CÁC BÀI SUY NIỆM CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY_A

100

Chúa Nhật I Mùa Chay – năm A
Lời Chúa:
 St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11
***************

Mục lục

1. Cám Dỗ

2. Cuộc Chiến Liên Lỉ

3. Đương Đầu Với Cám Dỗ

4. Hãy Chọn Chúa

5. Phương Thế Chiến Thắng Cám Dỗ

 

CÁM DỖ

Trầm Thiên Thu

Cám dỗ rất đa dạng: Tiền tài, danh vọng, chức tước, địa vị, quyền hành, nhục dục,… Đủ mưu ma chước quỷ. Có thể nói rằng bắt nguồn từ con mắt. Con mắt là cửa sổ tâm hồn, nhưng chính cái “cửa sổ” ấy cũng có thể nguy hiểm, vì không khéo thì nó sẽ khiến chúng ta “trắng tay” (cả nghĩa đen và bóng), dẫn tới chốn diệt vong.

Mắt là đèn của thân thể, mắt sáng thì toàn thân cũng sáng, mắt xấu thì toàn thân cũng tối (x. Mt 6:22; Lc 11:34). Quả thật, mắt là “đầu mối” của tham-sân-si. Chỉ vì nhìn không khéo mà bị người khác cho là “nhìn đểu”, thế là xảy ra cãi vã, ẩu đả, thậm chí là án mạng.

Cám dỗ là “dụ dỗ” người khác bằng động thái hoặc lời đường mật khiến họ mắc lừa, sa ngã. Nói theo ngôn ngữ bình dân, cám dỗ là “dụ khị”. Tất nhiên, cám dỗ cũng có những mức độ khác nhau, và lúc nào cũng có những chước cám dỗ. Chỉ lơ là một chút thôi sẽ “chết” ngay. Cám dỗ rất tinh vi, có khi khó nhận ra, đến khi biết thì… muộn mất rồi! Chiến đấu với cơn cám dỗ là chiến đấu với chính mình, đó là cuộc chiến cam go nhất.

SA NGÃ VÌ KHÔNG CHIẾN ĐẤU

Trên hành trình vào Đất Hứa ròng rã suốt 40 năm, Dân Chúa đã phải cảnh giác cao độ trước những thứ cám dỗ không ngừng (x. Đnl 8:7-20). Chúa Giêsu đã căn dặn: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ” (Mc 14:38; Lc 22:40; Mt 26:41a). Tại sao? Lý do rất đơn giản: “Vì tinh thần thì hăng hái, nhưng thể xác lại yếu hèn” (Mt 26:41b; Mc 14:38). Thật vậy, phàm nhân chỉ là bụi tro, mau tan như hạt sương, rất yếu đuối, bạc nhược và khốn nạn, ấy thế mà lại rất “chảnh”, cứ tưởng mình là “số dzách”, ngang bướng hết nước hết cái, có thể “nổi loạn” bất kỳ lúc nào. Lạy Chúa tôi, kinh khủng quá!

Phàm nhân chỉ như “tác phẩm” của nghệ nhân điêu khắc mà dám “chống lại” người tạo tác nên nó. Gan cùng mình, liều hết nước! Chúng ta không chỉ có sinh hồn như cỏ cây (sống và động), có giác hồn như động vật (biết đau, biết buồn, biết yêu, biết ghét,…), mà đặc biệt hơn cả là có linh hồn, biết lành biết dữ. Triết học cũng phải công nhận rằng “con người là sinh vật cao cấp nhất”. Nhờ linh hồn mà con người trở nên “cao cấp”, nhưng chính linh hồn đó là do Thiên Chúa trao ban: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổisinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7).

Đức Chúa là Thiên Chúa chuẩn bị mọi thứ xong rồi mới tạo dựng con người, đó là để cho con người hưởng dùng. Ngài trồng một vườn cây ở Ê-đen (phàm ngôn Việt ngữ quen gọi là Vườn Địa Đàng, cõi Thiên Thai), ở về phía Đông, Đức Chúa đặt vào đó con người do chính Ngài nặn ra. Ngài khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác. Ngài “thiết kế” hai loại người: nam và nữ. Họ không chỉ tận hưởng mọi thứ và có quyền trên mọi loài khác, mà họ còn được tận hưởng niềm hạnh phúc do kết hợp âm dương, và đó cũng là cách cân bằng giới tính. Ấy thế mà con người vẫn chưa thỏa lòng, vẫn tham lam, vẫn tranh giành, vẫn muốn nổi loạn!

Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà Đức Chúa là Thiên Chúa đã làm ra. Rắn chính là ma quỷ. Nó ghen ăn tức ở với con người, thế nên nó “dụ khị” người đàn bà: “Có thật Thiên Chúa bảo các ngươi không được ăn hết mọi trái cây trong vườn không?” (St 3:1). Người đàn bà “hồn nhiên” nói với con rắn: “Trái các cây trong vườn, thì chúng tôi được ăn.3 Còn trái trên cây ở giữa vườn, Thiên Chúa đã bảo: “Các ngươi không được ăn, không được động tới, kẻo phải chết” (St 3:3). Rắn nói với người đàn bà: “Chẳng chết chóc gì đâu! Nhưng Thiên Chúa biết ngày nào ông bà ăn trái cây đó, mắt ông bà sẽ mở ra, và ông bà sẽ nên như những vị thần biết điều thiện điều ác” (St 3:4-5). Ranh ma thật, quỷ quyệt thật! Nói ngọt như mía lùi thế thì sao mà không lọt tận xương được chứ?

Thật có lý khi người ta bảo “gái tai, trai mắt”. Đàn ông là sóng cồn, còn phụ nữ là sóng ngầm nên khó tránh hơn. Cuộc đời có sự-cám-dỗ-dây-chuyền: Ma quỷ à Đàn bà à> Đàn ông. A-đam “chết” vì E-va, còn Samson đành “bó tay” vì lời nỉ non “dụ dỗ” của bà xã Đa-li-la (x. 16:4-21).

Bà E-va nghe con rắn xúi dục rất bùi tai, lại nhìn thấy trái cây đó có vẻ ngon lắm, trông thì đẹp mắt, nhất là sau khi ăn trái đó thì mình được tinh khôn. Sướng rơn! Thế là cầm lòng chẳng đặng, bà liền hái trái cây mà ăn, rồi đưa cho cả chồng đang ở đó với mình. Khốn thay là ông A-đam nghe bà xã dụ thế nào mà cũng dám “chơi” luôn. Đàn bà “đáng nể” thật đấy! Thế là y như rằng, bấy giờ mắt cả hai người mở ra tròn vành vạnh, sáng như đèn cao áp, họ mới giật thót vì mắc cở hết sức khi thấy mình trần truồng. Họ hết hồn hết vía, luýnh quýnh chạy đi lấy lá vả kết làm khố che thân. Đoạn phim thú vị thật, có lẽ đây là đoạn phim độc nhất vô nhị và hay nhất từ thuở hồng hoang cho tới kỳ tận thế!

