CHÚA NHẬT 1 MÙA CHAY_B
Lời Chúa: St 9,8-15; 1Pr 3,18-22; Mc 1,12-15
1. Tội lỗi và tình thương (Gm. Giuse Vũ Văn Thiên)
2. Vào hoang địa (Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt)
3. Vào hoang địa- (Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ)
4. Sự cám dỗ (Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền)
5. Thiên Chúa muốn cứu bạn (Lm. Giuse Đỗ Đức Trí, Gp. Xuân Lộc)
6. Mưu chước (Trầm Thiên Thu)
7. Hiểu và sống (Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc)
8. Tỉnh thức và cầu nguyện (Lm. Giuse Nguyễn Hữu An)
9. Chúa Nhật 1 Mùa Chay_B (Lm. Antôn, giáo xứ thánh Giuse, Tulsa)
.
Gm Giuse Vũ Văn Thiên
Chúng ta đã bước vào Mùa Chay. Đối với người tín hữu, đây là “thời Chúa thi ân, đây là ngày Thiên Chúa cứu độ” (2 Cr 6,2). Sống tinh thần Mùa Chay là khiêm tốn nhìn nhận mình còn nhiều tội lỗi, đồng thời nhận ra tình thương bao la của Thiên Chúa. Nhờ tình thương, chúng ta được canh tân đổi đời và nên giống Chúa Giêsu trong tư tưởng, lời nói và việc làm.
Mỗi khi Mùa Chay về, chúng ta được mời gọi thực hành những việc đạo đức truyền thống như chay tịnh, hãm mình, hy sinh, cầu nguyện. Thoạt nghĩ đến những thực hành này, chúng ta thường coi đó là những ràng buộc nặng nề, làm giảm tự do ngăn cản ham muốn hưởng thụ của chúng ta. Tuy vậy, những việc đạo đức của Mùa Chay, nếu được thực hiện có ý thức, sẽ giúp chúng ta hoàn thiện bản thân, sống đẹp lòng Chúa và sống tốt với anh chị em mình.
Bài đọc I trích sách Sáng thế giúp chúng ta rút ra bài học từ một sự trong quá khứ. Đây cũng là một kinh nghiệm về lòng từ bi hay thương xót của Thiên Chúa, mặc dù con người tội lỗi phản nghịch. Vào thời xa xưa, đã có lúc nhân loại trở nên xấu xa và đầy tội lỗi. Chúa đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi cả dòng giống con người. Tác giả sách Sáng thế diễn tả với nỗi đau đớn: “Thiên Chúa hối hận vì đã làm ra con người trên mặt đất” (St 5,6). Ngài đã muốn dùng cơn Đại hồng thủy để xóa đi loài người và mọi loài thụ tạo, để thiết lập một dòng giống mới, tinh tuyền thánh thiện hơn. Dòng giống này phát sinh từ gia đình ông Nôê, người sống đạo đức và kính sợ Chúa. Bằng con tàu khổng lồ ông đã chuẩn bị theo lệnh truyền của Chúa, gia đình ông và các loại có cây, súc vật, chim trời đã trở thành những nhân tố đầu tiên của cuộc sáng tạo mới sau khi nước hồng thủy rút đi. Nước vừa có sức mạnh hung dữ nhấn chìm mọi tạo vật, vừa có khả năng làm sinh ra một thế hệ mới. Các hiền sĩ Do Thái đều nhìn nhận biến cố này diễn tả thân phận tội lỗi của con người và lòng từ bi nhân hậu của Thiên Chúa. Đoạn sách Sáng thế chúng ta được nghe hôm nay là kế hoạch của Thiên Chúa sau khi nước hồng thủy đã rút đi. Thiên Chúa hứa với ông Nôê và các con ông: từ nay về sau sẽ không bao giờ tái diễn sự hủy diệt tàn khốc như vậy. Lời hứa của Chúa được gọi là giao ước, và được đánh dấu bằng cầu vồng trên các tầng mây. Sau này, thánh Phêrô và các nhà thần học đầu tiên của Giáo Hội đều giải thích Đại hồng thủy là hình bóng của bí tích Thánh tẩy (Bài đọc II). Nhờ dòng nước tái sinh, con người cũ của chúng ta đã chết đi để nhường chỗ cho con người mới, tức là con người được ân sủng của Chúa nâng đỡ và thánh hóa. Nhờ tình thương của Chúa, nhất là nhờ ơn cứu độ của Chúa Giêsu, Thiên Chúa đã ký kết giao ước với con người một giao ước mới. Đây là giao ước được ký kết trong máu của Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, để quy tụ muôn dân về một mối, làm thành gia đình của Thiên Chúa có Chúa Giêsu là trưởng tử.
Việc cảm nhận thân phận tội lỗi sẽ dẫn chúng ta tới sự sám hối chân thành để cầu xin ơn tha thứ của Chúa. Những thực hành đạo đức của Mùa Chay sẽ giúp chúng ta lãnh nhận ơn tha tội, được trở nên con người mới. Chúa nhật đầu tiên này của Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi chúng ta cùng vào sa mạc với Chúa Giêsu để tìm lại chính mình. Bởi lẽ, giữa biết bao bon chen giành giật của cuộc sống, nhiều khi chúng ta trở thành vong bản, tức là đánh mất bản thân, sống trong lầm lạc, không có định hướng và tương lai. Khi diễn tả Đức Giêsu “sống giữa loài dã thú” trong sa mạc, Thánh Máccô giúp chúng ta liên tưởng tới khung cảnh vườn địa đàng thuở ban sơ, ở đó, mối tương quan Thiên Chúa – Con người và Tạo vật rất hài hòa êm đẹp, niềm vui và hạnh phúc luôn tràn trề viên mãn. Nếu biết sống tinh thần sa mạc giữa lòng đời, chúng ta sẽ được gặp Chúa, được tâm sự với Ngài và được Ngài hướng dẫn, giúp chúng ta bước theo đường ngay nẻo chính. Thực hành tốt những việc đạo đức của Mùa Chay (cầu nguyện, chay tịnh và bác ái) chính là sống tinh thần sa mạc, nhờ đó, chúng ta trở nên giống Chúa Giêsu, để cùng với Người đem phần rỗi cho anh chị em xung quanh.
“Hãy sám hối và tin vào Tin Mừng”.Đó là lời rao giảng mở đầu trong giáo huấn của Chúa Giêsu. Hai ngàn năm đã qua, lời kêu gọi này vẫn mang tính cấp bách. Bởi lẽ con người khước từ lời Chúa, chuộc sống gian dối hơn là sự thật; thích chiều theo lối sống thế gian hơn là hy sinh để nên trọn lành. Nhờ sám hối, chúng ta được hòa giải với Chúa và với anh chị em, để cùng nhau tiến bước trên con đường về nhà Cha, Đấng luôn yêu thương và chúc phúc cho chúng ta.
Tgm. Giuse Ngô Quang Kiệt.
Ai yêu bóng đá đều say mê theo dõi những trận đấu đỉnh cao giữa các đội ngoại hạng Anh, hoặc giữa các đội tranh Cúp C1. Ta say mê vì các cầu thủ siêu hạng phô diễn kỹ thuật cá nhân điêu luyện, các đội bóng di chuyển chiến thuật kỳ ảo, các bài bản tinh vi của các huấn luyện viên bậc thầy, các pha phối hợp đẹp mắt giữa các cầu thủ. Không phải tự nhiên mà các cầu thủ chơi bóng giỏi đến mức độ nghệ thuật như thế. Họ phải mất nhiều thời gian tập luyện. Tập luyện để đạt được kỹ thuật cá nhân điêu luyện. Tập luyện để có thể lực dẻo dai. Tập luyện để có những xử lý thông minh theo tình huống. Tập luyện để hiểu nhau tiến đến những pha phối hợp nhịp nhàng ăn ý. Những buổi tập rất nghiêm ngặt, đòi hỏi cầu thủ phải có quyết tâm cao, có tinh thần kỷ luật nghiêm túc. Ai không chịu nổi các bài tập khó, sẽ bỏ cuộc. Ai vượt qua được những buổi tập nghiêm túc sẽ trở thành những cầu thủ giỏi.
Đời sống tâm linh là một cuộc chiến đấu. Chiến đấu với ba thù: ma quỷ, xác thịt, thế gian. Để có đủ khả năng chiến đấu, ta phải được rèn luyện, phải trải qua những thử thách. Đức Giêsu, sau khi chịu phép rửa, được Thánh Thần đưa vào hoang địa để chịu thử thách.
Hoang địa là nơi hoang vu không nhà không cửa, không người thân, không cây cối, tức là không có một tiện nghi tối thiểu nào, không có một nguồn trợ lực nào. Chỉ có cát đá, thú dữ, ma quỷ, tức là chỉ có những khó khăn thách đố bắt ta phải chiến đấu, phải đương đầu.
