Buổi đọc kinh Truyền Tin áp chót của Đức Thánh Cha
Đây là buổi đọc kinh áp chót của ngài trước khi giã từ sứ vụ Phêrô vào chiều tối ngày 28-2 tới đây. Vì thế, rất nhiều tín hữu trong giáo phận Roma cùng với các tín hữu hành hương đã kéo đến để giã từ vị Chủ Chăn của mình. Nhiều biểu ngữ đã được trương lên để biểu lộ lòng quí mến. Đặc biệt chính quyền thành phố Roma, dưới sự hướng dẫn của Ông Đô trưởng Gianni Alemano cũng có mặt cùng với cờ hiệu chính thức của thành phố.
Đúng 12 giờ trưa, ĐTC xuất hiện tại cửa sổ phòng làm việc của ngài trông xuống quảng trường, giữa tiếng reo vui mừng của các tín hữu. Trong bài huấn dụ ngắn trước khi đọc kinh, Ngài đã quảng diễn ý nghĩa bài Tin Mừng chúa nhật thứ I mùa chay kể lại việc Chúa Giêsu bị ma quỉ cám dỗ trong hoang địa.
Bài huấn dụ của Đức Thánh Cha
Anh chị em thân mến
Thứ tư vừa qua, với nghi thức truyền thống xức tro, chúng ta đã bước vào Mùa Chay là thời kỳ hoán cải và thống hối chuẩn bị Lễ Phục sinh. Giáo Hội là mẹ và là thầy, kêu gọi tất cả các phần tử của mình hãy canh tân tinh thần, quyết liệt tái qui hướng về Thiên Chúa, từ bỏ lòng kiêu ngạo và ích kỷ để sống trong tình yêu. Trong Năm Đức Tin này, Mùa Chay là một mùa thuận tiện để tái khám phá niềm tin nơi Thiên Chúa, như tiêu chuẩn căn bản của đời sống chúng ta và đời sống của Giáo Hội. Điều này luôn bao hàm một cuộc chiến đấu, một trận chiến tinh thần, vì hiển nhiên là ác thần luôn chống lại sự nên thánh của chúng ta và tìm cách kéo chúng ta ra khỏi con đường của Thiên Chúa. Vì thế, trong chúa nhật thứ nhất mùa chay, hằng năm đều công bố Phúc Âm về cuộc cám dỗ Chúa Giêsu trong hoang địa.
Thực vậy, sau khi được ”tấn phong” như một Đấng Messia, được Thánh Linh xức dầu khi chịu phép rửa tại sông Giordan, Chúa Giêsu được Chúa Thánh Linh đưa vào hoang địa để chịu ma quỉ cám dỗ. Lúc khởi đầu sứ vụ công khai, Chúa Giêsu đã phải vạch trần và đẩy lui những hình ảnh giả trá về Đức Messia mà tên cám dỗ đề nghị với Ngài. Nhưng những cám dỗ này cũng là những hình ảnh giả trá về con người, trong mọi thời đại, những hình ảnh ấy vây bủa lương tâm con người, ngụy tạo bằng những đề nghị thích hợp và hữu hiệu, thậm chí là tốt nữa. Các thánh sử Tin Mừng Mathêu và Luca đều trình bày 3 cuộc cám dỗ Chúa Giêsu, chỉ khác nhau phần nào về thứ tự. Nòng cốt của các cám dỗ ấy là sự lợi dụng Thiên Chúa để phục vụ cho tư lợi, coi thành công hoặc những của cải vật chất là điều quan trọng hơn. Tên cám dỗ thật tinh quái: hắn không trực tiếp xô đẩy hướng về sự ác, nhưng hướng về sự thiện giả tạo, làm cho người ta tin rằng những thực tại đích thực là quyền bính và điều thỏa mãn những nhu cầu đầu tiên. Như thế, Thiên Chúa trở thành điều phụ thuộc, bị biến thành một phương tiện, và xét cho cùng, Ngài trở thành điều không thực, không còn đáng kể nữa và tan biến. Phân tích kỹ lưỡng ta thấy trong các cuộc cám dỗ, điều bị lâm nguy là chính đức tin, liên hệ tới Thiên Chúa. Trong những lúc quyết định của cuộc sống, nói đúng ra là trong mọi lúc, chúng ta đứng trước một ngã ba đường: chúng ta muốn theo cái tôi của mình hay là theo Chúa? theo tư lợi hay là Sự Thiện đích thực, điều thực sự là tốt?
