Lời Chúa Năm A Các bài suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay_A

Các bài suy niệm Chúa Nhật 2 Mùa Chay_A

Chúa Nhật II Mùa Chay – năm A

Lời Chúa: St 12,1-4a; Tv 32; 2 Tm 1,8b-10; Mt 17,1-9.

***************

Mục lục

1. Bản tính khó dời

2. Hãy vâng nghe lời Ngài

3. Trở nên con yêu

4. Lâng lâng hạnh phúc

5. Nghe lời Người

 

BẢN TÍNH KHÓ DỜI

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Tiếng đứa em lanh lảnh nói: Chị hai sao lại bỏ anh rể?

+ Vì anh ấy cờ bạc, rượu chè nên chị không chịu được.

+ Nhưng anh ấy đã có tật cờ bạc, rượu chè trước khi lấy chị mà.

+ Vì chị tưởng là thời gian anh ấy sẽ biến đổi, ai ngờ càng ngày càng tệ hơn!

Người xưa thường có câu: “Bản tính khó dời”, “chứng nào tật ấy” đều nói lên tính cách của một con người khó mà thay đổi được. Thay đổi một thói quen của con người thì có thể, nhưng rất khó lòng thay đổi bản tính một khi đã ăn sâu trong con người của họ.

Thói hay chửi của Chí Phèo là một điển hình. Chí Phèo đã được Nam Cao phác họa như một tên vô lại, tối ngày say sỉn, chỉ làm được một việc duy nhất là chửi khống và ăn vạ. Về tài chửi của hắn, Nam Cao tả: Hắn vừa đi vừa chửi. Bao giờ cũng thế, cứ rượu xong là hắn chửi. Bắt đầu chửi Trời. Có hề gì? Trời có của riêng nhà nào? Rồi hắn chửi đời. Thế cũng chẳng sao: đời là tất cả nhưng chẳng là ai. Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Ðại. Nhưng cả làng Vũ Ðại ai cũng nhủ: “Chắc nó trừ mình ra!”. Không ai lên tiếng cả. Tức thật! Ồ! Thế này thì tức thật! Tức chết đi được mất!

Ðã thế, hắn phải chửi cha đứa nào không chửi nhau với hắn. Nhưng cũng không ai ra điều. Mẹ kiếp! Thế thì có phí rượu không? Thế thì có khổ hắn không? Không biết đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn cho hắn khổ đến nông nỗi này? A ha! Phải đấy, hắn cứ thế mà chửi, hắn chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra thân hắn, đẻ ra cái thằng Chí Phèo! Hắn nghiến răng vào mà chửi cái đứa đã đẻ ra Chí Phèo.

Xem ra ở đời ai cũng có tật xấu. Ai cũng có điều phải sửa, vì “nhân chi sơ tính bản thiện”, nhưng thời gian đã biến chúng ta ra xấu xa bởi biết bao thói hư tật xấu. Sự khôn ngoan nhắc nhở chúng ta phải cố gắng biến mình trở lại hình ảnh ban đầu, đừng ngoan cố sống trong tội lỗi, hãy sửa mình nên hoàn thiện theo hình ảnh của Chúa. Một hình ảnh tinh tuyền không để dục vọng làm chủ. Một hình ảnh trong sáng không để vẩn đục bằng những thói hư tật xấu.

Hôm nay, Chúa biến hình trở về với căn tính Thiên Chúa của Ngài. Phê-rô đã ngây ngất khi chiêm ngắm dung nhan thật của Thầy Giê-su. Phê-rô cùng các môn đệ càng thêm xác tín về Thiên tính trong con người của Thầy Giê-su. Phê-rô cảm thấy toại nguyện và chỉ còn mong muốn một điều duy nhất là được ở bên Chúa mãi mãi.

Sứ điệp ngày lễ Chúa hiển dung như nhắc nhở chúng ta nhớ mình là họa ảnh của Thiên Chúa. Con người được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa, thế nên con người phải giữ mãi vẻ đẹp tinh tuyền của phẩm giá con người. Nếu có những đam mê tật xấu làm chúng ta biến chất thì đây là dịp Chúa nhắc nhở chúng ta phải biến hình mỗi ngày trở về với căn tính của chúng ta là hình ảnh của Chúa? Là hình ảnh của Chúa thì không thể làm tôi cho ma quỷ ? Là hình ảnh của Chúa thì không thể để cho dục vọng lôi kéo chúng ta làm điều xấu? Là hình ảnh của Chúa chúng ta phải luôn hướng về sự thiện, luôn có những ước mơ thanh cao, luôn sống vị tha và phục vụ mọi người.

Tiếc rằng, con người hôm nay đã để mình biến chất trong dòng đời lắm cám dỗ bon chen. Nhiều người đã bán rẻ phẩm giá làm người để đổi lấy chút danh lợi thú trần gian. Nhiều người đã không chỉ biến chất mà còn biến dạng khi lao mình tìm kiếm và thỏa mãn dục vọng đến nỗi xem thường luân thường đạo lý làm người.  Đôi khi còn vì danh lợi thú mà làm hại đồng loại, mà gây nên biết bao đau thương cho nhân thế.

Ước gì mỗi người chúng ta hãy biết mình là hình ảnh của Thiên Chúa thật tốt đẹp biết bao, để biết trân trọng, gìn giữ nét đẹp đó trong cuộc sống của mình. Đồng thời cũng biết trân trọng vẻ đẹp ấy nơi tha nhân qua đời sống bác ái, vị tha. Xin Chúa giúp chúng ta biết biến đổi mình mỗi ngày trở nên giống Chúa hơn trong suy nghĩ và hành động hầu xứng đáng là con cái Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

HÃY VÂNG NGHE LỜI NGÀI

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc

Truyền thống giáo dục trong mọi nền văn hóa đều nhấn mạnh đến sự vâng lời, trong gia đình con cái phải vâng lời cha mẹ, học trò vâng lời thầy cô, người dưới vâng lời bề trên. Có người hỏi tại sao phải vâng lời cha mẹ và người trên ? Thưa vì cha mẹ là người sinh ra ta và là người yêu thương ta, và nhiều kinh nghiệm hơn ta. Đặc biệt với văn hóa Á Đông việc vâng lời ông bà cha mẹ thầy cô được nâng lên thành Đạo. Do đó một người con ngoan, thảo hiếu là người con biết vâng lời và làm theo lời dạy bảo của cha mẹ, bậc cha mẹ thì cảm thấy vui và hạnh phúc khi có những đứa con biết ngoan ngoãn vâng lời, và hãnh diện khoe với mọi người về sự thảo hiếu của con mình.

