Lời Chúa Năm A CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN_A

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 17 THƯỜNG NIÊN_A

CÁC BẢI SUY NIỆM LỜI CHÚA CN 17 TN. A

Lời Chúa: 1V. 3, 5.7-12; Rm. 8, 28-30; Mt. 13, 44-52

——

Mục lục

1.  Đầu tư Nước Trời   (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

2.  Quyết định khôn ngoan   (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

3.  Đón nhận Nước Trời   (Lm. Jos. DĐH. GP. Xuân Lộc)

4.  Kho tàng khôn ngoan  (Trầm Thiên Thu)

5.  Kho báu Nước trời là Đức Kitô  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

 

ĐẦU TƯ NƯỚC TRỜI

Cuộc sống con người như đi vào cơn lốc của tiền tài và danh vọng. Con người thật vất vả cạnh tranh để dành giựt từng hạt gạo, từng miếng cơm. Xem ra điều mà con người quan tâm chính là những nhu cầu của đời sống như: cơm, áo, gạo tiền, và những phương tiện phục vụ cho nhu cầu đời sống. Vì tất cả những điều đó mà con người dám làm mọi sự để có được những thứ ấy. Đây là điều không phải là tội hay có thể nói là rất chính đáng. Là người chúng ta cũng rất cần những thứ ấy. Chúng ta cũng rất cần tìm cho mình những phương tiện thiết thực ấy. Thế nhưng, là người ky-tô hữu chúng ta còn có một giá trị cao hơn những danh lợi thú ấy chính là Nước Trời. Danh lợi thú rồi sẽ qua đi, nhưng Nước Trời thì tồn tại mãi mãi.

Hôm nay Chúa Giê-su ví Nước Trời như một kho tàng, như viên ngọc qúi, đến nỗi để đạt được thì mọi hy sinh, mọi của cải kể cả mạng sống cũng phải đổi lấy cho bằng được viên ngọc Nước Trời.

Trên mạng Internet người ta đang truyền nhau lời tâm sự của một bác sĩ trẻ bị ung thư. Anh đã viết trên dòng thời gian mình những lời trần tình để lại cho bạn bè và đặc biệt là cho giới trẻ. Đó là Bác sĩ Richard Teo Keng Siang, 40 tuổi. Một triệu phú ngành giải phẫu thẩm mỹ ở Singapore. Anh đã phát hiện bị ung thư phổi giai đoạn cuối khi ở đỉnh cao nhất của tiền tài, danh vọng.

Richard Teo qua đời ngày 18/10/2012. Những chia sẻ của anh khi đưa lên mạng đã gây một xúc động rất lớn.

“Chào tất cả các em. Giọng tôi hơi bị khàn một chút, mong các em chịu khó nghe. Tôi xin tự giới thiêu, tôi tên là Richard và là một bác sĩ. Từ lúc trẻ, tôi là một sản phẩm đặc trưng của xã hội ngày nay, một sản phẩm khá thành công mà xã hội đòi hỏi. Hồi nhỏ tôi lớn lên trong một gia đình có mức sống dưới mức trung bình. Tôi được bảo ban bởi người chung quanh và môi trường rằng thành công thì hạnh phúc. Thành công có nghĩa là giàu có. Với suy nghĩ này, tôi trở nên cực kỳ ganh đua ngay từ nhỏ.

Nhưng thật trái ngược, chỉ khi sắp chết thì mình mới biết nên sống như thế nào. Tôi biết điều này nghe qua thật mơ hồ, nhưng đó là sự thật và tôi đang trải qua.

‘Sự thành công, xe cộ, nhà cửa, những thứ mà tôi nghĩ đã đem hạnh phúc đến cho tôi, khi tôi xuống tinh thần, tuyệt vọng, không mang đến cho tôi niềm vui’. Mà nếu được chọn lựa, tôi sẽ sống là làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn, đó là tôn chỉ cao nhất.

Đây không chỉ là lối sống thực dụng của Richard Teo, mà dường như của hầu hết chúng ta. Con người đã quá vất vả lao vào cuộc cạnh tranh tiền tài mà quên đi một giá trị cao cả hơn tiền tài chính là sự sống đời đời. Con người đã đầu tư quá nhiều vào những thứ mau qua mà bỏ qua cơ hội tích lũy gia tài trên trời.

Hôm nay Chúa mời gọi chúng ta hãy can đảm thực hiện một cuộc chọn lựa. Chọn lựa cái vĩnh cửu hơn là những cái mau qua trần gian. Tựa như người nông dân khi ông tìm thấy kho tàng đã can đảm đánh đổi mọi gia sản của mình để chiếm lấy kho tàng dưới lòng đất. Hay như người buôn đá quý, ông đã nhìn thấy giá trị thực sự của viên ngọc đến nỗi ông đã bán đi tất cả để mua được viên ngọc ấy.

Người nông dân hay nhà buôn kia đã nhìn thấy mối lợi rất lớn nơi kho tàng và viên ngọc nên đã không ngần ngại đánh đổi tất cả để có được nó.

Chúa Giê-su cũng cũng ví Nước Trời là những kho tàng, hay viên ngọc rất quý. Chúa cũng bảo chúng ta bằng mọi giá phải chiếm cho được Nước Trời. Vì mọi sự rồi cũng qua đi. Công danh sự nghiệp cũng không kéo dài sự sống của chúng ta. Chúa bảo với chúng ta rằng Nước trời quý hơn và giá trị hơn bất cứ thứ gì chúng ta đang có hay có thể có trong cuộc sống, và Nước Trời sẽ ban cho chúng ta nhiều hơn bất cứ cái gì cuộc sống có thể mang lại cho chúng ta. Nước trời là phần rỗi, là sự sống đời đời của chúng ta, quý giá vô cùng, đòi hỏi chúng ta phải quan tâm trước hết, tuyệt đối ưu tiên, sẵn sàng hy sinh tất cả để chiếm đoạt cho bằng được, dù phải hy sinh bao nhiêu cũng chưa đủ, chưa xong. Chỉ với một mảnh ruộng, một viên ngọc vật chất, mà người nông dân và nhà thương gia trong Tin Mừng đã bán tất cả gia tài để mua nó. Chúng ta có dám làm như thế đối với viên ngọc Nước Trời không?

Xin cho chúng ta nhận ra giá trị thực sự của Nước Trời là hạnh phúc vô biên để chúng ta can đảm chọn lựa Nước Trời, cho dù có phải hy sinh tiền tài, gia sản, nhưng chúng ta chiếm hữu được một kho tàng vô tận trên quê Trời. Amen

Về mục lục

QUYẾT ĐỊNH KHÔN NGOAN

Trong kinh doanh, một quyết định đúng lúc và phù hợp sẽ đem lại lợi ích và thành công cho doanh nghiệp; với những người lãnh đạo, một quyết định đúng, khôn ngoan có thể cứu cả một dân tộc, một đất nước thoát khỏi nghèo đói và lệ thuộc, ngược lại một quyết định vội vã, thiếu cân nhắc, thiếu khôn ngoan, có thể là một tai họa cho nhiều thế hệ con cháu. Trong đời sống cá nhân, một quyết định chọn lựa khôn ngoan sáng suốt, có thể đem niềm vui và hạnh phúc đến cho bản thân, cho gia đình, ngược lại nếu đưa ra một quyết định chọn lựa sai lầm sẽ có thể để lại sự ân hận cho con người suốt cả đời.

