CHÚA NHẬT 2 PHỤC SINH – Năm A
CHÚA NHẬT VỀ LÒNG THƯƠNG XÓT CỦA THIÊN CHÚA
Lời Chúa: Cv 2,42-47; 1Pr 1,3-9; Ga 20,19-31
1. Thầy đây, hỡi Toma (Lm. Jos.DĐH, GP. Xuân Lộc)
2. Cảm thông với nhau (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)
3. Nuôi dưỡng niềm tin Chúa Phục sinh (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)
4. Tin để được thương xót (Trầm Thiên Thu)
5. Chứng từ của một hành trình Phục Sinh (Lm. Nguyễn Hữu An)
Lm. Jos.DĐH, GP. Xuân Lộc
Thông điệp đầu tiên và quí nhất của người nghèo là việc làm ổn định, an tâm hơn nếu có thu nhập cao. Nơi người đau ốm bệnh tật, điều vui nhất mà họ cần là được gặp thầy gặp thuốc để khỏi bệnh, để có lại sức khoẻ. Đối với người trẻ thông tin mà họ chú trọng hơn cả chính là hạnh phúc, là tình là tiền, là “cái nửa” mà họ đang có, đang tìm kiếm.
Chúng ta thường có một phản ứng chung, khi khuyên người thân, bạn bè, hãy bình tĩnh, đừng nghĩ phải giải quyết tình thế bằng vật chất, bằng sự nhạy bén và trí thông minh của mình. Còn với thù hận, kẻ gian ác, chúng ta không thể lấy độc trị độc, mà rất cần tấm lòng bao dung tha thứ. Đúng, nói dễ làm khó, nói hay làm dở, nói trước bước không tới…., đó là hệ quả của những người “có thực mà không có lực”; có hiểu biết mà ngại sống cái vốn liếng hiểu biết của mình.
Hôm nay người tín hữu chúng ta hướng đếnChúa nhật về lòng thương xót của Thiên Chúa, nhằm khẳng định : chính tình yêu và lòng nhân hậu, Thiên Chúa đang tiếp tục cứu độ loài người cách hữu hiệu nhất. Thông tin về thị trường : giá cả, đồng dollard, việc làm, chúng ta có thể đọc báo, truy cập các trang mạng…, còn tin vui mà mỗi người theo Chúa có thể đọc hiểu, nhất thiết phải là kết hiệp cầu nguyện, phải có bình an của Đấng Phục Sinh.
Lỗ hổng trong tình yêu gia đình, những khúc mắc như thế nào là công bằng xã hội, hay tại sao mọi nguời đang xa lạ tôi, không hiểu tôi, sẽ được hoá giải nếu như mỗi người được mặc lấy tâm tình yêu thương tha thứ của Đấng Phục Sinh, Đấng mà Giáo hội đang kính nhớ lòng thương xót Chúa hôm nay.
Lòng Chúa thương xót, đâu phải là chuyện sòng phẳng : ai thiếu tiền thì cho tiền, ai cần tình thì cho tình, ai cần chức quyền thì đáp ứng, ai muốn trường thọ ở đời này là “duyệt” luôn. Tin mừng ghi nhận khi các tông đồ đang tụm lại, cửa đóng then cài vì sợ người Do Thái. Thầy Giêsu không sai binh lực từ trời đến trừng phạt kẻ thù vây hãm, đang làm các ông sợ hãi. Thầy Giêsu xuất hiện nơi các học trò với lời chào chúc “bình an”. Nếu theo tự nhiên, sợ sệt là “tâm” không ổn, là “trí” không đủ sáng suốt, vì thế, sợ hãi dễ làm người ta mất bình tĩnh, phán đoán sai lạc….; và tất nhiên, mong ước trước hết nơi các tông đồ là làm sao để hết sợ, làm gì để được bình an.
Đấng Phục Sinh không giới hạn sự “bình an” nơi một vài môn đệ yêu dấu, dù Tin mừng không nói chiều ngày thứ nhất trong tuần Đấng Phục Sinh hiện ra với các môn đệ, lúc đó ông Toma đi đâu. Thầy Giêsu không hề nản lòng bởi lời tuyên bố lạ kỳ của Toma : nếu tôi không xỏ ngón tay tôi lỗ đinh, không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin. Đúng ra các ông phải nghe được Thầy Giêsu nói: Thầy đây, đừng sợ, Thầy đây, Toma ơi đừng sợ, Ta đây, Ta đã thắng thế gian, các đệ tử ơi, mọi người ơi, đừng sợ, đừng ai đòi hỏi phải được xem, được thấy như Toma rồi mới tin….
Thực tế, khi không được lòng nhau, người ta dễ phàn nàn : nửa sự thật vẫn là nửa sự thật, thời buổi này không tin trai gái nào cả, chỉ nên tin vào chính mình ! Vì sao con người chỉ chấp nhận là thật những gì mà người ta có thể xem bằng mắt, bắt bằng tay, những gì cân đo đong đếm được ? Thưa, vì người đời hôm nay bị quá nhiều thứ âm thanh xáo trộn, không nghe được Đấng Phục Sinh bằng trái tim, bằng tình yêu, mà chỉ nghe bằng khối óc…..!
Đấng Kitô chịu đóng đinh và mang thương tích kêu gọi, người ta thật khó thưa, khó đáp lời; những thành tích vang dội, những ảo ảnh thế gian dù không gọi mời, chúng ta lại hay tìm kiếm ! Làm gì để gặp để gặp Chúa Phục Sinh ? Làm sao để không cần xỏ ngón tay, không thọc bàn tay vào cạnh sườn Chúa chúng ta vẫn tin Ngài yêu thương ta, đã sống lại, đang ban bình an cho ta ? Chắc chắn năm xưa các môn đệ đóng cửa hội họp không phải để bàn mưu tính kế gì, không phải để than thân trách phận vì “công cốc” theo Thầy mấy năm rồi ! Đúng hơn, các ông đã biết dựa vào nhau, đã nhớ bài học của Thầy dạy : cứ dấu này mà mọi người nhận biết, các con là môn đệ của Thầy là các con hãy yêu thương nhau.
***Một hôm ma quỷ muốn cám dỗ Thánh Martinô vào đường sai lạc, hắn hiện hình một vị vua oai phong đến bảo Thánh nhân:
-Hỡi Martino, Cha cám ơn con đã tin Cha, con biết rằng Cha luôn tin tưởng con. Cha mong từ nay Con hãy ở bên Cha và tín nhiệm vào Cha.
+Martinô chăm chú nhìn vị vua ấy và hỏi: nhưng thưa ông, ông là ai vậy?
-Ông vua đáp: Ta là Đấng Kitô đây mà!
+Martinô lại hỏi: vậy thì những vết thương ….. ở tay chân Ngài đâu?
-Ta từ vinh quang trên trời tới, nên đâu còn thương tích gì.
+Martinô nói: Tôi lại không thể nhìn Đức Kitô không thương tích.
