SUY NIỆM Lời Chúa Các bài suy niệm 3 ngày Tết Bính Thân 2016 của Trầm...

Các bài suy niệm 3 ngày Tết Bính Thân 2016 của Trầm Thiên Thu

GIAO THỪA TÂM LINH

(Lễ GIAO THỪA – Tết Nguyên Đán Việt Nam)

Tác giả William E. (“Bill”) Vaughn (1915-1977, người Mỹ, viết cho tạp chí danh tiếng Reader’s Digest) nhận xét rất tinh tế về giao thừa: “An optimist stays up until midnight to see the new year in, a pessimist stays up to make sure the old year leaves – Người lạc quan thức đến nửa đêm để đón giao thừa, người bi quan thức để chắc chắn rằng năm cũ đã qua”. Rất GIỐNG nhau mà lại rất KHÁC nhau. Có cái gì đó khó có thể diễn tả bằng phàm ngôn – và chắc hẳn khiến chúng ta phải suy nghĩ nhiều, đặc biệt là lúc đón giao thừa năm nay!

Theo “Hán Việt Từ Điển Giản Yếu” của tác giả Ðào Duy Anh, “giao thừa” (Hán tự: 交 承) nghĩa là “cũ giao lại, mới tiếp lấy – thời điểm năm cũ qua, năm mới đến”.

Giao thừa là khoảnh khắc rất đặc biệt, thời điểm chuyển giao năm cũ để đón nhận năm mới. Việc đón giao thừa được gọi là Lễ Giao Thừa hoặc Lễ Trừ Tịch. Thời khắc quan trọng này, người ngoại dành để cúng tổ tiên, bói Kiều,… Người Công giáo có thói quen tốt lành là tham dự Thánh lễ Giao thừa để kính thờ Thiên Chúa Ba Ngôi, kính mừng Đức Mẹ và Đức Thánh Giuse, cầu nguyện cho tiền nhân, xin Thiên Chúa thương xót và chúc lành cho năm mới.

Người ta rất tâm linh, hữu thần chứ chẳng vô thần – dù miệng vẫn “mạnh bạo” nói là vô thần. Nếu vô thần thì tại sao lại cầu mong nhiều điều tốt lành cho năm mới, thể hiện qua mâm ngũ quả? Cố che mà không khéo đậy, nói dối quanh nên… lòi đuôi.

Về “niềm tin” thể hiện qua mâm ngũ quả, mỗi vùng miền có thể dùng những loại trái khác nhau. Nhưng kiêng kỵ là các loại trái có tên gọi “na ná” với từ có nghĩa xấu như cam (cam chịu), chuối (chúi đầu, chúi mũi, tức là vất vả). Ngược lại, các loại trái ở Nam bộ được ưa thích như trái thơm (dứa, ý nói thơm tho, danh thơm tiếng tốt), trái sung (sung túc). Đủ một câu thể hiện sự mong ước khiêm tốn gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài (cầu vừa đủ xài); hơn mức đầy đủ thì gồm mãng cầu, dừa, đu đủ, xoài, sung (cầu vừa đủ xài sung).

Với các Kitô hữu thì không tin dị đoan, vì chỉ có Thiên Chúa mới chính là Chúa Xuân đích thực, khogn6 có chuyện “hên, xui” hoặc “may, rủi”. Ngay từ đầu Thánh lễ, Giáo hội dùng lời Kinh Thánh để cầu chúc mọi người trong giây phút giao thừa linh thiêng: “Cúi xin Đấng tạo thành trời đất xuống cho bạn muôn vàn phúc cả từ Núi Thánh Sion” (Tv 134:3).

Chúa Giêsu xác định: “Ngày sa-bát được tạo nên cho con người, chứ không phải con người cho ngày sa-bát” (Mc 2:27). Luật vị nhân sinh, nhân sinh bất vị luật. Nghi thức nhằm phục vụ con người, cũng như luật là để phục vụ con người. Đừng câu nệ hình thức mà “bắt” con người phải phục vụ nghi thức hoặc luật lệ! Đức Chúa truyền cho ông Môsê phải nói với A-ha-ron và các con về “công thức” chúc lành cho con cái Ít-ra-en: “Nguyện Đức Chúa chúc lành và gìn giữ anh em! Nguyện Đức Chúa tươi nét mặt nhìn đến anh em và dủ lòng thương anh em! Nguyện Đức Chúa ghé mắt nhìnban bình an cho anh em!” (Ds 6:24-26). Sao lại phải chúc như vậy? Chính Thiên Chúa giải thích: “Chúc như thế là đặt con cái Ít-ra-en dưới quyền bảo trợ của danh Ta, và Ta, Ta sẽ chúc lành cho chúng” (Ds 6:24-27).

Thật tuyệt vời vì chúng ta luôn được Thiên Chúa quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ, bảo vệ, chúc lành,… Tác giả Thánh vịnh đã từng thắc mắc: “Tôi ngước mắt nhìn lên rặng núi, ơn phù hộ tôi đến tự nơi nao? (Tv 121:1), nhưng tác giả lại xác định ngay: “Ơn phù hộ tôi đến từ Đức Chúa, là Đấng dựng nên cả đất trời” (Tv 121:2).

Năm cũ vừa giã từ, năm mới vừa sang. Chúng ta hãy thành tâm cầu chúc nhau những điều tốt lành nhất: “Xin Đấng gìn giữ bạn đừng để bạn lỡ chân trật bước, xin Người chớ ngủ quên. Đấng gìn giữ Ít-ra-en, lẽ nào chợp mắt ngủ quên cho đành! Chính Chúa là Đấng canh giữ bạn, chính Chúa là Đấng vẫn chở che, Người luôn luôn ở gần kề. Ngày sáu khắc, vầng ô không tác hoạ, đêm năm canh, vành nguyệt chẳng hại chi. Chúa giữ gìn bạn khỏi mọi điều bất hạnh, giữ gìn cho sinh mệnh an toàn. Chúa giữ gìn bạn lúc ra vào lui tới, từ giờ đây cho đến mãi muôn đời” (Tv 121:3-8). Tất cả đều nhờ ơn Chúa, điều chúng ta cho là “xui xẻo” vẫn khả dĩ là điều tốt lành cho chúng ta. Đau khổ vẫn là Hồng ân của Thiên Chúa.

Giao thừa nhắc nhở chúng ta phải biết xin lỗi Chúa và tha nhân về những lỗi lầm trong năm cũ, đồng thời cũng phải biết tạ ơn về bao ơn lành mà Thiên Chúa đã trao ban suốt năm qua và cầu xin Ngài ban thêm ân phúc cho năm mới. Thánh Phaolô mời gọi khuyến khích: “Anh em hãy vui mừng luôn mãicầu nguyện không ngừng. Hãy tạ ơn trong mọi hoàn cảnh. Anh em hãy làm như vậy, đó là điều Thiên Chúa muốn trong Đức Kitô Giêsu” (1 Tx 5:16-18). Và rồi thánh nhân cũng nhắc nhở: “Anh em đừng dập tắt Thần Khí. Chớ khinh thường ơn nói tiên tri. Hãy cân nhắc mọi sự: điều gì tốt thì giữ; còn điều xấu dưới bất cứ hình thức nào thì lánh cho xa” (1 Tx 5:19-22).

