CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 21 THƯỜNG NIÊN – A
Lời Chúa: Is 22, 19-23; Rm 11, 33-36; Mt 16, 13-20
1. Xây dựng cuộc đời trên lời Chúa (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
2. Giáo hội xây trên tảng đá đức tin của Phêrô (Lm Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)
3. Thầy là Đấng Kitô (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)
4. Chức vụ và trách nhiệm (Trầm Thiên Thu)
5. Chìa khóa nước trời (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
6. Hãy xây dựng Giáo hội bằng những viên đá sống động (Jos. Vinc. Ngọc Biển)
XÂY DỰNG CUỘC ĐỜI TRÊN LỜI CHÚA
Thảm họa ngày nay chính là sự sụp đổ của hôn nhân gia đình. Tỷ lệ các gia đình sụp đỗ mỗi ngày một cao. Cuộc sống gia đình luôn bấp bênh, khó bền vững. Vợ chồng ít hy sinh cho nhau và chỉ tìm cách bảo vệ hạnh phúc cho riêng mình mà bỏ quên người bạn trăm năm.
Vào tháng 11 năm 1994, một câu chuyện làm rung động cả Nước Mỹ đó là chuyện cô Susan Smith, một bà mẹ trẻ sống ở thành phố Union, tiểu bang South Carolina, đã giết hai đứa con nhỏ để không mất tình nhân. Trước một thảm cảnh gia đình quá đau thương như thế, nhiều người chỉ biết lắc đầu hỏi: Tại sao một người mẹ có thể giết chết con của mình một cách tàn nhẫn như thế!
Nhìn lại cuộc đời của cô Susan Smith, người ta thấy rằng cô đã bước vào hôn nhân một cách vội vàng, khi chính cô cũng như người chồng trẻ đều chưa sẵn sàng. Hôn nhân của hai người không được xây dựng trên một nền tảng vững chắc nên đã sụp đổ mau chóng. Không những thế, khi ngã vào tình yêu lần thứ hai, cô Susan Smith cũng không biết rõ những yếu tố cần thiết để xây dựng một hôn nhân vững bền nên cô đã sẵn sàng làm bất cứ điều gì cô nghĩ là cần phải làm để nắm giữ tình yêu đó. Kết quả là, khi thấy người yêu tỏ vẻ không thích trẻ con, cô Susan Smith đã giả vờ bị tai nạn để hai đứa con nhỏ chết chìm dưới sông
Vâng, sự sụp đổ nơi các gia đình chính là họ kết hôn nhưng không dựa trên nền tảng tình yêu. Tình yêu của họ thật hời hợt với nhau. Tình yêu của họ thiếu chân thành với nhau, có khi còn lừa dối làm hại nhau. Một cuộc hôn nhân thiếu nền tảng tình yêu sẽ chẳng bao giờ bền vững. Gặp chăng hay chớ. Vui thì ở. Buồn thì đi!
Bên cạnh sự sụp đổ về gia đình còn có biết bao sự sụp đổ bởi xây dựng thiếu nền móng vững chắc là tình yêu, là tính chân thật. Không có tình yêu thì ở bất cứ ngành nghề nào hay lãnh vực nào cũng chỉ là phá hoại. Không có tính chân thật thì chỉ có gian dối lọc lừa để làm lời cho bản thân. Điều này chúng ta thấy rất rõ trong nhiều ngành nghề như dạy học chỉ vì tiền. Làm bác sĩ chỉ vì lợi nhuận mà bất chấp tính mạng của bệnh nhân. Làm quan chức thì vun quén làm giầu cho mình và đương nhiên làm nghèo cho đất nước . . .
Lời Chúa mời gọi chúng ta hãy xây dựng nền móng cho cuộc đời dựa trên lời Chúa và giáo lý của Ngài. Lời Chúa là ngọn đèn dẫn dắt chúng ta đi trong chân thiện mỹ. Lời Chúa luôn xây dựng đời chúng ta trong tình yêu là giới răn cao cả mà Chúa đòi buộc chúng ta phải thực thi. Khi con người được xây dựng trên tình yêu với Chúa và tha nhân sẽ giúp con người biết sống cho Chúa và tha nhân trong tinh thần khiêm tốn phục vụ. Khiêm tốn để tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Phục vụ để cho danh Chúa được cả sáng qua đời sống yêu thương của chúng ta.
Có thể nói nếu con người biết nhìn nhận Thiên Chúa là chủ tể muôn loài thì con người sẽ quy phục Thiên Chúa, và nhờ tin vào Chúa họ sẽ sống yêu thương tha nhân hơn. Chính nhờ tin vào Thiên Chúa mà con người sẽ sống dưới cái nhìn của Chúa và bước đi trong sự dẫn dắt của Ngài.
Nhưng đáng tiếc cho con người ngày nay thường quay lưng lại với Thiên Chúa. Khước từ Chúa con người cũng khước từ nhau. Con người sống trong bản năng vì tin vào ma quỷ hơn là tin vào Thiên Chúa. Ma quỷ luôn bảo với chúng ta không có Thiên Chúa, không có đời sau để lôi kéo chúng ta sống một cuộc sống buông thả theo tính xác thịt. Ma quỷ luôn bảo chúng ta xây dựng đời mình một cách hợi hợt, nông cạn, sống theo bản năng hơn là theo ý chí và lý trí. Chính đời sống thiếu chiều sâu đã làm cho con người dễ lao vào hưởng thụ hay dễ thất vọng chán nản nếu gặp thất bại.
Nếu cuộc sống chúng ta được xây dựng dựa trên Lời Chúa sẽ giúp chúng ta sống trong tự do của con cái Thiên Chúa. Sự tự do tự tại không bị tính xác thịt thống trị. Sự tự do để chúng ta không bị những đam mê lôi cuốn vào vòng xoáy của tiền, tình, quyền mà xa rời Thiên Chúa.
Ước gì chúng ta đừng bao giờ lười biếng để rồi xây dựng đời mình một cách cẩu thả, hời hợt và thiếu đầu tư cho những giá trị Nước Trời là tình thương, là công lý và hòa bình. Xin cho chúng ta biết xây dựng đời mình dựa trên lời Chúa để thánh hóa bản thân và biến đổi thế gian. Amen
GIÁO HỘI XÂY TRÊN TẢNG ĐÁ ĐỨC TIN CỦA PHÊRÔ
Gần đây có một số người được xem là đạo đức, rất sốt sắng tham gia các hội đoàn cầu nguyện, họ đang chuyền tay nhau những tài liệu được coi như là chân lý mạc khải của Chúa và của Đức Mẹ. Những tập tài liệụ này được phổ biến nhanh chóng và rộng rãi kèm theo lời đe dọa: Không đọc sẽ hối tiếc, hoặc ai không loan truyền cho người khác sứ điệp này sẽ gặp những tai họa này tai họa khác. Nhiều người khi đã lỡ đọc rồi, thì hoang mang, sợ lời đe dọa ấy sẽ xảy ra cho mình nếu mình không truyền bá tài liệu đó. Nhưng vấn đề đáng lưu ý nơi những tài liệu này, là họ dựa vào những tâm tình đạo đức cá nhân, những suy diễn cá nhân để giải thích Lời Chúa. Nguy hiểm hơn, những tài liệu này đang muốn làm cho chúng ta hoang mang và nghi ngờ quyền lãnh đạo của Đức Giáo Hoàng đương kim Phanxicô, những người này dựa vào một lời tiên đoán của những kẻ bảo thủ cực đoan và kết luận Đức Giáo Hoàng đương kim là ngụy giáo hoàng, là kẻ phá Giáo Hội. Họ không muốn thấy một vị giáo hoàng gần gũi với mọi người, họ muốn một giáo hoàng nghiêm nghị cứng rắn thay vì một giáo hoàng đơn sơ, bình dân như đức giáo hoàng Phanxicô.
Chúng ta tin rằng Chúa Giêsu chính là mạc khải cuối cùng và trọn vẹn mà Thiên Chúa dành cho con người, vì thế không cần và không buộc phải tin bất cứ một mạc khải riêng tư nào khác nữa. Hơn nữa, mạc khải của Thiên Chúa qua Tin Mừng được trao cho Giáo Hội giữ gìn nguyên vẹn và có bổn phận giải thích và thông truyền cho mọi thế hệ, vì thế những ai nhân danh cá nhân để giải thích hoặc loan truyền những điều nghịch với sự hướng dẫn của Giáo Hội, đó là những kẻ dối trá.