Nếu trong đời sống thường ngày cần phải có những quyết định dứt khoát, khôn ngoan cho mình, thì Lời Chúa hôm nay cũng nhắc cho chúng ta cho chúng ta cũng cần phải có những chọn lựa khôn ngoan, dứt khoát có thể đem lại hạnh phúc và ơn cứu độ cho bản thân cho gia đình ngay lúc này. Thiên Chúa hết sức tôn trọng tự do của con người, và Ngài luôn để cho con người tự do chọn cho mình một tương lai, đồng thời cũng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Nhưng vấn đề là: Quyết định nào là quyết định khôn ngoan, và chọn lựa nào là chọn lựa dai dột?

Vua Salomon là một vị vua nổi tiếng về sự khôn ngoan trong việc điều hành và cai trị dân Chúa. Danh tiếng về sư khôn ngoan của ông đã lan truyền ra khắp vùng, dân chúng trong nước vâng phục, các vua lân bang kính nể, và nữ hoàng ở thận Phương Nam xa xôi phải tìm đến để học sự khôn ngoan của vua Salomon. Tại sao ông lại có được sư khôn ngoan như thế? Sach Các Vua hôm nay đã kể lại: Trước khi lên ngôi, Thiên Chúa đã cho ông một chọn lựa: Ngươi muốn gì, cứ xin, Ta sẽ ban cho. Khác với lẽ thông thường của nhiều người khi được một điều ước như vậy, người đời sẽ xin sự giàu sang phú quý, nhà cửa sang trong, nhưng vua Salomon lại không màng những thứ ấy, trái lại ông xin cùng Thiên Chúa: Chính Chúa đã đặt tôi tới Chúa lên kế vị Đavít, thân phụ con, mặc dầu còn còn trẻ người non dạ… con lại ở giữa một đám dân đông đúc không kể xiết: Xin ban cho tôi tới Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân xử một cách khôn ngoan. Lời cầu xin này đẹp lòng Chúa, ông không xin của cải, không xin sống lâu, cũng không xin chiến thắng quân thù, nên Chúa đã ban cho ông sự khôn ngoan vượt bậc, và còn ban cho ông tất cả những gì mà ông không xin: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi không một ai được như người, và sau ngươi không ai được bằng ngươi.Salomon đã không xin gì cho riêng mình, mà ông chỉ xin một điều là làm sao để ích lợi cho dân Chúa, cho người khác. Đối với Thiên Chúa, quyết định và chọn lựa như Salomon là một chọn lựa khôn ngoan, chứ không phải là lo tim kiếm sự giàu sang danh vọng cho mình.

Chúa Giêsu đã giải thích rõ hơn như thế nào là quyết định chọn lựa khôn ngoan khi Ngài kể cho dân chúng nghe những dụ ngôn về Nước Trời mà Ngài so sánh như một người chuyên săn tìm kho báu, như một thương gia, hoặc như một ngư phủ chọn cá. Những người này khôn ngoan ở chỗ nào? Trước hết người săn tìm kho báu gặp được kho tàng chôn giấu trong ruộng, khi gặp được rồi, anh quyết định về bán tất cả những gì mình có để mua cả thửa ruộng lẫn kho báu. Anh ta có điên không? Trong mắt nhiều người quyết định như thế là điên khùng, vì đã liều mình đánh đổi cả sư nghiệp gia tài và cuộc đời vì kho báu ấy. Nhưng đối với người này, thì việc tìm được kho báu đã là hạnh phúc và là mục đích sự tìm kiếm cả đời ông. Ông này không chỉ cố gắng để giành cho được kho báu, mà con giành cả mảnh ruộng có kho báu đó. Cũng vậy có những người đã phải mất rất nhiều thời gian công sức không phải để tim kiếm kho báu vật chất mà là tim cho mình một lối đi, một hướng sống một mục đích của cuộc đời. Chính vì thế, biết được Nước Trời là hạnh phúc thật, là cùng đích cuộc đời, thì người tín hữu cũnh phải có một quyết định giống như người săn tim kho báu, đó là dám đánh đổi tất cả sư nghiệp tài sản và cả cuộc sống của mình vì hạnh phúc mai sau. Đó mới là quyết định khôn ngoan, sáng suốt.

Nếu như câu chuyện về người săn tìm kho báu hoặc thương gia đi tìm ngọc quý, khi tìm được, họ đã quyết định dánh đổi cả gia nghiệp để có đượ kho báu hay viên ngọc quý, thì hình ảnh người ngư phủ chọn cá tốt thì cho vào giỏ, cón cá xấu thì ném ra ngoài, muốn nói đến sự chọn lựa trong cuộc sống thường ngày. Người Do Thái chỉ được phép ăn một số số cá mà thôi, có một vài loại cá họ không được phép ăn, vì bị cho là những con vật dơ bẩn. Vì thế với công việc thường ngày của một ngư phủ, khi kéo lưới lên, anh ta sẽ phải cần mẫn để chọn lựa loại cá nào có thể ăn được, và loại bỏ những loại cá nào mà luật không cho phép ăn. Cá ăn được sẽ bỏ vào giỏ, còn cá dơ thì ném ra ngoài. Với hình ảnh này Chúa Giêsu cho thấy: Thiên Chúa sẽ là người chọn lựa, những người trong sạch thì được để riêng vào nơi hạnh phúc, con người xấu, kẻ từ chối Thiên Chúa và tin Mừng của Ngài thì sẽ bị ném vào lò lửa; Người tối, việc tốt thì được chọn vào “giỏ Nước Trời” còn người xấu việc xấu thì bị ném ra ngoài. Kế đến, cuộc đời của người theo Chúa cũng phải là một cuộc chọn lựa liên tục, chọn điều tốt, và loại trừ điều xấu. Những ai biết chọn đứng về phía Thiên Chúa và chọn mang lấy Tin Mừng của ngài và làm những việc tốt lành thì được cứu độ, còn những ai đứng về phía ma quỷ và những kẻ chống đối Thiên Chúa, từ chối Đức Kitô và Tin Mừng thì bị loại ra ngoài.

