CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN_A

145

SUY NIỆM CHÚA NHẬT 14 THƯỜNG NIÊN – A

Lời Chúa: Dcr. 9, 9-10; Rm. 8, 9.11-13; Mt. 11, 25-30

 

Mục lục

1. Khiêm nhường hiền hậu  (ĐGM. Giuse Vũ Văn Thiên. GP. Hải Phòng)

2. Khiêm nhường  (ĐGM. Ngô Quang Kiệt)

3. Hãy học cùng Ta   (Lm. Jos. DĐH. GP. Xuân Lộc)

4. Ở hiền gặp lành  (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)

5.Hiền lành và khiêm nhường có còn thích hợp không?  (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP. Xuân Lộc)

6. Khúc tạ ơn  (Trầm Thiên Thu)

7. Hãy cầm lấy và đọc  (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)

8. Hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Chúa Giêsu  (Jos. Vinc. Ngọc Biển)

 

 

KHIÊM NHƯỜNG HIỀN HẬU

Đức Giêsu đã nói về mình như một người hiền hậu và khiêm nhường.  Sự khiêm nhường của Người được thể hiện rõ nét nhất qua mầu nhiệm nhập thể.  Là Thiên Chúa toàn năng, Người đã hạ mình nhận thân phận con người, sống như người trần thế (x Phl 2,6-12).  Nếu Người kêu gọi chúng ta sống khiêm nhường, là vì chính Người đã sống khiêm nhường suốt đời để thực hiện Thánh ý Chúa Cha.  Cuộc khổ nạn thập giá chính là bằng chứng cao cả nhất của sự khiêm nhường ấy.

 Trong lời cầu nguyện của Đức Giêsu với Chúa Cha, Người đã nhắc đến những người được Chúa Cha mặc khải chân lý vĩnh cửu.  Những người này không phải là vĩ nhân, không phải người khôn ngoan xuất chúng, nhưng là những người bé mọn.  Như vậy, Lời Chúa giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn khái niệm “khiêm nhường”:

 -Khiêm nhường trước hết là biết mình hoàn toàn phụ thuộc vào Chúa và chạy đến tìm nương ẩn nơi Ngài.  Vì chúng ta chỉ là tạo vật, nên chúng ta phụ thuộc vào Đấng đã dựng nên chúng ta.  Khước từ Thiên Chúa là tội kiêu ngạo.  Tự cho mình làm nên mọi sự là tội phạm thượng.  Ađam và Evà đã kiêu ngạo và phạm thượng khi khước từ vị trí của Đấng Sáng tạo trong cuộc đời mình.  Họ đã muốn thoát khỏi vòng kiểm soát của Chúa, muốn được trở nên giống thần linh để cạnh tranh với Đấng đã tạo dựng nên mình.

 -Khiêm nhường là chấp nhận vị trí và vai trò của tha nhân trong mối tương quan đa dạng của cuộc sống xã hội.  Mỗi người có một vị trí, một nghề nghiệp, một tài năng và một trách nhiệm.  Không ai có thể làm được bách nghệ, nhưng con người trong xã hội phải phụ thuộc vào nhau mà sống.  Người thợ dệt sống nhờ người nông dân, người thợ xây sống nhờ người đánh cá, người làm việc văn phòng sống nhờ bác nông phu… nhận ra tình liên đới trong sự tôn trọng lẫn nhau, đó chính là khiêm nhường.

 -Khiêm nhường là đón nhận chân lý vĩnh cửu do Đức Giêsu loan báo: thực tế cho thấy có những người học hành uyên thâm lỗi lạc không tin vào các giá trị thiêng liêng, không tin vào Thượng đế; trong khi có những người dân quê chất phác ít học, cả đời không ra khỏi làng, lại tin vào Chúa và gắn bó suốt đời với đức tin ấy đến nỗi không gì có thể lay chuyển nổi.  Như thế, đức tin trước khi là sự khiêm nhường đón nhận của con người thì đã là ân ban của Thiên Chúa, là sự mạc khải của Thiên Chúa về mầu nhiệm Nước Trời.

 -Khiêm nhường là học dưới mái trường của Đức Giêsu.  Nhờ Bí Tích Thánh Tẩy, chúng ta trở thành môn sinh của Thày Giêsu.  Người là Thày dạy Chân lý, Thày dạy yêu thương.  Người chính là con đường để dẫn đưa chúng ta về với Chúa Cha, con đường để đem lại cho chúng ta hạnh phúc.  Có biết bao học trò của Đức Giêsu đã nhờ tuân theo giáo huấn của Người mà nên thánh.  Biết bao người đã  chiến thắng những cám dỗ, chiến thắng những nghịch cảnh cuộc đời nhờ giáo huấn ấy.  Chính nơi trường học của Đức Giêsu mà chúng ta được biết Chúa Cha, vì chính Chúa Con mặc khải cho chúng ta về Chúa Cha và đưa chúng ta vào sống trong mối tình huyền diệu Cha-Con muôn thuở.

 -Khiêm nhường là sống theo sự soi sáng của Chúa Thánh Thần.  Tác giả Thư Rôma (bài đọc II) đã nhấn mạnh đến  sự hiện diện và tác động của Thần Khí nơi các tín hữu.  Một lối sống ngược lại với Thần Khí, đó là sống theo những bản năng của xác thịt, nghiêng chiều theo những đam mê và những đam mê này làm cho chúng ta xa Chúa.  Cũng chính nhờ Thần Khí mà chúng ta diệt trừ được sự ích kỷ và kiêu ngạo, là nguyên nhân của mọi tội lỗi.

Các nhà tu đức thường nói: “Khiêm nhường là mẹ của các nhân đức”.  Vậy nếu chúng ta sống khiêm nhường thì chúng ta sẽ có mọi đức tính tốt lành khác.  Như dòng nước luôn tìm chỗ trũng để chảy xuống, nên có thể thấm vào mọi nơi mọi chỗ và có thể làm cho đất đai trở nên màu mỡ phì nhiêu, sự khiêm nhường là bí quyết của thành công trong cuộc sống.  Khiêm nhường còn là cội nguồn của hạnh phúc, là nền tảng của tình yêu thương huynh đệ.  Đấng Cứu độ được diễn tả bằng hình ảnh khiêm tốn cưỡi trên lưng lừa, chứ không oai hùng trên lưng ngựa chiến với áo giáp uy hùng và kiếm gươm sáng loáng (Bài đọc I).  Chính nhờ sự khiêm nhường này mà Người đã chinh phục được các dân và đưa họ vào vương quốc công chính.

Kiêu ngạo bao nhiêu cũng chẳng đủ, khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng thừa.  Xin cho mỗi người chúng ta biết lắng nghe bài học Chúa dạy hôm nay.  Amen!

Về mục lục

 

KHIÊM NHƯỜNG

Chúng ta thường tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, phép tắc vô cùng. Khi tuyên xưng Thiên Chúa là Đấng Toàn Năng, ta thường nghĩ đến một Thiên Chúa oai nghi bệ vệ, cao sang quyền thế, xa cách. Ta không nghĩ hay không dám nghĩ rằng Thiên Chúa thật rất khiêm nhường. Thực sự Thiên Chúa rất khiêm nhường.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa ẩn mình trong vô hình. Ở đời, một người quyền thế chiếm rất nhiều không gian của người khác. Người quyền thế ở nhà lớn, ngồi ghế rộng. Sự hiện diện của họ khiến mọi người khép nép, nói năng mất tự nhiên, đi đứng phải nhìn trước nhìn sau. Nếu bây giờ Thiên Chúa hiện hình đứng giữa chúng ta. Chắc hẳn chúng ta chẳng thể ngồi thoải mái như bây giờ. Trái lại chúng ta sẽ quì sụp xuống, gục đầu, đấm ngực ăn năn. Nhưng Thiên Chúa đã che giấu dung nhan. Người ẩn mình trong vô hình để cho ta được tự do. Người nhường không gian cho con người. Người tự trở nên một Đấng nghèo hèn, bé nhỏ đến độ bị người đời quên lãng.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa im lặng. Trong xã hội, người uy quyền thường nói nhiều. Người nhỏ phải nghe người lớn, người nhỏ có muốn nói cũng bị tiếng người lớn át đi. Thiên Chúa đã tự trở nên bé nhỏ. Người im lặng nhường lời cho con người. Người lắng nghe con người cả khi họ chỉ trích, chống đối, lên án Người. Người trở nên một Đấng bé nhỏ nghèo hèn, khép nép, im lặng trong thế giới ồn ào của loài người.

