MÙA THƯỜNG NIÊN NĂM A
Lm. Ngọc Dũng, SDB
CHÚA NHẬT (Lễ Hiển Linh
THỨ HAI (Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa)
CHÚA NHẬT
HÃY TRỞ NÊN SAO SÁNG ĐƯA NGƯỜI KHÁC ĐẾN VỚI CHÚA
Lễ Chúa Hiển Linh
(Is 60:1-6; Ep 3:2-3a.5-6; Mt 2:1-12)
Hôm nay chúng ta cử hành lễ Chúa Hiển Linh. Theo truyền thống, lễ này được xem là lễ Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân ngoại. Thánh lễ này mời gọi chúng ta trở nên như ánh sao soi đường dẫn người khác đến với Chúa. Chúng ta hãy để lời Chúa hướng dẫn chúng ta trong việc đem người khác đến với Chúa.
Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói về viễn cảnh Giêrusalem sẽ trở thành ánh sáng cho muôn dân đến với Đức Chúa. Để trở nên ánh sáng Giêrusalem phải ‘đứng lên’ và ‘bừng sáng lên.’ Hai hành động này ám chỉ việc Giêrusalem cần phải đi ra khỏi bóng đen của nô lệ tội lỗi để ‘vinh quang của Đức Chúa như bình minh chiếu toả trên ngươi’ (Is 60:1). Điều đáng để chúng ta suy gẫm ở đây là việc ánh sáng của Giêrusalem không phải tự mình mà có, nhưng là ‘phản chiếu’ của ánh bình minh và vinh quang của Đức Chúa. Nói cách khác, chỉ khi Giêrusalem để cho Đức Chúa như bình minh chiếu toả và vinh quang Ngài xuất hiện trên mình thì Giêrusalem mới trở thành ánh sáng để soi chiếu cho “chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước” (Is 60:3). Chỉ trong ánh sáng của Đức Chúa mà Giêrusalem sẽ trở nên hớn hở từng bừng và trở nên khí cụ để qua ánh sáng của mình muôn dân sẽ “loan truyền lời ca tụng Đức Chúa” (Is 60:6). Lời Chúa trong bài đọc 1 mời gọi chúng ta nhìn lại cuộc đời của mình dưới hai khía cạnh: Thứ nhất, chúng ta được mời gọi trở nên ánh sáng để soi chiếu cho người khác đến với Chúa. Thứ hai, ánh sáng chúng ta có là ‘phản chiếu’ ánh sáng của Thiên Chúa. Nhiều lần trong cuộc sống, thay vì trở nên ánh sáng cho người khác, chúng ta mang bóng tối đến cuộc đời của họ. Đó là những lúc chúng ta không phản chiếu tình yêu của Chúa cho anh chị em mình. Nói cách cụ thể hơn, đức tin và việc làm của chúng ta không đi đôi với nhau. Ngôn Sứ Isaia mời gọi chúng ta biến cuộc sống của mình thành ‘tấm gương’ để qua đó bất kỳ ai nhìn vào cũng nhận ra hình ảnh Thiên Chúa phản chiếu trong đó.
Về phần mình, Thánh Phaolô trong bài đọc 2 chia sẻ với các tín hữu Êphêsô về ơn gọi và kế hoạch ân sủng mà Thiên Chúa đã uỷ thác cho ngài liên quan đến những người Ngài sẽ phục vụ (x. Ep 3:2). Ơn gọi và kế hoạch này là “trong Đức Kitô Giêsu và nhờ Tin Mừng, các dân ngoại được cùng thừa kế gia nghiệp với người Do Thái, cùng làm thành một thân thể và cùng chia sẻ điều Thiên Chúa hứa” (Ep 3:6). Trong những lời này, Thánh Phaolô cho chúng ta thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa là dành cho hết mọi người chứ không chỉ dành riêng cho một ‘dân tộc được tuyển chọn.’ Chính vì lý do này mà Thiên Chúa đã mời gọi tất cả chúng ta chia sẻ trong sứ vụ làm cho ơn cứu độ của Ngài được mọi người biết đến và đón nhận. Ngài cũng dùng nhiều phương tiện khác nhau để dẫn con người đến với Ngài. Đây là điều được trình bày trong bài Tin Mừng hôm nay.
Thánh Mátthêu trong bài Tin Mừng hôm nay đặt sự ra đời của Chúa Giêsu trong bối cảnh lịch sử của nhân loại, đó là ‘tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì’ (Mt 2:1). Chi tiết này cho thấy Chúa Giêsu bước ‘vào thời gian’ để đưa thời gian vào trong vĩnh cửu, làm cho con người, những hữu thể giới hạn, có thể siêu việt chính mình để đạt đến Thiên Chúa. Vì con người tự bản chất có khả năng đạt đến Thiên Chúa nên con người không thể tìm thấy hạnh phúc tuyệt đối trong những tạo vật hữu hạn. Thánh Augustinô nói về khát vọng siêu việt của con người trong câu nói bất hủ của mình như sau: “Lạy Chúa, Ngài dựng con nên cho Ngài và linh hồn con khắc khoải cho đến khi nó được nghỉ yên trong Chúa.” Khát vọng này của con người được Thánh Mátthêu đặt trong khát vọng của các nhà chiêm tinh, là những người ‘dân ngoại’: “Khi Đức Giêsu ra đời tại Bêlem, miền Giuđê, thời vua Hêrôđê trị vì, có mấy nhà chiêm tinh từ phương Đông đến Giêrusalem, và hỏi: ‘Đức Vua dân Do Thái mới sinh, hiện ở đâu?’” (Mt 2:1-2). Những lời này chỉ rõ cho chúng ta biết khát vọng tuyệt đối của con người không phải trong ‘một cái gì đó,’ nhưng ở ‘một Ai Đó.’ Con người luôn đi tìm ‘nơi Thiên Chúa hiện diện’; nhưng thường lại chỉ tìm nơi mình muốn Thiên Chúa hiện diện chứ không phải nơi Thiên Chúa muốn hiện diện. Vì vậy, nhiều lần con người không gặp được Thiên Chúa. Chúng ta có thể gặp Thiên Chúa ở đâu? Thánh Mátthêu đưa ra cho chúng ta những phương tiện sau để đưa chúng ta đến với Thiên Chúa.
Thứ nhất là thiên nhiên: “Chúng tôi đã thấy ngôi sao của Người xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Người” (Mt 2:2). Chi tiết này cho chúng ta thấy Thiên Chúa đã tiền định để mọi người được đón nhận ơn cứu độ nên đã cho ngôi sao trở thành một dấu hiệu trong thiên nhiên để dẫn đường cho ba nhà chiêm tinh đến gặp Chúa Giêsu. Như chúng ta biết các nhà chiêm tinh là những người nghiên cứu về các tinh tú. Thiên Chúa đã dùng ‘đối tượng’ nghiên cứu mà họ quan sát mỗi ngày để đưa họ đến với Ngài. Điều này nhắc nhở chúng ta rằng, Thiên Chúa cũng dùng những gì chúng ta tiếp xúc qua công việc thường ngày để đưa chúng ta đến với Ngài. Liệu chúng ta có đủ nhạy cảm như ba nhà chiêm tinh để nhận ra ý định của Thiên Chúa muốn sử dụng công việc thường ngày của chúng ta để đưa chúng ta đến với Ngài hay không?