Thánh Phaolô tiếp theo cầu chúc: “Nguyện chính Thiên Chúa là nguồn mạch bình an, thánh hoá toàn diện con người anh em, để thần trí, tâm hồn và thân xác anh em được gìn giữ vẹn toàn, không gì đáng trách, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, quang lâm. Đấng kêu gọi anh em là Đấng trung thành: Người sẽ thực hiện điều đó. Chúc anh em được đầy ân sủng của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta” (1 Tx 5:23-24 và 28). Lời cầu chúc thật tốt lành, thánh đức

Trong cuộc sống, ai cũng khao khát được tận hưởng niềm hạnh phúc viên mãn. Có nhiều dạng hạnh phúc theo quan niệm của mỗi người, mỗi vùng, mỗi miền, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, có một điều phúc thật mà đôi khi chúng ta hay quên hoặc chưa thực sự lưu tâm, đó chính là điều mà Chúa Giêsu đã mặc khải cho mọi người: “Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa” (Lc 11:28).

Tin Mừng đêm Giao thừa là trình thuật Mt 5:1-10, đoạn nói về Bát Phúc (Tám Mối Phúc Thật, Hiến Chương Nước Trời, Bài Giảng Trên Núi). Đây cũng là Bản Tuyên Ngôn Độc Lập đầu tiên trong lịch sử nhân loại, ngắn nhất mà súc tích, đầy đủ ý nghĩa nhất, với 8 điều khoản rất dễ thuộc lòng. Đệ Nhất Tuyên Ngôn này đã được chính Chúa Giêsu công bố:

  1. Phúc thay ai có tâm hồn NGHÈO KHÓ, vì Nước Trời là của họ.
  2. Phúc thay ai HIỀN LÀNH, vì họ sẽ được Đất Hứa làm gia nghiệp.
  3. Phúc thay ai SẦU KHỔ, vì họ sẽ được Thiên Chúa ủi an.
  4. Phúc thay ai KHÁT KHAO nên người công chính, vì họ sẽ được Thiên Chúa cho thoả lòng.
  5. Phúc thay ai XÓT THƯƠNG người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.
  6. Phúc thay ai có tâm hồn TRONG SẠCH, vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa.
  7. Phúc thay ai XÂY DỰNG HOÀ BÌNH, vì họ sẽ được gọi là con Thiên Chúa.
  8. Phúc thay ai BỊ BÁCH HẠI vì sống công chính, vì Nước Trời là của họ.

Những người không có niềm tin vào Thiên Chúa, chắc hẳn không thể nào “chịu nổi” vì cả 8 điều mà Chúa Giêsu cho là PHÚC như vậy thì lại “nghịch nhĩ” đối với họ. Sao mà “ngược đời” quá! Để có thể sống theo kiểu “ngược đời” của Chúa Giêsu thì phải cần đến ĐỨC TIN. Và chính ĐỨC TIN chắc chắn sẽ cứu thoát chúng ta nhờ Danh Đức Giêsu Kitô.

Được trở thành Kitô hữu là một ơn gọi, là vào đời làm NHÂN CHỨNG sống đông cho Tin Mừng của Đức Kitô. Tất nhiên chúng ta có thể bị ghen ghét và bị hại – đa dạng, lắm kiểu, nhiều dạng. Thật vậy, Ngài biết trước nên Ngài căn dặn: “Thầy sai anh em đi như chiên đi vào giữa bầy sói. Hãy khôn như rắn và đơn sơ như bồ câu” (Mt 10:16). Con Rắn là loài vừa khôn ngoan vừa xảo quyệt nhất trong các loài động vật. Chính nó đã lừa được Bà Eva bằng lời đường mật, và rồi Ông Adam lại “chết” vì mỹ nhân kế của một phụ nữ “yếu đuối” là chính vợ mình. Chúa Giêsu muốn chúng ta học cái khôn ngoan của con Rắn chứ đừng nham hiểm như nó!

Xuân về, Tết đến, ai cũng “mới lạ” từ tinh thần đến thể lý, cả trong lẫn ngoài. “Khác” tức là đổi mới, là canh tân tích cực để tốt hơn chứ không “biến chất”, và phải mãi mãi như Chúa Xuân: “Đức Giêsu Kitô vẫn là MỘT, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt 13:8).

Năm mới đã khởi đầu, ước gì mỗi chúng ta có những điều quyết tâm mới. Không cần nhiều, hãy cố gắng thực hành 2 điều thôi:

  1. Tâm nguyện như Chân phước Chiara Luce Badano (1971-1970): “Vì Ngài, lạy Chúa Giêsu, nếu Ngài muốn điều đó thì con cũng muốn”. Chị nói “điều đó” là chứng ung thư xương mà chị chịu đựng vì muốn kết hiệp với cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu.
  2. Lời khuyên của Bậc đáng kính Solanus Casey (1870-1957): “Đừng cầu xin có cuộc sống thoải mái, hãy cầu xin trở nên người mạnh mẽ. Đừng cầu xin cho trách nhiệm tương đương với năng lực, hãy cầu xin cho năng lực tương đương với trách nhiệm”.

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin chúc tụng Cha là Chúa Tể càn khôn! Chúng con xin lỗi Chúa về mọi lỗi lầm năm cũ, xin ban Thánh Linh để chúng con biến đổi nên giống Ngài hơn; xin giúp chúng con luôn hướng về Mùa Xuân Vĩnh Hằng trên Thiên quốc. Chúng con cũng xin Chúa lì xì thêm nhiều Hồng Ân để chúng con sống trọn vẹn năm mới, và chúng con cũng xin lì xì cả cuộc đời của chúng con cho Chúa, xin thương thánh hóa và hướng dẫn chúng con đi đúng Đường Tốt Lành, biết sống nhân từ và thương xót như Chúa Cha.

Nguyện xin Đức Mẹ Maria, Đức Thánh Giuse, chư Thần và chư Thánh nguyện giúp cầu thay cho chúng con. Nguyện xin Thiên Chúa chúc lành và ban cho mọi người đều được hưởng trọn vẹn niềm vui Xuân trong dịp Tết này. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.

.

NĂM MỚI, NGƯỜI MỚI

(Mồng Một Tết Nguyên Đán – Cầu Bình An)

Năm mới, người ta chúc nhau theo Anh ngữ: “Happy New Year”. Tương tự, chúng ta có thể chúc nhau: “Happy New You”. Về tâm linh, chúng ta có thể chúc nhau: “Holy New Year”“Holy New You”. Happy là Hạnh Phúc, Holy là Thánh, thiết tưởng đó là điều cần thiết như Chúa Giêsu khuyến cáo: “Hãy hoàn thiện như Cha trên trời” (Mt 5:48). Và đặc biệt hơn đối với Năm Thánh Lòng Thương Xót: “Hãy nhân từ như Chúa Cha” (Mt 6:36).