Cũng trong truyền thống văn hóa Á Đông này, hôm nay có thể nói, Thiên Chúa tự hào về Người Con của mình là Đức Giêsu, Ngài đã “khoe” với mọi người: Đây là con Ta rất yêu dấu, đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người.

Bước vào Chúa Nhật thứ hai mùa Chay, Lời Chúa mời gọi chúng ta học nơi Chúa Giêsu, đó là vâng nghe lời Thiên Chúa và trở thành người con làm đẹp lòng Thiên Chúa, có thái độ của một trẻ thơ, hoàn toàn tin tưởng vào Thiên Chúa và vâng nghe lời Đức Giêsu dạy. Nghe là thái độ của một người con đối với lời dạy bảo của cha mẹ, của học trò đối với thầy cô, nhưng nghe cũng có nhiều cấp độ, vì có khi tai chúng ta cố tình đóng lại thì chúng ta không thể đón nhận được âm thanh, hoặc có thể có nghe, nhưng không chú tâm, không hiểu, nên lời nói không đi vào được trong tâm hồn. Hôm nay Chúa muốn chúng ta có một thái độ chú tâm hơn đó là lắng nghe, và tích cực hơn nữa, đó là biết vâng nghe lời Chúa. Lắng nghe là chú ý để nghe, để hồn tĩnh lặng đón nhận, và vâng nghe, là nghe và đón nhận trong thái độ khiêm tốn, tin tưởng và thực hành như một em bé vâng nghe theo lời chỉ bảo của cha mẹ.

Vâng nghe lời Chúa, đòi phải có một thái độ sẵn sàng, phó thác và từ bỏ ý riêng của mình, hoàn toàn tin tưởng vào lời của Chúa, và không cần biết lý do tại sao, vâng nghe là thái độ chấp nhận, thực hành, dù có nhiều điều mình chưa thể hiểu hết. Bài Đọc Một đã cho chúng ta một tấm gương về sự vâng nghe Lời Chúa của ông Abraham. Khi đó Abraham là một người giàu có, nhiều của cải đất đai và súc vật, thế mà Thiên Chúa đã ngỏ lời với ông: Người hãy bỏ xứ sở, họ hàng nhà cha ngươi, mà đi tới đất ta sẽ chỉ cho. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, và sẽ chúc phúc cho ngươi. Với một lời mời gọi dường như mơ hồ như thế, vậy mà Abraham đã dám bỏ lại tất cả để lên đường đi theo lời chỉ dạy của Chúa, ông chấp nhận bỏ lại đàng sau ruộng đất, nhà cửa, cha mẹ, anh em, để đi đến một miền đất vô định chưa biết ở đâu, tất cà còn ở thì tương lai, vậy mà ông cũng không hỏi Chúa một câu nào, chỉ biết vâng theo để lên đường. Chính từ thái độ ngoan ngoãn vâng lời như thế mà Thiên Chúa chúc phúc cho ông, trở nên bạn hữu với ông, và còn bênh vực ông : Ta chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi, và nguyền rủa những ai nhục mạ ngươi.

Trong Tin Mừng hôm nay, trước khi bước vào cuộc tử nạn thập giá, để củng cố đức tin cho các tông đồ, Chúa Giêsu cho các môn đệ thân tín là Phêrô, Giacôbê và Gioan được chứng kiến giây phút hiển dung, chứng kiến gương mặt thánh thiện sáng ngời của mình để động viên tinh thần và củng cố lòng tin cho các ông. Các tông đồ hết sức ngỡ ngàng, đang khi còn ngây ngất với vinh quang ấy, thì có tiếng Thiên Chúa Cha, nói với các ông từ đám mây: Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người, các ngươi hãy vâng nghe lời Người. Thiên Chúa Cha hài lòng về sự vâng phục của Đức Giêsu, vì Ngài đã không chọn theo ý riêng mình, mà chọn sư vâng phục Thiên Chúa để đón nhận con đường cứu độ bằng thập giá. Còn các tông đồ, mặc dù đã đi theo Chúa nhiều năm, nhưng các ông vẫn chọn lựa theo kiểu thế gian, tim kiếm quyền lực theo kiểu trần gian, chưa sẵn sàng để chấp nhận một Đấng Mêsia phải chịu đau khổ nhục nhã. Trong khi đó Chúa Giêsu cũng đã hoàn toàn để cho Thiên Chúa Cha dẫn dắt và định liệu cho cuộc đời mình, dù có những lúc Chúa Giêsu cũng bị cám dỗ để tìm một con đường riêng cho mình, như Chúa Nhật tuần trước chúng ta đã suy niệm, nhưng cuối cùng Ngài đã dùng Lời của Chúa, lời Kinh Thánh để chống trả lại cám dỗ đó, và sẵn sàng bước theo con đường của Chúa Cha đã định.

Các tông đồ khi chứng kiến vinh quang của Chúa, thì các tông đồ đã hạnh phúc ngây ngất, và muốn kéo dài tình trạng hạnh phúc này và quên đi thực tế trước mắt, nên các ông đã xin dựng ba lều để được ở lại trên núi, trốn tránh những thực tại của cuộc sống: Nếu Thầy muốn, chúng con xin dựng ba lều. Nhưng Chúa Giêsu muốn cho các tông đồ, qua biến cố này được thêm lòng tin để đón nhận cuộc khổ hình sắp tới mà Chúa sẽ bước vào. Cuộc khổ hình này chắc chắn rất kinh khủng và vượt quá khả năng tưởng tượng của các ông, và vì thế các ông cần phải có một thái độ sẵn sàng, vâng phục. Chính vì thế có tiếng Chúa Cha từ trời nói với các ông : Hãy vâng nghe lời Người. Qua lời này, Chúa Cha một lần nữa muốn các tông đồ tin và đón nhận lời của Đức Giêsu như một vị Thiên Chúa và là Đấng Mesia Cứu Thế, như con cái nghe lời cha mẹ, nhưng học trò vâng lời thầy.