Cuộc chiến đấu thứ nhất mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu với thiên nhiên. Người sống trong hoang địa phải chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt. Tại các sa mạc cát phủ, đêm thì lạnh thấu xương, ngày thì nóng như thiêu. Hầu như không có thực phẩm. Người sống trong hoang địa phải chịu đói, chịu khát, chịu cái nóng nung người, chịu cái lạnh cắt da, chịu tất cả mọi thiếu thốn của đời sống thường ngày. Xưa, dân Do Thái được Chúa đưa vào nơi hoang địa để huấn luyện trước khi đưa họ vào Đất Hứa. Trong hoang địa, người Do Thái không chịu nổi những thiếu thốn, nên đã nhiều lần nổi loạn chống lại Chúa, chống lại ông Môsê, muốn quay trở lại làm nô lệ bên Ai cập để được ăn no ngủ kỹ. Trái lại, tổ phụ Abraham đã chấp nhận vượt qua hoang địa, nên đã tới Đất Hứa, tiên tri Êlia đã vượt qua hoang địa 40 đêm ngày, nên đã đi đến núi của Thiên Chúa. Và hôm nay, Đức Giêsu đã thắng được cái lạnh, cái nóng và nhất là đã thắng được cái đói cái khát, đã hoàn toàn làm chủ được bản thân trước những nhu cầu của thân xác.
Cuộc chiến đấu thứ hai mà Đức Giêsu phải trải qua là cuộc chiến đấu chống lại ma quỷ. Thiên Chúa cho phép ma quỷ thử thách con người. Từ tạo thiên lập địa, hai ông bà nguyên tổ đã bị ma quỷ cám dỗ và đã thua cuộc. Ông thánh Gióp cũng đã bị ma quỷ thử thách, mất hết tài sản, mất hết con cái, mất hết danh dự. Nhờ kiên quyết trung thành với Chúa đến cùng, ông đã thắng được ma quỷ. Đức Giêsu đã thắng vượt mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới nhờ Người vững lòng tin ở Thiên Chúa. Những cơn cám dỗ của ma quỷ thường là cám dỗ về đức tin. Adong và Evà không vững lòng tin nên đã sa ngã. Ông thánh Gióp vững lòng tin nên luôn đứng vững qua mọi thử thách. Đức Giêsu luôn vững niềm tin vào Chúa Cha, nên đã chiến thắng mọi cơn cám dỗ thâm độc nhất của ma quỷ.
Cuộc chiến đấu thứ ba mà Đức Giêsu đã trải qua là cuộc chiến đấu từ bỏ ý riêng để tìm thánh ý Chúa Cha. Hai ông bà nguyên tổ đã tìm ý riêng hơn ý Chúa, nên đã đi trệch đường. Đức Giêsu luôn tìm thánh ý Chúa Cha, nên Người đã từ bỏ con đường rộng để đi vào con đường hẹp, từ bỏ con đường dễ để đi vào con đường nghèo hèn, từ bỏ con đường riêng tư để đi vào con đường Chúa Cha đã định. Nên Người đã toàn thắng trong cuộc chiến đấu.
Hoang địa không phải chỉ là nơi thử thách. Hoang địa còn là nơi gặp gỡ Chúa. Sau khi đã thắng vượt tất cả các cuộc thử thách, ta sẽ gặp được Chúa, sẽ sống thân tình với Chúa và sẽ hoàn toàn thuộc về Chúa. Ông Môsê, sau 40 đêm ngày ở trên núi Sinai, đã trở nên bạn nghĩa thiết của Chúa. Mặt ông trở nên sáng láng đến nỗi dân Do Thái không dám nhìn thẳng vào. Tiên tri Êlia, sau khi đi 40 đêm ngày, đã tới núi của Chúa và đã gặp được Chúa. Đức Giêsu đã gặp gỡ Chúa Cha, đã tìm được ý Chúa Cha và đã kết hiệp mật thiết với Chúa Cha đến độ từ nay Người trọn vẹn thuộc về Chúa Cha. Thánh ý Chúa Cha đã trở thành kim chỉ nam hướng dẫn đời Người. Thi hành thánh ý Chúa Cha trở thành lương thực nuôi dưỡng Người. Người sẽ hy sinh tất cả, kể cả mạng sống để cho thánh ý Chúa Cha được nên trọn. Chính vì thế mà Người đã được gọi là “Con yêu dấu” của Chúa Cha.
Trong Mùa Chay, Giáo Hội mời gọi ta hãy vào hoang địa với Đức Giêsu để chịu thử thách, để rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên cường. Ta không có điều kiện để vào nơi hoang vắng, nhưng ta vẫn có thể vào hoang địa của cuộc đời.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là sẵn sàng chấp nhận những khó khăn, thiếu thốn trong đời sống, dù đói nghèo vẫn giữ được tâm hồn tự do, không chịu nô lệ vật chất.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là kiên cường chống trả mọi cơn cám dỗ ma quỷ đưa tới, luôn vững niềm tin vào Chúa dù gặp những khó khăn thử thách.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là từ bỏ những ý riêng để luôn tìm thánh ý Chúa, sẵn sàng thực hành thánh ý Chúa, dù có phải đau đớn, thiệt thòi.
Vào hoang địa của cuộc đời có nghĩa là giữ tâm hồn bình an thanh thản để gặp gỡ Chúa, tiếp xúc thân mật với Chúa, hoàn toàn thuộc về Chúa để trở nên “Con yêu dấu” của Chúa.
Nếu ta chuyên tâm rèn luyện trong suốt mùa Chay, tâm hồn ta sẽ trở nên vững mạnh chống lại được những cám dỗ ma quỷ đưa tới; nhanh nhẹn dấn thân vào những việc đạo đức không ngại khó khăn vất vả; quen từ bỏ ý riêng để tuân theo ý Chúa và sẽ trở nên Con hiếu thảo của Chúa.
KIỂM ĐIỂM ĐỜI SỐNG
1- Bạn có quen chấp nhận những điều khó chịu không?
2- Bạn đã bị cám dỗ bao giờ chưa? Bạn đã chống trả thế nào?
3- Mùa Chay này, bạn sẽ sống thế nào để thêm lòng mến Chúa yêu người?
4- Bạn có thường từ bỏ ý riêng để theo ý Chúa không?
Lm. Antôn Nguyễn Cao Siêu, S.J.
Mỗi khi bắt đầu mùa Chay,
Hội Thánh lại mời chúng ta vào hoang địa với Ðức Giêsu.
Chính Thánh Thần đã dẫn đưa Ngài đến nơi đó,
ngay sau khi Ngài chịu phép rửa của Gioan
và nhận được Thánh Thần để lên đường đi sứ vụ.
Bốn mươi ngày sống trong cô tịch và cầu nguyện.
Một cuộc tĩnh tâm để định hướng tương lai,
qua đó Ðức Giêsu thấy rõ con đường Ngài phải đi,
và qua đó Ngài cũng thấy mình bị Xatan cám dỗ.
Mùa Chay là thời gian trở lại với Chúa
và nhận ra những cám dỗ đang bủa vây tôi,
những cám dỗ mới hay cám dỗ cũ dưới lớp áo mới.
Nếu đời tôi là một chuỗi những chọn lựa,
thì nó cũng là một chuỗi những cám dỗ.
Tôi có tự do để chọn giữa cái tốt và cái xấu.
Giữa những cái tốt, tôi có tự do để chọn cái tốt hơn.
Biết mình đã lạc hướng hay lệch hướng là điều cần thiết.
Con người hôm nay không yếu đuối hơn ngày xưa.
Nhưng có lẽ nó bị cám dỗ nhiều hơn xưa,
vì cuộc sống tiến bộ cho người ta nhiều chọn lựa.
Tôi phải chọn kênh truyền hình, chọn băng video,
chọn một loại vải, một kiểu áo, chọn chỗ giải trí tối nay.
Có những áp lực đè nặng trên chọn lựa của tôi:
áp lực của quảng cáo, khuyến mãi,
áp lực của mode, của bạn bè, của dư luận…
Có những mời mọc nhắm vào các giác quan của tôi.
Các giác quan như những cánh của mở của căn nhà trống trải.
Bao kích thích khêu gợi như luồng gió lùa vào nhà.
Thắng được những đòi hỏi vô độ của thân xác
đòi hỏi một sự tự chủ lớn lao.
Thắng được những đam mê mù quáng của con tim
cần có một thái độ anh hùng từ bỏ.
Thắng được sự cứng cỏi, cố chấp của trí tuệ
cần có một lòng khiêm tốn mở ra trước chân lý.
Cuộc đời là một cuộc chiến đấu không ngừng,
vì con người vẫn nghiêng như tháp Pizza.
Cần phải tập nghiêng về điều ngược lại
để tạo lập được sự quân bình trong cuộc sống.
Nói cho cùng, cám dỗ nào cũng khiến con người khép kín,
chỉ nghĩ đến mình và sống cho mình.
Cám dỗ im lặng vì sợ liên lụy.
Cám dỗ giả mù trước sự thật rành rành.
Cám dỗ thỏa hiệp với sự dữ để được yên thân.
Cám dỗ sống một đời sống tầm thường và buông thả.
Cái cao cả của con người là chiến đấu và chiến thắng.
Chỉ khi nhận Thiên Chúa và tha nhân làm trung tâm,
con người mới thành người trọn vẹn.
