CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN_A

169

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 15 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: Is. 55, 10-11; Rm. 8, 18-23; Mt. 13, 1-23

——-

Mục lục

1. Tôi đang gieo loại hạt giống nào?  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

2. Gieo hạt giống cho mình   (Lm. Jos Tạ Duy Tuyền)

3. Gieo giống  (Lm. Đaminh Xuân Trường, GP. Bắc Ninh)

4. Gieo và gặt  (Trầm Thiên Thu)

5. Sức sống của hạt giống   (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

6. Hãy mặc lấy tâm tình của người gieo giống  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

7. Sinh hoa kết quả   (Lm. Jos DĐH, GP.  Xuân Lộc)

 

 

TÔI ĐANG GIEO LOẠI HẠT GIỐNG NÀO?

Tại châu Á, có thể nói, Thái Lan là quốc gia đang dẫn đầu về công nghệ sinh học lai tạo giống. Công nghệ giống của họ đang có ảnh hưởng rộng lớn trên nhiều quốc gia láng giềng. Ngay tại Việt Nam, người dân không còn xa lạ với các giống cây ăn trái của Thái : mít Thái, mận Thái, me Thái, sầu riêng Thái hạt lép, đặc biệt lúa Thái, gạo Thái đang lan tràn, góp phần thay đổi ngành nông nghiệp và đời sống của người dân. Để đạt được kỳ tích này, thì từ nhiều năm trước, chính phủ Hoàng Gia của Thái đã đầu tư rất lớn cho lãnh vực nghiên cứu hạt giống, cây trồng, từ đó họ tạo ra được những giống tốt cho quốc gia hôm nay.

Lời Chúa của Chúa nhật hôm nay cũng nói cho chúng ta về vấn đề hạt giống và gieo giống. Qua hình ảnh này, Lời Chúa còn muốn nói đến tình trạng của mảnh đất được gieo trồng, và mời gọi chúng ta đồng thời vừa là người gieo giống, vừa là hạt giống và vừa là mảnh đất giống.

Trước hết, Lời Chúa cho chúng ta thấy Thiên Chúa là một người gieo giống hết sức quảng đại, và cũng là người hết sức vất vả để lo lắng cho ruộng lúa của mình. Giống như mưa trời làm cho đất đai phì nhiêu cây cối sinh hoa kết quả thế nào thì Thiên Chúa cũng ban Lời của Ngài, như là hạt giống được gieo vào lòng đất và Ngài ước muốn hạt giống ấy sẽ sinh hoa kết quả đem lại mùa lúa hạnh phúc cho cả nhân loại. Thiên Chúa như người nông dân ngày đêm chờ đợi kết quả từ mùa lúa của mình, mong một mùa bội thu. Hạt giống mà Thiên Chúa Cha gieo vào mảnh ruộng trần gian này là chính Đức Giêsu, hạt giống của Thiên Chúa, mang “gen” của Thiên Chúa, hạt giống này sẽ đem đến sự sống mới cho nhân loại.

Như là người thợ được Chúa Cha sai vào trần gian trong thân phận con người, Chúa Giêsu đã hoàn toàn biến đổi lịch sử và cuộc sống của nhân loại. Ngài biến mảnh ruộng trần gian từ một mảnh ruộng khô cằn, gai góc, chết chóc trở thành mảnh ruộng màu mỡ. Ngài tưới giội mảnh ruộng nhân loại bằng ân thánh và bằng Tin Mừng cứu độ của ngài, và cuối cùng, Ngài đã bón tưới cho mảnh ruộng nhân loại bằng chính cái chết và sự phục sinh, cùng biến mình trở thành lương thực đem lại chất dinh dường cho toàn thể nhân loại.

Vừa là người thợ cải tạo lại tình trạng tâm hồn nhân loại, Đức Giêsu cũng chính là hạt giống của Thiên Chúa. Hạt giống Giêsu qua cuộc tử nạn thập giá, Ngài như hạt lúa mì chấp nhận chết đi, chấp nhận bị chôn vùi trong lòng đất, để rồi từ ngôi mồ chết chóc, Ngài đã làm nảy mầm sự sống mới. Sự sống mới này không chỉ dành riêng cho Ngài, nhưng sự sống mới này còn được ban cho tất cả những ai tin Ngài và đón nhận Ngài. Không chỉ là hạt lúa, Đức Giêsu còn tiếp tục là người gieo hạt giống Tin Mừng sự sống, Tin Mừng cứu độ vào mảnh ruộng thế giới và vào mỗi tâm hồn, để những tâm hồn nào đã sẵn sàng, đã cộng tác với Chúa, làm cho chính mình trở nên mảnh đất màu mỡ, thì những hạt giống Tin Mừng của Chúa Giêsu sẽ nảy mầm và sẽ sinh hoa kết trái trong mỗi tâm hồn ấy.

 Các hình ảnh : hạt giống rơi bên lề đường, rơi vào bụi gai, hay mảnh đất đá sỏi đã được Đức Giêsu giải thích rõ ràng. Đó là hình ảnh của những tâm hồn thụ động trước hạt giống Lời Chúa, hoặc là những tâm hồn gai cứng trước Lời của Chúa, chắc chắn đó không phải là những mảnh đất thích hợp cho hạt giống và cũng không phải là mảnh đất mà Thiên Chúa chờ đợi. Thiên Chúa mong đợi sự cộng tác của chúng ta là làm cho tâm hồn mình trở nên mảnh đất màu mỡ, sẵn sàng đón nhận hạt giống Tin Mừng và sinh hoa kết trái.

Theo kinh nghiệm trong nông nghiệp, để cải tạo được một mảnh ruộng xấu trở thành mảnh ruộng tốt, nhà nông phải làm rất nhiều công đoạn : từ cày sâu, phơi ải, bừa kỹ, rửa phèn, bón phân, thì mới có thể biến mảnh ruông nên tốt được. Cũng vậy, để một tâm hồn khô khan, chai đá trở nên một mảnh ruộng tốt, cần phải loại bỏ những đá sỏi tật xấu, phải dám cày sâu để diệt tận gốc tội lỗi, dám rửa sạch mọi thứ phèn là những thói quen xấu, phải bừa kỹ bằng sự khiêm nhường và đón nhận ơn Chúa qua các Bí tích để làm cho tâm hồn trở nên tươi tốt, sẵn sàng cho hạt giống Lới Chúa nảy mầm và sinh hoa kết quả. Thư Roma cũng muốn nói như thế khi diễn tả rằng : Những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sao sánh được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải cho chúng ta ? Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngàyThiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Ngài.

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người hãy xem lại tình trạng mảnh đất tâm hồn của mình : Có thể tâm hồn mình đã trở nên chai cứng như mảnh đất vệ đường bởi một cuộc sống tự do, buông thả vô độ, một tâm hồn từ chối sự tưới giội của ơn thánh, để mình sống quá lâu trong tội và việc làm xấu, biến tâm hồn nên chai cứng. Vì thế, Lời Chúa bao nhiêu lần đã được gieo nhưng đã bị chim trời là satan lấy đi mất. Cũng có thể tâm hồn ta đã bị sa mạc hóa, bị sỏi đá bởi thói kiêu ngạo hoặc bởi sự bất mãn, hoặc bởi lối sống hời hợt, ồn ào bên ngoài khiến cho Lời Chúa không thể bén rễ sâu trong tâm hồn và mau chóng khô héo khi có thử thách. Cũng có thể tâm hồn chúng ta đã hóa gai góc bởi những lo toan cuộc sống, bởi lương tâm không còn nhạy bén, bởi cố chấp trong thành kiến, thiên kiến, khiến cho hạt giống Tin Mừng bị chết ngẹt. Vì thế mà đã bao năm nghe Tin Mừng, song chúng ta vẫn chưa thực hành, chưa biến đổi và nhất là chưa sinh được hoa trái tốt lành nào.

