CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY NĂM B

394

 Chúa Nhật 2 Mùa Chay_B

Lời Chúa: St 22, 1-2.9a.10-13.15-18.Rm 8, 31-34. Mc 9, 2-10

——-

 

Mục lục

1. Lên núi  (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên, Gp. Hải Phòng)

2. Sống thân mật với Chúa  (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3. Chúa Nhật 2 Mùa Chay_B (Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)

4. Thế giới nào là ảo?  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

5. Khao khát đẹp    (Lm. Jos. DĐH, Gp. Xuân Lộc)

6. Tìm lại phẩm giá và hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)

7. Cách yêu thương (Trầm Thiên Thu)

8. Ba ngọn núi  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An) 

9. Mùa Chay – Mùa đổi thay  (Lm. Giuse Dương Hữu Tình, Gp. Hải Phòng)

10. Crux est lux – thập giá là vinh quang!  (Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB)

 

 

LÊN NÚI

Gm Giuse Vũ Văn Thiên

Nếu Chúa nhật thứ nhất Mùa Chay, Phụng vụ muốn đưa chúng ta vào sa mạc với Chúa Giêsu, thì Chúa nhật này, Phụng vụ lại mời chúng ta cùng lên núi với Người. Vào sa mạc để sống tinh thần khổ chế của chay tịnh; lên núi cao để được biến đổi, canh tân.

Trong truyền thống Thánh Kinh, núi cao thường được coi như nơi thuận tiện để con người được gặp gỡ Thiên Chúa. Ba tháng sau khi ra khỏi Ai Cập, các vị kỳ lão đại diện cho Dân Do Thái được ông Môisen dẫn lên đỉnh núi Sinai để gặp Chúa. Tại đây Chúa ban cho họ Luật Giao ước (x. Xh 19). Ngôn sứ Elia trong cuộc chạy trốn vua Akháp đã đi bốn mươi ngày đêm để đến núi Horeb. Ở đó, ông được gặp Chúa và tìm được sức mạnh để có thể đối diện với những khó khăn trong sứ mạng (x. 1V 19). Trong Tân ước, núi cao cũng là những địa điểm gắn liền với giáo huấn của Chúa Giêsu. Chính trên núi cao mà Người giảng Tám mối phúc thật, được coi như Luật Mới của Tin Mừng. Cũng trên đỉnh núi, người biến hình đổi dạng trước mặt ba môn đệ và cuối cùng, sau khi từ cõi chết sống lại, Chúa đã gặp gỡ các môn đệ trên núi, và sai các ông đi khắp thế gian để tiếp tục sứ vụ loan báo Tin Mừng mà Người đã thực hiện khi còn tại thế.

Có hai cuộc lên núi được đề cập trong Lời Chúa hôm nay, đó là Bài đọc I và Bài Tin Mừng.

Ông Abraham sinh được một mụn con vào lúc đã một trăm tuổi và ông đặt tên là Isaac. Tên gọi này có nghĩa là “Thiên Chúa làm cho tôi cười”, như chính bà Sara vợ ông đã giải thích (x. St 21,1-7). Chẳng cần phải nói, chúng ta cũng biết hai ông bà yêu quý cậu quý tử nối dõi tông đường này thế nào. Tuy vậy, Chúa muốn thử thách lòng trung thành của Abraham, và Ngài truyền cho ông sát tế con mình làm của lễ toàn thiêu trên một ngọn núi. Dưới ngòi bút của tác giả, Abraham được diễn tả như một người kiên định và hoàn toàn phó thác vào Chúa. Đối với ông, thánh ý Chúa là điều tối quan trọng, những điều khác chỉ là vô nghĩa, kể cả đứa con độc nhất của mình. Nếu Abraham đã trung thành với Chúa, thì Chúa không bỏ rơi ông. Chúa có cách can thiệp của Ngài. Chính Chúa sẽ tìm ra một giải pháp, một lối thoát cho hoàn cảnh này. “Chính Thiên Chúa sẽ liệu, con ạ!” – lời nói của Abraham với con mình đã khẳng định sự xác tín của ông. Và, quả thật là Chúa sẽ liệu, như chúng ta thấy ở phần kết của câu chuyện. Ngọn núi từ đó được mang tên “Núi Đức Chúa sẽ liệu”.

Trong cuộc sống thường nhật, giữa bao nhiêu bon chen tính toán trần tục, chúng ta thường bị cám dỗ và có nguy cơ trở nên tầm thường, ti tiện. Mùa Chay là mùa “lên núi” để tập sống tinh thần của Abraham, tín thác cậy trông vào Chúa. Những ai đã từng leo núi đều biết rõ điều này: để có thể leo lên đỉnh núi, phải tước bỏ bớt những đồ dùng và hành trang. Trong cuộc leo núi, có nhiều người bỏ dở ngang đường vì không đủ can đảm trút bỏ những vướng víu ngăn cản tiến lên. Mùa Chay giúp ta nhìn lại chặng đường mình đã đi, nhiều khi không phải là lên cao nhưng trái lại, đang là những tụt dốc, làm chúng ta càng ngày càng trở nên xa Chúa và xa rời anh chị em mình.

“Lên núi” để tìm cho mình một hướng đi kiên định. Cũng nhờ “lên núi”, mà chúng ta được biến đổi quan niệm và thái độ sống. Ba môn đệ là Phêrô, Giacôbê và Gioan đã được chiêm ngưỡng Chúa Giêsu biến hình trên núi. Các ông ngỡ ngàng trước cảnh tượng mà các ông nhìn thấy. Nơi đây, các ông chứng kiến một cuộc “thần hiện” huy hoàng: Chúa Giêsu không còn dáng vẻ của một người thường như mọi ngày, nhưng Người đã tỏ hiện vinh quang Thiên Chúa, vinh quang sáng ngời, quyền năng mạnh mẽ. Bóng mây bao phủ và tiếng nói từ trời là cách diễn tả Thiên Chúa Cha. Ngài giới thiệu cho mọi người biết sứ mạng Thiên Sai của Con Một Ngài. Hai nhân vật nổi bật của Cựu ước, ông Môisen tượng trưng cho Lề Luật, ông Elia tượng trưng cho truyền thống ngôn sứ, đều hiện ra cùng lúc để làm chứng về Chúa Giêsu. Đối với độc giả Do Thái, khi đọc những dòng trình thuật này, chắc chắn họ không thể  thắc mắc gì về sứ mệnh thiên sai của Đức Giêsu. Người là Đấng được Lề Luật và các Ngôn sứ loan báo từ ngàn xưa, nay đã đến để cứu độ con người. Ba môn đệ là những người được biến đổi trước hết. Quan niệm về Đấng Thiên sai nơi các ông không còn mang những nét trần tục, nhưng hoàn toàn thần thiêng. Nhờ sự biến đổi này, các ông xác tín vào Thày mình, Đấng họ đã từ bỏ mọi sự mà tin theo.

Mùa Chay là mùa “lên núi”. Mặc dù chúng ta vẫn bận rộn với bổn phận hằng ngày, nhưng mỗi người đều có thể « lên núi » bằng việc suy niệm Lời Chúa, nhất là bằng những cố gắng dứt bỏ những ràng buộc làm cản bước chúng ta đến với Người. Sám hối ăn năn, giao hòa với Chúa và với anh em, từ bỏ lối mòn của quá khứ để dám lên đường khởi đầu một hành trình mới, đó chính là một cuộc « lên núi » thiết thực đối với chúng ta.

« Chúa không hứa ban cho chúng ta một cuộc hành trình êm ả, Người chỉ hứa giúp ta đến đích an toàn » (JohnGower – Thi sĩ người Anh, thế kỷ 14).

Về mục lục

 

SỐNG THÂN MẬT VỚI CHÚA

Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt.

Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu ấy là một tình yêu sáng tạo không bao giờ ngừng nghỉ. Thiên Chúa vẫn từng phút từng giây đổ tràn tình yêu của Người vào đời sống ta. Tình yêu ấy là một tình yêu tha thứ. Thiên Chúa là người Cha nhân hậu sẵn sàng tha thứ và đón nhận những đứa con hoang đàng trở về. Tình yêu ấy là một tình yêu mong đợi. Thiên Chúa mong đợi ta hiểu biết tình yêu của Người, đền đáp tình yêu của Người, đến sống thân mật với Người.

Niềm khao khát sống thân mật được tỏ bày qua việc Đức Giêsu đưa ba môn đệ thân tín lên ngọn núi cao. Chỉ chọn riêng ba người vì sự thân mật không thể có giữa đám đông. Sự thân mật chỉ có trong một nhóm nhỏ, vì sự thân mật là mối tương giao giữa tâm hồn với tâm hồn. Chúa muốn gặp gỡ riêng ta với Người, muốn có cuộc trò chuyện riêng tư với từng người. Đức Giêsu đưa họ lên núi cao. Núi cao là nơi yên tĩnh. Tình thân mật không thích những chỗ ồn ào. Tình thân mật được phát triển ngoài thiên nhiên, trong thanh vắng. Lên núi cao là bỏ lại sau lưng những phiền toái trần tục, để dành hết tâm tư, thời giờ cho cuộc gặp gỡ với Thiên Chúa. Trong Cựu Ước, núi cao là nơi Chúa ngự. Lên núi cao có nghĩa là đến gặp Chúa. Trong gặp gỡ thân mật, Chúa sẽ mặc khải cho ta biết nhiều điều về Chúa và về bản thân ta.

Trước hết Chúa cho ta hiểu biết về Người. Chúa đưa ta vào đời sống thâm sâu của Người. Đó là sự sống của Ba Ngôi Thiên Chúa. Sự sống của Ba Ngôi là tình yêu, một tình yêu không ngừng trao tặng và không ngừng nhận lãnh. Tình yêu đó là nguồn mạch sự sống và là nguồn mạch hạnh phúc. Sự sống và hạnh phúc ấy đổ tràn vào tâm hồn những ai đến sống thân mật với Chúa. Ai đã một lần nếm cảm hạnh phúc ấy rồi, vĩnh viễn không thể tách rởi Thiên Chúa được nữa. Chính vì thế, sau khi ngắm nhìn dung nhan Đức Giêsu và sau khi nghe lời Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta yêu dấu”, thánh Phêrô cảm nhận được niềm hạnh phúc ngập tràn đến độ muốn ở lại mãi mãi trên núi, không muốn trở xuống nữa. Chúng ta nhớ lại hai môn đệ Gioan và Anrê, sau một buổi chiều sống với Đức Giêsu đã quyết định theo làm môn đệ của Người. Thánh Phaolô sau khi được đưa lên tầng trời thứ ba đã mạnh dạn nói: “Ai có thể tách chúng ta ra khỏi tình yêu của Chúa Kitô? Phải chăng là gian truân, khốn khổ, đói rách, hiểm nguy, bắt bớ, gươm giáo?… Không, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8,35-39).

Sau khi cho ta hiểu biết người, Chúa cho ta hiểu biết chương trình của Người. Chương trình của Chúa là chương trình của tình yêu. Tình yêu được minh chứng qua sự hy sinh quên mình. Chúa Cha, vì yêu thương ta, đã đành hy sinh Con Một yêu quý của Người. Tình yêu ấy được diễn tả qua hành động của Abraham mà ta nghe đọc trong bài đọc thứ nhất. Chúa Con, vì yêu thương ta, đã chấp nhận liều mạng sống như lời Người nói: “Không có tình yêu nào lớn lao bằng tình yêu người dám hy sinh mạng sống mình cho bạn hữu”. Chương trình tình yêu của Chúa để cứu chuộc ta được thực hiện qua sự đau khổ và cái chết trên thập giá của Đức Giêsu.