Thứ hai là con người: “Nghe tin ấy, vua Hêrôđê bối rối, và cả thành Giêrusalem cũng xôn xao. Nhà vua liền triệu tập tất cả các thượng tế và kinh sư trong dân lại, rồi hỏi cho biết Đấng Kitô phải sinh ra ở đâu” (Mt 2:3). Sau khi dấu hiệu thiên nhiên biến mất, dấu hiệu thứ hai Thiên Chúa sử dụng là con người vì con người là hình ảnh của Ngài. Đáng buồn thay, Hêrôđê là người ‘không lương thiện,’ nên không thể phản chiếu hình ảnh Thiên Chúa cách trung thực cho những người muốn đến với Thiên Chúa. Chi tiết này khuyến cáo chúng ta về lối sống của mình. Khi chúng ta chỉ lo đến việc củng cố quyền lực của chính mình, chúng ta sẽ không để cho quyền năng của Thiên Chúa thực hiện những kỳ công của Ngài trên cuộc đời chúng ta và của anh chị em mình.
Thứ ba là Kinh Thánh: “Tại Bêlem, miền Giuđê, vì trong sách ngôn sứ, có chép rằng: Phần ngươi, hỡi Bêlem, miền đất Giuđa, ngươi đâu phải là thành nhỏ nhất của Giuđa, vì ngươi là nơi vị lãnh tụ chăn dắt Israel dân Ta sẽ ra đời” (Mt 2:5-6). Chúng ta vẫn thường nghe, lời Chúa là ngọn đường soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường cho con đi. Chúa Giêsu cũng khẳng định rằng, dù trời đất có qua đi, thì một chấm một phết trong lời Chúa cũng không thể qua đi được. Chi tiết này mời gọi chúng ta có một tình yêu sâu đậm dành cho lời Chúa. Công Đồng Vaticanô II dạy chúng ta phải kính yêu Chúa Giêsu trong Bí Tích Thánh Thể và Lời Chúa ngang nhau. Nếu chúng ta muốn được chúc phúc, hãy thực hành điều Chúa Giêsu dạy: “Phúc cho những ai lắng nghe lời Chúa và đem ra thực hành”.
Thứ tư, nơi Chúa Giêsu: Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ mừng rỡ vô cùng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình thờ lạy Người” (Mt 2:9-11). Thánh Phaolô thốt lên, Chúa Giêsu chính là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình. Điều này được Thánh Gioan trình bày cách rõ ràng hơn trong Tin Mừng của mình, ai thấy Chúa Giêsu là thấy Chúa Cha. Nhiều lần trong cuộc sống, chúng ta muốn nhìn thấy Thiên Chúa, nhưng chúng ta lại không đến với Chúa Giêsu. Một nơi quan trọng nhất để nhìn thấy Chúa Giêsu và qua đó nhìn thấy Chúa Cha là Bí Tích Thánh Thể, vì trong Bí Tích Thánh Thể, Chúa Giêsu ‘hiện diện thật.’ Chúng ta có thể đụng chạm đến Chúa Giêsu trong Thánh Thể, cảm nghiệm tình yêu vô điều kiện của Ngài. Để được như thế, chúng ta cần có đức tin. Đức tin của chúng ta có được bằng hạt cải không?
Qua những gì chúng ta đã chia sẻ trên, cũng từ Tin Mừng hôm nay, chúng ta có thể rút ra thêm ba điều cụ thể sau để suy gẫm và thực hành: (1) Những người đến gặp Chúa Giêsu với ý hướng không tốt như Hêrôđê sẽ không bao giờ gặp được Ngài:
“Bấy giờ vua Hêrôđê bí mật vời các nhà chiêm tinh đến, hỏi cặn kẽ về ngày giờ ngôi sao đã xuất hiện. Rồi vua phái các vị ấy đi Bêlem và dặn rằng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Người” (Mt 2:7-8); (2) những người gặp được Chúa Giêsu sẽ không ‘trở về con đường cũ,’ không trở về với lối sống cũ: “Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình” (Mt 2:12); (3) không ai đến với Chúa với hai bàn tay trắng. Chúng ta phải đến với Chúa với một món quà như ba nhà chiêm tinh: “Rồi họ mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương và mộc dược mà dâng tiến” (Mt 2:11).
THỨ HAI
TRỞ NÊN NHỮNG NGƯỜI CON YÊU DẤU CỦA THIÊN CHÚA
Lễ Chúa Giêsu Chịu Phép Rửa
(Is 42:1-4.6-7; Cv 10:34-38; Mt 3:13-17)
Hôm nay chúng ta cùng với Giáo Hội mừng kính lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa. Như chúng ta biết, qua phép rửa, chúng ta được những ơn sau: (1) tha tội [tội nguyên tổ]; (2) tái sinh làm con Thiên Chúa; (3) trở thành chi thể trong Nhiệm Thể Chúa Kitô [đó là Hội Thánh] và chia sẻ trong sứ mệnh của Hội Thánh. Câu hỏi chúng ta đặt ra ở đây là: Tại sao Chúa Giêsu chịu phép rửa trong khi (1) Ngài không phạm tội, (2) Ngài là Con Một của Thiên Chúa, và (3) Ngài là đầu của Hội Thánh? Câu trả lời bao gồm những điểm sau: (1) Ngài muốn nên giống như chúng ta trong mọi sự ngoại trừ tội lỗi; (2) Ngài muốn tỏ sự liên đới với các tội nhân; (3) thánh hoá nguồn nước mà trong đó chúng ta sẽ được rửa tội.
Lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa là lễ mà qua đó Chúa Giêsu tỏ mình ra cách công khai cho mọi người. Trong lễ Hiển Linh chúng ta cử hành tuần trước, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho ‘dân ngoại,’ đại diện bởi ba nhà chiêm tinh bằng ngôi sao từ đông phương. Hôm nay trong lễ chịu phép rửa, Chúa Giêsu tỏ mình ra cho dân của Ngài qua tiếng nói của Chúa Cha và sự hiện diện của Chúa Thánh Thần. Chúng ta có thể nói rằng, việc Chúa Giêsu chịu phép rửa cũng là việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta biết Ngài là ai: Là sự hiệp nhất của Cha, Con và Thánh Thần. Hôm nay, chúng ta được mời gọi suy gẫm về bí tích rửa tội mà chúng ta đã lãnh nhận. Bí tích này là cánh cửa đưa chúng ta vào đời sống ân sủng. Qua bí tích này, chúng ta được mời gọi để trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Giêsu, vì chúng ta được trở nên chi thể trong Nhiệm Thể của Ngài. Chúng ta đã sống điều này thế nào? Hãy để lời Chúa đưa chúng ta về với mẫu gương Chúa Giêsu.