Năm mới, người mới – Tân niên, tân nhân. Tất cả cần mới và phải mới, biến đổi nên giống Chúa, biến đổi theo ý Chúa và biến đổi vì Chúa.

Tết là thời gian khởi đầu mùa Xuân, mùa đầu tiên trong tứ thời, bát tiết, và là khởi điểm của một năm mới. Theo Hán tự, chữ Tết được phát âm từ chữ “tiết”. Hai chữ “nguyên đán” có gốc chữ Hán: NGUYÊN là “sự khởi đầu”, ĐÁN là “buổi sáng sớm”. Phát âm đúng phải là “Tiết Nguyên Đán”, rồi người ta đọc trại ra là “Tết Nguyên Đán”. Người Trung Hoa gọi là “Xuân Tiết”. Tết Nguyên Đán còn gọi là Tết Cả, Tết Ta, Tết Âm Lịch, Tết Cổ Truyền, hoặc đơn giản chỉ gọi là Tết. Vui Tết thì phải có được sự Bình An thực sự – cả tâm hồn và thể lý.

Tết là dịp tốt để nhớ đến nhau, thăm viếng nhau, cầu chúc điều tốt lành cho nhau – gọi là “tết nhau”. Với các Kitô hữu, người quan trọng nhất chúng ta phải tết là Thiên Chúa. Trong một dịp Tết, Thánh Faustina đã tâm sự với Thiên Chúa: “Lạy Chúa, con cảm tạ Chúa trước về mọi thứ mà lòng nhân từ của Chúa sẽ ban cho con. Con cảm tạ Ngài về những sự thuận lợiân sủng tuôn đổ trên con mỗi ngày như sương mai lặng lẽ, con không thể cảm thấy, không con mắt nào có thể thấy, và chỉ có Ngài và con biết. Con cảm tạ Ngài về mọi điều đó” (Nhật Ký Thánh Faustina, số 1449). Tâm nguyện thật đẹp, tươi màu sắc thánh đức. Ước gì mỗi chúng ta cũng biết tâm nguyện với Thiên Chúa như vậy!

Thiên Chúa là Chúa Xuân tuyệt đối. Cung Chúc Chúa Xuân là điều chúng ta phải thực hiện, dù chúng ta chẳng thêm gì cho Ngài nhưng chính lời cung chúc và cảm tạ đó lại đem lại lợi ích cho chính chúng ta. Vả lại, chính Thiên Chúa đã tuyên phán: “Này đây Ta sáng tạo trời mới đất mới, không còn ai nhớ đến thuở ban đầu và nhắc lại trong tâm trí nữa. Nhưng thiên hạ sẽ vui mừng và luôn mãi hỷ hoan vì những gì chính Ta sáng tạo. Phải, này đây Ta sẽ tạo Giêrusalem nên nguồn hoan hỷ và dân ở đó thành nỗi vui mừng” (Is 65:17-18). Năm mới là một dạng “trời mới đất mới” mà Thiên Chúa tiếp tục cho chúng ta tận hưởng, dù có thế nào thì chúng ta vẫn phải biết cảm tạ Ngài về hồng ân này. Có nhiều người, ngay cả người thân của chúng ta, năm ngoái còn đó mà năm nay không còn được đón năm mới như chúng ta trong giây phút đầu Xuân này nữa. Dĩ nhiên họ có “trời mới đất mới” khác rồi.

Chính Thiên Chúa giải thích: “Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỷ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây, sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây, sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu và người già tuổi thọ không tròn; vì trăm tuổi mà chết là chết trẻ, và chưa tròn trăm tuổi mà chết là bị nguyền rủa. Người ta sẽ xây nhà và được ở, sẽ trồng nho và được ăn trái” (Is 65:18-21). Đó là miền đất hứa được Thiên Chúa tuyển chọn và chúc phúc, cuộc đời trần gian ngày nay không như vậy, nhưng vẫn theo quy luật của Chúa: “Tính tuổi thọ, trong ngoài bảy chục,
mạnh giỏi chăng là được tám mươi, mà phần lớn chỉ là gian lao khốn khổ, cuộc đời thấm thoát, chúng con đã khuất rồi” (Tv 90:10)
.

Tất cả là hồng ân, dù sao chúng ta vẫn phải tạ ơn Chúa: “Lạy Chúa, con xin tán dương Ngài, vì đã thương cứu vớt, không để quân thù đắc chí nhạo cười con” (Tv 30:2). Không chỉ vậy, chúng ta còn phải nói cho người khác biết về lòng thương xót của Ngài: “Hỡi những kẻ tín trung, hãy đàn ca mừng Chúa, cảm tạ thánh danh Người. Người nổi giận, giận trong giây lát, nhưng yêu thương, thương suốt cả đời. Lệ có rơi khi màn đêm buông xuống, hừng đông về đã vọng tiếng hò reo” (Tv 30:5-6).

Không ai lại không cần lòng thương xót của Ngài, vì ai cũng là tội nhân, ngay cả người công chính cũng phạm tội mỗi ngày 7 lần (x. Cn 24:16). Vì thế, chúng ta phải không ngừng kêu xin Ngài, kêu xin ngay từ giây phút đầu năm mới: “Lạy Chúa, xin lắng nghe và xót thương con, lạy Chúa, xin phù trì nâng đỡ. Khúc ai ca, Chúa đổi thành vũ điệu, cởi áo sô, mặc cho con lễ phục huy hoàng. Vì thế, tâm hồn con ca ngợi Chúa, và không hề nín lặng. Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, xin tạ ơn Ngài mãi mãi ngàn thu” Tv 30:11-13). Quả thật, “ngày nào có cái khổ của ngày đó” (Mt 6:34). Đời là thế, trần gian là vậy! Nhưng với tầm nhìn đức tin, cái KHỔ lại là cái PHÚC. Chúa Giêsu đã dùng Thập Giá để tới vinh quang, cái Chết không là chấm hết hoặc bị triệt, mà cái Chết hóa “ngưỡng cửa” bước vào Sự Sống vĩnh hằng. Vâng, cái giá lạnh mùa Đông để chuẩn bị cho mùa Xuân ấm áp, tươi đẹp. Thật kỳ diệu!

Năm mới. Ai cũng muốn mọi thứ đều mới, cả ngoại tại và nội tại. Người Đan Mạch đón năm mới bằng cách mang đĩa đến đập vào cửa nhà hàng xóm. Chủ nhà không tức giận mà còn rất vui, vì họ quan niệm rằng nhiều mảnh vỡ chén đĩa trước cửa nghĩa là gia chủ có nhiều bạn trung thành. Người Philippines đón năm mới bằng cách mặc trang phục có những “chấm tròn”, thực phẩm và trái cây hình tròn cũng xuất hiện trên bàn ăn của họ. Người Philippines quan niệm rằng chấm tròn sẽ mang lại sự phát triển thịnh vượng trong năm mới. Có thể chúng ta thấy kỳ cục, nhưng họ lại hạnh phúc. Nói chung, mọi phong tục tập quán đều muốn thể hiện sự mới mẻ của năm mới.