-Vua quỷ ấy liền biến mất. ( Sưu tầm )
Đức Kitô Phục Sinh vẫn giữ thương tích của cuộc khổ nạn khi cho các môn đệ xem tay chân và cạnh sườn; tám ngày sau Chúa Phục Sinh cũng cho các ông xem vết thương tích của khổ nạn thập giá, dấu tích yêu đến cùng lúc này lại có ý tỏ riêng cho Toma. Đấng Phục Sinh cho ông Toma và cho chúng ta biết, dù không hiện diện hữu hình, Chúa vẫn nghe mọi lời nói, mọi suy nghĩ của Toma, của chúng ta hôm nay. Để gặp gỡ Đấng Phục Sinh, hiểu biết Thiên Chúa giầu lòng thương xót là điều cần thiết, và như các tông đồ, không cần khả năng thâm sâu, Chúa chỉ cần lòng mến, hầu chúng ta nghe được lời tha thiết của Đấng Phục Sinh : Thầy đây, đừng sợ. Amen
CẢM THÔNG VỚI NHAU
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Có một bác sĩ nói rằng: mỗi lần mổ bệnh nhân khi thấy thân thể họ tan nát ông thường đắng lòng kêu lên “Lạy Chúa, lại Chúa tôi”. Đây là lời than ai óan, lời cảm thương, lời chia sẻ với nỗi đau của tha nhân. Đây cũng là lời chúng ta vẫn thường nói hay thường nghe khi chứng kiến một người bị tai nạn, bị đói khổ, bất hạnh chúng ta cũng từng kêu lên “lạy Chúa, lạy Chúa tôi”.
Cuộc đời quanh ta có biết bao người khốn khổ lầm than. Có kẻ đói ăn. Có kẻ đói hạnh phúc. Có kẻ cô đơn, bệnh tật, bị bỏ rơi. Có biết bao mảnh đời chung quanh khi nhìn thấy mà lòng chúng ta cũng quặn đau với nỗi đau của họ. Có chứng kiến được những bất hạnh của tha nhân mới thấy nhu cầu dấn thân xoa dịu nỗi đau thật cần thiết. Có nhìn thấy nỗi bất hạnh của tha nhân mới biết mình cần phải làm gì để xoa dịu nỗi đau.
Ông Tô-ma năm xưa khi được tận mắt thấy những dấu đinh đâm tan nát nơi thân thể Chúa, khi ông trông thấy lỗ rách nơi cạnh sườn Chúa, ông cũng đã thốt lên trong đau đớn “lạy Chúa, lạy Chúa tôi”. Ông cảm thương với nỗi đau của Thầy. Mặc dù ông đã chứng kiến từ xa cảnh tan nát của Thầy, nhưng hôm nay ông được tiếp xúc gần gũi, gần đến nỗi có thể xỏ ngón tay vào các lỗ đinh của Thấy thì nỗi cảm xúc của ông cũng dâng trào trong trái tim ông. Dù rằng, ông đã không xỏ một ngón tay nào vào lỗ đinh của Chúa, nhưng trái tim mách bảo cho ông biết cần phải làm gì để xoa dịu nỗi đau cho Thầy Chí Thánh.
Khi cảm nghiệm về nỗi đau của Thầy Giê-su, Tô-ma đã được biến đổi. Ông quỳ xuống tôn thờ Chúa. Ông mong muốn dành cuộc đời để loan truyền tình thương Chúa cho nhân loại. Ông hiểu hơn về lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại. Chính vì yêu. Chính vì muốn biểu lộ lòng thương xót cho nhân loại mà Thầy Giê-su đã can tâm tình nguyện chịu chết trên thập giá. Chính Thầy Giê-su đã bày tỏ lòng thương xót của mình khi tự nguyện gánh lấy những cực hình, những đau đớn để cứu độ chúng sinh. Chính Chúa không chỉ nhìn thấy những khổ đau của con người để xót xa, chạnh lòng thương mà ngài còn dấn thân phục vụ để xoa dịu nỗi đau cho chúng ta. Chúa xót thương khi sống nghèo để đồng cảm với những người nghèo. Chúa xót thương khi sống phục vụ để xoa dịu nỗi đau cho những kẻ bất hạnh. Chúa xót thương nhân loại đang chết trong tội lỗi nên đã gánh lấy cực hình để đền thay tội lỗi nhân gian. Lòng thương xót của Chúa mãi mãi chịu hiến tế để cứu nhân gian.
Hôm nay, ngày lễ Lòng Thương Xót của Chúa, Giáo Hội cũng tôn phong hai chân phước lên bậc hiển thánh. Đặc biệt Đức Thánh Cha Gioan Phao-lô II, một con người của lòng thương xót. Lòng thương xót của Ngài biểu hiện qua việc tha thứ cho kẻ đã ám sát ngài. Lòng thương xót của ngài còn biểu hiện qua việc cảm nhận sự liên đới trách nhiệm với những sự chia rẽ trong quá khứ do hiểu lầm hay do bất khoan dung, thế nên, Ngài đã rất nhiều lần xin lỗi Chúa, xin lỗi anh em, xin lỗi vì những đối xử bất khoan dung đã gây nên những đổ vỡ.
Chính ngài cũng là tông đồ của Lòng Thương Xót khi dấn thân cổ võ lòng thương xót của Chúa. Chính ngài đã thổi vào nhân loại này một năng lực mới từ lòng thương xót của Chúa. Để rồi lòng thương xót của Chúa như vũ khí mới để chiến thắng ba thù, như làn nước trong xanh để đem lại ơn phúc cho những ai tin tưởng chạy đến với Lòng Thương Xót của Chúa.
Ước gì chúng ta luôn nhận ra tình thương vô bờ bến của Chúa để như Tô-ma quỳ lạy tôn thờ Chúa trên hết mọi sự. Xin cho chúng ta luôn tín thác vào lòng thương xót của Chúa để ân sủng của Chúa chữa lành những vết thương tâm hồn và thân xác cho chúng ta. Amen
NUÔI DƯỠNG NIỀM TIN CHÚA PHỤC SINH
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc
Các tông đồ và các phụ nữ thời Giáo Hội sơ khai đã may mắn hơn chúng ta, vì họ đã là những người tận mắt chứng kiến ngôi mộ trống, đã từng chứng kiến việc Chúa Giêsu hiện ra sau khi Người từ cõi chết sống lại, nhiều người trong họ được đồng bàn với Người, được đụng chạm đến Người. Còn chúng ta là những thế hệ tín hữu sau các tông đồ chúng ta không được tận mắt thấy những lần Chúa hiện ra và cũng không thấy mồ trống, nhưng chúng ta vẫn tin Chúa đã sống lại thật. Vây thì dựa vào đâu để chúng ta tin Chúa đã sống lại ? Đó cũng là điều bài Tin Mừng hôm nay nói với chúng ta.
