CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN_B

119

 CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN B

Lời Chúa: 1Sm 3,3b-10.19; 1Cr 6,13c-15a.17-20; Ga 1,35-42

 

Mục lục

1. Hành trình đức tin  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)

2. Hành trình ơn gọi  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Chúa Nhật 2 Thường Niên_B  (Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa)

4. Nghe và hiểu  (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)

5. Nghề mai mối  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

6. Sức mạnh của lời mời gọi  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

7. Lắng nghe  (Trầm Thiên Thu)

8. Ở lại với Chúa   (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

9. Các anh làm gì thế?  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

10. Các anh tìm gì thế?  (Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ)

 

HÀNH TRÌNH ĐỨC TIN

Gm.  Giuse Vũ Văn Thiên

Đối với người tín hữu, hành trình cuộc đời luôn song song với hành trình Đức Tin. Nếu cuộc sống luôn tiến về phía trước để thăng tiến về kiến thức, thành đạt về nghề nghiệp và sung mãn về hạnh phúc, thì đời sống thiêng liêng cũng cần được thăng tiến mỗi ngày, giúp chúng ta đạt tới sự hoàn thiện trong mối thân tình với Chúa và với anh chị em.

Cuộc gặp gỡ giữa hai môn đệ đầu tiên với Đức Giêsu đã để lại nơi hai ông nhiều kỷ niệm khó quên. Đây là khởi đầu của hành trình theo Chúa Giêsu và làm môn đệ Người. Sau này, hai ông sẵn sàng sống chết với Đấng mà mình đã chọn lựa. Tác giả Gioan đã phác họa tiến trình theo Chúa và trở thành môn đệ của hai môn đệ đầu tiên này bằng ba động từ: Đến với Chúa; gặp gỡ Chúa và ở với Chúa.

– Đến với Chúa: từ lời giới thiệu của ông Gioan Tẩy giả: “Đây Chiên Thiên Chúa..”, hai môn đệ đã đến với Chúa Giêsu. Có thể ban đầu, hai ông theo Chúa vì tò mò trước lời giới thiệu mang ý nghĩa truyền thống Thánh Kinh “Chiên Thiên Chúa” của thày mình. Đến với Chúa là bước đầu của hành trình Đức Tin. Hành động đến với Chúa đòi hỏi gạt bỏ những e ngại, thành kiến đến từ môi trường xung quanh. Câu hỏi của hai ông cho thấy việc đến với Chúa cũng là nỗ lực tìm kiếm một lý tưởng: “Thưa Thày, Thày ở đâu?”. “Hãy đến mà xem!”. Lời mời gọi của Chúa khiến hai ông tự tin hơn để đến với Người.

– Gặp gỡ Chúa: Đức Giáo Hoàng Bênêđitô đã đề nghị một định nghĩa về Đức Tin, đó là “cuộc gặp gỡ thân tình, cá vị với Chúa”. Đây không phải là cuộc gặp gỡ với một sự vật hay một sự kiện, là cuộc gặp gỡ với một Đấng, một Ai đó, một Con Người đang hiện diện giữa chúng ta. Cuộc gặp gỡ với Chúa được thực hiện bằng lời cầu nguyện. Bởi khi cầu nguyện là chúng ta tâm sự với Chúa, đồng thời chúng ta cũng lắng nghe Ngài nói với chúng ta. Cầu nguyện là mối tâm giao, là sự trao đổi thân mật, là sự giãi bày tấm lòng trước nhan Chúa. Khi cầu nguyện, chúng ta mở con tim để lắng nghe Lời Chúa và sẵn sàng thưa với Chúa như cậu bé Samuel trong đền thờ Silô: “Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe”. Với lời thưa đó, Samuen đã khởi đầu hành trình theo Chúa. Sau này ông trở thành một vị ngôn sứ của Israen.

– Ở với Chúa: Thành ngữ “ở với Chúa” trong Tin Mừng Thánh Gioan có ý nghĩa đặc biệt. Nó nói lên sự liên kết gắn bó, sự lắng nghe và tuân phục. Ở với Chúa cũng là sự hiệp thông với Người, như cành nho gắn liền với thân nho. Sự hiệp thông này là nền tảng căn bản làm cho đời sống Đức Tin được phong phú và sinh hoa kết trái. Thiếu sự hiệp thông này, đời sống Kitô hữu chỉ còn bỏ bọc bề ngoài. Cành nho tách rời khỏi thân nho sẽ khô héo; người tín hữu tách rời mối hiệp thông với Chúa sẽ cằn cỗi, vô dụng. Nhờ việc ở với Chúa, trọn vẹn hồn xác chúng ta thuộc về Chúa. Thân xác chúng ta trở nên đền thờ của Chúa Thánh Thần. Thánh Phaolô khuyên chúng ta giữ tâm hồn và thân xác luôn tinh tuyền, tránh mọi tội lỗi làm cho con người nhơ uế. Theo thánh nhân, giữ mình khỏi tội chính là hành vi tôn vinh Thiên Chúa qua thân xác mình (Bài đọc II).

Hai môn đệ đầu tiên đã đến với Chúa, gặp gỡ Người và ở với Người. Qua cuộc gặp gỡ thân tình này, hai ông đã nhận ra nơi Đức Giêsu là Đấng Thiên Sai muôn dân mong đợi.  Một trong hai môn đệ đầu tiên là ông Anrê đã khẳng định với em mình là Simon rằng: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mê-si-a” (nghĩa là Đấng Kitô). Không những thế, ông Anrê còn dẫn em mình đến gặp gỡ Chúa Giêsu. Thánh Gioan đã kể lại, việc các môn đệ theo Chúa được thực hiện theo hình thức “dây chuyền”, tức là người đã biết Chúa thì tìm cách giới thiệu cho người khác và dẫn họ tới gặp Chúa Giêsu.

“Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!”.Là một trong những Chúa nhật khởi đầu của mùa Thường niên, Phụng vụ mời gọi chúng ta lên đường theo Chúa, với tâm tình đơn sơ vâng phục của Samuen, nhất là với sự vâng phục của Đức Giêsu, Đấng đã đến thế gian để thi hành ý muốn của Chúa Cha. Người đã vâng phục Chúa Cha, kể cả khi phải đón nhận thập giá để cứu chuộc con người. Một khi đã nhận biết Chúa, mỗi chúng ta cũng trở nên những người giới thiệu Chúa cho những ai chưa nhận biết Người.

Mỗi ngày qua đi, hành trình Đức Tin của chúng ta thêm một bước vững vàng kiên định. Xin cho chúng ta tìm thấy nghị lực thiêng liêng trong hành trình này, để rồi, trong mọi hoàn cảnh, chúng ta đều có thể thân thưa với Chúa: “Lạy Chúa, này con xin đến để thực thi ý Ngài!”.

“Chúa không hứa ban cho chúng ta một cuộc hành trình êm ả, Người chỉ hứa giúp ta đến đích an toàn” (J.Gower, thi sĩ người Anh).

Về mục lục

.

HÀNH TRÌNH ƠN GỌI

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt

Các bài sách thánh hôm nay đều nói về ơn gọi. Ơn gọi của Samuel thật lạ lùng. Còn ơn gọi của Anrê và Gioan diễn ra nhẹ nhàng hơn. Tuy nhiên, dù mạnh mẽ lạ lùng hay nhẹ nhàng bình thường, hành trình ơn gọi nào cũng trải qua bốn giai đoạn.

1- Giai đoạn thứ nhất: Chúa kêu gọi.

Việc Chúa kêu gọi không xảy ra tức khắc trong một lần, nhưng diễn tiến tuần tự, chậm rãi với mức độ tăng dần, tuỳ sự đón nhận của người nghe.

Thoạt tiên là một lời kêu gọi nhẹ nhàng qua một thiên hướng, một ước nguyện của người thân, một gương mẫu, một thần tượng. Ở Samuel, đó là ước nguyện của bà mẹ muốn tạ ơn Chúa. Ở Anrê và Gioan, đó là thiên hướng đi tìm lý tưởng.

Sau đó, Chúa có thể dùng các trung gian dẫn ta đến với Chúa. Trong trường hợp Samuel, người trung gian là thày cả Hêli. Còn trong trường hợp Anrê và Gioan, thánh Gioan Baotixita đã làm trung gian đưa hai môn đệ đến với Đức Giêsu.

2- Giai đoạn hai: Ta đáp trả.

Nếu ta trung thành đáp trả mỗi khi nghe tiếng Chúa kêu gọi, Chúa sẽ tiếp tục gọi ta đi vào những đoạn đường mới, mỗi lúc một khó khăn hơn. Tiếng Chúa mời gọi mỗi lúc một mãnh liệt hơn, đòi hỏi ta phải trả lời mỗi lúc một dứt khoát hơn. Cho đến một thời điểm quyết định, Chúa sẽ đưa ra lời mời gọi cuối cùng đòi ta trọn vẹn dấn thân lên đường theo Chúa. Với Samuel, việc Chúa ba lần cất tiếng gọi chứng tỏ Chúa tha thiết muốn tuyển chọn ông. Với Anrê và Gioan, việc Đức Giêsu mời hai ông đến chỗ Ngài ở đã khiến hai ông phải dứt khoát với quá khứ để bắt đầu một giai đoạn mới.

3- Giai đoạn ba: Sống thân mật với Chúa.

Tuyệt đỉnh của ơn gọi không phải là làm việc cho Chúa, nhưng là sống thân mật với Chúa. Chúa không kêu gọi ta theo một chủ thuyết nhưng kêu gọi ta theo Chúa. Ta đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng để tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha – Con thắm thiết. Sự sống của Chúa là tình yêu đưa ta vào hạnh phúc của người biết mình được yêu thương.

Trong tình yêu Thiên Chúa, tâm hồn ta được gột rửa sạch mọi tội lỗi.

Trong tình yêu Thiên Chúa, trái tim ta trở nên dịu dàng, hiền hoà rộng mở để tha thứ và đón nhận mọi người.

Hạnh phúc sống trong tình yêu Thiên Chúa lớn lao đến độ biến đổi toàn bộ cuộc đời ta. Ai đã một lần nếm cảm sẽ không còn mơ ước điều gì khác nữa.

Sau khi được tiếp xúc thân mật với Chúa, trọn cuộc đời Samuel hoàn toàn dâng hiến cho Chúa. Sau một buổi chiều thân mật sống với Đức Giêsu, hai tông đồ Anrê và Gioan gắn bó với Người, cho đến chết vì Người.

4- Giai đoạn bốn: Làm chứng cho tình yêu Chúa.

Cảm nhận được tình yêu Thiên Chúa rồi, ta sẽ không thể làm điều gì khác hơn là ra đi làm chứng về tình yêu đó. Giống như dòng suối sung mãn tràn xuống thành thác, tâm hồn tràn đầy tình yêu sẽ cất lên thành lời ca tụng, giới thiệu tình yêu Thiên Chúa cho mọi người.

