.

Vai trò người làm trung gian để nối kết con người với Thiên Chúa và Thiên Chúa với con người bao giờ cũng hết sức cần thiết. Lời Chúa hôm nay cho chúng ta thấy điều đó. Bài đọc I, kể lại ơn gọi của Samuel: Từ nhỏ, Samuel ở lại trong đền Silô để giúp việc cho Thầy Hêli. Vào một đêm nọ, khi Samuel đang ngủ bên cạnh hòm bia Giao ước thì Thiên Chúa đã gọi Samuel ba lần. Hai lần đầu, cậu tưởng là Thầy Hêli gọi, nên cậu đến trình diện. Nhưng sau đó, Thầy Hêli cho biết là tiếng Chúa gọi, nên lần thứ ba Samuel đã mau mắn đáp trả lại rằng: “Lạy Chúa, xin hãy phán vì tôi tớ Chúa đang lắng tai nghe.”(1Sm 3,9). Thế rồi, Samuel được Chúa chọn thay thế thầy Hêli, làm thủ lãnh dân Do thái.

Bài Tin mừng hôm nay được thánh Gioan tường thuật lại việc các môn đệ đầu tiên gặp gỡ và đi theo Đức Giêsu chính là nhờ vai trò trung gian của Thánh Gioan Tẩy Giả. Tin mừng cho biết: Khi thấy Đức Giêsu đi qua, Thánh Gioan Tẩy Giả nhìn về phía Người và giới thiệu với Anrê và Gioan rằng: “Đây là chiên Thiên Chúa.” (Ga 1,36). Thế rồi, hai môn đệ đã đi theo Đức Giêsu, đến xem chỗ Người ở, và ở lại với Người ngày hôm ấy. Sau thời gian đó, hai ông đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu. Khi trở về nhà, Anrê lại làm trung gian giới thiệu Đức Giêsu cho em mình là Simon: “Chúng tôi đã gặp Ðấng Messia, nghĩa là Ðấng Kitô”(Ga 1,41). Sau đó, Anrê dẫn Simon tới gặp Đức Giêsu và được Người đổi tên cho Simon là Kêpha, nghĩa là Đá (x. Ga 1,42).

Như vậy, nhờ thầy Hêli mà Samuel nhận ra tiếng Chúa gọi, nhờ Thánh Gioan Tẩy Giả mà Anrê và Gioan đã trở thành môn đệ của Đức Giêsu và nhờ Anrê mà Simon tin theo Đức Giêsu và trở thành Kêpha, tức là Đá. Cho nên, Thánh Gioan Tẩy Giả trở thành trung gian nối kết giữa Anrê và Gioan với Đức Giêsu, còn Anrê trở thành trung gian nối kết giữa Phêrô với Đức Giêsu. Và cứ như thế, nhờ trung gian của các Tông đồ, các môn đệ, các kitô hữu đầu tiên và của Giáo hội suốt hai ngàn năm qua mà vô số người ngoại giáo trở thành kitô hữu.

Ngày hôm nay, để cho con người gặp gỡ Thiên Chúa và Thiên Chúa gặp gỡ con người cũng cần có những vai trò trung gian.

Trước hết, vai trò trung gian trong ơn gọi linh mục và tu sĩ. Samuel đã nhờ Thầy Hêli mà gặp được Chúa, trở thành lãnh tụ của dân Do Thái. Để trở thành linh mục, tu sĩ cũng cần có những người làm trung gian. Đó chính là cha mẹ, người thân, bạn bè, thầy cô giáo lý viên, cha xứ, cha đỡ đầu, những người bảo trợ…Chính nhờ gương sáng của các vị này mà nhiều bạn trẻ đã có chí hướng đi tu làm linh mục hay tu sĩ. Sống trong một đất nước nghèo như ở Việt Nam chúng ta thì sự nâng đỡ về vật chất cho các ứng sinh tu sĩ và linh mục tương lai là điều hết sức cần thiết. Vì thế, có thể nói đa số các linh mục tu sĩ trưởng thành như hôm nay có một phần đóng góp không nhỏ của những người trung gian như: cha xứ, cha đỡ đầu, người bảo trợ.