Đoạn Tin Mừng thuật lại hai lần Chúa Giêsu phục sinh hiện ra, và lần thứ hai cuộc hiện ra như được dành riêng cho một tông đồ thiệt thòi hơn các tông đồ khác, đó là Tôma. Có lẽ vì quá thất vọng và hoảng sợ, trong khi các tông đồ khác dựa vào nhau để nâng đỡ nhau, thì Toma lại chọn một hướng khác, có lẽ ông bỏ về quê. Vì thế ngay buổi chiều ngày thứ nhất, Chúa Phục Sinh hiện ra với các tông đồ, đã không có Tôma ở đó. Với lần hiện ra này, Chúa Phục sinh đã ban cho các tông đồ một sức sống mới và một ơn thật đặc biệt, thật cần thiết cho các ông lúc này, đó là sự bình an. Vì cái chết của Chúa Giêsu quả thật còn đang đè nặng trên các tông đồ, những tiếng la hét giết đi, đóng đinh nó vào thập giá, của đám đông Do Thái như còn đang ám ảnh các ông, khiến các tông đồ sợ hãi, rút vào trong nhà và đóng kín cửa.
Biết được tâm trạng của các tông đồ, biết được nhu cầu của các ông, Chúa Giêsu đã hiện ra trước mặt các ông, và Người nói : Bình an cho các con. Không chỉ như thế, để củng cố đức tin cho các ông, Chúa Giêsu đã cho các ông xem tay và cạnh sườn Người, Người đã thổi hơi trên các ông và nói : Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Thánh Thần chính là quà tặng sự sống mà Chúa Phục sinh trao ban, cùng với hình ảnh thổi hơi, nhắc cho chúng ta nhớ đến hơi thở đầu tiên Thiên Chúa thổi vào Ađam khi ông còn là tượng đất, Thiên Chúa đã thổi sinh khi vào lỗ mũi và cho con người có sự sống, thì hôm nay, hơi thở của Đấng Phục Sinh được thổi trên các tông đồ, để trao ban cho các ông một sức sống mới, biến các ông thành con người mới, thành tạo vật mới và sống trong một thế giới mới, thế giới của sự sống.
Cùng với hơi thở Thánh Thần, Chúa Phục Sinh còn trao cho các tông đồ một sứ vụ hết sức quan trọng, đó là sai các ông ra đi, cùng ban cho các ông quyền tha tội. Với năng quyền tha tội, các tông đồ thực hiện và trao ban tình yêu thương và sự tha thứ của Chúa, hay cụ thể hơn, đó là các ông trở thành hiện thân của lòng thương xót của Thiên Chúa trong thế giới, và để biến đổi thế giới nên một thế giới mới, thế giới của tình yêu thương và tha thứ.
Với những sự kiện và sứ vụ quan trọng được trao cho các tông đồ như thế, nhưng rất tiếc, tông đồ Tôma đã không có mặt. Chính vì tách lìa khỏi cộng đoàn các tông đồ, tức là Giáo Hội, nên khi các tông đồ khác làm chứng về việc Chúa sống lại, Tôma đã không thể đón nhận được tin mừng Phục sinh. Không chỉ như thế, ông còn đi đến một thái độ cực đoan khi ông tuyên bố : Nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người thì tôi không tin.
Chúa Giêsu đã không nỡ để cho đức tin của Tôma bị khô héo, cũng không muốn để cho ông đứng bên ngoài cộng đoàn Giáo Hội, nên có thể nói tám ngày sau Chúa đã hiện ra cho riêng Tôma. Việc làm này thể hiện lòng thương xót của Chúa, vì Thiên Chúa không muốn để cho bất cứ một ai phải rơi vào tuyệt vọng. Tin Mừng nhấn mạnh : Tám ngày sau các môn đệ tụ họp trong nhà và có cả Tôma ở đó với các ông. Chi tiết này cho thấy dường như Tôma đã quay trở lai với cộng đoàn sau những ngày, vì lý do gì đó, ông đã chọn tách ra khỏi anh em tông đồ. Trong bầu khí xum họp và hiệp nhất này, Chúa Giêsu lại một lần nữa hiện ra với các tông đồ, và Người gọi đích danh Tôma : Hãy đặt ngón tay con vào đây và hãy xem tay Thầy, hãy đưa bàn tay con ra và thọc vào cạnh sườn Thầy, chớ cứng lòng nhưng hãy tin. Trước đặc ân to lớn này, Tôma đã tuyên xưng đức tin của mình : Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con. Ông đã tuyên xưng Đức Giêsu là Chúa và là Thiên Chúa, Đấng tổ tiên ông vẫn tôn thờ. Chúa Giêsu đã trả lời Tôma : Vì con đã thấy Thầy nên con tin, phúc cho những ai đã không thấy mà tin. Qua lời này, Chúa Giêsu đã chúc phúc cho những thế hệ tín hữu sau này, họ không được chứng kiến những lần hiện ra của Chúa, cũng không được diễm phúc đụng chạm, ăn uống với Chúa như Tôma và các tông đồ, nhưng họ vẫn tin nhờ lời làm chứng của các tông đồ và của cộng đoàn Giáo Hội.
Từ mệnh lệnh của Chúa Phục sinh, các tông đồ đã miệt mài lên đường để loan truyền tin mừng phục sinh cho thế giới, các ngài đã hình thành nên nhiều các cộng đoàn Giáo Hội sơ khai. Sách Công Vụ cho thấy : Các tín hữu chuyên cần nghe các tông đồ giảng dạy, luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh và cầu nguyện không ngừng. Lời mô tả này cũng đủ để cho thấy có một sức sống đang tuôn chảy trong Giáo Hội và chi phối mọi hoạt động, và làm nên đời sống đức tin của các tín hữu.
Chúng ta sẽ không thể có được đức tin vững chắc vào mầu nhiệm Chúa Phục Sinh nếu chúng ta không gắn kết một cách chặt chẽ với Giáo Hội, vì Giáo Hội chính là người mẹ sinh ra chúng ta trong đức tin, đồng thời cũng là thầy dạy chúng ta trong đức tin, và cũng là điểm tựa đức tin của chúng ta. Vì thế, ngày nay muốn có được một đức tin vững chắc, chúng ta cũng phải gắn kết một cách chặt chẽ với Giáo Hội và chuyên tâm lắng nghe lời giảng dạy của Giáo Hội, đồng thời cũng như các tín hữu sơ khai, chúng ta còn cần phải sống tinh thần hiệp thông với nhau trong cầu nguyện, và nhất là tham dự Thánh lễ, đó là những phương thế giúp cho đức tin của chúng ta nên vững mạnh.
Chúng ta đang sống trong một thế giới mà nhiều người, nhiều nhóm, cùng với các phương tiện truyền thông, họ đang cố tình bôi xấu Giáo Hội bằng thổi phồng một số những sai phạm của các thành viên trong Giáo Hội, tạo sự nghi ngờ của chúng ta vào Giáo Hội, và thâm độc hơn, họ muốn tách chúng ta ra khỏi sự hiệp thông với Giáo Hội, nếu chúng ta để mình rơi vào cái bẫy của thế gian, nó sẽ kéo chúng ta về phía nó, và biến chúng ta thành những kẻ thù nghịch, hoặc có thái độ bất mãn với Giáo Hội. Hãy hết sức cẩn thận với những cám dỗ và các khuynh hướnh đó, hãy tin tưởng, khiêm tốn lắng nghe sự hướng dẫn của Giáo Hội, vì chỉ khi gắn bó với Giáo Hội, chúng ta mới có được một đức tin tinh tuyền và chính thống mà thôi, mà Giáo Hội cụ thể là Giáo phận, là Giáo xứ, là nơi chúng ta được nuôi dưỡng đời sống đức tin và được sự săn sóc của Giáo Hội là mẹ chúng ta.