Bài đọc hai cho thấy chọn lựa của Thánh Phaolô: là một thanh niên giỏi giang xuất chúng, Phaolô có thể có một tương lai rạng rỡ trong con mắt của người đời và được mọi người kính phục cũng như ước ao, tuy nhiên Phaolô đã không chọn con đường của thế gian, mà trái lại ông đã được chọn và ông vui với việc được trở thanh môn đê Chúa Kitô. Cũng vì quyết định đáp lại lời mời gọi của chúa Kitô mà Phaolô đã rơi vào cảnh tù đày, dù bị tù đày, ông không hề hối tiếc song vẫn khuyên nhủ mọi người hãy sống xứng với ơn gọi mà Thiên Chúa ban cho mỗi người. Đồng thời Thánh phaolô cũng mời gọi mọi người hãy dám chọn sống theo tinh thần và lê luật của Tin Mừng đó là ăn ở khiêm tốn hiền từ nhẫn nại, lấy tình bác ái mà cư xử với nhau.

Một khi quyết định chọn lựa thì cũng đồng thời phải chấp nhật sư mất mát từ bỏ, chọn Đức Kitô thì phải chấp nhận những gì không phù hợp với Đức Kitô. Một khi đã nhận ra Đức Kitô và tin Mừng của Người là đường đưa tới sự sống đời đời, là kho tàng quý giá nhất trên đời, chúng ta cần phải quyết định dứt khoát và dám đánh đổi mọi sư để có được hạnh phúc đời đời đó.

Người đời sẽ không thể hiểu được tại sao lại có những chàng trai cô gái đang căng tràn sức sống, tương lai mở rộng, lại quyết định trở thành những linh mục tu sĩ, dành cuộc đời mình trong nhà dòng; người đời cũng se không thể hiểu được tại sao giữa một xã hội cổ võ cho một lối sống tự do buông thả, thì những người tin theo Đức Kitô lại quyết định bước theo con đường hẹp của Tin Mừng, của thập giá. Thưa vì những người này đã nhận ra được kho tàng vô giá là đời sống phục vụ theo gương Đức Kitô, và nhận ra hạnh phúc Nước Trời mới là hạnh phúc đích thật cho con người, nên những người này đã dám bỏ lại đàng sau tất cả để sống theo lời mời gọi của Đức Kitô.

Kho tàng là hạnh phúc cũng đang được vùi trong các gia đình, mà mỗi thành viên, đặc biệt là các bậc làm cha mẹ cần phải tìm kiếm và bảo vệ bằng mọi giá, và phải chấp nhận đánh đổi tất cả những cái phụ thuộc để có thể đạt được hạnh phúc cho gia đình mình. Kho báu còn là vợ chồng là con cái, mà mỗi thành viên trong gia đình phải gìn giữ trân trọng và dám hy sinh tất cả những thứ khác để bảo vệ. Nhiều người đã quên mất điều đó, nên đã đem tình yêu và hạnh phúc của gia đình mình ra để đổi chác hoặc cầm cố, có người lại mải mê đi tìm một niêm vui nào đó nơi công việc hoặc tìm ở ngoài gia đình, mà quên rằng chỉ có gia đình mới thực sư là tổ ấm là cái nôi hạnh phúc cho mỗi người.

Một cám dỗ nguy hiểm cho nhiều người trẻ hôm nay, đó là cuộc sống xã hội đang tạo ra nhiều giá trị ảo, mục tiêu ảo, hạnh phúc ảo, thế giới ảo và nhiều thứ ảo giác giác khác khiến cho nhiều người trẻ đã lạc đường, mất hướng không còn biết mục đích cuộc đời của mình là gì, và hạnh phúc thật là gì. Chính vì thế  đã có nhiều bạn trẻ thay vì đánh đổi cuộc đời mình để đạt được hạnh phúc Nước Trời, trái lại họ đang đốt cháy cuộc đời mình trong nghiện ngập. đam mê chơi bời, cờ bạc, buông thả. Nhiều người trẻ đang bị cám dỗ để lao vào tìm kiếm các giá trị ảo trong xã hội như tìm kiếm sư nổi danh, nổi tiếng, tìm đẳng cấp ăn chơi đua đòi hưởng thụ, và tiêu phí cuộc đời mình trong những thứ đó.

Chúng ta cùng cầu nguyện cho nhau, biết nhận ra Đức Giêsu là nguồn hạnh phúc đích thực của cuộc đời và Tin Mừng của Ngài là một bảo đảm để đát được hạnh phúc ấy, để chúng ta dám đánh đổi tất cả những sư tạm bợ của thế gian này, để đạt được hạnh phúc vình cửu mà Chúa đem đến cho chúng ta. Amen.

Về mục lục

.

ĐÓN NHẬN NƯỚC TRỜI

Trong cuộc sống có quá nhiều thứ quí, mà bàn tay, khối óc, con tim của chúng ta quá nhỏ bé, vì thế để cầm nắm, tiếp nhận, mỗi người vẫn phải tự chọn, tự quyết. Nếu hỏi người ốm đau, hẳn họ sẽ nói sức khỏe là quí nhất. Hỏi người trẻ khỏe, câu trả lời sẽ là : thời giờ là vàng bạc. Gặp gỡ các học sinh, thế nào cũng là niềm mơ ước được thông minh, được biết chăm chỉ học tập. Nếu hỏi đôi bạn trẻ đang yêu nhau : đâu là điều quí đối với 2 bạn ? có lẽ họ sẽ nói mong sao chúng tôi sẽ mãi mãi được hạnh phúc bên nhau.

Hàng ngày, cái đầu của sinh viên sẽ ghi nhận rất nhiều kiến thức, nhờ giáo sư hướng dẫn, siêng năng học tập. Két sắt hay ngăn tủ của các thương gia, mỗi lúc một đầy, một nhiều hơn, do họ biết tính toán làm ăn hợp lý. Các nhạc sĩ, các soạn giả, mỗi biến cố vui buồn, họ có thể ghi lại được nhiều tác phẩm để đời. Còn biết bao những phát minh, khám phá mới của các kỹ sư, các nhà khoa học, thế mà tâm hồn an vui, gia đình hạnh phúc, thế giới hòa bình, luôn chỉ là mơ ước, là hy vọng.

Đầu tư chất xám, tìm kiếm lợi nhuận, xây dựng và phát triển gia đình, xã hội, không bao giờ là xưa là cũ; rèn luyện bản thân, bôi trơn tư duy, làm mới về suy nghĩ, lúc nào cũng đáng khích lệ. Người ta thành công ngoài xã hội, nhưng thất bại trong việc giáo dục con cái, hẳn cũng đáng sợ. Người ta đón nhận 10 tin vui, nhưng chỉ tiếp nhận 1 tin buồn cũng hồi hộp. Đối với người Kitô giáo, nếu tìm gặp và sở hữu được ngọc quí, kho tàng kiến thức phong phú, mà không có Nước Trời thì cũng vô phúc thôi.