Ước gì mỗi Kitô hữu đều có bản lãnh của Ðức Giêsu
để chiến thắng sự nặng nề, nhỏ mọn của mình.
Nhưng trước hết, chúng ta cần ăn chay và cầu nguyện.
Cầu Nguyện
Như đáo sen trong đầm lầy,
xin giữ tâm hồn con thanh khiết.
Giữa một thế giới đầy hình ảnh vẩn đục,
xin gìn giữ mắt con.
Giữa một thế giới tôn thờ khoái lạc,
xin dạy con biết trân trọng thân xác.
Giữa một thế giới bị ám ảnh bởi tình dục,
xin thanh lọc trí tưởng tượng của con.
Xin nâng con lên cao
vượt qua những thèm muốn chiếm đoạt,
để biết tự hiến trong yêu thương.
Xin đừng để con phung phí sức lực
vào những chuyện tình cảm chóng qua,
nhưng giúp con tự rèn luyện mình
để gánh vác cuộc sống Chúa mời gọi.
Như đóa sen trong đầm lầy,
xin giữ thân xác con thanh khiết.
Lm. Jos Tạ Duy Tuyền
Nhiều người hôm nay không tin ma quỷ, không tin sự cám dỗ của ma quỷ. Họ cho rằng tội là do mình tự ý phạm. Họ tin vào sự ý thức của con người. Họ không nghĩ đến sự yếu đuối của con người là do ngã lòng chiều theo cám dỗ. Chính do sự mất cảnh giác của cám dỗ nên con người dễ mất mắc sai lầm theo chủ quan, dễ hành động theo bản năng mà không hề kiểm soát hành vi của mình. Đó cũng là điều tệ hại dẫn con người đến mất ý thức về tội. Vì lấy mình làm trung tâm nên luôn cho mình là đúng, luôn biện minh cho hành vi sai trái của mình.
Khi con người mất ý thức về tội là lúc ma quỷ chiến thắng. Nó luôn tìm cách chứng minh không hề có sự hiện của nó. Nó chỉ tác động dưới những hình thức đẹp đẽ, tốt lành để hướng con người hành động theo ý mình. Và điều tệ hại là hành động theo ý mình thì luôn sai lầm vì thích chiều theo bản năng, chiều theo sự dễ dãi mà không cần đến lề luật.
Có một nô bộc da đen hộ tống ông chủ da trắng đi săn vịt trời. Anh ta là một ky-tô hữu. Nhân dịp nói chuyện về vấn đề tôn giáo, ông chủ hỏi người ở da đen:
“Ta chẳng hiểu tại sao mày thường xuyên nói đến tội, đến chống trả cám dỗ, nói đến Ma-quỉ. Ta chẳng phải chống trả Ma-quỉ bao giờ, mà ta vẫn sống tịnh, chẳng bao giờ bị quấy phá hoặc tấn công chi cả”
Người ở da đen trả lời lại: “Tôi xin phép được giải thích việc này. Chúng ta đang đi săn vịt. Những con nào bị ông bắn và chết liền khi rơi xuống, thì tôi để yên đó. Nhưng con nào chỉ bị thương khi rơi xuống và tìm cách chạy trốn, thì tôi dùng sào này mà phang cho chết hoặc không nhúc nhích được mới thôi”.
Ông ví như vịt đã bị Ma-quỉ bắn chết rồi, nên nó để yên ông; còn tôi ví như con vịt mới bị thương và đang tìm cách trốn thoát, do đó Ma quỉ đang giơ sào và tìm mọi cách đập tôi cho thật chết mới thôi.
Ma quý cám dỗ là sự thật. Ma quỷ luôn tìm cách cám dỗ con người đi nghịch lại với đường lối Thiên Chúa. Chúa Giê-su cũng từng bị cám dỗ. Ma quỷ đã bủa vây Chúa Giê-su bằng nhiều lời hứa đường mật, nhưng luôn theo một chủ đích là từ bỏ Chúa Cha để hành động theo ý mình. Quả thực, trên đời chẳng có gì cho không. Ai cho chúng ta điều gì thì thường họ cũng muốn đòi lại chúng ta một điều nào đó, huống hồ là ma quỷ, nó sẽ không bao giờ cho không chúng ta.
Năm xưa trong vườn địa đàng ma quỷ đã chiến thắng Adam-Eva, khi hai ông bà quay lưng lại với Thiên Chúa. Ma quỷ cũng chiến thắng dân Chúa chọn trên hành trình đất hứa khi thờ bò vàng để tìm kiếm miếng ăn. Nhưng ma quỷ đã hoàn toàn thất bại trước Con Thiên Chúa làm người. Chúa Giê-su đã nhắc ma quỷ phải tuân phục Thiên Chúa. Ngài cũng nhắc ma quỷ cuộc sống này cái ăn cái mặc đáng quý nhưng thực thi ý Chúa còn quý hơn nữa.
Hôm nay khởi đầu mùa chay, Chúa Giê-su mời gọi chúng ta hãy sám hối. Sám hối vì đã có những lần chúng ta quay lưng lại với Thiên Chúa. Sám hối vì đã có những lần chúng ta chiều theo cám dỗ của ma quỷ mà hành động theo tính xác thịt, thiếu tự chủ bản thân. Sám hối là nhìn nhận sự yếu đuối của mình để trông cậy lòng thương xót và ân sủng của Thiên Chúa. Chỉ trong Thiên Chúa chúng ta mới có thể chiến thắng cám dỗ, chiến thắng những yếu đuối của bản thân.
Xin Chúa Giêsu là Đấng đã chiến thắng cám dỗ ban ơn sức mạnh để chúng ta vực dậy sau những lần vấp ngã, và canh tân đời sống theo tin mừng. Xin cho chúng ta đừng bao giờ tự phụ về khả năng tự chủ của mình nhưng luôn khiêm tốn trông cậy vào ơn Chúa giúp để nói không với sự xấu, với điều nghịch lại với lề luật của Chúa. Amen
Lm. Giuse Đỗ Đức Trí
Các nhà nghiên cứu đều thống nhất với nhau rằng, các con sông lớn trên thế giới chính là nơi phát sinh các nền văn hóa của con người. Dòng sông Nil tạo nên nền văn minh Aicập, văn minh của vùng Trung đông phát xuất từ hai con sông lớn Tigre và Euphơrat. Ở Châu Á, có con sông Hằng của Ấn Độ và con sông Mekong chảy qua Việt Nam cũng đã tạo nên những vùng văn minh và cư dân sinh sống. Những dòng sông này không chỉ là nơi phát sinh sự sống, mà cho đến nay, chúng vẫn là nguồn nuôi dưỡng sự sống cho những nơi chúng chảy qua. Gần đây, Trung Quốc, Thái Lan và Cambodia đã có kế hoạch xây những con đập trên dòng sông Mekong. Điều đó sẽ dẫn đến tình trạng Việt nam sẽ bị thiếu nước, sẽ không có lũ hàng năm đem phù sa bồi đắp cho cộng đồng, sẽ ảnh hưởng nguồn tôm cá… Các cuộc thương lượng giữa các nước cũng có những lúc gay go và có nguy cơ xảy ra tranh chấp.
Thưa quý OBACE, từ cổ chí kim, ai cũng thấy rằng nguồn nước rất quan trọng cho sự sống còn của một vùng miền. Có nước mới có sự sống của các loài và người ta luôn đi tìm nguồn nước để bảo tồn sự sống. Người ta cũng thấy sức mạnh của những dòng sông này không gì có thể ngăn cản được. Hằng năm, dòng lũ của các con sông này đã gây ngập lụt, phá hủy nhà cửa, mùa màng, nhưng đồng thời nó cũng đem phù sa bồi đấp cho đất đai thêm màu mỡ.
Các bài đọc của Chúa nhật thứ nhất mùa chay hôm nay cũng cho chúng ta thấy sức mạnh của dòng nước. Trước hết là dòng nước hồng thủy trong Cựu Ước, dòng nước này đã phá hủy, cuốn trôi, và nhấn chìm tất cả tội lỗi của con người. Kinh Thánh kể lại bằng một hình ảnh rất quen thuộc : Khi ấy, tội lỗi của loài người đã tràn ngập mặt đất, con người càng ngày càng xa rời Thiên Chúa. Thiên Chúa đã dùng nước hồng thủy để tiêu diệt hết dòng giống tội lỗi trên mặt đất này và tạo lập nên một dòng giống mới từ Noe và con cháu ông. Đồng thời, bài đọc hôm nay cho thấy Thiên Chúa thật nhân từ. Ngài ra tay đánh phạt con người vì tội, nhưng rồi Ngài lại xót thương, thậm chí Thánh Kinh còn dám nói rằng : Thiên Chúa “hối tiếc” về những việc đã làm với con người, nên Ngài đã ký kết một giao ước với Noe, để từ đây, Ngài sẽ không bao giờ hủy diệt, tàn phá mặt đất như thế nữa. Một giao ước hoàn toàn có lợi cho con người, chứ không có lợi gì cho Thiên Chúa. Một Thiên Chúa chiến thắng, nhưng lại cúi xuống để ký giao ước với con người. Để bảo đảm cho lời cam kết này, Thiên Chúa lại còn chấp nhận như “gác vũ khí” : Ta gác cây cung của ta lên mây và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa ta với cõi đất. Điều đó muốn nói rằng, Thiên Chúa sẽ không bao giờ dùng vũ khí của Ngài để tiêu diệt con người nữa.