Thứ đến, vai trò trung gian trong việc giúp người tội lỗi trở về với Chúa. Qua dụ ngôn con chiên lạc, người đàn bà đánh mất đồng bạc, chúng ta thấy Đức Giêsu chú trọng đến việc “đi tìm”. Người chủ chăn đi tìm con chiên lạc. Người đàn bà đi tìm đồng bạc đã đánh mất. Chúng ta cũng phải trở thành người trung gian đi tìm “các con chiên lạc” hay “đồng tiền bị đánh mất”. Đó là những người kitô hữu nhưng sống đạo khô khan, sa vào các tệ nạn, phạm tội nặng hay thậm chí họ không còn sống đạo nữa. Họ có thể là cha mẹ, vợ chồng, con cái, anh em, bạn bè của chúng ta. Chúng ta có thể giúp họ trở về với Chúa bằng lời cầu nguyện, bằng gương sáng, bằng sự khuyên bảo, dẫn dắt họ đến với các linh mục, đến với bí tích Giao hòa. Đó là trách nhiệm tái truyền giáo của chúng ta.

Thứ ba, người kitô hữu làm trung gian để giúp người ngoại giáo trở thành người kitô hữu. Thánh Gioan Tẩy giả đã giới thiệu Đức Giêsu cho Anrê và Gioan. Anrê đã giới thiệu Đức Giêsu cho Simon. Suốt 2000 năm qua, Giáo hội không ngừng giới thiệu Đức Giêsu cho muôn dân. Thế nhưng con số kitô hữu trên thế giới vẫn còn là thiểu số. Tại Việt Nam, người Công Giáo chỉ chiếm khoảng 10%. Vì vậy, vai trò trung gian của người kitô hữu vẫn luôn quan trọng và cấp bách. Chúng ta có thể rao giảng về Chúa cho họ, chúng ta có thể cầu nguyện cho họ, nhưng hiệu quả hơn cả đó chính là làm gương sáng bằng chính đời sống bác ái yêu thương. Đó chính là trách nhiệm truyền giáo của chúng ta.

Nhưng để chu toàn vai trò trung gian giữa con người với Thiên Chúa và Thiên Chúa với con người thì người làm trung gian cần phải dành nhiều thời gian để: gặp gỡ Chúa, ở lại với Chúa như Anrê và Gioan; lắng nghe tiếng Chúa như Samuel. Chúng ta có thể gặp gỡ Chúa, ở lại với Chúa qua đời sống cầu nguyện, lãnh nhận các Bí tích nhất là Bí tích Thánh Thể. Chúng ta có thể lắng nghe tiếng Chúa qua việc đọc và suy gẫm Lời Chúa, qua Giáo huấn của Giáo hội, qua sự khuyên dạy của Bề trên như Cha xứ, cha mẹ hay những người khôn ngoan. Chúng ta cũng có thể lắng nghe tiếng Chúa nhắc bảo qua lương tâm.

Mặt khác, người trung gian cần phải có một đời sống mẫu mực, nghĩa là phải có Chúa trong mình thì mới có thể đem Chúa đến với tha nhân, vì “không ai cho cái mình không có”. Để có Chúa trong mình, cần phải xa tránh tội lỗi. Trong bài đọc II hôm nay, Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu Cônrintô, khi đã chịu Phép Rửa tội là đã trở nên đền thờ Chúa Thánh Thần nên họ không được phạm tội tà dâm, vì như vậy sẽ làm ô uế thân xác. Ngài nói: “Anh em hãy tránh xa tội gian dâm. Mọi tội người ta phạm đều ở ngoài thân xác mình, còn kẻ gian dâm thì phạm đến chính thân xác mình. Hay anh em lại chẳng biết rằng thân xác anh em là Đền Thờ của Thánh Thần sao? Mà Thánh Thần đang ngự trong anh em là Thánh Thần chính Thiên Chúa đã ban cho anh em. Như thế, anh em đâu còn thuộc về mình nữa, vì Thiên Chúa đã trả giá đắt mà chuộc lấy anh em. Vậy anh em hãy tôn vinh Thiên Chúa nơi thân xác anh em.” (1 Cr 18-20). Lời mời gọi các tín hữu Côrintô cũng là lời mời gọi mọi người chúng ta hôm nay. Ngày hôm nay do ảnh hưởng bởi sách báo, phim ảnh, internet nên con người lại càng dễ bị cám dỗ phạm tội dâm dục hơn. Vì thế, để tránh được tội này cần phải thường xuyên cầu nguyện xin Chúa trợ giúp, đồng thời cần phải xa tránh các dịp tội bằng cách quyết tâm không đọc sách báo xấu, không vào các trang mạng xấu, không xem phim ảnh dâm ô và xa tránh những nơi ảnh hưởng đến đức trong sạch.

Xin cho tất cả mọi người kitô hữu chúng ta biết xa tránh tội lỗi nhất là tội dâm ô, để sống thánh thiện, xứng đáng làm cầu nối cho tha nhân đến với với Chúa. Amen.