Từ trên núi xuống, Đức Giêsu bắt đầu nói với các ông về việc Con Người sẽ bị khổ hình và sẽ từ cõi chết sống lại. Chắc chắn lúc đó các tông đồ chưa hiểu hết những điều Chúa nói trước về cuộc khổ nạn, phần vì các ông không muốn nghe, phần vì dù có nghe, nhưng không muốn chấp nhận, để đón nhận và vâng nghe lời Đức Giêsu, để loan báo về Đức Giêsu và cuộc khổ nạn của Người, thì cần phải dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa. Cũng giống như ngày xưa Chúa đã gọi Apraham và làm cho ông trở thành cha của một dân tộc đông đúc, giống như Đức Giêsu đã hoàn toàn vâng nghe theo lời của Thiên Chúa để cứu độ nhân loại bằng con được thập giá, thì chúng ta cũng được kêu gọi để trở thành Dân Thánh của Thiên Chúa, trở nên những người thuộc về Đức Kitô, làm theo gương của Đức Giêsu và lời dạy của Người.

Vâng nghe lời Chúa luôn là một thách thức cho chúng ta, vì nhiều khi Lời Chúa không như ý chúng ta muốn, có khi còn ngược lại với ý của chúng ta, có khi Lời Chúa đụng chạm đến những góc tối, những vết thương trong tâm hồn, khiến chúng ta sợ không dám để cho Lời Chúa đụng vào. Lời Đức Giêsu luôn đòi chúng ta từ bỏ và hy sinh, trong khi cuộc sống và xã hội lại khuyến khích chúng ta chạy theo sư thỏa mãn dễ dãi, chạy theo tiền bạc và danh vọng. Trong khi xã hội cổ võ lối sống tự do hưởng thụ, thì Chúa lại đòi chúng ta vác thập giá mình hằng ngày, vì thế mà chúng ta luôn bị giằng co, và đòi chúng ta phải quyết định chọn lựa.

Trong bổn phận làm vợ làm chồng, làm cha mẹ, sinh sản và giáo dục con cái, hãy vâng nghe Lời Chúa và các giáo huấn của Giáo Hội, phó thác tương lai của mình và gia đình cho Chúa để Chúa dẫn dắt, hãy vâng nghe Lời Chúa để làm chuẩn mực cho đời sống và cho công việc của mình, đừng để sự gian dối, tham lam điều khiển cuộc sống của mình, đừng để cho sự lười biếng bê tha rượu chè, cờ bạc làm trì trệ cuộc sống của gia đình, gây ra bất hòa bất hạnh cho nhau.

Cuộc sống sung túc, tiện nghi ngày hôm nay cũng đang là một cản trở khiến nhiều bạn trẻ khó có thể nghe được Lời Chúa, những âm thanh và cuộc sống ồn ào náo nhiệt khiến cho nhiều người không còn một khoảng lặng nào trong ngày để nhìn lại cuộc sống mình, những hấp dẫn và mời chào của xã hội khiến cho nhiều người từ chối Lời của Chúa, không chấp nhận thập giá và không dám vâng theo,… tất cả những điều đó đang là thách thức cho các bạn trẻ Công Giáo trong đời sống đức tin.

Đức Maria đã nêu gương cho chúng ta trong việc vâng nghe Lời Chúa và đem ra thực hành, xin Mẹ cũng giúp mỗi chúng ta biết noi gương Mẹ, tin tương hoàn toàn vào Thiên Chúa, sống xứng đáng là những người con ngoan, thảo hiếu, vâng lời Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

TRỞ NÊN CON YÊU

St 12,1-4; 2Tm 1,8b-12; Mt 17,1-19.

 Lm. Jos. DĐH,GP.Xuân Lộc)

Để thu hút người trẻ, các chuyên gia tâm lý đưa ra nhiều ý kiến : hãy sống hòa đồng, vui vẻ, sôi động, thẳng thắn….và đừng bao giờ nói “không được”, “không nên” với chúng. Để đáng gọi là con ngoan, con yêu, đứa bé không khó khăn gì khi thực hiện đức tính căn bản : vâng nghe lời chỉ dạy của cha mẹ. Qua thời gian, đứa bé lớn khôn, chúng tự làm mất danh hiệu con ngoan, đơn giản vì chúng không thể vâng lời cha mẹ như lúc còn nhỏ !

Trong gia đình xã hội có con dễ thương, đáng yêu, là niềm tự hào cho cha mẹ, dân tộc ; nhưng sự cao đẹp lại dễ vụt tắt, vinh dự ấy không bền vững, thường xảy ra ở giai đoạn con cái trưởng thành, cha mẹ chia gia tài….. Nếu như người xưa nói : chỉ có một loại thuốc duy nhất chữa được bệnh tình, đó là tình yêu; trong ý tưởng ấy : con yêu, con ngoan, chỉ thực sự có khi người ta duy trì được tình yêu nơi cuộc sống hiện tại của mình.

Sinh con ai chẳng mơ ước con khỏe, con đẹp; cha mẹ nuôi con đâu muốn thể xác tâm trí con mình mãi nhỏ bé. Con cái dù không kêu than, chúng vẫn thầm mong mau khôn lớn trưởng thành, có khi chúng chưa thể nghĩ tới : quá trình học tập, mài giũa, đau khổ hay bầm dập nhiều, mới là dịp biến đổi chúng thành người lớn. Cuộc sống quanh ta quá mênh mông, hiểm trở, đầy thử thách như câu ca dao : non kia ai đắp mà cao, sông kia biển rộng ai đào mà sâu ?