Sau khi gặp Đức Giêsu, Anrê vội vã đi tìm em là Phêrô để dẫn đến giới thiệu với Người. Từ đó, Anrê theo Đức Giêsu cho đến cuối đời. Ông đã đem chính mạng sống làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa. Ông đã đổ máu ra để chứng thực tình yêu ấy. Ông dám khước từ cuộc sống trần gian vì ông đã biết đến hạnh phúc đích thực trong tình yêu Thiên Chúa. Tất cả chúng ta đều được Thiên Chúa mời gọi đến sống thân mật với Người trong tình Cha-Con thắm thiết.

Lời Chúa vang lên khi ta chịu phép Rửa tội.

Lời Chúa tiếp tục mời gọi ta khi ta lãnh nhận các bí tích, khi ta nghe sách thánh, khi ta học giáo lý, khi ta tĩnh tâm, nghe giảng.

Lời Chúa lúc thì nhẹ nhàng thoang thoảng, khi thì mãnh liệt thiết tha. Nhiều lúc ta tưởng đến nhà thờ vào ngày Chủ nhật là đã đáp lại tiếng Chúa mời gọi, nhưng không phải. Chúa không mời gọi ta chỉ đi lễ như trả nợ. Chúa muốn ta thực sự gặp gỡ Người, tiếp xúc thân mật với Người, sống thân thiết với Người trong tình con thảo.

Hành trình đức tin của người Kitô hữu là một hành trình đi về với Chúa. Sau bao nhiêu năm giữ đạo, tôi đã đi đến đâu? Tôi đã thực sự gặp được Chúa chưa? Tôi đã tiến đến gần Chúa chưa? Hay là tôi mới ở khởi điểm? Hãy đến, Chúa đang mời gọi ta. Chúa đang chờ đợi ta. Chúa đang mở rộng vòng tay, mở rộng trái tim để đón ta đến sống trong tình yêu của Người. Tình yêu ấy là hạnh phúc muôn đời của ta.

GỢI Ý CHIA SẺ

1- Có khi nào bạn nghe thấy tiếng Chúa mời gọi không?

2- Bạn đã quảng đại đáp lại tiếng Chúa mời gọi chưa?

3- Có bao giờ bạn cảm nghiệm được tình yêu của Chúa chưa?

Về mục lục

.

CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN_B

Lm. Antôn, giáo xứ Giuse, Tulsa

Ông bà anh chị em thân mến. Câu truyện trong bài đọc 1 hôm nay là một trong những câu chuyện thích thú nhất của tôi trong sách Cựu ước. Câu truyện về ngôn sứ Sa-mu-en sống vào khoảng hơn 1 ngàn năm trước ngày Chúa Giê-su sinh ra. Trong Kinh thánh Cựu ước có 2 sách tên Sa-mu-en, quyển thứ nhất có 31 chương và quyển thứ 2 có 24 chương. Nhưng chỉ có 15 chương đầu trong quyển thứ nhất thật sự đề cập đến ngôn sứ Sa-mu-en, các chương còn lại và nguyên quyển thứ 2 nói về vua Đa vít. Trong tất cả các bài đọc trong Thánh lễ Chúa nhật, chúng ta chỉ nghe nói về Sa-mu-en hai lần trong chu kỳ 3 năm. Nhưng Sa-mu-en là một nhân vật quan trọng Cựu ước, là một trong những ngôn sứ chính đã sức dầu tấn phong Sao-lê trở thành vị vua đầu tiên của dân Do thái, và sau đó cũng sức dầu tấn phong Đa vít làm vua. Ngôn sứ Sa-mu-en có một ảnh hưởng thật lớn vào môi trường chính trị và tôn giáo thời đó.

Trong phần đầu của sách Sa-mu-en, chúng ta được biết người mẹ của Sa-mu-en là bà Ha-na, hiếm hoi không có con, và bà chịu những điều thật cay đắng và đau khổ vì tình trạng hiếm hoi này. Bà hứa với Chúa là nếu bà có một đứa con trai bà sẽ dâng cho Thiên Chúa và bà đã làm, đã thực hiện như điều bà đã hứa với Chúa. Khi Sa-mu-en còn nhỏ, bà Ha-na đã giao con cho thày cả Ê-li, lúc đó đang trông coi Hòm bia Giao ước trong đền thờ tại Si-lô. Dưới sự dạy dỗ của thày cả Si-lô, Sa-mu-en sẽ được hướng dẫn và dạy dỗ cho việc phục vụ Chúa. Đó là bối cảnh của bài đọc 1 hôm nay.

Ông bà anh chị em thân mến. Tôi tin rằng tất cả chúng ta đã nhận được những lời giới thiệu hay những lời báo tin làm thay đổi cuộc đời của chúng ta.   Có những lời báo tin mà tôi nghĩ rằng tất cả chúng ta không muốn nghe, như lời báo bị bệnh nọ, bệnh kia từ một bác sĩ, hay lời báo một hung tin xảy ra cho người thân thuộc. Có những lời báo tin hay lời giới thiệu làm thay đổi đời sống của chúng ta một cách tích cực, một cách tốt đẹp hơn, như lời giới thiệu đến một người, giúp chúng ta có một đời sống tốt lành, ngay thẳng và thánh thiện hơn. Và ngược lại, nếu chúng ta được giới thiệu và quen biết một người không tốt, thì không sớm thì muộn chúng ta cũng sẽ được giới thiệu vào những việc dữ, không tốt và có thể có những tai hại cho đời sống của chính mình và cho những người khác bây giờ hay sau này.

Bài đọc 1 cho chúng ta biết Sa-mu-en nhận được một tin báo giữa đêm khua, và đã hoàn toàn thay đổi cuộc đời của Sa-mu-en, và cũng thay đổi cuộc đời của biết bao nhiêu dân Chúa hằng trăm năm sau đó. Chúng ta biết, ông Martin Luther King cũng đã nhận được một lời kêu gọi thi hành một sứ mệnh, lãnh đạo phong trào bất bạo động tranh đấu cho công lý tại quốc gia này. Và trong bài Tin mừng, An-rê và một môn đệ khác đã được Gioan Tẩy giả giới thiệu đến với Chúa Giê-su, và hai môn đệ này đã đáp ứng lại lời mời “Hãy đến mà xem” của Chúa Giê-su, và đã đi theo Người.   Ngày hôm sau, Phê-rô cũng đã nhận được lời báo tin của em là An-rê và đến gặp Chúa Giê-su. Chúng ta nhận thấy, lời giới thiệu của những môn đệ này không có tính cách sâu sắc và nhiều xúc cảm như của Sa-mu-en. Thật ra việc Thiên Chúa kêu, gọi tên của chúng ta một cách trực tiếp vào giữa đêm khua rất hiếm hoi như việc Chúa đã làm trong trường hợp của Sa-mu-en. Thông thường, Chúa nói và kêu gọi chúng ta qua một người trung gian, qua một người đạo đức như Gioan Tẩy giả, hay qua một người thân thuộc, bạn bè. Chúa kêu gọi chúng ta qua Kinh thánh, qua Tin mừng lời Chúa trong Thánh lễ. Thỉnh thoảng, Chúa cũng nói với chúng ta qua một người chúng ta không thích. Và nếu chúng ta đáp trả lời kêu mời của Chúa, cuộc sống của chúng ta sẽ thay đổi, sẽ không còn giống cuộc sống chúng ta hôm nay. Có thể vì lý do đó mà nhiều người né tránh, tránh xa những sự cầu nguyện thinh lặng. Họ có thể nghe Chúa nói những lời họ không muốn nghe, vì họ cảm thấy thoải mái với cuộc sống hiện tại.

Tôi còn nhớ khoảng 27 năm trước đây khi tôi cảm thấy Chúa muốn gọi tôi trở thành linh mục, tôi muốn giữ những cảm nghĩ đó như là điều không phải sự thực. Như những người khác, tôi hy vọng và muốn có một đời sống bình thường, kết hôn, có một gia đình và một ngày nào sau đó sẽ có con cái. Nhưng hôm nay nghĩ lại, lạ lùng thay, cách này hay cách khác, Chúa tiếp tục giữ những cảm nghĩ về đời sống linh mục trong tư tưởng, đầu óc của tôi. Thật sự, khi mới bước chân lên đất nước này năm 1975, được giáo xứ thánh Ma-đa-lê-na bảo trợ, cũng như sống gần gũi với Đức ông Finn, là cha chính xứ lúc đó, tôi đã có những cảm nghĩ về đời sống linh mục, nhưng không nói thì ông bà anh chị em cũng đã hiểu, mới bước chân đến đất nước xa lạ này, thì làm sao có thể thực hiện mơ ước đó được, và tôi đã nghĩ rằng Chúa đã gọi lầm người. Có lẽ là vì lý do đó mà tôi rất thích câu chuyện của Sa-mu-en. Chúa đã “kiên trì” giữ lời kêu gọi đó trong tư tưởng của tôi, cho nên cuối cùng một ngày nào đó, tôi đã phải nhượng bộ và thưa rằng “Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ Chúa đang nghe.” Xin thú thực tôi rất vui mừng và hạnh phúc đã thưa với Chúa hai tiếng “Xin Vâng.”   Tuy phải bỏ sự kết hôn, lập gia đình là một điều thật là khó, nhưng đôi khi cuộc sống gia đình cũng có nhiều khó khăn, cực khổ. Đời sống linh mục, tuy có nhiều khó khăn, thử thách và phải từ bỏ nhiều thứ, nhưng cũng rất thỏa nguyện cho những ai muốn trở thành linh mục.

Ông bà anh chị em thân mến. Một điều đáng cho chúng ta chú ý: Sa-mu-en đã được thày cả Ê-li hướng dẫn nhận ra tiếng Chúa kêu gọi, các môn đệ đã được Gioan Tẩy giả giới thiệu cho họ nhận biết và đi theo Chúa. Nhưng nếu Chúa có nói với chúng ta điều gì mà chúng ta không hiểu một cách chắc chắn, hay không biết có hợp với đời sống hiện tại của chúng ta không, thì đối với những người trẻ, có thể Chúa gọi trở thành linh mục, tu sĩ, còn đối với những người khác, hay đã lập gia đình Chúa kêu mời sống trung thành với ơn gọi, hay sống thánh thiện hơn, ngay thẳng hơn, tốt lành hơn, quảng đại hơn, hy sinh hơn, hay tình nguyện làm một việc gì hữu ích hơn. Hay Chúa kêu gọi chúng ta hãy lánh xa những việc, những cuộc sống, hay những người làm cho chúng ta có cuộc sống xa Chúa, không tốt đẹp, không thánh thiện hay không theo thánh ý Chúa.

Chúng ta qui tụ trong Bí tích Thánh thể để cảm tạ, tôn vinh Chúa vì những ơn lành hồn xác Chúa đã ban cho chúng ta, và chúng ta tin Chúa Giê-su Ki-tô đang hiện diện giữa chúng ta. Thánh Phao-lô nhắc nhở chúng ta trong bài đọc hai “thân xác chúng ta là những chi thể của Chúa Ki-tô, và là đền thờ của Chúa Thánh Thần” Chúa Ki-tô cũng ngự giữa chúng ta qua Lời Chúa và Thánh Thể.