Sau cùng, trong thân mật với Chúa, Chúa cho ta hiểu biết về bản thân mình. Gần bên Chúa quyền năng, ta thấy mình chỉ là cát bụi. Sống trong trái tim dịu dàng của Chúa, ta thấy mình quá độc ác dữ tợn. Hưởng nếm tình yêu của Chúa rồi, ta thấy mình chỉ là phường bội nghĩa vong ân. Uống vào suối nguồn sự sống của Chúa, ta khám phá ra những mầm mống chết chóc mà ta ấp ủ trong mình. Tiếp cận với nguồn ánh sáng tinh tuyền của Chúa, ta thấy mình chỉ là bóng tối nhơ uế.

Hiểu biết những sự thực về Chúa và về bản thân, ta sẽ có một cái nhìn khác về con người và thế giới. Ta sẽ nhìn mọi người bằng ánh mắt của Thiên Chúa. Ta sẽ nhìn thế giới như thể nó đã được biến hình trong Đức Giêsu. Ta sẽ nhìn thấy tình yêu Chúa dành cho mỗi người. Mỗi người đều là kết quả của tình yêu cứu độ của Chúa. Ta cũng sẽ nhìn thấy con đường mình phải đi là con đường Thánh giá. Chính những đau khổ sẽ thanh luyện, giúp ta nên tinh tuyền để càng ngày càng gần gũi thân mật với Chúa hơn.

Lạy Chúa, xin thanh tẩy tâm hồn con. Amen.

CÂU HỎI GỢI Ý

1) Bạn đã có kinh nghiệm về sống thân mật với Chúa chưa?

2) Sống thân mật với Chúa ta sẽ hiểu biết gì?

3) Trong mùa Chay này, bạn có dành thời giờ để sống thân mật với Chúa không?

Về mục lục

 

CHÚA NHẬT 2 MÙA CHAY_B

Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse

Ông bà anh chị em thân mến. Có một bà mẹ trẻ đã kể lại rằng: vào một buổi sáng khi bà đang sửa soạn bữa điểm tâm cho gia đình trong nhà bếp, chan hòa ánh sáng mặt trời chiếu qua cửa sổ.  Các con của bà đang cười giỡn với nhau tại phòng khách.  Chồng bà đang chơi đùa với đứa con nhỏ nhất 3 tuổi. Trong lúc trét bơ, cho trứng vào những ổ bánh mì và đổ nước cam vào ly, thình lình bà cảm thấy thật xúc động.  Một niềm vui mừng, hạnh phúc và yêu thương dâng trào lên trong tâm hồn làm cho đôi mắt bà nhòa lệ, không nói nên lời.

Sau đó bà tâm sự rằng đó là một cảm nghiệm, một giây phút tột đỉnh trong cuộc đời của bà, vì trong giây phút đặc biệt quí trọng đó, bà cảm nhận ra một sự khác thường của một sự việc bình thường. Quang cảnh gia đình và cảm nghiệm của bà ngày hôm đó hoàn toàn biến đổi cuộc sống ý nghĩa về hôn nhân gia đình, giúp cho bà trân quí giá trị, sự liên hệ và lời cam kết cuộc sống của mình với chồng, và ý thức cuộc sống gia đình hơn, đưa bà đi sâu vào ý nghĩa tình yêu vợ chồng, và niềm vui sướng tuyệt đỉnh của chức vụ, bổn phận làm vợ và làm mẹ, mà bà chưa bao giờ cảm nghiệm thấy trong cuộc đời.  Cảm nghiệm tột đỉnh này đã biến đổi hoàn toàn đời sống của người mẹ trẻ.

Ông bà anh chị em thân mến. Những cảm nghiệm tột đỉnh này xảy ra trong đời sống bình thường và cũng có thể đến với chúng ta trong đời sống tinh thần.  Thí dụ như sau một cuộc tĩnh tâm, một người cảm nghiệm được ơn Chúa cách đặc biệt, biến đổi cuộc sống hay thái độ, trở nên tốt lành, đạo đức hơn, đức tin trở nên sống động và mạnh mẽ hơn, cam kết vào những việc hy sinh phục vụ, có cuộc sống bác ái và quảng đại hơn, và trở thành một chứng nhân can đảm cho Chúa.  Đó là một cơ hội, một kinh nghiệm hồng ân giúp chúng ta có một cái nhìn vượt qua sự việc đang xảy ra ở hiện tại, để nhận ra những giá trị cao quí hơn, tốt lành hơn và thiêng liêng hơn.

Đây cũng là giây phút tuyệt đỉnh mà ba tông đồ của Chúa Giê-su, là Phêrô, Giacôbê và Gioan, cảm nhận được trong câu chuyện Chúa biến hình trong bài Tin mừng hôm nay. Trong một giây phút hồng ân, ba tông đồ thân cận của Chúa đã được nhìn vào một thế giới vượt qua thế giới hiện tại.  Trong một giây phút, họ nhìn nhận ra được sự vinh quang sáng chói bên trong con người của Chúa Giêsu chiếu tỏa ra bên ngoài.  Và cũng trong môt giây phút, ba tông đồ nhìn thấy Chúa Giêsu, Thầy của mình, trong một hình thái hoàn toàn khác biệt.  Họ nhìn thấy hình ảnh Thiên Chúa chiếu tỏa trên và bao phủ lấy con người của Chúa Giêsu, và có tiếng từ trên đám mây quả quyết với họ: “Đây là Con ta yêu dấu. Các ngươi hãy nghe lời Người.”

Nhưng tại sao Giáo hội lại cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Biến Hình vào mùa Chay và có ý nghĩa gì?  Chúng ta tìm được câu trả lời trong trình thuật trước câu chuyện này, về việc Chúa báo cho các môn đệ biết Người sẽ phải lên Giê-ru-sa-lem và phải chịu đau khổ bởi các kỳ lão và sẽ chịu chết.  Khi thánh Phê-rô nghe Chúa nói điều đó thì ông đã phiền trách, can gián Chúa “Lạy Thầy, xin Chúa giúp Thầy khỏi điều đó. Thầy chẳng phải như vậy đâu.”  Nhưng Chúa Giê-su đã quở trách Phê-rô “Hỡi Satan, hãy lui ra đàng sau Thầy: con làm cho Thày vấp phạm, vì con chẳng hiểu biết những sự thuộc về Thiên Chúa, mà chỉ hiểu biết những gì thuộc về loài người.”  Các tông đồ cần một niềm hy vọng, cần một sự thúc đẩy tinh thần sau khi Chúa mạc khải cho các ông biết về con đường mà Người sẽ phải đi.  Các tông đồ cần một sự can đảm mạnh mẽ và ghi nhớ hình ảnh vinh quang, để đối diện với sự việc sắp xảy ra cho Thầy mình và cho chính mình.

Ông bà anh chị em thân mến.  Giáo hội cho chúng ta nghe câu chuyện Chúa Biến Hình trong mùa Chay vì chúng ta cũng cần một sự can đảm, mạnh mẽ để thông phần với cuộc khổ nạn và thương khó của Chúa trong Tuần Thánh. Qua sự biến hình, Chúa Giêsu muốn chúng ta nhận biết và tin Người là Con Thiên Chúa và sẽ phục sinh vinh quang từ cõi chết.  Chúng ta cần ơn và sức mạnh của Lời Chúa, để hy sinh thời giờ cầu nguyện, ăn chay hãm mình, cũng như từ bỏ những thói hư, tật xấu và cuộc sống lầm lạc, để thành tâm cải thiện đời sống, và ăn năn sám hối để có đời sống thánh thiện và tốt lành hơn.  Chúng ta cần được nghe câu chuyện Chúa Biến Hình để chúng ta có sức mạnh đối diện với những khó khăn, thử thách và cám dỗ trong đời sống. Và hơn hết, trong những tuần làm lá này, chúng ta cần được nghe câu chuyện Chúa Biến Hình để chúng ta nhận ra được ý nghĩa và ân sủng của Chúa, qua sự hy sinh thời giờ, khó nhọc, không màng thiệt thòi và chịu đựng thời tiết xấu, khắc nghiệt này, để hy sinh phục vụ xây dựng giáo xứ, cũng như có tấm lòng bác ái và quảng đại để làm sáng danh Chúa. Chúa Giê-su, Ngôi Hai Thiên Chúa và Đấng Cứu Thế, vì yêu thương và muốn củng cố lòng tin của chúng ta, để chúng ta can đảm đón nhận và có sức mạnh sống thánh ý Chúa, cho nên Chúa cho chúng ta thấy sự vinh quang của Người.

Nói tóm lại, ông bà anh chị em thân mến, nếu chúng ta muốn đi đến vinh quang của Chúa, chúng ta phải trải qua những khó khăn và thử thách, phải qua những sự hy sinh và bác ái, qua sự trung thành, và tín thác vào tình yêu của Thiên Chúa như Abraham trong bài đọc 1 hôm nay.  Thiên Chúa muốn thử đức tin của ông bằng cách ra lệnh cho ông phải giết Isaac, người con một duy nhất chính Thiên Chúa đã ban cho ông trong lúc tuổi già. Với một niềm tin sắt đá vào Thiên Chúa, ông đã giơ dao sẵn sàng giết con theo lệnh truyền của Thiên Chúa. Thiên Chúa nhìn thấu suốt tâm hồn Abraham, đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa. Vì Thiên Chúa muốn thử ông, nên khi thấy ông đã chứng tỏ niềm tin, Thiên Chúa không cần ông phải thêm điều gì nữa.

Nếu chúng ta đặt trọn niềm tin vào Chúa, chúng ta sẽ đi qua một cuộc biến đổi trong hồng ân của Chúa, để như bà mẹ trẻ trong câu truyện trên, chúng ta sẽ nhận ra được ý nghĩa và giá trị sâu sa của đời sống Ki-tô hữu, cảm nhận được sự an bình hạnh phúc trong tình yêu của Chúa, và đi đến vinh quang Chúa. Trong những khó khăn, thử thách, đau khổ và thập giá vì đức tin, vì Lời Chúa, và vì Chúa, chúng ta nhìn lên cây Thánh Giá Chúa Giê-su và nhớ lại câu chuyện biến hình của Chúa hôm nay, để nhận ra sức mạnh và lòng yêu thương và sự quan phòng của Thiên Chúa, và nhất là tìm được ánh sáng hy vọng, hạnh phúc và vinh quang của Chúa nơi cuối chân trời. 

Về mục lục

 

THẾ GIỚI NÀO LÀ ẢO?

Lm. Jos Tạ Duy Tuyền

Hôm nay người ta nói nhiều về thế giới ảo. Thế giới của mạng Internet. Thế giới dấu mặt. Thế giới mà con người chỉ biết nhau trong những ảo ảnh wedcam hay do photoshop tạo ra. Thế giới mà người ta có thể đánh lừa nhau qua những phần mềm thông minh. Ở nơi đây chúng ta gặp thấy rất nhiều con người sống hai mặt. Ở trong thế giới ảo họ tha hồ tâng bấc về mình. Họ tha hồ vẽ ra khuôn mặt đáng thương của mình. Ở thế giới ảo rất khác xa với thế giới thật mà họ đang sống. Thế nên, rất nhiều người vỡ mộng. Rất nhiều người bị lừa. Rất nhiều người oan gia vì quá tin người.