Sống ơn gọi làm con yêu, Đức Giêsu đâu muốn các học trò cứ im lặng làm thinh, vâng lời tối mặt như đứa trẻ con…. Ngài luôn mong các môn đệ mau lẹ trưởng thành trong sứ vụ : tin yêu, phục vụ. Thầy Giêsu hết sức tâm lý khi chọn gọi ba học trò thân tín cùng lên núi cao : lên núi vừa vinh dự, vừa phải đối diện với bao đau khổ ! Nếu cho rằng leo núi để được cái vinh dự : “người hùng”, hẳn nhiều kẻ bỏ cuộc, vì quá mạo hiểm ! Nếu quan niệm lên núi để cầu nguyện, có sai lầm không ? vì người thuộc về Chúa cần kết hiệp cầu nguyện mọi nơi mọi lúc, đâu phải đợi tới lúc lên núi cao mới cầu nguyện. Người môn đệ sẽ thất vọng, mơ hồ khi nghĩ rằng theo Thầy Giêsu để hưởng bổng lộc trần gian; chính xác vinh quang và thập giá không tách rời nhau; lên núi và xuống núi không thể vắng bóng cầu nguyện.

Để trở thành cha của “kẻ tin”, Abraham phải từ bỏ quê hương, họ hàng, người thân mà theo Chúa. Cuộc sống nay đây mai đó, ông lần lượt minh chứng tình yêu vâng phục Thiên Chúa, dù miền đất hứa và dòng tộc được chúc phúc ông chỉ cảm nhận bằng niềm tin. Quy luật “muốn con hay chữ phải yêu lấy thầy”, thánh Phaolô khuyên người con Timôthê phải hy sinh tất cả để đồng lao cộng khổ với ngài trong việc rao giảng Tin Mừng, vì lợi ích Tin Mừng Đức Giêsu Kitô sẽ xóa bỏ tội lỗi, làm cho mọi người được trở nên con cái thánh thiện, được lãnh nhận ơn cứu độ muôn đời.

Hôm nay đây, cuộc sống đầy gian truân thử thách : túng thiếu, nghèo đói cả vật chất lẫn tinh thần, không khác gì thời cha ông chúng ta. Còn tình yêu Chúa Giêsu vẫn không thay đổi, Ngài đang gọi mọi người theo Chúa, cùng lên núi để được“biến đổi”, trưởng thành hơn, để trở nên con yêu dấu. Hành trình lên núi đầy bất ngờ với ba môn đệ yêu dấu, các ông ngập tràn niềm vui khi nhìn thấy vinh quang Thầy Giêsu : Thần tính rực sáng, và nhân tính được tôn vinh, “mặt Người chiếu sáng như mặt trời và y phục Người trở nên trắng như tuyết; các ngươi hãy nghe lời Người”.

Khao khát trở thành người tốt, mang lại kinh tế, vinh dự cho gia đình xã hội là điều hợp lý hợp tình. Để được gọi là con Chúa hẳn không khó, mà dám mạnh dạn theo Thầy Giêsu thường xuyên lên núi, xuống núi vẫn thuộc quyền tự do mỗi chúng ta. Dõi theo hành trình Thầy trò Giêsu lên núi, xuống núi, hẳn không còn là tự do ước muốn hay khao khát nữa, mà đúng hơn là mệnh lệnh cho tất cả những ai muốn làm môn đệ, trở nên con yêu dấu của Đức Kitô. Vì Đức Giêsu ở trên núi đã thực sự biến đổi diện mạo, từ việc cầu nguyện, đàm đạo với đại diện cho lề luật và ngôn sứ, Thiên Chúa Cha đã soi sáng cho ba môn đệ thấy và nghe : “Đây là Con Ta yêu dấu, rất đẹp lòng Ta, các ngươi hãy nghe lời Người”.

Thời gian ở núi cao chứng kiến cuộc “biến hình” của Thầy mình không dài, các ông chỉ có thể chia sẻ với chúng ta là sung suớng hạnh phúc lắm. Dù các ông nửa tỉnh nửa say khi diện kiến vinh quang Phục Sinh của Thầy Giêsu, các ông vẫn nhớ cuộc “biến hình” của Thầy mình thật vĩ đại; các ông không thể hiểu lời dặn : đừng nói gì cho đến khi “Con Người từ cõi chết sống lại” !

Biết bao người theo Đức Giêsu, nhưng lại sợ thập giá hay không muốn tìm hiểu thập giá là gì ! Không thiếu những người muốn trưởng thành, muốn là con ngoan con yêu bằng con đường tắt ! Nếu tục ngữ có câu : “mất cơm nghi kẻ đói, mất gói nghi kẻ nghèo”. Hẳn tất cả những ai theo Chúa mà sợ mất cơm, mất gói, mất mạng sống mình ở đời này, kẻ ấy không thể có cơ hội gặp gỡ vinh quang của Đấng Phục Sinh !

Với chúng ta, đâu phải cứ “rửa tội” là được nhận biết vinh quang Nước Chúa, nhưng còn phải hiểu biết và sống đạo làm con Chúa. Không phải mọi người lên núi sẽ được tỏa sáng, được dung mạo xinh đẹp; không gian tham trộm cướp mới là sống đạo làm người, chưa sống đạo làm con Chúa làm sao trở nên con yêu dấu của Chúa được ? Ngay cả nhóm Mười Hai, cụ thể ba môn đệ thân tín nhất luôn được theo sát Đức Giêsu, các ông cũng té ngã nhiều lần, rồi mới hiểu, mới chăm chỉ lên núi xuống núi mỗi ngày, để rồi các ông được biến đổi, được trở nên con yêu dấu, xác tín hơn thế nào là thập giá và vinh quang.

Về mục lục

LÂNG LÂNG HẠNH PHÚC

 Trầm Thiên Thu

Hạnh phúc là niềm mơ ước suốt cuộc đời của bất kỳ ai. Mưu cầu hạnh phúc là mơ ước chính đáng và là quyền cơ bản của con người. Hạnh phúc đa dạng, với nhiều mức độ. Hạnh phúc ở gần chứ không xa. Tuy nhiên, hạnh phúc cũng dễ khiến người ta ảo tưởng nếu đòi hỏi thái quá. Cũng như tình yêu, chẳng ai có thể định nghĩa chính xác thế nào là hạnh phúc. Tất cả chỉ là tương đối.

Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc cao cấp của con người khi được thỏa mãn một nhu cầu nào đó. Hạnh phúc mang tính nhân bản sâu sắc và thường chịu tác động của lý trí, là cảm giác thoải mái khi đạt được một giá trị, một mục đích, một kết quả… nhưng điểm khác nhau nằm ở tính hữu hình hay vô hình của giá trị, của mục đích, của kết quả đạt được về nhiều lĩnh vực: tình yêu, thành công, nổi tiếng, giàu có,… Hạnh phúc và sung sướng có nghĩa gần giống nhau, hạnh phúc hiểu theo nghĩa tinh thần, trừu tượng; sung sướng hiểu theo nghĩa vật chất, cụ thể.

Muốn hạnh phúc thì phải đi tìm. Đi tìm hạnh phúc không phải là sẽ “nhặt” được nó như nhặt được một vật thể, cũng không thể ngồi chờ sung rụng, mà phải chủ động “tạo” ra nó. Nghĩa là chấp nhận với những gì mình có hiện tại thì sẽ có hạnh phúc. Thế nhưng không hề dễ thực hiện được động thái “chấp nhận” như vậy!

ĐAU KHỔ ĐI TRƯỚC

Có đau khổ mới biết thế nào là hạnh phúc. Cũng như có bị tù đày rồi mới nhận thức được tự do và biết quý tự do. Có gian nan vất vả mới nên người, thành nhân tài. Chính đau khổ là “chất xúc tác” cho những tác phẩm giá trị. Càng dày kinh nghiệm thì tác giả càng có được những tác phẩm hay. Những người giỏi đều là những người đã từng vật lộn với cuộc sống khó khăn vô cùng. Giàu có và sung sướng không tạo nên vĩ nhân, như một chí sĩ (*) đã nói: “Ví phỏng đường đời bằng phẳng cả / Anh hùng hào kiệt có hơn ai?”.

Ngày ấy, Đức Chúa phán với ông Áp-ram: “Hãy rời bỏ xứ sở, họ hàng và nhà cha ngươi, mà đi tới đất Ta sẽ chỉ cho ngươi. Ta sẽ làm cho ngươi thành một dân lớn, sẽ chúc phúc cho ngươi. Ta sẽ cho tên tuổi ngươi được lẫy lừng, và ngươi sẽ là một mối phúc lành. Ta sẽ chúc phúc cho những ai chúc phúc cho ngươi; ai nhục mạ ngươi, Ta sẽ nguyền rủa. Nhờ ngươi, mọi gia tộc trên mặt đất sẽ được chúc phúc” (St 12:1-3).

Đang an cư lạc nghiệp, đùng một cái phải ra đi, chúng ta có dám đi không? Ba lần dời nhà bằng một lần cháy nhà. Chắc chắn là rất khó ra đi, vì giằng co dữ dội và cần phải can đảm mà dứt khoát ngay. Cũng vẫn khó ra đi dù biết rõ nơi đến như thế nào – phải ra đi vì đất quy hoạch, bị giải tỏa, có nguy cơ bão lũ hoặc động đất,… huống chi ra đi mà không biết nơi đó ra sao, ngày mai thế nào. Vậy mà “ông Áp-ram ra đi, như Đức Chúa đã phán với ông” (St 12:4a). Không chỉ vậy, khi rời Kha-ran, “ông Áp-ram được bảy mươi lăm tuổi” (St 12:4b) chứ đâu còn trẻ trung gì nữa! Quả thật, đức tin của ông lớn quá! Vì thế ông được gọi là Áp-ra-ham, nghĩa là “người cha vĩ đại của muôn dân tộc” (Hc 44:19).

Theo sự hướng dẫn của Thiên Chúa, “ông Áp-ram đem theo vợ là bà Xa-rai, cháu là ông Lót, và mọi tài sản họ đã gầy dựng được, cùng với gia nhân họ đã có tại Kha-ran. Họ ra đi về phía đất Ca-na-an và đã tới đất đó” (St 12:5). Tổ phụ Áp-ram ra đi vì ông tín thác vào Thiên Chúa quan phòng, đồng thời ông còn vâng lời tuyệt đối. Kinh thánh xác định: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Vì vâng lời vô điều kiện, ông an tâm và vui vẻ, tức là ông hạnh phúc. Niềm hạnh phúc của người biết tín thác vào Thiên Chúa thì luôn miên man và lâng lâng khó tả, chắc chắn là thế!

Một khi Thiên Chúa hứa gì thì luôn chắc chắn, luôn giữ đúng lời, vì đó là luật, Ngài làm luật nên Ngài tôn trọng luật, như Chúa Giêsu nói: “Trời đất qua đi còn dễ hơn là một cái phết của Lề Luật rụng mất” (Lc 16:17). Tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Vì lời Chúa phán quả là ngay thẳng, mọi việc Chúa làm đều đáng cậy tin. Chúa yêu thích điều công minh chính trực, tình thương Chúa chan hoà mặt đất” (Tv 33:4-5).

Thiên Chúa là tình yêu, là Đấng giàu lòng thương xót, luôn quan tâm thụ tạo mà Ngài đã tạo nên: “Chúa để mắt trông nom người kính sợ Chúa, kẻ trông cậy vào lòng Chúa yêu thương, hầu cứu họ khỏi tay thần chết và nuôi sống trong buổi cơ hàn. Tâm hồn chúng tôi đợi trông Chúa, bởi Người luôn che chở phù trì” (Tv 33:18-20). Với niềm thành tín, tác giả Thánh Vịnh bộc bạch: “Vâng, có Người, chúng tôi mừng rỡ, vì hằng tin tưởng ở Thánh Danh” (Tv 33:21).

