SUY NIỆM Lời Chúa Các bài suy niệm các ngày Tết Ất Mùi 2015 của Lm....

Các bài suy niệm các ngày Tết Ất Mùi 2015 của Lm. Giuse Đỗ Đức Trí

GIAO THỪA:

TẠ ƠN TRỜI ĐẤT

Ai đã có những lần xa nhà, xa quê và đón giao thừa dương lịch ở nơi xứ người thì sẽ thấy khác biệt giữa giao thừa dương lịch và giao thừa âm lịch của chúng ta. Có thể giao thừa tết tây, dù pháo hoa bắn rợp trời nhưng lòng người xa quê vẫn thấy xa xôi. Trái lại mỗi năm, người Việt Nam chúng ta ai cũng chờ đợi giây phút linh thiêng của đêm giao thừa âm lịch. Mỗi người như cảm nhận, như đụng chạm được đến thời khắc thiêng liêng chuyển giao của năm cũ và năm mới. Tiễn năm cũ qua đi với bao buồn vui, tiếc nuối lẫn lộn, đón năm mới đến với lo âu và hy vọng,… Tất cả những tình cảm ấy đang đan xen trong mỗi chúng ta.

Giây phút này là giây phút thảnh thơi nhất trong năm, vì lúc này đây, mọi người như tạm gác lại những lo toan của năm cũ để đón chào một năm mới với hy vọng đổi mới tốt hơn. Lúc này cũng là dịp mỗi người nhìn lại trách nhiệm của mình với gia đình, với cha mẹ, vợ chồng, con cái, bạn bè. Có thể nói rằng, nếu ngày cuối năm dương lịch là ngày người ta tổng kết công việc, thì ngày cuối năm âm lịch là dịp mọi người tổng kết lại các mối tương quan trong cuộc sống.

Sang năm mới, ai cũng muốn gia đình mình giàu sang và hạnh phúc, đó là mơ ước thật chính đáng. Thế nhưng, làm thế nào để cho gia đình mình giàu sang và hạnh phúc thì mỗi người lại có những suy nghĩ, cách thực hiện và ưu tiên khác nhau. Cụ thể có nhiều người đặt hạnh phúc làm ưu tiên số một, còn có nhiều người lại lấy sự giàu sang làm chính. Vì chỉ quan tâm đến tìm kiếm sự giàu sang, nên nhiều người đã lơ là việc xây dựng và vun trồng hạnh phúc. Hạnh phúc không phải là điều tự nhiên mà có, nó cũng không đương nhiên xuất hiện trong gia đình cùng với sự giàu sang, mà nó là hạt giống, là cây mầm, đòi mỗi người phải vun tưới mỗi ngày. Hoa trái hạnh phúc phải là kết quả của sự chung tay đóng góp của mọi thành viên. Tuy nhiên, vì lo tìm kiếm sự giàu sang, nên nhiều người đã quên yếu tố hạnh phúc, đã để tình cảm yêu thương giữa cha mẹ và con cái trở nên lỏng lẻo, thiếu quan tâm, thiếu thông cảm và lắng nghe. Nhiều gia đình đã để cho tình yêu vợ chồng trở nên nhạt nhẽo và bầu khí gia đình trở nên lạnh giá, thiếu vắng nụ cười, thiếu vắng niềm vui.

Lúc này chính là lúc mỗi người cần nhìn lại và quyết tâm đặt lại thứ tự ưu tiên cho gia đình. Có thể gia đình mình chưa giàu sang, nhưng gia đình ấm cúng thì vẫn hạnh phúc hơn gia đình giàu sang. Nhiều tiền nhiều của mà nghèo nụ cười, thiếu niềm vui thì bầu khí gia đình lạnh lẽo. Chúng ta cũng cần nhìn lại tương quan của chúng ta với cha mẹ, nhất là với cha mẹ già, đôi khi vì sự thiếu kiên nhẫn với các ngài, trong lúc các ngài tuổi cao sức yếu, mà chúng ta đã có những lời lẽ bất kính, những thái độ coi thường hoặc khinh khi các ngài. Chúng ta cần điều chỉnh lại để sống cho tròn chữ hiếu, để cho cha mẹ được hạnh phúc trong tuổi già, không phải khóc vì tủi thân. Là cha mẹ, chúng ta cũng cần xem lại thái độ của chúng ta với từng đứa con. Chúng ta đã đem đến cho con cái một môi trường gia đình an toàn và hạnh phúc chưa ?

Kế đến, chúng ta cũng cần nhìn lại mối tương quan với anh em họ hàng, bạn bè. Dường như cuộc sống ngày nay quá bận rộn khiến anh em họ hàng chẳng mấy khi có dịp đến thăm nhau, thậm chí một năm cũng chỉ được ngày tết đến với nhau mà cũng vội vàng như làm nghĩa vụ. Như thế, thì chỉ một thời gian ngắn nữa thôi, anh em họ hàng sẽ như người xa lạ ; con cháu, họ hàng gặp nhau cũng như người dưng, chẳng còn thân thiết nữa. Dịp tết là dịp để chúng ta làm cho tình nghĩa anh em họ hàng xóm ngõ thêm đậm đà, gắn bó, hiểu nhau hơn, quý mến nhau hơn. Hãy dành giờ thăm viếng nhau, hàn huyên tâm sự với nhau trong bầu khí ấm áp của những ngày xuân này, vì mỗi người sống là sống trong tình liên đới với nhau.