Không chỉ củng cố đức tin cho bản thân chúng ta, Đấng Phục Sinh còn mời gọi chúng ta trở thành những người loan truyền tin vui phục sinh và lòng thương xót của Chúa cho mọi người. Chúng ta không thể đem Tin Mừng Phục Sinh cho người khác khi chúng ta chưa được biến đổi, chúng ta không thể báo tin vui cho người khác nếu chúng ta sống buồn bã chán nản hay thất vọng. Vì thế để có thể trở thành người loan Tin Mừng, thì trước tiên chúng ta phải là những người thực sự cảm nghiệm được Chúa Phục Sinh thực sự là Tin Mừng cho bản thân, Người đang hiện diện và đang thúc đẩy chúng ta, qua lối sống, qua cách làm việc va qua cách cư xử của chúng ta. Có như thế thì Tin Mừng mới có thể ảnh hưởng đến người khác được.
Mỗi người hãy là những người loan truyền tin Mừng Phục Sinh cho những người chung quanh bằng một đời sống vui tươi, được thể hiện trên gương mặt, trong đời sống, và trong cách làm việc thường ngày. Hãy sống niềm tin phục sinh bằng việc tin tưởng nơi Chúa và gắn bó với Giáo Hội, hãy góp phần làm cho cuộc cá nhân, cuộc sống gia đình và xã hội thêm vui tươi. Hãy bước ra khỏi sự ngại ngần sợ hãi để nói về Chúa Giêsu cho mọi người, và sống giới răn của Chúa trong xã hội hôm nay, đồng thời góp phần làm cho cuộc sống xã hội mỗi ngày thêm tốt đẹp hơn.
Xin lòng Chúa thương xót ban thêm đức tin cho chúng ta, và biến chúng ta trở thành những chứng nhân không mệt mỏi cho lòng thương xót và tình yêu thương của Chúa cho những người mà chúng ta thường gặp gỡ. Amen.
TIN ĐỂ ĐƯỢC THƯƠNG XÓT
(Chúa Nhật II Phục Sinh, Đại lễ Lòng Chúa Thương Xót, năm A)
Trầm Thiên Thu
Chúa Nhật II Phục Sinh là Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, ngày nay gọi là Đại lễ kính Lòng Chúa Thương Xót (LCTX), được Thánh GH Gioan Phaolô II chính thức thiết lập vào ngày 30-4-2000, ngày tuyên thánh Nữ tu Faustina Kowalska (1905-1938).
Tuy là hai cách gọi nhưng vẫn chỉ là một. Tương tự, Tình Yêu Chúa, Thánh Tâm Chúa, và LCTX tuy ba mà một. Chính Chúa Giêsu đã mặc khải cho Thánh nữ Faustina, vị Tông đồ tiên khởi của LCTX, về ước muốn của Ngài: “Ta muốn một tấm hình được làm phép trọng thể vào Chúa Nhật sau Đại lễ Phục Sinh, và Ta muốn tấm hình đó được tôn kính công khai để mỗi linh hồn đều biết đến tấm hình đó” (Nhật Ký, số 341).
Chúa Giêsu hứa: “Ta muốn ban ơn tha thứ hoàn toàn cho các linh hồn nào xưng tội và rước lễ trong ngày lễ kính Lòng Thương Xót của Ta” (Nhật Ký, số 1109). Ơn tha thứ hoàn toàn đó là Ơn Toàn Xá mà Người Trộm Lành Dimas đã được lãnh nhận ngay trước khi Chúa Giêsu trút hơi thở cuối cùng, lúc 3 giờ chiều ngày Thứ Sáu Tuần Thánh, ngày 3 tháng 4 năm 33. Cũng từ Giờ Cứu Độ đó, Nguồn Mạch Lòng Thương Xót của Thiên Chúa đã tuôn trào chan hòa mãi đến muôn đời cho mọi người, chỉ với một điều kiện đơn giản là thật lòng SÁM HỐI và TIN TƯỞNG vào LCTX.
Quả thật, đức tin rất quan trọng. Thánh Phaolô nói: “Người ta được nên công chính vì tin, chứ không phải vì làm những gì Luật dạy” (Rm 3:28). Ngoài Tám Mối Phúc, còn có Mối Phúc đặc biệt liên quan đức tin, có thể gọi là “mối phúc thứ chín”, do chính Chúa Giêsu xác nhận: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29). Và chắc chắn rằng bất kỳ ai tín thác vào Ngài, Đức-Kitô-làm-người-chịu-chết-và-phục-sinh, sẽ không phải thất vọng” (x. Rm 10:11; 1 Pr 2:16).
Nói tới đức tin trong ngày lễ kính LCTX, xin “mở ngoặc” nhỏ: Thấy có những người hằng ngày tới nhà thờ lần Chuỗi LCTX với cộng đoàn, nhìn bề ngoài thấy là người đạo đức lắm, thế nhưng họ vẫn tin vào tử vi. Họ lý luận rằng đó là khoa học, không có tội (sic). Lạy Chúa, thật “khó hiểu” quá!
Tử vi (*) là gì? Tử vi cũng gọi là “tử vi đẩu số”, một hình thức bói toán để biết trước vận mệnh con người được xây dựng trên cơ sở triết lý Kinh Dịch với các thuyết âm dương, ngũ hành, can và chi,… Người ta lập lá số tử vi với Thiên bàn, Địa bàn và các Cung sao – gọi là “chấm tử vi”. Căn cứ vào giờ, ngày, tháng, năm sinh theo âm lịch và giới tính để lý giải những diễn biến xảy ra trong đời người. Vậy không phải là dị đoan ư? Miệng leo lẻo nói tin Chúa mà lòng có tin chưa? Tương lai chúng ta phó thác trong tay Chúa hay tử vi? Như vậy không phải là “tin bằng môi miệng” ư?
Ngoài ra cũng thấy có những người vẫn còn “chạy đua” theo những “sự lạ” trong khi lại không để ý các phép lạ hằng ngày: Thánh Thể và không khí. Phải chăng như vậy cũng chỉ là “lẻo mép”, chúng ta đến với LCTX mà chưa thực sự vì yêu mến? Thiết nghĩ, cách thể hiện đức tin như vậy cũng nên “xét lại” lắm!
Người Việt nói: “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”. Đúng vậy, cái “phẩm” quan trọng hơn cái “lượng”. Rễ càng sâu thì cây càng vững, loại cây nào có rễ ăn nổi thì dễ đổ khi gặp mưa gió. Thực tế minh nhiên. Vấn đề đức tin cũng vậy, nếu không có chiều sâu thì chỉ là đức tin trống rỗng, hào nhoáng bề ngoài mà thôi!
Thánh Faustina nói về việc sống đức tin: “Tôi đã thấy rõ thánh ý Chúa đang và sẽ được thực hiện đến từng chi tiết cuối cùng. Những nỗ lực điên cuồng của kẻ thù không thể cản trở chi tiết nhỏ nhặt nhất trong những điều Chúa đã tiền định. Chẳng hề gì nếu có những lần công cuộc dường như hoàn toàn bị tiêu tan; vì chính khi ấy, công cuộc lại càng được củng cố hơn nữa” (Nhật Ký, số 1659).
