Lời Chúa Năm A CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM A

CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN NĂM A

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 16 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: Kn. 12, 13.16-19; Rm. 8, 26-27; Mt. 13, 24-43

Mục lục

1.  Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn và bao dung  (GM. Giuse Vũ Văn Thiên, GP. Hải Phòng)

2.  Tất cả là hồng ân   (TGM. Giuse Ngô Quang Kiệt)

3.  Diệt cỏ lùng bằng nhân đức   (LM. Jos. Tạ Duy Tuyền)

4.  Thiên Chúa luôn cho ta cơ hội để hoán cải  (LM. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

5.  Tốt và Xấu   (Trầm Thiên Thu)

6.  Cứ để cả hai mọc lên    (LM. Giuse Nguyễn Hữu An)

7.  Sự kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

8.  Chúa là Tình yêu  (LM. Jos. DĐH, GP. Xuân Lộc)

 

 


THIÊN CHÚA LÀ ĐẤNG KIÊN NHẪN VÀ BAO DUNG

Tại  sao trong cuộc sống này vẫn còn những kẻ ác sống chung với người lành? Tại sao nhiều khi những người gian ác xem ra lại thành đạt, trong khi những người hiền lành lại gặp quá nhiều đau khổ? Phải chăng sống hiền lành là dại dột và kém cỏi? Đó là những vấn nạn đã và đang được đặt ra từ bao thời đại. Nhiều người đã vì những vấn nạn đó mà mất niềm tin vào Thượng đế và mất niềm tin nơi cuộc đời. Khi đứng trước ngõ cụt cuộc sống, họ đã mất niềm hy vọng và buông xuôi theo số phận.

Từ thời Cựu ước, câu hỏi này đã được đề cập với sự nhức nhối. Các ngôn sứ và nhất là các tác giả Thánh Vịnh đã nói nên những bức xúc về sự dữ qua các tác phẩm văn chương của mình, ví dụ Thánh vịnh 73: “Thế mà tôi đã gần như hụt bước, một chút nữa là tôi phải trượt chân, bởi ganh tị những người lên mặt và thấy ác nhân thịnh đạt hoài. Quả là chúng không nếm mùi tân khổ, chúng có thân hình mạnh mẽ phương phi, không hề vất vả như ai khác, chẳng bị tai ương giống người đời” (Tv 73, 2-5). Tuy vậy, tác giả cũng suy gẫm về hậu vận không tránh khỏi của những người làm điều ác: “Trong nháy mắt, hỡi ôi, chúng đã sụp đổ rồi, nỗi kinh hoàng ập xuống, cuốn mất cả tăm hơi!” và ông tìm ra lẽ sống và phần thưởng của người công chính: “Còn hạnh phúc của con là ở kề bên Chúa, chốn ẩn thân đặt ở Chúa Trời” (Tv 73).

Trong Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã đưa ra cho chúng ta một câu trả lời: Nếu trên thế gian này người tốt và người chưa tốt còn tồn tại và chung sống với nhau, đó là nhờ lòng kiên nhẫn và bao dung của Thiên Chúa. Từ một hình ảnh rất gần gũi với đời thường là ruộng lúa, Chúa Giêsu đã so sánh với cuộc sống con người. Cũng như cỏ lùng mọc lên xen kẽ với cây lúa, cuộc đời này, do tác động của ma quỷ và những khuynh hướng xấu, nên có nhiều người bị lôi kéo tới một lối sống thiếu lành mạnh và phạm tội chống lại Thiên Chúa và làm phương hại đến anh chị em mình. Thiên Chúa không phải là một vị thần luôn trừng phạt con người. Ngài giống như một chủ ruộng, nhìn xa trông rộng và luôn luôn chờ đợi hy vọng. Trong khi đó, những người tá điền lại đề nghị một giải pháp xem ra rất thực tế nhưng kém cẩn trọng là cho phép họ nhổ cỏ lùng. Người chủ ruộng không nghĩ như họ. Ông lo rằng trong khi nhổ cỏ, họ nhổ luôn cả lúa. Ông là người kiên nhẫn và bao dung. Không những chỉ kiên nhẫn chờ đợi, Thiên Chúa là chủ vũ trụ và nắm trong tay vận mệnh con người còn hy vọng những người xấu hối cải sửa mình để nên người tốt. Lòng bao dung của Thiên Chúa được diễn tả trong bài trích sách Khôn ngoan (Bài đọc I): “Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề, là người có tội được Ngài ban ơn sám hối”.

Câu trả lời của Chúa Giêsu vừa nhằm giải thích cho chúng ta một thực tế là người tốt và người xấu cùng tồn tại, đồng thời, Người cũng quả quyết với chúng ta rằng những người sống tốt lành sẽ không hề bị thiệt. Công phúc của họ sẽ không rơi vào hư vô. Hơn nữa, họ cũng phải cẩn trọng, bởi vì nếu người xấu có hy vọng cải đổi thành người tốt, thì những người nghĩ là mình đang sống tốt cũng có thể một ngày nào đó rơi vào tình trạng sống tội lỗi.

Và, trong cuộc sống có biết bao xung đột và hỗn loạn này, những ai đang tin tưởng vào Chúa và tuân giữ lời của Ngài dễ bị cám dỗ lôi cuốn theo đám đông. Họ nghĩ rằng giữ Đạo là vô ích vì một phần lớn trên thế gian người ta sống tự do buông thả. Chúa Giêsu khuyên chúng ta, nếu chúng ta biết kiên trì chọn lựa giáo huấn của Người, chúng ta đừng buồn vì mình chỉ là thiểu số, vì cũng giống như hạt cải nhỏ bé được gieo trong đất, khi mọc thành cây, nó lớn lên đến nỗi chim trời có thể làm tổ trên cành được. Hoặc như chút men được pha trong bột làm cho bột được dậy men để trở thành tấm bánh thơm ngon mang hương vị ngọt cho đời. Thiên Chúa là Đấng kiên nhẫn và bao dung. Chúng ta hãy kiên nhẫn và bao dung như Ngài trong cách đối xử với anh chị em mình.

Xin ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ để chúng ta được ơn trung thành với Chúa và nhất là biết sống theo thánh ý của Ngài. Vâng, đời sống gia đình, những sinh hoạt trong giáo xứ, những mối tương quan nghề nghiệp bạn bè trong cuộc sống đời thường đang là những môi trường để chúng ta thực thi sứ mạng làm men làm muối cho đời. Kể cả lời cầu nguyện của chúng ta cũng rất cần có Chúa Thánh Thần soi sáng, vì Ngài hiểu nỗi lòng và những ước nguyện chính đáng của chúng ta (Bài đọc II).

Về mục lục

.

TẤT CẢ LÀ HỒNG ÂN

Dụ ngôn cỏ lùng là một trong những dụ ngôn hiếm hoi được chính Chúa giải thích rõ ràng. Giải thích của Chúa giúp ta có những hiểu biết hữu ích cho đời sống đạo.

Dụ ngôn nhắc nhớ ta về sư hiện diện của ma quỷ. Ma qui hiện hữu. Chúng luôn có mặt để gieo rắc sự xấu. Chúa đã chuần bị những thửa ruộng tốt. Những thửa ruộng đó là thế giới, là Giáo hội, là tâm hồn mỗi người. Chúa đã gieo những hạt giống tốt. Hạt giống đó là Lời Chúa, là ơn Chúa, là những thiện chí, những ý hướng cao đẹp trong tâm hồn con người. Nhưng ma quỷ lén gieo vào những hạt cỏ xấu.

Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hoà bình. Đẹp biết bao nếu mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng buồn thay, cánh đồng hoà bình tươi xanh đã bị những ngọn cỏ tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sự thế giới được ghi bằng những trang buồn vì không ngày nào không có chiến tranh.

Thế giới sẽ đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần xây dựng. Nhưng buồn thay, rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc huỷ hoại, tha hoá, nô lệ hoá con người.

Ngay trong bản thân mỗi người, không thiếu những sáng kiến, những hoạt động ban đầu xem ra tốt đẹp, nhưng dần dà vị vẩn đục vì những biến tướng nặng mùi trần tục như khoe khoang, tìm hư danh, tìm lợi lộc.

Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt.

Tuy nhiên, dụ ngôn cho thấy sự kiên nhẫn và lòng bao dung của Chúa. Chúa đợi cho đến ngày tận thế mới thu lúa cùng với cỏ lùng. Chúa kiên nhẫn đợi chờ vì hi vọng những người tội lỗi ăn năn sám hối. Chúa bao dung tha thứ không nỡ phạt người tội lỗi tức khắc. Chúa yêu thương, tin tưởng người xấu sẽ có ngày nên tốt. Nếu phạt ngay nhưng người tội lỗi thì ta đâu còn cơ may được chiêm ngưỡng ông thánh trộm lành. Nếu Chúa thẳng tay thì ta đâu có thánh nữ Madalêna, Tông đồ của các Tông đồ, thánh Augustinô, Tiến sĩ lừng danh, thánh Phaolô, vị Tông đồ dân ngoại. Nếu Chúa chấp tội thì bản thân ta sẽ là người bị phạt đầu tiên, vì trong ta cũng đầy những tội lỗi, những sự xấu. Trong tâm hồn ta cỏ lùng vẫn mọc xen với lúa tốt.

