đi vào con đường từ bỏ

Từ bỏ là một quy luật.

– Quy luật của sinh tồn: có nhiều thứ nếu ta không chịu bỏ thì ta sẽ chết. Chẳng hạn ta có một khúc chân đang bị hoại tử. Nếu không cắt bỏ nó đi thì chứng hoại tử sẽ lan dần đến toàn cơ thể làm ta phải chết.

– Quy luật của phát triển: cơ thể ta hằng ngày hằng giờ hằng phút đều bỏ đi những chất thải, bỏ đi một số tế bào già nua để thu nhận vào những chất dinh dưỡng, để sinh những tế bào mới. Nhờ đó cơ thể lớn dần lên. Trong quá trình phát triển, con người phải từng giai đoạn bỏ đi đứa bé sơ sinh, đứa trẻ con ấu trĩ… có thế mới phát triển dần thành người lớn.

– Quy luật của cải thiện: cải thiện là bỏ đi những cái chưa tốt để lấy vào những cái tốt hơn.

– Quy luật của tiếp nhận: có bỏ thì mới có nhận. Thí dụ ta có một cái chai đang đựng nước. Muốn có một lít rượu thì trước hết phải đổ bỏ một lít nước kia ra khỏi cái chai.

Chẳng những phải bỏ bớt, bỏ cái này, bỏ cái kia… mà có khi phải bỏ hoàn toàn, bỏ tất cả nữa. Chẳng hạn chiếc xe gắn máy của tôi đã hư quá nặng, nếu tiếp tục sử dụng thì có ngày sẽ gây tai nạn, có sửa bộ phận này bộ phận khác cũng không bảo đảm an toàn. Vì thế tôi phải bỏ hẳn để mua một chiếc xe khác. (sợi chỉ đỏ).

Làm môn đệ Chúa Giêsu là làm một người khác hẳn, cho nên không lạ gì khi Người bảo chúng ta phải “từ bỏ mình“. Cái phần “mình” được bỏ đi bao nhiêu thì cái phần “Chúa” được gia tăng bấy nhiêu. “Từ bỏ mình” hoàn toàn thì sẽ trở thành “Kitô khác” hoàn toàn.

Như thế từ bỏ nhưng không mất, mà lại được; không thiệt thòi mà lại có lợi hơn.

3. Theo Chúa là đi vào con đường sự sống

Theo Chúa Giêsu là đi vào con đường thánh giá dẫn đến phục sinh. Con đường từ bỏ là con đường dẫn đến vinh quang. Phải qua sự chết mới đến sự sống. Phải qua tủi nhục mới đến vinh quang. Phải qua gian khổ mới đến hạnh phúc. Khi mời gọi “Hãy theo Thầy”, Chúa muốn chúng ta triển nở đến viên mãn.

Theo Thầy Giêsu, các môn đệ bị người đời chê là khờ dại vì sống từ bỏ và vác thập giá hàng ngày. Thế nhưng họ vui mừng sống một nghịch lý căn bản “mất mạng sống mình vì Thầy“. Con người ta cứ tưởng rằng, chiếm hữu càng nhiều thì càng làm cho mình giàu có thêm. Thực ra, chẳng có gì quí hơn mạng sống. Nhiều người đánh đổi mạng sống để có của cải vật chất. Thực tế chưa ai giàu có đến nỗi làm chủ được cả trần gian. Nhưng “nếu người ta được cả thế giới mà phải thiệt mất mạng sống, thì nào có lợi gì ? Hoặc người ta sẽ lấy gì mà đổi mạng sống mình ?” (Mt 16,26). Chỉ một cách duy nhất có thể tìm lại được mình là “mất mạng sống mình vì Thầy” (Mt 16,25). Như thế, phải chăng Thầy có sức thu hút khiến người ta không thể cưỡng lại được ? Giống như ngôn sứ Giêrêmia, họ phải thốt lên : “Lạy Ðức Chúa, Ngài đã quyến rũ con, và con đã để cho Ngài quyến rũ. Ngài mạnh hơn con, và Ngài đã thắng” (Gr 20,7). Thầy có sức quyến rũ mãnh liệt, vì đã vận dụng được nghịch lý của cây thập giá để “ngày thứ ba sẽ chỗi dậy” (Mt 16,21) từ cõi chết. Cả thế giới cũng không đem lại sự sống. Chỉ một mình Thầy mới có thể làm cho người môn đệ “tìm được mạng sống ấy” (Mt 16,25), vì Thầy là “sự sống lại và là sự sống” (Ga 11,25). Bởi thế, Thầy có sức quyến rũ hơn cả vũ trụ vì Thầy là “con đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6).