Thánh Gioan cũng có thị kiến về những cái mới: “Tôi thấy trời mới đất mới, vì trời cũ đất cũ đã biến mất, và biển cũng không còn nữa. Và tôi thấy Thành Thánh là Giêrusalem mới, từ trời, từ nơi Thiên Chúa mà xuống, sẵn sàng như tân nương trang điểm để đón tân lang” (Kh 21:1-2). Có lẽ chẳng ai đẹp như tân nương và tân lang trong ngày cưới, vì họ mới cả thể lý lẫn tâm hồn – họ vui vì hạnh phúc, tức là họ “mới” hơn trước rất nhiều.

Thánh Gioan cho biêt1 từ cái mới này tới cái mới khác. Từ phía ngai có tiếng hô to: “Đây là nhà tạm Thiên Chúa ở cùng nhân loại, Người sẽ cư ngụ cùng với họ. Họ sẽ là dân của Người, còn chính Người sẽ là Thiên-Chúa-ở-cùng-họ. Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt họ. Sẽ không còn sự chết; cũng chẳng còn tang tóc, kêu than và đau khổ nữa, vì những điều cũ đã biến mất” (Kh 21:3-4). Vùng “trới mới, đất mới” của Thiên Chúa thật kỳ diệu, khôn tả. Cái mới thì thường khiến người ta thấy lạ – Việt ngữ nói ghép chung: Mới lạ. Cái lạ có thể là cái rất kỳ lạ.

Cái mới lạ của Thiên Chúa vượt ngoài tầm hiểu của chúng ta. Thật vậy, Đấng ngự trên ngai nói với Thánh Gioan: “Này đây Ta đổi mới mọi sự. Ngươi hãy viết: Đây là những lời đáng tin cậy và chân thật. Xong cả rồi! Ta là An-phaÔ-mê-ga, là Khởi NguyênTận Cùng. Chính Ta sẽ ban cho ai khát được uống nơi nguồn nước trường sinh, mà không phải trả tiền” (Kh 21:5-6). Nước trường sinh là nước hằng sống, chính nước này sẽ biến người ta nên mới hoàn toàn, cả hồn và xác. Đổi mới bên ngoài là điều cần, nhưng đổi mới bên trong còn cần hơn. Làm sao đổi mới? Đây là bí quyết đổi mới: “Ai giữ lời Đức Kitô dạy, thì nơi kẻ ấy, tình yêu Thiên Chúa đã thực sự nên hoàn hảo” (1 Ga 2:5).

Ai tuân giữ lời Đức Kitô là người hoàn hảo. Lời Ngài nhiều lắm, nhưng tóm lại chỉ là yêu thương, tức là biết thương xót. Luật Yêu là Thiên Luật, ngắn gọn lắm!

Trình thuật Mt 5:43-48 cho biết: Một hôm, Đức Giêsu nói với các môn đệ: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Còn Thầy, Thầy bảo anh em: hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em. Như vậy, anh em mới được trở nên con cái của Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính”. Thiên Chúa chí minh và chí công, không thiên vị bất kỳ ai (x. Gl 2:6; Cv 10:34). Là con cái Ngài, chúng ta không thể sống khác. Thánh Giacôbê nói: “Anh em đã tin vào Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, là Chúa vinh quang, thì đừng đối xử thiên tư” (Gc 2:1). Và Thánh Giacôbê giải thích: “Nếu anh em đối xử thiên tư thì anh em phạm một tội bị Lề Luật kết án là kẻ vi phạm” (Gc 2:9). Thật lạ, vì hoàn toàn khác, không như chúng ta tưởng!

Chính Chúa Giêsu cũng đã giải thích cặn kẽ và cụ thể: “Vì nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình thì anh em nào có công chi? Ngay cả những người thu thuế cũng chẳng làm như thế sao? Nếu anh em chỉ chào hỏi anh em mình thôi, thì anh em có làm gì lạ thường đâu? Ngay cả người ngoại cũng chẳng làm như thế sao?”. Quá đỗi chí lý! Chắc chắn không ai có thể biện hộ được gì. Đầu năm, đầu tháng, tết nhất mà nhắc tới vấn đề này thì thật là… “ngại” hết sức, cảm thấy “lùng bùng lỗ tai” lắm, thế nhưng phải vậy thôi. Đầu xuôi thì đuôi mới lọt. Thà mất lòng trước mà được lòng sau. Đầu năm có xác định rạch ròi thì cả năm cứ thế mà xuôi theo. Thế mới là đổi mới, mới từ trong ra ngoài, nhờ đó mà cuộc sống khả dĩ tươi màu như sắc Mai vàng ngày Xuân.

Cuối cùng, Chúa Giêsu vừa mời gọi vừa khuyến cáo, và cũng vừa “bật mí” cho chúng ta cách đổi mới: “Anh em hãy nên hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5:48). Hoàn thiện là đổi mới, chúng ta không đổi mới theo kiểu của mình mà theo kiểu của Thiên Chúa Cha. Quyết tâm đổi mới là lời Chúc Xuân tốt đẹp kính dâng lên Thiên Chúa trong ngày Tết cổ truyền này. Chính nhờ vậy mà chúng ta chắc chắn được Ngài ban cho sự bình an đích thực – bình an cả tâm hồn và thể lý.

Lạy Thiên Chúa Ba Ngôi chí thánh, là Đầu và Cuối của cuộc đời chúng con, xin giúp chúng con biết đổi mới mỗi ngày một hơn theo đúng Thánh Ý Ngài, nên giống Tôn Nhan Thương Xót của Ngài. Chúng con xin phó thác trọn năm mới này cho Ngài, tất cả xin nhờ Ngài, với Ngài và trong Ngài, để mọi sự tốt đẹp từ khởi sự cho đến hoàn thành, và để vinh danh Ngài. Xin ban cho Nước Việt nhỏ bé của chúng con được bình an. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

.

CÔNG CHA, NGHĨA MẸ

(Mồng Hai Tết – cầu cho Tổ Tiên, Ông Bà, Cha Mẹ)

Sách Xuất Hành cho biết mệnh lệnh của Thiên Chúa: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, để được sống lâu trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, ban cho ngươi” (Xh 20:12). Tương tự, sách Đệ Nhị Luật cho biết: “Ngươi hãy thờ cha kính mẹ, như Đức Chúa, Thiên Chúa của ngươi, đã truyền cho ngươi, để được sống lâu, và để được hạnh phúc trên đất mà Đức Chúa, Thiên Chúa ngươi, ban cho ngươi” (Đnl 5:16).

