SUY NIỆM Lời Chúa Các bài suy niệm các ngày Tết Ất Mùi 2015 của Trầm...

Các bài suy niệm các ngày Tết Ất Mùi 2015 của Trầm Thiên Thu

CỘT MỐC TÂM LINH

(Lễ GIAO THỪA – Tết Nguyên Đán Việt Nam)

Thời khắc cuối cùng của một năm được gọi là “giao thừa”. GIAO là qua lại với nhau, trước sau tiếp nhau; THỪA là tiếp nối. Giao thừa là “giao lại cái cũ, tiếp lấy cái mới” ngay thời điểm năm cũ kết thúc và năm mới khởi đầu. Đêm giao thừa là “đêm ba mươi”, còn gọi là “đêm trừ tịch” (TRỪ là bỏ đi, TỊCH là chiếu – tức là “thay chiếu”).

Giao thừa là khoảng thời gian thiêng liêng, khoảnh khắc “bản lề”, giây phút tống tiễn năm cũ với những điều không may đã qua, đồng thời nghinh đón năm mới với những điều may mắn và tốt lành sẽ đến. Chắc hẳn đó là cột mốc quan trọng của mỗi người, cột mốc này càng quan trọng hơn vì đó là “cột mốc tâm linh” của mọi Kitô hữu – những người tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa Xuân Cứu Độ.

Tác giả Thánh Vịnh đặt vấn đề và nhận định: “Con người là chi, mà Chúa cần nhớ đến, phàm nhân là gì, mà Chúa phải bận tâm? Chúa cho con người chẳng thua kém thần linh là mấy, ban vinh quang danh dự làm mũ triều thiên, cho làm chủ công trình tay Chúa sáng tạo, đặt muôn loài muôn sự dưới chân” (Tv 9:5-7). Ai cũng đã hơn một lần kinh nghiệm về tội lỗi, và cũng từng cảm nghiệm niềm vui khi thoát khỏi ách tội lỗi, như đứa con hoang đàng tìm về với người cha nhân hậu (x. Lc 15:11-31). Đó là dạng giao thừa đặc biệt của chúng ta: Giao thừa Tâm linh. Thời khắc giao thừa cũng là lúc nhìn lại quá khứ để có kinh nghiệm, và hướng tới tương lai với niềm hy vọng mới: Bình an, hạnh phúc, hoàn thiện, mơ ước, quyết tâm,…

Cuộc sống có nhiều loại cột mốc. Ngày xưa, cây nêu được dựng từ 23 tháng Chạp tới mồng 7 tháng Giêng, với mục đích ban đầu nhằm ngăn ngừa không cho quỷ từ biển Đông vào đất liền và bén mảng đến nơi người cư ngụ. Cây nêu là cột mốc để ma quỷ không được đến gần con người. Về tâm linh, trình thuật Mc 1:21-26 cho biết rằng vào ngày sa-bát, Đức Giêsu và các môn đệ vào thành Ca-phác-na-um. Ngài vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư. Khi đó có một người bị thần ô uế nhập, nó la lên: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!”. Nhưng Đức Giêsu quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!”. Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng rồi xuất khỏi anh ta.

Ma quỷ có thật, vô hình mà thật, nó hiện hữu trong sự vô hình. Nó không ở xa chúng ta, thậm chí nó ở ngay trong hội đường – nơi người ta họp nhau cầu kinh và làm việc đạo đức, nghĩa là nó có ở trong nhà thờ và nó ở bên chúng ta cả khi chúng ta cầu nguyện. Nó biết nó là ai và nó cũng biết rõ Chúa Giêsu là ai, nó biết rõ hơn chúng ta, nó xác nhận Ngài là “Đấng Thánh của Thiên Chúa”. Nó vạch ranh giới khi nó đặt vấn đề với Chúa Giêsu: “Ông Giêsu Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi?”. Nó muốn xác định rằng người mà nó ám là của nó, thuộc quyền hạn của nó. Nhưng Chúa Giêsu có quyền trên nó nên nó phải rời xa nạn nhân. Ma quỷ cũng luôn tìm mọi dịp để cướp đoạt chúng ta, bất cứ lúc nào và nơi nào, thậm chí nó có thể cám dỗ chúng ta đạo đức. Vì thế, chúng ta phải cảnh giác cao độ, như Thánh Phêrô khuyến cáo: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8). Và để bảo vệ chúng ta khỏi ma quỷ, Chúa Giêsu đã dựng một cây nêu tâm linh: Thánh Giá.