Lời Chúa hôm nay gởi đến cho chúng ta sứ điệp: từ bỏ không phải để mất mà để được, được lại một cách sung mãn, hoàn hảo và cao cả phong phú hơn gấp bội. Mất hiện tại để được tương lai. Mất đời này để được đời sau. Mất phàm tục để được thần thiêng. Mất tạm bợ để được vĩnh cửu.

Thánh Phanxicô Assisi đã cảm nghiệm sâu xa chân lý này nên đã thốt lên lời ca bất hủ: “Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh. Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân. Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ. Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời”.

Các vị tử đạo là những người say mê sự sống, đến nỗi dám chấp nhận cái chết. Các ngài coi trọng sự sống vĩnh cửu của mình hơn cả thế giới phú quý vinh hoa.

Cầu nguyện

“Lạy Chúa Giêsu,

Chúa đã chịu chết và sống lại, xin dạy chúng con biết chiến đấu trong cuộc chiến mỗi ngày để được sống dồi dào hơn.

Chúa đã khiêm tốn và kiên trì nhận lấy những thất bại trong cuộc đời cũng như mọi đau khổ của thập giá, xin biến mọi đau khổ cũng như mọi thử thách chúng con phải gánh chịu mỗi ngày, thành cơ hội giúp chúng con thăng tiến và trở nên giống Chúa hơn.

Xin dạy chúng con biết rằng, chúng con không thể nên hoàn thiện nếu như không biết từ bỏ chính mình và những ước muốn ích kỷ.

Ước chi từ nay, không gì có thể làm cho chúng con khổ đau và khóc lóc chỉ vì quên đi niềm vui ngày Chúa Phục Sinh.

Chúa là mặt trời tỏa sáng Tình Yêu Chúa Cha, là hy vọng hạnh phúc bất diệt, là ngọn lửa tình yêu nồng nàn; xin lấy niềm vui của Người mà làm cho chúng con nên mạnh mẽ và trở thành mối dây yêu thương, bình an và hiệp nhất giữa chúng con. Amen.” (Mẹ Têrêxa Calcutta).

Về mục lục

.

TỪ BỎ MÌNH ĐỂ ĐƯỢC TỰ DO THI HÀNH SỨ VỤ

Được sinh ra làm người là một hồng ân. Được làm con Chúa là một hạnh phúc. Nhưng, khi lớn lên, hồng ân và hạnh phúc đó phải được triển nở không ngừng trong tương qua với Thiên Chúa và tha nhân. Tuy nhiên, để hoàn thiện, cần phải có những chọn lựa khôn ngoan.

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ theo mình để được hạnh phúc trọn vẹn. Con đường mà Ngài mời gọi lại không phải là con đường dễ dãi, thênh thang, mà là con đường hẹp. Con đường đó là “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24).

Tại sao vậy? Thưa! Vì đây là ý định cứu độ của Thiên Chúa muốn Đức Giêsu thi hành. Quả thật, Đức Giêsu đã đón nhận cũng như thi hành cách trung thành và trọn vẹn trên con đường ấy. Đến lượt chúng ta, phần vì muốn được cứu độ; phần vì muốn cộng góp với Đức Giêsu trên hành trình cứu độ nhân loại, hẳn chúng ta không còn con đường nào khác là con đường: “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24).

1. Từ bỏ mình, có mất tự do không?

Tin Mừng kể lại: sau khi Đức Giêsu tỏ cho các môn đệ biết về sứ mạng Thiên Sai của Ngài là phải chết để cứu chuộc con người. Song song với việc tiên báo đó, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ cũng đi vào con đường của Ngài để cùng chung chia sứ mạng mà Ngài đang thực hiện. Tuy nhiên, điều kiện rất quan trọng mang tính quyết định, đó là: “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24).