Chúa Giêsu đã nêu gương về đạo Hiếu để chúng ta noi theo. Sau ba ngày lo việc của Chúa Cha, Cậu Hai Giêsu ở lại Đền Thờ khiến Cô Maria và Chú Giuse lo sốt vó, tìm kiếm xuôi ngược suốt ba ngày. Khi gặp cha mẹ, Cậu Hai Giêsu mau mắn “đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài” (Lc 2:51). Ba động từ (đi xuống, trở về, vâng phục) chứng tỏ Đức Giêsu Kitô là Thánh Tử hiếu thảo với Cha Mẹ của Ngài.

Người ta có thể chọn nhiều thứ, kể cả chọn vợ/chồng, nhưng không ai có thể chọn cha mẹ. Vì thế, chúng ta phải có bổn phận hiếu thảo đối với song thân phụ mẫu – dĩ nhiên cũng phải hiếu thảo với ông bà, tiền nhân. Ca dao Việt Nam thật thâm thúy, và cũng là bài học đầu đời cho mọi người từ khi bắt đầu học làm người:

Công cha như núi Thái Sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ, kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con

Chắc hẳn không ai lại không thuộc lòng câu ca dao này. Câu ca dao bình dị mà thâm sâu. Ai cũng có một gia đình, dù là “ông kia, bà nọ” thì cũng vẫn xuất thân từ một gia đình. Công cha, nghĩa mẹ cao cả biết bao! Thật kỳ diệu, vì không phải ngẫu nhiên mà người ta gọi gia đình là Tổ Ấm hoặc Mái Ấm. Dấu hiệu đầu tiên của hạnh phúc gia đình là tình yêu gia đình, chính “ngọn lửa” tình yêu làm cho gia đình ấm áp để trở nên Tổ Ấm thực sự.

Dù là Thiên Chúa, là Tạo Hóa, nhưng khi Đức Giêsu giáng sinh làm người, Ngài cũng sinh trưởng trong một gia đình. Điều đó chứng tỏ gia đình rất quan trọng. Hai tiếng “gia đình” đơn giản lắm, nhưng cũng nhiêu khê lắm. Tiểu thuyết gia kiêm thi sĩ Louisa May Alcott (1832-1888, Hoa Kỳ) nhận xét: “Khả năng tìm được cái đẹp trong những điều nhỏ bé nhất khiến gia đình trở nên hạnh phúc và cuộc đời trở nên đáng yêu”. Sử gia Thomas Fuller (1608-1661, Anh quốc) đề nghị: “Lòng nhân đức bắt đầu từ gia đình nhưng không nên kết thúc ở đó”. Bộ ba Cha-Mẹ-Con là chiếc-kiềng-ba-chân-yêu-thương để “chống đỡ” gia đình trong mọi hoàn cảnh: “Yêu nhau trăm sự chẳng nề, một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng” (Ca dao).

Ngày lễ, tết, và những dịp đặc biệt, nhớ tới công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ và tiền nhân là điều cần thiết. Trên đời này, không có công ơn nào to lớn bằng công ơn cha mẹ, đặc biệt là người mẹ. Chữ Hiếu (mệnh danh là Đạo Hiếu) không thể nào bù đắp chín Đức Cù Lao (*). Cứ tính đơn giản theo nghĩa đen thì cũng thấy không cân xứng: Một chữ không thể so với chín chữ. Con cái chỉ có một chữ mà vẫn không giữ trọn!

Kinh Thi có đề cập đức cù lao của cha mẹ: “Cù lao vu dã” (nhọc nhằn vất vả nơi đồng nội); và “bi ai phụ mẫu, sinh ngã cù lao” (thương thay cha mẹ nhọc nhằn sinh ta).

Dịp đầu Xuân, thời gian đẹp nhất trong năm – cả nghĩa đen và nghĩa bóng, sách Huấn Ca mời gọi: “Giờ đây, chúng ta hãy ca ngợi những vị danh nhân, cũng là cha ông của chúng ta qua các thế hệ” (Hc 44:1). Tại sao? Lý do minh nhiên: “Họ là những người đạo hạnh, công đức của các ngài không chìm vào quên lãng. Dòng dõi các ngài luôn được hưởng một gia tài quý báu đó là lũ cháu đàn con. Dòng dõi các ngài giữ vững các điều giao ước; nhờ các ngài, con cháu cũng một mực trung thành. Dòng dõi các ngài sẽ muôn đời tồn tại, vinh quang các ngài sẽ chẳng phai mờ. Các ngài được mồ yên mả đẹp và danh thơm mãi lưu truyền hậu thế. Dân dân sẽ kể lại đức khôn ngoan của các ngài và cộng đoàn vang tiếng ngợi khen” (Hc 44:10-15).

Ai cũng có cha mẹ, dù cha mẹ có thế nào thì cũng vẫn là người sinh thành dưỡng dục mình. Ai sống có hiếu thì được Chúa chúc lành: “Hạnh phúc thay bạn nào kính sợ Chúa, ăn ở theo đường lối của Người. Công khó tay bạn làm, bạn được an hưởng, bạn quả là lắm phúc nhiều may” (Tv 128:1-2).

Con cái có hiếu thì cha mẹ an tâm, gia đình hạnh phúc: “Hiền thê bạn trong cửa trong nhà khác nào cây nho đầy hoa trái; và bầy con tựa những cây ô-liu mơn mởn, xúm xít tại bàn ăn. Đó chính là phúc lộc Chúa dành cho kẻ kính sợ Người” (Tv 128:3-4). Chắc hẳn ai cũng mong ước như vậy, vấn đề là phải thể hiện cụ thể, đừng nói suông. Tác giả Thánh Vịnh cầu chúc: “Xin Chúa từ Sion xuống cho bạn muôn vàn ơn phúc. Ước chi trong suốt cả cuộc đời bạn được thấy Giêrusalem phồn thịnh, được sống lâu bên đàn con cháu” (Tv 128:5-6). Nguyện chúc mọi gia đình vui hưởng thái bình như Thánh Gia – hôm nay và mãi mãi, đặc biệt trong những ngày Xuân đoàn tụ này.

Thánh Phaolô nhắc nhở những người con về Đạo Hiếu: “Kẻ làm con, hãy vâng lời cha mẹ theo tinh thần của Chúa, vì đó là điều phải đạo.2 Hãy tôn kính cha mẹ. Đó là điều răn thứ nhất có kèm theo lời hứa: để ngươi được hạnh phúc và hưởng thọ trên mặt đất này” (Ep 6:1-3). Và nhắc nhở những người làm cha mẹ: “Những bậc làm cha mẹ, đừng làm cho con cái tức giận, nhưng hãy giáo dục chúng thay mặt Chúa bằng cách khuyên răn và sửa dạy” (Ep 6:4). Bổn phận và trách nhiệm với nhau là điều cần thiết: Con cái đối với cha mẹ, và cha mẹ đối với con cái.