Sau cùng, dụ ngôn cho ta hiểu tất cả là hồng ân của Chúa. Có sự lành để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Thiên Chúa. Có sự dữ để ta gớm ghét tránh xa và càng thêm gắn bó với sự lành. Có sự lành để ta được hưởng niềm an ủi ngọt ngào của Chúa. Có sự dữ để ta phấn đấu vượt qua, chứng minh lòng trung tín của ta với Chúa. Có thuận lợi tiến bước trên đường thánh thiện. Có khó khăn để ta rèn luyện thêm đức.

Mọi sự đều nên tốt cho kẻ lành. Thật vậy, việc cấm đạo là sự dữ. Nhưng nhờ đó mà Giáo hội có được những chứng nhân anh hùng. Đau khổ và bệnh tật là những khiếm khuyết trong cuộc sống, nhưng lại giúp con người được thông phần đau khổ với Chúa. Thánh Nữ Têrêsa đã nhìn thấy tất cả là hồng ân của Chúa. Sự lành cũng như sự dữ. Hạnh phúc cũng như đau khổ. Thành công cũng như thất bại. Tất cả đều góp phần rèn luyện, vun đắp và thăng tiến người lành.

GỢI Ý CHIA SẺ

1) Khi gặp những người xấu trong xứ đạo, trong hội đoàn, bạn có muốn khai trừ người đó ngay tức khắc không?

2) Trong con người bạn có những khuyết điểm, những bệnh tật, bạn có phấn đấu khắc phục những khuyết điểm, vượt qua bệnh tật để thăng tiến bản thân không?

3) Chúa đã khoan dung, kiên nhẫn đợi chờ bạn ăn năn hối cải. Bạn có biết kiên nhẫn với người khác?

Về mục lục

.

DIỆT CỎ LÙNG BẰNG NHÂN ĐỨC

Một nhà hiền triết dẫn các học trò đến trên bãi cỏ hoang và hỏi các học trò: Làm thế nào để diệt trừ hết cỏ hoang này?

 Một học trò thưa: “Dạ thưa thầy, chỉ cần có một cái xẻng thôi là xong hết ạ!”

Nhà hiền triết khe khẽ gật đầu.

Một người học trò khác như phát hiện ra điều gì mới, nói tiếp: “Dạ thưa thầy, đốt lửa để diệt cỏ cũng là một cách rất hay đấy ạ!”

Nhà hiền triết im lặng mỉm cười, ra hiệu gọi một người khác.

Người học trò thứ ba nó: “Thưa thầy, rắc vôi lên cũng có thể diệt được hết tất cả các giống cỏ đấy ạ!”.

Tiếp ngay sau đó là người học trò thứ tư anh ta nói: “Diệt cỏ phải trừ tận gốc, chỉ cần nhổ được rễ lớn là xong hết!”.

Các học trò đã lần lượt nói hết suy nghĩ của mình, nhà hiền triết mới nói: “Muốn diệt hết cỏ dại ở bãi hoang, chỉ có một cách hay nhất, đó là hãy trồng cấy mùa màng lên đấy. Cũng như vậy, muốn để linh hồn không phải buồn lo tản mạn, thì cách duy nhất là hãy chiếm cứ nó bằng những đức tính tốt”.

Đây là một câu chuyện thật ý nghĩa. Ý nghĩa vì nó rút cho chúng ta một bài học làm người thật giản dị. Muốn trở nên người tốt thì không phải chỉ bỏ tật xấu mà quan yếu là tập thói quen tốt mới có thể giảm dần tính xấu.

Con người chúng ta mặc dầu được tạo dựng giống hình ảnh Thiên Chúa nhưng lại được đặt giữa thế gian nên ma qủy cũng gieo vào hồn ta những cỏ dại là tính hư nết xấu. Có đôi lúc chúng ta ngủ mê trong đam mê nên để cỏ dại mọc kín tâm hồn chúng ta. Có đôi lúc chúng ta mải mê trong danh vọng nên để cho tính hư nết xấu, cùng thói kiêu căng giả hình phát triển mạnh mẽ nơi chúng ta.

Chúa Giê-su dùng dụ ngôn lúa và cỏ lùng như muốn nhắc nhở chúng ta sự phát triển rất nhanh của tính hư nết xấu trong con người chúng ta. Chỉ một chút thờ ơ thì cỏ lùng đã lấn lướt cây lúa. Cũng vậy, chỉ một chút mất cảnh giác cũng đủ chúng ta lây nhiễm biết bao thói đời xấu xa. Cỏ thì dễ mọc. Lúa thì phải chăm bón. Thói xấu thì dễ nhiễm, nhưng nhân đức phải tập luyện mới thành. Đó là nỗi khổ mà thánh Phao-lô đã từng thốt lên: “việc lành tôi muốn làm mà tôi lại không làm. Việc dữ tôi không muốn làm mà tôi lại làm”. Đó là lý do mà có biết bao người đang hiền lành bổng dưng làm chuyện ác, đang sống tốt bỗng trở thành kẻ sát nhân. Đó cũng là mâu thuẫn tự nội tâm con người và vượt ngoài tầm kiểm soát của chúng ta. Nhưng hôm nay Chúa bảo chúng ta đừng lo lắng hay thất vọng. Hãy tin  tưởng vào sức mạnh của ân sủng Chúa. Chính Chúa sẽ hoàn tất những điều tốt đẹp nơi chúng ta. Tựa như một cây cải nhỏ bé tưởng chừng như bị nuốt chửng giữa cỏ dại um tùm nhưng một lúc nào đó nó sẽ trở thành cây cao bóng cả. Hay việc tốt chúng ta làm tuy nhỏ bé như nắm men được ủ vào ba thúng bột, thế mà nó làm cho tất cả đều phải dạy men. Hãy kiên nhẫn rèn luyện nhân đức. Hãy kiên nhẫn sửa lại lỗi lầm bằng những việc cao thượng hơn hầu khống chế những tính hư nết xấu trong ta.

Cuộc sống con người có cái tốt, cái xấu. Nó có thể biến chúng ta thành thiên thần hay ác quỷ trong một khoảng cách rất gần. Điều quan yếu là chúng ta đừng bao giờ mất cảnh giác với lời mời gọi đi vào đường xấu. Hãy tỉnh thức kẻo sa vào cám dỗ. Hãy nói không với tội lỗi. Hãy tránh xa môi trường xấu để giữ mình khỏi quyến luyến tội lỗi.

Người xưa nói rằng: “biết mình yếu thì đừng ra gió”. Hãy tự biết sự yếu đuối của mình để phòng tránh những cám dỗ tội lỗi. Hãy nhìn nhận sự yếu đuối của mình để cậy dựa vào ân sủng Chúa. Hãy để cho Chúa dẫn dắt chúng ta đi trong ánh sáng Lời Chúa. Hãy rèn luyện các nhân đức tốt để đẩy lùi những thói xấu ra khỏi con người chúng ta. Hãy nuôi dưỡng những mầm sống lương thiện thay cho những ý đồ bất chính. Hãy làm cho tâm hồn mình trở thành miền đất màu mỡ cho Tin Mừng của Chúa được vươn lên thành những nhân đức cao đẹp.

Ước gì chúng ta hãy làm đẹp cuộc đời mình thành những cánh đồng lúa xanh tươi bằng những việc lành phúc đức. Xin đừng để tính lười biếng mà biến hồn ta thành nơi chất chứa những điều xấu xa. Xin cho chúng ta biết chiến thắng cỏ lùng bằng việc rèn luyện những nhân đức tốt thay cho những cái xấu làm mất vẻ đẹp cuộc đời chúng ta. Ước gì chúng ta luôn biết cậy dựa vào ơn Chúa để hoàn thiện đời mình nên hoàn hảo như Cha chúng ta ở trên trời là Đấng hoàn hảo. Amen

Về mục lục

.

THIÊN CHÚA CHO TA CƠ HỘI ĐỂ HOÁN CẢI

Có một câu ngạn ngữ nói rằng : Khi cuộc đời đóng lại cánh cửa trước mặt chúng ta, thì Thiên Chúa luôn mở cho ta cánh cửa khác.  Có thể nói rằng, câu ngạn ngữ này thật đúng. Khi mỗi người bình tâm nhìn lại cuộc đời của mình sẽ thấy Thiên Chúa luôn cho chúng ta những cơ hội. Có những lúc trước mặt ta là cả một bầu trời đen tối, thì Thiên Chúa luôn cho ta một tia hy vọng ; có những khi ta tưởng rằng với tội lỗi mình gây ra, đáng lẽ mình đã phải trả giá, thế nhưng Thiên Chúa vẫn độ lượng cho chúng ta thời gian và cơ hội sửa chữa sai lầm.

Nhân từ và khoan dung là “đặc tính” trong cách hành xử của Thiên Chúa. Nhìn lại lịch sử của dân Israel, chúng ta thấy Thiên Chúa đã yêu thương chăm sóc họ như một người cha lo cho con cái ; vậy mà rất nhiều lần, Israel từ chối tình yêu và sự chăm sóc của Ngài. Những lúc như thế, Thiên Chúa như một người cha, vừa giận lại vừa thương. Cũng nhiều lần, với sự công thẳng, Ngài như muốn để cho Israel bị tiêu diệt khỏi mặt đất, nhưng tấm lòng người cha không cho phép Ngài làm như thế. Ngài lại tha thứ, yêu thương và đón nhận họ khi họ sám hối trở về.