Lời Chúa hôm nay cho thấy sự khôn ngoan thật cần thiết, dù Salomon có thể xin Thiên Chúa bất cứ điều gì, nhưng ông chỉ xin một sự khôn ngoan. Bài đọc 2, Thánh Phaolô quả quyết: “Mọi sự xảy ra trong cuộc đời là do sự tốt lành của những người yêu mến Thiên Chúa, là những người đã được kêu gọi theo như ý định của Ngài.” Trong Tin mừng, Chúa Giêsu cho thấy nhờ sự khôn ngoan, người nông dân sẵn sàng đánh đổi tất cả để mua thửa ruộng có kho tàng; Người tiểu thương không ngần ngại bán đi mọi thứ anh có để mua viên ngọc quí.

Lão Tử dạy các học trò : việc khó trong đời phải làm từ chỗ dễ, việc lớn trong đời phải làm từ chỗ nhỏ. Người có tình yêu thương mới là người luôn sáng suốt, thức thời… Phân biệt được ngọc quí là do khôn ngoan; tìm gặp được kho tàng là do biết chăm chỉ làm việc. Qui luật tự nhiên ở đời mọi người đều hiểu rằng : muốn mua cây bút, phải có tiền; muốn có 1 công việc thích hợp, phải bỏ thời gian tìm kiếm; muốn có cử nhân, thạc sĩ phải đầu tư….

Thực ra khôn ngoan ở đời đâu có dựa trên kinh nghiệm : “ăn đi trước lội nước theo sau” ? Cha mẹ nghèo đâu phải do thế thời, vì đầu thiếu chữ, vì tâm thiếu nghĩa ? Quan điểm hạnh phúc phải chăng là giầu có địa vị hay chỉ cần túp lều lý tưởng với 2 trái tim vàng cùng 1 đàn con thơ ? Quan niệm ấy xưa rồi ! Thời nào cũng vậy : con hơn cha chưa chắc là con giỏi…., do yếu tố thiên thời địa lợi; mẹ được bố yêu đâu phải do mẹ giữ túi tiền, nhưng là vì mẹ khôn ngoan, mẹ ý thức nghệ thuật làm vợ, hiểu thế nào là thiên chức làm mẹ.

Khôn ngoan và thành đạt nơi xã hội đáng là gì để người Kitô hữu chúng ta so sánh với hạnh phúc thật trong Nước Thiên Chúa ? Nếu có so sánh thì hãy suy xét xem tại sao tôi ít ơn Chúa, chưa nhận được ơn Chúa, chưa tin Chúa Giêsu chính là Nước Trời.

Chúng ta không hiểu có khôn ngoan là có tất cả. Khôn ngoan không những giúp chúng ta sống vui vẻ, bình an, hạnh phúc ở đời này, mà còn giúp đạt tới Nước Trời đời sau.Bao lâu chúng ta chưa hiểu đúng giá trị của Nước Trời, chúng ta sẽ không dám bán mọi sự chúng ta đang có để mua lấy Nước Trời. Nếu chúng ta còn ngờ vực giữa vật chất địa vị với sức mạnh của Lời Chúa, Ơn Chúa, chúng ta sẽ không dám từ bỏ mọi sự để mua lấy kho tàng, hay viên ngọc quí đâu. Các bậc làm cha mẹ cũng ở bậc lãnh đạo và cũng cần có sự khôn ngoan hiểu biết như Vua Solomon, để biết phân biệt tốt xấu và để biết cách hướng dẫn gia đình bước đi vững vàng theo thánh chỉ của Chúa

Tục ngữ có câu : “non cao cũng có đường trèo, đường dẫu hiểm nghèo cũng có lối đi”. Tuy mỗi người có những hoàn cảnh khác, nhưng bàn tay, trái tim, khối óc và sự đoàn kết sẽ là động lực giúp nhau xây dựng và phát huy tinh thần mến Chúa yêu người…..

Thánh Vinh Sơn đệ Phaolô nói : “công việc của Chúa được thực hiện từ từ không hay biết”. Chúa mong muốn chúng ta đừng quá vội vã, quay cuồng, lo lắng vì thấy hoạt động của mình như không đi đến đâu ! Hãy bình tĩnh, khiêm tốn là giải pháp tốt nhất, Chúa Giêsu chỉ cho ta biết đâu là kho báu, đâu là viên ngọc quí, và phải làm gì để đón nhận Nước Trời. Amen.

Về mục lục

.

KHO TÀNG KHÔN NGOAN

Khôn ngoan không chỉ là điều rất cần thiết trong cuộc sống mà còn là một nhân đức. Sách Châm Ngôn xác định: “Khôn ngoan chính là cây sự sống đối với người nào nắm được khôn ngoan. Giữ được khôn ngoan quả là hạnh phúc” (Cn 3:18). Còn sách Giảng Viên cho biết:“Sự khôn ngoan làm cho gương mặt con người ngời sáng, và nét cứng cỏi nên dịu dàng” (Gv 8:1). Và sách Huấn ca nói: Bước đầu của khôn ngoan là kính sợ Đức Chúa, lòng kính sợ Đức Chúa là tuyệt đỉnh của khôn ngoan, mang lại bình an và sức khỏe dồi dào” (Hc 1:14:18). Khôn ngoan thật là đa lợi ích!

Khôn ngoan không liên quan giỏi giang, thông minh hay ngu dốt. Người giỏi và thông minh chưa chắc khôn ngoan, và người ngu dốt không hẳn thiếu khôn ngoan. Thánh Teresa Lisieux (Teresa Hài Đồng Giêsu, 1873-1897) học hành chẳng bao nhiêu nhưng được Giáo hội tôn phong là Tiến sĩ Giáo hội vì thánh nữ có bí quyết nên thánh đơn giản là “con đường thơ ấu”, tức là nên như trẻ thơ, được chọn làm thánh bổn mạng các xứ truyền giáo, bệnh nhân AIDS (SIDA), phi công, người bán hoa, và bệnh nhân. Thánh Faustina (1905-1938) kém cỏi chữ nghĩa nhưng được Chúa Giêsu mặc khải bí quyết nên thánh là “tín thác vào Đức Kitô”. Đúng như Chúa Giêsu đã vui mừng tạ ơn Thiên Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lạimặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11:25; Lc 10:21).

Khôn ngoan, khiêm nhường và kiêu ngạo đều bắt đầu bằng mẫu tự K. Ai khiêm nhường sẽ có khôn ngoan thật, ai kiêu ngạo sẽ có khôn ngoan ảo – tức là “khờ khạo” (cũng chữ K). Ba K với hai hướng trái ngược nhau. Mẫu tự K cũng kỳ diệu thật! Ước gì mỗi chúng ta biết tự nhủ và hứa với Chúa: “Dầu hèn mọn và bị người khinh dể, huấn lệnh Ngài, con cũng chẳng quên” (Tv 119:141).