Xin cho sự gặp gỡ Chúa trong Thánh lễ này, thánh hóa cuộc sống chúng ta, có cuộc sống tốt lành thánh thiện hơn, trở thành động lực thúc đẩy chúng ta trở thành những chứng nhân cho tình yêu và ơn sủng của Chúa Giêsu Ki-tô, giới thiệu và hướng dẫn người khác đến với Chúa như những môn đệ sau khi đã gặp được Ngài.

Về mục lục

.

NGHE VÀ HIỂU

Lm. Jos, DĐH, GP. Xuân Lộc

“Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”, đó là kho kiến thức được thu quén từ kinh nghiệm cụ thể, đối nghịch với câu thành ngữ : “Ếch ngồi đáy giếng”, nghiêng về một khuôn khổ cứng ngắc. Đồng ý rằng nghe, hiểu, mới chỉ nối kết ta đến thành công, mở ra cho ta cảm xúc về tình yêu và hạnh phúc ở phía trước.

“Kén cá chọn canh”, vẫn được sánh ví cho tầng lớp con nhà giàu lựa chọn cho mình một cuộc sống riêng tư. “Rung cây doạ khỉ”, hay “dương đông kích tây”, là ngôn từ mà ta thấy những người làm kinh tế chính trị hay sử dụng. Bậc cha mẹ có thể tự hào về sự thành đạt của con cháu, nhưng họ có thể rụng tóc hay bạc đầu, chỉ vì con cháu của họ tài giỏi mà thiếu đức. Gioan tẩy giả xưa kia không có văn bằng cử nhân nào hết, thế mà kho tàng kiến thức của ông xem ra cũng có thể lấp đầy được khoảng trống tâm hồn các học trò của ông.

Gioan không chỉ cho các môn đệ của ông về kho tàng vật chất ở đâu, nhưng nhờ tác động Thánh Thần, ông đã quả quyết với môn đệ của mình : “Đây là Chiên Thiên Chúa.” Liệu Đức Giêsu có vội vàng không, khi dám mở cõi lòng, chấp nhận để những người xa lạ ấy đến quan sát, tìm hiểu : “hãy đến mà xem”. Đức Giêsu không biết “nổ”, cũng chẳng hề biết “cưa bom” như trong xã hội hôm nay, thế mà qua Gioan, qua các môn đệ, mạc khải Thiên Chúa là tình yêu đã lan tràn khắp thế gian…..

Các bạn đang tìm gì ? Tiền bạc, tiếng tăm, hay cần thỏa mãn điều gì ? Hay các bạn đang tìm một ai đó tham vấn cho đời mình một hướng đi? Những suy tư ấy, hẳn không chỉ dành cho cuộc đối thoại Đức Giêsu và các môn đệ đầu tiên của Ngài hôm xưa, mà luôn là một chất vấn cho từng người theo Chúa hôm nay. Thưa Thầy, Thầy ở đâu ? Liệu câu hỏi đó có tương đương với câu trả lời của người thầy : Chúng con muốn biết nhà của Thầy, muốn đến thăm nơi Thầy sinh hoạt thế nào ư ? Xem ra bối cảnh “có thực mới vực được đạo”, vẫn luôn phù hợp với chân lý “có gieo, có gặt” : khách có đến nhà thì mới giết gà vịt.

Thầy Hêli trong bài đọc 1 hôm nay, bằng kinh nghiệm thực tế đã chỉ cho người học trò của mình một niềm vui gặp Chúa, “nếu con còn nghe thấy tiếng Người gọi thì hãy thưa : lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng nghe”. Nơi bài đọc 2, Thánh Phaolô với kinh nghiệm lỗi phạm và thức tỉnh của mình, Thánh nhân đã chỉ cho ta nghe và hiểu : thân xác con người là chi thể của Đức Kitô, là đền thờ Chúa Thánh Thần, do đó mà ta đừng ngại tôn vinh Thiên Chúa trong thân xác yếu đuối của mình.

Gioan thì giới thiệu cho các học trò thấy, hiểu đâu là Chiên Thiên Chúa mà các trò cần theo, cần đến để thọ giáo…… Còn chúng ta với tư cách làm con trong nhiệm thể Đức Kitô, không phải chỉ là dạ, là vâng bằng lý thuyết, mà phải hiểu và sống niềm tin vào Thầy Giêsu. Chúa vẫn đang kêu gọi chúng ta, không khác gì xưa kia Ngài đã gọi bốn môn đệ đầu tiên. Các ông đã đến và xem chỗ ở của Thầy mình, rồi chính tai các ông được nghe Thầy nói, tâm trí các ông được Thầy Giêsu làm cho hiểu. Ngày hôm nay, mỗi chúng ta vẫn đang được nghe Thầy Giêsu nói qua việc kết hiệp cầu nguyện, qua các Bí tích, và việc sống niềm tin, đáp trả lời mời gọi của Chúa luôn tùy thuộc mỗi người.

Thời nào cũng vậy, đáp trả lại lời Chúa gọi, hay sống thân mật với Chúa, người ta phải trở nên khiêm tốn, đừng ngần ngại làm công việc của người thợ, người đồ đệ, luôn tin yêu vâng phục Thầy của mình. Hơn bao giờ hết, chúng ta yêu Chúa, tin Chúa, đến với Chúa không phải để học những bài học lý thuyết nhưng để tham dự vào sự sống của Chúa. Sự sống của Chúa là sự sống thần linh nâng ta lên hưởng nếm sự ngọt ngào của tình Cha – Con thắm thiết.

Ngày hôm nay có thể ta không gặp gỡ Đức Giêsu bằng xương thịt, nhưng chúng ta có thể gặp gỡ Đức Giêsu một cách thiêng liêng trong lòng tin, với tư cách Ngài là Người bạn, Người anh Cả, và là Đấng Cứu độ chúng ta. Người Do-thái xưa được gặp, được biết Đức Giêsu, trong đó có người chỉ biết Đức Giêsu là người tốt, lại càng không thể chấp nhận Giêsu là Thầy là Vua tình yêu, là Chúa ! Do đó thời nào cũng có những người được thấy, được nghe Chúa, mà vô duyên đến độ không hiểu, vì dư sự tự mãn và thiếu lòng khiêm tốn đón nhận ? Hay vì cuộc sống trần gian có quá nhiều hứa hẹn giàu sang phú quí, nên người ta thật khó mà có quyết tâm theo Chúa ?

Chúa Giêsu không tài giỏi về lãnh vực tiếp thị, quảng cáo hay tuyên truyền, Chúa bảo các ông : “Hãy đến mà xem”. Việc khám phá, tìm hiểu rất cần thiết để người ta sống, để chứng tỏ một tâm hồn khát khao chân lý, một tâm hồn có khả năng hòa hợp với đối tượng duy nhất mà mình tin yêu. Các môn đệ đầu tiên ấy theo Chúa trong niềm vui phấn khởi. Các ông vui không vì đã tìm ra một mối lợi, nhưng vì từ lâu các ông vốn khát khao ơn cứu độ.

Là người tín hữu, chúng ta có thể nghe, thấy những điều xấu, điều tốt ở thế gian này, nhưng tự do tìm kiếm, chọn lựa, và sống niềm hạnh phúc vẫn tùy thuộc nơi mỗi người. Muốn chu toàn ơn gọi của mình, hãy mau tìm gặp Thầy Giêsu, và hãy đến xem cách sống của Chúa, qua đó chúng ta cũng biết yêu thương nhau như Thầy đã yêu anh em. Amen.

Về mục lục

.

NGHỀ MAI MỐI

Lm.Jos Tạ Duy Tuyền

Chuyện cưới xin ngày xưa ở Việt Nam thường lệ thuộc vào ông mai bà mối. Ông mai bà mối được xem là một nghề. Khi nhà trai muốn kiếm vợ cho con. Họ cần một bà mai để kiếm vợ cho con. Họ nhờ vả bà mai kiếm cho họ một cô con dâu vừa đẹp vừa ngoan. Có khi gia đình nào có con gái đến tuổi cập kê kiếm chồng không ra, hay gọi nôm na là ế chồng thì cũng nhờ đến bà mai. Sở trường nổi bật của bà mai là phải thật dẻo mồm dẻo miệng, nói dở thành hay, mới hy vọng kết mối tơ duyện cho đôi vợ chồng.

Điều hay nơi các bà mai mối thường đóng vai trò con thoi khiêm nhường. Nhiệm vụ của họ chỉ là giới thiệu hai gia đình quen biết nhau, đốc thúc gặp gỡ để hai họ đi đến việc thăm viếng làm quen rồi đề nghị đám hỏi, đám cưới. . .

Theo thời gian, với cuộc sống hiện đại, khi các mối quan hệ ngày càng mở rộng, toàn cầu, con người sẽ dễ dàng tìm được bạn đời ưng ý, song thực tế, chuyện mai mối vẫn là điều đang diễn ra hàng ngày, chỉ có điều ở hình thức khác, hiện tượng khác hơn và ông tơ bà mối cũng khác hơn ngày xưa.

Có một người bạn tâm sự: “Hôm vừa rồi, mình vừa giới thiệu cô bạn thân với anh bạn đồng nghiệp. Tưởng chỉ làm bạn, ai dè thành đôi đấy. Cũng khá đẹp đôi với nhau. Mà mình cũng mát tay thật. Đây là đôi thứ 3 đấy. Cứ không ngờ mà lại thành thật. Hai đôi trước cưới nhau rồi. Mà toàn là bạn thân thiết của nhau cả. Cũng thấy vui vui vì đã làm được điều có ích”.

Sự khác biệt của ông tơ bà mối ngày nay không còn là một nghề nữa, nhưng nó lại đa dạng nơi mọi thành phần. Có thể là một người bạn, người anh, người chị, thậm chí là một chiếc điện thoại, máy tính cũng thành bà mối tình duyên.

Tình yêu Thiên Chúa đến với con người cũng cần ông mai bà mối. Thiên Chúa cần một ai đó để giới thiệu về tình yêu Chúa cho con người. Thiên Chúa cần một bà mối nói thật hay, sống thật tốt để giới thiệu Chúa cho anh em của mình. Thiên Chúa cần chúng ta giới thiệu Chúa cho anh em lương dân đang sống bên cạnh mình. Hãy nói về tình yêu của Chúa. Hãy mạnh dạn giới thiệu Chúa đến cho bạn bè, cho đồng nghiệp và cho anh em của mình.

Ngày xưa là thời các nhà truyền giáo làm nghề giới thiệu Chúa, hôm nay không còn các nhà truyền giáo chuyên biệt mà là từng người chúng ta. Mỗi người phải có bổn phận làm ông mai bà mối cho anh em, bè bạn của mình.