Bài đọc một, tác giả sách Khôn Ngoan đã suy gẫm về Thiên Chúa và nhận ra rằng : Thiên Chúa luôn phải chịu sự giằng co giữa nhân từ và lỗi phạm, giữa công thẳng với khoan dung. Tác giả giải thích : Chính do sức mạnh của Chúa, mà Chúa hành động công minh- vì Chúa làm bá chủ vạn vật nên Chúa lại nương tay với muôn loài. Thiên Chúa luôn xử khoan hồng, lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản con ngươi, chỉ những ai cố tình, cố chấp thì Ngài mới xử tội. Tác giả sách Khôn Ngoan còn nghiệm ra rằng, Thiên Chúa làm như thế là để dạy chúng ta : Người công chính phải có lòng nhân ái, vì Thiên Chúa luôn cho con cái niềm hy vọng và cho người có tội có cơ hội để sám hối.

Dụ ngôn Chúa Giêsu kể hôm nay về câu chuyện cỏ lùng trong ruộng, cho thấy sự khác biệt về cách hành xử giữa Thiên Chúa và con người. Trước hết, câu chuyện trả lời cho thắc mắc muôn thuở của con người : Tại sao Thiên Chúa là Đấng quyền năng, nhân từ sao lại để cho nhiều sự xấ, sự ác xảy ra trong thế giới như thế ? Thiên Chúa không tạo nên sự xấu, Ngài càng không tạo nên sự ác. Giống như người chủ trong câu chuyện, ông đã không hề gieo cỏ lùng, nhưng ông gieo giống lúa tốt trong ruộng của ông và ông hết sức chăm lo cho mảnh ruộng của mình. Tuy nhiên, khi mọi người đang ngủ, kẻ thù của ông đã gieo cỏ lùng vào ruộng lúa rồi đi mất. Kẻ thù của Thiên Chúa chính là ma quỷ. Nó không muốn nhìn thấy con cái Chúa được hạnh phúc. Nó ghen tỵ vì con người được Chúa yêu thương. Vì thế, nó lén lút, đợi khi con người say ngủ trong lối sống và thói quen của mình, thì đã gieo những hạt cỏ dại vào trong tâm hồn mỗi người. Những hạt cỏ này cứ âm thầm mọc lên, đến một lúc nào đó, nó lấn lướt hết những việc tốt lành và biến mảnh ruộng tâm hồn chúng ta trở nên vườn hoang cỏ dại.

Nhìn thấy sự xấu, sự ác cùng với những bất công đang xảy ra trong xã hội, nhiều người đã giống như những đầy tớ trong câu chuyện hôm nay, họ muốn quay lại trách Thiên Chúa và nghi ngờ về quyền năng của Ngài : Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng của ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy ? Không chỉ trách Thiên Chúa, mà họ còn muốn Thiên Chúa hành xử theo cách của họ, khi đề nghị với ông chủ : Vậy ông có muốn cho chúng tôi đi gom chúng lại không ? Với đề nghị này, những người đầy tớ trong câu chuyện muốn nhân danh Thiên Chúa và sự công thẳng của Ngài để loại trừ những người xấu, những kẻ bị xem là cỏ lùng. Như thế, những người này tự cho mình là những người tốt, những người xứng đáng có quyền để kết án người khác.

Thiên Chúa có quyền trừng phạt ngay lập tức kẻ có tội, những kẻ xấu và những người gây ra sự ác, nhưng Thiên Chúa đã không làm như vậy, Ngài có cách hành xử riêng của Ngài. Trước lời đề nghị đi nhổ cỏ lùng của những người đầy tớ, ông chủ đã trả lời : Đừng, vì sợ rằng khi đi nhổ cỏ, các anh lại làm bật luôn rễ lúa. Hãy cứ để cả hai cùng mọc lên cho đến mùa gặt. Đến mùa gặt, tôi sẽ cho thợ gom cỏ lùng lại và đốt đi, còn lúa thì cho vào kho lẫm. Câu trả lời này cho thấy sự nhẫn nại của Thiên Chúa đối với những kẻ có tội và những người làm điều xấu. Thiên Chúa luôn cho con người có thời gian và cơ hội để hoán cải, để làm lại cuộc đời. Dĩ nhiên, Thiên Chúa không mong cỏ lùng biến thành lúa, nhưng Ngài lại mong người xấu biến thành người tốt, kẻ gian ác biến đổi nên người lương thiện, và đến ngày xét xử, Thiên Chúa sẽ xử công minh với mỗi người tùy theo việc họ đã làm.

Hãy cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt. Điều đó cho thấy rằng, Thiên Chúa không hề nóng vội, cũng không hề mất kiên nhẫn với con người. Ngài là một người Cha luôn chờ đợi chúng ta là những người con sám hối trở về để Ngài tha thứ. Ngài không hề kể tội chúng ta khi chúng ta quay về. Trái lại, Ngài luôn mở rộng vòng tay ôm chúng ta vào lòng và cho chúng ta được ngụp lặn trong biển yêu thương của Ngài. Tuy nhiên, đến thời hạn sau cùng, nếu người nào còn cố chấp trong sự sai trái của mình, từ chối tình yêu, bỏ mất cơ hội hoán cải, không chấp nhận quay trở lại thì kẻ ấy sẽ biến mình trở thành thù nghịch với Thiên Chúa và sẽ bị hủy diệt trong lò lửa.

Tuy nhiên, không dễ để mỗi người nhận ra thực trạng của mình : Hiện nay, tôi đang là cỏ lùng hay là lúa ? Hiện nay, mảnh ruộng tâm hồn tôi đang là ruộng lúa hay đang là ruộng cỏ ? Để có thể nhận ra được tình trạng tâm hồn của mình là cỏ hay là lúa, ruộng lúa hay là ruộng cỏ, chúng ta cần phải có sự trợ giúp của Thánh Thần. Đó là điều Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta trong thư Roma : Thần Khí sẽ giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải. Điều đó có nghĩa là qua việc cầu nguyện cùng với sự soi sáng của Thánh Thần, chúng ta sẽ nhìn rõ về con người và tình trạng tâm hồn của mình. Chỉ khi dám nhìn vào tâm hồn mình và khiêm tốn nhìn nhận sự sai trái của mình, chúng ta mới có thể khắc phục được những sai lầm trong cuộc sống, và cùng với ơn Chúa và sức mạnh của Thánh Thần, chúng ta mới có thể tận dụng được cơ hội và thời gian Chúa ban để hoán cải.

Thưa quý OBACE, Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người nhìn lại tình trạng tâm hồn của mình và biết học nơi Chúa sự nhẫn nại và quảng đại bao dung với anh chị em chung quanh, đừng vội kết án, nhưng luôn cho anh chị em mình cơ hội để làm lại cuộc đời.

Các bậc làm cha mẹ luôn muốn mảnh ruộng gia đình là một mảnh ruộng tốt và muốn con cái mình là những giống lúa tốt. Tuy nhiên, vì sức ép của đời sống kinh tế, vì cám dỗ chạy theo vật chất và danh vọng, nhiều người đã ngủ quên trong công việc, trong việc tìm kiếm cơm áo nên đã bỏ quên ruộng lúa là gia đình, bỏ quên con cái, để cho ma quỷ và sự xấu len lỏi vào trong gia đình, trong tâm hồn của mình và của con cái. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần điều chỉnh lại cuộc sống của mình, cần biến tâm hôn mình thành mảnh đất tốt, dành nhiều thời gian hơn nữa cho gia đình, cho con cái để chuyện trò, để hiểu nhau hơn và thông cảm với nhau hơn. Hãy gieo vào gia đình và tâm hồn con cái nhiều việc tốt, nhiều gương sáng, hãy đem Chúa vào trong gia đình qua những giờ kinh, giờ cầu nguyện và hãy gieo vào tâm hồn mình và con cái những hạt giống của Tin Mùng. Khi tỉnh thức như thế, thì ma quỷ và sự xấu sẽ không thể lẻn vào gia đình chúng ta được.

Lời Chúa cũng muốn chúng ta học nơi Chúa sự kiên nhẫn và quảng đại với anh chị em. Đừng vội kết án hay loại trừ khi anh em mình sai lỗi, nhưng hãy ân cần nâng đỡ và tạo cơ hội cho anh chị em làm lại cuộc đời. Thiên Chúa không bao giờ dập tắt hy vọng của chúng ta, Ngài cũng không bao giờ khóa chặt cánh cửa tương lai của chúng ta. Vì thế, chúng ta đừng bao giờ đóng chặt cửa tương lai, đừng bao giờ dập tắt hy vọng của mình và của anh chị em mình. Amen

Về mục lục

.

TỐT VÀ XẤU

Cuộc đời có nhiều các thái cực khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau. Một trong các “cặp đôi” đó là Tốt và Xấu, hoặc Thiện và Ác. Nói theo tâm linh, đó là Thiên thần và Quỷ sứ. Có thể coi Tổng lãnh Thiên thần Micae (*) đại diện phe Thiện, đối nghịch với Quỷ vương Luxiphe – vốn dĩ là một thiên thần – đại diện phe Ác.

Tốt và xấu cũng có nghĩa đen và nghĩa bóng. Cái gì tốt thì luôn luôn đẹp, nhưng cái gì đẹp thì chưa chắc là tốt. “Cái tốt” và “cái xấu” là thứ đến trong mỗi hành động, lằn ranh rất mong manh. Và vì thế, chúng ta không bao giờ được ngừng cẩn trọng trong mỗi suy xét hay phán đoán về người khác, cũng như không bao giờ ngừng chú ý và nghiêm khắc với từng hành động của mình.