Thứ nhất là cầu nguyện, thứ nhì là hành động. Thánh Phaolô nhắn nhủ: “Theo Thần Khí hướng dẫn, anh em hãy dùng mọi lời kinh và mọi tiếng van nài mà cầu nguyện luôn mãi. Để được như vậy, anh em hãy chuyên cần tỉnh thức và cầu xin cho toàn thể dân thánh” (Ep 6:18-19). Cầu nguyện là việc làm phải liên tục, bất kể thời gian hoặc địa điểm. Thật vậy, cầu nguyện có thể thực hiện ngay tại bàn tiệc, khi đang nói chuyện với người khác, khi chạy xe,… thậm chí ngay khi chúng ta ở giữa một đám đông ồn ào náo nhiệt. Đừng chỉ cầu nguyện khi vào nhà thờ hoặc ở nơi tĩnh lặng, vì cầu nguyện rất dễ: Hướng tâm hồn lên với Chúa, gặp Chúa, có khi không cần nói gì cả. Cầu nguyện liên lỉ là “thói quen” của người sống tâm linh theo tinh thần của Đức Kitô.

Người cha, người mẹ và người con đều sống tâm linh như vậy thì chắc chắn gia đình hạnh phúc, là Tổ Ấm thực sự, ấm trong tình yêu của Thiên Chúa, nóng hổi ngọn lửa thương xót của Thiên Chúa: “Hạnh phúc thay, người kính sợ Chúa, những ưa cùng thích mệnh lệnh Chúa truyền ban. Trên mặt đất, con cháu của họ sẽ hùng cường, dòng dõi kẻ ngay lành được Chúa thương giáng phúc” (Tv 112:1-2). Niềm hạnh phúc thánh đức thật tuyệt vời!

Nước có quốc pháp, nhà có gia phong. Truyền thống là điều nên duy trì – nếu đó là truyền thống tốt đẹp và hợp lòng người. Đừng bao giờ câu nệ!

Trình thuật Mt 15:1-6 cho biết: Bấy giờ có mấy người Pharisêu và mấy kinh sư từ Giêrusalem đến gặp Đức Giêsu và hỏi Ngài: “Sao môn đệ ông vi phạm truyền thống của tiền nhân, không chịu rửa tay khi dùng bữa?”. Ngài trả lời bằng một câu hỏi: “Còn các ông, tại sao các ông dựa vào truyền thống của các ông mà vi phạm điều răn của Thiên Chúa?”. Ngài biết chẳng ai trả lời được nên Ngài lý luận: “Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: ‘Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa’. Như thế, các ông dựa vào truyền thống của các ông mà huỷ bỏ lời Thiên Chúa. Họ chỉ có nước “ngậm tăm”, im như thóc thối, câm như hến.

Có khi chúng ta cũng như bọn Pharisêu đấy, đầu toàn là “đậu hũ” mà bày đặt lý luận để bắt bẻ người khác. Dốt mà chảnh là thế đấy! Không chỉ vậy, chúng ta lấy lý do “vì, bởi, tại,…” mà biện hộ cho mình. Thật nguy hiểm! Thiết tưởng đôi khi chúng ta phải tự xét lại về các động thái của mình, đừng tưởng những gì chúng ta đưa ra đều là vì Chúa, có thể chính chúng ta “chơi ép” Chúa, “điều khiển” Chúa, rồi lại tự tôn bằng các biện hộ đó là Ý Chúa. Lạy Chúa tôi!

Ngày Xuân, dịp Tết, nếu còn cha mẹ, thật hạnh phúc cho bạn, nhưng hãy “động não” một chút: Khi bạn đang uống ly nước giải khát, hãy nghĩ xem cha mẹ thường uống gì. Khi bạn mặc những bộ quần áo đắt tiền hàng hiệu, xin hãy nghĩ xem cha mẹ bạn thường mặc ra sao. Khi bạn thoải mái chi tiêu, hãy nghĩ đến những thứ cha mẹ bạn thường dùng thế nào. Cha mẹ đã vì chúng ta mà bỏ bao công sức, đổ bao hạt mồ hôi, đều chỉ vì mong cho bạn có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Những thứ bạn đang dùng đều là do công sức cha mẹ tạo ra. Xin hãy yêu quý cha mẹ và cố gắng giữ trọn chữ hiếu cho xứng đáng là người con. Hãy hành động ngay khi cha mẹ còn sống, cụ thể là ngay trong dịp Tết này, biết đâu bạn không còn kịp nữa đâu!

Tết đến bình an nhờ Thiên Chúa

Xuân về hạnh phúc với Thánh Gia

Gia đình là nền tảng của xã hội và Giáo hội, là “chiếc nôi” của Lòng Chúa Thương Xót. Gia đình có hạnh phúc là nhờ Thánh Ân của Thiên Chúa.

Thiên Chúa phù trì liên vạn đại

Thánh Gia bảo giám mãi thiên thu

Lạy Thiên Chúa, xin cảm tạ Ngài đã ban cho chúng con có tổ tiên, ông bà và cha mẹ, xin Ngài thương chúc lành cho họ, đặc biệt trong dịp Tết này; xin giúp chúng con biết giữ trọn Đạo Hiếu với Chúa và với ông bà, cha mẹ của chúng con. Xin tình yêu Thánh Gia luôn tràn đầy trong mọi gia đình, hôm nay và mãi mãi. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu, Đấng cứu độ chúng con. Amen.

 

(*) Cù Lao là siêng năng, cần mẫn, nhọc nhằn. Chín đức cù lao: [1] Sinh: Cha mẹ đẻ ra, [2] Cúc: Nâng đỡ, [3] Phủ: Vỗ về, vuốt ve, [4] Súc: Cho ăn, bú mớm; [5] Trưởng: Nuôi dưỡng thể xác; [6] Dục: Giáo dưỡng tinh thần; [7] Cố: Trông nom, nhìn ngắm; [8] Phục: Quấn quít, săn sóc không ngơi; [9] Phúc: Bồng ẵm, gìn giữ, lo cho con đầy đủ, bảo vệ con khỏi bị ăn hiếp.

.

CÔNG LAO VÀ TRÁCH NHIỆM

(Mồng 3 Tết – Thánh Hóa Công Việc)

Mồng Ba Tết, ngày thánh hóa công ăn việc làm. Năm nay lại là Thứ Tư Lễ Tro, ngày khởi đầu Mùa Chay. Cầu xin cho công việc phần xác được tốt đẹp thì chúng ta cũng cần cầu xin cho công việc tâm linh được tốt lành hợp Tháy Ý Chúa.

Công lao và trách nhiệm không thể tách rời. Phần thưởng và bổn phận luôn có mối liên quan lẫn nhau. Có công mới được thưởng, được thưởng vì có trách nhiệm, biết làm tròn bổn phận.

Mồng Ba Tết là ngày cầu mùa, vì Việt Nam là nước nông nghiệp, cần thời tiết tốt, cần mưa thuận gió hòa. Ngày nay, Việt Nam đã công ngiệp hóa, nhân dân làm nhiều ngành nghề, thế nên không chỉ “cầu mùa” mà còn xin ơn “thánh hóa cả công ăn lẫn việc làm”. Tại sao xin cho công việc xuôi xắn? Để mà an tâm tôn thờ Thiên Chúa.