Bà E-va mệnh danh là “mẹ của chúng sinh” (St 3:20), đó là do chính ông A-đam tôn vợ mình quá nên mới đặt để bà xã như vậy. Chúng ta là con cái cháu chắt nên cũng bị “di truyền” gen Tội Nguyên Tổ. Cái gen ác nghiệt hết sức, nhưng đành chịu thôi! Đâu chỉ do di truyền, chúng ta còn hằng ngày vẫn liều mình “coi trời bằng nắp bia” nên phạm tội hơn tằm ăn dâu. Chính vì thế, chúng ta phải đêm ngày thú tội và hết lòng van xin: “Lạy Thiên Chúa, xin lấy lòng nhân hậu xót thương con, mở lượng hải hà xoá tội con đã phạm. Xin rửa con sạch hết lỗi lầm tội lỗi con, xin Ngài thanh tẩy. Vâng, con biết tội mình đã phạm, lỗi lầm cứ ám ảnh ngày đêm. Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài. Như vậy, Ngài thật công bình khi tuyên án, liêm chính khi xét xử” (Tv 51:3-6).

Như máy móc cứ phải tân trang nhiều lần, hết tiểu tu, trung tu, rồi đại tu, thế mà vẫn xục xịch. Chúng ta cũng vậy, hứa rồi quên, quyết tâm chừa rồi lại tái phạm. Trái tim của chúng ta cứ sửa tới sửa lui, rửa bằng đủ loại thuốc tẩy mà vẫn không ổn. Chán lắm! Chỉ có Chúa mới có thể điều chỉnh nó. Do đó, chúng ta vẫn phải kiên trì mà năn nỉ Ngài: “Lạy Chúa Trời, xin tạo cho con một tấm lòng trong trắng, đổi mới tinh thần cho con nên chung thuỷ. Xin đừng nỡ đuổi con không cho gần Nhan Thánh, đừng cất khỏi lòng con thần khí thánh của Ngài. Xin ban lại cho con niềm vui vì được Ngài cứu độ, và lấy tinh thần quảng đại đỡ nâng con” (Tv 51:12-14). Có thế mới được lãnh nhận ơn cứu độ. Và chắc hẳn ai trong chúng ta cũng chỉ mơ ước được như vậy!

Trong các giờ kinh nhật tụng, Giáo hội vẫn cầu nguyện hằng ngày: “Lạy Chúa Trời, xin mở miệng con, cho con cất tiếng ngợi khen Ngài” (Tv 51:17). Mỗi chúng ta cũng hãy cầu xin như vậy, nhất là mỗi sớm mai thức dậy…

CHIẾN THẮNG VÌ DÁM CHIẾN ĐẤU

Napoléon Đại Đế là người đã từng chinh Nam phạt Bắc thế mà còn phải thốt lên: “Chiến thắng một đạo quân còn dễ hơn chiến thắng chính mình”. Thánh Phaolô cũng đã thú nhận: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rm 7:15). Thật vậy, không ai có thể nói khôn. Chưa gặp cám dỗ thì chưa thể nói mình mạnh. Chưa có dịp phạm tội thì đừng tưởng mình đạo đức. Có cơn cám dỗ mà không chiều theo nó thì mới là người hay, người giỏi; có dịp phạm tội mà không phạm tội thì mới là người đạo đức, thánh thiện. Đừng vội trách những người phạm tội. Chúng ta ghét tội và cương quyết chống lại tội chứ không ghét người có tội!

Trong hành trình sám hối Mùa Chay, Giáo hội nhắc nhở chúng ta về cách so sánh của Thánh Phaolô: “Vì một người duy nhất, mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, và tội lỗi gây nên sự chết; như thế, sự chết đã lan tràn tới mọi người, bởi vì mọi người đã phạm tội. Trước khi có Lề Luật, đã có tội lỗi ở trần gian. Nhưng nếu không có Luật, thì tội không bị kể là tội. Thế mà, từ thời A-đam đến thời Mô-sê, sự chết đã thống trị cả những người đã không phạm tội bất tuân lệnh Thiên Chúa như A-đam đã phạm. A-đam là hình ảnh Đấng sẽ tới” (Rm 5:12-14).

Ông Tổ nhà ta phạm tội bất tuân, nhưng lại là hình ảnh của Đức Kitô. Thật kỳ diệu, như trong bài Exultet có lời kêu lên: “Ôi, tội hồng phúc!”. Tội lỗi mà lại hóa ơn phúc. Vì nếu ông A-đam không nghe vợ dụ khị thì chúng ta đâu được Chúa Giêsu đến thế gian làm người để đồng cam cộng khổ với chúng ta, và làm sao chúng ta được ăn Thịt và uống Máu Đức Kitô qua Bí tích Thánh Thể? Thánh Ý Thiên Chúa thật quá mầu nhiệm, chúng ta không bao giờ có thể hiểu nổi, dù chỉ một chút thôi!

Thánh Phaolô tiếp tục so sánh tỉ mỉ và có vẻ dài dòng một chút: “Nhưng sự sa ngã của A-đam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu quả do một người phạm tội đã gây ra. Quả thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Quả vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị” (Rm 5:15-17).

Xuyên suốt chiều dài lịch sử Giáo hội, chúng ta thấy hầu hết các thánh đều có một quãng đời tối tăm, thậm chí rất tội lỗi, nhưng sau khi “sáng mắt” thì cũng “sáng lòng”, họ quyết tâm hối cải và sửa chữa, quyết không lăn vào vết xe cũ, nhờ đó mà họ đã nên thánh ngay từ đời này. Quả thật, con-đường-tội-lỗi-và-thứ-tha là con đường mà mọi phàm nhân đều đi qua để có thể đến với Đức Kitô, Đấng-tử-nạn-và-phục-sinh. Chắc hẳn chúng ta cũng đã, đang và sẽ như thế. Nhân vô thập toàn, phạm tội là điều không tránh khỏi, ví như một “quyền” của phàm nhân vậy. Tại sao chúng ta sa ngã? Đó là để “sức mạnh của Đức Kitô được biểu lộ trọn vẹn trong sự yếu đuối” (x. 2 Cr 12:9).