Mối tương quan quan trọng nhất mà giây phút giao thừa này chúng ta cần nhìn lại, đó là tương quan của chúng ta với Trời Đất. Nhìn lại để biết sống tâm tình trân trọng và biết ơn. Trời Đất, trước hết là môi trường sống của tất cả mọi người, là môi trường thiên nhiên xung quanh mà chúng ta cần trân trọng, bảo vệ và làm cho trong lành, tốt đẹp hơn. Cụm từ “Tạ ơn Trời Đất”, dù mang nghĩa dân gian, song với người Kitô hữu, đó còn là kiểu nói để diễn tả lòng biết ơn của chúng ta với Đấng Tạo Hóa là Thiên Chúa của chúng ta, Đấng làm chủ và điều khiển cả vũ trụ này.

Tạ ơn Chúa vì phúc lành Chúa hằng thương ban, tạ ơn vì mưa thuận gió hòa, vì tai qua nạn khỏi, vì buôn bán làm ăn thuận lợi, thành công, vì gia đình ấm cúng. Tạ ơn Chúa vì Chúa thương gìn giữ mỗi người và mỗi gia đình, đó là lời Thánh Phaolô đã mời gọi trong bài đọc hai : Anh em hãy cầu nguyện không ngừng và hãy tạ ơn Chúa trong mọi hoàn cảnh, điều gì tốt thì giữ lại và điều gì xấu hãy tránh cho xa. Tâm tình này cũng là tâm tình Môse nói với Aaron và con cháu ông : Các ngươi hãy chúc lành cho con cái Israel, hãy nói với chúng thế này : Xin Chúa chúc lành cho con và gìn giữ con, xin Chúa tỏ thánh nhan Chúa cho con và thương xót con. Xin ghé mặt lại cùng con và ban bằng yên cho con. Thiên Chúa là Đấng tốt lành, Ngài luôn muốn và làm điều tốt cho con người. Khi Chúa ghé mắt nhìn đến ai là Ngài yêu thương, quan phòng, che chở và bảo vệ người ấy, giống như Ngài đã ghé mắt đến Apbraham, Isaac và Giacóp để làm cho các ông trở thành các tổ phụ vĩ đại. Ngài đã ghé mắt đến vua Đavít từ khi ông còn là một đứa trẻ theo sau đàn vật để dẫn đưa ông trở thành một vị vua của Israel. Ngài đã ghé mắt đến Đức Maria để làm cho Mẹ trở thành một tạo vật tuyệt hảo nhất trong mọi tạo vật.

Để được Chúa ghé mắt đến, được Chúa chúc lành, mỗi người phải dám sống những đòi hỏi của các mối phúc mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng. Ngày hôm nay, con người dường như tìm kiếm và chạy theo tiền bạc, của cải. Trong khi chúng ta muốn phô trương sự giàu sang phú quý, thì Chúa Giêsu lại mời gọi chúng ta : Phúc cho những ai có tinh thần nghèo khó, vì nước trời là của họ. Lời chúc phúc này cho thấy của cải vật chất ở trần gian cần thiết cho cuộc sống, nhưng nó lại hoàn toàn không thể đem đến hạnh phúc thật cho con người. Chỉ có Thiên Chúa và Nước Trời mới là hạnh phúc thật, mà chỉ những người có tâm hồn khiêm nhường, nghèo khó, khao khát thì mới tìm được. Ngày hôm nay, cuộc sống cạnh tranh khốc liệt, kẻ mạnh là kẻ thắng thế, kẻ giàu có là người có tiếng nói, kẻ nắm giữ quyền lực là người chi phối người khác. Chúa Giêsu lại chúc phúc cho những người sống hiền lành. Chỉ những người hiền lành, trong lòng không chất chứa sự gian ác, sống ngay thẳng thật thà, đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa, không chạy theo danh vọng quyền lực, mới là những người xứng đáng được ở trong vương quốc của Chúa. Cũng thế, những người được hưởng phúc lành của Thiên Chúa, được Chúa ghé mắt nhìn đến là những người đau buồn, đói khát điều công chính. Những người này không còn cậy dựa vào quyền lực, sức mạnh thế gian nhưng tìm đến sự an ủi, vỗ về của Thiên Chúa.

Hơn lúc nào hết, trong giây phút giao thừa này, Giáo hội cũng xin Chúa ghé mắt nhìn đến dân Chúa là những người đang thành tâm chạy đến với Chúa. Đến với Chúa trong giờ phút này là chúng ta đang muốn nói lên tâm tình tin tưởng, phó thác và biết ơn vì từng hơi thở, từng nhịp sống của ta là do bởi Chúa điều khiển và quan phòng.

Đến với Chúa trong giờ phút này, để mỗi người khi đã nhận ra tình yêu của Chúa, thì cũng biết điều chỉnh lại cuộc đời của mình để sống thân thiết với Chúa hơn trong năm mới. Quyết tâm đến với Chúa thường xuyên hơn qua việc dâng lễ tạ ơn Chúa mỗi ngày, qua việc xưng tội rước lễ.

Đến với Chúa trong giờ phút linh thiêng này để mỗi người nhìn lại gia đình của mình và dám nhận trách nhiệm về mình. Trong ngày đầu năm này, vợ chồng, cha mẹ, con cái cùng chung tay làm mới lại bầu khí của gia đình. Hãy thay đổi cách sống, cách cư xử với nhau, tái lập lại những bữa cơm thân mật xum vầy, tái lập lại những giờ phút bên nhau cùng tạ ơn Chúa bằng việc đọc kinh, cầu nguyện mỗi tối. Vì, hạnh phúc và niềm vui chỉ đến với những gia đình nào kiên trì với Chúa mà thôi.