Ngày xưa, đa số dân Việt làm nghề nông, ngày ngày bán lưng cho trời, bán mặt cho đất, đầu tắt mặt tối suốt tháng quanh năm, chưa qua nỗi gian nan này đã gặp nỗi cực nhọc khác, thế mà vẫn nghèo khổ. Tuy vậy, dân Việt vẫn giữ lòng tin và dâng trào “máu” văn chương, thế nên văn học bình dân rất phổ biến câu vè chứa đầy chất tâm linh:

Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Chỉ có Ông Trời mới cứu giúp được chúng ta, chứ chẳng phàm nhân nào làm được gì. Không có mưa từ trời thì lấy gì mà “vắt đất ra nước”? Có thể “thay trời làm mưa” được mấy phút trong một vùng nhỏ bé? Ảo tưởng quá, đúng ra là kiêu ngạo quá!

Ngày qua tháng lại, người ta thường ví von: “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Theo cách phân chia gia cấp thời xưa là: sĩ, nông, công, thương, binh. Kẻ sĩ coi mình là giới trí thức nên phải “ưu tiên” đứng đầu. Nhưng Việt Nam là nước nông nghiệp, thế nên nhà nông lại quyết coi mình trọng hơn nên mình phải là nhất. “Nhất sĩ” nhưng khi bụng đói thì còn “sĩ khí” được hay là phải “chạy rông” mà cầu mong nhà nông cho mượn gạo? Thế là lại “nhất nông, nhì sĩ”. Phải chăng kinh tế vẫn quyết định cuộc sống? Không ăn làm sao sống mà học hành để trở thành “kẻ sĩ” chứ? Có thể lắm, vì người ta nói: “Có thực mới vực được đạo”. Đạo còn phải nhờ kinh tế, huống chi đời! Cuộc sống như một vòng lẩn quẩn, khó xác định rạch ròi cái nào nhất hay nhì. Mỗi người và mỗi thứ đều có một vị trí riêng biệt, không thể tự mãn mà cho mình hơn người khác!

Thánh Phaolô nói rạch ròi: “Mỗi người chúng ta đã nhận được ân sủng tuỳ theo mức độ Đức Kitô ban cho” (Ep 4:7). Thứ tự hoặc cấp bậc do con người đặt ra, chứ đối với Chúa thì ai cũng như ai: “Kẻ trồng hay người tưới chẳng là gì cả, nhưng Thiên Chúa, Đấng làm cho lớn lên, mới đáng kể. Kẻ trồng người tưới đều như nhau, nhưng ai nấy sẽ được thù lao theo công khó của mình” 1 Cr 3:7-8). Rõ ràng, không ai có thể ảo tưởng hoặc “chảnh”, nhưng ai cũng phải có TRÁCH NHIỆM (riêng và chung).

Tất cả thuộc về Chúa, là của Chúa, như Giáo hội đã xác định: “Chính NHỜ Người, VỚI Người và TRONG Người, mà mọi chúc tụng và vinh quang đều quy về Chúa là Cha toàn năng, trong sự hiệp nhất với Chúa Thánh Thần đến muôn thuở muôn đời”. Cầu xin Chúa ban cho mùa màng bội thu và công việc xuôi xắn để an tâm làm bổn phận kính thờ Thiên Chúa trong từng hơi thở của cuộc sống trần gian này.

Thiên nhiên giúp con người tạo phương tiện sinh sống, đó cũng là trách nhiệm với chính bản thân. Sách Sáng Thế nói về thời tiết và mùa màng: “Ngày Đức Chúa là Thiên Chúa làm ra đất và trời, chưa có bụi cây ngoài đồng nào trên mặt đất, chưa có đám cỏ ngoài đồng nào mọc lên, vì Đức Chúa là Thiên Chúa chưa cho mưa xuống đất và không có người để canh tác đất đai. Nhưng có một dòng nước từ đất trào lên và tưới khắp mặt đất” (St 2:5-6).

Thiên Chúa chuẩn bị mọi thứ cho con người, Ngài tạo ra phương tiện sinh sống trước rồi mới tạo dựng con người: “Đức Chúa là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2:7). Nhưng con người phải biết vâng lời, vì vâng lời là thể hiện lòng biết ơn: “Rồi Đức Chúa là Thiên Chúa trồng một vườn cây ở Ê-đen, về phía đông, và đặt vào đó con người do chính mình nặn ra. Đức Chúa là Thiên Chúa khiến từ đất mọc lên đủ mọi thứ cây trông thì đẹp, ăn thì ngon, với cây trường sinh ở giữa vườn, và cây cho biết điều thiện điều ác” (St 2:8-9). Thiên Chúa biết mọi thứ, ngay cả khi con người có ý định, vì thế Ngài không cần thử thách (chứ không phải như chúng ta thường nói vậy), nhưng Ngài muốn con người biết rằng thụ tạo phải tuân phục Tạo Hóa (Tạo Vật), vì “vâng lời trọng hơn của lễ” (1 Sm 15:22; Tv 50:8-9).

Thế nhưng thụ tạo lại “chảnh”, kiêu căng ngạo mạn, quá ngang ngược, coi thường trách nhiệm của mình. Đúng là vừa dại dột vừa ngu xuẩn vì “cóc mà muốn bằng bò”, như triết gia Pascal nói: “Con người không là thiên thần, cũng không là thú vật, nhưng ai muốn làm thiên thần thì sẽ trở thành thú vật”.

Thiên Chúa đã “đem con người đặt vào vườn Ê-đen để cày cấy và canh giữ đất đai” (St 2:15). Cơ ngơi bao la, cho làm chủ các thụ tạo khác, được sướng mà không biết hưởng. Nói về những người không muốn chịu trách nhiệm, ưa nhà hạ, chuyên gia lười biếng, Thánh Phaolô nói: “Ai không chịu làm thì cũng đừng ăn!” (2 Tx 3:10).

Hãy tự kiểm điểm bản thân để có thể biết mình sai mà biết noi gương tác giả Thánh Vịnh thân thưa: “Lạy Chúa là Thiên Chúa con thờ, Chúa muôn trùng cao cả! Ngài khiến mọc cỏ xanh nuôi sống đàn gia súc, làm tốt tươi thảo mộc cho người thế hưởng dùng” (Tv 104:1a & 14ab). Rõ ràng Chúa làm mọi thứ để chúng ta tận hưởng.

Có cực khổ mới quý sự thanh thản, có bị tù rồi mới hiểu rõ giá trị của tự do, có bị áp bức rồi mới chân nhận giá trị của công lý, có vất vả làm lụng thì mới cảm thấy ngon miệng khi ăn uống: “Từ ruộng đất, họ kiếm ra cơm bánh, chế rượu ngon cho phấn khởi lòng người, xức dầu thơm cho gương mặt sáng tươi, nhờ cơm bánh mà no lòng chắc dạ” (Tv 104:14b-15). Mưu sinh nuôi thân là trách nhiệm, nhờ lương thực phần xác mà sống khỏe để thực hiện trách nhiệm về tâm linh.