Vì khiêm nhường nên Thiên Chúa đã cúi xuống thân phận con người. Con người chẳng là gì mà Chúa vẫn thương. Người còn cúi xuống sâu hơn nữa trước những kẻ tội lỗi để nâng họ lên. Khi người ta cúi xuống trước một kẻ cao trọng, sự khiêm nhường ấy đáng nghi ngờ. Nhưng khi người ta cúi xuống trước một thân phận tội lỗi, nghèo hèn, sự khiêm nhường ấy rất chân thực.

Chính sự khiêm nhường thẳm sâu làm chứng quyền năng vô biên của Thiên Chúa. Thông thường ở đời, quyền năng là để chiến thắng, để chế ngự, để đè bẹp. Ai chống lại quyền lực, quyền lực sẽ nghiền nát người ấy. Trái lại, nơi Thiên Chúa, quyền năng là để chịu thua, để yêu thương, để tha thứ. Sức mạnh không ở nơi quyền lực. Quyền lực bộc phát là quyền lực không tự kiềm chế được. Trái lại, khiêm nhường là chế ngự được sức mạnh của mình. Đó mới chính là quyền năng thực sự mạnh mẽ.

Thiên Chúa vô hình. Có lẽ ta sẽ khó mà hiểu biết sự khiêm nhường của Thiên Chúa, nếu ta không nhìn thấy sự khiêm nhường của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Ngài không ngừng đi xuống. Từ trời cao Người đã hạ mình xuống thế. Từ thân phận là Thiên Chúa Người đã hạ mình xuống làm một người bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tội đồ. Là Đấng hằng sống, Người đã tự nguyện chết đi. Suốt cuộc đời, Người đã không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Và một cử chỉ không thể nào quên là trong bữa tiệc ly, Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Người đã hạ mình xuống tận cùng, không còn có thể xuống hơn được nữa.

Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống, nên những ai kiêu căng tìm nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường nhỏ bé mới gặp được Người.

Hôm nay Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: “Hãy học cùng Ta vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Hãy ghi danh vào học trường Chúa Giêsu. Hãy học bài học khiêm nhường. Hãy học bài học Giêsu. Hãy học với Thầy Giêsu. Hãy bước theo Thầy Giêsu xuống những bậc thang khiêm nhường thẳm sâu. Ở bậc thang cuối cùng, Thiên Chúa đang chờ đợi ta, ta sẽ gặp được Người. Ta sẽ kết hiệp với Người. Ta sẽ rũ sạch mọi vất vả lo âu. Ta sẽ được bình an.

Lạy Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường trong lòng. Xin uốn lòng con nên giống như trái tim Chúa. Amen.

GỢI Ý CHIA SẺ

1.    Những dấu nào cho thấy sự khiêm nhường của Chúa?

2.    Có quyền ăn nói, nhưng im lặng nhường lời cho người khác. Có vị thế cao, nhưng ẩn mình nhường chỗ cho người khác. Có dễ không?

3.    Sức mạnh bùng nổ trên người khác. Và sức mạnh chế ngự chính mình. Đàng nào mạnh hơn?

4.    Thiên Chúa tuyệt đối khiêm nhường. Khám phá này có tác động gì trên bạn không?

Về mục lục

.

HÃY HỌC CÙNG TA

Khuynh hướng tự nhiên khi nói đến “học”, người ta thường nghĩ đến những em nhỏ, đến giới trẻ, là đối tượng cần phải học…, dù đã nghe nói : học khôn đến chết, học nết đến già. Rõ ràng tự trong thâm tâm, con người ai cũng biết về sự giới hạn của mình, trong khi đó kiến thức xã hội lại bao la rộng lớn. Kinh nghiệm của cha ông còn cho biết : khôn thì phải ngoan; học thì phải hành, nếu không cuộc sống sẽ mất thăng bằng, khó mà đứng vững được. Con cháu có bằng cấp, có kiến thức là niềm tự hào cho chúng, là vinh dự cho gia đình, xã hội.

Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay kêu gọi “hãy học cùng Ta…”, học cùng Chúa không phải để lấy bằng cấp, học không phải chỉ cần thiết cho người trẻ, học không nhằm mang lại kiến thức; mà học cùng Chúa để được nên người, học cùng Chúa để biết Thiên Chúa là Cha và mọi người là anh chị em với nhau. Những người chài lưới nhờ theo Thầy Giêsu học hỏi, các ông đã được chọn làm tông đồ, dù các ông còn giới hạn nhiều mặt. Cũng như các tông đồ, một khi chúng ta kết hiệp được với Thầy Giêsu, chúng ta mới hiểu Chúa Giêsu thật hiền dịu và khiêm nhượng trong lòng.

Ngay trong lớp học, thầy cô sẽ không chú trọng đến cái đầu học sinh nào to hay bé, nhưng là chú ý đến sự nhạy bén của học trò. Ngoài xã hội, chẳng hơi đâu mà người ta nghĩ đến sự bén nhạy của ai, cũng không cần phải chú trọng đến vóc dáng diện mạo, nhưng là họ quan tâm đến túi tiền của bạn thế nào, vì thế mà có câu “khách hàng là thượng đế”. Chúa Giêsu hôm nay và mai sau, Ngài không kén lựa học trò giầu nghèo, lớn nhỏ, ít hay nhiều thông minh, Chúa chỉ quan tâm đến mỗi người có đồng ý theo Chúa để làm môn đệ, có tự do để được Chúa huấn luyện không ?

Tục ngữ có câu : “người không học như ngọc không mài”. “Dốt đến đâu học lâu cũng biết”. Cũng trong ý tưởng : văn ôn võ luyện, mọi người dù có đủ các bằng cấp, nếu không đọc, không học, ý tưởng và tư tưởng sẽ không thể phong phú được. Hẳn Chúa Giêsu không “đánh đồng chúng ta dốt đặc cán mai”, Chúa không là chuyên gia tìm kiếm và hướng dẫn các học trò lười dốt, nhưng mỗi người vẫn hiểu dù thông thái hay hay nghèo hèn, chúng ta đều được mời gọi ý thức rèn luyện con người của mình, đã tốt, cần tốt hơn để xứng đáng với tình yêu của Chúa Cha. Khi kêu gọi chúng ta làm học trò, bài học căn bản mà trọng tâm Chúa nói tới là tình yêu, hãy đến với Ta, vì Ta hiền hậu và khiêm nhượng trong lòng.”

Với tâm tình cầu nguyện, Chúa Giêsu chúc tụng Cha trên trời vì đã mạc khải Nước Trời cho những kẻ bé mọn, trong khi đó những kẻ thông thái và quân tử lại không thể hiểu biết Nước Trời ở đâu. Những nhà thông thái tự cao tự đại thường cho rằng mình biết tất cả, vì thế nên sự tự mãn làm cho họ không nhận ra Đức Giêsu là nước trời đang ở giữa họ. Những bậc thông thái dễ tự hào về lối sống của mình, tự cho mình là chân chính và không cần đến sự giúp đỡ của người anh em mình, ngay cả Thiên Chúa cũng phải biết đến sự nỗ lực thánh thiện mà họ đạt được.

Một gợi ý về việc học mà Chúa Giêsu hôm nay nói đến là hãy học tập sự tín thác vào tình yêu, vì có khao khát học tập cùng Chúa Giêsu, mỗi người môn đệ mới hiểu thế nào “ách êm ái và gánh nhẹ nhàng”. Người đời tìm mọi cách để né tránh khổ đau, để lừa cho anh chị em phải chịu cực khổ thất bại thay cho mình; còn nơi Chúa Giêsu, Chúa bổ sức và nâng đỡ để chúng ta thấy rõ sự hiền dịu và khiêm nhường làm cho tâm hồn ta đầy tràn bình an, hạnh phúc vì có Chúa.