Chúc mọi người, mọi gia đình ngập tràn niềm vui và nụ cười, bình an và hạnh phúc của Chúa trong Năm nới này. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

.

MỒNG MỘT TẾT:

TẠ ƠN VÀ CẦU BÌNH AN CHO NĂM MỚI

Người Việt Nam chúng ta có một tập tục rất đẹp, đó là sáng sớm mồng một tết, chuẩn bị ít thức ăn hoặc trái cây và một ít hoa tươi, đứng trước Bàn Thiên ở cửa nhà hoặc Bàn thờ Tổ tiên trong gia đinh để thắp lên một nén nhang với lòng thành biết ơn trời đất và tổ tiên ông bà.

Đối với người Việt Nam Công Giáo, tập tục tốt đẹp ấy được thể hiện trong giờ phút đầu tiên của năm mới này. Chúng ta họp nhau nơi đây không phải trước Bàn Thiên mà là trước tôn nhan Thiên Chúa, để dâng lên Chúa tâm tình Tạ Ơn và cầu xin Chúa ban cho một Năm Mới bình an ; đồng thời, nhìn nhận Thiên Chúa là Đấng điều khiển cả vụ trụ này và tất cả mọi việc xảy ra đều nằm trong sự quan phòng của Thiên Chúa. Cũng vì thế, con người luôn luôn cảm thấy mình nhỏ bé và hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa. Sự lệ thuộc vào Thiên Chúa không làm hạ thấp giá trị con người, nhưng lại làm gia tăng phẩm giá của con người. Vì mỗi chúng ta đã được Thiên Chúa yêu thương tạo dựng, cứu chuộc, được nhận làm con và Thiên Chúa còn quan phòng ban cho muôn điều kỳ diệu, tốt đẹp cho mỗi người.

Các bài đọc được chọn cho ngày Mồng Một Tết nhắm đến các ý tưởng ấy. Trước hết, bài đọc sách Sáng Thế nhắc lại cho chúng ta về công trình tạo dựng của Thiên Chúa : Chính Ngài dựng nên trời đất, tinh tú muôn loài và cũng chính Ngài là Đấng điều khiển bốn mùa luân chuyển, thay đổi nối tiếp nhau, làm nên nhịp sống cho con người và phân định thời gian cho vũ trụ. Cũng mặt trời ấy, cũng ánh nắng ấy, nhưng những ngày đầu năm này, mọi sự dường như khác, từ vạn vật đến con người như đang khoác lên mình một bộ áo mới, một sức sống mới của mùa xuân sau những ngày mùa đông lạnh giá. Cũng chính vì thế, mọi người đều muốn bắt đầu một năm mới với một sự đổi mới, một kế hoạch mới và một quyết tâm mới. Song vì con người ý thức được rằng “Mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”, kế hoạch là của mỗi người đưa ra, song sự thành hay bại còn do trời ban hay nói theo ngôn ngữ nhà đạo của chúng ta đó là : Con người cố gắng với hết khả năng của mình, còn kết qủa thì phó dâng cho Chúa. Ý thức như thế để chúng ta không quá cậy dựa vào sức mình, nhưng biết khiêm nhường tạ ơn Thiên Chúa về những thành quả chúng ta đã đạt được và bằng lòng với những gì Chúa ban, đồng thời cầu xin Thiên Chúa chúc lành cho những dự tính của chúng ta trong năm mới.

Trong bài đọc hai, Thánh Phaolô đã khuyên cộng đoàn Philipphê hãy luôn vui mừng và tín thác vào Thiên Chúa. Niềm vui cũng là ước nguyện của ngày đầu năm : Anh em hãy vui luôn trong Chúa ! Tôi nhắc lại một lần nữa : Anh em hãy vui lên… Anh em đừng lo lắng gì hết, nhưng trong khi cầu nguyện, hãy trình bày ước vọng lên cùng Chúa. Như thế có nghĩa là chúng ta sẽ vẫn phải sống và làm việc, vẫn gặp những thành công và thất bại, vui và buồn, nhưng khác ở chỗ là dù trong những hoàn cảnh nào, chúng ta vẫn giữ được niềm vui và sự bình an trong tâm hồn. Niềm vui và sự bình an này là bình an vì có Chúa ở trong chúng ta, và tin rằng Chúa đang điều khiển cuộc đời mình. Chúng ta cũng vẫn phải lo toan cho cuộc sống, song chúng ta không lo lắng theo kiểu của những người không có niềm tin, nhưng lo liệu công việc trong sự trợ giúp của Thiên Chúa và làm mọi công việc thường ngày trong tinh thần cầu nguyện, tin tưởng, phó thác. Khi sống và làm việc như thế, chúng ta sẽ cảm nhận được niềm vui trong chính công việc của mình và sẽ thấy tâm hồn mình thực sự bình an.