Có nhiều loại kho tàng, nghĩa đen và nghĩa bóng, nhưng chắc hẳn “kho tàng khôn ngoan” là kho tàng quý giá nhất. Quả thật, sự khôn ngoan rất cần thiết, nhất là đối với những người đang lữ hành giữa trần gian đầy mưu ma chước quỷ này. Vì thế, Chúa Giêsu đã căn dặn: “Anh em phải khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Chuyện Khôn – Dại cũng còn tùy quan niệm. Người Công giáo có câu vè thế này:“Khôn thế gian làm quan địa ngục, dại thế gian làm quan thiên đàng”.

Ngay cả người đời cũng đề cao sự khôn ngoan. Nhưng khôn ngoan cũng có năm, bảy đường. Văn hào Victor Hugo nói: “Sự thận trọng là con trưởng của sự khôn ngoan”. Còn Văn sĩ Robert A. Heinlein (Hoa Kỳ) so sánh: “Lòng tốt thiếu đi sự khôn khéo thì chẳng khác gì cái ác”. Kịch tác gia Menander (Hy Lạp) nhận định: “Tóc bạc không sinh ra sự khôn ngoan”. Đó là những triết-lý-sống ở đời, đôi khi phải biết “sống ngược đời”, như cụ Nguyễn Bỉnh Khiêm tự so sánh: “Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ, Người khôn người tìm chốn lao xao”. Thế đấy, mấy ai được “cái dại” như cụ!

Một đêm xa xưa, tại Ghíp-ôn, Đức Chúa đã hiện ra báo mộng cho vua Salômôn:“Ngươi cứ xin đi, Ta sẽ ban cho” (1 V 3:5). Đúng là hơn cả tuyệt vời, được Chúa “bật đèn xanh” như vậy thì còn gì bằng!

Thế nhưng vua Salômôn lại khiêm nhường thưa: “Chính Ngài đã lấy lòng nhân hậu lớn lao mà xử với tôi tớ Chúa là Đa-vít thân phụ con, như người đã bước đi trước nhan Chúa cách trung thực, công chính, với tâm hồn ngay thẳng. Chúa đã duy trì lòng nhân hậu lớn lao ấy đối với người, khi ban cho người có một đứa con ngồi trên ngai của người hôm nay. Và bây giờ, lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của con, chính Chúa đã đặt tôi tớ Chúa đây lên ngôi kế vị Đa-vít, thân phụ con, mặc dầu con chỉ là một thanh niên bé nhỏ, không biết cầm quyền trị nước. Con lại ở giữa dân mà Chúa đã chọn, một dân đông đúc, đông không kể xiết, cũng không đếm nổi. Xin ban cho tôi tớ Chúa đây một tâm hồn biết lắng nghe để cai trị dân Chúa và phân biệt phải trái; chẳng vậy, nào ai có đủ sức cai trị dân Chúa, một dân quan trọng như thế?” (1 V 3:6-9). Vua Salômôn thật khôn ngoan khi xin ơn khôn ngoan mà không nói rõ là khôn ngoan, mà chỉ xin “biết lắng nghe” và “biết phân biệt phải trái”. Biết hai điều đó thì khôn ngoan quá rồi! Và Kinh Thánh cho biết: “Chúa hài lòng vì vua Salômôn đã xin điều đó” (1 V 3:10).

Thiên Chúa hài lòng nên Ngài phán với vua: “Bởi vì ngươi đã xin điều đó, ngươi đãkhông xin cho được sống lâu hay được của cải, cũng không xin cho kẻ thù ngươi phải chết, nhưng đã xin cho được tài phân biệt để xét xử, thì này, Ta làm theo như lời ngươi: Ta ban cho ngươi một tâm hồn khôn ngoan minh mẫn, đến nỗi trước ngươi, chẳng một ai sánh bằng, và sau ngươi, cũng chẳng có ai bì kịp” (1 V 3:11-12). Vua Salômôn không chỉ là người khôn ngoan nhất thế gian, mà có thể nói rằng ông cũng là người hạnh phúc nhất thế gian này. Ước gì chúng ta cũng biết cầu xin những điều có lợi cho người khác để làm hài lòng Thiên Chúa, và như vậy, chắc chắn rằng chúng ta cũng sẽ được một phần khôn ngoan của Vua Salômôn.

Tác giả Thánh Vịnh cũng đã khôn ngoan thưa: “Lạy Chúa, con đã nói: phần của con là tuân giữ lời Ngài” (Tv 119:57). Chúng ta phải noi gương này. Nếu vậy, chúng ta phải “coi trọng luật Chúa truyền ban hơn vàng muôn bạc triệu” (Tv 119:72). Đó là một dạng “từ bỏ mình” để theo Chúa, và như vậy là khôn ngoan. Nhưng điều đó không dễ thực hiện nếu chúng ta không “tự khó với chính mình”. Đồng thời, hãy tự cố gắng để có thể quyết tâm như Thánh Gioan Tẩy Giả: Người phải nổi bật lên, còn tôi phải lu mờ đi – He must become greater, I must become less” (Ga 3:30).

Hãy tự khó với chính mình (nhưng không khó với người khác), và khiêm nhường nài xin Chúa xót thương: “Xin Chúa lấy tình thương mà an ủi, theo lời đã hứa với tôi tớ Ngài đây. Xin chạnh lòng thương cho con được sống, vì luật Ngài làm con vui sướng thoả thuê” (Tv 119:76-77). Quyết tâm như vậy rồi chúng ta mới dám thân thưa: “Vì thế, mệnh lệnh Ngài, con yêu quý, quý hơn vàng, hơn cả vàng y. Vì thế, theo mọi huấn lệnh Ngài, con thẳng bước, lòng ghét mọi đường nẻo gian tà. Thánh ý Chúa kỳ diệu lắm thay, nên hồn con tuân giữ. Giải thích lời Ngài là đem lại ánh sáng cho kẻ đơn sơ thông hiểu am tường” (Tv 119:127-130). Tuyệt vời quá, lô-gích quá!

Chúa Giêsu là Thiên Chúa nhưng đã tự hạ đến tột cùng, thế nên Ngài luôn rất thích những người khiêm nhường. Trong bài ca Ngợi Khen (Magnificat), Đức Maria đã xác định điều đó: “Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhường” (Lc 1:52).

Ý Chúa cao sâu huyền nhiệm, quan phòng kỳ diệu, tiền định lạ lùng, chúng ta không thể hiểu hết. Nhưng về ý định cứu độ của Thiên Chúa, Thánh Phaolô cho biết: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh lợi ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định. Vì những ai Người đã biết từ trước thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm trưởng tử giữa một đàn em đông đúc” (Rm 8:28-29). Thật tuyệt vời, chúng ta được Thiên Chúa yêu thương và thương xót, được giải thoát khỏi ách tội lỗi nhờ Máu Đức Kitô, được phục hồi cương vị làm con cái, lại còn được làm em của Chúa Giêsu nữa. Phàm ngôn không thể nào diễn tả đủ mức niềm hạnh phúc mà chúng ta đang được tận hưởng!