Không chỉ bị đòi hỏi trở thành một mảnh ruộng tốt, chúng ta còn được mời gọi để trở thành mảnh ruộng giống. Ruộng giống là mảnh ruộng được chọn để gieo trồng những hạt lúa giống, là mảnh đất không có mầm bệnh và cho năng suất tốt. Mảnh ruộng giống là chính mỗi gia đình mà các bậc làm cha mẹ phải hết sức chăm sóc bằng tình yêu thương, bằng lòng nhân ái, bằng gương sáng trong việc giáo dục con cái, để làm cho gia đình mình trở thành nơi cung cấp cho xã hội và cho Giáo Hội những đứa con là những hạt giống tốt trong đời sống nhân bản cũng như đời sống đạo đức. Mảnh ruộng giống còn là những tâm hồn trong sạch, biết mở ra với Lời của Chúa để đón nhận và thực hành. Những tâm hồn như thế sẽ làm trổ sinh những hạt lúa giống tốt cho thế giới hôm nay.

Trong năm Sống và Loan Báo Tin Mừng, chúng ta được mời gọi phải là người gieo giống tốt, tức là phải trở nên những người gieo quảng đại không mệt mỏi để đem Chúa vào tâm hồn của mọi người, đem hạt giống Tin Mừng vào mọi ngõ ngách, mọi lãnh vực của cuộc sống. Hãy là người gieo giống kiên trì không chùn bước, dù có những thuận lợi và không ít những lúc khó khăn. Hãy mạnh dạn nói về Đức Giêsu và giới thiệu Tin Mừng của Ngài cho mọi người. Hãy gieo vào thế giới này những hạt giống của tình yêu thương, của lòng nhân ái. Hãy gieo thật nhiều sự quảng đại và thứ tha, đó là những hạt giống mà nhân loại này đang cần và đang thiếu. Chúng ta gieo hạt giống nào, chúng ta sẽ gặt trái nấy, ngược lại chúng ta sẽ không có gì để gặt nếu chúng ta không gieo trồng. Vì thế trước tiên, hãy gieo những hạt giống tốt lành yêu thương, công bằng, quảng đại, niềm vui vào trong gia đình của mình, vào nơi công ty, xí ngiệp. Để từ nơi gia đình hạt mầm yêu thương sẽ trổ bông, để từ nơi công ty, xí nghiệp, hạt giống công bằng sẽ lan rộng và từ nơi xã hội, sự thật và công lý sẽ được trổ hoa.

Là ruộng giống, là người gieo giống, chính chúng ta còn phải là những hạt lúa giống. Lời Chúa đang mời gọi chúng ta hãy nhìn lại bản thân xem chúng ta đang là những loại hạt giống loại nào ? Tốt hay xấu ?

Một lần ra Giáo Phận Bùi Chu dịp cuối năm, trên đường đi, hai bên đường, những đám ruộng đang được gieo mạ và được che chăn rất kỹ để chống rét. Khi được hỏi : Ở ngoài này, người dân gieo trồng cây gì vậy ? Một người trong xe đã trả lời : Họ gieo lúa, nhưng đấy là lúa Hồ Cẩm Đào. Ông giải thích thêm : Lúa này gieo lần đầu rất tốt, cho năng xuất cao, nhưng nếu để giống và gieo lần hai, thì nó sẽ không ra cây lúa nữa, mà nó ra một giống cây không phải là cây lúa.

Hãy coi chừng chúng ta cũng sẽ là những giống lúa Hồ Cẩm Đào đó, tức là những hạt giống bị biến chất, bị thoái hóa, lai tạp không còn mang trong mình “gen” Giêsu, khiến cho mọi người không còn nhận ra chúng ta là Kitô hữu, là những người thuộc về Chúa Kitô. Chúng ta không thể để cho mình bị thoái hóa, thoái giống như thế. Trái lại, chúng ta sẽ phải là những hạt giống F1 của Chúa Kitô, mang trong mình mầm sống của Chúa Kitô thì chúng ta mới được thế giới đón nhận. Nếu chúng ta chỉ là giống lúa giả, là hàng nhái, hàng kém chất lượng, chúng ta sẽ không thể sinh hoa trái của Đức kitô được.

Xin cho chúng ta luôn gắn bó với Chúa Giêsu, để đón nhận được nhựa sống ân sủng của Ngài và trở thành hạt giống tốt của Đức Kitô trong mảnh ruộng gia đình, giáo xứ và xã hội hôm nay. Amen.

Về mục lục

 

GIEO HẠT GIỐNG CHO MÌNH

Khao khát hạnh phúc là lẽ thường của con người. Ai cũng đi tìm hạnh phúc. Ai cũng mong hạnh phúc. Tuy nhiên, hạnh phúc không phải là trái, là hoa mà hạnh phúc là hạt giống mình phải gieo vãi mới mong gặt hái được niềm vui hạnh phúc. Hạnh phúc không chỉ là đón nhận mà quan yếu là trao ban. Người đón nhận là kẻ yếu. Người trao ban mới là kẻ mạnh. Trao ban là gieo vãi hạnh phúc. Càng gieo vãi nhiều tình yêu, càng gặt hái nhiều hạnh phúc. Càng gieo vãi điều thiện, điều tốt càng thu nhận về nhiều niềm vui. Đó là quy luật thường tình “có gieo có gặt” và “gieo gì gặt nấy”.

Người ta kể rằng: Tại một vùng miền quê nọ có một người nông dân trồng được giống ngô rất tốt. Năm nào những cây ngô của ông cũng cho ra những bắp ngô vừa to, vừa thơm ngon, hạt nào cũng đều tăm tắp. Hàng năm ông đem ngô tới hội chợ của vùng để thi và lần nào cũng giành giải nhất. Ai cũng cho rằng hẳn ông đang sở hữu một bí quyết nào đó.

Ngày nọ. một phóng viên đến phỏng vấn ông, anh ta rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng người nông dân luôn chia sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với những người hàng xóm ở các trang trại xung quanh.

Tại sao ông lại chia sẻ những hạt giống tốt nhất của mình cho những người hàng xóm và cũng là đối thủ trong các cuộc thi ngô hàng năm? – Người phóng viên hỏi.

-Ồ, anh không biết à? – Người nông dân trả lời – Gió sẽ mang những hạt phấn hoa từ cánh đồng này sang cánh đồng khác. Nếu những người hàng xóm của tôi chỉ trồng những cây ngô không tốt thì rõ ràng, khi ngô được thụ phấn nhờ gió sẽ làm giảm chính chất lượng ngô của tôi. Tôi muốn trồng ra những cây ngô tốt thì tôi cũng tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!