Thánh Gioan Tẩy Giả cũng từng là ông mai bà mối cho Đấng Cứu Thế. Gioan đã giới thiệu Chúa cho hàng ngàn người đang đứng bên ông. Ông tận dụng thời cơ để nói về Chúa cho các môn đệ của mình, cho bà con láng giềng của mình, và cho cả dân tộc của ông.

Thiên Chúa là Đấng quyền năng, Ngài có thể tự tỏ mình ra cho nhân loại. Ngài không cần sự trợ giúp của con người. Thế nhưng, Ngài đã không tự biểu dương mình. Ngài cần người giới thiệu. Ngài muốn con người là nhịp cầu cho Ngài đến với nhân loại. Nếu con người cảm nghiệm tình yêu ngọt ngào từ Ngài thì hãy giới thiệu tình yêu ấy cho nhiều người khác. Nếu con người cảm thấy tình yêu quan phòng kỳ diệu của Ngài thì hãy tuyên xưng Ngài cho thế trần. Đây là bổn phận của lòng biết ơn. Đây là cách chúng ta tỏ bày lòng biết ơn của mình với Đấng tạo thành khi đã nhận ơn của Ngài.

Thế nên, , không phải chỉ Gioan mới được Chúa mời gọi làm người “mai mối” cho Ngài đến với nhân loại. Không phải chỉ Gioan mới có khả năng làm chứng cho Thiên Chúa, mà tất cả những ai mang danh kitô hữu. Qua bí tích rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho Chúa. Làm chứng bằng lời nói và bằng cả hành động. Hãy mạnh dạn nói về Chúa. Hãy chia sẻ niềm vui làm con Chúa cho tha nhân. Nhất là hãy sống một đời nhân chứng khi biết nói không với tội lỗi, khi biết vượt lên những bon chen tầm thường để chọn Chúa làm gia nghiệp. Và chắc chắn điều mà chúng ta có thể thuyết phục tha nhân tin theo Chúa là hết mình sống vì Tin mừng qua giới luật yêu thương.

Ước gì chúng ta biết noi gương bắt chước thánh Gioan luôn nói về Chúa trong mọi hoàn cảnh. Trong hoang địa hay đường phố. Nơi người thân hay người xa lạ. Hãy tận dụng mọi hoàn cảnh Chúa ban để làm chứng nhân cho tình yêu của Chúa. Amen

Về mục lục

.

SỨC MẠNH CỦA LỜI MỜI GỌI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

Những ngày cuối tháng 12 vừa qua, cộng đồng mạng truyền nhau những tấm hình của một diễn viên và cũng là người mẫu nổi tiếng của truyền hình Tây Ban Nha. Một tấm là hình người mẫu xinh đẹp, gợi cảm và những tấm còn lại là hình cô người mẫu này trong bộ tu phục đơn sơ. Đấy không phải là một buổi biểu diễn, mà là những gì đang diễn ra trong cuộc đời của cô Olalla Oliveros. Cô là một người mẫu đẹp nổi tiếng, đang trong thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, nhưng rồi cô đã từ bỏ tất cả để trở thành một nữ tu, khiến cho nhiều người ngạc nhiên.

Tháng trước, cô đã nhập dòng thánh Michael. Cô cho biết, cô đã trải qua một biến động lớn trong tâm hồn “như một trận động đất” sau khi viếng thăm Đức Mẹ Fatima. Từ tiếng gọi này, cô quyết định rũ bỏ tất cả để trở thành nữ tu. Điều mà trước đây cô chưa bao giờ nghĩ tới và coi như là chuyện vô lý, thì nay lại thành hiện thực. Cô chia sẻ, cô đã nhận ra trong tâm trí một Ơn gọi : “Chúa đã chọn thì không bao giờ sai. Ngài gọi trong hồn tôi, hãy theo Ngài ! Và tôi không thể từ chối. Bây giờ, tôi chỉ muốn là một nữ tu bình thường”.

Thưa quý OBACE, ơn gọi theo Chúa nói chung và ơn gọi làm linh mục, tu sĩ luôn là lời mời gọi kỳ diệu và có sức thu hút hàng triệu tâm hồn bước theo Chúa từ trước đến nay. Có những người nhận ra tiếng gọi của Thiên Chúa một cách trực tiếp như nghe cha mẹ gọi, người khác lại được gọi qua trung gian một người khác và nhiều người phải trải qua một biến cố hoặc một thời gian tìm kiếm để nghe được tiếng gọi kỳ diệu từ nơi Thiên Chúa.

Các bài đọc Chúa nhật hôm nay giới thiệu cho chúng ta những câu chuyện về những ơn gọi khác nhau. Trước hết là Samuel, một cậu bé ngủ trong đền thờ như cậu giúp việc. Thiên Chúa đã gọi cậu trong sự tĩnh lặng của đêm khuya và với tâm hồn đơn sơ, trong trắng, cậu đã nghe được tiếng Chúa. Tuy nhiên với lẽ tự nhiên, cậu chưa thể nhận ra đó là tiếng Chúa. Đã ba lần cậu nhanh chóng chỗi dậy chạy đến với thầy Hêli và thưa ông : Thưa Thầy, Thầy gọi con ? Sau nhiều lần như thế, Thày Hêli biết là Thiên Chúa đã gọi Samuel, ông đã hướng dẫn cậu : Nếu Ngài còn gọi con thì con hãy thưa : Lạy Chúa, xin cứ phán, vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe. Chi tiết này cho thấy, Thiên Chúa có thể dùng nhiều cách khác nhau để gọi một người nào đó bước theo Ngài. Ngài đã gọi cậu Samuel qua trung gian và sự hướng dẫn của thầy Hêli, để sau này, cậu trở thành một trong những tiên tri lớn của Israel.

Tin Mừng hôm nay, thánh Gioan kể về ơn gọi của chính mình. Tác giả và một người bạn là Anrê đang là môn đệ của Gioan Tiền Hô. Khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan Tiền Hô đã chỉ vào Chúa Giêsu và giới thiệu cho hai học trò của mình : Đây là Chiên Thiên Chúa. Giới thiệu như thế, Gioan cho học trò thấy rằng, ông đã đến điểm dừng, ông không thể đáp ứng tất cả những khát vọng của học trò và không thể dẫn dắt học trò đi xa hơn nữa. Ông muốn để cho học trò mình trực tiếp tiếp xúc, gặp gỡ với Đấng Kitô, để chính họ sẽ có những kinh nghiệm riêng cho mình. Gioan cũng rất tinh tế khi giới thiệu về Chúa Giêsu : Đây là Chiên Thiên Chúa. Đối với người Do Thái, kiểu nói như thế khiến họ hình dung ngay đến con chiên trong ngày lễ Sám hối hàng năm, và còn nghĩ ngay đến Đấng Cứu thế đã được tiên báo như là đấng gánh tội cho trần gian.

Về phía hai môn đệ, khi nghe Gioan giới thiệu, các ông liền đi theo Đức Giêsu. Với tâm hồn và nhiệt huyết của những người trẻ, các ông đang khao khát và đang tìm kiếm cho mình một hướng đi, một lối sống và các ông đang cần một người thầy hướng dẫn. Tác giả kể tiếp : Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi : Các anh tìm gì ? Hai chàng trai trẻ dường như đã trả lời theo một hướng khác : Thưa Thầy, Thầy ở đâu ? Câu trả lời cho thấy, theo Đức Giêsu, các chàng trai này không đi tìm điều gì khác ngoài chính con người của Đức Giêsu. Có lẽ các chàng trai không chủ tâm đi tìm nhà cửa của Chúa Giêsu, nhưng các ông muốn tìm nơi Đức Giêsu ở, đó chính là nơi cung lòng của Thiên Chúa Cha, là cội nguồn của tình yêu thương.

Nhìn thấy thái độ khát khao, chân thành tìm kiếm Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã cho các chàng trai này một cơ hội và cũng là một lời mời gọi : Hãy đến mà xem. Với lời mời gọi này, Chúa Giêsu đã rộng mở đôi tay và rộng mở trái tim để cho hai chàng trai được bước vào trong tình yêu của Ngài, được cảm nếm và tận hưởng tình yêu của một vị Thiên Chúa. Họ đã đến, đã xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm đó. Một quyết định nghe có vẻ ngắn gọn nhưng lại hàm chứa cả một hành trình theo Chúa. Trước hết, họ đã phải đáp lại lời mời gọi của Chúa và đến tận nơi, để được tận mắt xem thấy Chúa, thấy được cuộc sống và cả con người của Ngài. Đến và xem nơi Chúa ở, không có nghĩa là một cuộc thăm quan du lịch, mà là một trải nghiệm thiêng liêng trong tâm hồn. Họ đã ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Ở lại với Chúa là một bước quan trọng trong ơn gọi theo Chúa. Vì Thiên Chúa gọi ai, thì trước hết, Ngài muốn cho họ được ở lại với Ngài, được sống thân tình với Ngài, được cùng chia sẻ cuộc sống với Ngài. Gặp Chúa và ở lại với Chúa là một cảm nghiệm thiêng liêng và hạnh phúc, là một dấu ấn không dễ phai mờ trong tâm hồn. Vì thế, tác giả Tin Mừng vẫn nhớ mãi buổi đầu gặp gỡ ấn tượng với Thầy Giêsu, ông đã ghi rõ : Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười.

Những ai khi đã gặp gỡ Chúa, được ở lại với Ngài, được trải nghiệm thiêng liêng, thì chắc chắn sẽ được Chúa biến đổi. Ông Anrê, một trong hai chàng trai hôm đó được gặp Đức Giêsu, anh đã không thể giữ riêng trong lòng niềm vui và hạnh phúc, anh đã tìm gặp em mình là Simon và nói : Chúng tôi đã gặp Đấng Mesia. Rồi ông dẫn em mình đến gặp Chúa Giêsu. Hành trình của hai môn đệ hôm nay cũng là hành trình của những người được gọi đi theo Chúa. Trước hết, Chúa gọi ai là để họ được ở với Chúa, được Chúa huấn luyện và sẽ được thôi thúc để đến với anh em, chia sẻ và nói cho mọi người về Chúa Giêsu và về kinh nghiệm thiêng liêng của mình. Đến lượt Simon, khi theo em mình đến gặp Đấng Kitô, thì ngay cái nhìn đầu tiên, Chúa đã đón nhận ông và đổi tên cho ông : Anh sẽ được gọi là Phêrô. Đổi tên và đặt tên cho ai cũng có nghĩa là làm chủ trên người đó, và người được đổi tên sẽ phải thay đổi cả cuộc đời.