Thánh Phaolô kết luận: “Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5:18-19). Chúng ta chẳng làm được gì nếu không có Đức Kitô (x. Ga 15:5). Vì thế, chúng ta có thể nhờ Đức Kitô mà nên công chính, mà nên công chính thì được cứu độ. Thật là trên cả tuyệt vời!

Phúc Âm theo Thánh Mát-thêu kể về ba chước cám dỗ mà Chúa Giêsu đã chịu: Ăn uống, kiêu ngạo, và danh vọng. Đó là các “mối tội đầu” như những trái phá cực  mạnh, vô cùng nguy hiểm!

Đức Giêsu đã được Thần Khí dẫn vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Sau khi Người ăn chay ròng rã bốn mươi đêm ngày, Người cảm thấy đói. Nhân tính là thế đấy!

1. Tên cám dỗ đến gần Chúa Giêsu và nói: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho những hòn đá này hoá bánh đi!” (Mt 4:3). Nhưng Người xác định ngay: “Đã có lời chép: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4).

Ăn uống là thứ hàng đầu trong “tứ khoái” của con người. Khi đói, người ta có thể giết người khác để mình có cái ăn. Đó là phản xạ sinh tồn. Khi đói ngấu, Thằng Bờm chẳng cần gì khác, dù là của cải to lớn, mà chỉ cần nắm xôi để giải quyết cái bụng trước. Miếng ăn rất thực tế. Nhưng cũng vì “cái thực tế” đó mà người ta tranh giành nhau, chiến tranh không ngừng, bao nhiêu tệ nạn như cướp của, giết người,… cũng chỉ vì người ta “sợ đói”. Miếng ăn có thể cao quý, nhưng cũng có thể tồi tệ. Chiến thắng cái đói là vượt qua chính mình, ăn chay là để kiềm chế nhục dục, tức là chiến thắng chính mình.

Thiết tưởng, cũng nên “hiểu rõ” rằng ăn chay không phải là để dành phần đó cho bữa khác, mà là để chia sẻ cho người nghèo hơn mình. Đó là thực thi bác ái Mùa Chay. Vấn đề này thường không được thực hiện đúng!

2. Sau đó, quỷ đem Người đến thành thánh, và đặt Người trên nóc đền thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì gieo mình xuống đi! Vì đã có lời chép: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ lo cho bạn, và thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá” (Mt 4:6). Đức Giêsu cũng “chỉnh” nó liền:“Nhưng cũng đã có lời chép: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi” (Mt 4:7).

Ai cũng yêu mình. Yêu mình là tự bảo vệ mình, để sinh tồn. Đó là tốt. Nhưng nếu yêu mình quá thì lại là xấu, vì đó là tự ái (“tự ái” là “tự yêu mình” thái quá). Tự ái vì đề cao “cái Tôi” của mình, luôn cho mình là “cái rốn của vũ trụ”, là “bách khoa tự điển”, là “người có cả bụng chữ”, là nhà thông thái,… Điều này liên quan tính kiêu ngạo (kiêu căng, ngạo mạn,…), đồng thời cũng liên quan tính ích kỷ – tức là vị kỷ (vì mình) chứ không vị tha (vì người khác). Một chuỗi liên đới xấu xa, đậm tính tội lỗi, nghĩa là rất nguy hiểm. Kiêu ngạo là một trong bảy mối tội đầu!

3. Quỷ lại đem Người lên một ngọn núi rất cao, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thế gian và vinh hoa lợi lộc của các nước ấy, nó bảo: “Tôi sẽ cho ông tất cả những thứ đó, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (Mt 4:9). Đúng là “điếc không sợ súng”. Chó mà đòi chạy trước hươu. Và Đức Giêsu liền nghiêm giọng: “Satan kia, xéo đi! Vì đã có lời chép: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (Mt 4:10). Thế là quỷ “ngậm tăm”, nó xấu hổ muốn độn thổ, đành cúp đuôi bỏ Người mà đi. Lúc đó, các sứ thần tiến đến hầu hạ Người.

Danh vọng, địa vị, chức tước, quyền hành,… luôn là “bả” khiến người ta sập bẫy. Trong xã hội đời thường đã đành, trong sinh hoạt tôn giáo cũng vẫn “cám dỗ” người ta mê muội, muốn được nổi trội hơn người khác, họ tranh giành và thánh thức đủ dạng. Cả trong xã hội và Giáo hội cũng vẫn có những người dùng vật chất để lũng đoạn một cách rất tinh vi, khó có thể nhận ra. Người ta “che đậy” và “biện minh” bằng nhiều chiêu bài nghe rất kêu, và xem chừng cũng rất đậm tính bác ái. Thế nhưng, nếu can đảm xét cho cùng, thì chỉ là “sáng danh con” hơn là “sáng danh Chúa”, thậm chí có khi Chúa cũng chẳng “sơ múi” được gì! Ngày xưa người ta “mua chức quyền” theo kiểu “mộc mạc” nên dễ nhận ra, ngày nay người ta “mua chức quyền” theo lối tinh vi lắm, do đó mà khó nhận ra.

Với ơn Chúa, chúng ta có thể chiến thắng tất cả, nhưng chúng ta phải thực sự kiên trì và cố gắng chiến đấu không ngừng thì mới có thể chiến thắng 3 “mối tội” đó. Và như vậy là chúng ta chiến thắng chính mình, là “chết” cho tội, là “xé lòng”, là chay tịnh,… Nhờ đó mà chúng ta có thể được công chính hóa. Ai nên công chính thì được cứu độ, tức là nên thánh: “Ai cùng chết với Đức Kitô thì cũng được sống lại với Người” (x. Rm 6:4-5).

Lạy Thiên Chúa toàn năng, xin giúp chúng con luôn can đảm chiến đấu ngoan cường với mọi chước cám dỗ, và xin canh giữ chúng con để chúng con đừng bao giờ là chước cám dỗ cho người khác, làm cớ vấp phạm cho tha nhân. Chúng con cầu xin nhân Danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa Cứu Độ của chúng con. Amen.

Trở về mục lục

.

CUỘC CHIẾN LIÊN LỈ

St 2,7-9; 3,1-7; Rm 5,12-19; Mt 4,1-11

                                                                   Lm. Jos DĐH, GP.Xuân Lộc

Hình ảnh người chiến sĩ đi làm nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc thật âm thầm và cao quí, họ luôn thể hiện được : tinh thần trách nhiệm, tính kỷ luật nhà binh, và biết bao dấu ấn nhớ thương đầy nghĩa tình, nếu tiếp tục khám phá. Tiếng hát mạnh mẽ ngọt ngào của ca sĩ Khánh Ly vẫn làm sống mãi, đẹp mãi tinh thần dân tộc đối với những ai yêu thích Nhạc Trịnh, đặc biệt là các “FAN” lớn tuổi. Nét đẹp và đáng yêu nơi đấng bậc sinh thành, những người con thảo con hiếu sẽ nói hoài, nói mãi cũng không thể diễn tả cho đủ như thế nào là : công cha như núi ngất trời, nghĩa mẹ như nước ở ngoài biển đông.