Người đời cư xử sòng phẳng : lấy độc trị độc; vỏ quýt dạy có móng tay nhọn. Còn Đức Phật dạy các học trò : “lấy oán báo oán, oán còn mãi; lấy ân báo oán, oán tiêu tan”. Nơi Chúa Giêsu, Ngài cho chúng ta hiểu thế nào là tình yêu mạnh hơn sự chết, nơi Đức Giêsu, tình yêu chính là ơn ban để mỗi người vừa học vừa thực hành bài học nên một trong đức ái vẹn toàn. Người xưa cũng để lại cho chúng ta kinh nghiệm : học là học để mà hành, vừa hành vừa học mới thành người khôn. Người tín hữu theo học Thầy Giêsu, thực tập việc bác ái yêu thương không giới hạn nơi chốn, người thân người lạ, chỉ như thế chúng ta mới được Thầy Giêsu mạc khải, và đưa vào thế giới của Thiên Chúa, nơi ngập tràn tình yêu. Học, học nữa học mãi với Thầy Giêsu, học và hành suốt đời, để lột bỏ những kiêu căng, thông thái, khôn ngoan thế gian, để rồi chúng ta biết sống hồn nhiên khiêm tốn mà nên hoàn thiện như Cha trên trời. Amen.

 Về mục lục

.

Ở HIỀN GẶP LÀNH

Ở hiền gặp lành, ở ác gặp ác. Một câu nói rất quen thuộc với người Việt Nam chúng ta. Thế nhưng trên đời chúng ta lại thấy rất nhiều những điều ngược lại, người ở hiền thì không gặp lành, còn người ở ác lại hay gặp những điều may mắn. Có một người đã nói vơi tôi: “Cha ơi, sao con ở hiền mà con chẳng bao giờ gặp chuyện lành cả, toàn những chuyện tai ương hay khó khăn chồng chất thôi!”
Thực ra, ở hiền không phải là tránh được mọi tai ương. Sự dữ vẫn có thể đến với chúng ta. Sự dữ chính là tên quỷ dữ luôn tìm cách làm hại người lành. Nó có thể dùng linh hồn tha nhân để làm hại chúng ta. Hay như Jean-Paul Sartre đã từng nói: “con người là chó sói của con người”. Nhưng không phải vì thế mà chúng ta hành động “ăn miếng trả miếng” theo kiểu thế gian. Người ky-tô hữu chúng ta phải làm chứng cho sự thiện bằng sự hiền lành và khiêm nhường, cho dẫu có vì đó mà chúng ta chịu trăm ngàn khổ đau.
Hôm nay Chúa nói : “Hãy học cùng Ta, vì Ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng”. Sự hiền lành của Chúa không phải là đi tìm sự thỏa hiệp với thế gian. Chúa không im lặng trước sự dữ. Chúa đã từng lên án gắt gao thói giả hình và gian tà của những kẻ biệt phái. Chúa đã từng xô đuổi con buôn ra khỏi đền thờ. Chính vì những điều Chúa làm, những lời Chúa nói đã ảnh hưởng đến miếng cơm chén gạo của các biệt phái mà người ta tìm cách giết Chúa. Sự hiền lành của Chúa là vì công lý mà chịu nhiều thiệt thòi. Vì sự thật mà phải chết nhục nhã trên cây thập giá, nhưng Ngài không chống cự, và còn xin cùng Chúa Cha tha cho họ vì họ không biết việc họ làm. Chúa đấu tranh nhưng bất bạo động, vì “ai dùng gươm sẽ chết vì gươm”, “oán báo oán, oán chập chùng” và còn tha thứ cho xúc phạm của tha nhân không chỉ “7 lần mà là 70 lần bảy”, nghĩa là mãi mãi. . .
Trong tám mối phúc, có mối phúc Chúa chúc phúc cho ai bị bách hại vì lẽ công chính, vì Nườc Trời là của họ. Như thế hiền lành ở đây là sống thật và làm chứng cho sự thật. Không nhượng bộ, thỏa hiệp với dối gian. Cho dù vì lẽ công chính đó mà mình bị bách hại, bị thiệt thòi vẫn chấp nhận, vì phần thưởng của chúng ta là Nước trời.
Sự hiền lành của Chúa còn hệ tại ở sự cảm thông với lỗi lầm của người khác. Không thành kiến đối với những người bị xã hội ruồng bỏ. Ngài yêu thương họ. Ngài đến để đối thoại với họ. Ngài mở cho họ một con đường mới. Ngài giúp họ làm lại cuộc đời như Madalena, như Giakêu, như người thiếu phụ bên bờ giếng Giacóp.
Sự hiền lành thường đi song song với khiêm tốn. Hiền lành để tha nhân dễ gần chúng ta và khiêm tốn để ta dễ hòa đồng với tha nhân. Tuy hai nhưng là một mục đích. Tạo cơ hội cho chúng ta đến với tha nhân và tha nhân đến với ta. Kẻ kiêu căng thường phân loại để chơi. Người khiêm nhường thì đối xử mọi người như nhau. Người hiền lành ai cũng muốn tới gần. Kẻ gian ác ai cũng chạy xa. Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường nên ai cũng có thể tiếp xúc với Ngài, và Ngài luôn có thể gặp gỡ trao đổi với mọi người từ em bé đến người già. Từ người giầu có đến kẻ hèn. Từ người công chính đến tội lỗi.
Chân Phước Clément Hofbauer đã nêu cao gương hiền lành và khiêm nhường ấy một cách tuyệt vời. Vào khoảng năm 1800, ngài đi vào một quán ăn tại Varsovia để xin những thực khách tại đây giúp cho các trẻ mồ côi mà ngài đang coi sóc. Một thực khách, đang chơi bài, nhổ nước miếng vào mặt ngài. Vị linh mục thánh thiện nầy vừa chùi má, vừa nói:
“Thưa ông, đây là phần ông cho tôi; bây giờ, xin ông cho các em mồ côi một chút gì đi.”
Ông đánh bạc nầy quá xúc động, lấy tất cả tiền đánh bạc của mình ra và cho ngài. Vài ngày sau, ông nầy tìm đến ngài để xin xưng thú tội lỗi.
Hóa ra sự hiền lành có thể hóa giải lòng người. Sự hiền lành thể hiện sự bản lĩnh của kẻ mạnh. Sự hiền lành giúp cho con người sống nhường nhịn lẫn nhau, tha thứ cho nhau và cùng nhau xây dựng một xã hội đầy yêu thương.
Ước gì sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa Giê-su luôn là mẫu mực để chúng ta noi theo. Xin cho chúng ta luôn là chứng nhân cho lòng nhân hậu của Chúa giữa một thề giới đầy thù hận hôm nay. Amen.

Về mục lục

.


HIỀN LÀNH VÀ KHIÊM NHƯỜNG CÓ CÒN THÍCH HỢP KHÔNG?

Xã hội chúng ta dường như bạo lực càng ngày càng gia tăng, mức độ càng ngày càng kinh khủng hơn, người ta sống với nhau dường như theo kiểu mạnh được yếu thua, hoặc có tiền là có tất cả, kể cả quyền lực và có quyền lực lại càng dễ kiếm tiền. Vì thế nhiều người đã giẫm đạp lên nhau để đạt được quyền lực, để giành được nhiều tiền. Trong khi đó Lời Chúa Giêsu hôm nay mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường”. Liệu lời mời gọi này có lọt được vào tâm hồn chúng ta hay không, khi chúng ta cũng đang bị cám dỗ chạy theo quyền lực và giải quyết vấn đề bằng bạo lực?