Thoạt nghe, chúng ta cảm thấy buồn cười và có sự mâu thuẫn! Vì tại sao Đức Giêsu lại muốn các môn đệ đánh mất sự tự do, từ bỏ cái tôi, tức là hủy mình ra không!!! Điều đáng nói là chính Thiên Chúa đã trao ban cho con người tự do, và Ngài chấp nhận con người dùng tự do theo ý hướng của họ. Vậy thì đòi hỏi này của Đức Giêsu có nghịch lý chăng?

Để trả lời cho câu hỏi trên, chúng ta cùng nhau khám phá ý nghĩa đích thực của nó dựa trên mặc khải của Thánh Kinh.

Theo lối hiểu của Kinh Thánh và ý muốn của Đức Giêsu thì sự đòi hỏi này mang tính tích cực cho người đón nhận chứ không phải vì ép buộc.

Khởi đi từ câu hỏi rất thân tình: “Ai muốn theo Thầy?”. Khi hỏi các môn đệ như thế, Đức Giêsu muốn các ông bước đi trong tinh thần thanh thoát, nhẹ nhàng chứ không phải vì nặng nề, mất tự do. Một lời mời gọi rất thân tình, làm cho người được mời gọi cảm thấy an vui, bình an và hạnh phúc khi tự mình quyết định lựa chọn lối sống mới theo tinh thần Tin Mừng.

Khi mời gọi như thế, Đức Giêsu muốn người môn đệ tự nguyện từ bỏ một cuộc sống dễ dãi, an nhàn, thích ăn trên ngồi trước, thích được người khác phục vụ…, để lựa chọn một cuộc sống thiếu thốn, khổ hạnh vì ích lợi cho phần rỗi của mình và niềm vui, hạnh phúc của kẻ khác.

Thật thế, con đường mà Đức Giêsu muốn cho môn sinh của mình đi không phải là con đường nhung lụa, thênh thang, cũng không phải con đường dễ dãi, bằng phẳng, mà là con đường hẹp, gồ ghề và chông gai… Con đường đó là con đường của từ bỏ: “… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24). Trong hoàn cảnh này, Đức Giêsu muốn các môn đệ ra khỏi sự ích kỷ, tự phụ, kiêu ngạo, để ý Chúa rợp bóng trên cái tôi của mình, và chính từ đó, tôi được trở thành tôi đúng nghĩa trong chương trình cứu độ của Thiên Chúa.

2. “Từ bỏ mình vác thập giá mà theo” có ý nghĩa gì?

“… từ bỏ mình đi, và vác thập giá mình mà theo Thầy” (Lc 16,24), tức là chấp nhận đi trên con đường mà chính Đức Giêsu đã đi. Con đường đó là một con đường khó khăn, thiệt thòi, con đường của hy sinh, tự hủy. Con đường khiêm tốn và là con đường vâng phục thánh ý Chúa Cha hoàn toàn.

Từ bỏ chính mình là một điều khó. Khó vì nhiều lý do: ai sinh ra trên trần gian này cũng đều là một cá thể riêng biệt, độc đáo, không ai giống ai. Ai cũng muốn khẳng định tôi là tôi chứ không phải ai khác. Khi khẳng định như thế, chủ thể tôi cũng muốn xác định lập trường của mình rằng: không ai có quyền lấy đi hay bắt buộc tôi phải từ bỏ những ý định riêng tư mang tính cá biệt của chính tôi.

Xét theo tâm lý học hay triết học thì đây phải chăng là một đòi hỏi vô lý và một lựa chọn tiêu cực. Nhưng với người môn đệ của Đức Giêsu thì khác! Theo Chúa và từ bỏ ý riêng không có nghĩa là đánh mất mình; nhưng còn được tất cả. Hay nói cách khác, từ bỏ mình để kết hợp hay tháp nhập vào với Chúa là trở về với chính mình cách trọn vẹn nhất. Bởi vì ngay từ đầu, Thiên Chúa đã dựng nên con người giống hình ảnh Ngài, nay ta tháp nhập với Ngài, thì ta trở về với chính nguồn cội nơi ta phát xuất ra. Được như thế là ta trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài.