Trong bài đọc 1, Ngôn Sứ Isaia nói đến Đấng Messia là người Tôi Trung của Thiên Chúa: “Đây là người tôi trung Ta nâng đỡ, là người Ta tuyển chọn và hết lòng quý mến, Ta cho thần khí Ta ngự trên người; người sẽ làm sáng tỏ công lý trước muôn dân. Người sẽ không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa phố phường. Cây lau bị giập, người không đành bẻ gẫy, tim đèn leo lét, cũng chẳng nỡ tắt đi. Người sẽ trung thành làm sáng tỏ công lý. Người không yếu hèn, không chịu phục, cho đến khi thiết lập công lý trên địa cầu. Dân các hải đảo xa xăm đều mong được người chỉ bảo” (Is 42:1-4). Trong những lời này, chúng ta tìm thấy những đặc tính của người tôi trung của Thiên Chúa: Người tôi trung là (1) người được Thiên Chúa nâng, đỡ, tuyển chọn và hết lòng quý mến, (2) là người được thần khí Thiên Chúa ngự trên và sai đi để làm sáng tỏ công lý cho muôn nước, (3) là người hiền lành, không kêu to, không nói lớn, không để ai nghe tiếng giữa đường phố, (4) là người mạnh mẽ không yếu hèn, không chịu nhục để bảo vệ đức công bình, (5) là thầy dạy lẽ phải đường ngay cho muôn dân nước. Qua bí tích rửa tội, chúng ta cũng được mời gọi trở thành những tôi trung của Thiên Chúa. Những lời mời gọi đó được Ngôn Sứ Isaia diễn tả cách thân tình như sau: “Ta là Đức Chúa, Ta đã gọi ngươi, vì muốn làm sáng tỏ đức công chính của Ta. Ta đã nắm tay ngươi, đã gìn giữ ngươi và đặt làm giao ước với dân, làm ánh sáng chiếu soi muôn nước, để mở mắt cho những ai mù loà, đưa ra khỏi tù những người bị giam giữ, dẫn ra khỏi ngục những kẻ ngồi trong chốn tối tăm” (Is 42:6-7). Những lời này diễn tả tình yêu dịu hiền của Thiên Chúa cho Israel. Đây cũng được xem là lời sấm về Đấng Messia và sứ mệnh của Ngài. Đây cũng là những lời nói lên sự cao quý của ơn gọi chúng ta lãnh nhận qua bí tích rửa tội, đó là chúng ta được đặt làm ánh sáng để loan Tin Mừng cho những người Chúa yêu qua chính đời sống thánh thiện của mình.
Thánh Phêrô trong bài đọc 2 nói về tình yêu không phân biệt của Thiên Chúa: “Quả thật, tôi biết rõ Thiên Chúa không thiên vị người nào. Nhưng hễ ai kính sợ Thiên Chúa và ăn ngay ở lành, thì dù thuộc bất cứ dân tộc nào, cũng đều được Người tiếp nhận” (Cv 10:34-35). Những lời này cho thấy Thiên Chúa ban ơn cứu độ cho hết mọi người. Vì vậy, không ai bị từ chối phép rửa nếu có lòng ước muốn. Thánh Phêrô cho chúng ta biết chính Chúa Giêsu được “xức dầu” qua phép rửa: “Đức Giêsu xuất thân từ Nadarét, Thiên Chúa đã dùng Thánh Thần và quyền năng mà xức dầu tấn phong Người. Đi tới đâu là Người thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế, bởi vì Thiên Chúa ở với Người” (Cv 10:38). Sứ mệnh của Ngài là ‘đi tới đâu là thi ân giáng phúc tới đó, và chữa lành mọi kẻ bị ma quỷ kiềm chế.’ Là những người đã được rửa tội, chúng ta cũng được mời gọi tiếp nối sứ mệnh này của Chúa Giêsu. Sự hiện diện của chúng ta bất kỳ nơi đâu cũng mang lại niềm vui và sự nâng đỡ cho người khác, chứ không mang nỗi buồn và sự chia rẽ. Đi đến đâu, gặp bất kỳ ai chúng ta cũng đều “thi ân giáng phúc” cho họ. Nói tóm lại, chúng ta chỉ nghĩ đến hạnh phúc của người khác hơn là của riêng mình.
Bài Tin Mừng hôm nay thuật lại cho chúng ta sự kiện Chúa Giêsu chịp phép rửa bởi Gioan ở sông Giođan. Đây là một sự kiện mang tính thần học rất quan trọng nên được cả bốn thánh sử trình thuật lại, nhưng bằng những cách thức khác nhau. Trình thuật của Thánh Mátthêu bắt đầu với việc Chúa Giêsu đến sông Giođan để xin ông Gioan làm phép rửa cho mình: “Bấy giờ Đức Giêsu từ miền Galilê đến sông Giođan, gặp ông Gioan để xin ông làm phép rửa cho mình.” Nhưng ông một mực can Người và nói: “Chính tôi mới cần được Ngài làm phép rửa, thế mà Ngài lại đến với tôi!” (Mt 3:13-14). Khi thấy Chúa Giêsu đến với mình để chịu phép rửa, Gioan cũng phải kinh ngạc. Phản ứng của Gioan là một phản ứng bình thường vì làm sao thánh nhân có thể làm phép rửa cho “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian. Ông đã chứng nhận điều đó khi công nhận rằng mình cần được Chúa Giêsu làm phép rửa cho.” Nhưng Chúa Giêsu đưa ra lý do như sau: “‘Bây giờ cứ thế đã. Vì chúng ta nên làm như vậy để giữ trọn đức công chính.’ Bấy giờ ông Gioan mới chiều theo ý Người” (Mt 3:15). Theo các học giả Kinh Thánh, ‘đức công chính’ ở đây ám chỉ sự công bình hoặc công chính mang tính luân lý trong cuộc sống. Khi nói để chu toàn hoặc giữ trọn đức công chính, Thánh Mátthêu nói đến việc hoàn thành cách tuyệt hảo nhất tất cả những gì là công bình vì điều đó nói lên đức vâng phục thánh ý Thiên Chúa một cách tuyệt đối. Chi tiết này nhắc chúng ta về việc phải sống theo thánh ý Chúa. Nhiều khi có những việc nhìn thoáng qua, chúng ta nghĩ không cần hoặc không nên làm vì như thế sẽ ‘hạ phẩm giá’ của mình. Điều đáng lưu ý là phẩm giá làm con Thiên Chúa thì quan trọng hơn tất cả các vinh dự hoặc vinh quang trên trần thế. Vì vậy, nếu những điều làm cho ‘phẩm giá con người’ bị suy giảm một tí mà làm cho ‘phẩm giá con Thiên Chúa’ được tăng lên thì thiết nghĩ chúng ta cũng nên làm.
Những dấu chỉ xảy ra sau khi Chúa Giêsu chịu phép rửa đáng để chúng ta lưu ý: “Khi Đức Giêsu vừa chịu phép rửa xong, Người lên khỏi nước. Lúc ấy các tầng trời mở ra; Người thấy Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu và ngự trên Người. Và có tiếng từ trời phán rằng: ‘Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người’” (Mt 3:16-17). Phân tích những lời này theo bình diện ngôn ngữ, chúng ta thấy Thánh Mátthêu dùng ngữ pháp ‘đang tiếp diễn’ để nói về phép rửa của Chúa Giêsu, đồng thời thánh sử nói đến việc các tầng trời mở ra và sứ điệp từ trời diễn ra nơi công cộng, mang tính khách quan, trong khi đó việc Thần Khí Thiên Chúa đáp xuống như chim bồ câu thì được trình bày như một kinh nghiệm cá nhân, riêng tư vì chỉ “Người thấy.” Chi tiết Thần Khí đáp xuống trên Chúa Giêsu ám chỉ việc Ngài được xức dầu như là Đấng Messia, đó là Ngài nhận được uy quyền, sự khôn ngoan và thánh thiện cho sứ vụ của mình. Một trong những điều quan trọng nhất trong những lời trên là lời phát ra từ trời: “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người.” Những lời này nói lên ơn gọi và phẩm giá cao quý chúng ta có khi chúng ta được rửa tội. Chúng ta trở nên những người con yêu dấu của Thiên Chúa. Tuy nhiên, điều đáng để chúng ta suy gẫm là cuộc sống của chúng ta đã làm Thiên Chúa hài lòng chưa? Nếu chưa, hãy bắt đầu từ giây phút này!