Vào ngày lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống vừa qua, Đức Thánh Cha Fancis đã mời hai vị tổng thống Palestine và Israel đến Vatican để cùng cầu nguyện cho hòa bình tại vùng Thánh địa này, tuy nhiên không phải các nhà lãnh đạo khác đều ủng hộ sáng kiến của Đức Thánh Cha, mà ngay đến thủ tướng Palestin cũng cho rằng việc làm của ĐTC chẳng đem lại lợi ích gì, theo ông, chỉ có vũ khí và đấu tranh thì mới giải quyết được vấn đề mà thôi. Nhưng ĐTC vẫn nhất quyết theo đuổi và giải quyết các tranh chấp bằng quyền năng của Thiên Chúa và giải pháp của Tin Mừng, dù cho có nhiều người không chấp nhận giải pháp này.

Kể ra như thế để cho thấy, việc chọn đi theo giải pháp của Tin Mừng, giải quyết vấn đề bạo lực, bất đồng, bằng sự hiền lành và khiêm nhường vẫn là một thử thách đòi phải có một đức tin mạnh mẽ. Vì thông thường, con người muốn tìm một giải pháp bên ngoài để giải quyết vấn đề tức thời, dù phải sử dụng bạo lực, còn Tin Mừng muốn chúng ta giải quyết vấn đề từ bên trong tâm hồn của mỗi con người. Vì chính từ trong tâm hồn, nơi chứa đựng sự kiêu căng tự mãn, và ước muốn thống trị anh em sẽ dẫn đến việc sử dụng bạo lực. Trái lại khi tâm hồn được huấn luyện để trở nên hiền lành và khiêm nhường, thì sẽ không còn chiến tranh, không còn bạo lực nữa.

Thiên Chúa là một người Cha hiền lành, mặc dù Ngài là Chúa tể mọi loài mọi vật, thế nhưng Ngài không điều khiển vũ trụ và dân Ngài bằng quyền lực, nhưng Ngài điều khiển bằng tình yêu thương. Bài đọc một tiên tri Dacaria loan báo về một vị vua đang tới, vị vua cứu thế, Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, là Đấng Chính Trực vì nơi Người không có một chút gian dối, không một chút bất công; là Đấng Toàn Thắng, vì quyền năng của Ngài vượt trên tất cả các quyền lực và sức mạnh của thế gian và ma quỷ. Thế nhưng là một Đức Vua uy quyền như thế, nhưng Ngài không ngồi trên lưng chiến mã oai phong, mà lại ngồi trên lưng của một con lừa, là con vật hiền lành, gần gũi. Tuy nhiên vẻ hiền lành của một vị vua nhân từ như thế vẫn làm cho kẻ thù khiếp sợ, làm cho chiến xa và kỵ binh của kẻ thù phải rụng rời chạy trốn, Ngài dẹp bỏ chiến tranh và thiết lập hòa bình cho muôn dân.

Bài Tin Mừng hôm nay, Đức Giêsu đã dâng lời cảm tạ Thiên Chúa Cha là Chúa Tể trời đất, vì đường lối Thiên Chúa Cha đã thực hiện nơi Đức Giêsu- Con Ngài, đã trao quyền năng trên trời dưới đất cho Đức Giêsu và đặt Người làm Chúa mọi loài. Thế nhưng quyền năng ấy lại được ẩn dấu trong con người Giêsu Nazareth mà không phải ai cũng nhận ra được. Chỉ những ai được tuyển chọn được yêu thương, được tỏ ra cho, thì mới có thể nhận ra sự siêu việt nơi con người của Đức Giêsu mà thôi.

Là một vị Thiên Chúa ngang bằng và giống như Thiên Chúa Cha, Đức Giêsu đã chấp nhận để sống như một con người, để chia sẻ với thân phận con người với con người. Vì Ngài thấy được sự nhọc nhằn vất vả, gánh nặng của cuộc sống kiếp người, Ngài đã mời gọi mọi người: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng”. Lời mời gọi này được gửi đến tất cả mọi người, nhưng chỉ những ai dám đặt gánh nặng của mình vào tay Chúa, dám tin tưởng trao cho Chúa mọi lo toan của mình, thì mới có thể nhận được sự nâng đỡ bổ dưỡng, vì Thiên Chúa không thể nâng đỡ nếu chúng ta từ chối đến với Ngài, Ngài không thể chia sẻ với chúng ta nếu chúng ta không dám trao gánh nặng của chúng ta cho Ngài.

Ngài còn mời gọi chúng ta: “Hãy học cùng tôi, vì tôi có lòng hiền lành và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi bổ”. Hiền lành là biết chấp nhận nhau, là quảng đại tha thứ, là không để cho mình bị cuốn vào cơn nóng giận, trả thù trả oán, nhưng biết lấy tình yêu thương để cư xử với nhau, là biết chấp nhận nhau với những bất toàn, bất túc của nhau. Hiền lành nhưng không phải là nhu nhược, cũng không nhắm mắt làm ngơ trước sự dữ và sự ác, nhưng là biết giải quyết vấn đề một cách ôn hòa, trong công bình, bác ái và yêu thương. Khiêm nhường là biết rõ về con người của mình với những khả năng, những giới hạn, và luôn sẵn sàng đem khả năng để phục vụ cũng như nhìn nhận giới hạn để khắc phục, không tìm kiếm lời khen, cũng không tìm kiếm danh vọng quyền lực theo kiểu thế gian.

Chúa Giêsu đã nêu gương sống hiền lành khi Ngài dù không chấp nhận sự tội, nhưng lại thông cảm với những người tội lỗi và thu thuế, những người bị xã hội loại trừ. Ngài cư xử hiền lành và nhẫn nại với mọi người, và luôn cho tội nhân có cơ hội để làm lại cuộc đời. Ngài đòi những kẻ theo Ngài phải biết tha thứ đến bảy mươi lần bảy, phải để của lễ lại nơi bàn thờ để quay về làm hòa với anh em, và chính Ngài trên cây thập giá đã xin Chúa Cha tha thứ cho những kẻ bách hại làm khổ mình, và còn biện minh cho họ là : “Vì họ nhầm không biết”. Là Thiên Chúa, nhưng Chúa Giêsu đã khiêm nhường đến thẳm sâu để đón nhận thánh ý Chúa Cha, để mang nơi mình thân phận con người, làm con của một người phụ nữ cùng với biết bao nhiêu giới hạn của con người, và còn chấp nhận để cho con người là thụ tạo xỉ vả hành hạ và cuối cùng là gây ra cái chết cho Ngài.

Từ sự khiêm nhường và hiền lành ấy đã biến đổi hoàn toàn thế giới này, đã đem đến cho nhân loại ơn cứu độ qua cái chết và phục sinh của Ngài, ngài biến đổi tâm hồn của những ai tin và đón nhận ngài, và dám để Ngài hiện diện làm chủ cuộc đời của mình. Những ai dám để Chúa Giêsu làm chủ điều khiển cuộc đời, người ấy sẽ nên giống Ngài tức là trở thành những người có một trái tim nhân ái và yêu thương hiền lành và khiêm nhường như Ngài.

Trong cuộc sống không ai mà không có những gánh nặng, vất vả, thử thách cả tinh thần lẫn vật chất, trong đời sống cá nhân, gia đình, có những người đã tìm cách giải sầu trong rượu chè, cờ bạc, nghiện ngập. Những thứ đó không thể làm vơi nỗi sầu, cũng không thể giảm bới gánh nặng cuộc sống, trái lại nó chỉ làm cho cuộc sống thêm bế tắc mà thôi. Lời Chúa hôm nay là lời mời gọi an ủi cho chúng ta. Hãy đến với Chúa Giêsu đổ được bồi bổ và nghỉ ngơi khỏi những mết mọi của cuộc sống. Đến để học theo cách sống của Ngài, để thực hiện lời chỉ dạy của Ngài và để đón nhận, để sống tình yêu thương như ngài, vì Thiên Chúa chúng ta- Ngài không hề dửng dưng hay vô cảm trước nỗi nhọc nhằn của chúng ta, trái lại Ngài là một vị Thiên Chúa chạnh thương, là một người Cha nhân hậu, Ngài không thể làm ngơ trước những nhọc nhằn của con cái Ngài. Có điều là chúng ta có tin tưởng và đến với Ngài hay không thôi.