Thế giới ảo và thế giới thật khác nhau. Con người ảo và con người thật cũng khác nhau. Nhưng phải chăng chỉ có ở thế giới mạng mới sống ảo, còn cuộc sống hiện thực thì chân thực? Khó mà có câu trả lời chính xác, vì “Sông sâu còn có kẻ dò – Lòng người nham hiểm trùng khơi khôn dò”. Thế giới thật vẫn còn đó những người sống ảo. Họ cố gắng che đậy sự thật về mình. Họ sống hai mặt như đồng tiền hai mặt không bao giờ giống nhau. Thế giới thiện – ác. Chân thật-giả dối.

Cuộc sống luôn có hai mặt. Con người lại là một diễn viên tài giỏi luôn che đậy những sự thật thầm kín bên trong.

Cuộc sống vốn thật thật giả giả khó phân biệt. Sự thật là thế. Nhưng người sống ảo sẽ không bao giờ hạnh phúc. Lương tâm luôn làm họ buồn bã, lo âu, sợ hãi. Chỉ có “sự thật mới giải thoát chúng ta”. Sống thật mới đem lại niềm vui nội tâm cho tâm hồn. Sống thiếu chân thật chỉ dày vò chúng ta trong bể khổ trần gian.

Cuộc sống của Chúa Giê-su dưới mắt người đời thì hoàn toàn là một người phàm. Vì Ngài đã trở nên giống như con người ngoại trừ tội lỗi. Thế nhưng, Ngài luôn sống thật khi tỏ ra mình là Thiên Chúa. Ngài luôn tỏ mình là người nhưng còn mang bản tính Thiên Chúa. Ngài đã làm nhiều phép lạ phi thường để tỏ mình có quyền năng của Thiên Chúa. Ngài phục sinh kẻ chết. Ngài đe sóng gió biển cả phải im lặng. Đó là những việc ngoài khả năng của con người. Đó là việc của Thiên Chúa mới có thể thắng vượt sự dữ.

Hôm nay trên núi Tabor, Chúa còn tỏ rõ nét hơn về dung nhan của Ngài là Thiên Chúa. Một Thiên Chúa thánh thiện vô cùng. Một Thiên Chúa quyền năng. Một Thiên Chúa uy nguy đến độ các môn đệ say xưa chiêm ngắm Người. Phê-rô đã bộc trực nói lên suy nghĩ của mình. Ông ao ước được chiêm ngắm dung nhan Thầy như lúc này mãi mãi. Ông bảo rằng: “Ở đây thì tốt quá, xin cho con làm 3 lều, một cho Thầy, một cho Mô-sê và một cho Ê-li-a”. Phúc âm bảo rằng, ông nói nhưng chẳng biết tại sao mình nói, vì ông quá ngất ngây trước dung nhan hiển linh của Thầy.

Cuộc sống người ky-tô hữu cũng đẹp biết bao khi chúng ta sống thật với căn tính của mình. Căn tính của người ky-tô hữu là yêu thương. Yêu thương không ngăn cách với mọi hạng người. Yêu thương không xa lánh bất kỳ ai, kể cả kẻ thù. Yêu thương để hòa nhập với mọi khổ đau, bất hạnh của anh em để cảm thông, liên đới và sẻ chia. Đó là cách sống mà Chúa bảo: “Người ta cứ dấu này nhận biết các con là môn đệ Thầy là hãy yêu thương nhau”.

Xin cho chúng ta luôn biết sống chân thật trước mặt Chúa và tha nhân. Sự chân thật giúp chúng ta sống đúng với căn tính của mình. Sự chân thật sẽ mang lại niềm vui và hạnh phúc cho chúng ta. Amen

Về mục lục

 

KHAO KHÁT ĐẸP

Lm. DĐH, Gp. Xuân Lộc

Mơ ước đổi đời, hiểu theo nghĩa tích cực đó là điều tốt, ví như không có óc cầu tiến, người ta sẽ mãi chỉ mang một thân phận bất toàn : thiếu trình độ, ít khả năng, đầy yếu đuối, tật bệnh. Biết bao người thời nay thay hình đổi dạng bằng cách tới thẩm mỹ viện, do hình ảnh của họ không chuẩn, chưa đẹp, chưa hấp dẫn. Thay đổi nét đẹp bề ngoài, hay tút lại vẻ duyên dáng, tươi trẻ, cũng là điều dễ hiểu, khi xã hội hiện đại, giá trị thiện toàn tăng lên : “hình ảnh đẹp tạo nên sự tự tin, mang lại sự phấn chấn cho người xung quanh”.

Được thay đổi hay được biến đổi dù là nâng cao vẻ đẹp hình thức hay nội dung cũng đáng để người khác phải chú ý, lưu tâm. Hình ảnh đẹp của giới văn nghệ sĩ tại sân khấu, hay vẻ đẹp của nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng đều cần, vì tài sắc luôn đồng hành với nhau, hơn nữa họ là người của công chúng. Cho dù thay đổi, hay biến đổi đến mức độ nào, cũng phải hướng tới mục đích tốt đẹp bền vững, nếu không chỉ tốn công, tốn của, hoặc tốn thời gian vô ích mà thôi !

Theo quan sát chung, nhiều người đang có ý tìm thay đổi, làm mới khuôn mặt, đổi mới phong cách, nhưng còn quá ít người đủ ý thức để làm mới, đổi mới cuộc sống, tâm hồn mình ! Ba môn đệ thân tín được ở bên Đức Giêsu trên núi cao, các ông chứng kiến Thầy biến hình, một thay đổi toàn diện về quan niệm hạnh phúc, theo thánh sử Marcô diễn tả : “Áo Người trở nên chói lọi trắng như tuyết, không thợ giặt nào trên thế gian giặt trắng đến thế” ! Tại núi cao hôm đó, Đức Giêsu biến hình không phải là trở thành cái hình ảnh khác cho vui mắt, hay như “Tôn Ngộ Không” với phép thần thông biến hóa. Đức Giêsu biến hình là trở lại với vẻ đẹp sâu thẳm của Vị Thiên Tử, các môn đệ cảm nhận niềm vui tự ban đầu đến hạnh phúc trọng tâm : “Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời Người”.

Mang theo ba môn đệ lên núi biến hình, Đức Giêsu củng cố niềm tin cho các ông, một hé mở cho những ai thuộc Chúa sẽ được biến đổi nên tốt, nhờ tinh thần cầu nguyện, biết nghe và thực hành ý Chúa Cha muốn ! Điều Chúa Cha muốn nơi Đức Giêsu là chu toàn sứ mạng cứu độ theo chương trình xuống thế, làm người, chịu đau khổ, chịu chết rồi sống lại. Thao thức của Chúa là tất cả những ai thuộc về Chúa đều có tâm hồn đẹp, được hạnh phúc, theo Chúa không phải là được tiền tài, địa vị hoặc vợ đẹp con ngoan..… Người Kitô hữu một khi chấp nhận đi con đường hẹp của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được biến hình, đổi dạng, và đạt đến vinh quang như Thầy Giêsu. Cảm nghiệm như thánh Phaolô là “Thiên Chúa không dung tha chính Con Mình, lại phó thác Con vì chúng ta”. Do đó các môn đệ là những người đầu tiên diễm phúc được thấy, và đủ cảm nghiệm, như thế nào là niềm vui và hạnh phúc thực, khi các ông chứng kiến cuộc biến hình, được thông phần vào sứ mạng của Thầy mình.

Đời sống Kitô hữu chúng ta hiện tại là một cuộc lên núi và xuống núi với Chúa Kitô mỗi ngày, chiêm ngắm Chúa trên núi cao; nhưng cũng phải xuống núi với Chúa để được hiến mình phục vụ, hoàn tất ơn gọi nên thánh. Vì còn bất toàn, ông Phêrô đã biểu lộ ý riêng chưa đẹp chưa đúng, muốn được cùng Thầy ở luôn trên núi. Phêrô quá sung sướng khi chứng kiến những điều ông xem thấy trên ngọn núi cao, đến độ không muốn xuống núi ! Người theo Đức Kitô trong mọi thời đại đều phải “dựng lều” ở khắp thế gian, đi lên núi để cầu nguyện, nhận biết thánh ý Chúa rồi xuống núi để rao truyền lòng Chúa xót thương, thực thi sứ mạng người tông đồ.

Nơi cuộc sống “cái đẹp” bao giờ cũng thu hút, khiến người ta phải tìm kiếm và tận hưởng vẻ đẹp, nhưng nét đẹp bền vững mới đáng để ta tận hưởng đời đời. Nếu như có câu tục ngữ : “Cái nết đánh chết cái đẹp”, hẳn mỗi người nên hiểu vẻ đẹp bên trong tâm hồn của mình quan trọng đến chừng nào ? Nghệ thuật làm đẹp, hay việc thay mới, thay đổi hình dáng và tâm hồn vẫn là điều đáng nói đối với người Kitô hữu chúng ta qua các thời đại. Chính xác thì mỗi chúng ta cần được biến đổi cuộc sống và tâm hồn nên xứng hợp với Thiên Chúa. Khi ở bên các môn đệ, các ông có cảm giác Thầy mình không thường xuyên biến đổi hình dạng nên chói lọi, tinh trắng như tuyết; mà do tâm tình kết hiệp cầu nguyện, sống thánh ý Chúa Cha, làm nên cuộc biến hình, cho đến lúc các môn đệ bớt bất xứng, các ông đã nhận ra thế nào là được biến đổi.

Ba môn đệ theo Đức Giêsu lên núi, các ông không dám đòi Thầy mình cho các ông biến hình đổi dạng ngay lúc đó, dù các ông khao khát được biến đổi tâm hồn và muốn chiêm ngắm mãi hình ảnh Thầy trở nên xinh đẹp. Được ngắm nhìn dung nhan Đức Giêsu biến hình và khi nghe lời Chúa Cha nói: “Đây là Con Ta yêu dấu”, các môn đệ vừa thao thức vừa vui mừng trong hạnh phúc ngập tràn.

Tư thế hùng vĩ ở núi cao, cách nói nhẹ nhàng và trang trọng từ đám mây có tính thuyết phục khi các môn đệ xem, và thấy hình ảnh “trắng như tuyết”. Bằng niềm tin với tinh thần cầu nguyện, cuộc biến hình của Chúa Giêsu sẽ liên tục xảy ra trong lời giảng dạy và công việc Ngài đang làm nơi Giáo Hội. Cuối cùng để đạt đến niềm vui hạnh phúc thực, đang chờ đợi chúng ta hệ tại ở việc lên núi và xuống núi hàng ngày; và việc khao khát được thay đổi con người cũ của mình nên xinh đẹp, Chúa đang chờ đợi ta sống niềm tin, sống thánh ý Chúa trong ơn gọi của mình. Amen.