Chúa Giêsu đến trần gian với sứ mạng là Anh Cả, là Thầy dậy, và là Chúa, Ngài không để chúng ta ảo tưởng về một Vị Lãnh đạo lấy uy quyền để trị dân trị nước, nhưng là lấy tình yêu để phục vụ, lấy Mình và Máu làm của ăn nuôi nhân loại. Chúa sống tinh thần của người lính nghiêm túc bảo vệ giữ gìn trời đất, không ngại hy sinh gian khổ. Tại hoang địa Đức Giêsu đã chiến đấu và chiến thắng kẻ thù không phải bằng súng đạn, nhưng là bằng sức mạnh của cầu nguyện. Chính sự khôn ngoan thông hiệp với Thiên Chúa là Cha, kẻ thù phải khuất phục trước lý chứng xác thực : người ta sống không nguyên bởi bánh, nhưng bởi mọi Lời Thiên Chúa phán ra. Nếu tục ngữ dạy rằng : “vỏ quýt dày có móng tay nhọn”, thì ở trung tâm cuộc chiến Đức Giêsu đã khẳng định rõ lập trường với đối phương : “ngươi chớ thử thách Thiên Chúa là Chúa ngươi”.

Trong ca dao Việt Nam có câu : “ở đời chẳng biết sợ ai, sợ thằng say rượu nói dai cả ngày”. Ma quỉ thật là “cù nhây”, chúng mưu mô dai dẳng đưa ra nhiều ngón đòn nhằm hạ gục những ai thiếu cảnh giác. Đức Giêsu đầy tình yêu thương và trung thành, Ngài lấy Lời Kinh Thánh để chiến thắng kẻ thù, “Satan kia, xéo đi ! Vì đã có lời chép rằng: ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi.”

Tác giả Sách Sáng Thế hôm nay tường trình sự sa ngã của cặp vợ chồng đầu tiên, ông Adam và bà Eva. Hậu quả là con người phải tự lãnh nhận biết bao đau khổ và phải chết. Trong bài đọc II, thánh Phaolô giải thích cho chúng ta sự liên hệ giữa tội của Adam và công nghiệp của Chúa Giêsu trong kế hoạch Cứu Độ của Thiên Chúa. Với chúng ta, đã là con người ai cũng phải đối diện trước những khó khăn về vật chất, tinh thần, về niềm tin và sự trung thành với giao ước yêu thương. Bao lâu chúng ta còn đi bằng đôi chân của mình, còn sống ơn gọi làm con cái Chúa, chúng ta đều bị sự xấu, bị sự dữ cản lối che đường. Kẻ thù muốn làm hại chúng ta như ông bà Nguyên Tổ, có khi chúng ta phân biệt được, suy xét bằng mắt thường được, nhưng trên hết cần phải có sự nối kết bằng lời cầu nguyện không ngơi nghỉ. Lời Chúa còn muốn soi sáng thêm: đã làm người thì ai cũng có quyền hy vọng, sống là phải chiến đấu, vì có đấu tranh thì mới có chiến thắng, có gieo có gặt, có đầu tư mới dám nắm chắc thành công.

Đức Giêsu đi vào hoang địa để chia sẻ với chúng ta, Ngài là Thiên Chúa nhưng cũng là con người, có đói khát, có bị cám dỗ, Ngài phải học tập rút kinh nghiệm, phải định tâm cầu nguyện để hiểu ý Chúa Cha mà thực thi sứ mạng cứu độ. Học làm người là việc học suốt đời chẳng thể nào tốt nghiệp được! Chúa Giêsu đã học với Chúa Cha bằng việc cầu nguyện hiệp thông trong suốt 33 năm tại trần thế, đã đến với người nghèo, người giầu, người tội lỗi như muốn nói là phải vừa học vừa hành, chứ đợi thành “chánh quả” thì e là không đúng, không đẹp ý Chúa Cha.

Thiên Chúa cần Nguyên Tổ của chúng ta biết “học nhận lỗi”, Ngài như vẫn đề nghị chúng ta đừng đổ lỗi là nghèo quá, là do người ta khêu gợi quá, là vì ma quỉ tấn công, nên con phạm tội. Con người thường không chịu nhận lỗi lầm về mình, tất cả mọi lỗi lầm đều đổ cho người khác, cho rằng bản thân mình mới đúng. Thật ra không biết nhận lỗi chính là một sai lầm lớn, khiến mỗi người chúng ta còn phải chiến đấu vất vả lắm.

Cụ Nguyễn Công Trứ nói “Chỗ mà ngày nay chúng ta ngồi thì người xưa đã từng có người ngồi rồi”. Lời Chúa mà chúng ta nghe hôm nay cũng nhiều người nghe, cuộc chiến 40 đêm ngày ở hoang địa, Chúa Giêsu đã chia sẻ và nhiều người gật đầu thán phục, nhưng rút kinh nghiệm và hiểu để áp dụng cho cuộc chiến liên lỉ của đời mình thì Chúa vẫn để tự do.

Mọi người đều có có kinh nghiệm, “cái răng” rất cứng, “cái lưỡi” người ta rất mềm, đi hết cuộc đời răng người ta lại rụng hết, nhưng lưỡi thì vẫn còn nguyên. Cho nên nếu lao động làm việc để chu toàn trọng trách gia đình, thì cũng không thể thiếu sót bài học cầu nguyện để đời sống tinh thần được ổn định, tâm hồn chúng ta mới có thể bình an trước nén bạc đã lãnh nhận.