Hóa ra cuộc sống chỉ nhận lại những cái mình đã cho đi. Người nông dân này thật khôn ngoan, anh biết rằng nếu mình cho đi những giống ngô tốt thì sẽ nhận lại những phấn hoa tốt cho chính vườn ngô của mình. Cuộc sống con người xem ra cũng chỉ nhận được tình yêu thương, sự quan tâm trìu mến của tha nhân nếu chúng ta biết san sẻ cho họ những việc lành bác ái của chúng ta.

Nhưng đáng tiếc xã hội hôm nay thật thực dụng. Người ta ít quan tâm tới người khác. Người ta chỉ tích lũy, vun quén mà quên rằng phải san sẻ để được lợi hơn. Người ta thích hái quả hạnh phúc mà ngại gieo trồng. Đôi khi lại gieo những trái đắng, trái sầu cho anh em qua những việc làm thiếu tình người, và có khi còn ác nhân ác đức . .  .

Là người ky-tô hữu Chúa mời gọi chúng ta hãy chăm sóc hạt giống tốt mà Chúa đã gieo sẵn trong lòng chúng ta. Chúa bảo chúng ta hãy để cho Lời Chúa được đơm bông kết trái trong cuộc sống chúng ta. Chúa dạy chúng ta hãy để cho cái chân thiện mỹ trổ sinh muôn vàn việc tốt lành trong  con người chúng ta. Đừng để cho những hạt giống chết nghẹt vì lòng chai cứng trong đam mê tội lỗi. Đừng để cho những hạt giống èo uột bởi sự lười biếng, ngủ mê trong danh lợi thú trần gian. Hãy để cho ánh sáng của Lời Chúa làm trổ sinh một tâm hồn thánh thiện, bác ái yêu thương.

Ở đời người ta bảo rằng: “gieo gì gặt nấy”. Nếu muốn thành công hãy giúp người khác thành công. Nếu muốn vui vẻ hãy làm cho người khác vui  tươi. Nếu muốn có ngô tốt hãy chia sẻ giống tốt cho mọi người… Nếu đã đón nhận nhưng không từ ân ban của Thiên Chúa thì hãy biết rộng rãi trao ban.

Có một chân lý hiển nhiên là chúng ta chỉ hạnh phúc khi những người chung quanh cũng hạnh phúc. Vì con người có một mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau, đến nỗi “một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Vì “không ai là một hòn đảo”, thế nên phải biết sống mình vì mọi người và cho mọi người, có như vậy chúng ta mới gặt hái được những nghĩa cử yêu thương. Amen

Về mục lục

.

GIEO GIỐNG

Bác nông phu đi ra ruộng và gieo hạt giống. Đây là một hình ảnh đẹp và quen thuộc. Bác nông phu đi với dáng bộ nghiêm trang và thận trọng, vai đeo thúng lúa. Ông thọc tay phải vào thúng, bốc hạt giống xạ xuống trên ruộng đồng theo nhịp chân bước. Người gieo giống đi gieo và đã xảy ra là có những hạt rơi trên vệ đường và chim trời đến ăn mất. Những hạt khác rơi trên sỏi đá, chúng mọc lên nhưng vì không đủ đất, cho nên bị ánh nắng mặt trời làm cho khô héo. Còn những hạt rơi vào bụi gai, gai mọc lên làm cho chúng chết ngạt. Và sau cùng, những hạt khác rơi vào đất tốt, chúng sinh hoa kết quả, có hạt được 100, hạt 60, hạt 30.

Chúng ta có thể nghĩ rằng: gieo giống gì mà kỳ lạ quá vậy. Tại sao không gieo trên đất tốt, mà còn gieo cả trên vệ đường, trên đất xấu và cả vào trong bụi gai. Gieo như thế vì đó là phương pháp làm ruộng của người dân miền Palestina. Họ có cách gieo giống khác với chúng ta. Họ gieo giống trước rồi mới cày úp sau. Vì vậy, ông bạn gieo giống trong dụ ngôn, đi gieo trong ruộng chưa cày bừa chi cả. Suốt thời gian đất nghỉ, dân làng thường đi tắt qua những thửa ruộng đã gặt hái chỉ còn lại những gốc rạ. Vậy khi gieo, ông ta đã tung hạt giống trên cả thửa ruộng, trên cả những con đường tắt này với ý định là sẽ cày cả con đường này lên, nhưng chim trời đã nhìn thấy những hạt giống đó và đã ăn mất trước khi chúng nẩy mầm. Ông cũng chủ ý gieo vào cả bụi gai khô héo vì ông cũng định cày cả đám gai này nữa. Nhưng hạt gai đã rụng xuống đất, lại được cày úp lẫn lộn với những hạt lúa, do đó gai mọc lên và làm cây lúa non chết ngạt. Chúng ta cũng không ngạc nhiên khi thấy những hạt rơi trên sỏi đá. Đó là lớp sỏi đá cứng nằm ngầm dưới mặt đất, chỉ có một lớp đất mỏng phủ trên, người ta không trông thấy và chỉ khám phá ra khi lưỡi cày đụng phải. Nếu gặp lớp sỏi đá này, rễ lúa không thể đâm sâu xuống được và ánh nắng mặt trời sẽ làm cho chúng khô héo. Hình như người gieo giống không mấy lạc quan với công việc của mình. Nhưng may thay, phần lúa giống còn lại rơi trên đất tốt và đã sinh hoa kết quả tốt đẹp, hạt được 30, 60 hay 100.

Dĩ nhiên chúng ta phải nhớ rằng Chúa Giêsu đang giảng bằng dụ ngôn, và chân lý tôn giáo được núp sau hình ảnh của dụ ngôn đó. Điều này thực sự muốn nói là kết quả của lời Chúa. Lời ấy có khả năng phát triển và sinh hoa kết trái cách phi thường trong lòng người. Chính thánh Marcô đã cắt nghĩa dụ ngôn này một cách vắn tắt: Người gieo giống là chính Thiên Chúa và hạt giống là Tin Mừng, hay nói một cách khác, chính Chúa Giêsu là người gieo giống và hạt giống là những lời Ngài giảng dạy, còn tâm hồn chúng ta là những thửa đất. Thế nhưng những thửa đất ấy giờ đây như thế nào?

Lời Chúa nơi chúng ta không phải là những hạt giống rơi trên vệ đường, rơi giữa bụi gai hay ở trên sỏi đá. Nhưng lời đó phải được thâm nhập vào tận đáy lòng chúng ta để rồi sinh hoa kết trái một cách tốt đẹp. Lời Chúa luôn có một sức sống làm nẩy sinh hoa trái, nhưng lời ấy có thực sự đem lại kết quả tốt cho tâm hồn chúng ta hay không, thì còn tuỳ thái độ đón nhận và cộng tác của chúng ta đối với lời Chúa.

Về mục lục

.

GIEO VÀ GẶT

Muốn Gặt thì phải Gieo, trước khi Gieo thì phải có Hạt Giống. Hạt giống là thứ rất quan trọng trong nông nghiệp. Hạt giống phải là những hạt giống mẩy, chắc, có màu sáng. Hầu hết các loại hạt cây lương thực đều gồm ba phần là vỏ, phôi và phôi nhũ. Vỏ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho hạt, không để phôi hạt bị hư hỏng, vì phôi là “sinh mệnh” của hạt, có nhiệm vụ nảy mầm để có thể trở thành cây con, còn phôi nhũ là phần chứa dưỡng chất của hạt, là phần nuôi cây con.