THỨ BA
HÃY ĐẾN VỚI CHÚA GIÊSU ĐỂ ĐƯỢC CHỮA LÀNH
(Hr 2:5-12; Mc 1:21-28)
Hai chữ “con người” thường được chúng ta dùng để bào chữa cho những yếu đuối và lỗi phạm. Khi một ai làm điều gì sai, thì cách bào chữa nhanh nhất và tốt nhất để lấy sự cảm thông của người khác đó là, “vì tôi là người.” Nhưng chúng ta hãy biết rằng: Ơn gọi “làm người” là điều cao đẹp nhất mà không tạo vật nào có thể có được, ngay cả các thiên thần, vì không có tạo vật nào được gọi là “hình ảnh của Thiên Chúa,” cũng không có tạo vật nào được gọi là “con Thiên Chúa” như con người. Chính Chúa Giêsu “trở thành người” để cứu chuộc chúng ta. Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư gởi Hípri mượn lời Thánh Vịnh để nói lên sự cao trọng của con người như sau: “Phàm nhân là chi mà Chúa cần nhớ đến? Con người là gì mà Chúa phải thăm nom? Chúa đã làm cho con người thua kém các thiên thần trong một thời gian ngắn, ban vinh quang, danh dự làm mũ triều thiên, đặt muôn loài, muôn sự dưới chân con người, bắt chúng phải phục quyền con người” (Tv 8:4-8; Dt 2:6-8). Một triết gia nói rằng: “Làm người là điều cao trọng nhất mà một hữu thể có thể là.” Như vậy, hãy sống cho thật là người, vì chỉ có những ai sống thật sự là “con người” thì mới có khả năng nên giống “Con Người” [Đức Kitô]. Thư gởi Hípri khẳng định rằng: Làm “người” – “anh [chị] em” của Chúa Giêsu – chính là vinh quang của con người: “Quả thế, Thiên Chúa là nguồn gốc và cùng đích mọi loài, chính vì muốn đưa muôn vàn con cái đến vinh quang, nên Người đã làm một việc thích đáng, là cho Đức Giêsu” (Dt 2:10).
Thư gởi Hípri hôm nay cũng nói cho chúng ta biết về giá trị của gian khổ, điều mà không ai trong chúng ta muốn. Ai cũng muốn có một cuộc sống an nhàn và sung túc. Theo tự nhiên, đau khổ là một điều không ai muốn! Theo triết học và thần học, đau khổ được xem như là “sự dữ.” Nhà phật nói: “Đời là bể khổ.” Tuy nhiên, dù không muốn gian khổ, ai trong chúng ta ta cũng có gian khổ của riêng mình. Chúa Giêsu khẳng định điều này rằng: “Ngày nào có sự khốn khó của ngày đó.” Theo cái nhìn Kitô giáo, đau khổ có giá trị riêng của nó: đau khổ là thầy dạy tốt nhất trên con đường nhân đức. Chính Chúa Giêsu cũng phải trải qua đau khổ dù Ngài là con Thiên Chúa. Đau khổ chỉ được hiểu từ mầu nhiệm tự hạ và đỉnh cao là thập giá. Qua đau khổ Chúa Giêsu “trải qua gian khổ mà trở thành vị lãnh đạo thập toàn, dẫn đưa họ tới nguồn ơn cứu độ” (Dt 2:10).
Bài Tin Mừng hôm nay trình bày cho chúng ta việc Chúa Giêsu giảng dạy và chữa lành trong hội đường ở Caphácnaum ngày sabát. Như chúng ta biết, trong ngày sabát, người Do Thái đến hội đường để cầu nguyện, để đọc Kinh Thánh và để giảng dạy hoặc nghe giảng dạy. Tất cả những ai có đủ sự hiểu biết có thể được mời để giảng dạy mà không cần phải được ‘truyền chức’ để trở thành một rabbi. Trong ngày sabát hôm đó, Chúa Giêsu được mời để giảng dạy và “thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Người, vì Người giảng dạy như một Đấng có uy quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1:22). Như chúng ta biết, trong các Tin Mừng, các kinh sư được trình bày như những người giải thích và dạy luật trong Cựu Ước. Họ không đơn giản là những người thư ký hay ghi chép. Cách thức giảng dạy của họ là nại đến quyền Kinh Thánh và lời cũng như hành động của các thầy dạy nỗi tiếng trong Do Thái. Điều này khác với Chúa Giêsu. Ngài không nại đến Kinh Thánh. Cách thức của Ngài rất trực tiếp và tự tin trong chính uy quyền của mình. Nói cách đơn giản hơn, điều làm cho mọi người sửng sốt và lời dạy của Chúa Giêsu có uy quyền, khác với các kinh sư đến từ sự kiện là Ngài không chỉ giảng dạy bằng lời, nhưng còn bằng hành động như là Đấng ban luật. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng: Một lời giảng dạy có uy quyền là lời giảng dạy vừa bằng lời nói, vừa bằng gương sáng!
Sau khi giảng dạy ‘bằng lời’ như Đấng có uy quyền, Chúa Giêsu dùng ‘hành động’ để ‘củng cố’ lời giảng dạy của mình bằng việc chữa lành một người bị thần ô uế nhập. Đây không phải là vấn đề của sự ô uế mang tính nghi lễ, nhưng là một sự xâm nhập của quyền lực sự dữ. Nói cách khác, hành động của người bị thần ô uế nhập là do thế lực từ bên ngoài dưới sự ảnh hưởng của Satan (x. 1:12-13). Vì vậy, việc Chúa Giêsu chữa lành người bị thần ô uế nhập ám chỉ sự vinh thắng của Chúa Giêsu trong cuộc chiến chống lại Satan. Chính trong cuộc chiến này mà chúng ta hiểu được lời người bị thần ô uế nhập hay đúng hơn là Satan nói trong người bị nhập: “Ông Giêsu
Nadarét, chuyện chúng tôi can gì đến ông mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1:24). Satan không muốn Chúa Giêsu dính dáng gì đến công việc của nó vì nó biết Chúa Giêsu là Đấng Thánh của Thiên Chúa, Đấng sẽ đến để tiêu diệt nó. Việc Triều Đại Chúa Giêsu đến mang lại sự cùng tận của quyền lực ma quỷ. Ma quỷ đã nhận ra căn tính và sự hiện diện đầy ý nghĩa của Ngài cho Nước Thiên Chúa đến. Nói cách cụ thể hơn, nơi nào có sự hiện diện của Chúa Giêsu, ở đó quyền lực của ma quỷ bị phá tan. Người nào có Chúa Giêsu hiện diện trong cuộc đời mình, thì người đó luôn sống trong tình yêu của Thiên Chúa và không sống dưới sự thống trị của tội lỗi.
Điểm cuối cùng đáng làm chúng ta suy gẫm là việc Chúa Giêsu dùng lời để chữa người bị thần ô uế nhập: “‘Câm đi, hãy xuất khỏi người này!’ Thần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta.” (Mc 1:25-26). Chi tiết này đưa chúng ta trở lại với lời giảng có uy quyền của Chúa Giêsu mà người ta thán phục ở trên. Chính ‘lời đầy uy quyền có sức chữa lành’ này cũng mang lại một phản ứng ở người xem: “Mọi người đều sững sờ đến nỗi họ bàn tán với nhau: ‘Thế nghĩa là gì? Lời giảng dạy thì mới mẻ, người dạy lại có uy quyền. Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!’” (Mc 1:27). Điều này mời gọi chúng ta xem xét lại lời ăn tiếng nói của mình. Chúng ta thường dùng lời nói của mình mỗi ngày. Nhưng lời nói của chúng ta có ‘uy quyền’ mang niềm vui, sự an ủi đến cho người nghe hay không? Hay lời nói chúng ta chỉ mang lại sự tổn thương và nỗi buồn cho người khác?