Tác giả Thánh Vịnh luôn vững tin: “Dẫu cho hồn xác suy tàn, thì nơi ẩn náu, kỷ phần lòng con, muôn đời là Chúa cao tôn” (Tv 73:26). Chỉ người nào có đức tin son sắt như vậy mới có thể nói như Thánh Phaolô: “Không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:39). Tin vào Chúa là tin vào Tình Yêu của Ngài, là tín thác vào Lòng Thương Xót của Ngài.
Trình thuật Cv 2:42-47 cho biết: “Ngày xưa, các tín hữu chuyên cần nghe các Tông Đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự lễ bẻ bánh, và cầu nguyện không ngừng. Mọi người đều kinh sợ, vì các Tông Đồ làm nhiều điềm thiêng dấu lạ. Tất cả các tín hữu hợp nhất với nhau, và để mọi sự làm của chung. Họ đem bán đất đai của cải, lấy tiền chia cho mỗi người tuỳ theo nhu cầu. Họ đồng tâm nhất trí, ngày ngày chuyên cần đến Đền Thờ. Khi làm lễ bẻ bánh tại tư gia, họ dùng bữa với lòng đơn sơ vui vẻ. Họ ca tụng Thiên Chúa, và được toàn dân thương mến. Và Chúa cho cộng đoàn mỗi ngày có thêm những người được cứu độ”.
Một đoạn văn ngắn gọn nhưng cho thấy rõ nét của một xã hội đại đồng, một cộng đoàn lý tưởng, luôn đầy ắp tình yêu thương, tình liên đới và sự hiệp nhất. Sống trong tình yêu thương như vậy là sống trong lòng thương xót, ai cũng thể hiện lòng thương xót với nhau ở mọi góc độ và mọi cấp độ, không chi li, không so đo, tính toán, không phe cánh, không vụ lợi, biết quên mình vì người khác,… Những ai sống đúng lòng thương xót như vậy thì chắc chắn được Thiên Chúa cứu độ.
Trước sau như một, Thiên Chúa mãi là Đấng giàu lòng thương xót: “Muôn ngàn đời Chúa vẫn trọn tình thương” (Tv 118:2-3). Thật vậy, Thiên Chúa muốn mọi người đều được hưởng Ơn Cứu Độ. Chúng ta có nhiệm vụ phải loan báo LCTX, chứng tỏ cho mọi người biết Ngài, và tuyên xưng: “Chúa là sức mạnh tôi, là Đấng tôi ca ngợi, chính Người cứu độ tôi” (Tv 118:14).
Chúa Giêsu là “tảng đá thợ xây nhà loại bỏ” nhưng lại “trở nên đá tảng góc tường” (Tv 118:22). Thật là kỳ công vô song của Thiên Chúa! Vì thế, chúng ta hãy đồng thanh: “Đây là ngày Chúa đã làm ra, nào ta hãy vui mừng hoan hỷ!” (Tv 118:24).
Trong tâm tình hân hoan đó, Thánh Phêrô nói: “Chúc tụng Thiên Chúa là Thân Phụ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta! Do lượng hải hà, Người cho chúng ta được tái sinh để nhận lãnh niềm hy vọng sống động, nhờ Đức Giêsu Kitô đã từ cõi chết sống lại, để đượchưởng gia tài không thể hư hoại, không thể vẩn đục và tàn phai. Gia tài này dành ở trên trời cho anh em, là những người, nhờ lòng tin, được Thiên Chúa quyền năng gìn giữ, hầu được hưởng ơn cứu độ Người đã dành sẵn, và sẽ bày tỏ ra trong thời sau hết” (1 Pr 1:3-5). Đó là lời chứng của người đã trải nghiệm các cung bậc sống, thực sự là lời chứng đáng tin vì hoàn toàn chính xác.
Thánh Phêrô nhắn nhủ thêm để động viên chúng ta: “Trong thời ấy, anh em sẽ được hân hoan vui mừng, mặc dầu còn phải ưu phiền ít lâu giữa trăm chiều thử thách. Những thử thách đó nhằm tinh luyện đức tin của anh em là thứ quý hơn vàng gấp bội, vàng là của phù vân mà còn phải chịu thử lửa. Nhờ thế, khi Đức Giêsu Kitô tỏ hiện, đức tin đã được tinh luyện đó sẽ trở thành lời khen ngợi, và đem lại vinh quang, danh dự” (1 Pr 1:6-7). Lửa thử vàng, gian nan thử sức. Qua gian khổ mà vẫn trung tín thì mới chứng tỏ đức tin sắt son, không nao núng trước mọi cám dỗ. “Không thấy mà tin” là một Mối Phúc là vậy, chứ miệng nói tín thác vào LCTX, thế mà lại tin vào tử vi thì hoàn toàn bất xứng. Việc lặp đi lặp lại “lời tín thác” cũng chỉ như niệm thần chú, đọc như con vẹt, chứ trong lòng chưa thực sự tin tưởng. Vô ích!
Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói chắc chắn: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21).
Về Mối Phúc “không thấy mà tin”, Thánh Phêrô giải thích rạch ròi: “Tuy không thấy Người, anh em vẫn yêu mến, tuy chưa được giáp mặt mà lòng vẫn kính tin. Vì vậy, anh em được chan chứa một niềm vui khôn tả, rực rỡ vinh quang, bởi đã nhận được thành quả của đức tin, là ơn cứu độ con người” (1 Pr 1:8-9).
Trình thuật Ga 20:19-31 là đoạn Tin Mừng quen thuộc nói về việc cứng lòng tin của tông đồ Tôma. Trong một bộ phim hoặc cuốn truyện, nhân vật phản diện thường không được người ta có cảm tình. Thế nhưng chúng ta quên rằng, nhân vật phản diện đó lại làm “nền” để nhân vật chính diện được nổi bật. Có lẽ Thánh Tôma cũng là “đích nhắm” của chúng ta mỗi khi nói tới đức tin, nhất là trong Mùa Phục Sinh.
Có lẽ tông đồ Tôma là người thực tế nên cần cụ thể, rõ ràng. Chúng ta cứ chê ông cứng lòng, nhưng chúng ta cũng vẫn cứng lòng đó thôi, bằng chứng là chúng ta chưa tin vào Kinh Thánh và các chứng cớ của Giáo hội, thế nên đức tin của chúng ta vẫn bị “lung lay” mỗi khi gặp gian khổ, và chúng ta vẫn “chạy đua” về các “sự lạ” ở chỗ này hoặc chỗ nọ vì “máu” tò mò hoặc hiếu kỳ hơn là “máu” đức tin. Như vậy không gọi là cứng lòng tin thì gọi là gì?