Nếu cuộc chiến giữa “cái tốt” và “cái xấu” không bao giờ kết thúc, ở bất kỳ nơi nào hoặc trong bất kỳ ai, việc của chúng ta không phải là đứng ngó và dùng niềm tin của mình để phân định ai là “người tốt”, ai là “kẻ xấu”, rồi ngỡ ngàng khi niềm tin mơ hồ ấy tan biến theo sự thay đổi của con người.

Nhnâ chi sơ tính bổn thiện. Ai sinh ra cũng đều là người tốt, tốt đúng nghĩa, vì được chính Thiên Chúa tác tạo nên giống hình ảnh Ngài theo Thánh Ý Ngài (St 1:26-27), nhưng con người bất tuân vì nghe lời ma quỷ “xúi dại”, muốn “đấu tranh” với Thiên Chúa, và tội kiêu ngạo đó đã làm chúng ta xấu đi, không còn “tính bổn thiện” như trước.

Tuy vậy, Thiên Chúa vẫn một lòng yêu thương nhân loại, trước sau như một, không suy giảm. Sách Khôn Ngoan xác định: “Thiên Chúa chăm sóc mọi loài. Ngoài Ngài ra,chẳng còn thần nào khác để Ngài phải chứng tỏ rằng các phán quyết của Ngài không bất công” (Kn 12:13).

Kinh Thánh giải thích thêm về Thiên Chúa: “Chính do sức mạnh của Chúa mà Chúa hành động công minh, và vì Chúa làm bá chủ vạn vật, nên Chúa nương tay với muôn loài. Khi không có ai tin rằng Chúa nắm trọn quyền năng thì Ngài tỏ sức mạnh; còn ai đã biết mà vẫn to gan thì Ngài trị tội” (Kn 12:16-17). Ông bà Nguyên Tổ đã to gan và đã bị trị tội. Chúng ta cũng “di truyền” cái loại “gen nổi loạn” đó nên lúc nào cũng chỉ muốn “vùng lên”. Tội ở chỗ là biết mà vẫn phạm, cố phạm chứ không phải là ngu phạm, khôn phạm chứ không phải là dại phạm. Thế mới đáng tội. Chúng ta to gan lắm, xấu mà cứ tưởng mình tốt, dốt mà vẫn chảnh. Ghê gớm thật đấy!

Thế nhưng Chúa vẫn “xử khoan hồng vì Ngài làm chủ được sức mạnh” và “lấy lượng từ bi cao cả mà cai quản”, chúng ta đừng thấy vậy mà tưởng bở và khinh suất, vì “Ngài có thể sử dụng quyền năng bất cứ khi nào Ngài muốn” (Kn 12:18). Đó bài học Chúa dạy cho Ít-ra-en, và cũng là bài học dạy cho mỗi chúng ta hôm nay, những kẻ to gan, lớn mật, cũng “chẳng vừa”, vẫn dám coi Trời chỉ bằng… nắp bia! Nói theo ngôn ngữ ngày nay thì chúng ta có “máu giang hồ”, ánh mắt mang hình “viên đạn nguyên tử”, chẳng khác “dân anh chị” thứ thiệt.

Thiên Chúa làm vậy không phải là Ngài “trả đũa” hoặc “hẹp hòi”, mà để dạy chúng ta bài học này: “Người công chính phải có lòng nhân ái” (Kn 12:19a). Sự công chính rất quan trọng, như tấm vé vào Nước Trời, vì Chúa Giêsu nói: Nếu anh em không ăn ở công chính hơn các kinh sư và người Pha-ri-sêu, thì sẽ chẳng được vào Nước Trời” (Mt 5:20). Và Lòng Chúa Thương Xót vẫn chan chứa trải quan bao thế hệ:“Ngài đã cho con cái niềm hy vọng tràn trề là người có tội được Ngài ban ơn sám hối” (Kn 12:19b). Chắc chắn Thánh Phaolô đã cảm nghiệm sâu sắc về Lòng Chúa Thương Xót nên mới xác định: “Ở đâu tội lỗi đã lan tràn, ở đó ân sủng càng chứa chan gấp bội” (Rm 5:20). Chắc chắn nhất là chính Chúa Giêsu đã nói với Thánh nữ Faustina: “Lòng Thương Xót của Ta lớn hơn cả tội lỗi của con và toàn thế giới” (Nhật Ký số 1485).

Là phàm nhân, ai cũng có “gen tội lỗi” ngay khi trong lòng mẹ rồi (x. Tv 51:7). Thật vậy, “không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10:18), và Kinh Thánh nói rõ: “Chính nhân có ngã bảy lần cũng đứng lên được, còn kẻ ác cứ lảo đảo hoài trong cảnh tai ương” (Cn 24:16). Như vậy nghĩa là “người công chính mà còn mỗi ngày phạm tội tới bảy lần”, huống chi người chưa công chính, còn đang là tội nhân, tức là vẫn “dính líu” tới “cái xấu”.

Vì còn “máu xấu”, chúng ta phải biết khiêm nhường thật lòng “đấm ngực” và cầu xin:“Lạy Chúa, Ngài nhân hậu khoan hồng, giàu tình thương với mọi kẻ kêu xin; lạy Chúa, xin lắng nghe lời con cầu khẩn, tiếng con van nài, xin để ý lưu tâm” (Tv 86:5-6). Không có Chúa, chúng ta vô cùng vô duyên và khốn nạn, chẳng là gì cả. Vì thế mà chúng ta luôn phải cần có Ngài, vì mỗi nhịp thở của chúng ta chính là sự sống do Thiên Chúa trao ban.

Tác giả Thánh Vịnh xác định rạch ròi: “Lạy Chúa, muôn dân chính tay Ngài tạo dựng sẽ về phủ phục trước Thánh Nhan, và tôn vinh danh Ngài. Vì Ngài thật cao cả, và làm nên những việc lạ lùng; chỉ một mình Ngài là Thiên Chúa” (Tv 86:9-10). Cứ nhìn thiên nhiên cũng đủ xác minh. Thiên Chúa tốt lành nên chỉ tạo điều TỐT, nếu có điều XẤU là tại chúng ta, không thể “nói trại” đi là “thiên tai”, thật ra hoàn toàn là “nhân tai”.

Thiên Chúa im lặng và chưa ra tay vì Ngài vô cùng thương xót chúng ta, kiên nhẫn chờ đợi chúng ta trở về với Ngài để chính chúng ta được hưởng mọi phúc lợi, chứ chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài. Thời gian là sự nhẫn nại Ngài dành cho chúng ta, Ngài chỉ mong chúng ta sớm biết chân thành thân thưa: “Phần Ngài, muôn lạy Chúa, Ngài là Thiên Chúa nhân hậu từ bi, Ngài chậm giận, lại giàu tình thương và lòng thành tín. Xin đoái nhìn và xót thương con, ban sức mạnh của Ngài và xuống ơn cứu độ cho tôi tớ Ngài đây, con của nữ tỳ Ngài” (Tv 86:15-16).

Thiên Chúa nhẫn nại nhưng chúng ta lại “nóng tính”, cầu nguyện một thời gian chưa thấy “động tĩnh” gì thì vội nản chí sờn lòng, đôi khi còn trách Chúa. Thánh Phaolô nói: “Nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, đó là chúng ta bền chí đợi chờ” (Rm 8:25). Đó là sống tích cực về cả ba nhân đức đối thần (Tin-Cậy-Mến), và đó cũng là cách chúng ta tín thác vào Lòng Chúa Thương Xót bằng cả con người mình chứ không chỉ đọc như vẹt.

Thánh Phaolô giải thích: “Hơn nữa, lại có Thần Khí giúp đỡ chúng ta là những kẻ yếu hèn, vì chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho phải; nhưng chính Thần Khí cầu thay nguyện giúp chúng ta, bằng những tiếng rên siết khôn tả. Và Thiên Chúa, Đấng thấu suốt tâm can, biết Thần Khí muốn nói gì, vì Thần Khí cầu thay nguyện giúp cho dân thánh theo đúng ý Thiên Chúa (Rm 8:26-27). Rõ ràng Thiên Chúa luôn rất quan tâm chăm sóc chúng ta, sự quan phòng của Ngài ngoài sức tưởng tượng của phàm nhân. Tác giả Thánh Vịnh khuyên nhủ: “Hãy ký thác đường đời cho Chúa, tin tưởng vào Người, Người sẽ ra tay” (Tv 37:5). Chắc chắn rằng dù chúng ta có xấu tới cỡ nào mà tín thác cuộc đời cho Chúa hướng dẫn thì chúng ta sẽ sớm nên tốt.

Tin Mừng hôm nay gồm ba dụ ngôn về Nước Trời: [1] Dụ ngôn Cỏ Lùng (Mt 13:24-30, 36-43), [2] Dụ ngôn Hạt Cải (Mt 13:31-32; Mc 4:30-32; Lc 13:18-19), và [3] Dụ ngôn Men Trong Bột (Mt 13:33; Lc 13:20-21).