Giao thừa là lúc tống cựu và nghinh tân, cũng là lúc vui đón Xuân về, mừng chào Tết đến. Lời cầu chúc được sử dụng trong nhiều dịp, đặc biệt là dịp Tết Nguyên Đán. Ngày xưa, Thiên Chúa căn dặn ông Môsê: “Hãy nói với A-ha-ron và các con ông ấy rằng: Khi chúc lành cho con cái Ít-ra-en, anh em hãy nói thế này: ‘Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em ! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em, và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìn, và ban bình an cho anh em!’. Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:22-27). Chắc chắn không có lời chúc nào đẹp hơn, nhất là trong lúc khởi đầu mùa Xuân, bắt đầu năm mới. Lời chúc do chính Thiên Chúa truyền dạy thì không gì tuyệt vời hơn!

Càng tuyệt vời hơn bởi vì “ơn phù hộ chúng ta ở nơi danh Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:2). Thánh Vịnh cũng cầu chúc: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề” (Tv 121:3-5). Có Thiên Chúa chở che bênh đỡ thì chẳng còn lo sợ gì: “Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng. Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm” (Tv 23:4).

Thật vậy, sự an toàn tuyệt đối: “Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:6-8). An toàn là an bình, là an thái, là hòa bình, điều mà không ai lại không mơ ước, không chỉ mong muốn mà là khao khát. Có Thiên Chúa, người ta có thể bình an ngay trong nghịch cảnh, khốn khó, vì niềm tin của họ không nao núng, không phai nhòa.

Vui khi bình an, buồn khi gian nan, đó là lẽ thường tình. Vui trong mọi hoàn cảnh mới đáng quan tâm, vui như vậy chứng tỏ tâm hồn luôn bình an. Thánh Phaolô nói: “Anh em hãy vui mừng luôn mãi và cầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:14-18).  : “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22).

: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em, được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó” (1 Tx 5:23-24). Cuối cùng, Thánh Phaolô: “Thưa anh em, xin anh em cũng cầu nguyện cho chúng tôi nữa. Tất cả anh em hãy hôn chào nhau một cách thánh thiện. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Tx 5:25-28).

Một hôm, thấy đám đông, Đức Giêsu lên núi. Người ngồi xuống, các môn đệ đến gần bên. Người lên tiếng dạy họ Tám Mối Phúc (Mt 5:3-10):

Phúc thay ai có TÂM HỒN NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.

Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.

Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.

Phúc thay ai KHÁT KHAO NÊN NGƯỜI CÔNG CHÍNH, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.

Phúc thay ai XÓT THƯƠNG NGƯỜI, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.

Phúc thay ai có TÂM HỒN TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.

Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.

Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI VÌ SỐNG CÔNG CHÍNH, vì Nước Trời là của họ.

Đó là bản Đệ Nhất Tuyên Ngôn, ngắn gọn nhất và súc tích nhất, là bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử nhân loại. Trong đó có tám điều kiện ắt có và đủ, nghe chừng rất “ngược đời” nhưng lại hoàn toàn hợp lý, dạng Nghịch-Lý-Thuận. Kỳ diệu quá chừng! Mỗi người tự hoàn thiện bằng tám điều khoản trong bản Tuyên Ngôn này thì chắc chắn thế giới có nền hòa bình đích thực và tận hưởng niềm hạnh phúc tuyệt đối.

Sau đó, Chúa Giêsu nói thêm như một lời giải thích và hứa hẹn: “Phúc thay anh em khi vì Thầy mà bị người ta sỉ vả, bách hại và vu khống đủ điều xấu xa. Anh em hãy vui mừng hớn hở, vì phần thưởng dành cho anh em ở trên trời thật lớn lao” (Mt 5:11-12).

