SUY NIỆM Lời Chúa Các bài suy niệm các ngày Tết Ất Mùi 2015 của Lm....

Các bài suy niệm các ngày Tết Ất Mùi 2015 của Lm. Dương Đức Hưng

PHÚT LINH THIÊNG

Giao thừa Ất Mùi. Ds 6,22-27; Tx 5, 16-26.28; Mt 5,1-10

 

Dù người ta có bạo dạn như từng trêu ma, chọc quỷ thần, thì cũng phải kiêng nể chốn linh thiêng nơi nhà chùa, nhà thờ, sẽ không nghịch phá. Có thể các em bé đơn sơ thiếu kinh nghiệm, các em cũng hiểu, ta nên xin một ân huệ vào lúc bố mẹ đang vui, hoặc cần né tránh khi bố mẹ đang nóng giận. Dù ai không thích hoàng hôn hay rất sợ bóng tối thì họ cũng phải chấp nhận để cho mặt trời khuất lấp, rồi họ sẽ đón chờ ngày mới, vì đó là qui luật !

Có thể nhiều người chưa hài lòng, còn luyến tiếc với một ngày cuối cùng đang qua đi, 365 ngày đã hết, nhưng họ vẫn có quyền hy vọng để đón phút giao thừa đón một năm mới với đầy ước nguyện….. Tối đêm nay cũng là đêm tàn, ngày qua đi, dù hối tiếc hay đang mong chờ thì thời gian 12 kỳ trăng tàn sao lặn coi như kết thúc để nhường cho giao thừa đã điểm. Thời khắc cuối của Giáp Ngọ qua đi, và năm Ất Mùi sắp tới, mỗi người lúc này không còn vội vã với thời gian nữa, người Tín hữu chúng ta qui tụ về ngôi thánh đường rất linh thiêng vì Chúa Xuân đã về.

Phút giao thừa sẽ ghi nhận có những người tự tin với công việc làm ăn thuận lợi, có những người nuối tiếc vì lỡ nhịp làm ăn, để phó thác cho dự định kế hoạch, cho toan tính ở phía trước. Khi nói đến hên xui, họa phúc, nhiều người cũng nghĩ tới câu nói của tiền nhân : hoạ vô đơn chí, phúc bất trùng lai, nghĩa là hoạ chẳng mấy khi đến một lần, mà dịp may chẳng lặp lại nhiều lần trong năm. Vẫn có những cái phúc tưởng chừng nhỏ bé mà xuýt nữa chúng ta bỏ qua, đó là mỉm cười với nhau, có những cái phúc to lớn, vĩ đại như khỏe mạnh, bình an…., ta lại thiếu quan tâm !

Phút giao thừa sắp tới, xuân đang về trên quê hương, lòng người dù còn bề bộn, nhưng niềm vui của mùa xuân làm ta trở nên khác thường, do ta quan niệm thành công nhiều, ít, đơn giản vậy thôi. Văn hào Victor Hugo có câu khá tế nhị : Đừng khi nào cười kẻ đau khổ, và đôi khi nên đau khổ với kẻ đã cười. Dù bạn đang mất hay đang được, vẫn cần đến điểm căn bản đó là hãy bình tĩnh. Thời gian không thuộc quyền hạn con người, nhưng ai cũng được hưởng quỹ thời gian đồng đều : không thiếu một phút, không hụt một giây. Với quỹ thời gian đó, có người làm điều ác, có người dùng làm điều thiện, có người bỏ qua lãng phí, có người biết vận dụng, làm lợi…, mức độ và cách sử dụng khác nhau. Phúc và họa là do chính mình sử dụng nén bạc, thời gian thế nào ?

Tin mừng mà chúng ta vừa nghe thường gọi là “tám mối phúc”. Rất tự nhiên vì Lời Chúa hôm nay gợi cho ta suy nghĩ về vấn đề hạnh phúc. Có người cho rằng hạnh phúc tùy thuộc tiền tài danh vọng của mình, có người lại cho rằng hạnh phúc phát xuất từ khỏe mạnh, không quá dốt là được. Người khác lại quan niệm hạnh phúc là không túng nghèo đói rách, chỉ cần thế thôi. Còn chúng ta ở đây, hẳn sẽ nghĩ hạnh phúc là được làm con Chúa, được Chúa yêu thương.