Dụ ngôn Cỏ Lùng không chỉ nói về Nước Trời mà còn là một trong các dụ ngôn cho thấy Lòng Thương Xót của Thiên Chúa rất bao la vô cùng. Hôm đó, Đức Giêsu ví Nước Trời như một người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. Khi mọi người đang ngủ, kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng vào giữa lúa, rồi đi mất. Khi lúa mọc lên và trổ bông, cỏ lùng cũng xuất hiện. Thấy vậy, đầy tớ nói với chủ: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Thế thì cỏ lùng ở đâu mà ra vậy?”. Ông đáp:“Kẻ thù đã làm đó!”. Đầy tớ nói: “Vậy ông có muốn chúng tôi ra đi gom lại không?”. Ông đáp: “Đừng, sợ rằng khi gom cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúaCứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”.

Đây là một trong số ít các dụ ngôn “khó hiểu” mà chính các môn đệ đã xin Sư Phụ Giêsu giải thích. Ngài đáp: “Kẻ gieo hạt giống tốt là Con Người. Ruộng là thế gian. Hạt giống tốt, đó là con cái Nước Trời. Cỏ lùng là con cái Ác Thần. Kẻ thù đã gieo cỏ lùng là ma quỷ. Mùa gặt là ngày tận thế. Thợ gặt là các thiên thần. Vậy, như người ta nhặt cỏ lùng rồi lấy lửa đốt đi thế nào thì đến ngày tận thế cũng sẽ xảy ra như vậy. Con Người sẽ sai các thiên thần của Người tập trung mọi kẻ làm gương mù gương xấu và mọi kẻ làm điều gian ác, mà tống ra khỏi Nước của Người, rồi quăng chúng vào lò lửa; ở đó, chúng sẽ phải khóc lóc nghiến răng. Bấy giờ người công chính sẽ chói lọi như mặt trời, trong Nước của Cha họ. Ai có tai thì nghe. Lời giải thích của Chúa Giêsu rất rõ ràng, mạch lạc, không ai lại không hiểu, nhưng vẫn có những người không muốn hiểu. Vì thế mà Chúa Giêsu thường nói: “Ai có tai thì nghe”.

Thiên Chúa thương xót mọi người, không chỉ người tốt, mà cả người xấu. Còn chúng ta lại xì xầm với nhau: “Sao Chúa không cho lũ ác ôn bị nạn cho nó trắng mắt ra nhỉ?”. Chúng ta không thể hiểu thấu tình yêu Thiên Chúa, đến nỗi sai Con Một xuống trần gian rồi “hiến dâng mạng sống mình làm giá chuộc cho muôn người” (Mt 20:28). Trong số “muôn người” đó có cả người xấu và người tốt – là người này, là người kia, là bạn, là tôi, là chúng ta. Chẳng vậy mà Chúa Giêsu đã từng dạy chúng ta: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em” (Mt 5:44), và “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28).

“Ai có tai thì nghe” [ai có tai nghe thì (hãy) nghe] là câu mà khi nghe, chúng ta cảm thấy có vẻ bình thường, nhưng thật ra lại rất thâm thúy, khiến chúng ta phải giật mình, thấm thía và đau điếng. Đó cũng là điều mà Chúa nhấn mạnh nên đã được nhắc tới vài lần (Mt 11:15; Mt 13:9; Mt 13:43; Mc 4:9; Mc 4:23; Mc 7:16; Lc 8:8; Lc 14:35; và Kh 13:9). Một câu rất đáng để chúng ta phải suy nghĩ nhiều! Có (lắng) NGHE thì mới HIỂU, hiểu thì phải LÀM (thực hành), chứ không thể nghe suông, nói mà không làm, hoặc dạy người khác làm mà mình không làm.

Cây nào trái nấy, chắc chắn là vậy. Chúa Giêsu nói: “Anh em hãy coi chừng cácngôn sứ giả, họ đội lốt chiên mà đến với anh em; nhưng bên trong, họ là sói dữ tham mồi. Cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai. Ở bụi gai, làm gì có nho mà hái? Trên cây găng, làm gì có vả mà bẻ? Nên hễ cây tốt thì sinh quả tốt, cây xấu thì sinh quả xấu. Cây tốt không thể sinh quả xấu, cũng như cây xấu không thể sinh quả tốt. Cây nào không sinh quả tốt, thì bị chặt đi và quăng vào lửa. Vậy, cứ xem họ sinh hoa quả nào thì biết họ là ai” (Mt 7:15-20; Lc 6:43-45). Người ta không thích “chạm vào” những câu như thế này!

Hai dụ ngôn tiếp theo cũng nói về Nước Trời, Chúa Giêsu ví như Hạt Cải và Nắm Men, nhưng cả hai dụ ngôn này đều ngắn gọn.

Dụ ngôn Hạt Cải: “Nước Trời cũng giống như chuyện hạt cải người nọ lấy gieo trong ruộng mình. Tuy nó là loại nhỏ nhất trong tất cả các hạt giống, nhưng khi lớn lên thì lại là thứ lớn nhất; nó trở thành cây, đến nỗi chim trời tới làm tổ trên cành được”.

Dụ ngôn Men Trong Bột: “Nước Trời cũng giống như chuyện nắm men bà kia lấy vùi vào ba thúng bột, cho đến khi tất cả bột dậy men.

Cả hai dụ ngôn này đều không khó hiểu, thế nên các môn đệ không phiền Thầy Giêsu giải thích. Và chúng ta cũng thấy càng ngày càng nhiều số người tin vào Đức Giêsu Kitô là Con Một Thiên Chúa, là Đấng Thiên Sai, là Đấng Cứu Độ. Mức độ không rầm rộ hoặc đột biến, chỉ tiệm tiến, nhưng chậm mà chắc. Hạt Cải đã biến thành Cây Cải, và Nắm Men đã làm dậy men những Thúng Bột.

Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói với đám đông và nói gì với họ cũng dùng dụ ngôn? Thánh sử Mát-thêu nói là “để ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ: Mở miệng ra, tôi sẽ kể dụ ngôn, công bố những điều được giữ kín từ tạo thiên lập địa” (Mt 13:35).

Ngôn sứ Ê-dê-ki-en đã nói: “Hãy dùng dụ ngôn mà nói với nòi phản loạn” (Ed 24:3). Vì thế mà chúng ta có thể thấy chí lý khi Chúa Giêsu bảo: “Ai có tai thì nghe”. Ai cũng có tai và có thể nghe, người điếc (thể lý) cũng có cách “nghe” của họ mà chúng ta thường nói là “nghe ngóng”. Người điếc tâm hồn thì không nghe được điều tốt, đó là chứng nan y bất trị. Nếu nghe thì nghe thế nào, nghe làm gì? Đó là vấn đề quan trọng cần phải lưu tâm!

Có một điều thường thấy ở đời: “Xấu nói tốt, dốt nói chữ”. Người có tâm địa xấu thì thường nói về điều tốt để che lấp mưu mô của mình, muốn cho người khác thấy rằng họ tốt lành; người dốt thì thường nói những câu văn hoa bóng bẩy hoặc lý sự “cùn” để che đậy cái sự trống rỗng của mình, muốn cho người khác thấy rằng họ là người có cả “một bụng chữ”. Thùng rỗng nào cũng kêu to, và vải thưa không thể che mắt thánh!

Sự khôn ngoan của Thiên Chúa không ai dò thấu, sự tốt lành và lòng thương xót của Ngài cũng chẳng ai hiểu nổi. Đúng như Kinh Thánh đã nói về ơn khôn ngoan mà Thánh Vương Sa-lô-môn được chính Thiên Chúa trao ban: “Sự hiểu biết của ngài bao trùm mặt đất, dụ ngôn và ẩn ngữ của ngài lan truyền khắp mọi nơi. Các bài ca, châm ngôn và dụ ngôn cũng như các lời giải thích của ngài khiến mọi xứ phải trầm trồ khen ngợi” (Hc 47:15-17). Quả thật, Thiên Chúa là vô cùng. Thánh Phaolô đã cho chúng ta biết: Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn cái khôn ngoan của loài người, và cái yếu đuối của Thiên Chúa còn hơn cái mạnh mẽ của loài người” (1 Cr 1:25).

Vâng, Thiên Chúa cực Tốt cực Lành, còn chúng ta vô cùng Xấu Xa, vậy mà vẫn “chảnh” lắm!

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết sống tốt thực sự, tốt theo đúng tiêu chuẩn của Chúa. Xin ban cho chúng con lòng nhân hậu để chúng con không chỉ yêu người chung chung, mà thể hiện tình yêu đó bằng cả tấm lòng, cả khối óc và đôi tay, yêu cả người thân và kẻ thù, yêu cả người tốt lẫn người xấu, nhất là những con người nghèo khó, đau khổ, nhỏ bé, hèn mọn, thấp cổ bé miệng. Xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ (Tv 51:12). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

(*) TLTT Micae nghĩa là “Người giống Thiên Chúa” hoặc “Giống như Thiên Chúa”. Micae là Thiên thần đầu tiên được Thiên Chúa tạo dựng, là vị trưởng trong các TLTT, có nhiệm vụ bảo vệ, khuyến khích, về sức mạnh, sự thật và chính trực. TLTT Micae bảo vệ chúng ta về thể lý, tâm lý và tình cảm. Ngài cũng giám sát mục đích sống của chúng ta. Chức năng chính của ngài là loại bỏ những điều xấu. TLTT Micae cầm gươm lửa để bảo vệ chúng ta khỏi Satan và những điều tiêu cực. Khi có ngài ở bên, bạn có thể thấy lấp lánh ánh sáng xanh hoặc đỏ. Hãy cầu xin TLTT Micae nếu bạn thấy mình bị tấn công về tâm lý hoặc thiếu can đảm giữ lời hứa, thiếu động lực, thiếu lòng tin, thiếu can đảm, mất phương hướng, thiếu nghị lực, thiếu sức sống, thiếu tự tin, và cảm thấy bất xứng. TLTT Micae giúp chúng ta nhận biết mục đích sống và giúp bảo vệ. Micae đã chiến thắng Satan (thiên thần sa ngã) ở trong Vườn Địa Đàng, dạy cho Adam cách gieo trồng và chăm sóc gia đình, nói với Môsê trên Núi Sinai.

