Các bài suy niệm 3 ngày Tết Bính Thân 2016 của Lm. Jos. Tạ Duy Tuyền

51

GIAO THỪA
 Tống cựu nghinh tân

Giây phút Giao thừa là giây phút “Tống cựu nghênh tân”. “Tống cựu nghênh tân” là bỏ đi cái cũ, để đón chào cái mới đến. Bỏ đi không chỉ là những đồ đạc cũ kỹ, lỗi thời để thay cái mới xinh tươi mà còn phải biết dọn chính mình sạch sẽ, tinh tươm, gác lại tất cả những âu lo, bực dọc.  . . Có như vậy tâm hồn mới thanh thỏa để đón nhận cái mới.
Tập tục “tống cựu nghênh tân” thường được chuẩn bị từ sau khi tiễn ông Táo về trời. Đó là lúc mọi người, mọi nhà thu dọn thật sạch sẽ từ trong nhà ra ngoài ngõ, sơn sửa nhà cửa, lau chùi bàn ghế, sửa soạn thức ăn; tống tiễn những khó khăn vất vả năm cũ và giành chỗ cho những may mắn tốt đẹp sắp đến trong năm mới.
Giao Thừa năm nay dân tộc Việt Nam chúng ta  tiễn con Dê để đón con Khỉ đến. Con khỉ là một loài rất khôn ngoan, lại hay bắt chước người. Nhưng đáng tiếc khỉ vẫn là khỉ cho dù nó cố gắng bắt chước người nó vẫn không thể bỏ đi bản tính cố hữu của mình nên khỉ vẫn là khỉ chẳng bao giờ thay đổi được bản tính của mình.
Truyền thuyết kể rằng:
Sau khi chết, con khỉ nọ liền đi gặp Diêm vương để xin kiếp sau được làm người. Diêm vương nói như một mệnh lệnh:“Muốn làm người, ngươi phải nhổ hết lông trên thân thể của ngươi”.
Nói xong, Diêm vương kêu lũ quỷ đè khỉ ra mà nhổ lông. Mới bị nhổ một sợi lông, con khỉ la lên: “Đau chết đi được!”. Nghe vậy, Diêm vương cười to và nói: “Một sợi lông mày cũng không muốn nhổ, làm sao làm người được chứ?”.
Hóa ra làm người không dễ. Muốn sống cho nên người thì cũng phải nhổ đi rất nhiều thứ lông lá bám trên con người. Những lông lá đó là những thói hư tật xấu, những đam mê thấp hèn để mình hoàn thiện tính người hơn. Con người có đời sống sinh vật theo bản năng nhưng con người còn có sự sống thần linh. Thế nên, con người chỉ là người khi biết tự chủ bản năng để sống theo bậc sống của mình. Con người chỉ là người khi biết đi vào con đường hẹp, con đường của hy sinh, của từ bỏ đề sống thanh thoát với ràng buộc của bản năng, của đam mê tật xấu.
Tống cựu, nghinh tân còn được hiểu là bỏ cái cũ nếu nó xấu, đón cái mới nếu nó đẹp. Đây cũng là quy luật của vạn vật. Mọi sự đều đổi thay. Có những cái hôm qua đẹp ngày hôm nay lại lỗi thời. Có những cái hôm qua cần nhưng hôm nay lại bỏ đi. Đổi thay dường như là một quy luật của dòng đời. Vì:

Đổi thay ai trách được dòng đời
Tựa gió vô tình thổi khắp nơi
Nguyện ước hôm nào chưa xóa sạch
Dấu yêu ngày cũ đã xa rời

Thời gian cứ vần xoay mà con người cứ bám vào những hỷ nộ ái ố là tự đầy đọa mình trong khổ đau.

Hững hờ Hạ tới nhìn trăng lặn
Ngơ ngẩn Đông về ngó tuyết rơi
Tham áo vương vào vòng khổ lụy
Người xưa vốn nói chẳng sai lời.