Nếu như dòng nước hồng thủy đã xóa sổ nhân loại cũ và tội lỗi của nó, thì theo thánh Phêrô, dòng nước phát xuất từ cạnh sườn của Đức Kitô trên thập giá, đã hình thành nên một dân mới là Hội Thánh. Dòng nước của Bí tích Thánh tẩy đã tẩy sạch mọi tội lỗi của thể xác và tâm hồn chúng ta. Dòng nước này đã được Đức Giêsu dùng cái chết và sự phục sinh của Ngài bảo đảm và mang lại sự sống mới cho con người. Ngài đã dùng dòng nước từ cạnh sườn Người để làm cho chúng ta nên công chính, nên sạch sẽ trước mặt Thiên Chúa và còn nên con cái của Thiên Chúa. Vì thế, những người đã được thanh tẩy bởi dòng nước này được mời gọi gìn giữ linh hồn và thân xác của mình luôn trong sạch trước mặt Thiên Chúa và luôn sống xứng đáng với danh nghĩa là con Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng cho thấy, sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa, Thánh Thần đã thúc đẩy Người vào hoang địa, sống trong chay tịnh và cầu nguyện để tìm thánh ý của Thiên Chúa. Thánh Marco chỉ nói lướt qua về việc Chúa chịu Satan cám dỗ, nhưng cũng đủ cho thấy hoang địa chính là nơi để gặp gỡ Thiên Chúa, song cũng là nơi con người sẽ phải đối diện với những cám dỗ của Satan. Đức Giêsu đã vào hoang địa với sự hướng dẫn của Thánh Thần, và chính Thánh Thần luôn hiện diện trong cuộc đời của Đức Giêsu để thêm sức mạnh cho Ngài, giúp Ngài chọn lựa con đường cứu chuộc nhân loại bằng đau khổ thập giá, bằng vâng phục hoàn toàn thánh ý Chúa Cha.
Thánh Marcô cũng cho thấy : Trong hoang địa, Chúa Giêsu sống giữa các loài dã thú và có các thiên sứ hầu hạ Người. Chi tiết này gợi lại hình ảnh của vườn địa đàng ngày xưa, khi Ađam Eva sống thuận thảo với Thiên Chúa. Họ được hưởng một khung cảnh, một tình trạng thật hạnh phúc, sống với các thiên thần và hòa thuận với mọi dã thú. Sau khi phạm tội, nguyên tổ đã phá hủy tình trạng hạnh phúc ban đầu, gieo thù oán giữa con người với nhau và gây xáo trộn giữa con người với dã thú, thiên nhiên và vạn vật. Nay Đức Giêsu, Đấng hoàn toàn vâng phục chương trình của Thiên Chúa, cũng chính Ngài tái lập lại khung cảnh và tình trạng hạnh phúc mà nguyên tổ đã đánh mất. Ngài sống giữa các thiên thần và dã thú, và tất cả đều hầu hạ, phục vụ người.
Đức Giêsu với quyền lực và sự thúc đẩy của Thánh Thần đã khởi đầu sứ mạng của Ngài. Ngài rao truyền Tin Mừng của Thiên Chúa, Tin Mừng tình thương và cứu độ. Sứ mạng của Gioan đã chấm dứt, phép rửa của Gioan không đủ sức tha thứ tội lỗi, nay đã đến thời Thiên Chúa ra tay thực thi những điều Ngài đã hứa, đó là thời của tình thương và cứu độ, của giải thoát và tha thứ. Để đón nhận được tình thương cứu độ, con người phải thực lòng sám hối và tin vào Tin Mừng, phải có một quyết tâm thay đổi và hoán cải, phải có một thái độ tích cực, đó là tin và đón nhận Tin mừng của Đức Kitô. Đón nhận Đức Kitô là chấp nhận bước theo sự hướng dẫn, dạy bảo của Ngài, có như thế mới có thể bước vào được vương quốc của Thiên Chúa, nói cách khác là vào được Nước Trời.
Thưa quý OBACE, chúng ta đã được sức sống mới từ dòng nước của Bí tích Rửa tội. Dòng nước ấy tẩy rửa tội lỗi chúng ta, xóa bỏ tình trạng tội lỗi con người cũ và cho ta được gia nhập và sống trong triều đại của Thiên Chúa. Qua dòng nước rửa tội, chúng ta được hưởng ơn giải thoát, ơn cứu độ, đồng thời được nhận sức mạnh của Thánh Thần để chúng ta có thể chiến thắng những cám dỗ của satan. Sức mạnh của Thánh Thần còn giúp ta nhận ra và thi hành ý muốn của Thiên Chúa.
Mùa chay là dịp để chúng ta tái khẳng định lòng trung thành của chúng ta đối với Chúa, trung thành với giới ră,n lề luật của Ngài, sống đúng với tư cách làm con của Thiên Chúa và là thành viên của Nước Trời. Cụ thể, mỗi người hãy quyết tâm chu toàn cách tốt đẹp bổn phận thờ phượng Thiên Chúa, đặc biệt ngày Chúa nhật, dâng lễ một cách tích cực hơn và siêng năng đọc kinh tối gia đình.
Mùa chay này, Thánh Thần cũng sẽ đưa chúng ta vào sa mạc của tâm hồn, để ở trong thinh lặng, chúng ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa trong cầu nguyện và chay tịnh, hãm mình và hy sinh. Thực hiện chay tịnh để làm chủ con người mình, vượt thắng những cám dỗ của ma quỷ, dục vọng và thế gian. Để thắng được ma quỷ, dục vọng, cần phải có ơn Chúa và sự nỗ lực, kiên trì trong cầu nguyện, trong sự gắn bó thân mật với Chúa. Mỗi người hãy quyết tâm loại bỏ đi một vài tật xấu đã quen phạm, bằng cách tập những tính tốt, thói quen tốt, làm một vài việc hy sinh bác ái cụ thể như là một quyết tâm của cá nhân trong mùa chay này.
Các bậc làm cha mẹ hãy tận dụng dòng sông ơn thánh của mùa chay này để tẩy rửa nếp sống và các sinh hoạt của gia đình. Hãy rửa sạch khỏi gia đình những cãi vã, bê tha, lười biếng ; trang hoàng lại không phải căn nhà của mình, mà phải trang hoàng lại gia đình của mình bằng những nếp sống mới tốt hơn, ấm cúng hơn.
Các bạn trẻ, đừng ngại ngần với mùa chay thánh này. Thiên Chúa luôn muốn cứu chúng ta chứ không muốn trừng phạt. Ngài luôn cho chúng ta cơ hội để đổi mới. Nhưng để Thiên Chúa có thể cứu chúng ta, thì đòi chúng ta phải đưa tay ra cho Ngài nắm lấy. Hãy vượt qua sự ngại ngùng, lười biếng để đến với nguồn nước cứu độ là các Bí tích, nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, Chúa giúp các bạn tẩy rửa và vượt thắng được những cám dỗ của ma quỷ, dục vọng, thế gian và những lôi kéo của xã hội hôm nay.
Xin Chúa cho mỗi người biết sử dụng thời gian thánh thiện của mùa chay này để làm mới lại cuộc sống và cả con người của mình nên tốt đẹp hơn. Amen.
Trầm Thiên Thu
Có lần Chúa Giêsu đã xác định: “Con cái đời này khôn khéo hơn con cái ánh sáng khi xử sự với người đồng loại” (Lc 16:8). Sự khôn khéo ở đây mang nghĩa xấu, tức là mưu mô, mưu mẹo, toan tính và sắp đặt ngầm để thực hiện điều bất chính. Người ta gọi đó là mưu ma chước quỷ. Con người là sinh vật cao cấp nhất nhưng cũng nhiêu khê nhất vì luôn “biến hóa” với thất tình và lục dục (*).
Cổ nhân đã nói: “Hàm huyết phún nhân, tiên ô tự khẩu” (ngậm máu phun người, trước tiên là bẩn miệng mình). Thế nhưng kẻ xấu vẫn làm, bất chấp mọi thứ. Suy nghĩ xấu dẫn tới ước muốn xấu, ước muốn xấu dẫn tới hành động xấu. MÀU liên quan SẮC. Cái gì ĐEN thì TỐI. Thánh Phaolô khuyên: “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu” (Rm 13:12). Đó là động thái đặc biệt của Mùa Chay Thánh.
Sau Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa phán với ông Nô-ê và các con ông: “Đây Ta lập giao ước của Ta với các ngươi, với dòng dõi các ngươi sau này, và tất cả mọi sinh vật ở với các ngươi: chim chóc, gia súc, dã thú ở với các ngươi, nghĩa là mọi vật ở trong tàu đi ra, kể cả dã thú. Ta lập giao ước của Ta với các ngươi: mọi xác phàm sẽ không còn bị nước hồng thủy huỷ diệt, và cũng sẽ không còn có hồng thủy để tàn phá mặt đất nữa” (St 9:8-11). Lời hứa đó của Thiên Chúa là điều diễm phúc cho cả nhân loại, vì không còn cảnh “tẩy rửa” địa cầu như thời Cựu Ước.