Vào chiều ngày thứ nhất trong tuần, ngày Chúa Giêsu phục sinh, các môn đệ ở trong phòng đóng kín cửa vì họ sợ người Do-thái, trong “khoảng sợ hãi” đó có thể có phần họ “ớn” vì biết đâu họ cũng bị lôi cổ ra hành hình nếu bị phát hiện. Nếu vậy thì cũng lạnh xương sống lắm chứ! Nhưng bất ngờ Đức Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em!”. Nói xong, Ngài cho các ông xem tay và cạnh sườn. Các môn đệ vui mừng vì được gặp lại Thầy thật rồi. Rồi Ngài lại nói với các ông: “Bình an cho anh em! Như Chúa Cha đã sai Thầy thì Thầy cũng sai anh em”. Nói xong, Ngài thổi hơi vào các ông và bảo:“Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ”.
Nhưng chiều hôm đó không có mặt tông đồ Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô. Sau đó, các môn đệ khác nói với ông về thấy Chúa nhãn tiền, nhưng ông Tô-ma nói chắc nịch: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”. Coi bộ “căng” dữ nghen!
Tám ngày sau, các lại quy tụ và có cả ông Tô-ma. Các cửa cũng vẫn đóng kín. Đức Giêsu lại hiện đến, đứng giữa và chúc bình an cho họ. Rồi Ngài bảo ông Tôma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. Ngại hết sức! Biết rồi còn nói, Thầy kỳ ghê đi! Ngại thì ngại lắm, ông Tôma chỉ còn biết vội sụp lạy và thưa: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con!”. Đó là một dạng thú tội. Ngài ôn tồn: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).
Sau khi sống lại, hai lần đầu tiên Chúa Giêsu hiện ra đều vào “ngày thứ nhất trong tuần”, khi các tông đồ đang tụ họp nhau. Điều đó cho thấy việc thờ phượng Chúa ngày Chúa Nhật là việc quan trọng trong đời sống tâm linh của các Kitô hữu, đó cũng là ngày nhận phúc lành bình an của Chúa Giêsu Phục Sinh.
Thánh sử Gioan cho biết: Đức Giêsu đã làm nhiều dấu lạ khác nữa trước mặt các môn đệ; nhưng những dấu lạ đó không được ghi chép lại. Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em TIN rằng Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Ngài. Về đức tin, Thánh Gia-cô-bê cũng có cách nói tương tự:“Phúc thay kẻ đặt niềm tin vào Đức Chúa và có Ngài làm chỗ nương thân” (Gr 17:7).
Chúa Giêsu là Thiên Chúa tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót, và đã yêu thương chúng ta đến cùng (Ga 13:1). Chính vết thương nơi Thánh Tâm Ngài là ấn tín của tình yêu vô biên và vô điều kiện, là nơi tuôn trào Máu và Nước trường sinh, là Nguồn Mạch Lòng Thương Xót, chính Máu và Nước đó đã làm cho viên đội trưởng Longinô sáng mắt (2), và rồi ông này đã phải thú nhận ngay tại chân Thập Giá vào chiều Thứ Sáu Tuần Thánh: “Quả thật ông này là Con Thiên Chúa, là người công chính!” (Mt 27:59; Mc 15:39; Lc 23:47).
TIN để ĐƯỢC Thiên Chúa thương xót là hệ lụy liên kết chặt chẽ, không thể tách rời. Chúa Giêsu được Chúa Cha trao trọn quyền, thế nên không ai có thể đến với Chúa Cha nếu không qua Đức Kitô: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến được với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14:6).
Trong niềm vui tưng bừng của Tin Mừng Phục Sinh, chúng ta cùng nhớ lại lời Thầy Giêsu đã nói trước khi Ngài chịu chết và sống lại: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha Thầy, có nhiều chỗ ở; nếu không, Thầy đã nói với anh em rồi, vì Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14:1-3). Lời này là lực đẩy mạnh mẽ để chúng ta tiếp tục cuộc lữ hành trần gian cho đến khi hoàn tất cuộc đời, cũng là lúc chúng ta được gặp và sống với Đức Kitô Phục Sinh mãi mãi.
Lạy Thiên Chúa hằng hữu và giàu lòng thương xót, xin giúp chúng con biết thật lòng và chỉ tín thác vào Con Chúa, Đấng đã chịu tử nạn vì thương xót chúng con và đã phục sinh để chúng con được sống dồi dào. Xin Chúa thương xót chúng con và toàn thế giới. Chúng con cầu xin nhân danh Đức Giêsu Kitô Phục Sinh, Đấng đã yêu thương chúng con đến cùng, và là Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
(1) Tử vi là tên một loài hoa tím – TỬ là tím, VI là huyền diệu. Khoa Chiêm tinh Tướng mệnh Đông phương dùng loại hoa tím này để chiêm bốc.
(2) Đội trưởng Longinus (cổ ngữ Hy Lạp: Λογγῖνος, Longĩnos) kém thị lực, khi ông cầm ngọn giáo đâm vào Trái Tim Chúa Giêsu, Máu và Nước chảy theo ngọn giáo xuống tay, ông lấy tay dụi mắt và được sáng mắt, ông đã thật lòng tin Đức Kitô là Con Thiên Chúa và ông đã nên thánh, Giáo hội có đặt tượng Thánh Longinô ở Đền Thờ Thánh Phêrô (Rôma).
CHỨNG TỪ CỦA MỘT HÀNH TRÌNH PHỤC SINH
Lm. Nguyễn Hữu An
A. Chứng từ của một hành trình phục sinh
Chúa Nhật II Phục Sinh, lễ kính “Lòng Thương Xót Chúa”, ĐTC Phanxicô tuyên thánh cho hai vị Giáo Hoàng, Gioan XXIII và Gioan Phaolô II.
Câu chuyện về một thanh niên tật nguyền được diễm phúc gặp gỡ Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II thật cảm động.
Tony Melendez là một người Nicaragua, sinh năm 1962 và bị mất cả hai tay vì ảnh hưởng tai hại của một loại thuốc cảm cúm mà bà mẹ đã uống khi không biết là bà đang mang thai. Sau khi Tony được 1 tuổi, cả gia đình được ông ngoại bảo lãnh sang Los Angeles Hoa Kỳ, ở đây Tony học sử dụng mọi thứ bằng đôi chân, kể cả học đánh đàn ghita. Đến năm 16 tuổi, với cây đàn ghita, anh thường hát dạo ở một góc phố Laguna Beach để kiếm tiền cho gia đình. Anh cũng rất chán nản với tương lai đi ăn xin như vậy, và anh tự hỏi, “chẳng lẽ cuộc đời mình chỉ đi ăn xin như thế thôi hay sao?”.
Rồi một ngày kia anh nhận được lá thư mời đến trình diễn cho Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II trong ngày Đại Hội Giới Trẻ vào tháng 9 năm 1987 ở Los Angeles.
Trong cuộc họp mặt đó có trên 6.000 người trẻ từ khắp nơi đến tham dự.
Anh đã nhận lời trình diễn và cũng kể từ đó cuộc đời anh thay đổi. Sau khi trình diễn một bài do anh sáng tác, cả hội trường đứng dậy hoan hô anh, ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng đứng dậy và đi đến tận bục trình diễn để hôn anh, và điều quan trọng là câu nói của Đức Gioan Phaolô II. Ngài nói, “Tony, con là một người thực sự can đảm. Con đang đem lại hy vọng cho mọi người ở đây. Cha ao ước con sẽ tiếp tục đem hy vọng cho tất cả mọi người”.