Cuộc sống luôn đổi thay. Đông qua Hạ tới là lẽ thường của vạn vật. Đừng quá tham lam bám vào những cái mau qua mà vương vòng khổ lụy. Hãy nhìn xem vạn vật đều thay đổi bằng việc bỏ cũ lấy mới để phát triển và đẹp xinh hơn. Con người cũng cần đổi thay, cần nhổ đi những lông lá của tham sân si để mình thêm đẹp xinh hơn. Đừng sống cố chấp mà bỡ lỡ biết bao niềm vui trôi qua.
Hôm nay chúng ta đang sống trong giây phút giao thừa, giây phút chuyển giao giữa cũ và mới. Giây phút tống bỏ đi những điều không tốt để đón điều tốt đẹp đến với chúng ta. Giây phút này chúng ta hãy can đảm bỏ đi những đố kỵ, giận hờn, ghen ghét. Hãy làm mới tình người qua tinh thần hòa giải yêu thương. Giây phút này không ai muốn ưu phiền, càng không muốn những điều bực dọc đến với mình. Hãy gác lại những bất đồng ý kiến, những thành kiến cố chấp để cùng nhau đón một mùa xuân yêu thương và hạnh phúc.
Nhưng điều mà Chúa muốn chúng ta phải thay mới đổi cũ mỗi ngày đó chính là “hãy hoàn thiện như Cha anh em trên trời là Đấng hoàn thiện”. Vạn vật vào xuân để thay đổi thì con người muốn thăng tiến cũng phải thay đổi để hoàn thiện hơn.
Xin Chúa giúp chúng ta tống bỏ đi những điều xấu để mặc lấy con người mới. Con người đầy ân sủng của Chúa sẽ mang về cho nhân gian niềm vui và hạnh phúc. Xin Chúa chúc lành cho đêm giao thừa chúng ta tràn ngập tiếng cười vui và muôn lời cầu chúc tốt đẹp dành cho nhau. Amen.

.

MỒNG MỘT TẾT

Xuân Đã Về

“Xuân về”, hai chữ gợi lên trong ta biết bao niềm vui và hạnh phúc. Niềm vui của những kỷ niệm tuổi thơ được nhận những đồng tiền lì xi. Niềm vui của hiện tại vì được chào đón một mùa xuân mới. Thế nên, khi nghe nhạc xuân ai cũng dạt dào niềm vui, dường như tâm hồn cũng lâng lâng lạ thường hòa theo tiếng hát rộn ràng.

Xuân đã về, Xuân đã về,

Kià bao ánh Xuân về tràn lan mênh mông.

Trên cánh đồng, chim hót mừng đang thướt tha từng đàn tung bay vui say

Xuân đã về, Xuân đã về,

Ngàn hoa hé môi cười tươi đón gió mới

Xuân đã về, Xuân đã về,

Ta hát vang lên câu ca mừng chào Xuân

Ngày xuân ai cũng vui. Già trẻ lớn bé đều vui mừng chào đón xuân sang. Các thanh niên thiếu nữ thì rộn ràng chân bước với những nụ cười xinh như hoa. Các trẻ nhỏ thì ríu rít gọi nhau nhận tiền lì xì của ông bà cha mẹ. Tất cả làm nên một bức tranh xuân thật rộn ràng vui tươi.

Ngoài trời bao la, xinh tươi,

Bao cô gái đẹp cười trong xinh như hoa, lập loè bao aó xanh xanh,

chen bông tím vàng, đẹp hơn Tiên Nga.

Ngoài bầy em bé ríu rít, khúc khích tiếng cuời rủ nhau vui ca.

Ngày xuân dường như ai cũng tạm gác lại mọi bộn bề của cuộc sống để vui xuân. Bác nông dân ngừng cày ruộng vui say xuân. Bao cô gái quê cũng dạt dạo niềm vui đón gió mới chứ không phải cặm cụi cấy trồng lúa mạ nơi ruộng sâu.

Xuân đã về, trên cánh đồng

Bao bác nông ngừng cày ruộng vui say xuân

Xuân đã về, Xuân đã về,

Ngàn cô gái quê cười tươi đón gió mới,

Xuân đã về, Xuân đã về,

Ta hát vang chào mừng Xuân sang, Xuân sang

Quả thực, ngày xuân luôn mang lại cho chúng ta một niềm vui dạt dào. Ngày xuân ai cũng mong được sum vầy bên những người thân để đón chào một mùa xuân mới. Cùng nâng ly rượu mừng chúc nhau hưởng trọn vẹn niềm vui trong ngày xuân mới. Cùng chúc nhau vạn sự như ý, chúc nhau luôn an khang thịnh vượng. Cuộc sống luôn chạy theo công việc, luôn bận rộn với tiền tài, danh vọng khiến chúng ta chẳng có giờ gần gũi người thân, thì ngày xuân ta có dịp đến  bên nhau để gắn kết tình bằng hữu, để tỏ lòng tri ân với ông bà cha mẹ, để cùng nhau hòa lên câu hát mừng xuân.