Hạt giống tốt mới có thể nảy mầm tốt, lớn thành cây tốt, và sinh hoa trái tốt. Chắc chắn là vậy, có lần chính Chúa Giêsu đã xác định: “Xem quả thì biết cây” (Mt 12:33; Lc 6:44). Cây tốt không thể sinh trái xấu, cây sâu không thể sinh trái ngọt. Về tinh thần cũng cần có “hạt giống tâm hồn”. Tương tự, về tâm linh rất cần “hạt giống Lời Chúa”.

QUẢ và CÂY có hệ lụy với nhau. GIEO và GẶT có hệ lụy với nhau. NÓI và NGHE cũng vậy, vì NÓI là GIEO, NGHE là GẶT. Tương tự, LÒNG và MIỆNG cũng không thể tách rời: “Vì lòng có đầy, miệng mới nói ra” (Lc 6:45). Một hệ lụy tất yếu: “Vì nhờ lời nói của anh mà anh sẽ được trắng án, và cũng tại lời nói của anh mà anh sẽ bị kết án” (Mt 12:37). Người Việt chúng ta cũng nói: “Có đầy mới tràn”.

Từ khi gieo và tới lúc gặt (thu hoạch) là một quá trình đầy gian khổ. Tác giả Thánh Vịnh nói: “Ai nghẹn ngào ra đi gieo giống, mùa gặt mai sau khấp khởi mừng. Họ ra đi, đi mà nức nở, mang hạt giống vãi gieo; lúc trở về, về reo hớn hở, vai nặng gánh lúa vàng” (Tv 126:5-6). Nỗi buồn và niềm vui, đau khổ và sung sướng, nụ cười và nước mắt,… đó là các cặp tương đồng về hai trạng thái trái ngược nhau, cũng như GIEO và GẶT. Gieo là lúc vất vả, gặt là lúc tận hưởng. Thật vậy, không có niềm hạnh phúc nào mà không có ít nhiều nước mắt.

Trong quá trình Gieo và Gặt, vấn đề thời tiết cũng quan trọng. Không mưa thuận gió hòa thì con người cũng “bó tay”. Hoặc đến ngày thu hoạch, nhưng chỉ một cơn bão hoặc lũ lụt thì con người cũng đành chịu trắng tay. Điều đó cho thấy Đấng Vô Hình mới làm chủ mọi thứ, Đấng đó là Thiên Chúa. Vừa kinh ngạc vừa kinh sợ, người ta tự hỏi về Đức Giêsu Kitô: “Ông này là người thế nào mà cả đến gió và biển cũng tuân lệnh?” (Mt 8:27; Mc 4:41; Lc 8:25).

Đức Chúa tuyên lời qua miệng ngôn sứ Isaia: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55:10-11). Thiên Chúa dùng hình ảnh rất quen thuộc, rất thực tế đời thường. Lời Chúa rất kỳ diệu, rất quan trọng trong đời sống Kitô hữu: “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv 119:105). Không chỉ vậy, Lời Chúa còn có sức mạnh phi thường, không ai có thể cưỡng lại.

Khả dĩ cảm nghiệm Lời Chúa, tác giả Thánh Vịnh chia sẻ: “Thăm trái đất, Ngài tuôn mưa móc, cho ngập tràn phú túc giàu sang, suối trời trữ nước mênh mang, dọn đất sẵn sàng đón lúa trổ bông. Tưới từng luống, san từng mô đất, khiến dầm mưa cho hạt nẩy mầm, bốn mùa Chúa đổ hồng ân, Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi” (Tv 65:10-12). Hồng ân Thiên Chúa chan hòa như mưa móc, Lời Chúa là nguồn giải khát thiết yếu, ước gì chúng ta cũng có thể nói được như tác giả Thánh Vịnh: “Con há miệng và con hớp lấy, vì khát khao mệnh lệnh của Ngài” (Tv 119:131). Hằng ngày ai sống được như vậy thì thật hạnh phúc biết bao!

Thiên nhiên tràn ngập hình ảnh chứng tỏ quyền năng của Thiên Chúa: “Vùng hoang địa xanh rì ngọn cỏ, cảnh núi đồi hớn hở tươi xinh, chiên cừu phủ trắng đồng xanh, lúa vàng dưới lũng rung rinh dạt dào, câu hò tiếng hát trổi cao” (Tv 65:13-14). Khi nhìn ngắm thiên nhiên, người ta có thể nhận biết Thiên Chúa hiện hữu. Ngay cả những người theo chủ nghĩa vô thần cũng không thể chối bỏ Ông Trời, dù họ không muốn công khai xác nhận, vì họ không thể nào “vắt đất ra nước, thay trời làm mưa” như họ muốn.

Hằng ngày, bằng cách này hoặc cách nọ, chúng ta cũng “gieo” nhiều thứ qua ánh mắt, thái độ, cử chỉ, lời nói, hành động,… Có những thứ chúng ta có thể “gặt” ngay lúc đó, nhưng cũng có những thứ cần có thời gian. Dù lâu hay mau, trong khoảng “gieo – gặt” vẫn có một khoảng chờ đợi. Thánh Phaolô nhận xét: “Tôi nghĩ rằng: những đau khổ chúng ta chịu bây giờ sánh sao được với vinh quang mà Thiên Chúa sẽ mặc khải nơi chúng ta. Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mặc khải vinh quang của con cái Người” (Rm 8:18-19). Đó là khoảng chờ đợi, khoảng hy vọng, luôn rất cần có sự kiên trì. Thánh Phaolô giải thích: “Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự dovà vinh quang” (Rm 8:20-21).

Được giải thoát là được tự do, có tự do là có hạnh phúc. Thánh Phaolô cho biết thêm:“Cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa” (Rm 8:22-23). Đó mới là lúc thực sự được giải thoát, được thu hoạch chính những gì chúng ta đã “gieo” trong suốt cuộc đời. Ai gieo giống tốt thì bội thu, ai gieo giống xấu cũng có thu hoạch, nhưng là thu hoạch những cái xấu xa và nguy hại.

Một hôm, Đức Giêsu từ nhà ra ngồi ở ven Biển Hồ. Dân chúng tụ họp bên Ngài rất đông, nên Ngài phải xuống thuyền mà ngồi, còn tất cả dân chúng đứng trên bờ. Ngài dùng dụ ngôn mà nói với họ nhiều điều, một trong các dụ ngôn đó là “Dụ Ngôn Người Gieo Giống” (Mt 13:1-23; Mc 4:1-20; Lc 8:4-15).

Trong dụ ngôn này có bốn loại hạt: (1) Những hạt rơi xuống vệ đường, bị chim chóc ăn mất; (2) Những hạt rơi trên nơi sỏi đá, đất không nhiều, nó mọc ngay nhưng bị cháy khô khi nắng lên; (3) Những hạt rơi vào bụi gai, nó chết nghẹt vì bị gai mọc đè lên; (4) Những hạt rơi vào đất tốt nên sinh hoa kết quả: hạt được gấp trăm, hạt được sáu chục, hạt được ba chục.