Biết bao kinh nghiệm : tài năng, địa vị, tiền của, nhưng chưa chắc đã là hạnh phúc, bởi vì tiền nhân vẫn khuyên dạy con cháu : trồng cây chua, ăn quả chua, còn trồng trái ngọt sẽ thu hoạch quả ngọt. Nếu muốn trổ sinh hoa thơm trái ngọt thì chưa đủ, mà ta phải cộng tác thế nào để được hạnh phúc Chúa ban, tức là mỗi người phải tín thác vào tình yêu Chúa quan phòng. Phút giao thừa lát nữa đây cũng là phút linh thiêng, là cột mốc để bước và năm mới Ất Mùi, còn gợi lên ý nghĩa : con người sẽ nhớ tới Đấng là Mùa Xuân vĩnh cửu, nhớ tới Đức Kitô, Đấng hằng ban phát tình yêu thương.

Người xưa có câu : không trải qua hoạn nạn đâu đáng gọi là anh hùng. Tuy không có ý vươn lên để nhận lấy danh hiệu anh hùng, nhưng đã làm người, ai mà chẳng khao khát hạnh phúc. Hạnh phúc là “giây phút linh thiêng” mà khi ta đạt được rồi thì không còn ước ao điều gì khác. Chúa Giêsu chỉ rõ đó là được hưởng nếm Nước Trời. Nước trời không bị giới hạn trong những phạm trù không gian và thời gian, nghĩa là không phải đợi đến sau khi chúng ta chết, sau khi chúng ta rời khỏi thế gian này thì mới được hưởng Nước Trời. Mùa Xuân bất tử là hạnh phúc thật mà tinh thần bác ái liên kết ràng buộc giữa người giàu và người nghèo, người thánh thiện và tội lỗi. Giờ phút này, ta hãy tạ ơn Chúa đã ban cho ta một mùa xuân. Xin Chúa ban ơn để chúng ta biết sử dụng 365 ngày trong năm mới theo đúng thánh ý Chúa, để năm Giáp Ngọ đã hết :

Ất Mùi bước qua,

rực rỡ muôn hoa, Đón chào xuân mới.
Phú Quý xin gởi, Đến khắp muôn nơi,
hết thảy mọi người, an khang hạnh phúc.

 

 

SẮC XUÂN

(01. Tết Ất Mùi ) Mt 6, 25-34

Đẹp bởi mầu sắc, dễ chịu vì mùi hương, mọi người đều đã thưởng thức. Ngát thơm và xinh đẹp như Xuân Ất Mùi, là một thời gian 365 ngày trước thềm năm mới, hoặc sống tinh thần của xuân yêu thương trong tự do ! Thông thường chúng ta vẫn có ý niệm hình ảnh đẹp là hoa hậu, là cô dâu, đôi trai tài gái sắc, hoặc người khỏe mạnh tài giỏi. Nhưng nếu được hỏi trong lúc này, thì nhiều người sẽ trả lời mùa xuân đẹp, con người của mùa xuân đẹp. Chúng ta quan niệm hình ảnh đẹp vì chúng bắt mắt dễ coi; chúng ta có ý tưởng mùa xuân đẹp vì sự ấm áp tình người, của sự tươi mới linh thiêng ngày Mùng Một TẾT. Vì quá lưu tâm đến tiền tài địa vị, vì thường chú ý đến hình thức mà người ta không cảm nhận đủ “cái đẹp toàn diện” hay mùa xuân vĩnh cửu.

Khởi đầu ngày mới hôm nay, chúng ta lại hướng tới cái đẹp, cái mới, như một bảo đảm cho mùa xuân trọn vẹn, như một chắc chắn cho hạnh phúc thực sự, nếu ta đặt tình yêu vào Chúa Xuân lúc này. Quần áo mới cũng làm cho con người mới, có hoa mai, hoa đào, có bánh trưng dưa hành, câu đối đỏ mới thực là tết, nhưng đó chỉ là cái “TẾT” bên ngoài, và bao lâu chưa có TẾT bên trong lòng, ta chưa thể an vui được. Lời Chúa mà chúng ta vừa nghe, Chúa Giêsu dạy đừng lắng lo sự đời, vì có ưu tư tới đâu cũng không thể kéo dài đời mình lấy một vài gang tấc, hãy ý thức chúng ta quí hơn chim, hơn hoa đồng nội….

Chúa Giêsu nhắc chúng ta nên làm gì để được Nước Thiên Chúa, được sự công chính, còn những việc khác Chúa sẽ ban, đúng là để thoát khỏi sự lắng lo sự đời, mỗi người phải đủ ơn Chúa. Nhiều người thắc mắc, tại sao cha ông ta có tới 9 đến 10 người con mà vẫn nuôi ăn học được, rõ ràng điều kiện kinh tế thời ấy rất khó khăn, trong khi hôm nay, các gia đình thường chỉ có 2 đến 3 con mà vẫn đầy lo lắng !