Dù biết Thiên Chúa tận tình như vậy, chúng ta vẫn không được ỷ lại, mà phải liên lỉ cầu nguyện: “Xin đổ tình thương xuống chúng con, lạy Chúa, như chúng con hằng trông cậy nơi Ngài” (Tv 33:22). Tương tự câu “xin Cha tha nợ chúng con như chúng con cũng tha kẻ có nợ chúng con”. Nghĩa là chúng ta trông cậy ở mức nào thì được nhận lòng thương xót như vậy, chúng ta tha thứ cho người khác thế nào thì được nhận ơn tha thứ như thế. Đó là công bình, là công lý, và cũng là chân lý. Không thể CHO ít mà đòi NHẬN nhiều. Thiên Chúa không bao giờ “bù lỗ” kiểu đó!

Tuy nói với Ti-mô-thê, nhưng cũng là nói với mỗi chúng ta, Thánh Phaolô căn dặn: “Anh đừng hổ thẹn vì phảilàm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng” (2 Tm 1:8). Mọi người đều phải nỗ lực!

Tại sao phải nỗ lực làm chứng như vậy? Lý do tất yếu: “Người đã cứu độ và kêu gọi chúng ta vào dân thánh của Người, không phải vì công kia việc nọ chúng ta đã làm, nhưng là do kế hoạch và ân sủng của Người. Ân sủng đó, Người đã ban cho chúng ta từ muôn thuở trong Đức Kitô Giêsu, nhưng giờ đây mới được biểu lộ, vì Đấng cứu độ chúng ta là Đức Kitô Giêsu đã xuất hiện. Chính Đức Kitô đã tiêu diệt thần chết, và đã dùng Tin Mừng mà làm sáng tỏ phúc trường sinh bất tử” (2 Tm 1:10).

Thực hiện như vậy thì chúng ta sẽ được tận hưởng niềm hạnh phúc trong Đức Kitô, được trường sinh và vĩnh cư trong Vương Quốc Hằng Sống. Đó là niềm hạnh phúc vĩnh viễn.

HẠNH PHÚC THEO SAU

Ai khổ luyện thì sẽ thành tài. Vất vả trồng cây thì sẽ có ngày hưởng trái ngọt. Đó là quy luật chung muôn thuở, như người Việt cũng nói: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”. Là điều tất nhiên và hoàn toàn hợp lý!

Sau khi tiên báo cuộc thương khó của Ngài được sáu ngày, Đức Giêsu đem theo các đệ tử là Phêrô, Giacôbê và Gioan (em ông Giacôbê). Người đưa các ông đi riêng ra một chỗ, tới một ngọn núi cao. Rồi Người biến đổi hình dạng trước mặt các ông. Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng. Các ông chưa hết ngỡ ngàng thì bỗng các ông thấy ông Môsê và ông Êlia hiện ra đàm đạo với Người.

Quá hưng phấn, ông Phêrô thưa ngay với Sư Phụ mà không cần so đo tính toán hi cả: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Ngài, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mt 17:4). Không hề nhắc tới lều cho ba anh em, nghĩa là sao cũng được, ở “khách sạn ngàn sao” cũng được, miễn sao tận hưởng niềm hạnh phúc lâng lâng như thế. Các ông được sống trong niềm hạnh phúc khôn tả đó là được nếm thử hạnh phúc Nước Trời, nhờ đó mà ráng chịu cực ở trần gian này.

Hết ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Một lần nữa, các ông lại mắt chữ O và miệng chữ A. Ngạc nhiên mà thú vị. Sướng rơn! Ông Phêrô còn đang nói, chợt có đám mây sáng ngời bao phủ các ông, và có tiếng từ đám mây phán: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người!” (Mt 17:5). Trước đó, sau khi Thánh Gioan Tẩy giả làm Phép Rửa cho Chúa Giêsu tại sông Giođan, Chúa Cha cũng xác nhận tương tự về Đức Kitô Giêsu: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3:17).

Lần này thì khác hẳn, vừa nghe vậy thì các ông kinh hoàng và ngã sấp mặt xuống đất. Chu choa, hết hồn luôn! Nhưng may mà không xây xát chút nào, dù té lăn cù trên đá sỏi lởm chởm. Thấy thế, Đức Giêsu lại gần, chạm vào các ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ!” (Mt 17:7). Các ông ngước mắt lên, không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu mình ên. Kỳ lạ thật đấy, chả hiểu gì ráo trọi!

Trên đường thầy trò từ trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông: “Đừng nói cho ai hay thị kiến ấy, cho đến khi Con Người từ cõi chết trỗi dậy” (Mt 17:9). Các ông im lặng nhưng chắc là gãi đầu miết, vì chả hiểu át giáp gì, nhưng các ông cũng không dám hỏi Thầy, dù chỉ nửa lời. Lạ thật, nhưng cũng “đã” thật:

Ôi, niềm hạnh phúc lâng lâng

Lên Ta-bo thấy vinh quang tuyệt vời

Rõ ràng mắt thấy hẳn hoi

Ơn Chúa muôn đời mầu nhiệm, bao la…

Lạy Thiên Chúa chí ái, xin thương tha thứ cho chúng con về những ước mơ đã không hợp Ý Ngài, xin chấn chỉnh nếp nghĩ của chúng con cho đúng đường lối công minh của Ngài. Xin ban thêm ba nhân đức đối thần để chúng con đủ sức vượt qua mọi trở ngại trên đường đi tìm hạnh phúc. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

(*) Có người cho hai câu thơ đó của cụ Nguyễn Công Trứ, có người lại cho là của cụ Phan Bội Châu.

Về mục lục

NGHE LỜI NGƯỜI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Sau khi được tiên báo về cuộc Thương khó Chúa Giêsu sắp phải trải qua, các môn đệ đã xuống tinh thần trầm trọng, thậm chí các ông còn ngần ngại đồng hành với Chúa lên Giêrusalem.

Tin mừng Nhất Lãm tường thuật lời loan báo về cuộc tử nạn. Chúa Giêsu đưa Nhóm Mười Hai đi lên Giêrusalem, dọc đường, Người nói với các ông: “Này chúng ta lên Giêrusalem, và Con Người sẽ bị nộp cho các thượng tế và kinh sư. Họ sẽ kết án xử tử Người, sẽ nộp Người cho dân ngoại nhạo báng, đánh đòn và đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba, Người sẽ chỗi dậy” (Mt, 17-19).