Chúa Giêsu thản nhiên nói: “Ai có tai thì nghe” (Mt 13:9). Một câu nói rất đáng để chúng ta suy nghĩ nhiều. Tại sao Đức Giêsu dùng dụ ngôn mà nói? Chúa Giêsu giải thích: “Bởi vì anh em thì được ơn hiểu biết các mầu nhiệm Nước Trời, còn họ thì không. Ai đã có thì được cho thêm, và sẽ có dư thừa; còn ai không có, thì ngay cái đang có, cũng sẽ bị lấy mất. Bởi thế, nếu Thầy dùng dụ ngôn mà nói với họ, là vì họ nhìn mà không nhìnnghe mà không nghe không hiểu. Thế là đối với họ đã ứng nghiệm lời sấm của ngôn sứ Isaia, rằng: Các ngươi có lắng tai nghe cũng chẳng hiểu, có trố mắt nhìn cũng chẳng thấy; vì lòng dân này đã ra chai đá: chúng đã bịt tai nhắm mắt, kẻo mắt chúng thấy, tai chúng nghe, và lòng hiểu được mà hoán cải, và rồi Ta sẽ chữa chúng cho lành” (Mt 13:11-15). Ung thư là dạng xơ cứng cơ phận nào đó, “chai đá” là dạng xơ cứng tâm hồn, chứng ung thư linh hồn. Cứng lòng cũng là tội xúc phạm tới Chúa Thánh Thần, thế nên không đời nào được tha (x. Mc 3:29; Lc 12:10).

Chúa Giêsu đã xác định: “Còn anh em, mắt anh em thật có phúc vì được thấy, tai anh em thật có phúc vì được nghe. Quả thế, Thầy bảo thật anh em, nhiều ngôn sứ và nhiều người công chính đã mong mỏi thấy điều anh em đang thấy, mà không được thấy, nghe điều anh em đang nghe, mà không được nghe” (Mt 13:16-17). Chúng ta không diễm phúc như các tông đồ xưa, nhưng chúng ta lại có một mối phúc khác mà chính Chúa Giêsu đã nói: “Phúc thay những người không thấy mà tin!” (Ga 20:29).

Trong các dụ ngôn, có lẽ dụ ngôn Người Gieo Giống khó hiểu nhất. Vì thế, Chúa Giêsu đã phải giải thích: “Hễ ai nghe lời rao giảng Nước Trời mà không hiểu, quỷ dữ đến cướp đi điều đã gieo trong lòng người ấy: đó là kẻ đã được gieo bên vệ đường. Còn kẻ được gieo trên nơi sỏi đá, đó là kẻ nghe Lời và liền vui vẻ đón nhận. Nhưng nó không đâm rễ mà là kẻ nhất thời: khi gặp gian nan hay bị ngược đãi vì Lời, nó vấp ngã ngay. Còn kẻ được gieo vào bụi gai, đó là kẻ nghe Lời, nhưng nỗi lo lắng sự đời, và bả vinh hoa phú quý bóp nghẹt, khiến Lời không sinh hoa kết quả gì. Còn kẻ được gieo trên đất tốt, đó là kẻ nghe Lời và hiểu, tất nhiên sinh hoa kết quả và làm ra, kẻ được gấp trăm, kẻ được sáu chục, kẻ được ba chục” (Mt 13:19-23). Lời giải thích của Chúa Giêsu quá chính xác và rõ ràng, chẳng cần chú thích chi nữa!

Có lẽ chúng ta chưa đến nỗi là “hạt gieo bên vệ đường”, nhưng rất có thể chúng ta là “hạt gieo nơi đá sỏi” và “hạt gieo vào bụi gai”, vì chúng ta có nhiều những nỗi sợ hãi và nỗi lo lắng. Vả lại, đôi khi chúng ta còn ảo tưởng, vì chúng ta có vẻ rất “ngoan ngoãn và hiền lành” khi ở trong nhà thờ, nhưng khi ra ngoài nhà thờ thì… “khác hẳn”, y như các ảo thuật gia có thể biến Chiên thành Cọp, thiết tưởng có lẽ chúng ta cũng nên “xem lại”. Sự thật thì vẫn hay phũ phàng thế đấy, nhưng chỉ có thuốc đắng mới “đã” tật!

Công thức là điều cần thiết, và nghi thức hoặc nghi lễ cũng vậy, vấn đề quan trọng làđừng quá câu nệ vào hình thức, chú ý số lượng mà coi thường chất lượng! Hạt giống là hạt đời, có nhiều dạng hạt lép và cũng có nhiều dạng hạt mẩy. Tính từ “mẩy” hoặc “lép” đôi khi còn do chính chúng ta gán ghép cho người khác, chứ không phải tại hạt. Chí Phèo cũng muốn sống tốt mà tại thành kiến của người đời khiến anh ta không thể “ngóc đầu” lên được. Hạt Chí Phèo muốn “mẩy” mà bị người đời làm cho “lép”. Vì thế mà có những dạng “cùi không sợ lở”. Lỗi tại ai? Lỗi tại tôi ba lần đủ chưa? Và chúng ta có thật lòng “đấm ngực” không? Ai thực sự can đảm mới có thể trả lời!

Ước gì mỗi chúng ta đều là “hạt gieo vào đất tốt” và sinh lời, nhiều hay ít cũng được, miễn sao là có sinh lời – cho chính mình và cho tha nhân.

Thánh Phaolô nói: “Ai gieo giống nào thì sẽ gặt giống ấy. Ai theo tính xác thịt mà gieo điều xấu thì sẽ gặt được hậu quả của tính xác thịt là sự hư nát. Còn ai theo Thần Khí mà gieo điều tốt thì sẽ gặt được kết quả của Thần Khí là sự sống đời đời. Khi làm điều thiện, chúng ta đừng nản chí, vì đến mùa chúng ta sẽ được gặt, nếu không sờn lòng” (Gl 6:7-9).

Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết gieo giống tốt và trở thành những hạt giống gieo nơi đất tốt để chúng con “được hưởng tình thương Chúa và ơn cứu độ theo lời hứa của Ngài” (Tv 119:41). Xin cho chúng con được vui hưởng lòng nhân hậu của Ngài và xin củng cố việc tay chúng con làm (Tv 90:17). Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

Về mục lục

.

SỨC SỐNG CỦA HẠT GIỐNG

Vào một đêm nọ, người phụ nữ nằm mơ. Chị thấy mình bước vào một siêu thị. Khách hàng tấp nập. Có một quày hàng đặc biệt, người ta chen chân không lọt. Chị ngạc nhiên thấy Chúa Giêsu đứng bán ở quày hàng này.

Chờ đợi đến phiên mình, chị hỏi: Chúa mà cũng bán hàng sao? Chúa bán cái gì ở đây vậy?

Chúa trả lời: Ta bán mọi sự con đang ước muốn trong trái tim con.

Chị nói liền một hồi: Thưa Chúa, con muốn có bình an, có tình yêu, có hạnh phúc, có khôn ngoan và tự do không sợ hãi. Suy nghĩ một lúc, chị lại thêm: không chỉ cho con mà thôi nhưng còn cho chồng, cho con và cho những người thân yêu của con nữa.