Cũng vậy, ngày nay người sống hiền lành khiêm nhường thường bị coi là thua thiệt yếu thế, an phận thủ thân, trong khi người đời chà đạp lên nhau để tìm kiếm danh lợi, thì chúng ta được mời gọi sử dụng sức mạnh nội tâm và cách cư xử hiền lành, khiêm nhường của Chúa Giêsu làm vũ khí khuất phục kẻ kiêu căng, hung ác. Hãy lấy sự hiền lành và khiêm nhường của Chúa để cư xử trong gia đình của mình, nghiêm khắc với trình trạng sai trái và những lối sống bất chính, nhưng lại hãy hết sức quảng đại và độ lượng với vợ chồng con cái khi họ sai lỗi. Hãy gạt bỏ khỏi gia đình sự nóng nảy cãi vã, để mọi thành viên trong gia đình có thể gần gũi trò chuyện và chia sẻ với nhau cả khi vui lẫn khi buồn, khi thành công hay thất bại.

Hãy cư xử hiền lành và sống khiêm nhường với láng giềng chòm xóm, với bạn bè và mọi người, sống như thế không biến chúng ta trở thành tầm thường, nhưng biến chúng ta trở nên những con người có nghị lực và mạnh mẽ, làm chủ được bản thân và sự nóng giận. Đặc biệt các bạn trẻ ngày nay và nhiều người lớn đang bị ảnh hưởng bởi lối sống theo phim ảnh bạo lực, muốn biến mình trở thành siêu nhân để thỏa mãn sự tham vọng của mình, nhiều người trẻ chỉ còn biết giải quyết vấn đề xung khắc bằng bạo lực, bằng đấm đá. Hãy học nơi Chúa Giêsu để biết cư xử hiền hòa, biết tha thứ và làm hòa mỗi khi có bất đồng, biết khiêm nhường để đón nhận sự sửa dạy của bề trên, sự góp ý của bạn bè và không ngừng làm cho mình nên hoàn thiện hơn.

Nếu mỗi người Công Giáo biết sống khiêm nhường và cư xử với nhau cách hiền lành như thế, thì xã hội hôm nay sẽ bớt đi bạo lực, cuộc sống sẽ đậm tình yêu thương. Amen.

Về mục lục

.

KHÚC TẠ ƠN

Tạ ơn là cảm tạ, cảm ơn, tri ân, biết ơn, nhớ ơn. Sống trên đời, không ai là một ốc đảo, nghĩa là luôn có mối liên đới với người khác, bằng cách này hay cách khác, trực tiếp hoặc gián tiếp. Không ai lại không thọ ân của người khác, đơn giản nhất là nhờ ông bà, cha mẹ, anh chị em, hàng xóm, thầy cô, bạn bè,… Tục ngữ nói: “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Đó là tiền nhân muốn nhắc nhở chúng ta về lòng biết ơn.

Biết ơn là biết tự trọng, biết tôn trọng người khác, là người có giáo dưỡng, là người khiêm tốn và trọng chữ tín. Trong tập “Những Lời Khai Thị Vàng Ngọc”, Tịnh Không Pháp Sư viết: “Hãy biết ơnnhững người khiển trách ta, vì họ giúp ta tăng trưởng định tuệ; hãy biết ơn những người làm ta vấp ngã, vì họ khiến năng lực của ta mạnh mẽ hơn; hãy biết ơn những người bỏ rơi ta, vì họ đã dạy cho ta biết tự lập; hãy biết ơn những người đánh đập ta, vì họ đã tiêu trừ nghiệp chướng cho ta; hãy biết ơnnhững người lường gạt ta, vì họ tăng tiến kiến thức cho ta; hãy biết ơn những người làm hại ta, vì họ đã tôi luyện tâm trí của ta; hãy biết ơn tất cả những người khiến ta được kiên định và thành tựu. Những ý tưởng thật là cao thượng, ai sống đúng được như vậy thì đúng là vĩ nhân rồi!

Phàm nhân mà người ta còn biết được như vậy thì thật đáng quý. Và có lẽ nhờ đó mà chúng ta không còn ngạc nhiên, và có thể hiểu được lý do Chúa Giêsu bảo chúng ta phải yêu kẻ thù: “Hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em” (Lc 6:28). Luật yêu của Ngài khác Cựu Ước, có vẻ “ngược đời” lắm, nhưng đó lại là nghịch-lý-thuận. Quả thật, hiểu cho sâu xa thì ai cũng là ân nhân của chúng ta, dù ít hay nhiều, trực tiếp hay gián tiếp, nghĩa là chúng ta luôn phải biết ơn người khác. Với Thiên Chúa, chúng ta càng phải biết tạ ơn nhiều hơn và tạ ơn không ngừng. Tạ ơn phải được lặp đi lặp lại rất nhiều lần như một điệp khúc của bài trường ca vậy!

Tác giả Thánh Vịnh đã tự vấn và tự trả lời: “Biết lấy chi đền đáp Chúa bây giờ vì mọi ơn lành Người đã ban cho? Tôi xin nâng chén mừng ơn cứu độ và kêu cầu thánh danh Chúa” (Tv 116 [114-115]:12-13). Tạ ơn Thiên Chúa là bổn phận của chúng ta, việc đó chẳng thêm gì cho Ngài nhưng lại sinh ơn cứu độ cho chính chúng ta. Kỳ diệu quá!

Nói tới động thái tạ ơn, chúng ta có thể nhớ lại chuyện mười người phong hủi, chuyện thật chứ không là dụ ngôn. Cả mười người đều được sạch, nhưng chỉ có một người ngoại bang trở lại tạ ơn Chúa Giêsu (Lc 17:11-19). Như vậy, chắc chắn chín người kia là “đạo gốc”, vô ơn vì có lẽ tưởng mình là “ngon”. Câu chuyện này “nhắc khéo” chúng ta về việc chúng ta thường vô ơn bội nghĩa đối với Thiên Chúa và tha nhân.

Chuyện này cũng phần nào liên quan lời Chúa Giêsu khi Ngài nói về người môn đệ chân chính: “Không phải bất cứ ai thưa với Thầy: ‘Lạy Chúa! lạy Chúa!’ là được vào Nước Trời cả đâu! Nhưng chỉ ai thi hành ý muốn của Cha Thầy là Đấng ngự trên trời, mới được vào mà thôi” (Mt 7:21). Có những người nhân danh Chúa mà nói tiên tri, trừ quỷ, làm nhiều phép lạ,… nhưng Chúa Giêsu không hề biết họ: “Xéo đi cho khuất mắt Ta, hỡi bọn làm điều gian ác!” (Mt 7:23). Chúng ta làm những việc mà chúng ta tưởng là “việc đạo đức” nhưng với Chúa thì chỉ là “việc gian ác”. Coi chừng, vì không khéo thì chúng ta có thể ở trong đám người ấy, và nếu như thế thì thật khốn nạn!

Người khiêm nhường biết nhớ ơn là người vui vẻ, không ưu sầu. Tác giả Thánh Vịnh mời gọi: “Nào thiếu nữ Sion, hãy vui mừng hoan hỷ! Hỡi thiếu nữ Giêrusalem, hãy vui sướng reo hò! Vì kìa Đức Vua của ngươi đang đến với ngươi: Người là Đấng Chính Trực, Đấng Toàn Thắng, khiêm tốn ngồi trên lưng lừa, một con lừa con vẫn còn theo mẹ” (Dcr 9:9). Lý do để chúng ta vui mừng rất rõ ràng. Thiên Chúa đến với chúng ta bằng nhiều cách, dạng phổ biến nhất là Hồng Ân, là Thánh Ân của Ngài. Vì thế mà chúng ta không thể không biết tạ ơn Ngài. Ngài còn đến với chúng ta qua từng người chúng ta gặp hằng ngày, và rồi chúng ta cũng phải biết ơn những người chúng ta gặp – dù họ là ai, vì ai cũng có cái để chúng ta học hỏi – đúng để theo, sai để tránh.