Người trẻ hôm nay bái phục tiền bối của mình, sao các ngài có thể chịu đựng nhau được, không than thân trách phận cho dẫu bố mẹ chồng khó, vật chất túng thiếu đến đâu, họ vẫn một lòng thủy chung với nhau ? Thực ra đói ăn đói mặc là đáng sợ, nhưng đói tình yêu thương thì khủng khiếp, vì lúc ấy người ta dễ cư xử với nhau theo “luật rừng”, không còn chú ý đến tình đến lý nữa ! Bước vào thềm năm mới, mọi người có quyền hy vọng vào sự thành công, vui khỏe tâm hồn và thể xác, vì Kitô giáo chúng ta vẫn hằng nung nấu tinh thần yêu thương trong cuộc sống…

Người có tình yêu thương của Chúa Giêsu ở mãi nơi tâm hồn là người không còn màng danh lợi thú, là người có phẩm chất của một tông đồ, là người biết cộng tác và đặt niềm tin vào Chúa trên hết mọi sự. Người có tình yêu thương là người có đủ ý chí và nghị lực để chiến thắng khó khăn, cám dỗ, thay vào đó là niềm vui và lạc quan hơn vào Thiên Chúa.

Sự tự tin, hay tâm hồn ngập tràn tình yêu, hoặc cung cách ứng xử biết tín thác, luôn là động lực để ta có mãi xuân tươi trẻ. Xuân tới rồi xuân lại qua, xuân đi rồi xuân lại về, nhưng xuân sẽ ra đi vĩnh viễn mà không thể trở lại, nếu ta để tâm hồn chết đi “vẻ đẹp của mầu, của mùi” yêu thương. Thi sĩ Xuân Diệu có nói :

Xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua,

Xuân còn non, nghĩa là xuân sẽ già,

Mà xuân hết, nghĩa là tôi cũng mất.

Xuân Diệu có cái nhìn sâu sắc về thời gian. Ông thấy rằng thời gian vẫn trôi, trôi đi mà không trở lại. Xuân chỉ trở lại sau 365 ngày, xuân là cái mốc của thời gian, chứ thời gian vẫn trôi : xuân đang tới, nghĩa là xuân đang qua. Xuân Diệu có một cái nhìn đúng về tương quan sự vật : có to thì có nhỏ, có ngắn thì có dài, có đầy thì có vơi, có tròn thì có méo, có trẻ mới có già. Vì thế, xuân còn non ắt là xuân phải già. Thấy trước xuân đi rồi xuân lại về, nhưng cứ mỗi lần xuân về là ta lại thêm một tuổi, cho đến tuổi nào đó, xuân sẽ không trở về nữa : Mà xuân hết nghĩa là tôi cũng mất. Khuôn mặt rạng rỡ, với những bộ áo quần mới, tiền lì xì mới : mọi người đều có ý hướng để thực hiện và trân trọng vẻ đẹp của xuân mới. Cầu chúc mỗi chúng ta đây sẽ giữ mãi được nét xuân an vui trọn vẹn, xuân đầy sắc mầu yêu thương, và lúc nào cũng ngát hương, mạnh mẽ như “Xuân Ất Mùi. Amen.

 

NHỚ CỘI NGUỒN

(Mùng 2 tết) Mt 15, 1 – 6

Con người diễn tả được cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ, biết chăm sóc hiếu thảo với đấng bậc sinh thành là nhờ có tình yêu, đặc biệt biết nhớ đến cội nguồn là do được giáo dục.

Đố ai đếm được vì sao,

đố ai đếm được công lao sinh thành.

Liệu mà thờ mẹ kính cha,

đừng tiếng nặng nhẹ, người ta chê cười.

Vâng, làm người không thể không biết đến đạo hiếu. Sống thảo, sống hiếu, đâu phải bằng môi miệng, nhớ về mẹ cha không có nghĩa gì, nếu chỉ bù lu bù loa, biết ơn sinh thành đâu phải đợi đến lúc cha mẹ mồ yên mả đẹp ở nghĩa trang này. Truyền thống kính nhớ tổ tiên ngày mùng 2 tết, đã trở thành “đạo”, cầu nguyện tại nghĩa trang vào mùng 2, đã có từ lâu lắm rồi, từ sâu thẳm trong lòng người. Đã là con, ai ai mà chẳng được ấp ủ trong tiếng à ơi của mẹ; thế nào chẳng trải qua lúc hồi hộp, chập chững bước ngắn bước dài, bập bẹ gọi “ba”. Bầu trời tuổi thơ bát ngát tuyệt vời, đó là tình mẹ nghĩa cha. Nét bút nào kể hết được công cha, lời thơ nào tả được hết tấm lòng mẹ!

Công cha như núi ngất trời,

nghĩa mẹ như nước tựa ngoài biển khơi.

Núi cao biển rộng mênh mông,

công cha nghĩa mẹ ghi lòng con ơi.