Chúa mỉm cười và nói: hỡi con yêu dấu, ở đây,Ta không bán hoa trái mà chỉ bán hạt giống thôi. (Anthony de Mello).

Tin mừng Chúa nhật hôm nay (Mt 13,1-23) có tên gọi là “Dụ ngôn người gieo giống”. Thiên Chúa là người gieo giống. Chúng ta là đất. Hạt giống là lời giảng dạy của Chúa Giêsu. Tùy vào thái độ của mỗi người, chân thành đón nhận hay lười biếng khước từ, Lời Chúa sẽ sinh những hiệu quả khác nhau.

Hạt giống được gieo trên bốn loại đất, đất vệ đường, đất lẫn sỏi đá, đất có nhiều gai góc và đất tốt. Đất nào cho năng suất nấy. Làm sao bên lề đường khô cằn sỏi đá, hạt giống có thể sinh hoa kết trái được? Trong bụi gai chằng chịt cỏ rác không mọc nổi, hạt giống làm sao vươn lên để thánh cây xanh tốt được? Chúa Giêsu ví lời giảng dạy của Ngài như hạt giống trong tay người nông dân. Hạt giống gieo trên những loại đất khác nhau, số phận các hạt giống khác nhau. Lời Chúa cũng có nhiều số phận khác biệt. Có lời sinh lợi muôn vàn lời. Có lời sống èo uột bị bóp nghẹt. Có lời làm tròn sứ mạng được uỷ thác. Có lời biến mất như rơi vào cõi hư không. Khác biệt về thành quả không hệ tại bởi hạt giống tốt xấu mà bởi phẩm chất ruộng đất. Thửa ruộng mà Chúa Giêsu nói đến không phải ruộng trên mặt đất mà là cõi lòng con người. Vì thế, dụ ngôn hạt giống gieo trên các loại đất khác nhau gợi lên những ý nghĩa.

Tấm lòng quảng đại của người đi gieo.

Người đi gieo đã gieo hạt giống trên những mảnh đất phì nhiêu màu mỡ. Những mảnh đất sỏi đá, gai góc, lối mòn có bước chân người cũng không bị lãng quên. Người gieo hạt không bỏ rơi một mảnh đất nào vì tấm lòng quãng đại của ông, chỉ muốn cho hạt giống được gieo vãi khắp chốn. Thiên Chúa quảng đại nhìn mọi người với chính phẩm giá của họ trong niềm hy vọng của Ngài. Vì thế, mảnh đất nào cũng nhận được hạt giống đồng đều. Ai cũng có cơ may nhận được ân sủng cứu độ Tin Mừng nếu như họ thành tâm thiên chí. Lòng quảng đại không phân biệt đối xử, không ưu tiên ai mà cũng chẳng loại trừ ai, không thất vọng về hiện tại của người khác mà biết kiên tâm đợi chờ hy vọng vào tương lai tươi sáng hơn.

Không ai hoàn toàn là “lề đường”, là “sỏi đá” hay là “bụi gai”. Trong mỗi con người luôn có một mảnh đất tốt cho dù nó chỉ nhỏ bé thôi. Có thiện chí đón nhận hạt giống cũng sẽ có một mùa gặt bội thu “đến nỗi có hạt được một trăm, có hạt sáu mươi, có hạt ba mươi” (Mt 13, 23). Thiên Chúa vẫn gieo Lời Ngài vào lòng chúng ta, vì Ngài chắc chắn rằng: “Lời từ miệng Ta phán ra sẽ không trở lại với Ta mà không sinh kết quả, nhưng nó thực hiện ý muốn của Ta và làm tròn sứ mạng Ta uỷ thác” (Is 55, 11).

Thánh Phêrô đã ba lần chối Chúa, nhưng trong ngài vẫn còn một mảnh đất tốt của lòng sám hối. Thánh Phaolô hăng say bách hại các kitô hữu, nhưng trong ngài vẫn còn đó một mảnh đất tốt của lòng nhiệt thành và khiêm tốn. Thánh Augustinô bị những bụi gai của tri thức, kiêu căng và dục vọng vây bủa, nhưng vẫn còn có một mảnh đất tốt hướng tìm chân lý, chỉ chờ hạt giống gieo trồng là nở rộ mùa gặt phong nhiêu… Còn nhiều lắm những mảnh đất tốt như thế trong Giáo Hội và trong cuộc sống thường ngày của chúng ta. Tất cả những mảnh đất tốt đó, cho dù có nhỏ nhoi đi chăng nữa, nhưng một khi đã được đón nhận Lời Chân Lý thì đúng như lời Chúa nói, đã sinh lợi “hạt một trăm, hạt sáu mươi, hạt ba mươi”.

Hạt giống tiềm ẩn sự sống.

Hạt giống có vỏ cứng bảo vệ, khi được gieo vào lòng đất vỏ sẽ vỡ ra cho mầm đâm chồi. Chồi non lên xanh là hình ảnh của sự sống mới. Sự sống vào đời mới bằng một cuộc phiêu lưu, bằng niềm phó thác cho tương lai.

Hạt giống là ánh sáng, là Tin mừng, là thiện hảo tốt lành, là giá trị Nước Trời. Tự nó, hạt giống có một sức sống tiềm tàng mãnh liệt. Trong hạt giống có mầm sự sống, hễ cứ gặp điều kiện thuận lợi là mọc lên. Trong mầm sống có sự sống tiếp nguồn từ sự sống của Thiên Chúa. Nếu “Hạt lúa âm thầm mọc lên” (x. Mc 4,26-29) là hình ảnh sức sống tiềm tàng thì “Hạt lúa mục nát đi” (x. Ga 12,24) lại là một hình ảnh khác nói lên niềm hy vọng một mùa gặt mới sau khi chịu ‘mục nát”. Hạt giống là hồng ân Thiên Chúa, phong phú bao la và vô cùng mạnh mẽ. Điều quan trọng là hãy cho hạt giống một cơ hội để mọc lên.

Niềm hy vọng mùa gặt phong phú

Nếu người gieo hạt đã đặt hy vọng vào từng mảnh đất bất kể mức độ tốt xấu thì bổn phận của đất là không được phụ lòng người quảng đại gieo hạt. Thiên Chúa làm được mọi sự nhưng Ngài cần con người cộng tác.Thiên Chúa vẫn luôn tin tưởng và hy vọng nơi con người.

Trong các hoạt động tông đồ, không cần phải phân tích người nào là lề đường, là sỏi đá hay bụi gai. Hạt giống cứ gieo vào đất, chúng ta hãy làm việc tốt cho người khác. Chính Thiên Chúa mới là Đấng làm cho hạt giống mọc lên và sinh hoa kết quả (x. 1 Cr 3, 5-9).

Niềm hy vọng phải là một đặc trưng của đời sống người kitô hữu. Chính niềm hy vọng đó sẽ giúp chúng ta vượt qua những khó khăn, thử thách trong cuộc sống hiện tại, hướng tới một tương lai tươi sáng và một cuộc sống vĩnh cửu của người được làm con cái Thiên Chúa.