Chúng ta tạ ơn Thiên Chúa vì Ngài là Đấng cứu thoát chúng ta khỏi kẻ thù và làm cho chúng ta được an cư lạc nghiệp: “Người sẽ quét sạch chiến xa khỏi Ép-ra-im và chiến mã khỏi Giêrusalem; cung nỏ chiến tranh sẽ bị Người bẻ gãy, và Người sẽ công bố hoà bình cho muôn dân. Người thống trị từ biển này qua biển nọ, từ sông Cả đến tận cùng cõi đất” (Dcr 9:10). Vả lại, “chẳng ai có thể nhận được gì mà không do Trời ban” (Ga 3:27). Vậy thì không tạ ơn sao được chứ?

Điệp khúc Tạ ơn là bài ca nguyện tuyệt vời và cần thiết, phải được lặp đi lặp lại từng ngày trong suốt cuộc đời: “Lạy Thiên Chúa con thờ, là Vua của con, con nguyện tán dương Chúa và chúc tụng Thánh Danh muôn thuở muôn đời. Ngày lại ngày, con xin chúc tụng Chúa và ca ngợi Thánh Danh muôn thuở muôn đời” (Tv 145:1-2). Thiên Chúa vui lòng thì có lợi cho chúng ta vô cùng. Tuy nhiên, chúc tụng Chúa khi cuộc đời chúng ta xuôi chèo mát mái thì không có gì đáng nói, nhưng thật đáng nói nếu cuộc đời chúng ta luôn gặp trắc trở, số kiếp luôn lận đận, như Thánh Gióp là tấm gương sáng chói. Sau khi bị mất tất cả, từ tài sản tới con cái, bản thân ông cũng bị bệnh tật, mọi người đều xa tránh, nhưng ông vẫn trung tín với Thiên Chúa. Ông xác định:“Thân trần truồng sinh từ lòng mẹ, tôi sẽ trở về đó cũng trần truồng. Đức Chúa đã ban cho, Đức Chúa lại lấy đi: xin chúc tụng danh Đức Chúa!” (G 1:21). Cả đời chúng ta cũng không thể so sánh với một góc nhỏ của Thánh Gióp.

Niềm tin của Thánh Gióp lớn lao quá! Nhưng niềm tin đó không mơ hồ hoặc ảo tưởng, mà hoàn toàn chính xác, như tác giả Thánh Vịnh nói: “Chúa là Đấng từ bi nhân hậu, Người chậm giận và giàu tình thương. Chúa nhân ái đối với mọi người, tỏ lòng nhân hậu với muôn loài Chúa đã dựng nên. Lạy Chúa, muôn loài Chúa dựng nên phải dâng lời tán tạ, kẻ hiếu trung phải chúc tụng Ngài, nói lên rằng: triều đại Ngài vinh hiển, xưng tụng Ngài là Đấng quyền năng, để nhân loại được tường những chiến công của Chúa, và được biết triều đại Ngài rực rỡ vinh quang” (Tv 145:8-12).

Chỉ một mình Thiên Chúa là Đấng cầm quyền sinh tử, Ngài “đẩy xuống âm phủ rồi lại kéo lên” (1 Sm 2:6; Kn 16:13), Ngài “bắt phải nghèo và cho giàu có, hạ xuống thấp và nhắc lên cao” (1 Sm 2:6-7). Nghe có vẻ “oải” quá! Không phải vậy đâu. Ngài vẫn “thành tín trong mọi lời Ngài phán, và đầy yêu thương trong mọi việc Ngài làm. Ai quỵ ngã, Ngài đều nâng dậy, kẻ bị đè nén, Ngài cho đứng thẳng lên” (Tv 145:13-14). Tác giả Thánh Vịnh đã trải nghiệm và tạ ơn: “Lạy Chúa, từ âm phủ Ngài đã kéo con lên, tưởng đã xuống mồ mà Ngài thương cứu sống” (Tv 30:4). Đúng là Hồng Ân chồng lên Hồng Ân. Tạ ơn Chúa là điều hoàn toàn hợp lý!

Tuy nhiên, trong cuộc sống chúng ta lại thường xuyên hành động trái ngược, biết mà không làm. Chúa Giêsu cũng đã nhắc nhở: “Tinh thần thì hăng say, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41; Mc 14:38). Thân xác thật nặng nề, nặng hơn đá đeo! Chúng ta vẫn lòng chai dạ đá, chỉ “ưa thích chuyện hư không, chạy theo điều giả dối” (Tv 4:3).

Thánh Phaolô chia sẻ kinh nghiệm: “Vì tính xác thịt thì ước muốn những điều trái ngược với Thần Khí, còn Thần Khí lại ước muốn những điều trái ngược với tính xác thịt, đôi bên kình địch nhau, khiến anh em không làm được điều anh em muốn” (Gl 5:17). Thần Khí Chúa rất quan trọng trong đời sống chúng ta, vì chính Chúa Thánh Thần đã tác động và biến đổi chúng ta, như Thánh Phaolô nói: “Anh em không bị tính xác thịt chi phối, mà được Thần Khí chi phối, bởi vì Thần Khí của Thiên Chúa ngự trong anh em. Ai không có Thần Khí của Đức Kitô thì không thuộc về Đức Kitô” (Rm 8:9).

Thánh Phaolô giải thích cặn kẽ: “Nếu Thần Khí ngự trong anh em, Thần Khí của Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, thì Đấng đã làm cho Đức Giêsu sống lại từ cõi chết, cũng sẽ dùng Thần Khí của Người đang ngự trong anh em, mà làm cho thân xác của anh em được sự sống mới. Vậy thưa anh em, chúng ta mang nợ, không phải mang nợ đối với tính xác thịt, để phải sống theo tính xác thịt. Vì nếu anh em sống theo tính xác thịt, anh em sẽ phải chết; nhưng nếu nhờ Thần Khí, anh em diệt trừ những hành vi của con người ích kỷ nơi anh em thì anh em sẽ được sống” (Rm 8:11-13). Quả thật, chúng ta luôn là “con nợ” của Thiên Chúa và tha nhân. Nhưng con nợ cũng vẫn phải biết ơn, vì mắc nợ cũng là thọ ân vậy.

Hồng Ân lớn nhất mà chúng ta mắc nợ Chúa Giêsu, và phải nhớ mà tạ ơn Ngài, đó là ơn cứu tử của Ngài dành cho chúng ta: “Tôi hy sinh mạng sống mình cho đoàn chiên” (Ga 10:15). Vâng, chính cái chết của Ngài là Hồng Ân cao cả, không gì sánh bằng, và chẳng bao giờ chúng ta có thể đền ơn đáp nghĩa. Nhưng Ngài không đòi hỏi gì nhiều ở chúng ta, mà Ngài chỉ cần chúng ta biết tin yêu Ngài và tạ ơn Ngài trong mọi hoàn cảnh – dù vui hay buồn, dù sướng hay khổ. Điều kiện có khó gì đâu, thế mà chúng ta vẫn chỉ “hứa lèo”, có máu di truyền của Chú Cuội, hứa nhiều mà giữ chẳng bao nhiêu. Tồi tệ thật đấy!

Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta khi Ngài cất tiếng tạ ơn Chúa Cha: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp ý Cha” (Mt 11:25-26). Ngài là Sư Phụ hiền lành và khiêm nhường (Mt 11:29) nên Ngài chỉ thích những con người “hèn mọn” mà thôi.

Sau khi dâng lời tạ ơn, Chúa Giêsu cho biết: “Cha tôi đã giao phó mọi sự cho tôi. Và không ai biết rõ người Con, trừ Chúa Cha; cũng như không ai biết rõ Chúa Cha, trừ người Con và kẻ mà người Con muốn mặc khải cho” (Mt 11:27). Ai khiêm nhường thì Ngài sẽ mặc khải cho những điều bí ẩn. Chắc chắn như vậy. Và Ngài luôn mời gọi mọi người, không trừ ai: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến cùng tôi, tôi sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng. Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường. Tâm hồn anh em sẽ được nghỉ ngơi bồi dưỡng. Vì ách tôi êm ái, và gánh tôi nhẹ nhàng” (Mt 11:28-30).