Về mục lục

 


TÌM LẠI PHẨM GIÁ VÀ HÌNH ẢNH CỦA THIÊN CHÚA NƠI MÌNH

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí  

Có một người chặt củi trên rừng tình cờ bắt được một tổ chim có một quả trứng bên trong. Anh liền đem quả trứng về nhà cho con gà ấp. Ít lâu sau, quả trứng nở ra một chú phượng hoàng con rất đẹp. Tuy nhiên, vì được ấp bởi một con gà và vì chung quanh mình cũng chỉ là những chú gà nên phượng hoàng con không hề biết mình là phượng hoàng. Ngày ngày, chú theo đàn gà đi kiếm ăn như những con gà khác. Một ngày kia, ngước lên trời, chú thấy có những con chim giống mình đang sải cánh bay lượn trên bầu trời. Những con chim kia bay lại và nói với phượng hoàng con rằng : Mi không phải là loài gà, mà là phượng hoàng, là vua của các loài chim, mi phải giang rộng đôi cánh để bay lên bầu trời chứ không thể theo sau đàn gà như thế được. Soi mình dưới dòng suối, quả thật chú thấy mình không giống gà tí nào mà lại giống những cánh phượng hoàng trên bầu trời. Chú tự tin giang cánh và lấy hết sức mình để bay lên cao. Kể từ đó, chú phượng hoàng giũ bỏ kiếp làm gà để trở thành phượng hoàng tung bay trên bầu trời.

Thưa quý OBACE, các bài đọc Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người phải trở về và khôi phục lại phẩm giá đích thực của mình là những người con của Thiên Chúa, mà tội lỗi và những lôi kéo của thế gian đã làm chúng ta quên mất ơn gọi và phẩm giá cao quý đó. Ơn gọi và phẩm giá này, chúng ta đã nhận được nhờ Người Con Duy Nhất của Thiên Chúa là Chúa Giêsu đã chết và sống lại để ban cho chúng ta.

Tin Mừng hôm nay cho thấy, Thiên Chúa Cha đã long trọng tái khẳng định Chúa Giêu là Con yêu quý của Ngài trước mặt các Tông đồ là những chứng nhân. Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đem theo những tông đồ thân tín nhất lên một ngọn núi cao. Ở đó, Ngài tỏ lộ vinh quang của một vị Thiên Chúa trước mắt các ông. Dù trước đây đã được đi theo Chúa, được chứng kiến các phép lạ Chúa làm và nghe những lời giảng dạy của Chúa, nhưng có vẻ các Tông đồ vẫn chưa hoàn toàn xác tín vào Chúa Giêsu là Đấng Cứu thế. Vì cũng giống như nhiều người Do Thái khác, các ông cũng chỉ mong đợi một Đấng Cứu Thế quyền lực chứ không muốn một Đấng Cứu Thế khiêm nhu như một người tôi tớ.

Trong cuộc biến đổi hình dạng này, Chúa Giêsu muốn cho các Tông đồ thấy rằng, Ngài không chỉ là một vị Thầy quyền năng, nhưng ẩn khuất nơi con người của Ngài còn là mội vị Thiên Chúa. Tin Mừng đã diễn tả vinh quang Thiên Chúa bằng cách so sánh : Áo Người trở nên rực rỡ trắng tinh, không có thợ giặt nào của trần gian có thể giặt được như thế. Tác giả Tin Mừng còn kể tiếp : Các môn đệ thấy ông Elia và ông Môse hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Sự xuất hiện của hai gương mặt lớn thời Cựu Ước, Êlia và Môsê, đại diện cho Lề luật và các Ngôn sứ, nói lên rằng : Tin Mừng nhận ra Chúa Giêsu chính là trung tâm, là Đấng mà toàn bộ Cựu Ước hướng tới.

Các Tông đồ hết sức hạnh phúc khi chứng kiến cuộc biến đổi hình dạng của Thầy mình. Các ông ngây ngất khi được nếm hưởng một chút vinh quang Thiên Chúa nơi Chúa Giêsu. Simon Phêrô và các Tông đồ muốn kéo dài mãi giây phút hạnh phúc ấy. Các ông đã xin được cắm lều ở lại luôn trên núi. Tuy nhiên, mục đích của Chúa Giêsu khi cho các Tông đồ thấy vinh quang Thiên Chúa nơi Ngài là để chuẩn bị cho các ông đón nhận biến cố tử nạn khổ giá sắp tới. Từ trong đám mây bao phủ, có tiếng phán : Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người. Lời này chắc chắn Thiên Chúa Cha muốn nói với các Tông đồ, vì chung quanh không còn ai khác. Thiên Chúa Cha muốn các Tông đồ vâng lời Chúa Giêsu, lời đó là lời nào ? Từ trên núi xuống, Chúa Giêsu bắt đầu nói với các ông về cái chết và sự sống lại của Ngài. Đó là điều các Tông đồ không hiểu, không muốn, nhưng lại là điều các ông phải chấp nhận, cần vâng nghe và đón nhận khi sự việc xảy ra.

Qua biến cố biến hình, Thiên Chúa Cha không chỉ giới thiệu Con của Ngài cho các Tông đồ, mà Ngài như muốn trao nộp người Con ấy cho nhân loại : Đây là Con ta yêu dấu. Việc trao nộp này dù là một đau đớn, mất mát, nhưng vì yêu thương nhân loại mà Thiên Chúa đã chấp nhận cuộc trao đổi để Con Một của mình trở nên một con người trong nhân loại, trở nên một hy lễ đền tội và để đón nhận cả nhân loại làm con của mình.

Lời của Thiên Chúa không phải lúc nào cũng dễ dàng để vâng nghe. Ngày xưa, tổ phụ Apbraham đã vâng nghe lời Thiên Chúa đến tột cùng, ông không hối tiếc để dâng đứa con duy nhất cho Thiên Chúa, dù tâm hồn ông đau đớn, nát tan. Thiên Chúa đã thử ông khi Ngài nói : Ngươi hãy đem người con duy nhất của người là Isaac, mà dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên một ngọn núi Ta sẽ chỉ cho. Mặc dù đau đớn trong lòng, dù phải chính tay sát tế con mình, thế nhưng vì vâng phục Thiên Chúa hoàn toàn, Apraham đã không một lời oán trách Thiên Chúa, ông đã hoàn toàn vâng nghe lời Chúa truyền dạy.

Thiên Chúa chỉ thử thách sự vâng phục của Apbraham. Ngài không nỡ để ông mất hết hy vọng, Ngài đã hiểu được tấm lòng của Apbraham và đã trả lại đứa con cho ông. Không chỉ thế, để đáp lại thái độ sẵn sàng vâng nghe của Apbraham, Thiên Chúa một lần nữa lặp lại lời cam kết với ông : Ta sẽ giáng phúc cho ngươi và sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên như sao trên trời và như cát bãi biển. Đó chính là phần thưởng cho những ai yêu mến và vâng phục Thiên Chúa.

Thánh Phaolô đã nhận ra tình yêu thương và lòng quảng đại vô biên của Thiên Chúa dành cho những ai vâng nghe lời Chúa Giêsu truyền dạy, khi cho thấy rằng, Thiên Chúa không bao giờ hẹp hòi với con người ; trái lại, Ngài luôn quảng đại, yêu thương và tha thứ, vì : Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tiếc, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng ban tất cả cho chúng ta ?

Thiên Chúa vì yêu thương nhân loại mà chấp nhận một cuộc trao đổi. Ngài ban tặng Chúa Giêsu, Con của Ngài cho thế gian và đón nhận mỗi chúng ta làm con của Ngài. Qua Bí tích Rửa tội, chúng ta thực sự được thanh tẩy và trở nên con Thiên Chúa. Tuy nhiên, tội lỗi và những lôi kéo của thế gian và sự lừa đảo của ma quỷ đã khiến cho nhiều người quên mất ơn gọi và phẩm giá làm con Thiên Chúa của mình. Nhiều người đã để tội lỗi làm cho hình ảnh của Thiên Chúa nơi mình bị biến dạng hoặc lu mờ. Nhiều người khác đã để thế gian lôi kéo làm quên lối về, hoặc do sống buông thả kiến họ mãi cứ lầm lũi như con phượng hoàng đi theo đàn gà trong câu chuyện kể trên.

Mùa Chay chính là dịp để mỗi người soi lại mình trong tấm gương là Chúa Giêsu, để nhận ra địa vị làm con Thiên Chúa mà Chúa Giêsu đã đem lại cho chúng ta, để mỗi người hãy sống tâm tình con thảo với Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu đã sống. Thiên Chúa không đòi chúng ta điều gì hơn, là muốn chúng ta vâng phục và yêu mến Ngài. Vâng phục Thiên Chúa không làm cho chúng ta trở nên thấp kém hay vong thân, nhưng trái lại, khi vâng phục Thiên Chúa, chúng ta được gieo mình vào vòng tay yêu thương và được sự bảo bọc của Thiên Chúa là Cha. Cũng vậy, Chúa muốn chúng ta yêu mến Ngài không phải vì Ngài cần đến tình yêu của chúng ta, nhưng khi yêu mến Chúa, chúng ta sẽ đón nhận được sức sống và được sống trong Chúa.

Giống như ngày đầu năm mới, chúng ta làm mới lại nhà cửa, con người. Cũng vậy, mùa Chay là mùa để mỗi người làm mới lại bản thân trước mặt Thiên Chúa, lau chùi khỏi chúng ta những bụi bặm của lối sống lười biếng, hời hợt, cũ kỹ để mang lấy một thái độ mới, một lối sống mới. Hãy làm mới lại tương quan của chúng ta với Chúa qua việc thanh tẩy mình khỏi những dơ bẩn của tội lỗi để đến với Chúa với một tâm hồn trong sạch, hiếu thảo. Điều quan trọng Chúa muốn nơi chúng ta là hãy vâng nghe lời của Chúa Giêsu, Con của Ngài.

Hãy để tai và để tâm lắng nghe lời Chúa mỗi ngày trong Thánh lễ, vì nơi đây, Lời Chúa được dọn sẵn cho mỗi người, phù hợp cho từng hoàn cảnh sống của con người. Lời Chúa cũng cần được lắng nghe nơi gia đình qua các giờ kinh sớm tối. Hãy để cho Lời Chúa thấm vào tâm hồn và hướng dẫn mọi công việc, toan tính và hành động, giúp mỗi người chu toàn bổn phận của mình theo ý Chúa.

Xin Chúa qua sự bầu cử của Mẹ Maria, cho mỗi người nhờ vâng nghe lời Chúa, được thanh luyện mỗi ngày nên tốt đẹp hơn, nên xứng đáng là con yêu dấu của Chúa hơn, giúp chúng ta ngẩng cao đầu và tung cánh bay trong bầu trời yêu thương của Thiên Chúa. Amen.

Về mục lục

 

CÁCH YÊU THƯƠNG

 

Trầm Thiên Thu

Không ai nhìn thấy hoặc có thể chạm vào tình yêu, thế nhưng người ta vẫn tin tình yêu có thật và cảm nhận được. Tuy nhiên, không phải cứ nói yêu là thương, mà phải biết cách yêu thương. Có những cái xuôi mà ngược, thuận mà nghịch, và ngược lại. Ở đây muốn nói về tình yêu thương cốt lõi: Gia đình.

Tục ngữ Việt Nam có câu: “Thương con cho roi, cho vọt; ghét con cho ngọt, cho bùi”. Nghe chừng “ngược đời” lắm! Nghịch mà thuận, Thánh Phaolô đã xác định: “Chúa thương ai thì mới sửa dạy kẻ ấy, và có nhận ai làm con thì Người mới cho roi cho vọt” (Dt 12:6).