Mầu nhiệm Nước Trời còn ẩn chứa nhiều điều huyền diệu và chỉ cõi lòng nào chân thành, khiêm nhường đón nhận mới có cơ duyên thưởng thức những huyền diệu của Lời Hằng Sống. Nhận lấy hạt giống Lời Chúa trong mình, chúng ta từ từ sinh hoa trái trong Giáo Hội cho vinh quang của Thiên Chúa ( GLCG # 1724).

Người nông dân có câu: “nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Giống là cần thiết, nhưng nước, phân bón và công chăm sóc thật là quan trọng. Giống tốt, gieo xạ đúng quy trình kỹ thuật, nhưng để đất khô hạn thì lúa không lên xanh. Có giống, có nước mà không có phân bón thuốc trừ sâu, thì lúa sẽ èo uột không kết quả. Có được giống tốt, nước bảo đảm, phân thuốc đầy đủ, nhưng chẳng chăm sóc thì không thu lợi được bao nhiêu.

Người sáng, người mù hay người câm điếc cũng đều có thể nghe Lời Chúa, đón nhận hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng, nhưng quan trọng là đem ra thực hành.

Có một mảnh đất hoang cỏ mọc um tùm. Ông Tư mua lại thửa đất ấy rồi cày xới, làm sạch cỏ, rồi ông trồng cây, trồng hoa, trồng rau. Một thời gian sau, mảnh đất trở thành một khu vườn thật đẹp. Một hôm, ông Tư đang làm việc trong vườn, cha xứ đi qua và nói: “Khu vườn thật là đẹp! Ông Tư thấy không, khi ông biết cộng tác với Thiên Chúa thì kết quả như thế đó”. Ông Tư trả lời: “Vâng, cha cứ thử nghĩ lại xem, miếng đất này như thế nào khi chỉ có một mình Chúa làm việc ở đây”.

Cầu Nguyện

Lạy Chúa Giêsu, con đường dài nhất là con đường từ tai đến tay. Chúng con thường xây nhà trên cát, vì chỉ biết thích thú nghe Lời Chúa dạy, nhưng lại không dám đem ra thực hành. Chính vì thế Lời Chúa chẳng kết trái nơi chúng con.

Xin cho chúng con đừng hời hợt khi nghe Lời Chúa, đừng để nỗi đam mê làm Lời Chúa trở nên xa lạ.

Xin giúp chúng con dọn dẹp mảnh đất đời mình, để hạt giống Lời Chúa được tự do tăng trưởng.

Ước gì ngôi nhà đời chúng con được xây trên nền tảng vững chắc, đó là Lời Chúa, Lời chi phối toàn bộ cuộc sống chúng con. (Mana)

Về mục lục

.

HÃY MẶC LẤY TÂM TÌNH CỦA NGƯỜI GIEO GIỐNG

Trong quá trình loan báo Tin Mừng, Đức Giêsu đã dùng nhiều dụ ngôn khác nhau để giúp cho người Dothái cùng thời thay đổi thái độ và cách sống sao cho phù hợp với Tin Mừng.

Hôm nay, Đức Giêsu dùng dụ ngôn “người gieo giống” để giúp cho người nghe hiểu ý nghĩa của nội dung lời giảng.

1. Cách gieo hạt và thửa ruộng của người Dothái

Người Dothái xưa không có những cánh đồng bằng phẳng như ở đồng bằng của Việt Nam, mà thửa ruộng của họ thuộc loại bậc thang trên sườn đồi như những vùng núi Trung du và thượng du gồm sơn địa và bán sơn địa như ở miền Bắc Việt Nam. Như vậy, thửa ruộng của họ thường có sỏi đá, gai góc và thiếu nước.

Cách thức gieo hạt của họ rất giống với cách sạ lúa của người Nam Bộ chúng ta. Tức là họ không cấy từng cụm như đồng bằng, mà họ rắc hạt trên thửa đất của mình.

Sau khi quan sát và thấy hình ảnh của người gieo hạt cũng như những thửa đất khác nhau, Đức Giêsu đã rất tinh tế khi dùng dụ ngôn này để nói về thái độ của dân chúng khi lắng nghe Lời Chúa và sự quảng đại, hào phóng của Thiên Chúa khi gieo giống.

2. Tâm tình người đi gieo giống

Đức Giêsu đưa ra hình ảnh của người gieo giống thật kỳ lạ: ông là người hào phóng. Chỗ nào cũng gieo. Gieo vung vãi không tiếc hạt, tiếc công. Gieo một cách quảng đại, không phân biệt bất cứ loại đất nào. Gieo cả nơi sỏi đá, vệ đường, bụi gai. Ông gieo trong thái độ kiên trì và trung thành, không tính toán thiệt hơn, không biết mỏi mệt và không hề thất vọng.

Ông đầu tư hết tất cả những gì mình có như: tiền tài, vốn liếng, sức khỏe và cả ngày lẫn đêm. Ông gieo mọi nơi mọi chốn.

Có được điều ấy, hẳn ông là người có tham vọng lớn, một trái tim rộng mở để vượt qua mọi rào cản, khó khăn, để tung gieo từng hạt giống, bất chất mọi sự ngỗ nghịch. Ông có một tình yêu bao la, vượt lên trên tất cả, miễn sao hạt giống được tung ra và rơi vào mọi môi trường.

Nói như thế, không có nghĩa ông là người vô trách nhiệm, không chuyên nghiệp, nhưng muốn diễn tả hình ảnh một người nông dân cần cù, chịu khó, kiên trì và quảng đại. Hình ảnh đó không ai khác ngoài Thiên Chúa, mà hiện thân chính là Đức Giêsu, người đang nói qua dụ ngôn.

Thật vậy, Thiên Chúa say mê con người, không ngừng tìm mọi cách để mong sao con người nhận ra chân lý, tình thương để mà cải hóa bản thân cho tốt hơn. Vì thế, tình yêu của Thiên Chúa là một tình yêu phổ quát, không phân biệt giàu nghèo, giai cấp, địa vị, màu da, sắc tộc…, vì “Người làm cho mặt trời mọc lên trên người lành cũng như kẻ dữ, làm cho mưa xuống trên kẻ lành cũng như người bất lương…”

3. Thái độ của mỗi chúng ta trong vai trò của người gieo và nhận

Khi dùng dụ ngôn “người gieo giống” và nhiều loại đất khác nhau, Đức Giêsu mong muốn mỗi người chúng ta cũng mang trong mình tâm tình của người gieo giống. Tức là gieo trong hy sinh, vất vả, không tính toán hơn thiệt, không ích kỷ nhỏ nhen. Bổn phận của người môn đệ chính là mau mắn lên đường, tung hoành khắp nơi, biết tận dụng mọi thời gian, phương tiện để miễn sao Lời Chúa được loan xa tới mọi nơi, mọi chốn, không phân biệt họ là ai, cuộc sống và địa vị của họ như thế nào…

Thật vậy, chúng ta cứ trung thành và quảng đại, còn thành công là do Chúa chứ không phải hoàn toàn ở khả năng của chúng ta. Tinh thần này đã được thánh Phaolô nói đến khi ngài xác định: “Tôi trồng, anh Apôlô tưới, nhưng Thiên Chúa mới làm cho lớn lên. Vì thế, kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Ðấng làm cho lớn lên, mới đáng kể” (1 Cr 3,6-7).

Làm được điều đó, chúng ta cần có một trái tim đủ lớn để yêu thương, kiên trì và trung thành.