Ngày xuân chúng ta cũng không quên hướng về Đấng đã cho ta mùa xuân. Ngài là Đấng Tạo Thành. Ngài là Đấng Càn khôn đã cho con tạo xoay vần theo cung nhịp Xuân- Hạ – Thu – Đông. Ngài là Đấng tạo nên mùa xuân nên Ngài cũng tạo nên những thay đổi cho cuộc sống quanh ta thêm đẹp xinh hơn.

Xin tri ân Đấng Tạo Thành đã cho ta mùa xuân. Xin Chúa là Chúa mùa xuân chúc lành cho ngày xuân của chúng ta luôn tươi vui rộn ràng. Xin cho những ngày họp mặt mừng xuân nơi các gia đình luôn ngập tràn niềm vui. Xin Chúa là Chúa Mùa Xuân cũng chúc lành cho cuộc đời chúng ta mãi mãi là mùa xuân luôn bình an và thành công mọi sự trong năm Bính Thân.

Ngày đầu xuân chúng ta cũng dâng lên Chúa là Chúa mùa xuân ban cho chúng ta bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông muôn vàn hồng ân Chúa. Xin dâng lên Chúa bao công việc dự tính trong một năm được mọi sự như ý. Bởi vì « nếu Chúa không phù trì thì thợ nề vất vả cũng bằng uổng công». Hoặc cha ông ta cũng nói : « Dã tràng se cát biển đông …Nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì? ». Xin Chúa là Đấng đã làm cho con tạo xoay vần xin cũng gìn giữ chở che cuộc đời chúng ta một năm bình an.

Cuối cùng xin gửi đến quý vị lời cầu chúc với 2 câu đối xuân với ước mong mọi người, mọi nhà mừng vui chào đón xuân sang :

Năm Thánh Lòng Thương Xót, Ân tình Chúa, tuôn trào đến muôn người

Xuân gieo hạnh phúc, tràn muôn lối, Xuân mãi vẫn là xuân

 

 

MỒNG HAI TẾT

Tri Ân Ông bà cha mẹ

Đạo truyền thống Việt Nam được coi là đạo hiếu. Cốt tuỷ của Đạo hiếu là Đức Hiếu thảo được thể hiện qua hai điều: Tôn kính cha mẹ lúc còn sống và thờ kính cha mẹ, ông bà khi các ngài qua đời.

Nhiều bài ca dao, tục ngữ, nhiều bài hát, câu chuyện, đã kể về công cha nghĩa mẹ và răn dạy con cái cần sống đáp đền công ơn ấy :

“Công cha nghĩa mẹ cao vời

Nhọc nhằn chẳng quản suốt đời vì ta.

Nên người con phải xót xa

Đáp đền nghĩa nặng như là trời cao

Đội ơn chín chữ cù lao

Sinh thành kể mấy non cao cho vừa”.

Bởi đó khi cha mẹ về già, con cái phụng dưỡng cha mẹ với của ngon vật lạ, sáng viếng tối thăm:

“Muốn cho gần mẹ gần cha

Khi vào thúng thóc, khi ra quan tiền.”

Suốt dọc dài lịch sử, cha ông đã để lại rất nhiều mẫu gương sáng ngời về đạo hiếu. Lòng hiếu thuận ấy sâu đậm đến nỗi khóc thương mẹ mà mù cả đôi mắt như chuyện Lục Vân Tiên của Nguyễn Đình Chiểu.

Chuyện kể rằng:

Lục Vân Tiên đang trên đường đi thi, nghe tin mẹ mất, quá thương xót mẹ, chàng khóc lóc thảm thiết. Chàng đã bỏ thi –  bỏ dở cả con đường công danh sự nghiệp sáng lạn đang ở phía trước, quay về quê để chịu tang mẹ. Trên đường về khóc thương mẹ đến thành bệnh mà mù mắt. Mắt đã mù nhưng nỗi sầu vẫn chưa nguôi ngoai:

  Ôi thôi ! Con mắt đã mang lấy sầu

Mịt mù nào thấy gì đâu.

Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã nêu bật chữ Hiếu nơi Lục Vân Tiên để rồi răn bảo người đời :

Hỡi ai lẳng lặng mà nghe

Dữ răn việc trước, lành dè thân sau

Trai thời trung hiếu làm đầu

Gái thời tiết hạnh là câu trau mình

 

Vào những ngày đầu Năm Mới, Giáo hội Việt Nam dành trọn ngày Mồng Hai Tết để con cái dâng thánh lễ đặc biệt cầu nguyện cho ông bà, cha mẹ, tổ tiên . Đây là dịp để con cái tri ân công ơn trời bể của cha mẹ. Cuộc đời chúng ta được dệt nên từ những giọt mồ hôi lao công vất vả của ông bà cha mẹ. Các ngài đã hy sinh một nắng hai sương cho cuộc đời ta tươi vui, hạnh phúc. Công ơn của các ngài thật lớn lao, lớn lao đến nỗi ca dao cũng từng nói:

 “Công cha như núi Thái Sơn.

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.

Một lòng thờ mẹ kính cha.

Cho tròn Chữ Hiếu mới là Đạo con”

Lời ca dao thật đơn sơ, mộc mạc nhưng biểu lộ một giá trị bất hủ của Đạo hiếu trong lòng người Việt Nam. Điểm nổi bật của lòng hiếu nghĩa là lòng biết ơn và sống báo đáp công sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Hiếu nghĩa khi còn ở với cha mẹ thì vâng lời kính yêu các ngài. Hiếu nghĩa khi ở xa thì luôn biết thăm hỏi, dành đồng quà tấm bánh cho các ngài. Hiếu nghĩa cả khi các ngài qua đời thì cầu kinh dâng lễ.

Hôm nay trong ngày mừng xuân là dịp con cái quây quần bên cha mẹ ông bà để tỏ lòng tri ân. Thật hạnh phúc trong ngày xuân chúng ta được cha mẹ ông bà chúc lành cho ngày xuân của chúng ta. Thật hân hoan khi ngày xuân được sum họp bên nhau trong tình nghĩa ruột thịt. Đúng như thánh vịnh nói:

“Anh em sum họp một nhà

Bao là tốt đẹp, bao là tốt tươi”.

Xin Chúa là Chúa của mùa xuân, là cùng đích của mọi vạn vật chúc lành cho ngày sum họp của các gia đình luôn nồng nàn mến thương. Xin cho chúng ta luôn biết trân trọng mái ấm gia đình, vì chẳng ở đâu có người yêu thương, lo lắng cho ta bằng những người thân trong gia đình. Hãy trân trọng gia đình bằng việc sống có trách nhiệm với bổn phận của mình. Đừng vì thói lười biếng, trốn tránh trách nhiệm của mình mà mang lại những nỗi đau cho người thân. Xin đừng bao giờ vui xuân mà bán hết gia tài, gây nên đau khổ cho gia đình chỉ vì đam mê cờ bạc, rượu chè, trai gái . . .

Xin cho ngày xuân luôn thắt chặt tình ruột thịt để cùng nhau xây dựng gia đình trong yêu thương nồng ấm và mỗi ngày an khang thịnh vượng hơn. Amen

MỒNG BA TẾT

Thánh Hóa Công Ăn Việc Làm

Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên

Có một bạn trẻ đi tìm việc làm, được phỏng vấn :

– Khi mới ra trường bạn nghĩ gì?

-Làm giàu không khó!!

-Vậy hôm nay bạn nghĩ gì?.

-Hồi đó lỡ mồm

Quả thực làm giầu không khó, nhưng đâu phải ai cũng làm giầu được. Có người rất vất vả mà chẳng đủ ăn. Có người vừa làm vừa chơi mà vẫn dư thừa. Có người học hàm học vị mà vẫn sống thiếu thốn. Có người chẳng bằng cấp mà vẫn làm ông này bà kia . . .

Xem ra làm giầu không khó. Cái khó là Ông Trời có chúc phúc hay không. Nếu ông Trời không chúc phúc thì mọi sự cũng tựa như “Dã tràng xe cát biển đông – Nhọc lòng mà chẳng nên công cán gì”.