Ngoài ơn gọi riêng biệt đi theo Chúa dành cho một số người, Thánh Phaolô cho thấy mỗi người chúng ta đều có chung một ơn gọi, đó là ơn gọi nên thánh. Ơn gọi này phát xuất từ ơn gọi làm con Chúa trong ngày lãnh Bí tích Rửa tội. Với ơn gọi này, mỗi người tín hữu đều được mời gọi đến với Chúa Giêsu để lắng nghe Ngài dạy bảo, ở lại với Chúa Giêsu trong cầu nguyện, trong gặp gỡ tiếp xúc với Chúa và sống trong sự hiện diện của Chúa. Thiên Chúa không phải ở nơi đâu xa, mà Ngài ở ngay trong tâm hồn mỗi người. Thân xác mỗi người là Đền thờ của Chúa Thánh Thần và linh hồn chúng ta là đền thờ của Thiên Chúa Ba ngôi. Vì thế, Thánh Phaolô dạy chúng ta phải luôn bảo vệ linh hồn và thân xác chúng ta trong trắng, xứng đáng là đền thờ của Chúa.

Ngày hôm nay, Chúa vẫn đang gọi mỗi người. Có những người được gọi để trở thành linh mục, tu sĩ, nhưng đa số là được gọi để sống đời hôn nhân gia đình. Đời sống hôn nhân gia đình là một ơn gọi đặc biệt. Vì thế, những ai đang sống trong ơn gọi này thì đừng quên Thiên Chúa chính là Đấng đã gọi và đã se kết hai người nên nghĩa vợ chồng. Vì là ơn gọi của Thiên Chúa, nên Thiên Chúa muốn họ nên thánh trong ơn gọi của gia đình, và biến gia đình thành một nơi thánh dành cho Thiên Chúa. Vì thế, đừng bao giờ biến gia đình thành nơi tầm thường phàm tục, cũng đừng để gia đình thành nơi chứa chấp tội lỗi và sự ác. Hãy làm cho gia đình thực sự thành nơi Chúa ở, để khi ở với Chúa trong gia đình qua việc đọc kinh, cầu nguyện, qua việc nghe và thực hành Lời Chúa, Chúa cũng sẽ biến đổi các thành viên và cho mỗi người được cảm nhận hạnh phúc trong đời sống gia đình.

Lời Chúa hôm nay đặc biệt dành cho các bạn trẻ, các thanh thiếu niên. Cuộc sống và thế giới này không thể đáp ứng tất cả những khao khát thẳm sâu trong tâm hồn con người, chỉ khi tìm đến với Đức Giêsu, chúng ta mới có thể được thỏa mãn, được lấp đầy mà thôi. Chúa đang mời gọi các bạn trẻ nam nữ : Hãy đến mà xem ! Đừng ngại ngần đắn đo, đừng tiếc cuộc đời mình với Chúa. Chúa sẽ không lấy gì của chúng ta, nhưng Chúa sẽ cho mỗi người những trải nghiệm hạnh phúc vì được ở với Ngài, Ngài sẽ làm đầy những khát vọng của chúng ta. Hãy mạnh dạn trả lời như Samuel : Lạy Chúa, xin hãy nói, vì tôi tớ chúa đã sẵn sàng lắng nghe. Hãy mạnh dạn trở thành những linh mục, tu sĩ để đem Chúa đến với mọi người và đưa mọi người về với Chúa.

Xin Chúa đốt nóng sự khao khát tìm kiếm Chúa trong lòng mỗi người. Xin cho chúng ta luôn biết sống trong thinh lặng để có thể tìm kiếm và lắng nghe tiếng Chúa mời gọi, đồng thời can đảm đáp lại lời mời gọi đó. Amen.

Về mục lục

.

LẮNG NGHE

Trầm Thiên Thu

William Arthur Ward (1921-1994) nhận định: Trước khi nói, hãy lắng nghe; trước khi viết, hãy suy nghĩ; trước khi chi tiêu, hãy kiếm được; trước khi đầu tư, hãy tìm hiểu; trước khi phê phán, hãy chờ đợi; trước khi cầu nguyện, hãy tha thứ; trước khi bỏ cuộc, hãy thử làm; trước khi nghỉ hưu, hãy tiết kiệm; trước khi chết, hãy cho đi”. Thính giác là một trong ngũ quan, nhưng là giác quan quan trọng nhất. Lắng nghe là một nghệ thuật, vì còn phải biết cách nghe.

Có thể nói rằng phải thực sự khiêm nhường mới có thể lắng nghe. Nói là gieo, nghe là gặt. Nghe có lợi hơn nói: Nói ít thì sai ít, nói nhiều thì sai nhiều, không nói thì không sai. Người ta ví von: “Người nói hay không bằng người nghe giỏi”.

Công ty bảo hiểm nhân thọ Prudential có một slogan thật thú vị: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. Dĩ nhiên lời đó không thể tuyệt đối vì nặng tính “quảng cáo”, có chút gì đó là “nổ” mà thôi, nhưng qua đó, chúng ta biết được rằng việc “lắng nghe” có tầm quan trọng riêng. Lắng nghe là nghe thấy và chú ý, chứ không nghe cho “có lệ”, nghe vì “không điếc”. Nghe và hiểu có hệ lụy với nhau.

Tuy nhiên, hai động thái “lắng nghe” và “thấu hiểu” lại có một khoảng cách nhất định, đồng thời còn có những mức độ khác nhau, thậm chí có thể chúng ta vẫn nghe nhưng không hiểu (x. Lc 8:10), và Chúa Giêsu đã phải nhắc nhở nhiều lần: Ai có tai thì nghe [ai có tai nghe thì (hãy) nghe] (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35; Kh 13:9).

Trình thuật 1 Sm 3:3-10 cho chúng ta biết về câu chuyện “nổi tiếng” về việc “lắng nghe” và “mau mắn đáp lại” của ngôn sứ “nhí” Samuen. Chuyện kể về một đêm nọ, ông Êli đang ngủ, mà mắt ông thì mờ, ông không còn thấy rõ nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Samuen đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Bất ngờ, Đức Chúa gọi Samuen. Cậu thưa: “Dạ, con đây!”. Rồi chạy lại với ông Êli và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con”. Ông bảo rằng ông không gọi cậu, cứ về ngủ đi”. Cậu đi ngủ, rồi lại có tiếng gọi lần nữa. Samuen lại dậy ngay và đến với ông Êli, nhưgn ông vẫn bảo là không gọi cậu.

Trẻ người, non dạ, nên Samuen chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Rồi cậu lại nằm ngủ, Đức Chúa lại gọi Samuen lần thứ ba. Cậu lại dậy và đến với ông Êli. Bấy giờ ông Êli hiểu là Đức Chúa gọi cậu nên ông bảo Samuen đi ngủ, hễ có ai gọi thì thưa: “Lạy Đức Chúa, xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe”. Samuen về ngủ, và Đức Chúa lại đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Samuen! Samuen!”. Cậu liền thưa: “Xin Ngài phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe (1 Sm 3:10).

Đó là câu nói được trích dẫn nhiều mỗi khi nói đến việc thi hành Thánh Ý Chúa. Thi hành mau mắn và vui vẻ chứ không miễn cưỡng như “bị triệt buộc”. Thiên Chúa ban cho chúng ta quyền tự do hoàn toàn, Ngài không ép buộc ai làm bất cứ điều gì, vì thế Ngài rất đề cao sự tự nguyện, hành động vì yêu mến. Samuen đã lắng nghe, thấu hiểu, và mau mắn làm theo Ý Chúa, thế nên Samuen được Thiên Chúa bảo vệ: “Samuen lớn lên. Đức Chúa ở với ông và Người không để cho một lời nào của Người ra vô hiệu” (1 Sm 3:19). Samuen vô cùng diễm phúc!

Diễm phúc không là tình trạng “tự nhiên” mà là động thái “có điều kiện” với lòng tự nguyện: Tổ phụ Ápraham đã “xin vâng” hoàn toàn khi rời quê hương đến Đất Hứa, ông không hề ngần ngại sát tế chính con trai mình, và Đức Maria cũng diễm phúc vì lời “xin vâng” vô điều kiện. Lắng nghe – thấu hiểu – hành động, đó là “chuỗi liên kết” như một tam-giác-đều bất biến vậy, trong đó đã tiềm ẩn và mặc nhiên có nhân đức khiêm nhường – nền tảng của mọi nhân đức.

Có điều “trái khoáy” là chúng ta luôn muốn người khác lắng nghe mình nhưng mình lại không muốn lắng nghe người khác. Sao vậy nhỉ? Đó là vì ích kỷ, vì “cái tôi” lớn quá, luôn tưởng mình là “số dzách” hơn người khác về mọi lĩnh vực. Thậm chí cả với Thiên Chúa mà chúng ta cũng dám làm vậy. Thực sự chúng ta to gan, lớn mật tới mức dám làm vậy ư? Thật, không oan đâu! Chúng ta luôn xin Ngài lắng nghe mình (Tv 30:11; Tv 51:3; Tv 55:2; Tv 77:2; Tv 86:6; Tv 88:3; Tv 141:1; Tv 143:1), nhưng hiếm khi chúng ta “nhận lỗi” (Tv 51:5) hoặc “lắng nghe điều Thiên Chúa phán” (Tv 85:9), nhất là khi ý Chúa khác hẳn ý mình.

Chắc hẳn ai cũng đủ kinh nghiệm để khả dĩ biết rằng “đời là bể khổ”, thế nên lúc nào chúng ta cũng phải cầu xin Thiên Chúa thương xót: “Tôi đã hết lòng trông đợi Chúa, Người nghiêng mình xuống và nghe tiếng tôi kêu” (Tv 40:2). Và rồi chúng ta phấn khởi lắm: “Chúa cho miệng tôi hát bài ca mới, bài ca tụng Thiên Chúa chúng ta. Thấy thế, nhiều người sẽ kính sợ và tin tưởng vào Chúa” (Tv 40:4). Thế nhưng chúng ta lại thường “ngủ quên trong chiến thắng”, chẳng khác chi chín người vô ơn bạc nghĩa trong chuyện “mười người phong hủi” (Lc 17:11-21).

Tác giả Thánh Vịnh cho biết rằng Thiên Chúa không thích tế phẩm, lễ vật, lễ toàn thiêu và lễ xá tội, Ngài không đòi chi, không cần gì, vì Ngài có tất cả. Ngài chỉ muốn một điều là chúng ta PHẢI biết mau mắn thân thưa: “Này con xin đến! Con thích làm theo thánh ý, và ấp ủ luật Chúa trong lòng, lạy Thiên Chúa của con” (Tv 40:7-9). Chúng ta càng thu nhỏ mình thì càng được Ngài xót thương. Và đừng quên điều này: “Đức công chính của Ngài, con loan truyền giữa lòng đại hội; lạy Chúa, Ngài từng biết: con đâu có ngậm miệng làm thinh” (Tv 40:10).