Nhân vô thập toàn. Chẳng có ai hoàn hảo. Chỉ một mình Thiên Chúa hoàn hảo. Quả thật, ngay cả người công chính cũng phạm tội 7 lần mỗi ngày (Cn 24:16). Thế thì chúng ta không thể cầu toàn, nhưng cái khó là chúng ta phải biết chấp nhận nhau. Yêu thương không phải vì TÌM ĐƯỢC người hoàn hảo, mà vì HỌC ĐƯỢC cách nhìn người-không-hoàn-hảo một cách hoàn hảo. Khó lắm, nhưng không phải không làm được. Khó mà làm được mới hay, dễ thì ai cũng làm được, chẳng có gì đáng tâm phục và khẩu phục. Nếu không làm được thì chắc chắn Chúa Giêsu không bảo chúng ta “hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48). Đã có nhiều người làm được và họ đã nên thánh.

Mùa Chay gọi là “mùa thánh”, mùa “xé lòng”, mùa cố gắng sửa đổi, ăn năn, sám hối, mùa thuận tiện để hoàn thiện, hoàn thiện để nên thánh. Rất cần thiết, rất cấp bách, vì “không thánh thiện thì không được thấy Chúa” (Dt 12:14). Chắc chắn như vậy!

Sai lầm thì phải chịu sửa, có tội thì phải bị phạt. Đó là điều tất nhiên. Nhưng không sai lầm và vô tội mà vẫn phải chịu đau khổ, thế mới… “lạ”. Thánh Gióp là trường hợp điển hình nhất. Ông là người tốt lành, hiền lành, công chính, nhưng ông đã phải chịu đau khổ tới tột cùng. Thiên Chúa không “chơi ép” ông, nhưng Ngài muốn vậy để nêu gương cho chúng ta, muốn chúng ta tôn vinh Ngài cách đặc biệt – cách “khác người”. Chịu đau khổ là diễm phúc (Mt 5:11).

Sau nhiều chuyện xảy ra, Thiên Chúa còn thử lòng ông Ápraham. Ngài gọi ông và ông thưa: “Dạ, con đây!” (St 22:1). Ngài bảo ông đem đứa con một yêu dấu Ixaác đến xứ Môrigia để dâng làm lễ toàn thiêu ở trên một ngọn núi mà chính Ngài sẽ chỉ cho. Chúng ta gọi là “thử lòng”, nhưng thật ra Thiên Chúa thấu suốt mọi sự, Ngài không cần thử thách ai, mà Ngài chỉ muốn lập công cho chính đương sự mà thôi.

Tới nơi Thiên Chúa đã chỉ, ông Ápraham dựng bàn thờ tại đó, xếp củi lên, trói con trai Ixaác, và đặt lên bàn thờ, trên đống củi. Rồi ông Ápraham đưa tay ra cầm lấy dao để sát tế con mình. Ông có con trai yêu quý nhưng ông vẫn vâng lời Chúa mà sẵn sàng sát tế con mình, không thắc mắc, không so đo. Nếu là chúng ta, liệu chúng ta có dám? Chắc hẳn là “còn khuya”. Vì chúng ta sẽ lý luận: Thiên Chúa là Đấng tốt lành mà lại bảo mình làm điều ác sao? Ngài là Sự Sống (Ga 14:6) mà lại bảo mình giết người ư? Vậy là Thiên Chúa mâu thuẫn, mình không thể làm theo lệnh truyền như vậy. Thế mà ông Ápraham vẫn “vô tư” làm theo lệnh truyền “ngược đời” như vậy. Lạ quá! Tin tuyệt đối. Bài học Đức Tin lớn quá!

Và rồi ngay khi ông sắp hạ sát con mình, sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông và ông cũng thưa: “Dạ, con đây!” (St 22:11). Ngài nói: “Đừng giơ tay hại đứa trẻ, đừng làm gì nó! Bây giờ Ta biết ngươi là kẻ kính sợ Thiên Chúa: đối với Ta, con của ngươi, con một của ngươi, ngươi cũng chẳng tiếc!” (St 22:12).13 Ông Ápraham ngước mắt lên nhìn, thì thấy phía sau có con cừu đực bị mắc sừng trong bụi cây, ô liền đi bắt con cừu ấy mà dâng làm lễ toàn thiêu thay cho con mình.

Sứ thần của Đức Chúa từ trời gọi ông Ápraham một lần nữa và trao cho ông lời hứa: “Đây là sấm ngôn của Đức Chúa, Ta lấy chính danh Ta mà thề: bởi vì ngươi đã làm điều đó, đã không tiếc con của ngươi, con một của ngươi, nên Ta sẽ thi ân giáng phúc cho ngươi, sẽ làm cho dòng dõi ngươi nên đông, nên nhiều như sao trên bầu trời, như cát ngoài bãi biển. Dòng dõi ngươi sẽ chiếm được thành trì của địch. Mọi dân tộc trên mặt đất sẽ cầu chúc cho nhau được phúc như dòng dõi ngươi, chính bởi vì ngươi đã vâng lời Ta” (St 22:16-18). Thiên Chúa coi trọng đức vâng lời: “Vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9). Tổ phụ Ápraham đã vâng lời vô điều kiện, do đó ông được Thiên Chúa hứa ban những điều tốt lành. Ai có công thì đáng được thưởng.

Hạnh phúc nào cũng có đau khổ. Hạnh phúc và đau khổ tỷ lệ thuận với nhau. Đau khổ càng nhiều thì hạnh phúc càng lớn. Tác giả Thánh Vịnh xác nhận: “Tôi đã tin cả khi mình đã nói: ‘Ôi nhục nhã ê chề!’” (Tv 116:10). Cay đắng lắm, thế mà vẫn tin, thật đáng khâm phục! Nhưng cái gì cũng có lý do, có cái giá của nó: “Đối với Chúa thật là đắt giá cái chết của những ai trung hiếu với Người. Vâng lạy Chúa, thân này là tôi tớ, tôi tớ Ngài, con của nữ tỳ Ngài, xiềng xích trói buộc con, Ngài đã tháo cởi. Con sẽ dâng lễ tế tạ ơn, và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116:15-17).

Tác giả Thánh Vịnh bộc bạch: “Lời khấn nguyền với Chúa, tôi xin giữ trọn, trước toàn thể dân Người, tại khuôn viên đền Chúa, giữa lòng ngươi, hỡi Giêrusalem! Allêluia” (Tv 116:18-19). Vâng lời và yêu thương có hệ lụy với nhau. Vâng lời vì yêu thương, yêu thương thì sẵn sàng vâng lời. Rất lô-gích! Vâng lời là chấp nhận thực hiện điều gì đó với sự vui vẻ và trong niềm tin tưởng. Không yêu thương thì không thể vâng lời như vậy.

Trong cuộc sống, chúng ta vẫn đinh ninh là tin Chúa nhưng đôi khi chúng ta lại “ngại” vâng lời. Thật không? Tại sao? Bởi vì chúng ta vẫn chưa dám thực hiện theo Ý Chúa, mà Ý Chúa có khi trái ngược với ý chúng ta. Chưa dám thực hiện thì có nghĩa là chưa thực sự tin tưởng hoặc tín thác.

Thánh Phaolô đặt vấn đề: “Có Thiên Chúa bênh đỡ chúng ta, ai còn chống lại được chúng ta?” (Rm 8:31b). Và thánh nhân lý luận: “Đến như chính Con Một, Thiên Chúa cũng chẳng tha, nhưng đã trao nộp vì hết thảy chúng ta. Một khi đã ban Người Con đó, lẽ nào Thiên Chúa lại chẳng rộng ban tất cả cho chúng ta? Ai sẽ buộc tội những người Thiên Chúa đã chọn? Chẳng lẽ Thiên Chúa, Đấng làm cho nên công chính? Ai sẽ kết án họ? Chẳng lẽ Đức Giêsu Kitô, Đấng đã chết, hơn nữa, đã sống lại, và đang ngự bên hữu Thiên Chúa mà chuyển cầu cho chúng ta?” (Rm 8:32-34). Vâng, theo nhân tính, Chúa Giêsu đã phải thốt lên: “Sao Cha nỡ bỏ con?” (Mt 27:45; Mc 15:34; x. Tv 22:2). Nhưng Chúa Cha vẫn… lặng im. Lạy Chúa tôi!

Thiên Chúa đã xác định rạch ròi với chúng ta: Tư tưởng của Ta không phải là tư tưởng của các ngươi, và đường lối các ngươi không phải là đường lối của Ta. Trời cao hơn đất chừng nào thì đường lối của Ta cũng cao hơn đường lối các ngươi, và tư tưởng của Ta cũng cao hơn tư tưởng các ngươi chừng ấy (Is 55:8-9). Thật vậy, khi ngăn cản Thầy Giêsu đi chịu chết, đệ tử Phêrô đã bị Thầy mắng nặng lời: “Satan! lui lại đàng sau Thầy! Vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mc 8:3). Ngày nay chúng ta gọi kiểu “khôn” này là “trứng khôn hơn vịt” hoặc “cầm đèn chạy trước ô-tô”. Chúng ta cũng thường mắc “tật” này, không chỉ với tha nhân, mà với cả Chúa đấy. Gan chúng ta cũng “to” lắm!

Sau khi Chúa Giêsu tiến báo lần thứ nhất về cuộc thương khó và phục sinh (Mt 16:21-23; Mc 8:31-33; Lc 9:22) và đưa ra điều kiện để theo Ngài (Mt 16:24-28; Mc 8:34-38; Lc 9:23-27), Đức Giêsu còn nói với họ: “Tôi bảo thật các người: trong số những người có mặt ở đây, có những kẻ sẽ không phải nếm sự chết, trước khi thấy Triều Đại Thiên Chúa đến, đầy uy lực” (Mc 9:1).

Và sáu ngày sau, Ngài đem ba “đệ tử ruột” (Phêrô, Giacôbê và Gioan) đi theo mình. Ngài đưa các ông đi riêng ra một chỗ, chỉ mình các ông thôi, tới một ngọn núi cao. Rồi Ngài biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục Ngài trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy. Họ thấy ông Êlia cùng ông Môsê hiện ra đàm đạo với Sư Phụ của mình. Bấy giờ, ông Phêrô thưa với Đức Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môsê, và một cho ông Êlia” (Mc 9:5).

Thánh Mác-cô cho biết: “Thực ra, ông không biết phải nói gì, vì các ông kinh hoàng” (Mc 9:6). Thì phải kinh hoàng thôi, phần thì chưa thấy bao giờ, phần thì quá kỳ lạ. Lạ thì lạ nhưng sướng cũng sướng. Quá “đã”! Sướng đến nỗi ông Phêrô quên mình và hai anh bạn, chỉ xin làm lều cho Sư Phụ và hai nhân vật quan trọng (VIP, Very Important Person) mà thôi. Nếu người ta thực sự thấy “phép lạ” (chính hiệu chứ không là “sự lạ”), người ta sẽ quên hết mọi sự và thay đổi cuộc đời ngay!

Ba đệ tử đang “ngon trớn”, bỗng có một đám mây bao phủ các ông. Từ đám mây phát ra tiếng nói: “Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người” (Mc 9:7). Mèn ơi! Lại lạ lùng nữa! Các ông chợt nhìn quanh thì không thấy ai nữa, chỉ còn Đức Giêsu với các ông mà thôi. Tiếc hùi hụi! Và khi ở trên núi xuống, Đức Giêsu truyền cho các ông không được kể lại cho ai nghe những điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại.