Ước nguyện Bình an cho gia đình là một trong những ước nguyện đầu tiên của năm mới. Thế nhưng, để có bình an, mỗi người phải nỗ lực thật nhiều. Trước hết là phải tìm được sự bình an trong tâm hồn. Sự bình an này đến từ Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Đó là sự bình an của một tâm hồn thanh thản trước mặt Thiên Chúa, một tâm hồn được thứ tha và chữa lành nhờ Bí tích Giải tội, luôn sống thuận thảo với Chúa. Chúng ta chỉ thực sự bình an khi không để mình sống trong tình trạng thù nghịch tội lỗi trước mặt Thiên Chúa, siêng năng gặp gỡ Thiên Chúa trong công việc, trong cầu nguyện và trong các việc phụng thờ Thiên Chúa.

Kế đến là sự bình an đối với nhưng người chung quanh, tức là phải dám gỡ khỏi tâm hồn mình những bất hòa, những bất đồng và xung khắc đối với vợ chồng, cha mẹ, con cái, anh em, láng giềng. Bước đến với nhau trong sự tha thứ, làm hòa và thông cảm, đây cũng là nét đẹp của người Việt Nam. Năm mới, cũng cần phải đổi mới lại tương quan tình nghĩa giữa những người thân và anh em, gạt bỏ đi những tranh chấp để đến với nhau và nhìn nhau một cách chân tình hơn, hãy can đảm nói với nhau một lời xin lỗi và tha thứ.

Ước nguyện bình an trong công việc là một ước nguyện thật tốt, vì ai làm nghề gì thì cũng mong muốn được thuận lợi, bình an. Bình an ở đây không chỉ là tránh khỏi rủi ro tai nạn, mà còn ước mong bình an trong mọi việc. Sự bình an này chỉ có ở những con người có những cách làm việc tôn trọng sự công bằng và bác ái, tôn trọng sự thật, không gian dối, không lừa đảo và biết tôn trọng quyền lợi của người khác. Kinh doanh buôn bán với một lương tâm ngay thẳng như thế thì mới có được sự bình an trong công việc và bình an trong tâm hồn.

Thịnh vượng là một trong những ước nguyện đầu năm, giàu có sung túc là một ước muốn tốt đẹp. Theo truyền thống của Kinh Thánh thì sự giàu sang còn là dấu chỉ chúc lành của Thiên Chúa. Thế nhưng làm giàu bằng cách nào và sử dụng sự giàu sang Chúa ban như thế nào mới là điều quan trọng.

Bài Tin Mừng hôm nay chỉ cho chúng ta cách thế sống và vui hưởng những của cải Chúa ban, đó là tin tưởng và phó thác tất cả cho Chúa : Đừng lo lắng cho ngày mai vì ngày mai sẽ lo cho ngày mai. Nói như thế không có nghĩa là chúng không lo lắng và không suy nghĩ đầu tư. Chúng ta không được phép ỷ nại vào sự quan phòng của Chúa để lười biếng, nhưng cũng đừng lo lắng quá mức về cái ăn cái mặc cho ngày mai, như kiểu của người không có niềm tin : Chúng ta sẽ ăn uống gì mặc gì ? Trái lại, chúng ta biết lo liệu và tin rằng Thiên Chúa là cha, Ngài biết những nhu cầu, những ước muốn của chúng ta ngay trước khi chúng ta mở miệng cầu xin và Ngài sẽ trợ giúp chúng ta. Vì thế, hãy sống thật tốt giây phút hiện tại của ngày hôm nay và vui hưởng những gì Chúa ban cho ngày hôm nay.

Chúa vẫn lưy ý chúng ta rằng dù ăn gì, uống gì và làm gì thì cũng vẫn cần có một ưu tiên tuyệt đối đó là : Tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn các điều khác Chúa sẽ ban cho. Tìm Nước Thiên Chúa và sự công chính có nghĩa là lo tìm kiếm và làm giàu trước mặt Thiên Chúa ; đừng chỉ làm giàu của cải vật chất, nhà cửa xe cộ mà để mình nghèo nàn công phúc trước mặt Chúa. Nhiều người cầu nguyện đầu năm cho gia đình mình thịnh vượng vật chất, mà quên cầu xin cho mình và gia đình được giàu có thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa. Làm giàu trước mặt Thiên Chúa là làm nhiều việc lành và công phúc, việc lành ở đây chính là những việc tông đồ, bác ái, là công việc phục Chúa và phục vụ anh em. Làm giàu trước mặt Chúa còn là những việc hy sinh thầm lặng, hy sinh tiền của, thời giờ, sức khỏe cho Chúa. Những công việc cụ thể như thế sẽ làm cho chúng ta trở nên giàu có, thịnh vượng trước mặt Thiên Chúa.

Cầu chúc cho mọi người, mọi gia đình một Năm Mới đầy tràn Bình an của Chúa và sự Thịnh vượng, không chỉ của cải vật chất mà là thịnh vượng, giàu có của cải thiêng liêng trước mặt Thiên Chúa. Cầu chúc cho mọi gia đình luôn hạnh phúc vì có Chúa ở cùng. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

.

MỒNG HAI TẾT:

BIẾT ƠN TỔ TIÊN – ÔNG BÀ CHA MẸ

Tết là ngày xum họp gia đình, là dịp mọi người dù đi làm ăn nơi phương xa thì cũng thu xếp để kịp về nhà vào những ngày này để quây quần bên nhau. Có dịp đi dọc quốc lộ trong những ngày vừa qua có thể thấy được sự khao khát trong ánh mắt của anh chị em công nhân chờ đón những chuyến xe cuối năm đề trở về nhà. Chính vì khao khát bằng mọi giá phải có mặt ở nhà dịp tết mà nhiều khi họ chấp nhận bị nhồi nhét trên những chiếc xe chật chội, cũ kỹ. Trở về nhà trong dịp đầu năm là về với gia đình, về với mẹ cha, dù nhiều người cha mẹ, ông bà đã không còn, nhưng họ vẫn muốn trở về ngôi nhà tổ, nơi ông bà cha mẹ đã từng sinh sống để thắp lên một nén nhang, để bày tỏ tấm lòng thành của con cháu biết ơn mẹ cha.