Muông thú cũ là thụ tạo của Chúa, chúng cũng phải mưu sinh để sinh tồn và cầu xin Chúa: “Đêm trở lại khi Chúa buông màn tối, chốn rừng sâu, muông thú tung hoành. Tiếng sư tử gầm lên vang dội, chúng săn mồi, gào xin Chúa cho ăn. Ánh dương lên, chúng bảo nhau về, tìm hang hốc, chui vào nằm nghỉ” (Tv 104:20-22). Tất nhiên con người cũng phải vậy, nghĩa là tích cực làm trọn trách nhiệm sống của mình: “Đến lượt con người ra đi làm lụng, những mải mê tới lúc chiều tà” (Tv 104:23).

Thánh Phaolô tâm sự: “Giờ đây, tôi xin phó thác anh em cho Thiên Chúa và cho lời ân sủng của Người, là lời có sức xây dựng và ban cho anh em được hưởng phần gia tài cùng với tất cả những người đã được thánh hiến. Vàng bạc hay quần áo của bất cứ ai, tôi đã chẳng ham” (Cv 20:32-33). Ham cái gì của người khác là tham lam, tức là liên quan giới răn thứ bảy: “Chớ lấy của người”.

Thánh Phaolô nói thêm về bổn phận và trách nhiệm giúp đỡ nhau: “Chính anh em biết rõ: những gì cần thiết cho tôi và cho những người sống với tôi, đôi tay này đã tự cung cấp. Tôi luôn tỏ cho anh em thấy rằng phải giúp đỡ những người đau yếu bằng cách làm lụng vất vả như thế, và phải nhớ lại lời Chúa Giêsu đã dạy: CHO thì có phúc hơn là NHẬN” (Cv 20:34-35).

Chúa Giêsu đã dặn dò: “Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được” (Ga 15: 4a & 5). Có Chúa thì chúng ta có thể làm được cả những việc khó mà chúng ta ngỡ như không thể. Trách nhiệm với Thiên Chúa, trách nhiêm với tha nhân, trách nhiệm với bản thân, nào cũng khó, nhưng tất cả sẽ hóa đơn giản và dễ dàng nếu chúng ta làm chỉ vì sáng danh Chúa và cứu các linh hồn chứ không vì bất kỳ thứ gì khác.

Trình thuật Phúc Âm hôm nay nói rõ đến trách nhiệm qua dụ ngôn “những yến bạc” (Mt 25:14-30).

Có người kia sắp đi xa, liền gọi đầy tớ đến mà giao phó của cải mình cho họ. Ông cho người này năm yến, người kia hai yến, người khác nữa một yến, tuỳ khả năng riêng mỗi người. Rồi ông ra đi. Lập tức, người đã lãnh năm yến lấy số tiền ấy đi làm ăn buôn bán, và gây lời được năm yến khác. Cũng vậy, người đã lãnh hai yến gây lời được hai yến khác. Còn người đã lãnh một yến thì đi đào lỗ chôn giấu số bạc của chủ. Sau một thời gian lâu dài, ông chủ đến tính sổ với các đầy tớ và thanh toán sổ sách với họ. Người đã lãnh năm yến tiến lại gần, đưa năm yến khác, và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi năm yến, tôi đã gây lời được năm yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. Người đã lãnh hai yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, ông đã giao cho tôi hai yến, tôi đã gây lời được hai yến khác đây”. Ông chủ nói với người ấy: “Khá lắm! hỡi đầy tớ tài giỏi và trung thành! Được giao ít mà anh đã trung thành, thì tôi sẽ giao nhiều cho anh. Hãy vào mà hưởng niềm vui của chủ anh!”. Rồi người đã lãnh một yến cũng tiến lại gần và nói: “Thưa ông chủ, tôi biết ông là người hà khắc, gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi. Vì thế, tôi đâm sợ, mới đem chôn giấu yến bạc của ông dưới đất. Của ông đây, ông cầm lấy!”. Ông chủ đáp: “Hỡi đầy tớ tồi tệ và biếng nhác! Anh đã biết tôi gặt chỗ không gieo, thu nơi không vãi, thì đáng lý anh phải gởi số bạc của tôi vào ngân hàng, để khi tôi đến, tôi thu được cả vốn lẫn lời chứ! Vậy các ngươi hãy lấy yến bạc khỏi tay nó mà đưa cho người đã có mười yến”.

Có hai loại người: Người cần cù (có trách nhiệm) và kẻ lười biếng (vô trách nhiệm). Loại người thứ nhất cứ chăm chỉ làm việc, sinh lời nhiều hay ít cũng được, Chúa không đặt thành vấn đề, vì khả năng mỗi người khác nhau theo số “nén” Chúa trao. Đó cũng là “định mệnh” của mỗi người. Họ là những tôi trung đáng khen vì đã dùng hết khả năng. Còn loại người thứ nhì thì sống ung dung tự tại, quen thói lười biếng, thích “ngồi mát ăn bát vàng”, nhưng lại ưa “chỉ tay năm ngón”, khoái ra lệnh, muốn ra vẻ “ta đây”, bép xép, lẻo mép mà làm chẳng được tích sự gì. Loại người này làm băng hoại xã hội và Giáo hội, rất nguy hiểm. Hãy tránh cho xa!

Nghe có vẻ rất “nghịch lý” và “chói tai” khi Chúa Giêsu bảo: “Ai đã có thì được cho thêm và sẽ có dư thừa; còn ai không có thì ngay cái đang có cũng sẽ bị lấy đi” (Mt 25:29). Thế nhưng suy cho cùng, cái nghịch lý đó lại là thuận lý, nói cho gọn là nghịch-lý-thuận.

Thật tốt phúc nếu chúng ta là người sống có trách nhiệm, biết chăm chỉ và cần mẫn như loài ong, tất nhiên xứng đáng được hưởng công lao; nhưng nếu chúng ta lười biếng thì thật là vô phúc, vì chúng ta sẽ trở thành “tên đầy tớ vô dụng”, và chính Chúa sẽ thẳng thắn trừng trị ngay: “Hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài: ở đó, sẽ phải khóc lóc nghiến răng” (Mt 25:30).

Lạy Thiên Chúa giàu lòng thương xót, xin hết lòng cảm tạ Ngài đã ban mùa Xuân tuyệt vời cho chúng con tận hưởng. Một năm mới lại khởi đầu, xin Ngài thương ban cho mọi người có công ăn việc làm ổn định để an tâm thờ phượng Ngài, và xin thánh hóa công việc của chúng con để vinh danh Ngài. Xin giúp chúng con nhận biết Thánh Ý Ngài trong từng công việc, để chúng con có thể sinh lời theo số nén Ngài đã trao phó. Chúng con cầu xin nhân danh Thánh Tử Giêsu Kitô, Đấng Emmanuel và Đấng Cứu Độ của chúng con. Amen.

 

 

 

Exit mobile version