THỨ TƯ
CẦU NGUYỆN: NỀN TẢNG CỦA ĐỜI SỐNG THƯỜNG NGÀY
(Hr 2:14-18; Mc 1:29-39)
Trong bài đọc 1, tác giả thư Hípri nói đến sự liên đới của Chúa Giêsu với chúng ta qua việc Ngài đã cùng mang thân phận con người như chúng ta. Nhờ sự liên đới này, và qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã “tiêu diệt tên lãnh chúa gây ra sự chết, tức là ma quỷ, và đã giải thoát những ai vì sợ chết mà suốt đời sống trong tình trạng nô lệ” (Hr 2:14-15). Những lời này cho thấy, Đức Kitô tiêu diệt tội lỗi và chiến thắng sự chết bằng việc trải qua sự chết khi mang thân phận con người. Một cách cụ thể hơn, khi mang lấy thân phận con người, Chúa Giêsu trở nên gương mẫu cho chúng ta, đồng thời qua đó Ngài nâng đỡ chúng ta trong mọi gian nan thử thách của kiếp sống con người vì Ngài đã trải qua những gì mà chúng ta trải qua: “Bởi thế, Người đã phải nên giống anh em mình về mọi phương diện, để trở thành một vị Thượng Tế nhân từ và trung tín trong việc thờ phượng Thiên Chúa, hầu đền tội cho dân. Vì bản thân Người đã trải qua thử thách và đau khổ, nên Người có thể cứu giúp những ai bị thử thách” (Hr 2:17-18). Khi gặp thử thách đau khổ, chúng ta cần chạy đến với Chúa Giêsu, vì Ngài đã trải qua những thử thách của kiếp con người. Nhiều người trong chúng ta không chạy đến với Ngài vì chúng ta nghĩ Ngài xa vời không hiểu những gì chúng ta đang trải qua. Nếu chúng ta biết Chúa Giêsu, chúng ta nhận ra rằng không ai trong chúng ta phải đối diện với thử thách và đau khổ như Ngài đã phải đối diện và trải qua. Hãy chạy đến với Chúa Giêsu khi đau khổ; hãy nhìn lên thập giá khi bị loại trừ và ghét bỏ, vì chỉ trong mầu nhiệm thập giá chúng ta mới hiểu được ý nghĩa của đau khổ và thử thách trong cuộc sống.
Bài Tin Mừng hôm nay gồm ba trình thuật khác nhau: (1) trình thuật về việc chữa lành mẹ vợ của Simon (Mc 1:29-31); (2) trình thuật về những chữa lành vào chiều tối của Chúa Giêsu (Mc 1:32-24); và (3) trình thuật về việc Chúa Giêsu tạm thời lánh đi một nơi thanh vắng để cầu nguyện (Mc 1:35-39). Chúng ta cùng nhau phân tích ba trình thuật này để rút ra những ý niệm sống cho ngày hôm nay.
Trong trình thuật chữa lành mẹ vợ của Simon, chúng ta học được điều gì? Câu chuyện đơn giản được kể lại với một vài chi tiết từ một người chứng kiến mà không có cuộc đối thoại nào giữa Chúa Giêsu và người được chữa lành. Điều kiện của người bệnh được nêu ra và Chúa Giêsu liền chữa lành bà: “Lúc đó, bà mẹ vợ ông Simôn đang lên cơn sốt, nằm trên giường. Lập tức họ nói cho Người về tình trạng của bà. Người lại gần, cầm lấy tay bà mà đỡ dậy; cơn sốt dứt ngay và bà phục vụ các ngài” (Mc 1:30-31). Một chi tiết quan trọng chúng ta cần lưu ý là việc chữa lành của bà chỉ được hoàn thành qua việc phục vụ của bà sau khi cơn sốt dứt. Theo các học giả Kinh Thánh, việc chữa lành được thực hiện bởi hai hành động: (1) của Chúa Giêsu, đó là ‘cầm lấy tay và đỡ bà dậy’ và (2) của bà mẹ vợ Simon, đó là phục vụ các Ngài. Hai hành động này ám chỉ rằng trong bất kỳ cuộc chữa lành nào cũng phải có sự cộng tác của chúng ta. Trong lãnh vực phục vụ, chúng ta chỉ có thể phục vụ Chúa và người khác chỉ khi chúng ta được Chúa ‘cầm lấy tay và đỡ dậy’ ra khỏi tình trạng nô lệ tội lỗi của chúng ta. Xin Chúa giúp chúng ta biết cộng tác với Ngài trong việc chữa lành chính mình hầu được khoẻ mạnh về mọi mặt để phục vụ mọi người.
Trình thuật về các chữa lành vào buổi chiều tối đưa chúng ta về với sứ vụ chữa lành của Chúa Giêsu trong một ngày sống. Trong hình ảnh chữa lành người đàn ông bị thần ô uế nhập trong hội đường và người phụ nữ bị sốt là mẹ vợ của Simon, chúng ta thấy hai loại người phổ quát được Chúa Giêsu chữa lành trong buổi chiều tối, đó là “mọi kẻ ốm đau và những ai bị quỷ ám” (Mc 1:32). Hai loại người này cũng được lặp lại trong câu 34: “Đức Giêsu chữa nhiều kẻ ốm đau mắc đủ thứ bệnh tật, và trừ nhiều quỷ, nhưng không cho quỷ nói, vì chúng biết Người là ai.” Một chi tiết chúng ta cần lưu ý trong Tin Mừng Thánh Máccô là việc Chúa Giêsu không cho quỷ hoặc bất kỳ ai nói cho người khác biết Ngài là ai sau khi chữa lành họ. Theo các học giả Kinh Thánh, việc Chúa Giêsu từ chối cho phép họ nói về căn tính của mình là một phần của điều được gọi là “bí mật của Đấng Messa” trong Tin Mừng Thánh Máccô. Điều Thánh Máccô muốn trình bày trong bí mật này là trong khi các ‘đối thủ’ [ma quỷ] của Ngài biết Ngài là ai, con người [đại diện là các môn đệ] cần có một bức tranh đầy đủ hơn về Chúa Giêsu trước khi họ có thể biết Ngài như là Đấng Messia sẽ chết và sẽ phục sinh. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta về việc phải cẩn thận trong mọi nhận định và quyết định của mình. Khi chúng ta chưa có đầy đủ bức tranh của một sự kiện hay vấn đề, tốt nhất chúng ta giữ im lặng trong tinh thần cầu nguyện và cảm thông.
Sau một ngày bận rộn, Chúa Giêsu “chỗi dậy, đi ra một nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó” (Mc 1:35). Việc cầu nguyện của Chúa Giêsu đã đặt sứ vụ chữa lành sang một bên. Động lực của việc Ngài đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện là Ngài muốn được hiệp nhất với Thiên Chúa. Chỉ trong giây phút hiệp nhất với Thiên Chúa mà Chúa Giêsu biết được thánh ý của Chúa Cha, để Ngài không ở lại nơi mà Ngài được người ta tôn vinh và kính phục, nhưng “chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng mạc chung quanh, để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó” (Mc 1:38). Thái độ của Chúa Giêsu dạy chúng ta biết cắt đi những dính bén trong cuộc sống. Trong đời sống phục vụ, chúng ta thường muốn ở lại những nơi nào chúng ta được người ta quý mến và tôn vinh. Chúng ta cần nhớ rằng điều quan trọng nhất trong đời sống phục vụ là tìm kiếm và làm theo thánh ý Chúa, chứ không tìm vinh danh cho chính mình.