Giao thừa, thời khắc tống cựu và nghinh tân, chúng ta cùng tâm niệm cho một năm mới: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con. Sớm hôm con những cậy trông Ngài, bởi vì Ngài nhân ái” (Tv 25:4-5). Được như vậy thì thật diễm phúc cho chúng ta ngay từ phút giao thừa này: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

Lạy Chúa, chúng con chúc tụng Cha là Chúa Tể càn khôn! Chúng con tạ ơn Ngài đã cho chúng con sống đến giây phút này, chúng con xin lỗi Ngài về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con hoàn thiện nên giống Ngài hơn trong năm mới. Chúng con xin chúc Tết Ba Ngôi Thiên Chúa, xin giúp chúng con hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng; chúng con xin Chúa lì xì nhiều Hồng Ân để chúng con sống đúng Ý Ngài; chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin thương hướng dẫn chúng con đi đúng Thiện Lộ của Ngài.

Xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho mọi người đều có được niềm vui Xuân trọn vẹn, xin đặc biệt thương xót những người nghèo khổ. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa làm người cứu độ chúng con, hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn đời. Amen.

TRẦM THIÊN THU

.

CUNG CHÚC CHÚA XUÂN

(Mồng Một Tết Nguyên Đán – cầu bình an)

Tết thời gian khởi đầu mùa Xuân, mùa đầu tiên trong bốn mùa, cũng là khởi đầu một năm mới. Chữ Tết được phát âm từ chữ “tiết”. Hai chữ “nguyên đán” có gốc chữ Hán: NGUYÊN là “sự khởi đầu”, ĐÁN là “buổi sáng sớm”. Phát âm đúng phải là “Tiết Nguyên Đán”, rồi người ta đọc là “Tết Nguyên Đán”. Người Trung Hoa gọi là “Xuân Tiết”. Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, hoặc đơn giản chỉ gọi là Tết. Vui Tết thì phải có sự Bình An thực sự.

Tết là dịp tốt để nhớ đến nhau, thăm viếng nhau, cầu chúc điều tốt lành cho nhau – gọi là “tết nhau”. Với các Kitô hữu, người quan trọng nhất chúng ta phải tết là Thiên Chúa. Trong một dịp Tết, Thánh Faustina đã tâm sự với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa trước về mọi thứ mà lòng nhân từ của Chúa sẽ ban cho con. Con cảm tạ Ngài về những sự thuận lợiân sủng tuôn đổ trên con mỗi ngày như sương mai lặng lẽ, con không thể cảm thấy, không con mắt nào có thể thấy, và chỉ có Ngài và con biết. Con cảm tạ Ngài về mọi điều đó” (Nhật Ký Thánh Faustina, số 1449). Tâm nguyện thật đẹp, tươi màu sắc thánh đức. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết tâm nguyện với Thiên Chúa như vậy!

Thiên Chúa là Chúa Xuân tuyệt đối. Cung Chúc Chúa Xuân là điều chúng ta phải thực hiện, dù chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài nhưng chính lời cung chúc và cảm tạ đó lại đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Vả lại, chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giêrusalem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng” (Is 65:17-18). Năm mới là một dạng “trời mới đất mới” mà Thiên Chúa tiếp tục cho chúng ta tận hưởng, dù có thế nào thì chúng ta vẫn phải biết cảm tạ Ngài về hồng ân này. Có nhiều người, ngay cả người thân của chúng ta, năm ngoái còn đó mà năm nay không còn được đón năm mới như chúng ta trong giây phút đầu Xuân này nữa. Dĩ nhiên họ có “trời mới đất mới” khác rồi.

Chính Thiên Chúa giải thích: “Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái” (Is 65:18-21). Đó là miền đất hứa được Thiên Chúa tuyển chọn và chúc phúc, cuộc đời trần gian ngày nay không như vậy, nhưng vẫn theo quy luật của Chúa: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10)
.

Tất cả là hồng ân, dù sao chúng ta vẫn phải tạ ơn Chúa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải nói cho người khác biết về lòng thương xót của Ngài: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:5-6).

Không ai lại không cần lòng thương xót của Ngài, vì ai cũng là tội nhân, ngay cả người công chính cũng phạm tội mỗi ngày 7 lần (x. Cn 24:16). Vì thế, chúng ta phải không ngừng kêu xin Ngài, kêu xin ngay từ giây phút đầu năm mới: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” Tv 30:11-13). Quả thật, “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34). Đời là thế, trần gian là vậy! Nhưng với tầm nhìn đức tin, cái KHỔ lại là cái PHÚC. Chúa Giêsu đã dùng Thập Giá để tới vinh quang, cái Chết không là chấm hết hoặc bị triệt, mà cái Chết hóa “ngưỡng cửa” bước vào Sự Sống vĩnh hằng. Vâng, cái giá lạnh mùa Đông để chuẩn bị cho mùa Xuân ấm áp, tươi đẹp. Thật kỳ diệu!