Từ bỏ chính mình cũng là thể hiện một sự dấn thân cách trọn vẹn. Thật vậy: “Bỏ tất cả mà chưa bỏ mình thì con chưa bỏ gì cả, vì chính mình con sẽ dần dần quơ góp lại những gì con bỏ trước” (Đường Hy Vọng, số 3).

Từ bỏ chính mình là thể hiện sự quyết tâm, sự hy sinh để sống triệt để cho đức vâng lời.

Từ bỏ chính mình là một cách minh nhiên cho thấy ta sẽ ưu tiên cho việc đi theo Chúa hơn là công việc của Chúa.

Nếu không từ bỏ chính mình, thì hẳn ơn gọi và sứ vụ của người môn đệ không thể hướng tha, mà chỉ là quy về mình và sống trong sự ích kỷ, vụ lợi mà thôi.

Nếu theo Chúa mà cồng kềnh thì khó lòng vượt qua những khó khăn thử thách, và cái tôi của mình là một rào cản lớn có tầm ảnh hướng đến việc được hay mất.

Đức Giêsu không muốn các môn đệ đi theo mình với những nỗi niềm chờ mong sai lạc, nhưng Đức Giêsu muốn họ vui chọn cuộc sống thiếu thốn và cực khổ vì hạnh phúc của kẻ khác, biết từ bỏ cái tôi xác thịt, ham muốn hưởng thụ riêng mình mà chọn lấy niềm vui khi chia sẻ với người khác.

3. Người Kitô hữu là người được gọi và bước theo Đức Giêsu

Mỗi người Kitô hữu, ngày lãnh nhận Bí tích Rửa Tội, chúng ta đều được mời gọi trở nên giống Đức Giêsu và được mời gọi đi theo Ngài trên con đường mà chính Ngài đã đi.

Muốn đi theo Chúa, chúng ta cũng không thể nào mang trên mình và trong tâm trí nhưng thứ cồng kềnh như: quyền lực; tiền bạc; danh lợi; ý riêng; tự kiêu; bảo thủ… Bao lâu ta còn luyến tiếc những thứ đó, thì bấy lâu ta đặt ý ta hơn ý Thiên Chúa, và ta không thể nhận ra kế hoạch của Thiên Chúa để thi hành.

Mặc lấy Đức Giêsu tức là ta trở nên giống Ngài. Nên giống Ngài là gì nếu không phải là từ bỏ ý riêng của mình để thay vào đó là ý Chúa như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng phục Thiên Chúa Cha đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Mặc lấy Đức Giêsu cũng là lúc phải ra khỏi những định kiến riêng tư để biết cảm thông và có tinh thần phục vụ như Đức Giêsu khi xưa bằng một tình yêu hy hiến trong tình huynh đệ.

Nếu từ bỏ chính mình là thể hiện một sự quyết tâm, sẵn sàng lên đường với Đức Giêsu, thì vác thập giá hằng ngày mà theo Chúa chính là đón nhận mọi thử thách, chết cho thế gian, để chỉ sống cho một mình Thiên Chúa. Vác thập giá hằng ngày chính là chu toàn chính bổn phận của mình cách trung thành và hợp lý.

Như vậy, qua bài Tin Mừng hôm nay, mỗi chúng ta xác định thật rõ căn tính của mình là thuộc về Đức Giêsu, một Đức Giêsu đã từ bỏ ý riêng, để sống cho Thiên Chúa và yêu thương con người cách trọn vẹn qua cái chết và phục sinh của Ngài.

Đến lượt chúng ta là những người mang trong mình hình ảnh, tâm tư của Đức Giêsu, chúng ta không có con đường nào khác ngoài con đường từ bỏ, tự huỷ để đón nhận thập giá hằng ngày và chu toàn cách trung thành, ngõ hầu chỉ sống cho Thiên Chúa cách trọn vẹn và yêu thương anh chị em đồng loại bằng một tình yêu của Chúa và như Chúa.

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con biết tìm thánh ý Chúa và mau mắn thi hành thánh ý Chúa trong cuộc sống. Xin cũng cho chúng con được từ bỏ mọi sự, vác thập giá để theo Chúa trên con đường cứu độ mà Chúa muốn chúng con thi hành. Amen.

Về mục lục