THỨ NĂM
HÃY ĐỂ CHÚA GIÊSU CHẠM ĐẾN CON TIM CHÚNG TA
(Hr 3:7-14; Mc 1:40-45)
Trong bài đọc 1 hôm nay, tác giả thư Hípri mời gọi chúng ta mở rộng và thay đổi cõi lòng mỗi khi nghe tiếng Thiên Chúa chứ đừng như con cái Israel xưa trong sa mạc: “Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng như hồi chúng nổi loạn, như ngày chúng thử thách Ta trong sa mạc, nơi cha ông các ngươi đã từng dò xét mà thử thách Ta và đã thấy các việc Ta làm suốt bốn mươi năm. Vì thế, Ta đã nổi giận với dòng giống này, Ta đã nói: Tâm hồn chúng cứ lầm lạc mãi, chúng nào biết đến đường lối của Ta. Nên Ta mới thịnh nộ thề rằng: chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta!” (Hr 3:7-11). Lời khuyến cáo này cũng tìm thấy âm hưởng trong ngày sống của chúng ta. Ai trong chúng ta cũng phải chân nhận rằng chúng ta đã nghe lời Chúa dường như mỗi ngày [hoặc mỗi tuần] khi tham dự thánh lễ, nhưng lòng chúng ta vẫn chai đá, không sống theo lời Thiên Chúa dạy bảo. Nhiều lần, chúng ta còn thử thách Đức Chúa bằng việc “đòi hỏi” Ngài phải thực hiện điều này điều kia theo ý của mình. Tâm hồn chúng ta càng ngày càng đi xa đường lối của Chúa vì chúng ta thường làm theo ý của mình hơn là tìm kiếm và thực hành thánh ý Thiên Chúa. Để sống trọn vẹn cho Chúa, Tác giả thư Hípri khuyên nhủ chúng ta hai điều, đó là đề phòng cám dỗ níu kéo mà có lòng dạ xấu xa chối bỏ đức tin và khuyên bảo nhau tránh xa con đường tội lỗi. Nói cách khác, để sống trọn vẹn cho Chúa, bên cạnh nỗ lực hết sức mình, chúng ta còn cần đến sự trợ giúp của anh chị em.
Bài Tin Mừng hôm nay trình thuật lại câu chuyện Chúa Giêsu chữa lành người mắc bệnh phong. Câu chuyện này có hai phần: phần 1 của câu chuyện (Mc 1:40-42) đi theo trình tự thông thường của một câu chuyện chữa lành, đó là căn bệnh được mô tả, Chúa Giêsu chữa lành và căn bệnh hoàn toàn được chữa lành. Câu chuyện trở nên ‘phức tạp’ một tí bởi phần 2 (Mc 1:43-44), đó là mệnh lệnh của Chúa Giêsu nói cho người mắc bệnh phong đi trình diện với tư tế. Tuy nhiên, câu chuyện trở nên ‘phức tạp’ nhất với câu kết (câu 45). Nhiều học giả Kinh Thánh hỏi rằng: Câu này có thuộc về câu chuyện không? Nếu thuộc về thì có phải người bị bệnh phong không vâng lời Chúa Giêsu? Làm thế nào để việc người mắc bệnh phong ‘rao truyền và loan tin’ hợp với mong ước của Chúa Giêsu là giữ bí mật về căn tính của mình? Tất cả những chi tiết trên gợi cho chúng ta một câu hỏi: Làm thế nào để biết và thực hiện ‘ước mơ’ của Thiên Chúa cho cuộc đời của mình?
Điểm đầu tiên chúng ta suy gẫm trong bài Tin Mừng hôm nay là người bị bệnh phong và thái độ của anh ta: “Khi ấy, có người mắc bệnh phong đến gặp Đức Giêsu, anh ta quỳ xuống van xin rằng: ‘Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch’” (Mc 1:40). Trong Kinh Thánh, bệnh phong không phải là căn bệnh phong hủi như chúng ta biết ngày hôm nay. Nó là một thuật ngữ chung cho bất kỳ căn bệnh về da nào. Sách Lêvi chương 13 mô tả những loại khác nhau của bệnh phong và cách thức để các tư tế nhận biết. Người mắc bệnh phong sẽ bị loại ra khỏi đời sống thờ phượng cũng như các sinh hoạt của cộng đoàn. Đây chính là nỗi đau lớn nhất của người bị bệnh phong hơn là nỗi đau thể xác. Mỗi người chúng ta cũng là những người mắc bệnh phong khi chúng ta tách mình ra khỏi đời sống tương quan với anh chị em mình. Căn bệnh phong là những gì ngăn cản chúng ta đến với Chúa và đến với nhau. Khi mắc bệnh này, chúng ta hãy chạy đến với Chúa và van xin như người bị bệnh phong trong Tin Mừng hôm nay: “Nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Trong lời cầu xin của người bệnh phong với Chúa Giêsu, chúng ta thấy có một điều gì đó khác với điều đã được quy định trong sách luật, đó là chỉ có các tư tế mới có thể công bố một người khỏi bệnh phong. Như vậy, khi người bị bệnh phong đến với Chúa Giêsu và xin Ngài, một thầy dạy người Galilê, không phải là các tư tế ở Giêrusalem, để công bố mình được ‘sạch bệnh,’ người này một cách mặc nhiên tuyên nhận Chúa Giêsu là tư tế. Tuy nhiên, theo ngữ cảnh của câu chuyện thì người bị bệnh phong đơn giản chỉ đến xin được chữa lành chứ không xin ‘được công bố là đã lành sạch.’ Điều này giải thích lý do tại sao Chúa Giêsu nói anh đi trình diện các tư tế. Điều chúng ta lưu ý ở đây là thái độ xin chữa lành của người bị bệnh phong. Anh xin, nhưng để quyền cho hay không là của Chúa Giêsu: ‘Nếu Ngài muốn’ chứ không phải ‘tôi muốn.’ Thái độ này nhắc nhở chúng ta về thái độ đúng đắn chúng ta cần phải có mỗi khi đến với Chúa. Chúng ta cầu xin, nhưng chúng ta để cho Ngài toàn quyền quyết định trên cuộc đời chúng ta. Việc chúng ta cần làm là hoàn toàn phó thác vào bàn tay đầy yêu thương của Thiên Chúa.
Chi tiết thứ hai của câu chuyện đáng để chúng ta suy gẫm là thái độ của Chúa Giêsu: “Đức Giêsu chạnh lòng thương giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh hãy được sạch! Lập tức, bệnh phong biến khỏi anh, và anh được sạch. Nhưng Người nghiêm giọng đuổi anh đi ngay, và bảo anh: ‘Coi chừng, đừng nói gì với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế; và vì anh đã được lành sạch, thì hãy dâng những gì ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết’” (Mc 1:41-44). Trong những lời trên, chúng ta nhận ra rằng tình yêu [chạnh lòng thương] chính là động lực thúc đẩy việc chữa lành của Chúa Giêsu. Chính tình yêu thúc đẩy Chúa Giêsu ‘giơ tay đụng’ vào người bị bệnh phong, điều mà theo luật Ngài không được làm. Tình yêu đã thúc đẩy Ngài vượt qua hàng rào ngăn cách giữa hai thế giới thanh sạnh và ô uế. Điều này cho chúng ta biết rằng chỉ có tình yêu mới có thể phá đổ mọi bức tường ngăn cách chúng ta với Chúa và với anh chị em mình. Hãy để tình yêu là động lực thúc đẩy chúng ta trong mọi sự, nhất là trong việc phục vụ người khác.