Năm mới. Ai cũng muốn mọi thứ đều mới, cả ngoại tại và nội tại. Người Đan Mạch đón năm mới bằng cách mang đĩa đến đập vào cửa nhà hàng xóm. Chủ nhà không tức giận mà còn rất vui, vì họ quan niệm rằng nhiều mảnh vỡ chén đĩa trước cửa nghĩa là gia chủ có nhiều bạn trung thành. Người Philippines đón năm mới bằng cách mặc trang phục có những “chấm tròn”, thực phẩm và trái cây hình tròn cũng xuất hiện trên bàn ăn của họ. Người Philippines quan niệm rằng chấm tròn sẽ mang lại sự phát triển thịnh vượng trong năm mới. Có thể chúng ta thấy kỳ cục, nhưng họ lại hạnh phúc. Nói chung, mọi phong tục tập quán đều muốn thể hiện sự mới mẻ của năm mới.

Thánh Gioan cũng có thị kiến về những cái mới: “Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21:1-2). Có lẽ chẳng ai đẹp như tân nương và tân lang trong ngày cưới, vì họ mới cả thể lý lẫn tâm hồn – họ vui vì hạnh phúc, tức là họ “mới” hơn trước rất nhiều.

Thánh Gioan cho biêt1 từ cái mới này tới cái mới khác. Từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:3-4). Vùng “trới mới, đất mới” của Thiên Chúa thật kỳ diệu, khôn tả. Cái mới thì thường khiến người ta thấy lạ – Việt ngữ nói ghép chung: Mới lạ. Cái lạ có thể là cái rất kỳ lạ.

Cái mới lạ của Thiên Chúa vượt ngoài tầm hiểu của chúng ta. Thật vậy, Đấng ngự trên ngai nói với Thánh Gioan: “Này đây Ta đổi mới mọi sự. Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật. Xong cả rồi! Ta là An-phaÔ-mê-ga, là Khởi NguyênTận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền” (Kh 21:5-6). Nước trường sinh là nước hằng sống, chính nước này sẽ biến người ta nên mới hoàn toàn, cả hồn và xác. Đổi mới bên ngoài là điều cần, nhưng đổi mới bên trong còn cần hơn. Làm sao đổi mới? Đây là bí quyết đổi mới: “Ai giữ lời Đức Kitô dạy, thì nơi kẻ ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:5).

Ai tuân giữ lời Đức Kitô là người hoàn hảo. Lời Ngài nhiều lắm, nhưng tóm lại chỉ là yêu thương, tức là biết thương xót. Luật Yêu là Thiên Luật, ngắn gọn lắm!

Trình thuật Mt 5:43-48 cho biết: Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Thiên Chúa chí minh và chí công, không thiên vị bất kỳ ai (x. Gl 2:6; Cv 10:34). Là con cái Ngài, chúng ta không thể sống khác. Thánh Giacôbê nói: “Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư” (Gc 2:1). Và Thánh Giacôbê giải thích: “Nếu anh em đối xử thiên tư thì anh em phạm một tội bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm” (Gc 2:9). Thật lạ, vì hoàn toàn khác, không như chúng ta tưởng!

Chính Chúa Giêsu cũng đã giải thích cặn kẽ và cụ thể: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”. Quá đỗi chí lý! Chắc chắn không ai có thể biện hộ được gì. Đầu năm, đầu tháng, tết nhất mà nhắc tới vấn đề này thì thật là… “ngại” hết sức, cảm thấy “lùng bùng lỗ tai” lắm, thế nhưng phải vậy thôi. Đầu xuôi thì đuôi mới lọt. Thà mất lòng trước mà được lòng sau. Đầu năm có xác định rạch ròi thì cả năm cứ thế mà xuôi theo. Thế mới là đổi mới, mới từ trong ra ngoài, nhờ đó mà cuộc sống khả dĩ tươi màu như sắc Mai vàng ngày Xuân.

Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa mời gọi vừa khuyến cáo, và cũng vừa “bật mí” cho chúng ta cách đổi mới: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Hoàn thiện là đổi mới, chúng ta không đổi mới theo kiểu của mình mà theo kiểu của Thiên Chúa Cha. Quyết tâm đổi mới là lời Chúc Xuân tốt đẹp kính dâng lên Thiên Chúa trong ngày Tết cổ truyền này. Chính nhờ vậy mà chúng ta chắc chắn được Ngài ban cho sự bình an đích thực – bình an cả tâm hồn và thể lý.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, Đấng khởi đầu sự sống nơi chúng con, xin giúp chúng con biết đổi mới mỗi ngày một hơn theo đúng Thánh Ý Ngài. Chúng con xin phó thác trọn năm mới này cho Ngài, xin nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, để mọi sự tốt đẹp từ khởi sự cho đến hoàn thành vì vinh danh Ngài. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

.

CHỮ HIẾU

(Mồng Hai Tết – cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ)

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Có lẽ không ai lại không thuộc lòng câu ca dao này. Ca dao bình dị mà thâm sâu. Ai cũng có một gia đình, dù là “ông kia, bà nọ” thì cũng vẫn xuất thân từ một gia đình. Vâng, người ta có thể tự chọn nhiều thứ, nhưng không ai có thể tự chọn cha mẹ – tất nhiên kể cả ông bà, tổ tiên. Chắc hẳn không ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là Tổ Ấm hoặc Mái Ấm. Dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình, chính “ngọn lửa” tình yêu làm cho gia đình ấm áp.

Dù là Thiên Chúa, nhưng khi Đức Giêsu giáng sinh làm người, Ngài cũng sinh trưởng trong một gia đình. Điều đó chứng tỏ gia đình rất quan trọng. Hai tiếng “gia đình” đơn giản lắm, nhưng cũng phức tạp lắm. Louisa May Alcott nhận xét: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu” (The power of finding beauty in the humblest things makes home happy and life lovely). Thomas Fuller đề nghị: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình nhưng không nên kết thúc ở đó” (Charity begins at home but should not end there). Bộ ba Cha-Mẹ-Con là chiếc kiềng ba chân yêu thương để chống đỡ gia đình: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao).

Ngày lễ, tết, và những dịp đặc biệt, nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tiền nhân là điều cần thiết. Trên đời này, không có công ơn nào to lớn bằng công ơn cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Chữ Hiếu (mệnh danh là Đạo Hiếu) không thể nào bù đắp chín Đức Cù Lao (*).Cứ tính đơn giản theo nghĩa đen thì cũng thấy không cân xứng: Một chữ không thể so với chín chữ. Con cái chỉ có một chữ mà vẫn không giữ trọn!

Kinh Thi có đề cập đức cù lao của cha mẹ: “Cù lao vu dã” – nhọc nhằn vất vả nơi đồng nội; và “bi ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” – thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta.

Dịp đầu Xuân, thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sách Huấn Ca mời gọi: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Tại sao? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44:10-15).

Chúa Giêsu đã nêu gương về đạo Hiếu để chúng ta noi theo. Sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cô Maria và Chú Giuse lo sốt vó, tìm kiếm xuôi ngược suốt ba ngày. Khi gặp cha mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51).

Ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành dưỡng dục mình. Ai sống có hiếu thì được Chúa chúc lành: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128:1-2).

Con cái có hiếu thì cha mẹ an tâm, gia đình hạnh phúc: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:3-4). Chắc hẳn ai cũng mong ước như vậy, vấn đề là phải thể hiện cụ thể, đừng nói suông. Tác giả Thánh Vịnh cầu chúc: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128:5-6). Nguyện chúc mọi gia đình vui hưởng thái bình như Thánh Gia – hôm nay và mãi mãi, đặc biệt trong những ngày Xuân đoàn tụ này.

Thánh Phaolô nhắc nhở những người con về Đạo Hiếu: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Và nhắc nhở những người làm cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6:4). Bổn phận và trách nhiệm với nhau là điều cần thiết: Con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái.

Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì là hành động. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18-19). Cầu nguyện là việc làm phải liên tục, bất kể thời gian hoặc địa điểm. Thật vậy, cầu nguyện có thể thực hiện ngay tại bàn tiệc, khi đang nói chuyện với người khác, khi chạy xe,… thậm chí ngay khi chúng ta ở giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt. Đừng chỉ cầu nguyện khi vào nhà thờ hoặc ở nơi tĩnh lặng, vì cầu nguyện rất dễ: Hướng tâm hồn lên với Chúa, gặp Chúa, có khi không cần nói gì cả. Cầu nguyện liên lỉ là “thói quen” của người sống tâm linh theo tinh thần của Đức Kitô.

Người cha, người mẹ và người con đều sống tâm linh như vậy thì chắc chắn gia đình hạnh phúc, là Tổ Ấm thực sự, ấm trong tình yêu của Thiên Chúa, nóng hổi ngọn lửa thương xót của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc” (Tv 112:1-2). Niềm hạnh phúc thánh đức thật tuyệt vời!

Thiên Chúa phù trì liên vạn đại

Thánh Gia bảo giám mãi thiên thu

Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Đừng bao giờ câu nệ!

Trình thuật Mt 15:1-6 cho biết: Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”. Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”. Ngài biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Họ chỉ có nước “ngậm tăm”, im như thóc thối, câm như hến.

Có khi chúng ta cũng như bọn Pharisêu đấy, đầu toàn là “đậu hũ” mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Dốt mà chảnh là thế đấy! Không chỉ vậy, chúng ta lấy lý do “vì, bởi, tại,…” mà biện hộ cho mình. Thật nguy hiểm! Thiết tưởng đôi khi chúng ta phải tự xét lại về các động thái của mình, đừng tưởng những gì chúng ta đưa ra đều là vì Chúa, có thể chính chúng ta “chơi ép” Chúa, “điều khiển” Chúa, rồi lại tự tôn bằng các biện hộ đó là Ý Chúa. Lạy Chúa tôi!

Ngày Xuân, dịp Tết, nếu còn cha mẹ, thật hạnh phúc cho bạn, nhưng hãy “động não” một chút: Khi bạn đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem cha mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ bạn thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ bạn đang dùng đều là do công sức cha mẹ tạo ra. Xin hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu cho xứng đáng là người con. Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, biết đâu bạn không còn kịp nữa đâu!

Tết đến bình an nhờ Thiên Chúa

Xuân về hạnh phúc với Thánh Gia

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con có ông bà, cha mẹ, xin thương chúc lành cho họ; xin giúp chúng con biết giữ trọn Đạo Hiếu với Chúa và với ông bà, cha mẹ của chúng con. Xin tình yêu Thánh Gia luôn tràn đầy trong mọi gia đình. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

(*) Cù Lao là siêng năng, cần mẫn, nhọc nhằn. Chín đức cù lao: [1] Sinh: Cha mẹ đẻ ra, [2] Cúc: Nâng đỡ, [3] Phủ: Vỗ về, vuốt ve, [4] Súc: Cho ăn, bú mớm; [5] Trưởng: Nuôi dưỡng thể xác; [6] Dục: Giáo dưỡng tinh thần; [7] Cố: Trông nom, nhìn ngắm; [8] Phục: Quấn quít, săn sóc không ngơi; [9] Phúc: Bồng ẵm, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, bảo vệ con khỏi bị ăn hiếp.

.

CÔNG SỨC

(Mồng 3 Tết – thánh hóa công việc)

Sau khi để cho “cái tôi” nổi dậy, Ông Bà Nguyên Tổ đã bất tuân phục Thiên Chúa vì nghe lời đường mật của ma quỷ. Họ xấu hổ nên tránh mặt Đức Chúa. Và rồi Ngài ra nghiêm luật, đồng thời cũnh nhắc nhở về “thân phận” của họ: “Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất” (St 3:19).

Kể từ đó, con người không còn được “ngồi mát ăn bát vàng” nữa, mà phải làm lụng vất vả, đổ mồ hôi trán, dán mồ hôi lưng mới có miếng ăn, đôi khi cũng chẳng đủ ăn. Tuy nhiên, cái khổ xổ cái khôn, nhờ đó mà con người có kinh nghiệm lao động, biết quý trọng công sức, và dần dần người ta có những luật lao động khác nhau – tùy hoàn cảnh cụ thể. Cái khó ló cái khôn là thế!