Thiên Chúa không hứa suông, mà Ngài cho dấu chỉ cụ thể và rõ ràng: “Đây là dấu hiệu giao ước Ta đặt giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật ở với các ngươi, cho đến muôn thế hệ mai sau: Ta gác cây cung của Ta lên mây, và đó sẽ là dấu hiệu giao ước giữa Ta với cõi đất. Khi Ta cho mây kéo đến trên mặt đất và cây cung xuất hiện trong mây, Ta sẽ nhớ lại giao ước giữa Ta với các ngươi, và với mọi sinh vật, nghĩa là với mọi xác phàm; và nước sẽ không còn trở thành hồng thủy để tiêu diệt mọi xác phàm nữa” (St 9:12-15). Ngày nay, chúng ta thường thấy “cây cung” đó sau những cơn mưa to, và chúng ta gọi đó là Cầu Vồng, với bảy sắc màu lung linh rất đẹp, rất kỳ diệu.
Mỗi khi thấy Cầu Vồng, chúng ta lại được nhắc nhở về giao ước xưa, nghĩa là Thiên Chúa đã thứ tha, không trừng phạt nhãn tiền nữa. Nhưng đừng vì thế mà ỷ lại, cứ ung dung sống. Hãy noi gương tác giả Thánh Vịnh cầu xin: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5).
Tạ ơn trong niềm hạnh phúc, nhưng cũng đừng quên sám hối. Mùa Chay là lời nhắc nhở: “Lạy Chúa, xin nhớ lại nghĩa nặng với ân sâu Ngài đã từng biểu lộ từ muôn thuở muôn đời. Tuổi xuân trót dại bao lầm lỗi, xin Ngài đừng nhớ đến, nhưng xin lấy tình thương mà nhớ đến con cùng. Chúa là Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Người” (Tv 25:6-9). Quả thật, nếu Thiên Chúa chấp tội thì chẳng ai được cứu rỗi (Tv 130:3).
Thật hạnh phúc cho chúng ta vì được Bửu Huyết của Đức Giêsu Kitô tẩy sạch mọi vết tội. Thánh Phaolô nói: “Chính Đức Kitô đã chịu chết một lần vì tội lỗi – Đấng Công Chính đã chết cho kẻ bất lương – hầu dẫn đưa chúng ta đến cùng Thiên Chúa. Thân xác Người đã bị giết chết, nhưng nhờ Thần Khí, Người đã được phục sinh. Người đã đến rao giảng cho các vong linh bị giam cầm, tức là những người xưa đã không vâng phục Thiên Chúa, trong thời Thiên Chúa kiên nhẫn chờ đợi, nghĩa là thời ông Nô-ê đóng tàu. Trong con tàu ấy, một số ít, cả thảy là tám người, được cứu thoát nhờ nước” (1 Pr 3:18-20). Nước thật kỳ diệu, rất mềm mà rất cứng, người ta có thể “cắt” nước nhưng không thể làm “đứt” nước.
Tứ nước của Đại Hồng Thủy tới Phép Rửa, rồi Nước (và Máu) tuôn trào từ Thánh Tâm Chúa Giêsu khi lưỡi giáo đâm vào: “Nước đó là hình bóng phép rửa nay cứu thoát anh em. Lãnh nhận phép rửa, không phải là được tẩy sạch vết nhơ thể xác, mà là cam kết với Thiên Chúa sẽ giữ lương tâm trong trắng, nhờ sự phục sinh của Đức Giêsu Kitô, Đấng đang ngự bên hữu Thiên Chúa sau khi đã lên trời, đã bắt các thiên sứ và toàn thể thần minh phải phục quyền” (1 Pr 3:21-22). Tội lỗi là điều ghê tởm, ô uế lắm, nhưng may mắn chúng ta được rửa sạch nhờ Bí tích Thánh Tẩy. Và vì yếu đuối, chiếc “áo trắng” của chúng ta lại vấy bẩn, nhưng lại được “giặt sạch” nhờ Bí tích Giao Hòa (Giải Tội). Tội chồng lên tội, nhưng rồi phúc lại chồng lên phúc. Xui mà lại hên! Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải tiếp tục ăn chay và sám hối. Ăn chay và đền tội không chỉ cho chính mình, mà còn cho cả người khác trong tình liên đới Kitô giáo.
Trình thuật Mc 1:12-13 nói ngắn gọn về cơn cám dỗ mà Chúa Giêsu chịu sau khi đã ăn chay ròng rã suốt 40 đêm ngày: “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người”. Trong Mt 4:1-11 và Lc 4:1-13 nói chi tiết hơn về cơn cám dỗ này: Cám dỗ thứ nhất về sự ăn uống, đệ nhất khoái trong tứ khoái của con người; cám dỗ thứ nhì về tính kiêu ngạo, “cái tôi” luôn là số dzách, nó có thể nổi dậy bất cứ lúc nào; cám dỗ thứ ba về danh vọng và địa vị, những thứ mà ai cũng muốn để chứng tỏ mình tài giỏi hơn người, chứng tỏ mình có “bản lĩnh”.
Đức Giêsu đã ăn chay trước khi khai mạc công việc rao giảng, điều đó cho thấy việc ăn chay luôn gắn liền với việc cầu nguyện. Việc cầu nguyện cần thiết trước khi hành động bất cứ điều gì. Một trong những điều quan trọng chúng ta cần cầu xin là “xin cứu chúng con khỏi mọi sự dữ” (Kinh Lạy Cha). Điều này đã được chính Chúa Giêsu dạy khi các môn đệ xin Sư Phụ dạy cách cầu nguyện.
Sau khi ông Gioan bị nộp, Đức Giêsu đến miền Galilê rao giảng Tin Mừng của Thiên Chúa. Ngài nói: “Thời kỳ đã mãn, và Triều Đại Thiên Chúa đã đến gần. Anh em hãy sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1:15). Thời kỳ của chúng ta là thời kỳ cuối rồi. Tuy nhiên, ngày nay chúng ta thấy ai mở miệng ra cũng than là “đạo đức xuống cấp” hoặc “suy thoái nhân bản”. Thật vậy, chưa cần va quẹt nhau, chỉ cần nhìn thôi, người ta có thể to tiếng hoặc ẩu đả nhau, thậm chí là rút dao đâm ngay, không hề gớm tay. Như vậy là người ta không muốn sám hối theo lời khuyên của Đức Kitô.
Người ta mưu mô và thủ đoạn, đủ dạng mưu ma chước quỷ. Văn minh tiến bộ thì tội lỗi cũng tinh vi hơn. Chắc chắn việc ăn chay, sám hối và đền tội càng cần hơn bao giờ hết. Ước gì mỗi chúng ta đều biết chân thành thú tội để được Thiên Chúa đại xá: “Con đắc tội với Chúa, với một mình Chúa, dám làm điều dữ trái mắt Ngài” (Tv 51:6).
Lạy Thiên Chúa, xin giúp chúng con biết xa tránh và triệt tiêu mọi mưu ma chước quỷ, can đảm sống ngay thẳng trong tinh thần sám hối suốt đời, không chỉ trong Mùa Chay này. Xin Ngài nâng đỡ và bảo vệ chúng con trên suốt hành trình sám hối, đặc biệt trong Mùa Chay này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.
——————-
(*) Thất tình: Hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục. Lục dục: [1] Sắc dục: ham muốn nhìn thấy sắc đẹp; [2] Thinh dục: ham muốn nghe âm thanh êm tai; [3] Hương dục: ham muốn ngửi mùi thơm dễ chịu; [4] Vị dục: ham muốn món ăn ngon miệng; [5] Xúc dục: ham muốn xác thân sung sướng; [6] Pháp dục: ham muốn ý nghĩ được thỏa mãn.
Lm. Jos. DĐH
Để giao nhiệm trông coi nhà hàng, người ta cần một nhân sự có kiến thức về quản trị, kinh tế, và nếu có kinh nghiệm thì càng tốt, hầu có thể đạt được thành công tốt nhất. Muốn có được sự chắc chắc an toàn về tính mạng, tài sản, người ta không ngần ngại bỏ tiền ra thuê mướn các vệ sĩ, người có sức khoẻ, khả năng để họ được bảo vệ. Xã hội đào tạo y bác sĩ, bằng cách tuyển lựa các học sinh sinh viên có tài có đức, nói chung người đời luôn nghĩ tới các trung tâm, trường dạy nghề và đặt kiến thức lên hàng đầu.