Giáo Hội đã dành ngày mồng hai tết để dạy chúng ta biết ơn các bậc sinh thành, dưỡng dục ; nhắc chúng ta nhớ đến các bậc tổ tiên, những người đã khuất và bày tỏ lòng hiếu kính đối với ông bà cha mẹ là những người còn đang sống. Đã từ lâu, do cách sống và giải thích sai của người có đạo, khiến nhiều người ngoại đạo nghĩ rằng : người Công giáo là những người bất hiếu, không thờ cúng ông bà tổ tiên. Chúng ta nghĩ gì khi người ngoại trách chúng ta như thế ? Và, chúng ta cần phải sửa lại cách sống thế nào để giải thích cho mọi người về giáo lý của đạo chúng ta ?

Người Công giáo có được “thờ cúng ông bà tổ tiên” hay không ? Tức là, cúng giỗ ông bà có được phép hay không ? Thưa – thờ cúng ông bà là bổn phận thảo hiếu buộc tất cả mọi người có đạo cũng như không có đạo phải chu toàn. Việc thờ cúng ông bà hoàn toàn khác với việc thờ phượng Thiên Chúa. Thờ cúng công bà là đòi buộc của đạo làm con, đạo làm người. Vì đạo làm người, đạo hiếu, đạo làm con là đạo đức căn bản trong đời sống nhân bản của con người. Ai không chu toàn bổn phận đạo hiếu, đạo làm người, thì không thể chu toàn đạo nào khác được. Vì thế, việc thờ cúng ông bà, việc tổ chức cúng giỗ tổ tiên là việc bổn phận phải làm của mọi người, còn cách thức làm như thế nào thì tùy thuộc vào tập tục văn hóa của mỗi vùng, mỗi gia đình.

Đối với người Công Giáo, việc thờ cúng tổ tiên và chu toàn đạo hiếu, đạo làm con còn là đòi buộc của giới răn thứ bốn : Thảo kính cha mẹ. Trong mười giới răn của đạo Chúa, ba giới răn đầu là những đòi buộc về những bổn phận đối với Thiên Chúa, còn bảy giới răn sau là những đòi buộc trong tương quan đời sống con người thì giới răn thứ bốn đứng đầu trong bảy giới răn này. Điều đó cho thấy bổn phận thảo kính cha mẹ là bổn phận đầu tiên của con người. Cũng như các giới răn khác, khi xúc phạm đến giới răn thứ bốn này, thì cũng là một trọng tội trước mặt Thiên Chúa và là sự xúc phạm trực tiếp đến chính Thiên Chúa.

Chính vì thế, ngày mồng hai tết hôm nay, các bài đọc nhắc cho chúng ta về những đạo lý và bổn phận căn bản của con người, đó là thảo hiếu, biết ơn ông bà cha mẹ, những người còn sống và đã qua đời. Bài đọc một sách Huấn Ca nhắc nhở rằng : Chúng ta hãy ca tụng các bậc tiền nhân, có những người đã ra đi mà không được con cháu nhớ đến nữa, nhưng có những người vẫn còn lưu danh cho hậu thế vì công phúc của họ đã để lại. Người Việt nam nói rằng : Cha mẹ hiền lành để đức cho con, và nhiều người vẫn tin rằng, họ đang được hưởng phúc lộc của ông bà. Như thế, trong chúng ta ngồi đây, ai cũng được thừa hưởng phúc lộc từ nơi cha mẹ ông bà của mình, ai cũng đang mang trong mình một món nợ ân tình của mẹ cha.

Kể sao hết được những món nợ ân tình ấy. Trước hết, chúng ta đang mang trong mình dòng máu và sự sống của cha mẹ. Thiên Chúa đã cho cha mẹ chúng ta cộng tác với Ngài trong việc sinh ra chúng ta, trao tặng chúng ta sự sống. Vì món quà sự sống mà mỗi người đang có là từ Thiên Chúa được trao qua mẹ cha nên ơn sinh thành là ơn trời biển mà phận con cái không sao có thể đáp đền mẹ cha cho cân xứng. Kế đến là sự dưỡng dục và tình yêu thương cha mẹ dành cho con cái. Chính vì tình yêu thương, vì lo cho con cái có cơm ăn áo mặc mà cha mẹ phải lặn lội, vất vả sớm hôm. Kể sao hết những nỗi nhọc nhằn, những giọt mồ hôi vất vả người cha phải chịu. Đong sao hết những tháng ngày vất vả của mẹ : chín tháng cưu mang, ba năm bú mớm và cả một đời yêu thương con. Những lúc con ốm con đau, những khi con đói vì khát sữa, những đêm con quấy vì mọc răng, biết lẫy, là những đêm mẹ cha mất ngủ. Để nuôi con khôn lớn nên người bằng anh bằng em, thì người mẹ đã phải tần tảo một nắng hai sương, thân cò lặn lội sớm hôm ; người cha phải còng lưng vất vả lo cho con có cái áo, quyển vở đến trường, và bao nhiêu nỗi nhọc nhằn khác nữa.