Là kitô hữu, chúng ta được hạt giống là chính Lời của Chúa gieo vào lòng chúng ta từ ngày chúng ta lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Rồi tiếp tục trải qua dòng thời gian, chúng ta có nhiều điều kiện để cho Hạt Giống ấy nẩy mầm và sinh hoa kết trái dồi dào. Nhưng thử hỏi, mỗi chúng ta có sẵn sàng để trở thành thửa đất tốt tươi hay chỉ là sỏi đá, ven đường và gai góc?

Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi chúng ta hãy có tấm lòng bao dung, độ lượng như người gieo giống, đồng thời cũng phải có thái độ cởi mở, hân hoan, đơn sơ và yêu mến để cho hạt giống được nảy mầm, trổ sinh hoa trái dồi dào như những thửa đất tốt.

Lạy Chúa Giêsu, xin cho chúng con được mặc lấy tâm tình của người gieo giống, đồng thời cũng trở nên những thửa đất tốt để hạt giống Lời Chúa được trổ sinh hoa trái dồi dào nơi tâm hồn chúng con. Amen.

Về mục lục

.

SINH HOA KẾT QUẢ

Thật là vui cho bậc làm cha mẹ, khi nhìn thấy con mình chập chững bước những bước đầu tiên trong đời. Không còn gì đẹp hơn đôi trai tài gái sắc, có mãi được thứ chất liệu yêu thương làm nên hạnh phúc bền vững. Khá nhiều người than thở chỉ vì không học được chữ “ngờ”, nên cuộc sống gặp nhiều bất trắc ! Cũng không thiếu những hoàn cảnh “tiền mất tật mang”, chỉ vì đầu tư giáo dục con cái quá phóng khoáng, dẫn đến việc con hư hỏng. Thực ra thì ước mơ gặt hái thành quả tốt, gia đình được an khang, con cái nên người hữu ích, hoàn toàn chính đáng.

Sau những ngày dầm mưa dãi nắng, người nông dân có quyền hy vọng vụ mùa bội thu, tương tự như câu tục ngữ : có gieo có gặt. Trước sự nhẫn nại của người thầy, cùng sự phấn đấu của các học trò, sự u mê dần phải được khai thông nơi các học trò, đó là thành quả : có công mài sắt có ngày nên kim. Thiên Chúa ban phát tình yêu thương vào thế gian, ít nhiều hạt giống ấy cũng sinh hoa kết quả, đó là người tốt, việc làm tốt, cách cư xử đẹp, nhờ đó nhiều tâm hồn trở nên xinh đẹp.

Các bài đọc mà chúng ta nghe hôm nay, cho chúng ta có nhiều cảm nhận khác nhau để lưu ý tới sự chuẩn bị mà con người cần có khi đón tiếp Lời Chúa. Bài đọc I, ngôn sứ Isaia sử dụng hình ảnh mưa và tuyết sa xuống từ trời. Mục đích của mưa nắng làm thấm nhuần đất đai, cho hạt giống được nẩy mầm và tăng trưởng, để người gieo có hạt giống và con người có bánh ăn. Lời Chúa được chia sẻ cũng thế, khi đã “gieo vãi” sẽ không trở về với với người gieo, mà thấm nhập vào tâm trí để sinh ích lợi cho con người. Bài đọc II, chúng ta sẽ được mặc khải cho biết kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa, và con người cần giữ vững niềm hy vọng để cùng sống lại với Thiên Chúa trong vinh quang. Trong Tin mừng, Lời Chúa được ví như hạt giống mà người nông dân ra đem đi gieo. Hạt giống có thể rơi bên vệ đường, rơi chỗ đá sỏi, trong bụi gai hay rơi vào đất tốt. Tùy nơi tùy chỗ mà hạt giống sẽ cho những kết quả khác nhau.

Kinh nghiệm của con người cho rằng : vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người. Hạt giống luôn có khả năng nẩy mầm trổ sinh sự sống. Những việc làm tốt, cách giáo dục phù hợp, sẽ tạo nên những người tài người đức. Môi trường chung quanh rất quan trọng làm cho hạt giống được phát triển và sinh hoa kết quả. Tâm hồn con người tự nhiên không phải là tốt đẹp, tâm hồn cần được ân sủng Chúa thánh hóa, thanh luyện để trở nên tốt, và mỗi người phải cộng tác với ơn Chúa, tâm hồn chúng ta mới trở nên mảnh đất tốt và trổ sinh nhiều hoa trái.

Sinh ra trong hoàn cảnh xã hội như nhau, nhưng điều gì đã làm nên người kỹ sư giỏi, bác sĩ tài tức, những thương gia giàu có, những nhà kinh doanh nổi tiếng….. Sở dĩ có thành công, là do mỗi người đã sử dụng thời giờ hợp lý, đã chăm chỉ học tập, làm việc tận tâm tận lực. Người Kitô giáo chúng ta thì cho rằng, Thiên Chúa để mỗi người có những hoàn cảnh khác nhau, nhưng dù một nén, hai nén, hay năm nén bạc, mỗi người đều có thể sinh lợi ích từ số vốn khiêm tốn của mình.

Người sáng suốt, người u tối, người có cái đầu to hay nhỏ cũng đều có thể nghe Lời Chúa, đón nhận hạt giống Lời Chúa gieo vào lòng; nhưng để sinh hoa kết quả : là đã tự do để hạt giống ơn Chúa thấm nhuần, là đem Lời Chúa ra thực hành thế nào. Sống ở đời, khi buồn, ta thấy mọi sự màu xám, vui thì mọi sự màu hồng, giận thì mọi sự màu đỏ, yêu thì mọi sự màu tím, phấn khởi thì mọi sự màu xanh, tuyệt vọng thì mọi sự màu đen, thành kiến gì thì mọi sự có màu thành kiến ….. Làm sao mà chúng ta có thể sống khác với qui luật gieo gì gặt nấy : gieo yêu thương, gặt yêu thương…. Nếu “cái tâm” chúng ta trong sáng, tĩnh lặng, không buồn, không ganh tỵ, không giận hờn… tất nhiên, hạt giống ơn Chúa ban, cùng sự luyện tập, sẽ đạt đến thành quả tốt đẹp : hạt 30, 60 và 100.

Cuộc đời của mỗi người không ai đo bằng thời gian, không thể tính theo công trạng, chẳng bao giờ Thiên Chúa lại hỏi bạn sinh lợi được bao nhiêu vàng bạc châu báu ? nhưng sẽ hỏi bạn có sử dụng thời giờ, ơn ban để sinh việc lành phúc đức không ? Hẳn hạt giống Lời Chúa hôm nay sẽ giúp chúng ta hiểu : càng sống yêu thương, cho đi nhiều, chúng ta càng trở nên giống Chúa hơn. Người ta thường nói: sống lâu, sống khỏe, sống có ích. Tìm đâu ra được điều đó trong thế giới tự nhiên, nghĩa là không thể sinh ra là tài giỏi, là vị thánh. Chỉ khi nào đi theo đường lối Chúa, chúng ta mới có an vui, hạnh phúc, mới là sự đáp trả : Lời Chúa đã phát sinh kết quả thế nào trong mảnh đất tâm hồn ta ?

Về mục lục

.