Về mục lục

.

CỨ ĐỂ CẢ HAI MỌC LÊN

Nước Trời là một mầu nhiệm, Chúa Giêsu đã mạc khải và thiết lập trong lịch sử nhân loại. Qua những hình ảnh đơn sơ, bình dị, gần gũi với cuộc sống, Chúa Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn để giảng dạy về Nước Trời.

Chúa nhật trước với dụ ngôn “người gieo giống”,Chúa Giêsu cho thấy Nước Trời đã khai mạc. Cũng như người gieo giống đi gieo hạt trên khắp cánh đồng, Chúa Giêsu cũng gieo hạt giống Lời Chúa. Hạt giống ấy tăng trưởng trổ sinh hoa trái nơi mỗi người ra sao là tùy thái độ đón nhận của từng người ấy.

Chúa nhật hôm nay, Chúa Giêsu tiếp tục giảng dạy về Nước Trời bằng dụ ngôn “lúa và cỏ lùng”. Như vậy, sau khi nói đến việc khai mạc Nước Trời, Người nói đến sự phát triển của Nước Trời trong lịch sử trần thế.

Chúa Giêsu đã khởi đầu công trình của Người với một nhóm nhỏ Mười Hai Tông Đồ. Sự khiêm tốn của “hạt cải bé nhỏ được gieo vào lòng đất bao la”. Sự khiêm tốn của “một nắm men bị vùi sâu vào ba đấu bột”. Điều kỳ diệu là “hạt bé hơn mọi thứ hạt giống” lại “trở thành cây cao bóng cả đến nỗi chim trời có thể đến nương náu nơi ngành nó”. Nắm men ít ỏi kia lại có khả năng làm dậy lên cả ba đấu bột chôn vùi nó. Cũng như vậy, Nước Trời sẽ vươn xa vươn rộng cho muôn dân nước đến nương nhờ. Hạt giống Nước Trời đã làm dậy lên cả thế giới bằng một tinh thần mới của Tin Mừng,biến đổi lịch sử trong tình thương và hòa bình.

Một vấn nạn luôn được đặt ra: Nếu Nước Trời đã được Chúa Giêsu thiết lập cách đây hơn 20 thế kỷ và nếu Thiên Chúa là Đấng nhân hậu giàu lòng xót thương thì tại sao cho đến nay cuộc sống con người vẫn đầy dẫy bất công,bạo lực,khổ đau,chiến tranh tương tàn, và xem ra sự dữ có chiều hướng gia tăng ? Đôi khi những người xấu xa tội lỗi gian manh lại giàu có sung túc trong đời sống vật chất hơn những người lành ? Vấn nạn này vẫn luôn là trăn trở khôn nguôi người Kitô hữu ở mọi thời đại ! Dụ ngôn “lúa và cỏ lùng” giải thích vấn nạn ấy.

Cánh đồng được gieo toàn hạt giống tốt.Thiên Chúa đã gieo vào trần thế những con cái Nước Trời. Ban đêm kẻ thù xuất hiện. Satan tới gieo cỏ lùng. Thế là có cảnh lẫn lộn trên trần gian. Người lành kẻ dữ cùng chung nhau một mảnh đất. Đang khi hạt giống được gieo giữa ban ngày thì Satan lại lợi dụng đêm tối khi mọi người đã mất cảnh giác để gieo rắc tội lỗi. Hành động thấp hèn. “Xấu” chưa chắc đã “hèn”, nhưng “hèn” thì chắc chắn là “xấu”, bởi lẽ nhiều tay “giang hồ”, bặm trợn, vẫn rất ghét thói “ném đá dấu tay”, trong khi động cơ, phương tiện và mục đích của những hành động lén lút, luôn là bỉ ổi, xấu xa và hại người.

Thế giới này giống như cánh đồng lúa đầy cỏ lùng xen vào. Những ông thánh sống lẫn lộn với những thằng quỷ, tốt xen lẫn với xấu. Tốt như những tổ chức nhân đạo, nhân quyền, hoà bình thế giới: UNESCO, UNICEP, FAO, OLYMPIC, WORLD CUP là những tổ chức xây dựng văn hoá, giáo dục tình thương bảo vệ sức khoẻ trẻ em, phát triển lương thực thế giới, thăng tiến những tài năng, chăm lo y tế. Nhưng lại có rất nhiều những tổ chức xấu xen vào như Mafia, buôn lậu, ma tuý, vũ khí, khủng bố, trộm cướp, du đãng, buôn bán trẻ em, phim ảnh sách báo đồi truỵ… Đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ tham ô, móc ngoặc, bất lương. Những thứ cỏ lùng gai góc đó không bao giờ hết, chỉ đến mùa gặt tận thế chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được gánh về, chở về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang đó, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.

Thấy cỏ lùng xuất hiện với lúa, các đầy tớ đến hỏi ông chủ : “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao ? Thế thì cỏ lùng ở đâu ra vậy ?”.Thấy sự dữ tràn lan trên thế giới, bao nhiêu người thắc mắc: sự dữ, sự ác bởi đâu ra ? Chúng ta nhiều lần thấy gian tà thắng ngay lành, bất công thắng công chính. Kẻ ác thắng kẻ thiện, cũng thất vọng kêu trách : Sao Chúa để kẻ dữ sống lâu, mạnh khoẻ, giàu sang, may mắn, còn kẻ lành phải khổ cực trăm chiều?

Trước những thắc mắc đó, Chúa đáp : “Kẻ thù đã làm đó!” Kẻ thù là ai ? Thánh kinh cho biết có hai thứ kẻ thù : kẻ thù ở trong ta và kẻ thù ở ngoài ta. Kẻ thù ở ngoài ta có những tên khác nhau : con rắn cám dỗ phỉnh gạt (St 3,2.13), con rồng, rắn xưa, quỷ, satan (Kh 12,9), con thuồng luồng Leviathan (Is 27,1), kẻ thù, kẻ chống đối (Mt 13,25; Lc 10,19; 2Cr 6,15). Những kẻ thù này ở ngoài con người, nhưng chúng xâm nhập vào con người sâu hiểm tới độ đồng hoá với bản tính nhân loại. Nhưng chúng sẽ bị “Thiên Thần Chúa từ trời xuống, tay cầm chìa khoá vực thẳm và một dây xích lớn, bắt lấy con rồng, tức là con rắn xưa cũng là ma quỷ satan xích nó… quăng vào vực thẳm, rồi đóng cửa niêm phong lại” (Kh 20, 2-3). Nhưng một mình quỷ thôi, chúng sẽ bất lực như bất lực đối với Thánh Gióp. Chỉ khi có sự tiếp tay của ta như Eva tiếp nó, nó mới thành kẻ thù trong ta : nó trở nên kẻ nội thù ghê gớm. Nó mọc lên những cỏ lùng, bụi gai, đá sỏi, quỷ dữ (Mt 13,18-22). “Vì tự lòng phát xuất ra những ý định gian tà, những tội giết người, ngoại tình, tà dâm, trộm cướp, chứng gian, vu khống” (Mt 15, 19). Khi chủ cho biết kẻ thù làm đó, thì đầy tớ xin nhổ đi, chủ sợ hại đến lúa, nên ông đáp : “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt”. Thái độ của chủ thật khôn ngoan, ông kiên nhẫn chờ đợi đến mùa gặt, mới nhặt cỏ lùng đốt đi.

Có thể trong tâm tưởng nhiều người lại quy gán cho Thiên Chúa trách nhiệm về tình trạng khổ đau đó chẳng khác gì câu hỏi ngày xưa: “Thưa ông, không phải ông đã gieo giống tốt trong ruộng ông sao? Vậy cỏ lùng ở đâu mà ra?” Một câu hỏi không lên án nhưng chứa đựng sự nghi ngờ.

Để trả lời cho vấn nạn đó, Chúa Giêsu đã lấy lại giáo huấn của sách Sáng Thế : Sự ác không đến từ Thiên Chúa. Ngài chỉ gieo hạt giống tốt lành vào mảnh đất người đời. Sự ác cũng không chỉ đến từ tâm trí con người nhưng nó đã có trước đó.Sự dữ cũng là một mầu nhiệm. Đối với Chúa Giêsu, con người là nạn nhân của sức mạnh mà Người gọi là ”Kẻ thù”, là ”Quỷ dữ” như cách diễn tả trong dụ ngôn : “Khi mọi người đang ngũ, thì kẻ thù của ông đến gieo thêm cỏ lùng rồi đi mất”. Ở cội nguồn tội lỗi của con người,còn có một sức mạnh luôn tìm cách phá hoại công trình của Thiên Chúa và hành tung của nó rất bí mật. Đó là quỷ dữ lợi dụng đêm tối để gieo rắc tội lỗi rồi trốn đi.Thánh Phaolô đã nói về sự dữ trong thư Rôma : Công cuộc tạo dựng của Thiên Chúa tốt lành.Satan đã cám dỗ Adam, Eva, Nguyên Tổ sa ngã,tội lỗi sinh ra đau khổ và sự chết rồi nó như con bạch tuộc vươn vòi vào trần thế, con người nô lệ cho tội lỗi và nhận lấy án phạt là sự chết (x.Rm 1,20 -31 ;15,12).Ma quỷ luôn có mặt để gieo rắc sự xấu.