Chẳng có gì vĩnh cửu vì mọi sự đều có lúc, có thời mà thôi (x. Gv 3:1-8). Ngay cả sự sống và sự tự do của chúng ta cũng vậy thôi, tới một lúc nào đó sẽ không còn. Thánh Phaolô nói: “Tôi được phép làm mọi sự, nhưng không phải mọi sự đều có ích. Tôi được phép làm mọi sự, nhưng tôi sẽ không để sự gì làm chủ được tôi” (1 Cr 6:12). Thật không dễ để có thể nhận thức và tự chủ được như vậy, chứng tỏ phải có sự giằng co rất mãnh liệt. Thánh nhân giải thích cụ thể: “Thức ăn dành cho bụng, và bụng dành cho thức ăn. Thiên Chúa sẽ huỷ diệt cả cái này lẫn cái kia. Nhưng thân xác con người không phải để gian dâm, mà để phụng sự Chúa, vì Chúa làm chủ thân xác. Thiên Chúa đã làm cho Chúa Kitô sống lại; chính Người cũng sẽ dùng quyền năng của mình mà làm cho chúng ta sống lại. Nào anh em chẳng biết rằng thân xác anh em là phần thân thể của Đức Kitô sao? Tôi lại lấy phần thân thể của Đức Kitô mà làm phần thân thể của người kỹ nữ sao? Không đời nào!” (1 Cr 6:13-15).

Chưa cần nói vấn đề tinh thần, các vật chúng ta đang sở hữu cũng không là của chúng ta mãi mãi. Chẳng hạn tiền bạc, nhà cửa, xe cộ,… Những thứ chúng ta gọi là “của mình”, tức là mình sở hữu nó. Đúng vậy, chúng ta sở hữu chúng vì chúng ta có quyền quản lý chúng, nhưng nó mãi mãi là của chúng ta, vì một lúc nào đó chúng ta không được sở hữu chúng nữa. Phũng phàng ư, thất vọng ư, buồn ư? Đời là thế nên nó thế đấy! Sự sống chúng ta đang có mà rồi cũng chẳng giữ được thì làm sao giữ những thứ khác?

Vì thế, Thánh Phaolô khuyên: “Ai đã kết hợp với Chúa thì nên một tinh thần với Người. Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em” (1 Cr 6:17-20). Thân xác đủ thứ nhơ nhớp, nói ra mà thấy ngượng miệng, nhưng chính cái nhơ nhớp hèn hạ đó lại được Thiên Chúa dùng làm Đền Thờ để Ngài ngự vào – thiêng liêng và cụ thể (Thánh Thể). Chúng ta là “đền thờ” thì chúng ta phải cố gắng lắng nghe và thực thi Thánh Ý Ngài. Bức tượng không thể phản đối nhà điêu khắc!

Ước gì mỗi chúng ta đều biết xác định rạch ròi: “Tuân theo thánh ý Ngài, con vui sướng hơn là được tiền rừng bạc bể” (Tv 119:14). Tâm niệm được như vậy thì chẳng có gì lo ngại. Tất cả đều NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài!

Hôm trước, khi thấy Đức Giêsu tiến về phía mình, ông Gioan liền nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá bỏ tội trần gian. Chính Người là Đấng tôi đã nói tới khi bảo rằng: Có người đến sau tôi, nhưng trổi hơn tôi, vì có trước tôi” (Ga 1:29-30). Và ông đã làm chứng với mọi người: “Tôi đã thấy Thần Khí tựa chim bồ câu từ trời xuống và ngự trên Người” (Ga 1:32).

Hôm sau, ông Gioan lại đang đứng với hai người trong nhóm môn đệ của ông và thấy Đức Giêsu đi ngang qua, ông lên tiếng nói: “Đây là Chiên Thiên Chúa” (Ga 1:36). Nghe vậy, hai môn đệ kia liền đi theo Đức Giêsu. Đức Giêsu quay lại, thấy các ông đi theo mình thì hỏi: “Các anh tìm gì thế?”. Họ đáp: “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Người bảo họ: “Đến mà xem”. Họ đã đến xem chỗ Ngài ở, và ở lại với Ngài ngày hôm ấy. Chắc hẳn nơi ở của Chúa Giêsu giản dị lắm, khó nghèo lắm, nhưng họ vẫn theo Ngài. Cái “thấy” của họ là sự vĩ đại của Ngài, họ sẵn sàng “lắng nghe” và “thực hiện” như Ngài.

Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười. Ông Anrê, anh ông Simôn Phêrô, là một trong hai người đã nghe ông Gioan nói và đi theo Đức Giêsu. Trước hết, ông gặp em mình là ông Simôn và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Mêsia” (Ga 1:41). Rồi ông dẫn em mình đến gặp Đức Giêsu. Đức Giêsu nhìn ông Simôn và nói: “Anh là Simôn, con ông Gioan, anh sẽ được gọi là Kêpha” (Ga 1:42). Thánh sử Gioan giải thích rằng chữ Kêpha có nghĩa là Đá, đồng nghĩa với tên Phêrô (Pièrre = Đá).

Dù chỉ là ngư dân, chuyên chài lưới, nhưng hẳn là lão ngư Phêrô “có tướng có tá” lắm, chắc hẳn “tướng mạo” như ông phải có gì đó đặc biệt, vì Thầy Giêsu đã “thấu suốt” cả tâm địa của ông bộc trực: Nóng nảy nhưng tốt bụng. Và Ngài OK liền, “chấm” ngay. Thật vậy, dù tội chối Thầy lớn lắm, không chối một lần mà chối tới ba lần, nhưng không sao, “chuyện nhỏ” thôi, vì Chúa Giêsu vẫn luôn giàu lòng thương xót và cho ông “bù lỗ” bằng ba lần tuyên xưng: “Thưa Thầy, Thầy biết rõ mọi sự. Thầy biết rõ con yêu mến Thầy!” (Ga 21:15-18). Từ đó, lão ngư Phêrô trở thành Giáo hoàng tiên khởi của Giáo Hội lữ hành tại trần gian.

Hôm nay là ngày bắt đầu tuần lễ cầu cho sự hiệp nhất giữa các Kitô hữu. Mỗi người là một cá nhân, với tính cách khác nhau, nhưng mỗi người không là một ốc đảo, mà luôn phải hài hòa trong một tổng thể, mang tính liên đới đa dạng, kể cả tội lỗi cũng có tính liên đới. Sự hiệp nhất rất quan trọng, cần thiết đối với mọi tổ chức hoặc nhóm. Ngay trong gia đình cũng vậy, thiếu sự đồng tâm nhất trí thì “ông nói gà, bà nói vịt”, gia đình khó có thể là một tổ ấm đích thực. Các cộng đoàn tu cũng vậy, mỗi người mỗi phách thì không thể là một cộng đoàn. Mỗi thành viên có biết lắng nghe thì mới khả dĩ hiệp nhất.

Đặc biệt năm nay là năm Tân Phúc Âm Hóa các giáo xứ và các cộng đoàn. Hai loại hình này là dạng “đời sống chung”, cần biết lắng nghe nhau để hiểu nhaucùng nhau thực hiện điều mong muốn của Thầy Chí Thánh Giêsu trong Vườn Dầu: “Xin cho họ nên một. Tính “nên một” được Chúa Giêsu đề cập ba lần (x. Ga 17:1-24), chứng tỏ đó là tính chất đặc biệt lắm, vì đó là tính hiệp nhất của Chúa Ba Ngôi.

Lạy Thiên Chúa, xin dạy chúng con biết những quyết định của Ngài (Tv 119:108), xin giúp chúng con biết mau mắn lắng nghe lời Ngài dạy chúng con mọi nơi và mọi lúc, xin cũng giúp chúng con biết mau mắn đáp lại và sẵn sàng thực thi Thánh Ý Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

Ở LẠI VỚI CHÚA

Lm  Giuse Nguyễn Hữu An

Trên các chương trình tivi đều có mục quảng cáo. Sản phẩm quảng cáo thì cái gì cũng nhất, cái gì cũng đẹp cũng bền.Thông tin quảng cáo đã tác động mỗi ngày nhiều lần vào người xem tạo nên một ấn tượng mạnh.Từ đó trong tiềm thức, khách hàng sẽ tìm mua sản phẩm ấy.Quảng cáo là giới thiệu những gì là độc đáo nhất. Mục đích của giới thiệu là để biết nhau.Muốn giơí thiệu một người thì phải biết về người đó,tuỳ theo mối liên hệ giữa hai người mà mức độ biết nhau nhiều hay ít. Nếu không biết rõ về một người thì có thể giới thiệu sai về người ấy.

Trong Phúc Âm có đề cập đến việc giới thiệu.Có ba lời giới thiệu tiêu biểu. Chúa Cha giới thiệu Chúa Kitô: “Đây là con Ta yêu dấu,làm đẹp Ta mọi đàng”( Mt 4,17). Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha: ” Ai thầy Thầy là thấy Cha” (Ga 14,9) Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Kitô: “ Đây là Chiên Thiên Chúa.Đây Đấng xoá tội trần gian. . Người đến sau tôi nhưng quyền thế hơn tôi vì có trươc tôi …Ngài làm phép rửa trong Thánh Thần. ” ( x.Ga 1,29 –34). Trong khi toàn miền Giêrusalem và Giuđêa đang coi Gioan như thần tượng, thì chỉ vì để giới thiệu Chúa Kitô, Gioan đã từ giã sự nổi danh của mình và lặng lẽ rút lui. Chúa Kitô giới thiệu Chúa Cha bằng cách nói cho người nghe hãy nhìn vào chính Ngài.Gioan giới thiệu Chúa Kitô bằng cách nói cho người nghe đừng nhìn vào mình,nhưng nhìn thẳng vào Chúa. Đây là cách giới thiệu chính xác nhất khi một người muốn giới thiệu cho người khác về Thiên Chúa.

Phúc Âm hôm nay kể câu chuyện: “Thấy Đức Kitô đi ngang qua, ông lên tiếng nói: đây là Chiên Thiên Chúa. Hai môn đệ nghe ông nói liền đi theo Đức Kitô” (Ga 1,36-37). Bấy giờ Gioan rất nổi tiếng. Những người Do thái ở Giêrusalem cử các Thầy Tư tế và Lêvi đến hỏi xem liệu ông có phải là Đức Kitô, là Êlia hoặc ngôn sứ không (Ga 1,19-23). Gioan trả lời trung thực: “Không! Tôi không phải là Đức Kitô” (Ga 1,20). Ông chỉ nhận mình là tiếng kêu trong hoang địa (1,23). Đức Kitô là Đấng đến sau ông, cao trọng hơn ông vì có trước ông (1,30). Đấng ấy được Thánh Thần xức dầu (1,33), và sẽ rửa mọi người trong Thánh Thần và lửa (1,33; Mt3,11). Đấng ấy cao trọng đến nỗi ông không đáng cởi dây giày cho Ngài (1,27). Nhiệm vụ của ông là làm cho mọi người và cả các môn đệ của ông hiểu đươc điều đó. Gioan mong ước khi có dịp sẽ giới thiệu cho các môn đệ về vị Thầy đích thực mà họ cần phải theo. Bởi thế, khi thấy Chúa Giêsu đi ngang qua, Gioan liền lên tiếng: “Đây là Chiên Thiên Chúa”. Hiểu ý thầy, hai môn đề liền đi theo Chúa Giêsu trong hân hoan. Thay vì nuối tiếc, Gioan đã hạnh phúc hối dục họ lên đường. Nếu hai môn đệ không muốn theo Chúa mà cứ nấn ná ở lại với Gioan thì giáo dục tôn giáo của Gioan đã thất bại. Nếu hai môn sinh cứ đòi ở lại với Gioan là dấu chứng Gioan chỉ nói về mình, gây ảnh hưởng cho mình. Lên đường theo Chúa như một khám phá mới của hai môn sinh là kết quả thành công của Gioan trong sứ mạng làm người dọn đường cho Chúa.