Theo tin mừng Luca và Maccô, các môn đệ không hiểu và sợ hãi khi nghe Thầy loan báo về cuộc thương khó. “Nhưng các ông không hiểu gì cả; đối với các ông, lời ấy còn bí ẩn, nên các ông không rõ những điều Người nói” (Lc 18,34); “Người dẫn đầu các ông. Các ông kinh hoàng, còn những kẻ theo sau cũng sợ hãi. Người lại kéo riêng Nhóm Mười Hai ra, và bắt đầu nói với các ông về những điều sắp xảy đến cho mình” (Mc 10,32).

Vì không hiểu nên sợ. Sợ nên không muốn đi. Phêrô kéo riêng Chúa ra mà ngăn cản và trách móc. Chúa trách mắng Phêrô, nhưng để giúp Phêrô cần có sự can thiệp của Chúa Cha. Vì thế, biến cố Biến Hình đã xảy ra (Mt 17,1-9).

Chúa đưa ba môn đệ lên núi Tabor. Biến Hình rực rỡ nhằm củng cố tinh thần cho các môn đệ sau khi Chúa loan báo cuộc khổ nạn.

1. Núi Tabor

Tôi được diễm phúc lên Núi Tabor. Từ khách sạn ở Nazareth xe đi qua những thung lũng với nhiều vườn cây ôliu, vườn chuối, vườn cam xanh tươi ngút mắt. Tabor là ngọn núi rất đẹp, nó đưa mình lên êm ả từ một cánh đồng cỏ xanh. Xe buýt chỉ đến chân núi, sau đó phải đổi xe chuyên leo núi. Lên dốc cao, đường ngoằn ngoèo theo vòng xoáy trôn ốc như đường Đèo Ngoạn Mục. Trời thật lạnh khoảng 4độ, gió thổi rét buốt trên đỉnh có độ cao 600m làm ai nấy run lên vì lạnh.

Núi Tabor có một ngoại hình rất cân đối. Núi mọc lên giữa cánh đồng như một bàn thờ giữa trời đất, giống như lễ đàn của các bộ lạc để tế thần minh. Lúc Chúa Giêsu đem ba môn đệ yêu quý lên đây, không gian phải rất im vắng. Chỉ có gió vi vu và mây nắng với rừng cây thắm một màu xanh hùng vĩ.

Núi tiêu biểu cho quyền năng và vinh quang của Thiên Chúa. Núi là nơi mặc khải những điều trọng đại như khi xưa Thiên Chúa hiển linh trên núi Sinai với Môsê, núi Khoreb với Êlia, núi Tabor với ba môn đệ. Từ đỉnh núi, nhìn về hướng nam là làng Naim, một thành cổ hiện tại người Ảrập sinh sống, nơi đây Chúa cho con trai bà goá sống lại. Nazareth, một thị trấn sầm uất về hướng tây và Biển hồ Galilê mênh mang phía đông. Tabor, ngọn núi thiêng tạo thành một tam giác đều. Cả ba nơi đều gắn liền với cuộc đời Chúa Giêsu: lớn lên, truyền đạo và hiển dung. Bên ngoài, phía trái Nhà thờ vẫn còn dấu vết tường đá tu viện các cha dòng Bênêđictô một thời Trung cổ huy hoàng.

Theo sử gia Josephus thì nhóm Nhiệt Thành (Zelot) đã chiến đấu với quân Roma tại đây vào năm 66tcn. Năm 1634 các thầy Phanxicô mới dành lại được ngọn núi này từ tay quân Thổ. Nhưng mãi gần 300 năm sau mới xây được Nhà thờ.

Nhà Thờ Hiển Dung xây dựng từ năm 1925 do các cha dòng Phanxicô phụ trách. Mặt tiền nhà thờ lối kiến trúc nổi bật với hai ngọn tháp vuông cao vút. Bên trong hai ngọn tháp này là hai nguyện đường nhỏ kính tổ phụ Môisen và Êlia. Một bức tranh tuyệt đẹp theo nghệ thuật mosaic phía trên bàn thờ vòm cung thánh. Chúa biến hình trong hào quang rực sáng. Hai bên có Môisen trên núi Sinai và Êlia trên núi Carmel. Phía dưới là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê.

2. Biến hình

Tường thuật biến cố biến hình, cả ba Phúc âm đều nhấn mạnh đến thái độ hoảng sợ của các môn đệ. “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông hoảng sợ” (Mc 9,6); “Khi thấy mình vào trong đám mây, các ông hoảng sợ” (Lc 9,34); “Nghe vậy, các môn đệ kinh hoàng ngã sấp mặt xuống đất” (Mt 17,6). Và khi Phêrô “ngã sấp mặt xuống đất” thì Chúa đến chạm vào ông và bảo: “Chỗi dậy đi, đừng sợ”.

Các môn đệ không thể hiểu được hành trình của Đấng Cứu Thế sao lắm gian nan; kẻ theo Ngài làm sao không ngại ngùng sợ hãi cho được! (x. Mt 17,13-14; Mc 8,34; Mt 8,18; Mc 13,9; Lc 9,26).

Nếu người ta làm an toàn những viên thuốc đắng bằng vỏ bọc kẹo ngọt; Chúa Giêsu hoá giải tin cuộc khổ nạn bằng cuộc Biến Hình rực rỡ. Bọc kẹo chứ không bọc thuốc ngũ. Hoá giải chứ không gây mê. Chúa cho các môn đệ thấy trước một thoáng Phục Sinh trước Phục Sinh. Chúa cho cảm nếm một chút Thiên đàng. Các ông đã tưởng là Thiên Đàng nên Phêrô xin làm ba lều để an nhàn trên núi cao, ngũ yên trong hào quang, quên đi các bạn và các cuộc truyền giáo dưới chân núi. Các ông không biết rằng Thầy Giêsu chỉ lên đỉnh Tabor trong chốt lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá bước vào cuộc thương khó. Hai đỉnh núi Tabor và Calvariô không xa nhau lắm về mặt địa lý, nhưng lại là con đường vạn lý. Chúa Giêsu đã nối kết hai đỉnh núi bằng con đường tình yêu cứu độ.