Thiên Chúa gieo vào thế giới hạt giống khát vọng hòa bình. Đẹp biết bao khi mọi dân tộc nắm tay nhau xây dựng một thế giới huynh đệ tươi thắm tình người. Nhưng thực tế lại đáng buồn thay ! Cánh đồng hòa bình tươi xanh đã bị những cỏ dại của tham vọng, ích kỷ, ác độc làm hoen ố. Lịch sử thế giới được ghi bằng những trang buồn đau vì không lúc nào mà không có chiến tranh.

Thế giới này sẽ tươi đẹp biết bao nếu tất cả trí thông minh, tất cả tài nguyên, tất cả năng lực đều góp phần chung tay xây dựng! Nhưng thật đáng tiếc,rất nhiều trí thông minh, rất nhiều tài nguyên, rất nhiều năng lực đã tiêu tốn trong việc hủy hoại, tha hóa, nô lệ hóa con người. Đó là những hạt cỏ xấu ma quỷ lén lút gieo vào ruộng lúa tốt. Lúa tốt và cỏ lùng lẫn lộn trên cùng ruộng lúa. Cái tốt, cái xấu đan xen trong cuộc sống hàng ngày,nhất là trong tâm hồn mỗi người. Ở đó, hạt mầm sự sống và nọc độc sự chết cùng sống chung. Mỗi con người chắc chắn đều có kinh nghiệm bản thân như Thánh Phaolô đã từng kinh nghiệm “Điều lành tôi muốn làm tôi lại không làm, còn điều dữ tôi không muốn làm nhưng tôi lại cứ làm ( Rm 7,19). Con người có tự do để chọn lựa cái đúng cái sai, chọn cái tốt cái xấu. Nước Trời cũng gồm những con người có tự do, thì cũng có những người xấu do chọn lựa sai lầm. Cảm nhận được sự thật ấy trong tâm hồn mình để chúng ta biết khoan dung trong cách nhìn về người khác. Sự khoan dung không đồng nghĩa với đầu hàng cái ác nhưng phát xuất từ niềm tin vững chắc vào sự tất thắng của Nước Trời: “Cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt. Đến ngày mùa, tôi sẽ bảo thợ gặt: hãy gom cỏ lùng lại, bó thành bó mà đốt đi, còn lúa thì hãy thu vào kho lẫm cho tôi”. Cho dù cỏ lùng có bóp nghẹt lúa tốt trong một thời gian dài, nhưng mùa gặt đến, cỏ lùng sẽ bị gom lại và đốt đi, còn lúa tốt được cất vào kho lẫm.

Cỏ lùng chẳng bao giờ thành lúa tốt được,nhưng người xấu có thể hoán cải để nên người tốt.Thiên Chúa ghét tội lỗi nhưng lại yêu mến tội nhân vì Người chờ nơi họ lòng thống hối để được thứ tha (x.Rm 2,4). Chính vì thế mà Thiên Chúa kiên tâm chờ đợi. Chờ đợi vì Thiên Chúa tin vào sự hoán cải của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa tôn trọng tự do lựa chọn của con người. Chờ đợi vì Thiên Chúa nuôi một niềm hy vọng lớn lao.Thiên Chúa vẫn luôn nhẫn nại đợi chờ cho đến ngày tận thế “ cứ để cả hai mọc lên cho đến mùa gặt”.

Cỏ lùng và lúa tốt nằm ở trong tim con người. Mỗi người đong đưa giữa cỏ lùng và lúa tốt, giữa cái thiện và cái ác, giữa Thiên Thần và Satan.Tự do chọn lựa là quyền mỗi người.Thiên Chúa vẫn chấp nhận cỏ lùng trong con người. Thiên Chúa nhẫn nại đợi chờ con người thanh luyện dần dần và hy vọng mọi sự trong họ sẽ thành lúa tốt.

Lạy Chúa, xin cho con nhẫn nại và can đảm cùng đi với Chúa và với tha nhân trên những nẻo đường ghập ghềnh cuộc đời, trong thác dốc tâm hồn với tất cả niềm tin và hy vọng. Amen.

Về mục lục

.

SỰ KIÊN NHẪN VÀ BAO DUNG CỦA THIÊN CHÚA

Trong cuộc sống, chúng ta thường xuyên đặt ra cho mình thắc mắc hay được nghe những chất vấn của rất nhiều người như: Tại sao Thiên Chúa lại để cho người dữ sống chung với người lành mà không tiêu diệt nó đi?”; hay “Tại sao kẻ ác lại gặp được may mắn, còn nhiều khi người tốt lại gặp phải thất bại?”; và “Trước thực trạng đó, chúng ta cần phải có thái độ nào? Có được phép tiêu diệt kẻ dữ để làm cho Giáo Hội được trong sạch không?”.

Hôm nay, chúng ta sẽ tìm thấy câu trả lời cho những vấn nạn trên qua ý nghĩa của ba dụ ngôn, đó là: dụ ngôn hạt giống và cỏ lùng, dụ ngôn hạt cải và dụ ngôn men bánh.

Qua ba dụ ngôn trên, ta thấy rất rõ cách hành xử của con người và Thiên Chúa hoàn toàn khác nhau. Cũng qua bài học của ba dụ ngôn trên, mỗi người chúng ta cần phải có thái độ sao cho phù hợp với thánh ý Thiên Chúa.

Trước tiên, chúng ta cùng xem cách hành xử của con người như thế nào?

          1. Cách hành xử của con người

Vì mang trong mình sự hữu hạn của loài thụ tạo, nên chúng ta không thể thoát ra khỏi sự yếu đuối, bất toàn của kiếp nhân sinh. Tuy nhiên, thay vì cần có thái độ khiêm nhường như Đức Mẹ, thánh Phêrô, Phaolô, Âu tinh…, để tạ ơn Chúa và sửa sai hầu được tốt lành hơn, hay sẵn sàng cảm thông cũng như chia sẻ, nắm lấy tay nhau, dìu nhau đứng dạy và hướng tới sự thánh thiện, thì chúng ta nhiều khi chẳng khác gì những đầy tớ của ông chủ trong “dụ ngôn cỏ lùng”, luôn tìm cách triệt hạ những kẻ yếu đuối và bất toàn, để muốn giải quyết cho nhanh hầu được yên thân, xong chuyện: “Vậy ông có muốn chúng tôi nhổ cỏ đi không?”.

Thật vậy, đã nhiều lần chúng ta không đứng về phía bao dung để tha thứ, mà lại cảm thấy khó chịu và đòi hỏi mọi người phải thánh thiện, tốt lành, trong khi đó, chúng ta không hề xắn tay áo lên để cùng nhau giải quyết.

Thái độ của chúng ta là như thế đó. Luôn muốn loại bỏ cái xấu cũng như cả con người xấu cùng lúc. Tuy nhiên, xem ra thái độ này không được đảm bảo, bởi lẽ không hợp với thánh ý Thiên Chúa muốn.

Vậy ý muốn và cách hành xử của Thiên Chúa là gì ?

2. Cách hành xử của Thiên Chúa

Qua dụ ngôn cỏ lùng, Đức Giêsu muốn giới thiệu cho chúng ta về bản chất của Thiên Chúa là: “Ðấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương” (Tv 103, 8).

Vì bản chất của Thiên Chúa là yêu thương, tha thứ và kiên nhẫn, nên trong mọi hoàn cảnh, biến cố, dù chúng ta suy nghĩ cách nào, tiêu cực hay tích cực, Ngài luôn tìm cách và dịp thuận tiện để hướng dẫn, dạy dỗ nhằm thể hiện tình yêu thương của Ngài và mong muốn chúng ta quay về để được tha thứ, yêu thương. Bởi vì “Ngài ghét tội chứ không ghét kẻ có tội”. Nên khi nghe đầy tớ đến xin cho phép được nhổ cỏ lùng ngay lập tức, thay vì thái độ ưng thuận, ông chủ đã ngăn chặn ngay và nói: “Đừng, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt… sợ rằng khi nhổ cỏ lùng, các anh làm bật luôn rễ lúa”. Cách hành xử này hoàn toàn khác với cách hành xử của con người mà chúng ta đã tìm hiểu ở trên.

Thật vậy, Nước Thiên Chúa đã đến nơi hành động của người gieo hạt. Tuy nhiên, Nước ấy được lớn lên ngay trong những thử thách qua hình ảnh cỏ lùng và lúa ở cùng với nhau, trà trộn vào nhau. Thời gian từ lúc gieo cho đến lúc gặt chính là thời gian kiên nhẫn chờ đợi của Thiên Chúa trong sự bao dung, nhẫn nại, để chờ đợi con người sám hối, ăn năn.