Thánh Phaolô đưa ra một chuỗi hệ lụy liên kết với nhau theo tính lô-gích: “Những ai Thiên Chúa đã tiền định thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8:30). Được “hưởng phúc vinh quang” tức là được vào Nước Trời, vào Thiên Đàng.

Tuy nhiên, muốn vào Nước Trời hay không là quyền tự do của chúng ta, Chúa không hề ép buộc ai, vì Ngài đã ban cho chúng ta quyền tự do, và Ngài luôn tôn trọng quyền đó nơi mỗi chúng ta. Nhưng vì thương xót chúng ta, Ngài không thể bỏ mặc chúng ta, nên Ngài vẫn cảnh báo hoặc động viên chúng ta, vì Ngài muốn tất cả chúng ta được vào Nước Trời, chứ không muốn ai phải hư mất. Có lẽ vì tôn trọng tự do của chúng ta mà Chúa Giêsu thường sử dụng dụ ngôn và hay nói: Ai có tai thì nghe” (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35). Như vậy, chúng ta cần phải thực sự tỉnh thức, tức là phải sống khôn ngoan, biết chọn lựa để có thể trở nên công dân Nước Trời.

Chúa Giêsu đã đưa ra nhiều dụ ngôn để mô tả Nước Trời. Tin Mừng hôm nay gồm ba trong số các dụ ngôn đó.

  1.  Dụ ngôn Kho Báu (Mt 13:44) ngắn gọn: “Nước Trời giống như chuyện kho báu chôn giấu trong ruộng. Có người kia gặp được thì liền chôn giấu lại, rồi vui mừng đi bán tất cả những gì mình có mà mua thửa ruộng ấy. Dụ ngôn này không dễ hiểu. Nhưng “bán tất cả những gì mình có” hay không, đó là quyền của chúng ta. Cái “khó” là chỗ đó.
  2.  Dụ ngôn Ngọc Quý (Mt 13:45-46) cũng ngắn gọn: “Nước Trời lại cũng giống như chuyện một thương gia đi tìm ngọc đẹp. Tìm được một viên ngọc quý, ông ta ra đi, bán tất cả những gì mình có mà mua viên ngọc ấy. Dụ ngôn này cũng không khó hiểu, tương tự dụ ngôn “kho báu”, nhưng lại cũng khó, vì chúng ta có quyền tự do “bán tất cả những gì mình có” hay không.

Có lẽ đa số chúng ta không là triệu phú hoặc tỷ phú (theo ngoại tệ, chứ nội tệ thì “tệ” lắm, ngày nay người Việt nào cũng chí ít là triệu phú), nhưng tài sản của ai cũng lớn lắm, không dễ dứt bỏ. Tài sản đó là cái Tôi, tự ái, kiêu ngạo, sĩ diện,… đặc biệt là tội lỗi, vì phạm tội có cái thú riêng của nó. Trái cấm bào giờ cũng ngọt ngào và ngon vô cùng! Thật vậy, Chúa Giêsu đã nói chắc nịch: Kho tàng của bạn ở đâu thì lòng bạn ở đó” (Mt 6:21; Lc 12:34).

  1.  Dụ ngôn Chiếc Lưới (Mt 13:47-50): “Nước Trời lại còn giống như chuyện chiếc lưới thả xuống biển, gom được đủ thứ cá. Khi lưới đầy, người ta kéo lên bãi, rồi ngồinhặt cá tốt cho vào giỏ, còn cá xấu thì vứt ra ngoài. Đến ngày tận thế, cũng sẽ xảy ra như vậy. Các thiên thần sẽ xuất hiện và tách biệt kẻ xấu ra khỏi hàng ngũ người công chính, rồi quăng chúng vào lò lửa. Ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng.

Dụ ngôn thứ ba này “nặng đô” hơn hai dụ ngôn trên, cũng rõ ràng hơn và “mạnh” hơn. Dụ ngôn này tương tự dụ ngôn “Cỏ Lùng” (Mt 13:24-30). Cá xấu không ngư dân nào lại để chung với cá tốt, chắc chắn họ sẽ loại cá xấu ra. Cá xấu “bị vứt ra ngoài” thì thôi rồi, “amen tùm”. Bị vào nơi chỉ có lửa thì tha hồ mà vừa “sưởi” vừa khóc lóc nghiến răng cho… “đã”, như kiểu người ta nói đùa là “và làm việc đền tội cho SƯỚNG. Amen”. Ở Hỏa ngục thì “sướng” thật đấy! Cứ tha hồ than thở suốt đời mà chẳng ai dỗ dành, chẳng ai thương nổi, hết đường thoát thân, Chúa cũng không cứu nổi, vì đó là quyền tự do của chúng ta. Khủng khiếp thật đấy!

Hỏa ngục là nơi có thật hơn cả sự thật. Chúa Giêsu cũng đã mặc khải Hỏa ngục cho vài vị thánh được thị kiến. Chuyện thật chứ không đùa. Chưa đủ lòng mến để có thể ăn năn tội cách trọn thì chí ít cũng vì sợ mà ăn năn tội cách chẳng trọn. Chúa vẫn chấp nhận vì lòng thương xót!

Nói xong ba dụ ngôn, Chúa Giêsu hỏi nhóm môn đệ nhà ta: “Anh em có hiểu tất cả những điều ấy không?”. Họ cùng đáp: “Thưa hiểu”. Ngài kết luận: “Bởi vậy, bất cứ kinh sư nào đã được học hỏi về Nước Trời thì cũng giống như chủ nhà kia lấy ra từ trong kho tàng của mình cả cái mới lẫn cái cũ” (Mt 13:52). Chúng ta đã nghe nói và biết nhiều về Nước Trời, càng nhiều tuổi càng nghe nhiều, phần quyết định thuộc về mỗi người. Ước gì chúng ta đủ can đảm để “bán những gì mình có” để có được tấm “Visa Nước Trời” trong tay, như vậy thì an tâm, chỉ còn chờ “chuyến bay” mà thôi!

Về ơn cứu độ, tức là để “được vào Nước Trời”, Thánh Tiến sĩ Lm Thomas Aquino (Tomás de Aquino, Tommaso d’Aquino, Thomas d’Aquin, 1225-1274) nói: “Có ba điều cần để con người được cứu độ: biết mình TIN gì, biết mình MUỐN gì, và biết mình LÀM gì”. Ba động từ quan trọng như một tam-giác-sống đối với đời sống tâm linh của mỗi Kitô hữu chúng ta, đó là điều kiện để được làm “công dân Nước Trời” vậy.