Thiên Chúa rất công bằng. Được nhiều sẽ bị đòi lại nhiều, được ít thì bị đòi ít. Đừng tưởng được nhiều mà kiêu ngạo, nhưng đừng thấy mình được ít mà buồn hoặc so đo kèn cựa với người được nhiều! Ba môn đệ được “ưu tiên” thấy Chúa Giêsu biến hình vì Ngài muốn củng cố đức tin cho họ, và tất nhiên được ưu tiên thì cũng phải “trả giá” cân xứng thôi.

Thiên Chúa yêu thương chúng ta vô cùng, dù chúng ta chỉ là tội nhân và hoàn toàn bất xứng với Ngài, chúng ta không có quyền đòi hỏi. Thế nhưng Ngài đã bắt Con Yêu Dấu Giêsu chịu đau khổ tới tận cùng bảng số. Và Chúa Giêsu đã “cam chịu để cho những người tội lỗi chống đối mình để chúng ta khỏi sờn lòng nản chí” (Dt 12:3) khi phải chịu gian khổ trong cuộc sống. Thật vậy, “ví phỏng đường đời bằng phẳng cả, anh hùng hào kiệt có hơn ai” (chí sĩ ái quốc Phan Bội Châu).

Cuộc đời luôn có sự đấu tranh, luôn phải chiến đấu với mọi thứ, thậm chí chiến đấu với cả chính mình. Cuộc chiến nào cũng cam go, càng cam go hơn khi đó là cuộc chiến tâm linh. Thánh Phaolô so sánh: “Quả thật, trong cuộc chiến đấu với tội lỗi, anh em chưa chống trả đến mức đổ máu” (Dt 12:3-4). Cha mẹ yêu thương con cái, nhưng đâu phải chúng đòi hỏi gì cũng được. Có những thứ không cho hoặc cấm thì mới là yêu thương thật. Phàm nhân là kẻ xấu mà còn như vậy huống gì Thiên Chúa, Đấng chí thánh.

Vâng, Thiên Chúa yêu thương chúng ta rất đặc biệt, nên Ngài cũng muốn chúng ta sống “khác người” – tất cả phải NHỜ Ngài, VỚI Ngài và TRONG Ngài. Cách yêu thương của Ngài độc nhất vô nhị, độc đáo lắm!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết chân nhận tình yêu Ngài dành cho chúng con ngay khi chúng con chịu đau khổ giữa cuộc đời này, để trong mọi hoàn cảnh, chúng con vẫn tin kính Ngài là Thiên Chúa duy nhất, biết yêu mến Ngài hết linh hồn và hết trí khôn. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

 

BA NGỌN NÚI

Lm. Giuse Nguyễn Hữu An

Núi là biểu tượng cho sự uy nghi, hùng vĩ, cao cả. Trong Thánh Kinh, núi thường được xem là nơi gặp gỡ giữa trời và đất, giữa thần linh và con người. Những mạc khải quan trọng trong Thánh Kinh đều diễn ra trên núi.

Trong tác phẩm “Đức Giêsu thành Nazareth”, suy niệm về biến cố Hiển Dung, Đức Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã viết những lời thật ý nghĩa về các ngọn núi: “Chúa Giêsu đem theo các ông Phêrô, Giacôbê và Gioan riêng với mình và dẫn họ lên một ngọn núi cao (Mc 9,2). Chúng ta lại gặp ba vị này trong vườn Cây Dầu (Mc 14,33), lúc đó cơn âu lo cuối cùng của Đức Giêsu như hình ảnh nghịch lại với Hiển Dung, dù vậy cả hai vẫn thuộc vào nhau. Ở đây không nên bỏ qua đoạn Xh 24, ông Môisen lên núi cùng với Aaron, Nadab và Abihu, có lẽ cùng với 70 vị trưởng lão của Israel.

Ở đây, như lời bài giảng trên núi và trong những đêm cầu nguyện của Đức Giêsu, chúng ta lại gặp núi như vị trí gần gũi cách đặc biệt với Thiên Chúa. Chúng ta nhìn tổng hợp một lần những ngọn núi khác nhau trong đời sống Đức Giêsu: núi cám dỗ; núi lúc Người ngồi rao giảng; núi cầu nguyện; núi Hiển Dung; núi âu lo; núi thập tự và cuối cùng là núi Thăng Thiên, trên đó – nghịch lại với lời mời đón nhận vương quyền thế giới do quyền lực của ma quĩ – Chúa tuyên bố: “Thầy đã được trao toàn quyền trên trời dưới đất” (Mt 28,18). Nhưng trong hậu cảnh, người ta cũng thấy xuất hiện các ngọn núi Sinai; Horep; Morija- các ngọn núi mạc khải của Cựu Ước, kết hợp làm một với núi khổ nạn và núi mạc khải; tất cả chúng đều hướng đến núi Đền Thờ, nơi đó mạc khải trở thành phụng vụ.

Nếu chúng ta đi tìm một lời giải thích, sẽ gặp ở hậu cảnh biểu trưng chung về núi: núi là vị trí nâng cao, không những phải trèo lên bên ngoài, nhưng ngay cả bên trong; núi như giải thoát gánh nặng thường nhật, như hít thở không khí trong lành của sáng tạo; núi cho chúng ta một cái nhìn thật xa và vẻ đẹp của vũ trụ; núi cho tôi một cảm giác nâng cao trong tâm hồn và cho tôi cảm nghiệm về Đấng Sáng Tạo. Ngoài lịch sử, còn có cảm nghiệm về một Thiên Chúa, Đấng đang nói và kinh nghiệm về cuộc khổ nạn mà đỉnh cao đạt được trong cuộc hy tế Isaac, trong hy tế Con chiên, tiền ảnh của Con Chiên cuối cùng bị sát tế trên núi Golgotha. Trên núi, ông Môisen và ông Êlia được đón nhận mạc khải của Thiên Chúa; các ngài đàm đạo với Đấng là mạc khải của Thiên Chúa nơi bản thân Người”. (x.Đức Giêsu thành Nazareth, Lm Aug Nguyễn Văn Trinh biên dịch, trang 266-267).

Các bài đọc Thánh Kinh của Chúa nhật hôm nay nói đến ba ngọn núi. Núi Moria đức tin, Tabor vinh quang và Golgotha tình yêu.

1/ Núi Moria, núi niềm tin

Bài đọc 1 kể về ngọn núi Moria. Trên núi cao, Tổ phụ Abraham sẵn sàng hiến tế con trai duy nhất cho Thiên Chúa.

Tổ phụ Abraham có quê hương miền Lưỡng Hà. Chúa gọi ông tại Haran, lúc ông 75 tuổi. Chúa hứa cho ông có một dòng dõi đông đúc như sao trên trời, như cát bãi biển (St 12,1-5). Chờ đợi mãi, dài đến 25 năm sau, bà Sara mới sinh cho ông được một người con duy nhất. Abraham bước vào tuổi 100, lời hứa của Thiên Chúa được thực hiện. Niềm vui quá lớn trong ngày con trẻ chào đời (St 21,1-7). Bồng ẳm con trẻ, ông thấy tương lai của cả một dân tộc hùng mạnh. Vợ chồng già hạnh phúc ngập tràn trong tiếng khóc tiếng cười trẻ thơ. Isaac là đứa con của lời hứa, là cây gậy nương tựa tuổi già.

Thế rồi vào một ngày kia, Chúa phán với ông: “Abraham, Abraham! Ngươi hãy đem Isaac, đứa con một yêu dấu của ngươi, và đi đến đất Moria, ở đó, ngươi sẽ dâng nó làm của lễ toàn thiêu trên núi Ta sẽ chỉ cho ngươi “. Tiếng sét ngang tai làm ông chết lặng. Lệnh truyền sát tế Isaac, vượt quá tầm nghĩ của con người. Lời chúc phúc của Thiên Chúa cho ông làm tổ phụ các dân tộc, sẽ thành mây khói. Lệnh truyền làm ông đau nhói ruột gan.

Nhưng với niềm tin mãnh liệt, Abraham thi hành lập tức lệnh truyền ấy. Ngay khi ông đang giơ cao con dao để hạ sát con trai, Thiên Chúa đã ngăn cản bàn tay ông. Chúa phán: “Đừng giết con trẻ và đừng động đến nó, vì giờ đây Ta biết ngươi kính sợ Chúa, đến nỗi không từ chối dâng đứa con duy nhất cho Ta “.

Đức tin và lòng vâng phục của tổ phụ Abraham trở nên gương mẫu cho muôn thế hệ.

Tác giả thư Do Thái viết: “Bởi tin, Abraham được kêu gọi vâng lời ra đi đến xứ ông sẽ lấy làm cơ nghiệp, ông ra đi mà chẳng biết mình đi đâu” (Dt 11,8). Tin là sẵn sàng làm theo lời Chúa dạy, hy vọng Chúa sẽ thực hiện điều Người hứa, dù trước mắt chưa thấy chút gì là hiện thực cả. Vâng lời Chúa, ông đã bỏ quê cha đất tổ lên đường và đặc biệt ông đã dám dâng Isaac làm lễ tế Thiên Chúa. Đức tin thật vững chắc, không do dự, không mặc cả. Vì một dạ tín trung với Chúa, Abraham đã nên “bạn thân của Thiên Chúa” (Gc 2,23). Chúa gọi ông là “Tôi Tớ của Ta” và nói “Ta ở với ngươi” (St 26,24). Vì Chúa “Chúc lành cho các dân tộc trong dòng giống ông và dòng giống ông sẽ nên đông như cát biển” (Hc 44,21), nên ông là cha chúng ta trong đức tin.

2/ Núi Tabor, núi vinh quang

Chuẩn bị bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu loan báo cho các môn đệ biết : Người sẽ lên Giêrusalem để chịu khổ nạn và chịu chết. Các môn đệ chao đảo niềm tin. Phêrô đại diện cho các anh em phản đối kiệt liệt. Phêrô không chấp nhận thập giá khổ nhục. Để cũng cố niềm tin cho các môn đệ, Chúa Giêsu đưa họ lên núi cao. Chúa biến hình, cho họ thấy một thoáng Phục sinh trước Phục sinh, cho hưởng nếm một chút Thiên đàng trước Thiên đàng. Nhờ đó các môn đệ thêm niềm tin tưởng, thêm mạnh mẽ can đảm.

Chúa đưa ba môn đệ lên núi cao. Các ông được đi vào một thế giới vừa kỳ diệu vừa lạ lùng, làm biến đổi ý nghĩa cuộc đời.

Các ông thấy: “Dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (Mc 9,3); “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng” (Mt 17,2); “Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa” (Lc 9,29).

Chính nơi đây nổi bật sự liên hệ và sự khác biệt với gương mặt ông Môisen: “Khi ông Môisen từ trên núi Sinai xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Môisen không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa” (Xh 34,29-35). Qua việc đàm đạo với Thiên Chúa, ánh sáng của Thiên Chúa chiếu sáng trên ông và làm cho ông sáng chói. Như thế, ánh sáng từ bên ngoài chiếu vào ông làm cho ông sáng chói. Đức Giêsu chói sáng tự bên trong, không những Người đón nhận ánh sáng mà chính Người là ánh sáng bởi ánh sáng” (sđd trang 268).