Từ lúc đó trở đi, anh được mời đi lưu diễn ở nhiều nơi trong nước, và bất cứ ai trông thấy một thanh niên cụt hai tay nhưng vui vẻ dùng đôi chân đánh đàn và say sưa cất tiếng hát với những lời lẽ không than van, không cay đắng, không oán hờn thì tất cả mọi người đều ngập tràn hy vọng. Chính Tony, anh chia sẻ như thế này: “Có lúc tôi thực sự tin rằng tôi phải có đầy đủ chân tay, mắt mũi để yêu thương, để phục vụ, để lo lắng cho người khác. Tôi nghĩ là tôi cần những điều đó. Dĩ nhiên, có đôi tay thì giúp đỡ người khác dễ dàng hơn. Nhưng tình yêu thì không cần đôi tay. Để yêu thương ai đó, tất cả những gì bạn cần là con tim và để ý đến họ.”
Với thân thể tật nguyền, Tony Melendez đã đem lại hy vọng cho những người thấy anh trình diễn. Đó là chứng từ của một hành trình phục sinh.
B. Ý nghĩa các vết sẹo
Trong mùa Phục Sinh, các bài đọc sách Tin Mừng và Công vụ Tông đồ thuật lại: mỗi lần Chúa Giêsu hiện đến với các môn đệ, Ngài đều trao ban bình an: “bình an cho các con” và “cho các ông xem tay chân và cạnh sườn” là những vết thương cuộc khổ nạn của Ngài.
Điều quan trọng được Thánh Kinh ghi nhận là thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn, vẫn còn lỗ đinh ở chân tay và vết giáo đâm ở cạnh sườn. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành nay thành những vết sẹo.Tôma muốn sờ đến để biết chắc Thầy đã sống lại. Khi Chúa Phục Sinh mời gọi Tôma: “hãy đặt ngón tay vào lỗ đinh và hãy đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn”, chắc hẳn Tôma đã nhìn thật lâu những dấu đinh. Khi ấy, Tôma khám phá thật sâu một Tình Yêu.Tình yêu hy sinh mạng sống và đủ mạnh để lấy lại.Tình yêu khiêm hạ cúi xuống để chinh phục ông. Các vết sẹo của Thầy đã chữa lành vết thương hoài nghi của Tôma. Lòng ông tràn ngập niềm cảm mến tri ân. Ông thoát ra khỏi sự cứng cỏi, khép kín, tự cô lập, để bước vào thế giới của lòng tin. Tôma đã tin vượt quá điều ông thấy. Ông chỉ thấy và chạm đến các vết sẹo của Thầy, nhưng ông tin Thầy là Chúa, là Thiên Chúa của ông.
Tại sao thân xác phục sinh của Chúa Giêsu vẫn còn mang các thương tích của cuộc khổ nạn? Các vết sẹo ấy có ý nghĩa gì đối với chúng ta?
- Những vết sẹo giúp các môn đệ nhận ra Chúa
Chúa Giêsu phục sinh giúp các môn đệ nhận ra Ngài nhờ những vết sẹo. Ngài cho họ xem những vết sẹo ở tay và cạnh sườn. Những vết sẹo nói lên một điều quan trọng: Thầy chính là Đấng đã bị đóng đinh và đâm thâu; Thầy đã chết nhưng Thầy đã thắng được tử thần. Các môn đệ mặc dầu được tiên báo trước về cuộc Phục sinh (Mt 18,31-34), nhưng những tang tóc và lo sợ xâm chiếm hết tâm hồn họ lúc này. Cho nên để họ được an tâm và bình an hơn, Chúa nói: “hãy xem chân tay Thầy đây…”. Thân xác phục sinh của Chúa bây giờ vẫn còn mang những dấu vết của cuộc thụ nạn như các dấu đinh, lằn roi… Chúa bảo họ cứ sờ vào đó để khỏi còn phải nghi ngờ về bóng ma hay thần linh nào khác “Chính Thầy đây mà! Cứ rờ xem, ma đâu có xương thịt như anh em thấy Thầy có đây” (Lc 24,39); “Người đưa tay chân ra cho các ông xem” (Lc 24,40). Bàn tay mang dấu đinh là bàn tay nhen lửa và nướng cá bên biển hồ Tibêria. Bàn tay trao tấm bánh đời mình trong bữa Tiệc Ly bây giờ trao tấm bánh mình mới nướng cho môn đệ.(x.Ga 21,1-14).
Các Tông đồ đã thấy được thân xác vinh quang phục sinh của Chúa.
Thân xác Chúa phục sinh cũng là thân xác trước khổ nạn, nhưng nay không còn bị lệ thuộc vào không gian vào thời gian như thân xác trước nữa. Chúa ra khỏi mồ (Lc 24,3), Chúa vào giữa nhà các Tông đồ đang cửa đóng then cài (Ga 20,19), Chúa đi trên biển (Ga 21,7). Vì thế, thánh Phaolô gọi thân xác phục sinh của Chúa là thân xác thiêng liêng, chí thiện (1Cr 15,40). Thánh Thần tràn ngập trong thân xác ấy.Thân xác Chúa Kitô Phục Sinh được Kinh Thánh gọi là: bất tử (1Cor 15,53), bất diệt, linh thiêng (1Cor 15,44), bất khả thực (Kh 7,16), huyền diệu (Mt 28,1; Ga 20,19). Lanh lẹ (Lc 24,26). Chúa Kitô Phục Sinh đã cởi bỏ tất cả những yếu hèn của nhân loại như đói khát, mệt mỏi. Dù Chúa có ăn uống chút ít, song đó không phải là nhu cầu tự nhiên. Nhưng Chúa làm như vậy để các Tông đồ xác tín hơn rằng Ngài đã sống lại thật với cùng một thân xác trước kia.
- Những vết sẹo là chứng tích của tình yêu cao cả
Thương tích trên thân thể phục sinh của Chúa Giêsu là một nhắc nhở rằng, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là một con người như chúng ta, và Ngài đã chịu đau khổ để thông cảm với mọi đau khổ của loài người và để làm gương cho chúng ta.
Khi nhìn đến Chúa Giêsu với các thương tích của cuộc khổ nạn, chúng ta sẽ cảm thấy an ủi hơn, gần gũi hơn với Thiên Chúa và cố gắng vươn lên, không chìm đắm trong buồn sầu cay đắng, không tầm thường hóa cuộc đời trong tội lỗi và vững tin rằng, sự sống lại vinh hiển có giá trị hơn đời này gấp bao lần mà chính Chúa Giêsu đã mở đường đi về sự sống mới.
Qua cuộc khổ nạn mà các vết sẹo vẫn còn lưu lại trên thân thể, Chúa Giêsu Phục Sinh muốn nói với chúng ta rằng sự đau khổ, trong ý nghĩa tích cực là những hy sinh có giá trị cứu độ. Với các vết sẹo ấy, Chúa Giêsu muốn nói với chúng ta rằng, đau khổ không là một bất hạnh cần phải lẫn tránh, mà tội lỗi gây ra đau khổ mới là điều xấu xa cần phải tránh xa.