Chúa Giêsu quay lại và hỏi: Các anh tìm gì thế? Hai môn đệ đã không đi “tìm gì” mà là tìm một Con Người. Họ đi tìm Đức Kitô. Họ mang nặng nỗi khát khao đi tìm một trái tim, một vị thầy. “Thưa Thầy, Thầy ở đâu?”. Câu hỏi ấy là câu hỏi muốn hiểu, muốn tìm đến và muốn ở lại với Thầy. Chúa Giêsu không trả lời là Ngài ở nơi này nơi kia và cũng không mời họ đến thăm chơi. Chúa nói “hãy đến mà xem” rồi sẽ biết. “Đến mà xem” là lời mời gọi đi vào cuộc gặp gỡ thân thiết. Trăm nghe không bằng mắt thấy “cứ đến mà xem” cũng là câu nói Philipphê thuyết phục Nathanael (Ga 1,46).Thánh sử Gioan kết thúc câu chuyện các môn đệ đầu tiên của Đức Kitô bằng hình ảnh: “Họ đến xem chỗ Người ở và ở lại với Người” (1,39).

Chỗ ở của Chúa Giêsu có gì hấp dẫn mà giữ chân các ông ở lại? Đầy đủ tiện nghi và sung túc chăng? Chắc chắn là không rồi, vì Chúa đã từng nói:” Con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu” (Mt 8,20). Rày đây mai đó nên nơi Chúa ở là “khách sạn ngàn sao”, chẳng có gì hấp dẫn như biệt thự hay khách sạn mấy sao. Sự hấp dẫn các môn đệ chính là con người Chúa Giêsu. Chính cuộc sống và lời giảng dạy của Ngài đã hấp dẫn họ và họ nhận ra Ngài là Đấng Messia, Đấng Cứu Thế, vị Thầy mà họ đáng theo.

Chúa kêu gọi các môn đệ, trước hết để họ “ở lại với Ngài” trong bầu khí huynh đệ thân tình (x. Ga 1,35-39), rồi Ngài mới sai họ đi thi hành sứ vụ. Yêu thương nhau là một dấu chỉ, là chứng từ cốt yếu, là đòi hỏi tiên quyết và đồng thời cũng là điều kiện cơ bản của người môn đệ Đức Giêsu. “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy ở điểm này: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,35).

Đi tìm con người Đức Kitô là theo Ngài, thuộc về Ngài, ở với Ngài. Các môn đệ vui mừng hân hoan, họ muốn chia sẽ với người thân yêu nên khi trở về, Anrê gặp em là Simon, nói với em về Đấng mà mình đã gặp và dẫn em đến diện kiến Chúa. Simon được Chúa đổi tên thành Phêrô. Trên đá tảng Phêrô, Chúa xây Hội Thánh và cửa hoả ngục sẽ không thắng được. Một cuộc gặp gỡ. Một tình yêu có thể làm đảo lộn cả một cuộc đời. Khám phá ra tình yêu Thiên Chúa trong đời mình quả là một biến cố vô cùng quan trọng.Trong ánh sáng tình yêu của Thiên Chúa, những ai đã gặp Người đều thay đổi dần cuộc đời mình.

Gioan Tẩy Giả là mẫu mực cho người tông đồ hôm nay. Giới thiệu Chúa còn mình thì lặng lẽ rút lui để Chúa lớn lên. Bổn phận giới thiệu Chúa cho người khác là một ân sủng được trao ban. Thiên Chúa là tình yêu. Vậy lời giới thiệu trung thực nhất phải là lời ca ngợi về một Thiên Chúa tình thương.Để nói về tình thương, chúng ta phải có kinh nghiệm về tình thương.Cách chuyển thông chính xác nhất tình thương của Thiên Chúa là bản thân mỗi người yêu tha nhân với tấm lòng chân thành của mình.

Lời giới thiệu của Gioan Tẩy giả về Chúa Kitô rất ngắn. Điều đó nhắn nhủ rằng: Để giới thiệu về Chúa, chưa chắc đã cần nói nhiều.Vì nói nhiều chưa chắc đã là nói hay. Nói hay mà không đúng thì chỉ làm người nghe lạc lối. Để giới thiệu về Chúa cần nói đúng và sống điều mình rao giảng.Dung mạo đúng nhất của Thiên Chúa là tình yêu thương “ Thiên Chúa đã yêu thế gian đến nỗi ban Con Một của Ngài” (Ga 3,16) và tình yêu thương ấy là “ Không có tình yêu nào cao cả hơn tình thương của người hy sinh tính mạng vì bạn hữu của mình” (Ga 15,13).

Để giới thiệu Chúa, tôi phải biết Chúa. Bài học đầu tiên của các môn đệ là “ở lại với Chúa”. Chỉ khi sống với Chúa mới biết Chúa. Vì thế, để giới thiệu về Chúa, phải biết Chúa. Để biết Chúa, chỉ có con đường duy nhất là sống với Chúa. Sống với Chúa chính là chuyên chăm học hỏi, suy niệm Lời Chúa và chiêm nghiệm trước Thánh Thể mỗi ngày để trở nên người giới thiệu Chúa cách trung thực và chính xác cho người khác.

Lạy Chúa, xin cho con nhìn thấy sự từ bỏ của Gioan và hai môn đệ mà xét lại bản thân. Con đang giới thiệu Chúa hay dùng Chúa để mình được lợi. Con đang theo Chúa hay chỉ theo người của Chúa. Xin cho con luôn chọn Chúa qua những chọn lựa nhỏ bé nhiều lần trong ngày để Chúa chiếm trọn cuộc sống con và để con thông hiệp vào cuộc sống Chúa nhờ đó con được ở lại với Chúa.

Và Lạy Chúa, xin ở lại với con, vì con yếu đuối, con cần Chúa đỡ nâng mỗi ngày trong đời con. Không có Chúa, con đâu còn nồng nhiệt hăng say. Xin ở lại với con vì con chỉ tìm Chúa, yêu Chúa và không đòi phần thưởng nào khác ngoài việc được yêu Chúa hơn. Amen.

Về mục lục

.

CÁC ANH LÀM GÌ THẾ?

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB

Nhiều nhà chú giải Kinh Thánh cho rằng, tông đồ Gio-an, tác giả cuốn Tin Mừng thứ tư đã phỏng theo Sáng Thế Ký mô tả cuộc sáng thế phân bổ trong thời gian bảy ngày để nói về cuộc gặp gỡ và khám phá con người Đức Giê-su cũng trong bảy ngày (số bảy là con số hoàn hảo chăng?) (Xem các câu 1:29.35.43 và 2:1). Tuần lễ khám phá khởi đầu bằng một khảng định của Gio-an Tẩy Giả: “Có một vị đang ở giữa các ông mà các ông không biết” (1:26) tương tự như sự hỗn mang của vũ trụ lúc khởi thủy. Trong tuần lễ ấy Gio-an Tẩy Giả sẽ là người đầu tiên khám phá Đức Giê-su; sau đó đến lượt các ông Gio-an, An-rê và Si-mon, Phi-lip-phê và Na-tha-na-en. Ngày cuối của ‘tuần lễ khám phá’ chính là ngày tiệc cưới tại Ca-na khi ‘Đức Giê-su đã làm dấu lạ đầu tiên… và bày tỏ vinh quang của Người. Các môn đệ đã tin vào Người’ (2:11). Đúng là ngày sung mãn, ngày nghỉ ngơi của cả một công trình vĩ đại, và vĩ đại thay việc khám phá ra dung mạo của Thiên Chúa hiện diện giữa trần gian!

Có thể nào cuộc gặp gỡ và khám phá Đức Giê-su lại được coi là quan trọng tới thế sao?

Đúng là như thế và phải là như thế, nhất là đối với môn đệ Gio-an; vì nhiều năm tháng sau, cà khi đã về già, ông vẫn còn nhớ như in tới từng chi tiết cuộc gặp gỡ và tìm hiểu đầu tiên, ‘lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’ của ngày thứ ba (hôm sau c. 35) của tuần lễ khám phá. Và nếu quả thực là như thế thì các chi tiết của lời thoại cũng như hành động trong cuộc gặp gỡ này cũng được ghi lại cách rất chính xác và mang đầy ý nghĩa.

– Các anh tìm gì thế?

Câu nói đầu tiên của Đức Giê-su được tác giả Gio-an ghi nhận trong sách Tin Mừng của ông cũng thật kỳ lạ. Lẽ ra khi phát hiện ra hai môn đệ của Gio-an Tẩy Giả đang đi theo mình, câu hỏi tự nhiên phải là, ‘các anh đang tìm ai vậy?’ Đó phải chăng chính là điều hai môn đệ đang muốn biết sau lời giới thiệu của Gio-an Tẩy Giả ‘Đây là Chiên Thiên Chúa!’ Hai ông muốn biết thêm về nhân vật bí ẩn ‘đang đứng giữa các ông mà không ai hay biết’. Câu hỏi của Đức Giê-su đòi các ông phải nhìn việc khám phá Con Người từ một góc cạnh hoàn toàn khác. Biết Đức Giê-su là ai sẽ chỉ là lý thuyết và chẳng đưa tới đâu nếu không xuất phát từ một khát vọng thâm sâu tự chính cõi lòng mỗi người; tôi tìm hiểu một người theo mức độ người đó có liên quan gì tới tôi. Nhiều người (kể cả không phải là Ki-tô hữu) tra cứu học hỏi về Đức Giê-su, nhưng chỉ có Ki-tô hữu mới biết được Người là Đấng Cứu Độ của chính bản thân mình. Phải chăng đức tin hệ tại chính ở việc ‘tìm kiếm’ này hơn là ở sự ‘hiểu biết’ kia?

– Thưa Thầy, Thầy ở đâu? – Hãy đến mà xem – Họ đã đến, xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy.