Đại văn hào Victor Hugo (1802-1885, Pháp quốc) triết lý về sự lao động: “Người ta không lười biếng chỉ vì người ta chăm chú. Có lao động vô hình và lao động hữu hình. Suy tưởng là cần cù, nghĩ ngợi là thực hiện. Khoanh tay vẫn là làm việc và siết chặt tay vẫn là hành động. Đôi mắt ngước lên Thiên đường là sáng tạo”. Còn nữ tiểu thuyết gia Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) xác định: “Công việc luôn là sự cứu rỗi của tôi, và tôi tạ ơn Chúa về điều đó”. Tuyệt vời quá! Quả thật, làm hay hơn nói giỏi – well done is better than well said (Benjamin Franklin, 1706-1790, Đệ Nhất Tổng Thống Hoa Kỳ).

Mồng ba Tết, ngày thánh hóa công ăn việc làm, trình thuật St 2:4-9 cho chúng ta biết gốc tích trời đất khi được sáng tạo. Khởi đầu từ Vườn Địa Đàng, nơi hạnh phúc chan chứa, nhưng có lẽ vì sướng quá hóa rồ nên con người tự làm khổ mình, để rồi lận đận vì thử thách suốt đời.

Kinh Thánh cho biết: “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất”. Hoang vu. Không sinh vật nào. Vì thế chúng ta gọi đó là “thuở hồng hoang”.

Sau đó, “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật. Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác”. Chính vì cây-thiện-và-ác này mà con người nên nông nỗi! Không phải Thiên Chúa “gài độ” để con người “sập bẫy”, rơi vào “hố tội lỗi”, mà chỉ vì con người kiêu ngạo, muốn bằng Thiên Chúa.

Sách Sáng Thế cho biết: “Đức Chúa là Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15). Từ đó, con người được làm chủ mọi loài khác, nghĩa là bắt đầu có quyền sở hữu. Trong cái rủi vẫn có cái may. Vì thế mà Giáo Hội gọi Tội Tổ Tông là “Tội Hồng Phúc” (Exultet, công bố Tin Mừng Phục Sinh). Kể cũng lạ, “tội” mà lại là “hồng phúc”.

Trí óc phàm nhân chúng ta không đủ mức hiểu thấu, chỉ còn biết cảm tạ và cầu xin Thiên Chúa xót thương. Với tâm tình đó, tác giả Thánh Vịnh tự nhủ: “Chúc tụng Chúa đi, hồn tôi hỡi! Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! (Tv 104:1).

Thiên Chúa là Đấng toàn năng, Ngài tạo dựng mọi sự. Chính việc tạo dựng đó là công sức lao động của Ngài. Thật vậy, Ngài lao động sáu ngày và chỉ nghỉ một ngày (x. St 1:3 – 2:3). Điều đó cho thấy sự lao động là cần thiết, như người ta nói: “Nhàn cư vi bất thiện”. Rảnh rỗi quá hóa hư thân mất nết.

Thánh Vịnh cho biết: “Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng. Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ (Tv 104:14-15). Có ngày thì cũng có đêm. Ngày làm việc, đêm ngủ nghỉ. Ai “ngủ ngày, cày đêm” là người “không bình thường” rồi, có thể “có vấn đề”. Quy luật “tự nhiên” là vậy: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn. Ánh dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ. Đến lượt con người ra đi làm lụng, những mải mê tới lúc chiều tà” (Tv 104:20-23).

Cái mà người ta gọi là “luật tự nhiên” chính là Thiên Luật, là quy luật của Thiên Chúa, chứ chẳng có gì gọi là tự nhiên hoặc ngẫu nhiên. Nhìn ngắm thiên nhiên, tác giả Thánh Vịnh đã phải thốt lên: “Công trình Ngài, lạy Chúa, quả thiên hình vạn trạng! Chúa hoàn thành tất cả thật khôn ngoan, những loài Chúa dựng nên lan tràn mặt đất” (Tv 104:24).

Tay làm, hàm nhai; tay quai, miệng trễ. Tất nhiên rồi. Nhỏ thì nhờ cha mẹ, lớn thì phải tự mưu sinh. Lao động để có thể sinh tồn, nhưng đó là duy trì sự sống thể lý. Con người có hai phần, xác và hồn, cần duy trì sự sống thể lý và cũng đừng quên duy trì sự sống tinh thần, với người có niềm tin tôn giáo thì đó là sự sống tâm linh. Chúa Giêsu đã minh định rạch ròi: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn nhờ mọi lời miệng Thiên Chúa phán ra” (Mt 4:4; Lc 4:4).