Tin Mừng hôm nay đã cho thấy ý định của Chúa Giêsu khi chọn Phêrô, trao cho ông quyền cầm buộc và tháo cởi, đồng thời Chúa đã quyết định xây dựng Giáo Hội của Ngài trên đức tin của Phêrô. Thánh Mathew thuật lai: Khi Thầy trò đến vùng Cesare-Philipphê, Chúa Giêsu đã đặt vấn đề với các tông đồ: Người ta bảo con người là ai? Chi tiết này cho thấy, sau một thời gian đi rao giảng Nước Trời và làm nhiều phép lạ, Chúa muốn biết dân chúng hiểu thế nào về Ngài và về sứ mạng của Ngài. Qua câu trả lời của các tông đồ cho thấy, dân chúng dường như chưa có một hiểu biết gì khác hơn về Ngài, họ chỉ mới nhìn nhận Ngài như một vị tiên tri giống như các tiên tri trong lịch sử của họ mà thôi.
Dường như điều Chúa Giêsu quan tâm hơn lại là chính các tông đồ, khi Ngài đặt câu hỏi trực tiếp với các ông: Còn các con, các con bảo Thầy là ai? Simon Phêrô đã đại diện cho các anh em thưa với Chúa rằng: Thầy là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Câu trả lời thật chính xác và được Chúa khen, Chúa khẳng định đó chính là mặc khải mà Thiên Chúa Cha đã ban cho Phêrô. Tuyên xưng Đức Giêsu là Đấng Kitô, có nghĩa Phêrô tuyên xưng Ngài là Đấng được xức dầu, là Đấng Mesia muôn dân đang mong đợi, là Đấng cứu thế; khi tuyên xưng Đức Giêsu là Con Thiên Chúa hằng sống, có nghĩa là Phêrô và các tông đồ đã tin Ngài là Con Thiên Chúa, là chính Thiên Chúa, Đấng mà tổ tiên tôn thờ từ trước đến nay, là Đấng Hằng Hữu.
Chúa Giêsu có quá vội vàng không, khi chỉ mới nghe một lời tuyên xưng như thế, mà Ngài đã quyết định ngay việc thiết lập Giáo hội trên nền tảng đức tin của Phêrô? Chúa Giêsu không hề vội vàng, cùng không hề sai lầm, mặc dù Ngài biết Simon là một con người bộc trực, yêu Chúa, nhưng Simon cũng lại là một con người yếu đuối sẽ phản bội Chúa. Chúa không lấy sự khôn ngoan uyên bác làm nền tảng của Giáo Hội, Chúa cũng không lấy sự đạo đức của một người nào đó làm trụ cột cho Giáo Hội, nhưng Chúa đã lấy đức tin của Simon Phêrô và cả sự giới hạn của ông và trao cho ông Giáo Hội của Ngài: Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực ma quỷ sẽ không thắng nổi. Chúa đã không nại đến sự thánh thiện của Simon Phêrô và các tông đồ, Chúa cũng không chọn con người hoàn hảo và trung thành như Gioan để trao quyền thủ lãnh, nhưng Chúa lại chọn Phêrô cùng với sự yếu đuối của ông, để qua ông, mọi thành phần của Giáo Hội luôn khiêm tốn nhìn lại sự khiếm khuyết của mình để biết cậy dựa vào quyền năng của Thiên Chúa, đồng thời để dễ thông cảm với những người yếu đuối hơn: Thầy trao cho con chìa khóa Nước Trời, dưới đất con ràng buộc điều gì, trên trời cũng ràng buộc; Dưới đất, con tháo cởi điều gì, trên trời cũng tháo cởi. Chúa Giêsu đã quá liều lĩnh khi trao hoàn toàn Giáo Hội là gia nghiệp của mình cho Phêrô, và hoàn toàn đồng thuận với phán quyết của Phêrô và còn bảo đảm với Phêrô rằng: cho dù hỏa ngục có quậy phá cũng không thể thắng được Giáo Hội.
Con người thường hay đánh giá theo cái nhìn cảm tính cá nhân của mình, hoặc theo những tiêu chuẩn do chính mình tạo ra, nhưng đó lại không phải là cách của Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa luôn muốn dùng những cái nhỏ bé để làm nên những việc lớn lao, dùng những cái bất toàn để làm nên những giá trị vĩnh cửu, dùng những cái yếu đuối mỏng manh để bày tỏ quyền năng và sức mạnh của Ngài. Tiên tri Isaia đã cho thấy Thiên Chúa cũng đã từng thực hiện những việc như thế trong lịch sử, khi nói về việc Thiên Chúa sẽ chọn một con người và trao cho kẻ ấy vương quyền nhà Đavít: Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, đuổi ngươi khỏi địa vị… Ta sẽ gọi tôi tớ Ta, Ta lấy áo bào của ngươi mà mặc cho nó, lấy cân đai của ngươi mà thắt cho nó, lấy quyền bính của ngươi mà trao vào tay nó… Ta sẽ đặt chìa khóa nhà Đavít trên vai nó, nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột.
Thánh Phaolô trong thư Rôma cũng đã chia sẻ sự khâm phục của Ngài trước chương trình kỳ diệu của Thiên Chúa đã thực hiện trong Giáo hội và nơi từng tín hữu: Sự phong phú, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa không ai dò thấu được, đường lối của Người ai theo dõi được.? Ai đã biết tư tương của Chúa? Ai có thể làm cố vấn cho Người?
Thưa cáx bạn, việc Chúa chọn Simon Phêrô làm nền tảng cho Giáo Hội và trao cho ông quyền cầm buộc và tháo cởi, quả là một mầu nhiệm, và lời Ngài hứa sẽ bảo vệ Giáo Hội kiên vững trước những sự chống đối của Satan quả là kỳ diệu hơn nữa. Điều đó cho chúng ta thêm vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa, và hết lòng yêu mến gắn bó với Giáo Hội là mẹ của chúng ta, đồng thời khiêm tốn vâng nghe theo lời giảng dạy của Phêrô và các Đấng kế vị Ngài.
Satan và thế gian không thích Giáo Hội, vì thế nó tìm đủ mọi cách hết sức tinh vi để tách lìa chúng ta khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội. Chúng ta xác tín rằng chỉ có một Giáo Hội Duy nhất, Thánh thiện, Công giáo và Tông truyền do Chúa Giêsu thiết lập, của Chúa Giêsu, và được trao cho Phêrô và các tông đồ. Vì thế hãy cảnh giác với những mưu mô của Satan, vì nó có thể dùng cả cái vỏ đạo đức, những người bên ngoài xem như đạo đức để gieo vào trong chúng ta sự nghi ngờ Phêrô và giáo Hội của Ngài, nó muốn tách chúng ta ra khỏi sự hiệp thông với ngai tòa Phêrô. Một khi từ chối sự hiệp thông với Phêrô và các Đấng kế vị là tự mình tách ra khỏi Giáo Hội của Chúa Kitô. Bên cạnh đó hãy cầu nguyện thật nhiều cho các vị chủ chăn của chúng ta, hãy làm hết sức mình để xây dựng sự hiệp thông hiệp nhất trong Giáo Hội, đừng vì bất cứ lý do gì mà chúng ta tách lìa khỏi Giáo Hội.
Không chỉ hiệp thông và xây dựng Giáo Hội phổ quát, chúng ta còn được mời gọi cầu nguyện, công tác để xây dựng Giáo hội địa phương là Giáo Phận là Giáo xứ, vì nơi Giáo Hội địa phương này, chúng ta được sinh ra trong đức tin, được nuôi dưỡng bằng các bí tích, được chăm sóc mục vụ từ nơi các chủ chăn của chúng ta. Hãy gắn bó bằng lời cầu nguyện, bằng hiệp thông, cộng tác, đừng bao giờ biến mình trở thành kẻ đứng bên ngoài mà chỉ trích Giáo Hội, nhưng hãy đặt mình trong địa vị của những người con, cùng chung tay xây dựng Giáo phận, Giáo xứ mỗi ngày một tốt đẹp hơn.
Chúng ta cũng đừng quên giáo hội thu nhỏ là chính các gia đình, nơi đó cha mẹ là những vị chủ chăn, là những người chăm sóc nuôi dưỡng đời sống thể xác và đời sống thiêng liêng cho từng thành viên. Hãy biến gia đình thực sự trở thành giáo hội tại gia, thành đền thờ nơi Thiên Chúa hiện diện, bằng việc mỗi thành viên biết canh tân đổi mới đời sống của mình mỗi ngày, sống gắn bó trong tình yêu thương và tạo lập nên nếp sống đạo đức cho gia đình qua các giờ kinh, qua việc lắng nghe Lời Chúa, cùng nhau tham dự thánh lễ, cùng nhau chia sẻ niềm vui nỗi buồn của cuộc sống.
Sau cùng, hãy tự hào vì mình là thành viên của Giáo hội, là con cái của Giáo Hội có Chúa Kitô là đầu, là Thủ lãnh và luôn tin tưởng rằng Thánh Thần của Thiên Chúa luôn hoạt động và hướng dẫn Hội Thánh, đồng thời mỗi người hãy để Thánh Thần canh tân biến đổi bản thân và góp phần vào việc canh tân Hội Thánh bằng chính đời sống thánh thiện mỗi ngày. Amen .
.