Và có một đám mây bao phủ các ông. Và từ đám mây, có tiếng phán rằng:Đây là Con Ta yêu dấu, hãy vâng nghe lời Người!” (Mc 9,7). Đám mây thiên linh, là dấu chỉ sự hiện diện của Thiên Chúa. Đám mây ngự trên Lều Hội Ngộ cho thấy sự hiện diện của Đức Chúa. Đức Giêsu là Lều Thánh, đám mây của sự hiện diện Thiên Chúa đậu trên Người và từ đó cũng sẽ “bao phủ” mọi người. Sự kiện thánh tẩy Đức Giêsu được tái hiện, nơi đó Chúa Cha từ đám mây công bố Đức Giêsu là Con: “Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con” (Mc 1,11). (sđd trang 172).

Các môn đệ còn thấy: “Có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Môsê và ông Êlia”. Đây là hai nhân vật quan trọng nhất trong Cựu ước, đại diện cho hai thực tại quan trọng nhất của Do Thái giáo. Môisen đại diện cho luật pháp. Êlia đại diện cho các ngôn sứ. Hai ông là biểu tượng tiên báo sự ra đời của Đức Giêsu. “Lề luật và ngôn sứ đàm đạo với Đức Giêsu và nói về Người. Trong một chú thích ngắn ngũi, thánh Luca trình thuật cho chúng ta về điều hai chứng nhân của Thiên Chúa nói với Đức Giêsu: “Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giêrusalem” (Lc 9,31). Đề tài đàm đạo của các ngài là thập giá, nhưng hiều ngầm là cả cuộc “Xuất hành của Đức Giêsu” phải diễn ra tại Giêrusalem. Thập giá Đức Giêsu là cuộc xuất hành, một việc bước ra khỏi cuộc sống này, vượt qua Biển Đỏ của cuộc khổ nạn và tiến đến vinh quang, dù vẫn còn mang thương tích của cuộc khổ nạn”. (sđd trang 268).

Ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê có những trải nghiệm tuyệt vời về Thầy của mình. Cũng vẫn là Đức Giêsu bằng xương bằng thịt mà các ông vẫn thường gặp gỡ tiếp xúc hằng ngày, nhưng lần này, các ông được nhìn thấy Người dưới một dung mạo mới: thật sáng ngời, thật hấp dẫn và đầy uy nghi. Các ông vững lòng tin tưởng.

3/ Núi Golgotha, núi tình yêu

Trên núi cao, Đức Giêsu gặp gỡ thân mật với Chúa Cha. Bỗng chốc Người biến hình. Các môn đệ ngất ngây trong niềm hạnh phúc tuyệt vời. Các ông muốn ở lại trên núi để sống niềm hạnh phúc ngập tràn ấy. Các ông muốn níu kéo khoảnh khắc thần tiên ấy lại nên Phêrô thay mặt anh em thưa với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng tại đây ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Môisen, và một cho ông Êlia”.

Các môn đệ muốn đăng ký thường trú trên núi Tabor, muốn đắm mình trong hào quang rực rỡ. Họ bỏ lại dưới chân núi các bạn đồng môn, các cuộc truyền giáo của Thầy. Họ muốn xa rời dân chúng đang khao khát Lời Chúa. Nhưng Đức Giêsu đưa các môn đệ trở xuống. Người chỉ lên đỉnh Tabor trong chốc lát rồi xuống núi chuẩn bị vác thập giá lên núi Golgotha. Xuống núi để chu toàn nhiệm vụ trần gian. Đức Giêsu phải chịu khổ nạn, chịu chết rồi mới Phục Sinh mở lối vào thiên đàng. “Cảm nghiệm sự kiện Hiển Dung đã giúp cho thánh Phêrô nhận thức trong lúc ngất trí, những thực tại được biểu trưng trong các nghi thức của ngày lễ đã được hoàn tất, biến cố Hiển Dung loan báo thời đại Messia đã bắt đầu. Mãi khi xuống núi, thánh Phêrô lại phải học hỏi một lần nữa, thời đại Messia trước tiên là thời đại của thập giá và việc Hiển Dung, Chúa biến dạng thành ánh sáng, sẽ bao trùm chúng ta trong ánh sáng của cuộc khổ nạn.”. (sđd trang 269).

Hai đỉnh núi: núi Tabor và núi Golgotha cách nhau không xa về địa lý nhưng lại là con đường vạn lý. Chỉ có con đường thập giá tình yêu mới nối liền hai núi mà thôi.

Thánh Phêrô cùng các Tông đồ còn phải vượt qua những yếu đuối, sa ngã, còn phải nỗ lực vượt qua mọi khó khăn thử thách, còn phải chịu đau khổ vì Thầy chí thánh, còn phải trải qua cái chết đớn đau rồi mới tới được Núi Thánh thiên quốc như lòng mong ước. Các ngài chỉ đi một con đường Thầy mình đã đi qua. Đó là con đường thánh giá tình yêu.

4/ Muốn tới vinh quang phải đi qua thập giá tình yêu và niềm tin

Ba môn đệ thân tín được Đức Giêsu dẫn lên núi Tabor. Ở đó cả ba nhìn thấy vinh quang của vương quốc Thiên Chúa chói sáng nơi Đức Giêsu. Trên núi, đám mây thánh thiện của Thiên Chúa bao phủ họ. Trên núi, trong cuộc đàm đạo của Đức Giêsu Hiển Dung với Lề luật và Tiên tri, họ hiểu rằng, giờ của ngày Lễ Lều đích thực đã đến. Trên núi, họ cảm nghiệm, Đức Giêsu chính là Tora sống động, là lời trọn vẹn của Thiên Chúa. Trên núi, họ thấy “quyền lực” của vương quốc đang đến trong Đức Kitô. Nhưng chính trong sự gặp gỡ đáng sợ với vinh quang của Thiên Chúa nơi Đức Giêsu, họ phải học biết điều thánh Phaolô nói trong lá thư thứ nhất gởi giáo đoàn Côrintô với các môn đệ thuộc mọi thời đại: “Chúng tôi rao giảng một Đức Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do thái coi là ô nhục không thể chấp nhận, và dân ngoại cho là điên rồ. Nhưng đối với những ai được Thiên Chúa kêu gọi, dù là Do thái hay Hy lạp, Đấng ấy chính là Đức Kitô, Người là sức mạnh và là sự khôn ngoan của Thiên Chúa” (1,23-24). Sức mạnh của vương quốc tương lai xuất hiện nơi Đức Giêsu Hiển Dung, Đấng nói với các chứng nhân Cựu ước về sự cần thiết của cuộc khổ nạn như con đường tiến đến vinh quang (x. Lc 24,26-27). Như thế, họ được tiền dự vào ngày quang lâm; nhờ đó dần dần họ được dẫn vào mầu nhiệm sâu thẳm của Đức Giêsu.(sđd trang 273).

Muốn đạt tới vinh quang núi Tabor, cần phải vượt qua được hai ngọn núi Moria đức tin và Golgotha tình yêu một cách trọn vẹn. Lúc ấy,thật là hạnh phúc được chiêm ngưỡng vinh quang Thiên Chúa.

Về mục lục

 

MÙA CHAY – MÙA ĐỔI THAY

Lm. Giuse Dương Hữu Tình

Mùa chay là mùa sám hối, là “mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng”, là thời gian “tôi luyện hồn xác”, là “thời gian đặc biệt để phục hồi sự trong sạch các tâm hồn” nhờ việc trở về và gặp gỡ Thiên Chúa. Sự kiện Chúa Giêsu biến hình (biến đổi hình dạng) đã được chọn để suy ngắm trong Chúa nhật thứ hai của mùa chay thánh cũng gợi nhớ điều đó. Đây là một sự kiện được cả ba Phúc Âm Nhất Lãm ghi lại và năm nay, chúng ta suy gẫm theo Phúc Âm của thánh Mác-cô.

Trước tiên, thánh Mác-cô ghi lại chi tiết về thời gian như sau: “Sáu ngày sau”. Cứ theo mạch văn trong Phúc Âm, ta hiểu sáu ngày sau là sáu ngày sau sự kiện xảy ra ở Xê-da-rê Phi-líp-phê, nơi mà dọc đường, Chúa Giêsu đã hỏi các môn đệ “Người ta nói Thầy là ai?” và sau đó là lời tuyên xưng của thánh Phêrô. Tiếp đó là lời tiên báo của Chúa về cuộc khổ nạn mà Người sắp phải chịu, cũng như những lời trách mắng thánh Phêrô vì đã can ngăn Chúa. Cuối cùng là những lời Chúa dạy về việc bỏ mình để theo Chúa. Sau một dãy những sự kiện như thế, Chúa Giêsu đã đưa ba môn đệ là thánh Phêrô, Giacôbê và Gioan đi lên núi, “một ngọn núi cao” và tại đây, sự kiện biến hình đã xảy ra. Chúng ta hãy nghe thánh Mác-cô kể lại chi tiết sự kiện biến hình như sau: “Người biến đổi hình dạng trước mắt các ông. Y phục của Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không có thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy”.

So sánh với Phúc Âm của thánh Mát-thêu và thánh Luca, ta sẽ dễ nhận ra chi tiết được thánh Mác-cô cũng như thánh Mát-thêu nhấn mạnh, đó là chi tiết “trắng tinh”. Cũng ghi lại chi tiết này, Thánh Luca chỉ ghi đơn giản như sau: “Y phục Người trở nên trắng tinh chói lòa”. Còn thánh Mát-thêu: “Dung nhan Người chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng”. Chi tiết “trắng tinh” được nhấn mạnh này gợi cho chúng ta nhớ tới khuôn mặt của ông Mô-sê trong Cựu Ước. Sách Xuất Hành chương 34 kể lại rằng khi “Ông Mô-sê từ trên núi Xi-nai đi xuống, tay cầm hai tấm bia Chứng Ước, khi xuống núi, ông Mô-sê không biết rằng da mặt ông sáng chói bởi đã đàm đạo với Thiên Chúa. Khi ông A-ha-ron và toàn thể con cái Ít-ra-en thấy ông Mô-sê, thì này đây da mặt ông sáng chói, nên họ sợ không dám lại gần ông… Nói nói với họ xong, ông lấy khăn che mặt đi (Xh 34,29-33). Như thế rõ ràng da mặt ông Mô-sê sáng chói vì ông đã đàm đạo với Thiên Chúa trên núi Xi-nai. Khi kể rằng cũng trên một ngọn núi cao kia, Chúa Giêsu đã biến đổi hình dạng, phải chăng thánh Mác-cô muốn nói cho mọi người hay rằng Chúa Giêsu chính là Mô-sê mới và còn hơn cả Mô-sê nữa. Nếu vì gặp gỡ và đàm đạo với Thiên Chúa mà da mặt của Mô-sê trở nên sáng chói, thì này đây nơi Chúa Giêsu, không phải chỉ là da mặt mà cả con người, thậm chí ngay cả y phục của Người cũng trở nên sáng chói. Sáng chói, “chói lọi như mặt trời, và y phục Người trở nên trắng tinh như ánh sáng (thánh Mát-thêu) hay “ rực rỡ, trắng tinh, không có một thợ nào ở trần gian giặt trắng được như vậy” (thánh Mác-cô).