Cả câu hỏi lẫn câu trả lời, và sự việc diễn ra sau đó trong cuộc gặp gỡ đầu tiên đều không có chút gì là tri thức, là trừu tượng, là giải thích rườm rà, đơn giản chúng chỉ xoay quanh một trải nghiệm. Thường tình thì người môn đệ phải lấy việc học tập nghiên cứu học thuyết của sư phụ là chính, phải tìm tòi hiểu biết tinh thần, đường hướng trước khi chấp nhận đi theo Người. Đàng này Gio-an cho biết tất cả những gì họ thỏa thuận với Giê-su chỉ là có được với nhau một chia sẻ sống, một trải nghiệm thân mật và một tiếp xúc cá nhân. Thế thì ta phải gọi điều này là gỉ đây? Hạn từ ‘môn đệ’ (discipulus) không đủ để diễn tả nội dung này. Sau này Đức Giê-su sẽ còn triển khải rông hơn bằng nhiều kiểu nói rất khác thường như: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em… Anh em hãy ở lại trong tình thương của Thầy… Để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha, để họ cũng ở trong chúng ta…” (Ga 15: 4.9; 17:21). Đối với Gio-an, giờ phút trở thành môn đệ không phải là lúc được nghe thầy Giê-su gọi “Các anh hãy theo tôi…” (Mc 1:17), mà là chính là lúc đi vào trải nghiệm sống động này, ‘Lúc đó vào khoảng giờ thứ mười’, ông còn ghi nhớ rất rõ!

Đối với chúng ta cũng phải như vậy thôi, nếu chưa có, nếu không đi được vào trải nghiệm cá nhân ‘ở lại trong tình thương’, ta chưa thể là một Ki-tô hữu thực thụ, chứ đừng nói tới một linh mục hay tu sĩ. Và nếu giây phút cử hành Thánh Lễ và Rước Lễ chính là lúc trải nghiệm này được sống cách sinh động và thâm sâu nhất, thời hơn bất cứ lúc nào khác, đó chính là phút giây ta trở thành ‘người môn đệ’ đúng nghĩa nhất!

Tuy nhiên tôi dứt khoát cần phải xác tín và thực hành điều này!

Lạy Thiên Chúa Cứu Độ, lẽ ra con phải sẵn sàng đánh đổi mọi hiểu biết tri thức con có về Chúa để có lấy một chút trải nghiệm kết hiệp, nhưng con vẫn chưa dám làm thế. Lý do thâm sâu là tại con vẫn chưa hề dám trả lời cách trung thực và khiêm tốn câu Chúa đã hỏi: ‘các anh tìm gì thế?’ Xin cho con tới với Chúa trong ý thức ngày càng sâu hơn về thân phận yếu hèn cần tới ơn cứu độ, để con ‘đến và nghiệm thấy’ Chúa chính là thầy thuốc đầy từ tâm và nhân ái sẵn sàng tha thứ và xót thương mà con đang rất cần. A-men.

Về mục lục

.

CÁC ANH TÌM GÌ THẾ?

Lm Giuse Nguyễn Văn Lộc, SJ

Bài Tin Mừng trình bày cho chúng ta một khuôn mẫu của hành trình trở nên người môn đệ của Đức Giê-su. Hành trình bao gồm bốn bước.

(1) Bước thứ nhất. Thầy Gioan giới thiệu Đức Giê-su cho hai anh học trò của mình:

Đây là Chiên Thiên Chúa.

Lời giới thiệu này chất chứa cả một mầu nhiệm cứu độ và vì thế, trở thành bất hủ, vì được tuyên xưng tới bốn lần trong mỗi Thánh Lễ: sau khi chúng ta chúc bình an, cộng đoàn phụng vụ đọc hay hát: “Lạy Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian…” (3 lần); tiếp đến, linh mục chủ tế dâng cao Mình Thánh trên Chén Thánh (hoặc Dĩa Thánh), long trọng công bố: “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian…”.

Trong hành trình trở thành người môn đệ của Đức Kitô trong ơn gọi gia đình hay ơn gọi dâng hiến, chúng ta cũng cần có những “Gioan” giới thiệu, giúp chúng ta hiểu, yêu mến và đi theo Đức Ki-tô, là “Chiên Thiên Chúa”.

  • Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội, nhưng lại mang vào mình mọi tội lỗi của từng người và loài người chúng ta, như Người Tôi Tớ Đau Khổ, để ban cho chúng ta sự vô tội của Ngài.
  • Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên vô tội bị sát tế, để bày tỏ sự tín thác tuyệt đối vào đức công chính và sự sống mạnh hơn sự chết nơi Thiên Chúa, thay vì tự mình xét xử và lên án, để trở thành Đường Đi và Sự Sống cho chúng ta.
  • Đức Giê-su là Chiên Thiên Chúa, Con Chiên hiền lành, thay vì dùng bạo lực chống lại bạo lực, diễn tả khuôn mặt đích thật của Thiên Chúa: Thiên Chúa là tình yêu và tình yêu thì hiền lành.

(2) Bước thứ hai. Hai môn đệ, một trong hai mang tên Anrê, đi theo Đức Giê-su.

Hai môn đệ nghe ông (Gioan) nói,
liền đi theo Đức Giê-su.

Chúng ta được mời gọi thán phục hai người môn đệ này, vì hai ông đã đặt hết lòng tin nơi lời giới thiệu của thầy Gioan và đã liều lĩnh đi theo người mà mình chưa thực sự hiểu biết và gặp gỡ. Điều này giả định hai ông phải có khát khao gặt gỡ và tìm kiếm “Chiên Thiên Chúa”, tìm kiếm Đấng Cứu Độ; và việc hai ông “liền đi theo Đức Giê-su” cũng giả định sức thu hút của Người, cho dù Người chưa lên tiếng hay chưa làm gì cho hai ông.

Chúng ta hãy hình dung ra hình ảnh rất đẹp này: Đức Giêsu đi trước, hai người đi sau: hai bên vẫn chưa quen nhau, vẫn còn khoảng cách, nhưng lòng đã hướng về nhau rồi.

(3) Bước thứ ba. Đây là bước quyết định hay bước ngoặt. Đức Giê-su biết có hai người đi theo mình, nhưng có lẽ cố ý để như thế một hồi lâu. Hai người chủ động đi theo Đức Giêsu, nhưng chính Ngài dừng bước, quay lại, thấy và lên tiếng trước:

Hai anh tìm gì vậy?

Câu hỏi này xem ra thật bình thường, vì chúng ta vẫn hay hỏi nhau với những câu hỏi tương tự như thế trong đời thường. Nhưng vì là của Đức Giêsu, nên câu hỏi này mãi mãi và mỗi ngày đụng chạm đến nơi sâu thẳm của hai môn đệ và của tất cả những ai đang đi theo Đức Giêsu, trong đó có chúng ta.

Thật vậy, trong hành trình đi theo Chúa của chúng ta, ở mỗi giai đoạn sống, ở mỗi ngày sống, trong mỗi dự định và lựa chọn, trong mỗi công việc lớn nhỏ, và trong Thánh Lễ này nữa, Đức Giêsu cũng hỏi chúng ta: “Con tìm gì vậy?” Nếu Đức Giêsu hỏi đích thân từng người chúng ta, hỏi Cộng Đoàn chúng ta, chúng ta sẽ trả lời làm sao? Coi vậy mà không dễ trả lời, vì một đàng, điều chúng ta đi tìm đôi khi rất khó nói ra; đàng khác, điều chúng ta đi tìm, có thực sự là điều chúng ta khao khát trong sâu thẳm tâm hồn và một cách bền vững hay không, bởi lẽ lòng ước ao của chúng ta luôn vượt quá những gì những cụ thể, những gì được xác định hay phát biểu.

Quả vậy, vì khó trả lời, và hơn nữa bị hỏi rất bất ngờ nên hai người trẻ đã đáp lại hẳn là với sự bối rối bằng một câu hỏi:

Thưa Thầy, Thầy ở đâu?

Và câu hỏi này cũng thật kì cục, vì chưa làm quen gì hết mà đã hỏi người ta ở đâu! Tuy nhiên, Đức Giêsu chẳng bắt bẻ gì hết, ngược lại, Ngài như đã quen biết hai anh từ lâu, nên mời đến tham quan nơi ở của Ngài, Ngài nói với họ:

Hãy đến và các anh sẽ thấy.

Và họ đã không chỉ đến tham quan chỗ ở của Ngài, nhưng còn lưu lại với Ngài. Sau này, hai môn đệ này và tất cả những ai đi theo Đức Giê-su, trong đó có chúng ta, sẽ nhận ra rằng Đức Giêsu không có một nơi ở nào cố định hết trên trần gian này. Ngài đến từ Thiên Chúa và Ngài sẽ đi về cùng Thiên Chúa (x. Ga 13, 3). Đây cũng chính là hành trình của các môn đệ, của mỗi người chúng ta; và chúng ta được mời gọi “lưu lại với Ngài” mọi nơi mọi lúc, bởi vì Ngài là đường đi và chính Ngài cũng lưu lại với chúng ta mọi nơi mọi lúc, với mầu nhiệm Thánh Thể của Đấng đã chết, đã Phục Sinh, đang sống và hiện diện giữa và trong chúng ta.

(4) Bước thứ tư. Vẫn còn một bước nữa, đó là, sau khi đến xem nơi ở của Đức Giêsu và lưu lại với Ngài, một trong hai người là Anrê đi giới thiệu Đức Giê-su cho người khác. Người khác ở đây không phải là người xa và lạ, nhưng là Simon, em của mình. Thực vậy, Anrê gặp em mình và nói: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia”. Và Anrê không chỉ giới thiệu thôi, nhưng còn dẫn em Simon đến gặp Đức Giêsu. Như thế, ông Anrê đóng vai trò của thầy Gioan Tẩy Giả đối với em mình.

Một khi đã gặp được và tin vào Đức Giêsu, ai trong chúng ta cũng có sứ mạng giới thiệu Ngài cho những người thân cận và thân yêu và dẫn họ đến gặp Đức Giêsu. Và điều này rất tự nhiên, bởi vì gặp được Đức Giêsu là niềm vui, bởi vì Ngài mang lại ý nghĩa cho cuộc đời đầy khó khăn thử thách của chúng ta, và Ngài là ánh sáng và là con đường dẫn chúng ta ngay hôm nay đến với Nguồn Sự Sống, là chính Thiên Chúa.

* * *

Bốn bước (được giới thiệu về Đức Giêsu, đi theo Đức Giêsu, gặp gỡ Đức Giêsu và giới thiệu Đức Giêsu cho người khác, nhất là cho những người thân cận) diễn tả cho chúng ta bốn chặng đường làm nên hành trình trở nên môn đệ của Đức Giêsu.

Tuy nhiên, chúng ta sẽ không bao giờ trải qua từng bước một lần là xong. Vì thế, bốn bước này cũng còn là bốn yếu tố lúc nào cùng phải có trong hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta: lúc nào chúng ta cũng cần được giới thiệu và dạy dỗ về Đức Ki-tô, lúc nào cũng cần đi theo Ngài, gặp gỡ Ngài đích thân, và lúc nào chúng ta cũng cần giới thiệu, loan báo, trình bày Ngài bằng lời và nhất là bằng cách sống cho người khác.

Về mục lục

.