Người dẫn chương trình không những cần đến ngoại hình dễ coi, người ấy còn phải phát âm thật chuẩn mới đủ tự tin mà làm việc. Người lãnh đạo không thể thiếu năng lực, đã vậy, để tâm phục khẩu phục, họ cần có lập trường vững chắc. Một em bé bập bẹ gọi ba, mẹ, dù lọng ngọng cha mẹ cũng vui lắm rồi; một người con trưởng thành mà không thể phát âm rõ ràng ai là ba là mẹ của mình, đó sẽ là một thất bại, là nỗi buồn khó tả đối với đấng bậc sinh thành.
Tin mừng hôm nay không liên quan gì tới việc tuyển lựa người dẫn chương trình; Chúa Giêsu huấn luyện các môn đệ, Ngài không cần đến hình thức bề ngoài, đúng hơn là Chúa cần đến “cái tâm” của mỗi người. Nếu chỉ muốn nghe những lời khen ngợi, người ta có thể tìm đến các “FAN” hâm mộ; muốn món ăn khoái khẩu, bỏ tiền ra là có. Chúa Giêsu rất vui, vì được nghe tiếng nói từ đáy lòng của các học trò, dù lời tuyên xưng của Phêrô : “Thầy là Đấng Kitô” còn lọng ngọng, các ông chỉ lờ mờ về lời tuyên xưng ấy.
Thầy Giêsu không có ý đòi hỏi các học trò hoàn hảo như câu thành ngữ : “con hơn cha, trò hơn thầy”; dù chưa phát âm hay, nhưng người thầy luôn mong học trò mình phát âm “chuẩn”, không được sai. Chúng ta có thể chấp nhận sự giới hạn của anh chị em của mình, nhưng sẽ khó chấp nhận người “ba phải”, người không có lập trường vững chắc.
Nói một đàng, quàng một nẻo là câu thành ngữ chỉ sự “bất nhất”; nếu Thầy Giêsu khen học trò Phêrô mà không thưởng cho ông, lời khen ấy quả là chưa đủ. Người học trò Phêrô tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô” thì không sai, lời tuyên tín sẽ hoàn chỉnh khi Con Thiên Chúa phải qua đau khổ, chịu chết và ngày thứ ba sẽ sống lại. Thầy Giêsu không chỉ thưởng cho Phêrô, nhưng là thưởng cho các học trò, cho tất cả chúng ta hôm nay : “Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và cửa địa ngục sẽ không thắng được”. Như thế, lời tuyên xưng “Thầy là Đấng Kitô” mới chỉ bắt đầu cho hành trình khám phá : ở trong Đức Kitô, ở trong Giáo Hội, tôi phải sống thế nào ? Người môn đệ tiếp tục phải sống niềm tin, câu trả lời của các ông mới trọn vẹn : Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Trong tương quan gia đình xã hội, mỗi khi có sai xót, hiểu lầm, phải đón nhận cá tính của anh chị em mình, chúng ta thường hay được động viên bằng câu nói : nhân vô thập toàn ấy mà. Đúng, mang thân phận người, chúng ta tìm đâu ra người hoàn toàn tốt, nếu như biết mình là ai, chưa được gọt giũa…. Chúa khen Phêrô, Chúa sử dụng ông để xây dựng Hội Thánh, tuy nhiên, người môn đệ Phêrô ấy phải trả lời bằng niềm tin, phải trả lời bằng tình yêu và mạng sống của ông cho các bạn và cho cả chúng ta hôm nay nữa.
Đức Giêsu không hỏi, không chờ đợi từng người học trò trả lời Thầy là ai ? Đức Giêsu cũng không hứa hẹn khen thưởng, nếu ai tuyên xưng niềm tin của mình hay bằng Phêrô hoặc hơn Phêrô. Điều đáng chúng ta suy nghĩ là tất cả những môn đệ của Đức Giêsu đều ý thức tự mình phải tiếp tục khám phá Đức Kitô là ai, khi sống niềm tin vào Đức Kitô ta phải làm gì ?
Một thực tế không thể thiếu, khen phải có thưởng, dạy luôn phải có dỗ, dù ở gia đình, trường đạo hay trường đời. Đến một lúc nào đó, chúng ta sẽ hiểu rằng, người trưởng thành sẽ không lưu tâm tới lời khen thưởng tán dương, nhưng là họ luôn chú ý vì bổn phận và trách nhiệm đối với gia đình xã hội. Đến một lúc nào đó, bạn sẽ nhận ra rằng : có những người chỉ ở trong tâm trí bạn, nhưng người đó không cần phải song hành với bạn đi suốt hành trình cuộc đời. Có thể các môn đệ, và cả chúng ta hôm nay nữa đang chờ đợi Chúa Giêsu hỏi như Chúa đã hỏi Phêrô : người ta bảo thầy là ai ? Đúng, Chúa Giêsu sẽ không hiện ra để hỏi chúng ta bằng ngôn ngữ cổ xưa hay hiện đại, Ngài không cần hỏi, còn đã là học trò, là môn đệ của Chúa, tự mỗi chúng ta phải đáp trả Đấng Kitô bằng ngôn ngữ từ trái tim và khối óc của mình.
Người học trò thường giật mình khi thầy cô giáo gọi lên bảng hỏi bài; niềm vui rạng rỡ khó mà giấu được nơi cha mẹ khi nghe biết đến sự thành công của con mình. Chúa Giêsu làm sao mà không vui khi các học trò của Chúa đang dần hiểu, người thầy mà các ông thọ giáo chính là Đấng Kitô Con Thiên Chúa hằng sống. Vì biết tuyên xưng niềm tin Đấng Kitô là ai, Chúa Giêsu đã mời gọi Phêrô làm người lãnh đạo và cai quản Giáo hội. Còn chúng ta hôm nay, cách sống niềm tin của mình có cần thiết không ? Chúa Giêsu sẽ mời gọi chúng ta cộng tác trong vai trò gì ? Để hoàn thành sứ mạng được giao phó, được chung tay góp sức xây dựng Hội Thánh, thiết tưởng mỗi chúng ta phải biết chung sức chung lòng, cậy nhờ ơn Chúa như kinh nghiệm của người môn đệ Phêrô, ông luôn đi đằng sau Thầy mình. Amen.
,
Chức vụ và chức danh nghe có vẻ giống nhau, nhưng có phần khác nhau quan trọng. Chức danh đề cập phẩm tước, còn chức vụ đề cập công việc, trách nhiệm và bổn phận về chức vụ – gọi là chức phận.
Như vậy, chức danh không cần có chuyên môn, nhưng chức vụ cần có chuyên môn. Danh từ “chức sắc” thường dùng trong tôn giáo, tức là nói về những người có chức vụ nào đó.
Người có chức vụ mà không làm đúng chức năng thì chỉ là “hữu danh vô thực”, là “bù nhìn”, là hình nộm, như ma-nơ-canh (mannequin, người giả ở các tiệm trang phục). Loại người “ham chức, quên vụ” này chẳng làm nên trò trống gì, đôi khi còn phá bướng, nhưng lại hay lên mặt “ta đây”. Chúa rất ghét loại người này.
Thời Cựu ước, viên quan Sép-na là tể tướng triều đình (tương tự thủ tướng ngày nay), được người ta coi là “người hùng”, nhưng Đức Chúa tuyên phán thẳng thắn và rõ ràng: “Ta sẽ tống ngươi khỏi chức vụ, Ta sẽ đuổi ngươi khỏi địa vị. Ngày ấy, Ta sẽ gọi tôi tớ Ta là En-gia-kim, con của Khin-ki-gia-hu. Áo thụng của ngươi, Ta sẽ lấy mặc cho nó, cân đai của ngươi, Ta sẽ đem thắt cho nó, quyền bính của ngươi, Ta sẽ trao vào tay nó, nó sẽ là cha đối với cư dân Giêrusalem và với nhà Giuđa. Chìa khoá nhà Đa-vít, Ta sẽ đặt trên vai nó. Nó mở ra thì không ai đóng được, nó đóng lại thì không ai mở được. Ta sẽ làm cho nó vững chắc như đinh đóng cột, nó sẽ nên như ngai vinh hiển cho nhà cha nó” (Is 22:19-23). Quyền “tháo cởi” này trong Cựu ước có liên quan quyền “tháo cởi” trong Tân ước: Bí tích Hòa Giải.
Thiên Chúa từ bi và nhân hậu, giàu lòng xót thương, nhưng Ngài cũng rất thẳng thắn và dứt khoát. Ngài đã cho chúng ta thời gian để sửa đổi, nếu không chịu chấn chỉnh, chúng ta sẽ bị Ngài tước hết. Có lần chính Chúa Giêsu đã xác định: “Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất” (Mt 13:12; Mt 25:29; Mc 4:25; Lc 8:18; Lc 19:26). Có lần Chúa Giêsu nói rõ: “Cây nào mà Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời, đã không trồng, thì sẽ bị nhổ đi” (Mt 15:13). Thật là đáng sợ biết bao!