Với sự kiện này, thánh Mác-cô đã vén mở cho chúng ta thấy khuôn mặt đích thực của Chúa Giêsu, Người là một con người thánh thiện rất gần Thiên Chúa, đàng khác Người còn là Đấng ba lần thánh. Hơn nữa, đây còn là một gợi ý rất khéo cho hết những ai tin vào Thiên Chúa: việc gặp gỡ Thiên Chúa luôn làm cho con người trở nên “trắng tinh”, trong sạch, những tối tăm mờ ám của cõi lòng sẽ tiêu tan. Phải chăng đó chính là lý do Giáo hội đã cho chúng ta suy ngắm bài Tin Mừng này trong mùa chay thánh. Khi cho chúng ta suy niệm sự kiện này, Giáo hội mời gọi con cái gia tăng việc gặp gỡ, tiếp xúc Thiên Chúa, để nhờ đó chúng ta được trong sạch hơn. Cũng vì thế người ta gọi mùa chay là mùa thanh tẩy, là thời gian gột rửa tâm hồn để lòng mình trở nên trong trắng hơn.

Trong suốt một thời gian dài, cũng có thể trong suốt một năm qua, cuộc sống với những bon chen, cám dỗ và thói đời đã làm cho lòng chúng ta không còn trong trắng nữa, biết bao cái dơ bẩn ở đời đã bám vào và làm cho linh hồn chúng ta hoen ố: Có cái dơ của đồng tiền, cái bẩn trong các mối quan hệ, cái đen của tính ích kỷ, cái xấu trong những dịp tiếp xúc.. Nào là tội của con mắt, của tư tưởng, của bàn tay, của môi miệng và có khi của cả con tim, cõi lòng. Tất cả như đã bắm chặt vào linh hồn chúng ta lớp này đến lớp khác, tấm lòng chúng ta đâu còn trong trắng như ngày mới được lãnh bí tích thanh tẩy hay ít là ngày lãnh bí tích giải tội.

Mùa chay thánh đến như tiếng Chúa mời gọi mỗi người chúng ta bước theo Chúa lên núi. Đây không hẳn là quả núi Chúa đã từng với ba môn đệ bước lên năm xưa, nhưng núi hôm nay là đỉnh cao của tâm hồn mỗi người, là nơi đẹp nhất của lòng người, là điểm hướng thiện, là chốn để trở về. Chúa mời gọi chúng ta lên núi là mời gọi chúng ta dám bỏ lại dưới chân mình, bỏ lại sau lưng những lo toan, lao nhọc và vất vả thường ngày. Hãy mạnh dạn bỏ lại và can đảm bước lên, ta sẽ gặp được Thiên Chúa và nhờ được gặp gỡ Ngài, chúng ta sẽ trở nên trong trắng. Mùa chay là thời gian gặp gỡ Thiên Chúa và sống thân tình với Ngài. Chính qua việc gặp gỡ Thiên Chúa, con người chúng ta được đổi mới cả bề trong lẫn bề ngoài. Chi tiết “y phục” của Chúa trở nên trắng tinh gợi ý điều đó. Một người đạo đức, một người thanh sạch thì không chỉ đẹp trong tâm hồn mà còn đẹp cả thể xác. Tâm hồn nhơ bẩn xấu xa sẽ tạo ra những khuôn mặt lì lợm cau có, tâm hồn ích kỷ sẽ tạo ra những khuôn mặt khinh đời, tâm hồn độc ác sẽ tạo ra những khuôn mặt nham hiểm. Trái lại, tâm hồn trong sạch sẽ tạo ra những khuôn mặt đơn sơ hiền hòa, tâm hồn cao thượng sẽ tạo ra những khuôn mặt thật thà dễ mến. Mùa chay như thế còn được gọi là thời gian “chỉnh hình”, chỉnh lòng người và qua lòng người chỉnh cả diện mạo. Bằng những việc đạo đức, bằng việc tiếp xúc gặp gỡ Thiên Chúa, tâm hồn con người sẽ được trở nên thánh thiện, trong trắng, để rồi nhờ đó thế gian sẽ xuất hiện những khuôn mặt thân thiện, dễ gần, dễ mến và đáng yêu.

Về mục lục

 

CRUX EST LUX – THẬP GIÁ LÀ VINH QUANG!

Lm. Gioan Nguyễn Văn Ty, SDB

Nhiều nhà chú giải Thánh Kinh cho là cảnh hiển dung trên núi Ta-bo là một trong những sự kiện quan trọng nhất của Tân Ước, vì tuy không phải là chóp đỉnh, biến cố này thật sự tóm tắt tất cả mạc khải cứu độ. Chúng ta thấy ở đây, Mô-sê và Ê-li-a, các phát ngôn viên của lề luật và ngôn sứ (tắt một lời là đại diện của Cựu Ước) giới thiệu đấng Ki-tô của Tin Mừng cho các môn đệ Phê-rô, Gia-cô-bê và Gio-an. Các môn đệ này sẽ là các nhân chứng được coi là ‘trụ cột’ của Giáo Hội (theo lối diễn tả của Phao-lô trong thư gửi tín hữu Ga-lát), những người có trách nhiệm rao giảng Tin Mừng cho mọi thụ tạo (Xem chú thích Mc 9:1tt trong ‘Lời Chúa Cho Mọi Người’). Nếu quả thật là như thế thì hiển dung đâu chỉ đơn thuần là một liệu pháp tâm lý đề vực dậy tinh thần suy sụp của các môn đệ trước cuộc khổ nạn đau thương Đức Giê-su sẽ phải chịu tại Giê-ru-sa-lem. Ý nghĩa của nó chắc hẳn phải lớn lao hơn nhiều…, và vì thế đáng để ta dành đôi chút thời giờ tìm hiểu thêm.

Vinh quang, hay diện mạo đích thực của Thiên Chúa là điều con người mọi thời đại và mọi tôn giáo đều muốn kiếm tìm. Mô-sê và Ê-li-a là hai nhân vật Cựu Ước được mô tả như đã có diễm phúc chớm thấy vinh quang đó tỏ lộ; Mô-sê trên định Si-nai khi lãnh tấm bia giới luật (xem sách Xuất Hành chương 19), và Ê-li-a trên đỉnh núi Khô-rếp trên đường trốn chạy khỏi sự truy đuổi của hoàng hậu I-dê-ven (xem 1 Vua chương 19). Tuy nhiên thứ vinh quang Đức Chúa mà hai ông được chứng kiến thực tế đã rất khác nhau; một đàng là ‘Đức Chúa ngự trong đám lửa mà xuống, khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh… (Xh 19:18), đàng khác là ‘Sau động đất là lửa, nhưng Đức Chúa cũng không ở trong lửa. Sau lửa là tiếng gió hiu hiu. Vừa nghe tiếng đó, ông Ê-li-a lấy áo choàng che mặt, rồi ra đứng ở cửa hang… (1 V 19:12-13). Nếu thế vinh quang mà Đức Giê-su muốn hiển thị trong lần biến dạng trên núi Ta-bo có chi khác với những lần đó không? Trước hết đó hẳn phải là một thứ vinh quang đích thực, vì được hiển thị do chính Người Con duy nhất từ Thiên Chúa mà đến. Vinh quang đó không những phải vượt xa mọi thứ hào quang đôi mắt phàm tục có thể nhìn thấy, mà còn phải vượt xa những gì cả Mô-sê lẫn Ê-li-a đã được chứng kiến trong những lần thị kiến Đức Chúa thời Cựu Ước.

Tác giả Lu-ca cho biết ‘hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem’ (Lc 9:31), điều đó chứng tỏ cuộc xuất hành sắp tới mới biểu hiện vinh quang thật, khác với những gì các ông đã biết hoặc đang được chứng kiến lúc này. Thứ hào quang mà hai ông hiện đang được chứng kiến chưa hẳn là tột đỉnh; tột đỉnh vinh quang phải là cuộc xuất hành các ông đang được nghe đề cập tới. Đức Giê-su cũng hàm cùng một ý đó khi căn dặn ba môn đệ trên đường xuống núi: “không được kể lại cho ai nghe các điều vừa thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại”. Đúng vậy, cuộc tử nạn hay cuộc vượt qua Người sắp chịu mới chính là vinh quang đích thực, trong đó tình yêu cứu độ của Thiên Chúa được tỏ hiện cách rực rỡ nhất. Nếu Thiên Chúa là tình yêu, thì vinh quang chói lọi của Người không thể là điều gì khác hơn biểu hiện của tình yêu đầy từ nhân và xót thương thông qua hành động cứu chuộc. Sau này khi gần tới giờ ra đi chịu chết và khi cầu nguyện với Chúa Cha, chính Đức Giê-su đã không ngần ngại gọi giờ phút ‘tang thương’ đó là giờ Thiên Chúa tỏ lộ vinh quang Ngài, giờ phút Thiên Chúa được tôn vinh cách tuyệt đối. “Lạy Cha, giờ đã đến, xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha… xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian” (Ga 17:1.8).

Chính Mô-sê và Ê-li-a cũng hầu như còn đang mong đợi được chứng kiến thứ vinh quang đó, vinh quang của Thập Giá. Và Đức Giê-su thật sự mong muốn và khích lệ các môn đệ, đặc biệt ba môn đệ thâm tín nhất, loan truyền cho mọi người thứ vinh quang ‘xuất hành’ đó, hơn là chựng lại làm ba lều bên thứ vinh quang ‘giả tạo’ của diện mạo sáng láng và y phục trắng tinh. Phải chăng đây chính là cuộc chuyển biến quyết định nhất của mọi niền tin, từ Cựu Ước bước qua Tân Ước, từ vinh quang của quyền uy (lửa, động đất, loa vang dội…) qua vinh quang của tha thứ và cứu độ, từ quan niệm về một Đức Chúa quyền phép qua hình ảnh một Thiên Chúa là Cha của Đức Ki-tô Giê-su đầy xót thương nhân hậu? Đối với các môn đệ là những người Do Thái chính hiệu, sự chuyển tiếp này không thể không gây ngỡ ngàng và đặt ra nhiều vấn nạn. Các ông vẫn còn phải ‘bàn nhau xem câu “từ cõi chết sống lại” nghĩa là gì’, và Đức Giê-su còn phải cất công giải thích nhiều lần hơn nữa. Điều này cũng sẽ mãi mãi, qua mọi thời đại, tiếp tục là vấn đề then chốt độc đáo của niềm tin Ki-tô hữu (so với các tôn giáo khác, nhất là Do Thái giáo và Hồi giáo) khi phải vẽ lên trong tâm linh các tín hữu hình ảnh về một Thiên Chúa… lòng lành, xót thương và cứu độ, những nét không tuân theo bất cứ thứ lô-gich hay lối suy nghĩ thông thường nào, nhưng chỉ dựa trên mạc khải duy nhất của Đức Ki-tô thập giá. Cách duy nhất họ có thể làm là để mình hoàn toàn bị khuất phục bởi mạc khải vinh quang thập giá, điều làm cho họ, trước mặt khôn ngoan của người đời, bị liệt vào hạng ngu đần và hèn nhất; do đó “Hãy vâng nghe lời Người!”

Mùa chay chính là thời gian để mỗi chúng ta vâng nghe và đón nhận thứ vinh quang cứu độ này của Thiên Chúa, vì thế đó là thời gian của thanh lọc và củng cố niềm tin Ki-tô.

Lạy Chúa là đấng Cứu Độ của con! Con xin được như Phê-rô dựng lều, nhưng không phải để chiêm ngắm dung mạo hiển dung sáng láng, mà là để say mê vinh quang cứu độ Chúa dành cho con. Chính Chúa đã chủ động kêu mời con ở lại trong tình yêu xót thương của Người, không những chỉ trong mùa chay thánh mà còn trong suốt cuộc sống dương thế, và mãi mãi trong hạnh phúc Quê Trời mai sau. A-men.

Về mục lục