Chi tiết làm cho câu chuyện phức tạp nhất đó là thái độ ‘không vâng phục’ của người bị bệnh phong: “Nhưng vừa đi khỏi, anh đã bắt đầu rao truyền và loan tin ấy khắp nơi, đến nỗi Đức Giêsu không thể công khai vào thành nào được, mà phải ở lại những nơi hoang vắng ngoài thành. Và dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người” (Mc 1:45). Các học giả Kinh Thánh đặt giả thiết cho câu này như sau: Nếu từ ‘anh’ trong câu này ám chỉ đến Chúa Giêsu, thì câu này là câu khởi đầu một đoạn mới để tóm kết tất cả hoạt động của Chúa Giêsu được trình thuật trong Mc 1:40-44 và 2:1-
Những hoạt động này đã được nói đến trong câu 38, đó là giảng dạy, chữa lành những người bị bệnh. Nếu từ ‘anh’ được đồng hoá với Chúa Giêsu, vấn đề người bị bệnh phong không vâng phục Chúa Giêsu biến mất và sự liên kết với ‘bí mật của Đấng Messa’ cũng biến mất. Tuy nhiên, những chi tiết trên chỉ là những thông tin để chúng ta hiểu hơn về câu này. Chi tiết quan trọng là việc “Chúa Giêsu ở lại những nơi thanh vắng.” Hành động này thường được Chúa Giêsu thực hiện sau một ngày làm việc. Nó ám chỉ đến việc cầu nguyện, đến việc kết hợp chặt chẽ với Thiên Chúa. Và ‘dân chúng từ khắp nơi kéo đến với Người trong nơi thanh vắng.’ Thật vậy, chúng ta chỉ có thể gặp Chúa Giêsu cách thân mật ‘nơi thanh vắng,’ đó là trong cầu nguyện của mình, vì chỉ nơi thanh vắng mà chúng ta mới tìm được sự thinh lặng của con tim nói lên lời yêu thương với Thiên Chúa.
THỨ SÁU
ĐƯỢC CHỮA LÀNH NHỜ ĐỨC TIN
(Hr 4:1-5.11; Mc 2:1-12)
Tác giả thư Hípri khuyến cáo chúng ta về mối nguy bị lỡ mất cơ hội được vào chốn yên nghỉ muôn đời với Thiên Chúa: “Thưa anh em, chúng ta phải sợ rằng trong khi lời hứa được vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa vẫn còn đó, mà có ai trong anh em bị coi đã mất cơ hội” (Hr 4:1). Tại sao chúng ta lại bị lỡ cơ hội? Theo tác giả thư Hípri, chúng ta lỡ cơ hội được vào chốn yên nghỉ với Thiên Chúa vì chúng ta không để Tin Mừng của Ngài sinh hoa trái trong cuộc đời chúng ta, hay nói cách khác là chúng ta không đáp lại Tin Mừng với đức tin (x. Hr 4:2-5). Điều chúng ta lưu ý ở đây là thuật ngữ “chốn yên nghỉ.” Đó có phải là Thiên Đàng không? Chúng ta có thể hiểu đó là Thiên Đàng. Nhưng trong bối cảnh bản văn, chúng ta có thể hiểu là được nghỉ ngơi trong Chúa, điều có thể xảy ra trong đời sống thường ngày chứ không phải đợi đến khi chết mới được hưởng. Điều này được ám chỉ trong những lời sau: “Công việc của Thiên Chúa đã hoàn thành từ tạo thiên lập địa, như có chỗ Thiên Chúa phán về ngày thứ bảy rằng: Khi đã làm xong mọi công việc, thì ngày thứ bảy Thiên Chúa nghỉ. Trong đoạn thánh vịnh nói trên, lại cũng có lời chép rằng: Chúng sẽ không được vào chốn yên nghỉ của Ta. Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này, kẻo có ai cũng theo gương bất tuân đó mà sa ngã” (Hr 4:4-5,11). Ở đây tác giả thư Hípri mượn hình ảnh tạo dựng trong sách Sáng Thế để nói về ngày Chúa nghỉ ngơi, ngày Sabát (ngày Chúa Nhật). Điều này nhắc nhở người Kitô hữu giữ ngày của Thiên Chúa để được yên nghỉ với Ngài. Sống trong thế giới đặt hiệu năng công việc và vật chất lên hàng đầu, đồng thời đặt giá trị trên những chuyến nghỉ dưỡng đắt tiền làm cho chúng ta quên mất tìm thời gian để nghỉ ngơi trong Chúa. Không có chỗ nào trong vũ trụ này mang lại cho chúng ta cảm giác an vui nhất ngoài trong vòng tay yêu thương của Thiên Chúa.
Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện đầu tiên trong năm câu chuyện đem đến sự chống đối của các luật sĩ và người Pharisêu (x.Mc 2:1-3:6). Câu chuyện hôm nay gồm hai đề tài, chữa lành người bị bại liệt và tha tội. Một cách cụ thể, câu chuyện gồm việc Chúa Giêsu chữa lành người bị bại liệt (Mc 2: 1-5a, 10b-12) và tranh luận với các kinh sư (Mc 2:5b-10a). Việc kết hợp hai phần này nhằm mục đích chỉ ra rằng Chúa Giêsu là Đấng có uy quyền trong cả lời nói lẫn hành động: quyền tha tội của Ngài được khẳng định trong việc Ngài chữa lành người bị bại liệt. Các Kitô hữu trong cộng đoàn tiên khởi đã sử dụng bản văn này như là chứng từ để nói về việc tha tội qua Chúa Giêsu. Phân tích câu chuyện, chúng ta có thể rút ra những điểm sau để suy gẫm:
Thứ nhất, thái độ của Chúa Giêsu: Ngài luôn trung thành với sứ vụ của mình dù gặp phải chống đối. Câu chuyện trong Tin Mừng hôm nay là một điển hình. Dù bị những người kinh sư chống đối, Chúa Giêsu vẫn kiên định trong tình yêu của Ngài dành cho những người cần đến Ngài. Thái độ của Chúa Giêsu mời gọi chúng ta đừng bỏ cuộc khi chúng ta làm việc tốt cho anh chị em mình mà bị chống đối. Nhiều lần, chúng ta đã để cho lời nói của người khác lấy mất sự nhiệt tình phục vụ của chúng ta. Hay nếu có phục vụ thì chúng ta cũng cố gắng tìm vinh danh cho mình hơn là vinh danh Thiên Chúa. Chúng ta thấy, qua việc chữa lành người bị bại liệt, mọi người tôn vinh Thiên Chúa, chứ không tôn vinh [mình] Chúa Giêsu. Hãy để cho lời Chúa và gương sáng của Chúa Giêsu hướng dẫn chúng ta trên con đường phục vụ, yêu thương và tha thứ.
Thứ hai, đức tin của những người mang người bại liệt đến với Chúa Giêsu: “Bấy giờ người ta đem đến cho Đức Giêsu một kẻ bại liệt, có bốn người khiêng. Nhưng vì dân chúng quá đông, nên họ không sao khiêng đến gần Người được. Họ mới dỡ mái nhà, ngay trên chỗ Người ngồi, làm thành một lỗ hổng, rồi thả người bại liệt nằm trên chõng xuống. Thấy họ có lòng tin như vậy, Đức Giêsu bảo người bại liệt: ‘Này con, tội con được tha rồi’” (Mc 2:3-5). Thông thường, trong các phép lạ chữa lành, Chúa Giêsu đòi hỏi đức tin nơi người được chữa lành. Nhưng trong trường hợp này [và một vài trường hợp khác], đức tin của người khác có thể chữa lành anh chị em mình. Chúa Giêsu ‘thấy đức tin của họ’ và chữa lành người bị bại liệt. Chi tiết này nhắc nhở chúng ta rằng đức tin của chúng ta không chỉ có thể chữa lành chính mình mà còn có khả năng chữa lành anh chị em mình. Chính đức tin là sức mạnh mà qua đó chúng ta đưa những người đang cần chữa lành đến với Chúa.