Thiên Chúa đã yêu thương nhân loại đến nỗi ban chính Người Con Một; và Người Con Một đã yêu cho đến cùng, đã chịu khổ nạn với trái tim bị đâm thâu khi tự hiến trên thánh giá. Chúng ta cũng phải đáp trả sao cho cân xứng với tình yêu ấy.
Có câu chuyện “Trái tim có nhiều vết sẹo” diễn tả tình yêu chia sẽ trao ban qua những thương tích cuộc đời.
Một buổi chiều trong công viên, có một chàng trai đang chăm chú vẽ một trái tim. Trên khung giấy trắng dần dần hiện ra một trái tim thật đẹp, thật hoàn hảo khiến mọi người đứng xem đều trầm trồ khen ngợi.
Bỗng một ông lão đi đến. Ông trầm tư ngắm nghía bức tranh của chàng trai một hồi lâu, rồi lặng lẽ mượn bút vẽ một hình thoạt nhìn rất lạ, nhìn thật kỹ mới nhận ra đó là hình một trái tim…
Chàng trai ngạc nhiên nhìn trái tim ông lão vừa vẽ, nó bị chắp vá chằng chịt, nhưng rõ ràng vẫn là một trái tim. Trên trái tim ấy, có chỗ như bị khuyết lõm, có chỗ như bị cắt đi và được ghép nối bởi những mảnh to nhỏ khác nhau. Mọi người bắt đầu bàn tán và lắc đầu tỏ ý không hiểu ý nghĩa hình vẽ trái tim của ông lão.
Chàng trai thắc mắc:
– Cụ ơi! Cháu không hiểu vì sao ông lại vẽ trái tim như vậy? Làm sao trái tim lại mang nhiều vết sẹo và ráp nối như thế?
Ông cụ mỉm cười rồi nói:
– Đúng! Trái tim của ta có thể không hoàn hảo, nhưng nó là một trái tim thật sự. Đấy chỉ là do trái tim này đã có thời gian sống và trải nghiệm nhiều hơn trái tim của cậu. Hãy nhìn những dấu vết này! Tuy có nhiều thương tích nhưng tôi luôn tự hào về nó. Cậu biết không, khi tôi trao một mảnh tim của tôi cho một người thân, cha mẹ, anh chị, bạn bè và cả những người mà tôi tình cờ gặp được… thì ngược lại, họ cũng trao cho tôi một mảnh tim của họ để đắp vào chỗ trống ấy. Những mảnh tim này không hoàn toàn giống nhau: phần trái tim mà cha mẹ trao cho tôi bao giờ cũng lớn hơn phần tôi trao lại; con gái tôi dành cho tôi phần trái tim trong trẻo nhất; bạn đời tôi tặng cho tôi phần trái tim đẹp nhất và chung thủy nhất… Những mảnh tim ấy đã ghép vàp nhau và tạo thành những vết chắp vá của trái tim tôi. Chính điều này luôn nhắc tôi nhớ về những người tôi yêu dấu, những tình yêu mà tôi đã được chia sẻ trong đời…
Ông lão nói tiếp:
– Còn những vết lõm này là phần trái tim tôi trao đi mà chưa được nhận lại. Cậu biết đấy, tình yêu trao đi chẳng cần đến sự đền đáp. Dù những khoảng trống này nhiều lúc làm tôi đau đớn, nhưng cũng chính nhờ chúng mà tôi có động lực để khao khát được sống, và có niềm tin vào một ngày mai tốt đẹp hơn. Chàng trai ạ, nhờ những mảnh chắp vá này mà trái tim của tôi có sức sống mãnh liệt, trưởng thành và cảm nhận cuộc sống trọn vẹn, sâu sắc hơn.
Đám đông im lặng, còn chàng trai không giấu được nỗi xúc động đang dâng trào trong lòng. Anh tự hào cầm bút cắt đi một mảnh trong trái tim hoàn hảo của mình và đắp vào một phần khuyết của trái tim ông lão. Đáp lại, ông lão cũng tặng anh một mảnh trái tim ông.
Giờ đây, trái tim của chàng trai đã có một vết sẹo. Tuy không còn hoàn hảo nữa, nhưng chàng trai cảm thấy trái tim mình đầy sức sống hơn bao giờ hết. Anh nhận ra sức mạnh và vẻ đẹp của trái tim không phải ở chỗ nó được giữ kỹ để không có một vết tích, tổn thương nào của cuộc đời mà trái lại, càng hòa nhập và biết chia sẻ, dám yêu, dám sống và sẵn sàng cho đi, trái tim của con người càng trở nên nhạy cảm, sâu sắc và đập mạnh mẽ hơn…
3. Những vết sẹo là dấu chứng của phục sinh
Thân xác Chúa Phục Sinh mang những vết sẹo cuộc khổ nạn. Những cái sẹo ấy sẽ ở mãi với Ngài trên thiên quốc. Những cái sẹo gợi lên những kỷ niệm buồn phiền, thất bại, đớn đau. Nhưng nếu không có những cái sẹo thì cũng chẳng có phục sinh. Chúa Giêsu vượt thắng sự chết, đập tan quyền lực của tử thần, Ngài phục sinh và bước vào một cuộc sống mới viên mãn hơn, vững bền hơn. Dẫu rằng vẫn còn đó những dấu vết của thương đau, những vết sẹo của bạo lực bất công, nhưng giờ đây Ngài đã khởi sự một sự sống bất diệt, vượt trên vòng lao lý của khổ đau, của giới hạn kiếp người, Ngài đã bước vào thế giới của niềm vui, của Tình Yêu!
Con người chúng ta, ai cũng thường mang những vết sẹo trên thân xác. Có những vết sẹo gợi lại cả một vùng trời kỷ niệm. Sống chiều kích Phục Sinh trong ý nghĩa trao ban và tận hiến chính là sống ý nghĩa “trái tim có nhiều vết sẹo”.
Nếu hiểu cuộc phục sinh của Chúa Giêsu là sự vượt qua nghịch cảnh để bước vào đời sống mới, thì mỗi khi một cá nhân hay một gia đình hoặc một tập thể vượt qua được những nghịch cảnh của đời mình, cũng có thể gọi đó là sự phục sinh! Trước khi thụ nạn, Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ về những thống khổ như là nỗi đau quặn của một phụ nữ khi sinh nở, để sau đó có được niềm vui khi một mầm sống mới được khai sinh (Ga 16, 20-22).
Nhìn lại đời sống mình, chúng ta sẽ nhận thấy vô vàn sự Phục sinh. Rất nhiều những cuộc vượt qua nho nhỏ trong đời sống hướng tới Phục sinh. Khi một tình bạn, một tình yêu bị tan vỡ, chúng ta biết hàn gắn lại bằng yêu thương thì đó không phải là sự Phục sinh sao ? Khi ta có kinh nghiệm về sự tha thứ, dẹp tan lòng thù hận, loại trừ sự oán ghét, đó là cuộc vượt qua phi thường …
Như mùa xuân sau đông tàn, Phục sinh mãi mãi vọt lên trong đời sống chúng ta những chồi lộc ân sủng, những sức sống tươi trẻ. Tin vào Đấng Phục Sinh là thắp lên ánh sáng mới, là đón nhận tình yêu mới cho mùa xuân tâm hồn.