Ngược lại, nếu người có lỗi biết sám hối và sửa sai, Chúa sẵn sàng tha thứ và phục hồi nguyên trạng: “Như đông đoài cách xa nhau ngàn dặm, tội ta đã phạm, Chúa cũng ném thật xa ta” (Tv 103:12). Trên cả tuyệt vời! Đức Khổng Tử cũng nói: “Có lỗi mà không sửa mới thành ra có lỗi”. Tuy nhiên, Lời Chúa có lúc làm chúng ta vui mừng, rồi cũng có khi làm chúng ta đau điếng, nhưng tất cả vẫn là Hồng Ân, Ngài luôn lắng nghe và thấu hiểu nỗi lòng của mọi người. Tác giả Thánh Vịnh đã thành tâm thân thưa: “Lạy Chúa, con hết lòng cảm tạ, Ngài đã nghe lời miệng con xin. Giữa chư vị thiên thần, xin đàn ca kính Chúa, hướng về đền thánh, con phủ phục tôn thờ. Xin cảm tạ danh Chúa, vì Ngài vẫn thành tín yêu thương, đã đề cao danh thánh và lời hứa của Ngài trên tất cả mọi sự” (Tv 138:1-2).
Dù chúng ta có thế nào thì vẫn cần tâm tình tạ ơn, một động thái rất cần thiết vì nhiều lý do, vừa minh nhiên vừa mặc nhiên: “Ngày con kêu cứu, Chúa đã thương đáp lại, đã gia tăng nghị lực cho tâm hồn. Lạy Chúa, mọi đế vương dưới trần đều cảm tạ khi nghe những lời miệng Ngài phán ra. Họ sẽ ca ngợi đường lối Chúa: Vinh quang Chúa vĩ đại dường bao!” (Tv 138:3-5).
Còn hơn thế nữa, Thiên Chúa làm cho chúng ta đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác, và chúng ta chẳng bao giờ hiểu nổi lòng thương xót bao la vô tận của Ngài: “Chúa tuy thật cao cả, nhưng vẫn nhìn đến kẻ thấp hèn; đứa ngạo mạn ngông nghênh, từ xa Ngài đã biết. Việc Chúa làm cho con, Ngài sẽ hoàn tất; lạy Chúa, muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương. Công trình do tay Ngài thực hiện, xin đừng bỏ dở dang” (Tv 138:6 và 8). Được thương xót nhiều hay ít là điều tùy vào niềm tin của mỗi người: “Ai tin thế nào thì được như vậy” (Mt 9:29).
Thánh Phaolô xác định, vừa đặt vấn đề vừa giải thích: “Sự giàu có, khôn ngoan và thông suốt của Thiên Chúa sâu thẳm dường nào! Quyết định của Người, ai dò cho thấu! Đường lối của Người, ai theo dõi được! Thật vậy, ai đã biết tư tưởng của Chúa? Ai đã làm cố vấn cho Người? Ai đã cho Người trước, để Người phải trả lại sau? Vì muôn vật đều do Người mà có, nhờ Người mà tồn tại và quy hướng về Người. Xin tôn vinh Thiên Chúa đến muôn đời! Amen” (Rm 11:33-36). Những vấn đề vẫn này vẫn luôn nóng bỏng và nhức nhối ở mọi thời đại. Đó cũng là những câu hỏi để mỗi chúng ta tự trắc nghiệm và tự cân-đo-đong-đếm mức độ tín thác của mình vào Thiên Chúa.
“Tại sao tôi tin vào Thiên Chúa? Ngài là ai mà tôi tin?”. Đó là nghi vấn người ta vẫn luôn đặt ra ở mọi thời đại. Người vô thần cho rằng người hữu thần (cụ thể là Kitô hữu) chỉ ảo tưởng và mơ hồ, nhẹ dạ nên bị tôn giáo “ru ngủ” và mê hoặc. Người ta luôn muốn dùng các tiến bộ khoa học hoặc bất cứ thứ gì khác để chứng minh rằng “không có Thiên Chúa”, nhưng tất cả đều vô vọng. Đức Tin cần có lý trí, nhưng phải là lý trí trong suốt, dùng lý trí để cố ý chối bỏ và không tin thì hoàn toàn bất trị – nói vui theo ngôn ngữ @ là “bó-tay-chấm-com” (BoTay.com). Người vô thần càng cố tìm cách chối bỏ Thiên Chúa thì họ càng đi vào ngõ cụt, hoàn toàn bế tắc. Thật vậy, chính một Saolê giỏi giang và bạo tàn đến thế, nhưng rồi cũng đành phải đầu hàng Thiên Chúa để trở nên một con người hoàn toàn khác, một Phaolô thuần hóa và nhiệt thành rao giảng Chúa-Giêsu-Kitô-chịu-chết-và-phục-sinh.
Trước khi Chúa Giêsu công khai sứ vụ, Ngôn sứ Gioan ở trong lao tù nên đã bảo đệ tử đến gặp Chúa Giêsu và hỏi xem Ngài có phải là Đấng phải đến hay còn phải đợi ai khác. Ngài không trả lời rõ ràng mà chỉ nói: “Các anh cứ về thuật lại cho ông Gioan những điều mắt thấy tai nghe: Người mù xem thấy, kẻ què được đi, người cùi được sạch, kẻ điếc được nghe, người chết sống lại, kẻ nghèo được nghe Tin Mừng, và phúc thay người nào không vấp ngã vì tôi” (Mt 11:4-6). Khi xét xử Chúa Giêsu, vị thượng tế cũng hỏi: “Nhân danh Thiên Chúa hằng sống, tôi truyền cho ông phải nói cho chúng tôi biết: ông có phải là Đấng Kitô Con Thiên Chúa không?” (Mt 26:63; Mc 14:61). Chúa Giêsu nói: “Chính ngài vừa nói” (Mt 64). Thánh Luca cho biết rằng Chúa Giêsu nói: “Tôi có nói với các ông, các ông cũng chẳng tin; tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời” (Lc 22:67-68). Và rất có thể chúng ta cũng đã hoặc đang có những lúc tự hỏi về Thiên Chúa như vậy.
Một hôm, khi Đức Giêsu đến vùng kế cận thành Xêdarê Philípphê, Ngài hỏi các môn đệ: “Người ta nói Con Người là ai?” (Mt 16:13). Hỏi để mà hỏi, vì Ngài biết rõ mười mươi rồi. Ngài hỏi là để người khác tự xác tín. Và các ông đều thưa: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16:14). Mỗi người mỗi ý, mỗi cách nhìn, nhưng chung quy vẫn coi Ngài là một “người đặc biệt”.
Sau đó, Ngài hỏi chính các đệ tử của mình: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Ông Simôn Phêrô thưa: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16:16). Đức Giêsu nói: “Này anh Simôn, con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Đấng ngự trên trời. Còn Thầy, Thầy bảo cho anh biết: anh là Phêrô, nghĩa là Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi. Thầy sẽ trao cho anh chìa khoá Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16:17-19). Ý Chúa quan phòng và tiền định vô cùng kỳ diệu, chúng ta chẳng làm sao suy thấu. Nghe ông Phêrô nói vậy, Ngài cấm ngặt các môn đệ không được nói cho ai biết Ngài là Đấng Kitô.
Từ đó, Ngư phủ Phêrô đã trở thành Giáo hoàng tiên khởi với quyền tối thượng. Chìa khóa Sư phụ Giêsu trao cho đệ tử Phêrô là Chìa-Khóa-Yêu-Thương-và-Tha-Thứ, Chìa-Khóa-Nước-Trời để mở lối vào cho các hối nhân, chứ không là Chìa-Khóa-Nhà-Tù để giam hãm người khác. Có chức thì có quyền, nhưng cũng đầy bổn phận và trách nhiệm. Quyền cũng đi với Hành, gọi là quyền hành, thế nên đôi khi những người có quyền thì cũng dễ lạm dụng rồi khoái “hành” người khác. Việt ngữ thâm thúy thật!
Con người rất dễ háo danh và hám lợi, vì có “cái danh” thì thường có kèm theo “cái lợi”. Chức danh càng cao, bổng lộc càng nhiều. Điều này xảy ra trong xã hội thì quá rõ ràng, từ cổ chí kim và từ Đông sang Tây đều có, nhưng ngay trong Giáo hội cũng có những người không thoát khỏi vòng kiềm tỏa của DANH và LỢI. Người ta chú trọng “cái danh” mà quên “cái phận”, trong khi “cái phận” cần thiết hơn “cái danh”. Thật vậy, Đức Kitô đã động viên người ta làm “ngược đời” chứ không theo lẽ thường: “Nhiệt tâm phục vụ, không mong hưởng thụ” (x. Mt 20:28). Hai động thái trái ngược mà vẫn xuôi chiều, thuận lý.