Biến cố Chúa biến hình trên núi Tabor là một trong những biến cố đặc biệt. Nó trở nên như một ngôi sao sáng cho các môn đệ trong đêm tối của những gian nan thử thách. Biến cố ấy vẫn luôn ghi đậm trong ký ức của các môn đệ. Nó là một điểm tựa, là một trợ lực cho đức tin của các ngài trong suốt tiến trình theo Chúa Giêsu.

Câu chuyện Chúa Biến hình trên núi Tabor được đặt làm sườn cho cả văn kiện “Tông Huấn Vita Consecrata” (đời sống thánh hiến). Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II ban hành ngày 25.3.1996, đúc kết những thành quả của Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10.1994. Tông Huấn trình bày vẻ đẹp của đời tu. Con đường tu đức được ví như một cuộc đi tìm cái đẹp (số 19),hướng tới sự chiêm ngưỡng nhan Chúa, chân phúc dành cho các tâm hồn trong trắng. Các Tu sĩ đã bị thu hút bởi vẻ đẹp của Chúa; họ mê say chiêm ngưỡng Chúa, để rồi phản chiếu khuôn mặt rạng rỡ của Ngài (số 27); sau khi lên núi chiêm ngắm Chúa Biến Hình, các môn đệ được mời hãy đi xuống núi để phục vụ (số 75); họ còn phải trèo lên một núi khác đó là núi Calvariô (số 14;40). Nhiều năm huấn luyện trong nhà dòng, người thanh niên nam nữ nhiều khi phải “sinh” ra bốn năm lần mới biến hình nên một Tu sĩ: từ ứng sinh, thỉnh sinh, tiền tập sinh, tập sinh, khấn sinh, nhiều năm sau mới khấn trọn đời và vẫn tiếp tục hành trình biến đổi đời mình nhờ gặp gỡ Chúa Kitô.

3. Nghe Lời Người

Người sống đời tận hiến cũng như người tín hữu, muốn được “biến hình” trong đời sống cũng như muốn được trở nên “con yêu dấu” của Thiên Chúa cần phải “vâng nghe lời Người”. Không chỉ nghe bằng tai bằng mắt mà còn nghe bằng hết tâm hồn cũng như bằng cả cuộc đời quy chiếu sống theo Đức Kitô.

Cả ba Phúc âm đều tường trình tiếng nói từ trời cao. Lời Chúa Cha như giới thiệu, chuẩn nhận Chúa Con và là lệnh truyền cho chúng ta. “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mt 17,5); “ Đây là Con yêu dấu của Ta. Ta hài lòng về Người. Các ngươi hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9,6); “Đây là Con Ta, Người đã được Ta tuyển chọn, hãy vâng nghe lời Người” (Lc 9,35).

Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”. Đó là lệnh truyền của Chúa Cha, là điệp khúc kết luận của tiếng nói từ trời cao. Điệp khúc quan trọng vì cả ba Phúc âm đều nói đến. Lời của Chúa Kitô chính là chuẩn mực, là lề luật tuyệt đối mang lại ơn cứu độ cho nhân loại. Lời của Chúa Kitô là Lời Giao Ước vĩnh cửu cho con người được tham dự vào sự sống thần linh của Thiên Chúa Ba Ngôi.

Các ngươi hãy vâng nghe lời Người”, một phán quyết long trọng và công khai của Chúa Cha. Từ nay, vâng nghe Lời Chúa Kitô, chúng ta sẽ được biến hình với Chúa Kitô, cùng được hưởng vinh quang Phục sinh với Chúa Kitô.

Chẳng ai gặp Thiên Chúa thực sự mà lại không biến hình. Ðời sống kết hiệp thực sự với Thiên Chúa làm cho người Kitô hữu tỏa sáng rực rỡ. Biến hình không phải là trở thành cái gì khác mình, như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá. Biến hình là trở lại với cái tôi sâu thẳm của mình, tôi là con yêu dấu của Thiên Chúa. Từ khi chịu phép Thánh Tẩy, chúng ta đã bước vào một cuộc biến hình, từ từ và liên tục

Một nhà giáo dục nổi tiếng người Pháp đã tâm sự về cuộc đời của ông: Khi còn trẻ, tôi có tinh thần cách mạng và mỗi khi cầu nguyện, tôi luôn cầu xin Chúa một điều là: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi thế giới này. Khi đã lớn tuổi và nhận thấy gần quá nửa đời người trôi qua mà tôi không thay đổi được một người nào hết, nên tôi đã thay đổi lời cầu nguyện của tôi như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi những người trong gia đình của con. Giờ đây tôi đã già nua và những ngày còn lại chỉ đếm được trên đầu ngón tay, nên lời cầu nguyện của tôi lại được thay đổi một lần nữa như sau: Lạy Chúa, xin ban cho con nghị lực để biến đổi chính mình con. Và ông kết luận: Nếu tôi biết cầu nguyện như thế này từ ngày còn trẻ thì tôi đã không uổng phí cả cuộc đời.

Mùa Chay Thánh là mùa chiến đấu thiêng liêng, giúp mỗi người sống sống chay tịnh và hy sinh, cầu nguyện và tập nhân đức, chế ngự và làm chủ bản thân. Đây là thời gian thánh giúp từng người sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo lời dạy của Chúa Giêsu.

Lạy Chúa, Chúa đã dạy chúng con phải vâng nghe Con yêu dấu của Chúa; xin lấy lời hằng sống nuôi dưỡng đức tin của chúng con, nhờ vậy cặp mắt tâm hồn chúng con sẽ trong sáng để nhìn thấy vinh quang Chúa tỏ hiện trong cuộc đời chúng con. Chúng con cầu xin, nhờ Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen. (Lời nguyện Nhập lễ, Chúa Nhật II Mùa Chay).

Về mục lục

Exit mobile version