Lạy Thiên Chúa uy quyền mà nhân hậu, xin dạy con đường lối thánh chỉ Ngài, con nguyện đi theo mãi đến cùng; xin cho con được trí thông minh để vâng theo luật Ngài và hết lòng tuân giữ; xin dẫn con đi trên đường mệnh lệnh Chúa, vì con ưa thích đường lối đó; xin hướng lòng con nghiêng về Thánh Ý, không ngả theo lợi lộc tiền tài (Tv 119:33-36). Xin thương giúp con biết sống khôn ngoan để con “được hưởng tình thương Chúa và ơn cứu độ theo lời hứa của Ngài” (Tv 119:41). Con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ con. Amen.

Về mục lục

.

KHO BÁU NƯỚC TRỜI LÀ ĐỨC KITÔ

Xuyên suốt trong các Chúa Nhật vừa qua, hình ảnh nổi bật trong các bài Tin mừng là ruộng đất. Từ hạt lúa gieo trên ruộng đồng đến lúa tốt và cỏ lùng chen vai mọc lên trên ruộng đất và Chúa nhật hôm nay là kho báu chôn giấu trong ruộng lúa.

Palestine là miền đất có nhiều tranh chấp và nguy hiểm rình rập: chiến tranh, bệnh tật, nạn dịch, đói khát, cướp bóc, nô lệ… hay bất cứ một sự bất hạnh nào cũng có thể lấy mất tài sản và cuộc sống của người dân. Nhiều người đã chôn giấu của cải dưới đất, hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ trở lại, nhưng có nhiều người ra đi vĩnh viễn. Do đó, người ta thường tìm thấy kho tàng.

Dụ ngôn ‘Kho báu chôn dấu trong thửa ruộng” là một câu chuyện không có gì xa lạ với dân chúng Do Thái, bởi vì họ vẫn thường kể cho nhau nghe về một câu chuyện cổ tích tương tự như thế.

Ngày hôm ấy, Abba Giuđa đang cố gắng cày nốt thửa ruộng còn lại, thì bỗng con bò của anh ta bị ngã qụy và gãy mất một chân vì gặp phải một cái hố nhỏ. Bực mình, anh ta dừng lại vuốt những giọt mồ hôi trên trán, rồi qùy xuống nâng chân con bò lên.

Đột nhiên, Đức Giavê mở mắt cho anh ta và anh ta đã nhìn thấy một kho tàng quí giá ngay trong cái hố nhỏ ấy. Anh ta tự nhủ :

– Chính vì chú bò này mà mình được lợi đây.

Kho tàng ấy là của một ai đó đã chôn dấu, có lẽ từ lâu lắm, vì sợ trộm cắp, giặc giã hay chiến tranh. Anh ta cẩn thận vùi đất lại, trở về nhà, thu góp tiền bạc, bán tất cả những đồ đạc, để gom cho đủ số tiền hầu mua thửa ruộng đó, bởi vì anh ta chỉ là một nông dân nghèo đi cày thuê cuốc mướn mà thôi.

Dĩ nhiên, anh ta mua được thửa ruộng ấy, dù với một giá hơi mắc, nhưng anh ta trở thành triệu phú, bởi vì luật pháp đã qui định : kể từ ngày làm chủ mảnh đất, anh ta cũng làm chủ tất cả những gì có trong mảnh đất ấy.

Có lẽ Chúa Giêsu đã lấy chính câu chuyện bình dân này để nói về Nước Trời.

Ý nghĩa của dụ ngôn chính là thái độ của người nông dân: tìm được kho tàng, anh ta rất vui mừng, vội chạy về nhà, tìm đủ mọi cách như bán tất cả đồ đạc, thậm chí kể cả việc vay mượn bà con lối xóm, để có đủ tiền mua thửa ruộng ấy. Hành động của anh ta thật khôn ngoan, nhanh nhẹn và hợp lý. Anh đã dám liều, dám hy sinh tất cả vì kho tàng quí giá ấy.

Dụ ngôn “Viên ngọc quý”: thương gia khi đã khám phá ra viên ngọc quý, đã bán tất cả những gì mình có để mua cho được viên ngọc ấy. Đây là một sự lựa chọn đáng ca ngợi và khích lệ.

Dụ ngôn “Kho báu chôn trong ruộng” và “Viên ngọc quí” diễn tả sự cao trọng, sự vô giá của Nước Trời, không có cái gì, không có vàng bạc hay tài năng nào sánh được. “Kho báu” và ‘Viên ngọc quý” ở đây là chính Đức Giêsu Kitô, Ngài là đối tượng lớn nhất, là niềm vui, là hạnh phúc để chúng ta tìm kiếm và sở hữu. Không có gì đẹp hơn là tìm biết Đức Kitô. Có Ngài, chúng ta có tất cả! Nói như Thánh Phaolô hôm nay là: trong Người, chúng ta “những người theo dự định của Chúa, được kêu gọi nên thánh”, trở nên giống với hình ảnh Chúa Con, trở nên giống Đức Kitô. Như thế, lời mời gọi nên thánh chính là trở nên giống Đức Kitô, sống theo Đức Kitô, là đạt đến Nước Trời.

1Nước Trời có một giá trị tối thượng

Chúa Giêsu nói về kho báu và viên ngọc mà người cày ruộng và thương gia dám bán tất cả những gì họ có để mua lấy. Bởi đó là giá trị tối hậu mang lại hạnh phúc và ý nghĩa cho cuộc đời họ. Đó là điều làm cho họ hân hoan vui sướng, dám đánh đổi tất cả mọi sự trên trần gian để có nó (GLCG # 546). Tính chất cao quý ấy được các bài đọc Sách Thánh hôm nay làm nổi bật bằng cách đưa ra những so sánh ví von. Cao quý như sự khôn ngoan được vua Salômon coi trọng hơn phúc lộc thọ của ngai vàng (bài đọc 1). Salômon kế vị Vua cha là Đavít. Salômon nhận rõ mình “trẻ người non dạ” và những hạn chế của bản thân trước trọng trách làm vua. Salômon được Thiên Chúa yêu thương, ân ban cho ông được quyền xin ơn gì ông cần. Salômon không xin giàu có, không xin vinh quang và cũng không xin trường thọ. Salômon xin ơn khôn ngoan để hướng dẫn dân được tuyển chọn đúng theo đường lối của Chúa. Điều ông xin làm hài lòng Thiên Chúa và ông được nhậm lời. Salômon trở nên một vị vua tài trí bậc nhất trong thiên hạ. Sự khôn ngoan của ông vượt ra khỏi biên giới Israel. Trước ông không ai như ông và sau ông không ai bằng ông. Cao quý như lề luật được Dân Chúa coi trọng tựa Nguồn Sáng dẫn lối (bài đọc 2). Cao quý như “Kho báu chôn trong ruộng” như “Viên ngọc quý”. Nước Trời là một ân ban cao quý Thiên Chúa dành cho mọi kẻ kiếm tìm.