Thứ ba, thái độ chống đối của các kinh sư: “Nhưng có mấy kinh sư đang ngồi đó, họ nghĩ thầm trong bụng rằng: ‘Sao ông này lại dám nói như vậy? Ông ta nói phạm thượng! Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa?’” (Mc 2:6-7). Lý do các kinh sư phản ứng là việc Chúa Giêsu công nhận Ngài là Thiên Chúa khi nói rằng ‘tội con đã được tha’ vì đối với họ, chỉ một mình Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Điều này đi ra ngoài ‘hệ thống đức tin’ mà họ bảo vệ bằng mọi giá. Họ quá kinh ngạc với điều mới mẻ này đến độ không thể chấp nhận nó. Phản ứng này cũng là phản ứng của nhiều người trong chúng ta khi ‘hệ thống giá trị’ của chúng ta bị thách đố. Nhiều lần chúng ta phản ứng rất mạnh với người khác và không chấp nhận những gì mới mà họ đem lại, mà chúng ta cứ giữ chặt lấy hệ thống giá trị của riêng mình. Chỉ có những con tim rộng mở trước thực tại mới có thể có được sự khôn ngoan của người thông luật biết lấy cái mới và cái cũ trong kho tàng của mình.
THỨ BẢY
TỪ BỎ LỐI SỐNG CŨ ĐỂ THEO CHÚA GIÊSU
(Hr 4:12-16; Mc 2:13-17)
Bài đọc 1 hôm nay có thể được chia ra làm hai phần: phần 1 (Hr 4:12-13) nói về tầm quan trọng của lời Chúa và phần 2 (Hr 4:14-16) trình vày Đức Giêsu là vị Thượng Tế của chúng ta. Trong phần 1, tác giả thư Hípri cho biết, lời Chúa không phải là những lời chết trong sách vở, mà là lời “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ.” Những lời này cho thấy, lời Chúa có vai trò phân rẽ thật và giả qua việc “phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.” Không những thế, Lời Chúa con làm cho bản chất của mỗi loại thọ tạo được phơi bày trước Thiên Chúa: “Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa, nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.” Những lời này mời gọi chúng ta xem xét lại đời sống của mình trước ánh sáng Lời Chúa – chúng ta sẽ bị xét xử dựa trên Lời Chúa. Nhưng trong phần 2 của trình thuật hôm nay, tác giả thư Hípri cho biết, Lời Chúa đó chính là Đức Giêsu, vị “Thượng Tế siêu phàm đã băng qua các tầng trời.”
Khác với những vị thượng tế khác, vị Thượng Tế Giêsu “không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội.” Vì biết Ngài đã trải qua những thử thách của kiếp sống con người như chúng ta nên chúng “ta hãy mạnh dạn tiến lại gần ngai Thiên Chúa là nguồn ân sủng, để được xót thương và lãnh ơn trợ giúp mỗi khi cần.” Những lời này mang lại cho chúng ta sự ủi an và nâng đỡ mỗi khi ngã lòng. Hãy đến với Đức Giêsu mỗi khi bị hiểu lầm hay bị người khác làm tổn thương. Hãy để cho Ngài ôm chúng ta trong vòng tay để chúng ta cảm nhận được tình yêu, sự cảm thông của một Thiên Chúa luôn bên cạnh chúng ta.
Bài Tin Mừng hôm nay là câu chuyện thứ hai trong năm câu chuyện chống đối. Nó có cùng cấu trúc với câu chuyện chữa lành người bị bại liệt, nhưng khác nội dung. Nó gồm câu chuyện về lời mời gọi làm môn đệ của Chúa Giêsu cho Lêvi (Mc 2:13- 14) và cuộc tranh luận mà trong đó Chúa Giêsu giải thích làm thế nào mà Chúa Giêsu có thể cho phép những người tội lỗi như thế theo Ngài. Theo các học giả Kinh Thánh, hai phần đã có lần đã bị tách rời nhau ra trong “truyền thống trước Máccô.” Các Kitô hữu tiên khởi đã sử dụng trích đoạn này để giải thích sự hiện diện của những người mà đời sống đạo đức và luân lý ‘đáng bị nghi ngờ’ trong cộng đoàn.
Trong câu chuyện về ơn gọi của Lêvi, chúng ta lưu ý rằng hành động gọi của Chúa Giêsu xảy ra khi Ngài “đi ngang qua trạm thu thuế, Người thấy ông Lêvi là con ông Anphê, đang ngồi ở đó. Người bảo ông: Anh hãy theo tôi! Ông đứng dậy đi theo Người” (Mc 2:14). Trong những lời này, chúng ta nhận ra hai chìa khoá chính diễn tả ơn gọi của người môn đệ được trình bày trong Mc 1:16-20 khi Chúa Giêsu gọi các môn đệ đầu tiên. Hai chìa khoá đó là: “Chúa Giêsu đi ngang qua” và “Ngài gọi họ theo Ngài và họ bỏ mọi sự mà đi theo Ngài.” Điều ngạc nhiên là chúng thấy tên Lêvi được đặt cho ông và ông là một người trong Nhóm Mười Hai, nhưng chúng ta lại không tìm thấy tên Lêvi trong danh sách Mười Hai môn đệ trong Mc 3:16-19. Có nhiều giả thiết đặt ra, nhưng không có câu trả lời thích đáng. Điểm quan trọng của câu chuyện chính là sứ điệp Chúa Giêsu muốn dạy trong câu chuyện này, đó là mỗi người chúng ta dù có bị người khác xem là tội lỗi hoặc chính mình đang sống trong tội cũng được Chúa mời gọi để làm môn đệ Ngài. Điều kiện cần thiết để trở thành môn đệ Chúa Giêsu là từ bỏ lối sống cũ và bắt đầu theo Ngài trên con đường Ngài đi. Điều này giúp chúng ta hiểu phần tranh luận của Chúa Giêsu với những kinh sự thuộc nhóm Pharisêu.
Khi thấy Chúa Giêsu dùng bữa với những người ‘thu thuế và tội lỗi,’ các kinh sư thuộc nhóm Pharisêu không thể chịu nỗi hành động đầy yêu thương và tha thứ này:
“Sao ông ấy ăn uống với bọn thu thuế và quân tội lỗi?” (Mc 2:16). Thái độ của các kinh sư ám chỉ việc từ chối khả năng chữa lành những tâm hồn tan vỡ của Chúa Giêsu. Đồng thời họ cũng từ chối khả năng thay đổi của một con người tội lỗi khi gặp Chúa Giêsu. Đây cũng chính là thái độ của chúng ta. Nhiều lần chúng ta để cho thành kiến chiếm lấy mình và làm cho mình mù quáng đến nỗi chúng ta từ chối việc Thiên Chúa có thể cứu lấy một người tội lỗi hoặc từ chối việc thay đổi nơi anh chị em mình. Nhiều khi chúng ta còn ‘nói sai hoặc nghi ngờ’ về những thay đổi thật xảy ra nơi anh chị em chúng ta. Chúng ta nói họ giả hình giả bộ thay đổi vẻ bề ngoài, từ đó làm chúng ta càng xa cách họ hơn. Khi chúng ta bị thái độ này làm cho mù quáng, chúng ta cần suy gẫm trên lời của Chúa Giêsu: “Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi” (Mc 2:17). Những lời này làm cho chúng ta xét lại chính mình. Chúng ta cũng là những người đau ốm, là những người tội lỗi. Chúng ta cũng cần được Chúa Giêsu chữa lành. Ngài cũng kêu gọi chúng ta theo Ngài mỗi giây phút. Liệu chúng ta có đáp lại lời mời gọi của Ngài như Lêvi đã làm?