Vì thế, trong thư gửi cộng đoàn Ephêsô, Thánh Phaolô khuyên nhủ mọi người : Hỡi những bậc làm con, hãy vâng phục cha mẹ trong Chúa, hãy thảo kính cha mẹ, đó là giới răn thứ nhất kèm theo lời hứa : để ngươi được phần phúc và sống lâu trên địa cầu. Điều đó có nghĩa là Thiên Chúa chúc lành và ban ơn cho những ai biết thảo hiếu với cha mẹ ông bà mình. Yêu mến và kính trọng cha mẹ ông bà bằng việc vâng nghe những lời dạy bảo, vì cha mẹ là người thương chúng ta nhất và có kinh nghiệm nhiều hơn chúng ta, nên lời dạy bảo của các ngài là những lời dạy bảo khôn ngoan. Hãy yêu mến thảo hiếu ông bà cha mẹ khi các ngài về già, khi sức khỏe và trí khôn của các ngài giảm sút. Hãy kính trọng, thông cảm, phục vụ và chăm sóc các ngài, vì khi xưa chúng ta còn bé, cha mẹ cũng đã thông cảm, đã ân cần săn sóc chúng ta từng miếng ăn, giấc ngủ như vậy. Khi cha mẹ qua đời, hãy nhớ đến cha mẹ bằng việc đọc kinh cầu nguyện, dâng lễ cho các ngài, vì khi xưa các ngài cũng đã đêm ngày cầu nguyện và âm thầm hy sinh cho chúng ta. Đừng bao giờ tỏ ra vô lễ, bất hiếu với mẹ cha, đừng bao giờ để tuổi già của mẹ cha phải buồn tủi vì những lời nói hay cử chỉ coi thường, xúc phạm.

Cuối cùng, mỗi người hãy sống thảo hiếu hết lòng, đừng nại vào bất cứ lý do gì để từ chối mẹ cha, từ chối bổn phận phụng dưỡng các ngài, để các ngài có thể hưởng một tuổi già hạnh phúc. Mỗi người chỉ có một mẹ một cha mà thôi, đừng để tuổi già của các ngài phải rơi nước mắt vì tủi nhục, vì con cháu bỏ bê, đùn đẩy cho nhau. Những người Do Thái ngày xưa đưa ra một điều luật vô trách nhiệm đối với cha mẹ và đã bị Chúa Giêsu cảnh cáo. Họ đã bỏ giới răn của Thiên Chúa để tuân giữ những tục lệ của nhau. Trong khi Chúa đòi phải thảo kính cha mẹ, thì những thầy luật sĩ lại dạy rằng : Nếu ai tuyên bố với cha mẹ rằng những của tôi có để giúp cha mẹ đã được dâng cho Thiên Chúa rồi, thì không còn phải giúp cha mẹ nữa. Chúa Giêsu đã không chấp nhận thứ tục lệ ấy, vì nó đi ngược lại với đạo làm người, đi ngược lại giới răn Thiên Chúa, và Thiên Chúa cũng không chấp nhận một của lễ dâng tiến bất hiếu như thế.

Ngày tết là ngày của gia đình, là ngày đoàn tụ, ngày trở về với cội nguồn của gia đình là ông bà cha mẹ. Song ngày nay, dường như nét đẹp văn hóa này đang bị mai một bởi cuộc sống kinh tế và lối sống thực dụng. Nhiều gia đình đã vì đồng tiền, tấc đất, mà anh em đánh lộn, chửi bới, mất tình mất nghĩa, không nhìn mặt nhau. Cha mẹ và con cái chỉ vì phân chia chút tài sản mà đi đến giận hờn, hỗn láo. Có nhiều gia đình ngày tết mà cũng không thể tổ chúc được bữa cơm chung xum họp ông bà cha mẹ con cháu. Nhiều cảnh con cái bất hiếu, chửi bới, khinh thường cha mẹ đang xảy ra mà chúng ta có thể chứng kiến. Tất cả những điều ấy đang làm tổn thương các gia đình và làm đổ vỡ các tổ ấm. Nguy hiểm hơn nữa là nó đang tạo ra những gương xấu cho các thế hệ trẻ sau này.

Các bậc làm cha mẹ hãy cố gắng vun đắp cho gia đình mình thực sự trở thành một tổ ấm yêu thương, là nơi mọi thành viên có thể cảm nhận được sự nâng đỡ và cảm thông, chia sẻ. Đừng vì mải mê lo tìm kiếm cơm áo gạo tiền mà quên tìm hạnh phúc cho gia đình. Đừng biến gia đình mình trở thành một nhà trọ sáng đi tối về. Đừng để cho khó khăn cuộc sống cướp đi tiếng cười, tiếng nói trong gia đình. Nhất là các bậc làm cha mẹ đừng để cho rượu chè, cờ bạc, số đề, say sưa làm cho gia đình mình tan nát, làm cho con cái hoảng sợ ; Trái lại, hãy dùng tình yêu thương, lòng đạo đức để vun đắp hạnh phúc và sự ấm cúng cho gia đình.

Còn các bậc làm con, hãy hết lòng yêu mến, kính trọng cha mẹ mình. Đừng để cha mẹ đã khổ sở nhọc nhằn vì cơm áo, lại phải khóc thầm khóc vụng vì ta. Hãy góp phần làm cho gia đình thêm hạnh phúc bằng việc siêng năng học tập và làm việc để chia sẻ gánh nặng với cha mẹ. Hãy trở thành nhưng người con ngoan và đạo đức để làm yên lòng mẹ cha, để cho tuổi già các ngài được vui trọn vẹn.