Người Việt Nam từ xưa vẫn tin vào vận Trời. Họ luôn cầu khẩn ông Trời. Ông Trời trở thành một thần linh luôn đồng hành với con người qua mọi thăng trầm. Tuy không rõ Ông Trời thế nào  nhưng không ai lại không kính Trời. Ai cũng sợ Trời và cố gắng làm vui lòng Trời. Vì ông trời làm chủ vận mệnh muôn loài. Ông Trời quyền phép vô cùng. Thế nên:

Mưu sự tại nhân – Thành sự tại Thiên.

Trời cho ai nấy hưởng

Sống nhờ ơn Trời – Chết về chầu Trời.

Khi làm ăn mùa màng không được như ý thì người ta cầu trời:

“Lạy trời mưa xuống

Lấy nước tôi uống

Lấy ruộng tôi cày

Lấy đầy bát cơm

Lấy rơm đun bếp”

Làn mưa từ Trời sẽ mang lại niềm vui cho công việc, cho cuộc sống con người:

“Nhờ Trời mưa thuận gió hoà

Nào cày, nào cấy trẻ già đua nhau

Người Việt cũng luôn tin vào Trời rất công bình, hoạ phúc công minh; Ông Trời như một ông chủ luôn thưởng phạt công minh:

“Trời nào có phụ ai đâu

Hay làm thì giầu, có chí thì nên”

Hôm nay Giáo hội mời gọi chúng ta trao phó công việc làm ăn cho Thiên Chúa. Chúng ta tin rằng Thiên Chúa quyền năng, Ngài điều khiển mọi loài. Ngài là Đấng cho mưa thuận gió hoà trên kẻ lành người dữ. Ngài là Đấng ban lại cho chúng ta sự thành công trong công việc mà thánh vương Đa-vít đã từng nói: “Nếu Chúa chẳng xây nhà, thợ nề vất vả cũng bằng uổng công”.

Lịch sử nhân loại đã từng chứng minh có biết bao công trình mà không có bàn tay Thiên Chúa, hay cố tình loại trừ Thiên Chúa sẽ khó hoàn thành, đôi khi còn bị huỷ diệt.

Đó chính là sự kiện xây tháp Babel. Con người đã từng không chấp nhận thua Thiên Chúa. Họ muốn chống lại Thiên Chúa nên hợp lực với nhau để xây tháp tới Trời. Thế nhưng, lực bất tòng tâm. Công trình của họ đã bị dang dở. Họ chia rẽ nhau ngay khi công việc còn dở dang.

Gần đây nhất là sự kiện con tàu Titalic. Con tàu của sự kiêu hãnh của con người có thể chống lại phong ba bão tố. Người ta tưởng rằng với sự văn minh của nhân loại, người ta không cần ơn Trời vẫn có thể đi biển bình yên. Thế nhưng, con tàu đó đã bị chìm xuống đại dương cùng với sự ngạo nghễ của con người khi đâm vào một tảng đá ngầm mà không ai học được “chữ ngờ”.

Thế nên, việc cầu Trời, khấn Trời dù ở khung trời văn minh hay chốn hồng hoang vẫn là cần thiết. Con người luôn bất lực trước sức mạnh của thiên nhiên. Con người như cảm thấy mình quả nhở bé so với vạn vật được tạo thành. Sự khiêm tốn đòi hỏi con người phải cần đến Đấng Tạo Thành, cầu xin Đấng Tạo, Khấn vái Đấng Tạo Thành. Sự khiêm tốn để nhìn nhận những gì mình có không phải do tài năng của mình, không phải do mưu trí của mình mà có mà là do ân ban của Thiên Chúa.

Tất cả là hồng ân. Thiên Chúa luôn tưới gội hồng ân của Ngài xuống trên con người. Thiên Chúa luôn làm biết bao việc kỳ diệu cho con người. Con người chỉ là loài thụ tạo được thừa hưởng muôn ơn lộc Chúa ban mà thôi.

Hôm nay, ngày xin ơn thánh hoá công ăn việc làm. Chúng ta dâng lên Chúa những ưu tư hoài bão của chúng ta lên Thiên Chúa. Chúng ta cầu xin Chúa ban cho một năm “mưa thuận gió hòa”, mùa màng trĩu hạt. Xin Chúa là Đấng quyền năng chúc lành cho công việc của chúng ta từ khởi sự cho đến hoàn thành đều nhờ bởi ơn Chúa. Amen