Mới đây, ngày thứ Sáu 1-8-2014, ĐGH Phanxicô (TGM Jorge Mario Bergoglio ngày nào luôn gần gũi đám dân nghèo) đã bất ngờ đến ăn trưa tại một tiệm ăn bình dân dành cho các công nhân áo xanh và những người lao công trong khu công nghiệp nhỏ ở Vatican. Ngài vẫn tự cầm khay và đứng xếp hàng chờ đến lượt mình nhận thức ăn nơi quầy thức ăn làm sẵn, giống như mọi người, không nhận quyền ưu tiên nào. Điều này chứng tỏ lời ngài là thật đối với câu nói của ngài đã phát biểu trước đám đông giới trẻ: “Tôi không muốn làm giáo hoàng”.
Giáo hoàng là “vua” của Công giáo, là “ông lớn”, thế nhưng “ông lớn” lại thích làm “ông nhỏ”, tự phục vụ chứ không cần người khác phục vụ, còn nhiều “ông nhỏ xíu” lại muốn biến thành “ông lớn”. Chẳng khác gì truyện ngụ ngôn “Ếch Muốn Bằng Bò” (*). Vừa khôi hài, vừa đau điếng!
Tam nhân đồng hành tất hữu ngã sư yên – Trong ba người cũng có một người làm thầy. Lẽ tất nhiên. Chức vụ là để phục vụ chứ không để tự tôn hoặc lên mặt với người khác. Mỗi người đều được Thiên Chúa mời gọi hoạt động trong một lĩnh vực nào đó để cộng tác với Ngài mà hoàn tất công trình cứu độ của Thiên Chúa, không ai được “ngồi mát ăn bát vàng”. Người ta thích “nói hay” về sự phục vụ nhưng chưa chắc muốn phục vụ. Người ta cũng leo lẻo nói rằng “lao động là vinh quang”, nhưng rồi có mấy ai thích vinh quang mà chỉ ưa ngồi rung đùi, chỉ tay năm ngón, và… hốt bạc tỷ. Sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi – đời cũng thế mà đạo cũng vậy. Thế là ô-kê. Xong!
Nói được thì phải làm được, đừng nói trước rồi bước không qua, đó là “lẻo mép”. Viết được thì cũng phải làm được, đừng viết lắm mà nắm không xong, đó là “lẻo bút”. Dạng “lẻo” nào cũng chết. Chết chắc! Vì đó là người có “máu” Pharisêu, mang gien-đạo-đức-giả, đúng như Ngôn sứ Isaia đã nói trước: “Dân này tôn kính Ta bằng môi bằng miệng, còn lòng chúng thì lại xa Ta. Chúng có thờ phượng Ta thì cũng vô ích, vì giáo lý chúng giảng dạy chỉ là giới luật phàm nhân” (Mt 15:8-9). Dạng người như vậy “được” Chúa Giêsu gọi là “mồ mả tô vôi” (Mt 23:27). Một biệt hiệu (nickname) nghe rất “kêu”, nhưng lại cảm thấy “nhột gáy” thật đấy!
Trước mặt Thiên Chúa, ai cũng bình đẳng, chẳng ai hơn hoặc kém ai. Mọi người là con cái Chúa thì tất nhiên là anh em với nhau (Mt 23:8). Chắc chắn Chúa không quan tâm cái CHỨC mà chỉ xét đến cái VỤ. Mười nén, năm nén, ba nén, thậm chí là nửa nén cũng không thành vấn đề, quan trọng là SINH LỜI. Thế thôi! Thế nhưng ở đời cũng “lắm chuyện”. Không nói thì người ta bảo hèn nhát, a dua, nịnh hót, theo đóm ăn tàn. Dám nói thẳng nói thật thì bị ghét bỏ, bị trù dập, bị xa lánh. Dốt nát thì bị KHINH, thông minh thì bị GHÉT. Chúa Giêsu cũng chỉ vì thẳng-thắn-thật-thà mà bị giết chết thê thảm!
Dù sao thì cũng cứ là chính mình, không nịnh bợ, luồn cúi hoặc khép nép trước bất cứ ai, nhưng cũng không hống hách hoặc khinh miệt bất cứ ai. Cứ bình thường!
Thiên Chúa muốn chúng ta cộng tác với Ngài, mỗi người mỗi việc, tùy khả năng Chúa ban. Đó là Ngài chia sẻ công việc để chúng ta làm mà có thêm công trạng theo danh chính ngôn thuận, chứ Ngài đâu cần gì chúng ta góp một tay. ĐGH danh dự Benedict XVI, khi còn đương nhiệm, đã nhận xét: “Kitô giáo không là triết lý mới hoặc luân lý mới. Chúng ta chỉ là Kitô hữu nếu chúng ta gặp gỡ Đức Kitô. Chỉ trong mối quan hệ riêng với Đức Kitô, Đấng phục sinh, chúng ta mới thực sự là Kitô hữu”.
Con người luôn khắc khoải về thân phận hoặc số phận, luôn thao thức về chính mình, một hạt bụi nhỏ nhoi mà đầy nỗi gian truân, nỗi đọa đày. Cố NS Trịnh Công Sơn đã tự hỏi: “Hạt bụi nào hóa kiếp thân tôi?” (Cát Bụi). Nhưng ông không thể giải đáp, nên ông tự nhủ và nhắn nhủ, rồi lại tiếp tục tự vấn: “Đừng tuyệt vọng, tôi ơi đừng tuyệt vọng… Đừng tuyệt vọng, em ơi đừng tuyệt vọng… Tôi là ai mà còn ghi giấu lệ, tôi là ai mà còn trần gian thế? Tôi là ai, là ai, là ai mà yêu quá đời này?” (Tôi Ơi, Đừng Tuyệt Vọng). Cuộc đời như một chu kỳ lẩn quẩn. Biết suy tư là còn sinh tồn. Cõi lòng Thánh Augustinô cũng luôn như biển động: “Linh hồn con bồn chồn lo lắng mãi cho tới khi được nghỉ ngơi trong Chúa”. Và tác giả Thánh Vịnh kết luận: “Chỉ trong Thiên Chúa mà thôi, hồn tôi mới được nghỉ ngơi yên hàn” (Tv 62:2).
Ước gì mỗi chúng ta khả dĩ xác định được như vậy, đồng thời có thể nói như Ngôn sứ Êlia: “Lòng nhiệt thành đối với Chúa nung nấu con” (1 V 19:14). Biết Chúa và biết mình, điều nào cũng khó, nhưng cần phải biết Chúa để có thể biết mình. Vâng, Thánh tiến sĩ Augustinô đã cầu nguyện: “Lạy Chúa, xin cho con biết Chúa, xin cho con biết con – Domine, noverim Te, noverim me”. Chính Thánh Augustinô cũng đã tỏ ra hối tiếc mà thú nhận: “Con yêu Chúa quá muộn màng”. Biết Chúa và được yêu Chúa thì quả là đại phúc!
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con nhận biết Chúa là Thánh Phụ giàu lòng thương xót, là Thiên Chúa chí tôn duy nhất, và xin giúp chúng con nhận diện chính mình để chúng con biết khiêm nhường đúng mức, chứ không ảo tưởng mà kiêu ngạo, đồng thời cũng biết sống đúng bậc mình, quyết tâm nên thánh theo bậc của mình qua bổn phận và trách nhiệm. Xin cho những người có chức có quyền đừng “hành hạ” người khác, nhưng biết dùng quyền để yêu thương và nâng đỡ người khác đến với Chúa. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
(*) Ngụ ngôn “La Grenouille Qui Veut Se Faire Aussi Grosse Que Le Boeuf” của Jean de La Fontaine (Pháp).
.
Tin mừng hôm nay thuật lại biến cố thánh Phêrô tuyên xưng Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa Hằng Sống; và với lời tuyên xưng này, thánh Phêrô đã được Chúa Giêsu trao“Chìa Khóa Nước Trời“, tức là quyền lãnh đạo Dân Chúa.
Trong Kinh Thánh, chìa khóa tượng trưng cho quyền cai quản và điều hành, như Thiên Chúa ban cho Êliakim quyền điều hành nhà Ðavid (Is 22,20-22), hay quyền hành của Chúa Giêsu trên sự chết (Kh 1,17-18).
Chìa khóa, theo Thánh Kinh, là biểu tượng của sự tin tưởng, uy quyền và trách nhiệm. Chúa Giêsu đã trao chìa khóa cho thánh Phêrô. Chúa tin tưởng thánh Phêrô, trao cho Ngài quyền hành và trách nhiệm để hướng dẫn Giáo Hội trên trần gian: “Thầy sẽ trao cho con chìa khóa nước Trời; sự gì con cầm buộc dưới đất, trên trời cũng cầm buộc; và sự gì con cởi mở dưới đất, trên trời cũng cởi mở”. Quyền “cầm buộc và tháo cởi” có nghĩa là quyền tha tội, quyền đưa ra những phán quyết về giáo lý và những quyết định về kỷ luật trong Hội Thánh (GLHTCG, số 553). Đây là một quyền hành thật cả thể. Vì bản chất của quyền hành ở đây theo từ ngữ chuyên biệt trong tiếng Do thái có thể chỉ đến việc cầm buộc ma quỉ trong khi trừ quỉ, trong việc hành luật liên quan đến vạ tuyệt thông và trong những vấn đề phán quyết nghiêm trọng (NJBC,659).