Xin Chúa, Đức Maria ban cho các gia đình mỗi ngày một thêm ấm cúng, thuận hòa, hạnh phúc hơn. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 .

MỒNG BA TẾT:

VIỆC LÀM VÀ LÀM VIỆC TRONG NĂM MỚI SẼ NHƯ THẾ NÀO ?

Thời báo Tài Chính Việt Nam online cho biết trong năm 2014 vừa qua có 67,8 nghìn doanh nghiệp phá sản hoặc ngừng hoạt động. Tỉnh Đồng Nai năm vừa qua cũng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi nền kinh tế thế giới suy thoái. Một trong những vấn đề chính quyền tỉnh quan tâm đó là có hàng trăm ngàn công nhân mất việc, nghỉ việc vì công ty làm ăn khó khăn, thua lỗ. Con số hàng trăm ngàn người mất việc này sẽ còn ảnh hưởng đến các gia đình và bao nhiêu người khác nữa, chưa kể là vấn đề tội phạm xã hội sẽ tỷ lệ thuận với con số này. Nhìn vào bức tranh kinh tế và công ăn việc làm của cả nước năm qua, con số lạm phát dù có được kìm hãm, nhưng tình trạng nợ nần của Nhà nước khá trầm trọng, đồng tiền mất giá, giá cả các mặt hàng tăng mạnh… Tất cả những thông tin ấy đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của mỗi người, hay nói cụ thể hơn, nó ảnh hưởng đến cái túi, đến bữa cơm của các gia đình. Dịp cuối năm, các công ty, xí nghiệp đều có thưởng, có những người được thưởng cả trăm triệu, nhưng cũng có những ngành nghề chỉ được thưởng mấy ký hạt dưa, hạt bí và có những ngành nghề không được đồng nào…

Vấn đề việc làm ngày càng trở thành vấn đề quan tâm của nhiều người. Có việc làm và làm việc như thế nào lại là chuyện khác ; và việc làm có phù hợp, có thoải mái, có đủ sống hay không lại là chuyện khác nũa. Vấn đề chủ và thợ ngày nay cũng đã trở thành một vấn đề nan giải : chủ thì muốn thu hồi vốn nhanh, lợi nhuận nhiều ; thợ thì muốn lương cao và những điều kiện làm việc thật tốt. … Bài Tin Mừng hôm nay kể cho chúng ta về mối tương quan chủ và thợ :

Có một ông chủ sắp đi xa liền gọi các đầy tớ đến mà trao phó tài sản của ông. Ông chủ này quá tốt, đã tin tưởng trao hết tài sản mình cho công nhân. Ông không đắn đo tính toán, ông cho họ cơ hội để lập nghiệp. Ông cũng rất nhân đạo và biết nhìn người : ông trao cho người này năm nén, người kia ba nén, người khác một nén, tùy khả năng mỗi người. Điều đó có nghĩa là ai có khả năng như thế nào thì ông chủ tạo điều kiện cho như thế, ông không bắt ép họ phải chịu trách nhiệm vượt quá khả năng của mình. Điều ông chờ đợi và đòi ở đầy tớ không phải là chuyện lời hay lỗ, vì ông có thiếu gì đâu, mà là sự chăm chỉ làm việc và làm việc trong sự hăng say, phấn khởi và biết ơn ông. Ông không chấp nhận những người thợ lười biếng, không biết suy nghĩ tính toán, không cố gắng. Câu chuyện cho thấy khi trở về, ông chủ đã gọi đầy tớ đến để tính sổ. Người năm nén sinh lời được năm nén khác, người ba nén cũng vậy. Những người này đều được ông chủ khen là những đầy tớ tốt lành và trung tín vì ngươi đã trung tín trong việc nhỏ, ta sẽ đặt ngươi làm những việc lớn. Sự tín trung với chủ và giữ chữ tín trong công việc chính là điều những người này được khen thưởng.

Trái lại, sự bất tín, biếng nhác, lười suy nghĩ tính toán, ù lì, thụ động là điều không thể chấp nhận, đó là trường hợp của người lãnh một nén. Anh này đã đem chôn giấu nén bạc ông chủ trao, vì anh đã có cái nhìn hoàn toàn sai lạc về chủ của mình. Anh phân bì, cho rằng chủ mình keo kiệt, tham lam, hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không phát, và anh còn mang một thái độ khác nữa, đó sợ hãi thay vì yêu mến, biết ơn ông chủ nên đã chôn giấu nén bạc của chủ. Chính từ cái nhìn không đúng về chủ, nên anh cũng không quan tâm gì đến việc kinh doanh, sinh lời vốn liếng chủ trao. Đối với ông chủ, việc giữ huề vốn nguyên vẹn một nén bạc là không thể chấp nhận, ít ra anh ta cũng phải làm lời theo lãi suất ngân hàng… Ông chủ đã sa thải anh vì anh biếng nhác, không suy nghĩ, không tính tóan để làm sinh lời vốn liếng chủ trao.