Thế gian này ai cũng kêu khổ, than thở vì sự xấu, sự dữ đáng sợ, Đức Phật cũng nói đời là bể khổ. Còn Đức Giêsu, Ngài tha thiết mong chúng ta hãy đối diện với sự thật, “lửa thử vàng gian nan thử đức”, có cám dỗ, có gương bày lôi kéo, người ta mới thực sự trưởng thành, mới thể hiện được niềm tin của mình. Trong cư xử, nếu nhẫn nhục được một chút thì sóng yên bể lặng, lùi được một bước thì dễ thấy biển rộng trời cao. Có nhiều người than rằng sao mau hết một tuần thế, nhưng cũng có người tất bật sáng chiều, rồi vẫn thốt lên sao hôm nay mới thứ năm ư ! Cùng là người, cùng sống chung trong một thời gian, tất nhiên cũng có nhiều đau khổ, lầm than cực nhọc giống nhau, nhưng có người vẫn tự tin, làm cho cuộc chiến đấu của mình không nặng nề sợ hãi….; nhưng là nắm chắc phần thắng, nhờ họ biết hóa giải, dùng trí tuệ và năng lực làm cho chuyện lớn hóa thành nhỏ, chuyện nhỏ hóa thành không, vì họ biết cậy nhờ Chúa Giêsu.

Cha ông chúng ta cũng có câu vui vui : “còn trời còn nước còn non, còn cô bán rượu, anh còn say sưa”. Rất có thể vẫn phù hợp với tinh thần sống đạo của chúng ta hôm nay, vì còn sống là còn phải chiến đấu, còn có sự xấu, còn anh cám dỗ thì phải chiến đấu để minh chứng về niềm tin và sự trung thành của mình. Nếu hiểu mỗi chúng ta đang sống chung trong một gia đình, trên một con thuyền, chung một Vị Lãnh Đạo, tất nhiên chúng ta rất cần hiệp thông giúp đỡ nhau, có thông cảm có chia sẻ được tinh yêu thương, chúng ta mới thấy sức mạnh tinh thần để chiến thắng thế gian, xác thịt và ma quỉ.

Trở về mục lục

.

ĐƯƠNG ĐẦU VỚI CÁM DỖ

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, GP.Xuân Lộc

Người ta kể câu chuyện: trong ngày họp tổng kết cuối năm, báo cáo của các quỷ đều sút giảm việc lôi kéo con người, do đó Luxife đã yêu cầu các thành viên hiến kế làm thế nào để có thể cám dỗ hiệu quả nhất, và lôi kéo được nhiều người nhất. Một tên nói: Tôi sẽ hiện nguyên hình hoặc tạo ra những chuyện lạ lùng để làm lung lạc đức tin của người tín hữu. Tên thứ hai nói: Tôi sẽ lấy những hình ảnh các cô gái đẹp, các chàng trai hấp dẫn, tạo nên những chỗ vui chơi khiến cho các tin hữu mất cảnh giác. Cả hai ý kiến đều rất hay và được tất cả hội nghị vỗ tay. Tên thứ ba góp ý: Tôi sẽ nói cho mọi người tin là không có ma quỷ, cũng chẳng có cám dỗ, cuộc sống con người làm ra tiền thì phải hưởng thụ. Ý kiến này thật xuất sắc và nguy hiểm và được cả hôi nghị vỗ tay tán thưởng và chọn để hành động.

Câu chuyện ấy cho thấy một sự thật, đó là ma quỷ có rất nhiều mưu mô, các cám dỗ thì muôn hình muôn vẻ, và cám dỗ nào cũng nguy hiểm nếu chúng ta không sẵn sàng để đương đầu với nó, nó sẽ hạ gục chúng ta.

Ngày xưa khi Thiên Chúa dựng nên con người, và cho con người được hưởng hạnh phúc trong vườn Địa Đàng, thì dường như Satan đã tức tối với Thiên Chúa, ghen tị với con người nên nó tìm mọi cách để tách con người ra khỏi Thiên Chúa. Câu chuyện trong sách Sáng Thế hôm nay đã dùng những hình ảnh hết sức đơn sơ để nói lên sự thất bại của nguyên tổ loài người trước sự tấn công của ma quỷ. Mượn hình ảnh con rắn là loài xảo quyệt, ma quỷ đã dụ dỗ Evà, và bà đã để mình mất cảnh giác trước những lời đưa đẩy ngọt ngào của nó.

Trước hết nó gieo vào trong bà Evà sự nghi ngờ Thiên Chúa: Có phải Thiên Chúa cấm các ngươi không được ăn mọi trái cây trong vười không? Qua một câu nói vu vơ như thế nó khiến cho bà Evà nghĩ rằng chắc Thiên Chúa không yêu con người, Ngài còn muốn giữ riêng cho Ngài điều gì đó, Ngài không muốn ban tất cả cho con người. Kế đến Satan nói với bà: Không chết chóc gì đâu, ăn trái cây vào, mắt ông bà sẽ mở ra và ông bà sẽ trở nên như thần linh. Với lời cám dỗ tiếp theo này, nó càng làm gia tăng sự nghi ngờ của bà Evà, và nó còn đưa ra một cám dỗ sâu xa hơn, đó là đụng chạm đến cái khát khao trở nên như thần linh trong mỗi con người, muốn biết trước được tương lai, muốn biết điều lành điều dữ, sẽ trở nên quyền phép ngang hàng như Thiên Chúa, muốn tự định đoạt cho tương lai của mình mà không cần đến Thiên Chúa, không phải lệ thuộc Thiên Chúa nữa. Bà Evà và đã xiêu lòng trước cám dỗ ngọt ngào này, bà nhìn trái cây thì đẹp mắt, ăn thì ngon, và đáng quý vì làm cho mình nên tinh khôn. Bà đã hái trái mà ăn, rồi còn đưa cho chồng nữa. Cái tội ông bà nguyên tổ gây ra nó không phải bởi hái một trái táo, mà nó là cái tội nghi ngờ tình yêu của Thiên Chúa, và muốn đặt mình ngang hàng với Thiên Chúa. Lúc bà tưởng mình nên như thần linh thì cũng là lúc bà thấy mình thất bại, mắt bà mở ra nhưng không biết được điều lành điều dữ trong tương lai, mà Thánh Kinh ghi lại, ông bà nguyên tổ chỉ nhìn thấy sự trần trụi, xấu hổ của mình mà thôi.

Nếu như nguyên tổ loài người đã thất bại trước cám dỗ của Satan, thì tin Mừng cho thấy Đức Giêsu là Adam mới đã không cậy dựa vào sức mình, nhưng Ngài đã dùng Thánh Thần và Lời Chúa làm vũ khí chống lại ma quỷ, và Ngài đã chiến thắng.