Ngoài ra, theo một số nhà chú giải Thánh kinh như Kevin O’Sullivan, OFM và Paul J Achtemeier, “Chìa khóa Nước Trời” ám chỉ đến hình ảnh một người đầy tớ với chìa khóa trong tay để mở cửa các phòng trong nhà. Người có chìa khóa trong tay không chỉ có quyền xác định ai được vào và ai không được vào, mà còn có trách nhiệm toàn quyền trông coi để ý mọi sự trong nhà của chủ mình. (Harper’s Dict 524-525).
Nếu trách nhiệm được trao không chu toàn, nếu quyền hành được ban bị lạm dụng, và bị mất tin tưởng, thì chắc chắn chìa khóa sẽ bị lấy lại. Tiên tri Isaia trong bài đọc 1 đã minh chứng điều đó. Sobna, quan cai đền thờ đã bị cách chức và trục xuất khỏi địa vị cũng chỉ vì đã lạm dụng quyền hành. Ông đã lạm dụng quyền hành bắt ép vua Hezekiah (716-687) nổi dậy chống lại Assyria và chạy đến Ai cập cầu cứu. Tiên tri Isaia đã hoàn toàn phản đối việc này. Ngài kêu gọi Giuđa phải nên tin tưởng vào Thiên Chúa của mình, chứ không phải nơi sự trợ giúp của dân ngoại. Nhưng Giuđa đã không tin tưởng nơi Thiên Chúa, và cuối cùng vào những thế kỷ sau đó, Giuđa và Giêrusalem đã bị tiêu diệt hoàn toàn. Và như chúng ta được biết, chìa khóa của Sobna đã bị lấy lại và trao cho Êliaqim, con trai Helcia. (Kevin O’Sullivan, OFM, The Sunday Readings (A) 309-314).
Trước lễ cung hiến Nhà thờ mới, có nghi thức trao chìa khoá mở cửa Nhà thờ. Đức Giám Mục trao chìa khóa cho Linh Mục Quản Xứ để ngài mở cửa Nhà thờ.Nghi thức này muốn nói lên rằng: việc quản trị Nhà thờ trên toàn Giáo phận là thuộc Đức Giám Mục Giáo Phận, còn Linh Mục Quản Xứ chỉ là người nhận quyền từ Đức Giám Mục, thay mặt Đức Giám Mục trông coi, cũng như cử hành và ban phát các bí tích cho cộng đoàn Dân Chúa tại Nhà thờ này.
Nếu hiểu chìa khóa là biểu tượng nói lên sự tin tưởng, quyền hành và trách nhiệm thì không chỉ riêng thánh Phêrô đã lãnh nhận chìa khóa Chúa trao; mà qua Ngài, qua Giáo hội, hết thảy mọi tín hữu cũng đều được lãnh nhận chìa khóa ấy khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Chìa khóa ấy không gì khác hơn là tuyên xưng Chúa Giêsu Kitô là Con Thiên Chúa và đồng thời tin tưởng chúng ta cũng là con Thiên Chúa. Đức tin dạy rằng, Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa theo bản tính. Còn chúng ta cũng là con Thiên Chúa theo ân sủng. Quyền làm con Thiên Chúa và trách nhiệm đi kèm là một ơn rất trọng đại và cũng chính là “chìa khóa Nước Trời” cho mỗi người và cho những người có trách nhiệm liên hệ. Chìa khóa chính là hạt giống đức tin từ ngày lãnh nhận làn nước Bí tích Rửa tội giúp họ mở cửa bước vào kho tàng ân đức của Chúa nơi các Bí tích. “Với Chúa, mọi sự đều có thể” ; “ơn được làm con Thiên Chúa”, đó là chìa khóa Nước Trời mà Thiên Chúa trao cho mỗi người tín hữu. Chìa khoá mở lối vào Thiên Quốc Vĩnh Hằng có độ rắn của lòng trung thành, liên lỉ trong cầu nguyện; có độ bền của sự hiền hậu, khiêm nhường; có cấu trúc đẹp của lòng bao dung, tha thứ. Nó không làm bằng kim loại vật chất của trần gian, mà được đúc kết bằng hợp kim của niềm tin tâm linh và tính thánh thiêng. Nó có thể mở được tất cả các cánh cổng của những vấn nạn nghiêm trọng trong cuộc sống, và của mỗi thân phận con người.
Thánh Phêrô đã trải qua nhiều đau khổ, chịu bách hại và đã đổ máu vì danh Đức Kitô. Chúa đã đặt Ngài là: “Tảng Đá, trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy và quyền lực tử thần sẽ không thắng được”. Thánh Phêrô đã tuyên xưng đức tin: “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” và đã tuyên xưng tình yêu “Lạy Thầy, Thầy biết con yêu mến Thầy”. Vì niềm tin yêu vào Chúa Giêsu Kitô, Thánh Phêrô đã chia sẽ sứ mạng của Thầy Chí Thánh và hiến dâng mạng sống cho đoàn chiên. Thánh Phêrô đã sống theo chân lý: ‘Nếu Thiên Chúa ở cùng chúng ta, ai có thể đánh bại chúng ta?’. Chúa là sức mạnh của thánh nhân, không gì có thể tách Ngài ra khỏi lòng mến của Chúa Kitô. Thánh Phêrô xứng đáng để nắm giữ “Chìa khóa Nước Trời”.
Có câu chuyện “Chìa khoá và ổ khoá Thiên Đàng” thật ý nghĩa
Một hôm nọ, khoá cửa Thiên Đàng bị hư, Thánh Phêrô đích thân mang cả chìa lẫn khoá xuống trần gian để tìm người sửa chữa. Ngài tới nhà anh thợ khoá đầu tiên.
– Chào anh, tôi có cái ổ khoá bị hư, anh làm ơn sửa giùm.
– Cụ làm nghề gì mà cửa nhà cụ lại có cái ổ khoá to và quý thế này ?
– Tôi làm nghề đánh cá, sau đổi sang nghề chăn chiên anh ạ .
– Ừ ! Nhìn quần áo và chân tay của cụ, tôi tin. Nhưng cụ nói thật đi, cụ “chôm” cái của quý bằng vàng ròng này ở đâu vậy?
Thánh Phêrô tần ngần trả lời :
– Của tôi đó, vì đây là khoá cửa của Thiên Đàng, còn tôi là Phêrô.
Anh thợ vồn vã :
– À! Thế thì lại khác, chỉ 1 giờ là tôi sửa xong cho cụ thôi, cụ cho xin 100.000 đồng .
Thánh Phêrô giật mình :
– Đắt thế à ? Tôi chỉ có 1.000 thôi.
– Không được đâu cụ ơi. Tôi nghe ngày xưa cụ đứng đầu Hội Thánh, hẳn là cụ giàu có lắm ?
– Anh hiểu lầm rồi ! Trong Hội Thánh chúng tôi, ai càng đứng đầu thì lại càng là người tôi tớ phục vụ, sống khiêm hạ khó nghèo như Đức Giêsu làng Nazareth. Thôi anh cố sửa nó đi, có thể vì công khó của anh mà tôi sẽ xin Chúa cho anh vào Thiên Đàng .
Anh thợ mỉm cười lắc đầu
– Tôi cần cái thực tế. Tiền thôi cụ ạ, còn Thiên Đàng thì xa lạ quá. Vả lại ở Thiên Đàng mà nghèo như cụ thì tôi chẳng ham. Thôi cụ đi xoay xở đâu đó thêm đi, rồi quay lại đây.
Thánh Phêrô bước đi, buồn bã nghĩ thầm : Anh thợ này sửa được nhiều thứ khoá, chỉ trừ khoá của Thiên Đàng. Đồng tiền quý đến thế kia ư ?
Ngài lại tìm đến nhà một anh thợ khác, nổi tiếng khéo tay và giàu có nhất vùng, hy vọng gặp được người yêu mến Thiên Đàng hơn chuyện tiền bạc.
Anh thợ đon đả chạy ra đón mừng .
– Tôi nhận ra ngài rồi. Tay cầm chìa khoá vàng, khuôn mặt và thân hình lại giống hệt bức tượng trong nhà thờ xứ tôi. Vào đây, gia đình tôi hân hạnh tiếp đón Thánh Cả.
Thánh Phêrô vui mừng, nhưng cũng ngần ngại dò hỏi :
– Tôi có cái khoá cửa thiên đàng bị hỏng, tôi chỉ có 1.000 đồng, nhờ anh sửa giúp
– Xin cất đi, tôi còn phải biếu ngài thêm lộ phí nữa kìa. Còn cái khoá thì không thành vấn đề, chỉ độ nửa tiếng là xong thôi. Có điều là, xin ngài hứa cho tôi một việc.