Chúa Giêsu trong Tin mừng hôm nay, Ngài mạc khải về mầu nhiệm Nước Trời, nhưng chỉ dành cho những ai biết sám hối và tin vào Tin mừng mới hiểu…. “Hãy sám hối và tin vào TIN MỪNG“. Giáo huấn của Chúa Giêsu gồm hai điểm : Trước hết là sám hối, sau là tin vào Tin mừng. Nhìn lại một chút về Gioan tẩy giả, sứ mạng của ông là vào rừng sâu hô hoán, giúp người ta dìm mình xuống sông Gio-đan chịu phép rửa tỏ lòng sám hối đón nhận Đấng Cứu Thế. Nhìn đến Chúa Giêsu, Ngài cũng được Thánh Thần đưa dẫn vào hoang địa làm một cuộc cầu nguyện tĩnh tâm, trước khi đi thực hiện sứ mạng loan báo Tin mừng….
Đến rừng sâu, hay đến hoang địa không phải trốn tránh thế gian, hay luyện võ công, nhưng là để biết rõ hơn về thánh ý Chúa Cha. Trong thinh lặng cầu nguyện, trong các hoạt động tông đồ, Đức Giêsu phải đối diện với nhiều cám dỗ về đường lối riêng không theo ý Chúa Cha. Dù thánh sử Marcô hôm nay không nói gì cụ thể về cám dỗ ở hoang địa 40 ngày đêm; nhưng theo suy luận chung, bằng đời sống cầu nguyện, tín thác vào tình yêu Chúa Cha, quyền lực thế gian, đau khổ thể xác, ma quỷ, không thể làm Chúa Giêsu vấp ngã.
Cuộc đời người Kitô hữu hôm nay theo Chúa Giêsu, Chúa Thần Thần mời gọi chúng ta đi vào sa mạc mỗi ngày, nhưng theo tinh thần mới, trước hết ta phải chiến thắng chính mình. Cụ thể hơn, chúng ta sẽ vào hoang địa với Đức Giêsu mà đối diện với sự thật của hoàn cảnh hiện tại, rèn luyện đời sống tâm linh cho vững mạnh, kiên trung… Vào hoang địa suy xét thiếu sót lỗi lầm, biết chấp nhận về mình, vui lòng với những gì ta đang có; dù đói nghèo vẫn quyết giữ tâm hồn thanh sạch, không thể làm nô lệ vật chất. Chúng ta cùng với Chúa Giêsu cầu nguyện, từ bỏ những ý riêng, vậng phục ý Chúa Cha, sẵn sàng vượt khó khăn, nếu có phải đau đớn, thiệt thòi.
Lời Chúa trong sách Sáng thế hôm nay, chúng ta được nghe biết đến gia đình của Noe sau khi đã trải qua 40 ngày lêng đênh trên con tầu. Gia đình Noe tượng trưng cho giao ước mới mà Thiên Chúa đã chuẩn nhận sự công chính và tinh thần vâng phục của ông. Thánh Phêrô thì so sánh tội lỗi dẫn đến sự chết trong lụt hồng thủy, thì từ nay, nhờ Đức Kitô chịu đau khổ, tử nạn phục sinh đã xóa mọi tội lỗi, làm cho giao ước mới của Đức Kitô được sống động.
Con người hôm nay không yếu đuối hơn ngày xưa, tuy nhiên, đau khổ khó khăn, hoặc cám dỗ cũng không ít hơn xưa kia, cuộc sống tiến bộ, buộc chúng ta phải đối diện với nhiều chọn lựa. Chọn lựa việc sám hối để nghe, để hiểu Tin mừng, rồi biết cách cầu nguyện, làm việc bác ái tông đồ, giúp người khó nghèo, hay làm người phục vụ cho Tin mừng Chúa được lan tỏa đến muôn nơi.
Chúng ta đang chọn công việc làm ăn “béo bở” nên phải bỏ không đi lễ chúa nhật, hay chúng ta giữ lề luật Chúa nên phải hy sinh lợi nhuận vật chất để đi lễ hàng tuần ? Ta đang hy sinh một chút thời gian vào samạc cầu nguyện sám hối, hay chúng ta chọn tìm bạn bè để ăn nhậu, chọn Chúa hay chọn thế gian là tùy thuộc tự do nơi mỗi người.
Mùa chay kêu gọi chúng ta cùng suy gẫm về tình yêu của Đức Giêsu chịu khổ nạn, qua đó chúng ta biết sống từ bỏ tội lỗi và trung tín với tình yêu Thiên Chúa. Chay tịnh, cầu nguyện, bác ái xưa nay vẫn là những việc làm thiết thực, nhưng phải được đặt trong tình yêu của Đức Kitô mới có giá trị cứu độ. Mùa chay luôn là dịp thuận tiện giúp người tín hữu có thể tiến lại gần Chúa Kitô hơn, trong khi ta vẫn phải tiếp tục thắng cám dỗ suốt đời mình bằng sức mạnh tình yêu và ơn thánh Chúa. Amen.
.
Lm. Giuse Nguyễn Hữu An
Phụng vụ Giáo hội đã bước vào Mùa Chay Thánh. Mùa Chay trải dài 40 ngày. Thời gian này nhắc lại 40 năm của dân Israel trong sa mạc trước khi đến Đất Hứa, 40 ngày ngôn sứ Êlia ở trên núi Horeb, 40 ngày Chúa Giêsu ăn chay cầu nguyện trong hoang địa. Thời gian 40 ngày là con số tượng trưng nói lên thời gian thử thách và thanh luyện. Trên con đường về Nước Trời, chúng ta trải qua những thử thách và thanh luyện. Thời gian 40 ngày chay tịnh thật quí giá để mỗi người nhìn lại bản thân, đánh giá lại chính mình để sám hối canh tân.
Hàng năm, Phúc Âm Chúa Nhật I Mùa Chay đều nói về cám dỗ. Chúa Giêsu vào hoang địa. Sau bốn mươi đêm ngày ăn chay và cầu nguyện, Satan xuất hiện và cám dỗ. Chúa Giêsu đã chiến thắng Satan.
Làm người ở đời là chấp nhận thân phận chịu cám dỗ. Thánh Kinh đã ghi nhận, từ buổi đầu sáng tạo đã có cám dỗ. Thụ tạo đầu tiên trong hàng các thiên thần đối diện với cám dỗ là Lucifer, một thiên thần sáng láng đã không vượt qua được cơn cám dỗ, và đã trở thành Satan tăm tối. Tiếp đến, thụ tạo đầu tiên trong con người là Adong và Evà cũng đã nếm mùi cám dỗ. Nguyên Tổ đã gục ngã trước cám dỗ cho nên đau khổ sự chết đã tràn vào thế gian.Trong hành trình về Đất Hứa, dân Israel đi trong sa mạc và đã gặp nhiều cám dỗ: cám dỗ trở lại Ai cập để có bánh ăn; cám dỗ thờ tượng con bê vàng; cám dỗ thử thách Thiên Chúa. Vua Đavit sa ngã trước cám dỗ sắc dục nên đã phạm tội cướp vợ của Uria và đã giết chết người anh em này. Giuđa Iscariốt chỉ vì tham tiền nên đã phản bội Thầy và bán Thầy giá 30 đồng bạc bằng nụ hôn giả dối…Các chước cám dỗ của Satan đều chung quy về ba mục tiêu: danh, lợi, thú.
Thánh Gioan Kim Khẩu đã quả quyết: “Trên đời này không ai mà không bị cám dỗ”. Người Việt Nam cũng thường nói “Con người ta, già cái lợi cái răng, nhưng ba cái lăng nhăng không già”. Như vậy cám dỗ là một cái gì hết sức mạnh mẽ, hết sức lôi cuốn, và rất khó chống cự.
Chúa Giêsu đã chiến thắng mọi cám dỗ của Satan bằng quyền năng Thánh Thần, bằng sức mạnh Lời Chúa, bằng đời sống chay tịnh cầu nguyện và luôn tín thác vào Chúa Cha.
Cả ba Phúc Âm đều đề cập đến một chi tiết rất thú vị, đó là Chúa Giêsu không đi vào hoang địa một mình mà đi cùng với Chúa Thánh Thần.
– “Bấy giờ Đức Giêsu được Thần Khí dẫn vào hoang địa, để chịu quỷ cám dỗ” (Mt 4,1)
– “Thần Khí liền đẩy Người vào hoang địa. Người ở trong hoang địa bốn mươi ngày, chịu Satan cám dỗ, sống giữa loài dã thú, và có các thiên sứ hầu hạ Người” (Mc 1,12-13).
– “Đức Giêsu được đầy Thánh Thần, từ sông Giođan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).
Thánh Thần hướng dẫn Chúa Giêsu vào hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ. Đây là một hành động hết sức khó hiểu và nghịch lý. Vì Thánh Thần sao lại có thể làm như thế cho Chúa Giêsu? Thế nhưng, cũng qua việc Chúa Giêsu chịu cám dỗ, mỗi khi chúng ta bị ma quỷ cám dỗ cũng có thể nói được là “Thánh Thần đã dẫn chúng ta đến chỗ để bị cám dỗ”, để qua đó, chúng ta có thể tránh khỏi sa chước cám dỗ.
Khi vào hoang địa, khi bị ma quỷ cám dỗ, Chúa Giêsu cần đến sự nâng đỡ của Chúa Thánh Thần. Người đã dựa vào sức mạnh của Chúa Thánh Thần và Lời của Thiên Chúa để đối đáp với ma quỷ và đã chiến thắng.