Vấn đề mưu sinh thật vất vả, không hề đơn giản – trừ một số người “đẻ bọc điều”, sướng từ trong trứng nước. Lo thì lo, nhưng lo cũng chẳng thay đổi được theo ý mình. Thánh Phaolô cho biết: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham. Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: cho thì có phúc hơn là nhận” (Cv 20:32-35). Muốn CHO thì phải CÓ, muốn CÓ thì phải LÀM. Rất lô-gích. Chắc chắn Thiên Chúa muốn chúng ta lao động hết SỨC (lực) để đáng CÔNG (trạng).

Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Mình muốn không bằng trời muốn. Người vô thần bị “đuối lý” ở điểm này. Họ bảo không có Tạo Hóa mà vẫn kêu trời khi gặp “sự cố”. Mâu thuẫn! Còn với các Kitô hữu, không gì hơn là tín thác vào lòng thương xót của Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng đã nhắn nhủ: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy thì sinh nhiều hoa trái” (Ga 15:4-5). Thật vậy, không có Thiên Chúa thì chúng ta chẳng làm gì được ráo trọi (x. Ga 15:5). Vậy thì dại gì mà không tín thác? Tín thác là trao phó trọn cuộc đời mình cho Thiên Chúa, hoàn toàn để Ngài quan phòng và định liệu theo đúng Ý Ngài.

Trình thuật Mt 25:14-30 là dụ ngôn Những Yến Bạc (tương tự Lc 19:12-27), nói về Công Sức của mỗi người trong quá trình lao động cả đời.

Khi ông chủ sắp đi xa, ông liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ.

Sau một thời gian lâu dài, ông chủ trở về tính sổ và thanh toán với họ. Người đã lãnh năm yến đưa năm yến khác. Ông chủ khen là đầy tớ tài giỏi và trung thành, được giao ít mà anh đã trung thành thì ông hứa sẽ giao nhiều hơn. Người đã lãnh hai yến cũng đưa hai yến khác. Ông chủ cũng khen là đầy tớ tài giỏi và trung thành và hứa sẽ giao thêm. Cuối cùng, người đã lãnh một yến cũng tiến lại và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”. Ông chủ lắc đầu rồi giải thích: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến. Vì phàm ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi.

Ai cũng có quỹ thời gian bằng nhau: 24 giờ/ngày. Không hơn hoặc kém một tích tắc nào. Vấn đề là chúng ta dùng khoảng thời gian đó làm gì. Chúa biết rõ ai như thế nào nên Ngài giao cho “phần việc” tương xứng. Vấn đề không phải là ít hay nhiều, giỏi hay dốt, tốt hay xấu, mà là chúng ta có nỗ lực hết sức để sinh lời hay không. Được nhiều thì PHẢI sinh lời nhiều, đừng tưởng được nhiều mà sung sướng, cứ ngồi rung đùi mà hưởng thụ. Nghĩ cho cùng, được giao nhiều mà lại thấy “nhột gáy” đấy. Đừng tưởng bở mà “chảnh”. Chẳng vậy mà người ta vẫn nói: “Ngu si hưởng thái bình”.

Đầu năm, đầu tháng, vui mừng đón Xuân, ăn Tết, nhưng đừng quên xem lại “phần việc” của mình để có thể kịp chấn chỉnh. Thật đáng sợ nếu phải nghe câu này của Chủ Nhân Giêsu khi Ngài trở lại tính sổ với chúng ta: “Tên đầy tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25:30).

Lạy Chúa, xin giúp chúng con biết nỗ lực hết sức với “phần việc” mà Ngài đã giao cho chúng con. Có thể chúng con không sinh lời gấp đôi, dù chúng con rất muốn, nhưng phần lời đó là do chính Ngài cho phép. Nhưng chúng con hứa sẽ cố gắng làm để sinh lời hết khả năng của chúng con, bắt đầu từ hôm nay, từ mùa Xuân này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

TRẦM THIÊN THU

 

Exit mobile version