Thật vĩ đại khi các chuyên gia so sánh tình yêu và công ơn của cha mẹ với núi cao, biển rộng. Còn gì có thể cao hơn “núi ngất trời”, còn gì có thể rộng hơn “biển khơi” ? Cha mẹ tần tảo nuôi con tháng ngày, không phải mục đích chờ đợi con đền đáp ân tình, mà chỉ mong sao con khôn lớn nên người hữu ích, chỉ đơn gian thế là cha mẹ hạnh phúc rồi. Sách huấn ca kêu gọi kẻ làm con hãy ca ngợi cha ông mình như những danh nhân, như các bậc anh hùng bởi các ngài luôn sống mật thiết với Chúa, công đức của các ngài không phai mờ, danh thơm của các ngài sẽ mãi lưu truyền hậu thế.

Dù cha ông lúc này không hiện diện cách hữu hình, nhưng các ngài vẫn đang sống và cầu phúc cho con cháu mai giữ được truyền thống “có đạo có đức”, làm rạng danh dòng tộc, bằng nghĩa cử yêu thương …… Chúa Giêsu hôm nay không chỉ lên tiếng bênh vực cho giáo lý thờ Chúa, mà Ngài còn ngụ ý nói Kitô giáo không hề tách biệt việc kính nhớ tổ tiên. Chúa Giêsu trân trọng truyền thống cổ xưa, nhưng Ngài vẫn lưu ý chúng ta đừng quên giới răn căn bản của Thiên Chúa.

Thánh Phaolô khuyên dạy : hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, hãy tôn kính cha mẹ để được phúc, được thọ được an vui ngay tại thời điểm hôm nay và mai sau. Tất nhiên dù cha mẹ không thể hiện được tình yêu thương tốt nhất cho con cháu, thì ta phải nên hiểu là cha mẹ vẫn hằng chuyển cầu ơn phúc của Chúa cho chúng ta.

Vì là Xuân yêu thương, do đó chữ “Đạo” và chữ “Hiếu” luôn nói lên nét độc đáo, cách chung người Việt Nam chúng ta luôn ý thức việc : “sống ôn hoà trọng tình, giàu nghĩa”. Chữ “hiếu” tưởng chừng thật đơn giản nhưng “chữ hiếu” thiếu tâm tình biết ơn, lãng quên, sẽ khiến cha mẹ cô đơn lủi thủi một mình, thì thật là bất hiếu. Là con là cháu, chúng ta có thể làm được điều gì đem lại hạnh phúc cho cha mẹ thì hãy cố gắng làm ngay khi cha mẹ còn ở trên đời với ta.

Xin cùng lập lại với quí ông bà anh chị em đoạn danh ngôn đạo đức mà nhiều người chúng ta vẫn được nghe mỗi dịp xuân về :

Đi khắp thế gian không ai tốt bằng Mẹ

Gánh nặng cuộc đời không ai khổ bằng Cha

Nước biển mênh mông không đong đầy tình Mẹ

Mây trời lồng lộng không phủ kín công Cha

Tần tảo sớm hôm Mẹ nuôi con khôn lớn

Mang cả tấm thân gầy Cha che chở đời con

Ai còn Mẹ xin đừng làm Mẹ khóc, đừng để buồn lên mắt Mẹ nghe con”. 

Mùa Xuân ấm áp không phải là do tiết trời mà chính xác là bởi chữ tình, nghĩa là gia đình qui tụ lại với nhau, và từ trong yêu thương nhớ về Tổ tiên dòng tộc, Thiên Chúa cội nguồn sẽ sớm trở nên gia nghiệp đời đời cho chúng ta. Từ ý niệm”Cây có cội, nước có nguồn“, Chúa Giêsu đưa các luật sĩ biệt phái và chúng ta hôm nay cần ý thức việc thờ kính, người ta không thể tùy tiện tách tình yêu cha mẹ với tình yêu Thiên Chúa. Mùa Xuân là mùa sum họp, con cái anh chị em qui tụ bên bàn ăn, bạn bè thân quen gặp nhau với lời cầu chúc, tất cả chúng ta cùng sống Đạo Hiếu làm người, làm con Chúa. Đền ơn đáp nghĩa biết bao giờ mới đong đủ đong đầy, sống thảo hiếu, sống nghĩa tình không phải chỉ có ngày tết, ngày xuân, nhưng là phải ý thức trung thành với giáo lý của Chúa mãi mãi.

Xin cầu chúc mỗi người biết cách : Làm con cho đáng nên con, trong tròn hiếu đạo ngoài tròn gia danh. Amen.

 Lm. Jos. DĐH. Gp. Xuân Lộc

Exit mobile version