Khi chúng ta lâm vào những cuộc thử thách, phải đối diện với những mưu chước của Satan, rất cần ơn Chúa Thánh Thần trợ lực. Chúa Giêsu mà còn cần đến Chúa Thánh Thần nữa, thì huống hồ là chúng ta.
Cần phải cầu nguyện (Lc 22,40; Cv 2,42; LGTC #2612,2742). Nhờ cầu nguyện, Chúa Giêsu đã không cô đơn một mình, nhưng “được Thánh Thần hướng dẫn” (Mt 4,1). Nhờ cầu nguyện chúng ta được liên kết với sức mạnh của Thánh Thần và với Các Thánh trên trời.Vai trò của Chúa Thánh Thần thật quan trọng trong đời sống của chúng ta. Những lúc bị cám dỗ, những khi sống trong cô đơn, buồn chán và thất vọng…hãy cậy trông và khẩn cầu với Chúa Thánh Thần xin ơn phù trợ. Chính Chúa Giêsu đã hứa: “Đấng Bảo Trợ là Thánh Thần mà Chúa Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, Đấng đó sẽ dạy các con mọi điều” (Ga 14,26).
Lời Chúa là sức mạnh tâm linh, là lẽ sống thần linh và là lời ban sự sống. Đọc và suy gẫm Thánh Kinh sẽ đem lại cho chúng ta sức mạnh để chiến thắng tội lỗi. Gương của Chúa Giêsu được Tin Mừng Thánh Luca kể rõ: mỗi lần ma qủy đưa ra một chước cám dỗ thì Chúa Giêsu lại lấy một lời của Kinh Thánh mà đẩy lui chước cám dỗ ấy:
– Có lời chép rằng: người ta không sống bằng cơm bánh mà còn bằng lời của Thiên Chúa nữa.(Lc 4,5)
– Có lời chép rằng:ngươi phải thờ lạy Chuá là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người.(Lc 4,8)
– Có lời chép rằng: ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi.(Lc 4, 11).
“Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ”. Satan tạm lánh vào bóng tối, khi có thời cơ thuận tiện sẽ quay lại tiếp tục tấn công. Có lần, Satan dùng miệng lưỡi của Phêrô để cám dỗ Chúa đừng lên Giêrusalem chịu khổ nạn. Chúa quay lại quát nạt: “Satan, hãy lui ra đằng sau, đừng gây cớ cho Ta vấp phạm”. Thời cơ quỷ chờ đợi chính là lúc Chúa Giêsu trải qua cuộc Khổ Nạn. Trong vườn Giêtsêmani, khi đối diện với cái chết đang cận kề, Chúa Giêsu không khỏi sợ hãi đến nổi “mồ hôi đổ ra như máu”. Người đã thân thưa cùng Chúa Cha đến hai lần: “ Lạy Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này. Tuy vậy, xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha ” (Mt 26, 39b) ; “ Lạy Cha, nếu con cứ phải uống chén này mà không sao tránh khỏi, thì xin vâng ý Cha ” (Mt 26, 42b). Cao điểm là khi Chúa bị treo trên thập giá, Satan dùng miệng lưỡi kẻ qua người lại để cám dỗ Chúa xuống khỏi thập giá: “Ông Kitô vua Israel, cứ xuống khỏi thập giá ngay bây giờ đi để chúng ta thấy và tin”. Trong suốt cuộc đời dương thế, Chúa Giêsu đã phải chiến đấu chống lại nhiều cơn cám dỗ. Người thực sự là Thiên Chúa nhưng đồng thời Người cũng hoàn toàn là con người nên “Người cũng phải chịu trăm chiều thử thách y như ta” (Dt 4,15). Chúa Giêsu đã chiến thắng tất cả. Không một cám dỗ, không một thách thức nào có thể khiến Người lùi bước.
Chuá Giêsu đã từng căn dặn các Tông Đồ: “Hãy tỉnh thức”. Tỉnh thức để nhận ra mưu mô của ma quỷ, tỉnh thức trước những lôi cuốn của thế gian, tỉnh thức trước những yếu đuối của con người xác thịt.
Chúng ta đang sống trong một xã hội có quá nhiều cám dỗ. Một xã hội đầy dẫy các tệ nạn, có nhiều lối sống buông thả. Đó là môi trường là cơ hội thuận tiện cho ma quỷ ẩn núp và tấn công. Cám dỗ ngày càng nhiều và ngày càng tinh vi dưới muôn hình dáng vẻ. Vì thế, lời dặn dò của Chúa Giêsu ngày càng khẩn thiết: “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện kẻo sa chước cám dỗ”. Cơn cám dỗ độc hại nhất mà con người cần phải luôn tỉnh thức canh phòng và trường kỳ chiến đấu bằng mọi cách, chính là lòng ích kỷ, quan niệm sống hẹp hòi, thiển cận của chính mình, chỉ biết có mình mà quên kẻ khác, chỉ biết thu vén lợi ích cho riêng mình mà quên quyền lợi kẻ khác.
Để tỉnh thức và cầu nguyện, chúng ta cần sống theo sự hướng dẫn của Chúa Thánh Thần và ánh sáng soi dẫn của Lời Chúa.
Sau khi chịu phép Rửa Tội để trở nên một Kitô hữu, chúng ta dấn thân vào đời với nhiều thử thách của niềm tin, phải chịu nhiều cám dỗ của phận người lữ thứ. Nếu chúng ta tin rằng “Thiên Chúa đã tuôn đổ đầy tràn ơn Thánh Thần xuống trên chúng ta, nhờ Đức Giêsu Kitô, Đấng cứu độ chúng ta” (Tt 3,6) thì hãy vững tâm và tin tưởng tuyệt đối vào quyền năng của Chúa Thánh Thần. Ngài sẽ không bao giờ xa rời chúng ta đâu! Điều quan trọng là chúng ta có thành tâm để cầu xin và nhờ cậy Ngài, hay là không thôi!
Hãy tin tưởng và trông cậy vào Chúa Thánh Thần. Bảy hồng ân của Chúa Thánh Thần luôn trao ban cho người: ơn khôn ngoan, ơn hiểu biết, ơn nhận thức, ơn chỉ bảo, ơn dũng mạnh, ơn thánh thiện và ơn kính sợ Thiên Chúa. Hãy mở rộng tâm hồn đón nhận ơn Chúa Thánh Thần và hăng hái cộng tác với chương trình của Ngài, nhờ đó “Hoa trái của Thần Thần là bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hòa, tiết độ” (Gl 5,22-23) sẽ tràn đầy trong tâm hồn và đời sống của chúng ta.
Việc gặp gỡ Chúa Thánh Thần rất dễ dàng. Chỉ cần hồi tâm lại, ý thức Ngài đang hiện diện ngay trong bản thân mình, và muốn được tan hòa vào trong Ngài. Chúa Thánh Thần sẽ mở tung cánh cửa ích kỷ. Ngài sẽ phá tan cánh cửa hẹp hòi. Ngài sẽ ban thêm sức mạnh. Ngài sẽ quét sạch mọi lớp bụi bặm rêu phong. Ngài sẽ đổ tràn vào hồn chúng ta nguồn sống mới giúp chúng ta chiến thắng mọi cám dỗ và hăng hái lên đường.
Thánh Phaolô cảm nghiệm sâu xa ơn ban của Thánh Thần và đã khuyên nhủ: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4,22-24) ; “Thiên Chúa đã đổ tình yêu của Người vào lòng chúng ta, nhờ Thánh Thần mà Người ban cho chúng ta” (Rm 5,5) ; “Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ” (2Tm 1,7).
Chúa Giêsu đã dùng lời Thánh Kinh để thắng Satan. Muốn vượt thắng mọi cám dỗ, chúng ta phải yêu mến Lời Chúa, đọc Lời Chúa và sống Lời Chúa. Sứ điệp Đại Hội Dân Chúa năm 2010 mời gọi: “Hội Thánh tại Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phổ biến và học hỏi Lời Chúa bằng những phương thế khác nhau, để Lời Chúa thực sự trở thành của ăn nuôi dưỡng tâm hồn, kim chỉ nam và ánh sáng soi dẫn mọi quyết định và chọn lựa của các tín hữu” (Số 3).
Mùa Chay là thời gian đặc biệt để ngưới tín hữu xét mình, để sám hối canh tân bản thân dưới ánh sáng Lời Chúa và ơn soi sáng của Chúa Thánh Linh theo gương Chúa Giêsu, nhờ đó mà sống đẹp lòng Thiên Chúa mỗi ngày.
.