Thật vậy, ách của Ngài là ách êm ái, gánh của Ngài là gánh nhẹ nhàng. Không ai lại không vất vả và mang gánh nặng nề, không cách này thì cách khác, dù theo nghĩa bóng hoặc nghĩa đen, có nghĩa là không ai lại không cần đến Ngài. Cuộc đời có rất nhiều thứ chúng ta phải “gồng mình” mà chịu đựng, thậm chí có những lúc chúng ta cảm thấy mệt mỏi và hầu như kiệt sức. Cái ách thô ráp và cái gánh nặng trĩu ở đâu cũng có, dù trong gia đình hoặc cộng đồng tu trì. Nhưng có lẽ chúng ta chưa thực sự kề vai vào gánh vác Ách và Gánh của Chúa Giêsu nên chúng ta vẫn thường “than thở” đủ thứ, than trách đủ kiểu. Thế mới biết phàm nhân yếu hèn quá đỗi, vậy mà vẫn “chảnh” lắm, lúc nào cũng chỉ rình nổi loạn mà thôi!

Chúng ta được sinh ra làm người là một đại ân. Được lành lặn và khỏe mạnh là một đại ân nữa. Chúng ta lài được Chúa Giêsu cứu độ, đó là một đặc ân khác. Như vậy, chúc tụng và tạ ơn là một trong các bổn phận hàng đầu mà chúng ta phải thực hiện đối với Thiên Chúa. Có nhiều cách, một cách đơn giản là tránh tội: “Hãy run sợ, và đừng phạm tội nữa, trên giường nằm, suy nghĩ và lặng thinh” (Tv 4:5). Một cách khác cũng đơn giản là ca hát: “Hãy cùng nhau đối đáp những bài thánh vịnh, thánh thi và thánh ca do Thần Khí linh hứng; hãy đem cả tâm hồn mà ca hát chúc tụng Chúa” (Ep 5:19).

Ca dao Việt Nam nói: “Ai mà phụ nghĩa quên công / Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm”. Quả thật, lòng biết ơn rất quan trọng, dù chúng ta đang đứng trên đỉnh núi Ta-bor hoặc Can-vê. Dễ tạ ơn khi phấn khởi ở trên Ta-bor, nhưng rất khó tạ ơn khi ủ rũ ở trên Can-vê. Hằng ngày, một lời cảm ơn rất đơn giản nhưng lại rất thường bị lãng quên! Cuộc đời chúng ta là bản “trường ca tạ ơn” vô tận, với ai cũng vậy mà thôi. Trong đó có những “nốt tình” khác nhau về trường độ và cao độ, mỗi “nốt” có vị trí khác nhau nhưng vẫn luôn hài hòa để tạo thành bản tổng phổ hoàn chỉnh.

Lạy Thiên Chúa, chúng con chân thành xin lỗi Ngài vì đã bao lần chúng con vô ơn bội nghĩa với Ngài và với tha nhân. Xin thêm cho chúng con được dồi dào ba đức đối thần và các đức đối nhân để chúng con vui mừng vác thập giá hằng ngày mà theo Đức Kitô lên đỉnh đồi Can-vê. Xin giúp chúng con biết sống chân thành yêu thương nhau để hoàn thiện như Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 Về mục lục

.

HÃY CẦM LẤY VÀ ĐỌC

Chúa Giêsu không chỉ giảng dạy về đời sống đức tin và siêu nhiên mà còn dạy cách sống nhân bản. Những ai học theo giáo huấn của Người sẽ trở thành con người sống dễ thương, dễ mến và do đó sẽ thành công trong cuộc đời.

Sứ điệp Chúa Giêsu gởi đến Chúa nhật hôm nay là: “Anh em hãy học với Tôi, vì Tôi hiền lành và khiêm nhường” (Mt 11,29).

– Hiền lành là dịu dàng, ngọt ngào, không thô bạo, không cứng cỏi. Hiền lành là nhân đức bao gồm tâm thế bên trong và phản ứng bên ngoài. Tâm thế bên trong luôn êm ái, hoà nhã, nghĩ tốt về người khác, yêu thương, khoan dung, thông cảm; phản ứng bên ngoài luôn nhẹ nhàng, tôn trọng.

– Khiêm tốn là chấp nhận đứng thấp, ở dưới như Gioan Tẩy Giả khiêm tốn “Người phải lớn lên, còn tôi phải nhỏ bé lại”.

Chúa Giêsu hiền lành, dễ thương trong lòng. Người luôn yêu thương người khác. Đặc biệt là những người bé mọn. Người luôn muốn và làm điều tốt cho mọi người. Người không lên án, không thành kiến với những người mà xã hội coi là xấu xa, tội lỗi. Lời nói và hành động của Người luôn toả ra sự dịu dàng, nâng đỡ, khích lệ, ủi an. Người không nặng lời, không kết án, Người sống bằng tình thương. Người phụ nữ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, Chúa Giêsu chẳng những dễ thương với người phụ nữ mà còn dễ thương đối với những người đã tố cáo chị ta. Những người này tự cho mình là công chính. Chúa Giêsu không la, không quát, không hét, không hò, Người chỉ thinh lặng cúi xuống hiền từ dùng ngón tay viết lên cát. Bị hỏi mãi Chúa mới trả lời: “Ai trong các ông sạch tội, hãy ném đá trước đi”. Họ rút lui bắt đầu từ những người lớn tuổi. “Tôi cũng không kết án chị đâu, chị hãy ra về và từ nay đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8,1-11).

Chúa Giêsu dạy chúng ta sống hiền lành, dễ thương. Người khuyên chúng ta bắt chước người mục tử trong dụ ngôn “Con chiên lạc” (Lc 15, 4-7). Người mục tử không hề đánh đập, giận dữ, quát tháo, hay kéo lê con chiên lạc về mà lại tử tế đặt nó lên vai mình, vác về đàn. Chúa Giêsu cũng khuyên chúng ta bắt chước người cha trong dụ ngôn “Đứa con hoang đàng” (Lc 15,11-32). Người cha không mắng chửi đứa con đầy lầm lỗi trở về, cũng không cãi cọ, không xua đuổi mà lại ôm hôn và dọn tiệc ăn mừng. Chúng ta có thể kể rất nhiều ví dụ trong Phúc âm về sự hiền lành, dễ thương của Chúa Giêsu.

Cuộc đời Chúa Giêsu là một cuộc đời khiêm nhường. Vì khiêm nhường nên Người không ngừng đi xuống. Từ trời cao, Người đã hạ mình xuống trần thế. Từ thân phận là Thiên Chúa, Người đã hạ mình xuống làm một người lao động bình thường. Là Thiên Chúa cao sang, Người đã tự nguyện xuống làm một người dân dã nghèo hèn. Là Đấng thánh thiện vô cùng, Người đã tự nhận lấy thân phận tôi đòi. Là Đấng Hằng Sống, Người đã tự nguyện chết khổ đau. Suốt cuộc đời, Người không ngừng cúi xuống những thân phận tăm tối, nghèo hèn, tội lỗi, bị loại trừ. Người đã quỳ xuống rửa chân cho các môn đệ. Thiên Chúa đã quỳ trước mặt nhân loại, Thiên Chúa rửa chân cho con người. Ôi lạ lùng thay! sự khiêm nhường thẳm sâu của Thiên Chúa. Trong khi con người kiêu ngạo, muốn vươn lên làm Chúa thì Thiên Chúa lại hạ mình xuống làm người. Trong khi con người thấp hèn, muốn nâng mình lên bằng cách chà đạp người khác thì Thiên Chúa cao cả lại hạ mình xuống nâng con người lên. Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là hèn nhát mà trái lại là dũng mãnh cam đảm, hạ mình để phục vụ. Khiêm tốn như Chúa Giêsu không phải là nô lệ, nhưng trái lại là một cử chỉ đầy tình yêu. Hạ mình là con đường của Thiên Chúa. Khiêm tốn là khuôn mặt của Thiên Chúa. (ĐTGM Ngô Quang Kiệt).Vì Thiên Chúa khiêm nhường luôn tìm đường đi xuống nên những ai kiêu căng, tìm cách nâng mình lên sẽ chẳng bao giờ gặp được Người. Thiên Chúa khiêm nhường nên chỉ ai khiêm nhường, nhỏ bé mới gặp được Người. Vì thế, Chúa Giêsu đã “ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho người bé mọn. Vâng, lạy Cha, vì đó là điều đẹp lòng Cha” (Mt 11,25-26).