Qua thái độ của ông chủ và những người đầy tớ trong câu chuyện Tin Mừng, Chúa Giêsu đã chỉ cho thấy Thiên Chúa chính là ông chủ tốt lành. Ngài ban cho mỗi chúng ta những khả năng và tài năng khác nhau. Ngài còn tạo cho chúng ta nhiều cơ hội để làm phát triển các khả năng và tài năng đó. Ngài muốn chúng ta làm việc hết mình với lòng biết ơn và yêu mến Ngài. Ngài chờ đợi chúng ta biết tận dụng thời giờ để sinh lời những gì chúng ta đã nhận được từ nơi Chúa. Nén bạc Chúa trao cho chúng ta hôm nay có thể là thời giờ, sức khỏe, tuổi trẻ, tài năng và kể cả của cải vật chất nữa. Chúng ta đã nhận được gì thì chúng ta phải sinh lời gấp đôi, gấp ba những cái chúng ta đã nhận. Có những người Chúa ban cho nhiều cơ hội nhưng vì lười biếng hoặc chần chừ, thụ động nên đã để vuột mất cơ hội ấy ; trong khi đó, có những người đã nắm bắt cơ hội và đã sinh lời cho bản thân và cho gia đình của mình.

Bài đọc một cho thấy, vốn liếng Thiên Chúa trao cho con người nói chung và cho mỗi người nói riêng luôn phù hợp với khả năng mỗi người. Vũ trụ, trái đất này cùng mọi sinh vật, tài nguyên, khoáng sản trong đó là của Thiên Chúa, do Chúa dựng nên và làm chủ. Thế mà, Thiên Chúa đã trao tặng hoàn toàn cho con người, với chỉ một mong muốn là con người làm cho nó ngày càng tốt đẹp hơn. Không chỉ trao cho con người tài sản vật chất, Thiên Chúa còn trao cho con người làm chủ và chịu trách nhiệm chăm sóc cả khu vườn Êden, vườn thượng uyển của Chúa, là nơi hạnh phúc. Adam, Eva, tổ tông của chúng ta, đã đứng ra nhận tài sản của Thiên Chúa. Thế nhưng, hai ông bà không khác gì người đầy tớ lãnh một nén bạc, đã chôn giấu tài sản của Thiên Chúa, đã làm tổn hại đến tài sản là hạnh phúc, đã hủy hoại sự cân bằng trong vũ trụ và trong tâm hồn mình, làm cho vũ trụ nên gai góc và chai đá vì tội bất tuân, nghi ngờ Thiên Chúa và phản bội lại sự tín trung, nên đã để mình và con cháu bị loại ra ngoài.

Bài đọc một còn cho thấy Thiên Chúa của chúng ta như một người thợ. Ngài hăng say, tận tụy làm việc để tạo dựng nên vũ trụ. Đặc biệt, Thánh Kinh diễn tả Thiên Chúa như người nghệ sĩ làm việc đổ mồ hôi, để tạo nên tác phẩm tuyệt đẹp là con người. Nếu Thiên Chúa của chúng ta là một Thiên Chúa luôn làm việc, thì con người cũng phải biết làm việc, vì làm việc giúp chúng ta nên giống Thiên Chúa. Khi làm việc, chúng ta đem lại sự tốt đẹp cho vũ trụ, đem lại sự no cơm ấm áo, hạnh phúc cho con người. Đó là chúng ta đang sinh lời cho Thiên chúa và đang cộng tác với Thiên Chúa trong việc tạo dựng cũng như tô điểm cho vũ trụ này thêm tốt đẹp hơn. Như thế, khi chúng ta hủy hoại môi trường xung quanh, làm cho nó ra ô nhiễm, bẩn thỉu là chúng ta đã không trung tín với Thiên Chúa và gây tổn hại đến tài sản của Ngài.

Không dừng lại ở đó, việc làm và làm việc còn là cách thế để chúng ta bày tỏ sự tín trung, lòng yêu mến, biết ơn của chúng ta với Chúa. Làm việc cũng là cơ hội chúng ta thực thi đức bác ái. Thánh Phaolô nhắc chúng ta một thái độ làm việc khác quan trọng hơn, đó là làm ăn, tìm kiếm của cải vật chất để tự mình nuôi sống bản thân, làm tăng phẩm giá con người và còn để chia sẻ, giúp đỡ những người thiếu thốn, vì : Cho thì có phúc hơn là nhận. Chung ta đã lãnh nhận rất nhiều từ Thiên Chúa nên chúng ta cũng cần phải rộng mở đôi tay để cho đi và chia sẻ.

Ngày Mồng Ba Tết là ngày thánh hóa công ăn việc làm, có nghĩa là chúng ta xin Chúa giúp chúng ta biết thánh hóa công việc làm của mình. Chúng ta xin Chúa giúp chúng ta sống và làm việc theo giáo huấn của Chúa, làm việc trong công bình và bác ái : người chủ thì biết tôn trọng sự công bằng và quyền lợi người thợ ; người thợ cũng phải biết tôn trọng quyền lợi của chủ. Tất cả mọi người làm việc trong ý thức rằng : Thiên Chúa tín nhiệm và trao phó tài sản của Ngài cho ta và chúng ta chỉ là người quản lý, vậy nên ta phải biết tận dụng cơ hội và khả năng Chúa ban để làm việc hết mình trong tinh thần yêu mến, tương thân tương ái.

Cầu chúc cho mọi người có được công việc làm như mong muốn và làm việc thật hiệu quả, đem lại cuộc sống ấm no và hạnh phúc, đồng thời góp phần làm cho môi trường sống mỗi ngày tốt đẹp hơn. Amen.

Lm. Giuse Đỗ Đức Trí – Gp. Xuân Lộc

 

 

 

 

Exit mobile version