– Tốt lắm, anh cứ nói .
– Xin ngài đưa tôi vào Thiên Đàng và cho tôi làm trùm phường khóa ở trên đấy. Ngồi trên các Thánh hay các thiên thần thì tôi không dám, nhưng làm sếp đám thợ khoá thì tôi dư sức. Ngài sẽ thấy tay nghề của tôi khi sửa khoá cho ngài, xem tôi có đáng ngồi chỗ tốt hay không.
Bỗng có tiếng ầm ầm từ đầu ngõ, hàng trăm dân làng ùa chạy tới nhà anh thợ khoá khi nghe nói Thánh Phêrô đang ở nhà anh. Tiếng hò hét vang lừng từ ở cổng ra vào.
– Lạy Thánh Phêrô, Ngài cho vợ chồng con vào Thiên Đàng với.
– Đứa nào xô tao vậy, đây là cổng nhà anh thợ khoá chứ đã phải là cửa Thiên Đàng đâu mà chen dữ thế ? Phải có hàng lối chứ .
– Gặp Thánh Phêrô chứ có phải đi mua vé xinê,hay đi mua thịt mua cá đâu mà phải xếp hàng cha nội.
– Chúng mày biết gì ? Ông Trùm nói có lý đấy. Thế chúng mày không nghe cha giảng là ở trên Trời có ” Đám rước mặc quần áo trắng tinh tay cầm cành thiên tuế ” à ? Phải trật tự chứ !
– Chúa ơi ! Chết con rồi.
…
Thánh Phêrô lắc đầu ngán ngẩm. Cần phải “gửi” đi đâu nữa, họ đang ở hoả ngục rồi còn gì! Họ cãi nhau chí chóe, chửi thề, dẫm đạp lên nhau để “tranh” Thiên Đàng. Có kẻ đã dúi được vào túi Thánh Phêrô phong bì, hoa, nến. Rồi hí hửng vì đã “hối lộ” được người giữ cửa đầy quyền uy.
Bỗng có một cơn gió mù mịt cuốn lấy Thánh Phêrô. Thiên Thần đã đưa ngài đi trong gió. Để lại đám dân làng khóc la tiếc nuối, và anh thợ khoá tiu nghỉu vì tan giấc mộng vàng.
Thiên Thần đưa Phêrô tới bên một bờ suối rồi chào tạm biệt ra đi. Thánh nhân nhẹ gật đầu từ tạ. Ngài vẫn còn bực bội vì chuyện xảy ra vừa rồi. Tại sao con người lại coi nhẹ Thiên Đàng để kiếm tìm tiền tài danh vọng nhỉ ? Ngay cả đám dân muốn “xấn xổ” vào Thiên Đàng, họ có nghĩ gì tới Chúa và anh em mình đâu, lợi lộc riêng tư đã che mắt họ. Người ta có thể nhân danh một Thiên Đàng tốt đẹp để giành giật, gấu ó nhau đến vậy hay sao? Ôi ! Nếu có Gioan và Giacôbê ở đây,”những người con của sấm sét” chắc cũng sẽ như xưa, muốn xin lửa Trời xuống đốt tiệt cái đám dân nông cạn này.
– Hãy uống bát nước này cho mát đi, cụ đang có lửa trong lòng đó.
Thánh Phêrô giật mình quay lại. Một cậu bé thật xinh trai, tay cầm ly nước,đã đứng sau lưng mình từ lúc nào. Ngài cầm lấy ly nước, uống một hơi thật sảng khoái.
– Cám ơn cậu bé, cậu thật tốt bụng.
Cậu bé lém lỉnh nhìn cái ổ khoá trên tay Thánh Phêrô.
– Ổ khoá này đẹp quá, cụ cho tôi xem tí nào.
– Khoá cửa Thiên Đàng đó mà. Cậu có muốn lên đấy không, tôi dẫn cậu đi ?
– Chả cần cụ dẫn đâu, tôi thừa biết nó ở đâu rồi .
– Thật không ?
– Thật chứ !Thiên Đàng thuộc về những người bé nhỏ như tôi mà, cụ quên rồi à ?
Ngạc nhiên trước câu trả lời ngộ nghĩnh, Thánh Phêrô cảm thấy mến cậu bé thông minh này. Ngài đưa cả ổ khoá lẫn chìa cho cậu bé.
– Cẩn thận kẻo rơi nhé.
Cậu bé cầm cả hai ngắm nghía, rồi cậu tinh nghịch trả lại chìa khoá cho Phêrô.
– Cụ giữ lấy chìa khoá này như một kỷ niệm hay một biểu tượng cho bổn phận và quyền uy. Còn cái này thì…Chưa dứt lời, cậu đã ném ổ khoá đánh “tõm” xuống giữa lòng suối sâu.
Thánh Phêrô giật mình lớn tiếng :
– Ôi Chúa ơi ! Cậu làm gì vậy ?
Cậu bé mỉm cười trả lời :
– Thật ra cửa Thiên Đàng đâu cần ổ khoá. Điều quan trọng không phải là nó đóng hay mở, mà là sự “đóng hay mở” của lòng người. Phải giải quyết chuyện này ở dưới đất chứ không phải trên trời cụ ạ .” Điều gì con cầm buộc dưới đất, trên Trời cũng cầm buộc. Điều gì con tháo mở dưới đất, trên Trời cũng tháo mở “. Có người đã nói với cụ câu đó, cụ không nhớ sao ?
Thánh Phêrô ngẩn ngơ hỏi lại :
– Nhưng làm sao để họ mở hay đóng để tôi cầm buộc hay tháo gỡ ? Vì họ cứ khép kín trước vẻ đẹp của Thiên Đàng, nhưng lại sẵn sàng mở lòng ra với tiền tài, danh vọng. Làm sao để họ làm ngược lại đây, cậu bé ?
– Cụ đừng chỉ trỏ lên trời và nói những chuyện cao xa của Thiên Đàng với họ nữa.Ngược lại, phải dẫn họ tới một nơi để họ học biết khó nghèo, khiêm hạ, hy sinh. Cụ có muốn tôi đưa cụ tới đó, để rồi sau cụ có thể dẫn họ đi không ?
Thánh Phêrô sốt sắng :
– Được rồi, tôi theo cậu. Nhưng đi đâu mới được chứ ?
Cậu bé mỉm cười, nheo mắt nhìn Phêrô :
– Đi Bêlem, rồi lên Núi Sọ .
Nói xong, cậu quay lưng, lững thững bước đi về phía có ánh nắng chói chang, phía của Mặt Trời.
HÃY XÂY DỰNG GIÁO HỘI BẰNG NHỮNG VIÊN ĐÁ SỐNG ĐỘNG
“Giáo Hội là mầu nhiệm”;“Giáo Hội là dân Thiên Chúa”. Những khái niệm trên cho thấy Giáo Hội vừa mang tính hữu hình vừa mang tính vô hình. Hữu hình: Giáo Hội là một tổ chức như mọi tổ chức trần gian. Có người lãnh đạo và có những cộng sự khác. Vô hình: vì có Thiên Chúa Ba Ngôi là chủ. Mọi thành phần trong Giáo Hội đều có sự liên đới với nhau, ta gọi đó là: “Mầu nhiệm hiệp thông”.
Như vậy, khi thiết lập Giáo Hội, Đức Giêsu muốn thông qua tổ chức hữu hình để Ngài ban ân sủng siêu nhiên nhằm cứu độ con người. Thế nên, trước khi về trời, Đức Giêsu muốn Giáo Hội tiếp tục công trình cứu độ của Ngài cho đến tận thế. Vì lẽ đó, Đức Giêsu đã đặt Phêrô là người thay mặt Ngài ở trần gian để điều hành Giáo Hội. Tuy nhiên, việc trao ban quyền lãnh đạo cho Phêrô, Đức Giêsu muốn Phêrô phải tuyên xưng và xác tín niềm tin của ông nơi Ngài trước khi nhận lãnh sứ vụ. Đồng thời phải có tâm tình khiêm tốn, chân thành của kẻ bé mọn trong việc xây dựng Nước Trời trên trần gian.
1. Phêrô tuyên xưng đức tin
“Người ta bảo Con Người là ai?” (Mt 16, 13).
Tại sao Đức Giêsu lại hỏi các môn đệ như vậy? Câu hỏi này của Đức Giêsu có ý gì?
Thưa vì những lý do sau:
Thứ nhất, Đức Giêsu và các môn đệ đang ở vùng Cêsarêa Philipphê. Đây là vùng đất của dân ngoại. Địa danh này còn được biết đến là một trung tâm thờ thần Baan. Nơi đây cũng có thể là nơi “chôn rau cắt rốn” của thần Hylạp có tên là Panias: thần thiên nhiên.