Trang Tin mừng hôm nay, Chúa Giêsu tha thiết mời gọi: Hãy học cùng Tôi vì Tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng (Mt 11,29).

Vậy hãy ghi danh vào học trường Giêsu. Hãy học bài học hiền lành, dễ thương, không những chúng ta sẽ gặp được Thiên Chúa mà Thiên Chúa sẽ rũ sạch mọi vất vả, âu lo và chúng ta sẽ tìm được nguồn bình an cho tâm hồn (Mt 11,28). Hãy học bài học Giêsu, hãy học với Thầy Giêsu.

Augustinô là một thanh niên có tư chất thông minh nhưng lỡ đi lạc đường. Về phương diện trí thức, Augustinô ỷ mình thông thái, dùng kiến thức của mình để truy tìm những học thuyết uyên bác. Kết quả là lạc vào bè rối Manikê. Về phương diện luân lý, Augustinô sống buông thả theo những đòi hỏi của xác thịt, kết quả là một cuộc sống tội lỗi. Thế rồi một hôm, trong lúc tâm hồn đang trống rỗng, vô vị, Augustinô bỗng nghe một tiếng nói từ đâu đó vang lên: “Tolle et lege” (hãy cầm lấy và đọc). Augustinô thấy trước mặt một cuốn Kinh Thánh, Ngài cầm lên, mở ra và gặp ngay đoạn thư Thánh Phaolô gởi giáo đoàn Rôma: “Đừng sống theo xác thịt nữa, mà hãy sống theo Thánh Thần”. Cuộc hoán cải của Augustinô đã được dọn đường nhờ sự cầu nguyện và hãm mình của mẹ Ngài là thánh Monica, nhưng chính câu Thánh kinh này là yếu tố quyết định thay đổi cuộc đời Thánh nhân. Trở nên một giáo phụ, một triết gia, một thần học gia, một vị thánh lỗi lạc, rất mực thánh thiện của Giáo hội, Augustinô nhờ việc học hỏi về Chúa Giêsu qua Thánh kinh.

Chúng ta cũng hãy học với Thầy Giêsu qua Lời Chúa mỗi ngày. Yêu mến Lời Chúa, sống Lời Chúa để Lời Chúa biến đổi đời chúng ta sống theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần. Hãy học hỏi Tin mừng và hãy để Tin Mừng soi sáng lòng trí của mình. Hãy múc lấy sức mạnh từ ân sủng của Bí tích Hoà Giải và Bí tích Thánh Thể. Hãy siêng năng Chầu Thánh Thể. Đó là sứ điệp Lời Chúa gởi đến cho chúng ta trong Chúa nhật này.

Học với Thầy Giêsu suốt đời, lột bỏ những tự hào về khôn ngoan thông thái, sống hồn nhiên khiêm tốn như trẻ thơ, đó là điều cần thiết để mỗi người được Thầy Giêsu mạc khải và đưa vào thế giới của Thiên Chúa.

 Về mục lục

.

HÃY MANG LẤY “ÁCH” VÀ “GÁNH” CỦA CHÚA GIÊSU

Trong cuộc sống hiện nay, khoa học phát triển, con người được nhàn nhã hơn. Nhận định đó không sai. Tuy nhiên, nó chỉ đúng với những gì là thực dụng, hay đúng trong lãnh vực khoa học, còn trong lãnh vực tinh thần thì vẫn còn đó những buồn sầu, lo lắng; vẫn còn đó những đau khổ tinh thần; và vẫn còn đó những điều bất bình an khi con người có nhiều thứ phục vụ cho thân xác và chất lượng hiện sinh của cuộc sống. Câu hỏi được đặt ra là: làm sao cho cuộc sống này được hạnh phúc và bình an thực sự?

1. Những gánh nặng cuộc đời

Trước khi nói đến sự bình an, chúng ta cùng nhau tìm hiểu những gánh nặng của con người trong cuộc sống hiện nay.

Những gánh nặng đó là:

Gánh nặng của những quá khứ với biết bao nhiêu điều chưa làm được;

Gánh nặng của hiện tại với biết bao bất công;

Gánh nặng của ham muốn, tham lam mà không đạt được;

Gánh nặng của những nghi ngờ, bon chen, hà tiện, ganh tỵ;

Gánh nặng của những khát vọng thống lĩnh xã hội bằng chiến tranh;

Gánh nặng của những người bị áp bức bạo tàn;

Gánh nặng của những kỳ thị chủng tộc và loại trừ;

Gánh nặng khi mang trên mình những căn bệnh nguy hiểm của thế kỷ;

Gánh nặng của những thất vọng, lo âu;

Khi mang trên mình những gánh nặng về thể lý hay tinh thần như thế, con người cần phải được nghỉ ngơi, bồi dưỡng để đem lại bình an. Tuy nhiên, điều đó chỉ có thể đạt được khi chúng ta mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, và hãy học cùng Đức Giêsu, vì Ngài “hiền hậu”và “khiêm nhường” trong lòng.

2. Ý nghĩa sự “hiền hậu” và “khiêm nhường” theo tinh thần Tin Mừng

Khi nói đến sự“hiền hậu”, người ta nghĩ ngay đến những đặc tính của nó như: dịu dàng, nhẹ nhàng, ngọt ngào, không thô bạo, cứng cỏi, cộc cằn…; “hiền hậu” còn có nghĩa là êm ái, hòa nhã, yêu thương, nhân hậu, thông cảm, tôn trọng và khoan dung; luôn nghĩ tốt và hành động tốt cho người khác. Sẵn sàng đối thoại, không đối đầu và chấp nhận sửa sai.

Còn khi nói đến sự “khiêm tốn”, chúng ta sẵn sàng xuống thấp, ở dưới hay chấp nhận bị hạ xuống, biết sự giới hạn của mình để sống khiêm tốn, sống thật với bản chất, khả năng của mình, không thêu dệt quá những gì mình có.

3. Hãy học với Đức Giêsu vì Ngài “hiền hậu” và “khiêm nhường”

Hôm nay, Đức Giêsu lên tiếng mời gọi các môn đệ hãy mang lấy “ách” và “gánh” của Ngài, bởi vì Ngài có lòng “hiền hậu” và “khiêm nhường” trong lòng.

Thật vậy, hễ mang “ách” của ai là học với người đó; còn mang “gánh” của ai thì được mời gọi giữ những điều luật của người đó đang giữ hay điều luật của chính người đó ban hành. Đức Giêsu mời gọi mang lấy “ách”  “gánh” của Mình, Ngài muốn chúng taphải sống“hiền hậu”“khiêm nhường”, “êm ái”, “nhẹ nhàng” và giữ “luật yêu thương”.

Khi mang lấy “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được hạnh phúc và bình an, vì“ách” của Đức Giêsu thì êm ái và “gánh ” của Ngài thì nhẹ nhàng. Đến với và mang lấy tinh thần của Đức Giêsu, chúng ta sẽ được nghỉ ngơi lại sức vì có ơn Chúa phù trợ, chở che. Khi ấy, tinh thần của chúng ta sẽ hạnh phúc và an vui, dẫu có gặp phải những điều khó khăn, thử thách.

Khi mang trong mình những “ách” và “gánh” của Đức Giêsu, ấy là lúc chúng ta đang sống trong quỹ đạo của tình yêu và làm cho tình yêu đó được lên ngôi chứ không phải nhu nhược, nhát đảm, hèn hạ, mù quáng, hay lầm lạc…

Lạy Chúa, xin cho chúng con được kiên trì trung thành mang lấy “ách” và “gánh” của Chúa để chúng con được bình an. Amen.

Về mục lục

.