3.         Sứ điệp Lời chúa và thái độ của chúng ta

Lời Chúa hôm nay muốn mời gọi chúng ta cần phải có thái độ như Thiên Chúa là: hiền từ, nhân hậu, bao dung và kiên nhẫn, để chịu đựng những điều xấu của người khác và dần dần tìm cách để hoán cải họ nhờ ơn Chúa Thánh Thần. Đồng thời cảnh tỉnh chúng ta tránh cho xa thái độ của những đầy tớ là ích kỷ, nóng vội, bảo thủ và bất bao dung.

Tại sao vậy? Thưa, vì chúng ta cần phải nhìn nhận rằng: “Kẻ dữ người lành đều là con cái Chúa, được Chúa thương yêu tất cả, chúng ta cũng phải thương yêu nhau và phải có thái độ khoan dung”(thánh Augustinô).

Thật vậy, Thiên Chúa là Đấng: “… cho mặt trời chiếu soi kẻ dữ cũng như người lành, và cho mưa trên người công chính cũng như kẻ bất lương”.

Khi Thiên Chúa mời gọi chúng ta trở nên hiền từ, nhân hậu và kiên nhẫn, ấy là lúc Ngài muốn chúng ta có sự bình tâm để được thanh thản ngay trong những thử thách do người anh chị em chúng ta gây nên, đồng thời đợi chờ để kẻ tội lỗi có cơ  may quay trở lại. Thật vậy, “Nước trời giống như hạt cải người kia gieo trong ruộng mình. Hạt đó bé nhỏ hơn mọi thứ hạt giống, nhưng khi mọc lên, thì lớn hơn mọi thứ rau cỏ, rồi thành cây, đến nỗi chim trời đến nương náu nơi ngành nó”; hay “Nước trời giống như men người đàn bà kia lấy đem trộn vào ba đấu bột, cho đến khi bột dậy men” là bằng chứng cho thấy thành công của sự kiên trì và chờ đợi trong hy vọng.

Mặt khác, Lời Chúa hôm nay cũng cho chúng ta thấy rằng: không vinh quang nào mà không có thánh giá. Không thành không nào lại thiếu mồ hôi và nước mắt. Vì thế, chúng ta phải luôn tỉnh thức và chiến đấu, nếu không kẻ thù là ma quỷ sẽ tiến lại và thỏa sức gieo cỏ lùng là tội lỗi… vào trong mảnh đất tâm hồn, hầu làm cho lương tâm chúng ta nhuốm màu đen tối của sự ác…

Làm được điều đó, chúng ta phải trở nên khiêm tốn để lắng nghe Lời Chúa hướng dẫn chứ đừng có tai mà không nghe, có mắt mà không thấy.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con đừng rơi vào thái độ khó chịu, bất mãn về những khuyết điểm nơi anh chị em. Xin cho chúng con nhận ra sự nhẫn nại của Thiên Chúa. Đồng thời biết phản ánh tình yêu của Thiên Chúa qua hành động, lời nói và thái độ của chúng con. Amen.

Về mục lục

.

CHÚA LÀ TÌNH YÊU

“Ăn đồng chia đủ” là quan niệm sòng phẳng : phúc cùng hưởng, họa cùng chia; có làm thì có ăn, có chơi có chịu, đối với họ thế mới là công bằng. Điều gì đã khiến cho bậc sinh thành quở trách con cháu : “bóc ngắn cắn dài”, “con nhà lính, tính chuyện nhà quan” ? Làm sao người trẻ có thể hiểu nguyên nhân nào mà chúng bị ngăn cấm, bị giới hạn tự do, hoặc phải chịu kiểm soát nghiêm ngặt của cha mẹ ! Ai có thể giải thích cho giới trẻ hiểu : chẳng thà bây giờ con cái phải chịu khóc lóc bởi đòn vọt của cha mẹ, còn hơn là sau này cha mẹ, dòng tộc phải chứng kiến người con ấy khóc lóc khổ đau bởi pháp luật trừng trị !

Thầy thương trò, cha mẹ quan tâm đến con cái, mọi người liên đới trách nhiệm với nhau, nhưng tình yêu mới là điều kiện để người ta đạt đến hạnh phúc. Xung quanh chúng ta đồ thật, hàng tốt bị xen lẫn hàng xấu, đồ giả. Người lương thiện, chân chính bị lẫn lộn với kẻ gian dối, bất lương. Khi phải đương đầu với những bất công xảy ra cho cá nhân, cho gia đình, hay xã hội, người ta vẫn tự thắc mắc : Chúa là tình yêu, Chúa thật công minh đang ở đâu mà lại để cho kẻ xấu làm ảnh hưởng đến dân lành ? Câu trả lời phải là : kiên nhẫn chờ đợi sự công bằng và lòng nhân từ của Thiên Chúa, cứ để cả hai cùng lớn lên cho tới mùa gặt.

Những mưu mô khó hiểu : đúng sai, tốt xấu, chúng như thứ cỏ lùng gai góc không bao giờ hết, đang mọc lẫn trong ruộng lúa, chỉ đến mùa gặt, ngày tận thế, chúng mới bị quét sạch, đốt sạch. Tận thế sẽ thiêu đốt tất cả những thứ cỏ lùng đó, những kẻ xấu, kẻ dữ đó. Còn lúa thì được mang về, chất về kho. Những thánh nhân, những người lương thiện, công chính sẽ sáng chói trong ngày vinh quang, họ được rước vào nước hạnh phúc đời đời.

Của chồng công vợ, hay gái có công chồng chẳng phụ… luôn là dấu chỉ tích cực mà những người thợ : chung lòng, chung sức, bằng tình yêu thương xây dựng tâm hồn, cuộc sống, nước trời. Nơi gia đình, nếu biết con gái, con trai của họ sẽ làm linh mục, nữ tu, hẳn họ sẽ đầu tư nhiều, thật kỹ lưỡng, thậm chí cả người ngoài gia đình cũng sẽ hợp tác không tiếc công sức. Và tất cả những điều ấy chỉ được thấu tỏ khi tình yêu ngự trị trong tâm hồn, cuộc sống, người ta mới phát hiện Chúa chính là tình yêu đang hướng dẫn họ, gia đình họ.

Các bài đọc hôm nay cho thấy sự khôn ngoan và đầy tình yêu thương của Thiên Chúa khi tạo dựng vũ trụ vạn vật; đồng thời nói lên những giới hạn về sự hiểu biết của con người. Trong bài đọc I, tác giả Sách Khôn Ngoan chứng minh Thiên Chúa luôn hành động khôn ngoan và đối xử thật nhân từ, công bằng với hết mọi loài. Trong bài đọc II, thánh Phaolô mặc khải cho chúng ta một chân lý : vì con người không biết cách cầu nguyện thế nào cho đúng, nên Thiên Chúa ban cho con người chính Thần Khí của Ngài, để giúp con người dâng lên những lời cầu nguyện thích hợp, vừa đẹp lòng Thiên Chúa vừa sinh ích lợi cho con người.

Cỏ lùng không bao giờ trở thành lúa, không thể trổ sinh bông hạt tốt, nhưng những kẻ gian ác người tội lỗi thì nhờ tình yêu thương họ sẽ biến đổi thành người tốt. Không ai có thể giết chết đức tin của người Kitô hữu, nhưng vì ảnh hưởng của gương xấu, của cỏ lùng khiến người tín hữu sẽ khó mà sống hoàn hảo ơn đức tin được ! Trong tâm hồn mỗi người, tuy không ai nhìn thấy gì, nhưng chắc chắn tình yêu và hận thù vẫn đang tranh giành nhau. Có sự thiện để ta hiểu biết và yêu mến sự tốt lành của Chúa; có sự xấu để ta gớm ghét xa tránh mà chứng minh niềm tin và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Nhờ tình yêu thương của Thiên Chúa nhân từ, bằng lời cầu nguyện và hiệp thông của người thân quen, tất cả mọi người mới đáng dự phần hạnh phúc đời đời Chúa hứa ban.

“Thuyền to, sóng lớn” : thu nhiều thì chi nhiều, thu ít sẽ chi ít, đó là qui luật mà nhiều người đang ứng xử : ăn cây nào, rào cây ấy. Nếu xét theo nghĩa tự nhiên, công bằng là kết quả mà ta sẽ nhận lấy phần thưởng hoặc hình phạt, bởi những gì mình đã tự do làm điều tốt hay điều xấu. Theo vòng quay ấy, thời gian khiến cho nhịp sống càng trở nên hối hả và gấp gáp hơn. Con người phải lo toan, tất bật với cơm áo gạo tiền để sinh tồn, do đó việc tìm được sự thanh thản trong tâm hồn lại không dễ dàng. Vấn đề đặt ra, tại sao có rất nhiều người giàu sang, đạt được những gì mình mong muốn nhưng vẫn không cảm nhận được hạnh phúc. Phải chăng họ luôn gặp phải căng thẳng, đấu tranh để giữ vững những gì mà mình đang có. Cha ông chúng ta nói rằng : gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Các bậc sinh thành khi giáo dục, còn không muốn con cháu mình đụng chạm đến sự xấu, các ngài luôn muốn mong mọi người hãy gia tăng sự sáng. Thiên Chúa khôn ngoan, hẳn Ngài vẫn đang sử dụng gương sáng của người hiền đức, những việc làm tốt của mọi tập thể xã hội như một dấu chỉ : Thiên Chúa là tình yêu, Thiên Chúa đang hiện diện và ở giữa nhân loại. Amen.

Về mục lục

.

Exit mobile version