3. Chọn lựa và quyết định

Sau khi đã nhận ra kho báu, người cày ruộng lẫn người buôn ngọc đều đã biết cái gì quan trọng, họ phải chọn lựa và đi đến một quyết định. Là Kitô hữu, môn đệ Chúa Giêsu, chúng ta tìm kiếm cái gì? Chúa Giêsu mời gọi chúng ta phải biết chọn lựa giữa những cám dỗ mời mọc của trần thế: ‘Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây? Tất cả những thứ đó dân ngoại vẫn tìm kiếm…Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho.” (Mt 6,31-33).

Sách Giáo lý Công giáo cũng khuyên dạy: ‘Chúa Giêsu kêu gọi mọi người vào Nước Trời qua những bài dụ ngôn của Ngài, nét đặc trưng của việc giảng dạy của Ngài. Qua các dụ ngôn này, Ngài mời người ta tới dự tiệc của Nước Trời, nhưng Ngài cũng đòi hỏi người ta một sự chọn lựa triệt để: để được nước Trời, người ta phải cho tất cả, và lời nói không đủ, còn cần phải có những hành vi” (GLCG # 546).

Nước Trời đòi buộc phải hy sinh, một khi đã khám phá ra, phải bán tất cả những gì mình có. Đây là một chọn lựa dứt khoát, quyết liệt, không dễ dàng. Sự từ bỏ theo Chúa Giêsu chính là thái độ dấn thân vì Nước Trời. Tìm thấy Nước Trời, thấy được giá trị cao quí của Nước Trời, cho nên mới can đảm hy sinh từ bỏ tất cả để có được. Người nông dân bán tất cả để mua cho được mảnh ruộng có kho báu ; vị thương gia bán tất cả tài sản để mua cho bằng được viên ngọc quý là hình ảnh nói lên việc phải dứt khoát chọn lựa Nước Trời.

4. Tìm được Nước Trời là niềm vui cuộc đời

Người nông dân, vị thương gia đều vui mừng khi tìm được kho báu hay viên ngọc quí. Cũng vậy, thái độ của người đã gặp Chúa, đã khám phá ra Nước Trời trong cuộc sống là thái độ hân hoan vui mừng. Tìm kiếm được niềm vui này mới làm cho con người có khả năng dứt bỏ mọi sự để theo Chúa. Bấy giờ, tất cả những gì trước nay ta cho là quí giá thì mất hết giá trị so với niềm vui mừng có được Thiên Chúa. Có Chúa là có tất cả. Đây là kinh nghiệm không dễ có được một khi thờ ơ không dám lên đường tìm kiếm Chúa và hạnh phúc Nước Trời. Nếu chỉ biết loanh quanh trong việc tìm kiếm của cải trần thế, thú vui xác thịt thì sẽ không bao giờ khám phá được niềm vui Nước Trời, niềm vui trong Chúa.

Tìm kiếm Nước Trời và từ bỏ tất cả để đạt cho bằng được là niềm vui của đời Kitô hữu chính là thái độ chọn lựa khôn ngoan. Trong Chúa mới làm nên ý nghĩa đích thực của đời sống, nơi Chúa mới tìm kiếm được nguồn mạch thỏa mãn mọi nỗi khát khao hạnh phúc.

Thái độ “vui mừng bán tất cả”, không phải ai cũng dễ dàng có được. Câu chuyện Phúc âm “Người thanh niên giàu có” là một ví dụ. Anh ta đã sụ mặt xuống và quay đi vì anh ta có nhiều của cải khi nghe Chúa Giêsu bảo : “Anh hãy về bán hết của cải, phân chia cho người nghèo, rồi hãy đến theo Ta…”. Làm sao bán hết Chúa ơi khi con đã một đời vất vả tảo tần để có được cơ nghiệp như ngày hôm nay ? Làm sao vui mừng để từ chối một mối tình vụng trộm mà con mới cất công xây nên ? Làm sao con từ bỏ một thói đã đem lại cho con nhiều thích thú và thỏa mãn sự biếng lười ? Làm sao con có thể bỏ lỡ một cơ hội kiếm tiền chỉ để giữ luật Ngày Chúa Nhật ? Làm sao con có thể bố thí nhiều đến thế, cho dù con sẵn sàng bỏ ra gấp trăm ngàn lần để nhậu nhẹt mua vui? Làm sao con có thể hạ mình xuống trong khi con là đấng bậc vị vọng? Làm sao con có thể bỏ học thêm để dành cho việc học giáo lý?…Và cuối cùng chắc con cũng sẽ sụ mặt xuống quay đi, vì con có quá nhiều tham vọng và của cải…

Cuộc đời vẫn luôn có những “chàng thu thuế Lêvi” sẵn sàng bỏ cả địa vị hái ra tiền để đi theo Đấng không có viên đá gối đầu. Vẫn còn những Giakêu, sẵn sàng chia nửa gia tài cho kẻ nghèo và đền gấp bốn những ai bị thiệt hại. Vẫn còn những Phanxicô Xavie, Phanxicô Asissi, vẫn còn những Têrêxa Calcutta…bỏ cả cuộc đời để ra đi rao giảng tin mừng và phục vụ người nghèo; vẫn còn những Maximilien Kolbe, Anrê Phú Yên dám bỏ cả mạng sống để đáp đền mạng sống…

Điều quan nhất là phải biết khám phá, trong bản thân mình, ai cũng có một kho báu quí giá. Kho báu ấy được Kinh Thánh mạc khải: Con người là “hình ảnh của Thiên Chúa”, được dựng nên “giống Thiên Chúa” (St 1,26.27; 9,6), là “con cái Thiên Chúa” (Lc 20,36; Ga 11,52; Rm 8,14.16.21; Gl 3,26; 1Ga 3,1.2.10), “được thông phần bản tính Thiên Chúa” (2Pr 1,4). Ý thức và xác tín những điều ấy, ta sẽ thấy phẩm giá con người hết sức cao quí. Đó là niềm vui và là hạnh phúc. Phẩm giá ấy cao quí hơn tất cả những gì mà ta có thể có được ở trần gian. Với bản chất cao cả ấy như một chìa khóa, một bí quyết, một nền tảng cần thiết, con người có thể có tất cả, nhất là có hạnh phúc đích thực ở trần gian này, và hạnh phúc vĩnh cửu mà Thiên Chúa dành cho con cái Ngài.

Trong Đức Kitô, sự khôn ngoan Thiên Chúa đã được tỏ bày qua sự yếu đuối nhân loại. Ai chân thành với Đức Kitô sẽ gặp thấy Ngài chính là kho báu. Ai trung thành làm theo lời Đức Kitô sẽ sở hữu trọn vẹn kho báu ấy. Ai nhiệt thành gắn bó với Đức Kitô sẽ được chia sẽ cùng Ngài kho báu hạnh phúc Thiên đàng.

Về mục lục

.

 

 

Exit mobile version