Dân chúng ở đây, trong tâm thức của họ, Đức Giêsu chỉ là một nhân vật vĩ đại và thuần túy, hay chỉ là người tiếp nối quá khứ truyền thống của các tiên tri thời Cựu Ước mà thôi. Sẵn có lối suy nghĩ như vậy, nên họ không hiểu rõ sứ vụ Thiên Sai của Đức Giêsu! Vì thế, không lạ gì khi được hỏi về dư luận trong dân chúng về mình, các môn đệ đã thông tri cho Đức Giêsu biết: “Kẻ thì nói là ông Gioan Tẩy Giả, kẻ thì bảo là ông Êlia, có người lại cho là ông Giêrêmia hay một trong các vị ngôn sứ” (Mt 16, 14).Khi nghe thấy như thế, Đức Giêsu không thỏa mãn với câu trả lời đó. Mặt khác, nhân đây, Ngài muốn mặc khải cho các ông về con người và vai trò Thiên Sai của mình. Vì thế, Ngài đã hỏi trực tiếp các môn đệ: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?” Ông Simon Phêrô thưa: “Thầy là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16, 15-16).
Khi Phêrô tuyên xưng điều đó, có lẽ ông cũng không hiểu hết, bởi vì mầu nhiệm này quá sức của ông và các môn đệ khác.
Quả thật, “Đấng Kitô” mà Đức Giêsu muốn các môn sinh của mình hiểu ở đây không chỉ đơn thuần theo nghĩa là Đấng được Thiên Chúa sinh ra, mà còn là người hành động như Thiên Chúa, ngang bằng với Thiên Chúa. Còn “Con Thiên Chúa hằng sống”, tức Ngài là Đấng tự hữu và tự tồn tại, vì thế “Ngài ở cùng chúng ta mọi ngày cho đến tận thế”.
Thứ hai, đây là dịp để Đức Giêsu trắc nghiệm niềm tin của các ông vào mình, bởi lẽ không thể trao phó một trách nhiệm quan trọng mang tính trường tồn cho một kẻ kém tin, kiêu ngạo, tự phụ và không hiểu biết gì về mình.
2. Phêrô đón nhận sứ vụ
Ngay sau khi Phêrô tuyên xưng đức tin, Ðức Giêsu nói với ông: “Này anh Simon con ông Giôna, anh thật là người có phúc, vì không phải phàm nhân mặc khải cho anh điều ấy, nhưng là Cha của Thầy, Ðấng ngự trên trời” (Mt 16, 17). Qua câu nói đó của Đức Giêsu, và lúc khác kết hợp với lời tạ ơn của chính Ngài: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11, 25), cho chúng ta thấy rất rõ rằng: sứ vụ mà Phêrô sắp được lãnh nhận ở đây không phải là của người khôn ngoan, trí thức, quyền quý, theo kiểu người đời vẫn hiểu, mà là dành cho những người bé mọn theo ý Chúa. Lời tuyên tín của Thánh Phêrô “Thầy là Đức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” không thuộc phạm trù “sự hiểu biết thuộc về con người”, nhưng thuộc về “thế giới siêu nghiệm”,và vì thế, để hiểu được tất cả ý nhĩa của lời tuyên tín trên thì cần phải được mặc khải từ Thiên Chúa, và người đón nhận phải đơn sơ, chân thành.
Thật vậy, sứ vụ mà Phêrô sắp lãnh nhận là trở thành chủ chăn, là người lãnh đạo, nhưng khi thi hành thì phải mang trong mình tâm tình khiêm nhường và phục vụ chứ không được dùng quyền để đàn áp, thống lãnh và ăn trên ngồi trước như người đời… Biết can đảm, trung thành trước mọi thử thách và cuối cùng là biết phó thác nơi Thiên Chúa như những người bé mọn.
Vì thế, khi Phêrô tuyên xưng niềm tin, ngay lập tức, Ngài đã đổi tên của ông là Simon thành Phêrô và giải thích là “Đá Tảng”. Nhắc đến đá, ta nhớ ngay những đặc tính của nó như: cứng; bền; chắc. Và khi Đức Giêsu ví Giáo Hội được xây trên nền đá, Ngài cũng muốn nhấn mạnh đến những đặc tính siêu nhiên.
Cứng: nói lên sức mạnh của Giáo Hội.
Bền: nói lên sự trường tồn của Giáo Hội.
Chắc: nói lên sự vững mạnh của Giáo Hội.
Khi đổi tên như thế, Ngài đã biến ông từ một kẻ nhát đảm, kém tin, bồng bột trở thành biểu tượng của sức mạnh, trường tồn và bền vững: “Trên tảng đá này, Thầy sẽ xây Hội Thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng nổi” (Mt 16, 18). Không những thế, Đức Giêsu còn trao cho Phêrô quyền tuyệt đối khi nói: “Thầy sẽ trao cho anh chìa khóa Nước Trời: dưới đất, anh cầm buộc điều gì, trên trời cũng sẽ cầm buộc như vậy; dưới đất, anh tháo cởi điều gì, trên trời cũng sẽ tháo cởi như vậy” (Mt 16, 19).
Theo quan niệm của người Do thái vào thời đó, “quyền lực của tử thần” là “khả năng giam giữ các kẻ chết”. Câu này có ý nói đến uy quyền của ma quỷ, chúng dùng sự dữ để đưa người ta vào con đường tội lỗi, và giam giữ họ trong sự chết đời đời.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rộng hơn nữa về thứ quyền lực của thế gian nơi những kẻ bách hại Giáo Hội, quyền lực của những kẻ sỉ vả và vu khống các môn đệ Đức Giêsu, quyền lực của những kẻ chỉ giết được thân xác… Nhưng cũng như quyền lực của ma quỷ, chúng sẽ không thể tiêu diệt được Giáo Hội, vì Giáo Hội được Đức Giêsu xây dựng trên nền tảng ân huệ lòng tin mà Chúa Cha ban cho những người bé mọn theo thánh ý Ngài.
3. Sứ điệp Lời Chúa
Khi Giáo Hội được Đức Giêsu xây trên nền đá vững chắc ấy. Cộng đoàn những người tuyên xưng cùng một lòng tin mà Phêrô vừa tuyên xưng thì được ví như một tòa nhà do chính Đức Giêsu xây dựng trên “tảng đá” Phêrô và mỗi chúng ta: “… như những viên đá sống động mà xây nên ngôi Ðền Thờ thiêng liêng” ấy (x. 1Pr 2,5). Khi nói đến viên đá sống động, hẳn chúng ta không thể hiểu theo ngôn ngữ chết, mà phải hiểu trong tương quan với Thiên Chúa và với anh chị em chúng ta.
Câu hỏi của Đức Giêsu với các môn đệ: “Người ta bảo Con Người là ai?” cũng là câu hỏi dành cho mỗi người chúng ta. Bổn phận của chúng ta là phải trả lời cho được câu hỏi đó. Nếu trả lời như Phêrô khi xưa: “Thầy là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”. Thì hẳn chúng ta phải biểu lộ niềm tin của mình vào Đấng đã cứu chuộc mình cách đúng nghĩa.
Thật vậy, muốn thuộc về Đức Giêsu, chúng ta phải đi lại con đường thập giá của Ngài đã đi và sống nguyên lý của mầu nhiệm tự hủy, khiêm tốn, can đảm, trung thành và phó thác.
Nếu không, đức tin của chúng ta chỉ là thứ đức tin “ấu trĩ” được mua bằng một “giá rẻ”. Nếu quả là vậy, thì mãi mãi vẫn chỉ là một đức tin “nghèo nàn” và thiếu đi “cốt lõi” của niềm tin.
Thánh Giacôbê Tông đồ đã nói: “Đức tin không có hành động thì quả là đức tin chết” (Gc 2, 17), và thánh Gioan đã quả quyết:“Căn cứ vào điều này, chúng ta nhận ra rằng chúng ta biết Thiên Chúa: đó là chúng ta tuân giữ các điều răn của Người […]. Ai nói rằng mình ở lại trong Người, thì phải đi trên con đường Ðức Giêsu đã đi” (1,Ga 2,3-6).
Như vậy, tin Đức Giêsu thì cũng hành động như Ngài và tuân theo lời dạy yêu thương của Ngài: “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em” (Ga 13, 34) và như thế, niềm tin của chúng ta sẽ được lan truyền sang cho mọi người như lời Đức Giêsu đã nói:“Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 17).
Lạy Chúa, xin ban thêm đức tin cho chúng con, để chúng con ngày càng theo sát Chúa trên con đường thập giá là con “đường độc đạo” con “đường thật” dẫn đến “sự sống”. Xin cũng ban cho chúng con luôn yêu mến, vâng phục đấng thay mặt Chúa, kế vị các tông đồ và sẵn sàng dấn thân xây dựng Giáo Hội của Chúa trên trần gian. Amen.