Trước khi bắt đầu sứ vụ công khai, sau khi chịu phép rửa, Thánh Thần đã dẫn đưa Ngài vào sa mạc, nơi đó, Ngài sống chay tịnh và chịu ma quỷ cám dỗ. Cám dỗ đầu tiên chính là cám dỗ về vật chất, cám dỗ về bản năng. Ma quỷ nhắm đến việc thỏa mãn cho cơn đói, nên nó nói với Chúa: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy truyền cho những hòn đá này nên bánh đi. Nó muốn Chúa Giêsu nhân danh Thiên Chúa để thỏa mãn cho nhu cầu cái bụng của mình, và dùng quyền năng để tìm kiếm, thỏa mãn nhu cầu vật chất, để từ đó dùng vật chất để phục vụ cho nhiệm vụ Mesia của mình. Như thế có nghĩa là sẽ sự thành công sau này sẽ không phải bởi Thiên Chúa, mà do vật chất đem lại. Thấy được mưu mô của nó, Chúa Giêsu đã trả lời: Người ta sống không nguyên bởi bánh, như còn bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.

Cám dỗ tiếp theo: Nếu ông là Con Thiên Chúa thì hãy gieo mình xuống đi, vì Thiên Chúa sẽ cho Thiên thần đưa tay nâng đỡ ông mà! Cám dỗ này như con dao hai lưỡi, nếu từ chối, thì có nghĩa là không tin Thiên Chúa sẽ đưa tay ra nâng đỡ, và nếu nghe theo, thì sẽ rơi vào tình trạng muốn thử thách tình yêu của Thiên Chúa. Qua cám dỗ này, ma quỷ cám dỗ Chúa dùng quyền năng của Thiên Chúa để phục vụ cho chính mình, để tạo ra những điều hấp dẫn ngoan mục thu hút dân chúng, làm những việc nổi tiếng để thuyết phục người nghe. Nhưng Đức Giêsu đã trả lời cho ma quỷ: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa của ngươi.

Cám dỗ thứ ba trầm trọng hơn, khi nó tự nhận tất cả mọi vinh quang thế gian là của nó, và nó nói: Nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, tôi sẽ cho ông tất cả. Với cám dỗ này, ma quỷ muốn đặt Đức Giêsu về phía đối nghịch với Thiên Chúa, dùng quyền bính Mesia để giành lấy vinh quang, danh vọng, quyền lực về cho mình. Sấp mình thờ lạy nó, có nghĩa là hoàn toàn lệ thuộc vào nó, chịu sự chi phối của nó, tức là hạ bệ Thiên Chúa và đặt ma quỷ vào vị trí của Thiên Chúa. Với cám dỗ này, Chúa Giêsu đã có một phản ứng mạnh mẽ và quyết liệt: Satan, hãy cút đi, vì có lời chép rằng: ngươi phải thờ lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi và chỉ thờ phượng một mình Ngài mà thôi.  Chúa Giêsu đã cương quyết không dung túng cho ý nghĩ sai lạc này, Ngài đã xua đuổi Sa tan và đã khẳng định vị trí và vai trò  độc nhất của Thiên Chúa trong cuộc đời mình.

Cám dỗ chưa phải là điều tội, nó chỉ trở thành tội khi chúng ta chấp nhận chiều theo nó. Tuy nhiên với sư mưu mô xảo quyệt của ma quỷ và sự tinh vi của các cơn cám dỗ, chúng ta sẽ khó có thể đương đầu với nó nếu chúng ta không cậy dựa vào sức mạnh của Lời Chúa. Đó cũng là điều Tin Mừng muốn minh chứng cho chúng ta, vì chính Chúa Giêsu khi đương đầu với cám dỗ, Ngài không cậy dựa vào sức riêng của bản thân, nhưng Ngài đã cậy dựa vào lời Kinh Thánh làm vũ khí để đánh bại mọi cám dỗ ma quỷ bày ra nhằm làm chệch hướng sứ vụ Mesia của Ngài.

Ngày xưa ma quỷ đã thất bại trong việc cám dỗ Chúa Giêsu, ngày nay ma quỷ nó cũng không buông tha những người tin theo Ngài. Ngày nay nó không cám dỗ chúng ta cách rõ ràng, nhưng nó rất kiên nhẫn để đi từng bước khiến chúng ta chệch đường, sai hướng và rơi vào bẫy của nó. Chắc chắn nó không dùng những hình ảnh ghê sợ để cám dỗ hay hù dọa chúng ta, nhưng nó dùng những thứ tưởng chừng như vô hại, những lời lẽ ngọt ngào, những thói quen không tốt tích tụ từ ngày này qua ngày khác khiến chúng ta mất cảnh giác.

Nó cũng đang nhắm vào các bậc cha mẹ với lý do cơm áo gạo tiền để từ chối đến với Chúa, để nhắm mắt làm ngơ trước những giới răn lề luật của Thiên Chúa, sống xao nhãng xa lìa Thiên Chúa và để cho gia đình mình trở nên nguội lạnh vắng tiếng đọc kinh thiếu giờ cầu nguyện, từ đó trở nên mảnh đất tốt cho ma quỷ gieo vào đó sự bất hòa cãi vã, sự gian dối lươn lẹo, sự bất đồng trong gia đình. Nó cũng đang cám dỗ nhiều người chỉ lo làm giàu mà quyên mất sự hiện diện và quyền năng của Thiên Chúa, muốn tự mình quyết định cho tương lai của mình mà không cần đến Thiên Chúa, nó cám dỗ nhiều người muốn biến mình trở nên như thần linh, muốn biết trước về tương lai của mình, biến mình trở nên những vị thầy khôn ngoan đạo đức để lôi kéo người khác và khiến các tín hữu chạy đến với các thầy bói toán để hỏi ý kiến thay vì đến với Thiên Chúa.

Nhiều bạn trẻ và nhiều người khác đang bị ngã gục bởi cám dỗ về vật chất danh vọng và quyền lực, họ đã tìm kiếm vật chất, danh vọng và quyền lực bằng mọi giá, thích nổi danh nổi tiếng, kể cả việc giẫm đạp lên phẩm giá của mình và giẫm đạp lên anh em, sẵn sàng cúi xuống để thờ lạy ma quỷ và đồng minh của nó là thế gian và dục vọng xác thịt, và quay lưng lại với giới răn lề luật của Thiên Chúa. Những cám dỗ mời chào của ma quỷ, của những trào lưu trong xã hội ngày nay, nó như viên đạn bọc đường vô cùng nguy hiểm, nó sẽ hủy hoại và giết chết nhiều tâm hồn không biết cậy dựa vào Chúa mà chỉ cây dựa vào chính mình.

Xin cho chúng ta biết học nơi Chúa Giêsu, dùng Lời Chúa làm sức mạnh chống lại với cám dỗ của ma quỷ, và xin cho chúng ta biết noi gương Đức Maria là Evà mới, luôn sẵn sàng thưa tiếng xin vâng để phó thác cuộc đời cho tình yêu và sư bảo vệ của Chúa. Amen.