”Như các Giáo Phụ đã dạy chúng ta, những cám dỗ thuộc về sự ”hạ cố” của Chúa Giêsu xuống thân phận phàm nhân của con người, xuống vực thẳm tội lỗi và những hậu quả của nó. Một sự ”hạ cố” mà Chúa Giêsu đã đi đến cùng, đến độ chịu chết trên thập giá và xuống vực thẳm của sự xa cách tột cùng đối với Thiên Chúa. Qua cách thức đó, Ngài là bàn tay mà Thiên Chúa giơ ra cho con người, cho con chiên lạc, để cứu thoát họ. Như thánh Augustino đã dạy, Chúa Giêsu đã chịu những cám dỗ từ phía chúng ta, để ban cho chúng ta chiến thắng của Ngài. Vì thế chúng ta không sợ phải đương đầu với cuộc chiến chống lại ác thần: điều quan trọng là chúng ta cùng chiến đấu với Ngài, cùng với Chúa Kitô, với Đấng Chiến Thắng. Và để ở với Chúa, chúng ta hãy hướng về Mẹ của Ngài, Mẹ Maria: với lòng tín thác chúng ta hãy kêu cầu Mẹ trong giờ thử thách, và Mẹ sẽ giúp chúng ta cảm thấy sự hiện diện toàn năng của Chúa Con, để đẩy lui những cám dỗ bằng Lời Chúa Kitô, và như thế để tái đặt Thiên Chúa ở trung tâm đời sống chúng ta.
Chào thăm và cám ơn
Sau khi ban phép lành, như thường lệ, ĐTC đã chào các tín hữu bằng các thứ tiếng khác nhau kèm theo những lời nhắn nhủ. Bằng tiếng Pháp ngài nói:
”Mùa chay vừa bắt đầu là một lời mời gọi hãy dành nhiều thời giờ hơn cho Thiên Chúa, trong kinh nguyện, đọc Lời Chúa và lãnh nhận các bí tích. Qua việc chay tịnh chúng ta học cách đừng lơ là với lương thực đích thực, là lương thực thiêng liêng, để chống lại những cám dỗ của sự dửng dưng, bỏ mặc, ích kỷ và kiêu ngạo, tiền bạc và quyền hành. Chúng ta hãy suy niệm cách thức Chúa Giêsu đã vượt thắng những cám dỗ và xin Chúa ban sức mạnh để chiến đấu chống lại sự ác. Ước gì mùa chay này đối với mỗi người là con đường hoán cải chân thực trở về cùng Thiên Chúa và thời kỳ chia sẻ khẩn trương niềm tin của chúng ta nơi Chúa Giêsu Kitô! Tôi cám ơn anh chị em đã cầu nguyện và tôi xin anh chị em tháp tùng tôi trong tinh thần qua cuộc tĩnh tâm bắt đầu tối hôm nay.
Bằng tiếng Đức, ĐTC cám ơn các tín hữu vì nhiều dấu hiệu hiệp thông và cầu nguyện trong những ngày khó khăn này đối với ngài.
Bằng tiếng Tây Ban Nha, ĐTC xin các tín hữu tiếp tục cầu nguyện cho ngài và cho vị Giáo Hoàng sắp tới, cũng như cho cuộc tĩnh tâm của ngài với giáo triều Roma.
Sau cùng bằng tiếng Ý, ĐTC nói: ”Cám ơn anh chị em đã đến đây đông đảo như thế! Sự hiện diện của anh chị em là một dấu chỉ lòng quí mến và sự gần gũi tinh thần mà anh chị em đã bày tỏ với tôi trong những ngày này. Tôi hết lòng biết ơn anh chị em. Tôi đặc biệt chào thăm chính quyền thủ đô Roma, do ông đô trưởng hướng dẫn, và cùng với ông, tôi chào thăm và cám ơn tất cả dân chúng tại thành phố Roma yêu quí này.. Chiều nay tôi bắt đầu tuần tĩnh tâm: chúng ta hiệp nhất trong kinh nguyện và tôi cầu chúc tất cả anh chị em một tuần lễ tốt đẹp”.
Tuần tĩnh tâm mùa chay mà ĐTC cùng các vị lãnh đạo của các cơ quan trung ương Tòa Thánh tham dự, bắt đầu từ 6 giờ chiều hôm qua, và kéo dài đến sáng thứ bẩy 23-2 tới đây. Vị giảng tĩnh tâm là ĐHY Gianfranco Ravasi, Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về văn hóa từ năm 2007. ĐHY năm nay 70 tuổi, là một học giả Kinh Thánh nổi tiếng, tác giả của rất nhiều sách báo. Ngài cũng là Chủ tịch Hàn lâm viện Tòa Thánh về tiếng latinh. Cũng năm 2007 ngài được ủy thác nhiệm vụ soạn các bài suy niệm cho buổi đi Đàng Thánh Giá trọng thể do ĐTC chủ sự tối thứ sáu Tuần Thánh tại hí trường Colosseo ở Roma.
Đề tài tuần tĩnh tâm là ”nghệ thuật cầu nguyện, nghệ thuật tin” (Ars orandi, Ars credendi), đặc biệt chú ý đến tôn nhan Chúa và khuôn mặt của con người trong kinh nguyện Thánh Vịnh.
G. Trần Đức Anh OP
RadioVatican