Lm. Antôn, giáo xứ Giuse
Ông bà anh chị em thân mến. Hôm nay là Chúa nhật thứ nhất mùa chay, và cũng là tuần giáo xứ chúng ta mừng Xuân, ăn Tết Ất Mùi. Mùa Xuân kêu gọi chúng ta cảm tạ, tri ân Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng vũ trụ, vạn vật và con người chúng ta. Mùa Chay kêu gọi chúng ta cảm tạ, tri ân Thiên Chúa về kế hoạch Ơn Cứu Độ của Thiên Chúa cho chúng ta. Như mọi người đã biết mùa chay thánh đã bắt đầu vào Thứ Tư Lễ Tro tuần vừa qua. Mùa chay cũng mời gọi tất cả chúng ta nhìn vào đời sống đức tin, nhìn vào đời sống Ki-tô hữu để nhận ra những thiếu xót, lầm lỗi và ăn năn sám hối, cải thiện đời sống, từ bỏ những thói hư tật xấu, bằng cách thực hành lời Chúa, hãm mình và làm việc bác ái. Vì yêu thương, muốn cứu độ và ban bình an hạnh phúc thật, cho nên Thiên Chúa cho chúng ta những thời điểm thuận tiện để chúng ta nhận ra thánh ý Chúa, nhận ra kế hoạch cứu độ, nhất là tình yêu thương và lòng nhân từ của Thiên Chúa, như là một sự thúc đẩy chúng ta đi vào mùa chay một cách thành tâm hơn, có một tin thần và đời sống mới.
Cả ba bài Kinh thánh hôm nay cho chúng ta thấy những sự việc tương phản xảy ra trước và sau những biến cố, những sự kiện quan trọng trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Trước hết, trong Bài Đọc I, tác-giả Sách Sáng Thế cho chúng ta nhìn thấy những gì xảy ra sau trận Lụt Đại Hồng Thủy; nhưng sự kiện này xảy ra vì những lý do và những gì đã xảy ra trước đó. Thiên Chúa nhìn thấy tội lỗi con người xúc phạm đến Ngài quá nhiều, nên Ngài muốn tái tạo một trời mới đất mới, trong đó có gia đình Nô-e. Trong mấy chương trước, Sách Sáng Thế cho chúng ta thấy một thực trạng tội lỗi của con người không thể chối cãi.
- Thứ nhất là Tội Nguyên Tổ. Tổ tiên con người là Adong và Evà, đã không vâng lời Thiên Chúa ăn trái cấm, cho nên con người đã phải nhận hình phạt của Thiên Chúa.
- Thứ nhì là tội giết người. Ca-in vì ghen ghét và bực tức nên đã giết em là Abel, do đó Ca-in phải chấp nhận hình phạt của Thiên Chúa.
- Thứ ba là tội kiêu ngạo. Con người xây tháp Babel vì muốn để lại danh tiếng và không phải tùy thuộc vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Hậu quả là ngôn ngữ bất đồng, Thiên Chúa phân tán họ khắp mặt đất. Ngoài ra, trước trận Đại Hồng Thủy, Thiên Chúa đã dùng những dấu hiệu cảnh báo những người tội lỗi, để họ biết tỉnh thức ăn năn sám hối, nhưng họ không những coi thường, lạnh nhạt và thờ ơ, mà còn tỏ ra chai đá, cũng như cười chê và nhạo báng trước những dấu hiệu trước mắt, và những lời khuyên nhủ. Và nhiều tội lỗi khác là nguyên nhân của trận Lụt Đại Hồng Thủy. Nhưng ngay cả trong khi phạt con người, Thiên Chúa vẫn thể hiện tình thương, không muốn hủy diện hoàn toàn, nhưng cho con người có cơ hội trở nên tốt đẹp hơn, do đó, Thiên Chúa đã thực hiện với ông Nôêl một giao ước bền vững và lâu dài, sẽ không còn bị hủy diệt nữa. Dấu chỉ của giao ước ấy là chiếc cầu vồng xuất hiện trên bầu trời.
Nhìn vào lịch sử Ơn Cứu Độ, chúng ta thấy từ thời Nô-e đến thời Chúa Giê-su Ki-tô, con người vẫn tiếp tục xúc phạm đến Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa giữ lời hứa và ban cho con người Đức Giê-su Kitô xuống thế làm người, để gánh tội cho con người. Trong bài đọc 2, thánh Phêrô khẳng định với chúng ta được cứu độ là nhờ “Chúa Kitô đã chết một lần cho tội lỗi chúng ta, Người là Đấng công chính thay cho kẻ bất công, để hiến dâng chúng ta cho Thiên Chúa.” Bài đọc 2 chúng ta thấy lụt Đại Hồng Thủy được so sánh với cái chết của Chúa Giê-su Kitô. Nếu Lụt Đại Hồng Thủy tàn sát tất cả vì tội lỗi con người, thì cái chết của Chúa Kitô cũng xóa đi tất cả tội lỗi và cứu sống con người. Đó chính là kế họach cứu độ của Thiên Chúa qua Chúa Giê-su Ki-tô.
Trong bài Tin Mừng, sau khi Chúa Giêsu được Thánh Thần đưa vào sa mạc để chịu cám dỗ 40 đêm này, Ngài đã thắng vượt được tất cả và bắt đầu hành trình rao giảng Tin Mừng để đem ơn Cứu Độ đến cho con người. Chúng ta nhận thấy Chúa Giêsu rao truyền hai sứ điệp quan trọng. Sứ điệp thứ nhất là ăn năn sám hối tội lỗi. Giống như Gioan, Chúa Giêsu cũng đòi con người phải nhận ra tội lỗi và ăn năn sám hối; vì không thể nhận được sự tha thứ nếu không thú nhận tội lỗi của mình. Và sứ điệp thứ hai là phải tin vào Tin Mừng Lời Chúa. Tin Mừng là chính Chúa Giê-su Kitô, có nghĩa là con người của Ngài, là Con Thiên Chúa, là Ngôi Hai Thiên Chúa và là Đấng Cứu Độ trần gian. Tin Mừng là giáo huấn, là những lời Ngài dạy dỗ. Tin Mừng là các việc Ngài đã làm, là vác và chịu chết trên thập giá, đã sống lại, chiến thắng sự chết, và lên trời hiển vinh, để những ai tin và sống lời Chúa, thì sẽ được sống lại và hưởng hạnh phúc trường sinh Nước Trời.
Ông bà anh chị em thân mến. Là những Ki-tô hữu, chúng ta tin rằng tình thương Thiên Chúa mạnh hơn tội lỗi con người. Thiên Chúa yêu thương, nhân từ và sẵn sàng tha thứ mọi tội cho con người, chúng ta. Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Con Thiên Chúa xuống thế làm người , để biểu lộ lòng yêu thương và qua lời Chúa dạy bảo và hướng dẫn chúng ta là những người tội lỗi biết ăn năn, quay trở về với Chúa, để được tha thứ và được sống trong ân sủng của Chúa. Bao lâu chúng ta có có tâm hồn sám hối, tin và sống Tin mừng của Chúa, chúng ta sẽ có sức mạnh để chiến thắng ma quỉ, và ma quỉ sẽ không thể làm gì được chúng ta.
Mùa Chay là cơ hội thuận tiện để chúng ta nhìn lại thánh ý Chúa, kế hoạch ơn cứu độ của Chúa, và nhất là tin vào tình thương của Thiên Chúa dành cho con người chúng ta. Chúng ta nhận biết, sống giữa xã hội trần gian này, chúng ta phải chiến đấu với những cám dỗ của ma quỉ. Chúa Giêsu tuy là Con Thiên Chúa, nhưng Ngài cũng đã chịu cám dỗ, thử thách. Nhưng Chúa đã chiến thắng ma quỉ nhờ vào sức mạnh và lời của Thiên Chúa. Vì thế, muốn có một mùa chay thánh thiện, tốt lành, chúng ta phải có những quyết định. Chúng ta phải noi gương Chúa Giêsu cầu nguyện, ăn chay, hãm mình và nương tựa vào Lời Chúa, nương tựa vào ân sủng của Thiên Chúa. Chúng ta phải can đảm đi theo con đường Chúa đã đi, thực hành những việc Chúa đã làm, và sống những điều Chúa rao giảng dạy.
Như mọi người đều biết năm nay có một sự trùng hợp ngẫu nhiên thú vị và đầy ý nghĩa với chúng ta. Mùa Chay và mùa Xuân khởi đầu cùng một thời điểm. Chúng ta gọi là trùng hợp ngẫu nhiên, nhưng chắc chắn đó là thánh ý và là kế hoạch của Chúa. Hôm nay chúng ta cảm tạ tri ân Thiên Chúa đã ban cho chúng ta Ơn Cứu Độ qua Chúa Giê-su Ki-tô, và ban cho chúng ta Mùa Xuân, để nhớ đến ông bà, cha mẹ, và nhất là nhớ đến Chúa Xuân và những ơn lành của Ngài đã ban. Trong tâm tình và bầu khí linh thiêng của ngày Tết, xin kính chúc quí cha, quí sơ, quí ông bà anh chị em và quí quyến, một năm mới an khang, hạnh phúc, sức khỏe dồi dào và tràn đầy hồng ân của Thiên Chúa, trong sự cầu bầu và che chở của Đức Maria và Thánh Cả Giuse, quan thầy của giáo xứ. Xin Thiên Chúa cũng thánh hóa những công việc, kế hoạch, cũng như lòng quảng đại và hy sinh của mọi người trong năm mới này, để hiệp nhất làm sáng danh Chúa. Và xin kính chúc mọi người một mùa chay thánh trong ân sủng và niềm tin yêu mến Chúa.
.