 Trở về mục lục

.

HÃY CHỌN CHÚA

Jos Tạ duy Tuyền

Có một người nói với tôi: Cô A hay cám dỗ các cha, các thầy lắm đấy!

Tôi nói: cha, thầy làm sao cám dỗ được, vì họ đã chọn Chúa hơn mọi quyến rũ trần gian rồi. Họ đâu còn thèm những đam mê trần tục.

Người ấy nói: Nhưng vậy mà cũng khối cha, thầy bị cám dỗ đấy.

Tôi nói: Thực ra, nếu “Bụt ở trên cao, gà nào dám mổ”. Sở dĩ có những người bị sa ngã là họ tự bước xuống nên mới bị sa vào sự dữ. Nếu “Bụt” cứ ở trên cao, thì gà đâu với được. Nếu những người đi tu không tự mình mở đường để xuống thì các cô đâu dám đến gần, và cũng chẳng cám dỗ nào làm gì được các ngài.

Ví dụ:

+ Nhiều lần tôi vẫn đi qua biết bao hàng quán, họ bày bán đủ thứ bánh, đủ thứ đồ ăn, nhưng tôi không thèm, thì những cái bầy ra ấy cũng bằng không. Chúng chả có giá trị gì nếu bản thân tôi không có nhu cầu.

+Nhiều lần tôi vẫn đi qua những con phố với biết bao cô gái đứng đường nhưng không phải ai đi đường cũng dừng lại để mua vui. Chúng chẳng cám dỗ được ai, nếu một ai đó không tự mình dừng lại để mua vui.

Thực ra, thế gian thì muôn màu muôn vẻ. Thế gian bày ra trước mắt biết bao cao lương mỹ vị. Nhưng không phải loại nào cũng phù hợp, cũng có lợi cho cơ thể, thế nên phải biết chọn lọc, biết dùng những cái được phép cho cơ thể khỏe mạnh, cho tâm hồn thanh sạch.

Thế nhưng, con người thường tham lam ôm đồm. Thích mọi sự, thích mọi cái. Dù biết rằng nó chẳng có lợi cho con người. Dù biết rằng có thể gây nên tai họa chết người. Con người vẫn thích cái mới, cái lạ nên tự mình sa vào sự dữ và chết trong đam mê tội lỗi.

Trong muôn vàn cám dỗ thì cám dỗ về danh lợi thú dễ đánh đổ lòng người nhất. Đó cũng chính là ba nguyên nhân gây nên biết bao khổ đau cho nhân thế. Vì nó mà nhiều người “thân tàn ma dại”, đánh mất tình người. Vì nó mà bao gia đình đau khổ, chia ly.  Nhìn vào xã hội, ở nơi này nơi kia đang xảy ra những bất hoà, tranh chấp, có khi giết hại lẫn nhau và làm khổ cuộc đời nhau cũng chỉ vì tiền, tình và quyền. Ngay trong gia đình cũng có thể bị đảo lộn những nề nếp gia phong bởi quá tôn thờ nó. Con cái bỏ cha mẹ, cha mẹ từ chối con cái. Vợ kết án chồng, chồng ruồng bỏ vợ. Anh em bạn hữu bất hoà với nhau cũng chì vì tình, vì tiền và vì quyền. Vì nó mà người ta chà đạp lên nhau, người ta làm khổ nhau và làm hại lẫn nhau.

Ở đời, có những kẻ vì tiền mà mê muội. Có những người vì tình mà hoá dại. Có những người vì quyền mà đánh mất tính người. Họ đã sa vào cạm bẫy dẫu biết rằng : “một phút huy hoàng đau khổ cả đời”. Họ vẫn nhắm mắt để tìm hạnh phúc dẫu thoáng qua trong những danh lợi thú trần gian.

Ma qủy năm xưa cũng bày ra trước mắt Chúa Giê-su những thứ rất hấp dẫn về danh lợi thú. Nó đã mời mọc Chúa ăn đi để quay lưng lại với Chúa Cha như Adam đã làm năm xưa. Nó hướng mở cho Chúa một tương lai đầy hứa hẹn không chỉ có của ăn dư đầy từ những hòn đất, hòn đá cũng biến thành của ăn. Nó còn hứa hẹn cho Chúa nắm gọn trong tay cả và dân thiên hạ. Có kẻ hầu người hạ. Có cơ hội hưởng dùng mọi vinh hoa phú quý trần gian.

Nhưng xem ra Chúa Giê-su đã không có những nhu cầu ấy. Ngài cần Thiên Chúa và tìm kiếm thực thi ý Chúa hơn là những phù hoa trần gian. Ngài đến trần gian không phải vì những thứ ấy mà là vì muốn ý Chúa Cha nên trọn. Những cám dỗ ấy dù được bày ra thật hấp dẫn nhưng chỉ là sản phẩm của ma quỷ nên thường là gỉa tạo và mau qua. Chỉ có Thiên Chúa mới là thật, mới trường tồn qua mọi thời gian nếu con người biết vâng nghe lời Thiên Chúa.

Có một điều  là chúng ta thường đi ngược lại với chọn lựa của Chúa Giê-su. Chúa Giê-su đã khước từ danh lợi thú mau qua để chọn vâng theo thánh ý Chúa Cha, còn chúng ta lại tự đi tìm danh lợi thú mà sẵn sàng bỏ Chúa, bỏ lề luật của Chúa. Nhiều người đã vì danh lợi thú mà bán rẻ lương tâm, mà xem thường đạo lý, và bất chấp luật Chúa. Chính vì những danh lợi thú mà nhân loại đã gây nên biết bao tang thương cho nhau qua lường gạt, tranh giành, có khi còn giết hại lẫn nhau.

Sứ điệp lời Chúa hôm nay mời gọi chúng ta “hãy chọn Chúa”. Hãy chọn Chúa thay vì mải mê đi chọn những ảo ảnh trần gian. Hãy chọn Chúa để mang lại một thế giới thanh bình thay cho một thế giới chiếm đoạt, tranh giành lẫn nhau. Xin đừng vì những danh lợi thú mau qua mà chà đạp lên nhau và gây đau khổ cho nhau. Ước gì mỗi người chúng ta luôn biết tâm niệm: “tiên vàn hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa còn những sự khác hãy để Thiên Chúa định liệu phần tốt nhất cho ta”. Amen.

 Trở về mục lục

.

PHƯƠNG THẾ CHIẾN THẮNG CÁM DỖ

Lm Giuse Nguyễn Hữu An

Phụng vụ Giáo hội đã bước vào Mùa Chay Thánh.

Mùa Chay trải dài 40 ngày.Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất hứa, 40 ngày ngôn sứ Êlia ở trên núi Horeb, 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa.Thời gian 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện.Trên con đường về Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách và thanh luyện.Thời gian 40 ngày chay tịnh thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân.

Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau 40 đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.

  1. Chịu cám dỗ

Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer, một thiên thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Adong và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã thảm thương trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian.Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa.Vua Đavit sa ngã trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này.Giuđa Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng nụ hôn giả dối…Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú.

Thiên Chúa cho phép ma qủy cám dỗ để thử thách xem con người ta có trung tín hay không, và để cho con người có cơ hội lập công phúc, để họ có thể chứng minh đức tin của mình.

Thiên Chúa cho có sự cám dỗ để cho con người phấn đấu thanh luyện mình, và đồng thời, khi Ngài cho phép như thế, ma qủy cũng lợi dụng triệt để mà cám dỗ con người. Mỗi ngày, chúng bày ra những chước độc mưu thâm, mỗi lúc một tinh vi xảo quyệt, lắt léo khôn khéo để cám dỗ người ta.

Thiên Chúa ban ơn thêm sức để con người chúng ta có thể chống lại những cơn cám dỗ ấy. Không khi nào Chúa để con người phải chịu những cơn cám dỗ qúa sức mình chịu đựng được. Như vậy, chúng ta phải chiến đấu với những cơn cám dỗ. Điều cần thiết là chúng ta phải phân định được ma qủy với những hành động cám dỗ xấu xa của nó để chống trả và xa lánh.

2. Ma qủy thường cám dỗ như thế nào ?

Ma qủy lừa dối con người.Ai cũng có trí khôn, biết phân biệt điều nào là xấu, là nguy hại và chẳng nên làm. Nhưng ma qủy lừa dối cho rằng việc làm đó là có lợi, là cần thiết nên người ta mới dấn sâu vào. Khi cám dỗ Evà, ma qủy không nói rằng ăn trái cấm đó là chống lại Thiên Chúa, nó chỉ nói rằng ăn trái này thì Bà sẽ được trở nên thông minh như Thiên Chúa. Có nhiều người bước vào nghiện ngập bằng những phút giây sảng khoái thăng hoa lừa dối. Nếu người ta biết sự xấu xa của tội thì có lẽ không ai lại đi phạm tội, nhưng người ta tưởng lầm, hoặc bị cám dỗ coi đó là hạnh phúc. Nếu người ta nhìn thấy những hình khổ nơi hỏa ngục thì chằng ai dám phạm tội. Ma qủy khiến người ta phạm tội bằng cách dẫn người ta một cách từ từ. Không khi nào có ai có thể phạm tội trọng ngay tức khắc, tội trọng chỉ bắt đầu bằng những tội nhẹ. Người ta thường nói, khi còn bé ăn trộm một qủa trứng, rồi khi lớn lên sẽ ăn trộm cả một con bò. Những tội trọng bắt đầu từ những nết xấu hay những tội nho nhỏ. Ma qủy cũng vậy, nó dẫn dắt người ta từ chỗ tưởng chừng vấp phạm những điều nhỏ tới phạm những điều lớn. Không ai nghiện thuốc ngay từ điếu hút đầu tiên, không ai nghiện rượu ngay khi uống chén đầu tiên. Nhưng dần dần nếu lập đi lập lại nhiều lần sẽ dẫn đến chỗ nghiện ngập (x. Buồn vui cùng kiếp người, ĐTGM Ngô Quang Kiệt, trang 33).

Chuyện kể rằng : khi ông Nôe trồng nho, Satan lấy làm lạ nên tiến lại gần hỏi :

– Ông đang trồng cây gì thế ?

– Cây nho.

– Nó có lợi gì không ?

– Có chứ. Trái nó vừa đẹp mắt, vừa ngon miệng. Từ trái nho ta còn có thể làm ra rượu giúp lòng người hưng phấn nữa.

– Vậy thì để tôi giúp ông.

Satan liền giết một con chiên, một con sư tử, một con lừa và một con heo. Lấy máu của chúng tưới gốc cây nho. Thế là cây nho lớn nhanh. Nôe lấy trái nho làm rượu.

Từ đó trở đi khi người ta uống một chút rượu vào thì sẽ vui vẻ dễ thương như con chiên; uống thêm chút nữa thì mạnh bạo như sư tử; nếu uống thêm thì sẽ ngu như lừa; nếu uống nữa thì… hoàn toàn như con heo vậy. (Truyện cổ Nước Pháp).

Ma qủy luôn lừa dối con người. Chúng ta phải luôn cảnh giác.

3, Phương thế chiến thắng cám dỗ.

Noi gương Chúa Giêsu, chúng ta phải biết chống cự lại những cơn cám dỗ. Muốn chống lại, phải có những phương thế để có thể chiến thắng.

a. Lời Chúa.

Ma qủy cám dỗ Chúa Giêsu từ những điều thường nhất là cơm bánh hàng ngày. Chúa nhịn ăn 40 đêm ngày, đói thì cần ăn, đó là điều rất đổi bình thường.Ma qủy lợi dụng điều đó để cám dỗ, sau đó mới cám dỗ những những điều mạnh hơn là thử thách Thiên Chúa và chống lại Ngài. Chúa Giêsu dùng Lời Chúa để chiến thắng.

Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:

– Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)

– Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)

– Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).

“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn côngCó lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ ma quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.

Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi.

b. Ăn chay cầu nguyện.

Ăn chay cầu nguyện giúp con người chế ngự bản thân.Tội lỗi của con người là do không biết chế ngự bản thân. Ăn chay cầu nguyện giúp chúng ta biết thanh luyện con người mình, chế ngự bản thân, hãm dẹp dục vọng. 40 ngày Mùa Chay nhắc nhớ về 40 ngày đêm chay tịnh của Chúa Giêsu trong hoang địa, nhắc lại 40 năm dân Do thái lưu đày trong sa mạc chuẩn bị về Đất hứa. Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng, giúp chúng ta trở nên người thiện chiến, biết chế ngự và làm chủ bản thân.

Cầu nguyện là nhờ sức mạnh của Chúa Thánh Thần. Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và đã chiến thắng cám dỗ.

Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của ma quỷ, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta !

Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; GLGH #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện, chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).

Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn và có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.

Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa, thực thi những việc đạo đức của Mùa Chay.

Chúa Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: “Hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.

Mùa Chay là thời gian đặc biệt để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và thực hành ăn chay cầu nguyện theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mỗi người chúng ta sống đẹp lòng Thiên Chúa hàng ngày.

 Trở về mục lục